Ơn Đạo Đức ám chỉ sự tùy thuộc Thiên Chúa trao ban ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta

Ơn Đạo Đức ám chỉ sự tùy thuộc Thiên Chúa trao ban ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta

Ơn Đạo Đức không đồng nghĩa với việc thương cảm ai đó, thương hại tha nhân, nhưng ám chỉ sự tùy thuộc của chúng ta nơi Thiên Chúa và mối dây sâu xa nối kết chúng ta với Người, một mối dây ràng buộc trao ban ý nghĩa cho toàn cuộc sống chúng ta và duy trì chúng ta vững mạnh, trong sự hiệp thông với Người, cả trong những lúc khó khăn và chao đảo nhất.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 5,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ Tư ngày 5 tháng 6-2014. Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã giải thích một ơn khác Chúa Thành Thần ban cho tín hữu: đó là ơn Đạo Đức. Đức Thánh Cha nói ơn này hay bị hiểu lầm hay được xem xét một cách hời hợt bề ngoài, nhưng thật ra nó đụng chạm tới căn tính và cuộc sống kitô của chúng ta. Và Đức Thánh Cha minh giải ơn Đạo Đức như sau:

Cần làm cho rõ nghĩa ngay là ơn này không đồng nghĩa với việc thương cảm ai đó, thương hại tha nhân, nhưng ám chỉ sự tùy thuộc của chúng ta nơi Thiên Chúa và mối dây sâu xa nối kết chúng ta với Người, một mối dây ràng buộc trao ban ý nghĩa cho toàn cuộc sống chúng ta và duy trì chúng ta vững mạnh, trong sự hiệp thông với Người, cả trong những lúc khó khăn và chao đảo nhất.

Mối dây này không được hiểu như là một bổn phận hay một áp đặt. Trái lại đây là một tương quan được sống với con tim: đó là tình bạn của chúng ta với Thiên Chúa, do Chúa Giêsu ban cho chúng ta, một tình bạn thay đổi cuộc sống và làm cho chúng ta được tràn ngập sự hăng say và niềm vui. Vì thế ơn Đạo Đức trước hết khơi dậy nơi chúng ta lòng biết ơn và lời ngợi khen. Thật ra đó là lý do và là ý nghĩa đích thật nhất của sự sùng kính và thờ phượng của chúng ta. Khi Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nhận thức được sự hiện diện của Chúa và tất cả tình yêu của Ngài đối với chúng ta, Người sưởi ấm con tim và dẫn đưa chúng ta tới lời cầu nguyện và việc cử hành một cách tự nhiên. Như vậy, Đạo Đức đồng nghĩa với tinh thần tôn giáo đích thực, tin cậy con thảo nơi Thiên Chúa, có khả năng cầu khẩn Người với tình yêu thương và sự đơn sơ, là thái độ của những người khiêm nhường trong lòng.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: nếu ơn Đạo Đức làm cho chúng ta lớn lên trong tương quan và trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và đưa chúng ta tới chỗ sống như con cái Người, thì đồng thời nó cũng giúp chúng ta đổ tràn tình yêu này trên các người khác và thừa nhận họ như anh chị em. Khi đó chúng ta sẽ được thúc đẩy bởi các tâm tình đạo đức – không phải duy đạo đức! – đối với người ở gần chúng ta, và những người mà chúng ta gặp gỡ thường ngày. Tại sao tôi lại nói không phải là duy đạo đức? Bởi vì có vài người nghĩ rằng có đạo đức là nhắm mắt, có gương mặt như trong hình các thánh. Và cũng giả bộ là một vị thánh. Nhưng mà đó đâu có phải là ơn Đạo Đức. Trong vùng Piemonte chúng tôi nói là ”mugna quacia” ”làm mặt thánh”. Nhưng mà đó không phải là ơn Đạo đức. Rồi Đức Thánh Cha giải thích thêm hiệu qủa của ơn đạo đức như sau:

Chúng ta sẽ thực sự có khả năng vui với người vui, khóc với người khóc, gần gũi ai cô đơn hay âu lo, sửa đổi ai ở trong lầm lạc, an ủi người sầu khổ, tiếp đón và cứu giúp người cần được trợ giúp.

Có một dây nối kết rất chặt chẽ giữa ơn Đạo Đức và sự khiêm nhu. Ơn Đạo Đức mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta khiến cho chúng ta hiềm dịu, làm cho chúng ta an bình, kiên nhẫn, sống trong hòa bình với Thiên Chúa và phục vụ người khác với sự hiền dịu.

Rồi Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, trong thư gửi tín hữu Roma tông đồ Phaolô khẳng định rằng: ”Qủa vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: ”Abba, Cha ơi!” (Rm 8,14-15). Chúng ta hãy xin Chúa cho ơn Thần Khí của Người có thể chiến thắng sự sợ hãi và các bất an của chúng ta, chiến thắng cả tính âu lo, mất kiên nhẫn của chúng ta nữa, và có thể khiến cho chúng ta trở thành các chứng nhân tươi vui của Thiên Chúa và tình yêu Người. Khi thờ lậy Chúa trong sự thật và trong việc phục vụ tha nhân, với lòng hiền dịu và nụ cười, mà Chúa Thánh Thần luôn ban cho chúng ta trong niềm vui. Ước gì Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta tất cả ơn Đạo Đức đó.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu đến từ các nước Bắc Mỹ và Tây Âu, cũng như các tín hữu Zimbabawe, Mexico, Guatemela, Argentina, Cộng hòa Dominicana, Angola và Brazil. Ngài khích lệ mọi người hãy xin Chúa Thánh Thần ban nhiều ơn để sống đời chứng nhân cho tình yêu Chúa.

Ngài đặc biệt gửi lời chào các bạn trẻ Ba Lan tụ tập tại Lednica, là suối nguồn rửa tội của nước Ba Lan, để canh tân sự gắn bó của họ với Chúa Kitô và Giáo Hội. Năm nay họ muốn đào sâu chức làm Con Thiên Chúa của Đức Giêsu và trong Người chức làm con của tất cả những ai qua Bí tích Rửa Tội, tham dự vào cuộc sống, cái chết và sự sống lại của Người. Các bạn trẻ muốn duy tư về ý nghĩa thế nào là con Thiên Chúa và sống kinh nghiệm tình yêu của Người. Các bạn ước ao sống tình yêu đó để làm chứng cho nó trước mặt người khác. Ơn làm con của chúng ta là sự trung thành, lòng biết ơn và tham dự. Đó là sự trung thành với tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng đã yêu thương chúng ta trước, đã dựng nên chúng ta và ban Đức Giêsu Kitô là Con Một Người cho chúng ta. Đó là lòng biết ơn đối với lòng thương xót hiền phụ của Người, là niềm vui mở đôi mắt và con tim cho hiện tại, lòng tốt và vẻ đẹp của các anh chị em khác. Đó là sự tham dự và tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần.

Đức Thánh Cha nói thêm trong lời chào các bạn trẻ Ba Lan: Các bạn trẻ thân mến, hãy can đảm! Hãy hăng say đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa như các người con ưu tuyển! Hãy tin tưởng trả lời khi trở về với Cha từ nhân như những người con hoang đàng. Hãy luôn tươi vui vì ơn là con Thiên Chúa và đem niềm vui đó vào trong thế giới.

Ước chi thánh Gioan Phaolô II là người đã cùng các con bắt đầu con đường này tại Lednica cách đây 18 năm, hướng dẫn và bầu cử cho các con được mọi ơn thánh cần thiết, để cuộc sống trẻ trung của các con được tràn đầy và quảng đại. Cha xin phó thác các con cho Đức Trinh Nữ Maria và ban phép lành cho các con.

Đức Thánh Cha cũng chào đoàn tín hữu giáo phận Como do Đức Cha Coletti hướng dẫn về Roma cảm tạ Thiên Chúa vì lễ phong thánh cho Đức Gioan XXIII. Ngài cũng chào nữ tu của mấy dòng đang họp Tổng tu nghị tại Roma, cũng như các quân nhân và các lực sĩ trẻ của cuộc hành hương Macerata-Loreto với ”đuốc hòa bình” được hai Giám Mục giáo phận Giuliodori và Vercerrica hướng dẫn. Ngài cầu chúc cho cuộc hành hương canh tân dấn thân của họ cho hòa bình và tình huynh đệ.

Chào giới trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới ĐTC nhắc cho biết Giáo Hội đang chuẩn bị cho ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ngài kêu gọi người trẻ dành chỗ cho Chúa Thánh Thần trong cuộc sống. Ngài xin Chúa Thánh Thần ban tràn đầy ơn mạnh mẽ và đạo đức cho các anh chị em bệnh tật và chúc các cặp vợ chồng mới cưới đặc biệt những cặp đang tham dự đại hội do phong trào Tổ Ấm bảo trợ, năng khẩn cầu Chúa Thánh Thần trong cuộc đời hôn nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Lời Chúa

Lời Chúa

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Nơi mục tựa ngắn của một tập sách do chính mình viết có tựa đề: "Biết Và Không Biết Về Thiên Chúa". Tác giả Đức Hồng Y Sacrunez, một triết gia và cũng là một thần học gia nổi tiếng của thập niên 60 đã trình bày niềm xác tín của mình như sau:

"Người ta không thể nào không nói về Thiên Chúa, mọi kinh nghiệm tốt xấu, tích cực hay tiêu cực đều đưa con người đến việc đặt vấn đề về Thiên Chúa. Con người không thể loại bỏ hay quên hẳn Thiên Chúa được, con người vẫn nói về Thiên Chúa, nhưng khi nói rồi con người cảm thấy lời nói của mình về Ngài như không có ý nghĩa gì cả, lời nói đó trở thành như một sự im lặng to lớn."

Từ nhận định trên đây Đức Hồng Y rút ra hai điểm kết luận ngắn rất quan trọng:

Thứ nhất, con người cần trân trọng quí mến những lời nói, tuy là của con người nhưng đã được Thiên Chúa sử dụng để mạc khải chính Mình cho con người.

Thứ hai, để lời nói của mình về Thiên Chúa có được chút giá trị nào đó, diễn tả thực thể Thiên Chúa thì con người cần có cảm nghiệm về Thiên Chúa.

Chúng ta ghi nhận là các Tông Đồ ngày xưa đã thực hiện hai điều căn bản này. Họ trân trọng, quí mến lời Chúa giảng dạy. Họ trung thành thông truyền, không xuyên tạc và các ngài là những kẻ có kinh nghiệm trực tiếp về Chúa trước khi ra đi rao giảng cho kẻ khác.

Chúa đã gọi các Tông Đồ để các ngài sống bên cạnh Chúa trong suốt thời gian Chúa giảng dạy, đến độ tác giả của thư thứ nhất Thánh Gioan và truyền thống cho là thánh Gioan Tông Đồ, một trong mười hai Tông Đồ đã sống bên cạnh Chúa trong suốt cuộc đời rao giảng, tác giả thư thứ nhất thánh Gioan đã viết ngay đầu thư như sau: "Những gì chúng tôi đã thấy, đã nghe, đã chạm đến về Ngôi Lời Hằng Sống, về Con Thiên Chúa, chúng tôi loan truyền lại cho anh chị em."

Mừng Lễ Chúa Lên Trời hôm nay, chúng ta được mời gọi như các Tông Đồ ngày xưa, tiếp tục công việc của Chúa. Trước khi lên trời, Chúa đã ra lệnh cho các Tông Đồ: "Mọi quyền hành trên Trời, dưới đất, được trao ban cho Thầy, chúng con hãy ra đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Giảng dạy và tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con, và Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế."

Người ta không thể nào không nói về Thiên Chúa. Chúng ta, những đồ đệ của Chúa không thể nào không chia sẻ về Chúa cho anh chị em, không những bằng lời nói mà còn bằng những việc làm. Nhưng để làm chứng nhân cho Chúa thì hai điều kiện căn bản mà Đức Hồng Y đã nhắc cho chúng ta là trân trọng, quí mến những lời nói của Chúa, đây là những lời mà Con Thiên Chúa Nhập Thể đã nói cho con người biết về mầu nhiệm Thiên Chúa, chúng ta cần trân trọng, quí mến Lời đó. Những Lời đó và cũng là những Lời mà Con Thiên Chúa đã chọn để mạc khải Thiên Chúa cho con người. Chúng ta cần trân trọng những Lời đó.

Điểm thứ hai, chúng ta cần sống trực tiếp có cảm nghiệm về Chúa, sống với Chúa trước để có thể làm chứng cho Chúa: "Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế." Trân trọng tuân giữ lời rao giảng và duy trì kinh nghiệm khi gặp Chúa, sống với Chúa qua đời sống cầu nguyện, việc cử hành Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Thánh Thể là phương thế để Chúa hiện diện, để Chúa thực hiện điều Ngài đã quả quyết: "Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế."

Chúng ta không nên có thái độ vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm, kể Chúa như kẻ ra đi đã khuất mắt không còn hiện diện trên trần gian này nữa, để chúng ta được tự do gây xáo trộn, tự do phá bỏ mọi giá trị. Chúa Lên Trời là một biến cố khai mạc giai đoạn mới, giai đoạn của một sự hiện diện mới và của sự dấn thân mới của mỗi người chúng ta để làm chứng cho Chúa. Chúng ta cần sống với Chúa, lắng nghe Lời Chúa và trân trọng tuân giữ Lời Chúa để trở thành những chứng nhân của Chúa.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta được thực hiện điều này và cho chúng ta được trưởng thành trong đức tin. Amen.

Veritas Radio

Nơi chân trời và mặt đất giao nhau

Nơi chân trời và mặt đất giao nhau

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Có hai nhà đạo sĩ kia, một hôm đọc thấy trong một cuốn sách khảo cổ cho biết: có một nơi chân trời và mặt đất giao nhau. Hai nhà đạo sĩ bèn quyết định lên đường đi tìm cho được nơi chân trời và mặt đất giao nhau như trong sách đã cho biết. Hai ông còn thề nguyền sẽ không trở về bao lâu chưa tìm được nơi trời đất giao nhau đó. Bởi vì hai ông được biết ở nơi đó sẽ có một cánh cửa mở ra chân trời. Khi cửa mở ra, người ta sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Sau một cuộc hành trình lâu dài và gian khổ, hai nhà đạo sĩ đã tìm được nơi chân trời và mặt đất giao nhau. Hai ông cũng đã mở được cánh cửa trời… Nhưng đến lúc bước vào cửa trời, hai ông hết sức bỡ ngỡ, vì hai ông gặp lại chính căn phòng quen thuộc của mình… Lúc ấy hai ông mới hiểu: con đường lên trời bắt đầu từ mặt đất này, trong đời thường, nơi mình đang sống hằng ngày.

Anh chị em thân mến, đường lên trời bắt đầu từ mặt đất này, nơi “Trời Mới Đất Mới” sẽ xuất hiện trong ngày Chúa chúng ta “trở lại cũng một cách y như Ngài đã lên trời”. Chúa lên trời không có nghĩa là Ngài ra đi. Bởi vì ra đi là để lại sự vắng mặt. Đàng này, Chúa không để chúng ta đơn độc, Ngài còn “ở lại với chúng ta mãi cho đến tận thế”.

Chúa lên trời là Chúa “khuất dạng”, không còn hiện diện bằng xương bằng thịt trước mắt chúng ta nữa, để bắt đầu một sự hiện diện ẩn khuất, nghĩa là Chúa vẫn có mặt đó mà chúng ta không thấy được. Ngài vẫn ở giữa chúng ta, trong những nơi mà Ngài đã dạy chúng ta biết để nhận ra Ngài: trong Lời Chúa, trong các bí tích, trong anh chị em, trong những người nghèo khổ… Ngài không chỉ hiện diện mà còn ở, còn cư ngụ. Một chỗ ở có ý nghĩa sâu sắc hơn một sự hiện diện: Người ta có thể hiện diện trên đường phố, còn ở thì chỉ ở trong nhà mà thôi. Thiên Chúa chỉ muốn có một chỗ ở, một ngôi nhà riêng của Ngài và ngôi nhà đó là chính chúng ta: “Ngài ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”, Ngài ở với chúng ta như ở trong ngôi nhà của Ngài.

Khi nói “Chúa lên trời ngự bên hữu Chúa Cha” hay khi cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, chúng ta đừng tưởng Chúa ở xa cách chúng ta. Ngài ở trên các tầng mây xanh. Không! Nếu đóng khung Chúa ở trên trời là chúng ta bắt Ngài phải di tản. Chúng ta đánh mất Ngài! Nhưng qua kiểu nói tượng hình của Kinh Thánh, chúng ta hãy hiểu việc Chúa lên trời là một cuộc thăng quan tiến chức, được thêm uy quyền, hiệu năng, và do đó được hiện diện một cách sâu đậm, thắm thiết hơn, chứ không phải một cuộc thăng thiên xét theo không gian, khiến Ngài xa lìa thế giới chúng ta.

Vì vậy, thiên sứ phải lay tỉnh các môn đệ đang mải mê nhìn lên trời: “Hỡi các ông, người Galilê, thôi đừng đứng đó mà nhìn lên trời nữa!”. Nhưng hãy đi mở mang Nước Chúa và sự hiện diện của Ngài bằng cách hoàn thành công trình đang dang dở của Ngài ở trần gian này: “Hãy đi đến với muôn dân, làm phép Rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em, để muôn dân trở nên môn đệ của Thầy”. Đó, như thế là Chúa lên trời là để khởi đầu sứ vụ của Giáo Hội: Các môn đệ phải ra đi làm chứng về sự sống lại của Chúa Giêsu, không phải chỉ ở Giêrusalem và nơi những người Do Thái mà thôi, mà còn ở khắp nơi, cho đến tận cùng trái đất và nơi tất cả dân tộc.

Anh chị em thân mến, từ ngày Chúa lên trời, sứ mạng của chúng ta là phải đi vào trần gian, trở về với thực tế, nhìn kỹ vào cuộc sống của nhân loại, của mọi người anh em trên mặt đất này, để cùng với mọi người ra sức xây dựng Nước Trời đang thành hình ngay trong trần thế này, giữa thế giới hôm nay, tuỳ theo mức độ chính thế giới này có thể hiện được tình thương, có phản ảnh được tình yêu vô biên của Thiên Chúa hay không. Đúng theo tinh thần của Tin Mừng: Nước Trời không phải chỉ là chuyện đời sau, mà còn phải là thực tế hiện tại: như hạt cải trong thửa vườn, như men trong bột, như muối cho đời: “Nước Trời ở giữa anh em”.

Như thế, thưa anh chị em, Thiên Chúa không đóng đô ở riêng một chỗ nào trong không gian, trên các tầng trời. Ngài ở bất cứ nơi nào có tình yêu thương. Nếu cứ luyến tiếc nhìn lui lại quá khứ, hãy mải mê ngước mắt lên trời, chúng ta sẽ quên rằng Thiên Chúa đang ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Thiên Chúa đang hiện diện bất cứ nơi nào có tình yêu thương nhau, đùm bọc nhau, chia sẻ cho nhau. Và chỗ nào có một cộng đoàn, một xã hội như vậy, lớn hay nhỏ, đang thành hình thì từ chỗ đó, Nước Trời đang bắt đầu hiện diện.

Trái lại, chỗ nào người ta còn giành giựt nhau, còn áp bức, khai thác, bóc lột nhau, còn coi nhau như thù nghịch, thì khỏi cần tìm địa ngục ở đâu xa hơn nữa: địa ngục đang bắt đầu từ chỗ đó. Thiên đàng hay địa ngục, chúng ta đang bắt đầu xây dựng hay đào sâu ngay từ trong cuộc sống chúng ta hôm nay.

Vậy, ngày Chúa lên trời, thay vì chỉ mải mê nhìn lên trời, thụ động trông chờ ngày Chúa trở lại, chúng ta hãy nhìn xuống mặt đất, hãy cùng nhau góp sức xây dựng con đường lên trời ngay từ mặt đất này; vì chính từ mặt đất này mà “Trời Mới Đất Mới” sẽ xuất hiện trong ngày Chúa chúng ta “trở lại cũng một cách y như Ngài đã về trời”.

Công đồng Vaticanô II đã nói: “Vẫn biết rằng quê hương vĩnh cửu của chúng ta không phải ở trần gian này và chúng ta chỉ đi qua để về quê hương trên trời, nhưng thực là sai lầm, nếu vì đó mà nghĩ rằng mình có thể xao lãng nghĩa vụ của mình ở trần gian” (Mv 43,1b). Vì thế, trông đợi “Trời Mới Đất Mới” không những không làm giảm bớt mà còn tăng thêm nơi chúng ta ý chí xây dựng trời đất hiện tại này. Bởi vì xây dựng trời đất hiện tại là xây dựng “Trời Mới Đất Mới” (MV 39,2a), là xây dựng quê hương vĩnh cửu của chúng ta vậy.

 

Lễ Thăng Thiên – Damiano

Lễ Thăng Thiên – Damiano

Trích đoạn Tin Mừng của lễ Chúa Lên Trời hôm nay là đoạn kết thúc Tin Mừng thánh Matthêu. Khung cảnh là miền Galilê, một miền dân ngoại. Chúa Giêsu dặn các ông đến đây để gặp gỡ các ông lần cuối và căn dặn những điều cần thiết trước khi rời bỏ thế gian mà về Trời. Trong những lời nói cuối cùng nầy, có hai lời dặn rất quan trọng:

“Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Lời dặn của Chúa Giêsu cho thấy, Nước Chúa không chỉ dành riêng cho dân Do thái mà cho cả muôn dân; cũng vì thế mà ngày đem các ông đến Galilê là miền dân ngoại.

Theo lời Chúa hôm nay thì tất cả những ai chịu phép rửa đều là môn đệ của Chúa. Và muốn trở thành môn đệ thì phải có hai đều kiện: phải chịu phép rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi mà còn phải tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Điều kiện thứ nhất thì tương đối dễ vì là kitô hữu thì ai cũng được chịu phép rửa; nhưng điều kiện thứ hai thì ít ai giữ cho trọn hảo. Và người ta cứ tưởng lầm rằng hễ chịu phép rửa đã là người kitô hữu rồi, còn điều kiện thứ hai: sống lời Chúa thì thường được kể như là điều kiện phụ trội, có hay không cũng được. Theo Lời Chúa thì đó là một quan niệm hết sức sai lầm. Cả hai điều kiện điều cần thiết; và nhiều khi điều kiện thứ hai còn cần hơn cả điều kiện thứ nhất, vì có những người tuy chưa được rửa tội nhưng sống tốt lành hợp với Lời Chúa thì vẫn được cứu rỗi.

Vì thế thánh Matthêu dùng cụm từ “trở thành môn đệ” để nói lên rằng người môn đệ là người sống theo lời dạy của Thầy mình, vì đó là điều kiện để trở thành môn đệ Chúa.

Trong lời dặn thứ hai: Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế, Chúa bảo đảm cho các tông đồ cũng như cho Hội Thánh sự hiện diện hằng ngày của Chúa trong công việc rao giảng Tin Mừng khắp thế gian. Người tông đồ không cô đơn vì luôn có Chúa ở cùng. Trước mọi khó khăn và thử thách, người tông đồ ý thức về sự hiện diện của Chúa nên tâm hồn vẫn bình an, vẫn can đảm và kiên trì.

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã giao cho các Tông Đồ và Hội Thánh tiếp tục sứ mệnh của Ngài ở thế gian. Là môn đệ của Chúa Kitô, mỗi người Kitô hữu cũng được Chúa giao cho nhiệm vụ mở mang Nước Chúa, rao giảng Tin Mừng bằng chính cuộc sống của chúng ta, một cuộc sống đầy chất Phúc Âm. Thánh Phaolô đã ý thức được nhiện vụ đó và đã kêu lên: khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.

Lời nói cuối cùng.

Chuyện xảy ra trong một bệnh viện ở New York.

Một thanh niên được đưa lên bàn mổ. Đội ngủ phẩu thuật đã sẵn sàng, vị bác sĩ giải phẩu nói với bệnh nhân: Tôi tưởng đã đến lúc phải nói thật với em: Cái lưỡi của em bị ung thư, và để cứu sống em, chúng tôi phải cắt cái lưỡi của em. Nếu em cần nói điều gì lần cuối thì em nói đi vì sau khi mất lưỡi, em không bao giờ nói được nữa! Người thanh niên tái mặt, những bắp thịt ở môi em rung lên vì sợ hãi. Nhưng sau một phút im lặng, vẻ mặt người bệnh bổng từ từ bình tĩnh lại; cuối cùng, vân dụng tất cả sức lực còn lại, anh nhìn mọi người đứng chung quanh một lượt, rồi nhìn lên trời và thốt lên: Xin chúc tụng danh Chúa Giêsu! Đó là lời quan trọng nhất mà anh thốt ra lần cuối!

Lời nói cuối cùng của bệnh nhân nầy đã làm bừng tỉnh đức tin của tất cả những người đứng chung quanh giường bệnh. Giường bệnh cũng là nơi truyền giáo. Nhà tù cũng là nơi truyền giáo. Cuộc sống đời thường cũng là nơi truyền giáo.

Đức Thánh Cha đau buồn vì sự dửng dưng đối với thảm trạng Syria

Đức Thánh Cha đau buồn vì sự dửng dưng đối với thảm trạng Syria

VATICAN. ĐTC Phanxicô bày tỏ đau buồn vì sự dửng dưng của thế giới đối với thảm trạng tại Syria và kêu gọi các tổ chức từ thiện Công giáo tiếp tục các hoạt động cứu trợ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi các đại diện của 25 tổ chức từ thiện Công giáo nhóm họp hôm 30-5-2014, tại Vatican, với Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, để phối hợp các hoạt động cứu trợ các nạn nhân chiến tranh Syria. ĐTC đích thân đến chào thăm và khích lệ các tham dự viên.

Trong sứ điệp ĐTC khẳng định rằng: ”Chúng ta phải đau lòng nhận thấy cuộc khủng hoảng Syria vẫn chưa được giải quyết, trái lại cứ tiếp tục và có nguy cơ người ta quen tới thảm trạng này: quên các nạn nhân hằng ngày, những đau khổ khôn tả, hàng ngàn người tỵ nạn, trong đó có người già và trẻ em, đang chịu đau khổ và nhiều khi đang chết vì đói và bệnh tật do chiến tranh gây ra. Sự dửng dưng này làm đau lòng! Một lần nữa chúng ta phải lập lại cái tên của căn bệnh làm cho chúng ta rất đau buồn trên thế giới ngày nay, đó là hoàn cầu hóa sự dửng dưng”.

ĐTC đề cao hoạt động kiến tạo hòa bình và cứu trợ nhân đạo mà các cơ quan bác ái Công Giáo đang thi hành trong bối cảnh này chính là một sự biểu lộ trung thực tình thương của Thiên Chúa các con cái Người đang bị áp bức và lo âu.

ĐTC tái kêu gọi lương tâm của những nhân vật chủ chốt trong cuộc xung đột tại Syria, các tổ chức thế giới và công luận. Ngài viết: ”Tất cả chúng ta đều ý thức rằng tương lai nhân loại được xây dựng với hòa bình chứ không phải bằng chiến tranh: chiến tranh tàn phá, giết hại, làm cho dân chúng và các nước nghèo nàn. Tôi xin tất cả các phe hãy nhìn đến công ích, cho thực hiện cấp thời những hoạt động cứu trợ nhân đạo và làm cho võ khí sớm im tiếng, đồng thời dấn thân thương thuyết, đặt lên hàng đầu thiện ích của Syria và toàn dân nước này, và cả những người đang phải tỵ nạn ở nơi khác, và họ có quyền được sớm trở về quê hương”.

ĐTC đặc biệt nghĩ đến các cộng đoàn Kitô, là khuôn mặt của một Giáo hội đang chịu đau khổ và hy vọng. Ngài viết: ”Sự sống còn của họ trên toàn vùng Trung Đông là mối lo lắng sâu đậm của Giáo Hội hoàn vũ: Kitô giáo phải được tiếp tục sống tại nơi nguyên gốc của mình”.

Sau cùng ĐTC bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ chức từ thiện Công Giáo và nói rằng ”Hoạt động bác ái và cứu trợ cảu anh chị em là một dấu hiệu quan trọng nói lên sự gần gũi của toàn thể Giáo Hội, đặc biệt của Tòa Thánh đối với nhân dân Siria và các dân tộc khác ở Trung Đông”.

Khóa họp hôm 30-5-2014 có mục đích tiếp tục hành trình từ hai năm nay của Tòa Thánh và nối tiếp cuộc gặp gỡ trong hai ngày mùng 4 và 5-6 năm ngoái để trợ giúp Syria, cũng như kiểm điểm hoạt động cho đến nay của các cơ quan từ thiện Công Giáo trong việc trợ giúp Syria.

Ban sáng, sau lời dẫn nhập của ĐHY Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng Cor Unum, điều hợp viên của khóa họp, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã tường trình vấn đề, rồi đến các bài tham luận của Đức TGM Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Siria, và Đức Cha Antoine Audo, chủ tịch tổ chức Caritas tại nước này. Sau cùng có bản tường trình về hoạt động của Văn phòng thông tin ở Beirut, thủ đô Liban, được thiết lập hồi năm ngoái để thu thập và phổ biến các dữ kiện về hoạt động của các tổ chức bác ái Công Giáo.

Ban chiều, các tham dự viên thảo luận về những khía cạnh cụ thể trong việc cộng tác giữa các cơ quan từ thiện khác nhau ở Syria và các nước láng giềng.

Theo thống kê mới mất, 3 năm chiến tranh đã làm cho 160 ngàn người chết tại Syria và hơn 2 triệu người nước này tỵ nạn sang các nước láng giềng, không kể 6 triệu người phải di tản trong nội địa. (SD 30-5-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Phần hai bài phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay về Roma

Phần hai bài phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay về Roma

Chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn phần hai bài phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các nhà báo quốc tế trên chuyến bay từ Tel Aviv về Roma tối thứ hai 26-5-2014.

Trong phần đầu của cuộc phỏng vấn các phóng viên, đại diện cho các nhóm nói tiếng Ý, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha, đã đưa ra các câu hỏi liên quan tới: các cử chỉ tự phát của Đức Thánh Cha khiến cho mọi người cảm động, các vụ giáo sĩ tu sĩ và nhân viên của Giáo Hội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, các gương mù gương xấu chi phí chống lại sứ điệp Giáo Hội nghèo và của người nghèo hay không trong sáng trong tiền bạc, phong trào chống âu châu đang lên, và quy chế của thành Giêrusalem.

Sau đây là nội dung phần hai cuộc phỏng vấn. Anh Jan-Christoph Kitzler, phóng viên đài phát thanh Đức, hỏi:

Hỏi: Trong chuyến công du vừa qua Đức Thánh Cha đã nhiều lần gặp gỡ và nói chuyện với Đức Thượng Phụ Bartolomaios. Chúng con tự hỏi không biết hai vị có đề cập tới các bước cụ thể xích lại gần nhau, hay có dịp đề cập tới vấn đề này không, ngoài việc ra Tuyên ngôn chung và cầu nguyện, chắc chắn cũng là một dấu chỉ mạnh mẽ. Con cũng tự hỏi không biết Giáo Hội công giáo có thể học vài điều từ Giáo Hội chính thống hay không, con muốn nói tới sự kiện các linh mục có gia đình. Đây là một câu hỏi mà nhiều tín hữu công giáo, đặc biệt tại Đức, đặt ra, cả dưới ánh sáng bức thư mà các phụ nữ yêu các linh mục gửi cho Đức Thánh Cha?

Đáp: Nhưng mà Giáo Hội công giáo cũng có các linh mục lập gia đình chứ: đó là các linh mục công giáo hy lạp, công giáo Copte. Trong lễ nghi đông phương có các linh mục lấy vợ. Bởi vì độc thân không phải là một tín lý: nó là một luật sống, mà tôi đánh giá rất cao và tôi tin rằng nó là một món qùa cho Giáo Hội. Vì không phải là một tín lý đức tin, nên có cánh cửa luôn luôn rộng mở. Trong lúc này chúng tôi không nói đến chuyện đó, như là chương trình, ít nhất trong lúc này. Chúng tôi có các điều quan trọng hơn cần làm. Với Đức Thượng Phụ Barlolomaios, đề tài này đã không được bàn tới, vì nó thực sự là đề tài phụ thuộc trong tương quan với anh em chính thống. Chúng tôi đã nói tới sự hiệp nhất: mà sự hiệp nhất thì được làm trên đường đi, sự hiệp nhất là một lộ trình. Chúng ta không bao giờ có thể làm ra sự hiệp nhất trong một hội nghị thần học. Và Đức Thượng Phụ đã nói với tôi rằng điều tôi đã biết là đúng, rằng Đức Thượng Phụ Athenagoras đã nói với Đức Phaolô VI: ”Chúng ta thanh thản cùng đi, tất cả các nhà thần học chúng ta để họ trên một hòn đảo, để họ thảo luận với nhau, và chúng ta tiến bước trên con đường cuộc sống”. Thật vậy, tôi đã nghĩ có lẽ… Nhưng không, nó đúng vậy! Trong những ngày này Đức Bartolomaios đã nói với tôi như thế. Cùng bước đi, cùng cầu nguyện, cùng làm việc trong biết bao nhiêu chuyện mà chúng ta có thể cùng làm với nhau, trợ giúp lẫn nhau. Chẳng hạn với các Giáo Hội, tại Roma và biết bao nhiêu nơi khác. Mà tại Roma biết bao nhiêu tín hữu chính thống sử dụng các nhà thờ công giáo vào giờ nọ giờ kia, như một sự trợ giúp để cùng đi, đúng không? Chúng tôi cũng đã đề cập tới một chuyện khác, mà có lẽ trong Hội Đồng liên chính thống người ta làm một cái gì đó: đó là ngày lễ Phục Sinh, bởi vì nó hơi nực cười: “Này bạn, hãy nói cho tôi biết Chúa Kitô của bạn sống lại khi nào vậy? – Tuần tới – Ồ, Chúa Kitô của tôi đã sống lại tuần vừa qua rồi!” Phải, ngày lễ Phục Sinh là một đầu chỉ của sự hiệp nhất, đúng không? Chúng tôi yêu thương nhau, chúng tôi kể cho nhau nghe các khó khăn trong việc cai quản của chúng tôi. Và có một điều mà chúng tôi nói với nhau khá nhiều đó là vấn đề môi sinh. Đức Thượng Phụ rất lo âu và cả tôi cũng thế, chúng tôi đã cùng nhau nói nhiều về một công việc chung liên quan tới vấn đề này.

Cha Lombardi nói: ”Vì chúng ta không phải chỉ là người âu châu hay Mỹ, nhưng cũng có các nhà báo Á châu nữa, nên xin nhường lời cho anh Shoko Ueda của hãng tin Tokyo Nhật Bản hỏi Đức Thánh Cha, vì Đức Thánh Cha cũng đang chuẩn bị cho các chuyến đi Á châu”.

Anh Shoko Ueda hỏi:

Hỏi: Con cám ơn Đức Thánh Cha. Rất tiếc con không nói đươc tiếng Ý, nên con xin hỏi bằng tiếng Anh. Chuyến tông du tới của Đức Thánh Cha là viếng thăm Nam Hàn, vì thế con muốn đặt câu hỏi liên quan tới các vùng Á châu. Trong các nước gần Nam Hàn có Bắc Hàn và Trung Quốc, là những nơi không có tự do tôn giáo và tự do ngôn luận. Đức Thánh Cha có nghĩ làm cái gì cho các anh chị em đang phải khổ đau vì các tình thế này hay không?

Đáp: Tôi quý trọng Á châu. Có hai chương trình viếng thăm: một tại Nam Hàn để gặp gỡ giới trẻ Á châu, rồi vào tháng giêng năm tới có một chuyến viếng thăm Sri Lanka và Philipines trong vùng đã bị tai nạn sóng thần. Vấn đề không được tự do hành đạo không phải chỉ có tại vài nước Á châu, mà cũng có tại các nước khác trên thế giới nữa. Tự do tôn giáo không phải là điều có trong tất cả mọi nước. Có vài nước kiểm soát tự do tôn giáo một cách nhẹ nhàng và an bình, các nước khác đưa ra các biện pháp kết cục trở thành một việc thực sự bách hại các kitô hữu. Có các vị tử đạo, ngày nay có các kitô hữu chết vì đạo. Tín hữu công giáo và không công giáo, nhưng là những người chết vì đạo. Và tại một vài nước không thể đeo Thánh Giá hay không thể có một cuốn Thánh Kinh. Không thể dậy giáo lý cho trẻ em ngày nay. Và tôi tin rằng mình không lầm, tin rằng trong thời đại này có nhiều người chết vì đạo hơn là trong các thời gian đầu của Giáo Hội. Tại vài nơi chúng ta phải tới gần một cách thận trọng để trợ giúp các anh chị em ấy. Chúng ta phải cầu nguyện nhiều cho các Giáo Hội dau khổ này: họ đau khổ nhiều lắm. Các Giám Mục và Tòa Thánh kín đáo hoạt động để trợ giúp các nước này, trợ giúp kitô hữu của các nước này. Nhưng đây không phải là điều dễ dàng. Chẳng hạn, tôi xin nói với anh một điều này. Trong một nước có lệnh cấm cầu nguyện chung với nhau. Nhưng các kitô hữu sống tại đó lại muốn cử hành Thánh Thể. Có một ông thợ là linh mục. Ngài đến và ngồi vào bàn giả bộ uống trả, nhưng họ cử hành Thánh thể. Nếu có cảnh sát đến, họ dấu ngay các sách lễ đi, và đang uống trà. Điều này xảy ra ngày nay đấy. Không dễ dàng đâu!

Cha Lombardi nói: Con hy vọng Đức Thánh Cha cũng sẽ mau đến thăm Nhật Bản nữa… Tốt lằm, hơn nửa giờ rồi. Con tin là chúng ta cũng có bổn phận phải săn sóc sức khỏe của mình và sự nghỉ ngơi của Đức Thánh Cha nữa. Vì thế… Đức Thánh Cha nói là ngài muốn tiếp tục, hay các nhà báo phải tiếp tục. Tiếp tục nữa? Tiếp tục. Vậy thì tốt. Anh chị em thấy chưa, tôi muốn bảo vệ Đức Thánh Cha, nhưng mà ngài không muốn. Như thế chúng ta tiếp tục với nhóm tiếng Ý, với câu hỏi của anh Fausto Gasparoni, phóng viên của hãng tin ANSA.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, trong triều đại của ngài Đức Thánh Cha đương đầu với nhiều dấn thân, và ngài làm điều đó một cách rất sít sao đầy đặc, như chúng ta thấy trong các ngày này. Nếu mai kia, trong một ngày không xa, Đức Thánh Cha cảm thấy không còn sức để chu toàn sứ vụ của mình nữa, Đức Thánh Cha có nghĩ tới cùng lựa chọn từ bỏ sứ vụ như vị tiền nhiệm đã làm hay không?

Đáp: Tôi sẽ làm điều Chúa sẽ nói tôi làm: cầu nguyện, tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng tôi tin rằng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI không phải là một trường hợp duy nhất, nhưng đã xảy ra là ngài đã không có sức, và nói một cách liêm chính, ngài là một con người của lòng tin, rất mực khiêm nhường, ngài đã lấy quyết định này. Tôi tin rằng ngài là một sự mở ra: cách đây 70 năm hầu như đã không có các giám mục về hưu. Nhưng bây giờ có rất nhiều. Điều gì sẽ xảy ra đối với các giáo hoàng về hưu? Tôi tin rằng chúng ta phải nhìn vào ngài như là một mở ra. Ngài đã mở ra một cánh cửa, cánh cửa của các Giáo Hoàng về hưu. Sẽ có nhiều vị khác nữa, hay không có. Chỉ có Thiên Chúa biết. Nhưng cánh cửa này đã được mở ra: tôi tin rằng một Giám Mục Roma, một Giáo Hoàng cảm thấy sức lực của mình yếu kém đi, bởi vì bây giờ người ra sống lâu – thì phải tự đặt các câu hỏi như Đức Thánh Cha Biển Đức đã làm.

Bây giờ chúng ta nhường lời cho anh John Allen thuộc nhóm tiếng Anh.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, hôm nay Đức Thánh Cha đã gặp một nhóm những người sống sót của cuộc diệt chủng Do thái. Đức Thánh Cha biết có một gương mặt còn gợi lên nhiều bối rối đối với vai trò của ngài trong cuộc diệt chủng: đó là Đức Pio XII vị tiền nhiệm của Đức Thánh Cha. Chúng con muốn biết tại sao trước khi làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha đã viết và đã nói rằng mình ngưỡng mộ Đức Pio XII, nhưng cũng muốn thấy các văn khố được mở ra, trước khi đi đến một kết luận vĩnh viễn. Như thế chúng con muốn biết – vì Đức Thánh Cha mới tôn hai vị tiền nhiệm lên hàng hiển thánh – vậy Đức Thánh Cha có ý định tiếp tục tiến trình điều tra trước khi quyết định tôn phong chân phước cho Đức Pio XII hay không?

Đáp: Án liên quan tới Đức Pio XII đã được mở. Tôi đã hỏi tin tức, chưa có phép lạ nào, và nếu không có các phép lạ, thì không thể tiến tới được. Và nó dừng ở đó. Chúng tôi phải chờ đợi thực tại, xem thực tại của án phong tiến triển như thế nào, rồi mới nghĩ tới việc quyết định được. Nhưng sự thực là điều này: chưa có phép lạ nào, và cần phải có một phép lạ cho việc tuyên phong chân phước. Án phong của Đức Pio XII ngày nay là như thế. Và tôi không thể nghĩ là có phong chân phước cho ngài hay không, bởi vì tiến trình chậm.

Bây giờ thì đến lượt Argentina từ một nhân vật mà Đức Thánh Cha biết: đó là chị Elisabetta Piqué.

Hỏi: Đây là môt câu hỏi của nhóm nói tiếng Tây Ban Nha phối hợp với Mêhicô. Đức Thánh Cha đã trở thành một vị lãnh đạo tinh thần và cả chính trị nữa, và Đức Thánh Cha đang mở ra nhiều viễn tượng bên trong Giáo Hội cũng như bên ngoài cộng đồng quốc tế. Bên trong Giáo Hội chẳng hạn hhư điều gì sẽ xảy ra với việc cho các cặp ly dị tái hôn được rước Mình Thánh Chúa, và trong cộng đồng quốc tế như việc làm trung gian gây kinh ngạc cho thế giới, về cuộc gặp gỡ tại Vaticăng… Đức Thánh Cha không sợ bị thất bại hay sao? Và bây giờ con xin hỏi bằng kiểu nói Tây Ban Nha ”Đức Thánh Cha không đang bỏ qúa nhiều thịt vào lửa” hay sao, khi dấy lên nhiều chờ mong như vậy; Đức Thánh Cha không sợ gặp vài thất bại nào đó hay sao?

Đáp: Trước hết tôi xin giải thích rõ về cuộc gặp gỡ tại Vaticăng: đó sẽ là một cuộc gặp gỡ cầu nguyện, chứ không phải để làm trung gian hay tìm ra các giải pháp. Không. Chúng tôi sẽ họp nhau để cầu nguyện thôi. Rồi mỗi người trở về nhà mình. Nhưng tôi tin rằng lời cầu nguyện quan trọng và cùng nhau cầu nguyện mà không thảo luận, điều này trợ giúp. Đó sẽ là một cuộc gặp gỡ cầu nguyện: sẽ có một rabbi, một vị lãnh đạo hồi giáo và tôi. Tôi đã xin vị Quản thủ Thánh Địa tổ chức các điều này cho cụ thể một chút.

Thứ hai, xin cám ơn câu hỏi liên quan tới các người đã ly dị. Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ bàn về gia đình, về vấn đề của gia đình, các sự phong phú của gia đình, về tình trạng hiện nay của gia đình. Tài liệu trình bầy trước của Đức Hồng Y Kasper đã có 5 chương: 4 chương về gia đình, các hay đẹp của gia đình, nền tảng thần học, vài vấn đề gia đình; và chương 5 nói về mục vụ cho những người ly thân, việc tiêu hôn và các người ly dị. Trong vấn đề này cũng có việc rước lễ. Tôi không thích nghe nhiều người, kể cả các linh mục, nói: ”Ah, Thượng Hội Đồng Giám Mục cho các người ly dị rước lễ”. Và họ đi đến đó. Tôi đã nghe làm như thể là mọi chuyện được giản lược vào một trường hợp nghi nghĩa (Casistica). Nhưng mà không. Việc này tế nhị và rộng rãi hơn nhiều. Ngày nay chúng ta đều biết gia đình bị khủng hoảng, và nó là cuộc khủng hoảng toàn cầu. Người trẻ không muốn lập gia đình, hay không muốn lấy nhau, nhưng chung sống, hôn nhân bị khủng hoảng và gia đình bị khủng hoảng. Và tôi không muốn chúng ta rơi vào trường hợp nghi nghĩa này: ”có thể hay không có thể” . Vì thế tôi cám ơn chị đã đưa ra câu hỏi này, bởi vì nó cho tôi dịp giải thích vấn đề. Vấn đề mục vụ gia đình rất là rộng rãi. Và phải cứu xét từng trường hợp một. Có một điều đó là Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã ba lần đề cập tới những người ly dị, và người đã giúp tôi nhiều lắm. Một lần tại Alto Adige, một lần khác tại Milano, và lần thứ ba tôi không nhớ ở đâu, à, tại Hội nghị Hồng Y công khai để chỉ định các Tân Hồng Y, bởi vì hội nghị cuối cùng là hội nghị riêng nhằm duyệt xét các các tiến trình hủy bỏ hôn nhân, cho một ít người, xem xét niềm tin qua đó một người tiến tới hôn nhân và minh giải rằng các người ly dị không bị vạ tuyệt thông, nhưng biết bao lần họ bị đối xử như những người bị vạ tuyệt thông. Đây là vấn đề nghiêm trọng. Thượng Hội Đồng sẽ bàn về gia đình: các phong phú, các vấn đề của gia đình, các giải pháp, việc tiêu hôn. Cũng sẽ có vấn đề liên quan tới các người đã ly dị tái hôn. Trong tháng thứ hai triều đại của tôi Đức Cha Eterovic, thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, đã tới gặp tôi với ba đề tài mà Hội đồng hậu thượng hội đồng giám mục đề nghị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục tới. Đề nghị thứ nhất rất mạnh mẽ và tốt liên quan tới ”điều Chúa Giêsu Kitô đem tới cho con người ngày nay”. Nó tiếp tục Thượng Hội Đồng Giám Mục về rao giảng Tin Mừng. Tôi đã chấp nhận và chúng tôi đã thảo luận một chút về việc cải tổ phương pháp, và sau cùng tôi nói: ”Chúng ta hãy thêm vào một cái gì đó: điều Chúa Giêsu Kitô đem tới cho con người và gia đình ngày nay”. Thế rồi tôi đi tham dự phiên họp thứ nhất của hội đồng, tôi thấy người ta nói tới toàn đề tài, rồi từ từ người ta nói tới ”điều Chúa Giêsu Kitô đem tới cho gia đình” và ”Thượng Hội đồng giám Mục về gia đình” mà không nhận ra. Tôi chắc chắn là Thần Khí Chúa đã hướng dẫn chúng tôi chọn tựa đề này, bởi vì ngày nay gia đình cần các trợ giúp mục vụ. Chị Elisabetta, tôi không biết đã có giải thích rõ ràng một chút không?

Chúng ta còn vài người trong danh sách nhưng xin mời chị Philipine de Saint Pierre, tân giám đốc đài truyền hình công giáo Pháp, và chúng tôi cũng chúc mừng chị.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, câu hỏi của con cũng là của nhóm các nhà báo tiếng Pháp. Đức Thánh Cha có thể cho chúng con biết đâu là các chướng ngại cho việc cải tổ các cơ quan Trung Ương Tòa Thánh Roma, và hôm nay chúng ta đang ở điểm nào rồi không?

Đáp: Mà chướng ngại đầu tiên là tôi đây chứ ai… Nhưng chúng ta ở điểm tốt, bởi vì tôi tin rằng tôi không nhớ ngày tháng nhưng ba tháng, phải ba tháng hay ít hơn, sau ngày tôi được bầu làm Giáo Hoàng đã có Hội đồng 8 Hồng Y được thành lập.

(Cha Lombardi nhắc ngài là một tháng).

À, một tháng sau khi được bầu. Rồi trong các ngày đầu tháng 7 chúng tôi đã họp nhau lần đầu tiên, và từ đó tới nay chúng tôi làm việc. Hội đồng làm việc gì? Hội đồng duyệt xét toàn Tông hiến ”Pastor Bonus” và các cơ quan Trung Ương Roma. Hội đồng đã tham khảo ý kiến với các Hội Đồng Giám Mục toàn thế giới, với tất cả các cơ quan trung ương Tòa Thánh và bắt đầu nghiên cứu vài điều. Điều này có thể làm như thế này điều kia làm như thế kia. Nhập vài cơ quan làm một để giảm nhẹ tổ chức … Một trong những điểm chìa khóa đã là vấn đề kinh tế. Và cơ quan kinh tế sẽ trợ giúp rất nhiều. Nó phải làm việc với Phủ Quốc Vụ Khanh, bởi vì nó là một kết hợp. Mọi người làm việc với nhau. Vào tháng 7 tới chúng tôi có bốn ngày làm việc với Ủy ban này, rồi vào tháng 9, tôi tin vậy, sẽ có bốn ngày làm việc nữa. Người ta làm việc khá nhiều. Và người ta chưa trông thấy tất cả các kết qủa. Nhưng kết qủa kinh tế là kết qủa đầu tiên, bởi vì có vài vấn đề mà báo chí đã nói tới khá nhiều, và chúng tôi phải xem xét thấy chúng. Các chướng ngại là các chướng ngại bình thường của toàn tiến trình. Nghiên cứu con đường… Sự tin chắc rất là quan trọng. Đây là một công việc của sự tin chắc, của việc trợ giúp. Có vài người không trông thấy rõ vấn đề, nhưng mọi cải tổ đều tạo ra các điều này. Nhưng tôi hài lòng, thật sự hài lòng. Chúng tôi đã làm việc khá nhiều, và Ủy ban này trợ giúp chúng tôi biết bao.

Cha Lombardi đã chân thành cám ơn Đức Thánh Cha quá quảng đại, vì sau chuyến viếng thăm ngoại thường khiến mọi ngươi cản động như vậy, đã dành cho các nhà báo gần một giờ phỏng vấn. Cha cầu chúc cuộc gặp gỡ cầu nguyện do Đức Thánh Cha đề ra đem lại nhiều kết qủa và hòa bình trên thế giới mà mọi người mong ước. Đức Thánh Cha cám ơn các nhà báo về sự đồng hành và sự khoan dung. Và ngài xin họ cầu nguyện cho ngài, vì ngài cần nhiều lời cầu nguyện.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Phòng Tiệc Ly là nơi Giáo Hội khai sinh và từ đó chảy ra con suối bác ái trở thành dòng sông lớn

Phòng Tiệc Ly là nơi Giáo Hội khai sinh và từ đó chảy ra con suối bác ái trở thành dòng sông lớn

Phòng Tiệc Ly là nơi Giáo Hội khai sinh và từ đó chảy ra con suối bác ái trở thành dòng sông lớn. Nó nhắc nhớ hy lễ, việc phục vụ, tình bạn, sự chia sẻ, tình huynh đệ, sự hòa hợp và bình an. Từ Phòng Tiệc Ly Giáo Hội đã khởi hành với Bánh được bẻ ra giữa các bàn tay, với các vết thương của Chúa Giêsu trong đôi mắt, và Chúa Thánh Thần tình yêu trong con tim.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ đồng tế với các Hồng Y, Thượng Phụ và Giám Mục trong Phòng Tiệc Ly lúc 17 giờ 20 chiều thứ hai 26-5-2014. Đây cũng là Sinh hoạt cuối cùng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày thứ ba viếng thăm Thánh Địa.

Sau khi gặp các linh mục tu sĩ nam nữ trong Vương cung thánh đường Giệtsêmani, Đức Thánh Cha đã trồng một cây ô liu bên cạnh cây ô liu Đức Phaolô VI đã trồng cách đây 50 năm trong vườn Cây Dầu. Tiếp đến ngài đã đi xe tới Phòng Tiệc Ly nằm cách đó 2 cây số trong thành cổ Giêrusalem.

Phòng Tiệc Ly là chiếc nôi của Giáo Hội khai sinh, nơi Chúa Giêsu Kitô đã thành lập chức Linh Mục, các Bí tích Thánh Thể và Hòa Giải. Từ ”Coenaculum” tiếng La tinh ám chỉ nơi dùng bữa tối, nhưng nói chung nó ám chỉ tầng trên nơi tiếp khách trong nhà. Sự xác thực của Phòng Tiệc Ly đã rất cổ xưa, từ thế kỷ thứ III. Vào thế kỷ thứ IV có một nhà thờ mới được xây gần Phòng Tiệc Ly gọi là nhà thờ ”Thánh Sion”. Năm 614 nhà thờ này bị người Hồi tàn phá, khi người Hồi xâm lăng Thánh Địa. Nó được tái thiết rồi lại bị người Hồi phá hủy. Khi Đạo Binh Thập Tự tới Thánh Địa, nhà thờ ở trong tình trạng đổ nát, chỉ trừ nhà nguyện nguyện hai tầng của Phòng Tiệc Ly. Đạo Binh Thập Tự Kitô đã xây một vương cung thánh đường ba gian dọc gồm ”Phòng bên trên, tức Nhà nguyện Tiệc Ly, ”nơi Đức Maria ngủ” và một nhà nguyện bên dưới kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ.

Năm 1187 thành Giêrsusalem bị thất thủ và rơi vào tay Saladino. Người Hồi cho phép kitô hữu hành hương thăm viếng và các linh mục có thể cử hành thánh lễ trong Phòng Tiệc Ly. Khi các tu sĩ Phanxicô tới Thánh Địa năm 1335 vương cung thánh đường do Đạo binh Thập tự xây bị bỏ hoang và hầu như bị tàn phá hoàn toàn. Sau nhiều thương thuyết dài và khó khăn với Sultan Ai Cập và trả một số tiền rất lớn, vua Roberto của vương quốc Napoli và hoàng hậu Sancia đã thành công trong việc giao cho các tu sĩ dòng Phanxicô trông coi Nhà Tiệc Ly. Các tu sĩ tái thiết với sự trợ giúp của các nghệ sĩ đảo Chypre, theo mô hình đầu tiên hai tầng. Các tu sĩ cũng xây một tu viện bên cạnh cho các anh em đặc trách quản trị các nơi thánh tại Giêrusalem và Bếtlêhem. Cha bề trên tu viện được nhận chức là ”Người canh giữ Núi Sion”.

Năm 1524 người Hồi chiếm các phòng bên dưới Phòng Tiệc Ly, vì cho đó là ”Mộ của ngôn sứ Đavít”. Tiếp đến đế quốc Ottoman ra sắc lệnh lấy lại cả Phòng Tiệc Ly ở tầng trên, và buộc các tu sĩ Phanxicô phải bỏ cả tu viện bên cạnh. Phòng Tiệc Ly bị biến thành đền thờ Hồi giáo, và chính quyền hồi cấm các kitô hữu lui tới nơi này.

Trong phòng bên dưới có một mộ kỷ niệm không hài cốt gọi là ”Mộ vua Đavít”, là đích điểm hành hương của tín hữu Do thái có khuynh hướng quốc gia, cả khi thiếu nền tảng lịch sử và khảo cổ liên quan tới mộ vua Đavít tại đây. Nhà nguyện phía trước, xưa kia là nhà nguyện ghi nhớ biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, biến thành hội đường do thái.

Nhà nguyện Tiệc Ly bên trên dài 15,3 mét rộng 9,4 mét được tái thiết theo kiểu Gôtích hồi thế kỷ XIV, có một cầu thang nối liền tầng dưới với tầng trên gồm 8 bậc dẫn lên nhà nguyện kỷ niệm biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống. Người ta cũng thấy cái ”Mihrab” xây năm 1929, khi nhà nguyện bị biến thành đền thờ Hồi giáo, chỉ cho tín hữu Hồi giáo thấy hướng thành phố La Mecca. Đức Phaolô VI đã cầu nguyuện tại đây ngày mùng 5 tháng giêng năm 1964, Đức Gioan Phaolô II đã dâng thánh lễ tại đây ngày 23 tháng 3 năm 2000, và Đức Biển Đức XVI ngày 12 tháng 5 năm 2009.

Hiện nay Phòng Tiệc Ly là sở hữu của chính quyền Israel, nhưng nằm dưới quyền tài phán của Ủy ban hồi quản trị các nơi thánh Hồi giáo của Giordania và chỉ được dùng cho cac lễ nghi tôn giáo, và vua Abdullah II là thủ lãnh tối cao của Ủy ban này.

Các tu sĩ Phanxicô đã dọn một bàn thờ với các ghế cho các vị đồng tế. Giảng trong thánh lễ kính Chúa Thánh Thần Đức Thánh Cha nói:

Anh em thân mến, thật là một ơn lớn lao Chúa ban cho chúng ta, được tụ họp nhau nơi đây trong Phòng Tiệc Ly để cử hành Bí tích Thánh Thể. Nơi đây Chúa Giêsu đã ăn bữa Tiệc Chiều sau hết với các Tông Đồ; nơi ngài đã hiện ra giữa các vị sau khi sống lại; nơi Chúa Thánh Thần đã hiện xuống với quyền lực trên Mẹ Maria và các môn đệ. Đây là nơi Giáo Hội sinh ra và ra đi. Từ đây Giáo Hội đã khởi hành với Bánh được bẻ ra giữa các bàn tay, với các vết thương của Chúa Giêsu trong đôi mắt, và Chúa Thánh Thần tình yêu trong con tim. Chúa Giêsu phục sinh được Chúa Cha gửi đến trong Phòng Tiệc Ly thông truyển cho các Tông Đồ cùng Thần Khí của Người, và với sức mạnh này Ngài gửi các vị ra đi canh tân gương mặt của trái đất (x. Tv 104,30).

Đi ra, khởi hành không có nghĩa là quên lãng. Giáo Hội đi ra giữ gìn ký ức những điều đã xảy ra; Chúa Thánh Thần nhắc cho Giáo Hội nhớ từng lời nói, từng cử chỉ và vén mở ý nghĩa của chúng. Phòng Tiệc Ly nhắc cho chúng ta biết việc phục vụ và rửa chân mà Chúa Giêsu đã thành toàn, như mẫu gương cho các môn đệ Người. Rửa chân cho nhau có nghĩa là tiếp đón nhau, chấp nhận nhau, yêu thương nhau, phục vụ lẫn nhau. Có nghĩa là phuc vụ người nghèo, người đau yếu, người bị loại trừ. Với Thánh Thể Phòng Tiệc Ly nhắc chúng ta nhớ tới hy lễ. Trong mỗi buổi cử hành Thánh Thể Chúa Giêsu tự hiến cho Thiên Chúa Cha vì chúng ta, để chúng ta cũng có thể hiệp nhất với Người, dâng cuộc sống, công việc làm, các vui buồn khổ đau của chúng ta cho Thiên Chúa, dâng mọi sự như hy lễ tinh thần.

Phòng Tiệc Ly nhắc chúng ta nhớ tới tình bạn. Chúa Giêsu nói với nhóm Mười Hai: ”Thầy không gọi các con là tôi tớ… nhưng là bạn hữu” (Ga 15,15). Chúa làm cho chúng ta trở thành bạn của Người, ký thác cho chúng ta ý muốn của Thiên Chúa Cha và ban chính Người cho chúng ta. Đó là kinh nghiệm đẹp nhất của kitô hữu, và một cách đặc biệt của linh mục: trở thành bạn của Chúa Giêsu.

Tiếp tục bài giảng thánh lễ cử hành trong Phòng Tiệc Ly Đức Thánh Cha nói: Phòng Tiệc Ly nhắc nhớ cuộc từ biệt và lời hứa gặp lại các bạn của Người: ”Khi Thầy sẽ đi rồi…. Thầy sẽ lại đến và đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó” (Ga 14,3). Chúa Giêsu không rời chúng ta, Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Người đi trước chúng ta trong nhà của Chúa Cha và Người muốn đem chúng ta tới đó. Tuy nhiên Phòng Tiệc Ly cũng nhằc nhớ tới điều tiêu cực, Đức thánh Cha nói:
Nhưng Phòng Tiệc Ly cũng nhắc nhớ sự nhỏ nhen, tính tò mò ”ai là người phản bội?”, sự phản bội. Và mọi người trong chúng ta, chứ không luôn luôn phải là người khác, có thể sống lại các thái độ này, khi chúng ta nhìn người anh em với sự tự mãn, khi chúng ta phán xét họ, khi chúng ta phản hội Chúa Giêsu với các tội lỗi của chúng ta.

Phòng Tiệc Lỵ nhắc nhở sự chia sẻ, tình huynh đệ, sự hòa hợp, sự bình an giữa chúng ta. Đã có biết bao nhiêu tình yêu thương, biết bao nhiêu điều thiện đã nảy sinh từ Phòng Tiệc Ly! Biết bao nhiêu bác ái đã xuất phát từ đây, như một dòng sông chảy từ nguồn, ban đầu chỉ là một con suối nhỏ rồi lan rộng và trở thành con sông lớn… Tất cả các Thánh đã kín múc từ đây; dòng sông lớn sự thánh thiên của Giáo Hội luôn luôn bắt nguồn từ đây, luôn luôn mới mẻ, từ Trái Tim Chúa Kitô, từ Thánh Thể, từ Thần Khí Thánh của Người.

Sau cùng Phòng Tiệc Ly nhắc chúng ta nhớ tới sự khai sinh của gia đình mới, Giáo Hội, do Chúa Giêsu phục sinh thành lập. Một gia đình có một Bà Mẹ là Đức Trinh Nữ Maria. Các gia đình kitô thuộc đại gia đình này, và tìm thấy trong đó ánh sáng và sức mạnh để bước đi và canh tân, qua các nhọc mệt và thử thách của cuộc sống. Tất cả mọi con cái Thiên Chúa thuộc mọi dân tộc và ngôn ngữ đều được mời gọi thuộc gia đình này, tất cả là anh em và là con cái của một Cha duy nhất ở trên trời. Đó là chân trời của Phòng Tiệc Ly: chân trời của Chúa phục sinh và của Giáo Hội.

Từ đây Giáo Hội ra đi, được linh hoạt bởi Thần Khí. Tụ tập cầu nguyện với Mẹ Chúa Giêsu, Giáo Hội luôn sống trở lại sự chờ đợi Thánh Thần được tuôn đổ xuống một lần nữa: Lậy Chúa, xin Thần Khí Chúa xuống và canh tân mặt đầt (c. Tv 104,30).

Sau Thánh Lễ Đức Thánh Cha đã bắt tay chào các tu sĩ nam nữ và giáo dân hiện diện bên ngoài, kể cả mấy cảnh sát. Tiếp đến ngài đi xe đến núi Scopus cách đó 5 cây số để lấy trực thăng bay về phi trường Ben Gourion ở Tel Aviv. Tại đây lễ nghi từ biệt đã diễn ra lúc 8 giờ chiều. Đức Thánh Cha, tổng thống Perez và Thủ tướng Netanyahu đã duyệt hàng chào danh dự. Đức Thánh Cha đã bắt tay từ biệt các giới chức đạo đời và cả các cảnh sát viên và nhân viên phục vụ phi trường.

Tổng thống và Thủ tướng Israel đã tiễn Đức Thánh Cha tới tận chân thang máy bay. Khi bắt tay từ biệt Đức Thánh Cha Thủ tướng Netanyahu đã nói: ”Xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho chúng tôi, và chúng tôi cũng cầu nguyện cho ngài”. Lên tới cửa máy bay Đức Thánh Cha còn quay lại giơ tay chào mọi người. Ngài bắt tay các nhân viên phi hành đoàn trước khi vào ghế ngồi. Trong khi chờ đợi máy bay cất cánh, ống kính đài truyền hình Israel cho thấy Đức Thánh Cha đọc báo. Chiếc máy bay của hãng hàng không El Al B777 của Israel đã rời phi trường Tel Aviv lúc 8 giờ 20 tối thứ hai và đáp xuống phi trường Ciampino lúc 11 giờ đêm. Từ đó Đức Thánh Cha đã đi trực thăng về Vaticăng kết thúc chuyến viếng thăm Thánh Địa ba ngày.

*** Tuy chương trình ba ngày viếng thăm dầy đặc và khá mệt mỏi nhưng trên đường về Roma Đức Thánh Cha cũng đã dành cho các nhà báo một cuộc phỏng vấn đài 50 phút vế tất cả mọi vấn đề. Cha Lombardi Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh đã cám ơn Đức Thánh Cha dành thời giờ cho các nhà báo sau chuyến viếng thăm mệt nhọc này. Chị Cristina Caricato thuộc đài truyền hình 2000 đã hỏi Đức Thánh Cha:

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, trong các ngày qua Đức Thánh Cha có các cử chỉ được chú ý trên toàn thế giới: đặt tay trên bức tường tại Bếtlehem, làm dấu thánh giá, ôm hôn những người do thái sống sót của các trại tập trung tại Yad Vashem, ôm hôn Đức Thượng Phụ Bartolomaios và các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô khác tại Thánh Mộ. Đức Thánh Cha đã nghĩ trước và muốn có các cử chỉ đó hay sao, và đâu sẽ là các kết qủa của chúng ngoài cử chỉ rất lớn là đã mời hai tổng thổng Perez và Abu Mazen tới Vaticăng?

Đáp: Các cử chỉ chân thực nhất là các cử chỉ không được nghĩ trước, nhưng chúng tới. Tôi đã nghĩ ”Có thể làm một cái gì đó”, nhưng các cử chỉ cụ thể thì không có cử chỉ nào được nghĩ trước cả. Vài cử chỉ như cử chỉ mời hai tổng thống tham dự buổi cầu nguuện chung thì có được nghĩ là làm ở đó, nhưng có biết bao nhiêu vấn đề khung cảnh nơi chốn phải để ý, và không phải là điều dễ. Tôi có nghĩ một chút tới vấn đề này, nhưng sau cùng thì xảy ra điều mà tôi hy vọng là tốt. Nhưng chúng đã không được nghĩ và tính toán trước. Tôi thấy cần phải làm điều gì đó, nhưng nó tự phát, thế thôi. Ít nhất nói thật ra thì tôi nghĩ ”có thể làm một cái gì đó”, nhưng cụ thể thì không. Chẳng hạn tại đài tưởng niệm Yad Vashem, không có gì hết, nhưng rồi nó tới. Và như vậy đó.

Câu thứ hai của anh Frank Rocca, nhà báo hãng tin công giáo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đại diện nhóm nói tiếng Anh.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã có những lời lẽ rất mạnh mẽ chống lại việc lạm dụng tính dục của trẻ em vị thành niên từ phía hàng giáo sĩ, các linh mục. Đức Thánh Cha đã thành lập một Ủy ban đặc biệt để đương đầu với vần đề này trên bình diện Giáo Hội hoàn vũ. Chúng ta biết rằng trên thực tế trong tất cả mọi Giáo Hội địa phương có các điều luật bắt buộc luân lý và pháp luật cộng tác với các chính quyền dân sự cách này hay cách khác. Nhưng nếu có một Giám Mục không tuân hành các đòi buộc này thì Đức Thánh Cha sẽ giải quyết ra sao: bó buộc vị ấy từ nhiệm, hay có các hình phạt khác? Trong cụ thể làm thế nào để có kỷ luật?

Đáp: Bên Argentina chúng tôi thường nói với những người có đặc quyền đặc lợi: ”Người này là một con ông cháu cha đó”. Nhưng trong vấn đề này thì sẽ không có ”con ông cháu cha” đâu. Trong lúc này có ba Giám Muc đang bị điều tra, và một vị đã bị kết án, và người ta đang lượng định hình phạt cần đưa ra. Không có các đặc quyền đặc lợi. Lạm dụng tính dục các trẻ vị thành niên là một tội thật xấu xa hết sức, chúng ta biết đó là một vấn đề nghiêm trọng khắp nơi, nhưng tôi chỉ chú ý tới Giáo Hội. Một linh mục làm điều đó là phản bội Thân Mình của Chúa, bởi vì linh mục ấy phải đưa bé trai, bé gái, thanh niên, thiếu nữ này tới với sự thánh thiện, vì các em tin tưởng vị linh mục. Nhưng thay vì dẫn đưa chúng tới sự thánh thiện thì lại lạm dụng chúng. Đây là điều rất trầm trọng. Cũng y như – tôi chỉ so sánh thôi – cũng y như cử hành một lễ đen vậy, chẳng hạn. Cần phải đưa nó tới sự thánh thiện, thì lại đưa nó tới một vấn đề kéo dài suốt đời. Sẽ có thánh lễ tại nhà trọ Santa Martha với nạn nhân bị lạm dụng tính dục với Đức Hồng Y O'Malley thuộc Ủy ban này: tôi sẽ gặp riêng họ. Liên quan tới điều này phải tiến tới. Và không có sự nhân nhượng.

Câu hỏi thứ ba của anh Eusebio Val phóng viên báo ”LaVanguardia” nhật báo lớn nhất tại Barcelona, đại diện cho nhóm nói tiếng Tây Ban nha.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, ngay từ ngày đầu sứ vụ Đức Thánh Cha đã gióng sứ điệp của một Giáo Hội nghèo và cho người nghèo, nghèo trong sự đơn sơ và khổ hạnh. Nhưng đôi khi chúng con trông thấy các gương mù gương xấu chẳng hạn như vụ căn hộ của Đức Hồng Y Bertone, hay buổi lễ ngày phong Thánh hoặc trở lại với chuyện liên quan tới Đức Hồng Y Bertone, sự hỗn loạn của Viện giáo vụ hay nhà băng Vatican liên quan tới 15 triệu Euros… Đức Thánh Cha nghĩ sao? Phải làm sao để đừng có các mâu thuẫn chống lại sứ điệp của sự khắc khổ?

Đáp: Có một lần Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ Người trong Phúc Âm: ”Không thể tránh được các gương mù gương xấu. Chúng ta là người, tất cả là người tội lỗi. Và sẽ có các gương mù gương xấu. Vấn đề là tránh để đừng xảy ra nhiều gương mù gương xấu hơn. Trong việc quản trị kinh tế cần có sự liêm chính và trong sáng. Hai ủy ban: ủy ban nghiên cứu Viện giáo vụ IOR và Ủy ban nghiên cứu mọi vấn đề của thành Vaticăng đã đưa ra các kết luận và đưa ra các chương trình hành động. Giờ đây với Văn phòng thư ký kinh tế do Đức Hồng Y Pell làm chủ tịch, các cải tổ do hai ủy ban cố vấn sẽ được thực thi. Nhưng có các việc không ăn khớp, và sẽ luôn có các việc không ăn khớp, bởi vì chúng ta là người, nhưng việc cải tổ phải được tiếp tục.

Các Giáo Phụ đã nói: ”Ecclesia semper reformanda” Giáo Hội luôn luôn cải cách. Chúng ta phải chú ý cải tổ Giáo Hội mỗi ngày, bởi vì chúng ta tội lỗi, chúng ta yếu đuối, và sẽ có các vấn đề. Việc quản trị mà Văn phòng thư ký kinh tế đang làm sẽ giúp minh nhiên các gương mù gương xấu, các vấn đề… Chẳng hạn trong Viện giáo vụ tức nhà băng Vaticăng tôi tin là ở thời điểm này chúng đã được đóng lại. Số người không có quyền mở trương mục là 1,600. Tổ chức IOR là để giúp Giáo Hội. Các giám mục giáo phận, các nhân viên Vatican và các người chồng hay vợ góa của họ có quyền có trương mục. Những người khác, các tòa đại sứ không có quyền có trương mục. Nhà băng Vatican không phải dành cho mọi người. Và đóng trương mục của những người không có quyền là một việc tốt. Liên quan tới vụ 15 triệu Euros thì còn đang được cứu xét. Nó không rõ ràng. Có lẽ nó là sự thật, nhưng trong lúc này thì vấn đề chưa được xác định. Nó đang được cứu xét để công bằng.

Câu hỏi tiếp là của anh Sébastien Maillard, phóng viên của báo La Croix thuộc nhóm nói tiếng Pháp.

Hỏi: Sau vùng Trung Đông giờ đây chúng ta trở về Âu châu. Đức Thánh Cha có lo lắng vì phong trào Duy nhân dân đang gia tăng tại âu châu như được biểu lộ trong cuộc bỏ phiếu Quốc Hội Âu châu ngày hôm qua hay không?

Đáp: Trong những ngày này tôi đã có một ít giờ cầu nguyện với Kinh Lậy Cha, nhưng tôi không có tin tức về cuộc bầu cử, Tôi không có các dữ kiện, ai thắng ai không thăng. Nhưng mà duy nhân dân trong nghĩa nào?

Hỏi: Trong nghĩa ngày nay nhiều người dân Âu châu lo sợ, họ nghĩ rằng trong Âu châu không có tương lai. Có nhiều người thất nghiệp và đảng chống âu châu đã gia tăng mạnh trong lần bầu cử này…

Đáp: Đây là đề tài tôi đã nghe nói liên quan tới Âu châu, tin tưởng hay không tin tưởng nơi Âu châu, liên quan tới cả đồng Euro nữa. Có người muốn trở lại đàng sau… Tôi không hiểu nhiều lắm về các điều này. Nhưng anh đã cho tôi một từ chìa khóa: nạn thất nghiệp. Đây là điều trầm trọng. Điều trầm trọng, bởi vì tôi giải thích nó như thế này. Chúng ta đang sống trong một hệ thống kinh tế thế giới trong đó tiền bạc là trọng tâm, chứ không phải bản vị con người. Trong một hệ thống kinh tế đích thật con người phải là trung tâm. Nhưng ngày nay ở trung tâm có tiền bạc. Để duy trì điều này, để quân bằng thì phải tiến tới với các biện pháp ”loại bỏ”. Và người ta loại bỏ trẻ em. Mức sinh tại Âu châu không cao. Tôi tin rằng ở Italia được 1.2 %, Pháp được 2% hay hơn một chút, Tây Ban Nha còn thấp hơn Italia chỉ được 1%. Người ta loại bỏ các trẻ em, người ta loại bỏ người già: người già không hữu dụng, trong lúc này người ta còn thăm họ, vì họ đã về hưu và họ cần, nhưng là điều thêm vào thôi. Nhưng tại nhiều nước người ta loại bỏ người già cả với các tình trạng lén lút làm cho chết êm dịu nữa. Nghĩa là người ta cho thuốc mem cho tới một thời điểm nào đó thội. Và trong lúc này đây người ta loại bỏ người trẻ, và đây là điều vô cùng trầm trọng, vô cùng trầm trọng. Tại Italia tôi tin rằng số người trẻ thất nghiệp hầu như tới 40%, tôi không chắc; tại Tây Ban Nha tôi chắc chắn là 50%. Và trong vùng Andalusa nam Tây Ban Nha số người trẻ thất nghiệp là 60%. Điều này có nghĩa là cả một thế hệ của ”Không-không”, họ không học hành và không làm việc và đây là điều vô cùng trầm trọng. Người ta loại bỏ cả một thế hệ người trẻ. Đối với tôi nền văn hóa loại bỏ này rất trầm kha. Nhưng đây không phải chỉ là bên Âu châu mà thôi, mà ở khắp nơi, nhưng người ta cảm thấy nhiều hơn bên Âu châu. Nếu so sánh với nền văn hóa thoải mái cách đây 10 năm! Và đây là điều thê thảm. Đây là lúc khó khăn. Một nền kinh tế vô nhân. Tôi đã không sợ hãi viết trong tông huấn ”Niềm vui của Tin Mừng” rằng: hệ thống kinh tế này giết người. Và tôi lập lại điều đó. Tôi không biết tôi đã tới gần nỗi lo lắng cảu anh một chút hay chưa?

Chị Ilze Scamparini, phóng viên đài Rede Globo Brasil, hỏi Đức Thánh Cha.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha có đồng ý với việc trả lại thành Giêrusaelm cho người Palestine không? Làm thế nào để giải quyết ”vấn đề của thành Giêrusalem” hầu có được một nền hòa bình ổn định và lâu dài, như Đức Thánh Cha đã nói?

Đáp: Có nhiều đề nghị liên quan tới vấn đề Giêrusalem. Giáo Hội công giáo, Toà Thánh Vaticăng, có lập trường của mình trên bình diện tôn giáo: nó sẽ là thành phố của hòa bình của ba tôn giáo. Đó là trên bình diện tôn giáo. Các biện pháp cụ thể cho hòa bình cần được phát xuất từ việc thương thuyết. Phải thương thuyết. Tôi sẽ đồng ý điều phát xuất từ cuộc thương thuyết giả dụ như nó sẽ là thủ đô của nước này và nước kia. Tôi không nói rằng nó phải như vậy; không, đó là giả thuyết mà họ phải thương thảo. Thật thế tôi không cảm thấy mình là chuyên viên để nói rằng ”phải làm cái này cái nọ” nếu không sẽ thật là điên rồ! Nhưng tôi tin rằng cần phải bước vào cuộc thương thuyết với sự liêm chính, tình huynh đệ, sự tin tưởng lẫn nhau trên con đường thương thảo. Và trong đó cần phải thương lượng tất cả: toàn vùng đất và cả các tương quan với nhau nữa Cần phải có can đảm để làm điều đó. Tôi cầu xin Chúa rất nhiều để cho hai vị lãnh đạo, hai chính quyền có can đảm tiến tới. Đó là con đường duy nhất cho hòa bình. Còn Giêrusaelem thế này thế nọ, tôi chỉ nói điều Giáo Hội phải nói và đã luôn luôn nói: đó là ước gì Giêrusalem được giữ gìn như thủ đô của ba tôn giáo, như điểm quy chiếu, như một thành phố hòa bình – tôi cũng nghĩ tới từ thánh thiêng, nó không đúng – nhưng một thành phố hòa bình và tôn giáo.

Bài phỏng vấn còn các câu hỏi liên quan tới vấn đề linh mục có gia đình, tới chuyến viếng thăm Á châu và tình hình của các Kitô hữu khổ đau trong các nước không có tự do tôn giáo và tự do ngôn luận như Trung Cộng và Bắc Hàn, vấn đề từ nhiệm chức vụ Giáo Hoàng, việc phong chân phước cho Đức Pio XII, khả thể cho các tín hữu ly dị tái hôn rước lễ, và tiến trình cải tổ giáo triều Vatican. Chúng tôi sẽ gửi tới qúy vị và các bạn nội dung các câu trả lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong lần phát tới.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha mời gọi tín hữu cầu nguyện thật nhiều cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô, cho nền hòa bình tại Thánh Địa, vùng Trung Đông và trên toàn thế giới

Đức Thánh Cha mời gọi tín hữu cầu nguyện thật nhiều cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô, cho nền hòa bình tại Thánh Địa, vùng Trung Đông và trên toàn thế giới

Trong buổi tiếp kiến chung hơn 70,000 tín hữu sáng thứ tư 28-5-2014 tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tha thiết mời gọi tín hữu cầu nguyện thật nhiều cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô, cho nền hòa bình tại Thánh Địa, vùng Trung Đông và trên toàn thế giới.

Như qúy vị và các bạn đã biết, Đức Thánh Cha vừa mới công du ba nước Jordan, Palestine và Israel về, vì thế trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với các tín hữu một số cảm tưởng và tâm tình của ngài. Đức Thánh Cha đã không quên cám ơn các giới chức đạo đời, chính quyền Giordania, Palestine và Israel, cũng như tất cả mọi người đã cộng tác để chuyến viếng thăm được diễn ra thành công tốt đẹp.

Nhắc tới kỷ niệm chuyến viếng thăm và cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras tại Thánh Địa cách đây 50 năm, Đức Thánh Cha nói: Trong Công Đồng Chung Vaticăng II Đức Phaolô VI đã khai mạc các chuyến công du ngoài nước Italia của các Giáo Hoàng trong thời hiện đại. Cử chỉ ngôn sứ đó của Giám Mục Roma và Đức Thượng Phụ Costantinopoli đã đặt viên đá chỉ đường trên lộ trình đau khổ nhưng nhiều hứa hẹn của sự hiệp nhất giữa mọi kitô hữu, và từ đó tới nay đã có các bước tiến ý nghĩa. Vì thế cuộc gặp gỡ của tôi với Đức Thượng Phụ Bartolomaios, người anh em yêu mến trong Chúa Kitô, đã là cao điểm của chuyến viếng thăm. Chúng tôi đã cầu nguyện tại Mộ Chúa Giêsu cùng với Đức Thượng Phụ chính thống Giêrusalem Theophilos III và Đức Thượng Phụ Armeni Tông truyền Bourhan cũng như các Tổng Giám Mục và Giám Mục của các Giáo Hội khác nhau và các cộng đoàn, các giới chức chính quyền dân sự và nhiều tín hữu. Đức Thánh Cha chia sẻ cảm tưởng của ngài như sau:

Tại đây, nơi đã vang lên lời loan báo sự Phục Sinh, chúng tôi đã cảm thấy tất cả sự cay đắng và khổ đau của các chia rẽ còn hiện hữu giữa các môn đệ Chúa Kitô. Và điều này thật gây đau đớn, gây đau đớn cho con tim. Chúng ta còn chia rẽ. Tại nơi đã vang lên lời loan báo sự Phục Sinh, nơi Chúa Giêsu trao ban sự sống cho chúng ta, chúng ta còn một chút chia rẽ, nhưng nhất là trong buổi cử hành tràn đầy tình huynh đệ, qúy mến và tôn trọng nhau đó, chúng tôi đã cảm thấy mạnh mẽ tiếng nói của vị Mục Tử Nhân Lành Phục Sinh muốn làm cho tất cả mọi con chiên của Người thành một đoàn duy nhất; chúng tôi đã cảm thấy ước mong chữa lành các vết thương còn mở và kiên trì theo đuổi con đường hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn. Một lần nữa, như các vị Tiền Nhiệm đã làm, tôi xin lỗi vì những điều chúng ta đã làm để tạo ra sự chia rẽ này, và tôi xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta chữa lành các vết thương mà chúng ta đã gây ra cho các anh em khác. Chúng ta tất cả là anh em trong Chúa Kitô, và với Đức Thượng Phụ Bartolomaios chúng ta là bạn, là anh em, và chúng tôi đã chia sẻ ước muốn cùng nhau tiến bước, làm tất cả những gì có thể, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau làm việc cho đoàn chiên Chúa, tìm kiếm hòa bình, giữ gìn thụ tạo, chúng ta có chung biết bao nhiêu điều. Và như là anh em chúng ta phải tiến tới.

Một mục đích khác của chuyến hành hương này là khích lệ con đường tiến tới hòa bình trong vùng, là ơn của Thiên Chúa đồng thời cũng là dấn thân của con người. Tôi đã làm điều đó tại Jordan, tại Palestine và Israel. Và tôi đã luôn luôn làm điều đó như người hành hương, nhân danh Thiên Chúa và nhân danh con người, và mang theo trong tim một sự thương cảm lớn lao đối với các con cái của vùng Đất này đã sống trong chiến tranh từ qúa lâu rồi, và sau cùng họ có quyền biết tới hòa bình! Vì thế tôi đã khuyến khích các kitô hữu để cho mình được Chúa Thánh Thần ”xức dầu” với con tim rộng mở và ngoan ngoãn, để luôn có khả năng có các cử chỉ khiêm tốn, huynh đệ và hòa giải. Thần Khí cho phép có các thái độ đó trong cuộc sống thường ngày với các người của các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, và như thế trở thành những ”thủ công” của hòa bình. Hòa bình được làm một cách thủ công. Không có các kỹ nghệ chế tạo hòa bình. Nhưng người ta làm hòa bình mỗi ngày một cách thủ công, với con tim rộng mở để ơn của Thiên Chúa tới. Do đó tôi đã khích lệ các kitô hữu để cho mình được ”xức dầu”.

Tại Giordania tôi đã cám ơn chính quyền và nhân dân vì dấn thân của họ tiếp đón nhiều người tỵ nạn đến từ các vùng chiến tranh, một sự dấn thân nhân bản đáng được và đòi hỏi sự yểm trợ của cộng đồng quốc tế. Tôi đã rất bị ấn tượng bởi lòng quảng đại của nhân dân Giordania tiếp nhận người tỵ nạn, biết bao nhiêu người tỵ nạn trốn chạy chiến tranh, trong vùng này. Xin Chúa chúc lành, chúc lành thật nhiều cho dân tộc hiếu khách này. Và chúng ta phải cầu nguyện để Chúa chúc lành cho sự tiếp đón này và xin anh chị em hãy đòi hỏi tất cả các cơ cấu quốc tế trợ giúp dân tộc này trong công việc tiếp nhận của họ. Đức Thánh Cha cũng báo cho tín hữu biết sáng kiến của ngài như sau:

Trong chuyến hành hương tại những nơi khác tôi cũng đã khích lệ các chính quyền liên hệ theo đuổi các cố gắng để giảm bớt các căng thẳng trong vùng Trung Đông, nhất là tại vùng đất Siria bị bầm dập, cũng như tiếp tục tìm kiếm một giải pháp công bằng cho cuộc xung khắc giữa người Palestine và Israel. Vì thế tôi đã mời tổng thống Israel và tổng thống Palestine, cả hai là những người đích thật của hòa bình và tạo dựng hòa bình, đến Vaticăng để cùng tôi cầu nguyện cho hòa bình. Và tôi xin anh chị em đừng để chúng tôi một mình: xin anh chị em cầu nguyện, cầu nguyện nhiều để Chúa ban hòa bình cho chúng ta, ban hòa bình cho vùng đất được chúc phúc ấy! Tôi tin cậy nơi lời cầu nguyện của anh chị em. Hãy cầu nguyện mạnh mẽ, hãy cầu nguyện trong thời gian này, hãy cầu nguyện nhiều để hòa bình tới.

Chuyến hành hương Thánh Địa này cũng là dịp củng cố trong đức tin các cộng đoàn kitô, đang đau khổ qúa nhiều, và để bầy tỏ lòng biết ơn của toàn thể Giáo Hội đối với sự hiện diện của các kitô hữu trong vùng này và trong toàn vùng Trung Đông. Các anh chị em này của chúng ta là các chứng nhân can đảm của niềm hy vọng và tình bác ái, là ”muối đất và ánh sáng” trong vùng Đất này. Với cuộc sống đức tin và lời cầu nguyện của họ và với sinh hoạt giáo dục và bác ái quý báu, họ hoạt động cho sự hòa giải và tha thứ, góp phần vào thiện ích chung của xã hội.

Với chuyến hành hương này là một ơn đích thật của Chúa, tôi đã muốn đem tới một lời hy vọng, nhưng tới lượt mình tôi cũng đã nhận được một lời hy vọng! Tôi đã nhận được nó từ các anh chị em, hy vọng ”chống lại mọi hy vọng” (Rm 4,18), qua biết bao nhiêu khổ đau, như các nỗi khổ đau của người chạy trốn quê hương của mình vì các xung khắc; như các nỗi khổ đau của biết bao nhiêu người trong các vùng khác nhau trên thế giới này, bị kỳ thị và khinh rẻ vì niềm tin của họ nơi Chúa Kitô. Chúng ta hãy tiếp tục gần gũi họ! Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và cho nền hòa bình tại Thánh Địa và trong vùng Trung Đông. Ước chi lời cầu nguyện của toàn thể Giáo Hội cũng nâng đỡ con đường tiến về sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các kitô hữu, để thế giới tin vào tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng đã đến ở giữa chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô. Và giờ đây tôi mời tất cả anh chị em cùng tôi cầu xin Đức Bà, là Nữ Vương Hòa Bình, Nữ Vương sự hiệp nhất giữa các tín hữu kitô, là ”Mẹ” của tất cả mọi kitô hữu: xin Mẹ ban hòa bình cho chúng ta, và cho toàn thế giới, và xin Mẹ đồng hành với chúng ta trên con đường hiệp nhất.

Rồi Đức Thánh Cha đã cùng tín hữu đọc một kinh Kính Mừng cho ý chỉ này.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương bắc Mỹ và Tây Âu cũng như các nhóm hành hương đến từ các nước xa như Australia, Nam Phi, Philippines, Indonesia, Mexico, Argentina và Brazil. Đức Thánh Cha đã đặc biệt cám ơn các đoàn hành hương Giordania và Israel vì sự tiếp đón quảng đại và nồng hậu dành cho ngài trong chuyến tông du vừa qua. Ngài giữ gìn các kỷ niệm ấy trong tim và xin Chúa ban cho họ tràn đầy phước lộc, thịnh vượng và một nền hòa bình lâu bền.

Chào các đoàn hành hương Italia, đặc biệt là giới trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết tháng 5 kính Đức Mẹ sắp kết thúc. Ngài xin người trẻ biết chạy đến ẩn náu nơi Đức Mẹ khi gặp khó khăn, người đau yếu can đản đương đầu với thập giá mỗi ngày lấy Đức Mẹ làm điểm quy chiếu. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới biến gia đình thành tổ ấm cầu nguyện và thông cảm lẫn nhau.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Lo ngại về tình hình sức khoẻ của Đức Giáo Hoàng

Lo ngại về tình hình sức khoẻ của Đức Giáo Hoàng

Edward Pentin cho Newsmax

Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt đầu chuyến công du Đất Thánh hôm thứ Bảy với lịch trình công việc dày đặc mà một người khoẻ mạnh cũng có thể khó khăn, nội bộ Vatican cũng đặt ra những vấn đề về sức khỏe của Đức Giáo Hoàng.

Một số người bên trong Tòa Thánh đang trao đổi với nhau những quan tâm về tình trạng sức khoẻ của Đức Phanxicô và hỏi liệu Ngài có làm việc quá sức.

Chưa đầy hai năm trước khi được bầu làm Giáo Hoàng, vị Giáo Hoàng 77 tuổi có phong thái khoẻ mạnh linh hoạt mà một người dù bằng nửa tuổi của Ngài cũng khó có thể bắt kịp.

Nhưng những người quan sát kỹ hơn thì lưu ý rằng cơ thể Đức Giáo Hoàng có thể khó theo kịp năng lực và sức sống trẻ trung của Ngài, đặc biệt Ngài chỉ có một lá phổi.

Khi còn là một đứa trẻ tại Argentina, trước khi có sự tiến bộ của thuốc kháng sinh, Đức Giáo Hoàng đã bị nhiễm trùng khiến bác sĩ phải phẫu thuật loại bỏ hầu hết một lá phổi.

Qua nhiều năm, điều đó có vẻ ổn, nhưng gần đây Đức Giáo Hoàng đã hủy một số cuộc tiếp kiến vì lý do sức khỏe.

Mặc dù đã lên kế hoạch từ nhiều tháng trước, nhưng Đức Giáo Hoàng tuần trước đã phải huỷ chuyến thăm dự kiến vào ​​ngày 18-5 đến Đền Đức Mẹ Divino Amore ở ngoại ô Rôma. Mục đích chuyến thăm nhằm “soi sáng các cam kết” của Đức Giáo Hoàng trước chuyến thăm Đất Thánh, nhưng sau chuyến đi phải hủy vào cuối tuần vì Đức Giáo Hoàng bị cảm lạnh.

Đây không phải là lần duy nhất cuộc hẹn bị trì hoãn hoặc hủy bỏ trong những tháng gần đây.

Vào ngày 28-2, Đức Phanxicô huỷ chuyến thăm Đại Chủng viện Rôma vì bị “sốt nhẹ.”

Trước đó, đầu tháng Mười Hai, Ngài buộc phải hủy vào phút cuối cùng cuộc họp tại Vatican với Đức Hồng Y Angelo Scola, Tổng Giám mục Milan cùng phái đoàn đến dự triển lãm năm 2015. Vatican cho biết Đức Giáo Hoàng “bị mệt” sau buổi tiếp kiến ​​chung tại quảng trường Thánh Phêrô, trong đó Ngài đã chào các tín hữu trong gần ba giờ đồng hồ.

Đức Hồng y Ấn Độ Telesphore Toppo Placidus, Tổng Giám mục Giáo phận Ranchi, nói với nhật báo Libero tiếng Ý rằng ngài đã dâng lễ đồng tế với Đức Giáo Hoàng vài ngày vào mùa hè năm ngoái và thấy Đức Giáo Hoàng “rất mệt mỏi.”

Ngài nói thêm: “Tôi thật sự không biết Đức Giáo Hoàng có thể duy trì cường độ làm việc như thế này trong bao lâu”.

Tháng Chín năm ngoái, tạp chí Argentina Noticias cho biết, bác sĩ riêng của Đức Giáo Hoàng tại Argentina nói ông “lo ngại” về sức khỏe bệnh nhân.

“Tôi tin là có điều gì đó không ổn”, Liu Ming, bác sĩ người Hoa theo đạo Lão trước đây đã giúp chữa cho Đức Giáo Hoàng các vấn đề về tim và gan bằng phương pháp châm cứu và các cách điều trị phương Đông khác nói.

Nhưng phát ngôn viên Vatican cha Federico Lombardi trấn an mọi lo ngại. Chuyến thăm đến đền Đức Mẹ Divino Amore sẽ có thể “rất khó khăn” vì Đức Phanxicô thông thường muốn gặp nhiều người và các đoàn thể. “Tôi nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng nghĩ: ‘Vâng, chúng ta có thể làm điều đó vào dịp khác,’ và không nên quá quan tâm về việc đó”, cha nói.

Một vài người gần Đức Giáo Hoàng cho biết họ thấy Ngài khó thở, và trong thời gian 14 tháng làm giáo hoàng, Ngài đã tăng cân đáng kể, có lẽ gần đến 20 pound.

Nguồn: Newsmax

Trích từ UCANEWS VN

Phòng Tiệc Ly là nơi Giáo Hội khai sinh và từ đó chảy ra con suối bác ái trở thành dòng sông lớn

Phòng Tiệc Ly là nơi Giáo Hội khai sinh và từ đó chảy ra con suối bác ái trở thành dòng sông lớn

Phòng Tiệc Ly là nơi Giáo Hội khai sinh và từ đó chảy ra con suối bác ái trở thành dòng sông lớn. Nó nhắc nhớ hy lễ, việc phục vụ, tình bạn, sự chia sẻ, tình huynh đệ, sự hòa hợp và bình an. Từ Phòng Tiệc Ly Giáo Hội đã khởi hành với Bánh được bẻ ra giữa các bàn tay, với các vết thương của Chúa Giêsu trong đôi mắt, và Chúa Thánh Thần tình yêu trong con tim.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ đồng tế với các Hồng Y, Thượng Phụ và Giám Mục trong Phòng Tiệc Ly lúc 17 giờ 20 chiều thứ hai 26-5-2014. Đây cũng là Sinh hoạt cuối cùng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày thứ ba viếng thăm Thánh Địa.

Sau khi gặp các linh mục tu sĩ nam nữ trong Vương cung thánh đường Giệtsêmani, Đức Thánh Cha đã trồng một cây ô liu bên cạnh cây ô liu Đức Phaolô VI đã trồng cách đây 50 năm trong vườn Cây Dầu. Tiếp đến ngài đã đi xe tới Phòng Tiệc Ly nằm cách đó 2 cây số trong thành cổ Giêrusalem.

Phòng Tiệc Ly là chiếc nôi của Giáo Hội khai sinh, nơi Chúa Giêsu Kitô đã thành lập chức Linh Mục, các Bí tích Thánh Thể và Hòa Giải. Từ ”Coenaculum” tiếng La tinh ám chỉ nơi dùng bữa tối, nhưng nói chung nó ám chỉ tầng trên nơi tiếp khách trong nhà. Sự xác thực của Phòng Tiệc Ly đã rất cổ xưa, từ thế kỷ thứ III. Vào thế kỷ thứ IV có một nhà thờ mới được xây gần Phòng Tiệc Ly gọi là nhà thờ ”Thánh Sion”. Năm 614 nhà thờ này bị người Hồi tàn phá, khi người Hồi xâm lăng Thánh Địa. Nó được tái thiết rồi lại bị người Hồi phá hủy. Khi Đạo Binh Thập Tự tới Thánh Địa, nhà thờ ở trong tình trạng đổ nát, chỉ trừ nhà nguyện nguyện hai tầng của Phòng Tiệc Ly. Đạo Binh Thập Tự Kitô đã xây một vương cung thánh đường ba gian dọc gồm ”Phòng bên trên, tức Nhà nguyện Tiệc Ly, ”nơi Đức Maria ngủ” và một nhà nguyện bên dưới kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ.

Năm 1187 thành Giêrsusalem bị thất thủ và rơi vào tay Saladino. Người Hồi cho phép kitô hữu hành hương thăm viếng và các linh mục có thể cử hành thánh lễ trong Phòng Tiệc Ly. Khi các tu sĩ Phanxicô tới Thánh Địa năm 1335 vương cung thánh đường do Đạo binh Thập tự xây bị bỏ hoang và hầu như bị tàn phá hoàn toàn. Sau nhiều thương thuyết dài và khó khăn với Sultan Ai Cập và trả một số tiền rất lớn, vua Roberto của vương quốc Napoli và hoàng hậu Sancia đã thành công trong việc giao cho các tu sĩ dòng Phanxicô trông coi Nhà Tiệc Ly. Các tu sĩ tái thiết với sự trợ giúp của các nghệ sĩ đảo Chypre, theo mô hình đầu tiên hai tầng. Các tu sĩ cũng xây một tu viện bên cạnh cho các anh em đặc trách quản trị các nơi thánh tại Giêrusalem và Bếtlêhem. Cha bề trên tu viện được nhận chức là ”Người canh giữ Núi Sion”.

Năm 1524 người Hồi chiếm các phòng bên dưới Phòng Tiệc Ly, vì cho đó là ”Mộ của ngôn sứ Đavít”. Tiếp đến đế quốc Ottoman ra sắc lệnh lấy lại cả Phòng Tiệc Ly ở tầng trên, và buộc các tu sĩ Phanxicô phải bỏ cả tu viện bên cạnh. Phòng Tiệc Ly bị biến thành đền thờ Hồi giáo, và chính quyền hồi cấm các kitô hữu lui tới nơi này.

Trong phòng bên dưới có một mộ kỷ niệm không hài cốt gọi là ”Mộ vua Đavít”, là đích điểm hành hương của tín hữu Do thái có khuynh hướng quốc gia, cả khi thiếu nền tảng lịch sử và khảo cổ liên quan tới mộ vua Đavít tại đây. Nhà nguyện phía trước, xưa kia là nhà nguyện ghi nhớ biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, biến thành hội đường do thái.

Nhà nguyện Tiệc Ly bên trên dài 15,3 mét rộng 9,4 mét được tái thiết theo kiểu Gôtích hồi thế kỷ XIV, có một cầu thang nối liền tầng dưới với tầng trên gồm 8 bậc dẫn lên nhà nguyện kỷ niệm biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống. Người ta cũng thấy cái ”Mihrab” xây năm 1929, khi nhà nguyện bị biến thành đền thờ Hồi giáo, chỉ cho tín hữu Hồi giáo thấy hướng thành phố La Mecca. Đức Phaolô VI đã cầu nguyuện tại đây ngày mùng 5 tháng giêng năm 1964, Đức Gioan Phaolô II đã dâng thánh lễ tại đây ngày 23 tháng 3 năm 2000, và Đức Biển Đức XVI ngày 12 tháng 5 năm 2009.

Hiện nay Phòng Tiệc Ly là sở hữu của chính quyền Israel, nhưng nằm dưới quyền tài phán của Ủy ban hồi quản trị các nơi thánh Hồi giáo của Giordania và chỉ được dùng cho cac lễ nghi tôn giáo, và vua Abdullah II là thủ lãnh tối cao của Ủy ban này.

Các tu sĩ Phanxicô đã dọn một bàn thờ với các ghế cho các vị đồng tế. Giảng trong thánh lễ kính Chúa Thánh Thần Đức Thánh Cha nói:

Anh em thân mến, thật là một ơn lớn lao Chúa ban cho chúng ta, được tụ họp nhau nơi đây trong Phòng Tiệc Ly để cử hành Bí tích Thánh Thể. Nơi đây Chúa Giêsu đã ăn bữa Tiệc Chiều sau hết với các Tông Đồ; nơi ngài đã hiện ra giữa các vị sau khi sống lại; nơi Chúa Thánh Thần đã hiện xuống với quyền lực trên Mẹ Maria và các môn đệ. Đây là nơi Giáo Hội sinh ra và ra đi. Từ đây Giáo Hội đã khởi hành với Bánh được bẻ ra giữa các bàn tay, với các vết thương của Chúa Giêsu trong đôi mắt, và Chúa Thánh Thần tình yêu trong con tim. Chúa Giêsu phục sinh được Chúa Cha gửi đến trong Phòng Tiệc Ly thông truyển cho các Tông Đồ cùng Thần Khí của Người, và với sức mạnh này Ngài gửi các vị ra đi canh tân gương mặt của trái đất (x. Tv 104,30).

Đi ra, khởi hành không có nghĩa là quên lãng. Giáo Hội đi ra giữ gìn ký ức những điều đã xảy ra; Chúa Thánh Thần nhắc cho Giáo Hội nhớ từng lời nói, từng cử chỉ và vén mở ý nghĩa của chúng. Phòng Tiệc Ly nhắc cho chúng ta biết việc phục vụ và rửa chân mà Chúa Giêsu đã thành toàn, như mẫu gương cho các môn đệ Người. Rửa chân cho nhau có nghĩa là tiếp đón nhau, chấp nhận nhau, yêu thương nhau, phục vụ lẫn nhau. Có nghĩa là phuc vụ người nghèo, người đau yếu, người bị loại trừ. Với Thánh Thể Phòng Tiệc Ly nhắc chúng ta nhớ tới hy lễ. Trong mỗi buổi cử hành Thánh Thể Chúa Giêsu tự hiến cho Thiên Chúa Cha vì chúng ta, để chúng ta cũng có thể hiệp nhất với Người, dâng cuộc sống, công việc làm, các vui buồn khổ đau của chúng ta cho Thiên Chúa, dâng mọi sự như hy lễ tinh thần.

Phòng Tiệc Ly nhắc chúng ta nhớ tới tình bạn. Chúa Giêsu nói với nhóm Mười Hai: ”Thầy không gọi các con là tôi tớ… nhưng là bạn hữu” (Ga 15,15). Chúa làm cho chúng ta trở thành bạn của Người, ký thác cho chúng ta ý muốn của Thiên Chúa Cha và ban chính Người cho chúng ta. Đó là kinh nghiệm đẹp nhất của kitô hữu, và một cách đặc biệt của linh mục: trở thành bạn của Chúa Giêsu.

Tiếp tục bài giảng thánh lễ cử hành trong Phòng Tiệc Ly Đức Thánh Cha nói: Phòng Tiệc Ly nhắc nhớ cuộc từ biệt và lời hứa gặp lại các bạn của Người: ”Khi Thầy sẽ đi rồi…. Thầy sẽ lại đến và đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó” (Ga 14,3). Chúa Giêsu không rời chúng ta, Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Người đi trước chúng ta trong nhà của Chúa Cha và Người muốn đem chúng ta tới đó. Tuy nhiên Phòng Tiệc Ly cũng nhằc nhớ tới điều tiêu cực, Đức thánh Cha nói:

Nhưng Phòng Tiệc Ly cũng nhắc nhớ sự nhỏ nhen, tính tò mò ”ai là người phản bội?”, sự phản bội. Và mọi người trong chúng ta, chứ không luôn luôn phải là người khác, có thể sống lại các thái độ này, khi chúng ta nhìn người anh em với sự tự mãn, khi chúng ta phán xét họ, khi chúng ta phản hội Chúa Giêsu với các tội lỗi của chúng ta.

Phòng Tiệc Lỵ nhắc nhở sự chia sẻ, tình huynh đệ, sự hòa hợp, sự bình an giữa chúng ta. Đã có biết bao nhiêu tình yêu thương, biết bao nhiêu điều thiện đã nảy sinh từ Phòng Tiệc Ly! Biết bao nhiêu bác ái đã xuất phát từ đây, như một dòng sông chảy từ nguồn, ban đầu chỉ là một con suối nhỏ rồi lan rộng và trở thành con sông lớn… Tất cả các Thánh đã kín múc từ đây; dòng sông lớn sự thánh thiên của Giáo Hội luôn luôn bắt nguồn từ đây, luôn luôn mới mẻ, từ Trái Tim Chúa Kitô, từ Thánh Thể, từ Thần Khí Thánh của Người.

Sau cùng Phòng Tiệc Ly nhắc chúng ta nhớ tới sự khai sinh của gia đình mới, Giáo Hội, do Chúa Giêsu phục sinh thành lập. Một gia đình có một Bà Mẹ là Đức Trinh Nữ Maria. Các gia đình kitô thuộc đại gia đình này, và tìm thấy trong đó ánh sáng và sức mạnh để bước đi và canh tân, qua các nhọc mệt và thử thách của cuộc sống. Tất cả mọi con cái Thiên Chúa thuộc mọi dân tộc và ngôn ngữ đều được mời gọi thuộc gia đình này, tất cả là anh em và là con cái của một Cha duy nhất ở trên trời. Đó là chân trời của Phòng Tiệc Ly: chân trời của Chúa phục sinh và của Giáo Hội.

Từ đây Giáo Hội ra đi, được linh hoạt bởi Thần Khí. Tụ tập cầu nguyện với Mẹ Chúa Giêsu, Giáo Hội luôn sống trở lại sự chờ đợi Thánh Thần được tuôn đổ xuống một lần nữa: Lậy Chúa, xin Thần Khí Chúa xuống và canh tân mặt đầt (c. Tv 104,30).

Sau Thánh Lễ Đức Thánh Cha đã bắt tay chào các tu sĩ nam nữ và giáo dân hiện diện bên ngoài, kể cả mấy cảnh sát. Tiếp đến ngài đi xe đến núi Scopus cách đó 5 cây số để lấy trực thăng bay về phi trường Ben Gourion ở Tel Aviv. Tại đây lễ nghi từ biệt đã diễn ra lúc 8 giờ chiều. Đức Thánh Cha, tổng thống Perez và Thủ tướng Netanyahu đã duyệt hàng chào danh dự. Đức Thánh Cha đã bắt tay từ biệt các giới chức đạo đời và cả các cảnh sát viên và nhân viên phục vụ phi trường.

Tổng thống và Thủ tướng Israel đã tiễn Đức Thánh Cha tới tận chân thang máy bay. Khi bắt tay từ biệt Đức Thánh Cha Thủ tướng Netanyahu đã nói: ”Xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho chúng tôi, và chúng tôi cũng cầu nguyện cho ngài”. Lên tới cửa máy bay Đức Thánh Cha còn quay lại giơ tay chào mọi người. Ngài bắt tay các nhân viên phi hành đoàn trước khi vào ghế ngồi. Trong khi chờ đợi máy bay cất cánh, ống kính đài truyền hình Israel cho thấy Đức Thánh Cha đọc báo. Chiếc máy bay của hãng hàng không El Al B777 của Israel đã rời phi trường Tel Aviv lúc 8 giờ 20 tối thứ hai và đáp xuống phi trường Ciampino lúc 11 giờ đêm. Từ đó Đức Thánh Cha đã đi trực thăng về Vaticăng kết thúc chuyến viếng thăm Thánh Địa ba ngày.

*** Tuy chương trình ba ngày viếng thăm dầy đặc và khá mệt mỏi nhưng trên đường về Roma Đức Thánh Cha cũng đã dành cho các nhà báo một cuộc phỏng vấn đài 50 phút vế tất cả mọi vấn đề. Cha Lombardi Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh đã cám ơn Đức Thánh Cha dành thời giờ cho các nhà báo sau chuyến viếng thăm mệt nhọc này. Chị Cristina Caricato thuộc đài truyền hình 2000 đã hỏi Đức Thánh Cha:

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, trong các ngày qua Đức Thánh Cha có các cử chỉ được chú ý trên toàn thế giới: đặt tay trên bức tường tại Bếtlehem, làm dấu thánh giá, ôm hôn những người do thái sống sót của các trại tập trung tại Yad Vashem, ôm hôn Đức Thượng Phụ Bartolomaios và các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô khác tại Thánh Mộ. Đức Thánh Cha đã nghĩ trước và muốn có các cử chỉ đó hay sao, và đâu sẽ là các kết qủa của chúng ngoài cử chỉ rất lớn là đã mời hai tổng thổng Perez và Abu Mazen tới Vatican?

Đáp: Các cử chỉ chân thực nhất là các cử chỉ không được nghĩ trước, nhưng chúng tới. Tôi đã nghĩ ”Có thể làm một cái gì đó”, nhưng các cử chỉ cụ thể thì không có cử chỉ nào được nghĩ trước cả. Vài cử chỉ như cử chỉ mời hai tổng thống tham dự buổi cầu nguuện chung thì có được nghĩ là làm ở đó, nhưng có biết bao nhiêu vấn đề khung cảnh nơi chốn phải để ý, và không phải là điều dễ. Tôi có nghĩ một chút tới vấn đề này, nhưng sau cùng thì xảy ra điều mà tôi hy vọng là tốt. Nhưng chúng đã không được nghĩ và tính toán trước. Tôi thấy cần phải làm điều gì đó, nhưng nó tự phát, thế thôi. Ít nhất nói thật ra thì tôi nghĩ ”có thể làm một cái gì đó”, nhưng cụ thể thì không. Chẳng hạn tại đài tưởng niệm Yad Vashem, không có gì hết, nhưng rồi nó tới. Và như vậy đó.

Câu thứ hai của anh Frank Rocca, nhà báo hãng tin công giáo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đại diện nhóm nói tiếng Anh.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã có những lời lẽ rất mạnh mẽ chống lại việc lạm dụng tính dục của trẻ em vị thành niên từ phía hàng giáo sĩ, các linh mục. Đức Thánh Cha đã thành lập một Ủy ban đặc biệt để đương đầu với vần đề này trên bình diện Giáo Hội hoàn vũ. Chúng ta biết rằng trên thực tế trong tất cả mọi Giáo Hội địa phương có các điều luật bắt buộc luân lý và pháp luật cộng tác với các chính quyền dân sự cách này hay cách khác. Nhưng nếu có một Giám Mục không tuân hành các đòi buộc này thì Đức Thánh Cha sẽ giải quyết ra sao: bó buộc vị ấy từ nhiệm, hay có các hình phạt khác? Trong cụ thể làm thế nào để có kỷ luật?

Đáp: Bên Argentina chúng tôi thường nói với những người có đặc quyền đặc lợi: ”Người này là một con ông cháu cha đó”. Nhưng trong vấn đề này thì sẽ không có ”con ông cháu cha” đâu. Trong lúc này có ba Giám Muc đang bị điều tra, và một vị đã bị kết án, và người ta đang lượng định hình phạt cần đưa ra. Không có các đặc quyền đặc lợi. Lạm dụng tính dục các trẻ vị thành niên là một tội thật xấu xa hết sức, chúng ta biết đó là một vấn đề nghiêm trọng khắp nơi, nhưng tôi chỉ chú ý tới Giáo Hội. Một linh mục làm điều đó là phản bội Thân Mình của Chúa, bởi vì linh mục ấy phải đưa bé trai, bé gái, thanh niên, thiếu nữ này tới với sự thánh thiện, vì các em tin tưởng vị linh mục. Nhưng thay vì dẫn đưa chúng tới sự thánh thiện thì lại lạm dụng chúng. Đây là điều rất trầm trọng. Cũng y như – tôi chỉ so sánh thôi – cũng y như cử hành một lễ đen vậy, chẳng hạn. Cần phải đưa nó tới sự thánh thiện, thì lại đưa nó tới một vấn đề kéo dài suốt đời. Tuần tới ngày mùng 6 mùng 7 hay ngày mùng 3 tháng 6 sẽ có thánh lễ tại nhà trọ Santa Marta với 6, 7 nạn nhân bị lạm dụng tính dục: hai người từ Đức, hai người từ Anh hay Ai Len tôi không biết rõ, sẽ là 8 người với Đức Hồng Y O'Malley thuộc Ủy ban này: tôi sẽ gặp riêng họ. Liên quan tới điều này phải tiến tới. Và không có sự nhân nhượng.

Câu hỏi thứ ba của anh Eusebio Val phóng viên báo ”LaVanguardia” nhật báo lớn nhất tại Barcelona, đại diện cho nhóm nói tiếng Tây Ban nha.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, ngay từ ngày đầu sứ vụ Đức Thánh Cha đã gióng sứ điệp của một Giáo Hội nghèo và cho người nghèo, nghèo trong sự đơn sơ và khổ hạnh. Nhưng đôi khi chúng con trông thấy các gương mù gương xấu chẳng hạn như vụ căn hộ của Đức Hồng Y Bertone, hay buổi lễ ngày phong Thánh hoặc trở lại với chuyện liên quan tới Đức Hồng Y Bertone, sự hỗn loạn của Viện giáo vụ hay nhà băng Vaticăng liên quan tới 15 triệu Euros… Đức Thánh Cha nghĩ sao? Phải làm sao để đừng có các mâu thuẫn chống lại sứ điệp của sự khắc khổ?

Đáp: Có một lần Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ Người trong Phúc Âm: ”Không thể tránh được các gương mù gương xấu. Chúng ta là người, tất cả là người tội lỗi. Và sẽ có các gương mù gương xấu. Vấn đề là tránh để đừng xảy ra nhiều gương mù gương xấu hơn. Trong việc quản trị kinh tế cần có sự liêm chính và trong sáng. Hai ủy ban: ủy ban nghiên cứu Viện giáo vụ IOR và Ủy ban nghiên cứu mọi vấn đề của thành Vaticăng đã đưa ra các kết luận và đưa ra các chương trình hành động. Giờ đây với Văn phòng thư ký kinh tế do Đức Hồng Y Pell làm chủ tịch, các cải tổ do hai ủy ban cố vấn sẽ được thực thi. Nhưng có các việc không ăn khớp, và sẽ luôn có các việc không ăn khớp, bởi vì chúng ta là người, nhưng việc cải tổ phải được tiếp tục.

Các Giáo Phụ đã nói: ”Ecclesia semper reformanda” Giáo Hội luôn luôn cải cách. Chúng ta phải chú ý cải tổ Giáo Hội mỗi ngày, bởi vì chúng ta tội lỗi, chúng ta yếu đuối, và sẽ có các vấn đề. Việc quản trị mà Văn phòng thư ký kinh tế đang làm sẽ giúp minh nhiên các gương mù gương xấu, các vấn đề… Chẳng hạn trong Viện giáo vụ tức nhà băng Vaticăng tôi tin là ở thời điểm này chúng đã được đóng lại. Số người không có quyền mở trương mục là 1.600. Tổ chức IOR là để giúp Giáo Hội. Các giám mục giáo phận, các nhân viên Vaticăng và các người chồng hay vợ góa của họ có quyền có trương mục. Những người khác, các tòa đại sứ không có quyền có trương mục. Nhà băng Vaticăng không phải dành cho mọi người. Và đóng trương mục của những người không có quyền là một việc tốt. Liên quan tới vụ 15 triệu Euros thì còn đang được cứu xét. Nó không rõ ràng. Có lẽ nó là sự thật, nhưng trong lúc này thì vấn đề chưa được xác định. Nó đang được cứu xét để công bằng.

Câu hỏi tiếp là của anh Sébastien Maillard, phóng viên của báo La Croix thuộc nhóm nói tiếng Pháp.

Hỏi: Sau vùng Trung Đông giờ đây chúng ta trở về Âu châu. Đức Thánh Cha có lo lắng vì phong trào Duy nhân dân đang gia tăng tại âu châu như được biểu lộ trong cuộc bỏ phiếu Quốc Hội Âu châu ngày hôm qua hay không?

Đáp: Trong những ngày này tôi đã có một ít giờ cầu nguyện với Kinh Lậy Cha, nhưng tôi không có tin tức về cuộc bầu cử, Tôi không có các dữ kiện, ai thắng ai không thăng. Nhưng mà duy nhân dân trong nghĩa nào?

Hỏi: Trong nghĩa ngày nay nhiều người dân Âu châu lo sợ, họ nghĩ rằng trong Âu châu không có tương lai. Có nhiều người thất nghiệp và đảng chống âu châu đã gia tăng mạnh trong lần bầu cử này…

Đáp: Đây là đề tài tôi đã nghe nói liên quan tới Âu châu, tin tưởng hay không tin tưởng nơi Âu châu, liên quan tới cả đồng Euro nữa. Có người muốn trở lại đàng sau… Tôi không hiểu nhiều lắm về các điều này. Nhưng anh đã cho tôi một từ chìa khóa: nạn thất nghiệp. Đây là điều trầm trọng. Điều trầm trọng, bởi vì tôi giải thích nó như thế này. Chúng ta đang sống trong một hệ thống kinh tế thế giới trong đó tiền bạc là trọng tâm, chứ không phải bản vị con người. Trong một hệ thống kinh tế đích thật con người phải là trung tâm. Nhưng ngày nay ở trung tâm có tiền bạc. Để duy trì điều này, để quân bằng thì phải tiến tới với các biện pháp ”loại bỏ”. Và người ta loại bỏ trẻ em. Mức sinh tại Âu châu không cao. Tôi tin rằng ở Italia được 1,2 %, Pháp được 2% hay hơn một chút, Tây Ban Nha còn thấp hơn Italia chỉ được 1%. Người ta loại bỏ các trẻ em, người ta loại bỏ người già: người già không hữu dụng, trong lúc này người ta còn thăm họ, vì họ đã về hưu và họ cần, nhưng là điều thêm vào thôi. Nhưng tại nhiều nước người ta loại bỏ người già cả với các tình trạng lén lút làm cho chết êm dịu nữa. Nghĩa là người ta cho thuốc mem cho tới một thời điểm nào đó thội. Và trong lúc này đây người ta loại bỏ người trẻ, và đây là điều vô cùng trầm trọng, vô cùng trầm trọng. Tại Italia tôi tin rằng số người trẻ thất nghiệp hầu như tới 40%, tôi không chắc; tại Tây Ban Nha tôi chắc chắn là 50%. Và trong vùng Andalusa nam Tây Ban Nha số người trẻ thất nghiệp là 60%. Điều này có nghĩa là cả một thế hệ của ”Không-không”, họ không học hành và không làm việc và đây là điều vô cùng trầm trọng. Người ta loại bỏ cả một thế hệ người trẻ. Đối với tôi nền văn hóa loại bỏ này rất trầm kha. Nhưng đây không phải chỉ là bên Âu châu mà thôi, mà ở khắp nơi, nhưng người ta cảm thấy nhiều hơn bên Âu châu. Nếu so sánh với nền văn hóa thoải mái cách đây 10 năm! Và đây là điều thê thảm. Đây là lúc khó khăn. Một nền kinh tế vô nhân. Tôi đã không sợ hãi viết trong tông huấn ”Niềm vui của Tin Mừng” rằng: hệ thống kinh tế này giết người. Và tôi lập lại điều đó. Tôi không biết tôi đã tới gần nỗi lo lắng cảu anh một chút hay chưa?

Chị Ilze Scamparini, phóng viên đài Rede Globo Brasil, hỏi Đức Thánh Cha.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha có đồng ý với việc trả lại thành Giêrusaelm cho người Palestine không? Làm thế nào để giải quyết ”vấn đề của thành Giêrusalem” hầu có được một nền hòa bình ổn định và lâu dài, như Đức Thánh Cha đã nói?

Đáp: Có nhiều đề nghị liên quan tới vấn đề Giêrusalem. Giáo Hội công giáo, Toà Thánh Vaticăng, có lập trường của mình trên bình diện tôn giáo: nó sẽ là thành phố của hòa bình của ba tôn giáo. Đó là trên bình diện tôn giáo. Các biện pháp cụ thể cho hòa bình cần được phát xuất từ việc thương thuyết. Phải thương thuyết. Tôi sẽ đồng ý điều phát xuất từ cuộc thương thuyết giả dụ như nó sẽ là thủ đô của nước này và nước kia. Tôi không nói rằng nó phải như vậy; không, đó là giả thuyết mà họ phải thương thảo. Thật thế tôi không cảm thấy mình là chuyên viên để nói rằng ”phải làm cái này cái nọ” nếu không sẽ thật là điên rồ! Nhưng tôi tin rằng cần phải bước vào cuộc thương thuyết với sự liêm chính, tình huynh đệ, sự tin tưởng lẫn nhau trên con đường thương thảo. Và trong đó cần phải thương lượng tất cả: toàn vùng đất và cả các tương quan với nhau nữa Cần phải có can đảm để làm điều đó. Tôi cầu xin Chúa rất nhiều để cho hai vị lãnh đạo, hai chính quyền có can đảm tiến tới. Đó là con đường duy nhất cho hòa bình. Còn Giêrusaelem thế này thế nọ, tôi chỉ nói điều Giáo Hội phải nói và đã luôn luôn nói: đó là ước gì Giêrusalem được giữ gìn như thủ đô của ba tôn giáo, như điểm quy chiếu, như một thành phố hòa bình – tôi cũng nghĩ tới từ thánh thiêng, nó không đúng – nhưng một thành phố hòa bình và tôn giáo.

Bài phỏng vấn còn các câu hỏi liên quan tới vấn đề linh mục có gia đình, tới chuyến viếng thăm Á châu và tình hình của các Kitô hữu khổ đau trong các nước không có tự do tôn giáo và tự do ngôn luận như Trung Cộng và Bắc Hàn, vấn đề từ nhiệm chức vụ Giáo Hoàng, việc phong chân phước cho Đức Pio XII, khả thể cho các tín hữu ly dị tái hôn rước lễ, và tiến trình cải tổ giáo triều Vatican. Chúng tôi sẽ gửi tới qúy vị và các bạn nội dung các câu trả lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong lần phát tới.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha Phanxicô mời tổng thống Mahmoud Abbas và Simon Perez tham dự cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình tại Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô mời tổng thống Mahmoud Abbas và Simon Perez tham dự cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình tại Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô mời tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Israel Simon Perez tham dự một cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình với ngài tại Vatican. Ngài khích lệ hai chính quyền can đảm cương quyết gia tăng các nỗ lực để đem lại hòa bình cho hai dân tộc trong hai quốc gia độc lập, cùng chung sống trong tự do, an ninh, hòa bình, trong tình huynh đệ và tôn trọng các quyền của nhau, cũng như trở thành mô thức sống chung hòa bình cho các vùng bị khủng hoảng trên toàn thế giới.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong thánh lễ cử hành tại quảng trường Vương cung thánh đường Giáng Sinh ở Bếtlêhem sáng Chúa Nhật 25-5-2014.

Chúa Nhật 25-5-2014 Đức Thánh Cha đã viếng thăm vùng đất của người Palestine và đã có năm sinh hoạt chính: gặp gỡ giới lãnh đạo Palestine, chủ sự thánh lễ cho tín hữu tại quảng trường trước Vương cung thánh đường Giáng Sinh ở Bếtlehem và chào thăm các trẻ em tỵ nạn. Tiếp đến Đức Thánh Cha đến Tel Aviv và vào ban chiều ngài chủ sự buổi cử hành đại kết trong Vương cung thánh đường Thánh Mộ. Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của Đức Thánh Cha.

Lúc 7 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật Đức Thánh Cha đã rời Tòa sứ thần Tòa Thánh để đến phi trường quốc tế Amman lấy trực thăng đi Giêrusalem. Lễ nghi tiễn biệt đã diễn ra tại phi trường Hoàng hậu Alia. Vua Giordania đã đón Đức Thánh Cha tại cửa vào phi trường. Hai vị đã trao đổi với nhau trước khi có lễ nghi từ biệt theo cung cách quốc khách.

Lúc 8 giờ ba chiếc trực thăng ”Superpuma” đã cất cánh chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đến Bếtlêhem cách đó 75 cây số. Tiếp đón Đức Thánh Cha tại bãi đậu trực thăng ở Bếtlehem có Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Lazzarotto, Sứ thần Tòa Thánh cạnh Israel kiêm Khâm sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem và Palestine, Đức Cha Fouad Twal Thượng phụ Latinh Giêrusalem, Đức Cha Yasser Ayyach, Tổng Giám Mục Hy lạp Melkít Petra và Filadelphia, Đức Cha Sleiman, Tổng Giám Mục Baghdad kiêm Giám quản tông tòa Petra và Filadelfia, Đức Cha Maroun Laham Giám quản Giordania, cha Pierbattista Pizzaballa Bề trên dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa và Rabbi Abraham Skorka, Viện trưởng trường Rabbi châu Mỹ Latinh và hai Đức Ông cố vấn và thư ký Tòa Sứ Thần.

 

PALESTINIAN-ISRAEL-VATICAN-RELIGION-POPE  AFP

Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đã đi xe về dinh tổng thống Palestine ở Bếtlehem cách đó 2 cây số rưỡi. Bếtlehem ”Beit Lekhem” trong tiếng do thái có nghĩa là ”Nhà của bánh”, là thành phố có 25,000 dân cư, nằm ở độ cao 765 mét trên mặt biển. Dân chúng sống về nghề nông, chăn nuôi và thủ công nghệ chế tượng ảnh và vật dụng bằng gỗ ô liu và xà cừ. Thánh Kinh gọi nó là Bếtlehem vùng Giuđea và là quê sinh của vua Đavít. Bếtlehem nổi tiếng với biến cố Chúa Giêsu Kitô giáng sinh, và từ thời xa xưa đã là nơi thu hút tín hữu hành hương toàn thế giới.

Năm 135 hoàng đế Adriano xây đền thờ kính thần Adone nhằm xóa bỏ ảnh hưởng của Kitô giáo. Nhưng năm 330 hoàng đế Costantino cho xây vương cung thánh đường trên hang đá giáng sinh. Năm 384 thánh Girôlamô đến sống tại đây và dịch Thánh Kinh Do thái ra tiếng Latinh. Đó là bản văn Vulgata. Sau khi Hồi giáo đánh chiếm Thánh Địa năm 638 toàn vùng nằm dưới ảnh hưởng chính trị của Califfo Omar. Năm 1099 khi nghe tin Đạo binh thánh giá tới gần người hồi tàn phá thành phố. Năm sau đó vua Baldovino được phong làm vua Giêrusalem. Nhưng năm 1187 Hồi giáo lại tái chiếm Bếtlehem. Thành phố suy tàn dần và năm 1600 chỉ còn là một làng nhỏ. Vào thế kỷ XIX thành phố hồi sinh và có da số dân theo Kitô giáo.

Từ năm 1918 Bếtlehem nằm dưới sự đô hộ của Anh quốc và năm 1948 thuộc vương quốc Hashemít của Giordania. Năm 1967 Bếtlehem, mạn đông Giêrusalem và vùng Cisgiordania bị Israel chiếm đóng. Từ năm 1995 nó thuộc vùng đất của người Palestine. Ông Yasser Arafat tổng thống Palesitine đã xây dinh tổng thống tại đây.

Tín hữu và dân chúng đã đem theo cờ Tòa Thánh và cờ Palestine cũng như bong bóng và ca hát chào mừng Đức Thánh Cha trong bầu khí lễ hội rất tươi vui. Trên cửa sổ các dinh thự chung quanh quảng trường Vương cung thánh đường Máng Cỏ treo nhiều hình vẽ cảnh Giáng Sinh, Đức Mẹ, Chúa Hài Đồng và các mục đồng của các họa sĩ nổi tiếng thế giới. Cũng có hình Đức Thánh Cha gặp gỡ tổng thống Mahmopud Abbas tại Vaticăn, treo tại nhiều nơi trong thành phố.

 

Pope Francis

 

PALESTINIAN-ISRAEL-VATICAN-RELIGION-POPE-MASS  AFP

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã tiếp đón Đức Thánh Cha trước dinh theo nghi lễ quốc khách. Rồi hai vị lên văn phòng ở lầu một hội kiến với nhau. Có một vài đại diện của cộng đoàn kitô Palestine đến từ dải Gazar trao vài sứ điệp cho Đức Thánh Cha. Tiếp đến Đức Thánh Cha đã gặp hàng lãnh đạo Palestine và tổng thống Abbas đã đọc diễn văn chào mừng ngài.

Đáp lời tổng thống Mahmoud Abbas Đức Thánh Cha đã cám ơn Chúa cho ngài đến viếng thăm nơi Chúa Giêsu, Hoàng Tử Hòa Bình đã giáng sinh và cám ơn tổng thống và nhân dân Palestine vì sự tiếp đón nồng hậu dành cho ngài. Từ nhiều thập niên qua vùng Trung Đông đã sống các hậu qủa thê thảm của cuộc xung đột kéo dài đã gây ra biết bao nhiêu thương tích cần phải chữa lành và cả khi bạo lực không bùng cháy, thì tình hình bất ổn và sự không hiểu biết giữa các bên cũng tạo ra sử bất ổn, các quyền bị khước từ, sự cô lập và di tản của nhiều cộng đoàn, các chia rẽ, thiếu thốn và khổ đau đủ loại. Đức Thánh Cha bầy tỏ sự gần gũi của ngài đối với những ai phải đau khổ vì các hậu qủa của xung khắc ấy và ngài đã ra lời kêu gọi như sau:

Từ cùng thẳm con tim tôi muốn nói rằng: đã đến giờ chấm dứt tình trạng này ngày càng trở nên không thể chấp nhận được, và điều này vì thiện ích của tất cả mọi người. Vì thế cần gia tăng các cố gắng và sáng kiến nhằm tạo dựng ra các điều kiện của một nền hòa bình ổn định, dựa trên công lý, việc thừa nhân các quyền của từng người và trên sự an ninh của nhau. Đã đến lúc tất cả mọi người hãy có can đảm quảng đại và sáng kiến phục vụ công ích, có can đảm hòa bình, dựa trên việc tất cả mọi người thừa nhận quyền hai quốc gia hiện hữu và được hưởng hòa bình và an ninh trong các biên giới được quốc tế thừa nhận.

Tôi nồng nhiệt cầu chúc rằng vì mục đích này mọi phía tránh các sáng kiến và các cử chỉ chống lại ý muốn tuyên bố đạt đến một thỏa hiệp đích thật và không mệt mỏi theo đuổi hòa bình với sự quyết tâm và trung thực. Hòa bình đem theo nó nhiều thiện ích cho các dân tộc của vùng này và cho toàn thế giới. Vì thế cần phải nhất quyết bước tới hòa bình, cả khi mỗi người phải từ bỏ vài điều đi nữa.

Tôi cầu chúc cho dân tộc Palestine và Israel cũng như các giới lãnh đạo liên hệ dấn thân trên con đường xuất hành hạnh phủc này tiến về hòa bình với lòng can đảm và cương quyết cần thiết cho mọi cuộc xuất hành. Hòa bình trong an ninh và tin tưởng lẫn nhau sẽ trở thành khung cảnh quy chiếu ổn định giúp đương đầu và giải quyết các vấn đề khác và như thế cống hiến một cơ hội phát triển quân bình, để trở thành mô thức cho các vùng khủng hoảng khác.

Đức Thánh Cha cũng nhắc tới sinh hoạt của cộng đoàn kitô cống hiến phần đóng góp ý nghĩa cho công ích của xã hội và chia sẻ các vui buồn khổ đau của toàn dân. Các kitô hữu muốn tiếp tục nắm giữ vai trò của mình như công dân có đầy đủ guyền lợi cùng với các công dân khác được coi như anh chị em của nhau.

Đức Thánh Cha ca ngợi tổng thống Abbas như là người của hòa bình và tạo dựng hòa bình. Cuộc gặp gỡ mới đây tại Vaticăng và sự hiện diện của ngài tại Palestine minh chứng cho các tương quan tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Nước Palestine, mà ngài cầu mong gia tăng cho thiện ích của tất cả mọi người. Đức Thánh Cha đánh giá cao dấn thân chuẩn bị một Thỏa hiệp giữa các Phe liên quan tới các khía cạnh khác nhau của cuộc sống của Cộng đoàn công giáo của quốc gia, với sự chú ý đặc biệt tới tự do tôn giáo. Thật thế, việc tôn trọng quyền nền tảng này của con người, một trong những điều kiện không thể khước từ được của hòa bình, tình huynh đệ, và hòa hợp. Nó nói với thế giới rằng phải và có thể tìm ra một thỏa hiệp tốt đẹp giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Nó làm chứng rằng chúng ta có chung với nhau biết bao điều và quan trọng có thể nhận ra một con đường chung sống thanh thản, trật tự và hòa bình, trong việc tiếp nhận các khác biệt và trong niềm vui là anh chị em với nhau vì là con cái của một Thiên Chúa duy nhất. Thưa tổng thống và các bạn tụ tập nhau tại Bếtlêhem này xin Thiên Chúa toàn năng chúc lành, che chở và ban cho qúy vị sự khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để can đảm tiếp tục con đường hòa bình làm sao để gươm giáo trở thành lưỡi cầy và miền đất này có thể tái nở hoa trong thịnh vượng và hoà hợp.

Sau cuộc gặp gỡ tổng thống và giới chức chính quyền Palestine, lúc 10 giờ rưỡi Đức Thánh Cha đã đi xe díp trắng đến quảng trường trước vương cung thánh đường Giáng Sinh, cách đó 2 cây số rưỡi, để cử hành thánh lễ cho tín hữu, có sự tham dự của tổng thống Mahmoud Abbas và các giới chức chính quyền và đông đảo tín hữu, đến từ Galilea và Gaza, cũng như ba trăm công nhân Á châu làm việc tại Israel.

Trên đường đến Bếtlêhem Đức Thánh Cha đã dừng lại chỗ có bức tường cao 10 mét ngăn cách biên giới của Israel với vùng đất Palestine để cầu nguyện, trước khi tiếp tục tiến vào Bếtlêhem. Bức tường này đã bắt đầu được chính quyền Israel khởi công xây cất ngày 14 tháng 4 năm 2002 trong thời kỳ ”antifada” II giữa các năm 2000 tới 2005, nhằm ngăn chặn các vụ khủng bố phá hoại bằng hom người của người Palestine. Bức Tường được gọi là ”bức tường ô nhục” này cao 8-9 thước, dài 450 cây số trên tổng số 708 cây số dự trù, thường xây lấn trên đất của người Palestine, chia cắt đất đai, ruộng vườn của người Palestine và tạo ra biết bao nhiều bất công, khó nhọc vất vả, mất thời giờ cho người Palestine, mỗi khi phải di chuyển, kể cả các trẻ em khi đi học phải đi vòng xa qua các trạm kiểm soát của lính do thái gác biên giới.

Bà Vera Baboun thị trường thành phố đã chào đón Đức Thánh Cha.

Thánh lễ đã được cử hành bằng tiếng Latinh và A rập. Các bài sách thánh đã được tuyên đọc bằng tiếng A rập và thánh ca là thánh ca Giáng Sinh quốc tế nhưng bằng tiếng A Rập.

Giảng trong Thánh lễ Đức Thánh Cha nói: ”Đây là dấu chỉ: các ngươi sẽ tìm thấy một trẻ thơ cuốn tã nằm trong máng có” (Lc 2,12). Trẻ thơ Giêsu sinh ra tại Bếlehem là dấu chỉ Thiên Chúa ban cho người chờ đợi ơn cứu rỗi và luôn mãi là dấu chỉ sự hiền dịu của Thiên chúa và sự hiện diện của Ngài trong thế giới. Từ hình ảnh của Chúa Hài Nhi Đức Thánh Cha nghĩ tới các trẻ em trên toàn thế giới và nói:

Cả ngày nay nữa các trẻ em cũng là một dấu chỉ, dấu chỉ của niềm hy vọng, dấu chỉ của sự sống, nhưng cũng là dấu chỉ ”bắt mạch” giúp hiểu sức khỏe của một gia đình, một xã hội, sức khỏe của toàn thế giới. Khi các trẻ em được tiếp nhận, yêu thương, giữ gìn và che chở, thì gia đình lành mạnh, xã hội tốt đẹp hơn, thế giới nhân bản hơn. Chúng ta hãy nghĩ tới công trình của Học viện Effetà Phaolo VI đối với các trẻ em câm điếc: đó là một dấu chỉ cụ thể lòng lành của Thiên Chúa. Ngày hôm nay Thiên Chúa cũng lập lại với chúng ta các người nam nữ của thế kỷ XXI: ”Đây là dấu chỉ, các ngươi sẽ tìm thấy một trẻ thơ…”. Trẻ thơ Bếtlêhem giòn mỏng như tất cả các trẻ sơ sinh. Không biết nói tuy Ngôi Lời đã nhập thể, đã đến để thay đổi trái tim và sự sống con người. Trẻ Thơ đó cũng như mọi trẻ thơ, yếu đuối và cần được trợ giúp và che chở. Cả ngày nay nữa các trẻ em cần được tiếp nhận và bảo vệ từ khi còn ở trong lòng mẹ.

Rất tiếc trong thế giới mgày nay là thế giới đã phát triển các kỹ thuật tinh vi nhất, vẫn còn có biết bao nhiêu trẻ em sống trong các điều kiện vô nhân, ngoài lề xã hội, trong các vùng ngoại ô các thành phố lớn hay trong các vùng quê. Biết bao nhiêu trẻ em ngày nay còn bị khai thác đối xử tàn tệ, bị làm nô lệ, là đối tượng của bạo lực và các vụ buôn bán bất hợp pháp. Ngày nay có quá nhiều trẻ em tỵ nạn, di cư đôi khi bị chết chìm trên biển, đặc biệt trong biển vùng Địa Trung Hải. Hôm nay chúng ta xấu hổ vì tất cả những điều đó trước mặt Thiên Chúa, trước Thiên Chùa trở thành Hài Nhi.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha đã đưa ra một loạt các câu hỏi: chúng ta là ai trước Hài Nhi Giêsu? Chúng ta là ai trước các trẻ em ngày nay? Chúng ta có giống Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse tiếp đón Chúa Giêsu và lo lắng cho Người với tình nẫu tự và phụ tử hay không? Hay chúng ta giống như vua Hêrốt muốn loại trừ Ngài? Chúng ta có giống các mục đồng mau mắn qùy xuống thờ lạy Người vá dâng cho Người các món qùa khiêm tốn hay chúng ta thờ ơ? Có lẽ chúng ta hùng biện và duy đạo đức, là những người khai thác các hình ảnh của trẻ em nghèo nhằm sinh lời? Chúng ta có khả năng ở gần chúng và ”Mất thời giờ” với chúng không? Chúng ta có biết lắng nghe chúng, gìn giữ chúng cầu nguyện cho chúng và với chúng không? Hay chúng ta bỏ bê chúng để lo lắng cho các lợi lộc của chúng ta?

”Đây là dầu chỉ: các ngươi sẽ tìm thấy một trẻ thơ…”. Có lẽ trẻ thơ ấy khóc. Nó khóc vì đói, vì lạnh, vì muốn được bế bồng trên tay. Đức Thánh Cha áp dụng cho các trẻ em ngày nay và nói:

Cả ngày nay nữa các trẻ em khóc, khóc rất nhiều và tiếng khóc của các em gọi mời chúng ta. Trong thế giới này mỗi ngày vứt bỏ hàng tấn thực phẩm và thuốc men, có các trẻ em khóc vô ích vì đói vì bệnh có thể chữa được một cách đễ dàng. Trong một thời đại tuyên bố bảo vệ các trẻ em vị thành niên, người ta buôn bán vũ khí rốt cuộc rơi vào tay các trẻ em chiến binh; người ta buôn bán các sản phẩm do các trẻ em nhân công nô lệ làm. Tiếng khóc của các em bị bóp nghẹt: các em phải chiến đấu, phải làm việc, các em không thể khóc! Nhưng mẹ của các em, những bà Rachel ngày nay khóc: họ khóc các con họ và không muốn được an ủi (x. Mt 2,18).

”Đây là dầu chỉ”. Hài Nhi Giêsu đã sinh ra tai Bếtlêhem, mọi trẻ em sinh ra và lớn lên tại mọi phần của thế giới là dấu chỉ bắt mạch cho phép kiểm thực tình trạng sức khỏe của gia đình, cộng đoàn và quốc gia của chúng ta. Từ việc bắt mạch thẳng thắn và liêm chính đó có thể nảy sinh ra một kiểu sống mới, trong đó các tương quan không còn là xung khắc đàn áp, duy tiêu thụ nữa, mà là các tương quan của tình huynh đệ, tha thứ, hòa giải, chia sẻ và yêu thương.

Ôi lậy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu là Đấng đã tiếp đón xin đậy chúng con tiếp đón, là Đấng đã thờ lậy xin dạy chúng con thờ lậy, là Đấng đã đi theo xin dạy chúng con đi theo. Amen.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng A rập, Ý, Anh, Tagalog. Mấy chục linh mục đã giúp Đức Thánh Cha cho tín hữu rước Mình Thánh Chúa

Trước khi Đức Thánh Cha đọc lời nguyện kết lễ Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal, Thượng Phụ latinh Giêrusalem đã đại diện mọi người cám ơn Đức Thánh Cha và nói: Chúng con mong ước chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha làm sống dậy trong con tim của mọi người sứ điệp Giáng Sinh, hòa bình và hơi ấm của Hang Đá Bếtlêhem. Chúng con cầu mong rằng chuyến hành hương của Đức Thánh Cha giúp mọi người sống sự cao cả của sự khiêm nhường của Bếtlêhem, thừa nhận sự vô ích của xấc xược, vẻ đẹp của tuổi thơ và sự vô tội. Có biết bao trẻ thơ bị các người lớn lãnh đạo thế giới này bắt buộc sống lang thang, thường bị bỏ rơi: trẻ em không nhà cửa, không cha mẹ chạy trên các con dường bụi bặm của các trại tỵ nạn, vì không còn nhà ở và nơi nương tựa. Có biết bao trẻ em phải nghe lại những lời ”không còn chỗ trong quán trọ” đã được nói với Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse xưa kia. Không có chỗ cho chúng cả trong các chính sách gia đình, trong luật lệ và trong các cuộc đàm phán cho một nền hòa bình không tìm ra đường đến với chúng con, một nền hòa bình không chọc thủng được các bức tường sợ hãi không tin tưởng bao quanh thành phố này. Các người trẻ của chúng con đã theo gót Chúa Giêsu, sống kinh nghiệm di cư, đói khát, lạnh lẽo và thường khi trông thấy nhà cửa của chúng bị phá hủy.

Cùng với Đức Thánh Cha chúng con xin Hài Nhi Giêsu nới rộng hang đá của Người để tiếp đón biềt bao nhiêu trẻ em nạn nhân của bạo lực vô nhân và bất công. Làm sao không nhớ cầu nguyện cho biết bao nhiêu tù nhân chen chúc trong các nhà tù. Đói một miếng bánh, nhưng đói công lý và hòa bình hơn, đói một mái nhà tiếp đón họ. Các Hêrốt thời này chưa hết lo sợ hòa bình hơn chiến tranh, sợ hãi các gia đình lành mạnh và sẵn sàng giết người và tiếp tục giết người… Là con cháu của các mục đồng xưa kia tiếp nhận lời mời của các thiên thần, chúng con cùng với Đức Thánh Cha đến Bếtlêhem để thờ lậy Hài Nhi và chúc mừng cha mẹ Người. Nhân danh các Giám Mục công giáo, nhân dân Palestin và biết bao nhiêu khách hành hương đến Bếtlêhem như nhà của họ, chúng con cám ơn sự hiện diệơn của Đức Thánh Cha với chúng con hôm nay cùng với tất cả các trẻ em lành mạnh và tàn tật của nhiều trung tâm ở Bếtlêhem chúng con cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và gắn bó vời Đức Thánh Cha.

Cộng đoàn đã cùng Đức Thánh Cha hát Kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng. Trước khi ban phép lành cuối lễ Đức Thánh Cha đã đưa ra một sáng kiến bất ngờ chưa từng có ngài nói: “Ở nơi Hoàng Tử Hòa Bình đã sinh ra này, tôi ước mong mời tổng thống Mahmoud Abbas và tổng thống Simon Perez cùng tôi dâng một lời cầu nguyện mạnh mẽ khẩn nài Thiên Chúa ban cho ơn hóa bình. Tôi cống hiến nhà tôi ở Vatican để tiếp đón cuộc gặp gỡ cầu nguyện này”. Mọi người đều ước mong hòa bình và biết bao nhiêu người xây dựng nó mỗi ngày với các cử chỉ bé nhỏ. Nhiều người đau khổ và kiên nhẫn chịu đựng sự vất vả của biết bao nhiêu nỗ lực để xây dựng hòa bình. Và tất cả đặc biệt những người được đặt để phục vụ các dân tộc của mình – chúng ta có bổn phận trở thành dụng cụ của hòa bình, trước hết bằng lời cầu nguyện. Xây dựng hòa bình khó, nhưng sống không có hòa bình là một đau đớn. Tất cả mọi người nam nữ của vùng Đất này và toàn thế giới xin chúng ta đem tới trước Thiên Chúa khát vọng hòa bình nồng cháy của họ”.

Mọi người đã vỗ tay tán đồng sáng kiến của Đức Thánh Cha.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã phó thác cho cánh tay chở che hiền mẫu của Mẹ Maria vùng đất này và tất cả những người sống trong đó, để họ có thể sống trong công lý, hòa bình và tình huynh đệ. Đức Thánh Cha xin Mẹ canh thức trên các gia đình, người trẻ và người già, trên những người đã đánh mất đức tin niềm hy vọng, an ủi người đau yếu, tù đầy và tất cả những ai đau khổ, nâng đỡ các chủ chăn để các vị là ”ánh sáng và muối đất” trong vùng đất được chúc phúc này, nâng đỡ các công trình giáo dục, đặc biệt đại học Bếtlêhem. Khi chiêm ngưỡng thánh Gia tại Bếtlêhem này tôi nghĩ tới Nagiarét nơi tôi hy vọng sẽ đến thăm vào một dịp khác, nếu Chúa muốn. Chúng ta hãy phó thác cho Đức Thánh Trinh Nữ số phận của nhân loại, để mở ra trong thế giới các chân trời mới và hứa hẹn của tình huynh đệ, liên đới và hòa bình.

Sau cùng Đức Thánh Cha ban phép lành cuối lễ cho tín hữu.

Từ giã mọi người Đức Thánh Cha đã đến nhà khách Casa Nova của các cha Dòng Phanxicô Quản thủ Thánh Địa để dùng bữa trưa với 5 gia đình người tỵ nạn và nghỉ ngơi chốc lát trước khi viếng thăm Vương cung thánh đường và Hang Đá Giáng Sinh. Nhà dòng bên cạnh Casa Nova hiện có 37 tu sĩ sinh sống. Vương cung thánh đường dài 54 mét rộng 36 mét gồm 5 gian dọc. Hai trong ba cửa vào bị xây kín cửa thứ ba thấp để ngăn chặn binh sĩ đi ngựa vào trong nhà thờ. Năm 326 hoàng đế Costantino cho xây một vương cung thánh đường bao trùm lên hang đá Giáng sinh. Năm 529 nhà thờ bị hư hỏng vì hỏa hoạn và vì cuộc nổi loạn của người Samaria và được tu sửa năm 540. Năm 614 quân của Cosrone II xâm chiếm vùng này nhưng không tàn phá nhà thờ vì có hình của ba vua mang sắc phục Ba Tư. Từ thời đạo binh Thánh Giá nhà thờ được trang hoàng với các bức khảm đá mầu và hình vẽ theo kiểu bisantin. Hang đá Giáng Sinh được lát đá cẩm thạch.

Năm 1187 Saladino chiếm Giêrsusalem nhưng không tàn phá nơi thánh. Năm 1347 các cha Phanxicô được đế quốc Ottoman giao việc trông coi vương cung thánh đường và sở hữu hang đá Giáng Sinh. Sang thế kỷ XVI là thời gian tranh chấp giữa các tu sĩ Phanxicô và các tu sĩ chính thống hy lạp và tùy theo các người bảo trợ. Sau khi người Venezia bị thua và trục xuất khỏi đảo creta năm 1669, phía chính thống được phép trông coi Hang đá và vương cung thánh đường, trong khi năm 1690 các tu sĩ Phanxicô được trông coi Hang đá Giáng Sinh. Bên cạnh là vương cung thánh đường thành nữ Catarina và là giáo xứ Latinh do các cha dòng Phanxicô xây năm 1882 thay thế một nhà thờ thời Trung cổ.

Lối xuống hang đá Giáng Sinh nằm bên phải vương cung thánh đường. Lối lên dẫn vào trong nhà thờ thánh nữ Catarina bên trái. Hang đá Giáng Sinh dài 12 mét 3 rộng 3 mét rưỡi, nơi có bàn thờ Giáng Sinh bên dưới có ngôi sao bạc ghi dấu nơi Chúa Giêsu sinh ra với hàng chữ Latinh: ”Hic de Virgine Maria Jesus Christus natus est” ”Đây là nơi Đức Giêsu Kitô được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria”. Hang đá có 53 chiếc đèn trong đó có 9 cái thuộc Giáo Hội Latinh. Đàng sau bên phải là máng cỏ nơi Chúa Giêsu nằm trong nôi.

Sau khi viếng thăm và cầu nguyện tại Hang Đá, Đức Thánh Cha đã trở lại nhà Casa Nova để chụp hình lưu niệm với các tu sĩ Phanxicô. Tiếp đến ngài đi xe đến Trung tâm Phoenix cách đố 5 cây số để gặp gỡ các trẻ em thuộc các trại tỵ nạn. Đây là trung tâm phục hồi cho người tỵ nạn của trại Dheisheh đã được Thánh Gioan Phaolô II tài trợ xây cất và viếng thăm năm 2000, nhân kỷ niệm 25 năm ngài làm Giáo Hoàng. Trong đại thính đường của trung tâm có mấy trăm trẻ em đến từ các trại Sheisheh, Aida và Beit Jibrin. Một bé trai và một bé gái tặng Đức Thánh Cha vài hình vẽ, các thư và đồ thủ công do các em làm. Các em cầm nhiều mảnh giấy có viết các hàng chữ: ”Chúng con muốn tự do thờ phượng”, ”Người hồi và người Kitô sống dưới sự chiếm đóng” vv.. Một bé trai đại diện các em chào mừng Đức Thánh Cha và nói lên ước mong của các em được sống trong hòa bình tự do an bình và tình huynh đệ. Em nói:” Thưa Đức Thánh Cha chúng con đã mở mắt chào đời và trông thấy sự chiếm đóng. Chúng con muốn chết trong tự do”.

Các em cũng hát mừng Đức Thánh Cha và bầy tỏ các ước vọng đó. Tiếp đến hai em bé mặc sắc phục A rập tặng qùa cho Đức Thánh Cha một bức tranh và một cánh tay bị cột bởi dây xích. Đức Thánh Cha đã chào em bé dại diện và ngài cám ơn các em đã hát rất hay và tặng ngài kỷ niệm rất ý nghĩa.

Ngỏ lời với các em Đức Thánh Cha nói ngài hiểu các ước vọng sâu xa của các em. Nhưng ngài chỉ xin nói với các em một diều: không được dùng bạo lực để đáp trả lại bạo lực. Trái lại cần dùng sự thiện, hòa bình và việc làm kiên trì để trả lời bạo lực. Tiếp đến Đức Thánh đã ban phép lành cho các em.

Lúc 15 giờ 40 Đức Thánh Cha đã đi xe đến bãi đậu trực thăng. Tại đây đã diễn ra lễ nghi từ biệt với sự hiện diện của tổng thống Mahmoud Abbas và các giới chức chính quyền Palestine. Trực thăng chở Đức Thánh Cha tởi Tel Aviv để bắt đầu chặng thứ ba của chuyến viếng thăm trên đất Israel.

Linh Tiến Khải

Mồ côi

Mồ côi

Mỗi khi đi tham dự đám tang của một người cha, hay của một người mẹ trẻ vừa mới nằm xưống, nhìn giải khăn xô buộc hờ hững trên mái đầu xanh, chúng ta cảm động như muốn khóc lên được. Đứa bé ngây thơ nhìn những nắm đất được ném xuống lòng huyệt lạnh. Nó chẳng hiểu gì cả. Nó đâu có biết rằng chết là ra đi vĩnh viễn, hai bờ bến ngàn trùng xa cách. Nó tưởng rằng ba nó hay mẹ nó đi thăm ông bà nội ngoại, mai mốt sẽ về và cho nó thật nhiều quà. Người khác nhìn vào sẽ cảm thấy chua xót và khóc thầm cho cuộc đời của nó. Ngày mai nó sẽ ra sao? Lớn lên, nó mới hiểu được rằng: mất cha, mất mẹ là một nỗi bất hạnh quá lớn không thể lalm cho vơi giảm, là một mất mát quá to không thể nào bù đắp.

Vì thế, người Âu châu có một ngày lễ rất đẹp vào Chúa nhật thứ hai trong tháng năm, đó là là ngày lễ của những người mẹ. Ngày lễ này được tổ chức để ghi nhớ công ơn mẹ hiền. Và những ai còn mẹ, khi đi ra ngoài đường sẽ được cài một bông hồng trên áo, để nói lên rằng người ấy thật hạnh phúc vì còn được sống bên người mẹ của mình.

Nếu có dịp ghé thăm một cô nhi viện, chúng ta sẽ thấy những em bé mồ côi quấn quít bên chúng ta, mong muốn được nói chuyện với chúng ta vì các em thiếu vắng một tình yêu thương chăm sóc.

Từ những kinh nghiệm cụ thể ấy, chúng ta dễ dàng hiểu được lời Chúa phán:

– Thầy không bỏ các con mồ côi.

Thực vậy. Trước khi từ giã các môn đệ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các ông, đã căn dặn các ông những điều cuối cùng và nhất là đã trăn trối cho các ông bổn phận phải yêu thương nhau. Ngài đã phác họa cho các ông thấy cả một tương lai đen tối:

– Họ đã bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con.

Tuy nhiên, để các ông được yên tâm, không hoảng sợ, không thất vọng, Ngài đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho các ông và nhất là đã hứa ở với các ông một cách mầu nhiệm:

– Thầy không bỏ các con mồ côi.

Bây giờ, chúng ta đi vào lãnh vực cá nhân của mỗi người. Thực vậy, đời sống giống như một mặt biển đầy bão táp. Vậy bão táp ấy là gì? Đó là những tội lỗi, những khuynh hướng xấu xa, những lo lắng về tiền bạc vật chất… Tất cả là như những con sóng mốn nhận chìm con người bé bỏng chúng ta. Thế nhưng, người Kitô hữu không hề hoảng sợ và thất vọng, bởi vì chúng ta không chiến đấu đơn độc một mình, nhưng chúng ta chiến đấu bên cạnh những người anh em khác và nhất là chúng ta chiến đấu cùng với Chúa Giêsu. Ngài luôn ở bên chúng ta. Có Ngài, chúng ta sẽ làm được tất cả. Có Ngài, chúng ta sẽ vượt qua được mọi gian nan thử thách. Có Ngài, chúng ta sẽ chiến thắng vẻ vang. Chúng ta không phải là những đứa trẻ mồ côi, lạc lõng giữa chợ đời, nhưng chúng ta bước đi trong tình thương của Chúa, một người Cha nhân từ và giàu lòng xót thương.

Người ta kể lại rằng: Sau nghi lễ đăng quang, Đức Piô XI đã trở về phòng riêng, ngồi vào chiếc ghế vị tiền nhiệm là Đức Bênêdictô XV, tự nhiên một nỗi lo âu xâm chiếm. Ngài nhìn thấy con đường trước mặt thật tăm tối: Một Giáo hội bị tấn công về mọi mặt. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất vừa chấm dứt, nhưng chiếc ngòi nổ vẫn còn âm ỉ. Trong lúc chán nản, ngài đã làm công việc duy nhất mà một người lo âu có thể làm, đó là quì xuống cầu nguyện. Trong khi cầu nguyện như thế, tay ngài đưa ra và chạm vào một bức ảnh còn lại trên bàn giấy của đức Bênêdictô. Ngài cầm bức ảnh ấy lên xem và bổng nỗi lo sợ tan dần. Tâm hồn ngài tràn ngập an bình. Đó là bức ảnh Chúa Giêsu đang truyền cho sóng gió yên lặng. Từ đó, ngài luôn để bức ảnh ấy trên bàn và mỗi khi lo âu chuyện gì, ngài liền nhìn vào và nhớ lại rằng: Chúa Giêsu chỉ cần phán một lời là sóng yên biển lặng.

Chúa Giêsu ở trong chúng ta và Ngài đã mang lại sự bình an cho tâm hồn. Bởi đó, giữa những cơn sóng gió của cuộc đời, chúng ta hãy bắt chước các môn đệ, chạy đến với Ngài và nài xin: Lạy Chúa, xin cứu chúng con, kẻo chúng con chết mất. Chắc chắn Chúa sẽ không để chúng ta mồ côi, nhưng Ngài sẽ nâng đỡ để chúng ta vượt thắng được những gian nan thử thách và luôn trung thành phụng sự Ngài.

Sưu tầm

Cặp mắt của trái tim

Cặp mắt của trái tim

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Thánh Phanxicô Assisi có lòng mến Chúa và yêu người rất sâu xa. Một hôm ngài gặp một người bạn, người này nói với thánh nhân rằng ông ta không thể nào yêu mến Thiên Chúa được. Đang khi hai người đi đường thì gặp một người hành khất vừa mù vừa què. Thánh nhân hỏi người hành khất:

– Nếu tôi chữa cho anh thấy và đi được thì anh có yêu mến tôi không?

Người hành khất trả lời:

– Dạ thưa ngài, không những tôi yêu mến ngài mà tôi xin dâng hiến trọn phần còn lại của đời tôi để phục vụ ngài.

Nghe câu trả lời của người hành khất xong, thánh nhân quay sang người bạn đang đứng bên ngài nói:

– Đấy anh thấy không, người hành khất này chỉ thấy được, đi được, thế mà còn hứa với tôi như thế, huống hồ là anh, anh không những được Chúa dựng nên với chân tay mắt mũi lành lặn. Ngài lại còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, đang khi đáng lý ra anh phải chết vì tội của anh. Vậy mà anh lại không yêu mến Chúa sao?

Thưa anh chị em, yêu mến Chúa là bổn phận của mỗi người chúng ta. Nhưng thế nào là yêu mến Chúa? trong Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu đã trả lời cho chúng ta câu hỏi này. Trước hết, yêu là thấy. Chúa Giêsu đã nói: “Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống”. Thực thì ngay trong cuộc sống của xã hội con người, chúng ta cũng có thể gặp những trường hợp một người đã ra đi một chuyến đi xa, nhưng những người còn ở lại vẫn cảm thấy người đó như đang hiện diện ở đâu đây, thật gần gũi, nơi từng sự vật, trong từng căn phòng, nơi mỗi lối đi. Chính tình yêu, sự quen thuộc, sự cảm thông đã tạo nên cái điều lạ lùng này. Giữa những người thân yêu, sự vắng mặt không tạo nên sự xa cách: “Xa mặt mà không cách lòng”. Vì vậy, Đức Giêsu đã nói: “Thế gian sẽ không thấy Thầy, còn anh em, anh em sẽ được thấy Thầy”. “Cái thấy” Chúa Giêsu muốn nói ở đây không còn là cái thấy ngang qua cặp mắt của thân xác; cái thấy ấy có những giới hạn nhất định, ở ngoài tầm nhìn thì không thấy được nữa. Còn “cái thấy” ở đây là cái thấy bằng con tim, bằng sự cảm nhận, bằng sự hoà nhập. Tình yêu làm cho người xa cách trở nên gần gũi. Vì yêu mến Thầy, các môn đệ vẫn cảm thấy Thầy hiện diện ở khắp nơi.

Nguyên trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta đã thấy Chúa Giêsu lặp lại đến năm lần từ “yêu mến”. Yêu mến trở thành mối quan hệ giữa môn đệ và Thầy, giữa môn đệ và Thiên Chúa Cha. Yêu mến đưa đến sự hoà nhập: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em”“Thầy sẽ tỏ mình ra cho anh em thấy Thầy”.

Thì ra, trái tim cũng có “cặp mắt” của nó. Cặp mắt của trái tim thấy được những cái mà cặp mắt thể xác không thể thấy được. Chính cái thấy bằng cặp mắt của trái tim sẽ giúp chúng ta thấy được mối quan hệ mật thiết giữa sự hiện diện của Chúa Giêsu với cuộc đời của một người Kitô hữu và của cộng đoàn. Có yêu mến Chúa, chúng ta mới thấy được sự hiện diện thân thiết của Chúa ở giữa chúng ta.

Yêu còn là tuân giữ: Tình yêu không dừng lại ở cái nhìn thấy. Tình yêu sẽ dẫn tới hành động. Không có hành động, tình yêu chỉ là giả dối. Hành động mới là bằng chứng của tình yêu đích thực. Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ các giới răn của Thầy. Ai giữ các giới răn của Thầy mới là người yêu mến Thầy”. Nói rằng: “Tôi yêu mến Chúa” thì ai cũng có thể nói được. Nhưng nếu không tuân giữ các giới răn của Chúa thì những lời nói đó chỉ là những lời nói dối.

Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm rằng: Khi yêu ai, chúng ta cảm thấy được những gì làm vui lòng người chúng ta yêu và không có gì cưỡng bức chúng ta tự nhiên làm tất cả để người yêu được vui, được hạnh phúc. Yêu mến Chúa cũng vậy. Yêu mến Chúa là sống theo ý Chúa muốn, là giữ các giới răn của Chúa, là thực thi ý Chúa muốn, là giữ các giới răn của Chúa, là thực thi ý muốn của Chúa trên cuộc sống chúng ta và trên cuộc sống của xã hội loài người.

Nhưng các giới răn của Chúa là gì, thưa anh chị em?

Các giới răn của Chúa là chính Chúa Giêsu với các giáo huấn, với những chọn lựa của Ngài. Tất cả cuộc sống của Chúa Giêsu trở thành mẫu mực cho cuộc sống của người Kitô hữu. Giữ các giới răn ở đây là biến đổi chính con người của mình để có thể trung tín với Chúa trong cuộc sống. Như thế, giữ các giới răn là sống trong tình yêu của Chúa.

Chúa Giêsu đã xác định: “Ai giữ các giới răn của Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến. Cha và Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ đến và ở trong người ấy”. Giữ các giới răn là ta ở với Chúa và Chúa ở với ta, là lưu lại trong tình yêu của Chúa. Kitô giáo là đạo của tình yêu: yêu Chúa và yêu người. Tình yêu sẽ chắp cho chúng ta đôi cánh để bay lên cao. Vậy mà có nhiều người lại coi Kitô giáo như những giới răn cấm kỵ và trừng phạt, như những gông cùm tròng vào cổ hay những gánh nặng đèn lên vai. Vì vậy cuộc sống đạo của họ trở thành một bài toán khô khan và nghèo nạn, nhiều khi quá máy móc. Họ bóp méo đạo yêu thương thành đạo sợ hãi. Đạo sợ hãi làm người ta mất nhiệt tình và cởi mở, mất nét vui tươi trên khuôn mặt của những người con cái Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, người Kitô hữu đích thực phải sống đạo bằng con tim. Tình yêu làm cho cuộc sống đầy sức sáng tạo và năng động. Chính cuộc sống tích cực và đầy sức sáng tạo này mới thực sự là một bằng chứng về sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng đã chết nhưng đã sống lại và đang tiếp tục hoạt động nơi những kẻ tin ở Ngài, và là bằng chứng của lòng tin nơi sự hiện diện sống động của Ngài. Chính đời sống yêu thương nhau chân thành, hy sinh phục vụ nhau theo mẫu mực của tình yêu Chúa yêu thương chúng ta sẽ biểu lộ cho mọi người nhận thấy sự hiện diện sống động của Chúa, Ngài đang sống và đang có mặt sống động trên trái đất chúng ta, như Ngài đã nói khi từ biệt các môn đệ: “Thầy không bỏ anh em cô độc. Thầy sẽ đến với anh em. Anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống”.

Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Vương Quốc Giordani (Jordan)

Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Vương Quốc Giordani (Jordan)

JORDAN-VATICAN-RELIGION-POPEĐTC được Vua và Hoàng hậu của nước Jordan tiếp rước tại hoàng gia (Courtesy photo AFP)

AMMAN. Trưa ngày 24-5-2014, ĐTC Phanxicô đã đến thủ đô Amman của Giordani, chặng đầu tiên trong chuyến viếng thăm Thánh Địa trong vòng 3 ngày cho đến hết thứ hai, 26-5 tới đây, nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Athenagoras của Giáo Hội Chính Thống Constantinople, là vị đứng đầu trong tất cả các vị Thượng Phụ Chính Thống giáo.

Cuộc viếng thăm được giới báo chí quốc tế mô tả là rất khó khăn, xét vì tình hình địa phương, nhưng ĐTC đã đặt biến cố này dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria. Thực vậy, sáng thứ sáu 23-5-2014, ngài đã trở lại Đền Thờ Đức Bà Cả lần thứ 8 để cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma và phó thác cho Mẹ cuộc viếng thăm này.

Cuộc gặp gỡ cách đây nửa thế kỷ giữa Đức Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Athenagoras đáng kỷ niệm đặc biệt vì đã mở ra một trang mới trong lịch sử ngàn năm giữa hai khối Giáo Hội và chuyến viếng thăm lần này của ĐTC Phanxicô không những để kỷ niệm biến cố đó, nhưng còn nhắm tăng cường các quan hệ đại kết, và không quên phát triển cuộc đối thoại liên tôn với Hồi giáo.

Cùng đi với ĐTC trên chuyến bay dài 4 tiếng từ Roma có 30 vị thuộc đoàn tùy tùng và 70 ký giả quốc tế.

Vương quốc Giordani chỉ rộng gần 89 ngàn cây số vuông, bằng 1 phần 4 Việt Nam, nhưng lại rộng gấp quá 4 lần lãnh thổ của Israel và Palestine cộng lại, vì hai nước này chỉ có 20.700 cây số vuông, tuy rằng họ có dân số đông hơn, gần 8 triệu người, so với 6 triệu 400 ngàn dân cư của Giordani. Cũng vậy về con số tín hữu Công Giáo: tại Giordani chỉ có 107 ngàn tín Công Giáo, trong khi tại Israel và Palestine có 266 ngàn tín hữu Công Giáo, tức là gần gấp 3.

Tại Giordani có 3 giáo phận với 4 GM và 69 giáo xứ và 143 LM triều và dòng, 210 nữ tu. Các tín hữu Công Giáo la tinh ở Giordani thuộc quyền Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem với Đức Thượng Phụ hiện nay là Fouad Twal, người Giordani.

Đón tiếp

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được đại diện Quốc vương Abdullah II là hoàng thân Ghazi bin Muhammed, cố vấn trưởng về tôn giáo và văn hóa của quốc vương, tiếp đón, cùng với đại diện của giáo quyền, trong đó có Đức Thượng Phụ Fouad Twal, các GM và Cha Pierbattista Pizzaballa, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa tiếp đón. Hai em bé, một trai một gái, dâng tặng ĐTC đóa hoa phong lan (orchidea) màu đen là biểu tượng của Vương quốc Giordani. Trong khi 200 trẻ em đón chào ngài bên trong sân bay và 2 ngàn em khác chờ ngài từ bên ngoài phi trường.

Có 10 người gia nhập phái đoàn chính thức của ĐTC sau khi ngài đặt chân lên đất Giordani, đặc biệt là Rabbi Do thái Abraham Skorka, Viện trưởng Học viện đào tạo Rabbi ở Buenos Aires, và Imam Hồi giáo Omar Abboud, Tổng thư ký tổ chức đối thoại liên tôn, cả hai đều là bạn của ĐTC từ khi ngài là TGM giáo phận thủ đô của Argentina.

Liền đó, ngài cùng với đoàn tùy tùng đi xe về hoàng cung Al-Husseini ở trung tâm thủ đô Amman cách đó 38 cây số nơi diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức. Quốc vương và hoàng hậu Rania đón tiếp ĐTC ngay tại cổng vào hoàng cung và tiến qua đoàn quân danh dự.

Vua Abdullah 2 là cháu đích tôn 43 đời của Ngôn sứ Muhammad sáng lập Hồi giáo. Còn hoàng hậu Rania năm nay 44 tuổi là người Palestine sinh trưởng tại Kuwait.

Diễn văn đầu tiên của ĐTC

Trong lời đáp từ sau lời chào mừng của Vua Abdullah, ĐTC nói bằng tiếng Ý:

”Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì được viếng thăm Vương quốc Giordani, theo vết các vị tiền nhiệm của tôi Phaolô 6, Gioan Phaolô 2 và Biển Đức 16, và tôi cám ơn Quốc Vương Abdullah II vì những lời chào đón nồng nhiệt, nhớ lại cuộc viếng thăm mới đây của Quốc vương tại Vatican. Tôi cũng chào thăm Hoàng gia, chính phủ và nhân dân Giordani, đất nước có lịch sử phong phú và ý nghĩa lớn về mặt tôn giáo đối với Do thái, Kitô và Hồi giáo.

”Đất nước này quảng đại đón tiếp đông đảo ngừơi tị nạn Palestine, Irak và những người đến từ các vùng khác bị khủng hoảng, đặc biệt là từ Siria láng giềng, bị đảo lộn vì cuộc xung đột kéo dài đã quá lâu. Sự đón tiếp đó đáng được cộng đồng quốc tế ngưỡng mộ và hỗ trợ. Giáo Hội Công Giáo theo khả năng của mình, muốn dấn thân trong việc trợ giúp người tị nạn và những người sống trong cảnh túng thiếu, đặc biệt là qua trung gian của Caritas Giordani. ”Trong khi tôi đau lòng nhận thấy những căng thẳng cao độ vẫn kéo dài ở vùng Trung Đông, tôi cám ơn chính quyền của Vương quốc Giordani vì những gì đang thực hiện và tôi khích lệ tiếp tục dấn thân trong việc tìm kiếm hòa bình lâu bền mong ước cho toàn vùng; để đạt mục đích ấy, người ta thấy hơn bao giờ hết cần có một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Siria, và giải pháp công chính cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

”Nhân cơ hội này, tôi tái bày tỏ lòng kính trọng sâu xa và sự quí chuộng của tôi đối với Cộng đoàn Hồi giáo, đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Quốc vương trong việc thăng tiến một sự hiểu biết thích hợp hơn về các nhân đức mà Hồi giáo tuyên dạy, cũng như sự sống chung thanh thản giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau. Tôi biết ơn đối Giordani vì đã khích lệ các sáng kiến quan trọng cổ võ cuộc đối thoại liên tôn để thăng tiến sự cảm thông giữa người Do thái, Kitô và Hồi giáo, trong đó có sáng kiến ”Sứ điệp liên tôn từ Amman” và vì đã cổ võ giữa lòng LHQ việc cử hành hàng năm ”tuần lễ hòa hợp giữa các tôn giáo”.

”Giờ đây tôi muốn thân ái gửi lời chào thăm các cộng đoàn Kitô hiện diện tại đất nước này từ thời các thánh Tông Đồ, và đang góp phần xây dựng công ích của xã hội trong đó họ hoàn toàn hội nhập. Tuy ngày nay con số của họ bị giảm bớt, nhưng họ vẫn có cách thi hành một hoạt động có chất lượng cao và được quí chuộng trong lãnh vực giáo dục và y tế, qua các trường học và nhà thương, và họ có thể yên hàn tuyên xưng đức tin, trong niềm tôn trọng tự do tôn giáo là một quyền cơ bản của con người, và tôi nồng nhiệt cầu mong quyền này được đặc biệt tôn trọng ở mọi nơi tại Trung Đông cũng như trên toàn thế giới. Quyền này bao gồm tự do cá nhân và tập thể được chọn lựa tôn giáo mà mình tin là thật và công khai bày tỏ tín ngưỡng của mình” (Biển Đức 16, Tông huấn ”Giáo Hội tại Trung Đông”,26). Các tín hữu Kitộ cảm thấy và là những công dân đúng nghĩa và muốn góp phần vào việc xây dựng xã hội cùng với các đồng bào Hồi giáo của họ, đóng góp phần đặc thù của mình.

Sau cùng tôi đặc biệt cầu chúc hòa bình và thịnh vượng cho Vương quốc Giordani, cho nhân dân nước này, và tôi cầu mong cuộc viếng thăm này góp phần gia tăng và thăng tiến những quan hệ tốt đẹp và nồng nhiệt giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo”.

Ngài cũng ứng khẩu cám ơn Vua Abdullah đã bảo vệ cộng đồng Kitô tại Giordani và là một người hòa bình, người xây dựng hòa bình.

Cử hành thánh lễ đầu tiên

Giã từ hoàng gia Giordani, ĐTC đã tới sân vận động quốc tế Al-Hussein cách đó 11 cây số để cử hành thánh lễ lúc gần 3 giờ chiều cho các tín hữu.

Hiện diện tại Sân Vận động có 30 ngàn tín hữu, không kể hàng ngàn người khác tham dự thánh lễ từ bên ngoài qua các màn hình khổng lồ. Trong số các tín hữu có nhiều người tị nạn Công Giáo đến từ Palestine, Siria và Irak, đặc biệt có 1.400 em được rước lễ lần đầu trong thánh lễ này.

Đồng tế với ĐTC có 5 Hồng y thuộc đoàn tùy tùng của ngài, 6 HY khác đến từ các Giáo Hội địa phương, đứng đầu là ĐHY Becharai Rai, Giáo chủ Công Giáo Maronite từ Liban, ngoài ra có 6 vị Thượng Phụ, 115 LM, 60 phó tế và đan sĩ đến từ các nước Arập.

Pope waves to the faithful upon his arrival to attend a mass in Amman

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC khai triển 3 hoạt động chính của Chúa Thánh Linh là chuẩn bị, thúc giục và sai đi. Ngài nói:
“Trong Tin Mừng chúng ta đã nghe lời Chúa Giêsu hứa với các môn đệ: ”Thầy sẽ xin Chúa và Người sẽ ban cho các con Đấng An ủi khác để Ngài ở lại với các con mãi mãi” (Ga 14,16). Đấng An ủi thứ I là chính Chúa Giêsu; Đấng thứ 2 là Chúa Thánh Linh.

”Ở đây chúng ta không xa nơi Chúa Thánh Linh đã ngự xuống trong quyền năng trên Đức Giêsu thành Nazareth, sau khi Gioan đã làm phép rửa cho Đức Giêsu trong sông Giordan (Xc Mt 3,16). Vì thế Tin Mừng chúa nhật này, và cả nơi mà nhờ ơn Chúa tôi ở đây như người hành hương, mời gọi chúng ta hãy suy tư về Chúa Thánh Linh, về điều mà Chúa thực hiện trong Chúa Kitô và nơi chúng ta, và chúng ta có thể tóm tắt thế này: Chúa Thánh Linh thực hiện 3 hành động: chuẩn bị, thúc đẩy và sai đi.

– ”Trong lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa, Thánh Linh ngự xuống trên Đức Giêsu để chuẩn bị Người thi hành sứ mạng cứu độ; sứ mạng này có đặc tính như của một Đầy tớ khiêm hạ và hiền lành, sẵn sàng chia sẻ lịch sử cứu độ và tận hiến toàn toàn. Nhưng Chúa Thánh Linh, hiện diện ngay từ đầu lịch sử cứu độ, đã hoạt động trong Đức Giêsu khi Người được chịu thai trong lòng đồng trinh của Đức Maria thành Nazareth, thực hiện biến cố lạ lùng là sự nhập thể. Thiên Thần nói với Đức Maria: ”Chúa Thánh Linh đã bao phủ Trinh Nữ, sẽ che bóng cho Trinh Nữ và Trinh Nữ sẽ sinh Con và được đặt tên là Giêsu” (Xc Lc 1,35). Tiếp đến Chúa Thánh Linh đã hành động trong ông Simeon và bà Anna, trong ngày dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ (Xc Lc 2,22). Cả hai vị chờ đợi Đức Thiên Sai, được Chúa Thánh Linh soi sáng và đến thăm Hài Nhi Giêsu, cả hai trực giác thấy rằng đó chính là Đấng toàn dân mong đợi…

– Thứ hai, Thánh Linh thúc đẩy. Ngài đã xức dầu trong nội tâm cho Đức Giêsu và xức dầu cho các môn đệ, để họ có cùng tâm tình của Đức Giêsu và nhờ đó có thể đảm nhận trong đời sống của họ những thái độ tạo điều kiện dễ dàng cho hòa bình và hiệp thông. Với sự xức dầu của Thánh Linh, nhân tính của chúng ta được ghi đậm sự thánh thiện của Đức Giêsu Kitô và làm cho chúng ta có thể yêu thương anh chị em với cùng tình thương mà Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Vì thế, cần có những cử chỉ khiêm tốn, huynh đệ và tha thứ, hòa giải. Những cử chỉ này là tiền đề và điều kiện để có hòa bình chân thực, vững chắc và lâu bền. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha xức dầu chúng ta để chúng ta hoàn toàn trở thành những người con của Ngài, luôn phù hợp với Đức Kitô, để chúng ta cảm thấy tất cả là anh chị em và như thế xua đuổi khỏi chúng ta những oán hận và chia rẽ, đồng thời yêu thương nhau như anh chị em. Và đó là điều Đức Giêsu yêu cầu chúng ta trong Phúc Âm: ”Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy tuân giữ giới răn của Thầy, và Thầy sẽ xin Chúa và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng An ủi khác, để Người ở lại với các con mãi mãi” (Ga 14,15-16).

– Và sau cùng Chúa Thánh Linh sai đi. Đức Giêsu là Đấng Được Sai Đi, đầy Thánh Linh của Cha. Được xức dầu với cùng Thánh Linh, cả chúng ta cũng được sai đi như sứ giả và chứng nhân hòa bình.

”Hòa bình không thể mua được: đó là một hồng ân cần kiên nhẫn tìm kiếm và xây dựng một cách khéo léo nhờ những cử chỉ lớn nhỏ bao gồm đời sống hằng ngày của chúng ta. Con đường hòa bình được củng cố nếu chúng ta nhìn nhận rằng tất cả chúng ta có cùng máu mủ và là thành phần của nhân loại; nếu chúng ta không quên mình có một người Cha duy nhất trên trời và tất cả đều là con cảu Ngài được dựng nên theo hình ảnh giống Ngài.

ĐTC thân ái chào thăm Đức Thượng Phụ, các anh em GM và linh mục, tu sĩ giáo dân, các em Rước lễ lần đầu.. và ngài kết luận rằng:

”Các bạn thân mến, Chúa Thánh Linh đã ngự xuống trên Đức Giêsu cạnh sông Giordan, và khởi sự công trình cứu chuộc hầu giải thoát thế gian khỏi tội lỗi và sự chết. Chúng ta hãy xin Chúa chuẩn bị con tim chúng ta để gặp gỡ anh chị em vượt lên trên những khác biệt về tư tưởng,ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo; xin Chúa xức dầu toàn thể con người chúng ta bằng dầu từ bi của Ngài, chữa lành các vết thương sai lầm, thiếu cảm thông, tranh biện, và sai chúng ta đi với lòng khiêm tốn và từ bi trên những nẻo đường khó khăn nhưng phong phú trong công trình tìm kiếm hòa bình.

ĐTC giảng hoàn toàn bằng tiếng Ý, và sau bài giảng, có một Đức Cha dịch sang tiếng Arập.

Trong phần hiệp lễ, 118 LM và Phó tế đã phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.

Cuối thánh lễ, Đức Thượng Phụ Fouad Twal đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC và nói đến những thách đố mà Giáo Hội địa phương đang phải đương đầu. Ngài nói: Thánh Địa bị quá nhiều chia rẽ, và Giáo Hội Công Giáo địa phương, đặc biệt là Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh Jerusalem hết sức cố gắng hiệp nhất nội bộ, hiệpnhất giữa các Giáo Hội và toàn dân. Chúng con là một Giáo Hội nhỏ bé, nhưng cũng là một Giáo Hội lắng nghe, tháp tùng và cộng tác theo khả năng khiêm hạ của mình, vào hành trình hoán cải, vì chúng ta luôn ở trong tình trạng hoán cải trường kỳ (Evan. gaudium 25).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Ơn hiểu biết giúp chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa trong mọi loài mọi vật

Ơn hiểu biết giúp chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa trong mọi loài mọi vật

Ơn hiểu biết khiến cho chúng ta đồng cảm sâu xa với Đấng Tạo Hóa, cho chúng ta tham dự vào cái nhìn và sự phán xử trong sáng của Người, giúp nhận ra nơi các người khác tuyệt đỉnh sự tạo dựng của Thiên Chúa và thừa nhận họ như là anh chị em. Nó cũng giúp chúng ta không rơi vào thái độ lầm lạc coi mình là chủ nhân của các thụ tạo muốn làm gì thì làm và nhận ra sự hạn hẹp của các thụ tạo.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với khoảng 70,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 21-5-2014 .

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích một ơn khác của Chúa Thánh Thần: đó là ơn khoa học hay ơn hiểu biết. Khi đề cập tới khoa học, chúng ta nghĩ ngay tới khả năng của con người trong việc luôn hiểu biết hơn thực tại bao quanh nó, và khám phá ra các luật lệ điều khiển thiên nhiên và vũ trụ. Đức Thánh Cha giải thích ơn hiểu biết như sau:

Tuy nhiên khoa học tới từ Chúa Thánh Thần không chỉ hạn hẹp nơi sự hiểu biết nhân loại: nó là một ơn đặc biệt giúp chúng ta tiếp nhận, qua thụ tạo, sự cao cả và tình yêu của Thiên Chúa và tương quan sâu xa của Người với từng thụ tạo.

Khi đôi mắt chúng ta được soi sáng bởi Thần Khí, chúng mở ra cho việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong vẻ đẹp của thiên nhiên và sự vĩ đại của vũ trụ, và đưa chúng ta tới chỗ khám phá ra rằng mọi sự nói về Thiên Chúa và mọi sự nói về tình yêu của Người. Tất cả khơi dậy nơi chúng ta sự kinh ngạc lớn lao và tâm tình biết ơn sâu xa. Đó là cảm xúc mà chúng ta có khi ngắm nhìn một tác phẩm nghệ thuật hay bất cứ kỳ công nào khác, kết qủa của tài khéo và óc sáng tạo của con người. Trước tất cả những điều đó Thần Khí dẫn đưa chúng ta tới chỗ chúc tụng Chúa từ tận cùng thẳm con tim, và thừa nhận trong tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là, một ơn vô giá của Thiên Chúa và một dấu chỉ tình yêu thương vô tận của Ngài đối với chúng ta.

Chương đầu tiên của sách Sáng Thế minh nhiên rằng Thiên Chúa hài lòng về thụ tạo của Người, bằng cách nhấn mạnh vẻ đẹp và sự tốt lành của mọi vật. Vào cuối mỗi ngày tạo dựng Thánh Kinh viết: ”Thiên Chúa thấy đó là điều tốt lành” (1,12.18.21.5). Và nếu Thiên Chúa thấy rằng thụ tạo là một điều tốt lành và xinh đẹp, cả chúng ta nữa cũng phải bước đi trong thái độ đó, trông thấy rằng thụ tạo tốt lành và xinh đẹp. Đó là ơn hiểu biết vẻ đẹp: chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa, cảm tạ Thiên Chúa đã cho chúng ta biết bao vẻ đẹp. Đó là đường đi. Và khi Thiên Chúa hoàn thành việc tạo dựng con người, Thánh Kinh không nói: ”Ngài thấy đó là điều tốt lành”, nhưng nói nó ”rất tốt lành”. Ngài làm cho chúng ta gần Ngài. Dưới mắt của Thiên Chúa chúng ta là điều xinh đẹp nhất, cao cả nhất, tốt lành nhất của việc tạo dựng. ”Nhưng mà thưa cha, các thiên thần”. Không, các thiên thần còn dưới chúng ta, chúng ta hơn các thiên thần”. Chúng ta đã nghe trong sách Thánh Vịnh rằng Chúa yêu thương chúng ta. Chúng ta phải cám ơn Chúa về điều này.

Ơn hiểu biết đặt để chúng ta vào trong sự đồng cảm với Đấng Tạo Hóa và làm cho chúng ta tham dự vào cái nhìn và sự phán xử trong sáng của Người. Chính trong viễn tượng này mà chúng ta thành công trong việc nhận ra được nơi người nam và người nữ tột đỉnh của việc tạo dựng, như là việc thành toàn một chương trình tình yêu được in dấu nơi từng người trong chúng ta, và khiến cho chúng ta thừa nhận nhau như là anh chị em.

Tất cả là lý do sự thanh thản và bình an và khiến cho kitô hữu trở thành một chứng nhân tươi vui của Thiên Chúa theo gót thánh Phanixcô thành Assisi và biết bao nhiêu vị thánh đã biết chúc tụng và ca ngợi tình yêu thương của Thiên Chúa qua việc chiêm ngưỡng thụ tạo. Tuy nhiên đồng thời ơn khoa học, ơn hiểu biết cũng giúp chúng ta không rơi vào vài thái độ qúa đáng hay sai lầm. Thái độ sai lầm thứ nhất là nguy cơ coi mình như chủ nhân ông của thụ tạo. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Nhưng thụ tạo không phải là một tư hữu, mà chúng ta có thể làm chủ tùy thích. Nó lại càng không phải là một tư hữu của một vài người, của ít người. Thụ tạo là một ơn, một ơn tuyệt vời mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, để chúng ta săn sóc và sử dụng nó cho thiện ích của tất cả mọi người, luôn luôn với sự tôn trọng lớn lao và lòng biết ơn.

Thái độ sai lầm thứ hai là cám dỗ dừng lại nơi các thụ tạo, làm như chúng có thể cống hiến câu trả lời cho các chờ mong của chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần, với ơn khoa học giúp chúng ta không rơi vào điều đó. Nhưng tôi muốn trở lại con đường sai lầm đầu tiên. Giữ gìn thụ tạo chứ không phải là làm chủ thụ tạo. Chúng ta phải gìn giữ thụ tạo. Đó là một ơn mà Chúa đã ban cho chúng ta: đó là món qùa Thiên Chúa cho chúng ta. Chúng ta là những người giữ gìn thụ tạo. Nhưng khi chúng ta khai thác thụ tạo, chúng ta phá hủy giấc mộng tình yêu của Thiên Chúa. Tàn phá thụ tạo là nói với Thiên Chúa: ”Con không thích, điều này không tốt”. ”Thế thì cái gì làm con thích?”. ”Con thích chính con”. Đó là tội. Anh chị em thấy chưa? Và việc giữ gìn thụ tạo chính là việc giữ gìn ơn của Thiên Chúa và cũng là nói với Chúa: ”Con cám ơn Chúa, con là chủ của thụ tạo. Nhưng để làm cho nó tiến tới, con sẽ không bao giờ phá hủy ơn của Chúa”. Đó phải là thái độ của chúng ta đối với thụ tạo. Giữ gìn nó, bởi vì nếu chúng ta tàn phá thụ tạo, thụ tạo sẽ tàn phá chúng ta. Đừng quên điều đó nhé! Có một lần tôi ở trong đồng quê và đã nghe một người đơn sơ rất yêu thích và săn sóc hoa, nói với tôi: ”Chúng ta phải giữ gìn các điều xinh đẹp mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Thụ tạo là cho chúng ta và chúng ta phải lợi dụng chúng một cách tốt đẹp. Không khai thác nó nhưng giữ gìn nó. Bởi vì cha biết không Thiên Chúa luôn luôn tha thứ”. ”Đúng, Thiên Chúa luôn luôn tha thứ”. ”Chúng ta là người chúng ta tha thứ đôi lần”. ”Nhưng cha ạ, thụ tạo không bao giờ tha thứ, nếu bạn không giữ gìn nó, nó sẽ tàn phá bạn”. Điều này phải khiến cho chúng ta suy nghĩ và xin Chúa Thánh Thần ơn khoa học, ơn hiểu biết để hiểu rằng thụ tạo là món quà đẹp nhất của Thiên Chúa, là Đấng đã nói: ”Đây là điều tốt lành, đây là điều tốt lành, đây là điều tốt lành và là món qùa cho điều tốt lành nhất mà Ta đã tạo dựng là con người”.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu và chúc họ những ngày hành hương bổ ích giúp củng cố đức tin nơi Chúa. Ngài đặc biệt chào các đoàn hành hương đến từ các nước Phi châu như Congo, Nam Phi, cũng như từ Á châu như Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Nhật Bản; và từ các nước châu Mỹ Latinh như Mexico, Argentina, Panamá, Costa Rica, Paraguay, Perù, Colombia, Brasil.

Chào tín hữu Ba Lan Đức Thánh Cha nói lễ kính Đức Mẹ Nữ Vương Ba Lan cũng như lễ thánh Stanislao Giám Mục tử đạo, lễ kỷ niệm Thánh Gioan Phaolô II và kỷ niệm trận đánh tại Monte Cassino là những biến cố quan trọng trong cuộc sống của Giáo hội Ba Lan. Ước chi chúng là đề tài suy tư trong các buổi cử hành mừng kính Đức Mẹ trong tháng 5 và củng cố tinh thần đức tin của anh chị em. Xin anh chị em cầu nguyện cho chuyến viếng thăm Thánh Địa của tôi.

Ngày 24 tháng 5 là lễ Đức Mẹ Phù hộ các kitô hữu rất được tôn kính tại trung tâm thánh mẫu Xà Sơn ở Thượng Hải. Đức Thánh Cha xin mọi người cầu nguyện để dưới sự chở che của Đức Mẹ Phù Hộ, các tín hữu công giáo Trung Quốc tiếp tục sống đức tin cậy mến và trong mọi hoàn cảnh, là men của sự chung sống hài hòa với các công dân khác.

Đức Thánh Cha cũng cho mọi người biết thứ bẩy tới đây tại Aversa sẽ có lễ phong chân phước cho Linh Mục Mario Vergara thuộc Hiệp hội truyền giáo nước ngoài Milano, viết tắt là PIME, và giáo lý viên Isidoro Ngei Ko Lat, hai vị bị giết vì đạo bên Miến Điện năm 1950. Ngài cầu mong lòng trung thành anh hùng của các vị khích lệ và nêu gương truyền giáo cách riêng cho các giáo lý viên trong các vùng truyền giáo. Toàn Giáo hội biết ơn công tác tông đồ không thể thay thế được của họ.

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nói Giáo Hội mới mừng lễ thánh Bernardino thành Siena. Ngài cầu mong tình yêu của thánh nhân đối với Thánh Thể chỉ cho giới trẻ thấy Thiên Chúa là trung tâm cuộc sống; khích lệ các người đau yếu đương đầu với khổ đau trong đức tin; và giúp các cặp vợ chồng mới cưới xây dựng căn nhà hôn nhân trên sự hiệp nhất.

Sau cùng ngài xin mọi người cầu nguyện cho chuyến viếng thăm Thánh Địa bắt đầu vào thứ bẩy tới đây. Đức Thành Cha nói: Đây là một chuyến viếng thăm hoàn toàn tôn giáo. Trước hết để gặp gỡ người anh em Bartolomaios I nhân kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ giữa Đức Phaolô VI với Đức Thượng phụ Athenagora I. Phêrô và Anrê lại gặp nhau một lần nữa, và đây là điều rất đẹp. Thứ hai là để cầu nguyện cho hòa bình trong vùng đất đã đau khổ qúa nhiều rồi.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Tám nước khắc nghiệt nhất về tôn giáo

Tám nước khắc nghiệt nhất về tôn giáo

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu tên 4 nước Á Châu trong số 8 nước

Từ năm 1999, Bộ Ngoại giao Mỹ đã theo dõi những lạm dụng tồi tệ nhất thế giới về quyền tôn giáo. Theo báo cáo gần đây nhất ghi nhận với dữ liệu đầy đủ nhất. Các cuộc bách hại những người có đức tin đang gia tăng trên toàn cầu.

Trong số những xu hướng đáng lo ngại nhất theo Bộ Ngoại giao là “chính phủ độc tài hạn chế khả năng việc người dân thực hành tôn giáo của họ.”

Với ngôn ngữ thông thường, Báo cáo kêu gọi “những nước này cần quan tâm đặc biệt.” Nhưng quyết định thì cần đi đôi với hành động.

Ví dụ ở Sudan, một phụ nữ Kitô giáo đã bị kết án tử hình trong tuần này vì bỏ đạo Hồi giáo, và nước ngoài không thể can thiệp.

Cùng với Sudan, đây là “những nước được quan tâm đặc biệt” của Bộ Ngoại Giao. Bạn có thể gọi những nước đó là “những nơi tồi tệ nhất thế giới về tín ngưỡng.”

Miến điện: Chính phủ Miến Điện chèn ép mọi tôn giáo ngoại trừ Phật giáo Nguyên thủy.

Theo Bộ Ngoại giao, một số quan chức chính phủ thậm chí còn lôi cuốn những người không phải là phật tử theo đạo Phật, và người Hồi giáo ở bang Rakhine, đặc biệt là người Hồi giáo Rohingya, là đối tượng bị phân biệt đối xử và bị đánh chết.

Trung Quốc: “Chính phủ sách nhiễu, bắt giữ, giam hãm, hoặc kết án tù một số tín đồ tôn giáo vì các hoạt động liên quan đến niềm tin và thực hành tôn giáo”.

Không chỉ bắt giam nhóm Uyghur theo đạo Hồi, một số trong họ đã bị kết án 10 năm tù vì “bán tài liệu tôn giáo bất hợp pháp,” và hàng giáo sĩ Công giáo bị bắt vì không thuộc Hiệp hội Công giáo Yêu nước của quốc gia này.

Điều đó không ăn thua so với chính sách khủng bố Phật giáo Tây Tạng, theo Bộ Ngoại Giao, người dân đã trải qua “cuộc đàn áp có tổ chức dữ dội tại các tu viện và ni viện, bắt giữ tùy tiện và tra tấn, thậm chí gây chết người.”

Eritrea: Chỉ bốn nhóm tôn giáo được chính cho phép công khai thực hành đức tin trong quốc gia châu Phi này; phần còn lại thì bị đàn áp, bị bỏ tù hoặc tệ hơn nữa.

Vì vậy, nếu bạn không phải là một Chính thống giáo Eritrea, một người Hồi giáo Sunni, một người Công giáo La Mã hoặc một người Tin lành Cải cách, cuộc sống có thể rất khó cho bạn ở đây. Theo Báo cáo, ở đây có luật bắt bớ khắt khe về những người không tuân theo tôn giáo.

Iran: Đất nước này đa số theo Hồi giáo, việc tôn trọng quyền tôn giáo đã thực sự suy giảm trong những năm gần đây.

“Báo cáo cho rằng chính quyền giám sát tôn giáo và các vùng dân tộc thiểu số với điều luật (chống lại Thượng Đế), ‘tuyên truyền chống Hồi giáo”, hay nghi ngờ tội phạm an ninh quốc gia cho các hoạt động tôn giáo của họ”, báo cáo cho biết.

Cụ thể, chính phủ đã bắt giữ nhiều thành viên thuộc giáo phái Baha’i và Saeed Abedini, một mục sư Mỹ gốc Iran đã bị lạm dụng về thể lý và tâm lý, theo Bộ Ngoại giao.

Bắc Triều Tiên: Các nhóm nhân quyền cung cấp nhiều thông tin cho rằng các thành viên thuộc giáo hội thầm lặng đã bị bắt giữ, đánh đập, tra tấn hoặc bị giết vì niềm tin tôn giáo của họ.

Quốc gia độc tài này đã bỏ tù 200,000 tù nhân chính trị phần lớn là vì lý do tôn giáo, theo Báo cáo. Đất nước này không khuyến khích bất kỳ hoạt động tôn giáo nào mà chưa được chính phủ thừa nhận.

Kenneth Bae, một người Mỹ gốc Hàn bị buộc tội truyền bá đạo Thiên Chúa giáo ở Bắc Triều Tiên, đã bị kết án vào năm 2013 với 15 năm lao động khổ sai.

Saudi Arabia: Một nước quân chủ giàu dầu mỏ đã làm ngơ không tôn trọng tự do của bất kỳ tôn giáo nào ngoài Hồi giáo.

Hồi giáo Sunni là tôn giáo chính thức, hiến pháp của đất nước dựa trên Kinh Qur’an và những lời dạy của tiên tri Mohammed. Các việc thực hành tôn giáo khác đều bị cấm, theo Bộ Ngoại giao, và chính quyền Ả Rập đã chặt đầu một người đàn ông vào năm 2012 vì tin vào “phù phép”.

Sudan: Đất nước này đã lọt vào danh sách đất nước cứng đầu của Bộ Ngoại giao kể từ khi thành lập từ năm 1999.

Sudan phạt những người báng bổ và bỏ đạo Hồi, một phụ nữ Kitô giáo bị kết án cho đến chết trong tuần này. Chính quyền còn bắt giữ và trục xuất các Kitô hữu Phương Tây bị nghi ngờ rao truyền đức tin.

Một đất nước có “giới cảnh sát đạo đức” đòi hỏi sự vâng phục nghiêm ngặt theo luật Hồi giáo, đã đánh đập và ném đá một người phụ nữ bị buộc tội hành động “vô luân.”

Uzbekistan: Về kỹ thuật, pháp luật của đất nước này tôn trọng các quyền tôn giáo.

Nhưng trong thực tế, quốc gia Trung Á này duy trì kiểm soát chặt chẽ phần lớn dân số theo đạo Hồi.

“Chính phủ tiếp tục bỏ tù các cá nhân dựa trên sự kìm hãm của chủ nghĩa cực đoan; đột kích vào các nhóm tôn giáo và các cộng đồng xã hội tôn giáo không đăng ký cũng như đăng ký; tịch thu và phá hủy các sách tôn giáo, bao gồm cả sách thánh, và cấm trẻ vị thành niên thực hành đức tin của họ”, Bộ Ngoại Giao cho biết điều này từ năm 2012.

Người dân bị bắt giam về tội “chủ nghĩa tôn giáo cực đoan” đã bị đánh đập, tra tấn và thậm chí bị giết.

Daniel Burke cho CNN Belief Blog

Trích từ UCANEWS VN

Thư Mục Vụ và Thông báo của Ban Chấp Hành Cộng Đồng Công Giáo VN Giáo Phận Orange: Tổ chức đêm thắp nến

THƯ MỤC VỤ CHÚA NHẬT V MÙA PHỤC SINH

Kính gửi tín hữu Công Giáo và Cộng đồng Việt Nam Nam Cali:

Trong ba ngày qua, các cơ quan truyền thông cho chúng ta biết là Trung Cộng đã ngang nhiên đưa tầu bè đến giàn khoan HD-981 ở Biển Đông, với tầu chiến và võ khí nhằm chiếm các mỏ dầu tại Biển Đông. Dưới đây là nguyên văn bức thư của Đức Tổng Phaolô Bùi văn Đọc, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam:

. . . trước tình hình nguy hiểm và căng thẳng, HĐGMVN với trách nhiệm của mình, xin nêu lên những quan điểm dưới đây:

1. Giáo Hội Công Giáo luôn kiên trì lập trường xây dựng hòa bình … Hòa bình không tách rời ra khỏi công lý nhưng nuôi dưỡng bởi hy sinh và tình yêu (cf Thông Điệp Hòa Bình 1975)

2. Chính phủ Việt Nam phải kiên trì đường lối ngoại giao, đối thoại để giải quyết xung đột.

3. Với người Việt Công Giáo, đây là lúc chúng ta cần biểu lộ lòng ái quốc theo lời của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI “ là người Công Giáo tốt cũng là người công dân tốt “

4. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam xin các giáo phận tổ chức một ngày cầu nguyện cho quê hương, tiết giảm chi tiêu ăn uống, mua sắm để góp phần nâng đỡ các ngư dân, nạn nhân của tầu Trung Quốc.

Trong lúc cha linh hướng và phối trí Cộng Đồng vắng mặt, tôi đã đại diện thư cho ông Lâm Kim Bảo thông báo cho toàn lời kêu gọi của HĐGMVN tổ chức một tối thắp nến cầu nguyện cho quê hương tại Trung Tâm Công Giáo càng sớm càng tốt.

Xin mọi người tích cực tham gia và cổ động cho buổi cầu nguyện này, một khi đã biết rõ thời giờ và chi tiết. Nguyện xin các chư thánh Tử Đạo Việt Nam và Đức Mẹ La Vang phù giúp chúng ta.

ĐC Mai Thanh Lương

 

THÔNG CÁO VÀ THƯ MỜI CỦA BAN CHẤP HÀNH CỘNG ĐỒNG CÔNG GIÁO VIỆT NAM: TỔ CHỨC ĐÊM THẮP NẾN HIỆP THÔNG TRONG NỔ LỰC CHỐNG TRUNG CỘNG XÂM LĂNG

Ý  thức bổn phận của người Công Giáo gốc Việt đối với quốc gia dân tộc trước tình hình nghiêm trọng hiện nay: Tung Cộng càng ngày càng tỏ rõ ý đồ xâm lăng, gần đây nhất là hành động đặt giàn khoan dầu trên Biển Đông, đồng thời liên tục giết hại, gây thương vong cho ngư dân hành nghề trên hải phận nhà. Bên cạnh đó, nhà cầm quyền cộng sản lại còn cấu kết trong âm mưu bán nước, đàn áp người yêu nước . . .

– Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi văn Đọc, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam “ xin các giáo phận tổ chức một ngày cầu nguyện cho quê hương Việt Nam “

Ban Chấp Hành Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange, với sự khích lệ và yểm trợ của Đức Cha Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange, Cha Linh Hướng Nguyễn Thái, sẽ tổ chức buổi thắp nến để liên đới, hiệp thông, và cầu nguyện cho quê hương và đồng bào trong công cuộc chống ngoại xâm, đồng thời cho những ngư phủ nạn nhân của cuộc xâm lăng này.

Xin trân trọng kính mời: Quý Đức Ông, quý Linh Mục, quý Tu Sĩ nam nữ, toàn thể Cộng Đoàn Dân Chúa và quý đồng hương hải ngoại, không phân biệt tôn giáo, cùng toàn thể những người đang đáu tranh cổ vũ tự do và công lý trên quê hương Việt Nam; vui lòng thu xếp thời giờ đến tham dự buổi thắp nến và cầu nguyện cho quê hương sớm thoát cảnh phá hoại xâm lăng từ Trung Quốc, và dân tộc sớm được hưởng một nền dân chủ, tự do trong công lý và hòa bình chân thực.

         Địa điểm: Trung Tâm Công Giáo

         Thời gian: 7:00 pm, tối thứ Sáu ngày 23 tháng 5 năm 2014

Xin trân trọng kính mời,

Ban Tổ Chức Đêm Thắp Nến:

Ban Chấp Hành Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange

 

Đường Giêsu

Đường Giêsu

Băn khoăn về nguồn cội con người, thắc mắc về ý nghĩa cuộc đời, thao thức truy tìm cứu cánh của đời người đã tiếp nối bằng bao thế kỷ mà không có được câu trả lời thoả đáng. Con người bơ vơ giữa ngã ba không biết phải đi về đâu. Khi xuống trần, Chúa Giêsu đã cho ta biết nguồn cội của Người là Đức Chúa Cha, ý nghĩa đời Người là thi hành thánh ý Chúa Cha, và cùng đích đời Người là trở về với Chúa Cha. Muốn về với Đức Chúa Cha, ta phải theo một con đường. Đường ấy có tên là GIÊSU. Đường này chắc chắn an toàn đi đến nơi về đến chốn vì Chúa Giêsu là người mở đường. Người chính là con đường và Người là tâm điểm của đích tới.

Chúa Giêsu là người mở đường.

Đi đâu cũng cần có đường. Không con đường nào tự nhiên có. Phải có người mở đường.

Có người mở ra những con đường vật chất, nhờ có óc phiêu lưu mạo hiểm, có tầm nhìn bao quát, có óc tính toán thực tế.

Có người mở ra những con đường suy tư triết học, sáng tác nghệ thuật, nhờ trí tuệ thông minh xuất chúng, có tư duy sáng tạo, có trực giác bén nhạy, có trí tưởng tượng phong phú.

Nhưng không ai có thể mở con đường lên trời. Đường lên trời hoàn toàn vượt khả năng con người. Phải có Đấng, ấy là Chúa Giêsu, Người đã đến từ Đức Chúa Cha, nay Người trở về cùng Đức Chúa Cha. Người lại hứa dọn chỗ cho ta trong Nhà Cha. Với những thông tin như thế, Người đã cho ta biết Trời chính là Nhà Cha. Quê Trời trở thành Quê Cha. Nước Trời trở thành một cõi đi về thân thương của con người. Con đường đi về ấy, chính Chúa Giêsu đã mở.

Chúa Giêsu là đường.

Không chỉ là người mở đường. Chúa Giêsu chính là con đường. Để về Nhà Cha, ta không chỉ đi theo, đi với mà còn phải đi trong Người. Không chỉ đi trong đường lối, trong tinh thần, nhưng trong chính bản thân Người. Như cành nho gắn liền với thân nho và sống bằng sự sống của thân nho. Như bánh rượu tan hoà vào trong máu thịt trở nên thành phần của bản thân ta. Như bản tính Thiên Chúa kết hợp với bản tính loài người trong bản thân Người. Đi trong Người để ta ở trong Người như Người ở trong Chúa Cha. Đi trong Người để ta mang hình ảnh của Người, để ai thấy ta cũng như thấy Người, như “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy”.

Chúa Giêsu là đích tới của con đường.

Đi trong Chúa Giêsu là một hành trình dài. Đi suốt cả đời chưa chắc đã tới.

Để đi trong Chúa Giêsu ta phải từ bỏ hết những gì của bản thân mình, kết hiệp trọn vẹn với Người, cũng như Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, để trở nên một với Chúa Cha.

Khi đã hoàn toàn từ bỏ hết ý riêng và trở nên một với Người cũng là lúc ta đạt tới đích điểm, là lúc ta gặp được Chúa Cha, là lúc ta ở trong Nhà Cha, là lúc ta đạt tới Quê Hương yêu dấu trên trời.

Lạy Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin cho con biết đi trong con đường của Người.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Bạn hãy thử tìm ra những đặc điểm của con đường Giêsu (Vd: hiền lành, khiêm nhường…)

2) Bạn còn xa hay đã gần con đường Giêsu?

3) Bạn có mong đi trọn vẹn trong con đường Giêsu không? Nếu muốn, bạn cần những điều kiện nào nữa?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Xin cho chúng con thấy Chúa Cha

Xin cho chúng con thấy Chúa Cha

Suy Niệm

Ông Philipphê xin với Thầy Giêsu: “Xin cho chúng con thấy Chúa Cha” (Ga 14,8).

Khao khát của ông cũng là khao khát của biết bao người, những người thiện chí không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng mà họ gọi bằng những tên khác nhau: Đấng Tối Cao, Đấng Tuyệt Đối, Đấng vượt trên mọi danh…

Con người muốn bắc một nhịp cầu với Đấng siêu việt, muốn có cảm nghiệm và tương quan với Tạo Hóa.

Thiên Chúa đã đáp lại khát vọng Ngài gieo nơi lòng người khi cho Con Một Ngài làm người, ở giữa chúng ta.

Nơi Đức Giêsu Kitô, chúng ta gặp được Thiên Chúa, dễ gần, dễ thấy, dễ quen.

Thiên Chúa đâu chỉ ở nơi cao thẳm ngàn trùng, Thiên Chúa hiện diện nơi con người Đức Giêsu khiêm hạ. Giữa Ngài và Thiên Chúa Cha có một gắn bó lạ lùng đến nỗi Đức Giêsu dám nói: “Ai biết Thầy là biết Cha” (14,7) “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (14,9) vì “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy”(14,10).

Lời nói và việc làm của Đức Giêsu chính là lời nói và việc làm của Thiên Chúa (14,10). Toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu được Cha chiếm ngự. Ngài như tấm gương trong suốt, phản chiếu khuôn mặt và trái tim Thiên Chúa, đầy nhân ái và bao dung với hết mọi người.

Làm Kitô hữu là làm người như Đức Giêsu Kitô, là trở nên một Giêsu khác cho con người hôm nay, là ước ao nói được rằng: “Ai biết tôi là biết Đức Kitô, ai thấy tôi là thấy Đức Kitô.”

Như thế cũng là biết và thấy Thiên Chúa.

“Xin cho chúng con thấy Chúa Cha”

Xin dẫn chúng con đến gặp Thiên Chúa Cha.

Đức Giêsu không phải chỉ là người đưa đường dẫn lối; Ngài tự nhận mình là Con Đường, thậm chí là Con Đường độc nhất dẫn đến Cha: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (14,6). Mọi con đường cứu độ đều phải đi vào Con Đường Giêsu.

“Thiên Chúa không ban một danh nào khác dưới bầu trời,

để nhờ danh đó mà chúng ta được ơn cứu độ” (Cv 4,12).

Nhân loại được cứu độ nhờ Danh Đức Giêsu, kể cả những ai không biết Ngài – tuy không do lỗi của họ – nhưng đã sống theo những đòi hỏi của lương tâm.

Đức Giêsu đã về với Chúa Cha trong vinh quang phục sinh, sau khi đã sống một đời yêu thương tự hiến. Cuộc đời Đức Giêsu trở thành con đường cho chúng ta đi.

Khi chiêm ngắm Ngài trong Tin Mừng, chúng ta biết mình phải nghĩ gì, nói gì, làm gì.

Khi đi vào Con Đường Giêsu, chúng ta cũng trở nên nẻo đường cho con người hôm nay, nẻo đường dẫn đến Giêsu.

Gợi Ý Chia Sẻ

1. Người ta thường nói đạo nào cũng như đạo nào, đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành. Còn bạn, tại sao bạn là Kitô hữu? Đức Giêsu có gì đặc biệt khiến bạn chọn theo?

2. Có khi nào bạn thấy mình bị lạc hướng không? Cách sống của Đức Giêsu trong Tin Mừng có khi nào giúp bạn tìm thấy hướng giải quyết không?

Cầu Nguyện

Lạy Cha, Cha muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.

Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người chưa nhận biết Đức Giêsu, họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

Xin Cha thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và bình an của mình cho tha nhân, và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng.

Chúng con chỉ xin đến với những người bạn gần bên, giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài, qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

Chúng con cũng cầu nguyện cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.

Xin Cha cho những cố gắng của chúng con sinh nhiều hoa trái. Amen.

Trích từ Manna

Đường hy vọng

Đường hy vọng

Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu? Nếu có một câu hỏi nào thường được các môn đệ đặt ra thì đó phải là câu hỏi thuộc về nơi chốn.

Thực vậy, thuở ban đầu, lúc mới gặp Chúa, các ông đã hỏi:

– Thưa Thầy, Thầy ở đâu?

Và rồi Chúa Giêsu đã trả lời:

– Hãy đến mà xem.

Trước bữa tiệc ly, các ông muốn biết một địa chỉ, một nơi chốn chính xác để mà chuẩn bị, nên đã hỏi Chúa Giêsu:

– Thưa Thầy, Thầy muốn chúng con ăn lễ vượt qua ở đâu?

Và hôm nay trước một tương lai còn mù mờ và bấp bênh, Tôma đã hỏi Chúa:

– Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường đi.

Sở dĩ các ông bận tâm về nơi chốn là vì trong quãng đời theo Chúa, các ông luôn được dẫn vào những cuộc hành trình, nay đây mai đó, không có một địa chỉ, một nơi chốn cố định:

– Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người thì không có cả chốn để mà tựa đầu.

Còn cuộc hành trình cuối cùng lại là cuộc hành trình tiến về Giêrusalem để chứng kiến Thầy mình chịu chết trên thập giá. Các ông đã coi đây là con đường thất bại của Chúa Giêsu, đồng thời đã trở nên con đường tuyệt vọng cho các ông. Mấy năm dài miệt mài theo Chúa những mong có ngày tả hữu vinh quang, nào ngờ Ngài lại bị đóng đinh như một tên tử tội… Đúng là dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì.

Khi mọi vốn liếng hy vọng đặt cả vào canh bạc cuộc đời, rồi bỗng dưng lật ngửa trắng tay. Các ông như từ trên cao rớt xuống. Hụt hẫng, chới với, chao đảo. Ước mơ bị sụp đổ, các ông như người bị phá sản. Thế mới hay mơ ước thì to lớn, nhưng khung đời lại chật hẹp. Mơ ước thật nhiều mà thực tế chẳng được bao nhiêu, nhiều lúc còn cay đắng phũ phàng.

Thầy đi đâu? Đằng sau câu hỏi này là tâm trạng hoang mang bất ổn trước một dĩ vãng vừa mới khép lại mà tương lai thì chưa kịp mở ra. Tương lai ấy hoàn toàn đổi mới hay chỉ là một dĩ vãng được lặp lai nơi chính bản thân mình. Đã một lần vỡ mộng, các ông băn khoăn là chuyện thường tình. Giống như đứa trẻ lỡ một lần bị phỏng, hễ thấy lửa, là tự nhiên rụt tay lại. Vì thế trong câu hỏi: Thầy đi đâu? Cũng nói lên nỗi âu lo rằng mình sẽ đi đâu? Thất vọng về dĩ vãng. Hoang mang trước tương lai đó là con đường các tông đồ đã nếm trải.

Thế nhưng, mở đầu đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, Chúa Giêsu đã khuyên nhủ các ông:

– Các con đừng xao xuyến.

Đó là một lời an ủi, mở ra một con đường mới, tràn ngập hy vọng và tin yêu. Thực vậy, Chúa Giêsu nói tiếp:

– Thầy đi để dọn chỗ cho các con.

Và như thế một tương lai đã được hé mở. Tương lai ấy không còn xa xôi, nhưng đã bén rễ ngay từ cuộc đời này. Sống hiện tại là chuẩn bị cho tương lai. Ngày mai đang bặt đầu từ hôm nay. Hay nói cách khác, cuộc sống trong nước trời phải được chuẩn bị, phải được định hình ngay từ bây giờ.

Đi trong hy vọng là nhận ra rằng con người được tạo dựng để hướng tới một mục đích, chứ không phải sống một cách vất vưởng, như thuyền không lái, như ngựa không cương. Và mục đích chúng ta cần phải đạt tới là chính Thiên Chúa trong niềm hạnh phúc bất tận.

Để kết luận, tôi xin mượn lời cầu nguyện của thánh Augustinô:

– Lạy Chúa, Chúa dựng nên con là để cho Chúa, nên con luôn khắc khoải, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.

Sưu tầm