Lớp Sáu (2015-2016): Bài Học 08

Lớp Sáu (2015-2016): Bài Học 08

Ca Dao Việt Nam

 

BatComDay

 

Có nhiều phương cách để học ca dao, trong bài này chúng ta sẽ dùng các mô hình để tìm mối quan hệ giữa sự vật.  Trong các mô hình này, sẽ có cả tiếng Anh cho các em tại hải ngoại dể hiểu nhưng không phải nhằm mục đích chuyển dịch sang Anh ngữ.  Một trong những vấn đề của dịch thuật là rất khó giữ được cái “hồn” của văn chương nguyên thủy.  Phương pháp sử dụng mô hình nhằm trợ giúp để dể hiểu hơn mà thôi.  Khi đã là một mô hình, nó chỉ là một trong những cách để tái tạo lại nhưng không phải duy nhất đúng.

Mục đích quan trọng nhất của học ca dao là rút ra những bài học kinh nghiệm và luân lý được chuyển tải qua những vần thơ dân gian đó.  Chúng rất có thể vẫn có giá trị cho những người đời sau. Trở lại bài ca dao “Bát Cơm Đầy”, để tiếp tục nhận lãnh những bát cơm ngon, chúng ta cần biết trân quý những đóng góp của người khác.  Không biết trân quý công sức của người khác cũng giống như chúng ta nói rằng: “chúng tôi không cần những bát cơm đó nữa.”  Tại sao người ta lại mang những bát cơm ngon đến với chúng ta khi chính ta không cần?   Một bát cơm đầy, dẻo và thơm chính là do công sức khó nhọc của biết bao người. Người nông dân gieo hạt.  Người cấy trồng và người gặt hái thu hoạch vào cuối mùa.  Hạt vừa thu hoạch cũng phải được bảo quản đúng mức, chuyên chở đến nơi được chế biến tại các nông trại.  Sau đó các bao gạo trắng và sạch sẽ được phân phối và bán ở các chợ hay siêu thị.  Đôi khi những bao gạo nhập cảng phải được chuyên chở bằng tàu thủy xuyên qua cả một hay hai đại dương.  Khi hạt gạo về đến nhà cũng phải được mẹ hay chị chúng ta nấu lên đúng cách mới cho ta được một bát cơm ngon miệng.  Cũng giống như thế, chúng ta phải biết nâng niu và quý trọng công sức của những người nuôi sống chúng ta.  Nếu chúng ta suy nghĩ cho cùng, một bát cơm ngon cũng nhờ vào ơn Trời cho gió thuận mưa hòa, cho hạt lúa có thể biến thành cơm, cho sức người đủ khỏe mạnh và khôn ngoan để làm công việc biến hóa đó cho chúng ta.  Có phải rằng, một đời người được nhận lãnh không phải một nhưng hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn bát cơm cho đến hết cõi đời?

Comments are closed.