SÁM HỐI LÀ KHỞI ĐIỂM

SÁM HỐI LÀ KHỞI ĐIỂM

Nói và làm đó là hai thái độ khác nhau. Có người nói mà không làm. Có người không nói nhưng lại làm. Đó chính là hai thái độ mà Chúa đề cập đến trong bài dụ ngôn hôm nay. Hạng người nói mà không làm đó là những người biệt phái và luật sĩ. Họ tự cho là mình đạo đức, nhưng khi Chúa Giêsu rao giảng, họ không những không tin mà còn phê phán chỉ trích những người tin Chúa, chỉ trích chính Chúa đã đón tiếp người tội lỗi. Hạng người không nói mà làm đó là những người thu thuế và những người tội lỗi. Tuy sống tội lỗi, nhưng khi nghe Chúa rao giảng, họ đã ăn năn sám hối và tin vào Chúa. Qua dụ ngôn này Chúa muốn dạy ta những bài học sau.

Bài học thứ nhất: Việc làm trọng hơn lời nói. Trong đời sống, chúng ta gặp không ít những người nói hay, nói nhiều, nhưng làm chẳng bao nhiêu. Tục ngữ Việt Nam có câu “Mười voi không được bát nước sáo” là thế. Nhưng trái lại có những người không nói giỏi, có khi không nói gì cả, nhưng lại làm rất nhiều. Nhất thời ta có thể thích những người nói hay. Nhưng sống càng lâu, ta càng mến những người nói ít làm nhiều. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế. Chúa yêu chuộng những người làm việc hơn là những người chỉ biết nói suông. Có lần Chúa đã vạch rõ những giả dối này: “Không phải những ai nói rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ làm theo ý Cha Ta trên trời” (Mt 7,21). Đức tin phải biểu lộ bằng việc làm mới là đức tin sống động. Như thánh Giacôbê dạy: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Tình yêu cũng phải có việc làm. Việc làm minh chứng tình yêu đích thực. Tin yêu Chúa phải được biểu lộ bằng việc làm.

Bài học thứ hai: Con người có thể thay đổi. Con người còn sống ở trần gian là còn thay đổi. Đó là một điều ta phải cảnh giác. Biết đâu ta đang tốt bỗng trở nên xấu. Cũng như các biệt phái và luật sĩ tự hào mình tốt, nhưng khi Chúa Giêsu đến, họ đã trở nên xấu vì không tin vào Chúa, không hoán cải đời sống. Con người có thể thay đổi. Đó là điều làm cho chúng ta hy vọng. Vì nếu ta tội lỗi yếu hèn, ta vẫn có cơ hội ăn năn trở lại. Ta không bị kết án trong tội lỗi của ta. Chúa còn cho ta có thời giờ trở lại với Chúa. Miễn là ta nhận biết mình và quyết tâm đổi mới cuộc đời.

Bài học thứ ba: Sám hối là việc cần thiết của mọi người. Đã là người ai cũng có sai lầm. Vì con người yếu đuối bất toàn. Chúa không đòi ta phải hoàn hảo không bao giờ sai lỗi. Nhưng Chúa đòi ta mỗi khi sai lỗi phải biết sám hối ăn năn. Sám hối thật cần thiết vì có sám hối ta mới được Chúa thứ tha. Chúa yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho những tâm hồn sám hối như lời Thánh Vịnh: “Một tấm lòng tan nát dày vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50). Ta hãy xem Chúa đã tha thứ cho bà Mađalena. Nhất là Chúa đã tha thứ cho người trộm lành, để thấy Chúa nhân từ thương xót biết bao. Nhưng Chúa lại chê ghét những tâm hồn kiêu căng cứng cỏi không chịu ăn năn sám hối. Trong Phúc Âm ta thấy Chúa chỉ mắng nhiếc những người tự xưng mình đạo đức nên kiêu căng khinh miệt người khác và không nghe lời Chúa. Nhưng Chúa luôn nhân từ, khoan dung, tha thứ cho những tội lỗi thật lòng ăn năn. Sám hối thật cần thiết vì tất cả chúng ta ai cũng có lầm lỗi trước mặt Chúa, cần được Chúa khoan hồng thứ tha. Sám hối thật cần thiết vì đó là khởi điểm để nên tốt, nên thánh thiện. Có sám hối ta mới biết từ bỏ nếp sống cũ. Có sám hối ta mới bắt đầu một nếp sống mới đẹp lòng Chúa.

Như thế, ta đừng chỉ nói suông mà không làm, nhưng hãy biết thực hành điều Chúa dạy. Ta đừng tự hào vì mình tốt lành mà phê bình chỉ trích người khác. Hãy tự xét mình để thấy mình tội lỗi. Và khi biết mình tội lỗi, hãy ăn năn sám hối ngay. Có sám hối ta sẽ được Chúa tha thứ. Có sám hối sẽ được anh chị em yêu thương. Nhất là có sám hối ta mới khởi sự tiến lên trên con đường thánh thiện.

Lạy Chúa xin tha thứ tội con đã phạm đến Chúa và đến anh em. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Nói và làm, việc nào cần hơn và tốt hơn?

2) Có nhiều chương trình tốt đẹp nhưng không thực hiện, có ích gì không?

3) Biết nhận lỗi, xin lỗi và sửa lỗi. Điều này đáng trọng hay đáng chê trách?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Đức Thánh Cha tiếp kiến 94 Giám Mục mới thuộc các xứ truyền giáo

Đức Thánh Cha tiếp kiến 94 Giám Mục mới thuộc các xứ truyền giáo

VATICAN. ĐTC khích lệ các GM thực thi sự ”hoán cải truyền giáo”, sống và hành động giữa Dân Chúa như những người phục vụ.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến dành cho 94 GM thuộc 49 quốc gia, thụ phong trong thời gian gần đây, vừa kết thúc khóa bồi dưỡng 2 tuần lễ ở Roma, do Bộ truyền giáo tổ chức. Trong số các vị có 4 GM Phụ Tá của Việt Nam: Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo (Xuân Lộc), Đức Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long (Hưng Hóa), Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên (Vinh) và Đức Cha Giuse Trần Văn Toản (Long Xuyên).

Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, Đức TGM Savio Hàn Đại Huy SDB, Tổng thư ký và nhiều LM đã phụ giúp trong khóa học ở Học Viện Thánh Phaolô.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến sự cấp thiết của việc hoán cải truyền giáo (Evangelii gaudium); một sự hoán cải liên hệ tới mỗi tín hữu đã chịu phép rửa, mỗi giáo xứ, và dĩ nhiên là các vị mục tử được kêu gọi sống và làm chứng trước tiên, trong tư cách là người hướng dẫn các giáo hội địa phương. Vì thế – ngài nói – ”tôi khuyến khích anh em hãy qui hướng cuộc sống và sứ vụ Giám mục của mình vào sự biến đổi truyền giáo này, đang gọi hỏi Dân Chúa”.

ĐTC cũng nhắc lại giáo huấn của Công Đồng chung Vatican 2 theo đó ”Các GM trong khi thi hành sứ vụ làm cha và chủ chăn giữa các tín hữu của mình phải cư xử như 'những người phục vụ', luôn có trước mắt tấm gương của vị Mục Tử nhân lành, Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để phục vụ, và hiến mạng sống vì mọi người. Tấm gương sáng ngời về việc phục vụ mục vụ là các thánh Tử Đạo Hàn Quốc Anrê Kim Đại Kiến (Kim Taegon) LM, Phaolô Đinh Hạ Tường (Chong Hasang) và các bạn tử đạo mà chúng ta kính nhớ hôm nay. Gắn bó với Chúa Kitô, vị Mục Tử nhân lành, các thánh Tử Đạo không do dự đổ máu đào vì Tin Mừng, mà các ngài là những người trung thành ban phát và là chứng nhân anh dũng”.

ĐTC đặc biệt nhấn mạnh rằng: ”Giáo Hội đang cần các vị Mục Tử, nghĩa là những người phục vụ', cần những Giám Mục biết quì gối trước người khác để rửa chân cho họ. Các vị Mục Tử gần dân, là những người cha, người anh hiền từ, kiên nhẫn và từ bi; yêu mến thanh bần, tự do vì Chúa, cũng như đơn sơ và có cuộc sống khổ hạnh. Anh em được mời gọi không ngừng canh chừng đoàn chiên được ủy thác cho anh em, để giữ cho đoàn chiên được hiệp nhất và trung thành với Tin Mừng và Giáo Hội. Anh em hãy cố gắng mang lại một đà tiến truyền giáo đích thực cho các cộng đoàn giáo phận của anh em, để họ ngày càng thêm các phần tử mới, nhờ chứng tá cuộc sống và sứ vụ giám mục của anh em được thi hành như một việc phục vụ Dân Chúa. Anh em hãy gần gũi các GM của mình, chăm sóc đời sống tu trì và yêu mến người nghèo”

ĐTC cũng bày tỏ mong ước các GM Trung Quốc thụ phong trong những năm gần đây cũng được tham dự cuộc gặp gỡ hôm nay. ”Tự thâm tâm, tôi hy vọng ngày ấy sẽ không xa!”

Sau cùng, ĐTC nhắc đến Thượng HĐGM thế giới sắp tới về gia đình và nhấn mạnh rằng gia đình ở nơi căn cội công trình truyền giảng Tin Mừng, với sứ mạng giáo dục, tham gia tích cực vào đời sống cộng đoàn giáo xứ. Ngài nói:
”Tôi khuyến khích anh em thăng tiến việc mục vụ gia đình, để các gia đình được tháp tùng và huấn luyện, có thể đóng góp tốt đẹp nhất vào đời sống Giáo Hội và xã hội”.

Trong số các GM tham dự khóa bồi dưỡng, đông nhất là 14 GM Ấn độ, 7 GM Nigeria. (SD 20-9-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tân Giám Mục

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tân Giám Mục

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các GM mới tăng cường đời sống nội tâm, kết hiệp với Chúa để có thể chu toàn sứ mạng mục tử.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 18-9-2014, dành cho các GM mới thuộc bộ GM và Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, về Roma tham dự khóa bồi dưỡng.

Hiện diện tại buổi tiến kiến có ĐHY Tổng trưởng Bộ GM Marc Ouellet, và ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương.

Trong bài huấn dụ dài, ĐTC đề cập đến nhiều khía cạnh của đời sống và sứ vụ GM, đặc biệt là sự hiện diện giữa đoàn chiên. Ngài nói: ”Tôi cảm thấy nghĩa vụ phải nhắc nhở cho các vị Mục Tử của Giáo Hội về mối liên hệ không thể tách rời giữa sự hiện diện bền vững của GM và sự tăng trưởng của đoàn chiên. Mỗi công trình cải tổ đích thực của Giáo Hội Chúa Kitô bắt đầu bằng sự hiện diện, từ sự hiện diện của Chúa Kitô không bao giờ thiếu, nhưng cũng từ sự hiện diện của vị Mục Tử cai quản nhân danh Chúa Kitô…”

ĐTC nói thêm rằng: ”Để ở lại hoàn toàn trong các giáo phận của anh em, cần luôn luôn ở lại trong Chúa và đừng trốn chạy Chúa: cần ở lại trong Lời Chúa, trong Thánh Thể của Người, trong ”những điều thuộc về Chúa Cha” (Xc Lc 2,49) và nhất là trong thập giá của Chúa. Đừng dừng lại qua đường, nhưng ở lại lâu trong Chúa! Như ngọn đèn không tắt trước Nhà Tạm trong các nhà thờ chính tòa huy hoàng của anh em, hoặc trong các nhà nguyện tầm thường, cũng vậy trong cái nhìn của anh em, đoàn chiên không thiếu cuộc gặp gỡ với ngọn lửa của Chúa Phục Sinh”.

ĐTC cũng nhắc nhở các GM nuôi ảo tưởng vì cám dỗ muốn thay đổi dân. ”Anh em hãy yêu mến dân mà Thiên Chúa ban cho anh em, cả khi họ ”đã phạm những tội tầy đình”, anh em đừng mệt mỏi lên cùng Chúa để xin ơn tha thứ cho họ và một khởi đầu mới..

”Tôi khuyên nhủ anh em hãy vun trồng nơi mình, trong tư cách là Cha và là Chủ  Chăn, một thời gian nội tâm trong đó anh em có thể dành chỗ cho các linh mục của anh em: tiếp đón, lắng nghe và hướng dẫn họ. Tôi muốn anh em là những Giám Mục người ta có thể tìm đến và tiếp xúc được, không phải bằng bao nhiêu phương tiện truyền thông mà anh em sở hữu, nhưng bằng khoảng không gian nội tâm mà anh em dành để đón tiếp con người, với những nhu cầu cụ thể của họ, trao ban cho họ đầu đủ giáo huấn của Giáo Hội, chứ không phải một danh sách những điều phải than phiền”.

Sau cùng, ĐTC nói với các GM rằng: Xin anh em vui lòng đừng sa vào chước cám dỗ hy sinh tự do của anh em bằng cách bao quanh mình với những quần thần, những người ủng hộ, vì nơi môi miệng của GM Giáo Hội và thế giới có quyền luôn tìm được Tin Mừng làm cho chúng ta được tự do” (SD 18-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Giáo Hội là công giáo và tông truyền

Giáo Hội là công giáo và tông truyền

Khi tuyên xưng đức tin chúng ta khẳng định rằng Giáo Hội công giáo và tông truyền, nghĩa là Giáo Hội đại đồng vì được phổ biến khắp nơi và được sai đi loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người, không phân biệt ai.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 50 ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 17-9-2014 tại quảng trường Thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích hai từ ”công giáo” và ”tông truyền” rồi áp dụng vào cuộc sống cụ thể của tín hữu. Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa từ ”công giáo” bằng cách trích lại định nghĩa của thánh Cirillo thành Giêrusalem như sau:

”Giáo Hội chắc chắn được gọi là công giáo nghĩa là đạị đồng, vì sự kiện Giáo Hội được phổ biến khắp nơi từ biên giới này tới biên giới kia của trái đất; và bởi vì Giáo Hội dậy tất cả các sự thật phải đến với sự hiểu biết của con người liên quan tới các sự trên trời cũng như các sự dưới dất một cách phổ quát và không khiếm khuyết” (Giáo lý XVIII, 33),

Dấu hiệu hiển nhiên của tính cách công giáo đó là Giáo Hội nói tất cả mọi thứ tiếng. Và điều này không gì khác hơn là kết qủa của lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (x. Cv 2,1-13): thật thế, chính Chúa Thánh Thần đã cho các Tông Đồ và toàn Giáo Hội làm vang lên Tin Mừng của ơn cứu độ và tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi người, cho tới tận cùng bờ cõi trái đất. Giáo Hội sinh ra đã là công giáo, ngay từ đầu đã là ”hòa tấu” và chỉ có thể là công giáo, được dự phóng cho việc rao truyền Tin Mừng và gặp gỡ tất cả mọi người. Ngày nay Lời Chúa được đọc trong mọi thứ tiếng, mọi người đều có sách Tin Mừng trong tiếng của mình để đọc. Và tôi xin trở lại cùng ý niệm này: đó là chúng ta hãy đem theo một sách cuốn Tin Mừng nhỏ trong túi, trong xách tay, và trong ngày đọc một đoạn. Điều này sinh ích lợi cho chúng ta. Tin Mừng được phổ biến trong mọi thứ ngôn ngữ, bởi vì Giáo Hội, lời loan báo Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế, ở khắp nơi trên thế giới.

Nếu Giáo Hội sinh ra đã là công giáo, thì có nghĩa là Giáo Hội đã sinh trong tư thế ”đi ra ngoài”, là thừa sai. Nếu các Tông Đồ đã ở lại đó trong Nhà Tiệc Ly, mà không đi ra và đem Tin Mừng, thì Giáo Hội sẽ chỉ là Giáo Hội của dân tộc ấy thôi, của thành phố ấy, của Nhà Tiệc Ly ấy. Nhưng tất cả đã ra đi khắp nơi trên thế giới, từ lúc Giáo Hội khai sinh, từ lúc Chúa Thánh Thần xuống trên các vị. Vì thế Giáo Hội sinh ra đã đi ra, nghĩa là truyền giáo.

Và đó là điều mà chúng ta diễn tả bằng tính từ ”tông truyền”, bởi vì apostolos là người được sai đi loan báo tin vui sự phục sinh của Chúa Giêsu. Từ này nhắc nhớ chúng ta rằng Giáo Hội, được xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ và trong sự tiếp nối với các vị, các Tông Đồ đã ra đi thành lập các các Giáo Hội mới, đã cắt cử các giám mục mới, và như thế trên toàn thế giới, liên tục. Ngày nay chúng ta tất cả tiếp nối nhóm các Tông Đồ đã nhận được Chúa Thánh Thần rồi ra đi rao giảng, được sai đi đem lời loan báo Tin Mừng tới cho tất cả mọi người, đi kèm với các dấu chỉ sự hiền dịu và quyền năng của Thiên Chúa. Cả điều này nữa cũng phát xuất từ biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống: thật thế, chính Chúa Thánh Thần thắng vượt mọi kháng cự, chiến thắng cám dỗ tự khép kín trong chính mình, giữa ít người được tuyển chọn, và coi mình là những người duy nhất nhận được phước lành của Thiện Chúa.

Chẳng hạn nếu vài kitô hữu làm điều này và nói: ”Chỉ có chúng tôi mới là những người được tuyển chọn thôi”, sau cùng họ chết. Họ chết trong linh hồn trước, rồi chết trong thân xác, bởi vì họ không có sự sống, không có khả năng sinh ra sự sống, sinh ra người khác, sinh ra các dân tộc khác: họ không phải là các tông đồ.

Và chính Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta tởi chỗ gặp gỡ các anh em khác, kể cả những người xa xôi nhất trong mọi nghĩa, để họ có thể chia sẻ với chúng ta tình yêu thương, hòa bình, niềm vui mà Chúa phục sinh đã để lại cho chúng ta.

Vậy sự kiện là thành phần của Giáo Hội công giáo và tông truyền bao gồm điều gì đối với các cộng đoàn và từng người trong chúng ta? Đức Thánh Cha trả lời câu hỏi này như sau:

Trước hết nó có nghĩa là lưu tâm tới ơn cứu rỗi của toàn nhân loại, không thờ ơ hay lạ lùng trước số phận của biết bao nhiêu các anh chị em của chúng ta, nhưng cởi mở và liên đới với ho. Ngoài ra nó còn có nghĩa của sự trọn vẹn, của sự bổ túc, của sự hòa hợp của cuộc sống kitô, luôn luôn khước từ các lập trường thiên vị, một chiều tự khép kín trong chính mình.

Là thành phần của Giáo Hội tông truyền có nghĩa là ý thức được rằng đức tin của chúng ta được bỏ neo nơi lời loan báo và chứng tá của chính các Tông Đồ của Chúa Giêsu; và vì thế cảm thấy mình luôn luôn được gửi đi, được sai đi, trong niềm hiệp thông với những người kế vị các Tông Đồ,

loan báo Chúa Kitô và tình yêu của Người cho toàn nhân loại với con tim tràn đầy niềm vui.

Ở đây tôi muốn nhớ tới cuộc sống anh hùng của biết bao nhiêu thừa sai nam nữ đã bỏ quê hương của mình để ra đi loan báo Tin Mừng cho các quốc gia khác, trên các đại lục khác. Có một Hồng Y người Brail nói với tôi rằng ngài làm việc khá nhiều tại vùng Amazzonia. Mỗi khi đến một vùng hay một thành phố, ngài luôn luôn đến nghĩa trang để thăm mộ của các thừa sai, các linh mục, tu huynh và nữ tu đã ra đi rao giảng Tin Mừng. Các vị là các tông đồ. Và ngài nghĩ rằng tất cả các thừa sai này đều có thể được phong thánh ngay bây giờ, các vị đã bỏ tất cả để ra đi loan báo Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì Giáo Hội đã có biết bao nhiêu thừa sai và còn cần có nhiều thừa sai hơn nữa! Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì điều đó. Có lẽ trong số các bạn trẻ nam nữ hiện diện tại đây có vài người muốn trở thành thừa sai. Hãy tiến lên! Thật là đẹp đem Tin Mừng của Chúa Giêsu tới với người khác. Hãy can đảm lên!

Vậy chúng ta hãy xin Chúa canh tân nơi chúng ta ơn của Chúa Thánh Thần, để mọi cộng đoàn kitô và từng tín hữu được rửa tội diễn tả mẹ Giáo Hội thánh thiện, công giáo và tông truyền.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu đến từ các nước Pháp, Canada, Anh quốc, Scotland, Nam Phi, Đan Mạch, Na Uy, Trung quốc, Nhật Bản, Sri Lanka, Australia và Hoa Kỳ. Ngài cũng chào tín hữu đến từ các nước nói tiếng Đức, Tây Ban Nha, Mêxico, Panama, Nicaragua, Argentina, Peru, Chile, Bồ Đào Nha và Brasil.

Chào các tín hữu nói tiếng A Rập đến từ Thánh Địa và vùng Trung Đông Đức Thánh Cha khích lệ họ như sau: ”Ôi, con cái của các vùng đất thánh thiện, từ đó ánh sáng lời loan báo đã đi ra cho tới các bờ cõi trái đất, hãy luôn là những người can đảm tươi vui đem sứ điệp cứu độ, sự thật và phước lành tới cho mọi người. Xin Chúa chúc lành và luôn che chở anh chị em”.

Chào các tín hữu Ba Lan ngài nhắc tới lễ nhớ thánh Stanislao Kostka dòng Tên, bổn mạng giới trẻ, thứ năm hôm nay; và cầu mong gương sống của thánh nhân, ước ao nên thánh ngay từ thời niên thiếu và trung thành với các lý tưởng kitô, nêu gương cho giới trẻ bảo vệ các giá trị cao qúy.

Đức Thánh Cha cũng xin tín hữu cầu nguyện cho chuyến viếng thăm của ngài tại Albania, là quốc gia đã đau khổ nhiều vì chế độ cộng sản vô thần, vào Chúa Nhật tới đây.

Trong các nhóm nói tiếng Ý Đức Thánh Cha đặc biệt chào các Nữ tu dòng bệnh viện Lòng Thương Xót, các nữ thừa sai Đức Bà An Ủi, và các Nữ Tu hiến sinh thánh Giuse đang họp Tổng Tu Nghị tại Roma. Ngài cũng chào các tham dự viên khóa hội học do Caritas quốc tế và Hội quan sát quốc tế về Giáo huấn xã hội của Hội Thánh tổ chức.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắc tới lễ nhớ thánh Roberto Bellarmino. Ngài cầu mong sự gắn bó với Chúa chỉ cho người trẻ thấy Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Ngài xin thánh nhân trao ban can đảm cho các anh chị em đau yếu trong những lúc tối tăm của thập giá bệnh tật; và khích lệ các cặp vợ chồng mới cưới xây dựng cuộc sống hôn nhân trên Chúa Kitô.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha phê bình thái độ ”sống chết mặc bay” trước thảm cảnh chiến tranh

Đức Thánh Cha phê bình thái độ ”sống chết mặc bay” trước thảm cảnh chiến tranh

REDIPUGLIA. Sáng 13-9-2014, ĐTC Phanxicô tái lên án sự điên rồ của chiến tranh; sự tham lam tiền bạc, bất bao dung, và sự ham hố tiền bạc, dẫn đến chiến tranh.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi viếng thăm và cử hành thánh lễ lúc gần 10 giờ sáng tại nghĩa trang quân đội Redipuglia nhân dịp kỷ niệm 100 năm thế chiến thứ I bùng nổ.

Đây là nghĩa trang quân đội lớn nhất ở Italia, ở mạn đông bắc giáp giới với Cộng hòa Slovenia và là nơi có mộ của hơn 100 ngàn binh sĩ Italia.

ĐTC đã đáp máy bay từ Roma lúc 8 giờ sáng và khi đến nơi, ngài viếng thăm trước tiên nghĩa trang Áo Hung nơi có mộ của gần 14.500 binh sĩ tử trận thuộc nước Áo, Hungari và nhiều nước khác. Ngài cầu nguyện và đặt vòng hoa tưởng niệm. Tiếp đến, ĐTC tới đài tưởng niệm và nghĩa trang Redipuglia để cử hành thánh lễ.
Đồng tế với ĐTC có gần 100 GM Italia và các nước khác, cùng với một số LM tuyên úy quân đội. Trong số hàng chục ngàn người hiện diện trước lễ đài dưới trời mưa, có các giới chức chính quyền và quân đội Italia và nước ngoài, và các tín hữu.

Toàn văn bài giảng của ĐTC:

”Sau khi chiêm ngắm vẻ đẹp cảnh trí toàn vùng này, nơi mà những người nam nữ làm việc để nuôi dưỡng gia đình, nơi các trẻ em chơi đùa và người già mơ ước.. khi ở nơi này, tôi chỉ tìm được lời này để nói: chiến tranh là một sự điên rồ.

”Trong khi Thiên Chúa làm cho công trình sáng tạo của ngài tiến triển, và loài người chúng ta được mời gọi cộng tác vào công trình của Chúa, thì chiến tranh tàn phá. Nó tàn phá cả điều đẹp nhất mà Thiên Chúa đã tạo dựng là con người. Chiến tranh đảo lộn tất cả, kể cả liên hệ giữa anh chị em với nhau. Chiến tranh là điên rồ, kế hoạch phát triển của nó là tàn phá: nó muốn phát triển bằng cách tàn phá!

”Lòng tham lam, bất bao dung, ham hố quyền lực.. đó là những động lực thúc đẩy đi tới quyết định chiến tranh, và những động lực ấy thường được biện minh bằng một ý thức hệ; nhưng trước tiên có một sự đam mê, một động lực sai trái. Ý thức hệ là một biện minh, và khi không có ý thức hệ, thì có câu trả lời của Cain: ”Có liên hệ gì tới tôi đây?”, ”Tôi đâu có phải là người canh giữ em tôi?” (St 4,9). Chiến tranh chẳng nể ai một ai: người già, trẻ em, các bà mẹ, người cha… ”Có hệ gì tới tôi đâu?”

”Trên cổng vào nghĩa trang này, phất phới khẩu hiệu chế nhạo của chiến tranh ”Có hệ gì tới tôi đâu?”. Tất cả những người có di hài đang an nghỉ tại đây, đã có từng có những dự phóng, những ước mơ.. nhưng cuộc sống của họ đã bị đốn ngã. Nhân loại nói: ”Có hệ gì tới tôi đâu?”

”Cả ngày nay, sau sự thất bại của một cuộc thế chiến khác, có lẽ người ta có thể nói về một cuộc chiến thứ ba đang được chiến đấu ”từng mảnh”, với những tội ác, những cuộc tàn sát, những cuộc tàn phá…
Nói đúng ra, trang đầu tiên của các báo phải có tựa đề ”Có hệ gì tới tôi đâu?”. Cain nói: ”Tôi có phải là người canh giữ em tôi đâu?”.

”Thái độ ấy hoàn toàn trái ngược thái độ mà Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta trong Phúc Âm. Chúng ta đã nghe: Chúa ở trong người anh em bé nhỏ nhất: Ngài là Vua, là Thẩm Phán xét xử thế gian, là người đói, khát, là ngoại kiều, người bệnh, là tù nhân… Ai săn sóc người anh em thì được vào trong niềm vui của Chúa; trái lại ai không làm như vậy, người nào bỏ sót và nói ”Có hệ gì tới tôi đâu?”, thì phải ở ngoài.

”Ở đây có bao nhiêu nạn nhân. Hôm nay chúng ta tưởng niệm họ. Khóc thương và đau lòng. Từ nơi đây, chúng ta tưởng niệm tất cả các nạn nhân của mọi cuộc chiến tranh.

”Ngày nay cũng có bao nhiêu nạn nhân.. làm sao điều này có thể xảy ra? Nó có thể xảy ra được vì cả ngày nay, ở hậu trường, có những lợi lộc, có những kế hoặc chính trị địa lý, có lòng ham hố tiền bạc và quyền hành, và có công nghệ võ khí, dường như là rất quan trọng!

”Và những kẻ đề ra những kế hoạch kinh hoàng ấy, những kẻ xách động các cuộc xung đột, cũng như các chủ hãng chế võ khí, đã ghi vào tâm hồn họ câu ”Có hệ gì tới tôi đâu?”

Và chính những người khôn ngoan nhận ra các lỗi lầm, cảm thấy đau khổ, thống hối, xin tha thứ và khóc lóc.
Với câu ”Có hệ gì tới tôi đâu?” mà những doanh nhân chiến tranh đã ghi trong lòng, có lẽ họ kiếm được rất nhiều tiền, nhưng con tim hư hỏng của họ đã mất khả năng khóc. Câu ”Có hệ gì tới tôi đâu?” làm cho họ không khóc được. Cain không khóc. Bóng đen của Cain vẫn còn che phủ chúng ta ngày nay, tại nghĩa trang này. Chúng ta thấy nó ở đây. Ta thấy trong lịch sự từ năm 1914 đến ngày nay. Ta cũng thấy trong những ngày này.

Và ĐTC kết luận rằng:

”Với tâm hồn của người con, người anh, người cha, tôi cầu xin cho tất cả anh chị em, và cho tất cả chúng ta ơn hoán cải tâm hồn: đi từ thái độ ”Có hệ gì tới tôi đâu?”, tới thái độ khóc lóc. Khóc cho tất cả những người đã ngã gục vì “cuộc thảm sát vô ích”, khóc cho tất cả những nạn nhân của chiến tranh điên rồ, trong mọi thời đại. Nhân loại đang cần khóc lóc, và đây là giờ để khóc.”

Cuối thánh lễ, Bà Bộ trưởng quốc phòng Italia, và các vị tư lệnh quân đội, đã trao tặng ĐTC một bàn thờ ”dã chiến” được một LM tuyên úy dùng để dâng thánh lễ trong thế chiến thứ I. Ngoài ra vị Tổng tham mưu trưởng quân đội Italia đã tặng ĐTC bản sao giấy đăng ký của Ông nội của ngài, Gioan Bergoglio, một trong 31 ngàn sĩ quan của Italia đã chiến đấu trong thế chiến thứ I.

Tiếp đến ĐTC đã trao cho các GM hiện diện mỗi vị một cái đèn và dầu từ miền Assisi như biểu tượng ánh sáng hòa bình. Đèn do Tu viện Phanxicô ở Assisi và dầu do Hiệp hội cha Luigi Ciotti tặng để thắp sáng trong các buổi lễ tượng niệm thế chiến thứ I cử hành ở các địa phương.

Sau thánh lễ, ĐTC đã đáp máy bay trở về Roma vào lúc gần một giờ trưa cùng ngày. (SD 13-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến gần 50 Giám Mục Congo

Đức Thánh Cha tiếp kiến gần 50 Giám Mục Congo

VATICAN. ĐTC khuyến khích các GM Cộng hòa dân chủ Congo đào sâu việc huấn luyện tín hữu và tăng cường giáo dục để chống bạo lực.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 12-9-2014, dành cho gần 50 GM thuộc 47 giáo phận tại Congo nhân dịp các vị về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Ngài bày tỏ vui mừng vì các cộng đồng Kitô tại Congo đang phát triển nhưng đồng thời cũng nhắc nhở rằng: “Như anh em biết, đối với Giáo Hội, điều cốt yếu không phải là vấn đề số lượng, nhưng là sự gắn bó hoàn toàn không chút dè dặt với Thiên Chúa được mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô. Chất lượng niềm tin nơi Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại, sự hiệp thông thân mật với Chúa, chính là nền tảng sự vững chắc của Giáo Hội. Vì thế, điều quan trọng sinh tử là rao giảng Tin Mừng theo chiều sâu. Lòng trung thành với Tin Mừng, Truyền Thống và Giáo Huấn của Hội Thánh chính là những điểm tham chiếu vững chắc bảo đảm sự tinh tuyền của nguồn suống mà anh em đang dẫn đưa Dân Chúa đến” (Lumen Fidei, 36).

ĐTC ghi nhận Giáo Hội tại Congo có rất nhiều người trẻ, và ngài tỏ ra nhạy cảm đối với tình cảnh khó khăn của người trẻ. Ngài nói: ”Tôi biết anh em chia sẻ những cơ cực, vui mừng và hy vọng của người trẻ. Tôi rất kinh hoàng khi nghĩ đến các trẻ em và người trẻ bị cưỡng bách gia nhập các lực lượng dân quân và bị bó buộc phải giết đồng bào của mình! Vì thế, tôi khuyến khích anh em tăng cường việc mục vụ cho người trẻ… Phương thế hữu hiệu nhất để thắng bạo lực, vượt thắng những chênh lệch và chia rẽ bộ tộc, chính là giúp người trẻ có óc phê bình và đề nghị với họ một tiến trình trưởng thành trong các giá trị Tin Mừng (Xc Evangelii gaudium, 64). Cũng cần tăng cường việc mục vụ trong các đại học cũng như trong các trường Công Giáo và công lập”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC cũng nhắc đến sự băng hoại gia đình ở Congo do chiến tranh và nghèo đói gây ra. Ngài nói: ”Điều không thể thiếu được, đó là đề cao giá trị và khuyến khích tất cả các sáng kiến nhắm củng cố gia đình, là nguồn mạch mọi tình huynh đệ, là nền tảng và là con đường đầu tiên dẫn đến hòa bình” (Sứ điệp Hòa bình thế giới, 2014, 1).

ĐTC cũng nói rằng: ”Anh em thân mến trong hàng GM, tôi mời gọi anh em không ngừng hoạt động để thiết lập một nền hòa bình lâu bền và công chính, qua một nền mục vụ đối thoại và hòa giải giữa các thành phần khác nhau trong xã hội, đồng thời hỗ trợ tiến trình giải giáp, và cổ võ sự cộng tác hữu hiệp với các tôn giáo khác”.
Sau cùng, ĐTC bày tỏ hy vọng các GM Congo sẽ tiếp tục hoạt động để nhạy cảm hóa chính quyền về việc kết thúc các cuộc thương thảo để ký một hiệp định với Tòa Thánh.

Trong số gần 70 triệu dân tại Cộng hòa dân chủ Congo đa số là tín hữu Kitô, trong đó có hơn 52% là tín hữu Công Giáo. Các tín hữu Kitô khác chiếm 30% và có 10% theo Hồi giáo, 10% theo các tôn giáo cổ truyền của Phi châu. (SD 12-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Sửa lỗi cho nhau là một phục vụ, nhưng phải tế nhị, khiêm tốn và tránh các lời nói gây thương tích và giết chết tha nhân

Sửa lỗi cho nhau là một phục vụ, nhưng phải tế nhị, khiêm tốn và tránh các lời nói gây thương tích và giết chết tha nhân

Sửa lỗi cho nhau là một phục vụ, nhưng phải tế nhị, khiêm tốn và tránh các lời nói gây thương tích và giết chết tha nhân

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 7-9-2014 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa bài Phúc Âm Chúa Nhật và nói: Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay giới thiệu đề tài sửa lỗi huynh đệ trong cộng đoàn tín hữu: nghĩa là tôi phải sửa lỗi một kitô hữu khác như thế nào, khi anh ta làm một điều không tốt. Chúa Giêsu dậy chúng ta rằng nếu người anh em kitô của tôi pham một lỗi chống lại tôi, xúc phạm đến tôi, tôi phải dùng lòng bác ái đối với người đó, và trước hết nói chuyện với họ một cách cá nhân, bằng cách giải thích cho họ rằng điều họ đã nói hay đã làm không tốt. Và nếu người anh em đó không nghe tôi thì sao? Chúa Giêsu gợi ý một sự can thiệp tiệm tiến: trước hết trở lại nói chuyện với họ với hai hay ba người, để họ ý thức hơn về lỗi lầm họ đã làm. Nếu mặc dù thế họ không đón nhận lời khích lệ, thì phải nói với cộng đoàn; nếu người ấy cũng không nghe cả cộng đoàn nữa, thì phải làm cho họ nhận thức được sự bẻ gẫy và xa cách, mà chính họ đã gây ra, khiến cho sự hiệp thông với các anh em khác trong đức tin bị giảm thiểu đi. Các chặng của lộ trình này cho thấy Chúa xin cộng đoàn của Người đồng hành với kẻ lầm lỗi để họ đừng hư mất. Trước hết cần phải tránh sự ồn ào của tin tức và sự bép xép của cộng đoàn – đó là điều đầu tiên phải tránh – ”Hãy đi và sửa lỗi người anh em, con với nó mà thôi” (c. 15). Thái độ là sự tế nhị, cẩn trọng, khiêm tốn, chú ý đối với người đã phạm một lỗi, bằng cách tránh các lời nói có thể gây thương tích và giết chết người anh em. Bởi vì anh chị em biết, các lời nói có thể giết người! Đức Thánh Cha minh giải điều này như sau:

Khi tôi nói xấu nói hành, khi tôi có một lời chỉ trích bất công, khi tôi ”lột da” một người anh em với cái lưỡi của tôi, đó là giết chết danh dự của người khác. Chúng ta phải để ý tới điều này. Đồng thời sư kín đáo nói chuyện với người đó một mình không có mục đích làm nhục người có tội một cách vô ích. Nói chuyện giữa hai người, không ai nhận thấy và tất cả kết thúc. Chính dưới ánh sáng của đòi buộc này mà chúng ta cũng hiểu được các loạt can thiệp tiếp theo, dự kiến sự tham dự của vài chứng nhân, và rồi cả cộng đoàn nữa. Mục đích là giúp người anh em ý thức được điều họ đã làm, và với lỗi lầm của họ, họ đã không chỉ xúc phạm tới một người khác, mà xúc phạm tới tất cả mọi người. Nhưng cũng là để giúp chúng ta giải thoát mình khỏi sự giận dữ hay oán hận, chỉ gây đau đớn; nỗi cay đắng của con tim đem lại sự giận dữ và đau xót, và khiến cho chúng ta chửi rủa và gây hấn. Thật rất xấu, thấy ra khỏi miệng một kitô hữu một lời chửi rủa hay một gây hấn. Thật là xấu! Hiểu chưa? Không có chửi rủa nhé! Chửi rủa không phải là kitô. Anh chị em hiểu chưa?

Tiếp tực bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Thật ra, trước mặt Thiên Chúa chúng ta tất cả là những người tội lỗi cần được tha thứ. Tất cả. Thật vậy Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng xét đoán. Việc sửa lỗi huynh đệ là một khía cạnh của tình yêu thương và sự hiệp thông, phải ngự trị trong cộng đoàn kitô; nó là một phục vụ mà chúng ta có thể và phải làm cho nhau. Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Sửa lỗi người anh em là một phục vụ, và nó chỉ có thể và hữu hiệu, nếu mỗi người thừa nhận mình là kẻ có tội, cần được ơn tha thứ của Chúa. Cùng ý thức đó giúp tôi nhận biết sai lầm của người khác, nhưng trước đó nữa nó nhắc cho tôi biết rằng rằng tôi đã sai sai lầm, và sai lầm biết bao nhiêu lần. Chính vì thế vào đầu mỗi Thánh Lễ chúng ta được mời gọi thừa nhận trước mặt Chúa chúng ta là kẻ có tội, bằng cách diễn tả ra bằng các lời nói và các cử chỉ sự thống hối chân thành của con tim. Và chúng ta nói: ”Xin thương xót con, lậy Chúa. Con là kẻ có tội! Lậy Thiên Chúa Toàn Năng, con xưng thú các tội lỗi của con”. Chứ chúng ta không nói: ”Lậy Chúa xin thương xót cái ông bện cạnh con đây, hay cái bà kia, là những kẻ tội lỗi”. Không. ”Xin thương xót con!” Chúng ta tất cả đều là những người tội lỗi và cần sự tha thứ của Chúa. Chính Chúa Thánh Thần nói với thần trí chúng ta, và làm cho chúng ta nhận biết các lỗi lầm của chúng ta dưới ánh sáng lời Chúa Giêsu. Và cũng chính Chúa Giêsu mới gọi chúng ta tất cả, thánh thiện và tội lỗi, đếm bàn tiệc của Ngài, bằng cách quy tụ chúng ta từ mọi ngã tư đường, từ các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống (x. Mt 22,9-10). Và trong số các điều kiện chung cho các người tham dự buổi cử hành thánh thể, có hai điều nền tảng, hai điều kiện để đi tham dự Thánh Lễ: chúng ta tất cả là người tội lỗi, và Thiên Chúa ban lòng thương xót của Ngài cho tất cả mọi người. Đó là hai điều kiện mở toang cửa cho chung ta vào dự Thánh Lễ cách tốt đẹp. Chúng ta phải luôn nhớ điều ấy trước khi đi sửa lỗi người anh em. Chúng ta hãy xin tất cả những điều này qua sự bầu cử của Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, mà ngày mai chúng ta mừng sinh nhật của Mẹ.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã xin mọi người cầu nguyện cho cuộc ngương chiến và đối thoại liên quan tới Ucraina, trong cái luận lý của sự gặp gỡ, có thể tiếp tục và đem lại nhiều hoa trái, mặc dù có các tin tức đau buồn. Ngài cầu mong cuộc ngưng chiến có thể thoa dịu nỗi khổ đau của dân chúng và góp phần mang lại hòa bình lâu bền. Ngài cũng hiệp ý với các Giám Mục Lesotho lên án mọi hành động bạo lưc và kêu gọi tái lập hòa bình trong công lý và tình huynh đệ cho vùng đất này.

Đức Thánh Cha cũng khích lệ 30 thiện nguyện viện của Hội Hồng Thập Tự Italia sang trợ giúp người tỵ nạn tại Dohuk gần Erbil bên Iraq. Ngài chúc lành cho họ và tất cả những ai tìm cách trợ giúp một cách cụ thể các anh chị em bị bách hại và đàn áp này.

Sau khi chào nhiều nhóm tín hữu khác nhau Đức Thánh Cha nhắc lại cho mọi người biết thứ hai hôm nay là lễ Sinh Nhật Đức Mẹ. Khi có mẹ mừng lễ sinh nhật, thì con cái chào và chúc mừng mẹ. Ngay từ sáng nay ngài xin mọi người chào và chúc mừng Mẹ Maria và đoc một Kinh Kính Mừng với trọn con tim. Ngài cũng xin mọi người cầu nguyện cho ngài nữa.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Vẽ chân dung

Vẽ chân dung

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Lời Chúa hôm nay dạy các môn đệ của Ngài, dạy cho dân chúng cũng như dạy cho tất cả chúng ta một việc rất quan trọng trong đời sống hằng ngày, đó là tinh thần bác ái trong việc xét đoán, phê bình người khác. Chúng ta cùng nhau chia sẻ một vài ý tưởng qua bài Phúc Âm theo thánh Mátthêu (x. Mt 18,15-20).

Khi đọc lại đoạn Tin Mừng trên, hẳn mỗi người chúng ta đều bật cười và lẩm bẩm rằng: Chúa Giêsu dạy thật có lý, vì rõ ràng đức bác ái dạy rất phù hợp với đạo tự nhiên của con người, bằng chứng là lúc chưa được may mắn nghe Tin Mừng của Chúa, mọi người chúng ta đã từng dạy con cháu trong đạo xử thế: "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ".

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng lặp lại cùng một tư tưởng đó nhưng với kiểu văn châm biếm: "Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt ngươi trước đã thì ngươi sẽ thấy rõ để lấy hạt bụi ra khỏi mắt anh em ngươi". Qua đó chúng ta nhận thấy rằng, trong cái triết lý đời sống nơi trần gian này cũng như của đời sống vĩnh cửu, chúng ta phải tôn trọng vì theo nguyên tắc: "Muốn cho đi thì phải có trước đã, vì không ai có thể cho cái mình không có bao giờ". Cũng như muốn làm việc gì, chúng ta phải biết mình có khả năng hay không. Và trong lời dạy của Chúa Giêsu bao giờ cũng tiềm tàng đức bác ái và tinh thần khiêm nhượng trong đó. Trong việc giúp đỡ người khác là anh em thì tôi phải kính trọng họ, tôi phải nhận thấy rõ chính tôi cũng là người tội lỗi yếu đuối như bao người khác trước mặt Thiên Chúa chí tôn chí thánh.

Trong đời sống thực hành hằng ngày, cụ thể qua việc sửa sai cho nhau, phải thực sự là một việc giúp đỡ chứ không phải là cuộc xét xử, chỉ trích, lên án nhau. Để được như thế, mỗi người chúng ta phải hiểu rằng, con người được Chúa dựng nên không phải để xét xử, chỉ trích, lên án anh chị em mình, nhưng để sống đời sống làm con Thiên Chúa và để giúp đỡ anh chị em khác trở thành con Chúa và cùng chung sống đời sống gia đình mà có Thiên Chúa là Cha. Đó chính là đức bác ái Công Giáo mà Chúa Giêsu đã dạy trong Tin Mừng.

Hôm nay trong tinh thần bác ái của Chúa dạy, chúng ta hãy xin lỗi Chúa vì những lời phê bình, kết án, xét đoán, chỉ trích, thiếu bác ái. Xin Chúa giúp chúng con biết sống tinh thần tha thứ cho anh em trong cùng một Cha trên trời là Đấng luôn ban cho người công chính cũng như cho những kẻ lầm đường lạc lối. Chính vì thế mà trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi tất cả con cái của Giáo Hội hãy làm một cuộc tự vấn lương tâm và sám hối về những lầm lỗi của mình trong quá khứ. Giáo Hội đã nhận ra rằng, trong quá khứ con cái của mình đã có những hành động thiếu khoan nhượng trong khi loan báo Tin Mừng. Chúng ta không thể quên được những cuộc thập tự viễn chinh để triệt hạ người Hồi Giáo, các tòa điều tra để thiêu sống những người bị xem là lạc giáo trong thời Trung Cổ, những cuộc chiến tranh giữa Công Giáo và Tin Lành hồi thế kỷ XVII. Chúng ta cũng khó quên được những hoạt động truyền giáo, vì nhiệt tình loan báo Chúa Kitô, các tín hữu đã không ngần ngại dùng võ lực và nhiều sức ép khác để bóp nghẹt niềm tin và tư tưởng của người khác.

Lịch sử đã sang trang, ngày nay Giáo Hội thấy cần phải sám hối và quay trở lại gần với Tin Mừng của Chúa hơn. Tin Mừng của Chúa thiết yếu là chính con người của Chúa Giêsu, Đấng đã đồng bàn ngồi với những người bị xã hội gạt ra bên lề, cảm thông tha thứ không ngừng cho những người tội lỗi. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy cư xử như Ngài. Từ sáng chói nhất mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe trong Tin Mừng hôm nay phải là hai chữ "Anh Em". Khi người anh em lỗi phạm thì ngươi hãy đến với nó, chuyện vãn với nó, khuyến dụ nó, dù tội lỗi đốn mạt xấu xa đến đâu thì tha nhân vẫn là người anh em của chúng ta. Chúa dạy ta hãy đến với người anh em không phải với thái độ miệt thị, loại trừ, mà bằng sự cảm thông tha thứ.

Tựu trung đi bước trước để gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại, cảm thông tha thứ, đó là cách cư xử giữa những người anh em con cùng một Cha trên trời. Mỗi ngày Chúa Nhật chúng ta đến gặp gỡ trong tình anh em ấy, Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Nếu ngươi đến dâng của lễ nơi Bàn Thờ mà chợt nhớ có điều bất bình với người anh em, hãy bỏ của lễ mà đi làm hòa với người anh em trước đã, rồi hãy đến dâng của lễ" (Mt 5,23-24).

Nguyện xin Chúa tha thứ và ban ơn giúp sức cho chúng ta, để mỗi ngày Chúa Nhật, sau khi ra khỏi nhà thờ chúng ta cảm thấy được bổ sức hơn, hầu sống và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa một cách tốt đẹp hơn.

Veritas Radio

Sửa lỗi anh em

Sửa lỗi anh em

Con người ai cũng có lầm lỗi. Vậy mà thái độ ứng xử trước lầm lỗi của người khác lại không giản đơn. Đối với lỗi lầm của người khác, ta thường có hai thái độ, hoặc quá khắc nghiệt loại trừ, hoặc quá thờ ơ lãnh đạm. Cả hai thái độ đó đều thiếu xây dựng. Quá khắc nghiệt loại trừ sẽ khiến ta can thiệp thô bạo vào đời tư, sẽ gây ra bất mãn, đổ vỡ. Quá thờ ơ lãnh đạm sẽ buông thả mặc cho sự xấu tràn lan, sẽ làm cho xã hội suy thoái.

Giáo Hội là một cộng đoàn những con người. Lầm lỗi là không thể tránh khỏi. Vì thế muốn cộng đoàn phát triển, việc sửa lỗi là cần thiết, nhất là đối với những lầm lỗi công khai ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn.

Tuy nhiên sửa lỗi là việc khó. Không khéo thì lợi bất cập hại. Lời Chúa hôm nay đưa ra những hướng dẫn cần thiết giúp việc sửa lỗi có kết quả.

Muốn sửa lỗi phải quan tâm. Chúa nói: Khi anh em ngươi sai lỗi. Vâng, người sai lỗi đó không phải ai xa lạ. Đó là anh em tôi, là người nhà của tôi, là một thành phần của đời tôi. Nếu lầm lỗi giống như một cơn bệnh, làm sao tôi không lo lắng chạy chữa cho người thân, nhất là cho chính bản thân khi bị mắc bệnh? Nếu lầm lỗi giống như mất mát người thân, làm sao tôi không đau xót lên đường đi tìm ngay tức khắc?

Muốn sửa lỗi cần can đảm. Càng ngày người ta càng muốn tránh đụng chạm, mích lòng. Dại gì nói những chuyện không vui để mua thù chuốc oán vào thân. Vì thế, để sửa lỗi, cần phải can đảm. Can đảm đến với người lầm lỗi. Can đảm nói sự thật về lỗi lầm của họ. Can đảm chấp nhận những rủi ro do việc sửa lỗi đưa đến như sự giận ghét, sự công kích, chấp nhận bị phê bình ngược lại.

Muốn sửa lỗi phải trân trọng. Trân trọng vì người lầm lỗi đó là người anh em tôi, là đáng quí trọng đối với tôi. Trân trọng vì người anh em tuy có lầm lỗi, vẫn có khả năng sửa đổi. Sửa lỗi là tin vào thiện chí, vào mầm mống tốt đẹp Chúa gieo vào lương tâm mỗi người. Sự khinh miệt, lên mặt kẻ cả sẽ chỉ chuốc lấy thất bại.

Muốn sửa lỗi phải rất tế nhị. Tâm hồn người lầm lỗi rất mong manh. Vừa đầy tự ái vừa đầy mặc cảm. Một lời nói không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ. Một thái độ vô tình sẽ càng khơi thêm hố ngăn cách. Vì thế Chúa dạy tôi phải rất tế nhị khi sửa lỗi. Thoạt tiên chỉ gặp riêng một mình. Gặp riêng là một thái độ tế nhị. Sự tế nhị tạo nên cảm giác an toàn, kính trọng và yêu thương. Sự tế nhị tạo ra một bầu khí tín nhiệm thuận lợi cho việc cởi mở tâm tình, khai thông bế tắc. Sự tế nhị sẽ trở thành chiếc cầu đưa người lầm lỗi trở về cộng đoàn.

Sau cùng, muốn sửa lỗi phải kiên trì. Việc sửa lỗi không giản đơn. Không phải làm một lần là thành công ngay. Vì thế phải rất kiên trì và có nhiều phương án. Kiên trì để vẫn tiếp tục dù đã một lần thất bại. Có nhiều phương án để cương quyết đi đến thành công. Hôm nay Chúa đưa ra cho ta ba phương án để chinh phục người anh em: Gặp riêng, gặp có người làm chứng và sau cùng mới đưa ra cộng đoàn.

Như thế, việc sửa lỗi hoàn toàn là một việc làm được thúc đẩy do tình yêu. Chính bầu khí tin yêu đó sẽ khiến cộng đoàn phát triển. Ai cũng mong được sống trong một cộng đoàn yêu thương như thế. Vì khi lầm lỡ ta biết mình không bị loại trừ nhưng sẽ được quan tâm giúp đỡ, một sự giúp đỡ chân thành, tế nhị và đầy yêu thương.

Lạy Chúa, xin ban cho con tâm hồn bác ái đầy tế nhị của Chúa.

GỢI Ý CHIA SẺ

1/ Sửa lỗi anh em, góp ý phê bình, dễ hay khó?

2/ Khi biết anh em lầm lỗi, bạn làm gì? Vạch mặt chỉ tên hay giả điếc làm ngơ?

3/ Trong gia đình, trong xứ đạo bạn, đã có sự góp ý tốt đẹp chưa?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 31-8-2014

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 31-8-2014

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với 30 ngàn tín hữu hành hương trưa Chúa Nhật 31-8-2014, ĐTC Phanxicô kêu gọi các tín hữu đừng chiều theo lối suy tư và hành động của thế gian.

Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn bài Phúc Âm và bài thánh thư của Chúa Nhật thứ 22 thường niên năm A nói về việc Chúa Giêsu tiên báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn của Ngài và lời thánh Phaolô dạy các tín hữu đừng chiều theo lối sống của thế gian. Ngài nói:

”Anh chị em thân mến, chào anh chị em

Trong hành trình chúa nhật với Tin Mừng theo thánh Matheu, hôm nay chúng ta đi tới điểm trọng yếu trong đó, sau khi kiểm chứng về niềm tin của thánh Phêrô và 11 môn đệ khác nơi Ngài như Đấng Messia và là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu ”bắt đầu giải thích cho họ biết Ngài sẽ phải lên Jerusalem và chịu đau khổ nhiều…, bị giết và sống lại ngày thứ ba” (16,21). Đó là một lúc quan trọng qua đó ta thấy rõ sự đối nghịch giữa lối suy tư của Chúa Giêsu và của các môn đệ. Thậm chí, Phêrô cảm thấy nghĩa vụ cần phải trách Thầy mình, vì không thể gán cho Đấng Messia một sự kết thúc ô nhục như thế. Bấy giờ Chúa Giêsu nghiêm khắc khiển trách Phêrô, chỉnh lý ông, vì ông đã không suy nghĩ “theo Thiên Chúa, nhưng theo loài người” (v.23) và không thấy mình theo phe Satan, kẻ cám dỗ.

”Trong phụng vụ hôm nay, cả thánh Phaolô cũng nhấn mạnh về điểm này, thánh nhân viết cho các tín hữu Roma và nói với họ rằng: ”Anh chị em đừng chiều theo thế gian này, đừng đi vào khuôn mẫu của thế gian này, nhưng hãy để cho mình được biến đổi, canh tân cách suy nghĩ của anh chị em, để có thể phân định ý Thiên Chúa” (Rm 12,2). Trong thực tế, các tín hữu Kitô chúng ta sống trong trần thế, hoàn toàn ở trong thực tại xã hội và văn hóa của thời đại chúng ta, và đúng là như thế; nhưng điều này bao hàm nguy cơ chúng ta theo thói thế gian, nguy cơ muối mất hương vị, như Chúa Giêsu nói (Xc Mt 5.13), nghĩa là tín hữu Kitô tan loãng, đánh mất sức mạnh của sự mới mẻ đến từ Chúa và Thánh Linh. Hành động ngược lại như thế thì mới đúng, nghĩa là khi sức mạnh của Tin Mừng vẫn còn sinh động nơi Kitô hữu, thì có thể biến đổi ”những tiêu chuẩn phán đoán, các giá trị quyết định, những điểm hay ho, những đường hướng tư tưởng, những nguồn mạch gợi hứng và những kiểu mẫu đời sống” (Phaolô 6, Tông huấn ”Loan báo Tin Mừng”, 19). Thật là buồn khi thấy có những Kitô hữu bị loãng, dường như họ trở thành rượu loãng, người ta không biết họ là Kitô hữu hay là người của thế gian, như rượu loãng, ta không biết đó là rượu hay là nước! Đó thực là điều buồn, buồn khi thấy những Kitô hữu không còn là muối đất nữa, và chẳng có ích lợi gì nữa. Muối của họ đã mất vị, vì họ chiều theo tinh thần thế gian này, trở thành người trần tục.

”Vì thế, cần phải liên tục canh tân, kín múc nhựa sống từ Tin Mừng. Và làm sao có thể thi hành điều này? Trước tiên, bằng cách đọc và suy niệm Tin Mừng mỗi ngày, nhờ đó Lời Chúa Giêsu luôn hiện diện trong đời sống chúng ta. Anh chị em hãy nhớ: việc mang theo sách Phúc Âm trong mình sẽ giúp anh chị em: một cuốn Phúc âm nhỏ ở trong túi, trong sắc, và đọc một đoạn trong ngày. Nhưng luôn mang theo Phúc Âm, vì đó có nghĩa là mang Lời Chúa Giêsu, để có thể đọc. Ngoài ra, bằng cách tham dự thánh lễ chúa nhật, qua đó chúng ta gặp Chúa trong cộng đoàn, chúng ta lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận Thánh Thể liên kết chúng ta với Chúa và giữa chúng ta với nhau; rồi những ngày tĩnh tâm và linh thao rất quan trọng để canh tân tinh thần. Tin Mừng, Thánh Thể, kinh nguyện: nhờ những hồng ân này của Chúa, chúng ta có thể trở nên đồng hình dạng, không phải với thế gian, nhưng là với Chúa Kitô, và theo Chúa trên con đường của Ngài, con đường ”mất mạng sống mình” để tìm lại nó (v.25). Mất mạng sống theo nghĩa trao tặng, dâng hiến sự sống ấy vì yêu thương và trong tình thương – và điều này có nghĩa là phải hy sinh, thánh giá – để nhận lại sự sống được thanh tẩy, được giải thoát khỏi ích kỷ và hậu quả của sự chết, được tràn đầy sự vĩnh cửu.

Đức Trinh Nữ Maria luôn đi trước chúng ta trên con đường này; chúng ta hãy để cho Mẹ hướng dẫn và tháp tùng chúng ta.

Chào thăm các tín hữu

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC nhắc nhở rằng:

”Ngày mai (1-9-2014) ở Italia, chúng ta cử hành ngày bảo tồn thiên nhiên, do Hội đồng GM đề xướng. Đề tài năm nay rất quan trọng, đó là ”giáo dục về việc bảo tồn thiên nhiên, vì sức khỏe của các làng mạc và thành thị của chúng ta”. Tôi cầu mong rằng mọi người,các tổ chức, hiệp hội và công dân đều gia tăng dấn thân để bảo tồn sự sống và sức khỏe của con người, kể cả bằng cách tôn trọng môi sinh và thiên nhiên.

Tiếp đến, ĐTC đã chào thăm các tín hữu hành hương từ Italia và các nước khác, đặc biệt từ Santiago de Chile, San Giovanni Bianco và Albano Sant'Alessandro thuộc tỉnh Bergamo, bắc Italia, cũng như một nhóm đông đảo các cảnh sát viên đi xe môtô và ban nhạc cảnh sát.

Ngài cũng đặc biệt ngỏ lời chào thăm các đại biểu quốc hội Công Giáo nhóm khóa họp quốc tế lần thứ 5 và khích lệ họ hãy sống vai trò tế nhị đại diện dân chúng phù hợp với những giá trị Tin Mừng.

ĐTC nói thêm rằng: Hôm qua tôi đã tiếp một gia đình đông con từ Mirabella Imbaccari, gia đình này đã chuyển lời chào tham của cả làng. Tôi cám ơn tất cả anh chị em thuộc làng ấy với lòng quí mến.

Sau cùng, ĐTC cầu chúc cho hai đội bóng đá sẽ đấu vào chiều tối hôm nay ở Sân vận động Olympic tại Roma này.
Đó là một trận đấu bóng đại kết để cổ võ hòa bình, với hai đội banh gồm các cầu thủ thuộc nhiều nước khác nhau.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ làm phép cưới

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ làm phép cưới

VATICAN. Chúa nhật 14-9 tới đây, ĐTC Phanxicô sẽ làm phép cưới cho 20 đôi đính hôn thuộc giáo phận Roma, trong tư cách ngài là GM giáo phận này.

Đây là lễ cưới đầu tiên ngài chủ sự từ khi làm Giáo Hoàng ngày 13-3-2013. Lần cuối một vị Giáo hoàng chủ sự lễ cưới là thánh Gioan Phaolô 2 vào năm 2000: Người làm lễ cưới cho 8 cặp đính hôn thuộc nhiều nước khác nhau, nhân dịp Ngày Năm Thánh dành cho các gia đình. Trước đó vào tháng 10 năm 1994, nhân cuộc gặp gỡ đầu tiên các gia đình Công Giáo thế giới ở Roma, Người cũng làm phép cưới cho một số cặp.

Hồi tháng 6 năm nay, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ ban sáng tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Marta ở Vatican cho một số đôi cử kỷ niệm 25, 50 và 60 năm Hôn Phối.

Ngoài ra, chúa nhật 28-9 tới đây, ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân ngày thế giới các ông bà và những người cao niên. Ngày này có chủ đề là ”Phúc lành trường thọ”, và bắt đầu lúc 8 giờ rưỡi tại Quảng trường, với những suy tư và chứng từ. Tiếp đến khoảng 9 giờ rưỡi, ĐTC đến gặp các tham dự viên và trao đổi với họ, trước khi cử hành thánh lễ vào lúc 10 giờ rưỡi.

ĐTC Phanxicô năm nay 78 tuổi. Ngài đã nhiều lần bày tỏ quan tâm về số phận của người già trong các xã hội tây phương, thường là nạn nhân của nền ”văn hóa loại bỏ”. Ngài khẳng định rằng: ”Một dân tộc không bảo vệ những người già của mình, không săn sóc các trẻ em, là một dân tộc không có tương lai, không có hy vọng.. Sự đối xử với người già cũng như đối với trẻ em là dấu chỉ cho thấy chất lượng của một xã hội.. Khi những người già bị gạt bỏ, bị cô lập, và nhiều khi qua đi trong sự thiếu tình thương, thì đó là một dấu chỉ xấu” (Apic 29-8-2104)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Cha Lombardi bác bỏ tin của báo New York Times

Cha Lombardi bác bỏ tin của báo New York Times

VATICAN. Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cha Federico Lombardi, bác bỏ tin của tờ New York Thời Báo cho rằng Tòa Thánh muốm ém nhẹm vụ Đức TGM Wesolowski bị cáo lạm dụng tính dục trẻ em.

Đức TGM Joseph Wesolowski người Ba Lan, năm nay 65 tuổi, làm Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Dominicana cho đến tháng 8 năm 2013, thì bị giáo quyền địa phương bá cáo với ĐTC về vụ vị này đi ”dụ dỗ” các trẻ em đánh giầy ở đường phố và lạm dụng tính dục các em.

ĐTC triệu vị này về Roma và bãi nhiệm. Ngày 27-6 năm nay, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết Bộ giáo lý đức tin đã xét xử cấp I và ban hành phán quyết buộc vị GM phải hồi tục, không còn quyền lợi và nghĩa vụ như một giáo sĩ, ngoại trừ nghĩa vụ giữ độc thân. Bị can đã kháng án trong vòng 2 tháng theo luật, và việc xét xử cấp II có thể bắt đầu vào tháng 10 tới đây. Sau khi bản án theo giáo luật được coi là chung kết thì đương sự sẽ bị xét xử về hình luật.

Trong một bài đăng tải 23-8-2014, tờ New York Thời Báo cho rằng ”năm ngoái Tòa Thánh bí mật triệu hồi Wesolowski trước khi đương sự có thể bị điều tra, và viện cớ ông Wesolowski được miễn trừ vì là nhà ngoại giao để khỏi bị tòa án ở Cộng hòa Dominicana xét xử”.

Trong thông cáo công bố tối ngày 25-8-2014 tại Vatican, Cha Lombardi trả lời rằng ”ngay từ khi vụ này được đệ trình, Tòa Thánh đã hành động mau lẹ và đúng đắn, dưới ánh sáng qui chế đặc biệt mà Đức TGM Wesolowski hưởng như một nhà ngoại giao của Tòa Thánh. Khi gọi đương sự về Roma, cũng như trong việc xử lý vụ này, Tòa Thánh vẫn tiếp xúc với Nhà chức trách Cộng hòa Dominicana. Không hề có ý ém nhẹm, việc làm này chứng tỏ phía Tòa Thánh lãnh nhận trách nhiệm một cách trọn vẹn và trực tiếp, cả trong một vụ trầm trọng và tế nhị như thế. Và ĐTC Phanxicô được thông báo tường tận, ngài muốn vụ này được xử lý một cách công minh và với sự nghiêm ngặt cần thiết”.

Sau cùng, Cha Lombardi nhận xét rằng vì Đức TGM Wesolowski đã ngưng các chức năng ngoại giao và không được hưởng sự miễn trừ đi kèm, đương sự có thể bị xét xử do các tòa án khác có danh nghĩa thực hiện việc này”.

Hồi tháng 5-2014, ĐTC Phanxicô nói với giới báo chí rằng có 3 GM đang bị điều tra về vị cáo lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Một người đã bị lên án và hình phạt cho đương sự đang được cứu xét. Dường như đó là Wesolowski.

ĐTC cũng nói với các ký giả rằng lạm dụng tính dục trẻ em là một ”tội ác xấu xa” và ngài tái khẳng định chính sách tuyệt đối không dung thứ những kẻ lạm dụng. (CNS 25-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Phêrô tuyên tín

Phêrô tuyên tín

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Câu hỏi của Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ vẫn còn vang dội tới ngày hôm nay, và trong giây phút này dường như Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta, Ngài cũng đặt câu hỏi với từng người, trước hết là câu: “Người ta và những kẻ khác, theo quan niệm trần tục của con người thì họ nghĩ Thầy là ai?”.

Chúa Giêsu Kitô là một thực tại, một con người lịch sử đã sống thật trên mặt đất này tại vùng Palestina cách đây hơn 2,000 năm. Đây là một thực tại đầy mầu nhiệm, những kẻ sống đồng thời với Ngài, họ cũng nhìn thấy những việc lạ Chúa đã thực hiện, trước đó là phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều, nhưng họ không thể nhìn nhận ra thực tại Thần Linh của Chúa là Con Thiên Chúa Hằng Sống. Họ nhìn vào Chúa Giêsu như một tiên tri, một E?lia, một Gioan Tẩy Giả, một người chuẩn bị nhân loại cho Thiên Chúa, nhưng chưa phải là Thiên Chúa. Những kẻ khác thời Chúa Giêsu, trên quan điểm trần tục không được Thiên Chúa soi sáng, như Phêrô đã không nhận ra Chúa Giêsu Kitô là ai? Và các Tông Đồ đã kể lại cho Chúa nghe về các nhận xét của dân chúng xung quanh. Nhưng những kẻ khác, những kẻ ngoại chưa tin Chúa, không nhận ra Chúa, điều đó cũng chưa quan trọng đối với Ngài cho bằng chính những người mang tên là người đồ đệ của Chúa, là người Kitô mà lại không nhận ra Ngài.

Câu hỏi thứ nhất: “Người ta nghĩ Thầy là ai?”, chỉ là một câu hỏi phụ, câu hỏi nhập đề để gợi ý thức nơi các đồ đệ. Câu hỏi thứ hai quan trọng hơn: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Mỗi người phải trực tiếp trả lời câu hỏi này bằng đức tin của mình đối với Chúa. Điều Chúa muốn không phải là một câu trả lời suông, ngoài môi miệng như một học trò trả bài giáo lý cho thầy giáo trong lớp: “Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế muôn dân”. Câu trả lời suông ngoài môi miệng như câu trả lời thuộc lòng bài giáo lý thì tương đối dễ, nhưng điều Chúa nhắm đến là lòng xác tín bên trong. Đức tin chân thật như là hồng ân từ Thiên Chúa Cha trao ban cho, ví như câu trả lời được ơn Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn Phêrô đã mạnh mẽ trả lời với sự linh ứng của Thiên Chúa Cha: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống”.

Chúa Giêsu xác nhận không phải xác thịt nhưng là Cha trên trời đã ban cho con, đã soi sáng cho con. Chính thái độ xác tín đức tin này là điều Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta. Thái độ xác tín đức tin đó là hồng ân của Chúa Cha ban cho: “Không ai đến được với Thầy, nếu không được ơn Thiên Chúa Cha soi sáng và lôi kéo họ đến” (Jn 6,43.45). Chính thái độ xác tín đức tin này là khởi đầu và nền tảng của mọi sứ mạng Kitô. Thánh Phêrô đã nhận được sứ mạng: “Thầy trao cho con chìa khóa Nước Trời, con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy”. Phêrô đã nhận được sứ mạng đó sau khi đã tuân phục ơn soi sáng của Thiên Chúa Cha và mạnh mẽ tuyên xưng: “Thầy là Con Thiên Chúa”.

Mỗi người chúng ta đều cần có niềm xác tín này để có thể chu toàn sứ mệnh mà Thiên Chúa trao phó cho, là làm chứng cho Chúa trên trần gian này giữa anh chị em xung quanh. Sứ mạng đã khó nhưng niềm tin xác tín nơi mỗi người lại khó hơn hết, vì nơi mỗi người cũng có thể nói là có hai con người, một con người trần tục và một con người mới. Con người mới này được ân sủng thánh hóa, soi sáng hướng dẫn. Con người cũ có những thói hư tật xấu, suy tưởng theo những lý luận trần tục, xa rời chương trình của Thiên Chúa, khó mà tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, khó mà trung thành với đức tin tuyên xưng này.

Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được kinh nghiệm đức tin này nơi chính bản thân, nên đã thốt lên: “Tôi không làm điều tốt mà tôi ưa thích, nhưng lại làm điều xấu mà tôi không muốn”. Cuộc giằng co giữa ân sủng và tội lỗi, giữa tin và không tin đã làm cho ngài đôi khi mệt mỏi và xin Chúa hãy can thiệp cất đi điều ngài không muốn. Nhưng Chúa Giêsu đã nâng đỡ Phaolô: “Ơn Ta đủ cho ngươi, đừng lo”. Chính vì thế hơn ai hết, thánh Phaolô Tông Đồ đã trình bày cuộc sống trong ơn nghĩa Chúa như là một chiến đấu, một cuộc chạy đua, một cố gắng không ngừng cộng tác với ân sủng Chúa để mặc lấy con người mới, từ bỏ con người cũ để tuyên xưng đức tin, để trung thành với đức tin.

Trở lại với bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta nhận thấy thêm một điều nữa là, mặc dầu Phaolô đã có đôi lần sống theo con người cũ, con người trần tục, nhưng Chúa Giêsu không thay đổi chương trình, Ngài đã chọn Phaolô: “Ơn Ta đủ cho ngươi”. Ơn Chúa luôn luôn ban xuống tràn đầy, Chúa không hủy bỏ chương trình Ngài muốn thực hiện nhờ qua mỗi người, mặc dù đôi khi chúng ta không đáp lại hết lòng ân sủng của Chúa. Chúa muốn nhắn nhủ Phêrô, nhắn nhủ mỗi người “khi nào con trở lại hãy nâng đỡ củng cố anh em con”. Lời nhắn nhủ của Chúa cho Phêrô hãy biết thông cảm nâng đỡ cho anh em, vì chính ông cũng đã được Chúa thương tha thứ và nâng đỡ.

Thêm một bài học nữa cho mỗi người chúng ta là hãy cố gắng sống thánh thiện nơi chính bản thân mình và nâng đỡ những bất toàn, những sa ngã, những tội lỗi của anh em, xin Chúa gìn giữ chúng con trong đức tin và trung thành với Tin Mừng: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống”.

Veritas Radio

Đối với bạn, Đức Giêsu Kitô là ai?

Đối với bạn, Đức Giêsu Kitô là ai?

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Đức Giêsu, một nhân vật lịch sử đã chết và sống lại gần 2000 năm rồi. Thế mà nhân loại ngày nay, trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ ba, vẫn còn đặt lại câu hỏi đã được đặt từ lúc Đức Giêsu giáng sinh: “Đức Giêsu Kitô là ai?”

Ngài đã trở thành “siêu sao” (Jesus, Super Star) trong các tác phẩm văn chương, âm nhạc cũng như trên màn ảnh, cả đối với các tác giả không chia sẻ niềm tin vào Đức Giêsu nữa. Nhà văn Aimatov trong tác phẩm “Đoạn đầu đài” đã nói lên những cảm nghĩ và trăn trở của mình về Đức Giêsu và về cây thập tự của Ngài. Dumbatze trong tác phẩm “Quy luật muôn đời” hay Abuladze trong phim “Sám hối”và Nikos Kazantzakis trong tác phẩm “Chúa lại bị đóng đinh”hay trong “Cám dỗ cuối cùng của Chúa”, cuốn tiểu thuyết được dựng thành phim đã gây nhiều phẫn nộ trong giới Kitô giáo. Tất cả đều đặt vấn đề về Đức Giêsu.

Tuy nhiên, những Đức Giêsu mang tính thời sự đó, dẫu có hay và lôi cuốn, vẫn chưa phải là Đức Giêsu đích thực của lịch sử, cũng không phải là đức Giêsu của lòng tin, Đức Giêsu của Tin Mừng. Chẳng qua các tác giả đó chỉ mượn dung mạo của Đức Giêsu để ký thác một điều gì trong thâm tâm mình. Cùng lắm, đối với họ, Đức Giêsu cũng chỉ là một bậc thầy rất có thế giá của quá khứ, hay một con người đáng nguyền rủa, nhục mạ của hiện tại.

Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu cũng thế. Khi Chúa Giêsu hỏi các ông: “Người ta bảo Thầy là ai?” các ông cho biết: có những người đánh giá rất cao, họ coi Ngài như một Ngôn sứ có tầm cỡ, như Êlia hay Giêrêmia là những ngôn sứ nổi danh bậc nhất trong lịch sử Do Thái. Trái lại, có những đối thủ lại coi Ngài như một người Samari lạc đạo, như một người bị quỷ nhập, như một tên phỉnh gạt hay một tay xách động dân chúng… Riêng đối với các môn đệ thân tín bên Chúa Giêsu, chắc hẳn các ông đã biết rõ Ngài hơn. Chúa Giêsu đã muốn các môn đệ xác định nhận thức của họ về Ngài. Dân chúng thì nghĩ về Thầy như thế, “còn anh em, anh em nghĩ Thầy là ai?” Simon Phêrô đã nói lên nhận xét của các môn đệ: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Lời tuyên xưng đức tin này chúng ta đã gặp trong giai thoại của Chúa Giêsu cứu Phêrô khỏi chết chìm và khiến sóng gió im lặng. Khi Ngài bước lên thuyền, những người ở trong thuyền, tức là các môn đệ, sấp mình dưới chân Ngài mà nói: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa”. Ở đây, Chúa Giêsu khẳng định lời tuyên xưng này là hiệu quả của ơn mạc khải “do Thiên Chúa Cha của Ngài trên trời”, càng cho chúng ta có quyền nghĩ rằng Phêrô đã thấy được một số nét đặc biệt siêu phàm trong con người của Thầy mình. Chúa Giêsu còn mạc khải thêm cho Phêrô một điều khác cũng quan trọng đặc biệt không kém đối với bản thân ông: “Này, anh tên là Đá, trên Tảng Đá này Thầy sẽ xây dựng Giáo Hội của Thầy, và các quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”. Chúa Giêsu còn trao cho Phêrô trách nhiệm giữ “chìa khóa Nước Trời”, trách nhiệm “cầm buộc hay tháo gỡ”được cả trên trời dưới đất đều chấp hành.

Trao chìa khóa nhà mình cho ai, có nghĩa là tín nhiệm và nhờ cậy người ấy coi sóc nhà mình. Người được trao chìa khóa có quyền đóng mở, ra vào, mà không bị coi là kẻ trộm, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm nặng nề canh chừng kẻ xấu, người gian. Chọn lựa, trao gởi trách nhiệm vẫn làđường lối của Chúa đối với Giáo Hội, đối với chúng ta. Tiêu chuẩn để được chọn lựa, tín nhiệm trao gởi trách nhiệm không phải là sự trổi trang về tài năng hay đức độ, mà là lòng tin. Không phải là một Phêrô yếu đuối tầm thường nữa, nhưng là một Phêrô Đá Tảng, người có lòng tin, có sức nâng đỡ cả Giáo Hội của Chúa Kitô. Phêrô đã tuyên xưng lòng tin vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, không chỉ một lần bằng lời tuyên xưng ấy mà thôi, mà bằng cả một cuộc đời không ngừng tuyên xưng lòng tin cho đến lúc tuyên xưng quyết liệt cuối cùng bằng cái chết đóng đinh thập giá như Thầy mình.

“Còn anh em, anh em nghĩ Thầy là ai?”. Câu hỏi Chúa Giêsu đặt cho các môn đệ không ngừng vang dội suốt 20 thế kỷ nay đến chúng ta. Nó chất vấn mỗi người chúng ta hôm nay hơn bao giờ hết. Phải, đối với tôi, Đức Giêsu Kitô là ai? Phản ứng đầu tiên là im lặng, suy nghĩ, có khi với niềm vui, có khi có một sự ngại ngùng vì câu hỏi mang nặng hậu quả. Câu hỏi chạm đến tận cõi thâm sâu của cuộc đời tôi. Nó buộc tôi phải chọn, một chọn lựa kéo theo nhiều việc khác nữa. Nhưng vì là câu hỏi hệ trọng nhất, nên tôi không thể lẫn tránh được. Chúng ta không thể chỉ tuyên xưng bằng hành động, bằng việc làm cụ thể. Lắm khi sự tuyên xưng chân chính còn đòi buộc chúng ta phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Phải, một khi chúng ta đã thực sự tin Đức Giêsu rồi, thì đời ta sẽ phải gắn chặt vào Ngài cho đến chết thôi. Và chết cũng chưa hết, còn cả cuộc sống đời đời nữa.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới thực nghiệm và duy vật chất. Lời nói trên lý thuyết có hay ho cao siêu đến mấy, nếu không được chứng minh bằng đời sống cụ thể, thì thiên hạ sẽ chẳng ai tin chúng ta. Đức Giêsu Kitô là ai? Chúng ta có giảng giải cặn kẽ về nguồn gốc và thân thế của Ngài, người ta có lắng nghe, có theo dõi, nhưng điều người ta theo dõi nhất là coi những người tin theo Đức Giêsu sống ra sao, ăn ở như thế nào, có thái độ thế nào với những công việc mưu cầu lợi ích chung, hạnh phúc chung của mọi người. Và từ đó, người ta sẽ suy nghĩ coi Chúa Giêsu của chúng ta là ai. Việc sống đạo của chúng ta, những người tin Chúa Giêsu, là phải chứng tỏ rằng, Chúa Giêsu thật là Chúa cuộc đời chúng ta, ngay trong chính cách chúng ta sống Tin Mừng yêu thương, phục vụ của Chúa Giêsu.

Đức Giêsu Kitô là ai?

Thưa anh chị em, Ước gì cuộc đời mỗi người chúng ta trở thành một câu trả lời sống động cho Chúa Giêsu, cho anh chị em và cùng với anh chị em, trả lời cho cả xã hội ngày nay rằng: Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa làm người đang sống ở giữa chúng ta.

Công bố chủ đề Ngày Hòa Bình Thế Giới 2015

Công bố chủ đề Ngày Hòa Bình Thế Giới 2015

VATICAN. ĐTC đã chọn chủ đề cho Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 48 cử hành ngày 1-1 năm 2015 là ”Không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em”.

Trong thông cáo hôm 21-8-2014 để công bố chủ đề do ĐTC chọn, Hội đồng Tòa Thánh công lý và hòa bình giải thích rằng người ta thường nghĩ nạn nô lệ là một điều thuộc về quá khứ, trong thực tế tệ đoan này vẫn nhan nhản trong xã hội ngày này.

Sứ điệp Ngày Hòa Bình thế giới 1-1 năm 2014 đã bàn về ”Tình huynh đệ, nền tảng và là con đường dẫn đến hòa bình”. Sự kiện tất cả là con cái Thiên Chúa làm cho mọi người trở thành anh chị em với nhau, có phẩm giá bình đẳng. Nạn nô lệ giết chết tình huynh đệ đại đồng ấy, và do đó nó cũng giết chết hòa bình. Thực vậy, chỉ có hòa bình khi con người nhìn nhận tha nhân là anh chị em có cùng phẩm giá.

Trên thế giới, nạn nô lệ có nhiều bộ mặt kinh tởm khác nhau, như nạn buôn người, buôn bán những người di dân, nạn mại dâm, bó buộc lao động như nô lệ, người bóc lột người, não trạng đối xử với phụ nữ và trẻ em như nô lệ.
Hội đồng Công lý và hòa bình cũng tố giác rằng có nhiều cá nhân và nhóm đầu cơ nô lệ một cách ô nhục, họ lợi dụng bao nhiêu cuộc xung đột hiện nay trên thế giới, bối cảnh khủng hoảng kinh tế và tham ô hối lộ. Nạn nô lệ thực là một vết thương kinh khủng trong xã hội hiện nay và là một vết thương rất trầm trọng trong thân mình của Chúa Kitô!”

Để ngăn chặn hữu hiệu nạn nô lệ, trước tiên cần nhìn nhận phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi người, và kiên trì tham chiếu tình huynh đệ, vượt thắng sự chênh lệch có thể làm cho người này trở thành nô lệ cho người khác.
Đối tượng cần nhắm tới là xây dựng một nền văn minh dựa trên phẩm giá bình đẳng của mọi người, không phân biệt ai. Để được vậy cần dấn thân thông tin, huấn luyện, xây dựng một nền văn hóa cổ võ một xã hội được đổi mới và thấm đượm tinh thần tự do, công lý và hòa bình.

Ngày Hòa bình thế giới do Đức Phaolô 6 thiết lập và cử hành vào ngày 1 tháng giêng mỗi năm. Sứ điệp của của các vị Giáo Hoàng nhân ngày này được gửi đến các chính phủ trên thế giới và cũng cho thấy hướng đi ngoại giao của Tòa Thánh trong năm mới bắt đầu (SD 21-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Kết thúc cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Hàn Quốc

Kết thúc cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Hàn Quốc

ROMA. Chiều ngày 18-8-2014, ĐTC Phanxicô đã về đến Roma bằng an, kết thúc tốt đẹp cuộc viếng thăm 5 ngày của ngài tại Hàn quốc nhân dịp Đại hội giới trẻ Công Giáo Á châu kỳ 6 và tôn phong 124 vị tử đạo lên bậc chân phước.

Dưới đây là một số hoạt động cuối cùng của ĐTC tại Hán Thành.

Gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo

Lúc gần 9 giờ, ngài giã từ tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Hán thành để đến Nhà Thờ chính tòa Minh Đổng cách đó 3 cây số rưỡi. Thánh đường này được dựng lên tại nơi cầu nguyện của các cộng đồng Công Giáo đầu tiên ở Hàn Quốc từ năm 1784, tức là đã 230 năm nay, và được thánh hiến vào năm 1898, dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội. Ở tầng hầm của thánh đường có hài cốt của nhiều vị tử đạo Hàn quốc trong thế kỷ 19.

Đến tòa GM cũ cạnh thánh đường, ĐTC đã được cha sở Nhà thờ Chính Tòa đón tiếp và hướng dẫn vào phòng khách để gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo bạn. Đứng trước bức họa các vị tử đạo Hàn Quốc, cũng là chủ đề của cuộc viếng thăm này, ĐTC lần lượt bắt tay chào thăm 12 vị lãnh đạo tôn giáo, bắt đầu là Đức TGM Anh giáo của giáo phận Hán Thành, rồi các vị chủ tịch Giáo Hội Tin Lành Luther, Tin Lành Trưởng Lão ở Hàn Quốc, tiếp đến là các vị lãnh đạo Phật giáo và đại diện của các cộng đồng Kitô khác. Đặc biệt Đức TGM Chính Thống đã tặng ĐTC thánh giá Bizantine, ngài đặc biệt hài lòng về món quà này và cho biết sẽ dùng để ban phép lành cuối lễ.

ĐTC cũng ứng khẩu nói bằng tiếng Tây Ban Nha và được Cha John Chong Che Chon, giám tỉnh dòng Tên phiên dịch, qua đó ngài cám ơn các vị đã có lòng quí mến đến gặp ngài, và ngài nói thêm rằng:

”Cuộc đời là một hành trình dài, và cũng là một hành trình mà ta không thể đi một mình. Cần đồng hành với anh chị em trước nhan Chúa. Vì thế tôi cám ơn anh em vì cử chỉ đồng hành này trước mặt Chúa. Đó là điều mà Chúa đã yêu cầu tổ phụ Abraham. Chúng ta là anh em, chúng ta hãy nhìn nhận nhau như anh em và đồng hành với nhau. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta và xin anh em cũng vui lòng cầu nguyện cho tôi nữa!”

Theo các quan sát viên về tôn giáo, quan hệ giữa các tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau tại Hàn Quốc được coi là thân hữu, ít là bề mặt như vậy, và ít khi xảy ra những căng thẳng như một số nơi khác trên thế giới. Điều mà họ không nói, đó là nếu sự thân thiện ấy là kết quả của tinh thần bao dung tôn giáo đáng ca ngợi, thì cũng có tình trạng dửng dưng đối với tôn giáo đang gia tăng. Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy gần một nửa dân Hàn quốc không tuyên xưng tín ngưỡng nào. Tình trạng này giúp ta hiểu được nhiều lời kêu gọi ĐTC đưa ra trong cuộc viếng thăm, ngài là một khuôn mặt mới trong sự trống rỗng về tín ngưỡng nơi nhiều người ở Hàn quốc.

Thánh lễ cầu cho hòa bình và hòa giải

Sau cuộc gặp gỡ với các vị lãnh đạo tôn giáo, ĐTC đã tiến vào Nhà thờ chính tòa để cử hành thánh lễ lúc gần 10 giờ để cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải ở bán đảo Triều Tiên. Đây là một chủ đề rất nhạy cảm đối với dân tộc Hàn quốc: từ hơn 60 năm nay, bán đảo này vẫn còn bị chia cách với vùng phi quân sự rộng 4 cây số với những tháp canh, hàng rào kẽm gai và các binh sĩ võ trang.

Như một biểu tượng sự chia rẽ đau thương này, người ta đã đặt một mão gai làm bằng những đoạn thép gai và đặt dưới chân tượng Đức Mẹ Fatima trong Nhà thờ chính tòa Minh Đổng, bên dưới có hàng chữ bằng tiếng la tinh ”Ut unum sint, Ước gì chúng được hiệp nhất”.

Trước thánh lễ, khi tiến tới gần bàn thờ, ĐTC đã dừng lại chào một nhóm 7 phụ nữ cao niên, ngồi trên ghế lăn ở hàng đầu trước bàn thờ. Họ thuộc vào số 54 phụ nữ sống sót trong số hàng trăm ngàn phụ nữ Hàn quốc bị quân Nhật Bản bắt làm hộ lý, những nô lệ tình dục cho các binh sĩ Nhật, trong thời thế chiến thứ II. Cho đến nay các phụ nữ này đã nhiều lần đòi chính phủ Nhật xin lỗi và bồi thường, nhưng không kết quả. ĐTC đã cầm tay các bà cụ và chú ý lắng nghe họ kể lại thân phận đau thương của họ và an ủi họ.

Trong số những người hiện diện tại Thánh lễ, đặc biệt có bà Tổng thống Phác Cận Huệ và một số quan chức chính quyền.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC đã đề ra những đường hướng cụ thể cần phải thi hành trong nỗ lực kiến tạo hòa bình và hòa giải tại Bán đảo Triều Tiên, loại bỏ não trạng nghi kỵ, đối nghịch và cạnh tranh, nhất là xác tín rằng điều không thể dưới nhãn giới con người, vẫn là điều có thể đối với Thiên Chúa. Ngài nói:

”Cuộc viếng thăm của tôi đạt tới cao điểm trong việc cử hành Thánh Lễ này, trong đó chúng ta cầu xin Chúa ơn hòa bình và hòa giải. Kinh nguyện này có âm hưởng đặc biệt trong bán đảo Triều Tiên. Thánh Lễ hôm nay chủ yếu là cầu nguyện cho sự hòa giải trong gia đình Triều Tiên. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với chúng ta về sức mạnh lời cầu nguyện của chúng ta khi hai hoặc ba người họp nhau nhân danh Chúa để xin điều gì (Xc Mt 18,19-20). Toàn thể một dân tộc dâng lời khẩn nguyện thống thiết lên trời cao thì càng mạnh mẽ thế nào!

Bài đọc thứ I trong Thánh Lễ này trình bày lời Chúa hứa tái lập trong sự hiệp nhất và thịnh vượng một dân tộc bị phân tán vì tai ương và chia rẽ. Đối với chúng ta, giống như đối với dân tộc Israel, đây là một lời hứa đầy hy vọng: lời hứa ấy chỉ cho chúng ta một tương lai mà Chúa đang chuẩn bị cho chúng ta ngay từ bây giờ. Nhưng lời hứa ấy gắn liền mật thiết với một mệnh lệnh: mệnh lệnh hãy trở về cùng Thiên Chúa và thành tâm tuân phục luật Chúa (Xc Dnl 30,2-3). Hồng ân hòa giải, hiệp nhất và hòa bình của Chúa gắn liền với ơn hoán cải; đây là một sự biến đổi tâm hồn, có thể thay đổi cuộc sống và lịch sử của chúng ta, trong tư cách là cá nhân cũng như dân tộc.

”Trong Thánh Lễ này, dĩ nhiên chúng ta lắng nghe lời hứa ấy trong kinh nghiệm lịch sử của dân tộc Triều Tiên, một kinh nghiệm chia rẽ và xung đột kéo dài đã hơn 60 năm nay. Nhưng lời Thiên Chúa tha thiết mời gọi hoán cải cũng được gởi đến các môn đệ Chúa Kitô ở Hàn quốc hãy cứu xét chất lượng sự đóng góp của mình cho việc xây dựng một xã hội công chính và nhân bản hơn. Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ xem anh chị em đang làm chứng tá, trong tư cách là cá nhân cũng như cộng đoàn về sự dấn thân theo tinh thần Tin Mừng, cho những người nghèo khổ, những người ở ngoài lề xã hội, những người không có công ăn việc làm, hoặc bị gạt ra ngoài sự thịnh vượng của nhiều người. Chúa cũng kêu gọi chúng ta, trong tư cách là Kitô hữu, cũng như là người dân Hàn quốc, hãy quyết liệt loại trừ một não trạng dựa trên ngờ vực, đối nghịch và cạnh tranh, và tốt hơn hãy tạo điều kiện cho một nền văn hóa được nhào nặn bằng giáo huấn của tin Mừng và nhờ những giá trị truyền thống cao quí nhất của dân tộc Triều Tiên.

”Trong Tin Mừng ngày lễ hôm nay, Thánh Phêrô hỏi Chúa: nếu người anh em của con phạm lỗi chống lại con, thì con phải tha thứ cho họ bao nhiêu lần? Có đến 7 lần không? Chúa đáp: ”Thầy không nói con phải tha thứ đến 7 lần, nhưng là 77 lần 7” (Mt 18,21-22). Những lời này đi thẳng vào trọng tâm sứ điệp hòa giải và hòa bình mà Chúa Giêsu đề ra. Khi tuân theo mệnh lệnh của Chúa, hằng ngày chúng ta xin Cha trên trời tha thứ tội lỗi chúng ta, ”như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Nếu chúng ta không sẵn sàng làm như thế, thì làm sao chúng ta có thể thành thực cầu xin ơn hòa bình và hòa giải?

”Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hãy tin rằng tha thứ là cánh cửa dẫn đến hòa giải. Khi dạy chúng ta hãy tha thứ cho anh em chúng ta không chút dè dặt, Chúa yêu cầu chúng ta thực hiện một điều hoàn toàn quyết liệt, nhưng Ngài cũng ban cho chúng ta ơn thánh để làm điều ấy. Xét theo nhãn giới con người, điều ấy dường như không thể thực hiện được, không thể theo đuổi và thậm chí hoàn toàn làm cho chúng ta kinh tởm, nhưng Chúa làm cho điều ấy có thể thực hiện được và có thành quả nhờ quyền năng vô biên thập giá của Ngài. Thập giá Chúa Kitô tỏ lộ quyền năng của Thiên Chúa có thể lấp đầy mọi chia rẽ, hàn gắn mọi vết thương va tái lập những liên hệ nguyên thủy của tình huynh đệ.

Vì thế, đây là sứ điệp mà tôi để lại cho anh chị em vào cuối cuộc viếng thăm của tôi tại Hàn quốc này. Anh chị em hãy tín thác nơi quyền năng của thập giá Chúa Kitô! Hãy đón nhận ân hòa giải của Chúa trong tâm hồn anh chị em và chia sẻ ơn ấy với người khác! Tôi xin anh chị em hãy làm chứng tá một cách đầy thuyết phục về sứ điệp hòa giải của Chúa Kitô trong gia đình, cộng đoàn và trong mỗi lãnh vực của đời sống quốc gia. Tôi tín thác rằng trong tinh thần thân hữu và cộng tác với các tín hữu Kitô khác, với tín đồ các tôn giáo khác, với tất cả những người nam nữ thiện chí vốn quan tâm đến tương lai của xã hội Hàn quốc, anh chị em sẽ là men của Nước Chúa ở trần thế này. Khi ấy kinh nguyện của chúng ta cho hòa bình và hòa giải sẽ bay lên cùng Thiên Chúa từ các tâm hồn thanh khiết hơn, để nhờ ơn Chúa, đạt được thiện ích quí giá mà tất cả chúng ta đều khao khát.

”Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện để nảy sinh những cơ hội mới đối thoại, gặp gỡ và khắc phục những khác biệt, để có một sự quảng đại liên tục trong việc cung cấp trợ giúp nhân đạo cho những người túng thiếu, và để có sự nhìn nhận ngày càng rộng lớn hơn đối với những thực tại này: mọi người dân Triều tiên đều là anh chị em với nhau, là thành phần của một gia đình duy nhất, một dân tộc duy nhất.

Trong phần kết luận bài giảng, ĐTC nồng nhiệt cám ơn Bà Tổng Thống, chính quyền Hàn quốc cũng như tất cả những người, dưới bất kỳ hình thức nào, đã làm cho cuộc viếng thăm của ngài được thực hiện. Ngài nói:

”Đặc biệt tôi muốn ngỏ lời đích thân cám ơn các linh mục Hàn quốc, hằng ngày hoạt động phục vụ Tin Mừng và xây dựng Dân Chúa trong niềm tin, cậy, mến. Tôi xin anh em, trong tư cách là Sứ giả của Chúa Kitô và là người phục vụ tình thương hòa giải của Chúa (Xc 2 Cr 5,18-20) tiếp tục kiến tạo những mối giây tôn trọng, tín nhiệm và cộng tác hòa hợp trong các giáo xứ chúng ta, giữa anh em và với các GM của anh em. Tấm gương yêu thương không chút dè dặt của anh em đối với Chúa, lòng trung thành và tận tụy của anh em đối với sứ vụ, cũng như sự dấn thân bác ái của anh em đối với những người túng thiếu, góp phần rất lớn vào công cuộc hòa giải và hòa bình tại đất nước này”.

Cuối thánh lễ, ĐTC đã nhắc đến ĐHY Fernando Filoni Tổng trưởng Bộ truyền giáo, đặc sứ của ngài tại Irak. Ngài nói: ”Lẽ ra ĐHY cũng có mặt tại đây, nhưng ĐHY được gửi sang Irak để bày tỏ sự gần gũi của tôi và của Giáo Hội đối với các tín hữu Kitô và dân chúng Irak bị bách hại..

ĐHY Anrê Liêm Chu Chánh (Yeom Soo-jung), TGM giáo phận Hán Thành, đã đại diện mọi người cám ơn ĐTC vì cuộc viếng thăm tại Hàn Quốc trong 5 ngày qua và nhận xét rằng đặc biệt đối với các bạn trẻ Á châu, ĐTC đã tỏ ra một vị Mục Tử nhân lành tháp tùng và đồng hành với họ. Và tại Hán Thành ĐTC đã tôn phong chân phước cho các vị tử đạo của chúng con, Phaolô Duẫn Trì Trung và 123 bạn. Với biến cố này, Giáo Hội tại Hàn Quốc có thêm 124 vị chân phước tử đạo ngoài 103 vị hiển thánh. Vì thế, con cảm thấy càng có trách nhiệm nặng nề hơn đới với công cuộc loan báo Tin Mừng. Xin ĐTC cầu cho chúng con để chúng con dấn thân thực hiện hòa bình trọn vẹn tại bán đảo của chúng con và trên thế giới.

Sau lễ, tại nhà thánh của Nhà thờ chính tòa, ĐTC đã chào từ biệt tất cả 35 GM Hàn quốc và ngài làm phép bảng hiệu sẽ được gắn vào tòa GM mới xây tại đây, và xuống tầng hầm nhà thờ chính tòa Minh Đổng để cầu nguyện trước di hài của các vị tử đạo được an táng tại đây.

Giã từ

Liền đó ĐTC đi tới căn cứ không quân Hán Thành cách đó 20 cây số để đáp máy bay trở về Roma. Tại sân bay, Tổng thống Phác Cận Huệ cùng với các quan chức chính quyền, giáo quyền và một nhóm tín hữu đã tiễn biệt ĐTC trong nghi thức đơn sơ, nhưng cũng có hàng quân danh dự.

Chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Hàn Quốc, cất cánh lúc 1 giờ trưa giờ địa phương về bay về Roma.

Cũng như chuyến đi, khi máy bay vào không phận 11 nước, ĐTC đều cho gửi điện văn chào mừng vị quốc trưởng và nhân dân liên hệ. Đặc biệt điện văn gửi Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, ĐTC viết:

”Trên đường trở về Roma sau chuyến viếng thăm của tôi tại Hàn Quốc, tôi muốn lập lại với Ông chủ tịch và đồng bào của ông những lời cầu chúc tốt đẹp nhất của tôi, đồng thời tôi khẩn cầu phúc lành của Thiên Chúa trên đất nước của Ông”.

Sau 12 giờ bay, vượt qua quãng đường dài 8,970 cây số, máy bay chở ĐTC, 30 người thuộc đoàn tùy tùng và 72 ký giả thuộc 11 nước, đã đáp xuống phi trường Ciampino của Roma lúc gần 6 giờ chiều. Liền đó ngài đã đáp trực thăng về Vatican, kết thúc chuyến viếng thăm thứ 3 tại nước ngoài.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Ngày thứ 3 chuyến viếng thăm Nam Hàn của Đức Thánh Cha Phanxicô

Ngày thứ 3 chuyến viếng thăm Nam Hàn của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thứ bẩy 16-8-2014 chuyến viếng thăm Nam Hàn của Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiến hành được một nửa. Đức Thánh Cha đã có bốn sinh hoạt chính, ban sáng sau khi đến kính viếng các vị tử đạo Đại Hàn tại Đền thánh Seo-So-Mun, lúc 10 giờ Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ đồng tế phong chân phước cho linh mục Phaolô Yun-Ji-Chung và 123 bạn tử đạo.

Lễ Phong Chân Phước cho LM Phaolô Yun Ji-Chung và 123 Bạn tử đạo

Ban chiều ngài đã thăm trung tâm phục hồi người tàn tật Kkottongnae, rồi chủ sự buổi hát kinh chiều gần Trường Tình Thương với 5,000 tu sĩ nam nữ, và gặp gỡ các giáo dân lãnh đạo tổ chức tông đồ giáo dân Nam Hàn tại trung tam tu đức Kkottongnae.

Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của Đức Thánh Cha. Lúc 8 giờ 45 Đức Thánh Cha rời tòa Sứ Thần đi xe tới viếng đền các vị tử dạo Seo-So-Mun nằm cách đó 4 cây số. Đậy là nơi 103 tín hữu công giáo đã bị hành quyết và đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh ngày mùng 6 tháng 5 năm 1984. Con đường đi từ quảng trường Gwanghwamun tới Seo-So-Mun được mệnh danh là ”tử lộ”, con đường của sự chết hay ”tử đạo”, và gắn liền hai lễ tôn phong với nhau.

Đền thánh các vị đạo là nơi chôn cất 44 vị tử đạo, gồm ba cây cột bằng nham thạch, cột chính giữa cao 15 thước, hai cột hai bên cao 13 thước. Đền kỷ niệm tọa lạc gần nhà thờ Yakhyeon, là ngôi nhà thờ công giáo đầu tiên của Đại Hàn xây năm 1892.

Có hai bạn trẻ đã giúp Đức Thánh Cha đặt vòng hoa tôn kính các Thánh Tử Đạo và ngài đã thinh lặng cầu nguyện một lúc.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã lên Papamobil để tới quảng trường Gwanghwamun cách đó 2 cây số. Đây là quảng trường rộng nối liền cửa Hoàng Cung với quảng trường Tòa Thị Sảnh, biểu tượng cho lịch sử Hàn quốc, và là nơi diễn ra các lễ nghi quan trọng.

Cửa GwangHwaMun được xây năm 1395 như là cửa chính của hoàng cung Gyeongbokgung, là Dinh vua trong triều đại Joseon. Năm 1592 trong cuộc xâm lăng của Nhật Bản nó đã bị tàn phá bởi một trận hỏa hoạn và để hoang tàn trong hơn 250 năm cho tới khi được tái thiết năm 1867 cùng với hoàng cung dưới triều đại hoàng đế Gojong. Chiến tranh Triều Tiên đã phá hủy hoàn toàn cấu trúc bằng gỗ, chỉ còn trơ đế bằng đá bị bỏ hoang. Cấu trúc bằng gỗ được xây lại bằng xi măng cho tới năm 2006.

Xe đã chở Đức Thánh Cha đi một vòng để ngài chào 1 triệu tín hữu đến tham dự thánh lễ, vượt ngoài mọi chờ mong của ban tổ chức. Thánh lễ tôn phong chân phước cho 124 vị tử đạo Hàn quốc đã được cừ hành bằng tiếng Latinh và tiếng Đại Hàn. Đức Thánh Cha đã giảng bằng tiếng Ý được dịch sang tiếng Đại Hàn.

Đây là lần thứ ba Giáo Hội Đại Hàn cử hành lễ phong chân phước cho một số các con cái chết vì đạo Chúa. Lần thứ nhất ngày mùng 5 tháng 7 năm 1925 đã có 79 vị tử đạo, bị giết trong các năm 1839-1846 được phong chân phước. Lần thứ hai ngày 29 tháng 2 năm 1968, đã có 24 vị chết trong cuộc bách hại năm 1866 được phong chân phước. Ngoài ra, cũng đang có án phong chân phước và phong thánh cho cho một số vị tử đạo khác nữa, trong đó có vị linh mục thứ hai của Đại Hàn là cha Tôma Choe Yang-Cop và Đức Cha Phanxicô Borgia Hong Yong-Ho.

Đức Cha Phanxicô Xaviê Ahn Myong-Ok Chủ tịch Ủy ban xin phong chân phước và vị thỉnh nguyện viên đã tới trước mặt Đức Thánh Cha xin ngài phong chân phước cho các vị tử đạo, rồi vị thỉnh nguyên viên đọc tiểu sử của các vị Tôi Tớ Chúa. Tiếp đến Đức Thánh Cha đọc công thức tuyên phong Chân Phước cho các vị. Đức Hồng Y Yeum Soo-Jung, Tổng Giám Mục Seoul đã cám ơn Đức Thánh Cha và nêu bật vai trò của các vị tử đạo đối với Giáo Hội Hàn quốc: 103 Thánh và 124 Chân Phước.

Quảng trường này đã là nơi các vị chết vì đức tin. Nhưng chính cái chết đó đã khiến cho Giáo Hội Đại Hàn lớn lên. Và Giáo Hội đã chứng minh cho xã hội thấy gương sáng của Giáo Hội bằng việc thăng tiến công lý và các quyền con người. Thánh lễ phong Chân phước hôm nay là một dịp để Giáo Hội tiếp tục theo đuổi sự hài hòa và hiệp nhất, không chỉ giữa các tín hữu công giáo mà cả toàn dân Đại Hàn và mọi dân tộc Á châu nữa, qua tình huynh đệ đại đồng. Nó cũng là dịp thăng tiến truyền giáo và theo đuổi lý tưởng là một Giáo Hội phục vụ người nghèo, người bị áp bức và gạt bỏ ngoài lề xã hội, bằng cách loan báo Tin Mừng cho họ.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã nêu bật sự kiện các vị tử đạo Hàn quốc đã sống và chết vì Chúa Kitô, nên giờ đây được cùng hiển trị với Người trong niềm vui và vinh quang, bởi vì trong cái chết và sự sống lại của Con của Ngài, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta chiến thắng vĩ đại nhất. Thật thế, ”Cho dù là sự chết hay sự sống, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

Lễ tôn phong cha Phaolô và các bạn tử đạo cống hiến cho chúng ta dịp trở lại các thời ban đầu của lịch sử Giáo Hội Hàn quốc. Nó mời gọi tín hữu công giáo Đại Hàn nhớ lại những điều trọng đại mà Thiên Chúa đã thực hiện trên phần đất này và giữ gìn gia tài đức tin đo cha ông họ để lại như kho tàng cho cuộc sống xã hội. Tin Mừng đã đến Hàn quốc không do các thừa sai, mà là do chính các giáo dân trí thức tò mò đã rộng mở tâm trí cho Tin Mừng và dẫn họ đến chỗ gặp gỡ chính Chúa, các bí tích đầu tiên và ước muốn một cuộc sống bí tích và giáo hội cũng như các dấn thân truyền giáo đầu tiên. Nó đã đem lại các hoa trái trong các cộng đoàn sống theo mẫu gương của Giáo Hội thời khai sinh, đồng tâm nhất trí, không chú ý tới các khác biệt xã hội. Lịch sử này nói với chúng ta về tầm quan trọng, phẩm giá và vẻ dẹp ơn gọi của giáo dân. Tôi đặc biệt chào anh chị em giáo dân hiện diện, đặc biệt là các gia đình kitô, hằng ngày dấn thân giáo dục người trẻ sống đức tin và tình yêu thương hòa giải của Chúa Giêsu.

Phúc Âm hôm nay nhắn gửi chúng ta tất cả một sứ điệp. Chúa Giêsu xin Thiên Chúa Cha thánh hiến chúng ta trong sự thật, và giữ gìn chúng ta khỏi thế gian. Ngài không xin Chúa Cha cất chúng ta ra khỏi trần gian. Nhưng Ngài sai các môn đệ ra đi làm muối đất và ánh sáng thế gian. Các vị tử đạo chỉ đường cho chúng ta. Khi theo Chúa, họ đã biết lời Chúa cảnh báo rằng họ sẽ bị thế giới thù ghét vì Ngài. Họ biết giá phải trả.

Đối với nhiều người điều này có nghĩa là sự bắt bớ và sau này, trốn chạy lên núi, nơi họ thành lập các làng công giáo. Họ sẵn sàng chịu các hy sinh lớn lao và để cho mình bị tước bỏ mọi sự có thể làm cho họ xa rời Chúa Kitô: của cải và đất đai, uy thế và danh dự, bởi vì họ biết rằng Chúa Kitô là kho tàng đích thật của họ. Ngày nay, rất thường khi chúng ta cũng sống kinh nghiệm đức tin bị thử thách, và trong rất nhiều cách thế người ta xin chúng ta chấp nhận các giàn xếp về lòng tin, làm tan loãng các đòi buộc của Tin Mừng, và thích nghi với tinh thần thế gian. Các vị tử đạo nhắc nhở chúng ta phải để Chúa Kitô trên tất cả mọi sự, và nhìn tất cả mọi sự còn lại trong tương quan với Người. Các vị tử đạo khiêu khích chúng ta tự vấn xem chúng ta có sẵn sàng chết vì điều gì không.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói: gương các vị tử đạo đậy cho chúng ta biết tầm quan trọng của tình bác ái trong cuộc sống đức tin. Chính chứng tá trong sáng của họ đối với Chúa Kitô được thể hiện ra trong việc chấp nhận phẩm giá như nhau của tất cả mọi người được rửa tội, dẫn họ tới một hình thức sống huynh đệ thách đố các cơ cấu xã hội cứng nhắc thời đó. Sự khưởc từ phân rẽ giới răn tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân khiến cho họ dấn thân lo lắng cho nhu cầu của các anh chị em khác. Áp dụng vào hiện tình thế giới Đức Thánh Cha nói:

Gương sống của họ có nhiều điều để nói với chúng ta, là những người sống trong xã hội, nơi bên cạnh các giầu có vô biên, gia tăng trong thinh lặng sự nghèo hèn; nơi ít khi tiếng kêu của người nghèo được lắng nghe; và nơi Chúa Kitô tiếp tục mời gọi, xin chúng ta yêu Người và phục vụ Người, bằng cách giơ tay ra trợ giúp các anh chị em nghèo túng… Buổi lễ hôm nay cũng ôm trọn biết bao nhiêu vị tử đạo vô danh, trong đất nước này và trên thế giới, là những người, đặc biệt trong thế kỷ vừa qua, đã hiến mạng sống vì Chúa Kitô và đã chịu các cuộc bách hại vì danh Người.

Gia tài của các vị tử đạo có thể gợi hứng cho tất cả mọi người thiện chí hoạt động trong hòa hợp cho một xã hội công bắng hơn, tự do và hòa giải và như thế cộng tác vào nền hòa bình và việc bảo vệ các giá trị nhân bản đích thực của quốc gia này và trên toàn thế giới. Ước chi các lời cầu của tất cả các vị tử đạo Hàn quốc, hiệp nhất với các lời bầu cử của Đức Bà là Mẹ Giáo Hội, ban cho chúng ta ơn kiên trì trong đức tin và mọi việc lành, trong sự thánh thiện và trong sạch của con tim, và trong lòng hăng say tông đồ làm chứng cho Chúa Giêsu trong quốc gia thân yêu này, và trong toàn Á châu cho tới tận cùng bờ cõi trái đất.

Thánh lễ đã kết thúc lúc 12 giờ rưỡi trong bầu khi rất hân hoan. Đức Thánh Cha đã đi xe về Tòa Sứ Thần dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng và nghỉ ngơi chốc lát trước khi tiếp tục các sinh hoạt ban chiều.

Lúc 15.30 Đức Thánh Cha lấy trực thăng đi Khottongnae cách đó 90 cây số trong giáo phận Cheongju, miền trung Nam Hàn. Kkhottongnae có nghĩa là ”Đồi hoa” do linh mục Gioan Oh Woong-Jun, thuộc cộng đoàn Canh tân Đặc Sủng Thánh Linh, thành lập. Trung tâm chiếm cả một ngọn đồi gồm nhà ở, nhà thương, một đại học và các trung tâm phục hồi cho người tàn tật, người nghèo, người vô gia cư, đau yếu bị bỏ rơi thuộc mọi lứa tuỗi.

Giáo phận Cheongiu có hơn 155,000 tín hữu chiếm 11% dân số, gồm 76 giáo xứ 142 linh mục giáo phận, 12 linh mục dòng, 91 tu huynh, 515 nữ tu, 20 đại chủng sinh. Giáo phận điều khiển 26 cơ quan giáo dục và 70 cơ sở bác ái xã hội.

Đón Đức Thánh Cha tại bãi đậu trực thăng có cha Gioan Oh Woong-Jun, người thành lập Đồi Hoa và Đức Cha Gabirel Chang Nong-Hun cùng vài giới chức chính qpuyền địa phương. Đức Thánh Cha đã đi xe về ”Nhà hy vọng” cách đó 1 cây số. Hai bên đường có rất đông tín hữu vẫy khăn trắng chào đón Đức Thánh Cha.

Bên trong hội trường Nhà Hy vọng có khoảng 150 người tàn tật, đa số là trẻ em ngồi trên xe lăn, có một em nằn trên giường. Ngỏ lời chào Đức Thánh Cha, Đức Cha Gabriel, Giám Mục sở tại, đã nêu bật sự kiện ngay từ khi được thành lập giáo phận Cheongiu đã có nhiều sinh hoạt trợ giúp người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội, các cơ sở giáo dục cho trẻ em tàn tật như ”Trường Đức Bà” cho trẻ em mù, ”Trường Thánh Tâm” cho trẻ em câm điếc; trường ”Chúa Thánh Thần” cho trẻ em bị chấn thương cảm xúc. Năm 2001 các tu sĩ Kkottongae đã khánh thành trường cho trẻ em bị bỏ rơi và con của các thiếu nữ làm mẹ không được ai nhận vì tàn tật. Các em bị bỏ rơi hai lần, bởi cha mẹ vì chúng tàn tật, rồi bởi vì không có ai nhận nuôi.

Đức Thánh Cha đã hôn, vuốt ve, an ủi từng em một và bắt tay hỏi chuyện các nữ tu và các nhân viên săn sóc các em. Các trẻ em đã trình diễn vài màn vũ, rồi các em tặng Đức Thánh Cha các thủ công nghệ do chính các em làm.

Lúc 17 giờ Đức Thánh Cha đã đi xe tới Trung tâm ”Trường tình thương” càch đó 1,5 cây số để gặp gỡ các tu sĩ nam nữ. Khi đi qua ”Vườn các thai nhi bị phá”, ngài đã đừng lại thinh lặng cầu nguyện. Cũng có sự hiện diện của các thành viên phong trào bảo vệ sự sống và tu huynh thừa sai Lee Gu-Won, cụt chân cụt tay.

Ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha linh mục chủ tịch Hiệp Hội các dòng Nam nêu bật các khó khăn của cuộc sống tu trì trong xã hội tục hóa ngày nay. Tuy biết mình phải tìm thiện ích của thế giới và Giáo Hội với các đặc sủng là ơn của Chúa Thanh Thần, nhưng các tu sĩ có nguy cơ yêu mình hơn yêu cộng đoàn, và để bị lôi kéo bởi chủ thuyết tiêu thụ, hơn là tinh thần tiết độ và chia sẻ. Tu sĩ có nguy cơ khiến cho căn tính và các đặc sủng bị lu mờ bởi tinh thần thế tục.

Nữ tu Chủ tịch Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền dòng nữ thì nhấn mạnh trên sự kiện Giáo Hội Đại Hàn đã lớn lên nhờ máu và tinh thần tu đức của các vị tử đạo. Nhưng xã hội đại hàn đau khổ vì hiện tượng toàn cầu hóa với sự thống trị của chủ thuyết tư bản, tân tư bản và duy đời. Và Giáo Hội cũng bị ảnh hưởng và liên lụy. Từ khắp nơi đều vang lên tiếng kêu cứu Giáo Hội trợ giúp. Vai trò của các nam nữ tu sĩ hiện diện tại những nơi có nước mắt và người yếu đuối cần trợ giúp.

Ngỏ lời với các tu sĩ nam nữ Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự phong phú của các đặc sủng làm giầu cho cuộc sống Giáo Hội. Xác tín đươc Chúa yêu là trọng tâm của ơn gọi: là dấu chỉ sờ mó đựơc sự hiện diện của Nước Chúa. Đức Thánh Cha nói với các tu sĩ như sau:

Chỉ khi chứng tá của chúng ta tươi vui, thì mới có thể lôi kéo các người nam nữ tới với Chúa Kitô; và niềm vui đó là một ơn đươc nuôi dưỡng bằng một đời cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa , cử hành các Bí tích và sống đời cộng đoàn… Không thể tránh được các xung khắc, các hiểu lầm cần đương đầu, nhưng mặc dù có các khó khăn, chúng ta được kêu gọi lớn lên trong lòng thương xót, sự kiên nhẫn và tình bác ái trọn vẹn. Kinh nghiệm về lòng thương xót Chúa, được dưỡng nuôi bằng lời cầu nguyện và cuộc sống cộng đoàn, phải nhào nặn tất cả những gì anh chị em là và những gì anh chị em làm… Không có lối tắt đâu: Thiên Chúa muốn con tim của chúng ta một cách tron vẹn, và điều này có nghĩa là chúng ta phải ”tháo gỡ chính mình”, ”ra khỏi chính mình” ngày càng nhiều hơn.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh một hình thức nghèo khó, được diễn tả ra một cách cụ thể trong kiểu sống cá nhân và cộng đoàn, đặc biệt cần tránh mọi sự có thể làm cho tu sĩ lo ra và gây gương mù gương xấu cho người khác. Trong đời tu sự khó nghèo là ”bức tường” che chở và là ”mẹ”, vì nó giúp tu sĩ lớn lên và hướng dẫn tu sĩ bước đi trên con đường đúng đắn. Sự giả hình của những người sống đời thánh hiến tuyên khấn nghèo khó mà lại sống giầu sang, đả thương và làm hại Giáo Hội. Nguy hiểm là cám dỗ sống theo tâm thức hoàn toàn trần tục và duy lợi, khiến chúng ta chỉ đặt để hy vọng nơi các phương tiện của con người và phá hủy chứng tá nghèo khó mà Chúa Giêsu Kitô đã sống và dậy chúng ta sống.

Các tu sĩ đã tặng Đức Thánh Cha một bó hoa thiêng liêng gồm hơn 3 triệu 700 ngàn tràng chuỗi Mân Côi đã lần, hơn 118.400 hy sinh hãm mình, và một số tiền đã quyên mỗi tuần trong nhiều tháng qua để Đức Thánh Cha giúp người nghèo.

Sau khi Đức Thánh Cha ban phép lành, các tu sĩ đã nắm tay nhau đồng ca bài dân ca Đại Hàn ”Arirăng”

Từ giã mọi người Đức Thánh Cha lên xe tới Trung tâm tu đức cách đó 2 cây số để gặp gỡ đại diện các phong trào giáo dân hoạt động trong 16 giáo phận toàn Nam Hàn.

Ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha ông chủ tịch Hiệp hội giáo dân công giáo Hàn quốc đã nêu bật sự kiện Giáo Hội Hàn quốc là Giáo hội duy nhất do vài giáo dân khai sinh, không có sự trợ giúp của các thừa sai. Họ đã đi bộ cả ngàn cây số nhiều lần sang Bắc Kinh để xin các linh mục.

Ông nói: trong các hoạt động chúng con đi tới với người nghèo, người đau yếu, nạn nhân của các bất công không đựơc ai trợ giúp. Các vùng ngoại biên của giáo dân Hàn quốc cũng là các anh chị em đã xa rời Giáo Hôi, mất hy vọng và mất hướng đi. Và chúng con cũng nghĩ tới một trong các vùng ngoại biên khác là đi đến với các anh chi em sống tại Bắc Hàn, bên kia biên giới, nơi họ bị bách hai và chờ đợi bàn tay của chúng con. Nhưng một trong các vùng ngoại biên khác nữa của chúng con cũng là các dân tộc Á châu chưa biết Chúa.

Ngỏ lời với 150 lãnh đạo các hiệp hội giáo dân Nam Hàn Đức Thánh Cha nói: Giáo Hội Đại Hàn thừa kế đức tin của các thế hệ giáo dân đã kiên trì trong tình yêu đối với Chúa Kitô và trong sự hiệp thông với Giáo Hội, mặc dù có ít linh mục và bị đe dọa bởi các cuộc bách hại. Gương của 124 tân Chân phước chứng minh cho điều đó… Ngày nay cũng như luôn mãi Giáo Hội cần một chứng tá đáng tin cậy của giáo dân cho sự thật cứu độ của Tin Mừng, cho sự phong phú trong việc xây dựng gia đình nhân loại trong hiệp nhất, công lý và hòa bình. Giáo Hội có một sứ mệnh duy nhất, và mọi tín hữu được rửa tội đều có vai trò sinh tử trong sứ mệnh đó. Công tác tông đồ có thể khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm thăng tiến sứ mệnh của Giáo Hội, bằng cách bảo đảm cho trật tự trần thế được thấm nhuần và hoàn thiện bới Thần Khí của Chúa Kitô hầu chuẩn bị cho Nước Chúa.

Đức Thánh Cha đặc biệt ca ngợi hoạt động của nhiều hiệp hội giáo dân trợ giúp người nghèo và ngừơi túng thiếu trong các vùng ngoại biên của xã hội, thể hiện sự hiệp nhất ”không còn do thái hay hy lạp”. Tuy nhiên, trợ giúp người nghèo thôi không đủ. Ngài xin giáo dân Hàn quốc gia tăng nỗ lực để thăng tiến nhân bản làm sao để mọi người biết tới niềm vui phát xuất từ phẩm giá có công ăn việc làm để nuôi sống gia đình.

Đức Thánh Cha thừa nhận phần đóng góp qúy báu của các phụ nữ công giáo Đại Hàn cho cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội, như mẹ gia đình, giáo lý viên, và bà giáo trong nhiều cách thức khác nhau. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của chứng tá gia đình kitô. Trong thời đại khủng hoảng gia đình các cộng đoàn kitô đươc mời gọi nâng đỡ các cặp vợ chồng và các gia đình trong việc chu toàn sứ mệnh của chúng trong Giáo Hội và xã hội. Gia đình là sự hiệp nhất nền tảng của xã hội, và là trường học đầu tiên, trong đó trẻ em học các giá trị nhân bản, tinh thần và luân lý, khiến cho chúng có khả năng là các ngọn đèn pha của lòng tốt, sự toàn vẹn và công bắng trong các cộng đoàn… Vì thế cần phải có sự đào tạo thường hằng đầy đủ hơn cho anh chị em giáo dân, qua một chương trình giáo lý và linh hướng hường xuyên, trong hoạt động hòa hợp với các chủ chăn và dùng các trực giác, tài năng và đặc sủng của họ để phục vụ sự lớn mạnh của Giáo Hội, trong sự hiệp nhất và với tinh thần truyền giáo.

Từ giã các anh chị em lãnh đạo các phong trào và hiệp hội giáo dân Nam Hàn Đức Thánh Cha ra đi xe tới bãi đậu trực thăng tại KKhottongnae cách đó 2 cây số đề bay về thủ đô Seoul, rồi đi xe về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 7 cây số, kết thúc tốt đẹp ngày thứ 3 trong chuyến công du Nam Hàn.

Chúa Nhật 17-8-2014 lúc 11 giờ Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các Giám Mục Á châu tai dền thánh Haemi, và vào lúc 4 giờ rưỡi chiều ngài sẽ chủ sự thánh lễ kết thúc Ngày Giới Trẻ Công Giáo Á châu kỳ 6 tai quảng trường lâu đài Haemi.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha gặp gỡ Hội đồng Giám Mục Hàn Quốc

Đức Thánh Cha gặp gỡ Hội đồng Giám Mục Hàn Quốc

Pope meets Korea Bishop

VATICAN. Chiều ngày 14-8-2014, ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ các GM Hàn Quốc và nhắc nhở các vị về hai khía cạnh trong Sứ vụ Giám Mục: bảo tồn ký ức và bảo tồn hy vọng.

ĐTC đã từ phủ tổng thống Hàn Quốc đến trụ sở HĐGM cách đó 12 cây số vào lúc quá 5 giờ chiều. Tại đây ngài đã được 2 Hồng Y và 33 GM thuộc 16 giáo phận toàn quốc.

Đức Cha Phêrô Khương Vũ Nhất (Kang U-il) GM giáo phận Tể Châu (Cheju), Chủ tịch HĐGM Hàn Quốc, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC.

Và trong huấn dụ bằng tiếng Ý, được dịch ra tiếng Hàn từng đoạn một, ĐTC khai triển nghĩa vụ của các GM là bảo vệ đoàn chiên Chúa và nhấn mạnh đến hai khía cạnh của việc bảo vệ này, đó là bảo tồn ký ức và bảo tồn hy vọng.

– Trước tiên là bảo tồn ký ức. Anh em là con cháu của các vị tử đạo, là những người thừa kế chứng tá đức tin anh dũng của các vị nơi Chúa Kitô. Ngoài ra anh em là người thừa kế truyền thống, ngoại thường, bắt đầu và tăng trưởng phần lớn nhờ lòng trung thành, kiên trì và công việc của các thế hệ giáo dân. Thật là điều đầy ý nghĩa sự kiện lịch sử Giáo Hội tại Hàn Quốc được khởi đầu với một cuộc gặp gỡ trực tiếp với Lời Chúa. Đó là một vẻ đẹp nội tại và sự toàn vẹn của Sứ điệp Kitô, Tin Mừng và lời mời gọi hoán cải, canh tân nội tâm và sống đời bác ái – gây ấn tượng mạnh nơi Ông Lý Bách (Yi Byeok, 1754-1785) và các kỳ lão của thế hệ đầu tiên. Điều này phản ánh qua sức sinh động của các giáo xứ, của các phong trào Giáo Hội, trong sự quan tâm mục vụ đối với giới trẻ và trong các trường Công Giáo, trong các chủng viện và trong các đại học cũng như trong các chương trình giáo lý vững chắc. Giáo Hội tại Hàn Quốc được quí chuộng vì vai trò của mình trong đời sống tinh thần và văn hóa của quốc gia và vì động lực truyền giáo mạnh mẽ.

Là người bảo tồn ký ức không phải chỉ có nghĩa là nhớ lại và bảo tồn những ân phúc quá khứ. Nó cũng có nghĩa là kín múc từ đó những nguồn lực thiêng liêng để đáp ứng một cách sáng suốt và quyết liệt với niềm hy vọng, những lời hứa và thách đố tương lai. Xét cho cùng, đời sống và sứ mạng của Giáo Hội tại Hàn Quốc không chỉ được đo lường bằng những yếu tố bên ngoài, số lượng và các cơ chế; đúng hơn đời sống và sứ mạng Giáo Hội phải được phán đoán trong ánh sáng minh bạch của Tin Mừng và lời mời gọi hoán cải, trở về cùng Chúa Giêsu Kitô. Bảo tồn ký ức có nghĩa là ý thức rằng sự tăng trưởng đến từ Thiên Chúa (Xc 1 Cr 3,6) và đồng thời là thành quả của sự kiên nhân và bền chí làm việc, trong quá khứ cũng như hiện nay. Ký ức chúng ta về các vị tử đạo và các thế hệ Kitô trước đây phải có tính chất thực tiễn, chứ không lý tưởng hóa hoặc háo thắng. Nhìn lại quá khứ bà mà không lắng nghe tiếng Chúa kêu gọi hoán cải trong hiện tại thì sẽ không giúp chúng ta tiến bước; trái lại nó sẽ cản trở hoặc thậm chí nó chặn đứng sự tiến triển thiêng liêng của chúng ta.

ĐTC nói tiếp: Thứ hai là bảo tồn hy vọng: niềm hy vọng do Tin Mừng ân sủng và từ bi của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô trao tặng, niềm hy vọng đã soi sáng cho các vị tử đạo. Chúng ta được mời gọi công bố niềm hy vọng ấy cho một thế giới, tuy thịnh vượng về vật chất, nhưng vẫn đang tìm kiếm một cái gì hơn nữa, một cái gì chân thực và sung mãn. Anh em hãy bảo tồn niềm hy vọng này bằng cách duy trì sinh động ngọn lửa thánh thiện, bác ái huynh đệ và lòng nhiệt thành truyền giáo trong niềm hiệp thông của Giáo Hội.

Là một Giáo Hội thừa sai, một Giáo Hội luôn đi ra ngoài, hướng về thế giới, đặc biệt là hướng về các ngoại ô của xã hội hiện đại, đòi phải phát triển một sở thích tinh thần làm cho chúng ta có khả năng đón nhận và đồng hóa với mỗi chi thế của Thân Mình Chúa Kitô (Xc Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 268). Theo nghĩa này, cần chứng tỏ một sự quan tâm đặc biệt trong các cộng đoàn chúng ta đối với các trẻ em và những khát vọng của người trẻ; cũng như quan tâm đến người già, bảo tồn sự khôn ngoan và kinh nghiệm của người già.

Bảo tồn hy vọng cũng bao hàm việc bảo đảm sao cho chứng tá ngôn sứ của Giáo Hội tại Hàn Quốc tiếp tục được biểu lộ qua sự quan tâm đến người nghèo và các chương trình liên đới, nhất là đối với những người tị nạn và di dân, những người sống ngoài lề xã hội; trong sự liên lỷ hoạt động để thăng tiến về mặt xã hội, công ăn việc làm và giáo dục. Chúng ta có thể gặp nguy cơ thu hẹp sự dấn thân của chúng ta cho người túng thiếu vào chiều kích từ thiện mà quên đi nhu cầu của mỗi người cần được tăng trưởng như con người va có thể biểu lộ nhân cách, sự sáng vào và văn hóa của mình trong phẩm giá. Lý tưởng tông đồ của một Giáo Hội của người nghèo và cho người nghèo được diễn tả hùng hồn trong các cộng đồng Kitô tiên khởi tại đất nước anh em. Tôi cầu mong rằng lý tưởng này tiếp tục uốn nắn hành trình của Giáo Hội tại Hàn Quốc trong cuộc lữ hành hướng về tương lai.

Một chứng tá ngôn sứ theo Tin Mừng trình bày một số thách đố đặc biệt đối với Giáo Hội tại Hàn Quốc, xét vì Giáo Hội đang sống và hoạt động giữa một xã hội sung túc nhưng ngày càng bị tục hóa và duy vật. Trong những hoàn cảnh ấy, các nhân viên mục vụ bị cám dỗ muốn sử dụng không những kiểu mẫu quản trị hữu hiệu, những chương trình và tổ chức được thế giới doanh nghiệp thu hút, nhưng cả một lối sống và một não trạng được hướng dẫn bằng những tiêu chuẩn trần tục về sự thành công và thậm chí cả về quyền lực thay vì theo các tiêu chuẩn mà Chúa Giêsu đã nêu lên trong Tin Mừng. ”Khốn cho chúng ta nếu Thập Giá bị tước mất khả năng phán đoán sự khôn ngoan của thế gian này! (Xc 1 Cr 1,17). Tôi khuyên anh em và các linh mục của anh em hãy chống lại cám dỗ này dưới mọi hình thức”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

————————————————————————————————–

Đây là nguyên văn bài đọc bằng Anh ngữ của ĐTC trong buổi gặp mặt Hội Đồng Giám Mục Đại Hàn.

Dear Brother Bishops,

I greet all of you with deep affection and I thank Bishop Peter U-il Kang for his words of fraternal welcome on your behalf.  It is a blessing for me to be here and to witness at first hand the vibrant life of the Church in Korea.  As pastors, you are responsible for guarding the Lord’sflock.  You are guardians of the wondrous works which he accomplishes in his people.  Guarding is one of the tasks specifically entrusted to the bishop: looking after God’s people.  Today I would like to reflect with you as a brother bishop on two central aspects of the task of guarding God’s people in this country: to be guardians of memory and guardians of hope.

To be guardians of memory.  The beatification of Paul Yun Ji-chung and his companions is an occasion for us to thank the Lord, who from the seeds sown by the martyrs has brought forth an abundant harvest of grace in this land.  You are the children of the martyrs, heirs to their heroic witness of faith in Christ.  You are also heirs to an impressive tradition which began, and largely grew, through the fidelity, perseverance and work of generations of lay persons.  It is significant that the history of the Church in Korea began with a direct encounter with the word of God.  It was the intrinsic beauty and integrity of the Christian message – the Gospel and its summons to conversion, interior renewal and a life of charity – that spoke to Yi Byeok and the noble elders of the first generation; and it is to that message, in its purity, that the Church in Korea looks, as if in a mirror, to find her truest self.

The fruitfulness of the Gospel on Korean soil, and the great legacy handed down from your forefathers in the faith, can be seen today in the flowering of active parishes and ecclesial movements, in solid programs of catechesis and outreach to young people, and inthe Catholic schools, seminaries and universities.  The Church in Korea is esteemed for its role in the spiritual and cultural life of the nation and its strong missionary impulse.  From being a land of mission, yours has now become a land of missionaries; and the universal Church continues to benefit from the many priests and religious whom you have sent forth.

Being guardians of memory means more than remembering and treasuring the graces of the past; it also means drawing from them the spiritual resources to confront with vision and determination the hopes, the promise and the challenges of the future.  As you yourselves have noted, the life and mission of the Church in Korea are not ultimately measured in external, quantitative and institutional terms; rather, they must be judged in the clear light of the Gospel and its call to conversion to the person of Jesus Christ.  To be guardians of memory means realizing that while the growth is from God (cf. 1 Cor 3:6), it is also the fruit of quiet and persevering labor, past and present.  Our memory of the martyrs and past generations of Christians must be one that is realistic, not idealized or “triumphalistic”.  Looking to the past without hearing God’s call to conversion in the present will not help us move forward; instead, it will only hold us back and even halt our spiritual progress.

In addition to being guardians of memory, dear brothers, you are also called to be guardians of hope: the hope held out by the Gospel of God’s grace and mercy in Jesus Christ, the hope which inspired the martyrs.  It is this hope which we are challenged to proclaim to a world that, for all its material prosperity, is seeking something more, something greater, something authentic and fulfilling.  You and your brother priests offer this hope by your ministry of sanctification, which not only leads the faithful to the sources of grace in the liturgy and the sacraments, but also constantly urges them to press forward in response to the upward call of God (cf. Phil 3:14).  You guard this hope by keeping alive the flame of holiness, fraternal charity and missionary zeal within the Church’s communion.  For this reason, I ask you to remain ever close to your priests, encouraging them in their daily labors, their pursuit of sanctity and their proclamation of the Gospel of salvation.  I ask you to convey to them my affectionate greeting and my gratitude for their dedicated service to God’s people.

If we accept the challenge of being a missionary Church, a Church which constantly goes forth to the world and, especially, to the peripheries of contemporary society, we will need to foster that “spiritual taste” which enables us to embrace and identify with each member of Christ’s body (cf. Evangelii Gaudium, 268).  Here particular care and concern needs to be shown for the children and the elderly in our communities.  How can we be guardians of hope if we neglect the memory, the wisdom and the experience of the elderly, and the aspirations of our young?  In this regard, I would ask you to be concerned in a special way for the education of children, supporting the indispensable mission not only of the universities, but also Catholic schools at every level, beginning with elementary schools, where young minds and hearts are shaped in love for the Lord and his Church, in the good, the true and the beautiful, and where children learn to be good Christians and upright citizens.

Being guardians of hope also entails ensuring that the prophetic witness of the Church in Korea remains evident in its concern for the poor and in its programs of outreach, particularly to refugees and migrants and those living on the margins of society.  This concern should be seen not only in concrete charitable initiatives, which are so necessary, but also in the ongoing work of social, occupational and educational promotion.  We can risk reducing our work with those in need to its institutional dimension alone, while overlooking each individual’s need to grow as a person and to express in a worthy manner his or her own personality, creativity and culture.  Solidarity with the poor has to be seen as an essential element of the Christian life; through preaching and catechesis grounded in the rich patrimony of the Church’s social teaching, it must penetrate the hearts and minds of the faithful and be reflected in every aspect of ecclesial life.  The apostolic ideal of “a Church of and for the poor” found eloquent expression in the first Christian communities of your nation.  I pray that this ideal will continue to shape the pilgrim path of the Church in Korea as she looks to the future.  I am convinced that if the face of the Church is first and foremost a face of love, more and more young people will be drawn to the heart of Jesus ever aflame with divine love in the communion of his mystical body.

Dear brothers, a prophetic witness to the Gospel presents particular challenges to the Church in Korea, since she carries out her life and ministry amid a prosperous, yet increasingly secularized and materialistic society.  In such circumstances it is tempting for pastoral ministers to adopt not only effective models of management, planning and organization drawn from the business world, but also a lifestyle and mentality guided more by worldly criteria of success, and indeed power, than by the criteria which Jesus sets out in the Gospel.  Woe to us if the cross is emptied of its power to judge the wisdom of this world (cf. 1 Cor 1:17)!  I urge you and your brother priests to reject this temptation in all its forms.  May we be saved from that spiritual and pastoral worldliness which stifles the Spirit, replaces conversion by complacency, and, in the process, dissipates all missionary fervor (cf. Evangelii Gaudium, 93-97)!

Dear brother Bishops, with these reflections on your role as guardians of memory and of hope, I want to encourage you in your efforts to build up the faithful in Korea in unity, holiness and zeal.  Memory and hope inspire us and guide us toward the future.  I remember all of you in my prayers and I urge you constantly to trust in the power of God’s grace: “The Lord is faithful; he will strengthen you and guard you from the evil one” (2 Thess 3:3).  May the prayers of Mary, Mother of the Church, bring to full flower in this land the seeds planted by the martyrs, watered by generations of faithful Catholics, and handed down to you as a pledge for the future of your country and of our world.  To you, and to all entrusted to your pastoral careand keeping, I cordially impart my Apostolic Blessing.

 

Bầu khí chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô và các bạn trẻ Á châu tại Nam Hàn

Bầu khí chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô và các bạn trẻ Á châu tại Nam Hàn

Lúc 16 giờ chiều thứ tư 13-8-2014 giờ Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô lấy máy bay đi Seoul, bắt đầu chuyến viếng thăm mục vụ tại Nam Hàn kéo dài cho tới ngày 18-8. Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ giới trẻ Á châu và chủ sự lễ phong chân phước cho 124 vị tử đạo Đại Hàn.

Worker setup Cross

Từ nhiều tháng qua hơn 1,000 nhân viên thiện nguyện và 300 công nhân đã làm việc cật lực chuẩn bị từng chi tiết cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Nam Hàn. Đức Cha Basilio Cho Kyu Man, 59 tuổi, Giám Mục phụ tá tổng giáo phận Seoul, cho biết có sự chờ đợi rất lớn. Trong mọi giáo xứ đều có treo các băng rôn lớn chào mừng Đức Thánh Cha, và đã có các buổi canh thức cầu nguyện cho chuyến viếng thăm mang lại nhiều kết qủa mong muốn.

Nhưng không phải chỉ có các tín hữu công giáo náo nức chờ đợi Đức Thánh Cha, mà đại đa số người dân Nam Hàn cũng thế, vì họ coi ngài là một nhân vật rất nổi tiếng. Mọi người dân Nam Hàn đều biết kiểu làm và nói của ngài, kiểu ngài hành động đối với người nghèo và người bệnh tật. Trong các tháng qua đã có nhiều sách của Đức Giáo Hoàng được dịch ra tiếng Đại Hàn.

Trong bản tin gửi ngày 12-8-2014 phóng viên Faccioli Pintozzi của hãng tin Asianews cho biết trong các đường phố chính của thủ đô Seoul đều có treo hình của Đức Phanxicô với hàng chữ ”Chào mừng Đức Giáo Hoàng”. Bên cạnh đó là quốc kỳ Nam Hàn. Chính quyền Nam Hàn đã chuẩn bị tiếp đón vị thượng khách của quốc gia với rất nhiều cẩn trọng. Dĩ nhiên, vấn đề an ninh rất là quan trọng trong công tác chuẩn bị tiếp đón. Chung quanh khu vực trụ sở Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ các Giám Mục Nam Hàn chiều ngày hôm nay 14-8, có nhiều cảnh sát và nhân viên công lực canh giữ. Trong khi tiếng máy bay trực thăng lượn vòng trên bầu trời Seoul làm nhạc nền cho mọi sinh hoạt của cuộc sống thường ngày.

Cảnh sát cũng kiểm soát nghiêm ngặt quảng trường Gwanghwamun ”Quang môn” giữa lòng thủ đô Seoul, nơi Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ phong Chân phước cho Linh Mục Phaolô Yun Ji-Chung và 123 bạn tử đạo ngày 16 tháng 8. Quảng trường ”Quang Môn” hay ”các cửa của ánh sáng” nằm gần hoàng cung, biểu tượng cho căn tính của Nam Hàn, được trang hoàng bằng các bức tượng của Đô đốc Yi Sun-Schin, là người hồi thế kỷ thứ XV đã nhiều lần đánh bại hạm đội Nhật Bản, và của vua Sejong Cả, người cải cách nổi tiếng thuộc thế kỷ XV.

Đức Cha Basilio cho biết lúc đầu ban tổ chức tính chọn một khu vực rộng lớn hơn gần bờ sông, nhưng sau đó đã quyết đinh chọn quảng trường ”Quang Môn”, vì nó gần trung tâm và nằm trong thành cổ. Các vị tử đạo đã sống tại nơi này, và vài vị đã chịu tử đạo, bị chém đầu tại quảng trường này. Bên cạnh chỗ đặt bàn thờ có một nhà thờ kính nhớ các vị tử đạo. Xưa kia cũng có trạm cảnh sát, trong đó chắc chắn nhiều vị tử đạo đã bị nhốt trước khi bị hành quyết. Nơi này cũng là trung tâm của thành phố, diễn tả lịch sử của Đại Hàn, và trong vùng của các dịch vụ làm ăn buôn bán, là môi trường cũng cần được loan báo Tin Mừng.

Vùng quảng trường có các hàng rào chứa được 200,000 người, nhưng cả quảng trường có chỗ cho nửa triệu người. Đức Cha Basilio cho biết số tín hữu sẽ không đông đến 1 triệu, như hồi Đức Gioan Phaolô II viếng thăm Nam Hàn năm 1984. Lý đo vì trời qúa nóng và chi phí di chuyển cũng qúa mắc đối với nhiều giáo dân.

Như đã nói trên đây, vấn đề an ninh là một trong các ưu tư chính của chính quyền Nam Hàn. Lý do là vì sau khi Đức Thánh Cha ra vạ tuyệt thông cho các thành viên tổ chức tội phạm Mafia bên Italia, người ta sợ các tổ chức này tìm cách trả thù cách gián tiếp. Có tin đồn là có sự giằng co giữa các nhân viên an ninh của chính quyền Seoul muốn Đức Thánh Cha dùng xe có kính chắn đạn và các nhân viên an ninh Vaticăng, muốn để cho ngài được tự do tiếp xúc với dân chúng.

Tại quảng trường Quang Môn hiện cũng đang có một nhóm đông người biểu tình đòi ”sự thật và công lý” sau vụ đắm phà tại Sewol ngày 16 tháng 4 năm nay, khiến cho hơn 300 người chết, nhưng cho tới nay người ta vẫn chưa biết các chi tiết tai nạn xảy ra. Trong số những người ngồi biểu tình cũng có vài linh mục và nữ tu.

Flag welcome Pope

Đối với cuộc gặp gỡ giới trẻ tại Daejeon, thì ít có sự chờ đợi hơn. Đã có 4,000 bạn trẻ Nam Hàn và 2.000 bạn trẻ thuộc 23 nước Á châu tham dự Đại hội giới trẻ. Trong số này cũng có một bạn trẻ Bắc Hàn tỵ nạn tại Nam Hàn. Tuy không phải là tín hữu kitô, nhưng anh cho biết bà nội của anh thỉnh thoảng có nói tới Đức Giáo Hoàng, vì thế anh muốn biết ngài là ai, làm gì. Và đây là dịp may hiếm có, nên anh xin ghi danh tham dự. Trong số 2,000 bạn trẻ thuộc các nước Á châu nhóm đông nhất đến từ Philippines, rồi có các bạn trẻ Nhật Bản, Hồng Kông, Mông Cổ, Việt Nam. Ban tổ chức cũng đã gửi thứ mời các ban trẻ Hoa Lục, nhưng không ai biết họ có được phép tham dự không và sẽ có bao nhiêu người.

Đề tài đai hội là ”Hãy đến và xem”. Trong các ngày đại hội các bạn trẻ sẽ tham dự các cuộc hội thảo, trao đổi và chia sẻ chứng từ về một loạt các đề tài khác nhau, cũng như các buổi trình diễn văn nghệ, ca vũ và hòa nhạc. Ban vũ của Indonesia đặc biệt được chờ đợi. Trọng tâm của đại hội là việc làm chứng tá, tử đạo và ”thức tỉnh” qua sứ điệp của Chúa Kitô. Trong thánh lễ kết thúc đại hội do Đức Thánh Cha chủ sự sáng Chúa Nhật 17-8 sẽ có nghi thức sai các bạn trẻ ra đi rao truyền Tin Mừng.

Một linh mục thuộc ban tổ chức cho biết các bạn trẻ náo nức chờ đươc tham dự thánh lễ kính Đức Mẹ hồn xác lên trời, do Đức Thánh Cha chủ sự, nhưng họ cũng hân hoan vì cơ may gặp gỡ các bạn trẻ khác đến từ nhiều nước Á châu và chia sẻ với họ các kinh nghiệm chứng tá đức tin và các khó khăn của đời kitô trong thế giới ngày nay.

Thánh lễ khai mạc đã do Đức Cha Lazzaro You Heung Sik, Giám Mục Daejeon, khai mạc với thánh lễ do ngài chủ sự vào sáng 13-8 tại đền thánh Solmoe, là quê sinh của linh mục Anrê Kim Taegon, đã được Đức Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh cùng với 102 vi tử đạo khác hồi năm 1984.

Đại hội giới trẻ công giáo Á châu cũng mang sắc thái ơn gọi với sự tham dự của 500 đại chủng sinh. Trưa ngày 15-8-2014 sẽ có 20 bạn trẻ dùng bữa với Đức Thánh Cha. Vào ban chiều họ sẽ cùng các bạn trẻ khác đến Solmoe gần đền các thánh tử đạo, nơi diễn ra đại hội. Vào ban tối sẽ có lễ hội văn hóa với sự tham dự tiết mục của các phái đoàn các nước. Hai bạn trẻ sẽ chia sẻ chứng tá cuộc sống của họ với các bạn trẻ và Đức Thánh Cha, trước khi ngài ban huấn từ.

Theo Đức Cha Lazzaro You Heung Sik, Giám Mục Daejeon, ”trước khi là người Đại Hàn, Trung Quốc hoặc Á châu, người trẻ đến Daejeon đều là anh chị em với nhau và là con cái Thiên Chúa. Quốc tịch, trình độ học vấn hay các khác biệt chính trị không quan trọng: tất cả chúng ta phải cùng nhau luôn luôn gieo vãi tình yêu khắp nơi, để có tình yêu thương giữa chúng ta. Nếu có tình yêu thương giữa chúng ta, thì khi đó chúng ta có thể làm được tất cả mọi sự. Nhưng không có tình yêu thương, thì sẽ không làm được gì cả”.

Để giúp tín hữu và nhân dân Nam Hàn chuẩn bị tinh thần đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicộ, ngày 11-8-2014 đài truyền hình quốc gia đã cho trình chiếu sứ điệp video của ngài, trong đó Đức Thánh Cha nói: ”Anh chị em thân mến! Chỉ còn vài ngày nữa, với ơn Chúa giúp, tôi sẽ ở giữa anh chị em bên Đại Hàn. Ngay từ bây giờ tôi xin cám ơn anh chị em về sự tiếp đón của anh chị em, và tôi mời gọi anh chị em cùng tôi cầu nguyện, để cho chuyến tông du này đem lại nhiều hoa trái cho Giáo Hội và xã hội Đại Hàn. ”Hãy dứng đậy và hãy bừng sáng” (Is 60,1), với các lời ngôn sứ Isaia đã nói với thành Giêrusalem, tôi xin nói với anh chị em. Chính Chúa mời gọi anh chị em tiếp nhận ánh sáng của Người, tiếp nhận nó trong con tim để suy tư trong một cuộc sống tràn đầy đức tin đức cậy và đức mến, tràn đầy niềm vui của Phúc Âm. Như anh chị em biết, tôi đến nhân dịp Ngày Giới Trẻ Á châu lần thứ 6. Đặc biệt tôi sẽ đem tới cho ngưới trẻ lời Chúa mời gọi: ”Hỡi giới trẻ Á châu, hãy đứng lên! Vinh quang của các vị tử đạo chiếu sáng trên các con”. Ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh chiếu tỏa như trong một tấm gương nơi chứng tá của cha Phaolô Yun Ji-Chung và 123 bạn tử đạo, tất cả là các chứng nhân của đức tin, mà tôi sẽ tuyên phong chân phước ngày 16 tháng 8 tới đây tại Seoul”. Người trẻ là những người đem theo niềm hy vọng và năng lực cho tương lai; nhưng họ cũng là nạn nhân của cuộc khủng hoảng luân lý và tinh thần trong thời đại chúng ta. Vì thế tôi ước mong loan báo cho họ và mọi người danh thánh duy nhất, trong đó chúng ta có thể được cứu rỗi: Đức Giêsu là Chúa.”

Đức Thánh Cha nói thêm trong sứ điệp Video gửi tín hữu Đại Hàn: ”Anh chị em Đại Hàn thân mến, niềm tin nơi Chúa Kitô đã đâm rễ sâu trên quê hương của anh chị em và đã đem lại hoa trái dồi dào. Các người cao niên là những người giữ gìn gia tài đó: không có họ giới trẻ sẽ không có ký ức. Sự gặp gỡ giữa người già và người trẻ bảo đảm cho con đường của dân tộc. Và Giáo Hội là đại gia đình, trong đó tất cả mọi người là anh chị em với nhau trong Chúa Kitô. Nhân danh Người tôi đến với anh chị em, trong niềm vui được chia sẻ với anh chị em Tin Mừng tình yêu và niềm hy vọng. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Trinh Nữ Mẹ Người che chở anh chị em”.

Đức Cha You cũng đồng ý với nhận xét của Đức Thánh Cha liên quan tới người trẻ. Đức Cha cho biết thách đố lớn nhất đối với Giáo Hội Đại Hàn hiện nay là chủ thuyết vô thần thực tiễn của một xã hội dựa trên sự ganh đua và thành công, dậy người ta chỉ nghĩ tới tiền bạc và công việc làm, đến độ mhiều người trẻ xem ra không còn thời giờ để sống đức tin nữa. Vì thế Giáo Hội phải đẩy mạnh mục vụ giới trẻ và chứng tá bác ái, là con đường đúng đắn giúp tới gần các thế hệ trẻ. Đức Cha hy vọng chuyến công du này của Đức Thánh Cha Phanxicô khiến cho tâm tình tôn giáo nở hoa, và giúp nhiều người khám phá ra niềm tin công giáo. Khi Đức Gioan Phaolô II viếng thăm Nam Hàn trong các năm 1984 và 1989, số người xin gia nhập Giáo Hội gia tăng mạnh. Là vị chủ chăn đã khẳng định rằng trong Giáo Hội mọi tín hữu đều là các thừa sai, chắc chắn Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thúc đẩy mọi người các linh mục tu sĩ và giáo dân nam nữ hăng say rao giảng Chúa Kitô cho các anh chị em khác.

(ASIANEWS 27.28.30-6-2014; 12-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi nhân dân Hàn Quốc

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi nhân dân Hàn Quốc

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu Hàn Quốc đón nhận ánh sáng của Chúa Kitô và biểu lộ trong đời sống thường nhật.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong sứ điệp Video gửi nhân dân Hàn quốc được đài truyền hình KBS và nhiều cơ quan truyền thông khác ở Hàn Quốc phổ biến. ĐTC nói:

”Anh chị em thân mến!

”Trong vài ngày nữa, với ơn Chúa giúp, tôi sẽ ở giữa anh chị em ở Hàn Quốc. Ngay từ bây giờ tôi cảm ơn anh chị em vì sự tiếp đón và mời gọi anh chị em cùng cầu nguyện với tôi, để cuộc tông du này mang lại những thành quả tốt đẹp cho Giáo Hội và xã hội Hàn Quốc.

”Hãy trỗi dậy và chiếu sáng!” (Is 60,1): với những lời mà vị Ngôn Sứ nói với thành Jerusalem, tôi cũng ngỏ lời với anh chị em. Chính Chúa mời gọi anh chị em đón nhận ánh sáng của Chúa, đón nhận trong tâm hồn và phản chiếu ánh sáng ấy trong một cuộc sống đầy niềm tin, cậy, mến, đầy niềm vui Phúc Âm”.

”Như anh chị em biết, tôi đến nhân dịp Ngày Giới Trẻ Á châu lần thứ 6. Tôi sẽ đặc biệt mang đến cho các bạn trẻ lời kêu gọi của Chúa: ”Hỡi giới trẻ Á châu, hãy trỗi dậy! Vinh quang của các vị tử đạo chiếu sáng trên các bạn”. Ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh chiếu tỏa như qua một gương soi trong chứng tá của Phaolô Duẫn Trì Trung (Yun Ji-chung) và 123 bạn chịu chết vì đức tin, mà tôi sẽ tôn phong chân phước ngày 16-8 tới đây tại Hán Thành.

”Các bạn trẻ là những ngừơi mang hy vọng và nghị lực cho tương lai; nhưng họ cũng là những nạn nhân của cuộc khủng hoảng luân lý và tinh thần thời nay. Vì thế tôi muốn loan bao cho họ và tất cả mọi người danh duy nhất trong đó chúng ta có thể được cứu thoát: danh Chúa Giêsu.

”Anh chị em Hàn quốc thân mến, niềm tin nơi Chúa Kitô đã ăn rễ sâu nơi đất anh chị em và mang lại hoa trái dồi dào. Những người cao niên là những người giữ gìn gia sản ấy: nếu không có họ thì người trẻ sẽ không có ký ức. Cuộc gặp gỡ giữa người cao niên và người trẻ là bảo đảm hành trình của dân tộc. Và Giáo Hội là đại gia đình trong đó tất cả chúng ta là anh chị em với nhau trong Chúa Kitô. Nhân danh Chúa, tôi đến nơi anh chị em, trong niềm vui được chia sẻ với anh chị em Tin Mừng tình thương và hy vọng.

Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ bảo vệ anh chị em” (SD 11-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP
– Vatican Radio