Đức Thánh Cha tiếp kiến 30 Giám Mục Ireland

Đức Thánh Cha tiếp kiến 30 Giám Mục Ireland

VATICAN. Sáng ngày 20-1-2017, ĐTC đã tiếp kiến 30 GM thuộc 4 giáo tỉnh của Ireland, nhân dịp các vị về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Sau cuộc gặp gỡ, các GM đã mở cuộc họp báo tại trụ sở đài Vatican và cho biết buổi tiếp kiến là một cuộc nói chuyện như trong gia đình trong đó tất cả các vấn đề được bàn đến: từ sự sống cho đến gia đình, từ nạn nghèo đói cho đến giáo dục, cả vấn đề các vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên do một số giáo sĩ và tu sĩ gây ra trước đây cũng được nói đến.   Về vấn đề này, Đức TGM Diarmuid Martin của giáo phận thủ đô Dublin, Phó Chủ tịch HĐGM Ailen, nói rằng: ”Những vụ lạm dụng tính dục xảy ra giữa lòng Giáo Hội ít hơn so với mức độ toàn thể xã hội Ireland, nhưng có sự khác biệt về mức độ trầm trọng, vì một vụ lạm dụng trong Giáo Hội, nơi mà chính Chúa Giêsu đã đặt trẻ em như dấu chỉ Nước Thiên Chúa, có mức độ nặng nề và tiêu cực hơn so với những lạm dụng xảy ra trong xã hội”.

Về tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Ireland, Đức TGM Martin cho biết so với tình trạng cách đây 10 năm, đã có những tiến bộ trong Giáo Hội, tuy rằng đây không phải là tiến bộ về phương diện những con số, vì có sự sa sút ơn gọi, số người dự lễ chúa nhật giảm bớt.. Nhưng có những dấu hiệu chứng tỏ sự tăng trưởng và canh tân tinh thần đáng kể. Thay vì phê bình Giáo Hội tại Ireland, nhiều người muốn khích lệ chúng tôi trên con đường canh tân”. (RG 20-1-2017)

G. Trần Đức anh OP

 

 

Nhà thờ thánh Calisto ở khu Trastevere, Roma đón người vô gia cư qua đêm

Nhà thờ thánh Calisto ở khu Trastevere, Roma đón người vô gia cư qua đêm

Vatican – Những ngày qua các quốc gia đang hứng chịu những ngày giá rét và thời tiết khắc nghiệt. Nhiều trường hợp chết vì giá lanh của  người vô gia cư đã được ghi nhận ở các nới.

Trước tình hình khó khăn này, từ thứ 7 tuần trước, nghĩa là từ ngày 7/1, nhà thờ thánh Calisto ở khu vực Trastevere, Roma đã mở cửa để cho những người sống trên đường phố không nơi trú ngụ có thể tìm được nơi trú ngụ qua đêm.

Nhà thờ này và các cơ sở phụ thuộc là vùng ngoại giới, tài sản trực thuộc Tòa thánh. Nhà thời là nơi thờ phượng cổ kính, được xây cất xung quanh một giếng nước nơi Đức giáo hoàng Calisto I tử đạo, vào năm 222. Tòa nhà hiện tại được xây cất vào thế kỷ XVII. Nhà thờ này được trao cho cộng đồng thánh Egidio và cộng đồng tổ chức các hoạt động phụng tự và giáo lý, đặc biệt cho những người cao niên và khuyết tật.

Hiện tại có khoảng 30 người, gồm người Italia và ngoại quốc, thường sống ngoài đường phố, được nghỉ đêm trong nhà thờ và trong các nơi liền kề, được sưởi ấm và được cung cấp giường, chăn mền và các dịch vụ vệ sinh. Các khách cư trú này có thể ăn tối từ 19 giờ chiều trở đi tại nhà ăn gần đó ở đường Via Dandolo và do đó có thể đến nhà thờ từ khoảng 20-22 giờ. Họ rời nhà thờ vào khoảng 8 giờ sáng.

Việc đón tiếp những người vô gia cư được giúp đỡ bởi các tình nguyện viên của cộng đồng thánh Egidio; những người này sẽ luân phiên hiện diện suốt trong những giờ nhà thờ mở cửa. Mỗi khách trọ được các tình nguyện viên giúp đỡ, đồng hành trong việc tìm giải pháp cho những nhu cầu vật chất và sưc khỏe của họ. Những ngày sau khi được tiếp đón tại đây họ sẽ tìm kiếm, nếu có thể, nơi có tình trạng tiếp đón ổn định hơn.

Tại Torino, Tổng giáo phận cũng đã tham gia vào việc giúp đỡ nhiều người nghèo khổ cần được giúp đỡ trong những ngày giá lạnh.

Tổng Giáo phận đã quyết định nới rộng “nhà ngủ” ở đường Via Cappel Verde, tại trung tâm lịch sử, dùng một tầng khác của tòa nhà làm nơi ngủ cho những người vô gia cư. Tại đây các khách trọ có thể ăn sáng và ăn tối. Hoạt động này được thực hiện cùng với sự cộng tác của Ser.Mi.G.

Bên cạnh đó, Đức cha Cesare Nosiglia – Tổng Giám mục của Torino đã kêu gọi các giáo xứ và các dòng tu làm hết sức để giúp những người vô gia cư. (ACI 13/01/2017)

Hồng Thủy

Phân phát 50 ngàn cuốn sách ”Hình ảnh lòng thương xót”

Phân phát 50 ngàn cuốn sách ”Hình ảnh lòng thương xót”

VATICAN. Sở từ thiện của ĐTC đã phân phát 50 ngàn cuốn sách bỏ túi với tựa đề ”Hình ảnh lòng thương xót” (Icone di Misericordia) cho các tín hữu tham dự buổi đọc kinh truyền tin trưa ngày 6-1-2017 tại quảng trường Thánh Phêrô.

Cuốn sách này như quà tặng của ĐTC đã được 300 người vô gia cư, nhiều người thiện nguyện và các tu sĩ phân phát vào cuối buổi đọc kinh, như một thành quả nhỏ của Năm Thánh Lòng Thương Xót, và chứa đựng một số suy tư và kinh nguyện về Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa.

Hình ảnh Chúa Giêsu Thương Xót được trình bày qua 6 giai thoại Tin Mừng kể lại kinh nguyện của 6 người đã được tình yêu thương xót của Chúa biến đổi, đó là Ông Zakêu, Mathêu người thu thuế, người phụ nữ xứ Samaria, người trộm lành, sau cùng là Tông Đồ Phêrô.

Sau buổi đọc kinh, hơn 300 người vô gia cư đã được ĐTC tặng các hộp thực phẩm và nước uống (SD 6-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp dân chúng các vùng bị động đất ở Italia

Đức Thánh Cha tiếp dân chúng các vùng bị động đất ở Italia

VATICAN. Sáng 5-1-2017, ĐTC đã tiếp kiến các giới chức chính quyền, giáo quyến và hàng ngàn người bị động đất ở miền Trung Italia hồi năm ngoái.

Hiện diện tại Đại thính đường Phaolô 6 có 800 người thuộc tổng giáo phận Spoleto-Norcia, 500 người từ giáo phân Rieti, và 500 người khác bị động đất đang tạm trú ở Roma. Ngoài ra có các vị thị trưởng, xã trưởng và chính quyền 4 miền Marche, Umbria, Lazio và Abruzzo cùng với các GM giáo phận liên hệ.

Trước buổi tiếp kiến, lúc 11 giờ có nghi thức rước Thánh Giá Ngày Quốc Tế giới trẻ vào đại thính đường. Thánh giá này từ ngày thứ tư lễ tro, 1 tháng 3 tới đây, sẽ được rước tới các giáo phận bị động đất, và kết thúc ngày 25-3-2017 tại Đền thánh Đức Mẹ Loreto, nơi sẽ diễn ra buổi canh thức miền để cầu cho ơn gọi.

ĐTC đã tiến vào Đại thính đường lúc 11 giờ rưỡi để bắt đầu buổi tiếp kiến. Ngỏ lời với mọi người sau chứng từ của một gia trưởng bị động đất, và một cha sở ở địa phương, ngài đã ứng khẩu chia sẻ đau khổ và tái bày tỏ tình liên đới với các nạn nhân và cùng cầu nguyện với các tín hữu cho những người đã bị thiệt mạng, cũng như những người bị thương còn được điều trị. Ngài nhấn mạnh đến sự ”tái thiết tâm hồn trước khi tái tạo nhà cửa”: ”Tái thiết là nhu cầu cấp thiết và để tái thiết chúng ta cần có con tim và đôi tay, tay của chúng ta và của tất cả mọi người..” ĐTC cũng nhận xét rằng ”không có chỗ cho lạc quan ở đây, nhưng có chỗ cho hy vọng. Lạc quan là một thái độ hữu ích nhất thời, nhưng không có thực chất. Ngày nay cần có hy vọng để tái thiết và điều này chúng ta thực hiện bằng đôi tay”.

ĐTC cũng nhận xét rằng: ”Các vết thương sẽ lành, nhưng các vết sẹo vẫn còn suốt đời và sẽ là một kỷ niệm về lúc đau thương này”.

Các cuộc động đất ngày 24-8-2016, 26 và 30-10-2016 ở miền trung Italia đã làm cho 300 người chết, 40 ngàn người không còn gia cư. Nhiều thánh đường bị hư hại hoặc bị phá hủy hoàn toàn, trong đó có Vương cung thánh đường thánh Biển Đức ở Norcia, nơi sinh của thánh nhân.

Thứ bẩy, 14-1 tới đây, tại nguyện đường nhà trọ thánh Martha nơi ngài cư ngụ, ĐTC sẽ rửa tội cho 8 hài nhi con cái của các nạn nhân bị động đất. (SD 5-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

ĐHY Stanislaw Rylko, tân Giám Quản Đền Thờ Đức Bà Cả

ĐHY Stanislaw Rylko, tân Giám Quản Đền Thờ Đức Bà Cả

dhy-stanislaw-rylko-tan-giam-quan-den-tho-duc-ba-ca

VATICAN. Hôm 28-12-2016, ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Stanislaw Rylko người Ba Lan, làm tân Giám quản đền thờ Đức Bà Cả ở Roma.

Trước đó, ngài đã nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của ĐHY Santos Abril y Castelló, 81 tuổi (1935), người Tây Ban Nha.

ĐHY Stanislaw Rylko năm nay 71 tuổi (1945), nguyên là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân, trong 13 năm qua (2003).

ĐTC đã gộp Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân, Hội đồng gia đình và sự sống thành một cơ quan mới là Bộ giáo dân, gia đình và sự sống. Ngài trao cho Đức tân Hồng Y Kevin Farrell, người Mỹ gốc Ai Len, làm tân Bộ trưởng của Bộ này. (SD 28-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Hội nhi đồng truyền giáo Đức hát thánh giúp trẻ em nghèo khổ

Hội nhi đồng truyền giáo Đức hát thánh giúp trẻ em nghèo khổ

hoi-nhi-dong-truyen-giao-duc-hat-thanh-ca-quyen-gop-giup-tre-em-ngheo-kho

Aachen – “Mang lời chúc lành, là lời chúc lành. Cùng nhau cho thụ tạo. Ở Kenya và khắp thế giới!”, đây là khẩu hiệu năm 2017 của Hội nhi đồng truyền giáo Đức.

Như mọi năm, năm nay là lần thứ 59 các “Ngôi sao ca nhạc” của Hội sẽ hát thánh ca trên các nẻo đường ở Đức. Các em thiếu nhi mặc trang phục truyền thống của Ba Vua, với ngôi sao và các bài hát, các em đi đến các gia đình trong những ngày Giáng sinh và trong dịp đầu Năm Mới. Có khoảng nửa triệu trẻ em thuộc các giáo xứ Công giáo ở Đức sẽ mang chúc lành "C+M+ B", tiếng Đức là "Christus mansionem benedicat”, nghĩa là “Chúa Ki-tô chúc lành cho nhà này”, đến các gia đình, quyên góp các quà tặng cho các thiếu nhi ở tuổi các em đang đau khổ trên thế giới. Việc quyên góp của các “Ngôi sao ca nhạc” này là chương trình tương trợ lớn nhất trên thế giới, cho phép các trẻ em giúp đỡ những người nghèo khổ cùng tuổi các em.

Tham gia vào chương trình năm 2017 này, Hội nhi đồng truyền giáo Đức nhận thức tầm quan trọng của sự dấn thân của các em cho các trẻ em chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự thay đổi khí hậu. Các tài liệu giải thích về vùng Turkana, nơi nghèo khổ và xa xôi nhất của Kenya, được chuẩn bị cho việc linh động truyền giáo giữa các em, đưa ra những hậu quả của thay đổi khí hậu cho những người có ít trách nhiệm. Giám đốc quốc gia của các Hội truyền giáo Giáo hoàng và Nhi đồng truyền giáo nhấn mạnh rằng: “Với sự dấn thân của mình, các thiếu nhi Đức xây những nhịp cầu với trẻ em trên khắp thế giới.”

Ngày 14/11, khi tiếp đội tuyển bóng đá quốc gia của Đức, Đức Thánh Cha Phanxico cũng nhắc đến tầm quan trọng của sự dấn thân của em. Ngài nói: “Cha đặc biệt biết ơn sự trợ giúp của chúng con cho các “Ngôi sao ca nhạc”, những thiếu nhi trao tặng sự giúp đỡ cụ thể cho các trẻ em và người trẻ ở các quốc gia nghèo nhất. Chương tình này cho thấy cách thức có thể để cùng nhau vượt qua những rào cản dường như không thể vượt qua đang trừng phạt những người nghèo khổ và bị gạt ra bên lề xã hội. Cũng bằng cách này, các con đóng góp vào việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ hơn.” (Agenzia Fides 22/12/2016)

Hồng Thủy

Sứ điệp Giáng sinh của ĐHY Chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ

Sứ điệp Giáng sinh của ĐHY Chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ

u-diep-giang-sinh-cua-duc-hong-y-chu-tich-hoi-dong-giam-muc-hoa-ky

Washington – Hôm 19/12, Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo của Tổng giáo phận Galveston-Houston, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, đã gửi sứ điệp Giáng sinh Video đến người Công giáo Hoa kỳ. Trong sứ điệp, ĐHY DiNardo khuyến khích các tín hữu Công giáo viếng các hang đá và suy tư về cách thế trao tặng chính mình trong Năm Mới.

 “Anh chị em thân mến, như các đạo sĩ và mục đồng trước chúng ta, chúng ta đang làm cuộc hành trình Giáng sinh đến nhìn xem Đấng cứu thế mới sinh. Cách đây hàng thế kỷ, các quà tặng vàng, nhũ hương và mộc dược đã chào kính Hài nhi Giê-su. Những người thiếu thốn tình yêu của Thiên Chúa đã vui mừng về tin Người giáng sinh và dâng tặng các lễ vật của lòng biết ơn. Giáng sinh này chúng ta cũng hãy viếng các hang đã và dâng tặng lễ vật là chính bản thân chúng ta. Lễ vật này xuất phát từ những ao ước và sự tìm kiếm hòa bình luc này và tại nơi này của chúng ta.

Chúng ta khám phá ra sự ngây thơ vô tội mỏng manh của niềm hy vọng trong đôi mắt của hài nhi mới sinh, được bọc trong khan. Mẹ Maria và thánh Giuse chào đón niềm hy vọng trẻ trung này, vì Chúa Giê-su bày tỏ, nơi Ngôi vị của Người, lời hứa “niềm vui vĩ đại cho tất cả mọi dân.” Ngày nay chúng ta có thể nuôi dưỡng cùng niềm hy vọng này. Chúng ta làm điều này bằng cách chào hỏi nhau trong tình yêu và bác ái, ôm ấp sự văn minh và đừng để sự khác biệt của chúng ta che mất phẩm giá và vẻ đẹp Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta là con cái của Ngài.

Cho phép tôi nói một lời đặc biệt với các anh chị em, những người thấy mình là người nhập cư và di dân vào ngày Giáng sinh. Nơi anh chị em, chúng tôi nhìn thấy sự vất vả của gia đình Thánh gia. Từ sứ thần của Thiên Chúa, Giuse đã nghe lời kêu gọi “hãy trỗi dậy và trốn đi” để gìn giứ Mẹ Maria và Chúa Giê-su an toàn khỏi bạo lực ở quê nhà. Giáo hội Công giáo Hoa kỳ đang cầu nguyện cho anh chị em và đang hoạt động để đón tiếp anh chị em như chúng tôi sẽ nên làm với Thánh gia.

Chúng ta vẫn là một dân tộc cần tình yêu của Thiên Chúa trong mùa Giáng sinh này, đặc biệt những đứa trẻ chưa sinh của những người thất nghiệp, người đau khổ và bệnh tật, người cô đơn và đang than khóc. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đến trên chúng ta như Người đã che phủ Mẹ Maria trong ngày Truyền Tin để khi được tràn đầy tình yêu của Con Mẹ, chúng ta sẽ “công bố sự cao cả của Thiên Chúa.” Chúc mừng Giáng sinh! (CNS 20/12/2016)

Hồng Thủy

20 tín hữu Công giáo Ấn độ bị đánh dã man khi hát Thánh ca Giáng sinh

20 tín hữu Công giáo Ấn độ bị đánh dã man khi hát Thánh ca Giáng sinh

20-carol-singing

Banswara, Ấn độ – Một nhóm tín hữu Công giáo đã bị đánh đập dã man và bị cáo buộc thực hành các cuộc cưỡng bức cải đạo vì hát Thánh ca Giáng sinh tại tư gia.

Sự việc xảy ra tại làng Tikariya, gần thành phố  Banswara thuộc bang Rajasthan, Ấn độ. Các giáo dân thuộc giáo xứ thánh Phêrô và Phaolô, giáo phận Udaipur. Trong số nạn nhân cũng có cha sở của giáo xứ là cha Stephen Rawat. Cha Rawat cho biết là cha không có thù oán với ai.

Như hàng năm, giáo xứ tổ chức hánh thánh ca Giáng sinh tại các gia đình Công giáo. Năm nay nhóm có 20 người, gồm 3 nữ tu, các phụ nữ và trẻ em. Họ bắt đầu hoạt động này từ hôm 11/12, nhưng đến ngày 14/12 thì xảy ra vụ đánh đập này. Khoảng 30 kẻ vũ trang với gậy gộc đã xông vào nhóm khi các tín hữu đang đi về xe của họ sau buổi cử hành. 3 nữ tu may mắn thoát nạn vì họ vẫn còn ở trong nhà; các trẻ em cũng trốn thoát được.

8 tín hữu bị đánh đập nặng nề bởi những kẻ tấn công hô to khẩu hiệu “Chiến thắng cho Mẹ Ấn độ”. (Asia News 15/12/2016)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của nông thôn

Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của nông thôn

duc-thanh-cha-de-cao-tam-quan-trong-cua-nong-thon

VATICAN. ĐTC đề cao tầm quan trọng của nông thôn và kêu gọi thực thi tinh thần liên đới để giải quyết các vấn đề của giới nhà nông.

Ngài đưa ra lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 10-12-2016, dành cho 60 tham dự viên khóa họp của Hiệp hội Công Giáo quốc tế của giới nông thôn, gọi tắt là ICRA.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc đến những vấn đề của giới nông thôn là thiếu các cơ cấu công quyền, sự thủ đắc bất công đất đai và tước đoạt sự sản xuất của những sở hữu chủ hợp pháp, những phương pháp đầu cơ bất chính và sự thiếu chính sách chuyên biệt trên bình diện quốc gia và quốc tế. ĐTC cũng tố giác rằng khi nhìn thế giới nông thôn ngày nay, người ta thấy chiều kích thị trường chiếm quyền tối thượng và hướng dẫn mọi hành động và quyết định! Vì thế người ta hy sinh nhịp sống canh nông với những lúc làm việc và nghỉ ngơi, ngày nghỉ hàng tuần và sự chăm sóc gia đình. Đời sống canh nông bị coi như chỉ có một giá trị thấp.

Trong bối cảnh trên đây, ĐTC kêu gọi nhìn nhận ý nghĩa con người, chiều kích gia đình và xã hội, cảm thức liên đới, như những giá trị thiết yếu, kể cả trong những tình trạng chậm tiến và nghèo đói. Cần phải gia tăng tinh thần nhân đạo, nhất là đề ra những chọn lựa can đảm và luôn cập nhật khả năng chuyên môn, để cộng tác với các tổ chức quốc gia và quốc tế trong việc đề nghị các kỹ năng và giải quyết các vấn đề, luôn luôn theo tiêu chuẩn nhân đạo. (SD 10-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Tỷ lệ yêu kính Đức Giáo Hoàng gia tăng nơi tín hữu Công giáo Hoa kỳ

Tỷ lệ yêu kính Đức Giáo Hoàng gia tăng nơi tín hữu Công giáo Hoa kỳ

duc-giao-hoang-phanxico-bong-tre-em

St. Leo, Fla. – Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy sự yêukính Đức Giáo hoàng Phanxicô giảm đôi chút nơi những người Mỹ trưởng thành nhưng lại gia tăng nơi các tín hữu Công giáo, so với một năm trước đây.

Cuộc bình chọn do viện thăm dò của đại học St. Leo thuộc bang Florida thực hiện, lấy ý kiến của 1001 người về mức độ yêu thích đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, từ rất yêu thích, đến hơi yêu thích, đến hơi không thích hay không thích tí nào.

Sự nổi tiếng của Đức Giáo hoàng hơi giảm, từ 65.5% vào tháng 9 xuống còn 62.6% vào tháng 11. Đối với tín hữu Công giáo trưởng thành, mức độ yêu thích ngài tăng từ 84.2% lên 85.8% so với 2 tháng trước. Marc Pugliese, trợ giảng giáo sư thần học và tôn giáo tại đại học St Leo nghĩ là sự gia tăng này có lẽ xuất phát từ sự quan tâm đến Đức Giáo hoàng khi Năm Thánh Lòng thương xót sắp kết thúc.

Tỷ lệ yêu thích Đức Giáo hoàng cao nhất là vào tháng 9 năm 2015, ngay sau khi ngài viếng thăm Hoa kỳ. Giáo sư Pugliese cho rằng vì từ tháng 9/2016, Đức Giáo hoàng không có nhiều hoạt động công khai nên mức độ yêu thích ngài giảm sút đôi chút nơi dân chúng cách chung. (CNS 09/12/2016)

Hồng Thủy

Hiệp hội các nữ nhân viên Vatican

Hiệp hội các nữ nhân viên Vatican

association-for-vatican-women-employees

Vatican – D.VA, “donne in Vaticano”, phụ nữ ở Vatican, là hiệp hội của các nữ nhân viên Vatican, mới được thành lập để bảo vệ quyền lợi của nữ giới.

Đây là Hiệp hội đầu tiên ở Vatican chỉ dành cho nữ giới, một Hiệp hội chỉ dành cho các nhân viên nữ đang làm việc cho Vatican, cho Tòa Thánh và các cơ quan Tòa Thánh, bao gồm tu sĩ và giáo dân, đang còn làm việc hoặc đã nghỉ hưu. Hiệp hội D.VA đã được chấp thuận và hiến pháp được ký ngày 01/09/2016 tại phủ Thống đốc Vatican.

D.VA nhắm kiến tạo một mạng lưới thân hữu, trao đổi chia sẻ và hỗ tương giữa các nhân viên nữ giúp phát triển nhân bản và chuyên môn nghề nghiệp. D.VA cũng muốn bày tỏ sự quan tâm với các phụ nữ kém may mắn để xoa dịu những đau khổ. Các thành viên cũng ao ước hiện thực các chương trình và các đóng góp cho các phụ nữ Kitô giáo khác.

Các vị Giáo hoàng sau này đã đánh giá cao và tôn trọng đối với các phụ nữ. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói:  “Giáo hội không thể là chính mình nếu không có phụ nữ và vai trò của họ.”

Hiện tại đã có hơn 50 nữ nhân viên thuộc 16 cơ quan khác nhau đã ghi danh cho năm 2017. Chủ tịch của D.VA là Tracey McClure, và phó chủ tịch là Romilda Ferrauto.

Được biết hiện nay có hơn 750 người nữ làm việc chính thức tại Vatican, chiếm 19% tổng số nhân viên Vatican. Vatican là quốc gia duy nhất trong đó các nhân viên nam giới và nữ giới được trả lương bằng với nhau.

Sô nhân viên nữ tại Vatican gia tăng trong những thập niên cuối. Nữ nhân viên đầu tiên có hợp đồng làm việc cho Vatican là Anna Pezzoli, bắt đầu làm việc từ tháng 02/1915. (SD 07/12/2016)

Hồng Thủy

(Thi Thuy le)

Giáo hội tại Á châu có sứ vụ giúp các gia đình khám phá Chúa Kitô

Giáo hội tại Á châu có sứ vụ giúp các gia đình khám phá Chúa Kitô

duc-hong-y-george-alencherry

Colombo – Giáo hội tại Á châu có sứ vụ giúp các gia đình khám phá Chúa Kitô. Đức Hồng y George Alencherry, Tổng Giám mục trưởng của Ernakulam-Angamaly, bang Kerala, Ấn độ, Chủ tịch Hội đồng Giám mục nghi lễ Syro-Malabar, đã phát biểu như trên trong đại hội của Liên Hội đồng Giám mục Á châu đang diễn ra tại Colombo, Srilanka.

Phát biểu trước 140 đại biểu của đại hội, bao gồm các Hồng y, Tổng Giám mục và Giám mục đến từ khoảng 40 nước thuộc Á châu và một số đại diện như các nhà thần học và các giáo dân dấn thân trong Giáo hội tại Á châu, Đức Hồng y nói: “Chúng ta cần tìm ra Chúa Kitô trong chúng ta để giúp người khác khám phá ra Người trong cuộc sống của các gia đình và dân tộc của chúng ta: đây là truyền giảng Tin mừng.”

Đại hội của Liên Hội đồng Giám mục Á châu được tổ chức 4 năm một lần. Đại hội năm nay có chủ đề “Gia đình Công giáo Á châu: Giáo hội tại gia của người nghèo trong sứ vụ của lòng thương xót. Các Giáo hội tại Á châu đang tự hỏi làm cách nào để làm cho các gia đình Công giáo trở thành dụng cụ loan báo Tin mừng của lòng thương xót.

Đức Hồng y cũng nói thêm: “Trong bối cảnh của Năm Thánh vừa kết thúc, “chúng ta đang khám phá điều gì có thể là sứ vụ của lòng thương xót của gia đình Công giáo ở Á châu. Dường như đối với tôi, hành trình của chúng ta cũng giống hành trình của các Tông đồ: giúp mỗi người gặp Chúa Kitô trong cuộc sống của họ và giúp các gia đình chúng ta khám phá ra sự hiện diện của Chúa Kitô bên trong và bên ngoài các nhân tố gia đình. Đây là sứ vụ chung của Giáo hội, là sứ vụ của các Giám mục, Linh  mục, các tu sĩ, các gia đình.”

Đức Hồng y giải thích: “Các gia đình ở Á châu sống trong bối cảnh đa tôn giáo, bị ảnh hưởng bởi các kiểu gia đình của các tôn giáo khác. Các tôn giáo ở Á châu là một con đường tìm kiếm Thiên Chúa. Đối với các Kitô hữu chúng ta, Chúa Kitô ở trung tâm của chứng tá đức tin của chúng ta. Chính đặc tính duy nhất của Chúa Kitô là món quà của Chúa Kitô cho thế giới, cứu độ và đánh dấu niềm tin của chúng ta. Thiên Chúa nhân từ và Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta khuôn mặt của lòng thương xót của Thiên Chúa.” Đức Hồng y nhắc là, trong quá khứ, dường như các mục tử đã quên Chúa trong khi chỉ nại đến việc tuân giữ luật mà quên lòng thương xót của Chúa.

Đức Hồng y nhắc nhở rằng: “Các Kitô hữu được gọi nắm lấy sự hiện diện và hành động của Chúa Kitô trong con người và trong tạo vật, như thánh Phanxicô Assisi làm.” Ngài kết luận: “Đã nhìn thấy, đã nghe, đã chạm vào Chúa Kitô, chúng ta không được từ bỏ các phúc lành xuất phát từ việc theo Chúa Kitô. Gia đình chúng ta gặp Chúa Giêsu trong cuộc sống của họ và nhận phúc lành của Người. Hãy biến điều này thành điều thiện ích cho Giáo hội và xã hội Á châu.” (Agenzia Fides 03/12/2016)

Hồng Thủy 

Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu nhóm Đại hội thứ 11

Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu nhóm Đại hội thứ 11

lien-hoi-dong-giam-muc-a-chau-nhom-dai-hoi-thu-11

COLOMBO. Trong những ngày này, từ 28-11 đến 4-12-2016, Liên HĐGM Á châu đang nhóm đại hội lần thứ 11 tại Negombo, thuộc tổng giáo phận Colombo, thủ đô Sri Lanka.

Đại hội này nhóm 4 năm 1 lần. Lần thứ 10 trước đây, năm 2012, các GM Á châu đã nhóm tại Xuân Lộc và Sàigòn.

Chủ đề khóa họp hiện nay là ”Gia đình Công Giáo tại Á châu: Giáo Hội tại gia của người nghèo trong sứ mạng từ bi thương xót”. Các tham dự viên cũng bàn về ”Niềm vui Phúc Âm và gia đình tại Á châu dưới ánh sáng Thượng HĐGM thế giới”. Các vị đặc biệt quan tâm tới những khó khăn lớn mà các gia đình đang gặp phải: những quan hệ ngoài hôn nhân, sự vắng bóng con cái, số ly dị gia tăng, và những giờ làm việc bên ngoài khiến cho nhiều cha mẹ càng ít giờ cho gia đình, nạn dâm ô lan tràn, phá thai, làm cho chết êm dịu và nạn xuất cư.

ĐTC đã cử ĐHY Telesphore Placidus Toppo, TGM giáo phận Ranchi ở miền đông bắc Ấn độ, làm đặc sứ của ngài tại Đại hội. Khoảng 140 đại biểu của các HĐGM Á Châu, trong đó có Việt Nam, đã đến tham dự Hội nghị.

ĐHY Oswald Gravias, TGM giáo phận Mumbai, Ấn độ, Chủ tịch Liên HĐGM Á châu, trong diễn văn khai mạc đã mời gọi các GM và các tham dự viên đặc biệt cầu nguyện cho tất cả các gia đình và các tín hữu Kitô tại Siria đang chịu thảm cảnh chiến tranh từ hơn 5 năm nay. Ngài nói: ”Chúng ta tụ họp nhau nơi đây để thảo luận và quyết định về gia đình, nhưng chúng ta không thể quên các gia đình ở Siria đang chịu đau khổ, phải di tản và chết chóc, vì cuộc nội chiến. Đặc biệt các tín hữu Kitô đang sống thời điểm thật là khó khăn. Trong đại hội này, chúng ta cần cầu nguyện cho họ”.

Trong khuôn khổ Đại hội, các vị lãnh đạo Công Giáo sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo Phật giáo, Hồi giáo và Ấn giáo.

Vào cuối khóa họp, Liên HĐGM Á châu sẽ công bố một văn kiện chung kết, như một tài liệu hướng dẫn việc mục vụ gia đình tại Á châu.

Chính Phủ Sri Lanka đã giúp 10 triệu Rupee tương đương với gần 66,700 Mỹ kim để góp phần trang trải phí tổn tổ chức và tiến hành Đại hội này.

Liên HĐGM Á châu là một tổ chức được thành lập cách đây 44 năm với sự phê chuẩn của Tòa Thánh và nhắm thăng tiến tình liên đới cũng như tinh thần đồng trách nhiệm của các HĐGM thành viên đối với thiện ích của Giáo Hội và xã hội tại Á châu, đồng thời thăng tiến và bảo vệ bất cứ những gì nhắm đến thiện ích lớn hơn (Ucan 28-11-2016; Asia News 29-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Công bố đề tài các Ngày Quốc Tế giới trẻ sắp tới

Công bố đề tài các Ngày Quốc Tế giới trẻ sắp tới

cong-bo-de-tai-cac-ngay-quoc-te-gioi-tre-sap-toi

VATICAN. Bộ giáo dân, gia đình và sự sống đã công bố đề tài các ngày Quốc Tế giới trẻ 3 năm tới đây, do ĐTC chọn.

Đề tài cho Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 32 vào năm tới, 2017, là ”Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại”, Luca đoạn 1, câu 49.

Đề tài cho Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 33 vào năm 2018 là: ”Hỡi Maria, đừng sợ, vì bà đã được ân nghĩa với Thiên Chúa” Luca đoạn 1, câu 30

Và sau cùng Ngày Quốc tế giới trẻ lần thứ 34 sẽ tiến hành trên bình diện hoàn cầu vào năm 2019 tại Panama với chủ đề: ”Này tôi là tôi tớ Chúa; xin xảy ra cho tôi như lời Sứ Thần”, Luca đoạn 1 câu 38.

Bộ giáo dân, gia đình và sự sống giải thích rằng hành trình tinh thần được ĐTC đề ra tiếp nối hợp với suy tư đã khởi sự với 3 Ngày Quốc Tế giới trẻ từ năm 2014 đến 2016, qui về các Mối Phúc. Như chúng ta biết, Mẹ Maria là Đấng mà mọi đời sẽ gọi là ”Người Có Phúc” (Xc Lc 1,49). Trong diễn văn chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với những người thiện nguyện của Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Cracovia, Ba Lan, ĐTC Phanxicô đã trình bày các thái độ của Mẹ Chúa Giêsu như mẫu gương cần noi theo. Rồi, khi nói ứng khẩu trong dịp ấy, ĐTC mời gọi các bạn trẻ hãy nhớ lại quá khứ, có can đảm trong hiện tại và hy vọng tương lai. Vì thế 3 đề tài được loan báo trên đây nhắm mang lại hành trình cho các Ngày Quốc Tế giới trẻ tới đây một sắc thái Thánh Mẫu, đồng thời gợi lại hình ảnh giới trẻ đang tiến bước giữa quá khứ (2017), hiện tại (2018) và tương lai (2019), được linh hoạt bằng 3 nhân đức hướng thần: tin, cậy, mến.

Hành trình được đề nghị với người trẻ cũng chứng tỏ một sự hòa hợp rõ ràng với suy tư mà ĐTC Phanxicô ủy thác cho Thượng HĐGM thế giới tới đây, đó là: ”Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”.

Bộ giáo dân, gia đình và sự sống hiện do Đức Tân HY Kevin Joseph Farrell, người Mỹ, làm Bộ trưởng (SD 22-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Hồng Y Dolan kêu gọi gia tăng nỗ lực chấm dứt trợ giúp tự tử

Đức Hồng Y Dolan kêu gọi gia tăng nỗ lực chấm dứt trợ giúp tự tử

duc-hong-y-timothy-dolan

Washington – Đức Hồng Y chủ tịch Ủy ban Hoạt động Phò sự sống của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ kêu gọi gia tăng nỗ lực và sức sống mới để chấm dứt việc trợ giúp tự tử, sau khi các cử tri bỏ phiếu chấp thuận luật này tại bang Colorado và Washington DC.

Đức Hồng y Timothy M. Dolan của New York đã mời gọi các tín hữu Công giáo hợp với các chuyên gia y khoa, các nhóm quyền người khuyết tật và các nhóm khác trong việc tranh đấu cho một sự chăm sóc đích thực những người đang chịu đựng bệnh tật giai đoạn cuối.

Trong thông cáo hôm 21/11, Đức Hồng y viết: “Hơn nữa, việc kê một liều thuốc độc giết người coi nhẹ mục đích của ngành y. Các bác sĩ thề hứa không làm hại, tuy nhiên trợ giúp tự tử là sự bỏ rơi tột cùng bệnh nhân của họ.” Đức Hồng y đã lên tiếng sau khi bang Colorado thông qua luật trợ giúp tự tử trong cuộc bỏ phiếu ngày 8/11. Luật pháp cũng cho phép các công ty bảo hiểm từ chối trị liệu cho các bệnh nhân mà họ xem là ở giai đoạn cuối. Ở Washington DC, Hội đồng thành phố hôm 15/11 cũng chấp thuận luật “Chết với phẩm giá”, cho phép các thầy thuốc kê đơn thuốc cho các bệnh nhân được coi là tâm trí còn đủ khả năng quyết định và các bệnh nhân đã được chẩn đoán giai đoạn cuối. Theo đó, các bên thứ 3 có thể giúp các bệnh nhân dùng thuốc tự tử. Dự luật sẽ được đưa lên thị trưởng để phủ quyết hay quyết định.

Theo Đức Hồng Y Dolan, “mọi vụ tự tử đều bi thảm dù đó là người trẻ hay già, người khỏe mạnh hay đau yếu. Nhưng việc hợp pháp hóa cho phép các thầy thuốc trợ giúp tự tử tạo nên 2 lớp người: những người mà việc tự tử của họ được ngăn chặn bằng mọi giá và những người mà tự tử dường như là điều tích cực. Chúng ta loại bỏ vũ khí và ma túy là những thứ gây hại cho một nhóm, trong khi dùng thuốc để cho người khác chết, tạo nên một loại phân biệt đe dọa sự sống. Điều này hoàn toàn không công bằng. Nhân phẩm vốn có của chúng ta không suy yếu vì sự khởi đầu của bệnh tật hay thiếu năng lực và vì vậy đáng được bảo vệ.”

Đức Hồng y cũng nói thêm là các người bệnh nặng cần “sự trợ giúp đích thực, bao gồm sự dấn thân hoàn toàn của các bác sĩ cho lợi ích của họ và giúp họ chịu đựng đau đớn khi họ đi đến những ngày cuối đời. Các bệnh nhân cần sự bảo đảm của chúng ta là họ không phải là một gánh nặng – đó là một vinh dự khi chăm sóc cho họ cũng như chính chúng ta hy vọng được chăm sóc một ngày nào đó. Một xã hội cảm thông từ bi dành nhiều sự quan tâm hơn, chứ không ít đi, cho những cá nhân đối diện với những lúc dễ tổn thương nhất trong cuộc đời họ.” (CNS 22/11/2016)

Hồng Thủy

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi các Giám Mục Hoa Kỳ

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi các Giám Mục Hoa Kỳ

su-diep-viedo-cua-duc-thanh-cha-gui-cac-giam-muc-hoa-ky

VATICAN. ĐTC khuyến khích tất cả các giáo phận tại Hoa Kỳ tích cực tham gia cuộc gặp gỡ toàn quốc lần thứ 5 các tín hữu Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha, để canh tân và dấn thân truyền giáo.

 Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp Video gửi HĐGM Hoa Kỳ nhóm đại hội mùa thu từ ngày 14 đến 17-11-2016 tại thành phố Baltimore.

 Cuộc gặp gỡ các tín hữu Hispanic nói tiếng Tây Ban Nha, sẽ bắt đầu từ tháng giêng tới đây, 2017, tại các giáo phận, và kết thúc với cuộc cử hành toàn quốc vào tháng 9 năm 2018. Các sinh hoạt này nhắm nhìn nhận và đề cao những hồng ân đặc thù mà các tín hữu Công Giáo Hispanic đã và tiếp tục cống hiến cho Giáo Hội tại Mỹ. Hơn nữa, đó là thành phần một tiến trình rộng lớn hơn để canh tân và dấn thân truyền giáo mà tất cả các giáo phận tại Mỹ được kê gọi thực hiện.

 ĐTC bày tỏ hy vọng Giáo Hội tại Mỹ, ở mọi cấp độ, sẽ đồng hành với cuộc gặp gỡ sắp tới, qua những suy tư và sự phân định mục vụ, đặc biệt Ngài xin các giáo phận hãy cứu xét xem mình có thể làm gì để đáp ứng tốt đẹp hơn sự hiện diện ngày càng gia tăng của cộng đồng Hispanic. Để ý đến sự đóng góp của cộng đồng này cho đời sống quốc gia, ĐTC cầu nguyện để Cuộc gặp gỡ toàn quốc kỳ 5 của các tín hữu Công Giáo Hispanich mang lại thành quá cho sự canh tân xã hội Mỹ và cho hoạt động tông đồ tại nước này. (SD 15-11-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha kêu gọi bảo vệ trẻ em

Đức Thánh Cha kêu gọi bảo vệ trẻ em

duc-thanh-cha-keu-goi-bao-ve-tre-em

VATICAN. ĐTC kêu gọi luôn luôn bảo vệ trẻ em, chống lại mọi hình thức nô lệ, xung vào quân ngũ và các hình thức ngược đãi.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung sáng 16-11-2016, ĐTC nói:

”Chúa nhật 20-11 tới đây, sẽ cử hành ngày Thế Giới các quyền của trẻ em và thiếu niên. Tôi kêu gọi lương tâm của tất cả mọi người, các tổ chức và gia đình, để các trẻ em luôn luôn được bảo vệ và an sinh của các em luôn được giữ gìn, để các em không bao giờ bị lâm vào những hình thức nô lệ, tuyển mộ vào các nhóm võ trang và bị ngược đãi. Tôi cầu mong Cộng đồng quốc tế có thể canh chừng cuộc sống của các em, bảo đảm cho mỗi trẻ em nam nữ được quyền cắp sách đến trường và được giáo dục, để các em được tăng trưởng trong thanh thản và nhìn về tương lai trong niềm tín thác” (SD 16-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Sứ điệp Đức Thánh Cha gởi Hội nghị về thay đổi khí hậu

Sứ điệp Đức Thánh Cha gởi Hội nghị về thay đổi khí hậu

su-diep-duc-thanh-cha-goi-hoi-nghi-tai-maroc-ve-thay-doi-khi-hau

VATICAN. ĐTC kêu gọi các chính phủ hỗ trợ chính trị cho Hội nghị về sự thay đổi khí hậu đang nhóm tại Marakech, Maroc.

Hội nghị quốc tế gọi là COP22 do LHQ triệu tập đang tiến hành tại Marrakech từ mùng 7 cho đến ngày thứ sáu 18-11 tới đây với các đại diện của 196 quốc gia trong đó sẽ có 30 vị quốc trưởng, cùng với các quan chức chính quyền trong lãnh vực này và các tổ chức phi chính phủ. Họ thảo luận các chi tiết về việc áp dụng Hiệp định (COP21) về khí hậu ký kết hồi năm ngoái tại Paris, và bắt đầu có hiệu lực từ thứ 4-11-2016, sau khi hội đủ số các nước phê chuẩn Hiệp định.

Trong sứ điệp gửi hội nghị, được công bố sáng 15-11-2016, ĐTC đề cao tầm quan trọng của Hội nghị COP22 đang tiến hành và ngài nhận định rằng: ”Hội nghị bàn về những khía cạnh phức tạp, nhưng không thể chỉ được ủy cho sự đối thoại kỹ thuật chuyên môn, nhưng còn cần sự liên tục hỗ trợ và khích lệ chính trị, dự trên ý thức rằng ”chúng ta là một gia đình nhân loại duy nhất. Không có những biên giới và hàng rào chính trị hoặc xã hội cho phép chúng ta tự cô lập và do đó cũng chẳng có chỗ cho hoàn cầu hóa sự dửng dưng”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Một trong những đóng góp quan trọng chính yếu của Hiệp định Paris về sự thay đổi khí hậu là khích lệ thăng tiến những chiến lược phát triển quốc gia và quốc tế dự trên chất lượng môi trường mà chúng ta có thể định nghĩa là liên đới: khuyến khích liên đới với những dân tộc dễ bị tổn thương nhất và dựa trên những liên hệ chặt chẽ hiện có giữa cuộc chiến chống thay đổi khí hậu và cuộc chiến chống nghèo đói”.

Trong sứ điệp, ĐTC nhận định rằng ”Những giải pháp kỹ thuật chuyên môn cho vấn đề thay đổi khí hậu tuy cần thiết nhưng vẫn không đủ; điều thiết yếu và phải đó chính là để ý tới cảnhững khía cạnh luân lý đạo đức và xã hội trong mô hình mới về sự phát triển và tiến bộ”.

”Từ đây người ta đi vào những lãnh vực quan trọng là giáo dục và thăng tiến một lối sống cổ võ những kiểu mẫu sản xuất và tiêu thụ có thể tiến hành về lâu về dài; ngoài ra cần phải gia tăng ý thưc trách nhiệm đối với căn nhà chung của chúng ta”.

ĐTC vốn tỏ ra đặc biệt quan tâm đến Hội nghị hiện nay ở Marakech. Trong Vào cuối buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 6-11 vừa qua, ĐTC nói với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng Trường Thánh Phêrô rằng: ”Tôi cầu mong rằng tất cả tiến trình áp dụng Hiệp định ở Paris về khí hậu được hướng dẫn nhờ ý thức về trách nhiệm của chúng ta trong việc săn sóc căn nhà chung”. (SD 15-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Phanxicô muốn hiểu ảnh hưởng hoạt động chính trị trên người nghèo

Đức Phanxicô muốn hiểu ảnh hưởng hoạt động chính trị trên người nghèo

duc-giao-hoang-va-nguoi-ngheo

Vatican – Trong bài tường thuật dài đăng trên báo Repubblica, ông Eugenio Scalfari, vị sáng lập nhật báo đề cập đến cuộc phỏng vấn mới với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 7 tháng 11 vừa qua. Chủ đề của cuộc nói chuyện là về vị tân tổng thống Hoa kỳ, ông Donald Trump – khi đó chưa đắc cử – và các lo ngại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về người di dân, cuộc chiến chống lại sự bất bình đẳng, sự tử đạo của các Kitô hữu.

Theo ông Eugenio Scalfari, trả lời câu hỏi về ông Trump, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh là ngài không đưa ra phán xét về vị tân tổng thống Hoa kỳ mà chỉ muốn biết những ảnh hưởng của các việc làm của các nhà chính trị có thể gây nên cho người nghèo và những người bị loại bỏ.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng lo lắng của ngài là “về người tị nạn và di dân. Ngài nói về đau khổ, bất hạnh của họ do nhiều nguyên nhân và Giáo hội dấn thân hàng đầu nhưng nhiều lần các giải pháp bị những người sợ mất việc làm và bị giảm lương bổng phản đối.

Ngài cũng nhắc lại ý niệm đập bỏ các bức tường ngăn cách và xây các cây cầu để giảm bớt sự bất bình đẳng và gia tăng tự do và quyền lợi. Do đó cần đấu tranh chống lại sự bất bình đẳng; đây là điều ác lớn nhất tồn tại trên thế giới. Tiền bạc tạo nên các sự ác.Đức Giáo hoàng còn nói đến chiến tranh: thù ghét đáp lại thù ghét, chỉ làm gia tăng sự tồn tại của thù ghét và sự ác trên thế giới.

Nói về việc nhiều quốc gia chiến đấu để đánh bại nhà nước Hồi giáo bằng vũ khí, Đức Giáo hoàng trả lời rầng chúng ta, các Kitô hữu luôn luôn là các vị tử đạo nhưng đức tin của chúng ta đã chiến thắng phần lớn thế giới. Các Kitô hữu chiếm 2.5 tỉ tín hữu không phải bằng chiến tranh nhưng là nhờ các vị tử đạo. Rất nhiều. (RV 11/11/16)

Hồng Thủy

Khủng hoảng của các Linh mục cao niên ở Ireland

Khủng hoảng của các Linh mục cao niên ở Ireland

retired-priests

Dublin – Với độ tuổi trung bình của các Linh mục là gần 70 và một số lớn trong độ tuổi 80 và một ít ở tuổi 90 vẫn đang làm việc, các lãnh đạo của Hiệp hội Linh mục Công giáo cảnh giác về sự gia tăng khủng hoảng và cô đơn các Linh mục phải đối diện và đang tìm giải pháp phúc lợi cho vấn đề “chi tộc các Linh mục bị mất của Ái nhĩ lan”. Đây là mục đích tiên quyết của hội nghị hàng năm được nhóm họp vào ngày 16/11.

Cha Brendan Hoban, sáng lập của Hội, sẽ thuyết trình ở hội nghị với đề tài “Có phải chúng ta đang giết các Linh mục?”, trong đó cha chú trọng đến cảm giác thất vọng đang gia tăng và các vấn đề sưc khỏe mà các giáo sĩ lớn tuôi đang gặp. Cha cho biết vấn đề là do áp lực gia tăng mà các Linh mục gặp phải khi phải làm việc quá tuổi nghỉ hưu thường lệ do tình trạng thiếu Linh mục.

Cha Hoban, 69 tuổi chia sẻ là vì thiếu ơn gọi nên hầu hết Linh mục được khuyến khích tiếp tục làm việc. Do đó, thực tế thì nghỉ hưu không còn là một lựa chọn. Nó dường như bị loại bỏ. Các Linh mục ít hơn nên gánh nặng công việc gia tăng. Cha nói: “Nếu bạn còn trẻ và sức khỏe tốt, dâng 4 hay 5 lễ vào cuối tuần không thành vấn đề, nhưng nó thực sự là thử thách khi bạn già đi. Cách đây 20 năm, dễ dàng tìm Linh mục để thế chỗ nếu một Linh mục muốn lấy ngày nghỉ. Nhưng bây giờ rất khó và có những Linh mục không lấy một ngày nghỉ nào.” Cha cũng cho biết trước đây các nhà xứ thường có người giúp việc nấu nướng và dọn dẹp nhưng hầu như các xứ hiện nay không có và các Linh mục phải tự làm lấy. Cha nhận định: “Đây là những Linh mục mà tôi miêu tả như chi tộc bị lạc mất. Họ không còn có những phẩm chất của cuộc sống và họ cần sự quan tâm của chúng ta bởi vì nhiều vị đang ở trong tình trạng thất vọng.” (CNS 11/11/2016)

Hồng Thủy