Khắp nơi trên thế giới đón mừng Chúa Giáng Sinh

Khắp nơi trên thế giới đón mừng Chúa Giáng Sinh

khap-noi-mung-vui-don-chua

Một lần nữa, Giáng Sinh đang về với toàn thế giới, mang bầu khí hân hoan mừng vui bao trùm lên mọi người mọi vật.

Câu chuyện về Ông Già Noel – Thánh Nicola

Tại một số thành phố lớn Italia, đã có một chiến dịch mời gọi trẻ em hăng hái tham gia truyền thống viết thư cho ông già Noel. Chiến dịch được tổ chức ở những quảng trường hay trung tâm thương mại lớn trong hai ngày 17 và 18 tháng 12. Một gian hàng gọi là Bưu điện của ông già Noel với các vị thần Elfe và các con tuần lộc, chào đón các em bé đến viếng gian hàng, giúp đỡ các em viết và gửi thư cho ông già Noel. Thư của các em gửi đi sẽ nhận được trả lời. Các em cũng có thể chụp hình với chiếc xe và đoàn tuần lộc kéo xe của ông già Noel.

Cũng liên quan đến ông già Noel, hôm 20.12 vừa qua, các nhà khoa học thuộc đại học Liverpool bên Anh quốc, đã tái khôi phục một phần gương mặt thật của thánh Nicola thành Myre, người đã trở thành ông già Noel trong truyền thống dân gian thế giới. Nhóm khoa học gia này đã dùng một kỹ thuật tối tân 3 chiều để khôi phục gương mặt của vị thánh nổi danh này, sống vào thế kỷ thứ 4 từ năm 270 đến 345. Thánh Nicola từng làm giám mục thành Myre, mạn nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Có thể thánh nhân đã dự công đồng chung Nicea trong đó, người đã chống lại bè lạc giáo Ariane.  

Theo truyền thống, thánh Nicola được mừng vào ngày 06.12. Lễ mừng thánh nhân được tổ chức trọng thể tại các nước mạn Bắc và Đông Âu châu, nhất là Bỉ, Luxembourg, Pháp, Hòa Lan, Đức và Thụy Sĩ. Trong ngày hôm ấy, người ta phát nhiều quà cho các trẻ em ngoan ngoãn. Và rồi dần dần truyền thống dân gian đã biến thánh Nicola thành ông già Noel.

Thánh Nicola đã được sùng kính từ thời hậu thánh chiến của các đội quân thập tự, sau khi di hài thánh nhân được chuyển dời từ Myra về Bari, mạn nam Italia vào năm 1087. Một phần thánh tích của thánh nhân được ĐGH Giulio II tặng cho giáo phận Fribourg bên Thụy sĩ hồi năm 1505. Và chính từ các thánh tích này mà các khoa học gia tại đại học Liverpool đã tái khôi phục được khuôn mặt của thánh nhân. Nữ giáo sư Caroline Wilkinson, thuộc đại học John Moore, giải thích rằng toàn bộ công cuộc tái khôi phục khuôn mặt thánh nhân dựa trên căn bản rút từ các xương và tài liệu lịch sử còn lưu lại. Xương của thánh nhân được lưu giữ như thánh tích, một phần tại Bari, nam Italia, phần khác tại nhà thờ Thánh Nicolas ở Loraine bên Pháp và tại nhà thờ chính tòa thánh Nicola ở Fribourg bên Thụy Sĩ.

Hồi đầu năm 2014, một cuộc tranh cãi sôi nổi đã xảy ra nhất là tại Fribourg, Thụy Sĩ, khi Thổ Nhĩ Kỳ đòi trả lại các thánh tích của thánh Nicola rải rác trên khắp thế giới trong mục tiêu gom góp tạo thành một bảo tàng viện về các nền văn hóa cổ kính tại miền nam nước Thổ. (APIC 20.12.2016)

Italia đón mừng Chúa Giáng Sinh

Tại thành phố Palermo, thủ phủ đảo Sicilia, cực nam nước Ý, hai đầu bếp nổi tiếng là Giulio Sorrentino và Fiamma Forrmisano sẽ nấu bữa tiệc Giáng Sinh cho các tù nhân vị thành niên của nhà tù thiếu niên Malaspina ở thành phố này. Như truyền thống, bữa tiệc Giáng Sinh sẽ gồm toàn đồ biển và sẽ do một đoàn phụ bếp gồm toàn người trẻ thuộc một tổ chức kinh doanh bánh ngọt trong vùng đảm trách việc thực hiện trong khuôn khổ chương trình tái hội nhập người trẻ phạm pháp vào xã hội. Cùng cộng tác vào chương trình này, có nhiều hiệp hội thiện nguyện khác nữa. Đầu bếp Sorrentino cho biết ông rất hãnh diện được góp phần thực hiện sáng kiến nàyvì đây là một biến cố thực sự có ý nghĩa về mặt nhân bản. Bữa tiệc Giáng Sinh sẽ cống hiến cho người trẻ phạm pháp cơ hội chia sẻ hòa đồng với người khác, đồng thời có thể tìm được khả năng tái phục hồi nhân phẩm qua nghề nghiệp đầu bếp. Cả thị trưởng Palermo, ông Leoluca Orlando cũng cho biết sẽ hiện diện trong bữa tiệc này. (ADN 20.12.2016)

Tại thành Napoli, năm nay có lẽ là lần đầu tiên một bữa tiệc Giáng Sinh được tổ chức ngay tại nhà thờ chính tòa, vì theo lời tuyên bố của ĐHY Crescenzio Sepe, TGM Napoli, không những lý do phòng tiếp tân của toàn giáo phận đang được trùng tu, nhưng còn vì nhà Chúa là nhà của người nghèo nữa. Một đội ngũ đầu bếp sẽ nấu nướng và dọn những món ăn ngon lành tại chỗ cho người nghèo.

Một bữa tiệc Giáng Sinh khác cho người nghèo cũng được tổ chức tại Napoli trong trung tâm thương mại Galleria Principe, do các doanh nhân tại đây đóng góp. Đây là một truyền thống kéo dài từ nhiều năm nay do tổ chức thiện nguyện thân hữu trung tâm Galleria thực hiện và trong quá khứ, đã có trên 1000 người nghèo đến dự bữa tiệc này mỗi năm. Những tuần trước đây, tổ chức này lên tiếng báo động vì thiếu ngân khoản đóng góp cho bữa tiệc, lý do có lẽ vì cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn kéo dài. Nhưng làn sóng quảng đại đóng góp ngay sau đó đã đánh tan mọi lo âu. Bữa tiệc Giáng Sinh năm nay sẽ được tổ chức trọng thể trưa ngày 24.12 ngay tại trung tâm Galleria Principe. Và sẽ còn dư ngân khoản để dành cho những năm tới đây nữa. (ADN 18.12.2016)

Syria đón mừng Chúa Giáng Sinh

Tại Syria, Đức GM Antoine Audo trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình TV2000 hôm 19.12 vừa qua, đã tuyên bố rất cảm động khi thấy các ky tô hữu tại thị trấn Aleppo phía Tây lần đầu tiên từ 6 năm nay, lại chưng đèn màu trang hoàng nhà cửa đón mừng Giáng Sinh. Đức Cha nói đây là một dấu chỉ hy vọng và chứng minh khát khao thay đổi.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐC Audo cho biết những ngày này, người dân Tây Aleppo không còn nghe thấy tiếng súng nổ. Họ thực sự vui mừng và ước mong một sự thay đổi hoàn toàn. Sau nhiều năm dài, ĐC lại thấy thấp thoáng những cây thông Giáng Sinh trên các ban công nhà cửa của dân chúng. Tại quảng trường chính trong khu vực ky tô, cũng có một cây thông Giáng Sinh và đây là một hình ảnh hòa bình vừa tìm lại được. Ngày 23-12, một lễ hội biểu lộ vui mừng hân hoan cũng được tổ chức tại 3 nhà thờ công giáo trong vùng. ĐC Audo kể: Đây là lần đầu tiên tôi trở lại vùng Tây Aleppo. Vùng này bị tàn phá kinh hoàng. Trong tư cách là Caritas địa phương chúng tôi có những tiếp xúc trực tiếp với các nhóm thiện nguyện quốc tế ở khu vực phía Đông. Trong những ngày tới đây chúng tôi sẽ mở những trung tâm tiếp đón ở vùng phía Đông để phối hợp các trợ giúp nhắm đến những người yếu đuối cần được giúp đỡ nhất tại đây. (ANSA 19.12.2016)

Pháp đón mừng Chúa Giáng Sinh

Tại Pháp mọi chuẩn bị đón mừng Giáng Sinh đều bị canh gác kỹ càng, nhất là sau vụ chiếc xe tải tông thẳng vào đám đông người đi chợ Giáng Sinh ở Berlin bên Đức, làm cho 12 người chết và 48 người bị thương. Theo bộ nội vụ Pháp, trên 7000 binh sĩ hiện đang được dùng vào nhiệm vụ canh gác giữ gìn an ninh tại những địa điểm đông người, những nơi chốn thu hút du khách chẳng hạn như tháp Eifel hay trung tâm Disney ở ngoại ô Paris. Các chợ Giáng Sinh cũng được đặc biệt chú ý canh gác. Đây là những hội chợ đặc thù mùa Giáng Sinh, trang hoàng lộng lẫy với đèn điện đủ màu sáng chói, thu hút nhiều du khách và gia đình đưa con cái đi chơi vui vẻ hạnh phúc trong cảnh đầm ấm để mua quà Giáng Sinh. Thế nhưng các nhóm Jihad thánh chiến hồi giáo lại kêu gọi tấn công khủng bố các hội chợ như thế trong lúc này, không cần để ý đến việc con số nạn nhân vô tội sẽ lên rất cao. Chính vì thế, các hội chợ Giáng Sinh hiện đang được canh giữ cẩn mật, đặc biệt là tại Pháp và Đức. (ANSA 19.12.2016)

Philippine đón mừng Chúa Giáng Sinh

Tại Philippine, trong những ngày vừa qua, phong trào cổ võ đối thoại hồi giáo Ky tô giáo có tên gọi là Silsilah, hoạt động mạnh tại vùng Nam Zamboanga trên đảo Mindanao, mạn Nam nước Philippine, đã công bố một sứ điệp báo động trước sự kiện một số lãnh đạo Hồi giáo trong vùng đã tìm cách cấm cản tín hữu hồi tham gia các lễ nghi mừng Chúa Giáng Sinh chung với các tín hữu ky tô. Phong trào Silsilah đã do cha Sebastiano D’Ambra, thừa sai dòng Pime, thành lập cách đây 30 năm.

Đây là một dấu chỉ đáng lo ngại, cho thấy có sự tách biệt giữa tín đồ 2 tôn giáo. Từ trước đến nay, các tín hữu kyto và hồi giáo vẫn có truyền thống cùng nhau mừng các lễ trọng của cả hai bên, chí sẻ niềm vui của nhau. Sự kiện này cũng giúp củng cố cuộc đối thoại liên tôn. Các tín hữu ky tô gửi sứ điệp nhân dịp mùa chay Ramadan và các tín hữu hồi gửi sứ điệp mừng nhân mùa vọng và lễ Giáng sinh. Chính vì thế, phong trào Silsilah mời gọi tất cả các tín hữu hồi giáo cũng như ky tô, hãy tiếp tục mừng lễ Giáng Sinh và Ramadan của nhauđể chung lời khẳng định rằng đây là những cơ hội để bày tỏ lòng tôn trọng và sự chia sẻ niềm vui với nhau trong dấu chỉ tình thân hữu, và đồng thời mỗi người được khích lệ sống trung thành với tín ngưỡng của riêng mình.

Sứ điệp của phong trào Silsilah cũng đề cập đến tin tức về những vụ tấn công các cơ sở và nhà thờ ky tô ở một vài nơi tại Phi và tái khẳng định tầm quan trọng của việc tín hữu ky tô và hồi giáo đoàn kết nêu cao tình thân hữu giữa hai bên “Chúng ta là anh chị em với nhau trong gia đình nhân loại, mặc dù không có cùng một đức tin, và chúng ta có bổn phận liên đới với nhau trong những lúc vui mừng cũng như trong những thời điểm khổ đau. Sự hiện diện của các nhóm cuồng tín quá khích đang chiêu dụ nhiều tín đồ như hiện nay tại miền Nam Philippine phải là cơ hội để chúng ta tái xét lương tâm và tìm hiểu tại sao lại đi đến tình trạng này. Có lẽ ly do là vì chúng ta đã không biết trình bày chứng tá đích thật của đức tin ky tô và hồi giáo, vốn có nhiều giá trị giống nhau. Những điểm và giá trị tương đồng của hai tôn giáo này phải là điểm khởi hành để xây dựng một xã hội hòa bình và hòa hợp cho đất nước chúng ta. (FIDES 16.12.2016)

Mai Anh

 

Công bố sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình thế giới

Công bố sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình thế giới

cong-bo-su-diep-duc-thanh-cha-nhan-ngay-hoa-binh-the-gioi

VATICAN. Hôm 12-12-2016, Sứ điệp của ĐTC nhân ngày Hòa Bình thế giới 1-1 năm 2017 đã được công bố với đề tài: ”Bất bạo động: một kiểu chính sách hòa bình”.

Đây là Sứ điệp hòa bình thế giới thứ 50 của các vị Giáo Hoàng. Văn kiện này được chia làm 7 đoạn lần lượt nói đến một thế giới bị phân hóa và phải chịu nạn bạo lực ”từng mảnh” bằng nhiều cách ở nhiều cấp độ khác nhau, gây ra những đau khổ lớn lao như chúng ta đang chứng kiến: chiến tranh tai nhiều quốc gia và đại lục, nạn khủng bố, tội phạm, những cuộc tấn công võ trang không lường trước được.. (2)

ĐTC xác quyết bạo lực không phải là cách săn sóc thế giới chúng ta bị tan vỡ thành mảnh. Dùng bạo lực để đáp trả bạo lực cùng lắm chỉ dẫn tới những cuộc tản cư vì bị bó buộc và những đau khổ vô biên.

Chúa Giêsu cũng đã từng sống trong thời bạo lực. Ngài dạy chiến trường đích thực trong đó bạo lực và hòa bình đương đầu với nhau chính là tâm hồn con người (Mc 7,21).. (3).

ĐTC nhận xét rằng ”bất bạo động nhiều khi bị hiểu theo nghĩa một sự đầu hàng, không dấn thân và thụ động. Nhưng thực tế không phải như vậy. Khi Mẹ Têrêsa nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1979, Mẹ đã tuyên bố rõ ràng sứ điệp của Mẹ là bất bạo động tích cực và nói: ”Trong gia đình chúng ta, chúng ta không cần bom đạn và võ khí, không cần tàn phá để mang lại hòa bình, nhưng cần ở với nhau, yêu thương nhau […] Và chúng ta có thể vượt thắng mọi sự ác trên thế giới”. Vì sức mạnh của võ khí có tính chất lừa đảo. ”Trong khi những kẻ buôn bán võ khí hoạt động, thì có những người nghèo kiến tạo hòa bình, chỉ với mục đích giúp đỡ một người, giúp đỡ người khác, và hiến mạng sống của họ. Đối với những người xây dựng hòa bình như thế, Mẹ Têrêsa chính là một biểu tượng, một hình ảnh của thời đại chúng ta”. (4)

ĐTC cũng xác tín rằng nếu nguồn mạch phát sinh bạo lực là tâm hồn của con người, thì điều căn bản là phải tiến bước trên con đường bất bạo động trước tiên ở trong gia đình. .. Gia đình là lò tôi luyện không thể thiếu được trong đó đôi vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em học cách đả thông và chăm sóc nhau một cách vô vị lợi, và nơi mà những sầu muộn và thậm chí những xung đột phải được vượt thắng không phải bằng võ lực, nhưng bằng đối thoại, tôn trọng, tìm kiếm thiện ích cho người khác, từ bi và tha thứ. (5)

ĐTC xác quyết: ”việc xây dựng hòa bình nhờ bất bạo động tích cực là yếu tố cần thiết và phù hợp với nỗ lực liên lỷ của Giáo Hội để giới hạn việc sử dụng võ lực, qua những qui luật luân lý, nhờ sự tham gia của Giáo Hội vào những công việc của các tổ chức quốc tế và nhờ sự đóng góp giá trị của các tín hữu Kitô vào việc ban hành các luật lệ ở mọi cấp độ. Chúa Giêsu đã trao tặng cho chúng ta một cuốn chỉ nam trong kế hoạch kiến tạo hòa bình trong Bài Giảng Trên Núi. 8 mối phúc thật (Xc Mt 5,3-10) phác họa mẫu mực của người mà chúng ta có thể định nghĩa là người có phục, người tốt lành và chân chính. Chúa Giêsu nói: ”Phúc cho những người hiền lành, người có lòng thương xót, người xây dựng hòa bình, người có tâm hồn thanh thiết, những người đói khát sự công chính” (6).

”Đây cũng là một chương trình và là một thách đố cho các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, các vị trách nhiệm các tổ chức quốc tế và những người điều khiển xí nghiệp, các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới: đó là áp dụng các Mối Phúc Thật qua đó họ thực thi trách nhiệm của mình. (SD 12-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Thông cáo sau khóa họp thượng đỉnh của các thị trưởng châu Âu tại Vatican

Thông cáo sau khóa họp thượng đỉnh của các thị trưởng châu Âu tại Vatican

cac-tre-em-tai-mot-trai-ti-nan-o-mien-bac-thu-do-athens

Vatican – Sau hai ngày nhóm họp về vấn đề khủng hoảng tị nạn, hôm thứ 7, 10/12/2016, các thị trưởng châu Âu đã ra thông cáo kêu gọi thành lập một “Mạng lưới các Thị trưởng” để giúp giải quyết các vấn đề của các thành phố trên châu lục này.

Thông cáo có đoạn viết: “Mạng lưới mới này phải chú trọng đến cuộc gặp gỡ nhân bản và dựa trên một tầm nhìn tiến bộ về liên văn hóa, với sự tham dự tích cực của xã hội dân sự và các truyền thống tôn giáo, nơi mà sự bảo vệ và thăng tiến nhân phẩm, tự do, công bằng, tích hợp và hòa bình phải thắng vượt các cuộc tranh luận về định kiến của chúng ta.”

Khoảng 80 thị trưởng đã họp nhau tại Vatican, văn phòng chính của Học viện Khoa học và Khoa học xã hội, từ ngày 9-10/12/2016, trong đại hội thượng đỉnh với chủ đề “Châu Âu: những người tị nạn là anh chị em của chúng ta.” (RV 11/12/2016)

Hồng Thủy

Hiệp hội các nữ nhân viên Vatican

Hiệp hội các nữ nhân viên Vatican

association-for-vatican-women-employees

Vatican – D.VA, “donne in Vaticano”, phụ nữ ở Vatican, là hiệp hội của các nữ nhân viên Vatican, mới được thành lập để bảo vệ quyền lợi của nữ giới.

Đây là Hiệp hội đầu tiên ở Vatican chỉ dành cho nữ giới, một Hiệp hội chỉ dành cho các nhân viên nữ đang làm việc cho Vatican, cho Tòa Thánh và các cơ quan Tòa Thánh, bao gồm tu sĩ và giáo dân, đang còn làm việc hoặc đã nghỉ hưu. Hiệp hội D.VA đã được chấp thuận và hiến pháp được ký ngày 01/09/2016 tại phủ Thống đốc Vatican.

D.VA nhắm kiến tạo một mạng lưới thân hữu, trao đổi chia sẻ và hỗ tương giữa các nhân viên nữ giúp phát triển nhân bản và chuyên môn nghề nghiệp. D.VA cũng muốn bày tỏ sự quan tâm với các phụ nữ kém may mắn để xoa dịu những đau khổ. Các thành viên cũng ao ước hiện thực các chương trình và các đóng góp cho các phụ nữ Kitô giáo khác.

Các vị Giáo hoàng sau này đã đánh giá cao và tôn trọng đối với các phụ nữ. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói:  “Giáo hội không thể là chính mình nếu không có phụ nữ và vai trò của họ.”

Hiện tại đã có hơn 50 nữ nhân viên thuộc 16 cơ quan khác nhau đã ghi danh cho năm 2017. Chủ tịch của D.VA là Tracey McClure, và phó chủ tịch là Romilda Ferrauto.

Được biết hiện nay có hơn 750 người nữ làm việc chính thức tại Vatican, chiếm 19% tổng số nhân viên Vatican. Vatican là quốc gia duy nhất trong đó các nhân viên nam giới và nữ giới được trả lương bằng với nhau.

Sô nhân viên nữ tại Vatican gia tăng trong những thập niên cuối. Nữ nhân viên đầu tiên có hợp đồng làm việc cho Vatican là Anna Pezzoli, bắt đầu làm việc từ tháng 02/1915. (SD 07/12/2016)

Hồng Thủy

(Thi Thuy le)

Đức Thượng Phụ Chính Thống được tặng giải thưởng đại kết

Đức Thượng Phụ Chính Thống được tặng giải thưởng đại kết

duc-thuong-phu-chinh-thong-duoc-cong-giao-tang-giai-thuong-dai-ket

BARI. Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, đã được trao tặng giải thưởng đại kết thánh Nicola hôm 5-12-2016 tại thành phố Bari, nam Italia, nơi có di hài của thánh Nicola.

Trong điện văn chúc mừng Đức Thượng Phụ, cũng là giáo chủ danh dự chung của toàn Chính Thống giáo, ĐTC Phanxicô gọi giải thưởng này là một ”sự nhìn nhận đầy ý nghĩa” và là ”một dấu chỉ biết ơn đối với Đức Thượng Phụ vì sự dấn thân thăng tiến sự hiệp thông ngày càng sâu đậm hơn giữa tất cả những người tin nơi Chúa Kitô”.

Giải thưởng do Phân khoa thần học miền Puglia, nam Italia, trao tặng. Trong điện văn gửi đến Đức Cha Francesco Caccucci, TGM giáo phận Bari-Bitondo sở tại, ĐTC Phanxicô cũng cho biết ngài hiệp ý với Đức Bartolomaios, ”người anh em rất quí mến”, để tôn kính thánh Nicola, GM thành Myra, có hài cốt được giữ tại Bari từ gần 1 ngàn năm nay. Ngài phó thác cho sự chuyển cầu của Thánh Nicola rất được kính mến tại Đông và Tây Phương, lời cầu nguyện chung, xin cho các tín hữu Kitô đạt được sự hiệp nhất trọn vẹn hằng mong ước”.

Trong diễn văn tại Vương cung thánh đường thánh Nicola khi nhận giải thưởng, Đức Thượng phụ khẳng định rằng các tôn giáo có một vai trò cơ bản ”trong việc kiến tạo, khởi xướng và củng cố một nguyên tắc hiệp thông để cộng tác và cảm thông lẫn nhau, nhờ đó đẩy lui được những trào lưu cực đoan duy căn trong tất cả các xã hội và tôn giáo, và kiến tạo quan hệ mới giữa các dân tộc”.

Đức Thượng Phụ Bartolomaios cũng cho biết ngài đón nhận giải thưởng này như một ”dấu chỉ ngôn sứ về sự hiệp nhất của tất cả các Hội Thánh của Thiên Chúa” và nói rằng: ”Hành trình thần học giữa các Giáo Hội chúng ta và tình yêu thương, tôn trong và cộng tác với nhau là một trong những đặc điểm cơ bản”.

Thành Bari cách Roma gần 460 cây số về hướng đông nam. Trong số các tín hữu đến hành hương tại đền thánh Nicola, có rất nhiều tín hữu Chính Thống Nga (Asia News 5-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha tiếp Chủ Tịch Nhà cầm quyền Việt Nam Trần Đại Quang

Đức Thánh Cha tiếp Chủ Tịch Nhà cầm quyền Việt Nam Trần Đại Quang

duc-thanh-cha-tiep-kien-chu-tich-nha-nuoc-viet-nam-tran-dai-quang

VATICAN. Chiều thứ tư 23-11-2016, ĐTC đã tiếp kiến Chủ tịch Nhà cầm quyền Việt Nam, Ông Trần Đại Quang.

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói rằng:

”Chiều hôm nay, 23-11-2016, ĐTC đã tiếp kiến Chủ tịch Cộng Hòa Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam, Ông Trần Đại Quang. Sau đó, Ông đã gặp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh, cùng với Đức TGM Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh.

”Trong các cuộc nói chuyện thân mật, có nhắc đến những quan hệ tốt đẹp hiện có giữa Tòa Thánh và Việt Nam, được hỗ trợ bằng một tinh thần chung đối thoại và liên tục tìm kiếm những phương thế thích hợp hơn để những quan hệ ấy có thể tiến triển thêm, và cũng nêu bật sự cộng tác giữa Giáo Hội và Nhà Nước CS VN trong các lãnh vực khác nhau của xã hội địa phương”.

Ngoài thông cáo chính thức trên đây của Tòa Thánh, giới báo chí cũng ghi nhận trong cuộc trao đổi quà tặng, Chủ tịch Trần Đại Quang đã tặng cho ĐTC một cái trống đồng, và ĐTC tặng lại cho ông trước tiên là bức tranh bằng đồng do một nữ tu nghệ sĩ thực hiện diễn tả sa mạc được biến thành vườn xây canh tươi, một câu trích từ sách ngôn sứ Isaia, đoạn 55. Tiếp đến là 3 văn kiện của ngài ấn bản tiếng Pháp, đó là Tông Thư ”Niềm Vui Tin Mừng”, Thông điệp ”Laudato sì” về việc bảo vệ căn nhà chung, và sau cùng là Tông Huấn ”Niềm vui yêu thương” (SD 24-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha giải thích sự hiệp nhất các tín hữu Kitô

Đức Thánh Cha giải thích sự hiệp nhất các tín hữu Kitô

duc-thanh-cha-giai-thich-su-hiep-nhat-cac-tin-huu-kito

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 10-11-2016 dành cho Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, ĐTC đã minh định thế nào sự là hiệp nhất.

70 HY, GM thành viên, cùng với các vị cố vấn và viên chức tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Kurt Koch, về chủ đề ”Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô: kiểu mẫu nào cho sự hiệp thông trọn vẹn?”

Lên tiếng trong dịp này, sau khi nhấn mạnh sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô như một đòi hỏi thiết yếu của đức tin chúng ta, một đòi hỏi xuất phát từ cốt tính của chúng ta như những người tin nơi Chúa Giêsu Kitô, ĐTC cảnh giác chống lại 3 kiểu mẫu sai trái về sự hiệp thông:

-Trước tiên ”hiệp nhất không phải là kết quả những cố gắng của con người, hoặc là sản phẩm hoạt động ngoại giao của Giáo Hội, nhưng là một hồng ân đến từ trên cao. Loài người chúng ta không có khả năng tự mình kiến tạo sự hiệp nhất, và cũng không thể quyết đinh những hình thức và thời điểm khi nào. Trong bối cảnh đó, hiệp nhất là một hành trình, đòi phải kiên nhẫn, chờ đợi, kiên trì, vất vả và dấn thân. Hiệp nhất không xóa bỏ những xung đột và không loại trừ những tương phản. ĐTC thường lập lại rằng hiệp nhất được thực hiện khi đồng hành, nghĩa là khi chúng ta gặp gỡ nhau như anh chị em, cầu nguyện, cộng tác với nhau trong việc loan báo Tin Mừng và phục vụ những người rốt cùng.”

– Thứ hai, hiệp nhất không phải là đồng nhất. Những truyền thống khác nhau về thần học, phụng vụ, linh đạo và giáo luật được phát triển trong thế giới Kitô, khi chúng ăn rễ chân thành trong truyền thống tông đồ, là một phong phú chứ không phải là một đe dọa cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Tìm cách dẹp bỏ những khác biệt ấy là đi ngược lại với Chúa Thánh Linh, Đấng hoạt động làm cho cộng đoàn tín hữu được phong phú nhờ các hồng ân khác nhau.

– Sau cùng hiệp nhất không phải là gộp vào nhau. Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô không bao hàm một ”sự đại kết lùi lại” khiến cho bên nào đó phải chối bỏ lịch sử đức tin của mình, và sự hiệp nhất này cũng không chấp nhận sự chiêu dụ tín đồ của nhau, vì hành động này là thuốc độc đối với hành trình đại kết.

ĐTC nhắn nhủ rằng ”Trước khi nhìn những điều chia cách của chúng ta, cũng cần nhận thức thiết yếu sự phong phú của những gì liên kết chúng ta, như Kinh Thánh, các bản tuyên xưng đức tin của các công đồng chung đầu tiên. Làm như thế các tín hữu Kitô có thể nhìn nhận nhau là anh chị em cùng tin nơi Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất, dấn thân tìm kiếm cách thức vâng theo Lời của Chúa ngày hôm nay, Đấng muốn hiệp nhất tất cả chúng ta” (SD 10-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Ngày Năm Thánh dành cho tù nhân và người vô gia cư

Ngày Năm Thánh dành cho tù nhân và người vô gia cư

duc-phanxico-tham-cac-tu-nhan

Vatican – Ngày 6/11 tới đây, ngày năm thánh đặc biệt dành cho các tù nhân sẽ được cử hành tại Vatican với sự tham dự của đông đảo tù nhân và gia đình họ từ khắp nước Ý cũng như các quốc gia lân cận.

Hôm 3/11, trong buổi họp báo trình bày về ngày Năm thánh dành cho tù nhân cũng như ngày Năm Thánh dành cho người vô gia cư vào ngày 13/11, Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng, đã nói: “Đây là lần đầu tiên mà một số đông các tù nhân từ các miền nước Ý và các nước khác hiện diện ở đền thờ Thánh Phêrô để cử hành Năm Thánh với Đức Giáo hoàng Phanxicô.”

Đức Tổng Fisichella cũng nói đến sự quan tâm đặc biệt của Đức Phanxicô dành cho các tù nhân; trong mỗi chuyến đi nước ngoài, Đức Phanxicô lập đi lập lại ý muốn viếng thăm các tù nhân và trao cho họ sứ điệp của sự gần gũi và hy vọng.”

Ngày Năm Thành các tù nhân nhắm đặc biệt đến các tù nhân và gia đình của họ, các nhân viên và các tuyên úy nhà tù, cũng như các hiệp hội trợ giúp hệ thống nhà tù. Đây là một phần trong Năm Thánh Lòng Thương xót được Đức Phanxicô  đề ra.

Hiện tại đã có 4000 người đăng ký tham dự ngày này, trong đó có 1000 tù nhân từ 12 quốc gia, bao gồm Anh, Ý, Latvia, Madagascar, Malaysia, Mêxicô, Hà lan, Tây ban nha, Hoa kỳ, Nam Phi, Thụy điển và Bồ đào nha. Cũng có một đoàn Tin lành Luther từ Thụy điển. Khoảng 50 tù nhân và cựu tù nhân đến từ Hoa kỳ.

Các tù nhân thuộc mọi án tù khác nhau, bao gồm tù nhân vị thành viên, tham dự sự kiện sẽ trao cho họ một tương lai và hy vọng hơn là kết án và thời hạn tù. Sẽ không có sự tham dự của các tử tù.

Các cử hành của ngày Năm thánh tù nhân bắt đầu vào thứ 7, 05/11, với việc chầu Thánh Thể và xưng tội tại một số nhà thờ ở Roma. Cuối cùng là hành trình tiến qua cửa Thánh.

Ngày Chúa nhật, 6/11, đền thờ Thánh Phêrô sẽ mở cửa lúc 7.30 sáng; lúc 9 giờ sẽ có các chứng từ của một số người tham dự. Phần chứng từ bao gồm chia sẻ của một tù nhân về kinh nghiệm hoán cải, trong đó nạn nhân cũng sẽ cùng trình bày với tù nhân mà họ đã hòa giải với nhau; một người anh của nạn nhân bị giết sẽ nói về lòng thương xót và tha thứ; một tù nhân trẻ đang thụ án và một cảnh sát nhà tù, người hàng ngày tiếp xúc với các tù nhân.

Sau Thánh lễ có buổi tiếp tân cử hành Lòng Thương xót tại đại thính đường Phaolô VI.

Phần trưng bày các sản phẩm được các tù nhân làm trong nhà tù đang được lên kế hoạch và sẽ được đặt tại lâu đài Thiên thần.

Trong Thánh lễ, chính các  tù nhân sẽ hướng dẫn phụng vụ. Mình Thánh được lãnh nhận trong Thánh lễ cũng do chính các tù nhân ở nhà tù Milan như một phần của chương trình “Ý nghĩa của Bánh” được tổ chức cho Năm Thánh Lòng Thương xót.

Đức Tổng Fisichella cho biết các tù nhân tham dự được các hội đồng Giám mục và tuyên úy nhà tù chon. Việc tham dự được Vatican đề nghị và việc họ tham dự là sự đáp lời mời của Đức Giáo hoàng. Ngài cũng cho biết là mỗi nước có luật riêng để lo liệu việc di chuyển các tù nhân.

Còn ngày dành cho các  người vô gia cư vào ngày 13/11 được tổ chức cho những người vì những lý do khác nhau, từ vấn đề kinh tế bấp bênh cho đến các bệnh tật khác nhau, từ sự cô đơn cho đến thiếu những liên hệ gia đình, họ có những khó khăn hòa nhập vào xã hội và thường chọn ở bên lề xã hội, không có nhà hay một nơi để sống. Đã có 6000 người từ các quốc gia trên thế giới ghi danh, bao gồm Pháp, Đức, Bồ đào nha, Anh, Tây ban nha, Ba lan, Hà lan, ý, Hunggari, Slovac, Crôát và Thụy sĩ.

Cử hành bắt đầu thứ 6, 11/11, với buổi yết kiến chung tại đại thính đường Phaolô VI, trong đó Đức giáo hoàng sẽ nghe các chứng từ và nói chuyện với họ, Các chứng từ cũng được trình bày tại các giáo xứ ở quanh Roma. Ngày thứ 7, 12/11, buổi canh thức tại đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, và các người tham dự sẽ đi qua cửa Thánh. Tối đó một buổi hòa nhạc được tổ chức tại đại thính đường Phaolô VI. Sự kiện được kết thúc với Thánh lễ do Đức giáo hoàng cử hành vào Chúa nhật 13/11. Vào ngày này, cửa Năm Thánh tại 3 đền thờ Đức Bà Cả, Gioan Laterano và Phaolô ngoại thành, và tại các giáo phận trên thế giới sẽ được đóng. Cửa Thánh ở đền thờ Thánh Phêrô sẽ được đóng vào ngày 20/11.

Đức Tổng Fisichella nhận định là hai ngày Năm Thánh dành cho tù nhân và  dành cho người vô gia cư sẽ được sống với cùng sự sốt sắng và kinh nghiệm cầu nguyện mà chúng ta đã thấy trong suốt Năm Thánh. (CNA 02/11/2016)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tham dự cuộc gặp gỡ đại kết tại Malmoe

Đức Thánh Cha tham dự cuộc gặp gỡ đại kết tại Malmoe

duc-thanh-cha-tham-du-cuoc-gap-go-dai-ket-tai-malmoe

MALMOE. Chiều ngày 31-10-2016, ĐTC Phanxicô đã cùng với 10 ngàn người tham dự buổi gặp gỡ đại kết tại Malmoe, phần 2 của ngày tưởng niệm cuộc cải cách của Tin Lành Luther.

 

 Malmoe có 323 ngàn dân cư ở miền cực nam Thụy Điển và cách thành phố Lund 28 cây số. Khi từ Lund tới đây vào lúc gần 4 giờ rưỡi chiều, ĐTC đã cùng với ĐGM Chủ tịch và Mục Sư Tổng thư ký Liên Hiệp Luther đã dùng xe nhỏ đi vòng quanh sân bóng đá Swetsbank để chào tất cả mọi người hiện diện.

Những tín hữu tham dự buổi sinh hoạt đại kết ở sân vận động này đã đăng ký trước và trả tiền vé là 120 đồng Thụy Điển, tương đương với 13 Euro. Số tiền dư sẽ được dùng đề giúp đỡ người tị nạn chiến tranh Siria.

Sinh hoạt đại kết diễn ra với phần trình bày 4 chứng từ, trước khi Đức GM Younan ngỏ lời với mọi người.

Diễn văn của ĐTC

Trong diễn văn nhân dịp này, ĐTC cám tạ Chúa vì buổi lễ kỷ niệm chung 500 năm cuộc cải cách mà chúng ta đang sống trong một tinh thần đổi với và với ý thức rằng sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô là một ưu tiên, vì chúng ta nhìn nhận giữa chúng ta điều liên kết vẫn nhiều hơn những điều làm chúng ta chia rẽ. Ngài nói:

“Nguyên con đường chúng ta đi để đạt tới hiệp nhất đã là một hồng ân lớn lao Chúa ban cho chúng ta, và nhờ ơn phù trợ của Chúa, chúng ta ở đây hôm nay, Luther và Công Giáo, trong tinh thần hiệp thông, để nhìn lên Chúa duy nhất của chúng ta là Đức Giêsu Kitô.

Cuộc đối thoại giữa chúng ta đã giúp đào sâu sự cảm thông lẫn nhau, tạo nên sự tín nhiệm này, và củng cố ước muốn tiến bước về sự hiệp thông trọn vẹn. Một trong những thành quả cuộc đối thoại này là sự cộng tác giữa các tổ chức khác nhau thuộc Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới với Giáo Hội Công Giáo. Nhờ bầu không khí cộng tác mới mẻ này, ngày hôm nay Caritas quốc tế và Dịch vụ thế giới của Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới sẽ ký tuyên ngôn chung về các hiệp định, với mục đích phát triển và củng cố một nền văn hóa cộng tác để thăng tiến phẩm giá con người và công bằng xã hội”.

Tiếp đến ĐTC lần lượt nhắc đến và khích lệ, cám ơn 4 người đã trình bày chứng– Trước tiên của cô Pranita Biswasi, 26 tuổi người Ấn độ, đã dấn thân chống lại bất công làm ô nhiễm và gây hại cho thiên nhiên, chống lại những lạm dụng đối với trái đất.

-Tiếp đến là Đức ông Hector Garivia, giám đốc Caritas Colombia, người ta trình bày về công việc chung mà các tín hữu Luther và Công Giáo thực hiện ở Colombia. ĐTC nói: Thật là tin vui khi biết các tín hữu Kitô liên kết với nhau để tạo nên những tiến trình cộng đoàn và xã hội chung với nhau để phục vụ công ích.

– Thứ ba là chứng từ của bà Marguerite Barankitse, người Burundi đã can đảm chấp nhận nhận 7 người con nuôi trong thời nội chiến ở nước này. Bà đã giấu kín 7 người con ấy và 25 trẻ mồ côi khác, săn sóc cho các em. Bà coi sứ mạng của bà là săn sóc giúp đỡ các trẻ em bị bỏ rơi, giúp các em học hành và tăng trưởng.

Sau cùng là cô Rose Lokonyen, một thiếu nữ tị nạn thuộc toán tham dự thế vận hội Olimpic. Cô đã tận dụng tài năng Chúa ban qua thể thao. Thay vì phí phạm sức lực trong những nghịch cảnh, cô đã dùng nó trong một cuộc sống phong phú. ĐTC nói: ”bao nhiêu người trẻ khác cũng đang cần chứng tá của cô. Nhân dịp này tôi cám ơn tất cả cac chính phủ đang giúp đỡ những người di dân và tị nạn, vì mỗi hoạt động bênh vức những người đang cần được bảo vệ chính là một cử chỉ liên đới và nhìn nhận phẩm giá của họ.“

ĐTC cũng mời gọi mọi người nghe chứng từ tiếp đó của Đức Cha Antoine Audo, dòng Tên, thuộc Giáo Hội Công Giáo Canđê, GM tại thành Aleppo Siria, nơi dân chúng đang kiệt quệ vì chiến tranh, các quyền cơ bản của họ bị chà đạp.. Giữa những tàn phá đau thương ấy thật là anh hùng những người ở lại đó để giúp đỡ tinh thần và vật chất cho những ai đang cần.

Cuối buổi gặp gỡ đại kết vào lúc quá 6 giờ chiều, ĐTC đã ban phép lành cho mọi người trước khi cùng với ĐHY Koch chào thăm riêng 30 vị thủ lãnh của các phái đoàn Kitô tại phòng khánh tiết của sân bóng đá, trước khi trở về Trung tâm đại học y khoa Igeloesa cách đó 43 cây số để vùng bữa tối và qua đêm.

G. Trần Đức Anh OP 

 

Tuyên ngôn chung Công Giáo và Tin Lành Luther

Tuyên ngôn chung Công Giáo và Tin Lành Luther

tuyen-ngon-chung-cong-giao-va-tin-lanh-luther

Tuyên ngôn được ĐGH và Đức TGM Chủ tịch Liên hiệp Tin Lành Luther ký vào cuối buổi cầu nguyện tưởng niệm 500 cuộc cải cách cử hành tại Nhà thờ chính tòa Lund, Thụy Điển, chiều ngày 31-10-2016.

Tuyên ngôn có đoạn viết: ”Với tuyên ngôn chung này, chúng tôi, các tín hữu Công Giáo và Luther, bày tỏ lòng biết ơn vui mừng đối với Thiên Chúa vì ơn được cầu nguyện chung tại Nhà thờ Chính tòa Lund nhân dịp khai mạc năm kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách. 50 năm đối thoại đại kết song phương liên tục và có thành quả giữa Công Giáo và Luther đã giúp vượt thắng nhiều khác biệt và đã kiến tạo sự cảm thông lẫn nhau và tín nhiệm giữa chúng tôi. Đồng thời chúng tôi đã tiến đến gần nhau trong việc cùng phục vụ những người thân cận của chúng tôi, thường ở trong bối cảnh đau khổ và bị bách hại. Vì thế, qua đối thoại và cùng làm chứng tá, chúng tôi không còn là những người xa lạ nữa. Trái lại, chúng tôi đã học biết rằng có nhiều điều liên hết chúng tôi hơn là những điều chia rẽ.

”Đáp lại 5 điều quyết tâm, chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc đối thoại của chúng tôi để loại bỏ những chướng ngại còn tồn đọng cản trở chúng tôi tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn. Đặc biệt chúng tôi dấn thân tìm kiếm những con đường vượt thắng sự phân hóa trong Thân Mình Chúa Kitô và đáp lại sự đói khát thiêng liêng của các cộng đồng chúng tôi để được nên một tại Bàn Thánh Thể. Đó là mục đích nỗ lực đại kết của chúng tôi.

”Chúng tôi kêu gọi tất cả các cộng đồng Công Giáo và Luther địa phương và những người đối tác đại kết của chúng tôi hãy cản đảm và có tinh thần sáng tạo, vui tươi và hy vọng trong quyết tâm của họ dấn thân trong hành trình tuyệt vời này trước mặt chúng ta.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Giám Mục Younan Chủ tịch Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới đã ký tuyên ngôn chung, và giơ cao cho mọi người hiện diện. Toàn thể mọi người đã nhiệt liệt vỗ tay hưởng ứng, trong đó có cả Quốc vương và Hoàng hậu Thụy Điển.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tham dự lễ tưởng niệm 500 năm cuộc Cải Cách

Đức Thánh Cha tham dự lễ tưởng niệm 500 năm cuộc Cải Cách

duc-thanh-cha-tham-du-le-tuong-niem-500-nam-cuoc-cai-cach

LUND. Ngày 31-10-2016, ĐTC đã đến thành phố Lund, Thụy Điển, để cùng với Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới tưởng niệm 500 năm cuộc cải cách của Martin Luther.

Liên hiệp này hiện qui tụ 145 Giáo Hội Tin Lành Luther tại 98 quốc gia trên thế giới với tổng số 74 triệu tín đồ.

Lễ tưởng niệm có chủ đề là ”Từ xung đột đến hiệp thông – Liên kết trong hy vọng” và diễn ra tại Nhà thờ chính tòa giáo phận Lund. Việc tham dự lễ tưởng niệm cũng là chủ đích nguyên thủy và chính yếu chuyến viếng thăm đại kết của ĐTC tại Thụy Điển. Sau đó chương trình được kéo dài với thánh lễ ngài cử hành cho cộng đoàn Công Giáo Thụy Điển sáng ngày 1-11-2016, lễ Các Thánh.

Thụy Điển rộng với 450 ngàn cây số vuông và dân số gần 9 triệu 750 ngàn dân, đa số theo Tin Lành Luther, vốn là quốc giáo tại Thụy Điển cho đến năm 2000.

Giáo Hội Công giáo chỉ được tái lập vào cuối thế kỷ 18 tại Thụy Điển và các tín hữu chỉ được hành đạo riêng tư. Hiện nay, Cộng đoàn Công Giáo tại đây họp thành một giáo phận duy nhất là giáo phận Stockholm với 115 ngàn tín hữu có đăng ký và con số thực tế nhiều gấp đôi nếu kể cả những người không đăng ký. Họ thuộc 44 giáo xứ do 127 LM coi sóc, cùng với 30 phó tế vĩnh viễn và 168 nữ tu, theo niên giám mới nhất của Tòa Thánh..

Giáo Hội Công Giáo tại Thụy Điển là Giáo Hội gồm những người nhập cư với khoảng hơn 80 ngôn ngữ khác nhau trong các giáo xứ. Các thứ tiếng có nhiều tín hữu nhất là Arập, Eritreo, Croat, Ba Lan, Sloveni, Ucraina và Việt Nam. Hơn 80% các tín hữu Công Giáo tại nước này là người nhập cư hoặc con cái của những người nhập cư. Có một số nhỏ là người Tin Lành Thụy Điển trở lại Công Giáo.

Buổi cầu nguyện đại kết tưởng niệm

ĐTC đã từ Roma bay tới phi trường thành phố Malmoe, có 323 ngàn dân cư, lúc gần 11 giờ sáng ngày 31-10 và được thủ tướng Stefan Loefven, cùng với bà Bộ trưởng văn hóa và dân chủ, Alice Bah-Kuhnke, đón tiếp cùng với một số vị lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là các GM Công Giáo Bắc Âu và một số thành viên Liên Hiệp tin lành Luther thế giới.

Lúc quá một giờ rưỡi trưa, ĐTC đã đến hoàng cung Kunghuset ở thành phố Lund, để gặp gỡ hoàng gia với vua Carl XVI Gustav và hoàng hậu Silvia. Tiếp đến ngài đến Nhà thờ chính tòa giáo phận Lund để tham dự buổi tưởng niệm cuộc cải cách.

Lund chỉ có 82 ngàn dân cư, được chọn làm nơi cử hành buổi lễ tưởng niệm, vì đây là nơi các Giáo Hội Tin Lành Luther trên thế giới đã nhóm họp năm 1947 để thành lập Liên Hiệp Tin Lành Luther thế giới, năm tới là kỷ niệm 70 năm thành lập. Ngày 31-10 được chọn để nhắc lại ngày cải cách: 31-10 năm 1517, Martin Luther yết thị 95 mệnh đề của ông tại cửa Nhà thờ lâu đài Wittemberg bên Đức.

Nhà thờ chính tòa giáo phận Lund rất cổ kính, có từ hơn 1 ngàn năm nay, được xây cất hồi năm 1080. Khi đến nay, lúc gần 2 giờ 30, ĐTC đã được bà TGM Antje Jackelén, giáo chủ Tin Lành Luther Thụy Điển và Đức GM Công Giáo Anders Arborelius của giáo phận Stockholm chào đón tại cửa thánh đường và cùng đi rước tiến lên bàn thờ chính. Cùng thuộc đoàn rước này có các đại diện của Liên hiệp Luther thế giới.

Trong số 600 khách mời hiện diện tại buổi cầu nguyện có hoàng gia Thụy Điển và chính quyền nước này.

Trong buổi cầu nguyện, hai đại diện của Tin Lành Luther và Công Giáo đã nhìn nhận những đau thương các tín hữu hai Giáo Hội đã gây ra cho nhau trong lịch sử và cầu xin ơn tha thứ của Chúa.

Sau các bài đọc sách thánh, là bài giảng của Mục Sư Martin Junge, Tổng thư ký Liên Hiệp Tin Lành Luther thế giới. Mục sư diễn giải ý nghĩa bài đọc Tin Mừng theo thánh Gioan về lời Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ ở lại trong Người như nhánh gắn vào thân cây nho.

Mục Sư Tổng thư ký

Mục sư Junge nói: Khi thấy Chúa Giêsu Kitô ở giữa chúng ta, chúng ta bắt đầu nhìn nhau một cách khác. Chúng ta nhìn nhận có rất nhiều điều liên kết chúng ta hơn là những điều chia rẽ. Chúng ta là một trong bí tích rửa tội. .. Chúng ta họp nhau nơi đây và sẵn sàng tái khám phá chúng ta là ai trong Chúa Kitô. .. Phép rửa tội là lời loan báo ngôn sứ chữa lành và hiệp nhất giữa thế giới bị tổn thương của chúng ta, nhờ đó biến thành một hồng ân hy vọng giữa một cộng đoàn nhân loại khao khát sống an bình trong công lý và trong sự khác biệt được hòa giải. Thật là một mầu nhiệm sâu xa dường nào: điều mà các dân tộc và cá nhân đang sống trong những tình trạng bạo lực và áp bức đang kêu gào cũng là điều phù hợp với điều mà Thiên Chúa nói nhỏ vào tai chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô, là gốc nho đích thực mà chúng ta được gắn liền vào. Khi kết hiệp với gốc nho ấy, chúng ta sẽ mang lại hoa trái an bình, công lý, hòa giải, thương xót và liên đới mà dân Chúa đang cầu xin và Thiên Chúa tạo nên.

Bài giảng của ĐTC

Về phần ĐTC, trong bài giảng, ngài đi từ câu Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong bữa Tiệc Ly: ”Các con hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở trong các con” (Ga 15,4) để nói lên ước muốn này: Cũng như Chúa Giêsu hiệp nhất với Chúa Cha, cả chúng ta cũng phải hiệp nhất với Chúa nếu chúng ta muốn mang lại hoa trái. Ngài nói:

”Trong cuộc gặp gỡ cầu nguyện này ở thành Lund này, chúng ta muốn biểu lộ ước muốn chung của chúng ta hiệp nhất với Chúa để có sự sống. Chúng ta cầu xin: ”Lạy Chúa, xin giúp chúng con bằng ơn thánh của Chúa, để chúng con hiệp nhất hơn với Chúa để cùng nhau làm chứng tá tin cậy mến hữu hiệu hơn”. Và đây cũng là lúc cảm tạ Thiên Chúa vì sự dấn thân của bao nhiêu anh chị em chúng ta, thuộc các cộng đoàn Giáo Hội khác nhau, không cam chịu sự chia rẽ, nhưng đã duy trì sinh động niềm hy vọng hòa giải giữa tất cả những người tin nơi Chúa duy nhất”.

ĐTC nhận xét rằng:

”Người Công Giáo và Luther chúng ta đã bắt đầu đồng hành trên con đường hòa giải. Giờ đây, trong bối cảnh kỷ niệm chung cuộc cải cách năm 1517, chúng ta có cơ hội mới để đón nhận một hành trình chung, đã hình thành trong 50 năm qua, với cuộc đối thoại đại kết giữa Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới và Giáo Hội Công Giáo. Chúng ta không thể cam chịu sự chia rẽ và xa cách mà sự chia rẽ đã tạo ra nơi chúng ta. Chúng ta có thể sửa chữa trong một thời điểm quan trọng của lịch sự chúng ta, vượt thắng những tranh cãi và hiểu lầm thường ngăn cản chúng ta cảm thông nhau…

”Chúng ta cũng cần nhìn lại quá khứ của chúng ta trong tinh thần yêu thương và lương thiện và nhìn nhận lỗi lầm, rồi xin lỗi: chỉ có Thiên Chúa là thẩm phán. Với cùng tinh thần yêu và lương thiện, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng sự chia rẽ của chúng ta xa rời trực giác nguyên thủy của Dân Chúa, vốn tự nhiên mong ước điệp hiệp nhất, và sự chia rẽ ấy được kéo dài trong lịch sự do những người quyền thế ở trần gian này hơn là do ý muốn của dân trung thành, luôn luôn và tại mỗi nơi, họ đang cần được vị Mục Tử Nhân Lành hướng dẫn một cách vững chắc và dịu dàng. Tuy nhiên có một ý chí chân thành từ cả hai bên muốn tuyên xưng và bảo vệ đức tin chân chính; và chúng ta cũng ý thức rằng chúng ta khép kín nơi chính mình vì sợ hãi hoặc vì thành kiến đối với đức tin mà người khác tuyên xưng với sắc thái và ngôn ngữ khác nhau. ĐGH Gioan Phaolô 2 đã từng nói: ”Chúng ta không được để cho mình bị hướng dẫn do ý hướng muốn đặt mình làm người xét xử lịch sử, nhưng chỉ do ý hướng hiểu rõ hơn những biến cố và trở thành những người mang chân lý” (Sứ điệp gởi ĐHY Johannes Willebrands, 31-10-1983). Thiên Chúa là chủ vườn nho, và với lòng yêu thương bao la, Ngài nuôi dưỡng và bảo vệ vườn nho; chúng ta hãy để cho mình cảm động vì cái nhìn của Thiên Chúa; điều duy nhất mà Chúa muốn, đó là chúng ta hiệp nhất như cành nho gắn vào Chúa Giêsu Con của Ngài”.   Sau buổi cầu nguyện vào lúc gần 4 giờ chiều, ĐTC giã từ hoàng gia, rồi cùng đoàn xe tiến về thành phố Malmoe cách đó 28 cây số về hướng đông nam để cử hành phần thứ 2 của lễ tưởng niệm cải cách. Phần này có sự tham dự của 10 ngàn tín hữu, kể cả đại diện của nhiều Giáo Hội Kitô khác.

G. Trần Đức Anh OP

Công giáo có thể học từ Tin lành Luther hai điều: cải cách và Kinh Thánh

Công giáo có thể học từ Tin lành Luther hai điều: cải cách và Kinh Thánh

duc-giao-hoang-tiep-giam-muc-tin-lanh-thuy-dien

Vatican – Trước chuyến viếng thăm Thụy điển vào các ngày 31/10-01/11 để tưởng niệm 500 năm cuộc Cải cách của Luther, vào ngày 24/09, Đức giáo hoàng Phanxicô đã trả lời cuộc phỏng vấn của cha Ulf Jonsson, giám đốc của tạp chí Signum” của dòng Tên. Nội dung cuộc phỏng vấn được đăng bằng tiếng Anh và tiếng Ý trên tạp chí dòng Tên  La Civilta Cattolica (Văn minh Công giáo). Trong cuộc phỏng vấn, Đức Phanxicô đã nói về những mong đợi của ngài và về sự hiệp nhất Công giáo và Tin lành Luther.

“Tôi có thể nghĩ đến chỉ một từ để trả lời: đến gần nhau”, đó là câu trả lời của Đức Phanxicô về hy vọng của ngài trong chuyến viếng thăm Thụy điển sắp tới. Ngài nói: “Hy vọng và chờ mong của tôi là đến gần các anh chị em của tôi hơn” vì “sự gần nhau cho tất cả chúng ta trở nên tốt, còn xa cách làm cho chúng ta đau khổ.” Khi chúng ta xa cách người khác, “chúng ta đóng kín mình trong bản thân và trở thành những thực thể cá nhân, không thể gặp gỡ người khác. Chúng ta bị kìm lại bởi nỗi sợ hãi.”

Đức Thánh Cha nhấn manh là chúng ta cần phải học vượt qua chính mình để gặp gỡ người khác và nếu không thì các Kitô hữu sẽ trở nên đau bệnh vì sự chia rẽ của chúng ta. Ngài nói tiếp: “Điều tôi chờ mong là có thể tiến một bước gần, gần hơn với anh chị em ở Thụy điển.”

Chuyến viếng thăm sắp tới là chuyến viếng thăm đầu tiên của một Giáo hoàng đến vùng Scandinavia kể từ lần Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô thăm Thụy điển vào năm 1989. Dù chỉ kéo dài 2 ngày, chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô sẽ bao gồm buổi cầu nguyện hiệp nhất tại nhà thờ chánh tòa Tin lành Luther ở thành phố Lund và sau đó là sự kiện đại kết ở thành phố Malmö.

Đức Phanxicô cũng sẽ cử hành Thánh lễ trọng kính Các Thánh với các tín hữu Công giáo Thụy điển tại sân vận động Swedbank ở thành phố Malmö. Thánh lễ này không có trong chương trình ban đầu nhưng được thêm vào do yêu cầu của cộng đoàn Công giáo bé nhỏ Thụy điển.

Đức Phanxicô đã gặp phải những chỉ trích về quyết định ban đầu là không cử hành Thánh lễ Công giáo. Trong cuộc phỏng vấn ngài đã giải thích quyết định ban đầu này, vì ngài muốn cổ võ hiệp nhất và tránh chia rẽ bè phái. Đức Thánh Cha giải thích là hai từ “Công giáo” và “bè phái” là hai từ tương phản, anh chị em không thể vừa là Công giáo và bè phái, do đó ngài không lên chương trình cử hành Thánh lễ trong chuyến viếng thăm này.

Đức Thánh Cha cũng  chia sẻ suy tư của ngài là muốn nhấn mạnh về chứng từ đại kết, nhưng như mục tử của đoàn chiên Công giáo và sẽ có các tín hữu đến từ Na uy và Đan Mạch, nên ngài đã nhận lời yêu cầu tha thiết của cộng đoàn Công giáo và kéo dài chuyến đi thêm một ngày. Thánh lễ không được cử hành cùng ngày cuộc gặp gỡ đại kết để tránh những hiểu lầm.

Trong cuộc phỏng vấn Đức Thánh cha cũng nói về liên hệ tích cực của ngài với tín hữu Luther khi ngài còn ở Buenos Aires. Theo ngài, các tín hữu Công giáo có thể học từ Tin lành Luther “cải cách và Kinh thánh.” Luther đã muốn cải cách khi Giáo hội trong thời kỳ khó khăn, ông muốn giải quyết tình trạng phức tạp, chỉ vì tình hình chính trị nên nó trở thành chia rẽ. Cải cách là điều căn bản của Giáo hội vì Giáo hội luôn cải cách. Đức Thánh cha nhìn nhận việc Luther khuyến khích tín hữu đọc Kinh thánh thật quan trọng.

Theo Đức Phanxicô, bên cạnh việc thảo luận thần học, cách tốt nhất cổ võ hiệp nhất hiện nay là chia sẻ sự nhiệt thành cầu nguyện chung và các việc bác ái. Ngài nhấn mạnh là cùng nhau hành động là điều rất quan trọng, trong khi “chiêu dụ tín đồ” trong lãnh vực Giáo hội là tội lỗi, vì nó giống như biến Giáo hội thành một tổ chức. Nói chuyện với nhau, cầu nguyện cùng nhau, hoạt động chung là con đường mà chúng ta phải đi.

Đức Thánh Cha cũng nhận định là không bao giờ có thể dùng Thiên Chúa để bào chữa cho bạo lực: “Anh chị em không thể dùng tên Thiên Chúa để gây chiến tranh. Đó là phạm thượng, là ma quỷ.” Ngài cũng phản đối những phê bình nhắm đến các xung đột tôn giáo và cho rằng không có các tôn giáo thì thế giới sẽ tốt hơn. Ngài phân biệt giữa tôn giáo giả và sai lầm trong các hình thức sùng bái ngẫu tượng như tiền bạc, thù hận, tham vọng, thống trị, vv. với tôn giáo thật nhắm phát triển khả năng của con người để đạt tới hoàn hảo.

Lời cuối cùng của Đức Thánh Cha về chuyến viếng thăm sắp tới là: “đơn giản: đi và bước cùng nhau! Đừng đóng kín trong những quan điểm cứng nhắc, bởi vì trong những điều đó không có khả năng hoán cải.” (CAN 28/10/2016)

Hồng Thủy

Ba thái độ giúp xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh

Ba thái độ giúp xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-21-10-2016

Khiêm tốn, hiền lành, rộng lượng, đây là ba điều quan trọng để xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta.

“Bình an cho anh em.” Đây là chào của Chúa, lời chào tạo nên một mối dây liên kết, mối dây hòa bình. Lời chào này nối kết chúng ta trong sự hiệp nhất, nên một trong Chúa Thánh Thần. Nếu không có hòa bình, nếu chúng ta không thể chào nhau với nghĩa rộng nhất của từ hòa bình, nếu chúng ta không mở lòng cho tinh thần hòa bình, thì không bao giờ chúng ta có được sự hiệp nhất.

Ác tâm thì gieo rắc chiến tranh, người Kitô hữu tránh những cuộc chiến

Để có thể có sự hiệp nhất trong thế giới, cần có sự hiệp nhất trong những tỉnh thành, trong xóm làng, trong gia đình. Ác tâm thì luôn gieo rắc chiến tranh. Ghen ghét, xung đột, nói hành nói xấu… hủy hoại hòa bình và do đó không thể hiệp nhất. Các Kitô hữu có thể hành xử cách nào để kiến tạo sự hiệp nhất? Thánh Phaolô nói rất rõ: “Anh em hãy ăn ở cho xứng đáng, với lòng khiêm nhường, hiền lành và nhẫn nại.” Đây chính là ba thái độ. Khiêm nhường: bạn không thể trao tặng hòa bình nếu thiếu khiêm nhường. Ở đâu có ngạo mạn, ở đó có chiến tranh, vì người ta luôn muốn thắng người khác, muốn hơn người. Nếu không có khiêm tốn, sẽ không có hòa bình, không có sự hiệp nhất.

Tái khám phá sự hiền lành để nâng đỡ nhau

Ngày nay chúng ta quên đi khả năng ăn nói dịu hiền, lời lẽ của chúng ta quá khô cứng và chua chát. Chúng ta hay nói xấu người khác… Như thế, thánh Phaolô nói là chúng ta cần chịu đựng lẫn nhau, cần kiên nhẫn, cần chịu đựng những lỗi lầm của người khác, những điều mà chúng ta không thích.

Thứ nhất là khiêm tốn. Thứ hai là hiền lành. Hai điều này tương hỗ cho nhau. Thứ ba là nhẫn nại với trái tim bao dung, rộng lượng, cao thượng, có khả năng đón nhận tất cả mà không kết án, không đóng khung với những thứ lặt vặt nhỏ nhặt. Trái tim cần đủ rộng để đón lấy tất cả. Điều ấy làm nên mối dây hòa bình. Đây là cách thức cần để xây dựng hòa bình, và từ đó tạo nên sự hiệp nhất. Đấng làm nên sự hiệp nhất là chính Chúa Thánh Thần, nhưng Ngài thúc đẩy chúng ta chuẩn bị cho sự kiến tạo ấy.

Cùng nhau xây dựng sự hiệp nhất trong mối dây hòa bình  

Đây chính là đời sống xứng đáng với mầu nhiệm ơn kêu gọi mà chúng ta đã lãnh nhận, mầu nhiệm Hội Thánh. Mầu nhiệm Hội Thánh là mầu nhiệm Thân Mình Chúa Kitô: Một đức tin, Một phép rửa, Một Thiên Chúa là Cha tất cả mọi người, Đấng hoạt động nơi mọi người và ở trong mọi người. Đây là sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha ban cho chúng ta, và chúng ta phải cùng nhau xây dựng trong mối dây hòa bình. Mối dây hòa bình sẽ lớn mạnh với lòng khiêm nhường, hiền lành, cùng với lòng cao thượng.

Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần để Ngài ban cho chúng ta ơn không chỉ hiểu mà còn sống mầu nhiệm Hội Thánh, đó là mầu nhiệm của sự hiệp nhất.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha kêu gọi Công Giáo và Luther làm chứng tá chung

Đức Thánh Cha kêu gọi Công Giáo và Luther làm chứng tá chung

duc-thanh-cha-keu-goi-tin-huu-cong-giao-va-luther-lam-chung-ta-chung

VATICAN. ĐTC kêu gọi các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Luther làm chứng tá chung và ngài khích lệ giới trẻ trở thành chứng nhân về lòng thương xót của Chúa.

 Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 13-10-2016, dành cho đoàn 1 ngàn người gồm các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Luther từ miền Đông Đức, quê hương của Luther về Roma hành hương trong 1 tuần lễ nhân dịp kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Luther.

 Cuộc hành hương mang tựa đề ”Với Luther đến gặp ĐGH”. Đây là một dự án đạt kết lớn nhất trong khuôn khổ năm kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Tin Lành. 50% những người trẻ tham dự đoàn hành hương này dưới 30 tuổi. Đồng hành với họ về phía Công Giáo có Đức Cha Gerhard Feige, GM giáo phận Magdeburg, và về phía Tin Lành Luther có nữ GM Ilse Junkermann.

 Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ”dâng lời cảm tạ Chúa vì ngày nay các tín hữu Luther và Công Giáo đang tiến bước trên con đường từ xung đột đến hiệp thông. Chúng ta đã cùng nhau đi qua một đoạn đường quan trọng. Dọc đường chúng ta cảm thấy những tâm tình trái ngược: đau khổ vì còn chia rẽ giữa chúng ta, nhưng vui mừng vì tình huynh đệ đã tìm lại được.”

 ĐTC nhắc đến Giáo huấn của Thánh Phaolô Tông đồ, theo đó ”do bí tích rửa tội, tất cả chúng ta họp thành Thân Mình duy nhất của Chúa Kitô. Các chi thể khác nhau họp thành một thân mình duy nhất, vì thế chúng ta thuôc về nhau và khi một chi thể đau khổ, thì tất cả cùng đau khổ, khi một chi thể vui mừng thì tất cả đều vui mừng (Xc 1 Cr 12,12-26). Chúng ta có thể tiến bước trong tin tưởng trên con đường đại kết, vì chúng ta biết rằng ngoài những vấn đề còn bỏ ngỏ chia rẽ chúng ta, chúng ta đã hiệp nhất với nhau. Điều liên kết chúng ta thì nhiều hơn là những điều chia rẽ chúng ta”.

 ĐTC cũng đề cập đến khởi đầu cuộc tưởng niệm cải cách của Luther sẽ diễn ra tại Thụy Điển vào cuối tháng 10 này mà ngài sẽ tham dự. Ngài nói: ”Phần cốt yếu của lễ tưởng niệm này sẽ là hướng cái nhìn của chúng ta về tương lai, để làm chứng tá Kitô chung cho thế giới ngày nay, một thế giới đang khao khát Thiên Chúa và lòng thương xót của Người. Chứng tá mà thế giới đang chờ đợi nơi chúng ta, chủ yếu là hữu hình hóa lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta qua việc phục vụ những người nghèo khổ nhất, các bệnh nhân, những người đã bỏ quê hương để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và những người thân yêu”.

 Sau cùng ĐTC khích lệ những người trẻ hãy trở thành chứng nhân về lòng thương xót và nói rằng: ”Trong khi các nhà thần học tiếp tục đối thoại trong lãnh vực đạo lý, các bạn hãy kiên trì tìm kiếm những cơ hội để gặp gỡ nhau, hiểu biết nhau nhiều hơn, cùng cầu nguyện và giúp đỡ nhau, cũng như trợ giúp tất cả những người đang cần. Như thế, được giải thoát khỏi mọi thành kiến và các bạn chỉ tín thác nơi Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô là Đấng loan báo an bình và hòa giải, các bạn sẽ nắm giữ vai chính trong giai đoạn mới trên hành trình dẫn đến sự hiệp thông trọn vẹn, với ơn phù trợ của Chúa” (SD 13-10-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp Giáo Chủ và nhiều TGM Anh Giáo

Đức Thánh Cha tiếp Giáo Chủ và nhiều TGM Anh Giáo

Đức Thánh Cha tiếp Giáo Chủ và nhiều TGM Anh Giáo

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến các vị lãnh đạo Anh giáo thế giới sáng 6-10-2016, ĐTC đề cao việc cầu nguyện, cùng làm chứng tá và sứ mạng chung của các tín hữu Công Giáo và Anh giáo.

Đức TGM Justin Welby, Giáo Chủ Liên hiệp Anh giáo, cùng với nhiều vị TGM trong số 38 giáo tỉnh Anh giáo trên thế giới đã hiện diện tại buổi tiếp kiến.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nhắc lại hành trình 50 năm qua của Anh giáo và Công Giáo, sau cuộc gặp gỡ của ĐGH Phaolô 6 với Đức Giáo Chủ Michael Ramsey của Anh giáo, và ngài tóm tắt trong 3 việc làm là cầu nguyện, làm chứng tá và sứ mạng truyền giáo.

– ”Cầu nguyện như chúng ta đã cử hành kinh chiều hôm 5-10-2016, và sáng hôm nay, 6-10, anh chị em đã cầu nguyện tại mộ thánh Phêrô. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi trong việc cùng nhau tha thiết cầu xin Chúa ban ơn hiệp nhất.”

Tiếp đến là ”làm chứng tá. 50 năm gặp gỡ và trao đổi, cũng như suy tư và công bố những văn kiện chung, nói với chúng ta về những Kitô hữu, nhờ đức tin và với đức tin, đã lắng nghe và chia sẻ với nhau, thời giờ và sức lực. Càng ngày chúng ta càng xác tín rằng phong trào đại kết không bao giờ là một sự nghèo nàn, nhưng là một sự phong phú.. Chúng ta hãy quí chuộng gia sản chung và hằng ngày chúng ta được kêu gọi cống hiến cho thế giới chứng tá yêu thương và hiệp nhất giữa chúng ta với nhau, như Chúa Giêsu yêu cầu.”

Sau cùng, về sứ mạng, ĐTC nói: ”đây là thời kỳ Chúa gọi kêu gọi chúng ta hãy ra khỏi chính mình và môi trường của mình để mang tình yêu thương xót cho thế giới đang khao khát hòa bình”.

Liên hiệp Anh giáo có khoảng 70 triệu tín hữu, chia thành 38 giáo tỉnh tự trị, mỗi giáo tỉnh có một vị TGM đứng đầu. Đức TGM Justin Welby của giáo phận Canterbury bên Anh quốc, chỉ là Giáo chủ danh dự, không có quyền tài phán trên các giáo tỉnh khác (SD 6-10-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha nhìn lại cuộc viếng thăm Georgia và Azerbaigian

Đức Thánh Cha nhìn lại cuộc viếng thăm Georgia và Azerbaigian

Đức Thánh Cha nhìn lại cuộc viếng thăm Georgia và Azerbaigian

VATICAN. Trong buổi kiếp kiến chung sáng thứ tư, 5-10-2016, dành cho hơn 40 ngàn tín hữu hành hương, ĐTC đã thuật lại cuộc viếng thăm ngài mới thực hiện tại hai nước Georgia và Azerbaigian từ 30-9 đến 2-10-2016.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến còn có hơn 20 GM và gần 10 LM thông dịch viên.

Trong bài huấn giáo, ĐTC tạm giác lại loạt bài về lòng thương xót, để đề cập đến cuộc viếng thăm mục vụ ngài mới thực hiện hồi cuối tuần qua tại Cộng hòa Georgia và Azerbaigian, với chủ đích củng cố các tín hữu Công Giáo, thăng tiến đại kết và hòa bình, hòa giải.

Huấn dụ của ĐTC

”Cuối tuần qua, tôi đã thực hiện cuộc viếng thăm tại Georgia và Azerbaigian. Tôi cảm tạ Chúa đã ban cho tôi tiến hành cuộc viếng thăm này và tôi tái bày tỏ lòng biết ơn đối với các chính quyền dân sự và tôn giáo của hai nước, đặc biệt Đức Thượng Phụ toàn Georgia Ilia II và Sheik thủ lãnh của người Hồi giáo miền Caucase. Một lời cám ơn huynh đệ được gửi đến các GM, LM, tu sĩ và toàn thể tín hữu đã làm cho tôi cảm thấy lòng quí mến nồng nhiệt của họ.

”Cuộc viếng thăm này nối tiếp và bổ túc cuộc viếng thăm tôi đã thực hiện tại Armeni hồi tháng 6 năm nay. Vậy là nhờ ơn Chúa, tôi đã có thể thực hiện một dự án viếng thăm tất cả 3 nước vùng Caucase, để củng cố Giáo Hội Công Giáo sống tại đó và để khích lệ hành trình của các dân tộc ấy tiến về hòa bình và huynh đệ. Hai khẩu hiệu của cuộc viếng thăm vừa qua nêu bật điều đó: khẩu hiệu ”Pax vobis” (Bình an cho các con), đối với Georgia, và ”Tất cả chúng ta đều là anh em” đối với Azerbaigian.

Cả hai nước có những căn cội lịch sử, văn hóa và tôn giáo rất cổ kính, nhưng đồng thời đang sống một giai đoạn mới: thực vậy, tất cả hai nước đều đang mừng kỷ niệm 25 năm độc lập, vì phần lớn thế kỷ 20 họ đã ở dưới chế độ Xô Viết. Và trong giai đoạn này họ gặp nhiều khó khăn trong xã lãnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Giáo Hội Công Giáo được kêu gọi hiện diện, gần gũi, đặc biệt qua dấu chỉ bác ái và thăng tiến nhân bản; và Giáo Hội tìm cách thực hiện điều đó trong niềm hiệp thông với các Giáo Hội và cộng đồng Kitô khác, và trong sự đối thoại với các cộng đồng tôn giáo khác, với xác tín rằng Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người và chúng ta là anh chị em với nhau.

Tại Cộng hòa Georgia

Tại Georgia, sứ mạnh này dĩ nhiên được thực hiện trong sự cộng tác với các anh em Chính Thống, chiếm đa số dân tại nước này. Vì thế, thật là một dấu chỉ quan trọng sự kiện khi tôi đến thủ đô Tbilisi, tôi đã thấy ra đón tiếp tôi tại phi trường cùng với Tổng thống và cả Đức Thượng Phụ đáng kính Ilia II nữa. Cuộc gặp gỡ với ngài ban chiều cùng ngày thật là cảm động, cũng như cuộc gặp gỡ ngày hôm sau trong cuộc viếng thăm Nhà thờ chính tòa Thượng Phụ, nơi có tôn kính thánh tích chiếc áo chùng của Chúa Kitô, biểu tượng sự hiệp nhất của Giáo Hội. Sự hiệp nhất này được củng bố bằng máu của bao nhiêu vị tử đạo thuộc các hệ phái Kitô khác nhau. Trong số các cộng đoàn bị thử thách nhất có Cộng đoàn Assiro Canđê mà tôi đã trải qua với họ một buổi cầu nguyện sốt sắng cho hòa bình tại Siria, Irak, và toàn vùng Trung Đông.

Thánh lễ với các tín hữu Công Giáo Georgia – latinh, Armeni và Assiro Canđê – được cử hành trong ngày lễ kính nhớ thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, bổn mạng các xứ truyền giáo: Thánh nữ nhắc nhở chúng ta rằng việc truyền giáo đích thực không bao giờ là chiêu dụ tín đồ, nhưng là sự thu hút về Chúa Kitô từ sức mạnh hiệp thông với Chúa trong kinh nguyện, trong sự thờ lạy và bác ái cụ thể, là phụng sự Chúa Giêsu hiện diện nơi những người bé nhỏ nhất trong các anh em chúng ta. Đó là điều các tu sĩ nam nữ mà tôi gặp ỡ Tbilisi đang làm, và cũng như tại Baku: họ thực hiện điều với trong kinh nguyện và với những công việc bác ái, thăng tiến con người. Tôi đã khích lệ họ hãy kiên vững trong đức tin, trong ký ức, can đảm và hy vọng. Rồi có những gia đình Kitô: sự hiện diện đón tiếp, đồng hành, phân định và hội nhập của họ trong cộng đoàn thật là quí giá dường nào!

Tại Azerbaigian

Cách thức hiện diện theo tinh thần Tin Mừng như thế như hạt giống Nước Thiên Chúa, nếu có thể, càng là điều cần thiết hơn nữa tại Azerbaigian, nơi có đa số dân theo Hồi giáo và các tín hữu Công Giáo chỉ có vài trăm người, nhưng nhờ ơn Chúa, họ có những quan hệ tốt với tất cả mọi người, đặc biệt họ duy trì những mối dây huynh đệ với các tín hữu Chính Thống. Vì thế, tại Baku, thủ đô Azerbaigian, chúng tôi đã trải qua hai biến cố mà đức tin đã biết duy trì trong quan hệ đúng đắn: Thánh Thể và cuộc gặp gỡ liên tôn. Thánh Thể với cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé, nơi mà Chúa Thánh Linh hòa hợp các ngôn ngữ khác nhau và ban sức mạnh làm chứng ta; và sự hiệp thông này trong Chúa Kitô chẳng những không cản trở, nhưng còn thúc đẩy tìm kliếm gặp gỡ và đối thoại với tất cả những người tin nơi Thiện Chúa, để cùng nhau xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn. Trong viễn tượng ấy, khi ngỏ lời với chính quyền nước Azerbaigian, tôi đã cầu mong rằng những vấn đề còn bỏ ngỏ có thể tìm được những giải pháp tốt đẹp và tất cả các dân miền Caucase được sống trong an bình và trong niềm tôn trọng lẫn nhau.

Và ĐTC kết luận rằng: Xin Chúa chúc lành cho Armeni, Georgia và Azerbaigian và đồng hành với dân Thánh của ngài lữ hành tại các nước ấy.

Chào thăm

Sau bài huấn giáo, các LM tại Tòa Thánh lần lượt tóm lược bài của ĐTC bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha, Ba Lan, cùng với những lời chào của ĐTC dành cho các nhóm hành hương.

Trong số các tín hữu nói tiếp Pháp có nhiều người đến từ Pháp, Bỉ và Thụy Sĩ, các LM thuộc giáo phận Nevers bên Pháp do Đức Cha Brac de la Perrière hướng dẫn. ĐTC nói: ”Tôi phó thác anh chị em cho sự chuyển cầu của thánh Phanxicô Assisi và Thánh nữ Têrêsa thành Lisieux, để can đảm tiến bước trên con đường thánh thiện, tìm kiếm tình huynh đệ đích thực giữa chúng ta với nhau. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

Khi chào các tín hữu bằng tiếng Anh, ĐTC nhắc đến những người đến từ Anh Quốc, Ecosse, Ai Len, Na Uy, Úc, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines và Hoa Kỳ. Ngài cầu Chúa ban lòng thương xót và an bình trên các gia đình.

Khi chào bằng tiếng Bồ đào nha, ĐTC đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ những nước xa xăm: Angola, Brazil và cả Bồ đào nha nữa. Bằng tiếng Arập ngài nhắc mọi người rằng sự loan báo và chứng tá của chúng ta càng đáng tin khi chúng ta là những ngừơi đầu tiên có khả năng sống trong hiệp thông và yêu thương nhau.

Trong số các tín hữu hành hương người Ba Lan hiện diện tại buổi tiếp kiến, có nhiều cựu tù nhân trại tập trung Auschwitz. Ngài nhắc đến họ đồng thời nói rằng: ”Hôm nay chúng ta kính nhớ thánh nữ Faustina Kowalska. Thánh nữ nhắc nhớ cho thế giới rằng Thiên Chúa giàu lòng xót thương và tình yêu của Chúa mạnh hơn sự chết, tội lỗi và mọi sự ác. Ước gì sứ điệp này của Chúa Giêsu Từ Bi được ủy thác cho thánh nữ được sinh nhiều hoa trái trong đời sống chúng ta, nhờ sự đào sâu tình hiệp thôgn với Thiên Chúa và qua các công việc từ bi bác ái.

Sau cùng khi chào bằng tiếng Ý, ĐTC đặc biệt nhắc đến các linh mục mới đến học tại Giáo Hoàng Học Viện thánh Phaolô ở Roma, trong đó này cũng có một số linh mục Việt Nam. Ngài không quên chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các cặp tân hôn. Ngài nói: Tháng 10 là tháng truyền giáo, trong đó chúng ta được mời gọi sốt sắng cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các xứ truyền giáo. Các bạn trẻ thân mến, các con hãy trở thành thừa sai Tin Mừng nơi môi trường của các con, với lòng thương xót và sự dịu dàng của Chúa Giêsu; hỡi anh chị em bệnh nhân, anh chị em hãy dâng đau khổ để cầu nguyện cho những người xa lạ và dửng dưng được ơn hoán cải. Và hỡi anh chị em tân hôn, hẫy trở thành những thừa sai trong gia đình của anh chị em, loan báo Tin Mừng cứu độ bằng lời nói và gương lành.”

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha viếng thăm tòa Thượng Phụ Chính Thống Georgia

Đức Thánh Cha viếng thăm tòa Thượng Phụ Chính Thống Georgia

Đức Thánh Cha viếng thăm tòa Thượng Phụ Chính Thống Georgia

TBILISI. ĐTC bày tỏ lòng quí chuộng Giáo Hội Chính Thống Georgia và kêu gọi từ bỏ những thành kiến đối với nhau, cùng trở thành những loan báo Tin Mừng của Chúa.

Giã từ phủ tổng thống, ĐTC đã đến tòa Thượng Phụ lúc gần 5 giờ chiều giờ địa phương, và được Đức Thượng Phụ Ilia II tiếp đón.

Đức Thượng Phụ năm nay 83 tuổi (1933) thụ phong GM năm 1963 khi được 30 tuổi, và làm Viện trưởng thần học viện ở thủ đô Tbilisi, rồi làm GM giáo phận Sukhumi cho đến khi được bầu làm Thượng Phụ hồi năm 1977. Ngài từng làm Chủ Tịch Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô ở Genève Thụy Sĩ, nhưng năm 1997, dưới sức ép mạnh mẽ của phe thủ cựu, cho rằng tổ chức này chịu ảnh hưởng quá mạnh của Tin Lành, nên Thánh Hội đồng của Chính Thống Georgia buộc lòng phải lui khỏi Hội đồng đại kết. Nhóm thủ cựu này cũng đã biểu tình chống đối cuộc viếng thăm của ĐTC tại Georgia.

Sau khi hội kiến riêng với Đức Thượng Phụ Ilia II, ĐTC đã gặp chung với phái đoàn của hai bên và khoảng 10 đại diện của giới học giả và văn hóa.

Diễn văn của ĐTC

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nói:

”Thật là một niềm vui lớn lao cho tôi và một ơn đặc biệt được gặp Đức Thượng Phụ và các vị TGM, GM, thành viên của Thánh Hội đồng. Tôi chào thăm thủ tướng và các vị đại diện của giới học giả và văn hóa..”

Tiếp đến, ĐTC nhắc đến sự kiện Đức thượng phụ Ilia II là người đã viết lên một trang sử mới trong quan hệ giữa Chính Thống Georgia với Giáo Hội Công giáo khi đến viếng thăm lần đầu tiên tại Vatican. Trong dịp đó, Đức Thượng Phụ và GM Roma đã trao đổi nụ hôn bình an và hứa cầu nguyện cho nhau. Từ đó nhiều quan hệ và trao đổi đã được tăng cường, các cuộc viếng thăm của các đại diện Tòa Thánh tại Georgia, các sinh viên Chính Thống Georgia nghiên cứu tại thư viện Vatican và học hỏi tại các Đại học Giáo Hoàng ở Roma, và các tín hữu Georgia hiện diện ở Roma, với một thánh đường và có sự cộng tác với cộng đoàn Công giáo địa phương. Và – ĐTC nói – ”nay tôi đến đây như một người hành hương và một người bạn, tôi đến phần đất được chúc phúc này trong lúc các tín hữu Công Giáo cử hành cao điểm của Năm Thánh Lòng Thương Xót.”

ĐTC cũng nhận xét rằng Giáo Hội Chính Thống Georgia vốn ăn rễ sâu nơi lời giảng của các Tông đồ đặc biệt là Thánh Anrê, và Giáo hội Roma, được xây dựng trên cuộc tử đạo của thánh Phêrô Tông Đồ, ngày hôm nay cả hai Giáo Hội được ơn canh tân tình huynh đệ Tông Đồ tươi đẹp, nhân danh Chúa Kitô và vinh danh của Chúa, Phêrô và Anrê là anh em với nhau.. Người Anh em, Đức Thượng Phụ rất thân mến, chúng ta hãy để cho mình được Chúa Giêsu nhìn, để cho lời mời gọi của Chúa thu hút, từ bỏ những gì cầm giữ chúng ta để cùng nhau trở thành những người loan báo sự hiện diện của Chúa”.

ĐTC ca ngợi lòng can đảm của nhân dân Georgia, luôn trỗi dậy sau vô số thử thách.. và ngài nói thêm rằng:

”Người anh em rất thân mến, để Tin Mừng mang lại hoa trái, ngày nay chúng ta cũng được yêu cầu liên kết kiên vững hơn với Chúa và hiệp nhất với nhau. Nhiều vị thánh của đất nước này khuyến khích chúng ta đặt Tin Mừng lên trên mọi sự và loan báo Tin Mừng như trong quá khứ và hơn nữa, không để mình bị ràng buộc vì những thiên kiến và cởi mở đối với sự mới mẻ ngàn đời của Thiên Chúa. Ước gì những khó khăn không trở thành chướng ngại, nhưng khích lệ chúng ta biết nhau nhiều hơn, chia sẻ nhựa sống đức tin, tăng cường cầu nguyện cho nhau và cộng tác trong tình bác ái tông đồ để làm chứng tá chung, để tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ hòa bình trên trái đất.”

G. Trần Đức Anh OP

Ánh sáng Đức tin

Ánh sáng Đức tin

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 19.09.2016

Hãy giữ vững ánh sáng đức tin và làm cho ánh sáng ấy tiếp tục bừng cháy. Đừng để cho ánh sáng ấy bị che phủ. Đức Thánh Cha nói như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta. Đức Thánh Cha cảnh báo những hành vi làm lu mờ ánh sáng đức tin, như cạnh tranh trong ghen tỵ, chậm trễ làm việc thiện. Đức Thánh Cha cũng nói, những kế hoạch đen tối thì tựa như “mafia”, và “mọi kiểu mafia” đều đen tối.

Hãy để cho ánh sáng đức tin cháy sáng, bừng cháy trước mặt người đời. Đừng để cho ánh sáng ấy lịm tắt. Đó là ánh sáng mà chúng ta được ban tặng như một món quà, và món quà này làm chúng ta bừng sáng. Quà tặng ánh sáng này, chúng ta nhận được trong ngày chịu Phép Rửa. Ngay từ những thế kỷ đầu của Giáo Hội, và ngay cả cho tới hôm nay, Bí tích Rửa Tội vẫn được gọi là Bí tích Khai tâm, khai sáng linh hồn.

Đừng che giấu ánh sáng này, vì nếu làm như thế, bạn chỉ là “Kitô hữu trên danh nghĩa”. Ánh sáng đức tin là ánh sáng chân thực mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta trong ngày chịu Phép Rửa. Ánh sáng này không phải là loại ánh sáng nhân tạo. Ánh sáng này không bao giờ tàn phai.

Đừng bao giờ quên lãng: việc thiện ngày hôm nay chớ để ngày mai, vì nếu hôm nay không làm thì ngày mai cũng chẳng làm. Khi “đi, rồi trở lại và nói, tôi để dành cho ngày mai”, chúng ta đang che giấu ánh sáng. Đừng làm những kế hoạch đen tối để chống lại người thân cận. Đừng lợi dụng lòng tin của nhau để gây điều ác.

Đừng ghen tỵ tranh dành quyền lực, vì khi làm như thế là che giấu ánh sáng. Cám dỗ quyền lực luôn làm cho người ta đánh nhau, và cám dỗ này nói với người ta rằng “chẳng có gì sai cả”. Khi ấy chúng ta luôn tìm thấy có điều gì đó để tranh cãi. Nhưng sau tất cả tranh cãi giành giật thì anh em không thể sống còn. Tốt hơn là nên cho đi và tha thứ.

Đừng ghen tỵ với những kẻ bạo lực, cũng đừng ghen tỵ với những thành công của họ, vì Thiên Chúa là Đấng công bằng. Đã có lần, chúng ta có chút ghen tỵ như thế. Nhưng hãy nhìn xem lịch sử của bạo lực, lịch sử của việc tranh dành quyền bính. Có một kết cục như nhau là người ta cắn xé nhau. Ghen tỵ, tham quyền… điều này che phủ ánh sáng.

Hãy để cho ánh sáng mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa được giãi sáng, được tự do. Chúa Giêsu nói: Hãy là con cái của ánh sáng chứ đừng là con cái của bóng tối. Anh chị em hãy nhìn xem ánh sáng đã được ban cho chúng ta trong ngày chịu Phép Rửa. Đừng che giấu ánh sáng ấy dưới gầm giường, nhưng hãy để ánh sáng lan tỏa. Có nhiều bước để thực hành trong cuộc sống. Có nhiều thứ lạ lùng mà chúng ta thấy rằng, chúng đang che mờ ánh sáng.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần, Đấng mà tất cả chúng ta đã lãnh nhận khi chịu Phép Rửa, giúp chúng ta đừng rơi vào những thói quen xấu mà che phủ ánh sáng. Xin Ngài giúp chúng ta, biết để cho ánh sáng mà chúng ta đã lãnh nhận được tỏa sáng. Ánh sáng của Thiên Chúa có những hoa trái rất tuyệt vời: ánh sáng của tình bạn, ánh sáng của hiền hậu, ánh sáng của tin tưởng, ánh sáng của hy vọng, ánh sáng của kiên nhẫn, ánh sáng của tốt lành.  

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha cổ võ đối thoại liên tôn tại Mỹ châu

Đức Thánh Cha cổ võ đối thoại liên tôn tại Mỹ châu

Đức Thánh Cha cổ võ đối thoại liên tôn tại Mỹ châu

VATICAN. ĐTC đề cao vai trò của các tôn giáo trong việc chăm sóc căn nhà chung của nhân loại và ngài cổ võ các tôn giáo cộng tác với nhau trong lý tưởng này.

ĐTC bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 8-9-2016, dành cho 200 tham dự viên hội nghị đối thoại liên tôn đầu tiên của Mỹ châu, nhóm tại Roma từ hôm 7-9-2016, với mục đích thiết lập Viện đối thoại liên tôn cho đại lục này. Hội nghị do Viện đối thoại liên tôn ở Buenos Aires Argentina cùng với Tổ chức các quốc gia Mỹ châu đứng ra phối hợp dưới sự giám sát của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn. Các tham dự viên đã bàn về việc bảo vệ căn nhà chung của nhân loại, theo thông điệp 'Laudato sí' của ĐTC Phanxicô.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC nói: ”Các tôn giáo có một vai trò rất quan trọng trong việc thăng tiến sự chăm sóc và tôn trọng môi trường. Niềm tin nơi Thiên Chúa đưa chúng ta đến chỗ nhìn nhận Ngài trong thiên nhiên, kết quả tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Niềm tin ấy cũng kêu gọi chúng ta chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên. Vì thế, các tôn giáo cần cổ võ một nền giáo dục chân chính, trên mọi cấp độ, giúp phổ biến thái độ trách nhiệm và quan tâm đối với những đòi hỏi của việc chăm sóc thế giới, và đặc biệt bảo vệ, thăng tiến và bênh vực các quyền con người” (LS 201).

Trong ý hướng đó, ĐTC cổ võ sự cộng tác liên tôn, dựa trên sự thăng tiến một nền đối thoại chân thành và tôn trọng nhau. Ngài nói: ”Nếu không có sự tôn trọng nhau thì sẽ không có đối thoại liên tôn: đó là nền tảng để có thể đồng hành và đương đầu với các thách đố. Cuộc đối thoại này dựa trên chính căn tính của mình và sự tín nhiệm lẫn nhau, nó nảy sinh khi ta có khả năng nhìn nhận người khác như một món quà của thiê Chúa và ta chấp nhận họ cũng có những điều để nói với ta”.

ĐTC nhấn mạnh rằng ”Mỗi cuộc gặp gỡ với tha nhân là một hạt giống nhỏ được gieo vãi; nếu nó được tưới gội chăm chỉ và tôn trọng, dựa trên sự thật, thì sẽ lớn thành cây xum xuê, với nhiều hoa trái, nơi mà tất cả có thể hưởng bóng mát và có thể nuôi dưỡng mình, không ai bị loại trừ, và tại đó mọi người sẽ trở nên thành phần của một dự án chung, liên kết những nỗ lực và khát vọng của mình”.

Sau cùng, ĐTC cũng cổ võ sự cộng tác của những tín hữu và những người thiện chí, những người không tín ngưỡng trong việc bảo vệ các quyền con người, chống lại những tai ương của thế giới chúng ta như chiến tranh và đói kém, nạn lầm than đang đè nặng trên hàng triệu ngừơi, cuộc khủng hoảng môi trường, bạo lực, tham ô, và sự suy đồi luân lý. cuộc khủng hoảng gia đình, và kinh tế, nhất là sự thiếu hy vọng”.

ĐTC không quên lên án sự lạm dụng tôn giáo để gây ra những hành vi tàn ác như khủng bố, gieo rắc sợ hãi và bạo lực, và vì thế có những người coi tôn giáo như là những tổ chức tạo nên tai gương trên thế giới. Cần phải cùng nhau quyết liệt lên án những hành động đáng kinh tởm như thế và xa tránh tất cả những gì tìm cách làm ô nhiễm các tâm hồn, chia rẽ và hủy hoại sự sống chung. Cần chứng tỏ các giá trị tích cực gắn liền với các truyền thông tôn giáo của chúng ta, để mang lại một động lực hy vọng vững chắc” (SD 8-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP

ĐHY Turkson: các tôn giáo bảo vệ môi trường

ĐHY Turkson: các tôn giáo bảo vệ môi trường

ĐHY Turkson đề cao vai trò của các tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường

STOCKHOLM. ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh công lý và hòa bình, cổ võ các tôn giáo cộng tác để bảo vệ môi trường, đặc biệt là các nguồn nước.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây chiều hôm 29-8-2016, trong bài tham luận tại Hội nghị về chủ đề: ”Nước và tín ngưỡng: các tổ chức tôn giáo góp phần vào chương trình gọi là ”Nước để phát triển dài hạn”.

Hội nghị được tổ chức tại thành phố Stockhol, Thụy Điển, nhân ”tuần lễ thế giới về nước” do LHQ đề xướng. Tham dự Diễn đàn có nhiều vị lãnh đạo các tôn giáo khác nhau.

ĐHY Turkson đặc biệt nói về đề tài ”tín ngưỡng và phát triển” và ngài nhận xét rằng ”khoa học có thể cho biết số lượng sự ô nhiễm dưới biển sâu hoặc quanh các quặng mỏ, tiên đoán những hậu quả tiêu cực và đề nghị phương thức chữa trị. Nhưng khoa học không thể cung cấp động lực để hành động tốt đẹp. Cũng vậy trong lãnh vực các khoa học thiên nhiên: các nhà xã hội, kinh tế và luật gia có thể phân tích và giải thích những hậu quả tiêu cực của nạn thất nghiệp, nạn đầu cơ và tham những: họ có thể cảnh giác chúng ta về những chênh lệch, những chính sách mâu thuẫn hoặc những bất an địa lý chính trị. Nhưng xét cho cùng họ không thể cung cấp động lực để hành động tốt đẹp”.

Từ đó, ĐHY đề cao vai trò của các tôn giáo và tín ngưỡng mang lại những động lực mạnh mẽ giúp con người quan tâm đến những hiểm họa về môi sinh và dấn thân hành động, như ĐTC Phanxicô đã viết trong thông điệp ”Laudato sì” về việc bảo vệ thiên nhiên, căn nhà chung của chúng ta: ”khoa học và kỹ thuật sẽ không giúp ích ở đây. Mọi giải pháp kỹ thuật sẽ bất lực ”nếu chúng ta đánh mất động lực mạnh mẽ làm cho chúng ta có thể sống trong hòa hợp, hy sinh và đối xử tốt với nhau” (LS 200).

Trong bài tham luận, ĐHY Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình cũng đưa ra một vài đề nghị cụ thể như:

– Giáo dục giới trẻ có tinh thần liên đới, vị tha và trách nhiệm. Sau này những nhân đức đó sẽ giúp họ trở thành những người quản trị và chính trị gia lương thiện.

– Kinh thánh và các truyền thống linh đạo cho thấy nước là điều quí giá và cũng là một yếu tố thần thiêng. Nước được dùng nhiều trong phụng vụ. Điều này phải gợi hứng để chúng ta sử dụng nước với lòng tông trọng và biết ơn, bài trừ những nguồn nước ô nhiễm và hiểu rằng nước không phải chỉ là một tiện ích thuần tuý.

– Nên tổ chức những chiến dịch liên tôn để làm sạch các sông ngòi và hồ nước để thăng tiến sự tôn trọng lẫn nhau, hòa bình và tình thân hữu giữa các nhóm khác nhau.

– Tái khẳng định phẩm giá con người và công ích của toàn thể gia đình nhân loại để thăng tiến một phẩm trật khôn ngoan về các ưu tiên trong việc sử dụng nước, nhất là tại những nơi có nhiều nhu cầu cạnh tranh nhau về nước” (SD 29-8-2016)

G. Trần Đức Anh OP