Đức Thánh Cha viếng thăm các bệnh nhân

Đức Thánh Cha viếng thăm các bệnh nhân

Đức Thánh Cha viếng thăm các bệnh nhân

 

ROMA. Chiều 16-9 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã đến viếng thăm 2 nhà thương ở Roma trong chương trình thực thi các việc từ bi thương xót mỗi tháng 1 lần vào ngày thứ sáu.

Trước tiên ngài đến thăm khu cứu cấp và khu trẻ sơ sinh của bệnh viện thánh Gioan không xa Đền thờ Thánh Gioan Laterano. Tại khu này có 12 hài nhi được trị liệu vì những bệnh khác nhau. 5 em bị bệnh nặng và ở trong các lồng chữa trị khẩn trương. Ở tầng trên của khu này có một phòng dành cho các em bệnh nhân khác.

Các nhân viên kinh ngạc khi thấy ĐTC đến thăm. Ngài cũng đeo khẩu trang và mặc áo khử trùng để tôn trọng môi trường vô trùng, dừng lại tại mỗi lồng trẻ em, thăm hỏi, an ủi và khích lệ cha mẹ các em hiện diện.

Sau đó, ĐTC đến thăm Nhà Dưỡng lão ”Biệt Thự Hy vọng” (Villa Speranza) nơi có 30 bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời. Nhà này thuộc bệnh viện Gemelli của Đại Học CG Thánh Tâm, ở đường Pineta Sacchetti.

Đến nơi, sau khi được các vị hữu trách chào đón, ĐTC đã chào từng bệnh nhân trong phòng của họ. Các bệnh nhân và thân nhân rất ngạc nhiên và cảm động vì sự thăm viếng của Ngài.

Qua cuộc viếng thăm Thứ Sáu Thương Xót vừa qua, ĐTC muốn mang lại một dấu chỉ mạnh mẽ về tầm quan trọng của sự sống, từ lúc đầu tiên cho đến lúc chấm dứt tự nhiên. Ngài đã nhiều lần nhấn mạnh về việc tiếp đón sự sống và bảo đảm phẩm giá của con người trong mọi giai đoạn phát triển. (SD 17-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại

Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 16.09.2016

Người Kitô hướng tầm nhìn vào ‘ngày sau hết’, có nghĩa là không dừng lại ở đây mà nhìn hướng tới “xác loài người ngày sau sống lại”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh điều này trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta.

Đức Thánh Cha phát triển bài giảng dựa trên đoạn thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô. Trong thư, thánh Phaolô nói về “sự cứu chuộc trong ngày sau hết”. Đức Thánh Cha nhắc nhớ về khúc cuối của Kinh Tin Kính mà các tín hữu vẫn đọc: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.”

Thật dễ khi nói về quá khứ, vì quá khứ thì cụ thể. Cũng dễ khi nhìn về quá khứ, vì chúng ta thấy nó. Nhưng khi nhìn tới tương lai, chúng ta nghĩ rằng, “tốt hơn là không nên nghĩ”. Và không dễ chút nào để đi vào thực tại của tương lai.

Thật dễ để nhìn về quá khứ; cũng dễ khi nhìn vào hiện tại; ngay cả nhìn tới tương lai cũng dễ. Bởi lẽ, dù quá khứ, hiện tại, hay tương lai, thì tất cả đều chết. Thế nhưng, nhìn tới “ngày sau hết” thì quả là khó. Đó là điều mà thánh Phaolô nói. Điều ấy là gì và như thế nào? Sự sống lại. Chúa Kitô sống lại. Chúa Kitô đã sống lại và rõ ràng Người không phải là ma. Trong Tin Mừng, thánh Luca tường thuật về sự phục sinh: Chúa Giêsu nói “Hãy chạm vào Thầy… Ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây… Anh em có gì ăn không?”. Chúng ta lại hỏi: “Trời ở đâu?” nếu “tất cả chúng ta sẽ ở đó,” nhưng chúng ta không hiểu được điều mà thánh Phaolô nói về ‘ngày sau hết’.

Đừng quên rằng, ngay từ thế kỷ đầu, thánh Gioan tông đồ đã xác định: “Nếu ai nói Ngôi Lời Thiên Chúa không trở nên người phàm, thì đó là kẻ phản Kitô”. Để hiểu được ‘ngày sau hết’, thì quả là rất khó khăn. Thánh Phaolô nói: “Chúng ta sẽ sống lại, giống như Đức Kitô đã sống lại. Thân xác chúng ta sẽ được biến đổi thành thân xác phục sinh.” Đức tin vào sự sống lại, có căn nguyên sâu xa từ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.

Một lần nữa, chúng ta hãy nhớ rằng, sau khi Phục Sinh, Chúa Kitô đã cùng ăn cùng uống với các môn đệ và các ông đã chạm vào Người. Những điều này rất khó hiểu và khó chấp nhận, vì đó là thực tại thuộc về ‘ngày sau hết’. Cần có một mức độ trưởng thành nào đó để có thể hiểu được quá khứ. Cũng thế, cần có một mức độ trưởng thành nào đó để hiểu được hiện tại, để hiểu tương lai. Và cần có một hồng ân lớn lao của Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có thể hiểu được ‘ngày sau hết’. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn đức tin.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám Mục thực thi lòng thương xót

Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám Mục thực thi lòng thương xót

Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám Mục thực thi lòng thương xót

VATICAN. Sáng ngày 16-9-2016, trong buổi tiếp kiến 154 GM thuộc Bộ Giám Mục và Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, ĐTC mời gọi các vị trở thành những ”mục tử của lòng thương xót”.

Đây là những GM mới thụ phong gần đây, trong số các vị có một người Việt Nam là Đức Cha Giuse Nguyễn Thế Phương, tân GM giáo phận Kamloop, ở miền tây Canada.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắn nhủ các GM chu toàn nghĩa vụ làm cho lòng từ bi thương xót trở thành trọng tâm toàn thể công việc mục vụ. Ngài nói: ”Cần làm sao để lòng thương xót hình thành và chi phối tới các cơ cấu mục vụ trong các giáo phận của anh em. Đây không phải là hạ thấp những đòi hỏi hoặc bán rẻ các hạt ngọc trai của chúng ta. Trái lại điều kiện duy nhất để hạt trai quí giá đặt ra cho những người tìm thấy nó, đó là cần phải chấp nhận mọi rủi ro để đạt được nó”.

Anh em đừng sợ đề nghị Lòng Thương Xót như tóm lược tất cả những gì Thiên Chúa cống hiến cho thế giới, vì đó là điều lớn nhất mà trái tim của con người có thể khao khát”.

ĐTC cũng đề ra một loạt các lời khuyên cho các GM mới để biến lòng thương xót thành trọng tâm việc mục vụ, ví dụ: ”Anh em hãy trở thành những GM có khả năng thu hút tâm hồn con người,.. hãy làm cho sứ vụ anh em trở thành biểu tượng lòng thương xót, là sức mạnh duy nhất có khả năng thu hút và lôi kéo trường kỳ trái tim con người… Anh em hãy trở thành những GM có khả năng giáo huấn những người được ủy thác cho anh em.

ĐTC nói thêm rằng ”Tôi nhắc nhở anh em hãy chăm lo vun trồng cuộc sống thân mật với Thiên Chúa là nguồn mạch sự tự chủ và hiến thân, tự do đi ra ngoài và trở về.”

Hằng năm Bộ Giám Mục và Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương vẫn tổ chức khóa bồi dưỡng kéo dài khoảng 10 ngày tại Học viện Nữ Vương các Tông Đồ của dòng Đạo Binh Chúa Kitô dành cho các GM mới chịu chức thuộc thẩm quyền của hai bộ, còn Bộ Truyền giáo tổ chức khóa tương tự, hai năm một lần, tại Giáo Hoàng Học viện thánh Phaolô. (SD 16-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

“Đức tin của các tín hữu bị bách hại củng cố ơn gọi của tôi”

“Đức tin của các tín hữu bị bách hại củng cố ơn gọi của tôi”

Dòng nữ tu Siervas de Maria tại Ấn Độ - Santowna Singh

Rourkela, Orissa – Ngày 8 tháng 9 vừa qua, tại nhà thờ Chúa Phục sinh ở Kalunga, nữ tu Santowna Singh đã cùng với 18 nữ tu khác thuộc dòng Nữ tỳ Đức Maria tuyên khấn trọn đời trong Thánh lễ do Đức tổng Giám mục của Giáo phận Cuttack-Bhubaneshwar và Đức cha Kishor Kumar Kujur, Giám mục của Rourkela cử hành, với 40 Linh muc đồng tế, trước sự hiện diện của 55 nữ tu và hơn 2000 tín hữu.

Chị Singh đến từ miền Kandhamal, nơi vào năm 2008, đã xảy ra vụ sát hại các Kitô hữu cách man rợ nhất chưa từng có ở Ấn độ, bởi các tín hữu Ấn giáo cực đoan. Chị cho biết: “Tôi bị đánh động bởi đức tin đơn sơ nhưng mạnh mẽ của các Kitô hữu. Đức tin này làm cho tình yêu của tôi đối với Chúa Giêsu thêm mạnh mẽ và thúc đẩy tôi phục vụ người nghèo trong Giáo hội; nó đã cho tôi sức mạnh để trở thành sứ giả của Chúa Kitô.” Chị cũng chia sẻ nhân danh các chị em khác rằng: “Ngọn lửa đức tin của các Kitô hữu bị bách hại ở trong tôi và trong các chị em khác. Trong tất cả chúng tôi có sức mạnh và ân sủng của Thiên Chúa. Chúng tôi cảm tạ Chúa vì đã cho chúng tôi cuộc sống tuyệt vời này để phục vụ Người ở Orissa, một trong những bang nghèo nhất trong tất cả các bang của Ấn Độ." Từ khi Orissa trở thành trọng điểm của các cuộc bách hại, người ta thấy có một sự gia tăng ơn gọi theo cấp số nhân.

Nữ tu Singh đang dạy học tại trường trung học của giáo xứ thánh Maria. Chị nói: “Tôi yêu thích dạy học và chuyển trao cho các học sinh của tôi niềm vui của Tin mừng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Tôi hãnh diện về miền đất của bách hại của tôi, nơi Thiên Chúa tiếp tục chúc lành cho các Kitô hữu.”

Trong Thánh lễ tuyên khấn, Đức cha Kishor Kumar Kujur đã nhắc nhở các nữ tu là họ đã tự do chọn phục vụ Chúa Giêsu nơi những người khác. Ơn gọi tu trì đòi hỏi phục vụ với sự dấn thân hoàn toàn. Các chị được trao gánh nặng của nhiệm vụ và điều này được hoàn thành với sự giúp đỡ của những lời cầu nguyện và ân sủng của Thiên Chúa. Hãy kiên định trong tình yêu của Thiên Chúa và hãy phó mình cho ý muốn của Người trong tất cả những điều các chị làm." (Asia News 14/09/2016)

Hồng Thủy

Kỷ niệm một trăm bẩy mười năm Đức Mẹ hiện ra tại La Salette bên Pháp

Kỷ niệm một trăm bẩy mười năm Đức Mẹ hiện ra tại La Salette bên Pháp

LaSalette prayer

Phỏng vấn Linh Mục Silvano Marisa

Ngày 19 tháng 9 tới này là kỷ niệm 170 năm Đức Mẹ hiện ra với hai trẻ mục đồng trên một trái núi gần làng La Salette-Fallavaux bên Pháp. Đó là hai em Melanie Calvat 15 tuổi và Maximin Giraud 11 tuổi.

Ngày 19 tháng 9 năm 1846  vào khoảng 3 giờ trưa Đức Mẹ đã hiện ra với hai em trên một ngọn núi gần làng La Salette-Fallavaux. Hai em đang chăn bò trên núi. Theo trình thuật cuộc hiện ra gồm ba giai đoạn: trước hết là một phụ nữ rất xinh đẹp hiện ra trong một ánh sáng rực rỡ. Bà mặc áo chàng có mũ rất lạ và ngồi trên một tảng đá, tay ôm mặt khóc. Tiếp đến bà đứng dậy và nói chuyện với hai em bằng tiếng Pháp cùng như thổ ngữ vùng này, và giao phó cho hai em một sứ điệp để hướng tới toàn nhân loại cần phổ biến khắp nơi. Sau khi than phiền về các sự gian ác  và tội lỗi của loài người, bao gồm việc xa rời Thiên Chúa vĩnh viễn và sa hoả ngục, nếu cứ tiếp tục con đường sự dữ, bà báo cho biết ai hoán cải sẽ được ơn tha thứ. Tiếp đến bà báo cho từng em một bí mật, trước khi biến về trời trên núi Mont-sous-les-Baisses.

Hai trẻ mục đồng sau đó kể lại cho các ông chủ là Baptiste Pra và Pierre Selme nghe chuyện đã xảy ra. Tiếp đến cậu Maximin Giraud bị ông thị trưởng Pierre Peytard hỏi cung ngày 21 tháng 9 năm 1846. Hai trẻ mục đồng cũng kể cho cha xứ Louis Perrin nghe. Cha xứ kể lại cho giáo dân nghe trong bài giảng thánh lễ và ngày mùng 4 tháng 10 cũng báo cho linh mục trưởng là  cha Pierre Mélin biết. Chuyện Đức Mẹ hiện ra lan chuyền nhanh trong xứ. Hai trẻ mục đồng đã bị nhiều linh mục hỏi cung sau đó. Ông Jean Maximin Giraud, cha của Maximin là người không sống đạo, đã hoán cải ngày mùng 8 tháng 11. Cuộc hành hương đầu tiên đã được tổ chức ngày 24 tháng 11 do chính hai trẻ mục đồng hướng dẫn. Ngày 16 tháng 4 năm 1847 hai em lại bị thẩm phán tỉnh Grenoble là ông Fréderic Joseph Long hỏi cung. Chính trong ngày này đã xảy ra phép lạ khỏi bệnh liên quan tới nữ tu Claire Peirron sống tại Avignon. Ngày 29 tháng 5 hai em lại bị cha Pierre Lambert hỏi cung.

Ngày 31 tháng 5 năm 1847 đã có 5.000 tín hữu tham dự cuộc hành hương, và một cây thánh giá đã được dựng lên trên núi. Ngày 22 tháng 7 ĐC Clément Villecourt, Giám Mục La Rochelle, đi hành hương La Salette, và hỏi cung Maximin và Mélanie. Ngày 15 tháng 8 lại xảy ra một vụ lành bệnh khác liên quan tới Mélanie Gamon sống tại Corps, nhưng phép lạ được giữ kín. Ngày 19 tháng 9 kỷ niệm 1 năm Đức Mẹ hiện ra đã có 50.000 tín hữu tham dự cuộc hành hương đến La Salette.

Ngày mùng 7 tháng 7 năm 1847 Đức Giám Mục giáo phận Grenoble xin hai kinh sĩ giáo sư đại chủng viện Grenoble điều tra kỹ lưỡng và viết bản tường trình. Vào tháng 11 năm 1847 Đức Giám Mục giao bản tường trình cho một uỷ ban điều tra gồm 16 chuyên viên, dưới sự hướng dẫn của ngài, tất cả các vị đều là linh mục giáo phận: gồm các cha chính kinh sĩ, các cha sở linh mục trưởng, cha sở kiêm giám đốc đại chủng viện. Uỷ ban đã kết thúc việc điều tra, và chấp thuận bản tường trình, được công bố và gửi cho cho ĐGH Pio IX vào tháng 8 năm 1848. Các kết quả cuộc điều tra được Toà Thánh chấp nhận.

Trong cùng ngày 19 tháng 7 năm 1851 kỷ niệm 5 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Salette Đức giám mục giáo phận Grenoble chính thức chấp nhận việc Đức Mẹ hiện ra với một bức thư mục tử tựa đề « Đức Bà La Salette của chúng ta » và nêu lên vài điểm chính sau đây : « Việc hiện ra có tất cả các đặc tính của sự thật … và tín hữu được biện minh tin vượt mọi nghi ngờ và với sự chắc chắn…(s. 1)… Vì thế, để thừa nhận lòng biết ơn sâu xa của chúng tôi đối với Thiên Chúa và để vinh danh Đức Trinh Nữ Maria chúng tôi cho phép tôn kính Đức Bà La Salette. Chúng tôi đồng ý cho hàng giáo sĩ giảng giải biến cố vĩ đại này, và rút tiả ra từ đó các kết quả thực hành và luân lý (s. 3). Chúng tôi cấm tín hữu và giáo sĩ của giáo phận nói hay viết chống lại điều mà chúng tôi công bố hôm nay, và vì thế nó đáng được mọi người tôn trọng (s. 5)»

Sau đây là một đoạn sứ điệp mà Đức Mẹ đã nói với hai trẻ mục đồng: “Nếu dân chúng không tuân phục, thì Ta sẽ bị bó buộc để cho tay của Con Ta tự do; nó mạnh mẽ và nặng nề đến độ Ta không nâng đỡ nổi nữa… từ biết bao lâu Ta đau khổ vì các con! Bởi vì Ta đã nhận được sứ mệnh liên lỉ cầu xin Con Ta, Ta muốn rằng Ngài không bỏ rơi các con, nhưng các con chẳng thèm để ý gì. Các con có cầu nguyện và làm gì đi nữa, thì cũng không bao giờ có thể đền bù lại nỗi khổ Ta đã chịu vì các con… Ta đã cho các con 6 ngày để làm việc, Ta giữ lại ngày thứ bẩy cho Ta nhưng các con không muốn thừa nhận điều đó”: và điều này khiến cho cánh Tay của Con Ta nặng nề… nếu mùa màng bị hư hại, thì đó là lỗi tại các con. Ta đã cho các con biết năm ngoái với khoai tây, nhưng các con đã không thèm chú ý. Trái lại, khi các con thấy khoai bị hư, các con lại ngụyền rủa danh Con của Ta. Năm nay chúng cũng sẽ tiếp tục hư thối, và vào lễ Giáng Sinh  sẽ không còn khoai nữa.

Sẽ xảy ra một trận đói kém lớn. Truớc đó, các trẻ em dưói 7 tuổi sẽ bị run rẩy và sẽ chết… Nếu dân này hoán cải, thì khi đó đá sỏi sẽ biến thành các đống luá, và khoai tây sẽ tự nảy sinh trong cánh đồng. Các con ơi, các con có đọc kinh không? Cần phải cầu nguyện tốt sáng tối… trong mùa hè chỉ có vài bà cụ già đi tham dự Thánh lễ. Những người khác làm việc ngày Chúa Nhật, trong suốt mùa hè. Trong mùa đông khi họ không biết làm gì, thì họ đi lễ chỉ để chế nhạo tôn giáo… “

Linh mục Livio Fanzaga và linh mục Saverio Gaeta nhận định rằng các lời tiên tri này của Đức Mẹ đã xảy ra cụ thể. Dặc biệt vào thời đó bệnh dịch từ bắc Mỹ lan sang Pháp, và đã là một tai ương đối với các vườn nho và số trẻ em tử vong rất cao, cả trong vùng chung quanh La Salette. Như thế loài người đã có thể nhận ra cung cách con người đối xử với Thiên Chúa và các chuyện thiên linh gắn liền với các phát triển của các sự vật trên trái đất tới mức nào.

Đức Mẹ cũng đã vén mở cho mỗi mục đồng một bí mật khác nhau. Văn bản sứ điệp Mélanie gủi cho ĐGH Pio IX ngày mùng 6 tháng 7 năm 1851 và văn bản sứ điệp Maximin Gỉaud gửi cho ĐGH Pio IX ngày mùng 3 tháng 7 năm 1851 bao gồm các điểm chính sau đây:

Thời điểm cơn giận của Thiên Chúa đã tới rồi. Nếu Kitô hữu Pháp không hoán cải, người ta không sám hối và không ngừng làm việc ngày Chúa Nhật, và tiếp tục nguyền rủa danh thánh Chúa; tắt một lời nếu bộ mặt trái đất không thay dổi, Thiên Chúa sẽ báo thù chống lại dân vô ơn và nô lệ ma quỷ. Paris, thành phố vấy mọi thứ tội phạm này chắc chắn sẽ chết. Thành phố Marseille sẽ bị phá hủy trong thời gian ngắn. Khi các điều này sẽ xảy ra, Trái đất sẽ hỗn loạn hoàn toàn; thế giới sẽ phó mình cho các đam mê gian ác của nó. Nước Pháp đã làm ung thối vũ trụ, một ngày kia nó sẽ bị phạt. Đức tin sẽ tắt tại Pháp. Một phần ba nước Pháp sẽ không thực hành, hay hầu như không thực hành tôn giáo nữa. Nửa kia sẽ thực hành, nhưng không thực hành tốt…

Trước khi điều này đến sẽ xảy ra trong Giáo Hội nhiều nhiễu nhương, và ít lâu sau Đức Giáo Hoàng sẽ bị bách hại. ĐTC sẽ bị bách hại từ mọi phía, người ta sẽ bắn vào ngài, người ta muốn ngài chết, nhưng chúng sẽ không thể làm gì được ngài. Người kế vị ngài là một Giáo Hoàng không ai chờ đợi. Các linh mục tu sĩ và các tôi tớ đích thật của Con Mẹ sẽ bị bách hại, và nhiều người sẽ chết vì niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Sẽ có một nạn đói lớn xảy ra vào thời đó.

Sau khi mọi điều này sẽ xảy ra, nhiều người sẽ nhận biết bàn tay của Thiên Chúa trên họ và sẽ hoán cải và sám hối các tội lỗi của mình. Tiếp theo các quốc gia sẽ hoán cải, và đức tin sẽ được thắp sáng trở lại khắp nơi. Một vùng lớn của miền Bắc Âu châu, giờ đây là tin lành, sẽ hoán cải và theo gương vùng này các quốc gia khác của thế giới cũng sẽ hoán cải. Ít lâu sau đó sẽ có hoà bình lớn, nhưng nó không kéo dài. Một con quái vật sẽ đến phá phách nó. Một vị vua lớn sẽ lên ngôi và sẽ cai trị vài năm. Tôn giáo sẽ nở hoa và lan tràn trên toàn trái đất và sẽ có sự phì nhiêu lớn, thế giời hài lòng vì không thiếu thốn gì, sẽ lại bắt đầu các vô trật tự và sẽ bỏ Thiên Chúa và lại ôm ấp các đam mê tội phạm của nó.

Cũng sẽ có các thừa tác viên của Thiên Chúa và các hiền thê của Chúa Giêsu Kitô phó mình cho các vô trật tự  và đây sẽ là điều kinh khủng, sau cùng một hoả ngục sẽ cai trị trên toàn Trái đất; khi đó Tên Phản Kitô sẽ sinh ra từ một tôn giáo, nhưng khốn cho tôn giáo đó: nhiều người sẽ tin vào nó, bởi vì nó nói nó từ trời đến; thời gian không còn xa lắm, sẽ không qua hai lần 50 năm.”

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn Cha Silvano Marisa, Bề trên tổng quyền dòng các Thừa Sai Salettini.

Hỏi: Thưa cha, xin cho biết cảm tưởng của cha vê việc kỷ niệm 170 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra tại La Salette bên Pháp.

Đáp: Biến cố Đức Mẹ hiện ra tại La Salette không chỉ là một biến cố lịch sử xảy ra cách đây 170 năm, nhưng cũng là một biến cố có tính cách tinh thần và mục vụ, nghĩa là một thực tại lôi cuốn cả dân Chúa vào trong đó nữa. Sứ điệp muốn thực sự lay động lương tâm dân Chúa, và Mẹ Maria tự giới thiệu như là nữ đại sứ, nữ sứ giả của Thiên Chúa để kêu gọi dân Chúa trung thành với ơn gọi kitô và ơn gọi là người đã được rửa tội của mình.

Hỏi: Đây là một sứ điệp rất thời sự, có phải thế không thưa cha?

Đáp: Vâng. Thật là đẹp, khi thấy Đức Trinh Nữ bắt đầu bằng cách mời hai trẻ Maximin và Melanie tới gần. Đó chính là sứ điệp của Năm Thánh Lòng  Thương Xót này, sứ điệp của một vì Thiên Chúa có một con tim lớn lao tới độ Ngài không thể giữ nó cho chính mình, nhưng muốn chia sẻ tình yêu của Ngài với người khác. Và Mẹ Maria có nhiệm vụ giúp con người mở rộng trái tim mình cho Thiên Chúa. Mẹ đã tập trung sứ điệp vào chính Chúa Kitô. Hai trẻ mục dồng nói Ảnh Chúa Chịu Đóng Đinh Mẹ đeo trên ngực sáng ngời đến độ trông như là sống thật. Như vậy để nói rằng trung tâm của sứ điệp thực sự là sứ điệp kitô: Chúa Kitô là cây cầu giữa chúng ta với Thiên Chúa Cha, và giữa chúng ta với Chúa Kitô Mẹ Maria được đặt như vị Trung gian, bởi vì Mẹ đã được tín thác cho chúng ta như là Mẹ và chúng ta là con của Mẹ.

Hỏi: Thưa cha, sau 100 ngày từ khi bắt đầu mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót, cửa Đền thánh Đức Bà La Salette cũng đã được mở để bắt đầu năm kỷ niệm 170 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Salette, có dúng thế không?

Đáp: Chúng ta biết rằng một cánh cửa là một thực tại  cho phép đối thoại, cho phép gặp gỡ. Nó là một khả thể nữa cho dân Chúa tiến về La Salette, tiến về miền núi, trên một vòng núi chung quanh – chúng ta ở trên độ cao 1.800 mét của các dẫy tiền núi Alpes của Pháp – cho một cuộc canh tân tình thần. Con đường đi lên kết thúc ở đó, vì vậy chúng ta tiến lên chỉ vì một mục đích: đó là để gặp gỡ chính mình, gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ tha nhân giữa cảnh thiên nhiên, giữa vẻ đẹp của thiên nhiên.

Hỏi: Thưa cha, trọng tâm sứ điệp của Đức Bà La Salette là sự hoán cải. Làm thế nào để để  chung sự hoán cải và lòng thương xót với nhau?

Đáp: Khi một người quyết định bước qua Cửa Thánh, chắc chắn đó không phải là một hành động ma thuật, nhưng muốn nói một cách đơn sơ rằng: tôi đã có một cuộc sống quá khứ và khi bước qua của này, tôi muốn nói một tiếng “vâng” với cuộc sống mới… Như vậy nó là một dấn thân của sự hoán cải, của việc thay đổi.

Hỏi: Thưa cha, nhìn vào hiện tình của dòng Salettini trên thế giới đâu là các thách đố mà các tu sĩ của dòng đang phải đương đầu?

Đáp: Chúng tôi là 950 anh em trên thế giới sống rải rác tại 29 quốc gia năm châu. Sự hiện diện của chúng tôi muốn là một yếu tố rất đơn sơ, khiêm tốn, phục vụ sự hòa giải.  Tại nơi đâu có dân Chúa sinh sống, khổ đau, thì chúng tôi hiện diện với một lời mời gọi mạnh mẽ  hoán cải, dựa trên sứ điệp mà chúng tôi đã nhận lãnh từ Bà Đẹp hiện ra tại La Salette. Năm nay chúng tôi nêu bật biến cố kỷ niệm 170 năm với việc mở nhà tại Tanzania bên Phi châu, trong giáo phận Bukoba, bên bờ hồ Vittoria. Thế rồi chúng tôi cũng có các trường học, chẳng hạn như bên Philippines, một đại học để giáo dục con người để chính họ có thể một ngày kia trở thành các tác nhân của sự hòa giải và thăng tiến sự hiệp nhất và hiệp thông.

Hỏi: Thế còn sự hiện diện của các tu sĩ của dòng bên Châu Mỹ Latinh thì sao thưa cha?

Đáp: Trước hết chúng tôi hiện diện bên Brasil rồi tại Argentina và Bolivia, cũng như trong vùng Trung châu Mỹ Latinh và tại Haiti. Dĩ nhiên là chúng tôi cũng hiện diện tại Hoa Kỳ nữa. Một cách đặc biệt các linh mục của chúng tôi bên Brasil đang điều hành công việc rất tốt, đó là lôi cuốn biết bao nhiêu giáo dân vào trong sứ mệnh hòa giải này.

Linh Tiến Khải

Cầu nguyện cho ơn hiệp nhất

Cầu nguyện cho ơn hiệp nhất

Thánh lễ thứ hai, 12-9-2016 tại nhà nguyện Thánh Marta

Sự chia rẽ đã phá hoại Hội Thánh và ma quỷ nỗ lực tấn công vào gốc rễ của sự hiệp nhất, gốc rễ của sự hiệp nhất là việc cử hành Thánh Lễ. Đó là lời mà Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong Thánh lễ sáng nay tại Nhà nguyện Thánh Marta, nhân ngày lễ Danh thánh Mẹ Maria.

Giải thích thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô, Đức Thánh Cha nói rằng, ma quỷ có hai vũ khí lợi hại để phá hoại Hội Thánh, đó là sự chia rẽ và tiền bạc. Những điều này xảy ra ngay từ thời đầu: những chia rẽ về tư tưởng và về thần học đã xâu xé Hội Thánh. Ma quỷ đã gieo rắc tham vọng và ghen tuông để chia rẽ. Sau cuộc chiến của chia rẽ thì tất cả bị hủy diệt, còn ma quỷ thì chạy trốn trong sung sướng. Trong khi đó, chúng ta trở nên trần trụi trong trò chơi của ma quỷ. Cũng có thứ chiến tranh nhơ bẩn tựa như khủng bố. Đó là những lời nói hành nói xấu trong các cộng đoàn. Đó là những thứ ngôn ngữ để giết hại.

Những chia rẽ trong Giáo Hội không để cho Nước Trời được lớn lên, không để cho Chúa được hiện diện như chính Ngài. Những chia rẽ là điều mà anh chị em đang thấy, sẽ thấy và lại thấy… Luôn có! Nhưng ma quỷ đi xa hơn sâu hơn. Chúng không chỉ tấn công vào cộng đoàn Kitô hữu, mà còn vào tận gốc rễ của sự hiệp nhất Kitô, là tấn công vào việc cử hành Thánh Lễ. Điều này đã xảy ra trong cộng đoàn Cô-rin-tô.

Nơi cộng đoàn Cô-rin-tô thời ấy, có sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo trong việc cử hành Thánh Lễ. Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha về sự hiệp nhất, nhưng ma quỷ thì ra sức phá hoại.

Đức Thánh Cha nói: Cha nài xin anh chị em hãy làm tất cả những gì có thể để đừng phá hoại Hội Thánh với những chia rẽ về tư tưởng, tham vọng… Trên tất cả, hãy cầu nguyện và bảo vệ cội rễ hiệp nhất của Hội Thánh là thân thể Đức Kitô. Đó là, hàng ngày chúng ta cùng nhau hiệp dâng lễ hy sinh của Chúa Kitô trong Thánh Lễ.

Thánh Phaolô đã nói về sự chia rẽ giữa các Kitô hữu Cô-rin-tô hai ngàn năm trước… Những lời của thánh nhân vẫn thích hợp cho chúng ta hôm nay, cho Hội Thánh ngày nay. “Thưa anh em, về điều này, tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại…” Và “bất của ai ăn Bánh và uông Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa.”

Chúng ta hãy khẩn cầu cùng Thiên Chúa để Hội Thánh hiệp nhất, để không còn chia rẽ. Ơn hiệp nhất ở ngay trong cội rễ của Hội Thánh, là lễ hy sinh của Đức Kitô mà chúng ta cử hành trong Thánh Lễ hằng ngày.

Tứ Quyết, SJ

Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục xứ truyền giáo

Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục xứ truyền giáo

Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục xứ truyền giáo

VATICAN. ĐTC khích lệ các GM tại các xứ truyền giáo cảm nghiệm và biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa trong sứ vụ Giám Mục của mình.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 9-9-2016 dành cho 94 GM thuộc các xứ truyền giáo, đang tham dự khóa bồi dưỡng do Bộ truyền giáo tổ chức tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Phaolô ở Roma, cho đến ngày 16-9 tới đây. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, và các chức sắc của Bộ.

Trong số các tham dự viên, có 6 GM Việt Nam, đó là Đức Cha Nguyễn Tấn Tước, Phú Cường, Đức Cha Nguyễn Văn Hai, GM Vĩnh Long, Đức Cha Nguyễn Hùng Vị, GM Komtum, Đức Cha Trần Văn Toản, Phụ tá Long Xuyên, và Đức Cha Nguyễn Hồng Sơn, Phụ tá Bà Rịa, Đức Cha Đỗ Mạnh Hùng, Phụ tá Sàigòn.

Huấn từ của ĐTC

Nhắc đến khóa học của các GM diễn ra trong Năm Thánh lòng thương xót, ĐTC nói rằng: ”Mỗi GM đích thân cảm nghiệm thực tại lòng thương xót của Chúa, và trong tư cách là đại diện ”Vị Đại Mục tử của đoàn chiên” (Dt 13,20), Giám Mục được kêu gọi biểu lộ bằng cuộc sống và sứ vụ Giám Mục, tình phụ tử của Thiên Chúa, lòng từ nhân, sự ân cần, lòng thương xót, sự dịu dàng và đồng thời biểu lộ thế giá của Chúa Kitô, Đấng đã đến để hiến mạng sống và làm cho tất cả mọi người thành một gia đình duy nhất, được hòa giải trong tình yêu của Chúa Cha”.

 ĐTC nhắc nhở các GM thuộc các xứ truyền giáo rằng: ”Theo hình ảnh vị Mục Tử nhân lành, anh em được mời gọi chăm sóc đoàn chiên và đi tìm các con chiên, nhất là những chiên ở xa xăm hoặc lạc đường; tìm kiếm những thể thức mới để loan báo, đi gặp gỡ con người, giúp đỡ những người đã nhận hồng ân bí tích rửa tội tăng trưởng trong đức tin, để các tín hữu, cả những người ”nguội lạnh” hoặc không thực hành đạo, tái khám phá niềm vui đức tin và sự phong phú truyền giáo (EG 11). Vì thế, tôi khuyến khích anh em đi gặp cả những con chiên chưa thuộc đoàn chiên của Chúa Kitô”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC cũng kêu gọi các GM quan tâm đến các giáo dân, khuyến khích, đồng hành và khích lệ các sáng kiến và nỗ đang có để duy trì niềm hy vọng và đức tin được luôn sinh động…

Các GM cũng cần chú ý đến việc đào tạo LM trong những năm ở chủng viện, và không quên đồng hành với họ trong việc thường huấn sau khi chịu chức. ”Anh em hãy cống hiến cho các linh mục một tấm gương cụ thể và hữu hình. Khi có thể anh em cũng hãy cố gắng tham dự với họ những giai đoạn chính trong việc huấn luyện, luôn chăm sóc cả chiều kích bản thân nữa”.

Chống chia rẽ

Sau cùng ĐTC cảnh giác các GM ”làm sao để những hoạt động mục vụ mà anh em cổ võ không bị thương tổn hoặc bị tiêu tán vì những chia rẽ hiện có hoặc có thể xảy ra. Chia rẽ là võ khí mà ma quỉ có trong tay nhiều nhất để phá hủy Giáo hội từ bên trong. Hắn có hai võ khí, nhưng cái chính yếu là chia rẽ; võ khí kia là tiền bạc. Ma quỉ đi vào qua các túi và phá hủy bằng miệng lưỡi, với những lời nói hành nói xấu gây chia rẽ, và thói quen nói hành nói xấu là tập quán ”khủng bố”. Kẻ nói hành nói xấu là một ”tên khủng bố” ném bom để phá hủy. Xin anh em vui lòng chiến đấu chống chia rẽ vì đó là một trong những võ khí của ma quỉ để phá hoại Giáo Hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ. Nhất là những khác biệt vì các sắc tộc khác nhau trong cùng một lãnh thổ không được xen vào các cộng đồng Kitô đến độ ảnh hưởng trên thiện ích của các tín hữu. Giáo Hội luôn được kêu gọi vượt lên trên những sắc thái bộ lạc, văn hóa, và GM là nguyên lý hữu hình của tình hiệp nhất, có nghĩa vụi không ngừng xây dựng Giáo Hội địa phương trong tình hiệp thông của tất cả các phần tử của mình” (SD 9-9-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp các Viện Phụ và Bề trên dòng Biển Đức

Đức Thánh Cha tiếp các Viện Phụ và Bề trên dòng Biển Đức

Đức Thánh Cha tiếp các Viện Phụ và Bề trên dòng Biển Đức

VATICAN. Sáng 8-9-2016 ĐTC tiếp kiến các Viện Phụ và Bề trên dòng Biển Đức thế giới, và ngài đề cao vai trò của ơn gọi chiêm niệm trong việc biểu lộ sự đáng tin cậy của sứ điệp Kitô.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Thống Phụ Notker Wolf của Liên hiệp các Đan viện Biển Đức, ĐTC nhắc lại rằng ”Đời sống đan tu là con đường tuyệt hảo để giúp cảm nghiệm kinh nghiệm chiêm nhiệm và biểu lộ kinh nghiệm ấy qua chứng tá bản thân và cộng đoàn.

”Thế giới ngày nay ngày càng chứng tỏ rõ ràng nhu cầu lòng thương xót. Lòng thương xót không phải là một khẩu hiệu hay là một công thức, nhưng là trọng tâm của đời sống Kitô và đồng thời là một lối sống cụ thể, là hơi thở linh hoạt những quan hệ giữa con người với nhau và làm cho chúng ta quan tâm hơn tới những người nghèo, liên đới với họ. Xét cho cùng, lòng thương xót biểu lộ sự đáng tin cậy của sứ điệp mà Giáo Hội gìn giữ và loan báo.

ĐTC nhận xét rằng ”thời nay, Giáo Hội được kêu gọi ngày càng chú ý đến điều thiết yếu, và các đan sĩ nam nữ do ơn gọi, giữ gìn một hồng ân và một trách nhiệm đặc biệt, đó là giữ cho các ốc đảo tinh thần được sinh động, nơi mà các vị mục tử và tín hữu có thể kín múc nơi các nguồn mạch lòng thương xót của Chúa”.

ĐTC không quên đề cao sự hiếu khách của các đan sĩ Biển Đức, qua đó, ”Anh chị em có thể gặp những tâm hồn bị lạc hướng hoặc xa lìa Giáo Hội, những người ở trong tình cảnh nghèo khổ trầm trọng về mặt nhân bản và tinh thần”…

”Tuy sống tách biệt với thế gian, nhưng khu nội cấm của anh chị em không hề khô cằn, trái lại, đó là một sự phong phú chứ không phải là một cản trở tình hiệp thông. Việc lao tác, hòa hợp với kinh nguyện, làm cho anh chị em tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa và liên đới với người nghèo là những người không thể sống mà không làm việc”.

Đại Hội các Viện Phụ và Bề trên dòng Biển Đức tiến hành tại Đan viện Thánh Anselmo ở Roma từ ngày 3 đến 16-9 tới đây. Trong số khoảng 250 tham dự viên cũng có một số là người Việt.

Ngày 9-9-2016 này, Cha Notker Wolf, 76 tuổi, người Đức, chấm dứt nhiệm kỳ thứ 3 làm Thống Phụ (Abbas Primas), tổng cộng là 16 năm. Ngày 10-9-2016, Tổng hội sẽ bầu người kế vị đại diện cho hơn 20 ngàn đan sĩ nam nữ dòng Biển Đức trên thế giới.

Theo niên giám năm nay của Tòa Thánh, dòng nam Biển Đức hiện có 340 đan viện với khoảng 7.200 đan sĩ, họp thành 19 chi dòng, mỗi chi dòng có Viện Phụ Tổng Quyền riêng.

Các Đan viện Biển Đức tại Việt Nam thuộc chi dòng Subiaco, có trụ sở trung ương ở Roma và gồm có 80 đan viện ở các nước với gần 1.400 đan sĩ. Đây là chi dòng lớn nhất của dòng Biển Đức (SD 8-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

21 người tỵ nạn Syria dùng bữa trưa với Đức Thánh Cha

21 người tỵ nạn Syria dùng bữa trưa với Đức Thánh Cha

21 người tỵ nạn Syria dùng bữa trưa với Đức Thánh Cha

VATICAN. Trưa ngày 11-8-2016, 21 người tỵ nạn Syria đã được mời dùng bữa với ĐTC Phanxicô tại nhà trọ Thánh Marta ở Vatican.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết những người Syria tỵ nạn này hiện sống tại Roma và được Cộng đồng thánh Egidio giúp đỡ. Đây là những gia đình được đến Italia sau cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại trại tỵ nạn ở đảo Lesvos thuộc Hy Lạp. Nhóm đầu tiên đi chung chuyến máy bay với ĐTC về Roma ngày 16-4-2016; nhóm thứ hai đến đây vào trung tuần tháng 6-2016.

Những người lớn cũng như trẻ em tỵ nạn đã có dịp nói với ĐTC về khởi đầu cuộc sống của họ ở Italia. Các trẻ em đã tặng ngài những bức họa do các em vẽ và ngài tặng các em các đồ chơi và những món quà khác.

Hiện diện cùng với ĐTC trong buổi tiếp những người tị nạn Siria có Đức TGM Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, giáo sư Andrea Riccardi, Sáng lập Cộng đồng thánh Egidio, và Ông Domenico Giani, chỉ huy trưởng đoàn Hiến binh Vatican và 2 hiến binh đã cộng tác vào việc đưa các gia đình Syria tỵ nạn từ đảo Lesvos về Italia (SD 11-8-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha khích lệ các Vận động viên Olympic tỵ nạn

Đức Thánh Cha khích lệ các Vận động viên Olympic tỵ nạn

Đức Thánh Cha khích lệ các Vận động viên Olimpic tỵ nạn

VATICAN. ĐTC Phanxicô chào mừng và khích lệ đoàn vận động viên tị nạn tham dự thế vận Olimpic ở Rio de Janeiro.

Đoàn này gồm 2 tay bơi lội người Siria, 2 võ sĩ Judo từ Cộng hòa dân chủ Congo, và 6 người chạy đua từ Etiopiaa và Nam Sudan. Tất cả đều là những người tị nạn trốn chạy bạo lực và bách hại tại quê hương của họ và đã tìm nơi nương náu ở các nơi như Bỉ, Đức, Luxembourg, Kenua và Brazil.

Sáng kiến gửi một đoàn tị nạn tham dự thế vận hội Olimpic là điều chưa từng có trước đây và gửi một sứ điệp nâng đỡ và hy vọng cho những người tị nạn trên thế giới.

Trong sứ điệp, ĐTC chào đích danh 10 vận động viên tỵ nạn và ngài cầu mong rằng: ”Ước vì lòng can đảm và sức mạnh mà anh chị em mang trong người có thể biểu lộ qua các bộ môn thế vận tiếng kêu huynh đệ và hòa bình. Ước gì qua anh chị em, nhân loại hiểu rằng hòa bình là điều có thể, và với hòa bình, người ta có thể đạt được tất cả, trái lại với chiến tranh tất cả đều có thể bị mất”.

”Tôi mong ước rằng chứng tá của anh chị em mang lại thiện ích cho tất cả mọi người. Tôi cầu nguyện cho anh chị em và cũng xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em”.

Ông Alto Grandi, Cao ủy tỵ nạn LHQ, tuyên bố rằng: ”Chúng tôi rất được khích lệ vì đoàn vận động viên tỵ nạn tham dự thế vận Olimpic. Họ là những vận động viên có trình độ cao, nhưng đã phải ngưng sự nghiệp thể thao để ra đi tỵ nạn. Nay họ có cơ hội theo đuổi giấc mơ của họ. Sự tham gia của họ vào các cuộc tranh tài thế vẫn là một sự ca ngợi lòng can đảm và kiên trì của tất cả những người tỵ nạn trong sự vượt thắng nghịch cảnh và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình họ. Cao Ủy tỵ nạn LHQ đứng về phía họ và mọi người tỵ nạn”. (SD 6-8-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô: Sự ác không chấm dứt ở Auschwitz

Đức Thánh Cha Phanxicô: Sự ác không chấm dứt ở Auschwitz

ĐTC nói chuyện vói tín hữu tại cửa sổ tòa Tổng Giám mục Krakow

Như hai chiều tối hôm trước, thứ tư và thứ năm, chiều tối thứ sáu hôm qua (29/7), Đức Giáo hoàng Phanxicô lại xuất hiện ở cửa sổ của Tòa Tổng Giám mục Cracovia để chào các tín hữu đang tụ họp trong quảng trường trước đó. Ngài đã chia sẻ các hoạt động của ngài trong ngày thứ sáu hôm qua.

Đức Giáo hoàng gọi ngày thứ sáu là ngày của đau thương, ngài nói: “Thứ sáu, là ngày chúng ta ghi nhớ sự chết của Chúa Giêsu và chúng ta đã cùng với các bạn trẻ ngắm Đàng Thánh giá – đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu cho tất cả chúng ta”. Đức Giáo hoàng nhắc nhớ: “Chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu đau khổ, nhưng không chỉ với Chúa Giêsu của 2000 năm trước đây, nhưng của ngày hôm nay. Có rất nhiều, rất nhiều người đang đau khổ: các bịnh nhân, những người sống trong chiến tranh, những người không nhà không cửa, người đói khát, những người nghi ngờ trong cuộc sống, người không cảm thấy hạnh phúc hay đang chịu gáng nặng của tội lỗi…”

Đức Phanxicô cũng kể về cuộc viếng thăm tại bịnh viện nhi đồng và chia sẻ là Chúa Giêsu cũng đang đau khổ trong các trẻ em đau bịnh này. Câu hỏi “tại sao các trẻ nhỏ phải đau khổ” luôn chất vấn ngài. Ngài nói: “Đó là một mầu nhiệm và không có câu trả lời cho những câu hỏi như thế…”. Nhắc lại các cuộc thăm viếng trại tập trung Auschwitz-Birkenau vào ban sáng, ngài nói có quá nhiều đau thương, tàn ác; làm sao mà chúng ta, những con người được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, có thể làm những điều như thế?

Đức Thánh Cha khẳng định: Sự ác không kết thúc ở Auschwitz, ở Birkenau. Ngay cả hôm nay, khi chúng ta hành hạ con người, những tù nhân bị tra tấn ngay lập tức để họ phải cung khai. Thật là khủng khiếp! Ngày nay vẫn còn sự độc ác này. Chúng ta nói, vâng, ở đó chúng tôi đã thấy sự độc ác của cách đây hơn 70 năm. Họ đạ bị bắn, bị treo cổ, bị chết ngạt… thế nào. Nhưng hôm nay nhiều nơi trên thế giới, những nơi đang chiến tranh, cũng xảy ra giống như vậy!

Đức Thánh Cha tiếp tục chia sẻ: Trong thực tế này, Chúa Giêsu đã đến mang chúng ta trên đôi vai của Ngài. Ngài xin chúng ta cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện cho tất cả những Giêsu của ngày nay trên thế giới: người đói khát, người nghi ngờ, người bịnh tật cô đơn, những người mang gánh nặng của nghi ngờ và tội lỗi, những người đang rất đau khổ… Chúng ta hãy cầu nguyện cho rất nhiều trẻ em đau bịnh, những người vô tội phải mang vác Thánh giá ngày từ khi còn thơ bé. Và chúng ta cầu cho rất nhiều người nam nữ ngày nay bị hành hạ tra tấn tại các quốc gia trên thế giới, cầu cho các tù nhân đang sống chồng chất trong các nhà tù  như các con vật.

Đức Thánh Cha kết luận: “Mỗi người ở đây là một tội nhân. Tất cả chúng ta đều có gánh nặng của tội lỗi chúng ta. (Đức Thánh Cha hỏi: Ở đây là người không có tội, xin giơ tay lên!)  Nhưng Thiên Chúa yêu chúng ta: Người yêu chúng ta! Hãy cùng nhau cầu nguyện cho những người này, những người ngày nay đang đau khổ trên thế giới có quá nhiều, quá nhiều sự xấu. Và khi có nước mắt, em bé tìm kiếm mẹ của mình. Ngay cả chúng ta các tội nhân, chúng ta là những em bé, chúng ta tìm đến mẹ của chúng ta và cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ của chúng ta, mỗi người bằng ngôn ngữ của mình”.

Mọi người đọc kinh Kính mừng bằng tiếng của mình và Đức Thánh Cha ban phép lành cho tất cả. Sau cùng, Đức Thánh Cha chúc mọi người ngủ ngon, xin cầu nguyện cho ngài và hẹn tiếp tục một ngày Giới trẻ tốt đẹp ngày mai. Ngài cám ơn mọi người. (RV 29/7/2016)

Hồng Thủy Op

 

Tường thuật ngày chứ ba chuyến công du của ĐTC bên Ba Lan

Tường thuật ngày chứ ba chuyến công du của ĐTC bên Ba Lan

ĐTC Phanxicô ban phép lành cho các bạn trẻ sau buổi đi đàng Thánh Giá tại cánh đồng Blonia chiều 29-7-2016

Thứ sáu 29 tháng 7 hôm qua là ngày thứ ba ĐTC Phanxicô viếng thăm mục vụ Ba Lan nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 31 tại Cracovia. ĐTC đã có bốn sinh hoạt chính: viếng thăm hai trại tập trung đức quốc xã  là Auschwitz và Birkenau, nhà thương nhi đồng Prokocim, và vào ban chiều chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá với giới trẻ tại bãi đất trống “Blonia (đọc là Buonie). Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của ĐTC.

Lúc 7 giờ sáng ĐTC đã dâng thánh lễ riêng trong nhà nguyện toà Tổng Giám Mục Krakow. Sau đó vào lúc 8 giờ 15 ngài đi xe đến phi trường Balice cách đó 16 cây số để lấy trực thăng quân sự bay đến Oswiecim cách đó 30 cây số. Máy bay đã tới nơi sau nửa giờ bay.

Đón tiếp ĐTC có ĐC Roman Pindel, GM Bielsko Zywiec, và ông thị trưởng thành phố. ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, cũng theo đoàn tuỳ tùng trong cuộc viếng thăm này.

Oswiecim là một trong những thành phố lâu đài cổ xưa nhất Ba Lan, nằm gần sông Sola, có gốc gác hồi thế kỷ XII, và có biểu tượng là lâu đài trên đồi, ngày này là một viện bảo tàng. Lịch sử của thành phố này bị ghi dấu bởi các biến cố thê thảm của Đệ Nhị Thế Chiến. Tại đây quân đức quốc xã đã xây dựng trại tàn sát lớn nhất trong lịch sử nhân loại: đó là trại tập trung Auschwwitz Birkenau, nơi có hơn một triệu một trăm ngàn người bị giết trong các năm 1940-1945. Ngày nay thành phố có hơn 40 ngàn dân cư, là trung tâm của nhiều sáng kiến hoà bình và nơi gặp gỡ của con người thuộc nhiều quốc tịch và tôn giáo khác nhau. Năm 1998 Liên Hiệp Quốc đã tặng nó tước hiệu “Sứ giả hoà bình”. Giáo phận Bielsko-Zywiec là một trong bốn giáo phận thuộc tổng giáo phận  Cracovia, có hơn 800 ngàn dân cư, 90% theo Công Giáo và 80 ngàn theo các tôn giáo khác. Giáo phận gồm 210 giáo xứ với 525 linh mục triều, 121 linh muc dòng, 136 tu huynh, 450 nữ tu và 69 đại chủng sinh. Giáo phận điều khiển 32 học viện giáo dục và 11 trung tâm bác ái.

Lúc 9 giờ 20 phút ĐTC đi xe đến viện bảo tàng Auschwwitz cách đó 700 mét.

** Ngược dòng lịch sử ngày mùng 1 tháng 9 năm 1939 quân đức quốc xã xâm lăng Ba Lan và đổi tên Oswiecim thành Auschwitz, và thành lập trại tâp trung gần thành phố. Mười bẩy ngày sau hồng quân Liên Xô tiến chiếm nửa còn lại của Ba Lan. Trại tập trung hoạt động từ ngày 14 tháng 6 năm 1940 đến ngày 27 tháng giêng năm 1945 và gồm ba phần: Auschwwitz I có các dẫy nhà bằng gỗ cũ kỹ, Birkenau hay Auschwwitz II và khoảng 40 trại phụ thuộc gần các nhà máy và các nông trại của Đức. Trong thời gian đầu quân đức quốc xã tàn sát 150,000 tù nhân chính trị gồm các thành phần ưu tú của xã hội Ba Lan. Với thời gian họ cũng bắt đầu gửi vào trại các tù nhân thuộc các nước khác  và từ mùa xuân năm 1942 quân đức quốc xã bắt đầu tàn sát hàng loạt người Do thái. Chính tại đây đã có hơn 1 triệu người Do thái bị giết, 23 ngàn người Rom, 15 ngàn tù nhân chiến tranh liên xô và hàng ngàn người thuộc các quốc tịch khác. Trong số các vị tử đạo tại Auschwitz có cha Massimiliano Maria Kolbe và thánh nữ Teresa Benedetta Thánh Giá Edith Stein, gốc do thái.

Ngày giải phóng trại tập trung Suschwitz 27 tháng giêng được Liên Hiệp  Quốc tuyên bố là Ngày Quốc Tế tưởng niệm các nạn nhân cuộc diệt chủng. Ngày 27 tháng 7 năm 1947 chính quyền Ba Lan quyết định duy trì khu vực của trại tập trung và thành lập viện bảo tàng quốc gia Auschwwitz-Birkenau trên một vùng rộng 191 mẫu. Năm 1979 Liên Hiệp Quốc đưa nó vào trong danh sách của “Gia tài nhân loại”. Cho đến nay đã có hơn 30 triệu người viếng thăm viện bảo tàng này. Năm 2000 chính quyền Ba Lan đã cho thành lập Uỷ ban quốc tế gồm 22 thành viên thuộc nhiều nước khác nhau để bảo trợ các hoạt động kỷ niệm của khu vực này.

Vài tháng sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, có một nhóm cựu tù binh người Ba Lan bắt đầu phát động việc tưởng niệm các nạn nhân của trại tập trung Auschwitz. Vài người đến khu vực này thành lập một Hội đồng thường trực của trại tập trung Auschwitz và cung cấp sự trợ giúp cho hàng ngàn người hành hương kéo nhau đến đây để tìm dấu vết của các thân nhân, bạn bè bị sát hại, cầu nguyện và tưởng niệm những người đã bị giết tại các nơi này. Viện bảo tàng Auschwitz Birkenau bao gồm các khu vực của trại tập trung Auschwitz I tại Oswiecim và trại tập trung Birkenau Auschwitz II ở Brzezinka và tất cả những nơi khác bao gồm các dụng cụ tàn sát hàng loạt người Do thái và hơn 150 loại cơ cấu gồm các dinh thự và các nhà gỗ  cho tù nhân, nhà tiêu, dinh thự cho các nhân viên hành chánh và người chỉ huy trại tập trung, các nhà cho mật vụ đức quốc xã, bàn giấy ghi danh các tù nhân mới tới, các tháp canh, cổng trại tập trung, vài cây số hàng rào kẽm gai, các con đường bên trong trại và đường rầy xe lửa. Viện bảo tàng cũng bao gồm những hố chôn tập thể vài trăm tù nhân bị giết trước khi hồng quân liên xô vào trại tập trung, hay chết sau khi trại được giải phóng. Nghĩa là tất cả những chứng tích và các vật dụng tội phạm của Đức Quốc Xã, tiếp tục nghiên một cách khoa học các dấu tích ấy để trình bầy cho công chúng  kết qủa các nghiên cứu này. Nhưng trước hết trại tập trung Auschwitz Birkenau là một nghĩa trang  và một nơi tưởng niệm, một đài tưởng niệm, một trung tâm giáo dục và tìm hiểu tình trạng của những người đã bị sát hại tại đây. Từ khi được thành lập đã có hơn 30 triệu người thuộc hơn 100 quốc gia đến viếng thăm viện bảo tàng. Nơi tưởng niệm cũng bao gồm các sưu tầm lịch sử, văn khố và bộ sưu tập lớn nhất thế giới các tác phẩm nghệ thuật dành cho Auschwitz.

** ĐGH Gioan Phaolô II đã viếng thăm Auschwitz trong chuyến công du Ba Lan lần đầu tiên ngày mùng 7 tháng 6 năm 1979 và đã cầu nguyện trong căn phòng để đói, nơi thánh Massimiliano Maria Kolbe đã chết. Trong bài giảng thánh lễ cử hành bên ngoài trại tập trung hồi đó Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Tôi không thể không đến đây như Giáo Hoàng…Tôi đến một lần nữa để nhìn vào mắt lý do của con người, cùng với anh chị em, một cách độc lập với niềm tin của anh chị em. Đặc biệt tôi cùng anh chị em, hỡi những người thân mến tham dự vào cuộc  gặp gỡ này, dừng lại trước tấm bia khắc tiếng Do thái. Bản khắc này gợi lên ký ức của dân tộc mà con cái bị chỉ định cho sự tiêu diệt hoàn toàn. Trước tấm bia này không ai được phép đi qua với sự thờ ơ. Auschwitz là một tính sổ với lương tâm nhân loại qua các bia khắc làm chứng cho các nạn nhân của các dân tộc, mà người ta không chỉ viếng thăm, mà cũng cần suy nghĩ với sự sợ hãi; suy nghĩ tới điều này là một trong các ranh giới của thù hận. Auschwitz là một chứng tá của chiến tranh. Chiến tranh đem theo mình một gia tăng không cân xứng của thù hận, huỷ hoại và tàn ác”.

Ngày 28 tháng 5 năm 2006 ĐTC Biển Đức XVI cũng đã viếng thăm trại tập trung Auschwitz Birkenau vào cuối chuyến tông du Ba Lan. Phát biểu trong dịp này ngài nói: “Lên tiếng tại nơi của sự kinh hoàng, của tội phạm chồng chất chống lại Thiên Chúa và chống lại con người, chưa từng thấy trong lịch sử, hầu như là điều không thể làm được. Và nó đặc biệt khó khăn và đè nén đối với một kitô hữu, một Giáo Hoàng đến từ nước Đức. Trong một nơi như nơi này các lời nói giảm đi, nói cho cùng chỉ còn có một sự thinh lặng kinh hoàng – một sự thinh lặng là một tiếng kêu nội tâm lên Thiên Chúa: Lậy Chúa, tại sao Ngài lại thinh lặng? Tại sao Ngài lại đã có thể khoan nhượng với tất cả điều này? Chính trong thái độ thinh lặng này mà chúng ta cúi đầu sâu thẳm trong thầm kín trước hàng hàng lớp lớp những người đã khổ đau và bị giết: tuy nhiên, sự thinh lặng này sau đó lớn tiếng trở thành lời xin tha lỗi, hòa giải, một tiếng kêu lên Thiên Chúa hằng sống xin đừng bao giờ cho phép một điều như vậy xảy ra nữa. Đức Gioan Phaolô II đã đến đây như là người con của dân tộc bên cạnh dân tộc Do thái đã phải khổ đau hơn tại nơi này, nói chung, trong thời chiến tranh… Hôm nay tôi đến đây như người con của dân tộc Đức, và chính vì thế tôi phải và có thể nói như ngài: Tôi đã không thể không tới. Tôi đã phải tới. Nó đã và đang là một bổn phận trước sự thật và quyền lợi của những người đã khổ đau, một bổn phận trước mặt Thiên Chúa”.

** Cuộc viếng thăm đã bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi. Xe chở ĐTC đã dừng bên ngoài cổng chính của trại tập trung bên trên có hàng chữ “Lao động khiến tự do”. ĐTC đã được ông giám đốc Viện bảo tàng tiếp đón. Ngài đi bộ vào bên trong, rồi lên chiếc xe nhỏ  chạy bằng điện để đến Khu số 11. Khi đến sân Gọi, tên là sân nhỏ nơi mật vụ đức quốc treo cổ các tù nhân, ĐTC đã dừng lại cầu nguyện rồi hôn cây cột gỗ. Đây là nơi cha Massimiliano Kolbe đã hy sinh nhận chết thế cho một người cha gia đình. Bà Thủ tướng Beata Maria Szydlo đã đón tiếp ĐTC trước cửa vào khu 11. Ngài đã gặp 11 nạn nhân sống sót của trại tập trung, ôm hôn và nói chuyện với từng người. Người cuối cùng trao cho ngài một cây nến. ĐTC đã cầm cây nến thắp ngọn đèn dầu ngài tặng cho  trại tập trung và thinh lặng cầu nguyện trước bức tường nơi quân đức quốc xã đã xử bắn hàng ngàn tù nhân trong hai năm, bằng cách bắn vào đầu họ rồi lôi xác vào lò hoả thiêu, từ mùa thu năm 1941 đến mùa thu năm 1943. Sau đó các vụ xử bắn được chuyển qua trại tập trung Birkenau. Bức tường này đã bị phá nhưng năm 1946 các cựu tù binh của trại đã xây lại.

Sau khi tưởng niệm các nạn nhân đã bị xử bắn tại đây, ĐTC vào thăm căn phòng nơi cha Massimilano Kolbe bị bỏ chết đói. Hình phạt bỏ đói được quân đức quốc xã dùng trong thời gian ban đầu. Các tù nhân được chọn trong nhóm có một người tù bỏ trốn, bị bỏ chết đói trong các phòng bên duới lòng đất. Cha Kolbe đã chết đói trong phòng số 18.  ĐTC được cha Bề trên tổng quyền và cha bề trên tỉnh dòng Phanxicô viện tu hèn mọn tiếp đón, rồi ngài xuống các phòng bỏ đói thăm căn phòng nơi cha Kolbe qua đời. Ngài đã vào ngồi trên ghế và thinh lặng cầu nguyện một lúc lâu. Hiện nay có một bản khắc kỷ niệm cái chết hy sinh của ngài, bên cạnh có một cây nến do Đức Gioan Phaolô II để lại. Trước khi rời khu nhà số 11 ĐTC đã ký tên vào sổ lưu niệm. Ngài viết bằng tiếng Tây Ban Nha: “Lậy Chúa xin thuơng xót dân Ngài, Lậy Chúa xin tha thứ cho biết bao tàn ác”. Tiếp đến ĐTC đi xe sang thăm trại tập trung Birkenau cách đó 3 cây số. Trại  tập trung này rộng 175 mẫu và là trại tập trung lớn nhất cũng gọi là Auschwitz II. Nó được quân đức quốc xã bắt đầu xây năm 1941 trong làng Brzezinka. Dân làng bị đuổi đi nơi khác và nhà cửa của họ bị tàn phá để lấy chỗ cho trại tập trung. Tại Birkenau quân đức quốc xã đã xây dựng các hệ thống tiêu diệt tinh vi nhất gồm 4 lò hoả thiêu với các phòng hơi ngạt, 2 phòng hơi ngạt tạm thời trong nhà của dân. Có khoảng 300 dẫy nhà bằng gỗ và gạch làm nơi ở cho các tù nhân bị trưng dụng cho lao động và để cho chết dần chết mòn. Vào tháng 8 năm 1944 số tù nhân tại Birkenau lên tới 100,000 người. Tưởng cũng nên biết rằng trong thời đệ nhị thế chiến đã có 1,000 linh mục Ba Lan cứu sống người Do thái. Các nữ tu đã cho người Do thái tá túc trong 300 tu viện và cơ cấu khác nhau trên toàn nước Ba Lan. Hồi năm 1939 số linh mục tu sĩ Ba Lan là 18,000. Hàng giáo sĩ bị quân đức quốc xã bách hại một cách có hệ thống, khiến cho 4,000 vị và 6 Giám Mục đã bị nhốt trong các trại tập trung, và ít nhất có 2,800 vị đã chết.

** Trước đài tưởng niệm các nạn nhân có 1,000 người gồm thân nhân của các nạn nhân và một số các tù nhân còn sống sót chờ ĐTC. Đài tưởng niệm này đã được khánh thành năm 1967 giữa lò hoả thiêu số II và số III. Có 426 dự án đã được đề ra. Dự án vĩnh viễn đã do các kiến trúc sư Ba Lan và Italia thực hiện. Toàn đài tưởng niệm gồm nhiều lớp, khiến ta nghĩ tới các hòm chôn người chết và các bia mộ, trong khi yếu tố cao nhất biểu tượng cho ống khói của lò hoả thiêu. Trước đài tưởng niệm có các tấm bia tưởng niệm bằng 23 thứ tiếng khác nhau của các tù nhân. Bảng tưởng niệm viết: “Hãy luôn mãi để nơi này là tiếng thét của tuyệt vọng và là một cảnh cáo cho nhân loại, nơi quân đức quốc xã đã giết chết 1,5 triệu người, phụ nữ, trẻ em, đa số là người Do thái, đến từ các nước Âu châu. Auschwitz Birkenau 1940-1945”.

Sau khi đi bộ qua cổng chính, ĐTC đã lên xe chạy bằng điện tiến vào trại. Ngài đã được bà Thủ tướng và ông giám đốc trại tiếp đón. Một rabbi do thái hát thánh vịnh 130, sau đó ĐTC đã đến trước các tấm bia thinh lặng cầu nguyện rồi thắp lên một ngọn nến. Ngài tiếp tục thăm hết các bia tới tấm bia cuối cùng có tên của 25 người được coi là “Các người công chính của các quốc gia”.

Sau khi thăm đài tưởng niệm ĐTC đã tặng tràng hạt mân côi  cho các nạn nhân sống sót ngồi ở mấy hàng ghế đầu. Tiếp đến ngài đi xe tới sân trực thăng bay  về Balice cách đó 45 cây số, rồi về toà tổng giám mục Cracovia để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi trước khi đi thăm nhà thương nhi đồng Prokocim vào ban chiều.

** Đây là nhà thương nhi đồng lớn nhất Ba Lan, do các tu sĩ  Dehoniani điều khiển, hàng năm chữa trị cho khoảng 30,000 trẻ em và khám bênh phát thuốc cho 200,000 em. Việc xây cất nhà thương đã do các người Ba Lan sống bên Hoa Kỳ đề xướng, và được chính quyền Hoa Kỳ tài trợ. Trong 5 thập niên qua nhà thương đã chữa trị cho 900,000 trẻ em. Nhà thương này nổi tiếng vì chuyên giải phẫu tách rời các trẻ em sinh đôi dính vào nhau, chữa phỏng và các thứ bệnh về tim của trẻ em.

Đức Gioan Phaolô II  cũng đã thăm nhà thương ngày 13 tháng 8 năm 1991. Nhà nguyện của nhà thương còn giữ vài thánh tích của ngài. Hàng ngày tại đây đều có thánh lễ cho trẻ em, cha mẹ, các nhân viên y tế và sinh viên y khoa, vì nhà thương cũng là đại học. Mình Thánh Chúa cũng được chầu suốt ngày tại đây.

 Lúc 4 giời rưỡi chiều ĐTC đã đi xe díp đến nhà thương cách toà tổng giám mục 9 cây số. Ngài đã được bà thủ tướng và vị giám đốc nhà thương tiếp đón tại sảnh đường. Hiện diện có 50 trẻ em bệnh nhân, cha mẹ các em, các bác sĩ y tá và sinh viên y khoa.

Đáp lời chào của bà thủ tướng ĐTC nói lên lý do ngài đến thăm nhà thương:

Tôi muốn ở gần mỗi trẻ em đau yếu một chút, bên cạnh giường các em, ôm các em vào lòng, từng em một, lắng nghe từng em một, mỗi em một chút, và cùng nhau thinh lặng trước các câu hỏi không có câu trả lời tức khắc. Và cầu nguyện.

Tin Mừng cho chúng ta thấy nhiều lần Chúa Giêsu gặp gỡ các người đau yếu, tiếp đón họ và Ngài cũng sẵn lòng đi tìm họ. Ngài luôn luôn nhận ra họ, nhìn họ như một bà mẹ hiền nhìn đứa con không khoẻ mạnh, và cảm thương họ. Như là các kitô hữu tôi uớc mong biết bao có khả năng gần gũi người bệnh theo kiểu của Chúa Giêsu, trong thinh lặng, với một cái vuốt ve, với lời cầu nguyện. Rất tiếc xã hội của chúng ta bị ô nhiễm bởi nền văn hóa “gạt bỏ” chống lại nền văn hoá tiếp đón. Và các nạn nhân của nền văn hóa gạt bỏ chính là những người yếu đuối nhất, giòn mỏng nhất; và đó là một sự tàn ác. Trái lại, thật là đẹp trông thấy rằng trong nhà thương này các trẻ em bé nhỏ và cần được giúp đỡ được tiếp đón và săn sóc. Nhờ dấu chỉ này của tình yêu mà anh chị em cống hiến cho chúng tôi! Đó là dấu chỉ của nền văn minh đích thực, nhân bản và kitô: đặt để các người bị thiệt thòi nhất vào trung tâm của sự chú ý xã hội chính trị.

Tiếp tục bài phát biểu ĐTC nói:

Đôi khi các gia đình phải một mình lo lắng cho chúng. Phải làm gì đây? Từ nơi này trong đó tôi trông thấy tình yêu cụ thể , tôi muốn nói: chúng ta hãy nhân nhiều lên các công trình của nền văn hóa tiếp đón, các công trình được linh hoạt bởi tình yêu kitô, tình yêu đối với Chúa Giêsu bị đóng đinh, đối với thịt xác của Ngài. Phục vụ với tình yêu thương, dịu hiền những người cần sự giúp đỡ khiến làm cho chúng ta tất cả lớn lên trong nhân bản; và nó mở ra cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu: ai chu toàn các việc lành phúc đức, thì không sợ hãi cái chết.

Tôi khích lệ tất cả những ai đã khiến cho lời mời gọi của Tin Mừng trở thành một lựa chọn cuộc đời: các bác sĩ, y tá, tất cả những ai làm việc trong lãnh vực y khoa cũng như các tuyên uý và các người thiện nguyện. Xin Chúa giúp anh chị em chu toàn công việc của mình, tại đây cũng như tại mọi nhà thương trên toàn thế giới. Và xin Người thưởng công cho anh chị em, bằng cách ban cho anh chị em sự an bình nội tâm và một con tim luôn luôn có khả năng dịu hiền.

Xin cám ơn tất cả mọi người về cuộc gặp gỡ này! Tôi mang anh chị em trong tim và trong lời cầu nguyện. Và xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi.

ĐTC đã tặng nhà thương bức tranh “Trước cửa” của nghệ sĩ Piero Casentini, diễn tả một cảnh trong cuộc đời Chúa Giêsu: thánh Phêrô và các tông đồ đương đầu với người bệnh đi tìm Chúa Giêsu thấp thoáng đàng sau cánh cửa của một căn nhà. Các gương mặt được trình bầy theo rẻ quạt để người nhìn có thể quan sát từng gương mặt một.

ĐTC đã nói chuyện và vuốt ve các trẻ em trong đó nhiều em bị bệnh ung thư, trước khi đi thăm vài khu vực của nhà thương đại học. Tiếp đó ngài lên nhà nguyện và được linh mục tuyên uý Lucjan Szezepaniak tiếp đón. ĐTC viếng Mình Thánh Chúa và quỳ cầu nguyện một lát.

Lúc 17 giờ 30  ĐTC đi xe đến cánh đồng Blonia cách đó 10 cây số để chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá với giới trẻ.

Ba giờ trước khi ĐTC tới, hơn 1 triệu bạn trẻ đã tham dự chương trình gặp gỡ gồm các màn trình diễn nhạc cảnh, chiếu phim, chia sẻ các chứng từ, cầu nguyện và hát thánh ca. Các bạn trẻ được xem các phim video nối liền với các cử hành tại nhiều nơi khác liên quan tới lòng thương xót trong thành phố Cracovia.

** Buổi đi đàng Thánh Giá được cử hành bằng 5 thứ tiếng: Ba Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ý. Ở mỗi chặng, thánh giá được các bạn trẻ thuộc 14 hiệp hội và phong trào khác nhau vác theo thứ tự gồm: chặng thứ I cộng đồng thánh Egidio; chặng thứ II Hiệp hội trợ giúp các người vô gia cư thánh Alberto Chmielowski; chặng thứ III Tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ; chặng thứ IV Nhà bà mẹ cô đơn “Cửa sổ của sự sống”; chặng thứ V Cộng đoàn Con tầu; chặng thứ VI Hiệp hội trợ giúp nhau “Con tầu” tái hội nhập các tù nhân, trợ giúp người thất nghiệp và vô gia cư; chặng thứ VII Chương trình “Madalena” của các nữ tu dòng Đức Bà Thương Xót, tức dòng của thánh nữ Faustina Kowalska, gồm nhà tiếp đón các bà mẹ trẻ và các bà mẹ cô đơn; chặng thứ VIII “Trạm ngừng Giêsu” là phong trào rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ sống xa Chúa; chặng thứ IX Cộng đoàn “Nhà Tiệc Ly” chuyên giúp tái hội nhập các người nghiện ma tuý; chặng thứ X Hiêp hội trợ giúp của cha thánh Pio giúp đỡ vật chất, tâm lý, tinh thần và tư pháp với hai trung tâm và 7 nhà tại Cracovia; chặng thứ XI các nữ tu Thừa sai bác ái của Mẹ Têrêxa Calcutta; chặng thứ XII Cộng đoàn “Bánh sự sống” chuyên trợ giứp trẻ em, người nghèo và người tàn tật cũng như cấp học bổng cho trẻ em nghèo với 7 nhà cho người già và vô gia cư gồm 1000 người; chặng thứ XIII “Nhà thương tại gia” là phong trào chống tệ nạn mại dâm và các hình thức phổ biến cuộc sống tính dục tháo thứ trong xã hội; chặng thứ XIV “Nhà thánh Ladarô” trợ giúp các bệnh nhân nan y cuối đời.

Mỗi chặng đều có hoạt cảnh minh họa, một đoạn Phúc Âm, và phần suy niệm quy chiếu cuộc sống ngày nay.

Ngỏ lời với các bạn trẻ ĐTC trích lại lời Chúa Giêsu nói trong ngày phán xét: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." Các lời này của Chúa Giêsu gặp gỡ câu hỏi nhiều lần vang lên trong con tim chúng ta: “Thiên Chúa ở đâu?. Thiên Chúa ở đâu, nếu trong thế giới có sự dữ, nếu có những người đói khát, không nhà cửa, các người di cư tỵ nạn? Thiên Chúa ở đâu, khi các người vô tội chết vì bạo lực, khủng bố và chiến tranh? Thiên Chúa ở đâu khi bệnh tật không thương xót bẻ gẫy các mối dây của sự sống và yêu thương? Hay khi các trẻ em  bị khai thác bóc lột, bị hạ nhục và khổ đau vì các bệnh tật? Thiên Chúa ở đâu trước nỗi âu lo của những người nghi ngờ và các thống khổ của tâm hồn? Có các vấn nạn mà con người không có câu trả lời. Chúng ta chỉ có thể nhìn lên Chúa Giêsu và hỏi Ngài. Và câu trả lời của Chúa Giêsu là đây: “Thiên Chúa ở trong họ” Chúa Giêsu ở trong họ, tự đồng hoá một cách sâu xa với từng người. Ngài kết hiệp với họ như thể làm thành “một thân thể duy nhất” với họ.

** Chính Chúa Giêsu dã lựa chọn tự đồng hóa với các anh chị em này, bị thử thách bởi khổ đau và âu lo, bằng cách chấp nhận bước đi trên con đường khổ nạn tiến lên núi sọ. Khi chết trên thập giá, Ngài phó thác mình trong tay của Thiên Chúa Cha, và vác lên mình và trong mình với tình yêu thương trao ban, các vết thương thể lý, luân lý và tinh thần của toàn nhân loại. Khi ôm lấy gỗ của thập giá, Chúa Giêsu ôm lấy sự trần trụi, đói khát và cô đơn, khổ đau và cái chết của con người thuộc mọi thời đại. Chiều hôm nay, Chúa Giêsu, và chúng ta cùng với Ngài, ôm lấy với tình yêu đặc biệt các anh chị em Siri, trốn chạy chiến tranh. Chúng ta chào đón họ và tiếp nhận họ với tình yêu thương huynh đệ và thiện cảm.

Khi bước đi trở lại Con đường Thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta tái khám phá ra tầm quan trọng của việc tự đồng hóa với Ngài, qua 14 việc làm của lòng thương xót. Chúng giúp chúng ta rộng mở cho lòng xót thương của Thiên Chúa, xin ơn hiểu rằng không có lòng thương xót con người không thể làm được gì, không có lòng thương xót bạn, tôi, chúng ta tất cả không thể làm được gì hết. Trước hết chúng ta hãy nhìn vào 7 công việc thương xót thân xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho người trần trụi áo quần để mặc, cho khách hành hương đỗ nhà, thăm viếng kẻ yếu đau, người tù tội, chôn xác kẻ chết. Chúng ta đã nhận được một cách nhưng không, chúng ta hãy cho đi một cách nhưng không. Chúng ta được mời gọi phục vụ Chúa Giêsu bị đóng đinh trong mọi người  bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, sờ mó thịt xác của Ngài được chúc phúc nơi người bị loại trừ, đói khát, trần truồng, bị tù đầy, đau yếu, thất nghiệp, bị bách hại, di cư tỵ nạn. Ở đó chúng ta tìm thấy Thiên  Chúa của chúng ta, chúng ta đụng chạm tới Chúa. Chính Chúa Giêsu đã nói điều này, khi giải thích đâu sẽ là cung cách dựa trên đó chúng ta sẽ bị phán xử: mỗi lần chúng ta đã làm điều này cho các anh em bé nhỏ nhất của Ngài là chúng ta đã làm cho chính Ngài (x. Mt 25,31-46).

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói: Thêm vào các việc thương xót phần xác là các việc thương xót tinh thần: cố vấn cho người nghi hoặc, dậy dỗ kẻ dốt nát, cảnh cáo người tội lỗi, an ủi kẻ ưu phiền, tha thứ các xúc phạm, kiên nhẫn chịu đựng các người sách nhiễu, cầu nguyện với Thiên Chúa cho kẻ sống và kẻ chết. Tính cách đáng tin cậy của chúng ta như là kitô hữu là ở nơi việc tiếp đón người bị gạt bỏ ngoài lề xã hội bị thương tích trên thân xác, và ở nơi việc tiếp đón kẻ có tội bị thương tích trong tâm hồn.

** Ngày nay nhân loại cần đến những người nam nữ, và một cách đặc biệt người trẻ như các bạn, những người không muốn sống cuộc đời mình “một nửa”, những người trẻ sẵn sàng tiêu hao cuộc đời trong việc phục vụ các anh chị em nghèo túng và yếu đuối nhất, noi gương Chúa Kitô , là Đấng đã trao ban tất cả chính mình cho sự cứu rỗi của chúng ta. Truớc sự dữ , khổ đau và tội lỗi, câu trả lời duy nhất có thể có đối với người môn đệ Chúa Giêsu là trao ban chính mình, cả cuộc sống, theo gương Chúa Kitô; đó là thái độ phục vụ. Nếu một người nói mình là kitô hữu – mà không sống để phục vụ, thì không ích lợi để sống. Với cuộc sống của mình họ khước từ Chúa Giêsu.

Các bạn trẻ thân mến, chiều nay Chúa canh tân lời mời gọi các bạn trở thành các tác nhân trong việc phục vụ; Ngài muốn làm cho các bạn trở thành một câu trả lời cụ thể cho các nhu cầu và các khổ đau của nhân loại; Ngài muốn rằng các bạn là một dấu chỉ tình yêu thương xót của Ngài cho thời đại chúng ta! Để chu toàn sứ mệnh này Ngài chỉ cho các bạn con đường dấn thân cá nhân và hy sinh chính mình: đó là Con đường thập giá. Con đường thập giá là con đường của hạnh phúc theo Chúa Kitô cho tới cùng, trong các hoàn cảnh thường khi thê thảm của cuộc sống thường ngày; đó là con đường không sợ hãi các thất bại, các gạt bỏ ngoài lề, hay các cô đơn, bởi vì nó làm tràn đầy trái tim con người với sự tràn đầy của Chúa Giêsu. Con đường thập giá là con đường  của cuộc sống và kiểu của Thiên  Chúa, mà Chúa Giêsu đã đi, cả qua các lối đi của một xã hội đôi khi chia rẽ, bất công và thối nát.

Con đường thập giá là con đường duy nhất đánh bại tội lỗi, sự dữ và cái chết, bởi vì nó đổ vào ánh sáng rạng ngời của sự sống lại, bằng cách mở ra các chân trời của cuộc sống mới tràn đầy. Đó là Con đường của niềm hy vọng và của tương lai. Ai buớc đi trên nó với lòng quảng đại và niềm tin, thì trao ban hy gọng và tương lại cho nhân loại. Tôi muốn các bạn trở thành những người gieo vãi hy vọng.

Các ban trẻ thân mến, trong Ngày Thứ Sáu ấy nhiều môn đệ đã buồn bã trở về nhà họ, những người khác thì thích về căn nhà ở đồng quê để quên đi thập giá. Tôi xin hỏi các bạn: chiều nay các bạn muốn trở về nhà mình, về chỗ mình trọ như thế nào? Chiều nay các bạn muốn trở về để gặp gỡ chính mình như thế nào? Mỗi người hãy tự trả lời trong tim cho thách đố của câu hỏi này.”

Sau khi ban phép lành toà thánh cho các bạn trẻ ĐTC lên xe trở về toà Tổng Giám Mục cách đó 2 cây số, để dùng bữa tối và nghỉ đêm kết thúc ngày thứ ba chuyến viếng thăm mục vụ Ba Lan.

Thứ bẩy hôm nay ĐTC sẽ kính viếng đền thánh Lòng Thương Xót Chúa tại Lagiewniki, ban bí tích Hoà giải cho vài bạn trẻ, rổi cử hành thánh lễ với các linih mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh gần đền thánh Gioan Phaolô II. Vào ban chiều ngài sẽ cũng 5 bạn trẻ bước qua Cửa Thánh và chủ sự buổi canh thức cầu nguyện với thánh Gioan Phaolô II tại “Cánh đồng thương xót” bên ngoài thành phố Krakow. Chúng tôi sẽ tường thuật các biến cố này trong các buổi phát ngày mai.

Linh Tiến Khải

Đức Giáo hoàng Phanxicô cầu nguyện trước mộ Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

Đức Giáo hoàng Phanxicô cầu nguyện trước mộ Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

 

Sáng nay, vào lúc 10 giờ ngày 27 tháng 7, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đến cầu nguyện trước mộ Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cùng với các trẻ em bị bịnh ung thư và gia đình của họ thuộc tổ chức phi lợi nhuận Peter Pan, là một tổ chức được thành lập ở Roma vào năm 2000 nhắm giúp các bịnh nhân ung thư và gia đình họ trong thời khắc khó khăn.

Ngay sau đó, ngài đã chào các em và gia đình của họ. Các em đã xin Đức Giáo Hoàng mang lời cầu nguyện của họ đến Ba Lan và xin Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vị thánh của quốc gia này, ơn chữa lành.

Vào lúc 13:30 giờ , trước khi Đức Giáo hoàng khởi hành từ nhà Santa Marta để ra phi trường Fiumicino để bay đi Krakow, một nhóm 15 người nhập cư trẻ, trong đó có 9 nam và 6 nữ, từ các quốc gia khác nhau, đã chào ngài. Các bạn trẻ này đã cầu chúc Đức Giáo Hoàng chuyến đi bình an và tham dự ngày Quốc tế Giới trẻ vui vẻ. Các bạn trẻ này mới đến Italia một thời gian ngắn và chưa có giấy tờ tùy thân cần thiết để được đi ra nước ngoài. Họ không thể tham dự trực tiếp ngày Quốc tế Giới trẻ nhưng liên kết cách thiêng liêng. (SD 27/7/2016)

Hồng Thủy Op

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha nhân dịp sắp thăm Ba Lan

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha nhân dịp sắp thăm Ba Lan

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha nhân dịp thăm Ba Lan

VATICAN. ĐTC Phanxicô chào thăm các bạn trẻ Ba Lan và thế giới cũng như nhân dân Ba Lan nhân dịp chuẩn bị viếng thăm nước này.

Trong sứ điệp Video công bố chiều tối ngày 19-7-2016, ĐTC nói:

“Ngày Quốc tế giới trẻ lần thứ 31 đã gần kề, kêu gọi tôi gặp gỡ các bạn trẻ thế giới được triệu tập về Cracovia, và mang lại cho tôi cơ hội tốt đẹp để gặp gỡ quốc gia Ba Lan yêu quí. Tất cả đều diễn ra dưới dấu hiệu Lòng Thương Xót, trong Năm Thánh này, và trong niềm tưởng niệm với lòng biết ơn và kính mến đối với thánh Gioan Phaolô 2, là người đã khởi xướng Ngày Quốc Tế giới trẻ, và đã hướng dẫn nhân dân Ba Lan trong hành trình lịch sử gần đây tiến đến tự do”.

Hỡi các bạn trẻ Ba Lan quí mến, tôi biết rằng từ lâu các bạn chuẩn bị, nhất là trong kinh nguyện, cho cuộc gặp gỡ vĩ đại ở Cracovia. Tôi chân thành cám ơn các bạn vì tất cả những gì các bạn đang làm, và các bạn làm điều đó với tình yêu thương; ngay từ bây giờ tôi chào thăm và chúc lành cho các bạn.

Hỡi các bạn trẻ từ 4 phương trời của Âu Châu, Phi châu, Mỹ châu, Á Châu và Đại dương châu! Tôi cũng chúc lành cho đất nước của các bạn, những ước muốn và những bước tiến của các bạn hướng về Cracovia, để chúng trở thành một cuộc lữ hành đức tin và huynh đệ. Xin Chúa Giêsu ban cho các bạn ơn được cảm nghiệm nơi bản thân lời Chúa dạy: ”Phúc cho ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương”.

Tôi rất muốn gặp các bạn để cống hiến cho thế giới một dấu chỉ mới về sự hòa hợp, một bức tranh khảm gồm những gương mặt khác nhau, thuộc bao nhiêu chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa, nhưng tất cả đều liên kết với nhau trong danh Chúa Giêsu, là Khuôn Mặt lòng Thương xót.

Trong sứ điệp, ĐTC cũng ngỏ lời với những người con của quốc gia Ba Lan và khẳng định rằng: ”Tôi cảm thấy như một hồng ân lớn của Chúa được đến giữa anh chị em, vì anh chị em là một dân tộc, trong lịch sử, đã trải qua bao nhiêu thử thách, nhiều khi rất cam go, và đã tiến bước với sức mạnh của đức tin, được bàn tay từ mẫu của Mẹ Maria nâng đỡ. Tôi chắc chắn rằng cuộc hành hương tại Đền Thánh Đức Mẹ Czestochowa đối với tôi sẽ là một cuộc dìm mình trong đức tin được tôi luyện ấy, và sẽ mang lại bao điều tốt lành cho tôi. Tôi cám ơn anh chị em vì đang chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của tôi trong kinh nguyện. Tôi cám ơn các GM và LM, tu sĩ nam nữ, các giáo dân, nhất là các gia đình, mà tôi mang đến trong tinh thần Tông Thuấn Niềm Vui Yêu Thương. Sức khỏe luân lý và tinh thần của một quốc gia được biểu lộ qua các gia đình: vì thế thánh Gioan Phaolô 2 đã rất quan tâm đến những người đính hôn, các đôi vợ chồng trẻ và các gia đình. Xin Anh chị em cứ tiếp tục con đường ấy.

Anh chị em thân mến, tôi gửi đến anh chị em sứ điệp này như bảo chứng lòng quí mến của tôi. Chúng ta tiếp tục hiệp ý với nhau trong kinh nguyện và hẹn gặp lại ở Ba Lan (SD 19-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Hãy học biết lắng nghe nhau – Lắng nghe là một nhân đức nhân bản và Kitô

Hãy học biết lắng nghe nhau – Lắng nghe là một nhân đức nhân bản và Kitô

ĐTC Phanxicô chào tín hữu thám dự buổi đọc Kinh Truyên Tin trưa Chúa Nhất 17-7-2016

Biết lắng nghe Chúa Giêsu, lắng nghe lời soi sáng của Ngài, là cách thức tiếp đón Chúa ưa thích nhất. Chúng ta hãy biết lắng nghe nhau giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái người thân, bạn bè. Nó là một nhân đức nhân bản và kitô quan trọng, ngày nay đang có nguy cơ bị lãng quên. Trong khả năng lắng nghe có gốc rễ của hoà bình.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu, tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn du ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng Chúa Nhật, trích từ chương 10 Phúc Âm thánh Luca, kể lại biến cố Chúa Giêsu vào làng Betania ghé thăm nhà hai chị em Marta và Maria. ĐTC nói: “Cả hai đều  đều tiếp đón Chúa, nhưng họ làm điều đó trong các cách thức khác nhau. Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu  và lắng nghe lời Ngài (c. 39). Marta, trái lại, hoàn toàn bận bịu với các điều phải chuẩn bị; và tới một lúc nào đó nàng nói với Chúa Giêsu: “Lậy Chúa, em con để một mình con phục vụ mà Chúa không quan tâm gì sao? Xin hãy bảo nó giúp con” (c-40). Và Chúa Giêsu trả lời: “Marta, Marta, con lo lắng nhiều chuyện quá, chỉ có một chuyện cần thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất, và nó sẽ không bị lấy mất đi” (cc.41-42).  ĐTC giải thích điểm này như sau:

Trong sự chộn rộn và bận việc của mình Marta có nguy cơ quên. Và đây là vấn đề: có nguy cơ quên điều quan trọng nhất, nghĩa là sự hiện diện của vị khách, trong trường hợp này  là Chúa Giêsu. Người ta quên sự hiện diện của khách. Và khách thì không phải chỉ được phục vụ, nuôi dưỡng, săn sóc trong mọi cách. Nhưng nhất là cần đưọc lắng nghe nữa. Xin anh chị em hãy nhớ kỹ từ này: lắng nghe! Bởi vì khách được tiếp đón như một người, với lịch sử của họ, với con tim giầu tình cảm và tư tưởng của họ, như thế họ có thể cảm thấy thực sự như ở trong gia đình. Nhưng nếu bạn tiếp đón một người khách vào nhà bạn và tiếp tục làm các việc, để họ ngồi đó, bạn câm nín và họ câm nín, như thể họ là đá: khách bằng đá. Không! Cần phải lắng nghe khách! Khi Chúa Giêsu nói với Marta chỉ có một điều cần thôi, chắc chắc câu Chúa trả lới cho Marta tìm thấy ý nghĩa tràn đầy của nó trong sự quy chiếu vào việc lắng nghe lời của chính Chúa Giêsu, lời soi sáng và nâng đỡ tất cả những gì chúng ta là và những gì chúng ta làm. Chẳng hạn nếu chúng ta đi cầu nguyện trước Chúa chịu đóng đanh và chúng ta nói, nói và nói, rồi đi về, chúng ta không lắng nghe Chúa Giêsu! Chúng ta không để cho Chúa nói với con tim chúng ta. Lắng nghe: đó là từ chià khóa. Xin anh chị em đừng quên! Chúng ta không được quên rằng Lời của Chúa Giêsu soi sáng chúng ta, nâng đỡ tất cả những gì chúng ta là và những gì chúng ta làm. Chúng ta không được quên rằng cả trong nhà của Marta và Maria, trước khi là Chúa và là Thầy, Chúa Giêsu là người hành hương và là khách.  Như thế, câu trả lời của Ngài có ý nghĩa đầu tiên và lập tức này: “Marta, Marta, tại sao con lại bận rộn vì khách tới nỗi quên đi sự hiện diện của họ? Khách bằng đá.  Để tiếp đón Ngài không cần phải có nhiều điều, trái lại chỉ có một điều duy nhất cần thiết thôi: lắng nghe Ngài – lời: lắng nghe Ngài – chứng minh cho Ngài thấy một cử chỉ huynh đêj, làm sao để Ngài cảm thấy đang ở trong gia đình, chứ không phải ở trong một nơi tạm bợ”.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

Hiểu như thế lòng hiếu khách là một trong các công việc của lòng thương xót, xem ra thực sự là một nhân dức nhân bản và kitô, một nhân đức mà trong thế giới ngày nay có nguy cơ bị lơ là. Thật thế, người ta gia tăng các nhà thương và nhà dưỡng lão, nhưng người ta không luôn luôn thực thi một lòng hiếu khách thực sự trong các môi trường này. Người ta làm nảy sinh ra nhiều cơ cấu, dự kiến cho nhiều  hình thức bệnh tật, cô đơn, bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, nhưng lại giảm khả thể tìm thấy ai đó sẵn sàng lắng nghe đối với người ngoại quốc, bị gạt bỏ bên lề, bị loại trừ. Bởi vì họ là người xa lạ, tỵ nạn, di cư. Lắng nghe lịch sử đớn đau ấy của họ! Cả trong gia đình, giữa các người thân  cũng có thể xảy ra việc dễ tìm thấy các phục vụ và săn sóc thuộc nhiều loại khác nhau hơn là sự lắng nghe và tiếp đón. Ngày nay chúng ta bận bịu một cách cuồng loạn bởi biết bao nhiêu vấn đề –  và có vài vấn đề không quan trọng – đến nỗi thiếu khả năng lắng nghe. Chúng ta liên tục bận rộn, và như thế chúng ta không có thời giờ để lắng nghe. Tôi muốn hỏi anh chị em một điều, và mỗi người hãy trả lời trong tim mình: “Này anh là chồng, anh có thời giờ để lắng nghe vợ không? Và chị là vợ, chị có giờ lắng nghe chồng chị không? Các anh chị em là cha mẹ, các anh chị em có giờ, có giờ để mất thì giờ, để  lắng nghe con cái, ông bà của các anh chị em, hoặc người già không? – “Nhưng mà ông bà luôn luôn nói cùng một chuyện, họ nhàm chán lắm… “ – “Nhưng họ cần được lắng nghe”. Lắng nghe.  Tôi xin anh chị em học lắng nghe và dành nhiều thời giờ hơn để lắng nghe. Trong khả năng lắng nghe có gốc rễ của hoà bình.

Xin Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ của lắng nghe và sốt sắng phục vụ, dậy chúng ta biết tiếp đón và hiếu khách đối với các anh chị em của chúng ta.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã lại chia buồn về vụ khủng bố tại Nice tối 14 tháng 7 vừa qua. Ngài nói:

Trong tim của chúng ta vẫn còn sống động nỗi đớn đau vì tai ương xảy ra chiều thứ năm vừa qua tại Nice, đã đốn ngã biết bao mạng sống vô tội, kể cả trẻ em… Tôi gần gũi với từng gia đình và toàn quốc gia Pháp đang để tang. Xin Thiên Chúa là Cha từ nhân đón nhận tất cả các nạn nhân vào trong sự an bình của Ngài, nâng đỡ các người bị thương và an ủi thân nhân của họ. Xin Ngài đánh tan mọi dự tính khủng bố và chết chóc, để đừng có ai còn dám đổ máu người anh em nữa. Tôi xin gửi một vòng tay ôm hiền phụ và huynh đệ tới tất cả các cư dân thành phố Nice và toàn quốc gia Pháp. Và bây giờ tất cả chúng ta hãy cầu nguyện, nghĩ tới tai ương này, nghĩ tới các nạn nhân, các người thân. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng. ĐTC đã cùng mọi người đọc một Kinh Kính Mừng cầu nguyện cho các nạn nhân.

Ngài đã chào tín hữu hiện diện, đặc biệt các đoàn hành hương Ai Len, tín hữu các giáo phận Armagh và Derry, cũng như các Phó tế vĩnh viễn giáo phận Elphin và phu nhân. Ngài cũng chào cha giám đốc và các chủng sinh đại Chủng viện thần học thánh Pio X vùng Calabria, các bạn trẻ giáo phận Cremona, các bạn trẻ thuộc cộng đoàn các Thánh Tông Đồ Milano, các trẻ em giúp lễ giáo phận Treviso, và nhiều tín hữu Trung Quốc.

Linh Tiến Khải

ĐTC chia buồn với các nạn nhân vụ khủng bố tại Nice và toàn dân Pháp

ĐTC chia buồn với các nạn nhân vụ khủng bố tại Nice và toàn dân Pháp

ĐTC cầu nguyện cho các nạn nhân cuộc khủng bố tại Nice miền nam nước Pháp

VATICAN: ĐTC Phanxicô chia sẻ và liên đới với nỗi khổ đau của các nạn nhân và toàn dân Pháp vì vụ khủng bố xảy ra tại Nice đêm lễ quốc khánh 14 tháng 7 vừa qua.

Linh Mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Toà Thánh đã cho biết như trên. Ngài nói: chúng tôi rất lo âu theo dõi các tin tức khủng khiếp đến từ Nice. Thay mặt ĐTC chúng tôi bầy tỏ sự chia sẻ và tình liên đới với nỗi khổ đau của các nạn nhân và toàn dân Pháp trong ngày đáng lý ra đã phải là một lễ hội lớn.

Chúng tôi tuyệt đối lên án mọi biểu lộ điên loạn giết người, thù hận, khủng bố và mọi tấn công chống lại hoà bình.

Lúc 10 giờ ruỡi tối 14 tháng 7 lễ quốc khánh của Pháp, trong khi đông đảo dân chúng tụ tập tại đại lộ Anh dọc bờ biển Nice, miền nam nước Pháp, thì một chiếc xe vận tải lớn và dài chạy nhanh quẹo qua quẹo lại tông vào đám đông trên đoạn đường dài 2 cây số, khiến cho 84 người chết trong đó có 33 trẻ em, và hàng trăm nguời khác bị thương. Tài xế là một người Pháp gốc Tunisia 31 tuổi đã bị cảnh sát bắn chết sau đó. Nhưng trước đó ông đã cầm súng bắn vào đám đông. Trên xe vận tải có nhiều súng ống đạn dược và cả lựu đạn nữa.

Tổng thống Barack Obama và chính quyền của 15 nước thành viên Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc cũng như giới lãnh đạo Âu châu đã chia buồn với các nạn nhân và chính quyền Pháp và mạnh mẽ lên án vụ khủng bố này (SD 15-7-2016).

Linh Tiến Khải

Nice-terrorist-attacks

ĐTC gửi điện tín chia buồn về vụ khủng bố tại Nice

VATICAN: Hôm 15-7 ĐTC Phanxicô đã gửi điện tín chia buồn về vụ khủng bố tại Nice và lên án các hành động bạo lực gieo chết chóc cho dân chúng.

Điện tín gửi ĐC André Marceau, GM Nice, do ĐHY Pietro Parolin Quốc vụ Khanh Toà Thánh ký, viết: “Trong khi nước Pháp cử hành lễ quốc khánh, bạo lực mù quáng đã lại xảy ra tại Nice, gây ra  nhiều nạn nhân trong đó có các trẻ em. Trong khi tái lên án các hành động như thế, ĐTC Phanxicô bầy tỏ sự buồn thương sâu xa của ngài và sự gần gũi với nhân dân Pháp. Ngài tín thác cho lòng thương xót Chúa những người đã mất mạng sống, và chia sẻ sự đau đớn của các gia đình tang chế. ĐTC bầy tỏ cảm tình của ngài đối với những người bị thương cũng như với tất cả những ai góp phần vào việc cứu giúp họ, và xin Chúa nâng đỡ từng người trong thử thách này. Trong khi khẩn nài Chúa ban ơn hoà bình và hoà hơp, ngài khẩn cầu ân huệ các phước lành của Chúa trên các gia đình bị thử thách và mọi công dân Pháp.”

Trong sứ điệp video gửi các nạn nhân và toàn dân Pháp ĐTC nói: “Tôi xin bầy tỏ sự gần gũi của tôi với người thân của các nạn nhân và những người bị thương của tất cả mọi cuộc khủng bố. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho họ, cho những người đã chết và xin Chúa hoán cải con tim của các kẻ bạo lực mù quáng vì thù hận.”

Chiều tối ngày 14 tháng 7 lễ quốc khánh của Pháp đã có 40,000 người dân và khách du lịch ra con đường đi dạo của người Anh để xem bắn pháo bông. Lúc 20 giờ 30 đã có một chiếc xe vận tải dài phá các rào cản, chạy với tốc độ 80 cây số giờ và tông vào dân chúng khiến cho 84 người chết trong đó có nhiều trẻ em, 200 người bị thương trong đó có 50 người bị thương nặng. Tài xế là một cư dân Nice, 31 tuổi gốc Tunisia tên là Mohamed Lahouaiej Bouhlel, có tên trong sổ đen của cảnh sát. Vừa lái xe tông vào dân chúng  Mohamed  vừa cầm súng bắn vào họ. Ông đã bị cảnh sát bắn chết sau đó. Trên xe vận tải cảnh sát tìm thấy nhiều vũ khí và đạn dược có cả lựu đạn.

 ** Trong thông cáo công bố sau đó ĐC Georges Pontier, TGM Marseille, chủ tịch HĐGM Pháp, bầy tỏ hiệp thông với nỗi đớn đau của các người thân và gia đình của các nạn nhân. Ngài xin mọi tín hữu công giáo đặc biệt cầu nguyện cho các nạn nhân và thân nhân của họ trong thánh lễ Chúa Nhật 17 tháng 7 này.  Thông cáo viết: Thảm cảnh này thêm vào danh sách buồn thương của các hành động khủng bố gieo tang tóc cho đất nước chúng ta và cho nhiều quốc gia khác trên thế giới từ nhiều tháng qua. Dù lý do của nó là gì đi nữa, sự man rợ này là điều không thể chấp nhận và khoan nhượng được. Quê hương của chúng ta bị bầm dập, khi đang sống một thời điểm của sự hiệp nhất quốc gia. Hơn bao giờ hết, tình liên đới quốc gia phải mạnh hơn nạn khủng bố. Trong nỗi đớn đau của ngày này, chúng ta phải duy trì xác tín rằng sự hiệp nhất cao hơn chia rẽ.

Trong sứ điệp gửi tín hữu giáp phận ĐC André Marceau GM sở tại khẳng định rằng không có gì có thể biện minh cho cái điên loạn giết người, và hành động dã man. Ngài khích lệ tín hữu và mọi người đừng để cho các thời điểm thê thảm này khơi dậy sự khép kín, đoạn giao và kỳ thị. ĐC ước mong sự gần gũi và tình liên đới giữa các cư dân ở Nice gia tăng trong các gia đình, khu phố, nơi làm việc, trong các cộng đoàn Kitô và trong mọi môi trường sống thường ngày. Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa là một lời mời gọi thay đổi con tim. Chúng ta hãy hướng về Đấng là Tình Yêu. Từ trái tim bị đâm thâu của Chúa trên thập giá máu và nước đã trào ra, các làn sóng tình yêu đã chảy ra cho trái đất. Kitô hữu, tín hữu công giáo hãy đem sứ điệp tình yêu đó tới những người chúng quanh. Chúng ta và xã hội cần tình yêu ấy. Uớc chi các thời điểm thê thảm này không khiến cho chúng ta khép kín, và không biến chúng ta trở thành điều mà người này đã muốn làm. Cái chết không có tiếng nói cuối cùng.

Các sứ điệp chia sẻ và liên đới cũng đến từ nhiều tổ chức, Giáo Hội và các giới lãnh đạo, đạo đời khắp nơi trên thế giới (SD 15-7-2016)

Linh Tiến Khải

Người nghèo là kho tàng của Giáo Hội

Người nghèo là kho tàng của Giáo Hội

ĐTC Phanxicô tiếp phái đoàn người nghèo các giáo phận Pháp hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót ngày 6-7-2016

VATICAN: Anh chị em ở trong tim Giáo Hội và anh chị em cho phép chúng tôi gặp gỡ Chúa Giêsu, vì toàn cuộc sống của anh chị em nói về Ngài.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến đoàn hành hương 200 người nghèo thuộc các giáo phận Pháp lúc 9 giờ sáng hôm qua (6-7) trong đại thính đường Phaolô VI. ĐTC nói: dù hoàn cảnh, lịch sử và gánh nặng của anh chị em thế nào đi nữa, thì chính Chúa Giêsu tụ họp chúng ta;  Ngài tiếp đón từng người như họ là, và trong Ngài chúng ta tất cả là anh chị em với nhau, con của cùng một Thiên Chúa Cha. Với  các vị đồng hành với anh chị em, anh chị em làm chứng cho tình huynh đệ, yêu thương trợ giúp nhau, tạo điều kiện cho nhau đi hành hương, và anh chị em trao ban chính Chúa Giêsu cho họ và cho tôi. Vì Chúa Giêsu đã muốn chia sẻ điều kiện của anh chị em, vì yêu thương, Ngài đã trở thành một người trong anh chị em: bị người khác khinh rẻ, quên lãng, một người không là gì cả. Nhưng Giáo Hội yêu thương và ưa thích điều Chúa Giêsu đã yêu thương và ưa thích.  Giáo Hội sẽ không an lòng cho tới khi nào không tới với tất cả những người  sống kinh nghiệm bị khước từ, loại bỏ và không có giá trị đối với người khác.

ĐTC cũng cám ơn các người đồng hành với đoàn hành hương người nghèo vì tất cả những gì họ đã làm để giúp các anh chị em này về hành hương Roma trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Họ đã trung thành với lý tưởng của cha Giuseppe Wresinski, chia sẻ cụ thể điều kiện sống của dân nghèo, chứ không yêu thương trong lý thuyết. Các lý thuyết trừu tượng dẫn đưa tới các ý thức hệ và các ý thức hệ dẫn đưa chúng ta tới chỗ chối bỏ rằng Thiên Chúa đã làm người như chúng ta. Cuộc sống chia sẻ với người nghèo biến đổi và hoán cải chúng ta. Anh chị em đã bước vào cuộc sống và sự thất vọng của người nghèo và đã dấy lên một cộng đoàn tái trao ban cho họ một cuộc sống, một căn cước, một phẩm giá. Và Năm Thánh Lòng Thương Xót là dịp giúp tái khám phá và sống chiều kích liên đới, huynh đề, trợ giúp và nâng đỡ nhau. Anh chị em hãy duy trì lòng can đảm giữa các âu lo, duy trì niềm vui và hy vọng. Ước chi ngọn lửa ấy đừng tắt ngấm nơi anh chị em.

ĐTC đã phó thác cho các anh chị em nghèo một sứ mạng: đó là cầu nguyện cho ơn hoán cải của tất cả những ai là nguyên nhân tình trạng sống nghèo túng của họ, để xin ơn hoàn cải cho họ; cầu nguyện cho biết bao nhiêu người giầu ăn mặc sang trọng, mở tiệc tưng bừng, nhưng không nhận ra biết bao nhiêu Ladarô nghèo trước cửa nhà thèm một chút thức ăn thừa từ bàn của họ. Cầu nguyện cho các tư tế, các lêvi tránh né và ngoảnh mặt đi qua, không cứu giúp người bị nạn dở sống dở chết. Cầu nguyện cho họ và cho biết bao nhiêu người khác dính líu tới cảnh nghèo túng và khổ đau của ho, mỉm cười với họ từ thâm tâm, cầu mong sự lành cho họ và xin  Chúa Giêsu hoán cải họ. Nếu anh chị em làm điều đó, tôi bảo đảm với anh chị em là sẽ có niềm vui lớn trong Giáo Hội, trong tim anh chị em và trong nước Pháp thân yêu (SD 6-7-2016)

Vatican Radio

Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Đại hội ”Cùng nhau cho Âu Châu”

Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Đại hội ”Cùng nhau cho Âu Châu”

Cùng nhau cho Âu Châu

VATICAN. ĐTC tố giác hiện tượng nhiều loại bức tường được dựng lên tại Âu Châu và ngài kêu gọi can đảm thay đổi, tận dụng gia sản phong phú của mình.

Trên đây là nội dung sứ điệp Video ĐTC gửi các tham dự viên Đại hội ”Cùng nhau cho Âu Châu” lần thứ 4 tiến hành tại thành phố Munich nam Đức từ 30-6 đến 2-7-2016.

Đại Hội này qui tụ nhiều hoạt động của các Cộng đoàn và Phong trào Giáo Hội Công Giáo, và của các tín hữu Kitô khác nhắm bênh vực gia đình, bảo vệ sự sống và thiên nhiên, cổ võ một nền kinh tế công chính, liên đới với người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, hòa giải và hòa bình, thiện ích của các thành thị và tình liên đới tại Âu Châu.

Trong sứ điệp được công bố tại Quảng trường Karlplatz ở trung tâm thành Munich, ĐTC nhận xét rằng: ”Ngoài một số bức tường hữu hình, còn có nhiều bức tường vô hình đang được củng cố thêm, chúng nhắm chia rẽ đại lục Âu Châu này. Những bức tường được dựng lên trong tâm hồn con người. Những bức tường sợ hãi và gây hấn, thiếu cảm thông đối với những người có nguồn gốc và xác tín tôn giáo khác. Những bức tường ích kỷ chính trị và kinh tế, không tôn trọng sự sống và phẩm giá của mỗi người”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Âu châu đang ở trong một thế giới phức tạp và chuyển động mạnh mẽ, ngày càng hoàn cầu hóa nhiều hơn, và vì thế ngày càng bớt qui vào Âu Châu. Nếu chúng ta nhận thực các vấn đề lớn lao ấy, chúng ta phải có can đảm nói: chúng ta đang cần một thay đổi! Âu Châu được kêu gọi suy nghĩ và tự hỏi xem gia sản vô biên của mình, chịu ảnh hưởng của Kitô giáo, đang thuộc về một viện bảo tàng, hay vẫn còn có khả năng gợi hứng một nền văn hóa và trao tặng kho tàng của mình cho toàn thể nhân loại”.   Trong những ngày hội họp vừa qua, có sự tham dự của nhiều nhân vật như ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và hòa bình, ĐHY Kasper, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, ĐHY LLuis Martinez Sistach, nguyên TGM giáo phận Barcelona Tây Ban Nha, cùng một số HY khác. Đặc biệt cũng có sự hiện diện của Mục Sư Olav Fykse Tveit, Tổng thư ký Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô ở Genève, Thụy Sĩ. Ngoài ra có các thủ lãnh và thành viên nhiều Cộng đoàn và Phong trào của Giáo Hội. Có 36 cuộc thảo luận bàn tròn và diễn đàn giúp trao đổi kinh nghiệm và viễn tượng liên quan đến Âu Châu.

ĐTC nói với họ: ”Anh chị em là các cộng đoàn và phong trào Kitô nảy sinh ở Âu Châu, anh chị em mang nhiều đoàn sủng, hồng ân Chúa ban. ”Cùng nhau cho Âu Châu” là một sức mạnh liên kết, với mục tiêu rõ ràng là diễn tả các giá tri căn bản của Kitô giáo thành những câu trả lời cụ thể cho những thách đố mà một đại lục đang khủng hoảng gặp phải.”

”Lối sống của anh chị em dựa trên tình thương yêu nhau, sống với tinh thần quyết liệt của Tin Mừng. Một nền văn hóa hỗ tương có nghĩa là đối chiếu, quí chuộng nhau, đón nhận và nâng đỡ nhau. Nó có nghĩa là đề cao giá trị của những đoàn sủng khác nhau, để qui hướng tất cả vào sự hiệp nhất và làm cho nền văn hóa ấy được phong phú. Sự hiện diện của Chúa Kitô giữa anh chị em, trong sáng và cụ thể, là chứng tá làm cho người khác tin”.

Sau cùng, ĐTC khẳng định rằng: ”Nếu toàn thể Âu Châu muốn là một gia đình các dân nước thì cần đặt con người ở trung tâm, cần cởi mở và có tinh thần hiếu khách, tiếp tục thực hiện những hình thức cộng tác không những về kinh tế, nhưng cả về mặt xã hội và văn hóa nữa” (SD 2-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi Armenia

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi Armenia

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi Armeni

VATICAN. ”Tôi đến Armenia để hỗ trợ mọi nỗ lực hòa bình và chia sẻ với người dân nước này những bước tiến trên con đường hòa giải mang lại hy vọng.”

Đây là điều ĐTC Phanxicô quả quyết trong sứ điệp Video gửi nhân dân Armenia, quốc gia ngài sẽ viếng thăm từ ngày hôm nay, 24-6 đến hết chúa nhật 26-62016. Ngài khẳng định rằng: ”Với ơn Chúa giúp, tôi đến giữa anh chị em để thực hiện ”cuộc viếng thăm tại quốc gia Kitô đầu tiên”, như khẩu hiệu của chuyến viếng thăm này diễn tả. Tôi đến như một người lữ hành trong Năm Thánh này, kể kín múc sự khôn ngoan cổ kính của dân tộc anh chị em và để uống nơi những nguồn đức tin của anh chị em. đức tin sắt đá, như những thánh giá thời gian được khắc trên đá.

ĐTC cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với lịch sử dân tộc và đất nước Armenia. Ngài nói: ”Lịch sử và những thăng trầm của dân tộc yêu quí của anh chị em gợi lên trong tôi lòng ngưỡng mộ và đau thương: ngưỡng mộ vì anh chị em đã tìm được nơi thập giá Chúa Kitô và trong năng khiếu của mình sức mạnh để luôn đứng dậy, kể cả từ những đau khổ thuộc hàng kinh khủng nhất mà nhân loại nhớ được; đau khổ vì những thảm kích mà cha ông anh chị em đã chịu trong thân xác của mình.

”Chúng ta đừng để cho những ký ức đau thương chiếm đoạt tâm hồn chúng ta; cả khi đứng trước những cuộc tấn công tái diễn của sự ác, chúng ta đừng đầu hàng. Đúng hơn, chúng ta hãy làm như ông Noe, sau trận hồng thủy, đã không mỏi mệt nhìn lên trời cao và nhiều lần thả chim câu,cho đến khi nó trở lại, mang theo cành lá non của cây ôliu (St 8,11).

ĐTC nói thêm rằng: ”Như một người phục vụ Tin Mừng và sứ giả hòa bình, tôi đến giữa anh chị em, để hỗ trợ mọi nỗ lực trên con đường hòa bình và tôi chia sẻ những bước đường của anh chị em trên con đường hòa giải sinh ra hòa bình” (SD 22-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Hãy nhìn mình trong tấm gương trước khi xét đoán người khác

Hãy nhìn mình trong tấm gương trước khi xét đoán người khác

Thánh lễ sáng tại nguyện đường thuộc Nhà Thánh Marta, thứ Hai, ngày 20.06.2016

VATICAN. Trước khi xét đoán người khác, chúng ta nên nhìn vào tấm gương để thấy chính bản thân chúng ta như thế nào. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Hai, 20.06, tại nguyện đường thuộc Nhà Thánh Marta. Trong thánh lễ cuối cùng tại nhà nguyện này trước kỳ nghỉ mùa hè, Đức Thánh Cha đã chỉ ra rằng điều phân biệt giữa sự phán xét của Thiên Chúa và sự xét đoán của con người chính là ‘Lòng Thương Xót’ chứ không phải sự ‘Toàn Năng’.

Chỉ Thiên Chúa mới có quyền phán xét. Vì thế, nếu không muốn bị xét xử, chúng ta đừng xét đoán người khác. Khởi đi từ bài đọc Tin Mừng, Đức Thánh Cha nói rằng: “Tất cả chúng ta ai cũng mong muốn Thiên Chúa đoái thương nhìn đến với sự quảng đại và tấm lòng tha thứ trong ngày Phán Xét. Chúng ta cũng mong Chúa quên đi những lầm lỗi cùng những điều xấu xa mà chúng ta đã vấp phạm trong đời.

Đức Giêsu sẽ gọi chúng ta là những kẻ đạo đức giả nếu chúng ta xét đoán người khác. Nếu ‘anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.’ Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải nhìn xem mình trong tấm gương.

Nhìn xem mình trong gương không phải để trang điểm, to son kẻ mắt. Không! Không phải là chuyện trang điểm. Nhưng nhìn vào gương là để thấy mình như chính mình là. ‘Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?’ Hay ‘sao anh lại nói với người anh em: hãy để tối lấy cái rác ra khỏi mắt bạn, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh?’ Vậy Thiên Chúa sẽ nhìn chúng ta như ra sao, khi chúng ta hành xử như thế này? Một câu thôi: ‘đạo đức giả’. ‘Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.’

Hãy cầu nguyện cho tha nhân chứ đừng xét đoán họ

Chúng ta nhận thấy rằng Chúa có vẻ hơi tức giận khi nói những điều này. Ngài mắng chúng ta là kẻ đạo đức giả khi chúng ta dám đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa để xét xử người khác. Đây chính là điều mà con rắn xưa đã cám dỗ ông bà Adam và Eva: Nếu các ngươi ăn trái ấy, các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa. Và ông bà đã muốn giành lấy vị trí của Thiên Chúa.

Phát xét là chuyện thuộc riêng về Thiên Chúa, chỉ mình Ngài mà thôi. Còn nhiệm vụ của chúng ta là hãy yêu, cảm thông, thấu hiểu và cầu nguyện cho tha nhân khi ta nhận thấy những điều trái tai gai mắt, hay không được tốt đẹp cho lắm. Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy đến nói chuyện, gặp gỡ với người khác cách nhã nhặn, lịch sự để từ đó họ có thể nhận ra được những lỗi lầm của họ. Đừng bao giờ xét đoán. Đừng bao giờ. Nếu xét đoán, chúng ta sẽ là những kẻ đạo đức giả.

Xét đoán của chúng ta thiếu đi lòng thương xót, chỉ Thiên Chúa mới có quyền xét xử

Khi chúng ta xét đoán người khác, chúng ta đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa. Nhưng xét đoán của chúng ta là một xét đoán tồi tệ và nghèo nàn, không bao giờ có thể là một phán xét đúng nghĩa được. Tuy nhiên, liệu xét đoán của ta có giống được với phát xét của Thiên Chúa không? Xin thưa là không. Bởi vì Thiên Chúa toàn năng, còn chúng ta thì không. Xét đoán của chúng ta sẽ thiếu đi tình thương xót. Còn khi phán xét, Thiên Chúa sẽ xét xử với lòng nhân hậu và đầy tình thương.

Ngày hôm nay, hãy ngẫm nghĩ thật nhiều về những điều Thiên Chúa nói với chúng ta: Đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán; đong đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại bằng đấu ấy; và cuối cùng, chúng ta hãy nhìn vào tấm gương trước khi muốn xét đoán người khác. ‘Tại sao anh kia lại làm cái này? Tại sao chị kia lại làm cái nọ?…’ Ta đừng vội vã xét đoán ngay. Hãy dừng lại chút đã. Hãy nhìn chính bản thân mình trong tấm gương và ngẫm nghĩ. Chúng ta xét đoán, chúng ta sẽ là những kẻ đạo đức giả, vì đã dám đặt mình vào vị thế của Thiên Chúa. Và sự xét đoán của chúng ta cũng thật nghèo nàn, tệ hại. Xét đoán của nhân loại thiếu đi lòng thương xót của Thiên Chúa. Xin Thiên Chúa ban ơn để mỗi người chúng ta có thể thấu hiểu được những điều này.”

Vũ Đức Anh Phương SJ