“Tám Mối Phúc Thật”, luật mới của giao ước do Chúa Kitô thiết lập với ơn sự sống của Người

“Tám Mối Phúc Thật”, luật mới của giao ước do Chúa Kitô thiết lập với ơn sự sống của Người

”Tám Mối Phúc Thật” là luật mới của giao ước mới do Chúa Kitô thiết lập với ơn sự sống của Người. Nó là chân dung của Chúa Giêsu, là hình thức sống của Người và là con đường của hạnh phúc đích thật, mà chúng ta cũng có thể bước đi với ơn thánh Chúa Giêsu ban cho chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến 9,000 tín hữu và du khách hành hương trong đại thính đường Phaolô VI, sáng thứ tư 6-8-2014. Tín hữu đã rất vui vì nhiều người đứng hai bên lối đi chính giữa được bắt tay Đức Thánh Cha, khi ngài đi từ cuối đại thính đường lên.

Trong bài huấn du Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý: ”Giáo Hội Dân mới được xây dựng trên giao ước mới do Chúa Giêsu thiết lập với ơn sự sống của Người”. Sự mới mẻ này không khước từ con đường trước đó, cũng không chống lại nó, trái lại, làm cho nó tiến tới và đưa nó tới chỗ thành toàn.

Có một gương mặt rất ý nghĩa nối liền Cựu Ước với Tân Ước đó là gương mặt của thánh Gioan Tẩy Giả. Đối với các Phúc Âm Nhất Lãm người là ”đấng tiền hô”, dọn đường cho Chúa đến, bằng cách chuẩn bị cho dân hoán cải con tim và tiếp nhận sự ủi an của Thiên Chúa gần tới. Đối với Phúc Âm của thánh Gioan, người là ”chứng nhân”, trong nghĩa người làm cho chúng ta nhận biết nơi Đức Giêsu Đấng từ trên cao mà tới, để tha thứ tội lỗi chúng ta, và để làm cho dân Chúa trở thành hiền thê của Ngài, hoa trái đầu mùa của nhân loại mới. Như là ”vị tiền hô” và ”chứng nhân” Gioan Tẩy Giả có một vai trò trung tâm trong toàn Thánh Kinh, trong nghĩa người là cầu nối giữa các lời hứa của Cựu ước và sự thành toàn của chúng, giữa các lời tiên tri và việc thực hiện chúng nơi Đức Giêsu Kitô.

Với chứng tá của người, Gioan chỉ Chúa Giêsu cho chúng ta, mời gọi chúng ta theo Người, và nói với chúng ta rõ ràng là điều này đòi hỏi sự khiêm tốn, ăn năn và hoán cải.

Như ông Môshê đã ký kết giao ước với Thiên Chúa trong sức mạnh của luật lệ nhận được trên núi Sinai, Đức Giêsu Kitô từ một ngọn đồi bên bờ hồ Galilea, đã ban cho các môn đệ và dân chúng một giáo huấn mới bắt đầu với các Phúc Thật. Ông Môshê ban lề luật trên núi Sinai và Đức Giêsu, Môshê mới, ban Lề Luật trên núi, bên bờ hồ Galilea. Các Mối Phúc Thật là con đường Thiên Chủa chỉ cho như là câu trả lời cho ước mong hạnh phúc, ở trong con người, và chúng kiện toàn các điều răn của Cựu ước. Chúng ta có thói quen học Mười Điều Răn. Chắc chắn là tất cả chúng ta đều biết rồi. Anh chị em đã học trong giáo lý, nhưng không quen lập lại các Mói Phúc Thật trong tim. Hãy làm như thế này: Tôi đọc trước từng Phúc Thật một và anh chị em lập lại nhé! Có đồng ý không? Mọi người thưa: ”Đồng ý”.

Đức Thánh Cha đã chậm rãi đọc các Mối Phúc Thật và mọi người đã lập lại: ”Phúc cho những người có tinh thần khó nghèo, vì nước Trời là của họ”. Mọi người lập lại: ”Phúc cho những người có tinh thần khó nghèo, vì nước Trời là của họ”. Phúc cho những ai khóc lóc, vì họ sẽ được an ủi. Phúc cho những người hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp. Phúc cho những ai đói khát sự công chính, vì sẽ được no đầy. Phúc cho những người biết thương xót, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những người có con tim trong sạch, vì họ sẽ đươc trông thấy Thiên Chúa. Phúc cho những người xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những người bị bách hai vì công lý, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con khi người ta lăng mạ, bắt bớ các con và nói mọi điều xấu xa chống lại các con vì Thầy. Câu này dài nên Đức Thánh Cha nói tôi giúp anh chị em lập lại. Các con hãy vui mừng vì phần thưởng của các con trên trời thật lớn lao!

Anh chị em giỏi lắm. Nhưng chúng ta hãy làm một điều: tôi cho anh chị em một bài tập về làm ở nhà đây. Anh chị em hãy lấy sách Tin Mừng mà anh chị em đem theo trong mình nhé. Hãy luôn nhớ đem theo một cuốn Phúc Âm nhỏ với anh chị em, trong túi, trong xách tay, luôn luôn! Lấy sách Tin Mừng mà anh chị em có ở nhà và đọc trong các chương đầu, tôi tin là ở chương 5 có Các Mồi Phúc Thật. Hôm nay và ngày mai hãy đọc các Mối Phúc Thật nhé. Anh chị em có làm không? Cả đại thính đường thưa: ”có ạ”. Đọc để khỏi quên chúng, bởi vì đó là Luật Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Anh chị em nhớ làm nhé! Xin cám ơn anh chị em.

Trong các lời này có tất cả sự mới mẻ do Chúa Kitô đem lại. Tất cả sự mới mẻ của Chúa Kitô là trong các lời này. Thật thế, Các Mối Phúc Thật là chân dung của Chúa Giêsu, là hình thức sống của Người, và chúng là con đường của hạnh phúc đích thật, mà chúng ta cũng có thể bước đi với ơn thánh Chúa Giêsu ban cho chúng ta.

Ngoài một luật mới mẻ Chúa Giêsu cũng còn ban cho chúng ta ”công thức”, theo đó chúng ta sẽ bị xét xử nữa. Vào ngày tận thế chúng ta sẽ bị xét xử. Và đâu là các câu hỏi sẽ được đặt ra cho chúng ta khi đó? Đâu sẽ là các câu hỏi này? Đâu là mực thước, theo đó Quan tòa sẽ phán xứ chúng ta? Đó là điều chúng ta tìm thấy trong chương 25 Phúc âm thánh Mátthêu. Hôm nay bài làm là đọc chương 5 Phúc Âm thánh Mátthêu, nơi có các Mối Phúc Thật và đọc chương 25 Phúc âm thánh Mátthêu nơi có mô thức, các câu hỏi sẽ được nêu lên cho chúng ta ngày phán xử. Chúng ta sẽ không có tước hiệu, điểm, hay đặc ân đặc lợi phải tích trữ.

Chúa sẽ nhận ra chúng ta, nếu chúng ta đã nhận ra Người nơi người nghèo, người đói khát, nơi kẻ bần cùng và bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, nơi người khổ đau và cô đơn… Đây là một trong các tiêu chuẩn nền tảng giúp kiểm thực cuộc sống kitô của chúng ta, mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tự đo lường mỗi ngày. Tôi đọc các Mối Phúc Thật và tôi nghĩ cuộc sống kitô của tôi phải như thế nào, rồi tôi duyệt xét lương tâm mình với chương 25 Phúc Âm thánh Mátthêu. Mỗi ngày: tôi đã làm điều này, tôi đã làm điều này, tôi đã làm điều này… Nó sẽ giúp chúng ta sống tốt đấy. Chúng đơn sơ nhưng cụ thể.

Anh chị em thân mến, giao ước mới là ở chính điều này: nhận ra chính mình trong Chúa Kitô, được bao bọc bởi lòng thương xót và cảm thương của Thiên Chúa. Chính điều này làm cho con tim của chúng ta tràn ngập niềm vui, và chính điều này khiến cho cuộc sống chúng ta là một chứng tá xinh đẹp và đáng tin cậy về tình yêu của Thiên Chúa đối với tất cả mọi anh chị em mà chúng ta gặp gỡ mỗi ngày. Xin anh chị em hãy nhớ làm các bài tập nhé! Đọc chương 5 và chương 25 Phúc Âm thánh Mátthêu. Cám ơn anh chị em.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm hành hương và chúc họ được nhiều niềm vui trong ngày lễ Chúa Hiển Dung. Chào các tín hữu đến từ các nước Á rập Đức Thánh Cha xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho hòa bình tại vùng Trung Đông. Ngài cũng nhớ tới các nạn nhân trận động đất xảy ra trong tỉnh Vận Nam bên Trung Quốc ngày Chúa Nhật vừa qua, khiến cho nhiều người chết, và gây ra các thiệt hại lớn lao. Đức Thánh Cha nói: tôi cầu nguyện cho những người đã qua đời và gia đình họ, cho những người bị thương và những người bị mất nhà cửa. Xin Chúa ban cho họ sự ủi an, niềm hy vọng và tình liên đới trong thử thách này.

Ngài cũng đã chào các nữ tu các dòng ”Nữ tử Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, dòng Ravasco”, các ”Nữ tu Tetine Đức Mẹ Vô Nhiễm”, các ”Nữ tỳ Đền tội” và các ”Nữ tu Phansinh thờ lạy Thánh Tâm” là các dòng đang họp tổng tu nghị tại Roma. Đức Thánh cha cũng chào đoàn người rước đuốc Hy vọng cho trại hè thánh Gabriele của Đức Mẹ Sầu Bi và các gia đình tham dự cuộc tuần hành Phanxicô từ Sicilia đến Assisi. Đức Thánh Cha xin cho cuộc hành hương viếng mộ hai thánh Tông đồ tại Roma củng cố đức tin của mọi người.

Ngài cũng nhắc đến biến cố Đấng đáng kính tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI qua đời ngày lễ Chúa Hiển Dung mùng 6 tháng 8 năm 1978. Chúng ta hãy nhớ đến người với lòng qúy mến và khâm phục, vị chủ chăn đã tận hiến cuộc đời phục vụ Giáo Hội. Xin gương sáng trung thành của người khích lệ và củng cố chúng ta. Sau khi chào các bạn trẻ, các người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha đã cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Cái luận lý của Thiên Chúa là thứ luận lý cảm thương, chia sẻ cho người nghèo đói và cho đi chính mình

Cái luận lý của Thiên Chúa là thứ luận lý cảm thương, chia sẻ cho người nghèo đói và cho đi chính mình

Cái luận lý của Thiên Chúa là thứ luận lý của lòng cảm thương, chia sẻ cho người nghèo đói và cho đi chính mình. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 3-8-2014.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa Phúc Âm Chúa Nhật thường niên thứ 18 năm A, kể lại biến cố Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Chúa Giêsu làm phép lạ đó gần bờ hồ Galilea, trong một chỗ vắng vẻ, nơi ngài đã cùng các môn đệ rút lui vào đó sau khi nghe tin ông Gioan Tẩy Giả chết. Nhưng có biết bao người đã đi theo và tới với các ngài. Và khi trông thấy họ Chúa Giêsu cảm thương và chữa lành những người bệnh cho tới chiều. Khi đó các môn đệ lo lắng vì trời đã muộn, các ông gợi ý cho Chúa giải tán đám đông để họ có thể vào các làng mạc mua thức ăn. Nhưng Chúa Giêsu bình tĩnh trả lời: ”Chính các con hãy cho họ ăn đi” (Mt 14,16). Rồi sau khi 5 chiếc bánh và hai con cá được đem tới, Người chúc lành, bắt đầu bẻ ra, trao cho các môn đệ, và các ông phân phát cho dân chúng. Mọi người ăn no nê mà vẫn còn dư. Đức Thánh Cha quảng diễn ý nghĩa phép lạ như sau:

Trong biến cố này chúng ta có thể tiếp nhận ba sứ điệp. Thứ nhất là lòng cảm thương. Trước đám dông đuổi theo Người – và có thể nói rằng không để cho người yên – Chúa Giêsu không phản ứng với sự cáu giận, Người không nói: ”Dân này làm phiền tôi”. Không. Không. Nhưng Người phản ứng với tâm tình cảm thương, bởi vì Người biết rằng họ tìm Người không phải vì tò mò, nhưng vì cần Người. Chúng ta hãy chú ý: cảm thương, đó là điều Chúa Giêsu cảm thấy. Nó không chỉ đơn sơ là thương hại, mà còn hơn nữa! Nó có nghĩa là đau khổ với, đồng hóa mình trong nỗi khổ đau của người khác, tới độ nhận lấy nó trên chính mình. Chúa Giêsu là như thế: Ngài cùng đau khổ với chúng ta. Ngài đau khổ với chúng và và cho chúng ta. Và dấu chỉ của lòng cảm thương đó là Ngài đã chữa lành nhiều người bệnh. Chúa Giêsu dậy chúng ta đặt các nhu cầu của người nghèo trước các nhu cầu của chúng ta. Các nhu cầu của chúng ta, cho dù hợp pháp, cũng sẽ không bao giờ cấp thiết như các nhu cầu của người nghèo, là những người không có cái tối thiểu để sống. Chúng ta thường nói về người nghèo, nhưng khi nói về người nghèo, chúng ta có cảm thấy rằng người đàn ông này, người đàn bà nọ, các trẻ em ấy không có điều cần thiết để sống không? Rằng họ không có ăn, không có mặc, không thể có thuốc men. Cả các trẻ em nữa không thể đến trường… Và vì thế các nhu cầu của chúng ta, dù hợp pháp, sẽ không bao giờ cáp thiết bằng các nhu cầu của người nghèo không có điều tối thiểu để sống.

Sứ điệp thứ hai là sự chia sẻ. Thứ nhất là sự cảm thương, điều mà Chúa Giêsu cảm thấy với sự chia sẻ. Thật ích lợi đối chiếu phản ứng của các môn đệ trước người dân mệt mỏi và đói khát với phản ứng của Chúa Giêsu. Các môn đệ nghĩ rằng tốt hơn là giải tán dân chúng, để họ có thể đi mua thức ăn. Trái lại, Chúa Giêsu nói: các con hãy cho họ ăn đi. Hai phản ứng khác nhau, chúng phản ánh hai luận lý trái nghịch nhau: các môn đệ phản ứng theo thế gian, theo đó mỗi người nghĩ tới chính mình; họ đã phản ứng như thể nói rằng: ”Anh chi em hãy tự lo liệu.” Chúa Giêsu lý luận theo cái luận lý của Thiên Chúa, là cái luận lý của sự chia sẻ. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã quay mặt đi nơi khác để không trông thấy các người anh em cần giúp đỡ. Và cái nhìn đi chỗ khác này là một kiểu lich sự để nói rằng, trong đôi găng tay trắng: ”Hãy tư lo liệu lấy”. Điều này không phải là của Chúa Giêsu: đó là sự ích kỷ. Nếu Chúa Giêsu đã giải tán các đám đông, thì cũng sẽ còn có biết bao nhiêu người không có ăn.

Trái lại, ít chiếc bánh và cá, được chia sẻ và được Thiên Chúa chúc phúc, đã đủ cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy chú ý: đây không phải là một ma thuật, mà là một ”dấu chỉ”! Một dấu chỉ mời gọi có niềm tin nơi Thiên Chúa, là Cha quan phòng, là Đấng không để cho chúng ta thiếu ”lương thực hằng ngày”, nếu chúng ta biết chia sẻ nó như anh chị em!

Sau cùng liên quan tới sứ điệp thứ ba Đức Thánh Cha nói:

Phép lạ bánh báo trước bí tích Thánh Thể. Chúng ta thấy nó nơi cử chỉ của Chúa Giêsu “đọc lời chúc tụng” (c. 19) trưởc khi bẻ bánh và phân phát cho đám đông. Nó cũng là chính cử chỉ Người sẽ làm trong Bữa Tiệc Chiều, khi Người thành lập việc tưởng niệm vĩnh cửu Hiến tế cứu độ của Người. Trong bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu không cho một chiếc bánh, nhưng cho bánh sự sống vĩnh cửu, trao ban chính Ngài, tận hiến chính mình cho Thiên Chúa Cha vì yêu thương chúng ta. Ai đến với bí tích Thánh Thể mà không có lòng cảm thương các người túng thiếu và không chia sẻ, thì không hợp với Chúa Giêsu…

Cảm thương, chia sẻ và Thánh Thể. Đó là con đường mà Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta trong Tin Mừng này. Một con đường dẫn đưa chúng ta tới chỗ đối chiếu với các nhu cầu của thế giới này với tình huynh đệ; nhưng nó dẫn đưa chúng ta vượt qúa thế giới này, bởi vì nó khởi hành từ Thiên Chúa và trở lại với Người.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của sự Quan Phòng thiên linh, đồng hành với chúng ta trên con đường này.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã chào tín hữu Roma và các khách hành hương thuộc nhiều nước khác nhau. Ngài đặc biệt chào nhóm chạy bộ thuộc giáo xứ Sao Biển ở Lido tỉnh Latina, được tổ chức chung với Hiến Binh Vatican và Đội Cận Vệ Thụy sĩ. Ngài đã làm phép ngọn đèn sẽ được thắp sáng suốt tháng 8 này để kính Đức Mẹ.

Đức Thánh Cha cũng chào các bạn trẻ giáo xứ Thánh Tâm ở Pontedera, thuộc giáo phận Pisa, trung bắc Italia, hành hương đi bộ về Roma theo lộ trình Francigena, là lộ trình hành hương có từ thời Trung Cổ, đi qua các nước Pháp, Italia, Tây Ban Nha. Ngài cũng chào các hướng đạo sinh hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô. Họ đang cùng hàng ngàn hướng đạo sinh Italia trên đường đến tham dự đại hội hướng đạo sinh toàn quốc tại San Rossore.

Sau cùng Đức Thánh Cha chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành và bữa ăn trưa ngon miệng.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Buổi nói chuyện của Đức Thánh Cha Phanxicô với các linh mục giáo phận Caserta nam Italia

Buổi nói chuyện của Đức Thánh Cha Phanxicô với các linh mục giáo phận Caserta nam Italia

Chiều Chúa Nhật 27-7-2014 Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm giáo phận Caserta nam Italia, nhân lễ thánh Anna bổn mạng giáo phận. Trước khi chủ sự thánh lễ cho 200,000 người tại quảng trường trước lâu đài hoàng gia, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các linh mục trong nhà nguyện Palatina của lâu đài.

Ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha Đức Cha D'Alise Giám Mục Caserta nói: ”Thưa Đức Thánh Cha, con đã không dọn bài viết nào hết, bởi vì con hiểu ngay rằng Đức Thánh Cha muốn có tương quan thân tình và sâu đậm với các linh mục. Vì thế con xin chào mừng Đức Thánh Cha. Đây là Giáo Hội của chúng con, các linh mục, rồi sau đó chúng ta sẽ thấy phần còn lại của Giáo Hội, trong khi cử hành bí tích Thánh Thể. Đối với con giây phút này thật quan trọng, bởi vì con có mặt ở đây mới từ hai tháng nay thôi, và con bắt đầu sứ vụ giám mục với sự hiện diện và phép lành của Đức thánh Cha, và đối với con đó là một ơn trong một ơn lớn. Giờ đây chúng con chờ đợi lời của Đức Thánh Cha. Biết rằng Đức Thánh Cha ước mong có một cuộc đối thoại, các linh mục cũng đã chuẩn bị các câu hỏi.

Ngỏ lời với mọi người Đức Thánh Cha nói: ”Tôi đã chuẩn bị một bài diễn văn, nhưng tôi sẽ trao cho Đức Giám Mục. Xin cám ơn rất nhiều về sự tiếp đón này. Tôi hài lòng và tôi cảm thấy mình hơi có lỗi, vì đã tạo ra bao nhiêu vấn đề trong ngày lễ thánh bổn mạng của giáo phận. Nhưng tôi đã không biết điều này. Khi tôi điện thoại cho Đức Giám Mục để nói với ngài là tôi muốn đến thăm với tư cách cá nhân một người bạn là mục sư Traettino, Đức Cha đã nói với tôi: ”A, chính trong ngày lễ bổn mạng”. Và tôi nghĩ ngay: ”Ngày hôm sau báo chí sẽ nói: ”Trong ngày lễ bổn mạng giáo phận Caserta Đức Giáo Hoàng đã đến thăm các anh em tin lành.” Tựa đề hay qúa có phải không? Và như thế chúng tôi đã sắp xếp câu chuyện hơi vội vã một chút, nhưng Đức Giám Mục đã giúp tôi và cả các nhân viên Phủ Quồc Vụ Khanh nữa. Tôi đã nói với vị phụ tá Quốc Vụ Khanh khi tôi gọi cho ngài: ”Xin làm ơn lấy cái dây ra khỏi cổ cho tội”. Và vị ấy đã làm tốt. Xin cám ơn các cha về những câu hỏi các cha sẽ đưa ra, chúng ta có thể bắt đầu được rồi. Các cha cứ hỏi rồi tôi sẽ xem, nếu chúng ta có thể dồn hai ba
cầu vào một, nếu không thì tôi sẽ trả lời từng câu hỏi một.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, con xin cám ơn. Con là linh mục Pasquariello, cha chính giáo phận Caserta. Xin hết lòng cám ơn Đức Thánh Cha đã đến thăm Caserta. Con muốn hỏi thiện ích mà Đức Thánh Cha đang đem lại cho Giáo Hội với các bài giảng thường ngày, các tài liệu chính thức, đặc biệt là Thông điệp ”Niềm Vui Phúc Âm” đều mang dấu ấn sự hoán cải tinh thần, thân tình, cá nhân. Theo thiển ý con đó là một cuộc cải cách chỉ liên quan tới lãnh vực thần học, chú giải Thánh Kinh và triết lý. Nhưng bên cạnh đó cũng cần phải lôi cuốn dân Chúa vào cuộc nữa. Vấn đề là trong giáo phận của chúng con, là giáo phận đã có từ 900 năm nay, các ranh giới thật vô lý. Vài phần đất của tỉnh bị chia một nửa với giáo phận Capua và với giáo phận Acerra. Nhà ga xe lửa thành phố Caserta, cách tòa thị sảnh gần một cây số, lại thuộc Capua. Con xin Đức Thánh Cha một can thiệp với giải pháp để các cộng đoàn của chúng con khỏi phải đau khổ vì các di chuyển vô ích và để cho sự hiệp nhất mục vụ của cộng đoàn khỏi phải khó khăn. Rõ ràng là trong số 10 Thông điệp ”Niềm vui Phúc Âm” Đức Thánh Cha khẳng định rằng đây là các chuyện thuộc tòa Giám Mục. Nhưng con còn nhớ cách đây 47 năm khi con còn là linh mục trẻ, chúng con đã cùng Đức ông Roberti, xuất thân từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, lên trình bầy vấn đề ở Phủ Quốc Vụ Khanh, thì được trả lời là: ”Các cha sắp xếp với các Giám Mục đi, rồi chúng tôi sẽ ký”. Thật là hay, nhưng mà khi nào các Giám Mục mới đồng ý với nhau, thưa Đức Thánh Cha?

Đáp: Có vài sử gia của Giáo Hội nói rằng trong vài Công Đồng các Giám Mục cũng còn đánh nhau nữa, nhưng rồi lại đồng ý với nhau. Và đây là môt dấu chỉ xấu. Thật là xấu, khi các Giám Mục nói xấu nhau, hay vào hùa với nhau. Tôi không nói là phải có sự hiệp nhất tư tưởng hay tu đức, bởi vì đây là điều tốt, nhưng tôi nói ”theo đuôi nhau” trong nghĩa tiêu cực của từ này. Điều này xấu, vì nó bẻ gẫy sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Điều này không phải là của Thiên Chúa. Là Giám Mục chúng tôi phải nêu gương hiệp nhất, mà Chúa Giêsu đã xin Thiên Chúa Cha ban cho Giáo Hôi. Không thể đi nói xấu nhau được: ”Ông này làm thế này, ông kia ở đó làm thế nọ”. Hãy đi nói thẳng vào mặt nhau. Các cha ông của chúng ta trong các Công Đồng đánh nhau, và tôi thích họ la hét nhau, rồi ôm nhau làm hòa hơn là đi nói xấu, nói chùng nói lén nhau. Đó là nguyên tắc chung.

Trong sự hiệp nhất của Giáo Hội sự hiệp nhất giữa các Giám Mục là điều quan trọng. Thế rồi, cha cũng nhấn mạnh một con đường mà Chúa đã muốn cho Giáo Hội. Sự hiệp nhất này giữa các Giám Mục là sự hiệp nhất tạo thuận tiện cho việc thỏa thuận với nhau trên các điều này điều nọ. Trong một nước kia, không phải tại Italia đâu, nhưng ở một phần khác của thế giới, có một giáo phận có ranh giới được vạch lại, nhưng vì lý do đặt kho tàng của nhà thờ chính tòa, thế là xảy ra tranh chấp kiện tụng nhau lên tới các tòa án kéo dài hơn 40 năm trời. Chỉ vì tiền thôi: thật là không hiểu nổi! Và điểm này là nơi ma qủy mừng lễ! Chính nó được lợi. Thật là đẹp, khi cha nói rằng các Giám Mục phải luôn luôn đồng ý với nhau: nhưng đồng ý trong sự hiệp nhất, không phải trong sự đồng nhất. Mỗi người có đặc sủng của mình, mỗi người có kiểu suy tư, nhìn các sự vật: sự khác biệt đó đôi khi là kết qủa của sai lầm, nhưng biết bao lần nó là hoa trái của chính Thần Khí. Chúa Thánh Thần đã muốn rằng trong Giáo Hội có các đặc sủng khác nhau. Chính Thần Khí làm ra sự khác biệt, rồi lại thành công làm ra sự hiệp nhất: một sự hiệp nhất trong sự khác biệt của từng người, mà không ai phải mất đi bản vị của mính. Tôi cầu mong rằng điều cha nói đó tiến tới. Thế rồi chúng ta tất cả đều tốt lành, bởi vì chúng ta đều có nước Thánh Tẩy, chúng ta có Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng ta tiến tới.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, con là linh mục Angelo Piscopo, cha sở giáo xứ Thánh Phêrô Tông Đồ và giáo xứ Ngai tòa thánh Phêrô. Câu hỏi của con là: trong Thông điệp ”Niềm vui Phúc Âm” Đức Thánh Cha đã mời gọi khích lệ và củng cố lòng đạo đức bình dân, là kho tàng của Giáo Hội công giáo. Đồng thời Đức Thánh Cha cũng cho thấy nguy cơ có thật của việc phổ biến một thứ kitô giáo cá nhân chủ nghĩa và tình cảm, chú ý nhiều hơn tới các hình thức truyền thống và mạc khải, mà lại thiếu các khía cạnh nền tảng của đức tin và thiếu ăn sâu vào cuộc sống xã hội. Đức Thánh Cha có thể gợi lên cho chúng con một kiểu mục vụ, thế nào để đừng gây thiệt hại cho lòng đạo đức bình dân, mà lại có thể tái trao ban quyền tối thượng cho Tin Mừng hay không? Con xin cám ơn Đức Thánh Cha.

Đáp: Người ta nghe nói rằng đây là thời điểm, trong đó lòng đạo hạnh đã xuống dốc, nhưng tôi không tin lắm. Bởi vì có các trào lưu, các trường đạo hạnh duy tâm tình, kiểu ngộ đạo thực thi một loại mục vục giống một lời cầu nguyện tiền kitô, một lời cầu tiền kinh thánh, và thuyết ngộ đạo đã bước vào trong Giáo Hội qua các nhóm đạo đức duy tâm tình ấy: tôi gọi điều này là chủ thuyết duy tâm tình. Chủ thuyết duy tâm tình không tốt, nó là một điều cho tôi, tôi an tâm, tôi cảm thấy mình tràn đầy Thiên Chúa. Nó cũng giống phong trào Thời Mới. Có lòng đạo hạnh, đúng, nhưng là một thứ đạo hạnh ngoại giáo, hay cả lạc giáo nữa. Chúng ta không được sợ hãi nói lên từ này, bởi vì thuyết ngộ đạo là một lac giáo, nó đã là lạc giáo thứ nhất trong Giáo Hội. Khi tôi nói tới lòng đạo hạnh, tôi nói về kho tàng đạo đức, với biết bao nhiêu giá trị, mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã miêu tả trong Tông huấn ”Loan báo Tin Mừng”. Các cha hãy nghĩ tới tài liệu Aparecida của Hội nghị lần thứ V của Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh, trong đó ở đoạn cuối cùng, phải lui lại đàng sau 40 năm để lấy lại một đoạn của Tông huấn, là tài liệu mục vụ thời hậu công đồng vẫn còn rất thời sự. Trong tài liệu này, Đức Phaolô VI miêu tả lòng đạo đức bình dân bằng cách khẳng định rằng đôi khi cần phải phúc âm hóa nó. Vâng, bởi vì cũng như mọi lòng đạo đức, nó có nguy cơ sai lạc, và không diễn tả đức tin mạnh mẽ.

Nhưng lòng đạo đức mà người dân có, lòng đạo đức đi sâu vào trong con tim với bí tích Rửa Tội là một sức mạnh khổng lồ, tới độ dân Chúa có lòng đạo đức này, nói chung, không thể sai lầm, nó chắc chắn, như khẳng định trong số 12 của Hiến chế về Giáo Hội. Lòng đạo đức bình dân nảy sinh từ ý thức của đức tin, mà tài liệu công đồng nói tới và hướng dẫn trong việc sùng kính các Thánh, Đức Mẹ, cả qua các kiểu diễn tả dân ca vũ, trong nghĩa tốt của từ này. Vì thế lòng đạo đức bình dân một cách nền tảng được hội nhập văn hóa, không thể là một lòng đạo đức được làm trong phòng thí nghiệm, nhưng luôn luôn nảy sinh từ cuộc sống. Người ta có thể phạm các lỗi nhỏ, vì thế cần phải tỉnh thức, nhưng lòng đạo hạnh bình dân là một dụng cụ rao truyền Tin Mừng.

Chúng ta hãy nghĩ tới các người trẻ ngày nay. Người trẻ, ít nhất là trong kinh nghiệm tôi đã có trong giáo phận, giới trẻ, các phong trào giới trẻ tại Buenos Aires đã không hoạt động. Tại sao vậy? Người ta đã nói với họ rằng chúng ta hãy họp nhau để nói chuyện… và sau cùng thì giới trẻ buồn chán. Nhưng khi các cha xứ tìm ra con đường lôi cuốn giới trẻ trong các cuộc truyền giáo nhỏ, đi truyền giáo trong kỳ hè, dậy giáo lý cho những người cần, trong các vùng hẻo lánh xa xôi không có linh mục, khi đó giới trẻ tham gia. Người trẻ muốn kiểu tác nhân truyền giáo này và từ đó họ học sống một hình thức đạo có thể gọi là đạo đức đức bình dân: việc tông đồ truyền giáo của người trẻ cũng có thể nói là đạo đức bình dân. Đức Phaolô VI nói: lòng đạo đức bình dân tích cực nó là một ý thức của đức tin sâu đậm, mà chỉ những người đơn sơ và khiêm tốn mới có khả năng có. Và điều này thật là lớn lao! Chẳng hạn trong các đền thánh người ta thấy xảy ra các phép lạ.

Ngày 27 tháng 7 hằng năm tôi đều đến Đền thánh Pantaleone ở Buenos Aires và giải tội từ sáng. Nhưng khi trở về nhà tôi được đổi mới nhờ kinh nghiệm này, tÔi trở về nhà xấu hổ vì sự thánh thiện mà tôi đã tìm thấy nơi các tín hữu sơn đơn sơ này, có tội nhưng thánh thiện, bởi vì họ nói lên các tội của họ và kể lại họ sống ra sao, con trai con gái họ có vấn đề gì, hay người này người kia có khó khăn nào, họ đi thăm các bệnh nhân làm sao. Tỏa sáng ra một ý thức tin mừng. Người ta tìm thấy các điều này trong các Đền thánh. Các tòa giải tội tại các Đền thánh là một nơi canh tân cho chúng ta là các linh mục giám mục: nó là một khóa học canh tân tinh thần vì tiếp xúc với lòng đạo đức bình dân. Khi họ đến xưng tội, các tín hữu kể cho bạn nghe các bần cùng của họ, nhưng bạn thấy đàng sau các bần cùng ấy ơn thánh Chúa hướng dẫn họ tới thời điểm này. Việc tiếp xúc này với dân Chúa cầu nguyện, hành hương biểu lộ đức tin của họ trong hình thức đạo đức này, giúp chúng ta biết bao nhiêu trong cuộc sống linh mục của chúng ta.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, con đã là học sinh được các cha dòng Tên đào tạo văn hóa và linh mục. Căn tính của linh mục trong thiên niên kỷ thứ ba là quân bình nhân bản và tinh thần, ý thức truyền giáo, rộng mở đối thoại với các tôn giáo khác cũng như đối với những người không có tôn giáo. Đức Thánh Cha đã làm một cuộc cách mạng về ngôn ngữ, kiểu sống, thái độ hành xử và chứng tá liên quan tới các đề tài quan trọng nhất trên bình diện quốc tế, cả đối với những người vô thần và những người sống xa Giáo Hội công giáo. Con xin phép hỏi Đức Thánh Cha: trong xã hội tiến triển sinh động và xung khắc và thường xa cách các giá trị tin mừng này, làm sao Giáo Hội cầu mong lớn lên và phát triển lại thường chậm chạp như vậy? Cuộc cách mạng ngôn từ, ý nghĩa, văn hóa và chứng tá tin mừng của Đức Thánh CHa đang khơi dậy trong các lương tâm một cuộc khủng hoảng hiện sinh đối với các linh mục chúng con. Xin Đức Thánh Cha gợi lên cho chúng con các con đường sáng tạo giúp thắng vươt hay ít ra làm giảm thiểu cuộc khủng hoảng mà chúng con cảm thấy này.

Đáp: Làm sao Giáo Hội đang lớn lên và phát triển có thể tiến tới? Cha đã đưa ra vài điều rồi: sự quân bình, thái độ rộng mở đối thoại. Cha đã nói một điều tôi rất thích: đó là óc sáng tạo: một từ thiên linh và nếu nó là nhân bản thì đó là một ơn của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ra lệnh cho Adam ”Hãy đi và làm cho trái đất lớn lên. Hãy có óc sáng tạo. Đó cũng là giới răn mà Chúa Giêsu đã ban cho các môn đệ trong các tương quan với Do thái giáo: thánh Phaolô đã là một người có óc sáng tạo; thánh Phêrô đã làm một điều mới mẻ, sáng tạo. Lời nói là sự sáng tạo. Làm sao tìm được sự sáng tạo này? Đây là điều kiện nếu chúng ta muốn sáng tạo trong Thần Khí, nghĩa là trong Thần Khí của Chúa Giêsu. Không có con đường nào khác ngoài con đường cầu nguyện.

Một Giám Mục mà không cầu nguyện, một linh mục mà không cầu nguyện thì đã đóng cửa, thì đã đóng con đường của óc sáng tạo. Chính trong lời cầu nguyện khi Chúa Thánh Thần làm cho bạn nghe được một điều, thì ma qủy tới làm cho bạn nghe thấy một điều khác. Nhưng cầu nguyện là điều kiện để tiến tới. Cả khi nhiều lúc xem ra lời cầu có buồn chán đi nữa. Lời cầu quan trọng biết bao. Không phải chỉ là lời cầu nguyện của kinh thần vụ và phụng vụ Thánh Lễ, thanh thản, sốt mến, lời cầu cá nhân với Chúa. Nếu chúng ta không cầu nguyện có lẽ chúng ta sẽ là các doanh nhân mục vụ và tinh thần, nhưng Giáo Hội mà không có lời cầu nguyện thì trở thánh một tổ chức phi chính quyền, mà không được xức dầu của Thần Khí. Lời cầu nguyện là bước đầu tiên bởi vì đó là rộng mở cho Thiên Chúa để có thể rộng mở cho tha nhân. Chính Chúa nói cho bạn phải đi đây đi kia, làm cái này cái nọ và dấy lên óc sáng tạo, khiến cho nhiều vị Thánh phải trả giá mắc mỏ. Hãy nghĩ tới chân pưhớc Antonio Rosmini, người đã viết tác phẫm ”Năm vết thương của Giáo Hội”. Ngài đã là một người có óc phê bình sáng tạo, bởi vì đã cầu nguyện và đã viết những gì Chúa Thánh Thần đã cho cảm thấy. Nhưng chính vì thế mà ngài đã phải vào tù tinh thần, nghĩa là nhà của ngài: không thể nói, không thể dậy dỗ, không thể viết, các sách của ngài bị xếp vào danh sách các sách cấm đọc. Nhưng ngày nay ngài là chân phước.

Biết bao nhiêu lần sự sáng tạo đem theo thập giá, nhưng khi phát xuất từ lời cầu nguyện, nó đem lại hoa trái. Đây không phải sự sáng tạo kiểu ”cách mạng” thời thượng ngày nay không phải là của Thần Khí, nhưng là óc sáng tạo đến từ Thần Khí và nảy sinh từ lời cầu nguyện. Nó có thể tạo ra các vấn đề cho bạn. Sự sáng tạo đến từ lời cầu nguyện có một chiều kích nhân chủng của sự siêu việt, bởi vì qua lời cầu nguyện bạn rộng mở cho sự siêu việt, cho Thiên Chúa. Nhưng cũng có sự siêu việt rộng mở cho tha nhân. Không cần phải là một Giáo Hội đóng kín trong chính mình, chỉ nhìn lỗ rốn của mình, một Giáo Hội tự quy chiếu về mình, nhìn chính mình và không có khả năng siêu việt. Sự siêu việt hai chiều rất quan trọng: hướng tới Thiên Chúa và hướng tới tha nhân. Ra khỏi chính mình không phải là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm, nhưng là một lộ trình mà Thiên Chúa đã chỉ cho con người ngay từ đầu khi Thiên Chúa nói với tổ phụ Abraham: ”Hãy rời bỏ đất của ngươi”. Ra khỏi mình. Khi tôi ra khỏi mình, tôi gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân. Nhưng phải gặp tha nhân làm sao từ xa hay từ gần. Cần phải gặp họ từ gần. Sự sáng tạo, sự siêu việt và sự gần gũi. Sự gần gũi là một từ chìa khóa. Gần gũi không hoảng sợ. Khi thấy các ngẫu tượng tại Athènes thánh Phaolô đã không hoảng sợ, nhưng đến gần và trích cả các thi sĩ Hy lạp nữa. Mgài tới gần một nền văn hóa, gần con người gần kiểu suy tư, các khổ đau và các thù hận của họ. Biết bao lần sự gần gũi là một việc hãm mình, bởi vì chúng ta phải nghe các điều nhàm chán, các điều xúc phạm.

Cách đây hai năm có một linh mục thuộc tổng giáo phận Buenos Aires đi truyền giáo tại một giáo phận miền nam trong vùng từ nhiều năm nay không có linh mục công giáo, nhưng có các người tin lành. Cha ấy kể cho tôi nghe rằng cha đến thăm một phụ nữ, hiệu trưởng trường học vùng đó. Bà mời cha ngồi rồi bắt đầu chửi cha rất dữ: ”Các cha đã bỏ rơi chúng tôi một mình, tôi cần Lời Chúa nên tôi đã phải tham dự phụng tự tin lành và tôi đã theo tin lành”. Vị linh mục này trẻ tuổi, cầu nguyện nhiều và rất hiền dịu. Khi bà nọ đã ngưng chửi bới cha liến nói: ”Thưa bà tôi chỉ xin nói một lời thôi: ”Xin lỗi. Xin bà tha lỗi cho chúng tôi. Chúng tôi đã bỏ đàn chiên”. Và bà nọ đổi giọng ngay. Bà mời cha uống cà phê. Vị linh mục cũng không đề cập tởi vấn đề tôn giáo thật. Và khi ngài chuẩn bị ra về bà ta nói: ”Xin cha dừng lại và đến đây”. Bà đưa cha vào phòng ngủ và kéo hộc tủ ra, bên trong có hình Đức Mẹ và nói: ”Tôi đã không bao giớ bỏ Mẹ. Tôi đã dấu vào đây vì ông mục sư, nhưng trong nhà có Đức Mẹ”. Câu chuyện dậy cho chúng ta biết rằng sự gần gũi sự dịu hiền đã khiến cho phụ nữ đó giao hòa với Giáo Hội. Nhưng tôi đã hỏi cha ấy câu chuyện kết thúc ra sao, mà đáng lý ra không bao giờ được hỏi. Cha cho biết ngài đã không hỏi gì cả cũng không mời bà trở lại vớ Giáo Hội công giáo. Bà ta tiếp tục tham dự các buổi phụng tự tin lành. Nhưng cha nói: ”Bà là một người cầu nguyện, xin Chúa Giêsu làm”.

Gần gũi cũng có nghĩa là đối thoại. Cần đọc Thông điệp ”Giáo Hội Người” của Đức Phaolô VI nói về đối thoại. Đối thoại thật là quan trọng. Nhưng để đối thoại cần phải có hai điều: khởi hành từ căn tính của mình và hiểu người khác, không lên án tiên thiên. Nếu tôi không chắc chắn về căn tính của mình mà đi đối thoại, tôi sẽ lẫn lộn niềm tin của tôi. Mỗi một người đều có cái gì đó để cho chúng ta, lich sử, hoàn cảnh sống của họ, chúng ta phải lắng nghe nó. Rồi sự thận trọng cảu Chúa Thánh Thần sẽ cho chúng ta biết phải trả lời thế nào. Đối thoại không phải là hộ giáo. Đối thoại là nhân bản, các con tim và các linh hồn nói chuyện với nhau. Đừng sợ hãi đối thoại với bất cứ ai. Có người nói chơi rằng thánh Philippo Neri, tôi không nhó rõ vị thánh nào, có khả năng đối thoại với cả ma qủy. Tại sao vậy? Bởi vì người có sự tự do lắng nghe tất cả mọi người, nhưng khởi hành từ căn tính riêng. Ngài rất chắc chắn. Nhưng chăc chắn về căn tính của mình không có nghĩa là chiêu dụ tín đồ. Chiêu dụ tín đồ là một cái bẫy mà Chúa Giêsu cũng lên án. Giáo Hôi không lớn lên vì chiêu dụ tín đồ, nhưng vì lôi kéo. Lôi cuốn là sự thấu hiểu được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Như thế gương mặt của linh mục trong thế kỷ tục hóa này là một người có óc sáng tạo thực thi lệnh truyền của Thiên Chúa là ”tạo dựng các sự vật” một người của sự siêu việt với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện và với tha nhân, một con người của sự gần gũi dân chúng. Một linh mục không làm cho người ta xa lánh.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, câu hỏi của con liên quan tới nơi sống là giáo phận, với các Giám Mục và trong tương quan với các anh em linh mục. Ngày nay dân chúng chờ đợi nơi các linh mục một chứng tá rõ ràng, cởi mở và tươi vui. Như vậy theo Đức Thánh Cha đâu là nét chuyên biệt và nền tảng của một nền tu đức của linh mục giáo phận? Xem ra con nhớ đã đọc ở đâu lời Đức Thánh Cha nói rằng: ”linh mục không phải là người chiêm niệm”. Đức Thánh Cha đã mời gọi cho ”các sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần”. Con không biết Đức Thánh Cha có thể cho chúng con một hình ảnh cần chú ý cho sự tái sinh và sự gia tăng hiệp thông của giáo phận chúng con không. Điều con chú ý là làm sao các linh mục chúng con có thể trung thành với con người ngày nay, chứ không cho lắm với Thiên Chúa?

Đáp: Cha đã nói ”các sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần”. Đúng thế. Nhưng Thiên Chúa là Thiên Chúa của các ngạc nhiên, Ngài luôn luôn khiến cho chúng ta ngạc nhiên. Khi đọc Phúc Âm chúng ta đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Chúa Giêsu luôn đi trước, tìm kiếm và chờ đợi chúng ta. Tôi không nhớ tiên tri Isaia hay tiên tri Giêrêmia nói Thiên Chúa giống như hoa hạnh nhân, là cây đầu tiên nở hoa vào mùa xuân. Thiên Chúa luôn luôn là Đấng đầu tiên.

Liên quan tới tu đức của linh mục giáo phận, Linh mục chiêm niệm, nhưng không phải như một đan sĩ chiêm niệm tại đan viện Certosa. Vị linh mục phải có một sự chiêm niệm, một khả năng chiêm niệm đối với Thiên Chúa cũng như đối với con người. Linh mục là một người nhìn, làm đầy đôi mắt và con tim của mình với sự chiêm niệm này: với Tin Mừng trước mặt Thiên Chúa, và với các vấn đề của con người trước con người. Linh mục chiêm niệm trong nghĩa đó. Nhưng không nên lẫn lộn với đan sĩ chiê mniệm.

Thế thì trung tâm nền tu đức của linh mục giáo phận ở đâu? Theo tôi đó là nơi tính cách giáo phận. Nghĩa là có khả năng rộng mở cho tính cách giáo phận. Tu đức của một tu sĩ là rộng mở cho Thiên Cháu và cho tha nhân trong cộng đoàn cho dù có nhỏ mấy đi nữa. Trái lại tu đức của linh mục giáo phận là rộng mở cho giáo phận tính. Còn các tu sĩ làm việc trong các giáo xứ thì phải có cả hai sự tùy thuộc, vì thế Bộ các dòng tu đang duyệt xét lại tài liệu ”Mutuae relationes”.

Giáo phận tính có nghĩa là có một tương quan với Giám Mục bản quyền và các anh em linh mục khác trong giáo phận. Linh mục giáo phận không thể tách rời khỏi Giám Mục. Vị Giám Mục dù có tính xấu đi nữa cũng là Giám Mục, và bạn phải tìm cách duy trì tương quan với ngài, cả trong thái độ không tích cực. Nhưng đây là luật trừ. Là linh mục giáo phận tôi có tương quan với Giám Mục, một tương quan cần thiết. Thật là rất ý nghĩa trong lễ truyền chức vị linh mục hứa vâng lời Đức Giám Mục và các người kế vị. Giáo phận tính có nghĩa là có một tương quan với Giám Mục cần phải thực thi và làm cho nó lớn lên. Trong đa số các trường hợp, nó không phải là một vấn đề tai họa mà là chuyện bình thường.

Thứ hai là tương quan với các linh mục khác với toàn linh mục đoàn. Không có tu đức linh mục giáo phân nào mà không có hai tương quan này. Chúng cần thiết. Có cha nói: ”với Giám Mục thì tôi không có vấn đề, nhưng tôi không đi họp với các linh mục vì họ nói các chuyện tầm phào”. Nhưng với thái độ này là bạn thiếu tinh thần tu đức thực sự của linh mục giáo phận. Tất cả là ở đó: đơn sơ nhưng không dễ dàng. Bởi vi mỗi người có một kiểu suy nghĩ riêng nhưng có thể thảo luận với nhau. Nếu cần to tiếng thì cứ to tiếng. Nhưng khi ngoại giao bước vào trong hai tương quan này thì không có Thần Khí Chúa, bởi vì thiếu tinh thần tự do. Cần phải có can đảm nói: ”Tôi không nghĩ như thế, tôi nghĩ khác” và cũng cần phải có sự khiêm tốn nhận một sửa lỗi. Đây là điều rất quan trọng. Và Ai là kẻ thù lớn nhất của hai tương quan này? Các bép xép. Biết bao nhiêu lần chúng ta có cám dỗ này trong mình, và ma qủy biết là hạt giống đó đem lại bộng hạt và nó gieo tốt. Và tôi nghĩ không biết nó có phải là một hậu qủa của một cuộc sống độc thân cằn cỗi, không phong phú không. Một người cay đắng không phong phú và bép xép, nói xấu nói hành người khác. Đó là một không khí không tốt. Chính nó ngăn cản tương quan với Giám Mục và với linh mục đoàn. Các bép xép là kẻ thủ mạnh nhất của giáo phận tính, nghĩa là nền tu đức linh mục giáo phận. Nếu bạn là người trưởng thành và thấy nơi người anh em linh mục điều bạn không thích hay tin rằng sai, hãy đi nói với anh ấy, hay nều thấy anh ấy không chịu được sự sửa lỗi thì trình với Giám Mục hay một người bạn thân ơn của linh mục đó để họ có thể giúp cha ấy sửa mình. Nhưng đừng nói với các người khác: bởi vì điều đó làm hại nhau. Ma qủy hạnh phúc với ”bữa tiệc đó”, vì chính như thế mà nó tấn công trung tâm tu đức của hàng giáo sĩ giáo phận. Đối với tôi các bép đép gây ra biết bao nhiệu là thiệt hai. Chúng đã là một thực tại hiện diện trong thời Giáo Hội khai sinh, chứ không phải là điều mới lạ sau Công Đồng, bởi vì ma qủy không muốn rằng Giáo Hội là một người mẹ phong phú, hiệp nhất và tươi vui. Khi các tương quan giữa linh mục và Giám Mục, giữa linh mục và linh mục đoàn tốt đẹp, thì hoa trái là niềm vui, là dấu chỉ mọi sự hoạt động tốt đẹp. Trong khi sự cay đắng là đấu chỉ không có tinh thần tu đức giáo phận đích thực. Có một lần nọ một linh mục nói với tôi: ”Con thấy biết bao lần chúng ta là một Giáo Hội của những người giận dữ, luôn luôn giận dữ người này chống lại người kia. Chúng ta luôn có chuyện để giận dữ”.

Điều này đem lại buồn sầu và cay đắng: không có niềm vui. Khi trong giáo phận chúng ta thấy một linh mục sống giận dữ căng thẳng như thế chúng ta nghĩ: vị này ăn sáng với giấm chua, buổi trưa ăn rau với giấm chua và ban chiều uống chanh chua”. Linh mục đó là hình ảnh Giáo Hội của những người giận dữ. Người ta có thể giận dữ và cũng cần giận dữ một lần. Nhưng tình trạng giận dữ không phải là của Chúa và nó đem lại sự buốn sầu và không hiệp nhất.

Sau cùng là trung thành với Thiên Chúa và với con người đó là hai chiều kích cửa sự siêu việt mà chúng ta đã đề cập tới trên kia. Trung thành với Thiên Chúa, tìm kiếm Người, rộng mở cho Người trong lời cầu nguyện, để rồi rộng mở cho con người với sự tôn trọng, phục vụ con người và kiên nhẫn có lời nói đúng đắn với con người.

(SD 27-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Cuộc đối thoại đại kết và các tương quan với Do thái giáo

Cuộc đối thoại đại kết và các tương quan với Do thái giáo

Phỏng vấn ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô

Năm mươi năm đã trôi qua kể từ khi Công Đồng Chung Vatican II công bố sắc lệnh về đại kết và đối thoại với các tôn giáo khác. Đây cũng là lúc cần duyệt xét qua tình hình đối thoại đại kết và liên tôn.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận xét của Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về hiệp nhất các tín hữu kitô. Bài phỏng vấn đã được đăng trên báo Quan Sát Viên Roma của Tòa Thánh số ra ngày 19 tháng 7 vừa qua.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, 50 năm đã trôi qua, có điều gì mới mẻ trong cuộc đối thoại đại kết giữa Giáo Hội công giáo và Giáo Hội chính thống không?

Đáp: Thế giới chính thống rất là khác nhau trong nội bộ, bởi vì có nhiều Giáo Hội chính thống. Hiện nay tình hình khó khăn hơn bên Ucraina, bởi vì Tòa Thượng Phụ chính thống Matscơva trách Giáo hội công giáo là đã không phân biệt rõ ràng giữa đức tin và chính trị. Trái lại, các tương quan với Tòa thượng Phụ chính thống Costantinopoli rất tốt. Chúng tôi có một lịch sử tình bạn dài, được diễn tả ra trong các chuyến viếng thăm nhau nhân dịp lễ các Thánh Bổn Mạng Phêrô Phaolô tại Roma và Anrê tại Costantinopoli. Đây là một truyền thống chắc chắn tạo thuận tiện lớn hơn cho sự hiệp thông trong tương lai gần. Vì có sự gần gũi với các anh em chính thống thuộc Tòa Thượng Phụ Costantinopoli, có thể sống một sự hiệp thông tinh thần với các anh em này. Nhưng rất tiếc vì có các đối chọi nên không thể thực hiện được điều này, đồng thời với các Giáo Hội chính thống khác thì hiện nay không thể giả thiết việc cầu nguyện chung. Vì thế tôi thấy cần phải tiếp nhận thách đố lớn tìm kiếm sự hiệp nhất giữa các tín hữu công giáo và các tín hữu chính thống.

Hỏi: Các cứ chỉ và các lời nói giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Bartolomaios I không thể được giải thích như là một dấu chỉ mới hay sao thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha Phanxicô với Đức Thượng Phụ Bartolomaios tại Giêrusalem đã không chỉ là một lúc kỷ niệm biến cố Đức Phaolộ VI gặp gỡ Đức Athenagoras, mà cũng là một bước tiến quan trọng đối với tương lai của phong trào đại kết, cần thiết để đào sâu mối dây nối kết và sự hiệp nhất. Tôi cay đắng ghi nhận rằng ngày nay nhiều người nói đến hai Giáo Hội, nhưng chỉ có một Giáo Hội duy nhất. Nó chính là Giáo Hội bên Đông và bên Tây. Chính vì thế tuyệt đối cần tìm lại sự hiệp nhất và sự hiệp thông trọn vẹn cả trong bí tích Thánh Thể nữa. Đó đã là ước mong lớn của Đức Phaolô VI và của Đức Athenagoras, mà cho tới nay chúng ta chưa thực hiện được, bởi vì chưa giải quyết được tất cả mọi vấn đề thần học. Còn có một công việc lớn phải làm, đặc biệt trong Ủy ban quốc tế hỗn hợp cho việc đối thoại thần học. Chúng tôi đang đương đầu với đề tài chính là tương quan giữa tính cách thượng hội đồng giám mục và quyền tối thượng của Phêrô. Chúng tôi không muốn làm một cuộc giàn xếp giữa hai thực tại, nhưng một tổng hợp giữa sức mạnh lớn của sự chính thống, tính cách thượng hội đồng giám mục và sức mạnh của công giáo là quyền tối thượng. Cũng có các vấn đề khác nữa. Nhưng trước hết cần tuyệt đối minh giải quyền tối thượng.

Hỏi: Nó sẽ là một chướng ngại còn lâu phải không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng, Đức Phaolô VI đã nói rằng quyền tối thượng của Giám Mục Roma là chướng ngại lớn nhất đối với phong trào đại kết. Ủy ban hỗn hợp thần học quốc tế nhóm họp tại Ravenna năm 2007 đã công bố một tài liệu chung kết được cả hai bên công giáo và chính thống ký nhận, trong đó được minh nhiên một cách rõ ràng rằng Giáo Hội cần một vị đứng đầu trên bình diện địa phương, vùng miền và hoàn vũ. Đây đã là một bước tiến lớn, bởi vì cả các anh em chính thống cũng đã thừa nhận rằng Giáo hội cần có một vị đứng đầu trên bình diện hoàn vũ. Và nó chỉ có ý nghĩa như dấu chỉ và dụng cụ của sự hiệp nhất, nếu Giáo Hội có một chiều kích hoàn vũ. Chúng ta phải tìm lại một việc thực thi quyền tối thượng của Giám Mục Roma, có thể chung cho cả các Giáo Hội khác. Các Giáo Hoàng đến sau Công Đồng Chung Vatican II đã hoạt động và hoạt động rất nhiều cho phong trào đại kết. Có dữ kiện là các vị lãnh đạo các Giáo Hội khác muốn đến Roma. Điều này cho chúng ta cảm tưởng là Giáo Hoàng diễn tả và đã sống quyền tối thượng đại kết, gồm tình bạn và tình huynh đệ. Tôi cũng nghĩ tới các ngày cầu nguyện cho hiệp nhất giữa các tín hữu kitô, các ngày suy tư và đối thoại đã diễn ra tại Assisi. Ai mà có thể mời được tất cả mọi Giáo Hội Kitô và các tôn giáo khác tham dự một cuộc họp quốc tế để cầu nguyện cho hòa bình? Đây đã là một thực hành tốt quyền tối thượng đại kết của Giám Mục Roma rồi.

Hỏi: Có dấn thân chung troong việc tìm ngăn chặn hiện tượng tục hóa trong thế giới tây phương, tại Âu châu không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Liên quan tới vấn đề này Giáo Hội công giáo đã bắt đầu chương trình tái truyền giảng Tin Mừng. Nó cũng phải có một chiều kích đại kết, bởi vì sự tục hóa là một thách đố mà chúng ta đương đầu chung với nhau. Trong quê hương Thụy sĩ của tôi chẳng hạn, có 37% là tín hữu công giáo và 29% là tín hữu tin lành. Có rất nhiều hôn nhân hỗn hợp. Thực tại này cần được coi như một khởi đầu của sự thoả thuận đại kết, bởi vì việc sống chung giữa các tín hữu công giáo và tin lành mà không tham dự vào chính Giáo Hội và bí tích Thánh Thể trở thành một vấn đề lớn.

Hỏi: Cuộc đối thoại với các Giáo Hội và các cộng đoàn kitô khác có thể tạo thuận tiện cho hòa bình và hòa giải không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trước hết chúng ta phải can đảm hơn trong việc tố cáo các bách hại chống lại các tín hữu kitô, bởi vì ngày nay xảy ra nhiều bách hại hơn kà trong các thế kỷ đầu sau Chúa Kitô. Người ta tính rằng 80% các người bị bách hại là kitô hữu. Tôi tin rằng chúng ta im lặng qúa. Tất cả mọi cộng đoàn, tất cả mọi Giáo Hội đều có các tín hữu tử vì đạo. Máu không chia rẽ nhưng hiệp nhất. Trong Giáo Hội xa xưa người ta nói rằng các vị tư đạo là hạt giống làm nảy sinh ra các kitô hữu mới. Ngày nay chúng ta có thể nói rằng các vị tử đạo là hạt giống của phong trào đại kết và sự hiệp nhất trong tương lai. Tiếp nối Đức Gioan Phaolô II Đức Thánh Cha Phanxicô nói về ”đại kết của khổ đau”. Đây là nền tảng tinh thần sâu xa nhất của dấn thân đại kết. Điều này có giá trị, nhất là tại nước nguồn gốc của Kitô giáo, bên vùng Trung Đông, nơi các kitô hữu trốn chạy vì bị bắt buộc phải ra đi, bởi vì nếu họ ở lại thì sẽ bị giết. Thật là buồn, khi chỉ thấy các cơ cấu còn lại, trống rỗng không người! Và nếu điều này ra ra, chúng ta đã mất rất nhiều. Tôi cũng trông thấy các dấu chỉ tích cực: trong vài vùng như bên Siria sự bách hại hiệp nhất các kitô hữu với nhau.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, tại sao cuộc đối thoại với anh em Do thái lại được giao cho Hội Đồng Tòa Thánh thăng tiến hiệp nhất giữa các tín hữu kitô?

Đáp: Tại trung ương Tòa Thánh thật ra có hai Hội Đồng đặc trách về đối thoại: Hội đồng của chúng tôi và Hội Đồng đối thoại liên tôn. Hội đồng này đặc trách các tương quan với các tôn giáo khác. Tôi thấy tư tưởng giao phó cuộc đối thoại với Do thái giáo cho Hội Đồng của chúng tôi là điều tốt. Do thái giáo không phải là một tôn giáo đơn thuần như các tôn giáo khác, mà là mẹ của Kitô giáo, hay như thần học gia công giáo Erich Przywara nói, sự chia rẽ đầu tiên mà chúng ta có trong lịch sử của Kitô giáo là chia rẽ giữa Hội đường Do thái và Giáo Hội. Như thế, đối với tôi sự liên lụy của chúng tôi xem ra là điều tự nhiên. Con đường chúng ta phải đi để đạt đến sự hòa giải giữa Do thái giáo và Kitô giáo còn dài lắm. Cuộc đối thoại mà chúng tôi đang làm rất quan trọng, bởi vì nó đưa ra ánh sáng điều chúng tôi có chung với nhau, và điều khiến cho chúng tôi khác nhau. Thế rồi, cần phải thừa nhận rằng thế giới do thái có nội bộ rất khác nhau, và chúng tôi không thể có một cuộc gặp gỡ song phương với tất cả mọi nhóm và tất cả mọi cơ cấu được. Do đó anh em Do thái đã thành lập một ủy ban gọi là ”Ủy ban quốc tế do thái cố vấn liên tôn”, quy tụ các kiểu diễn tả khác nhau của Do thái giáo trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng đã thiết lập một cuộc đối thoại rộng mở với các rabbi của tòa Rabbi Giêrusalem.

Hỏi: Nếu quyền tối thượng của Giám Muc Roma là chướng ngại đối vói cuộc đối thoại đại kết giữa các Giáo Hội Kitô, thì trong cuộc đối thoại với anh em Do thái đâu là vấn đề quan trọng nhất?

Đáp: Vấn đề lớn nhất là làm thế nào để hòa giải xác tín về giá trị của giao ước vĩnh cửu của Thiên Chúa với dân Israel và xác tín sự mới mẻ của giao ước mới mà Chúa Giêsu đã đem tới. Chúng tôi phải làm việc nhiều trên bình diện thần học về vấn đề này, và tôi hài lòng vì cũng có nhiều người do thái muốn suy tư về đề tài ấy.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, trong tương lai gần Hội Đồng có các chương trình nào khác không?

Đáp: Năm nay kỷ niệm 50 năm công bố tài liệu về đại kết ”Unitatis redintegratio” và vào tháng 11 tới chúng tôi sẽ tổ chức đại hội khoáng đại. Trong dịp này chúng tôi sẽ suy tư về các thách đố của phong trào đại kết, trong lúc này rất khác với qúa khứ. Chúng tôi sẽ duyệt xét lại lịch sử của mình. Từ ban đầu Hội Đồng của chúng tôi đã có hai văn phòng tây và đông. Chúng tôi biết rằng dọc dài các thế kỷ đã có các chia rẽ trong Giáo Hội, nhưng có hai chia rẽ chính: chia rẽ giữa Giáo Hội Tây phương và Giáo Hội Đông phương hồi thế kỷ XI, và chia rẽ trong Kitô giáo tây phương hồi thế kỷ XVI. Các vần đề rất khác nhau tùy theo vùng miền. Cuộc đối thoại với các Giáo Hội đông phương và chính thống đông phương liên quan nhất là tới các vấn đề giáo hội học như quyền tối thượng của Giám Mục Roma. Còn trong cuộc đối thoại với các cộng đoàn nảy sinh từ phong trào cải cách tin lành, các vấn đề rất khác nhau. Hiện nay trong thế giới của anh em tin lành chúng tôi không trông thấy khuynh hướng nào đẫn tới một sự hiệp nhất lớn hơn giữa họ với nhau. Thật thế, có sự phân tán lớn. Càng ngày cáng có thêm các cộng đoàn mới, và đây là một vấn đề. Điều này cũng bao gồm sự kiện không còn có một mục đích chung của phong trào đai kết nữa. Thật là quan trọng phải hiểu biết chúng ta muốn đi tới đâu. Ngày nay còn có một thách đố khác nữa đó là các phong trào Tin Lành và Pentecostal gia tăng mạnh mẽ. Giáo Hội Pentecostal là Giáo Hội có đông tín hữu nhất sau Giáo Hội Công Giáo. Chúng ta phải nói tới một sự Pentecostal hóa Kitô giáo hay một loại Kitô giáo thứ bốn: Công giáo, Chính thống, Tin lành và Pentecostal. Đây là một thách đố quan trọng đối với tương lai. Tôi xác tín rằng trong nghĩa này Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có thể mở ra vài cách cửa còn đang đóng.

(SD 19-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Chúa Giêsu Kitô là kho tàng vĩ đại vô giá cần tìm kiếm và hy sinh mọi sự để chiếm hữu

Chúa Giêsu Kitô là kho tàng vĩ đại vô giá cần tìm kiếm và hy sinh mọi sự để chiếm hữu

Chúa Giêsu Kitô và Nước Thiên Chúa là kho tàng vĩ đại vô giá chúng ta cần tìm kiếm và hy sinh mọi sự để chiếm hữu.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi đoc kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 27-7-2014.

Đặc biệt Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nhắc tới ngày kỷ niệm 100 năm Đệ Nhất Thế Chiến búng nổ và kéo dài bốn năm trời, khiến cho hàng triệu người phải chết và gây ra các tàn phá mênh mông; một cuộc chiến mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV đã định nghĩa là một ”tàn phá vô ích”, cuối cùng kết thúc bằng một nền hòa bình mong manh hơn. Ngài cầu mong dịp kỷ niệm biến cố thê thảm này khiến cho người ta đừng lập lại các sai lầm qúa khứ, nhưng chú ý đến bài học lịch sử, bằng cách để cho các lý lẽ của hòa bình luôn luôn thắng thế qua một cuộc đối thoại kiên nhẫn và can đảm. Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi mọi người hiệp ý với ngài cầu nguyện cho ba vùng đang gặp khủng hoảng nặng là vùng Trung Đông, Irak và Ucraina. Xin Chúa cho các dân tộc và các chính quyền các vùng đó sự khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để cương quyết làm cho con đường hòa bình tiến tới, bằng cách vượt thắng mọi đả kích với sự kiên trì của việc đối thoại và sức mạnh của hòa giải. Ước chi ở trung tâm của mọi quyết định người ta đừng đặt để các lợi lộc riêng tư, nhưng công ích và việc tôn trong mỗi người. Chúng ta hãy nhớ rằng mọi sự đều mất với chiến tranh, và không có gì mất với hòa bình. Đức Thánh Cha tha thiết kêu mời như sau:

”Anh chị em thân mến, không bao giờ chiến tranh! Không bao giờ chiến tranh! Tôi nghĩ tới nhất là các trẻ em, mà người ta lấy mất đi niềm hy vọng của một cuộc sống xứng đáng, của một tương lai: các trẻ em bị chết, các trẻ em bị thương, các trẻ em bị què cụt, các trẻ em mồ côi, các trẻ em có đồ chơi là các tàn tích chiến tranh, các trẻ em không biết cười. Tôi xin qúy vị, hãy dừng lại! Tôi xin qúy vị điều đó với tất cả con tim. Đã đến lúc dừng lại, hãy dừng lại, tôi xin qúy vị!”.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đề cập đến ý nghĩa của các so sánh nói về Nước Trời trong chương 13 Tin Mừng theo thánh Mátthêu. Trong số đó có hai tuyệt tác: đó là các dụ ngôn về kho tàng chôn dấu trong ruộng và dụ ngôn viên ngọc qúy. Chúng nói với chúng ta rằng việc khám phá ra Nước Thiên Chúa có thể xảy ra một cách bất thình lình, như bác nông phu khi cầy cuộng, tìm thấy kho tàng mà ông đã không hy vọng, hay như người buôn ngọc, sau thời gian tìm kiếm lâu đài, tìm được viên ngọc vô cùng qúy báu mà ông đã mơ ước từ lâu. Nhưng trong cả hai trường hợp có dữ kiện đầu tiên đó là kho tàng và viên ngọc có giá trị hơn tất cả mọi của cải khác, và vì thế bác nông phu và ông thương gia khi tìm thấy chúng, thì từ chối mọi sự còn lại để có thể mua chúng. Họ không cần lý luận hay suy đi nghĩ lại: họ nhận ra ngay giá trị không thể nào so sánh được của điều họ đã tìm ra, và sằn sàng mất tất cả để có nó. Nước Thiên Chúa cũng thế: ai tìm được nó không nghi ngờ, cảm thấy đó là điều họ đã tìm kiếm, chờ đợi và đáp ứng các khát vọng đích thật nhất của họ. Và Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Qủa thật là như thế: ai biết Chúa Giêsu, ai gặp Người một cách cá nhân, thì bị mê hoặc, lôi cuốn bởi biết bao tốt lành, biết bao sự thật, biết bao vẻ đẹp, và tất cả trong một sự khiêm tốn và đơn sơ lớn lao. Tìm kiếm Chúa Giêsu, gặp gỡ Chúa Giêsu: đó là kho tàng vĩ đại!

Có biết bao nhiêu người, biết bao nhiêu thánh nam thánh nữ, khi đọc Tin Mừng với con tim rộng mở, đã hoàn toàn bị Chúa Giêsu đánh động đến trở về vời Người. Chúng ta hãy nghĩ tới thánh Phanxicô thành Assisi: ngài đã là một kitô hữu, nhưng môt kitô hữu ”loại nước hoa hồng”. Khi đọc Phúc Âm trong một lúc định đoạt của tuổi trẻ, ngài đã gặp Chúa Giêsu và khám phá ra Nước Thiên Chúa; và khi đó tất cả các giấc mộng vinh quang trần thế của ngài đều biến mất. Phúc Âm làm cho bạn biết Chúa Giêsu đích thật, khiến cho bạn hiểu biết Chúa Giêsu sống động; nói với con tim bạn và thay đổi cuộc sống của bạn. Và khi đó bạn từ bỏ tất cả. Bạn có thể thay đổi kiểu sống một cách thực sự, hay tiếp tục làm những gì bạn làm trước đó, nhưng bạn là một người khác, bạn đã được tái sinh: bạn đã tìm thấy điều trao ban ý nghĩa, điều trao ban mùi vị, trao ban ánh sáng cho tất cả, cả những mệt nhọc, cả những khổ đau và cả cái chết nữa.

Đọc Phúc Âm. Đọc Phúc Âm. Chúng ta đã nói tới điều này rồi anh chị em có nhớ không? Mỗi ngày đọc một đoạn Phúc Âm, và cả mang theo một cuốn Phúc Âm nhỏ, trong túi, trong sắc tay, ở tầm tay. Và ở đó khi đọc một đoạn chúng ta sẽ tìm thấy Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Mọi sự có ý nghĩa khi trong Phúc Âm bạn tìm thấy kho tàng này, mà Chúa Giêsu gọi là ”Nước Thiên Chúa”, nghĩa là Thiên Chúa ngự trị trong cuộc sống bạn, trong cuộc sống chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu, an bình và niềm hy vọng trong từng người và trong tất cả mọi người. Đó là điều Thiên Chúa muốn, đó là điều vì thế mà Chúa Giêsu trao ban chính mình cho tới chết trên thập giá, để giải thoát chúng ta khỏi quyến lực của tối tăm và đưa chúng ta vào vương quốc của sự sống, vẻ đẹp, sự tốt lành và niềm vui. Đọc Phúc Âm là tìm thấy Chúa Giêsu, có được niềm vui kitô này, là ơn của Chúa Thánh Thần.

Anh chị em thân mến, niềm vui tìm thấy kho tàng của Nước Thiên Chúa trong sáng và được nhìn thấy. Kitô hữu không thể dấu đức tin của mình, bởi vỉ nó tỏa rạng ra trong mọi lời nói, mọi cử chỉ cả trong những cử chỉ đơn sơ thường ngày: tỏa rạng tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta qua Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cầu nguyện, qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, để nước tình yêu, công lý và hoa bình của Thiên Chúa đến giữa chúng ta.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI KIẾM TÌM CHÚA GIÊSU LÀ KHO TÀNG LÀ VIÊN NGỌC QUÝ CẦN ĐỂ LÊN HÀNG ĐẦU

ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI KIẾM TÌM CHÚA GIÊSU LÀ KHO TÀNG LÀ VIÊN NGỌC QUÝ CẦN ĐỂ LÊN HÀNG ĐẦU

CASERTA: Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người ước mong, kiếm tìm Chúa Giêsu là kho tàng, là viên ngọc qúy, cần hy sinh hết mọi sự để chiếm hữu được và để lên hàng đầu trong cuộc sống.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ cử hành cho mấy chục ngàn tín hữu giáo phận Caserta, nam Italia, lúc 18 giờ chiều 26-7-2014 tại quảng trường lâu đài thành phố. Giải thích ý nghĩa Phúc Âm Chúa Nhật Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu dùng các dụ ngôn để trình bầy Nước Trời giúp chúng ta hiểu rằng Nước Trời có khả năng thay đổi thế giới như men làm dậy bột, như hạt cải mọc lên thành cây lớn. Sự hiện diện của Chúa Giêsu kho tàng, viên ngọc qúy, biến đổi cuộc sống con người, khiến cho chúng ta rộng mở đối với các nhu cầu của tha nhân, một sự hiện diện mời gọi tiếp đón các anh chị em ngoại quốc, di cư ty nạn. Chúng ta có thể gặp Chúa vì chính Chúa đi tìm chúng ta và chờ đợi chúng ta, trong nhiều thời điểm và trạng huống khác nhau, nhiều khi như tình cờ. Cuộc gặp gỡ khám phá ra Thiên Chúa trao ban niềm vui, sự hăng say, biến đổi kiểu sống của chúng ta theo cái luận lý của tình yêu thương và phục vụ vô vị lợi. Để chiếm hữu Nước Trời phải để chỗ nhất cho Thiên Chúa, có can đảm nói không với sự sữ, bạo lực, đàn áp, để sống cuộc đời phục vụ tha nhân, thăng tiến hợp pháp và công ích, biết nói không với mọi hình thức gian tham hối lộ, phục vụ chân lý, tôn trọng thiên nhiên và môi sinh (SD 26-7-2014).


Linh Tiến Khải – Vatican Radio

LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC PHI CHÂU VÀ MADAGASCAR KỶ NIỆM 45 NĂM THÀNH LẬP

LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC PHI CHÂU VÀ MADAGASCAR KỶ NIỆM 45 NĂM THÀNH LẬP

KAMPALA: Chúa Nhật 27-7-2014 Liên Hội Đồng Giám Mục Phi châu và Madagarcar, viết tắt là SECAM, mừng kỷ niệm 45 năm thành lập.

Được thành lập năm 1969 nhân chuyến Đức Phaolô VI viếng thăm Uganda, Liên Hội Đồng Giám Mục Phi châu và Madagascar, viết tắt là SECAM, bao gồm 37 Hội Đồng Giám Mục quốc gia và 8 Hội Đồng Giám Mục miền. Trong thông cáo công bố ngày 24-7-2014 văn phòng thư ký cho biết đây sẽ là một dịp giúp kitô hữu Phi châu hiểu biết lịch sử, cách tổ chức và sứ mệnh của Liên Hội Đồng Giám Mục, cũng như cầu nguyện cho Giáo hội hoànm vũ và Giáo Hội tại Phi châu.

Ý tưởng thành lập Liên Hội Đồng Giám Muc Phi châu và Madagascar đã bắt đầu ngay sau khi kết thúc Công Đồng Chung Vatican II, khi các Giám Mục của đại lục này ước mong hoạt động chung với nhau và vượt thắng các khác biệt ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa. Như thế sứ mệnh đặc thù của tổ chức là duy trì và thăng tiến sự hiệp thông huynh đệ và cộng tác giữa các Hội Đồng Giám Muc quốc gia trong lãnh vực rao truyền Tin Mừng, thăng tiến công lý, hòa bình, đối thoại đại kết, đối thoại liên tôn.

Quan trọng nhất là văn phòng rao truyền Tin Mừng, bao gồm việc loan báo đầu tiên cho các dân tộc chưa biết Chúa Giêsu Kitô, và nâng đỡ đức tin của các tín hữu phi châu, đối thoại với các Giáo Hội và cộng đoàn kitô khác cũng như với các tôn giáo khác, đào tạo các nhân viên mục vụ, phối hợp các học viện đào tạo, thăng tiến cố vấn, và hoạt động chung để đương đầu với các thách đố chung trong Giáo Hội và gia đình Phi châu (SD 24-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Kho báu và ngọc quý

Kho báu và ngọc quý

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Một em học sinh thuộc câu lạc bộ bơi lội Saint Clara, Hoa Kỳ, mỗi ngày thức dậy lúc 5 giờ 30 sáng, rồi em ra hồ bơi luyện tập suốt hai tiếng đồng hồ, sau đó vội vàng lo đi học. Sau suốt ngày học ở trường, chiều về em lại ra hồ bơi luyện tập thêm hai tiếng đồng hồ nữa rồi mới về nhà làm bài và ngủ đúng chín giờ tối. Ngày nào cũng vậy, em luôn luôn trung thành với chương trình luyện tập, và chỉ nhận sinh hoạt khi nào sinh hoạt đó không cản trở chương trình học và luyện tập bơi lội của em.

Có người tò mò hỏi, tại sao em dám làm như vậy?

Em trả lời cách xác quyết, vì em muốn đoạt giải vô địch trong kỳ thi thế vận hội sắp tới.

Trên đời có nhiều người dám hy sinh tất cả cho mục đích, hay lý tưởng mà họ đã chọn. Phần chúng ta thì sao? Nước Trời, ơn cứu rỗi đã được Chúa ban cho chúng ta, chúng ta những người Kitô hữu hôm nay có hiểu, đánh giá và chấp nhận như là mục đích cuối cùng của chúng ta hay chưa? Chúng ta có chấp nhận hy sinh những điều khác để chiếm đoạt được Nước Thiên Chúa hay không?

Người Kitô hữu theo Chúa có một thái độ dấn thân, quyết chọn Chúa và những gì thuộc về Ngài như là mục tiêu duy nhất của lòng trí, của mọi hành động và lời nói của mình, sao cho hành động và lời nói của mình được hòa hợp với những gì mà Chúa dạy. Nhiều khi con cái thế gian dấn thân hy sinh cho những lợi lộc vật chất, cho những mục đích trần thế như đoạt giải thể thao trong thế vận hội, đạt được một địa vị xã hội nào đó, v.v… nhiều hơn là chúng ta thực hiện giới răn của Chúa.

Thánh Phaolô tông đồ nơi thư thứ nhất Corintô đã nói như sau: "Mọi lực sĩ sống trong thời gian luyện tập, chấp nhận theo một kỷ luật nghiêm khắc đến độ để đạt tới phần thưởng có thể bị hư nát. Nhưng chúng ta thì khác, chúng ta luyện tập những điều không hư nát" (1Cr 9,25).

Vào giây phút cuối cùng cuộc đời, khi chúng ta đối diện với cái chết của chính mình thì chỉ cần một điều cần thiết mà thôi, đó không phải là chúng ta có lãnh được nhiều giải thưởng này nọ hay không, có đạt được hạt ngọc này, hạt ngọc khác hay không, nhưng điều quan trọng là chúng ta đã trở nên như thế nào để đạt được viên ngọc quí hay kho tàng là chính Nước Chúa, là chính ân sủng Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta cần xác tín điều này, và khi đã xác tín thì sẽ được biểu lộ trong đời sống rằng, trên đời này không có gì cao quí đối với chúng ta hơn là Nước Chúa và chúng ta càng phải cố gắng làm sao để đạt được Nước này.

Nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Thánh Phaolô đã ý thức điều đó trong chính kinh nghiệm sống của ngài khi ngài tâm sự với các tín hữu Corintô như sau: "Kho tàng ấy, kho tàng Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta, chúng ta lại chứa trong những bình sành dễ vỡ, để chứng tỏ quyền năng phát xuất từ Thiên Chúa chứ không phải từ chúng ta. Chúng ta bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp, hoang mang nhưng không bị tuyệt vọng, bị bạc đãi nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt. Chúng ta luôn luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Chúa Giêsu, để Chúa Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân phận chúng ta. Thật vậy, đang sống nhưng tôi hằng bị cái chết đe dọa vì Chúa Giêsu, để cái của Chúa Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác hay chết của chúng ta".

Thiên Chúa ban cho chúng ta kho tàng ân sủng của Ngài, và để chiếm đoạt được kho tàng ấy, chúng ta cần phải chiến đấu chống lại những cám dỗ, chống lại những tội lỗi, chống lại với tinh thần trần tục hóa của thế gian để được trung thành với ơn Chúa. Đây là điều mà thánh Phaolô gọi là: "Chúng ta luôn luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Chúa Giêsu, để Chúa Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân phận mỏng giòn của chúng ta. Thật vậy, đang sống nhưng tôi hằng bị cái chết đe dọa vì Chúa Giêsu, để cái của Chúa Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác hay chết của chúng ta".

Để sống trung thành với kho tàng đức tin, với kho tàng ân sủng mà Chúa ban cho chúng ta trong thế giới có nhiều cám dỗ này, chúng ta cần phải cố gắng hy sinh, cần phải cầu xin ơn Chúa ban cho mỗi người chúng ta, giúp chúng ta luôn trung thành với kho tàng đức tin, kho tàng ân sủng mà làm cho kho tàng đức tin đó, kho tàng ân sủng đó phát triển đến mức độ hoàn hảo nơi mỗi người chúng ta. Amen.

Veritas Radio

KHÔN NGOAN TÌM NƯỚC TRỜI

KHÔN NGOAN TÌM NƯỚC TRỜI

Vua Salomon nổi tiếng là vị vua khôn ngoan sáng suốt. Ông đã xử những vụ án rất khó khăn một cách khéo léo không khác gì Bao Công. Bà hoàng hậu Saba ở mãi tận phương nam cũng phải đến nghe sự khôn ngoan của ông. Nhưng khôn ngoan nhất là khi được Chúa cho chọn lựa, ông đã không xin được trường thọ hay được giàu sang, mà chỉ xin được ơn khôn ngoan. Lời cầu xin của ông rất đẹp lòng Chúa. Nên Chúa đã khen ngợi và ban cho ông mọi điều mong muốn. Chúa muốn tôi bắt chước vua Salomon, biết xin ơn khôn ngoan và biết khôn ngoan trong những lựa chọn. Nhất là biết khôn ngoan lựa chọn Nước Trời như những người trong bài Tin Mừng hôm nay.

Những người trong bài Tin Mừng hôm nay khôn ngoan vì thao thức đi tìm. Sự thao thức đi tìm được thấy trong thái độ bôn ba đây đó, khảo sát đất đai. Chắc phải đào bới nhiều mới thấy kho tàng chôn giấu trong ruộng. Sự thao thức đi tìm cũng thấy trong việc ra khơi thả lưới. Vất vả chài lưới rồi còn phải lựa chọn. Dù vất vả, họ quyết tìm cho ra Nước Trời.

Họ khôn ngoan vì biết phân định. Đời sống đem đến cho ta đủ mọi loại giá trị thượng vàng hạ cám, như chiếc lưới đánh bắt đủ mọi loại tôm cá. Giữa những giá trị ấy ta phải biết phân định. Lựa chọn những giá trị cao quý, tốt đẹp. Biết chọn lựa cá tốt, vứt bỏ cá xấu. Biết giá trị của viên ngọc dù nó còn đang nằm giữa khối đá sù sì dơ bẩn. Biết giá trị của kho tàng dù nó còn đang bị chôn giấu dưới lòng đất sâu. Biết giá trị của Nước Trời dù Nước Trời chưa tỏ hiện rõ ràng trên thế gian.

Họ khôn ngoan vì dám dấn thân. Khi đã biết được giá trị Nước Trời, họ dấn thân theo đuổi đến cùng. Dấn thân trọn vẹn nên bán tất cả những gì mình có để đổi lấy kho tàng, viên ngọc quý. Dấn thân quyết liệt vì bán hết nhà cửa rồi thì không thể quay về chốn cũ, chỉ còn gắn bó với quê hương mới mà thôi. Dấn thân tuyệt đối, bỏ hết tất cả chỉ vì một viên ngọc. Dấn thân như thế là thái độ của tình yêu, sự say mê, sự khao khát mãnh liệt. Đó chính là thái độ phải có khi đi tìm Nước Trời.

Họ khôn ngoan vì biết từ bỏ. Bán tất cả những gì mình có là một từ bỏ lớn lao. Dứt lìa những gì mình gắn bó còn đau đớn hơn nữa. Bỏ một nơi yên thân chắc chắn để dấn thân vào một tương lai bấp bênh thì thật là phiêu lưu đến tận cùng. Nhưng không có cách nào khác. Phải bán tất cả mới đủ sức mua viên ngọc Nước Trời. Phải đầu tư trọn vẹn con người với tất cả tài năng trí tuệ, sức lực, thời giờ mới mong chiếm đoạt được Nước Trời. Luyến tiếc một chút là bất thành. Chần chừ một chút là hỏng việc. Nấn ná một chút là bị lỡ cơ hội.

Họ từ bỏ một cách nhẹ nhàng thanh thoát. Nên từ bỏ rồi họ cảm thấy vui tươi. Họ từ bỏ một cách mau mắn vì họ đã dứt khoát với những gì xưa cũ. Lòng trí của họ chỉ gắn bó tha thiết với kho tàng mới tìm thấy.

Đó là những thái độ khôn ngoan đáng cho ta noi theo trên con đường đi tìm Nước Trời. Biết thao thức đi tìm. Biết phân định giá trị. Biết mau mắn từ bỏ. Biết hăng hái dấn thân đến cùng.

Lạy Chúa, xin ban cho con ơn khôn ngoan để con biết chọn Chúa là nguồn mạch hạnh phúc.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Bạn có thực sự coi Nước Trời là kho tàng quý giá nhất không?

2) Bạn đã thực sự bán hết mọi sự để mua Nước Trời chưa? Còn những gì bạn còn luyến tiếc chưa muốn bán?

3) Bạn nghĩ thế nào về sự khôn ngoan. Bạn muốn trở thành người khôn ngoan thực sự không?

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 

NƯỚC TRỜI

NƯỚC TRỜI

Thiên Chúa đã yêu thương và ưu đãi vua Salômôn qúa nhiều. Thiên Chúa đã giáng phúc và ban mọi phước lành cho đời của ông. Vua cha Đavid đã chọn Salômôn lên kế vị ngôi vua. Chúa đã rộng ban cho ông những ơn cần thiết tùy ông cầu xin. Vua Salômôn đã thưa: Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này (1Vua 3, 9). Salômôn đã không xin cho được giầu sang phú quý hay sống lâu. Vua chỉ xin Chúa ban ơn khôn ngoan. Ơn khôn ngoan là đầu mối của tất cả các niềm an vui và thành công trong đời. Khôn ngoan để biết phân biệt lành dữ và biết xét xử đúng sai trước mặt Chúa.

Ơn khôn ngoan là một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta sống theo thánh ý của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban cho vua Salômôn ân sủng theo ý sở nguyện. Vua đã dùng ơn khôn ngoan để cai quản dân chúng và điều hành quốc gia dân tộc một cách an bình thịnh vượng. Chúa chấp nhận lời cầu: Thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin và ban cho ngươi tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống ngươi và sau ngươi không có ai bằng ngươi (1Vua 3, 12). Đây là sự khôn ngoan đích thực. Chúng ta biết ở đời có rất nhiều người khôn, nhưng chưa chắc đã ngoan. Thiên Chúa ban cho con người có khả năng và trí thông minh, nhưng họ lại dùng sự hiểu biết nông cạn của mình để phủ nhận và chống đối lại Thượng Đế. Có nhiều người tuy tài giỏi lỗi lạc về các môn khoa học đời, nhưng lại chối bỏ sự khôn ngoan thượng trí của Tạo Hóa. Nhiều người tự mãn rằng họ có trí tuệ nhưng đã tỏ vẻ huênh hoang và kiêu ngạo không chấp nhận sự quan phòng của Thiên Chúa trong vũ trụ và đời sống của các loài thụ tạo. Hãy nhớ rằng con người chúng ta chỉ là một loài thụ tạo giới hạn trong thời gian và không gian. Có đó rồi biến đó.

Vua Salômôn là một bậc minh quân. Ông biết phân biệt trời cao đất thấp. Quy phục quyền năng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, vì con người yếu đuối lầm lỗi, Salômôn cũng không tránh khỏi những cám dỗ cả về danh, lợi và thú. Cuối đời, đã có lần ông rời xa Chúa, chạy theo các thần dân ngoại của các bà vợ và lập đền thờ cúng. Tuy nhiên, vì tình thương, Thiên Chúa vẫn chúc lành cho đời của ông lập được nhiều thành qủa tốt đẹp. Ông đã hoàn tất công trình của Vua Đavid là xây dựng đền thờ nơi Chúa ẩn ngự. Ông khéo léo cai quản gìn giữ quê hương xứ sở bình an trong suốt thời kỳ dựng xây nhà Chúa. Chúa ban cho ông ân lộc dư tràn và đất nước thịnh vượng một thời. Danh tiếng của ông vang khắp miền.

Trong bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta một vài hình ảnh về Nước Trời. Nước Trời được ví như một kho tàng, một viên ngọc quý và một mẻ lưới đầy cá. Nước Trời ở ngay tại thế, nếu chúng ta cố công đi tìm, sẽ gặp. Nước Trời không phải là một số kiến thức, một triết thuyết hay một chủ trương sống, mà là một kho tàng được chôn giấu cần ơn giác ngộ: Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh ta có mà mua thửa ruộng ấy (Mt 13, 44). Kho tàng này là một món qùa qúy, không phải vàng bạc châu báu, nhưng là lời khôn ngoan. Kho tàng nằm trong Lời Chúa và Tám Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu đã giảng trên núi. Thật hạnh phúc cho ai giác ngộ sống theo Bát Phúc này.

Nước Trời được ví như viên ngọc quý, khi tìm thấy, người ta bán mọi sự để mua được viên ngọc đó. Ngọc quý là chính ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một hạ thân cứu độ chúng sinh. Viên Ngọc quý từ trời ban xuống là Đức Kitô đã hy sinh hiến mình để cứu độ nhân loại. Qua bao đời, có biết bao nhiêu người đã nghe giảng, học biết và tin nhận Chúa Kitô là Con Thiên Chúa giáng trần. Họ đã tìm được viên ngọc qua đời sống đức tin trong Giáo Hội. Cửa Nước Trời đã mở ra thâu nhận những ai muốn kiếm tìm và sống niềm tin. Mọi người đều có thể sở hữu viên ngọc quý của Nước Trời. Viên ngọc của ân sủng, của tin yêu và hy vọng. Chúa Giêsu đã sắm sẵn cho mọi người.

Ai tin vào Chúa thì sẽ được lãnh nhận ơn cứu độ.

Một hình ảnh rất cụ thể: Nước trời giống như chiếc lưới thả xuống biển, bắt được mọi thứ cá (Mt 13, 47). Nước Trời khởi sự tại trần gian nhưng qui hướng về trời. Chiếc lưới có đủ mọi thứ cá, có nghĩa là Nước Trời nơi trần thế bao gồm tất cả mọi thành phần cần biến đổi. Trong đời sống Giáo Hội, có nhiều thành viên thánh thiện, tốt lành, đạo đức và cũng bao gồm nhiều người bình thường, chuộng danh nghĩa, sống hình thức, chỉ mang danh Kitô hữu, nhưng không sống đạo hoặc gồm cả những thành phần sa chìm tội lỗi, sống bê bối và lãnh đạm thờ ơ. Hình ảnh một Giáo Hội đang trên đường lữ thứ trần gian cần sự kiên nhẫn thanh lọc, canh tân đổi mới và tinh luyện con người nên tốt hơn và thánh thiện hơn. Vì Đạo chính là đường dẫn chúng ta tới quê thật là Nước Trời.

Chúa Giêsu dậy rằng am tường sự khôn ngoan là biết lợi dụng mọi môi trường và hoàn cảnh để dẫn lối vào Nước Trời. Trong kho tàng của Giáo Hội chất chứa mọi thứ cũ mới như những viên ngọc quý: Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước Trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới cũ trong kho mình (Mt 13, 53). Mọi lời khôn ngoan đã được mạc khải trong Sách Thánh. Chính Ngôi Lời của Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta. Ngôi Lời đã tỏ cho chúng ta biết về chương trình cứu độ và mở cửa Nước Trời đón nhận chúng ta. Học biết lịch sử của ơn cứu độ, chúng ta có thể hiểu biết về sự liên hệ giữa Thiên Chúa và thụ tạo của Ngài. Thiên Chúa đã ký kết giao ước với các cha ông và các tổ phụ trong thời Cựu Ước. Giáo ước đã dẫn bước dân của Chúa tới giao ước mới được ký kết bằng Máu châu báu của chính Chúa Kitô. Muốn hiểu được ý nghĩa của Nước Trời, chúng ta cần phải tìm hiểu kho tàng ơn cứu độ trong Thánh Kinh và Thánh Truyền.

Thiên Chúa tạo dựng muôn loài trong vũ trụ. Mỗi loài đều có một cùng đích để nhắm tới. Không có vật gì, sự gì hay sự sống nào là vô ích. Sự liên kết chằng chịt giữa các phần tử trong vũ trụ đều liên đới và bổ túc cho nhau để hiện hữu. Khoa học con người chưa thể khám phá ra tất cả ý nghĩa cao sâu của mầu nhiệm sáng tạo. Sự an bài và quan phòng của Thiên Chúa cho mỗi loại và mỗi loài theo ý định của Người. Riêng con người mang hình ảnh của Thiên Chúa được chia phần vinh quang cách đặc biệt. Trong thơ gởi tín hữu thành Rôma, thánh Phaolô viết: Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi họ, và những ai Người đã kêu gọi, thì Người cho họ được vinh quang (Rm 8, 30). Thiên Chúa tiền định thế nào, chúng ta không biết, nhưng tin rằng chúng ta sẽ được chung phần hưởng vinh quang với Đức Kitô. Chúa đã gọi chúng ta vào đời và tái sinh chúng ta làm con Chúa qua Bí tích Rửa Tội. Niềm hy vọng của chúng ta là cùng được sống lại với Chúa Kitô trong ngày sau hết.

Lạy Chúa, Chúa đã mở cửa Nước Trời đón nhận những ai tin vào Chúa. Xin cho chúng con biết dõi theo lối bước của Chúa và trung thành thực thi lời Chúa, để canh tân cải biến đời sống mỗi ngày. Xin giúp chúng con biết gìn giữ kho tàng ngọc quý mà Chúa đã trao ban để sinh hoa kết quả tốt lành và thánh thiện.

Lm Giuse Trần Việt Hùng

CARITAS MALI TÁI KÊU GỌI HÒA GIẢI QUỐC GIA

CARITAS MALI TÁI KÊU GỌI HÒA GIẢI QUỐC GIA

BAMAKO: Trong các ngày vừa qua ông Theodore Togo, tổng thư ký tổ chức Caritas Mali, đã tố cáo các xung đột giữa các cộng đoạn địa phương khiến cho dân chúng lo sợ trở thành nạn nhân của các cuộc bắn giết này.

Ông Tổng thư ký Caritas Mali đã đúc kết tình hình hiện nay tại miền bắc Mali, là nơi đã diễn ra những trận giao tranh ác liệt hồi trung tuần tháng 7 này, làm cho gần 40 người thiệt mạng. Theo tin chính thức, thì thủ phạm là hai lực lượng phiến quân hoạt động tích cực tại đây; đó là Mặt trận Arạp Azawad, gọi tắt là MAA, và phong trào giải phóng quốc gia Azawad, MNLA, là phong trào đòi độc lập cho các nhóm dân tuareg và đã từng tham gia làn sóng chống chính quyền hồi năm 2012.

Vụ xung đột này xảy ra trong một thời điểm tế nhị. Tại Algeri, cuộc thương thuyết gay go giữa chính quyền Bamako và các phe phiến quân vừa tái mở lại. Một trong những vấn đề được bàn thảo là tương lai của miền bắc, mệnh danh là Azawad. Các nhóm phiến quân vũ trang muốn vùng này được thể chế tự trị rộng rãi, trong khi chính quyền Bamako chỉ đồng ý thảo luận về một hình thức tổ chức hành chánh tốt hơn mà thôi. Hướng đến cuộc đối thoại này, ông tổng thư ký Caritas Mali đã kêu gọi cả hai bên hãy nghĩ đến vấn đề chung của tất cả mọi người, lắng nghe tiếng nói của dân chúng miền Bắc, và ngồi vào bàn hội nghị với ý thức trọn vẹn về mọi vấn đề. Nếu không, những thỏa hiệp đạt được sẽ chỉ nằm trên giấy tờ mà thôi.

Theo ông Togo, cần phải giải quyết vấn đề nghiêm trọng và rộng rãi hơn cả là vấn đề hòa giải quốc gia. Để thực sự hòa giải quốc gia, cần phải tôn trọng và giải quyết những lo âu của cả hai bên, nhất là của dân chúng, chứ không phải chỉ chú trọng đến các nhóm vũ trang mà thôi. Ông cũng cho biét là Caritas địa phương nỗ lực cứu trợ dân chúng, nhất là trong các lãnh vực thực phẩm, thuốc men và nước uống, nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay có rất nhiều chiều kích khác nhau. Các nhóm hồi giáo quá khích vẫn chưa hoàn toàn bị đánh bại. Bằng chứng là cuộc đánh bom tự sát hôm 14-7 tại GAO do nhóm khủng bố Al Murabtun, phò Al Qeda, thực hiện khiến cho một binh sĩ Pháp bị thiệt mạng. Ngày hôm trước đó, chính quyền Paris đã chính thức tuyên bố chấm dứt chiến dịch SERVAL khởi đầu hồi tháng giêng 2013 để trợ lực quân đội chính quy Mali tái chiếm miền bắc nước này. (SD 22.07.14)

Mai Anh – Vatican Radio

Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn

Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn

Kính thưa quý vị thính giả,

Trưa Chúa Nhật 20-7, như thường lệ, hàng chục ngàn khách hành hương ở khắp nơi trên thế giới đổ về quảng trường thánh Phêrô, Vatican để tiếp kiến Đức Thánh Cha. Đúng 12h trưa, Đức Thánh Cha xuất hiện ở ô cửa sổ và đưa tay chào thăm mọi người.

Trong bài chia sẻ, ngài đã diễn giải dụ ngôn “Lúa và Cỏ Lùng” của Chúa Nhật hôm nay. Ngài nêu bật hai điểm. Trước hết, sự dữ không đến từ Thiên Chúa, như do Quỷ Dữ gây ra vào lúc đêm hôm, ở những nơi không có ánh sáng. Thứ hai, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng từ bi và rất kiên nhẫn, luôn chờ đợi chúng ta.

Đức Thánh Cha chia sẻ rằng:

“Anh chị em thân mến,

Trong những Chúa Nhật gần đây, phụng vụ gửi đến cho chúng ta một số dụ ngôn, là những trình thuật ngắn gọn mà Đức Giêsu dùng để rao giảng cho đám đông về Nước Trời. Trong những dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay, có một dụ ngôn khá phức tạp, khiến chúng ta không thể hiểu được từ lúc đầu, nhưng Đức Giêsu đã giải thích cho các môn đệ về sau: đó là dụ ngôn lúc tốt và cỏ lùng, nói đến vấn đề sự dữ trên thế giới và đề cao sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Cảnh tượng diễn ra trên một cánh đồng mà người thợ gieo hạt giống tốt; nhưng vào một đêm nọ, kẻ thù đã đến và gieo vào đó cỏ lùng, từ này trong tiếng Do Thái có gốc từ chữ "Satan" và nói đến việc chia rẽ. Tất cả chúng ta đều biết rằng quỷ dữ là người gieo cỏ lùng: luôn tìm cách gây chia rẽ con người với nhau, chia rẽ trong gia đình, quốc gia và dân tộc. Những người đầy tớ muốn ngay lập tức nhổ cỏ xấu đi, nhưng ông chủ ngăn cản lại vì "sợ rằng khi nhổ cỏ lùng thì nhổ nhầm cả lúa" (Mt 13,29). Bởi vì chúng ta biết rằng cỏ lùng, khi lớn lên, trông rất giống lúa tốt, nên dễ gây nhầm lẫn.”

Ngài nói tiếp:

“Giáo huấn của dụ ngôn có một ý nghĩa kép. Trước hết, dụ ngôn nói rằng sự xấu trên thế giới này không đến từ Thiên Chúa, nhưng đến từ kẻ thù của Ngài là Quỷ Dữ. Quỷ Dữ đến trong đêm để gieo cỏ lùng, trong đêm tối, trong sự hỗn loạn… Nơi đâu không có ánh sáng, quỷ sẽ đến để gieo cỏ lùng. Kẻ thù này rất tinh khôn: hắn gieo sự xấu vào giữa điều tốt, để chúng ta không thể nào tách biệt ra rõ ràng, nhưng cuối cùng, Thiên Chúa sẽ làm điều đó. Ngài sẽ làm điều đó khi thời gian đến.

Và ở đây, chúng ta thấy được ý nghĩa thứ hai: sự đối nghịch giữa sự nóng vội của các tôi tớ và sự kiên nhẫn đợi chờ của chủ ruộng, hình ảnh biểu tượng của Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta vội vàng kết án, xếp loại, cho người này tốt, người kia xấu… Nhưng chúng ta hãy nhớ đến lời cầu nguyện của người kiêu ngạo: "Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa vì con tốt lành và không như tên xấu xa kia". Chúng ta hãy nhớ điều này. Nhưng Thiên Chúa thì luôn chờ đợi. Ngài nhìn đến "cánh đồng" cuộc sống của mỗi người với lòng nhẫn nại và từ bi: Ngài thấy rõ hơn chúng ta những điều nhơ uế và xấu xa, Ngài cũng thấy những hạt giống tốt và tin tưởng chờ đợi nó trưởng thành. Thiên Chúa rất kiên nhẫn, biết chờ đợi. Thật tuyệt vời: Thiên Chúa của chúng ta là một người cha kiên nhẫn, luôn chờ đợi chúng ta và chờ đợi chúng ta với con tim rộng mở để đón chào chúng ta, để tha thứ cho chúng ta. Ngài luôn tha thứ cho chúng ta, nếu chúng ta đến với Ngài…”

Đức Thánh Cha tiếp tục:

“Thái độ của người chủ cũng là thái độ của niềm hy vọng sâu thẳm chắc chắn rằng sự dữ không phải là điểm đầu và điểm kết. Có cái gì đó hơn thế nữa: nhờ niềm hy vọng đầy kiên nhẫn này của Thiên Chúa mà chính cỏ lùng, chính là những con tim xấu xa, ngập tràn tội lỗi, cuối cùng, có thể trở nên hạt giống tốt. Nhưng hãy lưu ý: sự kiên nhẫn của Tin Mừng không phải là làm ngơ trước sự xấu; không phải là lẫn lộn giữa tốt và xấu! Trước cỏ lùng đang hiện diện trên thế giới, người môn đệ của Chúa được mời gọi để bắt chước sự kiên nhẫn của Chúa, nuôi dưỡng niềm hy vọng với sự nâng đỡ của một niềm tin không dao động vào chiến thắng chung cuộc của sự tốt, là chính Thiên Chúa.

Thực vậy, vào phút cuối, sự dữ sẽ bị nhổ lên và bị hủy diệt: vào mùa gặt, tức là vào ngày phán xét, các thợ gặt sẽ làm theo lệnh của ông chủ, phân cỏ lùng ra để đem đi đốt. Trong ngày gặt chung cuộc, thẩm phán sẽ là Đức Giêsu, Đấng đã gieo hạt giống tốt trên thế giới và chính Ngài cũng là hạt giống, đã chết đi và đã phục sinh. Vào ngày sau cùng, tất cả sẽ bị xét xử theo tiêu chí này: đó là tiêu chí nào? Chính là tiêu chí mà chúng ta đã xét đoán người khác: lòng thương xót mà chúng ta đã dùng để ứng xử với người khác sẽ được dùng lại với chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, giúp chúng ta lớn lên trong sự kiên nhẫn, trong niềm hy vọng và trong tình thương mến dành cho tất cả anh chị em.”

Sau kinh truyền tin, Đức Thánh Cha nhắc đến cuộc chiến đang leo thang đang diễn ra ở Trung Đông cũng như ở Ucraina. Ngài nhắn gửi để mọi người dân nơi đây những tâm tình sâu lắng và mời gọi mọi người hiện diện tại quảng trường cầu nguyện cho hòa bình tại nơi đây. Ngài nói:

“Anh chị em rất thân mến,

Tôi biết là anh chị em đang đau khổ như thế nào, tôi biết là anh chị em bị tước bỏ đi mọi thứ. Tôi hiệp cùng với anh chị em trong niềm tin vào Đấng đã chiến thắng sự dữ. Và với mọi người đang hiện diện tại quảng trường này, cũng như những ai đang theo dõi trên TV, tôi xin mời gọi mọi người hãy nhớ đến những anh chị kia trong lời cầu nguyện. Tôi cũng xin anh chị em hãy luôn cầu nguyện cho tình hình căng thẳng và xung đột ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở vùng Trung Đông và ở Ukaine. Xin Thiên Chúa khơi dậy lên trong tất cả một khao khát chân thực đối thoại và hòa giải. Không thể dùng bạo lực để giải quyết bạo lực. Chỉ có thể dùng hòa bình để giải quyết bạo lực. Trong thinh lặng, chính ta hãy cầu nguyện cho hòa bình.”

Sau cùng, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến tất cả các khách hành hương đang hiện diện tại quảng trường.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
 

Nhẫn nại đợi chờ!

 Nhẫn nại đợi chờ!

Nước Trời là một mầu nhiệm, Chúa Giêsu đã mạc khải và thiết lập trong lịch sử nhân loại. Qua những hình ảnh đơn sơ, bình dị, gần gũi với cuộc sống, Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn để giảng dạy về Nước Trời.

Chúa nhật trước với dụ ngôn “người gieo giống”,Chúa Giêsu cho thấy Nước Trời đã khai mạc. Cũng như người gieo giống đi gieo hạt trên khắp cánh đồng, Chúa Giêsu cũng gieo hạt giống Lời Chúa. Hạt giống ấy tăng trưởng trổ sinh hoa trái nơi mỗi người ra sao là tùy thái độ đón nhận của từng người ấy.

Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục giảng dạy về Nước Trời bằng dụ ngôn “lúa và cỏ lùng”. Như vậy, sau khi nói đến việc khai mạc Nước Trời, Người nói đến sự phát triển của Nước Trời trong lịch sử trần thế.

Chúa Giêsu đã khởi đầu công trình của Người với một nhóm nhỏ Mười Hai Tông Đồ. Sự khiêm tốn của “hạt cải bé nhỏ được gieo vào lòng đất bao la”. Sự khiêm tốn của “một nắm men bị vùi sâu vào ba đấu bột”. Điều kỳ diệu là “hạt bé hơn mọi thứ hạt giống” lại “trở thành cây cao bóng cả đến nỗi chim trời có thể đến nương náu nơi ngành nó”. Nắm men ít ỏi kia lại có khả năng làm dậy lên cả ba đấu bột chôn vùi nó. Cũng như vậy, Nước Trời sẽ vươn xa vươn rộng cho muôn dân nước đến nương nhờ. Hạt giống Nước Trời đã làm dậy lên cả thế giới bằng một tinh thần mới của Tin Mừng,biến đổi lịch sử trong tình thương và hòa bình.

Một vấn nạn luôn được đặt ra: Nếu Nước Trời đã được Chúa Giêsu thiết lập cách đây hơn 20 thế kỷ và nếu Thiên Chúa là Đấng nhân hậu giàu lòng xót thương thì tại sao cho đến nay, cuộc sống con người vẫn đầy dẫy bất công,bạo lực,khổ đau,chiến tranh tương tàn, và xem ra sự dữ có chiều hướng gia tăng? Đôi khi những người xấu xa tội lỗi gian manh, lại giàu có sung túc trong đời sống vật chất hơn những người lành? Vấn nạn này vẫn luôn là trăn trở khôn nguôi người Kitô hữu ở mọi thời đại! Dụ ngôn “lúa và cỏ lùng” giải thích vấn nạn ấy.

Cánh đồng được gieo toàn hạt giống tốt. Thiên Chúa đã gieo vào trần thế những con cái Nước Trời. Ban đêm, kẻ thù xuất hiện. Satan tới gieo cỏ lùng. Thế là có cảnh lẫn lộn trên trần gian. Người lành kẻ dữ cùng chung nhau một mảnh đất. Đang khi hạt giống được gieo giữa ban ngày thì Satan lại lợi dụng đêm tối khi mọi người đã mất cảnh giác, để gieo rắc tội lỗi. Hành động thấp hèn. “Xấu” chưa chắc đã “hèn”, nhưng “hèn” thì chắc chắn là “xấu”, bởi lẽ nhiều tay “giang hồ”, bặm trợn, vẫn rất ghét thói “ném đá dấu tay”, trong khi động cơ, phương tiện và mục đích của những hành động lén lút, luôn là bỉ ổi, xấu xa và hại người.

Thế giới này giống như cánh đồng lúa đầy cỏ lùng xen vào. Những ông thánh sống lẫn lộn với những thằng quỷ, tốt xen lẫn với xấu. Tốt như những tổ chức nhân đạo, nhân quyền, hoà bình thế giới: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc – UNESCO (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization), Quỹ Cứu trợ Nhi đồng Quốc tế của Liên Hiệp Quốc – UNICEP (United Nations International Children’s Emergency Fund), Tổ chức Lương thục và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc – FAO (United Nations Food anf Agricultural Organization), OLYMPIC (Thế vận hội), WORLD CUP (Túc cầu Thế giới) là những tổ chức xây dựng văn hoá, giáo dục tình thương, bảo vệ sức khoẻ trẻ em, phát triển lương thực thế giới, thăng tiến những tài năng, chăm lo y tế. Nhưng lại có rất nhiều những tổ chức xấu xen vào như Mafia, buôn lậu, ma tuý, vũ khí, khủng bố, trộm cướp, du đãng, buôn bán trẻ em, phim ảnh sách báo đồi truỵ… Đồ thật, hàng tốt bị xen lẫn hàng xấu, đồ giả. Người lương thiện, chân chính bị lẫn lộn với kẻ tham ô, móc ngoặc, bất lương. Những thứ cỏ lùng gai góc đó không bao giờ hết, chỉ đến mùa gặt tận thế, chúng mới bị quét sạch, đốt sạch. Tận thế sẽ thiêu đốt tất cả những thứ cỏ lùng đó, những kẻ xấu, kẻ dữ đó. Còn lúa thì được gánh về, chở về kho. Những thánh nhân, những người lương thiện, công chính sẽ sáng chói trong ngày vinh quang đó, họ được rước vào nước hạnh phúc đời đời.

Thấy cỏ lùng xuất hiện với lúa, các đầy tớ đến hỏi ông chủ: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu ra vậy?” Thấy sự dữ tràn lan trên thế giới, bao nhiêu người thắc mắc: sự dữ, sự ác bởi đâu ra? Chúng ta nhiều lần thấy gian tà thắng ngay lành, bất công thắng công chính, kẻ ác thắng kẻ thiện, nên cũng thất vọng kêu trách: Sao Chúa để kẻ dữ sống lâu, mạnh khoẻ, giàu sang, may mắn, còn kẻ lành phải khổ cực trăm chiều?

Trước những thắc mắc đó, Chúa đáp: “Kẻ thù đã làm đó!” Kẻ thù là ai? Thánh kinh cho biết có hai thứ kẻ thù: kẻ thù ở trong ta và kẻ thù ở ngoài ta.

Kẻ thù ở ngoài ta có những tên khác nhau: con rắn cám dỗ phỉnh gạt (x. St 3,2.13), con rồng, rắn xưa, quỷ, satan (x. Kh 12,9), con thuồng luồng Leviathan (x. Is 27,1), kẻ thù, kẻ chống đối (x. Mt 13,25; Lc 10,19; 2Cr 6,15). Những kẻ thù này ở ngoài con người, nhưng chúng xâm nhập vào con người sâu hiểm tới độ đồng hoá với bản tính nhân loại. Nhưng chúng sẽ bị “Thiên Thần Chúa từ trời xuống, tay cầm chìa khoá vực thẳm và một dây xích lớn, bắt lấy con rồng, tức là con rắn xưa cũng là ma quỷ satan xích nó… quăng vào vực thẳm, rồi đóng cửa niêm phong lại” (Kh 20, 2-3).

Nhưng một mình quỷ thôi, chúng sẽ bất lực như bất lực đối với Thánh Gióp. Chỉ khi có sự tiếp tay của ta như Eva tiếp nó, nó mới thành kẻ thù trong ta: nó trở nên kẻ nội thù ghê gớm. Nó mọc lên những cỏ lùng, bụi gai, đá sỏi, quỷ dữ (x. Mt 13,18-22). “Vì tự lòng phát xuất ra những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, chứng gian, vu khống” (Mt 15, 19). Khi chủ cho biết kẻ thù làm đó, thì đầy tớ xin nhổ đi, chủ sợ hại đến lúa, nên ông đáp: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt”. Thái độ của chủ thật khôn ngoan, ông kiên nhẫn chờ đợi đến mùa gặt, mới nhặt cỏ lùng đốt đi.

Có thể trong tâm tưởng nhiều người lại quy gán cho Thiên Chúa trách nhiệm về tình trạng khổ đau đó, chẳng khác gì câu hỏi ngày xưa: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng ở đâu mà ra?” Một câu hỏi không lên án, nhưng chứa đựng sự nghi ngờ.

Để trả lời cho vấn nạn đó, Chúa Giêsu đã lấy lại giáo huấn của sách Sáng Thế: Sự ác không đến từ Thiên Chúa. Ngài chỉ gieo hạt giống tốt lành vào mảnh đất người đời. Sự ác cũng không chỉ đến từ tâm trí con người, nhưng nó đã có trước đó. Sự dữ cũng là một mầu nhiệm. Đối với Chúa Giêsu, con người là nạn nhân của sức mạnh mà Người gọi là ”Kẻ thù”, là ”Quỹ dữ” như cách diễn tả trong dụ ngôn: “Khi mọi người đang ngũ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng rồi đi mất”. Ở cội nguồn tội lỗi của con người, còn có một sức mạnh luôn tìm cách phá hoại công trình của Thiên Chúa và hành tung của nó rất bí mật. Đó là quỷ dữ lợi dụng đêm tối để gieo rắc tội lỗi rồi trốn đi.Thánh Phaolô đã nói về sự dữ trong thư Rôma: Công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa tốt lành. Satan đã cám dỗ Adam, Eva, Nguyên Tổ sa ngã, tội lỗi sinh ra đau khổ và sự chết rồi nó như con bạch tuộc vươn vòi vào trần thế, con người nô lệ cho tội lỗi và nhận lấy án phạt là sự chết (x.Rm 1,20 -31;15,12). Ma quỷ luôn có mặt để gieo rắc sự xấu.

Thiên Chúa gieo vào thế giới hạt giống khát vọng hòa bình. Đẹp biết bao khi mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người. Nhưng thực tế lại đáng buồn thay! Cánh đồng hòa bình tươi xanh đã bị những cỏ dại của tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố. Lịch sử thế giới được ghi bằng những trang buồn đau vì không lúc nào mà không có chiến tranh.

Thế giới này sẽ tươi đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần chung tay xây dựng! Nhưng thật đáng tiếc, rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc hủy hoại, tha hóa, nô lệ hóa con người. Đó là những hạt cỏ xấu do ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt. Lúa tốt và cỏ lùng lẫn lộn trên cùng ruộng lúa. Cái tốt, cái xấu đan xen trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong tâm hồn mỗi người. Ở đó, hạt mầm sự sống và nọc độc sự chết, cùng sống chung. Mỗi con người chắc chắn đều có kinh nghiệm bản thân như Thánh Phaolô đã từng kinh nghiệm “Điều lành tôi muốn làm, tôi lại không làm, còn điều dữ tôi không muốn làm, nhưng tôi lại cứ làm (Rm 7,19).

Con người có tự do để chọn lựa cái đúng, cái sai, chọn cái tốt, cái xấu. Nước Trời cũng gồm những con người có tự do, thì cũng có những người xấu do chọn lựa sai lầm. Cảm nhận được sự thật ấy trong tâm hồn mình để chúng ta biết khoan dung trong cách nhìn về người khác. Sự khoan dung không đồng nghĩa với đầu hàng cái ác, nhưng phát xuất từ niềm tin vững chắc vào sự tất thắng của Nước Trời: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”. Cho dù cỏ lùng có bóp nghẹt lúa tốt trong một thời gian dài, nhưng mùa gặt đến, cỏ lùng sẽ bị gom lại và đốt đi, còn lúa tốt được cất vào kho lẫm.

Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa tốt được,nhưng người xấu có thể hoán cải để nên người tốt. Thiên Chúa ghét tội lỗi, nhưng lại yêu mến tội nhân vì Người chờ nơi họ lòng thống hối để được thứ tha (x.Rm 2,4). Chính vì thế mà Thiên Chúa kiên tâm chờ đợi. Chờ đợi vì Thiên Chúa tin vào sự hoán cải của con người. Chờ đợi vì Thiên Chúa tôn trọng tự do lựa chọn của con người. Chờ đợi vì Thiên Chúa nuôi một niềm hy vọng lớn lao.Thiên Chúa vẫn luôn nhẫn nại đợi chờ cho đến ngày tận thế “ cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt”.

Cỏ lùng và lúa tốt nằm ở trong tim con người. Mỗi người đong đưa giữa cỏ lùng và lúa tốt, giữa cái thiện và cái ác, giữa Thiên Thần và Satan.Tự do chọn lựa là quyền mỗi người.Thiên Chúa vẫn chấp nhận cỏ lùng trong con người. Thiên Chúa nhẫn nại đợi chờ con người thanh luyện dần dần và hy vọng mọi sự trong họ sẽ thành lúa tốt.

Lạy Chúa, xin cho con nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường ghập ghềnh cuộc đời, trong thác dốc tâm hồn với tất cả niềm tin và hy vọng. Amen.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Thiện ác song hành

Thiện ác song hành

Mọi sự trong thế gian đều tương đối. Thế giới thay đổi. Cuộc sống thay đổi. Sự vật đổi thay. Chế độ chính trị thay đổi. Con người cũng luôn thay đổi. Không có gì tồn tại mãi.

Không có gì tốt hay xấu tuyệt đối ở trần gian này. Con người sinh ra tính bản thiện, nhưng xác phàm yếu đuối hướng về đàng xấu. Trong con người có cả thiện lẫn ác. Thiện và ác gắn chặt với bản tính con người.

Trong xã hội, có người tốt người xấu, nhưng chẳng có ai tốt hay xấu toàn diện. Thánh Phaolô có kinh nghiệm về sự tốt và xấu: “Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không” (Rm 7,18).

Sự thiện và sự ác như đồng tiền hai mặt. Sự thiện, sự ác có thể tráo đổi và hỗ tương vì trong thiện, có ác, và trong ác, có thiện.

Người ta nói trong rủi, có cái may, và trong cái may, có cái rủi. Thiện ác song hành trong cuộc sống đời tạm này, nhưng ngày sau hết, sự thiện và sự ác sẽ được tách biệt muôn đời.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn “Cỏ Lùng” để diễn tả về Nước Trời. Những ai có kinh nghiệm về cấy cầy, gieo vãi và trồng trọt nơi đồng ruộng sẽ hiểu dụ ngôn cách dễ dàng. Và đây là dụ ngôn dạy bảo về Nước Trời, nên so sánh với thực tế thì có vài điểm khác biệt.

Trong thửa ruộng trồng lúa, thường thì các nhà nông sẽ phải ra công diệt trừ cỏ dại trước. Cây lúa và cây cỏ lùng rất giống nhau. Cỏ lùng phát triển rất nhanh và ăn hại đất mầu. Nhà nông phải nhổ cỏ và xịt thuốc diệt trừ cỏ dại. Dụ ngôn dạy ý nghĩa ám chỉ về lòng khoan dung nhẫn nại của người chủ và sự thiện ác trong lòng người và cuộc đời.

Hình ảnh cuộc đời con người thật rõ ràng. Môi trường sống ảnh hưởng đến toàn diện con người từ cách suy tư, cách xử trí, cách sống và cách ăn nết ở. Luân lý đạo đức có một, nhưng có nhiều cấp bậc và nhiều cách áp dụng.

Nói về Nước Trời, mỗi người khi được lãnh nhận bí tích Rửa Tội là họ được tháp nhập vào Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Chúa Kitô gieo mầm sống tốt: Người đáp rằng: "Kẻ gieo giống tốt, là Con Người” (Mt 13,37).

Con người sống và phát triển trong môi trường cụ thể của xã hội. Con người dễ nhiễm mùi tục lụy thế gian qua tất cả các ngõ ngách của cuộc sống. Môi trường cuộc sống nơi trần gian có rất nhiều cám dỗ hướng về đàng xấu. Chúa Giêsu giải thích: Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác (x. Mt 13,38)

Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ (x. Mt 13,39). Kẻ thù đây, chính là những gương mù gương xấu của con người. Chúa gọi kẻ thù là ma quỷ. Chúng ta phải chóng mặt khi nhìn vào cuộc sống đổi thay về luân thường đạo lý. Con người thời nay đang muốn thay đổi tận gốc rễ những giá trị về tinh thần. Các làn sóng chủ trương Duy Nhân Bản ở Âu Châu đang muốn tước đoạt mọi quyền tự do tôn giáo và cá nhân. Họ chủ trương một cuộc sống duy vật vô thần. Các phong trào nổi dậy đòi tự do luyến ái, hôn nhân đồng tính, ngừa thai phá thai, trợ tử, thụ thai trong ống nghiệm và dùng tế bào gốc nơi phôi thai. Văn hóa sự chết đang lan tràn khắp nơi. Nền luân lý bị xói mòn băng hoại qua những chủ trương quá cấp tiến. Nhiều người không còn muốn sống theo nền đạo đức truyền thống và những giá trị nhân bản nữa.

Nhiều nhóm chủ trương đặt cá nhân chủ nghĩa trên niềm tin tôn giáo, luân lý đạo đức và kỷ cương xã hội. Ảnh hưởng mặt trái của xã hội cứ thấm dần và réo gọi con người trở về thời hoang sơ. Những đức tính cao quý ảnh hưởng của Khổng Giáo như Tam cương ngũ thường, Tam tòng tứ đức, Tu thân tích đức, thấy sao mà xa lạ. Giới trẻ thời nay không còn chú ý nhiều đến sự rèn luyện về nhân cách và đạo đức như: Công, dung, ngôn, hạnh. Bóng tối sự dữ cứ đẩy lui con người vào cuộc sống hưởng thụ. Con người bị vòng quay xã hội cuốn hút theo chiều. Văn minh kỹ thuật góp phần đẩy con người đi xa hơn vào sự chạy đua không ngừng. Cái xấu, cái tốt khó có thể phân biệt. Hình như cái tốt nó đi theo với cái tôi thích. Cái tôi thích và tôi muốn, là tôi thực hiện đúng. Tôi không muốn người khác phải dạy đời hay chỉ dẫn, ngay cả cha mẹ và thầy cô. Đây là cuộc đời của tôi mà!

Nếu quan sát, chúng ta sẽ nhận ra ngay những ảnh hưởng của truyền thông rất lớn. Những phương tiện truyền tin hằng ngay qua sách báo, phim ảnh, truyền hình, báo đài, talk show…hay qua kỹ thuật cao như cellphone, itunes, iphone, ipod và ipad. Chúng ta đã đầu tư quá nhiều thời giờ vào những phương tiện và dụng cụ kỹ thuật tân tiến này. Tình người bị đánh cắp. Ngồi bên nhau đấy, nhưng mỗi người một theo một trò chơi và một ý thích khác nhau. Nguồn kiến thức nơi các trang mạng thật dồi dào và đa dạng. Có những kiến thức rất bổ ích mà chúng ta cần học hỏi và trau dồi, nhưng cũng không tránh khỏi những loại văn hóa đồi trụy và tư tưởng đầu độc. Thánh Phaolô nhận ra sự song hành của sự thiện và sự ác: Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay (x. Rm 7,21).

Cái gì sẽ giúp chúng ta nhận định và chọn lựa cho đúng. Chúng ta có thể dựa vào tiếng nói lương tâm, nhưng nếu lương tâm chúng ta bị ô nhiễm và trì độn, làm sao chúng ta có thể sáng suốt để quyết định?

Có muôn vàn loại cỏ lùng từ từ được gieo vào lòng người mọi nơi và mọi thời. Qua các cửa ngõ giác quan như cảm giác, thính giác và thị giác, chúng ta nhìn thấy biết bao hình ảnh, sự cố và nghe được biết bao tin tức, chuyện trong nhà ngoài ngõ và chuyện ba xu. Tất cả những sản phẩm xô bồ vàng thau lẫn lộn như mẻ cá vừa bắt được, chúng ta để chúng tự do xâm nhập vào trong đáy tâm hồn của chúng ta. Nhiều khi chúng ta không có giờ để loại bỏ và chọn lựa cái tốt khỏi cái xấu. Chúng ta đón nhận biết bao nhiêu những hình ảnh bạo lực, chém giết, chết chóc, trả thù, trộm cướp, hãm hiếp, gian xảo, khêu gợi lõa lồ, dục tình, hút sách, những lời thô tục, báng bổ, xỉ vả, gian dối…Điều tốt bon chen với điều xấu. Tội lỗi chen lẫn với nhân đức. Sự sai trái chung vai sát cánh với sự thật. Chúng cứ tự nhiên đồng hành bên nhau. Thánh Matthêô ghi chú giải thích: Chủ nhà đáp: ''''Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng (Mt.13,29).

Làm sao chúng ta có thể nhổ bỏ và dứt khoát với các thói hư tật xấu? Chúng ta sẽ rất dễ dàng bị ô nhiễm bởi môi trường sống. Vì gần mực thì đen, gần đèn thị rạng. Chúng ta phải biết chọn bạn mà chơi, chọn bài mà đọc và chọn điều tốt mà làm.

Sự giằng co giữa thiện và ác sẽ không ngừng nghỉ. Sự phấn đấu để vươn lên luôn là một thúc bách khẩn thiết. Thân xác và ước muốn của con người cứ bị kéo lôi vào con đường thênh thang rộng rãi. Xác thân muốn thỏa mãn mọi ước mơ và khao khát cứ nổi dậy đòi được đáp ứng. Thánh Phaolô đã chia sẻ kinh nghiệm: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).

Như thế, thiện và ác cứ song hành như cánh đồng lúa chen lẫn cỏ lùng. Chính Chúa Giêsu không muốn cho thợ nhổ cỏ lùng ngay. Như vậy, thói xấu ở đời cũng cần có, để như lửa thử vàng, gian nan thử đức. Chúa không cất chúng ta ra khỏi thế gian. Cạm bẫy tội lỗi vẫn có đó, nhưng Chúa dạy chúng ta hãy cầu nguyện: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” Có nghĩa là chúng ta phải phấn đấu không ngừng để thắng các chước cám dỗ của ma quỷ. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để chỉ dậy: Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: "Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta" (Mt 13,30).

Chúng ta cần học hỏi đạo lý và trau dồi nhân đức để không bị những đám cỏ lùng phát triển um tùm lấn át. Sự thật mà nói, căn bản giáo lý của chúng ta quả thật là qúa khiêm nhường so với kho tàng hiểu biết về khoa học, xã hội và cuộc sống. Chúng ta tự vấn xem sự học hỏi về Kinh Thánh, hiểu biết về Giáo Lý và sự nhuần nhuyễn về giáo huấn của Giáo Hội được bao nhiêu. Là người công giáo, cơ may mỗi tuần một lần khi tham dự thánh lễ, chúng ta được nghe lời Chúa, bài giảng và kinh nguyện, đó là số vốn liếng hạt giống lãnh hội được. Có một số trong chúng ta còn bị thiệt thòi vì khả năng ngôn ngữ và văn hóa giới hạn, mà phải tham dự các buổi phụng vụ bằng tiếng ngoại quốc. Suốt tuần, chúng ta chẳng có giờ để học hỏi, nghiên cứu hay tìm hiểu lẽ đạo, chúng ta sẽ dễ dàng bị cỏ lùng trần thế lấn át và bao trùm.

Mang danh Kitô hữu, mà trong lòng chúng ta đầy áp cỏ lùng. Đối diện với cuộc sống, chúng ta dựa trên những kiến thức đã bị tục hóa để phân tích, phán đoán và chọn lựa. Chúng ta nghĩ rằng những chọn lựa đó là đúng và thích hợp, nhưng sự thật này chỉ là chủ quan. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi” (Rm 7,17).

Chúng ta hãy rà soát lại thửa ruộng tâm hồn của mình. Hạt giống tốt được gieo vào cung lòng, nhưng có hạt đã rơi vào bụi gai, có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá sỏi và có số ít hạt rơi vào vùng đất tốt đang chờ ngày để sinh hoa kết trái. Trong khi hạt giống cỏ lùng được gieo vãi tràn lan, được ấp ủ canh chừng, phát triển xanh tươi chen lấn và làm hạt giống tốt bị ngột ngạt.

Chúng ta không thể nhổ hết cỏ lùng chung quanh, nhưng chúng ta cần vun xới cho hạt giống tốt lời Chúa để có thể sinh hoa trái.

Điều quan trọng là hạt giống đức tin của chúng ta không thể bị vùi tắt, mà phải luôn cháy sáng trong đêm tối. Chúng ta phải phấn đấu và giữ đức tin cho đến cùng như thánh Phaôlô dạy: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4,7). Dù có phải bước đi trong đêm tối, chúng ta không lo mắc nạn vì Chúa ở cùng chúng ta.

Mỗi người hãy chu toàn ơn gọi và chức vụ của mình để nhắm đến cùng đích. Chúng ta không nên trì hoãn hay bỏ cuộc dọc đường. Dù hành trình có gian nan, cuộc sống có đau thương và niềm tin có chao đảo, chúng ta cứ nhắm đích mà hướng tới. Chúa Giêsu hứa ban phần thưởng cho những ai trung tín tới cùng. Sau cuộc lữ hành chạy đua trong niềm tin, thánh Phaolô đã tâm sự: “Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2 Tm 4,8).

LM Giuse Trần Việt Hùng

Cỏ và lúa

Cỏ và lúa

Bài Tin Mừng thuật lại ba dụ ngôn của Chúa Giêsu: cỏ lùng, hạt cải và men. Nghe Chúa nói ba dụ ngôn, nhưng các môn đệ lại chỉ xin Chúa giải thích một dụ ngôn cỏ lùng, và Chúa đã giải thích: người đi gieo giống tốt là Thiên Chúa, hạt giống là người ta, là con người, là con cái Chúa, thửa ruộng là thế gian, là nơi sinh sống, làm việc, phục vụ, cỏ lùng là người xấu, người dữ, mùa gặt là ngày chết hay ngày tận thế, thợ gặt là các thiên thần, lúa tốt thì được thu vào kho lẫm, tức là những người tốt lành, công chính, thánh thiện, thì được thưởng, còn cỏ lùng là những người xấu, người dữ thì bị tống vào hoả ngục.

Nghe hay đọc dụ ngôn này cùng với sự giải thích của Chúa, chúng ta thấy dễ hiểu và hợp tình hợp lý. Thế gian này có người tốt người xấu, người lành người dữ sống bên nhau, sống cùng nhau là chuyện bình thường. Chẳng có nơi nào toàn là những người tốt và cũng chẳng có nơi nào toàn là những người xấu. Nhưng có một điều khác biệt: cỏ lùng, vì bản chất của nó là cỏ dại, cỏ xấu, cho nên vạn đại nó cũng không thể nào biến thành lúa tốt được. Cũng thế, cây lúa thì lúc nào nó cũng là cây lúa, chỉ có điều là nó cho nhiều hay ít hạt lúa, chứ không bao giờ biến thành cỏ lùng được.

Đối với con người thì không như vậy: bản tính con người được Chúa tạo dựng là tốt lành: “Nhân chi sơ tính bản thiện”: khi sinh ra, con người vốn tốt lành, nhưng với thời gian lớn khôn, con người vẫn tốt hay trở thành xấu, nghĩa là con người tốt hay xấu là do thêm vào hay mất đi. Có người trước kia là lúa tốt, bây giờ là cỏ lùng, ngược lại, có người trước kia là cỏ lùng, bây giờ là lúa tốt. Dĩ nhiên cũng có những người luôn luôn là lúa tốt và những người lúc nào cũng là cỏ lùng, hoặc có những người khi thì là lúa tốt khi thì là cỏ lùng hoặc ngược lại. Điều quan trọng là tới khi chết, người ta đang ở trong tình trạng nào: cỏ lùng hay lúa tốt? Đó là trách nhiệm của mỗi người.

Chính vì yếu tố trách nhiệm này, vì khả năng biến đổi tốt thành xấu và xấu thành tốt nên chúng ta phải cố gắng làm giảm bớt đến mức tối đa, tức là mức thấp nhất những gì là xấu xa, tội lỗi, tức là cỏ lùng, và gia tăng đến mức tối đa, tức là mức cao nhất, nhiều nhất những gì là tốt lành, thánh thiện, tức là lúa tốt. Hơn nữa, trong đời sống hằng ngày, ngoài việc cố gắng bớt cỏ lùng, thêm lúa tốt, tức là bớt tư tưởng, lời nói, việc làm xấu và gia tăng những việc phúc đức, mỗi người còn phải cố gắng làm sao để được nhắm mắt xuôi tay, kết thúc cuộc đời trong tình trạng đang kể là lúa tốt.

Ở đời này, thường chúng ta ít thấy công lý thắng gian tà, nhưng ở đời sau, thì tất cả mọi nợ nần đều phải trang trải, mọi bất công sẽ được san phẳng: lúa tốt, tức là người tốt, sẽ được nâng niu thu góp vào kho lẫm, tức là được thưởng công xứng đáng. Còn cỏ lùng, tức là người xấu, sẽ bị ném vào lửa để thiêu huỷ. Câu chuyện cỏ lùng giữa lúa tốt quả quyết với chúng ta về sự báo oán công minh ở đời sau: người tốt sẽ được thưởng, người xấu sẽ bị phạt muôn đời. Như vậy, tốt hay xấu, được thưởng hay bị phạt là do chính mỗi người chúng ta. Vì thế khi kết thúc dụ ngôn Chúa nói: “Ai có tai thì nghe:, nghĩa là Chúa muốn nhắc chúng ta rằng: chúng ta là đầu óc, có trí khôn, chúng ta biết phân biệt phải quấy, chân giả, đúng sai, tốt xấu thì đừng có sống đóng kịch hay sống bất chính, chúng ta phải biết sống đúng là con Chúa, chúng ta phải sử dụng đầu óc, trí khôn để sống theo luật Chúa. Chúng ta sống làm sao Chúa sẽ căn cứ vào đó để thưởng hay phạt chúng ta.

Tóm lại, trong cánh đồng mầu mỡ là con người yếu đuối của chúng ta, lúa tốt và cỏ lùng, tức là nhân đức và tội lỗi, đức tính và tật xấu… luôn luôn chèn ép nhau, giành giật nhau. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và chiến đấu để loại trừ cỏ lùng, tội lỗi và tật xấu, đồng thời bảo vệ lúa tốt, nhân đức và công phúc của chúng ta. Có như thế đến mùa gặt, tức là khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay, chúng ta sẽ được Chúa nhân từ âu yếm nói với chúng ta: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng với Chúa ngươi”. Xin Chúa cho chúng ta biết sống theo lời Chúa để chúng ta đều được nghe những lời đầy thân thương trên đây của Chúa.

Sưu tầm

SỨ ĐIỆP VIDEO CỦA ĐTC NHÂN DỊP TƯỞNG NIỆM 20 NĂM CUỘC KHỦNG BỐ TẠI TRỤ SỞ HIỆP HỘI TƯƠNG TRỢ DO THÁI ARGENTINA Ở BUENOS AIRES

SỨ ĐIỆP VIDEO CỦA ĐTC NHÂN DỊP TƯỞNG NIỆM 20 NĂM CUỘC KHỦNG BỐ TẠI TRỤ SỞ HIỆP HỘI TƯƠNG TRỢ DO THÁI ARGENTINA Ở BUENOS AIRES

VATICAN: Khủng bố là một sự điên rồ. Khủng bố chỉ biết giết người mà thôi, không hề biết xây dựng, nhưng chỉ tàn phá.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên trong một sứ điệp video do ông Claudio Epelman, Giám đốc hội đồng Do Thái Mỹ la tinh thu hình bằng một điện thoại di động những ngày vừa qua, nhân dịp tưởng niệm 20 năm vụ khủng bố tại trụ sở hiệp hội tương trợ Do Thái Argentina, gọi tắt là AMIA tại Buenos Aires. Ông Epelman đã viếng thăm Đức Thánh Cha những ngày vừa qua.

Vào ngày 18-7-1994, một xe vận tải nhỏ chứa đầy thuốc nổ đã nổ tung tại bãi đậu xe dưới hầm trụ sở hiệp hội nói trên, khiến 85 người chết và hơn 200 người khác bị thương. Trong sứ điệp video, Đức Thánh Cha nói: 20 năm sau thảm kịch AMIA, tôi muốn bày tỏ sự gần gũi của tôi với cộng đoàn Do Thái tại Argentina và tất cả các thân nhân của các nạn nhân, do thái cũng như Kitô. Nhắc nhớ bao nhiêu mạng sống đã bị hủy diệt vì vụ khủng bố, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Buenos Aires đã khóc nhiều nhưng chưa đủ, vì chúng ta thường có khuynh hướng xếp vào kho và quên đi, không tìm kiếm công lý và sửa chữa những thiệt hại gây ra cho xã hội. Đức Thánh Cha cầu mong công lý sẽ được tái lập, bảo đảm lời cầu nguyện của Ngài cho các nạn nhân và ban phép lành cho gia đình họ. (SD 190714).

Mai Anh – Vatican Radio

SỨ ĐIỆP CỦA LIÊN HĐGM PHI CHÂU VÀ MADAGASCAR

SỨ ĐIỆP CỦA LIÊN HĐGM PHI CHÂU VÀ MADAGASCAR

BRAZZAVILLE: Trong sứ điệp công bố sau hội nghị về gia đình do Liên HĐHM Phi châu và Madagascar tổ chức trong các ngày từ mùng 6 đến 13 tháng 7, các Giám Mục đã đưa ra 23 đề nghị nhằm củng cố gia đình truyền thống bằng cách gia tăng chương trình chuẩn bị hôn nhân, thăng tiến giáo dục đào tạo gia đình cả trên bình diện tinh thần.

Các chương trình này cần thiết, vì giúp gia đình đương đầu với cuộc khủng hoảng hiện nay hậu qủa của chủ trương cá nhân, duy lợi ích và tham lam, khiến cho người ta quên đi sự nhưng không của tình yêu.

Mười đề nghị đầu liên quan tới việc chuẩn bị hôn nhân chu đáo, bắng cách tái cấu trúc mục vụ gia đình, đào tạo các nhân viên mục vụ gia đình, củng cố đặc thái kitô, giáo dục con cái và người trẻ có tinh thần trách nhiệm và trưởng thành, dấn thân trong các lãnh vực xã hội, luật pháp và chính trị.

Mười đề nghị tiếp theo nêu bật bốn cột trụ của chiều kích tinh thần trong cuộc sống gia đình là: lắng nghe Lời Chúa, thường xuyên tham dự các buổi cử hành Thánh Thể, cầu nguyện chung và siêng năng rước Minh Thánh Chúa.

Các Giám Mục cũng đề cao việc đẩy mạnh tình liên đới với các gia đình nghèo túng và gặp khó khăn, cũng như thanh tẩy các tập tục liên quan tới của hồi môn, chống lại các hiện tượng giáo phái, phù thủy, ma thuật và thăng tiến mục vụ của lý trí (SD 16-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Cấy tủy, niềm hy vọng mới cho các em bị bệnh ung thư máu.

Cấy tủy, niềm hy vọng mới cho các em bị bệnh ung thư máu.

Phỏng vấn bác sĩ Alice Bertaina, chuyên viên nghiên cứu thuộc khu vực Ung thư máu của Nhà thương Chúa Giêsu Hai Đồng ở Roma

Ung thư là một trong các thứ bệnh khiến cho nhiều người chết nhất trên thế giới hiện nay. Bản tường trình Globocan do ”Ủy ban quốc tế nghiên cứu ung thư” của Liên HIệp Quốc công bố năm 2014 cho biết số người bị bệnh ung thư trên thế giới đã gia tăng 11% trong bốn năm qua với hơn 14 triệu trường hợp bị bệnh trong năm 2012. Trong cùng năm 2012 đã có 8,2 triệu người chết vì bệnh ung thư, trong đó có 4,2 triệu tuổi từ 30 tới 69. Và tình hình sẽ không tốt đẹp hơn trong hai mươi năm tới, vì người ta ước tình rằng số người bị bệnh ung thư trên thế giới sẽ gia tăng 75%, tức sẽ lên tới 25 triệu. Trên đây là vài dữ kiện báo động được phổ biến trong ”Ngày quốc tế chống bệnh ung thư” mùng 4 tháng 2 năm 2014.

Bản tường trình Globocan năm 2012 cho biết dựa trên các dữ kiện thu thập tại 184 quốc gia có 28 loại ung thư giết người. Đứng đầu là ung thư phổi với hơn 1,8 triệu người chết, tức chiếm 13% tổng số nạn nhân. Tiếp đến là ung thư vú nơi phụ nữ với 1,7 triệu người chết trong năm 2012, tức chiếm 11,9%, gia tăng 20% so với năm 2008. Và số phự nữ chết cũng gia tăng 14%, tức 522 ngàn người.

Ông David Forman, trưởng ban thông tin của Ủy ban quốc tế nghiên cứu ung thư, cho biết ung thư vú là hình thức phổ biến nhất, và là lý do thông thường nhất gây thiệt mạng nơi nữ giới, kể cả tại các quốc gia ít phát triển. Ung thư tử cung cũng là hình thức khiến cho hàng năm có 528 ngàn trường hợp mới, và là loại ung thư thứ bốn gây tử vong cho phụ nữ. Liên quan tới vùng địa lý có 70% các trường hợp xảy ra trong các nước đang trên đường phát triển, và chỉ nội Ấn Độ đã chiếm một phần năm.

Vẫn theo thống kê của bản tường trình Globocan, hằng năm tại Bắc Mỹ cứ mỗi 100 ngàn phự nữ có 6,6 người bị ung thư và 2,5 người bị chết. Trong khi tại miền nam sa mạc Sahara bên Phi châu cứ 100 ngàn phụ nữ thì có 34,8 người bị ung thư và 22,5 người bị bị chết, tức cao gấp 5 và gấp 9 lần so với Bắc Mỹ. Theo các chuyên viên số phụ nữ tại các nước nghèo chết vì ung thư vú và ung thư tử cung cao hơn các nước giầu vì kiểu sống khác nhau, và vì tại các nước nghèo ngành y tế thiếu các hệ thống và phương tiện y khoa tân tiến giúp chụp hình, soi rọi và thử nghiệm.

Trong số các lý do gây ra bệnh ung thư có sự kiện các loại thực phẩm không tươi bổ, bị ô nhiễm, hay chứa qúa nhiều hóa chất, ngay từ lúc bắt đầu chăn nuôi súc vật, chuẩn bị, đóng hộp bảo quản, cho tới khi tới bàn ăn của người tiêu thụ. Các thứ rau trái cũng theo cùng các tiến trình bị nhiễm độc như thế. Thêm vào đó là mọi thứ hóa chất sử dụng trong cuộc sống thường ngày đơn sơ như: thuốc giặt, thuốc tẩy, các chất để rửa đĩa bát vv… từ từ mỗi ngày một chút, cũng góp phần tạo ra bệnh ung thư.

Ngoài các loại khói xe, khói của đủ mọi thứ nhà máy kỹ nghệ, bụi bẩn, còn có khói thuốc lá cũng gây ung thư. Hiện nay trên thế giới có hơn 1 tỷ người hút mỗi năm 6 ngàn tỷ điếu thuốc. Tính trung bình mỗi người hút khoảng 6,5 kí lô thuốc mỗi năm, trung bình mỗi năm 1600 điếu. Từ năm 1970 tới nay số người hút thuốc tại các nước đang trên đường phát triển gia tăng 67%, nhưng cũng gia tăng tại các nước kỹ nghệ tân tiến. Trung quốc trở thành nước được các nhà sản xuất thuốc lá nhắm tới nhất, vì có tới 300 triệu người hút thuốc và hàng năm hút 1.889 tỷ điếu thuốc.

Theo tổ chức Sức Khỏe Thế Giới thuốc lá là lý do gây ra 20% trường hợp tử vong tại các nước phát triển. Nó là lý do gây ra 90-95% bệnh ung thư phổi, 80-85% bệnh cuống phổi kinh niên, và 20-25% các thứ bệnh tim mạch, hay bộ máy tuần hoàn. Mỗi năm trên thế giới có 3 triệu người chết vì khói thuốc. Từ 2 triệu năm 1995 số người chết vì hút thuốc tại các nước kỹ nghệ sẽ tăng lên 3 triệu trong năm 2025. Trong khi tại các nước đang trên đường phát triển từ 1 triệu trong năm 1995 sẽ tăng lên 7 triệu trong năm 2025. Lý do chết vì hút thuốc gồm 94% là ung thư phổi, 69% ung thư cuống họng và vòm họng, 18% các loại ung thư khác, 82% là vì các bệnh kinh niên của đường hô hấp, 31% vì bệnh suyễn, 34% các bệnh về bộ máy tuần hoàn, và 35% các loại bệnh khác.

Ông Christopher Wild, giám đốc Ủy ban quốc tế nghiên cừu ung thư của Liên hIệp Quốc nói: ”Số bệnh nhân ung thư gia tăng trên thế giới là một chướng ngại trầm trọng đối với sự phát triển và hạnh phúc của nhân loại. Các dữ kiện mới này gửi một tín hiệu mạnh mẽ liên quan tới mọi cộng đoàn và mọi quốc gia trên thế giới, không trừ ai”. Thật thế Bản tường trình Globocan năm 2014 xác nhận sự không đồng đều trong việc chữa trị và kiểm soát bênh ung thư tại nhiều nước khác nhau trên thế giới. Số người chết vì bệnh ung thư đang gia tăng cách đáng ngạc nhiên giữa các nước nghèo nhất. Một cách đặc biệt số người sẽ chết vì bệnh ung thư trong năm 2025 gia tăng 80%

Trong số các thứ bệnh ung thứ cũng có bệnh ung thư máu, và có nhiều trẻ em bị bệnh này. Nhưng với phương pháp cấy tủy mới, người ta hy vọng số tử vong sẽ giảm trong tương lai.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bải phỏng vấn nữ bác sĩ Alice Bertaina, chuyên viên nghiên cứu thuộc khu vực Ung thư máu của Nhà thương Chúa Giêsu Hài Đồng ở Roma.

Hỏi: Thưa bác sĩ Alice, các bác sĩ nhà thương Chúa Hài Đồng Giêsu ở Roma trong đó có bác sĩ, đã khám phá ra một phương cách cấy tủy mới, bằng cách lấy tủy của cha mẹ và lèo lái tế bào để cho nó hợp với tủy của đứa con và cấy cho đứa con bị bệnh ung thứ máu. Đây là niềm hy vọng mới cho các trẻ em bị bệnh có đúng thế không?

Đáp: Vâng, với kiểu lèo lái tế bào này, từ nay trở đi có thể dùng các tế bào tủy gốc của cha hay mẹ và cũng đạt được các kết qủa y như khi người ta dùng các tế bào gốc của một người anh em hay của một người hiến tủy phù hợp với người nhận. Kỹ thuật này không dự kiến lấy tủy, mà chỉ hứng lấy máu trong mạch ngoại biên, chẳng hạn như của mạch máu cánh tay, và làm việc trên các tế bào trong phòng thí nghiệm. Chỉ có các tế bào xấu là bị loại trừ, nghĩa là các tế bào có thể tấn công cơ phận của người nhận, trong khi các tế bào tốt đều được giữ lại để cấy vào tủy người nhận, tức các tân tế bào tặng che chở người bệnh khỏi các nhiễm trùng, liên quan tới các bệnh ung thư không nặng, và cả đối với các bệnh ung thư máu tái phát nữa.

Hỏi: Có nhiều bệnh nhân ung thư máu không tìm ra người cho tủy phù hợp, và khả thể hai anh em phù hợp với nhau chỉ được 25 phần trăm các trường hợp thôi, có phải thế không thưa bác sĩ?

Đáp: Giá trị và tầm quan trọng của phương pháp mới này là chính nơi khả thể trao ban một cơ may cho người không có may mắn có được người cống hiến tế bào thích hợp trong gia đình. Vì chỉ có 25% trường hợp là có người thân trong gia đình có tế bào thích hợp mà thôi. Hay không thể tìm ra người cho thích hợp trên danh sách các người hiến tủy xương hay máu lấy từ nhau. Mặc dù tinh thần liên đới rất cao của những người hiến tủy xương và của các bà mẹ hiến cuống rốn của con họ khi chúng sinh ra, vẫn còn có một số đông khoảng 30-40% các bệnh nhân ung thư máu không tìm ra các người cho thích hợp. Chính vì thế trong các năm qua chúng tôi đã tập trung cố gắng nơi việc đưa ra một phương pháp mới cho phép sử dụng các tế bào gốc của cha hay của mẹ bệnh nhân.

Hỏi: Kỹ thuật này đã được thử nghiệm trên 23 trẻ em. Nó đã đạt được các kết qủa nào, thưa bác sĩ?

Đáp: Nghiên cửu này liên quan tới việc cấy tủy cho 23 trẻ em bi bệnh ung thư máu nhẹ, nghĩa là các trẻ em bị ung thư máu vì hồng huyết cầu bị suy yếu và hủy diệt, hệ miễn nhiễm bị thiếu hụt trầm trọng, hay giảm hồng huyết cầu di truyền thiếu chất đạm sửa chữa yếu tố di truyền DNA. Số trẻ em khỏi bệnh sống sót đạt 90%, nghĩa là số phần trăm khỏi bệnh rất cao so với việc cấy tế bào cúa một người anh em hiến tủy trong cùng một gia đình.

Hỏi: Như thế trẻ em bị bất cứ loại ung thư máu nào cũng có thể chữa trị với phương pháp mới này, chứ không phải chỉ có trường hợp hệ thống miễn nhiễm bị thiếu hụt thôi, có phải thế không thưa bác sĩ?

Đáp: Chúng tôi cũng đã thử nghiệm cùng kỹ thuật này cho các loại ung thư máu trên 70 trẻ em, và các kết qủa đạt được đã thật đặc biệt. Bởi vì trong trường hợp này khả thể lành bệnh lến tới 80%. Nghĩa là rất cao, nếu chúng ta nói tới các trẻ em bị ung thư máu nặng.

Hỏi: Đây là bằng chứng cho thấy việc đầu tư vào lãnh vực này thật đáng công, có đúng thế không thưa bác sĩ Alice?

Đáp: Vâng tuyết đối đúng rồi. Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng đây là một nghiên cứu phần lớn đã được tài trợ bởi ”Hiệp hội nghiên cứu Italia chống ung thư”, nghĩa là nhờ tình liên đới của tất cả mọi người dân Italia đã đóng góp cho tổ chức để tổ chức trợ gúp tài chánh cho công trình nghiên cừu của chúng tôi đạt các kết qủa tốt đẹp.

(RG 7-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tái kêu gọi cầu nguyện và hoạt động cho hòa bình tại Thánh Địa

Đức Thánh Cha tái kêu gọi cầu nguyện và hoạt động cho hòa bình tại Thánh Địa

Trong buổi đọc Kin Truyền Tin với tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật hôm qua Đức Thánh Cha Phanxicô đã lại mời gọi mọi người cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa, Ngài khích lệ các giới chức chính trị làm mọi cố gắng có thể để đem lại hòa bình cho dân chúng vùng này. Đức Thánh Cha nói:

”Dưới ánh sáng của các biến cố thê thảm xảy ra trong các ngày vừa qua, tôi tha thiết kêu gọi tất cả mọi người tiếp tục khấn khoản cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa. Tôi còn trong ký ức kỷ niệm sống động của cuộc gặp gỡ ngày mùng 8 tháng 6 vừa qua với Đức Thượng Phụ Bartolomaios, tổng thống Peres và tổng thống Abbas, và cùng với các vị chúng ta đã khẩn nài ơn hòa bình và lắng nghe lời mời gọi bẻ gẫy vòng xoáy của thù hận và bạo lực. Có người có thể nghĩ rằng cuộc gặp gỡ ấy vô ích. Trái lại không, bởi vì lời cầu nguyện giúp chúng ta không để cho sự dữ chiến thắng, cũng không chịu trận để cho bạo lực và oán thù thắng trên đối thoại và hòa giải. Tôi khích lệ tất cả những ai có trách nhiệm chính trị trên bình diện địa phương và quốc tế đừng tiết kiệm lời cầu nguyện và bất cứ cố gắng nào để chấm dứt mọi thù nghịch và theo đuổi hòa bình ước mong cho thiên ích của mọi người. Và tôi mời tất cả hiệp nhất trong lời cầu nguyện.”

Đức Thánh Cha và mọi người đã thinh lặng một chút, rồi ngài nói lên lời nguyện sau đây: ”Giờ đây lậy Chúa, xin Chúa giúp chúng con. Xin Chúa ban hòa bình, xin Chúa dậy chúng con hòa bình, xin Chúa hướng dẫn chúng con tới hòa bình. Xin mở mắt và trái tim chúng con và ban cho chúng con sự can đảm nói ”không bao giờ chiến tranh nữa”. Với chiến tranh mọi sự đều bị tàn phá, Xin đổ vào trong chúng con sự can đảm có các cử chỉ cụ thể để xây dựng hòa bình. Xin làm cho chúng con sẵn sàng lắng nghe tiếng kêu của các công dân, xin chúng con biến đổi khí giới thành các dụng cụ của hòa bình, các sợ hãi của chúng con thành niềm tin tưởng và các căng thẳng của chúng con thành sư tha thứ. Amen.”

Trước đó trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích dụ ngôn người gieo giống mà Chúa Giêsu đã giảng cho dân chúng bên bờ hồ Galilea. Khi thấy dân chúng qúa đông bao quanh, Ngài lên một chiếc thuyền, ra xa bờ một chút và từ đó giảng dậy họ. Chúa Giêsu dùng các dụ ngôn là một thứ ngôn ngữ dễ hiểu đối với tất cả mọi người, với các hình ảnh lấy từ thiên nhiên và các hoàn cảnh cuộc sống thường ngày.

Dụ ngôn dầu tiên dẫn vào các dụ ngôn là dụ ngôn người gieo giống ném hạt vung vãi trên mọi loại đất. Đức Thánh Cha nói:

Và nhân vật chính đích thật của dụ ngôn là hạt giống, sản xuất ra ít nhiều hạt tùy theo mảnh đất mà nó rơi xuống. Ba mảnh đất đầu tiên không sản xuất: dọc theo đường đi hạt giống bị chim trời ăn mất; trên đất sỏi đá các mộng bị khô héo ngay vì không có rễ; giữa các bụi gai hạt giống bị gai làm chết ngộp. Mảnh đất thứ tư là đất tốt và chỉ ở đó hạt giống mới đâm rễ và sinh hạt.

Trong trường hợp ở đây Chúa Giêsu không chỉ hạn chế ở việc trình bầy dụ ngôn, mà cũng giải thích cho các môn đệ nữa. Hạt rơi trên đường ám chỉ những người lắng nghe loan báo Nước Thiên Chúa, nhưng không tiếp nhận nó; như thế Kẻ Dữ đến và lấy mất đi. Thật vậy, Kẻ Dữ không muốn rằng hạt giống Tin Mừng nẩy mầm trong trái tim con người. Đó là so sánh thứ nhất.

So sánh thứ hai là hạt giống rơi trên đá: nó diễn tả những người lắng nghe lời Chúa và tiếp nhận ngay lập tức, nhưng một cách hời hợt, bởi vì họ không có rễ và không kiên trì; khi các khó khăn và bách hại xảy đến, những người này bị đốn ngã ngay. Trường hợp thứ ba là hạt giống rơi vào giữa càc bụi gai: Chúa Giêsu giải thích rằng nó ám chỉ các người lắng nghe lời Người, nhưng vì các lo lắng trần tục và sự cám dỗ của giầu sang nó bị chết ngộp. Sau cùng hạt giống rơi trện đất phì nhiêu diễn tả những người lắng nghe lời, tiếp nhận nó, giữ gìn nó và hiểu nó, và nó sinh bông hạt. Mô thức hoàn thiện nhất của thửa đất tốt này là Đức Trinh Nữ Maria.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Dụ ngôn này nói với chúng ta ngày nay, như đã nói với những người lắng nghe Chúa Giêsu cách đây hai ngàn năm. Nó nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta là thừa đất, nơi Chúa không mệt mỏi ném hạt giống Lời Người và tình yêu của Người. Chúng ta tiếp nhận nó với các sẵn sàng nào? Con tim của chúng ta ra sao? Và chúng ta có thể tự hỏi nó giống thửa đất nào: một con đường, một thửa đất sỏi đá, một bụi gai? Tùy nơi chúng ta trở thành thửa đất tốt không có các bụi gai, không có đá sỏi, nhưng đã đựơc vỡ đất và trồng tỉa cẩn thận, để có thể đơm bông hạt tốt lành cho chính chúng ta và cho các anh chị em khác. Ở đây sẽ tốt cho chúng ta đừng quên rằng cả chúng ta cũng là các người gieo giống. Loại hạt nào ra khỏi con tim và miệng chúng ta? Các lời nói của chúng ta có thể mang lại biết bao thiện ích cũng như biết bao sự dữ! Chúng có thể chữa lành và cũng có thể gây thương tích; chúng có thể khích lệ và có thể đè bẹp. Xin anh chị em hãy nhó điều quan trọng không phải là cái đi vào, mà là cái ra khỏi miệng và trái tim. Với gương của Người xin Đức Mẹ giúp chúng ta đón nhận Lời, giữ gìn nó và làm cho nó phong phú nơi tha nhân”.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Tuyền Tin Đức Thánh Cha đã chào mọi người và nhắc tới ”Chúa Nhật Biển”. Ngài nghĩ tới những người sống về nghề biển, các người đánh cá, và gia đình họ. Đức Thánh Cha khích lệ các cộng đoàn kitô, đặc biệt các cộng đoàn vùng duyên hải, để họ lưu tâm và nhạy cảm đối với các anh chị em này. Ngài cũng xin các linh mục tuyên úy và các thiện nguyện viên của tổ chức Tông Đồ Biển tiếp tục dấn thân trong việc săn sóc mục vụ cho các anh chị em này. Đức Thánh Cha phó thác tất cả mọi người, cách riêng những ai đang gặp khó khăn và sống xa nhà, cho sự che chở hiền mẫu của Mẹ Maria Sao Biển.

Chào các tu sĩ nam nữ dòng thánh Camillo de Lellis trong năm kỷ niệm biến cố thánh nhân qua đời ngày mùng 4 tháng 7 cách đây 400 năm, Đức Thánh Cha xin các vị tiếp tục là dấu chỉ của Chúa Giêsu, như người Samaritano nhân lành cúi xuống trên các thương tích thể xác và tinh thấn của nhân loại khổ đau để đổ dầu an ủi và rượu hy vọng. Ngài cầu chúc các tu sĩ cũng như các nhân viên y tế hoat động trong các nhà thương và nhà săn sóc của dòng luôn ngày càng lớn lên trong đặc sủng bác ái bên cạnh các bệnh nhân.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

THIÊN CHÚA LÀ SỨC MẠNH CỦA CÁC BỆNH NHÂN

THIÊN CHÚA LÀ SỨC MẠNH CỦA CÁC BỆNH NHÂN

ROMA: Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các bệnh nhân nhà thương bách khoa Gemelli can đảm làm chứng cho thấy chỉ có Thiên Chúa mới là sức mạnh của họ.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong sứ điệp video, mà ban giám đốc nhà thương đã cho trình chiếu cho các bệnh nhân xem sáng Chúa Nhật 13-7-2014. Trong sứ điệp Đức Thánh Cha bầy tỏ tiếc nuối đã không thể đến thằm các bệnh nhân tại nhà thương Bách khoa Gemelli, như đã dự kiến ngày 27-6-2014, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu và nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập nhà thương này.

Ngài hiểu sự vỡ mộng của các bệnh nhân, bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế đã cố gắng chuẩn bị mọi sự cho cuộc viếng thăm, nhất là không được cùng ngài cầu nguyện trong thánh lễ đáng lẽ do ngài chủ sự. Mọi sự đã sẵn sàng, nhưng ngay từ ban sáng hôm ấy Đức Thánh Cha đã bị nhức đầu, và ít phút trước khi khởi hành cơn đau đầu mạnh hơn ban đầu khiến ngài bị ói, nên phải bỏ chương trình viếng thăm.

Trong sứ điệp Đức Thánh Cha nói: Mùa hè là thời gian khó khăn hơn cho các bệnh nhân, đặc biệt là người già và người bệnh cô đơn, trong các thành phố lớn. Chính vì tôi lại càng muốn gặp gỡ các bệnh nhân hơn nữa. Nhưng chúng ta không là chủ cuộc sống của mình và muốn định liệu nó theo ý mình. Cần phải biết chấp nhận các giòn mỏng của con người thôi. Đức Thánh Cha nhắn nhủ mọi người biết vun trồng việc nếm hưởng các điều của Thiên Chúa, và làm chứng rằng chỉ có Chúa là sức mạnh của mình mà thôi. Với kinh nghiệm sự giòn mỏng của mình các bệnh nhân có thể làm chứng cho thấy Tin Mừng, tình yêu thương xót của Thiên Chúa Cha qúy báu như thiện ích của sự sống, chứ không phải tiền bạc và quyền bính. Cả khi con người là nhân vật quan trọng tới đâu đi nữa, nó cũng không thể kéo dài cuộc sống của mình cho dù chỉ là một ngày. Đức Thánh Cha cám ơn các bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ tại nhà thương bách khoa Gemelli, cũng như các tín hữu đến từ Milano, Brescia, Piacenza và Cremona cho địp này. Ngài phó thác mọi người cho Mẹ Maria và xin họ cầu nguyện cho ngài (SD 13-7-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio