Luật trọng đại nhất
Hôm nay Chúa Nhật 30 Thường Niên, Chúa Giêsu và Mẹ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng ta một giới luật quan trọng nhất của người tín hữu Kitô, đó là giới răn "Mến Chúa và Yêu Người". Đây là một giới răn được gồm tóm tất cả các giới răn trong đạo. Vì thế, khi đến trần gian, Chúa Giêsu không chỉ đến để giải thoát con người khỏi mọi tội lỗi mà thôi, nhưng Ngài muốn giải thoát con người một cách toàn diện, tức là khỏi mọi áp bức bất công, khỏi mọi độc tài kìm kẹp, cốt để đem lại cho con người được tự do, hầu sống đúng với phẩm giá của mình là người Kitô hữu. Vào thời Chúa Giêsu, trong xã hội Do Thái bấy giờ, con người lúc nào cũng bị trói buộc bởi những lề luật. Bởi thế, người ta đếm được 248 điều dạy phải làm và 365 điều buộc phải tránh. ‘Nhất cử nhất động’ con người đều nằm trong mạng lưới chằng chịt của lề luật. Đó là điều làm cho con người lúc nào cũng mang tâm trạng lo âu, sợ sệt. Không biết tôi làm điều kia việc nọ có đúng luật không? Và nếu tôi sai luật thì tôi không phải là người công chính.
Thật vậy, nếu con người chỉ căn cứ vào những luật lệ bó buộc như vậy thì đó là một sai lầm, vì lấy lề luật làm nền tảng cho đời sống luân lý để đo mức độ công chính của đời sống con người. Bởi vậy, chúng ta không lạ gì thế giới có học của thời đại Do Thái bấy giờ, như các luật sĩ và biệt phái nhờ học biết luật và giữ luật nên họ cho là công chính, là thánh thiện, là hoàn hảo hơn người, đến độ trở nên kiêu căng, hách dịch với đại đa số dân chúng là những người không am tường lề luật để tuân giữ.
Nhưng Chúa Giêsu đến, Ngài đã đặt lại nền tảng sự công chính, đem đến sự sống đời đời trên tình yêu thương. Ngài đã phản đối những lề luật chẻ cọng tóc ra làm tư đó. Lề luật đặt ra để giúp cho con người, chứ không phải con người sinh ra để giữ lề luật. Vì thế, Chúa Giêsu đã đưa ra một giới luật yêu thương hết sức quan trọng: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi". Đó là điều răn thứ nhất, và điều răn thứ hai cũng giống như điều răn thứ nhất là "ngươi hãy yêu thương anh em như chính mình ngươi". Thật ra, Chúa Giêsu không dạy làm điều chi mới lạ, vì hai điều răn đó đã có trong Cựu ước, trong sách Đệ Nhị Luật và Lêvi. Ngài chỉ lấy hai điều đó nhập lại làm một và đặt nó làm nền tảng cho đời sống con người chúng ta.
Chúa Giêsu đã dạy cho con người biết Thiên Chúa là người Cha nhân từ. Trong lịch sử nhân loại, đây là lần đầu tiên qua lời dạy của Chúa Giêsu, con người gọi Thiên Chúa là Cha: "Lạy Cha chúng con ở trên trời". Một người con ngoan biết thương cha mến mẹ, khi làm một việc gì không cần phải coi cha mẹ tôi có cấm cái này không? Có cho phép cái kia không?
Nếu có cấm thì cố tìm xem trong các lời cấm đó có câu nào, tiếng nào để có thể tìm ra một kẽ hở để lánh qua không? Nhưng một người con ngoan bao giờ cũng tự hỏi: "Tôi làm cái này, cha mẹ tôi có vui không? Và tôi chỉ thích làm cho cha mẹ tôi hài lòng mà thôi ".
Thánh Augustinô sau khi hiểu rõ lời dạy của Chúa Giêsu, ngài đã đưa ra một định luật táo bạo: "Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm". Khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta đâu dám cả lòng cố tình làm mất lòng Thiên Chúa được. Khi chúng ta yêu mến anh chị em mình thật lòng, thì làm sao chúng ta dám nói xấu người khác được, làm sao chúng ta thấy người hoạn nạn mà mình vui được, làm sao chúng ta cố tình làm hại người khác được.
Để dễ thấy tầm quan trọng của hai điều răn "Mến Chúa và Yêu Người" trong đời sống, chúng ta hãy hình dung đó là hai chiều kích trong cuộc sống của người Kitô hữu chúng ta: Chiều dọc nối liên hệ với Thiên Chúa và chiều ngang nối liên hệ với tha nhân. Hai chiều kích đó hợp lại thành cây Thánh giá, đó là dấu hiệu của người Công giáo chúng ta. Hằng ngày chúng ta thấy hình ảnh của cây Thánh giá khắp nơi, trong nhà thờ, nơi nhà ở và chúng ta còn có những người luôn mang Thánh giá trong mình, bởi thế không ai có thể hình dung cây Thánh giá mà chỉ có một chiều hoặc dọc hoặc ngang mà thôi.
Tôi còn nhớ trong những năm chiến tranh ở Việt Nam, một đêm nọ họ đạo tôi bị pháo kích, sáng ra tôi đi thăm hỏi và an ủi kẻ đau khổ và thăm những người lớn tuổi để củng cố tinh thần của họ trong cảnh lo âu sợ hãi. Tôi ghé thăm một bà đạo đức nọ, bà đi lễ hằng ngày không bỏ sót một ngày nào hết; Chúa Nhật có hai lễ bà cũng đi dự cả hai Thánh lễ luôn. Nhưng khi tôi ghé vào thăm bà, bà nói với tôi rằng: "Thưa cha, thật Chúa thương con vô cùng, vì đêm rồi khi họ pháo kích vào làng, con cầu xin Chúa hết lòng hết sức và Chúa đã nhận lời con rõ ràng cha ơi. Bằng chứng là bao nhiêu bom đạn, pháo kích đều rơi ở xóm trên hết". Bấy giờ tôi nghĩ thầm trong lòng: "Chúa mà nhận lời bà kiểu đó, thì chết mẹ người ta hết rồi".
Vậy khi chúng ta chỉ mến Chúa mà quên yêu người thì cũng lố bịch và buồn cười như câu chuyện của bà già trên vậy thôi. Tình yêu đối với tha nhân phải là sự biểu lộ ra bên ngoài của tình yêu đối với Thiên Chúa. Tình yêu đối với Thiên Chúa hoàn thiện hoá đối với tha nhân, không thể tách rời hai tình yêu đó ra khỏi đời sống đạo của mình được.
Khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa thật sự, tự nhiên chúng ta cảm thấy yêu mến tất cả anh em đồng loại của mình, và khi chúng ta yêu mến anh em đồng loại của mình đến nơi, đến chốn với tất cả lòng bác ái vị tha, tự nhiên tâm hồn chúng ta hướng về Thiên Chúa. Chúng ta nên nhớ kỹ hai điều này: "Ai bảo mình mến Chúa mà không yêu thương anh em thì là kẻ nói dối. Còn ai bảo mình yêu người mà không mến Chúa thì là sai lầm".
Xin Chúa cho tất cả chúng ta được mến Chúa hết tâm hồn, biết yêu thương anh em mình như chính mình vậy, để cho danh Chúa được cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Sưu tầm