Công bố Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ 2018

Công bố Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ 2018

VATICAN. ĐTC mời gọi các bạn trẻ phân định để vượt thắng các nỗi lo sợ, tín thác nơi tình yêu Thiên Chúa và tình mẫu tử của Mẹ Maria.

Đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố hôm 22-2-2018, nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ sẽ được cử hành ở cấp giáo phận vào chúa nhật lễ lá, 25-3 tới đây, với chủ đề là lời Sứ Thần Chúa ”Hỡi Maria đừng sợ, vì Bà đã được ơn nơi Thiên Chúa” (Lc 1,39).

ĐTC nhận xét rằng ”Ngày nay bao nhiêu người trẻ có những nỗ lo sợ khác nhau, nhiều người có cảm tưởng mình phải sống khác với những gì trong thực tế, vì thế họ thấy cần phải thích ứng với kiểu mẫu giả tạo, sửa sang hình ảnh của mình, nấp sau những mặt nạ và căn tính giả tạo..”

ĐTC viết: “Trong những lúc nghi nan và lo sợ trong tâm hồn, cần phải có sự phân định, nhận ra và gọi đích danh nỗi sợ hãi của mình”. Trong sự phân định như thế cần tín thác nơi lòng từ nhân và tình yêu vô biên của Thiên Chúa, tín thác nơi Chúa.

Trong tiến trình này, ĐTC nhắn nhủ các bạn trẻ hãy nhìn lên tấm gương của Mẹ Maria: Thiên Chúa đã gọi đích danh Mẹ, Chúa cũng quan tâm và gọi đích danh mỗi người chúng ta, chứng tỏ phẩm giá cao cả của chúng ta trước Thiên Chúa.

Mẹ Maria không sợ hãi vì Mẹ đã được ơn phúc nơi Thiên Chúa. Cả chúng ta cũng được ơn thánh của Thiên Chúa nâng đỡ. ”Sự hiện diện liên tục của ơn Thánh Chúa khích lệ chúng ta tín thác, đón nhận ơn gọi Chúa dành cho chúng ta, ơn gọi đòi chúng ta phải dấn thân trung thành và canh tân lòng trung thành ấy mọi ngày..

Và ĐTC kết luận rằng: ”Tôi mời gọi các bạn hãy chiêm ngắm tình thương của Mẹ Maria: một tình yêu ân cần chăm sóc, năng động, cụ thể. Một tình yêu đầy táo bạo và hoàn toàn hướng về sự hiến thân. Một Giáo Hội được thấm nhiễm những đức tin ấy của Mẹ Maria sẽ luôn luôn là một Giáo Hội đi ra ngoài, đi xa hơn những giới hạn và biên cương của mình để làm cho ơn thánh đã nhận lãnh được lan tỏa, trào ra bên ngoài”.

Bộ giáo dân

Trong thông cáo công bố hôm 22-2-2018, Bộ giáo dân, gia đình và sự sống cho biết trên đây là nội dung sứ điệp thứ 2 ĐTC Phanxicô gửi giới trẻ trong hành trình chuẩn bị Ngày Quốc Tế giới trẻ cấp hoàn vũ, sẽ tiến hành tại Panama từ 22 đến 27-1-2019. Ngài muốn các bạn trẻ được Đức Mẹ Maria đồng hành trong hành trình thiêng liêng ấy. Năm ngoái, 2017, Sứ điệp qui trong tâm vào lời Mẹ Maria trong kinh Magnificat: ”Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại” (Lc 1,49). Năm tới, sứ điệp sẽ có chủ đề là câu trả lời của Mẹ Maria với Sứ Thần Chúa: ”Này tôi là tôi tớ Chúa, xin xảy ra cho tôi theo lời Sứ Thần” (Lc 1,38).

Chủ đề 3 năm xoay quanh Mẹ Maria trong tiến trình Ngày Quốc Tế giới trẻ nói lên ước muốn của ĐTC Phanxicô cống hiến cho người trẻ toàn thế giới một cái nhìn hướng thần về đời sống của họ. Ngài viết ”Thực vậy, điều tôi quan tâm là làm sao các bạn trẻ tiến bước, không những chỉ nhớ lại quá khứ, nhưng còn có can đảm trong hiện tại và hy vọng đối với tương lai” (Sứ điệp Ngày Quốc Tế giới trẻ năm 2017). Hành trình này liên kết với hành trình của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 15 sẽ tiến hành tại Roma vào tháng 10 năm nay về đề tài ”Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”. Chủ đề này mời gọi suy tư về thực tại các thế hệ trẻ đang sống, về đời sống đức tin của họ và cách thức trong đó họ đi tới những quyết định căn bản, hình thành tương lai của họ và của nhân loại. (Rei 22-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha khuyến khích các nghệ sĩ quốc tế

Đức Thánh Cha khuyến khích các nghệ sĩ quốc tế

VATICAN. ĐTC khuyến khích các nghệ sĩ tận dụng tài năng Chúa ban để phục vụ vẻ đẹp của phẩm chất cuộc sống con người, sự hoà hợp của họ với môi trường, gặp gỡ và tương trợ nhau.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 24-2-2018, dành cho 40 tham dự viên Hội nghị của tổ chức ”Phục vụ thẩm mỹ”, Diaconia della bellezza, một tổo chức được thành lập cách đây 6 năm (2012) để bắc một nhịp cầu giữa các nghệ sĩ và Thiên Chúa, giúp họ trở thành những chứng nhân về vẻ đẹp của Chúa. Thành phần của tổ chức này gồm các nhạc sĩ, thi sĩ, ca sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư hoặc điện ảnh gia, nhà điêu khắc, tài tử và vũ viên.. Tổ chức này xoay quanh 5 cột trụ chính là cầu nguyện, làm chứng tá, huấn luyện, liên đới, kiến tạo nhà nghệ sĩ và các biến cố.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến ĐTC đề cao tầm quan trọng của nghệ thuật và ngài nói: ”Những hồng ân mà anh chị em đã nhận cũng là một trách nhiệm và là một sứ vụ đối với mỗi người trong anh chị em. Thực vậy, anh chị em được yêu cầu làm việc mà không để cho mình vị thống trị vì sự tìm kiếm hư danh hoặc nổi tiếng dễ dàng, và càng không phải vì tính toán nhỏ nhen cho tư lợi… Qua những năng khiếu và kín múc nơi các nguồn mạch của linh đạo Kitô, anh chị em được kêu gọi đề nghị một cách thức khác để hiểu phẩm chất cuộc sống và khích lệ một lối sống theo tinh thần ngôn sứ, chiêm niệm, có khả năng vui mừng sâu đậm mà không bị ám ảnh vì sự tiêu thụ. Anh chị em được kêu gọi phục vụ công trình sáng tạo và bảo vệ những ốc đảo thẩm mỹ trong cách thành thị của chúng ta, quá nhiều khi bị xi-măng hóa và vô hồn”.

Trong những ngày này, các nghệ sĩ quốc tế, dưới sự hướng dẫn của Đức cha Robert Le Gall người Pháp, đã tham dự hội nghị ở Roma từ ngày 18 đến 25-2-2018. Thánh lễ khai mạc ngày 18-2, lễ kính chân phước họa sĩ Fra Angelico dòng Đa Minh, do Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng chủ sự, tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ trên đồi Minerva, bổn mạng của các nghệ sĩ. Tại nhà thờ này có mộ của chân phước Angelico (Rei 24-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Mùa Chay là thời gián hoán cải và tin vào Tin Mừng

Mùa Chay là thời gián hoán cải và tin vào Tin Mừng

Mùa Chay là thời gian sám hối hoán cải và tin vào Tin Mừng

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng ngàn tín hữu trưa Chúa Nhật thứ I mùa Chay hôm qua. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói trong Chúa Nhật thứ I Mùa Chay này Phúc Âm nhắc chúng ta nhớ tới các đề tài cám dỗ, hoán cải và Tin Mừng. Thánh sử Marco viết: “Thần Khí thúc đẩy Chúa Giêsu vào trong sa mạc và Ngài ở trong sa mạc bốn mươi ngày, bị Satan cám dỗ” (Mr 1,12-13). Chúa Giêsu vào trong sa mạc để chuẩn bị cho sứ mệnh của Ngài trong thế giới. Ngài không cần hoán cải, nhưng như là người, Ngài phải trải qua thử thách này, cho chính Ngài để vâng lời Thiên Chúa Cha, cũng như cho chúng ta để ban cho chúng ta ơn chiến thắng các cám dỗ. ĐTC giải thích như sau:

Việc chuẩn bị này hệ tại chỗ chiến đấu chống lại thần dữ, nghĩa là chống lại ma quỷ. Đối với chúng ta cũng thế mùa Chay là một thời gian của “hấp hối tinh thần”, của chiến dấu thiêng liêng : chúng ta được mời gọi đối đầu với Kẻ Dữ qua lời cầu nguyện để có khả năng chiến thắng nó trong cuộc sống thường ngày, với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Chúng ta biết, rất tiếc sự dữ hoạt động trong cuộc sống chúng ta và chung quanh chúng ta, nơi biểu lộ các bạo lực, khước từ tha nhân, các khép kín, chiến tranh và bất công. Tất cả những điều này là công việc của kẻ dữ, của sự dữ.

Ngay sau các cám dỗ trong sa mạc, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Phúc Âm, nghĩa là Tin Mừng. Đó là từ thứ hai. Từ thứ nhất là cám dỗ; từ thứ hai là Tin Mừng. Và Tin Mừng này đòi hỏi nơi con người sự hoán cải – từ thứ ba – và lòng tin. Chúa loan báo: “thời gian đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần” , rồi Ngài hướng lời mời gọi: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (c. 15), nghĩa là hãy tin vào Tin Mừng này là Nước Thiên Chúa đã gần.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: trong cuộc sống chúng ta  luôn luôn cần hoán cải – mọi ngày – và Giáo Hội khiến cho chúng ta cầu nguyện cho điều này. Thật thế, chúng ta không bao giờ hướng tới Thiên Chúa đủ, và chúng ta phải liên tục hướng tâm trí chúng ta về Ngài. Để làm điều này cần có can đảm đẩy lui mọi sự khiến cho chúng ta lệch đường: các giá trị giả dối lừa đảo chúng ta bằng cách lừa dối lôi kéo tính ích kỷ của chúng ta. Trái lại, chúng ta phải tín thác nơi Chúa, tín thác nơi lòng lành của Ngài và nơi chương trình tình yêu Ngài có đối với từng người trong chúng ta. ĐTC định nghĩa thêm mùa Chay như sau:

Mùa Chay là thời gian sám hối, đúng, nhưng không phải là một mùa buồn  sầu. Nó là  một thời gian của thống hối, nhưng không phải là thời gian sầu, muộn,  của tang chế. Nó là một dấn thân tươi vui và nghiêm chỉnh để lột bỏ chúng ta khỏi ích kỷ, khỏi con người cũ của chúng ta, và canh tân theo ơn thánh bí tích Rửa Tội của chúng ta.

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta hạnh phúc đích thực: thật là vô ích khi chúng ta mất thời giờ tìm nó ở nơi khác, nơi các giầu sang, thú vui, quyền lực, sự nghiệp… Nước Thiên Chúa là việc thực hiện tất cả các khát vọng của chúng ta, bởi vì nó cũng đồng thờì là sự cứu rỗi của con người và vinh quang của Thiên  Chúa. Trong ngày Chúa Nhật thứ nhất mùa Chay này chúng ta được mời gọi chú ý lắng nghe và tiếp nhận lời mời gọi này của Chúa Giêsu để hoán cải và tin vào Tin Mừng. Chúng ta được khích lệ dấn thân bắt đầu con đường hướng về lễ Phục Sinh, để luôn luôn đón nhận ơn thánh của Thiên Chúa, là Đấng muốn biến đổi thế giới thành một vương quốc của công lý, hoà bình và tình huynh đệ .

Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta sống mùa Chay này trong việc trung thành với Lời Chúa và với lời cầu nguyện liên lỉ, như Chúa Giêsu đã làm trong sa mạc.

Đây không phải là điều không làm được! Đó là sống các ngày đời với ước mong tiếp nhận tình yêu đến từ Thiên Chúa và muốn biến đổi cuộc sống chúng ta và toàn thế giới.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC báo cho mọi người biết trong một tháng nữa trong các ngày từ 19 tới 24 tháng 3 sẽ có 300 bạn trẻ toàn thế giới về Roma tham dự một cuộc họp để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng 10. Vì thế tôi mạnh mẽ ước mong rằng tất cả các bạn trẻ  có thể là nhân vật chính của việc chuẩn bị này. Vì vậy các bạn trẻ có thể can thiệp trên liên mạng theo các nhóm tiếng nói do các bạn trẻ khác phối hợp. Sự đóng góp của các nhóm trên mạng sẽ được kết hợp với đóng góp của cuộc họp tại Roma. Các bạn trẻ thân mến các bạn có thể tìm thấy các thông tin trên trang Web của Văn phòng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục. Tôi cám ơn sự đóng góp của các bạn giúp cùng tiến bước.

ĐTC đã chào các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô, các nhóm giáo xứ, hiệp hội và mọi tín hữu hành hương đến từ nhiều nơi trong nước Italia cũng như từ các nước khác: từ Murcia, Vannes, Varsava và Bratislava, Erba, Vignole, Fontaneto d’ Agogna, Silvi và Troina cũng như Baggio Milano và Melito Porto Salvo.

Bắt đầu mùa Chay là một con đường của hoán cải và chiến đấu chống lại sự dữ, tôi muốn đặc biệt cầu chúc các anh chị em tù nhân: anh chị em tù nhân thân mến tôi khích lệ từng người trong anh chị em sống thời gian chay tịnh này như dip hoà giải và canh tân cuộc sống của mình dưới cái nhìn thương xót của Chúa. Ngài không bao giờ mệt mỏi tha thứ.

Tôi xin mọi người nhớ cầu nguyện cho tôi và cho các cộng sự viên của Toà Thánh bắt đầu tuần tĩnh tâm chiều nay. Xin chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành.

Linh Tiến Khải

“Thật là đẹp nếu Ấn độ có một Hồng Y từ giai cấp cùng đinh dalit”

“Thật là đẹp nếu Ấn độ có một Hồng Y từ giai cấp cùng đinh dalit”

Chennai – “Thật là đẹp nếu Ấn độ có một Hồng Y từ giai cấp cùng đinh dalit.” Đó là ý kiến của cha Jerry Rosario, dòng Tên, ở Tamil Nadu, Ấn độ. Cha Rosario hy vọng Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ xem xét ý tưởng này vì nó thích hợp với chủ trương của Đức Giáo Hoàng – nhìn nhận các vùng ngoại biên.

Cha Rosario là một thần học gia nổi tiếng, một nhà văn, nhà hoạt động xã hội và hiện tại là giám đốc của Dhyana Ashram ở Mylapore. Cha cũng là giáo sư thỉnh giảng tại 45 học viện và đại học và là người sáng lập 4 phong trào: “Dhanam” nghĩa là trao tặng, hiến tặng máu và các cơ phận; JEPASA, “Các mục tử dòng Tên ở Nam Á”, để linh hoạt mục vụ xã hội; IGFA, “Gia đình thánh Inhaxiô”, cho linh đạo thánh Inhaxiô; và MANITHAM (“nhân loại”) cho việc phân tích và hoạt động chính trị.

Cha Rosario giải thích: “Việc chọn một Hồng y từ giai cấp dalit sẽ cùng ở trong cùng quan điểm của Công đồng Vatican II, mang Giáo hội bao gồm hơn và đối thoại hơn với cuộc sống và trong sứ vụ, như thế trở nên Công giáo hơn.” Cha Rosario nói thêm: “Một Hồng y từ giai cấp dalit, đến từ cộng đồng bộ tộc, có thể sẽ rất quan trọng đối với chúng tôi, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia cực đoan hiện nay.”

Cho đến nay, Ấn độ có 13 Hồng y, kể từ Đức Hồng y Valerian Gracias, Tổng Giám mục Bombay, vào năm 1953. Các Hồng y đại diện cho các cộng đoàn ở các vùng và các nghi lễ trong Giáo hội Ấn độ.

Cha Rosario đã phục vụ 18 năm giữa các người thuộc giai cấp dalit, những người nghèo trong các vùng quê xa xôi và các khu ổ chuột. Cha được mọi người biết đến như “Linh mục chân đất” bởi vì cha từ chối mang giày dép, như dấu hiệu sự liên đới của cha với những người dalit mà theo truyền thồng giai cấp ở Ấn độ họ không có quyền mang giày dép.

Giai cấp dalit chiếm 65% số tín hữu Công giáo. Dalít, nghĩa là bị đàn áp, nhưung cũng nghĩa là “không được chạm đến”, họ không nằm trong hệ thống giai cấp hoặc nằm ở cấp thứ 5 theo hệ thống tôn giáo và xã hội Ấn giáo. (Agenzia Fides 17/2/2018)

Hồng Thủy

 

Đức Thánh Cha tiếp Đại chủng viện miền Sardegna

Đức Thánh Cha tiếp Đại chủng viện miền Sardegna

VATICAN. ĐTC mời gọi các chủng sinh thuộc miền Sardegna hãy chuẩn bị để trở thành các ”LM của dân và cho dân chúng”.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 17-2-2018 dành cho ban Giám đốc, Giảng Huấn và các chủng sinh Đại chủng viện miền Sardegna ở Italia, tổng cộng là 80 người, nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Đại chủng viện này dành cho 10 giáo phận tại đảo Sardegna.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói với các chủng sinh: ”Sự nghèo nàn về vật chất và tinh thần của nhiều người ngày nay càng làm cho điều mà từ xưa đến nay vẫn được yêu cầu, đó là các mục tử phải quan tâm đến người nghèo, có khả năng ở với họ, nhờ một lối sống đơn sơ, để người nghèo cảm thấy các thánh đường của chúng ta trước tiên là nhà của họ. Tôi khuyến khích các thầy ngay từ bây giờ hãy chuẩn bị trở thành các LM của dân và cho dân, chứ không phải là những người thống trị đoàn chiên được ủy thác cho các thầy” (Xc 1 Pr 5,3), nhưng là những người phục vụ. Giáo Hội rất cần những người của Chúa, biết nhìn điều cốt yếu, sống điều độ và trong sáng, không hoài tưởng quá khứ, nhưng có khả năng nhìn về đằng trước theo truyền thống lành mạnh của Giáo Hội”.

ĐTC cũng nhắc nhở các vị đào tạo ở chủng viện về vai trò chủ yếu của các vị, vì chất lượng của linh mục phần lớn tùy thuộc sự dấn thân của các vị có trách nhiệm đào đạo. Các vị ấy được kêu gọi hoạt động ngay chính và khôn ngoan để phát triển nhân cách lời nói đi đôi với việc làm và quân bình, có khả năng đảm nhận sứ vụ linh mục một cách hữu hiệu và chu toàn trong tinh thần trách nhiệm” (Rei 17-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Hội Pro Petri Sede giúp Đức Thánh Cha 300 ngàn Euro

Hội Pro Petri Sede giúp Đức Thánh Cha 300 ngàn Euro

VATICAN. Sáng 16-2-2018, ĐTC đã tiếp kiến 50 người đại diện Hội ”Pro Petri Sede” (Phò Tòa Thánh Phêrô), từ Vương quốc Bỉ, đến trao cho ngài ngân khoản hỗ trợ các công việc bác ái của Tòa Thánh.

 Ngân khoản này là 300 ngàn Euro được Hội quyên góp trong năm 2016.

 ĐTC nhiệt liệt cám ơn sự trợ giúp của Hội, đồng thời ngài đề cao giá trị của việc làm phúc bác ái và nói rằng: ”Đứng trước nhận định về một thế giới đầy dửng dưng, bạo lực, ích kỷ và bi quan, chúng ta nên tự hỏi xem phải chăng ngày nay thế giới đang thiếu tình bác ái, nơi các tâm hồn và trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân? Đó cũng là câu hỏi mà tôi nêu lên trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay: Phải chăng đức bác ái đã tắt lịm trong tâm hồn chúng ta? Nhìn thẳng vào thực tại thật là điều bõ công, và nên sử dụng các phương thế mà chính Thiên Chúa ban cho giáo hội”.

Trong chiều hướng này, ĐTC nhấn mạnh 3 phương thế là cầu nguyện, chay tịnh và làm phúc bố thí: ”Cầu nguyện đặt chúng ta trên con đường sự thật về bản thân chúng ta và về Thiên Chúa; chay tỉnh giúp chúng ta chia sẻ tình trạng của bao nhiêu người đang đương đầu với những hành hạ của nạn đói và làm cho chúng ta quan tâm hơn đến tha nhân. Việc làm phúc là một cơ hội được chúc phúc để cộng tác với Chúa Quan Phòng, hầu mưu ích cho những người con của Chúa. Tôi mời gọi anh chị em hãy biến việc làm phúc thành một lối sống và kiên trì trong việc trợ giúp cụ thể cho những người túng thiếu. Sự dấn thân này ngày càng đòi anh chị em, ngoài trợ giúp vật chất, còn cần quan tâm cống hiến tình người, giúp người được hỗ trợ cảm thấy được đón nhân, cống hiến sự tôn trọng và tình huynh đệ, mà nếu không có những yếu tố này không ai tìm lại được can đảm và tái hy vọng nơi tương lai”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC cũng nhắc đến Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ vào tháng 10 năm nay và ngài nhận định: ”Công nghị Giám Mục này sẽ giúp khơi dậy ơn gọi LM và tu sĩ tại các quốc gia của anh chị em”.

3 nước Bỉ – Hòa Lan- Lục Xâm Bảo (Benelux) đang thiếu ơn gọi trầm trọng. Năm 1960 tại Bỉ có hơn 10 ngàn LM, nhưng năm 2015 chỉ còn 3 ngàn LM. Ngoài ra trong số 100 chủng sinh hồi năm 2015 tại 3 nước này, thì có hơn 40 thầy là người nước ngoài (Rei 16-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha gặp hàng giáo sĩ Roma

Đức Thánh Cha gặp hàng giáo sĩ Roma

ROMA. ĐTC nhắn nhủ các LM hãy chọn cho mình một vị hướng dẫn khôn ngoan và kinh nghiệm trong cuộc sống và sứ vụ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc gặp gỡ theo truyền thống với hàng giáo sĩ Roma, sáng thứ năm 15-2-2018 tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano. Đa số các LM hiện diện là các cha sở.

Đến nơi vào lúc 10 giờ rưỡi, ĐTC đã cùng các linh mục cử hành buổi thống hối tập thể và sau đó ngài giải tội cho nhiều linh mục.

Trong cuộc đối thoại tiếp đó, ĐTC đã trả lời các câu hỏi do 3 LM nêu lên về cách thức sống sứ vụ: bắt đầu là một LM trẻ, rồi đến 1 LM trung tuổi và sau cùng là một LM cao niên.

Với mỗi lứa tuổi, ĐTC đều đưa ra những nhận định và lời khuyên thực tế: ngài nói: ”các LM hãy tìm kiến một vị hướng dẫn khi còn trẻ ở ở tuổi trung niên, và cũng hãy sẵn sàng làm người hướng dẫn khi ở tuổi cao niên.”

ĐTC nói đến những rủi ro và tiềm năng của mỗi lứa tuổi. Với các LM trẻ, ngài khuyên không nên quá để ý đến những hoàn cảnh của cuộc sống, nhưng hãy kiến tạo cho mình một lối sống, một đường lối hợp với mình để thi hành sứ vụ. LM là người độc thân nhưng không thể sống một mình, cần có một người hướng dẫn giúp mình phân định trong thời kỳ phong phú của đời sống linh mục.

Với những LM ở lứa tuổi 40, 50, ĐTC ví tuổi này của LM giống như một người chồng đã qua thời kỳ yêu đương và cảm xúc của người trẻ. Cũng vậy, trong tương quan với Thiên Chúa, ở lứa tuổi này càng cần có người hướng dẫn để phân định, cần cầu nguyện nhiều hơn, vì tiến bước một mình là điều nguy hiểm. Đó là lúc ta thấy các con cái thiêng liêng tăng trưởng, nhưng sự phong phú của mình bắt đầu suy giảm. Điều quan trọng là không chùn bước, không chiều theo nhiều cám dỗ ở tuổi này.

Với các LM trên 50 tuổi, và có nhiều năm sứ vụ, ĐTC nhận xét rằng đây là thời kỳ khôn ngoan trong đó các LM được kêu gọi cống hiến sự dễ thương dễ mến và sẵn sàng, kể cả bằng nụ cừơi. Cần làm sao để các tín hữu đến xưng tội với một LM cao niên, không cảm thấy sợ hãi, nhưng thấy đó là một người niềm nở tiếp đón.

ĐTC xác tín rằng các LM cao niên vẫn còn có thể làm nhiều việc, nhất là việc mục vụ bằng tai, nghĩa là lắng nghe, gần gũi những người đau khổ, bày tỏ lòng cảm thương đối với họ. Đó là thời kỳ tha thứ vô điều kiện. Ngài cũng mời gọi các LM cao nhiên hãy đối thoại với các LM trẻ và giúp họ tìm ra những căn cội mà thế hệ ngày nay đang cần.

Sau cùng, ĐTC cũng nói về tương quan giữa LM và con người, xã hội ngày nay. Ngài nói: ”cần phải nhìn thực tại như nó đang xảy ra, vì thực tại luôn tiềm ẩn một cái gì cao cả. Nhìn thực tại nhưng không sợ thực tại. Có những lối cư xử không hợp luân lý, mà chúng ta không quen nhận thấy, nhưng đó là những thách đố, và cũng có những thực tại tốt đẹp”.

Sau cuộc gặp gỡ, ĐTC đã về đại chủng viện gần đó của giáo phận Roma để dùng bữa với các chủng sinh (Rei 15-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Tự sắc mới của Đức Thánh Cha về việc từ chức vì lý do tuổi tác

Tự sắc mới của Đức Thánh Cha về việc từ chức vì lý do tuổi tác

VATICAN. ĐTC đã ban hành tự sắc qui định về việc từ chức vì lý do tuổi tác của các chức sắc Giáo Hội do ĐGH bổ nhiệm.

Tự sắc mang tựa đề ”Học giã từ” (Imparare a congedarsi) được công bố hôm 15-2-2018, trong đó sau phần dẫn nhập, ĐTC qui định rằng:

Điều 1 – Khi tròn 75 tuổi, các GM giáo phận và các vị tương đương, cũng như các GM Phó và Phụ tá, hoặc GM hiệu tòa với trách vụ mục vụ đặc biệt, được mời đệ đơn từ chức lên ĐTC. (art.1)

Điều 2 – Khi tròn 75 tuổi, các vị thủ lãnh cơ quan Tòa Thánh không phải là Hồng Y, các Bề trên cấp cao của giáo triều Roma và các GM thi hành các chức vụ khác thuộc Tòa Thánh, không ngưng chức ngay lập tức, nhưng phải đệ đơn từ chức lên ĐTC. (art.2)

Điều 3. – Cũng vậy, các Đại diện Tòa Thánh không chấm dứt nhiệm vụ ngay lập tức khi tròn 75 tuổi, nhưng phải đệ đơn từ chức lên ĐTC. (art 3)

Điều 4 để có hiệu lực, việc từ chức nói ở các điều trên đây phải được ĐGH chấp thuận, ngài quyết định sau khi cứu xét các hoàn cảnh cụ thể. (art 4)

Điều 5 – Sau khi đệ đơn từ chức, chức vụ nói ở 3 điều trên đây được coi là được gia hạn cho đến khi việc chấp nhận đơn từ chức hoặc kéo dài được thông báo cho đương sự, trong thời gian được xác định hoặc không xác định, trái với những gì được qui định trong khoản giáo luật số 189 triệt 3.

Trong phần dẫn nhập trước đó, ĐTC giải thích rằng nếu một vị ”được yêu cầu một cách ngoại lệ tiếp tục việc phục vụ trong một thời gian dài hơn, điều này bao hàm vị ấy quảng đại từ bỏ những dự phóng mới riêng của mình. Tình trạng này không được coi là một đặc ân, một chiến thắng cá nhân, hoặc một ân huệ do việc chấp nhận sự bó buộc vì tình bạn hay vì sự gần gũi, và cũng chẳng phải là một sự thưởng công vì đã làm việc hữu hiệu. Mỗi sự gia hạn chỉ có thể hiểu vì những lý do liên hệ tới công ích của Giáo Hội”.

Các qui luật trên đây được đăng trên báo ”Quan sát viên Roma” và có hiệu lực từ ngày đăng trên báo này, và sau đó sẽ được đăng trên Công báo của Tòa Thánh. (Rei 16-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Sống mùa Chay trong cầu nguyện và yêu thương liên đới trợ giúp

Sống mùa Chay trong cầu nguyện và yêu thương liên đới trợ giúp

Trưa thứ tư hôm qua tuy trời Roma mưa nhưng cũng đã có  hơn 15,000 tín hữu tham sự buổi gặp gỡ chung với ĐTC tại quảng trường thánh Phêrô. Mở đầu buổi tiếp kiến ĐTC chào mọi người và nói hôm nay trời hơi xấu. Nhưng nếu tâm  hồn vui luôn thì nó là một ngày tốt. Vì thế xin chào anh chị em. Hôm nay buổi tiếp kiến gồm hai nơi: có một nhóm nhỏ các bệnh nhân ở trong đại thính đường vì trời xấu, và chúng ta ở đây. Nhưng chúng ta trông thấy họ và họ trông thấy chúng ta trên màn hình khổng lồ. Chúng ta chào họ bằng một tràng pháo tay.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Lễ và giải thích Kinh Tin Kính và lời nguyện giáo dân. Ngài nói: Việc lắng nghe các bài đọc kinh thánh được kéo dài trong bài giảng đáp ứng điều gì?: Nó đáp ứng một quyền: quyền thiêng liêng của dân Chúa nhận được dồi dào kho tàng Lời Chúa (Dẫn nhập… 45). Mỗi người trong chúng ta khi đi dự Thánh Lễ có quyền được nhận một cách dồi dào Lời Chúa được đọc tốt, nói tốt và rồi được giải thích trong bài giảng. Đó là một quyền. Và khi Lời Chúa không được đọc tốt, không được giảng giải với lòng sốt mến bởi phó tế, linh mục hay giám mục, thì thiếu sót đối với quyền của tín hữu. Chúng ta có quyền lắng nghe Lời Chúa. Chúa nói với tất cả mọi người, các chủ chăn và tín hữu. Ngài gõ cửa trái tim của những người tham dự Thánh Lễ, mỗi người trong điều kiện sống, tuổi tác, hoàn cảnh của mình. Ngài an ủi, mời gọi, dấy lên các mầm của cuộc sống mới và được hoà giải. Và điều này qua Lời Ngài. Lời Ngài gõ cửa con tim và thay đổi các con tim.

Vì thế sau bài giảng là một lúc thinh lặng cho phép vùi trong tâm hồn hạt giống đã nhận lãnh, để nảy sinh ra các quyết tâm gắn bó với những gì Thần Khí đã gợi lên cho từng người. Sự thinh lặng sau bài giảng. Một sự thinh lặng đẹp cần phải giữ ở đó, và mỗi người phải suy nghĩ điều đã lắng nghe.

Sau lúc thinh lặng này Thánh Lễ tiếp tục ra sao? Câu trả lời cá nhân của đức tin được lồng khung vào trong việc tuyên xưng niềm tin của Giáo Hội, được diễn tả ra trong Kinh Tin Kính. Chúng ta tất cả đều đọc Kinh Tin Kính trong Thánh Lễ. ĐTC giải thích như sau:

** Được toàn cộng đoàn đọc chung Kinh Tin Kính biểu lộ câu trả lời chung cho những gì đã cùng được lắng nghe từ lời Chúa (GLGHCG, 185-197). Có một mối dây sống động giữa việc lắng nghe và  tin. Chúng hiệp nhất. Thật ra đức tin không nảy sinh từ sự tưởng tượng của trí óc con người, nhưng như thánh Phaolô nhắc nhớ, “nó đến từ việc lắng nghe và việc lắng nghe liên quan tới lời của Chúa Kitô” (Rm 10,17). Như vậy, Đức tin được dưỡng nuôi với việc lắng nghe và dẫn đưa tới Bí Tích. Vì thế việc đọc Kinh Tin Kính khiến cho cộng đoàn phụng vụ “suy gẫm trở lại và tuyên xưng các mầu nhiệm lớn của đức tin, trước khi cử hành trong Thánh Thể” (Trật tự.. 67).

Kinh Tin Kính nối Thánh Thể với bí tích Rửa Tội đã được lãnh nhận nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, và nhắc cho chúng ta nhớ rằng các Bí Tích chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng đức tin của Giáo Hội.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC đã trình bầy Lời nguyện giáo dân như sau:

Thế rồi việc đáp lại Lời Chúa đã được tiếp nhận với lòng tin đuợc diễn tả ra trong lời khẩn nài chung, được gọi là Lời cầu đại đồng, bởi vì nó ôm trọn các nhu cầu của Giáo Hội và thế giới (Trật tự, 69-71; Dẫn nhập vào Sách Bài Đọc, 30-31). Nó cũng được gọi là Lời nguyện giáo dân.

Các Nghị Phụ Công Đồng Chung Vaticăng II đã muốn lấy lại lời nguyện này sau Phúc Âm và bài giảng, đặc biệt là trong ngày Chúa Nhật và các ngày lễ, để “với việc tham dự của dân, cầu nguyện cho Hội Thánh, cho giới cầm quyền, cho những người đang có các nhu cầu khác nhau, cho tất cả mọi người và cho ơn cứu độ của toàn thế giới” (CS, 53; 1 Tm 2,1-2). Vì vậy dưới sự hướng dẫn của linh mục mở đầu và kết thúc, “dân thực thi chức linh mục rửa tội của mình dâng lên Thiên Chúa các lời cầu nguyện cho ơn cứu độ của tất cả mọi người” (Trật tự, 69). Sau các ý chỉ đặc biệt được phó tế hay một người đọc xướng lên cộng đoàn hiệp tiếng khẩn nài của mình: “Lậy Chúa, xin nghe lời chúng con”.

** Thật ra, chúng ta hãy nhớ tới điều Chúa Giêsu đã nói: “Nếu các con ở lại trong lời Thầy và lời Thầy ở lại trong các con, thì hãy xin những gì các con muốn và sẽ được ban cho các con” (Ga 15,7). Nhưng chúng ta không tin điều này, vì chúng ta ít đức tin. Nhưng nếu chúng ta có lòng tin – Chúa Giêsu nói – chỉ như hạt cải thôi, thì chúng ta sẽ nhận được tất cả. “Các con hãy xin điều các con muốn và sẽ được ban cho các con”. Và trong lời cầu nguyện đại đồng sau Kinh Tin Kính là lúc xin Chúa những điều mạnh mẽ nhất trong Thánh Lễ, những điều chúng ta cần, những điều chúng ta muốn. “Sẽ được làm cho các con”; trong một cách này hay cách khác nhưng “Sẽ được làm cho các con”.

Tất cả đều có thể đối với người tin”, Chúa đã nói thế. Người mà Chúa đã nói câu này với ông mọi sự đều có thể đới với kẻ tin đã trả lời ra sao? Ông đã nói: “Lậy Chúa, con tin Xin trợ giúp lòng tin  ít ỏi của con”. Cả chúng ta cũng có thể nói: “Lạy Chúa, con tin. Nhưng xin nâng đỡ lòng tin ít ỏi của con”. Và đó là lời cầu mà chúng ta phải làm với tinh thần đức  tin: “Ly Chúa con tin, xin trợ giúp lòng tin ít ỏi của con”.

Các yêu sách của luận lý trần gian trái lại không nâng cao lên Trời, cũng như các lời xin tự quy chiếu về mình không được lắng nghe (x. Gc 4,2-3). Các ý chỉ, qua đó dân được mời cầu xin, phải trao ban tiếng nói cho các nhu cầu cụ thể của cộng đoàn giáo hội, bằng cách tránh dùng các công thức quy ước và cận thị. Lời nguyện phổ quát  kết thúc phụng vụ Lời Chúa, khích lệ chúng ta lấy làm của mình cái nhìn của Thiên Chúa là Đấng săn sóc mọi con cái của Ngài.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương hiện diện đến từ Anh quốc, Ai len, Trung Quốc, Hoa Kỳ, cũng như từ Pháp, Bỉ, đặc biệt các bạn trẻ Paris, Saint Cloud, Aix và Perigueux, cũng như từ Đức. ĐTC nói thứ tư lễ Tro hôm nay bắt đầu Mùa Chay chuẩn bị tinh thần cho chúng ta mừng lễ Phục  Sinh. Tôi xin mời gọi anh chị em bước vào thời gian hoán cải này bằng cách dành nhiều chỗ hơn cho lời cầu nguyện và chia sẻ với người nghèo trong cuộc sống của anh chị em.

Với các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ĐTC đặc biệt chào các tín hữu đến từ Caravaca de la Cruz với ĐGM Jose Manuel Lorca, các tín hữu giáo xứ Đức Bà de Resgate, các thành viên hiệp hội Cuộc sống gia đình cũng như các giáo sư sinh viên học sinh trường Thánh Teotonio.

Với các nhóm Ba Lan và Ý ĐTC đặc biệt chào các tham dự viên khoá hội học do Bộ Giáo Sĩ tổ chức cho các vị hữu trách việc đào tạo thường huấn bên châu Mỹ Latinh, các thừa sai dòng Claret, nhóm 55 nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres trong đó có một số chị Việt Nam, các nữ tử Chúa Giêsu, cũng như các bạn trẻ tới từ nhiều giáo xứ khác nhau, đặc biệt các bạn trẻ mới chịu phép Thêm Sức vùng Valbona, Lozzo Atestino, Monselice và Arqua Petrarca, các hiệp hội và học viện Arca di Legnano và De Filippo Roma.

Ngài cũng chào đông đảo giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn. ĐTC cầu chúc mọi người sống mùa Chay trong tinh thần cầu nguyện, thực thi tình bác ái yêu thương, và liên đới trợ giúp người nghèo. Người trẻ trở về với Thiên Chúa là cha giang tay chờ đón; người đau yếu biết dâng mọi khổ đau cho Chúa; và các cặp vợ chồng mới cưới biết xây dựng cuộc sống gia đình trên tình yêu thương.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

 

Đức Thánh Cha chủ sự lễ Tro, khai mạc mùa chay

Đức Thánh Cha chủ sự lễ Tro, khai mạc mùa chay

ROMA. Chiều thứ tư lễ tro 14-2-2018, ĐTC đã chủ sự thánh lễ khai mạc mùa chay thánh, với nghi thức xức tro tại Đền thờ Thánh nữ Sabina ở Roma.

Từ Vatican ĐTC đã đến Nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức, và từ đây lúc 4 giờ rưỡi ngài chủ sự cuộc rước thống hối tới đền thờ Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Roma.

Đi trong đoàn rước với ĐTC, có hàng chục HY, GM, đông đảo tu sĩ dòng Biển Đức và Đa Minh, trong đó có 2 vị Bề trên Tổng quyền của 2 dòng liên hệ. Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, ĐTC đã chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị đại diện Hội Hiệp sĩ Malta có trụ sở trung ương gần đó.

Trong bài giảng Thánh lễ, ĐTC cảnh giác các tín hữu trước cám dỗ gieo rắc sự nghi kỵ, bất tín nhiệm, đứng trước những đau khổ và bất định của người khác. Sự thiếu tin tưởng, dửng dưng và thái độ cam chịu: chính ma quỉ làm linh hồn của các tín hữu bị tê liệt và không còn nhạy cảm nữa.

 ĐTC mời gọi các tín hữu, trong mùa chay, mùa thuận tiện này, hãy dừng lại, nhìn và trở về:

 – Dừng lại trong cuộc sống xô bồ, đầy xáo trộn, không còn thời giờ cho gia đình, bạn hữu, con cái, ông bà nội ngoại… Dừng lại trước xu hướng muốn kiểm soát mọi sự, muốn biết tất cả, tàn phá tất cả, nó nảy sinh từ sự quên lòng biết ơn vì hồng ân sự sống và bao nhiêu điều tốt lành đã nhận được.

 – Hãy nhìn những dấu hiệu giữ cho ngọn lửa đức tin và đức cậy được luôn sinh động, ngăn cản không để đức ái bị tắt lịm; hãy nhìn khuôn mặt của gia đình, của bao nhiêu khuôn mặt những người đang gọi hỏi chúng ta, những mầm mống tình thương và sự sống luôn hiện hữu giữa những tính toán nhỏ nhen và ích kỷ của chúng ta.. Hãy nhìn và chiêm ngắm Đấng là Tình Thương bị đóng đanh, ngày nay từ trên Thánh Giá tiếp tục mang lại hy vọng..

 – Sau cùng hãy trở về Nhà Cha đừng sợ hãi và để cho tâm hồn mình được Ngài đánh động, hãy trở về không chút sợ hãi để cảm nghiệm sự dịu dàng chữa lành và hòa giải của Thiên Chúa!

Trong nghi thức sau bài giảng, ĐHY Jozef Tomko, 94 tuổi người Slovak, nguyên Tổng trưởng Bộ truyền giáo, có nhà thờ hiệu tòa là Đền thờ thánh nữ Sabina, đã bỏ tro trên đầu ĐTC, trước khi ngài bỏ tro cho các Hồng y và một số tín hữu, trong khi 12 LM Đa Minh và Biển Đức bỏ tro trên đầu các tín hữu hiện diện. (SD 14-2-2018)

 G. Trần Đức Anh OP

Bài phát biểu của ĐHY Leonardo Sandri về quyền tự do tôn giáo

Bài phát biểu của ĐHY Leonardo Sandri về quyền tự do tôn giáo

Chiều ngày 30 tháng giêng vừa qua cuộc hội thảo về đề tài “Tự do tôn giáo” đã được toà đại sứ Anh quốc cạnh Toà Thánh tổ chức tại Đại học giáo hoàng Gregoriano ở Roma nhân chuyến viếng thăm của ông Ahmad Wimbledon, Bộ trưởng ngoại vụ Anh và của khối Thịnh Vượng Chung đặc trách  chống khủng bố và khuynh hướng bạo lực quá khích. Tham dự buổi diễn thuyết đã có ĐTGM Artur Roche, Thư ký Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, ĐTGM Silvano Tomasi, vài thành viên ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh, vài nhân viên thuộc các cơ quan trung ương của Toà Thánh, các giáo sư và sinh viện đại học Gregoriana.

ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, đã thuyết trình mở đầu cuộc hội thảo. Sau đây là nội dung bài nói chuyện này của ĐHY.

Sau khi chào mọi người hiện diện ĐHY cho biết những gợi ý ngài nói lên ở đây phát xuất từ kinh nghiệm riêng của ngài, cũng như từ các khẳng định của Giáo Hội công giáo liên quan tới vấn đề tự do tôn giáo, đặc biệt là kinh nghiệm ĐHY đã có trong những năm là Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, cũng như tại Trung Đông và Ấn Độ. Các Kitô hữu những vùng này  được mời gọi sống mỗi ngày trong các bối cảnh, trong đó một đàng là sự chung sống và cộng tác giữa những người và những gia đình khác tôn giáo, nhưng đôi khi cũng phải gánh chịu các khổ đau lớn lao khi vài quyền nền tảng của bản vị con ngưòi – đặc biệt là quyền tự do tôn giáo –  bị vi phạm hay ít nhất đã không được bảo đảm đầy đủ. Chính ĐHY đã sống kinh nghiệm được đón tiếp nồng hậu trong các nơi thờ tự không kitô, chẳng hạn như trong đền thờ hồi giáo tại Kirkuk bên Iraq, hay trong đền thờ Astana bên Kazakstan, cũng như tại nhiều đền thờ hồi giáo khác khi tháp tùng các Giáo Hoàng trong các chuyến công du, thí dụ như tại Thổ Nhĩ Kỳ và bên Siria. Tuy nhiên, ĐHY cho biết ngài cũng đã tiếp nhận các âu lo đối với vài kinh nghiệm khổ đau và các vết thương liên quan tới tự do tôn giáo. Chính vì thế ĐHY cám ơn tất cả những ai trên bình diện quốc gia và quốc tế góp phần bảo vệ quyền tự do tôn giáo.

Trong ngàn năm mới ĐHY đã sống kinh nghiệm là Sứ Thần Toà Thánh tại Mêhicô, trước khi đuợc gọi về Roma như là Phụ tá quốc vụ khanh Toà Thánh. Hơn một năm trước đó chân phước Jose Sanchez del Rio, một thiếu niên tử đạo khi lên 15 tuổi đã đuợc tôn phong hiển thánh. Thánh nhân đã chết trong cuộc bách hại tàn bạo nhằm tiêu diệt quyền tự do tôn giáo, là quyền cản bản của con người. Trong cuộc bách hại đó tại Mêhicô các linh mục bị bó buộc phải trốn tránh và sống trong tình trạng hầm trú, bắt đầu từ ngày 31 tháng 7 năm 1926, khi chức thừa tác linh mục bị cấm và việc thực hành phung tự bị nhà nước kiểm soát nghiêm ngặt. Thiếu niên Jose tự ý xin chịu tử đạo, khi cầu nguyện bên cạnh mộ của trạng sư Anacleto Gonzalez Flores, bị giết bởi những nguời thù ghét đức tin, hiện cũng đã được phong chân phước.

** Ai đã xem cuốn phim tựa đề “Cristiada” đã có thể gặp gỡ chứng tá của thiếu niên tôn sùng Chúa Kitô Vua và Đức Trinh Nữ Guadalupe sống tại Michoacán. Đôi khi các chuyện này đã xảy ra cách đây gần một thế kỷ, đối với chúng ta xem ra là các bức tranh của thời kỳ đó, chắc chắn là đáng khâm phục, nhưng không liên lụy gì tới chúng ta. Tôi vẫn còn nhớ ánh mắt của một thiếu niên trạc tuổi với thánh Jose Sanchez del Rio tại Baghdad hồi tháng 5 năm 2015. Khi đó tôi vừa kết thúc chuyến viếng thăm  và dùng bữa trưa với một nhóm người tỵ nạn gần nhà thờ chính toà Latinh của thành phố. Thiếu niên Joussef kéo tôi riêng ra và kể cho tôi nghe cuộc đời của anh: cha anh bỏ rơi mẹ anh và bà bị bó buộc phải lấy một người đàn ông hồi. Youssef chào đời, được rửa tội và lớn lên như kitô hữu, vì chưa tới 18 tuổi, nhưng kết quả là trong danh sách khai sinh lại bị coi như là người hồi giáo. Bình thường thì mọi sai lầm danh sách đều có thể sửa đổi, nhưng đây lại không phải là trường hợp của Youssef, bởi vì tại nước Iraq tân tiến sau hai trận chiến của vùng Vịnh, đối với một người trẻ hay người lớn đã không có khả thể thay đổi tôn giáo: các cuộc thảo luận đã được tiến hành từ hai năm nay nhưng rất tiếc chúng cho thấy một khung cảnh đáng quan ngại.

Trong môi trường tây phương của chúng ta thì chắc chắn sẽ có nhiều người đề nghị với Youssef rằng điều quan trọng là sống đức tin kitô của mình một cách cá nhân, còn chuyện  trong sổ sách ghi đạo gì không phải là điều quan trọng. Hơn nữa còn có người cho rằng sự kiện ghi đanh không phải là kitô hữu ít gây trở ngại cho công ăn việc làm, cả đối với các văn phòng xã hội nữa. Nhưng đối với Youssef đây không phải là vấn đề nhãn hiệu hay một tên gọi, mà liên quan tới ý nghĩa của một sự tuỳ thuộc: tôi là kitô hữu, và tôi tranh đấu để căn tính này của tôi được thừa nhận, và tôi xin được trợ giúp để có thể làm được điều đó. Cuộc chiến đấu giúp khẳng định quyền tự do tôn giáo chưa chiến thắng.

Chính các vị tử đạo của quyền tự do tôn giáo, hôm qua và hôm nay, mời gọi chúng ta sống các thách đố này, không phải với một tinh thần đòi bồi thường hay hầu như chúng ta là phần của một tổ chức truyên truyền chính trị, nhưng với thái độ của các tín hữu. Ai đã thấy và trông thấy đặt vấn đề về quyền căn bản này của con người, làm chứng cho chúng ta về việc gắn bó với Chúa một cách sâu xa và nhập thể, giải thoát từ trái tim của mình một khả năng nói chuyện thân tình với Thiên Chúa. Khả năng gắn bó thân tình này với Chúa trợ giúp đức tin bên Tây  Phương của chúng ta, một đức tin nhiều khi đã quá  ngủ thiếp đi.

** Thật tốt cho tất cả chúng ta, khi nhớ rằng đối với Giáo Hội công giáo việc khẳng định quyền tự do tôn giáo đã đòi hỏi một lộ trình ý thức từ từ, trải qua các biến cố đổi thay. Chúng ta hãy nghĩ tới các lời mà Đức Gioan Phaolô II đã nói trong Ngày tha thứ của Năm Thánh 2000, 12 tháng 3: “Lậy Chúa, là Thiên Chúa của tất cả mọi người, trong vài thời đại của lịch sử các kitô hữu đã nhượng bộ các phương thế bất khoan nhượng và đã không theo giới răn lớn lao của tình yêu, bằng cách làm vẩn đục gương mặt của Giáo Hội, Hiền Thê của Chúa. Xin thương xót các con cái tội lỗi của Chúa và đón nhận cương quyết của chúng con tìm kiếm và thăng tiến chân lý  trong sự dịu hiền của lòng bác ái, vì biết rằng chân lý chỉ chiến thắng  nhờ sự thật”. Phần cuối cùng của lời nguyện này bắt nguồn từ đoạn đầu tiên của Tuyên ngôn công đồng về “Phẩm giá con người” liên quan tới tự do tôn giáo. Trực giác này thật tốt cho chúng ta: nhớ tới Sự Thật Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, nhưng nhớ rằng Sức mạnh của của nó không do chúng ta trao ban, nhưng do Ngài là Chúa của lịch sử, và chúng ta càng để cho con tim và hành động của mình phù hợp với Ngài, thì chúng ta lại càng vén mở cho thấy mình là muối đất và ánh sáng thế gian.  Nếu trong quá khứ – theo tâm thức phổ biến thời đó – cả chúng ta nữa cũng đã nghĩ rằng Tin Mừng được cứu vãn, bởi vì hệ thống xã hội áp đặt nó như là có giá trị nhất, và để bênh vực hệ thống hơn là bênh vực Tin Mừng mà vài người đã rơi vào các thái độ  ít mang tinh thần Tin Mừng, thì lập trường của chúng ta ngày nay đối với các anh chị em khác trong gia đình nhân loại không phải là lên án, nhưng là trường kỳ mời gọi tái lên đường mỗi ngày. Chỉ có người lữ hành hướng tới Sự Tuyệt Đối của Thiên Chúa trong lịch sử mới có thể tiến tới chỗ khẳng định, như truyên ngôn về Tự do tôn giáo đã làm, khi tuyên bố rằng: “Con người có quyền tự do tôn giáo. Nội dung của quyền tự do này là con người không bị chi phối bởi sự cưỡng bách từ phiá các cá nhân, đoàn thể xã hội, hay bất cứ quyền bính trần gian nào khác. Như thế, trong lãnh vực tôn giáo không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm mình, cũng không bị ngăn cấm hành động nào theo lương tâm, cho dù đó là hành động riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn chính đáng. Ngoài ra, tài liệu còn tuyên bố rằng tự do tôn giáo thực sự được xây dựng trên chính phẩm giá con người, như được lời Thiên Chúa mạc khải và chính lý trí cho biết. Quyền tự do tôn giáo này  của con người phải được thừa nhận và coi như quyền dân sự trong trật tự pháp lý của xã hội” (s. 2)

Con đường ý thức đã đưa Giáo Hội tới khẳng định này trong Công Đồng Chung Vaticăng II, và đã được tiếp tục trong các thập niên sau đó cho tới ngày nay, đến độ đã có nhiều can thiêp liên quan tới đề tài tự do tôn giáo từ phiá Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, cũng như từ các vị đại diện của các Giáo Hoàng là các Quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc tại New York và tại Genève, cũng như cạnh Liên Hiệp Âu châu và Quốc Hội Âu châu ở Strasbourg và Bruxelles. Trong số các vị đó tôi xin trích dẫn bài tham luận mà ĐTGM Paul Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh, đã đọc tại Milano ngày 30 tháng 3 năm ngoái.

** Các diễn văn này không chỉ nhắm bênh vực quyền tự do tôn giáo của biết bao kitô hữu bị bách hại hay sách nhiễu, nhưng còn tìm thăng tiến việc khẳng định quyền tự do này cho tất cả mọi người. Đó là một điểm gia tăng phẩm chất một cuộc đấu tranh của nhân loại và cho nhân loại, đâm rễ sâu trong Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.

Cũng thế, các kitô hữu Trung Đông ước muốn ở lại đó như các công dân có tước hiệu tràn đầy, để có thể góp phần riêng vào việc xây dựng thiện ích chung của xã hội, trong đó họ đã hiện diện hằng bao thế kỷ, và như thế họ yêu cầu thế giới thừa nhận quyền tự do tôn giáo và bảo vệ phẩm giá con người của họ. Bên Tây Phương chúng ta nghĩ về điều này, nếu được áp dụng cho việc tôn trọng quyền phản đối của lương tâm trước vài thực thi sinh học y khoa đi ngược lại các xác tín sâu thẳm nhất. Các lời ĐTC Phanxicô nói trong chuyến công du Hoa Kỳ và viếng thăm Philadelphia ám chỉ sự đa phương của các bối cảnh áp dụng nguyên tắc này: “Trong một thế giới trong đó có nhiều hình thức chuyên chế tân tiến khác nhau tìm huỷ bỏ tự do tôn giáo, hay tìm giản lược nó vào một thứ hạ văn hoá không có quyền diễn tả trong lãnh vực công cộng, hay còn tìm sử dụng tôn giáo như là cớ cho thù hận và tàn bạo, các tín hữu của các tôn giáo khác nhau có bổn phận hiệp nhất tiếng nói của họ để kêu gọi hoà bình, khoan nhượng và tôn trọng phẩm giá và các quyền của người khác”.

Chính vì tất cả những điều đó, Đông Phương cũng như Tây Phương chúng ta vẫn còn và luôn ngày càng cần có các chứng nhân đáng tin cậy của lộ trình này. Để kết thúc suy tư này tôi thích nhắc lại gương mặt của linh mục Andrea Santoro, thuộc giáo phận Roma bị sát hại bên Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 12 năm. Cha là người đâm rễ sâu nơi Chúa Kitô, đến độ đổ máu mình ra với Tên Chúa trên đôi môi, đồng thời là người thăng tiến sự gặp gỡ, đối thoại và tôn trọng, trong một bối cảnh của tự do tôn giáo, trong đó cha đã có khả năng yêu thương dân nước Thổ Nhĩ Kỳ cho tới tận cùng. Hồi năm 2002 cha đã viết như sau: “Cần có người tin một cách sâu xa vào đối thoại, hiệp nhất và hiệp thông, và chấp nhận sức nặng và sự mệt nhọc với thân xác và linh hồn. Cần tìm ra các con đường để nói chuyện với nhau, và hiểu biết nhau. Cám dỗ của mệt mỏi, tự cô lập và khép kín trong chính mình rất là mạnh mẽ. Bên Âu châu cần có người sẵn sàng hiểu thế giới này khác biệt với thế giới của chúng ta, các dân tộc rộng lớn và khác nhau này làm thành vùng Trung Đông, thực tại hồi giáo, do thái và kitô này sống cận kề nhau và ngày càng ở bên cạnh các quốc gia âu châu khác. Cần sẵn sàng yêu thương, cầu nguyện và bước vào trong con tim khổ đau của Thiên Chúa, là Đấng đang rên siết cho các con cái chia rẽ của Ngài. Sau cùng đối với các kitô hữu chúng ta cần nhìn lên Chúa Kitô và bước theo Ngài. Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Ai không ở trong Ta, thì bị ném ra ngoài như cành nho và khô héo”. Mọi sự đều qua đi: chỉ có sự thánh thiện qua các thế kỷ soi sáng thế giới. Chỉ có tình yêu tồn tại. Nói cho cùng một cách đơn sơ đây là việc bắt đầu trở thành kitô hữu”.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha tái lên tiếng chống nạn buôn người

Đức Thánh Cha tái lên tiếng chống nạn buôn người

VATICAN. ĐTC tái lên tiếng chống nạn buôn người và tố giác sự dửng dưng của nhiều người và nhiều cơ quan đối với tệ nạn này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 12-2-2018, dành cho 111 tham dự viên Ngày Thế Giới suy tư chống nạn buôn người. Trong số các tham dự viên có nhiều người trẻ và cả một số người từng là nạn nhân.

ĐTC đã trả lời các câu hỏi do 5 tham dự viên nêu lên. Ngài cho biết từ nhiều năm nay đã không bỏ cơ hội nào mà không lên tiếng tố giác tệ nạn buôn người và ĐTC cũng nhận xét rằng vẫn còn rất nhiều người không biết đến tệ nạn buôn người, ”vì nó động chạm ngay đến lương tâm chúng ta, vì nó làm cho chúng ta xấu hổ. Có những người biết nhưng không muốn nói tới tệ nạn này, có khi họ cũng can dự vào những tổ chức bất lương, thu được những lợi lộc to lớn từ tệ nạn này. Vì thế, sự gây ý thức về nạn buôn người phải bắt đầu từ gia đình, từ chính chúng ta, từ đó chúng ta mới có thể gây ý thức nơi cộng đoàn.”

Đáp một câu hỏi khác, ĐTC khẳng định rằng ”cần làm sao để người trẻ không rơi vào tay các con buôn. Thật là điều kinh khủng khi nhận thấy rằng nhiều người trẻ nạn nhân, thường bị gia đình họ bỏ rơi trước, bị thân nhân và bạn hữu coi là đồ bỏ.“

ĐTC cũng đề cao tầm quan trọng của giáo dục, một dụng cụ để bảo vệ chống nạn buôn người, nó giúp nhận ra những nguy hiểm và giải tỏa những ảo tưởng. Một môi trường lành mạnh của trường học hoặc giáo xứ, giúp người trẻ tố giác những kẻ buôn người vô liên sỉ, và trở thành những người mang những sứ điệp đúng cho các bạn trẻ khác, để họ khỏi rơi vào lưới của những kẻ buôn người.

Sau cùng, ĐTC nhắc đến thánh nữ Giuseppina Bakhita, người Sudan, từng là nạn nhân bị bắt làm nô lệ từ năm 8 tuổi, và ngày nay được tôn làm bổn mạng của những người tranh đấu chống nạn buôn người. Ngày lễ kính thánh nữ vào ngày 8-2 hàng năm được chọn làm Ngày Thế Giới chống nạn buôn người. ĐTC nói: ”Thánh nữ là chứng nhân gương mẫu ngày nay về niềm hy vọng cho nhiều nạn nhân bị bắt làm nô lệ, và Thánh Nữ có thể nâng đỡ cố gắng của những ngừơi dấn thân chống lại tai ương này trong thân mình nhân loại hiện nay, một vết thương trong thân mình của Chúa Kitô. (Rei 12-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Sứ Điệp Đức Thánh Cha gửi Chiến dịch Huynh Đệ mùa chay ở Brazil

Sứ Điệp Đức Thánh Cha gửi Chiến dịch Huynh Đệ mùa chay ở Brazil

VATICAN. Trong sứ điệp gửi các tín hữu Công Giáo Brazil nhân dịp khai mạc chiến dịch huynh đệ mùa chay, ĐTC mời gọi thực hành tha thứ và xây dựng hòa bình, kể cả qua những cử chỉ bé nhỏ.

Chiến dịch Huynh đệ mùa chay năm nay ở Brazil, bắt đầu từ ngày 14-2-2018, có chủ đề là câu nói của Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Mathêu: ”Tất cả các con là anh em với nhau” (Mt 23,8). Qua chiến dịch này, các tín hữu được mời gọi nhận ra bạo lực trong bao nhiêu môi trường và những hình thức khác nhau, đồng thời, với niềm tín thác, tin tưởng và hy vọng, khắc phục bạo lực trên con đường tình thương, chúng ta thấy rõ trong Chúa Giêsu Chịu Đóng Đanh.

ĐTC nhắc nhở rằng mùa chay là ”thời điểm thuận tiện, là ngày cứu độ” (1 Cr 6,2) mang lại cho chúng ta ơn tha thứ được lãnh nhận và trao ban. Tha thứ những xúc phạm đã chịu là biểu hiện hùng hồn nhất tình yêu thương xót, và đối với các tín hữu Kitô chúng ta, đó là một một mệnh lệnh mà chúng ta không thể tránh né. Tuy nhiều khi khó khăn, nhưng tha thứ là phương thế được đặt trong đôi tay mong manh của chúng ta để đạt được sự thanh thản trong tâm hồn và an bình. Gạt bỏ tâm tình oán hận, giận dữ, bạo lực và trả thù, đó chính là điều kiện để sống như anh chị em với nhau và khắc phục bạo lực”.

Sau cùng, ĐTC mời gọi các tín hữu trở thành ”những sứ giả và là những người xây dựng hòa bình”. Một nền hòa bình thành quả của sự phát triển toàn diện của mọi người, một nền hòa bình nảy sinh từ tương quan mới với tất cả các thụ tạo. Hòa bình được dệt ngày qua ngày trong kiên nhẫn và từ bi thương xót, giữa lòng gia đình, trong sinh hoạt cộng đồng, nơi làm việc và trong tương quan với thiên nhiên. Chính những cử chỉ bé nhỏ tôn trọng, lắng nghe, đối thoại, thinh lặng, yêu mến, đón tiếp, hội nhập, tạo nên những không gian trong đó chúng ta hít thở được tình huynh đệ” (Rei 14-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha liên đới với các tín hữu Công Giáo Melkite

Đức Thánh Cha liên đới với các tín hữu Công Giáo Melkite

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến Hội đồng Giáo Hội Công Giáo Melkite sáng ngày 12-2-2018, ĐTC tài bày tỏ tình liên đới với các tín hữu của Giáo Hội này đang chịu những thử thách đau thương tại Trung Đông.

Giáo Hội Công Giáo Melkite là một Giáo Hội tự quản hiện có 1 triệu 700 ngàn tín hữu Công Giáo, theo nghi lễ Bizantine như Chính Thống, phần lớn sống trên các lãnh thổ của tòa Thượng Phụ cổ kính Antiokia, Jerusalem, và Alessandria bên Ai Cập, và nay các tín hữu này tản ra nhiều nước trên thế giới. Tòa Thượng Phụ Công Giáo Melkite được đặt tại Damasco, thủ đô Siria.

Hội đồng của Giáo Hội Công Giáo Melkite đến Roma để bày tỏ công khai tình hiệp thông với Đức Thánh Cha, từ sau khi vị Tân Thượng Phụ Youssef Absi của Giáo Hội này được bầu lên hồi tháng 6 năm 2017. Các vị sẽ cử hành thánh lễ hiệp thông vào ngày hôm nay, 13-2-2018 tại Roma.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc đến những đau khổ của bao nhiêu tín hữu Công Giáo Melkite phải chịu, nhất là tại Siria, khiến nhiều người phải tìm cách xuất cư tìm kiếm đời sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên ĐTC cũng nói: ”Tôi nồng nhiệt mong ước rằng qua cuộc sống chứng tá, các GM và LM Melkite có thể khích lệ các tín hữu ở lại nơi miền đất mà Chúa Quan Phòng đã muốn họ sinh ra. Trong thư hồi tháng 6 năm ngoái gửi Giáo Hội Melkite, tôi đã nhắc nhở rằng ”Chưa bao giờ như lúc này, các vị Mục Tử được mời gọi biểu lộ, trước Dân Chúa đang chịu đau khổ, tình hiệp thông, đoàn kết, gần gũi, liên đới, minh bạch và chứng tá. Tôi mời gọi anh em hãy tiếp tục con đường ấy”.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng ”chúng ta rất cần những vị Chủ Chăn ôm ấp cuộc sống với con tim rộng mở của Thiên Chúa, không chiều theo những thỏa mãn trần tục, không hài lòng với việc tiếp tục những gì đã có sẵn, nhưng luôn hướng lên cao, tránh những cám dỗ giữ mình ở mức độ thấp, từ bỏ những biện pháp chật hẹp của một cuộc sống nguội lạnh và theo thói quen; chúng ta cần những vị Chủ Chăn thanh bần, không gắn bó với tiền bạc và sa hoa, giữa một dân nghèo đang chịu đau khổ; chúng ta cần những người rao giảng về niềm hy vọng phục sinh, có cuộc sống phù hợp với xác tín, trong hành trình liên tục với các anh chị em mình” (Rei 12-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp Tổng Tu Nghị dòng Dấu Thánh Chúa Kitô

Đức Thánh Cha tiếp Tổng Tu Nghị dòng Dấu Thánh Chúa Kitô

VATICAN. ĐTC khích lệ các tu sĩ dòng Dấu Thánh Chúa Kitô (Stimmatini) hăng say trong công tác mang lửa tình thương của Chúa cho các cộng đoàn tín hữu.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 10-2-2018, dành cho 40 thành viên tổng tu nghị của dòng Dấu Thánh Chúa Kitô, một dòng do thánh Gaspare Bertoni thành lập năm 1816 và hiện có 390 tu sĩ đang hoạt động tại 100 nhà trên thế giới. Các thành viên tổng tu nghị đến từ 15 quốc gia.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến lời Chúa Giêsu trong tin mừng theo Thánh Luca (12,49): ”Tôi đến để ném lửa trên trái đất”, đây là ”lửa tốt lành, lửa của Chúa Giêsu, của Đấng làm phép rửa trong Thánh Linh.. Đó là lửa bác ái thanh tẩy tâm hồn và lan tỏa từ thập giá Chúa Kitô”.

ĐTC khẳng định rằng: ”Chứng tá yêu thương của một cộng đoàn huynh đệ của các thừa sai là lời khẳng định việc loan báo Tin Mừng, là một ”sự thử lửa”. Nếu trong một cộng đoàn thiếu lửa tốt, thì có lạnh lẽo, tăm tối, cô độc. Nếu có lửa bác ái huynh đệ, thì có sức nóng, có ánh sáng, và sức mạnh để tiến bước. Và các ơn gọi mới bị thu hút tham gia sứ mạng dịu dàng loan báo Tin Mừng”.

Và ĐTC nhắn nhủ rằng ”Các thừa sai dòng Dấu Thánh thân mến, anh em hãy mang lửa này tới các cộng đoàn Kitô, nơi mà đức tin của bao nhiêu người đang cần được đốt lên, tìm được sức mạnh để lan tỏa. Đồng thời anh em hãy ra đi, đi ra ngoài, loan báo Tin Mừng cho người nghèo, những người không cảm thấy được ai yêu thương, cho những người không nhà cửa, cho người di dân, cho người trốn chạy chiến tranh. Thánh Gaspare Bertoni đã thông truyền cho anh em lòng yêu mến đối với Thánh Gia, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Vậy anh em hãy đặc biệt quan tâm tới các gia đình; cùng với các giáo dân, anh em hãy loan báo niềm vui yêu thương” (Rei 10-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Việc từ chức của Đức Biển đức XVI là hành động anh hùng, vì tình yêu Giáo hội

Việc từ chức của Đức Biển đức XVI là hành động anh hùng, vì tình yêu Giáo hội

Chúa nhật 11/02 là ngày kỷ niệm 5 năm Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức XVI công bố ý định từ chức. Theo Đức ông Alfred Xuereb, người Malta, nguyên là thư ký riêng của Đức nguyên Giáo hoàng trong 5,5 năm, từ năm 2007, hiện tại là Tổng Thư ký của Bộ Kinh tế, quyết định từ chức của Đức nguyên Giáo hoàng là cử chỉ phi thường về tình yêu của ngài dành cho Giáo hội mà theo thời gian, người giáo dân hiểu hơn về quyết định này.

Nhân kỷ niệm 5 năm biến cố quan trọng này, Đức ông Alfred Xuereb đã chia sẻ những giây phút xúc động nhất trong thời gian chung sống với Đức Biển đức XVI và nhấn mạnh về tình huynh đệ giữa Đức Phanxicô và Đức Biển đức XVI.

Đức ông Xuereb cho biết mình có rất nhiều kỷ niệm với Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức XVI trong thời gian chung sống với ngài. Những thời khắc đáng nhớ nhất chắc chắn là có liên quan đến sự từ chức của Đức nguyên Giáo hoàng.

Đức ông kể: “Tôi nhớ rất rõ ngày 05/02/2013, khi Đức giáo hoàng Biển đức mời tôi đến văn phòng của ngài và nói với tôi về quyết định quan trọng về sự từ chức của ngài. Ngay lập tức trong tôi xuất hiện ý nghĩ ‘Tại sao Đức Thánh Cha không suy nghĩ một tí về điều này?’ Nhưng rồi tôi đã kìm mình lại vì tôi tin chắc ngài đã cầu nguyện nhiều. Ngay lúc đó, tôi nhớ lại một điều đặc biệt. Có một thời gian khá dài, khi Đức nguyên Giáo hoàng ở trong phòng áo, trước khi cử hành Thánh lễ trong nhà nguyện riêng, ngài đã cầu nguyện rất lâu; dù cho chuông đồng hồ báo đến giờ bắt đầu Thánh lễ, mà ngài cứ lờ đi và cứ tiếp tục suy niệm trước tượng Chúa chịu nạn trong phòng áo. Tôi tin chắc những lần đó là lúc ngài cầu nguyện cho điều gì đó rất quan trọng. Ngày 05/02 đó, khi tôi nghe quyết định của Đức Giáo hoàng Biển đức, tôi nghĩ: ‘Thì ra có lẽ ngài đã cầu nguyện về điều này!’

Có một thời điểm ấn tượng nữa là khi Đức Giáo hoàng Biển đức thông báo quyết định từ chức trong Công nghị Hồng y vào ngày 11/02. Tôi đã khóc suốt buổi đó và cả trong bữa cơm trưa. Ngài hiểu là tôi rất xúc động và tôi nói với ngài: ‘Thưa Đức Thánh Cha, nhưng mà Đức Thánh Cha cảm thấy bình an thanh thản không?’ Ngài đã trả lời cách chắc chắn ‘có’, bởi vì ngài đã làm công việc khó nhọc của mình. Ngài thanh thản bởi vì ngài chắc chắn đã suy xét chắc chắn và trong sự bình, trong ý Chúa!”

Đức ông kể tiếp về giây phút chia tay Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức để đến phục vụ Đức Tân Giáo hoàng Phanxicô. “Đức Biển đức đã lập lại với tôi: ‘Đức ông sẽ đến với Đức Giáo hoàng mới’. Do đó, khi Đức Giáo hoàng Phanxicô được bầu, ngài đã viết một thư cho Đức tân Giáo hoàng, khẳng định ngài sẵn lòng để tôi tự do nếu Đức tân Giáo hoàng cần tôi. Đến ngày rời Castel Gandolfo để đến với Đức Phanxicô, Đức Biển đức nói với tôi: ‘Nhanh lên, chuẩn bị hành lý của Đức ông, bởi vì Đức Giáo hoàng Phanxicôđang tự mình mở các thư từ’. Tôi vào văn phòng của Đức Biển đức và vừa khóc, tôi xin ngài chúc lành cho  tôi. Ngài rất thanh thản, đứng lên, tôi quỳ xuống, và ngài chúc lành cho tôi và để tôi ra đi.”

Đức ông Xuereb cũng cho biết rằng vào ngày sinh nhật của mình (14/10), Đức ông đến dâng lễ và ăn sáng với Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức. Đức ông thấy tâm trí ngài vẫn minh mẫn, và hỏi Đức ông nhiều điều…Ngài còn nhớ đến gia đình của Đức ông, mẹ của Đức ông và con mèo của bà. Hiển nhiên là về thể lý ngài rất yếu.

Theo Đức ông Xuereb, 5 năm qua người ta hiểu hơn về quyết định từ chức của Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức. Đó là một hành động tuyệt vời. Ngài đã hiểu, đặc biệt trong chuyến đi Mêhicô, ngài không đủ sức thực hiện những cuộc hành trình dài. Lúc đó còn không lâu là đến Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Brasil và ngài biết là không đủ sức để du hành, để thực hiện mọi cố gắng… Đức ông Xuereb nói, theo Đức ông, Đức Biển đức đã thực hiện một hành động anh hùng, bởi vì ngài nghĩ điều tốt hơn cho Giáo hội, nghĩ đến tình yêu dành cho Giáo hội, điều lớn hơn tình yêu dành cho bản thân rất nhiều. Ngài không dựa trên những gì người ta có thể nói về quyết định của ngài… Ngài luôn thanh thản, một khi ngài hiểu là Chúa yêu cầu ngài thực hiện hành động này, yêu Giáo hội hơn chính mình.

Chia sẻ với mối liên hệ giữa Đức Biển đức và Đức Phanxicô, Đức ông nhắc lại lời của Đức Phanxicô: ‘chúng ta có đặc ân có một người ông ở trong nhà’, như là lịch sử sống mà chúng ta gắn bó, và Đức Phanxicô đã làm điều này. Đức ông cho biết, trước khi xuất hiện trên bao lơn đề thờ thánh Phêrô lần đầu tiên, Đức Phanxicô đã muốn điện thoại cho Đức Biển đức, nhưng vì lúc đó Đức Biển đức và Đức ông Xuereb điều đang xem tivi nên không nhận điện thoại. Đó cũng là lý do Đức Phanxicô xuất hiện trễ trên bao lơn đền thờ. Sau đó, Đức Phanxicô gọi lại trong bữa ăn tối, Đức Biển đức nói với Đức tân Giáo hoàng: ‘Thưa Đức Thánh Cha, từ lúc này, con hứa hoàn toàn vâng phục và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha.” Đức ông nói là giây phút mà ngài không thể quên.

Món quà lớn nhất Đức Biển đức đang trao tặng cho Giáo hội trong những năm phục vụ và cầu nguyện cho Giáo hội, theo Đức ông Xuereb, khi chọn sống ẩn dật để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ cuối cùng với Thiên Chúa, Đức nguyên Giáo hoàng sống quyết định này với chiều sâu thiêng liêng, dâng lời cầu nguyện và dâng cả sự mỏng dòn của sức khỏe vì Giáo hội, cho Đức Giáo hoàng và cho Giáo hội. (Vatican News 09/02/2018)

Hồng Thủy

Tội nhân có thể trở thành thánh nhân, nhưng kẻ lật lọng thì không

Tội nhân có thể trở thành thánh nhân, nhưng kẻ lật lọng thì không

Hãy cẩn thận cảnh giác cõi lòng mình trong từng ngày sống. Đavit từng là tội nhân, được Chúa thứ tha và trở thành thánh nhân. Salomon tuy khôn ngoan vĩ đại nhưng đã bị Chúa từ chối, vì Salomon không thật lòng với Chúa. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Con tim bị yếu nhược

Điều lấy làm lạ ở đây là: chúng ta không biết Salomon đã phạm những tội nặng nề nào. Salomon dường như có đời sống rất cân bằng. Trong khi với Đavit thân phụ ông, chúng ta biết rằng Đavit có đời sống không tốt và đã phạm tội nặng nề. Thế mà, Đavit được biết đến là bậc thánh nhân, còn Salomon lại bị coi là người có tâm hồn lìa xa Thiên Chúa. Salomon đã từng được Thiên Chúa khen ngợi, khi ông cầu khẩn Thiên Chúa ơn khôn ngoan, thay vì của cải giàu sang. Làm thế nào để giải thích những điều khác biệt giữa Salomon và Đavit? Bởi vì, sau khi phạm tội, Đavit đã cầu xin ơn tha thứ. Trong khi ấy, Salomon có những lời khôn ngoan đến độ nữ hoàng Saba cũng muốn đến tiếp kiến. Thế nhưng, khi Salomon quay lưng với Thiên Chúa mà gắn bó với các thần ngoại, Salomon không nhận biết tội của mình.

Vấn đề ở đây là con tim của Salomon đã bị suy yếu. Khi trái tim bị suy yếu, bạn không còn nhận biết được đâu là tội hay không nữa. Thông thường, trong các tình huống phạm tội, bạn sẽ nhận biết ngay lập tức và chính xác rằng: tôi đã phạm tội. Nhưng sự suy yếu của con tim thì khác. Nó dần dần, từng bước, từng chút từng chút. Và như thế, Salomon ngủ say trong vinh quang của bản thân, trong sự nổi tiếng của bản thân. Và từng bước ấy, con tim dần dần trở nên yếu đuối, yếu nhược.

Salomon kết thúc trong hư hỏng

Có một nghịch lý ở đây là: chẳng lẽ phạm tội một cách tỏ tường, lại tốt hơn là con tim dần dần hư hỏng và trở nên yếu đuối. Không phải như thế. Nhưng con tim yếu đuối thì thật là nguy hiểm. Salomon, một vi vua vĩ đại đã kết thúc trong sự hư hỏng, một sự hư hỏng rất lặng lẽ từ từ, vì con tim của ông đã bị suy yếu, vì tâm hồn ông bị yếu nhược.

Nếu một người nam một người nữ có con tim yếu nhược, thì thực sự người ấy đã bị đánh bại ngay từ đầu. Đây là tiến trình của nhiều Kitô hữu, của nhiều người trong chúng ta. Mỗi người trong chúng ta có thể tự nhủ lòng mình rằng: Không, tôi đâu có phạm tội gì nặng lắm. Nhưng chúng ta có thể tự hỏi lòng mình rằng: Trái tim tôi đang như thế nào? Con tim tôi có thực sự mạnh mẽ không? Con tim ấy đang trung thành với Chúa, hay đang dần xa cách Chúa?

Hãy nhìn vào cõi lòng mình

Câu chuyện về con tim yếu nhược có thể xảy ra với tất cả chúng ta trong cuộc sống này. Chúng ta cần làm gì đây? Cần tỉnh thức, cần cảnh giác, cần nhìn vào cõi lòng mình. Hãy cảnh giác, hãy cẩn thận! Mọi ngày, từng ngày, hãy chú tâm nhìn xem những gì đang diễn ra trong cõi lòng mình.

Đavit là một vị thánh, và từng là tội nhân. Một tội nhân có thể trở thành thánh nhân. Còn Salomon bị Chúa từ chối, vì con tim ông yếu nhược và không thật tâm. Có tình trạng lật lọng trong trái tim ông. Trái tim Salomon bị suy yếu và bị hư hỏng. Hãy coi chừng! Hãy tỉnh thức! Trong từng ngày sống, hãy nhìn xem cõi lòng mình, để biết được con tim mình đang như thế nào, để biết được mối tương quan với Chúa, để tận hưởng vẻ đẹp và niềm vui của một con tim trung thành.
Tứ Quyết, SJ

Đức Thánh Cha khuyến khích các sáng kiến chống buôn người

Đức Thánh Cha khuyến khích các sáng kiến chống buôn người

VATICAN. ĐTC tái khuyến khích những nỗ lực và sáng kiến chống nạn buôn người trên thế giới.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 9-9-2018, dành cho 100 người thuộc nhóm ”Santa Marta” chống nạn buôn người, vừa kết thúc 2 ngày họp tại Nhà trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican với dự tham dự của 100 chuyên gia các ngành, kể cả các giới chức an ninh của nhiều chính phủ. Khóa họp được sự điều động của ĐHY Vincent Nichols, TGM Westminster, Chủ tịch HĐGM Anh quốc.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nói: ”Lời khiển trách của Thiên Chúa đối với Cain ở những trang đầu Kinh Thánh: ”Em ngươi ở đâu?” thúc đẩy chúng ta nghiêm túc cứu xét những hình thức đồng lõa qua đó xã hội dung thứ và khuyến khích sự bóc lột những người nam nữ, và trẻ em dễ bị tổn thương, đặc biệt là nạn buôn người với mục đích khai thác tình dục (EV 211). Những sáng kiến nhắm bài trừ nạn buôn người, trong mục tiêu cụ thể là phá vỡ các mạng tội phạm, ngày càng phải được coi như những mạng rộng rãi có liên quan với nhau, ví dụ việc sử dụng trong tinh thần trách nhiệm các kỹ thuật và phương tiện truyền thông, những nghiên cứu về những hệ lụy luân lý đạo đức của các kiểu mẫu tăng trưởng kinh tế, dành ưu tiên cho lợi nhuận hơn là cho con người”.

ĐTC bày tỏ lòng biết ơn của Giáo Hội đối với tất cả những cố gắng nhắm mang lại dầu thơm tình thương xót của Chúa cho những người đang chịu đau khổ, vì đây cũng là một bước tiến thiết yếu để chữa lành và canh tân xã hội nói chung”.

Trước đó, hôm 2-2-2018, trong lời tựa phúc trình được phổ biến ở Quốc hội Anh, ĐHY Vincent Nichols nhận định rằng cuộc chiến chống nạn buôn người đang bị thất bại vì câu ”lời đáp trả của tập thể không được phối hợp và rời rạc.. Nạn nô lệ tân thời là một tội ác kêu thấu tới trời. Ngày nay số người nô lệ nhiều hơn thời cao điểm của nạn buôn nô lệ từ Phi châu vượt Đại Tây Dương sang Mỹ châu hồi thế kỷ 18. Và số người nô lệ hiện nay đang gia tăng vì các tổ chức tội phạm quốc tế đang tăng cường ảnh hưởng và phạm vi hoạt động của họ”.

Phúc trình phổ biến tại Quốc Hội Anh về nạn buôn người làm nô lệ là kết quả 3 tháng điều tra do hai tờ báo ”Độc lập” (The Independent) và ”Lá Cờ chiều tối” (Evening Standard) ở Anh thực hiện cùng với chiến dịch tên là ”Những người nô lệ trên các đường phố của chúng ta” (Slave On Our Streets). Trong cuộc điều tra này, ĐHY Nichols đã triệu tập một hội nghị bàn tròn với sự tham dự của các chuyên gia về doanh nghiệp, truyền thông, pháp luật, tài chánh, các hội thiện nguyện nhân đạo, các giới chức an ninh và cả các nạn nhân”. (Rei 9-2-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Toàn văn sứ điệp Mùa Chay 2018 của Đức Thánh Cha Phanxicô

Toàn văn sứ điệp Mùa Chay 2018 của Đức Thánh Cha Phanxicô

VATICAN. Mùa chay năm nay sẽ bắt đầu từ thứ tư lễ tro, 14-2-2018. Giống như mọi năm, năm nay ĐTC cũng công bố sứ điệp giúp các tín hữu trong toàn Giáo Hội sống trọn mùa ân phúc, chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh vào Chúa nhật 1-4-2018.

Trong sứ điệp, ĐTC cảnh giác các tín hữu đừng để các tiên tri giả mê hoặc, đừng để tình yêu trở nên nguội lạnh, và hãy dấn thân sống trọn tinh thần mùa chay.

Sứ điệp của ĐTC đã được ĐTC Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, công bố trong cuộc họp báo sáng hôm qua, 6-2, và có chủ đề là câu trích từ Tin Mừng theo thánh Mathêu: ”Vì sự ác lan tràn, tình yêu của nhiều người trở nên nguội lạnh” (Mt 24,12). Sau đây là toàn văn Sứ điệp của ĐTC.

Toàn văn sứ điệp

Anh chị em thân mến,

Một lần nữa chúng ta tiến về Lễ Phục Sinh của Chúa! Để chuẩn bị cho lễ này, Chúa Quan Phòng ban cho chúng ta Mùa Chay hàng năm, ”dấu chỉ bí tích sự hoán cải của chúng ta” (1), loan báo và thực hiện khả năng trở về cùng Chúa với trọn tâm hồn và cuộc sống.

Năm nay cũng vậy, qua sứ điệp đây, tôi muốn giúp toàn thể Giáo Hội sống thời điểm ân phúc này trong vui mừng và chân lý; và tôi thực hiện điều này bằng cách để cho mình được gợi ý từ câu nói của Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Mathêu: ”Vì sự ác lan tràn, tình yêu của nhiều người bị nguội lạnh” (24,12).

Câu này ở trong đoạn Chúa nói về thời tận thế và ở trong bối cảnh thành Jerusalem, trên Núi Cây Dầu, chính tại nơi khởi đầu cuộc thương khó của Chúa. Khi trả lời một câu hỏi của các môn đệ, Chúa Giêsu loan báo sầu muộn lớn và mô tả tình trạng trong đó cộng đồng tín hữu có thể lâm vào: đứng trước những biến cố đau thương, một số tiên tri giả sẽ lường gạt nhiều người, đến độ đe dọa làm cho tâm hồn họ bị tắt lịm lòng mến là trung tâm của toàn thể Tin Mừng.

Những tiên tri giả

Khi nghe đoạn Tin Mừng này và chúng ta tự hỏi: những tiên tri giả có những hình dạng thế nào?

Chúng giống như những người ”làm mê hoặc rắn”, nghĩa là chúng lợi dụng cảm xúc của con người để biến họ thành nô lệ, đưa họ tới những nơi chúng muốn. Bao nhiêu con cái của Thiên Chúa đã bị dụ dỗ bằng những dua nịnh của lạc thú trong chốc lát, mà họ tưởng là hạnh phúc! Bao nhiêu người nam nữ sống như bị mê hoặc vì ảo tưởng tiền bạc, khiến họ trở thành nô lệ cho tiền của hoặc những mối lợi nhỏ nhen! Bao nhiêu người sống mà chỉ nghĩ đến mình và rơi vào tình trạng cô độc!

Có những tiên tri giả khác giống như các ”lang băm”, cống hiến những giải pháp đơn giản và tức thời cho những đau khổ, nhưng thực ra những liều thuốc này hoàn toàn vô hiệu: bao nhiêu người trẻ tìm phương dược giả dối trong ma túy, trong những quan hệ ”dùng rồi bỏ”, kiếm tiền dễ dàng một cách bất chính!. Bao nhiêu người khác nữa bị vướng vào một cuộc sống hoàn toàn là ảo, trong đó những tương quan có vẻ đơn gian và mau lẹ hơn, nhưng rồi chúng vô nghĩa một cách bi thảm! Những kẻ lường gạt ấy cống hiến những điều vô giá trị, nhưng chúng lại tước mất điều quí giá nhất như phẩm giá, tự do và khả năng yêu thương. Đó là một sự lường gạt về sự háo danh, biến chúng ta giống như con công.. để rồi trở thành lố bịch; và từ sự lố bịch ta không thể thối lui được. Không lạ gì: ma quỉ, vốn là ”kẻ dối trá và là cha kẻ dối trá” (Ga 8,44), trình bày sự ác như là điều thiện và trình bày điều giả như điều thật, để làm cho tâm hồn con người bị lẫn lộn. Vì thế, mỗi người chúng ta được kêu gọi phân định trong tâm hồn và cứu xét xem mình có bị đe dọa vì những điều giả dối của các tiên tri giả ấy hay không. Cần học cách không dừng lại ở mức độ gần kề, hời hợt, nhưng nhận ra điều để lại trong chúng ta dấu vết tốt lành và lâu bền hơn, vì nó đến từ Thiên Chúa và thực sự có giá trị mưu ích cho chúng ta.

Một con tim nguội lạnh

Thi hào Dante Alighieri, khi mô tả về hỏa ngục, đã trình bày quỉ ngồi trên ngai băng giá (2); hắn ở trong giá lạnh của tình yêu bị bóp nghẹt. Vì thế chúng ta tự hỏi: lòng yêu mên trong chúng ta trở nên lạnh lẽo thế nào? Đâu là những dấu hiệu cho chúng ta thấy tình yêu có nguy cơ bị tắt lịm trong chúng ta.

Điều dập tắt tình bác ái trước tiên là sự ham hố tiền bạc, ”là căn cội của mọi sự ác” (1 Tm 6,10); tiếp đến là sự từ khước Thiên Chúa và do đó từ khước tìm kiếm sự an ủi nơi Ngài, thích sự sầu muộn của chúng ta hơn là sự an ủi của Lời Chúa và các bí tích (3). Tất cả những điều ấy biến thành bạo lực chống lại những người bị coi là đe dọa cho những ”chắc chắn” của chúng ta: như hài nhi chưa sinh ra, người già bệnh hoạn, khách qua đường, người ngoại quốc, và cả người lân cận không đáp ứng những mong đợi của chúng ta.

Cả thiên nhiên cũng là nhân chứng âm thầm về đức bác ái bị trở nên lạnh lẽo: trái đất bị ô nhiễm vì những đồ phế thải vứt bỏ vì cẩu thả và vì lợi lộc; biển cả, cũng bị ô nhiễm, rất tiếc là nó cũng phải che phủ những gì còn lại của bao nhiêu vụ đám tàu của những cuộc cưỡng bách di cư; bầu trời, trong kế hoạch của Thiên Chúa, vốn ca ngợi vinh quang Chúa, nhưng nay đang bị cày xéo vì những máy móc làm mưa xuống những dụng cụ chết chóc.

Tình yêu cũng trở nên nguội lạnh trong các cộng đoàn của chúng ta: trong Tông huấn ”Niềm vui Phúc Âm” (Evangelii gaudium) tôi đã tìm cách mô tả những dấu chỉ rõ ràng nói lên sự thiếu tình yêu như thế. Chúng là thái độ ích kỷ lười biếng, bi quan vô bổ, cám dỗ muốn cô lập mình và dấn thân trong những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn liên tục, não trạng trần tục chỉ bận tâm tới những gì bề ngoài và như thế là làm giảm bớt nhiệt huyết truyền giáo (4).

Làm thế nào đây?

”Nếu chúng ta nhìn vào thẳm sâu tâm hồn của mình và quanh chúng ta những dấu hiệu vừa nói trên đây, thì Giáo Hội, là Mẹ và là Thầy của chúng ta, cùng với phương dược sự thật, nhiều khi là thuốc đắng, cống hiến cho chúng ta trong mùa chay này phương dược ngọt ngào là kinh nguyện, làm phúc bố thí và chay tịnh.

Khi dành nhiều thời giờ hơn cho kinh nguyện, chúng ta sẽ để cho tâm hồn mình khám phá những gian dối bí mật chúng ta thường dùng để đánh lừa chính mình (5), để tìm kiếm sự an ủi trong Thiên Chúa là Cha và là Đấng muốn cho chúng ta được sống.

Việc thực hành làm phúc bố thí giải thoát chúng ta khỏi sự ham hố và giúp khám phá tha nhân là anh chị em chúng ta: điều chúng ta sở hữu không phải chỉ là của chúng ta. Tôi ước mong việc làm phúc được biến thành lối sống đích thực của mỗi người! Tôi mong ước dường nào cho các tín hữu Kitô chúng ta theo gương các Tông Đồ và nhìn thấy qua sự kiện có thể chia sẻ thiện ích của chúng ta với người khác là một chứng tá cụ thể về tình hiệp thông mà chúng ta sống trong Giáo Hội. Về điểm này, tôi khuyên nhủ như thánh Phaolô khi Ngài mời gọi dân thành Corinto lạc quyên giúp cộng đoàn Jerusalem: ”Đây là điều có lợi cho anh chị em” (2 Cr 8,10). Điều này có giá trị đặc biệt trong Mùa Chay, trong mùa này nhiều tổ chức quyên góp cho các Giáo Hội và dân chúng gặp khó khăn. Nhưng tôi cũng muốn rằng trong các tương quan thường nhật, đứng trước mỗi người anh chị em xin giúp đỡ, chúng ta hãy nghĩ rằng đó là một lời kêu gọi của Chúa Quan Phòng: mỗi lần làm phúc bố thí là một cơ hội để tham gia vào sự Quan phòng của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài và nếu ngày hôm nay, Ngài dùng tôi để giúp đỡ người anh em, thì làm sao ngày mai Ngài chẳng quan phòng lo cho các nhu cầu của tôi, Ngài vốn là Đấng không thua ai về lòng quảng đại? (6)

Sau cùng, việc chay tịnh giải tỏa bạo lực của chúng ta, và là cơ hội quan trọng để tăng trưởng. Một đàng chay tịnh cũng giúp chúng ta cảm nghiệm điều mà nhiều người khác đang thiếu thốn, thiếu những điều cần thiết và bị đói. Chay tịnh biểu lộ tình trạng tinh thần của chúng ta, đang đói khát lòng từ nhân và sự sống của Thiên Chúa. Chay tịnh thức tỉnh và làm cho chúng ta chú ý hơn đối với Thiên Chúa và tha nhân, thúc đẩy ý chí vâng phục Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn sự đói khát của chúng ta.

Tôi mong ước tiếng nói của tôi đi ra ngoài biên cương của Giáo Hội Công Giáo, để đi tới tất cả anh chị em, những ngừơi nam nữ thiện chí, cởi mở lắng nghe Thiên Chúa. Nếu anh chị em cũng buồn sầu vì sự ác lan tràn trên thế giới, nếu anh chị em cũng lo lắng vì giá lạnh làm tê liệt tâm hồn và hành động, nếu anh chị em thấy thiếu ý nghĩa của tình nhân loại chung, thì xin hãy liên kết với chúng tôi để cùng nhau cầu khẩn Thiên Chúa, để cùng nhau ăn chay và cùng với chúng tôi trao tặng những gì anh chị em có thể để giúp đỡ các anh chị em khác!

Lửa Phục Sinh

Nhất là tôi mời gọi các phần tử của Giáo Hội hãy nhiệt thành tiến bước trên con đường Mùa Chay, được nâng đỡ nhờ các hoạt động làm phúc bố thí, chay tịnh và kinh nguyện. Nếu đôi khi lòng bác ái dường như bị tắt lịm trong bao nhiêu tâm hồn, thì nó vẫn không bị lịm đi trong con tim của Thiên Chúa! Ngài luôn ban cho chúng ta những cơ hội mới để chúng ta có thể tái bắt đầu yêu thương.

Một cơ hội thuận tiện trong năm nay cũng là sáng kiến ”24 giờ cho Chúa”, mời gọi cử hành bí tích Hòa Giải trong khuôn khổ Chầu Thánh thể. Năm 2018 này, sáng kiến đó sẽ được cử hành vào thứ sáu mùng 9 và thứ bẩy mùng 10 tháng 3, lấy hứng từ lời Thánh Vịnh 130 câu 4: ”Nơi Chúa có ơn tha thứ”. Trong mỗi giáo phận, ít nhất hãy có một thánh đường được mở cửa 24 giờ liên tục, để các tín hữu có cơ hội cầu nguyện trước Thánh Thể và lãnh nhận bí tích giải tội.

Trong đêm Phục Sinh, chúng ta sẽ cử hành nghi thức đầy ý nghĩa thắp sáng cây nến Phục Sinh: ánh sáng được lấy từ ”lửa mới”, dần dần phá tan bóng đen và soi sáng cho cộng đồng phụng vụ. ”Ánh sáng Chúa Kitô phục sinh vinh hiển phá tan đóng đêm của tâm trí” (7), để tất cả chúng ta có thể cảm nghiệm lại kinh nghiệm của các môn đệ trên đường Emmaus: lắng nghe Lời Chúa và nuôi dưỡng mình bằng Bánh Thánh Thể, giúp cho tâm hồn chúng ta tái nồng nhiệt tin cậy mến.

Tôi thành tâm chúc lành cho anh chị em và cầu nguyện cho anh chị em. Xin Anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Vatican ngày 1 tháng 11 năm 2017. Lễ Các Thánh

G. Trần Đức Anh OP chuyển ngữ

—-

Chú Thích

 

1. Sách lễ Roma, Chúa nhật I mùa chay, Tổng nguyện

2. ”Lo'mperador del doloroso regno / de mezzo' petto uscia fuor de la ghiaccia” (Inferno XXXIV, 28-29)

3. Angelus, 7-12-2014

4. Nm. 76-109

5. Xc Benedetto XVI, Thông điệp Spe salvi, 33

6. Xc Pio XII, Thông điệp Fidei donum, III

 7. Sách lễ Roma, Vọng Phục Sinh, bài ca Exsultet

 

Qua Phúc Âm Chúa Kitô tiếp tục rao giảng Tin Mừng

Qua Phúc Âm Chúa Kitô tiếp tục rao giảng Tin Mừng

Phúc Âm là miệng của Chúa Kitô tiếp tục loan báo Tin Mừng, và nhập thể nơi chúng ta bằng cách diễn tả ra với các công việc làm, biến đổi chúng ta và cho chúng ta có khả năng thay đổi thế giới.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ ĐTC tiếp tục trình bầy 2 yếu tố khác của Phụng vụ Lời Chúa là Tin Mừng và bài giảng. Ngài nói: Cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Ngài đạt tột đỉnh với việc công bố Tin Mừng. Đi trước là thánh ca Alleluia – hay trong Mùa Chay có một lời tung hô khác – qua đó “cộng đoàn tín hữu đón nhận và chào mừng Chúa sắp nói trong Tin Mừng.” (Trật tự tổng quát cuả Sách Lễ Roma, 62). Như các mầu nhiệm của Chúa Kitô soi sáng toàn mạc khải kinh thánh, trong Phụng Vụ Lời Chúa, Tin Mừng là ánh sáng giúp hiểu ý nghĩa các văn bản kinh thánh đi trước của Cựu Ước cũng như Tân Ước. Thật thế, “Chúa Kitô là trung tâm và là sự viên mãn của toàn Thánh Kinh, cũng như của toàn Phụng Vụ” (Dẫn nhập sách Bài Đọc, 5). ĐTC nêu bật vị thế quan trọng của Tin Mừng như sau:

Vì thế chính Phụng Vụ phân biệt Tin Mừng với các bài đọc khác và bao quanh nó với danh dự và sự tôn kính đặc biệt (Trật tự… 60; 134). Thật vậy, việc đọc Phúc Âm được dành cho vị thừa tác được truyền chức, và khi kết thúc vị này hôn sách Phúc Âm; chúng ta đứng lên lắng nghe và làm dấu Thánh Giá trên trán, trên miệng và trên ngực; nến và hương vinh danh Chúa Kitô, là Đấng qua việc đọc Tin Mừng, làm vang lên lời hữu hiệu của Ngài. Từ các dấu chỉ đó cộng đoàn thừa nhận sự hiện diện của Chúa Kitô là Đấng hướng tới họ “tin vui” hoán cải và biến đổi. Điều đang xảy ra là một diễn văn trực tiếp, như các lời tung hô đáp lại việc loan báo: “Lậy Chúa, vinh danh Chúa”, “Lậy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa”. Luôn luôn có Chúa Giêsu Kitô ở trung tâm, luôn luôn.

** Chúng ta không đứng lên để lắng nghe Tin Mừng nhưng chính Chúa Kitô nói với chúng ta, ở đó. Và vì thế chúng ta chú ý, bởi vì đó là một cuộc nói chuyện trực tiếp. Chính Chúa nói với chúng ta.

Như vậy trong Thánh Lễ chúng ta không đọc Phúc Âm – anh chị em hãy chú ý tới điều này – chúng ta không đọc Phúc Âm để biết các sự việc xảy ra như thế nào, nhưng chúng ta lắng nghe Phúc Âm để ý thức về điều Chúa Giêsu đã làm và đã nói xưa kia; và Lời đó sống động, Lời của Chúa Giêsu ở trong các Phúc Âm sống động và đi tới con tim chúng ta. Vì vậy lắng nghe Phúc Âm với con tim rộng mở quan trọng biết bao nhiêu, bởi vì đó là Lời hằng sống. Thánh Agostino viết rằng: “Miệng của Chúa Kitô là Tin Mừng. Thật đẹp biết bao! Ngài ngự trên Trời, nhưng không ngừng nói trên trái đất” (Bài giảng 85,1; PL 38,520; Khảo luận Phúc Âm thánh Gioan, XXX,1; PL 35,1632; CCL, 36,289); Nếu đúng thật là trong phụng vụ “Chúa Kitô còn loan báo Tin Mừng”, thì hậu qủa là khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta phải cho Ngài một câu trả lời. Chúng ta lắng nghe Tin Mừng, và chúng ta phải cho một câu trả lời trong cuộc sống chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Để cho sứ điệp của Ngài có thể đến với tín hữu, Chúa Kitô cũng dùng lời của vị linh mục. Sau Tin Mừng linh mục giảng. Được Công Đồng Chung Vaticăng II khuyên như phần của chính phụng vụ, bài giảng không phải là một diễn văn tuỳ dịp – không, nó không phải là một diễn văn tuỳ dịp; cũng không phải là một bài giáo lý như chúng ta đang làm bây giờ … không, không, cũng không phải là một bài diễn thuyết  hay một bài học, bài giảng là một cái gì khác: bài giảng là gì? Nó là việc lấy lại cuộc đối thoại đã được mở ra giữa Chúa và dân Ngài” (Evangelii gaudium, 137), để nó được thành toàn trong cuộc sống. Việc chú giải Phúc Âm đích thật là chính cuộc sống thánh thiện! Lời Chúa kết thúc lộ trình bằng cách nhập thể nơi chúng ta, diễn tả ra bằng các công việc làm, như đã xảy ra nơi Đức Mẹ và các Thánh.

Anh chị em có nhớ điều tôi đã nói lần cuối trước không. Lời Chúa đi vào trong tai, đi tới con tim và đi ra đôi tay, đi tới với các công việc tốt lành. Bài giảng cũng theo Lời Chúa và cũng đi cùng lộ trình đó để trợ giúp chúng ta, để Lời Chúa đi qua con tim và tới với đôi tay.

Tôi đã khai triển đề tài này trong Tông huấn Evangelii gaudium, trong đó tôi đã nhắc rằng bối cảnh phụng vụ “đòi buộc bài giảng hướng cộng đoàn, và cả vị giảng thuyết nữa, tới một sự kết hiệp với Chúa Kitô trong Thánh Thể biến đổi cuộc sống” (Ibid, 138). ĐTC nói về vị giảng thuyết như sau:

** Ai giảng phải chu toàn tốt chức thừa tác của mình, điều mà vị linh mục hay phó tế hoặc giám mục giảng – bằng cách cống hiến cho tất cả mọi người tham dự Thánh Lễ một việc phục vụ  thực sự, nhưng cả những người lắng nghe cũng phải làm phần mình. Trước hết bằng cách chú ý, nghĩa là có các thái độ nội tâm đúng đắn, không chủ quan yêu sách, vì biết rằng mỗi vị giảng thuyết đều có các giá trị và hạn hẹp của họ. Nếu đôi khi có lý do để buồn chán vì bài giảng dài và không tập trung hay không thể hiểu nổi, thì khi khác lại có thành kiến gây chướng ngại. Và ai giảng phải ý thức rằng mình không làm việc riêng của mình, nhưng đang giảng bằng cách trao ban tiếng nói  cho Chúa Giêsu, đang giảng Lời của Chúa Giêsu.

Và bài giảng phải được dọn kỹ lưỡng, phải ngắn gọn, ngắn gọn! Có một linh mục nói với tôi rằng một lần nọ ngài đã đi tới một thành phố khác, nơi cha mẹ ngài ở, và ông thân sinh đã nói với cha rằng: “Con biết không, bố hài lòng lắm, bởi vì cùng với bạn bè, bố đã tìm ra một nhà thờ nơi người ta dâng thánh lễ mà không giảng”. Và có biết bao lần chúng ta thấy rằng trong bài giảng có vài người ngủ, những người khác thì nói chuyện bép xép hay bỏ đi ra ngoài hút xì gà… Ôi, thật vậy! Anh chị em tất cả đều biết đấy! Đúng thật như vậy! Xin làm ơn, xin làm ơn, bài giảng phải ngắn gọn, nhưng được dọn kỹ lưỡng. Vậy phải dọn bài giảng làm sao, hỡi các linh mục, phó tế, giám mục thân mến? Dọn bài giảng làm sao? Dọn bài giảng với lời cầu nguyện, với việc học hỏi Lời Chúa và bằng cách làm một tổng hợp rõ ràng ngắn gọn, không quá mười phút… Không, không, xin làm ơn!

Kết luận chúng ta có thể nói rằng trong Phụng Vụ Lời Chúa, qua Phúc Âm và bài giảng, Thiên Chúa đối thoại với dân Ngài, chú ý và cung kính lắng nghe Ngài đồng thời nhận ra rằng Ngài hiện diện và hoạt động. Vì vậy nếu chúng ta lắng nghe “tin vui”, chúng ta sẽ được nó hoán cải và biến đổi, và vì thế có khả năng thay đổi chính mình và thay đổi thế giới. Tại sao vậy? Bởi vì Tin Mừng, Lời Chúa đi vào trong tai, đi tới con tim và đi ra đôi tay để làm các việc lành.

 

** Chào các tín hữu hiện diện, ĐTC nhắc cho mọi người biết mùng 8 tháng hai phụng vụ kính nhớ thánh nữ Giuseppina Bakhita và cũng là Ngày quốc tế chống nạn buôn người. Năm nay ngày này có đề tài là “Di cư không buôn người. Nói có với tự do. Nói không với việc buôn người!”. Vì không có các đường dây bình thường, nhiều người di cư quyết định mạo hiểm để có các cuộc sống khác, nơi thường có các lạm dụng đủ loại, khai thác bóc lột và biến thành nô lệ chờ đón họ. Các tổ chức tội phạm chuyên buôn người dùng các lộ trình di cư này để che giấu các nạn nhân của chúng giữa các người di cư tỵ nạn. Vì thế tôi kêu gọi tất cả mọi người, các công dân và các cơ cấu hiệp nhất các sức mạnh để phòng ngừa việc buôn người và bảo đảm sự che chở và trợ giúp cho các nạn nhân. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa hoán cải con tim của các kẻ buôn người và trao ban hy vọng tái chiếm lại được sự tự do cho những ai đau khổ vì tệ nạn đáng xấu hổ này.

 

ĐTC đã chào nhiều nhóm tín hữu đến từ Pháp và các nước nói tiếng Pháp, đặc biệt các bạn trẻ và giám đốc các học viện đào tạo công giáo Gironda, do ĐHY Jean Pierre Ricard tháp tùng. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Philippines và Hoa Kỳ, cũng như các tín hữu Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nước châu Mỹ Latinh, đặc biệt các chủng sinh giáo phận giám quản tông toà Thánh Gioan Maria Vianney bên Brasil, do các Giám Mục hướng dẫn. Ngài khích lệ các chủng sinh siêng năng dưỡng nuôi mình bằng Lời Chúa trong Thánh Kinh và chuẩn bị để sau này khi trở thành các thừa tác viên của Chúa có thể công bố và rao giảng Tin Mừng với chứng tá cuộc sống nêu gương cho tín hữu. 

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC cầu chúc họ luôn ghi nhớ sứ mệnh rao truyền Tin Mừng Chúa đã giao phó cho các tông đồ và toàn Giáo Hội và sống đời chứng nhân đáng tin cậy trong gia đình, cộng đoàn, nơi làm việc, trong các đại học và mọi sinh hoạt thường ngày.

ĐTC cũng chào phái đoàn các Giám Mục Lituania do ĐC Gintaras Grusas, TGM Vilnius hướng dẫn, các tham dự viên tuần hội học cho các vị đào tạo chủng sinh do đại học giáo hoàng Thánh Giá tổ chức; cũng như các nữ tu Nữ tử Đức Maria Phù hộ, và học viện các nữ thiện nguyện viên Don Bosco; Nhóm dự án “Các cánh cửa rộng mở” Guardiagrele, do ĐC Bruno Forte, TGM Chieti Vasto hướng dẫn, các nam nữ nghệ sĩ hai đoàn xiệc Medrano và Rony Rollert; các đại diện Hội nhà băng dược phẩm sẽ quyên góp thuốc cho người nghèo vào thứ bẩy tới đây.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn, ĐTC nhắc cho mọi người biết Chúa Nhật tới đây lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức và cũng là Ngày quốc tế các bệnh nhân. Ngài khích lệ các bạn trẻ hãy là dụng cụ của Chúa Quan Phòng đối với người khổ đau; các anh chị em bệnh tật được trợ giúp bởi các lời cầu nguyện của Giáo Hội và các cặp vợ chồng mới cưới biết yêu thương sự sống, cả khi nó bị ghi dấu bởi sự giòn mỏng và bệnh tật.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Ly Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải