Vị Linh mục cuối cùng, tù nhân của trại tập trung Dachau, đã qua đời

Vị Linh mục cuối cùng, tù nhân của trại tập trung Dachau, đã qua đời

Trại tập trung

Bonn, Đức quốc – Cha Hermann Scheipers, Linh mục cuối cùng trong số các Linh mục tù nhân còn sống sót của Đức quốc xã tại trại tập trung Dachau đã qua đời hôm ngày 2/6 tại Ochtrup, Đức quốc, hưởng thọ 102 tuổi.

Cha Scheipers cảm thông với các người Balan bị cưỡng bức lao động; cha dâng Thánh lễ và giải tội cho họ trước khi bị bắt giam. Việc làm của cha bị Đức quốc xã xem là gây rối loạn giữa dân chúng. Cha bị chính quyền Đức bắt vào tháng 10 năm 1940 và 5 tháng sau bị đưa đến Dachau gần Munich. Trong trại này cũng có nhiều Linh mục bị giam giữ.

Khi cha bị đưa đến trại, viên giám đốc đã chào đón cha bằng câu nói: Ông không có sự kính trọng, không có sự giúp đỡ, và không có quyền. Ở đây, hoặc là ông làm việc  hoặc là chết”. Điều này thấy rõ qua hàng chữ lớn trên cổng sắt ở lối vào: “Lao động giải phóng”. Như các Linh mục khác, cha cũng làm nô lệ như các công nhân chỉ được ăn nước súp. Những người làm việc không nhanh thì bị đánh đòn, bị treo lên hay dìm trong nước đá, và nhiều người đã chết.

Cha Scheipers đã nói: điều duy nhất người ta có thể làm là trốn thoát hay cầu nguyện. Cha không bị đưa đến phòng ngạt khí vì người chi em song sinh với cha cảnh báo chính quyền Berlin là nếu cha chết thì những người Công giáo ở Ochtrup sẽ nổi dậy.

Sau khi chiến tranh kết thúc, cha trở về phục vụ trong Giáo phận Dresden-Meissen và một lần nữa phải chống lại một chế độ hà khắc của các nhà cầm quyền cộng sản ở Đông Đức. (CNS 15/6/2016)

Hồng Thủy Op

 

Chúa Giêsu đi qua đâu ở đó luôn luôn có sự giải thoát

Chúa Giêsu đi qua đâu ở đó luôn luôn có sự giải thoát

Phái đoàn Việt Nam tại Quận Cam California tham dự buổi tiếp kiến chúng của ĐTC Phanxicô sáng thứ tư 15-6-2016

Khi cho người mù thành Giêricô được sáng mắt Chúa, Giêsu cũng khiến cho dân chúng trông thấy. Cùng ánh sáng đó soi chiếu cho tất cả mọi người, và làm cho họ cùng chung lời chúc tụng. Như thế, Chúa Giêsu đổ lòng thương xót của Ngài xuống trên tất cả những người gặp gỡ Ngài: Ngài kêu mời họ, tụ tập họ, chữa lành họ và soi sáng cho họ, bằng cách tạo dựng một dân tộc mới cử hành các việc diệu kỳ của tình yêu thương xót của Ngài.

 ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 60.000 tín hữu và du khách hành huơng năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua.

Trong số hằng trăm đoàn hành hương cũng có 4 đoàn hành hương gồm các tín hữu Việt Nam: 3 đoàn đến từ Hoa Kỳ và một đoàn từ Đức.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa phép lạ Chúa Giêsu cho người mù thành Giêricô ăn mày bên vệ đường được sáng mắt (Lc 18,35-43). Ngài nói: Hôm nay chúng ta muốn lãnh nhận ý nghĩa của dấu chỉ này, bởi vì nó cũng trực tiếp đụng chạm tới chúng ta. Thánh sử Luca nói rằng người mù ấy ngồi bên vệ đường ăn xin (c. 35). Vào thời bấy giờ – nhưng cho tới các thời gian gần đây cũng thế – họ chỉ có thể sống nhờ của bố thí. ĐTC nói:

Gương mặt của người mù này đại diện cho biết bao nhiêu người , kể cả ngày nay nữa, bị sống bên lề vì một thiệt thòi thể lý hay thuộc loại khác. Họ bị tách rời khỏi đám đông, họ ngồi đó, trong khi người ta qua lại bận bịu công chuyện, trong tư tưởng và biết bao nhiêu chuyện. Đó là con đường có thể trở thành nơi gặp gỡ, nhưng đối với anh ta thì nó là con đường của sự cô đơn. Biết bao người đi qua… Nhưng anh ta cô đơn.

Thật là buồn hình ảnh của một ngưòi bị bạt bỏ ngoài lề, nhất là trong bối cảnh của thành phổ Giêricô, là ốc đảo phì nhiêu phong phú trong sa mạc. Chúng ta biết rằng chính tại Giêricô  dân Israel đã tới sau cuộc xuất hành dài từ Ai Cập: thành phố đó trở thành  cửa ngõ dẫn vào đất hứa. Chúng ta nhớ tới các lời ông Môshê nói trong dịp ấy. Ông nói: “Nếu giữa anh (em), trong một thành nào của anh (em), trên đất mà Giavê, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em), có một người anh em nghèo, thì anh (em) đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng. Vì trong đất của anh (em) sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh (em): hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh (em), trong miền đất của anh (em).” (Đnl 15,7.11).

Thật là trái nghịch giữa lời nhắn nhủ trên đây của Lề Luật Chúa và tình trạng được kể trong Tin Mừng: trong khi người mù kêu van Chúa Giêsu – anh ta đã có giọng tốt phải không ? – trong khi anh lớn tiếng khẩn nài Chúa Giêsu, thì dân chúng lại la mắng cho anh ta im đi, làm như thể anh ta không có quyền nói. Họ không cảm thương anh ta, trái lại còn cảm thấy khó chịu vì tiếng kêu của anh. Biết bao nhiêu lần khi  trông thấy biết bao người trên đường – những người túng thiếu, đau yếu, không có gì ăn – chúng ta cảm thấy khó chịu. Biết bao lần khi chúng ta đứng trước bao người di cư tỵ nạn, chúng ta cảm thấy khó chịu. Đó là một cám dỗ: chúng ta tất cả đều có điều đó đúng không? Tất cả, kể cả tôi nữa, tất cả mọi người. Và chính vì vậy mà Lời Chúa dậy dỗ chúng ta. Sự dửng dưng và thù nghịch khiến cho họ mù và điếc, ngăn cản họ trông thấy các anh em khác và không cho phép họ nhận ra Chúa nơi các người ấy – dửng dưng và thù nghịch. Và khi sự dửng dưng và thù nghịch này trở thành sự hiếu chiến và cả nguyền rủa nữa – “Xin làm ơn đuổi tất cả họ đi đi” – “Hãy để họ ở một nơi khác” – sự tấn kích này là điều dân chúng đã làm đối với anh mù, khi anh kêu lên. “Này anh hãy cút đi, cút đi, đừng có nói, đừng có kêu!”

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Chúng ta ghi nhận một đặc điểm hay khác. Thánh sử nói rằng một người nào đó trong đám đông giải thích cho anh mù biết lý do của đám đông người khi nói: “Có Đức Giêsu người Nagiarét đi qua” (c. 37). Biến cố Chúa Giêsu đi qua được diễn tả với cùng động từ trong sách Xuất Hành khi kể lại biến cố vượt qua của thiên thần tàn sát cứu dân Israel bên đất Ai Cập (x. Xh 12,23).

Đó là sự vượt qua của lễ phục sinh, việc khởi đầu của cuộc giải phóng: khi Chúa Giêsu đi qua, thì luôn luôn có sự giải thoát, luôn luôn có ơn cứu rỗi. Như vậy đối với anh mù, nó như thể là việc loan báo sự vượt qua giải phóng của anh. Khi Chúa Giêsu đi qua, thì luôn luôn có sự giải thoát, luôn luôn có ơn cứu độ.

Không để cho mình sợ hãi anh mù kêu to lên nhiều lần hướng tới Chúa Giêsu, bằng cách nhận ra nơi Người Con vua Đavít, Đấng Cứu Thế được trông đợi, mà  theo ngôn sứ Isaia, sẽ mở mắt cho người mù (x. Is 35,5). Khác với đám đông, anh mù này trông thấy với đôi mắt đức tin. Nhờ nó lời khẩn cầu của anh có một sự hữu hiệu quyền năng.

Thật thế, khi nghe thấy anh, “Chúa Giêsu dừng lại và truyền dẫn anh đến cho Ngài” (c. 40). Khi làm như thế, Chúa Giêsu cất anh mù khỏi vệ đường và đặt anh vào trung tâm sự chú ý của các môn đệ và của dân chúng. Cả chúng ta cũng hãy nghĩ, khi chúng ta ở trong các tình trạng xấu, kể cả các tình trạng tội lỗi, đã có Chúa Giêsu cầm tay chúng ta và cất chúng ta khỏi lề đường của ơn cứu độ. Như vậy Ngài thực hiện hai cuộc vượt qua. Thứ nhất: dân chúng đã loan báo một tin vui cho anh mù, nhưng không muốn liên lụy gì tới anh cả; Giờ đây Chúa Giêsu bắt buộc mọi người ý thức rằng việc loan báo tin vui tốt bao gồm việc đặt để vào giữa con đường người đã bị loại trừ. Thứ hai, đến lần anh, người mù đã không thấy nhưng đức tin của anh mở ra cho anh con đường của ơn cứu rỗi và anh ta ở giữa những người tuốn đến trên đường để trông thấy Chúa Giêsu. ĐTC giải thích:

Anh chị em thân mến việc đi qua của Chúa là một cuộc gặp gỡ của lòng thương xót hiệp nhất tất cả chung quanh Ngài để cho phép nhận ra ai cần sự trợ giúp và an ủi. Cả trong cuộc sống chúng ta Chúa Giêsu cũng đi qua: và khi Chúa Giêsu đi qua và tôi nhận ra điều đó, nó là một lời mời gọi tôi đến gần Ngài, để trở nên tốt lành hơn, là kitô hữu tốt hơn, theo Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu hướng tới anh mù và hỏi anh: “Anh muốn ta làm gì cho anh?” (c. 41). Các lời này của Chúa Giêsu gây ấn tượng: Con Thiên Chúa giờ đây đứng trước người mù như một đầy tớ khiêm hạ. Thiên Chúa trở thành tôi tớ của người tội lỗi. Ngài, Chúa Giêsu, Thiên Chúa, nói: “Mà con muốn Ta làm gì cho con? Con muốn Ta phục vụ con như thế nào? Thiên Chúa trở thành tôi tớ của người tội lỗi. Và anh mù thưa với Chúa Giêsu,  không bằng cách gọi Ngài là “Con vua Đavít”, mà bằng “Chúa”, là tước hiệu Giáo Hội áp dụng cho Chúa Giêsu phục sinh ngay từ đầu. Anh mù xin được thấy trở lại  và ước mong của anh được chấp nhận. “Hãy được sáng mắt. Lòng tin của con đã cứu con” (c. 42). Anh đã cho thấy đức tin của anh, khi kêu cầu Chúa Giêsu và khi tuyệt đối muốn gặp Chúa, anh được ơn cứu độ. Nhờ đức tin giờ đây anh có thể trông thấy và nhất là anh ta cảm thấy mình được Chúa Giêsu yêu thương. Vì thế, trình thuật kết thúc bằng cách kể rằng anh mù bắt đầu đi theo  Người và chúc tụng Thiên Chúa” (c. 43): anh trở thành môn đệ bằng cách bước đi theo Chúa và bước vào làm thành phần cộng đoàn của Ngài. Từ người ăn mày trở thành môn đệ, đây cũng là con đường của chúng ta: chúng ta tất cả là những người ăn xin, tất cả. Chúng ta luôn cần đến ơn cứu độ. Và tất cả chúng ta, mọi ngày phải làm bước đi này: từ ăn mày trở thành môn đệ. Và đúng như thế, người mù bước đi theo Chúa và là thành phần của của cộng đoàn.

Người mà dân chúng muốn làm cho im đi, giờ đây lớn tiếng làm chứng cho cuộc gặp gỡ của anh với Chúa Giêsu thành Nagiarét , và toàn dân, khi trông thấy đã chúc tụng Thiên Chúa” (c. 43). Xảy ra một phép lạ thứ hai: điều đã xảy ra cho anh mù cũng khiến cho dân chúng sau cùng trông thấy. Cùng ánh sáng đó soi chiếu cho tất cả mọi người, và làm cho họ cùng chung lời chúc tụng. Như thế, Chúa Giêsu đổ lòng thương xót của Ngài xuống trên tất cả những người gặp gỡ Ngài: Ngài kêu mời họ, tụ tập họ, chữa lành họ và soi sáng cho họ, bằng cách tạo dựng một dân tộc mới cử hành các việc diệu kỳ của tình yêu thương xót của Ngài. Nhưng chúng ta cũng hãy để cho Chúa Giêsu mời gọi chúng ta và chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu chữa lành, và chúng ta đi theo Chúa Giêsu bằng cách chúc tụng Thiên Chúa. Và ước gì được như vậy!

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Êcốt, Ai len, Malta, Thụy Điển, Siria, Israel, Zambia, Trung quốc, Philippes, Nhật Bản, Canada Hoà Kỳ, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nhà và các nước châu Mỹ Latinh.

Trong các nhóm Đức ĐTC chào đoàn hành hương giáo phận Trier do ĐGM sở tại hướng dẫn. Chào các nhóm hành hương Ý đến từ nhiều giáo phận khác nhau ĐTC cầu chúc Năm Thánh Lòng Thương Xót đem lại nhiều ơn lành hồn xác cho họ và cộng đoàn của họ.

Với người trẻ, các anh chị em đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC xin Chúa Giêsu là Thầy hướng dẫn họ. Ngài khích lệ người đau yếu dâng mọi khổ đau cho Chúa  để cộng tác vào ơn cứu độ của thế giới. Ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn ý thức về sứ mệnh tình yêu không thể thay thế được mà họ đã cùng nhau lãnh nhận trong đời hôn nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Bài học từ ngôn sứ Ê-li-a

Bài học từ ngôn sứ Ê-li-a

Thánh lễ sáng thứ Sáu, ngày 10.06

VATICAN. Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ sáng thứ Sáu, 10-06, tại nhà nguyện thuộc Nhà trọ Thánh Marta. Khởi đi từ Bài Đọc Một, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến ba thái độ làm nên đặc nét của người Kitô hữu: đứng trước nhan thánh Chúa trong thinh lặng để lắng nghe lời Người và sẵn sàng đi ra để tiến vào lòng đời nhằm công bố điều đã được nghe cho người khác biết. Đức Thánh Cha cũng cảnh giác mọi người trước nguy hiểm về một nỗi sợ hãi tê liệt trong đời sống Kitô hữu, không biết mình đang ở đâu trong cuộc hành trình với Thiên Chúa và không quan tâm đến tình trạng đời sống của mình trong Giáo hội.

Hãy đứng thẳng và bước đi

Để trình giải vấn đề này và làm sao để thoát khỏi sợ hãi, Đức Thánh Cha đã tập trung vào hình ảnh ngôn sứ Ê-li-a trong Bài Đọc Một trích Sách Các Vua. Đức Thánh Cha gợi nhắc lại việc ngôn sứ Ê-li-a đã chiến thắng như thế nào, ngài đã chiến đấu mãnh liệt ra sao vì đức tin, ngài đã đánh bại hàng trăm ngôn sứ giả tôn thờ ngẫu tượng Ba-an trên núi Carmen như thế nào. Nhưng cuối cùng, một trong những hành động bách hại nhằm vào Ê-li-a cũng đạt được mục tiêu. Ê-li-a đã ngã vật xuống trong sự thất vọng và chán nản dưới một gốc cây, chỉ chờ có chết. Nhưng Thiên Chúa không hề bỏ rơi ngài trong trạng thái mệt mỏi, kiệt sức đó. Chúa đã sai thiên thần đến an ủi đồng thời cũng kèm theo một mệnh lênh: Hãy trỗi dậy, cầm lấy mà ăn và bước ra ngoài.

Để gặp gỡ Chúa cần phải quay trở lại với bối cảnh mà ở đó con người đã được tạo dựng nên, đứng thẳng và bước đi. Thật vậy, Thiên Chúa tạo dựng và ban cho chúng ta có khả năng đứng thẳng và ngẩng cao đầu trước tôn nhan Ngài, vì chúng ta giống hình ảnh Ngài và bước đi trên đường cùng với Ngài. ‘Hãy đi và tiến về phía trước: Hãy cày cấy và canh tác đất đai’. Sau này, Thiên Chúa cũng phán với Ê-li-a như vậy: ‘Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa.’ Ê-li-a đã đứng thẳng trên đôi chân của mình và bắt đầu bước đi.

Tính căng thẳng của sự thinh lặng

Hãy ra ngoài và lắng nghe Thiên Chúa. Làm sao chúng ta có thể chắc chắn gặp được Chúa trong cuộc hành trình? Ngôn sứ Ê-li-a được thiên thần mời bước ra khỏi núi Khô-rép, nơi mà ông đã tìm được chỗ nghỉ qua đêm trong một cái hang, để gặp gỡ Thiên Chúa. Thiên Chúa không ở trong cơn gió to bão lớn xẻ núi non, cũng không ở trong trận động đất và cũng không ở trong lửa nhưng Ngài chỉ xuất hiện khi Ê-li-a bước ra ngoài trong cơn gió hiu hiu. Như vậy, dù có nhiều âm thanh ầm ầm vang dội hay là những cảnh tượng hoành tráng, kinh thiên động địa; Thiên Chúa vẫn không ở đó. Nhưng chỉ ở trong sự thinh lặng, trầm lắng; Thiên Chúa mới hiện diện và mới ngỏ lời với chúng ta.

Giờ của sứ mạng

Mệnh lệnh mà Ê-li-a nhận được từ Thiên Chúa ngang qua thiên thần là: Hãy đi ra. Vị ngôn sứ được mời gọi bước đi, tiến qua sa mạc, vì ngài đã được trao phó một sứ mạng cần phải thi hành. Điều ấy có nghĩa là ngài ở trên đường, luôn bước ra rộng mở, không đóng lại trong sự ích kỷ của những tiện nghi vật chất, nhưng luôn can đảm mang thông điệp của Thiên Chúa đến cho người khác. Đó chính là con người của sứ mạng.

Chúng ta phải luôn tìm kiếm Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều ý thức rằng sẽ có những giây phút rất tồi tệ: những giây phút ta chán nản, thất vọng, chẳng còn niềm tin tưởng, những giây phút đen tối, chẳng thấy chút ánh sáng nào phía chân trời. Có những giây phút ta không thể gượng dậy được nữa. Tất cả chúng ta đều biết những điều đó. Nhưng Thiên Chúa sẽ đến, sẽ thêm sức cho chúng ta và nói: ‘Hãy đứng dậy và lên đường!’ Như vậy, để gặp được Thiên Chúa chúng ta cũng phải đứng dậy và lên đường, chờ đợi Ngài ngỏ lời với chúng ta với một con tim rộng mở. Chắc chắn, Thiên Chúa sẽ đến và nói: ‘Chính ta đây.’ Khi ấy, đức tin của chúng ta sẽ trở nên vững mạnh. Và khi ấy, chúng ta cũng được trao cho sứ mạng mang thông điệp của Chúa đến cho người khác và sức dầu cho họ.

Vũ Đức Anh Phương, SJ

 

Đài phát thanh Công giáo online đầu tiên ở Bangladesh

Đài phát thanh Công giáo online đầu tiên ở Bangladesh

Giáo phận Rajshahi

Rajshahi, Bangladesh – Hôm qua giáo phận Rajshahi khai trương đài phát thanh Công giáo đầu tiên tại Bangladesh.

Đài phát thanh Ánh Sáng là một đài phát thanh online, có thể nghe được trên các điện thoại thông minh (smartphone). Đức cha Gervas Rozario, Giám mục của giáo phận, đã giải thích với hãng tin Á Châu: “mục đích của đài phát thanh là rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa qua các chương trình phát thanh của chúng tôi. Như thế chúng tôi sẽ truyền bà các giáo huấn của Chúa Giê-su”.

Đài truyền hình nằm trong nhà thờ Công giáo Emmaus ở Bogra của giáo phận Rajshahi với mục đích rõ rệt là làm cho mọi người nhận biết Chúa Ki-tô và Giáo hội ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Đức Giám mục khẳng định rằng qua đài phát thanh, chúng tôi muốn loan tin cho những người sống tại Bangladesh và hải ngoại. Chúng tôi dạy các giá trị của Giáo hội, các thánh ca và các kịch bản, luân lý đạo đức căn bản, khuyến khích việc bảo vệ trẻ em, phụ nữ và môi trường; chúng tôi giữ gìn văn hóa Bengal.

Giáo phận đã huấn luyện 25 bạn trẻ, phần lớn thuộc các bộ tộc, để làm phát thanh viên. Hiện tại chương trình dài một giờ mỗi ngày, nhưng trong tương lai, Đức cha nói, các ngài muốn kéo dài chương trình phát sóng để có thể thông tin thêm các tin tức về Ki-tô hữu, Giáo hội toàn cầu và quê hương các ngài.

Các tín hữu đón nhận tin tức với sự nhiệt thành. Một tín hữu Công giáo trẻ cho biết đó là một sáng kiến hợp thời. Bấy giờ tôi có thể nghe các bài thánh ca, tin tức, giáo huấn của Chúa Giê-su trực tiếp từ điện thoại di động của tôi. (Asia News 4/6/2016)

Hồng Thủy OP

ĐTC chia buồn về cái chết của ĐHY Loris Capovilla

ĐTC chia buồn về cái chết của ĐHY Loris Capovilla

Cardinal Loris Capovilla

VATICAN: Nghe tin ĐHY Loris Capovilla qua đời tại Bergamo ngày 26 tháng 5 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã gửi diện tín chiá buồn với ĐC Francesco Beschi, GM Bergamo và toàn giáo phận, đặc biệt các thân nhân bạn bè và các nữ tu  Nghèo Ca’Maitino in sotto il monte đã yêu thương săn Đức cố Hồng Y.
ĐTC nghĩ tới người anh em đã có cuộc sống tươi vui làm chứng cho Tin Mừng và ngoan ngoãn phục vụ Giáo Hội trong giáo phận Venezia, rồi như là bí thư của ĐGH Gioan XXIII. Sau đó như là Giám Mục Chieti Vasto, và đặc sứ tông toà tại đền thánh Đức Bà Loreto ngài đã là một chủ chăn luôn luôn tận tụy với các linh mục và tín hữu, trung thành với tinh thần của Công Đồng Chung Vaticăng II. ĐTC xin Thiên Chúa từ nhân đón nhận nguời tôi trung vào niềm vui an bình vĩnh cửu qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria và thánh sử Marco.
Với 100 tuổi ĐHY là Giám mục cao niên nhất Italia, và thứ tư trên thế giới. Ngài sinh ngày 14 tháng 10 năm 1915, thụ phong linh mục năm 1940, làm tuyên uý nhà tù của trẻ vị thành niên và làm giám đốc chủng viện. Trong các năm 1953-1963 cha Capovilla đã là thư ký riêng của ĐGH Gioan XXIII. Năm 1967 ĐGH Phaolo VI chỉ định cha làm TGM Chieti. Năm 1971 ngài đươc chỉ định làm dặc sứ tông toà đền thánh Đức Bà Loreto. Ngài về hưu năm 1988 và được ĐGH Phanxicô vinh thăng Hồng Y ngày 12 tháng giêng năm 2014.
Với sự qua đi của ĐHY Capovilla Hồng Y  đoàn còn lại 213 vị trong đó có 114 vị còn quyền bầu Giáo Hoàng và 99 vị không có quyền bầu Giáo Hoàng (SD 26.27-5-2016)

Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp Đại Iman của Đại Học Hồi giáo Al-Azhar

Đức Thánh Cha tiếp Đại Iman của Đại Học Hồi giáo Al-Azhar

Đức Thánh Cha tiếp kiến Đại Iman của Đại Học Hồi giáo Al-Azhar

VATICAN. Hôm qua, 23-5-2016, lần đầu tiên ĐTC Phanxicô tiếp kiến Đại Imam Viện trưởng đại học Hồi giáo Al-Azhar của Ai cập, Giáo Sư Ahmed el-Tayeb.

Giáo Sư năm nay 70 tuổi, đã từng học về tư tưởng Hồi giáo ở Đại học Sorbonne, Paris. Đại học Al-Azhar ở thủ đô Cairo được coi là thẩm quyền cao nhất của Hồi giáo Sunnit.

Hồi năm 2011, Đại học Al-Azhar đã đoạn giao với Tòa Thánh, vì ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi chính phủ Ai Cập bảo vệ các tín hữu Kitô thiểu số tại nước này sau vụ một nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống Copte ở thành phố Alesssandria. Các thủ lãnh Hồi giáo coi lời kêu gọi ấy là xen mình vào nội bộ của Ai cập.

Từ khi ĐGH Phanxicô lên cai quản Giáo Hội, Tòa Thánh tìm cách mở lại quan hệ với Đại học Al-Azhar, qua việc gửi sứ giả, hoặc sứ điệp, hay qua những cuộc tiếp xúc giữa các nhân vật của hai bên.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết cùng đi với Đại Imam của đại học Al-Azhar có một phái đoàn gồm 7 người, trong đó có Đại sứ Ai Cập cạnh Tòa Thánh, Ông Hatem Seif Elnasr.

Đại Iman đã được ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và Đức Cha Tổng thư ký của Hội đồng này tiếp đón và tháp tùng đến gặp ĐTC.

Trong cuộc nói chuyện thân mật dài 30 phút, ĐTC và Đại Iman đã đề cao ý nghĩa lớn lao của cuộc gặp gỡ này trong khuôn khổ cuộc đối thoại giữa Công Giáo và Hồi giáo. Rồi hai vị cũng đề cập đến đề tài sự dấn thân chung của các vị hữu trách và tín hữu thuộc các tôn giáo lớn cho hòa bình thế giới, từ khước bạo lực và khủng bố, tình trạng các tín hữu Kitô tron gbối cảnh các cuộc xung đột và căng thẳng tại Trung Đông, cũng như việc bảo vệ các tín hữu ấy.

ĐTC đã tặng Đại Iman mề đai cành Ôliu hòa bình và một bản Thông điệp Laudato sí của ngài.

Sau cuộc hội kiến với ĐTC, trước khi rời dinh tông tòa, trong một phòng khách thuộc căn hộ tiếp kiến, Đại Iman cùng với phái đoàn, đã hội kiến với ĐHY Tauran, có Đức Cha Tổng thư ký Ayuso Guixot tháp tùng. (SD 24-5-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

Đức Hồng Y Dziwisz kêu gọi: “Các bạn trẻ, hãy đến Cracovia! Đừng sợ”

Đức Hồng Y Dziwisz kêu gọi: “Các bạn trẻ, hãy đến Cracovia! Đừng sợ”

Đức Hồng Y Dziwisz

Cracovia – Chỉ còn 2 tháng nữa là ngày hội Giới trẻ lớn nhất thế giới – ngày Quốc tế giới trẻ lần thứ 31 – sẽ diễn ra tại Cracovia, Ba lan. Để xem xét lại các việc chuẩn bị cho sự kiện này, Ủy ban cố vấn của Hội đồng Giám mục Âu châu đã tổ chức một cuộc họp cho các phóng viên và các chuyên gia truyền thông.

Tại Cracovia các công việc đang tiến triển mau chóng và tất cả chờ đợi sự tham dự của khoảng hơn một triệu bạn trẻ. Đức Hồng Y Dziwisz, từng là thư ký riêng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, qua các phóng viên, kêu gọi các bạn trẻ: “Hãy đến Cracovia! Chúng tôi đang đợi các bạn. Đừng sợ hãi! Tình hình ở châu Âu thì tế nhị nhưng ở Ba lan, đất nước chúng tôi, rất an bình. Không có nguy hiểm. Các cơ quan an ninh đang làm tất cả để bào đảm sẽ không có sự cố xảy ra. Tôi nói rõ với các bạn trẻ là đưng sợ. Đây sẽ là một ngày hội đức tin, chứ không đơn giản là một sự kiện giải trí. Chủ đề luôn luôn là Chúa Kitô, do đó cần đào sâu, cầu nguyện, ở bên nhau và vui niềm vui là Kitô hữu cùng với Đức Thánh Cha”.

Đức Hồng Y Dziwisz lạc quan về ngày Giới trẻ quốc tế năm nay. Ngài giải thích: “Cho đến nay đã có các nhóm từ 182 quốc gia đăng ký tham dự. Nó sẽ là một sự kiện tuyệt vời mà chúng tôi đã cảm thấy bầu khí của nó. Các người trẻ muốn gặp nhau và gặp Đức Thánh Cha Phanxicô. Nhưng họ cũng muốn đến Cracovia để biết hơn về Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Các kỷ niệm về ngài vẫn còn đó và các người trẻ muốn biết ngài hơn.”

Đức Hồng Y Dziwisz cũng nhắc là ở Cracovia có một trung tâm dâng kính Lòng Thương xót. Ngài hy vọng là giới trẻ sẽ đến đây và tìm thấy một sự bình an cá nhân và cộng đoàn và mang sứ điệp này cho thế giới. Châu Âu và thế giới cần bình an, qua các sự kiện này chúng ta có thể đóng góp thay đổi bầu khí của thế giới và các đât nước của chúng ta”. (ACI 15/5/2016)

Hồng Thủy OP

Các nữ tu Đức Mẹ núi Carmel Ấn độ hứa hiến tặng cơ phận khi qua đời

Các nữ tu Đức Mẹ núi Carmel Ấn độ hứa hiến tặng cơ phận khi qua đời

nữ tu dòng Đức Mẹ núi Carmel, Ấn độ

Khoảng 60 nữ tu dòng Đức Mẹ núi Carmel ở bang Uttarakhand, miền Bắc Ấn độ, đã hứa hiến tặng các cơ phận của mình khi qua đời. Đối với họ, việc làm này là một đóng góp cho năm Thánh Lòng Thương xót. Chị Jaya Peter nói: “khi sống, chúng tôi phục vụ con người qua sự phục vụ xã hội và bây giờ, sau khi chết các cơ phận của chúng tôi sẽ hữu ích cho những ai cần đến chúng”. Chị cũng cho biết là 110 nữ tu Carmel ở Kerala cũng đã hứa như thế vào tháng trước.

Ở Ấn độ, người ta ngần ngại hiến tặng cơ phận dù cho thực tế là các cơ phận được hiến tặng đang rất thiếu. Theo chị nhiều người không ý thức về việc hiến tặng cơ phận và giáo dục họ về điều này rất là quan trọng. Ở Ấn độ, hàng năm có hơn 3000 việc cấy ghép cơ phận trong khi có hơn 1 triệu người đang chờ đợi chết vì không có cơ phận được hiến tặng để cấy ghép.

Cha Mathew Abraham, giám đốc Hiệp hội Sức khỏe Công giáo của Ấn độ, cho biết là nhu cầu về các cơ phận vượt quá khả năng cung cấp vì một số lý do. Người dân vẫn chưa biết tầm quan trọng của việc hiến tặng cơ phận và việc này có thể giúp họ và người khác thế nào. Họ không biết việc hiến tặng cơ phận được thực hiện thế nào. Ngay cả tôn giáo cũng có vài ảnh hưởng tiêu cực về việc này, ví dụ một số niềm tin vào sự sống sau khi chết. Các thành viên của Hiệp hội sự sống đang truyền bá ý thức về việc hiến tặng trên khắp quốc gia và khuyến khích người dân hiến tặng. (UCAN 16/5/2016)

Hồng Thủy OP

 

Trao tặng giải thưởng Carlo Magno cho Đức Thánh Cha

Trao tặng giải thưởng Carlo Magno cho Đức Thánh Cha

Trao tặng giải thưởng Carlo Magno cho Đức Thánh Cha

VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi Âu Châu nhớ lại dự phóng của các tiền nhân và kiến tạo một Âu Châu hiệp nhất, vượt lên trên những cám dỗ xây dựng những bức tường chia cách, thay vì bắc những nhịp cầu liên đới.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây sáng hôm qua, 6-5, nhân dịp nhận giải thưởng Carlo Magno (Charlemagne) trong một buổi lễ tại Vatican trước sự hiện diện của hàng trăm vị lãnh đạo chính trị và đại biểu nghị viện Âu Châu.

Giải thưởng này chỉ trị giá 5 ngàn Euro và kèm theo một mề đai, một mặt có hình Carlo Magno, hoàng đế của người Franc hồi thế kỷ thứ 8 và được coi là ”người cha của Âu Châu”. Tuy nhiên, giải này được coi là rất quan trọng về mặt ảnh hưởng và uy tín. Cha Lombardi Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết thông thường ĐTC từ chối không nhận các giải thưởng, nhưng ngài nhận giải này để khích lệ vai trò của Âu Châu đối với nền hòa bình trên thế giới.

Trong diễn văn nhân dịp này, ĐTC nhắc đến những dự phóng của những người thành lập Âu Châu trong thế kỷ 20 sau những biến cố đụng độ đau thương qua các cuộc thế chiến. Nhưng ngày nay, ước muốn xây dựng Âu Châu dường như đang tắt lịm, và chúng ta, những người con của giấc mơ hiệp nhất ấy đang bị cám dỗ chiều theo những ích kỷ của mình, nhìn tư lợi và nghĩ đến việc xây dựng những tường thành riêng. Nhưng tôi xác tín rằng thái độ cam chịu và mệt mỏi ấy không phải là điều thuộc về tâm hồn Âu Châu và đàng khác những khó khăn có thể trở thành những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự hiệp nhất”.

ĐTC cũng cổ võ công trình tiếp tục xây dựng Âu Châu, một công trình dài hạn, qua những thực hiện cụ thể, kiến tạo tình liên đới thực tiễn và cụ thể. Ngài nói: ”Chính lúc này, trong thế giới chúng ta đang bị xâu xé và thương tổn, cần trở lại với tình liên đới thực tiễn, lòng quảng đại cụ thể tiếp theo sau thế chiến thứ hai, vì hòa bình thế giới không thể cứu vẫn nếu không có những nỗ lực trong tinh thần sáng tạo, tương ứng với những nguy hiểm đang đe dọa hòa bình. Những dự phóng của các vị sáng lập Âu Châu, là những sứ giả hòa bình và tiên báo tương lai, vẫn không bị lỗi thời: ngày nay hơn bao giờ hết, những dự phóng ấy vẫn còn gợi hứng, để xây dựng những cây cầu và phá đổ các bức tường. Những dự phóng ấy dường như nói lên một lời mời gọi tha thiết đừng hài lòng với những sửa chữa bề ngoài, hoặc những thỏa hiệp quanh quéo để sửa chữa vài hiệp định, nhưng là can đảm đặt những nền tảng mới, ăn rễ sâu vững chắc, như Alcide De Gasperi đã nói, ”Tất cả mọi người đều được linh hoạt nhờ mối quan tâm đối với công ích của các tổ quốc chúng ta ở Âu Châu, Tổ Quốc Âu Châu chung của chúng ta, không sợ bắt đầu lại công việc xây dựng đang đòi hỏi những cố gắng kiên nhẫn cộng tác dài hạn của chúng ta”.

Nhân buổi trao giải thưởng cho ĐTC, chiều thứ năm, 5-5 vừa qua, đã có một cuộc hội thảo ở Roma với nhiều nhân vật như Chủ tịch Hội đồng Âu Châu ông Donald Tusk, người Ba Lan, Chủ tịch Nghị viên Âu Châu ông Martin Schultz, người Đức, Chủ tịch Ủy ban hành pháp Âu Châu, ông Jean-Claude Juncker, người Luxembourg. Ngoài ra cũng có sự tham dự của thủ tướng Đức và thủ tướng Italia.

Sáng ngày, 6-5-2016, ĐHY Walter Kasper người Đức, đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô cho các tham dự viên. Và ban trưa các đại diện Âu Châu đã họp mặt tại Sảnh đường Regia ở dinh tông tòa để dự buổi trao giải thưởng. (SD 6-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Luôn có đối kháng trong Giáo hội chống lại Thánh Thần

Luôn có đối kháng trong Giáo hội chống lại Thánh Thần

Thánh lễ sáng thứ Năm, 28.04

VATICAN. “Ngày hôm nay trong Giáo hội cũng như xưa kia, luôn có những đối kháng chống lại Thánh Thần. Có những người không chấp nhận những đổi mới mà Thánh Thần mang đến. Nhưng Thánh Thần giúp chúng ta chiến thắng, tiến về phía trước và luôn kiên vững trên con đường của Đức Giêsu.” Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Năm, 28.04, tại nguyện đường Thánh Marta.

Khởi đi từ bài đọc một trích sách Công vụ Tông đồ thuật lại các cuộc tranh luận đang diễn ra ở ‘Công đồng’ Giê-ru-sa-lem, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Nhân vật chính hoạt động trong Giáo hội chính là Chúa Thánh Thần. Ngay từ buổi đầu, Ngài đã ban sức mạnh cho các Tông đồ để loan truyền Tin Mừng. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng thực hiện tất cả và khiến cho Giáo hội không ngừng tiến lên phía trước, cho dù có gặp phải những khó khăn và ngay cả khi những cuộc bách hại bùng nổ dữ dội. Chính Chúa Thánh Thần ban sức mạnh và lòng can đảm cho các tín hữu để họ kiên vững trong đức tin cho dù có gặp phải chống đối và sự giận dữ điên cuồng của những kinh sư, luật sĩ. Có một sự đối kháng kép chống lại hoạt đông của Thần Khí: Một là từ những người xác tín rằng Đức Giêsu chỉ đến với dân được tuyển chọn, chứ dân ngoại không có phần; hai là từ những người muốn áp đặt luật Mô-sê, gồm cả việc cắt bì, lên những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa. Hai sự đối kháng này ẩn chứa những nhầm lẫn lớn.

Thánh Thần đặt những tâm hồn bước đi trên một con đường mới. Đó là việc kỳ diệu của Thần Khí. Các Tông đồ đã bắt gặp những tình huống mà họ chưa nghĩ đến bao giờ. Đó là những hoàn cảnh hoàn toàn mới lạ. Và họ đã đương đầu với những hoàn cảnh này như thế nào? Bài đọc một ngày hôm nay bắt đầu như thế này: ‘Trong những ngày ấy, đã diễn ra một cuộc tranh luận sôi nổi’, một cuộc tranh luận nảy lửa, vì họ đang thảo luận với nhau về vấn đề những người gốc dân ngoại quay trở lại với Thiên Chúa. Họ có sức mạnh của Thần Khí – nhân vật chính – Đấng thúc đẩy họ tiến lên. Nhưng Thần Khí cũng mang đến những điều mới mẻ, những điều chưa hề được ai thực hiện trước đây bao giờ và cũng chưa có ai nghĩ đến. Đó là việc người gốc dân ngoại cũng được lãnh nhận Thánh Thần.

Các môn đệ nắm trong tay ‘ngọn lửa nhiệt huyết cháy bỏng’ nhưng không biết phải làm gì. Bởi thế họ mới triệu tập một công nghị ở Giê-ru-sa-lem để mỗi người có thể thuật lại những kinh nghiệm của họ về việc dân ngoại đã được lãnh nhận Thánh Thần như thế nào. Và cuối cùng, họ đã đi đến sự đồng thuận. Nhưng trước đó, cả công nghị đã chìm trong thinh lặng và chăm chú lắng nghe khi Phao-lô và Ba-na-ba thuật lại những dấu lạ điềm thiêng mà Thiên Chúa đã thực hiện giữa dân ngoại ngang qua các môn đệ. Chúng ta đừng sợ hãi khi lắng nghe với lòng khiêm tốn. Khi sợ hãi không dám lắng nghe, chúng ta không có Thánh Thần trong tâm hồn. Khi các Tông đồ lắng nghe, họ đã quyết định sai nhiều môn đệ tới Hy Lạp, các cộng đoàn dân ngoại, là những người đã trở lại với Chúa để củng cố họ.

Những người dân ngoại trở lại với Thiên Chúa không buộc phải cắt bì. Điều này đã được thông truyền đến với họ ngang qua lá thư, trong đó các Tông đồ nói rằng: ‘Chúa Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định rằng….’ Đây chính là cách thức mà Giáo hội đối mặt với những điều mới mẻ. Không phải những điều mới lạ thuộc kiểu thế trần nhưng là sự đổi mới của Thần Khí, Đấng luôn khiến chúng ta phải ngỡ ngàng vui sướng. Giáo hội đã giải quyết những vấn đề này như thế nào? Giáo hội giải quyết bằng cách ngang qua những buổi gặp gỡ và thảo luận, lắng nghe và cầu nguyện, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Đây chính là cách thức của Giáo hội khi Thánh Thần khiến chúng ta ngạc nhiên bởi những điều mới mẻ. Và chúng ta cũng nhớ lại những chống đối đã phát sinh trong thời gian diễn ra công đồng Vaticano 2.

Những chống đối ấy vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay bằng cách này cách khác. Nhưng Thánh Thần vẫn đi tiên phong. Và cách thức Giáo hội diễn tả sự đồng thuận của mình là ngang qua công nghị với những cuộc gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi, cầu nguyện và đưa ra quyết định. Chúa Thánh Thần luôn là nhân vật chính và Thiên Chúa mời gọi chúng ta đừng sợ hãi khi Thánh Thần lên tiếng với chúng ta. Như khi xưa Thánh Thần đã dừng Thánh Phao-lô lại và dẫn ngài đi trên đường ngay nẻo chính, thì Thánh Thần cũng ban cho chúng ta sự can đảm và lòng kiên nhẫn để chúng ta vượt qua những đa dạng, khác biệt và kiên vững trong ơn phúc tử đạo. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn để hiểu Giáo hội đã hành xử như thế nào trước những đổi mới, ngỡ ngàng mà Thần Khí mang đến. Chúng ta cũng xin ơn được trở nên ngoan ngoãn và đi theo con đường mà Đức Kitô đã mời gọi chúng ta cũng như toàn thể Giáo hội.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Toà Thánh kêu gọi thăng tiến nền tài chánh có trách nhiệm

Toà Thánh kêu gọi thăng tiến nền tài chánh có trách nhiệm

World-GDP-2016-global-growth-Economist

NEW YORK: Toà Thánh kêu gọi thăng tiến một nền tài chánh quốc tế có tinh thần trách nhiệm và ý thức luân lý để loại trừ tình trạng bất bình đẳng xã hội và phát huy một việc phát triển có thể chịu đựng nổi.

ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Công Lý và Hoà Bình, đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài phát biểu tại phiên họp về phát triển có thể chịu đựng nổi do Liên Hiệp quốc triệu tập tại New York hôm 21 tháng 4 vừa qua.

ĐHY nhắc lại lời ĐTC Phanxicô phát biểu trong chuyến viếng thăm Liên Hiệp  Quốc hồi tháng 9 năm ngoái, và quy chiếu chương trình nghị sự năm 2030 liên quan tới sự Phát triển có thể chịu đựng nổi. Nó là một dấu chỉ hy vọng quan trọng. Nhưng hy vọng này chỉ có thể thành sự thực, nếu chương trình được thi hành một cách thật sự, liêm chính và hữu hiệu. Nó đòi hỏi việc tài trợ công cộng cũng như nỗ lực tài trợ và đầu tư cá nhân. Lý do vì nó liên quan tới thiện ích của căn nhà chung, mà mọi giới phải góp phần săn sóc theo các tiêu chuẩn luân lý đạo đức xã hội. Các hoạt động tài chánh vô trách nhiệm luân lý tạo ra các bất bình đẳng xã hội. Như Đức Phaolo VI đã khẳng định trong Thông điệp “Phát triển các dân tộc” phát triển là tên gọi mới của hoà bình. Hoà bình là điều kiện và môi trường cần thiết cho mọi phát triển đích thực và lâu bền (SD 22-4-2016).

Linh Tiến Khải

 

Hãy nhớ đến Thầy

Hãy nhớ đến Thầy

Thánh lễ sáng thứ Năm, 21.04, tại nguyện đường Thánh Martha

VATICAN. “Kitô hữu là người, trong đời sống của mình, luôn ghi nhớ những cách thức và hoàn cảnh mà Thiên Chúa đã tỏ lộ ra. Chính việc ghi nhớ ấy sẽ củng cố hành trình đức tin của mỗi Kitô hữu.” Đây là suy tư chính yếu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 5, 21.04, tại nguyện đường Thánh Martha.

Đức tin là một hành trình mà khi hoàn tất cuộc hành trình ấy, người ta phải luôn ghi nhớ những giai đoạn đã từng trải qua. Ghi nhớ những điều tốt lành mà Thiên Chúa đã thực hiện trong suốt cuộc hành trình cũng như những thách đố, khó khăn, vì Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta và không hề e sợ trước những tội lỗi xấu xa của chúng ta.

Hãy ghi nhớ Thiên Chúa đã cứu chuộc

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô xoay quanh bài đọc một, thuật lại việc ông Phao-lô vào hội đường ở An-ti-ô-khi-a trong ngày sa-bát và bắt đầu rao giảng Tin Mừng. Ồng đã khởi đi từ khi một dân được tuyển chọn ngang qua Áp-ra-ham và Mô-sê, từ Ai-cập và Miền Đất Hứa cho đến khi Đức Giêsu xuất hiện. Lời rao giảng mang đậm tính lịch sử này của Phao-lô có một ý nghĩa nền tảng hết sức quan trọng, vì nó gợi nhắc lại những thời khắc nổi bật và những dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của nhân loại.

Đức Thánh Cha nói: “Hãy nhìn lại quá khứ để thấy Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta như thế nào. Chúng ta hãy bước đi với trọn cả tâm trí trên con đường đong đầy những kỷ niệm và đến với Giêsu. Chính Đức Giêsu, trong thời khắc quan trọng nhất của cuộc đời – tối thứ 5 và thứ 6 Tuần Thánh – đã trao ban cho chúng ta Mình và Máu của Ngài. Đức Giêsu nói: ‘Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.’ Tưởng nhớ Đức Giêsu. Hãy nhớ rằng Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta như thế nào.

Thiên Chúa tôn trọng chúng ta

Giáo hội gọi Bí Tích Thánh Thể là ‘tưởng niệm’, cũng như trong Kinh Thánh, sách Đệ Nhị Luật được gọi là ‘sách tưởng nhớ của dân tộc Ít-ra-en’. Phần chúng ta, chúng ta cũng làm như thế trong đời sống cá nhân của mình, vì mỗi người chúng ta đã bước đi trên một con đường được Thiên Chúa đồng hành, có lúc gần gũi Thiên Chúa hoặc có những khi lại cách xa Ngài.

Thật là tốt cho tâm hồn Kitô hữu, nếu tôi biết ghi nhớ con đường của tôi, con đường của chính tôi: Thiên Chúa đã dẫn tôi đến đây như thế nào, Thiên Chúa đã cầm tay tôi mà dẫn dắt ra sao. Nhưng có nhiều lần tôi đã nói với Chúa: ‘Không, tránh xa con đi! Con không muốn!’ Thiên Chúa tôn trọng. Ngài trân trọng chọn lựa của ta. Nhưng để ghi nhớ, chúng ta phải nhớ về chính cuộc sống, chính chặng đường hành trình của chúng ta. Chúng ra phải tiếp tục điều này và hãy làm thường xuyên. Chính trong thời khắc đó, Thiên Chúa đã ban cho ta ân sủng và chúng ta thưa rằng: ‘Trong chặng đường vừa qua, con đã làm điều này, đã làm điều kia… Chúa đã đồng hành với con….’ Và như thế chúng ta sẽ tiến tới một cuộc gặp gỡ mới, một cuộc gặp gỡ đong đầy lòng biết ơn.

Nhớ về những điều tốt đẹp

Từ chính trái tim, phải nảy sinh một lời cảm tạ với Giêsu, Đấng đã không bao giờ mệt mỏi khi đồng hành với chúng ta trong suốt chiều dài của lịch sử cuộc đời. Có nhiều lần chúng ta đã đóng sập cánh cửa trước mặt Ngài. Đã bao nhiêu lần chúng ta giả vờ không trông thấy Ngài, không tin rằng Ngài đang ở với chúng ta. Đã bao nhiêu lần chúng ta từ chối ơn cứu chuộc mà Ngài mang đến … Nhưng Ngài vẫn ở đó chờ đợi chúng ta.

Những ký ức sẽ mang chúng ta đến gần Thiên Chúa. Nhớ về những việc tốt lành mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Qua hành động tái tạo dựng, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta điều còn cao vượt hơn tình trạng huy hoàng xưa kia mà A-đam đã có trong lần tạo dựng thứ nhất. Bởi vậy, tôi khuyên anh chị em điều này, rất đơn giản: Hãy ghi nhớ! Hãy nhớ lại xem cuộc đời của tôi đã như thế nào, một ngày sống hôm nay của tôi ra sao và một năm vừa qua của tôi như thế nào? Hãy nhớ lại tương quan của tôi với Chúa. Hãy nhớ lại những điều tốt đẹp, cao cả mà Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

 

Cuộc chiến của Greg Stormans chống lại các hành động cổ vũ phá thai

Cuộc chiến của Greg Stormans chống lại các hành động cổ vũ phá thai

Tòa án Tối cao Hoa kỳ

“Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ” (Tv 118,24). Đó là câu Thánh kinh mà ông Greg Stormans suy gẫm mỗi sáng. Con gái ông đã viết câu Thánh kinh này và lồng trong một khung nhỏ đặt ở trong nhà tắm. Ông Storman cho biết: câu Thánh kinh này là nguồn cảm hứng cho ngày sống cũng như cuộc sống của ông. Khi ông nghe câu Thánh kinh này lần đầu tiên, dù khi ấy còn trẻ, ông đã cảm thấy ấn tượng của nó; nó thực sự đã thay đổi cuộc sống của ông. Ông nói: “Mỗi ngày khi thức dậy, tôi nhớ là Chúa đã dựng nên nó, do đó tôi nên hạnh phúc và biết ơn,  nhận biết là Chúa đã cho mình một mục đích trong cuộc sống.”

Ông Stormans và gia đình kinh doanh tiệm tạp hoá và thuốc tây đã 4 thế hệ. Họ  không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ rơi vào tâm bão của pháp luật vào năm 2007, khi Ủy ban Dược của Washington bắt đầu yêu cầu các tiệm thuốc tây phải bán loai thuốc phá thai Plan B và Ella, và xem việc từ chối dựa trên lương tâm là bất hợp pháp. Là những người Công giáo sùng đạo, gia đình Stormans đã từ chối bán các loại thuốc liên quan đến phá thai, vì bán các loại thuốc “thúc đẩy sự chết” là chống lại niềm tin sâu xa nhất của họ. Ông nói: “Chúng tôi tin là sự sống thì quý giá và thánh thiêng, nó bắt đầu từ khi được thụ thai. Chúng tôi muốn cổ võ sự sống và sức khỏe thật, chứ không thúc đẩy sự chết hay bất cứ điều gì đi ngược với niềm tin tôn giáo của chúng tôi.” Ông cũng nói thêm: “gia đình chúng tôi tìm ở Chúa sức mạnh để yêu thương các hàng xóm của chúng tôi. Điều này định nghĩa chúng tôi là ai. Chúng tôi không bao giờ nghĩ là chúng tôi sẽ phải chọn lựa giữa việc sống đức tin của mình và công việc làm ăn, hay chúng tôi sẽ bị lôi kéo vào một cuộc chiến pháp lý. Thật là không may nhưng mà Ủy ban đã không cho chúng tôi chọn lựa.”

Vào tháng Bảy năm 2007, ông Stormans đệ đơn kiện chống lại chính quyền bang Washington để ngăn chặn việc thực thi các quy định mới được thông qua. Cuộc chiến pháp lý vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Tháng Bảy năm 2015, Tòa án Phúc thẩm Hoa Kỳ khu vực 9 đảo ngược quyết định đình chỉ những quy định mới của tòa án cấp quận. Tòa án khu vực 9 kết luận rằng các luật lệ là trung lập và hợp lý hơn nữa là sự quan tâm của Nhà nước về sự an toàn của bệnh nhân. Tòa án bác bỏ lập luận của các chủ doanh nghiệp rằng các quy định là vi phạm quan trọng về quyền tự do thực hiện tôn giáo của họ. Đầu năm nay, ông Stormans và 2 bị cáo khác của vụ án, dược sĩ Margo Thelen và Rhonda Mesler đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao Hoa kỳ.

Ông Stormans cho biết ông chưa bao giờ đặt hàng loai thuốc này ở tiệm thuốc của ông và gia đình ông cam kết bán các loại thuốc tăng cường sức khỏe. Ông nói: “Ở hiệu thuốc của chúng tôi, chúng tôi thề sẽ cung cấp chăm sóc sức khỏe, nghĩa lá không làm hại bất cứ ai. Chúng tôi ở trong một ngành nghề có nghĩa vụ cung cấp sự sống chứ không tiêu diệt nó. Plan B được làm để giết các thai nhi. Chúng tôi từ chối tham gia vào điều này.” Trước đây, ông Stormans được phép giới thiệu cho các khách hàng những nơi khác có bán hai loại thuốc này nếu họ yêu cầu, nhưng luật mới của bang Washington buộc chính ông phải cung cấp loại thuốc này. Đây là bang đầu tiên cấm việc giới thiệu khách hàng thay cho bán hàng vì lý do tôn giáo.

Từ khi vụ kiên bát đầu, gia đình ông Stormans đã nhận nhiều đe dọa, thêm vào đó, việc buôn bán giảm 30% và do đó họ phải giảm 10% số nhân viên. Cố gắng cầm nước mắt, ông nói: “Tôi nhớ đã cảm thấy gánh nặng của thế giới khi biết rằng chúng tôi sẽ phải để cho một số nhân viên của chúng tôi, những người như gia đình chúng tôi và những người đã làm việc cho chúng tôi trong nhiều năm ra đi. Vài người nói: họ không biết làm sao có thể trả tiền nhà, tiền điện. Thật sự là rất khó khăn. Chúng tôi đã phải tổ chức lại việc kinh doanh của chúng tôi 5 lần để bù đắp cho những thiệt hại chúng tôi phải chịu đựng, nhưng ít nhiều chúng tôi đã vượt qua và có thể trụ được.”

Ông Stormans kể lai, trong thời gian này ông đã chất vấn Thiên Chúa về tình cảnh này. Ông nói: “Tôi cảm thấy giống như ông Gia-cóp vật lộn chống lại Thiên Chúa. Nhiều lần tôi bực tức và hỏi: Tại sao điều này xảy đến với tôi? Tại sao chúng tôi bị bắt nạt? Tôi có trách nhiệm nặng nề với những người làm việc cho chúng tôi. Những điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tôi. Tôi chán nản tình cảnh này và nó làm cho tôi trở thành loại người tôi không muốn.” Nhưng nhờ cầu nguyện ông đã có được sự bình an của Chúa. Ông chia sẻ: “Tôi bắt đầu cầu xin Chúa cất gánh nặng cho tôi và Người đã thực hiện. Sau một lúc, tôi nhớ Chúa đã bảo tôi đặt tất cả dưới chân Người, và cả gánh nặng đã được cất khỏi tôi. Tôi biết Thiên Chúa đã làm một phép lạ để giảm bớt đau khổ này. Từ đó tôi cảm thấy hoàn toàn bình an trong mọi hoàn cảnh. Tôi biết mọi sự trong tay Chúa và tôi không lo lắng.”

Không lo lắng về những điều sẽ xảy đến kế tiếp, ông Stormans luôn tin là Thiên Chúa có chương trình của  Người. Ông chia sẻ: “Mỗi ngày khi trở về nhà tôi nghĩ tôi yêu cuộc sống của tôi, yêu gia đình tôi và yêu Thiên Chúa biết bao. Thiên Chúa đã gửi đến cho tôi những thử thách này để tôi trở nên giống Người hơn, Người không đặt những điều này để tạo cho chúng tôi những nỗi đau vô ích, nhưng làm cho chúng tôi lớn lên. Tôi đã lớn lên mạnh mẽ qua những thử thách này và biết được có một lý do cho mọi điều xảy ra như thư thánh Phao–lô gửi tín hữu Roma đã khẳng định: ‘Mọi sự ở trong tay Chúa và điều này làm cho tôi hạnh phúc (Rm 8,28).’” (CNS 5/4/2016)

Hồng Thủy OP

 

Đức Thánh Cha chuẩn bị viếng thăm người tị nạn

Đức Thánh Cha chuẩn bị viếng thăm người tị nạn

Đức Thánh Cha chuẩn bị viếng thăm người tị nạn

ROMA. Lúc 7 giờ chiều tối ngày 14-4-2016, ĐTC Phanxicô đã đến cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma tại Đền Thờ Đức Bà Cả, để cầu xin ở phù trợ của Đức Mẹ trước cuộc viếng thăm của ngài tại đảo Lesvos (Lesbo), Hy Lạp, trong ngày thứ bẩy 16-4-2016.

ĐTC đã dâng kính Đức Mẹ bó hoa hồng mầu trắng và xanh dương là mầu cờ của Hy Lạp.

Theo thói quen từ đầu triều đại Giáo Hoàng, trước và sau mỗi chuyến viếng thăm ở nước ngoài cũng như trước các biến cố quan trọng, ĐTC đều đến Đền Thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện.

Trong cuộc họp báo hôm thứ năm, 14-4-2016, Cha Lombardi Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, đã kêu gọi giới báo chí và dư luận đừng nhìn chuyến viếng thăm của ĐTC tại trại tị nạn ở Lesvos dưới khía cạnh chính trị, và đây không phải là một sự phê bình việc xử lý của Liên hiệp Âu Châu về những người tị nạn và di dân. Cha Lombardi giải thích rằng ”Cuộc viếng thăm này có tính chất hoàn toàn là nhân đạo và đại kết, theo nghĩa cuộc viếng thăm này cùng được ĐTC, Đức Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo và Đức TGM Chính Thống Athènes và toàn Hy Lạp thực hiện.”

Theo LM giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cuộc viếng thăm tại trại tị nạn Lescos này sinh từ mối quan tâm lo lắng của ĐTC trước tình trạng những người di dân và tị nạn. Đây cũng là quan tâm của Đức Thượng Phụ Bartolomaios và Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp là quốc gia đang trải qua tình trạng rất trầm trọng như chúng ta biết”. (RG 14-4-2016)

Tổng thư ký Comece

Mặt khác, LM Patrick Daly, Tổng thư ký Ủy ban GM Liên hiệp Âu Châu gọi tắt là Comece, chào mừng cuộc viếng thăm của ĐTC tại đảo Lesvos và khẳng định rằng ”Đây là lúc quyết định cho câu trả lời của Âu Châu đối với cuộc khủng hoảng tị nạn. Ngay từ đầu triều đại Giáo Hoàng, qua cuộc viếng thăm tại đảo Lampedusa, cực nam Italia, ĐTC Phanxicô cho biết số phận của người tị nạn là điều rất quan trọng đối với ngài.

Cha Daly kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hiệp Âu Châu hãy xử lý cuộc khủng hoảng tị nạn trong tinh thần liên đới: ”Lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng này là một sự tiến hành có phối hợp giữa mọi chính phủ thuộc Liên hiệp Âu Châu”.

Cha Daly cũng đặc biệt đề cao khía cạnh đại kết trong cuộc viếng thăm của ĐTC cùng với hai vị lãnh đạo của Chính Thống Constantinople bên Thỗ Nhĩ Kỳ và Chính Thống giáo tại Hy Lạp. Chiều kích này thật là quan trọng đối với công việc của tổ chức Comece (KNA 14-4-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha chủ sự canh thức kính Lòng Chúa Thương Xót

Đức Thánh Cha chủ sự canh thức kính Lòng Chúa Thương Xót

Đức Thánh Cha chủ sự canh thức cầu nguyện kính Lòng Thương Xót

VATICAN. Lúc 6 giờ chiều 2-4-2016, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi canh thức cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân dịp áp lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa.

Hôm 2-4 cũng là lễ giỗ lần thứ 11 Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 qua đời. Tham dự buổi canh thức có đông đảo tín hữu từ các nơi.

Trước khi ĐTC tới Quảng trường, từ lúc 4 giờ rưỡi chiều, các tham dự viên đã sinh hoạt với các bài thánh ca, chứng từ, và hoạt cảnh, qua 3 hiệp xoay quanh chủ đề: Lòng Thương Xót, kho tàng của Giáo Hội, Lòng thương xót, nguồn mạch Hy Vọng, và sau cùng là các chứng nhân hy vọng.

ĐTC tiến vào Quảng trường lúc 6 giờ và chính thức bắt đầu buổi canh thức qua 5 giai đoạn: mỗi giai đoạn gồm một bài đọc sách thánh, và một bài suy niệm rồi các ý chỉ cầu nguyện, sau đó là lời nguyện do ĐTC tuyên đọc. Giai đoạn thứ 5 gồm bài đọc từ cách ngôn sứ Isaia, một đoạn trong nhật ký của Thánh nữ Faustina Kowalska, sau cùng là bài Tin Mừng theo thánh Gioan (20,19-31) thuật lại sự tích Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ và bảo thánh Tomasô cứng lòng tin xỏ ngón tay vào cạnh sườn và các lỗ đinh của Ngài.

Bài Huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ tiếp đó, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa và tầm quan trọng của Lòng Thương Xót trong mạc khải của Thiên Chúa. Ngài nói: ”Lật qua các trang Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng lòng thương xót trước tiên là sự gần gũi của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Một sự gần gũi được biểu lộ chủ yếu qua sự giúp đỡ và bảo vệ. Đó là sự gần gũi của một người cha và một người mẹ được phản ánh như một hình ảnh đẹp được ngôn sứ Osea trình bày (11,4).

ĐTC khẳng định rằng: ”Trong Chúa Giêsu, không những chúng ta đụng chạm cụ thể đến lòng thương xót của Chúa Cha, nhưng còn được thúc đẩy để chính chúng ta trở thành dụng cụ lòng thương xót của Chúa. Nói về lòng thương xót, có thể là dễ, nhưng trở thành những chứng nhân về lòng thương xót, là điều đòi nhiều cố gắng hơn”.

ĐTC cũng nhắc đến bao nhiêu khuôn mặt Lòng thương xót của Chúa! Lòng thương xót này được biểu lộ cho chúng ta như sự gần gũi và dịu dàng, nhưng cũng được biểu lộ qua sự cảm thương và chia sẻ, như an ủi và tha thứ. Ai nhận được nhiều, thì cũng được kêu gọi cống hiến và chia sẻ nhiều hơn; không thể giữ riêng cho mình mà thôi.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh chị em thân mến, lòng thương xót không bao giờ có thể để cho chúng ta ở yên. Chính tình thương của Chúa Kitô làm cho chúng ta ”bất an”, bao lâu chúng ta chưa đạt tới mục đích; lòng thương xót thúc đẩy chúng ta ôm lấy và xiết quanh chúng ta, làm cho nhiều người đang cần lòng thương xót được can dự vào để mọi người được hòa giải với Chúa Cha (Xc 2 Cr 5,14-20). Chúng ta không được sợ hãi, chính tình thương đi tới chúng ta và thúc đẩy chúng ta can dự, để vượt qua chính mình, để chúng ta có thể nhận ra khuôn mặt của Chúa nơi những người anh chị em chúng ta' (SD 2-4-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đại Hội Âu Châu kỳ 3 về Tông Đồ Lòng Thương Xót

Đại Hội Âu Châu kỳ 3 về Tông Đồ Lòng Thương Xót

Đại Hội Âu Châu kỳ 3 về Tông Đồ Lòng Thương Xót

ROMA. Chiều 31-3-2016, Đại Hội Âu Châu kỳ 3 về lòng Thương Xót đã khai diễn tại Roma và kéo dài cho đến chúa nhật 3-4 tới đây.

Đại hội tiến dành dưới sự phối hợp của ĐHY Christoph Schoenborn, O.P, TGM giáo phận Vienne, Chủ tịch HĐGM Áo, và Cha Patrice Chocholsko, Giám đốc Đền thánh Gioan Maria Vianney, ở Ars bên Pháp. Hai vị là Chủ tịch và Tổng thư ký các Hội nghị thế giới về tông đồ lòng thương xót.

Tham dự Đại Hội cũng có các đoàn đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới, kể cả những người Hồi giáo, đạo Sikh và Phật giáo.

Đại hội diễn ra tại Vương cung thánh đường thánh Andrea della Valle, cách Vatican 1 cây số, và có chủ đề là ”Lòng thương xót và chính trị tại Âu Châu”, với chứng từ về hệ thống các ”thị trấn lòng thương xót” trên thế giới. Đặc biệt có một chứng nhân nổi bật được trình bày là Vị Tôi Tớ Chúa Robert Schuman (1886-1963), nguyên là thủ tướng Pháp và là một trong những người đã khởi xướng Liên hiệp Âu Châu và Hội đồng Âu Châu. Cha Joseph Jos, phó thỉnh nguyện viên án phong chân phước cho vị Tôi Tớ Chúa này, thuyết trình về đề tài ”Robert Schuman và lòng thương xót chính trị tại Âu Châu”, một chủ đề rất thời sự hiện nay, giữa lúc Âu Châu đang phải giải quyết vấn đề di dân và tị nạn.

ĐHY Schoenborn nói rằng: ”Nguy cơ hiện nay là mỗi nước co cụm vào những ranh giới của mình, và những hàng rào, những bức tường được tái lập. Âu Châu đang sống trong thời điểm khó khăn và Giáo Hội có thể góp phần giữa cho đại lục này được thống nhất. Tình bác ái có thể lướt thắng sợ hãi và những trào lưu mới quốc gia chủ nghĩa mà người ta tưởng là những điều đã thuộc về quá khứ”.

Trong Đại Hội cũng có một bài lectio divina, đọc và nguyện gẫm Lời Chúa, với chủ đề ”Lòng thương xót”.

Các tham dự viên sẽ dự buổi canh thức cầu nguyện với ĐTC lúc 6 giờ chiều thứ bẩy 2-4-2016 tại Quảng trường Thánh Phêrô và thánh lễ ngài chủ sự lúc 10 giờ sáng chúa nhật tới đây, 3-4, lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Trong số các nhóm tín hữu tham dự đặc biệt có 500 thành viên của Phong trào ”Huynh đoàn Tông Đồ lòng Chúa Thương Xót”. Phong trào này được thành lập cách đây 20 năm do một thiếu niên 13 tuổi, nay là Linh mục Pasqualino di Dio, thuộc giáo phận Piađđa Armerina. Các thành viên Phong trào này sống ơn gọi bí tích rửa tội, phục vụ Giáo Hội, làm chứng cho mọi người về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô hằng sống qua thái độ tín thác đối với Thiên Chúa và từ bi đối với tha nhân.

Hiện nay tại Italia, phòng trào này khởi xướng và duy trì nhiều hoạt động từ thiện bác ái, trợ giúp người nghèo cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Các đại hội thế giới về lòng thương xót đã được khởi xướng sau khi ĐTC Gioan Phaolô 2 qua đời năm 2005, người đã thành lập lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa. Đại hội đầu tiên tiến hành tại Roma năm 2008, rồi tại Cracovia năm 2011, tiếp đến là Bogotà Colombia năm 2014. Đại hội lần tới đây sẽ tiến hành tại Manila Philippines vào tháng giêng năm tới, 2017 (RG Fr. 30-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Các Thượng Phụ Trung Đông kêu gọi hòa bình và hy vọng

Các Thượng Phụ Trung Đông kêu gọi hòa bình và hy vọng

Các Thượng Phụ Trung Đông kêu gọi hòa bình và hy vọng

BEIRUT. Trong dịp lễ Phục Sinh vừa qua, nhiều vị Thượng Phụ ở Trung Đông kêu gọi hòa bình và mời gọi các tín hữu hy vọng giữa những khó khăn.

ĐHY Bechara Rai, Thượng Phụ Giáo Chủ Công Giáo Maronite, có trụ sở ở Bkerké, gần Beirut, nhận định rằng thế giới, đặc biệt cộng đồng chính trị và nhà cầm quyền các dân nước, rất cần những chứng tá về sự phục sinh.

Trong sứ điệp Phục Sinh, ĐHY Rai tố giác rằng các cường quốc miền và quốc tế đang áp đặt những cuộc chiến tranh tàn phá ở Trung Đông, nhất là trên các lãnh thổ của người Palestine, Irak và Siria. Các nước mạnh này ”khơi lên khói lửa”, tài trợ và cung cấp các dụng cụ chiến tranh ở Trung Đông, và gửi võ khí cho những tên khủng bố và đánh thuê.. nhắm đến những mưu đồ chính trị, những quyền lợi kinh tế và các mục tiêu chiến lược”. Theo ĐHY Rai, Liban có thể bảo tồn căn tính của mình nếu giữ trung lập và có lập trường rõ ràng giữa các khối miền và quốc tế”.

Đức Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem, Fouad Twal, trong bài giảng lễ Phục Sinh tại Đền thờ Mộ Thánh, nhận xét rằng giống như các phụ nữ thấy ngôi mộ trống của Chúa Kitô, nhiều tín hữu Kitô cũng để cho mình bị xao xuyến, sợ hãi sự trống rỗng và vắng bóng, nhưng chúng ta đừng để cho sợ hãi đè bẹp. Đức Thượng Phụ gửi một sứ điệp hy vọng và cầu nguyện cho các bệnh nhân, người già và các tù nhân, các nạn nhân của sự dửng dưng và cô lập, và những người đang sống ”ngày thứ sáu tuần thánh”, cũng như cho những người có thể sống niềm vui của lễ Phục Sinh, nhưng không thể loan báo Tin Mừng vì những chính sách nghiêm ngặt và nạn cuồng tín mù quáng”.

– Tại Beirut, thủ đô Liban, Đức Thượng Phụ Ignaxio Joseph III Younan, Giáo Chủ Công Giáo Siriac, nói rằng “Hòa bình ngày nay là điều mà các tín hữu Kitô chúng ta ở Trung Đông, đang thực sự cần và cố gắng đạt tới. Hòa bình là điều rất ý nghĩa ngày nay đối với Giáo Hội Siriac chúng ta và và những người đang bị bách hại trong bao thế kỷ, và đặc biệt trong thời gian gần đây vì những bàn tay man rợ trong thế kỷ 21, như những cuộc tấn công hồi năm 2010 và 2014”.

Đức Thượng Phụ Younan mời gọi các tín hữu ”đừng bao giờ nghi ngờ quyền năng cứu độ của Chúa Phục Sinh và đừng bao giờ mất hy vọng, như các cha ông can đảm của chúng ta đã dạy qua bao thế kỷ”. Ngài kết luận rằng: ”Mặc dù đủ loại cơ cực vì sự buộc lòng phải di cư, chạy tới Liban, Giordani hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ta tiếp tục cùng với ĐTC Phanxicô trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, cầu xin Chúa thương xót tất cả chúng ta, cầu nguyện để thế giới, đặc biệt để các nước Tây Phương có thể tin”.

Đức Thượng Phụ Gregorio III Laham, Giáo Chủ Công Giáo Melkite ở Damasco thủ đô Siria, nhận xét rằng: ”Ngày hôm nay, sau 5 năm bạo lực, chiến tranh, tàn phá và máu độ, thế giới khám phá rằng con đường Damasco, Jerusalem và Palestine được nối với nhau, vì đó là những con đường đức tin, văn minh và gia sản.. Đứng trước những thảm trạng của dân chúng ở các nước Trung Đông chúng ta, đặc biệt tại Siria và Irak, chúng ta đang tiến bước trên con đường Golgotha. Nhưng cũng như con đường thập giá dẫn đến phục sinh vinh hiển, chúng ta cầu nguyện để tiến qua con đường thập giá ở Siria, chúng ta có thể tiến đến niềm vui Phục Sinh” (CNS 28-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Tổng Giám mục Brussel cám ơn sự ủng hộ của các Ki-tô hữu

Đức Tổng Giám mục Brussel cám ơn sự ủng hộ của các Ki-tô hữu

Tưởng niệm tại Brussel

Oxford, England. Đức Tổng Giám mục Josef De Kesel của Mechelen-Brussels, chủ tịch hội đồng Giám mục Bỉ, đã cám ơn các cử chỉ tương trợ của các Ki-tô hữu sau các vụ nổ bom ở thủ đô Brussel. Các vụ tấn công ở sân bay và ga xe điện ngầm ngày 22 tháng 3 vừa qua đã làm hàng chục người chết và hàng trăm người thương vong. Đức cha nói: “các thông điệp chúng tôi nhận được từ Đức Thánh Cha, các Giám mục trên toàn thế giới rất quan trọng. Đó như là dấu chỉ của tình huynh đệ, làm cho chúng tôi cảm thấy chúng ta liên kết trong đức tin và trong tình nhân loại.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng như nhiều lãnh đạo tôn giáo đã gửi các điện thư chia sẻ và cầu nguyện cho nước Bỉ trong sự kiện đau thương này. Đức Tổng giám mục Joseph E. Kurtz của Louisville, Kentucky, chủ tịch hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ nói rằng sự kiện xảy ra ngay trước ngày Thứ Sáu Tuần Thánh làm cho chúng ta suy niệm sâu xa hơn về thánh giá. Đức Tổng giám mục nói thêm rằng: “Dĩ nhiên, sự sợ hãi của việc đóng đinh sẽ bị niềm hy vọng Phục sinh vượt qua. Qua sự liên kết, lòng can đảm và sự an ủi các nạn nhân của dân Bỉ nhắc tôi về các Tông đồ được an ủi bởi Chúa phục sinh. Trước bạo lực không thể diễn tả thành lời, họ đã không để cho sợ hãi là chứng nhân cuối cùng của họ.”

Trong buổi yết kiến chung ở Vatican ngày 23 tháng 3 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã cầu nguyện và kêu gọi mọi người liên kết, đồng tâm kết án sự ghê tởm của bạo lực đã gây nên chết chóc, sợ hãi khủng khiếp.

Đức Cha Borys Gudziak, Giám mục Công giáo Ucraina phụ trách Paris và Bỉ nói là những cuộc tấn công này phá hủy sự cởi mở của châu Âu với người khác. Ngài nói: “Bằng việc tấn công những người châu Âu và làm tổn thương một châu Âu cởi mở và hiếu khách, những kẻ khủng bố đẩy châu lục vào sự đau khổ của sợ hãi. Bởi vì sợ hãi là kẻ lợi dụng, là khí cụ kiểm soát xấu xa. Brussel là trung tâm thần kinh cho châu Âu đoàn kết, nơi các đất nước chứng kiến sự khủng khiếp của thế chiến thứ II và đã quyết định loại bỏ chiến tranh giữa các láng giềng: giải thoát họ khỏi nỗi sợ hãi, mở rộng con tim và phi quân sự giữa các biên giới. Sự cởi mở này là một ân huệ to lớn và quà tặng của châu Âu cho thế giới.”

Tổ chức “hòa bình Chúa Ki-tô” đặt ở Bỉ cũng bày tỏ sự kinh hoàng của họ và khăng định sự lien đới với các nạn nhân và gia đình của ho. Trong một thông cáo ban hành vài giờ sau các cuộc tấn công, tổ chức đã tuyên bố: “Chứng kiến lần nữa thảm kịch của khả năng tiêu diệt sự sống và vi phạm nhân quyền của con người, chúng tôi khẳng định sự dấn than của mình không được hướng dẫn bởi sợ hãi và hận thù, những mầm mống của khủng bố và chiến tranh, nhưng là bởi tình yêu và bất bạo lực.”

Đức Tổng Giám mục Josef De Kesel cũng kêu gọi người dân Bỉ đừng phản ứng bằng việc hun nóng thái độ bài người ngoại quốc. Ngài nói: “chúng ta phải trung thành với sứ điệp hòa bình và tiếp tục thúc đẩy cuộc đàm phán, kêu gọi sự đón nhận và sống chung huynh đệ.” Theo ngài, những cuộc tấn công như thế gieo sợ hãi khắp nơi và đã có những phản ứng chống lại ngươi di dân và nhập cư, làm cho họ trở thành nạn nhân lần thứ hai. Đức cha nói: “chúng ta phải nhận ra những nhóm cực đoan chỉ là một thiểu số rất nhỏ. Hành động tấn công của họ vuợt ra ngoài vấn đề tôn giáo, nó chỉ nhằm gieo rắc sợ hãi và đó là lý do tại sao chúng ta phải tránh việc chống lại Hồi giáo. Vâng, Hồi giáo ở đây, và tín hữu Hồi giáo là một phần của thành phố này. Nhưng họ không thể làm gì để ngăn những gì đã xảy ra và không nên bị trở thành nạn nhân lần thứ hai.” Đức cha cho biết thủ đô Brussel bị sốc, các thông tin trong thành phố bị tê liệt, nhưng Linh mục Công giáo có mặt giúp đỡ và đồng hành với các nạn nhân.

Cha Tommy Scholtes, dòng Tên, phát ngôn viên của hội đồng Giám mục Bỉ cho biết là các Ki-tô hữu đã tổ chức một buổi cầu nguyện đại kết vào ngày 23 tháng 3, và cha hi vọng Thánh lễ Phục sinh có thể được cử hành bình thường tại các nhà thờ.

Vài nhà thờ đã hủy Thánh lễ truyền Dầu vì tình hình an ninh. Trong khi đó các Giám mục Bỉ đã kêu gọi dân chúng dành một giây thinh lặng tưởng niệm các nạn nhân khi chuông nhà thờ đổ vào trưa ngày 23 tháng 3. (Catholic News Service 23/03/2016)

Hồng Thủy OP

Thánh lễ Truyền Dầu tại Vatican 2016

Thánh lễ Truyền Dầu tại Vatican 2016

Thánh lễ Truyền Dầu

Thứ năm Tuần Thánh, ngày 24.03.2016, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự nghi thức nhắc lại lời hứa của các linh mục cũng như làm phép thánh hóa các Dầu thánh được sử dụng trong các cử hành Phụng Vụ và Bí Tích.

Đây sẽ là lần đầu tiên, Chương trình Việt ngữ thuộc Đài Phát thanh Vatican sẽ thực hiện việc truyền hình trực tiếp với thuyết minh Tiếng Việt sự kiện quan trọng này qua kênh Youtube của Radio Vatican – Tiếng Việt.

Giờ Thánh Lễ là: 15:30 ngày 24/03/2016 giờ Việt Nam

hoặc là :               1:30 Khuya 24/3/2016 giờ California (Pacific time)

Mời anh chị em cùng hiệp thông tham dự qua hệ thống video Youtube:

https://www.youtube.com/watch?v=mK63_HaTMjs

Jos. Nguyễn Huy Mai

Đức Thánh Cha ấn định ngày phong 5 Hiển Thánh

Đức Thánh Cha ấn định ngày phong 5 Hiển Thánh

Đức Thánh Cha ấn định ngày phong 5 Hiển Thánh

VATICAN. Mẹ Têrêsa Calcutta sẽ được ĐTC Phanxicô tôn phong hiển thánh vào Chúa Nhật 4-9 tới đây.

Mẹ Têrêsa sáng lập dòng các nữ tu thừa sai bác ái, qua đời ngày 5-9-1997, hưởng thọ 87 tuổi, và được ĐTC Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 1910-2003.

Trước đó, ngày Chúa Nhật 5-6, ĐTC Phanxicô sẽ tôn phong hai chân phước khác lên bậc hiển thánh là cha Stanislao Giêsu Maria người Ba Lan, và nữ tu Maria Elisabetta Hesselblad người Thụy Điển.

Sau cùng, chúa nhật 16-10, đến lượt hai chân phước được phong thánh là Giuse Sanchez Del Río, người Mexico, tử đạo lúc mới được 14 tuổi, và Cha Giuse Gabriel del Rosario Brochero, cha sở người Argentina.

ĐTC đã thông báo quyết định trên đây trong công nghị Hồng Y lúc 10 giờ sáng ngày 15-3-2016.

– Nữ chân phước Maria Elisabetta Hesselblad (1870-1957) sáng lập dòng các nữ tu Chúa Cứu Thế thánh Brigida, nổi bật về đời sống chiêm niệm, thi hành các việc bác ái săn sóc người nghèo và cỗ võ sự hiệp nhất các tin hữu Kitô.

Nữ tu Hesselblad qua đời tại Roma năm 1957 thọ 87 tuổi và được ĐTC Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 9-4 năm thánh 2000. Dòng thánh Brigida hiện có 584 nữ tu hoạt động tại 54 nhà trên thế giới.

– Cha Stanislao Giêsu Maria, tục danh là Gioan Papczynski (1631-1701), sáng lập dòng dòng nam đầu tiên tại Cộng hòa Ba Lan Lituani. Ngài nổi bật về trường phái linh đạo Ba Lan, chuyên chiêm niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, cũng như tỏ ra đặc biệt nhạy cảm đối với những bất công xã hội. Cha Stanislao Giêsu và Maria qua đời năm 1701, thọ 70 tuổi, và được Đức Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 16-9 năm 2007 tại Đền thánh Đức Mẹ Lichen, Ba Lan.

– Chân phước thiếu niên Giuse Sanchez Del Rìo, 14 tuổi khi viếng mộ chân phước tử đạo Amacleto González Flores, đã cầu xin Chúa cho mình được ơn chết vì bênh vực đức tin. Cậu bị giết ngày 10 tháng 2 năm 1928, miệng hô to: 'Hoan hô Chúa Kitô Vua! Hoan hô Đức Mẹ Guadalupe!”.

– Sau cùng, chân phước José Gabriel del Rosario Brochero, (1840-1914), qua đời năm 1914 thọ 74 tuổi, nguyên là cha sở giáo xứ thánh Alberto thuộc tỉnh Cordoba, tận tụy loan báo Tin Mừng và săn sóc dân chúng, nhất là những người nghèo, thăng tiến cuộc sống của họ. Cha qua đời vì kiệt lực và được phong chân phước ngày 14-9 năm 2013 do quyết định trước đó của ĐTC Biển Đức 16 ngày 20-12 năm 2012 (SD 15-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP