Chúa Nhật 2 QN năm C

 Chúa Nhật 2 QN năm C

Kính thưa qúi ông bà anh chị em, người ta thường nói: “Trăm hoa đua nở” hay “ Vườn hoa đẹp là vườn hoa có đủ muôn màu muôn sắc khác nhau”. Phải chăng khi ta nói như thế là hàm ý nói về cái đa dạng, cái khác nhau. Vâng đúng thế, cái đa dạng, cái khác nhau đó đẹp biết bao khi mỗi cái phô diễn cái đẹp riêng của mình một cách hài hoà; phô diễn là đưa ra cái đẹp riêng của mình, chứ không phải là ganh đua, hiềm khích, phân bì hay ghen ghét.

     Hôm nay trong bài đọc hai, thánh Phao lô cũng cho chúng ta thấy được cái đa dạng nơi mỗi người; nghĩa là mỗi người, Chúa ban cho một khả năng nào đó, hiểu như thế thì tất cả mọi người đều được Chúa ban cho một tài năng riêng, không ai là vô dụng hay vô tích sự, có điều chúng ta có khám phá ra để phát triển cái tài năng đó hay không? Chẳng hạn ta thấy anh chàng Nick Vujicic, một anh chàng không tay, không chân, thế mà đã vượt lên chính mình, không gây gánh nặng cho người khác; trái lại anh đã đem lại niềm vui cho biết bao người buồn sầu chán nản, thất vọng. Anh đã giúp biết bao bạn trẻ bước ra khỏi ý định tự hủy hoại cuộc sống của mình, qua cách thức Nick nói chuyện; nhất là, qua con người cụ thể của anh là một lời nói hùng hồn của anh. Nick đã từng giảng thuyết cho cả hàng triệu người đó đây trên thế giới.

     Trở lại vấn đề, mỗi người có một tài năng riêng hay nói như ngôn ngữ của Thánh Phaolo: Có nhiều đặc sủng khác nhau. Có nhiều sự phục vụ khác nhau. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí của Chúa. Thế thì giờ đây ta nhìn vào đời sống sinh hoạt của gia đình, đoàn thể, cộng đoàn, giáo xứ, Giáo Hội hay trong xã hội. Ta thấy điều này rất rõ là: Chúa ban cho mỗi người có một tài năng riêng, không ai giống ai, mỗi người có một điểm độc đáo mà người khác không có. Tất cả mọi khả năng khác nhau đó chung qui lại là: Chúa muốn mọi khả năng mà mỗi người có được cần phải bổ túc cho nhau để gia đình, giáo xứ, Giáo Hội, xã hội phát triển  phong phú, tốt đẹp. Và nếu chúng ta nhận ra được mọi tài năng ta có là do ơn Chúa ban thì ta mới có sự khiêm tốn và làm cho ơn đó nên ích lợi cho chính mình và cho người khác được hưởng nhờ.
 
     Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu, mẹ Maria và các Tông Đồ tới dự tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Điều này đã minh định cho chúng ta vấn đề hôn nhân là một sự tốt lành, cho nên đã có sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các Tông đồ. Quả thật sự hiện diện của các ngài không những là một niềm vui và vinh dự lớn lao cho gia chủ mà còn giúp cho gia chủ giải quyết một sự bế tắc thiếu rượu. Khởi sự để phép lạ xẩy ra là nhờ sự quan tâm lo lắng để ý của Mẹ Maria, nên chi Mẹ mới biết gia đình hết rượu trong khi buổi tiệc đang vui; vì thế Mẹ đã can thiệp vào, qua việc Mẹ nói với Chúa Giêsu. Câu nói: “ Họ hết rượu rồi”. Một câu nói như là báo cho Chúa biết đồng thời như một lời xin ‘ép buộc’ để  giải quyết cho sự khó khăn bẽ mặt hổ người với quan khách, vì vấn đề hết rượu này. Mặc dầu Chúa Giêsu trả lời: “Giờ của Ngài chưa đến” nhưng Mẹ vẫn tin Con mình sẽ có cách giải quyết, nên Mẹ mới mạnh dạn nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì thì hãy làm theo”. Quả thật, lệnh được ban ra: “Hãy đổ đầy nước lạnh vào các chum” và từ sáu chum nước lạnh trở nên sáu chum rượu hảo hạng tuyệt vời. Ai làm được việc đó, nếu không phải là nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bữa tiệc đó sao?
 
     Sự việc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu, là để cho mọi người biết rằng:Thiên Chúa đang hiện diện giữa con cái loài người. Thiên Chúa yêu thương con người và Thiên Chúa muốn giúp đỡ con người khi gặp khó khăn; cho dù họ không kêu xin nhưng có người khác cầu giúp thay cho. Người đó là ai vậy! nếu không phải là Đức Mẹ đó sao, và ai nữa nhỉ, nếu không phải là các thánh đó sao!  Thực ra Chúa chẳng cần ai kêu xin thì Ngài mới biết; vì Ngài là Đấng thấu suốt mọi khó khăn, lo âu của từng người một. Rồi Chúa lại là Đấng giàu lòng thương xót cơ mà, nhưng Chúa muốn cho Đức Mẹ cũng có một chỗ đứng quan trọng trong sự tương quan với mọi người; Nên chi Chúa sẽ lắng nghe sự chuyển cầu của Mẹ Maria và các thánh, để Ngài ban ơn cho mọi người. Sự ban ơn này không phải vì chúng ta dễ thương hay vì chúng ta làm được công kia việc nọ lớn lao, nhưng vì sự yêu thương của Chúa và vì lời kêu xin của Mẹ Maria. Như trường hợp ở tiệc cưới Cana xưa; cho dẫu Chúa “chưa thuận” ban ơn ngay lúc đó nhưng vì lời xin của Mẹ hay các thánh thì như “ép” Chúa ban ơn cho vậy.
 
     Vậy, chúng ta thật là diễm phúc, bởi có được người Mẹ thiêng liêng tuyệt vời; Mẹ hiểu rõ mọi nhu cầu của con cái, bởi Mẹ là người yêu thương, quan tâm, tế nhị, kín đáo như Mẹ đã làm trong trường hợp tiệc cưới tại Cana; hết rượu, không ai nói với Mẹ và cũng không ai nghĩ cách giải quyết thế nào. Cũng vậy, cuộc sống hằng ngày có những ơn chúng ta không xin và cũng chưa nghĩ tới và cũng không xin, nhưng Chúa vẫn ban cho ta qua Mẹ Maria, thật dư dật tràn trề như số rượu quá nhiều và tràn trề trong sáu chum. Nhưng có những điều ta xin và luôn xin mà lại không được, thì không phải Chúa không biết; mà Chúa thấy điều ta xin đó không tốt đẹp cho chúng ta về lâu về dài, nhưng thay vào đó, Chúa sẽ ban cho ta những ơn khác mà ta không biết đó thôi.
 
     Lạy Chúa, chúng con thiếu thốn đủ mọi điều trong cuộc sống,tinh thần cũng như vật chất. Xin Chúa ban cho chúng con những gì mang lại lợi ích tốt đẹp cho phần hồn cũng như phần xác của chúng con. Qua lời cầu xin của Mẹ cho chúng con những gì chúng con đang cần; Với lời xin của Mẹ chúng con tin chắc Chúa sẽ ban cho chúng con. Amen.

Lm Phaolô Cao Thế Bình S.D.D

Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật II Thường Niên C – TÌNH YÊU CHAN CHỨA RƯỢU NỒNG (Ga 2:1-12)

  Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật II Thường Niên C – TÌNH YÊU CHAN CHỨA RƯỢU NỒNG (Ga 2:1-12)

Chỉ còn khoảng ba tuần nữa, người Việt Nam chúng ta sẽ hân hoan chào đón Tết mới, mừng Xuân Qúi Tỵ 2013. Ông bà tổ tiên xưa nay thường nói: Năm hết, Tết đến. Năm mới, con người mới. Bởi thế, thói quen cưới Vợ, gã Chồng cho con cháu dịp cuối năm, vốn là một truyền thống, phong tục không thể nào quên. Đôi bạn trẻ được Cha Mẹ lo cưới hỏi, để những ngày đầu Xuân; tân lang và tân nương mang lễ phẩm (cặp bánh, đôi chai rượu) đi Tết mới, ra mắt và nhận họ Nội Ngoại hai bên…

Tuy vô tình nhưng thật đúng ý người Việt Nam, khi Giáo Hội chọn bài Phúc Âm tuần này, xoay quanh câu chuyện tiệc cưới tại Cana, một xóm làng thân thuộc với Đức Maria và Chúa Giêsu. Đường dài từ Nazareth xuống Cana khoảng 8 dặm, dân cư ngụ trong vùng chẳng bao nhiêu, nên chủ tiệc ưu ái mời mọi người thân thuộc đến chung vui. Lệ thường, tiệc cưới người Việt chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ là no thoả, song le tiệc hôn nhân người Do Thái có thể liên tục dài ngày. Bởi thế, cô dâu chú rể tiếp khách suốt buổi này sang buổi khác, chẳng khác gì tuần trăng mật “honeymoon” nối dài cho riêng họ. 

Một chuyện nan giải éo le, xảy đến bất ngờ cho tiệc cưới: thiếu Rượu ngon, để chiêu đãi khách uống.  Chủ tiệc có vẻ bối rối, khó xử. Đức Maria là người quen biết nhà đám, nhạy bén nhận ra vấn đề bế tắc.  Mẹ khẩn cầu cùng Chúa Giêsu, con Mẹ. Ngài nhậm lời Mẹ nài van: nước hoá rượu tràn trề, lai láng.
 
A. Tiệc Vui cần có thức ăn ngon và rượu nồng.
 
Con người “không ai là một hòn đảo’, mỗi cá nhân đều thích sống hợp quần, liên kết.  Tiệc Vui ăn uống với nhau là cơ hội giúp mọi người gần gũi, gia tăng tình yêu thương thân thiết hơn.
  • Tiệc tân gia, chúc mừng gia chủ có nhà mới, “an cư” rồi mới “lạc nghiệp”.
  • Tiệc thôi nôi, chia vui vợ chồng trẻ có con cái nối dõi tông đường “đa tử, đa tôn, đa phú qúi”.
  • Tiệc ra trường, hiệp thông niềm vui với các sinh viên vừa tốt nghiệp, “hy vọng đã vươn lên”.
  • Tiệc thượng thọ, mừng ông bà sống lâu trăm tuổi, mỗi ngày thêm “trường thọ, khang an”.
Ăn Tiệc thì phải có rượu vào lời ra, niềm vui mới ngọt ngào, lan toả; nụ cười mới thấy “ép-phê”.
  • Nhiều thực khách ưa quen sánh ví: “Muốn ăn ngon, phải đủ hai yếu tố: thứ nhất tốt Nhắm, thứ nhì Lắm anh em”Nghĩa là: làm cỗ to, mà không có đồ nhậu tốt, rượu ngon, không có đông người tham dự…thì mất vui.
  • Một số dân nhậu, lại bạo miệng quảng cáo:  “Nam vô tửu như kỳ vô phong”.  Đàn ông mà không biết uống rượu, chẳng khác gì lá cờ bay phất phơ, thiếu sức mạnh của gió thổi. Phải ăn cho ngon, uống cho no say, dzô “trăm phần trăm” đều đều, mới xứng đáng là “dân chơi thứ thiệt”.
Do đó, tiệc cưới mà thiếu rượu như tại Cana, là một dấu hiệu mất Vui, kẻ mê tín cho đó là “điềm xui”.
  • Rước cô dâu về nhà chồng: đôi bạn trẻ đến trước bàn thờ tổ tiên, đốt nến thắp nhang kính bái di ảnh Ông Bà Nội Ngoại bên chồng. Bất ngờ, nến Cô Dâu cháy đều, nến Chú Rể gió thổi vụt tắt, người xấu bụng cho là “điềm xui”, Chú Rể sẽ yểu mệnh, chết sớm / Cô Dâu sẽ lấn át, ăn hiếp ?
     
  • Đón dâu đến cổng nhà chồng: Pháo Nổ cả dây dài chục mét, chào mừng tân lang & tân nương.  Nào ngờ, khi viên pháo Đại sau cùng nổ đùng một tiếng lớn, lộ ra một miếng vài đỏ với câu chúc vô tình “Thiên Thu Vĩnh Biệt” thay vì “Trăm Năm Hạnh Phúc”, khiến lắm kẻ xôn xao tin rằng điềm xui cho đôi tân hôn sẽ xảy đến “ngày tàn của Chú Rể / thời nở hoa của Cô Dâu” ?
Thực sự, kitô hữu tin vào một Thiên Chúa quan phòng, Ngài yêu thương ban phát mọi sự lành cho ta.  Không có chuyện “điềm hên, điềm xui”, khi thiếu Rượu giữa tiệc, khi nến tắt trên bàn thờ, khi phong Pháo Nổ bị ai đó chơi xấu, hay vô tình lầm lỗi, dán vào câu “thiên thu vĩnh biệt” thay cho các câu: “song hỉ”, “tình thắm duyên nồng”, “tình nặng duyên sâu”, “mãi mãi bên nhau”…
 
Đám cưới ngày xưa là thế. Song thực tế, tiệc cưới hôm nay ở Hoa Kỳ, làm gì có chuyện thiếu Rượu?
  • Khi gửi thiệp mời đám cưới, cô dâu chú rể luôn kèm thêm Thiệp Hồi Báo cho từng vị khách, thư trả lời cho đôi bạn trẻ biết Họ có đến dự tiệc hay không. Gần ngày hôn lễ, Cô Dâu Chú Rể mới tổng kết các Thư Hồi Âm ấy, mà biết rõ số người sẽ tham dự để đặt tiệc Nhà Hàng và mua số Rượu tương ứng tiếp khách.
  • Hơn nữa, Tiệc vui bây giờ lỡ hết Rượu, chủ tiệc sẽ nhanh chóng gọi Phone liên hệ: bảo đảm vài phút sau có người mang tới tận nhà hàng, tiếp Bia Rượu nhiều vô kể. Thậm chí, một số Nhà Hàng cũng có nguồn dự trữ Bia Rượu, sẵn sàng hỗ trợ chủ tiệc đến nơi đến chốn…
B. Đời sống Hôn Nhân cần có rượu nồng Yêu Thương, Cảm Thông và Chia Sẻ.
 
Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người và sống trong một gia đình, cư ngụ ở Nazareth.  Gia Đình Thánh của Ngài, có Thánh Giuse là cha nuôi và Đức Maria là mẹ ruột.
Đời sống hôn nhân của Thánh Cả Giuse và Đức Mẹ luôn thắm nồng Rượu Tình chan chứa.
  • Chan chứa tình Yêu Thương:
    o   tôn trọng sự thanh khiết của nhau, suốt thời gian sống chung.
    o   đặt hạnh phúc người mình yêu lên trên tham vọng ích kỷ cá nhân.
    o   không phản bội, giận hờn, hủy diệt nhưng luôn xây dựng tình mến cho nhau.
  • Chan chứa sự Cảm Thông:
    o   hiểu được vị thế và trách nhiệm người mình yêu, mà nâng đỡ, phụ giúp, ủi an.
    o   quan tâm nhu cầu chung, cùng san sẻ mọi trách nhiệm hỗ tương.
    o   xem Thánh Ý Chúa luôn trọng yếu hơn mọi ước muốn riêng mình.
  • Chan chứa hành vi Chia Sẻ:
    o   cùng nhau lao động cần cù, giúp thăng tiến cuộc sống.
    o   cùng chia sẻ bổn phận mình với các thành viên khác trong gia đình.
    o   đồng cảm mọi gánh nặng buồn, vui trong mái ấm êm đềm ẩn dật Nazareth.
Theo gương Thánh Gia Nazareth, thiết tưởng tình yêu thương nơi các đôi vợ chồng hôm nay cũng thế.  Hạnh phúc gia đình thế gian, cũng rất cần đầy đủ những Rượu Ngon nồng nàn tương tự.
  • Rượu nồng Yêu Thương:
    o   hy sinh, nhẫn nhục, chịu đựng gian khó; sống chết cho nhau.
    o   dám quên mình, để sống vị tha, bỏ qua những lầm lỗi.
    o   nhìn điểm Tốt nơi người yêu hơn là đay nghiến mãi các sai sót sủa họ.
  • Rượu nồng Cảm Thông:
    o   hiểu những yếu đuối con người, giúp nhau xây dựng nên tốt.
    o   hâm nóng luôn những kỷ niệm đẹp, những thời điểm đáng nhớ của gia đình.
    o   biết đáp ứng và phát triển những sở thích tốt của nhau.
  • Rượu nồng Chia Sẻ:
    o   liên đới, hỗ trợ nhau mưu sinh, giúp thăng hoa kinh tế gia đình.
    o   hiệp thông hợp nhất trong bổn phận làm cha mẹ, giáo dục con cái nên tốt.
    o   trao đổi, thảo luận và cộng tác thực hiện mọi sinh hoạt trong mái nhà chung.
Giêrêmia là một chàng trai hiền lành tốt bụng. Anh yêu một cô gái cao hơn anh rất nhiều. Mỗi buổi tối, anh thường bách bộ đến sở làm của người yêu, đưa đón nàng về nhà cô ta. Giữa đường, Anh rạo rực muốn tặng nàng nụ hôn, song rụt rè nhút nhát. Một tối nọ, Giêrêmia lấy hết can đảm nói với cô gái: “Em cho phép Anh được hôn em nhé!”. Nàng đồng ý, nhưng Anh thấp quá, không sao thể hiện được. Chợt thấy trong xưởng thợ rèn gần đó, có một chiếc đe vừa vặn, cho Giêrêmia đứng lên. Anh sử dụng nó, để thoả mãn lòng mong ước. Sau đó, anh vác luôn chiếc đe mang theo mình, chẳng khó khăn gì. Đi được một đoạn, Giêrêmia lại nói với người yêu: “Cho Anh hôn thêm một cái nữa đi, Em yêu!”. Cô nàng khó chịu: “Không được. Em đã cho rồi, một lần như thế là đủ rồi”. Anh bèn lý sự: “Sao nảy giờ Anh cứ vác chiếc đe nặng nề này theo Em, mà Em cứ im lặng không nói sớm đi, để Anh vứt nó?’.
 
Đúng là một tình yêu thiếu Rượu nồng. Khi đã yêu, vật có nặng bao nhiêu cũng thành nhẹ. Ngược lại, khi đã Không Còn Yêu Thương, thì vật gì nhẹ cách mấy, cũng ttở thành gánh nặng biết bao!!!
 
C. Hãy mời Chúa và Đức Mẹ hiện diện trong gia đình mình luôn mãi.
 
Nhà văn Lệ Hằng trước 1975, trong tác phẩm Chết Cho Tình Yêu có viết:  “Yêu nhau là cầm tù nhau đời đời, cắn rứt nhau mãi mãi và giận nhau thiên thu”. Tình yêu làm cho hai bạn tình bị mê mệt, gợi hứng cho cô dâu chú rể phải gắn bó, là chất xúc tác giúp vợ chồng luôn “ăn đời, ở kiếp”, khó bỏ nhau.
 
Để yêu thương, họ cần có: Rượu nồng kính mến, Rượu nồng cảm thông, Rượu nồng chia sẻ.  Nhưng làm sao để có các Rượu ấy đầy đủ, giúp đôi bạn sống yêu nhau đến ngày răng long, tóc bạc?
  • Nơi tiệc cưới Cana, cô dâu chú rể suýt bị “quê độ” vì thiếu Rượu bất thình lình giữa buổi tiệc.  May mắn thay, Đức Maria là khách qúi được mời dự tiệc, biết rõ sự khó của họ, Mẹ đã nhờ Chúa Giêsu hỗ trợ. Và phép lạ “nước hoá rượu” xảy ra, giúp nhà đám có đủ rượu, ngon hơn.
  • Hạnh phúc hôn nhân Công Giáo, nhiều khi thiếu Rượu đạo đức, tin tưởng và yêu mến nhau, đời sống chung bị ảnh hưởng. Những lúc ấy, vợ chồng hãy rước Chúa và Đức Mẹ vào trong gia đình mình. Chắc chắn, Chúa sẽ làm phép lạ giúp xua tan mọi bất hoà, nghi kỵ, lo lắng trong ta.
Đôi vợ chồng nọ cưới nhau đã 12 năm, nhưng vẫn hiếm muộn không con. Họ tốn tiền chạy chữa Bác Sĩ khắp nơi, song không thấy tín hiệu khả quan. Hôm ấy, tháng Mân Côi, giáo xứ tổ chức long trọng đón rước tượng Đức Mẹ Thánh Du Fatima mang từ Rôma về. Cha Xứ cho phép mỗi gia dình được luân phiên đón tượng Đức Mẹ vào nhà mình ở một ngày, cử hành giờ Tôn Vương. Đôi vợ chồng hí hửng chào đón tượng Mẹ đến tư gia, khẩn nài Mẹ cứu giúp, cầu Chúa ban cho họ niềm vui có con thơ.  Quả nhiên sau đó một năm, cậu Qúi Tử kháu khỉnh chào đời. Hai vợ chồng giữ lời hứa, từ đó về sau, mỗi Thứ Bảy đầu tháng, họ đi làm về sớm, đến nhà thờ dâng lễ, làm việc tạ ơn Chúa và Đức Mẹ.
 
Cha Thánh Gioan Boscô khuyên nhủ các thanh thiếu niên:  “Hãy chạy đến với Đức Mẹ, các con sẽ thấy phép lạ là thế nào?”.  Thánh Viện Phụ Bênađô trước đó, cũng đã xác tín:  “Từ xưa đến nay, chưa từng có ai chạy đến cùng Đức Mẹ, xin cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời”.
 
Bởi vậy, “qua Mẹ đến với Chúa Giêsu”, Mẹ đã từng giúp đôi tân hôn tại Cana gỡ được thế cờ bí “thiếu Rượu”, lẽ nào đôi vợ chồng ngày nay, thiếu lòng tin tưởng, cậy trông, kính mến vào Chúa và Đức Mẹ?  Hãy mời Chúa và Đức Maria vào hiện diện, cư ngụ trong mái nhà chung của mình luôn mãi:
  • giữa nhà, có bàn thờ đặt Thánh Giá, tượng Chúa và Đức Mẹ ngự nơi trang trọng nhất.
  • mua một quyển Kinh Thánh để nơi thuận tiện, dễ thấy; dung chung cho gia đình.
  • mỗi thành viên trong nhà có Tràng Hạt riêng, để lần hạt Mân Côi hàng ngày.
  • cuối tuần, sớm tối gia đình họp mặt, đọc kinh chung, đêm về phó thác linh hồn cho Chúa.
  • trang hoàng hoa tươi, đèn điện tươi sáng…toả lan Nhan Thánh Chúa và Mẹ luôn mãi.
  • cả gia đình đi dự lễ chung Chúa Nhật, làm việc công giáo tiến hành giúp giáo xứ, cộng đoàn.
  • nghỉ Vacation hàng năm, đi xa hành hương Đất Thánh, tham dự Đại Hội Thánh Mẫu Lavang..
D. Lời Nguyện kết thúc.
 
Lạy Chúa Giêsu! Ngày xưa, cùng Mẹ vào đời, Chúa đã can thiệp giúp đôi tân hôn ở tiệc cưới Cana.  Hôm nay, con cùng Mẹ bước đi, trên đường đầy bao gian nguy, xin Chúa tiếp tục che chở, ban cho gia đình chúng con đầy Rượu tình yêu mến, chan hoà niềm hạnh phúc và khang an.  AMEN.
 
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C

SUY NIỆM CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C

“Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm,

“Hây hây thục nữ mắt như thuyền.”

(Dẫn từ thơ Xuân Diệu)

Ga 2: 1-11

            Ngừng thêu gấm, để mừng em lên xe tìm hạnh phúc. Mắt như thuyền, để tôi đi về tìm Lời Chúa ở bữa tiệc. Như trình thuật thánh sử ghi chép, rất hôm nay.

            Trình thuật thánh sử kể lại hôm nay, là kể về sinh hoạt Chúa hiện diện ở tiệc cưới xứ Cana. Thông thường thì, khi nghe kể về tiệc vày, người đọc thường liên tưởng đến Đức Nữ Trinh Maria cầu bàu Chúa, khi hết rượu. Hoặc, chỉ nghĩ đến ơn phúc Chúa gửi đến với hôn nhân. Hoặc, cả đến tính thánh thiêng của bí tích hôn phối trong Đạo; cũng như nhu cầu cần thực thi những gì Chúa dạy ở Tin Mừng. Nhưng nay, hãy nghĩ về vai trò ta phải có khi Chúa thực hiện mọi điều trong thế giới, ta đang sống.

            Truyện về tiệc cưới hôm nay, ta thấy Đức Giêsu đã lớn thành thanh niên trai tráng, rất trưởng thành. Cana, là xứ miền không xa Nadarét là mấy, tức thôn làng Chúa sống vào thời ấu thơ. Khi ấy, Chúa tham dự tiệc cưới theo kiểu Do thái tức tiến trình gồm hai bước, giống như ở một số nơi có đám hỏi vào năm trước. Sau đó, mới đưa cô dâu về nhà chồng có lễ hội kéo dài những 8 ngày ròng ở thôn làng; có mời mọc bạn bè người thân đến từ làng bên cạnh. Hôm ấy, Chúa có mặt ở nhà trai lúc có buổi đón dâu rất đình đám. Tiệc cưới ở đây, bao giờ cũng cần chuẩn bị rất nhiều rượu.

  Cạnh thôn làng Chúa sống, lại có nhiều vườn nho được canh tác nhưng rượu được cất từ trại nho gần đó, lại không có được phẩm chất cao. Trong khi đó, trách nhiệm của nhà trai là phải chu cấp rượu ngon cho mọi người uống đủ. Nơi truyện kể, người kể không nói đến danh tánh của đôi trẻ, nên ta có thể đoán biết quan viên hai họ là những người được Chúa và Đức Mẹ cũng như mọi người trong làng đều biết đến. Cả đến tên của Mẹ cũng chẳng được người kể nêu tên, mà chỉ nói :”Mẹ của Đức Giêsu”. Cũng không thấy nói đến tên tuổi của đồ đệ Chúa có mặt vào hôm ấy.

Điều rất thú vị ở đây, ai cũng thấy là: Đức Maria là người được mời đến dự tiệc. Và, cả đến Đức Giêsu cũng như đồ đệ Ngài được mời đến. Và, xem ra Mẹ là chủ gia đình, tức người có thói quen coi ngó mọi việc nên Mẹ mới biết là: rượu đã cạn. Và, Mẹ đã ra tay hành động, cũng là giờ của Mẹ. “Giờ” của Mẹ Đức Chúa đã tới ở tiệc cưới hôm ấy, là vì mọi người trong cuộc đang có nhu cầu được Chúa ra tay giúp đỡ.

Việc Chúa ra tay giúp đỡ là đổ tràn tình thương Ngài ban phát cho những người có nhu cầu. Ngài nhìn quanh, thấy có vại nước. Nước, là biểu tượng của tình thương đang đổ tràn lu/vại và bảo mọi người hãy cứ uống. Thức uống Ngài bảo ban không chỉ là rượu, lại chính là tình thương đổ tràn lên họ và làm ấm áp tâm can họ. Họ không thể tin vào mắt mình rằng: còn gì quý bằng được uống nước tình thương đổ tràn trong đó. Ngài biến nước thành rượu nhưng Ngài biến nó thành biểu tượng của tình thương Ngài ban phát cho họ. Ngài vẫn còn làm việc đó cho ta mọi ngày.

Thế nhưng, đại ý câu truyện biến nước thành rượu ở đây là thế nào?

Là, Đức Maria cũng có vai trò trong việc Chúa thực hiện. Mẹ chỉ cho Chúa cơ hội bằng vàng để tình thương của Chúa được đổ tràn lên mọi người là những người có nhu cầu đem đến cho họ hơi ấm và cuộc sống. Mẹ thấy có vấn đề và Mẹ có được con của Mẹ là Chúa giải quyết giúp đỡ.

Cả ta nữa, cũng có thể làm được như Mẹ. Không phải để tổ chức tiệc cưới nào hết. Ta cũng không thể biến nước thành rượu, nhưng vẫn có thể giải quyết các khó khăn, mỗi khi bắt gặp. Ta có thể ra tay hành động. Và khi làm thế, ta có thể cho Chúa về những người đang có nhu cầu, như ta biết. Ta kêu cầu Chúa giúp họ. Ta cũng có thể nói với mọi người những điều như thế. Hãy cứ nói  với  bạn Đạo. Cả đến chính trị gia, hàng xóm láng giềng và có thể gọi số cấp cứu 000 hoặc 911, nếu thấy cần.

Điều cần thiết, là: hãy tỏ cho mọi người biết tình trạng của người cần được giúp và yêu cầu những người dửng dưng hãy tra tay hành động để phụ giúp. Nhưng, có lẽ thông điệp từ truyện kể hôm nay là để bảo: hãy làm những gì Chúa bảo. Và có lẽ, cũng nên làm như Mẹ từng làm. Sống và hành động như Đức Giêsu không có nghĩa là ta chỉ đi đến cửa hàng mua vài món quà cho ai đó. Nhưng là, đừng cả thẹn/ ngại ngùng khi mình “cho đi” tình thương yêu để giúp những người túng thiếu/ có nhu cầu. Là, cầu cho có được sự giúp đỡ thật sự cho người đang có nhu cầu. Hãy cho đi và nhận sự giúp đỡ mỗi khi cần.

Thành thử, hãy nghe lại thông điệp này, là: kể cho Chúa nghe một đôi điều và hãy ngạc nhiên khi thấy kết quả. Có lẽ nhiều người trong Hội thánh sẽ lấy làm lạ khi thấy các phụ nữ nghe được giọng nói mạnh cho Hội thánh biết những gì đang xảy đến; và, hội thánh cần làm việc gì đó để giúp đỡ những người cần giúp? Có lẽ cũng là điều thích thú, nếu Hội thánh triển khai khả năng thiết yếu lắng nghe và ra tay hành động.

Phụng vụ hôm nay cho thấy: ta sử dụng bài Tin Mừng này cho mùa lễ quanh năm để hoàn tất mùa Hiển linh, rất lễ hội. Hiển linh mùa lễ, không chỉ có truyện kể về ba vị đạo sĩ từ phương xa tìm đến, hoặc truyện Đức Chúa chịu phép rửa từ thánh Gioan. Bất cứ khi nào ta làm việc gì thực tế hoặc rất hữu dụng cho những ai đang cần đến, thì đó là lễ hội Hiển Linh với người thời đại, rất hôm nay.

Trong tinh thần hiểu biết rất như thế, cũng nên ngâm lại câu thơ ở trên, mà rằng:

            “Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm.

            Hây hây thục nữa mắt như thuyền.

            Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu,

            Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên.”

            (Xuên Điệu – Thu)

Thục nữ khi xưa, là Mẹ Chúa rất như thuyền. Mẹ vẫn khuyên dạy Con hãy nhớ đến đàn con hôm nay vẫn cần tình thương của mọi người, rất thường tình.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch

Ngoại trưởng Tòa Thánh lên án ”sự độc tài của chủ nghĩa duy tương đối”

Ngoại trưởng Tòa Thánh lên án ”sự độc tài của chủ nghĩa duy tương đối”

Đức TGM Dominique Mamberti

VATICAN. Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức TGM Dominique Mamberti, bênh vực tự do lương tâm, và chống lại ”chủ nghĩa độc tài” của thuyết duy tương đối về luân lý.

Đức TGM Mamberti bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, hôm 16 tháng 1-2012, sau khi Tòa Án nhân quyền ở Strasbourg đưa ra phán quyết về 4 vụ kiện từ Anh quốc: hai vụ liên quan đến vấn đề có được đeo thánh giá nhỏ ở cổ tại nơi làm việc hay không, và 2 vụ khác về quyền phản kháng lương tâm, không cử hành hôn phối dân sự cho 1 cặp đồng phái, và chữa trị quan hệ phái tính cho một cặp đồng phái khác.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức TGM Mamberti nhận định rằng ”Các vụ kiện đó chứng tỏ những vấn đề liên quan đến tự do lương tâm và tôn giáo là điều phức tạp, đặc biệt nơi xã hội Âu Châu trong đó ngày càng có sự khác biệt về tôn giáo và trào lưu duy đời (laicismo) gia tăng. Có một nguy cơ thực sự là chủ thuyết duy tương đối về luân lý đang được áp đặt như một qui luận mới của xã hội, nó đến làm thương tổn những nền tảng của tự do lương tâm và tự do tôn giáo của mỗi người.”

Đức TGM Ngoại trưởng Tòa Thánh nhấn mạnh rằng ”Giáo Hội muốn bảo vệ tự do lương tâm và tự do tôn giáo của mỗi người trong mọi trường hợp, kể cả đứng trước ”chế độ độc tài của chủ thuyết duy tương đối”. Vì thế, cần phải trình bày sự hợp lý của lương tâm con người nói chung và hành động luân lý của các tín hữu Kitô nói riêng. Đối với những vấn đề luân lý có tranh luận như phá thai hoặc đồng tính luyến ái, cần phải tôn trọng tự do lương tâm của mỗi người. Sự tôn trọng tự do lương tâm và tự do tôn giáo không phải là chướng ngại cản trở việc thiết lập một xã hội bao dung trong sự đa nguyên, trái lại đó là điều kiện để có xã hội bao dung như thế”.

Hỗ trợ cho những nhận định trên đây, Đức TGM Mamberti trích dẫn lời ĐTC Biển Đức 16 trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh hôm 7-1 vừa qua, theo đó ”cấm sự phản kháng lương tâm của cá nhân và của tổ chức, nhân danh tự do và đa nguyện, thì sẽ mở đường cho sự bất bao dung và một sự cưỡng bách mọi người phải đồng đều như nhau. Làm hao mòn tự do lương tâm chúng chứng tỏ một hình thức bi quan đối với khả năng của lương tâm con người nhìn nhận những gì là tốt lành và chân thật, để rồi chỉ bênh vực luật do con người làm ra, có xu hướng dành độc quyền quyết định về luân lý. Giáo Hội cũng có vai trò nhắc nhở rằng mỗi người, dù thuộc tín ngưỡng nào đi nữa, đều có khả năng theo lương tâm phận biệt thiện ác và do đó có khả năng hành động phù hợp với phán đoán của lương tâm. Đó chính là nguồn mạch tự do đích thực của con người”. (SD 16-1-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Radio Vatican

ĐỨC

ĐỨC RENOIR

Trong bài Đức Mẹ Sầu Bi, tôi đã giải nghĩa chữ đức, nhưng chỉ tập trung vào nghĩa Nôm. Gần đây, Tiểu ban Từ vựng thuộc Uỷ ban Giáo lý Đức tin nhờ tôi viết ra các nghĩa của chữ đức, lại có độc giả hỏi về cách dùng chữ đức, cũng như cách dùng chữ đức trong nghĩa Nôm có quy định nào không.
 
Nay tôi viết mục từ riêng về chữ Đức, vừa ghi lại những chi tiết đã có về nghĩa Nôm, vừa bổ sung thêm về nghĩa Hán cho hoàn chỉnh trong một bài viết, hy vọng đáp ứng được sự quan tâm của mọi giới.

I.  Nghĩa Nôm: Đức là từ đi trước những danh xưng chức vị hay tước hiệu để tỏ lòng kính trọng dành cho những đấng, những vị đáng được tôn kính.

Ví dụ: Đức Chúa Trời, Đức Mẹ, Đức Phật Thích Ca, Đức Thái Thượng Lão Quân, Đức vua, Đức thánh Trần…

II.  Nghĩa Hán

1.   Nghĩa chung của chữ đức

Đức có duy nhất một chữ Hán 德 (tuy có nhiều cách viết, như: 徳, 悳, 惪).

Nguyên nghĩa: (đt.) Nhìn rõ phương hướng, đi thẳng vào đạo lộ → (tt.) Hợp đạo trời, tự nhiên tự đắc (chỉ dùng trong cổ văn) → (dt.) Tư tưởng, phương pháp hợp đạo trời (dt.) Phẩm chất tư tưởng phù hợp với tiêu chuẩn phải trái → (dt.) Việc thiện, ân huệ, Cảm ân đới đức.

Vậy, đức có các nghĩa: (dt.) (1) Ân huệ: Dĩ đức báo oán. (2) Đạo đức, lấy đạo để lập thân: Đức hạnh. (3) Hạnh kiểm, tác phong. (4) Cái khí tốt (thịnh vượng) trong bốn mùa: mùa xuân gọi là thịnh đức tại mộc. (5) Ý chí, niềm tin, lòng: nhất tâm nhất đức (một lòng một dạ) (6) Tên quốc gia: Nước Đức. (7) Ơn: Đức tin. (8) Họ Đức [1]. (đt.). (9) Tạ ơn: Vương viết: “Nhiên tắc đức ngã hồ” (Vua nói: “vậy thì cám ơn tôi không?”). (10) Giáo dục: đức hoá (lấy đức mà dạy bảo). (tt.) (11) Mỹ thiện: Đức chính (chính sách tốt đẹp).

[Xem chi tiết…ĐỨC]

Nhận ra gương mặt Chúa Giêsu nơi người nghèo, yếu đuối và khổ đau

Nhận ra gương mặt Chúa Giêsu nơi người nghèo, yếu đuối và khổ đau

Nếu muốn trông thấy dung nhan Thiên Chúa, một dung nhan trao ban ý nghĩa, sự vững vàng và an bình cho con đường đời sống, chúng ta phải theo Chúa Kitô và hướng toàn cuộc sống tới việc gặp gỡ Người, yên mến Người và yêu mến tha nhân. Vì dưới ánh sáng của Đấng bị đóng đinh, tình yêu ấy khiến cho chúng ta nhận ra gương mặt của Chúa Giêsu nơi người nghèo, người yếu đuối và người đau khổ.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với 8,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm 16 tháng 1-2013 trong đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý ”Nơi Đức Giêsu Kitô Thiên Chúa mạc khải dung nhan Người cho nhân loại”. Trong Hiến chế tín lý về việc mạc khải Dei Verbum, Công Đồng Chung Vaticăng II khẳng định rằng chân lý thâm sâu của toàn sự Mạc Khải về Thiên Chúa sáng ngời nơi ”Đức Kitô là Đấng trung gian, đồng thời là sự viên mãn của toàn sự Mạc Khải” (Dv 2). Thánh Kinh Cựu Ước kể rằng sau khi tạo dựng, mặc dù có tội tổ tông là sự ngạo mạn của con người muốn thay thế chỗ của Đấng Tạo Hóa, Thiên Chúa lại cống hiến cho con người khả thể có được tình bạn của Người, nhất là qua giao ước với Abraham và lộ trình của một dân tộc bé nhỏ là dân Israel, mà Người đã chọn, không phải với các tiêu chuẩn của quyền bính trần thế, mà chỉ đơn thuần vì tình yêu thương của Người. Việc lựa chọn ấy là một mầu nhiệm, và nó vén mở cho thấy kiểu Thiên Chúa kêu gọi một vài người làm cầu nối dẫn đưa các người khác đến với Người. Trong lịch sử dân Israel chúng ta có thể đi lại các chặng của một lộ trình dài, trong đó Thiên Chúa tự mạc khải và bước vào trong lịch sử với các lời nói và hành động. Và để làm việc này Thiên Chúa dùng các người trung gian như ông Môshê, các Ngôn sứ, các Thẩm phán, để thông truyền cho dân ý muốn của Người, nhắc lại cho họ biết đòi buộc trung thành với giao ước, và tỉnh táo chờ đợi việc thực hiện tràn đầy và vĩnh viễn các lời Thiên Chúa đã hứa.

Chúng ta đã chiêm ngắm chính việc thực hiện các lời hứa này trong lễ Giáng Sinh: sự Mạc Khải của Thiên Chúa đạt tột đỉnh và sự trọn vẹn của nó. Nơi Đức Giêsu thành Nadarét, Thiên Chúa viếng thăm dân Người, viếng thăm nhân loại trong một cách thế vượt mọi chờ mong: Người gửi Con Duy Nhất của Người xuống thế làm người. Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta gương mặt của Thiên Chúa. Trong bài ca dẫn nhập Phúc Âm thánh Gioan viết: ”Thiên Chúa đã không ai trông thấy bao giờ: Con duy nhất là Thiên Chúa và ở trong lòng Cháu Cha, chính Người đã vén mở cho chúng ta” (Ga 1,18). Khi cuộc khổ nạn tới gần, Chúa Giêsu đối thoại với các môn đệ và nói với họ về Thiên Chúa Cha. Tông đồ Philiphê hỏi Người: ”Thưa Thầy xin Thầy chỉ Cha cho chúng con là đủ” (Ga 14,8). Philiphê rất cụ thể và thực tiễn, ông xin được trông thấy Chúa Cha, thấy gương mặt của Người. Câu trả lời của Đức Giêsu đưa chúng ta vào trung tâm đức tin kitô học của Giáo Hội: ”Ai đã thấy Thầy là đã thấy Cha” (Ga 14,9). Kiểu nói này gói ghém tổng hợp của sự mới mẻ của Tân Ước, sự mới mẻ xuất hiện trong Hang đá Bếlêhem: Người ta có thể trông thấy Thiên Chúa, Người đã biểu lộ dung nhan Người, Người hữu hình nơi Đức Giêsu Kitô.

Trong toàn Thánh Kinh Cựu Ước có đề tài ”tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa”. Từ ”panim” dung nhan được lập lại tới 400 lần, trong đó có 100 lần quy chiếu về Thiên Chúa. Nhưng Do thái giáo cấm các hình ảnh, vì không thể diễn tả Thiên Chúa được, như các dân tộc làm với việc thờ lậy các ngẫu tượng. Xem ra nó loại trừ hoàn toàn việc ”trông thấy” khỏi phụng tự và lòng đạo đức. Như vậy thì đối với tín hữu do thái đạo đức tìm nhan Thiên Chúa có nghĩa là gì, dù ý thức được rằng không thể có bất cứ hình ảnh nào của Người?

Câu hỏi này rất quan trọng, vì một đàng muốn nói rằng không thể giản lược Thiên Chúa vào một đồ vật, vào một hình ảnh đơn sơ, cũng không thể để cái gì vào chỗ của Thiên Chúa; tuy nhiên, đàng khác nó khẳng định rằng Người có một gương mặt, nghĩa là một ngôi thứ hai có thể bước vào trong tương quan, Người không khép kín trên Trời, và từ cao nhìn xuống nhân loại. Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:

Chắc chắn Thiên Chúa ở trên mọi sự, nhưng Người hướng mặt về chúng ta, lắng nghe, trông thấy, nói và kết ước với chúng ta, Mgười có khả năng yêu thương chúng ta. Lịch sử cứu rỗi là lịch sử của tương quan này của Thiên Chúa là Đấng tự mạc khải từ từ cho con người, là Đấng làm cho con người biết tôn nhan Người.

Chính trong ngày đầu năm mùng một tháng Giêng chúng ta đã lắng nghe trong phụng vụ lời chúc lành rất đẹp trên dân: ”Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Chúa rạng ngời nét mặt nhìn anh em và dủ thương anh em! Nguyện Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (Ds 6,24-26).

Sự rạng ngời của dung nhan Thiên Chúa là suối nguồn sự sống, là điều cho phép trông thấy thực tại; ánh sáng gương mặt Người hướng dẫn cuộc sống. Trong Thánh Kinh Cựu Ước có một gương mặt gắn liền với đề tài ”dung nhan Thiên Chúa”: đó là ông Môshê, người Thiên Chúa chọm để giải phóng dân Israel khỏi sự nô lệ Ai Cập, bằng cách ban cho dân Lề Luật của giao ước và dẫn đưa họ vế Đất hứa. Chương 33 sách Xuất Hành nói rằng ông Môshê có tương quan chặt chẽ và tin cậy với Thiên Chúa: “Chúa nói với ông Môshê mặt giáp mặt, như người ta nói với một người bạn” (Xh 33,11). Chính nhờ sự tin tưởng ấy ông Môshê mới xin Thiên Chúa: ”Xin cho con thấy vinh quang Ngài” và câu trả lời của Thiên Chúa thật rõ ràng: ”Ta sẽ cho tất cả lòng lành của Ta đi qua trước mặt ngươi và Ta sẽ xưng danh Ta là Giavê trước mặt ngươi… Nhưng ngươi sẽ không thể trông thấy mặt Ta, bởi vì không ai có thể thấy Ta mà vẫn sống… Đây là chỗ gần Ta.. Ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, nhưng tôn nhan Ta thì không được thấy” (Xh 33,18-33).

Như vậy, một đàng có sự đối thoại mặt giáp mặt như giữa bạn hữu, nhưng đàng khác có sự bất khả thể trông thấy Thiên Chúa là Đấng dấu ẩn, ở trong đời này. Việc trông thấy bị hạn chế. Sau cùng, chỉ có thể theo Thiên Chúa, bằng cách trông thấy lưng của Người.

Tuy nhiên, với sự Nhập Thể, xảy ra một cái gì đó hoàn toàn mới mẻ. Việc tìm kiếm tôn nhan Thiên Chúa nhận được một khúc rẽ không thể tưởng tượng được, bởi vì bây giờ có thể trông thấy gương mặt ấy: đó là gương mặt của Đức Giêsu, của Con Thiên Chúa làm người. Nơi Người thành toàn con đường mặc khải của Thiên Chúa, đã bắt đầu với ơn gọi của tổ phụ Abraham. Người là sự trọn vẹn của việc mạc khải này, bởi vì là Con Thiên Chúa, đồng thời là ”Đấng trung gian và sự toàn vẹn của Mạc Khải” (DV 2); nơi Người nội dung sự mạc khải và Đấng mạc khải trùng hợp với nhau. Đức Giêsu chỉ cho chúng ta thấy gương mặt của Thiên Chúa và làm cho chúng ta biết tên của Thiên Chúa. Trong lời Cầu linh mục trong Bữa Tiệc Ly Người thưa với Thiên Chúa Cha: ”Con đã biểu lộ danh Cha cho họ… Con đã làm cho họ biết danh Cha” (Ga 17,6.26). Kiểu nói ”danh Thiên Chúa” có nghĩa Thiên Chúa như Đấng hiện diện giữa loài người.

Thiên Chúa đã vén mở danh người cho ông Môshê gần bụi gai cháy, Người đã khiến cho mình có thể khẩn cầu, đã cho một dấu chỉ cụ thể về ”sự hiện diện” của Người giữa loài người. Tất cả những điều này tìm được sự thành toàn và trọn vẹn nơi Đức Giêsu: Người khai mào một kiểu mới sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử, bởi vì ai thấy Người là thấy Chúa Cha, như Người nói với Philiphê (x. Ga 14,9). Thánh Bênađô khẳng định: Kitô giáo là tôn giáo của Lời Thiên Chúa”, nhưng khộng phải của ”một lời nói viết ra và câm nín, mà là Ngôi Lời nhập thể và sống động” (Hom. super sissus est, IV, 11; PL 183,86B). Trong truyền thống giáo phụ và thời trung cổ người ta dùng một công thức đặc biệt để diễn tả thực tại này: Đức Giêsu là ”Verbum abbreviatum”, là Lời ngắn gọn và nòng cốt của Thiên Chúa Cha, đã nói với chúng ta tất cả về Người.

Nơi Đức Giêsu sự trung gian giữa Thiên Chúa và con người tìm được sự viên mãn của nó. Trong Thánh Kinh Cựu Ước có một loạt các hình ảnh giữ nhiệm vụ này, đặc biệt là ông Môshê, người giải phóng, vị hướng đạo, người ”trung gian” của giao ước như Thánh Kinh Tân Ước định ngĩa (x. Gl 3,19; Cv 7,35; Ga 1,17). Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là Người thật, không chỉ đơn sơ là một trong các người trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, mà là ”Vị Trung Gian” của giao ước mới và vĩnh cửu (x. Dt 8,6.9.15; 12,24). Thật thế, thánh Phaolô khẳng định: chỉ có một Thiên Chúa, một vị trung gian giữa Thiên Chúa và loài người đó là Con Người Giêsu Kitô” (1 Tm 2,5; x. Gl 3,19-20). Nơi Người chúng ta trông thấy và gặp gỡ Thiên Chúa Cha; nơi Người chúng ta có thể khẩn cầu Thiên Chúa với tên gọi ”Abba, Cha ơi”; nơi Người ơn cứu độ được ban cho chúng ta.

Và Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Nếu chúng ta muốn trông thấy gương mặt của Thiên Chúa, gương mặt trao ban ý nghĩa, sự vững vàng, niềm an bình cho con đường của chúng ta, chúng ta phải theo Chúa Kitô, không phải chỉ khi cần đến chúng hay khi chúng ta tìm ra được một khoảng thời gian giữa muôn ngàn bận rộn thường ngày. Nhưng toàn cuộc sống phải hướng về việc gặp gỡ Người, về tình yêu đối với Người và trong đó cả tình yêu đối với tha nhân cũng phải có một chỗ trung tâm, tình yêu mà dưới ánh sáng của Đấng chịu đóng đanh, làm cho chúng ta nhận biết gương mặt của Chúa Giêsu nơi người nghèo, người yếu đuối, người đau khổ.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc họ những ngày hành hương sốt sắng bổ ích. Sau cùng ngài cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải
 




Từ vựng Công Giáo: Tân Phúc-Âm-hóa hay Tân-Phúc-Âm hóa?

Từ vựng Công Giáo: Tân Phúc-Âm-hóa hay Tân-Phúc-Âm hóa?

tin than phuc am

1.    Tân Phúc Âm hoá”: vấn đề mang tính thời sự

Dưới nhan đề: “Vatican đang nỗ lực khuếch trương ‘Tân Phúc Âm hoá’”, John L. Allen Jr., chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu về Vatican của tờ National Catholic Reporter và cũng là phóng viên của đài truyền hình CNN, trong bài viết ngày 04/03/11, ông nói:

“Trong một triều đại giáo tông mà đôi khi bị buộc tội là thiếu hướng hành chính, toàn bộ Vatican dưới triều của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ít nhất đã bị buộc chặt vào một điểm: Tính cấp thiết của một cuộc “tân Phúc Âm hoá”.

Bằng mọi cách có thể, Đức Bênêđictô đã cho thấy rằng ngài đang quan tâm đến việc “tân Phúc Âm hoá”, hiểu một cách rộng rãi là đánh thức tinh thần truyền giáo trong Giáo Hội, như là một ưu tiên tột đỉnh. Ví dụ: Mặc dù nổi tiếng là luôn có ác cảm với các bộ máy quan liêu, nhưng gần đây ĐTC Bênêđictô XVI đã phải thành lập ngay tại Vatican một cơ quan hoàn toàn mới để xúc tiến dự án, Hội Đồng Giáo Tông Cổ Vũ Việc Tân Phúc Âm Hoá. Ngài đã bổ nhiệm một chức sắc người Ý, kỳ cựu và đầy quyền lực, là Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, đứng đầu Hội Đồng này, và một danh sách thành viên Hội Đồng gồm các vị giáo sĩ cao cấp trong Giáo Hội Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna, ĐHY Angelo Scola của Venice, ĐHY George Pell của Sydney, và Đức Tổng Giám Mục Timothy Dolan của New York.

ĐTC Bênêđictô cũng đã dành cho Thượng Hội Đồng Giám Mục – một cuộc họp của các giám mục từ khắp nơi trên thế giới sẽ diễn ra từ ngày 07-28/10/2012 – sắp tới, một chủ đề “Tân Phúc Âm hoá để thông truyền đức tin Kitô giáo”[1]mà Bản đề cương (Lineamenta) của Thượng Hội Đồng đã được trình bày trong cuộc họp báo sáng nay tại Vatican.”[2].

Tự Sắc Porta Fidei công bố khai mạc năm Đức Tin ngày 11/10/2012 cũng nhắc đến tân Phúc Âm hoá[3]. Hơn thế nữa, trong Sứ điệp dài 4 trang giấy khổ Letter, Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã dành cả 2 trang để nói về một số chiều kích cơ bản của“nền linh đạo tân Phúc Âm hoá”.

Vài sự kiện nêu trên cho thấy tầm quan trọng của vấn đề tân Phúc Âm hoá đối với Giáo Hội hiện nay như thế nào.

Tân Phúc Âm hoá tiếng Anh là New Evangelization, nhưng có người lại không thể hiểu được tại sao tiếng Việt dịch là “tân Phúc Âm hoá”, có người còn cho rằng nói như thế là rối đạo. Vậy chúng ta thử tìm hiểu New Evangelization có nghĩa gì, và nên dịch như thế nào trong tiếng Việt.

2.    Evanglization: Phúc Âm hoá

Chữ này phát xuất từ động từ Evangelise (truyền giảng Phúc Âm) và Evangelise có nguồn gốc từ danh từ Evangel (Phúc Âm).

Chúng tôi đã có dịp bàn tới hai thuật từ Phúc Âm và Phúc Âm hoá trong hai bài “Evangelium” và “Missio” đăng trong nguyệt san Bài giảng Chúa nhật[4] và đăng lại trong quyển “Tìm hiểu từ vựng Công Giáo”[5]. Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP. đã tầm nguyên và phân tích về hai thuật từ Evangelizatio và Missio rất công phu trong bài đăng trong bản tin Hiệp Thông số 73[6]. Vì vậy ở đây, chúng tôi chỉ xin nhắc lại mấy ý chính:

2.1. Evangelium (A: Evangel; P: Évangile) được dịch là Phúc Âm hay Tin Mừng, nhưng theo chúng tôi, thuật từ Phúc Âm có nội dung phong phú và sâu sắc hơn, bao hàm mọi điều thiện hảo mà con người mơ ước theo triết lý Đông phương và như vậy có tính hội nhập văn hoá cao hơn.

2.2. Thuật từ Evangelizatio xuất hiện từ thế kỷ XIX và được du nhập vào thần học Công Giáo vào thế kỷ XX, đặc biệt từ Công Đồng Vaticanô II[7]. ĐTC Phaolô VI sử dụng từ này với hai nội dung chính là truyền bá Phúc Âm (hoạt động truyền giáo cho lương dân) và Phúc Âm hoá (hoạt động tông đồ cho giáo dân)[8].

Evangelizatio (Anh: Evangelization; Pháp: Évangélisation) là "đem Phúc Âm đến cho tất cả mọi tầng lớp nhân loại, để rồi, nhờ ảnh hưởng của Phúc Âm, biến đổi nhân loại từ bên trong và làm cho nhân loại nên mới" (EN 18). Đưa Phúc Âm vào lòng người, vào cách suy nghĩ, cách hành động của con người, vào các lãnh vực hoạt động như xã hội, văn hoá, chính trị, kinh tế… Nói cách khác là đem các giá trị Phúc Âm thấm nhuần vào trong các thực tại trần thế như men ở trong bột. Vì vậy, nếu hiểu cách tổng quát Evangelizatio được thực hiện vừa bằng lời nói, vừa bằng chứng tá đời sống cũng như bằng những hoạt động để biến đổi mọi sự cho hợp với tinh thần Phúc Âm.

2.3. Evangelizatio thường được dịch là (việc, cuộc, công cuộc) Phúc Âm hoá, truyền bá Phúc Âm, truyền giảng Phúc Âm, loan báo Tin Mừng, rao giảng Tin Mừng, việc truyền giáo… Tuy nhiên, theo chúng tôi, các từ truyền bá, truyền giảng, rao giảng, loan báo, loan truyền… không có ý nghĩa tổng quát như chữ “hoá” trong từ Phúc Âm hoá. Là một nguyên vị tiềm tàng[9] giữ vai trò hậu tố từ, "hoá" tạo ý nghĩa là: biến đổi, làm cho thấm nhuần hoặc làm cho trở thành… Do đó, so với các cụm từ truyền bá Phúc Âm, truyền giảng Phúc Âm hay loan báo Tin Mừng, rao giảng Tin Mừng…. thì thuật từ Phúc Âm hoá vừa ngắn gọn, lại có nội dung bao quát, phong phú và diễn tả ý niệm Evangelizatio thích hợp hơn.

2.4. Về mặt từ ngữ, chúng ta có thể định nghĩa: Phúc Âm hoá là làm cho thấm nhuần tinh thần Phúc Âm. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã cung cấp một định nghĩa khác: “Phúc Âm hoá, nghĩa là loan báo Ðức Kitô bằng đời sống chứng tá và lời nói” (Số 905).

3. Nghĩa các chữ tân, phúc, âm, hoá

3.1. Nghĩa của từ "tân"

Tân có 12 chữ Hán: 新, 濱(滨), 津, 賓(宾), 薪, 辛, 鋅(锌), 檳(槟), 莘, 繽(缤), 獱, 蠙, trong trường hợp này là chữ新. Tân 新là chữ gốc của chữ 薪tân (nghĩa là: củi đuốc, tiền lương). Chữ do辛tân và 斤cân tạo thành. Trong giáp cốt văn, tân chỉ âm, và cân là cái rìu.

Tân nghĩa là (dt.) (1) Mới: Thôi trần xuất tân (trừ cái cũ đi, đem cái mới ra). (2) Họ Tân. (3) Quốc hiệu của Vương Mãng sau khi cướp ngôi nhà Hán (năm 8-22). (đt.) (4) Thay đổi cho mới: Nhật tân hựu tân (ngày càng đổi mới). (tt.) (5) Những cái mới: Tân y (áo mới). (6) Những gì mới xuất hiện: Tân sinh nhi (con mới sinh ra). (7) Những người hay vật thuộc về thời gian mới cưới: Tân phòng (phòng cưới). (pht.) (8) Mới bất đầu: Tân tả (mới viết).

Nghĩa Nôm: (dt.) (1) Xử nữ: Gái tân. (2) Màng trinh: Còn tân.

3.2. Nghĩa của từ "phúc"

Phúc có 9 chữ Hán: 福, 腹, 復(复), 覆, 輹, 輻(辐), 蝮, 愊, 鍑, ở đây là chữ福. Trong bài “Evangelium” tôi có phân tích chữ này, nay xin trích lại: “Theo Lục thư[10], chữ phúc (福)  thuộc “hình thinh”. Viết bộ thị (示còn đọc kỳ) và thinh bức(畐bị), có nghĩa phù hộ, là thần ban điều lành giúp con người, nên viết bộ thị(示) và dùng bức (畐) với âm bị, có nghĩa là mãn  (nghĩa làcó đầy đủ, không gì không thuận lợi là phúc), tức là: trời đất ban xuống những điều tốt lành để thoả mãn nguyện vọng của con người, nên dùng thinh 畐. Thuyết Văn dùng chữ phúc với nghĩa là bị (bị là mọi việc đều thuận lợi). Chữ phúc (福)  đọc âm “phúc”, có nghĩa là mình xin cho được nhiều phúc.”Chữ福 (phúc) nghĩa là (dt.) (1) Những sự tốt lành, Kinh Thi chia ra năm phúc : – Giàu 富, – Yên lành 安寧,- Thọ 壽, – Có đức tốt 攸好德, – Vui hết tuổi trời 考終命. (2) Điều may: Phúc Âm (tin lành). (3) Thịt phần tế. (4) Rượu tế còn thừa. (5) Họ Phúc. (đt.) (6) Thần bảo hộ, giúp: Phúc hựu. (7) Bộ điệu người nữ ngày xưa chào bằng cách chắp tay đặt ở eo:Đạo vạn phúc (Kính chào). (tt.) May mắn: Phúc tướng (tướng may mắn).

3.3. Nghĩa của từ "âm"

Âm có 11 chữ Hán: 音, 暗, 陰(阴), 隂, 侌, 瘖, 喑, 蔭, 廕, 荫, 愔, trong mục từ Tân Phúc Âm hoá, Âm là chữ 音, tôi đã từng phân tích chữ này[11]: “Âm (音) trong từ phúc âm (福音) có nghĩa làtiếng, tin, thuộc loại “chỉ sự”. Viết chữngôn (言, lời ) ngậm dấu ngang (—) là cái dấu để tạo chữ, không phải là chữ nhất (一), quy định dấu ngắn thì đặt ở trên dấu ngang, dấu dài đặt ở dưới. Như vậy chữngôn (言)phần dưới có chữkhẩu (口),chữkhẩu ngậm dấu ngang(—). Thinh do tâm sinh ra, biểu lộ ra ngoài là âm, tức là cái hợp thinh mà được nhịp nhàng hoà hợp với các thinh để thành văn, thì gọi là âm. Chữ 音(âm) nghĩa là: (dt.) (1) Tiếng phát ra bởi vật thể bị chấn động, do không khi làm môi giới mà truyền đi: Tạp âm (tiếng tạp). (2) Giọng điệu: Hương âm (giọng quê). (3) Tiếng đọc của chữ: Chú âm (tiếng ghi). (4) Tin tức, thư từ: Âm tín. (5) Tiếng kính trọng kẻ khác: Đức âm. (6) Họ Âm.

3.4. Nghĩa của từ "hoá"

Hoá có 2 chữ Hán: 化, 貨(货), chữ cần bàn là chữ 化. Hoá (化) có hai hình người, một đứng thẳng, một đứng lộn xuống dưới, giống diễn viên đang làm xiếc hoặc biểu diễn ảo thuật, chỉ nghĩa “biến hoá”. Có những nghĩa mở rộng như “Tạo Hoá”, “tử vong”, và “hoà tan”.

Hoá có nghĩa là (dt.) (1) Giáo dục: Giáo hoá. (2) Tập tục: Phong hoá. (3) Trời đất hay số mệnh: Tạo Hoá. (4) Lễ, nhạc, chế độ: Văn hoá. (5) Lấy ân nghĩa mà dạy: Đức hoá. (đt.) (6) Thay đổi: Thiên biến vạn hoá. (7) Trời đất sinh thành vạn vật: Hoá dục. (8) Chết: Vật hoá. (9) Dần dần ít đi, có rồi lại không còn: Tiêu hoá. (10) Thiêu huỷ: Hoả hoá. (10) Ăn xin: Hoá duyên. (11) Đặt sau danh từ hay tĩnh từ, để chuyển biến trạng thái hay tính chất của vật: (i) thay đổi tính chất: ảo hoá, Âu hoá, ẩn dụ hoá, bần cùng hoá, bình thường hoá, biệt hoá, cá biệt hoá, cá tính hoá, cải hoá, cảm hoá, công hữu hoá, công nghiệp hoá, cơ khí hoá, cụ thể hoá, chính quy hoá, chính thức hoá, chuẩn hoá, chuẩn mực hoá, dân chủ hoá, dị hoá, đa dạng hoá, điện khí hoá, đồng bộ hoá, đồng hoá, đơn giản hoá, hiện đại hoá, hợp thức hoá, khái quát hoá, lý tưởng hoá, nhân cách hoá, phàm tục hoá, phân hoá, phức tạp hoá, tập thể hoá, thần bí hoá, tổng quát hoá, tuyệt đối hoá, tư bản hoá, tự động hoá… (ii) làm cho trở thành:cốt hoá (hoá xương), dẻo hoá, điện hoá, lưu hoá, nhũ hoá, nhựa hoá, ion hoá, oxy hoá, khí hoá, từ hoá, xà phòng hoá, mã hoá…

Trong từ Phúc Âm hoá, hoá có vai trò hậu tố từ, nghĩa là làm cho thấm nhuần.

Nghĩa Nôm: Goá: Hoá vợ.

4. New Evangelization: Tân-Phúc-Âm hoá?

4.1. Tân Phúc Âm – Đức tin loại gì đây?

Có người thắc mắc: "Nói đến Đức Tin Công Giáo mà nói đến “tân phúc âm, tân tin mừng” là nói đến đức tin loại gì đây?" – Chúng tôi thử vào Google để tìm kiếm cụm từ "tân phúc âm" và "tân tin mừng", thì không thấy chỗ nào nói Tân Phúc Âm hay Tân Tin Mừng mà chỉ có Tân Phúc Âm hoá hay Tân Tin Mừng hoá mà thôi!

Thiết nghĩ: Người Công Giáo, dù là tân tòng, cũng hiểu rằng Hội Thánh Công Giáo là "duy nhất", và vì duy nhất trong đức tin nên không có chuyện "Tân Phúc Âm" hay "Tân Tin Mừng"[12]. Thực ra chữ "Tân Phúc Âm" cũng đã có người sử dụng rồi. Tự điển của Lm. Vũ Kim Chính[13]dùng chữ này để dịch chữ Neo-Evangelism, danh xưng của một giáo phái Tin Lành[14]. Cho nên, nếu hiểu Tân Phúc Âm là một giáo phái, thì "Tân Phúc Âm hoá" (nếu có) sẽ có nghĩa là "làm cho trở thành tín đồ Tân Phúc Âm". Nhưng trong thực tế, anh em Tin Lành dịch từ Neo-Evangelism là "Phong trào Tin Lành Hiện đại", chứ không sử dụng từ Tân Phúc Âm.

4.2. Cũng tại thiếu cái dấu…

Tôi nhớ khi cha già Phaolô Nguyễn Huỳnh Điểu – cha sở Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn – từ trần, một cha khẩn cấp báo tin cho bạn bè của ngài bên Paris: "DIEU EST MORT"! Các cha bên Pháp đã hết sức kinh ngạc, không thể hiểu nội dung của bức điện nên phải liên lạc hỏi lại… Cũng tại chữ "Điểu" đã viết thành chữ "Dieu" (Thiên Chúa).

Có lẽ ở đây cũng tương tự, từ ghép Tân Phúc Âm hoá có hai cách hiểu về trật tự cấu tạo của nó:

Trước năm 1975, tại miền Nam, người ta thêm dấu gạch nối (-) giữa những mục từ ghép Hán Việt hoặc thuần Việt. Như trường hợp trên, tân Phúc Âm hoá là từ ghép có cấu trúc theo quan hệ cú pháp thuận Hán, tức tĩnh từtân đứng trước danh từ Phúc Âm hoá. Để hiểu "tân" là từ bổ nghĩa cho "Phúc Âm hoá", người ta viết là: "tân Phúc-Âm-hoá", Phúc-Âm-hoá là một mục từ được giải thích theo nghĩa riêng biệt của mục từ này mà không bị hiểu sai. Còn muốn chỉ "hoá" là hậu tố từ của "Tân-Phúc-Âm" thì viết là: "Tân-Phúc-Âm hoá". Nay bỏ gạch nối giữa những từ ghép ấy làm cho nhiều người không thể hiểu nổi những danh từ kép hay từ ghép biệt nghĩa.

Đã có người đề nghị Quốc Hội cho dạy lại Hán Nôm trong trường học, điều này hoàn toàn không thực tế. Để giải quyết vấn để, chúng ta chỉ cần phục hồi dấu gạch nối trong những trường hợp nói trên, vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng hơn.

5. New Evangelization: Tân Phúc-Âm-hoá

5.1. “New Evangelization” là tên gọi được dành cho kế hoạch của Hội Thánh muốn thể hiện một cách mới mẻ sứ mệnh cơ bản của Hội Thánh, căn tính và lý do hiện hữu của Hội Thánh[15]. Để có thể hiểu chính xác nguồn gốc và nội dung của thuật từ này, thiết tưởng không gì bằng đọc tác phẩm mới xuất bản của Đức TGMRino Fisichella, vị chủ tịch đầu tiên của Hội Đồng Giáo Tông Cổ Vũ Việc Tân Phúc Âm Hoá[16]: "The New Evangelization- Responding to The Challenge of Indifference" hoặc bài của Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo và Lm. Giuse Phan Tấn Thành trong Bản tin Hiệp Thông nói trên[17]. Dưới đây chúng tôi chỉ lưu ý vắn tắt về nội dung và nhận xét về những cách phiên dịch của từ New Evangelization trong tiếng Việt mà thôi.

5.2. Năm 1983, tại Haiti, khi nói chuyện với Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh về tầm quan trọng của công cuộc Phúc Âm hoá tại các nước này, ĐTC Gioan Phaolô II nói: “Việc kỷ niệm nửa thiên niên kỷ Phúc Âm hoá sẽ có đầy đủ ý nghĩa của nó nếu chư huynh trong tư cách giám mục biết dấn thân cùng với hàng linh mục và giáo dân của mình, một dấn thân không phải để tái Phúc Âm hoá mà là để tân Phúc Âm hoá. Nó sẽ mới trong nhiệt tâm, mới trong phương pháp và mới trong cách truyền đạt của nó. Về phương diện này, cho phép tôi uỷ thác nơi chư huynh, gói ghém trong ít lời, các khía cạnh đối với tôi xem ra là căn bản nhất đối với việc tân Phúc Âm hoá”[18]

Như vậy, tân Phúc Âm hoá nghĩa là ta công bố Phúc Âm với một nhiệt tâm mới, một ngôn ngữ mới, một ngôn ngữ dễ hiểu trong ngữ cảnh văn hoá dị biệt, và một phương pháp mới có khả năng thông truyền ý nghĩa sâu sắc nhất của sứ điệp, ý nghĩa bất biến của nó. Về mặt từ ngữ, chúng ta có thể giải thích: Tân Phúc Âm hoá là việc (hay cuộc, công cuộc) Phúc Âm hoá mới. Mới, không phải ở bản chất hay nội dung của Phúc Âm, mà là "mới trong sự nhiệt thành, trong phương pháp và trong lối diễn tả"[19].

Hiện nay, bên cạnh "tân Phúc Âm hoá", thuật từ “New Evangelization” còn được dịch là: tái truyền giảng Tin Mừng [20], cách tân truyền giảng Tin Mừng [21], việc tân truyền bá Phúc Âm hoá [22], cuộc loan báo Tin mừng mới [23].

6. Re-Evangelization: Tái Phúc Âm hoá

Chữ tái trong tiếng Việt (cũng như iterata trong La ngữ và tiếp đầu ngữ Re- trong tiếng Anh, Pháp) có nghĩa là lặp lại, trở lại lần nữa, nhưng (1) Nó có thể chỉ việc lặp lại một hành động, như trong trường hợp tái diễn một vỡ kịch (re-enacting); (2) Nó cũng có thể diễn tả việc trở về với giai đoạn trước đó, như tái thủ đắc(re-acquiring); (3) Nó cũng có nghĩa đem lại một giá trị mới cho một hành động có trước như tái sinh (re-generation)… Nếu hiểu chữ táitheo nghĩa thứ 3 này, thì "tái Phúc Âm hoá" sẽ bao hàm ý tưởng về một sự thay đổi, đổi mới trong nội dung của hành động "Phúc Âm hoá". Có thể đó là lý do mà ĐTC Gioan Phaolô II từ sau thông điệp Redemptoris Missio (1990) đã không sử dụng thuật từ Re-Evangelization nữa, và Đức TGM Rino Fisichella, chủ tịch Hội Đồng Giáo Tông Cổ Vũ Việc Tân Phúc Âm Hoá, khuyên chúng ta nên tránh kiểu nói này.[24]

7. Renewed Evangelization: Cách tân truyền giảng Phúc Âm

Trong tiếng Anh có những kiểu nói: The Proclamation of Salvation, The Proclamation of the Gospel, The Preaching of the Gospel… hay Renewed Evangelization, Renewed Integral Evangelization, The Renewed Mission of the Church… là những cách diễn tả ý niệm Evangelization hoặc New Evangelization ở mặt nào đó, không toàn diện và nhất là không thể thay thế cho những thuật từ này[25]. Cũng thế, trong tiếng Việt cũng có những kiểu nói: Loan truyền Ơn cứu độ, rao giảng Tin Mừng, truyền bá Phúc Âm… hay cách tân việc truyền giảng Tin Mừng, canh tân Phúc Âm hoá toàn diện, canh tân sứ mạng của Hội Thánh… Chúng tôi thiết nghĩ có thể sử dụng trong những hoàn cảnh để trình bày, diễn giải… chứ không thể dùng như những thuật từ chuyên môn định danh cho ý niệm Evangelization hoặc New Evangelization.

Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn[26], tác giả bộ "Danh từ Khoa học"và rất nhiều công trình khoa học có giá trị lớn để làm mẫu mực cho việc giáo dục và quốc học nước ta, để tạo một danh từ chuyên môn cần phải tuân thủ tám điều kiện và ba phương sách như sau: Năm điều kiện về nội dung: (1) Mỗi ý phải có một danh từ để gọi; (2) Danh từ ấy phải riêng về ý ấy; (3) Một ý đừng có nhiều danh từ; (4) Danh từ phải làm cho dễ nhớ đến ý; (5) Danh từ trong các môn phải thành một toàn thể duy nhất và liên lạc. Ba điều kiện về hình thức: Danh từ (6) phải gọn; (7) phải có âm hưởng Việt Nam; và (8) phải đặt theo lối đặt các tiếng thường và phải có tính cách quốc gia. Ba phương sách: (1) Dùng tiếng thông thường; (2) Phiên âm; (3) Lấy gốc chữ Nho.

Giáo sư Hãn còn viết: "Nói thế không phải rằng ta đặt một chữ nào cũng phải theo cho đủ các điều kiện trên kia. Những điều kiện trên có khi nó thành ra mâu thuẫn, nên trong sự định đoạt, ta lại xem cách nào tiện hơn mà chọn. (…) Nói tóm lại, một danh từ khoa học cốt có những đức tính sau đây: đủ rành mạch, dễ nhớ, gọn. Chớ cách đặt thì không duy nhất được. Thế cũng không ngại gì, quí hồ tiếng đặt có âm hưởng Việt Nam và có tính cách Việt Nam là được".

Các linh mục tiền bối trong Ban giáo sư Trường Thần học Bùi Chu khi xưa cũng đã đồng ý tuân thủ những điều kiện và phương sách này khi biên soạn quyển "Danh từ Thần Học và Triết Học". Nhờ đó Hội Thánh tại Việt Nam đã có được bộ thuật ngữ làm nền tảng cho việc học tập và giảng dạy thần học và triết học bằng Việt ngữ hơn nửa thế kỷ qua.

Vì vậy, trên phương diện học thuật, chúng tôi nhận thấy cụm từ "tân Phúc Âm hoá" có thể dùng như một thuật từ để định danh cho ý niệm "New Evangelization". Còn các cách dịch: việc tân truyền bá Phúc Âm hoá, cuộc loan báo Tin mừng mới, cách tân truyền giảng Tin Mừng, tái truyền giảng Tin Mừng… mang tính định nghĩa hơn là định danh.

8. Kết luận

Việt Nam chưa có hàn lâm viện, không ai có thể bảo ai phải làm thế nào. Nên chăng, Hội Thánh tại Việt Nam theo gương các bậc tiền bối, đi bước đầu làm trong sáng lại tiếng Việt.

Để tiếp tục đóng góp vào bộ thuật ngữ quý báu này, chúng ta cần cẩn trọng khi chọn lựa từ ngữ để dịch những khái niệm mới trong các khoa ngành của Hội Thánh.


[1]“Nova evangelizatio ad christianam fidem tradendam – The New Evangelization for the Transmission of the Christian Faith”.
[2]John L. Allen Jr.: VATICAN TRIES TO FLESH OUT 'NEW EVANGELIZATION', xem: http://ncronline.org/blogs/ncr-today/vatican-tries-flesh-out-new-evangel….
[3]Tự sắc Porta Fidei, số 4, 7.
[4]Bài Giảng Chúa Nhật, TGM GP. TP.HCM, Số 3/2006 và 10/2009.
[5]Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ, TÌM HIỂU TỪ VỰNG CÔNG GIÁO, 2012, tr. 19-25; 298-315.
[6]Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP., “LOAN BÁO TIN MỪNG, TÁI LOAN BÁO TIN MỪNG, LOAN BÁO TIN MỪNG CÁCH MỚI MẺ: NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ” – Hiệp Thông, Số 73, tháng 11&12 năm 2012, tr. 52-79.
[7]Các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II đã sử dụng danh từ Evangelizatio 31 lần, đặc biệt trong Sắc Lệnh Truyền Giáo 21 lần. Tuy bản dịch tiếng Việt của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X (Đà Lạt, 1970) dịch là “truyền bá Phúc Âm” nhưng cũng đã thấy có vài nơi sử dụng thuật từ “Phúc Âm hoá” (tr. 348, 796).
[8]xem Tông huấn EVANGELII NUNTIANDI, số 18.
[9]Nguyên vị tiềm tàng là những yếu tố gốc Hán có ý nghĩa phản ánh gián tiếp hiện thực. Theo cách nói của Gs. Hồ Lê: CẤU TẠO TỪ TIẾNG VIỆT HIỆN ĐẠI, Nxb KHXH, TP.HCM, 2003, tr.154.
[10]Sáu quy tắc tạo nên chữ Hán gọi là Lục thư: (1) Tượng hình. (2) Chỉ sự. (3) Hội ý. (4) Hình thinh. (5) Chuyển chú. (6) Giả tá.
[11]Bài Giảng Chúa Nhật, tháng 3/2006, Bài “Phúc Âm và Tin Mừng”, tr. 93.
[12]Nếu đặt vấn đề: Đối với người lương thì sao? – Thưa, thì phải tìm hiểu mới biết được. Vì đã là thuật từ thì dù thuộc ngành nào, bộ môn nào, thì cũng phải “học nhi tri chi”. Tương tự như các thuật từ “Mẹ Thiên Chúa” hay “bất khả ngộ” .v.v…
[13]Lm. Vũ Kim Chính, SJ., TỰ ÐIỂN THẦN HỌC TÍN LÝ ANH VIỆT, Đài loan, 1999.
[14]Neo-Evangelism: Một phong trào có từ năm 1940, phát nguồn từ Phái Phúc Âm (Evangelicals: Phong trào Tin Lành), với các đặc điểm là tập trung vào nỗ lực truyền bá Phúc Âm, trải nghiệm qui đạo, lời chứng về đức tin cá nhân, và có quan điểm truyền thống về Thánh Kinh. Phái này tin rằng Phúc Âm cần phải được tái khẳng định và tái công bố trong một cung cách mới. Vì vậy, xuất hiện thuật ngữ Neo – mới hoặc được làm cho mới. Danh xưng Neo-Evangelism do Harold Ockenga đặt ra năm 1947, mà anh em Tin Lành Việt Nam dịch là “Phong trào Tin Lành Hiện đại”, để phân biệt với giáo phái Căn Bản (Fundamentalists: Phong trào Nền Tảng) mới được hình thành vào đầu thế kỷ 20. Ngày nay, với ảnh hưởng rộng lớn trong cộng đồng Tin Lành, Phái Tân Phúc Âm được xem là đồng nghĩa với Phái Phúc Âm, đại diện cho những Kitô hữu liên kết đức tin của mình với các giá trị truyền thống của Giáo Hội tiên khởi.
[15]Đề cương (Lineamenta) của THĐGM Lần thứ XIII, số 10.
[16]Archbishop Rino Fisichella: THE NEW EVANGELIZATION- RESPONDING TO THE CHALLENGE OF INDIFFERENCE, Gracewing Publishing, 2012.
[17]Xem bài của Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo (tr. 29-51) và Lm. Giuse Phan Tấn Thành (tr. 52-79) trong Hiệp Thông, Số 73, tháng 11&12 năm 2012.
[18]John Paul II, Address to CELAM (Opening Address of the Sixth General Assembly of CELAM, 9 March 1983, Port-au-Prince, Haiti), L’Osservatore Romano English Edition 16/780 (18 April 1983), no. 9.
[19]Insegnamenti di Giovanni Paolo II, VI, 1 (1983), Editrice Vaticana, 1983, p.698.
[20]Lm. G. Trần Đức Anh, OP. : SỨ ĐIỆP THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC lần thứ XIII Gởi CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA (http://gpbanmethuot.vn); ĐTC MỜI GỌI CÁC TÍN HỮU TÁI TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG (http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20111017/12964) hay VAI TRÒ CỦA BÍ TÍCH HOÀ GIẢI TRONG VIỆC TÁI TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG (http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20120310/15017); đối chiếu với: POPE: CONFESSION A KEY PART OF EVANGELIZATION (http://www.zenit.org/article-34434?l=english)
[21]Lm. Px. Nguyễn Hùng Oánh: TÂN PHÚC ÂM HOÁ: CÁCH NÓI NGUY HẠI CHO ĐỨC TIN??? (http://titocovn.com/article/20121208/36320)
[22]Lm. Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, TÂN PHÚC ÂM HOÁ , xem: http://www.thoidiemmaria.net/TDM2010/MucVuTruyenGiao/TanPhucAmHoa.htm
[23]Sr, Therese Tran, MTG-DL: CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG MỚI – XÂY DỰNG NỀN VĂN MINH TÌNH THƯƠNG, xem: http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/PhucAmHoa/GiaoHoiAChau/TaiLi… FX. Trần Kim Ngọc, OP.: LOAN BÁO TIN MỪNG? xem: http://www.daminhvn.net/trang-chu/3050-suc-manh-nao-de-loan-bao-tin-mung…
[24]Archbishop Rino Fisichella, http://americamagazine.org/issue/100/new-evangelization.
[25]Msgr. Manny Gabriel: THE PURSUIT OF THE BEC DIRECTION IN THE ARCHDIOCESE OF MANILA: IN SEARCH OF SHARED FRAMEWORK: "New Evangelization" is not just "renewed evangelization", or "integral evangelization" or both "renewed, integral evangelization". (Xem: http://frpicx.tripod.com/refl-gabriel.htm)
[26]Hoàng Xuân Hãn, DANH TỪ KHOA HỌC, Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1948.

 

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

 

Nguồn: UB. Giáo Lý Đức Tin – HĐGMVN

 

 

 

 

Đức Thánh Cha Rửa Tội Cho 20 Trẻ Em – Cuộc Sống Mới Trong Tình Yêu Thiên Chúa

Đức Thánh Cha Rửa Tội Cho 20 Trẻ Em – Cuộc Sống Mới Trong Tình Yêu Thiên Chúa

Rửa tội 20 trẻ em trong ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa

VATICAN. Sáng Chúa Nhật 13 tháng 01-2013, trong thánh lễ Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, ĐTC Biển Đức 16 đã ban phép Rửa tội cho 20 trẻ em và sau đó ngài chủ sự kinh Truyền Tin như thường lệ.
Cũng như những năm trước, trong Thánh Lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa, ĐTC ban phép rửa tội cho các em bé tại nhà nguyện Sistina ở dinh Tông Tòa. Năm nay có tất cả 20 trẻ em được lãnh Phép Rửa Tội, tất cả các em là con cái của các nhân viên giáo dân làm việc tại Vatican. Sau lời chào phụng vụ và nhắn nhủ, ĐTC và các cha mẹ cùng với những người đỡ đầu lần lượt ghi dấu Thánh Giá trên trán của các hài nhi.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC dành nhiều thời gian để chia sẻ về ý nghĩa của việc Đức Giê-su chịu phép rửa, sau đó ngài cũng nhắc nhở các cha mẹ và những người đỡ đầu về trách nhiệm giáo dục con cái:

Ngài nói: “Bài Tin Mừng tường thuật biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa chỉ cho chúng ta con đường khiêm hạ mà con Thiên Chúa đã chọn lựa để hoàn tất kế hoạch của Chúa Cha, để vâng phục thánh ý Cha và yêu thương con người trong mọi sự, thậm chí cho đến chết trên thập giá. Khi đến tuổi trưởng thành, Đức Giê-su khởi đầu sứ vụ công khai của mình khi đến dòng sông Giordan để xin Gioan chịu phép rửa để tỏ lòng ăn năn và sám hối. Điều diễn ra trước mắt chúng ta dường như là một nghịch lý. Đức Giê-su mà cũng cần hoán cải sao? Chắc chắn là không. Thế nhưng, chính Đấng vô tội đã đồng hành với các tội nhân để được chịu phép rửa, để thực hiện hành vi sám hối. Đấng Thánh của Thiên Chúa đã gia nhập đoàn lũ những người nhận thấy mình cần đón nhận ơn tha thứ và xin Thiên Chúa món quà hoán cải, nghĩa là ân sủng để quay lại với Ngài với trọn vẹn con tim để hoàn toàn thuộc về Ngài. Đức Giê-su muốn đứng về phía các tội nhân, liên đới với họ, như là một sự diễn tả gần gũi của Thiên Chúa. Đức Giê-su đã liên đới với chúng ta, với khao khát đổi đời nơi chúng ta để xóa tan đi nỗi ích kỷ nơi ta và giúp ta ra khỏi xiềng xích của tội và nói cho chúng ta biết rằng nếu chúng ta đón nhận Ngài vào đời sống của mình, Ngài sẽ nâng chúng ta lên và đưa về cùng với Chúa Cha. Và sự liên đới của Đức Giê-su thì không chỉ dừng lại ở tâm trí và ý muốn. Đức Giê-su đã thực sự dìm mình vào trong điều kiện của con người, Ngài đã sống trọn kiếp người ngoại trừ tội lỗi và do đó Ngài hiểu được những yếu đuối và mỏng dòn của chúng ta. Do đó, Ngài cảm thấy chạnh lòng thương trước nỗi thống khổ của con người, Ngài cùng chịu đau khổ với họ, và đồng thời Ngài cũng kiên nhẫn với những yếu đuối của họ.”

Nhắn nhủ với bậc cha mẹ, Đức Thánh Cha nói rằng: “Anh chị em là những bậc làm cha mẹ, anh chị em phải diễn tả và làm chứng cho đức tin của mình, cho niềm vui được trở thành Ki-ô hữu và thuộc về Giáo hội. Đó là một niềm vui, vì việc đón nhận đức tin là một món quà từ Thiên Chúa, món quà đức tin hoàn toàn không do công trạng của chúng ta, nhưng chúng ta được trao ban một cách nhưng không và chúng ta đáp trả với tiếng xin vâng. Đó là một niềm vui, vì khi trở thành con cái Thiên Chúa, chúng ta trở nên con cái của Ngài, chúng ta tin tưởng vào Ngài và cảm thấy ấm áp trong vòng tay yêu thương của Ngài như một người con cảm nhận được tình yêu thương của người mẹ dành cho mình. Niềm vui này dựa vào mối tương quan cá vị với Đức ki-tô vốn có khả năng hướng dẫn toàn bộ đời sống con người.”

Tiếp đến Ngài nhắn nhủ với các cha mẹ đỡ đầu, Ngài mong rằng khi đồng hành với các em, họ sẽ là những người chuyển giao chân lý đức tin và làm chứng cho Tin Mừng. Ngài nói: “Các bậc cha mẹ đỡ đầu thân mến, anh chị em có một nhiệm vụ hết sức quan trọng là cùng với cha mẹ các em đồng hành trong việc chuyển giao chân lý đức tin và làm chứng cho các giá trị Tin Mừng, trong việc nuôi dưỡng các em này lớn lên trong tình bạn với Thiên Chúa. Ước mong anh chị em sẽ trao cho các em những mẫu gương sống động ngang qua việc sống các nhân đức Kitô giáo. Ngày nay, điều đó không dễ, vì trong xã hội chúng ta đang sống, những người tin tưởng vào Đức Giê-su thường bị xem là lỗi thời và lạc hậu. Thậm chí, trong số các Kitô hữu, nhiều người cũng nghĩ rằng, việc theo Đức Kitô là một điều gì đó giới hạn sự tự do nơi con người. Chúng ta thì không vậy, chúng ta hiểu rằng Tình yêu Thiên Chúa giúp chúng ta tự do khỏi sự ích kỷ, chỉ biết quay vào mình, để dẫn chúng ta đến một đời sống trọn vẹn, thông hiệp với Thiên Chúa và mở ra cho người khác. Vì “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16).

Kinh Truyền Tin

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 35 và sau đó, đúng 12 giờ trưa, ĐTC đã xuất hiện để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã trình đi sâu vào giải thích ý nghĩa của việc Đức Giê-su chịu phép rửa. Ngài nói như sau:

“Với thánh lễ Chúa Nhật sau lễ Hiển Linh, thời gian phụng vụ Mùa Giáng Sinh đã kết thúc: thời gian của ánh sáng, ánh sáng của Đức Kitô chiếu dọi vào con người, vào chân trời của nhân loại, đã xua đi bóng đêm của sự dữ và ngu muội. Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa: Hài Nhi, con của Trinh Nữ, Đấng mà chúng ta đã chiêm ngắm trong mầu nhiệm sinh hạ, hôm nay chúng ta thấy Ngài đã trưởng thành và đang dìm mình vào dòng nước trên dòng sông Giordan và thánh hóa mọi nguồn nước và toàn thể vũ trụ. Nhưng tại sao Đức Giê-su, Đấng không hề vương một dấu vết của tội là phải chịu phép rửa của ông Gioan? Tại sao Ngài muốn thực hiện hành vi sám hối cùng với những con người muốn chuẩn bị để chờ đón Đấng Mê-si-a? Hành vi này chính là con đường của Nhập thể, của việc Thiên Chúa hạ mình từ nơi cao nhất tới vực thẳm của âm ti. Ý nghĩa của việc hạ mình của Thiên Chúa chỉ có thể được tổng hợp nơi một từ: Tình yêu, nghĩa là chính Danh Thánh của Thiên Chúa. Thánh Gioan tông đồ đã viết: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” và Ngài đã sai con của Ngài “đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta” (1 Ga 4,9-10). Đây là lý do giải thích tại sao hành vi đầu tiên trong sứ vụ công khai của Đức Giê-su là đón nhận phép rửa của ông Gioan, người mà khi nhìn thấy Ngài đã nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).

Tác giả Tin Mừng Luca thuật lại rằng, khi Đức Giê-su chịu phép rửa, “đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,21-22). Đức Giê-su chính là con Thiên Chúa và đã hoàn toàn dìm mình vào ý muốn yêu thương của Cha. Ngài chính là Đấng chịu chết trên thập giá và phục sinh nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Đấng mà giờ đây đang ngự xuống trên Ngài và thánh hóa Ngài. Ngài chính là một con người mới, một con người muốn sống với tư cách là con cái Thiên Chúa, nghĩa là sống trong tình yêu; người mà, đứng trước sự dữ của thế gian, đã chọn con đường khiêm hạ và trách nhiệm, không chọn để cứu chính mình nhưng là để trao ban mạng sống mình cho chân lý và công bình. Trở nên người Ki-tô hữu nghĩa là sống như Ngài, nhưng cách sống này đòi hỏi một cuộc tái sinh từ bên trên, từ Thiên Chúa và ân sủng. Cuộc tái sinh này chính là Bí Tích Rửa Tội, một món quà mà Đức Giê-su đã trao ban cho Giáo hội để trao tặng cho con người một sự sống mới.”

Cuối bài huấn từ, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng cầu nguyện cho những em bé mới được rửa tội. Ngài cũng ban phép lành cho các em. Và ngài nhắc nhở rằng, trong Năm Đức Tin này, chúng ta cần khám phá vẻ đẹp của việc được tái sinh từ trên cao, từ tình yêu của Thiên Chúa để chúng ta có thể sống như những người con đích thực.

Ngài cũng nhắc nhở rằng, hôm nay chúng ta cử hành ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn, với chủ đề: “Cuộc lữ hành của đức tin và hy vọng”. “Thật vậy, những người di dân là những người đã rời bỏ chính quê hương của mình vì hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, họ dám ra đi cũng bởi vì họ tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng luôn hướng dẫn con người trên hành trình của mình như gương của Abraham. Vì thế, những người di dân là những người thông truyền đức tin và hy vọng cho thế giới. Tôi muốn gửi lời chúc lành tới từng người, đặc biệt là phép lành và lời cầu nguyện đặc biệt của tôi. Tôi đặc biệt gửi lời chúc mừng tới cộng đoàn Công Giáo của những người di dân ở Roma.”

Đức Thánh Cha cũng gửi lời chào tới các khách hành hương bằng tiếng Anh, Pháp, Đức, Ba Lan và Ý. Và sau cùng, ngài ban phép lành tòa thánh cho toàn thể mọi người hiện diện.

Nguyễn Minh Triệu sj – Vietvatican
 

 

Suy Niệm Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – NƯỚC THANH TẨY & THÁNH HOÁ (Lc 3:15-16.21-22)

Suy Niệm Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – NƯỚC THANH TẨY & THÁNH HOÁ (Lc 3:15-16.21-22)

Cách đây hai năm, ngày 13 tháng 01/2011, cả thế giới bàng hoàng khi nghe tin: một trận mưa bão lớn suốt ba tuần, đã làm ngập lụt khắp thành phố Brisbane, thủ phủ tiểu bang Queensland, nước Úc. Sau đó hai tháng, ngày 11 tháng 3/2011, một trận động đất lớn ngoài biển kéo theo cơn sóng thần tàn phá nhiều thành phố miền Đông Bắc thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Muôn người ngỡ ngàng và khiếp sợ khi xem được những hình ảnh các thành phố này bị chìm trong biển nước. “Thủy Thần” nổi giận kinh hồn.

Được biết, trận mưa bão lâu ngày khiến nước dâng cao ở thành phố Brisbane là hiện tượng hiếm thấy xưa nay tại Úc Đại Lợi: nhiều xóm làng cũng như hoa mầu nông trại tại tiểu bang Queensland bị ngập úng, đường xá trong thành phố bó buộc phải đóng lại, một số khu vực bị cúp điện làm tê liệt sinh hoạt vì mực nước quá cao. Trận lũ lụt gây thiệt hại hàng tỷ đô la vì kinh tế vùng Queensland chủ yếu dựa vào than đá, khoáng sản, nông nghiệp. Tất nhiên, nó ảnh hưởng đến ngành công nhiệp sản xuất thép ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Hoa. Các cơ xưởng bị đình trệ vì họ thường xuyên nhập khẩu than đá, nguyên liệu cần thiết cho việc luyện thép, chủ yếu từ Úc. Nước Lụt nguy hiểm biết bao! 

Trong khi ấy, trận động đất mạnh 8.9 richter đã gây ra nhiều cơn sóng lừng cao tới 10 mét đập ầm ầm vào bờ biển phía Đông Nhật Bản, khiến 10,000 người mất tích. Đài truyền hình quốc gia phát đi hình ảnh những ngôi nhà bị sóng thần cuốn trôi, đường băng phi trường Sendai ngập nước trong khi cả chục người phải đứng trên nóc các toà nhà chờ cấp cứu. Nhiều vụ hoả hoạn xảy ra, hệ thống tàu điện ngầm ngưng hoạt động, tiếng còi hú xe cứu thương chạy khắp nơi. Cảnh tượng được mô tả là ghê rợn, vì sức tàn phá quá nặng nề. Có người sánh ví: tưởng chừng không có thảm cảnh nào kinh khủng hơn.
 
Thật xót xa cho những thiệt hại nặng nề từ những trận mưa to, gió lớn. Nước như cơn đại hồng thủy, tàn phá mọi hoa màu, nhà cửa, ruộng vườn, nhân mạng. Ta nhận thấy mãnh lực của Nước thật đa dạng:
  • giúp duy trì sự sống con người, cung ứng điều hoà thân nhiệt, giúp thanh tẩy mọi vật nên sạch mới, tươi mát, là đường giao thông nối liền các đại lục.
  • Nhưng đôi khi qua thảm hoạ thiên nhiên, Nước có thể hủy diệt mọi vườn tược cây cối, gây thiệt hại các công trình xây dựng, làm ngưng đọng mọi sinh hoạt thường lệ.
Hôm nay, Chúa Giêsu đến nhận Phép Rửa của Thánh Gioan tại dòng sông Giođan.
  • Dân chúng trước đó, ai nấy đều nghe lời Gioan rao giảng, đã lũ lượt đến xin Gioan làm phép Rửa thanh tẩy với lòng sám hối.
  • Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, sống như con người ngoại trừ tội lỗi. Đấng thanh khiết, vô tội hoàn toàn, “không cần phải hoán cải, cũng chẳng cần được Gioan làm phép Rửa cho, nhưng vì Người là Đấng Cứu Tinh, nên Người muốn hoà đồng với các anh em tội lỗi của mình là những kẻ đang đi tìm ơn tha thứ” (Lời Chúa cho mọi người, trang 1732).
Trong dòng nước Giodan, Thánh Gioan Tẩy Giả giúp thanh tẩy tâm hồn hối nhân nên sạch mới.  Trong nước thánh tinh tuyền, trong lửa và Thánh Thần, Giáo Hội giúp thánh hoá tội nhân trở thành tạo vật mới, được tái sinh làm con Chúa, nên phần tử sống động của Hội Thánh giữa thế trần.
 
A. Giá trị thực hữu của Nước.
 
Nhìn bản đồ thế giới, ta thấy trái đất này được bao quanh bởi Nước chiếm ¾, chỉ còn ¼ là đất liền. Mọi tạo vật sống nhờ Nước: từ hoa lá cỏ cây, thực vật đến các loài động vật, sinh vật.
  • Các nông gia phải khai mương, đào kênh, dẫn thủy nhập điền…giúp ruộng đồng tươi tốt.
  • Các nhà trồng trọt phải tưới nước, cho cành lá đơm nụ nở bông, cho cây xanh sinh hoa kết trái.
  • Các trang trại phải xây đập, điều hoà lưu lượng nước, tạo mùa màng không hạn hán, ngập úng.
  • Nước Trung Hoa đã thiết lập nhà máy thủy điện lớn bên dòng sông Dương Tử, cũng như Việt Nam sau 1975, đã xây dựng nhà máy thủy điện Trị An từ nguồn nước sông Đồng Nai.
Rõ ràng, Nước luôn là một nhu cầu thiết yếu cho đời sống con người. Người ta có thể tuyệt thực lâu ngày không ăn không chết sớm, nhưng họ không thể nhịn khát lâu giờ: thiếu nước, họ sẽ từ giã cõi đời nhanh hơn.
  • Khách lữ hành đi trong sa mạc, nắng cháy da người, Nước giúp họ đủ sức vượt đường dài.
  • Tháng chay Ramadan, người Hồi Giáo nhịn ăn từ sáng đến chiều, nhưng không thể nhịn uống.
  • Cha Maximilien Kolbe bị quân Phát xít Đức bỏ đói nhiều ngày trong ngục, vẫn sống . Mỗi ngày, Ngài sống nhờ những giọt nước uống cầm sức. Đến ngày thứ 14, Cha bị tiêm thuốc độc mà chết.
B. Công dụng đa năng của Nước.
 
Con người dùng Nước với nhiều mục đích khác nhau: thanh tẩy, hủy diệt, chữa lành, tăng trưởng.
  1. Thanh Tẩy nên mới:
  • Nước bột giặt giúp làm sạch quần áo, nước xà bông rửa chén giúp chén dĩa nên mới.
  • Nước thiên nhiên giúp tắm rửa hàng ngày khỏi bụi bặm, giúp rửa xe cộ khỏi dơ bẩn.
  1. Hủy Diệt ngăn ngừa:
  • Nhiều người chữa cháy đã dùng Nước dập tắt mọi lây lan của ngọn lửa.
  • Cảnh sát dùng Vòi Nước mạnh, để xua tan, giải tán dòng người biểu tình chống đối.
  1. Chữa Lành phục hồi:
  • Tài xế ngừng lại, tiếp Nước vào xe, để làm nguội động cơ đang cao nhiệt.
  • Nhà bếp cho thêm Nước vào nồi canh, để làm nhạt, giảm độ mặn món ăn.
  • Khách đi đường xa bị rát họng khô cổ, uống Nước vào thấy mát rượi, dễ chịu.
  1. Tăng Trưởng vươn cao:
  • Nhà vườn tưới Nước cho rau xanh, cây non…phát triển tươi tốt mỗi ngày.
  • Mùa khô, chủ nhà mở vòi Nước xịt tứ phương, giúp cây cỏ thổ cư xinh tươi, không úa tàn.
Các tôn giáo dùng Nước để chúc lành, thánh hoá.
  • Cử hành bí tích Rửa Tội, thừa tác viên đổ Nước trên đầu, giúp thụ nhân được sạch Nguyên Tội, thánh  hoá thụ nhân thành con Chúa và Hội Thánh.
  • Linh mục rảy nước thánh, làm phép Nhà, phép Tàu, phép Tiệm…xin Chúa chúc lành, bảo vệ, che chở cho mọi sự tốt đẹp.
  • Người Ấn Giáo tắm nước ở dòng sông Hằng, tẩy xoá tội lỗi, cầu mong ơn phúc…
C. Nước thanh tẩy và nước thánh hoá trong Kitô Giáo.
  1. Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép Rửa tại bờ sông Giođan (Lc 3:7):
    + toàn dân đến nghe lời Gioan rao giảng và mời gọi sám hối.
    + họ quyết tâm cải thiện và canh tân đời sống thăng hoa.
    + mỗi người đón nhận phép Rửa bằng Nước, thanh tẩy mọi tỳ ố với lòng ăn năn, từ bỏ sự xấu.
  1. Đức Giêsu Kitô thánh hoá kitô hữu trong Thánh Thần và trong Nước (Ga 3:5):
    + hủy diệt vết nhơ Nguyên Tội hằng lưu truyền.
    + Thần Khí thánh hoá nên tạo vật mới: làm con Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha (Rm 8:15).
    + nhận Ơn Thánh từ trời ban tặng: sống thực hành kính Chúa hết lòng và yêu mến anh em như chính bản thân mình. 
Thánh Giám Mục Mác-xi-mô nói: “Đức Kitô chịu phép Rửa không phải để được nước thánh hoá nhưng là để chính Người thánh hoá nước và dùng sự thanh sạch Người mà thanh tẩy dòng nước”.
 
D.  Dìm mình trong Nước luôn mãi, để nên Sạch và Mới từng ngày.
 
Khi nhận bí tích Thánh Tẩy trong nước và Thánh Thần, thụ nhân được goi là kitô hữu.  Hiểu theo Nho ngữ, “kitô hữu” là người có Chúa Kitô ở trong mình.  Bởi thế, ta phải cố gắng “sống Thánh giữa Đời”, hầu xứng danh ‘kitô hữu”, người thuộc về Chúa Kitô.
  • Năng lãnh nhận nguồn ân sủng trong các Bí Tích: có Chúa đồng hành với ta mỗi ngày.
  • Kín múc mãi Lời Hằng Sống trong Kinh Thánh, trong Giáo Lý Công Giáo, trong giáo huấn Giáo
     Hội giảng dạy, trong Giáo Luật: có Thánh Ý Chúa hướng dẫn ta sống Đạo tốt lành.
  • Tắm Rửa thường xuyên trong Kinh Nguyện, Lễ Dâng: phương thế hiệp thông Chúa luôn luôn.
  • Thanh Tẩy từng đêm trong Xét Mình cá nhân, “nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân”: giúp nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5:48).
Có một thiếu phụ khô khan nguội lạnh, yếu lòng tin. Gặp đau khổ trong cuộc sống, bà luôn bi quan nghĩ rằng: Chúa đã quên lãng, bỏ rơi bà. Một hôm, bà bế con thơ đến gặp mục sư Collins, xin ông cầu nguyện giúp Bà khỏi khốn cực. Vị mục sư yêu cầu: “Bà hãy buông đứa bé xuống đất di?”.  
            Thiếu phụ nhìn mục sư, trả lời: “Ông điên à, không hiểu tại sao ông bảo tôi làm điều ấy?”.
            Vị mục sư thách thức: “Nếu có ai trả cho bà một số tiền lớn để Bà buông đứa bé rơi xuống sàn nhà, bà có sẵn sàng ham tiền, mà làm việc ấy chăng?”. “Không bao giờ”, người thiếu phụ tức giận nói. “Dù người ta có cho tôi nhiều tiền như sao trên trời, giúp tôi bớt khổ, tôi sẽ không đời nào buông con tôi rơi xuống đất để nó phải chết”. Lúc ấy, mục sư Collins mới ôn tồn khuyên bảo: “Có khi nào bà nghĩ là tình thương của bà dành cho con mình lớn hơn tình thương của Cha trên trời đối với con cái của Người ư?”  (Lời Chúa và Cuộc Sống, Mùa Giáng Sinh, trang 89).
 
Hãy biết dìm mình trong Ơn Thánh để nhận thức Thiên Chúa hằng yêu thương ta biết chừng nào!!!
 
Rất nhiều lần đến với Chúa, ta cứ tưởng mình tin tưởng và kínb mến Chúa thật.  Song thực tế, kinh nghiệm dạy ta biết rằng: ta thường đến gặp Chúa khi có nhu cầu, khi tâm hồn ta đong đầy ưu tư nặng trĩu, lòng chất chứa những toan tính vụ lợi, mong Chúa ra tay cứu giúp mình.
 
Thật giống như: một nhóm kitô hữu tụ họp cầu nguyện tại một ngôi nhà trong xóm. Trước mặt tiền ngôi nhà ấy, họ treo biểu ngữ với hàng chữ “Jesus Only” (chỉ vì Chúa Giêsu mà thôi). Thế nhưng, một cơn gió mạnh bất ngờ thổi đến, làm bay mất 3 mẫu tự đầu tiên, chỉ còn lại các chữ “Us Only” (chì vì chúng ta mà thôi). Rõ ràng: họ cứ nghĩ là mình cầu nguyện cho sáng danh Chúa, nhưng đúng hơn, ý hướng cá nhân đã thực sự chi phối việc làm đạo đức của họ (Lời Chúa và Cuộc Sống, mùa T. Niên I, trang 42).
 
E. Lời Nguyện kết thúc.
 
Lạy Chúa! Hạnh phúc cho Con khi được làm con Chúa, được trở thành một kitô hữu.  Xin giúp Con luôn ghi nhớ Hồng Ân Qúi Báu này, biết tu luyện bản thân nên tốt, gắng liên tục dìm mình trong Ơn Sủng ngàn đời của Chúa, năng thăng tiến cuộc sống mình bằng Lời Chúa sáng soi mỗi ngày.  AMEN.
 
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.

PHÉP RỬA (LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA)

PHÉP RỬA (LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA)

Trong vòng vài tuần lễ vừa qua, Giáo Hội cử hành nhiều Lễ Mừng. Mùa Vọng mời gọi chúng ta sám hối và chuẩn bị tâm hồn đón Chúa giáng trần. Mùa Giáng Sinh đã qua. Chúa đã tỏ mình ra cho các mục đồng nơi máng cỏ. Rồi các nhà Đạo Sĩ từ phương xa đã đến tôn kính, bái thờ và dâng lễ vật cho Chúa Hài Nhi. Giáo Hội kết thúc Mùa Giáng Sinh với Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa bởi ông Gioan Tẩy Giả tại sông Giôđan. Nguồn gốc lễ này vào những thế kỷ đầu được cử hành đồng thời với Lễ Hiển Linh. Khi Chúa Giêsu bắt đầu công khai ra giảng đạo và chính thức thi hành sứ mệnh cứu độ, Chúa đã nhập hàng với đoàn dân để nhận phép rửa của Gioan. Phép rửa của Gioan không xóa tội lỗi nhưng là một nghi thức sám hối. Phép rửa là dấu chỉ một sự hối lỗi quay đầu. Biết mình là một bước khởi đầu tu thân. Chúa Giêsu hòa nhập giữa đám đông trong tình liên đới thân phận để từ đó dẫn dắt mọi người ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi.

Thiên Chúa đã dùng miệng tiên tri Isaia để loan báo cho toàn dân: “Ta là Thiên Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước (Is 42, 6). Isaia truyền đạt một sứ mệnh được ẩn tàng nơi Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài là ánh sáng tỏa chiếu trong đêm tối và soi dọi đường nẻo công chính. Isaia đã giới thiệu Ngài cho toàn dân qua Bài ca Thứ Nhất nói về Người Tôi Trung hiền lành và tín trung: Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý (Is 42, 3). Những lời tiên báo này từ từ được tỏ hiện một cách rõ ràng nơi một con người. Người Tôi Trung chính là Chúa Giêsu Kitô sẽ hoàn tất mọi việc để ứng nghiệm các lời tiên tri công bố về Ngài.

Nhìn lại, Giáng Sinh tại quê nhà Việt Nam rất vui, hầu như mọi người cả Lương lẫn Giáo đều nao nức tham dự ngày Sinh Nhật Chúa. Mọi giáo dân tuôn về các Nhà Thờ hân hoan tham dự Lễ Vọng Giáng Sinh và Lễ Giáng Sinh. Trong khi tại các xứ đạo đa văn hóa ở nước ngoài, Mùa Vọng nhiều người chuẩn bị khá rộn ràng để đón mừng Lễ Chúa Giáng Sinh, nhưng chính ngày Lễ Mừng, số người tham dự xem ra rất khiêm tốn. Nhìn chung thấy rằng người ta dành nhiều thời gian cho các sinh hoạt khác như đi mua sắm, tiệc tùng, thưởng ngắm phố chợ và rong chơi. Một số nhóm dân tộc thuộc truyền thống của Nam Mỹ không chú tâm nhiều vào ngày lễ Giáng Sinh, nhưng tâm tình hướng đến việc cử hành Lễ Hiển Linh. Chúng ta biết Chúa đến ban bình an và niềm vui ơn cứu độ cho nhân loại. Niềm vui được lan tỏa khắp nơi tới mọi tâm hồn. Chúng ta không thể giới hạn niềm hoan lạc trong một khoảng thời khắc hay nơi chốn nào. Mỗi người sẽ nhận lãnh niềm vui an lạc trong những hoàn cảnh khác nhau suốt Mùa Giáng Sinh. Điều quan trọng là mỗi người hãy mở lòng đón nhận ơn cứu độ của Chúa.

Con người sống trong thế giới này có quá nhiều khác biệt về niềm tin, tín ngưỡng, văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống dân tộc và ý thức hệ. Chúng ta không cần phải tranh cãi hay biện luận về cách thế Chúa giáng sinh, nhưng hãy sống tinh thần của Đấng đã hóa thân làm người. Hãy ngắm nhìn những tượng Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ với hai bàn tay giơ lên. Hình ảnh thật đẹp! Chúa muốn mở rộng bàn tay đón nhận các tâm hồn về với Chúa. Một tâm tình khác, Chúa Hài Nhi cũng giống như các trẻ thơ khác là muốn được ẵm bế. Chúa giơ tay muốn được Mẹ ẵm vào lòng. Chúa hạ sinh như một bé thơ để cùng chia sẻ sự yếu ớt, khó nghèo, khiêm hạ và mời gọi yêu thương đáp trả. Chúa muốn chúng ta ẵm Chúa như ôm ấp những kẻ bé mọn, cô đơn, mồ côi, tàn tật, khổ đau, nghèo đói và bất hạnh. Chính Chúa Giêsu đã khuyên dạy: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”(Mt 25, 45).

Khoảng năm 30 tuổi, ông Gioan xuất hiện công khai kêu gọi mọi người hãy chuẩn bị tâm hồn đón Chúa. Nhiều người chạy đến với Gioan và xin vấn kế: Chúng tôi phải làm gì bây giờ? Gioan đã chỉ dạy họ thay đổi cách sống và thực hành phép rửa sám hối. Bấy giờ chưa có người nào nhận biết Chúa Giêsu là ai? Ông Gioan thi hành sứ vụ của mình là vị tiền hô của Chúa. Ông không tìm vinh quang cho riêng mình, nhưng tập trung chuẩn bị tâm hồn mọi người đón Đấng cứu tinh. Ông Gioan trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa (Lc 3, 16). Chính Chúa Giêsu đã nhập đoàn với dân người đến với Gioan xin nhận phép rửa.

Thánh Luca giới thiệu về sứ vụ của Chúa Kitô sau phép rửa sám hối. Sự tác động rất quan trọng của Ba Ngôi Thiên Chúa trong biến cố này. Ngôi Cha chứng dám qua Lời từ trời cao, Ngôi Thánh Thần thánh hóa và Ngôi Con thi hành sứ vụ. Thánh sử Luca viết: Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con (Lc 3, 21-22). Đấng Cứu Thế đã đến và mang thân phận con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Sau khi nhận phép rửa bởi ông Gioan, Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ mệnh rao giảng về Nước Trời.

Chúa Giêsu đã dùng các dụ ngôn và nhiều cách thế đơn sơ để mặc khải về chân lý Nước Trời. Lời của Chúa là lời hằng sống có uy quyền biến đổi tâm can của con người. Ngài mở cửa đón nhận mọi tâm hồn và không loại trừ một dòng dõi dân tộc nào. Thánh Luca đã diễn tả trong sách Tông Đồ Công Vụ: Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận (Tđcv 10, 35). Cửa Nước Trời đã được mở ra cho những ai có thiện tâm tìm kiếm. Giáo Hội tiếp nhận mọi thành phần đa dạng của tất cả các nền văn hóa, tín ngưỡng và chủng tộc. Qui tụ mọi người chung trong một niềm tin vào Chúa Kitô và một niềm hy vọng ngày sau sẽ được chung hưởng sự sống muôn đời.

Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa cũng nhắc nhớ đến Phép Rửa Tội của mỗi người chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã rửa sạch tâm hồn chúng ta trong nước và Thánh Thần. Chúng ta được trở nên thụ tạo mới và được trở thành con cái của Thiên Chúa. Hạt giống niềm tin được gieo vào lòng, việc xức dầu thánh đã in ghi dấu ấn trong tâm hồn, áo trắng tinh sạch được phủ trùm và ánh sáng của Chúa Kitô được gởi gắm cho những vị đỡ đầu chăm nom. Chúng ta nên ghi nhớ ngày đã được sinh lại làm con Chúa và con Hội Thánh qua Bí tích Rửa Tội. Chúng ta đã được tháp nhập vào nhiệm thể Chúa Kitô. Ngài là đầu và chúng ta là chi thể của Ngài. Liên kết với Chúa Kitô, mỗi người có bổn phận làm cho hạt giống của sự sống đời đời nẩy sinh hoa trái ngay trong cuộc sống này.

Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã bước xuống và cúi đầu nhận phép rửa của thánh Gioan, xin cho chúng con biết khiêm hạ nhận thân phận tội lỗi yếu hèn, để xin ơn sám hối. Sám hối là biết mình. Biết mình là khởi đầu bước tiến tới sự trọn lành.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York.

(Is 42, 1-4.6-7; Tđcv 10, 34-38; Lc 3, 15-16.21-22).

Thiên Chúa nhập thể tự ban mình cho nhân loại với sự nhưng không và tình yêu thương

Thiên Chúa nhập thể tự ban mình cho nhân loại với sự nhưng không và tình yêu thương

Mầu nhiệm Nhập Thể cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã không cho cái gì, nhưng là cho chính mình trong Người Con Duy Nhất với sự nhưng không và tình yêu thương. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên với mấy ngàn tín hữu tham dự buổi tiếp kiến thứ hai của năm 2013 trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 9 tháng 1-2013.

Vì đang là mùa Giáng Sinh nên trong bài huấn dụ ngài đã tiếp tục khai triển ý nghĩa mầu nhiệm Ngôi Lời Con Thiên Chúa nhập thể làm người.

Trong mùa này khi tham dự các lễ nghi phụng vụ chúng ta thường nghe vang lên nhiều lần từ ”nhập thể” diễn tả thực tại chúng ta cử hành trong lễ Giáng Sinh: đó là Con Thiên Chúa đã làm người, như chúng ta đọc trong kinh Tin Kính. Từ chính yếu này đối với đức tin kitô có nghĩa là gì? Nó bắt nguồn từ tiếng La tinh ”incarnatio”. Và Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa từ ”nhập thể” như sau:

Ở đây từ ”thịt xác”, theo sử dụng của tiếng Do thái, ám chỉ con người trong sự toàn vẹn của nó, tất cả con người, nhưng chính dưới khía cạnh của sự tàn tạ, của tính chất tạm thời, của sự nghèo nàn và hữu hạn của nó. Điều này để nói với chúng ta rằng ơn cứu độ do Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Giêsu thành Nagiarét đem đến, liên quan tới con người trong thực tại cụ thể và trong bất cứ tình trạng sống nào của nó.

Thiên Chúa đã nhận lấy điều kiện là người để chữa lành nó khỏi tất cả những gì chia rẽ nó với Người, để cho phép chúng ta gọi Người, trong Người Con Duy Nhất, với tên gọi ”Abba, Cha” và thật sự chúng ta là con cái của Người. Thánh Ireneo khẳng định rằng: ”Đó là lý do, bởi đó Ngôi Lời đã làm người, và Con Thiên Chúa, Con của con người: để cho con người, khi bước vào sự hiệp thông với Ngôi Lời và như thế nhận được ơn là con Thiên Chúa, trở thành con Thiên Chúa” (Adversus haereses 3,19,1; PG 7,939; x. SGLGHCG, 460).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha ghi nhận rằng sự kiện ”Ngôi Lời nhập thể” đã trở thành một thực tại quen thuộc, khiến cho chúng ta không còn ý thức được sự cao cả mà nó diễn tả nữa. Thật thế, trong mùa Giáng Sinh thường khi người ta chú ý nhiều tới các khía cạnh bề ngoài, các ”màu mè” của ngày lễ hơn là trọng tâm sự mới mẻ kitô vĩ đại mà chúng ta cử hành: một cái gì không thể tưởng được, mà chỉ có Thiên Chúa có thể làm và chúng ta chỉ có thể bước vào đó với lòng tin. Ngôi Lời, Ngôi Lời là Thiên Chúa (x. Ga 1,1) mà nhờ Người mọi sự đều được tạo thánh (x. 1,3), và Người đã đồng hành với loài người trong lịch sử với ánh sáng của Người (x. 1,4-5; 1,9) trở thành thịt xác và ở giữa chúng ta, trở thành một người như chúng ta (X. 1,14). Công Đồng Chung Vaticăng II khẳng định rằng: ”Con Thiên Chúa… đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí tuệ con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng qủa tim con người. Sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, ngoại trừ tội lỗi” (GS 22). Vì thế thật là điều quan trọng tái chiếm được sự kinh ngạc trước mầu nhiệm, để cho chúng ta được bao bọc bởi sự vĩ đại của biến cố: Thiên Chúa đã rong ruổi các nẻo đường của chúng ta như là người, bước vào trong thời gian của con người để thông truyền cho chúng ta chính sự sống của Người (x. Ga 1,14). Và Người đã làm điều đó với ánh quang của một vì vua, chế ngự thế giới với quyền lực của Người, nhưng với sự khiêm tốn của một trẻ thơ.

Điểm thứ hai Đức Thánh Cha suy tư trong bài huấn dụ là thói quen tặng qùa trong dịp Giáng Sinh. Đôi khi nó là một cử chỉ làm vì tập tục, nhưng nói chung nó diễn tả sự trìu mến, và là dấu chỉ của tình yêu và sự qúy mến. Trong lời nguyện lễ rạng đông Giáng Sinh chúng ta đọc: ”Lậy Cha, xin nhận lấy của lễ chúng con dâng trong đêm ánh sáng này, và nhờ sự trao đổi mầu nhiệm của các ơn này xin biến đổi chúng con trong Chúa Kitô Con Chúa, là Đấng đã nâng con người lên bên Chúa trong vinh quang”. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Tư tưởng ban tặng này là trung tậm của phụng vụ và nhắc nhở lương tâm chúng ta ơn nguyên thủy của lễ Giáng Sinh: trong đêm thánh này Thiên Chúa làm người đã muốn tự ban tặng mình cho loài người, đã tự ban mình cho chúng ta; Người đã nhận lấy nhân tính của chúng ta để ban cho chúng ta thiên tính của Người. Đó là ơn vĩ đại. Cả trong việc tặng quà của chúng ta qùa đắt giá hay ít giá không quan trọng; ai không thành công trong việc cho đi một ít chính mình, thì luôn luôn cho ít. Còn hơn thế nữa, đôi khi người ta tìm thay thế trái tim và sự dấn thân cho đi chính mình, bằng tiền bạc với các sự vật vật chất. Mầu nhiệm Nhập Thể đang chỉ cho thấy rằng Thiên Chúa đã không làm như vậy: Người đã không cho cái gì, nhưng là cho chính mình trong Người Con Duy Nhất. Ở đây chúng ta tìm thấy mô thức việc cho đi của chúng ta, để cho các tương quan của chúng ta, đặc biệt là các tương quan quan trọng nhất, được hướng dẫn bởi sự nhưng không và tình yêu thương.

Điểm suy tư thứ ba là sự kiện nhập thể của Thiên Chúa làm người cho thấy cái thực tế chưa từng có của tình yêu Thiên Chúa. Thật vậy, hành động của Thiên Chúa không hạn chế nơi các lời nói, còn hơn thế nữa chúng ta có thể nói rằng Người không hài lòng với việc nói, mà còn đắm mình trong lịch sử của chúng ta và lãnh nhận trên mình sự mệt nhọc và cái nặng nề của cuộc sống con người. Con Thiên Chúa đã thực sự làm người, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, trong một thời gian và nơi chốn xác định, tại Bếtlêhem trong triều đại của hoàng đế Augusto, dưới thời tổng trấn Quirino (x. Lc 2,1-12).

Người đã lớn lên trong một gia đình, đã có các bạn hữu, đã thành lập một nhóm các môn đệ, đã dậy dỗ các Tông Đồ để tiếp tục sứ mệnh của Người, đã kết thúc chặng đường dương thế trên thập giá. Kiểu hành động này của Thiên Chúa mạnh mẽ khích lệ chúng ta tự vấn về sự thực tế đức tin của chúng ta. Nó không được hạn chế ở lãnh vực tình cảm, các xúc động, mà phải bước vào trong cái cụ thể của cuộc sống, nghĩa là phải đụng chạm tới cuộc sống thường ngày của chúng ta và hướng dẫn nó một cách cụ thể. Thiên Chúa đã không chỉ dừng lại ở lời nói, nhưng đã chỉ cho chúng ta sống thế nào, bằng cách chia sẻ chính kinh nghiệm của chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

Sách giáo lý của Đức Giáo Hoàng Pio X hỏi: ”Để sống theo Thiên Chúa chúng ta phải làm gì?”, và trả lời: ”Để sống theo Thiên Chúa chúng ta phải tin các chân lý được Người mạc khải, và giữ các giới răn với sự trợ giúp của ơn thánh Người, có được qua các bí tích và việc cầu nguyện”. Đức tin có một khía cạnh nền tảng không chỉ liên quan tới trí tuệ và con tim, mà liên quan tới toàn cuộc sống chúng ta.

Điểm thứ tư trong suy tư của Đức Thánh Cha liên quan tới khắng định của thánh Gioan: Từ nguyên thủy Ngôi Lời đã ở gần Thiên Chúa và nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành (Ga 1,1-3). Thánh sử rõ ràng ám chỉ trình thuật tạo dựng trong các chương đầu sách Sáng Thế và đọc lại chúng dưới ánh sáng của Chúa Kitô. Đây là một tiêu chuẩn nền tảng trong việc đọc Thánh Kinh: Cưụ Ước và Tân Ước luôn luôn được đọc chung với nhau, và từ Tân Ước mở ra ý nghĩa sâu xa hơn của cả Cựu Ước. Chính Ngôi Lời luôn luôn hiện hữu gần Thiên Chúa, và chính Người là Thiên Chúa, và nhờ Người và cho Người mà tất cả được tạo thành (x. Cl 1,16-17) đã làm người: Thiên Chúa vĩnh cửu và vô biên đã dìm mình trong cái hữu hạn của con người, trong thụ tạo của Người, để tái dẫn đưa con người và toàn thụ tạo tới với Người. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định rằng: ”Việc tạo dựng thứ nhất tìm thấy ý nghĩa và tột đỉnh của nó trong việc tạo dựng mới nơi Chúa Kitô, mà ánh quang vượt ánh quang của việc tạo dựng đầu tiên” (s. 349).

Các Giáo Phụ đã để Đức Giêsu và Ađam cạnh nhau đến độ định nghĩa Người là ”Adam thứ hai” hay Ađam vĩnh viễn, hình ảnh toàn hảo của Thiên Chúa. Với việc nhập thể của Con Thiên Chúa, xảy ra một cuộc tạo dựng mới, trả lời hoàn toàn cho câu hỏi ”Ai là con người”. Chỉ nơi Đức Giêsu chương trình của Thiên Chúa đối với con người mới biểu lộ tràn đầy: Người là con người vĩnh viễn theo Thiên Chúa. Công Đồng Chung Vaticăng II đã mạnh mẽ nêu bật điều này: ”Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể… Bởi vì Chúa Kitô, Ađam mới, biểu lộ con người cho con người một cách tràn đầy và vén mở cho nó ơn gọi rất cao vời của nó” (GS 22; SGLGHCG, 359). Nơi Hài Nhi Con Thiên Chúa được chiêm ngắm trong lễ Giáng Sinh chúng ta có thể nhận biết gương mặt thật của con người; và chỉ khi chúng ta rộng mở cho hoạt động của ơn thánh Chúa và tìm theo Người mỗi ngày chúng ta mới thực hiện được chương trình của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu băng nhiều thứ tiếng khác nhau. Chào các bạn trẻ người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới ngài nhắc cho mọi người biết rằng Chúa Nhât tới đây là lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Đây là dịp thuận tiện giúp suy tư trở lại việc thuộc về Chúa Kitô trong đức tin của Giáo Hội. Đức Thánh Cha khuyên các bạn trẻ tái khám phá ra mọi ngày ơn thánh đến từ bí tích Rửa Tội. Ngài khích lệ các bệnh nhân kín múc sức mạnh từ bí tích ấy trong những lúc khổ đau, không được an ủi. Và ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới biết diễn tả dấn thân của bí tích Rửa tội trong cuộc sống gia đình.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải  

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế Giới các bệnh nhân 2013

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế Giới các bệnh nhân 2013

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các tín hữu tăng cường các hoạt động bác ái trong các cộng đoàn Giáo Hội nhân dịp Năm Đức Tin.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong Sứ điệp công bố hôm 8 tháng 1-2012, nhân dịp Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 21 sẽ được cử hành trọng thể tại Đền thánh Đức Mẹ Altoetting ở miền nam nước Đức vào ngày 11 tháng 2 tới đây, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, với chủ đề là câu nói của Chúa Giêsu sau khi kể dụ ngôn người Samaritano nhân lành ”Anh cũng hãy đi và làm như vậy” (Lc 10, 37).

Sau đây là bản dịch Sứ điệp của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến!

1. Ngày 11 tháng 2-2013 lễ Đức Mẹ Lộ Đức, Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 21 sẽ được cử hành trọng thể tại Đền thánh Đức Mẹ Altoetting. Ngày này đối với các bệnh nhân và các nhân viên y tế, các tín hữu Kitô và mọi người thiện chí là ”thời điểm ưu tiên để cầu nguyện, chia sẻ, dâng đau khổ để mưu ích cho Giáo Hội và nhắc nhở tất cả mọi người cần nhận ra nơi khuôn mặt của người anh em đau yếu của mình Thánh Nhan Chúa Kitô, Đấng cứu độ nhân loại qua đau khổ, chịu chết và sống lại” (Gioan Phaolô 2, Thư thành lập Ngày Quốc Tế các bệnh nhân, 13 tháng 5-1992,3). Trong hoàn cảnh này, tôi đặc biệt cảm thấy gần gũi mỗi người trong anh chị em, các bệnh nhân quí mến, là những người đang sống một thời điểm thử thách khó khăn, tại các nhà từ thiện, dưỡng đường hoặc tại gia, vì bệnh bật và đau khổ. Ước gì những lời trấn an này của các Nghị Phụ Công đồng chung Vatican 2 cũng được gửi đến tất cả anh chị em: ”Anh chị em không bị bỏ rơi, cũng chẳng phải là vô dụng: anh chị em được Chúa Kitô kêu gọi, anh chị em là hình ảnh trong sáng của Chúa” (Sứ điệp gửi người nghèo, các bệnh nhân và người đau khổ).

2. Để tháp tùng anh chị em trong cuộc hành hương thiêng liêng từ Lộ Đức, là địa điểm và là biểu tượng hy vọng và ân phúc, dẫn chúng ta đến Đền thánh Altoetting, tôi muốn đề nghị anh chị em suy tư về hình ảnh biểu tượng người Samaritano Nhân Lành (Xc Lc 10,25-37). Dụ ngôn Phúc Âm được thánh Luca thuật lại được tháp nhập vào trong một loạt những hình ảnh và trình thuật rút từ đời sống thường nhật, qua đó Chúa Giêsu muốn giúp ta hiểu tình thương sâu đậm của Thiên Chúa đối với mỗi người, đặc biệt khi họ ở trong bệnh tật và đau khổ. Nhưng đồng thời, qua lời kết luận dụ ngôn người Samaritano Nhân Lành, ”Anh hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37), Chúa chỉ rõ đâu là thái độ mà mỗi môn đệ của Chúa phải có đối với tha nhân, nhất là những người cần được chăm sóc. Vấn đề ở đây là kín múc, từ tình thương vô biên của Thiên Chúa, qua một quan hệ nồng nhiệt với Chúa trong kinh nguyện, sức mạnh để sống hằng ngày sự quan tâm cụ thể như người Samaritano Nhân Lành, đối với những ai bị thương tích trong thân xác và tinh thần, những người đang kêu cứu, và cả những người vô danh và thiếu thốn phương tiện. Điều này được áp dụng không những cho các nhân viên mục vụ và y tế, nhưng cho tất cả mọi người, kể cả bệnh nhân, họ có thể sống tình trạng của mình trong viễn tượng đức tin. ”Không phải tránh né đau khổ, trốn chạy trước đau khổ, chữa lành con người, nhưng là khả năng chấp nhập sầu muộn và trưởng thành trong đó, tìm được ý nghĩa nhờ sự kết hiệp với Chúa Kitô, Đấng đã chịu đau khổ với tình thương vô biên” (Thông điệp Spe salvi, 37).

3. Nhiều Giáo Phụ đã nhìn thấy chính Chúa Giêsu nơi hình ảnh người Samaritano Nhân Lành, và các vị nhìn thấy nơi người bị cướp đả thương, Adam, Nhân loại bị hư mất và bị thương vì tội lỗi của mình (Xc Origne, Bài giảng về Tin Mừng Luca XXXIV, 1-9; Ambrogio, Chú giải Tin Mừng thánh Luca, 71-84; Augustino, Bài giảng 171). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng làm cho tình thương của Chúa Cha hiện diện, tình thương trung tín, vĩnh cửu, không có hàng rào cũng chẳng có biên cương. Nhưng Chúa Giêsu cũng là Đấng ”tự cởi bỏ chiếc áo thần linh của Ngài”, hạ mình xuống từ thân phận thần linh, để mặc lấy hình người (Pl 2,6-8), và đến gần đau khổ của con người, đến độ xuống ngục, như chúng ta đọc trong kinh Tin Mính, và mang lại hy vọng và ánh sáng. Ngài không coi sự đồng hàng với Thiên Chúa, địa vị là Thiên Chúa của Ngài như một kho báu riêng (Xc Pl 2,6), nhưng cúi mình xuống, đầy lòng từ bi, trên vực thẳm đau khổ của con người, để đổ dầu an ủi và rượu hy vọng.

4. ”Năm Đức Tin chúng ta đang sống là một cơ hội thuận tiện để tăng cường việc phục vụ bác ái trong các cộng đoàn Giáo Hội của chúng ta, để mỗi người trở thành người Samaritano Nhân Lành đối với tha nhân, đối với những người đang ở cạnh chúng ta. Về vấn đề này, tôi muốn nhắc đến một số nhân vật giữa vô số các vị trong lịch sử Giáo Hội, đã giúp đỡ những người bệnh tật yếu đau, đề cao giá trị của đau khổ trên bình diện nhân bản và thiêng liêng, để trở thành mẫu gương và khích lệ. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Nhan Thánh, ”chuyên gia và khoa học tình yêu” (Gioan Phaolô 2, Tông thư ”Ngàn Năm mới đang đến”, 42), đã biết sống ”trong sự kết hiệp sâu xa với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu” căn bệnh ”đưa thánh nữ đến cái chết qua đau khổ lớn lao” (Buổi tiếp kiến chung, 6-4-2011). Đấng Đáng Kính LM Luigi Novarese, mà nhiều người ngày nay vẫn còn giữ kỷ niệm sống động, khi thi hành sứ vụ, đã đặc biệt cảm thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho và với các bệnh nhân và những người đau khổ, mà Cha thường tháp tùng đến các trung tâm Thánh Mẫu, nhất là tới Hang Đá Lộ Đức. Được đức bác ái đối với tha nhân thúc đẩy, Ông Raoul Follereau dâng hiến trọn cuộc đời để săn sóc những người bị bệnh phong cùi (Hansen) cho đến tận những vùng xa xăm hẻo lánh nhất trên trái đất, Ông cũng cổ võ Ngày Thế giới chống bệnh phong cùi. Chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta luôn bắt đầu mỗi ngày bằng cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu trong Thánh Thể, trước khi ra đường, với xâu chuỗi Mân Côi trong tay, để gặp gỡ và phụng sự Chúa trong những người đau khổ, nhất là nơi những người ”không được mong muốn, không được yêu thương, chăm sóc”. Thánh nữ Anna Schaeffer làng Mindelstetten bên Đức, cũng biết kết hiệp một cách gương mẫu những đau khổ của chị với khổ đau của Chúa Kitô: ”Cái giường đau khổ trở thành … căn phòng tu viện và đau khổ trở thành công tác phục vụ truyền giáo của chị.. Được củng cố nhờ Rước lễ hằng ngày, chị trở thành một dụng cụ chuyển cầu không biết mệt mỏi trong kinh nguyện và phản ánh tình thương của Thiên Chúa đối với nhiều người tìm kiếm lời khuyên của chị” (Bài giảng lễ phong thánh, 21-10-2012). Trong Phúc âm nổi bật hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria, Người đã theo Chúa Con chịu đau khổ cho đến hy tế tột cùng trên đồi Golgota. Mẹ không bao giờ mất niềm hy vọng nơi chiến thắng của Thiên Chúa trên sự ác, đau khổ và sự chết, và Mẹ biết đón nhận với cùng một vòng tay tin yêu Con Thiên Chúa sinh ra nơi hang đá Bethlehem và chết trên thập giá. Niềm tín thác mạnh mẽ của Mẹ nơi quyền năng của Thiên Chúa được chiếu sáng nhờ sự sống lại của Cháu Kitô, Đấng ban hy vọng cho những ai ở trong đau khổ và canh tân niềm xác tín về sự gần gũi và an ủi của Chúa.

5. Sau cùng, tôi muốn nghĩ đến, với lòng biết ơn nồng nhiệt và khích lệ, tất cả các tổ chức y tế Công Giáo và xã hội dân sự, các giáo phận, cộng đoàn Kitô, các gia đình dòng tu dấn thân trong việc mục vụ y tế, tôi nghĩ đến các hiệp hội các nhân viên y tế và thiện nguyện. Ước gì tất cả đều gia tăng ý thức rằng ”khi quảng đại và yêu thương tiếp đón mỗi sự sống con người, nhất là những người yếu thế và bệnh tật, Giáo Hội ngày nay đang sống một thời điểm căn bản trong sứ vụ của mình” (Gioan Phaolô 2, Tông Huấn hậu Thượng Hội đồng Giám Mục ”Người Tín hữu giáo dân”, 38).

Tôi phó thác Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 21 cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ Maria Ân Phúc chí thánh được tôn kính tại Altoetting, xin Mẹ luôn tháp tùng nhân loại đau khổ, đang tìm kiếm sự thoa dịu và niềm hy vọng vững chắc, xin Mẹ trợ giúp tất cả những người can dự vào công việc tông đồ từ bi để họ trở thành những người Samaritano Nhân Lành cho anh chị em mình đang chịu thử thách vì bệnh tật và đau khổ, đồng thời tôi vui lòng ban Phép Lành Tòa Thánh”

Vatican ngày 2 tháng 1 năm 2013

Biển Đức 16, Giáo Hoàng

Trong thời gian qua, ĐTC cũng đã bổ nhiệm Đức TGM Zygmund Zimowski, người Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, làm Đặc Sứ của ngài đến chủ sự Ngày Thế Giới các bệnh nhân tới đây tại Trung tâm Thánh Mẫu Altoetting ở miền nam Đức. Đền thánh này được thành lập hồi cuối thể kỷ 15, sau khi một em bé 3 tuổi chết đuối được Đức Mẹ hồi sinh vào năm 1489.

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Tòa Tổng giám mục Hà Nội phản đối việc phá tu viện xây bệnh viện

Tòa Tổng giám mục Hà Nội phản đối việc phá tu viện xây bệnh viện

Đất đai và tu viện thuộc sở hữu hợp pháp của Giáo hội
January 7, 2013

Tòa Tổng giám mục Hà Nội phản đối việc phá tu viện xây bệnh viện thumbnail

Tu viện kín Camêlô bị chính quyền phá dỡ để xây bệnh viện

Linh mục Anphongsô Phạm Hùng, thư ký Tòa Tổng giám mục Hà Nội, vừa ra thông báo số 3 phản đối việc Sở Y tế Hà Nội tiếp tục phá dỡ Tu viện kín Camêlô để xây bệnh viện.

Thông báo đề ngày 3-1 đăng trên website của tổng giáo phận Hà Nội (http://tgphanoi.org) nói rằng “Tòa Tổng giám mục phản đối mạnh mẽ việc phá dỡ trái phép Tu viện kín Camêlô và xây dựng công trình tại đây”. Tu viện tọa lạc ở số 72 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Lý do mà Tòa Giám mục phản đối là do “Nhà nước có đủ phương tiện và đất đai để nâng cấp hay xây bệnh viện mới”. Hơn nữa, theo phía Giáo hội thì Tu viện Camêlô không phải là nơi duy nhất mà Sở Y tế Hà Nội có thể nâng cấp bệnh viện.

“Tu Viện kín Camêlô là nơi thánh thiêng và lịch sử đối với người Công giáo với những dấu tích hiển nhiên: Tu viện, Nhà thờ với Thánh giá. Tu viện này đã được thành lập từ cuối thế kỷ 19 và là nơi Thánh nữ Têrêxa đã ước mong và dự định đến tu trì tại đây như một nhà truyền giáo bằng cầu nguyện” – văn bản viết.

Chính vì thế, “Tu viện kín Camêlô cần phải được sử dụng vào mục đích thờ phượng”.

Hiện tại, cha Hùng nói rằng giáo dân xứ Đa Minh đang không có nhà thờ vì Nhà nước đang sử dụng nhà thờ của họ trong khu lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngài cho biết Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã gửi đơn khiếu nại khẩn cấp lần thứ năm đến Thủ tướng và các cấp chính quyền sau khi “Sở Y tế Hà Nội lại tiếp tục phá dỡ Tu viện và tiến hành công trình xây dựng Nhà điều trị Nội khoa tại đây hôm 3-1”.

Trước đó, sau nhiều lần khiếu nại, Nhà nước nói rằng khu đất trên đã được phía Giáo hội giao cho họ quản lý và “nhà nước đã bố trí cho Sở Y tế sử dụng làm bệnh viện đa khoa Xanh Pôn”.

Tuy nhiên, thông báo của Tòa Tổng giám mục khẳng định đất đai và Tu viện kín Camêlô là “thuộc sở hữu hợp pháp của Tòa Tổng giám mục Hà Nội”.

“Tòa Tổng giám mục Hà Nội khẳng định chưa bao giờ ‘bàn giao’ hay ‘cống hiến’ cho Nhà nước bất cứ một trong 95 cơ sở của mình trong TP. Hà Nội mà nhà nước đang sử dụng”.

Nhưng thực tế, Nhà nước đang sử dụng 95 cơ sở của Tổng Giáo phận Hà Nội. Trong đó, có 4 bệnh viện Nhà nước đang sử dụng là cơ sở của Giáo hội: Bệnh viện Xanh Pôn (bệnh viện của Dòng Phaolô); Bệnh viện Đống Đa (Tu viện Thái Hà); Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba (Tu viện của Dòng Phaolô) và Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Trung ương (Đại chủng viện Hà Nội).

Thông báo còn mời gọi tất cả thành phần dân Chúa “cầu nguyện để quyền lợi chính đáng của Giáo hội được tôn trọng, vụ việc nhà đất Tu viện kín mau chóng được giải quyết thỏa đáng trong sự thật, đối thoại, ôn hòa và tôn trọng lẫn nhau để công bằng, dân chủ và văn minh”.

UCANEWS Vietnam

Đức Thánh Cha tiếp kiến đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh

Đức Thánh Cha tiếp kiến đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh sáng ngày 7 tháng 1-2013, ĐTC đã kiểm điểm tình hình thế giới, kêu gọi chấm dứt xung đột tại nhiều nước, bênh vực quyền sống của con người và chống phá thai.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến trong dinh Tông Tòa có đại diện của 179 quốc gia có quan hệ trên cấp đại sứ cùng với đại diện của chính quyền Palestine, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới. Buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cũng là dịp để ĐTC kiểm điểm tình hình thế giới đồng thời bày tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề thời sự.

Sau lời chào mở đầu của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Ông Alejandro Lalladares Lanza, Đại sứ nước Honduras, Phó niên trưởng là Đại Sứ Jean-Claude Michel của Tiểu vương quốc Monaco, đã nói đến những biến cố nổi bật trong năm 2012, những cuộc xung đột quốc tế, chiến tranh huynh đệ tương tàn ở Trung Đông và Phi châu, cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có, các thiên tai, động đất, lụt lội, cuồng phong, làm cho hàng triệu người lâm cảnh nghèo đói và tuyệt vọng.

Diễn văn ca Đức Thánh Cha ĐTC lên tiếng chào thăm và gửi lời cầu chúc nồng nhiệt đến các vị Đại Sứ, chính quyền và nhân dân các nước mà các vị đại diện. Ngài cũng nói đến mối quan tâm của Giáo Hội Công Giáo đối với mọi dân tộc, và nhắc đến lòng quí mến đối với Đức TGM Ambrose Madtha, người Ấn độ, Sứ thần Tòa thánh tại Ivory Coast, tử nạn lưu thông cách đây 1 tháng, cùng với người tài xế tháp tùng.

Căn cội những vấn đề của thế giới

Đức Thánh Cha nói:

Quý Ông Bà Đại Sứ, ”Tin Mừng theo thánh Luca kể lại rằng, trong đêm Giáng Sinh, những người chăn đoàn vật nghe tiếng ca đoàn thiên thần tôn vinh Thiên Chúa và khẩn cầu hòa bình cho nhân loại. Thánh Sử Tin Mừng cũng nhấn mạnh liên hệ chặt chẽ giữa Thiên Chúa và ước muốn nồng nhiệt của con người thuộc mọi thời đại mong được biết chân lý, thực thi công lý và sống trong hòa bình (Xc Gioan 23, Pacem in terris: AAS 55 [1963], 257). Ngày nay, nhiều khi người ta bị thúc đẩy nghĩ rằng chân lý, công lý và hòa bình là những ảo tưởng và chúng loại trừ lẫn nhau. Biết chân lý dường như là điều không thể có được và những nỗ lực khẳng định chân lý dường như thường dẫn tới bạo lực. Đàng khác, theo một quan niệm đang thịnh hành ngày nay, sự dấn thân cho hòa bình chỉ hệ tại tìm kiếm một thỏa hiệp bảo đảm sự sống chung giữa các dân tộc hoặc giữa các công dân trong một quốc gia. Trái lại, theo nhãn giới Kitô, có một liên hệ thâm sâu giữa sự tôn vinh Thiên Chúa và hòa bình của con người trên mặt đất, đến độ hòa bình không phải chỉ là kết quả của nỗ lực phàm nhân, nhưng còn được tham gia vào chính tình thương của Thiên Chúa. Và chính sự quên lãng Thiên Chúa, chứ không phải sự tôn vinh Thiên Chúa, là điều gây ra bạo lực. Thực vậy, khi người ta không còn tham chiếu một chân lý khách quan và siêu việt nữa, thì làm sao có thể thực hiện một cuộc đối thoại chân chính? Trong trường hợp đó, làm sao người ta có thể tránh cho bạo lực, công khai hoặc ngấm ngầm, khỏi trở thành một qui luật sau cùng cho các quan hệ của con người với nhau? Trong thực tế, nếu không có sự cởi mở siêu việt, thì con người dễ trở thành mồi cho chủ thuyết duy tương đối, và do đó, con người khó có thể hành động theo công lý và dấn thân cho hòa bình.

”Ngoài những biểu hiện về sự quên lãng Thiên Chúa, người ta có thể kể thêm những biểu hiện do sự không biết đến tôn nhan đích thực của Thiên Chúa, sự kiện ấy là nguyên do gây ra trào lưu cuồng tín tai hại về tôn giáo, trào lưu này trong năm 2012 vừa qua cũng gây ra những nạn nhân tại một số nước, có đại diện ở đây. Như tôi đã nói, đó là một sự ngụy tạo tôn giáo; thực ra tôn giáo nhắm hòa giải con người với Thiên Chúa, soi sáng và thanh tẩy lương tâm và cho thấy rõ mỗi người là hình ảnh của Đấng Tạo Hóa.

”Vì thế, nếu sự tôn vinh Thiên Chúa và hòa bình trên trái đất có liên hệ mật thiết với nhau, thì hiển nhiên là hòa bình là hồng ân của Thiên chúa đồng thời là trách vụ của con người, vì hòa bình đòi câu trả lời tự do và có ý thức của con người. Vì lý do đó, tôi đã muốn đặt tựa đề cho Sứ điệp thường niên về Ngày Hòa bình thế giới là ”Phúc cho những người xây dựng hòa bình”. Các chính quyền dân sự và chính trị là những người đầu tiên có trọng trách hoạt động cho hòa bình. Họ là những người đầu tiên được mời gọi giải quyết nhiều cuộc xung đột tiếp tục làm cho nhân loại đẫm máu, bắt đầu từ Miền được ưu tiên trong kế hoạch của Thiên Chúa, tức là vùng Trung Đông.

Tình hình Siria và Trung Đông ”Trước tiên tôi nghĩ đến Siria, bị sâu xé vì những cuộc thảm sát không ngừng và là nơi diễn ra những đau khổ kinh khủng cho các thường dân. Tôi lập lại lời kêu gọi hãy hạ khí giới và thực thi một cuộc đối thoại xây dựng càng sớm càng tốt, hầu chấm dứt một cuộc chiến tranh trong đó sẽ không có người thắng, mà chỉ có kẻ bại; nếu kéo dài, nó chỉ để lại một cánh đồng hoang tàn. Thưa quý vị Đại Sứ, xin cho phép tôi yêu cầu quí vị tiếp tục gây ý thức nơi chính quyền của quý vị, để cấp thiết cung cấp trợ giúp tối cần thiết hầu đương đầu với tình trạng trầm trọng về nhân đạo.

”Tiếp đến, tôi đặc biệt quan tâm hướng nhìn về Thánh Địa. Sau khi Palestine được nhìn nhận như một Quốc gia Quan sát viên không thành viên của LHQ, tôi lập lại mong ước rằng, nhờ sự hỗ trợ của Cộng đồng quốc tế, người Israel và Palestine dấn thân sống chung hòa bình trong khuôn khổ hai quốc gia có chủ quyền, trong đó sự tôn trọng công lý và những khát vọng hợp pháp của hai dân tộc được bảo tồn và bảo đảm. Thành Jerusalem trở thành điều được biểu lộ qua danh xưng của thành này! Là thành hòa bình chứ không phải là thành chia rẽ; trở thành lời tiên tri về Vương quốc của Thiên Chúa chứ không phải là một sứ điệp về sự bất ổn và chống đối nhau! Nghĩ đến dân tộc Irak yêu quí, tôi cầu chúc cho dân tộc này tiến bước trên con đường hòa giải, để đạt tới sự ổn định đang mong ước.

Tại Liban, nơi mà tôi đã gặp gỡ các thực tại cấu thành khác nhau hồi tháng 9 năm qua, ước gì các truyền thống tôn giáo đa diện được mọi người vun trồng như một sự phong phú đích thực cho đất nước, cũng như cho toàn vùng, và các tín hữu Kitô cống hiến một chứng tá hữu hiệu cho việc kiến tạo một tương lai hòa bình với tất cả mọi người thiện chí!

Tình hình Phi châu

”Tại Bắc Phi cũng vậy, sự cộng tác của mọi thành phần xã hội là điều ưu tiên, và mỗi người phải được bảo đảm quyền công dân trọn vẹn, được tự do công khai tuyên xưng tôn giáo của mình và có thể góp phần vào công ích. Tôi cam đoan với mọi người dân Ai Cập sự gần gũi và lời cầu nguyện của tôi, trong thời kỳ đang có những cơ chế mới được thiết lập.

Hướng nhìn về Phi châu nam sa mạc Sahara, tôi khuyến kích những cố gắng kiến tạo hòa bình, nhất là tại những nơi đang có những vết thương chiến tranh mang mở toang và tại những vùng đang chịu những hậu quả trầm trọng về mặt nhân đạo. Tôi đặc biệt nghĩ đến Vùng Sừng của Phi châu cũng như miền đông Cộng hòa dân chủ Congo, nơi mà bạo lực đang được khơi dậy, bó buộc nhiều người phải bỏ nhà cửa, gia đình và khuôn khổ cuộc sống của họ.

Đồng thời tôi không thể không nói đến những đe dọa khác đang xuất hiện ở chân trời. Theo những khoảng cách đều đặn, Nigeria là nơi diễn ra những cuộc khủng bố tạo nên các nạn nhân, nhất là nơi các tín hữu Kitô đang tụ hợp nhau để cầu nguyện, như thể oán ghét muốn biến các đền thờ cầu nguyện và an bình thành những trung tâm sợ hãi và chia rẽ. Tôi cảm thấy rất đau buồn khi hay tin, chính trong những ngày chúng ta mừng lễ Giáng Sinh, các tín hữu Kitô đã bị sát hại một cách dã man. Nước Mali cũng bị bạo lực sâu xé và đang phải chịu một cuộc khủng hoảng sâu đậm về cơ chế và xã hội, cần phải khơi dậy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Tại Cộng hòa Trung Phi, tôi mong ước rằng các cuộc thương thuyết đã được loan báo cho những ngày tới đây đưa tới sự ổn định và tránh cho dân chúng khỏi phải tái trải qua những kinh hoàng của nội chiến.

Bảo vệ phẩm giá con người

”Sự xây dựng hòa bình luôn tiến hành qua việc bảo vệ con người và những quyền cơ bản của con người. Nghĩa vụ này, tuy nó bị đe dọa những những thể thức và cường độ khác nhau, đang đặt câu hỏi cho mọi quốc gia và phải liên tục được soi sáng nhờ phẩm giá siêu việt của con người và những nguyên tắc được khi trong bản tính con người. Trong số những nguyên tắc ấy đứng hàng đầu có sự tôn trọng sự sống con người trong mọi giai đoạn. Về vấn đề này, tôi vui mừng vì một Nghị Quyết của Nghị Viện của Hội đồng Âu Châu, hồi tháng giêng năm qua, đã yêu cầu cấm việc làm cho chết êm dịu, được hiểu như một sự cố tình giết một người đang ở trong tình trạng lệ thuộc, bằng hành động hoặc bằng sự bỏ sót.

Đồng thời tôi đau buồn nhận thấy rằng tại nhiều nước khác nhau, cả những nước có truyền thống Kitô giáo, người ta vận động để du nhập hoặc nới rộng những luật bãi bỏ sự trừng phạt hoặc cho tự do phá thai. Phá thai trực tiếp, – tức là nhắm phá thai như một mục tiêu hoặc như một phương tiện, – là điều trái với luật luân lý một cách trầm trọng. Khi khẳng định như thế, Giáo Hội Công Giáo không thiếu sự cảm thông và từ ái, kể cả đối với bà mẹ. Đúng hơn, vấn đề ở đây là cảnh giác sao cho luật pháp không làm biến thái một cách bất công sự quân bình giữa quyền sống của người mẹ và quyền của đứa con được sinh ra, cả hai quyền đều thuộc về hai người một cách đồng đều. Trong lãnh lực này, một điều cũng gây lo âu đó là phán quyết gần đây của Tòa án Liên Mỹ châu về nhân quyền, liên quan đến việc thụ thai trong ống nghiệm, định nghĩa lại một cách độc đoán về lúc thụ thai và làm suy yếu việc bảo vệ sự sống trước khi sinh ra.

Tây Phương mơ hồ về các quyền con người

”Đáng tiếc thay, tại Tây phương, người ta cũng thấy nhiều mơ hồ về ý nghĩa các quyền con người và nghĩa vụ đi kèm. Các quyền thường được lẫn lộn với những biểu thị thái quá về sự tự quyết của con người, con người tự tham chiếu mình, và không còn cởi mở đối với cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và với tha nhân; con người co cụm vào mình khi chỉ tìm cách thỏa mãn những nhu cầu riêng của mình. Trái lại, để có đặc tính chân chính, sự bảo vệ các quyền con người phải cứu xét con người trong sự toàn diện theo chiều kích cá nhân và cộng đoàn.

”Tiếp tục cuộc suy tư của chúng ta, cũng nên nhấn mạnh việc giáo dục cũng là một con đường ưu tiên khác để xây dựng hòa bình. Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh hiện nay là điều dạy chúng ta về vấn đề ấy. Cuộc khủng hoảng xảy ra vì lợi lộc quá nhiều khi được tuyệt đối hóa, gây thiệt hại cho lao công, và người ta phiêu lưu vô độ trên những con đường kinh tế tài chánh, thay vì trên những con đường kinh tế thực sự. Vì thế, cần tìm lại ý nghĩa của lao công và lợi tức tương ứng. Để đạt tới mục đích ấy, nên giáo dục chống lại những cám dỗ của lợi lộc riêng tư và ngắn hạn, để qui hướng nhiều hơn về công ích. Ngoài ra, cần cấp thiết huấn luyện các nhà lãnh đạo, những người sẽ điều khiển các tổ chức công cộng quốc gia và quốc tế trong tương lai (Xc Sứ điệp Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 46, 8-12-2012, n.6). Liên hiệp Âu Châu cũng cần những đại diện sáng suốt và có khả năng, để thực hiện những chọn lựa khó khăn, cần thiết để chấn chỉnh nền kinh tế của mình và đặt những nền tảng vững chắc cho sự phát triển của mình. Nếu đứng một mình, một số nước có lẽ sẽ tiến bước nhanh hơn, nhưng cùng nhau, tất cả chắc chắn sẽ đi xa hơn! Nếu chỉ số khác biệt giữa các hối xuất tài chánh là một mối lo, thì những khác biệt trong sự tăng trưởng giữa nột số nhỏ ngày càng giầu thêm, và một đa số ngày càng nghèo thêm, sẽ gây ra hoang mang. Nói tắt một lời, vấn đề ở đây là không cam chịu ”với tình trạng suy yếu (spread) về an sinh xã hội”, trong lúc người ta chiến đấu về tài chánh.

Đầu tư trong lãnh vực giáo dục tại những nước đang trên đường phát triển ở Phi châu, Á châu và Mỹ châu la tinh có nghĩa là giúp các nước ấy khắc phục nghèo đói và bệnh tật, cũng như thực hiện những hệ thống luật pháp công bằng, tôn trọng phẩm giá con người. Điều chắc chắn là để thực thi công lý, những kiểu mẫu tốt về kinh tế vẫn chưa đủ, cho dù chúng cần thiết. Công lý chỉ được thực thi nếu có những người công chính! Vì thế, kiến tạo hòa bình có nghĩa là giáo dục cá nhân bài trừ tham nhũng, nạn phạm pháp, nạn sản xuất và buôn bán ma túy, cũng như tránh những chia rẽ căng thẳng có nguy cơ làm cho xã hội kiệt lực, cản trở sự phát triển và sống chung hòa bình.

Bênh vực tự do tôn giáo

”Tiếp tục cuộc nói chuyện của chúng ta hôm nay, tôi muốn nói thêm rằng hòa bình xã hội cũng bị lâm nguy do một số vi phạm tự do tôn giáo. Đôi khi đây là sự gạt bỏ tôn giáo ra ngoài lề đời sống xã hội; trong một số trường hợp khác, đó là thái độ bất bao dung hoặc bạo hành chống lại con người, các biểu tượng xác định căn tính tôn giáo và các tổ chức tôn giáo. Cũng xảy ra tình trạng này là các tín hữu, đặc biệt là các Kitô hữu, bị cấm cản không được góp phần cho công ích qua các tổ chức giáo dục và từ thiện của họ. Để bảo vệ hữu hiệu việc thực thi tự do tôn giáo, điều thiết yếu là tôn trọng quyền phản kháng lương tâm. Biên cương này của tự do liên hệ tới những nguyên tắc rất quan trọng, có tính chất luân lý đạo đức và tôn giáo, được ăn rễ sâu nơi phẩm giá của chính con người. Những nguyên tắc ấy giống như ”những bức tường nâng đỡ toàn thể xã hội muốn thực sự có tính chất tự do và dân chủ. Vì thế, cấm sự phản kháng lương tâm về mặt các nhân và tổ chức, nhân danh tự do và sự đa nguyên, sẽ mở đường cho những cánh cửa bất bao dung và cưỡng bách mọi người phải đồng đều nhau.

”Ngoài ra, trong một thế giới có những giới hạn ngày càng mở rộng hơn, xây dựng hòa bình bằng đối thoại không phải là một chọn lựa, nhưng là điều cần thiết! Trong viễn tượng ấy, Tuyên Ngôn chung giữa vị Chủ tịch HĐGM Ba Lan và Đức Thượng Phụ Mascơva, được ký kết hồi tháng 8 năm ngoái, là một dấu chỉ mãnh mẽ do các tín hữu nêu ra để tạo điều kiện dễ dàng cho những quan hệ giữa dân tộc Nga và dân tộc Ba Lan. Tôi cũng muốn nhắc đến hiệp định hòa bình mới ký kết tại Philippines và nhấn mạnh vai trò của đối thoại giữa các tôn giáo để có sự sống chung hòa bình trong vùng Mindanao.

Và ĐTC kết luận rằng:

Quý vị Đại Sứ, ”Vào cuối thông điệp Hòa bình dưới thế, sẽ được mừng kỷ niệm 50 năm trong năm nay, Vị Tiền Nhiệm của tôi, Đức Chân Phước Gioan 23, đã nhắc lại rằng hòa bình chỉ là ”một danh từ trống rỗng ý nghĩa” nếu nó không được lòng bác ái linh hoạt và kiện toàn (AAS 55 [1963], 303). Như thế, lòng bác ái ở trọng tâm hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh, và trước tiên ở trọng tâm mối quân tâm của Người Kế Vị Thánh Phêrô và của toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Đức bác ái không thay thế cho công lý bị phủ nhận, nhưng đàng khác, công lý không thay thế cho đức bác ái bị phủ nhận. Giáo Hội thực hành hằng ngày đức bác ái trong các tổ chức từ thiện, với những nhà thương và bệnh xá, cũng như các tổ chức giáo dục, tron gđó có các viện cô nhi, trường học, học viện, đại học cũng như qua sự trợ giúp dành cho dân chúng gặp khó khăn, nhất là trong và sau các cuộc xung đột. Nhân danh bác ái, Giáo Hội muốn gần gũi tất cả những người đau khổ vì thiên tai. Tôi nghĩ đến các nạn nhân bị lụt tại Đông Nam, và cuồng phong xảy ra ở bờ biển phía đông của Hoa Kỳ. Tôi cũng nghĩ đến những người bị động đất dữ dội tàn phá một số miền ở bắc Italia. Như quý vị biết, tôi đã muốn đích thân đến những nơi ấy và tôi đã có thể nhận thấy ước muốn nồng nhiệt của dân chúng mong tái thiết những gì đã bị phá hủy. Trong thời điểm này của lịch sử Italia, tôi cầu mong rằng kinh thần kiên trì và sự dấn thân chung linh hoạt toàn thể quốc dân Italia yêu quí….”

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Sứ điệp video của Đức Thánh Cha gửi Giáo Hội tại Campuchia

Sứ điệp video của Đức Thánh Cha gửi Giáo Hội tại Campuchia

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 gửi Sứ điệp Video chào thăm và khích lệ mọi thành phần dân Chúa tại Campuchia, nhân dịp Hội nghị kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2.

Trong sứ điệp công bố sáng hôm 7 tháng 1-2012 tại thủ đô Phnom Penh, ĐTC nói:

“Anh chị em thân mến ở Campuchia!

”Thật là một niềm vui lớn cho tôi được đến với anh chị em qua kinh nguyện và qua tâm hồn, và có thể gửi đến anh chị em lời chào thăm nồng nhiệt của tôi giữa lúc anh chị em tụ họp nhau quanh các mục tử của mình để cử hành 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican và và kỷ niệm 20 năm Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Tôi cầu mong rằng bản dịch các văn kiện Công đồng và Sách Giáo Lý ra tiếng Campuchia mà anh chị em nhận được trong dịp này, giúp anh chị em hiểu rõ hơn Giáo huấn của Giáo Hội và tăng trưởng trong đức tin”.

Trong Năm Đức Tin này, tôi mời gọi anh chị em luôn hướng nhìn về Chúa Giêsu Kitô, là nguồn gốc và đích điểm đức tin của chúng ta (Xc Dt 12,2) và tái khẳng định rằng Ngài là Tin Mừng cho thế giới ngày nay. Chính nơi Ngài mà các mẫu gương đức tin đã đánh dấu lịch sử chúng ta, tìm được ánh sáng trọn vẹn. Cũng vậy, khi nhớ đến thời kỳ xáo trộn xô đẩy đất nước anh chị em vào bóng tối, tôi muốn nhấn mạnh rằng đức tin, lòng can đảm và kiên trì của cá vị mục tử cũng như bao nhiêu anh chị em Kitô của anh chị em, trong đó có nhiều người đã chết, là một chứng tá cao cả dành cho chân lý Tin Mừng. Và chứng tá ấy đã trở thành một sức mạnh tinh thần khôn lường để tái thiết cộng đồng Giáo Hội tại đất nước anh chị em. Ngày nay đông đảo các dự tòng và những cuộc rửa tội cho người lớn chứng tỏ sức sinh động của anh chị em và là một dấu hiệu tốt đẹp về sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa nơi anh chị em”.

Cũng trong sứ điệp, ĐTC khẳng định rằng: ”Anh chị em thân mến, theo bước thánh Phaolô tông đồ, tôi nhắn nhủ anh chị em ”hãy duy trì tình đoàn kết trong Thánh Linh nhờ mối giây an bình” (Ep 4,3). Hãy chắc chắn về lời cầu nguyện của những người anh chị em đã đổ máu đào trong đồng ruộng! Hãy trở thành men trong bột xã hội của anh chị em, làm chứng về tình bác ái của Chúa Kitô đối với tất cả mọi người, bằng cách kiến tạo những quan hệ huynh đệ với mọi thành phần của các truyền thống tôn giáo khác, và tiến bước trên con đường công lý và từ bi. ”Các bạn trẻ thân mến, là những người đã được rửa tội trong những năm gần đây, các bạn đừng quên rằng Giáo Hội là gia đình của các bạn; Giáo Hội hy vọng nơi các bạn để làm chứng về Sự Sống và Tình thương mà các bạn đã khám phá trong Chúa Giêsu. Tôi cầu nguyện cho các bạn và mời gọi các bạn hãy trở thành những môn đệ quảng đại của Chúa Kitô.

”Và hỡi các linh mục và chủng sinh Campuchia, anh em là dấu chỉ hạt giống của Giáo Hội đang được kiến thiết. Cuộc sống dâng hiến và kinh nguyện của anh em là nguồn mạch hy vọng, và cũng là một lời mời gọi cho những người trẻ khác hãy dâng hiến cuộc sống như những linh mục theo con tim của Thiên Chúa.

”Hỡi các thừa sai, tu sĩ nam nữ, giáo dân thánh hiến đến từ năm châu, anh chị em là dấu chỉ tươi đẹp về tình hiệp thông Giáo Hội quanh các vị mục tử của anh chị em để tình huynh đê của anh chị em, trong những đoàn sủng khác nhau, dẫn đưa nhiều người mà anh chị em phục vụ và nồng nhiệt yêu mến đến gặp chúa Giêsu Kitô. ”Và hỡi tất cả anh chị em đang tìm kiếm Thiên Chúa, xin anh chị em hãy kiên trì và tin chắc rằng Chúa Kitô yêu thương và trao tặng an bình của Ngài cho anh chị em!

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh chị em rất thân mến, là những mục tử và tín hữu ở Campuchia, xin Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ Mekong, trong sự khiêm tốn và trung thành của Mẹ đối với thánh ý Chúa, soi sáng cho anh chị em suốt trong Năm Đức Tin này. Hãy chắc chắn rằng tôi mang anh chị em trong kinh nguyện và tôi rất vui lòng gửi đến tất cả anh chị em phép lành Tòa Thánh quí mến của tôi!”

Hội nghị về ”Công đồng chung Vatican 2 và Giáo Hội” diễn ra tại Phnom Penh, thủ đô Campuchia, từ 5 đến 7 tháng 1-2013 với sự tham dự của hơn 400 người.

Hội nghị được tổ chức nhân dịp Năm Đức Tin. Đức Cha Olivier Schmitthauesler thuộc Hội thừa sai Paris, Đại diện Tông tòa giáo phận Phnom Penh, cho biết mục đích Hội nghị này là để ”cử hành và suy tư về các văn kiện Công đồng chung Vatican 2, kín múc từ đó sức mạnh và sự đào sâu mới mẻ để tiếp tục xây dựng Giáo Hội tại Campuchia”. Trong dịp này, các bản dịch văn kiện công đồng và Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo bằng tiếng Khmer cũng được giới thiệu cho công chung.

Hội nghị được khai mạc với cuộc triển lãm về Công đồng, một buổi cầu nguyện, tiếp theo đó là bài thuyết trình của Đức Cha Schmitthauesler về đề tài ”Giáo Hội”.

Chúa nhật 6 tháng 1-2013, có các cuộc hội luận nhóm về 8 lãnh vực khác nhau: cầu nguyện, loan báo Tin Mừng, đối thoại liên tôn, ơn gọi, các phương tiện truyền thông xã hội, phục vụ người nghèo, giáo dục nói chung và giáo dục về đức tin, sự dấn thân của Giáo Hội trong xã hội. Ngày hội nghị kết thúc với một buổi hòa nhạc do các cộng đoàn trong giáo phận trình bày.

Thứ hai, 7 tháng 1, có phần tường trình kết quả các cuộc Hội luận, và trình chiếu sứ điệp Video của ĐTC, và lúc 10 giờ rưỡi có thánh lễ kết thúc hội nghị, với phần phân phát các bản dịch tài liệu Công đồng và Sách giáo lý Công Giáo. (SD 7-1-2013)

G. Trần Đức Anh OP

Phải can đảm và khiêm nhường trước các tín điều bất khoan nhượng của chủ thuyết bất khả ngộ

Phải can đảm và khiêm nhường trước các tín điều bất khoan nhượng của chủ thuyết bất khả ngộ

Các Giám Mục phải là những người quan tâm hướng về Thiên Chúa để có thể quan tâm tới con người. Phải phải can đảm và khiêm nhường trước các tín điều bất khoan nhượng của chủ thuyết bất khả ngộ thống trị thế giới ngày nay.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khích lệ các tân Giám Mục như trên trong bải giảng thánh lễ truyền chức cử hành tại đền thờ thánh Phêrô trong khung cảnh lễ Hiển Linh 6 tháng 1-2013.

Bốn Tân Tổng Giám Mục được truyền chức là Đức Cha Georg Ganswein, 56 tuổi, Bí thư riêng của Đức Thánh Cha, được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng. Trong chức vụ mới Đức Cha sẽ đặc trách về các buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha và chuẩn bị các chuyến viếng thăm của ngài ở Italia. Ba vị Tổng Giám Mục còn lại là Đức Cha Vincenzo Zani, người Italia, Tổng thư ký Bộ giáo dục công giáo, Đức Cha Fortunatus Nwachukwu, người Nigeria, tân Sứ Thần Tòa thánh tại Nicaragua, và Đức Cha Nicolas Thévénin, người Pháp, Sứ Thần Tòa Thánh.

Hai vị phụ phong trong buổi lễ là Đức Hồng Y Tarcicsio Bertone, Quốc vụ Khanh Tòa thánh và Đức Hồng Y Zenon Grocholewski, Tổng trưởng Bộ giáo dục công giáo.

Tham dự thánh lễ có gần 100 vị gồm các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, cùng với các linh mục, tu sĩ nam nữ, thân nhân bạn bè của các tiến chức, ngoại giao đoàn canh Tòa Thánh và 10.000 tín hữu và du khách hành hương.

Sau Phúc Âm Phó tế đã hát lời loan báo Phục Sinh. Tiếp đến cộng đoàn đã hát kinh Cầu Xin Chúa Thánh Thần, rồi Đức Hồng Y Marc Ouellet, người Canada, Tổng trưởng Bộ Giám Muc giới thiệu các tiến chức với Đức Thánh Cha.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha đã nói về ý nghĩa của biến cố Hiển Linh và mời gọi các tiến chức noi gương ba nhà Đạo sĩ phương đông. Hiển Linh là sự biểu lộ lòng lành và tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Dưới sự hướng dẫn của ngôi sao các Đạo sĩ đã tìm ra con đường tới Bếtlêhem; nhưng đối với Giáo Hội đó chỉ là bước khởi đầu của một cuộc rước vĩ đại dọc dài lịch sử. Các Đạo sĩ đến từ Phương Đông đại diện cho thế giới các dân tộc, Giáo Hội của các người không do thái, qua các thế kỷ tiến bước về với Con Trẻ ở Bếtlêhem, phủ phục và thờ lậy Con Thiên Chúa. Thật ra ngay từ đầu lịch sử Giáo Hội, con người đến từ mọi nơi thuộc mọi lục địa, mọi nền văn hóa và các kiểu suy nghĩ và cách sống khác nhau đã và đang tiến bước về với Chúa Kitô.

Các Đạo sĩ là những người bị thúc đẩy bởi sự âu lo kiếm tìm Thiên Chúa và ơn cứu rỗi của thế giới, nên không hài lòng với địa vị và của cải họ có, mà muốn biết làm sao để là người, và biết sự thật về chính con người, về Thiên Chúa và thế giới. Họ là những người kiếm tìm Thiên Chúa.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã khuyến khích các tân chức noi gương ba nhà Đạo sĩ phương đông và định nghĩa Giám Muc như sau:

Nhất là vị Giám Mục phải là người quan tâm hướng về Thiên Chúa, bởi vì chỉ như thế Giám Mục mới thực sự quan tâm tới con người. Chúng ta cũng có thể nói ngược lại: một Giám Mục phải là một người có con tim chú ý tới con người, bị đánh động bởi các chuyện của con người. Giám Mục phải là một người sống cho người khác. Nhưng ngài chỉ thực sự được như vậy, nếu là một người bị Thiên Chúa chinh phục. Nếu đối với ngài, sự lo lắng đối với Thiên Chúa trở thành một sự lo lắng đối với con người là thụ tạo của Chúa. Giám Mục phải là người đi trước và chỉ đường cho con người tiến tới đức tin, đức cậy và đức mến. Như là người hành hương của Thiên Chúa Giám Mục phải là con người cầu nguyện và sống trong sự tiếp xúc nội tâm liên lỉ với Thiên Chúa.

Giám Mục là người được mời gọi có can đảm và sự khiêm tốn của đức tin như các nhà Đạo sĩ, chắc hẳn đã bị nhạo cười vì được hướng dẫn bởi một ngôi sao họ du hành về nơi vô định. Xem ra họ đáng nực cười, nhưng bởi vì các vị đã được Thiên Chúa đánh động trong nội tâm, nên đối với họ việc tìm kiếm chân lý quan trọng hơn sự chế nhạo của thế giới, bề ngoài xem ra thông minh. Cũng thế vị Giám Mục ngày nay sẽ thường xung khắc với sự thông minh thống trị của những người bám víu vào cái xem ra chắc chắn. Ai sống và loan báo đức tin của Giáo Hội, trong nhiều điểm không phù hợp với các ý kiến thống trị của thời đại chúng ta ngày nay. Và Đức Thánh Cha giải thích lý do các xung khắc đó như sau: Chủ thuyết bất khả ngộ đang thống trị rộng rãi ngày nay có các tín điều của nó, và nó rất bất khoan nhượng đối với tất cả những gì đặt nó trong vấn nạn và cật vấn các tiêu chuẩn của nó. Vì thế can đảm chống lại các hướng dẫn thống trị là điều đặc biệt cấp bách đối với một Giám Mục này nay. Do đó Giám Mục phải là người can đảm. Sự can đảm ấy không hệ tại việc đánh trả với bạo lực, trong tính hiếu chiến, nhưng là để cho mình bị đánh và đương đầu với các tiêu chuẩn của các ý kiến thống trị. Can đảm ở lại một cách vững vàng với chân lý là điều được đòi hỏi nơi nhưng người Chúa gửi đi như chiên con giữa sói. Ai kính sự Chúa, thì khộng sợ hãi gì hết” sách Huấn Ca nói vậy (Hc 34,16). Lòng kính sợ Chúa giải thoát khỏi sự sợ hãi loài người. Nó khiến được tự do”.

Cũng như đã xảy ra cho các Tông Đồ, cũng thế các Giám Mục là những người kế vị các Tông Đồ phải chờ đợi bị đánh đập nhiều lần, một cách tân tiến, nếu không ngừng loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô một cách dễ nghe và dễ hiểu. Dĩ nhiên, các Giám Mục không được mời gọi khiệu khích, trái lại phải kêu mời mọi người bước vào trong niềm vui của chân lý, bằng cách chỉ đường như các ngôi sao lóng lánh trên bầu trời lich sử. Sự ưng thuận của các ý kiến thống trị không phải là tiêu chuẩn phải vâng phục. Tiêu chuẩn là chính Chúa. Nếu chúng ta bảo vệ lý lẽ của Chúa, thì nhờ Người, chúng ta sẽ luôn luôn chinh phục được các người mới cho con đường Tin Mừng. Nhưng một cách không thể tránh né được, chúng ta sẽ bị đánh bởi những người sống trái nghịch với Tin Mừng, và khi đó chúng ta sẽ biết ơn vì được coi là xứng đáng thông phần vào cuộc Khổ Nạn của Chủa Kitô.

Sau khi các tiến chức đã thề hứa trung thành với các nhiệm vụ Giám Mục của mình cho tới chết, cộng đoàn đã hát kinh cầu các Thánh xin các vị bầu cử cho các tiến chức nằm phủ phục trước bàn thờ. Tiếp đến hai vị phụ phong, các Hồng Y và các Tổng Giám Mục đặt tay trên đầu các tiến chức. Các Phó tế cầm sách Phúc Âm mở trền đầu các tiến chức, trong khi Đức Thánh Cha đọc công thức truyền chức. Rồi từng vị tiến lên để được Đức Thánh Cha xức dầu thánh hiến, trao sách Phúc Âm, đeo nhẫn, nhận mũ và gậy Giám Mục. Sau đó càc Tân Tổng Giám Mục trao hôn bình an với Đức Thánh Cha, các Hồng Y, và các Tổng Giám Mục, và nhận lời chúc mừng của các vị.

Vì thánh lễ kéo dài nên Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin trễ 15 phút. Ngài đã xin lỗi mọi người vị sự chậm trễ này. Đức Thánh Cha đã gửi lời cầu chúc bình an, và đặc biệt chúc mừng các Giáo Hội Đông Phương mừng lễ Giáng Sinh ngày mùng 7 tháng Giêng theo lịch Giuliano. Ngài cũng nhắc tới Ngày Thánh Nhi cử hành tại Italia hôm qua và cám ơn các thiếu nhi đã dấn thân loan báo Tin Mừng và trợ giúp các trẻ em nghèo. Đức Thánh Cha xin các em đem tình yêu Chúa đến cho mọi người. Ngài cũng đặc biệt chào mừng hiệp hội Các Gia đinh Tự Do Âu châu tổ chức cuộc diễn hành lịch sử dân ca vũ, năm nay theo các truyến thống của vùng Arezzo trung Italia. Hàng chục đoàn người mặc các sắc phục địa phương với cờ quạt hộ tống ba vua cỡi ngựa, đã bắt đau diễn hành lúc 10 giờ trên đại lộ Hòa Giải đế tiến về quảng trường thánh Phêrô tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha.

Trong bài huấn dụ ngắn Đức Thánh Cha nói tuy có hơi khác nhau nhưng lễ Hiển Linh mà Giáo Hội Latinh Roma mừng hôm qua, và lễ Giáng Sinh mà các Giáo Hội Đônb phương mừng ngày mùng 7 tháng Giếng, đều nêu bật rằng Hài Nhi sinh trong hang đá Bếtlehem là ánh sáng thế gian, dẫn lối cho mọi dân tộc. Trên bình diện đức tin thì một đàng trong lễ Giáng Sinh chúng ta thấy ở trước Đức Giêsu có đức tin của Mẹ Maria, của thánh Giuse và các mục đồng. Hôm nay trong lể Hiển Linh có đức tin của các Đạo sĩ đến từ Phương Đông để thờ lậy vua Do thái. Ngài nói:

Đức Trinh Nữ Maria cùng với chồng mình diễn tả ”nhánh” của Israel, ”số sót” đã đươc các tiên tri loan báo, từ đó Đấng Cứu Thế xuất thân. Trái lại các Đạo sĩ diễn tả các dân tộc, và chúng ta cũng có thể nói các nền văn hóa, và các tôn giáo đang tiến bước về với Thiên Chúa, trong sự kiếm tìm vương quốc hòa bình, công bằng, chân lý và tự do của Người. Nhân tố đức tin của dân Israel là dân đã nhận biết và tin nơi Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải cho các Tổ Phụ và trong con đường lịch sử, đã được biểu hiện nơi Đức Maria, ”Con gái Sion”. Vào thời viên mãn đức tin ấy đã thành toàn nơi Mẹ là ”người có phúc vì đã tin”; và nơi Mẹ Ngôi Lời đã nhập thể, Thiên Chúa đã xuất hiện” trong thế giới. Đức tin của Mẹ trở thành mẫu gương đức tin của Giáo Hội, Dân của Giáo Ước mới, một dân đại đồng ngay từ đầu. Nó có thể được để bên cạnh đức tin của tổ phụ Abraham: nó là sự khởi đầu của cùng một lời hứa của cùng một chương trình bất biến của Thiên Chúa, giờ đây được thành toàn nơi Đức Giêsu Kitô. Ánh sáng của Chúa Kitô trong sáng và mạnh mẽ khiến cho có thể hiểu được ngôn ngữ của vũ trụ cũng như ngôn ngữ của Thánh Kinh, và như thế tất cả những ai, như ba nhà Đạo sĩ, rộng mở cho chân lý có thể nhận biết nó và đạt tới việc chiêm ngưỡng Đấng Cứu Độ thế giới.

Sau đó Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vietvatican

LỄ HIỂN LINH

LỄ HIỂN LINH

Kính thưa qúi ông bà anh chị em, hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ Chúa Hiển Linh.  Hiển linh là gì, nếu không phải là Chúa tỏ mình ra cho muôn dân biết Ngài là Đấng Mê-si-a  mà các ngôn sứ, tiên tri đã loan báo từ ngàn xưa, nay đã ra đời ở Bêlem qua Hài Nhi Giêsu. Các mục đồng tìm đến ngợi khen chúc tụng, và các nhà đạo sĩ Phương Đông cũng tìm về triều bái và dâng lễ vật, mà hôm nay ta mừng lễ cũng gọi là lễ Ba Vua.

 Bài đọc 1, sách tiên tri Isaia cho ta thấy hình ảnh vinh quang chiếu tỏa từ Giêrusalem, trong khi các dân tộc còn sống trong u tối. Giêrusalem không phải tự nó chiếu sáng nhưng là nhờ vinh quang củaThiên Chúa, bởi đó mà các dân tộc dập dìu kép tới, nguồn phú túc và lạc đà cũng tuôn về.  Với viễn tượng mà Isaia nhìn Giêrusalem toả sáng, chắc chắn tiên báo về thời Đấng cứu Thế. Phải, thời Đấng Mê-si-a đã đến và thời đó sẽ viên mãn như lời Chúa Giêsu nói:  Rồi đây người Phương Đông, Phương Tây sẽ tuôn đến, trong khi con cái trong nhà bị loại ra ngoài, ám chỉ ngày quang lâm, lời tiên tri được thực hiện hoàn toàn. Nhưng hiện nay đã khởi sự nơi Hài Nhi Giêsu mà hôm nay ngôi sao dẫn đường ba vua đã dừng lại ở Bêlem nơi Hài Nhi Giêsu sinh ra. Giêrusalem bừng sáng, chính nơi đây ba nhà đạo sĩ tìm đến thờ lạy.

Giáo Hội ngày nay là hình ảnh Giêrusalem đang bừng sáng để muôn dân nhận ra và tìm về.  Mỗi một cộng đoàn, giáo xứ, gia đình, hay mỗi một cá nhân là một Giáo Hội được thu nhỏ.  Giê-ru-sa-lem xưa bừng sáng, thì nay qua mỗi người chúng ta cũng phải bừng sáng bởi ngày chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội.  Mỗi tín hữu được trao cây nến thắp sáng để chiếu dọi vào thế giới u tối.  Khi chúng ta lãnh nhận ba chức năng:  ngôn sứ- tư tế và vương đế; nghĩa là: rao giảng, tế tự và cai quản.  Cho nên, hôm nay, chúng ta là những hình ảnh tiếp nối các nhà đạo sĩ đến thờ lạy Ngôi Hai, để ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa chiếu dọi vào lòng trí chúng ta, giúp chúng ta thêm đức tin, đức cậy và lòng mến, có như thế chúng ta mới đem Tin Mừng yêu thương đến với mọi người; mọi người ở đây, trước hết là mỗi thành phần trong gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, dòng tu, mỗi người phải hiển linh cho nhau, nghĩa là phải sống làm sao, nói thế nào để cho khuôn mặt nhân từ của Chúa ra qua cử chỉ, lời nói đối với mọi người chung quanh.

Tin Mừng, tin vui mà Chúa muốn cho chúng ta mang đi loan báo, cho mọi người là một Tin Mừng sống động khởi đi từ Hài Nhi bé bỏng, nhưng lại là Vua muôn vua, Vua của sự bình an.  Chính vì sự nghịch lý này mà xưa cũng như nay đã không biết bao nhiêu người không chấp nhận đã đành mà còn xua đuổi, loại trừ Chúa ra khỏi cuộc đời của mình và còn hung bạo hơn nữa là muốn không cho Thiên Chúa hiện hữu trên mặt đất này, cũng chỉ vì sự kiêu căng ngạo mạn, muốn mình làm chúa để quyết định vận mệnh của thế giới nhân loại.  Lại nữa, vì sự ích kỷ của con người sợ ảnh hưởng tới địa vị, sợ mất quyền lợi này, quyền lợi kia, hay nói khác đi, khi người ta sợ đụng chạm đến quyền lợi,  sự phiền phức cho cuộc sống của mình; như trường hợp vua Hêrôđê sợ mất ngôi vua của ông nên ông đã có những âm mưu nham hiểm để triệt hại Hài Nhi Giê-su không được nên ông giết tất cả các trẻ em ở Giê-ru-sa-lem và các vùng phụ cận cho chắc ăn.

Hình ảnh một Hêrôđê xưa thật đáng sợ, nhưng ngày nay biết bao nhiêu Hêrôđê còn đáng sợ hơn nhiều; bởi vì, Hêrôđê xưa chỉ giết những đứa trẻ không phải là máu mủ ruột thịt của ông, thế mà ngày nay biết bao người mẹ đang tay giết chết ngay chính con của mình.  Rồi bạo chúa Hêrôđê hôm nay là những người tiếp tay cho những bà mẹ phá thai.  Hêrôđê ngày nay là những kẻ dùng đồng tiền để đẩy bao nhiêu trẻ thơ vô tội vào con đường huỷ hoại cuộc đời.  Ôi ngày nay Hêrôđê bạo chúa đang ẩn núp dưới mọi hình thức.

Phúc cho những ai thành tâm thiện chí, những tâm hồn khiêm tốn, bé nhỏ để đón nhận mầu nhiệm giáng sinh. Mẹ Maria, thánh Giuse, các mục đồng, ba nhà đạo sĩ, đó là những người có phúc, đó là những người sẽ được dự phần vinh phúc trong nước Chúa.

Ước gì lễ hiển linh hôm nay mời gọi mỗi người trở thành sự Hiển Linh của Chúa trong môi trường chúng ta sống; nghĩa là để cơ hội cho Chúa sinh ra và lớn lên trong lòng mình, đó phải chăng là sự Hiển Linh của Chúa đang được thể hiện qua chúng ta.  Amen.

Linh mục Phaolo Cao Thế Bình SDD

CHÚNG TÔI ĐẾN ĐỂ THỜ LẠY NGƯỜI

CHÚNG TÔI ĐẾN ĐỂ THỜ LẠY NGƯỜI

Cuộc kính viếng Chúa Hài Nhi của Ba Vua trong đoạn Phúc Âm  Thánh Mátthêu hôm nay (x. Mt 2, 1-12)  được cấu trúc bằng bốn đoạn văn:

– Câu văn khởi đầu để xác định vị trí và thời điểm: “Khi Chúa Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđêa, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh phương Đông đến Giêrusalem” (Mt 2, 1); – Cuộc hành trình dừng lại  ở Giêrusalem để hỏi thêm tin tức (x .Mt 2, 2-8); – Tiếp tục cuộc hành trình đến Bêlem và được diện kiến Chúa Hài Nhi (x. Mt 2, 9-11); – Và câu văn kết thúc: “Sau đó các ông được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình” (Mt 2, 12).

Trong cả hai đoạn văn tường thuật lại cuộc hành trình đến Giêrusalem và tiếp tục từ Giêrusalem đến Bêlem, chúng ta có  hai yếu tố đáng chú ý và suy ngẫm: ngôi sao và cuộc bái lạy:

– “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện, bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người ” (Mt 2, 2). – “Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người ” (Mt 2, 10-11).

Dựa vào hai yếu tố  nổi bậc đó của hai đoạn văn, chúng ta có thể  suy niệm ý nghĩa của biến cố ba Nhà Chiêm Tinh ( hay Ba Vua) đến thờ lạy Chúa Hài Nhi.

a. “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện”.

Theo các xác tín từ ngàn xưa, mỗi người chúng ta đều có số mệnh hay có vì sao hộ mệnh. Khi mỗi người sinh ra có một vì  sao mọc lên và lặn đi, khi chúng ta mất. Trong văn chương thời cỗ, nhất là Cựu Ước, các biến cố vừa kể trên không gian có liên hệ đến lúc một vị vua hay một vị hoàng đế sinh ra. Có lẽ khi viết những dòng Phúc Âm vừa kể, Thánh Mátthêu liên tưởng đến những gì được báo trong Cựu Ước, liên quan đến dân Do Thái: “Tôi thấy nó (ngôi sao), nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên;một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng nổi dậy từ Israel, sẽ đập vào màng tang Môáp, đánh vở sọ tất cả con cái Sét và chiếm Êđom, cả Syria cũng bị chiếm nữa, Israel sẽ biểu dương sức mạnh” (Num 24, 17-18).

Đó là lời của nhà tướng số Balaam, một người ngoại đạo, được vua Môáp mời đến xem vận mạng và chúc dữ cho Israel, nhưng thay vì chúc dữ, nhà tướng số lại thốt lên những lời chúc phúc của Thiên Chúa, tiên báo tương lai huy hoàng cho Israel. Những lời tuyên bố vừa kể của Balaam, thời Thánh Mátthêu được dân chúng lưu truyền, chuyền miệng nhau như là những lời tiên báo Đáng Cứu Thế mà Israel đang mong đợi sẽ đến.

Hiểu như vậy, ngôi sao được Thánh Mátthêu đề cập là dấu hiệu tuyên bố cho dân chúng biết Hài Nhi mới sinh ở Bethlem là Đấng Cứu Thế của Israel. Và cũng chính vì đó mà ba Nhà Chiêm Tinh xác tín rằng Hài Nhi mới sinh là “Đức Vua dân Do Thái: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh , hiện ở đâu?… ” (Mt 2, 2). Người là Đấng được Thiên Chúa sai đến để đem lại hoà bình và giải thoát, mà thế lực của cường quyền không thể kềm kẹp nổi. Nhưng rồi dù có điềm lạ  trên trời tiên báo và hướng dẫn, các Nhà Chiêm Tinh cũng chưa đến được với Chúa  Hài Nhi.

Thánh Mátthêu không cho chúng ta biết các Nhà Chiêm Tinh đến Giêrusalem là do ánh sao hướng dẫn hay do sự chỉ dẫn và mời mọc của vua Hêrôđê. Điều đó cho thấy Thánh Mátthêu viết Phúc Âm nhằm phổ biến sứ điệp tôn giáo và thần học hơn là liệt kê chi tiết lịch sử chính xác của đoạn văn tường thuật. Mục đích của Thánh Mátthêu là  nói cho chúng ta biết các Nhà Chiêm Tinh là những vị thông thái, biết giải thích các hiện tượng trên trời, biết cắt nghĩa ý nghĩa trong tạo vật, cho chúng ta thấy sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nói cách khác, các Vị có hiểu biết và sống theo đạo tự nhiên: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người ” (Mt 2, 2).

Nhưng mặc dầu hiểu biết, tin và theo đạo tự nhiên, các Vị chỉ  có thể đến được gần Chúa Hài Nhi, nhưng chưa đến được tận nơi Ngài. Để biết tường tận nơi Chúa Hài Nhi, để biết tường tận Thiên Chúa, chúng ta phải nhờ chính sự mạc khải của Người, mạc khải qua Thánh Kinh, qua các ngôn sứ và nhứt là chính Ngài mạc khải Ngài cho chúng ta, chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa, mạc khải chính Thiên Chúa cho chúng ta. Đó là ý nghĩa tại sao Thánh Mátthêu kể lại các Nhà Chiêm Tinh phải dừng lại ở Giêrusalem hỏi thêm tin tức và được các kinh sư và thượng tế nhờ Thánh Kinh giải thích cho: “Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki Tô sinh ra ở đâu. Họ trả lời: Tại Bêlem, miền Giuđêa, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: Phần ngươi hởi Bêlem, miền đất Giuđêa, ngươi đâu phải là thành phố nhỏ nhất của Giuđêa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời ” (Mt 2, 3-6).

Theo cách suy nghĩ đó, chúng ta có  thể nghĩ rằng Thánh Mátthêu dựa theo truyền thống biết được Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem và từ  đó Ngài sắp đặt lại tường thuật thành cuộc hành trình của các Nhà Chiêm Tinh, có đặc tính thần học của bài tường thuật.

Bài đọc sách tiên tri Isaia cho thấy vương quyền của Thiên Chúa trên nhân loại được thể hiện trên thành phố (Giêrusalem) và trên dân chúng:

Chư dân sẽ kéo về ánh sáng của ngươi (của thành Giêrusalem),      vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.      Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập họp kéo đến với ngươi…      Vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả,      Của cải muôn dân sẽ tràn đến với ngươi ” (Is 60, 3-5).

Trong khi đó thì Thánh Vịnh 72 không chú ý đến quyền năng của Thiên Chúa thể hiện trên thành phố (Giêrusalem) cho bằng qua vai trò của  vị vua dân Do Thái:

Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho Tân Vương,     trao công lý Ngài vào tay Thái  Tử,     để Tân Vương xét dân Ngài theo công lý,     và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.     Núi  đem lại cảnh hòa bình trăm họ,     đồi rước về nền công lý vạn dân” (Tv 72, 1-3).

Và vị Tân Vương đó là  vua Do Thái, trước nhan Người mọi vua dân nước phủ  phục:

Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,      muôn dân nước thảy  đều phụng sự ” (Tv 72, 11).

Khi viết đoạn Phúc  Âm hôm nay, tường thuật lại việc các Nhà Chiêm Tinh đến bái lạy Chúa Hài Nhi, một người Do Thái có nhiều kinh nghiệm về Thánh Kinh như Thánh Matthêu, chắc chắn phải  có liên tưởng đến hai đoạn sách tiên tri Isaia và Thánh Vịnh vừa kể. Các Nhà Chiêm Tinh là những nhà thông thái đến từ dân ngoại. Việc nhận biết và thờ lạy Hài Nhi Giêsu, “Yhwh” (Yahvé)  “Chúa của dân Do Thái, cho thấy uy quyền của Chúa đã được cả nhân loại chấp nhận, Do Thái hay dân ngoại cũng vậy: “Đức vua Do Thái mới sinh ở đâu? Chúng tôi thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người… Họ vào nhà thấy Hài Nhi và thân mẫu là bà Maria, liền sắp mình thờ lạy Người ” (Mt 2, 2.11).

Đức vua Do Thái ” được các Nhà Chiêm Tinh, đến từ các dân ngoại nhận biết và thờ lạy, còn dân Do Thái thì không. Đó là những gì Thánh Mátthêu kể tiếp trong Phúc Âm Ngài: “Nghe tin ấy vua Hêrôđê bối rối và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao…” (Mt 2,3). “Bối rối và xôn xao” bởi vì cả vua và dân chúng không muốn tiếp nhận Hài Nhi Giêsu là vua họ. Vua Hêrôđê tìm cách để giết Người, đó là những gì thiên sứ báo cho các Nhà Chiêm Tinh: “Sau đó họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Erode nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình ” (Mt 2, 12). Cũng như sẽ báo cho Thánh Giuse phải đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập: “Nầy ông, dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đó ” (Mt 2, 13). Chúng ta không biết tình trạng lúc đó căng thẳng như thế nào, giữa thái độ bất thân thiện hay thù địch của Hêrôđê và dân chúng Do Thái đối với Chúa Giêsu và giáo lý của Ngài: “Nghe tin ấy vua Hêrôđê bối rối và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao”, và cử chỉ  thân thiện tiếp nhận đối với Ki Tô giáo của dân ngoại, được biểu hiệu bởi ba Nhà Chiêm Tinh.

Nói cách khác, viết lên những dòng trên, Thánh Mátthêu thuật lại cho chúng ta thái độ không chấp nhận của dân Do Thái và cử chỉ tiếp đón “ …liền sắp mình thờ lạy Người ”, của Cộng Đoàn Ki Tô hữu lúc đó, được diễn tả qua hình ảnh ba Nhà Chiêm Tinh. Chắc chắn những dòng Phúc Âm vừa kể, Thánh Mátthêu viết cho người Do Thái, bởi vì Ngài cũng là người Do Thái, để nói lên cho họ gương nhận biết “liền sắp mình thờ lạy Người” của dân ngoại “mới  trở lại ” hay của các Cộng Đồng Ki Tô Hữu tiên khởi.

Thái độ bất thân thiện và không chấp nhận Ki Tô giáo của người Do Thái lúc đó cũng được Thánh Phaolô đề cập đến trong thư gởi các tín hữu Êphêsô, nói đến việc tham dự của dân ngoại vào lời hứa và gia tài của dân được chọn: “Mầu nhiệm đó là: trong Đức Giêsu Ki Tô và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3,6).

Qua những điều vừa suy niệm, chúng ta thấy chương trình cứu rỗi của Chúa không ai có thể tiên đoán được và  được thực hiện vượt lên trên những gì các ngôn sứ đã tiên báo: dân Do Thái là trung gian cần thiết để hướng dẫn và chuyển đạt thánh ý Chúa, nhưng vai trò đó của dân được chọn đã được biến cố Nhập Thể của Chúa Giêsu thay thế: “Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân chúng lại, hỏi cho biết Đấng Ki Tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: Tại Bethlem, vì trong sách các ngôn sứ có chép rằng: Phần ngươi, hởi Bêlem, miền đất Giuđêa, ngươi đâu phải là thành phố nhỏ nhất của Giuđêa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân ta sẽ ra đời ” (Mt 2, 4-6).

Thái độ từ chối của những người Do Thái, nhất là các kinh sư và phái Pharisêu và thái độ mở rộng cửa lòng đón rước Chúa của những người nghèo khỗ, “quân tội lỗi” và “bọn thu thuế”, chúng ta sẽ còn gặp lại trong Phúc Âm Thánh Mátthêu ở những chương tới:

– “Bỏ nơi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi ở trạm: Người bảo ông: “Anh hãy theo Ta! Ông đứng dậy và đi theo Người ” (Mt 9, 9). – “Khi Chúa Giêsu dùng bửa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tôi lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?…Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi ” (Mt 9, 10-11.13b).

Viết những dòng của Phúc Âm hôm nay, thuật lại chuyến đi tìm Chúa Hài Nhi của ba Nhà Chiêm Tinh, chắc chắn Thánh Mátthêu  đang chứng kiến những hiện trạng  trước mắt, hiện tượng của nhiều người  Do Thái không chấp nhận Chúa Giêsu và những người từ dân ngoại đến tìm kíếm Người, như đã nói.

Hình ảnh của ba Nhà  Chiêm Tinh từ phương Đông là hình ảnh của những ai tìm kiếm Chúa, nhận thức được giới hạn của khả năng con người, bản tính hèn mọn và thấp hèn của con người, nhu cầu con người phải có được Thiên Chúa để lấp đầy khát vọng hạnh phúc của mình, khát vọng, mà Chúa đặt vào tâm khảm mỗi người, khi Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài:

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,     Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,          Thiên Chúa sáng tạo con người có nam, có nữ ” (Gn 1, 27).

“…sáng tạo con người theo hình ảnh mình”, Thiên Chúa đã đặt trong tâm khảm con người, bất cứ ai, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, cũng có trí khôn ngoan và lòng ao ước tự do, hạnh phúc vô hạn, mà chỉ có Chúa mới thoả mãn được nỗi khao khát đó, bởi vì Người đã tiền định cho con người phải tham dự vào chính bản tính thần linh của Thiên Chúa”, mới thoả mãn được các khát vọng hướng về tuyệt đối của mình: “Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy (của Chúa Giêsu), Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những gì rất qúy báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian ” (2 Pr 1, 4 ).

* Cử chỉ  của ba Nhà Chiêm Tinh khiêm nhường, biết được giới hạn bản tính con người của mình và nhìn nhận Hài Nhi mới sinh là “vua dân Do Thái”, đến để bái lạy Người, * khác với thái  độ mù quáng của những ai tự mãn, bất cần thần thánh, xem mình trưởng thượng và khinh khi người khác như người Pharisêu: “Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: không tham lam, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18, 11-12).

Hay vì sợ nếu chấp nhận tôn giáo, đón tiếp Thiên Chúa và giáo lý  của Ngài sẽ bị mất đi ảnh hưởng và  quyền lực, lợi lộc như vua Hêrôđê: “Nghe tin ấy vua Hêrôđê bối rối và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao” (Mt 2, 3). Hình ảnh ba Nhà Chiêm Tinh lên đường đi tìm Chúa Hài Nhi, theo ánh sao chỉ  đường là hình ảnh ngoạn mục của những ai nghe theo tiếng gọi và sự chỉ dẫn của con người thoát ra khỏi khuôn thước  hạn hẹp của quan niệm loài người, ra đi theo tiếng gọi của lương tâm đi tìm Đấng Tối Cao.

Ra đi để tìm kiếm, chứng tỏ con người đó ý thức được những bất toàn, giới hạn của mình, đi tìm những gì mình chưa có, ý thức được những thiếu thốn, giới hạn và bất  hạnh của mình trong cuộc sống, để tìm đến hạnh phúc đích thực và bất diệt, đi tìm chính Thiên Chúa nguồn gốc phát xuất của chính mình và nguồn hạnh phúc bất diệt mà mình khao khát  đạt đến.

Ý thức được bản thể giới hạn, thấp hèn và bất hạnh của mình, nếu không có Thiên Chúa, là khởi đầu cho con đường đi đến hạnh phúc viên mãn, mà Chúa Giêsu đã dạy trong Tám Mối Phước Thật: “Phước cho ai có tâm hồn khó nghèo, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3).

Nói cách khác, con người tự mãn, từ chối Thiên Chúa, sống bất cần thần thánh, mù quáng tự mãn với quyền lực, sắc đẹp, tiền tài của trần gian, là con người tự trấn áp bản tính ước ao tôn giáo trong lương tâm của mình, phủi tai để ra bên ngoài câu hỏi ngàn đời mà hể ai là người, con nguời sống theo ảnh hưởng của ý thức hệ vô thần, nói một cách ngắn gọn, một lúc nào đó trong cuộc sống cũng sẽ tự hỏi: “Tôi từ đâu đến, tại sao tôi đang sống và rồi sẽ đi đâu sau cái chết?”.

Con người trấn áp tiếng gọi tôn giáo của mình, tiếng gọi mà Thiên Chúa đã đặt trong mỗi tâm hồn khi chúng ta sinh ra (x. Gn 1, 27), là con người đê tiện hoá phẩm giá  cao cả con người của mình; biến cuộc sống của con người ngang hàng với cuộc sống của thú vật, lối sống của bọn vô thần, coi mình và anh em đồng bào mình ngang hàng với súc vật, chỉ biết tìm kiếm đồ vật và điều kiện vật chất để thoả mãn cuộc sống vật lý và sinh lý bẩm sinh của mình.

Không ai là người, sống thành thật với lương tâm con người của mình, có thể  che giấu được nỗi khát vọng hạnh phúc vô tận của mình, bởi lẽ đó là khát vọng tự bản tính mà Thiên Chúa đã đặt vào tâm khảm chúng ta (x. Gn 1, 27).

Nguyễn Học Tập