TGP San Francisco được thánh hiến cho Trái tim Vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria

TGP San Francisco được thánh hiến cho Trái tim Vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria

San Francisco, California – Nhân kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ Maria hiện ra tại Fatima, đức Tổng Giám mục Salvatore Cordileone của San Francisco sẽ thánh hiến giáo phận của ngài cho Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria.

Đức Tổng Giám mục Cordileone nói: “Tôi tin tưởng là tổng giáo phận sẽ nhận được nhiều ơn qua lời cầu bầu của Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria nếu chúng ta được chuẩn bị về tinh thần và sống xứng đáng. Để việc thánh hiến này sinh ơn ích, chúng ta phải chuẩn bị chính mình về đàng thiêng liêng và với giáo lý cho ngày ý nghĩa này.” Ngài cũng cho biết việc thánh hiến này là đáp lại yêu cầu của nhiều tín hữu.

Ngày thánh hiến sẽ vào ngày 07/10, cũng là ngàỳ hội Mân Côi hàng năm của tổng giáo phận.

Trên trang web của tổng giáo phận có một phần nói về ngày thánh hiến này, trong đó có các kinh về Đức Mẹ và giải thích về Đức Mẹ Fatima.

Trang web mô tả Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria như là tên gọi dành cho đời sống nội tâm của Đức Trinh Nữ Maria, bao gồm “niềm vui và nỗi buồn, những nhân đức và sự hoàn hảo ẩn dấu của Mẹ, và trên hết là tình yêu trinh nguyên của Mẹ dành cho Thiên Chúa Cha, tình mẫu tử cho Chúa Giêsu Con của Mẹ, và tình thương cảm thông của Mẹ cho tất cả mọi người.”

Trang web cũng đề ra một số hoạt động và các ý cầu nguyện cho mỗi tháng cho đến ngày thánh hiến. Cũng có cuộc thi nghệ thuật và viết cho các học sinh và ngày tĩnh tâm về Đức Mẹ ngày 06/10.

Đức Mẹ Maria đã hiện ra nhiều lần với 3 trẻ mục đồng là Lucia, Phanxicô và Giaxinta ở Fatima, Bồ đào nha từ tháng 5 đến tháng 10/2017. Mẹ đã trao một sứ điệp cho các em, trong đó Mẹ yêu cầu khắp thế giới cầu nguyện và làm việc đền tội. (CNA 29/03/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha kêu gọi bỏ thành kiến giữa Công Giáo – Tin Lành

Đức Thánh Cha kêu gọi bỏ thành kiến giữa Công Giáo – Tin Lành

VATICAN. ĐTC chào mừng Hội nghị về đề tài ”Luther 500 năm sau” và gọi đây là một sự kiện không thể có được cách đây ít lâu.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 31-3-2017, dành cho 150 học giả quốc tế tham dự Hội nghị do Ủy ban Tòa Thánh về khoa sử học tổ chức từ ngày 29-3-2017 về đề tài ”Luther 500 năm sau. Đọc lại cuộc cải cách của Luther trong bối cảnh lịch sử Giáo Hội”.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nói: ”Các tín hữu Tin Lành và Công Giáo cùng nói về Luther do sáng kiến của một cơ quan Tòa Thánh, một Hội nghị như vậy là điều không thể tưởng tượng được cách đây ít lâu: ở đây chúng ta động chạm một cách cụ thể những thành quả hoạt động của Chúa Thánh Linh, Đấng vượt lên trên mọi biên giới và biến những xung đột thành cơ hội để tăng trưởng trong tình hiệp thông”.

ĐTC vui mừng vì Hội nghị kỷ niệm này mang lại cơ hội cho các học giả đến từ nhiều tổ chức cùng nhìn các biến cố lịch sử, đào sâu về con người của Luther và sự phê bình của ông chống lại Giáo Hội thời ấy, cũng như chức vụ Giáo Hoàng, những điều ấy chắc chắn sẽ góp phần vượt thắng bầu không khí nghi kỵ và cạnh tranh nhau, đã kéo dài quá lâu trong tương quan giữa hai bên.   Theo ĐTC, ”sự nghiên cứu kỹ lưỡng và nghiêm túc, không vướng thành kiến và bút chiến ý thức hệ, giúp các Giáo Hội đang đối thoại ngày nay, phân định và đón nhận những gì là tích cực và hợp pháp trong cuộc cải tổ, và xa tránh những sai lầm, phóng đại, thất bại, nhìn nhận những tội lỗi đã đưa tới chia rẽ”.

Và ĐTC cũng khẳng định rằng ”Tất cả chúng ta đều biết là không thể thay đổi quá khứ, nhưng 50 năm sau cuộc đối thoại đại kết giữa Công Giáo và Tin lành, chúng ta có thể thực hiện một sự thanh tẩy ký ức, để có thể ”kể lại lịch sự một cách khác”, không mang vết tích oán hận vì những vết thương đã phải chịu, làm cho sự nhận xét về nhau bị lệch lạc”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, Cha Bernard Ardura, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về khoa sử học, cho biết điều quan trọng nhất của Hội nghị này là xem xét coi khi đọc lại cuộc cải cách người ta có thể khám phá những điều hiểu lầm hay không. Ví dụ đạo lý về ơn công chính hóa mà Công Giáo và Tin Lành Luther đã đạt tới một sự đồng thuận, qua đó người ta hiểu rằng tuy có những ngôn từ khác, chúng ta có cùng một sự hiệp thông trong đức tin. Ngoài ra có những khía cạnh khác như sự cấu thành chính Giáo Hội, vai trò của thừa tác vụ trong Giáo Hội, sự kế truyền tông đồ, chỗ đứng của các bí tích. Đó là những vấn đề còn bỏ ngỏ. (SD 31-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Nữ giáo sư người Pháp sẽ soạn suy niệm Đàng Thánh Giá thứ Sáu Tuần Thánh

Nữ giáo sư người Pháp sẽ soạn suy niệm Đàng Thánh Giá thứ Sáu Tuần Thánh

Vatican – Anne Marie Pellettier, 72 tuổi, nữ thần học gia người Pháp sẽ viết các bài suy niệm trong buổi đi Đàng Thánh giá trọng thể tại hí trường Colosseo vào tối thứ Sáu Tuần Thánh năm nay.

Giáo sư Pellettier là một trong những người được giải thưởng Ratzinger, thường được gọi “giải Nobel thần học”, là giải thưởng được Quỹ Joseph Ratzinger / Đức Giáo hoàng Benedetto XVI trao hàng năm.

Giáo sư Pellettier đã tốt nghiệp và đậu tiến sĩ tại đại học Paris III và cao học thần học tại Học viện Công giáo Paris. Hiện tài bà đang dạy Kinh Thánh tại chủng viện Notre Dame của Paris.

Giáo sư Pellettier đã đoạt giải thưởng Ratzinger vào năm 2014. Trong các nghiên cứu, bà chuyên về ngôn ngữ đại cương, văn chương đối chiếu, quan hệ Do thái và Kitô và đã xuất bản các tác phẩm về chú giải Thánh kinh, cũng như vai trò của nữ giới trong Kitô giáo.

Các bài suy niệm do giáo sư Pellettier viết sẽ được đọc trong buổi đi Đàng Thánh giá Trọng thể tại hí trường Colosseo do Đức Giáo hoàng Phanxicô chủ sự, vào thứ Sáu Tuần Thánh 14/04 tới đây.

Các bài suy niệm vào dịp này năm ngoái được Đức Hồng y Gualtiero Bassetti, Tổng giám mục Perugia viết. (ACI 31/04/2017)

Hồng Thủy

 

Ý nghĩa của logo của chuyến viếng thăm Ai cập của Đức Giáo hoàng Phanxicô

Ý nghĩa của logo của chuyến viếng thăm Ai cập của Đức Giáo hoàng Phanxicô

Cairo – Đức Giáo Hoàng của hòa bình ở Ai cập hòa bình. Đây là dòng chữ xuất hiện trên logo của chuyến viếng thăm Ai cập của Đức Giáo hoàng Phanxicô vào cuối tháng 4.

Ai cập, hoà bình và Đức Giáo hoàng Phanxicô là 3 yếu tố cấu thành logo của chuyến viếng thăm, có tên gọi ý nghĩa: Đức Giáo hoàng của hòa bình ở quốc gia hòa bình.

Trên hết, Ai cập được biểu tượng với sông Nile vĩnh hằng. Sông Nile là biểu tượng của sự sống, nhưng cũng là sự tiếp đón các tôn giáo độc thần. Ai cập chìm đắm trong lịch sử của nền văn minh và điều này được thể hiện bởi sự hiện diện của các kim tự tháp và sự vững chắc của nhân sư.

Có một thánh giá và một nửa vầng trăng ôm choàng nhau, biểu tượng cho sự chung sống giữa các thành phần dân chúng Ai cập. Cuộc đối thoại Hồi giáo và Kitô giáo – phần quan trọng của chuyến viếng thăm, với cuộc thăm viếng đại học Al Azhar.

Tiếp đến, là hòa bình, được biểu trưng bởi con chim bồ câu đang nhìn đến điều được mô tả như “đất nước của hòa bình.”

Cuối cùng, Đức Giáo hoàng đến. Chim bồ câu đi trước Đức Giáo hoàng, loan báo “Giáo hoàng của hòa bình” đến “quốc gia của hòa bình.”

Logo nói lên điều người ta mong đợi ở chuyến viếng thăm: niềm hy vọng của một hòa bình được tái lập, được xây dựng cũng nhờ vào chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhưng được xây dựng trên hết, ngày qua ngày, ngay cả khi mà những ồn ào bởi các phương tiện truyền thông về chuyến thăm chấm dứt. (ACI 30/03/0217)

Hồng Thủy

 

Thư Đức Thánh Cha về Đại Hội kỳ 9 các Gia đình Công Giáo

Thư Đức Thánh Cha về Đại Hội kỳ 9 các Gia đình Công Giáo

VATICAN. ĐTC kêu gọi đào sâu suy tư và chia sẻ về nội dung Tông Huấn ”Amoris laetitia” (Niềm vui yêu thương), trong dịp chuẩn bị và tiến hành Đại Hội kỳ 9 các gia đình Công Giáo thế giới.

Đại Hội sẽ tiến hành từ ngày 21 đến 26-8 năm 2018, tại Dublin thủ đô Cộng hòa Ailen, về đề tài: ”Tin Mừng gia đình, niềm vui cho thế giới”.

ĐTC đưa ra lời kêu gọi trên đây trong thư gửi các gia đình Công Giáo thế giới được công bố trong cuộc họp báo sáng hôm 30-3-2017, của ĐHY Kevin Joseph Farrell, người Ai Len, Tổng trưởng Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, cùng với Đức Cha Diarmuid Martin, TGM giáo phận Dublin.

ĐTC viết: ”Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tin Mừng có tiếp tục là niềm vui cho thế giới hay không? Gia đình có tiếp tục là Tin Mừng cho thế giới ngày nay hay không?”. Ngài xác quyết là có và khẳng định rằng ”Gia đình chính là sự khẳng định của Thiên Chúa là Tình Yêu. Chỉ đi từ tình yêu gia đình mới có thể biểu lộ, phổ biến và tái tạo tình thương của Thiên Chúa trong thế giới. Nếu không có tình yêu thì không thể sống như con cái Thiên Chúa, như vợ chồng, như cha mẹ và anh chị em”.

Cụ thể hơn, ĐTC giải thích rằng ”các gia đình cần phải tự hỏi xem mình có thường sống bởi tình yêu, cho tình yêu và trong tình yêu hay không. Điều này có nghĩa là hiến thân, tha thứ, không dạy đời, ân cần săn sóc và tôn trọng người bạn đường của mình. Đời sống gia đình sẽ tốt đẹp hơn nếu mỗi ngày họ sống 3 lời đơn sơ: xin làm ơn, cám ơn, và xin lỗi. Mỗi ngày chúng ta cảm nghiệm sự dòn mỏng và yếu đuối, vì thế tất cả chúng ta, các gia đình và các mục tử, cần có sự tái khiêm tốn để ước muốn học hỏi, và được giáo dục, giúp đỡ và được giúp đỡ, đồng hành, phân định và hội nhập tất cả những người thiện chí”.

ĐTC tái bày tỏ mong ước một ”Giáo Hội đi ra ngoài, không tự tham chiếu, một Giáo Hội không rời xa những vết thương của con người, nhưng là một Giáo hội từ bi thương xót, loan báo trọng tâm mạc khải của Thiên Chúa Tình Thương chính là Lòng Thương Xót. Chính lòng thương xót này đổi mới chúng ta trong tình yêu.. Chúng ta biết có bao nhiêu gia đình Kitô là nơi sống và là chứng nhân về lòng thương xót. Sau năm thánh lòng thương xót họ càng thương xót hơn và cuộc gặp gỡ tại Dublin cò thể cống hiến những dấu chỉ cụ thể về lòng thương xót”.

Sau cùng, ĐTC ủy thác cho ĐHY Farrell và các cộng sự viên nhiệm vụ xác định một cách đặc thù giáo huấn của Tông Huấn Niềm vui Yêu thương qua đó, Giáo Hội muốn rằng các gia đình luôn tiến hành, trong cuộc lữ hành nội tâm là một sự biểu hiện cuộc sống đích thực”.

Họp báo

Trong cuộc họp báo, Đức TGM Diarmuid Martin cho biết chương 8 của Tông Huấn ”Amoris laetitia” bàn về các gia đình mong manh hơn (ly dị, ly thân, tái hôn dân sự, vv..) không thể chiếm vị trí trung tâm trong việc chuẩn bị Đại hội gia đình thế giới ở Dublin. ”Phải nói về các gia đình bị tấn công, chúng ta không thể có một lối tiếp cận ý thức hệ, nhưng ta phải tự hỏi làm sao đương đầu với các thách đố? Làm sao gia đình có thể sống trong xã hội này? Nhất là tại một số vùng nghèo, người ta hãnh diện vì có con cái, là gia đình, điều này xảy ra ở Ai Len, nhưng không phải chỉ ở nước này mà thôi, cả ở Roma nữa, và Giáo Hội phải để ý đến điều đó.. Dầu sao điều đầu tiên không phải là nhiều giáo lý về gia đình, nhưng là tình yêu đối với con cái, như Chúa Giêsu đã nói”.

ĐHY Farrell nhận xét rằng ”nhiều khi người ta chỉ nói về một khía cạnh của Tông huấn ”Amoris laetitia” (ngài ám chỉ đến chương 8), mà ít để ý đến giáo huấn của toàn văn kiện, nhất là chương 2, 3 và 4 cũng rất quan trọng. Trong Giáo Hội, có những gia đình ở nhiều nơi với các não trạng khác nhau, điều quan trọng là giái thích đời sống hôn nhân; chúng ta cần đồng hành với các gia đình trong giai đoạn tiền hôn nhân và rồi trong toàn thể đời sống hôn nhân.. Chúng ta phải luôn đồng hành và hiểu, chúng ta là Giáo Hội. Nhiều gia đình không đi nhà thờ, xa lìa Giáo Hội và việc chuẩn bị cho Đại hội ở Dublin cũng phải để ý đến những điều đó” (SD, Ansa 30-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Cơ quan bác ái “Đồng tiền thánh Phêrô” mở tài khoản Twitter và Instagram

Cơ quan bác ái “Đồng tiền thánh Phêrô” mở tài khoản Twitter và Instagram

Vatican – Mọi người trên khắp thế giới có thể kết nối trực tiếp với văn phòng “Đồng tiền thánh Phêrô” qua Twitter (@Obolus_EN) và Instagram.

Đây là cơ quan nhận sự đóng góp của các tín hữu như dấu chỉ sự chia sẻ của họ với những quan tâm của Đức Giáo hoàng cho các nhu cầu khác nhau của Giáo hội toàn cầu.

Vào tháng 11/2016, cơ quan bác ái này đã mở một trang web với các ngôn ngữ Anh, Italia và Tây ban nha nhắm thông tin trực tiếp, chính xác và minh bạch cho các tĩn hữu Công giáo khắp thế giới và những ai muốn giúp cho những người nghèo khổ nhất.

Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng đã được đăng trên trang web, nay cũng được post trên Twitter và Instagram, với các hình ảnh, suy tư và thông tin về các công việc bác ái của Tòa Thánh.

Cơ quan bác ái “Đồng tiền thánh Phêrô” cam kết hỗ trợ các chương trình lớn nhỏ trên khắp thế giới, như xây dựng bệnh viện nhi ở Bangui, Trung phi, xoa dịu đau khổ của dân Ukraine và hỗ trợ đại học Công giáo đầu tiên ở trên đất Jordan.

Nhờ sáng kiến của Tòa Thánh cùng với sự cộng tác của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Bộ truyền thông và Phủ Thống đốc thành Vatican, các tài khoản Twitter bằng các ngôn ngữ Anh, Italia và Tây ban nha – “Obolo di San Pietro: @obolus_it”; “Obolo de San Pedro: @obolus_es”; “Peter’s Pence:@obolus_en” – và tài khoản Instagram “Obolus: obolus_va” có thể đươch các tín hữu Công giáo khắp thế giới theo dõi. (SD 30/03/2017)

Hồng Thủy

Cuộc sống tin cậy của tổ phụ Abraham loan báo sự phục sinh

Cuộc sống tin cậy của tổ phụ Abraham loan báo sự phục sinh

Cuộc đời của tổ phụ Abraham không chỉ dậy cho chúng ta biết ngài là cha chúng ta trong lòng tin, mà cũng là cha chúng ta trong niềm hy vọng nữa. Vì các biến cố cuộc đời tổ phụ loan báo sự phục sinh và cuộc sống mới chiến thắng sự dữ và chính cái chết.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 29-3-2017.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa đoạn trích từ chương 4 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma viết rằng: “Bởi vậy, vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Áp-ra-ham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy,17 như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có. Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. Ông đã gần một trăm tuổi, nhưng ông vẫn vững tin không nao núng, khi nghĩ rằng thân xác ông cũng như dạ bà Xa-ra đều đã chết… Bởi thế, ông được kể là người công chính.”

ĐTC nói: đoạn thư chúng ta vừa nghe là một món quà lớn, vì nó khiến cho chúng ta hiểu rằng tổ phụ Abraham không chỉ là cha chúng ta trong lòng tin mà cũng là cha chúng ta trong niềm hy vọng nữa; không phải chỉ là cha trong lòng tin nhưng cũng là cha trong niềm hy vọng, vì các biến cố trong cuộc đời tổ phụ cũng loan báo sự Phục Sinh và cuộc sống mới chiến thắng sự dữ và chính cái chết nữa.

** Văn bản nói rằng Abraham tin nơi Thiên Chúa “là Đấng ban sự sống cho người đã chết và gọi vào sự hiện hữu các vật không hiện hữu” (Rm 4,17), và văn bản xác định: “Người không chao đảo trong niềm tin, mặc dù thấy thân xác mình và cung lòng bà Sara đã như chết rồi” (Rm 4,19).  Đó cũng chính là kinh nghiệm chúng ta được mời gọi sống. ĐTC miêu tả Thiên Chúa như sau:

Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải cho Abraham là Thiên Chúa cứu độ, Thiên Chúa làm cho ra khỏi sự tuyệt vọng và cái chết, Thiên Chúa kêu gọi vào sự sống. Trong câu chuyện của Abraham tất cả đều trở thành  một thánh thi chúc tụng Thiên Chúa, là Đấng giải thoát và tái sinh, tất cả trở thành ngôn sứ. Và nó trở thành cho chúng ta, giờ đây nhận biết và cử hành việc thành toàn của tất cả mầu nhiệm Phục Sinh. Thật thế, Thiên Chúa “đã cho Đức Giêsu sống lại từ những kẻ đã chết” (Rm 4,24), để cả chúng ta nữa trong Ngài cũng có thể từ cái chết bước qua sự sống. Và khi đó Abraham thực sự có thể nói mình “là cha của nhiều dân tộc”, trong nghĩa ông rạng ngời lên như lời loan báo một nhân loại mới, đã được Chúa Kitô cứu chuộc khỏi tội lỗi và cái chết, và đưa vào trong vòng tay ôm tình yêu của Thiên Chúa, một lần cho luôn mãi.

Tới đây thánh Phaolô  giúp chúng ta minh xác mối dây ràng buộc chặt chẽ giữa lòng tin và niềm hy vọng. Ngài khẳng định rằng tổ phụ Abraham tin, vững vàng trong niềm hy vọng chống lại mọi hy vọng” (Rm 4,18).

 ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

Niềm hy vọng của chúng ta không dựa trên các lý luận, các dự trù và các trấn an của con người; và nó được bầy tỏ ở nơi không còn có hy vọng nữa, ở nơi không còn gì để hy vọng, như xảy ra cho chính tổ phụ Abraham, trước cái chết gần kề của ông và trước việc không sinh sản của vợ là bà Sara. Đối với họ đó đã là kết thúc, họ đã không thể có con và trong tình trạng ấy, Abraham đã tin và đã hy vọng chống lại mọi hy vọng. Điều này thật lớn lao!  Niềm hy vọng lớn lao đâm rễ trong đức tin, và chính vì thế nó có khả năng đi xa hơn mọi hy vọng. Phải, vì nó không dựa trên lời nói của chúng ta, nhưng dựa trên Lời của Thiên Chúa. Cả trong nghĩa này nữa khi đó chúng ta được mời gọi noi gương tổ phụ Abraham, là người trước sự hiển nhiên của một thực tại  xem ra phải chết, ông vẫn tín thác nơi Thiên Chúa, “hoàn toàn xác tín rằng  những gì Ngài dã hứa Chúa cũng có thể đưa tới chỗ thành toàn” (Rm 4,21).

** Tôi muốn hỏi anh chị em một câu: Chúng ta, tất cả chúng ta đây, chúng ta có xác tín về điều này không? Chúng ta có xác tín rằng Thiên Chúa yêu chúng ta, và tất cả những gì Ngài đã hứa với chúng ta thì Ngài sẵn sàng đưa nó tới chỗ thành toàn không? “Nhưng mà thưa cha chúng con phải trả bao nhiêu tiền cho điều đó?” Chúa trả lời: Có một giá: đó là hãy mở rộng con tim. Hãy rộng mở con tim anh chị em, và sức mạnh này của Thiên Chúa sẽ làm cho nó tiến tới, sẽ làm các điều kỳ diệu, và sẽ dậy cho anh chị em biết niềm hy vọng là gì. Đó là giá trả duy nhất: rộng mở con tim cho đức tin và Chúa sẽ làm mọi sự còn lại.

Đó chính là sự mâu thuẫn đồng thời là yếu tố mạnh mẽ nhất, cao cả nhất mà trên bình diện nhân loại xem ra không chắc chắn và không thể dự kiến, nhưng không suy giảm, kể cả trước cái chết, khi Đấng đã hứa là Thiên Chúa của sự Phục Sinh và sự sống. Đây là điều không phải bất cứ ai cũng hứa được đâu, không! Người hứa là Thiên Chúa của sự Phục Sinh và sự sống.

Anh chị em rất thân mến, hôm nay chúng ta hãy xin Chúa ơn được xây dựng, không phải trên các an ninh, các khả năng của chúng ta, nhưng trên niềm hy vọng vọt lên từ lời hứa của Thiên  Chúa, như là các con cái đích thật của tổ phụ Abraham. Những gì Thiên Chúa hứa, Ngài đưa tới chỗ thành toàn điều Ngài hứa. Ngài không bao giờ nuốt lời.  Và khi đó cuộc sống chúng ta sẽ có được một ánh sáng mới, trong ý thức rằng Đấng đã cho Con của Ngài sống lại cũng sẽ cho chúng ta phục sinh, và thực sự khiến cho chúng ta trở thành một với Ngài, cùng với tất cả các anh chị em khác trong đức tin. Chúng ta tất cả đều tin. Hôm nay chúng ta tất cả ở quảng trường này, chúng ta chúc tụng Chúa, chúng ta sẽ hát Kinh Lậy Cha, rồi lãnh nhận phép lành… Tuy điều này qua đi, nhưng nó cũng là một lời hứa của hy vọng. Nếu hôm nay chúng ta có con tim rộng mở, tôi bảo đảm với anh chị em là tất cả chúng ta sẽ gặp nhau trong quảng trường trên Trời luôn mãi, không bao giờ tàn. Và đó là lời hứa của Thiên Chúa. Và đó là niềm hy vọng của chúng ta, nếu chúng ta rộng mở tâm lòng mình.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương hiện diện. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài đặc biệt chào các thành viên Hiệp hội những người bại liệt và cộng đoàn Suối nguồn và cầu chúc họ vững niềm cậy trông và kiên trì tiến bước trong đời.

ĐTC cũng chào các nhóm hành hương đến từ Êcốt, Phần Lan, Na Uy, Philippines và Hoa Kỳ, đặc biệt là nhóm các dân biểu Anh quốc liên lạc với Toà Thánh. Ngài đánh giá cao công việc của họ và cầu mong mùa Chay thánh là thời gian ân sủng và canh tân tinh thần cho mọi người.

Bên cạnh các nhóm, Đức và Tây Ban Nha ĐTC cũng chào các đoàn hành hương Bồ Đào Nha, đặc biệt là nhóm “Bạn của các viện bảo tàng Bồ Đào Nha”, các học sinh và giáo sư trường trung học Cedros. Ngài cầu chúc họ biết canh tân tinh thần, sống gắn bó với Chúa Kitô hơn và hăng say làm việc trong vườn nho của Chúa.

Với các nhóm Ba Lan ngài đặc biệt chào đoàn hành hương người mù Wieliszka và cầu chúc tất cả học sống hy vọng mạnh hơn sự dữ và cái chết, vì dựa trên Lời Chúa là Đấng đã cho Đức Kitô sống lại.

Trong số các nhóm Ý ĐTC chào các linh mục của phong trào Tổ Ấm Focolari, hiệp hội bênh vực sự sống Italia, tín hữu vùng Cassino mừng 70 năm thánh hiến nhà thờ kính thánh Antôn thành Padova, cũng như đội bóng rổ Gaeta. Ngài cầu mong chuyến viếng thăm Roma củng cố sự hiệp thông của họ với Giáo Hội hoàn vũ và Người kế vị thánh Phêrô.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC cầu chúc muà Chay giúp giới trẻ tái khám phá ra tầm quan trọng của lòng tin trong cuộc sống thường ngày; người đau yếu biết kết hiệp các khổ đau của họ với các khổ đau trên thập giá của Chúa Kitô; và các cặp vợ chồng mới cưới biết tạo thuận tiện cho sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha cổ võ hòa hợp và hòa giải tại Iraq

Đức Thánh Cha cổ võ hòa hợp và hòa giải tại Iraq

VATICAN. ĐTC khích lệ hành trình hòa giải và hòa hợp giữa các thành phần chủng tộc, tôn giáo khác nhau tại Iraq.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung sáng 29-3 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Tôi vui mừng chào phái đoàn lãnh đạo Irak gồm đại diện của các nhóm tôn giáo khác nhau, được ĐHY Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, tháp tùng.

”Sự phong phú của quốc gia Iraq yêu quí hệ tại nhiều thành phần khác nhau tượng trưng hiệp nhất trong sự khác biệt, sức mạnh trong sự đoàn kết, và thịnh vượng trong sự hòa hợp. Anh em thân mến, tôi khích lệ anh em tiến bước trên con đường này và tôi mời gọi cầu nguyện để Irak tìm lại được hòa bình, thống nhất và thịnh vượng trong sự hòa giải và hòa hợp giữa các thành phần chủng tộc và tôn giáo.

”Tôi cũng nghĩ đến các thường dân đang bị kẹt trong các khu vực phía tây thành phố Mossul và những người di tản vì chiến tranh, và tôi hiệp với sau khổ của họ, qua kinh nguyện và sự gần gũi tinh thần. Trong khi tôi bày đau buồn sâu đậm vì những nạn nhân của cuộc xung đột đẫm máu, tôi tái kêu gọi tất cả mọi người hãy hết sức dấn thân trong việc bảo vệ cac thường dân, như một nghĩa vụ cấp thiết và khẩn cấp”.

Sau khi giải phóng khu vực phía đông Mossul, thành phố lớn thứ hai của quân đội nước này cùng với đồng minh đang tấn công để giải phóng khu vực phía tây khọi sự chiếm đóng của lực lượng IS. Theo LHQ, hôm 28-3-2017 đã có ít nhất 307 thường dân bị giết tại tây Mossul. Ông Zeid Raad al Hussein, cao ủy LHQ về nhân quyền, kêu gọi quân đội Irak và đồng minh tránh những cạm bẫy do lực lượng Nhà Nước Hồi giáo IS, và đừng dội bom bừa bãi gây tử vong các thường dân. Bộ quốc phòng Mỹ cũng nhìn nhận và đang điều tra về vụ máy bay Mỹ dội bom hôm 17-3-2017 ở tây Mossul làm cho 200 thường dân thiệt mạng (SD 29-3-2017, AGI 28-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha kêu gọi từ bỏ võ khí hạt nhân

Đức Thánh Cha kêu gọi từ bỏ võ khí hạt nhân

VATICAN. ĐTC kêu gọi cộng đồng thế giới từ bỏ võ khí hạt nhân, xây dựng hòa bình trên công lý, phát triển nhân bản toàn diện và trên sự tôn trọng các quyền căn bản của con người.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong Sứ điệp các nước tham dự Hội nghị của LHQ đang tiến hành tại New York từ ngày 27 đến 31-3-2017, nhắm thương lượng về một văn kiện pháp lý, có tính chất bó buộc, về sự cấm các võ khí hạt nhân, để đi tới sự hoàn toàn loại trừ thứ võ khí này.

Sứ điệp của ĐTC đã được Đức Ông Antoine Camilleri, người Malta, Thứ trưởng ngoại giao, Trưởng đoàn Tòa Thánh tại Hội nghị tuyên đọc, trong đó ĐTC khẳng định rằng ”một thứ luân lý và luật pháp dựa trên sự đe dọa phá hủy lẫn nhau, và có thể hủy diệt toàn thể nhân loại, là điều tương phản với chính tinh thần của LHQ. Vì thế, chúng ta phải dấn thân cho một thế giới không còn võ khí hạt nhân và hoàn toàn áp dụng Hiệp ước về sự không lan tràn thứ võ khí này”.

ĐTC cũng nhận xét rằng chủ trương trang bị võ khí hạt nhân để đối phương nể sợ mà không dám tấn công, đó là điều không thích hợp, vì nó không đáp ứng hữu hiệu những thách đố và những đe dọa chính đối với nền hòa bình và an ninh của thế giới trong thế kỷ 21 này như nạn khủng bố, các cuộc xung đột không đối xứng (conflitti asimetrici), an ninh tin học, các vấn đề môi trường, nghèo đói. Ngoài ra, việc sử dụng võ khí hạt nhân còn gây nên những hậu quả thê thảm về nhân mạng và môi trường, với những hậu quả tàn phá bừa bãi trong thời gian và không gian. Thêm vào đó, việc trang bị võ khí hạt nhân còn đưa tới sự phí phạm tài nguyên, lẽ ra được sử dụng cho những ưu tiên quan trọng hơn, như thăng tiến hòa bình và phát triển nhân bản toàn diện, chiến đấu chống nghèo đói và thực hiện chương trình hành động 2030 do LHQ đề ra để phát triển dài hạn”.

Cũng trong sứ điệp, ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Hòa bình và sự ổn định quốc tế không thể dựa trên một cảm thức giả tạo về an ninh, trên sự đe dọa phá hủy nhau hoặc hoàn toàn tiêu diệt nhau, trên sự duy trì quân bình thế lực. Trái lại hòa bình phải được xây dựng trên công lý, phát triển nhân bản toàn diện, trên sự tôn trọng các quyền căn bản của con người, trên việc bảo tồn thiên nhiên, sự tham gia của tất cả mọi người vào đời sống công cộng, trên sự tín nhiệm giữa các dân tộc, thăng tiến các tổ chức hòa bình, trên sự được hưởng giáo dục và sức khỏe, đối thoại và liên đới.

Theo ĐTC, ”trong viễn tượng này, cộng đồng quốc tế được kêu gọi đi xa hơn chủ trương trang bị võ khí để làm cho đối phương nể sợ: cần chấp nhận những chiến lượng nhìn xa trông rộng để thăng tiến đối tượng hòa bình và sự ổn định, và tránh những đường lối tiếp cận thiển cận về những vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế” (SD 28-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Thêm một linh mục Mexico bị tội phạm giết

Thêm một linh mục Mexico bị tội phạm giết

Thành phố Mêhicô – Cha Felipe Carrillo Altamirano bị giết hôm Chúa nhật 26/03 vừa qua tại El Nayar, giám hạt Jesús María del Nayar, bang Nayarit; cha rõ ràng là nạn nhân của cuộc tấn công cướp của.

 

Trong thông cáo về cái chết của cha Felipe, Hội đồng Giám mục Mêhicô nhấn mạnh rằng một lần nữa, một linh mục Công giáo đã bị tội phạm tấn công. Đồng thời các Giám mục cũng bày tỏ lời chia buồn với gia đình nạn nhân và đức cha José de Jesús González Hernández, giám mục Nayar.

Cha Felipe là linh mục thứ hai bị giết từ đầu năm nay. Trước đo, hồi đầu tháng 1, cha Joaquin Hernandez Sifuentes, giáo phận Saltillo, đã bị giết.

Thông cáo của các Giám mục nói về sự kiện đau buồn này: “Chúa Giêsu Kitô ban cho chúng ta sức mạnh để tranh đấu cho việc xây dựng một thế giới hòa giải và hòa bình, công bằng và huynh đệ. Chết không phải là kết thúc của thông điệp tình yêu, mà Đấng Cứu Thế mang lại cho chúng ta, nhưng là sự viên mãn của cuộc sống. Với chức linh mục của mình, Cha Felipe đã thể hiện những điều chắc chắn này, những điều mang lại cho chúng ta đức tin.”

Giám hạt El Nayar thuộc bang Nayarit, là một trong 20 huyện của thuộc  bang này. Tại giám hạt này có 11 linh mục giáo phận đang hoạt động (2 linh mục người thổ dân), 14 linh mục dòng và 10 tu sĩ Phanxicô không phải là linh mục và 30 nữ tu. (Agenzia Fides, 28/03/2017)

Hồng Thủy

 

Bạn có muốn được chữa lành không?

Bạn có muốn được chữa lành không?

Tin vào Chúa Giêsu là đón nhận cuộc sống, là tiến bước trong niềm vui một cách không trễ nải, và không bị tê liệt bởi những tội lỗi và tật xấu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Dễ than phiền

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chữa lành cho người bị đau liệt đã 38 năm bên bờ hồ Betdatha. Nhìn thấy anh và biết anh đã đau từ lâu, Chúa liền hỏi: “Anh có muốn được lành bệnh không?”.

Thật là đẹp! Chúa Giêsu luôn hỏi mỗi người chúng ta câu hỏi ấy: Con có muốn lành bệnh không? Con có muốn vui tươi hạnh phúc không? Con có muốn cải thiện đời sống không? Con có muốn tràn đầy Chúa Thánh Thần không?… Đó là những lời mà Chúa muốn nói. Có lẽ tất cả những người ốm đau, mù lòa, què quặt ở bên bờ hồ sẽ nói: “Vâng, lạy Thầy, chúng con muốn!” Thế nhưng, ở đây, anh bại liệt trả lời một cách lạ lùng. Anh than vãn với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, chẳng có ai đưa tôi xuống hồ khi nước khuấy động”. Có lẽ anh muốn than phiền rằng: Thầy coi, thật là xấu xa, thật là bất công quá, vì người ta có thể đi lại được và được chữa lành, còn tôi đây đã 38 năm, và nay tôi vẫn cố gắng nhưng…

Dễ đổ lỗi

Anh ta tựa như cây trồng bên bờ suối theo như lời Thánh Vịnh. Cây trồng bên suối nhưng rễ lại chết khô vì rễ không chạm được tới nước, vì rễ không thể bắt tới nước.

Thái độ của anh không chỉ là than phiền, mà còn cố gắng đổ lỗi cho người khác. Anh nói: Khi tôi lết tới, thì đã có những người khác xuống trước tôi, và thế là tôi ở đây suốt 38 năm… Việc đổ lỗi như thế là một tật xấu, một sự lười biếng. Anh bị đau liệt, nhưng tệ hại hơn, chính trái tim anh cũng bị tê liệt, vì không còn muốn tiến về phía trước, không còn muốn làm điều gì đó cho cuộc sống, không còn tìm thấy niềm vui. Anh không còn biết đến niềm vui. Điều ấy thật trầm trọng. Điều anh nói tựa như: Coi người ta sung sướng kìa, còn tôi thì thế này đây… Cuộc sống chẳng công bằng với tôi chút nào. Khi ấy, chỉ còn thấy sự oán giận và cay đắng trong tâm hồn.

Hãy đứng dậy!

Chúa Giêsu không trách mắng anh, nhưng nói: Hãy đứng dậy, vác chõng của anh mà đi. Người bại liệt đứng dậy và được chữa lành. Nhưng hôm đó lại là ngày sabat, các luật sĩ cho rằng, ngày sa bát không được phép vác chõng, và họ còn cho rằng: những ai đi ngược với khoản luật này, thì không phải là người của Thiên Chúa. Người bị bại liệt được chữa lành, nhưng không thấy anh nói lời cám ơn Thầy Giêsu, thậm chí anh cũng không hỏi tên Thầy. Thế đó, người ta dễ sống theo kiểu cái gì cũng miễn phí, và người ta quên đi tầm quan trọng của khí thở. Người ta dễ sống chỉ chú tâm rằng người khác hạnh phúc hơn tôi và rồi buồn tủi. Sống như thế là quên đi niềm vui, sống như thế là đánh mất niềm vui. Và thật là xấu hổ khi chúng ta sống trong tê liệt như thế. Tất cả chúng ta đều phạm tội, đều là những tội nhân, nhưng ngay cả ngày nay nữa, Chúa vẫn tiếp tục nhìn mỗi người chúng ta mà nói: Hãy trỗi dậy!

Hôm nay Chúa nói với từng người rằng: Hãy trỗi dậy! Hãy đứng lên, hãy sống một cuộc sống cho dù nó tươi đẹp hoặc u tối, và hãy tiến bước. Đừng sợ, vác chõng của bạn đi. Có thể đó là cái chõng xấu xa, nhưng hãy cứ vững bước. Và đây là cuộc sống của bạn, là niềm vui của bạn. Bạn có muốn được chữa lành không? Đó là câu đầu tiên Chúa hỏi hôm nay. Ước chi chúng ta đáp lại: Vâng, lạy Chúa, con muốn được lành. Xin giúp con thức tỉnh, giúp con đứng lên, giúp con biết thế nào là niềm vui ơn Ngài cứu độ.

Tứ Quyết SJ

Tổ chức Công giáo giúp đỡ tù nhân ở Ấn độ

Tổ chức Công giáo giúp đỡ tù nhân ở Ấn độ

Bangalore, Ấn độ – “Chúng tôi mời các bạn phải sống một năm như một tình nguyện viên hoặc làm việc toàn thời gian trong cộng đồng của chúng tôi.” Đó là lời mời gọi của tổ chức Prison Ministry India (Pmi), một tổ chức Công giáo của Karnataka, từ hơn 30 năm nay, an ủi các tù nhân trong các nhà tù trên toàn Ấn độ.

Cha Sebastian Vadkumpadan, điều hợp viên toàn quốc của tổ chức giải thích: “Gần 400 ngàn người sống mòn mỏi không có tình yêu, hy vọng và sự giúp đỡ trong 1.382 trại tạm giam trên cả nước. Prison Ministry India mang lại cơ hội để các trại này được cải cách từ bên trong và bên ngoài, trong một tiến trình tái nhập cho các tù nhân.”

Sáng kiến này được bắt đầu từ năm ngoái, trong bối cảnh nhiều hoạt động từ bị được thực hiện trong Năm Thánh Lòng thương xót.

Vào ngày thứ 5 Tuần thánh, trong lễ Tiệc Ly, Đức cha Kuriakose Bharanikulangara, tổng Giám mục của Faridabad đã rửa chân cho 12 tù nhân. Vào cuối buổi phụng vụ, một tù nhân khác đã hỏi ngài: “Thưa đức cha, cha có thể rửa chân cho cả con không?” Thật là một yêu cầu gây ngạc nhiên, nhưng đức cha đã vui lòng thực hiện yêu cầu của tù nhân này, người bị kết án vì những lời cáo gian.

Đức ông Peter Remigius, chủ tịch của Prison Ministry India khẳng định: “Chúng ta cần đi tìm kiếm tù nhân thứ 13, sẵn sàng nhận sự nâng đỡ và trợgiúp của chúng ta. Có thể là họ không sẵn sàng đón tiếp chúng ta, nhưng chúng ta luôn có một không gian yêu thương dành cho họ.”

Nhờ sự trợ giúp của các giáo phận, các dòng tu, các tổ chức giáo hội, hồi năm ngoái, hàng trăm tù nhân đã được trả tự do.

Ghi danh tham dự vào hoạt động của Prison Ministry India bắt đầu từ 21/04 tới. Thời gian huấn luyện từ 8-23/05. trong hai tuần lễ này, những người tham dự sẽ được học hỏi “để tỏ lòng cảm thông thật sự và chăm sóc các anh chị em đang sống đàng sau những song sắt.” Người ta cũng có thể đóng góp những trợ giúp về tài chánh cho hiệp hội. (Asia News 28/03/2017)

Hồng Thủy

Ánh sáng mới – Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, CN IV Mùa Chay

Ánh sáng mới – Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, CN IV Mùa Chay

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay 26.03.2017 tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha quảng diễn ý nghĩa câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành anh mù từ thủa mới sinh. Anh mù không chỉ được sáng mắt mà còn nhận được ánh sáng mới là ánh sáng đức tin. Đức Thánh Cha cũng cám ơn mọi người thuộc Tổng Giáo Phận Milano vì đã tiếp đón Ngài trong ngày thứ bảy với tất cả tấm lòng.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến!

Trung tâm của Tin Mừng Chúa nhật thứ tư Mùa Chay hôm nay là Chúa Giêsu và anh mù từ thủa mới sinh (Ga 9:1-41). Chúa Kitô đã chữa lành và phục hồi đôi mắt cho anh. Chúa thực hiện phép lạ này với cách thức mang đầy tính biểu tượng: trước hết Chúa trộn nước miếng cùng với đất rồi xoa vào mắt anh, sau đó Chúa bảo anh đến hồ Silôê mà rửa. Anh đã đi, rửa, và được sáng mắt. Anh ấy là người mù từ bẩm sinh. Với phép lạ này, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy, Ngài là ánh sáng thế gian, và mỗi người chúng ta cũng mù từ khi mới sinh, vì cho dù chúng ta được dựng nên để nhận biết Thiên Chúa, nhưng vì tội lỗi nên chúng ta cũng mù lòa, và chúng ta cần một thứ ánh sáng mới, đó là ánh đức tin, là ánh sáng mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Thực tế, câu chuyện về người mù trong Tin Mừng, còn mở ra mầu nhiệm Chúa Kitô. Chúa Giêsu hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” Anh ta đáp lại: “Thưa Thầy, nhưng Người là ai để tôi có thể tin vào Người?”. Chúa Giêsu nói tiếp: “Anh đã thấy Người và Người đang nói với anh.” Anh thưa lại: “Lạy Ngài, con tin” và anh sấp mình thờ lạy Chúa Giêsu.

Những điều ấy làm cho chúng ta phải suy nghĩ về đức tin của chúng ta, đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô, nơi Con Thiên Chúa. Và đây cũng là lúc thích hợp để nói về bí tích rửa tội, bí tích đầu tiên của đức tin, bí tích đem lại cho chúng ta ánh sáng nhờ nước và Chúa Thánh Thần. Điều ấy cũng đã xảy ra với anh mù. Anh được mở mắt sau khi anh đi rửa ở hồ Silôê. Anh mù được chữa lành khi anh nhận ra rằng Chúa Giêsu là ánh sáng, ánh sáng thế gian. Người là ánh sáng khi chúng ta dò dẫm trong bóng tối để kiếm tìm. Chúng ta cũng đã được Chúa Kitô soi sáng nhờ bí tích rửa tội, và chúng ta được gọi mời hành xử như con cái của sự sáng. Để sống như con các của sự sáng, chúng ta cần thay đổi cách nghĩ, cần có khả năng nhận định về con người và sự vật theo một thang giá trị khác, một thang giá trị đến từ Thiên Chúa. Thực vậy, bí tích rửa tội đòi hỏi phải lựa chọn sống như con cái ánh sáng và bước đi trong ánh sáng. Bây giờ các bạn có thể hỏi rằng: “Bạn có tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa không? Bạn có tin rằng chỉ có Ngài mới có thể thay đổi tâm hồn bạn? Bạn có nghĩ là có thể nhìn nhận thực tại giống như Chúa nhìn không, hay là chúng ta lại không thấy? Bạn có tin rằng Chúa là ánh sáng và Ngài sẽ ban cho chúng ta ánh sáng chân thực không? Bạn sẽ trả lời gì đây?” Trong lòng mỗi người hãy tự trả lời.

Thế nhưng, ánh sáng chân thực nghĩa là gì? Và bước đi trong ánh sáng nghĩa là gì? Trước hết, điều ấy có nghĩa là hãy bỏ đi những ánh sáng giả dối: thứ ánh sáng lạnh lùng gây tổn thương cho người khác, bởi những thành kiến bóp méo thực tế, bởi những hận thù xét đoán người khác cách không thương xót, bởi những kết án không căn cứ. Nó giống như thức ăn hàng ngày! Khi nói về người khác như thế, bạn đã không bước đi trong ánh sáng, mà chỉ bước đi trong những bóng mờ. Có thứ ánh sáng giả dối khác, nó quyến rũ và mơ hồ, nó dựa vào lợi ích cá nhân. Nếu chúng ta đánh giá sự vật và con người theo tiêu chí lợi nhuận của cá nhân chúng ta, theo sở thích của chúng ta, theo uy tín của chúng ta, thì chúng ta không sống theo sự thật trong các mối tương quan và các bối cảnh cụ thể. Nếu chúng ta đi theo con đường chỉ biết tìm lợi ích cá nhân, thì chúng ta đang đi trong bóng tối.

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ là người đầu tiên đón nhận Chúa Giêsu, ánh sáng trần gian, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện, để chúng con nhận được ơn sủng, là đón Mùa Chay này với ánh sáng của đức tin, và tìm lại được món quà vô giá của bí tích rửa rội mà chúng con đã lãnh nhận. Xin cho ánh sáng mới này, biến đổi thái độ và hành vi của chúng con, khởi đi từ những gì nghèo hèn bé nhỏ của chúng con, để chúng con có thể mang lấy những tia sáng của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền Tin và ban Phép Lành Toà Thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha chào thăm mọi người

Anh chị em thân mến!

Hôm qua tại Almería (Tây Ban Nha) đã có lễ phong chân phước José Álvarez-Benavides y de la Torre và 114 vị tử đạo. Các ngài là những linh mục, tu sĩ và giáo dân, đã anh hùng làm chứng cho Chúa Kitô, làm chứng về sứ mạng hòa bình và hòa giải huynh đệ. Nhờ lời chuyển cầu của các ngài, xin cho Giáo Hội luôn hiệp nhất trong việc xây dựng nền văn minh tình thương.

Cha chào tất cả anh chị em đến từ Roma, Italia và các quốc gia khác, đặc biệt là anh chị em hành hương từ Córdoba (Tây Ban Nha), các bạn trẻ đến từ trường Saint-Jean de Passy di Parigi, các tín hữu từ Loreto, từ Quartu Sant’Elena, Rende, Maiori, Poggiomarino, và các thanh thiếu niên đến từ “Romana-Vittoria” ở Milano.

Về Milano, cha muốn nói lời cám ơn với Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Milano và tất cả mọi người đã đón tiếp cha cách nồng nhiệt ngày hôm qua. Thực sự, cha cảm thấy là như đang ở nhà mình, khi ở giữa mọi người, dù là tín hữu hay chưa là tín hữu. Cám ơn các bạn rất nhiều, xin chào những con người Milano yêu mến, và cha sẽ nói điều này, rằng cha đã biết được câu người ta nói là đúng sự thật, đó là: Người Milano tiếp đón với tất cả tấm lòng!

Chúc anh chị em ngày Chúa nhật tốt lành! Xin đừng quên cầu nguyện cho cha!

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cho 700 ngàn tín hữu ở Monza

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cho 700 ngàn tín hữu ở Monza

MONZA. Chiều ngày 25-3-2017, lễ Truyền Tin cho Đức Mẹ, ĐTC đã cử hành thánh lễ cho 700 ngàn tín hữu tại Công viên Monza, cách Milano 18 cây số về hướng bắc.

Lễ đài đơn sơ cao 30 mét và có nhiều màn hình khổng lồ được bố trí tại công viên để các tín hữu ở xa có thể thấy rõ.

Đến công viên, ĐTC dùng xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu đứng ngăn nắp trong các khu vực của mình, để cả những người ở những góc xa cũng thấy ngài tận mắt. Bầu không khí rất nồng nhiệt và thật là điều may mắn là trời không mưa, như dự báo thời tiết e ngại có thể xảy ra.

Đồng tế với ĐTC, ngoài ĐHY Scola, TGM Milano, các GM phụ tá, còn có các GM thuộc miền Lombardia và hàng trăm linh mục.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ nhân lễ Truyền Tin cho Đức Mẹ, ĐTC nhắc đến sự ngỡ ngàng của Trinh Nữ Maria trước lời loan báo của Sứ Thần trong biến cố truyền tin về sứ mạng Chúa ủy thác và áp dụng giải pháp vào cuộc sống của các tín hữu. Ngài nói:

”Đứng trước sự ngỡ ngàng của Đức Maria, trước những ngỡ ngàng của chúng ta, có 3 chìa khóa mà Thiên Thần cống hiến để giúp chúng ta đón nhận sứ mạng được ủy thác cho chúng ta.

Trước tiên là nhớ lại. Sứ thần Chúa đã gợi lại toàn thể lịch sử cứu độ, lời hứa của Thiên Chúa cho Davit. Mẹ Maria là người con của giao ước. Cả chúng ta ngày nay cũng được mời gọi nhớ lại, nhìn lại quá khứ để không quên mình đến từ đâu, không quên các tiền nhân..

Sự nhớ lại như thế giúp Mẹ Maria ý thức mình thuộc về Dân Chúa. Thật là điều tốt khi anh chị em nhớ lại mình là thành phần Dân Chúa, là người Milano, Ambrosiano, và cũng là thành phần của toàn dân Chúa, một dân được hình thành bằng nhiều văn hóa, chủng tộc. Đó là một trong những điều phong phú của chúng ta. Đây là một dân tộc được kêu gọi đón nhận những khác biệt, hội nhập những khác biệt ấy trong sự tôn trọng và tinh thần sáng tạo..

Thứ ba là điều không có thể trở thành điều có thể: ”Không có gì mà Thiên Chúa không làm được” (LC 1,37), như lời Sứ thần nói với Mẹ Maria. ĐTC nói: ”Khi chúng ta tin rằng tất cả chỉ tùy thuộc chúng ta, thì chúng ta tiếp tục là tù nhân những khả năng của chúng ta, của sức lực và chân trời hạn hẹp của chúng ta. Trái lại khi chúng ta sẵn sàng để cho mình được giúp đỡ, được tư vấn, cởi mở đối với ơn thánh, thì điều có vẻ là không thể được bắt đầu trở thành thực tại… Bao nhiêu người ở nơi đây đã khắc phục sự bi quan vô bổ, họ đã cởi mở đối với sáng kiến của Thiên Chúa và trở thành dấu chỉ cho thấy một phần đất không khép kín trong những ý tưởng của mình thí cóthể trở nên phong phú dường nào.

Như trong quá khứ, Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm những đồng minh, những người nam nữ có khả năng tin tưởng, nhớ lại, cảm thấy mình thuộc về dân Chúa để cộng tác với sự sáng tạo của Thánh Linh. Thiên Chúa tiếp tục bước đi trên những nẻo đường, trong các khu phố của chúng ta, Chúa tìm kiếm mọi nơi những tâm hồn có khả năng lắng nghe lời mời gọi của Ngài và thực hiện trong lúc này và ở đây.   Trong lời cám ơn ĐTC vào cuối thánh lễ, ĐHY Scola nói rằng: ”ngày hôm nay chúng con đã có thể cảm nghiệm một lần nữa sự chân thực lời của Thánh Ambrosio cha của chúng con, đó là ”Nơi nào có Phêrô, ở đó có Giáo Hội. Nơi nào có Giáo Hội thì không có chết chóc, nhưng có sự sống đời đời” (Expositio in Ps, XL, 30).

ĐHY Scola cũng nhắc đến những cử chỉ đầy ý nghĩa của ĐTC như một chỉ dẫn cho việc loan báo Tin Mừng tại thành phố lớn này, đặc biệt cử chỉ ôm lấy những người nghèo nhất, người nhập cư, các tù nhân.. ĐTC cũng nói rằng ”những người nghèo có nhiều điều để dạy chúng ta. Ngoài sự tham gia vào cảm thức đức tin (sensus fidei), qua những đau khổ, họ biết Chúa Kitô chịu khổ đau” (EG 138). Cái nhìn của họ trong sự đơn sơ đau khổ, soi sáng và mở rộng cái nhìn của chúng ta nhiều khi thiên lệch”.

Sau thánh lễ, ĐTC đã trở về tòa TGM Milano vào lúc 4 giờ rưỡi chiều và một tiếng sau đó, ĐTC ngài đến sân thể thao Meazza-San Siro để gặp gỡ 80 ngàn thiếu niên đã và sắp chịu phép thêm sức. Trong dịp này ngài cũng trả lời 3 câu hỏi do một em bé, một người cha và một giáo lý viên nêu lên.

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha gặp gỡ hàng ngàn linh mục, tu sĩ nam nữ Milano

Đức Thánh Cha gặp gỡ hàng ngàn linh mục, tu sĩ nam nữ Milano

VATICAN. Trong cuộc gặp gỡ hàng ngàn LM, phó tế, tu sĩ nam nữ của Tổng giáo phận Milano, ĐTC kêu gọi các vị đừng sợ thách đố và tình trạng thiểu số của mình.

Hiện nay, ngoài 1900 LM giáo phận, Tổng giáo phận Milano còn có 790 linh mục dòng, 143 phó tế vĩnh viễn hơn 1 ngàn tu huynh và 6.210 nữ tu.

Cuộc gặp gỡ diễn ra lúc quá 10 giờ sáng ngày 25-3-2017 tại Nhà thờ chính tòa. Thánh đường hùng vĩ này được khởi công xây cách đây 630 năm theo kiểu tân gôtích và hoàn tất như hiện nay vào năm 1932.

Đến nơi, ĐTC đã được hàng chục vị kinh sĩ Nhà Thờ Chính Tòa và các GM phụ tá tiếp đón, ngài bắt tay chào thăm từng vị trước khi tiến vào thánh đường trước sự đón tiếp nồng nhiệt của hàng ngàn LM, tu sĩ nam nữ tại đây. Ngài thinh lặng ngồi cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa đặt trên bàn thờ và viếng mộ của thánh Carlo Borromeo, GM giáo phận Milano. ĐTC cũng chào thăm các LM và nữ tu già yếu ngồi trên xe lăn, trước khi lên bục cao trước bàn thờ.

Trong lời chào mừng ĐTC, ĐHY Angelo Scola, TGM giáo phận sở tại, cho biết thánh đường không đủ chỗ, nên nhiều LM tham dự cuộc gặp gỡ này từ bên ngoài, trên thềm nhà thờ, hoặc tại tư gia của các vị.

Tiếp lời ĐHY, 3 đại diện gồm 1 LM, một phó tế vĩnh viễn và một nữ tu đã xin ĐTC giải đáp một vài thắc mắc:

1. Cha Gabriele Gioia nhận xét rằng nhiều nghị lực và thời gian của các LM được dành cho các hình thức mục vụ truyền thống, trong khi đó sự tục hóa đang lan tràn trong xã hội ở Milano này, một thành phố ngày càng có tính chất đa nguyên, đa chủng tộc, tôn giáo và văn hóa. Vậy đâu là những thanh tẩy và những ưu tiên các LM cần thực hiện để không đánh mất niềm vui Phúc Âm, niềm vui được làm dân của Chúa Ba Ngôi?

– Trả lời cha Gioia, ĐTC nhắc lại rằng đời sống Giáo Hội luôn gặp những thách đố, vì thế chúng ta không được sợ các thách đố vì chúng là dấu chỉ một đức tin, một cộng đoàn sinh động, tìm kiếm Chúa với đôi mắt và con tim rộng mở. Những thách đố giúp làm cho đức tin chúng ta không trở thành ý thức hệ, tránh được tư tưởng khép kín.

Về xã hội đa văn hóa, đa tôn giáo và chủng tộc, ĐTC cũng nhận xét rằng đó cũng là tình trạng của Giáo Hội qua dòng lịch sử. Hiệp nhất trong sự đa diện. Tin Mừng là một nhưng có 4 hình thức khác nhau.. Trong bối cảnh đó, ĐTC kêu gọi phân định những thái quá của sự đồng nhất và thái độ duy tương đối, hai xu hướng này tìm cách xóa bỏ sự hiệp nhất giữa những khác biệt và lệ thuộc hỗ tương. Và ngài cũng nhấn mạnh rằng ”đức tin để thực sự có đặc tính Kitô và không gây ảo tưởng cần phải được điều chỉnh trong những tiến trình của con người nhưng không bị thu hẹp vào các tiến trình đó.

Sau cùng, ĐTC nhấn mạnh đến sự cần thiết phải phân định, nhất là dạy cho người trẻ ngày nay biết phân định trong nền văn hóa dồi dào các khả thể, để nhận ra đâu là điều thực sự tốt đẹp và có giá trị.

2. Thày Roberto Crespi hỏi ĐTC xem xây là đóng góp mà các phó tế vĩnh viễn được kêu gọi cống hiến để biểu lộ khuôn mặt Giáo Hội hạnh phúc, vô vị lợi và khiêm tốn.

– Trả lời câu hỏi của thày phó tế vĩnh viễn, ĐTC cảnh giác các tín hữu chú ý đừng coi các phó tế như những người ”nửa linh mục nửa giáo dân”, và rốt cuộc các vị không đứng về phía nào. Coi các phó tế như thế thì sẽ gây hại cho các thầy và tước bỏ sức mạnh đoàn sủng của phó tế.

Phó tế là một ơn gọi đặc thù, một ơn gọi gia đình nhắc nhớ rằng việc phục vụ như là một trong những hồng ân tiêu biểu của dân Chúa. Có thể nói phó tế là người giữ gìn việc phục vụ trong Giáo Hội. Phục vụ Lời Chúa, phục vụ Bàn Thánh. Sứ mạng, sức mạnh và sự đóng góp của phó tề hệ tài điều này là nhắc nhở cho tất cả chúng ta rằng đức tin, qua nhiều biểu hiện khác nhau, phụng vụ cộng đoàn, kinh nguyện cá nhân, những hình thức bác ái khác nhau, qua các bậc sống, có một chiều kích phục vụ. Phục vụ Thiên Chúa và anh chị em. Tóm lại, không có việc phục vụ bàn thờ, không có phụng vụ nếu không có sự cởi mở đối với việc phục vụ người nghèo. Nếu có việc phục vụ người nghèo nếu không dẫn đến phụng vụ.

3. Sau cùng Mẹ Paola Paganoni, Bề trên tổng quyền dòng các nữ tu Ursuline thánh Carlo, Chủ tịch Liên hiệp các nữ Bề trên thượng cấp vùng Lombardi hỏi ĐTC xem đâu là những khu vực ngoại ô của cuộc sống và đâu là những lãnh vực như tình trạng bị gạt ra ngoài lề, người nhập cư, giáo dục và văn hóa cần chọn lựa, đứng trước tình trạng các nữ tu ngày càng ít ỏi, hơn?

– Trước câu hỏi này, ĐTC mời gọi các nữ tu đừng có thái độ cam chịu vì con số giảm sút. Ngài nói: dù ít ỏi, dù là thiểu số, dù cao tuổi, nhưng không có thái độ cam chịu. Khi có thái độ này chúng ta sống trong sự tưởng tượng một quá khứ vinh hiển, thái độ đó không thức tỉnh đoàn sủng ban đầu, nhưng cuốn chúng ta vào trong một cái vòng cuộc sống nặng nề, khó nâng dậy. Vì thế nhớ lại nguyên thủy là điều tốt, cứu chúng ta khỏi sự tượng tượng vinh quang không thực tế của quá khứ.

ĐTC nhận xét rằng các vị sáng lập dòng chúng ta không bao giờ nghĩ đến số đông hay một đa số. Các vị cảm thấy được Thánh Linh thúc đẩy trong một thời điểm cụ thể của lịch sử, để trợ thành sự hiện diện vui tươi của Tin Mừng cho anh chị em mình; canh tân và xây dựng Giáo Hội như men trong đấu bột, như muối và ánh sáng thế gian.

ĐTC nói: ”Tôi nghĩ các dòng chúng ta không được sinh ra để trở thành đám đông, nhưng trở thành muối và men, góp phần làm cho tập thể dậy lên, để dân Chúa được những gia vị họ đang cần.. Thực tại ngày nay cũng gọi hỏi và kêu mời chúng ta tái trở thành men, thành muối đất. Anh chị em có thể nghĩ đến món pasta có nhiều muối không? hoặc hoàn toàn trở thành men? Nếu như vậy thì chẳng ai ăn được. Ngày nay thực tại kêu gọi chúng ta hãy khởi sự những tiến trình thay vì chiếm chỗ, cố gắng chiến đấu cho sự hiệp nhất thay vì bám víu vào những xung đột quá khứ, cần lắng nghe thực tại, cởi mở đối với tập thể, với dân thánh của Thiên Chúa, và toàn thể Giáo Hội. Đó là một thiểu số được chúc phúc, được mời gọi dây men, hòa hợp với điều mà Thánh Linh đã soi sáng cho tâm hồn cho các vị sáng lập và cho chính tâm hồn anh chị em.”

Sau bài huấn dụ, và phép lành, ĐTC đã tặng cho tổng giáo phận Milano một chén lễ quí giá và ĐHY Scola cho biết giáo phận tặng ĐTC 55 căn hộ để ngài giúp đỡ các gia đình nghèo.

Lúc 11 giờ 40 ĐTC tiến ra thềm Nhà Thờ chính tòa Milano để chào thăm đông đảo dân chúng tụ tập tại đây, đọc kinh truyền tin và ban phép lành cho họ.

Tiếp tục chương trình, ĐTC đến viếng viếng thăm nhà tù thánh Vittore cũng ở trung tâm thành phố Milano.

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha thăm khu phố nghèo tại Milano

Đức Thánh Cha thăm khu phố nghèo tại Milano

MILANO. ĐTC đã viếng thăm khu phố nghèo ở Milano sáng ngày 25-3-2017 mở đầu cho cuộc thăm viếng dài 12 tiếng tại Milano, giáo phận lớn nhất tại Âu Châu.

Giáo phận này có từ thời các tông đồ và trở thành tổng giáo phận hồi thế kỷ thứ 4, với thánh Ambrosio tiến sĩ Hội Thánh và sau đó nổi bật với thánh Carlo Borromeo hồi thế kỷ 16. Ngày nay, tại đây có hơn 5 triệu tín hữu Công giáo, thuộc 1.108 giáo xứ, với gần 2,700 LM triều và dòng.

Milano hiện thời cũng là thủ đô kinh tế của Italia. Lẽ ra ĐTC đã đến viếng thăm giáo phận này hồi năm ngoái, nhưng cuộc viếng thăm bị hoãn lại vì Năm Thánh Lòng Thương Xót.

ĐTC bắt đầu cuộc thăm tại khu phố nghèo, rồi đến nhà thờ chính tòa với mộ của thánh Ambrosio, thánh Carlo Borromeo, gặp gỡ các linh mục tu sĩ, trước đọc kinh truyền tin với các tín hữu. Sau đó ngài đến thăm nhà tù, dùng bữa với các tù nhân. Ban chiều, ngài cử hành thánh lễ tại công viên Monza, cách trung tâm Milano 18 cây số, lúc 3 giờ chiều với khoảng 700 ngàn tín hữu. Hoạt động cuối cùng của ĐTC là cuộc gặp gỡ với 80 ngàn thiếu niên đã và sắp chịu phép thêm sức tại sân thể thao Meazza-San Siro.

Thăm khu phố ”Các nhà trắng”

Đến Milano sau 1 giờ bay từ phi trường Fiumicino ở Roma, ĐTC đã tới khu phố nghèo ở mạn đông bắc Milano, quen gọi là ”những căn nhà trắng” ở đường Salamone. Ban đầu đây là nhà những căn nhà nhỏ được xây hồi thập niên 1930 cho những người thất nghiệp do cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929. Đến thập niên 1970, các căn nhà này trở nên quá tồi tàn và nên được phá đi để xây thành một khu chung cư 9 lầu với 477 căn hộ. 60% dân tại khu này là người Ý, phần còn lại là những người ngoại quốc, người du mục, và cũng có nhiều người Hồi giáo.

Đến khu nhà trắng vào lúc 9 giờ rưỡi, ĐTC đã hàng ngàn người tụ tập tại đây nồng nhiệt tiếp đón. Ngài dừng lại chào thăm các anh chị em bệnh nhân ngồi trên ghế lăn, trước khi tiến lên bục cao, trước tiếng hát chào mừng của dân chúng. Một thiếu nữ đã dâng tặng ĐTC một dây stola, cũng gọi là giây các phép, do một hợp tác xã địa phương dệt và may, và một em bé tặng ngài bức ảnh Đức Mẹ thánh Galdino.

Chào thăm các tín hữu

Lên tiếng chào thăm mọi người hiện diện, ĐTC nói:

”Tôi cám ơn anh chị em vì hai món quà anh chị em tặng tôi: thứ I là dây stola, một dấu hiệu tiêu biểu của linh mục, cứ chỉ này đánh động tôi đặc biệt vì nhắc nhớ cho tôi rằng tôi đến đây giữa anh chị em như một linh mục, tôi đi vào Milano như linh mục…

”Dây stola này càng quí giá vì không phải anh chị em mua, nhưng một số người trong anh chị em ở đây đã dệt và thêu. Dây stola nhắc nhớ rằng linh mục Kitô được chọn giữa dân và phục vụ dân. Chức linh mục của tôi cũng như cha sở và các linh mục ở đây là một hồng ân của Thiên Chúa, nhưng được hình thành nhờ dân chúng, với niềm tin, với những vất vả, kinh nguyện và nước mắt của dân.

ĐTC cũng nói đến ảnh Đức Mẹ được tu bổ và tặng cho ngài. Ngài nhắc nhở các tín hữu về sự ân cần của Mẹ Maria đi gặp gỡ và săn sóc, giúp đỡ bà chị họ Elisabeth. Đó cũng là sự ân cần của Giáo Hội, không ở lại trung tâm, nhưng đi gặp gỡ mọi người ở khu ngoại ô, gặp cả những người không Kitô và không tín ngưỡng. Giáo Hội mang Chúa Giêsu đến cho mọi người, Đấng là tình thương của Thiên Chúa làm người, mang lại ý nghĩa cho đời sống chúng ta và cứu khỏi sự ác.

Thăm 3 gia đình

Sau khi ban phép lành cho tất cả mọi người, ĐTC còn chào thăm các em bé chờ đợi ngài từ sáng sớm rồi ngài đặc biệt đi gặp 3 gia đình trong căn hộ của họ. Trước tiên là ông bà Stefano Pasquale và Dorotea Falcone 59 và 57 tuổi, cư ngụ ở lầu 4 từ lâu năm. Khi còn trẻ ông Stefano nghiện rượu và bị chứng động kinh, rồi dần dần cơ thể suy tàn và bị liệt giường từ 4 năm nay. Vợ ông là bà Dori tận tụy săn sóc chồng trong mọi sự, kể cả ngày đêm. Cuộc viếng thăm của ĐTC tại nhà bà là một niềm vui vô biên đối với bà trong tình cảnh đau thương.

Gia đình thứ hai gốc Maroc là Ông bà Mihoual Abdel Karim và Tardane Hanane ở lầu hai cùng với 3 người con: 17, 10 và 6 tuổi. Ông Karim đến Italia cách đây 28 năm và vợ ông đến nước này 20 năm về trước. Ông Karim làm việc trong một hãng chế thuốc và hai vợ chồng ở khu nhà trắng này từ 9 năm nay. Cùng với 1 gia đình hồi giáo khác, gia đình Ông Karim tỏ chức lớp dạy tiếng Arập trong giáo xứ thánh Galdino ở địa phương cho các phụ nữ Hồi giáo. Họ là những người Hồi giáo trung thành và cởi mở, có tinh thần cộng tác, và rất vui mừng được đón tiếp ĐTC ghé thăm gia đình họ.

Gia đình sau cùng được ĐTC ghé thăm là bà Oneta Nuccio 82 tuổi và bà Agogini Adele, 81 tuổi, thành hôn với nhau cách đây 61 năm và có một người con gái là Giovanna 51 tuổi. Ông Nuccio làm nghề phát thư trong nhiều năm trời. Gia đình ở lầu hai trong khu nhà. Hai ông bà cụ rất chăm chỉ tham dự thánh lễ qua truyền hình và thường được rước lễ. Bà Adele hầu như mù và Ông Nuccio bị một bướu ung ở cổ cách đây 11 năm (2006). Nhờ xạ trị (radioterapia) bướu ung biến mất một phần, nhưng hiện nay ông có vấn đề lớn về phổi và người ta sợ rằng ung thư sẽ di căn. Ông bà rất vui mừng được đón tiếp ĐTC với niềm tin đơn sơ và sâu xa.

Sau khi viếng thăm 3 gia đình, ĐTC lên đường tiến về Nhà thờ chính tòa ở trung tâm Milano để gặp gỡ các LM, phó tế, và tu sĩ nam nữ của giáo phận.

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha viếng thăm nhà tù thánh Vittore ở Milano

Đức Thánh Cha viếng thăm nhà tù thánh Vittore ở Milano

VATICAN. Trưa ngày 25-3-2017, ĐTC Phanxicô đã viếng thăm nhà tù thánh Vittore ở Milano và dùng bữa với 100 tù nhân. Đây là lần đầu tiên một vị Giáo hoàng đến thăm nhà tù này.

Nhà tù thánh Vittore được thành lập cách đây gần 200 năm (1879), có hình tròn, xoay quanh một điểm cao ở trung tâm, trên đó có bàn thờ, để các tù nhân, khi có thánh lễ, có thể tham dự từ phòng giam của họ. Thói quen này ngày nay vẫn được duy trì vào mỗi chúa nhật.

Hồi năm 2012 có 1.700 tù nhân tại trung tâm cải huấn này, nhưng con số được giảm bớt sau khi tòa án Âu Châu buộc phải dành cho mỗi tù nhân ít nhất được 3 mét vuông, vì thế hiện nay chỉ còn khoảng 890 tù nhân tại nhà tù này. Tất cả các tù nhân đều là những can phạm đang chờ được tòa án xét xử. Họ lưu lại đây trung bình từ 9 đến 12 tháng.

Làm việc tại nhà tù thánh Vittore có 780 cảnh sát nhà giam, 10 nhân viên giáo dục và 19 nhân viên hành chánh. Về ban tuyên úy mục vụ, có 1 LM, 1 phó tế, 10 nữ tu và 4 chủng sinh. Mỗi chúa nhật có 4 thánh lễ được cử hành tại các khu vực khác nhau. Việc mục vụ này cũng được dành cho các nhân viên của trung tâm, trong đó có các cảnh sát viên.

Trong thời gian chuẩn bị cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô, các tù nhân đã nghe lại những bài huấn dụ của các vị Giáo hoàng tiền nhiệm, từ Đức Gioan 23, đến Phaolô 6, Gioan Phaolô 2 và Biển Đức 16, và cả ĐTC đương kim khi viếng thăm các nhà tù ở các nơi trên thế giới. Họ cũng viết thư cho ĐTC kể lại những tình cảnh đau thương, những vết thương họ gây ra cho bản thân và tha nhân. Chẳng hạn, anh Ivan viết cho ngài: ”ĐTC Phanxicô yêu quí, con xin nói thật con không phải là người mộ đạo lắm, xin ĐTC cầu nguyện cho gia đình con, và cầu cho con để thời gian con bị giam cầm này có một ý nghĩa, được một chút an bình và thanh thản.”

Hoặc Ông Massimo, tuyên bố mình không có tín ngưỡng, nhưng chờ đợi ĐGH như một ”người anh”; ông thú nhận mình đã phạm tội: con đã làm mất sự thanh thản của mẹ con, và giết chết niềm tín thác của cha con”.

Đến nơi vào lúc quá 12 giờ, ĐTC đã tiến qua các khu vực để chào thăm các tù nhân trước khi dùng bữa trưa với 100 tù nhân và ngài ở lại để nghỉ trưa trong một phòng riêng.

Từ nhà tù, lúc gần 2 giờ chiều, ĐTC đã đến Công viên Monza, cách trung tâm Milano 18 cây số, để cử hành thánh lễ tại đây lúc 3 giờ chiều cho 700 ngàn tín hữu đến từ các nơi trong giáo phận.

G. Trần Đức Anh OP

Đền thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem có nguy cơ bị sụp đổ

Đền thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem có nguy cơ bị sụp đổ

Giêrusalem – Nhóm các nhà khảo cổ và chuyên viên vừa kết thúc việc tu sửa Edicola/Edicule – nhà nguyện bên trong đền thờ Mộ Thánh, trên mộ Chúa Giêsu, lên tiếng báo động rằng nếu không có những can thiệp thích đáng để gia cố nền móng không chắc chắn của đền thờ Mộ Thánh thì nó có nguy cơ bị sụp đổ.

Nhà khảo cổ người Hy lạp Antonia Moropoulou, giáo sư trường kỹ thuật quốc gia Athen và điều phối viên kỹ thuật của chương trình tu bổ Edicola mới hoàn tất khẳng định rằng toàn bộ kiến trúc của Nhà thờ Mộ Thánh có thể bị đe dọa bởi sự sụp lún đáng kể của tòa nhà. Và nếu khả năng này trở thành hiện thực thì nó không phải là một quá trình hư hỏng từ từ, nhưng sẽ sụp đổ đột ngột.

Các giả thuyết báo động được đưa ra khi các nghiên cứu và khảo sát được thực hiện trên Mộ Thánh bởi đội ngũ chuyên gia chịu trách nhiệm phục hồi Edicola.

Các nghiên cứu cho thấy toàn bộ tòa nhà được xây dựng trên khu đổ nát còn sót lại của những nhà thờ trước đó. Mặt đất bên dưới nền móng hiện tại bao gồm các đống đổ nát, đan xen bởi các đường hầm cổ xưa.

Việc gia cố đền thờ Mộ Thánh có chi phí được ước tính khoảng 6 triệu euro (6,5 triệu đô la); nó cũng khó khăn phức tạp vì tầm quan trọng khảo cổ của vật liệu bên dưới tòa nhà hiện thời. Tòa Thánh đã cam kết tài trợ 500 ngàn đô la cho dự án.

Đền thờ Mộ Thánh được hoàng đế Costantino xây dựng trên nền của một đền thờ thời đế quốc Roma, bị tàn phá phần nào bởi những người Ba tư vào thế kỷ thứ VII, rồi bởi người Fatimidi vào năm 1009. Nhà thờ được xây dựng lại vào giữa thế kỷ XI. (Fides 24/03/2017)

Hồng Thủy

Hồi giáo cực đoan biểu tình chống xây nhà thờ Công giáo ở Bekasi, Indonesia

Hồi giáo cực đoan biểu tình chống xây nhà thờ Công giáo ở Bekasi, Indonesia

Hôm thứ 6, 24/03, cảnh sát Indonesia đã xịt hơi cay để giải tán những người Hồi giáo cực đoan phản đối việc xây dựng một nhà thờ Công giáo tại một thành phố vệ tinh của thủ đô Jakarta.

Hàng trăm người biểu tình hợp thành nhóm gọi là Forum for Bekasi Muslim Friendship (Diễn đàn tình thân hữu Hồi giáo Bekasi) đã tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ trước nhà thờ thánh Clara ở Kaliabang, một khu phố của thành phố Bekasi, sau buổi cầu nguyện ngày thứ sáu.

Các người biểu tình đã cố mở lối vào nhà thờ đang được xây dựng từ tháng 11. Một số người còn ném đá và chai lọ vào nhà thờ đang xây.

Hồi giáo Indonesia nhìn nhận 6 tôn giáo, nhưng nhóm quân nhân Hồi giáo thường chống lại các nhóm tôn giáo thiểu số và cảnh sát thường phải can thiệp. Thành viên của các tôn giáo thiểu số không được nhìn nhận ở Indonesia thường gặp phải sự phân biệt đối xứ dữ dội.

Ismail Ibrahim, một giáo sĩ Hồi giáo và người tổ chức cuộc biểu tình nói rằng họ sẽ không giải tán cho đến khi chính quyền hủy bỏ phép xây nhà thờ.

Giáo hội ở miền bắc của Bekasi là mục tiêu của các cuộc chống đối của Hồi giáo cực đoan từ khi Giáo hội được phép xây nhà thờ vào tháng 06/2015. Một số người tố cáo các lãnh đạo Giáo hội dùng các chứng minh thư giả để được cấp phép xây dựng.

Khoảng 12 ngàn tín hữu Công giáo ở miền Bekasi họp nhau ở các mặt tiền các cửa hàng hay các mặt bằng kinh doanh, những nơi được sử dụng như nơi thờ phượng không chính thức. (Catholic Herald 24/03/2017)

Hồng Thủy

Ngày Giáo hội Italia tưởng niệm các thừa sai tử đạo

Ngày Giáo hội Italia tưởng niệm các thừa sai tử đạo

Từ năm 1990-2016, có 1.112 vị mục tử cũng như các nhà truyền giáo Công giáo bị giết. Trong năm 2016, có 28 vị; tăng 6 vị so với năm 2015. Năm nay là năm thứ 8 liên tiếp, số vị tử đạo tại Mỹ châu chiếm đa số (12 vị). Bên cạnh đó, số nữ tu bị giết hại cũng gia tăng, gấp đôi so với năm 2015.

Trong năm 2016, có 14 Linh mục, 9 nữ tu, 1 chủng sinh, và 4 giáo dân bị sát hại. Ở châu Phi có 8 vị, châu Á 7 vị, châu Âu 1 linh mục.

Các vị bị giết năm 2016 được công chúng châu Âu biết đên nhiều là cha Jacques Hamel, 84 tuổi, bị giết khi đang dâng Thánh lễ ở Paris vào ngày 27/07/2016; 4 nữ tu dòng Thừa sai bác ái bị giết ở Yemen bởi một người vũ trang tấn công nhà dưỡng lão và khuyết tật của các sơ.

Tất cả 28 vị được tưởng nhớ trong Ngày tưởng nhớ các thừa sai tử đạo lần thứ XXV của Giáo hội Italia. Ngày này được cử hành vào ngày 24/03 hàng năm.

Ngày 24/03 được chọn để tưởng nhớ các vị tử đạo cũng là ngày chân phước Oscar Arnulfo Romero, Tổng giám mục San Salvador bị giết khi đang cử hành Thánh lễ tại nhà thờ chánh tòa (năm 1980). Đề tài của ngày cử hành năm nay là “Các con đừng sợ!”

Phần lớn các vị bị sát hại do hậu quả các vụ trộm cắp hoặc cướp bóc, trong bối cảnh bạo lực và nghèo khổ về kinh tế và văn hóa. Các vị thường bi giết hại bởi chính những người các vị giúp đỡ, như cha René Wayne Robert, 71 tuổi, bị giết tại Mỹ ngày 10/04/2016, bởi một thanh niên có vấn đề về tâm lý. 20 năm trước đó, cha đã viết trong di chúc: “Đừng kết án tử hình thủ phạm giết tôi”; cha Joao Paulo Nolli, người Brazil, bị 3 thanh niên nghiện ngập mà cha cho đi nhờ xe giết hại sau khi đã cướp tất cả mọi thứ.

Đôi khi các vị bị sát hại vì dấn thân cho công lý và nhân quyền. Cha Vincent Machozi, dòng Đức Mẹ lên trời, bị binh lính giết tại Congo vì đã lên án các nhóm vũ trang tham gia buôn bán trái phép khoáng sản coltan.

Có vị bị giết vì đòi tiền chuộc như cha John Adeyi, tổng đại diện giáo phận Otukpo, Nigeria, xác của ngài được tìm thấy ngày 22/06, 2 tháng sau khi bị bắt cóc, dù gia đình ngài đã trả số tiền bọn bắt cóc yêu cầu.

9 nữ tu bị giết là những nhà hoạt động bác ái. Sơ Isabel Solá Matas, 51 tuổi, người Tây ban nha, truyền giáo ở Haiti từ nhiều năm, kẻ cướp đã giết sơ khi sơ đang lái xe chỉ để cướp giỏ xách của sơ. Sơ Margaret Held và sơ Paula Merril, cả hai đều 68 tuổi, bị đâm chết tại nhà ở Durant, bang Mississipi. Sơ Veronica Rackova, 58 tuổi, người Slovak, nhận được cuộc gội cấp cứu từ trung tâm ý tế mà sơ điều hành ở Nam Sudan. Khi trở về, sơ đã bị các quân lính sát hại. Elias Abiad chết dưới làn bom đạn ở Aleppo, Syria. Một kế toán và một tài xế chuyên chở tiền lương cho các giáo viên đã bị giết ở Congo. (SIR 24/03/2017)

Hồng Thủy