Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương

Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, sáng ngày 21-11-2013, ĐTC bày tỏ lo âu về tình trạng của nhiều tín hữu Kitô nhất là tại Trung Đông, đang phải chịu những hậu quả vì căng thẳng và xung đột.

55 vị, trong đó có 28 HY, Thượng Phụ, TGM trưởng tham dự khóa họp toàn thể của Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, tiến hành tại Roma từ ngày 19 đến 22-11-2013 dưới quyền chủ tọa của ĐHY Tổng trưởng Leonardo Sandri, để kiểm điểm hành trình từ sau Công đồng chung Vatican 2 đến nay, và để đề ra những đường hướng thích hợp nâng đỡ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương.

ĐTC tái khẳng định sự hiện hữu hợp pháp của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản trong cộng đoàn hiệp thông của Giáo Hội Công Giáo, với những truyền thống riêng, tuy vẫn duy trì nguyên vẹn quyền tối thượng của Tòa Thánh Phêrô. Ngài nhắc nhở các tín hữu trong toàn Giáo Hội Công Giáo phải biết ơn đối với các Giáo Hội Kitô đang sống tại Thánh Địa, họ bảo tồn sự hiện diện của Kitô giáo tại miền này, dù gặp phải bao nhiêu khó khăn.

ĐTC nói: ”Điều gây lo âu rất nhiều là hoàn cảnh sống của các tín hữu Kitô, tại nhiều nơi ở Trung Đông, đang phải chịu những hậu quả nặng nề do những căng thẳng và xung đột hiện nay. Siria, Irak, Ai Cập và các vùng khác ở Thánh Địa, vẫn còn làm cho nước mắt phải tuôn trào. GM Roma không thể an tâm bao lâu còn những người nam nữ, thuộc bất kỳ tôn giáo nào, đang bị thương tổn trong phẩm giá, thiếu những điều cần thiết để sinh tồn, bị cướp mất tương lai, bị bó buộc phải sống thân phận của người tản cư và tị nạn. Hôm nay, cùng với các vị chủ chăn của các Giáo Hội Đông Phương, chúng ta lên tiếng kêu gọi tôn trọng quyền sống xứng đáng của tất cả mọi người, và quyền tự do tuyên xưng tín ngưỡng của mình. Chúng ta không được có thái độ cam chịu khi nghĩ đến Trung Đông không còn Kitô hữu, những ngừơi từ 2 ngàn năm nay tuyên xưng Danh Chúa Giêsu tại vùng này, họ được tháp nhập như những công dân với trọn danh nghĩa vào đời sống xã hội, văn hóa và tôn giáo của các quốc gia mà họ là thành phần”.

ĐTC nói đến thân phận của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương bé nhỏ và yếu thế nhất, sống trong im lặng như những nạn nhân, và họ đặt câu hỏi tha thiết: ”Đêm đen này còn kéo dài cho đến bao giờ?” (Is 21,11). Ngài trấn an rằng:

”Chúng ta tiếp tục canh thức, như người canh đêm trong Kinh Thánh, chắc chắn Chúa không để cho chúng ta thiếu sự phù trợ. Vì thế, tôi ngỏ lời với toàn thể Giáo Hội, nhắn nhủ hãy cầu nguyện, kinh nguyện làm cho chúng ta đạt được hòa giải và hòa bình nhờ lòng từ bi của Thiên Chúa. Kinh nguyện giải giáp sự điên rồ và tạo nên cuộc đối thoại tại nơi có xung đột công khai. Nếu kinh nguyện chân thành và kiên trì, thì sẽ làm cho tiếng nói dịu dàng và cương quyết của chúng ta có khả năng được lắng nghe, kể cả nơi những vị hữu trách của các dân nước”. (SD 21-11-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tu sửa vương cung thánh đường thánh Agostino Ippona, Algeria

Tu sửa vương cung thánh đường thánh Agostino Ippona, Algeria

Phỏng vấn Đức Cha Paul Desfarges, Giám Mục Costantina

Sau ba năm khởi công việc tu sửa vương cung thánh đường thánh Agostino tại Ippona bên Algeria đã hoàn tất, và lễ khánh thành đã được tổ chức long trọng hồi tháng 10 năm 2013. Tham dự lễ khánh thành đã có các giới chức chính trị Algeri và các nước khác, cũng như Imam hồi giáo, các ân nhân, tín hữu kitô và hồi giáo đồng công nhận đền thờ dâng kính thánh Agostino là một gia sản lịch sử, tôn giáo và kiến trúc, nơi Đông Tây gặp gỡ nhau. Phí tốn công trình tu sửa đã do nhiều cơ quan thuộc nhiều nước khác nhau cũng như các tổ chức tôn giáo và người dân thường đóng góp.

Cộng hòa dân chủ Algeria là quốc gia nằm ở mạn bắc Phi châu, rộng hơn 2 triệu 381 ngàn cây số vuông, là nước rộng nhất Phi châu và đứng hàng thứ 10 trên thế giới. Ở mạn đông bắc Algeria giáp giới với nước Tunisia, phía đông với Libia, phía tây với Marốc, phía tây nam với Đông sa mạc Sahara, Mauritania và Mali, và phía đông nam với Niger, và mạn bắc với biển Địa Trung Hải. Algeria là thành viên của Liên Hiệp Phi châu, của Liên Minh A rập, tổ chức OPEC và là thành viên các nước thành lập Liên Hiệp A rập Magreb, tức các nước Arập Bắc Phi.

Algeria là tên gọi phát xuất từ tên thủ đô Alger, trong tiếng A Rập là ”al Jazair” là ”Các đảo”, tên gọi tắt của ”Jazair Bani Mazghanna” nghĩa là ”Các đảo của bộ lạc Mazghanna”.

Algeria đã từng là vùng đất của nhiều nền văn minh tiền sử, bao gồm cả nền văn minh Ateria và Capsia. Vùng đất này cũng đã trải qua nhiều đế quốc và triều đại, bao gồm cả các đế quốc và triều đại của người Berber Numidia, Lybio-Punic, Cartago, Roma, Vandal, Bisantin, Arập Umayyad, Berber Fatimid, Berber Amoravid, Berber Almohaid, và đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ. Algeria có 38 triệu dân, 99% là người A Rập Berber và 1% thuộc các chủng tộc khác. Tiếng nói chính là A rập, nhưng tiếng Berber và tiếng Pháp cũng được sử dụng.

Algeria là vùng đất đã có lịch sử dài, vì vào khoảng năm 200.000 trước công nguyên đã có dấu vết người sinh sống. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều dụng cụ bằng đá do ngưới Neanderthal để lại thuộc thời gian 43.000 năm trước công nguyên. Kỹ nghệ chế tạo dụng cụ xuất hiện vào giữa các năm 15.000 tới 10.000 trước công nguyên. Nền văn minh thời Tân Thạch phát triển trong vùng Sahara và Magreb Địa Trung Hải, với việc chế ngự thú vật và phát triển nông nghiệp giữa các năm 6.000 và 2.000 trước công nguyên.

Vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên đế quốc Cartago bành trướng và tiếp xúc buôn bán với người Berber. Sau khi Cartago bị tàn phá năm 146 trước công nguyên, nhiều vương quốc của người Berber nổi lên và cai trị cho tới năm 24 sau công nguyên, khi bị đế quốc Roma xâm lăng, và cho tới đầu thế kỷ thứ V thì bị người Vandal đánh chiếm, nhưng sau đó bị đế quốc Roma tái chiếm và cai trị cho tới khi người Hồi xâm lăng vào giữa thế kỷ thứ VII khiến cho một số đông dân theo đạo Hồi. Sau khi triều đại A rập Umayyah tàn lụi năm 741, nhiều triều đại Berber lại nổi dậy. Trong thời Trung Cổ người Berber cai trị vùng Magreb tức vùng Bắc Phi và xua quân chinh phục cả các nước như: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, đảo Sicilia, Ai Cập, Sudan, Syria, Arập Sau đi, Israel, Palestina, Giordania, Irak và Yemen.

Vào giữa thế kỷ XVI đế quốc Ottoman cai trị toàn vùng với sự trợ giúp của các quan chức địa phương. Algeria đã trải qua nhiều tai ương dịch tễ và cũng là nạn nhân của các vụ cướp bóc của các dân rợ cướp biển. Trong các thế kỷ 16-19 đã có khoảng gần 1,3 triệu người bị bắt và bị bán làm nô lệ, trong đó có cả các kitô hữu. Năm 1830 nước Pháp xâm lăng Algeria và có hàng chục ngàn người Pháp di cư sang Algeria sinh sống. Các căng thẳng giữa người thuộc địa và người Hồi địa phương muốn tự trị và độc lập đưa tới chiến tranh Algeria, khiến cho khoảng 30.000 tới 150.000 người bị giết, và cuộc chiến kết thúc với biến cố Algeria được độc lập năm 1962.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị bài phỏng vấn Đức Cha Paul Desfarges, Giám Mục giáo phận Costantina, dành cho phóng viên Tiziana Campisi của chương trình Ý ngữ đài Vaticăng. Giáo phận Costantina ngày nay bao gồm cả Ippona, là giáo phận của thánh Agostino xưa kia có tòa giám mục của thánh nhân.

Hỏi: Thưa Đức Cha Desfarges, Đức Cha nghĩ gì về công trình tu sửa vương cung thánh thánh Agostino thuộc giáo phận của Đức Cha?

Đáp: Tôi tin rằng ngày nay người dân Algeri hãnh diện hơn khi coi thánh Agostino như là một trong những tiền nhân của họ. Thánh nhân thuộc gia phả của người dân Algeri.

Hỏi: Vương cung thánh đường thánh Agostino đã được trùng tu với sự đóng góp của nhiều cơ quan, tổ chức và các ân nhân khác nhau, kể cả tín hữu hồi giáo nữa. Đức Cha đọc hiểu sự đóng góp này như thế nào?

Đáp: Đối với tôi, việc tài trợ hơi phức tạp này là một dấu chỉ: nó là một thí dụ đẹp của tình liên đới, của các tương quan chung sống giữa các tín hữu kitô và tín hữu hồi trải dài từ Bắc chí Nam, và được tỏ hiện ra cả trong khía cạnh tài chánh nữa.

Hỏi: Thưa Đức Cha, đối với người dân Algeri, vương cung thánh đường thánh Agostino nằm trên đồi Annaba, được gọi là ”Lala Bouna”, Mẹ Nhân Lành, mẹ hiền. Kiểu gọi này có ý nghĩa gì ạ?

Đáp: Vương cung thánh đường tọa lạc trên một ngọn đồi và hơi vượt lên trên thành phố Annaba. Tôi nghĩ rằng trên ngọn đồi này người dân đã cử hành các buổi phụng tự trước Kitô giáo. Nhưng như người ta biết, đối với nhiều kitô hữu và cả nhiều tín hữu hồi nữa, trong chính lúc có một đền thánh ở nơi nào đó, thì nó là ”Lala”. Vì vậy người ta gọi nó là ”Lala Bouna” Đền Mẹ Nhân Lành, đền mẹ hiền, và họ cũng gọi Mẹ Maria như thế, mà không đưa ra qúa nhiều vấn nạn, nhưng chỉ ý thức rằng đó là một đền thánh thôi. Ngoài ra cũng cần phải nói thêm rằng, bên cạnh vương cung thánh đường, ngay từ trước khi vương cung thánh đường được xây cất, đã có nhà của các Tiểu Muội Người Nghèo, tiếp đón các gia đình rất khiêm tốn, và những người vô gia cư, hay những người không có gì để sống. Các chị tiếp đón các người nghèo khổ ấy, kể cả người hồi, và người dân Algeri rất là quảng đại, họ dâng cúng rất nhiều cho công tác bác ái này của các chị.

Vì thế ngọn đồi này trở thành đặc biệt bởi sự hiện diện của đền thánh, của nhà các Tiểu Muội Người Nghèo và nhà của các cha dòng thánh Agostino: và đó là ”Lala Bouna” Đền thánh Mẹ Nhân Lành. Nó thật sự là một nơi thánh, một nơi của phước lành. Và rất nhiều người tới viếng thăm đền thánh được sống một kinh nghiệm thinh lặng và cầu nguyện… Các người đến đây biết rằng họ đến một nơi thánh, một nơi được chúc phúc. Tại nơi này nhiều ơn lành đã được ban phát. Và tất cả những điều đó nói lên ý nghĩa ”Lala Bouna” đền thánh Mẹ Nhân Lành. Tôi hy vọng rằng các tín hữu hành hương có can đảm trở lại, nhiều hơn để làm một cuộc hành hương theo vết chân của thánh Agostino.

Hỏi: Việc khánh thành vương cung thánh đường thánh Agostino mở ra một mùa mới trong giáo phận Costantina nơi có thành phố Annaba, có đúng thế không thưa Đức Cha?

Đáp: Điều này cho phép tiếp tục trên các nền tảng tốt lành. Đối với Giáo Hội địa phương chúng tôi đã công bố Năm Thánh Agostino bắt đầu từ ngày 19-10-2013. Thế rồi ngày mùng 2 tháng 5 năm 2014 sẽ có một ngày trọng đại khác nữa, bởi vì chúng tôi sẽ cử hành kỷ niệm 5 năm ngày đền thánh Agostino được nâng lên hành vương cung thánh đường, vì thế sẽ là năm thánh Agostino.

Nó như là một ”hơi thở” của thánh Agostino trên toàn Giáo Hội của chúng tôi. Tôi tin rằng một lần nữa nó cũng là một dấu chỉ đối với người dân Algeri: Giáo Hội của chúng ta vẫn luôn luôn ở đó, tiếp tục hiện diện và phục vụ.

Hỏi: Thưa Đức Cha Desfarges, dân chúng Algeri có cái nhìn nào đối với Đức Thánh Cha Phanxicô và các tháng đầu trong triều đại giáo hoàng của người?

Đáp: Người dân Algeri có một ấn tượng rất tốt đối với Đức Thánh Cha Phanxicô. Qúy vị thấy đó, người dân Algeri chúng tôi thực sự đồng thanh với những gì xảy ra trên thế giới. Đức Thánh Cha Phanxicô đã được tiếp đón rất nồng hậu, đầy thiện cảm. Khi tôi đi trên đường, người dân nói với tội: ”Ồ, vị Giáo Hoàng này hay qúa!” Tôi nghe được rất nhiều kiểu nói loại này. Các lời của Đức Thánh Cha, các cử chỉ của ngài đánh động, đánh động tất cả mọi người, đánh động các con tim, bởi vì các cử chỉ của ngài một cách đơn sơ là các cử chỉ nhân bản huynh đệ. Đức Thánh Cha Phanxicô được tiếp nhận một cách rất là tốt. Chứng tá của ngài góp phần vào sự chung sống của con người với nhau.

Hỏi: Theo Đức Cha thì thánh Agostino sẽ nói gì về sự tham gia trùng tu vương cung thánh đường của thánh nhân?

Đáp: Ồ, đôi khi tôi cũng đã đặt câu hỏi này cho thánh nhân. Tôi tin rằng thánh Agostino sẽ nói với chúng ta những gì mà ngài đã nói với các tín hữu thời ngài: ”Đối với chúng ta sống là yêu. Cuộc sống của chúng ta là niềm vui, là khẩu hiệu cho tất cả mọi người”. Tôi nghĩ rằng thánh nhân sẽ lập lại với chúng ta rằng: ”Hãy tiếp tục yêu thương. Tương quan huynh đệ không chỉ lả một tương quan giữa con người với con người, nó là một tương quan với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa”. Và thánh nhân cũng sẽ nói với chúng ta rằng: ”Tình yêu, khi nó tới tận đáy, thì không chỉ là tình yêu giữa các bản vị chấp nhận nhau, nhưng đi tới chỗ yêu thơưng cả kẻ thù nữa”.

Thánh Agostino cũng đã từng nói: ”Hãy tập yêu thương kẻ thù của con: trong mức độ trong đó tình yêu lớn lên trong con, bằng cách đưa con trở lại, dẫn con trở lại với sự giống Thiên Chúa, nó sẽ tuôn tràn trên kẻ thù của con, để con giống Đấng đã cho mặt trời chiếu sáng trên người lành kẻ dữ”. Thánh Agostino đã nói như thế. Và điều này đánh động cả người dân Algeria nữa.

(RG 17-11-2013)

Linh Tiến Khải- Vatican Radio

Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm Giám đốc chủng viện làm Giám mục của Fort Worth, Texas

Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm  Giám đốc chủng viện làm Giám mục của Fort Worth, Texas

Bishop Michael Olson


WASHINGTON – Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Ông. Michael Olson , 47 tuổi, một linh mục của Giáo Phận Fort Worth, Texas và giám đốc của Đại Chủng viện Chúa Ba Ngôi tại Đại học Dallas ở Irving, Texas, lên làm giám mục giáo phận Fort Worth.

Việc bổ nhiệm được công bố tại Washington, ngày 19 tháng 11, bởi Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ.

Ông được thay thế Giám Mục Kevin Vann, người được bổ nhiệm làm giám mục của giáo phận Orange, California, ngày 21 tháng 9 năm 2012 .

GM. Michael Olson được sinh ra ngày 29 tháng sáu năm 1966 , tại Park Ridge , tiểu bang Illinois. Ông đã học tại viện thần học Theological College ở Washington và có bằng cử nhân và cao học về triết học của trường Đại học Công Giáo Hoa Kỳ . Ông đã học tại Đại Chủng viện St Mary ở Houston, Texas, nơi ông nhận được bằng cao học (master) văn chương, ngành nghiên cứu thần học và bằng cao học thần học ở Đại học St Thomas, Houston . Ông cũng có bằng tiến sĩ (doctorate) thần học luân lý từ các học viện Alfonsiana, tại Rome .

Đức Tân Giám Mục Olson thụ phong linh mục tại Giáo Phận Fort Worth vào ngày 03 tháng sáu năm 1994 . Ông được bổ nhiệm làm tuyên úy với chức vụ Đức Ông năm 2010.

Những mục vụ sau khi chịu chức từ 1994-1997, LM phụ tá giáo xứ, nhà thờ St Michael, Bedford , Texas ; 1997-2001, theo đuổi học tiến sĩ tại Trung tâm Đại học St Louis về lãnh vực Đạo đức Chăm sóc sức khỏe trong Truyền Thống Công Giáo , giai đoạn 2001-2006, giám đốc đào tạo chủng sinh , Chủng viện St Mary, Houston, 2006-2008, Tổng Quản Trị, Giáo Phận Fort Worth và linh mục quản xứ , Thánh Phêrô Tông Đồ Giáo Hội, Fort Worth và 2008 đến nay, Giám đốc Đại Chủng viện Chúa Ba Ngôi .

Giáo phận Fort Worth bao gồm 23,950 dặm vuông, có 28 quận trong tiểu bang Texas. Dân số 3,356,669 người, với 680,000 người, hoặc 20 phần trăm trong số họ, là Thiên Chúa giáo.

Thái Trong – Nguồn HĐGMHK

Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha tội cho chúng ta qua các linh mục

Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha tội cho chúng ta qua các linh mục

Chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta; qua chức thừa tác của linh mục Thiên Chúa lại ôm chúng ta trong vòng tay, tái sinh chúng ta và cho phép chúng ta đứng dậy và tiếp tục lộ trình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 70,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 20-11-2013 tại quảng trường thánh Phêrô, trong đó có rất nhiều người trẻ. Họ không ngớt reo hò và réo gọi Đức Thánh Cha. Khi Đức Thánh Cha quay qua một bên hơi lâu một chút, thì tín hữu phía bên kia lại réo gọi. Cũng như mọi lần đã có hàng chục trẻ em được các cận vệ bế đưa lên cho Đức Thánh Cha hôn và xoa đầu các em. Đức Thánh Cha đã chào thăm, hôn, vuốt ve an ủi hàng trăm bệnh nhân thuộc mọi lứa tuổi ngồi trên xe lăn.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha tiếp tục khai triển đề tài tha tội, nhưng liên quan tới ”quyền trao chìa khóa”, là biểu tượng kinh thánh Chúa Kitô đã ban cho các Tông Đồ.

Điều cần nhớ trước tiên đó là Chúa Thánh Thần là Tác Nhân của ơn tha tội. Người là nhân vật chính! Trong lần hiện ra đầu tiên với các Tông Đồ trong Nhà Tiệc Ly, Chúa Giêsu phục sinh đã thổi hơi trên các ông và nói: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần; các con tha tội cho ai thì người đó sẽ được tha, các con không tha tội cho ai, thì tội sẽ không được tha” (Ga 20,22-23). Đức Thánh Cha giải thích quyền này như sau:

Chúa Giêsu được biến hình trong thân xác Người, từ nay là người mới, cống hiến các ơn phục sinh, hoa trái cái chết và sự phục sinh của Người: và các ơn này là gì? Là hòa bình, niềm vui, ơn tha tội, sứ mệnh truyền giáo và nhất là ơn Thánh Thần, Đấng là suối nguồn của tất cả những điều đó. Tất cả các ơn này đến từ Chúa Thánh Thần. Hơi thở của Chúa Giêsu, được đi kèm bởi các lời, qua đó Người thông truyền Thần Khí, ám chỉ việc thông truyền sự sống, sự sống mới được tái sinh bởi ơn tha tội.

Nhưng trước khi làm cử chỉ thở hơi và trao ban Thần Khí, Chúa Giêsu cho thấy các vết thương trên tay và cạnh sườn Người: các vết thương ấy diễn tả giá của ơn cứu chuộc chúng ta. Chúa Thánh Thần đem đến cho chúng ta ơn tha tội của Thiên Chúa, qua các vết thương của Chúa Giêsu. Các vết thương này mà Người đã muốn duy trì.

Cả trong lúc này nữa, trên trời, Ngài cho Thiên Chúa Cha trông thấy các vết thương qua đó Ngài đã cứu chuộc chúng ta. Và nhờ sức mạnh của các vết thương ấy các tội lỗi của chúng ta được tha thứ. Như vậy Chúa Giêsu đã trao ban sự sống của Người cho sự bình an và niềm vui của chúng ta, cho ơn thánh trong linh hồn, cho ơn tha tội của chúng ta. Và thật là rất đẹp khi nhìn Chúa Giêsu như vậy.

Yếu tố thứ hai là Chúa Giêsu cho các Tông Đồ quyền tha tội. Nhưng mà điều này xảy ra làm sao? Bởi vì thật hơi khó hiểu: làm thế nào một người có thể tha tội. Chúa Giêsu ban quyền. Giáo Hội là nơi gìn giữ quyền chìa khóa tha tội, có thể mở và đóng, tha tội. Thiên Chúa tha tội cho mọi người trong lòng thương xót cao cả của Ngài, nhưng chính Ngài đã muốn rằng những kẻ thuộc về Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài, nhận ơn tha tội qua các thừa tác viên của Cộng đoàn. Qua chức thừa tác tông đồ, lòng xót thương của Thiên Chúa đến với tôi, các tội lỗi của tôi được tha, và niềm vui được ban cho tôi.

Trong cách thế đó Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống sự hòa giải cả trong chiều kích giáo hội, cộng đoàn nữa. Và điều này thật là đẹp! Giáo Hội là thánh nhưng đồng thời cần sám hối, đồng hành với con đường hoán cải của chúng ta trong suốt cuộc sống. Giáo Hội không phải là chủ của quyền tha tội, nhưng dùng chức thừa tác của lòng thương xót và vui mừng vì tất cả những lần có thể cống hiến ơn này của Thiên Chúa.

Rồi Đức Thánh Cha đề cập tới lý do khiến cho nhiều người không hiểu chiều kích giáo hội của ơn tha tội và nói:

Có lẽ biết bao nhiêu người ngày nay không hiểu chiều kích giáo hội của ơn tha tội, bởi vì chủ thuyết cá nhân, khuynh hướng chủ quan luôn thống trị, và kitô hữu chúng ta cũng cảm thấy điều đó. Dĩ nhiên Thiên Chúa tha thứ cho mọi kẻ có tội thống hối một cách cá nhân, nhưng kitô hữu được gắn liền với Chúa Kitô, và Chúa Kitô hiệp nhất với Giáo Hội. Đối với kitô hữu chúng ta, có một ơn hơn nữa và cũng có một dấn thân hơn nữa: một cách khiêm tốn nó đi qua chức thừa tác của Giáo Hội. Chúng ta phải đánh giá cao nó! Nó là một ơn và cũng là sự chữa trị, một che chở và cũng là an ninh mà Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi. Tôi tới với người anh em linh mục và nói: ”Thưa Cha, con đã làm điều này…” ”Nhưng tôi tha tội cho bạn: chính Thiên Chúa tha tội, và tôi xác tín trong lúc đó rằng Thiên Chúa đã tha cho tôi.” Đây là điều thật đẹp! Đó là có được sự chắc chắn mà chúng ta luôn luôn nói: ”Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta. Ngài tha thứ không mệt mỏi!”

Chúng ta phải không mệt mỏi đến xin tha thứ. ”Nhưng thưa Cha, con xấu hổ đi nói tội của con…” Nhưng coi đây, các bà mẹ của chúng ta, các phụ nữ nói rằng đỏ mặt một lần thì tốt hơn là vàng mặt một ngàn lần”. Bạn đỏ mặt một lần, Người tha tội cho bạn, và hãy tiến lên.

Điểm thứ ba, linh mục là dụng cụ của ơn tha tội. Sự tha thứ của Thiên Chúa được ban cho chúng ta trong Giáo Hội, nó được ban cho chúng ta qua chức thừa tác của một người anh em là linh mục; cả linh mục cũng là một người cần đến lòng thương xót như chúng ta, và thực sự trở thành dụng cụ của lòng thương xót, bằng cách trao ban cho chúng ta tình yêu vô hạn của Thiên Chúa.

Cả các linh mục cũng phải xưng tội, cả các Giám Mục nữa: tất cả chúng ta đều là kẻ có tội. Cả Giáo Hoàng cũng xưng tội hai tuần một lần, bởi vì Giáo Hoàng cũng là tội nhân! Và Cha giải tội nghe những điều tôi nói và khuyên nhủ tôi và tha thứ cho tôi, bởi vì chúng ta tất cả đều cần sự tha thứ này.

Đôi khi xảy ra là chúng ta nghe có người cho rằng họ xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa… Đúng, như tôi đã nói, Thiên Chúa luôn luôn lắng nghe bạn, nhưng trong bí tích Hòa Giải Ngài gửi một người anh em đem ơn tha tội đến cho bạn, nhân danh Giáo Hội.

Đức Thánh Cha nêu bật các thái độ mà linh mục giải tội phải có như sau:

Sự phục vụ mà linh mục cống hiến như thừa tác viên, từ phía Thiên Chúa để tha tội rất tế nhị. Đó là một phục vụ rất tế nhị, và nó đòi hỏi vị linh mục phải có sự bình an trong tim; không xử tệ với các tín hữu, nhưng khiêm tốn, nhân từ, và thương xót; biết gieo vãi hy vọng trong các con tim và nhất là ý thức rằng người anh chị em đến với bí tích Hòa Giải tìm ơn tha thứ, và họ làm điều đó như biết bao người đã tới gần Chúa Giêsu để Ngài chữa lành họ. Vị linh mục không có năng khiếu tinh thần này, thì tốt hơn là không nên ban bí tích này, cho tới khi nào linh mục ấy sửa mình. Các tín hữu có bổn phận? Không, họ có quyền! Chúng ta có quyền, tất cả mọi tín hữu có quyền tìm thấy nơi các linh mục các người phục vụ ơn tha tội của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, như là chi thể của Giáo Hội – tôi xin hỏi – chúng ta có ý thức được vẻ đẹp của ơn mà chính Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta hay không? Chúng ta có cảm thấy niềm vui của sự chữa lành này, của sự chú ý hiền mẫu mà Giáo Hội có đối với chúng ta hay không? Chúng ta có biết đánh giá cao sự chú ý đó với lòng đơn sơ hay không? Chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta; qua chức thừa tác của linh mục Thiên Chúa lại ôm chúng ta trong vòng tay, tái sinh chúng ta và cho phép chúng ta đứng dậy và tiếp tục lộ trình.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau và cầu chúc mọi người có những ngày hành hương Roma tươi vui, bổ ích, giúp trung thành đi theo Chúa.

Ngỏ lời với nhóm các linh mục tuyên úy Ba Lan đặc trách mục vụ cho các người di cư Ba Lan đó đây trên thế giới, Đức Thánh Cha khích lệ các vị nhiệt thành đáp ứng các nhu cầu của họ và phát triển cuộc sống thiêng liêng cho họ. Vì di cư, bởi bất cứ lý do gì, cũng bao gồm các lo âu, vấn đề và nguy hiểm, vì người di cư bị bẻ gẫy với các nguồn gốc lịch sử văn hóa và cả gia đình nữa. Do đó, các linh mục tuyên úy phải giúp họ duy trì đức tin và là chứng nhân trong các xã hội họ sinh sống.

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết tháng 11 là tháng kính các đẳng linh hồn. Ngài khuyên mọi người cầu nguyện nhiều cho những người thân yêu và ân nhân đã qua đời, cách trợ giúp tinh thần tốt nhất là xin lễ cầu nguyện cho họ, đặc biệt là những người bị quên lãng nhất.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Giám mục Kevin Vann được bổ nhiệm Chủ tịch Hệ thống pháp lý di trú Công giáo, thay thế Giám mục Garcia

Giám mục Kevin Vann được bổ nhiệm Chủ tịch  Hệ thống pháp lý di trú Công giáo, thay thế Giám mục Garcia

Bishop Kevin Vann

Ngày 19 tháng 11 năm 2013

WASHINGTON – Đức Giám Mục Kevin Vann của Orange, California, đã được chỉ định làm Chủ tịch hội Hệ Thống Pháp Lý Di Trú Công Giáo (Catholic Legal Immigration Network, Inc.  CLINIC ) do Đức Tổng Giám Mục Joseph E. Kurtz của Louisville, Kentucky, chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã thông báo vào ngày 18 tháng 11 năm 2013.

" Giám mục Vann có nhiều kinh nghiệm quan trọng đối với vị trí lãnh đạo này, " Theo lời của Tổng giám mục Kurtz cho biết . "Tôi và các thành viên khác của Hội Đồng Giám Mục cảm ơn Giám Mục Kevin Vann vì đã nhận trách nhiệm này. Lòng biết ơn của chúng tôi đi cũng với người tiền nhiệm của mình, giám mục Richard Garcia của Monterey, California, người từng phục vụ chức chủ tịch trong thời điểm quan trọng này trong lịch sử nhập cư . "

Đức Giám mục Garcia tái đắc cử làm thành viên của ban giám đốc điều hành, và sẽ tiếp tục phục vụ trong nhiệm vụ đó .

Tại Đại hội đồng, các giám mục cũng tái bầu Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski, Miami tiếp tục là một thành viên của hội đồng quản trị .

Đức Giám mục Vann được bổ nhiệm làm Đức Giám Mục giáo phận Orange, California , vào tháng Chín năm 2012. Trước đây ông từng là Giám Mục tại Fort Worth, Texas . Ngài được thụ phong linh mục cho giáo phận Springfield, Illinois, năm 1981. Trước đây ông đã phục vụ trong hội đồng quản trị.

Hội Ðồng Giám Mục đã thành lập hội này vào năm 1988 để hỗ trợ nhanh chóng mạng lưới cộng đồng dựa vào những chương trình di trú. Nhiệm vụ là để nắm lấy các giá trị Phúc Âm đón mừng người lạ từ nước ngoài, thúc đẩy nhân phẩm và bảo vệ quyền của người nhập cư. Mạng này bao gồm 250 giáo phận và các chương trình nhập cư phụ thuộc khác với 300 văn phòng  trong 46 tiểu bang tại Hoa Kỳ.

Thái Trọng – Nguồn HĐGMHK

 

Đức Thánh Cha kêu gọi tôn trọng ông bà và người già

Đức Thánh Cha kêu gọi tôn trọng ông bà và người già

VATICAN. ĐTC kêu gọi tôn trọng các ông bà và những người già. ”Dân tộc nào không tôn trọng các ông bà” thì không có ký ức và vì thế không có tương lai”.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong bài giảng thánh lễ sáng 19-11-2013 tại nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta ở Vatican. ĐTC diễn giải bài đọc trích từ sách Macabê kể lại chuyện cụ Eleázaro thà chết chứ không bỏ đạo và không có thái độ mập mờ hoặc giả hình, trái lại quyết liệt trung thành và nghĩ đến các thế hệ trẻ, để lại cho họ nghĩa cử can đảm, để lại một gia sản cao thượng.

ĐTC nói: ”Chúng ta đang sống trong một thời đại mà người già không được coi trọng, bị gạt bỏ. Nhưng người già là những người mang lại cho chúng ta lịch sử, mang lại đạo lý và đức tin làm gia sản. Họ là những người – như rượu cũ là rượu ngọn, – có một sức mạnh nội tâm để cho chúng ta một gia sản cao quí”.

ĐTC nói thêm rằng ”Đôi khi tuổi già gây khó chịu vì những bệnh tật đi kèm, nhưng sự khôn ngoan mà các ông bà nội ngoại chúng ta có chính là một gia sản chúng ta phải đón nhận. Dân tộc nào không giữ gìn các ông bà, dân tộc nào không tôn trọng ông bà thì không có tương lai, vì không có ký ức, vì đã đánh mất ký ức.

ĐTC bày tỏ đau buồn vì nhiều ông bà bị con cháu bỏ rơi trong các nhà dưỡng lão. Họ thực là kho tàng của xã hội chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các ông bà chúng ta, bao nhiêu lần họ đã có một vai trò anh hùng trong việc thông truyền đức tin trong thời kỳ bách hại. (SD 19-11-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

 

Đức Thánh Cha kêu gọi tinh thần truyền giáo của các tín hữu

Đức Thánh Cha kêu gọi tinh thần truyền giáo của các tín hữu

MEXICO. ĐTC Phanxicô kêu gọi các tín hữu Công Giáo hãy có tâm thức thừa sai và đặt việc truyền giáo lên hàng ưu tiên trong mọi hoạt động mục vụ.

Trên đây là nòng cốt sứ điệp Video ĐTC gửi đến các tham dự viên cuộc gặp gỡ về truyền giáo từ ngày 16 đến 19-11-2013 tại Đền thánh Đức Mẹ Guadalupe, Mexico, với sự tham dự của 80 GM, đông đảo các LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân.

ĐTC nói: ”Một thái độ sinh tử đối với Giáo Hội là không khép kín, không mãn nguyện với những gì đã đạt được. Nếu có thái độ như thế thì Giáo Hội trở nên bệnh hoạn, thứ bệnh tưởng mình sống trong sung túc, dư thừa, và trở nên suy yếu.”

ĐTC mời gọi các tín hữu hãy có tinh thần truyền giáo ngay trong đời sống hằng ngày và gặp gỡ tha nhất bất kỳ tại nơi nào… Ngài cảnh giác chống lại sự hiểu lầm về truyền giáo, truyền giáo không phải là chiêu mộ tín đồ”. ĐTC cũng kêu gọi chống lại thái độ giáo sĩ trị và nói rằng thứ cám dỗ này gây thiệt hại cho Mỹ châu la tinh và ngăn cẳn việc huấn luyện một hàng ngũ giáo dân trưởng thành, các tín hữu Kitô có tinh thần trách nhiệm.

ĐTC cũng nhắc nhở rằng ”Thái độ của vị chủ chăn đích thực không phải là một thái độ của ông hoàng, hay của một công chức chỉ quan tâm ưu tiên tới vấn đề kỷ luật, luật lệ và những cơ cấu tổ chức. Thái độ như vậy làm cho chủ chăn xa vời dân, không có khả năng dẫn đến một cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Giêsu Kitô”.

ĐTC hai lần nhắc đến sứ điệp của Đại hội các GM Mỹ châu la tinh ở Aparecida hồi năm 2007. Đại hội này đặt Giáo Hội trong tình trạng truyền giáo truyền kỳ, thi hành những công việc có tính chất truyền giáo: mọi hoạt động bình thường của mỗi Giáo Hội đều có đặc tính truyền giáo” (CNS 18-11-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Chuẩn bị kết thúc Năm Đức Tin

Chuẩn bị kết thúc Năm Đức Tin

VATICAN. Trong thánh lễ chúa nhật 24-11 tới đây nhân dịp bế mạc Năm Đức Tin, ĐTC Phanxicô sẽ trao Tông Huấn Evangelii gaudium (Niềm Vui Phúc Âm) cho một số đại diện các tầng lớp Dân Chúa.

Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, cho biết như trên trong cuộc họp báo sáng ngày 18-11-2013, để giới thiệu một số hoạt động nhân dịp bế mạc Năm Đức Tin.

Theo Đức TGM, trong Năm Đức Tin, đã có hơn 8 triệu tín hữu đến hành hương và tuyên xưng đức tin tại Mộ Thánh Phêrô Tông Đồ. Đây chỉ là một dấu hiệu nhỏ bé trong bao nhiêu sáng kiến trên bình diện địa phương để cử hành Năm Đức Tin.

– Lúc 5 giờ kém 15 phút chiều thứ năm, 21-11-2013, ngày cầu nguyện cho các đan sĩ chiêm niệm, ĐTC sẽ đến cử hành kinh chiều với các nữ đan sĩ tại Đan viện Camaldolesi trên đồi Avventino ở Roma, là nơi có những vết tích đầu tiên về đời sống nữ đan tu ở Roma. Sau đó, ngài gặp riêng cộng đồng các nữ đan sĩ tại đây.

Tiếp đến chiều thứ bẩy, 23-11, ĐTC sẽ gặp gỡ khoảng 500 dự tòng tại đền thờ Thánh Phêrô. Họ thuộc 47 quốc tịch khác nhau. Ngài đón tiếp 35 dự tòng tại cửa Đền thờ và đặt cho họ những câu hỏi theo nghi thức truyền thống: tên con là gì? Con xin gì với Giáo Hội của Thiên Chúa? Đức tin mang lại cho con điều gì?

– Sau cùng là thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi sáng chúa nhật 24-11 để bế mạc Năm Đức Tin.

Tại buổi lễ này, ĐTC sẽ trao Tông Huấn ”Niềm Vui Phúc Âm” như một quyết tâm mà Giáo Hội được yêu cầu đón nhận. Tin có nghĩa là chia sẻ cho tha nhân niềm vui được gặp gỡ với Chúa Kitô. Tông Huấn này của ĐTC trở thành một sứ mạng được ủy thác cho mỗi tín hữu đã chịu phép rửa để họ trở thành người loan báo Tin Mừng.
ĐTC sẽ trao Tông Huấn mới cho 1 GM, 1 LM và một phó tế được chọn trong số những người trẻ nhất được truyền thức. Họ đến từ Lettoni, Tanzania và Australia. Tiếp đến ngài trao cho đại diện tu sĩ nam nữ, rồi những người chịu phép thêm sức, một chủng sinh, một nữ tập sinh và một gia đình, các giáo lý viên, một người mù, ĐTC trao cho người này một đĩa CD để sao lại cho người trẻ, các hội đoàn, các phong trào. Cùng được nhận Tông Huấn còn có đại diện của giới nghệ sĩ để làm nổi bật giá trị của thẩm mỹ như một hình thức ưu tiên để loan báo Tin Mừng. Hai đại diện đó là nhà điêu khắc Etsuro Sotoo nổi tiếng của Nhật Bản, đã cộng tác vào việc xây Đền Thờ Thánh Gia ở Barcelona, Tây Ban Nha, và nữ họa sĩ trẻ Anna Gulak người Ba Lan. Ngoài ra có hai đại diện của giới ký giả. Tổng cộng có 36 đại diện các giới đến từ 18 quốc gia năm châu.

Trong thánh lễ sẽ có cuộc lạc quyên để trợ giúp các nạn nhân siêu bão Haiyan ở Philippines.

Việc trao Tông Huấn trên đây chỉ có tính cách tượng trưng. Việc công bố Văn kiện này sẽ được trình bày trong cuộc họp báo lúc 12 giờ ngày thứ ba, 26-11-2013 tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh. Giới báo chí cạnh Tòa Thánh sẽ nhận được Tông Huấn ngày 25-11, nhưng không được phổ biến nội dung cho đến ngày hôm sau, khi có cuộc họp báo. (SD 18-11-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cảnh giác chống tiên tri giả và kêu gọi cầu nguyện cho các Kitô hữu bị bách hại

Đức Thánh Cha cảnh giác chống tiên tri giả và kêu gọi cầu nguyện cho các Kitô hữu bị bách hại

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 17 tháng 11-2013 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC cảnh giác các tín hữu đối với các tiên tri giả và kêu gọi cầu nguyện cho các Kitô hữu bị bách hại.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng chúa nhật thứ 33 thường niên năm C hôm qua về ngày tận thế, với lời Chúa cảnh giác chống lại những tiên tri giả và hãy sống trong tỉnh thức và hy vọng. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng chúa nhật hôm nay (Lc 21,5-19) chứa đựng phần thứ nhất bài giảng của Chúa Giêsu về thời sau hết. Chúa Giêsu nói bài này ở Jerusalem, gần Đền Thờ; và dịp để ngài nói chính là sự kiện dân chúng lúc ấy đang nói về đền thờ và ca ngợi vẻ đẹp của Đền này. Đền thờ bấy giờ thật là đẹp. Bấy giờ Chúa Giêsu nói: ”Sẽ đến ngày Đền thờ mà anh chị em đang thấy sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào” (Lc 21,6). Dĩ nhiên họ hỏi ngài: ”Khi nào thì điều ấy xảy ra? Đâu là những dấu hiệu? Nhưng Chúa Giêsu chuyển sự chú ý của họ đối với những khía cạnh cụ thể – bao giờ xảy ra? sẽ như thế nào?- sang những vấn đề đích thực. Có hai vấn đề. Thứ nhất: là đừng để mình bị những tiên tri giả đánh lừa, và đừng để mình bị tê liệt vì sợ hãi. Thứ hai: sống thời gian chờ đợi như thời gian làm chứng và kiên trì. Và chúng ta đang ở trong thời gian chờ đợi, chờ đợi Chúa đến.

Diễn văn này của Chúa Giêsu luôn có tính chất thời sự, kể cả đối với chúng ta là những người đang sống trong thế kỷ 21. Chúa lập lại với chúng ta: ”Các con hãy coi chừng, đừng để mình bị đánh lừa. Thực thế, nhiều người sẽ đến mạo danh Thầy” (v.8). Đó là một lời mời gọi phân định, đây là nhân đức Kitô giáo hiểu đâu là tinh thần của Chúa và đâu là thần dữ. Đúng vậy, ngày nay cũng có những kẻ cứu thế giả, toan tính thay thế Chúa Giêsu: thủ lãnh của thế gian này, các đạo sĩ giả, cả những tên phù thủy, những nhân vật muốn thu hút về mình tâm trí của người khác, nhất là của những người trẻ. Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta: ”Các con đừng đi theo chúng!”.

Và Chúa cũng giúp chúng ta đừng sợ hãi: đứng trước chiến tranh, cách mạng, và cả những thiên tai, dịch tễ, Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi thái độ cam chịu số phận, khỏi những quan niệm sai trái về tận thế.

Khía cạnh thứ hai gọi hỏi chúng ta trong tư cách là Kitô hữu và như là Giáo Hội, đó là Chúa Giêsu loan báo trước những thử thách đau thương và bách hại mà các môn đệ của ngài sẽ phải chịu vì Ngài. Nhưng Ngài trấn an: 'Dù một sợi tóc trên đầu các con không rơi xuống' (v.18). Chúa nhắc nhở rằng chúng ta hoàn toàn ở trong tay Thiên Chúa! Những nghịch cảnh chúng ta gặp vì đức tin và vì lòng gắn bó của chúng ta với Tin Mừng là những cơ hội để làm chứng tá; chúng không được làm cho chúng ta xa Chúa, nhưng thúc đẩy chúng ta càng phó thác hơn cho Chúa, cho sức mạnh của Thánh Linh và ơn thánh của Ngài.

Trong lúc này đây, tôi nghĩ, và tất cả chúng ta cùng nghĩ tới bao nhiêu anh chị em Kitô hữu chúng ta đang chịu đau khổ vì bị bách hại đức tin. Và có bao nhiêu người bị như vậy. Có lẽ nhiều hơn cả những thế kỷ đầu tiên. Chúa Giêsu đang ở với họ. Cả chúng ta cũng liên kết với họ bằng lời cầu nguyện và lòng quí mến. Cả chúng ta cũng ngưỡng mộ lòng can đảm và chứng tá của họ. Họ là anh chị em chúng ta, đang chịu đau khổ tại bao nhiêu nơi trên thế giới vì trung thành với Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta thành tâm chào thăm họ với lòng quí mến.

Sau cùng Chúa Giêsu nói lên một lời hứa là bảo đảm chiến thắng: ”Với lòng kiên trì, các con sẽ cứu được mạng sống mình” (v. 19) Biết bao nhiêu hy vọng trong những lời này! Đó là một lời kêu gọi hy vọng và kiên nhẫn, biết chờ đợi những thành quả chắc chắn của ơn cứu độ, tín thác nơi ý nghĩa sâu xa của cuộc sống và lịch sử: những thử thách và khó khăn là điều thuộc về một kế hoạch rộng lớn hơn; Chúa là chủ tể lịch sử, ngài hướng dẫn mọi sự đến chỗ viên mãn. Dầu có những xáo trộn và tai ương làm chao đảo thế giới, nhưng kế hoạch từ nhân và thương xót của Thiên Chúa sẽ viên mãn! Và đây là niềm hy vọng của chúng ta: tiến bước như thế trên con đường này, trong ý định của Thiên Chúa sẽ được hoàn thành. Đó là niềm hy vọng của chúng ta.

Sứ điệp này của Chúa Giêsu làm cho chúng ta suy tư về hiện tại của chúng ta và mang cho chúng ta sức mạnh đương đầu với hiện tại trong can đảm và hy vọng, được Mẹ Maria tháp tùng, Mẹ luôn đồng hành với chúng ta.

Chào thăm

Sau phép lành, ĐTC chào thăm các tất cả các gia đình, các hiệp hội và các nhóm đến đây từ Roma, Italia, và bao nhiêu khác trên thế giới như Tây Ban Nha, Pháp, Phần Lan, Hòa Lan. Ngài nói: Tôi đặc biệt chào thăm các tín hữu đến từ Vercelli, Salerno, Lizznello, v.v.

Ngài cũng nhắc đến cộng đoàn người Eritrea Phi châu ở Roma đang mừng lễ thánh Micae và chân thành chào thăm họ.

ĐTC nói rằng hôm nay là ngày tưởng niệm các nạn nhân lưu thông. Tôi cầu nguyện cho họ và khuyến khích theo đuổi quyết tâm phòng ngừa vì sự thận trọng và tôn trọng các luật lệ lưu thông là hình thức đầu tiên bảo vệ bản thân và tha nhân.

Sau cùng, ĐTC nhắc đến và khuyến khích một sáng kiến do Đức TGM Konrad Krajewski, Chánh sở từ thiện của ngài đề ra, gọi là sáng kiến thuốc tinh thần. Ngài nói: có lẽ có người nghĩ DGH làm dược sĩ hay sao? Đây là thứ thuốc đặc biệt để cụ thể hóa thành quả Năm Đức Tin sắp chấm dứt. Đây là một thứ thuốc gồm 59 hạt liên kết thành một chuỗi. Một thứ thuốc tinh thần gọi là ”Từ Bi”. Có một hộp nhỏ trong đó có chuỗi 59 hạt, Trong hộp này có chứa đựng thứ thuốc ấy và một số người thiện nguyện sẽ phát cho anh chị em khi rời quảng trường này. Anh chị em hãy dùng thuốc đó. Đó là một chuỗi mân côi, anh chị em có thể dùng để cầu nguyện kể cả xâu chuỗi Lòng Thương Xót Chúa, một trợ lực tinh thần cho tâm hồn và để phổ biến khắp nơi tình thương, sự tha thứ và tình huynh đệ. Anh chị em đừng quên dùng thuốc này, vì nó mưu ích cho anh chị em. Nó có ích cho con tim, cho tâm hồn và trọn cuộc sống của anh chị em.

Hộp thuốc có in bằng 4 thứ tiếng cách sử dụng thuốc tinh thần: hãy mang lòng từ bi vào tâm hồn, và cảm thấy sự thanh thản trong con tim. Hiệu năng của thuốc này được bảo đảm nhờ lời Chúa giêsu. Hãy sử dụng thuốc này khi muốn cho các tội nhân hoán cải, khi cảm thấy cần được trợ lực, khi thấy thiếu sức mạnh để chống lại cơn cám dỗ, khi không thể tha thứ được cho một người, khi muốn lòng từ bi Chúa cho một ngừơi sắp chết và khi muốn thờ lạy Chúa vì tất cả những ơn lành đã lãnh nhận.

20 ngàn hộp thuốc tinh thần đã được phân phát cho mọi người

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

ĐAU KHỔ

ĐAU KHỔ

Chủ đề: “Sự đau khổ sẽ khiến bạn trở nên cay đắng hoặc trở nên tốt hơn”

Chúa Giêsu nói, “Hãy đứng vững, và anh chị em sẽ cứu được chính mình” Luca 21:19

Cha Anton Luli là một linh mục dòng Tên. Ngài bị Cộng Sản bắt ngay trước ngày Giáng Sinh 1947. Ngài viết trong nhật ký:

Vào đêm Giáng Sinh… họ dùng dây treo tôi lơ lửng trên không… có nhón gót thì mới chạm được mặt đất.

[Sau khi bị treo ba giờ đồng hồ] Tôi cảm thấy thân thể… như lìa xa tôi. Cái lạnh từ từ len vào mọi chi thể và… tim tôi như ngừng đập… Tôi kêu lên tuyệt vọng…

Những người tra tấn bước vào… kéo tôi xuống, và họ đá tôi túi bụi. Đêm hôm đó… tôi mới cảm nghiệm được ý nghĩa thực sự của… Thập Giá.

Nhưng cùng với sự đau khổ tôi chịu… tôi cảm thấy sự hiện diện đầy an ủi của Chúa Giêsu ở trong lòng… Vào những lúc ấy, sự hỗ trợ của Người là một điều mà tôi chỉ có thể gọi là “phi thường” thật vui sướng thật an ủi mà Chúa Giêsu đã đem cho tôi.

Điều mà Cha Luli không thấy trong đêm Giáng Sinh kinh hoàng ấy là ngài bị kết án tù 40 năm. Trong thời gian ấy, mười bẩy năm ngài bị giam riêng trong ngục tối. Ngài kết thúc nhật ký bằng những lời sau:

Họ thả tôi trong dịp ân xá năm 1989. Lúc ấy tôi đã 79 tuổi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy oán giận những người đã cướp đi cuộc đời tôi.

Sau khi được phóng thích, tình cờ tôi gặp lại một trong những người đã tra tấn tôi trên đường phố: tôi cảm thấy thương hại anh ta… và tôi đến ôm lấy anh.

Có hàng ngàn linh mục từng bị bách hại vì… Đức Kitô… nhưng không ai có thể cướp đi tình yêu của chúng tôi dành cho Chúa Giêsu trong tâm hồn.

Câu chuyện lạ thường của Cha Luli đưa chúng ta về bài Phúc Âm hôm nay. Trong đó, Chúa Giêsu nói về sự phá hủy Đền Thờ và ngày tận thế.

Khi các môn đệ hỏi Người khi nào những sự kiện ấy sẽ xảy đến, Chúa Giêsu nói họ phải thấy ba dấu hiệu.

Trước hết, các ngôn sứ giả mạo sẽ xuất hiện. Chúa Giêsu nói: “Nhiều người, tự xưng là phát ngôn viên của Thầy, sẽ đến và tuyên bố… ‘Đã đến lúc!’ Nhưng đừng theo họ.” Luca 21:8

Thứ hai, các điều kinh hoàng sẽ xảy ra trên mặt đất và trên trời.

Thứ ba, và sau cùng, Chúa Giêsu nói:

Trước khi những điều ấy xảy ra… anh chị em sẽ bị… bách hại… bị giam tù… [và] bị đưa ra trước vua quan vì Thầy. Đây sẽ là cơ hội cho anh chị em loan báo Tin Mừng… Hãy đứng vững [qua mọi điều ấy] và anh chị em sẽ cứu được chính mình.” Luke 21:12-13, 19

Và điều đó đưa chúng ta trở về với câu chuyện của Cha Luli. Ngài đã kinh qua những thử thách, bách hại, và tù đầy vì Chúa Giêsu.

Và ngài đã dùng những điều ấy như một cơ hội để loan báo Tin Mừng. Cũng như Chúa Giêsu, ngài đã tha thứ cho những người bách hại ngài. Và như Chúa Giêsu, ngài đã đứng vững cho đến cùng.

Một trong những kết quả ấy là câu chuyện đời ngài khuyến khích và phấn khởi chúng ta hãy đáp ứng với các thử thách và đau khổ như ngài đã thi hành.

Có lẽ chúng ta không còn sống để chịu những thử thách và đau khổ của ngày tận thế. Nhưng chắc chắn một lúc nào đó mọi người sẽ phải trải qua những thử thách và đau khổ trong cuộc đời.

Điều này khiến câu chuyện của Cha Luli thích hợp với các bài đọc hôm nay. Câu chuyện ấy đảm bảo rằng nếu chúng ta chấp nhận những thử thách và đau khổ của chúng ta, những gian nan ấy có thể trở nên nguồn ơn sủng lớn lao cho chúng ta, như đã xảy ra cho Cha Luli.

Tỉ như, một kết quả của những đau khổ và thử thách là Cha Luli đã cảm được sự hiện diện đầy trợ giúp của Thiên Chúa mà chưa bao giờ ngài cảm được-và rất ít người có được.

Điều đó đưa chúng ta đến một điểm quan trọng. Mọi thử thách và đau khổ sẽ khiến chúng ta trở nên cay đắng hoặc trở nên tốt hơn, tùy theo phương cách mà chúng ta chấp nhận.

Câu chuyện thật sau đây sẽ cho chúng ta thấy điều này.

Vào một ngày kia khi học lớp bẩy, John Erickson nhìn lên bảng và không thấy gì hết. Em sững sờ. Sau đó em lại thấy được nhưng không rõ như trước.

Ít lâu sau, cơn ác mộng được sáng tỏ. Em biết là có thể em sẽ bị mù. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã ban phúc cho em để có được một người em sinh đôi. Cha mẹ em mua chiếc xe đạp hai chỗ ngồi, và hai em có thể đi bất cứ đâu. John ngồi đằng sau; em kia ngồi đằng trước.

Khi đến tuổi trung học, John cũng đi học chung với em mình-thay vì học trường dành cho người khiếm thị.

Để rút ngắn câu chuyện, John làm trưởng lớp. Em bơi lội, trượt tuyết, và làm đủ mọi chuyện y như các trẻ em khác.

Sau khi xong trung học, John lên đại học và tốt nghiệp MBA ở trường Northwestern University. Ngày nay em là phó chủ tịch ngành đầu tư chứng khoán của một ngân hàng lớn nhất Chicago. Em cũng lấy vợ và rất yêu thương gia đình.

Ngày nay, hiển nhiên là em bị mù, nhưng em rất biết ơn Thiên Chúa về những phúc lành. Một trong những phúc lành lớn lao nhất, em cảm thấy là “sự thách đố” Người ban cho em đó là sự tương giao cá biệt với Chúa Giêsu.

John cho biết vào năm 23 tuổi, em tham dự nhóm học hỏi Kinh Thánh. Một ngày kia, bỗng dưng em nhận ra Chúa Giêsu ở với em-và luôn luôn hiện diện trong một phương cách đặc biệt. Sau đó, em không bao giờ cảm thấy cô đơn nữa. Và vì thế các bài đọc ngày hôm nay đảm bảo chúng ta rằng nếu chúng ta cầu nguyện và kiên trì trong những lúc thử thách và đau khổ-như Cha Luli và John đã trải qua-chúng ta sẽ chiến thắng, như họ.

Đây là tin mừng trong các bài đọc hôm nay.

Đây là tin mừng mà chúng ta cử mừng trong phụng vụ này.

Đây là tin mừng mà Chúa Giêsu muốn chúng ta đem về nhà hôm nay.

Chúng ta hãy kết thúc với những lời của Chúa Giêsu. Những lời này tóm lược lý do tại sao chúng ta sẽ kết thúc cách vinh quang nếu chúng ta cầu nguyện và kiên trì khi bị thử thách và đau khổ. Chúa Giêsu nói:

Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong các con. Cũng như một cành không thể tự nó sinh hoa trái trừ khi dính liền với thân, các con cũng vậy nếu các con không ở trong Thầy.

“Thầy là thân cây, các con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy trong họ thì sẽ sinh nhiều hoa trái.” John 15:4-5

Cha Mark Link

Sẵn sàng

Sẵn sàng

Chuyện kể: Người đàn bà Hồi giáo đến hỏi nhà truyền giáo: Ông đã làm gì con của tôi? – Con gái của bà mới chết ở tuổi 16. Ông trả lời: Tôi đâu có làm gì. Bà nói: Nhất định có. Con tôi chết mà miệng vẫn mỉm cười. Ở đây không ai chết như thế cả. À, con gái của bà vừa nhập đạo được mấy tháng. Cô không sợ chết mà thay vào đó là niềm hy vọng được tái sinh trong niềm vui vĩnh cửu.

Tuần áp cuối của Năm Phụng vụ, Giáo Hội cho chúng ta cơ hội suy tư một chút về ngày chung cục. Chúng ta biết rằng mọi sự trên thế gian này đang thay đổi và qua đi từng ngày. Bước vào Mùa Thu, nhìn cảnh chiều buồn lá rụng, chúng ta có cơ hội nghĩ đến thân phận ngắn ngủi của con người. Mỗi giây phút đều có sinh và có tử. Sự chết qua đi và sự sống tiếp nối làm thành một chuỗi đời sống. Mỗi loài sinh vật có đời sống dài hay ngắn tuỳ theo sự an bài sắp đặt của Thượng Đế từ khởi nguyên. Chúng ta biết có loài sống rất lâu cả hàng trăm năm và có loài chỉ hiện hữu trong vòng ít giờ như cuộc sống ngắn ngủi của con thiêu thân sống đó chết đó. Thời gian thấm thoát thoi đưa như cánh hoa sáng nở tối tàn. Chúng ta biết rằng sống lâu dài hay ngắn ngủi ở đời thì không quan trọng cho bằng mỗi người hãy chu toàn kiếp sống của mình cho ý nghĩa tròn đầy.

Tiên tri Malakia gióng tiếng mời gọi dân chúng đặt niềm tin vào Chúa các đạo binh. Tiên tri loan báo ngày sẽ đến, tất cả những kẻ kiêu căng và người làm ác sẽ bị thiêu đốt và tiêu diệt tận gốc rễ. Những lời cảnh tỉnh của Malakia có thể áp dụng cho mọi thời và mọi người. Chúng ta không nên chờ đợi đến ngày kết cùng của cuộc đời mới cải đổi tâm hồn. Mỗi ngày sống là một cơ hội tốt để chúng ta gieo những hạt giống tốt và làm việc lành phúc đức. Ở hiền sẽ gặp lành. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi những kẻ kính sợ Chúa. Thiên Chúa sẽ được cứu sống họ: “Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh.” (Mal 3,20a). Niềm hy vọng giải thoát cho những ai biết đặt niềm tin kính vào Thiên Chúa.

Nói về cánh chung, trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã loan báo về sự tàn phá của thành thánh Giêrusalem. Chiến tranh, loạn lạc, động đất và thiên tai đều là những dấu chỉ bên ngoài để mọi người nhận biết. Dù thành quách được xây dựng một cách kiên cố vững bền, với thời gian năm tháng và chiến tranh, mọi sự sẽ bị hủy phá. Chúa Giêsu phán: “Những gì anh em chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21,6). Nhiều người trầm trồ khen ngợi đền thánh vĩ đại và hoành tráng; thế nhưng sẽ không có gì tồn tại mãi với thời gian. Bản chất của vật chất là thay đổi và hư nát. Chúa loan báo về ngày cùng của thành Giêrusalem, cũng sẽ có ngày cùng của thế giới và của mỗi cá nhân.

Chúa Giêsu mạc khải về sự quan phòng của Thiên Chúa cho hết mọi loài. Con người là thụ tạo ưu tuyển, Thiên Chúa yêu thương chăm sóc cẩn thận: “Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.” (Lc 21,18). Vận mạng con người ở trong tay Chúa. Sự phát triển của đời sống con người lệ thuộc trong thời gian và không gian. Chúng ta không thể cắt bớt hay kéo dài thời gian. Chúa Giêsu tỏ bày rõ ràng cho những người theo Chúa về những khổ đau, thánh giá và thăng trầm phải đối diện vì danh Chúa: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.” (Lc 21,17). Chúa Giêsu đã cảnh báo cho các môn đệ những tai ương sẽ xảy đến nhưng phải kiên trì trong đức tin và đức cậy sẽ giúp họ đi đến cùng đường: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.” (Lc 21,19).

Chúng ta biết cuộc sống con người có muôn hình vạn trạng. Lòng mong ước sống đời chẳng ai giống ai. Có người thì cho rằng sống thì sướng, chết là khổ. Có người lại nói chết là sướng, sống là khổ nên chán đời. Mỗi ngày sống là một quà tặng. Nếu chúng ta sống vui vẻ, khoẻ mạnh và an lạc thì cuộc sống rất hạnh phúc. Ngược lại, nếu chúng ta cứ than thân trách phận thì sống khổ càng khổ thêm. Đừng xem cuộc sống là gánh nặng. Sống sướng hay khổ tuỳ thuộc rất nhiều vào thái độ sống của chúng ta. Không phải sống trong giàu sang nhung lụa là sướng và cũng không phải nghèo là khổ. Cái khổ tâm đến từ trí lòng ta. Khi chúng ta chỉ cậy dựa và bám víu vào những giá trị trần đời, vật chất sẽ đảo lộn đời chúng ta.

Trên dương trần, sinh tử là luật tự nhiên của muôn loài. Hằng ngày, nhiều khi chứng kiến hay nghe biết những tai nạn chết chóc trên khắp thế giới, chúng ta cũng chẳng mấy quan tâm. Nghĩ rằng sự chết là của ai đó. Cho tới khi một người thân hay bạn bè trong gia đình qua đời, chúng ta mới cảm nhận được sự mất mát và thương nhớ. Người quá cố càng thân thì càng thương, càng nhớ và càng khổ đau. Là người, ai cũng phải chết. Đôi khi chúng ta không dám hoặc không muốn nghĩ đến ngày cùng của cuộc đời mình. Điều chắc chắn là mỗi người chúng ta cũng sẽ phải ra đi vĩnh viễn. Vậy hãy sẵn sàng và vui sống với những gì chúng ta đang có.

Chuyện kể: Người kia rất tham việc, không dám lãng phí một phút nào. Trong cửa hiệu, ông dự định nơi ông sẽ đi dạo. Trong lúc đi dạo, ông dự định nơi ông sẽ đi ăn. Trong khi dùng món ăn chính, ông dự tính sẽ ăn món tráng miệng, rồi ông nhìn bảng danh mục để chọn xe buýt về nhà. Ông chẳng bao giờ chú ý đến những gì ông đang làm. Ông luôn chuẩn bị cho những sự việc kế tiếp. Một ngày kia, ông phải đối đầu với cái chết. Khi sắp chết, ông kinh ngạc về cuộc đời trống rỗng và vô nghĩa của mình. Vì ông chẳng bao giờ sống với hiện tại.

Theo truyền thống, người Việt Nam chúng ta rất tôn kính hình ảnh người thân đã quá cố. Sau khi người thân qua đời, gia đình cần tấm hình lập bàn thờ để mọi người cầu nguyện, tưởng niệm và nhang đèn cúng bái. Một việc rất đơn giản nhưng nhiều khi chúng ta đã bỏ qua hoặc quên sót. Có rất nhiều trường hợp, người thân chết mà chẳng có tấm hình nào để lại. Một ông cụ kia sống dài 80 tuổi, tuy có rất nhiều hình chụp chung với con cháu, nhưng tìm một tấm hình chân dung riêng thật khó. Không hiểu sao? Có thể khi còn sống đã không nghĩ đến, không có cơ hội chụp riêng hoặc sợ chết nên không dám chụp. Chúng ta đã chuẩn bị nhiều thứ sẵn sàng nhưng một tấm hình chân dung lại chẳng có. Chúng ta muốn hình ảnh nào sẽ lưu lại cho hậu thế? Chúng ta muốn có hình ảnh khuôn mặt tươi cười vui vẻ hay nhăn nhó sầu thương? Điều này chúng ta không thể chối từ.

Thánh Phaolô khuyên dạy các anh chị em trong giáo đoàn một bài học rất cụ thể: “Thật vậy, khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” (2 Thess 3,10). Chúa ban cho mỗi người một khả năng, tài trí và số vốn riêng để sinh lợi cho mình và cho xã hội. Chúng ta không nên dựa dẫm vào người khác một cách bất công. Thời nào cũng có những người ăn không ngồi rồi và gây gổ nhiều truyện. Những thói tục xấu đó vẫn tồn tại cho tới ngày hôm nay. Lời khuyên của Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta nên tránh những cách sống tiêu cực này. Ngài nói: “Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào.” (2 Thess 3,11). Dẫm chân lên nhau và xen vào nhiều chuyện là những thói tục xấu. Mỗi người nên chu toàn những trách nhiệm và bổn phận mình để cuộc sống thêm ý nghĩa và tích cực hơn.

Lạy Chúa, tới hôm nay chúng con cũng chưa chuẩn bị được gì cho hành trang đời đời. Chúng con cứ khất lần và nghĩ rằng thời gian còn nhiều. Xin cho chúng con can đảm nhìn vào thực tại sống để sẵn sàng chuẩn bị tốt cho những ngày sắp tới.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

TUNG CÁNH CHIM KHẮP NƠI

TUNG CÁNH CHIM KHẮP NƠI

Đền thờ là nơi qui tụ giáo dân, là nơi mọi người được nghe lời của Chúa, là nơi các tín hữu được lãnh nhận các phép bí tích. Thời Chúa Giêsu sống, Hội Đường là nơi Ngài hằng lui tới để đọc Sách Thánh, diễn giảng và sống huynh đệ với nhau. Hôm nay, nhân ngày Chúa Giêsu vào Đền thờ Giêrusalem, có nhiều người đã trầm trồ khen ngợi Đền thờ được trang trí cách rất mỹ thuật bằng đá quí, bằng vật quí. Chúa Giêsu đã nói tiên trị về việc phá hủy Đền thờ… Họ ngạc nhiên, thắc mắc và hỏi Ngài những dấu hiệu nào báo trước việc sẽ xảy ra. Chúa Giêsu đã cho biết có ba dấu chỉ này: một là sự xuất hiện của các tiên tri giả, hai là có chiến tranh loạn lạc xảy ra khắp nơi, ba là các sứ giả Tin Mừng bị bắt bớ.

Thực vậy, theo sử gia Joseph cho biết thì Đền thờ Giêrusalem bị tàn phá, bị san bằng vào năm 70 khi tướng Titô đem quân tới vây chiếm Thành Thánh Giêrusalem trong đó có Đền thờ rất đẹp và lộng lẫy vì đền thờ được xây dựng bằng những đồ vật quí giá, đắt tiền. Đọc lại lịch sử chúng ta được biết Đền thờ Giêrusalem được Vua Hêrôđê Cả xây dựng trong 46 năm từ 19 năm trước Công nguyên cho hiện thời lúc Chúa nói, còn mới và Đền thờ sẽ được khánh thành đưa vào xử dụng vào năm 60 sau Công nguyên. Sử gia Joseph cho chúng ta biết những chi tiết này và cho biết rằng tiền đường Đền thờ được trang trí bằng nhiều hiện vật quí giá, những chiến lợi phẩm thu lượm được qua những trận chiến, tạo nên sự uy nghi của Đền thờ.Đọc lại lịch sử chúng ta cũng hiểu được lời Chúa nói tiên tri rất đúng trước khi Đền thờ Giêrusalem bị phá hủy. Sử gia Joseph đã nói tới các tiên tri giả xuất hiện và chiến tranh lan tràn. Quả thực đúng như thế vì sau cái chết của Hoàng đế Néron thì xẩy ra việc bốn vị tranh giành nhau ngôi Hoàng đế làm cho Đế Quốc Roma lâm vào cuộc nội chiến thật khốc liệt.

Chúa Giêsu tiên báo về việc Đền thờ Giêrusalem bị tàn phá là vì Ngài đã thấy trước sự việc ấy và rồi khi Ngài nói đến sự tàn phá Đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu cũng cho nhân loại biết về ngày cùng tận của thế giới, ngày thế mạt nghĩa là ngày tận thế. Khi cho đọc các bài Tin Mừng nói về ngày thế mạt, Chúa Giêsu muốn cho mỗi người nghĩ tới cái chết của chúng ta, nghĩ tới sự cùng tận của thế giới loài người. Mọi công trình, mọi sự ở trần gian này chỉ là tạm bợ, ngay đối với con người thì cuộc sống hôm nay cũng chỉ tạm bợ, mau qua như hoa phù du, sớm nở chiều tàn. Cuối cùng chỉ có Thiên Chúa, con người và những gì thuộc về thiêng liêng là tồn tại mà thôi.

Chính vì thế, tiếp nối những điều Chúa Giêsu loan báo là các tông đồ, những chứng nhân của Chúa sẽ bị bách hại. Quả thực đúng như thế, trong cuộc cấm cách bắt bớ, đặc biệt là đối với các tông đồ như Phêrô và Phaolô, những vị lãnh đạo Giáo Hội và các tông đồ, các môn đệ đã vững vàng làm chứng cho Chúa, họ đã kiên trung, đổ máu, được phúc tử đạo để làm chứng cho tình yêu vô biên của Chúa. Có những vị không được phúc tử đạo nhưng vẫn luôn trung thành với Chúa, do đó, dù họ sống hay chết vẫn cứu được linh hồn của mình.

Vâng, theo Chúa luôn phảy hy sinh, từ bỏ, chiến đấu, nhưng tin vào Chúa, chúng ta an tâm làm chứng cho Ngài. Và rồi mỗi người được Chúa phân chia một công việc tùy theo địa vị của mình, nhưng tất cả luôn được Chúa thương che chở, gìn giữ.

Xin dùng lời của Cha Alain Faucher để kết luận bài chia sẻ này: “Ngay khi Giêrusalem sụp đổ, có lẽ các Kitô hữu tiên khởi đã nghĩ rằng “Mọi sự đã hết”. Sau đó, những con người đầy quả cảm ấy đã thực hiện một chọn lựa có tính quyết định: ra đi trên khắp nẻo đường thế giới. Nếu hôm nay chúng ta sống những người nam, người nữ Kitô hữu ở mọi nước trên thế giới, là nhờ sự bùng nổ việc loan báo Tin mừng từ sự kiện này. Trong cảnh hỗn loạn ấy, cần phải học cách xoay sở và hoạt động như các môn đệ đích thực”.

Lạy Chúa Giêsu, xin củng cố đức tin của chúng con, để chúng con sẵn sàng tung cánh chim đi muôn phương, làm chứng cho Chúa phục sinh. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1. Lời tiên tri của Chúa Giêsu về Đền thờ Giêrusalem có đúng không?

2. Đền thờ Giêrusalem bị tàn phá vào năm nào? Do ai tàn phá?

3. Khi nói về Đền thờ Giêrusalem bị tàn phá, Chúa Giêsu còn ám chỉ đến gì?

4. Ba dấu chỉ trước Giêrusalem bị tàn phá?

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Đức Thánh Cha truyền chức Giám Mục lần thứ 2 tại Vatican

Đức Thánh Cha truyền chức Giám Mục lần thứ 2 tại Vatican

VATICAN. Chiều 15-11-2013, ĐTC đã truyền chức GM cho Đức Cha Fernando Vérgez Alzaga, Tổng thư ký Phủ Thống Đốc Quốc gia thành Vatican.

Đức Cha Vérgez Alzaga người Tây Ban Nha, thuộc dòng Chiến Sĩ Chúa Kitô. năm nay 68 tuổi, đã từng phục vụ tại Bộ các dòng tu, rồi chuyển sang Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân, trước khi chuyển sang phân bộ Internet của Tòa Thánh. Từ năm 2008, ngài là Giám đốc về viễn thông của Quốc gia thành Vatican. Ngày 30 tháng 8 năm nay, ngài được ĐTC bổ nhiệm làm Tổng thư ký Phủ Thống Đốc Vatican, một nhiệm vụ tương đương với ”thủ tướng” điều hành công việc của quốc gia bé nhỏ này, với khoảng 1900 nhân viên.

Đây là lễ truyền chức GM thứ hai do ĐTC Phanxicô cử hành. Lần đầu tiên cách đây 3 tuần, vào chiều ngày 24-10-2013, ngài truyền chức GM cho 2 tiến chức là Đức TGM Jean-Marie Speich, người Pháp, tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Ghada bên Phi châu, và Đức TGM Giampiero Gloder, người Italia, tân Giám đốc Trường ngoại giao Tòa Thánh.

Hai vị phụ phong trong lễ truyền chức là ĐHY Giuseppe Bertello, Chủ tịch Phủ Thống Đốc Vatican, và Đức Cha Bryan Farrell, người Mỹ, cùng thuộc dòng Chiến sĩ Chúa Kitô, và là Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Đồng tế thánh lễ với ĐTC có khoảng 40 vị Hồng Y và GM trước sự hiện diện của hàng ngàn tín hữu.
Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc nhở rằng: Chức GM là một công tác phục vụ chứ không phải là một vinh dự: GM có nghĩa vụ phục vụ chứ không phải thống trị. ”Một trọng trách cao cả của Giám Mục là mang trong mình sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô: GM là người cha và người anh của tất cả mọi người”.

ĐTC cũng nhắc lại việc phục vụ trong khiêm tốn và âm thần của Đức Cha Vergéz Alzaga khi còn là linh mục thư ký của ĐHY Antonio Quarracino, Cố TGM Buenos Aires, Argentina, và ĐHY Pironio người Argentina Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân. Ngài khích lệ vị tân GM chu toàn công tác chăm sóc mục vụ cho các nhân viên tại Vatican, săn sóc họ như người cha, người anh với một tình yêu chân thành và dịu dàng. Ngoài ra hãy quan tâm tới những người không thuộc đoàn chiên duy nhất của Chúa Kitô, vị họ cũng được ủy thác cho con trong Chúa”.
Cuối thánh lễ truyền chức chiều hôm qua, tại nhà nguyện Đức Mẹ Sầu Bi ở cuối Đền thờ thánh Phêrô, ĐTC đã chào thăm vị Tân GM cùng với 25 thân nhân của ngài.

Sáng ngày 15-11-2013, lẽ ra ĐTC tiếp kiến riêng một số Hồng Y và Giám Mục, nhưng ngài hơi bị cảm, nên các cuộc tiếp kiến này bị hủy bỏ.

Cha Lombardi cho biết tình trạng sức khỏe của ĐTC không có gì đáng lo ngại. Cha cũng xác nhận Đức TGM Pietro Parolin, Tân Quốc vụ khanh Tòa Thánh, về Roma vào ngày thứ bẩy 16-11, và cư ngụ tại Nhà trọ Thánh Marta, cùng nhà với ĐTC. Văn phòng làm việc của Đức TGM Parolin vẫn ở lầu một trong dinh Tông Tòa. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết Đức TGM Parolin cám ơn ĐTC và tất cả những ai đã gần gũi ngài trong thời gian qua.

Thứ hai 18-11-2013, Đức TGM Parolin bắt đầu làm việc và không có lễ nghi nhậm chức vì buổi lễ này đã diễn ra ngày 15-10 vừa qua, tuy không có sự hiện diện của Đức TGM Parolin. Ngài đã chịu cuộc giải phẫu tại một bệnh viện ở thành phố Padova, bắc Italia, và dưỡng bệnh sau đó. (SD 16-11-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Giám mục Blaire kêu gọi mạnh mẻ để chống lại các công ty “Payday Loans” trong bức Thư gửi cho cơ quan Bảo Vệ Tài Chính cho Người Tiêu Thụ.

Đức Giám mục Blaire kêu gọi mạnh mẻ để chống lại các công ty “Payday Loans” trong bức Thư gửi cho cơ quan Bảo Vệ Tài Chính cho Người Tiêu Thụ.

14 tháng 11 2013

WASHINGTON – Người dân lao đông vất vả để tự nuôi bản thân mình và gia đình phải được bảo vệ từ những người cho vay tiền, mà những công ty này luôn khai thác bóc lột trong sự không ổn định tài chính của người vay tiền. Đức Giám mục Stephen E. Blaire của Stockton, California, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp về nước và phát triển con người của Hội nghị của Hoa Kỳ Giám mục Công giáo ( HĐGMHK ) đã nói như vậy.

Bức thư ngày 13 tháng 11 gởi cho Richard Cordray, giám đốc điều hành cơ quan Bảo vệ tài chính cho người tiêu thụ, Đức Giám mục Blaire nói rằng các công ty payday thường " tạo ra nhiều cách thức để trả nợ rất khó khăn, bắt đầu làm cho người vay mắc nợ nhiều, rồi tiếp tục châm thêm vào và làm cho tài chánh của họ trầm trọng, chứ không phải làm giảm đi. " Người dân lao động có thể vay từ payday loans, với một lệ phí, tương đương với số tiền lương sắp lãnh của họ. Thanh toán số tiền vay đầy đủ là cho lần lãnh lương sắp tới. Payday thường dùng định kỳ là 2 tuần .

Đức Giám mục Blaire nói rằng, Giáo lý Giáo hội Công giáo cảnh báo chống lại sự lợi dụng trong lúc khó khăn là đồng nghĩa với hành vi trộm cắp. Các Toát yếu Học thuyết Xã hội của Giáo Hội nói rằng " mặc dù sự tìm kiếm lợi nhuận công bằng là chấp nhận được trong hoạt động kinh tế và tài chính , phương thức cho vay nặng lãi là bị lên án về mặt đạo đức. "

Hãy nhận thức như thế nào sự tai hại từ các công ty payday loans cho những người sống trong nghèo đói, nhiều người thụ hưởng trợ cấp của hội Vận Động Công Giáo cho Phát Triển Nhân Loại (Catholic Campaign for Human Development, CCHD) đã chiến đấu để bảo vệ người tiêu thụ , chẳng hạn như đặt giới hạn về tiền lời và lệ phí mà người cho vay payday có thể tính phí tổn. Hàng năm sẽ có cuộc quyên tiền trong các giáo xứ trên toàn nước Hoa Kỳ vào những ngày cuối tuần 23-ngày 24 tháng 11, tuần trước lễ Tạ Ơn. Số tiền này sẽ dành cho cơ quan CCHD của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

 Đức Giám mục Blaire nói thêm, " những người nghèo và lao động đáng thương xứng đáng được nhiều cách lựa chọn trong lúc vay tiền mà họ có thể trả kịp thời và bảo đảm  tài chính dài hạn của họ, chứ không phải trả nợ theo nhiều định kỳ. "

Đức Giám mục Blaire kết thúc nhiệm kỳ là chủ tịch của Hội Ðồng Giám Mục Tư pháp Quốc gia và Phát triển Nhân loại ngày 14 tháng 11 và được thay thế bởi Đức Tổng Giám Mục Thomas G. Wenski ở Miami .

Nguồn: HĐGMHK

Thái Trọng

Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm chính thức Tổng thống Cộng hòa Italia

Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm chính thức Tổng thống Cộng hòa Italia

VATICAN. Sáng ngày 14 tháng 11-2013, ĐTC Phanxicô đã đến viếng thăm chính thức tổng thống Giorgio Napolitano tại điện Quirinale, đáp lễ cuộc viếng thăm chính thức của Tổng thống tại Vatican hồi tháng 6 năm nay.

Điện Quirinale là dinh của Đức Giáo Hoàng trong 300 năm trời, cho đến ngày 20 tháng năm 1870, khi quân Italia chiếm nước Tòa Thánh và thống nhất bán đảo Italia.

ĐTC Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 6 đến viếng thăm tại điện Quirinale và đây là lần thứ 3 ngài gặp Tổng thống Giorgio Napolitano. Ông năm nay đã 88 tuổi và đã mãn 7 năm làm tổng thống. Nhưng hồi tháng 4 năm nay, trước tình thế nguy kịch của đất nước, theo lời khẩn khoản của các đảng phái chính trị, ông đã nhận lời làm nhiệm kỳ hai.

Tháp tùng ĐTC trong cuộc viếng thăm sáng hôm qua có 11 người, đứng đầu là Đức TGM Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, vì Đức TGM Quốc vụ khanh Pietro Parolin còn dưỡng bệnh cho đến thứ bẩy 16-11-2013. Ngoài ra có Đức TGM Ngoại trưởng Tòa Thánh Dominique Mamberti, ĐHY Chủ tịch Phủ Thống đốc Vatican, ĐHY Chủ tịch HĐGM Italia và ĐHY Giám quản Roma.

Đến điện Quirinale vào lúc gần 11 giờ, ĐTC đã được Tổng thống chào đón nồng nhiệt, trước đoàn quân danh dự, với quốc thiều Vatican và Italia được trổi lên. Tiếp đó, ĐTC và Tổng thống đã hội kiến riêng trong thư phòng, trong khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, Ông Nicola Letta, và một số vị Bộ trưởng trao đổi với phái đoàn Tòa Thánh do Đức TGM Becciu hướng dẫn.

Tiếp đến là nghi thức trao đổi tặng vật, và ĐTC chào thăm các vị Chủ tịch Thượng Viện, Hạ Viện và tòa bảo hiến của Italia, trước khi viếng nhà nguyện Đức Mẹ Truyền Tin.

Sau đó vào lúc quá 12 giờ trưa, tại sảnh đường Đại Lễ, trước sự hiện diện đông đảo của các quan chức chính quyền và phái đoàn Tòa Thánh, Tổng thống Napolitano đã đọc diễn văn chính thức chào mừng ĐTC.

Ông tái bày tỏ tâm tình gần gũi và quí mến, đồng thời nhận xét rằng ”Quan niệm của Ngài về Giáo Hội và đức tin đã được chuyển đến tất cả mọi người, dù là tín hữu hay không có tín ngưỡng, qua những lời đơn sơ và mạnh mẽ của Ngài. Điều gây ấn tượng mạnh nơi chúng tôi là sự vắng bóng mọi thái độ giáo điều..”

Tổng thống nói đến những khăn, bầu không khí căng thẳng giữa các lực lượng chính trị khác nhau, và ông nhận xét rằng nhiều lời của ĐGH có thể soi sáng cho xã hội Italia trong bối cảnh này, đặc biệt là tinh thần đối thoại. Cũng vậy đối với tệ nạn tham ô hối lộ.

Diễn văn ca Đức Thánh Cha

Trong diễn văn chính thức, ĐTC chân thành cám ơn Tổng Thống cũng như quốc dân Italia, ngài nhắc lại những quan hệ và sự cộng tốt đẹp giữa Italia và Tòa Thánh, đồng thời ngài kêu gọi bênh vực gia đình. ĐTC nói:

Thưa tổng thống!

Với lòng biết ơn sâu xa, hôm nay tôi đáp lễ cuộc viếng thăm nồng nhiệt mà tổng thống đã dành cho tôi ngày 8 tháng 6 năm nay tại Vatican. Tôi cám ơn Tổng thống vì những lời chào mừng, nói lên tâm tình của nhân dân Italia.
Theo thói quen định chế về quan hệ giữa Italia và Tòa Thánh, cuộc viếng thăm này của tôi khẳng định tình trạng rất tốt đẹp trong quan hệ với nhau, và hơn nữa việc làm này cũng muốn diễn tả một dấu hiệu thân hữu. Thực vậy trong 8 tháng đầu tiên của tôi trong sứ vụ Phêrô, tôi đã cảm nghiệm được từ phía Tổng Thống bao nhiêu cử chỉ quan tâm. Những cử chỉ đó tiếp nối nhiều cử chỉ mà Tổng Thống đã dần dần biểu lộ trong nhiệm kỳ 7 năm đầu tiên đối với vị tiền nhiệm của tôi là Đức Biển Đức 16. Trong lúc này đây tôi muốn nghĩ đến Ngài với lòng quí mến, nhớ lại cuộc viếng thăm của Người tại điện Quirinale, dinh mà trong dịp đó Người gọi là ”căn nhà biểu tượng của tất cả mọi người dân Italia” (diễn văn 4-10-2008).

Khi đến viếng thăm Tổng Thống tại nơi này, với bao nhiêu biểu tượng và lịch sử, trong tinh thần, tôi muốn gõ cửa nhà của mỗi người dân tại đất nước này, nơi có căn cội gia đình trần thế của tôi, và trao tặng cho mọi người lời có sức chữa lành và luôn luôn mới mẻ của Phúc Âm.

Khi nghĩ lại thời điểm nổi bật trong quan hệ giữa Nhà Nước Italia và Tòa Thánh, tôi muốn nhắc đến việc đưa các Hiệp định Laterano và thỏa ước duyệt lại Hiệp định ấy vào trong Hiến pháp của Cộng hòa Italia. Trong vài tuần nữa là kỷ niệm 30 năm Thỏa Ước này. Ở đây chúng ta có một khuôn khổ vững chắc để tham chiếu về pháp lý, hầu có một sự phát triển trong sáng các quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước tại Italia, khuôn khổ này phản ánh và hỗ trợ sự cộng tác thường nhất để phục vụ con người, nhắm mưu công ích, trong sự phân biệt các vai trò và lãnh vực hoạt động của mỗi bên.

”Có bao nhiêu vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm và những câu trả lời có thể là giống nhau. Thời điểm hiện nay mang đậm ảnh hưởng cuộc khủng khoảng kinh tế, đòi nhiều nỗ lực cơ cực để vượt qua, và trong số những hậu quả đau thương của cuộc khủng hoảng ấy, có tình trạng không có đủ công ăn việc làm. Cần gia tăng nỗ lực để thoa dịu những hậu quả của nó và để đón nhận cũng như củng cố mọi dấu phục hồi.

Nghĩa vụ đầu tiên của Giáo Hội là làm chứng về lòng từ bi của Thiên Chúa và khích lệ những câu trả lời liên đới để mở ra một tương lai hy vọng; vì nơi nào hy vọng gia tăng thì cũng có nhiều nghị lực được tăng trưởng và sự dấn thân để kiến tạo một trật tự xã hội và dân sự nhân bản hơn, công bằng hơn, và nảy sinh những tiềm năng mới để phát triển dài hạn và lành mạnh.

Những cuộc viếng thăm mục vụ đầu tiên mà tôi được thực hiện tại Italia vẫn còn gây ấn tượng mạnh trong tâm trí tôi. Trước tiên tại đảo Lampedusa, tôi đã gặp gỡ gần kề sự đau khổ của những người vì chiến tranh hoặc vì lầm than, phải xuất cư trong những điều kiện nhiều khi tuyệt vọng; và tại đảo đó tôi đã gặp chứng tá đáng ca ngợi của bao nhiêu người đang xả thân trong việc đón tiếp. Rồi tôi nhớ đến cuộc viếng thăm tại Cagliari, để cầu nguyện trước Ảnh Đức Mẹ Bonaria; và cuộc viếng thăm tại Assisi, để tôn kính vị Thánh bổn mạng của Italia, mà tôi đã chọn tên thánh nhân. Ở những nơi ấy tôi cũng đụng chạm được một cách cụ thể những vết thương ngày nay đang đè nặng trên bao nhiêu người.

Nơi trung tâm của những hy vọng và khó khăn xã hội, có gia đình. Với một xác tín được đổi mới, Giáo Hội tiếp tục cổ võ sự dấn thân của tất cả mọi người, cá nhân cũng như các tổ chức, để nâng đỡ gia đình, là nơi đầu tiên trong đó con người được thành hình và lớn lên, trong đó ta học các giá trị và gương mẫu làm cho các giá trị đó đáng tín nhiệm. Gia đình cần sự ổn định và tính chất có thể nhận diện được của các quan hệ hỗ tương, để triển khai hoàn toàn nghĩa vụ không thể thay thế được và chu toàn sứ mạng. Trong khi gia đình dành các năng lực của mình để phục vụ Giáo Hội, gia đình yêu cầu được quí chuộng, đánh giá cao, và bảo vệ.
Và ĐTC kết luận rằng:

Thưa Tổng thống, trong hoàn cảnh này, tôi muốn bày tỏ mong ước, được hỗ trợ bằng lời cầu nguyện: ước gì Italia, kín múc từ gia sản phong phú của mình với các giá trị dân sự và tinh thần, biết tái tìm được sự sáng tạo và hòa hợp cần thiết cho sự phát triển hài hòa, thăng tiến công ích và phẩm giá của mỗi người, và đóng góp phần của mình cho hòa bình và công lý trong bối cảnh quốc tế.

Sau cùng, tôi cũng đặc biệt liên kết với lòng quí chuộng và yêu mến mà nhân dân Italia dành cho Tổng thống, và tái cầu chúc tổng thống những điều tốt đẹp nhất để chu toàn nghĩa vụ cao cả của Tổng Thống. Xin Thiên Chúa bảo vệ Italia và tất cả mọi người dân nước này.

Gặp các nhân viên và gia đình

Sau khi trao đổi diễn văn, ĐTC được Tổng thống hướng dẫn đến thăm Nhà Nguyện Paolina trong Điện Quirinale, rồi gặp gỡ 200 người gồm các nhân viên, gia đình và con cái của họ.

Đây là lần đầu tiên trong một cuộc viếng thăm của vị Giáo Hoàng tại dinh Quirinale có một cuộc gặp gỡ như vậy. Trong dịp này ĐTC nhắn nhủ các nhân viên tại Phủ Tổng Thống rằng:

”Qua công việc của anh chị em, nhiều khi âm thầm nhưng quí giá, anh chị em tiếp xúc với những biến cố thông thường và ngoại thường, đánh dấu hành trình của một quốc gia. Một số người trong anh chị em có cơ hội tiếp cận những vấn đề xã hội, gia đình và con người, mà các công dân tin tưởng gửi đến Tổng Thống. Tôi cầu chúc anh chị em luôn có một tinh thần hiếu khách, và cảm thông đối với tất cả mọi người. Rất cần có những người dấn thân với khả năng chuyên môn và với tinh thần nhân đạo, cảm thông, với sự quan tâm liên đới đặc biệt với những người yếu thế nhất. Tôi khuyến khích anh chị em đừng nản chí trong những khó khăn, và luôn sẵn sàng nâng đỡ tha nhân”.

Cuộc viếng thăm của ĐTC tại dinh tổng thống Italia kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ. Sau nghi thức tiễn biệt, Ngài đã trở về Vatican lúc gần 1 giờ trưa.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Chủ tịch tiểu ban của Hội Ðồng Giám Mục Phản ứng việc xác định lại hôn nhân ở Hawaii

Chủ tịch tiểu ban của Hội Ðồng Giám Mục Phản ứng việc xác định lại hôn nhân ở Hawaii

WASHINGTON – Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone tại San Francisco, Chủ tịch tiểu ban các giám mục Hoa Kỳ  về khuyến khích và bảo vệ hôn nhân (Subcommittee for the Promotion and Defense of Marriage), trả lời ngày hôm nay để dự luật được thông qua bởi cơ quan lập pháp Hawaii và thống đốc đã ký sắc lệnh để xác định lại việc hôn nhân .

"Quyết định ở Hawaii là đáng thất vọng và cho thấy sự cần thiết phải xây dựng lại một nền văn hóa của các gia đình của quốc gia chúng ta, " Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói. "Thay đổi ý nghĩa của hôn nhân trong pháp luật không thúc đẩy lợi ích chung hoặc bảo vệ quyền lợi đích thực . "

" Khi đề cập đến các gia đình ", Đức Tổng Giám Mục nói, " Đức Thánh Cha Phanxicô đặt nó theo cách này:" Tôi nghĩ việc đầu tiên và quan trọng nhất của sự kết hợp bền vững của người đàn ông và người phụ nữ trong hôn nhân. " Vấn đề của hôn nhân có tư cách trong pháp luật là thúc đẩy các quyền lợi của trẻ em là có một người mẹ và một người cha. Chỉ người đàn ông và đàn bà lập gia đình với nhau mới có thể tạo ra được. Câu hỏi chúng ta cần phải tự hỏi mình là thế này: Làm thế nào chúng ta có thể thật sự biện minh cho một điều luật mà theo nguyên tắc không cho trẻ em quyền lợi này "

Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói thêm, " những lời cầu nguyện của tôi là với nhiều người đã giúp bảo vệ hôn nhân ở Hawaii trong tinh thần bác ái và chân lý, và bằng cách đó, giúp bảo vệ một nền văn hóa của gia đình. Những nỗ lực của họ đã không vô ích, sẽ là nhân chứng và luôn  tiếp tục đơm hoa kết trái . "

Nguồn: HĐGMHK

Thái Trọng

 

Bề trên tổng quyền dòng Camêlô bị bắt vì tội bắt cóc

Bề trên tổng quyền dòng Camêlô bị bắt vì tội bắt cóc

November 13, 2013 

Cindy Wooden cho Catholic Herald

Bề trên tổng quyền dòng Camêlô bị bắt vì tội bắt cóc thumbnail

Cảnh sát Ý vừa bắt giữ bề trên tổng quyền dòng Camêlô vì nghi ngờ bắt cóc sau khi người ta cho rằng ngài cố gắng ngăn chặn hai linh mục cùng dòng phản đối việc bầu cử ngài tham dự tổng tu nghị của dòng.

Linh mục Renato Salvatore, người được tái cử tại một tu nghị hồi tháng Năm, và năm người đàn ông khác bị cảnh sát Ý bắt giữ tuần này.

“Rất ngạc nhiên và đau đớn khi chúng tôi biết tin bề trên tổng quyền của mình đã bị cảnh sát bắt giữ để làm rõ những nghi vấn liên quan những sự việc được gắn cho ngài” – linh mục Paolo Guarise, tổng đại diện dòng, nói trong thông cáo.

“Chúng tôi đang sống giây phút này trong cầu nguyện và chắc chắn rằng sự việc có thể sẽ được làm sáng tỏ”, cha Guarise cho biết.

Theo tin tức báo chí Ý, cha Salvatore bị cáo buộc đã sắp xếp cho những người mạo danh là thành viên của cảnh sát câu lưu và thẩm vấn hai linh mục cùng dòng nhằm ngăn cản họ tham dự tổng tu nghị và bỏ phiếu chống lại việc ngài tái cử.

Cảnh sát cho rằng cha Salvatore đang làm việc với một chuyên gia tài chính người Ý – người này đã bị điều tra nhiều lần nhưng chưa bị kết tội giao dịch tài chính mờ ám – để bảo vệ các hợp đồng tại một bệnh viện của dòng gần Naples.

Nguồn: Catholic Herald

UCANEWS Vietnam

Đức Thánh Cha giải thích về bí tích rửa tội

Đức Thánh Cha giải thích về bí tích rửa tội

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 60 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 13 tháng 11-2013, ĐTC Phanxicô đã giải thích ý nghĩa và tầm quan trọng của bí tích rửa tội đối với đời sống Kitô.

Giờ khai mạc chính thức được ấn định vào lúc 10 giờ rưỡi, nhưng từ 9 giờ, Quảng trường đã có hơn 60 ngàn, và lúc 10 giờ thiếu 10, ĐTC đã vào quảng trường trên chiếc xe díp màu trắng mui trần, tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu. Rất nhiều người lợi dụng dịp này để trao thư cho Ngài; có những người tung khăn quàng hoặc quà tặng vào chiếc xe díp của ngài. Cũng có những người muốn đổi chiếc mũ chỏm màu trắng, nhưng ngài cầm lấy mũ ấy do tín hữu trao, đội vào đầu vài giây, rồi trao lại cho họ như kỷ vật.

Lên đến lễ đài trên thềm đền thờ, ĐTC làm dấu Thánh Giá, chính thức khai mạc buổi tiếp kiến. Các giám chức đọc một đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma bằng 5 thứ tiếng nói về phép rửa tội.

Bài giáo lý

Trong bài giáo lý tiếp đó, ĐTC quảng diễn về đề tài rút từ câu kinh Tin Kính: ”Tôi tin sự tha tội: bí tích rửa tội”. Sau khi chào thăm mọi người, ĐTC nói:

”Trong kinh Tin Kính chúng ta vẫn đọc mỗi ngày chúa nhật để tuyên xưng đức tin, chúng ta khẳng định: ”Tôi tin có một phép rửa để tha tội”. Đây là lần duy nhất trong kinh Tin Kính nói minh thị về một bí tích. Thực vậy, bí tích rửa tội là ”cánh cửa” dẫn vào đức tin và đời sống Kitô. Chúa Giêsu Phục Sinh đã để lại cho các Tông Đồ lệnh truyền này: 'Các con hãy đi khắp thế gian và công bố Tin Mừng cho mọi thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu thoát” (Mc 16,15-16). Sứ mạng của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng và tha tội qua bí tích rửa tội. Nhưng chúng ta hãy trở lại lời Kinh Tin Kính. Câu nói có thể được chia làm 3 phần: “tôi tin”; ”một phép rửa”; ”để tha tội”.

1. Thứ I: ”tôi tin”. Điều này có nghĩa là gì? Đây là từ ngữ long trọng và cho thấy tầm quan trọng rất lớn của đối tượng, nghĩa là bí tích rửa tội. Thực vậy, khi tuyên xưng lời này, chúng ta khẳng định căn tính đích thực của chúng ta là con cái Thiên Chúa. Có thể nói, Bí tích rửa tội là thẻ căn cước của Kitô hữu, là giấy khai sinh của họ. Đó là giấy khai sinh của Giáo Hội. Tất cả anh chị em đều biết ngày sinh của mình. Anh chị em mừng sinh nhật, tất cả đều mừng như thế. Nhưng tôi hỏi một câu mà có lần tôi đã hỏi: ai trong anh chị em nhớ ngày mình được rửa tội là ngày nào? Xin giơ tay lên! Không nhiều lắm. Khi về nhà anh chị em hãy hỏi xem mình được rửa tội ngày nào nhé! Hãy tìm đi, vì đó là ngày sinh nhật thứ hai! Ngày anh chị em sinh ra trong Giáo hội. Hãy tìm hiểu và cảm tạ Chúa vì Ngài mở cho chúng ta cửa vào Giáo Hội của Chúa trong ngày chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội. Chúng ta hãy tìm hiểu ngay ngày hôm nay.

Đồng thời, niềm tin của chúng ta nơi sự tha tội được gắn liền với bí tích rửa tội. Bí tích Thống Hối hay phép giải tội giống như một phép rửa tội thứ hai, luôn tham chiếu bí tích thứ nhất, để củng cố và đổi mới bí tích ấy. Theo nghĩa này, ngày chúng ta chịu phép rửa tội là khởi điểm của một con đường rất đẹp, một con đường tiến về Thiên Chúa, kéo dài trong cuộc sống, một con đường hoán cải liên tục được nâng đỡ nhờ bí tích Thống Hối. Và anh chị em hãy nghĩ điều này: khi chúng ta đi xưng tội, xưng những yếu đuối của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, chúng ta đi xin Chúa Giêsu tha thứ, nhưng chúng ta cũng đi canh tân bí tích rửa tội nhờ sự tha thứ ấy. Cũng giống như chúng ta mừng ngày chịu phép rửa mỗi khi chúng ta đi xưng tội vậy. Như thế việc xưng tội không phải là ngồi trong một phòng tra tấn, nhưng là một đại lễ để mừng ngày chịu phép rửa tội. Bí tích giải tội dành cho những ngừơi đã chịu phép rửa tội! Bí tích ấy giữ cho chiếc áo trắng phẩm giá Kitô của chúng ta được thanh sạch.

2. Yếu tố thứ hai: ”một phép rửa duy nhất”. Thành ngữ này gợi lại lời thánh Phaolô: ”Một Chúa duy nhất, một đức tin, một phép rửa duy nhất” (Ep 4,5). Từ ”battesimo”, phép rửa tội, nghĩa đen là ”dìm mình”, và thực vậy, bí tích này là một sự dìm mình thiêng liêng thực sự trong cái chết của Chúa Kitô, từ đó ta sống lại với Ngài như những thụ tạo mới (Xc Rm 6,4). Đây là một sự tẩy rửa tái sinh và soi sáng. Tái sinh vì nó thực hiện một sự sinh ra từ nước và Thánh Linh, nếu không có sự tái sinh này, thì không ai có thể được vào Nước Trời (Xc Ga 3,5). Soi sáng vì qua phép rửa tội, con người được tràn đầy ơn thánh của Chúa Kitô, ”là ánh sáng đích thực soi chiếu mỗi người” (Ga 1,9) và xua tan bóng đêm của tội lỗi. Và vì thế trong lễ nghi chịu phép rửa, có trao cho cha mẹ một cây nến sáng, để nói lên sự soi sáng ấy. Bí tích rửa tội soi sáng chúng ta từ bên trong với ánh sáng của Chúa Giêsu. Do hồng ân ấy, người chịu phép rửa được kêu gọi trở thành ”ánh sáng” cho anh chị em mình, đặc biệt là những người còn ở trong bóng tối và không thấy tia sáng ở chân trời cuộc sống của họ.

Chúng ta hãy cố gắng tự hỏi: phép rửa tội, đối với tôi, là một sự kiến quá khứa, mà tôi không bao giờ nghĩ đến, hay là một thực tại sinh động, có liên hệ tới hiện tại của tôi, trong mọi lúc? Thỉnh thoảng tôi có nghĩ đến hồng ân tôi đã nhận lãnh, đến sự kết hiệp sâu xa với Chúa Giêsu, Đấng đã hiến mình vì tôi hay không? Trong những lúc tăm tối, cả trong nội tâm, khi tôi cảm thấy gánh nặng của khó khăn và tội lỗi của tôi, tôi có nhớ rằng mình đã được chịu phép rửa hay không? Tôi có phó thác cho tình thương của Chúa Kitô Đấng đang ngự trong thẳm sâu con người của tôi hay không?

3. ”Sau cùng, tôi xin nhắc sơ qua yếu tố thứ ba: ”để tha thứ tội lỗi”. Trong bí tích rửa tội, tất cả các tội lỗi được tha thứ, tội nguyên tổ cũng như tất cả các tội lỗi cá nhân, cũng như mọi hình phạt của tội lỗi. Với phép rửa tội, cánh cửa được mở ra cho một đời sống mới thực sự, không còn bị đè nén vì gánh nặng của quá khứ tiêu cực, nhưng cảm thấy được vẻ đẹp và sự tốt lành của Nước Trời. Đây là một sự can thiệp quyền năng của lòng từ bi Chúa trong đời sống chúng ta để cứu thoát chúng ta. Nhưng sự can thiệp cứu độ này không loại bỏ sự yếu đuối trong bản tính loài người của chúng ta, tất cả chúng ta đều yếu đuối, tất cả đều là ngừơi tội lỗi, và sự can thiệp ấy không tước bỏ trách nhiệm của chúng ta phải xin tha thứ mỗi khi chúng ta lầm lẫn! Điều này thật là đẹp. Tôi không thể chịu phép rửa tội hai lần, ba lần, bốn lần, nhưng tôi có thể đi xưng tội, canh tân ơn bí tích rửa tội. Như thể chúng ta chịu bí tích rửa tội thứ hai vậy. Chúa Giêsu rất tốt lành, không bao giờ ngài mệt mỏi trong việc tha thứ cho chúng ta. Anh chị em hãy nhớ rõ điều đó. Bí tích mở cho chúng ta cánh cửa Giáo Hội. Hãy tìm ngày mình chịu phép rửa. Và cả khi cánh cửa này hơi bị khép kín vì sự yếu đuối của chúng ta, vì tội lỗi chúng ta, phép giải tội lại mở cửa đó ra, vì phép giải tội cũng giống như bí tích rửa tội thứ hai, tha thứ tất cả và soi sáng cho chúng ta để tiến bước với ánh sáng của Chúa. Chúng ta hãy vui mừng tiến bước như thế. Vì chúng ta phải vui sống với Chúa Giêsu Kitô và đó là một ân phúc của Chúa.

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý trên đây, các giám chức và LM tại Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt ý chính bài huấn giáo của ĐTC, cũng như dịch những lời chào của ngài từ tiếng Ý sang các ngôn ngữ chính.

Chào các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nhắc đến các tín hữu từ Pháp và Thụy Sĩ, cùng với các LM từ Cộng hòa dân chủ Congo, đồng thời ngài nhắc nhở rằng trong trọn cuộc sống của anh chị em, đừng để cho căn cước Kitô của anh chị em bị đánh cắp mất.

Khi chào các phái đoàn bằng tiếng Ý, ĐTC đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Massa Marittima và Piombino do Đức GM Ciattini hướng dẫn về Roma hành hương nhân dịp Năm Đức Tin. Ngài cũng nói rằng: Tôi thân ái chào thăm thân nhân của các nạn nhân ở Nassiriya, được Đức TGM Giám hạt quân đội Italia, Marcianò, hương dẫn, nhân dịp tưởng niệm 10 năm vụ khủng bố tại Irak. Vụ khủng bố này đã làm cho 19 hiến binh Italia bị thiệt mạng. 140 thân nhân của họ đã hiện diện tại buổi tiếp kiến.

ĐTC nói thêm rằng: ”Tôi thân ái nghĩ đến các bạn trẻ, các đôi vợ chồng mới cưới, các bệnh nhân, đặc biệt là nhóm các bệnh nhân bị những thứ bệnh hiếm ở Italia, cùng với Đức TGM Zimowski, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ các nhân viên y tế; tiếp đến là một Liên hiệp những người mù ở Vibo Valentia, với ĐGH Renzo.”

ĐTC không quên nhắc nhở rằng: ”Trong những ngày tháng 11 này, Phụng vụ kính nhớ lễ cung hiến Vương cung thánh đường thánh Gioan ở khu vực Laterano và Đền thờ thánh Phêrô và Đền thờ thánh Phaolô. Tôi cầu chúc tất cả những người đến hành hương tại Roma, có thể củng cố mối liên hệ với Thành của Các Tông Đồ và niềm vui được thuộc về Giáo Hội Công Giáo”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

 

Đức Tổng Giám Mục Kurtz được bầu làm Chủ tịch Giám Mục Hoa Kỳ và Đức Hồng Y DiNardo là Phó Chủ tịch.

Đức Tổng Giám Mục Kurtz được bầu làm Chủ tịch Giám Mục Hoa Kỳ  và Đức Hồng Y DiNardo là Phó Chủ tịch.

BALTIMORE – Đức Tổng Giám Mục Joseph E. Kurtz của Louisville, Kentucky, 67 tuổi được bầu làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ( HĐGMHK ) ngày 12 tháng 11 năm 2013, tại thành phố Baltimore. Đức Tổng Giám Mục Kurtz đã từng là phó chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục từ năm 2010. Ngoài ra Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, 64 tuổi của Galveston-Houston được bầu làm phó chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Đức Tổng Giám Mục Kurtz và Đức Hồng Y DiNardo được bầu vào nhiệm kỳ ba năm và thay thế cho Đức Hồng Y Timothy M. Dolan của New York và Đức Tổng Giám Mục Kurtz. Về tân chủ tịch và phó chủ tịch bắt đầu từ ngày cuối của Đại hội đồng , 14 tháng 11 năm 2013.

Đức Tổng Giám Mục Kurtz đã được bầu làm chủ tịch với số phiếu là 125. Đức Hồng Y DiNardo được bầu làm phó chủ tịch (lần thứ ba), số phiếu là 147-87 so với Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput , OFM Cap . , Philadelphia.

Chủ tịch và phó chủ tịch được bầu theo đa số từ một danh sách các 10 ứng cử viên được đề cử . Nếu không có chủ tịch hoặc phó chủ tịch được chọn sau vòng bỏ phiếu thứ hai , vòng bầu thứ ba được thực hiện, sẽ chọn hai người cao phiếu nhất của cuộc bỏ phiếu lần thứ hai để bầu.

Đức Tổng Giám Mục Kurtz được sinh ra ngày 18 Tháng 8 năm 1946 , và thụ phong linh mục tại Allentown, Pennsylvania ngày 18 tháng ba năm 1972. Ông trước đây từng là giám mục của Knoxville, Tennessee from 1999-2007 trước khi được bổ nhiệm vào Louisville. Đức Hồng Y DiNardo được sinh ra ngày 23 tháng năm 1949, và thụ phong linh mục của Pittsburgh vào ngày 16 tháng sáu năm 1977. Ông trước đây từng là giám mục của thành phố Sioux, Iowa, từ 1998-2004 trước khi được bổ nhiệm làm phụ tá giám mục, sau đó trở thành Tổng giám mục, Galveston-Houston. Đức Thánh Cha Benedict XVI đã phong chức Hồng Y vào năm 2007, ông trở thành vị Hồng Y đầu tiên của tiểu bang Texas .

Các giám mục cũng đã bầu chọn Đức Tổng Giám Mục George J. Lucus của Omaha làm Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo với số phiếu 141-93, hơn George V. Murry , SJ , của Youngstown, Ohio. Đức Tổng Giám mục Lucas, người đã phục vụ như chủ tịch tạm thời của Ủy ban kể từ tháng 5 năm 2013 sau cái chết của Đức Giám mục Joseph P. McFadden, sẽ bắt đầu nhiệm kỳ mới của ông vào lúc kết thúc đại hội cuối tuần này.

Các giám mục cũng đã chọn các Chủ tịch cho năm ủy ban Hội Ðồng Giám Mục khác . Chủ tịch mới đắc cử sẽ bắt đầu nhiệm kỳ ba năm của họ trong một năm, vào lúc kết thúc Đại hội đồng giám mục mùa thu năm 2014. Đó là:

     • Phụ tá TGM  Bernard A. Hebda của Newark, New Jersey, cho Ủy ban về các vấn đề Giáo luật và Giáo Hội quản trị (Committee on Canonical Affairs and Church Governance) với số phiếu 167-70, hơn Đức Giám mục Joseph N. Perry, giám mục phụ tá của Chicago .

     • Giám mục Mitchell T. Rozanski , phụ giám mục Baltimore , cho Ủy ban về các vấn đề liên tôn toàn cầu (Committee on Ecumenical and Interreligious Affairs) với số phiếu 130-105, hơn Giám mục Arthur L. Kennedy , giám mục phụ tá của Boston .

     • Tổng giám mục chỉ định – Leonard P. Blair Hartford, Connecticut , cho Ủy ban Truyền giáo và giáo lý (Committee on Evangelization and Catechesis) với số phiếu 135-98 hơn Đức Giám mục John O. Barres của Allentown , Pennsylvania.

     •Bishop Oscar Cantú của Las Cruces , New Mexico, cho Ủy ban Tư pháp Quốc tế và Hòa bình (Committee on International Justice and Peace) với số phiếu 126-110, hơn Giám mục David J. Malloy của Rockford , Illinois.

     • Giám Mục Edward J. Burns, Juneau, Alaska , đến Ủy ban về trẻ em và Bảo vệ thanh niên (Committee on Child and Youth Protection) với số phiếu 118-114, hơn Giám mục Robert J. Cunningham của Syracuse, New York .

Vào ngày 11, các giám mục sau đây đã được bầu vào hội đồng quản trị của Catholic Relief Services (CRS): Đức Giám mục William P. Callahan , OFM Conv ​​, La Crosse , Wisconsin , Đức Giám mục Frank Dewane của Venice , Florida, và Đức Giám mục B. Cirilo Flores . San Diego.

Cũng vào ngày 11, các giám mục sau đây đã được bầu vào hội đồng quản trị Pháp Lý Di Trú  Công giáo Inc ( CLINIC ) : giám mục Richard Garcia của Monterey , California , và Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski ở Miami .

Trong tháng 11 năm 2012 , Đức Hồng Y DiNardo được bầu làm chủ tịch Ủy ban Phụng tự với nhiệm kỳ bắt đầu từ tuần này . Từ khi được bầu làm phó chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục,  trách nhiệm lãnh đạo ủy ban không còn nữa. Đức Giám Mục Arthur J. Serratelli của Paterson, New Jersey sẽ thay thế vào ghế Ủy ban thay cho Đức Hồng Y DiNardo, bắt đầu từ ngày 14 tháng 11. Giám mục Serratelli đã được bầu chọn với số phiếu 114-112, hơn Đức Tổng Giám Mục Allen H. Vigneron của Detroit. Giám mục Serratelli trước đây là chủ tịch Ủy ban từ năm 2007-2010 .

Nguồn: Trích từ HĐGMHK

Thái Trọng phỏng dịch

MỘT ÂN NHÂN CỦA GIÁO HỘI MÀ ĂN CẮP CỦA NHÀ NƯỚC LÀ BẤT CÔNG

MỘT ÂN NHÂN CỦA GIÁO HỘI MÀ ĂN CẮP CỦA NHÀ NƯỚC LÀ BẤT CÔNG

Một người là ân nhân của Giáo Hội nhưng lại ăn cắp của Nhà Nước là « bất công/bất chính » và sống hai mặt. Người nào không hoán cải và « làm ra vẻ là Kitô hữu » sẽ làm tổn hại nhiều cho Giáo Hội.

Đó là những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định trong thánh lễ ngày 11/11/2013 tại nhà nguyện thánh Mát-ta, khi lấy lại một trong những nét chủ đạo của các bài giảng của ngài : tội nhân, nhưng không biến chất. Đức Thánh Cha tố giác « một sự thối nát được bao bọc bởi vẻ bóng láng ».

Chúa Giêsu « không ngừng tha thứ và ngài khuyên chúng ta » làm như thế. Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dừng lại ở lời khuyến cáo của Chúa tha thứ cho người anh em hối cải của chúng ta, mà Tin Mừng hôm nay nói đến. Chúa Giêsu tha thứ nhưng, trong đoàn Tin Mừng này, Ngài cũng nói « Khốn cho kẻ gây cớ vấp phạm ». Ngài không nói về tội lỗi, nhưng về gương mù gương xấu. Nhưng đâu là sự khác nhau « giữa phạm tội và gây cớ vấp phạm/gây gương mù gương xấu » ?

« Sự khác nhau là : người phạm tội và hối cải, xin ơn tha thứ, nhìn nhận mình yếu đuối, cảm thấy mình là con cái Thiên Chúa, hạ mình và xin Chúa Giêsu cứu độ. Nhưng người gây gương mù gương xấu là gì ? Sự kiện là người ấy không hối cải. Kẻ ấy tiếp tục phạm tội, nhưng làm ra vẻ là Kitô hữu : một cuộc sống hai mặt. Và cuộc sống hai mặt của một người Kitô hữu còn làm tổn hại nhiều, tổn hại nhiều. « Nhưng tôi là một ân nhân của Giáo Hội ! Tôi móc hầu bao và tôi cho Giáo Hội ». Nhưng còn tay kia, tôi ăn cắp của Nhà Nước, của người nghèo : người ấy ăn cắp. Đó là một người « bất công/bất chính ». Đó là một cuộc sống hai mặt. Và người đó đáng – đây là Chúa Giêsu nói, chứ không phải tôi – bị người ta ném xuống biển. Ở đây Ngài không nói đến tha thứ ».

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đó là bởi vì « người này đánh lừa/phỉnh phờ » người khác và « ở đâu có sự lừa dối/phỉnh phờ, ở đó không có Thánh Thần của Thiên Chúa. Đó là sự khác nhau giữa một tội nhân và một người biến chất ». Người « sống một cuộc đời hai mặt là một người biến chất ». Nó khác với người « phạm tội và muốn không phạm tội, nhưng do lòng yếu đuối » và « đi đến cùng Chúa » để xin Ngài tha thứ : « Chúa yêu thương người đó ! Ngài đồng hành với người đó, Ngài ở với người đó ».

« Và chúng ta phải tự nhủ mình là tội nhân, vâng, tất cả mọi người ở đây ! Chúng ta hết thảy đều là tội nhân. Biến chất, không. Người biến chất được dính chặt vào một tình trạng tự mãn, người ấy không biết khiêm nhường là gì. Chúa Giêsu đã nói với những người biến chất này : « Vẻ đẹp của những mồ mả tô vôi », dầu chúng có vẻ bên ngoài đẹp, nhưng ở bên trong họ đầy xương hôi thối. Và một Kitô hữu huênh hoang mình là Kitô hữu, nhưng lại không sống một cuộc đời Kitô hữu, là một trong những người biến chất này….Chúng ta hết thảy đều biết rõ ai đang sống trong tình trạng này và chúng ta biết tất cả sự xấu xa mà họ làm cho Giáo Hội ! Những Kitô hữu biến chất, những linh mục biến chất… Tất cả những sự xấu xa họ làm cho Giáo Hội ! Bởi vì họ không sống theo tinh thần Tin Mừng, nhưng theo tinh thần trần tục ».

Thánh Phaolô nói rõ ràng trong Thư gởi tín hữu Rôma : « Anh em đừng khuôn theo đời này », ngài muốn nói « anh em đừng đi vào trong những sơ đồ của thế gian này, trong những tham số của thế gian này ». Những sơ đồ « là tình trần tục đẩy ta đến chỗ sống cuộc sống hai mặt ».

« Một sự thối nát được bao bọc bằng sự bóng láng : đó là cuộc sống của người biến chất. Và Chúa Giêsu không chỉ gọi họ là « tội nhân », nhưng còn là « giả hình ».

Tý Linh  (Xuân Bích VN)

Theo ZENIT