Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật II Thường Niên C – TÌNH YÊU CHAN CHỨA RƯỢU NỒNG (Ga 2:1-12)

  Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật II Thường Niên C – TÌNH YÊU CHAN CHỨA RƯỢU NỒNG (Ga 2:1-12)

Chỉ còn khoảng ba tuần nữa, người Việt Nam chúng ta sẽ hân hoan chào đón Tết mới, mừng Xuân Qúi Tỵ 2013. Ông bà tổ tiên xưa nay thường nói: Năm hết, Tết đến. Năm mới, con người mới. Bởi thế, thói quen cưới Vợ, gã Chồng cho con cháu dịp cuối năm, vốn là một truyền thống, phong tục không thể nào quên. Đôi bạn trẻ được Cha Mẹ lo cưới hỏi, để những ngày đầu Xuân; tân lang và tân nương mang lễ phẩm (cặp bánh, đôi chai rượu) đi Tết mới, ra mắt và nhận họ Nội Ngoại hai bên…

Tuy vô tình nhưng thật đúng ý người Việt Nam, khi Giáo Hội chọn bài Phúc Âm tuần này, xoay quanh câu chuyện tiệc cưới tại Cana, một xóm làng thân thuộc với Đức Maria và Chúa Giêsu. Đường dài từ Nazareth xuống Cana khoảng 8 dặm, dân cư ngụ trong vùng chẳng bao nhiêu, nên chủ tiệc ưu ái mời mọi người thân thuộc đến chung vui. Lệ thường, tiệc cưới người Việt chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ là no thoả, song le tiệc hôn nhân người Do Thái có thể liên tục dài ngày. Bởi thế, cô dâu chú rể tiếp khách suốt buổi này sang buổi khác, chẳng khác gì tuần trăng mật “honeymoon” nối dài cho riêng họ. 

Một chuyện nan giải éo le, xảy đến bất ngờ cho tiệc cưới: thiếu Rượu ngon, để chiêu đãi khách uống.  Chủ tiệc có vẻ bối rối, khó xử. Đức Maria là người quen biết nhà đám, nhạy bén nhận ra vấn đề bế tắc.  Mẹ khẩn cầu cùng Chúa Giêsu, con Mẹ. Ngài nhậm lời Mẹ nài van: nước hoá rượu tràn trề, lai láng.
 
A. Tiệc Vui cần có thức ăn ngon và rượu nồng.
 
Con người “không ai là một hòn đảo’, mỗi cá nhân đều thích sống hợp quần, liên kết.  Tiệc Vui ăn uống với nhau là cơ hội giúp mọi người gần gũi, gia tăng tình yêu thương thân thiết hơn.
  • Tiệc tân gia, chúc mừng gia chủ có nhà mới, “an cư” rồi mới “lạc nghiệp”.
  • Tiệc thôi nôi, chia vui vợ chồng trẻ có con cái nối dõi tông đường “đa tử, đa tôn, đa phú qúi”.
  • Tiệc ra trường, hiệp thông niềm vui với các sinh viên vừa tốt nghiệp, “hy vọng đã vươn lên”.
  • Tiệc thượng thọ, mừng ông bà sống lâu trăm tuổi, mỗi ngày thêm “trường thọ, khang an”.
Ăn Tiệc thì phải có rượu vào lời ra, niềm vui mới ngọt ngào, lan toả; nụ cười mới thấy “ép-phê”.
  • Nhiều thực khách ưa quen sánh ví: “Muốn ăn ngon, phải đủ hai yếu tố: thứ nhất tốt Nhắm, thứ nhì Lắm anh em”Nghĩa là: làm cỗ to, mà không có đồ nhậu tốt, rượu ngon, không có đông người tham dự…thì mất vui.
  • Một số dân nhậu, lại bạo miệng quảng cáo:  “Nam vô tửu như kỳ vô phong”.  Đàn ông mà không biết uống rượu, chẳng khác gì lá cờ bay phất phơ, thiếu sức mạnh của gió thổi. Phải ăn cho ngon, uống cho no say, dzô “trăm phần trăm” đều đều, mới xứng đáng là “dân chơi thứ thiệt”.
Do đó, tiệc cưới mà thiếu rượu như tại Cana, là một dấu hiệu mất Vui, kẻ mê tín cho đó là “điềm xui”.
  • Rước cô dâu về nhà chồng: đôi bạn trẻ đến trước bàn thờ tổ tiên, đốt nến thắp nhang kính bái di ảnh Ông Bà Nội Ngoại bên chồng. Bất ngờ, nến Cô Dâu cháy đều, nến Chú Rể gió thổi vụt tắt, người xấu bụng cho là “điềm xui”, Chú Rể sẽ yểu mệnh, chết sớm / Cô Dâu sẽ lấn át, ăn hiếp ?
     
  • Đón dâu đến cổng nhà chồng: Pháo Nổ cả dây dài chục mét, chào mừng tân lang & tân nương.  Nào ngờ, khi viên pháo Đại sau cùng nổ đùng một tiếng lớn, lộ ra một miếng vài đỏ với câu chúc vô tình “Thiên Thu Vĩnh Biệt” thay vì “Trăm Năm Hạnh Phúc”, khiến lắm kẻ xôn xao tin rằng điềm xui cho đôi tân hôn sẽ xảy đến “ngày tàn của Chú Rể / thời nở hoa của Cô Dâu” ?
Thực sự, kitô hữu tin vào một Thiên Chúa quan phòng, Ngài yêu thương ban phát mọi sự lành cho ta.  Không có chuyện “điềm hên, điềm xui”, khi thiếu Rượu giữa tiệc, khi nến tắt trên bàn thờ, khi phong Pháo Nổ bị ai đó chơi xấu, hay vô tình lầm lỗi, dán vào câu “thiên thu vĩnh biệt” thay cho các câu: “song hỉ”, “tình thắm duyên nồng”, “tình nặng duyên sâu”, “mãi mãi bên nhau”…
 
Đám cưới ngày xưa là thế. Song thực tế, tiệc cưới hôm nay ở Hoa Kỳ, làm gì có chuyện thiếu Rượu?
  • Khi gửi thiệp mời đám cưới, cô dâu chú rể luôn kèm thêm Thiệp Hồi Báo cho từng vị khách, thư trả lời cho đôi bạn trẻ biết Họ có đến dự tiệc hay không. Gần ngày hôn lễ, Cô Dâu Chú Rể mới tổng kết các Thư Hồi Âm ấy, mà biết rõ số người sẽ tham dự để đặt tiệc Nhà Hàng và mua số Rượu tương ứng tiếp khách.
  • Hơn nữa, Tiệc vui bây giờ lỡ hết Rượu, chủ tiệc sẽ nhanh chóng gọi Phone liên hệ: bảo đảm vài phút sau có người mang tới tận nhà hàng, tiếp Bia Rượu nhiều vô kể. Thậm chí, một số Nhà Hàng cũng có nguồn dự trữ Bia Rượu, sẵn sàng hỗ trợ chủ tiệc đến nơi đến chốn…
B. Đời sống Hôn Nhân cần có rượu nồng Yêu Thương, Cảm Thông và Chia Sẻ.
 
Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người và sống trong một gia đình, cư ngụ ở Nazareth.  Gia Đình Thánh của Ngài, có Thánh Giuse là cha nuôi và Đức Maria là mẹ ruột.
Đời sống hôn nhân của Thánh Cả Giuse và Đức Mẹ luôn thắm nồng Rượu Tình chan chứa.
  • Chan chứa tình Yêu Thương:
    o   tôn trọng sự thanh khiết của nhau, suốt thời gian sống chung.
    o   đặt hạnh phúc người mình yêu lên trên tham vọng ích kỷ cá nhân.
    o   không phản bội, giận hờn, hủy diệt nhưng luôn xây dựng tình mến cho nhau.
  • Chan chứa sự Cảm Thông:
    o   hiểu được vị thế và trách nhiệm người mình yêu, mà nâng đỡ, phụ giúp, ủi an.
    o   quan tâm nhu cầu chung, cùng san sẻ mọi trách nhiệm hỗ tương.
    o   xem Thánh Ý Chúa luôn trọng yếu hơn mọi ước muốn riêng mình.
  • Chan chứa hành vi Chia Sẻ:
    o   cùng nhau lao động cần cù, giúp thăng tiến cuộc sống.
    o   cùng chia sẻ bổn phận mình với các thành viên khác trong gia đình.
    o   đồng cảm mọi gánh nặng buồn, vui trong mái ấm êm đềm ẩn dật Nazareth.
Theo gương Thánh Gia Nazareth, thiết tưởng tình yêu thương nơi các đôi vợ chồng hôm nay cũng thế.  Hạnh phúc gia đình thế gian, cũng rất cần đầy đủ những Rượu Ngon nồng nàn tương tự.
  • Rượu nồng Yêu Thương:
    o   hy sinh, nhẫn nhục, chịu đựng gian khó; sống chết cho nhau.
    o   dám quên mình, để sống vị tha, bỏ qua những lầm lỗi.
    o   nhìn điểm Tốt nơi người yêu hơn là đay nghiến mãi các sai sót sủa họ.
  • Rượu nồng Cảm Thông:
    o   hiểu những yếu đuối con người, giúp nhau xây dựng nên tốt.
    o   hâm nóng luôn những kỷ niệm đẹp, những thời điểm đáng nhớ của gia đình.
    o   biết đáp ứng và phát triển những sở thích tốt của nhau.
  • Rượu nồng Chia Sẻ:
    o   liên đới, hỗ trợ nhau mưu sinh, giúp thăng hoa kinh tế gia đình.
    o   hiệp thông hợp nhất trong bổn phận làm cha mẹ, giáo dục con cái nên tốt.
    o   trao đổi, thảo luận và cộng tác thực hiện mọi sinh hoạt trong mái nhà chung.
Giêrêmia là một chàng trai hiền lành tốt bụng. Anh yêu một cô gái cao hơn anh rất nhiều. Mỗi buổi tối, anh thường bách bộ đến sở làm của người yêu, đưa đón nàng về nhà cô ta. Giữa đường, Anh rạo rực muốn tặng nàng nụ hôn, song rụt rè nhút nhát. Một tối nọ, Giêrêmia lấy hết can đảm nói với cô gái: “Em cho phép Anh được hôn em nhé!”. Nàng đồng ý, nhưng Anh thấp quá, không sao thể hiện được. Chợt thấy trong xưởng thợ rèn gần đó, có một chiếc đe vừa vặn, cho Giêrêmia đứng lên. Anh sử dụng nó, để thoả mãn lòng mong ước. Sau đó, anh vác luôn chiếc đe mang theo mình, chẳng khó khăn gì. Đi được một đoạn, Giêrêmia lại nói với người yêu: “Cho Anh hôn thêm một cái nữa đi, Em yêu!”. Cô nàng khó chịu: “Không được. Em đã cho rồi, một lần như thế là đủ rồi”. Anh bèn lý sự: “Sao nảy giờ Anh cứ vác chiếc đe nặng nề này theo Em, mà Em cứ im lặng không nói sớm đi, để Anh vứt nó?’.
 
Đúng là một tình yêu thiếu Rượu nồng. Khi đã yêu, vật có nặng bao nhiêu cũng thành nhẹ. Ngược lại, khi đã Không Còn Yêu Thương, thì vật gì nhẹ cách mấy, cũng ttở thành gánh nặng biết bao!!!
 
C. Hãy mời Chúa và Đức Mẹ hiện diện trong gia đình mình luôn mãi.
 
Nhà văn Lệ Hằng trước 1975, trong tác phẩm Chết Cho Tình Yêu có viết:  “Yêu nhau là cầm tù nhau đời đời, cắn rứt nhau mãi mãi và giận nhau thiên thu”. Tình yêu làm cho hai bạn tình bị mê mệt, gợi hứng cho cô dâu chú rể phải gắn bó, là chất xúc tác giúp vợ chồng luôn “ăn đời, ở kiếp”, khó bỏ nhau.
 
Để yêu thương, họ cần có: Rượu nồng kính mến, Rượu nồng cảm thông, Rượu nồng chia sẻ.  Nhưng làm sao để có các Rượu ấy đầy đủ, giúp đôi bạn sống yêu nhau đến ngày răng long, tóc bạc?
  • Nơi tiệc cưới Cana, cô dâu chú rể suýt bị “quê độ” vì thiếu Rượu bất thình lình giữa buổi tiệc.  May mắn thay, Đức Maria là khách qúi được mời dự tiệc, biết rõ sự khó của họ, Mẹ đã nhờ Chúa Giêsu hỗ trợ. Và phép lạ “nước hoá rượu” xảy ra, giúp nhà đám có đủ rượu, ngon hơn.
  • Hạnh phúc hôn nhân Công Giáo, nhiều khi thiếu Rượu đạo đức, tin tưởng và yêu mến nhau, đời sống chung bị ảnh hưởng. Những lúc ấy, vợ chồng hãy rước Chúa và Đức Mẹ vào trong gia đình mình. Chắc chắn, Chúa sẽ làm phép lạ giúp xua tan mọi bất hoà, nghi kỵ, lo lắng trong ta.
Đôi vợ chồng nọ cưới nhau đã 12 năm, nhưng vẫn hiếm muộn không con. Họ tốn tiền chạy chữa Bác Sĩ khắp nơi, song không thấy tín hiệu khả quan. Hôm ấy, tháng Mân Côi, giáo xứ tổ chức long trọng đón rước tượng Đức Mẹ Thánh Du Fatima mang từ Rôma về. Cha Xứ cho phép mỗi gia dình được luân phiên đón tượng Đức Mẹ vào nhà mình ở một ngày, cử hành giờ Tôn Vương. Đôi vợ chồng hí hửng chào đón tượng Mẹ đến tư gia, khẩn nài Mẹ cứu giúp, cầu Chúa ban cho họ niềm vui có con thơ.  Quả nhiên sau đó một năm, cậu Qúi Tử kháu khỉnh chào đời. Hai vợ chồng giữ lời hứa, từ đó về sau, mỗi Thứ Bảy đầu tháng, họ đi làm về sớm, đến nhà thờ dâng lễ, làm việc tạ ơn Chúa và Đức Mẹ.
 
Cha Thánh Gioan Boscô khuyên nhủ các thanh thiếu niên:  “Hãy chạy đến với Đức Mẹ, các con sẽ thấy phép lạ là thế nào?”.  Thánh Viện Phụ Bênađô trước đó, cũng đã xác tín:  “Từ xưa đến nay, chưa từng có ai chạy đến cùng Đức Mẹ, xin cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời”.
 
Bởi vậy, “qua Mẹ đến với Chúa Giêsu”, Mẹ đã từng giúp đôi tân hôn tại Cana gỡ được thế cờ bí “thiếu Rượu”, lẽ nào đôi vợ chồng ngày nay, thiếu lòng tin tưởng, cậy trông, kính mến vào Chúa và Đức Mẹ?  Hãy mời Chúa và Đức Maria vào hiện diện, cư ngụ trong mái nhà chung của mình luôn mãi:
  • giữa nhà, có bàn thờ đặt Thánh Giá, tượng Chúa và Đức Mẹ ngự nơi trang trọng nhất.
  • mua một quyển Kinh Thánh để nơi thuận tiện, dễ thấy; dung chung cho gia đình.
  • mỗi thành viên trong nhà có Tràng Hạt riêng, để lần hạt Mân Côi hàng ngày.
  • cuối tuần, sớm tối gia đình họp mặt, đọc kinh chung, đêm về phó thác linh hồn cho Chúa.
  • trang hoàng hoa tươi, đèn điện tươi sáng…toả lan Nhan Thánh Chúa và Mẹ luôn mãi.
  • cả gia đình đi dự lễ chung Chúa Nhật, làm việc công giáo tiến hành giúp giáo xứ, cộng đoàn.
  • nghỉ Vacation hàng năm, đi xa hành hương Đất Thánh, tham dự Đại Hội Thánh Mẫu Lavang..
D. Lời Nguyện kết thúc.
 
Lạy Chúa Giêsu! Ngày xưa, cùng Mẹ vào đời, Chúa đã can thiệp giúp đôi tân hôn ở tiệc cưới Cana.  Hôm nay, con cùng Mẹ bước đi, trên đường đầy bao gian nguy, xin Chúa tiếp tục che chở, ban cho gia đình chúng con đầy Rượu tình yêu mến, chan hoà niềm hạnh phúc và khang an.  AMEN.
 
Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.

Comments are closed.