ĐTC cùng tín hữu lần hạt Mân Côi cầu cho các nạn nhân động đất Italia

ĐTC cùng tín hữu lần hạt Mân Côi cầu cho các nạn nhân động đất Italia

ĐTC Phanxicô chia buồn với các nạn nhân động đất tại miền trung Italia và mời tín hữu cùng ngài lần hạt Mân côi câu nguyện cho họ

ĐTC cùng tín hữu lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho các nạn nhân trận động đất tại miền trung Italia

Như quý vị đã nghe tin, lúc 3 giờ 36 phút sáng thứ tư hôm qua đã xảy ra trận động đất lớn trong vùng trung Italia. Đã có 5 lần rung từ 4 đến 6 độ Richter và 50 lần rung trên 2 độ Richter, khiến cho nhiều nhà và dinh thự bị sập tại các thành phố Amatrice và Accumoli  thuộc tỉnh Rieti, và Arquata del Tronto thuộc tình Ascoli Piceno. Cho tới nay đã có hơn 60 người chết trong đó có một số trẻ em. Nhưng người ta sợ rằng số người chết sẽ gia tăng vì độ mạnh của trận động đất giống như đã xảy ra tại tình Aquila hồi năm 2009.

Chính vì tai nạn này nên trong buổi tiếp kiến chung mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô ĐTC đã không đọc bài giáo lý chuẩn bị cho buổi tiếp kiến, nhưng ngài đã chia buồn với các nạn nhân  và mời mọi người cùng ngài lần hạt vài chục kinh sự Thương để cầu nguyện cho các nạn nhân. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói:

Tôi đã chuẩn bị bài giáo lý hôm nay, như tất cả mọi thứ tư của Năm Thánh Lòng Thương Xót, về đề tài sự gần gũi của Chúa Giêsu, nhưng trước tin động đất xảy ra trong vùng Trung Italia, tàn phá toàn vùng và để lại các người chết và bị thương, tôi không thể không bầy tỏ  nỗi đau đớn lớn lao và sự gần gũi của tôi với tất cả những người hiện diện trong các nơi bị động đất, và tất cả những người đã mất thân nhân và những người còn cảm nhận nỗi sợ hãi và kinh hoàng. Nghe ông thị trưởng Amatrice nói “Quê hương tôi không còn nữa” và biết rằng giữa các người chết cũng có các trẻ em, tôi thật xúc động biết bao.

Chính vì vậy tôi muốn bảo đảm với tất cả các anh chị em này – tại Accumoli, Amatrice trong giáo phận Rieti và Ascoli Piceno và toàn vùng Lazio, vùng Umbria và Marche, cũng như tỉnh Perugia lời cầu nguyện của tôi và nói cho họ biết chắc chắn về sự vuốt ve và vòng tay ôm của toàn thể Giáo Hội trong lúc này đây đang ước muốn ôm ấp họ với tình yêu thương hiền mẫu của mình.

ĐTC nói thêm như sau:

** Trong khi cám ơn tất cả các thiện nguyện viên và các nhân viên bảo vệ dân sự đang cứu giúp dân chúng các vùng này, tôi xin anh chị em hiệp nhất với tôi trong lời cầu nguyện để Chúa Giêsu, là Đấng luôn luôn cảm thương trước nỗi khổ đau của con người, an ủi các con tim đau đớn này, và ban cho họ niềm an bình qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ diễm phúc Maria. Chúng ta hãy cùng cảm thương họ với Chúa Giêsu. Vì vậy chúng ta hãy rời bài giáo lý của thứ tư này vào tuần tới. Và tôi mời anh chị em cùng tôi lần một phần chuỗi Mân Côi các “Mầu nhiệm Thương” cầu cho các nạn nhân

Sau khi lần mấy chục kinh cầu nguyện cho các nạn nhân trận động đất ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau tham dự buổi tiếp kiến.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp ĐTC nói: Trước ngày kính thánh Luigi tôi đặc biệt cầu nguyện cho nhân dân Pháp và các vị lãnh đạo của nó. Với đức tin chúng ta dám đến gần Chúa Giêsu, mặc dù các sợ hãi và yếu đuối của chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta hy vọng và tiếp đón chúng ta với lòng thương xót.

ĐTC cũng chào các nhóm hành hương nói tiếng Anh đến từ các nước: Ailen, Iraq, Indonesia, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngài đặc biệt chào các thành viên Uỷ ban quốc tế bên cạnh thế vận hội và các lực sĩ chuẩn bị tham dự các cuộc tranh tài thể thao thể dục sau thế vận hội tại Rio de Janeiro. Ngài cũng chào các tham dự viên đại hội toàn thể do Hội nghị quốc tế các Học viện đời tổ chức. ĐTC cầu mong Năm Thánh Lòng Thương Xót  là dịp giúp các gia đình sống ơn thánh và việc canh tân tinh thần, và xin Chúa Giêsu ban cho họ bình an và niềm vui.

Chào các nhóm nói tiếng Đức ĐTC nói chúng ta đụng chạm tới Chúa Giêsu, khi chúng ta đi ra và trợ giúp các anh ehị em túng thiếu, và khi đụng chạm tới Chúa Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta chúng ta canh tân cuộc sống của mình.

** Chào các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha ngài mời gọi mọi người đi gặp gỡ nhu cầu của tha nhân để mỗi người có thể sống kinh nghiệm cái nhìn thương xót của Thiên Chúa trong cuộc đời họ, được chữa lành trên thân xác cũng như trong tinh thần, và tái chiếm lại phẩm giá là con cái của cùng một Thiên Chúa là Cha.

Chào các tín hữu nói tiếng Bồ Đào Nha ĐTC nhắc cho mọi người biết kitô hữu được mời gọi đem niềm vui của Tin Mừng tới cho mọi người,  vì tất cả đều chia sẻ cùng phẩm giá và bởi vì tất cả đều là một với Chúa Kitô Giêsu.

Chào các tín hữu đến từ Trung Đông ngài xin Chúa chúc lành cho họ và che chở họ khỏi Kẻ Dữ.

ĐTC cũng chào các đoàn hành hương Ba Lan và Ucraina. Với các tín hữu Ucraina ngài nói trong các tuần vừa qua các quan sát viên quốc tế âu lo vì tình hình Ucraina tồi tệ hơn. Hôm nay trong khi Ucraina mừng 25 năm độc lập, tôi bảo đảm với anh chị em lời cầu nguyện của tôi cho hoà bình và tôi canh tân lời kêu gọi tất cả mọi phe liên hệ cũng như các tổ chức quốc tế  gia tăng các sáng kiến giúp giải quyết cuộc xung đột, trả tự do cho các con tin và đáp ứng tình hình cứu trợ nhân đạo cấp bách.

Trong số các nhóm tiếng Ý ĐTC chào các tham dự viên đại hội mừng 50 năm sinh hoạt của Hịêp hội thần học Italia nghiên cứu luân lý. Ngài khuyến khích hiệp hội chia sẻ bánh của lòng thương xót trong giáo huấn của môn học quan trọng này. ĐTC cũng chào các chủng sinh Verona, các tham dự viên đại hội Esperanto, và Hiệp hội “Bạn của trẻ em” vùng Mezzano di San Giuliano tình Milano.

Sau cùng chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC khích lệ các bạn trẻ học từ thánh Bartolomeo tông đồ, mà Giáo Hội mừng lễ hôm qua, sức mạnh đích thật của lòng khiêm nhường. Ngài khuyên các bệnh nhân đừng mệt mỏi xin sự trợ giúp của Chúa trong lời cầu nguyện, và ĐTC nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới thi đua yêu thương và trợ giúp nhau trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi nguời

Linh Tiến Khải

Bí tích Hoà Giải là kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa

Bí tích Hoà Giải là kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa

ĐTC Phanxicô an ủi một hối nhân khi ban bí tích Hoà Giải tại Assisi nhân Ngày Toàn Xá Porziuncola 4-8-2016

VATICAN: Tham dự các buổi cử hành phụng vụ, đặc biệt khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể và nhất là Bí tích Hoà Giải là sống kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa.

ĐTC đã khẳng định như trên trong sứ diệp do ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh ký, gửi ĐC Mario Ceccobelli, GM giáo phận Gubbio và các tham dự viên Tuần Phụng Vụ Italia lần thứ 67 đang diễn ra tại đây. Tuần phụng vụ có đề tài là “Phụng vụ như nơi của lòng Thương Xót”. Nó đặc biệt ý nghĩa khi được triệu tập trong giáo phận Gubbio trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót và kỷ niệm 1600 năm thư  ĐGH Innocenzo viết cho ĐC Decenzio, GM Gubbio, để minh giải vài vấn nạn liên quan tới việc cử hành các bí tích, trong đó có bí tích Giải Tội. “Khi chúng ta cố gắng sống biến cố phụng vụ với cái nhìn gắn chặt vào Chúa Giêsu  và gương mặt thương xót của Ngài, chúng ta có thể tiếp nhận được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh… Tình yêu này đã trở thành hữu hình và có thể sờ mó được trong toàn cuộc sống của Chúa Giêsu… Nơi Ngài tất cả đều nói về lòng thương xót. Trong ngài không có gì không phải là xót thương” (Dung nhan lòng thương xót, 8). Các lời này gợi lại trong trí chúng ta các lời ĐGH Leo Cả khẳng định trong một bài giảng lễ Chúa lên Trời. “Điều đã hữu hình và có thể sờ mó được của Chúa Cứu Thế chúng ta đã đi qua trong các bí tích” (PL 54,398). Việc tiếp cận ấy giúp nhận thức rằng toàn phụng vụ là nơi của lòng thương xót được gặp gỡ, tiếp nhận để được cho đi, là nơi trong đó mầu nhiệm cao cả của sự hoà giải được hiện diện, loan báo, cử hành và thông truyền. Các buổi cử hành các bí tích chuyên biệt  hay các buổi cử hành bí tích trình bầy ơn cao cả duy nhất của lòng thương xót Chúa theo các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.

** ĐTC viết tiếp trong sứ điệp: Tuy nhiên ơn Lòng Thương Xót chiếu sáng một cách đặc biệt rạng ngời trong bí tích Sám Hối hay Hòa Giải. Chúng ta được hoà giải để giải hoà. Lòng thương xót của Thiên Chúa Cha không thể bị khép kín trong các thái độ duy thân tình và tự an ủi, bởi vì nó chứng minh cho thấy nó quyền năng trong việc canh tân con người và khiến cho con người có khả năng cống hiến cho các người khác kinh nghiệm sống động của cùng ơn đó. Khởi hành từ ý thức được tha thứ để tha thứ cần phải là các chứng nhân của lòng thương xót trong mọi môi trường, bằng cách dấy lên ước muốn và khả năng tha thứ. Đây là một bổn phận mà tất cả chúng ta đều được mời gọi chu toàn, đặc biệt trước thù hận giam cầm quá nhiều người; họ cần tìm lại được niềm vui của sự thanh thản nội tâm và việc nếm hưởng hoà bình.

Như thế, nghi thức của Bí tích Sám Hối được nhận diện như là  kiểu diễn tả một “Giáo Hội đi ra”, như là “cửa” để vào lại sau khi xa rời, và cũng như là “ngưỡng cửa” rộng mở hướng tới các vùng ngoại biên khác nhau của một nhân loại luôn ngày càng cần sự cảm thương hơn. Thật vậy, trong nó thành toàn cuộc gặp gỡ tái tạo của Thiên Chúa, từ đó đi ra các con người mới để loan báo cuộc đời tốt lành của Tin Mừng, qua một cuộc sống đã được hoà giải và hoà giải.

ĐTC cầu mong các suy tư và cử hành của Tuần Phụng Vụ ngày càng làm chín mùi việc hiểu biết phụng vụ như suối nguồn và tột đỉnh của một cuộc sống giáo hội và cá nhân tràn đầy lòng từ bi thương xót, vì liên tục được đào tạo ở trường học của Tin Mừng. ĐTC phó thác cho sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ Maria, Mẹ Lòng Thương Xót, các công việc và các chờ mong của biến cố phụng vụ quốc gia quan trọng này (SD 22-8-2016).

Linh Tiến Khải

Toà Thánh kêu gọi loại trừ các vũ khi tàn sát hàng loạt, kể cả các vũ khi quy ước

Toà Thánh kêu gọi loại trừ các vũ khi tàn sát hàng loạt, kể cả các vũ khi quy ước

ĐTC Bernardito Auza, quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc bên New York

NEW YORK:  Toà Thánh tái kêu gọi  loại trừ các vũ khí giết người hàng loạt, kể cả các vũ khí quy ước có sức tàn phá mạnh.

ĐTGM Bernardito Auza, quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc tại New York, đã nói như trên trong bài phát biểu trong phiên họp của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về việc không gia tăng và phổ biến các vũ khí giết người hàng loạt. Trong bài phát biểu ĐTGM Auza tái nêu bật lập trường liên tục của Toà Thánh chống lại việc sản xuất và sử dụng các vũ khí tàn phá hàng loạt. Mọi hành động, mọi vũ khí nhắm tàn phá các thành thị hay các vùng rộng lớn cùng với dân cư của chúng đều chống lại mọi luật nhân bản quốc tế, và đáng bị lên án lập tức và rõ ràng không hàm hồ. Trong khi đã có các thoả hiệp và hoà ước đạt được nhằm loại trừ các vũ khí hoá học, sinh học, và phòng ngừa việc không gia tăng các vũ khí nguyên tử, thiên tài nhân loại vẫn tiếp tục chế tạo các vũ khí mới huỷ hoại chính mình. Ngoài ra, các vũ khí quy ước đang ngày càng trở thành “ít quy ước” hơn, vì các tiến bộ kỹ thuật nâng cao sức mạnh tàn phá của chúng ngang mức độ của các vũ khí tàn phá hàng loạt. Chính vì thế Toà Thánh yêu cầu các cuộc thảo luận về vũ khí tàn phá hàng loạt vượt quá các loại vũ khí truyền thống nguyên tử, hoá học, sinh học và các vũ khí xạ học và bao gồm cả các vũ khí quy ước mạnh được dùng cho các tội phạm chiến tranh và các tội phạm chống lại nhân loại. Các lực lượng quân sự, phiến quân, khủng bố, và các nhóm quá khích ngày càng sử dụng các vũ khí quy ước có sức tàn phá mạnh hơn,  và cho thấy họ ít chú ý tới sự miễn nhiễm của thường dân, sự phân biệt hay tính cách cân xứng.

Tiếp tục bài phát biểu ĐTGM Auza nói: Các tai ương nhân đạo tiếp tục diễn ra trước mắt chúng ta cho thấy các trường học, nhà thương và các cơ cấu hạ tầng dân sự khác bị nổ tung vì các vũ khí quy ước có sức tàn phá mạnh mẽ. Hàng triệu người tỵ nạn và các người di tản gửi tới hội đồng sứ điệp quan trọng này: “Chúng tôi phải trốn chạy hay chết, khi các thành phố và cộng đoàn của chúng tôi hoàn toàn bị phá hủy, không phải bởi các vũ khí nguyên tử, hoá học hay sinh học, nhưng bởi các vũ khí quy ước có sức tàn phá mạnh mẽ.” Các thảm cảnh này mời gọi cộng đồng quốc tế nghiêm chình thực thi mọi thoả hiệp hợp pháp bắt buộc, và các dụng cụ liên quan tới việc cấm gia tăng phổ biến các vũ khí giết người hàng loạt, và cấp bách duyệt xét lại viêc xếp loại và định nghĩa các vũ khí giết nguời hàng loạt là gì.

Tại đây cũng như trong các diễn đàn khác Toà Thánh đã lập đi lập lại lời kêu gọi các quốc gia sản xuất vũ khí trên thế giới nghiêm chỉnh hạn chế và kiểm soát việc chế tạo và bán vũ khi cho các quốc gia và các vùng trên thế giới, nơi thực sự đang có  việc sử dụng chúng một cách bất hợp pháp hay để cho chúng rơi vào tay các tác nhân không phải là người của chính quyền. Việc gia tăng phố biến vũ khí, bất kể là vũ khí quy ước hay vũ khí giết người hàng loạt, chỉ làm cho các tình trạng xung đột  gia tăng và gây ra các hậu quả hao hụt nhân lực và vật chất, gây thiệt hại cho sự phát triển  và tìm kiếm hoà bình lâu bền. Thât thế, việc không gia tăng phổ biến vũ khì, kiểm soát và giải trừ vũ khí làm nền tảng cho an ninh toàn cầu và phát triển có thể thực hiện được. Không có chúng việc thành toàn chương trình phát triển có thể thực hiện được cho năm 2030 sẽ gặp nguy hiểm trầm trọng.

Sau cùng ĐTGM Auza khẳng định rằng hai chuẩn mực của việc thực thi các thoả ước và hiệp định cấm gia tăng sản xuất và phổ biến các vũ khi giết người hàng loạt chỉ khích lệ việc không chú ý tới các thoả ước và hiệp dịnh ấy từ phía các người đau khổ hay bị kỳ thị. Sự kỳ thị giữa các nước có các vũ khí tàn phá hàng loạt và các nước không có các vũ khí ấy không thể là tình trạng thường hằng được. Nếu không thể nghĩ tới việc tưởng tượng ra một thế giới,  trong đó mọi người đểu có thể có các vũ khí giết người hàng loạt, thì cũng có lý khi tưởng tượng và hoạt động chung với nhau cho một thế giới, trong đó không ai có các vũ khí ấy. Vì vậy cộng đồng quốc tế cần phải đồng tâm nhất trí kêu gọi và hành động để loại trừ mọi vũ khí giết người hàng loạt. Mục đích này đòi hỏi sự cộng tác liên tục của mọi người, vì còn nhiều việc phải làm để đạt tới điều đó. Và mỗi bước tiến tới chỗ bài trừ các vũ khí giết người hàng loạt là một bước tiến khổng lồ cho việc thực hiện một thế giới tốt đẹp hơn (SD 24-8-2016)

Linh Tiến Khải

Hội nghị các HĐGM vùng Nam Phi châu về tệ nạn buôn người

Hội nghị các HĐGM vùng Nam Phi châu về tệ nạn buôn người

human-trafficking

Trong các ngày từ mùng 3 tới mùng 5 tháng 8 vừa qua các Giám Mục vùng Nam Phi châu gồm các nước Swaziland, Tanzania, Zambia, Zimbabwe và Mozambic đã nhóm đại hội tại Maputo thủ đô Mozambic, để thảo luận về tệ nạn buôn người trong vùng. Kết thúc hội nghị các Giám Mục đã đưa ra lời kêu gọi toàn xã hội hiệp lực để đánh bại tệ nạn này đang gây ra rất nhiều khổ đau cho các nạn nhân và đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình, không phải chỉ trong các nước vùng Nam Phi châu, mà trên toàn thế giới nữa, vì nạn buôn người hiện diện tại nhiều nơi dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong số các hình thức buôn người thông thường có tệ nạn buôn nhân công, buôn phụ nữ và trẻ em cho các mạng lưới mại dâm và kỹ nghệ tình dục,  buôn bán cơ phận người,  buôn người di cư tỵ nạn…

Hội nghị nói trên đã do Uỷ ban của HDGM Mozambic về di cư tỵ nạn, viết tắt là CEMIRDE và Mạng lưới Nam phi về việc buôn và lạm dụng trẻ vị thành niên, viết tắt là SANTAC, cũng như tổ chức công giáo Anh quốc phát triển hải ngoại viết tắt là CAFOD, cùng tổ chức và bảo trợ. Cùng tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan chính quyền, các tổ chức phi chính quyền và các tổ chức dân sự.

ĐC Francisco Chimoio, TGM Maputo kiêm chủ tịch HĐGM Mozambic, cho biết hội nghị là dịp thuận tiện để các tham dự viên trao đổi tư tưởng và kinh nghiệm giữa các nước trong vùng Nam Phi châu. Giáo Hội có nhiệm vụ phục vụ sự sống và bênh vực phẩm giá con người trong con người của Chúa Giêsu Kitô. ĐC Adriano Langa, chủ tịch Ủy ban đặc trách người di cư tỵ nạn của HĐGM Mozambic, nhấn mạnh việc mỗi nước và mỗi người phải góp phần mình cho cuộc chiến chung chống tệ nạn buôn người này, cũng như suy tư về các hình thức buôn người ngày nay đã trở thành một hiện tượng liên quốc. Mới đây Ủy ban này đã hướng dẫn một cuộc nghiên cứu hiện tượng buôn các cơ phận người, ăn cắp từ người di cư tỵ nạn trong vùng nam Mozambic. ĐC cho biết 16 năm nội chiến tại Mozambic đã khiến hàng trăm ngàn người phải bỏ nhà cửa ruộng vườn di cư tỵ nạn ra nước ngoài cũng như di chuyển bên trong nước. Họ trốn chạy chiến tranh tàn sát và tìm tới những nơi nào còn có an ninh.

** Ngoài việc trợ giúp vật chất và tinh thần cho các anh chị em này, cũng cần phải giúp họ tái định cư và hội nhập cuộc sống địa phương nữa. Nhưng chính hoàn cảnh di cư tỵ nạn khiến cho nhiều người trở thành nạn nhân của hiện tượng buôn ngưòi và buôn cơ phận người.

Kinh nghiệm từ nhiều nơi trên thế giới cho biết trong rất nhiều trường hợp họ bị các tổ chức buôn cơ phận người lừa đảo, chụp thuốc mê và bị đánh cắp cơ phận, thường là thận. Nhưng cũng có khi các tay buôn cơ phận người đánh cắp cả mắt và tim nữa, và trong trường hợp này thì nạn nhân bị giết. Chẳng hạn bên châu Mỹ La tinh các thừa sai đã tìm thầy nhiều trẻ em được nhận là con nuôi, nhưng bị bỏ rơi đâu đó trong vùng biên giới các nước, và khi xem xét người các em thì các vị thấy các vết mổ ở vùng thận. Các em đã bị các tay buôn cơ phận người giả vờ nhận nuôi trẻ em, rồi mang tới vùng biên giới mổ và đánh cắp một trái thận của các em.

Phát biểu trong hội nghị bà Claire Dixon, đại diện tổ chức Công Giáo Anh quốc  phát triển hải ngoại, khẳng định rẳng cần có sự cộng tác của các chính quyền và các tổ chức bên trong các quốc gia vùng Nam Phi châu mới có thể chống lại hiện tượng buôn người liên quốc này. Chúng tôi yểm trợ cuộc chiến chống lại tệ nạn này trên khắp thế giới, nhưng mỗi quốc gia liên hệ phải nỗ lực làm việc và huy động các lực lượng của mình để đương đầu với hiện tượng buôn người đang đạt các chiều kích báo động ngày càng gia tăng.

Trong thông cáo công bố sau khi kết thúc hội nghị, các Giám Mục toàn vùng Nam Phi châu khẳng định rằng Giáo Hội toàn vùng không chỉ lãnh trách nhiệm và dấn thân chống lại hiện tượng buôn người tồi bại đáng xấu hổ này, nhưng còn kêu gọị sự cộng tác của mọi lực lượng xã hội cùng góp sức trong cuộc chiến chung phục vụ sự sống và nhân phẩm.

** Đây là lần đầu tiên Liên HĐGM vùng Nam Phi châu tổ chức hội nghị để thảo luận sâu rộng trong ba ngày vể tệ nạn buôn người. Mọi người đã thảo luận tích cực và đã lắng nghe trao đổi các kinh nghiệm cũng như nhận diện các hình thức buôn người mới, tinh vi và đa diện của hiện tượng liên quốc này. ĐC Adriano Langa, chủ tịch Uỷ ban di cư tỵ nạn của HĐGM Mozambic, cho biết các tham dự viên đã rất hài lòng về kết qủa tích cực của các ngày họp.

Ông Lutero Simango, chính trị gia phát ngôn viên của Phong trào dân chủ Mozambic, là đảng phái chính trị lớn nhất Mozambic, cho biết hội nghị đã không chỉ phân tích hiện tượng buôn người trong toàn vùng Nam Phi châu, nhưng cũng đề ra một số biện pháp và kiểu giúp chống lại nó như thế nào.

Trong tình  hình nội chiến như hiện nay mà Giáo Hội Mozambic đứng ra tổ chức một hội nghị như thế quả là một nỗ lực rất to lớn.

Mozambic rộng hơn 801.000 cây số vuông, có hơn 25 triệu dân. Mozambic là cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha, và đã chỉ giành được độc lập hồi năm 1975. Những người đầu tiên sống trong vùng đất này là người San “Boscimani”. Trong các thế kỷ thứ I tới thứ IV họ bị các dân tộc gốc Bantu từ miền bắc tới lấn át. Sau đó người A rập thành lập nhiều vùng cai trị khác nhau dọc bờ biển và trên các đảo khiến cho đa số dân theo Hồi giáo. Vào cuối thế kỷ XV người Bồ Đào Nha tới Mozambic và xây cất nhiều nơi như trạm dừng chân và cung cấp thực phẩm cho các tầu thuyền thương mại của họ hướng tới vùng Đông Ấn Độ. Người Bồ Đào Nha giao việc điều hành cho các giới tư nhân thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Sau Đệ Nhị Thế Chiến trong thời giải thể chế độ thực dân có các nhóm chủ trương giành độc lập quy tụ lại với nhau thành Mặt trận giải phóng Mozambic viết tắt là FRELIMO và chiến đấu giành độc lập. Sau 10 năm chiến tranh du kích chống lại Bồ Đào Nha năm 1975 Mozambic giành được độc lập.

** Dưới sự lãnh đạo của tổng thống Samora Machel lãnh tụ FRELIMO, Mozambic liên miinh với Liên Xô và theo nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, dựa trên sự ủng hộ của các phong trào độc lập khác trong vùng như Đảng quốc đại Nam Phi. Nhưng đường lối chính trị này lôi kéo sự thù nghịch  của các nước khác như các chính quyền da trắng Nam Phi, Rhodesia và Hoa Kỳ. Các nước này đã tài trợ cho phong trào vũ trang chống cộng sản gọi tắt là RENAMO. Trong thập niên 1980 nội chiến bùng nổ khiến cho Mozambic bị kiệt quệ với các thiệt hại về nhân mạng và nền kinh tế rơi vào tình trạng xuống dốc thê thảm.

Năm 1990 qua trung gian của cộng đồng thánh Egidio hai phong trào FRELIMO và RENAMO đã ký thoả hiệp hoà bình và cho ra đời một bản Hiến pháp bảo đảm chế độ đa đảng. Trong các lần bầu cử sau đó đảng FRELIMO luôn luôn thắng cử. Sau thời chiến tranh lạnh Mozambic theo đường lối chính trị tự do, liên minh với Hoa Kỳ, Anh quốc và  Bồ Đào Nha. Năm 1995 Mozambic được làm thành viên của Khối Thịnh Vượng Chung của Anh. Trong cuộc bầu cử năm 1995 ông Joaquim Chissano đắc cử tổng thống. Năm 1996 Mozambic góp phần thành lập khối các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha. Sau khi tổng thống Chissano rút lui năm 2005, ông Armando Emilio Guebuza lên làm tổng thống và theo đuổi cùng đường lối chính trị của ông Chissano, công khai chống lại đường lối chính tri kỳ thị chủng tộc của tổng thống Mugabe bên Zimbabwe. Các người tỵ nạn da trắng trốn chạy Zimbabwe sang Mozambic được tiếp đón tử tế, có quốc tịch mới và được cấp đất đai trong vùng miền nam bỏ hoang. Với nhiều kinh nghiệm họ là lực lượng giúp vực nền kinh tế của Mozambic lên cao. Năm 2009 tổng thống Guebuza  tái đắc cử. Từ năm 2015 tân tổng thống là ông Filipe Nyusi thuộc đảng FRELIMO.

Cũng như nhiều nước Phi châu khác Mozambic bao gồm nhiều chủng tộc khác nhau. Nhóm da đen chiếm 99,5% tổng số dân gồm các chủng tộc: Shangaan, Chokwe. Manyika, Sena, Makua và nhiều nhóm khác. Đa số thuộc chủng tộc Bantu. Nhóm da trắng chiếm 0,2% đa số là người Bồ Đào Nha. Nhóm thứ ba gồm 0,2% người lai giống. Nhóm thứ tư gồm 0,1% người gốc Ấn độ.

** Trên bình diện tôn giáo 50% tổng số dân theo các tôn giáo cổ truyền phi châu; 30% là tín hữu Kitô, và 20% là tín hữu Hồi.

Ngôn ngữ chính thức là tiếng Bồ Đào Nha đưọc 40% tổng số dân sử dụng. Nhưng dân chúng cũng nói nhiều thổ ngữ, tất cả thuộc nhóm Bantu, trong đó có các thứ tiếng: Tsonga, Chope, Bitonga, XiSena, XiShona, Ndaho, CiNyungwe, EChuwabo, EMacua, EKoti, ELomwe, CiNyanja, CiYao. XiMaconde và KiMwani. Cộng đoàn Á châu thì nói tiếng Urdu và Gujarati.

Như quý vị thính giả đã biết, sau các vụ phản đối kết qủa cuộc bầu cử hồi năm 2014, Mozambic lại rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu rộng, khiến cho quân đội chính quyền đụng độ với các lực lượng của đảng RENAMO. Chiến tranh khiến cho hàng ngàn người Mozambic chạy sang Malawi lánh nạn. Nhưng nhờ cộng đồng thánh Egidio đứng ra làm trung gian hoà giải, tình hình lắng dịu qua việc thành lập một Uỷ ban hỗn hợp gồm 12 đại diện của tổng thống và 12 đại diện của đảng RENAMO.

Lực lượng RENAMO yêu cầu được cai trị trong các tình họ được dân chúng ủng hộ. Lời yêu cầu này cần thiết cho việc canh cải quyền bính địa phương và tản quyền từ trung ương. Qua trung gian của cộng đồng thánh Egidio đã có một Tiểu ban được thành lập cho mục đích này, nhằm tạo ra bầu khí tin tưởng cần thiết cho việc đạt hoà bình. Hiện nay các thành viên của cộng đồng thánh Egidio hiện diện trong mọi thành phố bên Mozambic và sát cánh với Giáo Hội địa phương trong việc giải hoà và thăng tiến đất nước.

Linh Tiến Khải

Giáo Hội Zambia mừng 125 năm lãnh nhận hạt giống Tin Mừng

Giáo Hội Zambia mừng 125 năm lãnh nhận hạt giống Tin Mừng

Kasama Archbishop

Ngày mùng 6 tháng 8 vừa qua lễ Chúa Hiển Dung, HĐGM Zambia đã phát động năm kỷ niệm 125 năm hạt giống Tin Mừng được gieo vãi vào lòng đất này. Năm kỷ niệm có đề tài là “125 năm  tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Vào tháng 8 năm 1891 các thừa sai đầu tiên đã đến truyền giáo tại Mambwe-Mwela thuộc quận Senga Hill Senga trong tổng giáo phận Kasama ngày nay. Đó đã là cứ điểm truyền giáo đầu tiên của các Cha dòng Trắng, nơi có mộ của Cha Acilles Oost người Hòa Lan, là một trong 3 linh mục dòng Trắng đã đến truyền đạo tại đây. Năm kỷ niệm sẽ kết thúc ngày 15 tháng  7 năm 2017 tại thủ đô Lusaka.

Giảng trong thánh lễ khai mạc năm kỷ niệm, ĐC Ignatius Chama, TGM Kasama, đã nêu bật các thách đố khó khăn, mà các thừa sai đã phải đương đầu khi đặt chân tới đây. ĐC nói: “Các vị tìm thấy một dân tộc âu lo sợ hãi vị bị các bộ lạc khác bắt cóc bán làm nô lệ, bao gồm cả người Swahili và người Bemba. Các vị đã tìm thấy một dân tộc có các con trai con gái bị bắt làm nô lệ, và chỉ còn lại người già và trẻ em. Các vị đã tìm thấy những người bị lên án là phù thuỷ và là nạn nhân của các lễ nghi sát tế người. Các vị đã tìm thấy các trẻ em không có trường để đi học, người bệnh không có nhà thương để săn sóc, các tình trạng người ta gả bán con gái làm vợ các người đa thê, cả khi tuổi còn bé, và các vị cũng đã chứng kiến các vụ tranh cãi giữa các bộ tộc đến độ giết hại nhau. Tuy đứng trưóc các tình trạng tiêu cực ấy nhưng các thừa sai đã không nản lòng đầu hàng. Trái lại, các vị đã hăng say rao giảng  Tin Mừng yêu thương hy vọng cho dân chúng địa phương, và giúp họ có cuộc  sống liêm chính và an hoà. Các thừa sai đã đem tin vui của sự biến hình tới cho dân chúng để họ có thể nhìn vào Thiên Chúa là Cha, Đấng nói với họ: “con là con yêu dấu của Cha, hãy bước vào cuộc sống hạnh phúc đã được chuẩn bị cho con”.

Tuy nhiên, ĐC Chama cũng ghi nhận rằng xã hội Zambia ngày nay cũng có cùng các vấn đề, mà các thừa sai đã gặp phải cách đây 125 năm. Các vết thương xã hội này vẫn còn chảy máu. Thật vậy, ĐC nói: đa số các bộ lạc của chúng ta vẫn còn có thói tục gả bán con gái trong tuổi vị thành niên. Đối với vài bộ lạc nó vẫn được coi như là phần quan trọng của nền văn hóa và phong tục tập quán quốc gia. Chúng ta vẫn còn có nạn nô lệ của tục đa thê, các tố cáo phù thuỷ và săn bắt các phù thuỷ, mà rất tiếc trong vài trường hợp nó dẫn tới việc sát hại những người vô tội. Trong xã hội Zambia ngày nay chúng ta vẫn còn có các trẻ em không được cắp sách tời trưòng, vì thiếu các trường học, hay có các trường học nhưng ở quá xa, và vì không có các cơ sở hạ tầng. Trong xã hội Zambia ngày nay phụ nữ và thiếu nữ vẫn bị bán cho mạng lưới mại dâm.

** Nhân danh HĐGM Zambia ĐTGM chủ tịch George Mpundu, ĐC Clement Mulenga, GM Kabwe, báo cho mọi người biết ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, sẽ viếng thăm Zambia trong các ngày từ mùng 7 tới mùng 10 tháng 11 năm nay, để tỏ tình liên đới và cùng mừng 125 truyền giáo với Giáo Hội Zambia. ĐHY sẽ tham dự Diễn đàn công giáo quốc gia và chủ sự thánh lễ tại nhà thờ chính toà Chúa Giêsu Hài Đồng trong thủ đô Lusaka.

Cùng đồng tế thánh lễ khai mạc Năm kỷ niệm có ĐC  Justin Mulenga, GM Mpika, và ĐC Patrick Chíanga, GM Mansa. Hiện diện trong thánh lễ cũng đã có tổng thống Zambia ông Edgar Lungu.

Zambia rộng hơn 752.000 cây số vuông có hơn 13 triệu dân, trong đó có 75,3% theo Tin Lành, 20,2% theo Công Giáo, 2,5% theo đạo thờ vật linh, 1,8% không theo tôn giáo nào và 0,5% theo Hồi giáo. Tín hữu tin lành theo nhiều hệ phái khác nhau gồm Anh giáo, Pentecotist, Giáo Hội tông truyền mới, Luther, Chứng nhân Giêhôva, Giáo Hội Adventist ngày thứ bẩy, Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô của các thánh ngày cuối cùng vv… Giáo Hội Công giáo phát triển tại mạn Tây Zambia, trong khi Anh giáo phát triển ở miền Nam. Sau khi tông thống Frederic Chiluba là tín hữu Pentecotist trở thành tổng thống năm 1991 Giáo Hội Pentecotist lan nhanh trong nước. Ngoài ra cũng có các tin hữu Bahai, và Do thái theo hệ phái Ashkenazi.

Trên bình diện chủng tộc Zambia có tới 73 sắc dân, đa số nói tiếng Bantu. 90% trên hơn 13 triệu dân thuộc 9 nhóm chủng tộc: Nyanja-Chewa, Bemba, Tonga, Tumkuba, Lunda, Luvale, Kaonde, Nkoya và Lozi. Mỗi chủng tộc sống trong một vùng đất riêng biệt. Cũng có nhiều nhóm nhỏ khác không được biết tới nhiều. Tuy nhiên, tại Lusaka và Copperbelt người ta có thể tìm thấy đủ mọi sắc dân. Người ngoại quốc đa số gốc Anh và Nam Phi sống trong thủ đô Lusaka và thành phố Copperbelt ở mạn bắc Zambia. Họ là công nhân các quặng mỏ, hay làm việc trong lãnh vực tài chánh hay các sinh hoạt liên hệ hoặc về hưu. Zambia cũng có vài cộng đoàn người Á châu bao gồm 13.000 người Ấn Độ và 80.000 người Tầu. Trong các năm sau này đã có một số các chủ nông trại người da trắng bỏ Zambia vì họ bị chính quyền truất hữu đất đai tài sản. Các tình hình chính trị bất ổn cũng khiến cho gần 90.000 người tỵ nạn, đa số đên từ Cộng hoà dân chủ Congo, Angola, Zimbabwe và Rwanda, Cũng có một số gốc   Zambia chạy trốn Nam Phi vì lý do kỳ thị.

Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Zambia đuợc dùng trong lãnh vực hành chánh thương mại, truyền thông và giáo dục. Tuy nhiên, dân chúng cũng nói các thứ thổ ngữ như: Bemba 33,5%, Nyanja 14,8%, Tonga 11,4% Lozi 5,5%, Chewa 4,5% và 30,3% tổng số dân nói các thứ tiếng khác.

** Trên bình diện lịch sử cho tới cách đây 2.000 năm Zambia là vùng có dân Khoisan chuyên sống về săn bắn và hái trái. Khi làn sóng di cư của các nhóm dân khác có kỹ thuật  tân tiến hơn tuốn đến, người Khoisan bỏ đi nơi khác. Số còn lại trộn lẫn với các sắc dân di cư. Các làn sóng di cư quan trọng nhất là của người Bantu bắt đầu từ thế kỷ XII. Tiếp theo đó tiếng Bantu thắng thế trong vùng. Trong số các nhóm Bantu những người đầu tiên tới Zambia là nhóm Tonga hay Batonga từ mạn đông Phi châu và Nkoya có lẽ thuộc các vương quốc Luba-Lunda đến từ mạn bắc. Các nhóm di cư trong hai thế kỷ XVIII-XIX cũng có nguồn gốc Luba và Lunda đến từ Congo và Angola. Ở miền nam trong thế kỷ XIX có người Ngoni.

Các nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha đã là những người đầu tiên đặt chân lên đất Zambia, nhưng không biến nó thành thuộc địa. Chỉ vào hậu bán thế kỷ XIX người Anh từ miền nam mới tới Zambia, nhưng không nhiều. Đa số họ là các nhà thám hiểm, các thừa sai và thương gia. Năm 1855 vị thừa sai thám hiểm David Livingstone là người đầu tiên viếng thăm thác Zambesi, mà ông gọi là thác Victoria. Để vinh danh ông thành phố Maramba được gọi  là Livingstone-Maramba. Năm 1888 thương gia gia người Anh Cecil Rhodes tìm cách mở rộng tầm hoạt động từ Nam Phi đã được phép của một tộc trưởng Lozi cho khai thác các quặng mỏ vùng tây Zambia, sau này gọi là Rhodesia Tây Bắc. Người Ngoni sống trong vùng dông Zambia từ chối không thoả hiệp với ông Rhodes, nên bị ông dùng quân đội đánh bại và kiểm soát vùng này, sau đó gọi là Rhodesia Đông Bắc. Năm 1911 cả hai vùng được hiệp nhất thành Rhodesia miền Bắc, Năm 1923 công ty của ông Rhodes nhượng quyền kiểm soát vùng này cho chính quyền Anh quốc, và năm sau nó trở thành vùng bảo hộ của Anh. Sau đó  Rhodesia miền Nam cũng được nhượng cho chính quyền Anh. Năm 1953 hai vùng được hiệp nhất với Nyassaland, ngày nay là Malawi, làm thành Liên bang Rhodesia và Nyassaland, mặc dù có sự chống đối của dân chúng địa phương. Các năm đầu thập niên 1960 người dân đã tổ chức các cuộc biểu tình và thành lập các đảng phái chính trị tranh đấu chống lại liên hiệp, với hai nhân vật nổi tiếng là ông Harry Mwaanga Nkumbula thuộc đảng Quốc đại, và ông Kenneth Maunda thuộc đảng Độc lập hiệp nhất quốc gia.

Trong các cuộc bỏ phiếu năm 1962 hai đảng liên minh thắng cử và quyết định giải tán Liêng bang. Năm 1964 Bắc Rhodesia độc lập và trở thành Cộng hoà Zambia. Ông Kaunda trở thành tổng thống dầu tiên của Zambia và đảng Độc lập hiệp nhất quốc gia trở thành đảng duy nhất. Chính quyền của tổng thống Kaunda khước từ chính sách kỳ thị chủng tộc, khuyến khích mọi thành phần xã hội chung xây đất nước. Nhưng chính quyền phải đương đầu với tình trạng kinh tế và chính trị khó khăn vì dân chúng không có học và thiếu các chuyên viên điều hành các cấp, nhất là trong kỹ nghệ khai thác quặng mỏ.

** Trên bình điện đối ngoại lập trường không kỳ thị chủng tộc khiến cho Zambia găp khó khăn với các nước láng giềng theo chế độ kỳ thị như Nam Rhodesia, nay là Zimbabwe, và Tây Nam Phi  nay là Namibia, do chính quyền da trắng Nam Phi cai trị. Zambia cũng từ chối ủng hộ các đảng phái da đen quá khích, và khích lệ các đảng phái ôn hoà hay bài Liên Xô. Chính các lập trường này khiến cho Zambia găp khó khăn trong tương quan thương mại với các nước khác. Vào cuối thập niên 1960 các nước Mozambic, Angola và Zimbabwe được độc lập, nhưng lại rơi vào các cuộc nội chiến, khiến cho làn sóng người tỵ nạn tràn vào Zambia. Ngoài ra, quân đội Nam Phi liên tục tấn công các phiến quân Đảng quốc đại lẩn trốn trong vùng giáp giới với Zambia. Trong khi đó giá thị trường quốc tế của đồng, là quặng mỏ chính của Zambia, lại xuống thấp khiến cho Zambia ngày càng nợ nhiều hơn.

Vào đầu thập niên 1990 chính quyền độc đảng của ông Kaunda bị khủng hoảng và ông bị truất phế. Ông Frederick Chiluba sáng lập Phong trào đa đảng và dân chủ lên nắm quyền và thẳng tay đàn áp các thành viên của chính quyền trước khiến cho ông Kaunda phải sống lưu vong bên Malawi. Luật mới cũng cấm những ai không phải là người gốc Zambia được ứng cử. Chính ông Chiluba cũng sẽ là nạn nhân của luật mình đưa ra vì ông là người gốc Zair. Chính quyền của ông Chiluba vững vàng, nhưng rất gian tham thối nát. Năm 2001 ông phải nhường chức cho ông Levy Mwanawasa. Tân tổng thống phát động chiến dịch bài tham nhũng chưa từng thấy tại Zambia. Nguyên tổng thống Chiluba cũng bị mắc vào nhiều vụ hối lộ tai tiếng và bị xử án. Vài người trong gia đình, kể cả bà vợ hai của ông, đã bị bắt vì tội gian tham hối lộ. Năm 2008 tổng thống Mwanawasa qua đời vì sức khoẻ yếu kém. Nhưng trưóc đó ông dã chuẩn bị cho phó tổng thống Rupiah Banda lên thay. Trong cuộc bầu cử năm 2011 ông Michael Sata thuộc mặt trận ái quốc thắng cử.

Trước các tình hình chìm nổi đó của quốc gia Giáo Hội Zambia đã tận lực góp phần mình vào việc xây dựng đất nước, nhất là trong các lãnh vực giáo dục, y tế và bác ái xã hội.

Linh Tiến Khải

Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 21 Thường Niên

Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 21 Thường Niên

ĐTC  Francis Vẩy tay chào những phái đoàn hành hương trong ngày 21 tháng 8- 2016

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 21.08, với các tín hữu và du khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Đức Giêsu chính là cánh cửa. Cánh cửa ấy tuy hẹp nhưng luôn rộng mở cho tất cả mọi người. Cửa hẹp giúp chúng ta loại bỏ những kiêu căng và tội lội. Cửa rộng mở để Thiên Chúa chào đón chúng ta vào một cuộc sống hạnh phúc viễn mãn trên nước trời.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

“Bài đọc Tin Mừng ngày hôm nay thôi thúc chúng ta suy tư về chủ đề ơn cứu độ. Thánh sử Luca thuật lại rằng Đức Giêsu đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem và trên con đường ấy có nhiều người tiến lại gần Ngài và hỏi rằng: ‘Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?’ (Lc 12,23). Đức Giêsu không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của người ấy mà hướng sang một mức độ khác, với một thứ ngôn ngữ mang tính mời gọi nhiều hơn là tranh cãi. Và có lẽ ngay cả các môn đệ lúc ban đầu cũng không hiểu điều Đức Giêsu nói: ‘Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.’ (c.24). Với hình ảnh cánh cửa, Đức Giêsu mong muốn những người đang nghe Ngài giảng dạy hiểu rằng đừng có bận tâm về số lượng – bao nhiêu người sẽ được cứu – điều ấy không quan trọng. Nhưng điều quan trọng là người ta nhận biết đâu mới là con đường dẫn đến ơn cứu độ.

Con đường dẫn đến ơn cứu độ mời gọi người ta bước qua cánh cửa. Nhưng cánh cửa đó ở đâu? Và ai là cửa? Đức Giêsu chính là cánh cửa. Chính Ngài đã nói như thế trong Tin Mừng theo Thánh Gioan: ‘Tôi là cửa.’ (Ga 10, 9). Đức Giêsu dẫn chúng ta vào sự thông hiệp với Chúa Cha. Chính nơi ấy chúng ta tìm thấy tình yêu, sự thấu hiểu và sự bảo vệ chở che. Nhưng người ta có thể đặt vấn đề: Tại sao cửa lại hẹp? Tại sao Đức Giêsu lại nói cửa hẹp? Cửa hẹp không phải vì cửa ấy nặng nề, khó khăn mà vì Thiên Chúa mời chúng ta thu hẹp và loại bỏ sự kiêu hãnh của chúng ta cũng như nỗi sợ hãi nhát đảm của chúng ta; để từ đó chúng ta mở lòng ra với một con tim khiêm nhường và tín thác vào Thiên Chúa; để từ đó chúng ta nhận biết mình là tội nhân, cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Như vậy, cửa hẹp chính là để chúng ta thu hẹp và loại bỏ lại tính kiêu căng, ngạo mạn của mình. Sự kiêu căng khiến chúng ta nghĩ mình to lớn, quan trọng không cần đến Thiên Chúa. Cánh cửa xót thương của Thiên Chúa thì hẹp nhưng luôn rộng mở cho hết mọi người! Thiên Chúa không phân biệt hay ưu tiên ai nhưng chào đón tất cả. Một cánh cửa hẹp giúp loại bỏ sự kiêu căng và nỗi sợ hãi của chúng ta; một cánh cửa rộng mở để Thiên Chúa chào đón tất cả mọi người không phân biệt một ai. Ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là một dòng chảy lòng thường xót chứa chan bất tận. Dòng chảy ấy phá tan mọi ngăn cách và mở ra những viễn tượng ngỡ ngàng sung sướng của ánh sáng và bình an. Anh chị em đừng quên điều này: Cửa hẹp nhưng luôn luôn rộng mở.

Hôm nay, một lần nữa, Đức Giêsu trao cho chúng ta một lời mời gọi khẩn thiết là hãy tiến đến với Ngài, hãy bước qua cửa của sự sống tròn đầy, của sự hòa giải và hạnh phúc chứa chan. Cho dù chúng ta đã trót phạm bất kỳ tội lỗi nào đi nữa, Thiên Chúa vẫn đợi chờ mỗi người chúng ta, để ôm chầm lấy chúng ta và để ban cho chúng ta ơn tha thứ. Chỉ Thiên Chúa mới có thể biến đổi tâm hồn chúng ta. Chỉ Thiên Chúa mới có thể mang lại ý nghĩa tròn đầy cho sự hiện hữu của chúng ta, trao cho chúng ta niềm vui đích thực. Bước vào cánh cửa Giêsu, cánh cửa của đức tin và của Tin Mừng, chúng ta có thể thoát khỏi những thái độ hay cung cách hành xử mang tính thế gian, thoát khỏi những thói quen xấu, thoát khỏi chủ nghĩa cá nhân và sự đóng kín cô lập. Cuộc sống của chúng ta sẽ được chiếu soi bởi ánh sáng của Chúa Thánh Linh. Đó là thứ ánh sáng chẳng hề tắt bao giờ.

Tôi muốn đề nghị với anh chị em một điều. Giờ đây, trong thinh lặng, chúng ta hãy nghĩ đến những gì bên trong con người chúng ta, đang ngăn cản chúng ta bước qua cửa. Phải chăng đó là sự kiêu căng, ngạo mạn hay tính hư danh, xem mình là quan trọng, hay là tội lỗi mà chúng ta đã phạm? Tiếp đến, chúng ta hãy nghĩ đến một cánh cửa khác, một cánh cửa luôn rộng mở của lòng thương xót Chúa. Nơi cánh cửa ấy, Thiên Chúa đang đợi chờ chúng ta và sẵn sàng trao ban cho ta ơn tha thứ của Người.

Thiên Chúa ban rất nhiều cơ hội để chúng ta được cứu chuộc và để cho chúng ta bước vào cánh cửa của sự cứu rỗi. Cánh cửa này là cơ hội mà chúng ta không được bỏ lỡ. Chúng ta phải nắm lấy những cơ hội ấy để được cứu độ, vì sẽ đến một lúc nào đó ‘chủ nhà đứng dậy và khóa cửa lại’ (c.25). Nhưng Thiên Chúa là Đấng tốt lành và hằng yêu thương chúng ta thì tại sao Ngài đóng cửa lại? Đó là vì cuộc đời chúng ta không phải là một trò chơi video có thể tua đi tua lại hay là một câu chuyện không có hồi kết. Nhưng cuộc đời chúng ta hết sức nghiêm túc và có một đích điểm quan trọng phải đạt tới. Đó là ơn cứu độ đời đời.

Hướng về Mẹ Maria, Cánh Cửa Thiên Quốc, chúng ta hãy nài xin Mẹ giúp chúng ta biết nắm bắt những cơ hội mà Thiên Chúa đã trao ban để chúng ta bước qua cánh cửa của đức tin mà tiến vào một con đường rộng rãi thênh thang. Đó là con đường của ơn cứu rỗi, đón nhận tất cả những ai đã để mình được chìm đắm trong tình yêu mến. Tình yêu có sức cứu vớt. Tình yêu trên mặt đất này là nguồn mạch phúc lành cho tất cả những ai hiền lành, kiên nhẫn và tìm kiếm công lý. Họ biết quên mình đi, sẵn sàng hiến thân cho người khác, đặc biệt là cho những ai yếu đau, nhỏ bé nhất.”

Chào mừng và mời gọi

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói: ‘Tôi hết sức đau buồn về cuộc tấn công đẫm máu ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày hôm qua. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hết thảy các nạn nhân, cho những người đã qua đời cũng như những người bị thương tích. Chúng ta nguyện xin ơn sủng của sự bình an đến với tất cả mọi người.

Tôi cũng gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác. Cách đặc biệt, tôi gởi lời chào đến các tân chủng sinh của Học viện Giáo hoàng ở Bắc Mỹ."

Đức Thánh Cha cũng chào mừng các nhóm, các tổ chức, các đoàn thể đang tề tựu nơi đây trong buổi đọc Kinh Truyền Tin này.

Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc tất cả mọi người ngày Chúa Nhật tốt lành và ngài cũng không quên xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Vũ Đức Anh Phương SJ

 

ĐTC sẽ tham dự Ngày liên tôn cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi

ĐTC sẽ tham dự Ngày liên tôn cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi

Pope at Assisis with Franciscan

VATICAN: Hôm 18-8 vừa qua Phòng báo chí Toà Thánh ra thông cáo cho biết ĐTC sẽ tham dự buổi gặp gỡ kết thúc ngày các tôn giáo và nên văn hóa cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi ngày 20 tháng 9 tới đây.

 

Ngày cầu nguyện cho hoà bình do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức năm nay có đề tài là “Khát khao hoà bình. Các tôn giáo và nền văn hoá đôi thoại”. Cộng đồng đã đứng ra tổ chức các ngày liên tôn cầu nguyện cho hoà bình này tiếp theo sau Ngày các tôn giáo cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi do thánh Gioan Phaolo II tổ chức lần đầu tiên ngày 27 tháng 10 năm 1986, Hồi đó dại hội quy tụ 50 đại diện các Giáo Hội Kitô và 60 đại diện các tôn giáo lớn toàn thế giới. Phát biêu nhân dịp này Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Ngày cầu nguyện tự nó là một lời mời gọi thế giới ý thức rằng có một chiều kích khác của hoà bình, và một cách thức khác thăng tiến hoà bình. Nó không phải chỉ là kết qủa của các cuộc thương thuyết hay các giàn xếp chính trị kinh tế. Lời cầu nguyện và chứng tá của các tín hữu thuộc bất cứ truyền thống tôn giáo nào có thể góp phần rất nhiều cho nền hoà bình trên thế giới”. Trong diễn văn kết thúc Ngày cầu nguyện Đức Gioan Phaolô II đưa ra lời khích lệ sau đây: “Hãy tiếp tục sống sứ điệp hoà bình, hãy tiếp tục sống tinh thần của Assisi” (LTK Tổng hợp 19-8-2016)

 

Linh Tiến Khải

ĐTC gửi sứ điệp cho các tham dự viên Đại hội tình bạn giữa các dân tộc tại Rimini

ĐTC gửi sứ điệp cho các tham dự viên Đại hội tình bạn giữa các dân tộc tại Rimini

Rimini Meeting 2016 logo

VATICAN: ĐTC khích lệ các tham dự viên Đại hội tình bạn giữa các dân tộc tại Rimini  chú ý tới chứng tá cá nhân sáng tạo của con người và ý thức rằng điều thu hút, chính phục và giải thoát khỏi các xiềng xích là sự hiền dịu kiên trì của tình yêu thương xót của Thiên Chúa, chứ không phải sức mạnh của các phương tiện.

ĐTC đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong sư điệp do ĐHY Pietro Parolini Quốc Vụ Khanh Toà Thành ký gửi ĐC Francesco Lambiasi, GM Rimini, nơi diễn ra đại hội tình bạn giữa các dân tộc lần thừ 37 trong các ngày từ 19 tới 25 tháng 8 này.

Trong sứ điệp ĐTC ghi nhận rằng quá nhiều khi chúng ta nhượng bộ cám dỗ khép kìn trong chân trời của các lội lộc riêng tư, khiến cho người khác trở thành thừa thãi, hay tệ hơn bị côi nhu một quấy rầy, một chướng ngại. Kinh nghiệm ngày còn bé cho chúng ta thấy vẻ đẹp của tuơng quan giữa con người với nhau, chúng ta học gặp gỡ, tôn trọng thừa nhận nhau như anh em con của cùng một Cha. Nhưng chủ nghĩa cá nhân làm chúng ta xa người khác, chỉ nhận ra các khuyêt điểm và hạn hẹp của họ, làm suy giảm uớc muốn và khả năng sống chung, trong đó mỗi người có thể tự do và hạnh phúc trong sự đồng hành của các người khác và với sự phong phủ của khác biệt. Trước các đe dọa đối với nền hoà bình và an ninh của các dân tộc và các quốc gia cần ý thức rằng không ai có thể tự cứu rỗi một mình với các sức lực riêng. Cần noi gương Chúa Giêsu luôn luôn vun trồng một tư tưởng rộng mở đối với người khác, bất kỳ họ là ai, vì không ai là hoàn toàn hư mất cả. Chúa Giêsu đã nhìn ông thu thuế Giakêu, ông trộm lành như các thụ tạo cần vòng tay ôm cứu rỗi. Cả Giuđa chính trong lục bàn nộp Ngài cũng được gọi là “bạn”. Có môt từ cần luôn luôn lập đi lập lại là từ đôi thoại. Việc rộng mở cho tha nhân khiến cho chúng ta phong phú hơn chứ không làm nghèo nàn đi, vì nó làm cho chúng tra biết sự thật về người khác, kinh nghjệm quan trọng của họ, cả khi chúng ta không chia sẻ các thái độ và các lựa chọn của họ. Tất cả các đảo lộn là một lời mời gọi nhiệm mầu tìm lại các nền tảng của sự hiệp thông giữa con người với nhau cho một bắt đầu mới.

ĐTC xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho kinh nghiệm đức tin và hiệp thông huynh đệ sâu xa này của đại hội và ban phép lành toà thánh cho mọi người tham dự

** Bà Emilia Guarnierri chu tịch tổ chức cho biết sẽ có 106 cuộc gặp gỡ, 18 cuộc triển lãm, 14 buổi hoà nhạc và văn nghệ, 22 cuộc tranh tài thể thao và 271 thuyết trình viên trình bầy về nhiều khiá cạnh khác nhau của đề tài năm nay là “Bạn là hạnh phúc của tôi “. Mục đích là giúp các tham dự viên nhìn vào giá trị của mỗi người  và đối chiếu giữa các khác biệt trong một thời điểm lịch sử khủng hoảng  và mất tin tưởng như hiện nay. Trong nhãn quan của Năm Thánh Lòng Thương Xót kết hiệp Thiên Chúa với con người Đại hội 2016 cống hiến cho các tham dự viên nhiều sinh hoạt khác nhau từ diễn thuyết, tới hội thảo bàn tròn, các chứng từ liên quan tới sự tha thứ, hội nhập, các vấn đề cấp thiết hiện nay, các cuộc triển lãm, các buổi ca vũ nhạc kịch, chiếu phim vv… Mọi người cùng nhau tự hỏi “Có thể nhìn người khác một cách mới mẻ như thế nào, chứ không chỉ khoan nhượng sự khác biệt mà thôi?” (SD 18.19-8-2016)

Linh Tiến Khải

Hai giáo dân Bangladesh nhận Thánh giá “pro Ecclesia et Pontifice”

Hai giáo dân Bangladesh nhận Thánh giá “pro Ecclesia et Pontifice”

BANGLADESH - Premiazione

Dhaka, Bangladesh – Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Bangladesh, Thánh giá “pro Ecclesia et Pontifice” (vì Giáo hội và Đức Giáo hoàng) đã được trao cho hai giáo dân, những người bằng công việc của họ đã thay đổi quê hương đất nước. Thánh giá “pro Ecclesia et Pontifice” được tặng cho các giáo dân nam nữ cũng như các giáo sĩ nổi bật về trong việc phục vụ Giáo Hội và Đức Giáo hoàng.

Buổi trao tặng Thánh giá cho tiến sĩ Benedict Alo D’Rozario và thẩm phán đã qua đời Promod Mankin diễn ra tại trụ sở Hội đồng Giám muc, với sự hiện diện 2 Tổng Giám mục, 8 Giám mục và 60 đại diện của các cộng đoàn Công giáo. Đức sứ thần Tòa Thánh tại Bangladesh đã trao hai Thánh giá này cho họ.

Tiến sĩ D’Rozario nói với hãng tin Á châu: “Sự nhìn nhận này càng soi sáng cho tôi thêm trong việc phục vụ Giáo hội và đất nước. Tôi sẽ làm tất cả để những tài năng của tôi có thể phục vụ cộng đoàn cho đến ngày cuối của tôi. Ông D’Rozario đã chọn phục vụ trong Ủy ban Công lý và Hòa bình, rồi đến Caritas của Hội đồng Giám mục, thay vì làm trong chính quyền.

Còn thẩm phán Promod Mankin, vừa qua đời vài tháng trước, là chủ tịch của các trường Công giáo và chủ tịch Caritas vùng Mymensingh trong nhiều năm. Sau đó ông được bầu làm đại biểu trong nhiều nhiêm kỳ. Ông luôn dùng vai trò của mình để giúp đỡ các nhóm thiểu số.

Đức Cha Patrick D’Rozario, chủ tịch Hội đồng Giám mục Bangladesh nhận xét: “Hai nhân vật này đã đóng góp to lớn cho Giáo hội và xã hội Bangladesh và họ đã làm cho nó tốt đẹp hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta vinh danh họ, kính trọng họ và biết ơn về những đóng góp của họ”. (Asia News 20/8/2016)

BL

Phục vụ sự sống, dụng cụ của sự hiệp thông và dấu chỉ lòng thương xót

Phục vụ sự sống, dụng cụ của sự hiệp thông và dấu chỉ lòng thương xót

ĐTC Phanxicô chào một trẻ em tàn tật trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 17-8-2016 tại đại thính đường Phaolo VI

** Khi bảo các môn đệ cho dân chúng ăn và làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi họ, Chúa Giêsu cho các môn đệ biết con đường cần đi theo: nuôi dân chúng và giữ họ hiệp nhất, nghĩa là phục vụ sự sống và sự hiệp thông. Mỗi người chúng ta phải là dụng cụ của hiệp thông trong gia đình mình, trong nơi làm việc, trong giáo xứ và các nhóm mình là thành phần, và là dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua trong đại thính dường VI.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa trình thuật Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng đi theo nghe Ngài giảng dậy. Trong trình thuật thánh sử Máttthêu cho biết Chúa Giêsu mới nhận được tin cái chết của Gioan Tẩy Giả, và cùng với một chiếc thuyền ngài qua bờ hồ bên kia để tìm một nơi thanh vắng, để ở một mình (c. 13). Tuy nhiên, dân chúng hiểu và đi bộ tới trước Ngài – Ngài đi thuyền và dân chúng đi bộ – vì thế nên khi xuống thuyền Chúa trông thấy một đám đông lớn, Ngài cảm thương họ và chữa lành các người bệnh tật (c. 14).

Chúa Giêsu đã như vậy đó: luôn luôn với lòng cảm thương, luôn luôn nghĩ tới người khác. Sự cương quyết của dân chúng sợ bị  bỏ rơi một mình, gây ấn tượng. Sau khi Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ đầy đặc  sủng qua đời, dân chúng tín thác nơi Chúa Giêsu, mà Gioan Tẩy Giả đã nói “Đấng đến sau tôi mạnh hơn tôi “ (Mt 3,11). Và như thế dân chúng theo Ngài khắp nơi để lắng nghe Ngài và đem các bệnh nhân tới cho Ngài. Và khi trông thấy điều này Chúa Giêsu cảm động. Chúa Giêsu không lạnh lùng, Ngài không có một trái tim lạnh lẽo. Chúa Giêsu có khả năng cảm động. Một đàng Ngài cảm thấy gắn bó với đám đông dân chúng không muốn Ngài ra đi; đàng khác Ngài cần ở một mình cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Biết bao lần Chúa thức đêm cầu nguyện với Cha Ngài. ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:

** Cả ngày hôm đó vị Thầy cũng tận hiến mình cho dân chúng.  Sự cảm thương của Ngài không phải là một cảm tình mơ hồ; trái lại Ngài cho thấy tất cả sức mạnh ý chí của Ngài ở gần chúng ta và cứu rỗi chúng ta. Ngài yêu chúng ta biết bao. Chúa Giêsu yêu chúng ta biết bao. Và Ngài muốn gần gũi chúng ta.

Vào buổi chiều Chúa Giêsu lo cho tất cả dân chúng mệt và đói được ăn. Chúa Giêsu cũng lo lắng cho những ai theo Ngài. Và Ngài muốn lôi cuốn các môn đệ vào việc này. Thật thế, Ngài nói với các vị: “Chính chúng con hãy cho họ ăn đi” (c.16). Và Ngài chứng minh cho các vị thấy rằng ít chiếc bánh và cá họ có, với sức mạnh của đức tin và lời cầu nguyện, có thể được chia sẻ cho tất cả dân chúng. Đó là một phép lạ mà Ngài làm, nhưng là phép lạ của đức tin, của lời cầu nguyện, lòng cảm thương và tình yêu. Như vậy Chúa Giêsu “bẻ bánh và trao cho các môn đệ và các môn đệ trao cho dân chúng” (c.19).  Ngài cầm lấy bánh, bẻ ra, trao ban và bánh vẫn còn đó: Ngài cầm lấy một lần nữa và các môn đệ cũng đã làm như thế. Chúa đáp ứng các nhu cầu của con người, nhưng muốn cho từng người tham dự vào sự cảm thương của Ngài một cách cụ thể.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Bây giờ chúng ta dừng lại trên cử chỉ chúc lành của Chúa Giêsu: Ngài “cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trởi, đọc lời chúc tụng, bẻ bánh và trao ban chúng” (c. 19). Như ta thấy, chúng cũng chính là các dấu chỉ mà Chúa Giêsu đã làm trong Bữa Ăn chiều cuối cùng; và chúng cũng chính là các dấu chỉ mà mỗi linh mục làm khi cử hành Thánh Thể. Cộng đoàn kitô nảy sinh và tái sinh một cách liên tục từ sự hiệp thông thánh thể này. ĐTC giải thích sự hiệp thông với Chúa Kitô như sau:

** Sống sự hiệp thông với Chúa Kitô như thế hoàn toàn khác với việc thụ động và lạ lùng với cuộc sống thường ngày, trái lại, nó ngày càng tháp nhập chúng ta vào trong tương quan với các con người nam nữ của thời đại chúng ta, để cống hiến cho họ dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót và sự chú ý của Chúa Kitô. Trong khi dưỡng nuôi chúng ta bằng Chúa Kitô, Thánh Thể mà chúng ta cử hành cũng biến đổi chúng ta từ từ thành mình Chúa Kitô và lương thực thiêng liêng cho các anh chị em khác. Chúa Giêsu muốn đến với tất cả, để đem tình yêu của Thiên  Chúa tới cho tất cả mọi người. Vì thế điều này khiến cho mọi tín hữu trở thành người phục vụ lòng thương xót. Như thế Chúa Giêsu trông thấy đám đông, cảm thương, nhân bánh lên nhiều và Ngài làm cùng điều đó với Thánh Thể. Và chúng ta tín hữu nhận bánh này chúng ta được Chúa Giêsu thúc đẩy đem sự phục vụ này tới cho các người khác, với cùng sự cảm thương của Chúa Giêsu. Đó là lộ trình.

Trình thuật hóa bánh và cá ra nhiều kết thúc với ghi nhận rằng tất cả mọi người đã no nê và việc thu các mảnh bánh còn thừa lại (c. 20). Khi vói lòng thương xót và tình yêu Chúa Giêsu ban ơn thánh cho chúng ta, tha các tội lỗi cho chúng ta, ôm chúng ta vào lòng, yêu thương chúng ta, Ngài không bao giờ làm một nửa: nhưng tất cả. Như xảy ra ở đây. Tất cả mọi người đều no nê. Chúa Giêsu làm tràn đầy con tim và cuộc sống chúng ta bằng tình yêu của Ngài, sự tha thứ của Ngài, lòng cảm thương của Ngài. Như thế Chúa Giêsu đã cho phép các môn đệ Ngài thi hành lệnh truyền của Ngài. Trong cách thức này các vị biết con đường phải theo: cho dân chúng ăn và giữ họ hiệp nhất; nghĩa là phục vụ sự sống và sự hiệp thông. Vì thế chúng ta hãy khẩn nài Chusa để Ngài khiến cho Giáo Hội luôn ngày càng có khả năng chu toàn việc phục vụ thánh thiện này, và để cho từng người trong chúng ta  có thể là dụng cụ của hiệp thông trong gia đình mình, trong công việ, trong giáo xứ và trong các nhóm mà mình là thành viên, là một dấu chỉ hữu hình lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng không muốn để ai trong cô đơn và trong đói khát, để cho sự hiệp thông và hoà bình xuống giữa con người, và sự hiệp thông của con người với Thiên Chúa, bởi vì sự hiệp thông này là sự sống cho tất cả mọi người.

** ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau. Trong số các nhóm nói tiếng Pháp ngài chào đoàn hành hương giáo phận Gadeloupe do ĐGM sở tại hướng dẫn, cũng như các nhóm đến từ Burkina Faso và Cộng hoà dân chủ Congo. Ngài xin Đức Mẹ hồn xác lên trời bầu cử để mỗi người trở thành dụng cụ của sự hiệp thông và dấu chỉ lòng thương xót của Chúa.

Ngài cũng chào mừng các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ Ireland, Thụy Điển, Ghana, Trung Quốc và Hoa Kỳ và cầu mong Năm Thánh là dịp giúp họ lãnh nhận ơn thánh và canh tân tinh thần.

Với các tín hữu nói tiếng Đức Ngài cầu mong mỗi ngươi trở thành dụng cụ của hiệp thông và lòng thương xót Chúa.

Chào các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ĐTC khích lệ mọi người biết liên tục dưỡng nuôi cuộc sống bằng Thánh Thể để trở thành lương thực và dụng cụ hiệp thông trong gia đình, trong nơi làm việc và mọi môi trường cuộc sống.

Trong số các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào các nữ tu dòng thánh Anna, tín hữu các giáo xứ Thánh Maria Cát Minh Manfredonia, nhóm cầu nguyện Borgomanero và Rivolta Adda.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn, ĐTC nói lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời mà chúng ta mới cử hành mời gọi chúng ta dấn thân bước đi trên thế giới này nhưng mắt luôn hướng nhìn về các kho tàng vĩnh cửu. Ngài khuyên người trẻ biết xây dựng tương lai bằng cách đặt để tiếng Chúa kêu gọi lên hàng đầu. ĐTC chúc các bệnh nhân trong những lúc khổ đau tìm đưọc ủi an nơi sự hiện diện của Mẹ Maria; và các đôi tân hôn biết phản ánh tình yêu vô biên vĩnh cửu của Thiên Chúa trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Chính thức thành lập ”Bộ” Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống

Chính thức thành lập ”Bộ” Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống

Đức Cha Kevin Joseph Farrell

VATICAN. Hôm 17-8-2016, ĐTC đã công bố Tông Thư Tự Sắc chính thức thành lập "Bộ" (Dicastero) giáo dân, gia đình và sự sống, đồng thời bổ nhiệm Đức Cha Kevin Joseph Farrell, cho đến nay là GM giáo phận Dallas, Hoa Kỳ, làm tân Tổng trưởng của "Bộ" mới.

Đức Cha Kevin Joseph Farrell sinh năm 1947 tại Dublin, Ailen, em ruột của Đức Cha Brian Farrell (sinh năm 1944) đang là Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô. Cả hai anh em đều tu dòng Đạo Binh Chúa Kitô (Legionari di Cristo). Cha Kevin Joseph theo học tại đại học Salamanca, Tây Ban Nha, rồi Gregoriana và Angelicum ở Roma, và từng đặc trách các chủng viện và trường của dòng Đạo Binh tại Italia, Tây Ban Nha và Ireland.

Năm 1984, cha rời khỏi dòng Đạo Binh và nhập tịch tổng giáo phận Washington DC, rồi làm tổng đại diện giáo phận này vào năm 2001. Cùng năm đó, ngài thăng GM Phụ tá Washington DC, phụ giúp ĐHY Theodore McCarrick. Năm 2007, ngài thăng chức làm GM chính tòa giáo phận Dallas, Texas.

Đức Cha Kevin Farrell trở thành người Mỹ duy nhất đứng đầu một cơ quan trung tương Tòa Thánh hiện nay.

Ngày 4-6 năm nay, ĐTC đã phê chuẩn qui chế của Bộ Giáo Dân, Gia Đình và sự sống, bao gồm thẩm quyền cho đến nay thuộc Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân, Gia đình. Qui chế này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9 tới đây.

Ngoài ra, cũng ngày 17-8-2016, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Vincenzo Paglia, cho đến nay là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, làm tân Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống, đồng thời làm chưởng ấn Giáo Hoàng Học Viện Gioan Phaolô 2 về hôn nhân và gia đình.

Đồng thời ĐTC bổ nhiệm Đức Ông Pierangelo Sequeri, cho đến nay là khoa trưởng phân khoa thần học bắc Italia ở Milano, làm tân Viện trưởng Học Viện Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 về Hôn nhân và gia đình. (SD 17-8-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

ĐTC mời gọi cầu nguyện cho các phụ nữ nạn nhân của các tình trạng sống khổ đau

ĐTC mời gọi cầu nguyện cho các phụ nữ nạn nhân của các tình trạng sống khổ đau

ĐTC Phanxicô ban phép lành cho tín hữu tham dự buổi đọc Kinh Truyên Tin trưa thứ hai 15-8-2016 lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời

VATICAN: ĐTC Phanxicô mời gọi mọi người nghĩ tới các phụ nữ nạn nhân của bạo lực, nô lệ của các người quyền thế, các bé gái phải làm việc vô nhân, các phụ nữ nạn nhân của tình dục, và cầu xin Chúa giải thoát họ khỏi các tình trạng nô lệ đó.

ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc kinh Truyên Tin trưa thứ hai hôm qua lễ trọng Đức Mẹ hồn xác lên trời. Quảng diễn trình thuật Tin Mừng kể lại biến cố Đức Maria vội vã băng núi đồi đi thăm bà Elisabét  ĐTC nói: trong cuộc đời Mẹ đã biết bao lần Mẹ băng qua các miền vung núi non cho tới chặng cuối cùng là núi Sọ, kết hiệp với mầu nhiệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Hôm nay chúng ta thấy Mẹ đạt tới núi của Thiên Chúa, “mình mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Chúng ta thấy Mẹ bước qua ngưỡng cửa quê hương thiên quốc.

Mẹ đã là người đầu tiên tin nơi Con Thiên  Chúa à là người đầu tiên được lên trời cả hồn lẫn xác. Mẹ đã là người đầu tiên tiếp nhận Chúa Giêsu trên tay khi Chúa còn bé và Mẹ cũng là người đầu tiên được Chúa Giêsu tiếp đón trong vòng tay và đưọc đưa vào Vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa Cha.

Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời là một mầu nhiệm cao cả liên quan tới từng người trong chúng ta và tuơng lai của chúng ta.

Kinh Magnificat của Đức Mẹ khiến cho chúng ta nghĩ tới biết bao nhiêu tình trạng sống đớn đau hiện nay, đặc biệt là các phụ nữ bị đè bẹp bởi gánh nặng cuộc sống, bởi thảm cảnh bạo lực, các phụ nữ nô lệ các người quyền thế, các be gái phải làm các công việc vô nhân, các phụ nữ bị bắt buộc đâu hàng trong thân xác và trong tinh thần trước lòng ham muốn của đàn ông. Ước chi họ mau chóng có được một cuộc sống an bình, công bằng và yêu thương và được các bàn tay không hạ nhục nhưng nâng họ dậy với lòng hiền dịu và dẫn họ đi trên con đường cho tới Trời. Mẹ Maria một bé gái, một phụ nữ đã khổ đau biết bao trong cuộc sống khiến cho chúng ta nghĩ tới các phụ nữ đau khổ này. Chúng ta hãy xin  Chúa giải thoát họ khỏi các tình trạng nô lệ qáy cầm tay dẫn họ và đem họ đi trên con đường sự sống.

Sau kinh Truyền Tin ĐTC cũng kêu gọi hoà bình cho dân chúng miền bắc Kivu bên Cộng hoà dân chủ Congo mới bị các vụ tàn sát mới, trong sự thinh lặng đáng xấu hổ và không lôi kéo sự chú ý của chúng ta. Các nạn nhân này là một phần của biết bao nhiêu người vô tội không có sức nặng trên dư luận thế giới.  Xin Mẹ Maria giúp chúng ta có được các tâm tình cảm thương, hiểu biết, ước mong và hoà hợp. ĐTC chúc mừng lễ mọi người hiện diện cũng như những người đang nghỉ hè và những người không đi nghỉ hè, cách riêng các bệnh nhân, các người trợ giúp họ (SD 15-8-2016)

Linh Tiến Khải

 

Giáo Hội cần các thừa sai đam mê nhiệt thành

Giáo Hội cần các thừa sai đam mê nhiệt thành

ĐTC Phanxicô chào tín hữu và du khách hanh hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 14-8-2016

Giáo Hội không cần các chuyên viên bàn giấy rườm rà và các công chức mẫn cán, nhưng cần các thừa sai đam mê, bị dầy vò bởi lòng hăng say đem tới cho tất cả mọi người lời ủi an của Chúa Giêsu và ơn thánh của Ngài.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua. Mở đầu bài huấn dụ sau khi chào mọi người, ĐTC nói: Tin Mừng Chúa Nhật này (Lc 12,49-53) thuộc phần giáo huấn Chúa Giêsu nói vói các môn đệ trên đường lên Giêrusalem, nơi cái chết thập giá chờ đợi Ngài. Để chỉ cho thấy mục đích sứ mệnh của Ngài Chúa dùng ba hình ảnh: lửa, phép rửa và sự chia rẽ. Hôm nay tôi muốn đề cập tới hình ảnh thứ nhất là hình ảnh của lửa.

Chúa Giêsu diễn tả nó với các lời này: “Thầy đã tới ném lửa trên trái đất, và Thầy ước ao nó bùng cháy lên chừng nào!” (c. 49). ĐTC giải thích ý nghĩa lửa như sau:

Lửa mà Chúa Giêsu nói tới là lửa của Chúa Thánh Thần, là sự hiện diện sinh động và hoạt động trong chúng ta từ ngày chúng ta được rửa tội. Nó là một sức mạnh sáng tạo thanh tẩy và canh tân thiêu đốt mọi bần cùng của con người, mọi ích kỷ, moi tội lỗi, biến đổi chúng ta từ bên trong, tái sinh chúng ta, và khiến cho chúng ta có khả năng yêu mến. Chúa Giêsu ước mong rằng Chúa Thánh Thần thiêu đốt như lửa trong con tim chúng ta, bởi vì chỉ khi khởi hành từ con tim việc đốt cháy của tình yêu Thiên Chúa mới có thể phát triển và khiến cho Nước Thiên Chúa tiến triển. Nó không khởi hành từ cái đầu, nhưng khởi hành từ con tim. Chính vì thế Chúa Giêsu muốn rằng lửa đi vào trong tim chúng ta.

Nếu chúng ta hoàn toàn rộng mở cho hoạt động của lửa này là Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ ban cho chúng ta sự liều lĩnh và lòng hăng say loan báo cho tất cả mọi người Chúa Giêsu và sứ điệp ủi an của lòng thương xót và ơn cứu độ của Ngài, bằng cách hải hành giữa biển rộng, không sợ hãi. Nhưng lửa bắt đầu trong trái tim.

Trong việc hoàn thành sứ mệnh của mình trong thế giới Giáo Hội – nghiã là tất cả chúng ta Giáo Hội –  cần sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để không để cho mình bị kìm hãm lại vì sợ hãi hay tính toán, để đừng quen với việc bước đi trong các biên giới an ninh. Hai thái độ này đem Giáo Hội tới chỗ là một Giáo Hội hoạt động hữu hiệu, không bao giờ liều lĩnh. Trái lại,  lòng can đảm tông đồ là Chúa Thánh Thần thắp lên trong chúng ta như một ngọn lửa giúp chúng ta thắng vượt các bức tường và các hàng rào, khiến  cho chúng ta có óc sáng tạo và thúc giục chúng ta bước đi, cả trên những con đường đã không được khám phá và không thoải mái, bằng cách cống hiến hy vọng cho những người chúng ta gặp gỡ. Với lửa này của Chúa Thánh thần, chúng ta được mời gọi ngày càng luôn trở thành cộng đoàn của những người được hướng dẫn và biến đổi, tràn đầy sự cảm thông, những con người có con tim nở rộng và gương mặt tuơi vui. ĐTC nhấn mạnh như sau:

Hơn bao giờ hết ngày nay cần có các linh mục, những người thánh hiến và tín hữu giáo dân, với cái nhỉn chú ý của người tông đồ, để cảm thương và dừng lại trước các khó khăn và nghèo nàn vật chất và tinh thần, và như thế trao ban tính cách cho con đường loan báo Tin Mừng và sứ mệnh với tiết nhịp chữa lành của sự gần gũi.

Có lửa của Chúa Thánh Thần đưa chúng ta tới chỗ sống gần gũi các người khác: những người đau khổ, những người cần được giúp đỡ, biết bao nhiêu bần cùng nhân loại, biết bao nhiêu vấn đề, những người tỵ nạn, di cư, những người đau khổ. Lửa đến từ trái tim. Lửa.

Trong lúc này đây với sự cảm phục tôi cũng nghĩ tới nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân trên toàn thế giới tận hiến cho việc loan báo Tin Mừng với tình yêu thương và lòng trung thành lớn lao, và đôi khi với cả mạng sống nữa. Chứng tá gương mẫu của các vị nhắc cho chúng ta biết rằng Giáo Hội không cần các chuyên viên bàn giấy rườm rà và các công chức mẫn cán, nhưng cần các thừa sai đam mê, bị dầy vò bởi lòng hăng say đem tới cho tất cả mọi người lời ủi an của Chúa Giêsu và ơn thánh của Ngài. Đó là lửa của Chúa Thánh Thần. Nếu Giáo Hội không nhận được lửa này hay không để cho nó vào trong chính mình, thì trở thành một Giáo Hội lạnh lẽo hay chỉ hâm hẩm, không có khả năng trao ban sự sống. Hôm nay thật là tốt nếu chúng ta để ra năm phút để tự hỏi: “Trái tim tôi ra sao? Nó lạnh lẽo? Nó hâm hẩm? Nó có khả năng nhận lửa này không?” Chúng ta hãy dành ra năm phút cho việc này. Nó sẽ tốt cho chúng ta tất cả.

Và chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria cầu xin Thiên  Chúa Cha trên trời với chúng ta và cho chúng ta, để Ngài đổ đầy trên tất cả mọi tín hữu Chúa Thánh Thần, là lửa của Thiên Chúa, là Đấng suởi ấm con tim và giúp chúng ta liên đới với các niềm vui và khổ đau của các anh chị em của chúng ta. Xin thánh Massimiliano Kolbe, tử đạo vì yêu thương, mà chúng ta mừng lễ hôm nay, nâng đỡ chúng ta trên con đường cuộc sống: xin ngài dậy cho chúng ta sống bằng ngọn lửa tình yêu đối với Thiên  Chúa và đối với người thân cận.

Tiếp đến ĐTC đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chào tín hữu và du khách hành hương, đặc biệt các hướng đạo sinh đến từ Paris, các bạn trẻ hành hương đi bộ hay đi xe đạp về Roma từ các tỉnh Bisucchio, Treviso, Solarolo, Macherio, Sovico, Val Alta de Bergamo và các chủng sinh Tiểu chủng viện Bergamo. ĐTC đã lập lại đề tài của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Cracovia “Phúc cho ai có lòng thương xót, vì sẽ được xót thương” và nói: Các bạn hãy cố gắng luôn luôn tha thứ, và hãy có một con tim biết cảm thương. ĐTC chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tốt lành và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải

Giải thưởng “Phụ nữ Công giáo của năm” ở Anh

Giải thưởng “Phụ nữ Công giáo của năm” ở Anh

Giải thưởng thường niên vinh danh các phụ nữ có đóng góp nổi bật cho Giáo Hội Anh quốc sẽ được trao cho một nữ tu, một bà mẹ, một giảng viên Kế hoạch Gia đình Tự nhiên, một giảng viên đào tạo các Giáo lý viên, vào buổi tiệc trưa ngày thứ sáu, 28 tháng 10 tới đây, tại Luân đôn.

Olive Dudy

Người trẻ nhất trong các người được giải thưởng là Catherine MacMillan, một nhà văn, phát ngôn viên và nhạc sĩ; cô là con của nhà soạn nhạc Sir James MacMillan. Cô bất ngờ mang thai lúc 18 tuổi và đã chống lại áp lực phá thai từ các bác sĩ. Con gái Sara của cô sinh ra bị khuyết tật nặng và qua đời lúc lên 5. Catherine đã thuyết trình và viết về Sara, nói về nỗi đau mất con là “đáng giá khi đã có gần sáu năm của niềm vui, tình yêu, nỗi đau khổ và niềm tự hào vô cùng… Những gì chúng ta có là sự thay thế cho tội lỗi và nỗi đau bị gây áp lực để kết thúc một cái gì đó không phải là sự lựa chọn của chúng ta”.

3 người còn lại là tiến sĩ Olive Duddy, Giám đốc của Hiệp hội giảng viên Kế hoạch Gia đình Tự nhiên; Caroline Farey, một giảng viên đào tạo các Giáo lý viên, hiện đang tổ chức tại trường Đức Mẹ lên trời ở đan viện Buckfast; và nữ tu Jane Louis, nguyên một nữ tu Anh giáo, hiện đang phụ trách cộng đoàn các nữ tu Đức bà Hòa giải ở Walsingham.

sr-jane-louise-catholic-woman-of-the-year-2016

Nữ tu Jane chia sẻ với báo Catholic Herald: “Tôi phải nói là tôi rất ngạc nhiên về điều này; có nhiều phụ nữ xứng đáng nhận giải thưởng này. Tuy nhiên tôi nhân giải thưởng nhân danh 2 nữ tu khác, những người đã đi cùng hành trình như tôi, đó là nữ tu Wendy Renate – đã qua đời ngày 23/3/2016 – và nữ tu Carolyne Preston. Tôi vui mừng vì hành trình của chúng tôi đã được nhận biết và nó tiếp tục trong những cách thế mà chúng tôi không thể đoán trước, nhưng đó chính là con đường mà có Chúa. Người gìn giữ chúng tôi trên những ngón chân của chúng tôi, hay tôi nên nói trên đầu gối chúng tôi. Cám ơn rât nhiều những ai đã quan tâm”.

Hiệp hội giảng viên Kế hoạch Gia đình Tự nhiên do tiến sĩ Duddy làm chủ tịch đi tiên phong trong phương pháp Symptothermal, giúp cho các cặp vợ chồng có thể thụ thai 30% và tránh thai 99,96%, tốt hơn bất kỳ phương pháp điều tiết khác. Tiến sĩ Duddy cũng dạy phương pháp này ở Kyrgyzstan, nơi nó đã được phát triển thành một chương trình học được sử dụng rộng rãi và phát triển một chương trình học trực tuyến 12. Từ khi nghỉ hưu bà phụ trách những lớp chuẩn bị hôn nhân.

Còn tiến sĩ Farey, hiện là Giám học của trường Đức Mẹ lên trời ở đan viện Buckfast và phụ trách huấn luyện giảng viên. Bà đã viết và dạy nhiều năm, đặc biệt về thánh Tôma, nghệ thuật thánh và giáo lý. Bà cũng là một trong ba nữ giáo dân chuyên viên tại Thượng hội đồng Giám mục về Loan báo Tin Mừng năm 2012.

Buổi tiệc trưa “Phụ nữ Công giáo của năm” được bắt đầu từ năm 1969 để vinh danh các phụ nữ đã phục vụ Giáo hội và tạo một diễn đàn thào luận. Dịp này cũng quyên góp tiền cho việc bác ái. Các vị tổ chức chia sẻ: “Dịp này là cơ hội để vinh danh các phụ nữ đã đóng góp nôti bật cho Giáo Hội Công giáo ở Anh. Trong các Giáo phận của chúng tôi, nhiều phụ nữ đang hoạt động đàng sau để dạy giáo lý, loan bào Tin Mừng và nuôi dưỡng đức tin của những người trong giáo xứ của họ. Cũng có những phụ nữ ở địa vị cao, họ hoạt động như các đại diện của Giáo hội trong một môi trường thế tục hơn bao giờ hết”. (Catholic Herald 12/8/2016)

Hồng Thủy Op

Cửa Năm Thánh dẫn vào kho tàng vô tận lòng thương xót của Thiên Chúa

Cửa Năm Thánh dẫn vào kho tàng vô tận lòng thương xót của Thiên Chúa

ĐTC Phanxicô chào một nhóm tĩn hữu Phi châu trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 9-8-2016

Trên Cửa Năm Thánh có khắc ghi kho tàng vô tận của lòng thương xót Chúa đối với từng người. Đó là Cửa cuộc gặp gỡ giữa nỗi khổ đau của nhân loại với sự cảm thương của Thiên Chúa. Khi bước qua ngưỡng cửa ấy là chúng ta thực hiện cuộc hành hương trong lòng thương xót của Thiên Chúa là Đấng nói với chúng ta tất cả: “Ta nói với con, hãy chỗi dậy”, như đã nói với chàng thanh niên con bà goá thành Nain.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần trong đại thính đường Phaolô VI. Vì số chỗ có hạn nên hàng ngàn người khác đã phải đứng ngoài quảng trường thánh Phêrô theo dõi buổi tiếp kiến trên màn truyền hình.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa phép lạ vĩ đại Chúa Giêsu làm khi cho chàng thanh niên con một bà goá thành Nain sống lại, như thánh sử Luca kể trong chương 7. Ngài nói:

Tuy nhiên, trọng tâm của trình thuật này không phải là phép lạ, mà là sự hiền dịu của Chúa Giêsu đối với bà mẹ của chàng thanh niên ấy. Lòng thương xót ở đây có tên gọi là sự cảm thương lớn đối với một phụ nữ đã mất chồng giờ đây đang tiễn người con trai duy nhất ra nghĩa trang. Chính nỗi khổ đau lớn lao này của một bà mẹ khiến cho Chúa Giêsu cảm thương và khiêu khích Ngài làm phép lạ cho anh ta sống lại.

Trong phần dẫn nhập vào câu chuyện thánh sử Luca dừng lại trên nhiều chi tiết. Ở cửa thành Nain có hai nhóm đông người đến từ hai hướng đối nghịch nhau, không có gì chung với nhau. Chúa Giêsu có các môn đệ và đám đông đi theo đang đi vào,  trong khi đoàn đám táng đi theo một người chết với bà mẹ và đông người đi ra. Gần cửa thành hai nhóm chỉ phớt ngang qua nhau, mỗi nhóm theo con đường của mình, nhưng chính lúc đó thánh Luca ghi nhận tâm tình của Chúa Giêsu: “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: "Bà đừng khóc nữa! " Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại.” Sự cảm thương lớn lao hướng dẫn các hành động của Chúa Giêsu: chính Ngài dừng đám táng lại, bằng cách sờ vào quan tài và bị thúc đẩy bởi lòng thương xót sâu xa đối với bà mẹ, Ngài quyết định đối đầu với cái chết, mặt giáp mặt. Và Ngài sẽ đương dầu với nó, mặt giáp mặt trên thập giá.

** Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Trong Năm Thánh này thật là điều tốt, khi bước qua Cửa Thánh, Cửa của Lòng Thương Xót, các tín hữu hành hương nhớ tới giai thoại này của Phúc Âm, đã xảy ra tại cửa thành Nain. Khi Chúa Giêsu trông thấy bà mẹ đang khóc ấy, bà đã đi vào con tim của Ngài! Ở Cửa Thánh mỗi người trong chúng ta đến đem theo cuộc sống của mình với các niềm vui và khổ đau, các đự định  và thất bại, các nghi ngờ và sợ hãi để dâng lên lòng thương xót của Chúa. Chúng ta chắc chằn rằng bên cạnh Cửa Thánh Chúa đến gần gặp gỡ từng người trong  chúng ta để đem tới và cống hiến cho chúng ta lời an ủi quyền năng của Ngài: “Đừng khóc nữa!” (c. 13). Đó là Cửa của cuộc gặp gỡ giữa nổi khổ đau của nhân loại và sự cảm thương của Thiên Chúa. Và chúng ta hãy nghĩ tới điều này: một cuộc gặp gỡ giữa nỗi khổ đau của nhân loại và sự cảm thương của Thiên Chúa.

Khi bước qua ngưỡng Cửa Thánh chúng ta thực thi cuộc hành hương bên trong lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng lập lại với tất cả mọi người, như Ngài đã nói với chàng thanh niên đã chết: “Ta bảo con, hãy chỗi dậy!” (c. 14). Với từng người trong chúng ta Chúa nói: “Hãy chỗi dậy!” Thiên Chúa muốn chúng ta đứng lên. Ngài đã tạo dựng nên chúng ta để chúng ta đứng: vì thế sự cảm thương của Chúa Giêsu đưa tới cử chì chữa lành này, chữa lành chúng ta. Và từ chìa khóa là “Hãy chỗi dậy! Hãy đứng lên, như Thiên Chúa đã tạo dựng con!” Đứng lên. “Nhưng mà thưa cha chúng con ngã biết bao lần” “Tiến lên, đứng dậy!” Đó luôn luôn là lời của Chúa Giêsu. Khi bước qua ngưỡng Cửa Năm Thánh chúng tay hãy tìm cảm thấy trong tim chúng ta lời này: “Hãy chỗi dậy!”

ĐTC khẳng định như sau:

Lời quyền năng của Chúa Giêsu có thể làm cho chúng ta đứng dậy và cũng thực hiện nơi chúng ta sự vượt qua từ cái chết sang sự sống. Lời của Ngài làm cho chúng ta sống lại, trao ban hy vọng, giải khát con tim mệt mỏi của chúng ta, mở ra một quan điểm về thế giới và cuộc sống, vượt xa hơn khổ đau và cái chết. Trên Cửa Thánh có khắc ghi kho tàng vô tận lòng thương xót của Thiên Chúa đối với từng người.

Được lời Chúa đụng tới “người chết chỗi dậy và bắt đầu nói. Và Ngài trả chàng lại cho bà mẹ” (v. 15). Câu này thật là đẹp: nó chỉ cho thấy sự dịu hiền của Chúa Giêsu: “Ngài trao trả anh cho bà mẹ”. Bà mẹ tìm lại được đứa con. Khi nhận anh ta lại từ tay Chúa Giêsu, bà trở thành mẹ lần thứ hai. Nhưng người con mà giờ đây được trao trả lại cho bà đã  không nhận được sự sống từ bà. Mẹ và con như thế nhận được căn tính riêng nhờ lời quyền năng của Chúa Giêsu và cử chỉ yêu thương của Ngài. Như thế, đặc biệt trong Năm Thánh, Mẹ Giáo Hội tiếp nhận các con cái mình, bằng cách nhận ra nơi chúng sự sống đã được ơn thánh Chúa trao ban. Chính trong sức mạnh của ơn thánh đó, ơn thành của bí tích Rửa Tội mà Giáo Hội trở thành mẹ, và từng người trong chúng ta trở thành con của Giáo Hội.

Trước chàng thanh niên đã sống lại và được trao trả cho bà me, mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa và nói rằng: “Một ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta” và “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Điều Chúa Giêsu đã làm không chỉ là một hành động cứu độ dành cho bà goá và con của bà, hay một cử chỉ của lòng tốt hạn chế trong thành đó. Trong sự trợ giúp xót thuơng của Chúa Giêsu Thiên Chúa đến gặp gỡ dân Ngài. Nơi Ngài tất cả ơn thánh của Thiên Chúa xuất hiện và sẽ tiếp tục xuất hiện cho nhân loại. Khi cử hành Năm Thánh này tôi đã muốn nó được sống trong tất cả các Giáo Hội địa phương,  nghĩa là trong toàn Giáo Hội trên thế giới, chứ không phải chỉ ở Roma mà thôi. Nó như là toàn thể Giáo Hội rải rác trên thế giới hiệp nhất trong tiếng ca duy nhât chúc tụng Chúa.  Cả ngày nay nữa Giáo Hội thừa nhận đã được Thiên Chúa viếng thăm. Vì vậy, khi chúng ta tiến tới gần Cửa Thánh Lòng Thương Xót, mỗi người biết mình tiến tới cửa con tim thương xót của Chúa Giêsu: thật thế, chính Ngài là Cửa thật dẫn tới ơn cứu độ và trao trả lại cho chúng ta sự sống mới. Lòng thương xót, nơi Chúa Giêsu cũng như nơi chúng ta, là một lộ trình khởi hành tử con tim để đi tới đôi tay… Điều này có nghĩa là gì? Chúa Giêsu nhìn bạn, chữa lành bạn với lòng thương xót của Ngài, Ngài nói với bạn: “Hãy chỗi dậy!” và con tim của bạn được nên mới mẻ. Nhưng điều này của lộ trình từ con tim tới đôi tay… Vâng, và tôi làm gì bây giờ? Với con tim mới, với con tim được Chúa Giêsu chữa lành, tôi làm các việc của lòng thương xót với đôi tay, và tìm trợ giúp, săn sóc biết bao người cần được trợ giúp và săn sóc. Lòng thương xót là một lộ trình khởi hành từ con tim để tới đôi tay, nghĩa là tới các công việc của lòng thương xót.  

 ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau. Bằng tiếng Pháp ngài đặc biệt chào đoàn hành hương đến tử đảo Maurice. Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ các nước  Anh, đảo Malta, Indonesia và Hoa Kỳ. Khi đến gần Cửa Thánh là chúng ta đến gần lòng thương xót của Chúa Giêsu với lòng trông cậy. Ngài cảm thương từng người trong chúng ta, và canh tân con tim của chúng ta.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ĐTC nói lòng thương xót nơi mỗi người phải khởi hành từ con tim để tới đôi tay và trở thành các công việc của lòng thương xót.

Trong số các nhóm hành hương Italia ngài chào các thành viên hiệp hội Thánh Tâm, các nữ tu Vô nhiễm và các nữ tỳ Thánh Tâm đang họp tổng tu nghị. Ngài khuyên các chị luôn trung thành với đặc sủng của các vị sáng lập và làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. ĐTC cũng chào giới trẻ thành viên của tổ chức Giorgio La Pira Firenze, đến từ nhiều nước trên thế giới và khích lệ họ thăng tiến nền văn hoá gặp gỡ, nhìn nhận sự hiện diện của Chúa đặc biệt nơi người nghèo và những người cần được trợ giúp.

Chào giới trẻ, các anh chị em đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc tới thánh Đa Minh, sáng lập dòng Anh em Thuyết giáo,  mà Giáo Hội kính nhớ hôm thứ hai vừa qua, nhân kỷ niệm 800 năm thành lập. Ngài mong lời soi sáng của thánh nhân thúc đầy giới trẻ biết lắng nghe và sống các giáo huấn của Chúa Giêsu; sức mạnh nội tâm của thánh nhân nâng đỡ các người đau yếu trong những lúc khổ đau; và sự tận tụy tông đồ của ngài nhắc nhở các đôi tân hôn chú ý tới tầm quan trọng của việc giáo dục trong gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha lên án vụ khủng bố tại nhà thương ở Pakistan

Đức Thánh Cha lên án vụ khủng bố tại nhà thương ở Pakistan

Đức Thánh Cha lên án vụ khủng bố tại nhà thương ở Pakistan

LAHORE. ĐTC mạnh mẽ lên án vụ khủng bố tự sát dã man tại nhà thương Quetta làm cho ít nhất 70 người chết và hơn 120 người bị thương.

Hôm 8-8-2016, vụ khủng bố tự sát xảy ra tại cổng vào khu cấp cứu của nhà thương khi thi hài ông Bilal Anwar Kasi, Chủ tịch luật sư đoàn tỉnh Balochistan được đưa tới đây sau khi ông bị 2 người lạ mặt võ trang bắn trên đường tới tòa án. Trong số các nạn nhân vụ khủng bố có nhiều luật gia và ký giả.

Trong sứ điệp công bố hôm 9-8-2016, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết ĐTC rất đau buồn khi hay tin bao nhiêu người bị thiệt mạng sau vụ tấn công tại một nhà thương ở Quetta. Ngài chân thành gửi lời chia buồn với thân nhân những người quá cố, với chính quyền và toàn thể quốc gia, đồng thời ngài cầu nguyện cho nhiều bị thương nạn nhân của hành vi bạo lực vô nghĩa và tàn ác này. ĐTC cầu xin Chúa ban ơn an ủi và can đảm cho những người đang khóc thương và những người bị tổn thương vì thảm trạng này”.

Mặt khác Giáo Hội Công Giáo tại Pakistan lên án vụ khủng bố đẫm máu này. Ủy ban Công lý và hòa bình thuộc HĐGM Pakistan ra thông cáo nói rằng: ”Giết người vô tội là một hành vi vô nhân đạo và hoàn toàn không thể chấp nhận được.. Ủy ban và Giáo Hội Công Giáo cương quyết đứng cạnh nhân dân tỉnh Balochistan trong giờ này, đồng thời kêu gọi chính phủ đưa những kẻ phạm tội ác đáng kinh tởm này ra trước công lý”.

Thông cáo trên đây mang chữ ký của Đức Cha Joseph Arshad, GM giáo phận Faisalabad, Chủ tịch Ủy ban Công lý và hòa bình Pakistan. Ủy ban hiệp ý cầu nguyẠen cho hòa bình và chia buồn với các gia đình nạn nhân.

Tỉnh Balochistan đã phải chịu hơn 1,400 hành vi bạo lực và giết người trong hơn 15 năm qua, và kêu gọi chính quyền cải tiến các biện pháp an ninh.

Trong khi thủ tướng Nawaz Sharif bày tỏ đau buồn và lo âu về vụ khủng bố này, các luật sư và ký giả đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối tại nhiều thành phố ở Pakistan. (CNS 8, SD 9-8-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Lễ truyền chức Linh mục tại trại tị nạn Erbil

Lễ truyền chức Linh mục tại trại tỵ nạn Erbil

1 trại tị nạn ở Erbil

Erbil, Iraq – Ngày 5/8 vừa qua, tại trại tỵ nạn Erbil đã diễn ra Thánh lễ truyền chức Linh mục cho 3 thầy người Iraq.

Cha Roni Salim Momika, một trong 3 tân chức chia sẻ là sự kiện này đã biến thái độ sợ hãi của các Kitô hữu phải di tản thành niềm vui và cha hy vọng nó sẽ mang lại cho họ sức mạnh để ở lại quê hương mình.

Trại Aishty 2 ở Erbil là nơi tiếp đón khoảng 5500 người Iraq buộc phải di tản vì Nhà nước Hồi giáo. Ba tân chức được truyền chức cho Giáo Hội Công giáo Syria, trong một nhà thờ rộng, với sức chứa khoảng 800 người, nhưng đã có 1500 người đến tham dự Thánh lễ truyền chức.

Khi chủng viện ở Qaraqosh đóng cửa sau vụ tấn công vào năm 2014, các chủng sinh được gửi đến chủng viện Al-Sharfa ở Harissa, Li băng. Sau khi hoàn thành chương trinh, các chủng sinh trở về Iraq và được truyền chức phó tế ngày 19/3

Ngày 6/8 cũng là ngày kỷ niệm 2 năm quân đội Nhà nước Hồi giáo tấn công vào Qaraqosh, thành phố quê hương của cha Momika; họ đuổi khỏi thành phố những người không chịu cải sang Hồi giáo, phải đóng thuế hoặc đối mặt với cái chết. Kỷ niệm 2 năm là một nhắc nhớ cho sự tăm tối và tình trạng bất ổn ở Iraq, nhưng việc thụ phong Linh mục đã đem lại niềm vui và hy vọng.

Vào năm 2010, cha Momika đã bị thương trong một vụ đánh bom xe buýt chuyên chở các sinh viên Công giáo từ bình nguyên Ninivê đến trường đại học Mosul, nơi họ theo học.

Cho đến nay, cha Mimoka sinh hoạt với giới trẻ và hướng dẫn nhóm phụ nữ ở trại tị nạn Erbil. Cha cho biết cha muốn ở bên những người tỵ nạn dù cho nguy hiểm đến mạng sống. Cha muốn mang lại cho các Kitô hữu sức mạnh, hy vọng và can đản để tiếp tục cuộc sống của họ và ở lại với người nghèo và người đau khổ; đối với cha, yếu tính của vai trò và ơn gọi của cha là “mang Chúa Kitô đến cho con người”. (CNA 8/8/2016)

Hồng Thủy Op

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa nhật 7-8-2016

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa nhật 7-8-2016

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Chúa nhật 7-8-2016

VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu sống tỉnh thức, hướng về đời sống vĩnh cửu trong sự chuyên cần làm việc thiện. Ngài cũng báo động và liên đới với thảm cảnh của bao nhiêu thường dân nạn nhân chiến tranh ở thành Aleppo bên Syria.

Đó là nội dung bài huấn dụ ngắn của Ngài trong buổi đọc kinh Tuyền Tin trưa chúa nhật 7-8-2016 với hàng chục ngàn tín hữu tu tập tại Quảng trường Thánh Phêrô. ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng chúa nhật thứ 18 thường niên năm C.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Trong trang Tin Mừng hôm nay (Lc 12,32-48), Chúa Giêsu nói với các môn đệ về thái độ phải có trước cuộc gặp gỡ chung kết với Chúa, và Người giải thích về việc chờ đợi cuộc gặp gỡ ấy phải thúc đẩy chúng ta có một cuộc sống đầy những công việc lành. Có đoạn Chúa nói: ”Các con hãy bán những gì các con sở hữu và làm phúc; hãy sắm những bao bị tiền không bị cũ rách, một kho tàng chắc chắn trên trời, nơi mà kẻ trộm không tới được và mối mọt không làm hư hỏng” (v.33). Đó là một lời mời gọi mang lại giá trị cho việc làm phúc như một việc làm từ bi thương xót, đừng tín thác nơi những của cải chóng qua, nhưng hãy dùng sự vật mà không quyến luyến và ích kỷ, trái lại hãy theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa, quan tâm đến tha nhân và yêu thương.

 Giáo huấn của Chúa Giêsu được tiếp tục với 3 dụ ngôn ngắn về đề tài tỉnh thức.

Trước tiên là dụ ngôn những người đầy tớ chờ đợi chủ về ban đêm. ”Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về mà thấy họ còn tỉnh thức” (V. 37): đó là hạnh phúc chờ đợi Chúa với niềm tin, sẵn sàng, trong thái độ phục vụ. Chúa xuất hiện mỗi ngày, gõ cửa tâm hồn chúng ta. Và thật là phúc cho người mở cửa cho Chúa, vì họ sẽ được phần thưởng lớn: thực vậy chính Chúa sẽ trở nên người phục vụ các tôi tớ của Người; tại bữa tiệc trong Nước của Chúa, chính Người sẽ phục vụ họ. Với dụ ngôn này, trong khung cảnh ban đêm, Chúa Giêsu trình bày cuộc sống như một cuộc canh thức chờ đợi, và hoạt động, đi trước ngày rạng ngời vĩnh cửu. Để có thể đi đến đó, cần sẵn sàng, tỉnh thức và dấn thân phục vụ tha nhân; trong viễn tượng đầy an ủi, ”ở đời sau” không phải chúng ta phục vụ Thiên Chúa, nhưng chính Chúa sẽ đón nhận chúng ta vào bàn tiệc của Ngài. Nghĩ cho kỹ, điều này đã xảy ra mỗi lần chúng ta gặp gỡ Chúa trong kinh nguyện, hoặc trong khi phục vụ người nghèo, nhất là trong Thánh Thể, nơi Chúa dọn một bữa tiệc để nuôi sống chúng ta bằng Lời và Mình Ngài.

ĐTC nói tiếp:

Dụ ngôn thứ hai có hình ảnh một kẻ trộm đến bất ngờ. Sự kiện này đòi chúng ta phải cảnh giác; thực vậy, Chúa Giêsu nhắn nhủ: ”Các con hãy sẵn sàng, vì vào giờ các con không ngờ, Con Người sẽ đến” (v. 40). Môn đệ là người chờ đợi Chúa và Nước của Ngài.

Tin Mừng làm sáng tỏ viễn tượng này bằng dụ ngôn thứ ba: người quản gia coi sóc nhà cửa sau khi chủ ra đi. Trong khung cảnh thứ nhất, người quản gia trung thành thi hành nghĩa vụ và được thưởng. Trong cảnh thứ hai, người quản gia lạm dụng quyền bính và đánh đập những người phục vụ, vì thế khi chủ về bất ngờ, người ấy sẽ bị trừng phạt. Cảnh tượng này trình bày một tình trạng cũng thường xảy ra ngày nay: bao nhiêu bất công, bạo lực và những điều xấu xa hằng ngày nảy sinh từ ý tưởng cư xử như chủ nhân ông trên cuộc sống của người khác.

Ngày hôm nay Chúa Giêu nhắc nhở chúng ta rằng sự chờ đợi hạnh phúc vĩnh cửu không chuẩn chước cho chúng ta khỏi nghĩa vụ dấn thân làm cho thế giới này trở nên công chính hơn và đáng được cư ngụ hơn. Đúng ra, chính niềm hy vọng đạt được Nước Vĩnh Cửu thúc đẩy chúng ta hoạt động để cải tiến cuộc sống trần thế, nhất là cuộc sống của những anh chị em yếu thế hơn. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta trở thành những người và cộng đoàn không bám vào hiện tại, hoặc tệ hơn nữa, hoài tưởng quá khứ, trái lại hướng về tương lai của Thiên Chúa, hướng về cuộc gặp gỡ Chúa, là sự sống và hy vọng của chúng ta.

Kêu gọi cho Aleppo, Siria

Sau phép lành, ĐTC nhắc đến tình trạng đau thương ở Syria và nói rằng: Đáng tiếc là từ Siria tiếp tục có những tin tức về các thường dân trở thành nạn nhân chiến tranh, đặc biệt tại thành Aleppo. Không thể chấp nhận được sự kiện bao nhiêu người vô phương thế tự vệ, kể cả các trẻ em, phải trả giá cho cuộc xung đột. Chúng ta hãy gần gũi trong kinh nguyện và tình liên đới với anh chị em Siria, và phó thác họ cho sự bảo vệ từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria.

ĐTC không quên chào thăm các tín hữu hành hương ở Roma và những người đến từ các nước. Ngài nêu danh một số nhóm, đặc biệt là các bạn trẻ đến từ thành Verona, bắc Italia, những thiếu niên đến Roma làm việc thiện nguyện trong các trung tâm tiếp đón.

Aleppo mà ĐTC nói đến trong lời kêu gọi là thành phố lớn thứ hai tại Syria và là nơi vốn có đông đảo tín hữu Kitô nhất nước. Một số khu vực của thành này bị lực lượng Nhà Nước Hồi giáo IS chiếm đóng, nhưng nay quân đội chính phủ Syria với sự hỗ trợ của không lực Nga đang liên tục oanh kích để đánh đuổi phiến quân. Trong các cuộc giao tranh và pháo kích đó, nhiều bom đạn đã rơi trúng các nhà thường dân, và cả bệnh viện nhi đồng nữa.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha khích lệ các Vận động viên Olympic tỵ nạn

Đức Thánh Cha khích lệ các Vận động viên Olympic tỵ nạn

Đức Thánh Cha khích lệ các Vận động viên Olimpic tỵ nạn

VATICAN. ĐTC Phanxicô chào mừng và khích lệ đoàn vận động viên tị nạn tham dự thế vận Olimpic ở Rio de Janeiro.

Đoàn này gồm 2 tay bơi lội người Siria, 2 võ sĩ Judo từ Cộng hòa dân chủ Congo, và 6 người chạy đua từ Etiopiaa và Nam Sudan. Tất cả đều là những người tị nạn trốn chạy bạo lực và bách hại tại quê hương của họ và đã tìm nơi nương náu ở các nơi như Bỉ, Đức, Luxembourg, Kenua và Brazil.

Sáng kiến gửi một đoàn tị nạn tham dự thế vận hội Olimpic là điều chưa từng có trước đây và gửi một sứ điệp nâng đỡ và hy vọng cho những người tị nạn trên thế giới.

Trong sứ điệp, ĐTC chào đích danh 10 vận động viên tỵ nạn và ngài cầu mong rằng: ”Ước vì lòng can đảm và sức mạnh mà anh chị em mang trong người có thể biểu lộ qua các bộ môn thế vận tiếng kêu huynh đệ và hòa bình. Ước gì qua anh chị em, nhân loại hiểu rằng hòa bình là điều có thể, và với hòa bình, người ta có thể đạt được tất cả, trái lại với chiến tranh tất cả đều có thể bị mất”.

”Tôi mong ước rằng chứng tá của anh chị em mang lại thiện ích cho tất cả mọi người. Tôi cầu nguyện cho anh chị em và cũng xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em”.

Ông Alto Grandi, Cao ủy tỵ nạn LHQ, tuyên bố rằng: ”Chúng tôi rất được khích lệ vì đoàn vận động viên tỵ nạn tham dự thế vận Olimpic. Họ là những vận động viên có trình độ cao, nhưng đã phải ngưng sự nghiệp thể thao để ra đi tỵ nạn. Nay họ có cơ hội theo đuổi giấc mơ của họ. Sự tham gia của họ vào các cuộc tranh tài thế vẫn là một sự ca ngợi lòng can đảm và kiên trì của tất cả những người tỵ nạn trong sự vượt thắng nghịch cảnh và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình họ. Cao Ủy tỵ nạn LHQ đứng về phía họ và mọi người tỵ nạn”. (SD 6-8-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị dòng Đa Minh

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị dòng Đa Minh

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị dòng Đa Minh

VATICAN. ĐTC mời gọi các tu sĩ dòng Đa Minh trở thành những chứng nhân về sự âu yếm dịu dàng của Thiên Chúa và sống kết hợp với Chúa để lời giảng có hiệu năng.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây sáng ngày 4-8-2016 trong buổi tiếp kiến dành cho cha Bề trên Tổng quyền Bruno Cadoré, và 70 thành viên Tổng tu nghị của dòng, kết thúc ban chiều cùng ngày, sau 3 tuần nhóm tại Bologna, cạnh mộ của Thánh Đa Minh (cách Roma 400 cây số). Trong số các tham dự viên có 3 vị người Việt Nam: Cha Vinh Sơn Hà Viễn Lự, Tổng phụ tá Bề trên Cả đặc trách vùng Á châu Thái Bình Dương, Cha Giám Tỉnh Giuse Nguyễn Đức Hòa và Cha Phêrô Phạm Văn Hương, Bề trên Phụ Tỉnh Đa Minh Việt Nam ở Bắc Mỹ.

Năm nay có một ý nghĩa đặc biệt đối với gia đình dòng anh chị em: kỷ niệm 800 năm từ khi ĐGH Honorio III châu phê Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Nhân dịp Năm Vui Mừng này, tôi hiệp với anh chị em cảm tạ Chúa vì những hồng ân dồi dào đã nhận lãnh trong thời gian ấy. Ngoài ra tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Dòng vì sự đóng góp quan trọng dành cho Giáo Hội và vì sự cộng tác với Tòa Thánh, trong tinh thần trung thành phục vụ, mà Dòng đã duy trì từ khởi đầu cho đến ngày nay.

Trong bài huấn dụ bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC cám ơn sự đóng góp của dòng Đa Minh cho Giáo Hội trong 800 năm qua và ngài nhắn nhủ các tu sĩ của dòng sống kết hiệp với Chúa, nghiên cứu học hỏi nghiêm túc, rao giảng Lời Chúa và làm chứng nhân về tình yêu thương xót của Thiên Chúa.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Tôi chào anh chị em và cám ơn lời chào mừng mà Cha Bruno Cadoré, Bề trên Tổng Quyền của dòng, gửi đến tôi nhân danh bản thân và tất cả những người hiện diện nơi đây, nhân dịp Tổng tu nghị của Dòng tại Bologna sắp kết thúc, qua đó anh chị em muốn làm cho căn cội của dòng tái sinh động bên cạnh mộ Thánh Sáng Lập.

Năm nay có một ý nghĩa đặc biệt đối với gia đình dòng anh chị em: kỷ niệm 800 năm từ khi ĐGH Honorio III châu phê Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Nhân dịp Năm Vui Mừng này, tôi hiệp với anh chị em cảm tạ Chúa vì những hồng ân dồi dào đã nhận lãnh trong thời gian ấy. Ngoài ra tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Dòng vì sự đóng góp quan trọng dành cho Giáo Hội và vì sự cộng tác với Tòa Thánh, trong tinh thần trung thành phục vụ, mà Dòng đã duy trì từ khởi đầu cho đến ngày nay.

Dịp kỷ niệm 800 năm làm chúng ta nhớ đến những người nam nữ đức tin và học giả, chiêm niệm và thừa sai, tử đạo và tông đồ bác ái, đã mang sự âu yếm và dịu dàng của Thiên Chúa đến mọi nơi, làm cho Giáo Hội được phong phú và chứng tỏ có những cơ may mới để thể hiện Tin Mừng qua sự giảng thuyết, làm chứng tá và bác ái: đó là ba cột trụ nâng đỡ tương lai của Dòng, giữ cho đoàn sủng của Đấng Sáng Lập được tươi mát.

Thiên Chúa đã thúc đẩy thánh Đa Minh lập một ”Dòng Anh Em Giảng Thuyết”, vì giảng thuyết là sứ mạng mà Chúa Giêsu ủy thác cho các Tông Đồ. Chính Lời Chúa nung nấu từ bên trong và thúc đẩy đi ra ngoài để rao giảng Chúa Giêsu Kitô cho mọi dân tộc (Xc Mt 28, 19-20). Cha Sáng Lập đã nói: ”Trước tiên là chiêm niệm, rồi sau đó giảng dạy”. Được Thiên Chúa giảng dạy Tin Mừng, để loan báo Tin Mừng. Nếu không có sự kết hiệp nồng nhiệt với Chúa, thì việc giảng thuyết có thể là rất hoàn hảo và hợp lý, và đáng ngưỡng mộ, nhưng sẽ không đánh động tâm hồn là điều phải thay đổi. Một điều thiết yếu nữa, đó là việc nghiên cứu nghiêm túc và chăm chỉ về các vấn đề thần học, cũng như tất cả những gì giúp chúng ta đến gần thực tại và lắng nghe Dân Chúa. Nhà giảng thuyết là một người chiêm niệm Lời Chúa và cũng có thái độ như vậy đối với Dân Chúa, đang mong đợi được hiểu (Xc Evangelii Gaudium, 154).

Việc thông truyền hữu hiệu Lời Chúa đòi phải có cuộc sống chứng tá: phải là những thầy dạy trung thành với chân lý và là những chứng nhân can đảm của Tin Mừng. Chứng nhân thể hiện giáo huấn, làm cho nó trở nên cụ thể, thu hút, và không dửng dưng đối với một ai; mang lại cho chân lý niềm vui của Tin Mừng, niềm vui được biết Chúa yêu thương chúng ta và có lòng thương xót vô biên đối với chúng ta.

Thánh Đa Minh nói với các môn đệ Ngài: ”Với đôi chân không, chúng ta ra đi rao giảng”. Điều này gợi lại cho chúng ta đoạn nói về bụi gai cháy đỏ, khi Chúa bảo Ông Môisê: ”Hãy cởi dép khỏi chân ngươi, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh” (Xh 3,5). Nhà giảng thuyết tốt ý thức rằng mình đang đi trên đất thánh, vì Lời Chúa mà nhà giảng thuyết mang theo là thánh, và những người nghe giảng cũng là thánh. Các tín hữu không những cần đón nhận Lời Chúa trọn vẹn, nhưng còn cần cảm nghiệm chứng tá cuộc sống của người rao giảng (Xc Evangelii gaudium, 171). Các thánh đã đạt được thành quả dồi dào, vì qua cuộc sống và sứ mạng, các vị nói bằng ngôn ngữ con tim, thứ ngôn ngữ không bị các hàng rào cản trở, và mọi người có thể hiểu được.

Sau cùng, nhà giảng thuyết và chứng nhân cũng phải hành động trong đức bác ái. Nếu không có bác ái, thì họ sẽ là những người đáng bị tranh luận và khả nghi. Thánh Đa Minh đã đứng trước một tình trạng khó xử vào lúc ban đầu, và ảnh hưởng tới trọn cuộc sống của Ngài: ”Làm sao tôi có thể học với những mảnh da chết, khi mà thân mình của Chúa Kitô đang chịu đau khổ”. Chính thân mình của Chúa Kitô sống động và chịu đau khổ, đang kêu vị giảng thuyết và không để vị ấy yên hàn. Tiếng kêu của những người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề, và làm cho nhà giảng thuyết hiểu sự cảm thông của Chúa Giêsu đối với dân chúng (Mt 15,32).

Khi nhìn chung quanh chúng ta, chúng ta cảm thấy rằng con người nam nữ ngày nay đang khao khát Thiên Chúa. Họ là thân mình sống động của Chúa Kitô, đang kêu lên ”Tôi khát” bằng một tiếng kêu chân thực và có sức giải thoát, họ đang khao khát một cử chỉ huynh đệ và dịu dàng. Tiếng kêu này đang gọi hỏi chúng ta và phải là cột sống của sứ mạng và mang lại sức sống cho các cơ cấu và chương trình mục vụ.

Anh chị em hãy nghĩ đến điều này khi suy tư về sự cần thiết phải điều chỉnh cơ cấu tổ chức của Dòng để phân định về câu trả lời cần mang lại cho tiếng kêu ấy của Thiên Chúa. Hễ ta càng ra đi để thỏa mãn cái khát của tha nhân, thì chúng ta càng trở thành những nhà rao giảng chân lý, chân lý được loan báo bằng tình yêu và lòng thương xót, mà thánh nữ Catarina Siena đã nói (Xc Libro della Divina Dottrina, 35). Trong cuộc gặp gỡ với thân mình sinh động của Chúa Kitô chúng ta được loan báo Tin Mừng và tìm được lòng hăng say để trở thành nhà giảng thuyết và chứng nhân về tình yêu của Chúa.

Anh chị em thân mến! Với tâm tình biết ơn vì những thiện ích Chúa đã ban cho dòng của anh chị em và cho Giáo Hội, tôi khích lệ anh chị em hãy vui mừng theo đuổi đoàn sủng của Thánh Đa Minh và đã được bao nhiêu vị thánh nam nữ của gia đình dòng Đa Minh sống với nhiều sắc thái khác nhau. Tấm gương của Thánh Nhân là động lực để đương đầu với tương lai trong niềm hy vọng, vì biết rằng Thiên Chúa luôn đổi mới mọi sự .. và không làm chúng ta thất vọng. Xin Đức Trinh Nữ Mân Côi, Mẹ của chung ta, chuyển cầu và bảo vệ anh chị em, để anh chị em là những nhà rao giảng và chứng nhân can đảm về tình yêu Thiên Chúa.”

G. Trần Đức Anh OP