Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ đầu tiên tại Chile

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ đầu tiên tại Chile

SANTIAGO. Trong thánh lễ đầu tiên trong cuộc viếng thăm tại Chile, ĐTC Phanxicô các tín hữu trở thanh những người xây dựng hòa bình và công lý trong cuộc sống thường nhật.

Thánh lễ diễn ra lúc 10 giờ 30 sáng ngày 16-1-2018 tại công viên O'Higgins, trước sự hiện diện của nửa triệu tín hữu.

O'Higgins là tên Ông Bernardo O'Higgins, một trong các vị lập quốc của Chile, và công viên này ở trung tâm thành phố và lớn thứ hai ở thủ đô Santiago, rộng 770 ngàn mét vuông sau công viên Metropolitano.

Đến công viên, ĐTC đã được các tín hữu nồng nhiệt chào đón và ngài dùng xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm nửa triệu tín hữu hiện diện tại đây.

Thánh lễ ĐTC cử hành có chủ đề là “Cầu nguyện cho hòa bình và công lý”. Đồng tế với ngài không những có 50 GM Chile, nhưng còn có hàng chục GM Argentina láng giềng, và hàng ngàn linh mục trong lễ phục màu trắng ngồi trên lễ đài. Ca đoàn có khoảng 500 ca viên đã đảm nhận phần thánh ca. Cạnh bàn thờ là tặng Đức Mẹ Camêlô, bổn mạng của Chile. Trên mặt tiền lễ đài cũng có ảnh của 4 vị thánh của Chilê, trong đó có thánh Hurtado SJ, Laura de Cuna, Teresa de los Andes..

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC đã diễn giải về các Mối Phúc được Chúa Giêsu trình bày trong bài giảng trên núi (Mt 5,1tt) được đọc trong buổi lễ và nhận xét rằng:

”Các mối phúc không phát sinh từ một thái độ thụ động đứng trước thực tại, và cũng không thể nảy sinh từ một người quan sát, trở thành một tác giả buồn thảm về thống kê gì đang xảy ra. Các mối phúc không phát sinh từ những tiên tri loan báo tai ương, chỉ hài lòng với việc gieo vãi thất vọng. Các mối phúc ấy cũng không nảy sinh từ những ảo ảnh hứa hẹn với chúng ta hạnh phúc trong nháy mắt. Trái lại các mối phúc thật nảy sinh từ tâm hồn cảm thương của Chúa Giêsu, gặp gỡ tâm hồn những người nam nữ mong ước và khát khao một đời sống hạnh phúc; những người đang đau khổ, bị ngỡ ngàng và chịu đau đớn phát sinh khi ”mặt đất dưới chân họ rung chuyển”, hoặc ”khi những giấc mơ của họ bị chìm lỉm” và công trình cả cuộc sống của họ bị tan biến; nhưng hơn thế nữa, họ là những người biết kiên trì và chiến đấu để tiếp tục tiến bước, biết tái thiết và bắt đầu lại.

”Các mối phúc không nảy sinh từ những thái độ dễ dàng phê bình và cũng không sinh ra từ những lời nói rỗng tuếch, rẻ tiền, của những người tưởng là biết hết mọi sự nhưng lại không muốn dấn thân làm gì hoặc với một ai, và rốt cuộc họ ngăn chặn mọi cơ may tạo nên những tiến trình biến đổi và tái thiết trong các cộng đoàn và trong đời sống chúng ta. Các mối phúc phát sinh từ trái tim từ bi, không ngừng hy vọng, và cảm thấy rằng hy vọng chính là ngày mới, là sự loại trừ thái độ bất động, rũ bỏ thái độ suy nhược tiêu cực.

ĐTC giải thích rằng: Khi nói 'phúc cho người nghèo, người khóc lóc, người sầu muộn, người đau khổ, người tha thứ.. Chúa Giêsu đến để loại bỏ sự bất động làm tê liệt của những người tưởng rằng tình thế không thể thay đổi, của người không còn tin tưởng nơi quyền năng có thể biến đổi của Thiên Chúa Cha và nơi những anh chị em, đặc biệt nơi những anh chị em yếu thế nhất, những anh chị em bị gạt bỏ. Chúa Giêsu, khi tuyên bố các mối phúc thật, Ngài đến để đánh động thái độ yếu nhược tiêu cực, gọi là thái độ cam chịu, khiến chúng ta tưởng rằng ta sẽ sống tốt đẹp hơn nếu chúng ta trốn tránh các vấn đề, nếu chúng ta chạy trốn ngươi khác, nếu chúng ta ẩn nấp hoặc khép mình trong sự thoải mái, nếu chúng ta ngủ đi trong thái độ tiêu thụ trấn an (EG 2). Thái độ cam chịu như thế dẫn chúng ta đến chỗ cô lập với mọi người, chia rẽ, tách biệt nhau, làm cho chúng ta mù quáng trước cuộc sống và sự đau khổ của tha nhân.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC khẳng định rằng ”Đứng trước thái độ cam chịu ấy, Chúa Giêsu nói với chúng ta: Phúc cho những người dấn thân cho sự hòa giải. Phúc cho những người sẵn sàng xắn tay áo làm việc để những người khác được sống trong anbình. Phúc cho những người cố gắng không gieo rắc chia rẽ. Như thế, hạnh phúc làm cho chúng ta trở thanh những người xây dựng hòa bình; mời gọi chúng ta dấn thân để tinh thần hòa giải lan rộng giữa chúng ta.

ĐTC nhắc lại câu nói của ĐHY Silva Henriquez, vị đại mục tử của giáo phận Santiago de Chile: ”Nếu bạn muốn hòa bình, thì hãy làm việc cho công lý”. Và nếu có ai hỏi chúng ta ”Công lý là gì?” hoặc công lý chỉ có nghĩa là không trộm cắp, thì chúng ta nói rằng có một thứ công lý khác: công lý đòi mỗi người được đối xử như con người”. (Te Deum 18-9-1977).

Và ĐTC kết luận rằng:

”Gieo rãi hòa bình bằng sự gần gũi, bằng sự đi ra khỏi nhà, để quan sát các khuôn mặt, gặp gỡ những người ở trong khó khăn, người không được đối xử như con người, như người con xứng đáng của đất nước này. Đó là cách thức duy nhất chúng ta có để dệt lên một tương lai hòa bình.. Xây dựng hòa bình là một tiến trình liên kết chúng ta và kích thích tinh thần sáng tạo của chúng ta để tạo nên những tương quan có khả năng nhìn người láng giềng không phải như một người xa lạ, vô danh, nhưng như người con của đất nước này”

Sau bài giảng, ĐTC đã chủ sự nghi thức đội triều thiên cho Tượng Đức Mẹ Núi Camêlô, trước phần Lời nguyện giáo dân. Tượng Đức Mẹ này đã được đội triều thiên lần đầu tiên hồi năm 1900.

Ban chiều cùng ngày 16-1-2018, ĐTC viếng thăm nhà tù thánh Joakim, dành cho phụ nữ. Trong hơn 100 năm trời, từ 1864 đến 1996, nhà tù này được chính phủ ủy thác cho các nữ tu dòng Chúa Chiên Lành, và các nữ tù nhân tại đây là những người phạm các tội nhỏ như trộm cắp, chỉ có vài trường hợp, các nữ tù nhân phạm tội sát nhân bị giam giữ tại đây. Nhưng rồi với thời gian, tình hình thay đổi, với sự gia tăng nạn buôn bán ma túy và nghiện ngập, các nữ tu nhân phạm tội nặng cũng bị giam tại đây. Cho đến năm 1980, số tù nhân không quá 160 người, nhưng từ năm 1998, con số lên tới khoảng 600 người. Trong những năm 2000, con số tăng quá gấp đôi, lên 1.400 người, tuy rằng nhà tù chỉ có 855 chỗ.

Ngày nay, nhà tù Thánh Gioakim tiếp nhận tới 45% tổng số nữ tù nhân toàn nước Chile. Họ sống trong tình trạng chật chội, tình trạng mà Giáo Hội Công Giáo Chile đặc biệt quan tâm theo dõi qua các ban mục vụ nhà tù.

Hoạt động cuối cùng của ĐTC trong ngày ở Santiago là cuộc gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh ở Nhà thờ chính tòa thủ đô rồi gặp 50 GM Chile nơi nhà thánh của Thánh đường này.

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha gặp chính quyền và đoàn ngoại giao ở Chile

Đức Thánh Cha gặp chính quyền và đoàn ngoại giao ở Chile

SANTIAGO. Trong buổi gặp gỡ chính quyền, ngoại giao đoàn và đại diện các tầng lớp xã hội, văn hóa, Chilê, ĐTC cổ võ tinh thần lắng nghe, bảo vệ môi trường, và ngài cũng bày tỏ đau buồn vì những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Sáng thứ ba, 16-1-2017, ĐTC đã bắt đầu chương trình viếng chính thức tại Chile, với cuộc gặp gỡ chính quyền Chile và thánh lễ tại Công viên O'Higgins trước sự hiện diện của nửa triệu tín hữu. Ban chiều ngài viếng thăm một nhà tù phụ nữ trước khi gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh Chile tại Nhà thờ chính tòa Santiago.

Lúc quá 8 giờ sáng giờ địa phương, ĐTC đã rời tòa Sứ thần Tòa Thánh đến dinh La Moneda, để gặp gỡ chính quyền và đoàn ngoại giao.

La Moneda, có nghĩa là ”tiền cắc” vì tòa nhà hùng vĩ này, có từ thời thuộc địa, vốn là nơi đúc tiền, được khánh thành cách đây 213 năm từc là vào năm 1805. 45 năm sau đó, tòa nhà này được biến cải thành trụ sở của chính phủ và là dinh của Tổng Thống. Nhưng ngày 11 tháng 9 năm 1973, không quân Chile đã dội bom xuống tòa nhà này, phá hủy phần lớn, và tổng thống Salvador Allende bị thiệt mạng trong vụ đảo chánh này. Sau đó tòa nhà được trùng tu và năm 2006 được biến thành ”Trung Tâm Văn Hóa Dinh La Moneda”.

Đến nơi vào lúc 8 giờ 20 phút sáng, ĐTC đã được tổng thống Chile, bà Michelle Bachelet Jeria đón tiếp, duyệt qua hàng quân danh dự, rồi tiến vào bên trong, trong khuôn viên có 700 người, gồm các quan chức chính quyền, đoàn ngoại giao và đại diện xã hội và văn hóa Chile đang chờ đợi ngài.

Diễn văn của ĐTC

Ngỏ lời với mọi người sau lời chào mừng nồng nhiệt của Bà Tổng thống Bachelet, ĐTC nói:

”Thật là một niềm vui cho tôi được trở lại Mỹ châu la tinh và bắt đầu cuộc viếng thăm tại đất nước Chile yêu quí này, nơi đã đón tiếp và huấn luyện tôi khi tôi còn trẻ; tôi ước muốn rằng thời gian ở với quí vị cũng là lúc bày tỏ lòng biết ơn vì bao nhiêu điều tốt lành tôi đã nhận được..

Xin cám ơn Tổng thống vì những lời chào mừng đã gửi đến tôi. Qua Tổng thống, tôi cũng muốn chào thăm và ôm lấy toàn thể nhân dân Chile, từ vùng cực bắc của miền Arica và Painacota cho đến quần đảo miền nam..”

Sau khi ca ngợi những tiến bộ của Chile những thập niên vừa qua trong lãnh vực dân chủ, ĐTC đặc biệt đề cao trách nhiệm của mỗi người trong việc góp phần xây dựng đất nước: ”Mỗi thế hệ phải đón nhận cuộc tranh đấu và những thành tích của các thế hệ đi trước và dẫn tới những mục tiêu cao hơn nữa. Thiện ích như tình thương, công lý và liên đới, không thể đạt được một lần cho tất cả, nhưng cần phải được chinh phục mỗi ngày”..

Trong tiến trình trên đây, ĐTC đặc biệt đề cao tầm quan trọng của khả năng lắng nghe mà dân chúng và chính quyền cần phải có. Ngài nói:

”Khả năng lắng nghe có một giá trị lớn tại đất nước này, nơi mà sự đa nguyên về chủng tộc, văn hóa và lịch sử đòi phải được bảo tồn, chống lại mọi toan tính thiên vị hoặc bá quyền, gây nguy hiểm cho khả năng loại bỏ thái độ giáo điều loại trừ người khác, thay vì cởi mở lành mạnh đối với công ích.. Điều không thể thiếu được là lắng nghe: lắng nghe những người thất nghiệp không thể đảm bảo hiện tại và tương lai của gia đình họ; lắng nghe các thổ dân bản xứ, thường bị quên lãng, quyền lợi của họ phải được quân tâm và văn hóa của họ phải được bảo vệ, để không bị mất một phần căn tính và sự phong phú của quốc gia này. Lắng nghe những người di dân, đang gõ cửa đất nước này để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, và với lòng can đảm và hy vọng, họ muốn kiến tạo một tương lai tốt đẹp cho tất cả mọi người.

Lắng nghe người trẻ, trong những băn khoăn mong được những cơ hội nhiều hơn, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục, và qua đó cảm thấy mình là những người nắm vai chính tại Chile có những ước mơ, cần tích cực bảo vệ người trẻ chống lại tai ương ma túy đang xâm chiếm cuộc sống của họ. Lắng nghe người già, với những khôn ngoan rất cần thiết của họ và nâng đỡ sự yếu đuối mong manh của họ. Chúng ta không thể bỏ rơi họ.

”Lắng nghe các trẻ em, đang nhìn thế giới với đôi mắt đầy ngạc nhiên và thơ ngây, các em chờ đợi nơi chúng ta những câu trả lời thực thế cho một tương lai xứng đáng. Ở đây tôi không thể không bày tỏ sự đau buồn và xấu hổ mà tôi cảm thấy trước thiệt hại không thể sửa chữa được mà các thừa tác viên của Giáo Hội đã gây ra. Tôi muốn hiệp với các anh em tôi trong hàng Giám Mục, vì điều công bằng là xin lỗi và hết sức nâng đỡ các nạn nhân, trong khi chúng ta phải dấn thân để những điều đó không xảy ra nữa” (mọi người đã nồng nhiệt vỗ tay).

Đề cập đến việc bảo vệ thiên nhiên, ĐTC nói:

”Với khả năng lắng nghe này, đặc biệt ngày nay, chúng ta được mời gọi ưu tiên chú ý đến căn nhà chung của chúng ta: làm tăng trưởng một nền văn hóa biết chăm sóc trái đất và với mục đích ấy, chúng ta không chỉ hài lòng với việc cung cấp những câu trả lời đặc thù cho các vấn đề trầm trọng về sinh thái học và môi trường đang xảy ra; trong lãnh vực này cần phải có sự táo bạo, cống hiến một cái nhìn khác, một tư tưởng, một chính sách, một chương trình giáo dục, một lối sống và một linh đạo dẫn tới một sự chống lại sự bành trướng của những khuôn mẫu duy kỹ thuật, dành ưu tiên cho quyền lực kinh tế đối với hệ thống môi sinh tự nhiên, và vì thế coi nghe công ích của các dân tộc”.

ĐTC nhận xét rằng ”Sự khôn ngoan của các dân tộc bản xứ đóng góp một phần quan trọng. Chúng ta có thể học được từ nơi họ điều này: không có sự phát triển chân thực nơi một dân tộc quay lưng lại với trái đất và tất cả những gì và những người xung quanh trái đất. Chile, trong căn cội của mình, có một sự khôn ngoan có khả năng giúp đi xa hơn quan niệm thuần túy duy tiêu thụ về cuộc sống để đạt tới một thái độ khôn ngoan đứng trước tương lai.

Sau diễn văn trên đây, ĐTC còn gặp gỡ và hội kiến riêng với bà Tổng thống Bachelet tại Phòng Azul trong tòa nhà La Moneda.

Bà Michelle Bachelet năm nay 67 tuổi (1951), vốn là con của một tướng lãnh không quân Chile. Sau cuộc đảo chánh ngày 11-9 năm 1973, thân phụ bà bị cầm tù và chết vì bị tra tấn. Bà Michelle cùng với thân mẫu cũng bị tù rồi sau đó lưu vong ra nước ngoài. Năm 1979, bà trở về nước và tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Đại học Chile, và chuyên về bệnh nhi đồng. Sau khi Chile trở lại chế độ dân chủ, bà Michelle phục vụ tại Bộ y tế, và lần lượt làm Bộ trưởng Y tế (2000), Bộ trưởng Quốc phòng (2002). Năm 2006, bà được bầu làm tổng thống lần đầu năm 2006 và được tái cử năm 2014.

Tổng thống Bachelet đang mãn nhiệm. Từ ngày 11-3-2018 tới đây, kế nhiệm bà sẽ là ông Sebastian Pinera, thuộc đảng trung hữu, đắc cử ngày 17-12-2017 với 54% số phiếu. Ông năm nay 68 tuổi và đã làm tổng thống lần đầu từ năm 2010 đến 2014. Ông cũng hiện diện trong cuộc gặp gỡ ĐTC.

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha lên đường viếng thăm Chile

Đức Thánh Cha lên đường viếng thăm Chile

VATICAN. Sáng ngày 15-1-2018, ĐTC Phanxicô đã lên đường bắt đầu cuộc tông du dài 1 tuần lễ tại Chile và Peru. Đây là chuyến viếng thăm thứ 22 của ngài tại nước ngoài và là lần thứ 6 ngài về thăm Mỹ châu la tinh.

ĐTC Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 2 đến thăm Chile, 31 năm sau cuộc viếng thăm của ĐGH Gioan Phaolô 2. Cuộc viếng thăm của Đức đương kim Giáo Hoàng có chủ đề là câu Chúa Giêsu nói với các môn đệ ”Thầy ban bình an cho các con” (Ga 14,27) được ghi trên huy hiệu chuyến viếng thăm, có hình thánh giá lớn màu vàng gắn liền với bản đồ Chile, như muốn trải dài niềm an bình của Chúa trên đất nước này. Huy hiệu muốn nhấn mạnh rằng ĐTC mang hồng ân Lời Chúa và một động lực mạnh mẽ cho nền văn hóa gặp gỡ, kiến tạo một bầu không khí hiệp nhất cho đất nước Chile.

Như thói quen, chiều thứ bẩy 13-1-2017, ĐTC đã đến cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma ở Đền thờ Đức Bà Cả, để xin ơn phù trợ của Mẹ Thiên Chúa. Đây là lần thứ 57 ngài đến cầu nguyện tại Vương Cung Thánh đường này.

Lên đường

ĐTC từ Vatican ra phi trường Fiumicino của thành phố Roma lúc 8 giờ 12 phút sáng. Tại đây sau nghi thức tiễn biệt đơn sơ, với sự hiện diện của các chức sắc đạo đời và Ông Luigi Lubitosi, Ủy viên ngoại thường của hãng Alitalia, máy bay 777-200 của hãng này đã cất cánh lúc 8 giờ 55 và trực chỉ phi trường thủ đô Santiago de Chile, cách đó 12,500 cây số về hướng tây nam. Kể như trọn ngày hôm qua, ĐTC và đoàn tháp tùng cùng với các ký giả quốc tế ở trên máy bay suốt 15 tiếng 40 phút đồng hồ. Toàn bộ chuyến viếng thăm của ĐTC lần này tại hai nước Chile và Peru dài 30 ngàn cây số với 10 chuyến bay, kể cả những chuyến bay nội địa 2 nước ngài thực hiện.

Trên máy bay, ĐTC đã chào thăm 70 ký giả cùng đi và ngài tặng cho mỗi người tấm hình chụp tại Nagasaki, Nhật Bản, sau vụ ném bom nguyên tử năm 1970, mặt sau có ghi hàng chữ ”hậu quả của chiến tranh”.

Ngài giải thích: ”Tấm hình này tôi đã tìm cờ tìm được. Hình chụp một đứa trẻ cõng xác đứa em trên vai đang đợi đến phiên trước nhà hỏa táng ở Nagasaki sau khi bom nổ. Tôi xúc động khi nhìn tấm hình đó. Tôi suy nghĩ và tôi chỉ dám viết ”Hậu quả của chiến tranh”, rồi mang đi in, và phân phát, vì tấm ảnh thuộc loại này gây xúc động hơn là một ngàn lời nói. Và tôi muốn chia sẻ với anh chị em”.

Trong khi ĐTC chào các ký giả, một người đã hỏi ngài xem ngài về nguy cơ chiến tranh hạt nhân, ngài đáp: ”Đúng vậy, tôi thực sự là sợ. Chúng ta ở ranh giới. Ta không thể để cho tình hình đột biến. Chúng ta phải loại trừ các võ khí hạt nhân”.

Và ĐTC nói: ”Tôi cầu chúc anh chị em hành trình bình an. Alitalia nói chuyến bay Roma – Santiago là chuyến bay trực tiếp dài nhất của hãng này, 15 giờ 40 phút. Chúng ta có giờ để nghỉ ngơi, làm việc và bao nhiêu điều khác. Xin cám ơn anh chị em vì công việc của anh chị em. Thật là vất vả, 3 ngày tại nước này, 3 ngày tại nước khác. Đối với tôi, ở Chile, không khó lắm, vì tôi đã học tại đó 1 năm, và có bao nhiêu bạn hữu. Tôi biết rõ nước này. Trái lại Peru thì tôi biết ít hơn. Tôi chỉ đến đó 2, 3 lần để dự hội nghị, gặp gỡ”.

Theo chương trình, ĐTC sẽ tới Santiago khoảng 8 giờ tối ngày 15-1-2018, giờ địa phương. Tại đây sau nghi tiếp đón tiếp đơn sơ, ngài sẽ về tòa Sứ thần Tòa Thánh, cách phi trường 24 cây số, để dùng bữa tối và qua đêm.

G. Trần Đức Anh OP 

ĐTC mời gọi tiếp đón, thăng tiến và hội nhập người di cư tỵ nạn

ĐTC mời gọi tiếp đón, thăng tiến và hội nhập người di cư tỵ nạn

Mỗi một người ngoại quốc gõ cửa nhà chúng ta là một dịp gặp gỡ với Chúa Giêsu, Đấng đã tự đồng hoá mình với người ngoại quốc được tiếp đón hay khước từ thuộc mọi thời đại (x. Mt 25,35.43). Hôm nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta thắng vượt các sợ hãi để có thể đi gặp gỡ tha nhân, tiếp đón họ, hiểu biết họ và thừa nhận họ. Chỉ có một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu mới làm nảy sinh ra con đường lòng tin và cuộc đời môn đệ.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ và bai huấn dụ trước Kinh Truyền Tin Ngày quốc tế di cư và tỵ nạn, cử hành trong đền thờ thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật hôm qua. Cùng đồng tế với ĐTC có 6 Hồng Y, 10 Tổng Giám Mục và Giám Mục, và 450 Linh Mục. Trong số 9,000 tín hữu tham dự thánh lễ có phái đoàn của 49 nước với các người di cư tỵ nạn đem theo quốc kỳ và khoảng 70 giới chức ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh. Trong số các tín hữu tham dự thánh lễ có 200 người Ấn Độ lễ nghi Latinh, 450 tín hữu lễ nghi Siro Malabar, 50 người Libăng lễ nghi maronít, 800 người Rumani lễ nghi latinh và Hy lạp công giáo, 30 người Madagascar, 60 người Siri Antiokia, hơn 1.200 người Ucraine lễ nghi công giáo Hy lạp và latinh, 150 người Sri Lanka, 200 người Capo Verde, hơn 2.000 người Philippines. Cũng có các tín hữu melkít, Tầu và nhiều nước khác.

Quảng diễn các bài đọc phụng vụ Chúa Nhật kể lại ơn gọi của ngôn sứ Samuel và ơn gọi của hai tông đồ Anrê và Gioan, ĐTC nói: như đã làm với Samuel hôm nay Chúa cũng gọi tên chúng ta, và xin chúng ta tôn kính sự kiện  chúng ta đã được tạo dựng như là các con người duy nhất không thể lập lại được, tất cả đều khác nhau và với một vai trò riêng biệt trong lịch sử thế giới. Khi hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả hỏi Chúa Giêsu “Lậy Thầy, Thầy ở đâu?” câu trả lời của Ngài “Hãy đến và xem” mở ra cho một cuộc gặp gỡ cá nhân chiêm ngắn một lúc thích hợp để tiếp nhận, hiểu biết và thừa nhận tha nhân.

Trong sứ điệp cho Ngày di cư tỵ nạn hôm nay tôi đã viết: “Mỗi một người ngoại quốc gõ cửa nhà chúng ta là một dịp cặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, Đấng tự đồng hoá mình với người ngoại quốc được tiếp đón hay bị khước từ thuộc mọi thời đại” . Và đối với người ngoại quốc, người di cư, tỵ nạn và xin tỵ nạn mỗi một cánh cửa của đất mới cũng là một dịp gặp gỡ Chúa Giêsu. Lời Ngài mời gọi “Hãy đến và xem” cũng được hướng tới tất cả chúng ta, các cộng đoàn địa phương và các người mới tới. Đó là một lời mời gọi thắng vượt các sợ hãi để có thể đi gặp tha nhân, để tiếp đón họ, hiểu biết họ và thừa nhận họ. Đó là một lời mời gọi cống hiến cơ may gần gũi người khác để xem họ ở đâu và sống thế nào.

ĐTC nói tiếp trong bài giảng: Trong thế giới ngày nay đối với những người mới tới, tiếp đón, hiểu biết và thừa nhận có nghĩa là hiểu biết và tôn trọng các luật lệ, nền văn hoá và các truyền thống của các nước tiếp đón họ. Nó cũng có nghĩa là hiểu các sợ hãi và học hỏi cho tương lai. Đối với các cộng đoàn địa phương tiếp đón, hiểu biết và thừa nhận có nghĩa là rộng mở cho sự phong phú, cho sự khác biệt mà không có các tiền ý niệm, hiểu biết các tiềm năng và các niềm hy vọng của những người mới tới, cũng như sự dễ tổn thương và các sợ hãi của họ.

Cuộc gặp gỡ đích thực với người khác không chỉ dừng lại ở việc tiếp đón, nhưng khiến cho tất cả chúng ta dấn thân  trong các hoạt động khác, mà tôi đã minh nhiên trong Sứ điệp cho ngày này: che chở, thăng tiến và hội nhập. Trong cuộc gặp gỡ đích thật với người lân cận, chúng ta sẽ có khả thể nhận biết Chúa Giêsu Kitô là Đấng xin được tiếp đón, che chở, thăng tiến và hội nhập. Nó sẽ là tiêu chuẩn của ngày phán xét sau hết: Cuộc gặp gỡ đích thật này với Chúa Kitô là suối nguồn của ơn cứu rỗi, một sự cứu rõi được loan báo và đem tới cho tất cả mọi người  như tông đồ Anrê cho chúng ta thấy. Sau khi cho anh mình là Simon biết ông đã tìm thấy Đấng Messia ông dẫn anh tới với Chúa Giêsu để cho anh có cùng kinh nghiệm gặp gỡ như ông.

Thật không dễ bước vào trong nền văn hoá của người khác, đặt mình trong hoàn cảnh của những người khác biệt với chúng ta, hiểu các tư tưởng và các niềm hy vọng của họ. Và chính vì thế chúng ta thường khước từ sự gặp gỡ với tha nhân và dựng lên các hàng rào để bảo vệ chính mình. Các cộng đoàn địa phương đôi khi sợ các người mới tới quấy rối trật tự đã có, sợ họ ăn trộm cái gì đã được xây dựng một cách vất vả. Cả những người mới tới cũng sợ sự đối chọi, phán đoán, kỳ thị, thất bại. Các nỗi sợ hãi này hợp pháp, vì dựa trên các nghi ngờ dễ hiểu trên bình diện nhân loại. ĐTC giải thích thêm sự sợ hãi như sau:

Có các nghi ngờ và sợ hãi không phải là một tội. Tội là để cho các sợ hãi đó xác định các câu trả lời của chúng ta, điều kiện hoá các lựa chọn của chúng ta, làm hại cho sự tôn trọng và lòng quảng đại, nuôi dưỡng sự thù hận và khước từ. Tội là từ chối gặp gỡ người khác, với sự khác biệt, với tha nhân, nhưng thực ra là một dịp đặc ân của sự gặp gỡ với Chúa.

Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay với Chúa Giêsu nơi người nghèo, người bị gạt bỏ, người tỵ nạn, người xin tỵ nạn làm nảy sinh ra lời cầu nguyện của chúng ta hôm nay. Một lời cầu nguyện cho nhau giữa các cộng đoàn tiếp đón và người di cư tỵ nạn… Chúng ta hãy phó thác cho sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ Maria Rất Thánh các niềm hy vọng của mọi người di cư tỵ nạn trên thế giới để chúng ta tất cả học biết yêu thương tha nhân, yêu thương người ngoại quốc như chính mình, phù hợp với giới răn bác ái và yêu thương tha nhân của Thiên Chúa.

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin chung với mấy chục ngàn tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Giải thích trình thuật ơn gọi của hai tông đồ Anrê và Gioan ĐTC nói Phúc Âm hôm nay dẫn chúng ta vào thời gian phụng vụ thường niên giúp linh hoạt và kiểm thực con đường lòng tin của chúng ta trong cuộc sống thường ngày, vào trong một năng động di chuyển giữa việc hiển linh và đi theo, giữa việc biểu lộ và ơn gọi. Nó chứa đựng các đặc thái nòng cốt lộ trình lòng tin của các môn đệ thuộc mọi thời đại. Chúa Giêsu hỏi hai mộn đệ được Gioan Tẩy Giả khích lệ đi theo Ngài: “Các con tìm gì?”. Đó cũng là câu Chúa hỏi bà Maria Madalena sáng ngày phục sinh: “Bà tìm ai?” (Ga 20,15). Như là người ai trong chúng ta cũng đều kiếm tìm hạnh phúc, tình yêu, cuộc sống tốt đẹp tràn đầy. Thiên Chúa Cha đã cho chúng ta tất cả nơi Đức Giêsu Con của Ngài.

Trong cuộc kiếm tìm đó thật quan trọng vai trò của một nhân chứng đích thực, của một người đã đi trên con đường ấy và đã gặp Chúa. Thánh Gioan Tẩy Giả là người chứng ấy. Vì thế ngài mới có thể hướng các môn đệ tới Chúa Giêsu là Đấng lôi cuốn các ông vào trong một kinh nghiệm mới khi nói: “Hãy đến và xem!” Và hai môn đệ sẽ không quên vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ này đến độ họ ghi nhớ cả giờ gặp gỡ nữa : “lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều”. Chỉ một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu mới làm nảy sinh ra một con đường lòng tin và cuộc đời môn đệ. Chúng ta có thể sống biết bao kinh nghiệm. thực hiện nhiều điều, thiết định các tương quan với biết bao người, nhưng chỉ có cuộc hẹn hò với Chúa Giêsu, trong giờ Thiên Chúa biết, mới có thể trao ban một ý nghĩa tràn đầy cho cuộc sống chúng ta, và khiến cho các dự án và sáng kiến của chúng ta được phong phú.

Chỉ xây dựng một hình ảnh về Thiên Chúa theo những gì nghe nói thôi thì không đủ; cần phải kiếm tìm Thầy Chí Thánh và đến nơi Ngài ở. Câu hai môn đệ hỏi :”Lậy Thầy, Thầy ở đâu?” có một ý nghĩa rất mạnh mẽ: nó diễn tả ước mong được biết nơi Thầy ở để có thể ở lại với Thầy. ĐTC giải thích thêm như sau:

Cuộc sống đức tin hệ tại chỗ ước mong nồng nàn ở lại với Chúa, và vì thế trong một kiếm tìm liên tục nơi Chúa ở. Vì vậy chúng ta được mời gọi thắng vượt một thứ lòng tin theo thói quen và được hạ giá, bằng cách làm sống lại cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện, trong việc suy niệm Lời Chúa, và trong việc lãnh nhận các Bí Tích, để ở với Ngài và đem lại hoa trái nhờ Ngài, với sự trợ giúp và ơn thánh của Ngài.

Xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ chúng ta trong quyết định theo Chúa Giêsu, đi đến nơi Ngài ở để lắng nghe Lời sự sống của Ngài, gắn bó với Ngài là Đấng xóa bỏ tội trần gian để tìm lại nơi Ngài niềm hy vọng và sự hứng khởi thiêng liêng.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã nhắc tới Ngày quốc tế di cư và tỵ nạn và báo cho mọi ngưòi biết vì các lý do mục vụ, từ nay trở đi, ngày này sẽ được cử hành vào Chúa Nhật thứ hai tháng 9. Ngày quốc tế di cư và tỵ nạn lần thứ 105 sẽ là  Chúa Nhật mùng 8 tháng 9 năm 2019. ĐTC cũng cho mọi người biết thứ hai hôm nay ngài bắt đầu chuyến công du hai nước Chile và Perù, và xin mọi người cầu nguyện cho chuyến viếng thăm này.

Linh Tiến Khải

Giới thiệu Giáo Hội và đất nước Chile sắp được ĐTC viếng thăm

Giới thiệu Giáo Hội và đất nước Chile sắp được ĐTC viếng thăm

Trong các ngày từ 15 tới 18 tháng giêng ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm mục vụ nước Chile. Khởi hành từ Roma sáng thứ hai 15 tháng giêng ĐTC sẽ đến Chilê vào lúc sau 8 giờ tối giờ địa phương. Chương trình viếng thăm bắt đầu ngày thứ ba dầy đặc sinh hoạt: ban sáng ĐTC sẽ gặp gỡ chính quyền, các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại dinh De la Moneda, rồI chủ sự thánh lễ tại công viên O’Higgins. Ban chiều ngài viếng thăm trung tâm cải huấn nữ trong thủ đô Santiago, rồi gặp các linh mục tu sĩ nam nữ chủng sinh trong nhà thờ chính toà, tiếp đến gặp các Giám Mục và  viếng thăm đền thánh Alberto Hurtado dòng Tên và gặp gỡ các tu sĩ dòng Tên.

Ngày thứ tư 17 tháng giêng ĐTC viếng thăm giáo phận Temuco, dâng thánh lễ, rồi dùng bữa trưa với một số thổ dân vùng Araucania. Vào ban chiều ngài trở về Santiago để gặp gỡ giới trẻ tại đền thánh Maipu. Tiếp theo đó ĐTC sẽ viếng thăm đại học công giáo Chilê.

Thứ năm 18 tháng giêng ĐTC viếng thăm giáo phận Iquique, dâng thánh lễ cho dân chúng tại Campus  Lobito, và vào lúc 5 giờ chiều từ giã Chilê để bay sang Perù.

Cộng hoà Chilê rộng gần 756 ngàn cây số vuông, không kể vùng nam cực rộng hơn 1 triệu 250 ngàn cây số vuông, mà Chile vẫn cho là của mình. Chile là quốc gia có chiều dài nhất thế giới 4.300 cây số từ bắc xuống nam, không kể vùng nam cực, nhưng chiều rộng chỉ được 180 cây số. Chile cũng là quốc gia có 23 ngọn núi cao từ 2.200 mét tới 6.323 mét, và 44 núi lửa cao từ 953 mét tới 6,891 mét. Chile cũng có 23 con sông, 51 hồ lớn và 36 đảo lớn nhỏ.

Tuy diện tích rộng mênh mông như thế nhưng Chile chỉ  có hơn 17 triệu dân, đa số là người lại giống con cháu của người Tây Ban Nha thuộc địa và các thổ dân Indios Araguani, trong khi có 3,2% là người Amerindi, đa số sống tại miền nam. Trong hai thế kỷ XIX và XX có nhiều người dân gốc Âu châu như Anh, Ai Len, Italia, Pháp. Yougoslavi, vùng Basque di cư sang Chilê. Con cháu người Basque hiện chiếm 10% tổng số dân. Nhưng người dân Chile có lợi tức bình quân cao hơn cả Argentina, Uruguay, Mêhicô và Brasil. Từ năm 2010 Chile là thành viên của tổ chức Cộng tác phát triển OCSE.

Tên gọi Chile có thể bắt nguồn từ tên của một tộc trưởng là “Tili”. Nhưng nó cũng có thể bắt nguồn từ tên thung lũng Chili trong vùng Aconcagua, hoặc do từ Chilli trong tiếng Mapuche có nghĩa là “nơi trái đất kết thúc”, hay do từ Chin trong tiếng Quechua  có nghĩa là “lạnh”. Các người Tây Ban Nha nghe tên Chile từ thổ dân Incas và những sống sót trong cuộc chinh phục Perù đầu tiên của ông Diego de Almagro, đầu thế kỷ XVI tự gọi họ là “người của Chilli”. Theo đức viện phụ Molina từ Chile bắt nguồn từ chữ “Chi” hay “Trih” trong tiếng Mapuche và có nghĩa là “con chim có một chấm đỏ trên cánh”.

** Chile có lịch sử rất cổ xưa bắt đầu từ 10,500 năm trước công nguyên với nhiều bộ lạc thổ dân sinh sống về nghề nông tại miền bắc như Aymara, Atacamenha và Diaguita. Bắt đầu từ thế kỷ XV đế quốc Incas thống trị phần lớn đất Chile hiện nay. Ở miền nam sông Aconcagua có nhiều nhóm Mapuche bán du mục sinh sống, và họ là chủng tộc chính của Chile. Ngoài ra còn có các nhóm chủng tộc khác như Chono, Yamana, Alacalufe và Ona sinh sống.

Vào năm 1520 Ferdinando Magellano là người âu châu đầu tiên thám hiểm Chile. Chỉ vào năm 1535 các người Tây Ban Nha mới chiếm các thung lũng Chile sau khi đánh bại đế quốc Incas. Tuy nhiên chiến tranh với thổ dân Mapuche kéo dài 3 thế kỷ với các thời gian hoà bình. Vương quốc Chile là một trong những vùng thuộc địa xa xôi nhất của Tây Ban Nha, vì thế Chile đã chỉ là một tỉnh nghèo thuộc quyền của phó vương Perù.

Chiến tranh độc lập bùng nổ năm 1814 và ông Bernardo O’Higgins Riquelme truyên bố Chile độc lập năm 1817. Trong các thập niên sau đó Chile tập trung sức lực vào việc tổ chức, phát triển và ổn định quốc gia. Phe bảo thủ đã nắm quyền trong 40 năm.

Hiến pháp và cộng hoà Chile được công bố năm 1925. Các thập niên sau đó chính quyền do các đảng phái xã hội chủ nghĩa, rồi phát xít và cộng sản cầm đầu.

Năm 1970 ông Salvatore Allende thuộc đảng xã hội được bầu làm tổng thống. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế khiến cho các tầng lơp nhân dân đình công bãi thị đưa tới cuộc đảo chánh của quân đội vào tháng 9 năm 1973 do tướng Augusto Pinochet cầm đầu, với sự trợ giúp của lực lượng CIA của Mỹ. Trong 30 năm độc tài từ 1973 tới 1990 tướng Pinochet đã thủ tiêu 30.000 người, trong đó có các thành viên đảng Nhân dân thống nhất, liên minh Allende, các đảng viên cộng sản, xã hội và dân chủ, cũng như các giáo sư, giới trí thức, hàn lâm, giới nghệ sĩ, chuyên nghiệp, tu sĩ, sinh viên và thợ thuyền. Bị thất bại sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1988 Pinochet chính thức thôi nhiệm vụ năm 1990, nhưng vẫn là chỉ huy tối cao của quân đội. Năm 1998 khi ông qua Luân Đôn giải phẫu thì bị tổ chức Ân Xá quốc tế và nhiều tổ chức bảo vệ các quyền con người tố cáo các tội  chống lại nhân loại và bị truy nã theo luật pháp quốc tế. Nhưng năm 2000 bộ trưởng nội vụ Anh Jack Straw quyết định trả tự do cho ông vì lý do nhân đạo. Tướng Pinochet  sống hưu tại Chile, đã không bao giờ ra hầu toà và qua đời năm 2006, thọ 91 tuổi.

Các đảng phái khác nhau tại Chile thành lập liên minh trung tả và trung hữu đưa người của mình lên. Trong cuộc bầu cử năm 2005 bà Michelle Bachelet đắc cử tổng thống nhưng chính quyền phải đối phó với nhiều khó khăn và cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009. Theo gợi ý của ĐC Alejandro Goic, chủ tịch HĐGM Chile, bà Bachelet công bố sắc lệnh ân xá cho một số các tù nhân nhân mừng kỷ niệm 200 lập quốc vào năm 2010. Sự chia rẽ giữa các đảng phái trong liên minh trung tả đã khiến cho bà thất cử trong cuộc đầu phiếu năm 2010. Biến cố ông Sebastian Pignera thắng cử lên làm tổng thống chấm dứt 20 năm cai trị của liên minh trung tả. Nền kinh tế Chile tiến triển mạnh, đi ngược chiều với cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới. Nhưng năm 2013 phe trung tả lại thắng cử, và bà Michelle Bachelet lại lên làm tổng thống.

** Giáo Hội công giáo chính thức hiện diện tại Chile ngày 13 tháng 12 năm 1540, khi đoàn viễn chinh do Pedro de Valdivia cầm đầu, đến thung lũng Mapocho, trong đó có 3 linh mục Tây Ban Nha là Rodrigo Gonzales Marmolejo, Juan Lobo và Diego Perez. Ngày 12 tháng 2 năm 1541 thành phố Santiago de la Nueva Extremadura được thành lập với một nhà thờ được xây cất ở mạn tây bắc  quảng trường lớn, và một nhà nguyện kính Đức Bà Monserrat trên đồi Cerro Blanco.

Trong vòng 20 năm các vùng đất này thuộc quyền của giáo phận Lima. Ngày 27 tháng 6 năm 1561 ĐGH Pio IV cho thành lập giáo phận Santiago de Cile với Giám Mục tiên khởi là ĐC Rodrigo Gonzales Marmolejo. Tiếp theo đó là 3 Giám Mục dòng Phanxicô. ĐC Diego de Medillin chia giáo phận thành 4 giáo xứ, thành lập chủng viện đào tạo các chủng sinh và truyền chức cho các linh mục đâu tiên người bản xứ, cũng như thành lập đan viện nữ đầu tiên. Các cuộc viễn chinh tiếp tục tiến về phiá nam. Sau khi thành phố La Imperial được thành lập, ngày 22 tháng 3 năm 1563 ĐGH Pio IV cho thành lập giáo phận Santissima Concezione.

Cho tới năm 1840 hai giáo phận này tuỳ thuộc tổng giáo phận Lima, và là hai giáo phận duy nhất tại Chile. Công việc rao giảng Tin Mừng được giao cho tu sĩ các dòng, nhất là các tu sĩ dòng Phanxicô, dòng Tên dòng Mercedari và dòng Agostino.

Kể từ khi Chile được độc lập năm 1818 Giáo Hội công giáo đã nắm giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống chính trị xã hội, và duy trì thế quân bình giữa việc bảo vệ quyền lợi của Tây Ban Nha và các tư tưởng độc lập của người dân Chile. Các năm đầu của chính quyền cộng hoà mang dấu vết căng thẳng giữa các giới chức chính trị, đa số theo bè phái Tam Điểm, và hàng giáo sĩ. Các căng thẳng giảm bớt vào năm 1833, khi Công Giáo được coi là quốc giáo. Nhưng các khó khăn gia tăng với các khuynh hướng duy đời muốn có một cộng hoà đời. Các căng thẳng chấm dứt với Hiến pháp năm 1925 tách rời nhà nước khỏi Giáo Hội. Giáo Hội công giáo từ bỏ các can thiệp ảnh hưởng trên quyền bính chính trị để duy trì vai trò phê bình tích cực và cố vấn trong các vấn đề xã hội. Các Giám Mục Chile đã góp phần rất lớn trong việc duy trì bầu khí hoà bình của tiến trình tách rời này.

Niên giám năm 2011 cho biết Giáo Hội Công Giáo có 5 tổng giáo phận, 18 giáo phận, 2 giáo quận, 1 giám quản tông toà và một bản quyền quân đội. Tổng giáo phận Santiago có hơn 4 triệu tín hữu trên gần 6 triệu dân, do ĐHY Ricardo Ezzati Andrello cai quản với sự trợ giúp của 4 Giám Mục phụ tá. Giáo phận gồm 209 giáo xứ với 847 linh mục.

Dưới chế độ độc tài của tướng Pinochet từ 1873 tới 1990 Giáo Hội nắm giữ vai trò quan trọng trong việc bênh vực và bảo vệ các quyền con người, chính vì thế chính quyền quân phiệt coi Giáo Hội thuộc phe đối lập. ĐHY Raul Silva Henriquez, TGM Santiago, đã trở thành một trong những người cương quyết chống lại chính quyền quân phiệt độc tài. Cùng với các vị lãnh đạo các tôn giáo khác ngài đã thành lập “Uỷ ban cộng tác bảo vệ hoà bình Chile” bị tổng thống Pinochet giải tán. Nhưng sau đó nó biến thành “Văn phòng giám quản Liên Đới” của tổng giáo phận, chuyên trợ giúp pháp lý và xã hội cho các nạn nhân của chính quyền độc tài và khiến cho ĐHY trở thành điểm tham chiếu của tất cả những ai chống chế độ độc tài quân phiệt. ĐHY thu thập tin tức liên quan tới hàng chục ngàn gười bị mất tích, tổ chức các trung tâm phát chẩn, phân phát thực phẩm cho dân nghèo trong các khu xóm ổ chuột.

**  Từ năm 1977 liên lạc giữa chính quyền quân đội và Giáo Hội bớt căng thẳng hơn, và nỗ lực hoà giải đạt tột đỉnh với chuyến công du mục vụ của Đức Gioan Phaolô II năm 1987. Trong buổi gặp gỡ các Giám Mục Đức Gioan Phaolô II đã khích lệ các vị kiên trì và táo bạo dành ưu tiên cho mục vụ hiệp nhất quốc gia, góp phần khước từ bạo lực và thù hận, can đảm bênh vực các quyền con người. Có nhiều người cho rằng chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II chỉ giúp củng cố chính quyền quân phiệt độc tài. Nhưng 10 năm sau cuộc trưng cầu dân ý đã hạ bệ tổng thống Pinochet. Sau khi chế độc quân phiệt độc tài cáo chung, Giáo Hội đã cương quyết đẩy mạnh tiến trình hoà giải quốc gia.

Ngày 18 tháng 9 năm 2003 trong bài giảng thánh lễ ĐHY Francisco Javier Errazuris, TGM Santigao de Cile, đã lấy lại đề tài “Không bao giờ nữa” là tiếng kêu của các xã hội và các quốc gia châu mỹ latinh dùng để tưởng niệm biết bao nhiêu nạn nhân của các chế độ quân phiệt độc tài. Ngài nói:  “Không bao giờ nữa với biết bao nghèo đói, bất công xã hội, gian ác chiếm hữu của cải,  không có khả năng đối thoại, thù hận đối với sự thật và nền dân chủ. Không bao giờ nữa đối với nền kinh tế đánh vào những người nghèo nhất. Không bao giờ nữa đối với việc chính trị hoá các lực lượng quân đội… Không bao giờ nữa đối với việc xuyên tạc tin tức, đấu  tranh tư tưởng và ý thức hệ với giá các sinh mạng con người, với sự thờ ơ trước khổ đau và vi phạm có hệ thống các quyền con người”.

Trong năm 2017 vừa qua Chile đang trải qua một cuộc khủng hoàng xã hội. Làn sóng bài công giáo gia tăng. Từ tháng giêng năm 2017 trở đi đã có 25 nhà thờ và một chủng viện bị đốt, các ảnh Chúa chịu nạn bị  đập phá xúc phạm. Ngày mùng 2 tháng 3 năm ngoái đại chủng viện San Fidel thuộc giáo phận Villarrica đã bị một nhóm thổ dân Mapuche Trapilhue đốt cháy, vì nó nằm trên vùng đất mà thổ dân Mapuche đã từ lâu  đòi chính quyền trả lại cho họ. Một lãnh tụ thổ dân tuyên bố: “Giáo Hội cho thấy mình là thành phần của nhà nước. Và sẽ không có hoà bình cho tới khi nào Giáo Hội bị đuổi ra khỏi đất của thổ dân Mapuche”. Giáo Hội đang ở trong thế kẹt giữa các nguyện vọng chính đáng của các thổ dân và bạo lực khủng bố có thể châm ngòi cho một cuộc nổi loạn của các thổ dân.

Ngày mùng 9 tháng 6 năm ngoái trong một cuộc biểu tình tại thủ đô Santiago một đoàn sinh viên đầu trùm mũ che mặt đã đột nhập nhà thờ “Gratitud Nacional” “Quốc gia nhớ ơn” cướp bóc, và lôi tượng Chúa chịu đóng đanh ra dùng chân đá và đập phá. Thay vì ôn hoà biểu tình đòi chính quyền cải tổ nền giáo dục trong nước, thì các nhóm sinh viên này lại đốt phá các nhà thờ. Lý do đòi cải tổ giáo dục chỉ là cớ cho các vụ khủng bố bạo lực chống lại Giáo Hội. Sau khi bà tổng thống mạnh mẽ lên án hành động này, ĐHY Tổng Giám Mục Santiago đã dâng thánh lễ phạt tạ và đưa ra câu hỏi “Điều gì đang xảy ra tại Chilê?”. Ngài cũng cho biết bạo lực và khủng bố đã gia tăng trong hai năm qua vì đã có tới 25 nhà thờ công giáo và tin lành bị đốt phá tại miền nam Chilê, đặc biệt trong hai vùng Biobio à Araucaria. Đây là vùng có đông thổ dân Mapuche sinh sống. Nhóm này chiến 4% tổng số dân, và từ nhiều năm qua đã yêu cầu chính quyền trả lại đất đai cho họ. Các vùng đất này hiện do các tổ chức siêu quốc chiếm hữu và khai thác. Trong nhiều năm qua chính quyền đã chậm chạp không tìm ra các giải pháp thỏa đáng để giải quyết yêu cầu chính đáng của thổ dân Mapuche.

Để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô trong các ngày qua ĐHY Ricardo Ezzati Andrello, TGM Santiago, đã cử hành thánh lễ tại đền thánh Đức Bà Maipù, nơi ngày mùng 5  tháng 4 năm 1818 đã xảy ra trân đánh định đoạt của chiến tranh độc lập. Trước đó ngày 14 tháng 3 dân chúng trong vùng đã khấn hứa với Đức Mẹ rằng nếu chiến thắng họ sẽ xây một đền thánh kính Đức Bà Camêlô. Trong thánh lễ ĐY Ezzati đã gửi 2,500 sinh viên học sinh thuộc 40 trường cao học ra đi thực hiện dự án truyền giáo của mục vụ đại học công giáo xây 50 nhà nguyện cho dân nghèo trong các vùng ngoại ô. Chương trình này đã do các linh mục tuyên uý và sinh viên đại học phát động đáp trả lời Đức Phanxicô mời gọi giới trẻ tại Rio de Janeiro trong Ngày quốc tế giới trẻ năm 2013. Dự án 50 nhà nguyện cho dân nghèo thành hình vào tháng 4 năm 2014 với mục đích sẽ được giới thiệu với ĐTC ngày ngài sẽ đến viếng thăm Chile.

Linh Tiến Khải

 

Canh thức cầu nguyện vì sự sống tại thủ đô Washington

Canh thức cầu nguyện vì sự sống tại thủ đô Washington

Buổi canh thức cầu nguyện toàn quốc vì sự sống sẽ được tổ chức từ chiều thứ năm 18/01 đến sáng thứ sáu 19/01, tại đền thánh quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội. Trên 20 ngàn tín hữu hành hương khắp Hoa kỳ sẽ cầu nguyện cho việc chấm dứt phá thai, trước cuộc tuần hành hàng năm vì sự sống.

Buổi canh thức đánh dấu 45 năm Tòa án tối cao Hoa kỳ ra phán quyết Roe v. Wade và Doe v. Bolton vào năm 1973, cho phép phá thai trong 9 tháng của thai kỳ. Từ khi những quyết định này ra đời, trên 58 triệu vụ phá thai đã được thực hiện hợp pháp tại Hoa kỳ.

Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, Chủ tịch Ủy ban hoạt động vì sự sống của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ sẽ chủ sự và giảng trong Thánh lễ có các Hồng y, Giám mục và Linh mục cùng đồng tế tại nhà thờ tầng trên từ 5.30 – 7.30 chiều. Buổi canh thức sẽ tiếp tục suốt đêm tại tầng hầm với việc xưng tội, Kinh Mân Côi cho sự sống, cầu nguyện theo nghi thức Byzantin và giờ thánh do các chủng sinh hướng dẫn từ 11 giờ đêm đến 6 giờ sáng.

Deirdre McQuade, trợ lý giám đốc truyền thông ủng hộ sự sống của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ cho biết rằng năm nay các tín hữu sẽ có một món quà tinh thần đặc biệt. Các tín hữu có thể được nhận ơn toàn xá với các điều kiện như thường lệ khi tham gia vào giờ canh thức toàn quốc vì sự sống hay các cử hành thánh xung quanh cuộc tuần hành vì sự sống.

Các tín hữu khắp nước được mời gọi tương trợ với các giám mục trong tuần 9 ngày ủng hộ sự sống, từ 18-26/01. McQuade nói: “Hy vọng các lời cầu nguyện của chúng ta, cùng với các hành động yêu thương, giúp xây dựng một nền văn hóa yêu quý mọi sự sống con người.”

Vào ngày Tuần hành vì sự sống, thứ 6,19/01, sẽ có chầu Thánh Thể tại nhà thờ hầm của đền thánh Đức Mẹ vào lúc 6 giờ sáng với giờ kinh sáng và phép lành. Thánh lễ kết thúc buổi canh thức sẽ  được Đức cha Edward Burns  của Dallas cử hành vào lúc 7.30 sáng tại nhà thờ tầng trên.

Buổi canh thức cầu nguyện toàn quốc được văn phòng hoạt động ủng hộ sự sống của hội đồng Giám mục Hoa kỳ, đền thánh Đức Mẹ quốc gia , đại học Công giáo Hoa kỳ đồng tổ chức. (Sismografo 13/01/2018)

Hồng Thủy

Phụng vụ thánh thể là trường dậy cầu nguyện

Phụng vụ thánh thể là trường dậy cầu nguyện

** Trong Thánh Lễ sau Kinh Vinh Danh, một thánh thi rất cổ xưa diễn tả lòng biết ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa, là lời cầu nguyện thu thập tất cả mọi ý chỉ của tín hữu đuợc nói lên trong thinh lặng.

ĐTC đã nói như trên với các tín hữu  và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI. Quảng diễn hai câu 14 và 16 trong chương 1 Phúc Âm thánh Gioan viết rằng: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”, ĐTC nói: “Trong loạt bài giáo lý về việc cử hành thánh thể, chúng ta đã thấy rằng Cử chỉ sám hối giúp chúng ta lột bỏ các tự cao của chúng ta và trình diện với Thiên Chúa như chúng ta thật sự là, ý thức được mình là kẻ tội lỗi trong niềm hy vọng được tha thứ. ĐTC giải thích lý do Kinh Vinh Danh như sau:

Chính từ sự gặp gỡ giữa sự bần cùng nhân loại và lòng thương xót của Thiên Chúa nảy sinh ra lòng biết ơn được diễn tả trong Kinh Vinh Danh, là một thánh thi rất cổ xưa và đáng kính, mà Giáo Hội được quy tụ trong Chúa Thánh Thần, dùng để vinh danh và khẩn nài Thiên Chúa Cha và Chiên Con (Trật tự tổng quát của Sách Lễ Roma, 53)

** Câu khởi đầu của thánh thi này “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời” lấy lại tiếng hát của các Thiên Thần khi Chúa Giêsu sinh ra tại Bếtlêhem, là lời loan báo tươi vui của vòng tay ôm giữa trời và đất. Bài hát này cũng lôi cuốn chúng ta tụ tập nhau cầu nguyện. “Vinh danh Thiên Chúa trên trời bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Sau Kinh Vinh Danh hay khi không có, thì sau nghi thức sám hối là lời cầu nguyện có hình thái đặc biệt gọi là “colletta”, qua đó tính cách riêng biệt của việc cử hành được diễn tả, thay đôi theo các ngày trong năm (ibid. 54). Với lời mời “Chúng ta hãy cầu nguyện” vị linh mục khích lệ dân cùng ngài cầm trí trong một lúc thinh lặng, để ý thức được mình đang ở trước sự hiện diện của Thiên Chúa, và mỗi người trong con tim của mình làm nổi lên các ý chỉ riêng khiến cho họ tham dự Thánh Lễ (ibid. 54). Vị linh mục nói “Chúng ta hãy cầu nguyện” rồi im lặng một chút, và mỗi người nghĩ tới những điều mình cần, mà bạn muốn xin với Chúa trong lời cầu nguyện.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: sự thinh lặng không được giản lược trong việc thiếu lời nói, nhưng trong việc sẵn sàng lắng nghe các tiếng nói khác: tiếng nói của con tim và nhất là tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Trong Phụng Vụ bản chất của sự thinh lặng thánh thiêng tuỳ  thuộc nơi lúc, trong đó nó xảy ra: “Trong cử chỉ sám hối và sau lời mời cầu nguyện, trợ giúp việc cầm trí; sau bài đọc và bài giảng nó là một mời gọi suy gẫm ngắn gọn điều đã được nghe; sau Hiệp lễ nó tạo thuận tiện cho lời cầu nguyện nội tâm chúc tụng và khẩn nài” (ibid. 45). Như vậy, trước  lời nguyện mở đầu sự thinh lặng giúp chúng ta cầm trí  trong lòng và nghĩ tới việc tại sao chúng ta lại ở đó. Đó là lý do tại sao việc lắng nghe tâm hồn chúng ta để mở nó ra cho Chúa lại quan trọng như vậy. Áp dụng vào hoàn cảnh sống của từng người ĐTC nói:

** Có lẽ chúng ta tới  từ những ngày mệt mỏi, tươi vui, đau khổ, và chúng ta muốn nói lên với Chúa, khẩn nài sự trợ giúp của Ngài, xin Ngài gần gũi chúng ta; chúng ta có các người thân và bạn bè bệnh tật hay đang trải qua các thử thách khó khăn; chúng ta muốn tín thác cho Thiên Chúa số phận của Giáo Hội và của thế giới. Và lúc thinh lặng ngắn cần thiết cho điều đó, trước khi vị linh mục thu thập các ý chỉ của từng người, diễn tả ra bằng lời nói lớn với Thiên Chúa, nhân danh tất cả mọi người, lời nguyện chung kết thúc các lễ nghi dẫn nhập Thánh Lễ, bằng cách thu thập các ý chỉ. Tôi tha thiết xin các linh mục giữ lúc thinh lặng này và không vội vã: “chúng ta hãy cầu nguyện” và thinh lặng. Tôi xin các linh mục điều đó. Nếu không có sự thinh lặng này, chúng ta có nguy cơ lơ là việc cầm trí của tâm hồn.

Vị linh mục đọc lời khẩn cầu này – lời nguyện này – với đôi tay giang rộng – như ngưòi ta cầu nguyện như thế này, như thế này với đôi cánh tay giang rộng – đó là thái độ của người cầu nguyện, được các kitô hữu lãnh nhận ngay từ các thế kỷ đầu – như các bức bích họa của các ngôi mộ Roma làm chứng cho thấy – để bắt chước Chúa Kitô với đôi cánh tay giang rộng trên gỗ thập giá. Và ở đó Chúa Kitô là Đấng cầu nguyện  và đồng thời là lời cầu nguyện! Nơi Đấng chịu đóng đanh chúng ta nhận ra vị Linh Mục dâng lên Thiên Chúa việc phụng tự đẹp lòng Ngài, hay sự vâng phục con thảo.

Trong Lễ Nghi Roma các lời cầu chính xác và giầu ý nghĩa: có thể làm biết bao suy niệm hay đẹp về các lời cầu này. Đẹp biết bao! Trở lại suy gẫm các văn bản, cả ngoài Thánh Lễ, có thể giúp chúng ta học biết hướng tới Thiên Chúa như thế nào, xin điều gì, dùng các lời nào. Ước chi phụng vụ trở thành một trường học cầu nguyện cho tất cả chúng ta!

 

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, đặc biệt các học sinh trung học và cao học Paris. Ngài cũng chào các nhóm hành hương và đông đảo các bạn trẻ đến từ Na Uy, Niu Dilen và Hoa Kỳ, cũng như Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ngài nói: phụng vụ Thánh Lễ  cống hiến cho chúng ta các lời cầu và các văn bản giầu ý nghĩa và giúp chúng ta hướng tới Thiên  Chúa. Chúng ta hãy làm sao để phụng vụ Giáo Hội trở thành một trường học đích thực của lời cầu nguyện.

Với các đoàn hành hương đến từ Luziania và Arcozelo bên Bồ Đào Nha ĐTC xin Mẹ Maria giúp họ là dấu chỉ của niềm tin tưởng và hy vọng cho tha nhân.

Chào các tín hữu đến từ vùng Trung Đông ngài khích lệ họ dùng các văn bản phụng vụ thánh lễ để suy gẫm và học biết nói chuyện với Chúa, dùng các lời nào và xin với Chúa những gì.

Chào các tín hữu Ba Lan ngài xin họ tín thác năm mới cho Chúa để nó trở thành một năm của ân sủng, hoà bình và hy vọng cho gia đình họ, cho mọi người và cho toàn thế giới.

Trong các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào các phó tế vùng Biella và các nữ tu Ursulin thừa sai Thánh Tâm, cũng như nhiều nhóm tín hữu đến từ nhiều vùng khác nhau, trong đó có các sinh viên trường đào tạo nhân viên Tài chánh, các thành viên Hiệp hội quốc gia chống ung thư Milano.

Chào các bạn trẻ ĐTC khích lệ họ đêm tình yêu của Chúa đến cho các bạn cùng trang lứa. Ngài cầu mong các anh chị em bệnh nhân tìm thấy nơi lòng dịu hiền của Thiên Chúa sự nâng đỡ cho các khổ đau của họ. Ngài  chúc các đôi tân hôn trở thành chứng nhân cho vẻ đẹp của bí tích hôn phối qua tình yêu chung thuỷ họ dành cho nhau.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha mời người nghèo xem xiệc

Đức Thánh Cha mời người nghèo xem xiệc

VATICAN. ĐTC mời khoảng 2,100 người nghèo, tị nạn, vô gia cư, và một nhóm tù nhân xem xiệc  vào chiều thứ năm 11-1-2018.

Đức TGM Konrad Krajewski, người Ba Lan, Chánh Sở từ thiện của ĐTC cho biết, qua trung gian sở này, ngài mời những người nghèo vừa nói cùng với những người thiện nguyện xem gánh xiệc Medruno trình diễn, ở khu vực Saxa Rubra (Viale Gigli) phía bắc thành Roma. Toàn bộ 2,100 chỗ trong lều được dành cho sinh hoạt bác ái này, mà gia đình Casartelli và doanh nhân Fabrizio Grandi gọi là ”Xiệc liên đới cho người nghèo của ĐTC”.

Trong một buổi tiếp kiến chung, ĐTC đã nói với các nhân viên gánh xiệc này rằng ”Những người trình diễn trong gánh xiệc sáng tạo vẻ đẹp, họ là những người kiến tạo thẩm mỹ. Và điều này mang lại ích lợi cho tâm hồn. Chúng ta cần vẻ đẹp dường nào!”.

Giờ đây các nghệ sĩ trong gánh xiệc muốn dành vẻ đẹp ấy cho cả các anh chị em nghèo nhất, như một lời khích lệ vượt thắng những cam go và khó khăn của cuộc sống, những khó khăn này nhiều khi có vẻ quá lớn như không thể vượt qua nổi”.

Trong buổi trình diễn này, cũng có một dịch vụ y tế do các bác sĩ và y tá thiện nguyện cùng với một xe cứu thương di động của Thành Vatican đảm trách. Sau buổi trình diễn của gánh xiệc, những người túng thiếu nhất cũng sẽ nhận được một túi thực phẩm để ăn tối (Rei 10-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Ngày rửa tội là lễ của thụ tạo mới

Ngày rửa tội là lễ của thụ tạo mới

Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa mời gọi mọi   kitô hữu nhớ tới Bí Tích Rửa Tội của chính mình, qua đó chúng ta đã trở thành các thụ tạo mới, được mặc lấy Chúa Kitô và tháp nhập vào trong tương quan của Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha. Cần nhớ ngày rửa tội, bởi vì đó là ngày lễ, là ngày khởi đầu sự thánh hoá chúng ta, là ngày Thiên Chúa Cha đã ban cho chúng ta Thần Khí, là Đấng thúc đẩy chúng ta tiên bước, là ngày của ơn tha thứ lớn lao.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.

Trước đó lúc 9 giờ 30 sáng ĐTC đã chủ sự thánh lễ trong nhà nguyện Sistina, và ban bí tích Rửa Tội cho 34 trẻ em nam nữ.  Cùng đồng tế với ĐTC có 4 Tổng Giám Mục và Giám Mục. Tham dự thánh lễ có 280 người thân của các gia đình có con em được rửa tội.

Giảng trong thánh lễ ĐTC khẳng định rằng việc đưa con đi lãnh bí tích Rửa Tội là bước đầu trong nhiệm vụ của cha me là thông truyền đúc tin cho con cái. Để có thể thông truyền đức tin là ơn của Chúa Thánh Thần, anh chị em đem con tới rửa tội để chúng nhận lấy Chúa Thánh Thần, nhận lấy Thiên Chúa Ba Ngôi, Cha Con và Thánh Thần sẽ ngự trong trái tim chúng.

Nêu bật kiểu cha mẹ thông truyền đức tin cho con cái với sư trợ giúp của Thiên Chúa ĐTC nói:

Việc thông truyền đức tin chỉ có thể được làm trong thổ ngữ của gia đình, trong thổ ngữ  của cha, của mẹ, của ông, của bà. Nhiệm vụ của anh chị em là thông truyền đức tin  nhưng thông truyền với ngôn ngữ riêng của tình yêu thương trong nhà của anh chị em. Tiếp đến sẽ có các giáo lý viên giúp khai triển việc thông truyền đức tin đó với các tư tưởng, và giải thích. Các trẻ em trong lúc này ngoan ngoãn không lên tiếng, nhưng chỉ cần một em khóc là có dàn nhạc tiếp theo ngay. Nhưng đó là ngôn ngữ riêng của trẻ em. Chúng ta đừng quên là Chúa Giêsu dậy chúng ta phải như các trẻ em. Các trẻ em nói thứ ngôn ngữ của chúng như chúng có thể, nhưng đó là thứ ngôn ngữ Chúa Giêsu ưa thích, và trong lời cầu nguyện của mình anh chị em cũng hãy đơn sơ như các trẻ em. Hôm nay các em nói với tiếng khóc. Ngôn ngữ riêng biệt của cha mẹ là ngôn ngữ của tình yêu giúp thông truyền đức tin, và cha mẹ phải tiếp nhận ngôn ngữ của trẻ em. Nếu các em bắt đầu buổi hoà nhạc, thì đó là vì các em không thoải mái, nóng quá hay đói. Nếu chúng đói xin cho chúng bú sữa. Đừng sợ gì cả, cứ cho chúng ăn. Vì đây cũng là ngôn ngữ của tình yêu.

Hai trong số 4 vị Giám Mục đã giúp ĐTC xức dầu thánh và trao áo trắng cho các em. Và như ĐTC đã nói, nhiều em đã thi nhau khóc trong buổi lễ.

Trong bài huấn dụ trước khi đọc Kinh Truyền Tin ĐTC nói: ngày lễ Chúa chịu phép rửa hôm nay kết thúc mùa Giáng Sinh và mời gọi chúng ta nghĩ tới bí tích Rửa Tội của mình. Chúa Giêsu đã muốn nhận phép rửa do Gioan Tẩy Giả ban trong sông Giordan. Đây là phép rửa sám hối: những người đến lãnh nhận diễn tả ước muốn được thanh tẩy khỏi tội lỗi, và với sự trợ giúp của Thiên Chúam, họ dấn thân bắt đầu một cuộc sống mới.

Khi đó chúng ta hiểu sự khiêm nhường lớn lao của Chúa Giêsu. Đấng không có tội lại xếp hàng với các kẻ sám hối, lẫn lộn giữa họ để được rửa trong nước sông. Chúa Giêsu khiêm nhường biết bao nhiêu! ĐTC giải thích cử chỉ này của Chúa Giêsu như sau:

Khi làm như thế Ngài đã biểu lộ điều chúng ta đã cử hành trong lễ Giáng Sinh: sự sẵn sàng của Chúa Giêsu tự dìm mình trong dòng sông nhân loại, nhận lấy trên chính mình các thiếu sót và yếu đuối của loài người, chia sẻ ước muốn của họ được giải thoát và thắng vượt tất cả những gì khiến xa rời Thiên Chúa và trở thành xa lạ với các anh chị em khác. Như tại Bếtlêhem cả dọc theo bờ sông Giordan, Thiên Chúa duy trì lời hứa nhận lấy số phận là người và Chúa Giêsu là Dấu chỉ vĩnh viễn có thể sờ mó được. Ngài đã gánh tội thay cho tất cả chúng ta, gánh tội thay cho tất cả chúng ta, trong cuộc sống, mọi ngày.

Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu “khi ra khỏi nước đã trông thấy trời mở ra và Thần Khí xuống trên Ngài như chim bồ câu” (Mc 1,10). Thánh Thần, Đấng đã hoạt động ngay từ đầu việc tạo dựng và đã hướng dẫn ông Môshê và dân Do thái trong sa mạc , giờ đây xuống tràn đầy trên Đức Giêsu để ban cho Ngài sức mạnh chu toàn sứ mệnh trong thế giới. Chính Thần Khí, là Đấng hiện thực việc thanh tẩy của Chúa Giêsu và của cả chúng ta. Ngài mở con mắt trái tim cho sự thật, tất cả sự thật. Ngài thúc đẩy cuộc sống chúng ta trên con đường của lòng bác ái. Ngài là ơn mà Thiên Chúa Cha đã ban cho từng người trong chúng ta trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội. Chính Thần Khí thông truyền cho chúng ta sự dịu hiền ơn tha tội của Chúa. Và cũng chính Ngài  làm vang lên trong chúng ta Lời mạc khải Thiên Chúa Cha. “Con là Con Cha: (c.11).

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa mời gọi mọi kitô hữu nhớ tới bí tích rửa tội của mình. Tiếp đến ĐTC hỏi mọi người có nhớ ngày rửa tội của mình khi còn nhỏ không. Nếu không biết, thì về nhà hỏi mẹ, hỏi bà, hỏi bác, hỏi ông, hỏi cha mẹ đỡ đầu. Chúng ta phải nhớ ngày này, vì đó là ngày lễ, là ngày thánh hóa ban đầu của chúng ta, là ngày trong đó Thiên Chúa Cha đã ban Thánh Thần cho chúng ta, là Đấng thúc đẩy chúng ta bước đi, là ngày của ơn tha thứ. Xin anh chị em đừng quên hỏi ngày rửa tội của mình.

Chúng ta hãy khẩn nài sự che chở hiền mẫu cùa Mẹ Maria Rất Thánh để mọi kitô hữu có thể ngày càng hiểu biết ơn của bí tích Rửa Tội và dấn thân sống nó trung thực, bằng cách làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ngài đã chào tín hữu và mọi người hiện diện đặc biệt đoàn tín hữu Nam Hàn, và vùng Biella Italia. ĐTC cho biết ngài đã ban bí tích Rửa Tội cho 34 trẻ em và ngài khẩn nài sự trợ giúp của Mẹ Thiên Chúa để các em được cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu trợ giúp  lớn lên như môn đệ của Chúa. Ngài chúc mọi ngưòi một ngày Chúa Nhật an lành trong năm mới vừa bắt đầu, và dặn mọi người đừng quên bài tập ở nhà là hỏi cho biết ngày rửa tội của mình.

Linh Tiến Khải

Bắt chước thái độ sống của ba Đạo Sĩ Phương Đông

Bắt chước thái độ sống của ba Đạo Sĩ Phương Đông

VATICAN: ĐTC Phanxicô khích lệ mọi người bắt chước thái độ sống của ba nhà đạo sĩ phương đông: nhận ra ngôi sao của Chúa, mau mắn lên đường kiếm tìm thờ lậy Chúa Hài Đồng và dâng các lễ vật cho Chúa; không thờ ơ như các tư tế, ký lục và dân chúng Giêrusalem cũng không sợ hãi như vua Hêrốt.

Ngài đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong bài giảng Thánh lễ và trong bài huấn dụ trước Kinh Truyền Tin trưa 6-1 Lễ Chúa Hiển Linh. Cùng đồng tế Thánh Lễ với ĐTC trong đền thờ thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng có hàng chục Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và hơn 200 Linh Mục. Tham dự Thánh Lễ có khoảng 9,000 tín hữu.

Giảng trong Thánh Lễ ĐTC đã nêu bật ba thái độ của các nhà đạo sĩ: họ ngước mắt nhìn ngôi sao sáng, nhất quyết lên đường bước đi tìm Chúa và khi gặp dâng các lễ vật cho Chúa. Trong cuộc sống con người thường nhìn xuống đất bằng lòng với sức khỏe, một ít tiền của và giải trí. Họ sống vật vờ, để cho các ánh sao chói chang nhưng đang rơi rụng làm loá mắt là tiền của, chức tước, danh vọng, thú vui, các cảm xúc mạnh không hướng dẫn và chỉ đường và họ không biết mơ mộng, ước mong gặp gỡ Thiên Chúa. Ngôi sao của Chúa không luôn luôn rạng ngời, nhưng hiện diện và luôn đồng hành với con người và trao ban cho nó niềm vui.

Các nhà đạo sĩ đã quyết tâm dấn bước lên đường, tự giải thoát khỏi các gánh nặng vô ích cản ngăn gặp gỡ Chúa, loại bỏ mọi sợ hãi, ươn lười bất động và liều lĩnh ra đi. Họ không thờ ơ như các tư tế và ký lục, biết Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bếtlêhem, nhưng không đến thờ lậy, mà bất động ở lại trong cuộc sống dễ dãi thoải mái. Họ cũng không sợ hãi sợ hãi mất đi quyền bính như vua Hêrốt, coi việc Chúa đến là một đe đọa. Khi con người chạy theo các đam mê trần tục, các viễn tượng thoải mái, các hướng chiều của sự dữ, thì coi Chúa Giêsu như một chướng ngại. Đàng khác cũng có cám dỗ của sự thờ ơ: tuy biết Chúa là Đấng Cứu Thế nhưng kitô hữu lại hành xử theo các nguyên tắc của trần gian, thoả mãn các hướng chiều về sự kiêu căng, khao khát quyền bính và của cải giầu sang.

Khi tìm thấy Chúa Hài Nhi, các đạo sĩ dâng lên cho Ngài vàng, nhũ hương và mộc dược một cách vô vị lợi, mà không đợi chờ nhận lại gì cả. Khi làm người bé nhỏ vì chúng ta, Chúa Giêsu xin chúng ta cống hiến một cái gì đó cho các anh chị em bé nhỏ của Ngài: những người đói khát, bị tù tội, nghèo túng, kiều cư, đau yếu, chịu đựng người khó tính, tha thứ cho kẻ xúc phạm đến ta… đó là các món quà đẹp lòng Chúa.

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người. Ngài đặc biệt chúc mừng lễ Giáng Sinh các Giáo Hội Đông Phương, và bầy tỏ sự gần gũi đặc biệt với Đức Thượng Phụ Tawadros II của Giáo Hội chính thống Copte, nhân ngày thánh hiến nhà thờ chính toà Cairo.

Lễ Hiển Linh cũng là Ngày thiếu nhi truyền giáo, năm nay mời gọi trẻ em truyền giáo có cái nhìn của Chúa Giêsu, để được hướng dẫn trong dấn thân cầu nguyện, sống tình huynh đệ và chia sẻ với các bạn đồng trang lứa cần được giúp đỡ.

ĐTC cũng chào đoàn rước Ba Vua lịch sử dân ca vũ nhằm thăng tiến các giá trị của lễ Hiển Linh, năm nay dành cho vùng Monti Prenestini. Các nhóm mặc y phục thời trung cổ nhiều mầu sắc rất đẹp và đi diễn hành có các ban nhạc đi theo, với Ba Vua cỡi ngựa trắng. Ngài cũng chào các đoàn rước Ba Vua tại nhiều thành phố bên Ba Lan, có sự tham dự của các gia đình và các hiệp hội. ĐTC chúc mọi người một ngày lễ tươi vui an bình.

Linh Tiến Khải 

 

Xưng thú tội lỗi để được ơn tha thứ và cử hành các mầu nhiệm thánh

Xưng thú tội lỗi để được ơn tha thứ và cử hành các mầu nhiệm thánh

** Cử chỉ sám hối “xưng thú tội lỗi trong lời nói, việc làm và những điều thiếu sót” trước mặt Thiên Chúa và các anh chị em khác giúp chúng ta chuẩn bị xứng đáng cho việc cử hành các mầu nhiệm thánh. Chỉ ai biết thừa nhận các sai lầm và xin lỗi, mới nhận được sư cảm thông và tha thứ của những người khác.

ĐTC đã nói như trên trong buổi gặp gỡ chung 8.000 tín hữu và du khách hành hương sáng thứ tư hàng tuần hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI. Trong bài huấn dụ ngài đã giải thích ý nghĩa của nghi thức sám hối trong Thánh Lễ, dựa trên đoạn 10 thư thứ nhất thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô viết rằng: “Tôi nói với anh em như nói với những người khôn ngoan hiểu biết; anh em hãy tự mình suy xét điều tôi nói. Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” (1 Cr 10,15-17).

ĐTC nói: trong sự đơn sơ của nó cử chỉ sám hối tạo thuận tiện cho thái độ, qua đó ta chuẩn bị cử hành một cách xứng đáng các mầu nhiệm thánh, bằng cách thừa nhận trước mặt Thiên Chúa và các anh chị em khác các tội lỗi của chúng ta, thừa nhận chúng ta là những người có tội. Thật thế, lời mời của linh mục được hướng tới toàn cộng đoàn đang cầu nguyện, bởi vì chúng ta tất cả là những người tội lỗi. Chúa có thể ban cái gì cho người có con tim tràn đầy chính mình, tràn đầy sự thành công của mình? Không gì hết, bởi vì kẻ ngạo mạn thì không có khả năng đón nhận sự tha thứ, vì họ tràn đầy sự công chính kiêu căng. Chúng ta hãy nghĩ tới dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế, trong đó người thu thuế trở về nhà và được công chính hoá, nghĩa là được tha tội (Lc 18,9-14). Ai ý thức được các bần cùng của mình và khiêm tốn hạ thấp mắt, thì cảm thấy cái nhìn thương xót của Thiên Chúa trên mình. Bởi kinh nghiệm chúng ta biết rằng chỉ ai thừa nhận các lỗi lầm và xin lỗi, mới nhận được sự cảm thông và tha thứ của người khác. Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

** Lắng nghe trong thinh lặng tiếng của lương tâm cho phép thừa nhận rằng các tư tưởng của chúng ta xa cách các tư tưởng của Thiên Chúa, các lời nói và hành động của chúng ta thường trần tục, và được hướng dẫn bởi các lựa chọn trái nghịch với Tin Mừng. Vì thế mở đầu Thánh Lễ chúng ta cùng nhau thực thi cử chỉ sám hối, qua một công thức xưng thú tổng quát, được nói lên trong ngôi thứ nhất số ít. Mỗi người xưng thú với Thiên Chúa và các anh chị em khác là “đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những thiếu sót”, hay đã bỏ việc thiện mà đáng lý ra tôi đã phải làm. Rất thường khi chúng ta cảm thấy mình giỏi bởi vì chúng ta nói “tôi đã không làm sự dữ cho ai hết”. Trên thực tế, không làm sự dữ cho người lân cận chưa đủ, cần phải lựa chọn làm việc thiện bằng cách tiếp nhận các dịp để làm chứng tốt rằng chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu. Thật là tốt nhấn mạnh rằng chúng ta xưng thú với Thiên Chúa cũng như với các anh chị em khác rằng mình là kẻ tội lỗi: điều này giúp chúng ta hiểu chiều kích của tội lỗi, trong khi chia cách chúng ta với Thiên Chúa, cũng chia rẽ chúng ta với các anh chị em khác và ngược lại. Tội lỗi cắt chặt: nó cắt chặt tương quan với Thiên Chúa và nó cắt chặt tương quan với các anh chị em khác, nó cắt chặt tương quan trong gia đình, trong xã hội, trong cộng đoàn… Tội lỗi luôn luôn cắt chặt: nó phân cách, nó chia rẽ…

Những lời mà chúng ta nói với miệng lưỡi được đi kèm bởi cử chỉ đấm ngực, – chúng ta làm như thế này –  ĐTC giơ tay đấm ngực – thừa nhận rằng tôi đã phạm tội vì lỗi của chính mình chứ không phải của người khác. Xưng thú các tội của mình. Tôi nhớ một giai thoại mà một thừa sai già đã kể lại, về một bà đi xưng tội và bà bắt đầu kể các lỗi lầm của chồng; rồi các lỗi lầm của mẹ chồng, rồi các lỗi lầm của những nguời hàng xóm. Tới môt lúc nào đó cha giải tội đã nói với bà: “Mà bà ơi, xin nói cho tôi biết bà đã xong chưa?” – Chưa, dạ con đã nói…” “Tốt lẵm: bà đã xung xong tội của những người khác rồi. Bây giờ hãy bắt đầu nói các tội của bà đi…” Các tôi của mình.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

** Sau việc xưng thú tội lỗi chúng ta khẩn nài Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, các Thiên Thần và các Thánh cầu xin Chúa cho chúng ta. Cả trong điều này nữa thật là quý báu sự hiệp thông của các Thánh: sự bầu cử của các “người bạn và mô thức cuộc sống” này (Kinh Tiền Tụng ngày 1 tháng 11) nâng đỡ chúng ta trên con đường hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, khi tội lỗi sẽ vĩnh viễn bị huỷ diệt.

Ngoài Kinh Cáo Mình, có thể làm cử chỉ sám hối với các công thức khác, thí dụ: “Lậy Chúa, xin thương xót chúng con, Vì chúng con đã phạm tội chống lại Chúa. Lậy Chúa, xin tỏ lòng thương xót Chúa cho chúng con. Và ban cho chúng con ơn cứu độ” (x. Tv 123,3; 85,8; Gr 14,20). Một cách đặc biệt Chúa Nhật có thể ban phép lành và rảy nước thánh nhắc nhớ bí tích Rửa Tội (x. OGMR, 51), xóa bỏ mọi tội lỗi. Cũng có thể, như phần của cử chỉ sám hối, hát Kinh Thương Xót Kyrie eléison: với kiểu diễn tả hy lạp cổ xưa chúng ta tung hô Chúa – Kyrios – và khẩn nài lòng thương xót của Ngài (ibid.52).

Thánh Kinh cống hiến cho chúng ta  thí dụ sáng ngời của các gương mặt sám hối, sau khi phạm tội đã trở vào trong chính mình, tìm ra sự can đảm gỡ bỏ mặt nạ ra, và rộng mở cho ơn thánh canh tân con tim. Chúng ta hãy nghĩ tới vua Đavít và các lời được gán cho vua trong Thánh vịnh “Lậy Thiên Chúa xin thương xót con, trong lòng thương xót hải hà của Chúa xin xoá đi sự gian ác của con” (Tv 51,3). Chúng ta hãy nghĩ tới người con hoang đàng trở về với cha; hay tới lời khẩn nài của người thu thuế: “Ôi Lậy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18,13). Chúng ta cũng hãy nghĩ tới thánh Phêrô, tới ông Dakêu, tới người đàn bà Samaria. So sánh mình với sự giòn mỏng của đất sét mà chúng ta được nhào nặn là một kinh nghiệm củng cố chúng ta: trong khi nó làm cho chúng ta tính sổ với sự yếu đuối của mình, nó rộng mở con tim chúng ta cho việc khẩn nài lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi và hoán cải chúng ta. Và đây là điều chúng ta làm trong cử chỉ sám hối bắt đầu Thánh Lễ.

** ĐTC đã chúc mọi người một năm mới an lành hạnh phúc. Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ngài đặc biệt chào các hướng đạo sinh vùng Mesnil-le-Roi. Ngài cầu mong trong năm mới họ cùng gia đình luôn ngày càng có thể gặp gỡ Chúa, đặc biệt trong Thánh Lễ Chúa Nhật. Chúa đến để nâng chúng ta dậy từ các lỗi lầm của chúng ta và để soi sáng cuộc sống và ban niềm vui cho chúng ta.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Đại Hàn, Canada và Hoa Kỳ, và cầu chúc họ và gia đình giữ gìn niềm vui mùa Giáng Sinh bằng cách gặp gỡ trong lời cầu nguyện Hoàng Tử Hoà Bình đến sống gần gũi với chúng ta.

Chào các nhóm nói tiếng Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ĐTC cầu chúc họ sống năm mới trong  hoà bình, được soi chiếu bởi ánh sáng của Chúa Cứu Thế rạng ngời trên gia đình và cộng đoàn và cho thấy gương mặt dịu hiền thương xót của Thiên Chúa Cha.

Chào các nhóm Ba Lan ngài cầu mong cho từng người ở hải ngoại cũng như trên quê hương được sống trong an bình và hy vọng, tràn đầy ơn thánh Chúa và sự chở che của Đức Maria Rất Thánh, Mẹ Thiên Chúa.

Trong các nhóm Ý ĐTC chào các nữ tu dòng Nữ tử Lòng Thương Xót và Thánh Giá đang họp tổng tu nghị tại Roma. Ngài khích lệ các nữ tu thăng tiến đặc sủng của dòng với tinh thần phục vụ và trung thành với Giáo Hội.

ĐTC cũng chào các chủng sinh học viện Truyền Giáo Consolata và các đoàn hành hương đến từ nhiều vùng khác nhau.

Chào giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài cầu mong người trẻ rao truyền tình yêu Chúa giữa các bạn cùng trang lứa, các bệnh nhân tìm thấy nơi lòng dịu hiền của Chúa sự nâng đỡ trong khổ đau, và các cặp vợ chồng mới cưới sống niềm vui của bí tích  hôn nhân qua tình yêu chung thuỷ với nhau.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linih Tiến Khải

 

ĐTC kêu gọi tiếp nhận và trợ giúp người di cư tỵ nạn

ĐTC kêu gọi tiếp nhận và trợ giúp người di cư tỵ nạn

Lúc 10 giờ sáng mùng 1 tháng giêng lễ trọng Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Ngày hoà bình thế giới, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trong đền thờ thánh Phêrô.

Cùng đồng tế  Thánh Lễ có hàng chục Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và khoảng 100 linh mục. Tham dự Thánh lễ có nhiều tu sĩ nam nữ và gần 10.000 gío dân.

Giảng trong thánh lễ ĐTC mời gọi mọi người noi gương Mẹ Maria khởi hành từ trung tâm là Chúa Giêsu Kitô, sống trong chiêm niệm, giữ gìn mọi sự trong thinh lặng và đem chúng tới cho Chúa. Để cho đức tin không bị giản lược vào một ý tưởng hay một lý thuyết, chúng ta tất cả cần có con tim của một bà mẹ, biết giữ gìn sự dịu hiền của Thiên Chúa và lắng nghe các nhịp đập của trái tim con người. Ngày đầu năm bắt đầu trong thánh danh của Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta phải biết ơn, bởi vì trong các lời này được gói ghém sự thật về Thiên Chúa và về chúng ta. ĐTC giải thích điểm này như sau:

Nghĩa là kể từ khi Chúa nhập thể nơi Đức Maria, thì từ lúc đó và cho đến luôn mãi Ngài mang lấy nhân tính của chúng ta trên mình. Không còn có Thiên Chúa mà không có con người : thịt xác mà Đức Giêsu đã nhận lấy từ Mẹ là của Ngài và sẽ luôn mãi là của Ngài.  Nói Mẹ Thiên Chúa nhắc cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa gần gũi với nhân loại  như một trẻ thơ gần gũi với người mẹ mang nó trong lòng.

Từ mẹ – mater – cũng nhắc tới từ vật chất materia. Trong Mẹ mình, Thiên Chúa trên Trời, Thiên Chúa vô biên, đã trở thành bé nhỏ, đã trở thành vật thể, không chỉ để ở với chúng ta mà cũng như chúng ta. Đó là phép lạ, là sự mới mẻ: con người không cô đơn, mồ côi nữa, nhưng luôn mãi là con. Năm mở ra với sự mới mẻ này. Và chúng ta công bố sự mới mẻ như thế bằng cách nói Mẹ Thiên Chúa. Đó là niềm vui biết rằng sự cô đơn của chúng ta đã được thắng vượt.  Đó là vẻ đẹp biết rằng mình là con được yêu thương, biết rằng tuổi thơ của chúng ta sẽ không bao giờ bị lấy mất đi nữa. Đó là phản chiếu trong Thiên Chúa giòn mỏng và bé thơ trong tay Mẹ, và thấy rằng nhân loại thân yêu và thánh thiêng đối với Chúa. Vì vậy, phục vụ sự sống con người là phục vụ Thiên Chúa và mọi sự sống, từ sự sống trong lòng mẹ cho tới sự sống của người già khổ đau và bệnh tật, cho tới sự sống gây khó chịu và cả kinh tởm, đều được tiếp nhận, yêu thương và trợ giúp.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nhấn mạnh trên thái độ thinh lặng của Mẹ Maria giữ gìn mọi sự trong lòng và suy gẫm. Mẹ kết hiệp với Con: Chúa Giêsu bé thơ “không lời”. Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa nhưng giờ đây “câm lặng”. Sự uy nghiêm của Ngài không lời, mầu nhiệm tình yêu được vén mở trong sự yếu đuối. Sự bé bỏng thinh lặng này là ngôn ngữ vương quyền của Ngài… Sự thinh lặng cũng nói với chúng ta rằng nếu chúng ta muốn giữ gìn mình, chúng ta cần thinh lặng ngắm nhìn máng cỏ, để hiểu rằng mình được yêu thương. Khi nhìn máng cỏ, chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu nói với con tim chúng ra rằng sự bé nhỏ của Ngài tháo gỡ tính kêu căng của chúng ta xuống, sự nghèo khó của Ngài khuấy động các sang trọng của chúng ta, sự hiền dịu của Ngài đánh động con tim vô cảm của chúng ta. Dành ra mỗi ngày một lúc thinh lặng với Chúa là giữ gìn linh hồn chúng ta, là giữ gìn sự tự do của chúng ta khỏi cái tầm thường của tiêu thụ và khỏi các quay cuồng của quảng cáo, khỏi cái lan tràn của những lời trống rỗng và khỏi các làn sóng đảo lộn của các bép xép và tiếng động.

Các điều mà Mẹ giữ gìn trong lòng là các niềm vui nỗi buồn: một đàng là sự kiện Chúa Giêsu sinh ra, tình yêu của thánh Giuse, cuộc viếng thăm của các mục đồng, đêm ánh sáng; đàng khác là tương lai không chắc chắn, thiếu nhà cửa, không tìm ra chỗ trọ, nỗi phiền muộn bị khước từ, sự thất vọng đã phải sinh Chúa Giêsu trong chuồng  dành cho súc vật. Các niềm hy vọng và các âu lo, ánh sáng và bóng tối. Mẹ đã giữ gìn và suy gẫm tất cả mọi điều đó với Thiên Chúa trong lòng Mẹ. Không giữ lại gì cho mình, không khép kín trong cô đơn hay thổ lộ trong cay đắng, nhưng đã đem tất cả tới cho Thiên Chúa với lòng tín thác: không để cho cuộc đời làm mồi cho sự sợ hãi, chán nản, hay mê tín, không khép kín trong chính mình hay tìm lãng quên, nhưng biến tất cả thành một đối thoại với Thiên Chúa. Và Thiên Chúa lưu tâm tới chúng ta, đến ở trong cuộc đời của chúng ta.

Con tim mời gọi nhìn vào trung tâm của con người, của các tình cảm của cuộc sống. Khởi đầu năm mới kitô hữu chúng ta cũng cảm thấy phải khởi hành từ trung tâm, để lại sau lưng các gánh nặng quá khứ và bắt đầu trở lại từ điều quan trọng… Để tiến tới, ngày lễ hôm nay nói với chúng ta cần phải trở lại đàng sau; bắt đầu từ máng cỏ, từ người Mẹ bồng Thiên Chúa trên tay.

Khi nhìn Mẹ Thiên Chúa chúng ta được khích lệ bỏ đi biết bao gánh nặng vật chất vô ích và tìm lại điều quan trọng. Ơn của Mẹ, ơn của mỗi bà mẹ và mỗi phụ nữ quý báu biết chừng nào cho Giáo Hội, cũng là mẹ và phụ nữ!… Để cho lòng tin không bị giản lược thành một ý tưởng hay lý thuyết chúng ta tất cả cần có con tim của một bà mẹ biết giữ gìn sự hiền dịu của Thiên  Chúa và lắng nghe các nhịp đập của trái tim con người.

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn ngài đã lập lại sứ điệp của Phúc Âm thuật lại cảnh các mục đồng vội vã kéo nhau tới thờ lậy Chúa Hài Nhi tại hang đã Bếtlêhem và kể lại cho mọi người nghe những điều đã được nói về Ngài. Trong khi Mẹ Maria giữ gìn và suy gẫm mọi sự trong lòng. Mẹ dạy cho chúng ta biết đón nhận biến cố Giáng Sinh, tiếp nhận ơn của Thiên Chúa như thế nào, không phải một cách hời hợt bề ngoài, nhưng giữ gìn và suy gẫm  trong lòng.

Nhờ Mẹ Maria Con Thiên Chúa nhận lấy xác thể. Nhưng chức làm mẹ của Đức Maria không chỉ giản lược vào điều đó: nhờ lòng tin của mình Mẹ cũng là môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, và điều này làm nở rộng chức làm mẹ của Mẹ. Chính lòng tin của Mẹ khơi dậy dấu lạ đầu tiên trong tiệc cưới Cana, góp phần khơi dậy lòng tin nơi các môn đệ; cũng với lòng tin Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá và nhận tông đồ Gioan làm con, và sau khi Chúa sống lại trở thành Mẹ của Giáo Hội được Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần. Đề cập tới nhiệm vụ đặc biệt của Đức Mẹ ĐTC nói.

Như là mẹ Đức Maria có một nhiệm vụ đặc biệt: Mẹ ở giữa Chúa Giêsu Con Mẹ và loài người trong các thực tại của thiếu thốn, nghèo túng và khổ đau của họ. Mẹ bầu cử, ý thức rằng như là mẹ Mẹ có thể và phải đưa lên Con Mẹ các nhu cầu của con người, đặc biệt của các người yếu đuối và khốn khổ nhất. Đề tài của Ngày hoà bình thế giới mà chúng ta cử hành hôm nay  chính là dành cho họ “Các người di cư và tỵ nạn: các người nam nữ kiếm tìm hoà bình”. Một lần nữa tôi muốn là tiếng nói thay cho các anh chị em khẩn nài một chân trời hoà bình cho tương lại của họ. Vì hoà bình này là quyền của tất cả mọi người, nhiều người trong họ sẵn sàng liều mạng trong một cuộc du hành, đa số lâu dài và nguy hiểm, đương đầu với mệt nhọc và khổ đau (Sứ điệp cho Ngày hoà bình thế giới 2018,1). Chúng ta đừng dập tắt niềm hy vọng trong tim của họ, đừng bóp nghẹt các chờ mong hòa bình của họ! Thật là quan trọng từ phía tất cả mọi người, các cơ cấu dân sự, các thực tại giáo dục, bác ái và giáo hội, sự dấn thân bảo đảm cho các người tỵ nạn di cư và tất cả mọi người một tương lại hoà bình. Xin Chúa ban cho chúng ta biết hoạt động trong năm mới này với lòng quảng đại để thực hiện một thế giới liên đới và tiếp đón hơn. Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho điều này trong khi chúng ta cùng nhau tín thác cho Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa năm 2018 vừa bắt đầu: “Dưới sự che chở của Mẹ chúng con tìm nơi ương ẩn. Hỡi Mẹ Thiên Chúa xin đừng khinh rẻ các lời khẩn cầu của chúng con đang sống trong thử thách, nhưng xin cứu chúng con khỏi mọi hiểm nguy, ôi lậy Đức Trinh Nữ vinh quang và được chúc phúc.”

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành  đầu năm cho mọi người.

 

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chúc  mọi người trong năm mới 2018 được mọi may lành. Ngài đặc biệt cám ơn tổng thống Italia đã gửi lời chúc năm mới trong sứ điệp gửi quốc dân cuối năm hôm 31 tháng 12, và ngài cầu chúc nhân dân Italia một năm an lành, hoà bình, luôn được Thiên Chúa chúc lành.

ĐTC cũng cám ơn nhiều sáng kiến cầu nguyện và hoạt động cho hoà bình được tổ chức đó đây nhân Ngày hoà bình thế giới như cuộc tuần hành quốc gia tại Sotto il Monte do HĐGM Italia cùng tổ chức với các hiệp hội Caritas, Hoà bình Chúa Kitô và Công Giáo tiến hành, cũng như các tham dự viên cuộc biểu tình “Hoà bình cho mọi vùng đất” do Cộng đồng thánh Egidio phát động tại Roma và nhiều nước trên thế giới. Ngài khích lệ tất cả tiếp tục dấn thân cho tình liên đới, đặc biệt với các vùng ngoại ô thành phố để thăng tiến sự sống chung hoà bình. Ngài cũng chào các nhóm tín hữu đến từ New York và ban nhạc đến từ California, cũng như nhóm bảo vệ sự sống tỉnh Massalengo. ĐTC chúc tất cả mọi người một năm mới hoà bình trong ơn thánh Chúa và với sự che chở của Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều I – Lễ Mẹ Thiên Chúa

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều I – Lễ Mẹ Thiên Chúa

Vatican. Chiều ngày 31.12.2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Kinh Chiều I lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và kinh Te Deum, Tạ Ơn Thiên Chúa, nhân dịp cuối năm dương lịch. Ngài đặc biệt ca ngợi Mẹ Maria và diễn tả lòng biết ơn dành cho người dân thành Roma.

Hiện diện tại Đền thờ Thánh Phêrô trong buổi hát kinh lúc 5 giờ chiều có các Đức Hồng Y, đặc biệt là ĐHY TGM Angelo De Donatis, Giám Quản Roma, cùng với sự hiện diện của các Đức Giám Mục, các linh mục và tám ngàn tín hữu.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Khi thời gian đến hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài” (Gl 4,4). Giờ Kinh Chiều hôm nay ở trong bầu không khí thời gian đã hoàn tất. Không phải chỉ vì đây là buổi chiều cuối cùng của năm dương lịch, nhưng xa hơn thế, bởi vì đức tin giúp chúng ta chiêm ngắm và cảm nhận chính Chúa Giêsu, Đấng là Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên người phàm, đã hoàn tất thời gian của vũ trụ và của lịch sử nhân loại.

Ca ngợi Mẹ Maria, ca ngợi Thiên Chúa

“Được sinh ra bởi người phụ nữ”. Chúa Giêsu được sinh ra từ một người phụ nữ, từ cung lòng Mẹ Maria. Mẹ Maria là Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể, là Theotokos, là Mẹ Thiên Chúa. Có thể nói rằng, qua Mẹ, Thiên Chúa đưa thời gian tới hồi viên mãn, qua trái tim khiêm nhường và đầy lòng tin của Mẹ, qua trái tim bằng thịt và tràn đầy Thánh Thần của Mẹ.

Từ Mẹ, Giáo Hội kế thừa và tiếp nối tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì những điều tuyệt vời mà Thiên Chúa đã thương ban. Trong đó, lòng biết ơn sâu nặng bắt đầu từ việc chiêm ngưỡng một Trẻ Sơ Sinh được bọc tã đặt nằm trong máng cỏ. Niềm vui ấy trải rộng khắp nơi nơi, đến mọi người trên toàn thế giới. Lời tạ ơn, lòng biết ơn đến từ Ơn sủng Thiên Chúa ban, chứ không đến từ chúng ta.

Trong bầu không khí linh thiêng này, chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì biết bao ơn lành mà Ngài thương ban trong năm qua. Chúng ta cũng dâng lên Chúa năm mới sắp đến.

Ngay trong năm 2017 này, Chúa đã ban cho chúng ta biết bao ơn lành hồn xác, thế mà con người bằng nhiều cách khác nhau đã gây ra lãng phí, gây ra thương tổn, gây ra dối trá, bất công và chết chóc. Những cuộc chiến tranh cho thấy sự tái diễn không ngừng của những kiêu căng ngạo mạn phi lý. Có cả những tội lỗi lớn nhỏ chống lại sự sống, sự thật và tình huynh đệ. Những điều tệ hại ấy làm thoái hóa đời sống con người, xã hội và môi trường. Chúng ta muốn từ bỏ mọi thứ xấu xa ấy, nhưng để làm được điều đó, trước mặt Thiên Chúa, trước mặt anh chị em, trước công trình sáng tạo, chúng ta phải thừa nhận rằng, đây là trách nhiệm của chúng ta.

Biết ơn người dân thành Roma

Buổi Kinh Chiều này giúp chúng ta nhìn thấy ơn sủng của Chúa Giêsu, và ơn sủng ấy hiển hiện nơi Mẹ Maria. Trong tâm tình tạ ơn, với tư cách là Giám Mục Roma, lòng tôi nghĩ về những người trong thành phố này đang sống với con tim rộng mở.

Tôi đồng cảm và biết ơn đối với những con người nơi đây, vì tất cả những gì họ đóng góp hằng ngày, từ những cử chỉ bé nhỏ và quý giá vì lợi ích cho thành Roma. Họ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cách tốt đẹp hơn những gì đòi hỏi. Họ tham gia giao thông một cách khôn ngoan và thận trọng. Họ tôn trọng nơi công cộng. Họ quan tâm giúp đỡ những người cao tuổi và những ai gặp khó khăn. v.v. Những cử chỉ ấy và hàng ngàn hàng vạn cử chỉ khác, cho thấy tình yêu mến cụ thể mà họ dành cho thành Roma. Không phải với các bài phát biểu, không phải với các quảng cáo, nhưng với phong cách đầy tính giáo dục và văn hóa trong đời sống thường ngày, họ lặng lẽ xây dựng đời sống chung và đóng góp cho công ích.

Tôi thực sự rất ngưỡng mộ các bậc cha mẹ, các thầy cô và các nhà giáo dục. Vì họ đồng hành, nâng đỡ và cố gắng giáo dục con cái và các thanh thiếu niên thành những người sống có trách nhiệm, sống thuộc về cộng đồng, biết quan tâm chăm sóc đời sống thực tế xung quanh.

Những con người ấy, ngay cả khi họ không được biết đến trên tin tức, thì họ vẫn chiếm phần đông đang sống ở thành Roma này. Nhiều người trong số họ đang phải sống trong những điều kiện kinh tế rất eo hẹp, nhưng họ không than phiền, không oán giận. Thay vào đó, họ cố gắng làm việc mọi việc trong mọi ngày để cải thiện từng chút từng chút.

Hôm nay, để tạ ơn Thiên Chúa, tôi mời gọi mọi người cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với biết bao con người đang chung tay xây dựng vì ích chung. Họ đã yêu mến thành phố này không phải bằng lời nói nhưng bằng những hành động cụ thể. 

Cuối Kinh Chiều, có giờ chầu Mình Thánh Chúa và hát kinh Te Deum, Tạ Ơn Thiên Chúa. Sau đó, Đức Thánh Cha đã tiến ra Quảng trường thánh Phêrô viếng thăm và cầu nguyện trước hang đá lớn tại đây.

Tứ Quyết SJ

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hiệp Hội Thần Học Italia

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hiệp Hội Thần Học Italia

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 29-12-2017, dành cho 100 thành viên thuộc Hiệp Hội thần học Italia, ĐTC khẳng định rằng ngày nay Giáo Hội tiếp tục rất cần sứ vụ thần học.

 Hiệp Hội thần học Italia được thành lập cách đây 50 năm (1967-2017) và hiện có hơn 330 thần học gia nam nữ thành viên.

 Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC mời gọi các nhà thần học Italia tiếp tục trung thành và bén rễ sâu nơi Công đồng và với khả năng qua đó Giáo Hội chứng tỏ mình được phong phú nhờ sự mới mẻ ngàn đời của Tin Mừng Chúa Kitô.

 ĐTC cũng đề cao sứ vụ thần học mà Giáo Hội tiếp tục cần đến.. nhất là trong ước muốn và viễn tượng một Giáo Hội đi ra ngoài để truyền giáo. Đây là điều rất quan trọng và khẩn cấp ngày nay.

 ĐTC nói: ”Cần có một nền thần học giúp tất cả các tín hữu Kitô loan báo và nhất là chứng tỏ khuôn mặt cứu độ của Thiên Chúa, Thiên Chúa từ bi, nhất là đứng trước một số thách đố chưa từng có đang được đề ra cho con người thời nay: ví dụ thách đố về khủng hoảng môi trường, sự phát triển các khoa học thần kinh hoặc những kỹ thuật có thể thay đổi con ngừơi; hoặc thách đố sự chênh lệnh xã hội ngày càng gia tăng, hay sự di cư của toàn thể một dân tộc; thách đố do chủ thuyết duy tương đối về mặt lý thuyết cũng như thực hành. Vì thế, cần có một nền thần học do các tín hữu Kitô thực hiện, những người không phải chỉ trao đổi với nhau, nhưng còn biết phục vụ Giáo Hội và đảm nhận trách vụ nghĩ lại Giáo Hội để Giáo Hội được phù hợp với Tin Mừng cần được rao giảng” (Rei 29-12-2017)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Truyền Tin lễ Thánh Stephano

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Truyền Tin lễ Thánh Stephano

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 26-12-2017, lễ thánh Stephano tử đạo, ĐTC mời gọi các tín hữu tín thác nơi Chúa Cha và yêu thương tha nhân.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, trước sự tham dự của hai mươi ngàn người, ĐTC nhận định rằng: ”Thánh Stephano bị cáo buộc là đã rao giảng việc phá hủy đền thờ Jerusalem. Họ buộc tội thánh nhân là đã quả quyết: ”Đức Giêsu người thành Nazareth sẽ phá hủy Đền thờ này và sẽ đảo lộn những tập tục mà Môisê đã truyền lại cho chúng ta” (Cv 6,14).

”Quả thực, sứ điệp của Chúa Giêsu gây khó chịu và làm cho chúng ta không thoải mái, vì sứ điệp ấy thách thức giới cầm quyền tôn giáo trần tục và khiêu khích các lương tâm. Sau khi Chúa đến, điều cần là hoán cải, thay đổi não trạng, từ bỏ lối tư duy như trước. Thánh Stephano đã trung thành với sứ điệp của Chúa Giêsu cho đến chết”.

ĐTC phân tích thái độ của thánh Stephano khi bị hành hình. Những lời cuối Người thốt lên là ”Lạy Chúa Giêsu, con xin phó linh hồn con cho Chúa” và ”Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ” (Cv 7,59-6), những lời này phản ứng trung thực những lời của Chúa Giêsu trên Thánh Giá: ”Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46) và ”Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc họ làm” (v.34).

ĐTC nhận xét rằng: ”Thánh Stephano đã có thể nói những lời ấy chỉ vì Con Thiên Chúa đã đến trên trần thế, chịu chết và sống lại vì chúng ta. Trước những biến cố ấy, những thành ngữ như vậy là điều không thể tưởng tượng được về phương diện con người”.

Và ĐTC nhắn nhủ các tín hữu: ”Chúa Giêsu là Đấng Trung Gian và hòa giải chúng ta không những với Chúa Cha, nhưng cả giữa chúng ta với nhau nữa. Người là nguồn mạch tình yêu thương, mở ra cho chúng ta sự hiệp thông với anh chị em, loại bỏ mọi xung đột và oán hận. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu, đã sinh ra vì chúng ta, giúp chúng ta đảm nhận hai thái độ: tín thác nơi Chúa Cha, và yêu thương tha nhân; đó là thái độ biến đổi cuộc sống và làm cho nó trở nên đẹp đẽ và phong phú hơn”.

Trong phần chào thăm các tín hữu, ĐTC đặc biệt nhắc đến các tín hữu tham dự cuộc hành hương toàn quốc Ucraina và nói: ”Tôi chúc lành cho tất cả anh chị em và đất nước của anh chị em”.

Ngài nói thêm rằng: ”Trong những tuần qua, tôi đã nhận được rấ nhiều sứ điệp chúc mừng. Vì không thể trả lời mỗi người được, hôm nay tôi nhiệt liệt cám ơn tất cả nhất là về hồng ân lời cầu nguyện. Chân thành cám ơn anh chị em và xin Chúa trả công cho anh chị em vì lòng quảng đại!” (Rei 26-12-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Sứ điệp Giáng Sinh và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi

Sứ điệp Giáng Sinh và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi

Lúc 12 giờ trưa ngày 25 tháng 12 hôm qua ĐTC đã chủ sự buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi cho thành Roma và toàn thế giới.

Đứng hai bên ĐTC trên bào lơn chính giữa đền thờ Thánh Phêrô là ĐHY Leonardo Sandri, người Argentina, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông Phương, và ĐHY Prosper Grech, người Malta, nguyên giáo sư nhiều đại học Roma và là cố vấn Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Trên thềm đền thờ thánh Phêrô có Đội cận vệ Thụy Sĩ và đại diện các binh chủng Italia đứng dàn hàng chào danh dự. Khi ĐTC xuất hiện trên bao lơn chính giữa đền thờ, ban quân nhạc đã cử hành quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Italia.

Trong sứ điệp ĐTC đã mời gọi kitô hữu và mọi người nhận ra dấu chỉ của Hài Nhi và trông thấy gương mặt của Chúa Giêsu Kitô nơi gương mặt của các trẻ em nạn nhân của chiến tranh, bạo lực, thù hận, nghèo đói, bất công và di cư tỵ nạn khắp nơi, đồng thời dấn thân làm cho thế giới này trở thành nhân bản, xứng đáng hơn với các trẻ em của ngày hôm nay và ngày mai.

Ngài nói: Tại Bếtlêhem Chúa Giêsu đã được sinh ra từ Đức Trinh Nữ Maria. Ngài đã không sinh ra do ý muốn nhân loại, nhưng là một ơn tình yêu thương của Thiên Chúa, là “Đấng đã yêu thương thế giới đến độ ban Con Một Ngài, để bất cứ ai tin nơi Ngài không bị hư mất, nhưng có cuộc sống đời đời” (Ga 3,16).

Biến cố này hôm nay được canh tân trong Giáo Hội lữ hành trong thời gian: niềm tin của dân kitô sống lại trong phụng vụ lễ Giáng Sinh mầu nhiệm của Thiên Chúa đến, nhận lấy thịt xác phải chết của chúng ta, trở thành bé nhỏ và nghèo nàn để cứu rỗi chúng ta. Và điều nay khiến cho chúng ta được tràn ngập xúc động, bởi vì sự dịu hiền của Thiên Chúa Cha quá lớn lao.

Sau Mẹ Maria và thánh Giuse các người đầu tiên trông thấy vinh quang khiêm tốn của Đấng Cứu Thế là các mục đồng Bếtlêhem.  Họ đã nhận ra dấu chỉ đã được các thiên thần loan báo,  và họ thờ lậy Hài Nhi. Những người khiêm hạ nhưng tỉnh thức ấy là gương sáng cho các tín hữu của mọi thời đại, đứng trước mầu nhiệm của Chúa Giêsu, không coi sự nghèo nàn của Ngài là gương mù gương xấu, như Mẹ Maria tín thác nơi lời Chúa và chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài với đôi mắt đơn sơ. Trước mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, kitô hữu mọi nơi tuyên xưng với các lời của thánh sử Gioan: “Chúng tôi đã trông thấy vinh quang của Ngài, vình quang của Con Một đến từ Thiên Chúa Cha, tràn đầy ơn sủng và sự thật” (1,4). Đề cập đến lời mời gọi của lễ Giáng Sinh ĐTC nói:

Hôm nay, trong khi các làn gió chiến tranh thổi trên thế giới và một mô thức phát triển đã lỗi thời tiếp tục làm cho con người, xã hội và mội sinh xuống cấp, lễ Giáng Sinh nhắc chúng ta nhớ tới dấu chỉ của Hài Nhi, và nhận ra Ngài nơi gương mặt của các trẻ em, đặc biệt các em giống như Chúa Giêsu “đã không có chỗ trong quán trọ” (Lc 2,7).

Chúng ta thấy Chúa Giêsu nơi các trẻ em vùng Trung Đông, tiếp tục đau khổ vì các căng thẳng giữa nguời Israel và người Palestine gia tăng. Trong ngày lễ này chúng ta hãy khẩn nài Chúa ban hoà bình cho Giêrusalem và cho toàn Thánh Địa; chúng ta hãy cầu nguyện để cho giữa các phiá ý chí đối thoại trở lại thắng thế, và sau cùng có thể đạt được một giải pháp thương thuyết cho phép sự chung sống hoà bình giữa hai quốc gia, bên trong các biên giới được họ và cộng đoàn quốc tế thừa nhận. Xin Chúa cũng nâng đỡ cố gắng của những người trong cộng đồng quốc tế, được linh hoạt bởi thiện chí, trợ giúp vùng đất bị tra tấn ấy tìm ra sự hoà hợp, công bằng và an ninh chờ đợi từ lâu, mặc dù có các chướng ngại.

Chúng ta trông thấy Chúa Giêsu nơi gương mặt của các trẻ em Siri, còn đang bị ghi dấu bởi chiến tranh khiến cho quốc gia này bị đẫm máu trong các năm qua. Ước chi đất nước Siria yêu dấu sau cùng tìm lại được việc tôn trọng phẩm giá của từng người, qua một dấn thân chung tái thiết xã hội, một cách độc lập với việc tuỳ thuộc chủng tộc và tôn giáo. Chúng ta thấy Chúa Giêsu nơi các trẻ em Iraq, còn đang bị thương tích và chia rẽ bởi thù nghịch kéo dải suốt mười lăm năm qua, và nơi các trẻ em của nước Yemen, nơi xung đột đang tiếp diễn và bị đa số lãng quên, với các hậu quả nhân đạo sâu đậm trên dân chúng chịu đói khát và bệnh tật lan tràn.

Chúng ta thấy Chúa Giêsu nơi các trẻ em cuả Phi châu, nhất là nơi các trẻ em đau khổ tại Nam Sudan, Somalia, Burundi, Cộng hoà dân chủ Congo, Cộng hoà Trung Phi châu và tại Nigeria.

Chúng ta trông thấy Chúa Giêsu nơi các trẻ em của toàn thế giới, nơi hoà bình và an ninh bị đe dọa bởi nguy cơ của các căng thẳng và các xung đột mới. Chúng ta hãy cầu nguyện để tại bán đảo Triều Tiên người ta có thể vượt thắng các chống đối và gia tăng sự tin tưởng lẫn nhau trong lợi ích của toàn thế giới. Chúng ta hãy tín thác nước Venezuela cho Chúa Giêsu Hài Đồng để nó có thể tái lập sự đối chiếu thanh thản giữa các lực lượng xã hội khác nhau, hầu mưu ích cho toàn dân tộc Venezuela yêu dấu. Chúng ta thấy Chúa Giêsu nơi các trẻ em đang cùng gia đình các em phải khổ đau bên Ucraina, và các hậu qủa nhân đạo trầm trọng của nó, và chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa mau chóng ban hoà bình cho đất nước thân yêu này.

Chúng ta thấy Chúa Giêsu nơi các trẻ em, mà cha mẹ không có công ăn việc làm và phải vất vả cống hiến cho con cái một tương lại chắc chắn và an bình. Và nơi các trẻ em đã bị cướp mất tuổi thơ, phải bó buộc làm việc từ khi còn bé, hay phải động viên như chiến binh đánh thuê không e ngại.

Chúng ta trông thấy Chúa Giêsu nơi nhiều trẻ em bị bó buộc phải rời bỏ quê hương và du hành một mình trong các điều kiện vô nhân, dễ trở thành mồi của các kẻ buôn người. Trong đôi mắt các em chúng ta trông thấy thảm cảnh của biết bao người bị bó buộc di cư cho đến liều mạng để đương đầu với các chuyến đi vất vả đôi khi kết thúc bằng thảm kịch. Tôi trông thấy trở lại Chúa Giêsu nơi các trẻ em mà tôi đã gặp trong chuyến công du vừa qua tại Myanmar và Bangladesh, và tôi cầu mong rẳng Cộng đồng quốc tế không ngừng hoạt động để phẩm giá của các nhóm thiểu số hiện diện trong vùng được bảo vệ. Chúa Giêsu biết rõ nỗi khổ đau không được tiếp đón và sự mệt nhọc của việc không có nơi tựa đầu. Ước chi con tim của chúng ta không khép kín như các ngôi nhà tại Bếtlêhem.

Anh chị em thân mến, dấu chỉ của lễ Giáng Sinh cũng được chỉ cho cả chúng ta nữa: “một trẻ thơ cuốn tã…” (Lc 2,12). Như Trinh Nữ Maria và thánh Giuse, như các mục đồng Bếtlêhem, chúng ta hãy tiếp đón nơi Chúa Giêsu Hài Nhi tình yêu thương của Thiên Chúa làm người vì chúng ta, và chúng ta hãy dấn thân, với ơn thánh của Ngài, làm cho thế giới chúng ta được nhân bản hơn, xứng đáng hơn với các trẻ em của ngày hôm nay và của ngày mai.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin. Sau đó Đức Hồng  Leonardo Sandri, trưởng đẳng Phó tế, tuyên bố chủ ý Đức Thánh Cha ban Phép lành toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô, cũng như các anh chị em tín hữu trên toàn thế giới theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình; miễn là họ giữ các quy tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Đức Thánh Cha đã đọc lời kinh xá giải và công thức ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới.

– Xin các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là những vị, mà chúng tội dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen.

– Nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp  của Đức Trinh Nữ Maria, của Tổng lãnh thiên thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô, cùng toàn thể các Thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em, và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen.

– Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả mọi tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa Thánh Thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen.

– Và tiếp theo là Phép lành của Đức Thánh Cha. Kính mời qúy vị thành tâm lãnh Phép lành toàn xá của Đức Thánh Cha.

Sau phép lành toàn xá ban cho thành Roma và toàn thế giới ĐTC đã chúc mừng lễ Giáng Sinh mọi người. Ngài nói: Tôi xin gửi lời mừng lễ chân thành của tôi tới anh chị em đến từ khắp nơi trên thế giới hiện diện tại quảng trường này, và với tất cả những nước khác nhau theo dõi qua phát thanh truyền hình và các phương tiện truyền thông.

Ước chi biến cố Chúa Kitô Cứu Thế giáng sinh canh tân các con tim, khơi dậy ước muốn xây dựng một tương lại huynh đệ và liên đới hơn, và đem lại cho tất cả mọi người niềm vui và hy vọng. Xin chúc anh chị em lễ Giáng Sinh an lành.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha cử hành lễ Vọng Giáng Sinh 2017

Đức Thánh Cha cử hành lễ Vọng Giáng Sinh 2017

VATICAN. Trong bài giảng lễ Vọng Giáng Sinh, ĐTC mời gọi các tín hữu nhận ra sự hiện của Chúa trong tất cả những tình trạng mà chúng ta tưởng Ngài vắng bóng.

Thánh lễ ĐTC Phanxicô đã cử hành bắt đầu lúc 21 giờ 30 tối ngày 24-12-2017, trước sự hiện diện của hơn 8 ngàn tín hữu ngồi chật Đền Thờ Thánh Phêrô, trong đó có nhiều vị thuộc ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Đồng tế với ngài có khoảng 40 Hồng Y, 25 Giám Mục và 250 linh mục.

Đầu thánh lễ, ĐTC đã đặt tượng ảnh Chúa Hài Đồng Giêsu vào trong máng cỏ, ở trên ngai nhỏ trước bàn thờ chính. Gần bàn thờ có đặt một tượng bằng gỗ nhiều mầu hình Đức Mẹ đang ẵm Chúa Hài Nhi. 12 em bé, từ 6 đến 11 tuổi, trong y phục cổ truyền của 9 nước, đã đặt các bó hoa cạnh ảnh tượng Chúa Hài Đồng. Các em được chọn từ những nước như Italia, Ấn độ, Phi châu, Ba Lan, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Chile và Peru.

Khi bài ca Vinh Danh được xướng lên, tất cả các chuông của Đại Vương cung Thánh đường được đánh lên cùng với đàn phong cầm.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Luca về sự giáng sinh của Chúa Giêsu. Mẹ Maria ”sinh con đầu lòng, bọc trong tã và đặt trong máng cỏ, vì không có chỗ cho họ trong nhà trọ” (Lc 2,7)… ”Con Thiên Chúa đã phải sinh ra trong một hang súc vật vì không có chỗ cho Ngài. 'Ngài đến giữa dân Ngài, nhưng dân Ngài không đón nhận Ngài' (Ga 1,11)… Nhưng chính giữa tăm tối của một thành thị không có không gian cũng chẳng có chỗ cho người lạ đến từ phương xa, giữa tối tăm của một thành phố đang chuyển động và trong trường hợp này, dường như muốn xây dựng bằng cách quay lưng lại với người khác, chính tại đó đã nảy sinh một tia sáng cách mạng của Thiên Chúa dịu dàng. Tại Bethlehem đã hé mở cho những người đã bị mất đất đai, tổ quốc, các giấc mơ; cả những người đã bị ngộp vì một cuộc sống khép kín”.

ĐTC nhận xét rằng ”trong những bước chân của Thánh Giuse và Mẹ Maria có tiềm ẩn bao nhiêu những bước chân khác. Chúng ta thấy những dấu vết của những gia đình ngày nay buộc lòng phải ra đi. Chúng ta thấy những dấu vết của hằng triệu người không chọn ra đi, nhưng họ buộc lòng phải tách rời những người thân yêu, bị trục xuất khỏi quê hương họ. Trong nhiều trường hợp, sự ra đi đó đầy hy vọng, đầy tương lai; trong nhiều trường hợp khác, sự khởi hành ấy chỉ có một tên, đó là sự sống còn. Sống còn trước những Vua Hêrôđê ngày nay, để áp đặt quyền bính và gia tăng giàu sang, họ không do dự đổ máu người vô tội.”

ĐTC nhắc đến ”những người chăn súc vật là những người đầu tiên được Tin Mừng. Do công việc, họ là những người phải sống ngoài lề xã hội. Do hoàn cảnh sống, do những nơi họ buộc lòng phải cư ngụ tại đó, họ không chu toàn được mọi giới luật nghi thức thanh tẩy tôn giáo, và vì thế bị coi là người ô uế.. xa cách người khác, và sợ hãi.. Nhưng Thiên Thần nói với họ: ”Đừng sợ, này đây tôi loan báo cho anh em một tin vui lớn, sẽ là tin vui của toàn dân: Ngày hôm nay, trong thành của Vua Davít, một vị Cứu Thế đã sinh ra cho anh em, là Chúa Kitô” (Lc 2,10-11).

”Đó là niềm vui mà trong đêm nay chúng ta được mời gọi chia sẻ, cử hành và loan báo. Niềm vui mà Thiên Chúa, theo lượng từ bi vô biên, ôm lấy chúng ta là dân ngoại, là kẻ tội lỗi và ngoại kiều, và Ngài thúc đẩy chúng ta cũng làm như vậy”.

Trong ý hướng đó, ĐTC mời gọi các tín hữu nhận ra Thiên Chúa trong tất cả những trình trạng mà chúng ta tưởng Ngài vắng bóng. Chúa ở trong người khách lạ âm thầm viếng thăm, bao nhiêu lần ta không nhận ra, người khách lạ bước đi trong các thành thị và khu phố của chúng ta, đi trên xe bus với chúng ta, gõ cửa nhà chúng ta”.

ĐTC kêu gọi các tín hữu đừng sợ cảm nghiệm những hình thức tương quan mới trong đó không một người nào phải cảm thấy tại lãnh thổ này mình không có chỗ. Giáng sinh là mùa để biến sức mạnh của sợ hãi thành sức mạnh của bác ái.. Lòng bác ái không trở nên quen thuộc với những bất công, coi nó như thể là điều tự nhiên, trái lại, giữa những căng thẳng và xung đột, có cản đảm trở thành ”căn nhà bánh”, trở nên phần đất đón tiếp.

”Nơi Hài nhi Bethleem, Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta để làm cho chúng ta trở thành người giữ vai chính trong cuộc sống chung quanh. Chúa hiến thân để chúng ta bồng ẵm Ngài trên đôi tay, để chúng ta bế lên và ôm lấy Ngài. Để trong Ngài, chúng ta không sợ ẵm lấy, nâng lên và ôm lấy người khác, người ngoại kiều, kẻ trần trụi, người bệnh và tù mhân (Xc Mt 25,35-36)

Và ĐTC kết thúc với lời cầu nguyện dâng lên Chúa Hài Đồng: ”Lạy Hài Nhi bé nhỏ ở Bethlehem, xúc động vì niềm vui của hồng ân này, chúng con xin Chúa để cho tiếng khóc của Chúa thức tỉnh chúng con khỏi thái độ dửng dưng, xin mở mắt chúng con trước những người đau khổ. Ước gì sự dịu dàng của Chúa đánh thức sự nhạy cảm của chúng con và làm cho chúng con cảm thấy mình được mời gọi nhận ra Chúa nơi tất cả những người đến trong thành thị, trong lịch sử và cuộc sống chúng con. Ước gì sự dịu dàng cách mạng của Chúa thuyết phục chúng con cảm thấy được mời gọi đảm trách niềm hy vọng và dịu dàng của dân chúng con”

Sau khi ban phép lành cuối thánh lễ, ĐTC đã bồng tượng Chúa Hài Đồng Giêsu đi rước tới hang đá tại nhà nguyện có giếng rửa tội. (SD 24-12-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 24-12-2017

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 24-12-2017

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 24-12-2017, ĐTC mời gọi các hữu noi gương Mẹ Maria đón nhận Chúa vào trong cuộc sống của mình với tất cả lòng khiêm tốn và sự sẵn sàng.

Huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng Thiên Thần truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria và nói rằng:

Chúa nhật này, đi liền trước lễ Giáng Sinh, chúng ta nghe bài Tin Mừng Truyền Tin (Xc Lc 1,26-28). Trong đoạn Tin Mừng này chúng ta có thể nhận thấy sự tương phản giữa những lời hứa của Thiên Thần và câu trả lời của Trinh Nữ Maria. Sự tương phản này được biểu lộ qua chiều dài và nội dung những thành ngữ của hai nhân vật chính. Thiên Thần nói với Đức Maria: ”Hỡi Maria đừng sợ, vì Trinh Nữ đã được ân phúc nơi Thiên Chúa Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai và sẽ gọi là Giêsu. Người sẽ trở nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao; Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người Ngôi Báu Tổ Phụ Đavít và Người sẽ cai trị đời đời trên nhà Giacóp và Nước Người sẽ vô cùng tận” (vv.30-33).

”Đó là một mạc khải dài, mở ra những viễn tượng chưa từng có. Hài nhi sẽ sinh ra từ thiếu nữ khiêm hạ ấy ở thành Nazareth sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao: không thể quan niệm một phẩm giá cao trọng hơn. Và sau lời thắc mắc của Trinh Nữ Maria, yêu cầu giải thích, mạc khải của Thiên Thần càng trở nên chi tiết và gây ngạc nhiên hơn. Trái lại câu trả lời của Đức Trinh Nữ Maria là một câu ngắn, không nói về vinh dự hay đặc ân, nhưng chỉ nói lên sự sẵn sàng và phục vụ: ”Này tôi là tôi tớ Chúa, xin xảy đến cho tôi theo lời Ngài” (v.38). Cả nội dung cũng khác. Đức Maria không tuyên dương mình trước viễn tượng trở thành Mẹ của Đấng Thiên Sai, nhưng tiếp tục khiêm hạ và biểu lộ lòng gắn bó với phương án của Chúa. Mẹ Maria không tự phụ. Mẹ khiêm nhường và tự hạ, như mọi khi. Tương phản này thật là ý nghĩa, giúp chúng ta hiểu rằng Đức Trinh Nữ Maria thật là khiêm tốn và không tìm cách phô trương mình. Mẹ nhìn nhận mình là bé nhỏ trước Thiên Chúa và hài lòng vì được như vậy. Đồng thời Mẹ ý thức rằng việc thực hiện dự án của Thiên Chúa tùy thuộc câu trả lời của Mẹ, và vì thế Mẹ được mời gọi gắn bó trọn vẹn với dự án ấy.

Trong hoàn cảnh đó, Mẹ Maria tự trình bày trong thái độ hoàn toàn tương ứng với thái độ của Con Thiên Chúa khi Ngài đến trong trần thế: Ngài muốn trở thành một người Tôi Tớ Chúa, đặt mình phục vụ nhân loại để chu toàn kế hoạch của Chúa Cha. Mẹ Maria nói: ”Này tôi là tôi tớ Chúa”; và Con Thiên Chúa, khi vào trần thế, đã nói: ”Lạy Cha, này con đến […] để thực thi thánh ý Cha” (Dt 10,7.9). Thái độ của Mẹ Maria phản ánh hoàn toàn lời tuyên bố ấy của Con Thiên Chúa, Người cũng trở thành con của Mẹ Maria. Qua đó Đức Mẹ tỏ ra là người cộng tác trọn vẹn vào chương trình của Thiên Chúa, và cũng tỏ ra mình là môn đệ của Thiên Chúa, và trong kinh Magnificat, Mẹ có thể tuyên bố rằng ”Thiên Chúa đã nâng người hèn mọn lên” (Lc 1,52), vì với câu trả lời khiêm tốn và quảng đại này Mẹ đã đươc một vinh dự rất cao cả.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Trong khi chúng ta chiêm ngưỡng người Mẹ của chúng ta vì lời đáp trả tiếng gọi và sứ mạng của Thiên Chúa, chúng ta hãy cầu xin Mẹ giúp mỗi người chúng ta đón nhận dự án của Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta, với lòng khiêm tốn chân thành và lòng quảng đại can đảm.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC mời gọi các tín hữu cầu xin ơn hòa bình cho toàn thế giới, nhất là cho các dân tộc đang chịu đau khổ nhiều nhất vì những cuộc xung đột hiện nay. Và nhân dịp lễ Giáng Sinh, ngài tái kêu gọi trả tự do cho những người bị bắt cóc – các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân – để họ được trở về nhà. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.

Ngoài ra, ĐTC cho biết ngài cũng cầu nguyện cho dân chúng tại đảo Mindanao bên Philippines, bị cuồng phong khiến cho nhiều người chết và nhà cửa bị tàn phá. Ngài nói: ”Xin Thiên Chúa từ bi đón nhận linh hồn những người quá cố và an ủi những người đang đau khổ vì thiên tai này”.

Sau cùng ĐTC khuyên các tín hữu, nhân dịp lễ Giáng Sinh hãy tìm thời giờ dừng lại trong thinh lặng và cầu nguyện trước hang đá máng cỏ, để thờ lạy trong tâm hồn mầu nhiệm Giáng Sinh đích thực, mầu nhiệm Chúa Giêsu Đấng đến gần chúng ta trong tình yêu thương, khiêm tốn và dịu dàng. Và trong những lúc ấy, xin anh chị em cũng hãy cầu nguyện cho tôi!

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha tiếp các vị lãnh đạo tại trung ương Tòa Thánh

Đức Thánh Cha tiếp các vị lãnh đạo tại trung ương Tòa Thánh

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 21-12-2017 dành cho các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, ĐTC kêu gọi mọi người hành động theo thần ”quyền tối thượng phục vụ” của Người Kế vị Thánh Phêrô.

 

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có các HY ở Roma và các chức sắc cấp cao của Tòa Thánh, đến chúc mừng ĐTC nhân dịp lễ giáng sinh và năm mới.

 

Lên tiếng sau lời chào mừng của ĐHY Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y đoàn, ĐTC đã nói đến vai trò đối ngoại của giáo triều Roma, cộng tác với Người Kế vị thánh Phêrô trong việc phục vụ Giáo Hội hoàn vũ, cũng như trong tương quan đối ngoại với thế giới, các dân nước, các Giáo Hội Kitô và tôn giáo khác. Ngài nói:

 

”Tính chất phổ quát trong việc phục vụ của các cơ quan trung ương Tòa Thánh phát xuất và nảy sinh từ đặc tính công giáo của sứ vụ Phêrô. Một giáo triều khép kín vào mình thì phản bội mục tiêu sự hiện hữu của mình và rơi vào tình trạng tự tham chiếu chính mình, và sẽ bị hủy diệt.”

 

Dùng hình ảnh các phó tế được kêu gọi trở thành tai mắt của Giám Mục, giúp ngài đi tới những quyết định mưu ích cho toàn thân mình, cho cộng đồng Giáo Hội, ĐTC nhấn mạnh rằng tương quan của những người thuộc giáo triều Roma với người kế vị Thánh Phêrô là tương quan hiệp thông con thảo, vâng phục để phục vụ dân thánh của Chúa. Sự hiệp thông với Phêrô củng cố và tăng cường sự hiệp thông giữa mọi phần tử”.

 

Trong chiều hướng trên đây, ĐTC tố cáo những kẻ hành động trong những nhóm nhỏ, mưu mô, họ như thứ bệnh ung thư đưa tới tình trạng tự tham chiếu mình, thứ ung thư xâm nhập cả vào trong các cơ quan của Giáo Hội.

 

ĐTC đặc biệt cảnh giác chống lại một nguy hiểm khác, nguy hiểm của những kẻ phản bội sự tín nhiệm hoặc những kẻ lợi dụng tình mẫu tử của Giáo Hội, tức là những người được tuyển chọn kỹ lưỡng để tăng cường sức mạnh cho thân mình và cho sự cải tổi, nhưng rồi họ không hiểu trách nhiệm cao cả của họ, để cho mình bị hư hỏng vì những tham vọng hoặc hư danh và khi họ bị loại trừ một cách tế nhị, thì họ tự tuyên bố một cách sai làm là những người tử đạo của chế độ, của một Giáo Hoàng không được thông tin đầy đủ, của bè phái cũ, thay vì đấm ngực nhìn nhận tội lỗi của mình”.

 

Cũng trong diễn văn, trước giáo triều, ĐTC nói về tương quan của các cơ quan trung ương Tòa Thánh với các quốc gia, và nhắc nhở rằng ”quan tâm duy nhất của ngành ngoại giao Tòa Thánh là tương quan được giải thoát khỏi bất kỳ lợi lộc trần tục hoặc vật chất nào. Tòa Thánh hiện diện trong chính trường thế giới là để cộng tác với tất cả mọi người và các quốc gia thiện trí, luôn tái khẳng định tầm quan trọng của việc gìn giữ căn nhà chung của chúng ta khỏi mọi thứ ích kỷ hủy hoại, để khẳng định rằng chiến tranh chỉ mạng lại chết chóc và tàn phá…”

 

ĐTC không quên nói về tương quan giữa giáo triều Roma với các Giáo hội địa phương, với các Giáo Hội đông phương, vấn đề đối thoại đại kết, với Do thái giáo, Hồi giáo và các tôn giáo khác (Rei 21-12-2017)

 

G. Trần Đức Anh OP 

 

Thánh Lễ dẫn đưa tín hữu bước vào cuộc gặp gỡ tình yêu với Thiên Chúa

Thánh Lễ dẫn đưa tín hữu bước vào cuộc gặp gỡ tình yêu với Thiên Chúa

Thánh Lễ là hành động phụng tự gồm phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Nó gồm nhiều cử chỉ ý nghĩa dẫn đưa tín hữu vào cuộc gặp gỡ yêu thương với Chúa Kitô, là Đấng đã nhập thể làm người, đã chết trên thập giá và đã sống lại vinh hiển để cứu chuộc nhân loại.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi gặp gỡ chung tín hữu và du khách hành hương sáng thứ tư hàng tuần hôm qua tại đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ ngài đã giải thích đoạn sách Công Vụ chương 2 kể lại sinh hoạt của cộng đoàn kitô tiên khởi viết rằng: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.

Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ.
Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.”

Giải thích các phần khác nhau của Thánh Lễ ĐTC nói:

Thánh Lễ gồm hai phần Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể, gắn liền với nhau một cách chặt chẽ làm thành một cử chỉ phụng tự duy nhất (x. SC, 56; Trật tự tổng quát của Sách Lễ Roma, 28). Được dẫn nhập bởi vài lễ nghi chuẩn bị, và kết thúc bởi  các lễ nghi khác, việc cử hành như thế là một cơ thể duy nhất không thể tách rời được; nhưng để hiểu biết tốt hơn tôi sẽ tìm giải thích các lúc khác nhau của nó, mỗi một lúc có khả năng đánh động và huy động một chiều kích nhân tính của chúng ta. Cần phải hiểu biết các dấu chỉ thánh thiện này để sống Thánh Lễ một cách tràn đầy và nếm hưởng vẻ đẹp của nó.

Khi dân được triệu tập, việc cử hành mở đầu với các lễ nghi dẫn nhập bao gồm việc chủ tế và các vị cử hành tiến vào, lời chào “Chúa ở cùng anh chị em”, “Bình an ở cùng anh chị em”! – cử chỉ thống hối – “Tôi thú nhận”, trong đó chúng ta xin lỗi các tội của chúng ta” –  Kinh Thương Xót, kinh Vinh Danh, và lời nguyện colletta: gọi là lời nguyện colletta không phải để thu góp các của lễ, nhưng là thu thập các ý chỉ cầu nguyện của tất cả mọi dân tộc, và việc thu góp ý chỉ của các dân tộc lên tới trời như lời cầu nguyện. Mục đích của các lễ nghi dẫn nhập này là để “các tín hữu tụ họp với nhau, làm thành một cộng đoàn và chuẩn bị lắng nghe lời Chúa với lòng tin và cử hành Thánh Thể một cách xứng đáng” (Trật tự tổng quát của Sách Lễ Roma, 46).

** Thật không phải là một thói quen tốt nhìn đồng hồ và nói: “Tôi đến kịp lễ, tôi đến sau bài giảng và với việc này tôi chu toàn luật”. Thánh lễ bắt đầu với dấu thánh giá, với các lễ nghi dẫn nhập, bởi vì ở đó chúng ta bắt đầu thờ lậy Thiên  Chúa như là cộng đoàn. Chính vì vậy thật là quan trọng dự liệu đừng tới trễ, nhưng tới sớm hơn, để chuẩn bị con tim cho lễ nghi đó, cho việc cử hành này của cộng đoàn.

Trong khi hát ca nhập lễ vị linh muc và các thừa tác khác đi rước tiến lên cung thánh, tại đây ngài cúi chào bàn thờ,  và như dấu chỉ sự tôn kính ngài hôn, và khi có có xông hương thì ngài xông hương bàn thờ. Tại sao vậy? Bởi vì bàn thờ là Chúa Kitô: nó là hình ảnh của Chúa Kitô. Khi chúng ta nhìn bàn thờ, chúng ta nhìn chính nơi Chúa Kitô ngự. Bàn thờ là Chúa Kitô.

Các cử chỉ có nguy cơ không đuợc chú ý này, rất ý nghĩa, bởi vì chúng diễn tả ngay từ đầu rằng Thánh Lễ là một cuộc gặp gỡ tình yêu với Chúa Kitô, là Đấng khi “hiến dâng thân xác mình trên thập giá, trở thành bàn thờ, của lễ và tu tế”  (Kinh Tiền Tụng Phục Sinh V). Thật thế, bàn thờ như dấu chỉ của Chúa Kitô, “là trung tâm của hành động tạ ơn được chu toàn với Thánh Thể” (Trật tự tổng quát của Sách Lễ Roma, 296). Và toàn cộng chung quanh bàn thờ, là Chúa Kitô, không phải để nhìn mặt mình nhưng để nhìn Chúa Kitô, bởi vì Chúa Kitô là trung tâm của cộng đoàn, Ngài không ở xa cộng đoàn.

Tiếp tục bài huấn dụ về ý nghĩa Thánh Lễ ĐTC nói: Thế rồi còn có dấu thánh giá. Vị linh mục chủ tế làm dấu thánh giá trên chính mình và tất cả các thành phần cộng đoàn cũng làm dấu thánh giá, ý thức rằng hành động phụng vụ được chu toàn “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Và ở đây tôi bước sang một đề tài rất nhỏ khác: Anh chị em có thấy các em bé làm dấu thánh giá làm sao không? Chúng không biết điều chúng làm: đôi khi chúng vẽ một hình mà không phải là thánh giá. Xin vui lòng: cha mẹ, ông bà, xin anh chị em hãy dậy các trẻ em ngay từ đầu – khi chúng còn bé tí – làm dấu thánh giá cho đúng đắn hẳn hoi – Và giải thích cho chúng hiểu là thập giá của Chúa Giêsu là sự che chở. Và Thánh Lễ bắt đầu với dấu Thánh Giá.

Tất cả lời cầu di chuyển trong không gian của Thiên Chúa Ba Ngôi, “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, là không gian của sự hiệp thông vô tận; như nguồn gốc và kết thúc, nó có tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi Duy Nhất, được biểu lộ và trao ban cho chúng ta trên Thập Giá Chúa Kitô. Thật ra mầu nhiệm phục sinh của Ngài là ơn của Thiên Chúa Ba Ngôi, và Thánh Thể luôn luôn nảy sinh từ trái tim bị đâm thâu của Ngài. Như vậy, khi làm dấu thánh giá trên mình chúng ta không chỉ tưởng niệm Bí Tích Rửa Tội, mà cũng khẳng định rằng lời cầu phụng vụ là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa  trong Chúa Kitô Giêsu, là Đấng đã nhập thể, chết trên thập giá và sống lại vinh hiển vì chúng ta.

** Rồi vị linh mục hướng lời chào phụng vụ tới cộng đoàn với kiểu nói “Chúa ở cùng anh chị em” hay một kiểu nói khác tương tự, có nhiều kiểu lắm; và cộng đoàn trả lời: “Và ở cùng tâm trí cha”. Chúng ta đang đối thoại với nhau; chúng ta đang ở đầu Thánh Lễ và phải nghĩ tới ý nghĩa của tất cả các dấu chỉ và các lời này. Chúng ta đang bước vào trong “một hòa tấu”, trong đó vang lên các giọng nói khác nhau, bao gồm các lúc thinh lặng, để tạo ra “sự đồng ý” giữa tất cả mọi tham dự viên , nghĩa là thừa nhận mình được linh hoạt bởi một Thần Khí duy nhất và cho cùng một mục đích.

Thật thế, “lời chào của linh mục và câu trả lời của dân chúng biểu lộ mầu nhiệm của Giáo Hội  được quy tụ” ( Trật tự tổng quát của Sách Lễ Roma, 50). Như thế chúng ta diễn tả niềm tin chung và ước muốn cùng nhau ở với Chúa và sống sự hiệp nhất với toàn cộng đoàn.

Và đấy là sự hoà tấu cầu nguyện, mà người ta đang tạo ra lập tức giới thiệu một lúc rất đánh động, bởi vì vị chủ sự mời gọi tất cả mọi người thừa nhận các tội lỗi của mình. Chúng ta tất cả đều là kẻ tội lỗi. Tôi không biết, có lẽ có người trong anh chị em không phải là người tội lỗi… Nếu ai không có tội, xin làm ơn xin làm ơn giơ tay lên để cho mọi người đều thấy. Không có ai giơ tay cả: vậy thì tốt, anh chị em có đức tin! Tất cả chúng ta là những người tội lỗi; chính vì vậy mà đầu lễ chúng ta xin lỗi. Đó là cử chỉ sám hối. ĐTC giải thích cử chỉ này như sau:

Đây không phải chỉ là nghĩ tới các tội lỗi đã phạm, nhưng còn hơn thế nữa: đó là lời mời gọi xưng thú mình là kẻ có tội trước mặt Thiên Chúa, trước cộng đoàn và trước các anh chị em khác, với lòng khiêm tốn và chân thành, như người thu thuế trong đền thờ. Nếu Thánh Thể khiến cho mầu nhiệm phục sinh hiện diện, thì có nghĩa là  sự kiện  Chúa Kitô vượt qua từ cái chết vào sự sống, thì khi đó điều đầu tiên mà chúng ta phải làm là thừa nhận đâu là các tình trạng chết của chúng ta để có thể sống lại với Ngài vào cuộc sống mới. Điều này làm cho chúng ta hiểu cử chỉ sám hối quan trọng chừng nào. Vì thế, chúng ta sẽ đề cập đến đề tài này trong bài giáo lý tới. Chúng ta đi từng bước trong việc giải thích Thánh Lễ. Nhưng tôi xin anh chị em: hãy dậy các trẻ em làm dấu thánh giá hẳn hoi nhé!

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý. Ngài mời gọi mọi người mở rộng con tim cho Chúa Hài Đồng để tiếp nhận tình yêu Thiên Chúa dành để cho từng người và cho toàn nhân loại. Ngài chúc mọi người mừng lễ Giáng Sinh tươi vui và sống kinh nghiệm sự gần gũi của Chúa, là Đấng trao ban hoà bình và niềm vui cho chúng ta.

Chào các nhóm Bồ Đào Nha ĐTC nói trong các ngày này chúng ta thấy Chúa Hài Nhi được đặt nằm trong máng cỏ. Nhưng trong Thánh Thể Ngài để cho chúng ta tìm thấy Ngài. Trong mỗi Thánh Lễ chúng ta không chỉ chuẩn bị lễ Giáng Sinh của Chúa, nhưng cả việc con người sinh vào lòng Thiên Chúa nữa.

Chào các tín hữu nói tiếng A rập đến từ Iraq, Ai Cập và vùng Trung Đông ngài nhắc lại giáo huấn của thánh Toma Aquino dậy rằng trong phụng vụ thánh cần dùng các sự vật chất như các dấu chỉ, qua đó linh hồn con người được kích thích cho các hành động tinh thần kết hiệp nó với Thiên  Chúa. ĐTC khích lệ tín hữu dấn thân tìm hiểu ý nghĩa của mỗi hành động phụng vụ để sống tràn đầy việc cử hành Thánh Thể và được tràn đầy hoa trái thiên linh.

Với các tín hữu Ba Lan ĐTC nói như xưa kia các mục đồng Bếtlêhem đã nhận ra Con Thiên Chúa sinh ra trong hang bò lừa thế nào, anh chị em cũng hãy biết nhận ra Ngài trong Thánh Thể. Xin Đêm Giáng Sinh soi sáng cuộc sống của từng người và gia đình của anh chị em với niềm vui và sự an bình.

ĐTC đặc biệt cám ơn đoàn xiệc Cuba đã trình diễn giúp vui mọi người. Ngài cũng chào các tân linh mục dòng Đạo Binh Chúa Kitô và thân nhân, các linh mục trường truyền giáo quốc tế thánh Giuse Roma, cũng như giáo dân của nhiều giáo xứ Roma, nhân viên chỉ huy hải quân và phái đoàn của nhiều tỉnh Italia. Ngài  khích lệ mọi người sống gắn bó với Chúa Kitô.

Chào người trẻ ĐTC nhắn nhủ họ biết noi gương vâng lời và khiêm nhường của Mẹ Maria, người đau yếu biết kính mến sức mạnh tình yêu của Chúa Giêsu như Mẹ, và các đôi tân hôn biết thực hành các nhân đức noi gương Thánh Gia trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Ly Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải