Đức Thánh Cha tiếp kiến Giáo Hoàng Học Viện Bồ đào nha

Đức Thánh Cha tiếp kiến Giáo Hoàng Học Viện Bồ đào nha

VATICAN. Sáng 8-5-2017, ĐTC đã tiếp kiến ban giám đốc và các LM sinh viên thuộc Giáo Hoàng Học Viện Bồ Đào nha ở Roma gồm 50 người. Ngài mời gọi mọi người hãy tăng trưởng trong tình con thảo với Mẹ Maria.

ĐTC nhắn nhủ các linh mục sinh viên hãy tăng trưởng không biết mệt mỏi trong việc huấn luyện về phương diện Kitô, linh mục, mục vụ và văn hóa. Ngài nói: ”Bất kỳ anh em theo đuổi ngành chuyên môn nào, quan tâm đầu tiên của anh em vẫn phải luôn làm sao để tiến triển trên con đường thánh hiến linh mục, qua kinh nghiệm yêu mến Chúa: một Thiên Chúa gần gũi và trung tín, như hai chân phước Phanxicô, Giacinta và Nữ Tôi Tớ Chúa Lucia đã cảm thấy”.

ĐTC cũng đề cao tương quan với Mẹ Maria, tương quan này giúp chúng ta có tương quan tốt đẹp với Giáo Hội: ”cả hai đều là Mẹ chúng ta.. Cần vun trồng tình con thảo với Đức Mẹ, vì nếu thiếu điều này, thì có một sự mồ côi nào đó trong tâm hồn. Một linh mục quên Đức Mẹ, nhất là trong những lúc khó khăn, thì sẽ thiếu một sự gì đó, như thể là người mồ côi trong thực tế họ không phải như vậy!” (SD 8-5-2017)

 G. Trần Đức Anh OP 

Thư Đức Thánh Cha gửi các Giám Mục Venezuela

Thư Đức Thánh Cha gửi các Giám Mục Venezuela

VATICAN. Trong thư gửi các GM Venezuela, ĐTC bày tỏ xác tín: những vấn đề trầm trọng của đất nước này có thể được giải quyết, nếu có ý chí bắc cầu.

Trong thư đề ngày 5-5-2017, ĐTC cho biết ngài lo lắng theo dõi tình trạng của nhân dân Venezuela đang đứng trước những vấn đề trầm trọng đồng thời ngài cũng bày tỏ đau buồn sâu xa vì những cuộc đụng độ và bạo lực trong những ngày qua làm cho nhiều người chết và bị thương, chúng không giúp giải quyết các vấn đề, trái lại càng gây thêm đau khổ.

ĐTC cám ơn các GM cùng với các LM, tu sĩ và giáo dân chia sẻ tình cảnh đau khổ của dân chúng, thiếu lương thực và thuốc men, một số còn phải chịu những cuộc tấn công và những hành vi bạo hành chống lại các thánh đường của họ. Ngài viết:

”Tôi cũng cám ơn anh em vì đã liên tục kêu gọi tránh bất kỳ hình thức bạo lực nào, tôn trọng các quyền của công dân và bảo vệ phẩm giá con người cũng như các quyền căn bản, vì như anh em, tôi xác tín rằng những vấn đề trầm trọng của Venezuela có thể giải quyết được, nếu có ý chí kiến tạo những nhịp cầu, nếu người ta muốn đối thoại nghiêm túc và tôn trọng đã hiệp định đã đạt được”.

Sau cùng, ĐTC khuyến khích các GM Venezuela đừng để cho những người con yêu quí của đất nước này để cho mình bị sự thiếu tin tưởng và tuyệt vọng đánh bại, vì đây là những sự ác thấu nhập vào tâm hồn con người khi người ta không nhìn thấy viễn tượng tương lai. (SD 6-5-2017)

Tình hình

Trưa chúa nhật 7-5-2017, có một số người Venezuela hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với ĐTC. Họ mang những biểu ngữ và cờ Venezuela, cũng như những thánh giá màu đen âm thầm lưu ý về chế độ của tổng thống Nicolas Maduro, về những người chết trong những ngày qua vì biểu tình phản đối chế độ này.

Từ hơn 3 năm nay, Venezuela lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và chính trị. Các tổ chức nhân quyền và Giáo Hội Công Giáo phê bình cuộc bách hại chính trị chống phe đối lập cũng như sự đàn áp các giá trị dân chủ cơ bản. Làn sóng phản đối mới đây xảy ra khi ngành tư pháp tại Venezuela toan tính tước quyền của Quốc hội và vụ tổng thống Maduro truyên bố triệu tập một tổ chức để soạn thảo hiến pháp mới cho nướ cnày.

Từ đầu tháng 4 đến nay đã có hơn 35 người chết vì những xáo trộn tại Venezuela (KNA 7-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha tiếp Đại chủng viện miền Campana

Đức Thánh Cha tiếp Đại chủng viện miền Campana

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các vị giảng huấn tại Giáo Hoàng chủng viện miền Campano di Posillipo nam Italia huấn luyện các chủng sinh về tương quan tình bạn với Chúa Giêsu và học cách phân định, nhận ra tiếng Chúa.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 6-5-2017, dành cho 120 LM và chủng sinh thuộc chủng viện vừa nói. Chủng viện này được thánh Piô 10 thành lập năm 1912 dành cho nhiều giáo phận ở miền nam Italia và hiện là chủng viện duy nhất ở Italia do các cha dòng Tên điều khiển. 22 giáo phận hiện có chủng sinh theo học tại đây.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói với ban giảng huấn rằng Huấn luyện về linh đạo cho các LM giáo phận theo phương pháp sư phạm Linh Thao của thánh Ignatio là một trách vụ cam go, nhưng đồng thời đầy phấn khởi. Trong chiều hướng này, ngài khuyến khích các vị đặt ở vị trí trung tâm tương quan bản thân của các chủng sinh với Chúa Kitô, được tỏ lộ ưu tiên qua tình yêu thương đối với người nghèo; tiếp đến là giáo dục về sự phân định, giúp những người trẻ nhận ra tiếng Chúa giữa bao nhiêu tiếng nói vang dội và nhiều khi tràn vào tai và tâm hồn con người. Việc tập luyện phân định phải trở thành một nghệ thuật giáo dục thực sự, để linh mục trở thành một người phân định đích thực.

ĐTC nói: ”Để được như vậy, cần phải quen thuộc với việc lắng nghe Lời Chúa, nhưng đồng thờ cũng phải gia tăng ý thức về bản thân, về thế giới nội tâm của mình, với những tình cảm và lo sợ”.

Sau cùng huấn luyện linh mục theo linh đạo Ignatio là ngày càng tỏ ra cởi mở hơn đối với chiều kích của Nước Thiên Chúa, vun trồng ước muốn ”ngày càng hơn nữa”, ngày càng quảng đại hơn trong sự hiến thân cho Chúa và tha nhân, cũng như cho người ở trước mặt. Tìm kiếm nước Chúa có nghĩa là từ chối tiêu chuẩn tầm thường.

Trong chiều hướng đó, năm nay, đại chủng viện Campano di Posilippo này chọn đề tài: ”Tìm kiếm trước tiên Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt 6,36). Điều này giúp các vị giảng huấn mở rộng chân trời đào tạo, không hài lòng với việc đạt tới một vai trò, không thỏa mãn với những gì đạt được và an nghỉ trong thành công, nhưng ngày càng vun trồng ước muốn phục vụ trước tiên Chúa nơi anh em” (SD 6-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Ai Cập là dấu chỉ của niềm hy vọng sự trợ giúp và tình huynh đệ

Ai Cập là dấu chỉ của niềm hy vọng sự trợ giúp và tình huynh đệ

Sáng thứ tư 3-5-2017 đã có khoảng 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần với ĐTC. Như quý vị đã biết ĐTC vừa công du Ai Cập về nên trong bài huấn dụ  ĐTC đã chia sẻ với mọi người một số cảm tưởng của ngài. ĐTC nói: tôi đã viếng thăm đất nước này thể theo bốn lời mời: của tổng thống Cộng hòa Ai Cập, của Đức Thượng Phụ chính thống Copte, của Đại Imam Al-Azhar và của Đức Thượng Phụ công giáo Copte. Tôi xin cám ơn từng vị vì sự tiếp đón thật nồng hậu các vị đã dành cho tôi. Và tôi xin cám ơn toàn dân Ai Cập vì sự tham dự và lòng trìu mến dành cho Người Kế vị Thánh Phêrô.

Tổng thống và chính quyền dân sự đã dấn thân một cách ngoại thường  để cho chuyến viếng thăm được diễn ra trong cách thế tốt đẹp nhất, để nó có thể là một dấu chỉ của hòa bình đối với Ai Cập và toàn vùng này, rất tiếc đang phải khổ đau vì nạn khủng bố. Thật thế, vì khẩu hiệu của chuyến công du là “Đức Giáo Hoàng của hoà bình trong một Ai Cập hòa bình”.

Tiếp đến ĐTC đã duyệt lại các sinh hoạt của ngài trong hai ngày viếng thăm. Trước hết là thăm đại học Al- Azhar, là đại học hồi giáo cổ xưa nhất và là học viện tối cao của Hồi giáo Sunnít. Việc viếng thăm nhắm hai mục đích: trước hết là đối thoại giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo, đồng thời là để thăng tiến nền hoà bình trên thế giới. Tại đại học Al-Azhar đã có cuộc gặp gỡ với Đại Imam và trải rộng ra Hội nghị quốc tế về Hoà Bình. Trong bối cảnh đó tôi đã cống hiến một suy tư nhằm đánh giá cao lịch sử của Ai Cập như là vùng đất của nền văn minh và của các giao ước. ĐTC giải thích thêm như sau:

** Đối với toàn nhân loại Ai Cập đồng nghĩa với nền văn minh cổ xưa, các kho tàng nghệ thuật và hiểu biết: và điều này nhắc nhớ chúng ta rằng nền hoà bình được xây dựng qua việc giáo dục, đào tạo sự khôn ngoan, đào tào tạo một nền nhân bản bao gồm cả chiều kích tôn giáo như phần toàn vẹn, bao gồm tương quan với Thiên Chúa, như Đại Imam đã nhắc lại trong diễn văn của ngài. Nền hoà bình cũng được xây dựng bằng cách khởi hành từ giao ước giữa Thiên Chúa và con người, là nền tảng của giao ước giữa con người với nhau, dựa trên Mười Điều Răn được viết trên các bảng đá tại núi Sinai, nhưng còn sâu sắc hơn nữa nó được viết trong trái tim của từng người thuộc mọi thời đậi và ở mọi nơi, luật được tóm gọn trong hai điều răn của tình yêu thương đối với Thiên  Chúa và đối với con người.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: chính nền tảng này cũng là nền móng của việc xây dựng trật tự xã hội và dân sự, trong đó tất cả mọi công dân, thuộc mọi nguồn gốc, văn hoá và tôn giáo, đều được mời tham dự. Một viễn tượng đời lành mạnh như thế  đã được nêu bật trong việc trao đổi diễn văn với tổng thống  Ai Cập, trước sự hiện diện của các giới chức chính quyền nước này và của Ngoại giao đoàn. Gia tài lịch sử và tôn giáo to lớn của Ai Cập và vai trò của nó trong vùng Trung Đông giao phó cho nó một nhiệm vụ đặc thù trên con đường hướng tới một nền hoà bình ổn định và lâu bền, không dựa trên  quyền bính của sức mạnh, nhưng trên sức mạnh của quyền bính.

Tại Ai Cập cũng như tại mỗi quốc gia trên thế giới các kitô hữu được mời gọi là men của tình huynh đệ. Điều này có thể, nếu họ sống trong chính mình sự hiệp thông với Chúa Kitô. Nhờ ơn Chúa, cùng  với Đức Thượng Phụ chính thống Copte Tawadros chúng tôi đã có thể cống hiến một dấu chỉ hiệp thông mạnh mẽ. ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

** Chúng tôi đã canh tân dấn thân, cả bằng cách ký một Tuyên ngôn chung cùng nhau bước đi và dấn thân để không lập lại bí tích Rửa Tội đã được ban trong các Giáo Hội liên hệ. Chúng tôi đã cùng nhau cầu nguyện cho các vị tử đạo của các vụ khủng bố mới đây đã đánh vào Giáo Hội đáng kính này một cách thê thảm; và máu của họ đã khiến cho cuộc gặp gỡ đại kết được phong phú, cũng có Đức Thượng Phụ Costantinopoli Bartolomaios tham dự, Đức Thượng Phụ đại kết, người anh em rất thân yêu của tôi.

Ngày thứ hai của chuyến viếng thăm đã được dành cho các tín hữu công giáo . Thánh lễ cử hành tại sân vận động do chính quyền Ai Cập dành cho đã là một lễ hội của đức tin và tình huynh đệ, trong đó chúng tôi đã cảm nhận được sự hiện diện sinh động của Chúa Phục Sinh. Trong khi chú giải Phúc Âm tôi đã khích lệ giáo đoàn công giáo bé nhỏ tại Ai Cập sống kinh nghiệm của hai môn đệ làng Emmaus luôn luôn tìm kiếm Chúa Kitô, Lời và Bánh sự sống, niềm vui của đức tin, lòng sốt mến của niềm hy vọng, và sức mạnh làm chứng tá trong tình yêu rằng “chúng tôi đã gặp Chúa!”.

Cuộc gặp gỡ cuối cùng tôi đã sống với các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh trong Đại chủng viện. Có biết bao nhiêu chủng sinh… Và đây là một an ủi. Đó đã là một buổi cử hành Lời Chúa, trong đó các lời hứa của cuộc đời thánh hiến đã được lập lại. Trong cộng đoàn những người đã lựa chọn dâng cuộc sống cho Chúa Kitô vì Nước Thiên Chúa này, tôi đã trông thấy vẻ đẹp của Giáo Hội tại Ai Cập, và tôi đã cầu nguyện cho tất cả mọi kitô hữu vùng Trung Đông, để được các chủ chăn của họ hướng dẫn và các người sống đời thánh hiến đồng hành họ là muối và ánh sáng trong các vùng đất này, giữa các dân tộc này. Đối với chúng ta, Ai Cập đã là dấu chỉ của niềm hy vọng, của sự ẩn núp, của sự trợ giúp. Khi vùng đất này đã bị đói, tổ phụ Giacóp đã cùng các con mình đi xuống đó: thế rồi khi Chúa Giêsu đã bị bách hại, Ngài cũng đã tới đó. Vì thế, kể cho anh chị em nghe chuyến viếng thăm này là bước vào trong con đường của việc nói tới niềm hy vọng: đối với chúng ta Ai Cập là dấu chỉ của niềm hy vọng đối với lịch sử ngày nay, đối với tình huynh đệ mà tôi vừa kể cho anh chị em nghe.

Một lần nữa tôi xin cám ơn những người, trong nhiều cách thế khác nhau, đã góp phần khiến cho chuyến công du này có thể thực hiện, cách riêng biết bao nhiêu người đã dâng lời cầu nguyện và khổ đau của họ. Xin Thánh Gia Nadarét đã di cư tới các bờ sông Nilo để thoát sự tàn bạo của vua Hêrôđê, chúc lành  và luôn luôn  che chở nhân dân Ai Cập  và hướng dẫn họ trên con đường của sự thịnh vượng, tình huynh đệ  và nền hoà bình.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài đặc biệt chào các thành viên các huynh đoàn đan tu Giêrusalem, các giáo chức và các bạn trẻ sinh viên Nice. Ngài mời gọi họ xây dựng một thế giới công bằng và hoà bình, trong đó mọi người đều được tiếp đón.

ĐTC cũng chào tín hữu đến từ các nước Ai Len, Philipines, Sri Lanka, Viêt Nam, Canada và Hoa Kỳ, và ngài xin Chúa chúc lành cho họ và cho gia đình họ.

ĐTC cũng chào các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đặc biệt là các thành viên liên hiệp các viện hàn lâm y khoa Brasil, cũng như giáo dân vùng Ribeirao Preto, Pondrina và Caratinga. Ngài xin Thánh Gia đã từng di cư sang Ai Cập để trốn chạy bạo lực của vua Hêrôđê chúc lành và che chở gia đình họ.

Chào các nhóm Ba Lan ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ kính Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Ba Lan, và cũng là quốc lễ của nước này. Ngài cầu chúc họ chọn các con đường hoà hợp và yêu thương nhau trong các lựa chọn của cuộc sống thường ngày, và biết nhậy cảm đối với nhu cầu của các anh chị em khác.

ĐTC đặc biệt chào các giáo sư, chủng sinh và học sinh các trường giáo phận Pozega bên Croazia do ĐC Antun Skvorcevic hướng dẫn nhân kỷ niệm 20 năm thành lập giáo phận này. Ngài cầu mong chuyến hành hương tới mộ thánh Phêrô củng cố lòng tin của mọi người với sự đồng hành của Mẹ Maria và thánh Gioan Phaolô II là người đã thành lập giáo phận.

Trong các nhóm tiếng Ý ĐTC chào các sinh viên trường truyền giáo thánh Phaolô Roma, các tham dự viên khóa học do Phân khoa khoa học giáo dục Auxilium tổ chức, các thị trưởng vùng Varese, và nhiều đoàn hành hương khác. Ngài cầu mong ngày lễ kính hai tông đồ Philiphê và Giacôbê giúp mọi người trở thành các người loan báo Chúa Phục Sinh và can đảm làm chứng cho Tin Mừng.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người biết tháng 5 là tháng kính Đức Mẹ và ngài khích lệ tất cả biết khẩn nài Mẹ: người trẻ biết học nơi Mẹ bằng cách lần hạt Mân Côi; xin mẹ nâng đỡ  người đau yếu trong thử thách; và các cặp vợ chồng mới cưới biết noi gương Mẹ mến Chúa yêu người.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha họp báo trên máy bay từ Ai Cập về Roma

Đức Thánh Cha họp báo trên máy bay từ Ai Cập về Roma

ROMA. ĐTC Phanxicô kêu gọi chính phủ Mỹ và Bắc Triều Tiên làm dịu căng thẳng và tìm cách giải quyết vấn đề bằng đường lối ngoại giao.

Trên đây là một trong những vấn đề được ĐTC đề cập đến trong cuộc họp báo dài hơn nửa giờ trong chuyến bay dài hơn 3 tiếng từ Cairo Ai Cập về Roma, chiều thứ bẩy 29-4-2017.

Trả lời câu hỏi của một ký giả về hiểm họa chiến tranh hạt nhân giữa hai nước vừa nói, ĐTC đáp: ”Về các hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên, người ta đã nói từ một năm nay rồi, nhưng bây giờ dường như tình hình bị hun nóng thái quá. Tôi nhắc nhở về việc thương thuyết vì điều này có liên hệ tới tương lai của nhân loại: ngày nay một cuộc chiến tranh lan rộng sẽ phá hủy một phần lớn nhân loại và đó là điều khủng khiếp”.

ĐTC kêu gọi hãy nhìn những gì đang xảy ra ở Trung Đông, Yemen, ở Phi châu. Ngài nói: ”Tôi đang và sẽ kêu gọi các vị trách nhiệm, hãy làm việc để giải quyết các vấn đề.. Chúng ta hãy ngưng lại, hãy tìm những giải pháp ngoại giao và tôi tin rằng LHQ có nghĩa vụ phải tái lập quyền lãnh đạo của mình vì quyền này có phần bị ”chìm mất”.

ĐTC cũng cho biết ngài chưa thấy Phủ Quốc Vụ khanh thông báo có lời thỉnh cầu của Tổng thống Donald Trump muốn được ngài tiếp kiến, nhưng ”tôi vẫn tiếp mỗi vị Quốc Trưởng yêu cầu được gặp”.

Venezuela

Về tình trạng khủng hoảng tại Venezuela hiện nay, ĐTC cho biết: ”Tất cả những gì có thể làm cho nước này, quốc gia mà tôi rất quí mến, thì cần phải làm. Chúng tôi sẽ làm.”

Bầu cử tại Pháp

Trả lời câu hỏi về cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp và sự kiện các tín hữu Công Giáo tại nước này chia rẽ trước hai ứng cử viên trong cuộc bỏ phiếu vòng hai vào ngày 7-5 tới đây, ĐTC đáp: ”Tôi không biết chính trị Pháp và tôi đã cố gắng có những tương quan tốt cả với tổng thống hiện nay, tuy đã có một xung đột, nhưng tôi đã có thể nói rõ về sự việc. Hai ứng cử viên tổng thống hiện nay ở Pháp, tôi không biết lịch sử của họ, tôi không biết gốc gác của họ. Còn về các tín hữu Công Giáo, có lần tôi ở trong một một cuộc tập họp, một người nói với tôi: ”Tại sao ngài không nghĩ đến việc thành lập một đảng cho những người Công Giáo?”. Nhưng ông ấy đang sống như trong thế kỷ trước đây”.

Liên hiệp Âu Châu có nguy cơ tan rã

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Có vấn đề ở Âu Châu, trong Liên hiệp Âu Châu.. Nhưng mỗi nước được tự do đưa ra những chọn lựa mà họ thấy là thích hợp. Tôi không thể biết những lý do của các chọn lựa ấy.. Đúng là liên hiệp Âu Châu có nguy cơ bị tan rã, đó là sự thực. Chúng ta phải suy nghĩ về điều đó. Vấn đề mà Âu Châu đang gặp, từ Đại tây dương đến rặng Ural, là vấn đề di dân nhập cư, nhưng chúng ta đừng quên rằng Âu Châu được hình thành nhờ những người di dân. Đó là vấn đề ta phải nghiên cứu, tuy tôn trọng các ý kiến, nhưng ta phải khởi sự một cuộc thảo luận chính trị đúng nghĩa”.

Di dân và tị nạn

 Về những người tị nạn, một ký giả Đức cho rằng có lẽ ”ĐTC nói lộn khi dùng thành ngữ ”các trại tập trung”, nhưng ngài đáp: ”Tôi đã nói về những nước quảng đại hơn ở Âu Châu, như Italia và Hy Lạp. Về nước Đức, tôi vẫn luôn ngưỡng mộ khả năng của nước này trong việc hội nhập những người di dân. Khi tôi du học ở Đức, tôi thấy có bao nhiêu người Thổ Nhĩ Kỳ đã hội nhập ở thành phố Frankfurt. Nhưng việc tôi dùng thành ngữ ”các trại tập trung” để gọi các trại tị nạn, đó không phải là tôi nói lộn. Có thể có trại nào đó ở Italia, và có lẽ tại các nơi khác. Tôi nghĩ rằng điều gì xảy ra ở Bắc Âu khi những người di dân muốn vượt biển để sang Anh quốc và họ bị nhốt trong các trại ấy.”

ĐTC kể lại một giai thoại: ”Ở đảo Sicilia, nam Italia, trong một làng nhỏ, có một trại tị nạn. Các vị đặc trách trại nói với họ: ”Ở trong này không có lợi cho sức khỏe tâm trí của các anh chị. Chúng tôi không thể mở cổng, nhưng chúng tôi làm một lỗ sau trại, các anh chị chui ra qua ngả đó, và đi dạo trong làng..?” Và thế là những quan hệ tốt đã được kiến tạo với dân chúng ở cái làng nhỏ ấy: những người di dân không gây ra những hành động phạm pháp, bất lương. Nhưng họ bị nhốt trong trại”.

Công giáo và Copte nhìn nhận bí tích rửa tội của nhau

Trả lời một câu hỏi khác về tuyên ngôn chung giữa ngài và Đức Thượng Phụ Tawadros II của Chính Thống Copte, trong đó có đoạn 11 xác định bí tích rửa tội duy nhất và không cần phải rửa tội lại khi một tín hữu Chính Thống Copte hoặc Công Giáo chuyển Giáo Hội, ĐTC nói: ”Sự duy nhất của bí tích rửa tội tiếp tục được tiến hành; lỗi ở đây là chuyện lịch sử. Trong các công đồng đầu tiên đó là điều rõ ràng, nhưng rồi các tín hữu Kitô rửa tội cho các trẻ em tại các đền thánh, và khi họ muốn kết hôn với nhau, thì người ta rửa tội lại với điều kiện. Chính phía Công Giáo chúng ta bắt đầu điều này chứ không phải phía Chính Thống. Chúng ta đang ở trên con đường đúng để khắc phục điều đó”.

ĐTC gọi Đức Thượng Phụ Tawadros là ”một vĩ nhân của Thiên Chúa”, một vị ”đại thượng phụ” và là một người rất quyết liệt trong việc tìm kiếm một ngày chung để các tín hữu Kitô cử hành lễ Phục Sinh.

ĐTC cũng nhắc lại rằng việc công nhận bí tích rửa tội chung cũng là điều đã diễn ra giữa Giáo Hội Công Giáo và Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga. Ngài cũng ca ngợi quan hệ tốt đẹp với Đức Thượng Phụ giáo chủ Kirill và Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ của tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva.

Tổng thống Putin

Và trả lời câu hỏi về lời tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin liên quan đến vấn đề bảo vệ cac tín hữu Kitô ở Trung Đông, ĐTC nói: ”Nếu Nhà nước Nga nói về việc bảo vệ các tín hữu Kitô ở Trung Đông, tôi nghĩ rằng đó là điều tốt: nói chống lại sự bách hại các tín hữu Kitô. Ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn là trong quá khứ” (Tổng hợp 30-4-2017)

Vatican Radio

ĐTC tiếp 120,000 thành viên Công Giáo Tiến Hành Italia

ĐTC tiếp 120,000 thành viên Công Giáo Tiến Hành Italia

Lúc 11 giờ sáng Chúa Nhật hôm qua ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ khoảng 120,000 thành viên phong trào Công Giáo Tiến Hành Italia nhân kỷ niệm 150 năm thành lập. Các phái đoàn giáo phận, giáo xứ đã do nhiều Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ và các anh chị em chủ tịch vùng miền toàn nước Italia hướng dẫn về Roma gặp ĐTC. Họ mang theo nhiều biểu ngữ và bong bóng đủ màu. Trong khi chờ đợi ĐTC mọi người đã lắng nghe một số chứng từ và hát thánh ca.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã khích lệ các thành viên phong trào hăng say tiếp tục sứ mệnh giáo dân của họ là sống đức tin, làm việc tông đồ giữa đời, phục vụ trong các giáo xứ, giáo phận chung quanh các chủ chăn, luôn luôn rộng mở cho các thực tại cuộc sống, đối thoại và yêu thương tất cả mọi người. Ngài cũng bầy tỏ lòng biết ơn của Giáo Hội đối với chứng tá của họ. Đề cập tới việc khai sinh phong trào ĐTC nói:

Việc khai sinh Công Giáo Tiến Hành đã là giấc mơ nảy sinh từ con tim của hai người trẻ là Mario Fani và Giovanni Acquaderni. Với thời gian nó đã trở thành con đường lòng tin cho nhiều thế hệ, là ơn gọi nên thánh cho rất nhiều người gồm trẻ em, giới  trẻ và người lớn đã trở thành môn đệ Chúa Giêsu, và vì thế họ đã thử sống như các chứng nhân tươi vui của tình yêu Chúa trong thế giới. Phong trào có nhiều lý do để cảm tạn Chúa, vì lịch sử của mọi dân tộc gồm các người thuộc mọi lứa tuổi và điều kiện xã hội, văn hoá, nguồn gốc  ước muốn cùng nhau sống cuộc gặp gỡ với Chúa, mỗi người trong cương vị và khả năng của mình góp phần xây dựng một xã hội công bằng, huynh đệ và liên đới hơn. Lịch sử của phong trào Công Giáo Tiến Hành là lịch sử rất đẹp của tình yêu thương và lòng đam mê đối với thế giới và Giáo Hội. Chính vì thế không được  nhìn về đàng sau hay yên nghỉ trên ghế bành, nhưng phải ý thức dấn thân hơn trong việc săn sóc các người khác, tiếp tục là môn đệ và thừa sai, sống tươi vui làm chứng cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại. Cả ngày nay nữa, các thành viên Công Giáo Tiến Hành cũng được mời gọi  tiếp tục phục vụ các giáo xứ, giáo phận và xã hội với tinh thần tiếp đón, đối thoại, gần gũi và chia sẻ trách nhiệm với người khác, không mệt mỏi theo đuổi các con đường trên đó có thể lớn lên trong tinh thần công nghị đích thực, là dân Thiên Chúa, trong đó mọi người có thể góp phần vào việc đọc, suy gẫm, cầu nguyện để biết các dấu chỉ thời đại, hiểu và sống thánh ý Chúa, dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần, là Đấng canh tân mọi sự.

ĐTC mời gọi phong trào đem kinh nghiệm tông đồ của họ, được đâm rễ sâu trong giáo xứ, là cơ cấu vẫn rất thời sự, diễn tả sự hiện diện sinh động của Giáo Hội tại địa phương trong việc lắng nghe Lời Chúa, vun trồng cuộc sống Kitô, đối thoại, loan báo, quảng đại thực thi bác ái, thờ lậy và cử hành (Evangelii gaudium, 28). Đó là môi trường giúp trưởng thành nhân bản, thiêng liêng, lớn lên trong đức tin và tình yêu thương đối với thiên nhiên và các anh chị em khác. Tuy nhiên, nó chỉ thật, khi giáo xứ rộng mở, không khép kín trong chính mình, nhưng luôn tiếp xúc với các gia đình và dân chúng. Mỗi một sáng kiến và đề xướng, mỗi một kinh nghiệm truyền giáo của Công Giáo Tiến Hành phải nhắm việc rao truyền Tin Mừng và nhập thể  vào con đường của các thành phố, khu xóm và làng mạc. Việc kỷ niệm 150 thành lập giúp các thành viên cảm nhận được một cách mạnh mẽ hơn trách nhiệm gieo vãi hạt giống Tin Mừng trong cuộc sống thế giới qua việc phục vụ bác ái, dấn thân chính trị, chính trị đích thực với chữ viết hoa, đam mê giáo dục và tham dự vào việc đối chiếu. ĐTC khích lệ các thành viên phong trào như sau:

Hãy mở rộng con tim của anh chị em, để mở rộng con tim của các giáo xứ của anh chị em. Hãy là những ngưòi du hành của đức tin, để gặp gỡ, tiếp đón, lắng nghe và ôm ấp tất cả mọi người. Mỗi sự sống đều được Chúa yêu thương, mỗi gương mặt đều cho chúng ta thấy gương mặt của Chúa Kitô, đặc biệt gương mặt của người nghèo, của người bị đời đả thương, của người cảm thấy bị bỏ rơi, của người trốn chạy cái chết và tìm nương ẩn trong các nhà và các thành phố của chúng ta. “Không ai có thể miễn cho mình khỏi lo lắng cho người nghèo và cho công bằng xã hội” (ibid., 201).

Anh chị em thành viên Công Giáo Tiến Hành thân mến, hãy đi tới các vùng ngoại biên! Hãy ra đi và hãy là Giáo Hội tại đó, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Xin tình hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm che chở anh chị em. Xin sự khích lệ và trân quý của các Giám Mục đồng hành với anh chị em. Và tôi thành tâm ban phép lành toà thánh cho anh chị em và toàn Hiệp hội.

Trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, ĐTC đã kêu gọi chính quyền và các lực lượng xã hội Venezuela tránh các xung đột bạo lực đã khiến cho nhiều người thiệt mạng và bị thương, tôn trọng các quyền con người và tìm kiếm các giải pháp thương thuyết cho cuộc khủng hoảng xã hội, chính trị và kinh tế trầm trọng đang làm cho dân chúng kiệt quệ. ĐTC phó thác cho Mẹ Maria Rất Thánh ý hướng hoà bình, hòa giải và dân chủ trong đất nước Venezuela thân yêu. Ngài cũng xin mọi người cầu nguyện cho mọi quốc gia đang gặp khó khăn như Macedonia của cựu cộng hoà Yougoslavia.

ĐTC cũng nhắc đến lễ phong chân phước cho nữ tu Leopoldina Naudet, sáng lập viên dòng các Nữ tu Thánh Gia tại Verona. Sinh trưởng và lớn lên trong triều đình nhà Asburgo tại Firenze rồi tại Vienne, ngay từ thiếu thời thánh nữ đã có ơn gọi cầu nguyện và giáo dục mạnh mẽ.

Chúa Nhật hôm qua cũng là Ngày đại học công giáo Thánh Tâm. ĐTC khích lệ việc yểm trợ cơ cấu giáo dục quan trọng này để nó tiếp tục đào tạo người trẻ cho một thế giới tốt đẹp hơn.

ĐTC chúc mừng “Ngày Thánh Kinh” tại Ba Lan. Trong ngày này một phần Thánh Kinh được đọc trong mọi nhà thờ giáo xứ, trường học và trên các phương tiện truyền thông.

ĐTC đã cám ơn sự hiện diện của các thành viên phong trào Công Giáo Tiến Hành Italia, và qua họ ngài gửi lời chào thăm đến mọi nhóm giáo xứ, các gia đình, trẻ em, giới trẻ và người lớn. Ngài khích lệ mọi người tiến bước.

ĐTC cũng chào các nhóm tín hữu Tây Ban Nha, Croatia, Đức và Puerto Rico. Ngài mời gọi mọi người hiệp ý hướng về Mẹ Maria tạ ơn Thiên Chúa vì chuyến công du Ai Cập ngài vừa kết thúc. ĐTC xin Chúa chúc lành cho toàn dân Ai Cập rất hiếu khách, chính quyền và mọi tín hữu kitô và hồi giáo và xin Chúa ban hoà bình cho Ai Cập.

Sau cùng ĐTC cất kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành toà thánh cho mọi người

Linh Tiến Khải

Ngày thứ hai ĐTC Phanxicô viếng thăm Ai Cập

Ngày thứ hai ĐTC Phanxicô viếng thăm Ai Cập

 

Thứ bẩy 29-4-2017 là ngày thứ hai ĐTC viếng thăm Ai Cập. ĐTC đã có hai sinh hoạt chính: ban sáng ngài chủ sự thánh lễ  cho tín hữu tại vận động trường của lực lượng phòng không, và ban chiều ĐTC gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại đại chủng viện toà Thượng Phụ công giáo Copte, truớc khi ra phi trường trở về Roma. Sau đây là chi tiết các hoạt động của ĐTC.

Lúc  8 giờ 50 ĐTC rời Toà Sứ Thần Toà Thánh để đi xe đến Sân vận động của lực lượng phòng không cách đó 19 cây số. Sân vận động này cũng còn gọi là “Sân vận động ngày 30 tháng 6”, là một phần trong làng thể thao của Không quân Ai Cập, đuợc xây cất và điều khiển bởi Bộ Quốc Phòng Ai Cập, nhằm mục đích ghi nhớ các chiến công của không quân Ai Cập trong cuộc chiến chống lại Israel hồi năm 1970. Đây cũng là nơi diễn ra các trận tranh tài bóng đá hạng A của Ai Cập. Hồi năm 2015 nó cũng là nơi xảy ra các cuộc đụng độ giữa các người hâm mộ bóng đá và cảnh sát khiến cho 22 người thiệt mạng. Sân vận động có chỗ cho 30.000 người. Khán đài và bàn thờ được dựng trên sân cỏ, hai bên có hai lều cho ca đoàn dàn nhạc và các phóng viên truyền hình. Phía trước hai bên khán đài dành cho mấy trăm linh mục đồng tế. Chính giữa trước khán đài là chỗ dành cho các quan khách, trong  đó có ghế cho tổng thống Abd Al-Fattah Al- Sisi và chính quyền Ai Cập cũng như các đại sứ các nước. Tín hữu đã mang theo nhiêu biểu ngữ chào mừng ĐTC và phất cờ Toà Thánh và bong bóng hai mầu vàng trắng. Cũng có bong bóng kết như tràng hạt được thả lên khi ĐTC tiến vào sân vận động.

Thánh lễ đã bắt đầu lúc 10 giờ sáng giờ địa phương và được cử hành bằng tiếng Latinh và A rập.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Tây Ban Nha, A rập, Anh, Pháp và Ý.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc Chúa Nhật thứ III mùa Phục Sinh và nói:

** Bình an cho anh chị em. Hôm nay Phúc Âm Chúa Nhật thứ 3 mùa Phục Sinh nói với chúng ta về lộ trình của hai môn đệ làng Emmaus rời bỏ Giêrusalem. Một Tin Mừng có thể được tóm gọn trong ba từ: chết, phục sinh và sự sống.

Truớc hết là từ chết. Hai môn đệ trở về cuộc sống thường ngày của họ, tràn đầy vỡ mộng và tuyệt vọng. Vị Thầy đã chết, và vì thế hy vọng thật là vô ích. Họ bị mất hướng, vỡ mộng và thất vọng. Con đường của họ là một việc trở lại đàng sau; nó là một xa rời kinh nghiệm đớn đau của Đấng Bị Đóng Đanh.  Cuộc khủng hoảng của Thập Giá, còn tệ hơn thế nữa “gương mù” và “sự điên dại” của Thập Giá (x. 1 Cr 1,18; 2,2) xem ra đã chôn vùi mọi hy vọng của họ, đem mọi khát vọng của họ vào mồ.

Họ không thể tin rằng Thầy và Đấng Cứu Thế, Đấng đã cho các kẻ chết sống lại và chữa lành người bệnh tật, lại có thể kết thúc bị treo trên thập giá hổ nhục. Họ đã không thể hiểu rằng Thiên Chúa Toàn Năng đã không thể cứu Người khỏi một cái chết hổ nhục như vậy. Thập giá Chúa Kitô đã là thập giá của các tư tưởng của họ về Thiên Chúa; cái chết của Chúa Kitô đã là một cái chết  của những gì họ đã tưởng tượng là Thiên Chúa. Thật vậy, họ đã là những người đã chết trong sự hiểu biết hạn hẹp của họ.

Biết bao lần con người tự đủ cho chính mình, khước từ thắng vượt tư tưởng cuả họ về Thiên Chúa, về một vì thiên chúa được tạo dựng theo hình ảnh và giống con người! Biết bao lần ta thất vọng, khước từ tin rằng sự toàn năng của Thiên Chúa không phải là sự toàn năng của sức mạnh, của quyền bính, nhưng chỉ là sự toàn năng của tình yêu, của tha thứ và sự sống!

Các môn đệ đã nhận biết Chúa Giêsu “trong việc bẻ bánh”, trong Thánh Thể. Nếu chúng ta không để cho bức màn che mờ đôi mắt chúng ta bị xé ra, nếu chúng ta không để cho con tim chai cứng và các thành kiến của chúng ta bị bẻ gẫy, thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể nhận ra gương mặt của Thiên Chúa.

Thứ hai là từ Sống lại.  Trong cái tối tăm của đêm đen nhất, trong sự tuyệt vọng đảo lộn nhất, Chúa Giêsu đến gần các ông và bước đi trên con đường của họ để họ có thể khám phá ra rằng Ngài là « đường, là sự thật và là sự sống » (Ga 14,6). Chúa Giêsu biến đổi nỗi thất vọng của họ thành sự sống, để khi niềm hy vong của con người biến mất,  bắt đầu sáng lên niềm hy vọng của Thiên Chúa : « Điều không thể trước mắt loài người , thì có thể đối với Thiên  Chúa » (x. Lc 18, 27 ; 1,37).

ĐTC khẳng định : khi con người đụng tới tận đáy của thất bại và sự bất lực, khi nó lột bỏ sự vỡ mộng là người tốt nhất, là tự đủ, là trung tâm thế giới, thì khi đó Thiên Chúa giơ tay ra cho nó để biến đổi đêm đen của nó thành rạng đông, sự buồn sầu của nó thành niềm vui, cái chết của nó thành sự sống lại, con đường đi tháo lui của nó thành việc trở lại Giêrusalem, nghĩa là trở lại với sự sống và chiến thắng của Thập Giá (x. Dt 11,34).

** Thật vậy, sau khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh hai môn đệ trở lại tràn đầy niềm vui, lòng tin tưởng và hăng say, sẵn sàng làm chứng. Đấng Phục Sinh đã khiến cho họ sống lại từ trong nấm mồ của sự không tin và buồn sầu của họ. Khi gặp Đấng Bị Đóng Đanh Phục Sinh họ đã tìm thấy lời giải thích và sự thành toàn của Thánh Kinh, Lề Luật và các Ngôn Sứ ; họ đã tìm ra ý nghĩa sự thất bại bề ngoài của Thập Giá.

Ai không đi qua kinh nghiệm của Thập Giá cho tới sự thật của Sự Sống Lại, thì tự kết án mình sống tuyệt vọng. Thật thế  chúng ta không thể gặp gỡ Thiên Chúa mà không truớc hết đóng đinh các tư tưởng hạn hẹp về một vì thiên chúa phản ánh sự hiểu biết của chúng ta  về sự toàn năng và quyền bính của Ngài.

Thứ ba là từ sự sống : Việc gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh đã biến đổi cuộc sống của hai môn đệ, bởi vì sự găp gỡ Đấng Phục Sinh biến đổi mọi cuộc sống và khiến cho mọi khô cằn được phong phú. Thật vậy, sự Phục Sinh không phải là một niềm tin nảy sinh trong Giáo Hội, nhưng Giáo Hội đã nảy sinh từ niềm tin vào Sự Phục Sinh. Thánh Phaolô nói : « Nếu Chúa Kitô đã không chết, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng » (1 Cr 15,14). Đấng Phục Sinh biến mất khỏi mắt họ, để dậy chúng ta rằng chúng ta không thể giữ Chúa Giêsu trong sự hữu hình lịch sử của Ngài : « Phúc cho những ai đã không thấy mà đã tin !» (Ga 20,29 ; x. 20,17) Giáo Hội phải biết và tin rằng Ngài sống với mình và làm cho mình sinh động trong Thánh Thể, trong Thánh Kinh và trong các Bí Tích. Các môn đệ làng Emmaus đã hiểu điều này và họ trở lại Giêrusalem để chia sẻ kinh nghiệm của họ với những người khác : « Chúng tôi đã trông thấy Chúa… Phải, Ngài đã sống lại thật ! » (x. Lc 24,43). Rút tiả từ kinh nghiệm của hai môn đệ làng Emmaus ĐTC nói : Kinh nghiệm của hai môn đệ làng Emmaus dậy chúng ta rằng làm đầy các nơi thờ tự thật vô ích, nếu con tim chúng ta trống rỗng sự kính sợ Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài ; cầu nguyện thật vô ích, nếu lời cầu hướng tới Chúa của chúng ta không biến thành tình yêu thương đôi với người anh em ; thật vô ích biết bao nhiêu đạo hạnh, nếu nó không được linh hoạt bởi đức tin và tình bác ái ; thật vô ích lo lắng cho vẻ bề ngoài, bởi vì Thiên Chúa nhìn linh hồn và trái tim con người (1 Sm 16,17) và Ngài ghét sự giả hình (x. Lc 11,37-54 ; Cv 5,3-4). Đối với Thiên Chúa, không tin tốt hơn là một tín hữu giả, một người giả hình ! ĐTC định nghĩa niềm tin đích thực như sau : Đức tin đích thật là đức tin khiến cho chúng ta bác ái hơn, thương xót hơn, liêm chính hơn và nhân bản hơn ; chính nó linh hoạt trái tim và đưa nó tới chỗ yêu thương hết mọi người, không phân biệt và không thiên tư ; nó là đức tin đưa chúng ta tới chỗ trông thấy nơi người khác, không phải một kẻ thù cần đánh bại, nhưng một người anh em cần yêu thương, phục vụ và trợ giúp ; nó là đức tin đưa chúng ta tới chỗ phổ biến, bảo vệ và sống nền văn hoá gặp gỡ, đối thoại, tôn trọng và huynh đệ ; nó đưa chúng ta tới sự can đảm tha thứ cho ai xúc phạm tới chúng ta, giơ tay ra cho một người bị ngã ; cho kẻ trần truồng mặc, cho kẻ đói ăn, thăm viếng người bị tù, trợ giúp trẻ mồi côi, cho kẻ khát uống, cứu giúp người già cả và cần dược trợ giúp (Mt 25,31-45). Lòng tin đích thực là lòng tin đưa chúng ta tới chỗ bảo vệ các quyền của người khác, với cùng sức mạnh và lòng hăng say mà chúng ta dùng để bảo vệ các quyền của chúng ta. Thật ra, càng lớn lên trong đức tin và sự hiểu biết bao nhiêu, thì lại càng lớn lên trong sự khiêm nhường và ý thức mình bé nhỏ bấy nhiêu.

** Anh chị em thân mến, Thiên Chúa chỉ ưa thích đức tin được tuyên xưng với cuộc sống, bởi vì sự triệt để duy nhất được chấp nhận đối với các tín hữu là sự triệt để của tình bác ái ! Bất cứ loại triệt để nào không đến từ Thiên Chúa thì không đẹp lòng Ngài !.

Giờ đây, như các môn đệ làng Emmaus anh chị em hãy trở lại Giêrusalem của anh chị em, là cuộc sống thường ngày, các gia đình, công việc làm và quê hương yêu dấu của anh chị em, tràn đầy tươi vui, can đảm và niềm tin. Đừng sợ hãi mở rộng con tim cho ánh sáng của Chúa Phục Sinh và hãy để cho Ngài biến đổi sự không chắc chắn của anh chị em thành sức mạnh tích cực cho anh chị em và cho người khác. Đừng sợ hãi yêu thương tất cả mọi người, bạn cũng như thù, bởi vì sức mạnh và kho tàng của tín hữu là  trong tình yêu sống động. Xin Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Gia đã sống trong vùng đất được chúc phúc này, soi sáng con tim và chúc lành cho anh chị em và đất nước Ai Cập thân yêu, là quốc gia, từ bình minh của Kitô giáo, đã tiếp nhận việc rao truyền Tin Mừng của thánh sử Mạccô và tạo thành lịch sử của nhiều vị tử đạo và một đoàn ngũ các thánh nam nữ ! Al Massih Kam Bilhakika kam ! Chúa Kitô đã phục sinh Ngài đã sống lại thật !

Hàng trăm linh mục đã giúp ĐTC cho tín hữu rước Mình Thánh Chúa.

Trước khi ĐTC ban phép lành cuối lễ cho mọi người, Đức Ibrahim Isaac Sidrak, Thượng Phụ công giáo Copte Alessandria, đã nhân danh Giáo Hội và toàn dân Ai Cập ngỏ lời tri ân ĐTC đã nhận lời mời viếng thăm Ai Cập. Chuyến viếng thăm diễn tả khẩu hiệu được chọn « Vị Giáo Hoàng của hoà bình trong đất nước Ai Cập hoà bình ». Đó là một sứ điệp cho thế giới và xác nhận bản chất của Ai Cập là yêu thương hoà bình và liên tục cố gắng khẳng định hoà bình trong vùng Trung Đông và trên toàn thế giới. Nó cũng xác nhận sự sẵn sàng chung sống giữa các tín hữu của các niềm tin khác nhau,  và khả năng hấp thụ các nền văn hóa khác nhau. Ai Cập, chiếc nôi của các tôn giáo, là quê hương tiếp đón các ngôn sứ và Thánh Gia ẩn trốn kiếm tìm an ninh. Đức thượng phụ cũng nhắc tới tên gọi Phanxicô và Năm Thánh Lòng  Thương Xót đã được Giáo Hội Ai Cập sống sâu đậm, đặc biệt qua Công Nghị hồi tháng 2 năm nay. Giáo Hội Ai Cập hiệp nhất trong truyền thống của mình tư tưởng thần học của Đông Phương và Tây Phương,  và rộng mở cho các nền văn hóa khác nhau. Điều này khiến cho nó được phong phú trong cuộc sống tinh thần, trong đức tin và phụng vụ, cũng như trong việc biểu lộ Giáo Hội Tông Truyền.

Đức Thượng Phụ cũng không quên cám ơn tổng thống Al Sisi đã có sáng kiến mời ĐTC viếng thăm Ai Cập, và làm mọi sự để giúp cho chuyến viếng thăm đuợc thực hiện thành công.

ĐTC đã tặng Đức Thượng Phụ một chén thánh, và Đức Thượng Phụ tặng ĐTC một bức khắc bằng gỗ quý. Sau khi ban phép lành cuối lễ cho tín hữu và từ giã mọi người, ĐTC đã trở về Toà Sứ Thần Toà Thánh để dùng bữa trưa với các Giám Mục và đoàn tuỳ tùng, rồi nghỉ ngơi chốc lát trước khi đến đại chủng viện để chủ sự buổi cầu nguyện và gặp gỡ các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh.

** Lúc 14 giờ 45 giờ địa phương ĐTC đã đi xe đến đại chủng viện công giáo copte cách đó 17 cây số để chủ sự buổi cầu nguyện có sự tham dự của hàng giáo sĩ, tu sĩ và các chủng sinh. Đại chủng viện thánh Lêo Cả của Toà Thượng Phụ công giáo Copte nằm trong khu phố Maadi ở ngoại ô mạn nam thủ đô Cairô. Đây là nơi đa số các ứng viên linh mục tương lai được đào tạo.

ĐTC đã được  Đức Thượng Phụ , Linh Mục Giám đốc và phó giám đốc đại chủng viện, tiếp đón tại cửa chính đại chủng viện. Có 10 tu sĩ nam nữ Bề trên giám tỉnh các dòng hiện diện tại Ai Cập chào mừng ĐTC. Sau đó ĐTC đã chụp hình lưu niệm với các linh mục và 30 chủng sinh và trao đổi quà tặng. Tiếp đến mọi người tiến ra sân thể thao, nơi có 1.500 người gồm các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh hiện diện.

Ngỏ lời chào mừng ĐTC Linh Mục Toma Adly, giám đốc đại chủng viện, nói biến cố ĐTC thăm đại chủng viện biểu tượng cho sự thánh hiến giống như biến cố Chúa Giêsu đã hiện ra với hai tông đồ trên đường về làng Emmaus. Ngài xin ĐTC cầu nguyện cho các chủng sinh các tu sĩ và cho các vị có trách nhiệm đào tạo họ.

Sau đó mọi ngươi hát thánh vịnh 121: “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao? Ơn phù hộ tôi đến từ Giavê, là Đấng đựng nên cả đất trời…”. Tiếp đến mọi người nghe tuyên đọc Phúc Âm thánh Mátthêu chương 5 ghi lại giáo huấn của Chúa Giêsu: “Các con là ánh sáng thế gian…”

7 cám dỗ người sống đồi thánh hiến cần mạnh mẽ chống trả

Ngỏ lời với các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh ĐTC cám ơn họ về chứng tá, và tất cả những điều thiện ích họ thực hiện mỗi ngày trong các hoàn cảnh khó khăn. ĐTC khích lệ mọi người tin tưởng, làm chứng tá cho sự thật, gieo vãi và vun trồng mà không chờ đợi được gặt hái. Giữa biết bao nhiêu lý do khiến nản lòng và biết bao ngôn sứ của tàn phá kết án, giữa biết bao tiếng nói tiêu cực và tuyệt vọng các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh là một sức mạnh tích cực, là ánh sáng và muối của xã hội Ai Cập, là đầu máy kéo con tầu đi tới đích. Họ là những người gieo vãi hy vọng, xây dựng các cây cầu, và là những người làm việc cho đối thoại và hoà hợp.

Nhưng điều này chỉ có thể nếu họ không nhượng bộ 7 loại cám đỗ sau đây: Thứ nhất, đừng để cho mình bị sự tuyệt vọng và bi quan yếm thế lôi cuốn, nhưng biết noi gương Chúa Giêsu Mục Tử Nhân lành hướng dẫn đoàn chiên tới đồng cỏ xanh tươi và suối nưóc mát, luôn tràn đầy sáng kiến và óc sáng tạo, biết ủi an ngay cả khi con tim mình bị thương tích, khổ đau vì con cái vô ơn. Lòng trung thành của chúng ta với Chúa không bào giò được tuỳ thuộc lòng biết ơn của con người.

Thứ hai, đừng liên tục than van, đổ lỗi cho người khác, cho các thiếu sót của các bề trên, cho các điều kiện của giáo hội hay xã hội, và thiếu tinh thần trách nhiệm. Trái lại, phải biết biến đổi mọi chướng ngại thành cơ may, chứ không phải biến mỗi khó khăn thành lời tố cáo. Ai lúc nào cũng than và là người không muốn làm việc.

Thứ ba, đừng bép xép và ganh tỵ gây thương tích cho người khác, thay vì trợ giúp người bé nhỏ lớn lên và vui mừng vì các thành công của các anh chị em khác. Ganh tỵ là một bệnh ung thư dần mòn giết chết cơ thể.

** Thứ bốn, đừng so sánh mình với người khác. Khác biệt diễn tả sự phong phú. Mỗi người là  duy nhất. So sánh khiến ta rơi vào thù hận hay kiêu căng, lười biếng và bị tê liệt. Phải biết tập sống sự khác biệt tình tình, các đặc sủng và ý kiến, trong lắng nghe và ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Thần.

Thư năm là cám dỗ của “chủ trương Pharaô”, nghiã là cứng lòng và khép kín đối với Chúa, cảm thấy mình cao hơn người khác, vênh vang đòi được phục vụ thay vì phục vụ.

Thư sáu là cám dỗ của cá nhân chủ nghĩa, như ngạn ngữ Ai cập có nói: “Tôi, và sau tôi là lụt hồng thuỷ”, chỉ biết nghĩ đến mình thay vì nghĩ tới tha nhân, và không hề xấu hổ. Giáo Hội là cộng đoàn và ơn cứu rỗi của một chi thể gắn liền với sự thánh thiện của tất cả mọi người.

Cám dỗ thứ bẩy là bước đi mà không có địa bàn và mục đích. Đánh mất đi căn tính của mình, “không là thịt cũng không là cá”. Sống với con tim chia rẽ và tinh thần thế tục, quên đi tình yêu đầu đời của mình. Không có căn tính rõ ràng người sống đời thánh hiến bước đi mà không có định hướng, thay vì hướng dẫn người khác thì bị lạc đường. Căn tính thật của các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh là con cái Giáo Hội Ai Cập, có các gốc rễ cao quý cổ xưa, thành phần của Giáo Hội hoàn vũ, như một cây đâm rễ sâu duới đất và lớn lên trời.

Chống lại các cám dỗ này không dễ. Nhưng nếu đâm rễ sâu, ở lại trong Chúa Giêsu thì có thể chiến thắng chúng. Càng đâm rễ sâu trong Chúa, chúng ta càng sống động và phong phú. ĐTC đặc biệt đề cao cuộc sống đan tu, là kho tàng vô giá mà Giáo Hội Ai Cập đã cống hiến cho Giáo Hội. Ngài khích lệ các đan sĩ kín múc từ gương của thánh Phaolô ẩn tu, thánh Antonio và các Thánh Giáo Phụ sa mạc và các đan sĩ. ĐTC xin Thánh Gia che chở và chúc lành cho hàng giáo sĩ tu sĩ và chủng sinh và tín hữu toàn Giáo Hội tại Ai Cập, giúp họ chu toàn sứ mệnh là ánh sáng và muối men tại đây. Ngài xin Chúa ban cho họ nhiều hoa trái của Thánh Linh

Sau khi ban phép lành ĐTC từ giã mọi người để đi xe ra phi trường quốc tế Cairo cách đó 40 cây số đáp máy bay trở về Roma.

Lễ nghi giã biệt đã diễn ra tại phi trường lúc 16 giờ 45 giờ địa phương. Tổng thống Al Sisi đã tiếp đón ĐTC tại cửa vào khu vực dành cho thượng khách và vào phòng danh dự đàm đạo với ngài một lúc. ĐTC đã duyệt qua hàng chào danh dự, rồi chào từ biệt tổng thống trước khi lên thang máy bay.

Máy bay đã cất cách rời phi trường thủ đô Cairô của Ai Cập lúc sau 17 giờ và về tới Roma sau 3 giờ 30 phút bay. Từ phi trường Ciampino ĐTC đã đi xe về Vaticăng, kết thúc chuyến viếng thăm mục vụ Ai Cập hai ngày.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha lên đường viếng thăm Ai Cập

Đức Thánh Cha lên đường viếng thăm Ai Cập

CAIRO. Sáng ngày 28-4-2017, ĐTC Phanxicô đã khởi đầu chuyến viếng thăm tại thủ đô Cairo của Ai Cập trong vòng 27 tiếng đồng hồ để thăng tiến hòa bình, tăng cường quan hệ với Hồi giáo và quan hệ đại kết với Giáo Hội Chính Thống Copte.

Đây là chuyến tông du thứ 18 của ĐTC Phanxicô tại nước ngoài và có khẩu hiệu là ”Vị Giáo Hoàng của hòa bình tại Ai Cập an bình”.

Vài nét về Ai Cập

Ai cập, quốc gia ĐTC đến thăm, rộng hơn 1 triệu cây số vuông trong đó khu vực có dân cư sinh sống không vượt quá 6% diện tích toàn quốc. Phần lớn dân chúng sống ở vùng bình nguyên sông Nilo, con sông dài nhất thế giới với 6.671 cây số. 82% lãnh thổ còn lại của Ai Cập là sa mạc.

Trong số 90 triệu dân nước này, khoảng 90% theo Hồi giáo Sunnit, 10% là tín hữu Chính Thống Copte, và có 270 ngàn tín hữu Công Giáo Copte, tương đương với 0,31% dân số, một Giáo Hội được thành lập khi một số tín hữu Chính Thống xin trở về hiệp nhất với Tòa Thánh hồi thế kỷ 18.

Giáo Hội Chính Thống Copte thuộc vào số các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, là những Giáo Hội ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo la tinh và Chính Thống Hy Lạp vì họ không chấp nhận Công đồng chung Calcedonia năm 451. Cùng thuộc nhóm này có Giáo Hội Arméni Tông truyền, Chính Thống Siriac, và Chính Thống Etiopi, Chính Thống Syro bên Ấn Độ. Các Giáo Hội này cũng được gọi là các Giáo Hội tiền Công đồng Calcedonia.

Giáo Hội Công Giáo tại Ai Cập, ngoài các tín hữu theo nghi lễ Copte chiếm đa số, còn có 6 nghi lễ khác là la tinh, Arméni, Maronite, Công Giáo Siriac, Canđê và Hy lạp Melkite. Từ năm 1969, các GM và các bề trên cấp cao của các dòng tu họp thành Hội đồng giáo phẩm Công Giáo Ai Cập, và được Tòa Thánh phê chuẩn qui chế hồi năm 1992. Chủ tịch Hội đồng này hiện nay là Đức Ibrahim Isaac Sedrak, 62 tuổi Thượng Phụ thành Alessandria của Công Giáo Copte.

Chương trình

Sau khi đến Phi trường thủ đô Cairo, ĐTC tới phủ tổng thống Ai Cập, tại đây diễn ra nghi thức đón tiếp, rồi ngài hội kiến riêng với tổng thống, trước khi đến Đại học Hồi giáo Al Azhar, chào thăm Đại Imam Ahmed Al Tayyeb, trước khi đến thính đường Đại học nơi đang diễn ra Hội nghị quốc tế về hòa bình do Đại học này tổ chức từ thứ tư, 27-4-2017. Sau diễn văn của vị đại Imam và bài diễn văn của ĐTC.

 Cuộc viếng thăm của ngài được tiếp tục với cuộc gặp gỡ 800 người thuộc chính quyền, ngoại giao đoàn và các tổ chức của xã hội Ai Cập.

Phần cuối cùng trong các sinh hoạt của ĐTC chiều hôm qua và cuộc viếng thăm Đức Thượng Phụ Tawadros II, hay cũng gọi là Teodoro II, Giáo Chủ Chính Thống Copte Ai Cập, và tham dự buổi cầu nguyện đại kết với đại diện các Giáo Hội Kitô khác.

Cám ơn các ký giả

Trên chuyến bay, ĐTC đã chào thăm các ký giả đi cùng và nói: ”Đây là một cuộc viếng thăm hiệp nhất, huynh đệ. Tôi cám ơn anh chị em vì hoạt động trong hai ngày khẩn trương này. Đây là một cuộc công du có một mong đợi đặc biệt, vì được thực hiện với lời mời của Tổng thống Ai Cập, của Đức thượng phụ Tawadros, Đức Thượng Phụ Công Giáo Alessandria và Đại Iman ở viện Al Azhar. Cám ơn sự đồng hành của anh chị em, vì giúp dân chúng hiểu cuộc viếng thăm này, bao nhiêu người muốn theo dõi”.

Đến Cairo

Sau 3 giờ 15 phút bay từ Roma, vượt qua 2.350 cây số, máy bay chở ĐTC và đoàn tùy tùng đã đáp xuống phi trường quốc tế của thủ đô Cairo lúc 2 giờ chiều, giờ địa phương. Đây là một thành phố cổ kính có từ thế kỷ thứ 10 và đông dân nhất tại Phi châu với 10 triệu dân cư, và nếu kể cả vùng ngoại ô thì lên tới 15 triệu người. Cairo cũng được coi là thành phố đẹp nhất thế giới về nghệ thuật Hồi giáo và hãnh diện vì chiếm kỷ lục về số các văn sĩ, thi sĩ, ký giả, nghệ sĩ, và điện ảnh viên trong thế giới Hồi giáo.

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được bộ trưởng đặc ủy của Tổng thống, cùng với Đức Thượng Phụ Ibrahim Isaac Sedrak, Chủ tịch Hội đồng Giáo phẩm Công Giáo Ai Cập và Đức Sứ Thần Tòa Thánh Jan Thomas Limchua, cùng với một số chức sắc Công Giáo tiếp đón và hướng dẫn về dinh Tổng thống ở Heliopolis cách đó 9 cây số. Hiện diện tại phi trường cũng có một phái đoàn hơn 100 đại biểu Kitô và Hồi giáo đón tiếp ĐTC, trong đó có bà Evelin Matta, một tín hữu Kitô. Bà cám ơn ngài vì đã quyết định giữ nguyên chương trình viếng thăm Ai Cập sau vụ khủng bố tại hai thánh đường Chính thống Copte 9 ngày trước khi ngài lên đường.

Tại dinh Tổng thống đã diễn ra nghi thức chính thức tiếp đón ĐTC với quốc thiều và hàng quân danh dự. Tiếp đến ngài hội kiến riêng tới Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi tại phòng khánh tiết. Ông năm nay 63 tuổi (1954), nguyên là cựu sinh viên ở đại học Al Azhar và tốt nghiệp quân trường Ai Cập năm 1977 rồi dần dần tiến thân trong binh nghiệp, cho đến khi được tổng thống Mohamed Morsi bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng quân đội Ai Cập vào năm 2012. Một năm sau đó, tổng thống Morsi bị ông hạ bệ trong một cuộc đảo chánh và năm 2014, Ông được bầu làm tổng thống.

Cuộc hội kiến giữa ĐTC và tổng thống Ai Cập kết thúc với phần trao đổi quà tặng và chụp hình lưu niệm.

G. Trần Đức Anh OP

Sứ điệp video của Đức Thánh Cha gửi Ai Cập

Sứ điệp video của Đức Thánh Cha gửi Ai Cập

VATICAN. ĐTC hy vọng chuyến viếng thăm của ngài tại Ai Cập là một an ủi và khích lệ cho các tín hữu Kitô và là một sứ điệp thân hữu quí mến đối với nhân dân Ai Cập và trong vùng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp video gửi quốc dân Ai Cập công bố hôm 25-4-2017 trước cuộc viếng thăm của ngài từ ngày 28 đến 29-4 tới đây. ĐTC nói:

”Tôi thực sự vui mừng đến như một người bạn, như sứ giả hòa bình và như một người hành hương tại đất nước, cách đây hơn 2 ngàn năm, đã cho Thánh Gia tị nạn và tá túc khi trốn chạy những đe dọa của vua Hêrôđê (Xc Mt 2,1-16). Tôi hân hạnh được viếng thăm miền đất đã được Thánh Gia thăm viếng!

Sau khi cám ơn Tổng thống, Đức Thượng Phụ Chính Thống Tawadros II, Đại Iman của Đại học Al-Azhar, và Đức Thượng Phụ Công Giáo Copte, ngài nói:

”Tôi mong ước rằng cuộc viếng thăm này là một vòng tay ôm an ủi và khích lệ cho tất cả các tín hữu Kitô ở Trung Đông; một sứ điệp thân hữu và quí mến đối với tất cả mọi người dân Ai Cập và trong vùng; một sứ điệp huynh đệ và hòa giải cho mọi người con của Abraham, đặc biệt là thế giới Hồi giáo, trong đó Ai Cập chiếm một chỗ hàng đầu. Tôi cầu mong cuộc viếng thăm này cũng là một đóng góp giá trị cho cuộc đối thoại liên tôn với thế giới Hồi giáo và đối thoại đại kết với Giáo Hội Chính Thống Copte kính mến.

ĐTC nhận xét thêm rằng: ”Thế giới chúng ta bị bạo lực mù quáng xâu xé – đánh cả vào trọng tâm đất nước yêu quí của quí vị – thế giới ấy đang cần hòa bình, tình thương và lòng thương xót; cần những người kiến tạo hòa bình và những người tự do và giải thoát, cần những người can đảm biết học hỏi từ quá khứ để xây dựng tương lai mà không khép kín trong những thiên kiến; thế giới ấy đang cần những người bắc cầu hòa bình, đối thoại, công lý và tình nhân đạo”. (SD 25-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha phê bình chính sách Âu Châu về tỵ nạn

Đức Thánh Cha phê bình chính sách Âu Châu về tỵ nạn

ROMA. ĐTC đề cao tầm quan trọng của các vị tử đạo và phê bình chính sách Âu Châu về di dân và tỵ nạn.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi Phụng Vụ Lời Chúa tại Vương cung thánh đường thánh Bartolomeo ở Roma chiều thứ bẩy 22-4-2017 do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức để tưởng niệm ”các vị tử đạo mới” trong thế kỷ 20 và 21.

Mở đầu, Giáo Sư Andrea Riccardi, Sáng lập viên Cộng đồng thánh Egidio, đã cám ơn ĐTC và nêu nhận xét: ”Các vị tử đạo nhắc nhở chúng ta rằng trong tư cách là Kitô hữu chúng ta không chiến thắng bằng quyền lực, võ khí, tiền bạc, sự đồng thuận, Kitô hữu không phải là những anh hùng, nhưng họ chỉ có một sức mạnh duy nhất là sức mạnh khiêm tốn của đức tin và tình yêu; họ không cướp mất sự sống nhưng trao ban sự sống, như Chúa Giêsu đã làm, Đấng đã không tự cứu bản thân, và không trốn chạy khỏi Jerusalem”.

Trong buổi cầu nguyện cho 3 chứng nhân trình bày chứng từ, đặc biệt là bà Roselyne Hamel, em gái của cha Jacques Hamel bị hai tên khủng bố Hồi giáo sát hại hồi năm ngoái ở Pháp. Bà nói: ”Ước gì sự hy sinh của cha Jacques mang lại những hoa trái, để con người ngày nay có thể tìm được con đường sống chung trong an bình”.

Trong bài giảng sau các bài sách thánh, ĐTC Phanxicô nhắc lại rằng Giáo Hội là Giáo Hội nếu là Giáo Hội của những vị tử đạo, tức là những người đã nhận được ơn tuyên xưng Chúa Giêsu cho đến chết.. và cũng có bao nhiêu vị tử đạo âm thầm, những ngừơi nam nữ trung thành với sức mạnh dịu dàng của tình thương, với tiếng nói của Chúa Thánh Linh, và trong cuộc sống hằng ngày, họ tìm cách giúp đỡ anh chị em và yêu mến Thiên Chúa không chút dè dặt”.

ĐTC cũng ứng khẩu nhắc lại cuộc viếng thăm của ngài tại trại tị nạn ở đảo Lesbo bên Hy Lạp hồi tháng 4 năm 2016, và nói: ”Ngày hôm nay tôi muốn thêm một hình ảnh nữa, đó là những người tị nạn và những cuộc bách hại các tín hữu Kitô.. Khi ở đảo Lesbo, tôi chào những người tị nạn, tôi thấy một người đàn ông khoảng 30 tuổi với 3 đứa con nhỏ, ông nhìn tôi và nói: ”Thưa cha, con là người Hồi giáo, vợ con là tín hữu Kitô và những tên khủng bố đến đất nước chúng con. Họ nhìn chúng con và hỏi xem chúng con theo đạo nào, và khi thấy vợ có một thánh giá, chúng bảo vợ con vứt thánh giá đi. Vợ con không chịu làm theo lời chúng, thế là chúng cắt cổ vợ con ngay trước mặt con. Chúng con rất thương yêu nhau”.

ĐTC nói tiếp: ”Đó là hình ảnh mà ngày hôm nay tôi mang như một món quà. Tôi không biết người đàn ông ấy còn ở đảo Lesbo hay đã được đi định cư tại nơi hác. Tôi không biết ông ấy có khả năng ra khỏi cái trại tập trung ấy hay không, các trại tị nạn là những trại tập trung, vì có đông chật người tại đó. Người ta bỏ họ tại đó vì những hiệp định quốc tế dường như quan trọng hơn các quyền con người. Người đàn ông tị nạn ấy không nuôi oán hận, ông ta là người hồi giáo đã phải chịu thập giá đau khổ ấy và ông mang thập giá đó không chút oán hận. Ông nương náu trong tình thương của vợ”.

Sau buổi cầu nguyện, ĐTC còn gặp gỡ và chào thăm những người tị nạn được đến Italia qua hành lang nhân đạo do Cộng đồng thánh Egidio và Ban lãnh đạo Tin Lành Valdesi làm trung gian.

ĐTC cũng tố giác sự tàn ác chống lại những người di dân và nói: ”Ước gì lòng quảng đại từ miền nam, nơi đảo Lampedusa, Sicilia, và Lesbo có thể lây sang tất cả chúng ta. Chúng ta ở trong nền văn minh không sinh con cái, nhưng chúng ta lại khép kín cửa đối với những người di dân, thái độ này có nghĩa là tự sát. Chúng ta hãy nghĩ đến sự tàn ác mà ngày nay người ta hăng say gây ra cho dân tị nạn, cho sự bóc lột những người đến từ những con thuyền, và họ ở lại đó tại những nước quảng đại, Italia và Hy Lạp đón nhận họ nhưng các hiệp định quốc tế không để họ được đi định cư nơi khác”. Và ĐTC khuyên: ”Nếu tại Italia mỗi thành phố làng xã đón tiếp 2 người di dân thì sẽ có chỗ cho tất cả mọi người” (RG, Repubblica 22-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Lòng tin nảy sinh từ sự sống lại của Chúa Kitô

Lòng tin nảy sinh từ sự sống lại của Chúa Kitô

** Chúa Kitô phục sinh là niềm hy vọng của chúng ta. Lộ trình niềm tin của Kitô giáo nảy sinh từ biến cố Đức Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta, được mai táng và ngày thứ ba đã sống lại, hiện ra với Phêrô và Đoàn Tông Đồ. Đức tin kitô nảy sinh sáng ngày lễ Phục Sinh. Là Kitô hữu có nghĩa là khởi hành từ tình yêu thương của Thiên Chúa Đấng đã chiến thắng cái chết.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư 19-4-2017.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa 5 câu đầu chương 15 thư thứ I thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, viết rằng: “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích.

Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai” (1 Cr 15,1-5).

ĐTC nói: dưới ánh sáng lễ Phục Sinh mà chúng ta đã cử hành trong phụng vụ, trong lộ trình giáo lý về niềm hy vọng kitô tôi muốn nói  về Chúa Kitô Phục Sinh niềm hy vọng của chúng ta, như thánh Phaolô trình bầy trong chương 15 thư thứ I gửi tín hữu Côrintô.

Thánh tông đồ muốn giải quyết một vấn đề chắc chắn là trọng tâm các thảo luận trong cộng đoàn Côrintô. Sự sống lại là đề tài sau cùng nhưng theo trật tự quan trọng lại là đề tài đầu tiên, vì tất cả đều dựa trên giả thiết này.

Khi nói với các kitô hữu, thánh nhân khởi hành từ một dữ kiện không thể chối cãi được. Nó không phải là kết quả suy tư của một người khôn ngoan, nhưng là một sự kiện, một sự kiện đơn thuần đã can thiệp vào cuôc sống của vài người. ĐTC khẳng định như sau:

** Kitô giáo này sinh từ đó. Nó không phải là một ý thức hệ, nó không phải là một hệ thống triết lý, nhưng là một con đường lòng tin khởi hành từ một biến cố được các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu làm chứng. Thánh Phaolô tóm tắt nó như thế này: Đức Giêsu đã chết vì tội lỗi của chúng ta, đã được mai táng và ngày thứ ba đã sống lại và hiện ra với Phêrô và Nhóm Mười Hai (1 Cr 15,1-5). Đây là sự kiện. Ngài đã chết, đã bị mai táng, đã sống lại, đã hiện ra. Nghĩa là Chúa Giêsu sống. Đây là hạt nhân của sứ điệp kitô.

Khi loan báo biến cố này là nhân tố chính của đức tin, Phaolô nhấn mạnh trên yếu tố cuối cùng của mầu nhiệm vuợt qua, nghĩa là của sự kiện Chúa Giêsu đã sống lại. Thật thế, nếu tất cả đã kết thúc với cái chết, nơi Ngài chúng ta sẽ có môt thí dụ của sự tận hiến tột cùng, nhưng điều này không thể sinh ra niềm tin của chúng ta. Ngài đã là một anh hùng. Không!. Ngài đã chết, nhưng đã sống lại. Bởi vì đức tin nảy sinh từ sự phục sinh. Chấp nhận rằng Chúa Kitô đã chết và chết trên thập giá, không phải là một hành động của lòng tin, nó là một sự kiện lịch sử. Trái lại tin rằng Ngài đã sống lại là hành động của lòng tin. Niềm tin của chúng ta nảy sinh sáng ngày lễ Phục Sinh. Thánh Phaolô đã liệt kê một danh sách các người đã đưọc Chúa Giêsu hiện ra (cc. 5-7). Ở đây chúng ta có một tổng kết của tất cả các trình thuật phục sinh và tất cả những người đã bước vào việc tiếp xúc với Đấng Phục Sinh. Đứng đầu danh sách là Kêpha, tức Phêrô và nhóm Mười Hai, rồi tới “500 anh em” mà nhiều người còn có thể làm chứng, rồi đến Giacôbê. Đứng chót trong danh sách như là kẻ bất xứng nhất – là chính Phaolô, ngài nói về mình như “một bào thai bị phá” (c.8).

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: thánh Phaolô dùng kiểu diễn tả này, bởi vì lịch sử cá nhân của ngài thật là thê thảm: ngài đã không phải là một chú bé giúp lễ nhé. Ngài đã là một người bách hại Giáo Hội, kiêu căng vì các xác tín riêng của mình; thánh nhân cảm thấy mình là một người thành đạt, với một tư tưởng rất trong sáng về cuộc sống với các bổn phận của ngài. Nhưng trong khung cảnh toàn vẹn đó – tất cả đã toàn vẹn nơi Phaolô, ngài biết tất cả – trong khung cảnh hoàn thiện đó của cuộc sống, một ngày kia xảy ra điều tuyệt đối không thể thấy trước được: đó là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh, trên đường đến thành Damasco. Ở đó đã không chỉ có một người ngã xuống đất: đã có một người bị túm lấy bởi một biến cố đảo lộn ý nghĩa của cuộc sống. Và kẻ bách hại trở thành tông đồ, tại sao? Bởi vì tôi đã trông thấy Chúa Giêsu sống! Tôi đã trông thấy Chúa Giêsu Kitô phục sinh! Đây là nền tảng đức tin của Phaolô, cũng như của các tông đồ khác, cũng như của giáo Hội, cũng như đức tin của chúng ta. Rồi ĐTC định nghĩa Kitô giáo như sau:

** Thật đẹp biết bao nhiêu nghĩ rằng Kitô giáo một cách nòng cốt là điều này! Nó không phải là việc chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa – một cuộc kiếm tìm không chắc chắn – cho bằng là việc Thiên Chúa tìm kiếm chúng ta. Chúa Giêsu đã cầm lấy chúng ta, đã tóm lấy chúng ta, đã chinh phục chúng ta để không bỏ chúng ta ra nữa. Kitô giáo là ơn thánh, là sự kinh ngạc và vì lý do đó nó giả thiết một con tim có khả năng kinh ngạc. Một con tim đóng kín, một con tim duy lý trí không có khả năng kinh ngạc, nó không thể hiểu được Kitô giáo là gì. Bởi vì Kitô giáo là ơn thánh, và ơn thánh chỉ có thể được nhận thức: còn hơn thế nữa nó gặp gỡ trong sự kinh ngạc của cuộc gặp gỡ.

Và khi đó cả khi chúng ta tội lỗi – tất cả chúng ta đều tội lỗi – nếu các ý hướng sự thiện của chúng ta đã chỉ ở trên giấy tờ, hay nếu khi nhìn vào cuộc sống chúng ta nhận ra đã có biết bao nhiêu thất bại… Vào sáng ngày Phục Sinh chúng ta có thể làm như những người Tin Mừng nói đến: đi ra mộ Chúa Kitô, trông thấy phiến đá bị lật đổ và nghĩ rằng Thiên Chúa đang thực hiện cho tôi, cho tất cả chúng ta, một tương lai không chờ đợi. Đi tới mộ của chúng ta, tất cả chúng ta đều có một cái mộ nhỏ bên trong. Đi đến đó và trông thấy Thiên Chúa có khả năng sống lại từ đó như thế nào. Ở đây có hạnh phúc, ở đây có niềm vui và sự sống, nơi tất cả chúng ta đã nghĩ  chỉ có sự buồn sầu,  thất bại, và bóng tối. Thiên Chúa làm cho các cây hoa của Ngài lớn lên giữa các hòn đá khô cằn nhất.

Là Kitô hữu có nghĩa là không khởi hành từ cái chết, nhưng từ tình yêu của Thiên  Chúa đối với chúng ta, là Đấng đã chiến thắng kẻ thù dữ dằn nhất của chúng ta. Thiên Chúa vĩ đại hơn hư vô, và chỉ cần một ngọn nến để chiến thắng đêm tối nhất của các đêm đen. Thánh Phaolô kêu lên, bằng cách làm vang vọng lời các ngôn sứ: “Hỡi tử thần, chiến thắng của ngươi ở đâu? Hỡi tử thần nọc độc của ngươi ở đâu?” Trong các ngày này của lễ  Phục Sinh chúng ta hãy đem tiếng kêu này trong tim. Và nếu người ta có nói tại sao chúng ta trao ban nụ cười và sự chia sẻ kiên nhẫn, thì khi đó chúng ta sẽ có thể trả lời rằng Chúa Giêsu vẫn còn đây, Ngài tiếp tục sống giữa chúng ta, rằng Ngài ở đây, tại quảng trường này với chúng ta: Ngài sống và đã phục sinh.

** ĐTC đã chúc mừng lễ Phục  Sinh và chào nhiều đoàn hành hương. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài chào các học sinh sinh viên đến từ Pháp và Thụy Sĩ. Ngài cầu mong Chúa Phục Sinh gia tăng đức tin cho mọi người và tình yêu của Chúa giúp chiến thắng tội lỗi và cái chết nơi từng người, để có thể tươi vui làm chứng cho niềm hy vọng nảy sinh từ ngôi mộ mở ra sáng ngày lễ Phục Sinh.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Thụy Điển, Thuỵ Sĩ, Hồng Kông, Indonesia, Canada và Hoa Kỳ, đặc biệt các tân Phó tế trường Ailen cùng với thân nhân và bạn bè.

Ngài cũng chào các nhóm hành hương của tổng giáo phận Muechen Freising do ĐHY Reinhard Max và các GM phụ tá hướng dẫn, cũng như các đại chủng sinh Áo do ĐC Anton Leichtfried hướng dẫn. Ngài cầu chúc họ đem niềm vui phục sinh tới với những người khác và làm chứng cho cuộc sống không tàn phai.

Chào các đoàn hành hương Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Brasil ĐTC xin họ để cho sức mạnh phục sinh của Chúa Kitô biến đổi soi sáng giúp họ làm chứng cho cuộc sống mạnh hơn tội lỗi và cái chết.

Chào các tín hữu Ba Lan ngài khích lệ họ đi đến với các anh chị em khác với niềm vui và hy vọng trong tim để loan báo Chúa Kitô đã phục sinh và hiện diện giữa chúng ta.

Trong các nhóm Ý ĐTC chào các tân linh mục giáo phận Mantova do ĐC Marco Busca hướng dẫn hành hương Roma cùng với các thân nhân và bạn bè, cũng như các tân Phó tế dòng Tên và thân nhân bạn bè trong đó có thầy Agostino Nguyễn Minh Triệu.

Ngài cũng chào các nữ tu thuộc nhiều dòng khác nhau đang tham dự cuộc hội của Liên hiệp các bề trên tổng quyền Italia; tín hữu Marigliano kỷ niệm 80 năm đội triều thiên cho ảnh Đức Mẹ Hy Vọng. ĐTC cầu mong đây là dịp giúp mọi người canh tân lòng gắn bó với Chúa và các giáo huấn của Chúa.

Chào các bạn trẻ, đặc biệt các bạn trẻ tuyên xưng đức tin thuộc giáo phận Milano và Cremona, ĐTC chúc họ sống tràn đầy sứ điệp phục sinh và làm chứng cho hoà bình của Chúa ở khắp mọi nơi. Ngài chúc các người đau yếu biết liên lỉ nhìn lên Chúa Kitô Phục Sinh. Ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn biết ý thức được sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

VATICAN. Trưa 17-4-2017, thứ hai sau Phục Sinh, ĐTC đã chủ sự kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với hàng chục ngàn tín hữu và mời gọi mọi người hãy trở thành những con người mới.

Thứ hai Phục Sinh được gọi là ”Lễ Phục Sinh nhỏ” (Pasquetta) hay là ”Thứ hai Thiên Thần” cũng là ngày lễ nghỉ tại Italia. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đã diễn giải lời thiên thần mời gọi các phụ nữ mau lẹ đi loan báo cho các môn đệ: Chúa đã sống lại (Mt 28,7), và ngài nhận xét rằng lời mời này cũng được trực tiếp gửi đến chúng ta: ”hãy mau lẹ đi loan báo sứ điệp hy vọng cho con người ngày nay. Vào bình minh ngày thứ ba, từ khi Chúa Giêsu chịu đóng đanh đã sống lại, lời nói cuối cùng không là lời nói của sự chết, nhưng là của sự sống!”

Do biến cố ấy, là điều mới mẻ đích thực trong lịch sử và trong vũ trụ, chúng ta được kêu gọi trở thành những người nam nữ mới theo Thánh Linh, bằng cách khẳng định giá trị sự sống. Điều này đã bắt đầu nảy sinh! Chúng ta sẽ là những con người của phục sinh, nếu giữa những biến cố chao đảo của thế giới, trước tinh thần trần tục làm xa lìa Thiên Chúa, chúng ta biết đề ra những cử chỉ liên đới và đón tiếp, nuôi dưỡng ước muốn hòa bình nơi mọi người, và khao khát một môi trường không bị suy thoái. Đó là những dấu chỉ chung của con người, nhưng được niềm tin nơi Chúa Phục Sinh nâng đỡ và linh hoạt. Những dấu chỉ ấy có thể đạt được hiệu năng vượt lên trên khả năng của chúng ta. Đúng vậy, vì Chúa Kitô hằng sống và hoạt động trong lịch sử nhờ Thánh Linh của Ngài: Chúa cứu vớt khỏi những lầm than của chúng ta, liên kết tâm hồn mỗi người và tái ban hy vọng cho những người bị áp bức và đau khổ”.

Và ĐTC kết luận rằng ”Xin Đức Trinh Nữ Maria, chứng nhân âm thầm về cái chết và sự sống lại của Chúa Con Giêsu, giúp chúng ta trở thành những dấu chỉ trong sáng của Chúa Kitô phục sinh giữa những thăng trầm của thế giới, để những người ở trong sầu muộn và khó khăn không tiếp tục là nạn nhân của thái độ bi quan, nhưng tìm được nơi chúng ta bao nhiêu anh chị em nâng đỡ và an ủi họ”…. Xin Mẹ đặc biệt chuyển cầu cho những cộng đoàn Kitô đang được kêu gọi làm chứng tá một cách khó khăn và can đảm hơn” (SD 17-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Vọng Phục Sinh

Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Vọng Phục Sinh

VATICAN: Lúc 8 giờ rưỡi tối thứ Bẩy Tuần Thánh 15-4-2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ vọng Phục Sinh trong Đền Thờ Thánh Phêrô và ban bí tích Rửa tội cho 11 dự tòng gồm 3 người Ý, 2 Albani, 2 phụ nữ người Hoa từ Trung Quốc và Malaysia, phần còn lại là người Tây Ban Nha, Mỹ, Malta và Tiệp. Người cao tuổi nhất 50 tuổi, và người trẻ nhất 12 tuổi.

Đồng tế với ĐTC có 25 Hồng Y, 30 GM và 300 linh mục rước sự tham dự của khoảng 8 ngàn tín hữu.

Như thường lệ, buổi lễ đã bắt đầu với lễ nghi làm phép lửa và rước nến cây nến Phục Sinh, tượng trưng Ánh sáng Chúa Kitô.

Trong bài giảng, ĐTC nhắc đến 2 phụ nữ đến mộ Chúa. Trên khuôn mặt của họ chúng ta có thể nghĩ đến khuôn mặt của bao nhiêu bà mẹ, và những người khác đang mang gánh nặng của đau khổ, bất công, vô nhân đạo, những khuôn mặt của những người đã từng chịu khinh rẻ, vì họ là người di dân, vô gia cư..

Nhưng bất thình lình, các phụ nữ ấy đã được đánh động mạnh, một người đến gặp họ và loan báo Chúa đã sống lại.

ĐTC giải thích rằng ”Qua sự phục sinh, Chúa Kitô không những cất bỏ tảng đá chắn mộ, nhưng còn muốn làm bật tung tất cả những hàng rào khép kín chúng ta trong sự bi quan vô bổ, trong thế giới tính toán với những ý niệm của chúng ta, làm cho chúng ta xa lìa sự sống, trong những tìm kiếm an ninh đầy sự yên chí, và trong những tham vọng thái quá có thể làm thương tổn phẩm gia của người khác”.

Và ĐTC mời gọi các tín hữu hãy để cho mình được ngạc nhiên sự mới mẻ mà chỉ có Chúa Kitô mới có thể cống hiến cho chúng ta.Chúng ta hãy để cho sự dịu dàng và tình thương của Chúa hướng dẫn bước đường của chúng ta” (SD 15-4-2017)

Vatican Radio

THÁNH LỂ VỌNG PHỤC SINH 15-04-2017

 

THÁNH LỄ PHỤC SINH 16 -04-2017

 

Đức Thánh Cha chủ sự buổi đi Đàng Thánh Giá trọng thể

Đức Thánh Cha chủ sự buổi đi Đàng Thánh Giá trọng thể

ROMA. Lúc 9 giờ 15 phút tối thứ sáu tuần thánh, 14-4-2017, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma.

Nghi thức này được hàng chục đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. 20 ngàn tín hữu đã đến tham dự nghi thức này.

Bài suy niệm năm nay do bà giáo sư Anne-Marie Pelletier, người Pháp, chuyên gia Kinh Thánh, biên soạn. Bà năm nay 73 tuổi (1946) và là phụ nữ đầu tiên được giải thưởng Ratzinger hồi năm 2014. Bà cũng từng giảng dạy môn thần học về hôn phối tại Đại học Công Giáo, Paris.

ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma đã vác Thánh Giá chặng đầu tiên và chặng thứ 14 của Đàng Thánh Giá. Các chặng còn lại được nhiều tín hữu khác vác tiếp, gồm 1 gia đình giáo phận Roma, các đại diện của tổ chức Unitalsi giúp các bệnh nhân hành hương, các tu sĩ và giáo dân thuộc một số nước như Ai cập, Bồ đào nha, và Colombia là những quốc gia sắp được ĐTC viếng thăm.

Lời nguyện kết thúc

Trong lời nguyện dài gồm 22 câu, thay bài huấn dụ vào cuối buổi đi đàng Thánh Giá, trước tiên ĐTC nhắc đến những cực hình và đau khổ Chúa Kitô đã chịu như được kể lại trong các chặng Đàng Thánh Giá, và bày tỏ sự tủi hổ vì những tàn phá, chết chóc trong thế giới ngày nay, máu của người vô tội, phụ nữ, trẻ em, người di dân và những người bị bách hại tiếp tục đổ ra; tủi hổ vì sự phản bội, bán Chúa, im lặng trước những bất công mà không làm gì, chỉ lo bảo vệ quyền lợi của mình; tủi hộ vì những thành phần Dân Chúa: GM, LM, tu sĩ nam nữ gây gương mù, làm thương tổn cho thân mình của Chúa là Giáo Hội, để cho tâm hồn và sự thánh hiến bị rỉ sét.

 Dù có những tình trạng như thế, ĐTC bày tỏ niềm hy vọng Thập Giá của Chúa Kitô biến đổi những tâm hồn chai đá thành những con tim bằng thịt, có khả năng mơ ước, tha thứ và yêu mến; hy vọng vì ”lòng trung tín của Chúa không dựa trên lòng trung thành của chúng con;.. hy vọng vì bao nhiêu người nam nữ trung thành với Thập giá của Chúa, đang và còn tiếp tục sống trung thành như men mang lại hương vị và ánh sáng, mở ra những chân trời mới trong thân thể của nhân loại bị thương tổn.. Hy vọng Giáo Hội của Chúa sẽ tìm cách trở thành tiếng kêu trong sa mạc của nhân loại để dọn đường để Chúa trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và người chết”.

Trong phần chót của lời nguyện, ĐTC cầu xin Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa thanh tẩy các tín hữu trong máu và nước chảy ra từ Trái Tim mở toang, tha thứ tội lỗi của Dân Chúa, và nhớ đến những anh chị em chúng con bị đốn ngã vì bạo lực, sự dửng dưng lãnh đạm và chiến tranh;

”Xin Chúa phá tan những xiềng xích đang trói buộc chúng con trong sự ích kỷ, sự cố tình mù quáng và sự hư hỏng trong những tính toán trần tục của chúng con; xin Chúa dạy chúng con đừng xấu hổ vì thập giá, không lợi dụng lèo lái thập giá, nhưng tôn thờ Thánh Giá, vì qua đó Chúa tỏ cho chúng con thấy sự khủng khiếp của tội lỗi chúng con, sự cao cả của tình yêu Chúa, những bất công trong các phán đoán của chúng con, và quyền năng của lòng thương xót Chúa”.

Buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể ĐTC cử hành năm nay diễn ra với những biện pháp an ninh được tăng cường nghiêm ngặt hơn quanh khu vực Hí trường Colosseo sau những vụ khủng bố gần đây tại Âu Châu và đặc biệt tại Ai Cập (SD 15-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đi Đàng Thánh Giá trọng thể cùng Đức Thánh Cha tại Hý trường Colosseo ở Roma

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ làm phép dầu

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ làm phép dầu

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các tư tế trở thành người loan báo niềm vui của Tin Mừng bằng tất cả con người và cuộc sống của mình.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ này trong bài giảng thánh lễ làm phép dầu sáng thứ năm Tuần Thánh 13-4-2017 tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Đồng tế với ĐTC có 50 Hồng Y, hơn 70 Giám Mục và khoảng 1.800 linh mục, trước sự hiện diện của 6 ngàn tín hữu.

Trước khi thánh lễ bắt đầu, các vị tư tế đã cùng với các tín hữu hiện diện đã hát kinh Giờ Ba.

Bài giảng

Trong bài giảng, ĐTC đã diễn giải đoạn Tin Mừng theo thánh Luca ”Thần Trí Chúa ngự xuống trên tôi, vì thế Ngài đã xức dầu thánh hiến tôi và sai tôi đi mang tin vui cho người nghèo, công bố sự giải thoát cho các tù nhân, người mù được thấy, người bị áp bức được tự do” (Lc 4,18).

ĐTC nói: ”Giống như Chúa Giêsu, tư tế làm cho việc loan báo trở nên vui mừng với tất cả con người của mình. Khi tư tế giảng – giảng ngắn, nếu có thể – người làm như vậy với niềm vui đánh động tâm hồn dân chúng bằng Lời mà Chúa đã đánh động tư tế trong kinh nguyện”.

ĐTC cũng nói đến 3 ân thánh của Tin Mừng, đó là Sự Thật của Tin Mừng – không thể thương lượng được-, tiếp đến là Lòng Thương Xót – vô điều kiện với tất cả mọi tội nhân-, và sau cùng là niềm Vui của Tin Mừng, niềm vui nội tâm và có tính chất bao gồm. Không bao giờ chân lý của việc loan báo vui mừng có thể chỉ là một chân lý trừu tượng, những chân lý mà ta không thể hiện hoàn toàn trong đời sống con người, vì người ta cảm thấy thoải mái hơn trong những chữ nghĩa được in trong các sách”.

ĐTC cảnh giác chống lại quan niệm lòng thương xót của việc loan bào Tin Mừng như một cảm tưởng tội nghiệp giả tạo, để cho kẻ tội lỗi ở trong tình trạng lầm than của họ mà không giơ tay nâng họ đứng dậy và không đồng hành với họ tiến bước”.

ĐTC dùng 3 hình ảnh để diễn tả niềm vui của việc loan báo Tin Mừng, đó là chum bằng đá đựng nước trong tiệc cưới Cana (Xc Ga 2,6).. Trong viễn tượng này, Mẹ Maria là cái vò mới chứa đựng sự sung mãn lây sang người khác. Mẹ là ”nữ tỳ bé nhỏ của Chúa Cha tràn đầy niềm vui trong sự chúc tụng ngợi khen” (E.G, 286). Vừa sau khi chịu thai Ngôi Lời sự sống trong cung lòng, Mẹ Maria sẵn sàng lên đường viếng thăm và phục vụ bà chị họ Elisabeth. Sự sung mãn lan tỏa của Mẹ giúp chúng ta vượt thắng cám dỗ sợ hãi, thái độ không có can đảm làm đầy tới miệng vò, thái độ nhát đảm không dám làm cho niềm vui được truyền sang người khác”.

Hình ảnh thứ hai là cái bình nước của người phụ nữ xứ Samaria đội trên đầu (Xc Ga 4,5-30). Bà đã kín múc nước với cái bình của bà và giải khát cho Chúa Giêsu. Bà càng giải khát Ngài bằng sự xưng thú tội lỗi của bà.

Hình ảnh thứ ba của sự vui mừng loan báo là chiếc vò vô biên của Trái Tim Chúa bị đâm thâu qua: trái tim hiền lành, khiêm tốn, và thanh bần, lôi kéo mọi người đến cùng Người.. ĐTC nhấn mạnah rằng ”từ nơi Chúa, chúng ta phải học loan báo niềm vui lớn cho những người rất nghèo, ta chỉ có thể làm như thế trong thái độ tôn trọng, khiêm tốn, đến độ hạ mình xuống. Không thể loan báo Tin Mừng trong thái độ kiêu hãnh tự phụ. Sự toàn vẹn chân lý không thể cứng nhắc (Non può essere rigida l'integrità della verità). Chúa Thánh Linh loan báo và dạy o tất cả sự thật (Ga 16,13) và không sợ cho người ta uống chân lý từng ngụm nhỏ… Sự toàn vẹn dịu dàng này mang lại vui mừng cho người nghèo, linh hoạt kẻ tội lỗi, làm cho những người bị ma quỉ áp bức đè nén có thể hô hấp được”.

Sau bài giảng của ĐTC, các HY, GM và LM hiện diện đã cử hành nghi thức lập lại những lời đã hứa khi chịu chức linh mục. Tiếp đến, ngài đã làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu thánh hiến (Crisma). Thánh lễ kéo dài 1 giờ 45 phút và kết thúc lúc 11 giờ 15. (SD 13/4/2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Nhà Tù Paliano

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Nhà Tù Paliano

ROMA. Chiều thứ Năm Tuần Thánh, 13-4-2017, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ với nghi thức rửa chân tại Nhà Tù Paliano, cách Roma khoảng 65 cây số.

Nhà tù này thuộc tỉnh Frosinone ở miền nam Roma, và thuộc giáo phận Palestrina, có hình dáng như một pháo đài, và từng được dùng làm nhà giam trong thế kỷ 18 khi còn Nước Tòa Thánh. Hiện nay, Paliano là một nhà tù đặc biệt, một trung tâm cải huấn duy nhất ở Italia giam những người gọi là ”các cộng tác viên công lý”, tức là những người phạm pháp sẵn sàng cộng tác với nhà chức trách tư pháp vì thế họ được bảo vệ chống lại sự trả thù của những kẻ bất lương khác. Ngoài ra, một phần nhà tù này được dùng làm ”dưỡng đường tư pháp” dành cho các bệnh nhân bị bệnh lao phổi.

Tại đây hiện có khoảng 74 tù nhân, trong đó hơn 50 người là ”cộng tác viên công lý”, phần còn lại là các tù nhân bệnh nhân đang được điều trị. Tại đây có 51 cảnh sát nhà giam, 15 nhân viên quản trị và giáo dục.

ĐTC rời Vatican lúc 3 giờ chiều và đến nơi, ngài thăm hỏi và làm lễ với nghi thức rửa chân cho 12 tù nhân, trong đó cũng có 3 phụ nữ và một người Hồi giáo. Tù nhân này sẽ chịu phép rửa tội vào tháng 6 tới đây. Có 6 tù nhân người Ý, trong số này có 2 người bị kết án tù chung thân, một người Argentina và 1 người Albani, tất cả những người khác sẽ mãn án tù trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2073.

Đức GM giáo phận Palestrina cho biết ĐTC muốn ở riêng với các tù nhân như trong một gia đình, nên thánh lễ và cuộc viếng thăm các tù nhân không được trực tiếp truyền hình cũng như không có đại diện của giáo quyền và chính quyền. Cả Đức GM địa phương, ông thị trưởng và tỉnh trưởng đều không được mời hiện diện. Tuy nhiên, đài phát thanh Vatican trực tiếp truyền đi bài giảng ứng khẩu của ĐTC trong thánh lễ, từ lúc 17 giờ 05 đến 18 giờ. (SD 13-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Niềm hy vọng nảy sinh từ thập giá yêu thương của Chúa Giêsu

Niềm hy vọng nảy sinh từ thập giá yêu thương của Chúa Giêsu

Với Chúa Giêsu chúng ta học trông thấy ngay từ bây giờ cây trong hạt, sự Phục Sinh trong thập giá và sự sống trong cái chết. Chính khi “rơi xuống đất” và chết đi  như hạt luá Chúa Giêsu làm nảy sinh ra trên thập giá sự sống và niềm hy vọng.

ĐTC đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 12.04.2017. Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa lời Chúa Giêsu nói liên quan tới hạt lúa rơi vào lòng đất, chết đi để sinh bông hạt như thánh Gioan ghi lại trong chương 12: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” ĐTC nói: Chúa Nhật vừa qua chúng ta đã tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem giữa tiếng tung hô lễ hội của các môn đệ và dân chúng rất đông đảo. Những người ấy đặt để nhiều hy vọng nơi Chúa Giêsu: biết bao người chờ đợi nơi Chúa các phép lạ và các dấu chỉ vĩ đại, các biểu lộ quyền năng và cả sư tự do khỏi các kẻ thù xâm chiếm nữa. Ai trong họ đã có thể tưởng tượng được rằng chỉ ít lâu sau đó, trái lại, Chúa Giêsu đã bị hạ nhục, kết án và giết chết trên thập giá? Các hy vọng trần tục của dân chúng sụp đổ trước thập giá. Nhưng chúng ta tin rằng chính nơi Đấng Bị Đóng Đanh niềm hy vọng của chúng ta đã tái sinh. Các niềm hy vọng của trần gian sụp đổ trước thập giá, nhưng nảy sinh ra các niềm hy vọng mới, các niềm hy vọng tồn tại luôn mãi. Niềm hy vọng nảy sinh từ thập giá là một niềm hy vọng khác. Nó là một niềm hy vọng khác với các niềm hy vọng sụp đổ của thế giới. Nhưng đó là niềm hy vọng nào vậy, niềm hy vọng nảy sinh từ thập giá?

 Điều Chúa Giêsu nói sau khi vào thành Giêrusalem có thể giúp chúng ta hiểu nó: ”Nếu hạt lúa rơi xuống đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Chúng ta hãy nghĩ tới một hạt lúa hay một hạt bé nhỏ rơi vào trong đất. Nếu nó khép kín trong chính mình, thì không có gì xảy ra cả; nhưng trái lại nếu nó bị bẻ gẫy, mở ra, thì khi đó nó sẽ trao ban sự sống cho một bông lúa, cho một mầm non, rồi một cây, và cây sinh bông hạt.

Chúa Giêsu đã đem vào thế giới một niềm hy vọng mới, và đã làm điều ấy giống như một hạt lúa: Ngài trở thành bé nhỏ, bé nhỏ, bé nhỏ như một hạt lúa; Ngài đã bỏ vinh quang trên trời của Ngài  đễ đến giữa chúng ta; Ngài “đã rơi xuống đất”. Nhưng chưa đủ. ĐTC giải thích thêm như sau:

** Để sinh bông hạt Chúa Giêsu đã sống tình yêu thương cho tới tận cùng, bằng cách để cho mình bị cái chết bẻ gẫy, như một hạt lúa để cho mình bị bẻ gẫy dưới lòng đất. Chính ở đó trong sự hạ mình tột cùng – cũng là  tột đỉnh của tình yêu – đã nảy mầm niềm hy vọng.  Nếu có ai đó trong anh chị em hỏi tôi: “Niềm hy vọng nảy sinh làm sao?” thì tôi trả lời: “Từ thập giá. Hãy nhìn thập giá, hãy nhìn Chúa Kitô chịu đóng đinh và từ đó sẽ tới với bạn niềm hy vọng, không biến mất nữa, niềm hy vọng kéo dài cho tới cuộc sống vĩnh cửu”. Và niềm hy vọng này đã nảy mầm chính nhờ sức mạnh của tình yêu: bởi vì tình yêu “hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7), tình yêu là sự sống của Thiên Chúa đã canh tân tất cả những gì nó đạt tới. Như thế vào lễ Vượt Qua Chúa Giêsu đã biến đổi tội lỗi thành ơn tha thứ. Anh chị em hãy nghe rõ sự biến đổi mà lễ Phục Sinh làm: Chúa Giêsu đã biến đổi tội lỗi chúng ta thành ơn tha thứ, cái chết của chúng ta thành sự sống lại, sự sợ hãi của chúng ta thành niềm tin tưởng, bằng cách nhận lấy chúng trên chính Ngài. Đó là tại sao chính trên thập giá đã nảy sinh và luôn luôn này sinh ra niềm hy vọng của chúng ta; đó là tại sao với Chúa Giêsu tối tăm của chúng ta có thể được biến đổi thành ánh sáng, mọi thất bại thành chiến thắng, mọi vỡ mộng thành hy vọng. Mọi sự, phải, mọi sự. Niềm Hy vọng thắng vượt tất cả, bởi vì nó nảy sinh từ tình yêu thương của Chúa Giêsu, là Đấng đã trở thành như hạt lúa trong lòng đất, và đã chết để trao ban sự sống, và niềm hy vọng đến từ sự sống tràn đầy đó.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: khi chúng ta chọn niềm hy vọng của Chúa Giêsu, từ từ chúng ta khám phá ra rằng kiểu sống chiến thắng là kiểu sống của hạt lúa, của tình yêu khiêm hạ. Không có con đường nào khác để chiến thắng sự dữ và trao ban hy vọng cho thế giới.  Nhưng anh chị em có thể nói với tôi: “Không, đó là một luận lý thua thiệt!” Xem ra nó là một luận lý thua thiệt, bởi vì ai yêu thì mất quyền bính. Anh chị em có nghĩ tới điều này chưa? Ai yêu thì mất quyền bính; ai cho thì lấy mất đi một cái gì đó, và yêu là một món quà. Thật ra cái luận lý của hạt lúa chết đi, của tình yêu khiêm hạ, là con đường của Thiên Chúa, và chỉ có nó cho bông hạt. Chúng ta cũng trông thấy nó nơi chính mình: chiếm hữu luôn thúc đẩy muốn một cái gì khác: tôi dã có được một sự cho mình và lập tức tôi muốn một sự khác lớn hơn nữa, và cứ thế, và tôi không bao giờ được thoả mãn. Đây là một cái khát khao xấu, đúng không? Bạn càng có bao nhiêu lại càng muốn bấy nhiêu. Thật là xấu! Ai ngấu nghiến thì không bao giờ no thoả. Và Chúa Giêsu nói điều này một cách rõ ràng: “Ai yêu mạng sống mình thì mất nó” (Ga 12,25). Bạn có ngấu nghiến, có thích có biết bao nhiêu điều nhung bạn sẽ mất đi tất cả, kể cả cuộc sống của bạn nữa, Nghĩa là: ai yêu của riêng mình và sống cho các lợi lộc của mình, thì chỉ trương phồng chính mình và mất đi. Trái lại ai chấp nhận , sẵn sàng và phục vụ, thì sống theo kiểu của Thiên Chúa: khi đó họ chiến thắng, tự cứu lấy mình và cứu người khác: họ trở thành hạt giống của niềm hy vọng cho thế giới. Nhưng thật là đẹp trợ giúp người khác, phục vụ người khác… Nhưng có lẽ chúng ta sẽ mỏi mệt? Cuộc sống là như thế, nhưng trái tim tràn đầy niềm vui và niềm hy vọng. Và đó là tình yêu và niềm hy vọng cùng với nhau: phục vụ và cho đi.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

** Chắc chắn rồi, tình yêu đích thật này đi qua thập giá, hy sinh, như đối với Chúa Giêsu vậy. Thập giá là việc vuợt qua bắt buộc, nhưng nó không phải là đích điểm: đích điểm là vinh quang, như lễ Phục Sinh chỉ cho chúng ta thấy.  Chính ở đây có một hình ảnh rất đẹp khác giúp chúng ta, mà Chúa Giêsu đã để lai cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly. Ngài nói: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16,21). Đó: trao ban sự sống, không chiếm hữu nó. Và đây là điều các bà mẹ làm: họ trao ban một sự sống khác, họ đau khổ, nhưng rồi họ vui sướng, hạnh phúc bởi vì họ đã trao ban một sự sống khác. Cho niềm vui; tình yêu cho sự sống chào đời, và trao ban cả ý nghĩa cho khổ đau nữa. Tình yêu là động lực khiến cho niềm hy vọng của chúng ta tiến tới. Tôi xin lập lại: tình yêu là động lực khiến cho niềm hy vọng tiến tới. Và từng người trong chúng ta có thể tự vấn mình: “Tôi có yêu không? Tôi có tập yêu không? Tôi có học yêu mỗi ngày nhiều hơn không? Bởi vì tình yêu là động lức khiến cho niềm hy vọng của chúng ta tiến tới.

Anh chị em thân mến, trong các ngày này, trong các ngày của tình yêu thương này, chúng ta hãy để cho mình được cuốn hút bởi mầu nhiệm của Chúa Giêsu, là Đấng như hạt lúa, chết đi để ban cho chúng ta sự sống. Chính Ngài là hạt giống niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng Đấng Chịu Đóng Đanh, là suối nguồn của niềm hy vọng. Từ từ chúng ta hiểu rằng hy vọng với Chúa Giêsu là học đã trông thấy ngay từ bây giờ cái cây nơi hạt giống, Phục Sinh trong thập giá, sự sống trong cái chết. Thật là hữu ích cho chúng ta khi dừng lại trước Chúa chịu đóng đanh.

Nhưng tôi muốn cho anh chị em một bài tập làm ở nhà. Thật là hữu ích cho tất cả chúng ta dừng lại trước Chúa Chịu Đóng Đanh  tất cả anh chị em đều có một ảnh ở nhà, hãy nhìn Ngài và nói: “Với Chúa không có gì bị mất đi. Với Chúa con luôn luôn có thể hy vọng. Chúa là niềm hy vọng của con”. Bây giờ chúng ta hãy tưởng tượng Chúa Chịu Đóng Đanh và tất cả cùng nhau nói với Chúa Giêsu chịu đóng đanh: “Chúa là niềm hy vọng của con” Tất cả: “Chúa là niềm hy vọng của con”. To hơn nữa! Tín hữu tại quảng trường lập lại “Chúa là niềm hy vọng của con”. Xin cám ơn anh chị em.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương hiện diện. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài chào các tham dự viên đại hội UNIV và các tín hữu đến từ Pháp và Bỉ. Ngài cũng chào các nhóm đến từ Anh quốc, Nigeria, Australia, Canada và Hoa Kỳ. Ngài cầu chúc Tuần Thánh giúp mọi người chuẩn bị tinh thần mừng lễ Phục Sinh với con tim được thanh tẩy và canh tân bởi ơn của Chúa Thánh Thần

Trong các nhóm nói tiếng Đức ĐTC chào thành viên hội Nước Chúa Kitô Bad Muenstereifel. Ngài cầu chúc việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm cái chết của Chúa Giêsu đem lại hoa trái cho mọi người, đặc biệt cho giới trẻ.

Trong các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nhà ĐTC chào tín hữu vùng Braga, các nhân viên tỉnh Gondomar, và các thành viên “Đại học cao niên” Lousada. Ngài chúc mọi người noi gương Mẹ Maria đứng gần thập giá Chúa và yêu thương cho tới cùng.

Chào các nhóm Ba Lan ĐTC chúc Tam Nhật Thánh đem lại cho họ và gia đình họ sự an bình và niềm hy vọng tươi vui.

Trong số các nhóm Ý ĐTC chào các tham dự viên đại hội 50 năm của sinh viên đại học do Giám hạt tòng nhân Opus Dei tổ chức suy tư về đề tài thế giới thay đổi, các thành viên hiệp hội thể thao Scopigno Cup do ĐTC Domenico Pompili, GM Rieti, hướng dẫn, cũng như các học sinh  Học viện Thánh Vinh Sơn de Paoli vùng Reggio Emilia mừng kỷ niệm ngày xây ngôi trường đầu tiên. Ngài cầu chúc chuyến hành hương Roma giúp mọi người khám phá ra niềm vui của việc cho đi hơn là chiếm hữu.

Chào người trẻ, các người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc ngày thứ ba là lễ nhớ thánh Gemma Galgani, ngài chúc giới trẻ noi gương thánh nhân sống Tam Nhật Thánh bằng cách suy niệm về tình yêu của Chúa Giêsu đã chịu sát tế trên thập giá và chết cho chúng ta. Ngài cầu mong Thứ Sáu Tuần Thánh giúp các anh chị em đau yếu kiên nhẫn trong đau khổ, và các đôi tân hôn biết hy vọng trong những lúc khó khăn của cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh của ĐTC

Linh Tiến Khải

Lễ Lá và Kinh Truyền Tin

  Lễ Lá và Kinh Truyền Tin

Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật lễ Lá hôm qua ĐTC đã chủ sự thánh lễ trước thềm đền thờ Thánh Phêrô. Cùng đồng tế với ĐTC có 150 vị gồm các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, các Đức Ông và 350 Linh Mục giúp ĐTC cho tín hữu  rước lễ. Đảm trách thánh ca ngoài ca đoàn Sistina của Toà Thánh, còn có ca đoàn và dàn nhạc của giáo phận Roma gồm 140 ca viên cùng nhạc công, và ca đoàn 300 người trẻ.

Thánh lễ đã bắt đầu với nghi thức làm phép lá trước bút tháp giữa quảng trường thánh Phêrô với bài Phúc Âm kể lại biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem khai mào cho cuộc Khổ Nạn cứu chuộc của Ngài. Sau đó là nghi thức rước lá với sự tham dự của 450 người trẻ, đại diện cho giáo phận Roma và các giáo phận khác.  Bài đọc một được tuyên đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý, bài đọc hai bằng tiếng Anh, Tin Mừng Thương Khó được đọc và hát bằng tiếng Ý.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã nêu bật gương mặc của Chúa Giêsu Vua Cứu Thế trong hình dạng cụ thể của một người tôi tớ của Thiên Chúa và của loài người, hiện diện nơi tất cả những kẻ khổ đau vì bất cứ lý do gì trên thế giới này.  Mở đầu bài giảng ngài nói:

Việc cử hành này có hai mùi vị, ngọt ngào và cay đắng, tươi vui và đớn đau, bởi vì trong nó chúng ta cử hành Chúa vào thành Giêrusalem được các môn đệ tung hô như là vua; đồng thời cũng được loan báo trình thuật phúc âm cuộc Khổ Nạn của Ngài. Vì thế con tim chúng ta cảm thấy sự mâu thuẫn đớn đau, và cảm nhận được trong vài phần nhỏ bé nào đó điều Chúa Giêsu đã phải cảm nhận trong con tim của Ngài trong ngày ấy, ngày Ngài vui mừng với các bạn mình và khóc thương trên thành Giêrusalem.

Từ 32 năm qua chiều kích tươi vui của Chúa Nhật này đã được phong phú bởi lễ của người trẻ: đó là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm nay được cử hành ở cấp giáo phận, nhưng tại Quảng trường này trong chốc lát nữa đây sẽ sống một lúc ngày càng cảm động hơn có các chân trời rộng mở, với việc người trẻ Krakow trao Thánh Giá cho người trẻ Panama.

Bài Phúc Âm được công bố trước buổi rước lá (x. Mt 21,1-11) miêu tả Chúa Giêsu xuống núi Cây Dầu trên lưng con lừa con chưa có ai cỡi bao giờ. Nó nêu bật sự hăng say của các môn đệ, đi theo Thầy với các lời tung hô lễ hội. Và thật dễ tưởng tượng điều này lây lan sang các người trẻ của thành phố kết hiệp niềm vui của họ với đám rước như thế nào. Chính Chúa Giêsu thưà nhận trong sự tiếp đón tươi vui ấy một sức mạnh không thể nào ngăn chặn được do Thiên Chúa muốn, và Ngài nói với các người Pharisêu cho đó là gương mù gương xấu: “Tôi nói với các ông rằng, nếu những người này thinh lặng, thì các hòn đá này sẽ kêu lên” (Lc 19,40).

ĐTC nói tiếp trong bài giảng thánh lễ: Nhưng Đức Giêsu mà theo Thánh Kinh, vào Thành Thánh trong kiểu này, không phải là một kẻ mộng mơ gieo vãi các ảo tưởng, một ngôn sứ của “thời mới”, một kẻ bán khói, trái lại Ngài là một Đức Messia được xác định, với gương mặt cụ thể của người tôi tớ, người tôi tớ của Thiên Chúa và của con người đi chịu khổ nạn. Ngài là Người Kiên Nhẫn vĩ đại của nỗi khổ đau của con người.

Như vậy cả chúng ta nữa khi mừng lễ Vua chúng ta, chúng ta nghĩ tới các khổ đau Ngài đã phải chịu trong Tuần này. Chúng ta nghĩ tới các vu khống, các lăng nhục, các cạm bẫy, sự bỏ rơi, việc kết án gian ác, các đánh đập, các đòn vọt, mạo gai… và sau cùng là thập giá cho tới khi bị đóng đanh.

Chính Chúa đã nói rõ ràng cho các môn đệ biết: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16,24). Ngài đã không bao giờ hứa danh dự và thành công. Các Phúc Âm nói rõ ràng. Ngài đã luôn luôn báo trước cho các bạn hữu Ngài rằng con đường của Ngài là con đường ấy, và chiến thắng cuối cùng phải đi qua cuộc khổ nạn và thập giá. Và chính điều này cũng có giá trị đối với chúng ta. Để trung thành theo Chúa Giêsu chúng ta hãy xin ơn làm điều đó không phải với lời nói, nhưng với các việc làm, và kiên nhẫn nhận chịu thập giá của chúng ta: không khước từ nó, không vất nó đi, nhưng nhìn Chúa, chấp nhận nó và vác nó mỗi ngày.

Đức Giêsu, Đấng chấp nhận được tung hô, dù biết rằng tiếng kêu “đóng đinh nó vào thập giá” đang chờ đợi Ngài, không xin chúng ta chỉ chiêm ngưỡng Ngài trong các bức tranh hay trong các hình chụp, hoặc trong các video lưu hành trên mạng. ĐTC nhấn mạnh như sau:

Không, Ngài hiện diện nơi biết bao nhiêu anh chị em ngày nay chịu khổ đau như Ngài: họ khổ đau vì một công việc như của nô lệ, họ khổ đau vì các thảm cảnh gia đình, vì tật bệnh… Họ khổ đau vì chiến tranh và khủng bố, vì các lợi lộc di chuyển vũ khí và khiến cho chúng bắt giết. Các người nam nữ bị lừa đảo, bị xúc phạm trong phẩm giá của họ, bị loại bỏ… Chúa Giêsu ở trong họ, trong từng người trong họ và với gương mặt méo mó, với tiếng nói gẫy bể xin được nhìn, được thừa nhận, được yêu thương.

Không phải là một Giêsu khác: nhưng cũng chính là Giêsu đã vào thành Giêrusalem giữa những cành lá chà là và ô liu phất phới. Đó cũng chính là Đấng đã bị đóng đanh vào thập giá và chết giữa hai tên tội phạm. Chúng ta không có Chúa nào khác ngoài Ngài ra: là Đức Giêsu, Vua khiêm hạ của công lý, lòng thương xót và hoà bình.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Ba Lan, Trung Hoa.

350 Linh Mục đã giúp ĐTC cho hơn 70,000 tín hữu rước lễ

Trưóc khi đọc Kinh Truyền Tin chung với tín hữu ĐTC đã chào mọi người hiện diện, đặc biệt những ai đã tham dự cuôc gặp gỡ quốc tế chuẩn bị cho công nghị về giới trẻ, do Bộ đặc trách  Giáo dân,  Gia đình và Sự Sống cùng tổ chức với Văn phòng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục. Ngài cũng trải dài lời chào này tới giới trẻ quy tụ quanh các Giám Mục sở tại cử hành Ngày Giới Trẻ trong mọi giáo phận trên toàn thế giới. Đây là một chặng khác của cuộc hành hương lớn, đã bắt đầu với thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, năm ngoái đã tụ tập chúng ta tại Cracovia và triệu vời chúng ta tại Panama vào tháng giêng năm 2019.

Vì thế trong chốc lát nữa đây người trẻ Ba Lan sẽ trao Thánh Giá của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ cho người trẻ Panama, được các Giám Mục và chính quyền sở tại của họ hướng dẫn.

Chúng ta hãy xin Chúa cho Thánh Giá cùng với Ảnh Đức Mẹ sự Cứu rỗi cùa dân Roma, làm cho đức tin và niềm ny vọng tăng trưởng tại những nơi chúng đi qua, bằng cách vén mở cho thấy tình yêu thương vô địch của Chúa Kitô.

Chúng ta hãy phó thác cho Chúa Kitô hôm nay bước vào cuộc Khổ Nạn và Đức Trinh Nữ Thánh các nạn nhân của vụ khủng bố ngày thứ sáu vừa qua tại Stockholme, cũng như các nạn nhân còn đang bị thử thách bởi chiến tranh, là tai ương của nhân loại.

Và cả vụ mưu sát rất tiếc xảy ra sáng nay tại Cairo trong một nhà thờ Copte.

Với người anh em thân mến Đức Thượng Phụ Tawadros II, Giáo Hội Copte, và toàn quốc gia Ai Cập thân yêu tôi xin bẩy tỏ sự chia buồn sâu xa của tôi, tôi cầu nguyện cho các người đã chết và cho các người bị thương, tôi gần gũi vói thân nhân và toàn cộng đoàn. Xin Chúa hoán cải con tim của những người gieo kinh hoàng bạo lực, chết chóc, và cả con tim những người chế tạo và buốn bán vũ khí nữa.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi ngưòi

Linh Tiến Khải

Niềm hy vọng của kitô hữu là chính Chúa Giêsu Kitô phục sinh

Niềm hy vọng của kitô hữu là chính Chúa Giêsu Kitô phục sinh

** Niềm hy vọng của chúng ta không phải là một ý niệm hay một tâm tình, nhưng là một Người, là Chúa Giêsu mà chúng ta nhận biết là sống và hiện diện nơi chúng ta và các anh em của chúng ta.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa chương 3 thư thứ nhất của thánh Phêrô, viết rằng: “Tất cả anh em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc. Mà nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc! Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến. Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.” (1 Pr 3,8-9.14-15).

ĐTC nói: Thư thứ nhất của thánh Phêrô có một động lực ngoại thường. Cần phải đọc nó hai ba lần để hiểu năng lực ngoại thường ấy.  Nó trao ban an ủi và hoà bình lớn, vì khiến cho chúng ta nhận ra Chúa luôn ở bên cạnh và không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nhất là trong những lúc tế nhị khó khăn nhất trong cuộc sống. Nhưng đâu là bí quyết của bức thư này? Đó là câu hỏi. Tôi biết là ngày hôm nay anh chị em sẽ lấy Tân Ước và tìm thư thánh Phêrô và đọc nó chậm chậm, để hiểu bí mật và sức mạnh của bức thư này. Đâu là bí quyết của bức thư này?   ĐTC trả lời như sau:

Bí quyết ở trong sự kiện bức thư này trực tiếp đâm rễ trong lễ Vượt Qua, nơi trọng tâm của mầu nhiệm mà chúng a đang cử hành, bằng cách làm cho chúng ta nhận ra ánh sáng và niềm vui phát xuất từ cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Chúa Kitô đã thực sự sống lại, và đây là một lời chào cần trao cho nhau trong các ngày lễ Phục Sinh: “Chúa Kitô đã sống lại! Chúa Kitô đã sống lại!”, như biết bao nhiêu dân tộc vẫn làm. Chúng ta nhớ rằng Chúa Kitô đã sống lại, Ngài sống giữa chúng ta. Ngài sống và ở trong từng người chúng ta. Chính vì vậy thánh Phêrô mạnh mẽ mời gọi chúng ta thờ lậy Chúa trong tim (c.16). Chúa đã ở trong đó từ khi chúng ta lãnh bí tích Rửa Tội, và từ đó Ngài tiếp tục canh tân chúng ta và đổi mới cuộc sống chúng ta, bằng cách làm cho chúng ta tràn đầy tình yêu và Thần Khí của Ngài.

** Đó chính là lý do tại sao thánh Tông Đồ nhắn nhủ chúng ta giải thích lý do niềm hy vọng nơi chúng ta (c. 16): niềm hy vọng của chúng ta không phải là một ý niệm hay một tâm tình, không phải là một điện thoại di động, không phải là một mớ của cải giầu sang: không! Niềm hy vọng của chúng ta là một Người, là Chúa Giêsu, mà chúng ta nhận biết là sống và hiện diện nơi chúng ta và các anh em của chúng ta, bởi vì Chúa Kitô đã phục sinh.

Các dân tộc slave chào nhau, thay vì nói “chào ban ngày” “chào ban chiều”, thì trong các ngày lễ Phục Sinh họ chào nhau với câu “Chúa Kitô đã sống lại”, “Christos voskrese!”. Và họ hạnh phúc nói điều đó! Đó là lời chào ban ngày và chào ban chiều họ trao cho chúng ta: “Chúa Kitô đã sống lại!”

Khi đó chúng ta hiểu rằng không phải trao ban lý do cho niềm hy vọng này trên binh diện lý thuyết, bằng lời nói, nhưng nhất là với chứng tá cuộc sống, và điều này ở bên trong cũng như bên ngoài cộng đoàn kitô. Nếu Chúa Kitô sống và ở trong chúng ta, trong con tim chúng ta, khi đó chúng ta cũng phải để cho Ngài hữu hình, không dấu kín Ngài và để ngài hành động trong chúng ta. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu phải luôn ngày càng  trở thành gương mẫu của chúng ta: gương mẫu cuộc sống và chúng ta phải học hành xử như Chúa đã hành xử. Làm cùng điều Chúa Giêsu đã làm. Niềm hy vọng ở trong chúng ta, như thế, không thể bị dấu kín trong chúng ta, trong con tim chúng ta: nó sẽ là một niềm hy vọng yếu ớt, không có can đảm đi ra ngoài, làm cho mình được thấy; nhưng niềm hy vọng của chúng ta, như lộ rõ trong thánh vịnh 33, mà thánh Phêrô trích lại nói, cần phải biểu lộ ra ngoài qua hình thái tuyệt diệu và không thể nhầm lẫn được của sự dịu dàng, tôn trọng và lòng tốt đối với tha nhân, cho tới chỗ tha thứ cho người làm điều ác cho chúng ta. Một người không có niềm hy vọng, không tha thứ được, không trao ban ủi an của sự tha thứ và không có sự an ủi tha thứ. 

** Phải, bởi vì Chúa Giêsu đã làm như thế và tiếp tục làm qua những kẻ biết nhường chỗ  trong con tim và cuộc sống của họ cho Ngài, với ý thức rằng sự dữ không được chiến thắng bằng sự dữ, nhưng với sự khiêm tốn, lòng thương xót và sự hiền dịu. Các kẻ tội phạm mafia nghĩ rằng có thể chiến thắng sự dữ với sự dữ, và họ báo thù và làm biết bao điều mà tất cả chúng ta đều biết. Nhưng họ không biết sự khiêm tốn, lòng thương xót và sự hiền dịu là gì. Tại sao vậy? Bởi những kẻ tội phạm mafia không có niềm hy vọng. Anh chị em hãy nghĩ tới điều ấy. Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

Đấy là lý do tại sao thánh Phêrô khẳng định rằng “đau khổ vì làm vịêc thiện thì tốt hơn vì làm điều ác” (c. 17): nó không muốn nói rằng đau khổ thì tốt, nhưng muốn nói rằng khi chúng ta khổ đau vì sự thiện, chúng ta hiệp thông với Chúa, là Đấng đã chấp nhận chịu khổ và bị đóng đinh trên thập giá để cứu rỗi chúng ta. Vậy cả chúng ta nữa trong các hoàn cảnh nhỏ bé nhất hay lớn lao nhất của cuộc sống, khi chúng ta  chấp nhận khổ đau vì sự thiện thì cũng như là chúng ta gieo vãi chung quanh mình các hạt giống của sự phục sinh và sự sống, và làm rạng ngời lên  trong bóng tối ánh sáng của lễ Phục Sinh.  Chính vì thế thánh Tông đồ khuyến khích chúng ta luôn luôn trả lời “bằng cách cầu chúc sự lành” (c. 9): phúc lành không phải là một hình thức bề ngoài, không phải chỉ là dấu chỉ của sự lễ phép, nhưng là một ơn cao trọng, mà chúng ta là những người đầu tiên đã nhận lãnh và có khả thể chia sẻ với các anh chị em khác. Nó là lời loan báo tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu không đo lường, không cạn kiệt, không bao giờ suy giảm và là nền tảng đích thật niềm hy vọng của chúng ta.

Các bạn thân mến, giờ đây chúng ta cũng hiểu tại sao Tông Đồ Phêrô gọi chúng ta là “có phúc” khi chúng ta phải đau khổ vì công lý (c. 13) Không phải chỉ vì một lý do  luân lý hay khổ hạnh, mà bởi vì mỗi một lần chúng ta nhận lấy phần của nhừng người rốt hết, bị gạt bỏ ngoài lề, hay chúng ta không đáp trả sự dữ bằng sự dữ, nhưng tha thứ, không báo thù, tha thứ và chúc phúc, mỗi lần chúng ta làm điều này, là chúng ta rạng ngời lên như dấu chỉ sống động và toả sáng hy vọng, và như thế trở thành dụng cụ ủi an và hoà bình, theo con tim của Thiên Chúa. Như thế hãy tiến lên với sự dịu dàng, hiền hậu, dễ thương, và làm việc lành cả cho những người không yêu chúng ta.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài chào sinh viên học sinh và tín hữu đến từ Pháp và Bỉ và cầu mong Chúa Kitô phục sinh sống trong tâm lòng chiếu sáng khiến cho họ trở thành dấu chỉ rạng ngời tình yêu của Chúa. ĐTC cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Ailen, Đan Mạch, Hoà Lan, Indonesia, Hồng Kông, Malaysia, Đại Hàn, Việt Nam và Hoà Kỳ, đặc biệt nhóm các linh mục trường Bắc Mỹ đang theo học tại Roma. Ngài cầu chúc lộ trình Mùa Chay dẫn đưa mọi người tới niềm vui phục sinh với con tim được thanh tẩy và canh tân trong ơn thánh của Chúa Thánh Thần.

ĐTC cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Đức, đặc biệt học sinh trường ĐHY von Galen Telgte và Maria Ward Neuburg bên sông Donau. Ngài cầu mong các lễ nghi Tuần Thánh giúp canh tân niềm tin phục sinh và giúp đem niềm hy vọng của Chúa Kitô đến với người khác.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ĐTC hy vọng Tuần Thánh giúp chiêm ngắm cuộc Khổ nạn, cái chết, sự phục sinh của Chúa, và giúp tín hữu trở thành dụng cụ tình yêu thương của Chúa cho mọi người.

Với các tín hữu Ba Lan ĐTC nói trong các ngày đầu tháng tư chúng ta nhớ tới biến cố Đức Gioan Phaolô II về nhà Cha. Ngài đã là một chứng nhân lớn của Chúa Kitô, là người nhiệt thành bênh vực đức tin,  đã chuyển hai sứ điệp lớn của lòng thương xót và Fatima cho thế giới. Sứ điệp thứ nhất là trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, và sứ điệp thứ hai liên quan tới chiến thắng của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria trên sự dữ, nhắc nhớ kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Chúng ta hãy đón nhận các sứ điệp ấy để chúng thấm nhập cuộc sống và mở toang cửa lòng cho Chúa Kitô.

Trong số các nhóm tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào gia đình các quân nhân đã ngã gục trong các sứ mệnh hoà bình do ĐC Santo Marcianò, Tổng tuyên uý quân đội Italia hướng dẫn, cộng đoàn Rwanda tại Italia, và các tiến sĩ Hiệp hội quốc gia nông nghiệp và rừng cây Italia, cũng như các thành viên tham dự đại hội do Hội đồng toà thánh Văn hóa tổ chức nhằm suy tư về tương lại nhân loại dưới ánh sáng các ngành y khoa và giá trị ngàn đời của luân lý. Ngài cũng chào cộng đoàn Gioan XXIII chuyên cứu giúp các phụ nữ nạn nhân của mại dâm, và mời tín hữu Roma tham dự buổi đi đàng Thánh Giá cho các phụ nữ bị đóng đanh vào ngày thứ sáu mùng 7 tháng tư tại Garbatella.

Chào các bạn trẻ, ngưòi đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho mọi người biết hôm qua Giáo Hội mừng kính thánh Vinh Sơn Ferrer, dòng Đaminh. Ngài khuyên các bạn trẻ noi gương thánh nhân học nói chuyện với Chúa, tránh nói các lời vô ích và tai hại; người đau yếu học tín thác nơi Chúa Kitô chịu đóng đanh trong mọi lúc như thánh nhân; và các cặp vợ chồng mới cưới xin thánh nhân bầu cử cho để biết quảng đại dấn thân trong sứ mệnh là cha mẹ gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi nguời

Linh Tiến Khải

Hội nghị 50 năm Thông Điệp Phát triển các dân tộc

Hội nghị 50 năm Thông Điệp Phát triển các dân tộc

VATICAN. Sáng 4-4-2017, ĐTC đã tiếp kiến 300 tham dự viên Hội nghị kỷ niệm 50 năm thông điệp ”Phát triển các dân tộc” (Populorum progressio) của Đức Chân Phước Phaolô 6 ban hành.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đặc biệt khai triển ý nghĩa của thành ngữ ”phát triển nhân bản toàn diện” mà Thông Điệp của Đức Phaolô 6 cổ võ và đó cũng là danh xưng của Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện mới được thành lập.

Trước tiên đó là ”hội nhập các dân tộc khác nhau trên thế giới.” ĐTC nói: ”Nghĩa vụ liên đới buộc chúng ta phải tìm kiếm những thể thức đúng đắn để chia sẻ, để tránh thảm trạng phân chia lệch lạc: người thì có nhiều quá, kẻ thì không có gì, người gạt bỏ và kẻ bị gạt bỏ. Chỉ có con đường hội nhập giữa các dân tộc mới giúp nhân loại có được một tương lai hòa bình và hy vọng”.

ĐTC nhấn mạnh rằng vấn đề ở đây là đưa vào việc phát triển tất cả những yếu tố làm cho sự phát triển thực sự là phát triển, nghĩa là bao gồm các hệ thống khác nhau: kinh tế, tài chánh, lao công, văn hóa, đời sống gia đình, tôn giáo, tất cả đều không thể từ bỏ được trong tiến trình tăng trưởng.

Trong sự phát triển toàn diện ấy, cần có sự hội nhập các chiều kích cá nhân và cộng đoàn, thể xác và linh hồn. ĐTC đặc biệt lưu ý về ”ý niệm nhân vị, một ý niệm nảy sinh và tăng trưởng trong Kitô giáo, giúp theo đuổi một sự phát triển hoàn toàn là nhân bản. Vì nhân vị luôn nói lên chiều kích tương quan, chứ không phải cá nhân chủ nghĩa, khẳng định sự hội nhập, chứ không phải là sự loại trừ, phẩm giá duy nhất và bất khả xâm phạm, chứ không phải sự bóc lột, tự do chứ không phải sự cưỡng bách.

Hội nghị

Buổi tiếp kiến của ĐTC dành cho các tham dự viên nằm trong chương trình 2 ngày của Hội nghị kỷ niệm 50 năm Thông điệp Phát Triển các dân tộc.

Lên tiếng trong buổi khai mạc Hội nghị hôm 3-4-2017, ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, và ĐHY Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, xác quyết rằng sự quyết tâm của Giáo Hội Công Giáo thăng tiến công lý, bảo vệ phẩm giá con người, xây dựng hòa bình và cổ võ phát triển là một câu trả lời theo vũ trụ quan Kitô giáo và nhắm mục tiêu tối hậu là giúp con người đạt đến hạnh phúc với Thiên Chúa.

ĐHY Mueller nói: ”Chính trong thế giới này mà chúng ta có thể cảm nhận tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, và chính trong trần thế này, những người nam nữ được kêu gọi học biết, yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa, phục vụ Chúa và anh chị em mình. Vì thế, ta không thể tách rời mối quan tâm đối với những sự thuộc về Thiên Chúa, ra khỏi quan tâm đối với công trình sáng tạo của Chúa, đặc biệt là con người”.

ĐHY Mueller cũng nhận xét rằng khi thiếu chiều kích đức tin và không chú tâm đến mục tiêu siêu việt của cuộc sống con người, thì các ý niệm ý thức hệ và chính trị về sự phát triển sẽ thất bại, cho dù chúng có một vài thành công ban đầu.. Có những quan điểm không Kitô về sự phát triển, trong đó có cả chủ trương của cộng sản kiến tạo thiên đường trần thế, hoặc quan niệm duy thực dụng tìm kiếm mức độ hạnh phúc cao nhất cho đại đa số nhân loại, hoặc quan niệm của Darwin hay đế quốc về sự sống còn và phát triển của những gì là mạnh nhất, và quan niệm tư bản với sự khai thác thế giới và lao công là những phương thế vi phạm phẩm giá con người”.

Về phần ĐHY Turkson, ngài nhắc lại rằng tên của Bộ Phục vụ phát triển nhân bản được rút trực tiếp tự giáo huấn của Đức Phaolô 6 trong thông điệp ”Phát triển các dân tộc”, trong đó có khẳng định rằng quan niệm thịnh hành về sự phát triển, đặc biệt khi nói về những cố gắng của quốc tế giúp đỡ những nước nghèo trên thế giới, quá hạn hẹp vì người ta chỉ chú tâm đến các vấn đề kinh tế thay vì chú trọng đến các dân tộc.

Sự phát triển nhân bản toàn diện qui trọng tâm vào trọn con người và mọi dân tộc, nhìn nhận họ là những tác nhân đầu tiên trong việc phát triển và tiến bộ của họ. Giáo Hội Công Giáo định nghĩa sự phát triển là tiến từ một hoàn cảnh sống khiến phẩm giá con người dễ bị thương tổn để đi tới một cuộc sống củng cố nhân phẩm: ”Tình thương trở thành yếu tố thúc đẩy sự phát triển. Sự phát triển nhân bản toàn diện, qua sự nhìn nhận tình thương của Thiên Chúa và ước muốn chia sẻ tình thương ấy, chứng tỏ mối quan tâm đối với những người di dân và tị nạn, người yếu đau, các nạn nhân chiến tranh và tất cả những người bị đe dọa gạt ra ngoài lề vì nghèo đói hoặc vì lý do chủng tộc” (CNS 3-4-2017, SD 4-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP