Bài học tha thứ

Bài học tha thứ

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Có một bác nông dân đã quá khổ sở vì sự thiếu trách nhiệm của những người hàng xóm. Mặc dù nhà không nuôi gà nhưng gà hàng xóm lại bới nát và phá hoại hoa màu của bác. Vốn bản tính hiền lành luôn "dĩ hòa vi quý", không muốn ăn miếng trả miếng như thói thường người đời. Bác đã nhiều lần van xin láng giềng vui lòng nhốt gà lại. Nhưng chẳng ai chú ý đến lời yêu cầu của bác. Bầy gà cứ thản nhiên sang vườn bác bới móc tìm mồi. Thế rồi, một buổi sáng đẹp trời, Bác ra chợ mua một ít trứng gà để vào một cái giỏ, rồi cứ vài ngày lại đưa sang cho những người láng giềng và giải thích rằng đó là trứng mà bầy gà của họ đã đẻ trong vườn của bác. Bác làm như thế liên tiếp ba lần. Quả thực kết quả đã diễn ra rất nhanh chóng. Chỉ trong một tuần lễ, người láng giềng nào cũng tự động rào dậu thật kỹ để giữ cho gà của mình không sang đẻ ở nhà bác nông dân nữa.

Vâng, Bác nông dân chỉ mất tiền mua ít trứng gà mà bác đã tránh được một cuộc tranh chấp vô ích có thể làm sứt mẻ tình hàng xóm. Cuộc sống chung là vậy, nếu biết nhịn nhục và kiên nhẫn một chút là ta có thể tìm ra nhiều giải pháp tốt nhất để gìn giữ sự hòa thuận, êm đềm cho gia đình, cho xóm làng chúng ta.

Trong cuộc sống chung đụng thường phải có va chạm với nhau. Chén bát để bên nhau, vô tình vẫn có những va chạm bể nát ra huống chi con người. Hôm nay Chúa muốn chúng ta hãy biết tha thứ cho nhau không phải là để cho qua chuyện hay nhịn đi cho xong, mà tha thứ cho nhau, là điều kiện để chúng ta được Thiên Chúa thứ tha. Vì chưng, tất cả chúng ta đều là con nợ của Chúa. Chúng ta nợ Chúa sự sống, nợ Chúa ân tình. Đã nhiều lần chúng ta khất lần khất lượt với Chúa, van xin Chúa hãy tha thứ, cứu giúp mình tai qua nạn khỏi sẽ trả nợ Chúa, sẽ dành vốn sống của mình để làm theo ý Chúa, để phụng thờ Chúa. Hứa đó rồi quên. Quyết tâm rồi lại thất hứa. Thế mà Chúa vẫn yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Dụ ngôn người con hoang đàng là một bằng chứng về lòng bao dung của Chúa. Người cha đã không cần hỏi mày dùng số vốn của tao làm gì? Bây giờ còn bao nhiêu? Chỉ cần thấy người con quay về là người cha đã quên hết quá khứ lỗi lầm của người con.

Hôm nay Chúa Giêsu nói với chúng ta: anh em đã lãnh nhận sự tha thứ của Chúa, thì cũng hãy tha thứ cho nhau. Không phải là một lần hay chỉ "quá tam ba bận" mà là tha thứ mãi mãi. Như vậy, tha thứ đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiên nhẫn để cho người xúc phạm đến ta có cơ hội, có thời giờ sửa đổi và làm lại cuộc đời. Đừng như ông quan độc ác kia đã đối xử quá khắt khe với những con nợ của mình. Ông đòi tính sổ với các con nợ và đòi cho đến đồng bạc cuối cùng. Đó cũng là cách đối xử chung của con người hôm nay. Người ta đòi công lý phải được báo thù. Người ta đòi mắt đền mắt răng đền răng. Người ta khó chấp nhận một sự bao dung tha thứ đối với kẻ thù của mình.

Mahatma Gandhi, người đã giải phóng Ấn Độ khỏi ách nô lệ của người Anh bằng cuộc tranh đấu bất bạo động, đã bị một thanh niên Ấn Giáo hạ sát, chỉ vì anh ta không thể chấp nhận được sự kiện Gandhi lại yêu thương và tha thứ cho người Hồi Giáo.

Khi loan báo tình yêu Thiên Chúa cho mọi người, Chúa Giêsu đã không loại trừ một hạng người nào. Được sai đến trước tiên cho người Do thái, Chúa Giêsu cũng đi đến với cả nhân loại. Chúa Giêsu chính là hiện thân lòng khoan dung của Thiên Chúa, một Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả mọi người, và muốn qui tụ mọi người vào trong gia đình của Ngài. Cả cuộc đời của Ngài là một chuỗi dài sự tha thứ. Ngài đã tha thứ cho lầm lỗi của người phụ nữ ngoại tình. Ngài đã tha thứ việc làm của Giakêu. Ngài đã tha thứ quá khứ tội lỗi của người trộm lành. Ngài đã đi đến tận cùng của sự tha thứ, là tha thứ cho kẻ làm nhục và giết hại Ngài.

Là con cái của Cha yêu thương và khoan dung, nguyên tắc sống của chúng ta cũng phải là yêu thương và khoan dung. Giữa một thế giới mà sự thù hận luôn đòi loại trừ nhau bằng khủng bố, bằng súng đạn, người kytô hữu phải thể hiện cho người ta thấy lòng bao dung và tha thứ vẫn còn tồn tại trên trần gian. Vì Chúa chúng ta vẫn có thể làm điều ấy. Vì Chúa chúng ta vẫn có thể tha thứ cho nhau. Tha thứ để được sự bình an tâm hồn. Vì nếu không tha thứ thì "oán báo oán, oán lại chập chùng". Tha thứ cho nhau để được nên nghĩa tử và là môn đệ chính danh của Chúa, vì người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy là "hãy yêu thương nhau". Một tình yêu đích thực luôn bao hàm sự bao dung và tha thứ vì "Yêu nhau củ ấu cũng tròn – Một trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa".

Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta luôn can đảm tha thứ cho nhau, luôn can đảm quên đi mọi hận thù, oán ghét, ghen tương để sống trong vòng tay thân ái giữa người với người và trong tình yêu tha thứ thẳm sâu của Chúa. Amen.

Suy tôn Thánh Giá

Suy tôn Thánh Giá

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Tuần báo Thế Kỷ Kitô, xuất bản bên Hoa Kỳ có kể lại kinh nghiệm sau đây của một vị linh mục công giáo tại tiểu bang Carolina vào Tuần Thánh.

Để giúp các tín hữu trong giáo xứ suy niệm về mầu nhiệm thập giá, linh mục này cho dựng một cây thập giá cao to, bằng gỗ sơn đen ngay trong sân nhà thờ. Chẳng may trong ngày hôm đó, có người xưng mình là đại diện cho hãng du lịch trong vùng gọi điện thoại đến khiếu nại. Lý do như sau: khách du lịch đi qua trước nhà thờ không thích nhìn thấy cây thập giá đen thui này, họ muốn xem những gì vui tươi hơn. Đó là câu chuyện của đời này ở bên Hoa Kỳ. Nhiều người đã quên hay cố quên mầu nhiệm thập giá trong đời sống đức tin, nhưng không phải chỉ là chuyện đời này mà thôi, ngay từ thời xa xưa, thời các thánh tông đồ cũng đã xảy ra như thế. Thánh Phaolô đã thốt lên rằng: "Nhiều người sống nghịch lại thập giá Chúa. Họ chỉ sống theo cái bụng, chạy theo lợi lộc, ham vui". Thập giá Chúa còn có ý nghĩa gì đối với người Kitô hôm nay chăng?

Trước khi mạc khải về ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá, Chúa Giêsu nhắc lại cho ông Nicôđêmô về nguồn gốc thần linh từ trời xuống của chính mình như là Con Thiên Chúa: "Không ai đã lên trời, ngoài trừ Con Người, Đấng từ trời xuống". Tự nó, thập giá là chặng dưới đất và thực tại đau buồn do con người tạo ra, nhưng để hiểu trọn vẹn ý nghĩa của nó thì cần phải đóng đinh Con Thiên Chúa vào đó, cần phải hiểu mầu nhiệm thập giá trong cái nhìn từ trên cao, trong cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng muốn và đã sai Con Một mình xuống trần gian và chịu chết treo trên thập giá, để biến dấu chỉ của sự trừng phạt trở thành dấu chỉ của tình yêu cứu rỗi. "Con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy, như con rắn đồng của Môsê, để ai tin vào Con Người thì được sống muôn đời". Chúa muốn ông Nicôđêmô nhìn về thập giá từ trên cao theo cái nhìn của chính Chúa, và lúc đó con người sẽ khám phá ra rằng Thiên Chúa dùng thập giá để mạc khải tình yêu thần linh, để hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau.

Như lời mời gọi của Chúa cho ông Nicôđêmô, cần phải đặt Con Thiên Chúa vào thập giá, cần phải treo Con Thiên Chúa lên thập giá, con người chúng ta có hiểu được ý nghĩa của thập giá? Thập giá mạc khải cho con người biết tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là dấu chỉ của sự khước từ của con người đối với Thiên Chúa, là dấu chỉ của sự thù ghét của con người đối với con người, của con người say mê quyền hành và danh vọng, muốn làm mọi cách để loại bỏ đối thủ của mình như những người biệt phái Pharisiêu ngày xưa đã dùng thập giá để loại bỏ Chúa Giêsu, Đấng đang lôi kéo dân chúng bỏ họ mà theo Chúa.

Mỗi người Kitô chúng ta hôm nay, nhân ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, hãy kiểm điểm lại thái độ của mình đối với thập giá Chúa. Phải chăng thập giá Chúa đã bị tục hóa, bị chúng ta biến trở thành món trang sức để khoe của, để củng cố địa vị, để lường gạt anh chị em? Chúng ta làm dấu thánh giá trên mình, chúng ta mang dấu thánh giá trên áo, trên cổ nhưng chúng ta đã sống ý nghĩa của thập giá như Chúa đã mạc khải như thế nào?

Lạy Chúa,

Xin thương dạy con hiểu biết, đón nhận và sống mầu nhiệm thập giá trong chính đời sống của con. Xin cho con một tâm hồn quảng đại, không chạy trốn trước lời mời gọi của thập giá Chúa, nhưng sẵn sàng để cho cuộc đời con được đóng đinh vào thập giá với Chúa, trở thành của lễ hy sinh, giúp anh chị em nhận ra tình yêu Chúa.

Veritas Radio

CHÌA KHÓA NƯỚC TRỜI

 CHÌA KHÓA NƯỚC TRỜI

Peter and heaven's key

Tin mừng hôm nay thuật lại biến cố thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa Hằng Sống; và với lời tuyên xưng này, thánh Phêrô đã được Chúa Giêsu trao “Chìa Khóa Nước Trời", tức là quyền lãnh đạo Dân Chúa. Trong Kinh Thánh, chìa khóa tượng trưng cho quyền cai quản và điều hành, như Thiên Chúa ban cho Êliakim quyền điều hành nhà Ðavít (Is 22,20-22), hay quyền hành của Chúa Giêsu trên sự chết (Kh 1,17-18).

Chìa khóa, theo Thánh Kinh, là biểu tượng của sự tin tưởng, uy quyền và trách nhiệm. Chúa Giêsu đã trao chìa khóa cho thánh Phêrô. Chúa tin tưởng thánh Phêrô, trao cho ngài quyền hành và trách nhiệm để hướng dẫn Giáo hội trên trần gian: “Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước Trời; sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Quyền “cầm buộc và tháo cởi” có nghĩa là quyền tha tội, quyền đưa ra những phán quyết về giáo lý và những quyết định về kỷ luật trong Hội Thánh (GLHTCG, số 553). Đây là một quyền hành thật cả thể. Vì bản chất của quyền hành ở đây theo từ ngữ chuyên biệt trong tiếng Do thái có thể chỉ đến việc cầm buộc ma quỉ trong khi trừ quỉ, trong việc hành luật liên quan đến vạ tuyệt thông và trong những vấn đề phán quyết nghiêm trọng (NJBC,659).

Ngoài ra, theo một số nhà chú giải Thánh Kinh như Kevin O’Sullivan, OFM và Paul J Achtemeier, “Chìa khóa Nước Trời” ám chỉ đến hình ảnh một người đầy tớ với chìa khóa trong tay để mở cửa các phòng trong nhà. Người có chìa khóa trong tay không chỉ có quyền xác định ai được vào và ai không được vào, mà còn có trách nhiệm toàn quyền trông coi để ý mọi sự trong nhà của chủ mình (Harper’s Dict 524-525).

Nếu trách nhiệm được trao không chu toàn, nếu quyền hành được ban bị lạm dụng, và bị mất tin tưởng, thì chắc chắn chìa khóa sẽ bị lấy lại. Tiên tri Isaia trong bài đọc 1 đã minh chứng điều đó. Sobna, quan cai đền thờ đã bị cách chức và trục xuất khỏi địa vị cũng chỉ vì đã lạm dụng quyền hành. Ông đã lạm dụng quyền hành bắt ép vua Hezekiah (716-687) nổi dậy chống lại Assyria và chạy đến Ai cập cầu cứu. Tiên tri Isaia đã hoàn toàn phản đối việc này. Ngài kêu gọi Giuđa phải nên tin tưởng vào Thiên Chúa của mình, chứ không phải nơi sự trợ giúp của dân ngoại. Nhưng Giuđa đã không tin tưởng nơi Thiên Chúa, và cuối cùng vào những thế kỷ sau đó, Giuđa và Giêrusalem đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Và như chúng ta được biết, chìa khóa của Sobna đã bị lấy lại và trao cho Êliaqim, con trai Helcia (Kevin O’Sullivan, OFM, The Sunday Readings (A) 309-314).

Trước lễ cung hiến Nhà thờ mới, có nghi thức trao chìa khóa mở cửa Nhà thờ. Đức Giám mục trao chìa khóa cho Linh mục Quản xứ để ngài mở cửa Nhà thờ. Nghi thức này muốn nói lên rằng: việc quản trị Nhà thờ trên toàn giáo phận là thuộc Đức Giám mục giáo phận, còn Linh mục Quản xứ chỉ là người nhận quyền từ Đức Giám mục, thay mặt Đức Giám mục trông coi, cũng như cử hành và ban phát các bí tích cho cộng đoàn Dân Chúa tại Nhà thờ này.

Nếu hiểu chìa khóa là biểu tượng nói lên sự tin tưởng, quyền hành và trách nhiệm thì không chỉ riêng thánh Phêrô đã lãnh nhận chìa khóa Chúa trao; mà qua ngài, qua Giáo hội, hết thảy mọi tín hữu cũng đều được lãnh nhận chìa khóa ấy khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Chìa khóa ấy không gì khác hơn là tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và đồng thời tin tưởng chúng ta cũng là con Thiên Chúa.

Đức tin dạy rằng, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa theo bản tính. Còn chúng ta cũng là con Thiên Chúa theo ân sủng. Quyền làm con Thiên Chúa và trách nhiệm đi kèm là một ơn rất trọng đại và cũng chính là “chìa khóa Nước Trời” cho mỗi người và cho những người có trách nhiệm liên hệ. Chìa khóa chính là hạt giống đức tin từ ngày lãnh nhận làn nước Bí tích Rửa tội giúp họ mở cửa bước vào kho tàng ân đức của Chúa nơi các Bí tích. “Với Chúa, mọi sự đều có thể”; “ơn được làm con Thiên Chúa”, đó là chìa khóa Nước Trời mà Thiên Chúa trao cho mỗi người tín hữu.

Chìa khóa mở lối vào Thiên Quốc Vĩnh Hằng có độ rắn của lòng trung thành, liên lỉ trong cầu nguyện; có độ bền của sự hiền hậu, khiêm nhường; có cấu trúc đẹp của lòng bao dung, tha thứ. Nó không làm bằng kim loại vật chất của trần gian, mà được đúc kết bằng hợp kim của niềm tin tâm linh và tính thánh thiêng. Nó có thể mở được tất cả các cánh cổng của những vấn nạn nghiêm trọng trong cuộc sống, và của mỗi thân phận con người.

Thánh Phêrô đã trải qua nhiều đau khổ, chịu bách hại và đã đổ máu vì danh Đức Kitô. Chúa đã đặt Ngài là: “Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng được”. Thánh Phêrô đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” và đã tuyên xưng tình yêu “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Vì niềm tin yêu vào Chúa Giêsu Kitô, thánh Phêrô đã chia sẻ sứ mạng của Thầy Chí Thánh và hiến dâng mạng sống cho đoàn chiên. Thánh Phêrô đã sống theo chân lý: ‘Nếu Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ai có thể đánh bại chúng ta?’. Chúa là sức mạnh của thánh nhân, không gì có thể tách Ngài ra khỏi lòng mến của Chúa Kitô. Thánh Phêrô xứng đáng để nắm giữ “Chìa khóa Nước Trời”.

Có câu chuyện “Chìa khóa và ổ khóa Thiên Đàng” thật ý nghĩa
 
Một hôm nọ,
khóa cửa Thiên Đàng bị hư, thánh Phêrô đích thân mang cả chìa lẫn khóa xuống trần gian để tìm người sửa chữa. Ngài tới nhà anh thợ khoá đầu tiên.

– Chào anh, tôi có cái ổ khóa bị hư, anh làm ơn sửa giùm.

– Cụ làm nghề gì mà cửa nhà cụ lại có cái ổ khóa to và quý thế này?

– Tôi làm nghề đánh cá, sau đổi sang nghề chăn chiên anh ạ.
 
– Ừ! Nhìn quần áo và chân tay của cụ, tôi tin. Nhưng cụ nói thật đi, cụ “chôm” cái vật qúy bằng vàng ròng này ở đâu vậy?

Thánh Phêrô tần ngần trả lời:

– Của tôi đó, vì đây là khoá cửa của Thiên Đàng, còn tôi là Phêrô.

Anh thợ vồn vã:

– À! Thế thì lại khác, chỉ 1 giờ là tôi sửa xong cho cụ thôi, cụ cho xin 100.000 đồng.

Thánh Phêrô giật mình:

– Đắt thế à? Tôi chỉ có 1.000 thôi.

– Không được đâu cụ ơi. Tôi nghe ngày xưa cụ đứng đầu Hội Thánh, hẳn là cụ giàu có lắm?

– Anh hiểu lầm rồi! Trong Hội Thánh chúng tôi, ai càng đứng đầu thì lại càng là người tôi tớ phục vụ, sống khiêm hạ khó nghèo như Đức Giêsu làng Nadarét. Thôi anh cố sửa nó đi, có thể vì công khó của anh mà tôi sẽ xin Chúa cho anh vào Thiên Đàng.

Anh thợ mỉm cười lắc đầu.

– Tôi cần cái thực tế. Tiền thôi cụ ạ, còn Thiên Đàng thì xa lạ quá. Vả lại ở Thiên Đàng mà nghèo như cụ thì tôi chẳng ham. Thôi cụ đi xoay xở đâu đó thêm đi, rồi quay lại đây.

Thánh Phêrô bước đi, buồn bã nghĩ thầm : Anh thợ này sửa được nhiều thứ khóa, chỉ trừ khóa của Thiên Đàng. Đồng tiền quý đến thế kia ư?

Ngài lại tìm đến nhà một anh thợ khác, nổi tiếng khéo tay và giàu có nhất vùng, hy vọng gặp được người yêu mến Thiên Đàng hơn chuyện tiền bạc.

Anh thợ đon đả chạy ra đón mừng.

– Tôi nhận ra ngài rồi. Tay cầm chìa khóa vàng, khuôn mặt và thân hình lại giống hệt bức tượng trong nhà thờ xứ tôi. Vào đây, gia đình tôi hân hạnh tiếp đón Thánh Cả.

Thánh Phêrô vui mừng, nhưng cũng ngần ngại dò hỏi:

– Tôi có cái khóa cửa Thiên Đàng bị hỏng, tôi chỉ có 1.000 đồng, nhờ anh sửa giúp.
 
– Xin cất đi, tôi còn phải biếu ngài thêm lộ phí nữa kìa. Còn cái
khóa thì không thành vấn đề, chỉ độ nửa tiếng là xong thôi. Có điều là, xin ngài hứa cho tôi một việc.

– Tốt lắm, anh cứ nói.

– Xin ngài đưa tôi vào Thiên Đàng và cho tôi làm trùm phường khóa ở trên đấy. Ngồi trên Các Thánh hay Các Thiên Thần thì tôi không dám, nhưng làm sếp đám thợ khóa thì tôi dư sức. Ngài sẽ thấy tay nghề của tôi khi sửa khóa cho ngài, xem tôi có đáng ngồi chỗ tốt hay không.

Bỗng có tiếng ầm ầm từ đầu ngõ, hàng trăm dân làng ùa chạy tới nhà anh thợ khóa  khi nghe nói thánh Phêrô đang ở nhà anh. Tiếng hò hét vang lừng từ ở cổng ra vào.

– Lạy thánh Phêrô, ngài cho vợ chồng con vào Thiên Đàng với.

– Đứa nào xô tao vậy, đây là cổng nhà anh thợ khóa chứ đã phải là cửa Thiên Đàng đâu mà chen dữ thế? Phải có hàng lối chứ.

– Gặp thánh Phêrô chứ có phải đi mua vé xi-nê hoặc đi mua thịt, mua cá đâu mà phải xếp hàng cha nội.

– Chúng mày biết gì? Ông Trùm nói có lý đấy. Thế chúng mày không nghe cha giảng là ở trên Trời có ”Đám rước mặc quần áo trắng tinh tay cầm cành thiên tuế” à? Phải trật tự chứ!

– Chúa ơi ! Chết con rồi.
 


 

Thánh Phêrô lắc đầu ngán ngẩm. Cần phải “gửi” đi đâu nữa, họ đang ở hỏa ngục rồi còn gì! Họ cãi nhau chí chóe, chửi thề, dẫm đạp lên nhau để “tranh” Thiên Đàng. Có kẻ đã dúi được vào túi thánh Phêrô phong bì, hoa, nến. Rồi hí hửng vì đã “hối lộ” được người giữ cửa đầy quyền uy.

Bỗng có một cơn gió mù mịt cuốn lấy thánh Phêrô. Thiên Thần đã đưa ngài đi trong gió. Để lại đám dân làng khóc la tiếc nuối, và anh thợ khoá tiu nghỉu vì tan giấc mộng vàng.

Thiên Thần đưa Phêrô tới bên một bờ suối rồi chào tạm biệt ra đi. Thánh nhân nhẹ gật đầu từ tạ. Ngài vẫn còn bực bội vì chuyện xảy ra vừa rồi. Tại sao con người lại coi nhẹ Thiên Đàng để kiếm tìm tiền tài danh vọng nhỉ ? Ngay cả đám dân muốn “xấn xổ” vào Thiên Đàng, họ có nghĩ gì tới Chúa và anh em mình đâu, lợi lộc riêng tư đã che mắt họ. Người ta có thể nhân danh một Thiên Đàng tốt đẹp để giành giật, đấu đá nhau đến vậy hay sao? Ôi! Nếu có Gioan và Giacôbê ở đây, "những người con của sấm sét” chắc cũng sẽ như xưa, muốn xin lửa Trời xuống đốt tiệt cái đám dân nông cạn này.

– Hãy uống bát nước này cho mát đi, cụ đang có lửa trong lòng đó.

Thánh Phêrô giật mình quay lại. Một cậu bé thật xinh trai, tay cầm ly nước, đã đứng sau lưng mình từ lúc nào. Ngài cầm lấy ly nước, uống một hơi thật sảng khoái.

– Cảm ơn cậu bé, cậu thật tốt bụng.

Cậu bé lém lỉnh nhìn cái ổ khóa trên tay thánh Phêrô.

– Ổ khóa này đẹp quá, cụ cho tôi xem tí nào.

– Khóa cửa Thiên Đàng đó mà. Cậu có muốn lên đấy không, tôi dẫn cậu đi?

– Chả cần cụ dẫn đâu, tôi thừa biết nó ở đâu rồi.

– Thật không?

– Thật chứ! Thiên Đàng thuộc về những người bé nhỏ như tôi mà, cụ quên rồi à?
 
Ngạc nhiên trước câu trả lời ngộ nghĩnh, thánh Phêrô cảm thấy mến cậu bé thông minh này. Ngài đưa cả ổ
khóa lẫn chìa cho cậu bé.

– Cẩn thận kẻo rơi nhé.

Cậu bé cầm cả hai ngắm nghía, rồi cậu tinh nghịch trả lại chìa khóa cho Phêrô.
 
– Cụ giữ lấy chìa
khóa này như một kỷ niệm hay một biểu tượng cho bổn phận và quyền uy. Còn cái này thì… Chưa dứt lời, cậu đã ném ổ khóa đánh “tõm” xuống giữa lòng suối sâu.

Thánh Phêrô giật mình lớn tiếng:

– Ôi Chúa ơi! Cậu làm gì vậy?

Cậu bé mỉm cười trả lời:

– Thật ra cửa Thiên Đàng đâu cần ổ khoá. Điều quan trọng không phải là nó đóng hay mở, mà là sự “đóng hay mở” của lòng người. Phải giải quyết chuyện này ở dưới đất chứ không phải trên trời cụ ạ. "Điều gì con cầm buộc dưới đất, trên Trời cũng cầm buộc. Điều gì con tháo mở dưới đất, trên Trời cũng tháo mở ". Có người đã nói với cụ câu đó, cụ không nhớ sao?

Thánh Phêrô ngẩn ngơ hỏi lại:

– Nhưng làm sao để họ mở hay đóng để tôi cầm buộc hay tháo gỡ? Vì họ cứ khép kín trước vẻ đẹp của Thiên Đàng, nhưng lại sẵn sàng mở lòng ra với tiền tài, danh vọng. Làm sao để họ làm ngược lại đây, cậu bé?

– Cụ đừng chỉ trỏ lên trời và nói những chuyện cao xa của Thiên Đàng với họ nữa. Ngược lại, phải dẫn họ tới một nơi để họ học biết khó nghèo, khiêm hạ, hy sinh. Cụ có muốn tôi đưa cụ tới đó, để rồi sau cụ có thể dẫn họ đi không?

Thánh Phêrô sốt sắng:

– Được rồi, tôi theo cậu. Nhưng đi đâu mới được chứ?

Cậu bé mỉm cười, nheo mắt nhìn Phêrô:

– Đi Bê-lem, rồi lên Núi Sọ.

Nói xong, cậu quay lưng, lững thững bước đi về phía có ánh nắng chói chang, phía của Mặt Trời.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Xin cứu tôi

Xin cứu tôi

Bài học của Phêrô bước đi trên biển đến với Chúa, và khi nghi ngờ sợ hãi ông đã bị chìm xuống cũng là bài học đức tin cho tất cả mọi người Kitô hữu. Khi nào không tập trung nhìn thẳng vào Chúa Giêsu mà chỉ nhìn vào những đối tượng khác, chúng ta sẽ bị khủng hoảng.

Một nam tu sĩ trong tu hội của Mẹ Têrêsa Calcutta đã đến than phiền với mẹ về luật lệ của một vị bề trên đã ban ra, mà ông cảm thấy rằng nó đã cản trở việc mục vụ của ông. “Ơn gọi của tôi là làm việc cho những người cùi”, ông nói với Mẹ Têrêsa, “tôi muốn sống cho những người cùi”. Mẹ Têrêsa nhìn thẳng vào mắt vị tu sĩ một lúc rồi mỉm cười và nhẹ nhàng nói:“Thưa sư huynh, ơn gọi của sư huynh không phải là làm việc cho những người cùi, nhưng ơn gọi của sư huynh là thuộc về Chúa Kitô”.

Khi nào chúng ta không nhìn thẳng lên trời, không nhìn vào những điểm tích cực và lạc quan mà chỉ nhìn xuống, nhìn vào những hoàn cảnh đe dọa xung quanh, vào điều tiêu cực với lòng bi quan yếm thế, chúng ta sẽ bắt đầu chìm xuống.

Cha Mark Link đã dùng câu chuyện sau đây để minh họa cho điều này. Một con tàu đang gối sóng trên đại dương. Những cơn gió mạnh thổi ngược vào những cánh buồm làm chúng có thể bị rách bươm. Một chàng thủy thủ trẻ được lệnh phải trèo lên cột những cánh buồm lại. Anh chưa bao giờ trèo lên cột buồm chính vào thời tiết khắc nghiệt như vậy bao giờ. Anh bắt đầu trèo, và dường như muốn tụt xuống vì sự gầm thét của gió bão làm cho anh quá sợ hãi khi nhìn xuống. Trong kinh hoàng, anh tê cóng người lại, không thể leo lên hay tụt xuống được. Hoảng sợ anh la to:“Tôi sẽ ngã. Tôi sẽ ngã”. Viên chỉ huy hét lên thật lớn trong cơn gầm thét của bão tố:“Hãy nhìn lên!Hãy nhìn lên sẽ không bị ngã!” “Người đâu mà kém tin vậy!Sao lại hoài nghi?” (Mt 14,31)

Khi vượt biên đến trại tị nạn Thái Lan, tôi đã học thêm được hai từ Anh ngữ mới:“boat people and land people”, người đến bằng đường biển đã được Cao Uy Liên Hiệp Quốc áp dụng chính sách tị nạn cho đi định cư dễ dàng hơn. Sau khi vượt biên bằng đường bộ sang Campuchia, tôi đã xuống tàu vượt qua Vịnh Thái Lan. Con tàu chúng tôi sử dụng chỉ là chiếc tàu chở hàng nông sản trên dòng sông Cửu Long, chứ không phải chiếc tàu đánh cá ngoài biển khơi. Nó nhỏ bé và mong manh giống như chiếc lá trôi trên mặt đại dương bao la. Vào một đêm giông bão, trời tối đen như mực, ghé tai vào mạn thuyền có thể nghe tiếng gió kêu rít bên ngoài. Con thuyền cũ kỹ và bé nhỏ cố gắng trồi lên trên những ngọn sóng cao rồi lại lao đầu xuống vực thẳm đen tối. Sóng đập vào mạn thuyền kêu răng rắc. Mọi người trong thuyền chỉ còn nhắm mắt, bịt tai và cầu xin Thiên Chúa cùng Mẹ Maria cho qua được cơn khủng khiếp này. Bây giờ nghĩ lại kinh nghiệm này, tôi có cảm nghiệm giống như Phêrô. Ở trên một chiếc thuyền mỏng manh trôi trên biển cả, có khác nào Phêrô bước đi trên nước. Một kinh nghiệm vô cùng sợ hãi nhưng cũng tràn đầy ơn phúc!Tôi đã được cứu thoát là nhờ niềm tin và ơn phúc. Nếu bây giờ lập lại biến cố này, tôi sợ rằng sẽ chìm, vì sợ hãi đã càng ngày càng lớn và niềm tin lại suy yếu dần. Tôi đã nghi ngờ giống như Phêrô. Và chắc chắn cũng sẽ chìm giống như Phêrô!Trong lúc các môn đệ cần đến Chúa Giêsu, Ngài đã đến với họ. Khi có gió ngược và cuộc đời trở nên trắc trở khó khăn, Chúa Giêsu đã ở đó để giúp đỡ. Ngay khi chúng ta cần đến Ngài, Ngài đã ở ngay đó để giải cứu chúng ta.

 

Chia sẻ cho người nghèo đói

Chia sẻ cho người nghèo đói

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Trại Trung tâm tiếp nhận người sắp chết ở Calcutta, Ấn Độ, một người nằm dài trên giường, xem ra không thể cử động được cánh tay. Người ta hỏi ông:

– Ông muốn ăn không? Vâng, muốn.

– Tên ông là gì? -Dinenraj (Đinh Văn Rao)

– Ông bao nhiêu tuổi? -Tôi chẳng biết.

– Tên ở đây bao lâu rồi?- Bốn hôm.

– Ông từ đâu đến? – Tôi ở ngoài đường phố.

– Ông mắc bệnh gì? – Bao tử tôi hoàn toàn thất bại, vì hoàn toàn trống không.

Người ta đem đến cho ông phần ăn của ngày lễ kỷ niệm 25 năm thành lập trung tâm, gồm có: cơm gà giò hầm với càri, khoai tây, sữa đặc, chuối và cam. Ông ăn một cách thèm khát và nhai rất kỹ từng muỗng đồ ăn.Ông mở miệng to để người ta cho ông ăn từng muỗng một. Khi ăn hết dĩa phần ăn, ông nằm duỗi tay chân như một đứa bé chuẩn bị ngủ.

Kể từ ngày được thiết lập (22/8/1952) trong 25 năm trung tâm đã tiếp nhận 36.000 người, trong đó 16.000 người “đã chết trong tay Chúa”. Trung tâm của những người hấp hối này điển bình cho nhiều ngôi nhà tương tự được các nữ tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa thành Calcutta điều khiển trên khắp thế giới. Các soeurs từng nghiêng mình với lòng kính trọng và yêu thương trên những thân xác gầy gò của những người đàn ông và đàn bà được lượm nhặt ngoài đường phố đưa về. Các soeurs từng mang lại cho những con người bị bỏ rơi này một ý thức nào đó về nhân phẩm, đồng thời truyền đạt cho họ về một thế giới bên kia khả dĩ lau sạch mọi nước mắt, xoa dịu mọi cơn đói, chữa lành những tâm hồn mang nặng nhiều thương tích. Lễ Ngân khánh của Trung tâm này tại Calcutta được tổ chức vào ngày lễ Các Thánh (1/11), là để nhắc nhớ con người về giá trị đời mình là biết qui về Thiên Chúa Tình Yêu.

Mẹ Têrêsa đã mời các bà đích thân đến, mang theo đồ ăn họ đã dọn sẵn ở nhà và tự tay phân phát cho các bệnh nhân nghèo. Mẹ có tài thu hút người thuộc đới trung lưu và thượng lưu không phân biệt tôn giáo tới tham gia công việc mà các nữ tu Thừa Sai Bác Ái vẫn làm hằng ngày là nghiêng mình săn sóc những con người bị xã hội bỏ rơi một cách đáng thương.

Anh chị em thân mến,

Phải chăng việc Mẹ Têrêsa thành Calcutta làm trên đây là việc áp dụng Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay một cách sống động? Nhưng thử hỏi còn biết bao cách áp dụng khác nữa mà bài Tin Mừng này có thể gợi lên cho chúng ta? Các môn đệ xin Chúa giải tán đám đông dân chúng để họ đi mua thức ăn. Nhưng Chúa lại bảo các ông: “Chính anh em phải cho họ ăn”. Rồi Chúa đã cho 5000 người ăn với 5 cái bánh và 2 con cá, còn dư lại 12 thúng bánh vụn. Ngoài con số 5000 người đàn ông, thánh Matthêu con thêm “không kể đàn bà và trẻ em”. Vậy tổng số có thể lên tới hàng chục ngàn người. Như vậy Chúa Giêsu, với phép lạ hóa bánh ra nhiều, đã nuôi một đám đông rất lớn đi theo Chúa Giêsu vào nơi hoang địa. Họ hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài để có của ăn nuôi sống mình.

Ngày nay đám đông dân chúng đã phát triển nhanh tới hàng triệu người. Họ không chỉ cảm thấy đói, mà họ chết đói: 100 ngàn người mỗi ngày và 450 triệu người tối đến đi ngủ bụng đói (theo một bản thống kê quốc tế). Ngay ở đất nước chúng ta đây, còn biết bao người thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ em thiếu dinh dưỡng. Với chiến dịch “xóa đói giảm nghèo”, nhiều người đã ủng hộ nuôi dưỡng những người đói khổ cùng cực. Nhưng vấn đề quá lớn đối với con người, chắc chắn chúng ta phải làm hết sức, hết khả năng con người. Nhưng chúng ta cần sự trợ giúp của Chúa mới làm được. Nếu để cho các môn đệ, các ông chỉ biết giải tán để dân chúng đi về bụng đói và có khi phải chết đói dọc đường. Nhưng với sự đóng góp của con người, Chúa đã làm nên phép lạ. Nếu cậu bé không trao cho Chúa khẩu phần bánh và cá của cậu đem theo, thì đám đông dân chúng sẽ về bụng đói. Nhưng với 5 cái bánh và 2 con cá của cậu bé, Chúa Giêsu đã nuôi được hàng ngàn người ăn no vả còn dư thừa.

Thưa anh chị em,

Chúa Giêsu không đi quyên góp bánh để phát cho người nghèo. Ngài cũng không khiến bánh tự nhiên từ trời xuống cho họ ăn, nhưng Ngài đã chia sẻ mấy cái bánh mà môn đệ có sẵn trong tay cho tất cả mọi người. Đó là một thách đố: dám nuôi bằng ấy ngàn người với năm chiếc bánh của người nghèo. Năm cái bánh đã được nhân lên bằng tình thương của Chúa Giêsu cộng với niềm tin và lòng vâng phục của các môn đệ. Bài học mọi người. Đó là một thách đố: dám nuôi bằng ấy ngàn người với năm chiếc bánh của người nghèo. Năm cái bánh đã được nhân lên bằng tình thương của Chúa Giêsu cộng với niềm tin và lòng vâng phục của các môn đệ. Bài học của phép lạ hóa bánh ra nhiều là ở chỗ đó: Chúa dạy chúng ta là hãy vâng lời Ngài mà thực hiện điều răn yêu thương. Yêu thương là chia sẻ. Khi chúng ta chia sẻ chính là làm cho tình yêu được nhân lên. Tấm bánh đáng lẽ chỉ nuôi được một vài người, đã có thể nuôi cả ngàn người. Tình yêu có thể làm được chuyện mà đống tiền, đống của không làm được. Người ta thường nghĩ phải có nhiều, có dư thì mới cho. Tình yêu không đợi phải có đủ, có dư mới cho, nhưng còn sẵn sàng cho cả cái chính mình đang thiếu, và thậm chí, cả khi không có gì, vẫn có thể cho, đó là chính mình: công sức, tài năng, thời giờ… bởi vì tình yêu cao cả nhất, trọn vẹn nhất, là dâng hiến chính mình cho người mình yêu (Ga 15,13) và đó là tình yêu của Chúa Giêsu. Chính tình yêu này mới khiến Ngài chạnh lòng thương trước cảnh đói khổ, bệnh tật của dân nghèo và ra tay cứu giúp.

Điều nguy hiểm nhất cho con người là không còn biết chạnh lòng thương xót trước những nỗi khổ đau của người khác. Lòng nhân ái không chỉ làm cho chúng ta “thành người”mà còn là dấu chỉ của người môn đệ Chúa.

Ông Malcolm Muggeridge, một nhân vật nổi tiếng trên đài TV Anh Quốc, đã trở lại đạo Công giáo, điều mà trước đây ông đã thề sẽ không bao giờ làm. Ông nói, ông đã bị cảm kích bởi những việc Mẹ Têrêsa Calcutta đã làm: “Không thể diễn tả bằng lời, tôi đã mắc nợ Mẹ Têrêsa thế nào. Mẹ đã tỏ cho tôi thấy Kitô giáo trong hành động. Mẹ đã tỏ cho tôi thấy sức mạnh của tình yêu có thể làm nổi dậy một ngọn thủy triều tình yêu lan tràn khắp thế giới…”

Trình thuật Chúa hóa bánh ra nhiều được lặp lại trong Tiệc Thánh Thể: “Chúa Giêsu cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ”. Chúa vẫn tái diễn phép lạ ấy hằng ngày để nuôi dưỡng chúng ta và cả thế giới. Tại sao từ bàn Tiệc Thánh này chúng ta lại không biết chia sẻ với người nghèo đói? Thế giới hôm nay còn có những kẻ đói, còn có những dân tộc đói, vì có những cái bánh được giữ riêng cho cá nhân và không hề được bẻ ra chia sẻ. Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, khi đã lãnh nhận Bánh của chúa thì cũng biết cạnh lòng thương và chia sẻ cơm bánh cho người nghèo đói, để Chúa có thể nuôi sống tất cả anh chị em chúng ta trên thế giới.

Huyền nhiệm tình yêu

Huyền nhiệm tình yêu

Thiên Chúa là tình yêu. Đó là chân lý, là lời khẳng định của thánh Gioan Tông đồ được ghi lại trong sách Tin Mừng. Thực vậy, sách Tin mừng được xem là lá thư mà Thiên Chúa đã tỏ tình với con người qua suốt dọc dài lịch sử của ơn cứu độ. Tình yêu đó được tỏ bày qua từng biến cố của dòng đời để dần dà với thời gian con người mới khám phá ra tình yêu của một vì Thiên Chúa nhưng được thực hiện qua 3 cách thức khác nhau. Ngài đã tỏ mình là một vì Thiên Chúa là Cha qua công trình sáng tạo vũ trụ vạn vật và Ngài còn tiếp tục thi thố tình thương đó qua sự quan phòng đầy kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa. Ngài đã tỏ tình yêu của mình qua Ngôi Hai Thiên Chúa mang lấy thân phận con người để có thể cùng chia sẻ những thăng trầm nổi trôi của cuộc sống con người. Ngôi Hai Thiên Chúa đã ghi dấu tình yêu vĩnh cửu của mình qua cái chết thập tự giá để nói lên một tình yêu vô bờ bến mà Ngài dành cho con người. Vì “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người dám thí mạng sống vì người mình yêu”. Với Ngôi Ba Thiên Chúa, tình yêu của Ngài luôn đầy tràn trong cuộc đời các tín hữu để thánh hoá con người làm con cái Thiên Chúa và trở thành đền thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, là dịp để chúng ta tạ ơn tình thương của Chúa vẫn luôn bao phủ trên cuộc đời chúng ta. Chúa cho chúng ta được sinh ra làm người và làm con cái Thiên Chúa. Chúa luôn quan phòng gìn giữ chở che cuộc đời chúng ta “như con ngươi trong mắt Ngài”. Chúa biết rõ từng cuộc đời chúng ta như mục tử biết từng con chiên. Chúa vẫn ngàn đời tín trung với tình yêu ban đầu, vì cho dầu “như người cha người mẹ có bỏ con cái, còn Ta cũng không bao giờ bỏ các ngươi”. Tình thương đó Chúa muốn mời gọi chúng ta đón nhận với lòng tri ân và cũng biết trao lại tình yêu đó cho tha nhân. Vâng, có lẽ, điều Chúa muốn nơi chúng ta chính là hãy hoạ lại chân dung tình yêu của Chúa cho anh em. Vì con người là “hoạ ảnh của Chúa”, nên con người phải biết sống yêu thương. Yêu thương sẽ làm chúng ta giống Chúa hơn. Yêu thương sẽ giúp chúng ta sống hoàn thiện con người mình hơn. Chính tình yêu phục vụ tha nhân sẽ là cách chúng ta đáp đền tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.

Người ta kể rằng: Ngày kia, tại một ngôi làng nhỏ ở Miền Nam Trung Quốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và mang bệnh phong hủi bị dân làng dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của em.

Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé trên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và những viên gạch đá ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.

Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét: “Phong hủi! Phong hủi!”

Với những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của mình:

– Tại sao ông lại lo lắng cho con?

Nhà truyền giáo đáp:

– Vì Ông Trời đã tạo dựng nên cả hai chúng ta. Và cũng vì thế em sẽ là em bé gái của ta và ta sẽ là người anh lớn của em bé.

Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi:

– Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn sự cứu giúp của ông?

Nhà truyền giáo mỉm cười đáp:

– Con hãy trao tặng cho những người khác tình yêu của con, càng nhiều càng tốt.

Kể từ ngày ấy cho đến ba năm sau, khi em bé gái tắt hơi thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương cho những bệnh nhân khác, ân cần đút cơm cho họ, nhất là em luôn tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại.

Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ mới tròn mười một tuổi. Các bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo với nhau rằng:

– “Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời!”

Vâng, con hãy trao tặng cho người khác tình yêu của con phải chăng cũng là sứ điệp mà lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta? Hãy sống cho tha nhân. Hãy trao tặng cho nhau một nụ cười cảm thông. Một cái bắt tay thân mật. Một nghĩa cử bác ái đầy tình người. Hãy sống cho anh em của mình một cách quảng đại. Hãy là chứng nhân cho tình yêu của Chúa giữa một thế giới mà con người đang xa dần nhau vì quyền lợi bản thân, vì bon chen và hưởng thụ. Hãy giới thiệu cho nhân thế một tình yêu tinh ròng không bị hoen ố bởi những toan tính ích kỷ, tầm thường. Hãy giới thiệu cho thế giới một tình yêu hy sinh đến quên cả chính mình cho người mình yêu được hạnh phúc.

Nguyện xin Chúa Ba Ngôi là suối nguồn tình yêu dẫn chúng ta đi sâu vào huyền nhiệm tình yêu của Chúa để chính chúng ta cũng biết thở ra hơi ấm tình thương cho anh em của mình. Amen.

Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

Đấng Bảo Trợ

Đấng Bảo Trợ

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Cuốn phim có tựa đề: “Đời Vẫn Đẹp” do Roberto đạo diễn và thủ diễn. Cuốn phim đã nêu lên câu truyện của người Do Thái cùng với vợ và đứa con trai nhỏ bị Đức Quốc Xã đưa vào trại. Nhờ tài khôi hài, ông đã giữ vững được tinh thần của đứa con khi quân đội đồng minh đến giải thoát.

Cuốn phim hẳn gợi lại kinh nghiệm của bác sĩ Victo Rey, ba năm lưu đày tại Ba-Lan và nhiều trại tập trung khác của Đức Quốc Xã, đã giúp cho vị bác sĩ chuyên gia tâm lý này khám phá được một chân lý quan trọng trong cuộc sống của con người, chân lý đó là, trong những hoàn cảnh nghiệt ngã đau thương nhất con người vẫn có thể tồn tại nếu họ có niềm tin và tìm được ý nghĩa của cuộc sống.

Bác sĩ Brand đã quan sát những phản ứng khác nhau của các bạn tù của ông, có những người trước khi vào tù thì được mọi người trọng vọng, ngưỡng mộ, thế nhưng bỗng chốc lộ nguyên hình của những kẻ hèn hạ có thể bán đứng anh em vì một chút lợi lộc nhỏ mọn. Một số khác thoạt tiên thể hiện bản lĩnh của những nhà lãnh đạo, thế nhưng liền sau đó thất vọng và ngã gục chỉ trong vài ngày. Trái lại, cũng không thiếu những người rất ít được mọi người chú ý đến, họ đã âm thầm chịu đựng cho đến cùng và được sống còn.

Tìm hiểu sự khác biệt giữa những hạng người trên đây, bác sĩ Brand khám phá ra rằng, chính mục đích và ý nghĩa của cuộc sống là sức mạnh làm cho con người tồn tại trong những điều kiện tột cùng khốn khổ của cuộc sống. Trong kinh nghiệm bản thân, bác sĩ Brand cho biết, chính tình yêu đối với vợ ông đã giúp cho ông tiếp tục tìm thấy ý nghĩa và lẽ sống trong tận đáy của hỏa ngục. Mặc dù không biết vợ mình bị giam giữ ở đâu, còn sống hay đã chết, bác sĩ Brand đã chia sẻ kinh nghiệm như sau:

Không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu, những ý nghĩ và hình ảnh người vợ yêu dấu của tôi, cho dẫu người ta có báo tin rằng vợ tôi đã chết thì tôi sẽ không bao giờ ngưng chiêm ngắm hình ảnh của nàng và thôi không chuyện vãn với nàng nữa. Càng lúc tôi càng cảm nghiệm được hình ảnh của vợ tôi; vợ tôi vẫn luôn ở bên cạnh tôi. Chính tình yêu đối với vợ đã mang lại hy vọng và sức mạnh giúp cho bác sĩ Brand chịu đựng mọi nghịch cảnh và tồn tại cho đến ngày được giải cứu khỏi các trại tập trung. Khám phá được ý nghĩa của cuộc sống, đây hẳn không phải là một điều xa xỉ hay phụ thuộc trong cuộc sống con người, mà là một nhu cầu hiện sinh còn quan trọng hơn cả các ăn thức uống của con người.

Ý nghĩa lẽ sống của người Kitô chúng ta chính là Chúa Giêsu Kitô, đây là điều một lần nữa hôm nay Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta. Kitô giáo chúng ta không phải là một ý thức hệ; cũng không phải là một hệ thống luân lý chỉ gồm những điều luật phải tuân giữ; lại càng không phải là một xã hội theo thể chế chính trị nào đó. Kitô giáo thiết yếu là một con Người, con Người đó hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một, Ngài đã hiện diện trong giáo hội và trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, Ngài là sức sống của mỗi người Kitô chúng ta. Thường thì một vị thánh hiền, một bậc vĩ nhân đi qua trong lịch sử nhân loại và để lại sự nghiệp của mình, nhưng với Chúa Kitô lại khác, Ngài không hiện diện như một xác chết được tẩm liệm, Ngài cũng chẳng hiện diện qua những di tích Ngài để lại, Ngài cũng chẳng để lại sự nghiệp nào, Ngài đã chết và Ngài đã sống lại, chính vì đã sống lại cho nên Ngài vẫn có đó, Ngài hiện diện một cách sống động nơi đây, trong giây phút này đây, đó là niềm tin, là sức sống, là lịch sử của Giáo Hội từ hơn 2,000 năm qua, đó cũng là lẽ sống của không biết bao nhiêu người tín hữu đã đi trước chúng ta, trong Ngài họ đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và để có thể vui sống, nhất là kiên trì cho đến cùng giữa những thử thách và bách hại, tất cả đều sống niềm xác tín của thánh Phaolô như ngài đã viết trong thư gởi cho giáo đoàn Rôma: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô, phải chăng là gian truân, khắc khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?”

Đây là niềm xác tín mà Giáo Hội mời gọi chúng ta hâm nóng lại khi cho chúng ta lắng nghe Tin Mừng hôm nay. Trong bài diễn văn tự thuật với các môn đệ trước khi đi vào cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, họ được mời gọi để chuẩn bị tinh thần đón nhận cách thế hiện diện mới của Ngài, Ngài nói với các ông: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi, Thầy sẽ đến với các con.” Quả thật, sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu, từ những con người quê mùa, dốt nát và nhát đảm, các môn đệ đã được Chúa Thánh Thần biến thành những nhà rao giảng không biết mỏi mệt và nhất là dùng chính cái chết của mình để làm chứng cho sự hiện diện ấy của Chúa Giêsu.

Hơn hai ngàn năm qua, sức sống được Chúa Thánh Thần thông ban cho các môn đệ đã tràn ngập thế giới, đã trở thành lẽ sống của không biết bao nhiêu người. Chính nhờ sức sống ấy mà các tín hữu Kitô tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và sống đúng ơn gọi làm người của mình. Sống công bình, sống bác ái, sống phục vụ, sống quên mình không phải là độc quyền của người Kitô giáo. Tôn giáo nào cũng đề cao những giá trị ấy; giới răn yêu thương cũng không phải là giới răn riêng của các tín hữu Kitô chúng ta. Thế nhưng Chúa Giêsu đã ban bố giới răn ấy như một giới răn mới mẻ và là riêng của Ngài, bởi vì Ngài ban chính sức sống và tình yêu của Ngài cho các tín hữu để họ yêu thương bằng chính tình yêu của Ngài.

Chúa Giêsu chính là tình yêu, Chúa Giêsu chính là sức sống của các tín hữu. Chúng ta họp nhau cử hành thánh lễ của mỗi ngày Chúa Nhật để xin Chúa Kitô bổ sức cho chúng ta, để chúng ta tiếp tục sống, để cho mọi người thấy rằng, Ngài thật sự là Đấng đang hiện diện và tác động trong chúng ta, Ngài chính là lẽ sống mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta, Ngài là sức mạnh để chúng ta tiếp tục chiến đấu, Ngài là niềm hy vọng để chúng ta tiếp tục tiến bước.

Veritas Radio

Biển Đông và Giáo hội Công giáo: Phỏng vấn Đức cha Nguyễn Thái Hợp

Biển Đông và Giáo hội Công giáo: Phỏng vấn Đức cha Nguyễn Thái Hợp

Đức Cha Nguyễn Thái Hợp ra mắt sách tại Philadelphia 05-11-2014

 

Đức Giám mục giáo phận Vinh Nguyễn Thái Hợp đang có chuyến làm việc tại Hoa Kỳ. Ngày 11/5 ông giới thiệu quyển sách Công lý và Hòa bình trên biển Đông tại thành phố Philadelphia. Kính Hòa có cuộc trao đổi với ông về đề tài biển Đông và Giáo hội Công giáo Việt nam.

Hòa bình và Công lý ở Biển Đông

Kính Hòa: Dạ thưa kính chào đức cha, đầu tiên KH xin cảm ơn Đức Cha đã giành cho Đài ACTD buổi phỏng vấn này.

Câu hỏi đầu tiên: Trong tình hình hiện thời như Đức Cha cũng biết là đang có những biến chuyển mới ở Biển Đông, và Đức Cha đã có cho ra mắt quyển sách HBVCL ở Biển Đông, thưa Đức Cha xin Đức Cha cho biết làm  thế nào để có được cả hai điều hòa bình và công lý ở Biển Đông?

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Xin chân thành cảm ơn anh KH và các thính giả của ĐACTD, tôi rất vui mừng là có sự trùng hợp đặc biệt mà tôi có mặt ở đây để nói chuyện về đề tài bức xúc đối với người dân VN. Nói về quyển sách HBVCL. Đó là kết quả cuộc tọa đàm dự định tổ chức năm 2011, nhưng ở thời điểm đó chúng tôi cũng như tất cả những người băn khoăn với đề tài Biển Đông gặp khó khăn, khó khăn từ phía nhà cầm quyền đối với những người cộng tác, đối với những người chủ trương. Tuy nhiên sau đó theo yêu cầu của nhiều anh em, chúng tôi đã phát hành cuốn sách đó, lưu hành nội bộ, tức là chỉ phát hành rất ít cho một số anh em để họ sử dụng; và từ năm ngoái một số anh em trong phong trào giáo dân đã muốn cho phát hành cuốn sách đó ở bình diện rộng lớn hơn, ở Hoa Kỳ này; do đó hôm nay tôi đến HK để tham dự lễ hội Đức mẹ La vang ở Houston, sau đó tôi sang đây để phát hành cuốn sách đó tại Houston, DC, Philadelphia và một số nơi k hác…

Đề tài của cuốn sách là nói lên tham vọng của TQ đối với Biển Đông, chủ trương đường lưỡi bò của TQ, chủ trương bị rất nhiều người phản đối, nhưng TQ với thâm mưu và ý đồ vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương đó theo tính cách tằm ăn giông, theo kiểu vết dầu loang và theo nhiều chuyên viên mà anh cũng đã nhận  thấy đó, thì TQ đã lựa chọn một thời điểm rất là thích hợp khi mà VN đang hồ hởi mừng chiến thắng ĐB, rồi mừng 30/04 và khi mà HK cũng đang vướng bận với những dễn biến tại Ukraina, thì TQ đã cho giàn khoan 981 vào Biển Đông, vào vùng lãnh thổ VN. Sự kiện đó đã đặt ra rất nhiều vấn đề cho nhà cầm quyền VN và đặc biệt là cho người VN trong và ngoài nước.

Kính Hòa: Thưa Đức Cha, trong quyển sách đó Đức Cha đưa ra những gợi ý nào, có chuyên chở những ý kiến gì cho người đọc trong vấn đề công lý và hòa bình?

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Cuốn sách đó đã viết cách đây 3 năm, 3-4 năm, và chúng tôi đã bắt đầu thảo luận vấn đề Biển Đông từ năm 2008-2009. Năm 2009 là lần đầu tiên câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình tổ chức tọa đàm về Biển Đông và hải đảo VN thì cũng đã nghĩ tới vấn đề Biển Đông, vì đã nghĩ tới vấn đề lãnh thổ VN theo công ước quốc tế về luật biển. Cũng như trong bối cảnh hôm nay thì lãnh thổ VN không chỉ tính trên đất liền, và nói chung nó có thể lớn gấp ba lần lãnh thổ mà chúng ta….. và trước áp lực “đường lưỡi bò” thì lãnh thổ VN sẽ bị giới hạn, và hôm nay chúng ta đang thấy điều lo sợ đó đang trở thành hiện thực.

Và một trong những ý tưởng mà anh em trao đổi là cần phải quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, chứ không thể tiếp tục đối thoại song phương với TQ. Chính cái kiểu đối thoại song phương của 2 nhà nước đã đưa VN vào thế bí  như hiện nay, và thảm họa mất nước, mất dần lãnh thổ là điều chúng ta đang nhìn thấy trước mắt. Vì nghĩ như vậy nên chúng tôi cho rằng cần phải quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, VN cần phải đưa vấn đề Biển Đông, đưa câu chuyện giàn khoan, câu chuyện Hoàng sa-Trường Sa, chuyện “đường lưỡi bò”… ra trước quốc tế và LHQ như Philippines đã làm, để nhờ trọng tài quốc tế phân xử.

Kính Hòa: Thế thì trong biến chuyển vừa qua, như Đức Cha cũng biết, cách đây vài tiếng đồng hồ là ông TT VN NTD đã lên tiếng rất mạnh mẽ tại HNTĐ ASEAN tại Miến Điện, vậy thì theo Đức Cha đây có phải là bước đầu tiên mà VN đưa vấn đề Biển Đông ra quốc tế không ạ?

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Chúng tôi hy vọng rằng sự kiện giàn khoan 981 sẽ giúp chính quyền VN nhìn lại chính sách của họ trong thời gian qua. Nhân dịp này cũng xin cảm ơn các bộ đội biên phòng, cảnh sát biển trong phạm vi khả năng và quyền hạn của họ đã chiến đấu bảo vệ lãnh thổ; nhưng cũng mong rằng chính quyền nên có một chính sách nhất quán hơn mới có thể cứu vãn được biên giới và lãnh thổ VN. Trước đây Thủ tướng NTD cũng có những tuyên bố về vấn đề Biển Đông, chúng tôi đã có trích dẫn những tuyên bố đó đưa vào quyển sách; những tuyên bố đó cũng được nhiều người hoan nghênh.

Nhưng rồi cũng đâu lại vào đó, và cuối cùng chúng ta phải đối đầu với một thực trạng là nhà nước vẫn có một chính sách quá ôn hòa mà một số người đã gọi là “hèn” đối với TQ; trong khi đó bạo lực và quá bạo lực đối với dân, nhất là đối với những người đã lên tiếng phản đối TQ. Tại sao lại làm như vậy?! Hy vọng vụ giàn khoan 981 sẽ là một thực tế, một thực tế đau lòng, nhưng hy vọng là thực tế ấy sẽ giúp chính quyền nhìn ra sự thật, để không còn tin tưởng vào nơi 16 chữ vàng để đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi của đảng phái và ý thức hệ; ngõ hầu tạo được miền tin nơi những ngưới VN trong và ngoài nước.

Tôi không phải là chính trị gia, nhưng tôi nghĩ rằng để đưa được người VN, dân tộc VN ra khỏi bước ngoặt quan trọng và thê thảm hiện nay thì cần phải có sự đoàn kết của  những người VN trong cũng như ngoài nước, những người VN thuộc những chính  kiến, đảng phái và tôn giáo khác nhau. Đã có người gọi đó là một Hội nghị Diên Hồng mới.

Tình hình sinh hoạt tôn giáo trong nước

 

Kính Hòa: Xin cám ơn Đức Cha trong phần nói chuyện về đề tài Biển Đông. Xin Đức Cha giành cho chúng tôi thêm vài phút để chuyển qua một đề tài khác. Và cũng như mọi người VN trên thế giới đã theo dõi thời sự đều biết đến câu chuyện xảy ra năm ngoái ở giáo xứ Mỹ Yên, đều biết rằng Đức Cha là người đứng đầu sóng ngọn gió. Thế thì gần một năm sau thì Đức Cha có thể cho biết tình hình sinh hoạt tôn giáo nói chung, và ở giáo xứ Vinh giáo phận mà Đức Cha phụ trách hiện nay như thế nào?

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Cách đây ít lâu có người đặt câu hỏi cho chúng tôi là tình hình giáo hội công giáo ở VN như thế nào: là xấu, tốt, hay trung bình.

Thật là khó lòng diễn tả một tình hình phức tạp chỉ với một trong ba chữ là xấu tốt hay trung bình, nhưng nếu phải lựa chọn, hay nếu phải xếp hạng thì đúng hơn, thì tôi nghĩ là trung bình, hay đúng hơn là trung bình thấp, tùy theo cái nhìn, tùy theo điều kiện cụ thể từng nơi.

Riêng đối với giáo phận chúng tôi thì tôi có đặt câu hỏi với một số quan chức VN là tại sao có xảy ra vụ Mỹ Yên, hay nếu hỏi một cách da diết hơn thì câu hỏi là anh có ý đồ gì khi đưa ra vụ Mỹ Yên thì tại sao phải huy dộng đến  hơn 1 ngàn cảnh sát cơ động có trang bị hơi cay và chó nghiệp vụ, tại sao huy động cả quân đội có vũ trang để đến đó là cuối cùng chỉ thực sự đối diện với mấy chục người dân tay không chứ cũng chả có gậy gộc súng ống gì cả. Cái đó là do nghe nói giáo dân Mỹ Yên đã chuẩn bị vũ trang để khởi nghĩa… cuối cùng thành ra cũng chỉ như đánh nhau với gió. Tôi cũng đã băn khoăn đặt câu hỏi tại sao.

Từ ngày đó đến hôm nay chúng tôi vẫn đối thoại, hai bên vẫn có những cuộc gặp gỡ và cuối cùng cũng có hai người giáo dân Mỹ Yên được trả tự do trước thời hạn, tức là được về mừng lễ giáng sinh với gia đình. Có một quan chức đã bảo tôi xin giám mục làm sao để dân chúng đừng có lên đón họ như những chiến sĩ vinh quang trở về, mà cứ để cho họ về âm thầm thôi, thì tôi cũng thấy là không cần thiết phải làm như vậy, nên hai người đó đã được về nhà một cách âm thầm. Nhưng sau đó bà con đã tổ chức lễ hội ba ngày liền để mừng họ. Ước mong rằng trong tương lai sẽ không có những chuyện như vậy xảy ra nữa, trong thế kỷ 21.

Kính Hòa: Thưa Đức Cha theo cách đánh giá của Đức Cha thì hiện nay tình hình hoạt động của giáo hội công giáo VN là ở mức trung bình, hay thấp hơn trung bình một chút. Vậy theo Đức Cha thì trong tương lai có thể làm gì để cho tình hình nó khá hơn ạ?

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Vấn đề đó không phải chỉ lệ thuộc vài giáo hội mà thôi, mà điều đó thì nhà cầm quyền cũng phải nghĩ đến tiến trình đó, để thực hiện những quyền con người, những hiệp ước mà nhà cầm quyền đã từng ký, mà mới đây như anh cũng biết là VN đã được đề nghị đưa vào Hội dồng Nhân quyền LHQ. Đó là một vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm, làm sao để người ta có thể tin tưởng là VN là thành viên, và có ứng xử đúng tư cách là thành viên, chứ như trong  thười gian qua thì VN đã có quá nhiều chuyện xảy ra, và có lẽ công an có quá nhiều  quyền như trong thời gian vừa qua thì có lẽ đó là điều lệ thuộc rất nhiều vào chính quyền, vào những quyết định và ứng xử của họ.

Chúng tôi cầu mong đất nước được an bình hơn, người Việt sẽ đoàn kết với nhau hơnđể có thể đối phó với ngoại xâm, nạn ngoại xâm mà VN đã phải đối đầu suốt chiều dài lịch sử là nước phương Bắc, do cái tham vọng ngàn đời của họ, tham vọng Đại Hán. Để như vậy cần phải động viên tất cả năng lực, đoàn kết, nhất trí của mọi người.

Kính Hòa: Dạ thưa Đức Cha vừa nhắc tới chuyện là tình hình sắp tới nếu muốn tốt hơn thì có phần lệ thuộc vào chính quyền thì có vẻ như là chính quyền VN hiện nay vẫn e ngại những tổ chức giáo hội nằm ngoài sự kiểm soát của họ. Làm thế nào để họ không e ngại điều đó nữa?

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Chúng tôi cũng không thể trả lời anh câu hỏi đó vì xưa nay chúng tôi vẫn luôn mơ tới điều mà ĐGH Biển Đức 16 đã nói, đó là người công giáo tốt cũng là  người công dân tốt. Tất cả tín hữu công giáo VN đang cố gắng làm người giáo dân tốt, và là người công dân tốt. Người công dân tốt là người bận rộn và lo lắng cho vận mệnh đất nước, chính vì vậy trong một số bài viết chúng tôi có nêu rõ chúng tôi không đồng ý với quan điểm đồng hóa đất nước với một chế độ chính trị, cũng không thể nói yêu nước là yêu CNXH.

Bởi vì nhìn lại lịch sử dân tộc qua các triều đại, từ đời Ngô, đời Đinh, đời Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… cho tới chế độ hiện tại, thì tất cả các triều đại đó, chế độ đó cũng phải tới lúc chuyển giao cho triều đại khác, chế độ khác. Nhưng mà đất nước chúng ta vẫn còn đấy, và không ai có quyền đồng hóa một chiều dài lịch sử của dân tộc với một thể chế chính trị…. và chúng tôi đều mong muốn giáo dân tốt cũng là công dân tốt, nên vì vậy Hội đồng Giám mục VN trong văn thư vừa rồi đã thể hiện sự băn khoăn trước tình hình Biển Đông và dân  tộc đã yêu cầu nhà cầm quyền đừng đồng hóa đất nước với chế độ, và yêu cầu nhà cầm quyền nên xét lại mối tương quan giữa VN với TQ vì mối tương quan đó đang gây tác hại cho đất nước trong giai đoạn hiệntại.

Kính Hòa: Xin chân thành cảm ơn Đức Cha đã dành cho ĐACTD cuộc nói chuyện này.

ĐGM Nguyễn Thái Hợp: Tôi xin cảm ơn anh KH, cảm ơn Ban Giám Đốc ĐACTD, và cảm ơn quý bạn nghe đài.

Trích từ RFA