Đức Thánh Cha tiếp kiến Ủy ban Thần học Quốc tế

Đức Thánh Cha tiếp kiến Ủy ban Thần học Quốc tế

VATICAN. Sáng 5-12-2014, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến Ủy ban thần học quốc tế vừa kết thúc khóa họp toàn thể tại Vatican. Ngài nêu bật những đặc tính mà nhà thần học Công Giáo phải có.

30 thần học gia quốc tế nhóm khóa họp đầu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm, dưới quyền chủ tọa của ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, cũng là chủ tịch của Ủy ban.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC khẳng định rằng: ”Nhà thần học trước tiên là một tín hữu lắng nghe Lời Chúa hằng sống và đón nhận Người trong tâm trí. Nhưng nhà thần học cũng phải khiêm tốn lắng nghe ”điều mà Chúa Thánh Linh nói với các Giáo Đoàn” (Kh 2,7), qua những biểu thị khác nhau của đức tin được sống thực nơi dân Chúa.

Trong số các thành viên Ủy ban thần học quốc tế hiện nay có 5 phụ nữ, tức là gấp 5 lần so với trước đây. ĐTC nhận xét rằng: ”Sự hiện diện này trở thành một lời mời gọi suy tư về vai trò mà phụ nữ có thể và phải giữ trong lãnh vực thần học. Thực vậy, ”Giáo Hội nhìn nhận đóng góp không thể thiếu được của phụ nữ trong xã hội, với một sự nhạy cảm, một trực giác, và một số khả năng đặc thù thường là những đặc tính riêng của phụ nữ hơn là của nam giới.. Tôi hài lòng vì thấy có nhiều phụ nữ cống hiến những đóng góp mới cho suy tư thần học” (Evan. gaudium, 103). Như thế, do thiên tài nữ giới, để mưu ích cho tất cả mọi người, các nữ thần học gia có thể nêu bật một số khía cạnh chưa được khai phá trong mầu nhiệm khôn lường của Chúa Kitô trong đó có giấu ẩn tất cả những kho tàng khôn ngoan và tri thức” (Cl 2,3). (SD 5-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha ký tuyên ngôn chung chống nạn nô lệ mới

Đức Thánh Cha ký tuyên ngôn chung chống nạn nô lệ mới

VATICAN. Sáng ngày 2-12-2014, ĐTC Phanxicô đã cùng với các vị lãnh đạo tôn giáo khác, ký tuyên ngôn chung bày tỏ quyết tâm cộng tác loại bỏ vĩnh viễn hình thức nô lệ mới trước năm 2020.

Cùng ký vào tuyên ngôn còn có Đức Giáo Chủ Liên hiệp Anh giáo Justin Welby, các vị lãnh đạo Chính Thống, Phật giáo, Ấn giáo và Hồi giáo đến từ nhiều quốc gia. Sáng kiến lịch sử này do tổ chức gọi là Global Freedom Network (Mạng tự do trên thế giới), đề xướng. Tổ chức này nhắm loại trừ nạn buôn người và các hình thức nô lệ mới trên thế giới ngày nay. Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh cũng được mời tham dự nhưng bị đột quỵ nên Ni Sư đệ tử là Thích Nữ Chân Không, 76 tuổi, đã đi dự thay.

Lễ nghi ký tuyên ngôn chung diễn ra lúc 11 giờ 15 sáng tại trụ sở của Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa học ở Nội thành Vatican.

Lên tiếng trong dịp này, sau khi cám ơn tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo và những người hiện diện, ĐTC khẳng định rằng: ”Được sự tuyên xưng tín ngưỡng soi sáng, chúng ta họp nhau nơi đây do một sáng kiến lịch sử và để thực hiện một hành động cụ thể: tuyên bố chúng ta sẽ cộng tác với nhau để loại trừ tai ương kinh khủng là sự nô lệ tân thời dưới tất cả mọi hình thức của nó.

”Sự bóc lột thể lý, kinh tế, tính dục và tâm lý người nam, người nữ, trẻ em nam nữ, hiện đang xiềng xích hàng triệu ngừơi trong tình trạng vô nhân đạo và tủi nhục. Mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình thương và tự do, Đấng hiến thân trong cac quan hệ giữa con người với nhau… Bất kỳ quan hệ kỳ thị nào đều không tôn trọng xác tín cơ bản theo đó người khác cũng là người như chúng ta, và hành động đó là một tội ác. Và bao nhiêu lần có những tội ác kinh khủng!

ĐTC nói thêm rằng “Vì thế chúng ta tuyên bố nhân danh tất cả và từng người rằng nạn nô lệ tân thời, trong tuương quan với nạn buôn người, cưỡng bách lao động, mại dâm và buôn bán cơ phận, là tội ác xúc phạm đến nhân loại. Các nạn nhân thuộc mọi giai tầng, nhưng nhất là những người nghèo khổ và dễ tổn thương nhất trong các anh chị em của chúng ta.

”Nhân danh họ chúng ta kêu gọi các cộng đoàn của chúng ta hãy hành động, để hoàn toàn loại bỏ mọi sự tước đoạt tự do của cá nhân với mục đích bóc lột con người và thương mai; nhân danh họ chúng ta đưa ra tuyên ngôn này.

ĐTC ghi nhận rằng mặc dù có những cố gắng lớn của nhiều người, tệ nạn nô lệ tân thời tiếp tục là một tai ương kinh khủng trên thế giới, kể cả dưới hình thức du lịch.. Tội ác này nấp sau những thói quen bề ngoài và được chấp nhận, nhưng trong thực tế, các nạn nhân của chúng ở trong tình trạng mại dân, buôn người, cưỡng bách lao động, làm việc như nô lệ, cắt chặt cơ phận, bán cơ phẩn và tiêu thụ ma túy, bắt trẻ em làm việc. Nó nấp sau cánh cửa thánh đường, nhưng nơi đặc biệt, trên các đường phố, trong xe cộ, xưởng thợ, đồng quê, thuyền cánh cá và nhiều nơi khác..

ĐTC kết luận rằng: Chúng tôi kêu gọi tất cả những người có tín ngưỡng, các vị lãnh đạo, chính quyền, xí nghiệp, mọi người nam nữ thiện chí, hãy quyết liệt hỗ trợ và tham gia các phong trào chống nạn nô lệ tân thời dưới mọi hình thức”

”Được sự nâng đỡ của các lý tưởng trong tín ngưỡng và các giá trị nhân bản chung, tất cả chúng ta có thể và phải giơ cao ngọn cờ các giá trị tinh thần. .. Tôi cầu xin Chúa ban cho chúng ta ngày hôm nay ơn được hoán cải chính mình thành tha nhân của mỗi người không phân biệt ai, luôn tích cực giúp đỡ những người chúng ta gặp trên đường. (SD 2-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP

Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Đồng Giám Mục Thụy Sĩ

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Đồng Giám Mục Thụy Sĩ

VATICAN. Sáng 1-12-2014, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến 11 GM của 6 giáo phận tại Thụy Sĩ và ngài kêu gọi Giáo Hội tại nước này nỗ lực duy trì đức tin sinh động tại quê hương mình.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có hai cha Bề trên của hai Đan viện biệt hạt cổ kính, Einsiedeln của dòng Biển Đức và Saint-Maurice của dòng Kinh sĩ thánh Augustino.

Trong bài huấn dụ trao cho các GM, ĐTC nói đến sự kiện năm tới đây, 2015, Đan viện Saint-Maurice sẽ mừng kỷ niệm 1.500 năm đời sống tu trì liên tục, không hề bị gián đoạn, đây là một sự kiện ngoại thường trong toàn Âu Châu. Ngài viết: ”Anh em thân mến, anh em có trách nhiệm lớn lao và đẹp đẽ duy trì đức tin sinh động tại đất nước anh em. Nếu không có niềm tin sinh động nơi Chúa Kitô phục sinh, thì những thánh đường và đan viện đẹp đẽ sẽ dần dần trở thành bảo tàng viện, và tất cả những công trình đáng ca ngợi và các tổ chức sẽ mất hồn, và chỉ để lại mội trường chung quanh trống rỗng và những con người bị bỏ rơi”.

Ám chỉ đến một số vùng tại Thụy Sĩ, có những giáo dân chống đối Giám Mục và muốn điều khiển Giáo Hội, buộc các chủ chăn phải chiều ý họ, ĐTC khẳng định rằng: ”Sứ mạng được ủy thác cho anh em là chăn dắt đoàn chiên, theo những hoàn cảnh, đi trước, đi giữa và đi sau họ. Dân Chúa không thể tồn tại mà không có các vị mục tử là các GM và linh mục; Chúa đã ban cho Giáo Hội hồng ân là sự kế truyền các Tông Đồ, để phục vụ sự hiệp nhất trong đức tin và để đức tin được thông truyền trọn vẹn (Xc LG 49). Đó là một hồng ân quí giá, với đoàn thể tính từ đó mà ra, nếu chúng ta biết làm cho hồng ân ấy trở nên hữu hiệu, để cao giá trị của nó để nâng đỡ nhau, để sống và dẫn dắt những người được ủy thác cho chúng ta đến cùng Chúa..”.

Trong bài huấn dụ trao cho các GM Thụy Sĩ, ĐTC cũng nhắc nhở các vị tiếp tục nỗ lực huấn luyện các chủng sinh, vì điều này có liên hệ tới tương lai Giáo Hội. Ngài viết: ”Giáo Hội cần những LM ngày càng đạt được sự quen thuộc vững chắc với Truyền Thống và Giáo huấn của Hội Thánh, để cho mình được gặp Chúa Kitô, và trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, dẫn đưa con người trên những nẻo đường của Chúa (Xc Ga 1,40-42). Để được vậy, cần dạy cho các chủng sinh càng ngày càng ở trước mặt Chúa, đón nhận Lời Chúa, nuôi dưỡng mình bằng Thánh Thể, làm chứng về giá trị cứu độ của bí tích hòa giải và tìm kiếm những ”điều thuộc về Chúa Cha” (Xc Lc 2,49).

ĐTC viết thêm rằng: ”Trong đời sống huynh đệ các chủng sinh tìm được một sự nâng đỡ hữu hiệu đứng trước cám dỗ co cụm vào mình hoặc sống tiềm thể, và họ cũng tìm được thuốc giải độc chống lại sự cô đơn nhiều khi nặng nề. Tôi mời gọi anh em quan tâm đến các linh mục của mình, dành thời giờ cho họ, nhất là những LM đã rời xa hoặc quên ý nghĩa tình phụ tử của Giám Mục, hoặc nghĩ rằng mình chẳng cần Giám Mục. Một cuộc đối thoại khiêm tốn, chân thành và huynh đệ nhiều khi giúp một cuộc khởi hành mới”.

Trong số gần 8 triệu dân cư ở Thụy Sĩ, hiện có khoảng 43% là tín hữu Công Giáo, 33% theo Tin Lành và 1,8% theo Chính Thống giáo (SD 1-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Cuộc hop báo của Đức Thánh Cha trên máy bay từ Thổ nhĩ kỳ về Roma

Cuộc hop báo của Đức Thánh Cha trên máy bay từ Thổ nhĩ kỳ về Roma

VATICAN. Trong cuộc họp báo trên máy bay chiều ngày 30-11-2014 ĐTC đã trả lời nhiều câu hỏi của giới báo chí và minh định ý nghĩa một số cử chỉ của ngài tại Thổ nhĩ kỳ.

Trong chuyến bay dài 2 giờ 40 phút từ Istanbul về Roma, như thường lệ ĐTC đã mở cuộc họp báo với sự tham dự của 65 ký giả quốc tế tháp tùng ngài.

– Trả lời câu hỏi của một nữ ký giả đài truyền hình Thổ nhĩ kỳ: tổng thống Erdogan đã nói nhiều về sự ghét bỏ Hồi giáo hiện nay còn ĐGH nói về sự ghét bỏ Kitô giáo ở Trung Đông, các nhóm thiểu số. Và ĐGH thường nhắc về việc đối thoại liên tôn, người ta có thể làm gì hơn nữa không? Theo ĐGH các vị lãnh đạo thế giới phải làm gì?

Trong phần trả lời, trước tiên ĐTC nói về sự ghét bỏ hồi giáo và nói rằng:

”Đúng vậy, đứng trước những vụ khủng bố, không những ở vùng Trung Đông, nhưng cả tại Phi châu nữa, người ta phản ứng và nói: ”Hồi giáo không phải như vậy!” Bao nhiêu tín hữu Hồi giáo cảm thấy bị xúc phạm vì những hành vi khủng bố nhân danh Hồi giáo như thế! Coran là một cuốn sách hòa bình, là một sách ngôn sứ hòa bình. Những vụ khủng bố không phải là Hồi giáo. Tôi tin như thế, và người ta phải nói thành thực rằng không phải mọi tín hữu đạo Hồi là những kẻ khủng bố, cũng như không thể nói mọi Kitô hữu là những người cực đoan, vì trong Kitô giáo cũng có những người cực đoan. Trong mọi tôn giáo đều có những nhóm nhỏ như vậy! Tôi đã nói với Tổng thống Erdogan: ”Thật là điều tốt đẹp nếu tất cả các vị lãnh đạo Hồi giáo – dù là lãnh đạo chính trị, tôn giáo hay các học giả – đều nói rõ ràng và lên án những vụ khủng bố với danh nghĩa Hồi giáo, vì việc nói rõ ràng như thế và lên án những hành vi khủng bố sẽ giúp đại đa số dân Hồi giáo.. Tất cả chúng ta đều cần một sự lên án của toàn thế giới, cả những người Hồi giáo nữa, chống lại những hành vi khủng bố”.

Về điều gọi là ghét bỏ Kitô hữu, Cristianofobia, tôi không muốn dùng cái từ có vẻ bọc đường như thế. Các tín hữu Kitô bị trục xuất khỏi Trung Đông. Đôi lần chúng ta đã thấy ở Irak, ở vùng Mossul, họ phải ra đi, bỏ lại mọi sự, phải trả thuế để được bảo vệ nhưng vô ích.. Và có khi họ bị trục xuất một cách khéo léo hơn, với những găng tay trắng như tại một số nước.

Sau cùng về vấn đề đối thoại liên tôn, có lẽ tôi đã có một cuộc nói chuyện rất đẹp theo nghĩa đó với Ông chủ tịch tôn giáo vụ Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Ban của ông. Cả khi vị đại sứ mới của Thổ Nhĩ kỳ cạnh Tòa Thánh đến trình ủy nhiệm thư tại Vatican cách đây một tháng. Tôi đã thấy ông là một người ngoại thường, một người có lòng đạo đức sâu xa. Cả ông chủ tịch Tôn giáo vụ cũng cùng một trường phái. Cả hai đều nói: cuộc đối thoại liên tôn dường như đến đường cùng rồi, chúng ta phải tăng chất lượng, chúng ta phải đối thoại giữa những người tôn giáo thuộc các nguồn gốc khác nhau.

– Một nữ ký giả khác cũng người Thổ nhĩ kỳ thuộc hãng thông tấn của nước này, đã hỏi ĐGH về ý nghĩa sự kiện ngài giữ thinh lặng cầu nguyện 2 phút đồng hồ khi viếng Đền thờ Xanh của hồi giáo sáng thứ bẩy 29-11. Đó có phải là cách thức ngài ngỏ lời với Thiên Chúa không?

ĐTC đáp: ”Tôi đến Thổ Nhĩ kỳ như một người hành hương, chứ không phải như một du khách. Tôi đến đó với lý do chính là mừng lễ thánh Anrê Tông đồ và chia sẻ với Đức Thượng Phụ Bartolomeo. Nhưng khi tôi đến Đền thờ Hồi giáo, tôi không thể nào tự nhủ: ”A, bây giờ tôi là du khách!”. Tôi đã viếng Đền thờ tuyệt vời, và khi vị Mufti giải thích cho tôi nhiều điều, một cách rất dịu dàng, cả kinh Coran, cũng nói về Mẹ Maria và Gioan Tẩy Giả, ông giải thích cho tôi mọi điều, chính lúc ấy tôi cảm thấy cần cầu nguyện. Và tôi nói: ”Chúng ta hãy cầu nguyện một chút! và ông cũng đồng ý. Tôi đã cầu nguyện cho Thổ nhĩ kỳ, cho hòa bình, cho vị Mufti, cho tất cả, và cho cả tôi nữa vì tôi đang cần. Cầu nguyện cho hòa bình, xin Chúa chấm dứt chiến tranh.. Đó thực là một lúc cầu nguyện chân thành!

– Trong số giới báo chí tháp tùng ĐTC có một ký giả kỳ cựu người Nga là ông Alexey Bukalov, tín hữu Chính Thống: ông hỏi ĐTC xem sau cuộc viếng thăm này, sau cuộc gặp gỡ đặc biệt với Đức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople, có viễn tượng nào với những cuộc tiếp xúc của Tòa Thượng phụ Chính Thống Mascơva hay không?

ĐTC kể rằng trong dịp Thượng HĐGM thế giới hồi tháng 10 vừa qua, có Đức TGM Hilarion đến Roma như đại biểu của Đức Thượng Phụ Kirill. Đức TGM đã muốn nói với tôi không phải với tư cách là đại biểu một Giáo Hội Kitô anh em tại Thượng HĐGM, nhưng với tư cách là Chủ tịch Ủy ban đối thoại Chính Thống và Công Giáo.

Trước tiên tôi muốn nói về quan hệ giữa Công Giáo với Chính Thống nói chung. Tôi tin rằng chúng tôi đang đồng hành với Chính Thống giáo. Các Giáo Hội này cũng có các bí tích và sự kế nghiệp các tông đồ, như Công Giáo, chúng ta đang đồng hành. Nhưng chúng ta phải đợi cái gì? Đợi cho các nhà thần học đồng ý với nhau sao? Tôi nghĩ là ngày đó sẽ không bao giờ tới. Tôi nghi ngờ về điều này. Các nhà thần học làm việc rất tốt, nhưng tôi nhớ điều mà Đức Thượng Phụ Athenagoras đã nói với Đức Phaolô 6: ”Chúng ta cứ tiến bước riêng, và chúng ta đặt tất cả các nhà thần học trên một hòn đảo!”. Tôi tưởng câu nói đó không phải là điều thật, nhưng Đức Bartolomeo nói với tôi: Không, đúng là Đức Athenagoras đã nói như vậy. Ta không thể chờ đợi điều ấy. Hiệp nhất là một hành trình. Đó là phong trào đại kết linh đạo: cầu nguyện với nhau, làm việc với nhau.. các công tác bác ái, giảng dạy chung với nhau… Và rồi cũng có phong trào đại kết bằng máu. Bao nhiêu là Kitô hữu đã bị giết, bao nhiêu là vị tử đạo, bắt đầu từ Uganda, cách đây hơn kém 50 năm, có lễ phong hiển thánh ở Uganda, một nửa là tín hữu Anh giáo và một nửa là Công Giáo. Các vị tử đạo của chúng ta đang nhìn chúng ta và kêu kêu: ”Chúng ta là một!”… Tôi tin rằng chúng ta phải tiến bước theo chiều hướng đó; chia sẻ các ghế giáo sư đại học chẳng hạn.
Về vấn đề quan hệ với Chính Thống Nga, ĐTC đáp: ”Tôi nói điều này, có lẽ có người không hiểu được, đó là các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ đông phương có quyền được hiện hữu.!”

”Với Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Mascơva có lần tôi đã tỏ cho Đức Thượng Phụ biết ước muốn muốn gặp ngài và ngài cũng đồng ý. Tôi nói: ”Tôi đến nơi nào Đức Thượng Phụ muốn. Đức Thượng Phụ gọi tôi và tôi sẽ đi đến đó”. Cả Đức Thượng Phụ cũng ước muốn như thế. Nhưng trong thời gian gần đây có vấn đề chiến tranh. Tôi nghiệp ngài có bao nhiêu vấn đề tại Ucraina, và việc du hành và gặp gỡ với Giáo Hoàng bị liệt xuống hàng thứ yếu. Nhưng cả hai chúng tôi đều muốn gặp nhau và tiến bước. Đức TGM Hilarion đề nghị một cuộc họp nghiên cứu với ủy ban do Đức TGM ấy làm chủ tịch và bàn về vấn đề quyền tối thượng của Giáo Hoàng, vì cần tiếp tục yêu cầu mà Đức Gioan Phaolô 2 đã đưa ra: Xin hãy giúp tôi tim ra một hình thức quyền tối thượng mà chún gta có thể chấp nhận được”.

– Nữ ký giả của báo El Mundo, Tây Ban Nha, hỏi ĐTC về cử chỉ lịch sử ngài cúi đầu trước Đức Thượng Phụ Bartolomeo để xin chúc lành. ĐGH nghĩ gì về những lời phê bình của những người không hiểu cử chỉ cởi mở của ngài như vậy, nhất là những người bảo thủ vẫn nhìn cử chỉ ấy với thái độ nghi ngờ…

ĐGH đáp: Tôi muốn nói đây không phải chỉ là vấn đề từ phía Công Giáo chúng ta nhưng từ phía Chính Thống nữa. Trong Chính Thống giáo cũng có một số đan sĩ, đan viện đi theo chiều hướng đó. Ví dụ một vấn đề người ta đã thảo luận từ thời chân phước Phaolô 6 về ngày lễ Phục Sinh và cho đến nay giữa các Giáo Hội Kitô vẫn chưa có sự đồng thuận vì lễ Phục sinh là ngày trăng đầu tiên sau ngày 14 tháng Nissan, và điều này có nguy cơ là với thời gian, gần này chúng ta sẽ cử hành lễ Phục sinh vào tháng 8. Đức Chân phước Phaolô 6 đề nghị mừng lễ phục sinh vào 1 ngày nhất định, thí dụ một chúa nhật tháng 4. Đức Thượng Phụ Bartolomeo cũng can đảm đi theo chiều hướng này, nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự đồng thuận.

– Trong phần còn lại của cuộc họp báo, ĐTC đã trả lời những câu hỏi liên quan một số đề tài khác như ý định viếng thăm Irak. Ngài tái khẳng định ý muốn đến viếng thăm nước này nhưng bây giờ không thể vì cuộc viếng thăm này sẽ tạo ra vấn đề an ninh cho chính quyền.

ĐTC cũng tái xác nhận nhận xét của ngài, theo đó nhân loại đang sống chiến tranh thứ ba từng mảnh. Có những lý do thù nghịch nhưng cũng có những lý do kinh tế, thần tiền bạc được đặt ở trong trung tâm các vấn đề đó chứ không phải con người. Sự buôn bán võ khí thật là kinh khủng và ngày nay là công nghệ thịnh hành nhất. Ai đã bán võ khí cho Siria có lẽ chính là những kẻ bây giờ tố cáo Siria sở hữu các võ khí đó. Và về các loại võ khí hạt nhân, tôi đã nói rằng nhân loại vẫn chưa học bài học.

Về việc kỷ niệm 100 năm cuộc diệt chủng Arméni sắp được cử hành trong năm 2015, ĐTC nhắc đến lá thư mà tổng thống Erdogan đã viết về vấn đề này: một số người đã phê bình ông vì đã chưa nhìn nhận những gì đã xảy ra, nhưng vẫn luôn có những bước tiến tích cực, những cử chỉ nhỏ xích lại gần. Chúng ta phải cầu nguyện cho sự hòa giải các dân tộc và ngài cầu mong biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Arméni được mở ra.

Ký giả của hãng tin AP Hoa Kỳ hỏi ĐTC về Thượng HĐGM vừa qua và những đoạn trong tài liệu chung kết cởi mở đối với những người đồng tính luyến ái.. ngài nhắc lại rằng: Thượng HĐHM là một hành trình, nói không phải là một nghị viện, nhưng là một không gian được bảo vệ để Chúa Thánh Linh có thể nói. Cả bản tường trình chung kết cũng không chấm dứt hành trình đó. Phúc trình chung kết cũng chỉ là một tường trình tạm thời, vì nó sẽ trở thành tài liệu Lineamenta, tài liệu đề cương, cho Thượng HĐGM vào tháng 10 năm tới. Tài liệu này được gửi tới các HĐGM để thảo luận và gửi những đề nghị thay đổi, và dựa vào đó để soạn một tài liệu làm việc khác, và Thượng HĐGM năm tới sẽ thảo luận. Không thể lấy ý kiến của một người, hoặc một dự thảo. Cần phải nhìn Thượng HĐGM trong toàn bộ.

G. Trần Đức Anh OP –  Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ: ngày thứ 2

Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ: ngày thứ 2

ISTANBUL. Trong ngày thứ hai viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ, ĐTC Phanxicô đã dành buổi sáng để viếng Đền thờ Hồi giáo, Bảo tàng viện thánh Sophia, và buổi chiều để cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo, trước khi tham dự buổi cầu nguyện đại kết với Đức Thượng Phụ Chính Thống Bartolomaios I.

ĐTC đã đáp máy bay từ thủ đô Ankara bay tới thành phố Istanbul, một thành phố cổ kính với gần 14 triệu dân, cách thủ đô Ankara 450 cây số về hướng tây bắc và là thành phố duy nhất trên thế giới ở hai bên bờ Á châu và Âu châu.

Khi đã đến phi trường Istanbul, ngài được ông thị trưởng cùng với chính quyền và đặc biệt là Đức Thượng Phụ Bartolomaios tiếp đón. Liền đó ngài được hướng dẫn đi viếng Đền thờ Xanh của Hồi giáo cách đó 30 cây số.

Viếng Đền thờ Xanh

Tên chính thức của giáo đường này là ”Đền thờ Sultan Ahmet”. Đây là một trong những Đền thờ quan trọng nhất của Hồi giáo ở Istanbul được vua Ahmet I xây cất cách đây 400 năm (1609-1617) để làm nơi thờ phượng quan trọng nhất trong Đế quốc Ottoman. Thường thường các Đền thờ Hồi giáo chỉ có 4 tháp, nhưng Đền thờ này là nơi duy nhất có 6 tháp, và chỉ thua Đền thờ Ka'ba ở thánh địa La Mecca bên Arập Sauđi có 7 tháp.
Tại cửa Đền thờ, ĐTC đã được vị Đại Mufti và một Imam hướng dẫn. Tôn trọng tập tục của Hồi giáo, ĐTC cũng cởi giầy trước khi bước vào Đền thờ. Trong cuộc viếng thăm ngài cũng có một lúc thờ lạy Chúa trong thinh lặng.

Thăm Bảo tàng viện thánh Sophia

Tiếp đến ĐTC đã tới Bảo tàng viện thánh Sophia chỉ cách đó 1 cây số. Bên ngoài có hàng trăm tín hữu và dân chúng đứng chào ngài. Đây là lần đầu tiên trong cuộc viếng thăm Thổ Nhĩ kỳ có dân chúng như vậy. Họ mang những biểu ngữ và hô ”hoan hô ĐGH” khi ngài đến trước cửa Bảo tàng viện.

Nơi đây xưa kia là Vương cung thánh đường dâng kính Thiên Chúa là Đấng Khôn Ngoan, được hoàng đế Constantino xây cất năm 360 tại nơi trước đó là đền thờ của dân ngoại. Thánh đường hai lần bị hỏa hoạn phá hủy vào năm 404 và năm 532, nên hoàng đế Giustiniano đã cho xây lại để biến thành ”Vương cung thánh đường nguy nga nhất từ tạo thiên lập địa”. Hoàng đế ra lệnh thu thập trong các dinh của đế quốc những vật liệu quí giá và đá cẩm thạch đẹp nhất để xây thánh đường với 10 ngàn công nhân do 100 cai thợ điều khiển và đã hoàn thành sau gần 6 năm trời. Trong ngày khánh thành, hoàng đế Giustiniano đã thốt lên: ”Hỡi vua Salomon, tôi đã qua mặt ngài rồi!”.

Khi thành Constantinople bị Đạo binh thánh giá chiếm hồi năm 1204, Đền thờ thánh Sofia bị cướp mất những đồ trang trí quí giá, và 250 năm sau đó, khi thành này bị rơi vào tay đế quốc Ottoman, vua Mohammed II đã ra lệnh biến nhà thờ này thành Đền thờ Hồi giáo. Từ năm 1935, do lệnh của tổng thống Ataturk, Đền thờ thánh Sophia được biến thành bảo tàng viện.

ĐTC Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 4 đến viếng thăm Bảo tàng viện này, lần chót là ĐGH Biển Đức 16 hồi tháng 11 năm 2006.

Khi đến Bảo tàng viện, ĐTC đã được ông tổng giám đốc tiếp đón và hướng dẫn trong cuộc viếng thăm dài nửa tiếng đồng hồ tại cựu thánh đường hùng vĩ và tráng lệ này.

Thánh lễ Công Giáo

Lúc gần 4 giờ chiều, ĐTC đã đến Nhà Thờ chính tòa Chúa Thánh Linh của Giáo hội Công Giáo ở địa phương để cử hành thánh lễ Công Giáo đầu tiên và duy nhất cho các tín hữu trong cuộc viếng thăm tại quốc gia này. Hàng trăm tín hữu nồng nhiệt chào đón ĐTC tại khuôn viên thánh đường.

Nhà thờ chính tòa Chúa Thánh Linh bắt đầu được dùng làm nơi thờ phượng từ gần 170 năm nay (1846). Tại bàn thờ thánh đường này có đặt thánh tích của một số vị thánh như thánh Linô, Giáo Hoàng tử đạo liền sau thánh Phêrô (67-69). Trong dịp lễ kính Gioan Kim Khẩu, bổn mạng của hạt đại diện Tông tòa Constantinople, ĐGH Lêo 13 đã tặng cho Nhà thờ chính tòa này hài cốt thánh Linô. Tại khuôn viên Nhà thờ chính tòa có tượng ĐGH Biển Đức 15 do người Thổ Nhĩ Kỳ dựng lên hồi năm 1919, khi ngài còn sống, để cám ơn nỗ lực của ĐGH bênh vực các nạn nhân Thổ Nhĩ Kỳ trong thế chiến thứ nhất. Ở bệ tượng có ghi hàng chữ: ”Kính tặng vị Đại Giáo Hoàng trong thảm trạng thế chiến, Đức Biển Đức 15, ân nhân của các dân tộc, không phân biệt quốc tịch, chủng tộc hoặc tôn giáo, như dấu chỉ biết ơn, Đông Phương”. Nhà Thờ này có thể chứa được 550 người.

Thánh lễ ĐTC cử hành mang sắc thái liên nghi lễ, bằng tiếng la tinh, nhưng cũng có những lời cầu nguyện bằng tiếng Arméni, Thổ Nhĩ Kỳ, Aramaico của nghi lễ Canđê, Siriac-Thổ nhĩ kỳ, tiếng Ý, Pháp, Anh và Tây Ban nha. Đồng tế với ĐTC có khoảng 50 linh mục, trước sự hiện diện của các tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Đặc biệt Đức Thượng Phụ Chính Thống Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, Đức Thượng Phụ Ignace III Younan của Công Giáo Siria, và một số vị lãnh đạo khác của Kitô giáo như Tin Lành, Arméni Tông Truyền, cũng có mặt tại buổi lễ.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng ĐTC đã diễn giải về vai trò của Chúa Thánh Linh trong đời sống của Giáo Hội và các tín hữu:
Chúa Thánh Linh là linh hồn của Giáo Hội. Ngài ban sự sống, khơi dậy các đoàn sủng khác nhau làm cho Dân Chúa được phong phú và nhất là Ngài kiến tạo sự hiệp nhất giữa các tín hữu: từ nhiều người, Chúa biến họ thành một thân thể duy nhất, thân mình của Chúa Kitô. Toàn thể cuộc sống và sứ mạng của Giáo Hội tùy thuộc Chúa Thánh Linh; Ngài thực hiện mọi sự.

Như thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta trong bài đọc thứ I hôm nay, chính việc tuyên xưng đức tin chỉ có thể thực hiện nhờ Chúa Thánh Linh soi dẫn: ”Không ai có thể nói ”Đức Giêsu là Chúa!” nếu họ không được Chúa Thánh Linh tác động” (1 Cr 12,3b). Khi chúng ta cầu nguyện, chính là vì Chúa Thánh Linh khơi dậy kinh nguyện trong tâm hồn chúng ta. Khi chúng ta phá vỡ cái vòng ích kỷ của mình, chúng ta ra khỏi chính mình và đến với tha nhân để gặp gỡ họ, lắng nghe, giúp đỡ họ, chính là Chúa Thánh Linh thúc đẩy chúng ta….

Chúa Thánh Linh cũng khơi dậy những đoàn sủng khác nhau trong Giáo Hội; bề ngoài điều này có vẻ là tạo nên sự xáo trộn, nhưng trong thực tế, dưới sự hướng dẫn của Ngài, điều ấy tạo nên một sự phong phú vô biên, vì Thánh Linh là thần trí hiệp nhất, nhưng không có nghĩa đồng nhất. Chỉ Thánh Linh mới có thể khơi lên sự khác biệt, đa dạng, và đồng thời kiến tạo sự hiệp nhất. Khi chúng ta muốn tạo ra sự khác biệt và khép kín mình trong những cục bộ và độc quyền của mình, thì chúng ta gây ra chia rẽ; và khi chúng ta muốn thực thi sự hiệp nhất theo những kế hoạch con người, thì rốt cuộc chúng ta tạo nên sự đồng nhất. Trái lại nếu chúng ta để cho Chúa Thánh Linh hướng dẫn, thì sự phong phú, khác biệt, đa dạng không bao giờ trở thành xung đột, vì Chúa thúc đẩy chúng ta sống sự khác biệt trong tình hiệp thông của Giáo Hội.

ĐTC nói thêm rằng:
Nhiều chi thể và đoàn sủng có một nguyên lý hòa hợp trong Thần trí của Chúa Kitô, Đấng mà Chúa Cha đã và còn tiếp tục sai đến để thực hiện sự hiệp nhất nơi các tín hữu. Chúa Thánh Linh làm cho Giáo Hội được hiệp nhất: hiệp nhất trong đức tin, trong đức ái, trong sự hòa hợp nội tâm. Hội Thánh và các Giáo Hội được mời gọi để cho Chúa Thánh Linh hướng dẫn, đặt mình trong thái độ cởi mở, ngoan ngoãn và vâng phục.

Đây là một viễn tượng hy vọng, nhưng đồng thời cũng là viễn tượng cơ cực, vì trong chúng ta luôn có cám dỗ chống lại Chúa Thánh Linh.. Ở lại trong tình trạng tĩnh và bất động thì dễ dàng và thoải mái hơn. Trong thực tế, Giáo Hội tỏ ra trung thành với Chúa Thánh Linh theo mức độ Giáo Hội không chủ trương điều hành và đòi Thánh Linh phải chiều theo ý mình. Và các tín hữu Kitô chúng ta trở thành những môn đệ chân chính, môn đệ thừa sai, có khả năng đánh động lương tâm, nếu chúng ta từ bỏ thái độ tự vệ và để cho mình được Thánh Linh hướng dẫn. Ngài chính là sự tươi mát, là óc sáng tạo và mới mẻ.

Thái độ tự vệ của chúng ta có thể được biểu lộ qua sự bám víu thái quá vào những ý tưởng, sức mạnh của mình, và thế là chúng ta rơi vào chủ thuyết tự cứu độ bằng sức riêng của mình, hoặc thái độ tham vọng và háo danh. Những thái độ tự vệ như thế ngăn cản không cho chúng ta hiểu rõ tha nhân và chân thành cởi mở đối với với họ. Nhưng Giáo Hội xuất phát từ lễ Hiện Xuống, được giao phó lửa của Thánh Linh, Đấng không làm đầy tâm trí bằng những ý tưởng, nhưng thiêu đốt tâm hồn; Giáo Hội được luồng gió của Thánh Linh thổi vào, luồng gió không thông truyền quyền lực, nhưng làm cho Giáo Hội có khả năng phục vụ trong yêu thương, một ngôn ngữ mà ai cũng có thể hiểu được.

Và ĐTC kết luận rằng: trong hành trình đức tin và đời sống huynh đệ của chúng ta, hễ chúng ta càng khiêm tốn để cho Thánh Linh của Chúa hướng dẫn, thì chúng ta càng vượt thắng được những hiểu lầm, chia rẽ và những tranh luận, chúng ta sẽ là dấu chỉ đáng tin cậy về sự hiệp nhất và an bình.

Cuối thánh lễ, Đức Cha Pelatre dòng Đa Minh, Đại diện Tông Tòa Istanbul của Công Giáo la tinh đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn ĐTC. Ngài nhắc đến cuộc viếng thăm của các vị Giáo Hoàng trước đây tại thánh đường này, đặc biệt là Đức Gioan 23 khi còn làm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Thổ nhĩ kỳ. Cộng đoàn Công giáo địa phương đã vui mừng vì lễ phong hiển thánh cho Người và đã tổ chức nhiều sinh hoạt, trong đó có cả buổi thuyết trình của Đức Thượng Phụ Chính thống Bartolomaios.

ĐTC đã tặng cho Nhà Thờ chính tòa một chén lễ bằng bạc và một áo lễ.

Cầu nguyện đại kết

Sau thánh lễ Đức Thánh Cha đã đi xe tới Toà Thượng Phụ Phanar cách đó 5 cây số để tham dự buổi cầu nguyện đại kết và hội kiến riêng vời Đức Thượng Phụ Barlolomaios I.

Giáo Hội Chính Thống có khoảng 300 triệu tín hữu, đa số sống bên Đông và Bắc Âu, dọc theo các bờ biển đông bắc Địa Trung Hải và vùng Trung Đông, làm thành nhiều Giáo Hội Thượng Phụ tự trị khác nhau, nhưng liên kết với nhau trong tinh thần đức tin. Từ ”chính thống” được các kitô hữu sử dụng lần đầu tiên vào thế kỷ thứ IV để phân biệt giáo lý chính truyền với các giáo lý không chính truyền. Từ chính thống cũng ám chỉ vài Giáo Hội Đông phương tự tách rời vào thế kỷ thứ V sau cuộc tranh luận liên quan tới thiên tính của Chúa Kitô. Các Giáo Hội Chính Thống được hướng dẫn bởi một Thượng Phụ là tước hiệu của năm Giáo Hội đầu tiên là: Roma, Costantinopoli, Alessandria, Antiokia và Giêrusalem, được chính thức thừa nhận dưới thời hoàng đế Giustiniano (527-565). Tước hiệu này được ban cho Tổng Giám Mục Matscơva vào thế kỷ XVI, các Tổng Giám Mục Serbia và Bulgaria vào đầu thế kỷ XX và thủ lãnh của Giáo Hội Rumania vào giữa thế kỷ XX, trong khi thủ lãnh Giáo Hội Georgia được gọi là Thượng Phụ Catolicos. Sau cùng Giáo Hội Armeni Tông Truyền được lãnh đạo bởi một vị Catolicos. Hàng giáo phẩm chính thống gồm ba chức cổ xưa là phó tế, linh mục và giám mục.

Tòa Thượng Phụ Đại Kết là trung tâm cao nhất của Giáo Hội Chính Thống trên toàn thế giới. Đức Thượng Phụ Đại Kết là ”vị đầu tiên trong các vị bằng nhau” so sánh với các Thượng Phụ khác của Chính Thống giáo và quyền tối thượng của Costantinopoli diễn tả sự hiệp nhất của Chính Thống giáo và phối hợp các hoạt động của Chính Thống giáo. Tòa Thượng Phụ bao gồm Istanbul và bốn giáo phận khác tại Thổ Nhĩ Kỳ là Núi Athos, Creta Patmos và các đảo Dodecanneso và các giáo phận Trung Âu, Tây phương, Mỹ châu, Pakistan và Nhật bổn. Sau cùng là các vùng không trực tiếp thuộc quyền của các Thượng Phụ chính thống khác.

Từ bao thế kỷ qua trụ sở Tòa Thượng Phụ nằm cạnh nhà thờ Thánh Sophia. Sau khi thành Costantinopoli bị thất thủ vào tay người Hồi năm 1453, tòa Thượng Phụ được dời về khu phố Phanar từ năm 1601 cho tới nay.
Buổi phụng vụ đại kết đã diễn ra lúc sau 6 giờ chiều giờ địa phương. Ca đoàn hát thánh ca dẫn nhập trong khi Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phu tiến vào nhà thờ. Bài đọc trích từ chương 8 sách ngôn sứ Dacaria miêu tả viễn ảnh ơn cứu độ thời Đấng Cứu Thế.

Ngỏ lời chào Đức Thánh Cha Đức Thượng Phụ nói chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha bắc một cây cầu biểu tượng nối liền Đông Tây và diễn tả tình yêu thương của Đấng chủ sự tình bác ái đối với người em, người đầu tiên đựơc Chúa gọi. Nó cũng tiếp nối các chuyến viếng thăm của các vị tiền nhiệm nhằm tái lập sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các Giáo Hội. Nó là một sự kiện lịch sử chứa đựng nhiều cầu mong cho tương lai.

Từ bao thế kỷ nay đây là nơi các Thượng Phụ Đại Kết đã cử hành mầu nhiệm Thánh Thể và là nơi các vi tiền nhiệm đã sống, trong số đó có thánh Gregorio Thần học gia, thánh Gioan Kim Khẩu cũng như thánh tích của thánh Basilio Cả, thánh nữ Eufemia tử đạo và các vị thánh khác. Năm nay Toà Thượng Phụ Costantinopoli kỷ niệm 10 năm biến cố Giáo Hội Roma trả lại các thánh tích cho Giáo Hội Costantinopoli. Xin các thánh giáo phụ bầu cử cho các Giáo Hội của chúng ta mau được hiệp nhất như Chúa Kitô mong mỏi.

Tiếp lời Đức Thượng Phụ Đức Thánh Cha biết ơn Đức Thượng Phụ cho phép ngài đến đây để cùng cầu nguyện với Đức Thượng Phụ và Giáo Hội Costantinopoli trong khi chờ đợi cử hành lễ kính thánh Anrê Tông Đồ. Qua lời ngôn sứ Dacaria, trong buổi cầu nguyện chiều nay Chúa lai cho chúng ta nền tảng của thái độ hướng tới ngày mai là lời hứa của Ngài, tảng đá vững vàng trên đó chúng ta có thể tiến bước với niềm vui và hy vọng: ”Này đây Ta cứu thoát dân Ta từ Đông và từ Tây … trong trung tín và công lý” (Dc 8,7-8). Vâng, thưa người anh em Bartolomeo đáng kính và thân mến, trong khi tôi cảm ơn vì sự tiếp đón nồng hậu của người, tôi cảm thấy niềm vui lớn hơn nửa vì suối nguồn ở một nơi khác, nó không phải nơi sự dấn thân và các sức mạnh của chúng ta, nhưng nơi sự tín thác chung nơi sự trung tín của Thiên Chúa, là Đấng đặt nền cho việc tái thiết đền thánh Người là Giáo Hội. Đó là hạt giống của hòa bình hạt giống của niềm vui, mà thế giới không thể trao ban, nhưng Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ mà Đấng Phục Sinh đã ban cho họ trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Hai thánh Anrê và Phêrô đã lắng nghe lời hứa và nhận được ơn đó. Họ là hai anh em trong máu huyết, nhưng cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô đã biến họ thành anh em trong đức tin và đức mến. Trong buổi chiều tươi vui này, trong lời cầu nguyện canh thức này nhất là tôi muốn nói lên điều này: là anh em trong niềm hy vọng. Thật là một ơn có thể là anh em trong niềm hy vọng của Chúa Phục sinh và thật là một trách nhiệm có thể cùng nhau bước đi trong niềm hy vọng ấy và được hai anh em thánh Anrê và Phêrô nâng đỡ!. Và biết rằng niềm hy vọng này không gây thất vọng bởi vì nó được dựa trên lòng trung thánh của Thiên Chúa chứ không phải dựa trên chúng ta và trên các sức nghèo nàn của chúng ta! Với niềm hy vọng tươi vui này tràn đầy lòng biết ơn và chờ đợi, tôi xin gửi tới Đức Thượng Phụ và mọi người hiện diện và Giáo Hội Costantinopoli lời chào thân ái huynh đệ và lời mừng lễ Thánh Bổn Mạng tươi vui.

Tiếp đến cả hai vị cùng đọc Kinh Lậy Cha bằng tiếng Latinh. Đức Thánh Cha ban phép lành bằng tiếng Latinh. Đức Thượng Phụ ban phép lành bằng tiếng Hy lạp.

Hội kiến
Sau buổi phụng vụ đại kết Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ đã lên lầu hai Tòa Thượng Phụ để hội kiến riêng với nhau. Tiếp đến hai bên đã trao đổi quà tăng. Đức Thánh Cha đã tặng Đức Thượng Phụ một bức khảm đá mầu hình Chúa Kitô thuộc thế kỷ thứ IX, lấy từ mộ của thánh Phêrô, dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin.
Lúc sau 7 giờ chiều Đức Thánh Cha đã rời Tòa Thượng Phụ để trở lại tòa đại điện Tòa Thánh ở Istanbul nằm cách đó 5 cây số để dùng bữa tối kết thúc ngày thứ hai viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ.

G. Trần Đức Anh OP, Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ

Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ

VATICAN. Sáng ngày 28-11-2014, ĐTC Phanxicô đã đến viếng thăm Thổ Nhĩ kỳ trong 3 ngày, cho đến chiều chúa nhật 30-11 tới đây.

Cơ hội chính trong cuộc viếng thăm của ngài lễ kính thánh Anrê Tông Đồ, bổn mạng của Giáo Hội Chính Thống Constantinople, là Giáo Hội đứng đầu trong số 15 Giáo Hội Chính Thống trên thế giới.

ĐTC Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 4 đến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Vị đầu tiên là Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô 6, đến thăm nước này cách đây 47 năm, tức là trong hai ngày 25 và 26 tháng 7 năm 1967.

Vài nét về Thổ Nhĩ kỳ
Thổ nhĩ kỳ có diện tích rộng gấp đôi Việt Nam, với gần 780 ngàn cây số vuông, và hiện có 76 triệu dân cư, trong đó 98% là tín hữu Hồi giáo gồm 68% là người Sunnit và 30% là người Shiite. Giáo Hội Công Giáo chỉ là một đoàn chiên rất bé nhỏ với 53 ngàn người, tương đương với 0,07% thuộc 7 giáo phận với 54 giáo xứ và 13 trung tâm mục vụ khác. Nhân sự mục vụ của Công Giáo tại đây chỉ có 6 GM phụ trách 3 hạt đại diện tông tòa theo lễ nghi la tinh, với sự cộng tác của 58 LM, trong số này chỉ có 6 LM giáo phận, phần còn lại 52 vị thuộc các dòng tu. Cả nước chỉ có 7 tu huynh và 54 nữ tu, 4 chủng sinh.

Cách đây 8 năm khi ĐGH Biển Đức 16 thăm Thổ nhĩ kỳ, số LM giáo phận tại đây là 13 vị, như vậy, có nghĩa là số LM tại đây trong thời gian qua bị giảm mất quá một nửa!

Theo Hiệp ước hòa bình ký ở Lausanne Thụy Sĩ hồi năm 1923, các tôn giáo thiểu số tại Thổ Nhĩ Kỳ được bình đẳng về quyền lợi như các công dân Hồi giáo khác và được hưởng các quyền tự do lương tâm, tín ngưỡng và tư tưởng, như hiến pháp quốc gia qui định. Nhưng trong thực tế, Kitô hữu vẫn còn bị kỳ thị về nhiều mặt, Giáo Hội Công Giáo vẫn không được công nhận về mặt pháp lý, và người dân Thổ nhĩ kỳ vẫn coi Kitô giáo là đạo từ nước ngoài.

Viếng thăm lăng Ataturk

Ngày đầu tiên trong cuộc viếng thăm của ĐTC tại Thổ Nhĩ kỳ được dành cho các nghi thức ngoại giao: viếng thăm lăng nhà lập quốc Thổ, thăm Tổng thống và chính quyền, gặp Phân bộ tôn giáo vụ.

ĐTC đã tới phi trường Ankara lúc 1 giờ trưa sau 3 giờ bay từ Roma. Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được một vị Bộ trưởng đại diện chính quyền cùng với giáo quyền địa phương tiếp đón. Liền đó ngài đến viếng lăng của Mustafa Kemal Ataturk cách đó 45 cây số. Ông là nhà sáng lập và là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Thổ Nhĩ kỳ từ năm 1923 đến 1938, và thường được gọi là ”Người cha già của dân tộc Thổ nhĩ kỳ”. Với chế độ Cộng hòa, Thổ Nhĩ Kỳ vĩnh biệt chế độ Vương quốc Ottoman trước kia, Hồi giáo không còn được coi là quốc giáo, Nhà Nước Thổ giữ vị thế ”đời”, trung lập đối với tôn giáo, bãi bỏ chế độ Vua Hồi giáo, thay luật Coran bằng dân luật, bỏ mẫu tự Arập và thay bằng mẫu tự la tinh.

Tại lăng Ataturk, ĐTC và đoàn tùy tùng đã được vị Chỉ Huy Trưởng binh đoàn canh giữ đón tiếp và ngài đã đặt vòng hoa màu trắng và đỏ trước mộ bằng cẩm thạch của nhà lập quốc Thổ, trước khi tiến sang sảnh đường ở nhà bên cạnh để ký tên vào sổ vàng.

Ngài viết trong sổ này: ”Tôi chân thành cầu chúc cho Thổ Nhĩ kỳ, chiếc cầu thiên nhiên nối liền giữa hai Đại Lục, không những là ngã tư đường, nhưng còn là nơi gặp gỡ, đối thoại và sống chung thanh thản giữa những con người nam nữ thiện chí thuộc mọi nền văn hóa, chủng tộc và tôn giáo”.

Gặp tổng thống

Rời lăng vị lập quốc, ĐTC đã tới phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cách đó 8 cây số, nơi diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức.

Dinh tổng thống này mới được khánh thành cách đây 2 năm, quen gọi là Dinh Thự trắng, thay thế phủ tổng thống cũ. Dinh mới này có 1 ngàn căn phòng, và có một Đền thờ Hồi giáo có thể chứa được 5 ngàn tín hữu.
Có nhiều người phê bình việc xây phủ Tổng thống nguy nga như vậy, trên một diện tích hơn 300 ngàn mét vuông, hơn cả Tòa Bạch Cung của Mỹ, điệm Kremli của Nga hoặc điện Buckingham của Anh quốc. Chi phí xây tòa nhà này lên tới 350 triệu Euro. Có những người xin ĐGH đừng đến đó, nhưng Cha Lombardi Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh cho biết lời yêu cầu này không để nhận được theo nghi thức ngoại giao quốc tế: vị quốc khách phải chấp nhận nơi mình được tiếp đón.

Tại Phủ tổng thống lúc quá 2 giờ rưỡi chiều hôm qua, giờ địa phương, đã diễn ra nghi thúc đón tiếp chính thức, với các kỵ, đoàn quân danh dự và quốc ca, và sự giới thiệu hai phái đoàn. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan năm nay 60 tuổi, đón tiếp ĐTC tại cổng vào dinh. Ông nguyên là thị trưởng thành Istanbul rồi làm thủ tướng trong 11 năm trời, trước khi được bầu tổng thống ngày 28-8 năm nay.

ĐTC và tổng thống đã giới thiệu hai phái đoàn liên hệ, trước khi hội kiến riêng trong dinh, rồi tiến ra sảnh đường trước sự hiện diện của đông đảo các giới chức chính quyền Thổ Nhĩ kỳ và ngoại giao đoàn.

Diễn văn ca ĐTC

Lên tiếng sau lời chào mừng của Tổng Thống Erdogan, ĐTC nhắc đến vẻ đẹp, lịch sử phong phú, đầy những vết tích văn minh, và là chiếc cầu tự nhiên nối liền hai đại lục Âu Á, cũng như là phần đất quí giá đối với lịch sử Kitô giáo, ĐTC đề cao sức sinh động, sự cần cù và quảng đại của dân tộc Thổ Nhĩ kỳ hiện nay. Ngài cũng nói rằng:
”Thật là một lý do vui mừng đối với tôi được cơ hội tiếp tục với quí vị một cuộc đối thoại thân hữu, quí chuộng và tôn trọng, theo vết các vị tiền nhiệm của tôi, chân phước Phaolô 6, thánh Gioan Phaolô 2 và Biển Đức 16, cuộc đối thoại đã được chuẩn bị và tạo điều kiện thuận lợi nhờ hoạt động của vị Khâm Sứ Tòa Thánh bấy giờ là ĐGM Angelo Giuseppe Roncalli, nay là thánh Gioan 23, và nhờ Công đồng chung Vatican 2.

Chúng ta cần một cuộc đối thoại đào sâu sự hiểu biết và với sự phân định, đề cao giá trị của bao nhiêu điều chúng ta có chung với nhau, và đồng thời giúp chúng ta cứu xét những khác biệt, với tâm hồn khôn ngoan và thanh thản, để có thể rút ra những bài học từ đó.

Cần kiên nhẫn tiếp tục thi hành quyết tâm kiến tạo một nền hòa bình vững chắc, dựa trên sự tôn trọng các quyền lợi và nghĩa vụ căn bản gắn liền với phẩm giá con người. Nhờ con đường này, chúng ta có thể vượt thắng những thành kiến và những sợ hãi sai trái, và thay vào đó dành chỗ cho sự quý chuộng, gặp gỡ, phát triển những nghị lực tốt đẹp nhất để mưu ích cho mọi người.

Để đạt mục tiêu ấy, điều cơ bản là các công dân Hồi giáo, Do thái và Kitô giáo, – trong các qui định của luật pháp cũng như trong thực thực thi các luật ấy – được hưởng cùng những quyền và tôn trọng cùng nghĩa vụ. Như thế, họ sẽ dễ dàng nhận ra mình là anh chị em và là những người đồng hành, ngày càng tránh được những hiểu lầm và tạo điều kiện cho sự cộng tác và cảm thông. Tự do tôn giáo và tự do ngôn luận, nếu được bảo đảm thực sự cho tất cả mọi người, thì sẽ kích thích sự triển nở tình thân hữu, trở thành một dấu chỉ hùng hồn về hòa bình.
ĐTC nói thêm rằng: ”Trung Đông, Âu Châu, thế giới đang chờ đợi sự triển nở ấy. Đặc biệt Trung Đông, từ quá lâu rồi là nơi diễn ra các cuộc chiến tranh

huynh đệ tương tàn, dường như chiến tranh này sinh ra chiến tranh khác, như thể câu trả lời duy nhất cho chiến tranh và bạo lực luôn luôn phải là một cuộc chiến tranh mới và bạo lực mới.

ĐTC đặt câu hỏi:
”Trung Đông còn phải chịu đau khổ đến bao giờ nữa vì thiếu hòa bình? Chúng ta không thể cam chịu sự tiếp tục các cuộc xung đột như thể không thể có một sự cải tiến nào cho tình thế! Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta có thể và luôn luôn phải canh tân lòng can đảm hòa bình! Thái độ này dẫn đến việc chân thành, kiên nhẫn và quyết liệt sử dụng mọi phương thế thương thuyết, và nhờ đó đạt tới những mục tiêu cụ thể hòa bình và phát triển lâu dài.

”Thưa Tổng Thống, để đạt tới mục tiêu cao cả và cấp thiết ấy, một đóng góp quan trọng có thể đến từ đối thoại liên tôn và liên văn hóa, để loại trừ mọi hình thức cực đoan và khủng bố, nó gây thương tổn trầm trọng cho phẩm giá của mỗi người và lạm dụng tôn giáo.

Cần chống lại trào lưu cuồng tín và cực đoan, những sự sợ hãi vô lý kích thích sự hiểu lầm và kỳ thị, bằng cách thực thi tình liên đới của tất cả những người có tín ngưỡng, với những cột trụ là tôn trọng sự sống con người, tự do tôn giáo, là tự do phụng tự và tự do sống theo luân lý đạo đức tôn giáo, cố gắng bảo đảm cho tất cả mọi người những gì cần thiết để sống xứng đáng, và chăm sóc môi trường thiên nhiên. Các dân tộc và quốc gia ở Trung Đông đang cấp thiết cần điều này để có thể lượt ngược xu thế, và thi hành hữu hiệu một tiến trình bình định, nhờ sự loại bỏ chiến tranh và bạo lực, và theo đuổi đối thoại, công pháp và công lý.

Thực vậy, cho đến nay, rất tiếc là chúng ta còn chứng kiến những cuộc xung đột trầm trọng. Đặc biệt tại Siria và Irak, bạo lực khủng bố không có dấu hiệu suy giảm. Người ta ghi nhận có sự vi phạm các luật lệ cơ bản nhất về nhân đạo đối với các tù nhân và toàn bộ các nhóm chủng tộc; chúng ta đã và còn thấy những cuộc bách hại nặng nề chống lại các nhóm thiểu số, đặc biệt là những người Kitô và Yézidi, và không phải chỉ có họ mà thôi: hàng trăm ngàn người buộc lòng phải rời bỏ gia cư và quê hương của họ để thoát thân và trung thành với tín ngưỡng của mình.

Thổ Nhĩ Kỳ, khi quảng đại đón nhận một số lớn người tị nạn, đang trực tiếp chịu hậu quả của tình trạng bi thảm này ở vùng biên giới của mình, và cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ luân lý phải trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ trong việc săn sóc những người tị nạn. Cùng với sự trợ giúp nhân đạo cần thiết, ta không thể dửng dưng trước những gì gây nên những thảm trạng ấy. Trong khi tái khẳng định sự hợp pháp ngăn chặn kẻ gây hấn bất chính, tôi cũng muốn nhắc nhớ rằng không thể ủy thác việc giải quyết vấn đề bằng giải pháp quân sự mà thôi.

Cần có sự dấn thân chung mạnh mẽ, dựa trên sự tín nhiệm lẫn nhau, là cho hòa bình được lâu bền và sau cùng giúp dành những tài nguyên không phải cho việc võ trang, nhưng cho những cuộc chiến thực sự xứng đáng với con người: cuộc chiến chống nghèo đói và bệnh tật, để phát triển dài hạn và bảo tồn thiên nhiên, cứu giúp bao nhiêu hình thức nghèo đói và bị loại bỏ vẫn còn trong thế giới tân tiến ngày nay.

Do lịch sử của mình và do vị trí địa lý, cũng như vì tầm quan trọng trong miền này, Thổ Nhĩ Kỳ có một trách nhiệm lớn: những chọn lựa và gương của nước này có một giá trị đặc biệt và có thể là trợ lực lớn để tạo điều kiện cho một gặp gỡ giữa các nền văn minh và tìm ra những con đường hòa bình và tiến bộ có thể thực hiện được.
Xin Đấng Tối Cao chúc lành và bảo vệ Thổ Nhĩ kỳ và giúp đất nước này là người xây dựng hòa bình hữu hiệu và đầy xác tín!

Gặp chủ tịch cơ quan lãnh đạo Hồi giáo

Sau bài diễn văn, ĐTC còn gặp thủ tướng Ahmet Davutoglu cũng tại Phủ tổng thống, rồi ngài đến trụ sở của phân bộ tôn giáo vụ gọi là Diyanet cách đó 10 cây số để hội kiến với giáo sư Mehmet Gormez chủ tịch của cơ quan này. Đây là thẩm quyền cao nhất của Hồi giáo tại Thổ nhĩ kỳ và do chính phủ bổ nhiệm. Phân bộ tôn giáo vụ có quyền tài phán trên tất cả các Hội đường Hồi giáo trên toàn quốc và giám sát để việc giải thích kinh Coran được phù hợp với đường hướng của Nhà Nước.

Mặc dù Thổ nhĩ kỳ có đại đa số dân là tín hữu Hồi giáo, nhưng Hồi giáo không còn là quốc giáo kể từ năm 1923.
Tại trụ sở Phân bộ Tôn giáo vụ, ĐTC đã được giáo sư Gormez cùng với hai đại Mufti của cộng đoàn hồi giáo ở thủ đô Ankara và thành Istanbul đón tiếp và hội kiến cùng với các Hồng y thuộc đoàn tùy tùng và giới báo chí quốc tế.
Giáo Sư Gormez năm nay 55 tuổi (1959), tốt nghiệp Hồi giáo học tại Đại học Ankara và giảng dạy tại đại học Hacettep trước khi được bổ nhiệm vào chức vụ này cách đây 4 năm. Từ khi giữ chức vụ này, nhiều lần ông lên tiếng tố giác trào lưu ghét bỏ Hồi giáo tại các nước tây phương, cả những vụ tấn công các Đền thờ Hồi giáo, như thường xảy ra ở Cộng hòa Liên bang Đức, nơi có hơn 4 triệu người gốc Thổ nhĩ kỳ sinh sống. Hồi tháng 9 năm nay, ông đã lên tiếng cho rằng ĐGH chưa làm đủ để bênh vực Hồi giáo trước làn sóng ghét bỏ và giải thích sai lầm về Hồi giáo.

Sau khi hội kiến, ĐTC và ông Chủ tịch Gormez đã tiến sang sảnh đường trước sự hiện diện của giới báo chí quốc tế.

Diễn văn ca ĐTC

Lên tiếng sau lời chào mừng của Ông Gormez, ĐTC nhắc đến những quan hệ tốt đẹp và cuộc đối thoại giữa các vị lãnh đạo tôn giáo và ngài gọi đây là một sứ điệp rõ ràng gửi đến các cộng đồng liên hệ, nói lên rằng sự tôn trọng lẫn nhau và tình thân hữu là điều có thể, mặc dù có những khác biệt. Đó là sứ điệp có ý nghĩa đặc biệt và quan trọng trong thời đại khủng hoảng như ngày nay, tại một số vùng trên thế giới cuộc khủng hoảng ấy trở thành những thảm trạng thực sự cho toàn thể dân chúng. Chiến tranh, những căng thẳng và xung đột giữa các chủng tộc và tôn giáo; đói nghèo đang đè nặng trên hằng triệu người; chúng tạo nên những thiệt hại cho môi trường thiên nhiên, cho không khí, nước, và đất. Tình trạng tại Trung Đông thực là bi thảm, nhất là tại Irak và Siria. Vì một nhóm cực đoan và duy căn, toàn bộ các cộng đoàn, nhất là các tín hữu Kitô và người Yézidi, và không phải chỉ họ mà thôi, đã phải bỏ mọi sự để thoát thân và khỏi chối bỏ đức tin. Bạo lực cũng giáng xuống trên các nơi thánh, các đền đài, các biểu tượng tôn giáo và gia sản văn hóa, hầu như muốn xóa bỏ mọi vết tích, mọi ký ức của người khác.
ĐTC nhận xét rằng trong tư cách là các vị lãnh đạo tôn giáo, chúng ta có nghĩa vụ tố giác mọi vi phạm phẩm giá và các quyền con người. Sự sống con người, là hồng ân của Thiên Chúa Tạo Hóa, có tính chất thánh thiêng. Bạo lực dùng tôn giáo để biện minh cho hành động của mình là điều đáng bị lên án quyết liệt, vì Đấng Toàn Năng là Thiên Chúa của sự sống và hòa bình. Thế giới đang chờ đợi nơi tất cả những người tôn thờ Chúa, mong họ trở thành những người hòa bình, có khả năng sống với nhau như anh chị em, mặc dù có những khác biệt về chủng tộc, tôn giáo, văn hóa hoặc ý thức hệ.

Cần làm việc chung để tìm ra những giải pháp thích hợp. Điều này đòi có sự cộng tác của tất cả mọi phía: chính quyền, các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo, các đại diện của xã hội dân sự, và mọi người nam nữ thiện chí. Đặc biệt các vị lãnh đạo các cộng đoàn tôn giáo. Là tín hữu Hồi giáo và Kitô giáo, chúng ta mang theo những kho tàng tinh thần vô giá, trong đó chúng ta nhận ra những yếu tố chung, tuy được sống theo những truyền thống riêng: đó là sự tôn thờ Thiên Chúa từ bi, sự tham chiếu tổ phụ Abraham, việc cầu nguyện, làm phúc, chay tịnh – đó là những yếu tố nếu được sống chân thành, thì có thể biến đổi cuộc sống và mang lại một nền tảng vững chắc cho phẩm giá và tình huynh đệ của con người.

Sự kiện cùng nhau nhìn nhận tính chất thánh thiêng của nhân vị cũng hỗ trợ sự cảm thông chung, tình liên đới và sự trợ giúp thực sự dành cho những người đau khổ.

Sau cùng, ĐTC bày tỏ lòng quí chuộng đối với những gì dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ, dù là người Hồi giáo hay Kitô giáo, đang làm cho hàng trăm ngàn người tị nạn rời bỏ quê hương họ vì chiến tranh. Ngài cũng bày tỏ hài lòng vì những quan hệ tốt đẹp và sự cộng tác giữa Phân bộ Tôn giáo Diyanet và Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, như một dấu chỉ sự đối thoại chân thành để mưu ích cho tất cả mọi người, là dấu chỉ hy vọng cho một thế giới đang rất cần hòa bình, an ninh và thịnh vượng.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha khuyến khích các dòng tu canh tân

Đức Thánh Cha khuyến khích các dòng tu canh tân

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 27-11-2014, dành cho 80 tham dự viên khóa họp toàn thể của Bộ các Dòng tu, ĐTC khuyến khích các tu sĩ can đảm canh tân các tập quán và cơ cấu không còn đáp ứng những điều Chúa yêu cầu ngày nay nữa.

Trong số các tham dự viên có 19 HY, GM và Bề trên tổng quyền thành viên của Bộ. Khóa họp khoáng đại này tiến hành từ ngày 25 đến 29-11-2014 về chủ đề rút từ Tin Mừng theo thánh Marco: ”Rượu mới trong các bầu mới”, nhắm lắng nghe những hành trình của Thánh Linh để phân định và hướng dẫn đời sống thánh hiến trong niềm trung thành sáng tạo.

Đi từ đề tài này, ĐTC khẳng định rằng ”chúng ta đừng sợ từ bỏ các bầu rượu cũ, nghĩa là cần đổi mới những thói quen và cơ cấu trong đời sống Giáo Hội, cũng như trong đời sống thánh hiến, mà chúng ta nhận thấy không còn tương ứng với những gì Thiên Chúa yêu cầu chúng ta ngày nay, để mở rộng Nước Chúa trong trần thế: đó là những cơ cấu mang lại cho chúng ta một sự bảo vệ giả tạo và ảnh hưởng tiêu cực tới năng động bác ái; đó là những tập quán làm cho chúng ta xa lìa đoàn chiên mà chúng ta được sai đến và ngăn cản không cho chúng ta tiếng kêu của những người đang chờ đợi Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô”.

ĐTC cũng nhắc đến những nhược điểm có thể gặp thấy trong đời thánh hiến ngày nay, như sự kháng cự của một số thành phần chống lại sự thay đổi, sự suy giảm sức thu hút, nhiều người bỏ tu, sự mong manh của một số hành trình đào tạo, những cơ cực vất vả vì thi hành các công tác và thừa tác vụ làm thương tổn đời sống thiêng liêng, sự khó hội nhập vào các môi trường và thế hệ khác, sự thiếu quân bình trong việc thực thi quyền bính và sử dụng của cải. ĐTC ghi nhận sự kiện Bộ các dòng tu muốn lắng nghe các dấu hiệu của Thánh Linh đang mở ra những chân trời mới và thúc đẩy tiến vào những con người mới, luôn khởi hành từ qui luật tối thượng là Tin Mừng và lấy hứng từ sự táo bạo sáng tạo của các vị sáng lập dòng”. (SD 27-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung 15 ngàn tín hữu hành hương: 26-11-2014

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung 15 ngàn tín hữu hành hương: 26-11-2014

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung các tín hữu hành hương sáng thứ tư, 26-11-2014, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa ngày tận thế.

Tuy trời mưa nhưng cũng đã có khoảng 15 ngàn tín hữu hành hương từ các nước đến tham dự cuộc tiếp kiến ngoài trời của ĐTC Phanxicô tại Quảng trường thánh Phêrô.

ĐTC tiến vào quảng trường lúc 9 giờ 45 trên chiếc xe Jeep màu trắng có mái che mưa để chào thăm các tín hữu, ôm hôn và chúc lành cho các em bé được nhân viên an ninh bế đưa lên ngài.

Lên tới lễ đài ở thềm Đền thờ, ĐTC khởi sự buổi tiếp kiến với dấu Thánh giá và lời chào phụng vụ. Và sau phần tôn vinh lời Chúa với bài đọc ngắn bằng 5 thứ tiếng, trích từ thư thánh Phaolo gửi tín hữu Roma nói về viễn tượng tận thế, vũ trụ này sẽ được biến đổi, ĐTC đã tiếp tục loạt bài huấn giáo về Giáo Hội, và ngài nói về Giáo Hội lữ hành hướng về quê trời:

Huấn dụ của ĐTC

”Anh chị em thân mến, chào anh chị em! Hôm nay trời hơi xấu, nhưng anh chị em thật can đảm. Tôi ca ngợi anh chị em. Chúng ta hy vọng có thể cùng nhau cầu nguyện hôm nay.

Khi trình bày Giáo Hội cho con người thời nay, Công đồng chung Vatican 2 ý thức rõ một chân lý cơ bản không bao giờ được quên, đó là: Giáo Hội không phải là một thực tại tĩnh, đứng im, mục tiêu cho chính mình, nhưng Giáo Hội liên tục tiến bước trong lịch sử, hướng về mục tiêu tối hậu và tuyệt vời là Nước Trời, và Giáo Hội ngay tại trần thế này là mầm mống và là khởi đầu của Nước ấy (Xc LG 5). Khi hướng về chân trời đó, chúng ta nhận thấy trí tưởng tượng của chúng ta khựng lại, chỉ có thể trực giác được phần nào sự huy hoàng của mầu nhiệm vượt lên trên giác quan của chúng ta. Và tự nhiên nổi lên trong chúng ta một số câu hỏi: khi nào thì giai đoạn chót sẽ đến? Chiều kích mới mà Giáo Hội sẽ bước vào như thế nào? Nhân loại lúc ấy ra sao? và thiên nhiên bao quanh chúng ta sẽ thế nào? Những câu hỏi này không mới mẻ gì, các môn đệ của Chúa Giêsu thời ấy cũng đã nêu lên: ”Khi nào thì điều ấy sẽ xảy ra?”.. Khi nào thì Thần Trí chiến thắng thiên nhiên, trên công trình tạo dựng, trên mọi sự..? Đó là những câu hỏi của con người, những câu hỏi đã có từ xưa, và cả chúng ta cũng đặt những câu hỏi như vậy.

1. Hiến chế Vui Mừng và Hy vọng của Công đồng chung Vatican 2, đứng trước những vấn nạn vẫn vang vọng trong tâm hồn con người như thế, đã khẳng định rằng: ”Chúng ta không biết khi nào sẽ đến ngày tận thế và chúng ta không biết cách thức vũ trụ sẽ biến đổi ra sao. Chắc chắn diện mạo của thế giới này qua đi, bị biến dạng vì tội lỗi. Nhưng do mạc khải, chúng ta biết rằng Thiên Chúa chuẩn bị một nơi ở mới và đất mới, trong đó có công lý ngự trị, và hạnh phúc sẽ làm mãn nguyện hoàn toàn mọi ước muốn an bình từ tâm hồn con người” (n.39). Và thế là mục đích mà Giáo Hội hướng tới chính là ”thành Jerusalem mới”, là ”thiên đàng”. Đó không phải là một nơi cho bằng một ”trạng thái” trong đó những mong đợi sâu xa nhất của chúng ta sẽ thành tựu, và cuộc sống chúng ta, trong tư cách là thụ tạo và là con Thiên Chúa, sẽ đạt tới mức độ trưởng thành trọn vẹn. Sau cùng chúng ta sẽ được vinh quang, an bình và tình thương của Thiên Chúa hoàn toàn, không còn chịu giới hạn nào và chúng ta sẽ được diện đối diện với Chúa! (Xc 1 Cr 13,12).

2. Trong viễn tượng này, thật là đẹp khi nhận thấy có sự nối tiếp và hiệp thông sâu xa giữa Giáo Hội thiên quốc và Giáo Hội lữ hành trên mặt đất. Những người đang sống trước nhan Thiên Chúa có thể nâng đỡ và chuyển cầu cho chúng ta, cầu nguyện cho chúng ta. Đàng khác, cả chúng ta cũng luôn được mời gọi dâng những công việc lành, kinh nguyện và Thánh Lễ để xoa dịu sầu muộn của các linh hồn con đang chờ đợi hạnh phúc vô biên. Đúng vậy, vì trong nhãn giới Kitô giáo, không còn phân biệt giữa những người đã chết và những người còn sống, nhưng là giữa người ở trong Chúa Kitô và những người không ở trong Ngài! Đó chính là yếu tố chủ yếu, có tính chất quyết định đối với phần rỗi và hạnh phúc của chúng ta.

3. Đồng thời Kinh Thánh dạy chúng ta rằng sự hoàn thành ý định tuyệt vời này không thể không liên hệ tới tất cả những gì quanh chúng ta và xuất phát từ tư tưởng và tâm hồn của Thiên Chúa. Thánh Phaolô tông đồ khẳng định rõ ràng điều đó khi ngài nói rằng ”cả thụ tạo cũng sẽ được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ sự hư nát, để bước vào trong tự do của vinh quang con cái Thiên Chúa” (Rm 8,21). Các văn bản khác sử dụng hình ảnh ”trời mới” và ”đất mới” (Xc 2 Pr 3,13), Kh 21,1), theo nghĩa toàn thể vũ trụ sẽ được đổi mới và sẽ được giải thoát một lần cho tất cả khỏi mọi vết tích sự ác và cả sự chết. Điều được nhắm tới giống như hoàn thành một sự biến đổi đã khởi sự, trong thực tế, từ cái chết và sự sống lại của Chúa Ktiô, và vì thế đó là một sự tạo dựng mới; đó không phải là một sự tiêu diệt vũ trụ và tất cả những gì bao quanh, nhưng là đưa mọi sự đến mức độ viên mãn, đến chân lý và vẻ đẹp. Đó là ý định của Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, từ đời đời muốn thực hiện và đang thực hiện”.

Và ĐTC kết luận rằng:

”Các bạn thân mến, khi nghĩ đến những thực tại tuyệt vời đang chờ đợi chúng ta, chúng ta thấy rằng được thuộc về Giáo Hội quả là một hồng ân tuyệt vời, mang theo ơn gọi cao cả nhất của chúng ta! Vậy chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Giáo Hội, luôn canh chừng hành trình của chúng ta và giúp chúng ta, giống như Mẹ, trở thành dấu chỉ vui mừng tín thác và hy vọng giữa anh chị em chúng ta”.

Chào thăm và nhắn nhủ


Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các LM và giám chức của Tòa Thánh đã tóm tắt bài này bằng các sinh ngữ khác nhau cũng như dịch những lời ĐTC chào các tín hữu hành hương cùng với những lời nhắn nhủ của ngài.

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nói ”trong lúc năm phụng vụ sắp kết thúc, tôi mời gọi anh chị em hãy suy tư về thực tại lạ lùng của đời sống vĩnh cửu mà chúng ta được mời gọi tiến về và chúng ta hãy xin Mẹ Maria trợ giúp để bước vào đời sống ấy.”

Khi chào các tín hữu hành hương nói tiếng Arập, ngài đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Irak và Trung Đông, và nói rằng: ”Bạo lực, đau khổ và tội lỗi nặng nề phải đưa chúng ta đến chỗ đặt tất cả mọi sự trong công lý của Thiên Chúa, Chúa sẽ phán xét mỗi người theo công việc của họ. Anh chị em hãy kiên cường và gắn bó với Giáo Hội và niềm tin của anh chị em đến độ thanh tẩy thế giới bằng niềm tín thác của anh chị em; hãy biến đổi thế giới bằng niềm hy vọng của anh chị em và chăm sóc thế giới bằng chứng tá tha thứ, yêu thương và kiên nhẫn của anh chị em! Xin Chúa bảo vệ và nâng đỡ anh chị em!

Sau cùng bằng tiếng Ý, ĐTC nói với mọi người rằng: ”Như anh chị em biết, từ thứ sáu này đến chúa nhật tới đây, tôi sẽ thực hiện cuộc tông du tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi mời gọi tất cả hãy cầu nguyện để cuộc viếng thăm của Phêrô nơi người anh em là Anrê mang lại nhiều thành quả an bình, cuộc đối thoại chân thành giữa các tôn giáo và sự hòa hợp trong quốc dân Thổ Nhĩ kỳ.

ĐTC cũng đặc biệt nghĩ đến các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn, và nói rằng: ”Chúa nhật tới đây sẽ bắt đầu Mùa Vọng. Các bạn trẻ thân mến, ước gì sự chờ đợi Đấng Cứu Thế làm cho tâm hồn các bạn tràn đaầy vui mừng; các bệnh nhân thân mến, xin anh chị em đừng mỏi mệt trong việc tôn thờ Chúa Đấng đến nơi chúng ta cả trong thử thách và hỡi các đôi tân hôn thân mến, hãy học yêu thương theo gương Đấng vì yêu thương đã nhập thể để cứu độ chúng ta”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha viếng thăm Nghị viện và Hội đồng Âu châu

Đức Thánh Cha viếng thăm Nghị viện và Hội đồng Âu châu

STRASBOURG. ĐTC Phanxicô đã dành ngày 25-11-2014 để viếng thăm Nghị viện và Hội đồng Âu Châu ở thành phố Strasbourg bên Pháp.

Đây là chuyến viếng thăm thứ 5 của ĐTC Phanxicô tại nước ngoài và là chuyến ngắn nhất trong lịch sử cuộc viếng thăm của các vị Giáo Hoàng ở hải ngoại, chỉ có khoảng 4 tiếng đồng hồ. Đây là lần thứ 2 một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm 2 tổ chức quốc tế này: lần đầu tiên cách đây 26 năm, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đến Strasbourg trong khuôn khổ chuyến viếng thăm của ngài tại Pháp từ mùng 8 đến 11 tháng 10 năm 1988. Tuy nhiên Đức Phanxicô là vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải là người Âu đến viếng thăm 2 cơ quan quốc tế này.

Đến phi trường Fiumicino của thành Roma lúc gần 8 giờ sáng, ĐTC đã đáp máy bay Airbus A320 của hãng Alitalia trực chỉ thành phố Strasbourg cách đó 828 cây số về hướng bắc. Trong đoàn tùy tùng của ngài, có ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Đức TGM phụ tá là Angelo Becciu.

Strasbourg hiện nay là thành phố có 1 triệu 145 ngàn dân cư, giáp giới với nước Đức, và được coi như thủ đô của Liên hiệp Âu Châu với nhiều tổ chức quốc tế tại đây. Đến phi trường Strasbourg lúc 10 giờ sau hai giờ bay từ Roma, ĐTC đã được giáo quyền và đại diện chính quyền địa phương tiếp đón, cùng với hai vị Hồng Y chủ tịch Ủy ban GM Liên hiệp Âu Châu cũng như ĐHY Chủ tịch Liên HĐGM Âu Châu và liền đó ngài tiến về trụ sở của Nghị viện Âu Châu.

Đây là cơ quan lập pháp của Liên hiệp 28 nước Âu Châu với 508 triệu dân cư. Trong những thập niên gần đây, nghị viện này dần dần đạt được những thẩm quyền lớn hơn và hành động trong tư cách là đồng lập pháp trong hầu hết các lãnh vực luật pháp của Liên hiệp. Nghị viện này hiện nay có 751 đại biểu được bầu lên theo thể thức phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Số ghế được phân chia theo tỷ lệ dân số của các quốc gia thành viên. Số nữ đại biểu chiếm hơn 1 phần 3. Các đại biểu họp thành những nhóm theo lập trường chính trị chứ không theo tiêu chuẩn quốc tịch.

Đến nơi, ĐTC đã được các vị lãnh đạo và đại diện của 8 nhóm chính trị của Nghị Viện đón tiếp, rồi ngài hội kiến với vị chủ tịch nghị viện là Ông Martin Schulz người Đức, trước khi gặp chung và phát biểu trước tất cả các đại biểu thành viên trong phiên nhóm trọng thể.

Tóm lược diễn văn ca ĐTC

Trong diễn văn, ĐTC nhắc lại sự kiện cách đây 26 năm, vào ngày 11-10 năm 1988, ĐGH Gioan Phaolô 2 đã viếng thăm nghị viện Âu Châu. Trong thời gian qua, thế giới đã thay đổi rất nhiều, trở nên lệ thuộc nhau và hoàn vũ hơn, ”bớt qui hướng về Âu Châu như trung tâm”. Bên cạnh một Liên hiệp Âu Châu mở rộng và ảnh hưởng hơn, dường như có hình ảnh về Âu Châu già nua và thu hẹp lại hơn.

Khi ngỏ lời với quí vị ngày hôm nay, từ ơn gọi mục tử của tôi, tôi muốn gửi đến các công dân Âu Châu một sứ điệp hy vọng và khích lệ. Một sứ điệp hy vọng dựa trên lòng tín thác rằng những khó khăn có thể trở thành động cơ mạnh mẽ thăng tiến sự hiệp nhất, để chiến thắng mọi sợ hãi mà Âu Châu cùng với thế giới đang trải qua. Niềm hy vọng nơi Chúa, Đấng biến sự ác thành điều thiện và biến sự chết thành sự sống”.

ĐTC nhắc lại rằng: ”Các vị sáng lập liên hiệp Âu Châu đã đặt con người ở trung tâm dự án của mình, không phải như một công dân, và càng không phải như một chủ thể kinh tế, nhưng trong tư cách là một nhân vị có phẩm giá siêu việt”. Thực vậy, sau thế chiến thứ 2 người ta càng thấy rõ ước muốn bảo đảm ”phẩm giá”, các quyền con người, huấn luyện lương tâm về đặc tính quí giá, có một không hai và không thể lập lại được của mỗi người…

”Ngày nay sự thăng tiến các quyền con người chiếm một vai trò trung tâm và đáng ngưỡng mộ trong sự dấn thân của Liên hiệp Âu Châu. Nhưng vẫn còn có quá nhiều tình trạng trong đó con người bị đối xử như đồ vật, và người ta có thể xếp đặt chương trình khi nào thụ thai, hình thành, lợi ích của con người, và rồi con người có thể bị vứt bỏ đi khi không còn hữu ích nữa, vì họ trở nên yếu nhược, bệnh tật hoặc già nua. Vẫn còn có những tình trạng trong đó con người không được tự do bày tỏ tư tưởng của mình, tuyên xưng niềm tin tôn giáo mà không bị cưỡng bách và giới hạn, khi thiếu khuôn khổ pháp lý rõ ràng hạn chế sự thống trị của võ lực và nêu cao luật pháp trên sự độc đoán của quyền lực, trên sự kỳ thị con người. ĐTC đặt câu hỏi: ”Thứ phẩm giá nào con ngừơi có thể tìm được khi mà họ không có lương thực hay điều tối thiểu để sống, và tệ hơn nữa khi họ không có công ăn việc làm xứng với phẩm giá con người?”.

ĐTC nói đến những mơ hồ nảy sinh từ sự hiểu lầm ý niệm các quyền con người và từ sự lạm dụng mâu thuẫn các quyền này: càng ngày người ta càng đòi hỏi nhiều hơn các quyền cá nhân, được coi như các quyền của con người bị tách rời khỏi bối cảnh xã hội và nhân học, hầu như một ”đơn nguyên”, ngày càng thiếu nhạy cảm đối với các đơn nguyên khác quanh mình; một sự đòi hỏi các quyền không kèm theo các nghĩa vụ, không để ý đến bối cảnh xã hội của con người, trong đó các quyền lợi và nghĩa vụ gắn liền với các quyền của ngừơi khác và công ích của chính xã hội… Nếu quyền của mỗi người không được hướng về thiện ích lớn hơn một cách hài hòa thì rốt cục nó bị coi như không có giới hạn và trở thành nguồn mạch sinh ra những xung đột và bạo lực”.

Một điểm khác được ĐTC nhấn mạnh là phẩm giá siêu việt của con người, phẩm giá này liên hệ tới bản tính con người, với 'địa bàn' được ghi khắc trong tâm hồn chúng ta và Thiên Chúa đã in vào trong vũ trụ Ngài sáng tạo. Trước tiên, cần nhìn con người như một hữu thể có tương quan. Ngày nay, tại Âu Châu bệnh cô đơn đang lan tràn, đặc biệt là của những người thiếu các liên hệ. Bệnh cô đơn càng trở nên cấp tính hơn vì khủng hoảng kinh tế. Người ta cũng ghi nhận có sự gia tăng sự thiếu tín nhiệm của các công dân đối với các tổ chức mà họ coi là xa cách, những tổ chức lo thiết lập những qui luật mà họ coi là xa lạ, – nếu không muốn nói là có hại, – đối với sự nhạy cảm của mỗi dân tộc. Có một cảm tưởng chung về sự mệt mỏi và già mua của một Âu Châu trở thành bà già, không còn sinh sản và linh hoạt nữa. Các lý tưởng cao cả đã từng gợi hứng cho Âu Châu nay dường như mất sức thu hút, và nhường chỗ cho những kỹ thuật bàn giấy của các tổ chức”. Người ta cũng cay đắng nhận thấy sự trổi vượt của các vấn đề kỹ thuật và kinh tế trong các cuộc thảo luận chính trị; con người bị thu hẹp thành một thứ hộp số trong bộ máy, và bị coi như một sản phẩm tiêu thụ được sử dụng và gạt bỏ chẳng chút tiếc thương, như trong trường hợp các bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời, những người già bị bỏ rơi và không được săn sóc, các trẻ em bị giết trước khi chào đời. Nền văn hóa gạt bỏ và tiêu thụ thái quá tạo nên sự tuyệt đối hóa kỹ thuật, chiếm ưu thế hơn sự khẳng định phẩm giá con người, sự quí giá của đời sống con người.

ĐTC đặt câu hỏi: ”Vậy làm sao mang lại hy vọng cho tương lai, mang lại tín thác để tiếp tục theo đuổi lý tưởng cao cả một Âu Châu hiệp nhất và an bình, đầy tính sáng tạo và biến báo, tôn trọng các quyền lợi và nghĩa vụ của mình? ĐGH lấy ví dụ bức bích họa của Raphael diễn tả trường học ở Athènes và tổng hợp tư tưởng của Palton và Aristote: đó là một hình ảnh mô tả thật rõ đặc tính của lịch sử Âu Châu, về sự liên tục gặp gỡ giữa trời, tức là sự cởi mở đối với siêu việt, và đất, là khả năng thực hành cụ thể, trong việc đương đầu với những hoàn cảnh và vấn đề. Một Âu Châu không còn khả năng cởi mở đối với chiều kích siêu việt của sự sống là một Âu Châu dần dần bị nguy cơ đánh mất tinh thần nhân bản, mất đi vị trí trung tâm của con người. Kitô giáo không những cung cấp một gia sản cơ bản trong việc huấn luyện xã hội văn hóa của đại lục này, nhưng còn nhắm mang lại ngày nay và tương lai một đóng góp cho sự phát triển của Âu Châu. Sự đóng góp này không phải là một nguy hiểm cho đặc tính đời của các quốc gia và cho sự độc lập của các tổ chức của Liên hiệp Âu Châu trái lại, làm cho những tổ chức này được thêm phong phú phù hợp với nguyên tắc phụ đới và liên đới với nhau, một thuyết nhân bản qui trọng tâm vào sự tôn trọng phẩm giá con ngừơi.

ĐTC xác quyết sự sẵn sàng của Tòa Thánh, của Giáo Hội Công Giáo, và qua Ủy ban GM Liên hiệp Âu Châu, Comece, đối thoại minh bạch và phong phú với các tổ chức Âu Châu. Ngài cũng nói đến nhiều bất công và bách hại mà các nhóm tôn giáo thiểu số, nhất là các tín hữu Kitô đang phải chịu tại nhiều nơi trên thế giới; ngài nhắc đến các cộng đoàn và những cá nhân bị bạo lực dã man, bị trục xuất khỏi gia cư và quê hương, bị bán như những nô lệ, bị giết, bị chặt đầu, bị đóng đanh và thiêu sống, trong sự thinh lặng ô nhục và đồng lõa của bao nhiêu người.
Ngài nhận xét rằng: ”Khẩu hiệu của Liên hiệp Âu Châu 'hiệp nhất trong sự khác biệt', không có nghĩa là đồng nhất về chính trị, kinh tế, văn hóa hay tư tưởng, nhưng chỉ rõ một gia đình các dân tộc, với những tổ chức của Liên Hiệp, biết liên kết lý tưởng hiệp nhất với sự khác biệt của mỗi người, đề cao giá trị của mỗi truyền thống, sự phong phú của các lịch sử và căn cội, giải thoát mình khỏi bao nhiêu lèo lái và ghét bỏ. Đặt con người ở trung tâm trước tiên có nghĩa là để cho con người tự do biểu lộ khuôn mặt và óc sáng tạo của mình trên bình diện cá nhân và dân tộc. Các nguyên tắc liên đới và phụ đới, hiện diện trong việc hình thành Âu Châu giúp chúng ta trong chiều hướng này”.

ĐTC nhấn mạnh rằng:
”Thách đố củng cố nền dân chủ của các dân tộc Âu Châu đòi phải tránh một quan niệm đồng điệu về sự đại đồng, làm giảm mất đi sự tương phản phong phú và xây dựng của các tổ chức và các đảng phái với nhau, một quan niệm đồng điệu đưa tới sự lẫn lộn thực tại của nền dân chủ với một thứ thuyết duy danh mới về chính trị. Nhưng thách đố làm sao củng cố các nền dân chủ Âu Châu cũng bao hàm sự bảo vệ sức mạnh biểu lộ chính trị của các dân tộc Âu Châu liên quan đến những sức ép của lợi lộc liên quốc chứ không phải mọi người, làm cho nó suy yếu và biến nó thành những quyền lực tài chánh đồng nhất phục vụ những đế quốc vô danh. Mang lại hy vọng cho Âu Châu có nghĩa là đầu tư trong các lãnh vực trong đó hình thành các tài năng của con người; kiến tạo những điều kiện thuận lợi cho đời sống gia đình, sự hiệp nhất, phong phú và bất khả phân ly; có nghĩa là mang lại những viễn tượng cho các thế hệ trẻ và nhiều người già, cho sự phát triển giáo dục, các trường học và đại học; huấn luyện đầy đủ để hướng nhìn về tương lai trong niềm hy vọng; có nghĩa là nhìn những tiềm năng sáng tạo nghiên cứu khoa học, nhất là trong các lãnh vực chưa được khám phá, như lãnh vực các nguồn năng lực khác.

Cũng trong diễn văn tại Nghị viện Âu Châu sáng hôm qua (25-11), ĐTC nhấn mạnh tầm quan trọng của sự dấn thân bảo vệ môi sinh và bảo tồn thiên nhiên. Thiên nhiên là để chúng ta sử dụng, cần dùng thiên nhiên để mưu công ích; không được chiều theo sự kiêu ngạo thống trị, lèo lái, bóc lột thiên nhiên. Không thể chấp nhận sự kiện hằng triệu người trên thế giới chết đói, trong khi bao nhiêu tấn thực phẩm bị gạt bỏ mỗi ngày khỏi bàn ăn của chúng ta. Môi sinh cũng liên hệ tới chính con người. Chính con người là thành phần căn bản của môi sinh, vì thế cần có một môi sinh nhân bản, với sự tôn trọng chính con người.

Trong số những yếu tố không thể thiếu được để mang lại hy vọng cho Âu Châu, ĐTC cũng nói đến các vấn đề liên hệ tới công ăn việc làm và ngài tái khẳng định sự cấp thiết phải mang lại phẩm giá cho lao công. Điều này có nghĩa là tìm ra những phương thức mới để dung hợp sự uyển chuyển của thị trường với sự cần thiết của ổn định và chắc chắn về viễn tượng công ăn việc làm và cũng tạo điều kiện cho một khung cảnh xã hội thích hợp, không nhắm tới sự khai thác con người, nhưng bảo đảm qua công việc làm khả năng thành lập gia đình và giáo dục con cái.

ĐTC cũng nói về vấn đề di dân: Không thể chấp nhận để cho Địa Trung Hải trở thành một nghĩa trang lớn, vì thế cần phải trình bày rõ ràng căn tính văn hóa của mình và đề ra những luật lệ thích hợp, biết bảo vệ các quyền của công dân Âu Châu và bảo đảm sự tiếp đón người di dân; nhưng cũng cần chấp nhận những chính sách cụ thể giúp các nước xuất cư trong việc phát triển xã hội kinh tế và vượt thắng những xung đột nội bộ, trái lại những chính sách lợi lộc giá tăng và nuôi dưỡng các xung đột.

Sau cùng, ĐTC nhấn mạnh vai trò của sự ý thức căn tính của mình để đối thoại một cách tích cực với các quốc gia đã yêu cầu được gia nhập Liên hiệp Âu Châu trong tương lai: trong vùng Balcan, trong các quan hệ với các nước lân cận, đặc biệt những nước ven bờ Địa Trung Hải. Nhiều nước đang chịu đau khổ vì các cuộc xung đột nội bộ, vì sức ép của trào lưu cực đoan tôn giáo và khủng bố quốc tế. Các vị đại biểu quốc hội cũng như các nhà lập pháp, có nghĩa vụ giữ gìn và làm tăng trưởng căn tính Âu Châu để các công dân tìm lại được niềm tín thác nơi các tổ chức của Liên hiệp Âu Châu và trong dự án Âu Châu về hòa bình và thân hữu.

Một lịch sử hai ngàn năm liên kết Âu Châu với Kitô giáo, nhưng lịch sử này phần lớn vẫn còn phải viết lên, để cùng nhau xây dựng một Âu Châu không xoay quanh kinh tế, nhưng quanh sự thánh thiêng của con người, các giá trị bất khả nhượng. Đã đến giờ xây dựng Âu Châu can đảm ấp ủ quá khứ của mình và tin tưởng nhìn về tương lai của mình để sống trọn vẹn và sống hiện tại trong hy vọng. Đã đến lúc từ bỏ ý tưởng một Âu Châu sợ hãi và co cụm vào mình để khơi dậy một Âu Châu nắm vai chính, mang khoa học, nghệ thuật, âm nhạc, các giá trị nhân bản và cả đức tin. Âu Châu nhìn, bảo vệ, bênh đỡ con người; Âu Châu tiến bước trên trái đất chắc chắn và vững chãi, là điểm tham chiếu quí giá cho toàn thể nhân loại”.

Bài diễn văn của ĐTC bị ngắt quãng nhiều lần vì các tràng pháo tay hưởng ứng của các đại biểu và khi ngài vừa dứt lời, mọi người đã đứng lên nồng nhiệt vỗ tay cám ơn.

Ông chủ tịch Martin Schulz đã đại diện mọi người cám ơn ĐTC vì bài diễn văn ”chỉ đường” của ngài và ông gọi đó cũng là hướng đi trong tương lai của Liên hiệp Âu Châu này.

Viếng thăm Hi đồng Âu Châu

Rời Nghị viện, ĐTC tiến sang trụ sở Hội đồng Âu Châu chỉ cách đó 700 mét để viếng thăm. Bên ngoài Hội đồng có hàng ngàn người đứng chào mừng ngài. Tổ chức này được thành lập cách đây 65 năm và gồm các vị đại sứ của 47 nước và 150 thành viên thuộc nghị viện, 100 thành viên của hội đồng chính quyền địa phương và miền, 47 vị thẩm phán của tòa án Âu Châu về nhân quyền.

Khi đến trụ sở Hội đồng Âu Châu ĐTC đã được ông tổng thư ký Thorbjorn Jagland, 63 tuổi người Na Uy cùng với các giới chức của Hội đồng đón tiếp.

Sau nghi thức tiếp đón chính thức và hội kiến với các giới chức lãnh đạo Hội đồng, ĐTC đã tiến vào thính đường trong khóa họp long trọng của tổ chức này.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Ông Tổng thư ký, ĐTC nhắc đến sự tàn bạo của thế chiến thứ 2, và sự chia rẽ Âu Châu thành hai khối, hai bên bức màn sắt, từ đó ngài nói đến tiến trình xây dựng thống nhất và hòa bình, bắt đầu từ sự giáo dục về hòa bình, loại trừ nền văn hóa xung đột, loại bỏ những người không nghĩ hoặc sống như mình.
ĐTC đặc biệt lên án sự khủng bố tôn giáo và trào lưu khủng bố quốc tế coi rẻ sinh mạng con người, nạn buôn bán khí giới mà không bị ngăn trở. Hòa bình cũng bị đe dọa vì những hình thức nô lệ mới, nạn buôn người, biến con người thành hàng hóa trao đổi.

ĐTC ca ngợi nỗ lực của Hội đồng Âu Châu kiến tạo hòa bình qua sự thăng tiến các quyền con người. Ngài cũng cổ võ sự tìm kiếm sự thật, để tránh tình trạng mỗi người tự lấy mình làm mẫu mực, mở đường cho sự khẳng định chủ quan các quyền lợi. ĐTC cảnh giác chống lại sự hoàn cầu hóa thái độ dửng dưng phát xuất từ lòng ích kỷ, không có khả năng sống chiều kích xã hội đích thực. Từ cá nhân chủ nghĩa dửng dưng nảy sinh sự tôn thờ giàu sang sung túc.

Sau cùng, ĐTC cho biết Giáo Hội Công Giáo, qua Liên HĐGM Âu châu, sẵn sàng cộng tác với Hội đồng Âu Châu, nhất là trong lãnh vực suy tư luân lý đạo đức về những đề tài như bảo vệ sự sống con người, các lãnh vực y khoa, khoa học hoặc pháp luật.

Sau cuộc viếng thăm tại tổ chức này, ĐTC giã từ Strasbourg để đáp máy bay trở về Roma lúc quá 4 giờ chiều cùng ngày 25-11-2014.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cổ võ giúp đỡ những người bị bệnh tự kỷ

Đức Thánh Cha cổ võ giúp đỡ những người bị bệnh tự kỷ

VATICAN. Sáng 22-11-2014, ĐTC đã tiếp kiến 7 ngàn tham dự viên Hội nghị quốc tế về bệnh tự kỷ (autisme), và ngài khuyến khích mọi nỗ lực của cá nhân, các tổ chức và chính quyền gia tăng các phương thức giúp đã các bệnh nhân tự kỷ và gia đình họ.

Đây là Hội nghị quốc tế lần thứ 29 do Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế tổ chức tại Vatican, từ ngày 20 đến 22-11-2014, và có chủ đề là ”Người bị bệnh tự kỷ: linh hoạt hy vọng”.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC khẳng định rằng ”Cần có sự dấn thân của tất cả mọi người để cổ võ sự tiếp đón, gặp gỡ, liên đới, qua một hoạt động cụ thể nhắm nâng đỡ và tái cổ võ niềm hy vọng, góp phần phá vỡ sự cô lập, và cả sự kỳ thị đio với những người bị bệnh tự kỷ”.

”Trong việc trợ giúp những người bị bệnh này, điều đáng mong ước là kiến tạo trên lãnh thổ liên hệ một mạng trợ giúp và các dịch vụ đầy đủ và dễ dàng, với sự can dự của cha mẹ, ông bà, bạn hữu, các nhân viên trị liệu, các nhà giáo dục và nhân viên mục vụ. Các nhân vật ấy có thể giúp đỡ các gia đình vượt thắng cảm tưởng về sự không thích hợp, thiếu hiệu năng và bất mãn”.

ĐTC cũng nói rằng: ”Tôi khuyến khích nỗ lực của các học giả và clac nhà nghiên cứu, nhắm sớm khám phá được những phươgn thức trị liệu và các thể thức nâng đỡ, chữa trị, và nhất là phòng ngừa bệnh tự kỷ. Tất cả những điều đó cần thực hiện trong sự quan tâm đến các quyền của bệnh nhân, các nhu cầu và tiềm năng của họ, luôn bảo tồn phẩm giá của họ”.

Đức TGM Zimowski, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, cho biết Hội nghị này nhắm đáp ứng một cách tốt đẹp hơn những thách đố do bệnh tự kỷ đề ra cho việc mục vụ sức khỏe, cũng như cho khoa học, y khoa, các gia đình, các cơ cấu giáo dục và từ thiện, và nói chung là cho xã hội và các chính quyền (SD 22-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị thế giới kỳ 3 các Phong Trào Giáo Hội

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị thế giới kỳ 3 các Phong Trào Giáo Hội

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các phong trào và cộng đoàn mới của Giáo Hội hãy duy trì vẻ tươi mát của đoàn sủng, tôn trọng tự do của con người và luôn tìm kiếm sự hiệp thông.

Trên đây là nội dung bài huấn dụ của ĐTC trong buổi tiếp sáng thứ bẩy 22-11-2014 dành cho 360 tham dự viên Hội nghị thế giới kỳ 3 các Phong trào Giáo Hội và Cộng đoàn mới nhóm tại Roma từ ngày 20 đến 22-11-2014 về chủ đề ”Niềm vui Phúc Âm: một nhiều vui truyền giáo”. Hội nghị do Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân triệu tập với sự tham dự của các đại biểu của các Phong trào và Cộng đoàn mới trên thế giới, vẫn luôn đối thoại với Hội đồnt Tòa Thánh.

ĐTC mời gọi các Phong trào và cộng đoàn này hãy duy trì vẻ tươi mát của đoàn sủng, luôn canh tân ”mối tình đầu” (Xc Kh 2,4). Thực vậy, với thời gian càng ngày người ta càng bị cám dỗ tự mãn, trở nên cứng nhắc trong các khuôn khổ tuy an ninh nhưng không còn sinh hoa kết trái nữa. ĐTC nói: ”Tuy sự định chế hóa đoàn sủng, một cách nào đó, là cần thiết cho sự sống còn của đoàn sủng, nhưng không được nuôi ảo tưởng theo đó các cơ cấu bên ngoài có thể bảo đảm hoạt động của Chúa Thánh Linh. Sự mới mẻ trong các kinh nghiệm của anh chị em không hệ tại các phương pháp và hình thức, dù chúng là quan trọng, nhưng hệ tại sự sẵn sàng đáp ứng tiếng gọi của Chúa với một niềm hăng say được đổi mới”.

Điểm thứ hai ĐTC nhắn nhủ, đó là các phong trào Giáo Hội và Cộng đoàn mới hãy chống lại cám dỗ muốn thay thế tự do của con người, điều khiển những tự do ấy mà không đợi chúng thực sự trưởng thành. Một sự tiến bộ luân lý hoặc tinh thần đạt được bằng cách dựa trên sự thiếu trưởng thành của con người, chỉ là một thành công bề ngoài và nó sẽ bị chìm đi. Trái lại nền giáo dục Kitô đòi một sự tháp tùng kiên nhẫn, biết chờ đợi thời điểm của mỗi người, như Chúa đang làm với mỗi người chúng ta; kiên nhẫn là con đường duy nhất để thực sự yêu mến và dẫn đưa con người đến một quan hệ chân thành với Chúa”.

Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ các Phong trào Giáo Hội và Cộng đoàn mơi đừng quên một thiện ích quí giá nhất, dấu ấn của Chúa Thánh Linh, đó là tình hiệp thông. Đây là ơn thánh tột đỉnh Chúa Giêsu đã chinh phục cho chúng ta trên thập giá. ĐTC nói: ”Để thế gian tin rằng Đức Giêsu là Chúa, thì họ cần thấy tình hiệp thông giữa các Kitô hữu. Nếu họ thấy những chia rẽ, cạnh tranh và nói hành nói xấu nhau nơi các tín hữu, vì bất kỳ lý do nào đi nữa, thì làm sao có thể loan báo Tin Mừng được? Anh chị em hãy nhớ một nguyên tắc khác: ”Hiệp nhất trổi vượt trên xung đột” (Evang. gaudium, 226-230), vì người anh em giá trị hơn nhiều so với những lập trường và địa vị bản thân của chúng ta; Chúa Kitô đã đổ máu vì người anh em ấy (Xc 1 Pr 1,18-19).

ĐTC cảnh giác rằng: ”Tình hiệp thông đích thực không thể hiện hữu trong một phong trào hay trong một cộng đoàn mới, nếu nó không được hội nhập trong tình hiệp thông lớn hơn đó là Giáo Hội Phẩm Trật Mẹ của chúng ta.. Đặc biệt các Phong trào và cộng đoàn được kêu gọi cộng tác để góp phần chữa lành những vết thương do một não trạng phổ biến trên hoàn cầu đặt sự tiêu thụ ở trung tâm gây ra, mà quên Thiên Chúa và các giá trị thiết yếu của cuộc sống” (SD 22-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha khích lệ các nhà truyền giáo

Đức Thánh Cha khích lệ các nhà truyền giáo

VATICAN. ĐTC Phanxicô khích lệ các nhà truyền giáo Italia hăng say tiếp tục sứ mạng ra đi, mang Tin Mừng hy vọng cho các dân tộc.

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 22-11-2014, dành cho 700 tham dự viên Hội nghị toàn quốc Italia lần thứ 4 về truyền giáo, nhóm tại Roma về đề tài ”Hãy trỗi dậy, đến Ninive thành phố lớn nơi Tin Mừng được gặp gỡ”. Trong số các tham dự viên có nhiều vị thừa sai Italia hoạt động ở nước ngoài.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC ca ngợi Giáo Hội tại Italia có nhiều LM và giáo dân thuộc diện Fidei donum (Hồng ân đức tin), tự nguyện ra đi tới những vùng ngoại ô của thế giới, nơi những người nghèo và người xa lạ với Giáo Hội, để xây dựng Hội Thánh tại đó. Ngài nói: ”Đây là một hồng ân cho Giáo Hội hoàn vũ và các dân tộc. Tôi nhắn nhủ anh chị em đừng để bị tước đoạt mất niềm hy vọng và ước mơ thay đổi thế giới nhờ Tin Mừng, nhờ men Phúc Âm, bắt đầu từ các khu ngoại ô của con người và cuộc sống”.

ĐTC cũng giải thích lời mời gọi ”hãy ra ngoài” mà ngài thường nói. ”Ra ngoài có nghĩa là vượt thắng cám dỗ nói về mình, giữa chúng ta, mà quên bao nhiêu người đang mong đợi chúng ta một lời từ bi, an ủi, hy vọng. Tin Mừng của Chúa Giêsu được thể hiện trong lịch sử. Chính Chúa Giêsu là một người ngoại ô, thuộc miền Galilea xa cách các trung tâm quyền lực của Đế quốc Roma và xa Jerusalem. Chúa đã gặp gỡ những người nghèo, các bệnh nhân, những người bị quỉ ám, kẻ tội lỗi, các phụ nữ mại dâm, ngài tập họp một số nhỏ các môn đệ và vài phụ nữ quanh mình, họ lắng nghe và giúp đỡ ngài. Lời của Chúa chính là khởi đầu một khúc quanh trong lịch sử, khởi đầu một cuộc cách mạng tinh thần và nhân bản, là tin mừng về một vị Chúa tể chịu chết và sống lại cho chúng ta”. (SD 22-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung: ơn gọi mọi người nên thánh

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung: ơn gọi mọi người nên thánh

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung hơn 15 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 19-11-2014, ĐTC đã diễn giải về ơn gọi nên thánh tất cả mọi tín hữu.

Trong số những người hiện diện tại buổi tiếp kiến, đông nhất vẫn là các nhóm từ Italia, nhưng cũng có những nhóm quốc tế như 320 người thuộc các tôn giáo khác nhau tham dự cuộc hội thảo do Bộ giáo lý đức tin tổ chức về sự bổ túc cho nhau giữa ngừơi nam và người nữ, hoặc 82 người tham dự cuộc gặp gỡ do Đại hội Giáo Hoàng Thánh Giá của Giám hạt Opus Dei tổ chức.

Bài huấn dụ của ĐTC

Sau phần tôn vinh lời Chúa với bài đọc ngắn trích từ thư thứ I của thánh Phêrô tông đồ nhắn nhủ các tín hữu hãy nên thánh mọi mọi hành động và cách cư xử, theo lời Chúa dạy ”các ngươi hãy nên thánh và Ta là Đấng Thánh”, ĐTC đã tiếp tục loạt bài huấn giáo về Giáo Hội, và ngài nói về ơn gọi tất cả mọi người nên thánh. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em

Một món quà lớn của Công đồng chung Vatican 2 là đã phục hồi quan niệm về Giáo Hội dựa trên tình hiệp thông và cũng đã đặt lại nguyên tắc quyền bính và phẩm trật trong viễn tượng ấy. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn rằng tất cả mọi Kitô hữu, trong tư cách là những người đã chịu phép rửa, đều có cùng phẩm giá trước mặt Chúa và có chung cùng một ơn gọi đó là ơn gọi nên thánh (Xc LG 39-42). Giờ đây chúng ta tự hỏi: ơn gọi tất cả mọi người nên thánh hệ tại điều gì? và làm sao chúng ta thực hiện ơn gọi ấy?

1. Trước tiên chúng ta phải ý thức rõ rằng sự thánh thiện không phải là cái gì chúng ta tự tìm cho mình, hoặc là điều chúng ta đạt được nhờ những đức tính và khả năng của chúng ta. Sự thánh thiện là một hồng ân, là món quà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, khi Chúa nhận lấy chúng ta, làm cho chúng ta được mặc lấy Ngừơi, cho chúng ta được trở nên như Người. Trong thư gửi tín hữu Ephêso, thánh Phaolô Tông Đồ khẳng định rằng ”Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội và đã hiến mình vì Giáo Hội, để làm cho Giáo Hội nên thánh” (Ep 5,25-26). Quả thực sự thánh thiện là khuôn mặt đẹp đẽ nhất của Giáo Hội: đó là sự tái khám phá mình trong tình hiệp thông với Thiên Chúa, trong cuộc sống và tình yêu sung mãn của Chúa. Vì thế, chúng ta hiểu rằng sự thánh thiện không phải chỉ là đặc quyền của vài người: sự thánh hiện là một hồng ân đưcơ trao tặng cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai, và qua đó tạo nên đặc tính nổi bật của mỗi Kitô hữu.

2. Tất cả những điều ấy làm cho chúng ta hiểu rằng, để nên thánh, không nhất thiết phải là GM, LM, hay tu sĩ.. Tất cả chúng ta được kêu gọi nên thánh! Bao nhiêu lần chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành những người có khả năng xa rời những công việc thường nhật, để hoàn toàn chuyên chăm cầu nguyện. Nhưng không phải như vậy! Có người nghĩ thánh thiện là nhắm mắt, nét mặt như trên tấm ảnh các thánh. Nhưng không phải như thế, thánh thiện là điều cao cả, sâu xa hơn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta! Đúng hơn, chính nhờ sống chứng tá Kitô của mình, trong những công việc bận bịu hằng ngày với tình yêu thương và chứng tá Kitô mà chúng ta được mời gọi nên thánh. Và mỗi người, trong hoàn cảnh và bậc sống của mình. Nếu là người thánh hiến, thì hãy nên thánh bằng cách vui sống sự tận hiến và sứ vụ của mình. Nếu bạn là người kết hôn, thì hãy nên thánh trong sự yêu thương và chăm sóc chồng hoặc vợ mình, như Chúa Kitô đã làm với Giáo Hội. Nếu bạn là tín hữu không kết hôn, thì hãy nên thánh bằng cách chu toàn công việc của mình trong sự lương thiện và khả năng chuyên môn và dành thời gian để phục vụ anh chị em mình.

Có người vặn lại: ”Nhưng thưa cha, con làm việc trong một hãng xưởng.. con làm kế toán viên, với toàn những con số, ở đó con không thể nên thánh được…”. Có chứ, bạn có thể nên thánh tại nơi bạn đang làm việc. Thiên Chúa ban cho bạn ơn nên thánh. Thiên Chúa hiệp thông với bạn”. Mỗi ngày ta có thể nên thánh, nghĩa là cởi mở đón nhận ơn thánh, biến đổi chúng ta từ bên trong và dẫn đưa chúng ta đến sự thánh thiện.

Nếu bạn là người cha mẹ hoặc là ông bà nội ngoại, thì hãy nên thánh bằng cách hăng say dạy cho các con các cháu biết và theo Chúa Giêsu. Và điều này đòi nhiều kiên nhẫn, để trở thành cha mẹ tốt, ông bà tốt, và việc nên thánh đến trong sự kiên nhẫn ấy, thực thi đức kiên nhẫn. Bạn là giáo lý viên, là nhà giáo dục hay người thiện nguyện ư? Hãy nên thánh bằng cách trở thành dấu chỉ hữu hình về tình thương của Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài cạnh chúng ta. Vì thế, mỗi bậc sống đều dẫn đến sự thánh thiện. Ở nhà, trên đường, trong công việc, tại nhà thờ. Anh chị em đừng nản chí trên con đường nên thánh. Chính Thiên Chúa ban ơn thánh cho bạn. Điều duy nhất mà Chúa yêu cầu, đó là chúng ta ở trong tình hiệp thông với Chúa và phục vụ anh chị em mình.

3. Về điểm này, mỗi người chúng ta có thể xét mình một chút, để xem cho đến nay ta đã đáp lại lời mọi gọi nên thánh của Chúa như thế nào? Khi Chúa mời gọi chúng ta nên thánh, Ngài không gọi chúng ta thi hành cái gì nặng nề, buồn thảm.. Thực tế hoàn toàn khác hẳn! Đó là lời mời gọi chia sẻ niềm vui của Chúa, sống và vui mừng dâng hiến mỗi lúc trong cuộc sống chúng ta, đồng thời biến nó thành một món quà yêu thương cho những người ở cạnh chúng ta. Nếu chúng ta hiểu điều đó, thì tất cả đều thay đổi và có một ý nghĩa mới, bắt đầu bằng những điều nhỏ bé mỗi ngày.

Một bà đi chợ để mua đồ ăn và thấy một bà láng giếng và họ bắt đầu nói chuyện, và rồi đến những điều nói hành nói xấu. Bà ấy nói: ”Không, không, tôi không thể nói xấu một ai cả”. Đó là một bước tiến về sự thánh thiện, điều ấy giúp bạn nên thánh hơn. Rồi về nhà, đứa con xin bạn nói chuyện một chút về những chuyện tưởng tượng. Bạn nói: ”Ba mệt lắm, hôm nay ba đã làm việc nhiều lắm”. Nhưng nếu bạn kiên nhẫn lắng nghe con, thì đó là một bước tiến đến sự thánh thiện. Rồi đến cuối ngày ai cũng mệt, nhưng nếu bạn nói: chúng ta hãy cầu nguyện! thì đó là một bước tiến đến sự thánh thiện. Chúa nhật, chúng ta đi lễ và rước lễ, và thỉnh thoảng xưng tội, thanh tẩy chúng ta, đó là một bước tiến đến sự thánh thiện! Rồi lòng kính mến Đức Mẹ, tôi đọc kinh mân côi và cầu nguyện. Đó là một bước tiến đến sự thánh thiện.. Có bao nhiêu bước tiến nho nhỏ để nên thánh.. Mỗi bước tiến về sự thánh thiện, làm cho chúng ta trở thành những người tốt lành hơn, được giải thoát khỏi tính ích kẻ và thái độ khép kín vào mình, cởi mở đối với các anh chị em và những nhu cầu của họ.

ĐTC kết luận rằng:

”Các bạn thân mền, trong thư thứ I của Thánh Phêrô, có lời nhắn nhủ này được gửi đến chúng ta: ”Mỗi ngừơi hãy sống theo ơn thánh đã nhận lãnh, dùng ơn ấy để phục vụ tha nhân, như những người quản lý tốt đối với ơn thánh đa dạng của Thiên Chúa. Ai nói thì hãy nói với những lời của Thiên Chúa, ai thi hành một chức vụ, thì hãy chu toàn với nghị lực đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, để trong mọi sự Thiên Chúa được tôn vinh nhờ Đức Giêsu Kitô” (4,10-11). Đó là lời mời gọi nên thánh! Chúng ta hãy vui mừng đón nhận lời mời ấy và nâng đỡ nhau, vì con đường dẫn đến sự thánh thiện chúng ta không đi một mình, mỗi người lo cho mình, nhưng chúng ta cùng nhau tiến bước, trong một thân thể duy nhất là Giáo Hội, được Chúa Giêsu yêu thương và làm cho trở nên thánh thiện”.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các LM và giám chức của Tòa Thánh đã tóm tắt bài này bằng các sinh ngữ khác nhau cũng như dịch những lời ĐTC chào các tín hữu hành hương cùng với những lời nhắn nhủ của ngài.

Đặc biệt với các tín hữu Ba Lan, ngài nói thêm rằng: ”Hôm qua, chúng ta đã kính nhớ chân phước Karolina Kozka, trinh nữ tử đạo, trong năm kỷ niệm 100 năm cuộc tử đạo của Người. Người thiếu nữ này đã thực hiện ơn gọi nên thánh của mình bằng cách tận hiến phục vụ tha nhân, qua sự chăm sóc tâm hồn khiết tịnh và trung thành với Chúa Kitô cho đến độ hiến cả mạng sống. Ước gì tấm gương của chân phước Kozka khích lệ tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, tìm kiếm những con đường nên thánh, kể cả khi phải đi ngược dòng, ngược với những xu hướng ngày nay tìm kiếm cuộc sống dễ dãi, chỉ lo tìm lạc thú ích kỷ. Tôi phó thác các thành viên Phong trào Tâm Hồn khiết tịnh cho sự phù hộ của chân phước Karolina Kózka”.

Khi chào các tín hữu bằng tiếng Ý, ĐTC đặc biệt nhắc đến các nhà chuyên nghiệp, chủ xí nghiệp xã hội đang tham dự Hội nghị do Diễn Đàn Kinh Tế thế giới tổ chức, với sự cộng tác của các Đại học Giáo Hoàng ở Roma, để thăng tiến những con đường và thái độ giúp vượt thắng sự loại trừ về mặt xã hội và kinh tế. Tôi cầu chúc sáng kiến này góp phần tạo điều kiện cho một tâm thức mới, trong đó tiền bạc không được coi như thần tượng phải phụng sự, nhưng như một phương thế để đạt được ích chung.

ĐTC cũng chào thăm các tham dự viên cuộc Hội thảo quốc tế do Bộ giáo lý đức tin tổ chức về đề tài sự bổ túc cho nhau giữa người nam và người nữ.

Sau cùng khi chào các bạn trẻ, các bệnh nhân và những người mới kết hôn, ĐTC nhắc nhở rằng ”Tháng 11, Phụng vụ mời gọi chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời. Chúng ta đừng quên những người thân yêu, các ân nhân và tất cả những người đã ra đi trước chúng ta trong đức tin: việc cử hành Thánh Lễ là trợ giúp tinh thần tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể mang lại cho các linh hồn quá cố. Chúng ta cũng hãy nhớ đến các nạn nhân bị lũ lụt mới đây ở miền Liguria và Bắc Italia: chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và cho các thân nhân của họ và chúng ta liên đới với những người bị thiệt hại”.

G. Trần Đức Anh OP  – Vatican Radio

Đức Thánh Cha lên án bạo lực tại Thánh Địa

Đức Thánh Cha lên án bạo lực tại Thánh Địa

VATICAN. ĐTC bày tỏ lo âu vì bạo lực gia tăng tại Jerusalem và lên án vụ khủng bố mới đây tại Hội đường Do thái.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung, sáng 19 tháng 11-2014, ĐTC nói: ”Tôi lo âu theo dõi sự gia tăng bạo lực đáng báo động tại Jerusalem và những vùng khác ở Thánh Địa, với những vụ bạo lực không thể chấp nhận được, không kiêng nể cả những nơi thờ phượng. Tôi cam đoan đặc biệt cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của tình trạng bi thảm này và những người đang phải chịu đau khổ nhiều nhất vì những hậu quả của những vụ này. Tự thâm tâm, tôi gửi lời kêu gọi chấm dứt cái vòng lẫn quẩn oán thù và bạo lực và hãy đưa ra những quyết định can đảm để thực hiện hòa giải và hòa bình. Kiến tạo hòa bình là điều khó khăn, nhưng sống mà không có hòa bình là một cực hình”.

Kêu gọi hỗ trợ các tu sĩ chiêm niệm

ĐTC cũng mời gọi các tín hữu trong toàn Giáo Hội nâng đỡ và hỗ trợ các tu sĩ sống đời chiêm niệm về tinh thần và vật chất. Ngài nói:

”Thứ sáu 21 tháng 11 này, lễ dâng Đức Mẹ Chí Thánh vào Đền Thờ, chúng ta sẽ cử hành Ngày nâng đỡ những người cầu nguyện, pro Orantibus, Ngày các cộng toàn dòng tu chiêm niệm. Đây là cơ hội thuận lợi để cảm tạ Chúa vì hồng ân bao nhiêu người, trong các đan viện và các am ẩn sĩ, tận hiến phụng sự Chúa trong kinh nguyện và thinh lặng làm việc, nhìn nhận quyền tối thượng của một mình Thiên Chúa. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì chứng tá cuộc sống đan tu và đừng để họ bị thiếu sự hỗ trợ của chúng ta về tinh thần và vật chất, để họ chu toàn sứ vụ quan trọng này”. (SD 19-11-2014)

Ngày ”pro Orantibus” về những người sống đời chiêm niệm được thành lập từ năm 1953 dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô 12.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Công bố chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Sri Lanka và Philippines

Công bố chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Sri Lanka và Philippines

VATICAN. ĐTC sẽ viếng thăm Sri Lanka và Philippines từ ngày 12 đến 19-1 năm tới, 2015.

Theo chương trình do Phòng báo chí Tòa Thánh công bố hôm 14-11 vừa qua, ĐTC sẽ rời Roma lúc 7 giờ tối thứ hai, 12-1 và tới phi trường thủ đô Colombo của Sri Lanka lúc 9 giờ sáng hôm sau, 13-1.

Sau nghi thức tiếp đón tại Phi trường, ĐTC sẽ gặp gỡ các GM Sri Lanka lúc 1 giờ 15 phút trưa tại tòa TGM Colombo.

Ban chiều cùng ngày, lúc 5 giờ, ngài sẽ viếng thăm Tổng thống tại Phủ Tổng thống, trước khi tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn lúc 6 giờ 15 tại Trung tâm hội nghị quốc tế Bandaramaike Memorial.

– Sáng thứ tư, 14-1, lúc 8 giờ rưỡi, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ phong Hiển Thánh cho chân phước Joseph Vaz, vị tông đồ của Sri Lanka, tại Công viên Galle Face Green cạnh bờ biển.

Ban chiều lúc 2 giờ, ĐTC sẽ đáp trực thăng đến Đền thánh Đức Mẹ Madhu để kính viếng và gặp gỡ các tín hữu vào lúc 3 giờ rưỡi, rồi trở về thủ đô. – Sáng thứ năm 15-1, lúc 8 giờ 15, ngài sẽ kính viếng Nhà Nguyện Đức Mẹ Lanka ở Bolawalana, mạn bắc Colombo, trước khi ra phi trường lúc 9 giờ để đáp máy bay đi Manila, Philippines.

ĐTC sẽ đến sân bay quân sự Villamor ở Manila lúc gần 6 giờ chiều cùng ngày 15-1.

Lễ nghi đón tiếp chính thức sẽ diễn ra tại Phủ Tổng Thống lúc 9 giờ 15 sáng hôm sau, thứ sáu 16-1. Ngài gặp gỡ Tổng thống và các quan chức chính quyền cùng với đoàn ngoại giao.

Ban trưa, lúc 11 giờ 15, ĐTC sẽ cử hành thánh lễ với các GM, LM, trước sự tham dự của các tu sĩ nam nữ tại Nhà Thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Manila.

Lúc 5 giờ rưỡi chiều cùng ngày ngài sẽ gặp gỡ các gia đình tại Hội trường Mall of Asia Arena.

– Thứ bảy 17-1, ĐTC sẽ rời Manila bay tới thành phố Tacloban và dâng thánh lễ tại Phi trường quốc tế ở địa phương lúc 10 giờ. Sau đó ngài sẽ dùng bữa trưa với một số những người sống sót trong trận cuồng phong Hayan hồi tháng 11 năm 2013.

Ban chiều cùng ngày, lúc 3 giờ, ĐTC sẽ làm phép trung tâm cho người nghèo rồi gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và những người sống sót tại Nhà thờ chính tòa Palo, rồi trở về Manila.

– Sáng Chúa nhật 18-1, ĐTC sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo ở Đại Học Santo Tomas ở Manila rồi gặp gỡ các bạn trẻ tại Sân thể thao của đại học vào lúc 10 giờ rưỡi.

Ban chiều ĐTC sẽ cử hành thánh lễ lúc 3 giờ rưỡi tại Công viên Rizal Park cũng ở Manila.

– Sáng thứ hai, 19-1, sau nghi thức tiễn biệt tại Sân bay quân sự Villamor, Manila, ngài sẽ đáp máy bay lúc 10 giờ sáng để trở về Roma, dự kiến sẽ tới phi trường Ciampino Roma vào lúc 5 giờ 40 phút chiều cùng ngày 19-1. (SD 14-1-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Thành lập Hội đồng đặc biệt tại Bộ giáo lý đức tin

Thành lập Hội đồng đặc biệt tại Bộ giáo lý đức tin

VATICAN. ĐTC đã quyết định thành lập một hội đồng đặc biệt tại Bộ Giáo Lý đức tin để đẩy mạnh việc xét xử mau lẹ hơn những vụ kháng án về tội nặng thuộc quyền xử của Bộ này.

Vì con số cao những vụ kháng án được gửi về Bộ giáo lý đức tin và để bảo đảm cho Bộ này có thể xét xử nhanh chóng, qua phúc chiếu trong buổi tiếp kiến ĐHY Pietro Parolin ngày 3-11-2014, ĐTC quyết định thành lập tại Bộ giáo lý đức tin một Hội đồng đặc biệt gồm 7 Hồng y hoặc Giám mục, các vị này có thể là thành viên hoặc là những người ở ngoài bộ. Vị chủ tịch Hội đồng này và các thành viên do ĐTC bổ nhiệm.

ĐTC cũng đề ra một số chi tiết về cách hoạt động của Hội đồng đặc biệt này đồng thời cho biết một qui luật nội bộ của Hội đồng sẽ xác định thêm các thể thức tiến hành. Ngoài ra, ngài quyết định rằng sắc luật điều hành này được đăng trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11-11-2014, sau đó sẽ được đăng trên Công báo của Tòa Thánh (Acta Apostolicae Sedis).

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh giải thích rằng: cho đến nay, mỗi tháng một lần vào ngày thứ tư, các thành viên của Bộ giáo lý đức tin nhóm họp và cứu xét trung bình 4, hay 5 vụ kháng án. Phần lớn những vụ này liên quan đến việc lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Về những tội chống lại đức tin, thì thẩm quyền xét xử ở cấp I là GM giáo phận đối với các linh mục triều, và Bề trên cấp cao dòng đối với các tu sĩ. Nếu đương sự kháng án thì hồ sơ được Bộ giáo lý đức tin cứu xét trong khóa họp thường lệ. Từ nay Bộ có một Hội đồng đặc biệt để cứu xét các vụ kháng án. Nếu bị can là Giám Mục và là vụ đặc biệt tế nhị thì Bộ sẽ cứu xét trong khóa họp thường lệ, và trong trường hợp này các thành viên của Bộ có thể xin ĐTC đích thân cứu xét những vụ đặc biệt tế nhị.

Tự sắc ”Bảo vệ tính chất thánh thiêng của các bí tích” (Sacramentorum sanctitatis tulela) do Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo hoàng ban hành năm 2001 và được ĐGH Biển Đức 16 cập nhật năm 2010, có liệt kê một số tội nặng thuộc quyền xét xử của Bộ giáo lý đức tin về mặt hình luật, tư pháp hoặc hành chánh, ví dụ tội lấy hoặc giữ Mình Thánh Chúa để xúc phạm hoặc phạm thánh, giải tội cho người đồng phạm về điều răn thứ 6, xúi giục hoặc dụ dỗ người khác phạm điều răn này trong khi hoặc nhân dịp giải tội cho đương sự, vi phạm ấn tích bí mật tòa giải tội, giáo sĩ phạm điều răn thứ 6 với một trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, v.v.

Hồi tháng 7-2010, Bộ giáo lý đức tin đã công bố một văn kiện kỷ luật chứa đựng những qui luật mới liên quan đến những tội nặng. Bộ coi việc truyền chức LM cho phụ nữ như một ”tội chống lại đức tin” và Bộ kéo dài thời hiệu (prescription) trong những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên từ 10 lên 20 năm (sau khi nạn nhân tròn 18 tuổi). Bộ cũng coi tội dâm ô trẻ em (pornographie infantile) là một tội nặng. (SD 11-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các chủng sinh Pháp

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các chủng sinh Pháp

VATICAN. ĐTC khích lệ các chủng sinh Pháp vun trồng tình huynh đệ, đời sống cầu nguyện và chuẩn bị thi hành sứ mạng sẽ nhận lãnh.

Ngài đưa ra những lời nhắn nhủ trên đây trong sứ điệp gửi đến hàng trăm chủng sinh Pháp vừa kết thúc cuộc hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức hôm qua, 10-11. Sứ điệp của ĐTC đã được Đức Cha Georges Pontier, TGM Marseille, Chủ tịch HĐGM Pháp, tuyên đọc trong buổi canh thức cầu nguyện khai mạc cuộc hành hương chiều chúa nhật 9-11.

ĐTC khẳng định rằng tình huynh đệ giữa các môn đệ của Chúa là thành phần ơn gọi của họ. Sứ vụ linh mục không thể có tính chất cá nhân và càng không thể có đặc tính cá nhân chủ nghĩa. Vì thế, ngài mời gọi các chủng sinh hết sức hăng say tập luyện sống tình huynh đệ trong thời gian thụ huấn, đây là điều rất hữu ích sau khi chịu chức.

Tiếp đến là kinh nguyện. ĐTC nhắn nhủ các chủng sinh mỗi ngày hãy dành những lúc lâu dài cho kinh nguyện để trở thành người của thiên Chúa, có khả năng dẫn về cùng Chúa Cha những người mà linh mục được sai tới, noi gương Chúa Giêsu, đã đã lui vào nơi thinh lặng và thanh vắng để chìm đắm trong mầu nhiệm Chúa Cha. Ngài cũng mời gọi các chủng sinh đừng sợ sự khô khan bao gồm trong kinh nguyện”.

Sau cùng về sứ mạng, ĐTC nhắc nhở các chủng sinh rằng: ”Tất cả những gì các thầy làm trong thời kỳ thụ huấn đều nhắm một mục đích, đó là trở thành những môn đệ thừa sai khiêm tốn để làm cho những người khác trở thành môn đệ của Chúa”. Ngài khuyến khích các chủng sinh hãy chuẩn bị cho sứ mạng đó, bằng cách tập luyện phản xạ ra khỏi chính mình, để gặp gỡ tha nhân, học biết thế giới mà mình sẽ được sai đến, và dành ưu tiên cho những người ở xa nhất. ĐTC viết: ”Khi đến các nơi ngoại biên, ta cũng động chạm đến trung tâm, vì chính từ đó mà Đấng Phục Sinh đã đi trước các môn đệ” (SD 10-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sénégal, Mauritanie, Guinea, và Capo Verde

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sénégal, Mauritanie, Guinea, và Capo Verde

VATICAN. Sáng 10-11-2014, ĐTC đã tiếp kiến 12 GM thuộc HĐGM 4 nước ở miền Tây Phi châu là Sénégal, Mauritanie, Guinea Bissau và Quần đảo Capo Verde. Ngài khuyến khích các vị gia tăng tình hiệp thông, huấn luyện giáo dân, gần gũi các LM, đẩy mạnh việc mục vụ gia đình, đối thoại với Hồi giáo.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có ĐHY Robert Sarr, TGM giáo phận Dakar, thủ đô Sénégal.

Trong bài huấn dụ trao cho các GM, ĐTC khẳng định rằng điều quan trọng là anh em có thể biểu lộ tình hiệp thông với nhau trong sự khác biệt. Tình hiệp thông này tự nó là một chứng tá đích thực về Chúa Kitô phục sinh, trong một thế giới có quá nhiều xung đột chia rẽ các dân tộc, vì sự loan báo hòa bình chính là xác tín theo đó, sự hiệp nhất của Thánh Linh hòa hợp mọi khác biệt và vượt lên trên mọi xung đột, trong một tổng hợp mới mẻ và đầy triển vọng (Evang. gaudium, 230).

ĐTC cũng nhắc nhủ rằng ”điều thích hợp là các giáo dân được huấn luyện vững chắc về đạo lý và đời sống thiêng liêng, đó là một trợ lực trường kỳ để họ có thể làm chứng về Chúa Kitô trong những môi trường của cuộc sống, làm cho xã hội được thấm nhiễm lậu dài các nguyên tắc của Phúc Âm, đồng thời để đức tin khỏi bị gạt ra ngoài lề đời sống công cộng”.

Trong số 4 nước có các GM được ĐTC tiếp kiến, đứng đầu là Sénégal có hơn 13 triệu rưỡi dân cư, trong đó hơn 90% theo Hồi giáo, và Công Giáo chỉ có 5,3% họp thành một giáo tỉnh với 7 giáo phận. Tiếp đến là nước Mauritanie rộng hơn 1 triệu cây số vuông nhưng chỉ có 3 triệu 600 ngàn dân cư, hầu hết theo Hồi giáo, và chỉ có 4 ngàn tín hữu Công Giáo, đa số là người nước ngoài, họp thành một giáo phận.

Có hai nước nói tiếng Bồ đào nha là Guinea Bissau, rộng hơn 36 ngàn cây số vuông với hơn 1 triệu rưỡi dân cư, trong đó 12% là tín hữu Công Giáo họp thành 2 giáo phận. Sau cùng là Quần đảo Capo Verde gồm 560 ngàn dân cư, trong đó 93% là tín hữu Công Giáo, họp thành 2 giáo phận. Người Capo Verde ở nước ngoài lên tới 1 triệu 500 ngàn người.

Trong bài huấn dụ, ĐTC khuyến khích các GM Sénégal và Mauritanie giúp các giáo sĩ, ngay từ chủng viện, được huấn luyện có hệ thống hơkn để có thể phát triển tại chỗ một cuộc đối thoại xây dựng với người Hồi giáo, cuộc đối thoại này ngày càng trở nên cần thiết để sống chung hòa bình với các tín hữu Hồi giáo. (SD 10-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến Phong trào Hướng đạo Công Giáo Italia

Đức Thánh Cha tiếp kiến Phong trào Hướng đạo Công Giáo Italia

VATICAN. Sáng ngày 8-11-2014, ĐTC đã tiếp kiến 7 ngàn tráng sinh thuộc Phong trào Hướng đạo Công Giáo Italia, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập ngành này ở Italia.

Trong bài huấn dụ, ĐTC phân tích nguyên ngữ của phong trào ”Scoutisme” là ”hướng đạo” và ngài khuyến khích các thành viên phong trào này hướng đạo trong gia đình, trong thiên nhiên và trong thành thị. Ví dụ về việc hướng đạo trong thiên nhiên, ngài nói:

”Thời đại chúng ta ngày nay không thể không chú ý đến vấn đề môi sinh, là điều sinh tử đối với sự sống còn của con người, và không thể thu hẹp vấn đề này như một vấn đề hoàn toàn chính trị mà thôi. Môi sinh học có một chiều kích luân lý liên hệ tơi mọi người, vì thế không ai được phép lơ là. Trong tư cách là môn đệ Chúa Kitô, chúng có có thêm một lý do nữa để liên kết với mọi người thiện chí trong việc bảo vệ và gìn giữ thiên nhiên, môi trường. Thực vậy, thiên nhiên là một món quà Đấng Tạo Hóa đã ủy thác vào tay chúng ta. Toàn thể thiên nhiên xung quanh cũng là điều đã được Thiên Chúa dựng nên như chúng ta, cùng với chúng ta, và trong một vận mệnh chung, hướng đến việc tìm thấy nơi Thiên Chúa sự viên mãn và cùng đích.. Sống gần gũi với thiên nhiên, như anh chị em đang làm, không những bao hàm sự tôn trọng thiên nhiên, nhưng còn dấn thân cụ thể để loại trừ những phung phí của một xã hội có xu hướng gạt bỏ những vật dùng còn dùng được và có thể tặng cho người đang cần”.

Sau cùng, ĐTC khuyến khích các tráng sinh hướng đạo Công Giáo sống giữa lòng xã hội như men làm dậy bột, đóng góp chân thành cho việc thực thi công ích và vui mừng đề nghị cho tha nhân các giá trị Tin Mừng (SD 8-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thay đổi quan trọng tại Tòa Thánh

Thay đổi quan trọng tại Tòa Thánh

VATICAN. Hôm 8-11-2014, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Dominique Mamberti, ngoại trưởng Tòa Thánh, làm Tân Chủ tịch Tối Cao Pháp viện của Tòa Thánh thay thế ĐHY Raymond Burke 66 tuổi, được bổ làm người Bảo Trợ Hội hiệp sĩ Malta.

Đức TGM Mamberti người Pháp, năm nay 62 tuổi, nguyên là Sứ thần Tòa Thánh tại Sudan trước khi được ĐTC Biển Đức 16 bổ nhiệm làm ngoại trưởng cách đây 8 năm.

Ngoài ra, ĐTC bổ nhiệm Đức TGM Paul Richard Gallagher làm tân ngoại trưởng của Tòa Thánh. Đức TGM người Anh, 60 tuổi (1954) cho đến nay là Sứ thần Tòa Thánh tại Australia. Trước đó ngài làm Sứ thần Tòa Thánh tại Guatemala từ 2009 đến 2012.

Hội hiệp sĩ Malta, gọi tắt là SMOM, là một ”dòng hiệp sĩ” hiện nay chuyên hoạt động từ thiện bác ái, với 13 ngàn thành viên và 80 ngàn người thiện nguyện tại 120 nước trên thế giới và có quan hệ ngoại giao trên cấp đại sứ với hơn 104 quốc gia.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio