Các Giám mục Pêru kêu gọi Nhà nước bảo vệ sự sống

Các Giám mục Pêru kêu gọi Nhà nước bảo vệ sự sống

hình ảnh của bào thai trong cuộc biểu tình chống luật cho phá thai

Lima, Pêru – Ngày Sự sống lần thứ 22 với chủ đề “Gia đình, sống niềm vui của tình yêu” được cử hành cách đây vài ngày đã kết thúc Tuần lễ Gia đình quốc gia Peru.

Ủy ban Sự sống và Gia đình của Hội đồng Giám mục viết trong thông cáo đăng trên trang web Ủy ban: “Sự sống con người là một món quà thánh thiêng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thụ thai. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước cả khi tạo thành chúng ta, trong ý tưởng của Người, và chúng ta được tạo thành để yêu thương chúng ta và yêu thương.”

Trong thông cáo này, các Giám mục đã lên tiếng báo động về những quyết định gần đây của Tòa án Lima trong việc phân phát miễn phí “thuốc viên ngày hôm sau” tại các trung tâm y tế của nước này. Các giám mục của Peru giải thích: “Thuốc này là "một cuộc tấn công vào sự sống con người, đặc biệt là vào những người nhỏ nhất và thiếu khả năng tự vệ, là những người không có tiếng nói.” Các ngài cũng đưa ra lời kêu gọi để cho Nhà nước – kể từ khi việc bảo vệ sự sống được đề cập tại điều 2 của Hiến pháp quốc gia – nhớ rằng “chức năng của Nhà nước là tôn trọng và thúc đẩy các quyền con người của tất cả người dân Pêru, không phân biệt bất cứ loại người nào, dù là ít tuổi hay không có khả năng hành động. (22/9/2016 Agenzia Fides)

Hồng Thủy

 

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 22.09.2016

Có sự lo lắng đến từ Chúa Thánh Thần và có sự lo lắng đến từ cái tâm gian ác. Khi có tâm gian ác thì bên ngoài là cái hư danh ảo vọng và bên trong là tâm hồn trống rỗng. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta.

Hai loại lo lắng

Bài Tin Mừng hôm nay kể về việc vua Herode lo lắng, sau khi đã giết Gioan Tẩy Giả. Bây giờ Herode lại bất an khi nghe tin về Chúa Giêsu. Herode làm chúng ta nhớ tới cái bất an của vua Herode Cả. Sau cuộc thăm viếng của Ba Vua từ Phương Đông, Herode Cả đứng ngồi không yên vì nghe tin có vị Tân Vương mới sinh tại Bêlem. Trong linh hồn, có hai loại lo lắng: loại lo lắng tốt đến từ Chúa Thánh Thần để thúc đẩy người ta làm việc thiện, còn loại lo lắng xấu phát sinh từ cái tâm gian ác. Herode Cả đã giải quyết nỗi lo của mình bằng cách giết hại hàng loạt trẻ em.

Những kẻ gây ra tội ác và nuôi dưỡng ác tâm thì không thể sống trong bình an, mà sẽ ngứa ngáy liên tục, và những vết ngứa ấy cứ tiếp tục lan ra… Bởi vì họ đã gây ra điều ác, và tất cả những điều ác thì đều có chung gốc rễ: tham lam, hư danh, kiêu ngạo. Ba cái này là gốc rễ của mọi tội lỗi, và chúng không để cho tâm hồn chúng ta được bình an.

Hư danh, tâm hồn trống rỗng

Bài đọc thứ nhất trích từ sách Giảng Viên nói về sự hư danh, ảo vọng, phù vân. Những điều phù phiếm lấp đầy chúng ta. Ảo tưởng về cuộc sống trường thọ, ảo vọng chỉ như bong bóng xà phòng. Cái phù vân không đem lại cho chúng ta ích lợi chân thực. Ích lợi gì cho người làm lụng vất vả và đầy lo lắng? Nếu đó chỉ là những lo lắng về vẻ bề ngoài, trông như thế này, nhìn như thế kia. Lo lắng như thế là phù vân. Nói đơn giản: cái hư danh chỉ tô vẽ cuộc sống. Những tâm hồn đau bệnh như thế, chỉ lo tô vẽ cái vẻ bề ngoài. Cái hư danh, cái phù vân giống như một tâm hồn trống rỗng. Nhìn bên ngoài thì tốt, mà bên trong thì hư hỏng. Cái phù vân làm cho chúng ta sống giả tạo.

Nhìn một phần tưởng là thế, mà sự thật toàn phần thì không phải thế  

Bằng cách nào mà những kẻ lừa đảo lại chiến thắng? Đúng là họ chiến thắng, nhưng cái chiến thắng này là “giả”, là không thật. Chiến thắng này là hư ảo, vì là sống giả vờ, vì là sống cỏ vẻ như, vì là sống vẻ bề ngoài. Đức Thánh Cha nhắc lại lời nói mạnh mẽ của thánh Benado: “Bạn cứ thử nghĩ mà xem bạn là gì chứ? Bạn sẽ là thức ăn cho giun dế. Tất cả những thứ tô vẽ này đều là giả trá, bởi vì rồi đây giun dế sẽ ăn hết, bạn sẽ chẳng là gì.” Tuy nhiên, sức mạnh của hư danh đến từ đâu? Nó đến từ sự tự đắc gian manh, “nó không cho bạn nhìn thấy những sai lỗi, nó che phủ mọi thứ, mọi thứ bị che đậy”.

Bao nhiêu người trông có vẻ như… rất là tốt! Mỗi Chúa nhật họ đều đi Lễ. Họ giữ những chức vụ lớn trong Giáo hội. Đó là những gì anh chị em thấy, còn bên trong thì toàn là tham nhũng. Có những người như thế, nhưng cũng có nhiều người thực sự đạo đức thánh thiện. Cái phù vân thường chỉ cho người ta nhìn thấy một phần, còn tất cả sự thật lại hoàn toàn khác. Vậy đâu là chốn an toàn để chúng ta nương náu? Chúng ta đọc thấy trong Thánh Vịnh: “Lạy Thiên Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài là nơi chúng con náu ẩn.” Chúng ta nhớ lại lời của Chúa Giêsu: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.” Lạy chúa, xin cứu chúng con khỏi ba gốc rễ của mọi sự dữ: tham lam, hư danh, kiêu ngạo. Và trên hết, xin cứu chúng con khỏi hư danh, vì nó đã gây ra quá nhiều nỗi đau.

Tứ Quyết SJ

Tình yêu thương xót tha thứ và trao ban diễn tả sự toàn thiện của Thiên Chúa

Tình yêu thương xót tha thứ và trao ban diễn tả sự toàn thiện của Thiên Chúa

ĐTC Phanxicô hôn một em bé trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 21-9-2016

Sự toàn thiện của Thiên Chúa là ở nơi tình yêu thương xót. Tình yêu thương xót đó được diễn tả ra bằng việc tha thứ và cho đi, là hai cột trụ của Kitô giáo. Không phán xét lên án, nhưng tìm phục hồi phẩm giá là con Thiên Chúa cho người anh em làm lỗi và quảng đại giúp đỡ họ trong mức độ có thể.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 40 ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua.

Trong bài huấn dụ ngài đã giải thích ý nghĩa đoạn trích chương 6 Phúc Âm thánh Luca: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy." (Lc 6,36-38).

ĐTC nói: Chúng ta vừa nghe đoạn Phúc Âm thánh Gioan từ đó đuợc rút ra khẩu hiệu của Năm Thánh ngoại thường này: “Hãy thương xót như Thiên Chúa Cha”. Câu đầy đủ là: “Các con hãy thương xót như Cha các con là Đấng xót thương” (c. 36).  Đây không phải là một khẩu hiệu quảng cáo nhằm gây hiệu quả, nhưng là một dấn thân của cuộc sống. Để hiểu rõ kiểu nói này chúng ta phải đối chiếu với kiểu nói song song trong Phúc Âm thánh Mátthêu, trong đó Chúa Giêsu nói: “Vì vậy các con hãy toàn thiện như Cha các con ở trên Trời là Đấng toàn thiện” (Mt 5,48). Trong bài giảng trên núi, mở đầu với các Mối Phúc Thật, Chúa dậy chúng ta rằng sự hoàn thiện hệ tại tình yêu, là việc thành toàn mọi điều khoản của Luật Lệ. Trong viễn tượng này thánh sử Luca nói rõ rằng sự toàn thiện là tình yêu thương xót: là hoàn thiện có nghĩa là thương xót. Một người không thương xót có toàn thiện không? Không! Một người không thương xót có tốt không? Không! Lòng tốt và sự toàn thiện đâm rễ nơi lòng thương xót. Dĩ nhiên, Thiên Chúa hoàn thiện. Tuy nhiên, nếu chúng ta coi Ngài như thế, thì đối với con người sẽ không thể nào hướng tới sự hoàn thiện tuyệt đối ấy được. Trái lại, có Thiên Chúa trước mắt như Đấng thương xót cho phép chúng ta hiểu tốt hơn sự hoàn thiện của Thiên Chúa hệ tại điều gì và thúc đẩy chúng ta sống tràn đầy tình yêu, sự thương cảm và lòng thương xót giống như Ngài. Nhưng tôi tự hỏi: các lời của Chúa Giêsu có thực tế không? Có đúng thật là có thể yêu như Thiên Chúa yêu và thương xót như Ngài không? ĐTC trả lời:

Nếu chúng ta nhìn lịch sử cứu độ, chúng ta thấy rằng tất cả sự mạc khải của Thiên Chúa là một tình yêu liên lỉ không mệt mỏi đối với con người; Thiên Chúa như một người cha và như một người mẹ yêu thương bằng một tình yêu không dò thấu được, và Ngài đổ tràn tình yêu ấy trên mọi thụ tạo. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là tột đỉnh lịch sử tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Một tình yêu lớn lao tới độ chỉ Thiên Chúa mới có thể thực hiện được thôi. Đương nhiên là so sánh với tình yêu vô bờ này, tình yêu của chúng tá sẽ luôn luôn thiếu sót. Nhưng khi Chúa Giêsu xin chúng ta thương xót như Thiên Chúa Cha, Ngài không nghĩ tới số lượng đâu! Ngài xin các môn đệ Ngài trở thành dấu chỉ, các con kênh, các chứng nhân lòng thương xót của Ngài.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Và Giáo Hội chỉ có thể là bí tích lòng thương xót của Thiên Chúa trong thế giới, trong mọi thời đại và đối với toàn nhân loại. Vì thế mỗi kitô hữu được mời gọi là chứng nhân lòng thương xót, và điều này xảy ra trên con đường nên thánh.  Chúng ta hãy nghĩ tới biết bao nhiêu vị thánh nam nữ đã trở thành những người thương xót, bởi vì các vị đã để cho con tim của mình tràn đầy lòng thương xót. Các vị đã cho tình yêu của Thiên Chúa thân xác, bằng cách đổ tràn đầy nó trong biết bao nhiêu nhu cầu của nhân loại khổ đau. Trong việc nở hoa của biết bao nhiêu hình thức bác ái có thể nhận ra các phản ánh của gương mặt xót thương của Chúa Kitô.

Chúng ta hãy hỏi: đối với các môn đệ thương xót có nghĩa là gì? Điều này đã được Chúa Giêsu giải thích với hai động từ “tha thứ” (c. 37) và “cho đi” (c. 38). ĐTC giải thích như sau:

Trước hết lòng thương xót được diễn tả trong sự tha thứ: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha”. Chúa Giêsu không có ý lật đổ công lý của con người, nhưng Ngài nhắc cho các môn đệ  biết rằng để có các tương quan huynh đệ cần ngưng các phán xử và kết án. Thật ra sự tha thứ là cột trụ chống đỡ cuộc sống của cộng đoàn kitô, bởi vì trong đó được cho thấy sự nhưng không của tình yêu thương qua đó Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Kitô hữu phải tha thứ! Tại sao vậy? Bởi vì họ đã được thứ tha. Tất cả chúng ta ở đây hôm nay, tại quảng trường này, tất cả chúng ta, chúng ta đã dược tha thứ. Không có ai trong chúng ta, trong cuộc sống của mình, đã không cần sự tha thứ của Thiên Chúa. Và bởi vì chúng ta đã được thứ tha, nên chúng ta phải tha thứ. Chúng ta đọc Kinh Lậy Cha mỗi ngày: Xin tha tội  chúng con. Xin tha tội chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” Nghĩa là tha thứ biết bao xúc phạm, biết bao tội lỗi. Và như thế tha thứ thì dễ dàng: Nếu Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi, tại sao tôi lại không phải tha thứ cho người khác? Tôi cao cả hơn Thiên Chứa sao? Anh chị em hiểu rõ điều này chưa? Cột trụ của sự tha thứ này cho chúng ta thấy sự nhưng không của tình yêu Thiên Chúa, là Đấng đã yêu chúng ta trước.

Phán xét và kết án ngưòi anh em phạm tội là sai lầm. Không phải bởi vì  chúng ta không muốn thừa nhận tội lỗi, nhưng bởi vì lên án người có tội là bẻ gẫy mối dây huynh đệ  với họ, và khinh rẻ lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng, trái lại, không muốn từ bỏ ai trong các con cái của Ngài.

Chúng ta không có quyền lên án ngưòi anh em lầm lỗi: Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha, chúng ta không ở bên trên họ: trái lại chúng ta có bổn phận phục hồi cho họ phẩm giá là con Thiên Chúa  Cha, và đồng hành với họ trên con đường hoán cải.

Chúa Giêsu cũng chỉ cho Giáo Hội Ngài môt cột trụ thứ hai: là “cho đi” : “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (c. 38). Thiên Chúa cho vượt ngoài các công nghiệp của chúng ta, nhưng Ngài sẽ còn quảng đại hơn với tất cả những ai đã sống quảng đại trên trái đất này. Chúa Giêsu không nói điều sẽ xảy ra cho những người không cho, nhưng hình ảnh “cái đấu” là một lời cảnh cáo: với mức độ tình yêu mà chúng ta cho đi, chính chúng ta là những người quyết định chúng tra sẽ bị phán xử như thế nào, đuợc yêu thương như thế nào. Nếu nhìn kỹ, chúng ta thấy có một luận lý trung thực: trong mức độ chúng ta nhận được từ Thiên Chúa, chúng ta cho người anh em, và trong mức độ chúng ta cho người anh em chúng ta nhận được từ Thiên Chúa” .

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Vì thế tình yêu thương xót là con đường duy nhất phải theo. Chúng ta tất cả đều cần sống thương xót hơn một chút biết bao, không nói xấu tha nhân, không xét đoán, không “vặt lông” kẻ khác với các lời chỉ trích của chúng ta, với các ghen tương tỵ hiềm. Không! Tha thứ, thương xót, sống cuộc đời mình trong tình yêu và cho đi. Lòng bác ái và tình yêu thương này cho phép các môn đệ của Chúa Giêsu không đánh mất đi căn tính đã nhận được từ Ngài và được thừa nhận như là con cái của chính Thiên Chúa Cha.  Nơi tình yêu mà họ – nghĩa là chúng ta – thực thi trong cuộc sống, vang vọng lên Lòng Thương Xót không bao giờ cùng ấy của Thiên Chúa (x. 1 Cr 13,1-12). Nhưng chúng ta đừng quên điều này: lòng thương xót và việc cho đi; tha thứ và cho đi. Như thế con tim nở rộng, nở rộng trong tình yêu. Trái lại, sự ích kỷ, tức giận, khiến cho con tim nhỏ lại, nhỏ lại, nhỏ lại và cứng như một cục đá. Anh chị em thích điều nào? Một con tim bằng đá hay sao? Tôi xin hỏi anh chị em đó. Hãy trả lời? Tín hữu trả lời “không!”. ĐTC nói: Tôi không nghe rõ. Tín hữu trả lời “không!” Một con tim tràn đầy tình yêu? Tín hữu trả lời “có!” Nếu anh chị em thích một con tim tràn đầy tình yêu, thì hãy sống thương xót! Xin cám ơn anh chị em.

ĐTC đã chào  nhiều đoàn hành hương khác nhau, Trước khi ra quảng trưởng ngài đã chào các bệnh nhân tụ tập trong đại thính đuờng Phaolô VI để tránh mưa. ĐTC đã cùng mọi người đọc Kính Mùng và ngài đã ban phép lành cho họ.

Ngài đã chào các nhóm nói tiếng Pháp trong đó có các tín hữu giáo phận Angoulême, do ĐGM sở tại hướng dẫn, các đoàn hành hương đến từ Bỉ, Camerun, Hy Lạp, Côte d’ Ivoire và Canada. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Êcốt, Ailen, Đan Mạch, Na Uy, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Malyaysia, Việt Nam, Philippines, Nam Phi, Australia và Hoa Kỳ, cũng như các đoàn hành hương Đức, Thuỵ Sĩ, Áo, Ba Lan, Slovac và các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đặc biệt các tín hữu Brasil. Trong số các đoàn hành hương Slovac có các quân nhân do ĐC Frantisek Rabek hướng dẫn. Cũng có một nhóm tín hữu Thổ Nhĩ Kỳ giáo phận Smirne, do ĐC Lorenzo Piretto hướng dẫn.

Trong số các đoàn hành hương Italia có tín hữu các giáo phận  Acqui, Grosetto, Nola, Sessa Aurunca, Tortona; các đại chủng sinh liên giáo phận Udine, Trieste và Gorizia, do ĐTGM Mazzocato hướng dẫn; các tham dự viên khóa hội học do Đại Học Thánh Giá tổ chức; các vị giám đốc các nhà Chúa Quan Phòng Italia, các thừa sai dòng Monfortani mừng 300 năm ngày sinh của thánh lập dòng Luigi Maria Grignion de Monfort. Ngài cũng chào các bạn trẻ các bệnh nhân  và các đôi tân hôn. ĐTC cầu chúc chuyến hành hương Roma củng cố đức tin và đức mến của mọi người, và việc bước qua Cửa Thánh ban ơn toàn xá cho họ và các thân nhân của họ đã qua đời. Ước chi thánh sử Mátthêu mà Giáo Hội mừng kính soi sáng cho họ trên con đường theo Chúa.

Sau cùng ĐTC cũng nhắc tới Ngày quốc tế bệnh Alzheimer lần thứ 23 với đề tài “Xin hãy nhớ đến tôi” cử hành hôm qua. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho những người sống gần các bệnh nhân biết đáp ứng các nhu cầu của họ với con mắt đầy tình yêu thương.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Assisi

Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Assisi

Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Assisi

ASSISI. 30 năm sau cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới ở Assisi để cầu nguyện cho hòa bình, ĐTC Phanxicô đã đến nơi này hôm 20-9-2016 để cùng hơn 500 vị đại diện các tôn giáo để cầu cho hòa bình thế giới đồng thời chống lại những lạm dụng tôn giáo để khủng bố và thi hành bạo lực.

Ngày cầu nguyện lần này có chủ đề là ”Khao khát hòa bình. Các Tôn giáo và Văn hóa đối thoại”, được Cộng đồng thánh Egidio ở Roma, giáo phận Assisi và đại gia đình dòng Phanxicô tổ chức.

Sau khi đáp trực thăng từ Roma đến Assisi lúc 11.30, ĐTC đã dành hơn 1 tiếng đồng hồ để bắt tay chào từng vị lãnh đạo tôn giáo và các tham dự viên khác, bắt đầu từ Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, một đại diện Hồi giáo, Đức TGM Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo, Đức Thượng Phụ Efrem II, Giáo Chủ Chính Thống Siria ở Antiokia, Hòa thượng Thủ lãnh Phật giáo Thiên Thai(Tendai) ở Nhật Bản, các đại diện Hồi giáo, chính quyền thành Assis, v.v.

Trong số những người dùng bữa trưa thanh đạm tại nhà ăn của Thánh Tu Viện Phanxicô cũng có 12 người tị nạn do Cộng đồng thánh Egidio chăm sóc.

Cầu nguyện cho hòa bình

Lúc 4 giờ là giờ cầu nguyện cho hòa bình được cử hành tại nhiều nơi ở Assisi, theo các nghi thức riêng của các tôn giáo. Riêng các tín hữu Kitô đã cầu nguyện tại Vương cung thánh đường dưới của Đền thánh Phanxicô.

Trong bài suy niệm tại buổi cầu nguyện này, ĐTC nói đến sự khao khát của Thiên Chúa đối với tình yêu của con người và đòi chúng ta đáp lại, thể hiện qua lòng bác ái đối với con người, nhất là những người đau khổ. Ngài nói:

”Đấng là Tình Yêu không được yêu mến”: trong một số trình thuật, chính thực tại này làm cho Thánh Phanxicô Assisi sao xuyến. Vì yêu thương Chúa chịu đau khổ, thánh nhân không xấu hổ khi khóc và than vãn lớn tiếng (Xc Fonti Franscane, n.1413). Chúng ta cần quan tâm đến thực tại này khi chiêm ngắm Thiên Chúa chịu đóng đanh, khao khát tình yêu. Mẹ Têrêsa Calcutta muốn rằng trong các nhà nguyện thuộc các cộng đoàn của Mẹ, cạnh tượng Chúa chịu đóng đanh, có ghi chữ ”Ta khát”. Giải cơn khát tình thương của Chúa Giêsu trên thánh giá qua việc phục vụ những người nghèo nhất trong những người nghèo, đó là câu trả lời của Mẹ. Thực vậy, Chúa được giải khát nhờ tình yêu cảm thương của chúng ta, Ngài được an ủi, khi chúng ta cúi mình nhân danh Chúa trên những lầm than của người khác. Trong cuộc phán xét, Chúa sẽ gọi là ”những người được chúc phúc những ai đã cho người khát được uống, đã trao tặng tình yêu cụ thể cho người đang cần: ”Tất cả những gì các con làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Thầy đây, là các con làm cho Thầy” (Mt 25,40).

ĐTC nhận xét rằng:

”Những lời của Chúa Giêsu gọi hỏi chúng ta, đòi chúng ta đón nhận trong lòng và trả lời bằng cuộc sống của chúng ta. Trong câu ”Ta khát” của Chúa, chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của những người đau khổ, tiếng kêu âm thầm của những trẻ em vô tội mà người ta từ chối không cho sinh ra, lời khẩn xin thống thiết của những người nghèo và những người đang cần hòa bình hơn cả. Các nạn nhân chiến tranh đang kêu cầu hòa bình, chiến tranh làm ô nhiễm các dân tộc vì oán thù và làm ô nhiễm trái đất vì những võ khí: Các anh chị em của chúng ta đang khẩn xin hòa bình, những người đang sống dưới đe dọa của những cuộc dội bom và pháo kích, hoặc bị buộc lòng phải rời bỏ gia cư, di cư tới một nơi bất định, bị tước đoạt mọi sư. Tẩt cả những người ấy là anh chị em của Đấng Chịu Đóng Đanh, những người bé nhỏ của Nước Chúa, những chi thể bị thương và bị đốt cháy trong thân mình Chúa. Họ đang khát. Nhưng nhiều khi người ta chỉ cho họ dấm chua của sự từ khước, giống như Chúa Giêsu. Ai lắng nghe họ? Ai quan tâm trả lời cho họ? Quá nhiều khi họ gặp phải sự im lặng nặng nề của sự dửng dưng lãm đạm, ích kỷ của những người khó chịu, sự lạnh lùng của người dập tắt tiếng kêu cứu của họ một cách dễ dàng bằng cách chuyển qua kênh truyền hình khác.

Đứng trước Chúa Kitô chịu đóng đanh, ”là Sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1,24), các tín hữu Kitô chúng ta được kêu gọi chiêm ngắm mầu nhiệm Tình Yêu không được yêu mến và đổ tràn lòng thương xót trên thế giới. Trên Thánh Giá, cây sự sống, hút lấy sự ô nhiễm dửng dưng và trả lại cho thế giới dưỡng khí của tình yêu. Từ cạnh sườn Chúa Kitô trên Thánh giá, có nước chảy ra, biểu tượng của Thánh Thần ban sự sống (Xc Ga 19,34); ước gì từ chúng ta, các tín hữu của Chúa, cũng chảy ra lòng cảm thương đối với tất cả những người đang khát ngày nay.”

G. Trần Đức Anh OP

Cầu nguyện cho hòa bình

Cầu nguyện cho hòa bình

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 20.09.2016

Chúng ta hãy cùng nhau quỳ gối cầu nguyện cùng Thiên Chúa của hòa bình. Không phân biệt tôn giáo, chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho tới khi có thể cảm thấy được “sự xấu hổ” về chiến tranh và không “bịt tai” trước tiếng kêu than thảm thiết của những người cùng khổ. Đức Thánh Cha đã diễn tả như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta. Đây cũng là tinh thần Ngài muốn gửi gắm trong cuộc thăm viếng Assisi hôm nay.

Chiến tranh bom đạn tàn sát con người. Người ta cũng cắt viện trợ nhân đạo đối với người già, trẻ em, người đau bệnh. Những điều này đều là công việc của ác thần. Trước tất cả những điều này, chúng ta cần phải cầu nguyện, ngay cả cầu nguyện trong khóc than, để có được hòa bình. Tất cả các tín hữu cần hiệp nhất với nhau mà tuyên xưng rằng “Thiên Chúa là Thiên Chúa của hòa bình”.

Chúng ta đừng bịt tai làm ngơ

Hôm nay, mọi người nam nữ thuộc mọi tôn giáo sẽ đến Assisi. Không phải là để làm gì: đơn giản chỉ là cầu nguyện, cầu nguyện cho hòa bình. Trong một lá thư gửi cho các Giám mục trên toàn thế giới, Đức Thánh Cha cũng viết “Ngày hôm nay được lập nên để mời gọi tất cả tín hữu Công Giáo, Kitô giáo, những tín hữu thuộc bất kỳ tôn giáo nào và tất cả mọi người thành tâm thiện chí, cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình” bởi vì “Thế giới đang trong chiến tranh!”.

Nếu bây giờ chúng ta bịt tai và ngoảnh mặt làm ngơ trước tiếng than khóc của anh chị em đang đau khổ trong chiến tranh bom đạn, thì khi những điều ấy xảy ra với chúng ta, chúng ta sẽ chẳng thể có lời đáp. Chúng ta không thể bịt tai trước tiếng kêu thống khổ của anh chị em mình đang trong chiến tranh loạn lạc.     

Chiến tranh đến từ chính cõi lòng

Ở một số quốc gia, chúng ta “không thấy chiến tranh”. Một số nơi, “chúng ta sợ các hành động khủng bố”. Ở những nước khác, bom đạn đang ngày đêm dội xuống và “giết hại trẻ em, người già, những người nam và nữ…” Chiến tranh ở đâu xa? Không! Chiến tranh ở rất gần, vì chiến tranh chạm đến từng người. Chiến tranh bắt đầu từ ngay trong cõi lòng mỗi con người.

Nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta bình an trong tâm hồn, để chúng ta bỏ đi những gì là tham lam và tranh chấp. Hòa bình! Hòa bình! Để trái tim của chúng ta là trái tim của những con người hòa bình, vì chúng ta đều là con cái Thiên Chúa, Thiên Chúa của hòa bình. Có vị thần của chiến tranh: những gì gây ra chiến tranh thì là tội ác, đó là thần dữ muốn giết chết tất cả chúng ta.

Cảm thấy xấu hổ

Đứng trước chiến tranh, không có sự phân biệt về niềm tin tôn giáo. Chúng ta đừng chỉ tạ ơn Thiên Chúa vì có thể “chiến tranh không ảnh hưởng tới chúng ta”. “Vâng, chúng ta tạ ơn Chúa về điều ấy, nhưng chúng ta hãy nghĩ đến những người khác nữa.”

Hôm nay chúng ta không chỉ nghĩ đến những người bị chết bị thương vì bom đạn, mà cả người già và trẻ em không có sự viện trợ nhân đạo. Họ không thể nhận được thuốc men. Họ đói khát, đau bệnh! Bởi vì bom đạn ngăn cản sự cứu trợ. Trong khi chúng ta cầu nguyện hôm nay, cũng thật là dịp tốt để chúng ta cảm thấy xấu hổ. Xấu hổ vì chính những con người, những người anh em của chúng ta có thể gây ra những điều tệ hại ấy. Hôm nay là ngày cầu nguyện, ngày sám hối, ngày khóc than, vì hòa bình. Hôm nay là ngày lắng nghe tiếng kêu van của người nghèo. Tiếng kêu ấy mở con tim chúng ta ra với lòng thương xót yêu thương, và cứu chúng ta khỏi sự ích kỷ.

Tứ Quyết SJ

Cầu nguyện cho hòa bình ở Ấn độ – hiệp thông với Đức Thánh Cha ở Assisi

Cầu nguyện cho hòa bình ở Ấn độ – hiệp thông với Đức Thánh Cha ở Assisi

logo tuần cầu nguyên cho hòa bình 2016 tại Assisi

New Delhi – Ngày 20 tháng 9, các nhà thờ và các cộng đoàn Công giáo ở Ấn độ sẽ cầu nguyện cho hòa bình, hiệp thông với Đức Thánh Cha tham dự buổi cầu nguyện “Khao khát hòa bình” tại Assisi.

Nữ tu Têrêsa Joseph, Thư ký Ủy ban đối thoại và đại kết của Hội đồng Giám mục Ấn độ, nói với hãng tin Fides là các cộng đoàn đã được gửi một chương trình cho buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình.

Nữ tu Têrêsa Joseph nói: “Buổi canh thức bắt đầu với thánh thi của thánh Phanxicô “Lạy Chúa xin biến con thành khí cụ bình an của Ngài” và sẽ là một buổi cầu nguyện mở cho tất cả. Các cộng đoàn Ấn độ sẽ cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô để cho lời mời gọi không ngừng của ngài “chấm dứt chiến tranh và trở thành sứ giả của hòa bình” được nhân loại đón nhận, cầu nguyện cho Đức Thượng phụ Bartolomeo I và các lãnh đạo tôn giáo để có thể mang lại hoa trái dồi dào.” Chị nhấn mạnh: “Việc các lãnh đạo của các Giáo hội Kitô khác nhau và của các tôn giáo thực thi những nỗ lực có thể để xây dựng hòa bình và hòa hợp trên thế giới, cởi mở  với sự tôn trọng hỗ tương và hướng dẫn nhân loại đến một sự chung sống hòa bình rất là quan trọng. Ở Ấn độ, mỗi tín hữu của mỗi truyền thống tôn giáo có thể cầu nguyện và được soi sáng tìm kiếm con đường hòa bình và hòa hợp.”

Một ý chỉ đặc biệt được gửi đến Đức Tổng Giám mục Felix Machado và các đồng hương Ấn độ đang tham dự tuần cầu nguyện cho hòa bình ở Assisi:”Xin Thiên Chúa củng cố họ trong việc tiếp tục hoạt động cho hòa bình ở Ấn Độ, nơi rất cần hòa bình. Cám ơn Thiên Chúa, Đấng soi sáng trái tim của tín đồ của tất cả các tôn giáo, chúng ta dấn thân cho việc hội nhập và hòa nhập, chìa khóa để xóa bỏ bạo lực khỏi xã hội Ấn Độ.” (Fides 19/09/2016)

Hồng Thủy

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 18-9-2016

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 18-9-2016

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha 18-9-2016

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 18-9-2016, ĐTC mời gọi các tín hữu xa tránh lối sống trần tục. Ngài cũng kêu gọi các tín hữu Công Giáo hiệp ý cầu nguyện cho hòa bình thế giới vào ngày 20-9-2016 tới đây.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh trước sự tham dự của hàng chục ngàn tín hữu, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng Chúa nhật thứ 25 thường niên năm C về dụ ngôn người quản lý bất trung, nhưng khôn khéo mua chuộc thiện cảm của các con nợ trước khi bị chủ sa thải.

Bài huấn dụ của ĐTC

”Hôm nay Chúa Giêsu dẫn chúng ta suy tư về hai lối sống đối nghịch nhau: lối sống trần tục và lối sống của Tin Mừng. Và Ngài làm điều ấy qua trình thuật dụ ngôn người quản lý bất trung và tham ô, Chúa Giêsu khen ngợi ông ta mặc dù sự bất lương của ông (Xc Lc 16,1-13). Nhưng cần phải minh định ngay rằng người quản lý ấy không được trình bày như một mẫu gương cần noi theo, nhưng như một thí dụ về sự gian xảo. Người này bị cáo là quản lý bê bối những công việc của ông chủ, và trước khi bị sa thải, ông ta mánh khóe tìm cách thu hút cho mình thiện cảm của các con nợ, bằng cách tha một phần nợ cho họ để đảm bảo cho mình một tương lai. Bình luận về thái độ đó, Chúa Giêsu nhận xét rằng: ”Thực vậy, con cái đời này khôn ngoan hơn con cái sự sáng” (v.8).

Chúng ta được kêu gọi đáp lại mánh khóe trần tục ấy bằng sự khôn ngoan theo tinh thần Kitô, vốn là một hồng ân của Chúa Thánh Linh. Vấn đề ở đây là xa tránh tinh thần và giá trị của thế gian này, chúng vốn là điều rất làm cho ma quỉ hài lòng, để sống theo Tin Mừng. Sự trần tục được biểu lộ qua những thái độ tham ô, lường gạt, áp bức, và là con đường lầm lạc, con đường tội lỗi, cho dù đó là con đường dễ đi. Trái lại tinh thần Tin Mừng đòi phải có một lối sống nghiêm túc và dấn thân, lương thiện, đúng đắn, tôn trọng người khác và phẩm giá của họ, có tinh thần trách nhiệm. Đó chính là sự khôn ngoan theo tinh thần Kitô!

ĐTC nhận xét rằng:

Cuộc đời bao hàm một sự chọn lựa giữa hai con đường ấy: giữa lương thiện và bất chính, giữa lòng trung thành và bất trung, giữa ích kỷ và vị tha, giữa sự thiện và sự ác. Ta không thể đong đưa giữa hai con đường đó, vì chúng đi theo những tiêu chuẩn khác nhau và đối nghịch nhau. Điều quan trọng là quyết định đi theo hướng nào, rồi, sau khi đã chọn lựa đúng đắn, phải quyết liệt tiến bước mau lẹ, tín thác nơi ơn Chúa và sự nâng đỡ của Thánh Thần Chúa. Kết luận của đoạn Tin Mừng thật là mạnh mẽ và quyết liệt: ”Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc họ yêu mến chủ này và ghét chủ kia, hoặc cảm mến chủ này và khinh rẻ chủ kia” (v.13).

Hôm nay, Chúa Giêsu khuyên nhủ chúng ta hãy chọn lựa rõ ràng giữa Ngài và tinh thần thế tục này, giữa tiêu chuẩn tham ô và ham ố, với tiêu chuẩn ngay chính và chia sẻ. Có người hành xử trong sự tham ô như với ma túy: họ nghĩ là có thể sử dụng nó và ngưng sử dụng khi nào họ muốn. Nhưng cả sự tham ô cũng tạo nên sự chán ngán, tạo ra nghèo đói, bóc lột và đau khổ. Trái lại khi chúng ta tìm cách theo tiêu chuẩn thanh liêm của Tin Mừng, trong sáng trong các ý hướng và trong cách cư xử, và tình huynh đệ, thì chúng ta trở thành những người xây dựng công lý và chúng ta mở ra những chân trời hy vọng cho nhân loại. Trong sự nhưng không và hiến thân cho anh chị em, chúng ta phục vụ người chủ tốt lành là Thiên Chúa.

 Và ĐTC kết luận rằng:

 Xin Mẹ Maria giúp chúng ta chọn lựa con đường đúng đắn trong mọi hoàn cảnh và với bất kỳ giá nào, và tìm ra được lòng can đảm để đi ngược dòng, miễn là theo Chúa Giêsu và Tin Mừng của Chúa.

 Lời chào thăm và kêu gọi

 Sau phép lành, ĐTC đã nhắc đến lễ tôn phong chân phước Elisabetta Sanna hôm thứ bẩy 17-9-2016 vừa qua tại Codrongianos, tỉnh Sassari trên đảo Sardegna của Italia. Chân phước là một bà mẹ gia đình. Sau khi chồng qua đời, Elisabetta hoàn toàn hiến thân cầu nguyện và phục vụ các bệnh nhân cũng như những người nghèo. Chứng tá của chân phước là mẫu gương về lòng bác ái theo tinh thần Tin Mừng được đức tin linh hoạt.

 ĐTC cũng nói rằng: Hôm nay (18-9), Đại Hội Thánh Thể toàn quốc Italia kết thúc tại thành Genova. ”Tôi ngỏ lời đặc biệt cháo thăm các tín hữu tụ họp tại đó, và cầu mong biến cố ơn thánh này khơi dậy nơi nhân dân Italia niềm tin nơi Bí tích Thánh Thể cực thánh, trong đó chúng ta thờ lạy Chúa Kitô là nguồn mạch sự sống và hy vọng cho mỗi người.

 Rồi ĐTC thông báo: ”Thứ ba tới đây, tôi sẽ đi Asssi tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn, 30 năm sau cuộc gặp gỡ lịch sử do thánh Gioan Phaolô 2 triệu tập. Tôi mời gọi các giáo xứ, các hội đoàn của Giáo Hội, mà mỗi tín hữu trên toàn thế giới sống ngày thứ ba tới như một Ngày Cầu nguyện cho hòa bình. Theo gương thánh Phanxicô, người của tình huynh đệ và dịu dàng, tất cả chúng ta được mời gọi cống hiến cho thế giới một chứng tá mạnh mẽ về sự dấn thân chung của hcúng ta cho hòa bình và hòa giải các dân tộc.

 Sau cùng, ĐTC còn chào thăm tất cả các tín hữu hành hương, đặc biệt là các tín hữu từ giáo phận Koeln bên Đức và Marianopoli.

Cũng nên nhắc lại rằng vị tân nữ chân phước vừa được ĐTC nhắc đến, Elisabetta Sanna, là một giáo dân dòng Ba Phanxicô. Elisabetta lập gia đình và được 5 người con. Trở thành góa phụ năm 1825 khi được 37 tuổi, bà khấn giữ khiết tịnh và trở thành mẹ tinh thần của nhiều thiếu nữ và phụ nữ trong vùng.

Năm 1831, Bà Elisabetta xuống tàu đi hành hương Thánh Địa, nhưng bị kẹt ở Roma và không thể trở về quê vì bị những xáo trộn nặng về thể lý. Bà tận hiến chuyên chăm cầu nguyện và phục vụ các bệnh nhân và người nghèo.

Elisabetta một trong những người đầu tiên gia nhập Hội Tông Đồ Công Giáo của Thánh Vinh Sơn Pallotti, cũng là cha linh hướng của bà. Nơi bà ở trở thành một đền thánh với đức tin sống động và đức bác ái nhiệt thành. Elisabetta Sanna qua đời tại Roma ngày 17-2 năm 1857, thọ 69 tuổi.

Án phong chân phước cho bà kéo dài hơn một thế kỷ rưỡi, và lễ phong chân phước cho bà được ĐHY Amato cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Chúa Ba Ngôi ở Codrongianos thứ bẩy 17-9-2016.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Phanxicô: người tị nạn không khác với các thành viên trong gia đình chúng ta

Đức Phanxicô: người tị nạn không khác với các thành viên trong gia đình chúng ta

ĐGH tiếp tham dự viên hội nghi về khủng hoảng di dân

Sáng hôm nay, 17 tháng 9, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tiếp các thành viên của Liên đoàn châu Âu và Liên minh thế giới các sinh viên dòng Tên về Roma tham dự Hội nghị trong tuần này về đề tài “cuộc khủng hoảng di dân và tị nạn toàn cầu: Thời gian suy tư và hành động” .

Trong lời chào mừng các tham dự viên, Đức Giáo hoàng gọi họ là “những người nam nữ vì người khác”, đến Roma để khám phá gốc rễ của cuộc di cư bó buộc, để suy tư về trách nhiệm của họ trong việc đáp ứng với hoàn cảnh hiện tại và được sai đi như những người quảng bá cho sự thay đổi tại các cộng đồng ở quê hương của họ.

Đức Giáo hoàng chia sẻ: con số hơn 65 triệu người trên khắp trái đất buộc phải rời bỏ quê hương, đông hơn dân số của toàn nước Italia, là con số ngoài sự tưởng tượng. Nhưng chúng ta phải vượt trên con số thống kê này, để nhìn thấy những người tị nạn là các người nam nữ, các chàng trai cô gái, họ không khác gì các thành viên trong gia đình chúng ta. Họ cũng có tên tuổi, gương mặt, lịch sử và quyền không thể chối bỏ là sống trong hòa bình và khao khát một tương lai cho con cái họ.

Thế giới ngày nay thật đáng buồn là còn nhiều xung khắc như chiến tranh tại Syria hay nội chiến ở miền nam Sudan và ở những nơi khác trên khắp thế giới mà dường như không thể giải quyết được. Và đây là lý do mà việc họp nhau của các thành viên của Hội cựu sinh viên dòng Tên “để suy tư và hành động” về các vấn đề tị nạn rất là quan trọng.

Đức Giáo hoàng nhấn mạnh: “Ngày nay hơn bao giờ hết, khi chiến tranh đang tàn phá khắp công trình sáng tạo của Thiên Chúa, khi con số kỷ lục người tị nạn chết khi cố vượt biển Địa trung hải và những người tị nạn sống mòn mỏi năm này qua năm khác trong các trại tị nạn, Giáo hội cần anh chị em theo gương can đảm của cha Pedro Arrupe. (Cách đây hơn 35 năm, cha đã hành động để giúp đỡ các thuyền nhân của miền nam Việt nam, những người vượt biển trong tuyệt vọng để chạy trốn bạo lực tại quê hương,  trước hiểm họa tấn công của cướp biển và bão tố đe dọa.)  Qua nền giáo dục của dòng Tên, anh chị em được mời gọi trở thành bạn đồng hành của Chúa Giêsu và với Thánh Inhaxiô Loyola người hướng dẫn của anh chị em, anh chị em được sai đi vào thế giới để là những người nam và nữ cho và với người khác. Ở nơi này và trong thời gian này trong lịch sử, rất cần có những người nam nữ nghe tiếng kêu than của dân nghèo và đáp lại với lòng thương xót và sự quảng đại.”

Đức Giáo hoàng mời gọi các tham dự viên can đảm đáp lại những nhu cầu của người tị nạn ngày nay. Năm Thánh Lòng thương xót nhắc nhớ lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa cho mọi người. Với sự giúp đõ của họ Giáo hội có thể đáp trả nhiều hơn các thảm kịch nhân loại của những người tị nạn qua các hành động thương xót và khuyến khích sự hội nhập của người tị nạn vào bối cảnh Âu châu và hơn nữa. Ngài khuyến khích các tham dự viên đón nhận người di cư vào gia đình, cộng đoàn của mình để kinh nghiệm đầu tiên của những người này về châu Âu  không phải là kinh nghiệm hãi hùng của việc ngủ giữa cái rét giá lạnh của đường phố nhưng là sự chào đón nồng ấm tình người. Ngài nói: “hãy nhớ rằng một sự tiếp đón thật sự là một giá trị Tin mừng sâu sắc nuôi dưỡng tình yêu và sự an ninh lớn nhất của chúng ta chống lại các hành động thù oán của khủng bố.”

Đức Giáo hoàng cũng khuyến khích các tham dự viên ủng hộ việc giáo dục cho người tị nạn. Thực tế là có ít hơn 50% các trẻ em tị nạn được hưởng giáo dục căn bản và con số càng giảm đi đối với các lớp tuổi lớn hơn. Ngài khuyên họ hãy  biến lòng thương xót thành hành động để thay đổi thực trạng giáo dục này. Khi làm như thế họ sẽ xây một châu Âu mạnh hơn và tương lai tươi sáng hơn cho người tị nạn.

Đức Giáo hoàng khuyên các tham dự viên đừng cảm thấy lẻ loi trong việc từ bi bác ái vì có các tổ chức Giáo hội hoạt đọng cho nhân quyền, giúp cho những người bị loại bỏ và gạt ra ngoài xã hội. Nhưng quan trọng hơn, “tình yêu Thiên Chúa luôn đồng hành với anh chị em trong công việc này. Anh chị em là đôi mắt, là miệng, là đôi tay và trái tim của Thiên Chúa trong thế giới này”.

Cuối cùng, Đức Giáo hoàng cám ơn các tham dự viên đã dấn bước vào vấn đề khó khăn liên quan đến việc chào đón người tị nạn. Ngài khuyến khích họ khi trở về nhà hãy biến cộng đoàn của mình thành nơi chào đón nơi mọi con cái Thiên Chúa có cơ hội, không chỉ sống sót, nhưng lớn lên, và sinh hoa trái. Chính Thánh gia trên đường trốn chạy bạo lực đã được những người xa lạ tiếp đón. Hãy nhớ lời Chúa Giêsu: “khi Ta đón các con đã cho Ta ăn, khi ta khát các con đã cho uống, khi Ta là khách lạ các con đã viếng thăm” (Mt 25,35). Hãy nhận lấy những lời này và thi hành. Hi vọng chúng sẽ mang lại cho anh chị em sự khích lệ và an ủi. (SD 17/09/2016)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha kêu gọi bảo vệ phẩm giá con người

Đức Thánh Cha kêu gọi bảo vệ phẩm giá con người

Đức Thánh Cha kêu gọi bảo vệ phẩm giá con người

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 15-9-2016, dành cho 150 thành viên Hiệp Hội Kinh Thánh Italia, ĐTC kêu gọi bảo vệ phẩm giá con người chống lại nhiều thứ đe dọa.

Hiệp hội nhóm họp nhân dịp Tuần lễ toàn quốc Italia về Kinh Thánh, với chủ đề: ”Chúng ta hãy tạo dựng con người .. nam và nữ: những đặc tính của nam – nữ trong Kinh Thánh”.

ĐTC nhận xét rằng ”phẩm giá Thiên Chúa ban cho con người chúng ta có thể bị suy thoái, con người có thể tự làm băng hoại nhân phẩm của mình. Điều này xảy ra khi chúng ta thương lượng về phẩm giá, khi chúng ta thờ thần tượng, khi chúng ta dành chỗ cho kinh nghiệm về thần tượng trong con tim chúng ta. Trong cuộc Xuất Hành ra khỏi Ai Cập, khi dân mệt mọi vì Ông Môisê chậm xuống khỏi núi, họ bị ma quỉ cám dỗ và đã kiến tạo một thần tượng (Xc Xh 32). Thần tượng đó bằng vàng: điều này làm ta nghĩ đến sức thu hút của giàu sang, nghĩ đến sự kiện con người đánh mất phẩm giá của mình khi trong tâm hồn họ, của cải giàu sang chiếm chỗ của Thiên Chúa”. (SD 15-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Trong một thế giới đau khổ vì đơn côi, chúng ta có Mẹ Maria đồng hành che chở

Trong một thế giới đau khổ vì đơn côi, chúng ta có Mẹ Maria đồng hành che chở

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi

Trong một thế giới đang đau khổ vì đơn côi, chúng ta có Mẹ Maria đồng hành và che chở. Đức Thánh Cha nói như thế trong thánh lễ sáng nay tại Nhà nguyện thánh Marta nhân ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi.

Bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta lên đồi Calvario. Tất cả các môn đệ đều bỏ chạy, chỉ còn Gioan và mấy người phụ nữ. Dưới chân Thập giá, có Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu. Mọi người có thể nhìn vào Mẹ mà nói: “Đó là mẹ của tên tử tội!”.

Mẹ Maria cảm nhận được những điều ấy. Mẹ đau khổ nhiều, Mẹ phải chịu sự sỉ nhục khủng khiếp. Một số thượng tế đứng đó cũng chế giễu: “Có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi! Xuống đi!” Người Con của Mẹ đang trần trụi trên thập giá. Mẹ Maria đau khổ vô cùng, nhưng Mẹ không bỏ đi. Mẹ vẫn đứng đó. Mẹ không chối bỏ đó là Con của Mẹ. Đó là người Con mà Mẹ đứt ruột sinh ra.   

Đức Thánh Cha nhớ lại, khi Ngài đến Buenos Aires thăm những người bị giam trong tù, Ngài luôn nhìn thấy những người phụ nữ xếp hàng chờ để được vào nhà tù mà thăm viếng. “Họ là những người mẹ. Họ không xấu hổ vì những người con ruột thịt của họ ở đó. Những người mẹ này đau khổ không chỉ vì tình trạng ở tù của con họ. Mà họ còn chịu những sỉ nhục tệ hại khi họ tìm cách vào tù thăm con. Thế nhưng, vì họ là những người mẹ, nên họ đi tìm người con ruột thịt của họ, những người mẹ đi tìm chính thân mình.” Mẹ Maria đã đứng đó, đã ở đó với Con của Mẹ trong đau khổ tột cùng.

Chính Chúa Giêsu đã hứa là không để chúng ta mồ côi. Trên Thánh Giá, Người đã ban cho chúng ta một người Mẹ. Từ đây Mẹ Maria là Mẹ của chúng ta. Các Kitô hữu chúng ta có chung một người Mẹ, đó là Mẹ của Chúa Giêsu, chúng ta có chung một người Cha, là Cha trên Trời, Cha của Chúa Giêsu. Chúng ta không mồ côi. Mẹ là Mẹ chúng ta. Mẹ chăm sóc con cái Mẹ. Mẹ không xấu hổ vì chúng ta vì Mẹ che chở chúng ta.

Các nhà thần bí trong những thế kỷ đầu đã tìm đến nương ẩn nơi Mẹ, khi họ gặp thử thách thiêng liêng: khi chúng ta ở bên Mẹ, ma quỷ không thể tấn công chúng ta, vì Mẹ là Mẹ và Mẹ bảo bọc chúng ta. Sau đó, điều tốt lành này được đón nhận và làm thành bài ca “Dưới áo Mẹ từ bi”.

Trong một thế giới đang khủng hoảng và trong đơn côi, chúng ta nhìn lên Mẹ. Chúng ta có một người Mẹ. Mẹ bảo vệ, đồng hành, dẫn dắt chúng ta. Mẹ không xấu hổ vì những lầm lỗi của chúng ta, vì Mẹ là Mẹ chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần là Bạn Đồng Hành, là Đấng Bảo Trợ, Đấng An Ủi mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm tuyệt vời về Mẹ của chúng ta, Mẹ Maria.

Tứ Quyết SJ

Vượt qua sự dửng dưng, xây dựng văn hóa gặp gỡ

Vượt qua sự dửng dưng, xây dựng văn hóa gặp gỡ

Thánh lễ Santa Marta

Chúng ta xây dựng nền văn hóa đích thực của việc gặp gỡ, để vượt thắng kiểu văn hóa dửng dưng. Đó là lời mà Đức Thánh Cha chia sẻ trong Thánh lễ sáng nay tại Nhà nguyện Thánh Marta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Đức Thánh Cha cảnh báo về những thói quen xấu, ngay cả trong gia đình, đó là những thói quen làm cho mọi người không còn lắng nghe nhau.

Đức Thánh Cha nói, Lời Chúa làm cho chúng ta nghĩ về những cuộc gặp gỡ ngày nay. Người ta thường đi vượt qua người khác mà không có gặp, nhìn mà không thấy, chỉ nghe mà không lắng nghe.

Cuộc gặp gỡ mà Tin Mừng hôm nay loan báo, là cuộc gặp gỡ giữa người nam và người nữ; giữa người con một còn sống và người con một đã chết; giữa đám đông vui vẻ vì họ gặp Thầy Giêsu và đi theo Người với đám người đang than khóc cùng người phụ nữ mất con; giữa những người đi ra cổng thành và những người đi vào cổng thành.

Chúa Giêsu “chạnh lòng thương” không giống như kiểu chúng ta đi trên đường phố và thấy điều gì đó rồi nói “thật tội nghiệp”. Chúa Giêsu không đứng ngoài cuộc, nhưng Người chạnh lòng thương. Người tiến lại gần người phụ nữ, Người thực sự gặp bà, và sau đó phép lạ xảy ra cho con trai bà.

Cuộc gặp gỡ với Thầy Giêsu giúp vượt thắng sự dửng dưng và làm phục hồi phẩm giá. Chúng ta không chỉ thấy sự dịu hiền mà còn thấy hoa trái của gặp gỡ, vì mọi cuộc gặp gỡ đều phát sinh hoa trái. Chúng ta đã quen với kiểu thờ ơ, nên chúng ta phải hành động và cầu nguyện để xây dựng văn hóa gặp gỡ, để những cuộc gặp gỡ phát sinh hoa trái, là đưa con người trở về với phẩm giá làm con Thiên Chúa. Gặp gỡ. Nếu tôi không nhìn, nếu tôi không dừng lại, nếu tôi không đụng chạm, nếu tôi không nói, thì tôi không thể gặp gỡ, tôi không thể góp phần tạo nên văn hóa gặp gỡ.

Nơi gia đình, chúng ta sống trong cuộc gặp gỡ đích thực, khi mọi người ăn cùng một bàn, lắng nghe nhau. Tại bàn ăn gia đình mỗi tối, chúng ta thường vừa ăn vừa xem tivi vừa nhắn tin trên điện thoại. Mọi người đều thờ ơ với cuộc gặp gỡ. Hạt nhân của tình thân gia đình chính là gặp gỡ. Điều này giúp chúng ta xây dựng văn hóa gặp gỡ như Chúa Giêsu đã làm. Đừng chỉ có nhìn mà hãy ngắm nhìn. Đừng chỉ có nghe mà hãy lắng nghe. Đừng chỉ có đi qua mà hãy biết dừng lại. Đừng chỉ có nói “Khổ thân người nghèo” mà hãy động lòng trắc ẩn. Khi Chúa Giêsu tiến lại gần, chạm tới, và nói với mọi người trong giây phút ấy, Chúa nói bằng ngôn ngữ của con tim: “Đừng khóc nữa”, và Người ban cho anh thanh niên sức sống. (SD 13-9-2016)

Tứ Quyết, SJ

 

Thiên Chúa luôn chờ đợi và tha thứ cho chúng ta

Thiên Chúa luôn chờ đợi và tha thứ cho chúng ta

Đưc Thánh Cha chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 24 Thường Niên

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 11 tháng 09,  Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng với ba dụ ngôn trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Đức Giêsu trình bày cho chúng ta gương mặt đích thật của Thiên Chúa. Ngài là một người cha với vòng tay rộng mở, đối xử với kẻ tội lỗi bằng sự dịu hiền và lòng xót thương.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

“Phụng vụ hôm nay đề nghị với chúng ta chương 15, Tin Mừng theo thánh Luca. Chương này nói về lòng thương xót, bao gồm ba dụ ngôn, qua đó Đức Giêsu đáp lại những lời xì xầm của các kinh sư và luật sỹ. Họ chỉ trích Đức Giêsu về những hành động của Ngài. Họ nói: ‘Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng’ (Lc 15, 2). Với ba dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn mọi người hiểu rằng Thiên Chúa Cha muốn dành thái độ đón nhận, cảm thông và thương xót trước hết cho những người tội lỗi. Trong dụ ngôn thứ nhất, Thiên Chúa được miêu tả như vị mục tử sẵn sàng bỏ lại chín mươi chín con chiên để đi tìm con chiên bị lạc mất. Ở dụ ngôn thứ hai, Thiên Chúa được ví với người phụ nữ đánh mất đồng bạc, đã thắp đèn đi tìm cho kỳ được. Với dụ ngôn thứ ba, Thiên Chúa được miêu tả giống như người cha đón nhận và tha thứ cho đứa con hoang đàng bỏ nhà đi xa; hình ảnh người cha đã vén mở trái tim nhân hậu của Thiên Chúa được diễn tả nơi Đức Giêsu.

Điểm chung của cả ba dụ ngôn này là điều được diễn tả ngang qua các động từ có ý nghĩa chung vui với nhau, mở tiệc ăn mừng. Không phải khóc than, buồn sầu nhưng là chung vui với nhau và mở tiệc mừng. Người mục tử đã mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó’ (Lc 15, 6).  Người phụ nữ cũng mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất’ (Lc 15, 9). Cũng vậy, người cha nói với đứa con cả: ‘Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy’ (Lc 15, 32). Ở hai dụ ngôn đầu, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến sự vui mừng. Niềm vui ấy lớn đến nỗi khiến cho người ta phải chia sẻ với ‘bạn bè và hàng xóm’. Trong dụ ngôn thứ ba, điểm quan trọng là tiệc mừng. Tiệc mừng ấy xuất phát từ trái tim giầu lòng thương xót của người cha và lan tỏa đến khắp mọi người trong nhà. Tiệc mừng mà Thiên Chúa dành cho những ai biết ăn năn trở lại với Ngài thật am hợp biết bao với tâm tình mà chúng ta đang trải nghiệm trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Chúng ta đều dùng một thuật ngữ chung ‘năm toàn xá’!

Với ba dụ ngôn này, Đức Giêsu trình bày cho chúng ta gương mặt đích thật của Thiên Chúa, là người cha với vòng tay rộng mở, đối xử với kẻ tội lỗi bằng sự dịu hiền và lòng xót thương. Dụ ngôn cảm động nhất, vì diễn tả tình yêu vô biên của Thiên Chúa, là dụ ngôn về người cha chạy ra ôm cổ người con trai bị lạc mất và hôn lấy hôn để. Như vậy, điểm đánh động ở đây không phải là câu chuyện buồn về một chàng thanh nhiên trẻ bị rơi vào cảnh suy đồi, nhưng chính là những lời nói đầy xác quyết của anh: ‘Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha’ (Lc 15, 18). Con đường về nhà là con đường của hy vọng và của một đời sống mới. Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta bắt đầu cuộc hành trình trở về. Ngài đợi chờ chúng ta với niềm hy vọng. Ngài trông thấy ta khi ta còn ở mãi đằng xa. Ngài chạy ra ôm chầm lấy ta, hôn lấy hôn để và sẵn sàng tha thứ hết mọi tội lỗi. Thiên Chúa là như thế đó! Cha của chúng ta đáng yêu như thế đó! Sự tha thứ của Thiên Chúa xóa bỏ quá khứ lầm lỗi và tái sinh chúng ta trong tình yêu. Quên đi quá khứ chính là điểm yếu của Thiên Chúa. Mỗi khi Ngài ôm lấy ta và tha thứ cho ta là Ngài quên hết quá khứ, chẳng còn nhớ gì nữa. Thiên Chúa lãng quên quá khứ lỗi lầm. Khi chúng ta phạm tội nhưng biết ăn năn và trở về với Thiên Chúa, Ngài sẽ chẳng bao giờ quở mắng hay trách phạt, vì Thiên Chúa cứu độ và tái đón nhận ta vào nhà với niềm vui và tiệc mừng. Chính Đức Giêsu, trong bài Tin Mừng hôm nay, đã nói: ‘Trên trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn’ (Lc 15, 7). Tôi muốn hỏi anh chị em một điều: Anh chị em có bao giờ nghĩ rằng mỗi khi chúng ta đi xưng tội là trên trời tràn ngập niềm vui và mở tiệc mừng hay không? Anh chị em có bao giờ nghĩ như thế chưa? Thật là đẹp biết bao!

Điều này mang lại cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao, vì với ân sủng của Thiên Chúa chúng ta có thể tiếp tục đứng dậy mỗi khi té ngã trước mọi tội lỗi dù tội đó trầm trọng đến mấy đi nữa. Không có ai là hết phương cứu chữa; chẳng có ai mà không được cứu độ! Bởi vì Thiên Chúa không bao giờ ngừng muốn những điều tốt đẹp cho ta, ngay cả khi ta phạm tội! Xin Đức Trinh Nữ Maria, Chốn Náu Nương cho những ai tội lỗi, làm nảy sinh trong tâm hồn chúng ta niềm xác tín giống như đã nảy sinh trong trái tim của người con hoang đàng: ‘Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với cha’ (Lc 15, 18). Bằng cách đó, chúng ta có thể làm vui lòng Thiên Chúa và niềm vui của Ngài sẽ trở thành niềm vui cũng như tiệc mừng của chúng ta.”

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói: “Tôi mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện đặc biệt cho Gabon, đang trải qua những giây phút khủng hoảng chính trị trầm trọng. Tôi phó thác vào tay Thiên Chúa toàn năng các nạn nhân của những vụ đụng độ cũng như gia đình của họ. Tôi hiệp lời với các Giám mục của đất nước Phi châu mến yêu để mời gọi các bên chấm dứt mọi hình thức bạo lực và cùng nhau thăng tiến lợi ích chung. Tôi khuyến khích tất cả mọi người xây dựng hòa bình trên tinh thần tôn trọng luật pháp, trong đối thoại và tình huynh đệ.

Hôm nay tại Karaganda, ở Kazakhstan, Giáo hội đã tôn phong chân phước cho linh mục Ladislao Bukowinski. Ngài đã bị sát hại vì đức tin. Trong suốt cuộc đời, cha đã bày tỏ tình yêu dạt dào cho những người yếu đuối và nghèo khổ nhất. Chứng tá của cha là kết tinh của những công việc bác ái về tinh thần cũng như thể xác.”

Tiếp đến, Đức Thánh Cha gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác.

Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc tất cả mọi người ngày Chúa nhật tốt lành và Ngài cũng không quên xin mọi người cầu nguyện cho Ngài.

Vũ Đức Anh Phương SJ

 

Kinh nghiệm cầu nguyện trong lúc đau khổ của bà Jennifer Hubbard

Kinh nghiệm cầu nguyện trong lúc đau khổ của bà Jennifer Hubbard

Jennifer Hubbard 1

Đối với nhiều người, cầu nguyện thật là khó khăn trong những giờ phút đau khổ cùng cực tuyệt vọng. Lúc đó người ta thường không nhớ đến Thiên Chúa, hoặc có nhớ đến Ngài thì thường là kêu than oán trách, tại sao Chúa lại để điều này xảy ra với tôi. Nhưng đối với bà Jennifer Hubbard, một cộng tác viên của báo Magnificat, chính việc cầu nguyện đã giúp bà vượt qua được những giây phút khó khăn nhất trong cuộc đời của bà. Bà Hubbard và gia đình đã thật sự sống những giây phút thảm kịch vào tháng 12 năm 2012.  Hai em bé con của bà Hubbard đang học tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown bang Connecticut. Một ngày, dân cư tại Newtown nhận tin báo, có một kẻ cầm súng vào trường tiểu học. Một vụ nổ súng đã xảy ra tại trường. Đã có 20 trẻ em và 6 người lớn bị thiệt mạng trong vụ nổ súng. Catherine Violet, con gái của bà Hubbard, là một trong số các nạn nhân; cô bé khi ấy mới chỉ 8 tuổi.

Khi nghe tin vụ nổ súng xảy ra tại trường học các con của mình đang theo học, bà Hubbard và chồng, giống như thân nhân của các học sinh và nhân viên của trường, vội vàng chạy đến trạm cứu hỏa và chờ đợi để nghe tin tức về các người thân yêu của họ. Trong lúc chờ nhận tin về hai con, bà Hubbard đã cầu nguyện xin Chúa đưa con gái Catherine của bà về nhà; bà cầu xin Chúa mà bà yêu kính gìn giữ con gái bà được bình an. Bà đã cầu nguyện để con gái bà sẽ xuất hiện tại trạm cứu hỏa bà đang chờ, nhưng sự việc không xảy ra như lời cầu xin của bà. Con gái Catherine của bà là một trong số các nạn nhân bị thảm sát. Thời gian dần qua, bà Hubbard nhận thấy là mình đã được Chúa đáp lời. Catherine đã về nhà. Chúa đã nhận lời cầu nguyện của bà và đưa con gái bà trở về nhà. Bà đã có hy vọng được nhìn thấy lại đứa con gái bé bỏng yêu quý của mình.

Bà Hubbard chia sẻ: “Tất cả chúng ta đều gặp phải những thử thách, tất cả chúng ta đều đối mặt với những thảm kịch. Thảm kịch của tôi là con gái của tôi bị giết. Thảm kịch của người khác có thể là kết luận của bác sĩ là ung thư đã ở giai đoạn cuối và không thể chữa trị. Khi chúng ta thực sự ở trong bóng tối của khó khăn đau khổ đó, việc cầu nguyện hướng sự chú ý của chúng ta về Thiên Chúa và cho phép sự bình an cư ngụ trong tâm hồn chúng ta bất chấp hỗn loạn cỡ nào đang vây quanh chúng ta.”

Theo bà Hubbard, những người đang gặp khó khăn về cầu nguyện thường là vì họ lo lắng là họ không thể làm được điều gì cụ thể, họ cảm thấy cầu nguyện không đủ giúp vượt qua khó khăn. Nhưng bà Hubbard nhận thấy là cầu nguyện chuẩn bị cho chúng ta quy hướng về Thiên Chúa và tình yêu của Người dành cho chúng ta, chống lại thử thách và khó khăn. Bà nói: "Bạn cầu nguyện với lòng tin tưởng rằng lời cầu nguyện của bạn sẽ được đáp lời, nhưng bạn cũng cầu nguyện với sự nhận thức là ý Chúa sẽ là điều tốt nhất”. Lời cầu nguyện không luôn được đáp trả như chúng ta chờ đợi.

Đối với bà Hubbard, lời cầu nguyện chân thành diễn tả một niềm hy vọng rằng một điều gì đó sẽ thay đổi. Đối với người cầu nguyện, có một vẻ đẹp là sự thay đổi diễn ra trong trái tim của người đó. Cầu nguyện và hy vọng đi đôi với nhau. Cầu nguyện là tiếp tục mối liên hệ đâm rễ sâu và cuộc đối thoại với người duy nhất có thể mang lại cho bạn sự hướng dẫn, ý nghĩa và bình an trong cuộc sống. Bà Hubbard cũng cảnh giác về sự nguy hiểm của không cầu nguyện: “Khi chúng ta không lắng nghe Thiên Chúa, khi chúng ta tự giải quyết vấn đề hay tìm câu trả lời mà chúng ta muốn Thiên Chúa đáp trả cho chúng ta, tôi nghĩ nó nguy hiểm. Khi chúng ta không lắng nghe Thiên Chúa, chúng ta chỉ hiếu chiến. Chúng ta đang đặt chúng ta trên Thiên Chúa. Không lắng nghe Thiên Chúa, tự giải quyêt vấn đề, chúng ta cảm thấy như chúng ta tự làm được. Người ta cố gắng và nhúng tay vào giải quyết một tình cảnh nhưng chỉ làm cho nó thành một mớ hỗn độn khủng khiếp. Không cầu nguyện, không lắng nghe Thiên Chúa, hay chỉ đầu hang trước bất cứ điều gì mình gặp phải, nó sẽ nắm giữ bạn lại, ngăn bạn nhìn thấy mục đích và đau khổ đó, bạn sẽ thất bại. Cầu nguyện là một lời đáp trả chứng tỏ bạn biết Thiên Chúa có một điều gì đó sẵn sàng cho bạn. (CNA 21/07/2016)

Hồng Thủy

 

Giám mục Hoa kỳ phản đối tài trợ nghiên cứu phôi nửa người nửa thú vật

Giám mục Hoa kỳ phản đối tài trợ nghiên cứu phôi nửa người nửa thú vật

US-Capitol Congress

Washington – Hội đồng Giám mục Hoa kỳ phản đối một đề nghị của Viện Y tế quốc gia (viết tắt là NIH) cho phép việc dùng quỹ liên bang tài trợ việc nghiên cứu trên các phôi thai một phần của người một phần động vật, được gửi cho cơ quan vào ngày 2 tháng 9.

Các Giám mục đã đưa ra những lý lẽ luân lý đạo đức và pháp luật để phản đối kế hoạch này. Các ngài nói rằng cuộc nghiên cứu như thế sản xuất ra những “cá thể” không hoàn toàn thuộc về chủng tộc loài người cũng như các chủng loại thú vật.

Nguyên tắc hiện tại của NIH cho việc nghiên cứu tế bào gốc của con người ngăn cấm đặc biệt việc đưa những tế bào gốc đa năng – những tế bào có khả năng sinh ra một số loại tế bào khác nhau – vào trong các phôi nang linh trưởng không phải con người, những tế bào ở giai đoạn đầu phát triển. NIH đề nghị tài trợ cho các nhà khoa học nghiên cứu những phôi như thế, được biết như các chimeras (những sinh vật bao gồm một hỗn hợp của các mô khác nhau về mặt di truyền, được hình thành bởi các quá trình như sự hợp nhất của các phôi mới hình thành, hoặc ghép, hoặc đột biến).

Thông cáo của các Giám mục nói rằng: trong khi kế hoạch kêu gọi xem xét lại một số đề xuất nghiên cứu của ủy ban lãnh đạo của NIH đưa ra, thì “điều căn bản là chính phủ liên bang sẽ bắt đầu mở rộng việc sử dụng tiền thuế đóng góp vào việc tạo ra và thao túng các “sinh vật mới” có sự hiện hữu mập mờ giữa con người và thú vật, như chuột và các loại”. Tài trợ cho việc nghiên cứu như vậy nghĩa là NIH phớt lờ luật cấm điều đó và cuộc nghiên cứu đó “hiển nhiên cũng phi đạo đức”.

Về phương diện luân lý đạo đức của vấn đề, các Giám mục quan tâm đến việc tiêu diệt các phôi thai được sử dụng như nguồn nguyên liệu cho việc nghiên cứu. Nhìn nhận lợi ích cho con người có thể đạt được qua việc dùng thú vật để nghiên cứu, tuy nhiên các Giám mục cũng nhấn mạnh rằng phẩm giá đặc biệt của con người đặt những giới hạn cho những điều có thể thực hiện trong lãnh vực nghiên cứu này một cách có đạo đức. Các Đức cha nói: “Ở đây có vấn đề luân lý chính yếu liên quan đến dự án này, bên cạnh vấn đề đã nghiêm trọng là khai thác phôi người như các xưởng chế tạo tế bào gốc để nghiên cứu. Vì nếu người ta không thể nói đến mức độ nào, các sinh vật được chế biến ra, nếu có, có tình trạng hay đặc tính của con người, người ta không thể quyết định những ràng buộc luân lý đối với sinh vật đó. Chúng tôi tin rằng việc sản sinh các sinh vật mới, mà đối với chúng, luân lý căn bản và các quy định luật pháp của chúng ta sẽ không tránh khỏi bối rối, thậm chí là mâu thuẫn, tự nó là một việc vô đạo đức. NIH nên cân nhắc kỹ lưỡng hơn vấn đề này và các vấn đề luân lý trước khi xem xét việc tài trợ cho nghiên cứu các chimera nửa người nửa thú vật.”

Các Đức cha cũng thêm rằng, về mặt luật pháp, tài trợ liên bang cho nghiên cứu như thế vi phạm tu chính Dickey-Wicker, là cấm việc dùng tiền thuế để sản sinh hay tiêu diệt các phôi thai người cho các thí nghiệm. Thông cáo kết luận: dự án sai lầm trầm trọng và đề nghị NIH rút lại dự án này. (CNS 06/09/2016)

Hồng Thủy 

Thánh lễ tạ ơn Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa

Thánh lễ tạ ơn Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa

Thánh lễ tạ ơn Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa

VATICAN. Sáng thứ hai 5-9-2016, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã chủ sự thánh lễ tạ ơn nhân dịp lễ phong hiển thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta.

Đồng tế với ĐHY có hơn 30 Hồng Y, GM, gần 200 Linh mục, trước sự hiện diện của hơn 10 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô, trong đó có đông đảo các nữ tu thừa sai bác ái.

Hôm qua, cũng là lễ kính thánh nữ Têrêsa Calcutta và là ngày giỗ lần thứ 19 (1997) của Mẹ.

Bài giảng của Đức Hồng Y

Trong bài giảng thánh lễ, ĐHY Quốc vụ khanh nhấn mạnh bí quyết cuộc sống và hoạt động của Mẹ Têrêsa là lời Chúa Giêsu như được công bố trong bài Tin Mừng của ngày lễ: ”Thật, Thầy bảo các con, tất cả những gì các con làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy, là các con làm cho Thầy” (Mt 25,40).

”Mẹ Têrêsa đã khám phá nơi những người nghèo, khuôn mặt của Chúa Kitô, 'Đấng đã trở nên nghèo vì chúng ta để làm cho chúng ta trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Ngài' (Xc 2 Cr 8,9). Mẹ đã đáp lại tình yêu vô biên của Chúa bằng một tình yêu vô biên đối với người nghèo.. Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta” (2 Cr 5,14).

ĐHY Parolin cũng nhận xét rằng: ”Mẹ Têrêsa đã có thể trở thành một dấu dấu chỉ rất sáng ngời về lòng từ bi thương xót, như ĐTC đã nói trong bài giảng lễ Phong thánh: 'Lòng từ bi thương xót đối với Mẹ là 'muối' mang lại hương vị cho mỗi hoạt động của Mẹ và là 'ánh sáng' chiếu sáng bóng đêm của những người không còn nước mắt để khóc sự nghèo khổ của họ', vì Mẹ đã để cho mình được Chúa Kitô soi sáng, Chúa Kitô được thờ lạy, yêu mến, chúc tụng trong Thánh Thể, như chính Mẹ đã giải thích: ”Cuộc sống của chúng ta phải liên tục được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, vì nếu chúng ta không có khả năng nhìn thấy Chúa Kitô dưới hình bánh, thì chúng ta cũng không có thể khám phá Chúa dưới những vẻ khiêm hạ của những thân thể tiều tụy của người nghèo” (Xc Teresa di Calcutta, L'amore che dissetta, p.16).

Trong bài giảng, ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cũng nhắc đến một trong những hình thức nghèo khổ đau thương nhất, đó là biết mình không được thương yêu, không được mong muốn và bị khinh rẻ. Đó là một thứ nghèo cũng hiện diện tại các nước và các gia đình không nghèo, và cả nơi những người thuộc giới có những phương tiện và khả năng, nhưng cảm thấy tâm hồn trống rỗng vì đánh mất ý nghĩa và hướng đi của cuộc đời, hoặc bị thất vọng, sầu muộn vì những liên hệ bị phá vỡ, vì cô đơn trầm trọng, vì cảm tượng bị mọi người quên lãng hoặc không còn ích lợi gì cho ai nữa”.

Mẹ Têrêsa cũng coi các thai nhi chưa sinh ra và bị đe dọa trong cuộc sống như ”những người nghèo nhất trong những người nghèo.. Từ đó mẹ đã can đảm bảo vệ những sự sống đang sinh ra, Mẹ nói thẳng thắn và có những hành động rõ ràng, là dấu chỉ sáng ngời về sự hiện diện của các Ngôn Sứ và Các Thánh, là những người không quì gối trước mặt ai ngoại trừ trước Đấng Toàn Năng”.

Sau cùng, ĐHY Parolin nhắc đến sự kiện khi Mẹ Têrêsa qua đời ngày 5-9-1997, thành phố Calcutta hoàn toàn bị mất ánh sáng trong vài phút dài. Mẹ Têrêsa trên trái đất này đã là một dấu chỉ minh bạch chỉ Trời Cao. Trong ngày Mẹ qua đời, Trời Cao muốn cống hiến một dấu ấn cho cuộc đời của Mẹ và thông báo cho chúng ta rằng một ánh sáng mới đã được thắp lên trên chúng ta. Giờ đây, sau khi được chính thức nhìn nhận sự thánh thiện, ánh sáng của Mẹ càng chiếu tỏa rạng ngời hơn. Ước gì ánh sáng không tàn lụi của Tin Mừng, tiếp tục chiếu sáng cho cuộc lữ hành trần thế của chúng ta và những con đường của thế giới khó khăn này” (SD 5-9-2016)

G. Tran Đức Anh OP 

Tên đường mang tên Mẹ Têrêsa Calcutta ở bang Orissa, Ấn độ

Tên đường mang tên Mẹ Têrêsa Calcutta ở bang Orissa, Ấn độ

Bức tượng ảnh Thánh Mẹ Teresa trên con đường được đặt tên

Cuttack-Bhubaneshwar, Orissa – Vào ngày 4 tháng 9, ngày Mẹ Têrêsa Calcutta, sáng lập dòng Thừa sai Bác ái, được tôn phong hiển thánh tại quảng trường thánh Phêrô, một con đường mới mang tên Mẹ Têrêsa cũng được khánh thành.

Quyết định này được Ủy ban thành phố Bhubaneshwar đưa ra theo lời yêu cầu của Đức cha John Barwa, Tổng giám mục Cuttack-Bhubaneshwar. Đức cha Barwa nói với hãng tin Á châu: “Quyết định này làm cho chúng tôi vui mừng”, đặc biệt là vì bang Orissa là nơi cách đây tám năm, các tín hữu Ấn giáo quá khích đã tàn sát cách dã man các Kitô hữu.

Trong một cuộc họp ngày 28 tháng 8, Hội đồng đã quyết định bật đèn xanh cho con đường mới “Mẹ Têrêsa”, nối từ Satyanagar Cuttack tới đường Puri. Đức cha Barwa cho biết là con đường chạy thẳng trước Tòa Tổng giám mục.

Sau thánh lễ, ông Naveen Patnaik, Thủ tướng của bang Orissa sẽ mở cho dân chúng thấy tấm bảng với tên đường mới. Các quan chức chính phủ tiểu bang cũng như địa phương cho biết sẽ hiện diện tại buổi lễ này.

Nhiều tu sĩ Thừa sai bác ái đang làm việc ở bang Orissa, sống trong 11 cộng đoàn tại 6 Giáo phận. Các nữ tu  cũng sẽ tham dự vào sự kiện nói trên. Tại sự kiện này, các học sinh thiếu nhi của các trường sẽ thực hiện những bài hát và điệu vũ truyền thống.

Đức cha Barwa kết luận: “Mẹ Têrêsa sẽ chúc lành cho chúng ta và đồng hành với chúng ta”. (Asia News 01/09/2016)

Hồng Thủy

Sứ điệp Đức Thánh Cha: Ngày cầu nguyện chăm sóc thiên nhiên

Sứ điệp Đức Thánh Cha: Ngày cầu nguyện chăm sóc thiên nhiên

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày cầu nguyện chăm sóc thiên nhiên

VATICAN. ĐTC kêu gọi các tín hữu nhìn nhận tội lỗi gây hại cho thiên nhiên và con người, thống hối và quyết tâm thay đổi lối sống.

Trên đây là nội dung Sứ điệp của ĐTC Ngày Thế giới cầu nguyện cho sự săn sóc thiên nhiên, cử hành hôm 1-9-2016, nơi các Giáo Hội Kitô. Sứ điệp mang tựa đề ”Chúng ta hãy dùng lòng thương xót đối với căn nhà chung của chúng ta”, và đã được ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cùng với Đức Cha Brian Farrell, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, giới thiệu với giới báo chí sáng ngày 1-9-2016 trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.

ĐTC nhận xét rằng ”Trái đất tiếp tục bị hâm nóng hơn, một phần vì hoạt động của con người: năm 2015 là năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay và có lẽ năm 2016 này sẽ còn nóng hơn nữa. Tình trạng này tạo nên hạn hán, lụt lội, hỏa hoạn và những biến cố khí hậu cùng cực ngày càng trầm trọng hơn. Những thay đổi khí hậu cũng góp phần vào cuộc khủng hoảng cao độ khiến cho nhiều người buộc lòng phải tản cư. Những người nghèo trên thế giới là những người ít có trách nhiệm nhất trong việc thay đổi khí hậu, nhưng họ lại là những người dễ bị tổn thương nhất và đang phải chịu những hậu quả của những thay đổi này”.

ĐTC xác quyết rằng những tội chống lại thiên nhiên cũng là một tội ác chống lại chính chúng ta và là tội chống lại Thiên Chúa.

Trước tình trạng đó, Ngài mời gọi mọi người hãy xét mình, ý thức tội lỗi và lòng thương xót của Thiên Chúa, để ăn năn hối cải và xưng thú tội với Chúa Cha giàu lòng xót thương, đồng thời quyết tâm thay đổi cuộc sống. ĐTC viết:

”Điều này phải được diễn tả qua những thái độ và lối cư xử cụ thể tôn trọng thiên nhiên, ví dụ sử dụng plastic và giấy một cách khôn ngoan thận trọng, không phung phí nước, lương thực và năng lượng điện, phân loại các loại rác, đối xử với các sinh vật với lòng chăm sóc, dùng các phương tiện chuyên chở công cộng, đi chung xe với nhiều người, v.v. (LS 211).

”Chúng ta đừng nghĩ rằng những cố gắng đó quá bé nhỏ không thể cải tiến thế giới. Những hành động ấy tạo nên giữa lòng trái đất này một điều tốt đẹp có khuynh hướng lan rộng, nhiều khi một cách vô hình” (LS 212) và khích lệ ”một lối sống có tính chất ngôn sứ và chiêm niệm, có khả năng mang lại vui mừng sâu xa và không bị ám ảnh vì sự tiêu thụ” (Ibidem 222).

Sau cùng, ĐTC khích lệ các tín hữu thực hiện một công việc mới mẻ về lòng thương xót. Thường khi nói về những công việc từ bi thương xót chúng ta thường nghĩ đến những việc bác ái về vật chất cũng như tinh thần. ”Nhưng nếu chúng ta nhìn chúng chung với nhau, thì sứ điệp là điều này: đối tượng của lòng từ bi thương xót chính là sự sống con người trong toàn thể. Và hiển nhiên, chính sự sống này bao gồm cả việc chăm sóc căn nhà chung. Vì thế tôi xin phép đề nghị một bổ túc cho danh sách truyền thống 7 công việc từ bi thương xót bằng công việc ”chăm sóc căn nhà chung”. Việc làm này thuộc về những công việc từ bi thương xót về mặt tinh thần cũng như về mặt vật chất”.

Sứ điệp của ĐTC kết thúc với lời nguyện, ”xin Chúa giúp chúng ta cứu giúp những người bị bỏ rơi và quyên lãng trên trái đất này, những người rất có giá trị trước mặt Chúa; xin Chúa ban cho chúng con ơn tha thứ và thông truyền lòng thương xót của Chúa trong toàn thể căn nhà chung của chúng con” (SD 1-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Cái nhìn của Chúa Giêsu giải thoát và chữa lành tật bệnh

Cái nhìn của Chúa Giêsu giải thoát và chữa lành tật bệnh

ĐTC Phanxicô chào tín hữu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 31-8-2016

** Với cung cách hành xử tràn đầy thương xót của Ngài Chúa Giêsu chỉ cho Giáo Hội thấy lộ trình phải đi để gặp gỡ mọi người, để mỗi người có thể được chữa lành trên thân xác cũng như trong tâm trí và phục hồi phẩm giá là con cái của Thiên  Chúa.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến tín hữu và du khách hanh hương sáng thứ tư hôm qua.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa trình thuật phép lạ cho người đàn bà bị bệnh băng huyết được lành bệnh, như thánh sử Mátthêu trình thuật trong chương 9,20-22. Khi trông thấy Chúa Giêsu đi qua giữa đám đông, bà tới gần đàng sau Ngài để rờ vào gấu áo của Ngài. “Thật ra bà tự nhủ: nếu tôi chỉ thành công rờ vào áo choàng của Ngài thôi, tôi sẽ được lành” (c. 21). Biết bao đức tin phải không? Người đàn bà này có lòng tin biết bao! Bà lý luận như thế, bởi vì bà được linh hoạt bởi biết bao lòng tin và niềm hy vọng, và với một cử chỉ ma lanh, bà thực hiện điều có trong tim. Ước muốn được Chúa Giêsu chữa lành khiến cho bà vượt quá các điều lệ do luật lệ Môshê thiết định. ĐTC giải thích điểm này như sau:

Thật ra, người đàn bà đáng thương này đã bị bệnh từ nhiều năm, nhưng bà bị coi là ô uế vì bị bệnh băng huyết ( x. Lc 15,19-30) và vì thế bị loại trừ khỏi các buổi cử hành phụng vụ, khỏi cuộc sống hôn nhân, khỏi các tiếp xúc với người thân cận. Thánh sử Marcô cho biết thêm rằng bà đã gặp nhiều y sĩ, tiêu hao hết tiền của để trả cho họ và chịu các chữa trị đau đớn, mà bệnh tình chỉ tệ hạị hơn. Bà đã là một phụ nữ bị xã hội gạt bỏ. Thật là quan trọng chú ý tới điều kiện này – bị gạt bỏ – để hiểu tâm trạng của bà: bà cảm thấy rằng Chúa Giêsu có thể giài thoát bà khỏi bệnh và tình trạng bị gạt bỏ ngoài lề và bất xứng, trong đó bà đã phải sống từ nhiều năm qua. Tắt một lời: bà biết, bà cảm thấy Chúa Giêsu có thể cứu bà.

Trường hợp này khiến cho chúng ta suy tư về sự kiện phụ nữ thường bị nhận thức và giới thiệu như  thế nào. Tất cả chúng ta, cả các cộng đoàn kitô nữa, đều được cảnh báo bởi các cách nhìn phụ nữ bị tiêm nhiễm các thành kiến và ngờ vực xúc phạm tới phẩm giá bất khả xâm phạm của họ. Trong nghĩa đó chính các Phúc Âm tái lập sự thật và tái dẫn đưa tới một quan điểm giải phóng. Chúa Giêsu đã khâm phục đức tin của người đàn bà đó, mà tất cả mọi người đều xa lánh, và Ngài đã biến niềm hy vọng của bà thành sự cứu rỗi.

** ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Chúng ta không biết tên của bà, nhưng ít hàng mà các Phúc Âm miêu tả cuộc gặp gỡ của bà với Chúa Giêsu vạch ra một lộ trình lòng tin có khả năng tái lập sự thật và phẩm giá cao cả của từng người. Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô mở ra cho tất cả mọi người nam nữ thuộc mọi nơi và mọi thời con đường của sự giải thoát và cứu độ.

Phúc Âm thánh Matthêu nói rằng khi người đàn bà sờ vào áo choàng của Chúa Giêsu, Ngài “quay lại” và “trông thấy bà” (c 22) và nói với bà. Như chúng ta đã nói, vì tình trạng bị loại trừ của bà, bà ta đã hành động lén lút, sau lưng Chúa Giêsu, bà đã hơi sợ hãi, để không bị trông thấy, bởi vì bà đã là một người bị gạt bỏ. Trái lại, Chúa Giêsu trông thấy bà và cái nhìn của Ngài không phải là cái nhìn quở trách, Ngài không nói: “Cút đi, bà là một người bị gạt bỏ!”, làm như thể Ngài nói: “Bà là một người phong cùi, cút đi!”. Không, Chúa không quở trách bà. Nhưng cái nhìn của Chúa Giêsu là cái nhìn của lòng thương xót và dịu hiền. Ngài biết điều đã xảy ra và tìm sự gặp gỡ cá biệt với bà, là điều mà chính người đàn bà ước muốn. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu không chỉ tiếp đón bà, mà còn cho rằng bà đáng có được cuộc gặp gỡ ấy đến độ làm quà cho bà lời Ngài và sự chú ý của Ngài nữa.

Trong phần hai của trình thuật từ “cứu” được lập lại 3 lần: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu! " Đức Giê-su quay lại thấy bà thì nói: "Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con." Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.” (cc.21-22).

Câu “can đảm lên con gái” – “can đảm lên, con gái” Chúa Giêsu nói – diễn tả tất cả lòng thương xót của Thiên Chúa đối với người ấy.  Và đối với từng người bị gạt bỏ, biết bao lần chúng ta cảm thấy mình bị gạt bỏ trong thâm tâm vì các tội lỗi của chúng ta, chúng ta đã phạm biết bao tội, chúng ta đã có biết bao tội… Và Chúa nói với chúng ta: “Can đảm lên! Hãy đến!”. Đối với Ta con không phải là một người bị gạt bỏ. Can đảm lên, con gái. Con là một con trai, một con gái”. Và đây là thời điểm của ơn thánh, là thời điểm của ơn tha thứ, thời điểm của việc hội nhập vào trong sự sống của Chúa Giêsu, vào trong cuộc sống của Giáo Hội. Đây là lúc của lòng thương xót. Ngày hôm nay với tất cả chúng ta, những người tội lỗi, chúng ta là những người tội lỗi  lớn hay tội lỗi nhỏ, nhưng tất cả đều tội lỗi, với tất cả chúng ta Chúa nói: “Can đảm lên, hãy đến !” Con không bị gạt bỏ: Ta tha cho con, Ta ôm con trong vòng tay”. Lòng thương xót của Thiên Chúa là thế đó. Chúng ta phải có can đảm đi đến với Ngài, xin lỗi Ngài vì các tội của chúng ta và tiến bước. Với lòng can đảm, như người đàn bà đã làm.

** Tiếp đến ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa da diện của sự cứu rỗi như sau:

Thế rồi, sự cứu rỗi có nhiều ý nghĩa: trước hết nó tái lập sức khỏe cho người đàn bà; rồi giải thoát bà khỏi các kỳ thị xã hội và tôn giáo; ngoài ra nó hiện thực niềm hy vọng mà bà đã mang trong tim, bằng cách hủy bỏ các sợ hãi và nỗi tuyệt vọng của bà; sau cùng nó tái trao ban bà cho cộng đoàn  bằng cách giải thoát bà khỏi sự cần thiết hành động lén lút. Điều cuối cùng này quan trọng: một người bị gạt bỏ luôn luôn làm một cái gì lén lút, vài lần hay trong suốt cuộc đời: chúng ta hãy nghĩ tới các người phong cùi thời đó, những người vô gia cư ngày nay… chúng ta hãy nghĩ tới các người tội lỗi, tới chúng ta tội lỗi, chúng ta luôn luôn làm cái gì đó lén lút… như thể chúng ta cần làm cái gì đó lén lút, và chúng ta xấu hổ vì điều chúng ta là. Và Chúa giải thoát chúng ta khỏi điều ấy. Chúa Giêsu giải thoát chúng ta và nâng chúng ta đứng lên: “Hãy đứng dậy và đến. Hãy đứng lên”. Như Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta: Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta đứng trên hai chân, chứ không bị hạ nhục. Hãy đứng lên. Sự cứu rỗi mà Chúa Giêsu trao ban là sự cứu rỗi toàn vẹn, tháp nhập cuộc sống của người đàn bà vào trong bầu khí  tình yêu thương của Thiên Chúa, đồng thời tái lập phẩm giá tràn đầy cho bà.

Kết luận, không phải cái áo choàng mà người đàn bà đã sờ vào cho bà sự cứu thoát, nhưng là lời của Chúa Giêsu, được tiếp nhận trong lòng tin, có khả năng an ủi bà, chữa lành bà, tái lập bà trong tương quan với Thiên Chúa và với dân Ngài. Chúa Giêsu là suối nguồn duy nhất của phước lành, từ đó nảy sinh ra ơn cứu độ cho tất cả mọi người, và đức tin là sự sẵn sàng nền tảng để tiếp nhận nó. Một lần nữa Chúa Giêsu cho thấy với cung cách tràn đầy thương xót của Ngài, Ngài chỉ cho Giáo Hội thấy con đường phải theo để gặp gỡ mọi người, để mỗi người có thể được chữa lành trên thân xác và trong tinh thần và tái chiếm được phẩm giá là con cái Thiên Chúa.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương khác nhau. Với các nhóm nói tiếng Pháp, ngài nói: Kết thúc kỳ nghỉ hè tôi mời gọi anh chị em đặt để cuộc sống thường ngày dưới cái nhìn thương xót của Chúa, để Ngài ban cho từng người ơn chu toàn bổn phận và đem tình yêu của Chúa Kitô tới mọi người chung quanh.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ các nước Ai len, Malta, Philippines, Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngài cầu chúc chuyến viếng thăm Roma củng cố tình yêu của họ đối với Chúa Kitô và giúp họ trở thành các thừa sai của lòng thương xót Chúa, đặc biệt đối với những ai sống xa Chúa.

Trong số các nhóm nói tiếng Đức ĐTC chào các tín hữu đến từ Hoechstadt, Ostfildern và các học sinh trường trung học ĐHY Von Gallen tỉnh Muenster. Ngài chúc họ có những ngày hành hương tươi vui tại Roma.

Trong các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha ĐTC chào các sinh viên trường Brasil, đoàn hải quân Brasil và tín hữu giáo phận Vitoria, và cầu chúc họ là các chứng nhân đem Tin Mừng và sự ủi an của Chúa tới cho mọi người.

Chào các tin hữu Ba Lan ĐTC khuyến khích mọi người đừng sợ hãi đến với Chúa với các khổ đau và yếu đuối của mình. Ngài cầu mong ơn thánh Chúa ban giúp họ tái khám phá ra phẩm giá là con cái Chúa.

ĐTC cũng chào các tín hữu tổng giáo phận Genova do ĐHY Angelo Bagnasco hướng dẫn, cũng như tín hữu giáo phận Melfi- Rapolla – Venosa do ĐC Gianfranco Todisco hướng dẫn, các đại chủng sinh giáo phận Milano và nhiều đoàn hành hương khác. Ngài cầu chúc họ có chuyến hành hương Năm Thánh sốt mến và gặt hái nhiều ơn lành của Chúa.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc tới thánh Gioan Tẩy Giả Giáo Hội mừng lễ ngày thứ hai vừa qua. Ngài cầu mong cuộc tử đạo anh hùng của thánh nhân giúp các bạn trẻ dấn thân sống Tin Mừng, người đau yếu can đảm tìm được sức mạnh và sự thanh thản nơi Chúa Kitô, và các cặp vợ chồng mới cưới sống kinh nghiệm niềm vui ủi an phát xuất từ việc tận hiến cho nhau.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha gặp gỡ 35 ngàn bác sĩ chuyên về bệnh tim

Đức Thánh Cha gặp gỡ 35 ngàn bác sĩ chuyên về bệnh tim

Đức Thánh Cha gặp gỡ 35 ngàn bác sĩ chuyên về bệnh tim

ROMA. Trưa ngày 31-8-2016, ĐTC Phanxicô đã đến chào thăm và gặp gỡ 35 ngàn bác sĩ, đến từ 140 quốc gia, tham dự Hội nghị thế giới về bệnh tim, nhóm tại khu vực Hội chợ ở Roma, gần phi trường Fiumicino.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC cho biết ”Giáo Hội đồng hành với các nhà khoa học trong con đường cam go là nghiên cứu về sự sống và sức khỏe con người, đồng thời cổ võ và nâng đỡ họ, vì Giáo Hội biết rằng điều gì góp phần vào thiện ích thực sự của con người, cũng là một hành động đến từ Thiên Chúa.”

ĐTC cũng nhận xét rằng ”nguyên khoa học thiên nhiên và vật lý mà thôi không đủ để hiểu mầu nhiệm mà mỗi người hàm chứa trong mình. Nếu ta nhìn con người toàn diện, ta có thể có một cái nhìn đặc biệt khẩn trương đối với những người nghèo khổ nhất, những người kém may mắn và bị gạt ra ngoài lề, để họ cũng được săn sóc, được quan tâm và giúp đỡ qua các cơ cấu y tế công và tư nhân”.   Sau cùng, ĐTC cầu mong rằng điều quan trọng là nhà khoa học, trong khi cứu xét mầu nhiệm cao cả về cuộc sống con người, không để cho mình bị đè bẹp vì cám dỗ muốn bóp nghẹt sự thật (Xc Rm 1,18).

G. Trần Đức Anh OP

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người sáng lập Facebook

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người sáng lập Facebook

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người sáng lập Facebook

Vatican – Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp Mark Zuckerberg, sáng lập viên và CEO của Face book, và vợ của ông, vào sáng thứ 2 hôm nay, trong một buổi tiếp kiến riêng tại Vatican.

Thông cáo của phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: Đức Giáo hoàng và ông Zuckerberg đã nói chuyện với nhau về cách thế sử dụng các kỹ thuật truyền thông để xoá bớt nghèo khổ, khuyến khích một nền ván hóa gặp gỡ và giúp chuyển đạt một sứ điệp của hy vọng, đặc biệt cho những người bị thiệt thòi nhất”.

Ông Zuckerberg đã viết trên Facebook: “Priscilla và tôi đã có vinh dự gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican. Chúng tôi đã kể với ngài chúng tôi rất ngưỡng mộ sứ điệp thương xót và hiền dịu của ngài và cách ngài tìm ra những cách thức mới để giao tiếp với con người của mọi tôn giáo trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng nói về tầm quan trọng của việc nối kết con người, đặc biệt tại những phần trên thế giới mà người ta không có kết nối internet”.

Hai vợ chồng ông Zuckerberg đã tặng Đức Giáo Hoàng một mẫu Aquila, là một máy bay nhỏ sử dụng năng lượng mặt trời để phân phát kết nối internet đến những vùng không có kết nối.

Ông chia sẻ them: “Chúng tôi còn chia sẻ về hoạt động của sáng kiến Chan Zuckerberg nhắm giúp con người trên toàn thế giới”.

Và ông kết luận: “Đó là một cuộc gặp gỡ mà chúng tôi không bao giờ quên. Bạn có thể cảm thấy sự ấm ấp và tử tế của ngài và trong tim ngài lòng muốn sâu sắc giúp đỡ con người.” (SD và AGI 29/08/2016)

Hồng Thủy