Cha Tom Uzhunnalil được thả tự do

Cha Tom Uzhunnalil được thả tự do

Mascate – Đức cha Paul Hinder, đại diện tông tòa của miền nam Arabia cho biết là cha Tom Uzhunnalil, tu sĩ dòng Salêdiêng người Ấn độ, bị bắt cóc tại Aden, Yemen hồi năm 2016, đã được trả tự do.

Trên trang mạng của hạt đại diện tông tòa, đức cha Hinder cám ơn tất cả những người đã nỗ lực can thiệp để cha được trả tự do và cám ơn tất cả mọi người trên thế giới đã cầu nguyện không ngừng cho cha Tom được trả tự do lành mạnh. Chính quyền Oman giữ vai trò quyết định trong việc cha Tom được tự do. Hiện tại cha Tom đang ở Oman và sẽ trở về Ấn độ.

Ngày 04/03/2016, sau 4 năm truyền giáo tại Yemen, cha Tom bị bắt cóc trong cuộc tấn công của lực lượng Hồi giáo vào nhà dưỡng lão của các sơ dòng Mẹ Têrêsa Calcutta. Trong cuộc tấn công này, 4 nữ tu và 12 người khác bị thiệt mạng.

Đức Hồng y Isaac Cleemis Thottunkal, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn độ tuyên bố với hãng tin Á châu: “Chúng tôi rất vui mừng và biết ơn tất cả những người đã tham dự vào tiến trình trả tự do cho cha Tom, đặc biệt là chính quyền Ấn độ, chính quyền bang Kerala và tất cả những người có thiện ý đã cầu nguyện cho sự sống của cha và cầu cho cha được trả tự do.

Sơ Mery Prema, tổng quyền dòng các Nữ tu Thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa cũng bày tỏ vui mừng trước sự kiện này và cho biết là không bao giờ mất hy vọng về việc cha sẽ được trả tự do.Sơ cho biết hình của cha Tom được gắn trên mộ của Mẹ Têrêsa. Các nữ tu, những người nghèo và dân chúng đã cầu nguyện hàng ngày cho cha được tự do. Sơ cảm tạ Chúa và cám ơn mọi người đã cầu nguyện và làm việc không mệt mỏi cho việc cha được trả tự do. (Asia News 12/09/2017)

Hồng Thủy

Thánh lễ cuối cùng của Đức Thánh Cha tại Colombia.

Thánh lễ cuối cùng của Đức Thánh Cha tại Colombia.

CARTAGENA. Chiều chúa nhật 10-9-2017, trong thánh lễ trước 500 ngàn tín hữu tại Cartagena, ĐTC Phanxicô mời gọi mọi người dân Colombia ”hãy đi bước đầu”, nhất là trong việc kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ và hòa bình.

Thánh lễ được cử hành lúc 4 giờ chiều tại Contecar, một trong những khu vực chính của thành Cartagena, hải cảng quan trọng thứ 4 của toàn Mỹ châu la tinh. Cảng này là một vịnh thiên nhiên rộng hơn 8 ngàn hécta, và sâu 21 mét, chỉ cách kênh đào Panama 265 hải lý. Cảng có hạ tầng cơ cấu và các kỹ thuật tối tân, điều động hơn 40 triệu tấn hàng mỗi năm và tiếp nhận trên 3 ngàn tàu, kể cả những tàu lớn nhất thế giới.

Khu vực Contecar nơi ĐTC chủ sự thánh lễ có thể chứa được 800 ngàn người và cũng thường được dùng cho các biến cố lớn, các sinh hoạt thể thao, công nghệ, âm nhạc và văn hóa.

Đến nơi vào lúc 4 giờ chiều, ĐTC đã dùng xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu và khi đến gần bàn thờ, ngài được một phái đoàn các công nhân hải cảng địa phương đặc biệt chào đón.

Trên lễ đài, có đặt thánh tích của Thánh Phêrô Claver và thánh nữ Maria Bernarda Buetler, gốc Thụy Sĩ, sáng lập dòng các nữ tu thừa sai Capuxin Phan Sinh Đức Mẹ Phù Hộ, được ĐTC Biển Đức 16 tôn phong hiển thánh hồi năm 2008.

Đồng tế với ĐTC có đông đảo các GM Colombia và hàng trăm linh mục. Thánh lễ có chủ đề là ”Phẩm giá và các quyền con người”.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, dựa vào bài Tin Mừng trong đó Chúa Giêsu dạy về cách thức sửa lỗi huynh đệ trong cộng đoàn, ĐTC mời gọi mọi người dân Colombia ”hãy đi bước đầu”, nhất là trong việc kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ và hòa bình. Nếu Colombia muốn có một nền hòa bình ổn định và lâu bền, thì cần cấp thiết tiến theo chiều hướng tìm kiếm công ích, thực thi công chính, công lý và tôn trọng bản tính con người với những đòi hỏi đi kèm, chứ không phải chỉ ký kết các hiệp định hòa bình mà thôi. Ngài nói:

 ”Trong những ngày nay tôi nghe bao nhiêu chứng từ của những người đã đi gặp những kẻ đã gây ra đau khổ tai ương cho họ. Những vết thương kinh khủng mà tôi đã có thể nhìn thấy nơi chính thân thể của họ; những mất mát không thể chữa lành vẫn còn làm cho họ khóc lóc, nhưng những người ấy đã đi, đã thực hiện bước đầu trên con đường khác với những con đường đã đi qua. Vì từ mấy thập niên rồi Colombia đang tìm kiếm hòa bình, và như Chúa Giêsu dạy, – nếu hai bên chỉ đến gần nhau, đối thoại mà thôi thì vẫn không đủ, còn cần có sự can dự của nhiều tác nhân khác trong tiến trình đối thoại chữa lành các tội lỗi nữa. ”Nếu họ không nghe, thì hãy dẫn một hai người nữa đi với con” (Mt 18,16), như Chúa Giêsu đã nói trong Phúc Âm.

Chúng ta đã học biết rằng những con đường bình định, dành ưu tiên cho lý trí trên sự trả thù, sự hòa hợp tế nhị giữa chính trị và luật pháp, không thể loại bỏ những hoạt động của dân chúng. Đề ra những khuôn khổ qui tắc và hiệp định giữa các nhóm chính trị và kinh tế có thiện chí, thì vẫn chưa đủ. Chúa Giêsu tìm ra giải pháp cho sự ác trong cuộc gặp gỡ đích thân giữa các phe với nhau. Ngoài ra, một điều luôn luôn hữu ích, đó là đưa vào trong các tiến trình hòa bình kinh nghiệm của các tầng lớp dân chúng. Những kinh nghiệm này, trong nhiều trường hợp, đã không được để ý tới; cần làm sao để chính các cộng đoàn mang lại những sắc thái cho các hoạt động tập thể tưởng nhớ những gì đã xảy ra. Tác nhân chính, chủ thể lịch sử của tiến trình này là dân chúng và văn hóa của họ, chứ không phải một giai cấp, một phe phái, một nhóm hoặc một lực lượng ưu tú. Chúng ta không cần một dự phóng của một nhóm ít người nhắm tới một thiểu số, hoặc một nhóm ít người thông thạo chiếm hữu tâm tình của tập thể. Đây là một thỏa thuận để sống chung, một khế ước xã hội và văn hóa” (E.G. 239)

ĐTC khẳng định rằng: chúng ta có thể đóng góp nhiều cho bước đường mới mà Colombia muốn thực hiện. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta con đường tái hội nhập vào cộng đoàn nhờ một cuộc đối thoại hai người. Không gì có thể thay thế cuộc gặp gỡ chữa lành như thế; không có tiến trình tập thể nào chuẩn chước cho chúng ta thách đố gặp gỡ nhau, giải thích cho nhau, tha thứ. Những vết thương sâu đậm của lịch sử nhất thiết đòi những thẩm quyền qua đó người ta thi hành công lý, trong đó các nạn nhân có thể nhận ra chân lý, thiệt hại được đền bù thích đáng, và hành động minh bạch để tránh tái diễn những tội ác đã xảy ra. Nhưng tất cả những điều đó mới chỉ để cho chúng ta ở ngưỡng cửa những đòi hỏi của Kitô giáo mà thôi. Chúng ta còn được yêu cầu tạo nên một sự thay đổi từ hạ tầng: đối lại với văn hóa chết chóc, bạo lực, chúng ta đáp lại bằng văn hóa sự sống, văn hóa gặp gỡ.

ĐTC đặt câu hỏi: ”Chúng ta đã hành động thế nào để bênh vực việc gặp gỡ, hòa bình? Chúng ta đã thiếu bỏ sót những gì, khiến cho những hành vi man rợ xảy ra trong đời sống của dân chúng ta? Chúa Giêsu truyền chúng ta phải đối chiếu những cách cư xử, những lối sống gây thiệt hại cho xã hội, phá hủy cộng đoàn. Bao nhiều lần xảy ra những bạo lực, sự loại trừ khỏi xã hội được bình thường hóa, mà chúng ta không lên tiếng, không giơ tay lên tố giác theo tinh thần ngôn sứ.

Cạnh thánh Phêrô Claver, có hàng ngàn Kitô hữu thời ấy, nhưng chỉ có một nhóm rất ít người bắt đầu một nền văn hóa gặp gỡ đi ngược lại. Thánh Phêrô Claver đã biết tái lập phẩm giá và hy vọng cho hàng trăm ngàn người da đen và người nô lệ, họ bị đưa đến đây trong tình trạng vô nhân đạo hoàn toàn, đầy kinh hoàng, mất mát mọi hy vọng. Thánh nhân không có bằng cấp nổi tiếng, thậm chí còn bị coi là người ”tài cán tầm thường”, nhưng ngài có một thiên tài sống trọn vẹn Tin Mừng, gặp gỡ những người bị người khác coi là đồ bỏ.

Nhiều thế kỷ sau đó, ảnh hưởng của vị thừa sai và tông đồ này của Dòng Tên đã được thánh nữ Maria Bernarda Buetler noi theo, thánh nữ đã hiến cuộc đời, tận tụy phục vụ những người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề tại chính thành phố Cartagena này”.

Tiếp tục bài giảng thánh lễ cuối cùng tại Colombia chiều chúa nhật 10-9, ĐTC cũng nhận xét rằng cả Chúa Giêsu cũng cho chúng ta thấy có thể là người khác khép kín, từ chối thay đổi, ở lỳ trong sự ác của họ. Chúng ta không thể phủ nhận rằng có những người tiếp tục phạm tội làm thương tổn cuộc sống chung và cộng đoàn:

”Tôi nghĩ đến thảm trạng đau thương ma túy, dựa vào đó người ta làm giàu bất chấp các luật lệ luân lý và dân sự; tôi nghĩ đến sự tàn phá các tài nguyên thiên nhiên và làm ô nhiễm hiện nay; thảm trạng bóc lột lao công; tôi nghĩ đến sự buôn bán tiền bạc bất hợp pháp, như đầu cơ tài chánh, thường có tính chất như những ác thú gây thiệt hại cho toàn thể hệ thống kinh tế và xã hội khiến cho hàng triệu người phải chịu nghèo đói; tôi nghĩ đến nạn mại dâm hàng ngày gây thiệt hại cho bao nạn nhân vô tội, nhất là nơi những người trẻ nhất, tước đoạt tương lai của họ; tôi nghĩ đến điều kinh tởm là nạn buôn người, đến các tội ác và lạm dụng chống các trẻ vị thành niên, nạn nô lệ vẫn còn làm lan tràn sự kinh khủng của nó tại bao nhiêu nơi trên thế giới, thảm trạng của bao nhiêu người di dân không được lắng nghe và người ta làm giàu bất hợp pháp trên họ và thậm chí cả một thứ tê liệt luật pháp chủ hòa không để ý đến thân mình của người anh em, thân mình của Chúa Kitô. Và trước những điều này, chúng ta cần phải được chuẩn bị và có lập trường vững chắc về các nguyên tắc công lý, không tước đoạt điều gì của đức bác ái. Không thể sống chung trong hòa bình mà không làm gì đối với những gì làm hư hỏng cuộc sống và thống lại chính sự sống. Về điểm này, chúng ta nhớ đến tất cả những ngừơi can đảm, không biết mệt mọi, đã làm việc và thậm chí bị mất mạng sống trong việc bảo vệ và bênh đỡ các quyền và phẩm già của con người. Lịch sử cũng đòi chúng ta giống như họ, dấn thân quyết liệt bảo vệ các quyền con người tại thành Cartagena này, nơi mà anh chị em đã chọn làm trụ sở toàn quốc bảo vệ các quyền con người.

Từ biệt

Thánh lễ kết thúc lúc quá 6 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. Liền đó, ĐTC đáp trực thăng tới Phi trường quốc tế Rafael Nunez của thành Cartagena. Tại đây ngài được Tổng thống Manuel Santos và Phu nhân, cùng với các quan chức chính quyền và các vị lãnh đạo giáo quyền tiễn biệt.

Sau gần 11 giờ bay, vượt qua 9,100 cây số, chiếc Boeing B787 của hãng Avianca Colombia chở ĐTC, đoàn tháp tùng và hơn 70 ký giả quốc tế đã về đến phi trường Ciampino của Roma lúc gần 13 giờ trưa hôm thứ hai 11-9-2017. Trên đường về Vatican, ĐTC đã ghé lại Đền thờ Đức Bà Cả để cám ơn Đức Mẹ.

Trong vòng 10 tuần lễ nữa, ĐTC lại lên đường thực hiện chuyến viếng Tông du thứ 21 tại nước ngoài, với 2 quốc gia được thăm viếng là Myanmar và Bangladesh.

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, chủng sinh Colombia

Đức Thánh Cha gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, chủng sinh Colombia

MEDELLÍN. Trong cuộc gặp gỡ các LM, tu sĩ, chủng sinh Colombia tại Medellín, chiều thứ bẩy 9-9-2017, ĐTC nhắn nhủ mọi người đừng tìm kiếm công danh và lợi lộc, do vị thế của mình trong Giáo Hội.

Medellín là nơi có nhiều ơn gọi LM, tu sĩ nhất tại Colombia. Thành phố này từng khét tiếng vì các tổ chức ma túy hoành hành.

Cuộc gặp gỡ của ĐTC diễn ra lúc 4 giờ chiều tại Trung tâm La Macarena, một hội trường hình tròn dành cho các sinh hoạt như như các buổi hòa nhạc, trình diễn thời trang, và cả các cuộc thi cưỡi ngựa.

Hiện diện trong dịp này có 12 ngàn người gồm các LM, tu sĩ nam nữ và thân nhân, tổng cộng là 12 ngàn người. Một số GM cũng có mặt.

Trên lễ đài tại cuộc gặp gỡ, có đặt thánh tích hài cốt của Mẹ Laura, thánh nữ đầu tiên người Colombia được ĐTC Phanxicô tôn phong hiển thánh ngày 12-5 năm 2013, tức là 2 tháng sau khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng.

Buổi gặp gỡ diễn ra lúc 4 giờ chiều, dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa. Sau lời chào mừng của Đức Cha Elkin Fernando Álvarez Botero, GM phụ tá tổng giáo phận Medellín, Chủ tịch Ủy ban GM Colombia về ơn gọi, 1 LM, một nữ tu chiêm niệm và một gia đình đã trình bày chứng từ.

Bài giảng của ĐTC

Giảng sau bài đọc Tin Mừng theo thánh Gioan (15,1-11), trong đó có lời Chúa Giêsu nói: ”Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở trong họ thì sẽ mang lại nhiều hoa trái”, ĐTC cảnh giác các LM tu sĩ về những thái độ đi ngược với ơn gọi thánh hiến và ngài quảng diễn 3 cách thế ở lại trong Chúa để sinh nhiều hoa trái. Ngài nói:

”Những ơn gọi thánh hiến đặc biệt chết đi khi người ta muốn nuôi dưỡng mình bằng những vinh dự, khi bị thúc đẩy tìm kiếm một sự yên hàn cho bản thân và tiến thân trong xã hội, khi động lực của ơn gọi là ”trở thành ngoại hạng”, bám víu vào những lợi lộc vật chất, và đi tới sai lầm là ham hố kiếm tiền bạc. Như tôi đã nói trong những dịp khác, mua quỉ lẻn vào qua ví tiền. Những điều này xảy ra không phải ở giai đoạn khởi đầu, tất cả chúng ta phải thận trọng vì sự hư hỏng của những người nam nữ trong Giáo Hội bắt đầu như thế, dần dần, nó bén rễ trong tâm hồn và rốt cục đưa Chúa ra khỏi cuộc sống. ”Các con không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt 6,24), chúng ta không thể lợi dụng vị thế của chúng ta trong đạo và lòng tốt của dân chúng để được phục vụ và kiếm được những lợi lộc vật chất”.

ĐTC cũng nhắc nhở rằng ”Có những tình trạng, những thái độ và chọn lựa cho thấy có những dấu hiệu khô cằn và chết chóc: chúng ta không thể tiếp tục làm chậm dòng nhựa sống nuôi dưỡng và cung cấp sức sống! Nọc độc dối trá, những điều che đậy, những sự lèo lái và lạm dụng dân Chúa, lạm dụng những người yếu thế nhất, đặc biệt là những người già và trẻ em không thể có chỗ đứng trong cộng đoàn chúng ta; đó là những cành đã quyết định khô héo và Thiên Chúa truyền cho chúng ta phải cắt tỉa chúng”.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nhắc đến tấm gương của những người tại Colombia như thánh nữ Laura Montoya có hài cốt trên bàn thờ trong thánh đường này, một nữ tu tuyệt vời đã tận tụy trong âm thầm, sống từ bỏi, không theo đuổi lợi lộc nào khác ngoài việc biểu lộ khuôn mặt hiền mẫu của Thiên Chúa!

Và ĐTC đề nghị 3 cách thức làm cho việc ”ở lại trong Chúa” trở nên hữu hiệu.

1. Chúng ta ở lại bằng cách đụng chạm đến nhân tính của Chúa Kitô. Với cái nhìn và những tâm tình của Chúa Giêsu, Đấng chiêm ngắm thực tại không phải như một thẩm phán, nhưng như người Samaritano nhân lành; biết các giá trị của dân mà Ngài đồng hành, cũng như những vết thương và tội lỗi của họ; khám phá đau khổ âm thần và cảm động trước những nhu cầu của con người, nhất là khi họ phải chịu những bất công, nghèo đói không xứng với con người, sự dửng dưng, sự thối nát và bạo lực.

2. Thứ hai: Chúng ta ở lại trong Chúa bằng cách chiêm ngắm thiên tính của Thiên Chúa. Khơi dậy và nâng đỡ lòng quí mến việc học hành làm gia tăng sự hiểu biết về Chúa Kitô, vì như thánh Augustino đã nhắc nhở ”Vô tri thì bất mộ”, ai không biết thì không thể yêu mến (Xc La Trinità, L. X, cap. I,3).

Để đạt tới sự hiểu biết đó, hãy dành ưu tiên cho việc gặp gỡ với Kinh Thánh, đặc biệt là với Sách Phúc Âm, trong đó Chúa Kitô nói với chúng ta, tỏ lộ cho chúng ta tình yêu vô điều kiện của Ngài đối với Chúa Cha, và làm cho chúng ta được lây niềm vui phát xuất từ sự vâng phục thánh ý Chúa Cha và từ việc phục vụ anh em”.

3. Sau cùng, cần ở lại trong Chúa Kitô để sống trong vui tươi.

Nếu chúng ta ở lại trong Chúa, thì niềm vui của Người sẽ ở trong chúng ta. Chúng ta sẽ không phải là những môn đệ buồn thảm, những tông đồ yếu nhược. Trái lại chúng ta sẽ phản ứng và mang niềm vui chân thực, niềm vui tràn đầy mà không ai có thể tước đoạt của chúng ta; chúng ta sẽ gieo vãi niềm hy vọng đời sống mới mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta.

Buổi gặp gỡ kết thúc lúc quá 5 giờ chiều với Kinh Lạy Cha và phép lành của ĐTC. Liền đó ngài trở lại phi trường Enrique Olaya để đáp máy bay trở về thủ đô Bogotà.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha gặp các trẻ em Nhà Thánh Giuse ở Medellín

Đức Thánh Cha gặp các trẻ em Nhà Thánh Giuse ở Medellín

MEDELLÍN. Chiều ngày 9-9-2017, ĐTC gặp gỡ 300 trẻ em nạn nhân bạo hành và khuyết tật tại Nhà Thánh Giuse ở thành phố Medellín.

Medellín là thành phố lớn thứ hai của Colombia với hơn 2 triệu 800 ngàn dân cư.

Sau khi cử hành thánh lễ cho 1 triệu tín hữu sáng thứ bẩy, 9-9, cạnh phi trường Enrique Olaya Herrera của thành Medellín, ĐTC đã về Đại chủng viện Conciliar để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

Liền đó, ngài đến thăm Nhà thánh Giuse (Hogar de San José), cách đó 8 cây số. Đây là một nhà gia đình do Tổng giáo phận Medellín đảm trách dành cho các trẻ em gặp khó khăn, bị bạo hành và bị bỏ rơi. Các em được săn sóc, yêu thương, trợ giúp về y khoa và tâm lý, cũng như được học hành, với mục đích giúp các em khắc phục những khó khăn và chấn thương đã phải chịu. Hiện nay tại Trung tâm thánh Giuse cũng có nhiều trẻ em, nạn nhân của cuộc xung đột võ trang tàn hại trong tỉnh Antioquia với thủ phủ là thành Medellín.

Trung tâm thánh Giuse được thành lập cách đây 75 năm (1942) và thuộc tổ chức ”Nhà Thánh Giuse” do Dòng Tên thành lập tại Tây Ban Nha năm 1941, với mục đích giúp đỡ các trẻ mồ côi sau chiến tranh, và các trẻ em không có gia đình. Từ Tây Ban Nha, Tổ chức này dần dần lan sang nhiều nước Mỹ châu la tinh.

 Đến Trung tâm thánh Giuse lúc 3 giờ chiều, ĐTC đã được linh mục giám đốc Nhà Thánh Giuse và những người phụ tá đón tiếp. 2 em bé đã dâng hoa cho ĐTC và cùng đi với ngài đến trước tượng thánh Giuse để ngài đặt hoa trước tượng thánh nhân trước khi tiến ra khuôn viên của Trung Tâm để gặp gỡ khoảng 300 trẻ em.

Trong cuộc gặp gỡ tại đây, Cha giám đốc Armando Santamaría đã trình bày với ĐTC tình trạng các em bé tại đây. Các thiếu như và người trẻ tại đây đến từ các nơi ở Colombia, với tâm hồn bị tổn thương vì cảnh mồ côi, đói khổ, bị bỏ rơi, bị lạm dụng tính dục, không được học hành và thiếu tình thương. Tại đây có 5 LM, 20 nữ tu và 90 giáo dân săn sóc các em. Cha nói: ”Chúng con đón nhận các em như một món quà của Chúa”. Tổng cộng tổ chức của các con có 8 nhà và có hai nhà dành cho các bệnh nhân.

Chứng từ của bé gái

Tiếp lời cha Armando, một em bé gái, Claudia Yesenia Garcías, 13 tuổi, đã kể lại thân phận đau thương của em. Mới 2 tuổi em đã bị mất cha mẹ, vì bị du kích quân thảm sát ở San Carlos, tỉnh Antioquia. Em nói:

 ”10 anh chị em chúng con sống sót, cùng với dì con. Con bị đạn ở bụng dưới và một mảnh đạn làm con bị vỡ đầu và ở nhà thương lâu dài. Dì con khép kín với mọi người và không biết làm gì với 10 đứa cháu từ 2 đến 8 tuổi. Nhưng Chúa thật là cao cả và tài tình. Ngài đã thực hiện những Nhà thánh Giuse thế này qua Tổng giáo phận Medellín. Tất cả chúng con được đón nhận vào Trung tâm này như gia đình thứ hai của chúng con”.

Năm nay con 13 tuổi và vui tươi, con có thể nói rằng con là một bé gái hạnh phúc, vì sự đón tiếp và giúp đỡ của ban giám đốc Trung Tâm đã chữa lành những đau khổ và sầu muộn của con..

Nhắn nhủ của ĐTC

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC cám ơn mọi người về sự tiếp đón, và ngài đặc biệt cám ơn em Claudia Yesenia vì chứng tá can đảm. Ngài nói: ”Khi nghe những khó khăn con đã trải qua, Cha nhớ đến đau khổ bất công của bao nhiêu trẻ em nam nữ trên thế giới, rất đông đảo và các em vẫn còn là nạn nhân vô tội do sự xấu xa của một số người gây nên.”

”Cả Chúa Giêsu cũng từng là nạn nhân của oán ghét và bách hại; Chúa cũng đã phải trốn chạy với gia đình Ngài, bỏ đất đai nhà cửa để tránh cái chết. Khi thấy các trẻ em chịu đau khổ như thế thật là đau lòng, vì các trẻ em là những người được Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt. Chúng ta không thể chấp nhận để các em bị ngược đãi, bị tước đoạt mất quyền sống tuổi thơ trong thanh thản và vui tươi, không thể để cho tương lai hy vọng của các em bị chối bỏ.”

ĐTC nói thêm rằng: ”Nhưng Chúa Giêsu không bỏ rơi người nào đang chịu đau khổ, nhất là các trẻ em nam nữ là những người Chúa yêu thương đặc biệt. Claudia Yesenia, bên cạnh bao nhiêu kinh khủng xảy ra, Chúa đã ban cho con một bà dì chăm sóc con, một nhà thương để giúp đỡ con và sau cùng một cộng đoàn đón nhận con. Nhà này là bằng chứng tình thương của Chúa Giêsu đối với các con và ước muốn của Chúa gần gũi các con. Chúa thi hành điều đó qua sự chăm sóc yêu thương của tất cả những người tốt đang đồng hành với các con, yêu thương và giáo dục các con.”

ĐTC cũng nói với các nhân viên phục vụ tại Nhà Thánh Giuse rằng:

”Với anh chị em, tu sĩ và giáo dân tại nhà này và những nhà khác, đang đón nhận và săn sóc các trẻ em trong tình yêu thương, những em nhỏ đã trải qua kinh nghiệm đau thương, tôi muốn nhắc nhở hai điều không thể thiếu được vì nó thuộc về căn tính Kitô: trước hết là tình yêu biết nhìn thấy Chúa Giêsu hiện diện nơi những người bé nhỏ, yếu thế nhất, và nghĩa vụ phải đưa các trẻ em đến cùng Chúa Giêsu. Trong công tác này, với những vui buồn và cơ cực, tôi cũng phó thác anh chị em cho sự bảo trợ của thánh Giuse. Anh chị em hãy học cùng Người; ước gì gương thánh Giuse soi sáng và giúp đỡ anh chị em trong việc chăm sóc yêu thương các trẻ em là tương lai của xã hội Colombia, của thế giới và của Giáo Hội..”

Trước khi rời Nhà thánh Giuse, ĐTC đã tặng cho Trung tâm này bức điêu khắc bằng gỗ diễn tả Thánh Gia có đôi bàn tay bao bọc và nâng đỡ, đôi tay của Chúa Cha, như đang hình thành Thánh Gia để cứu độ trần thế.

G. Trần Đức Anh OP

ĐTC Phanxicô kêu gọi chấm dứt bạo lực, xây dừng hoà bình và hoà giải

ĐTC Phanxicô kêu gọi chấm dứt bạo lực, xây dừng hoà bình và hoà giải

Tính tới ngày thứ bẩy hôm qua chuyến công du mục vụ Colombia của ĐTC đã tiến hành được hơn một nửa. Ban sáng ĐTC lấy máy bay đi Medellin cách thủ đô Bogota 215 cây số. Tại đây lúc 10 giờ 15 phút sáng ngài dâng thánh lễ cho tín hữu tại phi trường Enrique Olaya Herrera. Vào ban chiều ĐTC đến thăm nhà gia đình Hogar San José của tổng giáo phận, nơi đón tiếp hàng trăm trẻ em nạn nhân của bạo lực và bị bỏ rơi. Tiếp đến ĐTC gặp gỡ 12,000 người gồm các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và gia đình các vị tại trung tâm La Macarena.

 

Sau đây chúng tôi xin kính mời quý vị theo dõi các sinh hoạt của hoạt của ĐTC chiều thứ sáu và sáng thứ bẩy.

 

Như quý vị đã biết sáng thứ sáu lúc 9 giờ rưỡi sáng giờ địa phương ĐTC đã chủ sự thánh lễ phong chân phước cho ĐC Jesus Emilio Jaramillo Monsalve, GM Arauca và cha Pedro Maria Ramirez Ramos, linh mục giáo phận. Sau khi từ giã tín hữu, ĐTC đã gặp một phái đoàn nạn nhân của lũ lụt tỉnh Mocoa và tặng ĐGM giáo phận này một số tiền để trợ giúp các nạn nhân. Tiếp đến ngài đi xe về Compoud Maloca del Joropo, cách đó một cây số rưỡi, để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát trước khi đến công viên Las Malocas vào lúc gần 4 giờ chiều để găp gỡ đại diện các nạn nhân của bạo lực, giới quân nhân và cảnh sát cũng như các cựu du kích quân… Trước khi lên xe ĐTC đã vào viếng Mình Thánh Chúa trong nhà nguyện có tượng Đức Mẹ Chirajana và chúc lành cho khoảng 140 linh mục giáo phận.

 

Công viên Las Malocas nằm về mạn đông của thành phố Villavicencio, trong đó du khách có thể làm quen với môi trường của thổ dân Ilanos (ianos). Nó có các đặc thái của vùng đồng bằng gồm một phần sình lầy, có sông Orinoco chảy qua, và trải dài ở miền bắc Colombia và Venezuela. Trong công viên có dựng lại các nhà cửa và các làng mạc của thổ dân Ianos chuyên sống về nghề chăn nuôi súc vật. Có rất nhiều tượng trình bầy nền văn hoá và huyền thoại địa phương. Trong công viên cũng có cây cối và súc vật gồm các chỗ nuôi bò, ngựa và các thú vật nhỏ, cũng như một vườn bách thảo với các loại cây trong vùng.

 

** Cuộc gặp gỡ hoà giải quốc gia diễn ra trong hình thức một buổi cử hành lời Chúa trong một cơ cấu có mái che có chỗ cho 6,000 người.

 

Sau lời chào của ĐC Oscar Urbina Ortega, TGM Villavicencio, là hoạt cảnh thánh vịnh 85, thánh ca hoà bình và phần chứng từ của 4 người. Sau mỗi chứng từ có một ngọn nến được thắp lên và đặt dưới chân Thánh Giá. Tiếp đến mọi người trao ban bình an cho nhau.

 

Ngỏ lời với đại diện các nạn nhân của bạo lực, giới quân nhân và cảnh sát cũng như các cựu du kích quân ĐTC nói:

 

Anh chị em mang trong tim và thịt xác anh chị em các dấu vết lịch sử sống động của dân tộc anh chị em, bị ghi dấu bởi các biến cố thê thảm, nhưng cũng tràn đầy các cử chỉ anh hùng, có tính nhân bản lớn và có giá trị của đức tin và niềm hy vọng… Với lòng tôn trọng tôi đến một vùng đất được tưới gội bằng máu của hàng ngàn nạn nhân vô tội, và với nỗi đớn đau xé lòng của các thân nhân và người quen của họ. Các vết thương khó trở thành sẹo và khiến cho chúng ta tất cả đau đớn, bởi vì mỗi một bạo lực chống lại một con người là một vết thương trong thịt xác của nhân loại; mỗi một cái chết bạo lực khiến cho chúng ta ít là người hơn. Tôi ở đây không phải để nói nhưng để gần gũi anh chị em và nhìn vào mắt của anh chị em, để lắng nghe anh chị em và mở rộng con tim của tôi cho chứng tá cuộc sống và đức tin của anh chị em. Và nếu anh chị em cho phép, tôi cũng muốn ôm anh chị em trong vòng tay và cùng khóc với anh chị em, tôi muốn chúng ta cùng nhau cầu nguyện và tha thứ cho nhau – cả tôi nữa cũng phải xin tha thứ – và như vậy cùng nhau tất cả chúng ta có thể nhìn và tiến tới với đức tin và niềm hy vọng.

 

Chúng ta tụ tập nhau dưới chân Chúa bị đóng đanh của Bojayá, ngày mùng 2 tháng 5 năm 2002 đã chứng kiến và khổ đau vì cuộc tàn sát hàng chục người chạy trốn vào trong nhà của Ngài. Hình tượng này có một giá trị biểu tượng tinh thần mạnh mẽ. Khi nhìn nó, chúng ta không chỉ chiêm ngưỡng điều xảy ra hôm đó, nhưng cũng chiêm ngưỡng biết bao khổ đau, chết chóc và biết bao cuộc sống bị bẻ gẫy, biết bao nhiêu máu đã đổ ra tại Colombia trong các thập niên cuối cùng này. Trông thấy Chúa Kitô bị què quặt như vậy, gọi hỏi chúng ta. Ngài không còn cánh tay nữa, và thân thể Ngài không còn nữa, nhưng duy trì được gương mặt và với nó Ngài nhìn chúng ta và yêu thương chúng ta. Chúa Kitô bị chặt cắt tan thành từng mảnh vì chúng ta còn là “Chúa Kitô hơn nữa”, bởi vì Ngài cho chúng ta thấy một lần nữa rằng Ngài đến để khổ đau vì dân Ngài và với dân Ngài; và cũng để dậy chúng ta rằng thù hận không có tiếng nói cuối cùng, rằng tình yêu mạnh hơn cái chết và bạo lực. Ngài dậy chúng ta biến đổi khổ đau thành suối nguồn sự sống và sự sống lại, để cùng Ngài và với Ngài chúng ta học hiểu sức mạnh của sự tha thứ, sự vĩ đại của tình yêu thương.

 

** Tiếp đến ĐTC đã cám ơn các anh chị em chia sẻ chứng từ cuộc sống của họ. Đó là các câu chuyện của khổ đau và cay đắng, nhưng cũng và nhất là những câu chuyện của tình yêu thương tha thứ, nói về sự sống và niềm hy vọng, không để cho thù hận, báo oán và khổ đau chiếm đoạt con tim. Lời sấm cuối thánh vịnh 85 “Tình yêu và chân lý gặp nhau, công lý và hoà bình ôm hôn nhau” đến sau lời cảm tạ và khẩn nài Thiên Chúa: Lậy Chúa xin đổi mới chúng con! Lậy Chúa chúng con cám ơn Chúa vì chứng ta của những người đã gây ra khổ đau và xin lỗi, của những người đã đau khổ một cách bất công và đã tha thứ. Điều này có thể làm được với sự trợ giúp và hiện diện của Chúa và nó đã là một dấu chỉ khổng lồ rằng Chúa muốn tái xây dựng hoà bình và hoà hợp trên đất Colombia này.

 

Tiếp đến ĐTC cám ơn chị Pastora Mira đã muốn đặt mọi khổ đau của mình và của hàng ngàn nạn nhân dưới chân Chúa Chịu Đóng Đanh, để kết hiệp nó với nỗi khổ đau của Chúa và biến thành phúc lành và khả năng tha thứ hầu bẻ gẫy dây xích bạo lực đã thống trị Colombia. Chị có lý vì bạo lực chỉ làm nảy sinh ra bạo lực , hận thù sinh hận thù, chết chóc sinh chết chóc. Chúng ta phải bẻ gẫy dây xích này xem ra không tránh được, nhưng điều này chỉ có thể làm được với sự tha thứ và hoà giải. Chị và biết bao nhiêu người khác chứng minh cho thấy đó là điều có thể làm được, Phải, với sự trợ giúp của Chúa Kitô sống giữa cộng đoàn, có thể chiến thắng hận thù, có thể chiến thắng cái chết, có thể bắt đầu trở lại và trao ban sự sống cho một Colombia mới. Chứng tá của chị thật là một thiện ích cho tất cả mọi người, và chiếc áo mà Sandra Paola con gái của chị đã tặng cho Jorge Anibal con trai của chị không chỉ là kỷ vật cái chết của hai anh em, nhưng còn là niềm hy vọng hoà bình chiến thắng vĩnh viễn tại Colombia này.

 

ĐTC cũng cám ơn chị Luz Dary vì những lời  chị nói: các vết thương của con tim sâu đậm và khó lành hơn các vết thương trên thân xác. Nhưng không thể sống trong hận thù, tình yêu giải phóng và xây dựng. Với tư tưởng ấy chị đã bắt đầu chữa lành các vết thương của các nạn nhân khác và tái tao nhân phẩm của họ. ĐTC cũng cám ơn chị đã tặng cho ngài chiếc nạng của chị. Tuy các vết thương trên cơ thể còn đó nhưng dáng đi tinh thần của chị đã nhanh nhẹn và vững vàng mà không cần tới nạng, vì chị nghĩ tới các người khác và muốn giúp đỡ họ.

 

Ngài cũng cám ơn chứng tá hùng hồn của  chị Deisy và anh Juan Carlos. Cả hai đã cho mọi người hiểu rằng sau cùng, trong một cách này hay cách khác, tất cả chúng ta đều là nạn nhân, vô tội hay có tội, nhưng tất cả đều là nạn nhân. Vì tất cả đều bị mất tính nhân bản qua bạo lực và cái chết. Chị Deisy đã bắt đầu đi học trở lại, và hiện nay làm việc để trợ giúp các nạn nhân để cho giới trẻ không rơi vào mạng lưới của bạo lực và ma tuý. Có niềm hy vọng cho cả người đã làm sự dữ; Chúa Giêsu đến là vì thế: chưa mất hết tất cả. Cần phải tích cực góp phần chữa lành xã hội bị xâu xé bởi bạo lực.

 

** Thật khó chấp nhận thay đổi những ai dùng bạo lực tàn ác để thăng tiến các mục tiêu của họ, để bảo vệ các buôn bán bất hợp pháp và làm giầu, hay để ảo tưởng tin rằng mình đang bảo vệ sự sống của anh em mình. Chắc chắn đó là một thách đố đối với từng người tin tưởng rằng họ có thể tiến tới những ngưòi đã tạo ra khổ đau cho các cộng đoàn và cho toàn nước. Rõ ràng là trong một cánh đồng rộng lớn như Colombia này  còn có chỗ cho cỏ lùng… Nhưng anh chị em hãy chú ý tới hạt lúa, và đừng mất bình an vì cỏ lùng. Người gieo giống không hoảng sợ, khi trông thấy cỏ lùng. Phải tìm cách để Lời nhập thể trong một tình trạng cụ thể và sinh bông hạt của cuộc sống mới, mặc dù bề ngoài xem ra chúng không hoàn thiện và trọn vẹn. Cả khi các xung khắc, bạo lực hay các tâm tình trả thù có kéo dài, chúng ta đừng ngăn cản công lý và lòng thương xót gặp nhau trong một vòng tay ôm của lịch sử đau đớn của Colombia. Chúng ta hãy chữa lành nỗi đớn đau ấy, và hãy đón tiếp mọi người đã phạm tội ác, thừa nhận chúng, hối hận và dấn thân đền bù, bằng cách góp phần xây dựng trật tự mới trong đó rạng ngời lên công lý và hoà bình.

 

Như anh Juan Carlos đã cho thấy, cần phải biết chấp nhận sự thật trong tiến trình dài, khó khăn nhưng giầu hy vọng hoà giải này. Đó là một thách đố lớn nhưng cần thiết. Sự thật là bạn đường không thể tách rời khỏi công lý và lòng thương xót. Hiệp nhất chúng nòng cốt cho việc xây dựng hoà bình, và đàng khác  riêng rẽ chúng cản ngăn hai yếu tố kia bị hư hại và biến thành dụng cụ của báo thù chống lại ai yếu đuối hơn. Thật vậy, sự thật không được dẫn đưa tới báo thù, nhưng tới hoà giải và tha thứ.  Sự thật là kể cho các gia đình bị phá hủy bởi khổ đau biết điều gì đã xảy ra cho các bà con của họ bị mất tích. Sự thật là xưng thú điều gì đã xảy ra cho các trẻ vị thành niên đuợc tuyển mộ bởi những kẻ bạo lực. Sự thật là thừa nhận nỗi khổ đau của các phụ nữ nạn nhân của bạo lực và lạm dụng.

 

Sau cùng ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi như sau:

 

Sau cùng như là người anh em và người cha tôi  nói:  Hỡi Colombia, hãy mở rộng con tim của dân Thiên Chúa và để cho mình được hoà giải. Đừng sợ hãi sự thật và công lý. Anh chị em Colombia thân mến, đừng sợ hãi xin và cống hiến sự tha thứ. Đừng kháng cự lại sự hoà giải khiến cho anh chị em lại gần nhau, tìm lại nhau như anh chị em và thắng vượt các thù nghịch. Đã đến giờ chữa lành các vết thương, xây các cây cầu, mài dũa các khác biệt. Đã đến giờ dập tắt hận thù, khước từ báo oán và rộng mở cho sự chung sống dựa trên công bằng, sự thật và việc tạo dựng một nền văn hoá đích thực của sự gặp gỡ huynh đệ.

 

ĐTC đã dâng lên Chúa mọi ý chỉ này và đọc lời cầu nguyện xin Chúa Chịu Nạn giúp mọi người dấn thân tu sửa lại thân mình Ngài: Ước chi chúng con là chân của Chúa để đi gặp gỡ ngươì anh em cần trợ giúp, là cánh tay của Chúa để ôm người đã mất nhân phẩm của mình, là bàn tay của Chúa để chúc lành và an ủi ai khóc than trong cô đơn. Xin làm cho chúng con trở thành các chứng nhân tình yêu và lòng xót thương vô biên của Chúa.

 

** Sau khi ĐTC ban phép lành toà thánh cho mọi người đã có hai em bé lên ngỏ lời cám ơn ĐTC. Tiếp đến ĐTC đã từ giã mọi người và đi xe đến công viên các vị lập quốc Colombia Los Fundadores, cách đó 14 cây số.

 

Đây là công viên lớn nhất thành phố Villavicencio, rộng 6 mẫu tây, có một quảng trường hình tròn nơi có đài kỷ niệm các vị lập quốc Colombia, do ông Rodrrigo Arenas Betancourt xây. Bức tượng đồng diễn tả một người đàn ông thuộc chủng tộc Ianos, đặt trên hai con ngựa,  hai cánh tay cầm con chim Corocora là loại chim đặc biệt của vùng này. Công viên có nhiều đường lát đá, các vườn cây, vùng giải trí giáo dục dành cho trẻ em, các ao hồ và một phông ten lớn tân thời gồm ba cổng mầu xanh đa trời. Đây là nơi có rất đông khách du lịch và dân chúng lui tới, và là nơi tổ chức nhiều biến cố văn hoá và nghệ thuật.

 

Cây Thánh Giá hoà giải được dựng tại quảng trường các vị lập quốc  là cây Thánh Giá đã được rước qua vùng Đông Ianes hồi năm 2012. Dưới đế Thánh Giá có gắn một bảng ghi số các nạn nhân của các vụ bắt cóc, sát hại và mìn chống người gây đổ máu cho vùng này trong cuộc nội chiến dài từ năm 1964 tới 2016.

 

ĐTC đã đến công viên lúc 17 giờ 20. Hiện diện tại công viên có tổng thống Colombia, khoảng 400 trẻ em và một nhóm thổ dân. ĐTC được vài trẻ em tiếp đón và tháp tùng tới Thánh  Giá hoà giải, trong khi một ca đoàn hát một bài thánh ca truyền thống. Tiếp đến là tiếng kèn truy diệu và một phút thinh lặng cầu nguyện cho những người đã chết. Sau lễ nghi tưởng niệm các nạn nhân ĐTC đã trồng một cây kỷ niệm, như biểu tượng cho một cuộc sống mới. Kết thúc lễ nghi ĐTC đã từ giã mọi người để ra phi trường cách đó 10 cây số rưỡi đáp máy bay trở về thủ đô Bogota.     Máy bay chở ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã về tới phi trường quân sự Catam của thủ đô Bogota sau 40 phút bay. Từ phi trường ĐTC đã đi xe về Toà Sứ Thần cách đó 12 cây số để dùng bữa tối và nghỉ đêm. Trước Toà Sứ Thần có đông đảo các nạn nhân của bạo lực, quân nhân, cảnh sát và cựu du kích quân chào đón ĐTC.

 

** Lúc gần 8 giờ sáng thứ bẩy mùng 9 tháng 9 ĐTC đã rời Toà Sứ Thần để tới sân bay quân sự CATAM lấy máy bay đi Medellin cách đó 215 cây số. Máy bay chở ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã tới phi trường Rionegro của Medellin sau 50 phút bay. Tiếp đón ĐTC tại phi trường Jose Cordoba tỉnh Sonson Rionegro có ông thị trưởng và đại tá chỉ huy phi trường. Từ đây ĐTC đi trực thăng tới phi trường Enrique Olaya Herrera của Medellin cách đó 20 cây số.

 

Medellin là thành phố có hơn 2.8 triệu dân, và nổi tiếng là “thành phố của mùa xuân vĩnh cửu” vì có khí hậu mát mẻ quanh năm. Nó là thủ phủ của vùng Antioquia. Ngay từ thế kỷ thứ V trước công nguyên đây là vùng đất của các thổ dân Yamesies,   Niquias, Nutables, và Aburraes  trong thung lũng Aburrá. Người Tây Ban Nha tới đây lần đầu tiên năm 1544, nhưng thành phố đã chỉ được chính thức thành lập năm 1616 tại công viên El Poblado với tên gọi là San Lorenzo de Aburrá. Năm 1675 thành phố được đổi tên là Nuestra Segnora de la   Candelaria de Medellin. Năm 1826 nó trở thành thủ phủ vùng này, nhưng thành phố đã chỉ thực sự phát triển hồi đầu thế kỷ XX, nhờ có đường xe lửa, các đồn điền trồng cà phê và các quặng mỏ. Từ Đệ Nhất Thế Chiến trở đi Medellin và la Valle de Aburrá trở thành trung tâm thương mại chính của Colombia một phần cũng nhờ    kỹ nghệ dệt. Nền kinh tế phồn thịnh cũng một phần nhờ kỹ nghệ trồng hoa. Các loại hoa lan đẹp nhất Colombia được trồng tại đây. Medellin cũng là một trong các trung tâm văn hoá chính của Colombia, nơi tổ chức nhiều đại nhạc hội  quan trọng, và là nơi có nhiều sinh hoạt hàn lâm và khoa học, khiến cho nó được gọi là “thành phố đại học”. Hồi tháng 7 vừa qua Ngày chống đối xử tàn tệ với trẻ em đã được thành lập tại Medellin, và được cử hành ngày 19 tháng 11 hằng năm. Thành phố đã được thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm trong chuyến công du năm 1986.

 

Tổng giáo phận Medellin được thành lập năm 1868, có gần 4 triệu dân, 76% theo công giáo. Giáo phận gồm 332 giáo xứ, có 23 nhà thờ lớn. Nhân lực của giáo phận  gồm 737 linh mục triều, 48 Phó tế vĩnh viễn, 214 chủng sinh thần học và triết học, 680 tu huynh,  2,945 nữ tu. Giáo phận điều hành 362 cơ sở giáo dục, 88 trung tâm bác ái.

 

TGM Medellin là ĐC Ricardo Antonio Tobón Restrepo, 66 tuổi.

 

ĐTC đã được ĐTGM và ông thị trưởng Medellin tiếp đón và lên xe díp đi một vòng để chào tín hữu tụ tập tại phi trường để tham dự thánh lễ do ĐTC cử hành.

 

** Phi trường Enrique Olaya Herrera đã được khánh thành năm 1932 và mang tên vị tổng thống cai trị Colombia giữa các năm 1930-1934 và chỉ có các chuyến bay nội địa. Phi trường có thể chứa được 1 triệu người. Vì giá trị lịch sử và kiến trúc của nó thành phố đã được Liên Hiệp Quốc tuyên bố là gia tài của nhân loại năm 1995. Năm 1986 trong chuyến công du Colombia Đức Gioan Phaolô II cũng đã cử hành thánh lễ tại đây cho tín hữu.

 

Thánh lễ kính thánh Pietro Claver dòng Tên tông đồ của người nô lệ da đen bị đi đầy.

 

Giảng trong thánh lễ ĐTC khích lệ Giáo Hội Colombia dấn thân chuẩn bị và đào tạo các môn đệ thừa sai với nhiều táo bạo hơn như các Giám Mục đã đề nghị trong hội nghị Aparecida năm 2007, và luôn luôn trung thành  vững vàng trong Chúa Kitô để sống trọn vẹn ơn gọi là môn đệ thừa sai.

 

Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ kiểu vâng lời đi theo chân ngài. Và con đường theo Chúa ấy đặt để họ trước các người phong cùi, các người bại liệt, các kẻ tội lỗi. Thực tại này đỏi hỏi họ nhiều hơn là một đơn thuốc kê sẵn, một điều luật xác định. Các môn đệ học biết rằng đi theo Chúa bao gồm nhiều ưu tiên khác, nhiều duyệt xét khác để phục vụ Thiên Chúa. Khi là môn đệ điều quan trọng là không bám víu vào một kiểu sống nhất định nào đó, vào các thực hành nào đó khiến cho chúng ta giống vài người Pharisêu thời Chúa Giêsu.

 

Để theo Chúa Giêsu cần cố gắng thanh tẩy tâm trí và cung cách suy tư hãnh xử của mình mỗi ngày cho phù hợp với kiểu sống và tinh thần của Chúa Giêsu, đi vào điểm nòng cốt, tự canh tân và để cho mình bị Chúa lôi cuốn, chứ không bám víu vào việc thực hành các điều lệ có sẵn hay các thói quen và truyền thống cứng nhắc.

 

Đi đến điều nòng cốt có nghĩa là đi vào chiều sâu, sống kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, và luôn luôn hướng tới Chúa Kitô.

 

Canh tân chính mình đòi hỏi hy sinh và can đảm để có thể đáp trả lời mời gọi của Chúa một cách tốt đẹp hơn, không sợ hãi đổi mới, và dám lượng định các luật lệ, khi nó liên quan tới việc theo Chúa, khi các vết thương của Ngài còn mở, khi tiếng kêu đói khát công bằng của Ngài gọi hỏi chúng ta, và đòi buộc phải có các câu trả lời mới.

 

Và thứ ba là để cho mình bị lôi cuốn vào công việc của Chúa mà không sợ vị vấy bẩn. Chúa đòi hỏi chúng ta lớn lên trong sự táo bạo và can đảm theo tinh thần phúc âm, biết trông thấy và đáp trả các nhu cầu của những người đói khát Thiên  Chúa, đói khát phẩm giá là người, vì họ đã bị bóc lột tất cả. Là kitô hữu chúng ta phải trợ giúp họ chứ không cản ngăn họ gặp Chúa, không giăng bảng cấm vào, không nói đây là đất của tôi. Giáo Hội là của Chúa, chứ không phải của chúng ta.

 

Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Các con hãy cho họ ăn đi!” (Mt 14,16): đó là công việc phục vụ của chúng ta. Thánh Pietro Claver đã hiểu những điều này và đã lấy khẩu hiệu là “nô lệ của người da đen”, vì ngài hiểu rằng như là môn đệ của Chúa Giêsu ngài không thể thờ ơ trước nỗi khổ đau của các người  bị bỏ rơi và lăng nhục thời ngài và cần phải làm cái gì đó để làm vơi nhẹ nỗi khổ đau đó. Chúng ta hãy là các môn đệ thừa sai biết duyệt xét các thực tại với đôi mắt và con tim của Chúa Giêsu.

 

Xin Mẹ Maria de la Candelaria đồng hành với chúng ta trên con đường là môn đệ Chúa để chúng ta là các thừa sai đem ánh sáng và niềm vui Phúc Âm tới cho hết mọi người.

 

Từ giã mọi người ĐTC đã đi xe về đại chủng viện Conciliar cách đó 8 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát trước khi đến thăm các trẻ em mồ côi và nạn nhân của bạo lực tại nhà thánh Giuse, và gặp gỡ các linh mục tu sĩ nam nữ, chủng sinh và thân nhân các vị vào ban chiều.

 

Đại chủng viện Thánh Tâm Chúa Giêsu  cũng gọi là đại chủng viện Conciliar de Medellin đã được khánh thành năm 1830 có thánh Toma thành Aquino là bổn mạng. Tọa lạc trên một mảnh đất rộng 20,000 mét vuông chủng viện gồm một nhà nguyện có mái tròn cao và 4 dẫy nhà gồm 250 phòng, một thính phòng, một nhà thể thao, một thư viện và một hồ bơi.

 

Linh Tiến Khải

 

Đức Thánh Cha tôn phong 2 chân phước tử đạo Colombia

Đức Thánh Cha tôn phong 2 chân phước tử đạo Colombia

VILLAVICENCIO. Sáng 8-9-2017, trước sự hiện diện của 400 ngàn tín hữu, ĐTC Phanxicô đã tôn phong hai vị tử đạo người Colombia lên bậc chân phước.

Đó là Đức Cha Jesús Emilio Jaramillo Monsalve, bị sát hại cách đây 28 năm (1989) và cha Pedro María Ramírez Ramos, bị sát hại cách đây 69 năm (1948).

ĐTC đã từ Bogotà bay đến phi trường quân sự của thành Villavicencio cách đó 94 cây số về hướng đông nam và ở cao độ 460. Khí hậu ở đây rất ẩm thấp và nóng, nhất là đối với những người từ Bogotà ở cao độ 2640 mét đến đây.

Trong số các tín hữu hiện diện, cũng có nhiều tín hữu đến từ các vùng rộng lớn Llanos và các làng của 112 bộ lạc thổ dân, cũng như các nạn nhân bị bạo lực. Họ chào đón ngài với các điệu vũ và những bài ca. Đại diện một số thổ dân đó, trong các y phục truyền thống, đã được ĐTC chào thăm đặc biệt đầu thánh lễ trên lễ đài. Có thổ dân mình trần tặng cho ngài một chiếc lao của họ. Có người khác tặng cho ngài vòng đeo cổ của người thổ địa.

Lúc 9 giờ rưỡi sáng giờ địa phương, ĐTC bắt đầu thánh lễ mừng kính Sinh Nhật Đức Mẹ, đặc biệt là nghi thức tôn phong chân phước cho 2 vị tử đạo.

 Đầu thánh lễ đã diễn ra nghi thức phong chân phước. Tiểu sử tóm tắt của hai vị chân phước được xướng lên.

Tiểu sử hai chân phước tử đạo

– Trước tiên là Đức GM Jaramillo Monsalve. Ngài sinh ngày 16 tháng 2 năm 1916 tại Santo Domingo Colombia, gia nhập Hội Truyền giáo hải ngoại Yarumal và thụ phong linh mục ngày 1 tháng 9 năm 1940 lúc mới được 24 tuổi. Cha lần lượt đảm nhận các chức vụ: giáo sư, linh hướng chủng viện, giáo tập, giám đốc chủng viện, phụ tá Bề trên Tổng quyền, Cha sở nhà thờ chính tòa Buenaventura, Bề trên Tổng quyền, đặc ủy toàn quốc Colombia về Tông đồ giáo dân.

Ngày 11-11 năm 1970, lúc 54 tuổi, Cha được ĐGH Phaolô 6 bổ nhiệm làm Đại diện Tông Tòa ở Arauca và sau này ngài trở thành GM chính tòa tiên khởi tại đây khi hạt đại diện này được nâng lên hàng giáo phận.

Đức Cha Jaramillo Monsalve nổi bật về các hoạt động bênh vực các quyền của dân nghèo không có tiếng nói. Ngài xác tín rằng mọi người đều có quyền có tiếng nói. Đức Cha cũng là một mục tử quan tâm săn sóc các nhu cầu tinh thần của đoàn chiên và dấn thân chống lại những bất công xã hội. Đức Cha Jaramillo bị phiến quân tả phái Quân đội giải phóng quốc gia, gọi tắt là ELN, bắt cóc, tra tấn và sát hại ngày 3 tháng 10 năm 1989 cùng với linh mục José Munos Pareja. Lúc đó Đức Cha được 73 tuổi. Lực lượng du kích ELN do linh mục Manuel Pérez người Tây Ban Nha thành lập và theo chủ thuyết mác xít. Có một số LM cũng gia nhập tổ chức này.

 – Vị tử đạo thứ hai được ĐTC phong chân phước tại Colombia là Cha Pedro Maria Ramírez Ramos (1899-1948), bị giết vì sự oán ghét đức tin, tại Armero, tỉnh Tolima.

Cha sinh tại thành phố Huila, Colombia ngày 23-10-1899 và gia nhập chủng viện Garzón năm lên 16 tuổi, nhưng rời chủng viện này năm 21 tuổi (1020) và được đón nhận vào chủng viện Ibagué 8 năm sau đó, rồi thụ phong linh mục năm 1931. Cha lần lượt làm cha sở ở Chaparral (1931), rồi Cunday (1934) và Fresno (1943). Năm 1948, cha chuyển về làm cha sở ở Armero-Tolima.

Ngày 9 tháng 4 năm 1948, Cha Pedro đến nhà thương địa phương để viếng thăm một bệnh nhân, thì có những tin tức từ thủ đô Bogotà truyền tới về vụ ứng viên tổng thống của đảng cấp tiến, Ông Padro Eliecer Gaitán, bị giết. Một làn sóng bạo lực kinh khủng bùng nổ trên toàn Colombia và chính cha Pedro cũng phải trả giá. Những người ủng hộ ông Gaitán và những người theo phe tổng thống Mariano Ospina Pérez (1946-1950) chống đối và xung đột nhau.

Tại Armero-Tolima, các nhóm gây rối tìm cách tấn công cha Pedro vì họ cho rằng cha thuộc những nhóm bảo thủ, nhưng cha chạy được vào nhà thờ của các nữ tu dòng Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi Thánh Thể. Một vài gia đình muốn giúp cha chạy trốn ban đêm ra khỏi làng nhưng cha quyết liệt từ chối.

Chiều ngày 10-4-1948, một nhóm đông những người cấp tiến xúc phạm thánh đường và tu viện của các nữ tu, đám đông bắt đầu la ó, đòi phải giao nộp cho họ các võ khí giấu kín. Các nữ tu chạy trốn hết. Và khi họ kiểm soát không thấy võ khí nào, họ bắt giữ cha Pedro và điệu ra quảng trường trung ương. Đám đông hành hung, và một kẻ lấy dao rựa chém cha chết. Lúc đó cha được 68 tuổi. Thi hài cha Pedro bị để lại quảng trường vài tiếng đồng hồ và chỉ đến nửa đêm, xác cha mới bị kéo tới cổng nghĩa trang, rồi sau đó được chôn trong một huyệt mộ, không có áo chùng thâm, và ngoài ra họ cấm không được cử hành lễ nghi tôn giáo nào. Khi một số quan chức chính quyền từ thủ đô Bogotà đến, lúc đó đã là ngày 21-4-2017, người ta mới cho phép giảo nghiệm thi hài và an táng cha theo nghi thức Công Giáo. Gần một tháng sau, thân nhân mới có thể đưa quan tài cha về nghĩa trang La Plata, quê hương của cha, và từ đó mộ của cha Pedro trở thành nơi hành hương.

Ít lâu trước đó, cha đã viết chúc thư tinh thần, trong đó cha bày tỏ ước muốn đổ máu mình cho dân thành Armero.

Cha Pedro bị nhóm ủng hộ đảng cấp tiến coi là ”một người bảo thủ cuồng tín và nguy hiểm”. Thậm chí 37 năm sau, cha còn bị cáo buộc là đã gây ra vụ lở tuyết thê thảm ngày 13-11 năm 1985 làm cho 20 ngàn người chết, vì đã nguyền rủa đất nước trước khi chết.

ĐTC đã đọc công thức cho phép tôn kính hai vị Tôi Tớ Chúa: Đức Cha Jaramillo Monsalve và Cha Pedro Maria Ramírez Ramos như chân phước, theo các qui luật của Giáo Hội. Hai bức chân dung của hai chân phước mới được vén màn, trong khi thánh tích của hai vị được rước lên đặt cạnh bàn thờ.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng Thánh Lễ, ĐTC đã mạnh mẽ mời gọi toàn dân Colombia thực thi sự hòa giải và tha thứ.

Trước tiên, ngài nhắc đến lễ sinh nhật Đức Mẹ. Mẹ Maria là ánh quang đầu tiên loan báo đêm chấm dứt, nhất là ngày đang đến gần. Việc Mẹ sinh ra làm cho chúng ta trực giác sáng kiến yêu thương, dịu dàng, thương xót của tình yêu qua đó Thiên Chúa cúi mình trên chúng ta và mời gọi chúng ta đi vào một giao ước tuyệt vời với Chúa mà không điều gì và không ai có thể phá vỡ.

Đề cập đến bài Tin Mừng, với thánh Giuse toan tính âm thầm bỏ vị hôn thê Maria của mình khi khám phá Mẹ có thai, ĐTC nhận xét rằng: Tâm hồn cao thượng của thánh Giuse đã khiến cho thánh nhân đặt điều mà Người đã học được qua lề luật phải tùng phục đức bác ái; và ngày hôm nay, trên thế giới này, trong đó bạo lực tâm lý, lời nói và thể lý đối với phụ nữ thực là điều hiển nhiên, thánh Giuse xuất hiện như hình ảnh của người nam biết tôn trọng và tế nhị, tuy không có đủ mọi thông tin, nhưng vẫn quyết định bảo vệ thanh danh, phẩm giá và mạng sống của Mẹ Maria. Trong sự nghi ngờ của thánh Giuse không biết hành động cách nào cho tốt đẹp hơn, Chúa đã giúp đỡ Người chọn lựa phán đoán của Chúa bằng cách soi sáng cho thánh nhân.

Từ những điều trên đây, ĐTC áp dụng vào hoàn cảnh của Colombia, một quốc gia đang cần sự hòa giải hơn bao giờ hết, một dân tộc đầy những chuyện yêu thương và ánh sáng, nhưng cũng có những đụng độ, xúc phạm, và cả chết chóc, nhưng ánh sáng của Tin Mừng có thể làm đầy những lịch sử tội lỗi, bạo lực và xung đột của chúng ta. ĐTC nói:

”Hòa giải không phải là một lời trừu tượng; nếu không thì nó không mang lại thành quả nào, và chỉ gây ra sự xa cách. Hòa giải là mở ra một cánh cửa cho tất cả và từng người đã sống thảm trạng xung đột. Bao nhiêu nạn nhân đã thắng được cám dỗ dễ hiểu là muốn báo thù, bằng cách trở thành những người nắm giữ vai chính, đáng tin cậy hơn, trong tiến trình xây dựng hòa bình. Cần có những người can đảm đi bước đầu trong chiều hướng ấy, không đợi người khác làm trước. Chỉ cần một người tốt để có hy vọng! Mỗi người trong chúng ta có thể là người ấy! Điều này không có nghĩa là không nhìn nhận hoặc che đậy những khác biệt và xung đột. Đó không phải là hợp thức hóa những bất công cá nhân hoặc cơ cấu. Việc nại đến hòa giải không thể dùng để thích ứng với những hoàn cảnh bất công. Đúng hơn, như thánh Gioan Phaolô 2 đã dạy, ”đó là một cuộc gặp gỡ giữa những ngừơi anh em sẵn sàng vượt thắng cám dỗ ích kỷ và từ bỏ những toan tính tự thi hành công lý; đó là thành quả của những tâm tình mạnh mẽ, cao thượng và quảng đại, dẫn tới việc thiết lập một sự sống chung dựa trên sự tôn trọng mỗi ngời và những giá trị riêng của mỗi xã hội dân sự”…

ĐTC nêu bật tấm gương của hai vị chân phước mới, Đức Cha Jaramillo Monsalva và Cha Pedro María Ramírez Ramos tử đạo là dấu chỉ một dân tộc muốn ra khỏi vũng lầy bạo lực và oán hận.

Và ngài kết luận rằng: Mỗi người trong chúng ta có nghĩa vụ nói ”đồng ý” với sự hòa giải.. Mỗi người trong chúng ta có nghĩa vụ nói “xin vâng” như Mẹ Maria và cùng Mẹ chúc tụng những kỳ công của Chúa, vì như Chúa đã hứa với các tổ tiên chúng ta, Chúa giúp tất cả và mỗi dân tộc, Chúa giúp Colombia ngày nay đang muốn hòa giải và mãi mãi giúp dòng dõi của Ngài.

Cuối thánh lễ, ĐTC còn chào thăm một nhóm những người sống sót sau trận lụt thảm hại hồi tháng 4 năm nay ở Mocoa, miền tây Colombia mà ngài đã đóng góp để cứu trợ các nạn nhân.

G. Trần Đức Anh OP

 

Hơn 1 triệu tín hữu dự lễ với Đức Thánh Cha tại Bogotà

Hơn 1 triệu tín hữu dự lễ với Đức Thánh Cha tại Bogotà

BOGOTÀ. Chiều thứ năm, 7-9-2017, hơn 1 triệu tín hữu đã tham dự thánh lễ đầu tiên ĐTC Phanxicô cử hành tại thủ đô Bogotà trong chuyến viếng thăm của ngài tại Colombia.

Thánh lễ này là biến cố đông đảo nhất trong ngày hoạt động đầu tiên của ĐTC tại thủ đô của Colombia. Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, ông Greg Burke, cho biết số người đến dự lễ là hơn 1 triệu người: họ đứng đầy công viên và tràn ra các đường bên ngoài, tham dự thánh lễ qua các màn hình khổng lồ. Trong số các tín hữu hiện diện cũng có các nhóm trẻ em khuyết tật và những em gặp khó khăn. Đặc biệt tổng thống Manuel Santos và phu nhân cùng với nhiều quan chức chính quyền cũng có mặt tại buổi lễ.

Đồng tế với ĐTC có khoảng 200 GM Colombia và quốc tế, cùng với hàng ngàn linh mục.

Bài giảng Thánh Lễ

Thánh lễ có chủ đề là: ”Những người xây dựng hòa bình, thăng tiến sự sống”. Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã dựa vào bài Tin Mừng theo thánh Luca (5,1-11) thuật lại sự tích thánh Phêrô và các bạn ngư phủ vất vả cả đêm mà không bắt được con cá nào, nhưng nghe lời Chúa Giêsu, ông đã thả lưới và bắt được mẻ cá lạ lùng. Cá nhiều đến độ các ông phải gọi những người chài từ các thuyền khác đến giúp. Sau biến cố này, Phêrô đã bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu. Từ những chi tiết trong bài Phúc Âm, ĐTC đã áp dụng vào hoàn cảnh của Colombia và nói rằng:

”Ở đây cũng như những nơi khác trên thế giới, có những bóng đen dầy đặc đe dọa và phá hủy sự sống: bóng đen bất công và chênh lệch xã hội, bóng đen thối nát vì những tư lợi bản thân hoặc phe phái, tiêu thụ một cách ích kỷ và vô độ những gì vốn được dành để mưu an sinh cho tất cả mọi người; những bóng đen do sự thiếu tôn trọng sự sống con người, đốn ngã hằng ngày cuộc sống của bao nhiêu người vô tội và máu họ kêu thấu tới trời; những bóng đen do sự khao khát báo thù và oán hận, làm vấy máu những bàn tay của những kẻ tự mình thi hành công lý; những bóng đen của những kẻ không còn nhạy cảm trước đau khổ của bao nhiêu nạn nhân. Tất cả những bóng đen đó, Chúa Giêsu đã phá tan và hủy diệt chúng với mệnh lệnh Ngài truyền cho Phêrô: ”Hãy ra khơi” (Lc 5,4).

ĐTC cảnh giác rằng: ”Chúng ta không để đi vào những cuộc tranh luận vô tận, kiểm điểm những toan tính đã thất bại, và liệt kê những cố gắng chẳng dẫn tới đâu; như Phêrô, chúng ta biết thế nào là kinh nghiệm làm việc mà không có kết quả nào. Cả đất nước này cũng biết thực tại ấy, khi mà trong thời kỳ 6 năm, ban đầu, đã có 16 vị tổng thống, và đã trả giá đắt đỏ vì sự chia rẽ của mình; cả Giáo Hội ở Colombia cũng trải qua kinh nghiệm về bao nhiêu dấn thân mục vụ vô ích và không kết quả… nhưng như Phêrô, chúng ta cũng có khả năng tín thác nơi Thầy, Lời của Ngài khơi dậy thành công phong phú, thậm chí cả nhừng nơi mà nghịch cảnh bóng đen của con người làm cho bao nhiêu cố gắng vất vả không có kết quả. Phêrô là người nhất quyết đón nhận lời mời của Chúa Giêsu, bỏ mọi sự mà theo Chúa, để biến thanh một ngư phủ mới, với sứ mạng dẫn dắt anh em mình về Nước Thiên Chúa, nơi mà sự sống được sung mãn và hạnh phúc”.

ĐTC đặc biệt mời gọi dân chúng tại Bogotà và Colombia, noi gương thánh Phêrô, ra khơi, thả lưới. Ngài nói:

Tại Bogotà và Colomgia này đang có một cộng đoàn vô biên đang tiến hành, họ được mời gọi trở thành một mạng lưới vững chắc gồm tóm tất cả trong tình hiệp nhất, làm việc để bảo vệ và chăm sóc sự sống con người, đặc biệt là sự sống mong manh và dễ bị tổn thương nhất: sự sống trong lòng mẹ, trong thời thơ ấy, trong tuổi già, trong tình cảnh khuyết tật và trong những tình trạng ở ngoài lề xã hội. Cộng đoàn đông đảo dân chúng sống ở Bogotà và Colombia cũng có thể trở thành những cộng đoàn đích thực, sinh động, công chính và huynh đệ, nếu họ lắng nghe và đón nhận Lời Chúa.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nói rằng:

”Như những ngư phủ, chúng ta cần phải gọi nhau, gởi những tín hiệu cho nhau, tái coi nhau như anh em, như những người đồng hành, nhữ những người cùng phục vụ một công trình chung là tổ quốc. Đồng thời Bogotà và Colombia là bờ hồ, là biển khơi, là những thành thị Chúa Giêsu đã và đang đi qua, để cống hiến sự hiện diện và lời phong phú của Ngài, để dẫn chúng ta ra khỏi bóng đen và đưa chúng ta đến ánh sáng và sự sống. Tất cả hãy gọi nhau để không một ai còn bị bỏ mặc cho bão tố; đưa tất cả các gia đình lên thuyền, như cung thánh của sự sống; dành chỗ cho công ích, vượt lên trên những lợi lộc nhỏ nhen hoặc phe phái, đảm trách những người yếu thế nhất bằng cách thăng tiến các quyền lợi của họ..

Và ĐTC kết luận rằng: Như Ngài đã làm với Simon, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta hãy ra khơi, ngài thúc đây chúng ta chia sẻ rủi ro, từ bỏ những ích kỷ của mình và đi theo Chúa; từ bỏ những sợ hãi không đến từ Thiên Chúa, chúng làm cho chúng ta bị tê liệt và trì hoãn mệnh lệnh cấp thiết là trở thành những người xây dựng hòa bình, thăng tiến sự sống”

Trong lời cám ơn ĐTC cuối thánh lễ, ĐHY Rubén Salazar, TGM Bogotà cũng nói đến những cuộc tấn công chết chóc từ lâu vây bủa Colombia.

Như thói quen, ĐTC đã tặng cho Nhà thờ chính tòa tổng giáo phận Bogotà một chén lễ quí giá.

Và khi ngài từ công viên Simon Bolivar về Tòa Sứ thần Tòa Thánh cách đó 6 cây số, dọc đường cũng có rất đông các tín hữu đứng hai bên đường để chào đón ngài, trong khi đó thành phố cho bắn pháo bông để chào mừng cuộc viếng thăm của ĐTC. Trước Tòa Sứ Thần, ngài đã chào thăm một nhóm các trẻ em, người già và cả những người khuyết tật.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ Colombia

Đức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ Colombia

BOGOTA. Sáng ngày 7-9-2017, ĐTC Phanxico đã viếng nhà thờ chính tòa thủ đô Bogotà và chào thăm 22 ngàn bạn trẻ Colombia.  

Khi gần đến nhà thờ chính tòa, ĐTC đã được ông đô trưởng thành Bogotà trao tặng chìa khóa của thành phố, rồi ngài đi bộ vào thăm nhà thờ.

Thánh đường hùng vĩ này được xây ngay tại nơi trước kia là một nhà thờ bằng rơm. Nhà thờ hiện nay được khởi công xây cất cách đây 217 năm (1807) và hoàn tất 16 năm sau đó. Tại đây có di hài của ông Jonzalo Jiménez de Quesada, người đã sáng lập thành Bogotà.

Trước ngưỡng cửa nhà thờ chính tòa dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm, ĐTC đã được ĐHY TGM sở tại, Rubén Salazar Gómez, cùng với kinh sĩ đoàn đón tiếp. ĐHY là Chủ chăn của gần 3 triệu 900 ngàn tín hữu Công Giáo, thuộc 280 giáo xứ.

Sau khi hôn kính hài cốt thánh nữ Elisabet Hoàng hậu Hungari, ĐTC tiến đến bàn thờ trên đó có đặt ảnh Đức Mẹ Chiquinquirà, Bổn mạng Colombia, được đưa về đây từ Đền Thánh do các cha dòng Đa Minh coi sóc, nhân cuộc viếng thăm của ĐTC.

Hiện diện trong Nhà thờ chính tòa lúc ấy có tới 3 ngàn tín hữu. ĐTC đã quì cầu nguyện trong thinh lặng trước ảnh Đức Mẹ, rồi cộng đoàn đọc kinh cầu Đức Mẹ, và ngài dâng kính ảnh Đức Mẹ một bông hoa hồng.

 

Sau nghi thức trên đây, ĐTC tiến vào nhà nguyện bên cạnh để chào thăm từng người trong ban tổ chức cuộc viếng thăm của ngài ở địa phương, rồi sang tòa TGM ở bên cạnh, quen gọi là dinh Hồng Y, để lên bao lơn chào thăm và ban phép lành cho khoảng 22 ngàn bạn trẻ từ nhiều nơi tụ tập tại quảng trường Bolivar bên dưới.

Huấn dụ của ĐTC

ĐTC nhắn nhủ các bạn trẻ hãy giữ cho niềm vui của mình được sinh động, đó là dấu chỉ một tâm hồn trẻ trung, đã gặp Chúa. Không ai có thể tước mất niềm vui đó của các con (Xc Ga 16,22).

”Các con đừng để cho mình bị cướp mất niềm vui đó, hãy chăm sóc niềm vui ấy, niềm vui liên kết mọi sự, vì biết rằng mình được Chúa yêu thương. Ngọn lửa tình thương làm cho niềm vui này được trào dâng và đủ để đốt cháy cả thế giới.. Các con đừng sợ tương lai! Hãy dám mơ ước những điều cao cả. Ngày hôm nay cha muốn mời gọi các con hãy có giấc mơ lớn lao như vậy”.

ĐTC cũng nhận xét rằng: ”Những người trẻ các con có một sự nhạy cảm đặc biệt trong việc nhận ra sự đau khổ của người khác; các công việc thiện nguyện trên toàn thế giới được nuôi dưỡng nhờ hàng ngàn những người trẻ như các con, có khả năng dành thời gian, từ bỏ cuộc sống tiện nghi thoải mái, những dự phóng qui hướng về mình, để cho mình được xúc động trước những nhu cầu của những người mong manh yếu đuối nhất và tận tụy săn sóc họ. Nhưng cũng có thể là các con sinh ra trong những môi trường trong đó chết chóc, đau khổ, chia rẽ đã thấu nhập xâu đến độ làm cho các con cảm thấy buồn nôn, và như bị tê liệt không còn nhạy cảm nữa: các con hãy để cho mình bị đau khổ của các đồng bào Colombia đánh động và động viên. Và các con hãy giúp đỡ những người lớn tuổi đừng quen với đau khổ và sự bỏ rơi.

Và hỡi các con là những người trẻ nam nữ, đang sống trong những môi trường phức tạop, với những thực tại khác nhau và tình trạng gia đình khác biệt nhất, các con quen nhìn thấy rằng không phải mọi sự là trắng hay đen, cuộc sống thường nhật được giải quyết trong một loạt những sắc thái xám khác nhau, và điều này làm cho các con có nguy cơ rơi vào bầu không khí duy tương đối, gạt sang một bên tiềm năng của người trẻ trong việc hiểu đau khổ của những người đã đau khổ. Các con không những có khả năng phán đoán, nêu rõ những sai lầm, nhưng còn có khả năng đẹp đẽ và xây dựng, đó là khả năng thông cảm. Hiểu rằng đằng sau một sai lầm, có vô số các lý do, làm giảm trách nhiệm. Colombia rất cần các con để đặt mình trong hoàn cảnh của nhiều thế hệ không có thể hoặc không biết làm như vậy, và không tìm được phương thức đúng để cảm thông!

Sau cùng ĐTC khích lệ các bạn trẻ hãy dấn thân trong việc canh tân xã hội, để xã hội trở nên công chính, vững bền và phong phú.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha kêu gọi các GM Colombia đẩy mạnh hòa giải

Đức Thánh Cha kêu gọi các GM Colombia đẩy mạnh hòa giải

BOGOTÀ. Trong cuộc gặp gỡ 130 vị thuộc HĐGM Colombia, ĐTC khích lệ các GM đẩy mạnh tiến trình hòa giải và tha thứ tại nước này, gia tăng hiệp nhất và quan tâm tới người da đen, bảo vệ vùng Amazzonia.

Cuộc gặp gỡ các vị chủ chăn của 78 giáo phận ở Colombia diễn ra lúc quá 11 giờ trưa tại dinh Hồng Y, cạnh nhà thờ chính tòa Bogotà.

Trong lời chào mừng ĐTC, ĐHY Rubén nói rằng: ”Đất nước chúng con đang chiến đấu để để lại đằng sau một lịch sử bạo lực, gieo chết chóc trong mấy thập niên qua, nhưng tiến trình xây dựng hòa bình cũng đã trở thành một nguồn sinh ra những lập trường chính trị cực đoan, hằng ngày gieo rắc chia rẽ, xung đột và gây hoang mang lạc hướng cho nhiều ngừơi. Chúng con là một quốc gia mang đậm những chênh lệch và bất công, đòi phải có những thay đổi sâu rộng trong mọi lãnh vực xã hội, nhưng dường như nhân dân đất nước chúng con không muốn trả giá cần thiết để đạt tới những điều đó”.

Tiếp lời ĐHY, cả Đức Cha Óscar Urbina Ortega, Chủ tịch HĐGM Colombia và cũng là TGM giáo phận Villavicencio, nhân danh các GM chào mừng ĐTC.

Huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ dài 9 trang, ĐTC lần lượt đề cập đến nhiều khía cạnh của Colombia. Ngài trưng dẫn lời một tác giả nổi danh của nước này, Ông Gabriel Garcia Marquez, nói rằng “Bắt đầu một cuộc chiến tranh thì dễ dàng hơn là chấm dứt nó”, và để được như vậy, Colombia cũng cần những Giám Mục là những mục tử, chứ không phải là chính trị gia.

ĐTC cảnh giác các GM và LM đừng can dự vào những cuộc tranh luận nảy lửa giữa các đảng phái về chính trị. Cần phải chống lại cám dỗ ấy. Đất nước này đang cần những mục tử, cần các thừa tác viên biết tường tận những vết thương và cần kinh nghiệm chữa lành và tha thứ. Colombia đang cần anh em để cho thấy khuôn mặt đích thực của đất nước, đầy hy vọng mặc dù có những bất toàn. Colombia đang cần sự giúp đỡ của Giáo Hội, để có thể dấn thân vào sự tha thứ cho nhau, mặc dù các vết thương chưa bình phục. Vì thế cần đi vào một con đường khác, dù rằng sức mạnh của thói quen tạo nên những sai lầm.

Trong bối cảnh trên đây, ĐTC nhấn mạnh rằng Giáo Hội không cần những ân huệ đặc biệt từ phía các chính trị gia, Giáo Hội chỉ cần tự do để lên tiếng và phục vụ. Ngài nhấn mạnh thêm rằng Giáo hội cũng cần có sự hiệp nhất, đoàn kết nội bộ. Vì thế, anh em hãy tiếp tục tìm kiếm sự hiệp thông với nhau, đừng bao giờ mệt mọi trong việc kiến tạo tình hiệp thông ấy, qua cuộc đối thoại chân thành và huynh đệ, tránh những kế hoạch kín đáo như tránh tai ương.

ĐTC cho biết ngài không có công thức và không để lại một ”danh sách các bài tập” cần làm, nhưng ngài xin các GM Colombia hai điều: một là quan tâm nhiều hơn tới những người gốc Phi châu trong số các tin hữu của anh em, hai là chứng tỏ nhiều hơn mối quan tâm của Giáo Hội đối với vùng Amazzonia ở miền nam Colombia. Vùng này giữ một vai trò thiết yếu trong đặc tính khác biệt nhau về sinh vật và cây cối của Colombia. Hãy bảo vệ vùng này như một trắc nghiệm chứng tỏ xã hội chúng ta có khả năng bảo tồn những gì mình đã nhận lãnh hay không, đứng trước một xã hội quá nhiều khi trở thành nạn nhân của chủ nghĩa duy vật và duy thực tiễn.

Sau bài diễn văn, ĐTC đã lần lượt bắt tay chào tất cả 130 GM hiện diện, rồi lên xe mui trần trở về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó hơn 6 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha gặp Ban chấp hành Liên HĐGM Mỹ la tinh

Đức Thánh Cha gặp Ban chấp hành Liên HĐGM Mỹ la tinh

BOGOTÀ. Lúc 3 giờ chiều ngày thứ năm 7-9-2017, tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Bogotà, ĐTC đã gặp gỡ Liên HĐGM Mỹ châu la tinh gọi tắt là Celam, gồm 62 GM thành viên của tổ chức này, trong đó có 5 vị thuộc đoàn chủ tịch, 35 GM chủ tịch các Ủy ban và 22 vị Tổng thư ký của 22 HĐGM ở Nam Mỹ.

Trong cuộc gặp gỡ, sau lời chào mừng của ĐHY Rubén Salazar, ĐTC nói:

”Tôi cám vì nỗ lực biến Hội đồng GM đại lục này thành một ngôi nhà phục vụ sự hiệp thông và sứ mệnh của Giáo Hội taị Châu Mỹ Latinh, một trung tâm đẩy mạnh ý thức là môn đệ thừa sai và một điểm tham chiếu sinh động cho sự hiểu biết và đào sâu ”tính công giáo của Mỹ châu Latinh”.

Tiếp đến ĐTC đặc biệt đề cập tới tính cách cụ thể của việc rao truyền Tin Mừng và khẳng định rằng:

”Đi ra, khởi hành với Chúa Giêsu là điều kiện của thực tại cụ thể này. Phúc Âm nói tới Chúa Giêsu từ Thiên Chúa Cha đi ra, cùng các môn đệ rong ruổi trên các cánh đồng và làng mạc vùng Galilea. Đây không phải là một lộ trình vô ích của Chúa. Trong khi Ngài đi, Chúa gặp gỡ, trong khi gặp gỡ Ngài đến gần, trong khi đến gần Ngài nói, trong khi nói Ngài đụng vào với quyền năng của Ngài, khi đụng vào, Ngài chữa lành và cứu thoát. Dẫn về với Thiên Chúa Cha những người Ngài gặp gỡ là mục đích việc đi ra thường hằng của Ngài. Giáo Hội cần phải chiếm lại được các động từ mà Ngôi Lời của Thiên Chúa chia trong sứ mệnh của Ngài. Đi ra để gặp gỡ, chứ không đi qua, cúi xuống không lơ là, sờ mó không sợ hãi.. Cần phải hướng tới con người trong hoàn cảnh cụ thể của nó. Chúng ta không thể cất đi cái nhìn khỏi họ. Sứ mệnh được hiện thực trong kiểu thân thể sát nhau.

Trong hiện tình châu Mỹ Latinh Giáo Hội phải là bí tích của sự hiệp nhất. Giáo Hội tôn trọng gương mặt đa diện của đại lục này là sự phong phú. Giáo Hội cần tiếp tục phục vụ thiện ích đích thật của con người mỹ latinh. Phải không mệt mỏi làm việc để xây các cây cầu, đạp đổ các bức tường phân cách, hội nhập sự khác biệt, thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ và dối thoại, giáo dục tha thứ và hoà giải, ý thức công bằng, khước từ bạo lực và can đảm xây dựng hoà bình. Gương mặt đích thật của châu Mỹ Latinh là gương mặt lai giống, gương mặt my latinh. Tôn giáo bình dân là phần đặc thái nhân chủng và là ơn Thiên Chúa muốn cho dân chúng biết Ngài. Các trang lịch sử sáng ngời nhất của Giáo Hội chúng ta đã được viết ra khi chúng ta biết nuôi dưỡng sự phong phú này, nói với con tim kín ẩn đập nhịp giữ gìn như một ngọn lửa sáng dưới tro, ý thức về Thiên Chúa và sự siêu việt của Ngài, tính cách thánh thiêng của sự sống, việc tôn trọng thụ tạo, các mối dây liên đới, niềm vui sống, khả năng hạnh phúc vô điều kiện.

Giáo Hội Mỹ Latinh cũng có khả năng là bí tích của niềm hy vọng, không than van. Dân tộc của chúng ta đã học biết rằng không có thất vọng nào có thể bẻ gẫy nó. Giáo Hội cần canh thức và cụ thể hoá niềm hy vọng ấy.

Niềm hy vọng tại Mỹ Latinh có gương mặt trẻ trung. Anh em đừng để mình bị lôi kéo bởi các hình hý họa coi giới trẻ chỉ chỉ là nạn nhân của ma tuý và bạo lực. Họ không sẵn sàng lập lại quá khứ đâu. Hãy rộng mở các khoảng không cho họ trong các giáo đoàn đuợc giao phó cho anh em, hãy đầu tư thời giờ và tài nguyên cho việc đào tạo họ và xin họ tận dụng các tiềm năng của họ để thành người.

Niềm hy vọng của Mỹ Latinh cũng có gương mặt của nữ giới. Nữ giới có một vai trò quan trọng trong đại lục mỹ latinh. Chính từ môi miệng của họ mà chúng ta đã học đức tin, chính từ sữa lòng họ mà linh hồn chúng ta có các nét lai giống. Tôi nghĩ tới các bà mẹ thổ dân, các bà mẹ của các thành thị với ba vòng làm việc, tôi nghĩ tới các bà nội bà ngoại giáo lý viên, tôi nghĩ tới các nữ tu và các phụ nữ kín ẩn tạo dựng thiện ích. Không có nữ giới Giáo Họi của lục địa sẽ mất đi sức mạnh liên tục tái sinh. Chính các phụ nữ với lòng kiên nhẫn tỉ mỉ thắp sáng lên và tái thắp sáng lên ngọn lửa đức tin. Thật là một bổn phận nghiêm chỉnh hiểu biết, tôn trọng, đánh giá cao thăng tiến sức mạnh giáo hội và xã hội của những gì nữ giới thực hiện trong xã hội và trong Giáo Hội.

Sau cùng niềm hy vọng của châu Mỹ Latinh đi ngang qua con tim, trí khôn và các cánh tay xây dựng của các anh chị em giáo dân.

Cần phải vượt thắng tâm thức duy giáo sĩ. Tuy đã có vài bước tiến nhưng các thách đố lớn của châu Mỹ Latinh vẫn còn ở trên bàn và tiếp tục chờ đợi việc thực thi thanh thản, có trách nhiệm, chuyên môn, nhìn xa thấy rộng, khúc chiết rõ ràng và ý thức đối với giáo dân Kitô, ý thức góp phần vào các tiến trình phát triển nhân bản đích thực, củng cố nền dân chủ chính trị và xã hội, vượt thắng cấu trúc nghèo đói triền miên, xây dựng sự thịnh vượng dựa trên các cải tổ lâu dài có khả năng bảo vệ thiện ích xã hội, thắng vượt các bất bình đẳng và cứu vãn sự ổn định, đề ra các mô thức phát triển kinh tế có thể thực hiện được tôn trọng thiên nhiên và tương lại đích thật của con người. Ý thức về niềm hy vọng này phải luôn luôn biết nhìn thực tại với đôi mắt của dân nghèo và bắt đầu từ tình trạng sống của người nghèo. Nếu chúng ta muốn phục vụ châu Mỹ Ltinh như tổ chức CELAM, thì cần phải làm nó với sự đam mê. Ngày nay cần có đam mê hơn bao giờ hết.

Linh Tiến Khải + Trần Đức Anh OP

 

Giáo Hội và đất nước Colombia

Giáo Hội và đất nước Colombia

Thứ tư mùng 6 tháng 9 ĐTC Phanxicô đã lên đường viếng thăm mục vụ Colombia cho tới ngày 11 tới đây.  Ngài là vị Giáo Hoàng thứ ba viếng thăm mục vụ Colombia.

Trong sứ điệp Video gửi nhân dân Colombia nhân chuyến viếng thăm này ĐTC Phanxicô khẳng định rằng ngài đến Colombia như người hành hương hy vọng và hoà bình, để cùng họ cử hành niềm tin nơi Chúa và cũng để học nơi lòng bác ái và sự kiên trì của họ trong nỗ lực tìm kiếm hoà bình và hoà hợp.

ĐTC cám ơn tổng thống và HĐGM Colombia đã mời ngài viếng thăm nhân dân và đất nước này. Ngài cũng cám ơn từng người dân Colombia tiếp đón ngài trong con tim và tất cả những ai đã làm việc nhiều để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này.

Nhắc lại khẩu hiệu của chuyến công du là “Chúng ta hãy đi bước đầu tiên” ĐTC nói nó nhắc nhở cho mọi người biết rằng cần luôn luôn đi bước đầu tiên cho bất cứ sinh hoạt và dự án nào. Nó cũng thúc đẩy chúng ta hãy là những người đầu tiên yêu thương, xây dưng các cây cầu và tạo dựng tình huynh đệ.  Đi bước đầu tiên khích lệ chúng ta đi ra để gặp gỡ tha nhân, giang tay ra cho họ, và trao đổi dấu chỉ hoà bình. Hoà bình là điều Colombia đang tìm kiếm và làm việc từ bao lâu nay để đạt được nó. Một nền hoà bình ổn định, lâu dài để chúng ta có thể nhìn nhau và đối xử với nhau như anh em, chứ không phải như kẻ thù. Hoà bình nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta tất cả đều là con cái của cùng một Cha, là Đấng yêu thương chúng ta và an ủi chúng ta. Tôi hân hạnh viếng thăm vùng đất giầu lịch sử, văn hoá, đức tin, các người nam nữ đã cương quyết và kiên trì làm việc để khiến cho nó trở thành một nơi, trong đó ngự trị sự hoà hợp và tình huynh đệ, trong đó Tin Mừng được nhận biết và yêu mến, trong đó nói anh chị em không phải là một dấu chỉ xa lạ nhưng một kho tàng đích thực cần che chở và bênh vực. Thế giới ngày nay cần có các cố vấn của hoà bình và đối thoại. Cả Giáo Hội cũng được mời gọi cho nhiệm vụ này, để thăng tiến sự hoà giải với Chúa và với các anh em, nhưng cũng hoà giải với môi sinh, là một công trình tạo dựng của Thiên Chúa mà chúng ta đang khai thác một cách rừng rú.

Ước chi chuyến viếng thăm này giống như một vòng tay ôm huynh đệ cho từng người trong anh chị em, và ước chi anh chị em cảm nhận được sự ủi an và hiền dịu của Chúa.

Anh chị em Colombia thân mến, tôi ước mong sống các ngày này với anh chị em với tâm hồn tươi vui, với lòng biết ơn Chúa. Tôi ôm anh chị em trong vòng tay với lòng trìu mến, và tôi xin Chúa chúc lành cho anh chị em, che chở đất nước của anh chị em và ban hoà bình cho nó. Và tôi xin Mẹ chúng ta là Trinh Nữ Thánh lo lắng cho anh chị em. Và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi.

** Như đã nói, ĐTC Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ ba viếng thăm Colombia. Vị đầu tiên là ĐGH Phaolo VI công du Colombia trong các ngày tử 22 tới 25 tháng 8 năm 1968. Đã có nhiều biến cố,trong đó ngoài các cuộc gặp gỡ theo nghi thức, đáng ghi nhớ là lễ truyền chức cho 200 Linh mục và Phó tế, thánh lễ cho nông dân, khánh thành Hội nghị khoáng đại của Liên HĐGM châu Mỹ Latinh CELAM và làm phép trụ sở CELAM. Ngoài ra Đức Phaolô VI cũng đã gặp gỡ các vị đại diện các Giáo Hội Kitô và cộng đoàn Do thái.

Vị thứ hai là ĐGH Gioan Phaolô II công du Colombia trong các ngày từ mùng 1 tới mùng 8 tháng 7 năm  1986. Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm các thành phố Bogota, Chiquinquirá, Cali, Tumaco, Popayan, Pereira, Chinchiná, Medellin, Armero, Lerida, Bucaramanga, Cartegena và Barranquilla. Đã có khoảng 30 biến cố trong đó có lễ nghi thánh hiến dân nước Colombia cho Đức Mẹ, các cuộc gặp gỡ với dân nghèo các khu xóm ổ chuột tại Bogota và Medellin, với Hội nghị các tu sĩ châu Mỹ Latinh, với các Giám Mục Liên HĐGM châu Mỹ Latinh CELAM, với các thổ dân, viếng mộ thánh Pietro Claver và sứ điệp gửi các tù nhân toàn nước qua Radio.

Vị  Giáo Hoàng thứ ba thăm Colombia  là ĐTC Phanxicô. Trong ngày đầu ĐTC sẽ gặp gỡ các giới chức lãnh đạo chính trị xã hội và HĐGM Colombia cũng như Ban thường vụ của Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh gọi tắt là CELAM, rồi chủ sự Thánh Lễ cho tín hữu tại Công viên Simon Bolivar trong thủ đô Bogotá.

Thứ sáu mùng 8 ĐTC sẽ viếng thăm tổng giáo phận Villavicencio cách thủ đô Bogotà 94 cây số và chủ sự Thánh Lễ phong Chân Phước cho hai vị Tôi tớ Chúa là Jesus Emilio Jaramillo Monsalve, GM Arauca, và Pedro Maria Ramirez Ramos, linh mục giáo phận tại khu đất trống Catama bên ngoài thành phố Villavicencio. Vào ban chiều ĐTC sẽ chủ toạ cuộc gặp gỡ hoà giải quốc gia  và kính viếng Thánh Giá Hoà Giải tại công viên các vị lập quốc, nơi có bảng tổng kết số các nạn nhân bị bắt cóc, bị sát hại hay chết vì mìn chống người trong cuộc nội chiến dài từ năm 1964 tới năm 2016.

Thứ bẩy mùng 9 ĐTC sẽ đi thăm tổng giáo  phận Medellin cách thủ đô Bogotà 215 cây số, và sẽ chủ sự Thánh Lễ cho tín hữu tại phi trường Enrique Olaya Herrera. Ban chiều ngài sẽ thăm các trẻ em tàn tật tại nhà gia đình Hogar San Jose truớc khi đến trung tâm Macarena để gặp gỡ các linh mục tu sĩ nam nữ, chủng sinh  và các gia đình của họ.

Chúa Nhật ĐTC sẽ viếng thăm tổng giáo phận Cartagena, làm phép các viên đá xây nhà cho người không nhà và trung tâm Talita Kum lo cho các nạn nhân nạn buôn người. Buổi trưa ĐTC đọc kinh Truyền Tin gần nhà thờ thánh Pietro Claver thăm đền thánh. Vào ban chiều ngài chủ sự Thánh Lễ cho tín hữu trong khu vực hải cảng Contecar, trước khi từ giã Colombia để về Roma.

** Colombia rộng hơn 1 triệu 130 ngàn cây số vuông có hơn 48 triệu dân, 93.9% theo công giáo. Giáo Hội có 78 giáo phận, 4,397 giáo xứ và 2,769 trung tâm mục vụ. Nhân lực của Giáo Hội gồm 128 Giám Mục, 7,236 Linh Mục giáo phận, 2,324 linh mục dòng, 593 Phó tế  vĩnh viễn, 3,416 đại chủng sinh, 1,058 tu huynh, 13,874 nữ tu, 369 thành viên các tu hội đời, 33,358 thừa sai giáo dân, 55.376 giáo lý viên. Tính bình quân mỗi linh mục phải trông coi khoảng hơn 4,700 giáo dân. Giáo Hội cũng có 4.167 trung tâm giáo dục tổng cộng có  gần 1.7 triệu học sinh sinh viên. Ngoài ra Giáo Hội cũng điểu khiển 1,762 trung tâm bác ái xã hội.

Trước khi người Tây Ban Nha tới đô hộ, Colombia là vùng đất của thổ dân Muisca chuyên sống về nghề nông. Người thám hiểm Tây Ban Nha đầu tiên đặt chân lên đất Colombia năm 1499 là ông Alonso de Ojeda. Thành phố đầu tiên được thành lập năm 1525 là Santa Marta. Tiếp theo đó là thành phố Cartagena năm 1533 và Santa Fe de Bogotà năm 1538.

Sau khi người Muisca bị thua trận vùng này được gọi là Vương quốc mới của Granada và tuỳ thuộc phó vương quốc Peru bao gồm nước Colombia hiện nay, Venezuela, Ecuador và Panamá. Trong các năm 1717-1739 Phó vương quốc Granada được thành lập, tách rời khỏi Phó vương quốc Perù.  Năm 1781 xảy ra cuộc nổi loạn đầu tiên chống người Tây Ban Nha tại miền bắc  Colombia, nhưng bị đàn áp đẫm máu. Tháng 8 năm 1819 người Tây Ban Nha thua trận tại Boyacá. Tháng 12 cùng năm Simón Bolivar anh hùng của nền độc lập tiến vào Bogota và thành lập cộng hoà Colombia vĩ đại. Nhưng tên gọi và cấu trúc như hiện nay đã chỉ có từ năm 1886.

Cuộc sống chính trị tại Colombia đã bị ghi dấu từ lâu đời bởi sự đụng độ giữa phe cấp tiến và phe bảo thủ và từ thập niên 1960 Colombia đã lâm cảnh nội chiến giữa các lực lượng vũ trang cách mạng Colombia viết tắt là FARC và Quân đội giải phóng quốc gia viết tắt là ELN. Thêm vào đó còn có các nhóm dân quân cực hữu thuộc lực lượng Tự vệ thống nhất Colombia viết tắt là AUC, bị giải tán sau các thoả hiệp với chính quyền năm 2005.

Ngày 23 tháng 6 năm 2016 sau gần 4 năm thương thuyết và sau các thất bại hồi thập niên 1980 và 1990 thoả hiệp hoà bình đã được ký kết tại La Habana thủ đô Cuba, chấm dứt 52 năm nội chiến giữa quân đội chính phủ và lực lượng FARC.

Linh Tiến Khải

 

Đức Thánh Cha đến Colombia khởi đầu chuyến viếng thăm 5 ngày

Đức Thánh Cha đến Colombia khởi đầu chuyến viếng thăm 5 ngày

BOGOTÀ. Chiều thứ tư, 6-9-2017, ĐTC Phanxicô đã đến Bogotà, thủ đô Colombia, để viếng thăm nước này trong 5 ngày, khích lệ mọi thành phần dân chúng trong tiến trình hòa bình và hòa giải sau 53 năm nội chiến.

Bối cảnh hòa bình mong manh

1. Thực vậy, 2 ngày trước khi ĐTC lên đường, hôm 4-9, đã có một biến cố lịch sử đối với đối với Colombia: đó là chính phủ nước này đã ký hiệp định ngưng bắn song phương với nhóm phiến quân ”Quân đội giải phóng quốc gia”, gọi tắt là ELN. Hiệp định được ký tại Quito, thủ đô Ecuador, sau 7 tháng thương thuyết tại đây, và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-10 tới đây.

Lực lượng ELN được thành lập năm 1964 sau cuộc nổi dậy của giới nông dân và hiện còn ít nhất 1.500 chiến binh. Trong số những người theo lực lượng này bấy giờ cũng có hàng trăm LM, tu huynh và nữ tu, họ theo chủ nghĩa mác xít, say mê Cuba của Fidel Castro, nhưng dị ứng đối với giáo điều của Xô Viết.

Tổng thống Santos của Colombia cho biết Hiệp định ngưng bắn có tính chất tạm thời, cho đến ngày 12-1 năm tới, 2018, và có thể được gia hạn khi cuộc hòa đảm giữa hai bên được tiếp tục.

Tổng thống Santos đòi lực lượng ELN phải nhưng các vụ bắt cóc, các hoạt động khủng bố chống các cơ cấu hạ tầng dầu hỏa, ngưng sử dụng mìn chống người và chấm dứt việc tuyển mộ các trẻ vị thành niên.

2. 9 tháng trước khi ký hiệp định với nhóm du kích ELN, tức là hồi tháng 11 năm 2016, chính phủ Colombia đã ký hiệp định hòa bình với một tổ chức du kích đông đảo hơn, tên là FARC, lực lượng võ trang cách mạng Colombia, và chính thức kết thúc 53 năm xung đột võ trang làm cho hơn 250 ngàn người chết. Hành trình hậu chiến là một con đường cam go và còn rất nhiều khó khăn. Vì thế với chủ đề ”Chúng ta đi bước đầu”, cuộc viếng thăm của ĐTC muốn góp phần đẩy mạnh tiến trình hòa giải quốc gia Colombia.

Mặc dù đã có những hiệp định ngưng bắn và hòa bình được ký kết giữa chính phủ và hai nhóm phiến quân ở Colombia, nhưng thách đố hòa bình và hòa giải vẫn còn ở mức độ rất lớn. Nhiều người Colombia, kể cả các tín hữu Công Giáo và những người có khuynh hướng bảo thủ, chống lại ý tưởng các cựu du kích quân mác xít, đã từng gây ra bao nhiêu tội ác, nay được giảm án và thậm chí có thể tham gia chính trị như một đảng phái. Cả những người bị các nhóm bán quân sự cực hữu bách hại cũng lên tiếng bày tỏ lập trường tương tự.

Dân nước Colombia vẫn còn chia rẽ nhau về các hiệp định hòa bình và hiệp định ngưng bắn đã ký kết, và các GM Colombia đứng ở giữa lằn ranh giữa hai lập trường, đồng thời khuyến khích các giáo dân lên tiếng bày tỏ lập trường. Nhiều tín hữu Công giáo bảo thủ, cùng với những người Tin Lành, lập luận rằng, những hiệp định vừa nói có cả những điều khoản có hại cho gia trình truyền thống, điều mà những người ủng hộ hiệp định hòa bình phủ nhận.

Trong bối cảnh đó, Đức Ông Hector Fabio Henao, Giám đốc Caritas Colombia, nói với giới báo chí: ”Chúng tôi mong đợi ĐGH mang lại nhiều hy vọng. ĐTC đến đây giữa lúc vấn đề hòa giải là một thánh đố lớn nhất. Chúng tôi hy vọng sứ điệp của ngài đánh động tâm hồn của những người đã chịu đau khổ vì cuộc xung đột tại đây”.

Khẩu hiệu cuộc viếng thăm của ĐTC tại Colombia là ”Chúng ta hãy đi bước đầu”. Đức Cha Juan Carlos Cardenas Toro, GM phụ tá tổng giáo phận Cali, giải thích rằng ”Bước đầu này của ĐGH, bước ra khỏi máy bay để đến gần hơn với dân nước Colombia chịu đau khổ là điều mở ra cánh cửa hy vọng cho chúng tôi”.

Lên đường

Sáng thứ tư vừa qua, ĐTC đã rời nhà trọ Thánh Marta để ra phi trường Fiumicino đáp máy bay đi Colombia.

Chiếc Airbus A330 của hãng Alitalia chở ĐTC, đoàn tùy tùng và hơn 70 ký giả quốc tế cất cánh lúc quá 11 giờ sáng và trực chỉ thủ đô Bogotà của Colombia.

Trên máy bay, ĐTC đã chào thăm các ký giả đồng hành và nói với họ: ”Đây là chuyến công du hơi đặc biệt, một chuyến du hành để giúp Colombia tiếp tục tiến bước trên con đường hòa bình. Tôi xin anh chị em một lời cầu nguyện cho ý chỉ đó trong cuộc hành trình này. Cám ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em sẽ làm.. Tôi cũng muốn nói rằng chúng ta sẽ bay ngang không phận của Venezuela, tôi xin anh chị em cũng cầu nguyện cho nước này để cuộc đối thoại có thể thực hiện được, để Venezuela tìm lại được một sự ổn định tốt đẹp nhờ đối thoại với tất cả mọi người”.

Khi bay ngang không phận của Venezuela, ĐTC cho gửi điện nồng nhiệt chào mừng tổng thống Nicolás Maduro và nhân dân nước này. Ngài viết: ”Tôi cầu nguyện để mọi người dân ở Venezuela có thể thăng tiến con đường liên đới, công lý và hòa hợp, và tôi khẩn cầu ơn an bình trên tất cả anh chị em”.

Tiếp đón

Sau 12 tiếng rưỡi đồng hồ bay, máy bay chở ĐTC và đoàn đồng hành đã đáp xuống căn cứ không quân Catam thuộc phi trường thủ đô Bogotà vào lúc gần 4 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. Giờ Bogotà đi sau giờ Roma 7 tiếng đồng hồ.

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được Tổng thống Juan Manuel Santos, cùng với phu nhân Maria Clemencia Rodriguez Munera nồng nhiệt tiếp đón, và hai em bé trong y phục cổ truyền đã tặng hoa cho ngài.

Hiện diện tại sân bay cũng có một số quan chức chính quyền dân sự và vài GM Colombia, cùng với đại diện các nhóm phiến quân Lực lượng võ trang cách mạng Colombia (FARC) và Quân đội giải phóng quốc gia (ELN), sau cùng là 1 ngàn tín hữu, trong đó có một số chiến binh bị thương trong khi thi hành nghĩa vụ.

Như một cử chỉ cổ võ hòa bình và hòa giải, một thiếu niên tên là Emmanuel Rojas, đã trao cho ĐTC tượng một con chim bồ câu. Em sinh ra trong một trại du kích quân, mẹ em là bà Clara Rojas, một nhà chính trị Colombia bị phiến quân bắt cóc hồi năm 2002 và chỉ được trả tự do sau 6 năm bị giam giữ.

Nghi thức tiếp đón thật đơn sơ với phần giới thiệu thành phần của hai phái đoàn: chính phủ và Tòa Thánh, rồi ĐTC dùng xe mui trần đi về tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở trung tâm thủ đô.

Dọc đường suốt 15 cây số, hàng trăm ngàn người đã đứng hai bên để đón chào ĐTC. Càng gần Tòa Sứ thần Tòa Thánh, dân chúng càng đông, và tràn ra đường, khiến các nhân viên an ninh lo lắng. Đại sứ quán của Tòa Thánh tọa lạc ở khu vực Teusaquilo, nơi có trụ sở của nhiều bộ cũng như của Đại học Công Giáo và Viện quốc gia Colombia Truyền thanh và truyền hình. Đây là một trong những khu vực đông dân cư nhất ở thủ đô Bogotà. ĐTC qua 4 đêm tại đây trong những ngày viếng thăm, nên các giới chức liên hệ của chính quyền đã thiết lập 3 vòng đai an ninh, với 633 cảnh sát viên được bố trí.

Khi đến tòa sứ thần vào khoảng 6 giờ chiều giờ địa phương, ĐTC đã được một nhóm gần 1 ngàn tín hữu nồng nhiệt tiếp đón với những bài ca và điệu vũ truyền thống.

Phần lớn những người trẻ hiện diện là những người theo một chương trình cai nghiện ma túy thuộc Trung tâm bảo vệ trẻ em và người trẻ, gọi tắt là Idipron. ĐTC đã được đại diện các bạn trẻ trao tặng chiếc áo ruana màu trắng, một tấm áo poncho hai mảnh do các bạn trẻ ở Trung Tâm Idipron dệt. Ngoài ra cũng có một nhóm thuộc ”các gia đình lòng thương xót”, một hội gồm các giáo dân và linh mục chuyên hoạt động để giúp đỡ những người túng thiếu nhất.

Ứng khẩu trong dịp này, ngài nói với những người trẻ: ”Các con hãy tiếp tục tiến bước. Đừng để mình bị bị đánh bại, bị lường gạt, đừng đánh mất niềm vui, niềm hy vọng và nụ cười. Cả những trẻ em cũng có thể trở thành anh hùng”. Trước khi kết thúc, ĐTC mời gọi mọi người đọc kinh Kính Mừng và ban phép lành cho tất cả.

Vào đến nhà nguyện bên trong, ĐTC đã dâng hoa kính Đức Mẹ trước sự hiện diện của các nhân viên của tòa Sứ Thần.

G. Trần Đức Anh OP

Tòa tổng giám mục Torino cung cấp chỗ ăn cho người nghèo

Tòa tổng giám mục Torino cung cấp chỗ ăn cho người nghèo

Torino – Trang web của giáo phận Torino đã đưa tin: Đức tổng giám mục  Nosiglia của Torino đã quyết định mở cửa tòa tổng giám mục để một số người nghèo có chỗ ăn trong thời gian nhà ăn Cottolengo dành cho họ phải đóng cửa.

Từ trưa thứ hai, 04/09/2017, nhà ăn của người nghèo ở Cottolengo phải đóng cửa, ít là trong vòng 8 tuần, để thực hiện một số tu sửa khẩn cấp. Trung bình nhà ăn Cottolengo phục vụ cho 500 khách mỗi ngày, từ thứ 2 đến thứ 7, với 160 ngàn phần ăn hoàn toàn miễn phí mỗi năm. Để đảm bảo cho khoảng 300 thực khách thường xuyên đến nhà ăn này, là những người không thể tìm được nơi ăn tạm trong thời gian nhà ăn đóng cửa, ủy ban bác ái của giáo phận Torino đã cùng với tổng giáo phận và một số tổ chức đã sắp xếp để cho những người nghèo có chỗ ăn uống.

Đức tổng Cesare Nosiglia đã cho phép sử dụng một khu vực ở trong chính tòa giám mục để cung cấp chỗ ăn cho 51 người. Dịch vụ nhà ăn được bảo đảm miễn phí bởi các tình nguyện viên bằng cách tăng số giờ mở cửa. Thức ăn được một công ty ở Torino nấu sẵn, gồm có các món phụ và món chính khác nhau, bánh mì và nước.

Đối với tổng giáo phận Torino, đây cũng là cơ hội để cải thiện các hoạt động của các nhà ăn. Bên cạnh đó, nhờ sự trung gian của ủy ban bác ái giáo phận Torino, tại các nhà ăn này, người ta sẽ trải nghiệm những bước hòa nhập và là người công dân tích cực dành cho những người sống trong những hoàn cảnh nghèo khổ. (ACI 03/09/2017)

Hồng Thủy

Phỏng vấn nhà văn Dominique Wolton về tư tưỏng của ĐTC Phanxicô

Phỏng vấn nhà văn Dominique Wolton về tư tưỏng của ĐTC Phanxicô

Ngày mùng 6 tháng 9  vủa qua nhà văn Dominique Wolton, người Pháp cho ra mắt cuốn sách tựa đề “Chinh trị và xã hội” liên quan tới tư tưởng của ĐTC Phanxicô. Cuốn sách là kết quả 12 lần gặp gỡ giữa nhà văn Wolton và Đức Phanxicô từ tháng 2 năm 2016 tới tháng hai năm 2017, cộng thêm 2 lần cùng ngồi lại để duyệt lại bản thảo cuốn sách với sự trợ giúp của ông Louis de Romanet thông dịch viên chuyên nghiệp. Cuốn sách đã được giới thiệu với ĐGH ngày 28 tháng 8 năm ngoái. Sách gồm 8 chương đề cập tới các vấn đề: chiến tranh và hoà bình; tôn giáo và chính trị; Âu châu và sự khác biệt văn hoá; văn hóa và truyền thông; sự khác biệt, thời gian và niềm vui; lòng thương xót; truyền thống; một số phận, và sách kết thúc với gương mặt của Đức Phanxicô. Các đề tài chú ý tới các vấn đề chính trị và xã hội của thời đại chúng ta. Sách do nhà xuất bản Đài quan sát do ông Muriel Beyer làm giám đốc phát hành, đã được nhật báo Le Figaro giới thiệu trong số ra ngày mùng 1 tháng 9.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn tác giả Dominique Wolton về cuốn sách này.

Hỏi: Thưa nhà văn Wolton, ý tưởng cho ra cuốn sách này đã đến từ đâu?

Đáp: Tôi là một người tìm tòi thông tin chính trị. Vì thế nên ảnh hưởng việc truyền thông của ĐTC Phanxicô đã khiến cho tôi ngạc nhiên ngay từ khi ngài xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng. Ngài đã lập tức dấy lên sự thiện cảm tổng quát; với một thứ từ vựng đơn sơ đồng thời dấn thân ngài đã gợi hứng cho việc chấp nhận tức khắc. Tôi đã trông thấy một người không đuợc biết đến, đi ra từ chỗ không, nhưng tìm ra các lời đúng đắn, và như vậy đã chứng minh cho thấy một khả năng truyền thông không thể tin được. Trên thế giới này có rất ít người  có thể làm được điều đó. Nếu Đức Gioan Phaolô II đã là một vị Giáo Hoàng của thế giới, thì Đức Phanxicô đã trở thành, trong ít giây, vị Giáo Hoàng của việc toàn cầu hoá. Điều hấp dẫn tôi còn là niềm vui và sự đơn sơ của ngài nữa: ngài không có gì là “duy truyền thống” của một Giáo Hội công giáo  đã luôn luôn được cảm nhận như là chính thức, nghiêm nghị, thê thảm hay không thể nào tới gần được. Ngài đã gần gũi với dân chúng. Trông thấy một vị lãnh đạo thế giới như thế, có khả năng nói ít lời với toàn thế giới, và nhất là làm cho người ta hiểu mình, đã khiến cho tôi có ý tưởng đề nghị với ngài một cuốn sách phỏng vấn để hiểu biết hơn con người của ngài.

Hỏi: Ông đã làm thế nào để thuyết phục ĐTC Phanxicô?

Đáp: Tôi không phải là một chuyên viên về tôn giáo. Tôi đã chỉ có kinh nghiệm về cuốn sách phỏng vấn ĐHY Lustiger. Tôi đã quyết định vượt hàng rào bằng cách gửi cho ĐTC một điện thư với dự định của một cuốn sách gồm ba trang, phần mục lục và tiểu sử cuộc đời tôi. Nó đã giống như là vứt một cái chai có chứa đựng một sứ điệp vào lòng đại dương… Thế mà 3 tháng sau tôi đã nhận được một điện thư của Hội đồng nghiên cứu khoa học cho biết rằng ĐTC sẵn sàng tiếp tôi. Cho tới bây giờ tôi vẫn không tin được!

Hỏi: Cuộc gặp gỡ đầu tiên đã diễn ra khi nào thưa ông?

Đáp: Khi ĐTC bước vào căn phòng vô danh của nhà trọ Thánh Marta nhanh như một ánh  chớp chụp ảnh. Trước hết tôi bị đánh động bởi trông thấy chiếc áo trắng ngài mặc, rồi bởi sự dễ thương và lòng tốt trong cái nhìn của ngài. Tôi đã giữ khoảng cách của người nghiên cứu, nhưng tôi đã rúng động vì tính nhân bản của ĐTC. Tôi đã không biết các luật lệ tiếp kiến của Toà Thánh, và tôi cũng không biết sự kiện tiếp tôi có nghĩa là chấp nhận ý tưởng về cuốn sách hay không. Tôi đã tưởng tượng là chúng tôi sẽ nói chuyện về khả thể của dự tính. Vì thế tôi tự giới thiệu ngay, và nghĩ rằng ĐTC sẽ khảo xét tôi. Một chút sau thì thông dịch viên nói nhỏ vào tai tôi: “Tôi tin là ĐTC muốn chúng ta bắt đầu ngay…” Tôi đã không có gì với mình lúc đó, máy thu thanh và giấy bút, cũng như các câu hỏi. Các trường hợp của cuộc sống thật là vượt lên trên mọi phương pháp của chúng  ta. Tôi đã kéo chiếc smartphone của tôi từ trong túi ra để thu, và chúng tôi đã bắt đầu. Thiện cảm đã làm những gì còn lại…

Hỏi: Điều gì nơi ĐTC đã đánh động ông nhất?

Đáp: Chúng tôi không sống trong cùng không gian và thời gian. Một nhà khoa học có 4-5 thế kỷ của sự sâu sắc, còn ĐTC thì vượt biển thoải mái trên ba ngàn năm lịch sử. Tôi đã bị đánh động ngay lập tức bởi đức tin, niềm vui, lòng tốt, sự khiêm nhường và sáng suốt của ngài.  Nhưng liên quan tới bản tính nhân loại ngài không để cho mình bị lừa dối. Lại càng không để cho mình bị lừa dối liên quan tới các guồng máy quyền lực và thống trị… Ngài không phải là người ngô nghê, nhưng thường nói “Giáo Hội đã trông thấy biết bao chuyện như thế rồi”, nó không phải là một vấn đề. Trái lại Ngài ít khi quy chiếu Thiên Chúa. Ngài rất tiết kiệm trong việc dùng từ vựng tôn giáo. Trong sự kiện này thì ĐTC Phanxicô là một người “đời”. Có rất nhiều Giám Mục khi nói chuyện thích thú trong một loại “mứt thần học ý niệm”, điều này đặt để giáo dân đời như chúng tôi trong một tình trạng thấp kém hay phản loạn. ĐTC là một người bình thường, và thiên tài của ngài là ở chỗ đó. Có nhiều người nghĩ rằng càng tối tăm khó hiểu bao nhiêu, thì họ lại càng thông minh bấy nhiêu. Nhưng thật ra đâu có phải thế, không có tư tưởng mà không có sự trình bầy rõ ràng. Người ta càng thông minh bao nhiêu, thì lại càng rõ ràng bấy nhiêu. Và ĐTC Phanxicô thường rất trong sáng.

Hỏi: Ông bị ngài thu hút, có đúng thế không?

Đáp: Chúng tôi khác nhau biết bao, nhưng đồng thời lại gần gũi nhau. Tôi là một giáo dân, một giáo dân Pháp, học đại học, nghiên cứu công cộng… Tôi có nền văn hoá kitô, công giáo, nhưng tôi là người thờ ơ với tôn giáo. ĐTC Phanxicô có một chiều kích tinh thần có thể trông thấy nơi niềm vui và đức tin của ngài, nhưng cũng hoàn toàn là giáo dân trong kiểu hoạt động của ngài. Ngài có thể đối thoại một cách thanh thản với bất cứ ai. Ngài là một chính trị gia. Nhưng sự giao thoa thường hằng này giữa con người của đức tin và giáo dân đời đã hấp dẫn tôi.

Hỏi: Đức Phanxicô là một Giáo Hoàng đời?

Đáp: Ngài là một người phân biệt một cách tự phát giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Rõ ràng là có các ảnh hưởng đối với nhau, nhưng đối với ngài không có nối kết nào giữa quyền bính chính trị và quyền bính tôn giáo. Quyền bính chính trị không được dựa trên quyền bính tôn giáo. Quyền bính tôn giáo phải ở trong chỗ của mình. Và đây không chỉ liên quan tới luật tách biệt đạo đời ban hành năm 1905, già một thế kỷ rồi, mà là vấn đề chính của thế kỷ tới, nhất là đối  với Hồi giáo. Từ sự tách biệt các quyền bính này tuỳ thuộc nền hoà bình hay chiến tranh của ngày mai.

Hỏi: Thế giới đời không chờ đợi gì nơi Giáo Hội công giáo, cả khi nó ở tại chỗ của mình… có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Không có tính cách đời 100%. Có một sự không thông truyền giữa một người theo khuynh hướng đời và một người có tôn giáo. Và chúng tôi đã sống kinh nghiệm trong các cuộc phỏng vấn này. Người chủ truơng đời cũng như người có tôn giáo cả hai đều có lý. ĐTC Phanxicô ủng hộ một tính cách đời rộng mở cho các vấn đề tinh thần. Và người chủ trương đời chỉ có thể hiện hữu, vì có tôn giáo. Họ lấy hứng từ đó, cả khi họ không luôn luôn thừa nhận nó. Người ta có thể vô thần, nhưng thật là ngô nghê nghĩ rằng có thể huỷ bỏ các đề tài của tôn giáo. Bởi vì đề tài tôn giáo là đề tài siêu hình. Không con người nào có thể tránh thoát khỏi nó. Không ai có thể nói rằng mình không đặt vấn nạn liên quan tới mình là ai, đi đâu, và liên quan tới sự kiện một ngày kia mình sẽ chết.  Một vài người vô thần có thể nói rằng tôn giáo vô lý, nhưng sẽ không có ai tránh thoát được các câu hỏi nó đặt ra. Giải pháp là ở chỗ sống chung, trong đó mỗi người tôn trọng người khác.

Hỏi: Trong lãnh vực tư tưởng còn có điều gì đánh động ông nhất?

Đáp: Quan niệm quốc tế  của ngài về sự nghèo túng là một ám ảnh bởi các bất bình đẳng giữa miền bắc và miền nam bán cầu. Tôi còn nói rằng ngài tức giận, cả khi ngài tự kiềm chế.

Hỏi: Nhiều người nói rằng vị Giáo Hoàng này thiên tả…Ông nghĩ sao?

Đáp: Tiêu chuẩn phải trái không áp dụng cho vấn đề tôn giáo. Hay ít nhất chỉ một phần thôi. Dầu sao đi nữa, nó không đủ. Thiên tả, thiên hữu, có thật, có người thống trị, có kẻ bị trị, nhưng sức mạnh của tinh thần và của tôn giáo đó là chỉ cho thấy có các chiều kích khác. Giản lược các tôn giáo vào một tiếp cận khuynh tả khuynh hữu là một việc làm cho nghèo nàn đi, nguy hiểm đối với thế giới.

Hỏi: Tất cả những gì ông nói trong sách trên bình diện xã hội và chính trị có tương xứng với một lịch trình làm việc xã hội và dân chủ không?

Đáp:  Tôi sẽ nói rằng ngài khuynh hữu, vì nền đào tạo gần các tu sĩ dòng Tên Argentina. Ngài không có một nền đào tạo khuynh tả, nhưng đã mau chóng hiểu xã hội châu mỹ latinh. Sống gần gũi dân nghèo như vậy ngài đã nhìn về bên trái. Từ đó nỗi ám ảnh của ngài đối với người nghèo, những người bị loại trừ, những người bị khuất phục. Nhưng ngài không phải là người mác xít. Và rơi vào đó theo ngài là một sai lầm đối với Giáo Hội. Từ đó phát xuất ra cuộc tranh luận giữa nền thần học giải phóng và nền thần học của nhân dân. ĐTC không thích kiểu nói “thần học nhân dân”, nhưng ngài tìm một câu chú ý tới sự nổi loạn không thể tránh được của nhân dân châu Mỹ Latinh, mà không rơi vào chủ thuyết mác xít.

Hỏi: Nói cho cùng ông tin rằng đó là lập trường của ĐTC Phanxicô?

Đáp: Tôi nghĩ rằng ngài là người “vô kỷ luật!” Không thể khép kín ngài trong một phòng. Vị Giáo Hoàng này sống thoải mái giữa những người nghèo, những người bị khắc phục, những người bị loại trừ. Ngài yêu dân chúng. Ngài chỉ sống thoải mái giữa dân chúng. Ngài chỉ hạnh phúc khi tiếp xúc với các con người. Bài học lớn nhất mà tôi rút tiả được từ các cuộc gặp gỡ này đó là vị Giáo Hoàng này sống theo Tin Mừng. Ngài chỉ nói những gì tìm thấy trong Tin Mừng. Điều trao ban ý nghĩa cho cuộc sống của con người là những người nghèo, những người bị loại trừ, những người bị khuất phục. Những người giầu trong một cách thế nào đó luôn luôn thoát được hoàn cảnh này, nhưng họ sẽ không bao giờ hạnh phúc. Và ngài có một sức mạnh không thể tin được…

Hỏi: Tại Âu châu các lập trường của ĐTC liên quan tới sự rộng mở cho di cư bị người ta nhìn với đôi mắt xấu, có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Trong 30 năm nữa người ta sẽ nói, thật may là Đức Phanxicô đã nói điều đó, nếu không các nền dân chủ của chúng ta sẽ phải chịu chiến tranh. Chúng ta ở trong một thế giới trong sáng. Các nước nghèo trông thấy những người chết trong biển Địa Trung Hải và sự thờ ơ của người giầu. Nếu không nói gì cả, nếu không làm gì cả, bạo lực sẽ kinh khủng. Vì thế ĐTC có lý hàng ngàn lần. Quý vị hãy nghĩ rằng đây là một trong các gương mù gương xấu lớn nhất của sự toàn cầu hoá. Các nước giầu đã tạo ra tình trạng này với các cuộc chiến, và chế độ tư bản rừng rú đã gia tốc tất cả điều đó trong 30 năm cuối cùng này. Ngày nay các nạn nhân kinh tế và chính trị của sự kiện này tìm tới các nước giầu dân chủ, và các nước này bảo họ đi đi. Sự giận dữ và tức bực mà ĐTC Phanxicô dấy lên có nghĩa là ngài đã đánh trúng trong dấu chỉ. Có sư thù ghét đối với điều ĐTC đã nói về người di cư. Nhưng sẽ không thể  ra khỏi đó với chính trị của con đà điểu dấu đầu trong cát để không trông thấy nguy hiểm. Vì thế ĐTC đã đóng góp một phục vụ vô biên cho nhân loại, khi nói với nhân loại điều mà không ai muốn nghe nói.

Hỏi: ĐTC Phanxicô có ý thức được  là cũng đã có một sự chống đối bên trong Giáo Hội công giáo hay không?

Đáp: Tôi đã không muốn đẩy mình đi xa hơn, bởi vì mục đích cuốn sách đã không phải là rơi vào trong các tranh luận của Giáo Hội công giáo. Đức Phanxicô, trái lại, bị ám ảnh bởi sự hiệp thông giữa tất cả mọi người trong Giáo Hội. Ngài rất lưu tâm tới dân kitô để không có các đổ bể. Ngài không phải là một con người của sự xung đột, một con người của sự đổ vỡ. Ngài muốn hiệp nhất, liên tục hiệp nhất. Liên quan tới các thù nghịch, các cuộc tính sổ, các tương quan sức mạnh bên trong Giáo Hội, tôi đã ngạc nhiên trông thấy rằng ngài không cho rằng cuộc sống của ngài tuỳ thuộc các vấn đề ấy. Ngài nhìn các sự việc một cách xa rộng, ngài tín thác nơi thời gian, với sự kiên nhẫn vô cùng, không nổi nóng, với một loại tin tưởng gây ấn tượng. Tôi đã không bao giờ thấy ngài hiếu chiến hay nổi cáu. Trái lại, như là người thơ ơ với tôn giáo tôi kinh ngạc khi trông thấy mức độ tin tưởng của ngài. Và như là người thờ ơ tôi có thể nói rằng, phải,  đức tin hiện hữu. Và điều này tiếp tục khiến cho tôi kinh ngạc. Tôi tôn trọng các cơ quan trung ương của Toà  Thánh, chẳng hạn có sự khôi hài, nhưng không có sự giận dữ. Thật là hiếm có, bởi vì vừa có được quyền bính là có bạo lực ngay.  Và khi người ta ở Roma thì đó là quyền bính quốc tế.

Hỏi: ĐTC đã có thi hành một việc kiểm duyệt hay không?

Đáp: Không có sự kiểm duyệt nào. Chắc chắn là có các điều ngài đã không nói trong cuộc nói chuyện, nhưng liên quan tới bản thảo thì đã không có gì bị lấy đi, cả các chuyện mà đối với tôi xem ra quá cá nhân đi nữa. Ngài đã chỉ lo lắng làm sao để không ai có thể nhận ra mình trong các thí dụ ngài đã đưa ra.

Hỏi: Không có đề tài cấm kỵ nào hay sao?

Đáp: Không có đề tài cấm kỵ nào! Khi tôi nói với ngài là tôi đã quên hỏi ngài về các phụ nữ, ngài đã cười, và chúng tôi đã bắt đầu nói về nữ giới.

(Oss.Rom. 2-9-2017)

Linh Tiến Khải

Một học sinh Kitô người Pakistan bị bạn học giết tại vì không theo Hồi giáo

Một học sinh Kitô người Pakistan bị bạn học giết tại vì không theo Hồi giáo

Multan – Cộng đồng Kitô giáo ở Punjab đau buồn vì vụ bạo lực xảy ra với một học sinh tại trường trung học công lập ở Burewala, miền nam Punjab.

Theo tin từ hãng tin Fides, Sharon Masih, 15 tuổi, đã bị các bạn học Hồi giáo bạo hành cho đến chết hôm 30/08 vừa qua. Mushtaq Gill, một luật sư Kitô gíao cho hãng tin Fides biết rằng Sharon Masih đã bị các ban học chặn đường, bắt cóc, bắt nạt; họ đã gia tăng bạo hành Sharon Masih, đấm đá chàng thiếu niên. Sharon Masih bị ngã xuống đất bất tỉnh, sau đó được đưa đến bệnh viện Burewala và tại đây em được xác nhận đã qua đời.

Cảnh sát đã ghi nhận vụ giết người của các học sinh Hồi giáo và trao trả thi hài Sharon Masih cho gia đình. Theo những điều tra đầu tiên của cảnh sát, Sharon Masih có lẽ là nạn nhân bị bắt nạt, đối xử tàn tệ vì niềm tin Kitô giáo và vì các bạn học muốn dụ cậu thiếu niên cải đạo sang Hồi giáo. Sharon Masih đã chống cự cho đến giây phút cuối của cuộc bạo hành và đã tử vong. Sharon Masih đã muốn đổi trường học vì những lời đe dọa cũng như bạo hành mà em đã phải chịu.

Sự kiện này cho thấy rõ sự đối xử phân biệt và bạo hành đối với các tôn giáo thiểu số không phải Hồi giáo đang phổ biến trong xã hội Pakistan. Anjum James Paul, một giáo viên Kitô giáo và chủ tịch của hội các giáo viên Pakistan thiểu số đã nói với hãng tin Fides: “Bạo lực bắt nguồn từ băng ghế nhà trường bởi vì các sách giáo khoa được sử dụng từ các trường tiểu học gieo vào trong các học sinh sự hận thù và bất bao dung đối với người không Hồi giáo.” Ông cũng nói thêm: “một đàng các sách giáo khoa được sử dụng trong trường học cổ võ cho Hồi giáo, tín hữu Hồi giáo, nền văn hóa và văn minh hồi giáo, đàng khác nó không ngừng cổ võ sự khinh khi hận thù chống lại các tôn giáo ngoài Hồi giáo, những người không phải Hồi giáo, các nền văn hóa và văn minh khác Hồi giáo. Điều này gây nên hậu quả tai hại nơi não trạng của các trẻ em và thiếu niên, khơi dậy bạo lực và tác hại đối với sự sống chung hòa bình.”

Anjum James Paul cũng cho biết là đã có một số thay đổi trong sách giáo khoa sau khi có các báo động được các tổ chức gửi đến chính quyền, nhưng cần mở nhiều con đường hơn nữa để đưa Pakistan thành một quốc gia trung hòa, nơi tôn trọng nhân quyền, nhân phẩm, sự đa dạng, sự sống chung hòa bình và các tôn giáo thiểu số. Nhà nước cần phải hành động để các trường công lạp là nơi có thể xây dựng sự sống chung hòa bình về xã hội và tôn giáo. Tại Pakistan, các tín hữu các tôn giáo thiểu số như Kitô hữu vẫn còn là nạn nhân của sự cực đoan và vi phạm nhân quyền. ((Agenzia Fides 2/9/2017)

Hồng Thủy

Cầu nguyện cho cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Colombia

Cầu nguyện cho cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Colombia

ROMA. Chiều tối ngày 5-9-2017, ĐTC Phanxicô đã đến cầu nguyện tại Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma để xin ơn phù trợ của Đức Mẹ trước cuộc viếng thăm ngài thực hiện từ 6 đến hết 10-9-2017 tại Colombia.

ĐTC đã cầu nguyện và dâng hoa trên bàn thờ có ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma. Đây là lần thứ 51 ngài thực hiện cử chỉ này, kể từ sáng ngày 14-3 năm 2013 tức là hôm sau ngày ngài được bầu làm Giáo Hoàng. Thói quen này ngài vẫn giữ trước và sau mỗi biến cố quan trọng.

Theo dự kiến, ĐTC sẽ trở lại Đền Thờ Đức Bà Cả trưa ngày 12-9 tới đây sau khi từ Colombia về Roma, để cảm tạ Đức Mẹ vì chuyến viếng thăm.

Cầu nguyện tại Bogotà

Cũng liên quan đến cuộc viếng thăm của ĐTC: tối ngày 5-9-2017, hơn 100 bạn trẻ Công Giáo đã tụ tập tại trung tâm thủ đô Bogotà để cầu nguyện cho cuộc viếng thăm của ngài.

Trong khi đó một hình khổng lồ của ĐGH được làm bằng những ngòn đèn Led trên mặt tiền của một nhà chọc trời gần đó.

Ký giả hãng thông tấn EFE của Tây Ban nha ở Bogotà kể lại rằng bầu không khí chờ đợi ĐTC Phanxicô đến đây được người ta cảm thấy ở mọi góc đường phố thủ đô.

Anh Andre Garzón, một trong các tham dự viên nói: ”chúng tôi cầu nguyện theo những đề tài chính sẽ được ĐTC đề cập tới trong các bài diễn văn, đó là, gia đình, sự sống, hòa giải, ơn gọi linh mục tu sĩ, và các quyền con người. Các đề tài đó và toàn thể các buổi lễ diễn ra trong thời điểm lịch sử hiện nay của đất nước Colombia, trong đó tất cả người dân Colombia cần tái gặp gỡ Chúa Kitô và canh tân đức tin”.

ĐTC giã từ Roma khoảng 11 giờ ngày 6-9 và dự kiến tại Bogotà lúc 4 giờ rưỡi chiều giờ địa phương, sau chuyến bay dài 12 giờ 30 phút, vượt qua không gian 9.825 cây số (REI, EFE 5-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Gương phục vụ trung thành của linh mục 97, dù những hiểm nguy

Gương phục vụ trung thành của linh mục 97, dù những hiểm nguy

Ở tuổi 97, hàng ngày cha Antonio Bottoglia vẫn ngồi tòa giải tội, dâng Thánh lễ, lắng nghe các vấn đề của các con chiên giải bày với cha với sự tin tưởng. Thế nhưng chiều ngày 29/08 vừa qua, khi cha Antonio đang ngồi tòa giải tội cho một giáo dân tại nhà thờ thánh Catarina ở Mantova, miền bắc nước Ý, thì bị một người đàn ông Marốc khoảng 50 tuổi tấn công.

Câu hỏi cổ điển của khởi đầu cho những vụ tấn công đó là “hãy cho tôi tiền”. Cha Antonio trả lời là ngài không có. Thế là tình hình trở nên xấu đi: kẻ xấu này bắt đàu khạc nhổ vào cha, đánh cha và chửi rủa cha và những người đang hiện diện trong nhà thờ. Một người có mặt đã gọi cảnh sát và họ đã tìm kiếm và bắt được kể tấn công.

Đây không phải là lần đầu tiên cha Antonio bị tấn công. Hồi tháng 4/2016, cha Antonio đang ở trong nhà xứ và cha đã mở cửa cho hai người Ý – những người cha đã giúp đỡ nhiều lần. Lần này họ cũng xin tiền, nhưng cha Antonio nói cha không có. Những kẻ này nổi giận, rút dao kề vào cổ cha và rọc áo choàng của cha cho đến túi áo. Tuy nhiên, cha Antonio thật sự là không có tiền trong túi, mà chỉ có một cuốn sổ nhỏ và thẻ chứng minh. Hai kẻ cướp này đã chửi mắng và đe dọa cha.

Cha Antonio vẫn thường thăm viếng trường nghề Santa Paola, ngôi trường cha thành lập với bao tâm huyết để đào tạo nhiều thế hệ các thợ phục chế, thợ làm bánh và thợ điện, cung cấp công việc cho bao nhiêu người. Cha Antonio nhiều lần vui mừng vì những người cha hướng dẫn ngày nay giỏi giang xuất sắc hơn cha.

Khi mừng thọ 96 tuổi vào năm ngoái, cha Antonio đã cầu chúc mọi người cùng sống thọ như cha dù là họ làm việc trên những lãnh vực. (Avv 31/08/2017)

Hồng Thủy

 

Lòng can đảm và đức tin mạnh mẽ của bà Cristiana Giordana

Lòng can đảm và đức tin mạnh mẽ của bà Cristiana Giordana

Ngày mùng 8 tháng 7 vừa qua (2017), khi Luca Borgoni, một chàng trai 22 tuổi, sống tại Cuneo, miền bắc nước Ý, đang leo lên đỉnh Cervino, đã bị rơi xuống vực sâu và qua đời. Cha mẹ của Luca, bà Cristina Giordana và ông Vittorio Borgoni, đã trực tiếp chứng kiến thảm kịch xảy ra với con trai của mình. Luca tham gia vào một leo núi ở Cervinia. Bà mẹ Cristiana đã đứng ở vạch xuất phát để chào và cổ vũ cho Luca, trong khi ông bố Vittorio thì đợi chàng ở đích đến. Luca muốn lợi dụng cơ hội này, một mình leo lên cao hơn nữa. Bố mẹ của Luca đã chờ đợi chàng. Mẹ chàng nhớ lại: “Khi tôi đang chụp hình, tôi chợt nhìn lên và thấy trực thăng 118, tôi bắt đầu khóc như điên. Chồng của tôi hỏi tại sao tôi khóc và tôi nói với ông: ‘Luca đang ở đó.’ Tin Luca bị tai nạn qua đời đến với tôi từ trên trời cao. Sau đó tôi đi xuống trạm dừng Duca và tôi tìm cây thánh giá mà khi đi lên tôi đã nhìn thấy. Tôi đã quỳ bò ở đó, đọc những lời kinh nguyện căng thẳng nhất trong cuộc đời của mình. Dưới chân cây Thánh giá đó, tôi đã chết.” Sau một tiếng rưỡi đồng hồ, đội cứu cấp của vùng núi đã khẳng định tin Luca qua đời. Một làn sóng đau buồn vùi dập cả gia đình Borgoni. Nhưng với đức tin, nỗi đau được nguôi ngoai.

Bà Cristiana đã kể về con trai của mình. Luca là một chàng trai thái quá nhưng luôn trong những điều tích cực. Luca đam mê nhiều điều và sống cuộc đời dường như không có màu xám ảm đạm bi quan. Nhiều lần Luca đặt ra cho mình những mục tiêu khó khăn và cậu đã đạt được. Luca đang chuẩn bị tốt nghiệp khoa học sinh học tại đại học Torino. Chính bà Cristiana đã thay thế Luca bảo vệ luận án. Bà là một giáo viên và bà cũng biết về luận án của Luca, bởi vì bà đã sống cùng với con trai của mình. Đối với bà, việc bảo vệ luận án thay cho con trai là một điều tự nhiện và bình thường. Sức mạnh và ánh nhìn của người mẹ này, ngươi với sự thanh thản và quyết tân, đã phát biểu trong hội trường đại học đông chật các bạn học của con trai, trong khi màn ảnh chiếu những hình ảnh của Luca, lan truyền như một cơn gió mạnh mẽ, mang đến sức mạnh, không khí và tự do.

Vài tuần sau khi Luca qua đời, bà Cristiana cảm thấy thanh thản và bình an. Rồi những khoảnh khắc đau buồn đến, khi bà nhìn những tấm hình của Luca, khi bà nhận thức những gì đã xảy ra, bà cầu nguyện. Đối với bà, cầu nguyện nghĩa là hít thở. Vừa khi thức dậy bà cầu nguyện: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa về ngày mới. Xin ban cho con sức mạnh.” Bà Cristiana chia sẻ những điều mang lại cho bà sức mạnh để vượt qua thảm kịch. Bà luôn ở bên cạnh chồng và con gái, họ luôn luôn ở bên nhau, không rời nhau. Rồi rất nhiều tin nhắn được gửi đến từ những người không quen biết nhưng qua các mạng xã hội, họ đã liên lạc với bà. Họ chia sẻ cùng những kinh nghiệm. Các người bạn cũ nghe về tin buồn cũng đã đến với gia đình bà Cristina. Tình âu yếm của những người làm trái tim họ ấm lại bằng những cử chỉ nhỏ, sự đồng hành của những người biết đến gần, cảm thông.

Từ khi Luca qua đời, bà Cristiana cũng có một cách cầu nguyện đặc biệt với Mẹ Maria. Bà thưa với Đức Mẹ: “Giờ đây Mẹ hiểu con, bởi vì con đã mất một người con như mẹ, 11 năm trước Mẹ (vì Luca qua đời khi mới 22 tuổi).” Bà Cristiana nói thêm: “Và còn hơn thế nữa, Mẹ Maria không mất thánh Anna, người mẹ của mình, 6 tháng trước đó”, vì sự thật là trước đó vài tháng, bà Cristiana đã mất đi người mẹ mà bà vô cùng gắn bó. Bà Cristiana cũng chia sẻ về chồng bà, người không tin. Vào cuối lễ an táng của Luca, ông Vittorio đã cầm micro, ngồi ở bực thềm bàn thờ, quay về quan tài của Luca và nói với con trai mình nhiều điều anh đã làm cho ông hiều về đức tin mà ông đã không bao giờ đón nhận, nói về cách thế anh làm cho ông cảm nhận được các dấu chỉ của sự hiện diện và cách anh đã giúp ông được gặp những người mở mắt cho ông nhìn thấy đức tin. Đối với bà Cristiana, đó là phép lạ. Giờ đây, gia đình ông bà Vittorio và Cristiana để cho cuộc sống tiếp diễn. Con gái Giulia của bà phải lớn lên và bà sẽ phải trờ lại trường học vì bà là một giáo viên. Bà nói: “Rất may là tôi rất yêu mến công việc.” (Famiglia Cristiana 27/08/2017)

Hồng Thủy

 

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi nhân dân Colombia

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi nhân dân Colombia

VATICAN. ĐTC kêu gọi nhân dân Colombia trở thành những người xây dựng hòa bình và hòa giải, đi bước đầu trong việc bắc những nhịp cầu và kiến tạo tình huynh đệ.

Lời kêu gọi trên đây được ĐTC đưa ra trong sứ điệp Video gửi toàn dân Colombia phổ biến hôm 4-9-2017, trước ngưỡng cửa cuộc viếng thăm của ngài tại nước này từ ngày mai, mùng 6 đến hết mùng 10-9 tới đây.

Sau khi cám ơn tổng thống, các GM và mọi người đã tích cực góp phần vào việc chuẩn bị chuyến viếng thăm, ĐTC nhắc đến chủ đề cuộc tông du của ngài là ”Chúng ta hãy đi bước đầu” và nhận xét rằng:

”Chủ đề này nhắc nhở chúng ta luôn luôn cần đi bước đầu trong bất kỳ hoạt động và dự phóng nào. Nó cũng thúc đẩy chúng ta trở thành những người đầu tiên yêu mến, bắc cầu và xây dựng tình huynh đệ. Đi bước đầu khích lệ chúng ta hãy đi ra gặp gỡ tha nhân, giơ tay và trao đổi dấu chỉ hòa bình. Hòa bình là điều mà Colombia hoạt động từ lâu để đạt tới. Một nền hòa bình ổn định, lâu bền, để chúng ta có thể nhìn nhau và đối xử với nhau như anh chị em, chứ không phải như kẻ thù. Hòa bình nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta là con cái của cùng Cha, Đấng yêu thương và an ủi chúng ta”.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng ”Thế giới ngày nay đang cần những vị cố vấn hòa bình và đối thoại. Cả Giáo Hội cũng được kêu gọi thi hành nghĩa vụ này, để thăng tiến hòa giải với Chúa và với anh chị em, và cả sự hòa giải với môi trường là một công trình sáng tạo của Thiên Chúa mà chúng ta đang khai thác một cách bừa bãi”.

”Ước gì cuộc viếng thăm này là một vòng tay ôm huynh đệ đối với mỗi người trong anh chị em và họ cảm thấy niềm an ủi và dịu dàng của Chúa”.

Hôm 31-8-2017, Đức Ông Fabio Suescún Mutis, trưởng ban tổ chức chuyến viếng thăm của ĐTC tại Colombia, đã tuyên bố với báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh rằng: ”Colombia đã sẵn sàng đón tiếp ĐTC Phanxicô. Tôi rất vui mừng có thể nói các thành phố liên hệ đã hoàn tất các khía cạnh tổ chức và chỉ còn thiếu vài chi tiết nhỏ. Đối với chúng tôi đây là thời điểm hồng phúc làm cho chúng tôi mơ ước có thể biến đổi sâu rộng đất nước của chúng tôi và đi bước đầu tiến về tương lai. ĐTC là một nhà thừa sai về hòa giải và chúng tôi đang chuẩn bị cởi mở tâm hồn. Sự hiện diện của ngài sẽ giúp chúng tôi khám phá rằng chúng tôi có thể đoàn kết với nhau như một quốc gia và tái nhìn nhau với đôi mắt hy vọng và từ bi thương xót”. (Rei 4-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Giáo hội Pakistan cử hành Năm Thánh thể vào năm 2018

Giáo hội Pakistan cử hành Năm Thánh thể vào năm 2018

Multan – Đức cha Benny Travas của giáo phận Multan và cũng là chủ tịch ủy ban phụng vụ của Hội đồng Giám mục Pakistan đã thông báo rằng Giáo hội Pakistan sẽ cử hành năm 2018 như Năm Thánh Thể đặc biệt.

Đức cha Travas nói vỡi hãng tin Fides: “Chúng tôi muốn đặt Thánh Thể là trung tâm của đời sống Kitô hữu, của các gia đình, các nhà của chúng tôi.” Đức cha cũng giải thích về ý tưởng nảy sinh từ việc phái đoàn Pakistan tham dự đại hội Thánh thể quốc tế được tổ chức ở Cebu, Philippines. Ngài cho biết đó là một kinh nghiệm cảm động và các ngài ao ước làm sống lại tinh thần này ở Pakistan. Tất cả Giám mục Pakistan đã đồng ý việc cử hành năm Thánh thể vào năm 2018.

Chủ đề được lấy từ Tin mừng thánh Gioan: “Ta là bánh hằng sống”. Lễ khai mạc trọng thể được tổ chức từ 24-26/11 năm nay, ở Karachi, với Thánh lễ được cử hành tại nhà thờ chánh tòa thánh Patrick. Cũng sẽ có các chương trình và sáng kiến được tổ chức ở cấp giáo phận. Lễ bế mạc được cử hành lại Lahore từ 21-24/11/2018.

Ban tổ chức, bao gồm một thành viên của mỗi giáo phận, sẽ phụ trách chuẩn bị các chương trình và các hoạt động mục vụ, ví dụ như việc chầu Thánh thể tại các giáo xứ, các buổi hội họp và giáo lý cho giới trẻ, các gia đình, trường học, trẻ em.

Đức cha Travas kết luận rằng cuộc sống của các tín hữu Pakistan “là một cuộc sống Thánh Thể khi đứng trước những đau khổ, bạo lực hay phân biệt đối xử bất công, họ cảm tạ và ngợi khen Chúa. Nhưng sức mạnh này và tinh thần này chỉ có thể đến từ việc đặt Thánh Thể như nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống cá nhân, của mỗi tín hữu sống taị quê hương yêu dấu của chúng tôi.”

Đức cha Travas khẳng định với Fides, trong tháng 8, có 3 Kitô hữu ở Pakistan bị giết hại do những tranh chấp tài sản và tôn giáo. Ngài nói: “Trước các bạo lực, thái độ của chúng tôi là thái độ Thánh Thể: không đáp trả bằng điều ác nhưng trao phó cho Thiên Chúa đau khổ của chúng tôi, đón nhận ý Chúa với lòng biết ơn và chúc tụng và cầu nguyện cho hòa bình.” (Agenzia Fides 4/9/2017)

Hồng Thủy