ĐTC Phanxicô bổ nhiệm tân Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

ĐTC Phanxicô bổ nhiệm tân Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

ĐTGM Edgar Penha Parra sinh năm 1960, tại Maracaibo bên Venezuela. Ngài được thụ phong Linh Mục năm 1985. Ngài gia nhập ngành ngoại giao Tòa Thánh từ năm 1993 và đã phục vụ tại các nhiệm sở ngoại giao Tòa Thánh ở các nước Kenya, Yougoslavia, cũng như tại văn phòng quan sát viên Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc ở Genève và sau đó tại các Tòa Sứ Thần Tòa Thánh bên Nam Phi, Honduras và Mêhicô. Năm 2011, ngài được bổ nhiệm làm TGM Sứ Thần Tòa Thánh tại Pakistan, và từ năm 2015 là Sứ Thần Tòa Thánh tại Mozambic. ĐTGM Parra thông thạo các thứ tiếng Tây Ban Nha, Ý, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Serbo-Croat.

ĐTGM tân Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sẽ bắt đầu nhiệm vụ mới ngày 15 tháng 10 tới đây, thay thế ĐHY Giovanni Angelo Becciu, đã được chỉ định làm  tân Bộ trưởng Bộ Phong Thánh

Linh Tiến Khải

Giới lãnh đạo các tôn giáo tại Kenya lên án các vụ khủng bố bạo lực

Giới lãnh đạo các tôn giáo tại Kenya lên án các vụ khủng bố bạo lực

NAIROBI: Trong một cuộc họp báo tuần vừa qua giới lãnh đạo các tôn giáo tại Kenya đã mạnh mẽ lên án các hành động khủng bố phá hoại nhằm khuynh đảo tình hình trong nước.

Tham dư cuộc họp báo cũng có ĐC Cornelius Kipng’eno Arap Korir, Giám Mục Eldoret kiêm chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hoà Bình của HĐGM Kenya, ĐC Zaccheus Okoth, TGM Kisumu, và ĐC Joseph Obanyi Sagwe, GM Kakamega kiêm chủ tịch Uỷ ban truyền thông của HĐGM Kenya.

Các vị lãnh đạo tôn giáo xác tín rằng các vụ tấn công bị lột mặt nạ như là khủng bố hay cướp bóc, trái lại đã được phối hợp nhằm làm cho dân chúng phải tản cư chạy loạn, để không thể tham gia cuộc tổng tuyển cử dự trù vào ngày mùng 8 tháng 8 tới đây.

Các tấn công mới đây bị gán cho lực lượng hồi cuồng tín Al Shabab Somali tại Lamu, đã khiến cho 9 người chết và thêm 5 người khác tử vong, khi cảnh sát tìm cách giải thoát các con tin. Thêm vào đó là các vụ cướp bóc tại Baringo và Laikipia đã khiến cho tình hình thêm căng thẳng, khiến người ta nhớ tới bầu khí bạo lực trong cuộc bầu cử hồi năm 2007. Các vị lãnh đạo các tôn giáo yêu cầu Uỷ ban bầu cử độc lập duy trì sự trong sáng tuyệt đối trong việc ghi danh các cử tri, và mau chóng công bố kết quả cuộc bầu cử.  Lý do đầu tiên của các vụ bạo động hồi năm 2007 đó là sự chậm trễ công bố kết quả  cuộc đầu phiếu (FIDES 18-72017)

Linh Tiến Khải

“Bàn tay bị đập vỡ” – Hồi ký của cha Luigi Ginami, nhà truyền giáo ở Kenya

“Bàn tay bị đập vỡ” – Hồi ký của cha Luigi Ginami, nhà truyền giáo ở Kenya

Chúng tôi đang ăn tối tại Tòa Giám mục Garissa, một căn nhà đơn giản và sạch sẽ, nơi mà sự tiếp đón cho thấy trái tim lớn lao của đức cha Joe, tên gọi thân mật của đức cha Josep Alessandro. Tôi ngồi đối diện với ngài, bên phải là thầy Joseph và bên trái là Jimmy; bên trái đức cha là Doreen. Chúng tôi gần kết thúc một ngày dài, bắt đầu từ 4 giờ sáng; một ngày mà tôi, Jimmy và Doreen bị hoảng sợ vì tai nạn xảy ra trên đường đi; một ngày đói khát, nóng nực và sợ nhóm Al Shabaab – đảng Trẻ – một nhóm Hồi giáo bảo thủ ở châu Phi…

Tại bàn ăn, chúng tôi nói về tầm quan trọng của sự kiên định của các Kitô hữu trước các thánh thức của chủ nghĩa hồi giáo. Tôi kể lại với đức cha về các kinh nghiệm của tôi khi ở Iraq, ở Gaza và ở Bura Tana.  Chủ nghĩa Hồi giáo bạo lực, trước khi nổi giận với các Kitô hữu, họ nổi giận với các dấu hiệu của Kitô giáo; trước tiên là các Thánh giá và các tượng Chúa chịu nạn. Tôi nhớ, vào năm 2014, khi tôi đang ở dải Gaza trong thời gian chiến tranh, các nữ tu của Mẹ Têrêsa Calcutta đã kể với tôi: các chị đặt một tượng Đức Mẹ ở lối ra vào của cơ sở nuôi trẻ em khuyết tật người Hồi giáo và treo một chuỗi Mân côi bằng nhựa ở tay Đức Mẹ. Thế mà, hầu như mỗi tuần, chuỗi Mân côi này lại được nhìn thấy nằm trên nền đất, còn thánh giá thì bị đập bể. Các nữ tu nhanh chóng thay thánh giá khác, nhưng rồi thánh giá cũng bị đập bể nhanh chóng. Cũng ở Gaza, Ramy, một tín hữu Tin lành có tiệm bán các sách Kinh thánh, tiệm của anh đã bị đốt và rồi chính anh cũng bị giết cách dã man. Tại Iraq, tôi nhìn thấy các nhà thờ gần thành phố Mosul bị xâm phạm, các thánh giá lớn bị ném xuống đất và vỡ tan tành…. Năm ngoái, khi viếng thăm điểm truyền giáo Bura Tana, nơi chúng tôi đã xây một nhà thờ nhỏ kính các thánh tử đạo, trên tường ở lối vào điểm truyền giáo có một thánh giá và thánh giá này đã bị nhổ đi…

Đức cha Joe nghe tôi kể với sự chăm chú và im lặng. Rồi ngài nói với tôi: “Cha không cần phải đi thật xa để tìm những dấu chứng của sự phạm thánh. Tôi kể cho cha nghe một câu chuyện nhỏ. Từ Malta người ta tặng cho chúng tôi một tượng Đức Mẹ rất đẹp, trong tay bế Chúa Giêsu Hài đồng. Tượng cao khoảng một mét, được sơn vẽ cẩn thận, nhưng không có giá trị lớn lắm. Tôi nghĩ đến việc đặt tượng bên ngoài trại mồ côi, nơi nhận nuôi phần lớn trẻ em Hồi giáo, bởi vì ở Garissa không có các cơ sở nhận các trẻ mồ côi như chúng tôi làm. Pho tượng nhỏ được đặt ở lối vào của tòa nhà, với Chúa Giêsu đang giang đôi cánh tay với đôi bàn tay bé nhỏ của Người. Một buổi sáng tồi tệ, tôi tìm thấy pho tượng bị xúc phạm: họ đã đập gãy đôi bàn tay nhỏ và để nó ở chân tượng; một bàn tay bị vỡ vụn, bàn tay còn lại còn nguyên. Tôi đã lượm lại bàn tay nhỏ và quyết định mang pho tượng về tòa giám mục này…

Đức cha tiếp tục nói với tôi: “Pho tượng đó đang ở đây! Cha Luigi, tượng đó đang ở góc nhà bên cạnh cha.” Tôi từ từ quay lại và nhìn thấy pho tượng. Một nỗi buồn da diết tràn ngập trái tim tôi. Chúa Giêsu Hài đồng dễ thương không còn đôi bàn tay nữa. Ngài bị tàn phế rồi! Dường như ngài đã bị khuyết tật, giống như một em bé cần được chăm sóc và giúp đỡ. … Tôi đứng lên, đến gần pho tượng nhỏ với lòng kính mến…. Tôi nói với Chúa Giêsu: “Họ đã làm gì Chúa vậy? Chúa Giêsu của con, họ đã chặt đôi tay của Chúa! Chúng con, những kẻ khốn khổ, làm gì đây khi không có bàn tay thương xót của Chúa?”…

Đức cha Joe nói: “Bàn tay đó chúng ta phải gắn vào pho tượng, nhưng mà luôn thiếu bàn tay kia.” Tôi nói: “Nếu mà mọi người để pho tượng nguyên như cũ, con sẽ lấy bàn tay!” Tôi nhận ra mình hơi táo bạo khi yêu cầu như thế, nhưng bàn tay này thật thu hút tôi. Nó là một thách thức tuyệt vời. Một dấu hiệu của sự khinh miệt mà mỗi cuộc bách hại tôn giáo đều có… Việc chặt đứt bàn tay Chúa Giêsu nghĩa là chà đạp phẩm giá của ngài, đối với tôi, nó là một thách thức dữ dội từ pho tượng câm nín: “Cha Luigi, con có muốn là đôi tay của Ta mà bây giờ bị đập vỡ vì sự hận thù của con người không?”

Thách thức này đi vào lòng tôi như một tiếng nói nhỏ, một tiếng thì thào, rồi nổ bùng như tiếng sấm: “Cha Luigi, hôm nay con có muốn là bàn tay của Ta không?” Bàn tay nhỏ bằng thạch cao, không có giá trị gì mấy, đang nằm trong lòng bàn tay tôi, đưa tôi ngược lại thời gian, nhiều năm trước đây, bàn tay tôi được đức giám mục xức dầu và trở nên bàn tay của Chúa Giêsu khi thánh hiến bánh rượu, khi tha thứ tội lỗi. Bàn tay bị vỡ này thúc đẩy tôi ý thức lại hồng ân được đặt trong tay tôi để phục vụ Giáo hội. Tôi đáp lại tiếng sấm vang trong lòng: “Chúa Giêsu! Con cám ơn Chúa đã thánh hiến đôi tay bất xứng của con, con tạ ơn Chúa đã chọn đôi tay con để thay thế đôi tay của Chúa. Chính giây phút này, con nhắc lại lời thưa vâng của con… Con tạ ơn Chúa và thờ lạy Chúa. Xin luôn gìn giữ chức linh mục của con….” (VoltiDiSperanza 7, Joe 35-42)

Hồng Thủy

Hiện tượng thờ ma quỷ ở Kenya

Hiện tượng thờ ma quỷ ở Kenya

Hội đồng Giám mục Kenya

Nairobi, Kenya – Tại một hội nghị chuyên đề thần học gần đây về những điều huyền bí và việc thờ ma quỷ, Đức cha Emmanuel Barbara của Malindi cho biết tình trạng thờ kính ma quỷ đang gia tăng nhanh chóng ở Kenya và nó có những ý nghĩa toàn cầu. Các người trẻ, cả Ki-tô hữu và không phải Ki-tô hữu, đạng bị cám dỗ về vấn đề này bởi được hứa hẹn các học bổng. Đức cha hy vọng Năm Thánh Lòng Thương xót sẽ giúp các tín hữu Công giáo giữ vững lòng tin.

Trong phần trả lời các câu hỏi sau đó, vài người đã yêu cầu các Giám mục Kenya chuyển từ việc nói về vấn đề này sang hành động để ngăn chặn việc thờ phượng này. Một tín hữu cho biết: “việc giáo dục để loại trừ điều này cho các tín hữu Công giáo còn thiếu.” Một người khác yêu cầu Đức cha cho những tài liệu cụ thể về vấn đề. Một tham dự viên dấu tên nói với báo Catholic News Service về việc những người đứng sau việc tuyển mộ người cho việc thờ cúng ma quỷ đã khai thác cách hiệu quả những người trẻ trong giới thất nghiệp, mù chữ và có vấn đề về trí tuệ.

Cha Clement Majawa, đang giảng dạy tại  đại học Công giáo Đông Phi cho rằng Giáo hội và chính quyền phải cảnh giác công chúng về tình trạng thật của việc thờ ma quỷ. Cha đề nghị các môn học về các xã hội tôn giáo huyền bí và tôn giáo truyền thống của châu Phi. Cha cũng đề nghị các tín hữu Công giáo cộng tác với bộ Giáo dục Kenya để phát triển chương trình học và có một đội ngũ tuyên úy và cố vấn sẵn sàng cho tình trạng thách đố này.

Vào năm 1999 đã có một cuộc điều tra của phủ tổng thống về vấn đề thờ cúng ma quỷ và kết quả cho thấy hiện tượng này xuất hiện trong các trường hoc, nhà thờ và ngay cả trong các văn phòng chính phủ.  (Catholic New Service 12/04/2016)

Hồng Thủy OP

 

An ninh trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Phi châu

An ninh trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Phi châu

ĐTC bắt đầu lên phi cơ đi viếng thăm 3 nước ở Phi Châu

NAIROBI. Trong số những tin tức bên lề cuộc viếng thăm của ĐTC tại Phi châu, đặc biệt có vấn đề an ninh, thu hút sự chú ý nhiều của giới báo chí và dư luận.

Thật ra, vấn đề an ninh vẫn được chú ý trong mọi cuộc viếng thăm của ĐTC tại hải ngoại, nhưng lần này, sự chú ý đó gia tăng cường độ trong bối cảnh các cuộc khủng bố hoặc đe dọa khủng bố của nhóm Nhà nước Hồi giáo IS, nhất là sau cuộc khủng bố đẫm máu ở Paris hôm 13-11-2015.

Hãng tin KNA của Đức ghi nhận rằng khoảng 100 cây số trước khi chiếc Airbus A-330 của hãng Aliatia chở ĐTC, đoàn tùy tùng và 75 ký giả quốc tế, tiến vào không phận của Ai Cập gần Libia trên đường bay tới Kenya, người ta không còn thấy hình máy bay này trên Radar – Internet nữa. Trả lời câu hỏi của hãng tin KNA, Alitalia nói rằng ”đó là một biện pháp an ninh thông thường, việc bảo vệ các hành khách là ưu tiên số một”.

Vùng biên giới Ai cập gần Libia từ lâu vẫn là nơi diễn ra các hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan và các biện pháp chống khủng bố.

Trong khi đó một chuyên gia an ninh Phi châu, ông Sebastian Gatimu, nhận xét rằng tình trạng tại Kenya khá căng thẳng trước cuộc viếng thăm của ĐGH. Ông Gatimu là nhà chính trị học thuộc Học viện nghiên cứu an ninh” (ISS) ở Nairobi. Ông nói với phái viên hãng KNA: ”Trong thời gian gần đây không có cuộc khủng bố nào ở Nairobi và cho đến nay cũng không có những lời đe dọa. Chúng tôi hy vọng trong cuộc viếng thăm của ĐGH tình hình cũng tiếp tục như vậy”.

Dầu sao các biện pháp an ninh và kiểm soát vẫn được tăng cường, phần lớn các đường chính ở thủ đô Nairobi trong 3 ngày này có những nút chặn và phong tỏa. Ban tổ chức hy vọng có 1 triệu 400 ngàn người tham dự thánh lễ ĐTC cử hành sáng ngày 26-11-2015 tại Đại học Nairobi, tức là 1 phần 10 dân số Công giáo của Kenya. Để tạo điều kiện dễ dàng cho sự tham dự của các tín hữu, chính phủ Kenya đã tuyên bố ngày 26-11 này là lễ nghỉ toàn quốc. Tuy nhiên, một nhóm người vô thần ở Kenya đã vội vàng nộp đơn lên tòa án tối cao của Kenya để yêu cầu hủy bỏ quyết định của chính phủ.

Theo nhật báo Daily Nation ở Nairobi, trong những ngày này 10 ngàn cảnh sát được động việc và ít là 10 ngàn vệ binh quốc gia trẻ được động viên vào công tác giữ an ninh trật tự trong cuộc viếng thăm của ĐGH.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Phi châu

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Phi châu

ĐTC on Popemobile

VATICAN. ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm 3 nước Phi châu; Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi từ ngày 25 đến 30-11 tới đây.

Chương trình do Phòng báo chí Tòa Thánh công bố hôm 17-10-2015:

Sáng thứ tư, 25-11, ĐTC sẽ rời Roma lúc 7 giờ 45 và bay đến phi trường thủ đô Nairobi của Kenya lúc 5 giờ chiều cùng ngày. Nghi thức tiếp đón chính thức diễn ra tại tòa nhà chính phủ rồi ngài hội kiến với tổng thống tại đây, trước khi gặp gỡ chính quyền và ngoại giao đoàn vào lúc 6 giờ rưỡi chiều.

Sáng thứ năm, 26-11, ĐTC sẽ có cuộc gặp gỡ liên tôn và đại kết lúc 8 giờ 15 tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Nairobi, trước khi cử hành thánh lễ tại khuôn viên Đại học thủ đô vào lúc 10 giờ.

Ban chiều lúc 3 giờ 45, ngài sẽ gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ và chủng sinh tại Sân thể thao của trường Đức Bà, trước khi thăm trụ sở Liên hiệp quốc tại đây.

Sáng thứ sáu, 27-11, ĐTC sẽ thăm khu khố nghèo Kangemi ở thủ đô Nairobi vào lúc 8 giờ rưỡi, rồi gặp gỡ giới trẻ tại sân vận động Karasani. Ban trưa vào lúc 11 giờ 15, ngài gặp gỡ các GM Kenya tại phòng khánh tiết của sân vận động này.

 Lúc 3 giờ rưỡi chiều cùng ngày, ĐTC sẽ rời Kenya bay tới phi trường Entebe của Uganda vào lúc gần 5 giờ chiều.

Sáng thứ bẩy, 28-11, ĐTC sẽ viếng thăm Đền thánh tử đạo của Anh giáo rồi của Công Giáo ở Namugongo từ lúc 8 giờ rưỡi, rồi cử hành thánh lễ lúc 9 giờ rưỡi ở khu vực Đền Thánh tử đạo Uganda của Công Giáo. Ban chiều lúc 3 giờ 15, ngài sẽ gặp gỡ giới trẻ tại sân bay Kololo ở thủ đô Kampala, trước khi viếng thăm Nhà bác ái ở Nalukolongo vào lúc 5 giờ chiều, rồi lần lượt gặp gỡ các GM Uganda ở tòa TGM thủ đô, gặp các LM, tu si nam nữ và chủng sinh tại Nhà thờ chính tòa địa phương vào lúc 7 giờ chiều.

Chúa nhật 29-11, ĐTC sẽ rời Uganda vào lúc 9 giờ 15 phút sáng để bay sang phi trường M'Poko của thủ đô Bangui, thuộc Cộng hòa Trung Phi.

Đến nơi vào lúc 10 giờ, ngài sẽ về phủ tổng thống để viếng thăm bà tổng thống lâm thời rồi gặp các vị lãnh đạo đất nước cùng ngoại giao đoàn. Sau đó lúc quá 12 giờ trưa, ĐTC sẽ viếng thăm trại tị nạn, rồi gặp các GM Trung Phi.

Ban chiều cùng ngày 29-11, vào lúc 4 giờ, ngài sẽ gặp cộng đồng Tin Lành tại trụ sở Phân khoa thần học Tin Lành ở thủ đô Bangui trước khi cử hành thánh lễ với các LM, tu sĩ nam nữ, giáo lý viên và người trẻ tại Nhà thờ chính tòa Bangui. Sau đó ngài còn giải tội cho một số người trẻ trước khi khai mạc buổi canh thức cầu nguyện tại Quảng trường trước Nhà Thờ chính tòa.

Sáng thứ hai 30-11, lúc 8 giờ 15, ĐTC sẽ gặp cộng đoàn Hồi giáo tại đền thờ trung ương ở Koudoukou cũng thuộc Bangui. Sau đó lúc 9 giờ rưỡi, ngài cử hành thánh lễ tại Sân vận động Barthélémy Boganda, trước khi từ giã nước này để bay trở về Roma, dự kiến vào lúc gần 7 giờ tối tại phi trường Ciampino (SD 17-10-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha khích lệ nỗ lực hòa giải của các Giám Mục Kenya

Đức Thánh Cha khích lệ nỗ lực hòa giải của các Giám Mục Kenya

VATICAN. ĐTC Phanxicô khuyến khích các GM Kenya trong nỗ lực hòa giải các phe phái và sắc tộc tại nước này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài huấn dụ trao cho 25 GM Kenya tại buổi tiếp kiến sáng ngày 16-4-2015 nhân dịp các vị bắt đầu tuần lễ hành hương Roma, viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh. Ngài viết:

”Giáo Hội tại Kenya phải luôn trung thực với sứ mạng của mình như một dụng cụ hòa giải, công lý và hòa bình. Trung thành với toàn thể gia sản đức tin và giáo huấn luân lý của Giáo Hội, anh em có thể củng cố quyết tâm cộng tác với các vị lãnh đạo Kitô và không Kitô, trong việc thăng tiến hòa bình và công lý tại đất nước anh em, qua đối thoại, tình huynh đệ và thân hữu. Như thế, anh em có thể đồng thanh và can đảm hơn trong việc tố giác mọi bạo lực, nhất là những bạo lực người ta phạm nhân danh Thiên Chúa”.

ĐTC cũng khẳng định rằng ”cùng với anh em, tôi cầu nguyện cho tất cả những người bị giết vì những hành vi khủng bố hoặc xung đột chủng tộc, bộ tộc tại Kenya cũng như tại các vùng khác ở Phi châu. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người bị giết tại Đại học Garissa hôm thứ sáu Tuần Thánh vừa qua”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC cũng nhắc nhở các GM đặc biệt gần gũi và dành thời giờ cho các LM thuộc quyền. Ngài khích lệ các vị trong việc mục vụ gia đình, củng cố những gia đình đang phải chiến đấu vì hôn nhân tan vỡ, thiếu chung thủy, nghiệm ngập hoặc bạo lực, tăng cường việc mục vụ giới trẻ, huấn luyện họ trở thành những môn đệ có khả năng dấn thân trường kỳ và hiến thân, dù trong hôn nhân hay trong đời sống LM và tu trì”.

”Tuy không xen mình vào những việc trần thế, nhưng Giáo Hội cũng phải nhấn mạnh với những người ở vị thế lãnh đạo và cầm quyền về các nguyên tắc luân lý thăng tiên công xích và xây dựng xã hội như một tập thể”.

Kenya rộng 610 ngàn cây số vuông, với khoảng 42 triệu dân cư, thuộc hơn 40 nhóm chủng tộc và ngôn ngữ khác nhau, và tại đây thường có những chia rẽ và xung đột bộ tộc, ảnh hưởng trên chính trị và kinh tế.

Các tín hữu Công Giáo chiến 31,2% dân số và thuộc 4 tổng giáo phận, 20 giáo phận (SD 16-4-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio