Suy Niệm Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – NƯỚC THANH TẨY & THÁNH HOÁ (Lc 3:15-16.21-22)

Suy Niệm Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – NƯỚC THANH TẨY & THÁNH HOÁ (Lc 3:15-16.21-22)

Cách đây hai năm, ngày 13 tháng 01/2011, cả thế giới bàng hoàng khi nghe tin: một trận mưa bão lớn suốt ba tuần, đã làm ngập lụt khắp thành phố Brisbane, thủ phủ tiểu bang Queensland, nước Úc. Sau đó hai tháng, ngày 11 tháng 3/2011, một trận động đất lớn ngoài biển kéo theo cơn sóng thần tàn phá nhiều thành phố miền Đông Bắc thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Muôn người ngỡ ngàng và khiếp sợ khi xem được những hình ảnh các thành phố này bị chìm trong biển nước. “Thủy Thần” nổi giận kinh hồn.

Được biết, trận mưa bão lâu ngày khiến nước dâng cao ở thành phố Brisbane là hiện tượng hiếm thấy xưa nay tại Úc Đại Lợi: nhiều xóm làng cũng như hoa mầu nông trại tại tiểu bang Queensland bị ngập úng, đường xá trong thành phố bó buộc phải đóng lại, một số khu vực bị cúp điện làm tê liệt sinh hoạt vì mực nước quá cao. Trận lũ lụt gây thiệt hại hàng tỷ đô la vì kinh tế vùng Queensland chủ yếu dựa vào than đá, khoáng sản, nông nghiệp. Tất nhiên, nó ảnh hưởng đến ngành công nhiệp sản xuất thép ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Hoa. Các cơ xưởng bị đình trệ vì họ thường xuyên nhập khẩu than đá, nguyên liệu cần thiết cho việc luyện thép, chủ yếu từ Úc. Nước Lụt nguy hiểm biết bao! 

Trong khi ấy, trận động đất mạnh 8.9 richter đã gây ra nhiều cơn sóng lừng cao tới 10 mét đập ầm ầm vào bờ biển phía Đông Nhật Bản, khiến 10,000 người mất tích. Đài truyền hình quốc gia phát đi hình ảnh những ngôi nhà bị sóng thần cuốn trôi, đường băng phi trường Sendai ngập nước trong khi cả chục người phải đứng trên nóc các toà nhà chờ cấp cứu. Nhiều vụ hoả hoạn xảy ra, hệ thống tàu điện ngầm ngưng hoạt động, tiếng còi hú xe cứu thương chạy khắp nơi. Cảnh tượng được mô tả là ghê rợn, vì sức tàn phá quá nặng nề. Có người sánh ví: tưởng chừng không có thảm cảnh nào kinh khủng hơn.
 
Thật xót xa cho những thiệt hại nặng nề từ những trận mưa to, gió lớn. Nước như cơn đại hồng thủy, tàn phá mọi hoa màu, nhà cửa, ruộng vườn, nhân mạng. Ta nhận thấy mãnh lực của Nước thật đa dạng:
  • giúp duy trì sự sống con người, cung ứng điều hoà thân nhiệt, giúp thanh tẩy mọi vật nên sạch mới, tươi mát, là đường giao thông nối liền các đại lục.
  • Nhưng đôi khi qua thảm hoạ thiên nhiên, Nước có thể hủy diệt mọi vườn tược cây cối, gây thiệt hại các công trình xây dựng, làm ngưng đọng mọi sinh hoạt thường lệ.
Hôm nay, Chúa Giêsu đến nhận Phép Rửa của Thánh Gioan tại dòng sông Giođan.
  • Dân chúng trước đó, ai nấy đều nghe lời Gioan rao giảng, đã lũ lượt đến xin Gioan làm phép Rửa thanh tẩy với lòng sám hối.
  • Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, sống như con người ngoại trừ tội lỗi. Đấng thanh khiết, vô tội hoàn toàn, “không cần phải hoán cải, cũng chẳng cần được Gioan làm phép Rửa cho, nhưng vì Người là Đấng Cứu Tinh, nên Người muốn hoà đồng với các anh em tội lỗi của mình là những kẻ đang đi tìm ơn tha thứ” (Lời Chúa cho mọi người, trang 1732).
Trong dòng nước Giodan, Thánh Gioan Tẩy Giả giúp thanh tẩy tâm hồn hối nhân nên sạch mới.  Trong nước thánh tinh tuyền, trong lửa và Thánh Thần, Giáo Hội giúp thánh hoá tội nhân trở thành tạo vật mới, được tái sinh làm con Chúa, nên phần tử sống động của Hội Thánh giữa thế trần.
 
A. Giá trị thực hữu của Nước.
 
Nhìn bản đồ thế giới, ta thấy trái đất này được bao quanh bởi Nước chiếm ¾, chỉ còn ¼ là đất liền. Mọi tạo vật sống nhờ Nước: từ hoa lá cỏ cây, thực vật đến các loài động vật, sinh vật.
  • Các nông gia phải khai mương, đào kênh, dẫn thủy nhập điền…giúp ruộng đồng tươi tốt.
  • Các nhà trồng trọt phải tưới nước, cho cành lá đơm nụ nở bông, cho cây xanh sinh hoa kết trái.
  • Các trang trại phải xây đập, điều hoà lưu lượng nước, tạo mùa màng không hạn hán, ngập úng.
  • Nước Trung Hoa đã thiết lập nhà máy thủy điện lớn bên dòng sông Dương Tử, cũng như Việt Nam sau 1975, đã xây dựng nhà máy thủy điện Trị An từ nguồn nước sông Đồng Nai.
Rõ ràng, Nước luôn là một nhu cầu thiết yếu cho đời sống con người. Người ta có thể tuyệt thực lâu ngày không ăn không chết sớm, nhưng họ không thể nhịn khát lâu giờ: thiếu nước, họ sẽ từ giã cõi đời nhanh hơn.
  • Khách lữ hành đi trong sa mạc, nắng cháy da người, Nước giúp họ đủ sức vượt đường dài.
  • Tháng chay Ramadan, người Hồi Giáo nhịn ăn từ sáng đến chiều, nhưng không thể nhịn uống.
  • Cha Maximilien Kolbe bị quân Phát xít Đức bỏ đói nhiều ngày trong ngục, vẫn sống . Mỗi ngày, Ngài sống nhờ những giọt nước uống cầm sức. Đến ngày thứ 14, Cha bị tiêm thuốc độc mà chết.
B. Công dụng đa năng của Nước.
 
Con người dùng Nước với nhiều mục đích khác nhau: thanh tẩy, hủy diệt, chữa lành, tăng trưởng.
  1. Thanh Tẩy nên mới:
  • Nước bột giặt giúp làm sạch quần áo, nước xà bông rửa chén giúp chén dĩa nên mới.
  • Nước thiên nhiên giúp tắm rửa hàng ngày khỏi bụi bặm, giúp rửa xe cộ khỏi dơ bẩn.
  1. Hủy Diệt ngăn ngừa:
  • Nhiều người chữa cháy đã dùng Nước dập tắt mọi lây lan của ngọn lửa.
  • Cảnh sát dùng Vòi Nước mạnh, để xua tan, giải tán dòng người biểu tình chống đối.
  1. Chữa Lành phục hồi:
  • Tài xế ngừng lại, tiếp Nước vào xe, để làm nguội động cơ đang cao nhiệt.
  • Nhà bếp cho thêm Nước vào nồi canh, để làm nhạt, giảm độ mặn món ăn.
  • Khách đi đường xa bị rát họng khô cổ, uống Nước vào thấy mát rượi, dễ chịu.
  1. Tăng Trưởng vươn cao:
  • Nhà vườn tưới Nước cho rau xanh, cây non…phát triển tươi tốt mỗi ngày.
  • Mùa khô, chủ nhà mở vòi Nước xịt tứ phương, giúp cây cỏ thổ cư xinh tươi, không úa tàn.
Các tôn giáo dùng Nước để chúc lành, thánh hoá.
  • Cử hành bí tích Rửa Tội, thừa tác viên đổ Nước trên đầu, giúp thụ nhân được sạch Nguyên Tội, thánh  hoá thụ nhân thành con Chúa và Hội Thánh.
  • Linh mục rảy nước thánh, làm phép Nhà, phép Tàu, phép Tiệm…xin Chúa chúc lành, bảo vệ, che chở cho mọi sự tốt đẹp.
  • Người Ấn Giáo tắm nước ở dòng sông Hằng, tẩy xoá tội lỗi, cầu mong ơn phúc…
C. Nước thanh tẩy và nước thánh hoá trong Kitô Giáo.
  1. Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép Rửa tại bờ sông Giođan (Lc 3:7):
    + toàn dân đến nghe lời Gioan rao giảng và mời gọi sám hối.
    + họ quyết tâm cải thiện và canh tân đời sống thăng hoa.
    + mỗi người đón nhận phép Rửa bằng Nước, thanh tẩy mọi tỳ ố với lòng ăn năn, từ bỏ sự xấu.
  1. Đức Giêsu Kitô thánh hoá kitô hữu trong Thánh Thần và trong Nước (Ga 3:5):
    + hủy diệt vết nhơ Nguyên Tội hằng lưu truyền.
    + Thần Khí thánh hoá nên tạo vật mới: làm con Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha (Rm 8:15).
    + nhận Ơn Thánh từ trời ban tặng: sống thực hành kính Chúa hết lòng và yêu mến anh em như chính bản thân mình. 
Thánh Giám Mục Mác-xi-mô nói: “Đức Kitô chịu phép Rửa không phải để được nước thánh hoá nhưng là để chính Người thánh hoá nước và dùng sự thanh sạch Người mà thanh tẩy dòng nước”.
 
D.  Dìm mình trong Nước luôn mãi, để nên Sạch và Mới từng ngày.
 
Khi nhận bí tích Thánh Tẩy trong nước và Thánh Thần, thụ nhân được goi là kitô hữu.  Hiểu theo Nho ngữ, “kitô hữu” là người có Chúa Kitô ở trong mình.  Bởi thế, ta phải cố gắng “sống Thánh giữa Đời”, hầu xứng danh ‘kitô hữu”, người thuộc về Chúa Kitô.
  • Năng lãnh nhận nguồn ân sủng trong các Bí Tích: có Chúa đồng hành với ta mỗi ngày.
  • Kín múc mãi Lời Hằng Sống trong Kinh Thánh, trong Giáo Lý Công Giáo, trong giáo huấn Giáo
     Hội giảng dạy, trong Giáo Luật: có Thánh Ý Chúa hướng dẫn ta sống Đạo tốt lành.
  • Tắm Rửa thường xuyên trong Kinh Nguyện, Lễ Dâng: phương thế hiệp thông Chúa luôn luôn.
  • Thanh Tẩy từng đêm trong Xét Mình cá nhân, “nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân”: giúp nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5:48).
Có một thiếu phụ khô khan nguội lạnh, yếu lòng tin. Gặp đau khổ trong cuộc sống, bà luôn bi quan nghĩ rằng: Chúa đã quên lãng, bỏ rơi bà. Một hôm, bà bế con thơ đến gặp mục sư Collins, xin ông cầu nguyện giúp Bà khỏi khốn cực. Vị mục sư yêu cầu: “Bà hãy buông đứa bé xuống đất di?”.  
            Thiếu phụ nhìn mục sư, trả lời: “Ông điên à, không hiểu tại sao ông bảo tôi làm điều ấy?”.
            Vị mục sư thách thức: “Nếu có ai trả cho bà một số tiền lớn để Bà buông đứa bé rơi xuống sàn nhà, bà có sẵn sàng ham tiền, mà làm việc ấy chăng?”. “Không bao giờ”, người thiếu phụ tức giận nói. “Dù người ta có cho tôi nhiều tiền như sao trên trời, giúp tôi bớt khổ, tôi sẽ không đời nào buông con tôi rơi xuống đất để nó phải chết”. Lúc ấy, mục sư Collins mới ôn tồn khuyên bảo: “Có khi nào bà nghĩ là tình thương của bà dành cho con mình lớn hơn tình thương của Cha trên trời đối với con cái của Người ư?”  (Lời Chúa và Cuộc Sống, Mùa Giáng Sinh, trang 89).
 
Hãy biết dìm mình trong Ơn Thánh để nhận thức Thiên Chúa hằng yêu thương ta biết chừng nào!!!
 
Rất nhiều lần đến với Chúa, ta cứ tưởng mình tin tưởng và kínb mến Chúa thật.  Song thực tế, kinh nghiệm dạy ta biết rằng: ta thường đến gặp Chúa khi có nhu cầu, khi tâm hồn ta đong đầy ưu tư nặng trĩu, lòng chất chứa những toan tính vụ lợi, mong Chúa ra tay cứu giúp mình.
 
Thật giống như: một nhóm kitô hữu tụ họp cầu nguyện tại một ngôi nhà trong xóm. Trước mặt tiền ngôi nhà ấy, họ treo biểu ngữ với hàng chữ “Jesus Only” (chỉ vì Chúa Giêsu mà thôi). Thế nhưng, một cơn gió mạnh bất ngờ thổi đến, làm bay mất 3 mẫu tự đầu tiên, chỉ còn lại các chữ “Us Only” (chì vì chúng ta mà thôi). Rõ ràng: họ cứ nghĩ là mình cầu nguyện cho sáng danh Chúa, nhưng đúng hơn, ý hướng cá nhân đã thực sự chi phối việc làm đạo đức của họ (Lời Chúa và Cuộc Sống, mùa T. Niên I, trang 42).
 
E. Lời Nguyện kết thúc.
 
Lạy Chúa! Hạnh phúc cho Con khi được làm con Chúa, được trở thành một kitô hữu.  Xin giúp Con luôn ghi nhớ Hồng Ân Qúi Báu này, biết tu luyện bản thân nên tốt, gắng liên tục dìm mình trong Ơn Sủng ngàn đời của Chúa, năng thăng tiến cuộc sống mình bằng Lời Chúa sáng soi mỗi ngày.  AMEN.
 
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.

Comments are closed.