Mọi Kitô hữu đều được mời gọi an ủi tha nhân

Mọi Kitô hữu đều được mời gọi an ủi tha nhân

Hôm nay qua miệng của ngôn sứ Isaia Chúa mời gọi chúng ta trở thành các sứ giả sự ủi an của Thiên Chúa, và các chứng nhân lòng thương xót và hiền dịu của Người, đối với những ai bị khổ đau, bất công áp bức, đối với những ai làm nô lệ cho tiền bạc, quyền bính, thành công và ăn chơi trần tục.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 50 ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng 7-12-2014.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, Chúa Nhật hôm nay ghi dấu chặng thứ hai của Mùa Vọng, là thời gian tuyệt vời thức tỉnh trong chúng ta sự chờ đợi Chúa Kitô trở lại và việc tưởng niệm lần đến lịch cử của Người. Đức Thánh Cha giải thích lý do như sau:

Phụng vụ hôm nay giới thiệu với chúng ta một sứ điệp tràn đầy hy vọng. Đó là lời Chúa mời gọi qua miệng ngôn sứ Isaia: “Hãy an ủi hãy an ủi dân Ta, Thiên Chúa các ngươi phán” (Is 40,1). Cuốn sách của sự ủi an bắt đầu với các lời này, trong đó ngôn sứ hướng tới dân bị đi đầy lời loan báo tươi vui của sự giải phóng. Thời gian khốn khó đã hết; dân Israel có thể tin tưởng nhìn về tương lai: việc hồi hương đang chờ đón họ.

Ngôn sứ Isaia hướng tới nhũng người đang trải qua một giai đoạn đen tối, vì đã chịu một thử thách cam go; nhưng giờ đây đã tới thời an ủi. Nỗi buồn sầu và sự sợ hãi có thể nhường chỗ cho niềm vui, bởi vì chính Chúa sẽ hưóng dẫn dân Người trên con đường giải thoát và cứu rỗi. Người sẽ làm điều đó như thế nào? Với sự lo lắng và lòng hiền dịu của một mục tử chăm sóc đàn chiên của mình, Thậv thế, Người sẽ ban cho đàn chiên sự hiệp nhất và an ninh, Người sẽ chăn dắt nó, sẽ tụ tập các con chiên lạc trong ràn chiên của Người, Người sẽ đặc biệt chú ý tới các con chiên mỏng giòn và yếu đuối. Đó là thái độ Thiên Chúa có đối với các thụ tạo của Người. Vì thế ngôn sứ mời gọi những ai lắng nghe ông – kể cả chúng ta ngày nay nữa – phổ biến sứ điệp hy vọng này giữa dân chúng.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Nhưng chúng ta không thể là các sứ giả sự ủi an của Thiên Chúa, nếu chúng ta không là những người đầu tiên sống kinh nghiệm niệm vui được Người an ủi và yêu thương. Điều này đặc biệt xảy ra, khi chúng ta lắng nghe lời Chúa, lắng nghe Tin Mừng, mà chúng ta phải mang theo trong túi: anh chị em đừng quên điều đó, mang sách Tin Mừng trong túi hay trong xách tay, để đọc liên tục. Và điều này trao ban cho chúng ta niềm an ủi: khi chúng ta thinh lặng cầu nguyện trước sự hiện diện của Chúa, khi chúng ta gặp Người trong bí tích Thánh Thể hay trong bí tích Hòa Giải. Tất cả những điều đó an ủi chúng ta.

Vì thế chúng ta hãy để vang vọng lên trong con tim chúng ta trong Mùa Vọng này lời ngôn sứ Isaia mời gọi: “Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta”! Ngày nay cần có những người là chứng nhân lòng thương xót và sư diụ hiền của Thiên Chúa, để lay động những người chịu trận, tái linh hoạt những người mất tin tưởng, thắp sáng lên ngọn lửa hy vọng. Thiên Chúa thắp sáng lên ngọn lửa hy vọng, chứ không phải chúng ta.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Có biết bao nhiêu tình trạng xin chứng tá an ủi của chúng ta. Là những người sống tươi vui, được an ủi. Tôi nghĩ tới những ai bị khổ đau, bất công, áp bức, những ai làm nô lệ cho tiền bạc, quyền bính, thành công và ăn chơi trần tục. Những người thật đáng thương! Họ có các ủi an giả tạo, chứ không phải sư an ủi thật của Chúa. Chúng ta tất cả đều được mời gọi an ủi các anh chị em của chúng ta bằng cách làm chứng rằng chỉ có Chúa mới có thể loại bỏ các nguyên do của các thảm cảnh hiện sinh và tinh thần. Ngài có thể làm điều ấy! Ngài quyền năng!

Sứ điệp của ngôn sứ Isaia vang vọng lên trong ngày Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng là một dầu thơm xức trên các vết thương của chúng ta, và là một kích thích dấn thân chuẩn bị đuờng của Chúa. Thật thế, hôm nay ngôn sứ ngỏ lời với con tim của chúng ta để nói rằngThiên Chúa quên đi các tội lỗi của chúng ta và an ủi chúng ta. Nếu chúng ta tín thác nơi Người với con tim khiêm tốn và sám hối, Người sẽ triệt hạ các bức tường của sự dữ, sẽ làm đầy các lỗ thiếu sót của chúng ta, sẽ san bằng các gò nổng của kiêu căng và khoe khoang và sẽ mở ra con đường gặp gỡ với Người.
Thật là lạ, nhưng biết bao lần chúng ta sợ hãi sự an ủi, sợ hãi được ủi an. Trái lại, chúng ta cảm thấy an ninh hơn trong sự buồn sầu và trong cảnh não nề. Anh chị em biết tại sao không? Bởi vì trong sự buồn sầu chúng ta cảm thấy mình như là các tác nhân. Trái lại trong niềm an ủi chính Chúa Thánh Thần là tác nhân! Chính Người an ủi chúng ta, chính Người trao ban cho chúng ta lòng can đảm ra khỏi chính mình. Chính Người đưa chúng ta tới suối nguồn của mọi ủi an, nghĩa là tới Thiên Chúa Cha. Và đó là sự hoán cải. Vậy xin anh chị em hãy để cho mình được Chúa an ủi! Hãy để Chúa an ủi anh chị em!

Đức Trinh Nữ Maria là “con đường” mà chính Thiên Chúa đã chuẩn bị dể đến trong thế gian. Chúng ta hãy tín thác nơi Mẹ việc mong chờ ơn cứu độ và hòa bình của tất cả mọi người trong thời đại chúng ta.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã chào tín hữu Roma và du khách hành hương đến từ nhiều nơi trong nước Italia và trên thế giới. Ngài xin mọi người để cho mình được Chúa an ủi và đừng quên cầu nguyện cho ngài. Đức Thánh Cha chúc tất cả ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tươi vui và thánh đức.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tái liên đới với người tị nạn Iraq

Đức Thánh Cha tái liên đới với người tị nạn Iraq

VATICAN. ĐTC Phanxicô tái bày tỏ tình liên đới với các tín hữu Công Giáo Iraq tị nạn vì bị những kẻ khủng bố cực đoan đánh đuổi đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế góp phần giải quyết các cuộc xung đột đẫm máu tại Trung Đông.

Trên đây là nội dung sứ điệp Video của ĐTC được ĐHY Philippe Barbarin, TGM Lyon bên Pháp phổ biến chiều ngày 6-12-2014 nhân dịp hướng dẫn một phái đoàn giáo phận thuộc quyền đến thăm các tín hữu tị nạn tại thành phố Erbil thủ phủ miền Kurdistan bắc Iraq, trong vòng 48 tiếng đồng hồ từ ngày 5-12-2014.

Trong sứ điệp ĐTC cho biết ngài rất muốn đến thăm các tín hữu Irak tị nạn đang chịu đau khổ khôn tả. Ngài nói: ”Tôi nghĩ đến những vết thương, những đau đớn của các bà mẹ với các con nhỏ, những người già và người phải di tản, các vết thương của các nạn nhân đủ loại bạo lực.. Các tín hữu Kitô và những người Yézidi bị trục xuất khỏi gia cư của họ, phải bỏ lại mọi sự để thoát thân, và để khỏi phải chối bỏ tín ngưỡng của mình. Bạo lực cũng vùi dập các nhà thờ, đền đài, biểu tượng tôn giáo và gia sản văn hóa, hầu như muốn xóa bỏ mọi vết tích, mọi ký ức của người khác…

”Trong tư cách là các vị lãnh đạo tôn giáo, chúng tôi có nghĩa vụ phải tố giác mọi sự vi phạm phẩm giá và các quyền con người!”

ĐTC cũng nói rằng: ”Ngày hôm nay tôi muốn đến gần anh chị em là những người đang chịu đựng đau khổ ấy, gần gũi anh chị em.. Và tôi nghĩ đến Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Người đã nói rằng mình và Giáo Hội cảm thấy như một cây sậy: khi gió bão thổi tới, cây sậy gập mình nhưng không gẫy! Trong lúc này anh chị em là cây sậy ấy, anh chị em bị gập mình vì đau khổi, nhưng anh chị em có sức mạnh để tiếp tục niềm tin, là chứng tá cho chúng tôi. Anh chị em là cây sậy của Thiên Chúa ngày nay!..”

Trong thông cáo công bố trước khi lên đường ĐHY Philippe Barbarin cho biết cuộc viếng thăm này là một giai đoạn mới trong việc kết nghĩa giữa Tổng giáo phận Lyon và giáo phận Mossul ở miền bắc Iraq từ tháng 7 năm nay. Sự trợ giúp tài chánh của giáo phận Lyon giúp tái định cư hàng ngàn gia đình, không phân biệt là tín hữu Kitô hay không.

Phái đoàn gồm khoảng 100 người thiện nguyện, tự bỏ tiền túi, để tham gia cuộc viếng thăm ủy lạo này. Họ được Đức Thượng Phụ Louis Sako, Giáo chủ Công Giáo Canđê, tiếp đón tại thành phố Erbil.

ĐHY Barbarin cũng nói rằng: ”Chúng tôi đi cầu nguyện, không những cho các anh chị em Irak như chúng tôi đã làm từ nhiều tháng nay, nhưng còn cầu nguyện với họ. Đây là một cuộc hành hương trong đó chúng tôi đồng hành với nhau. Tôi biết chúng tôi sẽ được phong phú nhiều nhờ tham dự phụng vụ, truyền thống, linh đạo của các tín hữu Công Giáo Canđê và đón nhận chứng tá đức tin của họ”.

Trong chương trình, phái đoàn cũng viếng thăm khu nhà được xây cất nhờ tài trợ của Quỹ Thánh Irénée và Mérieux ở Lyon, cũng như của thành phố này và vùng Lyon. (SD, Apic 6-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Đồng Giám Mục Thụy Sĩ

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Đồng Giám Mục Thụy Sĩ

VATICAN. Sáng 1-12-2014, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến 11 GM của 6 giáo phận tại Thụy Sĩ và ngài kêu gọi Giáo Hội tại nước này nỗ lực duy trì đức tin sinh động tại quê hương mình.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có hai cha Bề trên của hai Đan viện biệt hạt cổ kính, Einsiedeln của dòng Biển Đức và Saint-Maurice của dòng Kinh sĩ thánh Augustino.

Trong bài huấn dụ trao cho các GM, ĐTC nói đến sự kiện năm tới đây, 2015, Đan viện Saint-Maurice sẽ mừng kỷ niệm 1.500 năm đời sống tu trì liên tục, không hề bị gián đoạn, đây là một sự kiện ngoại thường trong toàn Âu Châu. Ngài viết: ”Anh em thân mến, anh em có trách nhiệm lớn lao và đẹp đẽ duy trì đức tin sinh động tại đất nước anh em. Nếu không có niềm tin sinh động nơi Chúa Kitô phục sinh, thì những thánh đường và đan viện đẹp đẽ sẽ dần dần trở thành bảo tàng viện, và tất cả những công trình đáng ca ngợi và các tổ chức sẽ mất hồn, và chỉ để lại mội trường chung quanh trống rỗng và những con người bị bỏ rơi”.

Ám chỉ đến một số vùng tại Thụy Sĩ, có những giáo dân chống đối Giám Mục và muốn điều khiển Giáo Hội, buộc các chủ chăn phải chiều ý họ, ĐTC khẳng định rằng: ”Sứ mạng được ủy thác cho anh em là chăn dắt đoàn chiên, theo những hoàn cảnh, đi trước, đi giữa và đi sau họ. Dân Chúa không thể tồn tại mà không có các vị mục tử là các GM và linh mục; Chúa đã ban cho Giáo Hội hồng ân là sự kế truyền các Tông Đồ, để phục vụ sự hiệp nhất trong đức tin và để đức tin được thông truyền trọn vẹn (Xc LG 49). Đó là một hồng ân quí giá, với đoàn thể tính từ đó mà ra, nếu chúng ta biết làm cho hồng ân ấy trở nên hữu hiệu, để cao giá trị của nó để nâng đỡ nhau, để sống và dẫn dắt những người được ủy thác cho chúng ta đến cùng Chúa..”.

Trong bài huấn dụ trao cho các GM Thụy Sĩ, ĐTC cũng nhắc nhở các vị tiếp tục nỗ lực huấn luyện các chủng sinh, vì điều này có liên hệ tới tương lai Giáo Hội. Ngài viết: ”Giáo Hội cần những LM ngày càng đạt được sự quen thuộc vững chắc với Truyền Thống và Giáo huấn của Hội Thánh, để cho mình được gặp Chúa Kitô, và trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, dẫn đưa con người trên những nẻo đường của Chúa (Xc Ga 1,40-42). Để được vậy, cần dạy cho các chủng sinh càng ngày càng ở trước mặt Chúa, đón nhận Lời Chúa, nuôi dưỡng mình bằng Thánh Thể, làm chứng về giá trị cứu độ của bí tích hòa giải và tìm kiếm những ”điều thuộc về Chúa Cha” (Xc Lc 2,49).

ĐTC viết thêm rằng: ”Trong đời sống huynh đệ các chủng sinh tìm được một sự nâng đỡ hữu hiệu đứng trước cám dỗ co cụm vào mình hoặc sống tiềm thể, và họ cũng tìm được thuốc giải độc chống lại sự cô đơn nhiều khi nặng nề. Tôi mời gọi anh em quan tâm đến các linh mục của mình, dành thời giờ cho họ, nhất là những LM đã rời xa hoặc quên ý nghĩa tình phụ tử của Giám Mục, hoặc nghĩ rằng mình chẳng cần Giám Mục. Một cuộc đối thoại khiêm tốn, chân thành và huynh đệ nhiều khi giúp một cuộc khởi hành mới”.

Trong số gần 8 triệu dân cư ở Thụy Sĩ, hiện có khoảng 43% là tín hữu Công Giáo, 33% theo Tin Lành và 1,8% theo Chính Thống giáo (SD 1-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha bàn về chán nản và hy vọng

Đức Thánh Cha bàn về chán nản và hy vọng

Thực tại có thể bẽ bàng, nhưng bất chấp đau khổ, băng hoại và sự thờ ơ trong thế giới ngày nay, là những Kitô hữu chúng ta phải ngẩng cao đầu trong hy vọng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong thánh lễ sáng thứ Năm, 27 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Suy tư trên các bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về số phận của hai thành Babylon và Giêrusalem. Ngài chỉ ra rằng cả hai bài đọc trích từ sách Khải Huyền và từ Tin Mừng của Thánh Luca đều lôi cuốn sự chú ý của chúng ta đến thời kỳ thế mạt.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng các bài đọc đã đề cập đến sự sụp đổ của hai thành phố đã từ chối đón nhận Chúa và xa lánh Ngài. Hai thành phố này đã sụp đổ vì những lý do khác nhau. Babylon là “biểu tượng của sự dữ, và tội lỗi” và “sụp đổ vì sự băng hoại của nó”. Thành phố này tin rằng nó là “phi tần của thế giới và của chính nó”. Khi “tội lỗi chất chứa anh chị em sẽ mất khả năng chống trả và bắt đầu băng hoại”. Điều này cũng xảy ra với “một dân tộc băng hoại, là những người không còn sức để chống trả nữa”.

“Sự băng hoại đem lại cho con người chút hoan lạc nào đó. Nó đem lại cho anh chị em quyền lực và làm cho anh chị em cảm thấy hài lòng với chính mình. Nhưng nó khiến cho chúng ta không còn chỗ cho Chúa, cho sự ăn năn hoán cải. Kinh thành này băng hoại … Từ ‘băng hoại’ nói với chúng ta rất nhiều điều. Không chỉ băng hoại trong kinh tế, nhưng còn băng hoại với nhiều thứ tội lỗi đa dạng, băng hoại của một tinh thần ngoại giáo, tinh thần thế gian!

Nền “văn hóa băng hoại” làm cho anh chị em cảm thấy như đang ở trên thiên đường, ngay tại thế này” nhưng “bên trong, nền văn hóa băng hoại là một nền văn hóa thối nát”. Babylon là biểu tượng cho “mọi xã hội, mọi nền văn hóa trong đó con người tách mình ta khỏi Thiên Chúa. Họ tách ra khỏi tình yêu tha nhân và cuối cùng dẫn đến thối nát”.

Giêrusalem lại sụp đổ “vì lý do khác”. Giêrusalem là hôn thê của Thiên Chúa, nhưng lại không đón nhận Đấng Phu Quân của mình. Nó làm Chúa Giêsu bật khóc”.

Babylon sụp đổ vì băng hoại; còn Giêrusalem thì vì mất đi căn tính của mình, đã không tiếp nhận Chúa, là Đấng đến để giải thoát mình. Cô dâu này thấy không cần đến ơn cứu độ. Kinh thành này đã có luật của Mosê, và nó cảm thấy như thế là đủ rồi. Nhưng những luật lệ ấy là những bản văn đóng kín làm cho kinh thành ấy không còn chỗ cho ơn cứu độ. Nó đã đóng cửa không để Chúa đến. Ngài đã đến gõ cửa nhà nhưng gia nhân Ngài đã không tiếp nhận Ngài. Họ đã không lắng nghe tiếng Ngài hầu được cứu sống. Và vì vậy Giêrusalem sụp đổ.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng sự sụp đổ của hai thành này giúp chúng ta suy nghĩ về thái độ sống của chính chúng ta. Chúng ta có “băng hoại như Babylon và tự mãn như Giêrusalem” hay không?

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “sứ điệp của Giáo Hội trong những ngày này không kết thúc với sự hủy diệt. Thật thế, cả hai bài đọc đều chứa đựng những lời hứa đầy hy vọng”. Chúa Giêsu khích lệ chúng ta ngẩng đầu lên “đừng sợ hãi trước phường ngoại giáo.” Những kẻ này “có thời của chúng, và chúng ta phải kiên nhẫn, như Chúa đã kiên nhẫn chịu đựng cuộc Thương Khó của Ngài.”

“Khi chúng ta nghĩ về thời thế mạt, với tất cả những tội lỗi của chúng ta, lịch sử của chúng ta, chúng ta hãy nghĩ đến bàn tiệc sẽ được ban cho chúng ta cách nhưng không và chúng ta hãy ngẩng đầu lên. Đừng chiều theo tuyệt vọng! nhưng hãy hy vọng! Thực tế có thể bẽ bàng: có rất nhiều người, nhiều thành phố và dân chúng sẽ phải chịu đau khổ, với cơ man những cuộc chiến tranh, vô vàn những thù hận, và ghen tị, tinh thần thế gian thống trị thế giới và bao nhiêu những băng hoại. Vâng, thật thế! Nhưng tất cả những điều này sẽ qua đi! Chúng ta hãy nài xin Chúa ban ơn để biết luôn luôn sẵn sàng cho bàn tiệc đang đón đợi chúng ta, và luôn luôn biết ngẩng cao đầu”.

Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung 15 ngàn tín hữu hành hương: 26-11-2014

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung 15 ngàn tín hữu hành hương: 26-11-2014

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung các tín hữu hành hương sáng thứ tư, 26-11-2014, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa ngày tận thế.

Tuy trời mưa nhưng cũng đã có khoảng 15 ngàn tín hữu hành hương từ các nước đến tham dự cuộc tiếp kiến ngoài trời của ĐTC Phanxicô tại Quảng trường thánh Phêrô.

ĐTC tiến vào quảng trường lúc 9 giờ 45 trên chiếc xe Jeep màu trắng có mái che mưa để chào thăm các tín hữu, ôm hôn và chúc lành cho các em bé được nhân viên an ninh bế đưa lên ngài.

Lên tới lễ đài ở thềm Đền thờ, ĐTC khởi sự buổi tiếp kiến với dấu Thánh giá và lời chào phụng vụ. Và sau phần tôn vinh lời Chúa với bài đọc ngắn bằng 5 thứ tiếng, trích từ thư thánh Phaolo gửi tín hữu Roma nói về viễn tượng tận thế, vũ trụ này sẽ được biến đổi, ĐTC đã tiếp tục loạt bài huấn giáo về Giáo Hội, và ngài nói về Giáo Hội lữ hành hướng về quê trời:

Huấn dụ của ĐTC

”Anh chị em thân mến, chào anh chị em! Hôm nay trời hơi xấu, nhưng anh chị em thật can đảm. Tôi ca ngợi anh chị em. Chúng ta hy vọng có thể cùng nhau cầu nguyện hôm nay.

Khi trình bày Giáo Hội cho con người thời nay, Công đồng chung Vatican 2 ý thức rõ một chân lý cơ bản không bao giờ được quên, đó là: Giáo Hội không phải là một thực tại tĩnh, đứng im, mục tiêu cho chính mình, nhưng Giáo Hội liên tục tiến bước trong lịch sử, hướng về mục tiêu tối hậu và tuyệt vời là Nước Trời, và Giáo Hội ngay tại trần thế này là mầm mống và là khởi đầu của Nước ấy (Xc LG 5). Khi hướng về chân trời đó, chúng ta nhận thấy trí tưởng tượng của chúng ta khựng lại, chỉ có thể trực giác được phần nào sự huy hoàng của mầu nhiệm vượt lên trên giác quan của chúng ta. Và tự nhiên nổi lên trong chúng ta một số câu hỏi: khi nào thì giai đoạn chót sẽ đến? Chiều kích mới mà Giáo Hội sẽ bước vào như thế nào? Nhân loại lúc ấy ra sao? và thiên nhiên bao quanh chúng ta sẽ thế nào? Những câu hỏi này không mới mẻ gì, các môn đệ của Chúa Giêsu thời ấy cũng đã nêu lên: ”Khi nào thì điều ấy sẽ xảy ra?”.. Khi nào thì Thần Trí chiến thắng thiên nhiên, trên công trình tạo dựng, trên mọi sự..? Đó là những câu hỏi của con người, những câu hỏi đã có từ xưa, và cả chúng ta cũng đặt những câu hỏi như vậy.

1. Hiến chế Vui Mừng và Hy vọng của Công đồng chung Vatican 2, đứng trước những vấn nạn vẫn vang vọng trong tâm hồn con người như thế, đã khẳng định rằng: ”Chúng ta không biết khi nào sẽ đến ngày tận thế và chúng ta không biết cách thức vũ trụ sẽ biến đổi ra sao. Chắc chắn diện mạo của thế giới này qua đi, bị biến dạng vì tội lỗi. Nhưng do mạc khải, chúng ta biết rằng Thiên Chúa chuẩn bị một nơi ở mới và đất mới, trong đó có công lý ngự trị, và hạnh phúc sẽ làm mãn nguyện hoàn toàn mọi ước muốn an bình từ tâm hồn con người” (n.39). Và thế là mục đích mà Giáo Hội hướng tới chính là ”thành Jerusalem mới”, là ”thiên đàng”. Đó không phải là một nơi cho bằng một ”trạng thái” trong đó những mong đợi sâu xa nhất của chúng ta sẽ thành tựu, và cuộc sống chúng ta, trong tư cách là thụ tạo và là con Thiên Chúa, sẽ đạt tới mức độ trưởng thành trọn vẹn. Sau cùng chúng ta sẽ được vinh quang, an bình và tình thương của Thiên Chúa hoàn toàn, không còn chịu giới hạn nào và chúng ta sẽ được diện đối diện với Chúa! (Xc 1 Cr 13,12).

2. Trong viễn tượng này, thật là đẹp khi nhận thấy có sự nối tiếp và hiệp thông sâu xa giữa Giáo Hội thiên quốc và Giáo Hội lữ hành trên mặt đất. Những người đang sống trước nhan Thiên Chúa có thể nâng đỡ và chuyển cầu cho chúng ta, cầu nguyện cho chúng ta. Đàng khác, cả chúng ta cũng luôn được mời gọi dâng những công việc lành, kinh nguyện và Thánh Lễ để xoa dịu sầu muộn của các linh hồn con đang chờ đợi hạnh phúc vô biên. Đúng vậy, vì trong nhãn giới Kitô giáo, không còn phân biệt giữa những người đã chết và những người còn sống, nhưng là giữa người ở trong Chúa Kitô và những người không ở trong Ngài! Đó chính là yếu tố chủ yếu, có tính chất quyết định đối với phần rỗi và hạnh phúc của chúng ta.

3. Đồng thời Kinh Thánh dạy chúng ta rằng sự hoàn thành ý định tuyệt vời này không thể không liên hệ tới tất cả những gì quanh chúng ta và xuất phát từ tư tưởng và tâm hồn của Thiên Chúa. Thánh Phaolô tông đồ khẳng định rõ ràng điều đó khi ngài nói rằng ”cả thụ tạo cũng sẽ được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ sự hư nát, để bước vào trong tự do của vinh quang con cái Thiên Chúa” (Rm 8,21). Các văn bản khác sử dụng hình ảnh ”trời mới” và ”đất mới” (Xc 2 Pr 3,13), Kh 21,1), theo nghĩa toàn thể vũ trụ sẽ được đổi mới và sẽ được giải thoát một lần cho tất cả khỏi mọi vết tích sự ác và cả sự chết. Điều được nhắm tới giống như hoàn thành một sự biến đổi đã khởi sự, trong thực tế, từ cái chết và sự sống lại của Chúa Ktiô, và vì thế đó là một sự tạo dựng mới; đó không phải là một sự tiêu diệt vũ trụ và tất cả những gì bao quanh, nhưng là đưa mọi sự đến mức độ viên mãn, đến chân lý và vẻ đẹp. Đó là ý định của Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, từ đời đời muốn thực hiện và đang thực hiện”.

Và ĐTC kết luận rằng:

”Các bạn thân mến, khi nghĩ đến những thực tại tuyệt vời đang chờ đợi chúng ta, chúng ta thấy rằng được thuộc về Giáo Hội quả là một hồng ân tuyệt vời, mang theo ơn gọi cao cả nhất của chúng ta! Vậy chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Giáo Hội, luôn canh chừng hành trình của chúng ta và giúp chúng ta, giống như Mẹ, trở thành dấu chỉ vui mừng tín thác và hy vọng giữa anh chị em chúng ta”.

Chào thăm và nhắn nhủ


Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các LM và giám chức của Tòa Thánh đã tóm tắt bài này bằng các sinh ngữ khác nhau cũng như dịch những lời ĐTC chào các tín hữu hành hương cùng với những lời nhắn nhủ của ngài.

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nói ”trong lúc năm phụng vụ sắp kết thúc, tôi mời gọi anh chị em hãy suy tư về thực tại lạ lùng của đời sống vĩnh cửu mà chúng ta được mời gọi tiến về và chúng ta hãy xin Mẹ Maria trợ giúp để bước vào đời sống ấy.”

Khi chào các tín hữu hành hương nói tiếng Arập, ngài đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Irak và Trung Đông, và nói rằng: ”Bạo lực, đau khổ và tội lỗi nặng nề phải đưa chúng ta đến chỗ đặt tất cả mọi sự trong công lý của Thiên Chúa, Chúa sẽ phán xét mỗi người theo công việc của họ. Anh chị em hãy kiên cường và gắn bó với Giáo Hội và niềm tin của anh chị em đến độ thanh tẩy thế giới bằng niềm tín thác của anh chị em; hãy biến đổi thế giới bằng niềm hy vọng của anh chị em và chăm sóc thế giới bằng chứng tá tha thứ, yêu thương và kiên nhẫn của anh chị em! Xin Chúa bảo vệ và nâng đỡ anh chị em!

Sau cùng bằng tiếng Ý, ĐTC nói với mọi người rằng: ”Như anh chị em biết, từ thứ sáu này đến chúa nhật tới đây, tôi sẽ thực hiện cuộc tông du tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi mời gọi tất cả hãy cầu nguyện để cuộc viếng thăm của Phêrô nơi người anh em là Anrê mang lại nhiều thành quả an bình, cuộc đối thoại chân thành giữa các tôn giáo và sự hòa hợp trong quốc dân Thổ Nhĩ kỳ.

ĐTC cũng đặc biệt nghĩ đến các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn, và nói rằng: ”Chúa nhật tới đây sẽ bắt đầu Mùa Vọng. Các bạn trẻ thân mến, ước gì sự chờ đợi Đấng Cứu Thế làm cho tâm hồn các bạn tràn đaầy vui mừng; các bệnh nhân thân mến, xin anh chị em đừng mỏi mệt trong việc tôn thờ Chúa Đấng đến nơi chúng ta cả trong thử thách và hỡi các đôi tân hôn thân mến, hãy học yêu thương theo gương Đấng vì yêu thương đã nhập thể để cứu độ chúng ta”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị thế giới kỳ 3 các Phong Trào Giáo Hội

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị thế giới kỳ 3 các Phong Trào Giáo Hội

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các phong trào và cộng đoàn mới của Giáo Hội hãy duy trì vẻ tươi mát của đoàn sủng, tôn trọng tự do của con người và luôn tìm kiếm sự hiệp thông.

Trên đây là nội dung bài huấn dụ của ĐTC trong buổi tiếp sáng thứ bẩy 22-11-2014 dành cho 360 tham dự viên Hội nghị thế giới kỳ 3 các Phong trào Giáo Hội và Cộng đoàn mới nhóm tại Roma từ ngày 20 đến 22-11-2014 về chủ đề ”Niềm vui Phúc Âm: một nhiều vui truyền giáo”. Hội nghị do Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân triệu tập với sự tham dự của các đại biểu của các Phong trào và Cộng đoàn mới trên thế giới, vẫn luôn đối thoại với Hội đồnt Tòa Thánh.

ĐTC mời gọi các Phong trào và cộng đoàn này hãy duy trì vẻ tươi mát của đoàn sủng, luôn canh tân ”mối tình đầu” (Xc Kh 2,4). Thực vậy, với thời gian càng ngày người ta càng bị cám dỗ tự mãn, trở nên cứng nhắc trong các khuôn khổ tuy an ninh nhưng không còn sinh hoa kết trái nữa. ĐTC nói: ”Tuy sự định chế hóa đoàn sủng, một cách nào đó, là cần thiết cho sự sống còn của đoàn sủng, nhưng không được nuôi ảo tưởng theo đó các cơ cấu bên ngoài có thể bảo đảm hoạt động của Chúa Thánh Linh. Sự mới mẻ trong các kinh nghiệm của anh chị em không hệ tại các phương pháp và hình thức, dù chúng là quan trọng, nhưng hệ tại sự sẵn sàng đáp ứng tiếng gọi của Chúa với một niềm hăng say được đổi mới”.

Điểm thứ hai ĐTC nhắn nhủ, đó là các phong trào Giáo Hội và Cộng đoàn mới hãy chống lại cám dỗ muốn thay thế tự do của con người, điều khiển những tự do ấy mà không đợi chúng thực sự trưởng thành. Một sự tiến bộ luân lý hoặc tinh thần đạt được bằng cách dựa trên sự thiếu trưởng thành của con người, chỉ là một thành công bề ngoài và nó sẽ bị chìm đi. Trái lại nền giáo dục Kitô đòi một sự tháp tùng kiên nhẫn, biết chờ đợi thời điểm của mỗi người, như Chúa đang làm với mỗi người chúng ta; kiên nhẫn là con đường duy nhất để thực sự yêu mến và dẫn đưa con người đến một quan hệ chân thành với Chúa”.

Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ các Phong trào Giáo Hội và Cộng đoàn mơi đừng quên một thiện ích quí giá nhất, dấu ấn của Chúa Thánh Linh, đó là tình hiệp thông. Đây là ơn thánh tột đỉnh Chúa Giêsu đã chinh phục cho chúng ta trên thập giá. ĐTC nói: ”Để thế gian tin rằng Đức Giêsu là Chúa, thì họ cần thấy tình hiệp thông giữa các Kitô hữu. Nếu họ thấy những chia rẽ, cạnh tranh và nói hành nói xấu nhau nơi các tín hữu, vì bất kỳ lý do nào đi nữa, thì làm sao có thể loan báo Tin Mừng được? Anh chị em hãy nhớ một nguyên tắc khác: ”Hiệp nhất trổi vượt trên xung đột” (Evang. gaudium, 226-230), vì người anh em giá trị hơn nhiều so với những lập trường và địa vị bản thân của chúng ta; Chúa Kitô đã đổ máu vì người anh em ấy (Xc 1 Pr 1,18-19).

ĐTC cảnh giác rằng: ”Tình hiệp thông đích thực không thể hiện hữu trong một phong trào hay trong một cộng đoàn mới, nếu nó không được hội nhập trong tình hiệp thông lớn hơn đó là Giáo Hội Phẩm Trật Mẹ của chúng ta.. Đặc biệt các Phong trào và cộng đoàn được kêu gọi cộng tác để góp phần chữa lành những vết thương do một não trạng phổ biến trên hoàn cầu đặt sự tiêu thụ ở trung tâm gây ra, mà quên Thiên Chúa và các giá trị thiết yếu của cuộc sống” (SD 22-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Lớp Sáu – Bài Học 8 – Có Làm Mới Có Ăn

Xem => Bài Học -08- Có Làm Mới Có Ăn

D.Tổng Hợp:

Hãy trả lời các câu hỏi sau đây dưới dạng những đoạn văn hoàn chỉnh và chuẫn bị trình bày trong lớp.

Bài Tập D-1:

Hãy liên hệ và so sánh cuộc sống của con lừa và con ngựa với cuộc sống của những người an phận và người thích phiêu lưu mạo hiểm mà em biết được qua phim ảnh, sách báo hay thực tế.  Hãy nêu lên những điểm hay cũng như dở của mỗi lối sống.

Bài Tập D-2:

Theo em, liệu có những mâu thuẫn hay hòa hợp nào giữa câu “Có làm mới có ăn” và “Mưu sự tại nhân – Thành sự tại thiên”? Tại sao?  Khi nào thì ta cần phó thác cho Trời, khi nào thì ta phải tự giải quyết những khó khăn?

MuuSuTaiThien

Mưu Sự Tại Nhân – Thành Sự Tại Thiên

Đức Thánh Cha tiếp tổng tu nghị dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ

Đức Thánh Cha tiếp tổng tu nghị dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ

VATICAN. ĐTC khuyến khích các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ biến tu viện và hoạt động của mình thành những môi trường loan báo Tin Mừng, cùng với giới trẻ.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 8-11-2014, dành cho 200 nữ tu vừa kết thúc tổng tu nghị của dòng ở Roma với chủ đề ”Cùng với người trẻ ngày nay trở thành căn nhà loan báo Tin Mừng”. ĐTC nhận xét rằng ”đề tài này thật thích hợp trong bối cảnh xã hội và Giáo Hội ngày nay, đang chịu ảnh hưởng của bao nhiêu hình thức lầm than về tinh thần và vật chất. Thực vậy, ngày nay, người ta đang chịu đau khổ vì nghèo túng vật chất, và thiếu thốn cả về mặt tình thương và quan hệ. Trong bối cảnh đó, chị em có thể nhận thấy sự mong manh của người trẻ mà chị em dấn thân yêu thương chăm sóc, theo phương pháp cảu thánh Gioan Bosco và theo gương Mẹ Mazzarello”.

ĐTC khích lệ các nữ tu Salésiennes kiến tạo bầu không khí đồng trách nhiệm nơi giới trẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho hành trình đức tin của mỗi người và lòng gắn bó của họ với Chúa Giêsu, để Chúa tiếp tục thu hút mỗi người. Như thế, chị em huấn luyện những người trẻ trở thành những tác nhân loan báo Tin Mừng cho những người trẻ khác”.

ĐTC nói: ”Tôi khích lệ chị em tiếp tục hăng say tiến bước theo chiều hướng hoạt động mà Chúa Thánh Linh đang đề nghị cho chị em. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận sự thúc đẩy nội tâm của ơn thánh Chúa, mở rộng tầm nhìn để nhận ra những nhu cầu đích thực nhất và những điều khẩn cấp của xã hội và của một thế hệ đang thay đổi”.

ĐTC cũng nhắc nhở các nữ tu tăng cường làm chứng tá về lý tưởng hiệp thông huynh đệ với nhau, với những tâm tình đón tiếp nhau, chấp nhận những giới hạn và đề cao phẩm tính cũng như những năng khiếu của mỗi người, theo lời dạy của Chúa Giêsu: ”Cứ dấu này mà người ta biết các con là môn đệ của Thầy, đó là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35). Điều này đòi có một hành trình huấn luyện nghiêm túc, bao gồm cả sự canh tân trong các khoa học nhân văn, có thể giúp chị em trong sứ mạng. Thực vậy, chị em được yêu cầu biết lắng nghe trong thái độ sẵn sàng và cảm thông những người đến cùng chị em để được nâng đỡ về mặt tinh thần và nhân bản, biết giải thích những hoàn cảnh trong đó chị em hoạt động, để có thể hội nhập sứ điệp Tin Mừng vào văn hóa. Về vấn đề này, sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại mở ra cho chị em một cánh đồng rất rộng lớn để chị em hiến thân với tất cả tình thương” (SD 8-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Malawi

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Malawi

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến HĐGM Malawi sáng 6-11-2014, ĐTC mời gọi các GM tăng cường tình hiệp thông với nhau, đẩy mạnh việc mục vụ gia đình và đào tạo các chủng sinh và tu sĩ.

Malawi ở mạn đông nam Phi châu, với diện tích hơn 118 ngàn cây số vuông, 15 triệu dân cư, đa số là tín hữu Kitô, trong số này có gần 5 triệu người, tức là 33% là tín hữu Công Giáo. Các GM thuộc 2 tổng giáo phận và 6 giáo phận Malawi về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ từ mùng 6 đến 9-11-2014.

Trong bài huấn dụ trao cho các GM Malawi, ĐTC nhắc nhở rằng: ”Hiệu năng các cố gắng mục vụ và quản trị của anh em là thành quả đức tin cũng như tình hiệp nhất và tinh thần huynh đệ trong HĐGM anh em. Tình hiệp thông mà anh em sống, là dấu chỉ sự duy nhất của Thiên Chúa và sự hiệp nhất của Giáo Hội hoàn vũ, giúp anh em có thể nói bằng một tiếng nói duy nhất về những vấn đề của đất nước nói chung”.

ĐTC ca ngợi sự dấn thân mạnh mẽ của dân tộc Malawi đối với đời sống gia đình, đồng thời ngài khích lệ các GM rằng: ”Một điều thiết yếu là anh em luôn nghĩ đến những nhu cầu, kinh nghiệm và thực tại của các gia đình trong khi cố gắng rao giảng Tin Mừng. Không có khía cạnh nào trong đời sống gia đình – trẻ em, và tuổi trẻ, tình thân hữu, việc đính hôn và hôn phối, cuộc sống vợ chồng, lòng chung thủy và yêu thương, quan hệ giữa con người với nhau và sự nâng đỡ nhau, bị loại khỏi sức mạnh chữa lành của tình yêu Chúa, được thông truyền qua Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội.. Anh em hãy làm tất cả những gì có thể để nâng đỡ, giáo dục và loan báo Tin Mừng cho các gia đình, nhất là những người ở trong tình cảnh cơ cực về vật chất, bị tan vỡ, bạo lực hoặc thiếu chung thủy”.

ĐTC nhắc nhở các GM Malawi luôn gần gũi các LM của mình, cổ võ và cải tiến việc đào tạo các chủng sinh, tu sinh. Ngài cũng xin các vị quan tâm đẩy mạnh việc săn sóc các bệnh nhân Sida và các trẻ em mồ côi vì cha mẹ đã chết vì bệnh này (SD 6-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Các thừa tác giám mục, linh mục và phó tế diễn tả gương mặt Mẹ Thánh Giáo Hội phẩm trật phục vụ tín hữu

Các thừa tác giám mục, linh mục và phó tế diễn tả gương mặt Mẹ Thánh Giáo Hội phẩm trật phục vụ tín hữu

Nơi sự hiện diện và trong thừa tác của các Giám Mục, Linh Mục và các Phó Tế chúng ta có thể nhận ra gương mặt thật của Giáo Hội: đó là Mẹ Giáo Hội phẩm trật, sinh chúng ta ra trong cuộc sống đức tin, thêm sức, dưỡng nuôi, đồng hành với chúng ta đến với Chúa Cha để được ơn tha thứ tội lỗi, khẩn nài phước lành và sức mạnh của Chúa Thánh Thần trên chúng ta, nâng đỡ chúng ta trong suốt cuộc sống, bảo bọc chúng ta với hơi ấm của mình, nhất là trong những lúc tế nhị của thử thách, khổ đau và cái chết.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 5-11-2014.

Trong bài huấn dụ ngài đã trình bày đề tài giáo lý về các chức thừa tác mà chính Chúa Kitô đã dấy lên trong Giáo Hội để xây dựng các cộng đoàn Kitô thân mình mầu nhiệm Ngài. Bình luận đoạn thư thánh Phaolô gửi Tito mà moi người vừa nghe đọc trước đó Đức Thánh Cha nói: Mọi người đều đã nghe đấy: Các Giám Mục chúng tôi phải có biết bao nhiêu là nhân đức. Thật không dễ, không dễ, vì chúng tôi là những người tội lỗi. Nhưng chúng tôi tín thác nơi lời cầu nguyện của anh chị em, để ít nhất chúng tôi tới được gần điều tông đồ Phaolô khuyên nhủ tất cả các giám mục. Anh chị em có đồng ý không? Anh chị em sẽ cầu nguyện cho chúng tôi chứ?

Trong các bài giáo lý trước đây chúng ta đã nhấn mạnh Chúa Thánh Thần luôn đổ tràn đầy trên Giáo Hội các ơn của Người. Giờ đây trong quyền năng và ơn thánh của Thần Khí Ngài, Chúa Kitô dấy lên trong Giáo Hội các thừa tác để xây dựng các cộng đoàn kitô như thân mình Người. Trong các thừa tác đó nổi bật là thừa tác giám mục. Nơi vị Giám Mục, được trợ giúp bởi các Linh Mục và các Phó Tế, chính Chúa Kitô hiện diện và tiếp tục lo lắng cho Giáo Hội và bảo đảm cho Giáo Hội sự che chở và hướng dẫn của Người.

Nơi sự hiện diện và trong thừa tác của các Giám Mục, Linh Mục và các Phó Tế chúng ta có thể nhận ra gương mặt thật của Giáo Hội: đó là Mẹ Giáo Hội phẩm trật. Thật thế, qua các anh em này, được Chúa tuyển chọn và thánh hiến với bí tích Truyền Chức, Giáo Hội thi hành chức làm mẹ của mình: Giáo Hội sinh chúng ta ra như kitô hữu trong bí tích Thánh Tẩy, bằng cách làm cho chúng ta tái sinh trong Chúa Kitô; canh thức trên sự lớn lên của chúng ta trong đức tin, tháp tùng chúng ta đến với vòng tay của Thiên Chúa Cha để được ơn tha thứ; chuẩn bị cho chúng ta bàn tiệc Thánh Thể, nơi Giáo Hội nuôi dưỡng chúng ta với Lời Chúa và Mình và Máu Chúa Giêsu; khẩn nài trên chúng ta phước lành và sức mạnh của Chúa Thánh Thần; nâng đỡ chúng ta trong suốt lộ trình cuộc sống và bảo bọc chúng ta với sự hiền dịu và hơi ấm của mình, nhất là trong những lúc tế nhị của thử thách, khổ đau và cái chết.

Chức làm mẹ đó của Giáo Hội được diễn tả ra cách đặc biệt trong con người của vị Giám Mục và chức thừa tác của người. Thật vậy, như Chúa Giêsu đã chọn các Tông Đồ và đã sai các vị ra đi loan báo Tin Mừng và chăn dắt đoàn chiên, cũng thế các Giám Mục là các người kế vị các Tông Đồ được đặt làm đầu các cộng đoàn kitô, như là những người bảo đảm cho đức tin và như dấu chỉ sống động sự hiện diện của Chúa giữa họ. Như vậy chúng ta hiểu rằng đây không phải là một địa vị uy tín, một chức tước vinh dự.

Chức Giám Mục không phải là một tước hiệu vinh dự, nhưng là sự phục vụ. Và Chúa Giêsu đã muốn như thế. Không thể có chỗ cho tâm thức trần tục trong Giáo Hội. Tâm thức trần tục nói: ”Mà ông này đã tiến thân trong Giáo Hội, đã trở thành Giám Mục”. Không, không. Trong Giáo Hội không thể có chỗ cho tâm thức này. Chức Giám Mục là một phục vụ, chứ không phải là một tước vinh dự để khoe khoang. Là Giám Mục có nghĩa là luôn luôn có trước mắt gương sống của Chúa Giêsu, là Đấng Chăn Chiên Lành, không đến để được hầu hạ nhưng để hầu hạ” (x. Mt 20,28; Mc 10,45) và để hiến mạng sống mình cho đoàn chiên (x. Ga 10,11). Các Giám Mục thánh – có biết bao Giám Mục thánh trong lịch sử Giáo Hội – cho chúng ta thấy rằng người ta không tìm kiếm, không xin, không mua chức thừa tác này, nhưng tiếp nhận, trong vâng phục, không phải để nâng mình lên, nhưng để hạ mình xuống, như Chúa Giêsu ”đã hạ mình, vâng lời cho tới chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Thật là buồn, khi thấy một người tìm chức vụ này và làm biết bao nhiêu điều để tới được chức vụ đó, và khi tới rồi lại không phục vụ, nhưng vênh vang và chỉ sống cho sự phù vân của mình.

Còn có một yếu tố thứ ba qúy báu nữa, đáng được minh nhiên. Khi Chúa Giêsu đã chọn và kêu gọi các Tông Đồ, Người đã không nghĩ phân tách họ với nhau, mỗi người tùy ý mình, nhưng cùng nhau, để họ ở với Người, hiệp nhất như một gia đình duy nhất. Cả các Giám Mục cũng làm thành một đoàn duy nhất, được quy tụ chung quanh Giáo Hoàng, là người gìn giữ và bảo đảm cho sự hiệp thông sâu xa này, mà Chúa Giêsu và chính các Tông Đồ đã lưu tâm biết bao nhiêu. Như vậy thật là đẹp biết bao nhiêu, khi các Giám Mục cùng với Giáo Hoàng diễn tả tính cách đoàn thể ấy và tìm cách ngày càng là những người phục vụ tín hữu, phục vụ Giáo Hội hơn! Chúng ta đã chứng kiến mới đây trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình. Nhưng chúng ta cũng hãy nghĩ tới tất cả mọi Giám Mục sống rải rác trên thế giới, dù sống tại các nơi, các nền văn hóa, sự nhậy cảm và các truyền thống khác nhau và xa cách nhau – Hôm trước có một Giám Mục nói với tôi rằng để đến Roma, từ nơi ngài ở, cần phải bay 30 giờ đồng hồ, xa biết bao – nhưng các vị cảm thấy là phần của nhau và trở thành kiểu diễn tả mối dây thân tình giữa các cộng đoàn với nhau, trong Chúa Kitô. Và trong lời cầu nguyện chung của Giáo Hội tất cả mọi Giám Mục đặt mình để lắng nghe Chúa Cha và Chúa Con và Thần Khí, như thế có thể chú ý tới con người và các dấu chỉ thời đại một cách sâu xa (GS 4).

Các bạn thân mến, tất cả điều này làm cho chúng ta hiểu tại sao các cộng đoàn kitô lại nhận ra nơi vị Giám Mục một ơn lớn lao, và chúng được mời gọi dưỡng nuôi một sự hiệp thông chân thành và sâu xa với Giám Mục, bắt đầu từ các linh mục và các phó tế. Không có một Giáo Hội lành mạnh, nếu các tín hữu, các phó tế và các linh mục không hiệp nhất với Giám Mục. Giáo Hội không hiệp nhất với Giám Mục này là một Giáo Hội bệnh hoạn. Chúa Giêsu đã muốn sự hiệp nhất này của tất cả mọi tín hữu với Giám Mục, với cả các linh mục và các phó tế nữa. Và điều này trong ý thức rằng chính nơi Giám Mục mà mối dây nối kết của từng Giáo đoàn với các Tông Đồ và với tất cả mọi cộng đoàn khác, hiệp nhất với các Giám Mục và Giáo Hoàng trong Giáo Hội duy nhất của Chúa Giêsu, là Mẹ Thánh Giáo Hội Phẩm Trật của chúng ta.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu nói tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đến từ các nước Âu châu và Bắc Mỹ, cũng như các tín hữu đền từ Nhật Bản, Argentina, Mehicô, Panamá, Puerto Rico, Venezuela, Chile và Brasil. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho các Giám Mục là những người bảo đảm cho đức tin chân thật và là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa họ, cũng như cầu nguyện cho ngài.

Với các tín hữu nói tiếng A rập, nhất là các anh chị em đến từ Libăng và Siria, Đức Thánh Cha khuyến khích họ yêu mến các Giám Mục, linh mục và phó tế và cầu nguyện cho các vị, để các vị luôn là dấu chỉ hữu hình của Chúa Kitô giữa Dân Người, một dụng cụ của hiệp thông và hiệp nhất, cũng như phương tiện của phước lành và ơn cứu độ.

Chào các tín hữu Ba Lan Đức Thánh Cha nhắc tới Ngày liên đới với Giáo Hội bị bách hại lần thứ VI cử hành bên Ba Lan vào Chúa Nhật tới đây, năm nay dành cho Siria. Ngài xin mọi người gần gũi với các anh chị em bên Siria cũng như trong nhiều nước khác trên thế giới đang đau khổ vì các cuộc chiến huynh đệ tương tàn và vì bạo lực. Ngài cám ơn các cử chỉ liên đới trợ giúp vật chất cho các anh chị em này như dấu chỉ sự hiện diện ân cần và tình yêu của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha cũng chào các đoàn hành hương Italia, đặc biệt đoàn hành hương Torino do Đức Tổng Giám Mục Cesare Nosiglia và ông thị trưởng hướng dẫn. Ngài báo cho mọi người biết nếu Chúa muốn ngày 21 tháng 6 năm tới ngài sẽ hành hương Torino để tôn kính Tấm Khăn Liệm và thánh Gioan Bosco nhân kỷ niệm 200 năm thánh nhân sinh ra.

Ngài cũng chào các bề trên của dòng Bệnh viện thánh Gioan Thiên Chúa và các tham dự viên Diễn đàn do hiệp hội ”Bác ái trong Chân lý” tổ chức, cùng nhiều nhóm khác và khích lệ họ thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ, bằng cách nhận ra Chúa hiện diện đặc biệt nơi các người nghèo khổ.

Chào các bệnh nhân của hiệp hội SLA, cũng như các bệnh nhân theo dõi buổi tiếp kiến trên màn truyền hình trong đại thính đường Phaolô VI vì lý do thời tiết, Đức Thánh Cha bầy tỏ sự gần gũi và lời cầu nguyện của ngài cho họ. Ngài ước mong xã hội trợ giúp gia đình các anh chị em đau yếu đối phó với hoàn cảnh tật bệnh khổ đau của người thân.

Sau cùng ngỏ lời với giới trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha nhắc tới thánh Carlo Borromeo mà Giáo Hội kính nhớ hôm mùng 4 tháng 11. Ngài cầu mong sức mạnh tinh thần của thánh nhân khích lệ

các bạn trẻ sống đức tin nghiêm chỉnh; sự tin tưởng của thánh nhân nơi Chúa Cứu Thế nâng đỡ người đau yếu trong những lúc khó khăn nhất; và lòng tận tụy tông đồ của người nhắc cho các cặp vợ chồng mới cưới tầm quan trọng của việc giáo dục con cái theo tinh thần Kitô.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha lễ Các Thánh

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha lễ Các Thánh

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày lễ Các Thánh 1-11-2014, với 40 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã mời gọi các tín hữu hãy vui mừng sống mầu nhiệm các thánh thông công.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã giải thích ý nghĩa lễ Các Thánh và nhấn mạnh rằng: ”Lễ trọng hôm nay giúp chúng ta ý thức một chân lý cơ bản của đức tin Kitô: đó là sự hiệp thông của các thánh. Đây là một sự kết hiệp thiêng liêng, không bị cắt đứt vì cái chết, nhưng tiếp tục trong đời sống mai hậu. Thực vậy, có một mối liên kết không thể bị hủy diệt giữa chúng ta là những người đang sống ở trần thế này với những người đã bước qua ngưỡng cửa sự chết. Chúng ta ở dưới thế này trên mặt đất cùng với những người đã bước vào vĩnh cửu, chúng ta họp thành một đại gia đình duy nhất”.

ĐTC nhận xét rằng: ”Thực tại này làm cho chúng ta tràn đầy vui mừng: thật là đẹp vì có bao nhiêu anh chị em chúng ta trong đức tin đang đồng hành cạnh chúng ta, nâng đỡ chúng ta qua sự giúp đỡ của họ và cùng với chúng ta tiến bước về trời. Và thật là điều an ủi khi biết rằng đã có những anh chị em chúng ta đạt tới quê trời, đang chờ đợi và cầu nguyện cho chúng ta, để cùng nhau chúng ta có thể đời đời chiêm ngưỡng tôn nhan vinh hiển và từ bi của Chúa Cha”.

ĐTC nhắc nhở cho các tín hữu về ơn gọi nên thánh: ”Thiên Chúa kêu gọi chúng ta nên thánh như chính Chúa là Đấng Thánh, và đối với những người muốn theo Chúa Giêsu trên con đường Tin Mừng, Mẹ Maria là nhà hướng đạo chắc chắn, người Mẹ ân cần và quan tâm, chúng ta có thể tín thác cho Mẹ mọi gước muốn và khó khăn của chúng ta”.

Sau kinh truyền tin và phép lành, ĐTC đã kêu gọi mọi người ”cầu nguyện cho Thành Thánh Jerusalem, là thành được các tín hữu Do thái, Kitô và Hồi giáo quí chuộng, trong những ngày này đang chứng kiến nhiều căng thẳng. Ước gì Thành Thánh này ngày cang có thể là dấu chỉ và là điều báo trước an bình mà Thiên Chúa muốn cho toàn thể gia đình nhân loại”.

ĐTC cũng nhắc đến lễ phong chân phước chiều ngày 1-11-2014 tại Vítoria, Tây Ban Nha, cho cha Pietro Asúa Mendía, LM thuộc miền Basco, ”linh mục khiêm tốn và khổ hạnh, đã loan báo Tin Mừng bằng cuộc sống thánh thiện, bằng việc huấn giáo và tận tụy săn sóc những người nghèo túng trong thời kỳ khó khăn với cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Cha đã bị bắt, tra tấn và giết chết vì đã biểu lộ ý chí tiếp tục trung thành vơi Chúa và với Giáo Hội, cha thưc là mẫu gương tuyệt vời cho tất cả chúng ta về lòng can đảm trong đức tin và chứng tá bác ái”.

Sau cùng ĐTC cho biết ngài đến nghĩa trang Verano vào ban chiều để dâng thánh lễ cầu cho những người quá cố. Ngài cũng hiệp ý với tất cả những ngừơi viếng thăm nghĩa trang trong những ngày này trên toàn thế giới.

Thánh lễ tại nghĩa trang

Campo Verano là nghĩa trang chính của thành Roma. Khoảng 5 ngàn người đã tham dự thánh lễ do ĐTC cử hành lúc 4 giờ chiều tại đây, cùng với ĐHY giám quản Agostino Vallini và 3 GM phụ tá của giáo phận, và một số linh mục.

Trong bài giảng ứng khẩu, ĐTC đã diễn giải bài đọc rút từ sách Khải Huyền của thánh Gioan, và ngài mạnh mẽ tố giác nền văn hóa chết chóc, tàn phá thiên nhiên, kỹ nghệ tàn phá các dân tộc, nuôi dưỡng chiến tranh, nền văn hóa gạt bỏ, loại bỏ trẻ em, người già và người trẻ với nạn thất nghiệp. Con người tiếm quyền của Thiên Chúa. Ngài nói: ”Con người có khả năng tàn phá trái đất hơn cả các thiên thần (trong sách Khải Huyền). Đó là điều con người ngày nay đang làm. Người ta tàn phá thiên nhiên, sự sống, các nền văn hóa, các gia đình, người ta đang tàn phá niềm hy vọng”.

ĐTC kêu gọi các giới hữu trách và mọi người kiến tạo công ăn việc làm cho người trẻ, lương thực cho người đói, và hòa bình cho các dân tộc.

Ngài mời gọi các tín hữu hy vọng nơi Thiên Chúa như đoàn người đông đảo ”mặc áo trắng” bước theo Chiên Con, và sống theo tinh thần Bát Phúc như Chúa Giêsu đã diễn tả trong bài Tin Mừng. ĐTC nói: ”Chúng ta cần sức mạnh của Thiên Chúa dường nào, xin Chúa đóng ấn chúng ta bằng tình thương của Chúa và sức mạnh của Người để chặn đứng công trình tàn phá hiện nay, tàn phá những gì mà Chúa đã ban cho chúng ta, những điều đẹp nhất mà Chúa đã làm cho chúng ta” (SD 1-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican radio

Sống chân tình

Sống chân tình

Chuyện kể rằng: Ngày kia, nữ hoàng Saba gởi đến vua Salomon hai bó hoa rất giống nhau, để thử xem sự khôn ngoan của ông tới đâu. Đó là một bó hoa thật và một bó hoa giả. Nhà vua bèn mở cửa sổ, cho bầy ong bướm bay vào. Tức thì các chú ong và các nàng bướm liền sà ngay xuống những bông hoa thật.

Những bông hoa giả có sắc mà chẳng có hương, có bóng hình mà không có sự sống. Những kẻ giả hình nói nhiều làm chẳng được bao nhiêu. Thậm chí, chỉ nói suông mà không có thực hành. Họ dung túng cho mình nhưng lại nghiêm khắc với kẻ khác.

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu vạch trần những con người giả hình ấy. Người nói: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào”. Người giả hình còn nhiều tật xấu khác mà Đức Giêsu không tiếc lời chỉ trích. Như tính khoe khang công đức, thích ăn trên ngồi trước, ưa được kính trọng chào hỏi nơi công cộng, và muốn người ta gọi mình là thầy. Sau khi nghe Đức Giêsu mô tả khuôn mặt kẻ giả hình, hẳn ai trong chúng ta cũng thấy dáng dấp của mình trong đó. Nếu không háo danh thì cũng khoa trương, nếu không kể công lênh thì cũng thích được trọng vọng, nếu không ích kỷ cũng nói nhiều làm ít.

Đức Giêsu quả đã không nương tay khi cầm con dao mổ, rạch sâu vào ung nhọt của lương tâm mỗi chúng ta. Cuộc giải phẫu ấy làm chúng ta đau buốt, nhưng sau khi đã lấy ra hết ung nhọt hôi tanh của tính giả hình, chúng ta sẽ chân thành và khiêm tốn hơn.

Chúng ta sẽ chỉ sống những gì mình nói và chỉ nói những gì mình đã làm. Đức Gioan Phaolô II đã nói “Con người ngày nay không cần những thầy dậy nói suông, nhưng cần những chứng nhân sống điều họ nói”.

Chúng ta không bao giờ phê bình lên án một ai, vì khi chỉ trích kẻ khác là chúng ta đang ngấm ngầm che giấu những tật xấu nơi chính mình, là chúng ta không dám đối mặt với sự thật nơi bản thân, bởi sự thật đó buộc chúng ta phải sám hối và canh tân luôn mãi.

Trong thẳm sâu của lòng người, ai cũng muốn có được một chút danh vọng, ai cũng thích trổi vượt hơn người. Hôm nay, Đức Giêsu đã cho chúng ta một quan điểm mới, để đáp lại nhu cầu muốn làm lớn trong mỗi chúng ta: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em”. Điều này Đức Giêsu đã làm gương trước khi dạy. Tuy người là Chúa và là Thầy, nhưng Người luôn coi mình như bạn hữu, như anh em, và nhất là như đầy tớ phục vụ và yêu thương các môn đệ cho đến cùng. Như thế, làm lớn theo quan điểm của Đức Giêsu chính là cúi xuống trước anh em để chân tình phục vụ họ trong yêu thương. Thánh Phaolô viết: “Người được chấp nhận không phải là để tự cao tự đại, nhưng là người được Chúa đề cao”. Hãy soi đời mình vào tấm gương Giêsu, để tìm cho mình một phong cách sống đẹp nhất.

Biệt phái giả hình

Biệt phái giả hình

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’ – Radio Veritas Asia)

Sau khi tham dự tuần tĩnh tâm, tuần tĩnh tâm Quốc Tế với khoảng 6,000 linh mục tại Rôma vào năm 1990, một linh mục đã viết trong tập nhật ký của mình:

"Tôi đã nhìn thấy nhiều linh mục ngủ gục trong khi các thuyết trình viên nổi tiếng đứng trên diễn đàn hăng say chia sẻ những tư tưởng thần học đạo đức cao siêu. Nhưng rồi không một người nào ngủ cả khi Mẹ Têrêsa Calcutta thuyết trình. Mẹ không nói lời văn hoa, nhưng Mẹ sử dụng ngôn ngữ đơn sơ và tôi nghĩ cả khi Mẹ Têrêsa không cần nói lời nào, chỉ cần sự hiện diện của Mẹ cũng đủ thúc đẩy chúng tôi, thu hút chúng tôi canh tân đời sống mình, bởi vì Mẹ sống chân thành khiêm tốn với những gì Mẹ nói."

Chân thành và khiêm tốn cũng là chủ đề chính của bài Phúc Âm hôm nay. Người chân thành chỉ sống những gì họ nói và chỉ nói những gì họ đã làm. Đó là những chứng nhân của Chúa mà xã hội ngày hôm nay cần đến, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: "Con người ngày nay không cần những thầy dạy nói suông, nhưng cần những kẻ dám chứng thực những điều họ nói, cần những chứng nhân. Người chân thành không nói láo, không giả hình, không tự kiêu cho mình hơn kẻ khác, không phê bình chỉ trích. Thái độ phê bình chỉ trích đôi khi chỉ là cách thức để che giấu những tật xấu nơi chính mình, ta phê bình chỉ trích kẻ khác chỉ vì ta không dám đối diện với sự thật nơi chính mình, bởi vì sự thật đó buộc ta phải canh tân liên lỉ".

Những kẻ biệt phái trong Phúc Âm hôm nay có thể nói được là những kẻ không dám nhìn vào thực tại nơi chính mình, họ không có lòng đạo đức, không muốn nhìn thấy sự thiếu vắng này nên che đậy bằng tua áo dài, bằng những thẻ kinh bên ngoài để chứng tỏ cho người khác thấy được sự thông minh của họ, nhưng đó là sự thông minh không có đạo đức, một sự thông minh trống rỗng. Trước mặt Chúa Giêsu, chúng ta cần chân thành và khiêm tốn nhìn nhận những sơ sót để xin ơn sám hối và canh tân. Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi ta xét lại thái độ sống của mình.

Nhân dịp này ta nhắc lại đoạn trích trong cuộc họp thường niên Hội Đồng các Giám Mục nói về việc sám hối, nơi số 3 của bức thư chung các Đức Giám Mục Việt Nam đã viết:

"Để tâm hồn đón nhận được đầy tràn ơn Chúa trong Năm Thánh chúng ta cần có một số chuẩn bị. Việc đầu tiên phải làm là sám hối, vì trong quá khứ chúng ta đã sai phạm nhiều, có những lầm lỗi cá nhân của các tín hữu, các tu sĩ, các linh mục, giám mục. Có những lầm lỗi của cả tập thể các Giáo Hội, của từng Giáo Phận, của mỗi Giáo Xứ. Có những lầm lỗi cố tình chống lại ơn Chúa, cản trở chương trình của Chúa, có những lầm lỗi vô tình khiến chúng ta trở thành vật cản ơn thánh, để lỡ cơ hội đón nhận ơn Chúa cho bản thân chúng ta và cho mọi người".

Sám hối là trở về với Chúa nhưng cũng là trở về với anh chị em. Phải hòa giải với anh chị em, vì chính ta đã góp phần gây ra bất công, chia rẽ, bất hòa khiến anh chị em xa Chúa. Phải hòa giải với anh chị em, vì đó là điều kiện cần thiết để hòa giải với Chúa. Phải hòa giải với anh chị em, vì đó là ước nguyện của Chúa Giêsu Kitô trước khi từ giã cõi trần. Sám hối sẽ dẫn đến đổi mới con người, đổi mới cuộc sống và sám hối càng sâu xa thì đổi mới càng mãnh liệt.

Với con người mới chúng ta hân hoan hướng trọn niềm vui với tình nghĩa Thiên Chúa là Cha và với anh chị em con cùng một Cha trên trời. Với con người mới chúng ta trút bỏ được gánh nặng quá khứ để thanh thản bước vào thiên niên kỷ mới. Với con người mới chúng ta hân hoan bước vào cuộc sống mới, cuộc sống không ngừng đổi mới ơn thánh với tình bác ái huynh đệ, với lòng khiêm tốn, với tinh thần dấn thân phục vụ.

Để sống chân thành với chính mình, chúng ta cần phải sám hối. Sám hối, hòa giải, đổi mới. Để làm tất cả những điều này chúng ta cần có lòng khiêm nhường. Người khiêm nhường biết rõ mình là ai: với những điểm tốt cũng như với những điểm xấu, những điểm tiêu cực cũng như tích cực và trông chờ ơn Chúa ban để canh tân đời sống của mình.

Ước chi bài Phúc Âm hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy trở về với nguồn mạch ơn Thánh Chúa để canh tân đời sống mình với hết lòng khiêm tốn. Xin Chúa ban ơn để chúng con canh tân đời sống và được kiên nhẫn trong đời sống, được lớn lên với các nhân đức.

Veritas Radio

Quyền bính để phục vụ

Quyền bính để phục vụ

Lời Chúa hôm nay thật mạnh mẽ, khiến ta bàng hoàng, chới với. Phải chăng Chúa muốn phá đổ tất cả những cơ chế trong xã hội và trong Giáo Hội? Phải chăng tất cả chúng ta đều sai lầm? Có lẽ không nên hiểu theo nghĩa đen của mặt chữ nhưng phải hiểu theo tinh thần. Qua chân lý: Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em, Chúa muốn dạy ta phải sống những quan hệ với xã hội theo một tinh thần mới gồm 3 khía cạnh sau đây.

1- Mọi người đều bình đẳng. Mọi người bình đẳng trong xã hội vì tất cả đều là người. Là người như nhau nên phải được kính trọng như nhau. Cũng thế, mọi người bình đẳng trước mặt Chúa. Vì mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Cùng là hình ảnh Thiên Chúa, nên mọi người phải kính trọng nhau. Mọi người đều là con của Cha trên trời và đều là anh em với nhau. Nên mọi người đều phải vâng phục Thiên Chúa và yêu thương anh em chung quanh mình.

2- Chức vị chỉ là một phân công. Một xã hội phải có tổ chức. Có tổ chức nên có nhiều công việc. Phân công để công việc chung được trôi chảy. Hơn nữa phải hiểu rằng mọi quyền lực đều đến từ Thiên Chúa. Làm cha mẹ là được thông phần vào quyền làm Cha của Thiên Chúa. Làm người lãnh đạo là được dự phần vào quyền cai trị của Thiên Chúa. Con người không tự mình chiếm đoạt được chức vị, nên phải khiêm nhường nhận biết ơn Chúa ban vì lợi ích của tập thể.

3- Chức vị là để phục vụ. Hãy nhìn vào một gia đình. Trong gia đình cha mẹ là quan trọng nhất, là người điều khiển gia đình. Nhưng chính cha mẹ lại phục vụ nhiều nhất. Cha lao động vất vả. Mẹ cực nhọc chăm sóc con thơ. Nhìn bề ngoài cha mẹ không khác người giúp việc. Nhưng cha mẹ điều hành gia đình trong khi phục vụ con cái thơ dại. Cha mẹ đã dùng quyền để yêu thương và phục vụ. Cũng thế, người có nhiệm vụ trong Giáo Hội và trong xã hội phải là người có lòng yêu mến anh em. Chu toàn nhiệm vụ với tình yêu thương sẽ giúp ta biết phục vụ bằng chức vụ của mình.

Không ở đâu ta có thể tìm gương mẫu cho những lời Chúa dạy hôm nay bằng tìm nơi chính Chúa Giêsu Kitô, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể.

Bí tích Thánh Thể đưa ta về phòng Tiệc Ly, nơi Chúa ăn bữa tối cuối cùng với các môn đệ. Trong khi ăn, Chúa đứng dậy, cầm chậu nước đi rửa chân cho từng môn đệ. Rồi Chúa nói: “Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân nhau. Thầy đã làm gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em?” (Ga 13,12b-15). Quyền bính để phục vụ. Không còn minh họa nào sinh động hơn. Không còn giải nghĩa nào sáng tỏ hơn hình ảnh Chúa quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Không còn lệnh truyền nào thuyết phục hơn, vì chính Chúa đã làm gương trước.

Bí tích Thánh Thể cho ta thấy sự hiến thân phục vụ của Chúa Giêsu. Trở thành tấm bánh là để trở thành lương thực nuôi con người. Không trở thành một tượng đài uy nghi để mọi người cung kính. Không trở thành một trang sức quý giá để mọi người trân trọng. Nhưng trở thành tấm bánh để phục vụ con người. Trở thành lương thực là trở thành những gì gần gũi nhất. Trở thành lương thực là chấp nhận phục vụ sự sống: chịu nhỏ bé đi để người khác được lớn lên, chịu đau khổ cho người khác được hạnh phúc, chịu chết đi cho người khác được sống. Bí tích Thánh Thể là một mẫu gương về quyền bính phục vụ. Thiên Chúa phục vụ con người. Người Cha hy sinh cho hạnh phúc của con cái. Chúa tể vũ trụ hiến thân nuôi dưỡng loài thụ tạo.

Như thế, bí tích Thánh Thể thiết lập một mối quan hệ mới giữa con người. Quyền bính là để phục vụ. Nếu hiểu và thực hành Lời Chúa dạy hôm nay, ta sẽ biến đổi bộ mặt thế giới. Thế giới sẽ trở nên một gia đình ấm cúng chan chứa tình người. Xã hội sẽ tươi đẹp vì sống theo nền văn minh mới, nền văn minh của tình thương.

Năm Thánh Thể đã kết thúc, nhưng mầu nhiệm Thánh Thể phải tiếp tục mãi mãi trong cuộc đời chúng ta. Sống mầu nhiệm Thánh Thể là biết quan tâm phục vụ anh chị em. Sống mầu nhiệm Thánh Thể là duy trì sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa xã hội, giữa cuộc đời chúng ta. Hiện diện đó là một tấm bánh bẻ ra cho một thế giới phát triển, một thế giới chan hòa yêu thương, một thế giới hạnh phúc thực sự.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết noi gương Chúa, phục vụ mọi người trong tình yêu thương.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Tại sao mọi người đều bình đẳng?

2- Chức vị chỉ là một phân công trong Giáo Hội, bạn hiểu điều này thế nào?

3- Quyền bính là để phục vụ. Bạn thấy điều này đã ứng dụng ở đâu?

4- Bạn phải làm gì để sống bí tích Thánh Thể theo tinh thần bài Tin Mừng hôm nay?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

60 ngàn tín hữu đọc kinh truyền tin với Đức Thánh Cha

60 ngàn tín hữu đọc kinh truyền tin với Đức Thánh Cha

VATICAN. Trưa chúa nhật 26-10, hơn 60 ngàn tín hữu đã đến tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin cùng với ĐTC Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong số các tín hữu hiện diện đặc biệt có 8 ngàn thành viên phong trào Schoenstatt về 50 quốc gia về Roma hành hương nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập phong trào. Trước khi dự buổi đọc kinh truyền tin với ĐTC, họ đã tham dự thánh lễ bế mạc cuộc hành hương tại Đền thờ Thánh Phêrô, do ĐHY Erazzuris chủ sự cùng với hơn 200 LM. ĐHY nguyên Bề trên Tổng quyền của tu hội Schoenstatt rồi làm TGM Tổng thư ký bộ Tu Sĩ, rồi TGM Santiago de Chile.

Lúc 12 giờ ĐTC xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc nơi Căn hộ giáo hoàng ở dinh Tông Tòa để bắt đầu buổi đọc kinh. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đã giải thích bài Tin Mừng chúa nhật về sự cao trọng nhất của giới răn mến Chúa yêu người.

Huấn từ của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em

Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta rằng toàn thể Lề Luật Chúa tóm gọn trong tình yêu đối Thiên Chúa và đối với tha nhân, Thánh Sử Mathêu kể lại rằng một vài người Biệt Phái thỏa thuận với nhau để thử thách Cháu Giêsu (Xc, 22,34-35). Một người trong họ là một tiến sĩ Luật, hỏi Chúa rằng: ”Thưa Thầy, trong Luật, đâu là giới răn trọng nhất?” (v.36). Chúa Giêsu, trích dẫn sách Đệ nhị luật, đáp: ”Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và tâm trí của ngươi. Đó là giới răn thứ I và trọng nhất” (vv.37-38). Và lẽ ra Ngài có thể dừng lại ở đây. Trái lại Chúa Giêsu nói thêm điều mà vị tiến sĩ Luật không hỏi. Thực vậy, Chúa nói: ”Giới răn thứ hai giống như giới răn thứ I: Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (v. 39). Cả giới răn thứ hai này Chúa Giêsu không sáng chế ra, nhưng ngài lấy lại từ sách Lêvi. Sự mới mẻ của Ngài hệ tại đặt hai giới răn này chung với nhau – mến Chúa và yêu người – qua đó Ngài tỏ lộ rằng hai giới răn ấy không thể tách biệt, nhưng bổ túc cho nhau, đó là hai mặt của cùng một mề-đai. ĐGH Biển Đức đã để lại cho chúng ta một bình giải rất hay về vấn đề này trong Thông điệp đầu tiên của Ngài ”Deus caritas est, Thiên Chúa là tình thương” (nn.16-18).

Thực vậy, dấu chỉ hữu hình mà Kitô hữu có thể chứng tỏ để làm chứng cho thế giới về tình thương của Thiên Chúa chính là tình yêu đối với anh em mình. Giới răn mến Chúa yêu người là giới răn đầu tiên không phải vì đứng đầu danh sách các giới răn. Chúa Giêsu không đặt nó lên hàng đầu, nhưng ở trung tâm vì đó là trọng tâm từ đó tất cả phải khởi hành và tất cả phải trở về đó và tham chiếu.

Ngay trong Cựu Ước, đòi hỏi nên thánh, theo hình ảnh Thiên Chúa là Đấng Thánh, cũng bao gồm nghĩa vụ săn sóc những người yếu thế nhất như ngoại kiều, cô nhi và góa phụ (Xc Xh 22,20-26). Chúa Giêsu kiện toàn luật giao ước ấy, chính Ngài liên kết nơi mình, trong thân mình Ngài, thần tính và nhân tính trong một mầu nhiệm tình yêu duy nhất.

Từ nay trở đi, dưới ánh sáng Lời Chúa Giêsu, tình yêu là mực thước đức tin, và đức tin là linh hồn của tình yêu. Chúng ta không còn có thể tách biệt đời sống tôn giáo ra khỏi việc phục vụ anh em, những người anh em cụ thể mà chúng ta gặp. Chúng ta không còn có thể tách biệt kinh nguyện, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong các bí tích, khỏi sự lắng nghe tha nhân, gần gũi cuộc sống của họ, nhất là những vết thương của họ.

Giữa rừng rậm các giới luật và qui tằc – giữa chủ trương vụ luật xưa kia và ngày nay – Chúa Giêsu mở ra một lỗ hổng giúp nhận ra hai khuôn mặt: khuôn mặt Chúa Cha và khuôn mặt người anh em. Ngài không giao cho chúng ta 2 công thức hay hai giới răn, nhưng hai khuôn mặt, đúng hơn chỉ có một khuôn mặt duy nhất, đó là khuôn mặt của Thiên Chúa phản ánh trong bao nhiêu khuôn mặt, vì trong khuôn mặt của mỗi người anh em, đặc biệt là khuôn mặt bé nhỏ, yếu ớt và vô phương thế tự vệ nhất, có chính hình ảnh của Thiên Chúa hiện diện.

Như thế, Chúa Giêsu trao tặng mỗi người tiêu chuẩn căn bản để họ xếp đặt đời sống của mình. Nhưng nhất là Chúa ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài, giúp chúng ta mến Chúa và yêu người như Ngài, với con tim tự do và quảng đại. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ chúng ta, chúng ta hãy cởi mở đón nhận hồng ân ấy, để tiến bước trong luật yêu thương.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC nhắc nhở mọi người rằng: Thứ bẩy hôm qua (25-10) tại thành Sao Paolo Brazil có lễ phong chân phước cho Mẹ Assunta Marchetti, sinh tại Italia, đồng sáng lập dòng các nữ tu thừa sai Thánh Carlo Borromeo – Scalabrine. Mẹ là một nữ tu gương mẫu trong việc phục vụ các trẻ mồ côi của những người Ý di dân; Mẹ đã nhìn thấy Chúa Giêsu hiện diện nơi người nghèo, các trẻ mồ côi, nơi các bệnh nhân, người di dân. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì người phụ nữ này, mẫu gương về việc truyền giáo không biết mệt mỏi và can đảm tận tụy phục vụ bác ái.

ĐTC cũng chào thăm các tín hữu hành hương đến từ Italia và các nước khác, bắt đầu từ những người sùng kính Đức Mẹ Biển Cả, Bova Marina. Ngài đặc biệt chào thăm cộng đoàn người Peru ở Roma, hiện diện nơi đây với ảnh Đức Mẹ làm phép lạ. ”Tôi cám ơn tất cả và chào thăm với tình thân ái. Xin Anh chị em vui lòng cầu nguyện cho tôi, chúc anh chị em chúa nhật tốt đẹp và chúc anh chị em bữa trưa ngon lành.”

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

CỦA THIÊN CHÚA TRẢ CHO THIÊN CHÚA

CỦA THIÊN CHÚA TRẢ CHO THIÊN CHÚA

Người Do Thái muốn gài bẫy Chúa nên đưa ra câu hỏi hóc búa. Không ngờ Chúa trả lời thật khôn ngoan: “Của César trả cho César, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”. Với câu trả lời này, Chúa Giêsu minh định hai điều:

Thứ nhất: Tôn giáo và chính trị tách biệt nhau. Chính trị không thể trở thành tôn giáo hoặc bắt tôn giáo làm nô lệ. Tôn giáo cũng không thể đi vào chính trị, đánh mất bản chất của mình.
 
Thứ hai: Mỗi người phải chu toàn hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ đối với xã hội là “trả cho César” những gì của César. Nhiệm vụ đối với Thiên Chúa: “trả cho Thiên Chúa” những gì thuộc về Thiên Chúa.
 
Hình và huy hiệu khắc trên đồng tiền là của hoàng đế César vì thế phải trả lại cho ông. Nhưng linh hồn con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nên linh hồn phải được trả về cho Thiên Chúa.
 
Để có được đồng tiền mang hình ảnh César, người dân phải làm việc vất vả. Cũng thế, để linh mang hình ảnh Thiên Chúa, con người cũng phải ra sức làm việc.
 
Nhưng hai cách làm việc thật khác xa nhau. Để chia sẻ phần nào quyền lực của vua chúa trần gian, người ta phải làm việc theo cách vua chúa đó là tìm chiếm hữu của cải. Để trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người phải suy nghĩ và hành động như Thiên Chúa đó là yêu thương và cho đi.
 
Bí tích Thánh Thể là minh họa rõ nét nhất về tính cách yêu thương và cho đi của Thiên Chúa. Nói về bí tích Thánh Thể, lòng trí ta tự nhiên hướng về bữa Tiệc Ly, cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Qua đó ta thấy một vài khía cạnh trong tình yêu của Chúa.
 
Đó là tình yêu phục vụ. Tin Mừng thánh Gioan thuật lại. Chúa Giêsu yêu thương những kẻ thuộc về mình thì yêu thương cho đến cùng. Nên trong bữa ăn tối, Người cầm lấy chậu nước và khăn rồi đi rửa chân cho từng môn đệ.
 
Đó là tình yêu tự hiến. Khi lập phép Thánh Thể. Chúa Giêsu đã nói: “Đây là Mình Thày bị nộp vì anh em; Đây là Máu Thày đổ ra cho anh em và mọi người được tha tội” (Lc 22,19).
 
Đó là tình yêu hiền lành khiêm nhường. Chúa Giêsu cam lòng chịu kết án oan ức, chịu sỉ nhục, chịu hành hạ chịu chết mà chẳng một lời oán thán.
 

Đó tình yêu tha thứ. Không chỉ tha thứ mà còn cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm không biết” (Lc 23,34). Người cũng tha thứ cho kẻ trộm lành: “Thật Ta bảo thật, hôm nay con sẽ ở với Ta trên thiên đàng” (Lc 23,43).

Đó là tình yêu muốn tiếp diễn mãi mãi. Nên Người truyền cho ta: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lc 22,19). Cử hành thánh lễ, chầu Mình Thánh, kiệu Thánh Thể để Chúa ở mãi với ta, tiếp tục bày tỏ tình yêu thương với ta.

Người mong muốn kéo dài tình yêu của Người cho đến tận cùng không gian và đến tận cùng thời gian nơi cuộc đời chúng ta. Vì thế khi ta chịu lễ, ta phải kết hiệp mật thiết với Người, nên một với Người. Nên một với Người là biến đổi để ta suy nghĩ, nói năng và hành động như Người, nghĩa là sống như Người.

Sống như Chúa là hãy có tình yêu thương phục vụ. Vì Chúa đã dạy: “Như Thày đã rửa chân cho các con, các con cũng hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Sống như Chúa là hãy có tình yêu tự hiến. Quên mình vì hạnh phúc của người khác. Dám hy sinh thời giờ, sức khỏe, tiền bạc vì anh em. Sống như Chúa là hãy có lòng hiền lành khiêm nhường. Vì Chúa đã dạy: “Hãy học cùng Thày, vì Thày hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Sống như Chúa là hãy tha thứ, không phải chỉ tha thứ 7 lần mà đến 70 lần 7 (x. Mt 18,21-22).

Sống như thế, ta trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa giữa trần gian. Sống như thế, ta trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Sống như thế ta tôn sùng bí tích Thánh Thể một cách thiết thực và hữu hiệu nhất. Sống như thế là sống nhờ Thánh Thể. Không còn sống cho những giá trị trần gian mau qua, nhưng sống cho những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin dạy con biết sống bí tích Thánh Thể để con được kết hiệp với Chúa và càng ngày càng nên giống Chúa hơn. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Ban đã phải trả cho César những gì thuộc về César. Nhưng bạn có thực sự trả cho Chúa những gì thuộc về Người không?

2- Bạn làm gì để nên giống Chúa?

3- Qua bí tích Thánh Thể, bạn có thể hiểu được gì về tình yêu Chúa đối với bạn?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các tín hữu hành hương: 8-10-2014

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các tín hữu hành hương: 8-10-2014

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 80 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 8-10-2014 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã tố giác sự chia rẽ giữa các tín hữu Kitô và mời gọi mọi người cầu nguyện và dấn thân cho sự hiệp nhất.

Lúc quá 9 giờ rưỡi sáng, ĐTC tiến vào quảng trường thánh Phêrô trên chiếc xe díp màu trắng mui trần để chào thăm các tín hữu, ôm hôn và chúc lành cho các em bé được nhân viên an ninh bế đưa lên ngài.

Lên tới lễ đài ở thềm Đền thờ, ĐTC khởi sự buổi tiếp kiến với dấu Thánh giá và lời chào phụng vụ. Và sau phần tôn vinh lời Chúa với bài đọc ngắn trích từ đoạn 17 của Tin Mừng theo thánh Gioan ghi lại lời nguyện của Chúa Giêsu xin cho các môn đệ được hiệp nhất, ĐTC đã tiếp tục loạt bài huấn giáo về Giáo Hội, và ngài tiến sang bài thứ 8 nói về các tín hữu Kitô không Công Giáo.

Bài huấn giáo của ĐTC

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em

Trong các bài huấn giáo gần đây, chúng ta đã tìm cách làm nổi bật bản chất và vẻ đẹp của Giáo Hội, và chúng ta tự hỏi sự kiện chúng ta được thuộc về Dân của Giáo Hội bao hàm điều gì. Và chúng ta không quên rằng có bao nhiêu anh chị em cùng chia sẻ với chúng ta niềm tin nơi Chúa Kitô, nhưng họ thuộc các hệ phái khác hoặc thuộc các truyền thống khác với chúng ta. Nhiều người cam chịu sự chia rẽ này, sự chia rẽ qua dòng lịch sử thường là nguyên nhân gây ra những xung đột và đau khổ, cả chiến tranh nữa và đây thực là ô nhục. Cả ngày nay, các quan hệ cũng không luôn luôn đượm tinh thần tôn trọng và thân mật… Còn chúng ta, chúng ta có thái độ nào đứng trước tình trạng đó? Phải chăng chúng ta cũng cam chịu, và thậm chí có thái độ dửng dưng? Hoặc chúng ta mạnh mẽ xác tín rằng ta có thể và phải tiến bước theo chiều hướng hòa giải và hiệp thông trọn vẹn.

Những chia rẽ giữa các tín hữu Kitô, khi làm thương tổn Giáo Hội thì cũng gây thương tổn cho Chúa Kitô: thực vậy, Giáo Hội là thân mình mà Chúa Kitô là đầu. Chúng ta biết rõ điều Chúa Kitô rất mong muốn, đó là các môn đệ của Ngài hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Ngài. Chỉ cần nghĩ đến những lời Chúa được thuật lại trong chương 17 của Tin Mừng theo thánh Gioan, lời nguyện Chúa dâng lên Thiên Chúa Cha liền trước cuộc khổ nạn. ”Lạy Cha thánh, xin giữ gìn họ trong danh Cha, danh mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta” (Ga 17,11). Sự hiệp nhất này đã bị đe dọa trong khi Chúa Giêsu còn ở với các môn đệ: thực vậy, trong Tin Mừng, chúng ta nhớ vụ các môn đệ tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất, quan trọng nhất (Xc Lc 9,46). Nhưng Chúa đã nhấn mạnh rất nhiều về sự hiệp nhất trong danh Chúa Cha, cho chúng ta hiểu rằng việc loan báo và làm chứng tá của chúng ta càng đáng tin cậy nếu trước đó chúng ta càng có khả năng sống hiệp thông và yêu thương nhau. Đó là điều mà các tông đồ của Chúa, với ơn của Chúa Thánh Linh, đã hiểu sâu xa sau đó và quan tâm, đến độ thánh Phaolô đi tới độ tha thiết xin Cộng đoàn Corinto với những lời như sau: ”Vì thế, anh chị em, tôi xin anh chị em nhân danh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta hãy hiệp nhất trong lời nói, để đừng có chia rẽ giữa anh chị em, nhưng anh chị em hãy hiệp nhất trong tư tưởng và cảm thông” (1 Cr 1,10).

Trong hành trình lịch sử, Giáo Hội bị ma quỉ cám dỗ, hắn tìm cách chia rẽ Giáo Hội, và rất tiếc là Giáo Hội bị những phân rẽ trầm trọng và đau thương. Đó là những chia rẽ nhiều khi kéo dài trong thời gian, cho đến ngày nay, vì thế thật khó nêu rõ tất cả những lý do và nhất là tìm ra những giải pháp có thể. Những lý do đã đưa tới những rạn nứt và phân rẽ có thể rất khác nhau: từ sự khác biệt về những nguyên tắc tín lý và luân lý, và về những quan niệm thần học và mục vụ khác nhau, tới những động lực chính trị và xu thời, cho đến những cuộc đụng độ vì sự ác cảm và tham vọng cá nhân.. Điều chắc chắn là, cách này hay cách khác, đàng sau những xâu xé ấy luôn có sự kiêu ngạo và ích kỷ, là nguyên nhân gây ra mọi bất thuận và làm cho chúng ta trở nên bất bao dung, không có khả năng lắng nghe và chấp nhận những người có quan điểm và lập trường khác với chúng ta.

ĐTC đặt câu hỏi:

”Giờ đây, phải chăng đứng trước tất cả những điều ấy, có một cái gì đó mà mỗi người chúng ta, trong tư cách là phần tử của Giáo Hội là Mẹ Thánh, có thể và phải làm? Chắc chắn là không thể thiếu lời cầu nguyện, nối tiếp và hiệp thông với lời cầu của Chúa Giêsu. Và cùng với lời cầu nguyện, Chúa cũng yêu cầu chúng ta tái cởi mở: Chúa yêu cầu chúng ta đừng khép kín không đối thoại và gặp gỡ, trái lại đón nhận tất cả những gì có giá trị và tích cực mà những người nghĩ khác chúng ta hoặc có những lập trường khác, cống hiến. Chúa yêu cầu chúng ta đừng nhìn những gì chia rẽ chúng ta, nhưng đúng hơn, hãy ngắm nhìn những gì liên kết chúng ta, tìm cách biết và yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn và chia sẻ sự phong phú của tình yêu Chúa. Và điều này bao hàm một cách cụ thể thái độ gắn bó với chân lý, cùng với khả năng tha thứ cho nhau, cảm thấy mình là thành phần của cùng một gia đình, coi nhau như một món quà và cùng nhau làm bao nhiêu điều tốt lành, bao nhiêu công việc bác ái!

ĐTC cũng nói rằng: ”Thật là đau lòng vì có những chia rẽ, các tín hữu Kitô chia rẽ. Nhưng tất cả chúng ta đều có một điều chung: tất cả đều tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Tất cả chúng ta đều tin nơi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, cùng nhau tiến bước. Chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau.. Trong tất cả các cộng đoàn Giáo hội đều có những nhà thần học giỏi: họ hãy thảo luận, tìm kiếm chân lý thần học, vì đó là một nghĩa vụ, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau và làm việc bác ái. Và như thế chúng ta hiệp thông trong hành trình, điều này gọi là phong trào đại kết tinh thần: cùng nhau đồng hành trong đức tin, trong niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô”.

ĐTC cũng nhắc đến một kỷ niệm bản thân: hôm qua là kỷ niệm đúng 70 năm ngài được hiệp lễ, được rước lễ lần đầu. Hiệp lễ cũng là hiệp thông với người khác, với anh chị em chúng ta trong Giáo hội, với những người thuộc các cộng đoàn khác, nhưng tin nơi Chúa Giêsu. ”Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì bí tích rửa tội, vì sự hiệp thông giữa chúng ta”.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các LM và giám chức của Tòa Thánh đã tóm tắt bài này bằng các sinh ngữ khác nhau cũng như dịch những lời ĐTC chào các tín hữu hành hương cùng với những lời nhắn nhủ của ngài.

Chẳng hạn với các tín hữu nói tiếng Pháp, ngài nói: ”Tôi mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện cho công việc của Thượng HĐGM về gia đình mới khai mạc chúa nhật vừa qua. Đây là thời điểm quan trọng trong đời sống Giáo Hội, cũng như để nâng đỡ các gia đình chúng ta thường bị tổn thương và thử thách bằng nhiều cách.

Với các tín hữu nói tiếng Anh, ĐTC nhắc đến các phái đoàn đến từ nhiều nước như Anh, Wales, Ecosse, Ailen, Australia, và cả Đài Loan, Philippines, Malaysia và Hoa Kỳ. Ngài đặc biệt chào thăm phái đoàn đại kết và liên tôn đến từ Đài Loan và một nhóm thuộc Học viện Romanum ở Phần Lan.

Khi chào các tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC chào thăm các tham dự viên cuộc thi đua quốc tế nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Phong trào Schoenstatt, các bạn trẻ người Thụy Sĩ đến Roma tham dự tuần lễ tìm hiểu về đoàn Vệ Binh Thụy Sĩ tại Vatican.

Trong lời chào thăm các tín hữu Ba Lan, ĐTC nhắc nhở họ rằng: ”Anh chị em rất thân mến, chúng ta hãy phó thác tất cả các gia đình trên thế giới cho Mẹ Thiên Chúa, là Nữ Vương Mân Côi, xin Mẹ hồng ân tình thương, là hồng ân lớn hơn mọi khó khăn và yếu đuối, để các gia đình luôn hiệp nhất và hạnh phúc. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Thượng Hội đồng GM, để những suy tư về gia đình soi sáng và nâng đỡ hành trình của mỗi Giáo Hội tại gia!
Bằng tiếng Ý, ĐTC chào thăm các tu sĩ dòng Pallottin, các LM sinh viên Học viện Thánh Phêrô Tông Đồ trong có đó một số linh mục Việt Nam, các bạn trẻ thuộc Phong trào Schoenstatt, đang kỷ niệm 100 năm thành lập Phong trào; những người đề xướng và cổ võ cử hành Ngày Âu Châu về việc hiến cơ phận để ghép cho bệnh nhân. ĐTC nói: ”Tôi cầu mong rằng với hình thức chứng tá yêu thương đặc thù này đối với tha nhân, người ta duy trì được xác tín chỉ lấy cơ phận khi người hiến cơ phận qua đời thực sự và tránh mọi lạm dụng, những hình thức mua bán cơ phận”.

Sau cùng, ĐTC nhắc nhở rằng tháng mười này là tháng đặc biệt cầu nguyện với Kinh Mân Côi. Ngài nói: ”Hỡi các bạn trẻ thân mến, các con hãy luôn khẩn cầu sự chuyển cầu của Mẹ Maria, để Mẹ soi sáng cho các con trong mọi hoàn cảnh cần thiết. Hỡi anh chị em bệnh nhân quí mến, nhất là anh chị em thuộc Hợp Tác Xã săn sóc và phục hồi, ước gì ơn an ủi nhờ cầu nguyện với Mẹ Maria luôn hiện diện trong cuộc sống anh chị em và hỡi các đôi tân hôn, anh chị em hãy củng cố hôn nhân của anh chị em bằng lời cầu nguyện.

ĐTC kết thúc buổi tiếp kiến với Kinh Lạy Cha và phép lành Tòa Thánh ban cho mọi người.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Hồng Y Parolin khuyến khích các vị Sứ Thần Tòa Thánh

Đức Hồng Y Parolin khuyến khích các vị Sứ Thần Tòa Thánh

VATICAN. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cám ơn và khuyến khích các vị Sứ Thần Tòa Thánh thực thi những sáng kiến cụ thể giúp các chính quyền và dư luận ý thức về thảm trạng các tín hữu Kitô tại Trung Đông.

Trong bài giảng thánh lễ đồng tế sáng 4-10-2014, với các vị Sứ thần Tòa Thánh ở Trung Đông, Liên hiệp Âu Châu và LHQ, ĐHY Parolin nhắc đến thảm trạng đau thương mà các tín hữu Kitô và nhiều người khác đã và đang phải chịu ở Trung Đông: bao nhiêu cộng đoàn Kitô có từ thời các Tông Đồ đang phải đương đầu với những nguy hiểm trầm trọng và bách hại công khai. ĐHY nói:

”Thật là đau buồn khi nhận thấy các quyền lực sự ác tồn tại và tích cực hoạt động, nơi một số tâm trí băng hoại có sự xác tín rằng bạo lực và kinh hoàng là phương pháp người ta có thể dùng để áp đặt ý chí quyền lực cho người khác, thậm chí họ còn nấp sau chủ trương ngụy tạo gọi là để củng một một quan niệm tôin giáo nào đó! Đó thực là một sự sa đọa cảmthức tôn giáo chân chính, gây nên những hậu quả bi thảm và cần phản ứng lại. Giáo Hội không thể im lặng trước sự bách hại mà bao nhiêu con cái mình phải chịu và cộng đồng quốc tế không thể giữ thái độ trung lập giữa những người bị gây hấn và kẻ gây hấn”.

ĐHY Parolin nhấn mạnh rằng: ”Không được bỏ qua những gì có thể làm để thoa dịu thân thận của các anh chị em chúng ta đang bị thử thách và để ngăn chặn kẻ hung bạo. Chúa Quan Phòng cũng muốn dùng chúng ta, tự do và hoạt động, óc sáng tạo của chúng ta, sáng kiến và sự dấn thân hằng ngày của chúng ta”.

ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh xác quyết rằng ”Những Kitô hữu bị bách hại và tất cả những người phải chịu đau khổ bất công phải có thể nhận thấy Giáo hội là tổ chức đang bênh vực họ, cầu nguyện và hành động cho họ, và Giáo Hội không sợ khẳng định sự thật, trở thành lời nói của những kẻ không có tiếng nói, bênh vực và bảo vệ những người bị bỏ rơi, người tị nạn và người bị kỳ thị”. (SD 4-10-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn vận động viên khuyết tật

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn vận động viên khuyết tật

VATICAN. Sáng 4-10-2014, ĐTC đã tiếp kiến 7 ngàn vận động viên khuyết tật và những người tháp tùng. Ngài ca ngợi chứng tá của họ như một khích lệ cho những người khác đồng cảnh ngộ.

Các vận động viên hay lực sĩ đến từ nhiều nước trên thế giới về Roma tham dự cuộc thi đấu thể thao với chủ đề ”Hãy tin tưởng để sống động” (Believe to be alive).

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến tại Đại thính đường Phaolô 6 ở Nội thành Vatican, sau khi đề cao giá trị của thể thao, ĐTC nhận xét rằng: việc thực hành thể thao của các vận động viên khuyết tật là một ”sứ điệp khích lệ cho tất cả những người sống trong những hoàn cảnh tương tự và trở thành một lời mời gọi dấn thân với tất cả năng lực của mình để cùng nhau thực hiện những gì tốt đẹp, vượt lên trên những hàng rào mà chúng ta có thể gặp chung quanh mình, và trước tiên là những hàng rào trong nội tâm của mình”.

ĐTC cũng nói: ”Các vận động viên thân mến, chứng tá của anh chị em là một dấu chỉ hy vọng to lớn. Đó là một bằng chứng cho thấy trong mỗi người có những tiềm năng mà nhiều khi chúng ta không tưởng tượng được, và chúng có thể phát triển trong niềm tín thác và liên đới. Thiên Chúa Cha là người đầu tiên biết điều đó và Người nhìn chúng ta với lòng tín nhiệm, Người yêu thương chúng ta trong thân phận hiện tại nhưng Chúa cũng làm cho chúng ta tăng trưởng theo những gì chúng ta có thể trở thành. Vì thế, trong nỗ lực của anh chị em đạt tới một nền thể thao không hàng rào, một thế giới không có người bị loại trừ, anh chị em không bao giờ lẻ loi! Thiên Chúa là Cha chúng ta ở cùng anh chị em”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Ước gì thể thao trở thành một thao trường đối với tất cả anh chị, trong đó anh chị em tập luyện hằng ngày trong niềm tôn trọng chính mình và người khác, một thao trường mang lại cho anh chị em cơ hội biết những người và môi trường mới, giúp anh chị em cảm thấy mình là thành phần tích cực của xã hội”.

Chúa nhật 5-10-2014, lần đầu tiên ở đường Hòa Giải và Quảng trường Piô 12 liền trước Quảng trường Thánh Phêrô có bố trí một diễn trường lớn cho ngành thể thao khuyết tật, thuộc các bộ môn khác nhau. Lúc 12 giờ trưa, các tham dự viên cũng tham gia buổi đọc kinh Truyền Tin với ĐTC Phanxicô (SD 4-10-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều tạ ơn 200 năm tái lập dòng Tên

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều tạ ơn 200 năm tái lập dòng Tên

ROMA. ĐTC Phanxicô mời gọi các tu sĩ dòng Tên tiếp tục phục vụ Giáo Hội, can đảm cùng nhau đương đầu với những thách đố ngày nay.

Ngài đưa ra lời kêu gọi này trong bài giảng tại buổi hát kinh chiều thứ bẩy 27-9-2014 tại Nhà Thờ Chúa Giêsu ở Roma, nhân dịp tạ ơn kỷ niệm 200 năm ĐGH Piô 7 tái lập dòng Tên.

Dòng Tên được thánh Ignatio Loyola thành lập năm 1539 nhưng bị ĐGH Clémente 14 giải tán năm 1773 dưới sức ép của các triều đình Âu Châu. Ngày 7 tháng 8 năm 1814, ĐGH Piô 7 ban sắc chỉ ”Sollicitudo omnium ecclesiarum” (mối quan tâm của toàn thể các Giáo Hội) tái lập dòng Tên.

Nhà Thờ Chúa Giêsu của dòng Tên ở trung tâm Roma là nơi có giữ hài cốt thánh Ignatio cũng như một cánh tay của Thánh Phanxicô Xavie, Tông đồ miền viễn đông, và cũng có mộ của nhiều Bề trên Tổng quyền của dòng. Kể từ khi làm Giáo Hoàng ngày 13-3 năm ngoái, ĐTC Phanxicô đã đến Nhà thờ Chúa Giêsu 4 lần. Hiện diện tại thánh đường này trong buổi hát Kinh Chiều, ĐHY João Aviz de Braz, Tổng trưởng Bộ các dòng tu, Cha Bề Trên Tổng Quyền Adolfo Nicolas và khoảng 300 tu sĩ dòng Tên cùng với một số tín hữu.

Trong bài giảng, ĐTC nhắc lại những biến cố đau thương dòng Tên đã trải qua, từ những vụ bị nhà cầm quyền trục xuất khỏi Tây Ban Nha, Pháp, Bồ đào nha cho đến khi bị Đức Clemente XIV giải tán năm 1773. Ngài nhắc đến tinh thần vâng phục của dòng giữa những tủi nhục, giữa những mất mát tất cả, thậm chỉ cả căn tính công khai của mình. Cha Ricci, Bề Trên Tổng quyền bấy giờ, vẫn nhắn nhủ anh em duy trì tinh thần bác ái, hiệp nhất, tuân phục, kiên nhẫn, đơn sơ theo Phúc Âm, và sống tình bạn đích thực với Thiên Chúa.

ĐTC khẳng định rằng ”Con thuyền dòng Tên đã bị sóng gió vùi dập và không nên ngạc nhiên vì sự kiện đó. Cả con thuyền thánh Phêrô ngày nay cũng có thể bị như vậy. Đêm tối và quyền lực của bóng đen vẫn luôn gần kề.. Các tu sĩ dòng tên phải luôn là ”những tay chèo lành nghề và dũng cảm” (Piô VII, Sollecitudo omnium ecclesiarum): anh em hãy chèo dù thế nào đi nữa! Hãy chèo, hãy vững mạnh, kể cả khi gặp gió ngược! Hãy chèo để phục vụ Giáo Hội! Hãy cùng nhau chèo! Nhưng trong khi chèo – tất cả chúng ta đều chèo, kể cả Giáo Hoàng cũng chèo với con thuyền thánh Phêrô – chúng ta phải cầu nguyện thật nhiều: 'Lạy Chúa, xin cứu chúng con! Lạy Chúa, xin cứu dân Chúa!”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Ngày nay, dòng Tên đang đương đầu một cách khôn ngoan và cần cù với cả vấn đề bi thảm của những người tị nạn và di tản; trong tinh thần phân định, Dòng đang cố gắng liên kết việc phục vụ đức tin với sự thăng tiến công lý, phù hợp với Tin Mừng. Ngày hôm nay tôi tái khẳng định điều mà ĐGH Phaolô 6 đã nói với Tổng tu nghị thứ 32 của chúng ta mà chính tôi đã nghe: “Bất kỳ nơi nào trong Giáo Hội, cả trong những cánh đồng khó khăn và khắc nghiệt nhất, nơi các ngã tư của các ý thức hệ, nơi các chiến hào xã hội, đã và đang có sự đối chiếu giữa những đòi hỏi nóng bỏng của con người và sứ điệp ngàn đời của Tin Mừng, tại những nơi đó đã và đang có các tu sĩ Dòng Tên”. (SD 27-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio