Đức Thánh Cha cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng cho Âu Châu

Đức Thánh Cha cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng cho Âu Châu

Đức Thánh Cha cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng cho Âu Châu

VATICAN. ĐTC Phanxicô cổ võ các tín hữu Kitô tìm ra những con đường và phương pháp, ngôn ngữ mới, để tái truyền giảng Tin Mừng cho người Âu châu ngày nay.

 

Trên đây là nội dung sứ điệp ĐTC gửi đến Diễn đàn liên Kitô giáo lần thứ 14 nhóm tại thành phố Salonicco Hy Lạp từ ngày 28 đến 30-8-2016 này do Học viện về Linh đạo của Đại học Giáo Hoàng Antonianum của dòng Phanxicô ở Roma cùng với Phân khoa thần học Chính Thống thuộc đại học Aristoteles ở Salonicco tổ chức với đề tài ”Nhu cầu tái truyền giảng Tin Mừng cho các cộng đồng Kitô ở Âu Châu”.

 

Trong số các diễn giả về phía Công Giáo có ĐHY Kurt Koch người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô.

 

ĐTC Phanxicô nhắc đến hiện tượng nhiều Kitô hữu ngày nay ở Âu Châu tuy đã được rửa tội, nhưng không thực hành đạo, không ý thức hồng ân đức tin đã nhận lãnh, không tích cực tham gia đời sống cộng đồng Kitô. Đó là một thách đố cho tất cả các Giáo Hội Kitô ở đại lục này, và cho thấy cần có một công trình tái truyền giảng Tin Mừng.

 

Trong bối cảnh đó, ĐTC cầu chúc Diễn đàn liên Kitô, nhờ những suy tư và đề nghị do các thuyết trình viên và sự trao đổi thẳng thắn thân thiện giữa các học giả Công giáo và Chính thống có thể góp phần đề ra những con đường mới, những phương pháp có tính chất sáng tạo và một ngôn ngữ thích hợp để đưa lời loan báo Chúa Giêsu Kitô với tất cả vẻ đẹp đến cho con người Âu Châu ngày nay”. (SD 29-8-2016)

 

G. Trần Đức Anh OP

 

Lễ truyền chức và mở tay của tân Linh mục đầu tiên người Mông cổ

Lễ truyền chức và mở tay của tân Linh mục đầu tiên người Mông cổ

fr-joseph-enkh-baatars-first-mass-a-gift-from-god-photos

Ulan Bator, Mông cổ – Như báo chí đã đưa tin, ngày hôm qua, 28/8, Giáo hội Mông cổ, một cộng đoàn Công giáo nhỏ nhất thế giới đã có vị Linh mục người bản xứ đầu tiên.

 

Tại nhà thờ chánh toà thánh Phêrô và Phaolô ở thủ đô Ulan Bato, Đức cha Wenceslao Padilla, Giám quản Tông tòa, đã xức dầu thánh hiến cho thầy Giuse Enkh-Baatar. Đồng tế trong Thánh lễ truyền chức còn có Đức cha Lazzaro You Heung-sik, Giám mục Giáo phận Daejeon – Nam hàn – nơi thầy Enkh-Baatar đã học thần học, và Đức cha Oswaldo Padilla, khâm sứ Tòa Thánh tại Hàn quốc và Mông cổ, cùng hơn 40 Linh mục, các nhà thừa sai Consolata đã hiện diện ở đây nhiều năm. Có khoảng 1500 tín hữu và khách mời, bao gồm các đaị diện chính phủ và chính quyền thành phố, các đại diện ngoại giao.

 

First Priest ordained in MONGOLIA

 

 

Đặc biệt có sự hiện diên của hòa thượng Dambajav, trụ trì chùa Dashi Choi Lin. Hòa thượng đã tặng cho tân  Linh mục trẻ một khăn choàng truyền thống của Phật giáo màu xanh, màu tượng trưng cho bầu trời, nghĩa là sự thanh sạch, nhưng cũng là biểu tượng của lời chúc tốt lành và mời gọi cảm thông. Những người hiện diện đã vỗ tay khi hòa thượng choàng tấm khăn lên vai vị tân Linh mục. Vị thư ký của hòa thượng cho biết: “Chúng tôi có mối liên hệ tốt đẹp với các tín hữu Công giáo. Chúng tôi học hỏi từ họ như họ học hỏi từ chúng tôi. Chúng tôi vui mừng vì một người trong chúng tôi, một người Mông cổ, trở thành Linh mục của Giáo hội này.

Hôm nay vị tân Linh mục, cha Giuse Enkh-Baatar, đã cử hành Thánh lễ mở tay trong niềm vui của gia đình và cộng đoàn dân Chúa. Cha Giuse chia sẻ là Thánh lễ đầu tiên được cử hành bởi một tân Linh mục “luôn luôn là một quà tặng của Thiên Chúa. Nhưng Thánh lễ này, phụng vụ Thánh Thể này, đối với tôi, là một quà tặng lớn nhất. Tôi hy vọng sẽ có thể bước đi trên con đường đã được Thiên Chúa chỉ dẫn cho mình và thực hành thánh ý”.

Trong thực tế, dân tộc Mông Cổ theo Phật giáo Tây Tạng và Saman giáo truyền thống, và các khía cạnh của hai tôn giáo rất thường gặp nhau. Còn đối với cộng đồng Kitô hữu, các mối liên hệ ít gần gũi hơn, và việc phong chức Enkh là một cầu nối cả trong ý nghĩa này.

Cha Bernardo Cervellera, Giám đốc hãng tin Á châu nhận xét lễ truyền chức Minh mục là một biến cố quan trọng bởi vì đây là Linh mục đầu tiên của một cộng đoàn phát sinh thật sự từ tro bụi, không có hiện diện cách thực hành. Đây là kết quả của hoạt động nhiều năm của các thừa sai và điều này cho thấy các hạt giống được gieo vãi sẽ sinh sôi phát triển. Một Linh mục người Mông cổ là một phần của văn hóa này đồng thời cũng là người đón nhận lời rao giảng của Chúa Giêsu, có thể làm việc hội nhập văn hóa, cả từ khía cạnh văn hóa cũng như thần học, điều mà hơi khó và chậm đối với các thừa sai ngoại quốc. Cha cho biểt, Giáo hội tại Mông cổ phát triển chậm và kiên nhẫn, với những liên hệ bạn bè cũng như các trợ giúp cho dân chúng. Cha nhìn thấy Giáo hội tại Á châu, cách riêng tại Mông cổ, có thể phát triển vì đức tin đang tái sinh ở châu lục này. (RV 28/8/2016 và Asia News 29/8/2016)

Hồng Thủy

 

Đức tin của một số vận động viên người Mỹ tham dự Thê vận hội Brazil 2016

Đức tin của một số vận động viên người Mỹ tham dự Thê vận hội Brazil 2016

Vận động viên bơi lội Katie Ledecky

Sau 16 ngày tranh tài, Thế vận hội Olympic mùa hè năm 2016 tổ chức tại Brazil, với sự tham dự của hơn 11 ngàn vận động viên đến từ 206 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đã bế mạc vào ngày 22 tháng 8. Thế vận hội năm nay được đánh giá là một trong những kỳ Thế vận hội thành công nhất trong lịch sử của nó, từ cách tổ chức của nước chủ nhà Brazil, cho đến số kỷ lục đạt được, cũng như những câu chuyện đẹp đầy tinh thần thể thao. Các vận động viên, chắc chắn là những người đã góp công sức rất lớn khi cố gắng tập luyện và thi đua để mang lại những thành công cho đại hội thể thao. Trong số các vận động viên tham gia các cuộc thi, có các vận động viên Công giáo và họ đã là những chứng tá về đức tin của mình, về nguồn sức mạnh thiêng liêng đã trợ giúp họ trong những thành công nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Sau đây là chứng từ của một vài vận động viên Công giáo người Mỹ.

Một trong những vận động viên được nhắc đến nhiều nhất với những thành công vượt bực chính là nữ vận động viên bơi lội trẻ tuổi người Mỹ, Katie Ledecky; cô đã đạt được 4 huy chương vàng và một huy chương bạc tại Thế vận hội mùa hè năm nay. Katie Ledecky 19 tuổi, là một sinh viên Công giáo, sẽ theo học tại Đại học Stanford mùa thu này. Trước đó cô đã học tại trường Little Flower và trung học Stone Ridge của các nữ tu dòng Thánh Tâm tại Bethesda, tiểu bang Maryland. Ledecky chia sẻ: “Tôi đã nhận được một nền giáo dục đầy đức tin tuyệt vời ở cả hai trường. Có cơ hội học hành tại những trường giáo dục nghiêm túc đã giúp tôi quan tâm đến thế giới và việc phục vụ người khác và làm giàu cho cuộc sống của tôi, để nó không chỉ tập trung vào việc bơi lội của tôi và môn điền kinh…. Việc học ở các trường này quan trọng đối với việc bơi lội của tôi vì các truờng Công giáo thử thách tôi, chúng mở rộng tầm nhìn của tôi và cho phép tôi dùng lý trí của mình trong những cách thức đưa tôi vượt qua việc chỉ nghĩ đến việc tập luyện, gặp gỡ trong bơi lội và thể thao.”

Ledecky được bạn bè đánh giá là một người khiêm nhường, đáng yêu và là tấm gương cho các học sinh lớp nhỏ hơn về cách hành xử của người nổi tiếng. Dù tập luyện rất chăm chỉ và đạt những thành công nhưng Ledecky không bao giờ quên các bạn đồng đội. Cô luôn muốn các bạn đạt thành tích tốt nhất cho dù đó là một cuộc thi tại Thế vận hội hay tại trường trung học. Điều đặc biệt nơi vận động viên trẻ này là cô luôn đọc kinh Kính Mừng hay một lời cầu nguyện khác trước khi bước vào cuộc thi. Việc cầu nguyện, đọc kinh Kính Mừng giúp Ledecky bình tĩnh trước khi cô bắt đầu cuộc thi. Đối với Ledecky, Kinh Kính Mừng là một lời kinh rất đẹp. 

Trong một email phỏng vấn với báo Catholic Standard của Tổng giáo phận Washington trước khi Thế vận hội mùa hè năm nay diễn ra, Ledecky cho biết chính đức tin Công giáo đã cho cô sức mạnh và giúp cô giữ cân bằng trong cuộc sống của mình. Tầm quan trọng của cân bằng trong cuộc sống của một người là bài học cô đã học và hy vọng nó sẽ giúp cô ở đại học và sau này nữa. Cô chia sẻ: “Đức tin Công giáo của tôi rất quan trọng đối với tôi. Nó luôn quan trọng và sẽ luôn luôn quan trọng. Nó là một phần của căn tính của tôi, tôi là ai, và tôi cảm thấy thoải mái thực hành đức tin của mình. Nó giúp tôi quan tâm mọi thứ”.

Một vận động viên Công giáo người Mỹ khác cũng đạt thành công vẻ vang trong Thế vận hội mùa hè ở Brazil năm nay là Simone Biles. Biles năm nay 19 tuổi, sinh tại Houston, là ngôi sao trong đội tuyển thể dục dụng cụ nữ Hoa kỳ, đoạt 4 huy chương vàng ở các nội dung Thể dục toàn năng, ngựa gỗ, tự do và đồng đội, và huy chương đồng ở cầu thăng bằng, trở thành vận động viên thể dục đoạt nhiều huy chương vàng nhất cho Hoa Kỳ chỉ trong 1 kỳ thế vận hội. Với 19 danh hiệu Olympic và Vô địch thế giới, Biles được coi là một trong những vận động viên thành công nhất lịch sử môn Thể dục dụng cụ của nước Mỹ. Biles cũng chính là vận động viên đầu tiên giành được 3 chức vô địch thế giới liên tiếp nội dung Toàn năng. Với 14 danh hiệu tại giải đấu này, trong đó có 10 huy chương vàng, Biles cũng là một trong những vận động viên thành công nhất lịch sử giải đấu Olympic. Trong cuộc phỏng vấn với US Magazine, cô cho biết mình mang theo một chuỗi Mân côi màu trắng mà mẹ cô đã cho trong túi thể thao của mình. Biles thường tham dự Thánh lễ Chúa nhật và đều đặn và thắp một ngọn nến ở tượng thánh Sebastiano, thánh quan thầy của các vận động viên, trước mỗi sự kiện lớn.

Một thành viên của hội Hiệp sĩ Columbus cũng đã đạt một huy chương bạc môn đẩy tạ tại Thế vận hội Brazil, đó là Joe Kovacs. Kovacs chia sẻ với tờ báo Columbia hội Hiệp sĩ Columbus là các Linh mục đã giúp đỡ anh rất nhiều trong cuộc sống. Các Linh mục không chỉ là các gương mẫu hành xử mà còn là những người bạn của anh. Anh đã tham gia hội Hiệp sĩ Columbus vì các thành viên là những người tình nguyện, tổ chức các sự kiện, họ là mẫu người mà anh mong muốn trở thành. Anh yêu thích tính phổ quát của Giáo hội. Anh nói: “Mỗi khi bạn đi nhà thờ ở một đất nước khác, các Thánh lễ đều giống nhau. Có thể tôi không hiểu điều họ đang nói qua ngôn ngữ của họ nhưng tôi biết điều họ đang nói. Ở nhiều đất nước, tôi chỉ biết vài chữ để gọi thức ăn, nhưng khi tôi đi nhà thờ tôi biết những gì đang diễn ra và có thể tham dự Thánh lễ”.

Một vận động viên khác, tuy không đạt được thứ hạng cao nhưng những chia sẻ thiêng liêng của cô thật quý giá. Đó là Deanna Price, xếp hạng 8 chung kết môn ném búa nữ. Càng đạt thứ hạng cao, Price càng gắn kết với đức tin Công giáo. Price và gia đình đã được giáo dân trong Giáo xứ Vô nhiễm nguyên tội của cô quyên góp để cha mẹ cô có thể đến Rio di Janeiro xem cuộc thi của con gái. Cô chia sẻ: “Bạn nghe nhiều về tất cả những điều tồi tệ trên thế giới nhưng điều tốt tràn đầy. Nó chiếu sáng phủ lên bóng tối”. Có Thiên Chúa trong cuộc sống tạo nên một sự khác biệt. Cô nói: “Những khi tôi bực mình với người khác, tôi nhận ra mình đang xét đoán họ. Việc của tôi là yêu họ vô điều kiện. Thiên Chúa là Đấng sẽ xét xử”. Năm 2014, khi bị thương ở đầu gối, Price đã đến nhà thờ và cầu nguyện để biết sẽ phải làm gì. Cô chia sẻ: “Thiên Chúa đã cho tôi sức mạnh và khả năng không cạn kiệt. Bạn không nhận ra cơ hội mà Người ban cho bạn mà nó có thể đến trong cách tiêu cực. Nó có thể là chịu đựng một thử thách hay một thánh giá của gánh nặng, nhưng khi bạn vượt qua, nó dạy bạn nhiều hơn về chính bạn và đức tin của bạn. Khi bạn nghĩ bạn cô đơn, không ai bên cạnh bạn và bạn chán nản, vả rồi khi bạn quay lại, bạn nhận ra Người luôn ở đó và giúp bạn mọi lúc”. Khi phải thi đấu vào cuối tuần và không thể tham dự Thánh lễ các ngày Chúa nhật, Price kiếm thời gian lần hạt Mân côi và cám ơn Chúa về những gì Người ban cho cô và cầu xin sức mạnh để sống theo ý Chúa. Chuẩn bị cho cuộc thi tài là một kinh nghiệm căng thẳng đối với Deanna Price, nhưng cô được thư giản vì biết ở làng Olympic có một nhà nguyện. (CNS 2/8/2016; CAN 20/8/2016; Catholic Herald 22/8/2016)

Hồng Thủy

Caritas Ghana chống lại nạn mua chiếm đất đai hàng loạt

Caritas Ghana chống lại nạn mua chiếm đất đai hàng loạt

Caritas Ghana

ACCRA: Hơn 60 người tham dự diễn đàn do tổ chức Caritas Ghana triệu tập tại Accra đã kêu gọi chống lại nạn chiếm đoạt đất đai, tái lập các phương tiện trợ cấp và mở đường tiến đến những mục tiêu phát triển vững bền.

Diễn đàn tại Accra đã kết thúc hôm 24.08 vừa qua sau 2 ngày làm việc. Trong số hơn 60 người hiện diện, có nhiều đại diện các tổ chức và cơ cấu chính quyền, thành viên các hội đồng GM Công Lý và hòa bình cũng như của Liên HĐGM Phi châu và Madagascar cùng các phương tiện truyền thông xã hội. Các tham dự viên đã phân tích tình hình chiếm đoạt đất đai hiện nay tại nước này,theo đó, một số ít người bỏ tiền ra thu mua hàng loạt đất đai khiến cho nông dân mất hết ruộng vườn canh tác làm ăn. Nhiều người trẻ phải rời bỏ làng mạc quê hương tha phương cầu thực vì không còn tương lai. Tổ chức Caritas Ghana kêu gọi thay đổi tâm thức và cung cách hành động cụ thể để có thể đạt tới các mục tiêu phát triển có thể thực hiện được, đúng theo tinh thần thông điệp Laudato Si của ĐTC Phanxicô. (SD 240816)

Mai Anh

ĐHY Turkson: các tôn giáo bảo vệ môi trường

ĐHY Turkson: các tôn giáo bảo vệ môi trường

ĐHY Turkson đề cao vai trò của các tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường

STOCKHOLM. ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh công lý và hòa bình, cổ võ các tôn giáo cộng tác để bảo vệ môi trường, đặc biệt là các nguồn nước.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây chiều hôm 29-8-2016, trong bài tham luận tại Hội nghị về chủ đề: ”Nước và tín ngưỡng: các tổ chức tôn giáo góp phần vào chương trình gọi là ”Nước để phát triển dài hạn”.

Hội nghị được tổ chức tại thành phố Stockhol, Thụy Điển, nhân ”tuần lễ thế giới về nước” do LHQ đề xướng. Tham dự Diễn đàn có nhiều vị lãnh đạo các tôn giáo khác nhau.

ĐHY Turkson đặc biệt nói về đề tài ”tín ngưỡng và phát triển” và ngài nhận xét rằng ”khoa học có thể cho biết số lượng sự ô nhiễm dưới biển sâu hoặc quanh các quặng mỏ, tiên đoán những hậu quả tiêu cực và đề nghị phương thức chữa trị. Nhưng khoa học không thể cung cấp động lực để hành động tốt đẹp. Cũng vậy trong lãnh vực các khoa học thiên nhiên: các nhà xã hội, kinh tế và luật gia có thể phân tích và giải thích những hậu quả tiêu cực của nạn thất nghiệp, nạn đầu cơ và tham những: họ có thể cảnh giác chúng ta về những chênh lệch, những chính sách mâu thuẫn hoặc những bất an địa lý chính trị. Nhưng xét cho cùng họ không thể cung cấp động lực để hành động tốt đẹp”.

Từ đó, ĐHY đề cao vai trò của các tôn giáo và tín ngưỡng mang lại những động lực mạnh mẽ giúp con người quan tâm đến những hiểm họa về môi sinh và dấn thân hành động, như ĐTC Phanxicô đã viết trong thông điệp ”Laudato sì” về việc bảo vệ thiên nhiên, căn nhà chung của chúng ta: ”khoa học và kỹ thuật sẽ không giúp ích ở đây. Mọi giải pháp kỹ thuật sẽ bất lực ”nếu chúng ta đánh mất động lực mạnh mẽ làm cho chúng ta có thể sống trong hòa hợp, hy sinh và đối xử tốt với nhau” (LS 200).

Trong bài tham luận, ĐHY Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình cũng đưa ra một vài đề nghị cụ thể như:

– Giáo dục giới trẻ có tinh thần liên đới, vị tha và trách nhiệm. Sau này những nhân đức đó sẽ giúp họ trở thành những người quản trị và chính trị gia lương thiện.

– Kinh thánh và các truyền thống linh đạo cho thấy nước là điều quí giá và cũng là một yếu tố thần thiêng. Nước được dùng nhiều trong phụng vụ. Điều này phải gợi hứng để chúng ta sử dụng nước với lòng tông trọng và biết ơn, bài trừ những nguồn nước ô nhiễm và hiểu rằng nước không phải chỉ là một tiện ích thuần tuý.

– Nên tổ chức những chiến dịch liên tôn để làm sạch các sông ngòi và hồ nước để thăng tiến sự tôn trọng lẫn nhau, hòa bình và tình thân hữu giữa các nhóm khác nhau.

– Tái khẳng định phẩm giá con người và công ích của toàn thể gia đình nhân loại để thăng tiến một phẩm trật khôn ngoan về các ưu tiên trong việc sử dụng nước, nhất là tại những nơi có nhiều nhu cầu cạnh tranh nhau về nước” (SD 29-8-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Sống Tin Mừng là phục vụ nhũng ngưởi rốt hết vì yêu Thiên Chúa

Sống Tin Mừng là phục vụ những người rốt hết vì yêu Thiên Chúa

ĐTC Phanxicô chào tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 28-8-2016

Phục vụ tha nhân vì tình yêu Chúa là sứ điệp nền tảng của Tin Mừng Chúa Giêsu rao giảng. Chúa cho chúng ta thấy Ngài yêu thích những người nghèo túng, đói khát, người di cư tỵ nạn, người bị cuộc sống đánh bại, người bị xã hội và sự ngạo mạn của những kẻ mạnh hơn loại trừ gạt bỏ.

Kính thưa quý vị thính giả ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua 28-8-2016.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Phúc Âm kể lại sự kiện Chúa Giêsu đến nhà của một trong các thủ lãnh người Pharisêu dùng tiệc và quan sát họ vất vả tranh giành chỗ tốt nhất. Thấy vậy Ngài kể hai dụ ngôn: một liên quan tới việc tìm chỗ tốt và một liên quan tới phần thưởng. Dụ ngôn thứ nhất được lồng khung trong một tiệc cưới như kể trong chương 14 Phúc Âm thánh Luca: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối” (Lc 14,8-9). ĐTC giải thích ý nghĩa dụ ngôn như sau:

Với lời dặn dò này Chúa Giêsu không có ý đưa ra điều luật cho cung cách hành xử, nhưng đưa ra một bài học liên quan tới giá trị của sự khiêm nhường.  Lịch sử dậy rằng kiêu căng, giành giật tiến thân, khoe khoang, phô trương là lý do của nhiều sự dữ. Và Chúa Giêsu làm cho chúng ta hiểu sự cần thiết chọn chỗ rốt hết, tìm kiếm sự bé nhỏ và ẩn dấu. Khi chúng ta đặt mình trước Thiên Chúa trong chiều kích của sự khiêm nhường, khi đó Thiên Chúa nâng chúng ta lên cao, và cúi xuống trên chúng ta để nâng chúng ta lên với Ngài: “vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (c.11).

ĐTC nói: các lời của Chúa Giêsu nêu  bật các thái độ hoàn toàn khác biệt và đối nghich nhau: thái độ của người chọn chỗ cho chính mình, và thái độ của người để cho Thiên  Chúa chỉ chỗ cho mình và chờ đợi phần thưởng từ Ngài. Chúng ta đừng quên điều này: Thiên Chúa trả cho nhiều hơn con người rất nhiều! Chính Ngài cho chúng ta một chỗ đep hơn chỗ con người cho chúng ta! Chỗ mà Thiên Chúa cho chúng ta là chỗ gần con tim của Ngài, và phần thưởng của Ngài là cuộc sống vĩnh cửu: “Bạn sẽ diễm phúc… Bạn sẽ nhận được phần thưởng của mình vào ngày người công chính sống lại” (c. 14).

Đó là điều được miêu tả trong dụ ngôn thứ hai, trong đó Chúa Giêsu chỉ cho thấy thái độ vô vị lợi của việc tiếp đón và nói: “Khi bạn đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ” (cc. 13-14). Đây là lựa chọn sự nhưng không thay vì tính toán duy thuận lợi tìm được phần thưởng. Thật vậy, các người nghèo túng, đơn sơ, những người không được kể tới, sẽ không thể đáp trả lại lời mời ăn. Như thế Chúa Giêsu chứng minh cho thấy Ngài ưa thích những người nghèo nàn và bị loại trừ, nhưng họ là những người được đặc ân của Nước Thiên  Chúa, và Ngài gióng lên sứ điệp nền tảng của Phúc Âm là phục vụ tha nhân vì tình yêu Thiên Chúa . ĐTC giải thích thêm điểm này như sau:

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu là tiếng nói của những người không có tiếng nói, và hướng tới từng người trong chúng ta một lời mời gọi đau đớn mở rộng con tim và coi là của mình các khổ đau và âu lo của những ngươi nghèo nàn túng thiếu, của những người đói khát, của những người bị gạt bỏ ngoài lề, của những người di cư tỵ nạn, những người bị cuộc đời đánh bại, những người bị xã hội và sự ngạo mạn của những kẻ mạnh hơn gạt bỏ.

Trong lúc này đây với lòng biết ơn tràn đầy tôi nghĩ tới biết bao thiện nguyện viên cống hiến sự phục vụ của họ, bằng cách cho những người cô đơn, gặp khó khăn, không việc làm hay không có nhà ở, ăn uống. Những nơi cung cấp các bữa ăn này là các nơi tập luyện của tình bác ái, phổ biến nền văn hóa của sự nhưng không, bởi vì những người hoạt động tại đó là những người làm việc vì được thúc đẩy bởi tình yêu của Thiên Chúa và được soi sáng bởi sự khôn ngoan của Tin Mừng. Như thế việc phục vụ các anh chị em khác trở thành chứng tá tình yêu, khiến cho tình yêu của Chúa Kitô đáng tin cậy và hữu hình.

Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria hướng dẫn chúng ta mỗi ngày trên con đường của sự khiêm nhường, làm cho chúng ta có khả năng có các cử chỉ nhưng không tiếp đón và liên đới với những người bị gạt bỏ ngoài lề để trở nên xứng đáng với phần thưởng của Chúa.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.

Sau phép lành ĐTC lại nhắc tới dân chúng và các nạn nhân trận động đất vùng Lazzio, Marche và Umbria. Giáo Hội chia sẻ nỗi khổ đau và âu lo của họ và cầu nguyện cho những người đã qua đời và những người sống sót. Ngài cũng nhắc tới sự ân cần mà chính quyền, các lực lượng an ninh, bảo vệ dân sự và các thiện nguyện viên đang làm chứng tỏ tầm quan trọng của tình liên đới giúp thắng vượt các thử thách đớn đau như thế. ĐTC nói vừa khi có thể ngài cũng sẽ đến viếng thăm và đem tới cho họ sự ủi an của niềm tin và sự đỡ nâng của niềm hy vọng Kitô.

Ngài cũng nhắc tới lễ phong chân phước cho nữ tu Maria Antonia thánh Giuse tại Buenos Aires bên Argentina. Chị là gương sáng của chứng tá Kitô đặc biệt trong việc thăng tiến các cuộc tĩnh tâm. Ước chi nữ tân chân phước khơi dậy nơi mọi người ước muốn ngày càng gắn bó với Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa hơn.

Linh Tiến Khải

 

Tòa Thánh công bố đề tải cho Ngày Hoà Bình Thế Giới 2017

Tòa Thánh công bố đề tải cho Ngày Hoà Bình Thế Giới 2017

world-peace-day

VATICAN: Sáng ngày 26 tháng 8 vừa qua Toà Thánh đã công bố đề tài cho Ngày hoà bình thế giới lần thứ 50 cử hành ngày mùng 1 tháng giêng năm 2017 đó là: “Không bạo lực: kiểu của một nền chính trị cho hoà bình” .

Thông cáo viết: “Bạo lực và hoà bình là nguồn gốc của hai kiểu xây dựng xã hội trái nghịch nhau. Sự kiện nhiều tổ bạo lực bùng nổ gây ra các hậu quả xã hội tiêu cực và trầm trọng khiến cho ĐTC gọi đó là Đệ tam thế chiến từng mảnh”. Trái lại hoà bình có các hiệu quả tích cực và cho phép thực hiện một tiến bộ thực sự.  Vì thế cần phải di chuyển trong các không gian có thể bằng cách thương thuyết các con đường hoà bình, cả tại những nơi các con đường ấy xem ra cong queo  hay không thể đi được. Trong kiểu này không bạo lực sẽ có thể có một ý nghĩa rộng rãi và mới mẻ hơn: không chỉ là uớc mong, ngưỡng vọng, khước từ bạo lực, các hàng rào cản, các thúc đẩy tàn phá, mà cũng là kiểu thự thi chính trị thực tiễn, rộng mở cho hy vọng.

Đây là một kiểu làm chính trị dựa trên sự tối thượng của quyền lợi. Nếu quyền lợi và sự bình đẳng phẩm giá của mỗi bản vị con người được cứu vãn không kỳ thị và phân biệt, thì hiệu qủa là bất bạo động được hiểu như đường lối chính trị  có thể là một con đường thực tế giúp thắng vượt các xung đột vũ trang. Trong viễn tượng này thật là quan trọng luôn luôn thừa nhận sức mạnh của quyền lợi, chứ không phải quyền lợi của sức mạnh.

Với sứ điệp này một lần nữa ĐTC Phanxicô chỉ cho thấy một bước nữa, một con đường hy vọng thích hợp với các hoàn cảnh lịch sử: đó là giải quyết được các tranh chấp qua đối thoại, tránh cho chúng không trở thành xung đột vũ trang. Đàng sau viễn tượng này cũng có việc tôn trọng đối với nền văn hóa và căn tính của các dân tộc, nghĩa là sự thắng vượt ý tường cho rằng một phần cao hơn phần kia trên bình điện luân lý. Đồng thời điều này không có nghĩa là một quốc gia thờ ơ với các thảm kịch của một quốc gia khác. Tri lại nó có nghĩa là thừa nhận quyến tối thượng của ngoại giao trên tiếng của súng đạn. Việc buôn bán vũ khí trên thế giới rộng lớn nhưng thường bị đánh giá thấp. Chính việc buôn khí giới lậu yểm trợ cho không ít các xung đột trên thế giới. Chính vì thế bất bạo động như đường lối chính trị có thể góp phần rất nhiều vào việc loại trừ tệ nạn này.

Ngày hoà bình thế giới đã do ĐGH Phaolô VI cử hành lần đầu tiên ngày mùng 1 tháng giêng năm 1968, và sứ điệp của ĐGH được gửi tới các  chính quyền trên toàn  thế giới (SD 26-8-2016).

Linh Tiến Khải

 

ĐTC khuyến khích các tu hội đời duy trì căn tính riêng

ĐTC khuyến khích các tu hội đời duy trì căn tính riêng

ĐTC Phanxicô nói chuyện với các bệnh nhân trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 24-8-2016

VATICAN: ĐTC Phanxicô khích lệ các thành viên tu hội đời duy trì căn tính riêng là giáo dân được thánh hiến sống giữa đời với ba lời khấn phúc âm, đem sự thánh thiện vào mọi sinh hoạt để biến đổi thế giới.

ĐTC đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong sứ điệp do ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ Khanh Toà Thánh ký, gửi các tham dự viên Hội nghị quốc tế các tu hội đời, diễn ra tại Roma trong các ngày từ 21 tới 25 tháng 8 vừa qua. ĐTC đã nhắc lại các lời chân phước Phaolô VI định nghĩa nòng cốt ơn gọi của các thành viên tu hội đời là kết hiệp hai trào lưu của cuộc sống kitô: là giáo dân, được thánh hiến bởi các bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, nhưng lựa chọn nêu bật việc thánh hiến cho Thiên Chúa với ba lời khấn phúc âm, được chấp nhận như các bổn phận với một ràng buộc vững chắc và được thừa nhận, dấn thân trong các gia trị đời riêng và đặc thù của giáo dân (LG, 31).

Thách đố lớn đối với các tu hội đời ngày nay là tổng hợp giữa sự thánh hiến và tính cách đời, phối kết chứ không phân rẽ chúng. Chính vì thế việc đào tạo có tầm quan trọng nền tảng và đòi hỏi vì cần liên tục cố gắng hiệp nhất giữa việc thánh hiến và tính cách đời, giữa hoạt động và chiêm niệm, mà không có sự nâng đỡ của một tổ chức công đoàn cho đời cầu nguyện và công việc làm. Nhưng nếu rộng mở cho Chúa Kitô thì sẽ khám phá ra Ngài hiẹn diện khắp nơi. Vì thế cần được giáo dục để có tương quan cá nhân với Thiên Chúa, được phong phú nhờ sự hiện diện của các anh chị em khác. Ngoài ra cần chú ý tới các dấu chỉ thời đại và để dấu vết tin mừng trên lịch sử và góp phần quy hướng nó về Nước Chúa; đem cái luậ lý của Thiên Chúa vào trong thế giới góp phần thực hiện nhân loại mới; có óc sáng tạo và khả năng tưởng tượng ra các giải pháp mới, tìm ra các câu trả lời chưa từng có cho các tình trạng mới. Để đượọc như thế cần săn sóc cuộc sống cầu nguyện, cuộc sống gia đình là tổ ấm nơi mọi ngưòi có thể tới kín mục yêu thương.

** ĐTC viết tiếp trong sứ điệp: Như là muối men các thành viên tu hội đời phải là các chứng nhân của tình huynh đệ và tình bạn. Vì nhiệm vụ biến đổi thế giơi nên với cuộc sống cần kêu lên cho con người ngày nay biết rằng có một kiểu sống mới, trong tương quan với thế giới và với con người, là con người mới trong Chúa Kitô. Với lời khấn khiết tịnh các bạn cho thấy có một kiểu yêu thương khác với con tim tụ do như con tim của  Chúa Giêsu, trong việc hiến thân; với sự khó nghèo các bạn phản ứng lại khuynh hướng tiệu thụ đang đặc biệt ngấu nghiến tây phương và qua cuộc sống của các bạn tố cáo cả bằng lời nói, ở nơi đâu cần thiết, biết bao bất công chống lại người nghèo trên trái đất; với sự vâng lời các bạn là các chứng nhân của sự tự do nội tâm chống lại cá nhân chủ nghĩa, kiêu căng, ngạo mạn.

Các thành viên các tu hội đời cũng là lực lượng tiền đồn của công tác rao truyền Tin Mừng và trường dậy sự thánh thiện được cho chảy vào các sinh hoạt thường ngày, trong các biến cố lớn nhỏ. Và yếu tố nền tảng của việc tái phúc âm hóa là sống tình yêu huynh đệ trong các hoàn cảnh thường ngày của thế giới, một mình, trong gia đình, trong các nhóm theo các hiến pháp của mình. Và dối tượng của việc tái rao giảng tin mừng đó là những người đã mất đức tin hay sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, các người trẻ sống không có lý tưỏng và giá trị, các gia đình đổ bể, các người thất nghiệp, người già, người cô đơn, người di cư…

ĐTC bầy tỏ sự gần gũi tinh thần, bảo đảm với các tham dự viên lời cầu nguyện của ngài cho hội nghị được thành công và gửi phép lành toà thánh tới tất cả mọi người.

Hội nghị quốc tế các tu họi đời đã diễn ra tại đại học Salesianum ở Roma quy tụ 140 tham dự viên đến từ 25 quốc gia năm châu  (SD 26-8-2016)

 

Linh Tiến Khải

 

Lễ tang các nạn nhân động đất ở Ascoli Piceno, Italia

Lễ tang các nạn nhân động đất ở Ascoli Piceno, Italia

Lế tang tại Ascoli

Ascoli Piceno – Trong bầu khí trịnh trọng và đau thương, sáng ngày 28/8, tại Ascoli Piceno đã diễn ra Thánh lễ an táng của 35 nạn nhân trong số gần 300 nạn nhân của trận động đất xảy ra rạng sáng ngày thứ 4, 24/8, tại miền Trung Italia. Trận động đất đã tàn phá các thành phố Amatrice, Accumoli e Arquata và các làng xung quanh.

Nhà thể thao Ascoli, nơi lập tức nhắc nhớ người ta đến niềm vui của các thanh thiếu niên vui chơi, nhưng ngược lại, hôm nay nó là nơi của đau buồn, nơi chia tay cảm động cuối cùng với một người mẹ, một người cha, một người con.

Đức cha Giáo phân Ascoli Piceno, Giovanni D’Ercole, đã chủ sự Thánh lễ. Cùng đồng tế với ngài có Đức Cha Domenico Pompili, Giám mục Giáo phận Rieti và Tổng Giám mục Petrocchi của Tổng Giáo phận Aquila. Đến tham dự Thánh lễ có Tổng thống Sergio Mattarella của Italia, Thủ tướng Matteo Renzi, các chủ tịch Thượng viện và Hạ viện  Grasso và Boldrini. Hình ảnh của các trẻ em được đặt cạnh các quan tài là những hình ảnh gây xúc động nhất.

Đức cha D’Ercole khởi đầu bài giảng với câu hỏi: “Bây giờ, Chúa ơi, người ta phải làm gì? Bao nhiêu lần, trong sự thinh lặng trăn trở của những đêm thức giấc và chờ đợi, tôi đã thưa với Chúa cùng câu hỏi mà tôi nghe thấy anh chị em lập lại trong những ngày này. Nhân danh tôi, nhân danh những người dân đã bị phản bội bởi khuấy động hủy diệt của trái đất, bị khuấy động bởi nỗi đau, bởi sự chán nản của những con người bị cướp đi niềm hy vọng cuối cùng của họ, tôi hỏi Thiên Chúa Cha: bây giờ người ta phải làm gì?”.

Đức cha D’Ercole cũng đưa ra những lời hy vọng và an ủi mọi người: “Các tháp chuông đã loan báo nhịp điệu của ngày và mùa, đã sụp đổ, không còn đánh chuông nữa. Bụi đất, tất cả mọi thứ hiện tại là cát bụi. Tuy nhiên, bên dưới đống đổ nát – ngài nói – có một cái gì đó nói với chúng ta rằng các chuông của chúng ta rồi sẽ vang lại, chúng sẽ tìm thấy lại những âm thanh của buổi sáng Phục Sinh. Một trận động đất là kết thúc: một đao phủ đêm đen đã đến tước đi khỏi chúng ta mạng sống. Tuy nhiên rái đất của chúng ta  đầy những con người không đánh mất lòng can đảm”

Đức cha nói tiếp: “Nguồn gốc của chúng ta là các nông dân. Trong thiên nhiên, việc cày bừa cũng giống như một trận động đất: đất nứt ra, bị thương tích, bị nghiền vỡ thành từng cục. Cày bừa làm cho nó bị thương nhưng là công cụ đầu tiên cho một mùa gieo giống mới: cày bừa để chuẩn bị đất đai cho một mùa thu hoạch mới. Các nhà địa chấn học cố gắng dự đoán động đất, nhưng chỉ có đức tin giúp chúng ta vượt qua nó. Đức tin, đức tin khó khăn của chúng ta, chỉ cho chúng ta bắt đầu lại như thế nào: với bàn chân trên mặt đất và mắt hướng lên trời”. Đức cha nói thêm: “Thật là khôn ngoan khi đối thoại với thiên nhiên và không làm cho nó bị nghiền nát bởi sự lạm dụng quá mức”.

Ngỏ lời với các người trẻ, Đức cha kêu gọi: “Các con đừng sợ hãi kêu la đau khổ của chúng con, nhưng đừng đánh mất lòng can đảm. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng các ngôi nhà và thánh đường của chúng ta; trên hết, chúng ta cùng nhau đem lại sự sống cho cộng đồng của chúng ta, bắt đầu ngay từ chính truyền thống của chúng ta và từ các  đống đổ nát của sự chết. Chúng ta cùng nhau”. Đức cha kết luận: “Cùng với bé Giorgia được cứu sống, sự sống đã chiến thắng chứ không phải sự chết. Động đất có thể là một cuộc chiến tranh và cần quan sát nó cách khác nhau. Và hãy có niềm tin vào Thiên Chúa”.

Đức cha đã cám ơn Đức Thánh cha, các Giám mục, các hội đoàn, các thiện nguyện viên, tất cả những ai đã ôm chặt các cộng đoàn bị hủy hoại bởi động đất. Ngài xin các hội đoàn đừng bỏ rơi các nạn nhân động đất. Đó là một nhiệm vụ mà chính Đức cha, mục tử của đàn chiên đảm trách. Ngài nói: Nhiều người trong anh chị em đã nói với tôi: ‘đừng bỏ rơi chúng con’. Đối với tôi, cho đến khi còn sống, họ sẽ không bỏ rơi anh chị em…”

Giây phút tên các nạn nhân của trận động đất được đọc lên như dài vô tận và là giây phút đánh động lòng người. Sau Thánh lễ, Đức cha và Tổng thống đã ôm chào từng người các thân nhân của các nạn nhân. Những cái ôm thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi nước mắt. Cử chỉ của Tổng thống và Đức cha D’Ercole là một dấu chỉ của tình huynh đệ mà không có một trận động đất kinh khủng nhất nào trong các trận động đất có thể phá vỡ (RV/ACI 27/08/2016)

BL – Vatican Radio

ĐHY Stella mời gọi các linh mục hãy là những con người của lòng thương xót

ĐHY Stella mời gọi các linh mục hãy là những con người của lòng thương xót

ĐHY Beniamino Stella, Tổng trưởng Bộ giáo sĩ

 

LỘ ĐỨC: ĐHY Beniamino Stella Tổng trưởng bộ Giáo Sĩ mời gọi các linh mục hãy là những con người của lòng thương xót.

ĐHY đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài thuyết trình tại đại hội vể đề tài “Lòng thưong xót trong cuộc sống của linh mục”, tổ chức trong bối cảnh Năm Thánh của các Linh Mục tại Lộ Đức những ngày vừa qua. ĐHY nói: Linh mục phải là “người của lòng thương xót”, được mời gọi đi gặp gỡ biết bao nhiêu nghèo khó gây khổ đau cho con người ngày nay. “Thương xót như Thiên Chúa Cha có nghĩa là cảm nhận đưọc một niềm vui đặc biệt trong việc đi xuống các vùng thấp nhất của nhân loại để đem đên đó tình yêu thương nhưng không của Thiên Chúa, yêu thương, tha thứ và ủi an”. ĐHY mời gọi các linh mục chú ý tới những người rốt cùng, yêu thương những người nghèo nhất và không chấp nhận các giàn xếp. Đó là một ưu tiên mà ĐTC Phanxicô muốn trong cuộc sống Giáo Hội.

Ngày nay linh mục phải đáp ứng các nhu cầu của sự nghèo khó vật chất, mà Chúa Giêsu để cập tới khi dậy phải cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới mặc, thăm viếng người đau yếu, kẻ tù tội. Linh Mục không được thở ơ trước tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá con người. Mọi linh mục phải biết cảm thương các Ladarô nằm trước cửa nhà mình, mà không để cho mình bị cuốn hút vào “các nhiệm vụ trợ giúp xã hội”, nhưng tổ chức các sinh hoạt này cho các phó tế và giáo dân.

Cả sự giầu có cũng bao gồm nỗi buồn sầu mà Chúa Giêsu tìm thấy nơi chàng thanh niên giầu được mời gọi theo Ngài. Thế rồi còn có cái nghèo nàn sức khoẻ. Mọi người đau yếu đều khiến cho con tim mẹ Giáo Hội xúc động. Mọi hoàn cảnh giòn mỏng từ lúc mới thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên đểu có quyền được các kitô hữu chú ý yêu thương và nâng đỡ.  Rồi cũng có sự nghèo nàn triệt để nằm sâu trong trái tim con người và gắn liền với sự giòn mỏng và tội lỗi. Vai trò và bổn phận của linh mục ở đây là nhà giáo dục trong đức tin. Linh mục phải là người vén mở cho thế giới bị thương tích ngày nay thấy lòng dịu hiền thương xót của Thiên Chúa.

Giảng trong thánh lễ kết thúc đại hội ĐHY Stella nói linh mục phải sống chức thừa tác của mình giữa dân chúng, biết sống tràn đầy tình huynh đệ linh mục trong mầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội: sứ mệnh và hiệp thông phải củng cố cho nhau. Vì thế tại sao các cuộc gặp gỡ giáo phận, các lúc chia sẻ suy tư, cầu nguyện hay nghỉ ngơi đều nền tảng giúp xây dựng tình huynh đệ linh mục, trong đó có thể vác đỡ các giỏn mỏng của những anh em yếu đuối nhất (SD 23-8-2016)

Linh Tiến Khải

ĐTC và các nữ tu dòng kín cầu nguyên cho các nạn nhân động đất

ĐTC và các nữ tu dòng kín cầu nguyên cho các nạn nhân động đất

ĐTC Phanxicô cùng tín hữu lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho các nạn nhân động đất trong buổi tiêp kiến chung sáng thứ tư 24-8-2016

VATICAN: Trong thánh lễ cử hành tại nhà trọ Thánh Marta sáng 25 tháng 8 vừa qua ĐTC Phanxicô đã cùng các nữ tu dòng kín đan viện Thánh Maria Vallegloria cầu nguyện cho các nạn nhân động đất vùng Trung Italia.

Các nữ tu cũng đã từng là nạn nhân trận động đất năm 1997 và đã phải ở trong các thùng tiền chế 13 năm trời. Các chị đã được ĐC Gualtiero Sigismondi, Giám Mục Foligno, kiêm chủ tịch Uỷ ban giáo sĩ và dòng tu của HĐGM Italia, tháp tùng về Vaticăng.

Giảng trong thánh lễ ĐTC nói: các chị là nữ tu dòng kín và không ai trông thấy các chị. Nhưng người ta nhận biết chứng tá của các chị. Và chứng tá đó nói rằng: “Tôi đã chọn điều này, tôi không cần các điều khác.” Và đó là bằng chứng Chúa Kitô ở trong các chị. Các chị không chạy trốn thế giới vì sợ hãi, nhưng các chị được mời gọi, và lời mời gọi ấy phải được vun trồng theo luật lệ, và theo những gì mà Giáo Hội đòi buộc. Người ta biết rằng các chị là những người sống đời thánh hiến cầu nguyện, nâng đỡ Giáo Hội với lởi cầu nguyện, và đó là một chứng tá. Các chị là những phụ nữ của niềm hy vọng. Các chị gieo vãi niềm hy vọng và các chị chờ đợi chàng rể như mười trinh nữ mà Phúc Âm nói tới. Từ niềm hy vọng này phát xuất ra niềm vui của đời thánh hiến. Thật đẹp biết bao, khi trông thấy một nữ tu tươi vui, với gương mặt vui vẻ chứ không phải với gương mặt tối sầm, “kiểu giấm chua”. Thật vậy Chúa đã gọi các chị cho niềm hạnh phúc, và điều này bao gồm gương mặt rạng rỡ và cao cả. Ba từ mà chúng ta rút tiả ra từ giáo huấn của các bài đọc phụng vụ là sự phong phú của ơn thánh, chứng tá cuộc sống và niềm hy vọng gặp Chúa. Trong thư của thánh Phalô chúng được đóng trong một khung gọi là lời cảm tạ Chúa. Tinh thần luôn luôn cảm tạ Chúa và tinh thần duy trì sự hiệp thông giữa các chị đó là khung cảnh trao ban sự phong phú, hiệp thông và hy vọng.”

Tin tức cho biết trận địa chấn miền trung Italia đã khiến cho 278 ngưòi chết, hơn 380 ngưòi bị thương và  khoảng 4,000 người mất nhà cửa, phải tạm trú các các lều vải của 4 trại cấp cứu. Từ sáng thứ tư tới nay đất vẫn tiếp tục rung, có khi lên tới hơn 4 độ Richter, khiến cho 278 ngưởi chêt, 388 nguời bị thương và 2,500 người không còn nhà cửa (SD 26-8-2016)

Linh Tiến Khải

ĐTC cùng tín hữu lần hạt Mân Côi cầu cho các nạn nhân động đất Italia

ĐTC cùng tín hữu lần hạt Mân Côi cầu cho các nạn nhân động đất Italia

ĐTC Phanxicô chia buồn với các nạn nhân động đất tại miền trung Italia và mời tín hữu cùng ngài lần hạt Mân côi câu nguyện cho họ

ĐTC cùng tín hữu lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho các nạn nhân trận động đất tại miền trung Italia

Như quý vị đã nghe tin, lúc 3 giờ 36 phút sáng thứ tư hôm qua đã xảy ra trận động đất lớn trong vùng trung Italia. Đã có 5 lần rung từ 4 đến 6 độ Richter và 50 lần rung trên 2 độ Richter, khiến cho nhiều nhà và dinh thự bị sập tại các thành phố Amatrice và Accumoli  thuộc tỉnh Rieti, và Arquata del Tronto thuộc tình Ascoli Piceno. Cho tới nay đã có hơn 60 người chết trong đó có một số trẻ em. Nhưng người ta sợ rằng số người chết sẽ gia tăng vì độ mạnh của trận động đất giống như đã xảy ra tại tình Aquila hồi năm 2009.

Chính vì tai nạn này nên trong buổi tiếp kiến chung mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô ĐTC đã không đọc bài giáo lý chuẩn bị cho buổi tiếp kiến, nhưng ngài đã chia buồn với các nạn nhân  và mời mọi người cùng ngài lần hạt vài chục kinh sự Thương để cầu nguyện cho các nạn nhân. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói:

Tôi đã chuẩn bị bài giáo lý hôm nay, như tất cả mọi thứ tư của Năm Thánh Lòng Thương Xót, về đề tài sự gần gũi của Chúa Giêsu, nhưng trước tin động đất xảy ra trong vùng Trung Italia, tàn phá toàn vùng và để lại các người chết và bị thương, tôi không thể không bầy tỏ  nỗi đau đớn lớn lao và sự gần gũi của tôi với tất cả những người hiện diện trong các nơi bị động đất, và tất cả những người đã mất thân nhân và những người còn cảm nhận nỗi sợ hãi và kinh hoàng. Nghe ông thị trưởng Amatrice nói “Quê hương tôi không còn nữa” và biết rằng giữa các người chết cũng có các trẻ em, tôi thật xúc động biết bao.

Chính vì vậy tôi muốn bảo đảm với tất cả các anh chị em này – tại Accumoli, Amatrice trong giáo phận Rieti và Ascoli Piceno và toàn vùng Lazio, vùng Umbria và Marche, cũng như tỉnh Perugia lời cầu nguyện của tôi và nói cho họ biết chắc chắn về sự vuốt ve và vòng tay ôm của toàn thể Giáo Hội trong lúc này đây đang ước muốn ôm ấp họ với tình yêu thương hiền mẫu của mình.

ĐTC nói thêm như sau:

** Trong khi cám ơn tất cả các thiện nguyện viên và các nhân viên bảo vệ dân sự đang cứu giúp dân chúng các vùng này, tôi xin anh chị em hiệp nhất với tôi trong lời cầu nguyện để Chúa Giêsu, là Đấng luôn luôn cảm thương trước nỗi khổ đau của con người, an ủi các con tim đau đớn này, và ban cho họ niềm an bình qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ diễm phúc Maria. Chúng ta hãy cùng cảm thương họ với Chúa Giêsu. Vì vậy chúng ta hãy rời bài giáo lý của thứ tư này vào tuần tới. Và tôi mời anh chị em cùng tôi lần một phần chuỗi Mân Côi các “Mầu nhiệm Thương” cầu cho các nạn nhân

Sau khi lần mấy chục kinh cầu nguyện cho các nạn nhân trận động đất ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau tham dự buổi tiếp kiến.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp ĐTC nói: Trước ngày kính thánh Luigi tôi đặc biệt cầu nguyện cho nhân dân Pháp và các vị lãnh đạo của nó. Với đức tin chúng ta dám đến gần Chúa Giêsu, mặc dù các sợ hãi và yếu đuối của chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta hy vọng và tiếp đón chúng ta với lòng thương xót.

ĐTC cũng chào các nhóm hành hương nói tiếng Anh đến từ các nước: Ailen, Iraq, Indonesia, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngài đặc biệt chào các thành viên Uỷ ban quốc tế bên cạnh thế vận hội và các lực sĩ chuẩn bị tham dự các cuộc tranh tài thể thao thể dục sau thế vận hội tại Rio de Janeiro. Ngài cũng chào các tham dự viên đại hội toàn thể do Hội nghị quốc tế các Học viện đời tổ chức. ĐTC cầu mong Năm Thánh Lòng Thương Xót  là dịp giúp các gia đình sống ơn thánh và việc canh tân tinh thần, và xin Chúa Giêsu ban cho họ bình an và niềm vui.

Chào các nhóm nói tiếng Đức ĐTC nói chúng ta đụng chạm tới Chúa Giêsu, khi chúng ta đi ra và trợ giúp các anh ehị em túng thiếu, và khi đụng chạm tới Chúa Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta chúng ta canh tân cuộc sống của mình.

** Chào các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha ngài mời gọi mọi người đi gặp gỡ nhu cầu của tha nhân để mỗi người có thể sống kinh nghiệm cái nhìn thương xót của Thiên Chúa trong cuộc đời họ, được chữa lành trên thân xác cũng như trong tinh thần, và tái chiếm lại phẩm giá là con cái của cùng một Thiên Chúa là Cha.

Chào các tín hữu nói tiếng Bồ Đào Nha ĐTC nhắc cho mọi người biết kitô hữu được mời gọi đem niềm vui của Tin Mừng tới cho mọi người,  vì tất cả đều chia sẻ cùng phẩm giá và bởi vì tất cả đều là một với Chúa Kitô Giêsu.

Chào các tín hữu đến từ Trung Đông ngài xin Chúa chúc lành cho họ và che chở họ khỏi Kẻ Dữ.

ĐTC cũng chào các đoàn hành hương Ba Lan và Ucraina. Với các tín hữu Ucraina ngài nói trong các tuần vừa qua các quan sát viên quốc tế âu lo vì tình hình Ucraina tồi tệ hơn. Hôm nay trong khi Ucraina mừng 25 năm độc lập, tôi bảo đảm với anh chị em lời cầu nguyện của tôi cho hoà bình và tôi canh tân lời kêu gọi tất cả mọi phe liên hệ cũng như các tổ chức quốc tế  gia tăng các sáng kiến giúp giải quyết cuộc xung đột, trả tự do cho các con tin và đáp ứng tình hình cứu trợ nhân đạo cấp bách.

Trong số các nhóm tiếng Ý ĐTC chào các tham dự viên đại hội mừng 50 năm sinh hoạt của Hịêp hội thần học Italia nghiên cứu luân lý. Ngài khuyến khích hiệp hội chia sẻ bánh của lòng thương xót trong giáo huấn của môn học quan trọng này. ĐTC cũng chào các chủng sinh Verona, các tham dự viên đại hội Esperanto, và Hiệp hội “Bạn của trẻ em” vùng Mezzano di San Giuliano tình Milano.

Sau cùng chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC khích lệ các bạn trẻ học từ thánh Bartolomeo tông đồ, mà Giáo Hội mừng lễ hôm qua, sức mạnh đích thật của lòng khiêm nhường. Ngài khuyên các bệnh nhân đừng mệt mỏi xin sự trợ giúp của Chúa trong lời cầu nguyện, và ĐTC nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới thi đua yêu thương và trợ giúp nhau trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi nguời

Linh Tiến Khải

Bí tích Hoà Giải là kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa

Bí tích Hoà Giải là kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa

ĐTC Phanxicô an ủi một hối nhân khi ban bí tích Hoà Giải tại Assisi nhân Ngày Toàn Xá Porziuncola 4-8-2016

VATICAN: Tham dự các buổi cử hành phụng vụ, đặc biệt khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể và nhất là Bí tích Hoà Giải là sống kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa.

ĐTC đã khẳng định như trên trong sứ diệp do ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh ký, gửi ĐC Mario Ceccobelli, GM giáo phận Gubbio và các tham dự viên Tuần Phụng Vụ Italia lần thứ 67 đang diễn ra tại đây. Tuần phụng vụ có đề tài là “Phụng vụ như nơi của lòng Thương Xót”. Nó đặc biệt ý nghĩa khi được triệu tập trong giáo phận Gubbio trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót và kỷ niệm 1600 năm thư  ĐGH Innocenzo viết cho ĐC Decenzio, GM Gubbio, để minh giải vài vấn nạn liên quan tới việc cử hành các bí tích, trong đó có bí tích Giải Tội. “Khi chúng ta cố gắng sống biến cố phụng vụ với cái nhìn gắn chặt vào Chúa Giêsu  và gương mặt thương xót của Ngài, chúng ta có thể tiếp nhận được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh… Tình yêu này đã trở thành hữu hình và có thể sờ mó được trong toàn cuộc sống của Chúa Giêsu… Nơi Ngài tất cả đều nói về lòng thương xót. Trong ngài không có gì không phải là xót thương” (Dung nhan lòng thương xót, 8). Các lời này gợi lại trong trí chúng ta các lời ĐGH Leo Cả khẳng định trong một bài giảng lễ Chúa lên Trời. “Điều đã hữu hình và có thể sờ mó được của Chúa Cứu Thế chúng ta đã đi qua trong các bí tích” (PL 54,398). Việc tiếp cận ấy giúp nhận thức rằng toàn phụng vụ là nơi của lòng thương xót được gặp gỡ, tiếp nhận để được cho đi, là nơi trong đó mầu nhiệm cao cả của sự hoà giải được hiện diện, loan báo, cử hành và thông truyền. Các buổi cử hành các bí tích chuyên biệt  hay các buổi cử hành bí tích trình bầy ơn cao cả duy nhất của lòng thương xót Chúa theo các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.

** ĐTC viết tiếp trong sứ điệp: Tuy nhiên ơn Lòng Thương Xót chiếu sáng một cách đặc biệt rạng ngời trong bí tích Sám Hối hay Hòa Giải. Chúng ta được hoà giải để giải hoà. Lòng thương xót của Thiên Chúa Cha không thể bị khép kín trong các thái độ duy thân tình và tự an ủi, bởi vì nó chứng minh cho thấy nó quyền năng trong việc canh tân con người và khiến cho con người có khả năng cống hiến cho các người khác kinh nghiệm sống động của cùng ơn đó. Khởi hành từ ý thức được tha thứ để tha thứ cần phải là các chứng nhân của lòng thương xót trong mọi môi trường, bằng cách dấy lên ước muốn và khả năng tha thứ. Đây là một bổn phận mà tất cả chúng ta đều được mời gọi chu toàn, đặc biệt trước thù hận giam cầm quá nhiều người; họ cần tìm lại được niềm vui của sự thanh thản nội tâm và việc nếm hưởng hoà bình.

Như thế, nghi thức của Bí tích Sám Hối được nhận diện như là  kiểu diễn tả một “Giáo Hội đi ra”, như là “cửa” để vào lại sau khi xa rời, và cũng như là “ngưỡng cửa” rộng mở hướng tới các vùng ngoại biên khác nhau của một nhân loại luôn ngày càng cần sự cảm thương hơn. Thật vậy, trong nó thành toàn cuộc gặp gỡ tái tạo của Thiên Chúa, từ đó đi ra các con người mới để loan báo cuộc đời tốt lành của Tin Mừng, qua một cuộc sống đã được hoà giải và hoà giải.

ĐTC cầu mong các suy tư và cử hành của Tuần Phụng Vụ ngày càng làm chín mùi việc hiểu biết phụng vụ như suối nguồn và tột đỉnh của một cuộc sống giáo hội và cá nhân tràn đầy lòng từ bi thương xót, vì liên tục được đào tạo ở trường học của Tin Mừng. ĐTC phó thác cho sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ Maria, Mẹ Lòng Thương Xót, các công việc và các chờ mong của biến cố phụng vụ quốc gia quan trọng này (SD 22-8-2016).

Linh Tiến Khải

Toà Thánh kêu gọi loại trừ các vũ khi tàn sát hàng loạt, kể cả các vũ khi quy ước

Toà Thánh kêu gọi loại trừ các vũ khi tàn sát hàng loạt, kể cả các vũ khi quy ước

ĐTC Bernardito Auza, quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc bên New York

NEW YORK:  Toà Thánh tái kêu gọi  loại trừ các vũ khí giết người hàng loạt, kể cả các vũ khí quy ước có sức tàn phá mạnh.

ĐTGM Bernardito Auza, quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc tại New York, đã nói như trên trong bài phát biểu trong phiên họp của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về việc không gia tăng và phổ biến các vũ khí giết người hàng loạt. Trong bài phát biểu ĐTGM Auza tái nêu bật lập trường liên tục của Toà Thánh chống lại việc sản xuất và sử dụng các vũ khí tàn phá hàng loạt. Mọi hành động, mọi vũ khí nhắm tàn phá các thành thị hay các vùng rộng lớn cùng với dân cư của chúng đều chống lại mọi luật nhân bản quốc tế, và đáng bị lên án lập tức và rõ ràng không hàm hồ. Trong khi đã có các thoả hiệp và hoà ước đạt được nhằm loại trừ các vũ khí hoá học, sinh học, và phòng ngừa việc không gia tăng các vũ khí nguyên tử, thiên tài nhân loại vẫn tiếp tục chế tạo các vũ khí mới huỷ hoại chính mình. Ngoài ra, các vũ khí quy ước đang ngày càng trở thành “ít quy ước” hơn, vì các tiến bộ kỹ thuật nâng cao sức mạnh tàn phá của chúng ngang mức độ của các vũ khí tàn phá hàng loạt. Chính vì thế Toà Thánh yêu cầu các cuộc thảo luận về vũ khí tàn phá hàng loạt vượt quá các loại vũ khí truyền thống nguyên tử, hoá học, sinh học và các vũ khí xạ học và bao gồm cả các vũ khí quy ước mạnh được dùng cho các tội phạm chiến tranh và các tội phạm chống lại nhân loại. Các lực lượng quân sự, phiến quân, khủng bố, và các nhóm quá khích ngày càng sử dụng các vũ khí quy ước có sức tàn phá mạnh hơn,  và cho thấy họ ít chú ý tới sự miễn nhiễm của thường dân, sự phân biệt hay tính cách cân xứng.

Tiếp tục bài phát biểu ĐTGM Auza nói: Các tai ương nhân đạo tiếp tục diễn ra trước mắt chúng ta cho thấy các trường học, nhà thương và các cơ cấu hạ tầng dân sự khác bị nổ tung vì các vũ khí quy ước có sức tàn phá mạnh mẽ. Hàng triệu người tỵ nạn và các người di tản gửi tới hội đồng sứ điệp quan trọng này: “Chúng tôi phải trốn chạy hay chết, khi các thành phố và cộng đoàn của chúng tôi hoàn toàn bị phá hủy, không phải bởi các vũ khí nguyên tử, hoá học hay sinh học, nhưng bởi các vũ khí quy ước có sức tàn phá mạnh mẽ.” Các thảm cảnh này mời gọi cộng đồng quốc tế nghiêm chình thực thi mọi thoả hiệp hợp pháp bắt buộc, và các dụng cụ liên quan tới việc cấm gia tăng phổ biến các vũ khí giết người hàng loạt, và cấp bách duyệt xét lại viêc xếp loại và định nghĩa các vũ khí giết nguời hàng loạt là gì.

Tại đây cũng như trong các diễn đàn khác Toà Thánh đã lập đi lập lại lời kêu gọi các quốc gia sản xuất vũ khí trên thế giới nghiêm chỉnh hạn chế và kiểm soát việc chế tạo và bán vũ khi cho các quốc gia và các vùng trên thế giới, nơi thực sự đang có  việc sử dụng chúng một cách bất hợp pháp hay để cho chúng rơi vào tay các tác nhân không phải là người của chính quyền. Việc gia tăng phố biến vũ khí, bất kể là vũ khí quy ước hay vũ khí giết người hàng loạt, chỉ làm cho các tình trạng xung đột  gia tăng và gây ra các hậu quả hao hụt nhân lực và vật chất, gây thiệt hại cho sự phát triển  và tìm kiếm hoà bình lâu bền. Thât thế, việc không gia tăng phổ biến vũ khì, kiểm soát và giải trừ vũ khí làm nền tảng cho an ninh toàn cầu và phát triển có thể thực hiện được. Không có chúng việc thành toàn chương trình phát triển có thể thực hiện được cho năm 2030 sẽ gặp nguy hiểm trầm trọng.

Sau cùng ĐTGM Auza khẳng định rằng hai chuẩn mực của việc thực thi các thoả ước và hiệp định cấm gia tăng sản xuất và phổ biến các vũ khi giết người hàng loạt chỉ khích lệ việc không chú ý tới các thoả ước và hiệp dịnh ấy từ phía các người đau khổ hay bị kỳ thị. Sự kỳ thị giữa các nước có các vũ khí tàn phá hàng loạt và các nước không có các vũ khí ấy không thể là tình trạng thường hằng được. Nếu không thể nghĩ tới việc tưởng tượng ra một thế giới,  trong đó mọi người đểu có thể có các vũ khí giết người hàng loạt, thì cũng có lý khi tưởng tượng và hoạt động chung với nhau cho một thế giới, trong đó không ai có các vũ khí ấy. Vì vậy cộng đồng quốc tế cần phải đồng tâm nhất trí kêu gọi và hành động để loại trừ mọi vũ khí giết người hàng loạt. Mục đích này đòi hỏi sự cộng tác liên tục của mọi người, vì còn nhiều việc phải làm để đạt tới điều đó. Và mỗi bước tiến tới chỗ bài trừ các vũ khí giết người hàng loạt là một bước tiến khổng lồ cho việc thực hiện một thế giới tốt đẹp hơn (SD 24-8-2016)

Linh Tiến Khải

Đại Ayatollah Iran ca tụng các tuyên bố của ĐTC Phanxicô về Hồi giáo

Đại Ayatollah Iran ca tụng các tuyên bố của ĐTC Phanxicô về Hồi giáo

Naser Makarem Shirazi

QOM: Đại Yatollah Iran Naser Makarem Shirazi thành Qom đã ca ngợi các lời tuyên bố sáng suốt của ĐTC Phanxicô từ chối đồng hóa Hồi giáo với khủng bố.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho các nhà báo quốc tế trên chuyến bay từ Cracovia về Roma ngày 31 tháng 7 vừa qua ĐTC Phanxicô đã khẳng định với các nhà báo rằng không thể đồng hoá Hồi giáo với bạo lực khủng bố, mà chỉ có các nhóm nhỏ tín hữu hồi quá khích bạo lực thôi, cũng như có các nhóm tín hữu công giáo bạo lực. Không phải mọi tín hữu hồi đều bạo lực, cũng không phải mọi tín hữu công giáo đều bạo lực. Tôn giáo nào cũng có các nhóm nhỏ cuồng tín. Đại Yatollah viết trong thư gửi cho ĐTC: “Các lời nói khôn ngoan và các nhận xét có luận lý của ngài tách rời tôn giáo khỏi các hành động vô nhân và các tàn bạo do các giáo phái gian ác như lực lượng DAESH chủ mưu, thật đáng ca ngợi.”

Lá thư đã được dịch ra tiếng Anh và đăng trên trang Web chính thức của  Aytatollah Makarem Shirazi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng việc hàng lãnh đạo tôn giáo toàn thế giới đưa ra lập trường rõ ràng chống lại bạo lực và sự man rợ, nhất là khi các hành động man rợ này được thi hành nhân danh tôn giáo.

Ayatollah cũng cực lực lên án vụ sát hại cha Jacques Hamel ngày 26 tháng 7 vừa qua, khi cha đang cử hành thánh lễ trong nhà thờ giáo xứ Saint-Étienne-du- Rouvray. Vụ sát hại này cũng đã bị cộng đồng các nhà nghiên cứu Hồi và đại đa số tín hữu hồi lên án. Ayatollah khẳng định rằng các giáo phái như Daesh diễn tả cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của kỷ nguyên tân tiến, và chúng không thuộc Hồi giáo. Ông viết tiếp trong bức thư gửi ĐTC Phanxicô: “Như ngài đã khẳng định một cách rõ ràng, các hành động mọi rợ ấy không dính dáng gì tới các tôn giáo, và các trường học tư tưởng khác nhau chỉ là hoa trái của một diễn tả duy vật của vài cường lực thối nát không tìm gì khác ngoài các giầu sang bất hợp pháp lớn hơn. Tuy nhiên, rất may là ý thức của dư luận công cộng gia tăng đối với các nhóm quá khích và khủng bố này, và chúng ta hy vọng rằng các hành động này một ngày kia sẽ chấm dứt.”

Hôm Chúa Nhật vừa qua trong diễn văn đọc trên đài truyền hình quốc gia nhân ngày lễ cách mạng của Marốc vua Mohammed VI cũng đã mạnh mẽ lên án các nhóm khủng bố hồi này, và gọi họ là những cá nhân lầm lạc bị kết án xuống hoả ngục. Quốc vương kêu gọi các tín hữu Hồi giáo, Kitô giáo và Do thái giáo cùng nhau chống lại khuynh hướng cuồng tín và thù hận này trong mọi hình thái của nó (SD 23-8-2016)

Linh Tiến Khải

Hội nghị các HĐGM vùng Nam Phi châu về tệ nạn buôn người

Hội nghị các HĐGM vùng Nam Phi châu về tệ nạn buôn người

human-trafficking

Trong các ngày từ mùng 3 tới mùng 5 tháng 8 vừa qua các Giám Mục vùng Nam Phi châu gồm các nước Swaziland, Tanzania, Zambia, Zimbabwe và Mozambic đã nhóm đại hội tại Maputo thủ đô Mozambic, để thảo luận về tệ nạn buôn người trong vùng. Kết thúc hội nghị các Giám Mục đã đưa ra lời kêu gọi toàn xã hội hiệp lực để đánh bại tệ nạn này đang gây ra rất nhiều khổ đau cho các nạn nhân và đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình, không phải chỉ trong các nước vùng Nam Phi châu, mà trên toàn thế giới nữa, vì nạn buôn người hiện diện tại nhiều nơi dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong số các hình thức buôn người thông thường có tệ nạn buôn nhân công, buôn phụ nữ và trẻ em cho các mạng lưới mại dâm và kỹ nghệ tình dục,  buôn bán cơ phận người,  buôn người di cư tỵ nạn…

Hội nghị nói trên đã do Uỷ ban của HDGM Mozambic về di cư tỵ nạn, viết tắt là CEMIRDE và Mạng lưới Nam phi về việc buôn và lạm dụng trẻ vị thành niên, viết tắt là SANTAC, cũng như tổ chức công giáo Anh quốc phát triển hải ngoại viết tắt là CAFOD, cùng tổ chức và bảo trợ. Cùng tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan chính quyền, các tổ chức phi chính quyền và các tổ chức dân sự.

ĐC Francisco Chimoio, TGM Maputo kiêm chủ tịch HĐGM Mozambic, cho biết hội nghị là dịp thuận tiện để các tham dự viên trao đổi tư tưởng và kinh nghiệm giữa các nước trong vùng Nam Phi châu. Giáo Hội có nhiệm vụ phục vụ sự sống và bênh vực phẩm giá con người trong con người của Chúa Giêsu Kitô. ĐC Adriano Langa, chủ tịch Ủy ban đặc trách người di cư tỵ nạn của HĐGM Mozambic, nhấn mạnh việc mỗi nước và mỗi người phải góp phần mình cho cuộc chiến chung chống tệ nạn buôn người này, cũng như suy tư về các hình thức buôn người ngày nay đã trở thành một hiện tượng liên quốc. Mới đây Ủy ban này đã hướng dẫn một cuộc nghiên cứu hiện tượng buôn các cơ phận người, ăn cắp từ người di cư tỵ nạn trong vùng nam Mozambic. ĐC cho biết 16 năm nội chiến tại Mozambic đã khiến hàng trăm ngàn người phải bỏ nhà cửa ruộng vườn di cư tỵ nạn ra nước ngoài cũng như di chuyển bên trong nước. Họ trốn chạy chiến tranh tàn sát và tìm tới những nơi nào còn có an ninh.

** Ngoài việc trợ giúp vật chất và tinh thần cho các anh chị em này, cũng cần phải giúp họ tái định cư và hội nhập cuộc sống địa phương nữa. Nhưng chính hoàn cảnh di cư tỵ nạn khiến cho nhiều người trở thành nạn nhân của hiện tượng buôn ngưòi và buôn cơ phận người.

Kinh nghiệm từ nhiều nơi trên thế giới cho biết trong rất nhiều trường hợp họ bị các tổ chức buôn cơ phận người lừa đảo, chụp thuốc mê và bị đánh cắp cơ phận, thường là thận. Nhưng cũng có khi các tay buôn cơ phận người đánh cắp cả mắt và tim nữa, và trong trường hợp này thì nạn nhân bị giết. Chẳng hạn bên châu Mỹ La tinh các thừa sai đã tìm thầy nhiều trẻ em được nhận là con nuôi, nhưng bị bỏ rơi đâu đó trong vùng biên giới các nước, và khi xem xét người các em thì các vị thấy các vết mổ ở vùng thận. Các em đã bị các tay buôn cơ phận người giả vờ nhận nuôi trẻ em, rồi mang tới vùng biên giới mổ và đánh cắp một trái thận của các em.

Phát biểu trong hội nghị bà Claire Dixon, đại diện tổ chức Công Giáo Anh quốc  phát triển hải ngoại, khẳng định rẳng cần có sự cộng tác của các chính quyền và các tổ chức bên trong các quốc gia vùng Nam Phi châu mới có thể chống lại hiện tượng buôn người liên quốc này. Chúng tôi yểm trợ cuộc chiến chống lại tệ nạn này trên khắp thế giới, nhưng mỗi quốc gia liên hệ phải nỗ lực làm việc và huy động các lực lượng của mình để đương đầu với hiện tượng buôn người đang đạt các chiều kích báo động ngày càng gia tăng.

Trong thông cáo công bố sau khi kết thúc hội nghị, các Giám Mục toàn vùng Nam Phi châu khẳng định rằng Giáo Hội toàn vùng không chỉ lãnh trách nhiệm và dấn thân chống lại hiện tượng buôn người tồi bại đáng xấu hổ này, nhưng còn kêu gọị sự cộng tác của mọi lực lượng xã hội cùng góp sức trong cuộc chiến chung phục vụ sự sống và nhân phẩm.

** Đây là lần đầu tiên Liên HĐGM vùng Nam Phi châu tổ chức hội nghị để thảo luận sâu rộng trong ba ngày vể tệ nạn buôn người. Mọi người đã thảo luận tích cực và đã lắng nghe trao đổi các kinh nghiệm cũng như nhận diện các hình thức buôn người mới, tinh vi và đa diện của hiện tượng liên quốc này. ĐC Adriano Langa, chủ tịch Uỷ ban di cư tỵ nạn của HĐGM Mozambic, cho biết các tham dự viên đã rất hài lòng về kết qủa tích cực của các ngày họp.

Ông Lutero Simango, chính trị gia phát ngôn viên của Phong trào dân chủ Mozambic, là đảng phái chính trị lớn nhất Mozambic, cho biết hội nghị đã không chỉ phân tích hiện tượng buôn người trong toàn vùng Nam Phi châu, nhưng cũng đề ra một số biện pháp và kiểu giúp chống lại nó như thế nào.

Trong tình  hình nội chiến như hiện nay mà Giáo Hội Mozambic đứng ra tổ chức một hội nghị như thế quả là một nỗ lực rất to lớn.

Mozambic rộng hơn 801.000 cây số vuông, có hơn 25 triệu dân. Mozambic là cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha, và đã chỉ giành được độc lập hồi năm 1975. Những người đầu tiên sống trong vùng đất này là người San “Boscimani”. Trong các thế kỷ thứ I tới thứ IV họ bị các dân tộc gốc Bantu từ miền bắc tới lấn át. Sau đó người A rập thành lập nhiều vùng cai trị khác nhau dọc bờ biển và trên các đảo khiến cho đa số dân theo Hồi giáo. Vào cuối thế kỷ XV người Bồ Đào Nha tới Mozambic và xây cất nhiều nơi như trạm dừng chân và cung cấp thực phẩm cho các tầu thuyền thương mại của họ hướng tới vùng Đông Ấn Độ. Người Bồ Đào Nha giao việc điều hành cho các giới tư nhân thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Sau Đệ Nhị Thế Chiến trong thời giải thể chế độ thực dân có các nhóm chủ trương giành độc lập quy tụ lại với nhau thành Mặt trận giải phóng Mozambic viết tắt là FRELIMO và chiến đấu giành độc lập. Sau 10 năm chiến tranh du kích chống lại Bồ Đào Nha năm 1975 Mozambic giành được độc lập.

** Dưới sự lãnh đạo của tổng thống Samora Machel lãnh tụ FRELIMO, Mozambic liên miinh với Liên Xô và theo nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, dựa trên sự ủng hộ của các phong trào độc lập khác trong vùng như Đảng quốc đại Nam Phi. Nhưng đường lối chính trị này lôi kéo sự thù nghịch  của các nước khác như các chính quyền da trắng Nam Phi, Rhodesia và Hoa Kỳ. Các nước này đã tài trợ cho phong trào vũ trang chống cộng sản gọi tắt là RENAMO. Trong thập niên 1980 nội chiến bùng nổ khiến cho Mozambic bị kiệt quệ với các thiệt hại về nhân mạng và nền kinh tế rơi vào tình trạng xuống dốc thê thảm.

Năm 1990 qua trung gian của cộng đồng thánh Egidio hai phong trào FRELIMO và RENAMO đã ký thoả hiệp hoà bình và cho ra đời một bản Hiến pháp bảo đảm chế độ đa đảng. Trong các lần bầu cử sau đó đảng FRELIMO luôn luôn thắng cử. Sau thời chiến tranh lạnh Mozambic theo đường lối chính trị tự do, liên minh với Hoa Kỳ, Anh quốc và  Bồ Đào Nha. Năm 1995 Mozambic được làm thành viên của Khối Thịnh Vượng Chung của Anh. Trong cuộc bầu cử năm 1995 ông Joaquim Chissano đắc cử tổng thống. Năm 1996 Mozambic góp phần thành lập khối các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha. Sau khi tổng thống Chissano rút lui năm 2005, ông Armando Emilio Guebuza lên làm tổng thống và theo đuổi cùng đường lối chính trị của ông Chissano, công khai chống lại đường lối chính tri kỳ thị chủng tộc của tổng thống Mugabe bên Zimbabwe. Các người tỵ nạn da trắng trốn chạy Zimbabwe sang Mozambic được tiếp đón tử tế, có quốc tịch mới và được cấp đất đai trong vùng miền nam bỏ hoang. Với nhiều kinh nghiệm họ là lực lượng giúp vực nền kinh tế của Mozambic lên cao. Năm 2009 tổng thống Guebuza  tái đắc cử. Từ năm 2015 tân tổng thống là ông Filipe Nyusi thuộc đảng FRELIMO.

Cũng như nhiều nước Phi châu khác Mozambic bao gồm nhiều chủng tộc khác nhau. Nhóm da đen chiếm 99,5% tổng số dân gồm các chủng tộc: Shangaan, Chokwe. Manyika, Sena, Makua và nhiều nhóm khác. Đa số thuộc chủng tộc Bantu. Nhóm da trắng chiếm 0,2% đa số là người Bồ Đào Nha. Nhóm thứ ba gồm 0,2% người lai giống. Nhóm thứ tư gồm 0,1% người gốc Ấn độ.

** Trên bình diện tôn giáo 50% tổng số dân theo các tôn giáo cổ truyền phi châu; 30% là tín hữu Kitô, và 20% là tín hữu Hồi.

Ngôn ngữ chính thức là tiếng Bồ Đào Nha đưọc 40% tổng số dân sử dụng. Nhưng dân chúng cũng nói nhiều thổ ngữ, tất cả thuộc nhóm Bantu, trong đó có các thứ tiếng: Tsonga, Chope, Bitonga, XiSena, XiShona, Ndaho, CiNyungwe, EChuwabo, EMacua, EKoti, ELomwe, CiNyanja, CiYao. XiMaconde và KiMwani. Cộng đoàn Á châu thì nói tiếng Urdu và Gujarati.

Như quý vị thính giả đã biết, sau các vụ phản đối kết qủa cuộc bầu cử hồi năm 2014, Mozambic lại rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu rộng, khiến cho quân đội chính quyền đụng độ với các lực lượng của đảng RENAMO. Chiến tranh khiến cho hàng ngàn người Mozambic chạy sang Malawi lánh nạn. Nhưng nhờ cộng đồng thánh Egidio đứng ra làm trung gian hoà giải, tình hình lắng dịu qua việc thành lập một Uỷ ban hỗn hợp gồm 12 đại diện của tổng thống và 12 đại diện của đảng RENAMO.

Lực lượng RENAMO yêu cầu được cai trị trong các tình họ được dân chúng ủng hộ. Lời yêu cầu này cần thiết cho việc canh cải quyền bính địa phương và tản quyền từ trung ương. Qua trung gian của cộng đồng thánh Egidio đã có một Tiểu ban được thành lập cho mục đích này, nhằm tạo ra bầu khí tin tưởng cần thiết cho việc đạt hoà bình. Hiện nay các thành viên của cộng đồng thánh Egidio hiện diện trong mọi thành phố bên Mozambic và sát cánh với Giáo Hội địa phương trong việc giải hoà và thăng tiến đất nước.

Linh Tiến Khải

Giáo Hội Zambia mừng 125 năm lãnh nhận hạt giống Tin Mừng

Giáo Hội Zambia mừng 125 năm lãnh nhận hạt giống Tin Mừng

Kasama Archbishop

Ngày mùng 6 tháng 8 vừa qua lễ Chúa Hiển Dung, HĐGM Zambia đã phát động năm kỷ niệm 125 năm hạt giống Tin Mừng được gieo vãi vào lòng đất này. Năm kỷ niệm có đề tài là “125 năm  tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Vào tháng 8 năm 1891 các thừa sai đầu tiên đã đến truyền giáo tại Mambwe-Mwela thuộc quận Senga Hill Senga trong tổng giáo phận Kasama ngày nay. Đó đã là cứ điểm truyền giáo đầu tiên của các Cha dòng Trắng, nơi có mộ của Cha Acilles Oost người Hòa Lan, là một trong 3 linh mục dòng Trắng đã đến truyền đạo tại đây. Năm kỷ niệm sẽ kết thúc ngày 15 tháng  7 năm 2017 tại thủ đô Lusaka.

Giảng trong thánh lễ khai mạc năm kỷ niệm, ĐC Ignatius Chama, TGM Kasama, đã nêu bật các thách đố khó khăn, mà các thừa sai đã phải đương đầu khi đặt chân tới đây. ĐC nói: “Các vị tìm thấy một dân tộc âu lo sợ hãi vị bị các bộ lạc khác bắt cóc bán làm nô lệ, bao gồm cả người Swahili và người Bemba. Các vị đã tìm thấy một dân tộc có các con trai con gái bị bắt làm nô lệ, và chỉ còn lại người già và trẻ em. Các vị đã tìm thấy những người bị lên án là phù thuỷ và là nạn nhân của các lễ nghi sát tế người. Các vị đã tìm thấy các trẻ em không có trường để đi học, người bệnh không có nhà thương để săn sóc, các tình trạng người ta gả bán con gái làm vợ các người đa thê, cả khi tuổi còn bé, và các vị cũng đã chứng kiến các vụ tranh cãi giữa các bộ tộc đến độ giết hại nhau. Tuy đứng trưóc các tình trạng tiêu cực ấy nhưng các thừa sai đã không nản lòng đầu hàng. Trái lại, các vị đã hăng say rao giảng  Tin Mừng yêu thương hy vọng cho dân chúng địa phương, và giúp họ có cuộc  sống liêm chính và an hoà. Các thừa sai đã đem tin vui của sự biến hình tới cho dân chúng để họ có thể nhìn vào Thiên Chúa là Cha, Đấng nói với họ: “con là con yêu dấu của Cha, hãy bước vào cuộc sống hạnh phúc đã được chuẩn bị cho con”.

Tuy nhiên, ĐC Chama cũng ghi nhận rằng xã hội Zambia ngày nay cũng có cùng các vấn đề, mà các thừa sai đã gặp phải cách đây 125 năm. Các vết thương xã hội này vẫn còn chảy máu. Thật vậy, ĐC nói: đa số các bộ lạc của chúng ta vẫn còn có thói tục gả bán con gái trong tuổi vị thành niên. Đối với vài bộ lạc nó vẫn được coi như là phần quan trọng của nền văn hóa và phong tục tập quán quốc gia. Chúng ta vẫn còn có nạn nô lệ của tục đa thê, các tố cáo phù thuỷ và săn bắt các phù thuỷ, mà rất tiếc trong vài trường hợp nó dẫn tới việc sát hại những người vô tội. Trong xã hội Zambia ngày nay chúng ta vẫn còn có các trẻ em không được cắp sách tời trưòng, vì thiếu các trường học, hay có các trường học nhưng ở quá xa, và vì không có các cơ sở hạ tầng. Trong xã hội Zambia ngày nay phụ nữ và thiếu nữ vẫn bị bán cho mạng lưới mại dâm.

** Nhân danh HĐGM Zambia ĐTGM chủ tịch George Mpundu, ĐC Clement Mulenga, GM Kabwe, báo cho mọi người biết ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, sẽ viếng thăm Zambia trong các ngày từ mùng 7 tới mùng 10 tháng 11 năm nay, để tỏ tình liên đới và cùng mừng 125 truyền giáo với Giáo Hội Zambia. ĐHY sẽ tham dự Diễn đàn công giáo quốc gia và chủ sự thánh lễ tại nhà thờ chính toà Chúa Giêsu Hài Đồng trong thủ đô Lusaka.

Cùng đồng tế thánh lễ khai mạc Năm kỷ niệm có ĐC  Justin Mulenga, GM Mpika, và ĐC Patrick Chíanga, GM Mansa. Hiện diện trong thánh lễ cũng đã có tổng thống Zambia ông Edgar Lungu.

Zambia rộng hơn 752.000 cây số vuông có hơn 13 triệu dân, trong đó có 75,3% theo Tin Lành, 20,2% theo Công Giáo, 2,5% theo đạo thờ vật linh, 1,8% không theo tôn giáo nào và 0,5% theo Hồi giáo. Tín hữu tin lành theo nhiều hệ phái khác nhau gồm Anh giáo, Pentecotist, Giáo Hội tông truyền mới, Luther, Chứng nhân Giêhôva, Giáo Hội Adventist ngày thứ bẩy, Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô của các thánh ngày cuối cùng vv… Giáo Hội Công giáo phát triển tại mạn Tây Zambia, trong khi Anh giáo phát triển ở miền Nam. Sau khi tông thống Frederic Chiluba là tín hữu Pentecotist trở thành tổng thống năm 1991 Giáo Hội Pentecotist lan nhanh trong nước. Ngoài ra cũng có các tin hữu Bahai, và Do thái theo hệ phái Ashkenazi.

Trên bình diện chủng tộc Zambia có tới 73 sắc dân, đa số nói tiếng Bantu. 90% trên hơn 13 triệu dân thuộc 9 nhóm chủng tộc: Nyanja-Chewa, Bemba, Tonga, Tumkuba, Lunda, Luvale, Kaonde, Nkoya và Lozi. Mỗi chủng tộc sống trong một vùng đất riêng biệt. Cũng có nhiều nhóm nhỏ khác không được biết tới nhiều. Tuy nhiên, tại Lusaka và Copperbelt người ta có thể tìm thấy đủ mọi sắc dân. Người ngoại quốc đa số gốc Anh và Nam Phi sống trong thủ đô Lusaka và thành phố Copperbelt ở mạn bắc Zambia. Họ là công nhân các quặng mỏ, hay làm việc trong lãnh vực tài chánh hay các sinh hoạt liên hệ hoặc về hưu. Zambia cũng có vài cộng đoàn người Á châu bao gồm 13.000 người Ấn Độ và 80.000 người Tầu. Trong các năm sau này đã có một số các chủ nông trại người da trắng bỏ Zambia vì họ bị chính quyền truất hữu đất đai tài sản. Các tình hình chính trị bất ổn cũng khiến cho gần 90.000 người tỵ nạn, đa số đên từ Cộng hoà dân chủ Congo, Angola, Zimbabwe và Rwanda, Cũng có một số gốc   Zambia chạy trốn Nam Phi vì lý do kỳ thị.

Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Zambia đuợc dùng trong lãnh vực hành chánh thương mại, truyền thông và giáo dục. Tuy nhiên, dân chúng cũng nói các thứ thổ ngữ như: Bemba 33,5%, Nyanja 14,8%, Tonga 11,4% Lozi 5,5%, Chewa 4,5% và 30,3% tổng số dân nói các thứ tiếng khác.

** Trên bình diện lịch sử cho tới cách đây 2.000 năm Zambia là vùng có dân Khoisan chuyên sống về săn bắn và hái trái. Khi làn sóng di cư của các nhóm dân khác có kỹ thuật  tân tiến hơn tuốn đến, người Khoisan bỏ đi nơi khác. Số còn lại trộn lẫn với các sắc dân di cư. Các làn sóng di cư quan trọng nhất là của người Bantu bắt đầu từ thế kỷ XII. Tiếp theo đó tiếng Bantu thắng thế trong vùng. Trong số các nhóm Bantu những người đầu tiên tới Zambia là nhóm Tonga hay Batonga từ mạn đông Phi châu và Nkoya có lẽ thuộc các vương quốc Luba-Lunda đến từ mạn bắc. Các nhóm di cư trong hai thế kỷ XVIII-XIX cũng có nguồn gốc Luba và Lunda đến từ Congo và Angola. Ở miền nam trong thế kỷ XIX có người Ngoni.

Các nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha đã là những người đầu tiên đặt chân lên đất Zambia, nhưng không biến nó thành thuộc địa. Chỉ vào hậu bán thế kỷ XIX người Anh từ miền nam mới tới Zambia, nhưng không nhiều. Đa số họ là các nhà thám hiểm, các thừa sai và thương gia. Năm 1855 vị thừa sai thám hiểm David Livingstone là người đầu tiên viếng thăm thác Zambesi, mà ông gọi là thác Victoria. Để vinh danh ông thành phố Maramba được gọi  là Livingstone-Maramba. Năm 1888 thương gia gia người Anh Cecil Rhodes tìm cách mở rộng tầm hoạt động từ Nam Phi đã được phép của một tộc trưởng Lozi cho khai thác các quặng mỏ vùng tây Zambia, sau này gọi là Rhodesia Tây Bắc. Người Ngoni sống trong vùng dông Zambia từ chối không thoả hiệp với ông Rhodes, nên bị ông dùng quân đội đánh bại và kiểm soát vùng này, sau đó gọi là Rhodesia Đông Bắc. Năm 1911 cả hai vùng được hiệp nhất thành Rhodesia miền Bắc, Năm 1923 công ty của ông Rhodes nhượng quyền kiểm soát vùng này cho chính quyền Anh quốc, và năm sau nó trở thành vùng bảo hộ của Anh. Sau đó  Rhodesia miền Nam cũng được nhượng cho chính quyền Anh. Năm 1953 hai vùng được hiệp nhất với Nyassaland, ngày nay là Malawi, làm thành Liên bang Rhodesia và Nyassaland, mặc dù có sự chống đối của dân chúng địa phương. Các năm đầu thập niên 1960 người dân đã tổ chức các cuộc biểu tình và thành lập các đảng phái chính trị tranh đấu chống lại liên hiệp, với hai nhân vật nổi tiếng là ông Harry Mwaanga Nkumbula thuộc đảng Quốc đại, và ông Kenneth Maunda thuộc đảng Độc lập hiệp nhất quốc gia.

Trong các cuộc bỏ phiếu năm 1962 hai đảng liên minh thắng cử và quyết định giải tán Liêng bang. Năm 1964 Bắc Rhodesia độc lập và trở thành Cộng hoà Zambia. Ông Kaunda trở thành tổng thống dầu tiên của Zambia và đảng Độc lập hiệp nhất quốc gia trở thành đảng duy nhất. Chính quyền của tổng thống Kaunda khước từ chính sách kỳ thị chủng tộc, khuyến khích mọi thành phần xã hội chung xây đất nước. Nhưng chính quyền phải đương đầu với tình trạng kinh tế và chính trị khó khăn vì dân chúng không có học và thiếu các chuyên viên điều hành các cấp, nhất là trong kỹ nghệ khai thác quặng mỏ.

** Trên bình điện đối ngoại lập trường không kỳ thị chủng tộc khiến cho Zambia găp khó khăn với các nước láng giềng theo chế độ kỳ thị như Nam Rhodesia, nay là Zimbabwe, và Tây Nam Phi  nay là Namibia, do chính quyền da trắng Nam Phi cai trị. Zambia cũng từ chối ủng hộ các đảng phái da đen quá khích, và khích lệ các đảng phái ôn hoà hay bài Liên Xô. Chính các lập trường này khiến cho Zambia găp khó khăn trong tương quan thương mại với các nước khác. Vào cuối thập niên 1960 các nước Mozambic, Angola và Zimbabwe được độc lập, nhưng lại rơi vào các cuộc nội chiến, khiến cho làn sóng người tỵ nạn tràn vào Zambia. Ngoài ra, quân đội Nam Phi liên tục tấn công các phiến quân Đảng quốc đại lẩn trốn trong vùng giáp giới với Zambia. Trong khi đó giá thị trường quốc tế của đồng, là quặng mỏ chính của Zambia, lại xuống thấp khiến cho Zambia ngày càng nợ nhiều hơn.

Vào đầu thập niên 1990 chính quyền độc đảng của ông Kaunda bị khủng hoảng và ông bị truất phế. Ông Frederick Chiluba sáng lập Phong trào đa đảng và dân chủ lên nắm quyền và thẳng tay đàn áp các thành viên của chính quyền trước khiến cho ông Kaunda phải sống lưu vong bên Malawi. Luật mới cũng cấm những ai không phải là người gốc Zambia được ứng cử. Chính ông Chiluba cũng sẽ là nạn nhân của luật mình đưa ra vì ông là người gốc Zair. Chính quyền của ông Chiluba vững vàng, nhưng rất gian tham thối nát. Năm 2001 ông phải nhường chức cho ông Levy Mwanawasa. Tân tổng thống phát động chiến dịch bài tham nhũng chưa từng thấy tại Zambia. Nguyên tổng thống Chiluba cũng bị mắc vào nhiều vụ hối lộ tai tiếng và bị xử án. Vài người trong gia đình, kể cả bà vợ hai của ông, đã bị bắt vì tội gian tham hối lộ. Năm 2008 tổng thống Mwanawasa qua đời vì sức khoẻ yếu kém. Nhưng trưóc đó ông dã chuẩn bị cho phó tổng thống Rupiah Banda lên thay. Trong cuộc bầu cử năm 2011 ông Michael Sata thuộc mặt trận ái quốc thắng cử.

Trước các tình hình chìm nổi đó của quốc gia Giáo Hội Zambia đã tận lực góp phần mình vào việc xây dựng đất nước, nhất là trong các lãnh vực giáo dục, y tế và bác ái xã hội.

Linh Tiến Khải

ĐTC gửi sứ điệp chào thám các tham dự viên Công nghị Methodist và Valdese

ĐTC gửi sứ điệp chào thám các tham dự viên Công nghị Methodist và Valdese

ĐTC thăm bệnh nhân

VATICAN: ĐTC Phanxicô cầu mong các khác biệt giữa các tín hữu công giáo và các tín hữu tin lành Methodist và Valdese không cản ngăn tìm ra các hình thức cộng tác trong lãnh vực loan báo Tin Mừng và phục vụ người nghèo, người bệnh, các người di cư và bảo vệ môi sinh.

ĐTC đã bầy tỏ như trên trong sứ điệp gửi các tham dự viên Công nghị tin Lành Methodist và Valdese tại Torre Pellice trong các ngày từ 21 tới 26 tháng 8 này. Trong sứ điệp, do ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh ký, ĐTC bảo đảm sự gần gũi tinh thần và lới cầu nguyện của ngài cho các tham dự viên. Ngài cầu xin Chúa ban ơn cùng nhau bước tới sự hiệp nhất tràn đầy với con tim chân thành để làm chứng tá cho Chúa Kitô một cách hữu hiệu trước gia đình nhân loại, bằng cách gặp gỡ con người ngày nay và thông truyền cho họ cốt lõi của Tin Mừng. Với các lời cầu chúc trên ĐTC khẩn nài Chúa Thánh Thần trợ giúp các kitô hữu sống sự hiệp thông đi trước mọi đối chọi và được sự thương xót và hoà bình của Chúa Kitô.

Hồi tháng 3 năm nay lần đầu tiên trong lịch sử một phái đoàn chính thức của các Giáo Hội tin lành Methodist và Valdese đã được ĐTC tiếp kiến tại Vaticăng. Năm trước đó ngày 22 tháng 6 2015 ĐTC Phanxicô đã viếng thăm nhà thờ Tin Lành Valdese tại Torino. Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng viếng thăm một nhà thờ tin lành Valdese.

** Tham dự Công nghị có 180 đại diện của hai Giáo Hội tin lành Methodist và Valdese gồm các mục sư và giáo dân. Trong số các tham dự viên có mục sư Benjamin Boni, thủ lãnh Giáo Hội tin lành Methodist Cote d’ Ivoire, mục sư Laurent Schlumberger thủ lãnh Giáo Hội tin lành thống nhất Pháp, mục sư Manfred Rekowski, thủ lãnh Giáo Hôi tin lành vùng Renania bên Đức, bà Carola Tron, đại diện các Giáo Hội Valdese Rio de la Plata Uruguay và Argentina. Đại diện HĐGM Italia có ĐC Ambrogio Spreafico, chủ tịch Ủy ban đối thoại đại kết, và Linh Mục Cristiano Bettega giám đốc văn phòng đối thoại đại kết toàn quốc Italia.  Thông cáo của ban tổ chức cho biết Công nghị đã khai mạc với một cuộc rước và buổi cử hành phụng vụ long trọng giữa tiếng chuông đổ dồn của nhà thờ Valdese tại Torino.

Trong các ngày họp Công nghị các tham dự viên sẽ thảo luận ba đề tài chính là: các làn sóng di cư tỵ nạn, kỷ niệm 500 cải cách và con đường đại kết. Đặc biệt sẽ có một cuộc hội thảo bàn tròn về vấn đề các hành làng nhân đạo do Liên hiệp các Giáo Hội tin lành và Cộng đồng thánh Egidio điều hành (SD 22-8-2016)

Linh Tiến Khải

Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 21 Thường Niên

Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 21 Thường Niên

ĐTC  Francis Vẩy tay chào những phái đoàn hành hương trong ngày 21 tháng 8- 2016

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 21.08, với các tín hữu và du khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Đức Giêsu chính là cánh cửa. Cánh cửa ấy tuy hẹp nhưng luôn rộng mở cho tất cả mọi người. Cửa hẹp giúp chúng ta loại bỏ những kiêu căng và tội lội. Cửa rộng mở để Thiên Chúa chào đón chúng ta vào một cuộc sống hạnh phúc viễn mãn trên nước trời.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

“Bài đọc Tin Mừng ngày hôm nay thôi thúc chúng ta suy tư về chủ đề ơn cứu độ. Thánh sử Luca thuật lại rằng Đức Giêsu đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem và trên con đường ấy có nhiều người tiến lại gần Ngài và hỏi rằng: ‘Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?’ (Lc 12,23). Đức Giêsu không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của người ấy mà hướng sang một mức độ khác, với một thứ ngôn ngữ mang tính mời gọi nhiều hơn là tranh cãi. Và có lẽ ngay cả các môn đệ lúc ban đầu cũng không hiểu điều Đức Giêsu nói: ‘Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.’ (c.24). Với hình ảnh cánh cửa, Đức Giêsu mong muốn những người đang nghe Ngài giảng dạy hiểu rằng đừng có bận tâm về số lượng – bao nhiêu người sẽ được cứu – điều ấy không quan trọng. Nhưng điều quan trọng là người ta nhận biết đâu mới là con đường dẫn đến ơn cứu độ.

Con đường dẫn đến ơn cứu độ mời gọi người ta bước qua cánh cửa. Nhưng cánh cửa đó ở đâu? Và ai là cửa? Đức Giêsu chính là cánh cửa. Chính Ngài đã nói như thế trong Tin Mừng theo Thánh Gioan: ‘Tôi là cửa.’ (Ga 10, 9). Đức Giêsu dẫn chúng ta vào sự thông hiệp với Chúa Cha. Chính nơi ấy chúng ta tìm thấy tình yêu, sự thấu hiểu và sự bảo vệ chở che. Nhưng người ta có thể đặt vấn đề: Tại sao cửa lại hẹp? Tại sao Đức Giêsu lại nói cửa hẹp? Cửa hẹp không phải vì cửa ấy nặng nề, khó khăn mà vì Thiên Chúa mời chúng ta thu hẹp và loại bỏ sự kiêu hãnh của chúng ta cũng như nỗi sợ hãi nhát đảm của chúng ta; để từ đó chúng ta mở lòng ra với một con tim khiêm nhường và tín thác vào Thiên Chúa; để từ đó chúng ta nhận biết mình là tội nhân, cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Như vậy, cửa hẹp chính là để chúng ta thu hẹp và loại bỏ lại tính kiêu căng, ngạo mạn của mình. Sự kiêu căng khiến chúng ta nghĩ mình to lớn, quan trọng không cần đến Thiên Chúa. Cánh cửa xót thương của Thiên Chúa thì hẹp nhưng luôn rộng mở cho hết mọi người! Thiên Chúa không phân biệt hay ưu tiên ai nhưng chào đón tất cả. Một cánh cửa hẹp giúp loại bỏ sự kiêu căng và nỗi sợ hãi của chúng ta; một cánh cửa rộng mở để Thiên Chúa chào đón tất cả mọi người không phân biệt một ai. Ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là một dòng chảy lòng thường xót chứa chan bất tận. Dòng chảy ấy phá tan mọi ngăn cách và mở ra những viễn tượng ngỡ ngàng sung sướng của ánh sáng và bình an. Anh chị em đừng quên điều này: Cửa hẹp nhưng luôn luôn rộng mở.

Hôm nay, một lần nữa, Đức Giêsu trao cho chúng ta một lời mời gọi khẩn thiết là hãy tiến đến với Ngài, hãy bước qua cửa của sự sống tròn đầy, của sự hòa giải và hạnh phúc chứa chan. Cho dù chúng ta đã trót phạm bất kỳ tội lỗi nào đi nữa, Thiên Chúa vẫn đợi chờ mỗi người chúng ta, để ôm chầm lấy chúng ta và để ban cho chúng ta ơn tha thứ. Chỉ Thiên Chúa mới có thể biến đổi tâm hồn chúng ta. Chỉ Thiên Chúa mới có thể mang lại ý nghĩa tròn đầy cho sự hiện hữu của chúng ta, trao cho chúng ta niềm vui đích thực. Bước vào cánh cửa Giêsu, cánh cửa của đức tin và của Tin Mừng, chúng ta có thể thoát khỏi những thái độ hay cung cách hành xử mang tính thế gian, thoát khỏi những thói quen xấu, thoát khỏi chủ nghĩa cá nhân và sự đóng kín cô lập. Cuộc sống của chúng ta sẽ được chiếu soi bởi ánh sáng của Chúa Thánh Linh. Đó là thứ ánh sáng chẳng hề tắt bao giờ.

Tôi muốn đề nghị với anh chị em một điều. Giờ đây, trong thinh lặng, chúng ta hãy nghĩ đến những gì bên trong con người chúng ta, đang ngăn cản chúng ta bước qua cửa. Phải chăng đó là sự kiêu căng, ngạo mạn hay tính hư danh, xem mình là quan trọng, hay là tội lỗi mà chúng ta đã phạm? Tiếp đến, chúng ta hãy nghĩ đến một cánh cửa khác, một cánh cửa luôn rộng mở của lòng thương xót Chúa. Nơi cánh cửa ấy, Thiên Chúa đang đợi chờ chúng ta và sẵn sàng trao ban cho ta ơn tha thứ của Người.

Thiên Chúa ban rất nhiều cơ hội để chúng ta được cứu chuộc và để cho chúng ta bước vào cánh cửa của sự cứu rỗi. Cánh cửa này là cơ hội mà chúng ta không được bỏ lỡ. Chúng ta phải nắm lấy những cơ hội ấy để được cứu độ, vì sẽ đến một lúc nào đó ‘chủ nhà đứng dậy và khóa cửa lại’ (c.25). Nhưng Thiên Chúa là Đấng tốt lành và hằng yêu thương chúng ta thì tại sao Ngài đóng cửa lại? Đó là vì cuộc đời chúng ta không phải là một trò chơi video có thể tua đi tua lại hay là một câu chuyện không có hồi kết. Nhưng cuộc đời chúng ta hết sức nghiêm túc và có một đích điểm quan trọng phải đạt tới. Đó là ơn cứu độ đời đời.

Hướng về Mẹ Maria, Cánh Cửa Thiên Quốc, chúng ta hãy nài xin Mẹ giúp chúng ta biết nắm bắt những cơ hội mà Thiên Chúa đã trao ban để chúng ta bước qua cánh cửa của đức tin mà tiến vào một con đường rộng rãi thênh thang. Đó là con đường của ơn cứu rỗi, đón nhận tất cả những ai đã để mình được chìm đắm trong tình yêu mến. Tình yêu có sức cứu vớt. Tình yêu trên mặt đất này là nguồn mạch phúc lành cho tất cả những ai hiền lành, kiên nhẫn và tìm kiếm công lý. Họ biết quên mình đi, sẵn sàng hiến thân cho người khác, đặc biệt là cho những ai yếu đau, nhỏ bé nhất.”

Chào mừng và mời gọi

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói: ‘Tôi hết sức đau buồn về cuộc tấn công đẫm máu ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày hôm qua. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hết thảy các nạn nhân, cho những người đã qua đời cũng như những người bị thương tích. Chúng ta nguyện xin ơn sủng của sự bình an đến với tất cả mọi người.

Tôi cũng gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác. Cách đặc biệt, tôi gởi lời chào đến các tân chủng sinh của Học viện Giáo hoàng ở Bắc Mỹ."

Đức Thánh Cha cũng chào mừng các nhóm, các tổ chức, các đoàn thể đang tề tựu nơi đây trong buổi đọc Kinh Truyền Tin này.

Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc tất cả mọi người ngày Chúa Nhật tốt lành và ngài cũng không quên xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Vũ Đức Anh Phương SJ

 

Rước kiệu Đức Mẹ kỷ niệm 235 năm thành lập thành phố Los Angeles

Rước kiệu Đức Mẹ kỷ niệm 235 năm thành lập thành phố Los Angeles

Bishop Robert Barron LA

Los Angeles, California – Một cuộc rước kiệu Đức Mẹ và Thánh lễ tận hiến sẽ được cử hành vào gần cuối tháng này, nhân kỷ niệm 235 năm thành lập thành phố Los Angeles, thành phố được đặt theo tên Đức Maria, Nữ vương các Thiên thần.

Các hoạt động lễ hội vào ngày 27/8 do quỹ Nữ vương các Thiên thần, một nhóm phi lợi nhuận hoạt động phát triển lòng sùng kính Đức Bà các Thiên Thần – Quan thầy và Bảo trợ của Los Angeles, tổ chức, sẽ được mở rộng cho công chúng. Thánh lễ kính Đức Mẹ được cử hành lúc 3 giờ chiều tại Nhà thờ Chánh tòa Nữ vương các Thiên thần. Vào lúc 4.15 sẽ có cuộc rước kiệu trọng thể đến nhà thờ Đức Mẹ Nữ vương các Thiên thần “La Placita” ở đường Olvera và được kết thúc với phép lành lúc 5.15 chiều.

Đức Cha Robert Barron, Giám mục phụ tá phụ trách mục vụ vùng Barbara, sẽ hướng dẫn cuộc rước kiệu trọng thể hàng năm lần thứ 6 và ngài cũng cử hành Thánh lễ. Đức cha nói: “Thật là vinh dự khi có thể tham dự vào dịp cử hành lịch sử của thành phố Los Angeles và gia tài Công giáo vẫn quan trọng đối với chúng ta ngày nay như đối với cha ông chúng ta trước đây. Đây là một thành phố lớn và thật thích hợp khi bất cứ kỷ niệm nào của thành phố đều lưu ý đến đóng góp quan trọng của những người Công giáo này, trong nhiều cách thế khác nhau đã làm cho Los Angeles như ngày hôm nay”. Đức cha nói tiếp: “Tôi rất mong đợi cùng tham gia với  các tín hữu, những người đến đây để chiếu một ánh sáng trên những dây liên kết giữa thành phố họ yêu quý và lòng ước ao phục vụ Thiên Chúa của họ”.

Dự kiến dịp kỷ niệm này cũng có sự tham dự của các thành viên Hội hiệp sĩ Columbus, Hội hiệp sĩ Thánh Phêrô Claver, Hội Hiệp sĩ Malta, Hội Thánh Ladarô, Hội thánh Gregorio, cùng với các giáo dân và tu sĩ của tổng Giáo phận. (CNA 18/8/2016)

BL