Đức Thánh Cha gặp gỡ hàng ngàn linh mục, tu sĩ nam nữ Milano

Đức Thánh Cha gặp gỡ hàng ngàn linh mục, tu sĩ nam nữ Milano

VATICAN. Trong cuộc gặp gỡ hàng ngàn LM, phó tế, tu sĩ nam nữ của Tổng giáo phận Milano, ĐTC kêu gọi các vị đừng sợ thách đố và tình trạng thiểu số của mình.

Hiện nay, ngoài 1900 LM giáo phận, Tổng giáo phận Milano còn có 790 linh mục dòng, 143 phó tế vĩnh viễn hơn 1 ngàn tu huynh và 6.210 nữ tu.

Cuộc gặp gỡ diễn ra lúc quá 10 giờ sáng ngày 25-3-2017 tại Nhà thờ chính tòa. Thánh đường hùng vĩ này được khởi công xây cách đây 630 năm theo kiểu tân gôtích và hoàn tất như hiện nay vào năm 1932.

Đến nơi, ĐTC đã được hàng chục vị kinh sĩ Nhà Thờ Chính Tòa và các GM phụ tá tiếp đón, ngài bắt tay chào thăm từng vị trước khi tiến vào thánh đường trước sự đón tiếp nồng nhiệt của hàng ngàn LM, tu sĩ nam nữ tại đây. Ngài thinh lặng ngồi cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa đặt trên bàn thờ và viếng mộ của thánh Carlo Borromeo, GM giáo phận Milano. ĐTC cũng chào thăm các LM và nữ tu già yếu ngồi trên xe lăn, trước khi lên bục cao trước bàn thờ.

Trong lời chào mừng ĐTC, ĐHY Angelo Scola, TGM giáo phận sở tại, cho biết thánh đường không đủ chỗ, nên nhiều LM tham dự cuộc gặp gỡ này từ bên ngoài, trên thềm nhà thờ, hoặc tại tư gia của các vị.

Tiếp lời ĐHY, 3 đại diện gồm 1 LM, một phó tế vĩnh viễn và một nữ tu đã xin ĐTC giải đáp một vài thắc mắc:

1. Cha Gabriele Gioia nhận xét rằng nhiều nghị lực và thời gian của các LM được dành cho các hình thức mục vụ truyền thống, trong khi đó sự tục hóa đang lan tràn trong xã hội ở Milano này, một thành phố ngày càng có tính chất đa nguyên, đa chủng tộc, tôn giáo và văn hóa. Vậy đâu là những thanh tẩy và những ưu tiên các LM cần thực hiện để không đánh mất niềm vui Phúc Âm, niềm vui được làm dân của Chúa Ba Ngôi?

– Trả lời cha Gioia, ĐTC nhắc lại rằng đời sống Giáo Hội luôn gặp những thách đố, vì thế chúng ta không được sợ các thách đố vì chúng là dấu chỉ một đức tin, một cộng đoàn sinh động, tìm kiếm Chúa với đôi mắt và con tim rộng mở. Những thách đố giúp làm cho đức tin chúng ta không trở thành ý thức hệ, tránh được tư tưởng khép kín.

Về xã hội đa văn hóa, đa tôn giáo và chủng tộc, ĐTC cũng nhận xét rằng đó cũng là tình trạng của Giáo Hội qua dòng lịch sử. Hiệp nhất trong sự đa diện. Tin Mừng là một nhưng có 4 hình thức khác nhau.. Trong bối cảnh đó, ĐTC kêu gọi phân định những thái quá của sự đồng nhất và thái độ duy tương đối, hai xu hướng này tìm cách xóa bỏ sự hiệp nhất giữa những khác biệt và lệ thuộc hỗ tương. Và ngài cũng nhấn mạnh rằng ”đức tin để thực sự có đặc tính Kitô và không gây ảo tưởng cần phải được điều chỉnh trong những tiến trình của con người nhưng không bị thu hẹp vào các tiến trình đó.

Sau cùng, ĐTC nhấn mạnh đến sự cần thiết phải phân định, nhất là dạy cho người trẻ ngày nay biết phân định trong nền văn hóa dồi dào các khả thể, để nhận ra đâu là điều thực sự tốt đẹp và có giá trị.

2. Thày Roberto Crespi hỏi ĐTC xem xây là đóng góp mà các phó tế vĩnh viễn được kêu gọi cống hiến để biểu lộ khuôn mặt Giáo Hội hạnh phúc, vô vị lợi và khiêm tốn.

– Trả lời câu hỏi của thày phó tế vĩnh viễn, ĐTC cảnh giác các tín hữu chú ý đừng coi các phó tế như những người ”nửa linh mục nửa giáo dân”, và rốt cuộc các vị không đứng về phía nào. Coi các phó tế như thế thì sẽ gây hại cho các thầy và tước bỏ sức mạnh đoàn sủng của phó tế.

Phó tế là một ơn gọi đặc thù, một ơn gọi gia đình nhắc nhớ rằng việc phục vụ như là một trong những hồng ân tiêu biểu của dân Chúa. Có thể nói phó tế là người giữ gìn việc phục vụ trong Giáo Hội. Phục vụ Lời Chúa, phục vụ Bàn Thánh. Sứ mạng, sức mạnh và sự đóng góp của phó tề hệ tài điều này là nhắc nhở cho tất cả chúng ta rằng đức tin, qua nhiều biểu hiện khác nhau, phụng vụ cộng đoàn, kinh nguyện cá nhân, những hình thức bác ái khác nhau, qua các bậc sống, có một chiều kích phục vụ. Phục vụ Thiên Chúa và anh chị em. Tóm lại, không có việc phục vụ bàn thờ, không có phụng vụ nếu không có sự cởi mở đối với việc phục vụ người nghèo. Nếu có việc phục vụ người nghèo nếu không dẫn đến phụng vụ.

3. Sau cùng Mẹ Paola Paganoni, Bề trên tổng quyền dòng các nữ tu Ursuline thánh Carlo, Chủ tịch Liên hiệp các nữ Bề trên thượng cấp vùng Lombardi hỏi ĐTC xem đâu là những khu vực ngoại ô của cuộc sống và đâu là những lãnh vực như tình trạng bị gạt ra ngoài lề, người nhập cư, giáo dục và văn hóa cần chọn lựa, đứng trước tình trạng các nữ tu ngày càng ít ỏi, hơn?

– Trước câu hỏi này, ĐTC mời gọi các nữ tu đừng có thái độ cam chịu vì con số giảm sút. Ngài nói: dù ít ỏi, dù là thiểu số, dù cao tuổi, nhưng không có thái độ cam chịu. Khi có thái độ này chúng ta sống trong sự tưởng tượng một quá khứ vinh hiển, thái độ đó không thức tỉnh đoàn sủng ban đầu, nhưng cuốn chúng ta vào trong một cái vòng cuộc sống nặng nề, khó nâng dậy. Vì thế nhớ lại nguyên thủy là điều tốt, cứu chúng ta khỏi sự tượng tượng vinh quang không thực tế của quá khứ.

ĐTC nhận xét rằng các vị sáng lập dòng chúng ta không bao giờ nghĩ đến số đông hay một đa số. Các vị cảm thấy được Thánh Linh thúc đẩy trong một thời điểm cụ thể của lịch sử, để trợ thành sự hiện diện vui tươi của Tin Mừng cho anh chị em mình; canh tân và xây dựng Giáo Hội như men trong đấu bột, như muối và ánh sáng thế gian.

ĐTC nói: ”Tôi nghĩ các dòng chúng ta không được sinh ra để trở thành đám đông, nhưng trở thành muối và men, góp phần làm cho tập thể dậy lên, để dân Chúa được những gia vị họ đang cần.. Thực tại ngày nay cũng gọi hỏi và kêu mời chúng ta tái trở thành men, thành muối đất. Anh chị em có thể nghĩ đến món pasta có nhiều muối không? hoặc hoàn toàn trở thành men? Nếu như vậy thì chẳng ai ăn được. Ngày nay thực tại kêu gọi chúng ta hãy khởi sự những tiến trình thay vì chiếm chỗ, cố gắng chiến đấu cho sự hiệp nhất thay vì bám víu vào những xung đột quá khứ, cần lắng nghe thực tại, cởi mở đối với tập thể, với dân thánh của Thiên Chúa, và toàn thể Giáo Hội. Đó là một thiểu số được chúc phúc, được mời gọi dây men, hòa hợp với điều mà Thánh Linh đã soi sáng cho tâm hồn cho các vị sáng lập và cho chính tâm hồn anh chị em.”

Sau bài huấn dụ, và phép lành, ĐTC đã tặng cho tổng giáo phận Milano một chén lễ quí giá và ĐHY Scola cho biết giáo phận tặng ĐTC 55 căn hộ để ngài giúp đỡ các gia đình nghèo.

Lúc 11 giờ 40 ĐTC tiến ra thềm Nhà Thờ chính tòa Milano để chào thăm đông đảo dân chúng tụ tập tại đây, đọc kinh truyền tin và ban phép lành cho họ.

Tiếp tục chương trình, ĐTC đến viếng viếng thăm nhà tù thánh Vittore cũng ở trung tâm thành phố Milano.

G. Trần Đức Anh OP

 

Các linh mục, tu sĩ đang đối diện với bạo lực ở Congo

Các linh mục, tu sĩ đang đối diện với bạo lực ở Congo

Washington D.C. – Theo sau những nỗ lực mới đây về việc làm trung gian giữa chính quyền và các lãnh tụ chính trị đối lập, các linh mục và tu sĩ ở Cộng hòa dân chủ Congo đang phải đối mặt với bạo lực dữ dội trên khắp đất nước.

Theo tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, đang có những cuộc tấn công vào các nhà thờ và tu viện của người Công giáo; cụ thể, một tu viện dòng Cát minh và một nhà thờ do các tu sĩ Đaminh coi sóc đã bị cướp phá vào cuối tháng 2 vừa qua.

Đức Hồng y Laurent Monsengwo Pasinya, Tổng giám mục của Kinshasa chia sẻ rằng các vụ tấn công làm cho người ta tin rằng Giáo hội Công giáo là mục tiêu có chủ đích của các cuộc tấn công nhắm phá hoạt sứ mệnh hòa bình và hòa giải của Giáo hội. Đức Hồng y và các Giám mục lên án các hành động bạo lực đang dìm quốc gia vào cuộc hỗn loạn không thể nói lên lời.

Sau khi tổng thống Joseph Kabila từ chối kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm 2016, đảng đối lập của tổng thống và các tuyên bố về khủng hoảng hiến pháp đã xảy ra. Từ đó, hội đồng Giám mục đã giúp làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình mà có thể tổ chức một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Nhưng đã có những sự kiện khiến cho thỏa thuận hòa bình không được thực hiện. Các cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào cuối năm 2017.

Đức Hồng y Monswengwo kêu goi: “Các chính trị gia phải nhận biết cách khiêm nhường, trước quốc gia và cộng đồng quốc tế, các khunh hướng chính trị của họ và sự thiếu đạo đức của các quyết định phục vụ cho chính mình của họ.”

Vào tháng 3, các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn. Theo Crux, 25 chủng sinh ở Maole phải di tản bằng trực thăng  sau khi các nhóm vũ trang tấn công chủng viện.

Bạo lực đang đe dọa ngừoi Công giáo. Cha Richard Kitenge, giám đốc chủng viện kể với hãng thông tấn Pháp: “Họ phá hủy cách hệ thống các cửa dẫn tới các phòng và phá hủy mọi thứ. Họ vào phòng các giáo sư và đốt các vật dụng.”

Mới đây, Giáo hội cũng dẫn đầu những chiến dịch chống tham nhũng. Sự ác cảm với Giáo hội vượt ra bên ngoài các bức tường nhà thờ hay tu viện. Cha Julien Wato, ở nhà thờ thánh Đaminh bị cướp phá hôm tháng 2 tuyên bố: “Trên đường phố, những đe dọa chống lại Giáo hội không phải là bất thường.

Gần một nửa trong 67,5 triệu dân số của Congo là Công giáo. Trước đó, gần 6 triệu người chết trong cuộc xung đột chuyển giao quyền lực quốc gia trong các năm 1996-2003. (CAN 17/03/2017)

Hồng Thủy

Nhận định của ĐHY Nichols về việc truyền chức linh mục cho người có gia đình

Nhận định của ĐHY Nichols về việc truyền chức linh mục cho người có gia đình

Hôm 11/03, đại hội “Flame 2017” (Ngọn lửa 2017) được CYMEvents và Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales tổ chức tại sân vận động Wembley ở Luân đôn, thủ đô Anh quốc, với sự tham dự của gần 10 ngàn người trẻ. Chủ đề của đại hội là 10 ngàn lý do, khuyến khích người trẻ là một phần của 10 ngàn lý do để tin, để hy vọng và cầu nguyện.

Trong sứ điệp gửi cho đại hội, Đức Thánh Cha hy vọng đại hội Flame 2017 sẽ "thúc đẩy sự nhiệt tình hơn nữa" để "đốt sáng những con đường mở ra những chân trời mới có khả năng loan truyền niềm vui. Đức Hồng Y Charles Bo của Myanmar khuyến khích người trẻ can đảm tạo nên khác biệt trong chính xã hội của họ và bên ngoài nữa. Tương trợ và đón tiếp người tị nạn cũng là một trong những chủ đề chính của sự kiện. Đức Hồng Y Nichols đã cầu nguyện cho khoảng 10 ngàn người tị nạn chết ở biển Địa trung hải.

Trong dịp này, Đức Hồng Y Nichols cũng nhận định về việc Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong bài phỏng vấn dành cho tờ báo tiếng Đức Die Zeit, nói rằng Giáo hội nên xét xem Chúa Thánh Thần có đang yêu cầu các linh mục kết hôn không. Theo Đức Hồng Y, truyền thống vững chắc về luật độc thân của linh mục không thay đổi dù cho Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng Giáo hội nên suy tư về việc truyền chức cho những người có gia đình. Đức Hồng Y nghĩ rằng ý kiến của Đức Giáo hoàng cho thấy ngài có một tinh thần mở ra với những soi sáng của Chúa và Đức Hồng Y nghĩ là Đức Giáo hoàng muốn nói đến một sự cởi mở để tìm ra các giải pháp. Đức Giáo hoàng không nói là “tôi muốn có các Linh mục kết hôn, tôi muốn các nữ phó tế. Ngài đang nói “chúng ta đừng sợ!”

Đức Hồng Y khen ngợi đường hướng cởi mở này, nó cho thấy Đức Giáo hoàng là nhà lãnh đạo tốt, ngài đưa ra điều tốt nhất cho dân, trái ngược với những lãnh đạo kém cỏi, nói về sợ hãi. Đức Hồng Y nói thêm: “Chúng ta có một truyền thống vững mạnh và chắc chắn, vì thế chúng ta có thể khám phá  các vấn đề. Chúng tôi cảm thấy thoải mái. Đối với chính tôi, tôi không thấy các sự việc đang thay đổi.”

Theo Đức Hồng Y Nichols, dù đã có một số người kết hôn làm linh mục ở Anh, điều đó không có nghĩa là nó là một luật phổ biến. Ngài nói: “Điều mà sự kiện này dạy chúng ta là hôn nhân không phải là một giải pháp cho vấn đề, nó là một thách đố.” Ý tưởng về linh mục có giáo xứ thay vì có một gia đình là một điều quan trọng đối với Đức Hồng Y. Ngài nói: “Tôi nghĩ truyền thống về một linh mục, đến và dâng hiến trọn cuộc đời cho Giáo hội rất có ý nghĩa đối với những người trên đường phố. Họ nói: ‘đó là linh mục của chúng ta. Không của ai khác. Đó là của chúng ta’. Họ biết linh mục ở đó là vì họ.”

Nói về thách đố của các ơn gọi, Đức Hồng Y cho rằng vấn đề nằm ở bản chất chóng qua của thế giới hiện đại. Ngài nhận định: “Ngày nay vấn đề khó khăn hơn cho người ta để làm một dấn thân dài hạn, khi họ còn trẻ và khi họ lớn tuổi hơn. Có rất nhiều người có thể đã nghĩ rằng dâng hiến cuộc đời trở thành linh mục hay tu sĩ là một điều vĩ đại, và lịch sử nói với chúng ta điều này là thật. Lịch sử đã bị biến đổi bởi hoạt động của những người có đức tin sâu sắc và một cuộc sống với lòng đạo lâu dài. Ngày nay nó thật khó khăn khi mọi sự dường như chỉ là tạm thời.

Tại giáo phận Westminster có 8 chủng sinh sẽ được truyền chức mùa hè này và 4 tân tập sinh trong đại hội tu sĩ mới đây. Đức Hồng Y kể: “Tôi đã chia sẻ thời gian với các tu sĩ và họ là những người hạnh phúc nhất, những người vui mừng nhất. Người ta tự hỏi làm sao bạn có thể hạnh phúc nếu bạn phải im lặng, nhưng họ có sự bình an nội tâm. Đó là sức mạnh.”

Đức Hồng Y cũng  khen ngợi những sự kiện như đại hội Flame vì nó cho người trẻ cơ hội để xem xét họ đang được mời gọi làm gì. Ngài nói: Tôi mong có những cơ hội như Flame và các cơ hội cho người trẻ thinh lặng. Có một khoảng trống trong mỗi người mà cuối cùng chỉ có Chúa có thể lấp đầy. Chúa có kế hoạch cho mỗi người, nó được viết ở trong nội tâm chúng ta. Chỉ khi tiến trình đó bắt đầu, chúng ta tìm ra ơn gọi của mình. Thỉnh thoảng người ta đồn rằng Kitô giáo chấm dứt ở đất nước này và nó không đúng. Các bạn có thể thấy điều đó.” (Catholic Herald 13/03/2017)

Hồng Thủy

Sự xấu hổ tốt lành giúp chiến thắng cám dỗ tham vọng

Sự xấu hổ tốt lành giúp chiến thắng cám dỗ tham vọng

Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng, đó là sự xấu hổ tốt lành, để chúng ta có thể đối diện với cơn cám dỗ của những tham vọng. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Cám dỗ tham vọng giữa các môn đệ, trong các giáo xứ

Có một loại cám dỗ được nhắc đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Khi các môn đệ đi trên đường, các ông bàn luận xem, trong các ông, ai là người lớn nhất. Nhưng họ lặng thinh khi Thầy Giêsu hỏi xem họ đang bàn với nhau về chuyện gì. Các ông lặng thinh vì các ông cảm thấy xấu hổ về cuộc luận bàn ấy.

Các ông là những người tốt. Các ông muốn theo Chúa, muốn phục vụ Chúa. Nhưng các ông không biết rằng, con đường phục vụ của Chúa quả là không hề dễ dàng. Con đường ấy không giống kiểu gia nhập một tổ chức nào đó, không như kiểu tổ chức từ thiện, nó cũng không phải chỉ là để làm điều gì đó tốt, nó là điều gì đó khác. Và điều ấy làm cho các ông sợ. Thế là có cám dỗ của thế gian. Từ xưa đến nay, trong Giáo hội, cám dỗ này đã có và sẽ tiếp tục có. Chúng ta thử nghĩ về những cuộc tranh chấp trong xứ đạo. Người ta nói: tôi muốn trở thành chủ tịch của hiệp hội này, tôi muốn lên chức một chút, ai là người lớn nhất ở đây, ai quan trọng nhất trong xứ đạo này… tôi quan trọng hơn vì tôi đã làm cái này… Và ở đó có chuỗi tội lỗi nối tiếp nhau.

Cám dỗ tham vọng giữa các linh mục, giữa hàng giám mục

Chính chúng ta là các linh mục, chúng ta phải xấu hổ mà thừa nhận rằng, đôi khi chúng ta nói: “Tôi muốn giáo xứ như thế này… Tôi muốn thế kia…”. Và bao nhiêu điều tương tự. Nhưng Chúa có ở đó không! Những điều ấy không phải là con đường của Chúa. Những điều ấy là con đường của phù vân, của hư danh, của thế gian.

Ngay cả giữa hàng giám mục cũng xảy ra điều tương tự: thế gian đầy những cám dỗ. Nhiều lần, có vị nói: “Tôi ở giáo phận này, hãy nhìn xem điều gì là quan trọng nhất, và tôi đã xoay chuyển… vâng, tạo nên ảnh hưởng này nọ, tạo áp lực kia đó, đưa đẩy vào đúng thời điểm ấy để đạt tới điều đó…”. Nhưng Chúa có ở đó không!

Xin ơn sống đơn sơ như trẻ thơ

Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để xấu hổ, khi chúng ta nhận thấy mình đang bị cám dỗ theo con đường của thế gian. Vì Chúa Giêsu đã đảo lộn trật tự: ai muốn làm đầu thì hãy làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người. Và Chúa đã đặt một em bé ở giữa, vì tất cả chúng ta đều dễ rơi vào cám dỗ tham vọng của thế gian là luôn muốn cảm thấy hơn người.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để xấu hổ, một sự xấu hổ tốt lành, một sự xấu hổ thánh thiêng, để chúng ta có thể tìm thấy bản thân trong hoàn cảnh của mình, giữa những cám dỗ, để chúng ta có thể xấu hổ thưa lên: “Con đã có thể nghĩ như thế sao? Khi con thấy Chúa ở trên thập giá…”. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn đơn sơ của trẻ thơ, để chúng ta hiểu được con đường phục vụ khiêm nhường.

Tứ Quyết SJ

Tóm lược Tông Thư hậu Năm Thánh của Đức Thánh Cha Phanxicô

Tóm lược Tông Thư hậu Năm Thánh của Đức Thánh Cha Phanxicô

tom-luoc-tong-thu-hau-nam-thanh-cua-duc-thanh-cha-phanxico

VATICAN. Sáng 21-11-2016, Tông thư hậu Năm Thánh của ĐTC Phanxicô đã được giới thiệu trong cuộc họp báo ở Roma, qua đó ngài mời gọi Giáo Hội tiếp tục sống và thực hành tinh thần của Năm Thánh Lòng Thương xót.

 Tông thư, được ĐTC ký vào cuối thánh lễ bế mạc Năm Thánh tại Quảng trường Thánh Phêrô chúa nhật 20-11-2016, và ngài trao tượng trưng cho các thành phần Dân Chúa.

 Đức TGM Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, đã giới thiệu với giới báo chí Tông thư mới của ĐTC gồm 22 đoạn, trong đó Người đề cao tầm quan trọng của lòng thương xót và phác họa những lãnh vực cần đặc biệt thực thi lòng thương xót.

 ĐTC cũng đưa ra những quyết định cụ thể như: ban năng quyền cho tất cả các LM được giải các tội vạ phá thai, cho các LM thuộc huynh đoàn thánh Piô 10 được giải tội cho các tín hữu thành sự và hữu hiệu, mặc dù Huynh đoàn này chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. Ngoài ra, các thừa sai lòng thương xót sẽ tiếp tục sứ mạng đã nhận lãnh trong Năm Thánh và Hội đồng Tòa thánh tái truyền giảng Tin Mừng sẽ đảm trách theo dõi các linh mục này. Sau cùng ĐTC ấn định Ngày thế giới người nghèo sẽ được cử hành hàng năm vào chúa nhật thứ 33 thường niên.

 Tựa đề Tông Thư

 Tông thư mang tựa đề ”Misericordia và misera” là hai từ được thánh Augustino dùng để kể lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ ngoại tình (Xc Ga 8,1-11) [in Joh 33,5). Thánh nhân không thể tìm được thành ngữ nào đẹp và phù hợp hơn từ đó để giúp hiểu mầu niềm tình thương của Thiên Chúa khi gặp người tội lỗi. Thánh Augustino viết: ”Chỉ còn lại hai: người phụ nữ lầm than và lòng thương xót”.

 ĐTC chú giải đoạn Tin Mừng kể lại sự tích Chúa Giêsu tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình, thay vì để những kẻ cáo buộc thi hành luật và ném đá người phụ nữ ấy. ”Nơi trung tâm không phải là luật và công lý pháp luật, nhưng là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng biết đọc thấy trong con tim của mỗi người, để hiểu ước muốn thầm kín nhất và tình yêu ấy phải chiếm chỗ tối thượng trên mọi sự” (n.1). Trong một đoạn Phúc Âm khác kể lại người phụ nữ tội lỗi xức thuốc thơm cho chân Chúa Giêsu và lấy nước mắt mình thấm chân Chúa và lau khô bằng tóc của bà (Xc Lc 7,36-50). Trước phản ứng của người biệt phái lấy làm gương mù, Chúa nói: ”Tội lỗi của bà tuy nhiều, nhưng đã được tha. Trái lại người yêu mến ít thì được tha ít” (v.47). Tha thứ là dấu chỉ rõ ràng nhất của tình yêu Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã muốn mạc khải trong suốt cuộc đời của ngài. Không có trang Phúc Âm nào có thể tránh khỏi mệnh lệnh yêu thương đến độ tha thứ.

 ĐTC nhận xét rằng ”Chúng ta đã cử hành một Năm khẩn trương, trong đó ân phúc thương xót được ban dồi dào cho chúng ta. Như một làn gió lành mạnh mẽ, lòng nhân từ và thương xót của Chúa đã đổ tràn trên toàn thế giới.” (4).

 Và sau khi mời gọi các tín hữu cảm tạ Thiên Chúa về những hồng ân ấy, ĐTC viết tiếp: ”Giờ đây, Năm Thánh đã kết thúc, đây là lúc nhìn về đằng trước và hiểu xem làm thế nào để tiếp tục cảm nghiệm sự phong phú của lòng Chúa thương xót, trong niềm trung thành và hăng say. Các cộng đoàn của chúng ta có thể tiếp tục sinh động và năng nổ trong công trình tái truyền giảng Tin Mừng tùy theo mức độ ”sự hoán cải mục vụ” mà chúng ta được kêu gọi sống thực, được uốn nắn hằng ngày thế nào nhờ sức mạnh đổi mới của lòng thương xót. Chúng ta đừng giới hạn hoạt động của lòng thương xót; đừng làm cho Thánh Linh sầu muộn, Đấng luôn chỉ dẫn những con đường mới phải theo để mang Tin Mừng cứu độ cho tất cả mọi người”.

 Các lãnh vực thực thi lòng thương xót

 Sau tiền đề trên đây, ĐTC lần lượt nhắc đến các lãnh vực mà Giáo Hội có thể cử hành và thực thi lòng thương xót: trước tiên trong việc cử hành Thánh Thể và đời sống bí tích, rồi đến việc lắng nghe Lời Chúa. Trong vấn đề này, bài giảng có một tầm quan trọng đặc biệt. ĐTC nhắn nhủ các linh mục chuẩn bị kỹ lưỡng và chăm sóc bài giảng. Ngài viết: ”Bài giảng càng mang lại thành quả, nếu linh mục càng cảm nghiệm nơi mình lòng thương xót của Chúa.. Vì thế, sống lòng thương xót chính là con đường tốt nhất để biến lòng thương xót thành một lời loan báo đích thực về sự án ủi và hoán cải trong đời sống mục vụ. Bài giảng cũng như việc huấn giáo, luôn luôn cần được nâng đỡ nhờ con tim sinh động này của đời sống Kitô”. (6).

 Tiếp đến là Kinh Thánh, là một trình thuật dài về những kỳ công của lòng Chúa thương xót. Mỗi trang Kinh thánh mang dấu vết tình thương của Chúa Cha, Đấng đã muốn ghi những dấu chỉ tình thương của ngài vào vũ trụ ngay từ khi mới tạo dựng”. Đi kèm với Kinh Thánh là lectio divina, đọc và nguyện gẫm Lời Chúa về những đề tài lòng thương xót, giúp động chạm cụ thể về sự phong phú của các văn bản sách thánh, được đọc dới ánh sáng toàn thể truyền thống linh đạo của Giáo Hội, nhất thiết đưa tới những cử chỉ và hành động bác ái cụ thể” (8).

 Các thừa sai lòng thương xót

 ĐTC đặc biệt đề cao bí tích hòa giải trong việc sống và thực hành lòng thương xót, và ngài nhắc đến kinh nghiệm về các Thừa Sai lòng thương xót trong Năm Thánh đặc biệt vừa qua. Ngài viết: ”Tôi nhận được bao nhiêu chứng từ về niềm vui về cuộc gặp gỡ được đổi mới với Chúa trong bí tích giải tội. Chúng ta đừng đánh mất cơ hội sống đức tin kể cả như một kinh nghiệm về sự hòa giải.. Tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với mỗi thừa sai lòng thương xót vì việc phục vụ quí giá này để làm cho ơn tha thứ được hữu hiệu. Tuy nhiên, thừa tác vụ này không kết thúc với việc đóng cửa Năm Thánh. Tôi muốn sứ vụ ấy còn được tiếp tục cho đến khi tôi định liệu cách khác, như dấu chỉ cụ thể chứng tỏ ơn Năm Thánh được tiếp tục sinh động và hữu hiệu ở các nơi trên thé giới. Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng có nhiệm vụ theo dõi các Thừa sai lòng thương xót trong thời kỳ này, như một biểu lộ trực tiếp sự quan tâm và gần gũi của tôi, cũng như tìm ra những hình thức thích hợp nhất để thực thi sứ vụ quí giá này.”

 Nhắc nhở các linh mục giải tội

 ĐTC nhắn nhủ các linh mục chuẩn bị kỹ lưỡng sứ vụ giải tội và ngài khẳng định rằng ”Bí tích hòa giải cần tìm lại được chỗ đứng trung tâm trong đời sống Kitô, vì thế tôi xin các linh mục hãy dành cuộc sống của mình để phục vụ sứ vụ hòa giải (2 Cr 5,18).. (11).

 ĐTC yêu cầu các linh mục: niềm nở đón tiếp mọi người, làm chứng về sự dịu dàng của Chúa Cha, dù tội của hối nhân xó nặng nề đến đâu đi nữa; ân cần mau mán giúp đỡ hối nhân suy nghĩ về sự ác đã phạm; minh bạch trong việc trình bày các nguyên tắc luân lý; sẵn sàng đồng hành với tín hữu trong hành trình thống hối, kiên nhẫn với họ, sáng suốt trong việc phận định mỗi trường hợp; quảng đại trong việc ban ơn tha thứ của Thiên Chúa”,

 ĐTC cũng nhắc đến sáng kiến: ”Một cơ hội thuận tiện để cử hành sáng kiến 24 giờ cho Chúa có thể là Chúa nhật thứ 4 mùa chay tới đây, được nhiều giáo phận đồng ý, và là một lời kêu gọi mục vụ mạnh mẽ để sống bí tích giải tội một cách khẩn trương” (12).

 Ban năng quyền cho các linh mục giải tội vạ phá thai

 ĐTC tuyên bố: ”Do nhu cầu ấy, để không có chướng ngại nào ngăn chặn giữa yêu cầu được hòa giải và sự tha thư của Chúa, từ nay trở đi tôi ban cho tất cả các linh mục, do sứ vụ của mình, được năng quyền giải tội vạ cho những người đã phạm tội phá thai. Điều mà tôi đã ban trước đây trong Năm Thánh, nay được nới rộng trong thời gian, bất chấp điều gì trái ngược. Tôi muốn mạnh mẽ tái khẳng định rằng phá thai là một tội trọng, vì nó chấm dứt một sinh mạng vô tội. Tôi cũng có thể và phải mạnh mẽ khẳng định rằng không có tội nào mà lòng thương xót của Thiên Chúa không thể đi tới và tiêu hủy khi Ngài tìm thấy một con tim thống hối xin được hòa giải với Chúa Cha. Vì thế, mỗi linh mục hãy làm người hướng dẫn, nâng đỡ và an ủi trong việc đồng hành với các hối nhân trong hành trình hòa giải đặc biệt này”.

 Ban năng quyền cho các linh mục thuộc Huynh đoàn thánh Piô 10

 ”Trong Năm Thánh vừa qua, tôi cũng đã ban cho các tín hữu, vì nhiều lý do khác nhau, lui tới các nhà thờ do các linh mục thuộc huynh đoàn thánh Piô 10 để lãnh nhận một cách hữu hiệu và hợp pháp bí tích giải tội. Vì thiện ích của các tín hữu ấy, và tin tưởng nơi thiện chí của các linh mục ấy, để với sự trợ giúp của Chúa, các linh mục ấy có thể phục hồi sự hiệp thông trọn vẹn trong Giáo Hội Công Giáo, do quyết định riêng của tôi, tôi quyết định nới rộng năng quyền này vượt qua thời kỳ Năm Thánh, cho đến khi có quyết định mới về vấn đề này, để không ai bị thiếu dấu chỉ bí tích về ơn hòa giải qua sự tha thứ của Giáo Hội” (12).

 Trong Tông thư ”Lòng thương xót và người lầm than”, ĐTC đề cập đến sự an ủi trong đau khổ, sự thinh lặng, bí tích hôn phối, lúc qua đời như những thời điểm qua đó lòng thương xót của Chúa cũng được biểu lộ đặc biệt.

 Gia đình gặp khó khăn

 ĐTC kêu gọi quan tâm giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, và mời gọi “hãy nhìn tất cả những khó khăn của con người với thái độ của tình yêu Thiên Chúa, Đấng không mệt mỏi trong việc tiếp đón và đồng hành.” Ngài xin các linh mục ”quan tâm phân định, sâu xa và sáng suốt để tất cả mọi người, bất kỳ ai, dù sống trong hoàn cảnh nào, cũng có thể cảm thấy được Thiên Chúa đón tiếp cụ thể, tích cực tham gia vào đời sống cộng đoàn và tháp nhập vào Dân Chúa”.

 Thực thi bác ái

 ĐTC viết: ”Năm Thánh đã kết thúc và Cửa Thánh đã đóng lại. Nhưng cửa lòng thương xót của tâm hồn chúng ta luôn mở rộng. Chúng ta đã học biết rằng Thiên Chúa cúi mình trên chúng ta (Xc Osea 11,4) để chúng ta cũng có thể bắt chước Chúa cúi mình trên anh chị em. Sự tưởng nhớ bao nhiêu người trơ về nhà Cha, Đấng chờ đợi họ, cũng được khơi dậy nhờ những chứng nhân chân thành và quảng đại về sự dịu dàng của Chúa. Cửa Thánh mà chúng ta đã bước qua trong Năm Thánh làm cho chúng ta được tiến sâu vào con đường bác ái mà chúng ta được mời gọi tiến bước mỗi ngày trong niềm trung thành và vui tươi. Đó là con đường thương xót, giúp gặp gỡ bao nhiêu anh chị em, đang giơ tay để ai đó có thể cầm lấy và đồng hành.”

 ”Ước muốn gần gũi Chúa Kitô đòi chúng ta phải trở nên gần gũi với các anh chị em, vì không có gì làm đẹp lòng Chúa Cha cho bằng một cử chỉ cụ thể từ bi thương xót. Tự bản chất, lòng thương xót được biểu lộ hữu hình qua một hành động cụ thể và năng động. Một khi ta đã cảm nghiệm lòng thương xót trong sự thật, thì không thể thối lui: nó liên tục gia tăng và biến đổi cuộc sống. (16).

 ĐTC cũng nhăc lại rằng trong Năm Thánh, đặc biệt là những ngày thứ sáu từ bi thương xót, ngài đã có thể động chạm cụ thể tới bao nhiêu điều thiện ở trong thế giới. Nhiều khi những điều tốt lành ấy không được biết đến vì nó được thực hiện hằng ngày một cách âm thầm kín đáo.. Trong chiều hương đó, ĐTC cám ơn và nghĩ đến bao nhiêu người thiện nguyện hằng ngày dành thời gian của họ để biểu lộ sự hiện diện và gần gũi của Thiên Chúa qua sự tận tụy của họ. Việc phục vụ của họ là một hoạt động từ bi thương xót chân chính, giúp bao nhiêu người đến gần Giáo Hội”. (17).

 ĐTC khuyến khích các sáng kiến từ bi bác ái trong các lãnh vực khác nhau, giúp đỡ những người đói khát, các trẻ em, những người di dân tìm kiếm lương thực, công ăn việc làm, nhà cửa và hòa bình, các bệnh nhân dưới nhiều hình thức, các tù nhân, những người mù chữ, những người đang chịu những hình thức nô lệ mới. ”Tóm lại những công việc từ bi thương xót về thể lý và tinh thần cho đến nay vẫn là điều kiểm chứng ảnh hưởng tích cực và lớn lao của lòng thương xót, như một giá trị xã hội. Nó thức đẩy xắn tay áo làm việc để trả lai phẩm giá cho hằng triệu người anh chị em chúng ta”. (18).

 Đề ra các sáng kiến bác ái

 ĐTC viết: ”Chúng ta được kêu gọi làm tăng trưởng một nền văn hóa từ bi thương xót, dựa trên sự tái khám phá cuộc gặp gỡ với tha nhân: một nền văn hóa trong đó không ai nhìn người khác với sự dửng dưng lãnh đạm, hoặc quay mặt đi nơi khác khi thấy sự đau khổ của người anh em mình. Những công việc từ bi thương xót có tính chất ”thủ công”, không việc nào giống việc nào; bàn tay chúng ta có thể nhào nặn nó bằng hàng ngàn cách, cho dù chỉ có một mình Thiên Chúa soi sáng gợi hứng, và chất liệu duy nhất vẫn là một, đó là chính lòng thương xót. (20

 Sau cùng, ĐTC ấn định Ngày Thế Giới người nghèo sẽ được cử hành vào chúa nhật 33 thường niên. Ngày này sẽ là một sự chuẩn bị xứng đáng để sống lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ, Đấng đồng hóa với người bé nhỏ và nghèo hèn và sẽ xét xử chúng ta về các công việc thương xót (Xc Mt 25,31-46).. Bao lâu còn Lazzaro nằm trước cửa nhà chúng ta (Xc Lc 16,19-21) thì không thể có công bằng cũng chẳng có an bình xã hội” trên thế giới (21).

 G. Trần Đức Anh OP

ĐHY Stella mời gọi các linh mục hãy là những con người của lòng thương xót

ĐHY Stella mời gọi các linh mục hãy là những con người của lòng thương xót

ĐHY Beniamino Stella, Tổng trưởng Bộ giáo sĩ

 

LỘ ĐỨC: ĐHY Beniamino Stella Tổng trưởng bộ Giáo Sĩ mời gọi các linh mục hãy là những con người của lòng thương xót.

ĐHY đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài thuyết trình tại đại hội vể đề tài “Lòng thưong xót trong cuộc sống của linh mục”, tổ chức trong bối cảnh Năm Thánh của các Linh Mục tại Lộ Đức những ngày vừa qua. ĐHY nói: Linh mục phải là “người của lòng thương xót”, được mời gọi đi gặp gỡ biết bao nhiêu nghèo khó gây khổ đau cho con người ngày nay. “Thương xót như Thiên Chúa Cha có nghĩa là cảm nhận đưọc một niềm vui đặc biệt trong việc đi xuống các vùng thấp nhất của nhân loại để đem đên đó tình yêu thương nhưng không của Thiên Chúa, yêu thương, tha thứ và ủi an”. ĐHY mời gọi các linh mục chú ý tới những người rốt cùng, yêu thương những người nghèo nhất và không chấp nhận các giàn xếp. Đó là một ưu tiên mà ĐTC Phanxicô muốn trong cuộc sống Giáo Hội.

Ngày nay linh mục phải đáp ứng các nhu cầu của sự nghèo khó vật chất, mà Chúa Giêsu để cập tới khi dậy phải cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới mặc, thăm viếng người đau yếu, kẻ tù tội. Linh Mục không được thở ơ trước tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá con người. Mọi linh mục phải biết cảm thương các Ladarô nằm trước cửa nhà mình, mà không để cho mình bị cuốn hút vào “các nhiệm vụ trợ giúp xã hội”, nhưng tổ chức các sinh hoạt này cho các phó tế và giáo dân.

Cả sự giầu có cũng bao gồm nỗi buồn sầu mà Chúa Giêsu tìm thấy nơi chàng thanh niên giầu được mời gọi theo Ngài. Thế rồi còn có cái nghèo nàn sức khoẻ. Mọi người đau yếu đều khiến cho con tim mẹ Giáo Hội xúc động. Mọi hoàn cảnh giòn mỏng từ lúc mới thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên đểu có quyền được các kitô hữu chú ý yêu thương và nâng đỡ.  Rồi cũng có sự nghèo nàn triệt để nằm sâu trong trái tim con người và gắn liền với sự giòn mỏng và tội lỗi. Vai trò và bổn phận của linh mục ở đây là nhà giáo dục trong đức tin. Linh mục phải là người vén mở cho thế giới bị thương tích ngày nay thấy lòng dịu hiền thương xót của Thiên Chúa.

Giảng trong thánh lễ kết thúc đại hội ĐHY Stella nói linh mục phải sống chức thừa tác của mình giữa dân chúng, biết sống tràn đầy tình huynh đệ linh mục trong mầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội: sứ mệnh và hiệp thông phải củng cố cho nhau. Vì thế tại sao các cuộc gặp gỡ giáo phận, các lúc chia sẻ suy tư, cầu nguyện hay nghỉ ngơi đều nền tảng giúp xây dựng tình huynh đệ linh mục, trong đó có thể vác đỡ các giỏn mỏng của những anh em yếu đuối nhất (SD 23-8-2016)

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha giảng tĩnh tâm cho các linh mục (2)

Đức Thánh Cha giảng tĩnh tâm cho các linh mục

Đức Thánh Cha giảng tĩnh tâm cho các linh mục 1

ROMA. Hôm 2-6-2016, ĐTC Phanxicô đã trình bày 3 bài suy niệm tĩnh tâm dành cho các LM quốc tế nhân Ngày Năm Thánh dành cho các LM và chủng sinh.

 Trước tiên tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano vào lúc 10 giờ và bắt đầu với kinh giờ Ba. Sau phần dẫn nhập, ĐTC nói về đề tài ”Từ sự xa cách đến việc mừng lễ”. Trong số hàng ngàn tham dự viên cũng có một số Hồng Y và Giám Mục thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

 Bài thứ hai lúc 12 giờ trưa tại Đền Thờ Đức Bà Cả với chủ đề ”Người đón nhận lòng thương xót”. Sau cùng vào lúc 4 giờ chiều ở Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, ĐTC nói về đề tài: các hoạt động từ bi thương xót, về thể lý và tinh thần.

 Cả ba bài suy niệm của ĐTC xoay quanh các khía cạnh khác nhau của lòng thương xót, qua đó ngài dựa nhiều trên linh đạo của thánh Ignatio Loyola Thánh Tổ dòng Tên. Mỗi bài dài khoảng 45 phút.

 Trong số các ý tưởng được ĐTC trình bày, có lời ngài cảnh giác rằng: ”Nếu các cơ cấu của chúng ta không được sống và được sử dụng để nhận lãnh nhiều hơn lòng thương xót của Thiên Chúa và trở nên từ bi hơn đối tha nhân, thì chúng có thể biến thành một cái gì rất khác biệt và đưa tới hậu quả ngược lại điều chúng ta mong muốn”.

 ĐTC nhấn mạnh tấm gương của các thánh trong việc cảm thấy cần lòng thương xót của Chúa. Ngài cũng trưng dẫn ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, và nhắc lại rằng ”Chính ĐHY Văn Thuận, đã nói rằng trong tù, Chúa đã dạy ngài biết phân biệt những ”điều thuộc về Thiên Chúa”, mà ĐHY đã tận tụy thi hành trong cuộc đời khi còn là một LM và GM được tự do, khác với chính Thiên Chúa, mà ĐHY tận tụy phục vụ trong lúc bị tù” (Xc Cinque pani e due pesci [5 chiếc bánh và 2 con cá], San Paolo 1997).

 ĐTC trách cứ những cha giải tội thiếu kiên nhẫn và trách móc các hối nhân! ”Anh em đừng làm như vậy!.. Trái lại điều làm tôi cảm động là sự xưng tội của các linh mục, họ xưng tội của mình và lắng nghe tội của những người xưng tội”.

 ĐTC cũng nhắn nhủ các linh mục đừng bao giờ coi những người khác chỉ là ”một vụ”, ”một trường hợp”. ”Đối với chúng ta họ luôn luôn là một người.

 ĐTC nhận xét rằng ”Hầu như tất cả các vị đại thánh đều là những người nhiều tội lỗi”. Như để chứng minh điều này, ngài nhắc lại trường hợp thánh Phêrô, đã từng chối Chúa ba lần, và đã từng bị thánh Phaolô sửa sai, nhưng người tội lỗi ấy đã được Chúa chọn làm giáo hoàng!” ”Trong việc thực thi lòng thương xót chữa lành sự ác của người khác, không ai tốt lành hơn để chữa lành tha nhân cho bằng người luôn giữ nguyên kinh nghiệm về bản thân mình đã từng được Chúa xót thương. Chúng ta thấy rằng trong số những người làm việc để bài trừ sự nghiện ngập, những người đã cai nghiện được, thường là những người hiểu rõ hơn, cảm thông hơn và giúp đỡ, biết xin những người khác. Cũng vậy cha giải tội tốt nhất thường là người biết xưng tội đúng đắn nhất”.

 Trong bài cuối cùng, ĐTC trình bày những suy tư về những công việc từ bi thương xót về tinh thần cũng như về thể xác, trong đó ngài cũng nói đến tòa giải tội, và chiều kích xã hội của các công việc từ bi bác ái (SD 26-2-16)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha giảng tĩnh tâm cho các linh mục

Đức Thánh Cha giảng tĩnh tâm cho các linh mục

Đức Thánh Cha giảng tĩnh tâm cho các linh mục

VATICAN. Thứ năm 2-6-2016, ĐTC sẽ giảng tĩnh tâm cho hơn 6 ngàn LM và chủng sinh về Roma dự Ngày Năm Thánh từ ngày 1 đến 3-6-2016.

– Trong ngày đầu tiên, thứ tư 1-6, các tham dự viên tập họp từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều tại 3 thánh đường ở Roma, gần khu vực Vatican (San Salvatore in Lauro, Santa Maria in Vallicella, và San Giovanni dei Fiorentini). Tại đây họ có thể lãnh nhận bí tích hòa giải, chầu Mình Thánh Chúa, và tiến qua Cửa Năm Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô.

Phần thứ hai trong ngày đầu tiên này, có những bài huấn giáo về lòng thương xót do các giám mục trình bày, và sau đó có thánh lễ đồng tế tại một số thánh đường theo 7 ngôn ngữ khác nhau, đó là tiếng Pháp, Anh, Ý, Ba Lan, Bồ đào nha, Tây Ban Nha và Đức.

– Trong ngày 2-6, ĐTC sẽ lần lượt trình bày 3 bài suy niệm tại 3 Vương cung thánh đường nơi các LM và chủng sinh tụ họp: lúc 10 giờ, rồi 12 giờ và sau cùng vào lúc 4 giờ chiều. Các bài suy niệm này sẽ được Trung Tâm truyền hình Vatican trực tiếp truyền đi trên toàn thế giới qua Internet, hoặc có những đài truyền đi biến cố này.

Ngày này sẽ kết thúc với thánh lễ đồng tế lúc 5 giờ rưỡi chiều, tùy theo các ngôn ngữ khác nhau.

– Sau cùng, thứ sáu 3-6, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng là Ngày Thánh Hóa linh mục, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với các GM và LM tại Quảng trường Thánh Phêrô vào lúc 9 giờ rưỡi sáng. (SD 30-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha truyền chức cho 11 tân linh mục

Đức Thánh Cha truyền chức cho 11 tân linh mục

Đức Thánh Cha truyền chức cho 11 tân linh mục

VATICAN. Trong thánh lễ sáng chúa nhật 17-4-2016 để truyền chức cho 11 tân linh mục, ĐTC nhắn nhủ các tiến chức hãy có lòng từ bi thương xót thật nhiều.

Chúa nhật 17-4-2016, thứ tư mùa Phục Sinh, cũng là Ngày Thế Giới cầu cho ơn gọi lần thứ 53, ĐTC đã chủ sự thánh lễ lúc 9 giờ 15 tại Đền thờ Thánh Phêrô để truyền chức linh mục cho 11 thày Phó Tế gồm 9 người được đào tạo tại các chủng viện ở Roma: 4 thầy tại chủng viện Mẹ Đấng Cứu Chuộc của Con đường Tân Dự Tòng, 3 thày tại Đại chủng viện Roma, 1 thầy tại Học viện Capranica và 1 thày khác tại Chủng viện Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa. Trong 2 thày còn lại, có 1 thày người Irak và một thày thuộc dòng cầu nguyện cho ơn gọi. Tân linh mục trẻ nhất là 26 tuổi sẽ làm việc mục vụ trong giáo phận Roma; 2 tân linh mục lớn tuổi nhất là 44 tuổi.

Đồng tế với ĐTC có ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma, 7 GM phụ tá, và các LM giám đốc chủng viện cùng với cha sở của các tiến chức, trước sự hiện diện của 8 ngàn tín hữu.

Đầu thánh lễ, sau khi xông hương bàn thờ, ĐTC đến trước mặt mỗi phó tế và xông hương cho mỗi thầy.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng sau nghi thức giới thiệu và gọi các tiến chức, ĐTC đã nói đến sứ vụ linh mục và nhắn nhủ các tiến chức hãy trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô và tiếp nối sứ mạng của Chúa. Ngài nói:

”Anh chị em thân mến, những người con và anh em của chúng ta đây được gọi lên chức linh mục. Như anh chị em biết rõ Chúa Giêsu là Thượng Tế duy nhất của Tân Ước, nhưng trong Người tất cả dân thánh của Thiên Chúa cũng được trở thành dân tư tế. Và trong tất cả các môn đệ của Người, Chúa Giêsu muốn đặc biệt chọn một số, để họ công khai thi hành trong Giáo Hội nhân danh Người sứ vụ tư tế để mưu ích cho tất cả mọi người, tiếp tục sứ mạng riêng của Người là Thầy, là Tư Tế và Mục Tử.

Sau khi suy nghĩ chín chắn, giờ đây chúng tôi sắp nâng lên hàng linh mục những người anh em này của chúng ta, để phục vụ Chúa Kitô là Thầy, là Tư Tế và Mục Tử, cộng tác vào việc xây dựng Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội trong Dân Chúa và Đền Thờ thánh thiêng của Chúa Thánh Linh.

Thực vậy, những người anh em này sẽ được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Linh Mục Thượng Phẩm và đời đời, họ sẽ được thánh hiến như những tư tế đích thực của Tân Ước, và với danh nghĩa đó, họ được liên kết trong chức tư tế với các GM của họ, họ sẽ là những người loan báo Tin Mừng, Mục Tử của Dân Chúa và sẽ chủ sự các hành vi phụng tự, nhất là cử hành hy tế của Chúa.

ĐTC nói với 11 tiến chức linh mục rằng:

Về phần các thầy, những người con và anh em rất thân mến, sắp được nâng lên hàng linh mục, các thầy hãy ý thức rằng khi thi hành thừa tác vụ của đạo lý thánh, các thầy sẽ tham gia sứ mạng của Chúa Kitô, là Thầy duy nhất. Hãy phân phát cho tất cả mọi người Lời Chúa, Lời mà chính các thầy đã vui mừng nhận được. Hãy nhớ lịch sử của các thầy, nhớ đến hồng ân Lời mà Chúa trao cho các thầy qua bà mẹ, bà nội, ngoại – và như thánh Phaolô đã nói – qua các giáo lý viên và toàn thể Giáo Hội. Hãy siêng năng đọc và suy niệm Lời Chúa để tin điều các thầy đọc, dạy điều các thầy đã học trong đức tin, sống điều mà các thầy giảng dạy.

Ước gì đạo lý của các thầy là lương thực nuôi Dân Chúa, hương thơm cuộc sống của các thầy phải là niềm vui và là sự nâng đỡ cho các tín hữu, vì qua lời nói và gương lành, – hai điều đi đôi với nhau – các thầy xây dựng căn nhà của Thiên Chúa là Giáo Hội. Các thầy sẽ tiếp tục công trình thánh hóa của Chúa Kitô. Nhờ thừa tác vụ của các thầy, hy tế thiêng liêng của các tín hữu được trở nên hoàn hảo, vì được liên kết với hy tế của Chúa Kitô, Đấng được dâng hiến không đổ máu trên bàn thờ trong khi cử hành các mầu nhiệm thánh nhờ đôi tay của các thầy, nhân danh toàn thể Giáo Hội.

Vậy các thầy hãy nhìn nhận điều các thày làm. Hãy bắt chước điều các thày cử hành, để khi tham phần vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa, các thầy mang cái chết của Chúa Kitô vào các chi thể của các thầy và đồng hành với Chúa trong đời sống mới. Hãy mang cái chết của Chúa Kitô vào trong chính bản thân các thầy và sống với Kitô trong đời sống mới mẻ: nếu không có thập giá, các thầy sẽ không bao giờ tìm được Chúa Giêsu chân thực; và một thập giá mà không có Chúa Kitô thì không có ý nghĩa.

Qua bí tích rửa tội, các thầy sẽ tháp nhập các tín hữu mới vào đoàn Dân Chúa. Với bí tích Thống Hối các thầy tha thứ tội lỗi nhân danh Chúa Kitô và Giáo Hội. Và tôi, nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, là Chúa và nhân danh Giáo Hội, tôi xin các thầy hãy có lòng từ bi thương xót, rất từ bi. Với dầu thánh, các thầy sẽ thoa dịu các bệnh nhân. Khi cử hành các nghi lễ thánh và dâng lên kinh nguyện ngợi khen và cầu khẩn trong giờ khác nhau mỗi ngày, các thầy lên tiếng thay cho của Dân Chúa và toàn thể nhân loại.

Ý thức mình được chọn giữa loài người, các thầy đừng quên điều này, chính Chúa đã gọi các thầy, từng người một, được thiết định để tham dự các việc của Thiên Chúa để mưu ích cho dân, chứ không phải cho bản thân mình.

Trong tình hiệp thông con thảo với Đức Giám Mục của các thầy, các thầy hãy dấn thân liên kết các tín hữu trong một gia đình duy nhất, để dẫn đưa họ về Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Linh. Và các thầy hãy luôn đặt trước mắt gương vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng không đến để phục vụ, nhưng để phục vụ.

G. Trần Đức Anh OP

 

ĐTC gặp gỡ các gia đình và dâng thánh lễ cho các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh

ĐTC gặp gỡ các gia đình và dâng thánh lễ cho các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh

Các linh mục, tu sĩ,, chủng sinh và tín hữu chờ đợi tham dự thánh lễ với ĐTC tại sân vận động Venustiano Carranza

Tường thuật cuộc gặp gỡ của ĐTC với các gia đình tại sân vận động Tuxtla Gutierrez và thánh lễ với các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại tổng giáo phận Morelia

Sáng thứ ba 16-2-2016 chuyến công du Mexico của ĐTC đã tiến hành được một nửa. Từ thủ đô Mexico ngài lấy máy bay tới thăm tổng giáo phận  Morelia cách đó 210 cây số để dâng  thánh lễ với các linh mục, nam nữ tu sĩ và chủng sinh, và vào ban chiều ngài gặp gỡ giới trẻ tại sân vận động Morelos y Pavón. Nhưng trước hết xin kính mời quý vị cùng chúng tôi trở lại sinh hoạt chiều ngày thứ hai của ĐTC.

Sau thánh lễ với các cộng đoàn các thổ dân bang Chiapas tại sân vận động thành phố San Cristobal de las Casas, ĐTC đã về toà giám mục để dùng bữa trưa với đại diện các thổ dân và đoàn tuỳ tùng. Ngồi cùng bàn với ĐTC có ĐTGM Felipe Arizmendi Esquivel, ĐGM phụ tá, và 8 anh chị em thổ dân.

Vào lúc 15 giờ chiều ĐTC đã đến thăm nhà thờ chính toà San Cristobal de las Casas, dâng kính Đức Mẹ Thăng Thiên. Nhà thờ này được xây giữa các năm 1500-1600 và được trùng tu vào thập niên 1920. Mặt tiền mầu vàng gạch, trắng và đỏ, trang hoàng theo kiểu ba rốc, moresco, thổ dân và hoa lá, có nhiều tượng các thánh. Bên trong nhà thờ có các bức vẽ của họa sĩ Miguel Cabrera thuộc thế kỷ XVIII, các đà bằng gỗ mạ vàng, và một giá sách tuyệt đẹp. Vị Giám Mục đầu tiên của giáo phận là tu sĩ  Bartholome de las Casas (1474-1566). Nhà thờ có chỗ cho 400 người.

Hiện diện trong nhà thờ có nhóm các cụ già và người đau yếu. ĐTC đã vào nhà thờ qua ngã nhà nguyện Mình Thánh Chúa, và dâng hoa cho hình Đức Mẹ, trước khi đi ra cửa chính. Ngài đã tặng nhà thờ chính toà một chén thánh và một áo lễ. Tiếp đến ĐTC đi xe tới sân bay San Cristobal de las Casas cách đó 4 cây số rồi dùng  trực thăng đến Tuxtla Gutierrez, cách đó 50 cây số để gặp gỡ các gia đình.

Tiếp đón ĐTC tại sân trực thăng có ĐC Fabio Martinez Castillo và vài giới chức chính quyền địa phương. Từ đó ĐTC đi xe đến sân vận động “Victor Manuel Reyna” cách đó một cây số. Sân chơi banh bầu dục bên cạnh vận động trường có thể chứa 10,000 người  và tại khoảng trống giữa hai sân có chỗ cho 30,000 người, riêng sân vận động có 40,000 chỗ ngồi. Tín hữu đã đến đông đảo và chiếm hết mọi chỗ có thể chiếm. Có nhiều người đến từ các nước châu mỹ latinh khác.

Xe chở ĐTC đã đi một vòng sân vận động để ngài chào tín hữu. Tín hữu vẫy cờ toà thánh, vẫy khăn, mũ, bong bóng và mọi thứ họ có trong tay chào mừng ĐTC trong bầu khí lễ hội tưng bừng tự phát của người dân châu mỹ latinh.

Tại sân vận động ông thống đốc bang Chiapas đã giao chìa khóa thành phố cho ĐGH, như dấu chỉ sự tiếp đón nồng hậu và thân tình ngụ ý nói rằng đây là nhà của Đức Giáo Hoàng.

Buổi gặp gỡ đã diễn ra trong bầu khí một buổi cử hành lời Chúa. Sau lời chào mừng của ĐTGM Martinez Castillo đã có 4 gia đình chia sẻ chứng từ cuộc sống của họ với những khó khăn trắc trở, vui buồn và hy vọng.

Các gia đình ước mơ

Ngỏ lời chào mừng ĐTC ĐC Martinez Castillo đã cám ơn Chúa về sự hiện diện của ĐTC trong giáo phận. ĐC nói: “Thưa ĐTC, chúng con là các gia đình mơ ước. Chúng con mơ ước xây dựng một nước Mêhicô công bằng, huynh đệ và liên đới hơn. Chúng con mơ ước bẻ gẫy sự thờ ơ trước các gia đình thiếu thốn. Chúng con ước mơ là men lòng thương xót, thương xót như Thiên Chúa Cha, khởi hành từ các gia đình của chúng con. Chúng con mơ ước trung thành với căn tính và sứ mệnh của chúng con, vượt qua các khó khăn và các tấn kích có thể có trong xã hội chống lại gia đình. Chúng con cũng mơ ước rằng các người lãnh đạo và các nhà lập pháp bảo vệ sự sống, bảo vệ gia đình, thiện ích chung và căn nhà chung, mà chúng ta tất cả đều có trách nhiệm săn sóc.”

Cặp đầu tiên chia sẻ kinh nghiệm là Humberto và Claudia Gómez, Humberto lấy Claudia đã ly dị và có 3 con. Hai người có với nhau một đứa con 11 tuổi, là chú giúp lễ. Vì hôn nhân không hợp pháp nên hai người không được lãnh các bí tích. Nhưng họ xả thân trong các công tác bác ái trợ giúp ngưởi nghèo, thăm viếng người bệnh, các tù nhân và người nghiện ma túy. Thật là tuyệt diệu khi ở giữa gia đình có Thiên Chúa hiện diện!

Chứng từ thứ hai là của chị Beatrice Munhos Hernandez 52 tuổi, y tá, là mẹ có con, không chồng. Vì cảnh nhà nghèo, bạo lực và bị cha bỏ bê, nên Beatrice cảm thấy thiếu thốn tình yêu và đã có các liên hệ tính dục và mang thai nhiều lần. Chị đã bị cám dỗ phá thai, nhưng nhờ ơn Chúa đã thắng vượt được và can đảm nuôi dậy các con. Tuy cuộc sông bấp bênh và cô đơn, nhưng kinh nghiệm gặp Chúa trong Giáo Hội đã giúp chị loan báo tình yêu cho người trẻ, cho các bà mẹ sống một mình và cho các gia đình bị đổ bể. Chị xin ĐTC cầu nguyện cho hàng ngàn phụ nữ đứng trước giải pháp giả dối của việc phá thai để họ có thể gặp Giáo Hội và được tiếp đón.

Chứng từ thứ ba là của anh Manuel 14 tuổi, tàn tật khi 5 tuổi vì bị teo cơ bắp, phải ngồi xe lăn. Tuy cuộc sống rất buồn, vì không được chạy nhảy vui chơi như các trẻ em khác, nhưng Manuel vẫn hy vọng và yêu Chúa, can đảm sống và trao ban can đảm cho gia đình và người khác. Trước đó trong gia đình luôn luôn xảy ra cãi vã xung khắc. Nhưng rồi tình hình gia đình thay đổi, mọi người đã cùng nhau đi lễ, đọc kinh. Hiện nay Manuel gia nhập nhóm bạn trẻ trong giáo xứ và loan báo Tin Mừng cho tha nhân, viếng thăm người bệnh. Anh xin ĐTC cầu nguyện các bạn trẻ Mêhicô đang đi theo con đường xấu của bạo lực, ma tuý. Anh mời gọi các bạn trẻ gia nhập nhóm các bạn trẻ để sinh hoạt và ra khỏi sự cô đơn của mình.

Chứng từ thứ tư là của một gia đình với con cái và cha mẹ sống hạnh phúc cuộc sống gia đình từ 50 năm qua, vì hiểu biết các giá trị của cuộc sống kitô và việc lãnh nhận các bí tích. Họ xin ĐTC cầu nguyện cho các gia đình Mêhicô phải sống cảnh nghèo nàn, vì thiếu công ăn việc làm, đồng lương thấp và giá cả các nhu yếu phẩm qúa cao.

Gia đình tổ ấm yêu thương là giấc mơ của Thiên Chúa

Ngỏ lời với các gia đình ĐTC cám ơn vùng đất này đã cho ngài nếm hưởng hương vị của gia đình, của mái nhà, vì qua các chứng từ họ đã mở cửa nhà, cuộc sống và cho phép mọi người ngồi vào bàn chia sẻ bánh, đến từ các khó khăn của cuộc sống thường ngày, bánh của các niềm vui, niềm hy vọng, các giấc mơ và của mồ hôi trước các đắng cay, thất vọng và các ngã quỵ. ĐTC đặc biệt cám ơn anh Manuel về chứng từ trao ban can đảm cho cha mẹ, bạn bè và tất cả mọi người hiện diện. Ngài cám ơn cha mẹ anh đã quỳ trước xe lăn cầm tờ giấy cho anh đọc và nói: Anh chị nhìn hình ảnh nảo vậy? Cha mẹ quỳ trước đứa con đau yếu…Chúng ta đừng quên hình ảnh này. Cả khi thình thoảng họ cãi nhau. Có vợ chồng nào không cãi nhau bao giờ không? Lại càng tệ hơn khi có mẹ chồng mẹ vợ xía vào nữa. Nhưng không quan trọng. Họ yêu nhau. Họ đã chứng minh cho chúng thấy rằng họ yêu nhau và có khả năng vì tình yêu quỳ trước mặt đứa con bệnh tật của mình. Xin cám ơn các bạn về chứng tá đã cho chúng tôi và cám ơn con Manuel vì chứng tá và nhất là vì gương sáng của con. Mấy từ “trao ban can đảm” con dùng đánh động cha rất nhiều. Con đã trao ban can đảm cho cha mẹ, ngưòi thân và bạn bè. Trao ban can đảm đó là điều mà Chúa Thánh Thần luôn muốn làm giữa chúng ta: ban tặng cho chúng ta các lý do để tiếp tục đánh cá với cuộc đời, mơ mộng và xây dựng một cuộc sống có hương vị của tổ ấm, của gia đình.

Gia đình tổ ấm đó là điều Thiên Chúa Cha đã luôn luôn tưởng tượng ra, và đã chiến đấu ngay từ thời xa xưa để thực hiện nó. Khi tất cả xem ra đã mất vào buổi chiều ấy trong vườn Địa Đàng, Thiên Chúa đã trao ban can đảm cho đôi vợ chồng trẻ, và chỉ cho họ thấy rằng chưa mất hết tất cả. Khi dân Israel cảm thấy không còn một ý nghĩa trong việc băng ngang qua sa mạc nữa, Thiên Chúa  Cha đã khích lệ họ can đảm với bánh manna. Và khi tới thời viên mãn Thiên Chúa Cha đã trao ban can đảm cho nhân loại, bằng cách ban Con Ngài cho chúng ta. Chúng ta tất cả đều sống kinh nghiệm ấy trong các thời điểm và các hình thức khác nhau. Tại sao vậy? Vì Thiên Chúa không thể làm khác.

Thiên Chúa luôn luôn trao ban can đảm

Và ĐTC giải thích lý do Thiên  Chúa có thể trao ban can đảm cho chúng ta như sau:

Bởi vì tên Ngài là tình yêu, tên Ngài là món quà nhưng không, tên Ngài là tận hiến, tên Ngài là thương xót. Tất cả những điều đó Ngài đã cho chúng ta biết trong tất cả sức mạnh và sự rõ ràng của nó nơi Chúa Giêsu, Con của Ngài, là Đấng đã tiêu hao cuộc đời mình cho đến chết để khiến cho Nước của Thiên Chúa được hiện thực. Một Vương quốc mời gọi chúng ta tham dự vào cái luận lý mới, làm di chuyển một năng động có thể mở các tầng trời, con tim, trí óc, và đôi tay của chúng ta, và thách đố chúng ta với các chân trời mới. Một Vương quốc có hương vị của gia đình, có mùi vị của cuộc sống chia sẻ. Ngài có thể biến đổi các viễn tượng, các thái độ, các tâm tình của chúng ta, nhiều khi đã bị loãng trong rượu của ngày lễ. Ngài có thể chữa lành con tim chúng ta, và mời gọi chúng ta bắt đầu trở lại nhiều lần hơn nữa, bẩy mươi lần bẩy. Ngài luôn luôn có thể khiến cho mọi sự trở nên mới mẻ.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nhắc lời lời anh Manuel xin ngài cầu nguyện cho biết bao người trẻ chán nản và đang sống các lúc khó khăn. Họ không hăng hái, không có sức lực, không muốn làm gì cả, vì họ cảm thấy cô đơn. ĐTC nói : « Các cha mẹ hãy suy nghĩ : Anh chị em có nói chuyện với các con hay chơi với chúng hay luôn luôn bận rộn ? »

Chứng từ của chị Beatrice thì nói tới sự bất an và đơn độc. Sự tạm bợ, thiếu thốn không có cả đến cái tối thiểu để sống có thể khiến cho chúng ta  tuyệt vọng, âu lo, không biết phải làm gì để tiến tới, nhất là khi có con cái phải săn sóc.  Chúng ta hãy nghĩ tới tất cả những người, tất cả các phụ nữ đã trải qua kinh nghiệm mà chị Beatrice đã sống. Cái bấp bênh vật chất đã thế, còn có cái bấp bênh nguy hiểm hơn nảy sinh từ sự cô độc và lẻ loi nữa. Có nhiều cách chiến đấu chống lại nó. Một cách là qua các luật lệ bảo vệ và bảo đảm cho cái tối thiểu cần thiết để mỗi gia đình và mỗi người có thể lớn lên qua việc học hành, và có một công ăn việc làm xứng đáng. Cách khác nữa như anh Humberto và chị Claudia nói tới đó là tìm thông truyền tình yêu của Thiên  Chúa mà họ đã kinh nghiệm trong việc phục vụ và trợ giúp tha nhân. Các luật lệ và dấn thân cá nhân giúp bẻ gẫy vòng luẩn quẩn của sự bấp bênh. Anh chị đã tự linh hoạt mình, đã cầu nguyện, sống với Chúa Giêsu, và hội nhập vào cuộc sống của Giáo Hội. Anh chị đã dùng một kiểu diễn tả hay đẹp : Chúng con chia sẻ với người anh em yếu đuối, người bệnh, người nghèo, người bị tù. Xin cám ơn anh chị.

Các thực dân ý thức hệ tàn phá gia đình

ĐTC nói thêm trong bài giảng : Ngày nay chúng ta thấy gia đình bị suy yếu nhiều mặt. Có người nghĩ rằng nó là một mô thức lỗi thời rồi, không có khả năng tìm ra chỗ đứng của mình bên trong các xã hội của chúng ta nữa, viện cớ tinh thần tân tiến ngày càng tạo thuận tiện cho một hệ thống dựa trên mô thức của sự cô đơn. Và chúng len lỏi vào trong các xã hội của chúng ta, các xã hội tự hào là tự do, dân chủ, tối thượng như thế nào. Các thực dân ý thức hệ đang tàn phá gia đình như thế nào. Rốt cuộc chúng ta đã trở thành các thuộc địa ý thức hệ tàn phá gia đình, tàn phá nòng cốt của gia đình là nền tảng của một xã hội lành mạnh.

Đừng kết thúc ngày sống mà không làm hoà và tha thứ cho nhau

Dĩ nhiên, sống trong gia đình không  luôn luôn dễ dàng, thường đau đớn và mệt nhọc, nhưng như tôi đã nói nhiều lần về Giáo Hội, tôi cũng áp dụng nó cho gia đình: tôi thích một gia đình bị thương mỗi ngày tìm kết nối tình yêu hơn là một gia đình, một xã hội bệnh hoạn vì đóng kín và sự thoải mái của nỗi sợ hãi yêu thương. Tôi thích một gia đình ngày này qua ngày khác tìm bắt đầu trở lại hơn là một gia đình và một xã hội chiêm ngưỡng chính mình và bị ám ảnh bởi sự sang trọng và các tiện nghi. « Anh chị có con không ? Không, chúng tôi không có con vì chúng tôi thích đi nghỉ hè, du hành và mua sắm… Sự sang trọng, tiện nghĩ và con cái : khi anh chị muốn có một đứa con thì thời điểm đã qua rồi. Điều này tạo ra hư hại biết bao ! Tôi thích một gia đình với gương mặt mệt mỏi vì các hy sinh hơn là các gương mặt trang điểm đẹp không biết đến sự hiền dịu và cảm thương. Tôi thích một người đàn ông và một người đàn bà, ông Aniceto và bà vợ, với gương mặt nhăn nheo vì các chiến đấu mọi ngày và sau hơn 50 năm họ tiếp tục yêu nhau : chúng ta có họ ở đây. Và người con của ông bà đã học được bài học : anh ta có 25 năm cuộc sống hôn nhân. Đó là các gia đình ! Khi tôi hỏi hai ông bà cho biết ai là người đã kiên nhẫn hơn trong 50 năm chung sống họ trả lời : «  Cả hai, Thưa ĐTC ». Bởi vì trong một gia đình để đi đến chỗ mà họ đã tới cần phải có sự kiên nhẫn, tình yêu thương, cần phải biết tha thứ cho nhau. Tốt hơn là thỉnh thoảng tranh luận và đôi khi có đĩa bay chén bay, tốt thôi : xin anh chị em đừng sợ. Lời khuyên duy nhất đó là đừng bao giờ kết thúc một ngày sống mà không làm hoà với nhau trước, bởi vì nếu anh chị em kết thúc ngày sống với chiến tranh, anh chị em sẽ thức dậy với chiến tranh lạnh và chiến tranh lạnh thì nguy hiểm lắm trong gia đình, vì nó gài mìn từ dưới các vết nhăn của sự thuỷ chung hôn nhân.

Những vết nhăn nói lên lịch sử cuộc đời

Liên quan tới các vết nhăn tôi nhớ chứng tá của một minh tinh màn bạc nổi tiếng mỹ châu latinh. Khi  bà hầu như 60 tuổi và bắt đầu nhận ra các vết nhăn, người ta khuyên bà sửa sang sắc đẹp chút ít để tiếp tục làm việc. Bà trả lời rõ ràng là : « Các vết nhăn này tôi đã phải trả bằng biết bao công việc và cố gắng, rất đau đớn và một đời sống tràn đầy. Tôi không có ý sửa sang chúng đâu ! Chúng là các dấu vết lịch sử đời tôi ». Và bà tiếp tục là một minh tinh màn bạc lớn… Trong hôn nhân cũng thế. Cuộc sống hôn nhân phải được canh tân mỗi ngày. Và như tôi đã nói trước đây tôi thích các gia đình với các vết nhăn, với các vết thương, với các vết thẹo nhưng vẫn tiếp tục tiến bước, bởi vì các vết thương và các vết thẹo, các vết nhăn ấy là hoa trái của lòng chung thủy và của một tình yêu đã không luôn luôn dễ dàng. Tình yêu không dễ dàng, không, nó không dễ dàng ! Nhưng nó là điều xinh đẹp nhất mà một nguời nam và một người nữ có thể trao ban cho nhau. Tình yêu đích thật, cho suốt cả cuộc đời.

Và ĐTC kết thúc bài giảng như sau : Anh chị em Mêhicô thân mến, anh chị em có « một cái gì hơn nữa », anh chị em chạy đua và có lợi thế. Anh chị em có Đức Bà Guadalupe là Đấng đã muốn viếng thăm các vùng đất này, và điều này cho chúng ta xác tín rằng qua sự bầu cử của Mẹ giấc mơ được gọi là gia đình này sẽ không thất bại bởi sự bất ổn và cô đơn. Mẹ luôn sẵn sàng bảo vệ các gia đình và tương lai của anh chị em, Mẹ luôn luôn sẵn sàng trao ban cho chúng ta can đảm bằng cách ban Con Mẹ cho chúng ta. Vì thế tôi xin anh chị em hãy nắm tay nhau và chúng ta cùng cầu nguyện. Và ĐTC đã cùng mọi ngưòi đọc kinh Kính Mừng cầu cho các gia đình.

Ngài nói thêm : Chúng ta cũng đừng quên thánh Giuse thợ, luôn luôn tiến bước, luôn luôn lo lắng cho gia đình. Và giờ đây trong bầu khí lễ hội gia đình này tôi xin mời tất cả  các cặp vợ chồng hiện điện canh tân các lời hứa hôn nhân trong thinh lặng. Và những người đã đính hôn thì hãy xin ơn có một gia đình chung thuỷ và tràn đầy tình yêu. Trong thinh lặng xin anh chị em hãy canh tân các lời hứa hôn nhân và các cặp đính hôn thì xin ơn có một gia đình chung thuỷ và tràn đầy tình yêu.

Tiếp đến ĐTC đã ban phép lành toà thánh cho tất cả mọi người.  

Sau khi từ giã các gia đình ĐTC đã ra phi trường « Angel Albino Corzo Tuxtla » cách đó 30 cây số lấy máy bay trở về thủ đô Mêhicô. Máy bay đã tới phi trường « Benito Juarez » sau gần hai giờ bay. Từ phi trường ĐTC đã đi xe về Toà Sứ Thần Toà Thánh dùng bữa tối và nghỉ đêm.

Sáng thứ ba hôm qua lúc 7 giờ 15 phút ĐTC đã rời Toà Sứ Thần để ra phi trường lấy máy bay tới tổng giáo phận Morelia cách đó 210 cây số để cử hành thánh lễ với các linh mục, nam nữ tu sĩ và chủng sinh. Morelia có 600 ngàn dân cư, trong miền trung Mêhicô ở độ cao hơn 1,900 mét. Được thành lập năm 1541 như là thành phố của thổ dân Michoacan. Sau đó nó đổi tên là thành Valladolid và nổi tiếng là « Ngôi vườn của Tây Ban Nha mới ». Năm 1828 thành phố vinh danh ông  José Maria Morales y Pavón, người hùng của nền độc lập Mêhicô, và mang tên Moralia. Thành phố được tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc coi là gia tài của nhân loại vì có lối kiến trúc thời thuộc địa. Trung tâm thành phố có các dinh thự xây bằng đá đỏ kiểu ba rốc. Hằng năm tại đây đều có các đại hội phim ảnh, biểu diễn đại phong cầm và âm nhạc quan trọng. Đại học San Nicolas de Hildago được thành lập năm 1551, hiện có 45,000 sinh viên. Tổng giáo phận Morelia được thành lập năm 1536 và trở thành giáo tỉnh năm 1863. Giáo phận có hơn 2,6 triệu dân, 94% theo công giáo, gồm 237 giáo xứ, 2,016 nhà thờ hay cứ điểm truyền giáo. Nhân lực của giáo phận gồm 437 linh mục giáo phận, 127 linh mục dòng, 306 tu huynh, hơn 1,000 nữ tu và 110 đại chủng sinh. Giáo phận điều khiển 134 cơ sở giáo dục, 147 trung tâm bác ái. Năm ngoái có thêm gần 54,000 người được rửa tội.

Máy bay chở ĐTC đã tói phi trường Morelia sau gần một giờ bay.  Từ phi trường ĐTC đã đi trực thăng tới gần chỗ đậu xe và từ đó đi xe vào sân vận động «Venustiano Carranza » cách đó 9 cây số. Sân vận động này có chỗ cho 20,000 người.  Xe díp chở ĐTC đã đi một vòng để DTC chào mọi người. Thánh lễ đã được cử hành bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng của thổ dân Purépecha..

Học sống và cầu nguyện như Chúa Giêsu

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã quảng diễn Kinh Lạy Cha và gương sống cầu nguyện của Chúa Giêsu. Có câu nói : « Bạn hãy nói cho tôi biết bạn cầu nguyện thế nào, và tôi sẽ nói cho bạn biết bạn sống thế nào. Bạn hãy nói cho tôi biết bạn sống thế nào, và tôi sẽ nói cho bạn biết bạn cầu nguyện ra sao »… Cần phải học cầu nguyện như chúng ta học đi, học nói, học lắng nghe. Trường cầu nguyện là trường của cuộc sống và trường của cuộc sống là nơi chúng ta học cầu nguyện. Chúa Giêsu đã chọn các môn đệ và gửi các vị đi chia sẻ cuộc sống của Ngài, sự thân tình với Ngài ; và trong khi họ ở với Ngài, Ngài làm cho họ sờ mó được trong thịt xác của Ngài sự sống của Thiên Chúa  Cha. Lời Kinh Lậy Cha Chúa Giêsu dậy có hương vị sự sống, kinh nghiệm sự đích thật. Ngài đã biết sống bằng cách cầu nguyện và cầu nguyện bằng cuộc sống, khi nói Lậy Cha chúng con.

Các linh mục và những người sống đời thánh hiến không phải là công chức của Thiên Chúa

ĐTC nhắc lại cho các linh mục tu sĩ và chủng sinh biết ý nghĩa ơn gọi đời thánh hiến như sau :

Ngài đã mời gọi chúng ta chia sẻ cuộc sống của Ngài, chia sẻ cuộc sống thiên linh : khốn cho chúng ta nếu chúng ta không chia sẻ nó, khốn cho chúng ta nếu chúng ta không là các chứng nhân của điều chúng ta đã thấy và đã nghe, khốn cho chúng ta ! Chúng ta không là và không muốn là các công chức của Thiên Chúa, chúng ta không phải và không muốn là các công nhân của Thiên Chúa, bởi vì chúng ta được mời gọi  tham dự vào cuộc sống của Chúa, chúng ta được mời gọi bước vào trong con tim của Ngài, một con tim cầu nguyện và sống khi nói Lạy Cha chúng con. Sứ mệnh là gì, nếu nó không nói với cuộc sống của chúng ta : Lậy Cha chúng con ?

Chịu trận là khí giới ma quỷ thích sử dụng nhất để cám dỗ chúng ta

Liên quan tới lời xin đừng để cho chúng con sa chước cám dỗ, ĐTC nói : Cám dỗ nào có thể đến từ các môi trường nhiều lần bị thống trị bởi bạo lực, thối nát, buôn bán ma tuý, khinh rẻ nhân phẩm, thờ ơ trước khổ đau và sự bấp bênh ? Chúng ta có thể có cám dỗ nào trước thực tại xem ra đã trở thành một hệ thống không lay chuyển ? Sự chịu trận. Trước thực tại này có thể thắng chúng ta một trong các vũ khí  ma quỷ thích dùng nhất là sự chịu trận. Môt sự chịu trận khiến cho chúng ta tê liệt  và ngăn cản chúng ta không chỉ bước đi, mà cũng ngăn cản chúng ta mở đường nữa ; một sự chịu trận không chỉ gây kinh hoàng, mà còn nhốt chúng ta trong công sự của các phòng thánh và các an ninh bề ngoài ; một sự chịu trận không chỉ ngăn cản loan báo tin mừng, mà còn ngăn cản chúng ta chúc tụng nữa. Một sự chịu trận không chỉ ngăn cản chúng ta đưa ra các chương trình, mà còn ngăn cản chúng ta liều lĩnh và biến đổi các sự vật nữa.

ĐTC đã nhắc tới gương sống của ĐC Vasco Vasquez de Quiroga, Giám Mục tiên khởi Michoacán, tuy là người Tây Ban Nha nhưng ngài đã trở thành thổ dân. Tả lại thực tại sống của thổ dân Purhepechas ngài nói : họ bị bán, bị xúc phạm và lang thang ngoài chợ và lượm rác rưởi vứt trên đất ». Nhưng thực tại này thay vì khiến cho ngài trở thành chua cay và chịu trận đã lay động đức tin cuộc sống và lòng cảm thương của ngài và kích thích ngài thực hiện nhiều sáng kiến là hơi thở trước thực tại bất công khiến cho người ta tê liệt. Nỗi đớn đau của người anh em biến thành lời cầu nguyện, và lời cầu nguyện biến thành câu trả lời cụ thể thăng tiến cuộc sống của các thổ dân. Và thổ dân gọi ngài là « Tata Vasco » cha Vasco, bố Vasco.

Sau khi từ giã các linh mục tu sĩ nam nữ, chủng sinh và mọi người ĐTC đã di xe về Toà tổng giám mục để dùng bữa trưa với đoàn tuỳ tùng và nghỉ ngơi chốc lát trước khi tiếp tục các sinh hoạt ban chiều là viếng thăm nhà thờ chính toà Morelia và gặp gỡ giới trẻ tại vận động trường José Maria Morelos y Pavón vào lúc 4 giờ chiều. 

Thứ tư 17-2-2016 ĐTC viếng thăm giáo phận Ciudad Juarez cách thủ đô Mexico 1,543 cây số, thăm các tù nhân trung tâm cải huấn CeReSo và gặp gỡ giới lao động trong toà nhà thể thao thành phố.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Tro Năm Thánh Lòng Thương Xót

Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Tro Năm Thánh Lòng Thương Xót

Ash Wednesday mass

VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu nhìn nhận mình cần lòng thương xót của Chúa, vượt thắng sự xấu hổ, cởi mở tâm hồn đón nhận ơn tha thứ của Chúa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong thánh lễ chiều thứ tư lễ tro 10-2-2016 tại Đền thờ Thánh Phêrô. Trong số các vị đồng tế với ĐTC, ngoài các Hồng Y và Giám Mục, đặc biệt có 700 LM thừa sai lòng thương xót, đến từ các nước trên thế giới, kể cả Việt Nam.

Trong bài giảng, ĐTC cảnh giác chống lại cám dỗ khép kín cửa tâm hồn, sống với tội lỗi của mình, coi nhẹ chúng và nghĩ mình không tệ hơn người khác. Một chướng ngại khác là xấu hổ không dám mở cửa tâm hồn mình, và nó biến thành sự sợ hãi. ĐTC mời gọi các LM thừa sai lòng thương xót hãy giúp các tín hữu cởi mở tâm hồn, vượt thắng sự xấu hổ và đừng trốn chạy ánh sáng.

ĐTC cũng nhắc lại lời mọi gọi của Chúa trong sách ngôn sứ Gioel: ”Các con hãy trở về cùng Ta với trọn tâm hồn” (2,12): chúng ta đã xa lìa Thiên Chúa, tha nhân và chính mình. Ngài cũng đề cao 3 phương thế cần được thực hành đặc biệt trong mùa chay là cầu nguyện, thi hành việc bác ái và chay tịnh khổ chế. Và ĐTC kết luận rằng: ”Mùa chay là thời điểm thuận tiện để cắt tỉa sự giả dối, tinh thần trần tục và dửng dưng; cần thanh tẩy tâm hồn và cuộc sống để tìm lại căn tính Kitô, nghĩa là tình yêu thương phục vụ, không phải tính ích kỷ lạm dụng.

Thánh lễ được tiếp tục với nghi thức bỏ tro trên đầu. ĐHY Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô, đã bỏ tro trên đầu ĐTC.

Trong số 3 gia đình được chọn dâng lễ vật, đặc biệt có Ông bà Sicari ở miền nam Italia, với người con gái Mariangela sinh cách đây 12 năm (14-7-2004) khi bà mẹ mang thai tới tháng thứ 7. Ngay trong thời mang thai, các bác sĩ đã chẩn bệnh thấy thai nhi bị dị hình ở mặt. Sau khi sinh, bé Mariangela được đưa đi chữa trị tại nhiều nhà thương, và mãi 13 tháng sau (8-2005) bé mới được về với gia đình lần đầu tiên, và bắt đầu tiến trình phục hồi với đầy cam go, đặc biệt là tại Trung Tâm chỉnh hình Cha Pio của các cha dòng Capuchino ở San Giovanni Rotondo. Ngày nay bé Mariangela có thể đi lại được, đi học và nói được.

Sai đi các linh mục thừa sai

Cuối thánh lễ trước khi ban phép lành, ngài mời gọi mọi người hiệp nguyện trong nghi thức sai các thừa sai lòng thương xót ra đi:

”Lạy Thiên Chúa, chúng con chúc tụng và ngợi khen Chúa vì trong ý định huyền nhiệm lòng thương xót của Chúa, Chúa đã sai Chúa Con đến trần thế để giải thoát con người khỏi vòng nô lệ tội lỗi, nhờ máu đổ ra của Con Chúa và làm cho con người được tràn đầy hồng ân của Chúa Thánh Linh.

Lạy Chúa, xin nhìn đến các tôi tớ Chúa đây mà chúng con sai đi như những sứ giả của lòng thương xót, của ơn cứu độ và an bình. Xin cánh tay Chúa hướng dẫn những bước chân của họ và nâng đỡ họ bằng quyền năng ơn thánh của Chúa để họ không suy yếu dưới gánh nặng lao lực tông đồ.

”Ước gì tiếng Chúa Kitô được vang dội trong những lời nói của họ và con tim của Chúa Kitô được biểu lộ qua những cử chỉ của họ, và ước gì những người lắng nghe họ được thú hút vâng phục Tin Mừng. Xin Chúa đổ tràn Thánh Linh trong tâm hồn họ, để khi trở nên mọi sự cho mọi người, họ dẫn đưa nhiều con cái đến cùng Chúa là Cha, và ca tụng Chúa không ngừng trong Hội Thánh của Chúa. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen (SD 10-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Tường thuật ngày thứ hai ĐTC Phanxicô viếng thăm Uganda 2/2

Tường thuật ngày thứ hai ĐTC Phanxicô viếng thăm Uganda 2/2

ĐTC gặp gỡ giới trẻ tại Kololo

Lúc 15 giờ ĐTC đã rời Tòa Sứ Thần lên xe đến Kololo cách đó 5 cây số rưỡi để gặp gỡ giới trẻ.  Kololo là phi trường cũ, hiện được dùng làm nơi tổ chức các biến cố lớn và có thế chứa tới 100.000 người. Tới nơi ĐTC dã đi xe díp để chào tín hữu và người trẻ. Tín hữu tụ tập tại Kololo đã theo [H1] dõi thánh lễ ĐTC cử hành tại Đền thánh Namugongo trên các màn truyền hình khổng lồ đặt tại đây.

Hiện điện trong buổi gặp gỡ cũng có các giới chức của chính quyền dân sự, bộ giáo dục và thể thao. Có một khu vực đặc biệt dành cho 200 người trẻ điếc, giới trẻ tỵ nạn và các linh mục tuyên úy đặc trách mục vụ cho giới trẻ. Trên khán đài, ngoài ĐTGM Kampala và ĐC đặc trách giới trẻ của HĐGM Uganda, còn có 50 người trẻ nam nữ, đại diện cho mọi giáo phận toàn nước, cũng như một nhóm trẻ em mồ côi.

Buôi gặp gỡ đã diễn ra với ca nhạc và các màn vũ. Hai bạn trẻ anh Emmnauel Odokonyero và chị Winnie Nansumba đã chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống đức tin của họ. ĐC Paul Ssemogerere, đặc trách mục vụ cho giới trẻ, đã ngỏ lời chào mừng ĐTC. Ngỏ lời với các bạn trẻ ĐTC đã khuyến khích họ như sau:

Các bạn trẻ thân mến, khi nhìn các gương mặt tràn đầy hy vọng của các bạn: hy vọng cho các bạn, cho quốc gia các bạn và cho Giáo Hội, tôi xin các bạn cầu nguyện để niềm hy vọng mà các bạn đã nhận được từ Chúa Thánh Thần tiếp, tục gợi hứng cho các nỗ lực lớn lên trong khôn ngoan, quảng đại và lòng tốt. Các bạn đừng quên là các sứ giả của niềm hy vọng này. ĐTC nhấn mạnh rằng: Niềm hy vọng kitô không phải là chủ trương lạc quan đơn sơ, nhưng còn hơn thế nhiều. Nó đâm rễ sâu trong cuộc sống mới mà chúng ta đã nhận được nơi Chúa Giêsu Kitô. Niềm hy vọng ấy khiến cho chúng ta có khả năng tin tưởng nơi các lời hứa của Chúa Kitô, nơi sức mạnh sự tha thứ, tình bạn và tình yêu  của Chúa mở ra cho chúng ta các cánh cửa của một cuộc sống mới. Chính trong lúc các bạn gặp một vấn đề, một thất bại, một cản ngăn, các bạn để cho con tim mình neo chặt vào  tình yêu ấy, vì nó có quyền lực biến đổi cái chết thành sự sống và xua đuổi mọi sự dữ. Chiều nay tôi mời gọi các bạn cầu nguyện để ơn đó lớn lên trong các bạn và để các bạn có thể nhận lấy ơn trở thành các sứ giả của niềm hy vọng. Chung quanh chúng ta có biết bao nhiêu người cảm thấy lo lắng sâu xa đến tuyệt vọng. Chúa Giêsu đánh tan các đám mây đó, nếu chúng ta cho phép Ngài làm.

Tiếp đến ĐTC đã đề cập tới một vài chướng ngại trên con đường hy vọng. Tất cả các bạn đều ước mơ một tương lai tốt đẹp hơn, một việc làm, sức khỏe và tiện nghi, và đó là điều tốt. Vì thiện ích của dân tộc và của Giáo Hội các bạn ước ao chia sẻ với người khác các ơn, các khát vọng, và lòng hăng say của các bạn, đó là điều rất tốt. Nhưng nhiều lúc, khi các bạn trông thấy cảnh nghèo túng, khi các bạn thiếu cơ hội, khi sống kinh nghiệm các thất bại trong đời, một cảm giác tuyệt vọng có thể nổi dậy và lớn lên. Các bạn có thể bị cám dỗ thất vọng.

ĐTC dã dùng hình ảnh một đứa bé đi trên đường, nhưng gặp một vũng bùn trước mắt. Nó không có khả năng nhảy qua hay tránh né. Nó có thể làm, nhưng bị té và bị ướt. Sau nhiều lần không đuợc, nó gọi cha tới giúp, ông cầm tay và dẫn nó qua dễ dàng. Chúng ta cũng giống đứa bé ấy. Cuộc đời dành cho chúng ta nhiều vũng bùn. Nhưng chúng ta không phải vượt thắng tất cả mọi vấn đề và chướng ngại với sức riêng của mình. Thiên Chúa ở đó để nắm tay chúng ta, nếu chúng ta khẩn nài Người. Chúng ta tất cả, cả Giáo Hoàng nữa, phải giống đứa bé ấy. Bởi vì chỉ khi chúng ta bé nhỏ và khiêm tốn, chúng ta mới không sợ hãi gọi Cha đến giúp chúng ta. Chúng ta cần học đặt để hy vọng của chúng ta nơi Thiên Chúa Cha, với ý thức rằng Ngài luôn luôn hiện diện ở đó cho chúng ta. Ngài đổ trên chúng ta sự tin tưởng và lòng can đảm.

Tiếp tục bài nói chuyện với các bạn trẻ ĐTC nhắc tới vài vũng bùn, mà người trẻ có thể gặp trên con đường cuộc sống ngăn cản ước muốn của họ lớn lên trong tình bạn với Chúa Kitô, Đó là sự sợ hãi thất bại trong dấn thân yêu thương, nhất là trong lý tưởng cao đẹp nhất là hôn nhân kitô. Sợ hãi không thể là một người vợ ngưòi mẹ, người chồng ngưòi cha tốt. Nếu cứ tiếp tục nhìn vũng bùn, thì có nguy cơ trông thấy các yếu đuối và sợ hãi của mình phản ánh trên đó. Không được đầu hàng trước những sợ hãi ấy. Đôi khi chúng đến từ ma qủy, không muốn cho các bạn hạnh phúc. Hãy khẩn nài sự trợ giúp của Thiên Chúa, hãy mở con tim cho Chúa, và Ngài sẽ nâng các bạn đậy, ẵm các bạn trên tay, và chỉ cho các bạn biết phải yêu thương như thế nào. Tôi đặc biệt xin các cặp vợ chồng trẻ nuôi tin tưởng rằng Thiên Chúa muốn chúc lành cho tình yêu và cuộc sống của các bạn với ơn thánh của Ngài trong bí tích Hôn Nhân.

Thế rồi còn có một vũng bùn, mà tất cả chúng ta đều phẩi đương đầu, đó là sự sợ hãi khác biệt, đi ngược dòng trong một xã hội liên tục thối thúc chúng ta ôm lấy các mô thức tiện nghi và tiêu thụ xa lạ với các giá trị sâu xa của nền văn hóa phi châu. Các bạn hãy nghĩ xem các thánh Tử Đạo Uganda sẽ nói gì đối với việc sử dụng xấu các phương tiện truyền thông, trong đó các người trẻ bị phơi bầy cho những hình ảnh hay cái nhìn méo mó về tính dục hạ thấp nhân phẩm, đưa con người tới sự buồn phiền và trống rỗng? Các thánh Tử Đạo Uganda sẽ phản ứng trước lòng ham muốn và gian tham hối lộ gia tăng trong xã hội như thế nào? Các vị xin từng người trong các bạn hãy là các gương mẫu của cuộc sống kitô, tin tưởng rằng tình yêu đối với Chúa Kitô, sự trung thành với Tin Mừng và việc sử dụng khôn ngoan các ơn Thiên Chúa ban chỉ có thể làm giầu, thanh tẩy và nâng cao cuộc sống của đất nước này. Đừng quên rằng Thiên Chúa sẽ giúp các bạn vượt qua bất cứ vũng bùn nào các bạn gặp phải trên đường đời. Hãy hy vọng nơi Chúa Kitô, và Ngài sẽ khiến cho các bạn có khả năng tìm thấy hạnh phúc đích thực.

ĐTC kêu gọi mọi giáo xứ và cộng doàn tại Uganda và rong toàn đại lục Phi châu đừng quên người nghèo

Sau khi từ giã các bạn trẻ ĐTC đi xe đến thăm trung tâm bác ái Nalukolongo, cách đó 10 cây số. Trung tâm bác ái Nalukolongo Bakateyamba’s House được ĐHY Emmanuel Kikwanuka Nsubuga thành lập năm 1978, và giao cho các nữ tu Người Samaritano nhân lành trông coi. Đây là dòng nữ do chính ĐHY thành lập 2 năm trước đó. ĐHY Nsubuga sinh năm 1914 và qua đời năm 1991. Ngài đã là TGM đầu tiên của giáo phận thủ đô Kampala cho tới năm 1990. ĐHY nổi tiếng vì đã công khai chống lại các vụ vi phạm nhân quyền dưới thời tổng thống  Idi Amin cai trị Uganda. Ngài cũng đã là người tổ chức chuyến tông du của ĐGH Phaolô VI tại Uganda năm 1969.

Trung tâm bác ái Nalukolongo hiện săn sóc cho khoảng 100 người nghèo thuộc mọi tôn giáo và tuổi tác, từ các trẻ em cho tới người già, trong đó có một cụ bà hơn 100 tuổi. Họ do các gia đình nghèo đưa tới, hay do các nữ tu tìm thấy trên đường phố.  Nhà nguyện của trung tâm được khánh thành năm 1929 đã được xây dâng kính các vị tử đạo Uganda lâu năm trước ngày các vị được tôn phong hiển thánh. Trong sân của trung tâm có một cây xoài già 136 năm, và là cây duy nhất sống sót trong số 4 cây do cha Simon Lourdel trồng khi đến Nalukolongo làm việc truyền giáo cùng với 4 tu sĩ cùng dòng hồi năm 1879.

ĐTC đã được nữ tu bề trên trung tâm tiếp đón. Ngài vào trong nhà nguyện dâng kính Đức Bà Phi châu viếng Mình Thánh Chúa trong giây lát. Hiện diện tại trung tâm cũng có cha sở giáo xứ, ông chủ tịch các tổ chức bác ái và 30 nữ tu làm việc tại trung tâm.

ĐTC được tháp tùng đến viếng mộ ĐHY Nsubuga rồi vào trong một sân nhỏ, nơi ĐC Robert Muhiirwa, đặc trách mục vụ sức khỏe của HĐGM Uganda giới thiệu các người khác đến từ các trung tâm bác ái khác. ĐTC đi thăm các bệnh nhân trong hai dãy nhà chính của trung tâm, rồi trở lại bục cao trong sân để ngỏ lời với mọi người. ĐTC cám ơn sự tiếp đón nồng nhiệt dành cho ngài. Ngài đã muốn thăm ngôi nhà bác ái, mà ĐHY Nsubuga đã thành lập tại Nalukolongo. Nơi này đã luôn luôn gắn liền với dấn thân của Giáo Hội đối với người nghèo, người tàn tật và các bệnh nhân. Ban đầu đây đã là nơi tiếp đón các trẻ em được chuộc khỏi kiếp nô lệ và các phụ nữ. ĐTC cũng chào các đại diện của nhiều nhóm tông đồ khác, đặc biệt là các nhóm trợ giúp các bệnh nhân liệt kháng. Ngài nói: Từ căn nhà này tôi muốn hướng một lời kêu gọi tới tất cả mọi giáo xứ và cộng đoàn hiện diện tại Uganda và phần còn lại của toàn Phi châu, là đừng quên người nghèo. Tin Mừng đòi buộc chúng đi ra các vùng ngoại biên  của xã hội và tìm Chúa Kitô nơi người đau khổ và thiếu thốn…. Như là kitô hữu, chúng ta không thể đứng đó mà nhìn. Phải thay đổi cái gì đó. Các gia đình của chúng ta phải trở thành các dấu chỉ hiển nhiên hơn của tình yêu thương kiên nhẫn và thương xót của Thiên Chúa, không chỉ đối với con cái của chúng ta và người già của chúng ta, nhưng là đối với tất cả những người cần được trợ giúp. Các giáo xứ của chúng ta không được đóng cửa và bịt tai trưóc tiếng kêu than của dân nghèo… Chính khi trợ giúp họ mà chúng ta làm chứng cho Chúa, là Đấng đến không phải để đưọc phục vụ, mà là để phục vụ… Qua các cử chỉ  đơn sơ và đạo hạnh chúng ta tôn kính Chúa Kitô trong các anh chị em bé nhỏ nhất. Chúng ta hãy làm cho sức mạnh tình yêu của Ngài đi vào trong thế giới, và chúng ta thực sự thay đổi nó. Một lần nữa, tôi xin cám ơn anh chị em vì lòng quảng đại và bác ái của anh chị em.

Sau khi từ giã trung tâm bác ái, ĐTC đi xe về toà Tổng Giám Mục Kampala để gặp gỡ các Giám Mục toàn nước Uganda. Sau lời chào mừng của ĐC John Baptist Odama, Chủ tịch HĐGM Uganda, ĐTC đã nói chuyện với khoảng 30 Giám Mục, kể cả các vị đã về hưu. Hiện diện trong buổi gặp gỡ cũng có các HY và GM thuộc đoàn tuỳ tùng.

Tiếp đến ĐTC đã đến nhà thờ chính toà để gặp gỡ các linh mục, nam nữ tu sĩ và chủng sinh.

ĐTC khich lệ các linh mục tu si nam nữ và chủng sinh ý thức mình là các dụng cụ ơn cứu độ của Chúa giữa trần gian

Linh Mục giám đốc nhà thờ chính toà đã tiếp đón ĐTC tại cửa nhà thờ và tháp tùng ngài đi dọc gian chính giữa lên tới cung thánh giữa tiếng hát và tiếng vỗ tay của mọi người hiện diện. ĐTC Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ ba đến cầu nguyện tại nhà thờ chính toà Kampala, sau Đức Phaolô VI năm 1969, và Đức Gioan Phaolô II năm 1993.

ĐC John Baptist Kaggwa, đặc trách hàng giáo sĩ và tu sĩ của HĐGM  Kenya, đã ngỏ lời chào mừng ĐTC. Tiếp đến một linh mục, một nữ tu và một chủng sinh đã kể lại chứng từ cuộc sống đức tin của mình.

Ngỏ lời với các LM và tu sĩ nam nữ Uganda, ĐTC ghi nhận sự kiện cuộc gặp gỡ này diễn ra vào chúa nhật thứ I mùa vọng, một mùa mời chúng ta hướng nhìn về một sự khởi đầu mới, và trong mùa vọng này, chúng ta cũng chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa Năm Thánh đặc biệt về Lòng Thương Xót. Trước tiên, ĐTC nhận xét rằng ”Giáo Hội tại Uganda được chúc phúc nhờ đông đảo các nhân chứng – các giáo dân, giáo lý viên, linh mục và tu sĩ, đã từ bỏ mọi sự vì lòng yêu mến Chúa Giêsu: họ từ bỏ nhà cửa, gia đình, và từ bỏ cả mạng sống, trong trường hợp các vị tử đạo. Trong đời sống chúng ta, trong sứ vụ linh mục cũng như trong đời sống thánh hiến, anh chị em được kêu gọi tiếp nối gia sản to lớn ấy, nhất là qua những hành động đơn sơ khiêm tốn phục vụ. Chúa Giêsu muốn dùng anh chị em để ngày càng đánh động tâm hồn nhiều người hơn: Chúa muốn dùng miệng anh chị em để công bố lời cứu độ của Ngài, Chúa dùng đôi tay của anh chị em để ôm lấy những người nghèo mà Ngài yêu thương, dùng bàn tay của anh chị em để kiến tạo những cộng đoàn gồm các môn đệ thừa sai chân chính. Xin Chúa ban cho chúng ta không bao giờ quên rằng lời thưa ”xin vâng” đối với Chúa Giêsu cũng là lời thưa ”xin vâng” đối với dân Chúa. Những cánh cửa nhà chúng ta, nhà thờ chúng ta, đặc biệt những cánh cửa tâm hồn chúng ta phải luôn mở rộng cho Dân Chúa. Đó chính là sứ mạng của chúng ta”.

Điều thứ hai ĐTC nhắc nhở các LM tu sĩ Uganda là câu hỏi: anh chị em được kêu gọi làm gì hơn nữa khi sống ơn gọi đặc thù của anh chị em? Ngài nói: ”Dân Chúa, đúng hơn là tất cả các dân tộc, đang khao khát một đời sống mới, khao khát tha thứ và hòa bình. Rất tiếc là trong thế giới có biết bao nhiêu tình cảnh gây lo âu và cần được lời khẩn cầu của chúng ta, đi từ những thực tại gần nhất. Trước tiên tôi cầu nguyện cho dân tộc Burundi yêu quí, xin Chúa khơi dậy nơi chính quyền và toàn thể xã hội những tâm tình và quyết tâm đối thoại và cộng tác, hòa giải và hòa bình. Nếu nghĩa vụ của chúng ta là tháp tùng những người đau khổ, thì giống như ánh sáng xuyên qua những kính mầu của Nhà thờ chính tòa này, chúng ta phải để cho quyền năng chữa lành của Thiên Chúa đi qua chúng ta. Trước tiên, chúng ta phải để cho những làn sóng thương xót của Chúa đổ tràn trên chúng ta, thanh tẩy và bồi bổ chúng ta, để chúng ta có thể mang lòng thương xót của Chúa đến cho tha nhân, nhất là những người ở trong bao nhiêu môi trường ngoại ô”.

Sau khi ban phép lành cho mọi người ĐTC đã trở về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa tối và nghỉ đêm kết thúc ngày thứ hai viếng thăm Uganda.

Chúa Nhật hôm nay ĐTC sẽ từ giã Uganda để sang Cộng hòa Trung Phi. Sau lễ nghi chào đón ĐTC sẽ chào thăm xã giao bà tổng thống tại dinh Phục Hưng, rồi gặp gỡ hàng lãnh đạo và ngoại giao đoàn. Tiếp đến ĐTC đến thăm  trại tỵ nạn thánh Cứu Thế trong thủ đô Bangui, rồi gặp các Giám Mục và dùng bữa trưa với các vị tại Toà Sứ Thần Tòa Thánh. 

Vào ban chiều ngài gặp gỡ các cộng đoàn tin lành tại Phân khoa thần học tin lành Bangui. Sau đó ĐTC khi đến nhà thờ chính tòa chủ sự thánh lễ cho các linh mục, tu sĩ nam nữ và các chủng sinh, đồng thời mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót. Tiếp đến ĐTC chủ sự buổi canh thức của giới trẻ và giải tội cho vài người trẻ trong tiền đường nhà thờ chính toà.

Chúng tôi sẽ tường thuật các sinh hoạt này của ĐTC trong các buổi phát ngày mai.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn người du mục

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn người du mục

ĐTC tiếp kiến 7 ngàn người dân du mục

VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi loại trừ mọi thành kiến và nghị kỵ đối với những người dân du mục.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 26-10-2015 dành cho 7 ngàn người du mục, từ các nước về Roma tham dự cuộc hành hương quốc tế từ ngày 23 đến 26 tháng 10 nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc chuyến viếng thăm của Đức Phaolo 6 tại một trại tạm trú dành cho người du mục ở Pomezia, mạn nam Roma ngày 26.10.1965. Cuộc hành hương này do Hội đồng Tòa Thánh đặc trách mục vụ người di dân và lưu động tổ chức.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận ơn gọi linh mục và tu sĩ gia tăng nơi các cộng đồng người du mục trên thế giới, và hiện diện trong dịp này có Đức Cha Devprasa Ganava bên Ấn độ, và nhiều linh mục, nữ tu cũng là dân du mục. Ngài nói:

”Tôi cầu mong cho dân tộc anh chị em bắt đầu một trang sử mới. Nay đã đến lúc nhổ bỏ mọi thành kiến ngàn đời, những thiên kiến và sự nghi kỵ lẫn nhau, thường đưa tới sự đối xử phân biệt, kỳ thị chủng tộc và bài người nước ngoài. Không ai phải cảm thấy mình bị cô lập và không ai được phép chà đạp phẩm giá và các quyền của người khác.. Chúng ta hãy để cho Tin Mừng từ bi đánh động lương tâm chúng ta và cởi mở tâm hồn và đôi tay của chúng ta cho những người túng thiếu nhất, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, bắt đầu từ những người ở cạnh chúng ta”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Các bạn thân mến, các bạn đừng tạo dịp cho các cơ quan truyền thông và dư luận nói xấu về các bạn. Chính các bạn hữu giữ vai chính trong hiện tại và tương lai của các bạn. Giống như mọi công dân, các bạn hãy góp phần vào an sinh và sự tiến bộ của xã hội bằng cách tôn trọng luật pháp, chu toàn các nghĩa vụ của các bạn và hội nhập qua sự dấn thân của các thế hệ trẻ”.

ĐTC không quên cổ võ anh chị em du mục quan tâm và đẩy mạnh việc giáo dục và phát triển người trẻ. Ngài nói: ”Việc học vấn chắc chắn là nền tảng để có một sự phát triển lành mạnh cho con người. Ai cũng biết trình độ học vấn thấp nơi nhiều người trẻ của anh chị em ngày nay là một trở ngại chính cản trở sự gia nhập thế giới công ăn việc làm. Điều quan trọng là gia đình, các cha mẹ và ông bà thúc đẩy con cháu đạt tới một nền học vấn cao hơn”.

Đầu buổi tiếp kiến, ĐHY Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ người di dân và lưu động đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC và cho biết hiện có 1 GM và hàng trăm LM, tu sĩ nam nữ đang góp phần làm việc mục vụ cho các cộng đoàn người du mục ở các nước trên thế giới (SD 26-10-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha chủ sự kinh chiều với linh mục tu sĩ New York

Đức Thánh Cha chủ sự kinh chiều với linh mục tu sĩ New York

ĐTC chủ sự đọc kinh chiều tối trong nhà thờ ở New York

NEW YORK. Chiều thứ năm, 24-9-2015, ĐTC Phanxicô đã giã từ thủ đô Washington, và bay tới thành phố New York, và hoạt động đầu tiên của ngài tại đây là hát kinh chiều với hàng ngàn LM, tu sĩ nam nữ của Tổng giáo phận New York.

Khi đến phi trường Kennedy của thành phố New York, ĐTC đã được ĐHY Timothy Dolan, TGM sở tại, và Đức TGM Bernardito Auza, người Philippines, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại LHQ, ông thống đốc bang New York và thị trưởng thành phố này đón tiếp, trước khi ngài đáp trực thăng bay về khu Manhattan ở trung tâm thành phố nơi có Nhà thờ chính tòa thánh Patrick của tổng giáo phận New York. Rất đông người chào đón ĐTC ở hai bên đường đại lộ thứ 5, nên ngài đã chuyển từ chiếc xe Fiat 500L nhỏ bé sang chiếc xe kiếng để chào thăm mọi người.

Tổng giáo phận Giáo phận New York có hơn 2 triệu 600 ngàn tín hữu trên tổng số 5 triệu 800 ngàn dân cư, tương đương với 45% dân số, với 368 giáo xứ. Nhà thờ chính tòa địa phương hùng vĩ được xây theo kiểu gôtích có thể chứa được 3 ngàn người. ĐTC Gioan Phaolô 2 đã 2 lần viếng thăm thánh đường này hồi năm 1979 và 1995, còn ĐGH Biển Đức 16 đã cử hành thánh lễ tại đây với các LM và tu sĩ nam nữ ngày 19-4 năm 2008.

Tại Nhà thờ chính tòa New York, lúc gần 7 giờ chiều, ĐTC Phanxicô đã chủ sự kinh chiều với hàng giáo sĩ và tu sĩ nam nữ. Khi tiến vào thánh đường, ngài đã ôm hôn một em bé gái da đen ngồi trên xe lăn, khiến em cảm động rơi lệ.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng sau khi hát 3 thánh vịnh và bài đọc ngắn, ĐTC đi từ lời nhắn nhủ của thánh Phêrô Tông Đồ ”Anh chị em được tràn đầy vui mừng, cho dù bây giờ Anh chị em còn phải chịu sầu muộn trong một thời gian vì những thử thách khác nhau” (1 Pr 1,6) để khích lệ các LM tu sĩ vui sống ơn gọi. Ngài giải thích rằng những lời này của Thánh Tông Đồ nhắc nhở chúng ta về một điều thiết yếu: đó là cần phải sống ơn gọi của chúng trong vui mừng”.

ĐTC nhắc đến Nhà thờ chính tòa thánh Patrick nguy nga, được xây dựng trong bao năm với hy sinh của bao nhiêu người nam nữ. Thánh đường đẹp đẽ này có thể là một biểu tượng công trình của bao nhiêu thế hệ linh mục, tu sĩ và giáo dân Hoa kỳ đã góp phần vào việc xây dựng Giáo Hội tại nước này… và ngài nói:

”Anh chị em thân mến, chiều tối hôm nay, tôi đến đây cầu nguyện với anh chị em, để ơn gọi của chúng ta tiếp tục xây dựng lên ngôi đền lớn của Nước Thiên Chúa tại quốc gia này. Tôi biết, trong tư cách là một đoàn linh mục, trước dân Chúa, anh em đã chịu đau khổ rất nhiều trong quá khứ gần đây, chịu đựng hổ nhục vì bao nhiêu anh em đã làm thương tổn và gây gương mù về Giáo Hội nơi bao nhiêu những người con yếu thế nhất của mình.. Như trong sách Khải Huyền, tôi nói với anh em rằng tôi biết rõ ”Anh em phải chịu sầu muộn sâu đậm” (Xc Kh 7,14). Tôi tháp tùng anh em trong thời kỳ đau thương và khó khăn này, cũng như tôi cảm tạ Thiên Chúa vì công việc phục vụ anh em đang thực hiện, tháp tùng dân Chúa”.

2 suy tư của ĐTC

Tiếp đến ĐTC đã trình bày 2 suy tư vắn tắt:

-- Trước tiên là tinh thần biết ơn: niềm vui của những người yêu mến Chúa lôi cuốn người khác đến với họ; các LM và những người thánh hiến được kêu gọi tìm thấy và chiếu tỏa một sự mãn nguyện vì ơn gọi của mình. Niềm vui nảy sinh từ một con tim biết ơn. Đúng vậy, chúng ta đã nhận lãnh rất nhiều, bao nhiêu ơn thánh, bao nhiêu phúc lành, và chúng ta vui mừng vì những ơn ấy.

Trong chiều hướng này, ĐTC mời gọi các LM, tu sĩ hãy nhớ lại những hồng ân đã lãnh nhận từ Chúa, hồng ân được gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô.. Chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có khả năng kể ra bao nhiêu phúc lành chúng ta đã nhận được hay không?

-- Điểm thứ hai là tinh thần cần cù làm việc. ĐTC nói: Một con tim biết ơn thì tự nhiên được thúc đẩy phụng sự Chúa và chấp nhận một lối sống cần cù. Trong lúc chúng ta ý thức về bao nhiêu điều Chúa ban cho chúng ta, thì con đường từ bỏ bản thân để làm việc cho Chúa và tha nhân trở thành con đường ưu tiên để đáp lại tình thương bao la của Chúa.

Nhưng nếu thành thật, chúng ta dễ dàng thấy rõ tinh thần làm việc quảng đại và hy sinh bản thân có thể bị bóp nghẹt. Có hai cách để điều này có thể xảy ra, và cả hai đều là ví dụ về tinh thần thế gian, làm cho chúng ta bị suy yếu trên con đường phục vụ và làm giảm bớt sự kinh ngạc trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô.

”Chúng ta có thể bị mắc kẹt khi đo lường những nỗ lực tông đồ của mình theo tiêu chuẩn hiệu năng, sự tiến hành tốt đẹp và thành công bề ngoài như trong thế giới doanh nghiệp. Không phải vì những điều ấy không quan trọng. Chúng ta được ủy thác một trách nhiệm lớn và dân Chúa có quyền chờ đợi những việc kiểm chứng. Nhưng giá trị đích thực công tác tông đồ của chúng ta được đo lường theo nhãn giới của Thiên Chúa. Nhìn và lượng định giá trị sự việc theo nhãn giới của Chúa nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn trở về với thời gian ban đầu của ơn gọi, và có thái độ rất khiêm tốn. Thánh giá chỉ cho chúng ta một cách thức khác để đo lường thành công: chúng ta có nhiệm vụ gieo vãi, và Thiên Chúa thấy những thành quả những vất vả của chúng ta. Nếu đôi khi những vất vả và công việc của chúng ta dường như thất bại, không mang lại thành quả, chúng ta theo Chúa Giêsu Kitô.. cuộc sống của ngài, nói theo kiểu loài người, kết thúc bằng một sự thất bại; thất bại thập giá.

Một nguy hiểm khác ĐTC cảnh giác các LM, tu sĩ, đó là việc sử dụng thời gian rảnh rỗi, nghĩ rằng tìm kiếm những tiện nghi trần tục sẽ giúp chúng ta phục vụ hăng say hơn. Ngài nói: ”Lý luận như thế có thể làm lu mờ sức mạnh lời Chúa kêu gọi hằng ngày hoán cải, gặp gỡ với Chúa. Chắc chắn thái độ ấy dần dần làm giảm bớt tinh thần hy sinh, từ bỏ và cần cù làm việc. Nó cũng làm ta xa cách những người đang chịu đau khổ vì nghèo nàn vật chất và buộc lòng phải hy sinh hơn chúng ta.

ĐTC nhấn mạnh rằng ”Nghỉ ngơi là một điều cần thiết, cũng như những lúc tự do rãnh rỗi và bồi dưỡng bảnt hân, nhưng chúng ta phải học cách nghỉ ngơi làm sao để đào sâu ước muốn phục vụ quảng đại. Sự gần gũi người nghèo, người tị nạn và di dân, người bệnh và những người bị bóc lột, người già đang chịu cô đơn, các tù nhân và bao nhiêu người nghèo khác của Thiên CHúa sẽ dạy chúng ta một thứ nghỉ ngơi khác, hợp tinh thần Kitô và quảng đại hơn”.

”Lòng biết ơn và sự cần cù làm việc, đó là hai cột trụ của đời sống thiêng liêng mà tôi muốn chia sẻ với anh chị em tối hôm nay”.

Cũng nên nói thêm rằng trong buổi hát kinh chiều tại Nhà Thờ chính tòa thánh Patrick ở New York, ĐTC cũng ngỏ lời chào thăm và chia buồn với các anh chị em Hồi giáo vì tai nạn chen lấn trong cuộc hành hương ở La Mecca Arập Saudi làm cho hơn 700 người thiệt mạng. Ngài nói: ”Tôi muốn lời chào thăm của tôi nồng nhiệt hết sức, theo tâm tình của tôi trong buổi cầu nguyện này. Chúng ta hãy hiệp nhau cầu xin Thiên Chúa là Cha toàn năng và thương xót cho các anh chị em bị thiệt mạng”.

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC đã về trụ sở Phái bộ quan sát thường trực của Tòa Thánh tại LHQ, chỉ cách đó 2 cây số để dùng bữa tối và nghỉ đêm.

G. Trần Đức Anh OP -- Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha chủ sự kinh chiều với các linh mục, tu sĩ Cuba

Đức Thánh Cha chủ sự kinh chiều với các linh mục, tu sĩ Cuba

Đức Thánh Cha chủ sự kinh chiều với các linh mục  tu sĩ Cuba

LA HABANA. Chiều chúa nhật 20-9-2015, ĐTC Phanxicô đã chủ sự kinh chiều lúc 5 giờ với các LM, tu sĩ và chủng sinh Cuba tại Nhà thờ chính tòa thủ đô La Habana.

Nhà thờ chính tòa này, dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm và thánh Cristobal, được các cha dòng Tên khởi công xây cất hồi năm 1748, tức là cách đây 267 năm. Cả sau khi các cha dòng Tên bị trục xuất khỏi Cuba vì bị cáo về âm mưu lật đổ chính quyền, việc xây cất thánh đường vẫn được tiếp tục và hoàn thành sau 19 năm kiến thiết.

Dọc đường 7 cây số khi ĐTC đến nhà thờ, có đông đảo dân chúng đứng hai bên đường để chào đón ngài, nhất là họ tụ tập ở quảng trường trước Nhà thờ chính tòa.

Đầu buổi hát kinh chiều trọng thể, ĐHY Jaime Ortega TGM sở tại đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC và nhấn mạnh rằng có một điều ”liên kết tất cả mọi người, mọi phần tử của Giáo Hội trong việc phục vụ nhân dân Cuba chúng con, đó là cái nghèo. Tại Cuba, Giáo Hội thật nghèo và chứng tá âm thầm, từ bỏ của các LM triều và dòng của chúng con, các phó tế, những người nam nữ thánh hiến, thật là đáng ngưỡng mộ. Sự nghèo khó đang góp phần mạnh mẽ cho tình liên đới và tình huynh đệ giữa chúng con. Ở đây không có cơ hội cho sự cạnh tranh và sự thi đua, ngoài sự phục vụ và hiến thân”.

Chứng từ của Nữ tu Yaileny

Tiếp đến, một nữ tu đã đại diện mọi người kể lại chứng từ về hoạt động phục vụ người nghèo, đó là chị Yaileny Ponce Torres, Nữ tử bác ái thánh Vinh Sơn Phaolô, làm việc tại Edad de Oro, một nhà thương thuộc Bộ y tế Cuba có 200 bệnh nhân, cả nam lẫn nữ, có nhiều chứng bệnh liên quan tới sự viêm não bộ kinh niên. Chị nói: ”Chúa Cha đã làm cho con ngạc nhiên dường nào khi cho con được hạnh phúc ở giữa các bệnh nhân ấy. Ngày hôm nay con có thể nói với niềm xác tín vui tươi rằng nơi mà con sống thật là đẹp, ai biết điều ấy thì cũng biết con muốn nói về điều gì. Thật là đẹp vì nơi những người con yếu đuối nhất như thế có Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình ra”.

Nữ tu Ponce Torres nói thêm rằng: ”Cả các bệnh nhân ấy cũng thực thi lòng từ bi thương xót đối với chúng con, khi dạy chúng con với tất cả sự kiên nhẫn để hiểu họ, họ tha thứ những điều xảy ra bất ngờ hoặc gọi hỏi chúng con với cuộc sống của họ đứng trước những điều thiết yếu.. Khi họ tặng một nụ cười, một cái nhìn vui tươi, thì con biết rằng thật là điều bõ công khi dâng hiến cuộc sống cho họ trong khi thực hiện Nước Trời.. Phúc cho những người nghèo vì Nước Trời là của họ”.

Huấn dụ của ĐTC

Sau bài đọc ngắn của giờ kinh, như thói quen trong những cuộc gặp gỡ tương tự, ĐTC đã trao lại cho các LM, tu sĩ và chủng sinh bài huấn dụ ngài đã dọn sẵn để họ đọc sau đó, và ngài ứng khẩu nói chuyện với họ. Hai từ nòng cốt trong bài huấn dụ của ngài là ”thanh bần và lòng từ bi thương xót”. Sự giàu sang có thể làm hư hỏng con tim.

ĐTC nhắc lại lời ĐHY Jaime Ortega trong lời chào mừng và nhận xét: ”ĐHY Jaime đã dùng một từ mà người ta khó chịu, đó là sự nghèo khó. Tinh thần thế gian không biết đến từ này, cũng chẳng tìm kiếm nó, trái lại che đậy sự nghèo khó vì khinh rẻ nó. Tinh thần thế giới không thích con đường của các con cái Thiên Chúa, Đấng đã tự hạ, hạ cố để trở thành một người trong chúng ta”.

ĐTC minh định rằng quản lý của cải vật chất một cách khôn ngoan, đó là điều bình thường, nhưng thật là buồn nếu của cải lẻn vào trong tâm hồn và xác định cuộc sống chúng ta”.

Ngài cũng trích dẫn lời thánh Ignatio Thánh Tổ dòng Tên nói rằng ”Nghèo khó là một bức tường và là mẹ của đời sống thánh hiến. Là mẹ vì nghèo khó kích thích lòng tín thác nơi Thiên Chua, nó là bức tường vì bảo vệ chúng ta khỏi mọi thói thế gian. Lòng yêu mến tinh thần thế giới làm cho chúng ta trở nên tầm thường, sự giàu sang làm cho ta trở nên nghèo nàn, trong khi tinh thần thanh bần là tinh thần của những người muốn theo Chúa Giêsu”.

ĐTC Phanxicô kể lại giai thoại một LM già khôn ngoan nói rằng khi Thiên Chúa gởi một người quản lý tệ hại tới một dòng tu chẳng hạn, thì đó là một trong những phúc lành lớn nhất, vì Ngài giải thoát dòng tu ấy khỏi tinh thần thế gian. Cần phải sống theo điều chúng ta đọc thấy trong đoạn 25 của Tin Mừng theo thánh Mathêu: tiêu chuẩn theo đó chúng ta sẽ bị phán xét chính là sự gần gũi những người rốt cùng, những người bé mọn nhất. 'Điều mà các con làm cho người bé mọn nhất trong số các anh em của Thầy đây, chính là các con làm cho Thầy”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Có những việc phục vụ mục vụ làm cho chúng ta mãn nguyện nhất xét về phương diện con người, nhưng ai có tâm hồn ưu tiên dành cho những người bé mọn nhất, người bệnh tật, những người chẳng đáng kể gì, người không xin gì, thì họ chính là người đang theo Chúa Giêsu tuyệt hảo nhất”.

Ngài cũng không quên nhắn nhủ các LM, những người thánh hiến và các chủng sinh hãy là những người vui tươi, vì niềm vui là dấu chỉ của Kitô giáo. Thánh nữ Têrêsa vẫn dạy các nữ đan sĩ đừng kêu ca than vãn. Ngài cũng ca ngợi những tu sĩ tận hiến cuộc đời để săn sóc những người mà thế gian coi là ”đồ bỏ”, loại trừ những người ấy, cả khi họ chưa sinh ra.

ĐTC kết luận rằng: ”Một LM có thể đặt câu hỏi: nhưng con phải coi một giáo xứ, làm sao con theo Chúa Giêsu? Đâu là người bé mọn nhất, con có thể gặp họ ở đâu? tù nhân, bệnh nhân.. Nhưng có một nơi đặc biệt có người bé mọn, người rốt cùng, đó là tòa giải tội. Tại đó chúng ta gặp những người nam nữ bày tỏ sự lầm than của họ. Tôi xin anh em đừng khiển trách họ. Anh em hãy ném đá trước tiên nếu anh em là những người không có tội. Hãy nghĩ rằng hối nhân ấy có thể là chính anh em. Anh em có một kho tàng, đó là sự dịu dàng, lòng thương xót của Thiên Chúa. Đừng bao giờ mỏi mệt trong việc tha thứ, vì anh em mang lòng thương xót của Thiên Chúa. Thánh Ambroxio đã nói một câu làm cho tôi rất cảm động: nơi nào có lòng thương xót, nơi đó có tinh thần của Chúa Giêsu, nơi nào có sự cứng nhắc, nơi đó chỉ có các thừa tác viên của Chúa. Anh em LM và GM, hãy để cho lòng từ bi thương xót tuân chảy qua anh em cho những người bé mọn nhất.”

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha xác định các thể thức lãnh nhận Ân Xá Năm Thánh

Đức Thánh Cha xác định các thể thức lãnh nhận Ân Xá Năm Thánh

VATICAN. Hôm 1-9-2015, ĐTC Phanxicô đã xác định các thể thức lãnh nhận Ân xá Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Có cả các biện pháp dành cho các bệnh nhân, tù nhân và những tín hữu ngay tình tham dự xưng tội với các LM thuộc Huynh đoàn thánh Piô 10.

Trong thư gửi Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, và cũng là cơ quan phối hợp các hoạt động Năm Thánh Lòng thương xót, ĐTC khẳng định rằng: ”Tôi mong muốn ân xá Năm Thánh đến với mỗi người như một kinh nghiệm chân thực về lòng từ bi của Chúa, lòng từ bi thương xót này đến với mỗi người với khuôn mặt của Người Cha đón nhận và tha thứ, hoàn toàn quên các tội đã phạm. Để sống và được ơn xá, các tín hữu được kêu gọi thực hiện một cuộc lữ hành ngắn tiến qua Cửa Thánh, được mở tại mỗi nhà thờ chính tòa giáo phận hoặc tại các thánh đường do Đức Giám Mục giáo phận ấn định, và tại 4 Vương cung thánh đường Giáo Hoàng ở Roma, như dấu chỉ ước muốn nồng nhiệt hoán cải đích thực. Cũng vậy, tôi qui định rằng tại các Đền thánh nơi có mở cửa Lòng Thương Xót và trong các thánh đường theo truyền thống được coi là Nhà thờ Năm Thánh thì cũng được hưởng ân xá”.

ĐTC nhắc nhở rằng ”điều quan trọng là những hoạt động ấy phải được liên kết với bí tích hòa giải và cử hành thánh lễ như suy tư về lòng thương xót. Cùng với các lễ nghi ấy có sự tuyên xưng đức tin và cầu nguyện cho tôi cũng như cho các ý nguyện của tôi”.

Các tín hữu già yếu, bệnh nhân

 

ĐTC cũng xác định các thể thức để các tín hữu yếu đau, già cả hoặc neo đơn, không thể ra khỏi nhà, lãnh nhận ân xá Năm Thánh. Họ sống bệnh tật đau khổ như kinh nghiệm gần Chúa trong mầu nhiệm khổ nạn, chịu chết và sống lại của Chúa. Sống thời gian thử thách này trong niềm tin và hy vọng vui tươi, rước lễ hoặc tham dự thánh lễ và kinh nguyện cộng đồng, kể cả qua các phương tiện truyền thông. Đối với họ đó cũng là cách thức lãnh nhận ân xá Năm Thánh”.

Với các tù nhân, ngài mong ước Năm Thánh là một cơ hội đại xá dành cho những người, tuy đáng bị hình phạt, nhưng đã ý thức bất công mình đã gây ra và chân thành muốn tái hội nhập vào xã hội, thành tâm đóng góp. ĐTC cũng qui định rằng các tù nhân có thể lãnh nhận ân xá trong các nguyện đường ở nhà tù, và mỗi lần họ bước qua cửa phòng giam của họ, nghĩ đến và cầu nguyện với Chúa Cha, cử chỉ này đối với họ cũng như bước qua Cửa Năm Thánh, vì lòng từ bi thương xót của Chua có thể biến đổi các tâm hồn, cũng có thể biến các hàng rào thành kinh nghiệm tự do”.

Có thể lãnh nhận ân xá để nhường lại cho các linh hồn những tín hữu đã qua đời.

Cho phép tất cả các linh mục giải tội phá thai.

ĐTC qui định rằng: “tôi quyết định ban phép cho tất cả các linh mục, trong Năm Thánh, được giải tội phá thai cho những người đã gây ra và nếu họ thành tâm thống hối xin tha thứ. Các linh mục hãy chuẩn bị thi hành công tác quan trọng này, hãy biết liên kết những lời đón tiếp chân thành với một suy tư giúp hiểu tội đã phạm và chỉ dẫn con đường hoán cải đích thực để đón nhận sự tha thứ chân thực và quảng đại của Chúa Cha, Đấng đổi mới mọi sự bằng sự hiện diện của Ngài.”

Sau cùng, với các tín hữu vì nhiều lý do thường đi lễ tại các thánh đường do các LM thuộc huynh đoàn Thánh Piô 10, ĐTC khẳng định rằng Năm Thánh Thương Xót này không loại trừ ai. ”Một số giám mục ở vài nơi đã nói với tôi về sự ngay tình và việc thực hành bí tích của các tín hữu ấy, nhưng họ sống trong một tình trạng khó khăn về mục vụ… Trong khi tìm một giải pháp tái lập sự hiệp thông trọn vẹn với các LM và các Bề trên của Huynh đoàn.. tôi qui định rằng những tín hữu ấy, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, khi đến lãnh nhận bí tích Hòa Giải nơi các LM thuộc Huynh đoàn thánh Piô X, thì họ lãnh nhận ơn xá giải các tội lỗi của họ một cách hữu hiệu và hợp pháp.

Huynh đoàn thánh Piô 10 gồm các tín hữu Công Giáo thủ cựu, do Đức Cố TGM Marcel Lefebvre người Pháp thành lập, và bị mất sự hiệp thông với Giáo Hội khi vị TGM này truyền chức cho 4 GM hồi cuối tháng 6-1988. Cho đến nay tiến trình tái tạo sự hiệp thông vẫn chưa kết quả, mặc dù ĐGH Biển Đức 16 đã tha vạ tuyệt thông cho 4 GM thụ phong trái phép (SD 1-9-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha gặp gỡ hàng ngàn linh mục tu sĩ Bolivia

Đức Thánh Cha gặp gỡ hàng ngàn linh mục tu sĩ Bolivia

ĐTC gặp gở các linh mục ở Bolivia

SANTA CRUZ. ĐTC mời gọi các linh mục, tu sĩ Bolivia hãy trở thành chứng nhân về lòng từ bi thương xót của Chúa, chứ không phải về một ý thức hệ. Lòng thương xót làm cho họ có khả năng gần gũi dân chúng.

Lúc 4 giờ chiều ngày thứ năm 9-7-2015, ĐTC tiếp tục các hoạt động tại thành phố Santa Cruz, Bolivia, với cuộc gặp gỡ hàng ngàn LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Hội trường của trường Don Bosco.

Cuộc gặp gỡ diễn ra dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa, với phần trình bày chứng từ của 1 LM, 1 nữ tu và một chủng sinh.

Đức Cha Roberto Bordi, GM đặc trách đời sống thánh hiến tại Bolivia, nói rằng những người được kêu gọi loan báo Tin Mừng là những người đầu tiên cần được liên tục “tin mừng hóa”. Chỉ ai để cho mình được Thiên Chúa hoán cải, thì mới làm cho người khác được lây niềm vui của Tin Mừng. Đức Cha cũng liệt kê những thách đố Giáo hội tại Bolivia đang phải đương đầu: trào lưu tục hóa lan tràn, khủng hoảng gia đình, nạn tham nhũng, buôn bán ma túy, nghèo đói, chống đối chính trị và ý thức hệ. Nhưng tất cả đều ý thức rằng điều thiện mạnh hơn sự ác, vì mang lại sự sống đích thực.

Tiếp đến một LM ở Cochabamba thuật lại gốc gác nông dân của mình và cho biết đã nghe tiếng Chúa và từ bỏ mọi sự. Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của đời sống cộng oàn để sống đức tin.

Nữ tu Gabriela, trong chứng từ, nói về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô hằng sống trong kinh nguyện, trong Thánh Thể, trong sự lắng nghe Lời Chúa và trong công tác giáo dục. Chị nói: 'Ngày nay, càng ngày chúng ta càng cần phổ biến niềm hy vọng trong một thế giới ngày càng buồn thảm hơn”.

Sau cùng một chủng sinh, con của một công nhân thợ mỏ, nói về ơn gọi của thầy, nảy sinh nhờ bà mẹ luôn dạy thầy đừng bao giờ quên cầu nguyện.

Sau đó mọi người nghe đọc bài Tin Mừng theo thánh Marco (10,46-52) thuật lại phép lạ Chúa Giêsu chữa một người bị mù.

 Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến Tin Mừng vừa được đọc và ngài giải thích rằng một đàng có tiếng kêu của người hành khất mù, và đàng khác có những phản ứng khác nhau của các môn đệ. Ngài nói:

Có 3 câu trả lời cho tiếng kêu của người mù là: Hãy tránh xa, im đi, và hãy can đảm, đứng lên!

1. Câu trả lời thứ nhất là hãy tránh xa. Có lẽ một vài người không nghe thấy nên tránh xa, đi qua. Đó là tiếng vọng của sự dửng dưng, đi cạnh cách vấn đề và làm sao để những vấn đề đó đừng động đến ta. Chúng ta không nghe thấy, không nhận ra các vấn đề ấy. Đó là cám dỗ coi đau khổ là chuyện bình thường, tự nhiên, và trở nên quen thuộc với bất công. Chúng ta tự nhủ: đó là chuyện bình thường, trước giờ vẫn luôn như vậy. Đó là tiếng vọng nảy sinh từ một con tim khép kín, bị bọc thép, không còn khả năng ngạc nhiên và vì thế không có khả năng thay đổi. Đó là con tim quen đi qua và không để cho mình bị động chạm đến; đó là một cuộc sống tránh sang bên kia đường, không ăn rễ sâu được trong cuộc sống của dân chúng. Đó là những người chạy theo những gì mới nhất, những thứ mới bán chạy nhất, nhưng không có được một tiếp xúc, một quan hệ và không để cho mình được liên hệ. Họ đi qua không nghe tiếng kêu đau đớn của dân chúng, không ăn rễ sâu trong cuộc sống của dân, cũng giống như nghe Lời Chúa mà không để cho Lời ấy bén rễ trong chúng ta và trở nên phong phú. Một cây, một lịch sử không có rễ, đó là một sự sống khô cằn. Cũng như chúng ta lắng nghe Kinh Lạy Cha như thế nào, cũng ta cũng phải lắng nghe dân trung thành của Thiên Chúa như vậy.

Thái độ thứ hai là bảo: Hãy im đi, đừng quấy rầy, đừng làm xáo trộn nữa. Khác với thái độ thứ I, người có thái độ này lắng nghe, nhìn nhận, tiếp xúc tới tiếng kêu của người khác. Họ biết rằng có tiếng kêu ấy, và phản ứng một cách rất đơn giản bằng cách khiển trách. Đó là thảm trạng của một lương tâm bị cô lập, của những ngừơi nghĩ rằng cuộc sống của Chúa Giêsu chỉ dành cho những người nghĩ là mình thích hợp. Chỉ những người cho là được phép, một giai cấp của những người khác, họ dần dần tách biệt, trở nên khác với dân của mình. Họ coi căn tính của họ là vấn đề trổi vượt hơn người khác. Nhu cầu trở nên khác biệt làm cho con tim họ họ bị chặn đứng.

Vui với người vui, khóc với người khác, đó chính là thần phần của mầu nhiệm con tim linh mục.

ĐTC nói tiếp:

Thái độ thứ ba là: Hãy can đảm lên, và đứng dậy! Một tiếng vọng không nảy sinh trực tiếp từ tiếng kêu của người mù Bartimeo, nhưng từ nhận xét về lối cư xử của Chúa Giêsu trước tiếng kêu của người hành khất mù. Đó là tiếng kêu biến thành một Lời, một tiếng mời gọi, thay đổi, một đề nghị về sự mới mẻ đứng trước các cách thức phản ứng của chúng ta trước dân thánh của Thiên Chúa. Chúa Giêsu dừng lại trước tiếng kêu của một người. Ngài ra khỏi tình trạng vô danh của đám đông để nhận ra người mù và dấn thân với anh ta. Và thế là dần dần Ngài trả lại phẩm giá anh đã đánh mất. Ngài làm cho anh được hội nhập. Thế là thay vì nhìn anh mù từ bên ngoài, Ngài có can đảm đồng hóa với những vấn đề của anh và qua đó biểu lộ sức mạnh biến đổi của lòng từ bi thương xót. Đó là hướng đi phát sinh từ thái độ không sợ đến gần đau khổ của dân chúng ta. Cho dù bao nhiêu lần thái độ ấy chỉ là đứng cạnh họ và biến cơ hội ấy thành dịu cầu nguyện. Đó chính là hướng đi của người môn đệ Chúa. Đó là điều mà Chúa Thánh Linh thực hiện với chúng ta và trong chúng ta. Chúng ta không phải là chứng nhân về một ý thức hệ, một công thức, về cách nghiên cứu thần học, nhưng chúng ta là chứng nhân về tình yêu thương chữa lành và từ bi của Chúa Giêsu. Chúng ta làm chứng về hành động của Chúa trong đời sống các cộng đoàn của chúng ta.

Cuộc gặp gỡ kết thúc khoảng 5 giờ chiều giờ địa phương với bài ca Lạy Nữ Vương và phép lành của ĐTC.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha giảng tĩnh tâm cho 1,000 linh mục quốc tế

Đức Thánh Cha giảng tĩnh tâm cho 1,000 linh mục quốc tế

ROMA. Chiều thứ sáu, 12-6-2015, ĐTC đã gặp gỡ 1 ngàn LM quốc tế tham dự cuộc tĩnh tâm tại Đền Thờ Thánh Gioan Laterano, chia sẻ và trả lời những câu hỏi do một số LM nêu lên.

Ngài nói bằng tiếng Tây Ban Nha và qua hệ thống thông dịch trực tiếp, các LM thuộc các ngôn ngữ khác cũng có thể theo dõi dễ dàng.

Trong số nhiều điều được trình bày, ĐTC cảnh giác các LM đừng trở thành công chức hay một ”nhân viên của tòa thị chính”, hay một tổ chức phi chính phủ (ONG), hành động thiếu tình thương. Ngài nhắc nhở các LM về việc giảng thuyết, đừng giảng luân lý, đừng coi bài giảng như một bài học giáo lý hay một bài thuyết trình. Hãy chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng. ĐTC nói:

”Anh em đừng làm cho dân trung thành với Chúa phải sợ hãi, đừng làm họ sợ hãi, đừng mất thời giờ, hãy nói với họ về Chúa Giêsu, về niềm vui của một niềm tin ăn rễ sâu nơi Chúa Giêsu…

ĐTC cũng cảnh giác các LM đừng hành động như những chủ nhân của ơn thánh, thay vì là những người phân phát ơn thánh, hãy cộng tác với giáo dân và đừng có thái độ giáo sĩ trị. Ngài nói: ”Khi anh em ngồi tòa giải tội, đừng sợ tha thứ nhiều quá”.

Trong phần giải đáp thắc mắc, ĐTC trả lời câu hỏi của 1 LM về hiện tượng nhiều thánh đường trống rỗng, việc thực hành đạo giảm sút. Ngài cõ việc sống chứng tá Phúc Âm và tránh thái độ chiêu dụ tín đồ.

Đáp một câu hỏi khác, ĐTC nói đến phong trào đại kết bằng máu, các Giáo hội Kitô cùng bị bách hại chung. Ngài đề cao quan hệ tốt đẹp giữa Công Giáo và nhiều Giáo hội Chính Thống và cho biết Giáo hội Công giáo sẵn sàng nhượng bộ về cùng với các Giáo Hội Chính Thống tiến đến quyết định cùng cử hành lễ Phục Sinh vào một ngày chung.

Sau bài nói chuyện và trả lời câu hỏi trong 2 tiếng đồng hồ, ĐTC đã chủ sự thánh lễ đồng tế với các LM cũng tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano (SD 13-6-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Những mệt mỏi của đời linh mục

Những mệt mỏi của đời linh mục

VATICAN: Các linh mục phải biết học hỏi sống mệt mỏi một cách lành mạnh và thánh thiện, trong tâm tình tín thác nơi Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành tối cao.

ĐTC Phanxicô đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ làm phép Dầu cử hành lúc 9. 30 sáng Thứ Năm Tuần Thánh hôm qua trong đền thờ thánh Phêrô. Quảng diễn ý nghĩa các bài đọc ngài nói: Sự kiện Thiên Chúa xức dầu thánh hiến chúng ta là các linh mục, bạn hữu của Chúa Giêsu, Con của Ngài, để chúng ta cũng xức dầu cho dân Chúa dẫn đưa chúng ta tới sự mệt mỏi. Chúng ta sống bổn phận đó trong mọi hình thức: từ cái mệt mỏi bình thường của công tác tông đồ hằng ngày cho tới sự mệt mỏi của tật bệnh và cái chết, bao gồm cả việc bị tiêu hao trong sự tử đạo. Sự mệt mỏi đó của đời linh mục giống như hương trầm lặng lẽ bay lên Trời. Sự mệt mỏi của đời linh mục chúng ta bay thẳng tới con tim của Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên, cũng xảy ra là sức nặng của công việc mục vụ khiến cho chúng ta bị cám dỗ nghỉ ngơi trong bất cứ cách nào. Sự mệt mỏi của chúng ta quý báu trước mắt Chúa Giêsu là Đấng tiếp đón và nâng chúng ta dậy: “Các con hãy đến cùng Thầy khi mệt mỏi và bị áp bức và Thầy sẽ bổ sức cho” (x, Mt 11,28). Khi mệt mỏi mà biết có thể quỳ thờ lậy và nói “Lạy Chúa, đủ rồi” và đầu hàng trước Thiên Chúa Cha, thì chúng ta không ngã gục, nhưng được canh tân và biến đổi. Một trong những chià khóa sự phong phú của đời linh mục là biết nghỉ ngơi khi mệt mỏi.

Tiếp tục bài giảng ĐTC đưa ra mấy câu hỏi giúp các linh mục xét mình: Tôi có biết nghỉ ngơi bằng cách tiếp nhận tình yêu, sự nhưng không và tất cả sự trìu mến mà dân Thiên Chúa ban tặng cho tôi không? Hay sau công việc mục vụ tôi tìm các nghỉ ngơi tinh vi hơn, không phải kiểu nghỉ ngơi của người nghèo, mà các kiểu nghỉ ngơi do xã hội tiêu thụ cống hiến? Chúa Thánh Thần có phải là “sự nghỉ ngơi trong lao nhọc” đối với tôi không, hay chỉ là Đấng khiến tôi làm việc? Tôi có biết xin sự trợ giúp của một linh mục khôn ngoan không? Tôi có biết nghỉ ngơi khỏi chính mình, khỏi việc tự đòi hỏi chính mình, khỏi việc lấy mình làm điểm tham chiếu không?

Nhiệm vụ của linh mục là đem Tin Mừng cho người nghèo khó, loan báo sự giải thoát cho người lao tù, việc chữa lành cho người mù, trả tự do cho người bị áp bức, và công bố năm hồng ân của Chúa. Tất cả các công việc bề ngoài cũng như các công việc đào tạo tín hữu không phải là dễ dàng. Chúng đòi hỏi sự cảm thương, vui với ngưòi vui, khóc với người khóc… vị linh mục là người bị xé nát thành hàng ngàn mảnh nhỏ, bị ngưởi ta ăn. Nhưng các lời “Hãy cầm lấy mà ăn, hãy cầm lấy mà uống” là những lời mà linh mục của Chúa Giêsu luôn thì thầm, khi săn sóc dân Chúa. Như thế đời linh mục của chúng ta đuợc cho đi trong phục vụ, trong việc gần gũi với dân Chúa khiến chúng ta mệt mỏi.

Tiếp đến ĐTC đề cập đến các mệt nhọc khác nhau trong đời linh mục. Có sự mệt nhọc tốt và lành mạnh, tràn đầy hoa trái và niềm vui, vì nó phát xuất từ công việc mục vụ, từ các sinh hoạt đa diện lo lắng cho dân Chúa. Nó là một ơn thánh nằm trong tầm tay của mọi linh mục. Đó là sự mệt nhọc của vị mục tử có mùi của chiên. Là bạn của Chúa Giêsu Phu Quân,  linh mục không thể có gương mặt chua như giấm, than van, hay tệ hại hơn chán ngán. Có sự mệt nhọc của các thù địch. Ma quỷ và những kẻ theo nó không ngủ, và vì tai chúng không chịu đựng được Lời Chúa nên chúng làm việc không mệt mỏi để dập tắt Lời Chúa và gây lẫn lộn. Ở đây sự mệt mỏi cam go hơn, vì linh mục phải bảo vệ đoàn chiên và tự bảo vệ khỏi sự dữ. Cần xin ơn để tập trung lập hóa sự dữ, không nhổ cỏ lùng, không yêu sách bảo vệ như siêu nhân điều Chúa phải bảo vệ. Tất cả những điều này giúp không xuôi tay trước sự gian ác và chế nhạo của những người gian ác. 

Cũng có sự mệt mỏi với chính mình, là sự mệt mỏi nguy hiểm nhất. Hai sự mệt mỏi trước phát xuất từ việc ra khỏi chính mình để xức dầu và săn sóc dân Chúa. Trái lại sự mệt mỏi này có tính cách tự quy chiếu nhiều hơn: nó là sự thất vọng với chính mình, nó trao ban “ước muốn và không ước muốn”, nó liều chơi tất cả, nhưng lại tiếc nuối củ hành củ tỏi bên Ai Cập. Nó khiến cho chúng ta bỏ tình yêu ban đầu với Chúa. Sự kiện Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ cũng cho thấy Ngài thanh tẩy việc theo Ngài của các linh mục: rửa sạch bụi bặm nhơ nhớp của thế gian bám vào chúng ta trên con đường theo Chúa.

Lúc 17 giờ rưõi chiều hôm qua ĐTC đã chủ sự thánh lễ Tiệc Chiều trong nhà nguyện của nhà tù Rebibbia ở Roma và rửa chân cho 12 tù nhân nam nữ. (SD 2-4-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Tình yêu lớn nhất

Tình yêu lớn nhất

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Có rất nhiều giai thoại kể về những tượng thánh giá cổ xưa… Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ giá, nhưng cánh tay mặt thì rời ra và đưa lên phía trước trong tư thế ban phép lành.

Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Một hôm có một hôm có một tội nhân đến xưng tội với vị linh mục chính xứ ngay dưới cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội thật nặng cũng như ngăm đe nhiều điều. Tội nhân ra về lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật nấy, không bao lâu, người đó lại sa ngã. Lần này, sau khi tội nhân xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe doạ: “Đây là lần cuối cùng tôi giải tội cho anh!”

Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục cũng bên cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát. Ngài lên giọng: “Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho anh nữa!”. Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân sám hối, thì Ngài bỗng nghe một tiếng thì thầm từ bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói: “Chính Ta là người đã đổ máu ra cho người này chứ không phải ngươi”.

Từ đó, bàn tay của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ban phép lành, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ. Du khách đến viếng, nhìn lên thánh giá đều có cảm tưởng như ánh mắt của Chúa Giêsu nhìn mình và nghe như có tiếng thì thầm: “Ta không hề kết án con”.

Anh chị em thân mến, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lên thập giá của Đức Kitô. Nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Ngài luôn tha thứ chứ không kết án. “Ta không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn nó bỏ đường tội lỗi, quay trở lại để được sống” (Ed 33,11). “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ”. “Cũng như Môsê treo con rắn đồng trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng bị treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Ngài sẽkhông phải chết, nhưng được sống đời đời”. Thập giá đã trở thành dấu chỉ ơn cứu độ cho những ai tin vào Ngài, tương tự như con rắn đồng đã được Môsê giương cao trong sa mạc thuở xưa, để những ai bị rắn lửa cắn, nhìn lên con rắn đồng ấy đều được cứu sống.

Thánh Gioan còn nói tiếp: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Thiên Chúa một lần nữa lại biểu lộ tất cả tình thương của Ngài đối với chúng ta trong Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Tất cả bắt nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu. Tình yêu của Ngài không ở trên mây trên gió, nhưng được thể hiện qua hành vi “trao ban”. Điều quí nhất của Người Cha là Người Con. Thế mà Thiên Chúa đã muốn trao ban cho nhân loại chính Con Một dâú yêu của Ngài. Ngài đã cho chúng ta tất cả. Đức Giêsu chính là quà tặng lớn nhất Thiên Chúa Cha đã trao ban cho nhân loại. Việc trao ban này trước tiên được biểu lộ qua việc Ngài sai Con Người và cuối cùng qua việc nộp Con Một cho loài người treo lên thập giá. Đó là lúc Thiên Chúa trao ban Con Một của Ngài cho loài người một cách trọn vẹn nhất, dứt khoát nhất. Bởi vậy, chính lúc đó là lúc Thiên Chúa đã đặt Con của Ngài làm Đấng ban sự sống cho loài người,đểai tin vào Người Con ấy thì được sống đời đời. Vì con của Ngài đến không phải để kết án luận phạt, nhưng để cứu loài người khỏi chết và cho thông phần vào cuộc Phục Sinh vinh quang của Ngài.

Thưa anh chị em, đứng trước thập giá Đức Kitô, chúng ta phải có thái độ nào? Tin vào tình yêu Thiên Chúa hay chối từ tình yêu của Ngài? Chính thái độ đó sẽ định đoạt số phận của chúng ta. Vì thế, tin hay không tin là một chọn lựa sống chết. Mỗi người có đủ tự do tiếp nhận hay từ chối ánh sáng. Ai tin là đón nhận ánh sáng, là bước vào cõi sống. Ai không tin là từ chối ánh sáng và tự đầy đọa mình trong tăm tối, trong cõi chết. Thiên Chúa không cần kết án luận phạt nữa.

“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài”, đó là chân lý cơ bản nhất của Kitô giáo. Tất cả cuộc đời cuả Chúa Giêsu, cái chết của Ngài trên thập giá, là ngôn ngữ Chúa muốn sử dụng để nói với chúng ta rằng Ngài yêu thương chúng ta, yêu thương đến nỗi sẵn sàng để cho Ngươì Con Một yêu quí của Ngài chết thay cho chúng ta.

Hãy nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Phải, bên kia sự ác độc của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, trái lại để cảm nghiệm được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu hơn.

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô để cảm nghiệm được ơn tha thứ của Ngài, để chúng ta cũng biết cảm thông và tha thứ cho anh em chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi yêu thương tha thứ cho anh em nhiều hơn. Thiên Chúa không kết án luận phạt chúng ta, sao ta lại kết án luận phạt anh em mình? “Hãy tha thứ để được Chúa tha thứ. Đừng xét đoán để khỏi bị Chúa xét đoán” (Lc 6, 36-37). Hãy yêu thương như Chúa đã yêu thương ta.

Một lần nữa, hãy ngước nhìn lên thập giá Chúa Kitô:

Hãy xem đó thì biết phép công thẳng của Chúa là thế nào! Hãy xem đó thì biết tội nặng nề gớm ghiếc là chừng nào! Hãy xem đó thì rõ biết lòng Chúa quá yêu thương ta là dường nào! (Đàng Thánh Giá, chặng 13).