Hội đồng Giám mục Indonesia ủng hộ lời kêu gọi chống giảng thuyết thù oán

Hội đồng Giám mục Indonesia ủng hộ lời kêu gọi chống giảng thuyết thù oán

Hội đồng Giám mục Indonesia ủng hộ lời kêu gọi của chính quyền chống lại các bài giảng cỗ võ bất khoan dung tôn giáo và sắc tộc.

Hôm 28/04, bộ trưởng tôn giáo vụ, ông Lukman Hakim Saifuddin đã đưa ra lời kêu gọi, gồm 9 điểm nhắm đến các nhà giảng thuyết tôn giáo và các diễn đàn rộng lớn hơn.

Trong lời kêu gọi có nhắc đến: các bài giảng thuyết không nên đối nghịch các yếu tố sắc tộc, tôn giáo mà có thể dẫn đến xung đột. Các bài giảng cũng không nên có những lời sỉ nhục chống lại niềm tin hay thực hành của các cộng đoàn khác và nên tránh việc nhen nhóm những hành động phân biệt, hạn nhục hay tiêu diệt.

Đức cha Yohanes Harun Yuwono của Tanjungkarang, chủ tịch Ủy ban đại kết và liên tôn của Hội đồng Giám mục chào đón lời kêu gọi và nói rằng các bài giảng nên mời gọi hòa hợp.

Đức cha chia sẻ là Giáo hội Công giáo muốn các linh mục giảng các giá trị nhân văn cao quý kiến tạo tình huynh đệ đích thực. Ngài nói: “Chắc chắn là họ phải rao giảng sự khác biệt và tình yêu thương cho mọi người.”

Ông Saifuddin cho biết là lời kêu gọi được đưa ra khi có các than phiền rằng “Các tổ chức tôn giáo đang truyền giảng sự mất đoàn kết và bất khoan dung” trong cuộc bầu cử mới đây ở Jakarta. Tuy nhiên ông cho biết lời kêu gội không có tính ràng buộc pháp luật, chính quyền không can thiệp sâu vào các nơi thờ phượng.

Zainud Tauhid Saadi, phó chủ tịch của hội đồng Ulema, ủng hộ lời kêu gọi. Tuy bậy ông sợ rằng nó không có hiệu quả gì khi không có bất kỳ biện pháo nào để củng cố nó. (Ucan news 02/05/2017)

Hồng Thủy

(Thi Thuy le)

Mohammad Sammak: “Đức Phanxicô là lãnh đạo tinh thần của toàn nhân loại”

Mohammad Sammak: “Đức Phanxicô là lãnh đạo tinh thần của toàn nhân loại”

Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Assisi 1

“Đức Giáo hoàng Phanxicô đươc xem như nhà lãnh đạo tinh thần cho toàn thể nhân loại khi ngài nói rằng không có tôn giáo tội ác, nhưng có tội ác trong mọi tôn giáo." Ông Mohammad Sammak, cố vấn chính trị cho Đại giáo trưởng Hồi giáo của Liban và Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về đối thoại giữa Kitô hữu và người Hồi giáo, đã phát biểu trong lễ khai mạc Hội nghị quốc tế về con người và tôn giáo được bắt đầu chiều Chúa nhật 18/09/2016.

Ông Sammak miêu tả nhóm “nhà nước Hồi giáo” như “một nhóm của những kẻ báo thù, tuyệt vọng và cực đoan, những kẻ đã cướp Hồi giáo và sử dụng chỉ cho mục đích báo thù, trong khi đối với Hồi giáo – ông đưa ra ví dụ như việc phá hủy của các nhà thờ và tu viện ở Syria và Iraq – không ai được phép sử dụng những viên đá của một nhà thờ để xây nhà của mình.”

Ông nhắc đến cha Paolo Dall'Oglio, người đã “cống hiến cuộc đời để phục vụ người Hồi giáo và Kitô hữu ở Syria” và Đức cha Mar Gregorios Yohanna Ibrahim, Giám mục của Aleppo, đã bị bắt cóc cách đây ba năm, là người mà ông đã được biết đến trong các buổi cầu nguyện cho hòa bình tổ chức bởi Sant'Egidio trong những năm qua.

Ông cũng nói về cha Jacques Hamel, đã bị giết hồi tháng 7 vừa qua trong khi đang dâng Thánh lễ tại một nhà thờ ở Rouen, nước Pháp. Ông nói: “Cha Hamel là một nạn nhân không chỉ đối với Giáo Hội của các bạn, mà còn đối với tôn giáo của chúng tôi”. Cuối cùng, ám chỉ tới nước Liban của mình, ông khẳng định rằng “mối quan hệ giữa tín hữu của các tôn giáo khác nhau không thể dựa trên việc loại trừ người khác  – như nhóm “nhà nước Hồi giáo” (IS) muốn – và ngay cả trên sự khoan dung. Nó phải được dựa trên niềm tin vào chủ nghĩa đa nguyên và đa dạng, trên sự tôn trọng đối với nền tảng ý thức hệ và lý trí, những điều là nền tảng cho sự đa dạng.” Ông kết luận: “Quyền công dân không thể dựa trên sự khoan dung nhân nhượng, nhưng là dựa trên quyền lợi.” (Zenit 20/09/2016)

Hồng Thủy

 

SÁM HỐI LÀ KHỞI ĐIỂM

SÁM HỐI LÀ KHỞI ĐIỂM

Nói và làm đó là hai thái độ khác nhau. Có người nói mà không làm. Có người không nói nhưng lại làm. Đó chính là hai thái độ mà Chúa đề cập đến trong bài dụ ngôn hôm nay. Hạng người nói mà không làm đó là những người biệt phái và luật sĩ. Họ tự cho là mình đạo đức, nhưng khi Chúa Giêsu rao giảng, họ không những không tin mà còn phê phán chỉ trích những người tin Chúa, chỉ trích chính Chúa đã đón tiếp người tội lỗi. Hạng người không nói mà làm đó là những người thu thuế và những người tội lỗi. Tuy sống tội lỗi, nhưng khi nghe Chúa rao giảng, họ đã ăn năn sám hối và tin vào Chúa. Qua dụ ngôn này Chúa muốn dạy ta những bài học sau.

Bài học thứ nhất: Việc làm trọng hơn lời nói. Trong đời sống, chúng ta gặp không ít những người nói hay, nói nhiều, nhưng làm chẳng bao nhiêu. Tục ngữ Việt Nam có câu “Mười voi không được bát nước sáo” là thế. Nhưng trái lại có những người không nói giỏi, có khi không nói gì cả, nhưng lại làm rất nhiều. Nhất thời ta có thể thích những người nói hay. Nhưng sống càng lâu, ta càng mến những người nói ít làm nhiều. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế. Chúa yêu chuộng những người làm việc hơn là những người chỉ biết nói suông. Có lần Chúa đã vạch rõ những giả dối này: “Không phải những ai nói rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ làm theo ý Cha Ta trên trời” (Mt 7,21). Đức tin phải biểu lộ bằng việc làm mới là đức tin sống động. Như thánh Giacôbê dạy: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Tình yêu cũng phải có việc làm. Việc làm minh chứng tình yêu đích thực. Tin yêu Chúa phải được biểu lộ bằng việc làm.

Bài học thứ hai: Con người có thể thay đổi. Con người còn sống ở trần gian là còn thay đổi. Đó là một điều ta phải cảnh giác. Biết đâu ta đang tốt bỗng trở nên xấu. Cũng như các biệt phái và luật sĩ tự hào mình tốt, nhưng khi Chúa Giêsu đến, họ đã trở nên xấu vì không tin vào Chúa, không hoán cải đời sống. Con người có thể thay đổi. Đó là điều làm cho chúng ta hy vọng. Vì nếu ta tội lỗi yếu hèn, ta vẫn có cơ hội ăn năn trở lại. Ta không bị kết án trong tội lỗi của ta. Chúa còn cho ta có thời giờ trở lại với Chúa. Miễn là ta nhận biết mình và quyết tâm đổi mới cuộc đời.

Bài học thứ ba: Sám hối là việc cần thiết của mọi người. Đã là người ai cũng có sai lầm. Vì con người yếu đuối bất toàn. Chúa không đòi ta phải hoàn hảo không bao giờ sai lỗi. Nhưng Chúa đòi ta mỗi khi sai lỗi phải biết sám hối ăn năn. Sám hối thật cần thiết vì có sám hối ta mới được Chúa thứ tha. Chúa yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho những tâm hồn sám hối như lời Thánh Vịnh: “Một tấm lòng tan nát dày vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50). Ta hãy xem Chúa đã tha thứ cho bà Mađalena. Nhất là Chúa đã tha thứ cho người trộm lành, để thấy Chúa nhân từ thương xót biết bao. Nhưng Chúa lại chê ghét những tâm hồn kiêu căng cứng cỏi không chịu ăn năn sám hối. Trong Phúc Âm ta thấy Chúa chỉ mắng nhiếc những người tự xưng mình đạo đức nên kiêu căng khinh miệt người khác và không nghe lời Chúa. Nhưng Chúa luôn nhân từ, khoan dung, tha thứ cho những tội lỗi thật lòng ăn năn. Sám hối thật cần thiết vì tất cả chúng ta ai cũng có lầm lỗi trước mặt Chúa, cần được Chúa khoan hồng thứ tha. Sám hối thật cần thiết vì đó là khởi điểm để nên tốt, nên thánh thiện. Có sám hối ta mới biết từ bỏ nếp sống cũ. Có sám hối ta mới bắt đầu một nếp sống mới đẹp lòng Chúa.

Như thế, ta đừng chỉ nói suông mà không làm, nhưng hãy biết thực hành điều Chúa dạy. Ta đừng tự hào vì mình tốt lành mà phê bình chỉ trích người khác. Hãy tự xét mình để thấy mình tội lỗi. Và khi biết mình tội lỗi, hãy ăn năn sám hối ngay. Có sám hối ta sẽ được Chúa tha thứ. Có sám hối sẽ được anh chị em yêu thương. Nhất là có sám hối ta mới khởi sự tiến lên trên con đường thánh thiện.

Lạy Chúa xin tha thứ tội con đã phạm đến Chúa và đến anh em. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Nói và làm, việc nào cần hơn và tốt hơn?

2) Có nhiều chương trình tốt đẹp nhưng không thực hiện, có ích gì không?

3) Biết nhận lỗi, xin lỗi và sửa lỗi. Điều này đáng trọng hay đáng chê trách?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt