Các giá trị tinh thần và tôn giáo trong cuộc sống con người

Các giá trị tinh thần và tôn giáo trong cuộc sống con người

Nhà Triết gia Francesco Torallba Rosellò

Phỏng vấn triết gia Francesco Torralba Rosellò, người Tây Ban Nha

Ngày 17-5-2012 đại hội ”Sân của dân ngoại” đối thoại với những người không tin về đề tài ”Nghệ thuật, vẻ đẹp và sự siêu việt” đã khai diễn tại Barcelona bên Tây Ban Nha. Đại hội đã do Hội Đồng Tòa Thánh Văn Hóa tổ chức với sự tham dự của hàng trăm nghệ sĩ và chuyên gia thuộc nhiều bộ môn khác nhau, kể cả các triết gia và chính trị gia.

Trong số các tham dự viên có triết gia Francesco Torralba Rosellò, người Tây Ban Nha, giáo sư đại học Ramon Lluli Barcelona. Giáo sư thuyết trình về đề tài ”Con đường từ vẻ đẹp tới tình yêu”. Giáo sư sinh năm 1967 tại Barcelona, theo học tại đại học Barcelona và Kopenhagen, có bằng tiến sĩ trết học và thần học. Giáo sư là tác giả của hàng chục cuốn sách được độc giả ưa thích, trong đó có các cuốn như: ”Các gương mặt của sự thinh lặng”; ”Một trăm giá trị để sống” (2001); ”Khám phá ý nghĩa thực tại” (2000); ”Giá trị và ý nghĩa hoạt động giáo dục” (2001); ”Luân lý đạo đức của việc săn sóc” (2001); ”Có thể có một thế giới mới không?” (2003); ”Đâu là phẩm giá con người?” (2004); ”Cha mẹ và con cái” (2003); ”Lá thư của một đứa con chưa có tên” (2005); ”Ý nghĩa dân trí toàn cầu giải thích cho các con tôi” (2005); ”Nghệ thuật biết lắng nghe” (2006); Loạt sách về các đề tài: Sự tha thứ, tình bạn, sự thanh thản, lòng trắc ẩn (2008); ”Hòa bình, dấn thân” (2011); ”Nhìn thẳng mặt cái chết” (2008); ”Bình tĩnh trong một thế giới không bình tĩnh” (2009); ”Sự thông minh tinh thần” (2010) Đức Giêsu Kitô” (2011); ”Tình yêu đến từ bên trong” (2011); ”Với Thiên Chúa hay là không Thiên Chúa” (2012). Hai cuốn sách mới được xuất bản tại Tây Ban Nha là ”Cái luận lý của qùa tặng” và “Cuộc sống tinh thần trong xã hội vi tính”. Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị bài phỏng vấn giáo sư về đại hội này.

Hỏi: Thưa giáo sư Rosellò, tại sao Barcelona lại đươc chọn làm nơi tổ chức đại hội ”Nghệ thuật, vẻ đẹp và sự siêu việt”?

Đáp: Tôi tin rằng đây là một sự lựa chno tốt, đặc biệt bởi vì Barcelona là vùng đất của sự đối thoại, một vùng đất chung sống giữa các hình thái tinh thần tu đức khác nhau, và nhất là nó diễn tả sự đối thoại từ bao thế kỷ nay giữa những người tin và người không tin, nhất là bởi vì đối tượng của công việc làm, vẻ đẹp là một điểm gặp gỡ chung giữa những người tin và những người không tin, một tụ điểm gặp gỡ thực sự, nơi con người có thể suy tư về cái nối kết hai cộng đoàn, nhất là nó liên kết con người lại với nhau, một cách độc lập với diều họ tin.

Hỏi: Như thế, chúng ta có thể nói rằng vẻ đẹp vén mở cho thấy Thiên Chúa hay không, thưa giáo sư?

Đáp: Vẻ đẹp là viễn tượng của những người tin nơi Thiên Chúa. Đối với riêng tôi, thì tôi thấy ”vẻ đẹp của sự tự nhiên, vẻ đẹp của nghệ thuật, vẻ đẹp của âm nhạc” đã là một biểu lộ, một mạc khải vẻ đẹp của Thiên Chúa rồi. Nhưng trong viễn tượng ”đời” của những người không tin, thì vẻ đẹp là một lời mời gọi hướng tới siêu việt, hướng tới mầu nhiệm, hướng tới suy tư. Nó như một biểu tượng khiến chúng ta nghĩ tới điều chúng ta là, đâu là ý nghĩa của cuộc sống, đâu là nền tảng cuối cùng của chúng ta. Điều này không có nghĩa là chúng ta trực tiếp đến với Thiên Chúa, nhưng tôi cũng tin rằng những người không tin trông thấy nơi vẻ đẹp một con đường dẫn đưa tới mầu nhiệm, ít nhất là mầu nhiệm về thế giới.

Hỏi: Theo giáo sư, đâu là ngôn ngữ mà ngày nay tín hữu phải dùng, nếu muốn gặp gỡ những người không tin?

Đáp: Ngôn ngữ mà tín hữu dùng phái là một thứ ngôn ngữ rõ ràng, một thứ ngôn ngữ không kỹ thuật, có thể đến với tất cả mọi người. Ngôn ngữ kỹ thuật hay ngôn ngữ bên trong giáo hội là một thứ ngôn ngữ thường không hiểu nổi đối với những người khác. Nó là một thứ ngôn ngữ có một truyền thống, một sức mạnh biểu tượng, một gia tài tích tụ trong bao thế kỷ, được làm bởi biết bao nhiêu ý niệm khác nhau, mà người ta thường không biết, người ta không biết các văn bản kinh thánh, và thực tế là người ta ”mù chữ biểu tượng”, một người mù không thể đọc hiểu được ý nghĩa của nó. Vì thế ngôn ngữ phải rất rõ ràng. Nó phải là thứ ngôn ngữ đi từ các điều nòng cốt nhất của Đức tin, nghĩa là sứ điệp thực sự phản ánh nòng cốt của kinh Tin Kính. Tôi nghĩ rằng đó là sứ điệp của Chúa Giêsu. Ngôn ngữ của Chúa Giêsu là một thứ ngôn ngữ cho tất cả mọi người. Nhất là trong việc giảng dậy của Người, Chúa Giêsu đã nói qua các dụ ngôn, các biểu tượng, bằng cách tìm tới với tất cả mọi người qua các hình ảnh, kể cả những người không được học hành, không biết đọc biết viết. Ngôn ngữ mà tín hữu dùng phải là thứ ngôn ngữ như vậy, một thứ ngôn ngữ thích hợp với con người ngày nay.

Hỏi: Thưa giáo sư, trong các cuốn sách của mình giáo sư hay chú ý tới các đề tài cuộc sống tinh thần rộng mở cho tất cả mọi ngưi như: sự thinh lặng, xã hội vi tính, qùa tặng vv… Đây là một kiểu nghiên cứu rất gần với tinh thần đối thoại với những người không tin của tổ chức ”Sân của dân ngoại”. Tại sao vây?

Đáp: Việc nghiên cứu triết học của tôi cố gắng rộng mở và có thể thấm nhập đối với mọi người. Tôi cho rằng nhiệm vụ triết gia là thăng tiến tư tưởng và suy tư về các vấn nạn của con người mà mỗi một người đều đặt ra, vượt ngoài các xác tín tinh thần của mình. Nhiệm vụ của tôi là ở ngoài biên giới là nơi sáng tạo, nơi có thể chia sẻ và đối thoại. Theo tôi mỗi người đều có một chiều kích tinh thần có thể được sắp xếp và phát triển theo nhiều cách khác nhau, tùy theo các bối cảnh và tiểu sử.

Hỏi: Thế thì có cái gì chung cho các tín hữu và các nhà nhân văn?

Đáp: Cảm giác nuối tiếc, ước mong hạnh phúc, sự cần thiết đối chiếu và nỗi sợ hãi là các kinh nghiệm hàng ngày của tất cả mọi người, khiến cho chúng ta trở thành anh em với nhau trong cuộc sống. Tôi nghĩ tôn giáo là tương quan vượt cao hơn chính mình, gắn liền con người với một thực tại khác, mà chúng ta gọi là mầu nhiệm tuyệt đối.

Hỏi: Trong cuốn sách nói về sự thinh lặng giáo sư đã trích dẫn nhà tư tưởng Ludwig Wittgenstein nhiều lần, tại sao vây?

Đáp: Wittgenstein là một tư tưởng gia tinh thần rất sâu sắc. Chỉ cần đọc các sách tiểu sử của ông hồi trước đệ nhất thế chiến và cuốn ”Khảo luận luận lý triết học” thì biết. Ông cho thấy các hẹn hẹp của ngôn ngữ khoa học, và hiểu rằng thinh lặng là thái độ tốt nhất đứng trước mầu nhiệm của thực tại. Tôi thấy thái độ thận trọng và chú ý này đối với những gì vượt cao hơn lý lẽ khoa học rất là hay. Học giả Wittgenstein thừa nhận rằng không thể là ”khoa học” về ý nghĩa cuộc sống, nhưng tới lượt nó, câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống lại nghiêm trọng và lôi cuốn xúc động nhất mà một người có thể đưa ra.

Hỏi: Như thế con người tôn giáo có thể khám phá ra ”một cái gì hơn na” nơi mt ngưi không có nó, thưa giáo sư?

Đáp: Chắc chắn rồi. Trong đối thoại tín hữu khám phá ra nhiều yếu tố rất hay. Trước hết họ nhận ra rằng các người không tin làm thành một thế giới rất khác nhau. Có những người thờ ơ, nhưng cũng có những người rời xa, có những người chủ trương vô ngộ nhưng vẫn tìm kiếm hiểu biết, nhưng cũng có những người đầy uất hận, rất hay chỉ trích tôn giáo vì các lý do tiểu sử. Trong cuộc đối thoại với những người không tin, tín hữu bị bắt buộc diễn tả điều nòng cốt và tinh tuyền nhất của lòng tin. Ngoài ra, cần phải làm điều đó một cách rất rõ ràng và khiêm tốn, với các từ vựng đời, vì đó là cách duy nhất tìm ra một môi trường được chia sẻ.

Hỏi: Thưa giáo sư Rosellò, Barcelona là một trong các vùng bị tục hóa nhất Âu châu. Làm thế nào để khiến cho Tin Mừng đáng được tin cậy trên bình diện văn hóa?

Đáp: Tôi nghĩ cần phải tìm ra các đề tài hiện sinh và lý lẽ thực tiễn, mà không quên các lý do có lý sự, để trở thành tín hữu kitô. Việc thuyết phục là điều rất quan trọng, nhưng đề tài tốt nhất là chỉ cho thấy rằng Kitô giáo là một đề nghị đối với niềm hạnh phúc của thế giới, một sự thông truyền sự sống, như triết gia Kirkegaard đã nói: một trình thuật ý nghĩa khi được tháp nhập vào con người, trở thành suối nguồn của sự an bình thanh thản, và trao ban. Tín hữu kitô đáng tin cậy, khi sống tươi vui điều mình đã kinh nghiệm, khi cho thế giới thấy cuộc gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa và với vị mà thánh Agostino goi là ”Vị Thầy nội tâm”, biến thành suối nguốn bình an cho linh hồn, và đem lại hòa bình cho thế giới.

Hỏi: ”Sự tự do đích thật nhất là lòng biết ơn”, giáo sư đã viết trong cuốn sách về ”món qùa”. Ngày nay xem ra là điều ngược lại. Đâu là các thí dụ cụ thể của sự tự do này thưa giáo sư?

Đáp: Sự tự do được tìm thấy trong việc giải phóng khỏi cái tôi, bằng cách sống dưới suối nguồn của lòng tốt, hiện diện trong nơi sâu thẳm của từng người. Nó có nghĩa là nộp mình cho tha nhân, mà không tính toán cũng không hy vọng gì cả. Sự trao ban chính mình thực là con đường của niềm hạnh phúc. Hạnh phúc không hệ tại chỗ chiếm hữu, cũng không hệ tại hoạt động tập trung vào chính mình và thực hiện các ước mong của riêng mình: đó là sự phóng đãng chứ không phải tự do. Tự do là người sống mà không có các thành kiến, và mẫu sẵn, không bị thúc đẩy bởi tính toán lợi lộc, nhưng bởi sự trao ban, trao ban lớn hơn là tình yêu thương chia sẻ. Chúa Giêsu là mẫu mực sự tự do của con người tôi, nhưng cả thánh Phanxicô thành Assisi, thánh Massimiliano Kolbe và thánh Edith Stein nữa là những người đã sống theo viễn tượng trao ban tận hiến nhưng không này.

(Avvenire 15-5-2012; RG 16-5-2012)

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha cám ơn Hồng y đoàn trong cuộc chiến chống sự ác

Đc Thánh Cha cám ơn Hng y đoàn trong cuộc chiến chống sự ác

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 cám ơn Hồng y đoàn vì sự hỗ trợ dành cho ngài trong cuộc chiến đấu chống sự ác trên thế giới.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bữa trưa ngày 21-5-2012, khoản đãi Hồng y đoàn, để cám ơn các vị vì những đã chúc mừng ngài nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 85 và 7 năm Giáo Hoàng.

Lên tiếng sau lời chào mừng của ĐHY Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng y đoàn, ĐTC nói: ”Ngày nay, thành ngữ ”Ecclesia militans” (Giáo Hội chiến đấu), có phần lỗi thời, nhưng trong thực tế, chúng ta có thể ngày càng hiểu rõ thêm rằng thành ngữ ấy là thực, là rất đúng. Chúng ta đang thấy sự ác muốn thống trị trên thế giới và cần phải chiến đấu chống sự ác. Chúng ta thấy sự ác hành động qua nhiều cách thức, tàn ác, như các hình thức bạo lực khác nhau, nhưng cả dưới hình thức che đậy bằng sự thiện và chính như thế, nó phá hủy nền tảng luân lý của xã hội.”

ĐTC nhắc lại lời thánh Augustino nói rằng ”toàn thể lịch sử là một cuộc chiến đấu giữa hai tình yêu: yêu bản thân đến độ coi rẻ Thiên Chúa, và yêu Thiên Chúa đến độ coi rẻ bản thân trong cuộc tử đạo. Chúng ta ở trong cuộc chiến đấu này và trong cuộc chiến, điều rất quan trọng là có bạn hữu. Và đối với tôi, tôi được các bạn thuộc Hồng y đoàn quây quần, họ là các bạn hữu của tôi và tôi cảm thấy thoải mái như ở nhà, tôi cảm thấy được an ninh trong cộng đoàn các bạn thân tín ở với tôi và tất cả chúng ta ở với Chúa”.

Trong đó, trong lời chào mừng, ĐHY Sodano nhận rằng ”trong 7 năm Giáo Hoàng, ĐTC không ngừng mời gọi mọi tín hữu hãy tái khám phá nội dung đức tin, một đức tin được tuyên xưng, được cử hành, sống và cầu nguyện, như ĐTC đã nhắc nhở chúng con trong Tông Thư ”Cánh Cửa đức tin”.

”Rồi ĐTC cũng luôn nhắc nhở cho một thế giới đang tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn rằng sức mạnh duy nhất của sự tiến bộ chính là sức mạnh thay đổi tâm hồn con người, trong niềm trung thành với các giá trị tinh thần không bao giờ tàn lụi.

”Và ngoài ra, như người Samaritano nhân lành trên các nẻo đường thế giới, ĐTC tiếp tục thúc đẩy chúng con phục vụ tha nhân, luôn nhắc nhở chúng con những lời của Chúa Giêsu: ”Điều mà các con làm cho ngừơi bé mọn nhất trong các anh em của Thầy, là các con làm cho Thầy” (Mt 25,40).

G. Trần Đức Anh OP

30 ngàn tín hữu đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha

30 ngàn tín hữu đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng vi Đức Thánh Cha

LM G. Trần đức Anh OP (Vietvatican)

VATICAN. Trưa chúa nhật 20-5-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng với hơn 30 ngàn tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong số các tín hữu tại Quảng trường, có đông đảo các em chịu phép thêm sức thuộc tổng giáo phận Genova, bắc Italia, và các tín hữu hành hương đến từ nước ngoài.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài diễn giải về ý nghĩa lễ Chúa Lên Trời, rồi đề cập đến Ngày Thế Giới về truyền thông xã hội, trước khi chào thăm các tín hữu Công Giáo Trung Quốc nhân dịp Lễ Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu, 24-5 sắp tới cũng là Ngày Thế giới cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc. Sau cùng ĐTC lên án cuộc khủng bố trước một trường trung học ở Brindisi nam Italia, sáng hôm thứ bẩy vừa qua, và chia buồn với nạn nhân vụ động đất lúc 4 giờ sàng chúa nhật hôm qua tại miền Emilia Romagna. ĐTC nói:

Anh chị em thân mến

Theo sách Tông Đồ Công vụ, 40 ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu lên trời, nghĩa là trở về cùng Chúa Cha, Đấng đã sai Người xuống trần thế. Tại nhiều nước, mầu nhiệm này được cử hành không phải vào ngày thứ năm vừa qua, nhưng là hôm nay, là chúa nhật sau đó. Lễ Chúa Thăng Thiên đánh dấu sự hoàn thành công trình cứu độ đã được khởi sự với việc nhập thể. Sau khi đã dặn dò các môn đệ lần cuối cùng, Chúa Giêsu lên trời (Xc Mc 16,19). Nhưng Người ”không xa lìa thân phận chúng ta” (Xc Kinh Tiền Tụng); thực vậy, trong nhân tính của Người, Người đã đón nhận nhận loại với Người vào trong vòng thân mật với Chúa Cha và qua đó Người tỏ lộ đích điểm sau cùng của cuộc lữ hành trần thế của chúng ta. Cũng như Chúa Giêsu đã từ trời xuống và vì chúng ta Người đã chịu đau khổ, và chịu chết trên thập giá, Người cũng vì chúng ta mà sống lại và lên cùng Chúa Cha, vì thế, Người không còn xa lạ nữa, nhưng là ”Thiên Chúa chúng ta”, là ”Cha chúng ta” (Xc Ga 20,17).

Lễ Thăng Thiên là hành vi cuối cùng trong cuộc giải thoát chúng ta khỏi ách tội lỗi, như thánh Phaolô Tông Đồ đã viết: ”Khi lên trời, Chúa đã mang theo Người các tù nhân” (Ep 4,8). Thánh Lêô Cả giải thích rằng với mầu nhiệm này ”không những sự bất tử của linh hồn được công bố, nhưng cả sự bất tử của thân xác nữa. Thực vậy, ngày hôm nay, không những chúng ta được xác nhận là người sở hữu thiên đàng, nhưng còn được đi sâu vào Chúa Kitô nơi trời cao” (De Ascensione Domini, Tractatus 73, 2.4: CCCL 138 A, 451.453). Vì thế, các môn đệ, khi thấy Thầy mình nâng bổng khỏi mặt đất và đi lên trời cao, họ không buồn bã, nhưng cảm thấy một niềm vui lớn lao và được thúc đẩy công bố chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết (Xc Mc 16,20). Và Chúa phục sinh hoạt động trong họ, ban cho mỗi người một đoàn sủng riêng, để cộng đoàn Kitô, trong toàn bộ, phản ánh sự phong phú hài hòa của Trời Cao. Thánh Phaolô cũng viết: ”Ngài đã ban ơn cho loài người.. người này làm tông đồ, người kia làm ngôn sứ, người khác làm thánh sử tin mừng, và người khác làm mục tử và thầy dạy.. với mục đích xây dựng thân mình Chúa Kitô.. cho đến mức độ viên mãn trong Chúa Kitô” (Ep 4,8.11-13).

Các bạn thân mến, Lễ Thăng Thiên nói với chúng ta rằng trong Chúa Kitô nhân tính của chúng ta được nâng lên cùng Thiên Chúa; vì thế mỗi lần chúng ta cầu nguyện, đất được nối liền với Trời. Và như trầm hương, khi được đốt lên, tỏa lên cao khói hương dịu dàng, cũng vậy khi chúng ta cầu nguyện với Chúa, kinh nguyện sốt sắng và tín thác của chúng ta trong Chúa Kitô, cũng vượt qua trời cao và bay đến trước ngai Thiên Chúa, được Ngài lắng nghe và chấp nhận. Trong tác phẩm nổi tiếng của thánh Gioan Thánh Giá, Lên núi Camêlô, chúng ta đọc thấy rằng ”để thấy những ước muốn của tâm hồn chúng ta được thực hiện, thì không có cách nào tốt hơn là đặt sức mạnh của kinh nguyện chúng ta trong điều làm cho Chúa đẹp lòng nhất. Như thế, Ngài không chỉ ban cho chúng ta điều chúng ta xin, nghĩa là ơn cứu độ, nhưng cả điều mà Ngài thấy là thích hợp và tốt lành cho chúng ta, dù chúng ta không xin Ngài” (Libro III, cap. 44, 2, Roma 1991, 335).

”Vậy chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ giúp chúng ta chiêm ngắm những hồng ân trời cao, mà Chúa hứa cho chúng ta, và trở thành những chứng nhân ngày càng đáng tin cậy về đời sống thần linh.

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nhắc đến Ngày Thế giới truyền thông xã hội cử hành chúa nhật hôm qua với chủ đề ”Thinh lặng và Lời nói: hành trình rao giảng Tin Mừng”. Ngài nói: ”Thinh lặng là thành phần của việc truyền thông, là nơi ưu tiên để gặp gỡ với Lời Chúa và anh chị em chúng ta. Tôi mời gọi tất cả hãy cầu nguyện để việc truyền thông, dưới mọi hình thức, ngày càng giúp thiết lập với tha nhân một cuộc đối thoại chân thực, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, lắng nghe và chia sẻ”.

ĐTC cũng nói rằng ”Thứ năm, 24-5 tới đây là ngày lễ kính nhớ Đức Mẹ Maria, Phù Hộ các tín hữu Kitô, được sùng kính đặc biệt tại Đền Thánh Sà Sơn ở Thượng Hải. Chúng ta hãy hiệp nguyện với tất cả các tín hữu Công Giáo ở Trung Quốc, để với lòng khiêm tốn và vui mừng, họ loan báo Chúa Kitô đã chịu chết và sống lại, trung thành với Giáo Hội và Người Kế Vị Thánh Phêrô và sống hằng ngày hợp với đức tin họ tuyên xưng. Xin Mẹ Maria là Đức Trinh Nữ Tín Trung, nâng đỡ hành trình của các tín hữu Công Giáo Trung Hoa, làm cho kinh nguyện của họ ngày càng nồng nhiệt và quí giá trước mắt Chúa và làm gia tăng lòng quí mến và sự tham gia của Giáo Hội hoàn vũ vào hành trình của Giáo Hội tại Trung Quốc”.

Trong phần chào thăm các tín hữu hành hương, ĐTC nhiệt liệt chào mừng hàng ngàn tín hữu thuộc Phong trào bảo vệ sự sống ở Italia, nhóm tại Đại thính đường Phaolô 6. Ngài nói: ”Các bạn thân mến, Phong trào của các bạn ngày càng dấn thân bảo vệ sự sống con người, theo giáo huấn của Giáo Hội. Trong chiều hướng này, anh chị em đã loan báo một sáng kiến mới gọi là ”Một người trong chúng ta” để nâng đỡ phẩm giá và các quyền của mọi người từ lúc mới chịu thai. Tôi khuyến khích anh chị em ngày càng trở thành những chứng nhân và là những người xây dựng nền văn hóa sự sống”.

Trong phần chót của buổi đọc kinh, khi chào các tín hữu nói tiếng Ý, ĐTC nhắc đến vụ khủng bố sáng thứ bẩy 19-5 vừa qua trước một trường trung học ở thành phố Brindisi làm cho em nữ học sinh tên là Melissa 16 tuổi bị thiệt mạng và một số em khác bị thương. Ngài gọi họ là ”nạn nhân vô tội của một vụ khủng bố hèn nhát”. ĐTC kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ. Sau cùng, ngài thân ái nghĩ đến dân chúng tại miền Emilia Romagna bắc Italia mới vị động đất vài giờ trước đó làm cho 4 người chết và nhiều người bị thương, thiệt hại vật chất quan trọng. ĐTC nói: ”Tôi gần gũi trong tinh thần với những người bị thử thách vì tai ương này: chúng ta hãy cầu xin lòng từ bi Chúa cho những người đã qua đời và xin ơn an ủi cho những người bị thương”.

G. Trần Đức Anh OP

 

Tâm tư cuả ĐứcTổng Giám Mục Jose H. Gomez, cuộc tranh luận về hôn nhân đã bỏ quên nhu cầu của trẻ em.

Tâm tư cuả Đức Tổng Giám Mục Gomez, cuộc tranh luận về hôn nhân đã bỏ quên nhu cầu của trẻ em.

(EWTN) Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez nói rằng các cuộc tranh luận đang sôi nổi về hôn nhân đã bỏ quên hai chủ đề là "trẻ em" và "khiá cạnh nhân sinh" của một nền văn minh, và đã sai lạc chỉ tập trung vào một chủ đề là sự ước muốn của những người lớn.

"Mọi xã hội trong mọi thời đại, hôn nhân và gia đình đã luôn luôn chú trọng đến con trẻ. Bởi vì trẻ em là tương lai của xã hội," Vị tổng giám mục cuả Los Angeles đã viết ngày 18 Tháng Năm vừa qua trên cột báo cuả Tổng Giáo Phận.

"Chỉ mới cách đây có một thế hệ thôi, các tổ chức ở Mỹ như nhà trường, phương tiện truyền thông, công tư sở, đều nhất trí về chính sách và bậc thang giá trị của chúng ta là cổ võ các cuộc hôn nhân mạnh mẽ và hỗ trợ các bậc cha mẹ trong những nỗ lực nâng cao sức khỏe, đạo đức cuả con em"
Nhưng nay thì điều ấy đã thay đổi.

Theo sự quan sát cuả Đức Tổng Giám Mục Gomez, những cuộc tranh luận hiện đại "chỉ tập trung vào người lớn và những mong muốn về mối quan hệ của họ."
Nền văn hóa đặt con trẻ làm tâm điểm cuả quá khứ đã bị thay thế bằng "một cá nhân chủ nghĩa quá khích, lấy định nghĩa tự do tình dục là nguồn hạnh phúc duy nhất", Ngài nói.

"Chúng ta không thể cai quản xã hội dựa trên ý thích riêng tư như thế. Là người lớn và là công dân, chúng ta có nghĩa vụ đạo đức phải nhìn xa hơn bản thân mình. Phải suy nghĩ về lợi ích chung của xã hội. Phải suy nghĩ về những thế hệ tương lai ."

Thực tế ngày nay là, trẻ em chỉ còn là một đối tượng cho một cuộc "thí nghiệm xã hội" và chúng sẽ phải gánh chịu hậu quả của các định nghĩa mới về hôn nhân, cha mẹ và gia đình.

Nhưng trẻ em có quyền lớn lên với một người cha và một người mẹ và có quyền "được sinh ra trong một gia đình dựa trên hôn nhân," Đức giám mục giải thích thêm rằng điều này sẽ giúp con trẻ khám phá ra căn tính và phẩm giá đích thực của chúng và cho phép chúng "học sự yêu thích Chân Thiện Mỹ."

Đức Tổng giám mục nói rằng xã hội Mỹ đang trong cơn "lo lắng và bối rối" về ý nghĩa của hôn nhân và mục đích của gia đình.

"Hơn bao giờ hết tôi tin rằng người Công giáo có nhiệm vụ phải lãnh đạo hướng đi của xã hội, bằng những giáo huấn và gương sáng của chúng ta."

Đức Tổng Giám Mục Gomez nhấn mạnh cần phải khôi phục lại ý nghĩa về "hệ nhân sinh" (human ecology), thắt chặt nền tảng cuả gia đình, bắt nguồn từ ý nghiã hôn nhân là "khu bảo tồn tự nhiên của cuộc sống và nền văn minh."

Hôn nhân và gia đình là một phần của "mầu nhiệm sâu xa nhất" của sự sáng tạo của Thiên Chúa và kế hoạch cứu rỗi của Người.

"Gia đình nhân loại là một con tàu mà qua đó Thiên Chúa tuôn đổ những ơn lành xuống. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã sinh ra trong tử cung của một người mẹ và đưọc nuôi dưỡng trong một gia đình thánh thiện."

"Những đứa con của chúng ta, chúng không có tiếng nói. Chúng đang phụ thuộc vào chúng ta nói thay cho chúng."

Đức Tổng Giám Mục khuyến khích cầu nguyện cho con trẻ và cho sự thành công của Hội nghị Thế giới về gia đình ở Milan (Ý) từ ngày 30 tháng 5 cho đến ngày 3 tháng 6.

"Chúng ta hãy cần xin Đức Mẹ giúp chúng ta khôi phục lại 'hệ nhân sinh' trong xã hội này – để cho hôn nhân được thiêng liêng và gia đình thành một nơi trú ẩn đích thực của sự sống và là tâm điểm của một nền văn hoá tình yêu", Ngài nói.

Trần Mạnh Trác

Vietcatholic

Bài Tập Đọc: Dế Mèn Phiêu Lưu Ký – Tô Hoài

Tôi sống độc lập từ thủa bé.  Ấy là tục lệ lâu đời trong họ nhà dế chúng tôi.  Vả lại, mẹ thường bảo chúng tôi rằng : "Phải như thế để các con biết kiếm ăn một mình cho quen đi. Con cái mà cứ nhong nhong ăn bám vào bố mẹ thì chỉ sinh ra tính ỷ lại, xấu lắm, rồi ra đời không làm nên trò trống gì đâu".  Bởi thế, lứa sinh nào cũng vậy, đẻ xong là bố mẹ thu xếp cho con cái ra ở riêng. Lứa sinh ấy, chúng tôi có cả thảy ba anh em.  Ba anh em chúng tôi chỉ ở với mẹ hai hôm. Tối hôm thứ ba, mẹ đi trước, ba đứa tôi tấp tểnh, khấp khởi đi sau, nửa lo nửa vui theo sau.  Mẹ dẫn chúng tôi đi và mẹ đem đặt mỗi đứa vào một cái hang đất ở bờ ruộng phía bên kia, chỗ trông ra đầm nước mà không biết mẹ đã chịu khó đào bới, be đắp tinh tươm thành hang, thành nhà cho chúng tôi từ bao giờ…[Xem tiếp]

[Download powerpoint slides…Dế Mèn Phiêu Lưu Ký]

Đức Thánh Cha tiếp kiến 8 ngàn tín hữu thuộc các phong trào

Đức Thánh Cha tiếp kiến 8 ngàn tín hữu thuộc các phong trào

 

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng thứ bẩy 19-5-2012, dành cho 8 ngàn tín hữu thuộc các Phong trào và tổ chức Kitô, ĐTC khích lệ anh chị em giáo dân dấn thân thực thi tình liên đới và yêu thương theo tinh thần Kitô.

Buổi tiếp kiến diễn ra nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Phong trào Giáo Hội dấn thân văn hóa, 40 năm thành lập Liên hiệp các tổ chức Kitô phục vụ quốc tế thiện nguyện, và Phong trào công nhân Kitô. Hiện diện tại buổi tiếp kiến tại Đại thính đường Phaolô 6 còn có một số GM Italia và nước ngoài, các LM tuyên úy cũng như giới lãnh đạo các phong trào và tổ chức này.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhận định rằng các dịp kỷ niệm vừa nói là một cơ hội thích hợp để suy nghĩ lại đoàn sủng của mình với lòng biết ơn và có một cái nhìn phê bình, quan tâm đến nguồn gốc lịch sử và những dấu chỉ mới của thời đại. Ngài cũng nói rằng:

”Hoạt động của anh chị em phải được đức bác ái linh hoạt, nghĩa là học cách nhìn với đôi mắt của Chúa Kitô, trao tặng cho tha nhân không phải những điều cần thiết bên ngoài, nhưng còn trao cho họ cái nhìn, cử chỉ yêu thương mà họ đang cần. Điều này nảy sinh từ tình thương đến từ Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước, và nảy sinh từ chính cuộc gặp gỡ thân mật với Chúa”.

ĐTC nhắc nhở cho các thành viên các phong trào Kitô về gia đình là nơi đầu tiên chúng ta cảm nghiệm tình yêu nhưng không, và nếu điều này không xảy ra, thì gia đình sẽ bị biến chất và bị khủng hoảng. Ngài nhấn mạnh rằng ”Điều được sống trong gia đình, sự hiến thân không chút dè dặt để mưu ích cho tha nhân là yếu tố giáo dục cơ bản để học cách sống như Kitô hữu, cả trong tương quan với văn hóa, các hoạt động thiện nguyện và lao động.. Tinh thần liên đới là cảm thấy tất cả mọi người đều có trách nhiệm đối với mọi người, vì thế, tình liên đới này không thể ủy thác cho Nhà Nước.”

Và ĐTC kết luận rằng ”Tôi khuyến khích anh chị em, tôi mời gọi anh chị em hãy kiên trì tiếp tục dấn thân giúp đỡ các anh chị em chúng ta. Trong sự dấn thân này cũng có nghĩa vụ phải nêu rõ những bất công và làm chứng về những giá trị làm nền tảng cho phẩm gia con người, thăng tiến những hình thức liên đới tạo điều kiện dễ dàng cho công ích.” (SD 19-5-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp đoàn cuối cùng của Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ

Đức Thánh Cha tiếp đoàn cuối cùng của Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ

VATICAN. Sáng ngày 18-5-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến đoàn cuối cùng thuộc HĐGM Hoa Kỳ về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh.

Nhân dịp này ngài kêu gọi Giáo Hội Công Giáo tại Mỹ đón nhận và vun trồng các gia sản văn hóa phong phú của nhiều nhóm di dân, đồng thời chống lại những mưu toan chia rẽ Giáo Hội.

Đoàn được ĐTC tiếp kiến gồm GM Công Giáo nghi lễ Đông phương gốc từ Ucraina, Rutheni, Canđê, Maronite, Melkite, v.v.. Cuộc tiếp kiến này kết thúc lịch trình kéo dài 6 tháng qua, tức là từ đầu tháng 11-2011.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói: ”Ngày nay Giáo Hội tại Hoa Kỳ được kêu gọi đón nhận, tháp nhập và vun trồng gia sản phong phú về đức tin và văn hóa nơi nhiều nhóm di dân ở Mỹ, trong đó không những có các nghi lễ Đông phương của anh em, nhưng cả nơi đông đảo các tín hữu Hispanic, Á châu và Phi châu ngày càng gia tăng. Cần phải coi công tác mục vụ khó khăn thăng tiến sự hiệp thông giữa các nền văn hóa trong các Giáo Hội địa phương của anh em là điều có tầm quan trọng đặc biệt, khi anh em thi hành sứ vụ phục vụ sự hiệp nhất. Sự phục vụ hiệp thông này không những chỉ đòi tôn trọng sự khác biệt ngôn ngữ, thăng tiến các truyền thống lành mạnh và cung cấp các chương trình và dịch vụ xã hội, nhưng còn kêu gọi dấn thân tiếp tục rao giảng, huấn giáo và mục vụ nhắm khơi dậy nơi các tín hữu cảm thức hiệp thông sâu xa với nhau trong đức tin tông truyền và trách nhiệm của họ đối với sứ mạng của Giáo Hội tại Hoa Kỳ”.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng ”Quyết tâm cổ võ sự hiệp nhất trong cộng đoàn Công Giáo không những là điều cần thiết để đáp ứng những thách đố tích cực của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, nhưng còn để chống lại những thế lực làm băng hoại, chia rẽ trong nội bộ Giáo Hội. Sự chia rẽ này ngày càng trở thành một chướng ngại đối với sứ mạng của Giáo Hội tại Hoa Kỳ”.

ĐTC không quên ca ngợi cố gắng của các GM khuyến khích các tín hữu, một cách riêng rẽ hoặc trong các hội đoàn của Giáo Hội, cùng nhau tiến bước, nói chung một tiếng nói đối với những vấn đề cấp thiết của thời nay”.
Sau cùng, ĐTC đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với tấm gương trung thành và hy sinh của nhiều nữ tu ở Mỹ, và cùng với họ, ngài cầu nguyện để thời điểm phân định hiện nay mang lại hoa trái thiêng liêng dồi dào để hồi sinh và củng cố các cộng đoàn của nữ tu trong sự trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội, cũng như với đoàn sủng của vị sáng lập dòng”

Gần đây, Bộ giáo lý đức tin, với sự chấp thuận của ĐTC, đã yêu cầu cải tổ cơ cấu của Hội đồng lãnh đạo các nữ tu Hoa Kỳ, vì nhiều lần Hội đồng này đưa ra những lập trường không phù hợp với giáo huấn của Hội Thánh và của các GM tại Hoa Kỳ (SD 18-5-2012)

G. Trần Đức Anh OP (Vietvatican)

ĐƯỜNG LÊN TRỜI

ĐƯỜNG LÊN TRỜI

CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN NĂM B (20.05.2012)
[Cv 1,1-11; Ep 3,17-23; Mt 16,15-20]

Cây Thánh Giá có hai chiều ngang dọc. Chúa xuống thế theo chiều dọc. Ngài đã đi giữa cuộc đời theo chiều ngang, rồi lại về Trời theo chiều dọc thẳng đứng. Hành trình dương thế của mỗi tín hữu được ghi ấn tín là Thánh Giá Chúa Kitô trên thân mình, trong cuộc đời, hẳn phải bước theo sát dấu chân, theo đúng hành trình Chúa Kitô. Với xác tín ấy, mỗi tín hữu không thể muốn bay lên Trời theo chiều dọc, mà lại không muốn đi ra khỏi lâu đài của mình theo chiều ngang để đến với tha nhân, với cuộc đời.

 (Xem tiếp . . .  ĐƯỜNG LÊN TRỜI)

Lời cầu nguyện kết hiệp tín hữu với Thiên Chúa, giúp thắng vượt mọi sợ hãi nô lệ và rộng mở cho mọi thụ tạo

Lời cầu nguyện kết hiệp tín hữu với Thiên Chúa, giúp thắng vượt mọi sợ hãi nô lệ và rộng mở cho mọi thụ tạo

Lời cầu nguyện được Chúa Thánh Thần linh hứng giúp tín hữu sống sự tự do là con cái Thiên Chúa, thắng vượt mọi sợ hãi nô lệ, sống kết hiệp sâu xa với Chúa và rộng mở cho mọi thụ tạo.

 (Xem tiếp . . .Lời cầu nguyện kết hiệp tín hữu với Thiên Chúa, giúp thắng vượt mọi sợ hãi và rộng mở cho đường thụ tạo )

Huấn dụ của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 dành cho các tu sĩ nam nữ dòng Phanxicô.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 dành cho các tu sĩ nam nữ dòng Phanxicô.

VATICAN. Hôm Chúa nhật, 13-5-2012, ĐTC Biển Đức 16 không gặp được các tu sĩ nam nữ Phanxicô tại La Verna như đã dự định, nhưng ngài để lại huấn dụ đầy ý nghĩa dành cho họ.

 (Xem tiếp . . .  Huấn dụ của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 dành cho các tu sĩ nam nữ dòng Phanxicô)

Thư Giám Mục Kontum gửi Hội Phanxicô Xaviê của Giáo phận Kontum tại Hoa Kỳ.

Thư Giám Mục Kontum gửi Hội Phanxicô Xaviê của Giáo phận Kontum tại Hoa Kỳ.

GpKt, 14.05.2012: Vừa qua, có một vài thông tin thắc mắc về một Hội Phanxicô Xaviê "mới" lấy danh nghĩa của Giám mục Kontum kêu gọi để giúp đỡ Giáo phận Kontum, nhưng thực chất không thuộc Giáo phận Kontum. Sau đây là toàn văn lá thư của ĐGM Kontum gửi Hội Trưởng Phanxicô Xaviê – Gp. Kontum, chi nhánh tại Hoa Kỳ, để minh định việc này.

 

Kontum ngày 14.05.2012

Kính gửi
Ông Đaminh Hoàng Đình Khôi
Hội Trưởng Hội (Gia đình) Phanxiô Xaviê Kontum.
7925  Deerfield Street, San Diego, CA 92120
 Tel. (760) 298.9196  –  Email: fxf.ktum@gmail.com
 

Kính thăm Ông

Tôi vừa được một số thân nhân từ Hoa Kỳ gọi về hỏi hôm nay tại Nhà thờ St Barbara –  có thể tại nhiều nhà thờ khác Vùng Orange County – đang phổ biến một DVD về Hội Phanxicô Xaviê do tôi và Đức Cha Phát Diệm, Chủ Tịch UBLBTM trực thuộc HĐGMVN bảo trợ. Họ xin tôi minh định về chuyện này.

1. Truyền giáo là nhiệm vụ cao cả của mọi kitô hữu. Tất cả chúng ta đều được mời gọi thực hiện với tất cả óc sáng tác và nhiệt tình. Tất cả đều được kêu mời tham gia tích cực vào công trình này.

2. Hội Phanxicô Xaviê của Kontum (Francis Xavier Foundation  (FxF) là một tổ chức bảo trợ ơn gọi của Giáo phận Kontum, hiện do Ông Đaminh Hoàng Đình Khôi ở San Diego làm Hội Trưởng, nhằm mục đích bảo trợ ơn gọi linh mục tu sĩ trong Giáo phận Kontum qua tham vọng khích  lệ các gia đình và các xứ đạo trở thành “một thứ tiền chủng viện, tiền đệ tử viện”.

3. Hồi đầu năm, tôi, giám mục Kontum, có được Lm Phạm văn Tuấn, Gx Westminster mời sang nói chuyện về đề tài Truyền giáo tại Giáo xứ Westminster, nhưng bận công việc tôi đã từ chối.

4. Nghe nói có vài linh mục Giáo phận Kontum có mặt trong cuộc vận động tại Vùng Orange County trong những ngày này. Nếu có, các linh mục đó không đại diện cho Giáo phận Kontum cũng như Hội Phanxicô Xaviê của Kontum. Tất cả đều là việc làm của cá nhân các vị đó. Lập trường của tôi khi chấp nhận cho các linh mục ra nước ngoài đều yêu cầu các linh mục tuân thủ nghiêm chỉnh 2 điều :

    (1) Không đem đề tài nghèo hay dân tộc ra để kể khổ hay làm đề tài vận động xin tiền.  Cũng không đi xin tiền xây nhà thờ. Tất cả cho công cuộc đào tạo và giáo dục nhân sự trong Giáo phận, nhất là thế hệ trẻ.

    (2) Ra Nước ngoài chủ yếu là mở mang trí khôn và học hỏi về mục vụ và truyền giáo. Cha ông thường nói “Đi ngày đàng, học sàng khôn” là thế!

Tôi báo cho Ông Hội Trưởng của Hội Phanxicô Xaviê Kontum tại hải ngoại được biết và vui lòng chuyển đạt những minh định trên đây tới các thành viên của Hội Phanxicô Xaviê Kontum (FxF). Xin các thành viên an tâm và hăng say tiếp tay với tất cả những cá nhân hay tổ chức nào có ý hướng đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trong Giáo Hội.

Kính chúc Ông và tất cả các thành viên của Hội Phanxicô Xaviê Kontum chan hoà ân thánh.

Hiệp thông trong tâm tình tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa.

 

+ Micae Hoàng Đức Oanh

Giám Mục Giáo Phận Kontum.

 

ĐỨC CHA ANTÔN NGUYỄN VĂN THIỆN TỪ TRẦN TẠI PARIS-PHÁP QUỐC

ĐỨC CHA ANTÔN NGUYỄN VĂN THIỆN TỪ TRẦN

ĐỨC CHA ANTÔN NGUYỄN VĂN THIỆN

ĐÃ ĐƯỢC GỌI VỀ NHÀ CHA
Lúc 10g (giờ Paris) tức 15g giờ Việt Nam, Chúa Nhật, ngày 13 tháng 05 năm 2012.
Hưởng thọ 106 tuổi, với 80 năm Linh mục và 51 năm Giám mục.

Xin hiệp ý cầu nguyện cho Linh hồn Đức Cha Antôn.

R.I.P

Tiểu Sử Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện
"Thực Hành và Chân Lý" (1Gioan 3, 18-19)

– Sinh ngày 13.03.1906 tại họ đạo Ba Trinh, Cái Côn, Sóc Trăng.

– Thụ phong linh mục ngày 20.02.1932 tại Nam Vang.

– 1932 Giáo Sư nhà giảng Banam, Cam Bốt.

– 1936 Phó xứ Họ Ðạo Hoa Lang.

– 1941 Cha Sở Họ Ðạo Cù Lao Tây.

– 1954 Sáng lập tờ báo Thực Hành làm cơ quan liên lạc trong địa phận.

– 1955 Cha Sở Họ Ðạo Năng Gù, Long Xuyên.

– 1955 Cha Sở nhà thờ Chính Tòa Cần Thơ.

– 1956 Cha chính địa phận Cần Thơ, lập một nhà in tại Cần Thơ để in ấn sách đạo.

– 24.11.1960 Ðược bổ nhiệm làm giám mục Giáo Phận Vĩnh Long.

– 22.01.1961 Thụ phong giám mục trước Vương Cung Thánh Ðường Sàigòn với khẩu hiệu "Thực Hành và Chân Lý".

– 03.04.1961 Chính thức nhận Giáo Phận Vĩnh Long.
– 12.07.1968  Đức Cha Antôn được chấp thuận từ nhiệm vì lý do sức khỏe, trở thành Giám Mục Hiệu Tòa Spello, sau đó đi chữa bệnh mắt tại Pháp và Nhật nhưng không khỏi. Năm 1975 không thể trở về quê hương, Ngài nghỉ hưu tại Nice/Pháp.

 

———————————————————————-
Đức Cha Antôn Thiện là giám mục thứ 19 trong các vị giám mục Việt Nam, chịu chức cùng ngày 22.01.1961 với các Đức Cha sau đây:

* Micae Nguyễn Khắc Ngữ (1909 – 2009).

* Giuse Trần Văn Thiện (1908 – 1989).

* Philipphê Nguyễn Kim Điền (1921 – 1988).

Bốn vị nói trên đã chịu chức trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, khi Giáo Hội Việt Nam bước vào một giai đoạn lịch sử quan trọng.
 

Sau 400 năm Tin Mừng được rao giảng ở Việt Nam (từ năm 1533), Giáo Hội Việt Nam mới có vị giám mục bản xứ đầu tiên là Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng vào năm 1933. Tuy nhiên 27 năm sau, khi Giáo Hội Việt Nam có những dấu hiệu trưởng thành dưới sự dìu dắt của các vị giám mục bản xứ, Tòa Thánh dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã chính thức thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam vào ngày 24.11.1960, nâng các giáo phận tông tòa trên toàn lãnh thổ Việt Nam lên hàng giáo phận chính tòa, trực thuộc ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn với ba vị tổng giám mục. Cùng ngày này Tòa Thánh quyết định thiết lập thêm 3 giáo phận mới trong giáo tỉnh Sài Gòn: Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên.

Có những địa phận mới và vì sự thuyên chuyển của một số giám mục trong giai đoạn nầy, Tòa Thánh đã bổ nhiệm 4 vị giám mục:

– ĐGM Nguyễn Văn Thiện, giám mục thứ hai của giáo phận Vĩnh Long (thay thế ĐGM Ngô Đình Thục được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Huế).
 

– ĐGM Nguyễn Khắc Ngữ, giám mục đầu tiên của giáo phận Long Xuyên.
 

– ĐGM Trần Văn Thiện, giám mục tiên khởi của giáo phận Mỹ Tho.
 

– ĐGM Nguyễn Kim Điền, giám mục thứ hai của giáo phận Cần Thơ (thay thế ĐGM Nguyễn Văn Bình được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Sài Gòn).
 

Tên của 4 vị được ghi trong văn kiện lịch sử là sắc chỉ "Venerabilium Nostrorum" thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, được ký vào ngày 24.11.1960.
 

Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện là giám mục thứ hai của Giáo Phận Vĩnh Long kể từ khi Giáo Phận này được thiết lập vào năm 1938. Tuy nhiên, trên một phương diện khác, ngài là giám mục chính tòa tiên khởi của Vĩnh Long, được nâng lên hàng giáo phận chính tòa theo sắc chỉ nói trên.

Hơn 7 năm chăm sóc Giáo Phận Vĩnh Long (24.11.1960-18.09.1968), Ngài nhận thấy cánh đồng bao la, thợ gặt ít, nên Ngài đã khởi xướng và thành lập trung tâm Tu Hội Truyền Giáo: một cho Nam Giới (giao cho Cha Raphae Nguyễn Văn Diệp), một cho Nữ Giới (Cha Phaolô Ngợi đảm trách). Năm 1961, Đức Cha lập Trung Tâm Truyền Giáo tại Ngã Ba Cần Thơ (cơ sở II Tiểu Chủng Viện) để huấn luyện những người có năng lực đi giúp việc truyền giáo: dạy giáo lý, đi thăm viếng…

Với tâm hồn tông đồ nhiệt thành, Đức Cha Antôn đã tổ chức tại Trung Tâm Truyền Giáo hơn 30 khóa huấn luyện Quới Chức và các Hội Đoàn, đào tạo nên những tông đồ giáo dân cho Họ Đạo và cho xã hội. Năm 1961 và 1962 mỗi tuần đều có mở khóa, đến 1963 ban huấn luyện đi mở khóa trong các Họ Đạo.

Năm 1964 Trung Tâm nầy được sửa chữa để làm Đại Chủng Viện cho 3 giáo phận trong vùng (Cần Thơ, Vĩnh Long và Mỹ Tho) và Trung tâm Truyền Giáo được di dời về Cầu Vồng. Năm 1964 Đại Chủng Viện Xuân Bích Vĩnh Long khai giảng khoá đầu tiên dưới sự hướng dẫn và đào tạo của các Linh mục Tu Hội Xuân Bích.

Từ cuối năm 1964 Đức Cha Antôn đã cho xây cất Nhà Thờ Chính Tòa với một phần vật liệu do Đức Cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục để lại, ở Ngã Ba Cần Thơ, theo mô hình của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ phỏng theo mẫu con tàu to lớn của ông Noe trong sách Cựu ước.

Năm 1965, Đức Cha Antôn quyết định sử dụng nhà thờ Chính Toà mới, tuy chưa hoàn thành, tổ chức lễ tấn phong Giám Mục cho Đức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, Giám Mục Cần Thơ.

Năm 1965, do lòng yêu mến Đức Mẹ sâu xa nồng nhiệt, Đức Cha Antôn cho thành lập trung tâm hành hương Fatima, thu hút giáo hữu gần xa hành hương để thêm lòng yêu mến và tôn kính Đức Mẹ.

Ngài có ý định hợp nhất Hội Dòng Mến Thánh Giá thành một thay vì hai Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum và Cái Mơn, nên Ngài cho xây dựng một nhà đệ tử chung. Năm 1970 nhà nầy thành hình và được giao cho Cha Giacôbê Trần Văn Quyển phụ trách.

Nếu không có trở ngại vì tình thế, nếu có đủ phương tiện vật chất, chắc chắn công trình của Đức Cha Antôn đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho Giáo Phận.

– 1968 Ðức Cha Antôn bị đau mắt vì khói lửa và hơi độc, do đau buồn vì những hư hại của Giáo Phận do trận tổng công kích Tết Mậu Thân gây ra.

Mắt càng ngày càng mờ, Đức Cha Antôn đi chữa trị ở nhiều nơi, các bác sĩ chuyên khoa địa phương và chuyên khoa Ngoại Quốc đều bó tay.

– 12.07.1968 Đức Cha Antôn đệ đơn xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe, trở thành Giám Mục Hiệu Tòa Spello, sau đó đi chữa bệnh mắt tại Pháp và Nhật nhưng không khỏi. Ở Nhật ngài mang thêm bệnh sạn trong túi mật phải giải phẫu. Ngài được tin Tòa Thánh chấp nhận cho từ chức. Ngài bay về Vĩnh Long để tham dự những lễ quan trọng: Ngày 12.09.1968, Ngài phụ phong trong lễ Tấn Phong Tân Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long, Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu tại Vương Cung Thánh Đường Sàigòn. Ngài dự lễ tri ân do các Linh Mục trong Giáo Phận Vĩnh Long tổ chức ngày 18.09.1968, và hai ngày sau đó, ngài về hưu ở nhà hưu dưỡng Giáo Phận Cần Thơ.

Ngài vẫn còn hy vọng và tiếp tục đi chữa bệnh mắt. Năm 1975 không thể trở về quê hương, Ngài nghỉ hưu tại Nice/Pháp.
 

– 1986 Ðức Cha tham dự Ðại Hội Công Giáo Việt Nam tại Königstein/ Ðức.

– 19.06.1988 Ðức Cha Antôn là Vị Giám Mục Việt Nam duy nhất tham dự và đồng tế cùng với Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thánh lễ tôn phong 117 Vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam tại Rôma.
 

Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện để lại cho Giáo Phận Vĩnh Long một giáo phận với đầy đủ các cơ sở cần thiết và trên đà phát triển. Ngài để lại nhiều kỷ niệm tinh thần và vật chất cho thế hệ đã qua và để lại âm hưởng đức tin cho thế hệ sắp đến. Để nhớ đến vị cựu chủ chăn của giáo phận, năm 2006 giáo phận Vĩnh Long đã tổ chức lễ Tạ Ơn Sinh Nhật thứ 100 của Ðức Cha và luôn luôn cầu nguyện cho Ngài.

Huy hiệu giám mục của Ðức Cha Antôn có hình cây dừa và hai cụm mây xanh. Ngài nói:"Cây dừa tượng trưng cho sự kiên nhẫn và bền bĩ, cây dừa phải trồng lâu năm mới sinh hoa trái, thời gian sống của cây dừa bền lâu hơn nhiều cây khác."
 

Hiện nay Ðức Cha Antôn là Giám Mục cao niên nhất thế giới và là Vị Giám Mục Việt Nam đầu tiên được hồng ân tạ ơn 50 năm giám mục. Ngài luôn theo dõi tình hình Giáo Hội Hoàn Vũ và nhất là Giáo Hội Việt Nam, mỗi ngày với chuỗi mân côi Ngài cầu nguyện cho Giáo Hội và đặc biệt cho giáo phận Vĩnh Long. Tuổi thượng thọ nhưng Ðức Cha còn nhớ rất nhiều về lịch sử của Giáo Hội. Ngài là một chứng nhân của lịch sử Giáo Hội Việt Nam.
 

Ngày 22 tháng 01 năm 2011 Đức Cha Antôn tạ ơn Thiên Chúa ân dịp kỷ niệm 50 năm thụ phong giám mục.

Đức Cha Antôn sống cuộc đời giản dị và luôn phó thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Lòng tôn kính Đức Mẹ qua chuỗi Mân Côi hằng ngày, Đức Cha Antôn đã được Mẹ Maria dẫn đưa an nghỉ trong Chúa vào ngày Chúa Nhật,13.05.2012, tại nhà hưu dưỡng ở Mougins/Pháp. Phúc thọ 106 tuổi.

Nguồn: Giáo phận Vĩnh Long & Conggiao.info

Đức Thánh Cha kêu gọi củng cố truyền thống kitô, duy trì các giá trị cao qúy và tôn trọng phẩm giá con người

Đức Thánh Cha kêu gọi củng cố truyền thống kitô, duy trì các giá trị cao qúy và tôn trọng phẩm giá con người

Củng cố truyến thống kitô, duy trì các gía trị cao qúy như tình liên đới, chú ý tới những người yếu đuối, và tôn trọng phẩm giá của từng người.

Đó là lời Đức Thánh Cha kêu mời trong ngày viếng thăm tổng giáo phận Arezzo – La Verna – Sansepolcro trung Italia, hôm Chúa Nhật 13-5-2012.

(Xem tiếp . . .   Đức Thánh Cha kêu gọi củng cố truyền thống kitô, duy trì các giá trị cao qúy và tôn trọng phẩm giá con người)

LỊCH SỬ NGÀY HIỀN MẪU (MOTHER’S DAY)

LỊCH SỬ NGÀY HIỀN MẪU (MOTHER'S DAY)

Khởi sự từ đầu thế kỷ 17 Anh Quốc đã tổ chức kỷ niệm một ngày lễ gọi là ngày Chúa Nhật của Mẹ (Mothering Sunday), được cử hành vào ngày Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay để vinh danh các bà Mẹ của Anh Quốc.

Trong ngày lễ này những người nghèo phục dịch cho các gia đình giầu có ở Anh được phép nghỉ một ngày và được khuyến khích mang theo cái bánh gọi là bánh của Mẹ (Mothering cake) về viếng thăm và mừng Mẹ. Vì những ngày đi làm họ phải ở lại tại nhà của chủ. Ngày lễ này đã huy bỏ từ thế kỷ 19. 

Tại Hoa Kỳ lần đầu tiên bà Julia Ward Howe đã đề nghị Ngày Hiền Mẫu như một ngày hiến dâng cho hòa bình. Bà Howe đã cử hành Ngày Hiền Mẫu họp tại thành phố Boston, Mass từ năm năm 1872. Bà là tác giả bài thơ trứ danh “The Battle Hymn of the Republic”. 

Năm 1905, Chi Anna Jarvis đã tuyên thệ trước mồ của Mẹ chị hiến dâng đời chị cho chương trình của Mẹ chị quyết vận động thiết lập Ngày Hiền Mẫu để vinh danh các bà Mẹ còn sống cũng như đã qua đời (có lời đồn rằng chi Anna rất đau buồn vì chị đã cãi vã với Mẹ chị nhưng chị chưa kịp xin lỗi thì Mẹ chị đã qua đời). Mẹ chị, là người chịu ảnh hưởng tinh thần của bà Howe, bà đã đề xướng chương trình cải thiện điều kiện vệ sinh gọi là Ngày Làm Việc của các Bà Mẹ (Mothers’ Work Days).  

Tại Tiểu Bang Philadelphia chị Anna Jarvis đã và vận động dành một ngày mỗi năm để vinh danh các người mẹ. Năm 1907, vào ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng 5 chị đã xin giáo xứ của mẹ chị  ở Graton, West Virginia (nơi Mẹ Chị đã dạy giáo lý cho các trẻ em các ngày Chúa Nhật trước khi di chuyển đến Philadelphia) cử hành lễ kỷ niệm giỗ thứ nhì của Mẹ chị một cách long trọng. Chị đã phân phát 500 bông hoa cẩm chướng màu trắng cho các bà mẹ tham dự tại buổi lễ hôm đó. Ngay năm sau đó Tiểu Bang Philadelphia đã chấp nhận tổ chức ngày Lễ Mẹ. 

Tiếp tục chị Jarvis và những người ủng hộ ý kiến của chị đã viết thư gửi các tu sĩ, thương gia và các chính trị gia để xin vận động thiết lập ngày lễ của mẹ trên toàn quốc. Sự vận động này đã lan rộng qua 45 Tiểu Bang. Đến năm 1911 hầu hết các tiểu bang Hoa Kỳ đã tổ chức mừng ngày Lễ Mẹ. Đến ngày 10 tháng 5 năm 1913 Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua đề nghị dùng ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng 5 như một ngày để ghi ơn các bà mẹ. Ngày 09/5/1914, Tổng Thống Woodrow Wilson đã chính thức công bố ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng 5 là ngày Hiền Mẫu cho toàn quốc Hoa Kỳ. 

Tục lệ này đã lan rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới kỷ niệm cùng ngày như Đan Mạch, Phần lan, Ý Đại Lợi, Uc và Bỉ. Vào cuối đời của chị Anna đã có trên 40 quốc gia cử hành ngày Hiền Mẫu. Trong ngày Hiền Mẫu, người con thường cài trên áo một bông hoa cẩm chướng màu trắng nếu mẹ đã quá cố và màu hồng dành cho những ai còn mẹ, ngày nay người ta thường dùng bông hồng trắng và bông hồng đỏ thay thế cho cẩm chướng.

Ở Tây Ban Nha người ta cử hành ngày Hiền Mẫu trùng vào ngày lễ Đức Maria Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Chúa Giêsu là ngày 8 tháng 12 hàng năm.

Ở Pháp người ta cử hành ngày Lễ của Mẹ vào Chúa Nhật chót của tháng Năm.
 

Hoài Việt

HĐGM Hoa Kỳ công bố Nghi thức Ban Phép lành cho Thai nhi

HĐGM Hoa Kỳ công bố Nghi thức Ban Phép lành cho Thai nhi

5/12/2012 8:02:05 AM (Washington DC) – Trước ngày lễ Hiền Mẫu, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã công bố nghi thức ban phép lành cho thai nhi, bố mẹ thai nhi và con cái trong gia đình.

Lời cầu nguyện bắt đầu: “Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa, tác giả của mọi sự sống, ban phép lành cho thai nhi này, xin Ngài luôn bảo vệ và ban cho thai nhi được chào đời mạnh khoẻ”.

Cuốn Nghi thức, có tựa đề “Nghi thức Ban Phép lành cho Thai nhi”, được đăng trực tuyến trên trang web của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. Nó còn có phần phụ lục sẽ được kèm theo trong các phiên bản ấn hành sau này.

Lời cầu nguyện xin Thiên Chúa mang lại cho thai phụ “niềm vui kỳ diệu trong thiên chức làm mẹ”. “Xin cho người mẹ này được khuây khoả trong mọi nỗi âu lo và giúp cho người mẹ này quyết tâm dưỡng dục con mình theo con đường cứu rỗi”.

Phần lời cầu nguyện cho cha của đứa trẻ viết rằng Thiên Chúa đã “chọn người đàn ông này để nhận biết ân huệ và niềm tự hào được làm cha”; và xin Thiên Chúa ban cho người cha lòng can đảm cũng như giúp người cha trở thành “một mẫu gương về công lý và sự thật” cho đứa trẻ.

“Chúng tôi hy vọng việc sử dụng nghi thức ban phép lành này không chỉ mang lại sự trợ giúp và phước lành của Thiên Chúa cho các bậc cha mẹ đang mong đợi đứa con đang thành hình trong dạ mẹ, mà còn làm chứng cách hữu hiệu đối với sự thánh thiêng của sự sống con người bắt đầu từ lúc thụ thai”, Đức Tổng Giám mục Gregory M. Aymond, Chủ tịch Uỷ ban Phụng tự của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, giải thích những ý nguyện hôm 8-5.

Đức cha Joseph Kurtz, lúc còn là Giám mục GP. Knoxville, tiểu bang Tennessee – hiện là TGM. TGP. Louisville, bang Kentucky – đã đề nghị Uỷ ban Hoạt động Bảo vệ Sự sống của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ biên soạn những lời cầu nguyện này. Uỷ ban đã soạn một văn bản gửi đến Uỷ ban Phụng tự hồi tháng 3-2008.

Vatican đã phê chuẩn lời cầu nguyện vào ngày Lễ Truyền Tin 25-3-2012.

Vào tháng 3 vừa qua, ĐHY Daniel DiNardo của Houston, Chủ tịch Uỷ ban Hoạt động Bảo vệ Sự sống, Ngài đã được ghi nhớ  “vẻ đẹp” của tập nghi thức ban phép lành này.

 

Mai Trang

nguồn: emty/ CNA/EWTN

Đức Thánh Cha tham dự buổi trình diễn âm nhạc tại Vatican

Đức Thánh Cha tham dự buổi trình diễn âm nhạc tại Vatican

 

12 tháng 5, 2012: Radio Vatican

Đức Thánh Cha Benedict XVI tham dự một buổi hòa tấu âm nhạc tối hôm qua trong Sảnh Đường Phaolô VI tại Vatican, do ông Giorgio Napolitano, Tổng Thống Nước Cộng Hòa Ý tổ chức để vinh danh Đức Thánh Cha, ông cũng tặng cho ngài một cây vĩ cầm danh tiếng và một bản nhạc cổ điển Missa solemnis của nhạc sĩ Zimmerman viết vào nửa đầu bán thế kỷ 19.

Buổi hòa tấu đêm thứ sáu trình diễn các bản thánh ca do các nhạc sĩ người Ý Antonio Vivaldi và Giuseppe Verdi soạn thảo. Vào cuối buổi hòa nhạc, Đức Thánh Cha đã cám ơn Tổng Thống Napolitano, các nhạc sĩ vĩ cầm, các diễn viên của Opera Rôma, và nhạc trưởng ban nhạc hòa tấu Riccardo Muti – ông Mutti được Đức Thánh Cha ân thưởng huy chương Hiệp Sĩ của Giáo Hoàng: huy hiệu thập giá của Thánh Gregory Cả (Papal knighthood: the Grand Cross of St Gregory the Great) – ngài cũng cám ơn tất cả những ai tham gia vào việc tổ chức chương trình này.

Đức Thánh Cha nói: "Chúng ta hãy cầu nguyện để sau khi được nghe những bản nhạc của đêm nay, chính chúng ta có thể nói với Chúa: 'Lạy Chúa Giêsu, nơi ngài, con xin trao gửi niềm hân hoan và hy vọng của con. Xin làm cho con có thể yêu mến Chúa giống như Thánh Mẫu Maria đã yêu Chúa, để cho vào cuối cuộc lữ hành của con, có sẽ được ban thưởng vinh quang nước Thiên Đàng’.”

Buổi hòa nhạc tiếp theo sau một cuộc tiếp xúc riêng giữa Đức Thánh Cha và Tổng Thống. Một bản tin của linh mục Federico Lombardi SJ, giám đốc văn phòng truyền thông của Tòa Thánh cho hay cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Benedict và Tổng Thống Napolitano rất thân mật và diễn ra trong vòng 20 phút, trong đó họ bầy tỏ một mối ưu tư chung về nền hòa bình, và đặc biệt về tình hình tại Trung Đông.

Bản tin tiếp rằng Đức Thánh Cha bầy tỏ lòng tri ân cá nhân của ngài đối với Tổng Thống vì đã cho tổ chức buổi hòa tấu để vinh danh ngài, ngài cũng lập lại lời hứa về lòng ưu ái đối với quốc gia Ý, và tình thân hữu của ngài đối với tất cả mọi công dân của nước Cộng Hòa Ý, và cam đoan với Tổng Thống là sẽ tiếp tục cầu nguyện cho quốc gia này đang ở trong thời kỳ khó khăn và nhiều thử thách.

Bùi Hữu Thư

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các nhà truyền giáo gia tăng lòng tín thác và quan hệ bản thân với Chúa Kitô trong công cuộc truyền giảng Tin Mừng.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 11-5-2012, dành cho 170 tham dự viên khóa họp thường niên của Hội đồng cấp cao các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, từ 7 đến 12-5, dưới sự hướng dẫn của ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo. Trong số hàng trăm vị Giám đốc Toàn Quốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, cũng có 1 vị người Việt là Cha Ngô Quang Tuyên.

Trong bài huấn dụ, ĐTC khẳng định rằng ”Rong ruổi trên các nẻo đường của thế giới để công bố Tin Mừng cho mọi dân tộc trên trái đất và hướng dẫn họ đến gặp gỡ với Chúa, đòi người loan báo Tin Mừng phải có một quan hệ bản thân và thường nhật với Chúa Kitô, biết Chúa và yêu mến Chúa tận tình”.

ĐTC nói tiếp ”Công cuộc truyền giáo ngày nay đang cần canh tân lòng tín thác nơi hoạt động của Thiên Chúa, cần có một kinh nguyện nồng nhiệt hơn để Nước Chúa được hiện trị, để thánh ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Cần kêu cầu ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Linh, và quyết liệt dấn thân quảng đại để mở ra một thời kỳ mới trong việc loan báo Tin Mừng.. Vì sau 2 ngàn năm, phần lớn gia đình nhân loại vẫn chưa biết Chúa Kitô, và vì tình trạng của Giáo hội và thế giới đang gặp những thách đố đặc biệt về niềm tin” (GP II, Giáo hội tại Á châu, 29).

ĐTC cám ơn Bộ truyền giáo và các Hội Giáo Hoàng truyềngiáo hỗ trợ Năm Đức Tin, với chiến dịch trên toàn thể giới, tháp tùng công cuộc truyền giáo và tái truyền giảng, đào sâu đức tin, bằng những chiến dịch Kinh Mân Côi. Ngài cũng kêu gọi những người rao giảng Tin Mừng đừng nản chí trước bao vấn đề, và cả những bách hại. Sau cùng ngài khuyến khích các Hội Giáo Hoàng truyền giáo tiếp tục linh hoạt và hỗ trợ công cuộc truyền giáo cho dân ngoại.

Trong lời chào thăm mở đầu bài huấn dụ, ĐTC đặc biệt nhắc nhớ Cha Massimo Cenci, 68 tuổi, thuộc hội thừa sai Pime, Phó Tổng thư ký Bộ truyền giáo, qua đời đột ngột trong đêm 10 rạng ngày 11-5-2012 trong căn hộ của ngài ở trụ sở Bộ truyền giáo.

Cha Cenci từng làm thừa sai nhiều năm ở Mỹ châu la tinh trước khi trở về Vatican, cộng tác với ĐHY Tổng trưởng Crescenzio Sepe từ năm 2001 trong nhiệm vụ Phó Tổng thư ký của Bộ. (SD 11-5-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha Benedict XVI khuyên giới trẻ đọc Kinh Mân Côi

Đức Thánh Cha Benedict XVI khuyên giới trẻ đọc Kinh Mân Côi

Kinh nguyện "giản dị" nhưng "hữu hiệu"

ROME, Wednesday, May 9  2012 (Le Monde vu de Rome) – Đức Thánh Cha Benedict XVI khuyên giới trẻ đọc Kinh Mân Côi, một kinh nguyện "giản dị" nhưng "hữu hiệu

(Xem tiếp . . .  Đức Thánh Cha Benedict XVI khuyên giới trẻ đọc Kinh Mân Côi)

TRÌU MẾN CHĂM SÓC CÁC VỊ CAO NIÊN

TRÌU MẾN CHĂM SÓC CÁC VỊ CAO NIÊN

 

Bà Catherine Rwamasirabu là tín hữu Công Giáo sống tại Pháp. Bà đã lập gia đình và có 4 đứa con. Từ tháng 4 năm 2007 đến nay bà là y tá phục vụ nơi một Nhà Dưỡng Lão thuộc giáo phận Meaux ở miền Bắc nước Pháp. Xin nhường lời cho bà nói về công tác phục vụ hàng ngày.

 (Xem tiếp . . . TRÌU MẾN CHĂM SÓC CÁC VỊ CAO NIÊN)

 

 

Hơn 15 ngàn người phản đối vụ Sebelius được mời phát biểu tại Georgetown University

Hơn 15 ngàn người phản đối vụ Sebelius được mời phát biểu tại Georgetown University

Tin CNA từ Washington D.C. ngày 05/09/12: Hơn 15 ngàn người đã ký tên vào lá thư ngỏ nhằm phản đối quyết định của Georgetown University mời Bộ Trưởng Bộ Sức Khoẻ (HHS), Kathleen Sebelius, đến phát biểu tại một buổi lễ phát phần thưởng nhân dịp lễ ra trường.

  (Xem tiếp . . . Hơn 15 ngàn người phản đối vụ Sebelius được mời phát biểu tại Georgetown University)