Cha Lombardi và sinh hoạt của Đức Thánh Cha ngày 7-7-2015

 Cha Lombardi và sinh hoạt của Đức Thánh Cha ngày 7-7-2015

Thứ ba 7-7-2015 là ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm mục vụ của ĐTC tại Ecuador. Ban sáng ngài đến ”Công viên 200 năm”, rộng 125 hécta, ở thủ đô Quito, cách tòa Sứ Thần 11 cây số để gặp gỡ 40 GM thuộc HĐGM Ecuador, trước khi cử hành thánh lễ cho khoảng 1 triệu rưỡi tín hữu vào lúc 10 giờ rưỡi cũng tại Công viên này, với chủ đề là việc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc.

 Ban chiều vào lúc 4 giờ rưỡi, ĐTC đã gặp gỡ giới học đường và đại học tại Đại học Công Giáo Ecuador. Sau đó lúc 6 giờ, ngài gặp xã hội dân sự ở nhà thờ thánh Phanxicô là thánh đường cổ kính nhất của Mỹ châu la tinh, thuộc khu trung tâm lịch sử của thành Quito. Sau cùng ĐTC viếng thăm thánh đường của dòng Tên, ”Iglesia de la Compania”. Nhà thờ này được xây từ năm 1606 và có bức ảnh baroc nổi tiếng năm ngoái có 150 ngàn người đến viếng.

 Ký giả Mario Galgano, thuộc ban tiếng Đức, đài Vatican, đã phỏng vấn Cha Federico Lombardi, SJ, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh và cũng là Tổng giám đốc Đài Vatican:

 H. Tình trạng sức khỏe của ĐTC thế nào, thưa cha?

 Lombardi: ĐTC vẫn khỏe mạnh, không phải chỉ vì tôi phải nói như vậy, nhưng đó là sự thực và vì nếu ai thấy những gì ngài làm thì không thể không cảm thấy ngưỡng mộ vì nghị lực khác thường của ngài, đặc biệt khi nhìn ngài ở gần kề, mặc dù bao nhiêu công việc trong ngày, thấy ngài luôn thanh thản, an bình, tự chủ, quan tâm đến những người ở chung quanh, chú ý đến cả những chi tiết nhỏ.. quả thực ĐTC tỏ ra có một khả năng sống những giai đoạn đặc biệt với nhiều công tác như thế, với một khả năng hoàn toàn đương đầu với mọi khía cạnh của vấn đề.

 H. Chương trình hoạt động trong ngày 7-7-2015 của ĐTC rất khẩn trương: cử hành thánh lễ tại Công viên 200 năm ở thủ đô Quito, gặp gỡ các sinh viên, nghĩa là giới đại học, rồi giới xã hội của Ecuador.. Đâu là những điểm mạnh trong ngày thứ ba 7-7 của ĐTC?

 Lombardi: Ngày 7-7 này có lợi điểm là diễn ra hoàn toàn trong cùng một thành phố, vì thế không phải di chuyển xa như trong ngày 6-7 bằng máy bay, đi tới phi trường và trở về … Mọi hoạt động trong ngày thứ ba này đều diễn ra tại thủ đô, vì thế ĐTC có thể thi hành một chương trình với một loạt những sinh hoạt quan trọng, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với các GM, tuy là cuộc gặp gỡ riêng nhưng có một tầm quan trọng trong một cuộc viếng thăm mục vụ trong Giáo Hội, rồi đến thánh lễ đặc biệt tại Công viên kỷ niệm 200 năm độc lập, thánh lễ được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, không những với nội dung phong phú, nhưng cả về việc chuẩn bị tinh thần.

 Ban chiều ngày 7-7, ĐTC đã có hai biến cố quan trọng: trước tiên là gặp giới giáo dục. Giáo hội Ecuador rất muốn có cuộc gặp gỡ này với ĐTC để ngài khích lệ nỗ lực giáo dục qui mô của Giáo hội, nhưng được hội nhập vào trong một thực tại rộng lớn và phức tạp hơn. Cuộc gặp gỡ này là cơ hội để ĐTC đề cập đến một loạt các vấn đề lớn, không những liên quan tới giáo dục, nhưng cả những giá trị lớn đang được thông truyền qua giáo dục, những vấn nạn lớn của thế giới ngày nay. ĐGH đặc biệt nhắc đến những vấn nạn mà ngài bàn tới trong thông điệp mới đây ”Laudato sì”. Những câu hỏi ấy giúp xếp đặt việc giáo dục, nhắm giúp người trẻ chuẩn bị trả lời cho các vấn nạn ấy của nhân loại ngày nay, với trách nhiệm của họ và với sự chẩn bị thích hợp.

 H. Về giới văn hóa, dân sự xã hội, trong cuộc gặp gỡ ĐTC đã có một bài diễn văn rất sâu xa, đề cập đến nhiều đề tài. Có gì gây ấn tượng mạnh nhất không?

 Lombardi. Chắc chắn đó là một bài diễn văn người ta chờ đợi rất nhiều, vì tình trạng hiện nay của xã hội Ecuador, cũng như nhiều xã hội khác, đang ở trong tình cảnh khó khăn, với những căng thẳng. Chắc chắn có một sự tiến bộ rất tích cực ở Ecuador, trong nhiều năm, nhưng cũng có nhiều vấn đề bỏ ngỏ. Vậy ĐGH có thể góp phần thế nào cho nhân dân Ecuador trong tình trạng như thế? Đó là một câu hỏi lớn. Và ĐTC, trong tất cả các bài diễn văn của cuộc viếng thăm ở Ecuador, một cách này hay cách khác, đều chuyển đạt một sứ điệp đối thoại, liên đới, hướng dẫn việc xây dựng một xã hội hài hòa, bao gồm mọi người, có thả năng hội nhập tất cả các thành phần khác nhau của xã hội, hội nhập tinh thần sáng tạo của các thành phần ấy cũng như trách nhiệm của họ, cùng quan tâm đến công ích của đất nước. Và phương pháp mà ĐTC chọn trong bài diễn văn của ngài là đi từ kinh nghiệm cụ thể của gia đình, các giá trị gia đình, và nới rộng các giá trị ấy, từ việc xây dựng gia đình đến xã hội. Vì thế ĐTC đã chỉ một con đường rất cụ thể để trình bày diễn văn của ngài, tập trung vào những thái độ mà mỗi người phải có để góp phần tích cực vào tương lai đất nước của mình (SD 8-7-2015)

 G. Trần Đức Anh OP chuyển ý

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh sáng ngày 12-1-2015, ĐTC Phanxicô đã trình bày lập trường của Tòa Thánh về các vấn đề thời sự quốc tế.

Buổi tiếp kiến diễn ra từ lúc 10 giờ rưỡi, trước sự hiện diện của các đại diện 180 quốc gia và tổ chức quốc tế có quan hệ trên cấp đại sứ, cùng với đại diện của chính quyền Palestine, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới.

Sau lời chào mở đầu của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Đại Sứ Jean-Claude Michel của Tiểu vương quốc Monaco, ĐTC đã lên tiếng chào thăm tất cả các vị đại sứ và cám ơn vị niên trưởng ngoại giao đoàn và lần lượt đề cập đến những vấn đề và những vùng nóng bỏng trên thế giới cũng như khích lệ những sáng kiến hòa bình và phát triển.

Diễn văn ca ĐTC

Ngài nói: ”Hôm nay tôi muốn mạnh mẽ tái gióng lên một từ rất quí giá đối với chúng ta, đó là hòa bình! Từ này đến với chúng ta từ tiếng nói của các thiên thần, loan báo trong đêm Giáng Sinh (Xc Lc 2,14), như hồng ân quí giá của Thiên Chúa và đồng thời tỏ cho chúng ta thấy đó là trách nhiệm bản thân và xã hội mà chúng ta cần phải ân cần và mau mắn thực hiện. Nhưng bên cạnh hòa bình, hang đá máng cỏ cũng kể lại cho chúng ta một thực tại bi thảm: đó là sự phủ nhận. Trong một số hình ảnh về giáng sinh, ở Tây phương cũng như Đông phương, tôi nghĩ đến bức ảnh rạng ngời vẽ trên gỗ của Andrej Rublev – Chúa Hài Đồng không nằm thoải mái trong nôi, nhưng được đặt trong một cái mộ. Hình ảnh ấy muốn liên kết hai lễ chính của Kitô giáo – Giáng Sinh và Phục Sinh, cho thấy bên cạnh sự đón tiếp vui mừng biến cố Chúa giáng sinh, có cả một thảm kịch trong đó Chúa Giêsu bị khinh rẻ và loại bỏ cho đến độ phải chết trên thập giá”.

Nguyên nhân nền văn hóa loại bỏ
ĐTC nhận định rằng các trình thuật về sự giáng sinh của Chúa Giêsu cũng nói về ”con tim chai cứng của nhân loại” khiến họ không đón nhận Chúa Hài Đồng. Ngài cảnh giảc rằng ”Ngày nay cũng có một thái độ phủ nhận nơi chúng ta, làm cho ta không nhìn tha nhân như người anh em cần đón nhận, nhưng để họ ở bên ngoài chân trời cuộc sống chúng ta, biến họ thành một người cạnh tranh, một nhân vật thấp kém cần thống trị. Đó là một não trạng tạo nên nền văn hóa gạt bỏ không tha điều gì và cũng chẳng nể nang ai: từ các thụ tạo, cho tới con người và thậm chí cả Thiên Chúa nữa. Từ đó nảy sinh một nhân loại bị thương tổn và tiếp tục bị xâu xé vì những căng thẳng và xung đột đủ loại”.

ĐTC nhận xét rằng chúng ta có một âm hưởng đau buồn về sự kiện đó trong rất nhiều tin tức thời sự hằng ngày, mới đây nhất là cuộc thảm sát xảy ra ở Paris. Ngài đặc biệt nói đến một nhân vật tàn ác là vua Hêrôđê, khi thấy mình bị Hài Nhi Giêsu đe dọa, liền ra lệnh giết tất cả các trẻ em ở Bethlehem. Từ đó, ĐTC cảm động nhắc đến vụ thảm sát tàn bạo chưa từng có: hơn 100 trẻ em bị tàn sát cách đây hơn 1 tháng tại Pakistan.

Những hình thức nô lệ tân thời
Trong bài diễn văn trước ngoại giao đoàn, ĐTC cũng đề cập đến những thứ nô lệ tân thời, như đã nói tới trong sứ điệp nhân ngày Hòa Bình thế giới 1-1 vừa qua, và ngài tái khẳng định rằng ngày nay, chúng ta thấy con người tự do trở thành nô lệ, khi thì nô lệ thời trang, khi thì nô lệ quyền lực, tiền tài, thậm chí nô lệ những hình thức sai trái về tôn giáo. Hiển nhiên đó là những thứ nô lệ tân thời, nảy sinh từ một con tim hư hỏng, không có khả năng nhìn thấy và làm điều thiện, không theo đuổi hòa bình. ĐTC cảnh giác trước những hậu quả của não trạng ấy và thứ văn hóa nô lệ hóa, đó là sự tiếp tục lan tràn các cuộc xung đột như một thứ thế chiến thực sự, đang diễn ra từng mảnh”.

Xung đột tại Ucraina
Cuộc chiến tranh đầu tiên được ĐTC nhắc đến là tại Ucraina và ngài nhận xét rằng đất nước này đã trở thành một diễn trường thê thảm cho các cuộc xung đột. Ngài cầu mong rằng nhờ đối thoại, người ta củng cố các nỗ lực đang tiến hành để chấm dứt các hành vi thù nghịch, và các phe liên hệ bắt đầu con đường chân thành, tín nhiệm nhau trong tinh thần tôn trọng công pháp quốc tế.

Trung Đông, Irak và Siria
Một phần quan trọng trong diễn văn của ĐTC được dành cho Trung Đông, quê hương của Chúa Giêsu mà ”chúng ta không bao giờ mệt mỏi trong việc khẩn cầu hòa bình cho miền này”. Ngài nhắc lại cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình tại Vatican hồi tháng 6 năm ngoái với sự tham dự của Tổng thống Israel bấy giờ là ông Shimon Peres và thổng thống Palestine Abbas và ngài tái kêu gọi chấm dứt bạo lực, đạt tới một giải pháp giúp người Palestine và Israel rốt cục được sống trong hòa bình, để cụ thể hóa giải pháp 2 quốc gia.

Tiếp đến, ĐTC Phanxicô nói đến Irak và Siria nơi vẫn còn những cuộc xung đột kéo dài, với những hậu quả thê thảm kể cả về khía cạnh làm cho nạn khủng bố cực đoan lan tràn.

Chủ nghĩa khủng bố phủ nhận con người và Thiên Chúa
Ngài trình này một suy tư về hiện tượng khủng bố bi thảm và khẳng định rằng đó là ”hậu quả của một nền văn hóa loại bỏ được áp dụng cho Thiên Chúa. Thực vậy, trào lưu tôn giáo cực đoan, trước khi nó là một sự loại bỏ con người qua những cuộc thảm sát kinh khủng, thì nó là sự phủ nhận chính Thiên Chúa, coi Chúa chỉ là một cái cớ ý thức hệ. Đứng trước sự gây hấn bất công chống lại cả các tín hữu Kitô và các nhóm chủng tộc và tôn giáo khác trong vùng, cần có một câu trả lời nhất chí, trong khuôn khổ công pháp quốc tế, ngăn chặn sự lan tràn bạo lực, tái lập sự hòa hợp và chữa lành những vết thương sâu đậm mà các cuộc xung đột nối tiếp nhau đã tạo ra.

ĐTC tái kêu gọi cộng đồng quốc tế cũng như mỗi chính phủ hãy có những sáng kiến cụ thể để kiến tạo hòa bình và bênh vực những người đau khổ vì chiến tranh và bách hại. Ngài nhắc lại lá thư đã gửi hồi trước giáng sinh cho các Cộng đồng Kitô ở Trung Đông và nhấn mạnh rằng: ”Một Trung Đông không còn Kitô hữu thì sẽ là một Trung Đông bị biến dạng và què quặt”. Ngoài ra, một lần nữa ngài cầu mong ”các vị lãnh đạo tôn giáo, chính trị, trí thức, đặc biệt là Hồi giáo, lên án bất kỳ sự giải thích tôn giáo một cách cực đoan và duy căn, nhắm biện minh cho những hành vi bạo lực như thế”, và ĐTC cũng lấy làm tiếc vì những hình thức tàn bạo như thế cũng không thiếu ở các nơi khác trên thế giới.

Xung đột tại các nước Phi châu
ĐTC đề cập đến các cuộc xung đột ở Phi châu, và nhận xét rằng nhiều nước Phi châu cũng bị đảo lộn vì chiến tranh, bắt đầu từ Nigeria, nơi vẫn chưa chấm dứt những bạo lực chống lại các thường dân một cách bừa bãi, trong khi hiện tượng bi thảm bắt cóc người tiếp tục gia tăng tại nước này. Ngài tố giác hiện tượng đáng kinh tởm là nạn buôn các trẻ nữ bị bắt cóc để cưỡng bách kết hôn.

ĐTC cũng nghĩ đến nước Libia đang bị sâu xé vị cuộc nội chiến dài dẵng, gây ra những đau khổ khôn tả cho dân chúng và có những hậu quả trầm trọng đối với sự quân bình mong manh trong vùng này. Ngài nghĩ đến Cộng hòa Trung Phi nơi mà người ta phải đau lòng nhận thấy thiện chí của những người đang cố gắng xây dựng hòa bình đang gặp phải sự kháng cự của những hình thức chống đối và những lợi lộc phe phái ích kỷ.
ĐTC bày tỏ lo âu về tình trạng ở Sudan, vùng Sừng ở Phi châu, Cộng hòa dân Chủ Congo nơi mà hàng ngàn người phải đi tị nạn bạo lực. Ngài không quên kêu gọi các vị hữu trách dấn thân hơn để bênh vực hòa giải, hòa bình và phẩm giá con người.

Tội ác hãm hiếp
ĐTC đặc biệt tố giác sự kiện chiến tranh cũng mang theo một tội ác đáng kinh tởm là sự hãm hiếp. Đây là một sự vi phạm rất trầm trọng chống lại phẩm giá của phụ nữ, không những họ bị vi phạm trong thân thể, nhưng cả trong tâm hồn, với chấn thương khó có thể xóa bỏ được. Rất tiếc là nơi nào có chiến tranh thì người ta cũng thấy có quá nhiều phụ nữ phải chịu đau khổ vì bạo hành, do tội ác này.

Bệnh dịch Ebola
Đề cập tới bệnh dịch Ebola, ĐTC nhận xét rằng trong nền văn hóa loại bỏ cũng có một cách người ta đối xử với các bệnh nhân, bị cô lập và gạt ra ngoài lề như những người cùi mà Phúc Âm nói tới. ĐTC định nghĩa các nạn nhân Ebola như những người cùi trong thời đại chúng ta ngày nay, nhất là tại Liberia, Sierra Leone và Guinea, với hơn 6 ngàn người chết. Ngài tái cám ơn các nhân viên y tế, các tu sĩ và những người thiện nguyện chăm sóc các bệnh nhân Ebola đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo một sự trợ giúp nhân đạo thích hợp cho các bệnh nhân và thăng tiến một sự dấn thân chung để loại trừ bệnh dịch.

Những người tị nạn và di dân
Sang đến những người tị nạn và di dân, ĐTC nói: ”trong số những hậu quả của các cuộc xung đột, thường có sự trốn chạy của hàng ngàn người rời bỏ nguyên quán của họ… bao nhiêu người đã bỏ mạng trong những hành trình không xứng đáng với con người, phải chịu đủ thứ hành hạ của những lý hình tham lan tiền bạc. Địa Trung Hải không thể trở thành một đại nghĩa trang”.

ĐTC tố giác sự kiện nhiều người di dân, nhất là tại Mỹ châu, là các trẻ em đi một mình, dễ trở thành mồi cho những nguy hiểm. Các em đang cần được quan tâm, săn sóc và bảo vệ nhiều hơn.

Ngài nhấn mạnh thảm trạng bị từ chối mà bao nhiêu người di dân phải chịu. Họ thường đến những miền đất lạ, không có giấy tờ, cũng chẳng biết ngôn ngữ tại nước ấy. Người di dân thật khó được chấp nhận và khó tìm được công ăn việc làm. ĐTC kêu gọi thay đổi thái độ đối với họ, để đi từ thái độ dửng dưng và sợ hãi sang thái độ chân thành đón nhận tha nhân. Ngài không quên kêu gọi thiết lập những luật lệ thích hợp và sự dấn thân của quốc tế để cứu giúp những người tị nạn và di dân. Ngoài ra, cần chữa trị tận căn hiện tượng này chứ không phải chỉ chữa trị hậu quả mà thôi.

Công ăn vic làm và gia đình
ĐTC đề cập đến vấn đề công ăn việc làm và gia đình. Ngài nói: ”những người lưu vong thầm kín” đang sống trong gia cư của chúng ta: những người già, người tàn tật và người trẻ không tìm được công ăn việc làm. Những người già bị gạt bỏ khi họ bị coi như gánh nặng và sự hiện diện của họ bị coi như một sự phiền phức, trong khi người trẻ bị gạt bỏ khi người ta không giúp họ có công ăn việc làm. ĐTC nói: không có sự nghèo đói nào tệ hơn là thứ nghèo đói không có việc làm và phẩm giá của lao công, hoặc biến lao công thành một hình thức nô lệ. Sự thất nghiệp của người trẻ, cũng như sự bóc lột sức lao động của trẻ vị thành niên là điều trái ngược với phẩm giá con người và xuất phát từ một não trang đặt tiền bạc ở trung tâm và gây hại cho chính con người.

ĐTC Phanxicô tố giác sự kiện nhiều khi gia đình trở thành đối tượng cho sự gạt bỏ vì thứ văn hóa cá nhân chủ nghĩa ngày càng lan tràn, tạo ra sự giảm bớt số sinh, và những luật lệ dành ưu tiên cho những hình thức sống chung khác, thay vì nâng đỡ gia đình một cách thích hợp để mưu cộng tác cho toàn thể xã hội.

Kêu gọi Italia thắng cám dỗ đng đ
ĐTC không quên nhắc đến quốc gia Italia yêu quí, đang phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng kinh tế như bao nước khác, cuộc khủng hoảng này sinh ra sự thiếu tín nhiệm và tạo điều kiện cho những xung đột xã hội. Những hậu quả của tình trạng đó người ta thấy ở Roma và Italia khi gặp bao nhiêu người sống trong tình trạng cơ cực. ĐTC nhấn mạnh rằng Italia cần phải vượt thắng bầu không khí bất an kéo dài về mặt xã hội, chính trị và kinh tế. Nhân dân Italia đừng chiều theo sự buông xuôi và cám dỗ đụng độ nhau, nhưng tái khám phá những giá trị của sự chú ý đến nhau và liên đới là nền tảng của sự sống chung với nhau và là nguồn mạch sự tín nhiệm người khác và tin tưởng nơi tương lai, nhất là đối với người trẻ.

Viếng thăm Sri Lanka và Philippines
ĐTC cũng nói đến người trẻ khi nhắc lại cuộc viếng thăm của ngài tại Hàn Quốc nhân Ngày giới trẻ Á châu và ngài đề cập đến cuộc viếng thăm ngài sắp thực hiện tại Sri Lanka và Philippines. Biến cố này chứng tỏ sự quan tâm và ân cần về mục vụ của ngài khi theo dõi các thăng trầm của Á châu. Ngài cũng tái cầu mong hai nước Triều Tiên anh em mở lại các cuộc đối thoại với nhau.

Thành quả hòa bình
Vào đầu năm mới, ĐTC cho biết ngài không muốn cái nhìn của ngài có sắc thái bi quan và ngài cảm tạ Thiên Chúa về những hồng ân, các cuộc gặp gỡ, đối thoại và nhất là một số thành quả của hòa bình. Trong ý hướng đó, ĐTC nhắc đến cuộc viếng thăm của ngài tại Albani, mặc dù có những vết thương phải chịu trong lịch sử gần đây, nhưng nay là một nơi sống chung hòa bình và tôn trọng tín nhiệm lẫn nhau giữa các tín hữu Công giáo, Chính Thống và Hồi giáo. Ngài nhận định rằng niềm tin chân thành nơi Thiên Chúa làm ta cởi mở đối với tha nhân, tạo ra đối thoại và hoạt động cho công ích, trong khi bạo lực luôn nảy sinh từ sự huyền thoại hóa chính tôn giáo của mình, nhiều khi viện cớ những dự án ý thức hệ, nhắm mục tiêu duy nhất là người thống trị người. ĐTC nhắc đến cuộc đối thoại đại kết và liên tôn ở Thổ Nhĩ Kỳ và tinh thần đón tiếp ở Giordani. Ngài cầu mong Liban vượt thắng được những khó khăn hiện nay về chính trị.

Hoa Kỳ và Cuba xích lại gần nhau
Trong số những ví dụ về đối thoại có thể thực sự kiến tạo được những nhịp cầu, ĐTC Phanxicô nhắc đến quyết định mới đây của Hoa Kỳ và Cuba chấm dứt sự im lặng đối với nhau dài hơn một nửa thế kỷ và xích lại gần nhau để mưu ích cho các công dân cả hai nước. Ngoài ra ngài hài lòng chào mừng ý muốn của Hoa Kỳ đóng cửa vĩnh viễn nhà tù ở Guantanamo.

ĐTC nói đến nước Burkina Faso đang dấn thân trong một thời kỳ mới cộng tác và phát triển, và Philippines đã ký một hiệp định chấm dứt những năm căng thẳng tại nước này. Ngài cũng khích lệ cuộc hòa đảm tại Colombia, sự hòa hợp ở Venezuela, và thỏa hiệp chung kết giữa Iran và nhóm các nước gọi là ”5 cộng 1”, về việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào những mục tiêu hòa bình.

70 năm thành lập LHQ và hiệp định về khí hậu
Trong phần kết của bài diễn văn, ĐTC nhắc lại rằng cách đây 70 năm LHQ đã được khai sinh từ đống tro tàn của thảm họa kinh khủng là Thế Chiến thứ 2. Ngài nhắc lại bài diễn văn lịch sử của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô 6 trong cuộc viếng thăm LHQ hồi năm 1965, đó là lời kêu gọi tha thiết: ”Đừng chiến tranh nữa, đừng bao giờ gây chiến nữa”. ĐTC Phanxicô lập lại lời kêu gọi này khi đặc biệt nghĩ đến chương trình phát triển hậu 2015 với những mục tiêu phát triển dài hạn và soạn thảo một Hiệp định mới về khí hậu. Ngài xác tín rằng trong cả các tiến trình đó, một điều kiện không thể thiếu được chính là hòa bình, nảy sinh từ sự hoán cải tâm hồn”.

G. Trần Đức Anh O.P – Vatican Radio