Đức Thánh Cha chào mừng thế vận Olympic mùa đông

Đức Thánh Cha chào mừng thế vận Olympic mùa đông

VATICAN. ĐTC chào thăm các tham dự viên thế vận Olympic mùa đông ở Hàn quốc và ủng hộ sáng kiến hòa bình và gặp gỡ giữa các dân tộc.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 7-2-2018, ĐTC nói:

”Ngày kia, thứ sáu, 9-2, sẽ khai diễn Thế vận Olympic Mùa Đông ở thành phố Bình Chương, Nam Hàn, với sự tham dự của 92 quốc gia.

”Sự ngưng chiến theo truyền thống nhân dịp thế vận Olympic năm nay có một tầm quan trọng đặc biệt: Phái đoàn hai nước Triều tiên sẽ cùng nhau diễn hành dưới một lá cờ duy nhất và sẽ tranh tài như một đội duy nhất. Sự kiện này mang lại hy vọng trong một thế giới các cuộc xung đột được giải quyết ôn hòa bằng đối thoại và tôn trọng nhau, như thể thao dạy chúng ta,

”Tôi gửi lời chào Ủy ban thể vận quốc tế, các vận động viên nam nữ tham gia thế vận ở Bình Chương, chính quyền và nhân dân Bán đảo Triều Tiên. Tôi tháp tùng tất cả mọi người bằng kinh nguyện, trong khi tôi lập lại quyết tâm của Tòa Thánh nâng đỡ mọi sáng kiến hữu ích nhắm bênh vực hòa bình và cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc. Ước gì thế vận này là một đại lễ về tình thân hữu và thể thao! Xin Thiên Chúa chúc lành và gìn giữ tất cả quí vị” (Rei 7-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 4-2-2018

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 4-2-2018

VATICAN. Trong buổi đọc kinh truyền tin trưa chúa nhật 4-2-2018, ĐTC giải thích ý nghĩa các phép lạ của Chúa Giêsu, và ngài cũng kêu gọi các tín hữu cử hành ngày ăn chay cầu nguyện 23-2-2018 cho hòa bình thế giới, đặc biệt tại Cộng hòa dân chủ Congo và Nam Sudan.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, trước sự hiện diện của gần 20 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng chúa nhật thứ 5 mùa thường niên năm B (Mc 1,21-39), trong đó Thánh Sử Marco làm nổi bật tương quan giữa việc làm phép lạ của Chúa Giêsu với sự thức tỉnh đức tin nơi những người Ngài gặp.

 Huấn dụ của ĐTC

”Tin Mừng Chúa nhật này tiếp tục mô tả một ngày của Chúa Giêsu tại Capharnaum, một ngày thứ bẩy là lễ trong tuần đối với người Do thái. Lần này Thánh Sử Marco làm nổi bật tương quan giữa hoạt động làm phép lạ của Chúa Giêsu và sự thức tỉnh đức tin nơi những người Ngài gặp. Thực vậy, qua những dấu chỉ chữa lành các bệnh đủ loại, Chúa muốn khơi dậy câu trả lời đức tin.

Ngày của Chúa Giêsu ở Capharnaum bắt đầu với việc chữa lành nhạc mẫu của thánh Phêrô và kết thúc với cảnh tượng dân chúng cả thành chen chúc trước nhà nơi Ngài trú ngụ, để mang tất cả các bệnh nhân đến. ”Đám đông, đau khổ về thể lý và những lầm than về tinh thần, có thể nói là họ họp thành môi trường cuộc sống trong đó sứ mạng của Chúa Giêsu được tiến hành, bằng những lời nói và những cử chỉ chữa lành và an ủi. Chúa Giêsu không để để mang lại ơn cứu độ trong một phòng thí nghiệm, ng;ai không giảng như trong phòng thí nghiệm, tách biệt với dân chúng: trái lại Ngài ở giữa đám đông, giữa dân chúng. Anh chị em hãy nghĩ: phần lớn đời sống công khai của Chúa Giêsu diễn ra trên đường, giữa dân chúng, để rao giảng Tin Mừng, để chữa lành các vết thương thể lý và tinh thần. Đám đông ấy, là một nhân loại đang chịu đựng đau khổ, vất vả và các vấn đề Khác: hoạt động quyền năng, giải thoát và đổi mới của Chúa Giêsu hướng về những người ấy. Thế là giữa đám đông cho đến chiều tối, ngày thứ bẩy ấy kết thúc. Vậy Chúa Giêsu làm gì sau đó?

Trước bình minh của ngày hôm sau, Ngài âm thầm đi ra khỏi cửa thành và rút lui vào nơi riêng để cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện. Qua đó, Ngài đưa con người và sứ mạng của Ngài tránh quan niệm háo thắng, hiểu lầm ý nghĩa các phép lạ và quyền năng thần lực của ngài. Thực vậy, các phép lạ là những dấu chỉ mời gọi câu trả lời của đức tin; những dấu chỉ luôn có lời nói đi kèm để soi sáng, và cùng nhau, dấu chỉ và lời nói, khơi lên Đức Tin và sự hoán cải nhờ sức mạnh thần linh của ơn thánh Chúa Kitô.

Phần kết của đoạn Tin Mừng hôm nay (vv.35-39) cho thấy việc loan báo Nước Thiên Chúa, do Chúa Giêsu, tìm lại được nơi thích hợp của mình trên đường. Khi các môn đệ tìm Chúa để đưa Ngài trở lại thành thị, Chúa nói: ”Các con hãy đi nơi khác, trong các làng lân cận, vì Thầy cũng phải rao giảng tại đó nữa” (v.38). Đó là con đường của Con Thiên Chúa và đó cũng sẽ là hành trình của các môn đệ. Con đường như nơi hân hoan loan báo Tin Mừng, đặt sứ mạng của Giáo Hội dưới dấu hiệu ”bước đi”, chuyển động và không bao giờ là tĩnh.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta cởi mở đối với tiếng nói của Thánh Linh, Đấng thúc đẩy Giáo Hội ngày càng cắm lều của mình giữa dân sĩ của linh hồn lẫn thể xác.

Nhắc lễ Phong chân phước Olivelli

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nhắc đến lễ phong chân phước cho thanh niên Teresio Olivelli, bị giết vì đức tin vào năm 1945, trong tại tập trung Hersbruck. Ngài nói: ”Chân phước đã làm chứng cho Chúa Kitô trong tình yêu thương đối với những người yếu thế nhất và kết hiệp với hàng ngũ dài các vị tử đạo trong thế kỷ vừa qua. Ước gì sự hy sinh anh dũng của Người là hạt giống hy vọing và huynh đệ nhất là đối với người trẻ.”   Cổ võ bảo vệ sự sống

Và ĐTC hiệp với các GM Italia cử hành ngày Sự Sống, với chủ đề ”tin Mừng sự sống, niềm vui cho thế giới”.. Tôi hiệp với sứ điệp của các GM Italia và đánh giá cao cũng như khích lệ các thực tại khác nhau của Giáo Hội, bằng nhiều cách đang thăng tiến và nâng đỡ sự sống, đặc biệt là Phong trào bênh vực sự sống mà tôi chào mừng các vị lãnh đạo hiện diện ở đây, không nhiều lắm Điều này làm tôi quan tâm. Không có nhiều người tranh đấu cho sự sống trong một thế giới mỗi ngày người ta chế tạo nhiều võ khí hơn, và làm nhiều luật hơn chống lại sự sống và mỗi ngày người ta đi theo nền văn hóa gạt bỏ đang lan tràn, gạt bỏ những gì không dùng đến nữa, những gì làm cho người ta khó chịu. Vậy chúng ta hãy cầu nguyện để dân chúng ngày càng ý thức về việc bảo vệ sự sống trong lúc sự sống bị phá hủy và nhân loại bị gạt bỏ. Liên đới với dân Madagascar bị bão lụt

ĐTC cũng bày tỏ sự gần gũi liên đới với dân chúng tại Madagascar mới bị cuồng phong nặng nề, làm cho nhiều người chết, nhiều người tản cư và thiệt hại lớn về vật chất. Xin Chúa an ủi và nâng đỡ họ.

Mời gọi cử hành ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình

Sau cùng ĐTC đã mời gọi mọi người tham gia ngày đặc biệt ăn chay cầu nguyện, thứ sáu 23-2 tới đây, tuần thứ I mùa chay, cầu cho hòa bình trên thế giới. Chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho dân chúng là tại Cộng hòa dân chủ Congo và Nam Sudan đang bị nội chiến và tình trạng hàng triệu người tị nạn.

Cũng như trong các dịp tương tự, tôi cũng mời gọi các anh chị em không Công Giáo và không Kitô, tham gia sáng kiến này, theo thể thức họ thấy là thích hợp nhất.

”Cha chúng ta trên trời luôn lắng nghe các con cái của Ngài kêu lên ngài trong đau khổ và lo âu, ”Xin chúa lành những tâm hồn tan nát và băng bó các vết thương của họ” (Tv 147,3). Tôi tha thiết kêu gọi để cả chúng ta cũng lắng nghe tiếng kêu ấy, và mỗi người theo lương tâm của mình trước mặt Chúa, chúng ta tự hỏi: ”Tôi có thể làm gì cho hòa bình? Chắc chắn chúng ta có thể cầu nguyện; nhưng không chỉ như vậy mà thôi: mỗi người có thể cụ thế ”chống lại bạo lực trong những gì tùy thuộc mình. Vì những chiến thắng đạt được bằng bạo lực là những chiến thắng giả tạo, trong khi làm việc cho hòa bình là điều mưu ích cho tất cả mọi người!”

Tại Cộng hòa dân chủ Congo, đứng trước sự kiện tổng thống Joseph Kabila tiếp tục từ chối không từ chức sau khi mãn nhiệm kỳ vào cuối tháng 12, đã có những cuộc biểu tình, đụng độ, bắt giam và chiến tranh giữa các lực lượng dân quân khiến cho ít nhất 4 triệu người phải tị nạn.

Tại Nam Sudan đang có nội chiến từ vài năm nay, làm cho ít nhất 2 triệu người tị tản cư.

Trong quá khứ, hồi tháng 9 năm 2013, ĐTC đã mời các tín hữu Kitô và không Kitô trên thế giới hiệp nhau cử hành buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình tại Siria.

G. Trần Đức Anh OP

Cha Juan Carlos Constable, một gương mặt mới diện diện giữa những người nghèo ở Argentina

Cha Juan Carlos Constable, một gương mặt mới diện diện giữa những người nghèo ở Argentina

“Không e ngại hành động, luôn hướng về phía trước trong việc tìm kiếm những giấc mơ của chúng ta, đây là các bước đầu tiên của hành trình. Mỗi thời điểm đều tốt đẹp để bắt đầu, đặc biệt nếu có sự nhiệt tình và hy vọng; vấn đề là chúng ta hãy tự hỏi chúng ta đã sẵn sàng bắt đầu cuộc hành trình hay chưa?”. Đây là một trong những hàng chữ mà người ta có thể đọc được trên bức tường ở lối vào của vùng San José de Boquerón, thuộc tỉnh Santiago del Estero, đông bắc Argentina, một trong những vùng nghèo nhất của đất nước.

Chúng ta chỉ có thể hiểu một cách tường tận ý nghĩa của những lời này nếu chúng ta biết được bối cảnh mà nó được viết lên. Một nơi mà số liệu thống kê của chính phủ không muốn nói đến.

Thật vậy, cách đây 40 năm, ở San José de Boquerón những con số phản ánh một thực tế đau lòng. Ở khu vực nông thôn chỉ số nghèo đói dưới mức trung bình của toàn quốc: gần 37% dân số không có được những nhu cầu tối thiểu để sống còn, 12% dân số bị mù chữ (gấp ba lần mức trung bình toàn quốc) và gần 1/2 trẻ em đến trường không thể hoàn thành việc học. Hơn nữa, nơi đây mức sản xuất ít nhất ở Argentina; nơi mà sự thừa kế duy nhất truyền từ thế hệ này qua thế hệ kia là sự nghèo đói.

Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi; từ một nơi không có gì, từ từ được phát triển cho đến ngày nay. Điều gì đã làm thay đổi nó? phải chăng chính sách ưu đãi của chính phủ đã đến với vùng đất này? hoặc có một mạnh thường quân nào trợ giúp? một phép mầu nào đó chăng? Câu trả lời đó là sự xuất hiện của cha Juan Crlos Constable, một tu sĩ Dòng Tên. Vào mùa Phục Sinh năm 1975 cha Juan Crlos Constable, được gửi đến San José de Boquerón để coi sóc mục vụ tại giáo xứ San José de las Petacas. Chính ĐTC Phanxicô đã sai cha đến đó trong lúc Ngài còn là Giám tỉnh của Dòng Tên ở Argentina. Công việc của cha được ĐTC coi trọng và đánh giá cao. Ngay từ khi đặt chân đến cha đã bắt tay vào công việc, nhưng xem ra đây là những công việc vô cùng rộng lớn và phức tạp. Dưới cái nhìn của cha bao nhiêu điều cần phải thực hiện liên quan đến: Nghèo đói cùng cực, bất bình đẳng xã hội và văn hóa, sở hữu đất đai nằm trong tay một thiểu số, thiếu chính sách xã hội, thiếu cơ sở hạ tầng…Tất cả những điều này thêm vào đó là vấn đề sinh thái, như kham hiếm và ô nhiễm nước, đất bị nhiễm mặn, sự khai thác rừng hoang dã. Chính cha đã xác định rõ điều này trong một cuộc phỏng vấn khi cha mới đến: “Không có gì, chỉ có dân chúng và cây cối”. Và bởi chính điều này mà cha đã lưu lại đây hơn 40 năm.

Với sự cộng tác và trợ giúp của giáo dân đến từ vùng Buenos Aires xa xôi, cha đã tìm cách thay đổi cuộc sống của dân chúng; cha xây dựng trường học và phòng ăn cho trẻ em, các em đến trường học còn được cung cấp các bữa ăn, chính các gia đình cộng tác trong việc nấu ăn và trong các hoạt động khác. Cha còn thiết lập phòng khám bệnh, hướng dẫn nông dân làm nông nghiệp, khoan giếng để bảo đảm nguồn nước cho người dân, cải thiện nhà ở. Một số người cộng tác với cha nói rằng họ còn nhớ rõ cách thức cha dạy dân chúng cách làm gạch – và thậm chí mở rộng phạm vi hoạt động sang cả các vùng lân cận.

Trong 40 năm dài cha đã thực hiện công trình Phúc Âm Hóa và phát triển con người trong vùng rộng lớn 3600 cây số vuông, trên đó có 7000 người sinh sống. Cha trả lời trong một bài phỏng vấn khác: “Là những vùng rất khó khăn nhưng với niềm hy vọng lớn, chúng tôi muốn làm tất cả cho họ”.

Tinh thần truyền giáo của cha thật vĩ đại, không điều gì có thể làm cha nhụt trí, thậm chí ngay cả khi bị một cơn đột quỵ cũng không thể dập tắt tinh thần truyền giáo của cha. Cha đã cho nơi này, một khúc ngoặt lịch sử Phúc âm hóa ở Châu Mỹ La tinh, một chiều kích của lòng thương xót của Mẹ Giáo Hội, đồng hành và khuyến khích niềm hy vọng, bởi vì như cha chia sẻ: “Dù ở bất cứ nơi đâu, mỗi người có thể cảm thấy như là nhà của mình, có thể cảm nhận như người con được yêu, được tìm kiếm” (L’OSSERVATORE ROMANO 31-01-2018)

Ngọc Yến

 

Đức Thánh Cha lên án nạn ”cho vay ăn lãi cắt cổ”

Đức Thánh Cha lên án nạn ”cho vay ăn lãi cắt cổ”

VATICAN. ĐTC lên án nạn cho vay ăn lãi cắt cổ như ”con rắn xiết cổ các nạn nhân” và ngài kêu gọi thực thi các biện pháp để ngăn ngừa và bài trừ tệ nạn này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ bẩy 3-2-2018, dành cho 300 thành viên Hội Italia chống nạn cho vay ăn lãi cắt cổ

Trong dịp này ĐTC ca ngợi hoạt động của hội trong 26 năm qua, đã cứu được hơn 25 ngàn gia đình ở Italia, cứu nhà cửa và nhiều khi cả những xí nghiệp nhỏ của họ, giúp họ tìm lại phẩm giá mà họ bị tước đoạt. Hội có hàng trăm trung tâm lắng nghe trên toàn lãnh thổ.

ĐTC khẳng định rằng ”Nạn cho vay ăn lãi cao hạ nhục và giết người… Cần phải phòng ngừa nó, giúp những người bị bệnh mắc nợ để sinh tồn hoặc cứu vãn xí nghiệp. Ta có thể phòng ngừa tệ nạn này bằng cách giáo dục về một lối sống điều độ, biết phân biệt những gì là cần thiết và những gì là dư thừa. Điều quan trọng là phục hồi nhân đức thanh bần và hy sinh: thanh bần để không trở thành nô lệ cho sự vật, và hy sinh vì ta không thể nhận được mọi sự từ cuộc sống”.

”Ngoài ra cần phải huấn luyện về tâm thức tôn trọng luật pháp và lương thiện nơi cá nhân cũng như trong các tổ chức, gia tăng sự hiện diện của những người thiện nguyện hăng say và sẵn sàng đối với những người túng thiếu, để họ cảm thấy được lắng nghe, khuyên bảo, hướng dẫn, và trỗi dậy từ tình trạng nhục nhã của họ”.

ĐTC tái khẳng định rằng ”cho vay ăn lời cắt cổ là một tội trọng: nó giết sự sống, chà đạp phẩm giá con người, và phương tiện tham nhũng và cản trở công ích. Nó làm suy yếu cả những nền tảng xã hội và kinh tế của một quốc gia”.

Sau cùng ĐTC khích lệ các hội viên Hội chống cho vay ăn lãi cao hãy trở thành những người gặp gỡ, lắng nghe, gần gũi. Để được vậy cần ngắm nhìn Chúa Giêsu và trái tim của Chúa, dừng lại ở những trang sách Tin Mừng trong đó kể lại cuộc gặp gỡ của Chúa với những người nghèo, người hành khất, phong cùi, bất toại và giúp họ trỗi dậy, trả lại phẩm giá và tương lai cho họ. Khi đương đầu với nạn cho vay ăn lãi cao và nạn tham nhũng, cả anh chị em cũng có thể thông truyền hy vọng và can đảm cho các nạn nhân, để họ có thể phục hồi lòng tín thức và trỗi dậy từ những nhu cầu của họ” (Rei 3-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha kêu gọi chống bạo lực nhân danh tôn giáo

Đức Thánh Cha kêu gọi chống bạo lực nhân danh tôn giáo

VATICAN. ĐTC kêu gọi các vị lãnh đạo chính trị, tôn giáo, giáo dục và truyền thông, liên kết với nhau để chống lại nạn bạo lực nhân danh tôn giáo.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 2-2-2018 dành cho 50 nhà chính trị và các vị lãnh đạo các tôn giáo tham dự hội nghị về đề tài này.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC khẳng định rằng ”Tuy chúng ta cần Đấng Tuyệt Đối, nhưng chúng ta cần phải loại bỏ bất kỳ sự tuyệt đối hóa nào biện minh cho các hình thức bạo lực. Thực vậy, bạo lực là sự phủ nhận mọi tôn giáo chân chính. Chúng ta phải tố giác những vi phạm chống lại phẩm giá con người và các nhân quyền, vạch trần những mưu toan biện minh cho mọi hình thức oán thù nhân danh tôn giáo và lên án chúng như một chế tạo giả dối mang tính thần tượng về Thiên Chúa”.

ĐTC cảnh giác rằng ”người có tôn giáo biết rõ một trong những tội phạm thượng lớn nhất là lấy Thiên Chúa là người bảo đảm cho các tội lỗi và tội ác của mình, kêu gọi Chúa để biện minh cho tội giết người, tàn sát tập thể, biến con người thành nô lệ, bóc lột con người dưới mọi hình thức, đàn áp và bách hại các cá nhân và toàn thể các dân tộc”.

Người có tôn giáo biết rằng Thiên Chúa là Đấng Thánh và không ai có thể nại danh Chúa để thực hiện sự ác. Mỗi vị lãnh đạo tôn giáo được kêu gọi vạch mặt bất kỳ toan tính nào nhắm lèo lái Thiên Chúa vào những mục tiêu không có liên quan gì đến Ngài và vinh quang của Ngài. Cần chứng tỏ không biết mệt mỏi rằng mỗi sự sống con người tự nó đều có tính chất thánh thiêng, đáng được tôn trọng, cảm thông, liên đới, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, văn hóa và khuynh hướng ý thức hệ hay chính trị”.

Cũng trong diễn văn, ĐTC cũng khẳng định rằng “Việc thuộc về một tôn giáo không mang thêm phẩm giá hoặc quyền bổ túc cho người theo tôn giáo ấy, cũng như việc không thuộc về một tôn giáo không tước đoạt hoặc giảm bớt phẩm giá và các quyền của họ.”

”Vì thế các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo, các giáo chức, và các nhân viên giáo dục, đào tạo, thông tin, cần dấn thân chung với nhau để cảnh giác bất kỳ người nào bị cám dỗ vì những hình thức đồi bại của tôn giáo bị biến thái, không liên quan gì với chứng tá của một tôn giáo xứng với tên của mình.

”Điều này sẽ giúp những ngừơi thiện chí tìm kiếm Thiên Chúa, được gặp gỡ Ngài thực sự và gặp Đấng giải thoát khỏi mọi sợ hãi, oán thù, bạo lực, Đấng muốn dùng óc sáng tạo và nghị lực của mỗi người để phổ biến kế hoạch yêu thương và hòa bình của ngài dành cho mỗi người” (Rei 2-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Hai trang web của HĐGM giúp chống lại nạn nghèo đói

Hai trang web của HĐGM giúp chống lại nạn nghèo đói

Hội đồng Giám mục Hoa kỳ đã thành lập hai trang web để giúp “hiểu biết, học hỏi và hành đông, nhắm đối phó với sự nghèo khổ ở Hoa kỳ.”

 

Với sáng kiến này, cac Giám mục Hoa kỳ muốn đóng góp vào việc cung cấp thông tin cho các tín hữu Công gíao về những tình cảnh khó khăn mà nhiều người Mỹ buộc phải sống.

 

Tại Hoa kỳ, có trên 40,6 triệu người sống trong cảnh nghèo khổ, nghĩa là 1/6 công dân và 1/5 trẻ em. Chỉ trong năm 2015, 2,5 triệu trẻ vị thành niên sống kinh nghiệm mất nhà cửa và sống lang thang. Trong năm 2016, chương trình ở trường học bảo đảm một bữa ăn nóng cho những người sống dưới mức căn bản cũng đã cung cấp trên 30 triệu bữa ăn.

 

Povertyusa.org và Pobrezausa.org là hai trang web bằng tiếng Anh và tiếng Tây ban nha, cung cấp các công cụ và nguồn lực để giúp người Công giáo biến đức tin thành hành động bằng cách làm việc để giải quyết vấn đề đói nghèo.

 

Hai trang web này có một bản đồ tương rác với số liệu thống kê về đói nghèo ở cấp quốc gia và cấp tỉnh thành, các hoạt động học tập về hiện tương, tài liệu cầu nguyện và đa phương tiện. Bên cạnh đó, nó cũng có các chuyện kể về hy vọng , làm thế nào các cộng đoàn đang hành động để giải quyết nạn đói ở cấp địa phương và một bản đồ tương tác để tìm kiếm các tổ chức cộng đồng được tài trợ bởi chiến dịch cho việc phát triển con người, được thúc đẩy bởi các giám mục Hoa Kỳ.

 

Đức cha David Prescott Talley, Giám mục phó của giáo phận Alexandria và chủ tịch của Ủy ban công lý đối nội và phát triển con người của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, nói: “Như các môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi gặp gỡ những người trong các cộng đoàn của chúng ta đang sống trong các điều kiện khó khăn. Nghèo đói ở Hoa kỳ là một thực tại, do đó chúng ta phải cùng nhau hành động để thể hiện đức tin của chúng ta bằng hành động và giải quyết vấn đề này.

 

Theo Hội đồng Giám mục, ngưỡng nghèo của một gia đình người Mỹ là thu nhập khoảng 24 ngàn đô la / năm, tức là khoảng 1900 đô la/tháng. Số tiền này có thể là đủ cho chi phí của một gia đình tại một số quốc gia, nhưng ở Hoa kỳ, vì điều kiện sống cao và các chi phí như y tế và học hành, hàng triệu gia đình sống trong tình trạng bấp bệnh.

 

Chương trình chống nghèo đói được các Giám mục Hoa kỳ đưa ra với ý thức rằng sự gạt ra ngoài lề xã hội và đau khổ là những thử thách hàng ngày của quốc gia, nhưng đồng thời cũng là “cơ hội gặp gỡ thật sự với thân thể đau khổ của Chúa Kitô.” Các sáng kiến này là “một dấu chỉ cụ thể của sự tương trợ của Giáo hội và sự dấn thân để mang hy vọng và niềm vui Tin mừng cho các anh em nghèo khổ nhất.” (L'Osservatore Romano  02-03/02/2018)

 

Hồng Thủy

Phòng báo chí Tòa Thánh lên tiếng về vấn đề Trung Quốc

Phòng báo chí Tòa Thánh lên tiếng về vấn đề Trung Quốc

ĐHY Giuse Trần Nhật Quân (Courtesy pic. from AP)

VATICAN. Giám Đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Greg Burke, bác bỏ những tin nói rằng có sự cách biệt về tư tưởng và hành động giữa ĐTC và các cộng sự viên của Ngài trong giáo triều Roma về các vấn đề Trung Quốc.

Trong thông cáo công bố chiều ngày 30-1-2017, Ông Greg nói:

”ĐGH liên tục tiếp xúc với các Cộng tác viên của Ngài, đặc biệt là Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, về những vấn đề Trung Quốc, và được họ thông báo một cách trung thực và chi tiết về tình trạng Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc cũng như về những diễn tiến đối thoại hiện nay giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Nhân Dân Trung Quốc, và ngài đặc biệt quan tâm theo dõi. Vì thế, thật là điều gây ngạc nhiên và đáng tiếc, từ phía những người của Giáo Hội, có những khẳng định trái ngược và qua đó tạo nên hoang mang và tranh luận”.

Trong những ngày vừa qua, báo chí quốc tế đưa tin ĐHY Giuse Trần Nhật Quân nguyên GM Hong Kong, đã công bố một thư ngỏ nói rằng trong buổi tiếp kiến riêng dành cho ngài hôm 24-1 vừa qua, ĐGH Phanxicô đã chống lại việc yêu cầu 2 GM thầm lặng ở Trung Quốc từ chức để nhường chỗ cho 2 GM do Nhà Nước Bắc Kinh ủng hộ. Việc làm này do phái đoàn Tòa Thánh đến Trung Quốc đưa ra.

Những lời của ĐHY Giuse Quân ngụ ý phái đoàn Tòa Thánh đến Trung Quốc đã hành động ”sau lưng” ĐTC và trái với ý muốn ngài.

2 GM thầm lặng bị yêu từ chức thuộc giáo phận Sơn Đầu (Shantou) tỉnh Quảng Đông và Mân Đông (Mindong) tỉnh Phúc Kiến. 2 GM mà nhà nước Trung Quốc nhìn nhận, theo báo chí, là những GM chịu chức bất hợp pháp (Rei 30-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Hồng Y Parolin bênh vực thương thuyết với Trung Quốc

Đức Hồng Y Parolin bênh vực thương thuyết với Trung Quốc

ROMA. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, bênh vực việc Tòa Thánh thương thuyết với Nhà Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho mạng thông tin Vatican Insider, truyền đi hôm 31-1-2017, ĐHY Parolin như trả lời cho những phê bình của ĐHY Giuse Trần Nhật Quân, nguyên GM Hong Kong, cho rằng Vatican ”đầu hàng Nhà Nước Trung Quốc” khi ép 2 GM thầm lặng phải nhường chỗ cho 2 GM bất hợp pháp được Nhà Nước Trung Quốc công nhận.

ĐHY Parolin giải thích rằng cuộc đối thoại của Tòa Thánh với Bắc Kinh nhắm giúp các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc ”cảm thấy mình hoàn toàn là Công Giáo và đồng thời hoàn toàn là Trung Hoa.. Tòa Thánh tìm kiếm một tổng hợp chân lý và một con đường có thể thực hành được, điều này cần có thời gian và kiên nhẫn. Trong viễn tượng đó, có thể một số người cần phải hy sinh vì thiện ích của Giáo Hội”.

Theo ĐHY Parolin, ở Trung Quốc không có 2 ”Giáo Hội Công Giáo”, nhưng có 2 cộng đồng tín hữu được kêu gọi hòa giải với nhau qua những giải pháp mục vụ thực tế. Để được như thế, có thể cần yêu cầu một số người chịu một hy sinh, lớn hay nhỏ.. ”Mặc dù tất cả không rõ ràng hoặc có thể hiểu được ngay, nhưng cần phải hoạt động trong tinh thần vâng phục con thảo đối với ĐTC”.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐHY Quốc vụ khanh không nói rõ đối tượng của sự hy sinh và ai được yêu cầu hy sinh. Nhưng theo báo chí, ĐHY ám chỉ rõ ràng tới những lời trách cứ của ĐHY Trần Nhật Quân về việc Vatican đã yêu cầu các GM hợp pháp hầm trú từ lâu đã 75 tuổi là tuổi về hưuu, nhường chỗ có các GM công khai không được Tòa Thánh nhìn nhận.

ĐHY Parolin tái khẳng định rằng ĐTC đích thân theo dõi những tiếp xúc với chính quyền Trung Quốc. Tất cả các cộng sự viên liên hệ trong vấn đề này đều hành động hòa hợp với ĐTC (Cath.ch 20180131)

G. Trần Đức Anh OP 

Nghĩ về sự chết giúp thoát khỏi ảo tưởng làm chủ thời gian

Nghĩ về sự chết giúp thoát khỏi ảo tưởng làm chủ thời gian

Khi nghĩ về sự chết, chúng ta sẽ được thoát khỏi ảo tưởng rằng mình có thể làm chủ thời gian. Chúng ta không bất tử hoặc bất diệt. Chúng ta là những con người sống trong thời gian có khởi đầu và có kết thúc. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Cái chết là một thực tế

Lời Chúa hôm nay kể về giây phút cuối đời của vua Đavit. Cái chết đến với tất cả mọi người, ảnh hưởng trên mọi người. Với từng người, dù sớm hay muộn thì cái chết cũng sẽ đến.

Nhưng mà luôn có cám dỗ níu kéo cuộc sống trong sự lòng vòng của mê cung ích kỷ, mà không nhìn tới tương lai. Không, cuộc sống này sẽ kết thúc, sẽ có cái chết, tất cả chúng ta đều biết điều ấy. Và vì thế, Giáo Hội luôn cố gắng giúp chúng ta suy nghĩ phản tỉnh về cái chết, về giây phút cuối đời của mỗi người chúng ta.

Cái chết là một di sản

Tôi không phải là chủ của thời gian. Bạn cũng thế. Suy tư về cái chết sẽ giúp chúng ta thoát khỏi ảo tưởng làm chủ thời gian, giúp chúng ta thoát khỏi kiểu cuộc sống với những chuỗi dài vô nghĩa. Tôi đang tiến bước và tôi phải nhìn tới phía trước, phải suy xét về tương lai, về cái chết. Cái chết cũng là một thứ di sản, không phải là di sản vật chất nhưng là chứng từ cuộc sống.

Chúng ta có thể tự hỏi lòng mình rằng: Nếu hôm nay Chúa gọi tôi, thì tôi sẽ để lại di sản gì đây? Lúc ấy tôi sẽ để lại gì, sẽ để lại chứng từ cuộc sống nào, sẽ để lại gì cho cuộc đời này? Đó là câu hỏi rất hay để tự chất vấn lòng mình. Và như thế, tất cả chúng ta biết cách chuẩn bị chính mình. Chẳng ai trong chúng ta sẽ còn lại giống như những di tích. Không, tất cả chúng ta rồi sẽ chết.

Cái chết là một ký ức

Cái chết cũng là một loại ký ức, là một thứ để chúng ta luôn nhớ tới, để suy nghĩ để phản tỉnh, để rọi ngược trở lại giây phút hiện tại. Nếu hôm nay tôi chết, thì tôi thích làm gì, sẽ làm gì, sẽ quyết định gì, sẽ sống lối sống nào? Khi suy nghĩ như thế, suy tư về điều ấy, cuộc sống hiện tại của chúng ta sẽ sáng tỏ. Chúng ta sẽ tỉnh ngộ, sẽ bừng tỉnh, sẽ khôn ngoan với những quyết định trong cuộc sống từng ngày. Cảm thấy rằng, cảm nhận rằng, biết rằng mình đang tiến về cái chết, điều ấy rất tốt cho mỗi người chúng ta.

Tứ Quyết SJ

 

Dự luật mới của Úc xem Linh mục tu sĩ là nhân viên nước ngoài và cần đăng ký

Dự luật mới của Úc xem Linh mục tu sĩ là nhân viên nước ngoài và cần đăng ký

Trong cuộc tranh luận về dự luật mới của Úc muốn hạn chế sự hiện diện và can thiệp của nước ngoài vào bối cảnh xã hội và kinh tế của nước này, Đức cha Robert Michael McGuckin, Giám mục Giáo phận Toowoomba, tuyên bố: “Giáo hội Công giáo ở Úc với hàng triệu công dân Úc thực hành đức tin và không ràng buộc với một thế lực nước ngoài.”

Dự luật này buộc những người hoạt động cho các tổ chức ngoại quốc phải đăng ký về tình trạng của họ trên một bản đăng lý mới, hoặc sẽ đối mặt với cáo buộc hình sự. Dù luật này có khoảng miễn trừ cho các nhóm tôn giáo, nhưng bản dự thảo cũng tuyên bố rằng Giáo hội Công giáo được liên kết với Vatican và vì điều này, các linh mục và những người Công giáo bị coi là các nhân viên nước ngoài. Nếu họ muốn thực hiện các hoạt động mục vụ của họ thì buộc phải đăng ký họ thuộc tổ chức nước ngoài.

Phát biểu trong cuộc tranh luận, Đức cha McGuckin nói rằng các tín hữu Công giáo là những người đi theo Chúa Giêsu Kitô; chúng tôi không phải là nhân viên của một chính phủ ngoại quốc. Ngài nói thêm: “Dường như mọi người Công giáo hoạt đồng đều cần phải đăng ký và báo cáo. Trước thực tế là số tín hữu Công giáo chiếm 20% dân số, chúng tôi nghĩ là sẽ cần đăng ký rất nhiều.”

Sự việc bắt đầu từ tháng trước, theo truyền thông, xuất phát từ một vụ bê bối liên quan đến một nghị viên bị buộc tội đã dùng ảnh hưởng của mình sau khi nhận một đóng góp rất lớn từ một ông trùm nước ngoài. Thủ tướng Malcolm Turnbull của Úc đã loan báo một cuộc kiểm soát chặt chẽ cề các khoản đóng góp và các hoạt động liên quan đến nước ngoài.

Hội đồng Giám mục Úc đã gửi thư cho ủy ban, khẳng định rằng dự luật này dựa trên giả định sai lầm rằng Giáo hội Công giáo Úc đang hoạt động vì lợi ích chính trị và kinh tế của nước ngoài, đang hoạt động nhân danh Vaticna. Dự luật phải bao gồm các miễn trừ cho các tổ chức tôn giáo. (Catholic Herald 30/01/2018; L’Osservatore Romano 31/01-01/02/2018)

Hồng Thủy

 

Tổng thống Haiti thông báo Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ thăm Haiti

Tổng thống Haiti thông báo Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ thăm Haiti

Hôm Chúa nhật 28/01/2018, Tổng thống Jovenel Moïse của Haiti đã trở về nước sau chuyến thăm Italia và gặp gỡ Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Vatican. Trong một cuộc họp báo ngắn tại sảnh ngoại giao ở phi trường quốc tế Các Thánh Louverture, Tổng thống Moïse đã thuật lại chuyến đi của mình.

Theo người đứng đầu quốc gia Haiti, cuộc gặp gỡ với Đức Giáo hoàng Phanxicô là một trong những cuộc hội kiến quan trọng nhất từ khi ông nhậm chức tổng thống từ ngày 07/02/2017. Ông nói: “Cần phải biết ý nghĩa của việc gặp Đức Giáo hoàng. Ngài không phải là một nhân vật bình thường như tất cả chúng ra. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô biết tất cả những đau khổ và nỗi đau mà thế giới đang trải qua.”

Tổng thống Moïse cho biết ông đã thảo luận nhiều đề tài với Đức Thánh Cha, kể cả chuyến viếng thăm Haiti. Ông nói: “Chuyến viếng thăm Haiti cuối cùng của một vị Giáo hoàng là vào tháng 03/1983. Tôi đã yêu cầu để Haiti có thể có  chuyến viếng thăm quan trọng của Đức Giáo Hoàng. Chúng tôi đã làm việc về thời gian nhưng mà chưa đạt được thỏa thuận. Các vị lãnh đạo Công giáo ở Haiti sẽ hội đàm với giới chức Vatican để thông báo thời gian với chúng ta trong thời gian sắp tới. Điều này sẽ cho phép chúng ta chuẩn bị.” Tổng thống cũng nhắc lại Vatican là một trong những quốc gia nhìn nhận sự độc lập của Haiti vào năm 1824.

Tổng thống Moïse đã trình bày với vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo hoàn vũ về các vấn đề của giới trẻ Haiti. Ông nói: “Chúng ta có một dân số trẻ. Đây là một cơ hội cần được quản lý tốt để nó phục vụ như một đòn bẩy cho sự phát triển của đất nước. Chúng tôi đã nhấn mạnh đến sự hòa nhập của thanh niên, làm thế nào để đạo đức hóa họ và để họ phục vụ đất nước.” (Le Nouvelliste  28/01/2018)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha cảnh giác chống dửng dưng đối với nạn bài Do thái

Đức Thánh Cha cảnh giác chống dửng dưng đối với nạn bài Do thái

VATICAN. ĐTC cảnh giác chống lại thái độ dửng dưng trong cuộc chiến đấu chống lại nạn bài Do thái.

 Ngài nhấn mạnh điều này trong buổi tiếp kiến sáng hôm 29-1-2018, dành cho 150 tham dự viên Hội nghị quốc tế về trách nhiệm của các quốc gia, các tổ chức công quyền và cá nhân trong cuộc chiến chống lại nạn bài Do thái và những tội ác liên quan đến sự oán ghét, chống Do thái.

 ĐTC nhận xét rằng kẻ thù cần chống lại trong cuộc chiến đấu này không phải chỉ là sự oán ghét, dưới mọi hình thức, nhưng còn là sự dửng dưng, ở căn cội thái độ oán ghét ấy, vì sự dửng dưng làm tê liệt và cản trở thực thi điều đúng đắn, dù người ta biết đó là điều đúng”.

 ĐTC đặt câu hỏi: đứng trước virus dửng dưng, đâu là thuốc chủng ngừa cần phải sử dụng? Ngài trả lời: trước tiên là ký ức: ký ức là chìa khóa tiến vào tương lai, và trách nhiệm của chúng ta là dạy ký ức một cách xứng đáng cho các thế hệ trẻ.

 ĐTC giải thích rằng vấn đề ở đây không phải chỉ là trở lại quá khứ. Tương lai chung của người Do thái và Kitô hữu đòi chúng ta phải nhớ, vì không có tương lai nếu không có ký ức. Chính lịch sử là ký ức tương lai”.

  Và ĐTC kết luận rằng: ”Chúng ta hãy giúp đỡ nhau phát triển một nền văn hóa trách nhiệm, văn hóa về ký ức và sự gần gũi; chúng ta hãy thiết lập một liên minh với nhau chống lại sự dửng dưng. Trợ lực trong vấn đề này chắc chắn là phải tăng cường thông tin, và nhất là tăng cường việc huấn luyện, là điều quan trọng hơn. Cần cấp thiết giáo dục các thế hệ trẻ để họ tích cực dấn thân trong cuộc chiến chống lại oán ghét và kỳ thị, vượt thắng những đối nghịch trong quá khứ và không bao giờ mệt mỏi trong việc tìm kiếm tha nhân” (Rei 29-2-2018)

Đức Thánh Cha viếng thăm Cộng đoàn Ukraine ở Roma

Đức Thánh Cha viếng thăm Cộng đoàn Ukraine ở Roma

ROMA. ĐTC cám ơn các tín hữu Công Giáo Ukraine vì lòng trung thành với Thiên Chúa và Người kế vị Thánh Phêrô, và vì thế nhiều khi đã phải trả giá đắt đỏ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc viếng thăm Vương cung thánh đường Thánh Sophia và gặp gỡ cộng đoàn các tín hữu Công giáo Ukraine đông phương, từ lúc 4 giờ chiều chúa nhật 28-1-2017.

Đón tiếp ĐTC khi ngài đến đây, có Đức TGM trưởng Sviatoslav Giáo chủ Công Giáo Ukraine từ thủ đô Kiev đến đây, ĐHY Sandri Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, Đức GM đặc trách các tín hữu Công Giáo Ukraine tại Italia, và khoảng 3 ngàn tín hữu ngồi chật nhà thờ và đứng chật khuôn viên bên ngoài của Thánh đường.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức TGM trưởng Sviatoslav, ĐTC nhắc đến những anh hùng đức tin của Giáo Hội Công Giáo Ukraine đông phương, đứng đầu là ĐHY Slipyj người đã bị cầm tù 18 năm trong tù ngục của chế độ Liên Xô và là người đã xây dựng Vương cung thánh đường thánh Sophia ở Roma này. Vị thứ hai là Đức GM Chmil dòng Don Bosco, thầy dậy cũ của ngài ở Buenos Aires và ngài đã giúp lễ khi lên 12 tuổi và đã học hỏi về phụng vụ Công Giáo Đông phương Ukraine. Sau cùng là ĐHY Husar, TGM trưởng của Giáo Hội này và là người cùng được phong hồng y với ngài.

ĐTC nhắc nhở các tín hữu luôn giữ cho Giáo xứ như nơi gặp gỡ với Chúa Kitô hằng sống. Là nơi gặp gỡ, giáo xứ cũng là nơi chữa lành cô đơn, chiến thắng cám dỗ tự cô lập và khép kín, kín múc sức mạnh để vượt thắng sự co cụm vào mình. Giáo xứ là nơi chia sẻ vui mừng và cơ cực, những gì đè nặng trên tâm hồn, những bất mãn trong cuộc sống và sự nhớ nhà.

Tiếp đến là Chúa Kitô sinh động mà chúng ta gặp trong Giáo Hội, trong Phụng vụ và trong Lời Chúa. ĐTC nói: Giáo xứ không phải là một viện bảo tàng lưu giữ những kỷ niệm quá khứ hoặc là biểu tượng sự hiện diện trên một lãnh thổ, nhưng là con tim sứ mạng của Giáo Hội, nơi chúng ta đón nhận và chia sẻ sự sống mới, sự sống chiến thắng tội lỗi, sự chết, buồn sầu, và giữ cho con tim tươi trẻ”.

Trong lời chào mừng ĐTC tại cuộc gặp gỡ, Đức TGM trưởng Sviatolav đã trình bày tình hình cộng đoàn người Ukraine ở Italia, con số chính thức là 200 ngàn, và một phần 3 là những người trẻ dưới 30 tuổi. Nếu kể cả những người không hiện diện chính thức, thì con số này đông gấp đôi.

Các tín hữu Công Giáo Ukraine thuộc 145 cộng đoàn trên toàn quốc Italia, mỗi chúa nhật có khoảng 17 ngàn người dự lễ, và vào những dịp lễ trọng con số này lên tới hơn 70 ngàn người.

Đức TGM trưởng cũng nhắc đến tình trạng chiến tranh từ 4 năm nay tại Ukraine làm cho hằng trăm ngàn người bị thiệt mạng và bị thương, hàng triệu người phải bỏ gia cư di tản. Đây là một cuộc chiến tranh bị cộng đồng quốc tế quên lãng, nhưng mỗi ngày đều có thêm người chết vì xung đột võ trang, vì đói lạnh, vì sự dửng dưng của các cường quốc trên thế giới.

Đức TGM trưởng cám ơn ĐTC vì đã phát động chiến dịch lạc quyên trợ giúp nhân đạo cho nhân dân Ukraine và đánh động lương tâm Âu Châu trước những người nghèo, người đau khổ, những người ngoại quốc và các nạn nhân bất công ở Ukraine (Rei 28-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha khai mạc năm tư pháp của tòa Rota

Đức Thánh Cha khai mạc năm tư pháp của tòa Rota

VATICAN. ĐTC đề cao tương quan giữa lãnh vực lương tâm và các vụ án cứu xét hôn phối vô hiệu, và cảnh giác đừng phản bội lương tâm.

Ngài trình bày lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 29-1-2018, dành cho các vị thẩm phán tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma, nhân dịp khai mạc năm tư pháp mới.

Ngài nói: ”Mối liên hệ chặt chẽ giữa lãnh vực lương tâm và lãnh vực các vụ xét xử hôn phối mà anh em thi hành hằng ngày, đòi anh em phải tránh làm cho việc thực thi công lý bị thu hẹp vào một hoạt động bàn giấy thuần túy. Nếu các tòa án của Giáo hội rơi vào cám dỗ ấy, thì sẽ phản đội lương tâm Kitô. Chính vì thế, trong các vụ xét xử vắn tắt các vụ án hôn phối, không những tôi đã qui định rằng cần làm nổi bật minh bạch vai trò canh chừng của GM giáo phận, nhưng đồng thời cũng nêu bật sự kiện chính GM là thẩm phán bẩm sinh trong giáo phận được ủy thác cho ngài, vì thế GM xét xử ở cấp 1 những vụ tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Chúng ta phải làm sao để lương tâm của các tín hữu gặp khó khăn về hôn nhân đừng khép kín đối với một hành trình ơn thánh. Chúng ta có thể đạt tới mục đích đó bằng sự đồng hành mục vụ, với sự phân định lương tâm (Xc Amoris laetitia) qua các hoạt động của các tòa án hôn Phối” (Rei 29-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP

 

Chúa Giêsu có thẩm quyền trong lời nói và việc làm

Chúa Giêsu có thẩm quyền trong lời nói và việc làm

Vatican. Lúc 12 giờ trưa Chúa nhật 28.01.2018, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và du khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, Ngài quảng diễn bài Tin Mừng Chúa nhật cho thấy Chúa Giê-su là Đấng có thẩm quyền trong cả lời nói lẫn việc làm. 

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến!

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Mc 1,21-28) là một phần của trình thuật ở Ca-phác-na-um. Tâm điểm của câu chuyện này là sự kiện trừ quỷ. Qua đó, Chúa Giê-su cho dân thấy Ngài là một ngôn sứ uy quyền trong lời nói và việc làm.

Chúa vào hội đường ở Ca-phác-na-um trong ngày sa-bat và bắt đầu giảng dạy. Mọi người ngạc nhiên về những lời Người giảng dạy, vì những lời ấy không giống như lời dạy của các kinh sư. Vì các kinh sư giảng dạy mà chẳng có uy quyền. Còn Chúa Giê-su, Ngài giảng dạy như đấng có thẩm quyền, như sứ giả của Thiên Chúa, chứ không chỉ dựa vào truyền thống mà thôi. Người ta ngạc nhiên trước Tin Mừng Chúa Giê-su loan báo. Họ nói: Học thuyết thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.

Uy quyền của Chúa còn tỏ lộ trong hành động. Lúc ấy, trong hội đường có người bị quỷ ám, nói với Chúa rằng: “Hỡi ông Giê-su Na-da-ret, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. Đúng là Chúa đến để tiêu diệt ma quỷ, để chiến thắng quỷ ma. Thần dữ biết quyền năng và sự thánh thiện của Chúa. Chúa Giê-su quát mắng nó: “Câm đi và ra khỏi người này!” Những lời ấy của Chúa có đủ sức chiến thắng thần ô uế, và nó đã thét lên rồi xuất khỏi người ấy.

Điều này gây ấn tượng mạnh mẽ lên những người hiện diện. Họ hỏi nhau: Người này là ai vậy, mà ngay cả thần ô uế cũng phải tuân lệnh. Quyền năng của Chúa xác nhận thẩm quyền của lời Người giảng dạy. Người không chỉ nói mà còn làm. Người biểu lộ công trình của Thiên Chúa bằng cả lời nói lẫn việc làm. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giê-su thực thi sứ mạng, bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa qua việc rao giảng và hàng loạt hành động quan tâm, giúp đỡ người đau bệnh, người nghèo đói, các trẻ em và người tội lỗi.

Chúa Giê-su là Thầy chúng ta. Người đầy quyền năng trong lời nói việc làm. Chúa ban cho chúng ta ánh sáng chiếu soi con đường nhiều khi bị phủ đầy bóng tối. Chúa ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để vượt thắng những khó khăn, thử thách, cám dỗ. Chúng ta cứ nghĩ mà xem, ơn Chúa lớn lao dường nào khi chúng ta được biết Thiên Chúa quyền năng và tốt lành đến thế! Chúa Giê-su như người thầy, người bạn dẫn lối chỉ đường chúng ta, quan tâm chúng ta, đặc biệt những khi chúng ta cần Người.

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria là người luôn biết lắng nghe, xin giúp chúng con biết thinh lặng để lắng nghe giữa những thông điệp của thế giới, để con biết nhận ra những lời quyền uy nhất. Đó là Ngôi Lời của Thiên Chúa, là Chúa Giê-su, Đấng đã cứu chúng con khỏi kiếp nô lệ, khỏi tội lỗi, khỏi ác thần.

Đức Thánh Cha chào thăm

Anh chị em thân mến!

Hôm qua, từ Afghanistan có tin đau thương vì cuộc khủng bố tại thủ đô Kabul, làm cho hơn một trăm người chết và nhiều người khác bị thương. Vài ngày trước có vụ tấn công nghiêm trọng khác tại một khách sạn lớn gây ra sợ hãi và chết chóc. Người dân Afghanistan còn phải chịu nỗi sợ hãi này đến bao giờ nữa? Chúng ta thinh lặng cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những người đang ra sức xây dựng hòa bình trên đất nước này.

Hôm nay là ngày thế giới bệnh nhân phong. Bệnh này vẫn ảnh hưởng rất lớn trên người nghèo và những ai chịu thiệt thòi nhất. Chúng ta đảm bảo sự gần gũi và tình liên đới với các anh chị em ấy. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những ai đang giúp đỡ họ, để họ có thể sớm tái hòa nhập xã hội.

Cha gửi lời chào đến các gia đình, các giáo xứ, các hiệp hội và tất cả mọi người đến từ Italia và từ khắp nơi trên thế giới. Chúc anh chị em ngày tốt lành và đừng quên cầu nguyện cho Cha.

Tứ Quyết SJ

Ở đâu có Mẹ Maria, ở đó là mái ấm và ma quỷ không thể lẻn vào

Ở đâu có Mẹ Maria, ở đó là mái ấm và ma quỷ không thể lẻn vào

Roma. Sáng Chúa nhật 28.01.2018 Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ tại Đền Thờ Đức Bà Cả nhân dịp di chuyển bức ảnh Đức Mẹ có tước hiệu “Phần rỗi của dân thành Roma” (Salus Populi Romani). Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có ĐHY Giám quản Đền thờ và các vị kinh sĩ của Đền thờ. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy đón Mẹ Maria vào cuộc đời mình.

Bức ảnh Đức Mẹ vẽ trên gỗ rất cổ kính. Theo lưu truyền, bức ảnh được thánh sử Luca họa lại bức ảnh tại nhà thờ Lidda bên Palestine. Về sau, ảnh được giữ tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Roma. Hồi thế kỷ XVI đã xảy ra phép lạ lớn. Khi ấy Roma bị dịch tễ. Thánh giáo hoàng Pio V đã tổ chức cuộc rước ảnh Đức Mẹ đến Đền thờ thánh Phero và sau đó dịch tễ chấm dứt. Lễ di chuyển bức ảnh thường được cử hành vào Chúa nhật cuối cùng của tháng giêng hàng năm.

Bài giảng của Đức Thánh Cha:

Cùng với dân Chúa, hôm nay chúng ta quy tụ nơi đây trong Đền Thờ Đức Bà Cả. Sự hiện diện của Đức Mẹ làm cho đền thờ này trở thành một mái ấm gia đình cho các con cái là chính chúng ta. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, người dân thành Roma cùng nhau nhận đền thờ này là nhà của mình, là nơi để tìm thấy sự bình yên, sự an ủi, sự bảo vệ, nơi nương ẩn. Ngay từ thời đầu, dân Kitô đã hiểu được rằng, giữa những khó khăn thử thách, họ cần đến Mẹ Maria, như lời thánh ca cổ xưa: Lạy Mẹ Thiên Chúa, dưới sự bảo trợ của Mẹ, chúng con tìm nơi nương ẩn; xin Mẹ đừng chê bỏ lời chúng con nguyện xin, nhưng xin cứu chúng con khỏi mọi hiểm nguy, ôi Nữ Trinh vinh quang và đầy ơn phúc.

Chúng con tìm đến nương ẩn dưới tà áo Mẹ

Chúng con chạy đến tìm nơi náu nương. Trong đức tin, các giáo phụ đã dạy rằng, vào những giây phút đen tối hỗn loạn, chúng ta phải quy tụ dưới tà áo của Mẹ Thiên Chúa, nơi được coi là bất khả xâm phạm, nơi sẽ bảo vệ giữ gìn chúng ta. Đức Mẹ là người nữ cao quý nhất trong nhân loại. Tà áo của Mẹ luôn mở ra để chào đón chúng ta và quy tụ chúng ta. Các Kitô hữu Đông phương cũng có một bức tranh rất đẹp, vẽ tà áo Mẹ che chở đoàn con và toàn thế giới. Ngay cả các ẩn sĩ thời xưa cũng kể lại về sự bảo vệ che chở của Mẹ Thiên Chúa. Các vị ấy lặp đi lặp lại lời cầu nguyện: Lạy Mẹ Thiên Chúa, lạy Mẹ Thiên Chúa…

Sự khôn ngoan ấy giúp chúng ta biết rằng: Đức Mẹ luôn bảo vệ nâng đỡ đức tin, luôn thăng tiến các mối tương quan, luôn cứu giúp chúng ta trong cơn hoạn nạn, và bảo vệ chúng ta khỏi ác thần. Ở đâu có Mẹ Maria thì ở đó là mái nhà, và nơi đó ma quỷ không thể lẻn vào. Ở đâu có Mẹ Maria, thì ở đó sự xáo trộn không thể thắng thế, ở nơi đó nỗi sợ hãi sẽ bị khuất phục. Có ai trong chúng ta lại không cần điều ấy? Có ai trong chúng ta lại không có những lúc xao xuyến lắng lo? Những thổn thức của con tim giữa cơn giông tố bão táp của biết bao vấn đề chồng chất! Giữa những lụt lội giông bão ấy, Mẹ Maria là chiếc thuyền chắc chắn. Chẳng phải tư tưởng hay công nghệ mang lại cho chúng ta sự an toàn và hy vọng, nhưng là Đức Mẹ với khuôn mặt dịu hiền, và cánh tay Mẹ ôm lấy cuộc đời chúng ta, che chở chúng ta dưới tà áo Mẹ. Chúng ta hãy học cách tìm đến nương ẩn nơi Mẹ, bước đi mỗi ngày cùng Mẹ.

Hãy thân thưa cùng Mẹ, Mẹ sẽ mau mắn chuyển cầu

Chúng ta đừng xem thường những lời cầu nguyện. Khi cầu nguyện với Mẹ, Mẹ sẽ chuyển cầu cho ta. Có một tước hiệu rất đẹp về Mẹ trong tiếng Hy Lạp rằng: Mẹ là Đấng chuyển cầu rất nhanh. Điều này đã được thánh Luca kể trong Tin Mừng việc Mẹ Maria đi thăm bà chị Elisabet. Mẹ lên đường ngay, ngay lập tức. Sự can thiệp của Mẹ luôn kịp thời, không chút chậm trễ, như chúng ta biết trong Tin Mừng Gioan. Mẹ nhìn thấy nhu cầu thực tế của đôi tân hôn, và Mẹ nói ngay với Chúa: Họ hết rượu rồi. Chúng ta cũng hãy làm như thế, hãy khẩn cầu cùng Mẹ, mỗi khi chúng ta mất hy vọng, mỗi khi chúng ta không thấy niềm vui, mỗi khi bóng tối tràn ngập cuộc đời. Khi ta khẩn cầu, Mẹ sẽ can thiệp kịp thời. Mẹ rất nhạy cảm lắng nghe con tim chúng ta. Đừng bao giờ coi nhẹ lời cầu nguyện của chúng ta, đừng bao giờ ngã lòng trông cậy. Mẹ Maria là Mẹ chúng ta, Mẹ không bao giờ xấu hổ vì chúng ta. Mẹ luôn đợi chờ để cứu giúp các con cái của Mẹ.

Có đoạn phim nọ có thể giúp chúng ta hiểu. Cạnh một chiếc gường trong bệnh viện, có người mẹ chăm chú nhìn đứa con trai đau đớn vì bị tai nạn. Người mẹ luôn ở đó ngày đêm. Có lần người mẹ phàn nàn với vị linh mục rằng: “Chúa đã không cho phép một điều!” Vị linh mục hỏi: “Điều gì thế?” Người mẹ thưa: “Đó là con muốn chịu đau đớn thay cho con trai của con”. Và đó là tâm hồn người mẹ. Người mẹ không xấu hổ vì những vết thương, yếu đuối của con mình, nhưng người mẹ muốn ở bên con, muốn mang lấy nơi bản thân tất cả những đau đớn ấy. Và Đức Mẹ, Mẹ chúng ta, Mẹ Thiên Chúa biết làm thế nào để an ủi, để quan tâm, để chữa lành các con cái của Mẹ.

Chúng ta cần Mẹ Maria giữa bao phong ba cuộc đời

Chúa biết rằng, chúng ta cần nơi trú ẩn, cần sự chở che giữa những sóng gió hiểm nguy. Vì thế, ngay trên thập giá, Chúa đã nói với người môn đệ yêu dấu và cũng là với từng người môn đệ: Này là Mẹ của con! (Ga 19:27). Đây không phải là điều gì đó tùy chọn, nhưng là chính di chúc của Chúa Kitô. Chúng ta cần có Mẹ, giống như một em bé cần có vòng tay nâng đỡ. Thật là vô cùng nguy hiểm cho đức tin, khi chúng ta sống mà không có Mẹ Maria. Vì nếu không có Mẹ, chúng ta không được bảo vệ, chúng ta sẽ bị gió cuộc đời cuốn đi. Chúa biết điều ấy, và Chúa nói với chúng ta đón Mẹ vào cuộc đời. Đây không phải là nghi thức mang tính tinh thần, nhưng thực sự là một nhu cầu của cuộc sống. Bởi vì nếu không có Mẹ, thì chúng ta đâu phải là những người con. Trên tất cả, chúng ta là những người con, những người con yêu dấu. Chúng ta có Thiên Chúa là Cha và có Mẹ Maria là Mẹ.

Công đồng Vatican II dạy rằng, Đức Mẹ là dấu chỉ hy vọng vững chắc và an ủi cho dân Chúa trong cuộc lữ hành. Mẹ là dấu chỉ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Nếu chúng ta không theo dấu chỉ ấy, chúng ta sẽ lạc lối. Bởi vì có biển báo trong đời sống thiêng liêng để chúng ta có thể quan sát biết đường. Biển báo sẽ giúp chúng ta khi chúng ta đang phải lang thang và lâm vòng nguy hiểm. Mẹ là người đã đạt tới đích. Ai là người tốt hơn Mẹ để đồng hành với chúng ta trên suốt chặng đường? Chúng ta đang chờ mong điều gì? Giống như người môn đệ đứng dưới chân thập giá, chúng ta hãy rước Mẹ Maria về nhà, chúng ta hãy đón Mẹ vào cuộc đời. Chúng ta không thể không đón Mẹ hoặc tách rời Mẹ. Bởi vì nếu tách rời Mẹ Maria, chúng ta sẽ mất đi căn tính của những người con, sẽ mất đi căn tính của dân Thiên Chúa. Bởi vì khi ấy, chúng ta sẽ trở thành những Kitô hữu sống theo các ý tưởng và chương trình mà không còn đức tin, không còn lòng từ nhân. Và nếu như thế, thì cũng chẳng còn tình yêu mến. Khi ấy đức tin chỉ còn là một câu chuyện đẹp giữa muôn vàn câu chuyện khác.

Thế nhưng, với Mẹ Maria, Mẹ luôn bảo vệ các con cái. Mẹ yêu mến và bảo vệ thế giới. Hãy mời Mẹ vào nhà chúng ta, mời Mẹ thường xuyên hiện diện trong nhà chúng ta, để Mẹ trở thành nơi trú ẩn an toàn của chúng ta. Hãy phó thác cho Mẹ từng ngày sống. Hãy kêu cầu Mẹ khi chúng ta ở giữa những thử thách gian nan. Và đừng quên quay lại để tạ ơn Mẹ. Giờ đây chúng ta hãy nhìn lên Mẹ một cách trìu mến và thân thương chào Mẹ ba lần: Lạy Mẹ Thiên Chúa! Lạy Mẹ Thiên Chúa! Lạy Mẹ Thiên Chúa!

Tứ Quyết SJ

Sự dấn thân của Giáo hội vì người bệnh phong tại 5 châu lục

Sự dấn thân của Giáo hội vì người bệnh phong tại 5 châu lục

Vatican – Chúa nhật cuối tháng 1 hàng năm là Ngày Thế giới Bệnh nhân phong. Ngày này được ông Raoul Follereau, một nhà văn và nhà báo Pháp, người được gọi là “tông đồ của người phong”, thành lập năm 1954. Ông Follereau đã đấu tranh chống lại các hình thức bất công và loại trừ đối với bệnh nhân phong.

Mỗi năm, có hơn 210 ngàn ca bệnh phong mới, trung bình 2 phút có 1 trường hợp. 10% các bệnh nhân dưới 15 tuổi. Hàng triệu người bệnh phong bị tàn tật vĩnh viễn và bị gạt ra bên lề xã hội vì bệnh phong cùi, trong khi bệnh này ngày nay có thể chữa lành dễ dàng.

Giáo hội, đặc biệt là các miền truyền giáo, luôn dành sự trợ giúp cho các bệnh nhân phong, là những người thường bị bỏ rơi bởi những người trong gia đình của họ và bị gạt ra bên lề bởi bối cảnh xã hội. Bên cạnh việc cung cấp cho họ những chăm sóc y tế và trợ giúp tinh thần, Giáo hội cũng giúp cho họ khả năng được phục hồi và tái hòa nhập vào xã hội. Ở nhiều nơi, việc phân biệt đối xử với những bệnh nhân này vẫn còn nặng nề, do ý tưởng là bệnh này không thể chữa được và bởi sự tàn hại khủng khiếp do nó gây ra.

Có nhiều chứng tá của các nhà truyền giáo nam nữ trong lãnh vực này; một số các ngài đã được tuyên phong chân phước hay hiển thánh, những người đã hiến trọn cuộc đời để xoa dịu nỗi đau của các bệnh nhân phong, ví dụ như thánh Jozef Daamian De Veuster – thường được gọi là cha Damien, thánh nữ Marianna Cope, chân phước Jan Beyzym, Đấng đáng kính Marcello Candia, vv.

Ngày 06/11 vừa qua, cha Gaetano Nicosia, thừa sai người Utalia tại Hongkong, vị tông đồ của bệnh nhân phong cùi, đã qua đời sau 48 năm chia sẻ cuộc sống với các người phong ở Macao. Nhờ các hoạt động của cha, trại phong đã được đóng cửa và các bệnh nhân hiện này được hội nhập lại với xã hội.

Theo thống kê hàng năm của Giáo hội, Giáo hội Công giáo điều hành 604 trại phong trên thế giới; 187 nhà ở châu Phi, châu Mỹ có 48 nhà, Á châu có 296, châu Âu có 72 và 1 ở châu Đại dương.

Các quốc gia có nhiều trại phong là: ở châu Phi có Cộng hòa dân chủ Congo (31), Madagascar (24), Kenya (21); ở Bắc Mỹ: Hoa kỳ (2); ở Trung mỹ: Mêxicô (7); ở châu Mỹ Latinh: Haiti (2); ở Nam mỹ: Brazil (16); ở châu Á: Ấn độ (236), Việt nam (14), Indonesia (12),; ở châu Đại dương: Papua Nuova Guinea (1); ở châu Âu: Bồ đào nhà (63), Đức  (5), Ba lan (2). (Agenzia Fides 27/01/2018)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp 7000 thành viên Hội Chữ Thập Đỏ Italia

Đức Thánh Cha tiếp 7000 thành viên Hội Chữ Thập Đỏ Italia

VATICAN. ĐTC đề cao sứ mạng của Hội Chữ Thập đỏ là ”kiến tạo sự cảm thông nhau giữa con người và các dân tộc, làm nảy sinh một nền hòa bình lâu bền.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 27-1-2018, dành cho 7 ngàn thành viên Hội Chữ Thập Đỏ Italia.

Trong bài diễn văn, ĐTC nhắc đến các hoạt động của các thành viên Hội Chữ Thập đỏ cứu giúp các nạn nhân thiên tai và cả những người di dân. Những hoạt động của họ phản ánh hoạt động của người Samaritano trong Phúc Âm. Ngài cũng quảng diễn 3 nguyên tắc hoạt động của Hội Chữ Thập Đỏ là tình nhân đạo. Chính tình người này đã thúc đẩy người Samaritano nhân lành cúi mừng trên người bị thương nằm trên đất.

ĐTC nhận xét rằng bao nhiêu người trên trái đất, trẻ em, người già, người nam người nữ trở nên ”vô hình”, vì họ ở trong bóng tối của sự dửng dưng.. Thái độ này đã ngăn cản không cho nhiều người nhìn thấy tha nhân, không nghe được tiếng kêu của họ và nhận thức những đau khổ. Nền văn hóa gạt bỏ là một nền văn hóa vô danh, không có tương quan cũng chẳng có khuôn mặt. Thứ văn hóa này chỉ chăm sóc một vài người và loại bỏ bao nhiêu người khác.

Nguyên tắc thứ hai là ”không thiên vị”, không phân biệt quốc tịch, chủng tộc, tín ngưỡng, giai cấp hoặc chính kiến. Thứ ba là ”trung lập”, không đứng về phe nào trong các cuộc xung đột và tranh luận chính trị, chủng tộc hoặc tôn giáo. Tiêu chuẩn hành động này chống lại xu hướng đang lan tràn ngày nay, phân biệt giữa người đáng được quan tâm và cứu giúp, người thì không đáng giúp. ĐTC nói: Với sự không thiên vị, người Samaritano không gạn hỏi người bị thương nằm trên đất trước khi giúp đỡ họ, không đòi phải biết họ gốc gác thế nào và tín ngưỡng ra sao thì mới giúp đỡ.

ĐTC khuyến khích các thành viên Hội Chữ thập đỏ Italia tiếp tục sứ mạng cao quí của mình và ngài nói: Ai nhìn tha nhân với đôi mắt thân hữu, chứ không qua lăng kính cạnh tranh hoặc xung đột, thì trở thành người xây dựng một thế giới dễ sống và nhân bản hơn (Rei 27-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ Giáo Lý Đức Tin

Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ Giáo Lý Đức Tin

VATICAN. ĐTC phê bình trào lưu làm cho chết êm dịu đang gia tăng tại nhiều nước, coi việc chủ ý kết liễu mạng sống con người như một ”sự chọn lựa văn minh”.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 26-1-2017 dành cho gần 30 HY, GM thành viên Bộ giáo lý đức tin nhân dịp nhóm khóa họp toàn thể. ĐTC nhận xét rằng:

”Trong khóa họp này, anh em cũng đào sâu một số vấn đề tế nhị liên quan đến việc đồng hành với các bệnh nhân ở giai đoạn cuối. Về vấn đề này, tiến trình tục hóa, tuyệt đối hóa những ý niệm tự quyết và tự trị, đã làm cho tại nhiều nước có sự gia tăng yêu cầu được kết liễu mạng sống như một sự khẳng định theo ý thức hệ ý muốn con ngừơi có chủ quyền trên sự sống. Điều này cũng đưa tới việc coi sự cố ý chấm dứt cuộc sống con người như một chọn lựa ”văn minh”.

ĐTC giải thích rằng: ”Hiển nhiên là tại nơi nào sự sống không có giá trị vì phẩm giá của nó, nhưng được đánh giá theo hiệu năng và khả năng sản xuất của con người, thì tất cả những điều vừa nói trở thành điều có thể xảy ra. Trong bối cảnh đó cần phải tái khẳng định sự sống con người, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, có một phẩm giá làm cho nó không thể xâm phạm. Đau đớn, khổ đau, ý nghĩa sự sống và sự chết là những thực tại mà não trạng ngày nay khó chấp nhận với một cái nhìn đầy hy vọng. Nhưng nếu không có một hy vọng đáng tin cậy, giúp con người đương đầu với cả đau khổ và sự chết, thì con người sẽ không thể sống tốt đẹp và bảo tồn một viễn tượng tin tưởng trước tương lai của mình. Đó là một trong những dịch vụ mà XX được kêu gọi thực hiện cho con người ngày nay”.

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC cám ơn Bộ giáo lý đức tin vì các hoạt động xét xử những vụ phạm tội nặng như giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, và các tội trọng khác, và cứu xét các đơn xin giải hôn phối vì lợi ích đức tin. Ngài cũng khuyến khích Bộ tiếp tục nghiên cứu về một số vấn đề như các khía cạnh của ơn cứu độ Kitô, để tái khẳng định ý nghĩa ơn cứu chuộc, đứng trước xu hướng tân thuyết Pelagio và tân ngộ giáo. Các xu hướng này biểu lộ một chủ thuyết cá nhân chủ nghĩa, tự cậy dựa vào sức riêng để tự cứu thoát.

”Trái lại chúng ta tin rằng ơn cứu độ hệ tại hiệp thông với Chúa Kitô Phục sinh, nhờ ơn Thánh Linh, dẫn chúng ta vào một trật tự mới trong tương quan với Chúa Cha và với con người” (Rei 26-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện Hiệp Nhất Kitô

Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện Hiệp Nhất Kitô

ROMA. Lúc 5 giờ rưỡi chiều ngày 25-1-2018, ĐTC đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Tuần này đã tiến hành từ ngày 18-1-2018 với chủ đề là câu trích từ sách Xuất Hành (15,6) ”Lạy Chúa, cánh tay Chúa vinh hiển hùng mạnh”.

Hiện diện tại buổi cầu nguyện, có gần 20 HY, các GM, đông đảo giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Roma, nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, đặc biệt là TGM Gennadios Zervos, Đại diện tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo, đặc trách các tín hữu Chính Thống tại Italia, Malta và miền nam Âu Châu, ĐGM Bernard Ntahoturi, tân đại diện Đức Giáo Chủ Anh giáo ở Roma. Ngoài ra có hàng chuc sinh viên của Học viện Đại kết Bossey, gần Genève bên Thụy Sĩ, và thuộc nhiều hệ phái Kitô.

Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, ĐTC đã nói đến sự kiện các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái khác nhau, đều có chung một bí tích rửa tội và ngài khẳng định rằng: Khi chúng ta tuyên bố nhìn nhận phép rửa của các tín hữu Kitô thuộc các truyền thống khác, chúng ta tuyên xưng rằng cả họ cũng lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa và ơn thánh của Chúa hoạt động trong họ. Chúng ta đón nhận việc phụng tự của họ như biểu hiện chân thành sự chúc tụng Chúa vì những gì Chúa thực hiện. Vì thế chúng ta muốn cùng nhau cầu nguyện, liên kết tiếng nói của chúng ta, và cả khi những dị biệt chia cách chúng ta, chúng ta nhìn nhận mình thuộc về dân được cứu thoát, thuộc cùng một gia đình anh chị em được Chúa Cha duy nhất yêu thương.

ĐTC cũng nhắc đến sự kiện Dân Chúa được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, qua Biển Đỏ và tiến qua sa mạc về Đất Hứa, trải qua bao khó khăn trong hành trình. Ngài nói: ”Cả các tín hữu Kitô ngày nay cũng gặp nhiều khó khăn, bị bao nhiêu sa mạc tinh thần vây quanh, làm cho hy vọng và niềm vui của họ bị khô héo. Ngoài ra có bao nhiêu nguy hiểm trầm trọng, đe dọa sinh mạng của họ: bao nhiêu Kitô hữu ngày nay bị bách hại vì danh Chua Giêsu! Bao nhiêu máu đã đổ ra, dù họ thuộc các hệ phái Kitô khác nhau, họ cùng trở thành những chứng nhân đức tin, thành các vị tử đạo, liên kết với nhau trong ơn của bí tích rửa tội. Cùng với nhiều người bạn thuộc các truyền thống tôn giáo khác, các tín hữu Kitô ngày nay đang đương đầu với những thách đố hạ giá nhân phẩm: họ phải trốn chạy trước những tình trạng xung đột và lầm than, cũng như những thứ nô lệ tân thời; chịu cực khổ và đói khát, trong một thế giới ngày càng giàu các phương tiện, nhưng lại nghèo tình thương, trong đó những chênh lệch ngày càng gia tăng. Nhưng cũng như người Israel trong cuộc Xuất Hành, các tín hữu Kitô đang được kêu gọi cùng nhau bảo tồn ký tức về những gì Thiên chúa đã làm cho họ. Phục hồi ký ức đó, chúng ta có thể nâng đỡ nhau và đương đầu với mọi thách đố với lòng can đảm và hy vọng, được võ trang bằng Chúa Giêsu và sức mạnh dịu dàng Tin Mừng của Chúa.“

Cuối kinh chiều, ĐHY Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đại diện mọi người hiện diện cám ơn ĐTC đã đến chủ sự Kinh Chiều này (SD 25-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP