ĐTC CẢNH BÁO CÁC HỆ LỤY TIÊU CỰC CỦA NẠN TÀN PHÁ MÔI SINH

ĐTC CẢNH BÁO CÁC HỆ LỤY TIÊU CỰC CỦA NẠN TÀN PHÁ MÔI SINH

VATICAN: ĐTC Phanxicô khích lệ các giới chức lãnh đạo dân sự toàn thế giới ý thức săn sóc môi sinh và đừng tàn phá thụ tạo, vì các hệ lụy tiêu cực đảo lộn cuộc sống con người.

ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến hàng trăm thị trưởng và giới chức lãnh đạo dân sự các thành phố lớn toàn thế giới, tham dự hai hội nghị về các đề tài “Nô lệ mới và các thay đổi khí hậu: dấn thân của các thành phố”, “Sự phong phú, các dân tộc và hành tinh”, do Hàn lâm việc các Khoa học và Khoa học xã hội Tòa Thánh tổ chức. Phát biểu buông trong buổi gặp gỡ mọi người tại phòng Thượng Hội Đồng Giám Mục trong nội thành Vaticăng chiều ngày 21 tháng 7 vùa qua ĐTC khẳng định rằng săn sóc môi sinh  có nghĩa là có một thái độ của môi sinh nhân bản. Không thể tách rời con người khỏi môi sinh, vì môi sinh bao giờ cũng toàn vẹn và liên quan tới con người. Sự quân bình trong tương giao hai chiều ấy vô cùng quan trọng, vì khi thiên nhiên bị khai thác tàn bạo không thương tiếc và bị đối xử tàn tệ, thì nó sẽ nổi loạn chống lại con người. Đó là điều tôi đã đề cập đến trong Thông điệp “Laudato si’”. Nó không phải là một thông điệp “xanh” như có người nói, mà là một thông điệp xã hội. Khi môi sinh không được săn sóc và các thành phố lớn lên qúa khổ, thì sẽ tao ra các khu xóm nghèo ổ chuột ven biên, nơi dân chúng không có cơ may tại đồng quê tìm về sinh sống. Nạn tôn thờ chế độ kỹ thuật ăn cướp công ăn việc làm và tạo ra cảnh thất nghiệp là tệ nạn ngày càng phổ biến hiện nay. Có những nơi có tới 40%, 47%, 50% người trẻ 25 tuổi trở lên thất nghiệp. Tương lai của họ là một bóng ma sinh ra biết bao nhiêu tệ nạn khác: buồn nản, nghiện ngập, tuyệt vọng vì cuộc sống vô nghĩa, tự tử, trở thành du kích quân hay chạy theo một lý tưỏng tiêu cực nào khác. Chế độ kỹ thuật trị, việc sử dụng các hóa chất trong các lãnh vực kỹ nghệ nông nghiệp khiến cho không khí và các nguồn nước bị nhiễm độc gây ra mọi thứ tật bệnh cho con người. Việc tàn phá hai vùng Amazzonia và Congo, là hai lá phổi lớn của thế giới, gây ra hiện tượng phá rừng và nạn di cư. Nạn di cư làm nảy sinh ra tệ nạn làm việc lậu, buôn bán người và nô lệ trong việc khai thác các quặng mỏ, dùng các khoáng chất tẩy lọc gây bệnh giết dân chúng. Bên cạnh đó là nạn khai thác tình dục trẻ em tại các nước có chiến tranh. Và chiến tranh cũng lã yếu tố gây ô nhiễm và tan phá môi sinh vv…

Thiên Chúa truyền cho con người phải săn sóc thiên nhiên. Khi con người không săn sóc thiên nhiên, nhưng chiếm đoạt nó, thì việc không vun trồng nó sẽ hủy diệt con người. ĐTC xin Chúa cho mọi người ý thức đuợc vấn đề tàn phá mà chính con người đang làm, khi không biết săn sóc môi sinh nhân bản và không có ý thức về môi sinh như món quà Thiên  Chúa ban cho, để biến cái không vun trồng ban đầu trở thành việc vun trồng, và dừng lại, để không biến việc vun trồng trở thành không vun trồng (SD 21-7-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Tòa Thánh lo âu về tình hình Hy Lạp

Tòa Thánh lo âu về tình hình Hy Lạp

VATICAN. Tòa Thánh lo âu về tình hình Hy Lạp và ĐTC bày tỏ sự gần gũi với nhân dân nước này.

Hôm 1-7-2015, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cha Lombardi, ra thông cáo nói rằng: ”Những tin tức đến từ Hy Lạp gây lo âu về tình trạng kinh tế và xã hội của nước này. ĐTC muốn bày tỏ sự gần gũi của ngài với toàn dân Hy Lạp, ngài đặc biệt nghĩ đến bao nhiêu gia đình bị thử thách nặng về vì cuộc khủng hoảng về nhân sự và xã hội, rất phức tạp và khó khăn.”

“Phẩm giá con người phải được đặt ở vị trí trung tâm của mọi cuộc thảo luận về chính trị và kỹ thuật chuyên môn, cũng như trong việc quyết định những chọn lựa trách nhiệm.”

”ĐTC Phanxicô mời gọi tất cả các tín hữu hiệp với ngài cầu nguyện cho thiện ích của nhân dân Hy Lạp quí mến”.

 Hy Lạp đang ở bên bờ vực thẳm vì phá sản, không còn khả năng trả các món nợ 1 tỷ 500 triệu Euro đã vay mượn của quốc tế và 12 giờ đêm ngày 1-7 là hạn chót phải trả cho Quỹ tiền tệ quốc tế. Sự trợ giúp của Liên hiệp Âu châu dành cho Hy lạp cũng kết thúc, khiến cho nước này không còn được 16 tỷ Euro viện trợ.

Chính phủ Hy Lạp tuyên bố tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào chúa nhật 5-7 tới đây về việc có chấp nhận kế hoạch do các chủ nợ đề nghị hay không. (SD 1-7-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha phê chuẩn các đại biểu Thượng HĐGM 14

Đức Thánh Cha phê chuẩn các đại biểu Thượng HĐGM 14

Hợp HĐGM thứ 14 tại Rome

VATICAN. ĐTC đã chính thức phê chuẩn thêm danh sách các đại biểu thuộc 36 HĐGM sẽ tham dự Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 sẽ tiến hành từ ngày 4 đến 25-10 tới đây tại Roma về gia đình.

2 đại biểu của HĐGM Việt Nam, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc và Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, đã được phê chuẩn trong đợt trước đây.

Trong số các vị được phê chuẩn theo danh sách được công bố hôm 16-6-2015, có 4 vị thuộc HĐGM Canada, 4 vị thuộc HĐGM Hoa Kỳ, ngoài ra có các đại biểu thuộc các Giáo hội Công Giáo Đông phương tự quản.

ĐTC cũng phê chuẩn danh sách 10 nghị phụ do Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam bầu lên, trong đó có Cha Adolfo Nicolas, Bề trên Tổng quyền dòng Tên, cha Bruno Cadoré, Bề trên Tổng quyền dòng Đa Minh, Cha Marco Tasca, Bề trên Tổng quyền dòng Phanxicô Viện Tu.

Các vị Thủ lãnh các cơ quan trung ương Tòa Thánh cũng như các vị thủ lãnh các Giáo hội Công Giáo Đông phương, đương nhiên là nghị phụ tham dự Thượng HĐGM thế giới sắp tới. Trong thời gian tới đây, Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM sẽ công bố danh sách các nghị phụ do ĐTC đích thân bổ nhiệm.

Trong Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt từ ngày 5 đến 19-10-2014 có 253 tham dự viên. (SD 16-6-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Ngày 18-6-2015: công bố Thông điệp mới của Đức Thánh Cha

Ngày 18-6-2015: công bố Thông điệp mới của Đức Thánh Cha

VATICAN. Thông điệp mới của ĐTC Phanxicô về việc bảo vệ môi sinh sẽ được công bố trong cuộc họp báo ngày thứ năm, 18-6-2015, tới đây tại Vatican.

Thông điệp mang tựa đề ”Laudato sí, sulla cura della casa comune” (Chúc tụng Chúa, về việc săn sóc căn nhà chung).

Hiện diện trên bàn chủ tọa cuộc họp báo tại Hội trường Thượng HĐGM thế giới ở nội thành Vatican có ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Đức TGM John Zizioulas, của giáo phận Pergamo, đại diện tòa Thượng Phụ chung và Giáo Hội Chính Thống, Giáo sư John Schellnhuber, Sáng lập viên kiêm Giám đốc Viện Postdam nghiên cứu về ảnh hưởng khí hậu.

Văn bản Thông điệp sẽ được phổ biến bằng các thứ tiếng: Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Bồ đào nha (trên giấy và dưới dạng điện tử).

Mặt khác, trong cuộc họp 9 Hồng y cố vấn của ĐTC sáng ngày 10-6-2015, Cha Michael Czerny, thuộc Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đã thông báo cho các Hồng Y về việc chuẩn bị công bố thông điệp về việc bảo vệ môi sinh.

Theo ý muốn của ĐTC, trong thời gian qua, đã có một số điện thư (email) được gửi đến các vị Bản quyền trên thế giới kèm theo lá thư của ĐHY Turkson, để thông báo về việc sắp công bố Thông điệp, và chuyển một số tài liệu liên quan đến giáo huấn từ trước đến nay của ĐTC Phanxicô về việc bảo vệ môi sinh và gợi ý cho các vị để giải thích, phản ứng và bình luận về Thông điệp mới của ĐTC. Việc công bố này được coi là một biến cố quan trọng trong đời sống Giáo Hội hoàn vũ, trong niềm hiệp thông với ĐTC (SD 10-6-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế Giới truyền giáo

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế Giới truyền giáo

Lễ Chúa Thánh Thần

VATICAN. Trong Sứ điệp nhân ngày Thế giới truyền giáo lần thứ 89, ĐTC Phanxicô đặc biệt khuyến khích người trẻ và giáo dân dấn thân truyền giáo.

Ngày thế giới truyền giáo năm nay sẽ được cử hành vào chúa nhật 18-10 tới đây. Trong Sứ điệp công bố chúa nhật 24-5-2015, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, ĐTC khẳng định rằng người trẻ có khả năng làm chứng tá can đảm, có những công trình quảng đại và nhiều khi đi ngược dòng. Ngài mời gọi họ đừng để bị tước đoạt mất giấc mơ truyền giáo đích thực, theo Chúa Giêsu, và chấp nhận hiến thân trọn vẹn, vì việc loan báo Tin Mừng, trước khi là điều cần thiết cho những người chưa biết Chúa, thì đã là một nhu cầu đối với những ai yêu mến Chúa”.

ĐTC cũng kêu gọi những người thánh hiến, các tu sĩ nam nữ, khi phục vụ sứ mạng truyền giáo, hãy thăng tiến sự hiện diện của các tín hữu giáo dân, can đảm cởi mở đối với những người sẵn sàng cộng tác vào kinh nghiệm truyền giáo, kể cả trong trường hợp ngắn hạn, vì ơn gọi truyền giáo là điều nội tại ở trong bí tích rửa tội và liên hệ tới tất cả mọi người.

Trong phần đầu của Sứ điệp, ĐTC nhắc nhở rằng truyền giáo không phải là chiêu dụ tín đồ, hay là một chiến lược, nhưng là lòng say mê đối với Chúa Kitô, đối với dân chúng và Tin Mừng. Ngài cũng nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết giữa đời sống thánh hiến và sứ vụ truyền giáo. ĐTC nhắc đến điều này trong bối cảnh Năm Đời sống Thánh Hiến đang được cử hành trong toàn Giáo Hội, và năm nay kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng chung Vatican 2 về công cuộc truyền giáo cho dân ngoại.

ĐTC khẳng định rằng ”Ai theo Chúa Kitô thì không thể không trở thành thừa sai. Vì thế, những người thánh hiến được mời gọi lắng nghe Chúa Thánh Linh, và đi tới những biên cương rộng lớn, những ”khu vực ngoại ô” của các miền truyền giáo, nơi mà Tin Mừng chưa được truyền tới cho dân ngoại.

Trong bối cảnh này, ĐTC nói đến một thách đố hàng đầu trong sứ vụ truyền giáo ngày nay là ”tôn trọng nhu cầu của mọi dân tộc, tái khởi hành từ các căn cội của mình và bảo tồn các giá trị của những nền văn hóa liên hệ. Thực vậy, mỗi dân tộc, và mỗi nền văn hóa đều có quyền được giúp đỡ trong truyền thống của họ, để hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa và đón nhận Tin Mừng. Ngoài ra, những người ưu tiên được đón nhận lời loan báo ấy chính là những người nghèo, những người bé nhỏ, yếu đau, bị coi rẻ và lãng quên, vì có một mối liên hệ không thể tách rời giữa đức tin và người nghèo”.

Với ý hướng đó, ĐTC kêu gọi những người thánh hiến hãy bước theo Chúa Kitô trong sự chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo. Đây không phải là một chọn lựa ý thức hệ, nhưng là đồng hóa với người nghèo như Chúa đã làm, từ bỏ việc thực thi mọi quyền lực để trở nên anh em của những người rốt cùng, mang lại cho họ niềm vui Phúc Âm và tình bác ái của Thiên Chúa”.

Sau cùng, ĐTC đề cao tầm quan trọng của sự cộng tác và hợp lực giữa GM Roma và các Hội dòng truyền giáo của Giáo Hội, để bảo đảm tình hiệp thông, để mang lại một hiệu năng lớn hơn cho sứ điệp Tin Mừng và thăng tiến sự tâm đầu ý hiệp, là một hoa trái của chính Chúa Thánh Linh” (SD 25-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha cám ơn các thân nhân cảnh sát Italia tử nạn

Đức Thánh Cha cám ơn các thân nhân cảnh sát Italia tử nạn

VATICAN. Sáng ngày 21-5-2015, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến 600 thân nhân các nhân viên cảnh sát Italia tử nạn hoặc bị thương nặng trong khi thi hành phận sự.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có vị chỉ huy trưởng cảnh sát Italia. Lên tiếng trong dịp này, ĐTC cám ơn và đề cao sứ mạng của cảnh sát bao hàm tinh thần tôn trọng nghĩa vụ và kỷ luật, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, và nếu cần, hiến mạng sống cho việc bảo vệ trật tự công cộng, tôn trọng luật pháp, bênh vực dân chủ, và chống lại các tổ chức tội phạm và khủng bố. Ngài cũng nói rằng:

”Sứ mạng của anh chị em đòi phải có can đảm cứu giúp những người lâm nguy và chặn đứng kẻ gây hấn. Cộng đồng mang ơn anh chị em vì họ có thể sống trong trật tự ổn định và tránh được sự đàn áp của những kẻ bạo hành và tham nhũng… Một cuộc sống dân thân trên mặt trận ấy và qui hướng vào những lý tưởng đó, có một giá trị lớn trước mặt Chúa, và mỗi hy sinh được đón nhận vì lòng yêu mến thiện ích, thì sẽ được Chúa thưởng công”.

ĐTC cũng xác tín rằng ”Chỉ nhờ chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta mới có thể tìm được sức mạnh để tha thứ và niềm an ủi, vì cả những thập giá của chúng ta cũng được cứu rỗi nhờ thập giá của Chúa, và vì thể mỗi hy vọng và mỗi thảm trạng sẽ tìm được nơi Chúa sự cứu chuộc và đền bù”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha liên đới với Giáo Hội Chính Thống Ethiopie

Đức Thánh Cha liên đới với Giáo Hội Chính Thống Ethiopie

VATICAN. ĐTC bày tỏ kinh hoàng và đau buồn sâu đậm vì vụ 28 tín hữu Chính Thống Ethiopie bị nhóm Hồi giáo cực đoan ở Libia giết hại hôm 19-4-2015.

Trong điện văn ngày 20-4-2015 gửi đến Đức Thượng Phụ Abuna Matthias, Giáo Chủ Chính Thống Ethiopie viết:

”Tôi rất kinh hoàng và đau buồn khi hay tin bạo lực lại xảy ra cho các tín hữu Kitô vô tội tại Libia. Tôi biết Đức Thượng Phụ rất đau khổ vì những hành vi tàn bạo mà nạn nhân là các tín hữu yêu quí của Đức Thượng Phụ, họ bị giết chỉ vì là môn đệ của Chúa Giêsu Cứu Thế của chúng ta. Tôi bày tỏ tình liên đới rất sâu đậm với Đức Thượng Phụ và sự gần gũi của tôi trong kinh nguyện đứng trước cuộc tử đạo liên tục giáng xuống một cách tàn bạo trên các tín hữu Kitô tại Phi châu, Trung Đông và một số miền ở Á châu”.

”Không có sự khác biệt nào giữa các tín hữu Kitô, Copte, Chính Thống hay Tin Lành. Máu của họ đều giống nhau trong sự tuyên xưng Chúa Kitô! Máu của các anh chị em Kitô chúng ta là một chứng tá kêu gào để được sự lắng nghe của tất cả những người chưa biết phân biệt giữa thiện và ác. Và tiếng kêu này phải được lắng nghe, nhất là những người nắm vận mạng của các dân tộc”.

Và ĐTC nhận định rằng: ”Trong thời kỳ này, chúng ta đầy tràn niềm vui Phục Sinh của các môn đệ mà các phụ nữ đã loan báo cho họ ”Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết”. Năm nay, niềm vui của chúng ta không giảm bớt, nhưng bị lu mờ vì đau khổ. Tuy nhiên chúng ta biết rằng cuộc sống chúng đang sống trong tình yêu thương từ bi của Thiên Chúa mạnh hơn sự đau khổ mà tất cả các tín hữu Kitô đang phải chịu, một sự đau khổ liên kết những người nam nữ thiện chí thuộc mọi truyền thống tôn giáo.”

”Với tâm tình chia buồn sâu đậm, tôi trao đổi với Đức Thượng Phụ vòng tay ôm hòa bình trong Đức Kitô, Chúa chúng ta”.

Theo Đài phát thanh Đức (Deutsche Welle) và báo trực tuyến ”Phóng viên” (Reporter) của Ethiopie, cái gọi là ”Nhà nước hồi giáo” IS đã truyền đi trên mạng một băng Video dài khoảng 20 phút trình bày vụ chặt đầu 12 tín hữu Kitô trên một bãi biển, và 16 người khác bị bắn vào đầu tại một vùng sa mạc. Các nạn nhân ấy bị những tên lý hình trình bày là ”Đồ đệ của thập giá thuộc Giáo Hội Ethiopie thù địch”. Nhóm thứ I bị nhóm Hồi giáo bắt tại một tỉnh phía đông và nhóm thứ hai ở miền nam Libia.

Một người võ trang bịt mặt trong băng Video tuyên bố rằng ”Các tín hữu Kitô phải trở lại Hồi giáo hoặc phải trả thuế đặc biệt, theo qui luật của sách Coran”.

Người ta chưa biết danh tánh 28 tín hữu Ethiopie bị giết. Theo bộ trưởng truyền thông của Ethiopie, Ông Redwan Hussein, các tín hữu ấy có là là những người di dân Ethiopie bị lực lượng Nhà Nước Hồi giáo IS bắt cóc tại Libia. Có nhiều người Ethiopie đến nước này để tìm công ăn việc làm hoặc hy vọng sẽ vượt biên bằng đường biển để vào Âu Châu (Apic, SD 20-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến tân Tổng thống Italia

Đức Thánh Cha tiếp kiến tân Tổng thống Italia

VATICAN. Sáng ngày 18-4-2015, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến Tổng thống Italia, Ông Sergio Mattarella, đến viếng thăm ngài lần đầu tiên từ khi được bầu làm tổng thống ngày 31-1 năm nay.

Tổng thống Mattarella năm nay 74 tuổi (1941), đã từng làm đại biểu quốc hội Italia, Bộ trưởng giáo dục, Bộ trưởng quốc phòng, trước khi trở thành thẩm phán tòa bảo hiến.

Trong lời chào mừng Tổng thống, ĐTC ca ngợi quan hệ rất tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Italia. Ngài cũng nói đến tình trạng nhiều người trẻ Italia bị thất nghiệp và gọi đây là ”một tiếng kêu đau thương đòi chính quyền, các tổ chức trung gian, các doanh nhân và cộng đồng Giáo Hội, nỗ lực hết sức để giải quyết tình trạng đó, dành ưu tiên tìm giải pháp cho vấn đề.”

Tiếp đến, ĐTC cũng đặc biệt lưu ý về việc chăm sóc môi sinh. Ngài nói: ”Để tìm cách làm dịu bớt tình trạng thiếu quân bình ngày càng gia tăng và những ô nhiễm, nhiều khi tạo nên những thảm họa môi sinh, cần ý thức về những hậu quả thái độ của chúng ta đối với thiên nhiên, nó gắn liền với cách thức con người tự ý thức và xử sự với bản thân mình.”

Sau cùng ĐTC cám ơn Italia dấn thân tiếp đón nhiều người di dân đang xin được đón nhận, và nhiều khi họ chịu những rủi ro tới sinh mạng của mình. ”Hiển nhiên là hiện tượng rộng lớn này đòi phải có sự can dự của nhiều nước. Chúng ta không được mệt mỏi khi yêu cầu một sự dấn thân rộng rãi hơn trên bình diện Âu Châu và quốc tế”.

Sau khi gặp ĐTC, tổng thống Italia đã hội kiến với ĐHY Pietro Parolin Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và tiếp đó, ĐHY đã giới thiệu ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh với Tổng thống Matarella (SD 18-4-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Giáo Hội phải ”nói thẳng nói thật”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Giáo Hội phải ”nói thẳng nói thật”

VATICAN. Giáo hội phải có can đảm nói thẳng trong tự do.

Đó là lời ĐTC Phanxicô khẳng định trong bài giảng thánh lễ sáng ngày 13-4-2015, tại Nguyện đường Nhà trọ thánh Marta ở Roma. Ngài chú giải bài đọc thứ nhất trong phụng vụ ngày lễ về lời quả quyết của thánh Phêrô và Gioan sau khi bị cầm tù và bị những thượng tế đe dọa, cấm cản không cho các vị nói nhân dân Chúa Giêsu. ĐTC nói:

”Ngày nay sứ điệp của Giáo hội cũng là sứ điệp của hành trình thảng thắn, con đường can đảm theo tinh thần Kitô. Như Kinh Thánh đã nói: hai môn đệ đơn sơ, ít học, đã có can đảm. Lời để dịch từ can đảm, chính là thẳng thắn, nói tự do, không sợ nói sự thật.”

ĐTC cũng giải thích rằng ”chính sự can đảm loan báo như thế là điều phân biệt chúng ta với những kẻ chiêu dụ tín đồ. Chúng ta không quảng cáo, để thu thập thêm những người gia nhập hội tinh thần của chúng ta. Điều mà Kitô hữu làm, chính là loan báo một cách can đảm, loan báo Chúa Giêsu Kitô nhờ Thánh Linh.. Chính Thánh Linh ban sức mạnh cho những người đơn sơ, ít học, như Phêrô và Gioan, sức mạnh can đảm loan báo Chúa Kitô cho đến chứng tá cuối cùng, là cuộc tử đạo” (SD 13-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thánh Gregorio Nazek tân Tiến Sĩ Hội Thánh

Thánh Gregorio Nazek tân Tiến Sĩ Hội Thánh

Thánh Gregorio Nazek tân Tiến Sĩ Hội Thánh

VATICAN. Chúa nhật 12-4-2015, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô nhân dịp tưởng niệm biến cố đau thương: 100 năm cuộc tiêu diệt gần 1 triệu 500 ngàn người Arméni do đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thánh lễ ngài cũng tôn phong thánh Gregorio Nazek người Armeni làm Tiến Sĩ Hội Thánh

Cuộc diệt chủng này xảy ra vào cuối triều đại của Vua Hồi giáo Abdul Hamid II của Đế quốc Ottoman, rồi dưới thời gọi là ”Những người Thổ Nhĩ Kỳ trẻ”. Năm 1915, sau khi đóng cửa các trường học, thánh đường và bãi bỏ các tổ chức Arméni, chính quyền Thổ hồi đó đã mở cuộc truy lùng và tàn sát người Arméni, với những vụ bạo hành, hãm hiếp, hạ nhục, rồi các cuộc phát lưu vào sa mạc, với vô số người Arméni thiệt mạng. Chỉ những người nào chạy sang Nga, Siria và Liban mới thoát nạn.

Năm 1920, Hội nghị Paris đã nhìn nhận cuộc diệt chủng Arméni và nhiều nước khác cũng nhìn nhận biến cố này. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn phủ nhận sự kiện này, tuy rằng hồi năm 2014, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan, nay là Tổng thống Thổ Nhĩ kỳ, đã chia buồn với con cháu những người Arméni bị thảm sát.

Giáo Hội Arméni Tông Truyền được thánh Gregorio vị Soi Sáng thành lập cách đây hơn 17 thế kỷ, tức là vào năm 301, và hiện có tòa Tổng Thượng phụ ở Echmiadzin ở Cộng hòa Arméni, với các tín hữu ở Hoa Kỳ, Pháp, Nga, Liban, Siria, Canada và nhiều nước khác. Ngoài ra có tòa Thượng Phụ ở Cilicia ở Liban.

Một ngành của Giáo Hội này đã trở về hiệp nhất với Tòa Thánh hồi năm 1742 và hiện có khoảng 540 ngàn tín hữu. Công Giáo Arméni cũng chịu thảm trạng diệt chủng với 156 nhà thờ, 32 tu viện, 148 trường học, 6 chủng viện bị tàn phá, 270 nữ tu và 300 LM bị giết.

Thánh lễ

Hiện diện trong thánh lễ từ 9 giờ sáng tại Đền thờ thánh Phêrô, có 9 ngàn tín hữu đa số là người Armeni đến từ các nơi trên thế giới, và đặc biệt có Tổng thống Cộng hòa Arméni, Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II ở Arméni và Thượng Phụ Aram I của Giáo hội Arméni Tông truyền ở Liban, Đức Thượng Phụ Nerses Bedros XIX của Công Giáo Arméni và hơn 20 GM của Giáo Hội này.

Đầu thánh lễ, trong lời chào mừng các vị lãnh đạo chính quyền và Giáo hội Arméni, Giáo Hội Tông truyền và Công Giáo, ĐTC tố giác thảm trạng diệt chủng mà dân tộc Arméni phải chịu cách đây 100 năm, cuộc diệt chủng đầu tiên trong thế kỷ 20, tiếp đến là các dân tộc khác, Do thái, Kampuchia, Ruanda, Burundi, Bosnia và nhiều nước khác. Ngài nhận định rằng dường như nhân loại không thành công trong việc chấm dứt đổ máu người vô tội.. ”chúng ta chưa học được điều này: ”chiến tranh là một điều điên rồ, một cuộc thảm sát vô ích”.

Trước đó, ĐTC nhắc lại điều ngài đã nói khi định nghĩa ”thời nay, là một thời kỳ thế chiến tranh thứ 3 từng mảnh, trong đó chúng ta chứng kiến hằng ngày những tội ác, những cuộc tàn sát đẫm máu và sự tàn phá điên rồ. Rất tiếc ngày nay chúng ta còn nghe tiếng kêu bị bóp nghẹt và lãng quên của bao nhiêu anh chị em chúng ta vô phương thế tự vệ, vì niềm tin của họ nơi Chúa Kitô hoặc vì thuộc về một chủng tộc, họ bị giết công khai và tàn bạo – bị chém đầu, bị đóng đinh, bị thiêu sống – hoặc bị bó buộc phải rời bỏ quê hương của họ”.

”Cả ngày nay, chúng ta đang phải sống một thứ diệt chủng do sự dửng dưng phổ quát và tập thể gây ra, do sự im lặng đồng lõa của Cain, người ta tuyên bố ”Có hệ gì đến tôi đâu?”, ”tôi có phải là người canh giữ em tôi đâu!” (St 4,9).

Đảm nhận phần thánh ca trong thánh lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có ca đoàn Arméni.

Tôn phong Tiến Sĩ Hội Thánh

Sau phần thống hối, là nghi thức tôn phong tiến sĩ Hội Thánh cho thánh Gregorio Narek.

Mở đầu, ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, có vị thỉnh nguyện viên tháp tùng, tiến lên xin ĐTC phong thánh Gregorio Narek là tiến sĩ của Giáo Hội hoàn vũ. Rồi vị thỉnh nguyện viên gợi lại vài nét nổi bật trong cuộc sống của thánh nhân.

Thánh Gregorio sinh khoảng năm 950 tại làng Narek thuộc cộng hòa Arméni trong một gia đình văn sĩ và mồ côi mẹ khi còn nhỏ. Ngài là cháu của tu huynh Anania Narekatsi, người sáng lập Đan viện Narek và là một trong những tiến sĩ nổi tiếng nhất thời ấy, với biệt danh là ”triết gia”.

Khi còn trẻ, Gregorio gia nhập Đan viện Narek nơi có một trường nổi tiếng về Kinh Thánh và Giáo Phụ học. Ngài sống tại đây suốt đời, thụ phong LM, đạt tới tột đỉnh sự thánh thiên và kinh nghiệm thần bí, chứng tỏ sự khôn ngoan qua nhiều tác phẩm thần học.

Người ta kể rằng thánh Gregorio đã được thị kiến về Đức Mẹ là Đấng mà cha đặc biệt sùng kính. Đặc tính này trong linh đạo của thánh nhân xuất hiện rõ ràng trong kinh nguyện thứ 80 và trong bài tụng ca kính Đức Mẹ là hai tác phẩm qua đó người ta có thể khám phá được một nền thần học Thánh Mẫu của thánh nhân.

Lúc sinh thời, thánh Gregorio đã nổi bật về sự thánh thiện và một số phép lạ. Năm 1003, ngài viết tác phẩm nổi tiếng nhất với tựa đề ”Sách ai ca”, cũng gọi là sách Narek. Đây là tác phẩm độc nhất thuộc loại này, gồm những lời cầu khẩn, những lời tự nhủ, đối thoại với Thiên Chúa.. Cuốn Narek gồm 95 chương, dài ngắn rất khác nhau. Thánh Gregorio qua đời năm 1010, thọ 60 tuổi. Mộ của thánh nhân trở thành nơi thu hút các tín hữu đến hành hương cho đến năm 1915 là thời kỳ cuộc tàn sát của Thổ nhĩ kỳ chống dân Arméni. Đan viện cũng như mộ thánh nhân bị phá hủy.

Giáo Hội Công Giáo la tinh đã nhìn nhận sự thánh thiện của thánh Gregorio và gọi ngài là vị trổi vượt về đạo lý, các tác phẩm và khoa học thần bí. Lễ kính thánh nhân vào ngày 27-2 hằng năm.

Sau khi ĐHY Amato và vị thỉnh nguyện viên dứt lời, ĐTC đọc công thức như sau:

”Chúng tôi đón nhận ước muốn của nhiều anh em trong hàng Giám Mục và của nhiều tín hữu trên toàn thế giới, sau khi được ý kiến của Bộ Phong Thánh, sau khi suy nghĩ lâu dài và đạt tới sự xác tín trọn vẹn và chắc chắn, với trọn quyền tông đồ, chúng tôi tuyên bố thánh Gregorio Narek, linh mục và đan sĩ, là Tiến Sĩ của Giáo Hội hoàn vũ. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

Thánh Gregorio Narek trở thành vị Tiến Sĩ thứ 36 của Hội Thánh, sau thánh nữ Hildegart von Bingen người Đức, và 3 thánh nữ: Têrêxa Chúa Giêsu, Catarina Siena, Têrêsa Hài Đồng Giêsu và thánh Linh Mục Gioan Avila người Tây Ban Nha.

Bài giảng của ĐTC

Thánh lễ được tiếp tục và sau bài Tin Mừng được công bố bằng tiếng Arméni, ĐTC đã đi từ bài Tin Mừng kể lại biến cố Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ các vết thương của Người cho thánh Tôma, mà ĐTC gọi là ”những vết thương thương xót”. Ngài nói:

”Chúa Giêsu mời chúng ta hãy nhìn các vết thương ấy, Chúa mời chúng ta hãy động chạm đến các vết thương đó như đã làm với thánh Tôma, để chữa lãnh sự cứng lòng tin của chúng ta. Nhất là Chúa mời gọi chúng ta hãy đi vào mầu nhiệm các vết thương ấy, là mầu nhiệm lòng yêu thương từ bi của Người.

”Qua các vết thương đó, như một lỗ hổng sáng ngời, chúng ta có thể thấy trọn mầu nhiệm Chúa Kitô và Thiên Chúa: cuộc khổ nạn của Người, đời sống trần thế của Người – đầy tình cảm thương đối với những người bé mọn và bệnh tật – sự nhập thể của Chúa nơi cung lòng Mẹ Maria…”

ĐTC cũng đặt câu hỏi: ”Đứng trước những biến cố bi thảm của lịch sử loài người, nhiều khi chúng ta như bị đè bẹp và chúng ta tự hỏi: ”Tại sao?”. Sự tàn ác của con người có thể mở ra trên thế giới những vực thẳm, những hố trống lớn lao: trống rỗng tình thương, trống rỗng điều thiện, trống rỗng sự sống. Lúc ấy chúng ta tự hỏi: làm sao chúng ta có thể lấp đầy những vực thẳm ấy? Đối với chúng ta, đó là điều không thể làm được; chỉ có Thiên Chúa mới có thể lấp đầy những hố trống rỗng mà sự ác mở ra trong tâm hồn và trong lịch sử chúng ta. Chính Chúa Giêsu, nhập thể làm người và chịu chết trên thập giá, là Đấng lấp đầy vực thẳm tội lỗi bằng vực thẳm lòng thương xót của Người”.

Và ĐTC kết luận rằng ”Anh chị em thân mến, đó là con đường mà Thiên Chúa đã mở ra để đưa chúng ta ra khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi và cái chết, để bước vào miền đất sự sống và an bình. Con đường ấy chính là Chúa Giêsu đã chịu đóng đanh và sống lại, và nhất là các vết thương đầy lòng thương xót của Người.”

”Các thánh dạy chúng ta rằng thế giới thay đổi từ sự hoán cải tâm hồn của mình, và điều này xảy ra nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế, ”đứng trước những tội lỗi của tôi cũng như những thảm trạng lớn lao của thế giới, ”lương tâm bị nao núng, nhưng sẽ không bị rúng động vì tôi nhớ đến những vết thương của Chúa. Thực vậy, Chúa đã bị đâm thâu qua vì tội lỗi chúng ta” (Is 53,5).

Cuối thánh lễ, Đức Tổng Thượng phụ Karekin II và Đức Thượng Phụ Aram I của Giáo Hội tông truyền ở Arméni và Cilicia bên Liban đã ngỏ lời cám ơn ĐTC và đồng thời cũng mạnh mẽ lên án cuộc diệt chủng mà dân tộc Arméni đã phải chịu. Đức Tổng thượng phụ cho biết ngày 23-4 tới đây, Giáo Hội Arméni Tông truyền sẽ tưởng niệm các nạn nhân cuộc diệt chủng và ngài sẽ phong thánh cho tất cả các nạn nhân Arméni bị tiêu diệt như thế. Còn Đức Aram I gọi đó thảm trạng diệt chủng này là một tội ác chống lại nhân loại.

Về phần Đức Thượng Phụ Nerses Bedros XIX của Công giáo Armeni, ngài đã cám ơn ĐTC vì đã tôn phong thánh Gregorio Narek làm tiến sĩ Hội thánh, vị thánh được dân tộc Armeni sùng kính bậc nhất và ảnh hưởng sâu rộng đến lòng đạo đức của các tín hữu. Ngài nói: ”Trong dịp tưởng niệm 100 năm cuộc diệt chủng sát hại gần 1 triệu rưỡi ngài Armeni vì họ là tín hữu Kitô, con tin tưởng rằng việc tôn phong thánh Gregorio Narek làm tiến sĩ Hội Thánh, sẽ là một biến cố làm gia tăng lòng sùng mộ đối với thánh nhân, và điều này sẽ giúp dân tộc Arméni khắc phục những bất hạnh và tai ương đã đổ ập trên họ cách đây một thế kỷ, và tất cả các dân tộc Kitô giáo, nhất là tại Trung Đông hiện nay đang chịu thảm trạng tương tự”.

Thánh lễ kết thúc lúc gần 11 giờ rưỡi và đúng 12 giờ trưa, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Giáo Hoàng ở dinh Tông Tòa để chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với hơn 60 ngàn tín hữu ở Quảng trường thánh Phêrô.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Hồng Y Versaldi tân Tổng Trưởng Bộ giáo dục Công Giáo

Đức Hồng Y Versaldi tân Tổng Trưởng Bộ giáo dục Công Giáo

ĐHY Versaldi

VATICAN. Hôm 31-3-2015, ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Giuseppe Versaldi làm Tân Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo.

ĐHY Versaldi năm nay 72 tuổi, người miền bắc Italia, nguyên là giáo sư giáo luật và tâm lý ở Đại Học Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma, rồi làm GM giáo phận Alessandria và được bổ nhiệm làm Chủ tịch sở kinh tế tài chánh của Tòa Thánh hồi năm 2011. Nay cơ quan này bị nhập vào Văn phòng kinh tế của Tòa Thánh do ĐHY George Pell người Úc làm chủ tịch.

ĐHY Versaldi được bổ nhiệm thay thế ĐHY Zenon Grocholewski người Ba Lan, 76 tuổi (1939), về hưu sau 6 năm giữ chức vụ Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo, là cơ quan đặc trách các Đại học, trường cao đẳng và trường học Công Giáo (SD 31-3-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha mời gọi tín hữu chấp nhận đường lối của Chúa

Đức Thánh Cha mời gọi tín hữu chấp nhận đường lối của Chúa

VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu chấp nhận đường lối hành động của Chúa, thay vì kêu than và bất mãn.

Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ ba, 24-3-2015 tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Marta, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài đọc sách Dân Số kể lại sự tích: trong hành trình trong sa mạc hướng về Đất Hứa, dân Chúa nổi loạn, kêu trách Chúa, chán ngán lương thực Manna, không chấp nhận hồng ân và đường lối hành động của Chúa. Vì thế họ bị rắn lửa cắn, nhưng Chúa đã truyền cho Ông Môisê làm con rắn đồng để dân nhìn lên đó mà được cứu thoát.

ĐTC nhận xét rằng: ”Ngày nay, bao nhiêu tín hữu Kitô chết trong sa mạc vì buồn sầu, vì sự kêu ca lẩm bẩm của họ, vì không muốn đường lối hành động của Thiên Chúa.. Chúng ta hãy nhìn con rắn, nọc độc ở đó, trong thân mình Chúa Kitô, nọc độc của mọi tội lỗi trần thế và cầu xin ơn chấp nhận những lúc khó khăn. Chấp nhận đường lối cứu độ của Chúa, chấp nhận cả lương thực ”nhẹ” mà dân Do thái đã than trách, chấp nhận con đường Chúa dẫn chúng ta đi qua.. Ước gì Tuần Thánh bắt đầu từ Chúa nhật tới đây, giúp chúng ta ra khỏi cám dỗ trở thành những tín hữu Kitô nửa vời”.

G. Trần Đức Anh OP

 

Giáo Hội có thêm một vị Tiến Sĩ Hội Thánh

Giáo Hội có thêm một vị Tiến Sĩ Hội Thánh

VATICAN. ĐTC sẽ tôn phong thánh Gregorio làng Narek người Armeni là Tiến sĩ Hội Thánh.

Hôm 21-2-2015, ĐTC đã tiếp kiến ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, và đã phê chuẩn quyết định của các Hồng Y và GM thành viên của Bộ trong khóa họp toàn thể về việc tôn thánh Gregorio làng Narek làm Tiến Sĩ Hội Thánh. Đây là vị Tiến Sĩ thứ 36 của Giáo Hội.

Thánh nhân sinh năm 950 tại làng Narek thuộc cộng hòa Arméni trong một gia đình văn sĩ và mồ côi mẹ khi còn nhỏ. Thân phụ của ngài là Cha Khosrov sau này trở thành Tổng Giám mục. Gregorio cùng với em là Gioan được thân phụ ủy thác cho một người họ hàng là bà Anania Narek cũng là người đã lập ra trường học và làng Narek, chăm sóc.

Lớn lên, Gregorio đi tu làm Đan sĩ, rồi thụ phong LM và trở thành Viện Phụ một Đan viện. Ngài sống rất khiêm tốn và bác ái, dấn thân làm việc và cầu nguyện, đầy lòng kính mến Chúa Giêsu và Đức Mẹ.

Cha Gregorio là một thần học gia nổi bật và là một trong những thi sĩ quan trọng nhất của nền văn chương Arméni. Trong số các tác phẩm của ngài có cuốn chú giải Sách Nhã Ca, nhiều bài tán tụng Chúa và Đức Mẹ, cùng với một bộ sưu tập 95 kinh nguyện dưới hình thức thơ phú gọi là ”Narek” cũng là tên Đan viện nơi ngài sinh sống. Ngài qua đời năm 1010, thọ 60 tuổi. Mộ của thánh nhân trở thành nơi thu hút các tín hữu đến hành hương cho đến năm 1915 là thời kỳ cuộc tàn sát của Thổ nhĩ kỳ chống dân Arméni.

Trung thành với truyền thống Giáo Hội thánh Gregorio có lòng sùng mộ sâu xa đối với Đức Mẹ và theo lưu truyền Ngài đã được Đức Mẹ hiện ra. Trong số các tác phẩm của ngài, đặc biệt có bài tụng ca Đức Trinh Nữ Maria và kinh nguyện số 80 mang tựa đề ”Từ thẳm sâu tâm hồn, chuyện vãn mới Mẹ Thiên Chúa”. Trong kinh nguyện này, ngài cũng đào sâu mầu nhiệm Nhập Thể, kín múc từ đó những điểm để chúc tụng vẻ đẹp của Đức Mẹ.

Giáo Hội Công Giáo la tinh đã nhìn nhận sự thánh thiện của thánh Gregorio và gọi ngài là vị trổi vượt về đạo lý, các tác phẩm và khoa học thần bí. Lễ kính thánh nhân vào ngày 27-2 hằng năm. Giáo Hội Arméni ghi tên ngài vào số các vị Tiến Sĩ (SD 23-2-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Hai Giám Mục Việt Nam tham dự Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới thứ 14

Hai Giám Mục Việt Nam tham dự Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới thứ 14

VATICAN. Hôm 31-1-2015, Văn phòng Thượng HĐGM đã công bố danh sách các nghị phụ đại biểu sẽ tham dự Thượng HĐGM thế giới về gia đình vào tháng 10 năm nay. Các vị do các HĐGM liên hệ bầu lên và được ĐTC phê chuẩn.

Hai đại biểu được HĐGM Việt Nam bầu lên là Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM Sàigòn, Chủ Tịch HĐGM Việt Nam, và Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, GM Phụ tá giáo phận Xuân Lộc. Đại biểu dự khuyết là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, GM giáo phận Mỹ Tho.

Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 sẽ tiến hành tại Roma từ ngày 4 đến 25-10-2015 về chủ đề “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay”.

Theo qui luật hiện hành (điều 6,1,3), các HĐGM có dưới 25 thành viên thì được bầu 1 đại biểu, từ 26 đến 50 thành viên được bầu 2 đại biểu, từ 51 đến 100 thì được 3 đại biểu, từ 100 trở lên thì được 4 đại biểu. HĐGM Hoa Kỳ và Pháp, mỗi nước có 4 đại biểu, và có 2 thành viên dự khuyết.

Ngoài ra, có các nghị phụ do ĐTC bổ nhiệm. Con số các vị chiếm tối đa 15% tổng số các nghị phụ.

Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 tiến hành tại Roma từ ngày 7 đến 28-10-2012 về chủ đề ”Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin Kitô”, có 262 nghị phụ. (SD 31-1-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha khuyến khích tìm hiểu và đối thoại với Hồi giáo

Đức Thánh Cha khuyến khích tìm hiểu và đối thoại với Hồi giáo

VATICAN. ĐTC khuyến khích tìm hiểu, gặp gỡ và đối thoại với Hồi giáo.
Trong buổi tiếp kiến sáng 24-1-2015, dành cho 250 tham dự viên hội nghị quốc tế ở Roma nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo Hoàng Học viện về Arâp và Hồi giáo học, gọi tắt là PISAI, ĐTC đề cao tầm quan trọng của sự lắng nghe, như điều kiện cần thiết trong tiến trình cảm thông lẫn nhau và sống chung hòa bình.

Ngài ca ngợi hoạt động của Học viện PISAI ”như một thuốc giải độc chống lại mọi hình thức bạo lực, vì giáo dục về việc khám phá và chấp nhận sự khác biệt như sự phong phú…. Cuộc đối thoại giữa Kitô và Hồi giáo đặc biệt đòi hỏi kiên nhẫn và khiêm tốn tháp tùng một nghiên cứu sâu rộng, vì sự phỏng chừng và ứng khẩu có thể gây hiệu quả ngược lại hoặc tạo nên sự khó chịu và bối rối. Cần có sự dấn thân lâu dài và liên tục để tránh tình trạng không được chuẩn bị đứng trước những hoàn cảnh và bối cảnh khác nhau”.

ĐTC nhận xét rằng Học viện Pisai cần được biết đến nhiều hơn trong số các Đại học và Học viện giáo hoàng ở Roma. Ngài mong ước Học viện này ngày càng trở thành điểm tham chiếu cho việc huấn luyện các tín hữu Kitô hoạt động trong lãnh vực đối thoại liên tôn, dưới sự hướng dẫn của Bộ giáo dục Công Giáo và với sự cộng tác chặt chẽ của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn” (SD 24-1-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cổ võ giúp đỡ những người bị bệnh tự kỷ

Đức Thánh Cha cổ võ giúp đỡ những người bị bệnh tự kỷ

VATICAN. Sáng 22-11-2014, ĐTC đã tiếp kiến 7 ngàn tham dự viên Hội nghị quốc tế về bệnh tự kỷ (autisme), và ngài khuyến khích mọi nỗ lực của cá nhân, các tổ chức và chính quyền gia tăng các phương thức giúp đã các bệnh nhân tự kỷ và gia đình họ.

Đây là Hội nghị quốc tế lần thứ 29 do Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế tổ chức tại Vatican, từ ngày 20 đến 22-11-2014, và có chủ đề là ”Người bị bệnh tự kỷ: linh hoạt hy vọng”.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC khẳng định rằng ”Cần có sự dấn thân của tất cả mọi người để cổ võ sự tiếp đón, gặp gỡ, liên đới, qua một hoạt động cụ thể nhắm nâng đỡ và tái cổ võ niềm hy vọng, góp phần phá vỡ sự cô lập, và cả sự kỳ thị đio với những người bị bệnh tự kỷ”.

”Trong việc trợ giúp những người bị bệnh này, điều đáng mong ước là kiến tạo trên lãnh thổ liên hệ một mạng trợ giúp và các dịch vụ đầy đủ và dễ dàng, với sự can dự của cha mẹ, ông bà, bạn hữu, các nhân viên trị liệu, các nhà giáo dục và nhân viên mục vụ. Các nhân vật ấy có thể giúp đỡ các gia đình vượt thắng cảm tưởng về sự không thích hợp, thiếu hiệu năng và bất mãn”.

ĐTC cũng nói rằng: ”Tôi khuyến khích nỗ lực của các học giả và clac nhà nghiên cứu, nhắm sớm khám phá được những phươgn thức trị liệu và các thể thức nâng đỡ, chữa trị, và nhất là phòng ngừa bệnh tự kỷ. Tất cả những điều đó cần thực hiện trong sự quan tâm đến các quyền của bệnh nhân, các nhu cầu và tiềm năng của họ, luôn bảo tồn phẩm giá của họ”.

Đức TGM Zimowski, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, cho biết Hội nghị này nhắm đáp ứng một cách tốt đẹp hơn những thách đố do bệnh tự kỷ đề ra cho việc mục vụ sức khỏe, cũng như cho khoa học, y khoa, các gia đình, các cơ cấu giáo dục và từ thiện, và nói chung là cho xã hội và các chính quyền (SD 22-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thay đổi quan trọng tại Tòa Thánh

Thay đổi quan trọng tại Tòa Thánh

VATICAN. Hôm 8-11-2014, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Dominique Mamberti, ngoại trưởng Tòa Thánh, làm Tân Chủ tịch Tối Cao Pháp viện của Tòa Thánh thay thế ĐHY Raymond Burke 66 tuổi, được bổ làm người Bảo Trợ Hội hiệp sĩ Malta.

Đức TGM Mamberti người Pháp, năm nay 62 tuổi, nguyên là Sứ thần Tòa Thánh tại Sudan trước khi được ĐTC Biển Đức 16 bổ nhiệm làm ngoại trưởng cách đây 8 năm.

Ngoài ra, ĐTC bổ nhiệm Đức TGM Paul Richard Gallagher làm tân ngoại trưởng của Tòa Thánh. Đức TGM người Anh, 60 tuổi (1954) cho đến nay là Sứ thần Tòa Thánh tại Australia. Trước đó ngài làm Sứ thần Tòa Thánh tại Guatemala từ 2009 đến 2012.

Hội hiệp sĩ Malta, gọi tắt là SMOM, là một ”dòng hiệp sĩ” hiện nay chuyên hoạt động từ thiện bác ái, với 13 ngàn thành viên và 80 ngàn người thiện nguyện tại 120 nước trên thế giới và có quan hệ ngoại giao trên cấp đại sứ với hơn 104 quốc gia.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha kêu gọi canh tân nội tâm

Đức Thánh Cha kêu gọi canh tân nội tâm

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu Kitô canh tân nội tâm để có thể thực thi cuộc đối thoại đại kết Kitô đích thực.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 24-10-2014, dành cho 45 tham dự viên cuộc hành hương của tổ chức Lumen Orientale, Ánh Sáng đông phương, dưới sự hướng dẫn của Đức TGM Kállistos của giáo phận Diokleia.

ĐTC nói: ”Mỗi cuộc hành hương theo tinh thần Kitô giáo không phải chỉ là một hành trình địa lý, nhưng nhất là dịp hành trình canh tân nội tâm để ngày càng tiến về Chúa Kitô hơn, ”Đấng mang lại nguồn gốc cho đức tin và làm cho đức tin tới độ viên mãn” (Dt 12,2). Những chiều kích này rất quan trọng để tiến bước trên con đường dẫn đến hòa giải và hiệp thông trọn vẹn giữa tất cả những người tin nơi Chúa Kitô. Sẽ không có một cuộc đối thoại đại kết chân thực nếu không có sự sẵn sàng can tân nội tâm và tìm kiếm sự trung thành mạnh mẽ hơn đối với Chúa Kitô và thánh ý Chúa”.

ĐTC cũng ca ngợi chủ ý của đoàn hành hương theo vết hai thánh Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô 2, vì những đóng góp rất lớn của các ngài cho sự phát triển ngày càng thắm thiết giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống. Ngài nói: ”Tấm gương của hai vị thánh này chắc chắn soi sáng cho tất cả chúng ta, vì hai vị luôn chứng tỏ lòng hăng say đối với sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, xuất phát từ sự ngoan ngoãn lắng nghe ý Chúa, trong bữa tiệc ly Chúa đã cầu xin Chúa Cha cho các môn đệ của Người trở nên một” (Ga 17,21) (SD 24-10-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Chương trình hoạt động của Đức Thánh Cha tháng 11-2014

Chương trình hoạt động của Đức Thánh Cha tháng 11-2014

VATICAN. Hôm 24-10-2014, Ban nghi lễ phụng vụ của ĐTC đã công bố lịch trình các buổi lễ do ĐTC Phanxicô cử hành trong tháng 11-2014.

Chiều thứ bẩy, 1-11, lễ các thánh, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ lúc 4 giờ tại Nghĩa trang Verano. Chúa nhật hôm sau, 2-11, vào lúc 6 giờ chiều, ngài viếng mộ các vị Giáo Hoàng quá cố tại hầm Đền thờ Thánh Phêrô Sáng thứ hai, 3-11, lúc 11 giờ rưỡi, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô để cầu nguyện cho các Hồng y và GM qua đời trong 12 tháng qua.

Chúa nhật 23-11, lễ Chúa Kitô Vua, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi tại Quảng trường thánh Phêrô, để tôn phong 6 vị chân phước lên bậc hiển thánh. Sau cùng, từ ngày 28 đến 30-11, ngài sẽ viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ (SD 24-10-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức TGM Bùi Văn Đọc làm thành viên Bộ truyền giáo

Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức TGM Bùi Văn Đọc làm thành viên Bộ truyền giáo

VATICAN. Hôm 13-9-2014, ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM giáo phận Sài Gòn, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, làm thành viên Bộ truyền giáo.

Cùng được bổ nhiệm làm thành viên của Bộ trong dịp này cũng có 6 HY, 9 GM và 4 Cha Bề trên Tổng quyền của 4 dòng tu.

Nhiều vị Hồng y TGM chính tòa trước đây của Việt Nam cũng được bổ nhiệm làm thành viên Bộ truyền giáo. (SD 13-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP