CHÂN DUNG THÁNH BONIFACE: GỐC RỄ THIÊN CHÚA GIÁO CHO ÂU CHÂU – LỄ KÍNH NGÀY 5 THÁNG 6

CHÂN DUNG THÁNH BONIFACE: GỐC RỄ THIÊN CHÚA GIÁO CHO ÂU CHÂU

 

ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTUS XVI

Anh Chị Em thân mến,

Hôm nay chúng ta đặc tâm chú ý đến một nhà truyền giáo cao cả của thế kỷ VIII, đã loan truyền Ki Tô giáo cho miền Trung Âu Châu, chính trên quê hương của tôi: đó là Thánh Boniface được lịch sử xem là " vị tông đồ của Nước Đức". Chúng ta có được không ít các tin tức về cuộc đời của ngài nhờ vào lòng chuyên cần các nhà viết tiểu sử về ngài.

Được sinh ra trong một gia đình người Anh ở Wessex khoản năm 675 và được rửa tội với tên là Winfrid.
Lúc còn rất trẻ đã gia nhập tu viện, vì cậu được thu hút bởi lý tưởng của đời sống tu viện.
Nhờ vào có được khả năng trí thức đáng kể, dường như cuộc đời của cậu Winfrid được khởi đầu để tiến đến nghề nghiệp một học giả yên tĩnh và sáng lạn: chàng đã trở thành giáo sư dạy văn phạm La Tinh, viết một vài bản văn và nhiều thi phú bằng La Tinh.

Được truyền chức Linh Mục vào khoảng ba mươi tuổi, Cha Winfrid cảm nhận mình được kêu gọi làm tông đồ giữa các dân ngoại ở lục địa. Lúc đó, nước Anh, quê cha đất tổ của Cha chỉ mới được truyền giáo một trăm năm trước đó, bởi các tu sĩ dòng Biển Đức ( Benedictini) do Thánh Agostino thành lập. Nước Anh cảm thấy mình có được đức tin thật vững chắc và lòng bác ái nồng cháy để gởi các nhà truyền giáo của mình vào Trung Âu để rao giảng Phúc Âm.
Năm 716 Winfrid cùng với một vài bạn đồng hành đến được Frisia ( Hoà Lan hiện nay), nhưng chạm trán phải sự đối kháng của người lãnh đạo địa phương và như vậy ý định rao giảng Phúc Âm ở đó bị thất bại.

Trở về quê hương, nhưng vẫn không nãn chí, hai năm sau Cha Winfrid đến Roma để hầu chuyện với Đức Giáo Hoàng Gregory II và nhận chỉ thị của ngài liên quan đến vấn đề. Đức Giáo Hoàng, theo những gì một tác giả tiểu sử gia thuật lại, đón nhận Cha " bằng khuôn mặt tươi cười và cái nhìn đầy âu yếm", và trong những ngày kế tiếp đã có " những cuộc thảo luận quan trọng với Cha" ( Willibaldo, Vita s. Bonifatii, ed. Levisonl pp. 13-14).
Và sau cùng, sau khi đặt tên cho Cha là Boniface, Đức Giáo Hoàng ủy thác cho Cha với các chứng minh thư chính thức sứ mạng rao giảng Phúc Âm giữa các dân tộc trên nước Đức.

1 – Đươc Đức Thánh Cha trợ lực và nâng đỡ, Boniface dấn thân vào việc rao giảng Phúc Âm trong các vùng vừa kể ( trên lãnh thổ Đức), chống lại các cách phượng tự ngoại giáo và củng cố nền tảng luân lý nhân bản và Ki Tô giáo. Với tinh thần trách nhiệm cao cả, Cha viết ở một trong những lá thư như sau:
" Chúng ta hãy vững mạnh trong việc chiến đấu trong ngày của Chúa, bởi vì các ngày phiền muộn và khốn cùng đã đến…Chúng ta không phải là những con chó câm, cũng không phải là những kẻ bàng quang thinh lặng, hay hạng thương gia trục lợi trốn chạy trước đoàn chó sói ! Trái lại, chúng ta là những Chủ Chăn tỉnh thức canh chừng trên đoàn chiên Chúa Ki Tô, rao giảng cho những nhân vật quan trọng cũng như cho người dân đơn sơ tầm thường, cho người giàu và người nghèo thánh ý Thiên Chúa…trong các thời điểm thuận tiện cũng như bất lợi…" ( Epistulae, 3, 352: MGH).

Với động tác không mệt nhọc ngừng nghỉ của Cha, với tài năng thiên phú để tổ chức, với tính mềm dẻo và dễ thương nhưng vững chắc, Boniface đạt được nhiều kết quả trọng đại.
Bởi đó Đức Thánh Cha " tuyên bố muốn đặt lên Cha địa vị của một Giám Mục, bởi vì như vậy Cha khả năng hơn để quyết định sửa chữa và dẫn dắt các người lầm lạc trở lại trên con đường chân lý, Cha có thể cảm nhận được uy quyền cao cả hơn của phẩm trật tông đồ nâng đở và cũng sẽ được tất cả mọi người chấp nhận trong trách vụ rao giảng, khi thấy được chính vì đó mà ngài được truyền chức vị lãnh đạo tông đồ cho" ( Otloho, Vita s. Bonifatii, ed. Levison, lib. I, p. 127).

Cũng chính Đức Thánh Cha Gregory II truyền chức " Giám Mục Vùng" ( = Tổng Giám Mục), nghĩa là Giám Mục cho cả nước Đức, cho Boniface. Đức Giám Mục Boniface trở về và tiếp tục lại các động tác cực nhọc tông đồ trong các lãnh địa được giao phó cho và kế đến mở rộng hoạt động của mình đến cả Giáo Hội nước Gallia ( nước Pháp): cùng với sự thận trọng và khôn ngoan, Đức Giám Mục Boniface
– tu chính lại quy luật Giáo Hội,
– tổ chức nhiều phiên nhóm Thượng Hội Đồng Giám Mục để bảo đảm cho quyền lực giáo luật,
– tăng cường thêm mối thông hiệp cần thiết với Đức Giáo Hoàng ở Roma: đó là điểm mà Đức Giám Mục Boniface luôn luôn canh cánh trong lòng.
Cả những vị kế nghiệp Đức Giáo Hoàng Gregory II cũng rất qúy trọng Đức Giám Mục Boniface: Đức Gregory III
– bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục cho cả nước Đức,
– gởi áo choàng Giám Mục cho ngài
– và trao cho ngài quyền tổ chức phẩm trật Giáo Hội trong các vùng đó ( cf Epist, 28; S. Bonifatii Epistulae, ed. Tangl, Berolini 1916).
Đức Thánh Cha Zaccaria xác nhận chức vụ đó của ngài và khen ngợi tin thần chuyên cần dấn thân của ngài ( cfr. Epist. 51, 57, 58, 60, 68, 77, 80, 86, 87, 89:op. cit.).
Đức Thánh Cha Stefano III , khi vừa được tuyển chọn, đã nhận được một bức thư của Đức Tổng Giám Mục Boniface, trong đó ngài bày tỏ mối hân hoan con cái của mình đối với Đức Thánh Cha ( cfr Epist. 108, op. cit.).

2 – Đức Tổng Giám Mục Boniface cao cả,
– ngoài việc rao giảng Phúc Âm
– và tổ chức Giáo Hội qua việc thành lập các giáo phận
– và nhóm họp các Thượng Hội Đồng Giám Mục,
– ngài cũng không quên thiết lập các tu viện, nam và nữ, để cho đó là những ngọn đèn pha chiếu toả ánh sáng đức tin, văn hoá con người và văn hoá Ki Tô giáo ra khắp lãnh thổ.
Từ các cộng đồng tu viện Biển Đức ( Benedittini ) trên xứ sở của mình, Đức Tổng Giám Mục Boniface kêu gọi các nam nữ tu sĩ đến trợ lực với ngài bằng động tác vững chắc và qúy báu để
– giúp ngài trong việc rao giảng Phúc Âm
– và phổ biến khoa học nhân loại và nghệ thuật cho dân chúng.
Bởi vì ngài có lý nghĩ rằng việc làm để rao giảng Phúc Âm cũng phải là động tác để truyền bá văn hoá con người.
Nhứt là tu viện ở Fulda , được thiết lập năm 743, là trái tim và là trung tâm từ đó chiếu toả ra cách sống đạo đức thiêng liêng và văn hoá tôn giáo: ở đó, các tu sĩ,
– trong kinh nguyện,
– trong việc làm và trong hoán cải đền tội, tìm cách cố gắng tiến đến sự thánh thiện,
– các vị còn được giáo dục trong các lãnh vực tôn giáo và trần thế, các vị đang chuẩn bị mình để ra đi rao giảng Phúc Âm, để trở thành những nhà truyền giáo.
Nhờ công lao của Đức Tổng Boniface, của các vị tu sĩ nam – nữ của ngài – ngay cả các nữ tu sĩ cũng góp phần quan trọng vào việc rao giảng Phúc Âm – mà việc đâm hoa kết quả cả nền văn hoá nhân loại, là những gì không thể tách rời đức tin và cho thấy vẻ đẹp của đức tin.
Bonifacio cũng viết ra tác phẩm chú giải Ars grammatica ( Nghệ thuật văn phạm), trong đó ngài giải thích
– các biến hoá danh từ ( declinazioni),
– cách chia động từ ( coniugazione),
– lối phân chia mệnh đề ( sintassi)
của tiếng La tinh,
và đó đối với ngài cũng là một dụng cụ để phổ biến đức tin và văn hoá.
Người ta cũng gán cho ngài là tác giả của Ars metrica ( Nghệ thuật phân chia nhịp điệu), nghĩa là phần dẫn nhập làm sao để có thể viết một bài thi phú , và các các sắp xếp các phần cân đối của bài thơ và sau cùng là một loạt thu tóm các bài giảng, gồm 15 bài.

Và mặc dầu đã đến tuổi già – gần 80 tuổi – Đức Tổng Boniface cũng chuẩn bị một sứ mạng truyền bá Phúc Âm mới: với khoản năm mươi tu sĩ, ngài trở lại miền Frisia ( Hoa Lan), nơi ngài đã khởi đầu công trình rao giảng.
Như có linh tính báo trước về cái chết gần kề, khi đề cập đến chuyến hành trình của cuộc sống, ngài đã viết cho người đệ tử và là vị kế nhiệm ngài ở tông toà Magonza ( Wuerburg), Đức Giám Mục Lullo như sau:
" Ta mong ước được hướng dẫn đến lúc kết thúc mục đích của chuyến đi nầy; ta không thể nào khước từ lòng ước muốn khởi hành chuyến đi. Ngày cuối cuộc đời của ta đã gần kề và cái chết của ta đã đến gần; khi xác chết của ta được chôn xuống, ta sẽ lên để lãnh lấy phần thưởng đời đời. Nhưng con, con rất qúy mến của ta, con hãy không ngừng nghỉ kêu gọi dân chúng xa lìa đều sai lạc cứng cỏi của họ, con hãy thực hiện việc xây cất công trình đã khởi sự kiến trúc đại thánh đường Fulda và đặt xác già nua với năm tháng dai dẳng với cuộc sống của ta ở đó" ( Willibaldo,Vita S. Bonifatii, ed. cit., p. 46).

Trong khi ngài sắp cử hành Thánh Lễ ở Dokkum ( ở miền Bắc Hoà Lan hiện nay), ngày 5 tháng 6 năm 754, Thánh Boniface bị một nhóm người ngoại đạo ám sát. Ngài tiến đến trước mặt họ với khuôn mặt tươi tỉnh,
" ngăn cấm các bổn đạo của mình chiến đấu chống lại bằng cách nói: " các con hãy dừng lại, dừng lai, đừng chiến đấu, hãy dẹp bỏ chiến tranh, bởi vì nhân chứng Thánh Kinh cảnh cáo chúng ta đùng lấy sự ác để trả sự ác, nhưng hãy lấy việc thiện trả cho ác. Đây là ngày mà từ lâu ta đang mong đợi, đây là thời điểm cuối cùng của ta đã đến; hãy can đảm trong Thiên Chúa" ( Ibid., pp. 49-50).
Đó là những lời cuối cùng của ngài trước khi ngã gụt xuống dưới trận đánh đập của những kẻ tấn công.
Xác của vị Giám Mục tử đạo được mang vào thánh đường Fulda, nơi mà ngài được chôn cất tương xứng.
Một trong những tác giả viết tiểu sử ngài đã nói về ngài bằng nhận xét như sau:
" Chúng ta có thể nói là Vị Thánh Giám Mục Boniface là cha của mọi người dân Đức, bởi vì ngài là người đầu tiên đã sinh ra họ trong Chúa Ki Tô bằng lời của ngài qua việc giảng dạy, đã làm cho họ trở nên vững chắc bằng gương sống của ngài, và sau cùng, đã hy sinh mạng sống của ngài cho họ, đó là đức bác ái, mà không ai có thể ban cho một đức bác ái nào cao cả hơn được" ( Otloho, Vita S. Bonifatii, ed. cit., lib. I., p.158).

3 – Sau hai thế kỷ, sứ điệp nào chúng ta có thể đón nhận được từ lời giảng dạy và động tác tuyệt diệu của nhà truyền giáo cao cả và tử đạo nầy?

a ) Điều hiển nhiên thứ nhứt mà ai muốn đến gần Thánh Boniface cũng thấy được: lời Chúa là trung tâm điểm, được đem ra thực hiện trong cuộc sống và giải thích trong đức tin của Giáo Hội, đó là Lời mà vị Thánh đã sống, đã giảng dạy và nhân chứng đến việc hy sinh tột độ, hy sinh chính mình trong tử đạo.
Ngài đã say sưa Lời Chúa đến độ cảm thấy khẩn cấp và có bổn phận phải đem đến cho người khác, ngay cả phải chấp nhận nguy hiểm cho chính mình.
Ngài đặt đức tin của mình trên Lời Chúa như là nền tảng, Lời mà ngài đã long trọng tuyên bố dấn thân trong lúc mình được phong chức Giám Mục:
" Con tuyên xưng hoàn toàn tính cách trong sáng của đức tin thánh thiện công giáo và được Chúa giúp đở con muốn được trung thành ở lại hiệp nhứt trong đức tin nầy, trong đó không có gì nghi ngờ, là tất cả sự cứu rỗi của người tín hữu Chúa Ki Tô" ( Epist. 12, in S. Bonifatii Epistolae, ed. cit., p.29).

b) Điều hiển nhiên thứ hai, rất quan trọng, mà chúng ta thấy được trong đời sống của Thánh Boniface là lòng thông hiệp trung thành với Tông Toà.
Đó là một định điểm bất di dịch và là trung tâm điểm động tác truyền giáo của ngài. Ngài luôn luôn giữ vững mối thông hiệp đó như là khuôn thước của động tác truyền giáo mình và đã để lại như là lời di chúc của mình.
Trong một thư gởi cho Đức Thánh Cha Zaccaria, ngài xác quyết:
" Con đừng bao giờ ngừng nghỉ kêu gọi và đặt ho dưới sự vâng lời đối với Tông Toà, những ai muốn trung thành với đức tin công giáo và hợp nhứt với Giáo Hội Roma và cả những ai mà Thiên Chúa đã ban cho con trong cộng cuộc truyền giáo nầy như là những người nghe con giảng dạy và là môn đệ " ( Epist. 50: ibid., p. 81).

Kết quả của cuộc dấn thân chuyên cần nầy là tinh thần vững chắc khắn khít với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô mà Đức Giám Mục Boniface chuyển đến các cộng đồng Giáo Hội trong lãnh thổ truyền giáo của ngài, nối kết Anh Quốc, Đức Quốc, Pháp Quốc với Roma.
Và như vậy ngài góp phần một cách quyết định gây dựng gốc rễ Ki Tô giáo cho Âu Châu, làm cho Âu Châu có khả năng đâm hoa kết quả trong những thế kỷ kế tiếp.

) c ) Về đặc tính thứ ba mà Thánh Boniface muốn nhắc nhở chúng ta nên lưu ý: đó là việc ngài tạo cơ hội cho việc gặp gỡ giữa nền văn hoá Roma – Ki Tô giáo và văn hoá Đức Quốc.
Thật vậy, Thánh Boniface biết rằng trong việc thăng tiến nhân phẩm con người và loan báo Phúc Âm, phổ biến văn hoá là phần chính yếu của sứ mạng của một vị Giám Mục. Trong khi chuyển đạt đến dân chúng kho tàng cổ của các giá trị Ki Tô giáo, Thánh Boniface tháp ghép vào dân chúng Đức một cách sống tôn trọng phẩm giá con người hơn, nhờ đó mà các quyền bất khả nhượng của con người được dễ kính trọng hơn.

Với tư cách là người con chính danh của Thánh Benedett, Thánh Boniface biết liên kết cầu nguyện và làm việc ( việc làm tay chân và làm việc bằng trí óc), bằng ngòi viết và bằng lưỡi cày.

Nhân chứng can đảm của Thánh Boniface là một lời mời gọi đối với tất cả chúng ta biết đón nhận lời Chúa trong cuộc sống của mình, như là định điểm chính yếu cho các động tác,
– mời gọi chúng ta biết tha thiết yêu thương Giáo Hội,
– biết cảm thấy mình cũng có bổn phận đối với tương lai của Giáo Hội,
– tìm cách kết hợp liên kết nhau chung quanh Đấng Kế Vị Thánh Phêrô.
Đồng thời Thánh Boniface cũng nhắc nhớ chúng ta rằng Ki Tô giáo, bằng cách phát huy việc phổ biến văn hoá, khuyến khích sự tiến bộ con người.
Bây giờ đến lược chúng ta, hãy hành xử tương xứng với một kho tàng cao cả như vậy và làm cho kho tàng đó đâm hoa kết quả ích lợi cho những thế hệ sắp đến.

Tôi luôn luôn cảm thấy thán phục nhiệt tâm nóng bỏng của ngài đối với Phúc Âm:
– lúc bốn mươi tuổi ngài ra đi từ một cuộc sống tót đẹp và đầy kết quả của một dòng tu, từ giả ra đi để lại sau lưng một cuộc sống của vị tu sĩ và của một giáo sư để rao giảng Phúc Âm cho những kẻ tầm thường, cho dân còn có cuộc sống man rợ ( barbari)
– lúc tám mươi tuổi, lại một lần nữa, ngài khởi đầu một cuộc hành trình vào một vùng mà đoán trước rằng mình sẽ phải chịu tử đạo.
Sánh đức tin đầy nhiệt huyết, lòng hăng say của ngài đối với Phúc Âm, so với đức tin nhiều lúc hâm hẩm vậy vậy và đức tin theo thủ tuc bàn giấy của chúng ta, chúng ta hãy tự hỏi
– phải làm gì và phải làm thế nào để cải đổi hoá đức tin,
– để chính chúng ta cũng có thể cống hiến cho thệ hệ chúng ta viên ngọc qúy Phúc Âm.

Phỏng dịch tư nguyên bản Ý Ngữ: Nguyễn Học Tập.
 

 

Bộ Giáo lý đức tin cảnh giác về những sai lầm trong cuốn sách của một nữ tu Hoa Kỳ

 Bộ Giáo lý đức tin cảnh giác về những sai lầm trong cuốn sách của một nữ tu Hoa Kỳ

VATICAN. Hôm 4-6-2012, Bộ giáo lý đức tin đã công bố thông tri về những sai lầm đạo lý trong cuốn sách của một nữ tu người Mỹ, Margaret A. Farley, thuộc dòng Nữ Tu Từ Bi Hoa Kỳ (R.S.M, Religious Sister of Mercy).

Nữ tu Farley hiện là giáo sư thần học tại Đại học Yale ở Mỹ và là tác giả cuốn sách tựa đề ”Chỉ yêu. Khuôn khổ luân lý tính dục Kitô giáo” (Just Love. A Framework for Christian Sexual Ethics [New York: Continuum, 2006), xuất bản tại New York năm 2006.

Trong 2 năm qua, Bộ giáo lý đức tin đã cứu xét và trao đổi với tác giả cuốn sách, qua trung gian của Bề trên Tổng quyền của đương sự, và yêu cầu nữ tu Farley điều chỉnh nhiều điều sai lầm về đạo lý trong tác phẩm này, nhưng yêu cầu này không được đáp ứng.

Vì thế Bộ công bố thông tri và khẳng định rằng ”Tác giả cuốn sách không hiểu đúng về vai trò của Huấn quyền của Giáo Hội như giáo huấn có thế giá của các GM trong niềm hiệp thông với Người Kế Vị Thánh Phêrô, hướng dẫn sự hiểu biết ngày càng sâu xa hơn từ phía Giáo Hội, về Lời Chúa, được ghi trong Kinh Thánh và được truyền thống sinh động của Giáo Hội trung thành truyền lại. Khi bàn về các vấn đề luân lý, nữ tu Farley cố tình không biết đến giáo huấn trường kỳ của Huấn quyền Hội Thánh, hoặc đôi khi có nhắc đến, thì chỉ coi giáo huấn này như một ý kiến giữa nhiều ý kiến khác mà thôi. Thái độ như thế không thể nào biện minh được, kể cả trong viễn tượng đại kết mà tác giả muốn cổ võ. Nữ tu Farley cũng tỏ ra hiểu không đúng về bản chất khách quan của luật luân lý tự nhiên, trái lại chọn lý luận dựa trên những kết luận tuyển chọn từ một số trào lưu triết học hoặc từ sự hiểu biết của chính tác giả về ”kinh nghiệm thời nay”. Lối tiếp cận như thế không phù hợp với thần học Công Giáo chân chính”.
Thông tri của Bộ giáo lý đức tin lần lượt trình bày và bác bỏ lập trường của Nữ tu Farly ủng hộ việc thủ dâm, các hành vi đồng tính luyến ái, sự kết hợp giữa các cặp đồng phái, cũng như chống lại tính chất bất khả phân ly của hôn phối, và ủng hộ việc tái hôn sau khi ly dị.

Nữ tu Farley cho rằng ”thủ dâm (..) nói chung không gây vấn đề nào về luân lý”. Nữ tu không chống lại ”sự chọn lựa cảm thấy một khoái lạc tính dục tự sướng”, trong khi Giáo huấn luân lý Công Giáo coi thủ dâm là một ”hành vi tháo thứ nội tại và trầm trọng”.

Nữ tác giả cuốn sách coi những ”quan hệ và những hành động đồng tính luyến ái là điều có thể biện minh được” cũng giống như những quan hệ và hành vi khác phái”. Tòa Thánh nhắc lại rằng Giáo Hội Công Giáo phân biệt giữa những người có xu hướng đồng tính luyến ái – họ phải được đón nhận -, và những hành vi đồng tính luyến ái là ”điều tháo thứ nội tại” và trái ngược với luật tự nhiên.

Cũng trong chiều hướng trên đây, nữ tu Farley ủng hộ việc nhìn nhận về mặt xã hội và cấp một quy chế pháp lý cho những cặp đồng tính luyến ái, giống như sự kết hiệp giữa những khác phái. Bộ Giáo lý đức tin tái khẳng định rằng sự nhìn nhận các cuộc kết hiệp đồng phái và đồng hóa chúng với hôn nhân, khôgn những là ủng hộ một thái độ lệch lạc, và coi nó như kiểu mẫu trong xã hội hiện nay, nhưng còn che dấu các giá trị cơ bản thuộc về gia sản chung của nhân loại”.

Nữ tu Farley ủng hộ việc ly dị và tái hôn, trái ngược với đạo lý Công giáo, trong khi Tòa Thánh tái khẳng định rằng giáo huấn công giáo loại bỏ việc ly dị, tái hôn, và những người ở trong tình trạng như thế không thể lãnh nhận các bí tích, nếu họ không sống tiết dục.. trong 'hôn nhân' thứ hai như thế.

Bộ giáo lý đức tin kết luận rằng ”Với Thông tri này, Bộ bày tỏ sự đau buồn sâu xa vì sự kiện một thành phần của một Hội dòng thánh hiến, Nữ tu Margaret A. Farley, khẳng định những lập trường trực tiếp đi ngược với đạo lý Công giáo trong lãnh vực luân lý tính dục. Bộ cảnh giác các tín hữu rằng cuốn sách ”Chỉ yêu. Một khuôn khổ cho Luân lý tính dục Kitô giáo” không phù hợp với đạo lý của Giáo Hội. Vì thế sách không thể được sử dụng như một sự diễn tả giá trị đạo lý Công Giáo, và cũng không thể được dùng để linh hướng, huấn luyện, đối thoại đại kết và liên tôn. Ngoài ta Bộ khuyến khích các nhà thần học hãy tiếp tục công việc nghiên cứu và giảng dạy thần học luân lý trong sự phù hợp hoàn toàn với các nguyên tắc của đạo lý Công Giáo”.

Thông tri này được ĐTC Biển Đức 16 phê chuẩn khi tiếp ĐHY Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin ngày 16-3-2012 và truyền công bố (SD 4-6-2012)

G. Trần Đức Anh OP (Vietvatican)

 (Lá thư của Bộ Giáo Lý Đức Tin gởi cho Mẹ Bề Trên dòng Từ Bi Hoa Kỳ Notification CDF to Sister McDermott )   

                                     

Đức Thánh Cha bế mạc Đại hội kỳ 7 các gia đình Công Giáo thế giới

Đức Thánh Cha bế mạc Đại hội kỳ 7 các gia đình Công Giáo thế giới

MILANO. Đại hội kỳ 7 các gia đình Công Giáo thế giới với chủ đề ”Gia đình: lao động và mừng lễ” đã kết thúc tốt đẹp với thánh lễ trọng thể do ĐTC Biển Đức 16 cử hành tại Công viên Bresso, lúc quá 10 giờ sáng chúa nhật 3-6-2012 trước sự hiện diện của hơn 1 triệu tín hữu.

Địa điểm hành lễ cách trung tâm Milano lối 10 cây số, nguyên là một phi trường được sử dụng thời thời sau thế chiến thứ 2, nay là một khu vực rộng 640 hécta xanh tươi, được phân làm nhiều khu. Công viên này tiếp tục được mở rộng về diện tích cũng như về các loại cây được trồng.

ĐTC đã từ tòa TGM Milano đến công viên Bresso lúc 9 giờ rưỡi sáng và ngài dùng xe bọc kính tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu hiện diện. Họ vẫy cờ quốc gia của mình, cờ Tòa Thánh cũng như những biểu ngữ để chào đón ngài. Thỉnh thoảng xe dừng lại để ngài hôn các em bé được các nhân viên an ninh và Đức Ông bí thư nâng lên và trao cho ngài.

Trước lễ đài khổng lồ có mái vòm che mưa nắng, có khoảng 1 ngàn linh mục đồng tế đến từ các nước và cả các giới chức chính quyền, đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, Ông Mario Monti, cùng với nhiều bộ trưởng trong chính quyền. Một khu vực bên trái lễ đài được dành cho ca đoàn với 500 ca viên. Trên lễ đài, đã có 250 GM Italia và các nước ngồi sẵn, trong khi 60 HY đã đi rước với ĐTC lên bàn thờ.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC mời gọi các tín hữu noi gương cuộc sống hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, sống tình yêu thương với nhau và với mọi người, chia sẻ những vui mừng và đau khổ, học cách tha thứ và đón nhận tha thứ, chăm sóc và giáo dục con cái. Ngài cũng mời gọi những người ly dị tái hôn hãy gắn bó với Giáo Hội và mọi thành phần Giáo Hội hãy quan tâm nâng đỡ họ. ĐTC nói:

”Không những Giáo Hội nhưng cả các gia đình, được xây dựng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, cũng được kêu gọi trở thành hình ảnh Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi. Thực vậy từ đầu, ”Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Ngài, Ngài tạo dựng họ theo hình ảnh Thiên Chúa: Chúa dựng nên họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc lành cho họ và nói: hãy sinh sản ra nhiều” (St 1,27-28). Thiên Chúa đã tạo dựng con người nam nữ, với phẩm giá bình đẳng, nhưng cũng với những đặc tính riêng bổ túc cho nhau, để cả hai trở thành hồng ân cho nhau, đề cao giá trị của nhau và thực hiện một cộng đồng của tình thương và sự sống. Tình yêu là đIèu làm cho con người thành hình ảnh đích thực của Thiên Chúa. Hỡi các đôi vợ chồng thân mến, khi sống hôn nhân, anh chị không trao cho nhau một vật gì hoặc vài hoạt động nào đó, nhưng trọn cuộc sống. Tình yêu của anh chị em trở nên phong phú trước tiên cho chính anh chị em, vì anh chị em mong ước và thực hiện điều tốt lành cho nhau, cảm nghiệm niềm vui nhận lãnh và cho đi. Rồi tình yêu ấy trở nên phong phú trong việc sinh sản con cái một cách quảng đại và trong tinh thần trách nhiệm, trong sự ân cần chăm sóc con cái, giáo dục chúng trong sự quan tâm và khôn ngoan. Sau cùng, tình yêu của anh chị em phong phú cho xã hội, vì cuộc sống gia đình chính là trường học đầu tiên và không thể thay thế được để dạy các đức tính xã hội, như tôn trọng con người, đặc tính nhưng không, lòng tín nhiệm, tinh thần trách nhiệm, tình liên đới và cộng tác”.

ĐTC nói tiếp: ”Hỡi các đôi vợ chồng quí mến, anh chị em hãy chăm sóc con cái của mình, và trong một thế giới bị kỹ thuật thống trị, hãy thông truyền cho chúng, trong sự thanh thản và tín thác, những lý do để sống, sức mạnh của niềm tin, mở ra cho chúng những mục tiêu cao thượng và nâng đỡ chúng trong sự dòn mỏng yếu đuối. Hỡi những người làm con hãy biết luôn luôn duy trì một quan hệ yêu mến sâu xa và ân cần chăm sóc cha mẹ, và cả những quan hệ giữa anh chị em với nhau cũng phải là những cơ hội để tăng trưởng trong tình yêu.”

Bí tích hôn phối
”Dự phóng của Thiên Chúa về đôi vợ chồng tìm được sự viên mãn trong Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đã nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Hỡi các đôi vợ chồng thân mến, với một hồng ân đặc biệt của Chúa Thánh Linh, Chúa Kitô đã cho anh chị em được tham dự vào tình yêu phu thê của Ngài, biến anh chị em thành dấu chỉ tình yêu của Ngài đối với Giáo Hội: một tình yêu trung tín và hoàn toàn. Nếu anh chị em biết đón nhận hồng ân này, bằng cách hằng ngày canh tân sự ưng thuận của anh chị em, với lòng tin, với sức mạnh đến từ ơn bí tích hôn phối thì gia đình anh chị em sẽ sống tình yêu Thiên Chúa, theo mẫu gương của Thánh Gia Nazareth. Hỡi các gia đình thân mến, hãy năng khẩn cầu trong kinh nguyện ơn phù trợ của Đức Trinh Nữ Maria và của thánh Giuse, để các ngài dạy anh chị em đón nhận tình thương của Thiên Chúa như các ngài đã làm. Ơn gọi của anh chị em không phải là điều dễ thực hiện, nhất là ngày nay, nhưng ơn gọi tình yêu ấy là một thực tại tuyệt vời, là sức mạnh duy nhất có thể thực sự biến đổi thế giới. Trước mắt, anh chị em có chứng tá của bao nhiêu gia đình, họ chỉ dẫn những con đường để tăng trưởng trong tình yêu: đó là duy trì quan hệ liên lỷ với Thiên Chúa, tham gia đời sống Giáo Hội, vun trồng cuộc đối thoại, tôn trọng quan điểm của người khác, sẵn sàng phục vụ, kiên nhẫn với những khuyết điểm của người khác, biết tha thứ và xin lỗi, khắc phục một cách khôn ngoan và khiêm tốn những xung đột nếu có, thỏa thuận với nhau về đường hướng giáo dục, cởi mở đối với các gia đình khác, quan tâm tới người nghèo, có tinh thần trách nhiệm trong xã hội dân sự. Đó là tất cả những yếu tố tạo nên gia đình. Anh chị em hãy can đảm sống các yếu tố ấy, với xác tín rằng theo mức độ được ơn thánh Chúa nâng đỡ, anh chị em sẽ sống tình yêu thương đối với nhau và với mọi người, trở thành Tin Mừng sống động, và thành một Giáo Hội tại gia đích thực (Xc Tông huấn Familiaris consortio, 49).“

Những người ly dị tái hôn
”Tôi cũng muốn dành một lời cho các tín hữu, tuy đồng ý với giáo huấn của Giáo Hội về gia đình, nhưng họ đang chịu kinh nghiệm đau thương về sự thất bại của hôn nhân và chia lìa nhau. Anh chị em hãy biết rằng Giáo Hoàng và Giáo hội nâng đỡ anh chị em trong nỗi đau khổ và cơ cực của anh chị em. Tôi khuyến khích anh chị em hãy liên kết với cộng đoàn của mình và đồng thời tôi cầu mong các giáo phận thực hiện những sáng kiến thích hợp để đón nhận và gần gũi anh chị em.”

Trách vụ của vợ chồng
”Trong sách Sáng thế, Thiên Chúa ủy thác cho đôi vợ chồng công trình sáng tạo của Ngài để họ bảo tồn, vun trồng, và qui hướng chúng theo dự phóng của Ngài (Xc 1,27-28; 2,15). Trong chỉ dẫn này của Kinh Thánh, chúng ta có thể đọc thấy nghĩa vụ của người nam và người nữ phải cộng tác với Thiên Chúa để biến đổi thế giới, qua công việc, qua khoa học và kỹ thuật. Người nam và người nữ là hình ảnh của Thiên Chúa cả trong công trình này, công trình mà họ cần chu toàn với cùng một tình yêu của Đấng Tạo Hóa. Chúng ta thấy rằng trong các lý thuyết kinh tế tân thời, quan niệm duy lợi ích về lao động, về sản suất và về thị trường thường được đề cao trổi vượt. Nhưng dự phóng của Thiên Chúa và chính kinh nghiệm cho thấy rằng không phải tiêu chuẩn một chiều về tư lợi và về lợi nhuận tối đa có thể góp phần đạt tới sự phát triển hài hòa, mưu ích cho gia đình và xây dựng một xã hội công bằng hơn, vì nó bao hàm một sự cạnh tranh thái quá, những chênh lệch lớn lao, làm suy thoái môi sinh, chạy đua tiêu thụ, gây ra bao nhiêu khó khăn trong gia đình. Não trạng duy lợi ích có xu hướng lây sang các quan hệ giữa con người với nhau và trong gia đình, biến những quan hệ này thành một sự đồng qui bấp bênh của các lợi lộc cá nhân và đe dọa sự ổn định của xã hội.

Yếu tố sau cùng được ĐTC nhắc đến trong bài giảng là sự nghỉ ngơi và mừng lễ:
”Con người, trong tư cách là hình ảnh Thiên Chúa, cũng được kêu gọi nghỉ ngơi và mừng lễ. Trình thuật sáng tạo kết thúc với những lời này: ”Trong ngày thứ bẩy, Thiên Chúa hoàn tất công việc Ngài đã làm và ngày thứ bẩy Ngài ngưng mọi hoạt động đã làm. Thiên Chúa chúc lành cho ngày thứ bẩy và thánh hóa ngày này” (St 2,2-3. Đối với các tín hữu Kitô chúng ta, ngày lễ là Chúa nhật, ngày của Chúa, là lễ Phục sinh hằng tuần. Đó là ngày của Giáo hội, cộng đoàn được Chúa triệu tập quanh bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, như chúng ta đang làm hôm nay, để nuôi sống chúng ta bằng chính Ngài, để đi vào trong tình thương của Ngài và sống bằng tình yêu ấy. Đó là ngày của con người với các giá trị của nó là cuộc sống chung, tình thân hữu, tình liên đới, văn hóa, tiếp xúc với thiên nhiên, chơi đùa, thể thao. Đó là ngày của gia đình, trong đó cùng sống với nhau ý nghĩa ngày lễ, cuộc gặp gỡ, chia sẻ, kể cả qua việc tham dự Thánh Lễ. Hỡi các gia đình thân mến, dù ở trong nhịp sống dồn dập của thời đại chúng ta ngày nay, anh chị em đừng đánh mất ý nghĩa ngày của Chúa! Ngày này giống như một ốc đảo trong đó chúng ta dừng lại để thưởng thức niềm vui gặp gỡ và thỏa mãn khát mong của chúng ta về Thiên Chúa”.
Gia đình, lao động và mừng lễ: 3 hồng ân của Thiên Chúa, 3 chiều kích trong cuộc sống chúng ta phải tìm được sự hòa hợp quân bình. Hòa hợp thời gian làm việc và những đòi hỏi của gia đình, của công việc làm, của chức phận làm mẹ, lao động và mừng lễ, sự hòa hợp như thế là điều quan trọng để xây dựng xã hội với khuôn mặt con người.

Loan báo Đại hội tại Philadelphia
Cuối thánh lễ, ĐHY Ennio Antonelli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, đã cám ơn ĐTC, tổng giáo phận Milano và chính quyền đã cộng tác vào việc tổ chức và tiến hành tốt đẹp Đại hội các gia đình này.
Về phần ĐTC, ngài cũng lên tiếng cám ơn các vị trong ban tổ chức đồng thời loan báo: Đại hội kỳ 8 gia đình Công Giáo thế giới sẽ diễn ra tại thành phố Philadelphia, Hoa Kỳ vào năm 2015 tới đây. ĐTC cám ơn Đức Cha Charles Chaput, dòng Capuchino, TGM giáo phận Phila, đã quảng đại đón nhận trách nhiệm này.

Đức TGM Chaput có mặt tại buổi lễ cùng với phái đoàn giáo phận. Ngài đã tiến lên chào Đức Thánh Cha và ĐHY Antonelli.

                 

ĐTC chào thăm các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, và trước khi ngài ban phép lành, Đức Cha De Scalzi, Chủ tịch quỹ Gia đình 2012 ở Milano, loan báo cho mọi người: ĐTC đã dành 500 ngàn Euro từ quĩ bác ái của ngài để giúp các giáo phận bị động đất. Ngân khoản này sẽ được trao cho các GM 5 giáo phận Ferrara, Modena, Mantova, Carpi, Bologna, để giúp các gia đình và những người gặp khó khăn nhiều nhất vì động đất trong giáo phận của các vị.

Sau thánh lễ lúc 12 giờ rưỡi, ĐTC đã về tòa TGM Milano để dùng bữa với các HY, GM và một số đại diện từ 5 châu, trong đó có gia đình người Irak, Mêhicô, Australia, Tây Ban Nha..
Ban chiều, vào lúc 4 giờ rưỡi, ngài chào thăm và cám ơn một số thành viên của Quỹ Gia đình 2012 cũng như ban tổ chức đại hội cũng như cuộc viếng thăm của ngài, trước khi ra phi trường để đáp máy bay trở về Roma vào lúc gần 7 giờ chiều.

G. Trần Đức Anh OP

Lễ hội chứng từ của các gia đình với Đức Thánh Cha

Lễ hội chứng từ của các gia đình với Đức Thánh Cha

MILANO. Tối thứ bẩy, 2-6-2012, 350 ngàn người thuộc các gia đình năm châu đã tham dự lễ hội chứng từ do ĐTC chủ tọa bắt đầu từ lúc 8 giờ rưỡi tại Công viên Bresso ở mạn bắc Milano, Italia.

Trong lễ hội này, dưới bầu trời dịu mát, đã có phần trình bày chứng từ, xen lẫn 5 câu hỏi được nêu lên với các câu trả lời ứng khẩu của ĐTC và các bài ca điệu vũ được trình diễn.

1. Bé Cát Tiên nời Việt

Mở đầu, bé gái Cát Tiên 7 tuổi, trong chiếc áo dài màu đỏ, đầu đội khăn đóng, cầm bó hoa đến cắm trước ảnh Thánh Gia, và em tiến đến trước ĐTC để chào ngài và nói:
”Con chào Đức Giáo Hoàng, con là Cát Tiên, con đến từ Việt Nam. Năm nay con 7 tuổi và con muốn giới thiệu với Đức Giáo Hoàng gia đình con: đó là ba con tên là Đang, và mẹ con tên là Thảo, và đó là em con tên là Bình. Con rất muốn biết về gia đình Đức Giáo Hoàng và hồi Cha còn bé như con.. Vừa nói, bé Cát Tiên vừa chỉ ba em trong áo lam màu và mẹ em trong áo dài màu đỏ như cô dâu và bé Bình đứng gần đó. ĐTC âu yếm ôm hôn bé Cát Tiên và nói:

           

                

”Cám ơn con rất yêu quí, và cha mẹ con.. Cha chân thành cám ơn. Con hỏi cha kỷ niệm về gia đình cha như thế nào: có nhiều lắm. Cha chỉ muốn nói ít điều. Đối với gia đình cha, điều rất quan trọng là chúa nhật, và chúa nhật thì bắt đầu ngay từ chiều thứ bẩy. Ba của cha vẫn đọc cho con cái các bài đọc của ngày lễ chúa nhật, rút từ cuốn sách rất phổ biến bấy giờ ở Đức, trong đó cũng có những giải thích về các bài đọc. Và thế là chúa nhật bắt đầu: gia đình cha đã bước vào phụng vụ trong một bầu không khí vui mừng. Ngày hôm sau, cả gia đình cha đi lễ. Nhà cha ở gần thành phố Salzburg, vì thế gia đình cha có nhiều âm nhạc, – với các nhạc sư nổi tiếng như Mozart, Schubert, Haydn -và khi bắt đầu bài ca Kyrie kinh Thương Xót, thì như thể bầu trời mở ra. Và trong gia đình thì dĩ nhiên điều quan trọng là dùng bữa chung với nhau. trong gia đình cha vẫn thường ca hát nhiều: anh của cha là một nhạc sĩ giỏi, sáng tác nhạc ngay từ nhỏ cho cả gia đình, và cả nhà cha đều hát. Ba của cha thì chơi đàn hạc cầm và hát; đó là những lúc không thể quên được. Và dĩ nhiên là gia đình cha cũng đi chung với nhau, đi bộ; nhà cha gần một khu rừng và vì thế đi bộ trong rừng là điều rất tốt: có những cuộc phiêu lưu và các trò chơi nữa, cùng những thứ khác. Tóm lại là gia đình cha một lòng một ý với nhau, với bao nhiêu kinh nghiệm chung, cả trong thời kỳ khó khăn, vì hồi đó là thời chiến tranh, thời độc tài, rồi nghèo đói. Nhưng tình yêu thương nhau trong gia đình cha, niềm vui vì những điều đơn sơ rất là mạnh, nên gia đình cha có thể khắc phục và chịu đựng được cả những cơ cực đấy. Cha thấy điều này rất quan trọng, đó là cả những điều nhỏ bé cũng mang lại vui mừng, vì qua đó có biểu lộ tâm hồn của người khác. Và thế là anh chị cùng với cha được lớn lên với xác tín rằng lòng nhân từ của Chúa phản ánh cả nơi cha mẹ và anh chị em. Thú thực là khi cha tìm cách tưởng tượng xem thiên đàng như thế nào, cha luôn hình dung ra thời cha còn trẻ, thời niên thiếu của cha. Trong khung cảnh tín thác, vui mừng và yêu thương như thế, gia đình cha thật là hạnh phúc và cha nghĩ rằng thiên đàng cũng giống như trong thời niên thiếu của cha. Theo nghĩa đó, cha hy vọng được ”đi về nhà”, đi sang phần bên kia của thế giới.

2. Câu hỏi thứ hai được anh chị Serge Razafinbony và Fara Andrianombonana người Madagascar nêu lên:
”Kính thưa ĐTC, chúng con là Fara và Serge, chúng con đến từ Madagascar. Chúng con quen nhau ở Firenze nơi chúng con đang học, con học ngành kỹ sư còn Fara học kinh tế. Chúng con đính hôn với nhau từ 4 năm nay, và sau khi tốt nghiệp, chúng con mơ ước trở về nước để góp phần giúp dân qua nghề nghiệp của chúng con.
– FARA: Những kiểu mẫu gia đình ở tây phương không làm cho chúng con tin tưởng lắm, nhưng chúng con cũng biết rằng có nhiều truyền thống của Phi châu chúng con cần phải vượt qua. Chúng con cảm thấy rất hợp nhau, vì thế chúng con muốn kết hôn với nhau và cùng nhau xây dựng một tương lai. Chúng con cũng muốn rằng mọi khía cạnh trong đời sống chúng con được các giá trị Tin Mừng hướng dẫn. Nhưng thưa Đức Thánh Cha, nói về hôn nhân, có một từ ngữ thu hút chúng con nhiều nhất nhưng đồng thời cũng làm cho chúng con kinh sợ, đó là từ ”mãi mãi”.
.
– ĐTC đáp:
”Các bạn thân mến, cám ơn các bạn vì chứng từ này.. Kinh nguyện của tôi tháp tùng các bạn trong hành trình đính hôn và tôi hy vọng rằng với các giá trị Tin Mừng, các bạn có thể thành lập một gia đình ”mãi mãi”. Bạn đã nhắc đến các kiểu hôn nhân khác nhau: chúng ta biết thứ hôn nhân theo tập tục của Phi châu và hôn nhân tây phương. Nói đúng ra, ở Âu Châu này, cho đến thế kỷ 19, cũng có một kiểu hôn nhân khác rất thịnh hành: hồi đó hôn nhân thường là một hợp đồng giữa các gia tộc khác nhau, qua đó người ta tìm cách mở ra tương lai, bảo vệ tài sản, v.v. Người ta tìm người để kết hôn, với hy vọng là cuộc hôn nhân này hợp với gia tộc, hoặc phe này phe kia. Tại các nước ở Âu Châu phần nào cũng như thế. Tôi còn nhớ ở làng nhỏ của chúng tôi nơi tôi đi học, phần lớn cuộc hôn nhân là do gia đình xếp đặt như vậy. Nhưng rồi từ thế kỷ 19 trở đi, có sự giải phóng cá nhân, tự do cá nhân, và hôn nhân không còn dựa trên ý muốn của người khác nữa, nhưng do chính hai người chọn lựa; hai người yêu nhau, rồi đính hôn sau đó thành hôn với nhau. Hồi ấy tất cả đều xác tín rằng chỉ có kiểu mẫu hôn nhân vì tình yêu như thế mới đúng và tình yêu tự nó bảo đảm tính chất ”mãi mãi” của hôn nhân, vì tình yêu là tuyệt đối, muốn tất cả và vì thế nó bao trùm trọn vẹn thời gian: kéo dài mãi mãi. Rất tiếc là thực tế không như thế: người ta thấy rằng yêu nhau thực là đẹp, nhưng nó không kéo dài mãi mãi, cũng như tâm tình, tình cảm nó không tồn tại mãi. Vì thế, ta thấy rằng giai đoạn từ sự yêu nhau đến việc đính hôn, và kết hôn với nhau đòi phải có những quyết định khác, những kinh nghiệm nội tâm nữa. Như tôi đã nói, tình cảm yêu thương nhau thật là đẹp, nhưng nó cũng cần được thanh tẩy, phải tiến theo một con đường phân định, nghĩa là phải có cả lý trí lẫn ý chí nữa; lý trí, tình cảm và ý chí cần phải được liên kết với nhau. Trong nghi thức hôn phối, Giáo Hội không nói: ”Anh – chị – có yêu thương không?”, nhưng hỏi: Anh – Chị có muốn, có quyết định hay không, nghĩa là sự yêu nhau phải trở thành một tình yêu thực sự, bao gồm cả ý chí lẫn lý trí khi tiến hành, phải bao gồm sự đính hôn, sự thanh tẩy, phải có chiều sâu hơn, như thế, trọn con người, với tất cả khả năng của mình, với sự phân định của ý chí, với sức mạnh của ý chí, để nói rằng: ”Đúng, đây là cuộc sống của tôi”. Tôi thường nghĩ đến tiệc cưới Cana. Rượu đầu tiên thật là ngon: đó là sự bắt đầu yêu thương nhau. Nhưng nó không kéo dài đến cùng; cần phải có thứ rượu thứ hai, nghĩa là phải lên men và tăng trưởng, trưởng thành. Một tình yêu chung kết thực sự trở thành ”rượu thứ hai” càng đẹp hơn nữa, còn ngon hơn rượu thứ nhất. Và đó là điều chúng ta phải tìm kiếm. Và điều quan trọng ở đây là hai người đính hôn không lẻ loi, hai người thành hôn còn cần sự can dự của cộng đoàn xứ đạo, Giáo Hội, bạn hữu. Sự hiệp thông cuộc sống với tha nhân, với gia đình như thế nâng đỡ cho đôi hôn nhân, là điều rất quan trọng, và chỉ với sự can dự của cộng đoàn, của bạn hữu, của Giáo Hội, của Đức tin và của chính Thiên Chúa, thì rượu mới tăng trưởng và kéo dài mãi mãi. Tôi cầu chúc các bạn mọi điều tốt đẹp!

3. Gia đình thứ ba lên tiếng là ông bà Paleologos người Hy Lạp:
(Nikos)): Kalispera! Chúng con là gia đình Paleologos, chúng con đến từ Athènes. Con tên là Nikos và vợ con đây tên là Pania. Và hai đứa con của chúng con đây là Pavlos và Lydia.
”Cách đây nhiều năm, cùng với hai người hợp đồng, chúng con đầu tư tất cả tài sản để mở một công ty nhỏ về tin học. Nhưng rồi xảy đến cuộc khủng hoảng kinh tế rất trầm trọng, các khách hàng giảm bớt rất nhiều và những người còn lại thì cứ hoãn lại việc trả tiền. Chúng con vất vả lắm trong việc trả lương cho hai nhân viên, và chúng con và hai người hợp đồng đầu tư chỉ còn lại rất ít tiền: vì thế, số tiền dành để nuôi gia đình chúng con chẳng còn lại bao nhiêu, ngày càng ít đi. Tình trạng chúng con là một trong bao nhiêu tình cảnh, trong số hàng triệu người như vậy. Tại thành phố, dân chúng bước đi, đầu cúi xuống, chẳng ai còn tin tưởng ai nữa, thiếu hy vọng.
Pania: Cả chúng con nữa, tuy tiếp tục tin tưởng nơi Chúa quan phòng, nhưng chúng con thấy khó lòng nghĩ đến một tương lai cho con cái. Kính thưa ĐTC, có những ngày những đêm, chúng con tự hỏi phải làm gì để khỏi đánh mất niềm hy vọng. Giáo Hội có thể nói gì với những người dân như thế, với những người và những gia đình không còn viễn tượng tương lai nữa?

– ĐTC đáp: Các bạn thân mến, cám ơn các bạn vì chứng từ này, đã đánh động con tim tôi, tâm hồn của tất cả chúng ta. Chúng ta có thể trả lời thế nào đây? Lời nói không đủ. Chúng ta phải làm cái gì cụ thể và tất cả chúng ta đều đau khổ vì sự kiện chúng ta không có khả năng làm cái gì cụ thể. Trước tiên, chúng ta hãy nói về chính trị; tôi thấy cần phải có sự gia tăng cảm thức trách nhiệm nơi tất cả các đảng phái, xin họ đừng hứa những điều không thể thực hiện được (vỗ tay), họ đừng chỉ tìm kiếm những lá phiếu cho mình, nhưng hãy có tinh thần trách nhiệm đối với thiện ích của mọi người và hãy hiểu rằng chính trị cũng luôn luôn là một trách nhiệm nhân bản, trách nhiệm luân lý trước mặt Thiên Chúa và loài người. Và dĩ nhiên mỗi người đau khổ và phải chấp nhận tình trạng như thế mà nhiều khi họ không có phương thế để tự vệ. Nhưng ở đây chúng ta cũng có thể nói rằng: mỗi người chúng ta hãy làm những gì mình có thể, hãy nghĩ đến mình, đến gia đình, đến tha nhân với tinh thần trách nhiệm cao độ, với ý thức rằng những hy sinh là điều cần thiết để tiếp tục tiến bước.
Điểm thứ ba là: chúng ta có thể làm được gì? Đây là câu hỏi của tôi trong lúc này. Tôi nghĩ rằng có lẽ sự kết nghĩa giữa các thành phố, các gia đình, các giáo xứ, có thể giúp đỡ được. Ở Âu Châu hiện nay, chúng ta có một hệ thống kết nghĩa với nhau, nhưng chỉ là những trao đổi văn hóa, điều này chắc chắn là tốt và rất hữu ích, nhưng có lẽ cũng cần những sự kết nghĩa theo nghĩa khác nữa: để thực sự là một gia đình tây phương, Italia, Đức, Pháp, cảm nhận trách nhiệm giúp gia đình khác. Như thế, cả các giáo xứ, cả thành phố thực sự lãnh nhận trách nhiệm, giúp đỡ cụ thể. Anh chị em hãy chắc chắn rằng tôi và bao nhiêu người khác đang cầu nguyện cho anh chị em, và việc cầu nguyện này không phải chỉ là lời nói mà thôi, nhưng cởi mở tâm hồn với Thiên Chúa và qua đó tạo ra cả tinh thần sáng tạo để tìm ra những giải pháp. Tôi hy vọng rằng Chúa giúp chúng ta, và Chúa luôn luôn giúp đỡ! Cám ơn.

4. Gia đình thứ tư là ông bà Rerrie từ Hoa Kỳ:
Jay: Chúng con sống gần thành New York. Con tên là Jay, gốc người Jamaica và con làm kế toán viên. Anna vợ con đây là giáo viên hỗ trợ. Và đây là 6 đứa con của chúng con, từ 2 đến 12 tuổi. Thưa ĐTC, ngài có thể tưởng tượng được cuộc sống của chúng con với những cuộc chạy đua với thời gian, với những cơ cực, những vụ bị kẹt rất phức tạp.. Ở Mỹ chúng con, làm sao giữ được công ăn việc làm cũng là một trong những ưu tiên tuyệt đối, và để giữ được việc làm như vậy, thì không được để ý đến thời biểu, và nhiều khi chúng con phải hy sinh những quan hệ gia đình.
Anna. Chắc chắn là không luôn luôn dễ dàng.. Thưa ĐTC, chúng con có cảm tưởng là các cơ chế và xí nghiệp không tạo điều kiện dễ dàng để dung hóa thời gian làm việc và thời gian dành cho gia đình. Kính thưa ĐTC, chúng con cũng nghĩ rằng cả ĐTC cũng không dễ dàng dung hòa giữa bao nhiêu công việc và sự nghỉ ngơi. ĐTC có lời khuyên nào để giúp chúng con tìm lại được sự hòa hợp cần thiết này hay không? Trong cơn lốc của bao nhiêu kích thích do xã hội ngày nay áp đặt, làm sao giúp các gia đình sống việc mừng lễ theo tâm hồn của Thiên Chúa?

– ĐTC đáp: ”Đây thực là một vấn đề lớn và tôi nghĩ là hiểu được đòi hỏi giữa hai ưu tiên: ưu tiên giữ công ăn việc làm là điều quan trọng, và ưu tiên duy trì đời sống gia đình. Làm sao dung hòa giữa hai ưu tiên ấy. Tôi chỉ có thể cố gắng đưa ra vài lời khuyên. Điểm thứ nhất: có những xí nghiệp cho phép một ngoại lệ nào đó cho các gia đình như ngày sinh nhật chẳng hạn và họ thấy rằng cho tự do một chút như thế, thì xét cho cùng điều này thì cũng có lợi cho cả xí nghiệp nữa, vì củng cố lòng yêu thích công ăn việc làm. Vì thế, tôi muốn mời gọi các chủ nhân hãy nghĩ đến các gia đình, hãy nghĩ cách giúp đỡ để hai ưu tiên có thể dung hòa được với nhau.
Điểm thứ hai: tôi thiết nghĩ dĩ nhiên cần phải tìm kiếm một sự sáng tạo nào đó, và đây là điều không luôn luôn dễ dàng. Nhưng ít là mỗi ngày mang lại một yếu tố vui mừng nào đó trong gia đình, sự quan tâm, từ bỏ ý riêng mình để ở chung với gia đình, chấp nhận và vượt thắng những đêm đen, như đã nói trên đây, và nghĩ đến thiện ích lớn lao là gia đình, và như thế khi ân cần mang lại một điều tốt lành nào đó mỗi ngày, tìm được sự dung hòa giữa hai ưu tiên. Và sau cùng, là chúa nhật, là ngày lễ: tôi hy vọng chúa nhật cũng được tuân giữ tại Mỹ. Và vì thế, tôi thấy chúa nhật rất quan trọng, đây là ngày của Chúa, và với tư cách ấy, đó cũng là ngày của con người, để chúng ta được rảnh rang, được tự do. Trong trình thuật sáng tạo, ý hướng nguyên thủy của Đấng Tạo Hòa là có một ngày trong đó tất cả được rảnh rang. Trong sự rảnh rang của người này cho người khác, cho chính mình, người ta cũng rảng rang cho Thiên Chúa. Và tôi nghĩ rằng chúng ta bảo vệ sự tự do, sự rảnh rang của con người, khi bảo vệ chúa nhật và những ngày lễ như những ngày của Thiên Chúa và cũng là ngày của con người. Cám ơn và chúc mừng anh chị em.

5. Gia đình sau cùng là Ông Araujo từ Porto Alegre, Brazil.
Bà Maria Marta nói: Kính thưa ĐTC, cũng như nơi khác trên thế giới, tại Brazil chúng con, các cuộc hôn nhân tan vỡ tiếp tục gia tăng. Con tên là Maria Marta, và chồng con đây là Manoel Angelo. Chúng con kết hôn từ 34 năm nay và chúng con trở thành ông bà rồi. Trong tư cách là bác sĩ và là chuyên gia trị liệu tâm lý gia đình, chúng con gặp bao nhiêu gia đình, nhận thấy nơi những xung đột vợ chồng có một khó khăn rất lớn trong việc tha thứ và đón nhận tha thứ, nhưng trong nhiều trường hợp khác, chúng con cũng gặp ước muốn và ý chí xây xựng một cuộc hôn nhân mới, một cái gì lâu bền, và cũng vì con cái sinh ra từ cuộc kết hiệp mới này.
Manoel Angelo: Có một vài cặp tái hôn muốn đến gần Giáo Hội, nhưng khi thấy mình bị từ chối không được lãnh nhận các bí tích thì họ rất thất vọng. Họ cảm thấy bị gạt bỏ, bị mang một bản án không thể kháng tố được. Những đau khổ lớn lao này gây thương tổn sâu đậm cho những người liên hệ; tình trạng bị xâu xé ấy cũng trở thành một phần của thế giới, trở thành những vết thương của chúng ta, của toàn thể nhân loại. Kính thưa ĐTC, chúng con biết rằng những tình cảnh và những người ấy rất được Giáo Hội quan tâm: vậy đâu là những lời nói và những dấu hiệu hy vọng mà chúng ta có thể mang lại cho họ?

– ĐTC trả lời: Các bạn thân mến, cám ơn các bạn vì công việc tâm lý trị liệu cho các gia đình là điều rất cần thiết. Cám ơn vì tất cả những gì các bạn làm để giúp những người đau khổ ấy. Thực tế là vấn đề những người ly dị tái hôn là một trong những đau khổ lớn của Giáo hội ngày nay. Chúng ta không có công thức đơn gian. Đau khổ thật lớn lao và chúng ta chỉ có thể giúp các giáo xứ, mỗi người giúp những người ấy chịu đựng đau khổ do cuộc ly dị như vậy. Tôi muốn nói rằng điều rất quan trọng dĩ nhiên là sự phòng ngừa, nghĩa là ngay từ đầu đào sâu việc yêu thương nhau trong một quyết định sâu xa, trưởng thành; và ngoài ra, việc tháp tùng trong hôn nhân, để các gia đình không bao giờ lẻ loi, nhưng thực sự được tháp tùng trong hành trình của họ. Và về những người ấy, chúng ta phải nói – như bạn đã nói – rằng Giáo Hội yêu mến họ, nhưng họ phải nhìn thấy và cảm được tình thương ấy. Tôi thấy một trách vụ lớn của giáo xứ, của một cộng đoàn Công Giáo, là làm tất cả những gì có thể để họ cảm thấy được yêu mến, được chấp nhận, và họ không phải là những người ”ở ngoài Giáo Hội, cho dù họ không thể nhận phép xá giải và rước lễ: họ phải thấy rằng dù như vậy họ sống trọn vẹn trong Giáo Hội. Có lẽ, tuy không thể có sự xá giải trong phép giải tội, nhưng sự tiếp xúc thường xuyên với một linh mục, với một vị linh hướng, là điều rất quan trọng để họ thấy mình được tháp tùng, được hướng dẫn. Rồi một điều cũng rất quan trọng là họ cảm thấy rằng Thánh Lễ là đích thực và được tham dự Thánh Lễ thực sự khi được hiệp thông với Mình Chúa Kitô. Nhưng cả khi không có sự lãnh nhận ”thể lý” bí tích này, chúng ta cũng được kết hiệp thiêng liêng với Chúa Kitô trong Mình của Chúa. Và giúp họ hiểu điều này, thực là quan trọng. Làm sao để họ có thể sống một cuộc sống đức tin, với Lời Chúa, với sự hiệp thông của Giáo Hội và để họ có thể thấy rằng những đau khổ của họ là một món quà cho Giáo Hội, vì qua đó họ phục vụ tất cả mọi người qua việc bảo vệ sự bền vững của tình yêu, của hôn nhân; và đau khổ này không phải chỉ là một sự hành hạ thể lý, một sự ray rứt về tâm lý, nhưng cũng là một đau khổ trong cộng đoàn Giáo Hội vì những giá trị lớn lao của niềm tin chúng ta. Tôi nghĩ rằng đau khổ của họ, nếu được chấp nhận thực sự trong nội tâm, thì cũng là một hồng ân cho Giáo Hội. Họ cần biết điều đó, và qua đó, họ phục vụ Giáo Hội, họ ở trong con tim của Giáo Hội. Xin cám ơn sự dấn thân của các bạn.

Trong cuộc gặp gỡ các gia đình, ĐTC cũng gửi lời thân ái chào thăm những ngừơi bị động đất ở Italia, ngài biết rõ những đau khổ của họ và nói: ”Tôi cầu nguyện hằng ngày để những vụ động đất này chấm dứt. Tất cả chúng tôi đều muốn cộng tác để giúp đỡ anh chị em. Xin anh chị em hãy tin chắc rằng chúng tôi không quên anh chị em, và chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ anh chị em, – Caritas, tất cả những tổ chức của Giáo hội, Nhà Nước và các cộng đoàn khác, mỗi người chúng tôi đều muốn giúp đỡ anh chị em, về mặt thiêng liêng qua lời cầu nguyện, trong sự gần gũi tâm hồn, cũng như về mặt vật chất. Tôi cầu nguyện nồng nhiệt cho anh chị em. Xin Chúa giúp đỡ anh chị em. Tôi xin gửi cầu chúc mọi sự lành cho anh chị em, xin Chúa chúc lành cho Anh chị em.
Lễ hội chứng từ kéo dài 1 tiếng đồng hồ, với kinh lạy cha và phép lành của ĐTC cho mọi người. Hàng trăm ngàn người ở lại khu vực công viên, ngủ trong các lều để có thể dự lễ bế mạc sáng chúa nhật hôm sau.

G. Trần Đức Anh OP

 


 

  « Trở về mục lục  

 

Đức Thánh Cha kêu gọi người trẻ: Hãy có những lý tưởng lớn và hãy nên thánh!

Đức Thánh Cha kêu gọi người trẻ: Hãy có những lý tưởng lớn và hãy nên thánh!

WHĐ (03.06.2012) / VIS – Buổi trưa ngày 2 tháng Sáu, sau nghi lễ tại nhà thờ chính tòa Milano, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tới sân vận động lớn Milano để gặp gỡ các người trẻ chuẩn bị chịu phép thêm sức của giáo phận cùng các giáo lý viên và gia đình của họ (80.000 người).

Đức Thánh Cha nói: “Nhờ sự chuẩn bị, các con đã học biết nhìn ngắm những kỳ công Chúa Thánh Thần đã thực hiện trong cuộc đời của các con và nơi tất cả những ai nói lời xin vâng với Tin Mừng và với Đức Kitô. Các con đã hiểu được giá trị lớn lao của bí tích Thánh Tẩy, bí tích đầu tiên của các bí tích và là cánh cửa bước vào đời sống Kitô hữu. Các con đã tiếp nhận ơn ấy nhờ cha mẹ của các con”, những người đã cam kết dạy dỗ chúng con trong đức tin. “Từ khi ấy các con đã lớn lên và có thể nói lời xin vâng một cách tự do và có ý thức. Bí tích Thêm Sức củng cố bí tích Thánh Tẩy qua việc đổ tràn Chúa Thánh Thần. Đầy lòng biết ơn, giờ đây các con đã có thể đón nhận những ân sủng lớn của Người, những ân sủng giúp các con trở thành những chứng nhân trung tín và can đảm của Chúa Giêsu. Những ân sủng tuyệt vời của Chúa Thánh Thần đào tạo các con trở nên Kitô hữu, sống Tin Mừng và là những thành viên tích cực của cộng đoàn”.

“Toàn bộ đời sống kitô hữu là một cuộc hành trình, là bước đi trên con đường mòn lên núi, có Chúa Giêsu làm bạn đồng hành. Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, tình bạn của các con với Chúa Giêsu sẽ được củng cố. Tình bạn ấy sẽ không ngừng được dưỡng nuôi trong phép Thánh Thể… Vì thế, cha mời gọi các con trung thành tham dự Thánh lễ Chúa nhật… và đến với bí tích Giải tội, là nơi gặp gỡ Chúa Giêsu Đấng tha thứ tội lỗi chúng ta và giúp ta làm điều lành”.

“Các con cũng đừng quên cầu nguyện mỗi ngày, nói chuyện với Chúa, dâng mình cho Người, nói với Người vể những niềm vui và các mối quan tâm của các con. Hãy xin Người soi sáng và nâng đỡ các con trong cuộc hành trình… Ở gia đình, các con hãy vâng lời cha mẹ và lắng nghe lời khuyên bảo của các ngài, để các con được lớn lên và thêm khôn ngoan như Chúa Giêsu. Cuối cùng, các con hãy chăm chỉ học hành bởi vì học hành là một cơ hội lớn để lớn lên”.

“Hãy đại độ và sẵn sàng phục vụ người khác bằng cách tránh thái độ chỉ biết nghĩ tới mình. Lòng ích kỷ là kẻ thù của niềm vui. Nếu giờ đây các con thấy được vẻ đẹp của việc thuộc về cộng đoàn của Chúa Giêsu, thì tới lượt mình, các con hãy hành động để cộng đoàn phát triển… Mỗi ngày Chúa đều gọi các con làm những điều lớn lao”.

“Vậy các con hãy mở rộng lòng trước những gì Người gợi lên cho các con và nếu Người có gọi các con đi theo Người trong con đường linh mục hay đời sống thánh hiến, các con đừng từ chối. Người sẽ đổ đầy tràn tâm hồn các con trong suốt cuộc đời… Cha mạnh mẽ khẳng định điều này với các con: Hãy có những lý tưởng lớn và hãy nên thánh! Đúng vậy, ở tuổi các con cũng có thể nên thánh… Có biết bao vị thánh, cũng trẻ như các con, đã chứng mình điều này: Domenico Savio hay Maria Goretti”.

“Sự thánh thiện, vốn là con đường bình thường của người Kitô hữu, không dành riêng cho một số người. Mọi người đều có thể nên thánh, với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, dưới sự hướng dẫn của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu… Xin Đức Nữ Trinh gìn giữ lời xin vâng tươi sáng mà chúng con đã thưa với Chúa Giêsu, Con của người, là Bạn tín trung của đời sống chúng ta”.

(VIS, 02-06-2012)

 

An Phong  (HDGMVIETNAM)

Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Tổng giáo phận Milano

Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Tổng giáo phận Milano

VATICAN. Chiều thứ sáu, 1-6-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã đến viếng thăm tổng giáo phận Milano bắc Italia, nhân dịp Đại hội kỳ 7 các gia đình Công Giáo thế giới.

Ngài lưu lại tại đây hơn 48 tiếng đồng hồ, cho đến gần 6 giờ chiều chúa nhật 3-6-2012. Đây là chuyến viếng thăm dài nhất ĐTC thực hiện tại Italia từ trước đến nay và là chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị Giáo Hoàng tại đây kể từ 28 năm nay.

Từ Vatican, vào lúc quá 4 giờ chiều, ĐTC đã dùng trực thăng đến phi trường Ciampino của thành Roma để từ đây đáp máy bay đến phi trường Milano-Linate cách đó gần 500 cây số về hướng bắc. Khi đến nơi vào lúc 5 giờ 15 chiều, Ngài đã được ĐHY Angelo Scola, TGM sở tại cùng với ĐHY Ennio Antonelli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, và các HY, GM, cũng như chính quyền đón tiếp.

Liền đó, ĐTC dùng xe bọc kính để tới Quảng trường trước nhà thờ chính tòa Milano. Dọc đường lối 100 ngàn tín hữu và dân chúng đứng hai bên để chào đón ngài rất tưng bừng. Số người càng đông đảo hơn khi ĐTC tiến vào khu vực quảng trường gần Nhà Thờ chính tòa. Xe chở ĐTC đã dừng lại nhiều lần để ngài hôn những em bé được nhân viên an ninh bế lên trao cho ngài.

Milano là thủ đô kinh tế của Italia và là thủ phủ của miền Lombardi hiện có hơn 1 triệu 340 ngàn dân cư. Về mặt tôn giáo, Tổng giáo phận Milano cổ kính có từ thế kỷ thứ 4, với vị GM nổi bật là thánh Ambroxio. Hồi xưa lãnh thổ giáo phận này rộng mênh mông, bao gồm cả vùng nói tiếng Ý bên Thụy sĩ cũng như miền Piemonte đông bắc Italia. Qua dòng lịch sử, đã có 17 giáo phận đã được cắt ra từ lãnh thổ giáo phận Milano, dầu vậy, ngày nay Milano vẫn còn là giáo phận lớn nhất tại Âu Châu với hơn 5 triệu 434 ngàn tín hữu Công Giáo sống trên lãnh thổ rộng 4.208 cây số vuông, thuộc 1.104 giáo xứ, do 2009 linh mục giáo phận và 836 linh mục dòng săn sóc với sự cộng tác của 120 phó tế vĩnh viễn. Giáo phận do ĐHY Angelo Scola cai quản với sự cộng tác của 4 GM phụ tá.
Tại quảng trường rộng 17 ngàn mét vuông trước Nhà thờ chính tòa Milano, 60 ngàn người đã dành cho ĐTC một cuộc tiếp đón nồng nhiệt. Đông đảo các gia đình và người trẻ trong số các tín hữu hiện diện. Họ ca hát, vẫy những khăn màu trắng để chào mừng ngài.

Tại đây cũng có bố trí các màn hình khổng lồ 12 mét vuông để những người đứng xa cũng có thể thấy ĐGH, và qua màn hình này, dân chúng cũng có thể theo dõi cuộc gặp gỡ của ngài với các gia đình thế giới vào chiều tối thứ bẩy, cũng như thánh lễ sáng chúa nhật 3-6.

Lên tiếng sau lời chào mừng của ông thị trưởng và ĐHY Scola TGM sở tại, ĐTC chào thăm chính quyền và giáo quyền địa phương trước khi chào thăm đại diện các gia đình quốc tế:

”Tôi đặc biệt chào thăm các đại diện gia đình đến từ các nơi trên thế giới, tham dự Đại hội kỳ 7 này. Tôi thân ái nghĩ đến những người đang cần trợ giúp và an ủi, đang bị nhiều thứ lo lắng đè nặng: những người đơn độc hoặc gặp khó khăn, những người thất nghiệp, các bệnh nhân, tù nhân và những người thiếu gia cư hoặc thiếu những điều tối thiểu để sống xứng đáng… Ước gì không một ai trong các anh chị em ấy của chúng ta không được sự quan tâm liên đới liên lỷ của tập thể. Về vấn đề này, tôi hài lòng về những gì giáo phận Milano đã và tiếp tục làm để đáp ứng cụ thể những nhu cầu của các gia đình bị thương tổn nhiều nhất vì cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh, và đã cùng với toàn thể Giáo Hội và xã hội ở Italia, khởi sự ngay để tích cực cứu giúp dân chúng bị động đất ở miền Emilia Romagna. Họ đang ở trong con tim và trong kinh nguyện của chúng ta, và một lần nữa tôi mời gọi anh chị em hãy quảng đại liên đới với họ.”

Hai trận động đất ngày 20 và 29-5-2012 ở miền Emilia Romagna đã làm cho 24 người chết, hơn 350 người bị thương, 14 ngàn người phải di tản và sống trong các lều tạm trú, 305 thánh đường bị hư hại, trong đó có một số bị sụp hoàn toàn. Cả Đền thánh Antôn thành Padova cũng bị thiệt hại.

Trong diễn văn, ĐTC cũng nêu cao mối liên hệ mật thiết giữa giáo phận Milano với người kế vị thánh Phêrô qua dòng lịch sử, và bao nhiêu vị đại mục tử đã hướng dẫn Giáo phận này, nhất là thánh Ambroxio, thánh Carlo Borromeo, cũng như một số vị Giáo Hoàng xuất thân từ đây, như Đức Piô 11 và đặc biệt là vị tôi tớ Chúa ĐGH Phaolô 6 đã làm TGM Milano. ĐTC nói:

“Các bạn thân mến, lịch sử của anh chị em rất phong phú về văn hóa và đức tin… Là những người thừa kế của quá khứ vinh hiện và gia sản tinh thần giá trị khôn lường ấy, anh chị em có nghĩa vụ dấn thân để thông truyền cho các thế hệ tương lai ngọn đuốc sáng người dường ấy của truyền thống. Anh chị em biết rõ thật là điều cấp thiết phải mang men tin mừng vào bối cảnh văn hóa ngày nay. Niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu chết và sống lại vì chúng ta, và đang sống giữa chúng ta phải linh hoạt toàn thể mọi môi trường cuộc sống, cá nhân cũng như cộng đoàn, tư cũng như công, để có được một cuộc an sinh ổn định đích thực, đi từ gia đình, cần phải tái khám phá gia đình như gia sản chính của nhân loại, và là dấu chỉ một nền văn hóa chân chính phục vụ con người. Căn tính đặc sắc của thành Milano không được làm cho thành này bị cô lập hoặc tách biệt, khép kín nơi mình. Trái lại, trong khi bảo tồn nhựa sống của các căn cội và những nét đặc thù trong lịch sử của mình, thành Milano được mời gọi hướng nhìn về tương lai trong hy vọng, vun trồng mối liên hệ thân tình và thăng tiến với cuộc sống của toàn thể Italia và Âu Châu. Trong sự phân biệt rõ ràng vai trò và mục tiêu, thành Milano đời một cách tích cực và thành Milano của đức tin được mời gọi cùng cộng tác cho công ích.

Tại nhà hát Scala

Sau bài diễn văn, ĐTC đã về tòa TGM Milano để nghỉ ngơi chốc lát. Tiếp đến, vào lúc quá 7 giờ rưỡi tối, ĐTC đã đến Nhà Hát Scala, nổi tiếng nhất tại thành Milano để tham dự buổi hòa nhạc cùng với các đoàn đại biểu chính thức từ các nước trên thế giới đến dự Đại hội kỳ 7 các gia đình Công Giáo thế giới, cũng như chính quyền các cấp và đại diện các giới. Ban nhạc và ca đoàn của Nhà hát, do Nhạc trưởng Barenboim 70 tuổi điều khiển, đã trình diễn Hợp tấu số 9 của Ludwig van Beethoven với lời ”Bài ca vui tươi” do Friedrich Schiller biên soạn.

Giám đốc nhà hát, Ông Stéphane Lissner đã chào mừng ĐTC và cho biết buổi hòa nhạc cũng diễn tả tình liên đới của ĐTC và mọi người với các nạn nhân bị động đất.

 

Trong lời cám ơn cuối buổi hòa tấu, ĐTC đi từ bài ca vui tươi và nhận xét rằng ”đây là một viễn tượng lý tưởng về nhân loại mà nhạc sư Beethoven diễn tả qua âm nhạc. ”Niềm vui tích cực trong tình huynh đệ và yêu thương nhau dưới cái nhìn hiền phụ của Thiên Chúa” (Luigi della Croce). Niềm vui mà được ca tụng trong bài ca không phải là niềm vui riêng của Kitô giáo, nhưng là niềm vui của cuộc sống chung huynh đệ giữa các dân tộc, của sự chiến thắng tính ích kỷ, và đó là ước muốn sao cho hành trình của nhân loại được thấm đượm tình thương, đây hầu như là một lời mời gọi gửi đến mọi người, vượt lên trên mọi hàng rào và xác tín”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Chúng ta không cần một diễn văn siêu thực về một vị Thiên Chúa xa xăm, không cần một tình huynh đệ không đòi phải dấn thân. Chúng ta đang tìm kiếm Thiên Chúa gần gũi. Chúng ta tìm kiếm một tình huynh đệ, nâng đỡ tha nhân giữa những đau khổ, và giúp tiến bước. Sau buổi hòa nhạc này, nhiều người sẽ đi chầu Mình Thánh Chúa, thờ lạy Thiên Chúa đã đặt mình trong những đau khổ của chúng ta và còn tiếp tục làm như vậy. Thờ lạy vị Thiên Chúa đang chịu đau khổ với chúng ta và vì chúng ta, và qua đó Ngài làm cho những người nam nữ có cả năng chia sẻ những đau khổ của tha nhân và biến đau khổ thành tình thương. Đó chính là điều chúng ta cảm thấy được buổi hòa nhạc này mời gọi thi hành”.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha bế mạc Tháng Đức Mẹ

Đức Thánh Cha bế mạc Tháng Đức Mẹ

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 mời gọi các tín hữu noi gương Mẹ Maria sống trong niềm vui đức tin, thanh thản giữa những buồn phiền.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong bài huấn dụ kết thúc buổi đọc kinh Mân Côi tối hôm ngày 31-5-2012, lễ Đức Mẹ Thăm Viếng, tại hang đá Đức Mẹ Lộ Đức ở nội thành Vatican, kết thúc tháng Thánh Mẫu.

Buổi đọc kinh bắt đầu lúc 8 giờ tối, với cuộc rước nến do ĐHY Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô kiêm Tổng đại diện của ĐTC tại Nội thành Vatican, chủ sự, trước sự hiện diện của hàng trăm người, trong đó có hơn 10 HY, một số GM, LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Lúc quá 9 giờ, ĐTC đến ban huấn dụ kết thúc. Ngài nhắc đến Phúc Âm của Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng với bài ca Magnificat, bài ca ngợi khen của dân Chúa, của nhân loại được lòng từ bi Chúa cứu độ, đồng thời cũng là bài thánh ca tố giác ảo tưởng của những người tưởng mình là chúa tể của lịch sử và tự quyết định vận mệnh của mình.
Sau khi đề cao mẫu gương khiêm tốn của Mẹ Maria, ĐTC khẳng định rằng ”tất cả chúng ta luôn luôn có thể học hỏi được nơi Mẹ Thiên Quốc của chúng ta: niềm tin của Mẹ mời chúng ta hãy nhìn xa hơn những vẻ bề ngoài và hãy xác tín mạnh mẽ rằng những khó khăn thường nhật chuẩn bị cho mùa xuân đã khởi sự nơi Chúa Kitô phục sinh. Nơi Trái Tim Thanh Tịnh của Mẹ Maria, tối hôm nay chúng ta muốn kín múc niềm tín thác được đổi mới để được lây niềm vui của Mẹ, niềm vui có nguồn mạch sâu xa nhất nơi Chúa”.

ĐTC giải thích rằng: “Niềm vui, thành quả của Chúa Thánh Linh, là nét làm cho tín hữu Kitô được khác biệt: niềm vui dựa trên niềm hy vọng nơi Thiên Chúa, rút ra sức mạnh từ kinh nguyện liên lỷ, giúp đương đầu một cách thanh thản với những sầu muộn. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng ”Anh em hãy vui luôn trong hy vọng, kiên trì trong sầu muộn, bền chí trong kinh nguyện” (Rm 12,12).

Và ĐTC kết luận rằng: ”Những lời này của Thánh Tông Đồ giống như âm vang kinh Magnificat của Mẹ Maria và nhắn nhủ chúng ta hãy diễn lại nơi bản thân, trong cuộc sống thường nhật, những tâm tình vui mừng trong đức tin, đặc điểm của bài ca Thánh Mẫu.. Tôi cầu chúc cho tất cả anh chị em có được niềm vui thiêng liêng ấy, niềm vui được trào lên từ trái tim đầy lòng biết ơn của Mẹ Chúa Kitô, Mẹ chúng ta, vào cuối tháng này này, càng được củng cố hơn nữa trong tâm hồn chúng ta, trong đời sống cá nhân và gia đình trong mọi môi trường, đặc biệt trong đời sống của gia đình ở Vatican này đang phục vụ Giáo Hội hoàn vũ”.

Sau bài huấn dụ, ĐTC đã ban phép lành cho đông đảo những hiện diện và bắt tay chào thăm các HY và GM (SD 31-5-2012)

G. Trần Đức Anh OP

THẦY Ở CÙNG CÁC CON MỌI NGÀY CHO ĐẾN TẬN THẾ! (LỄ CHÚA BA NGÔI (NĂM B)

THẦY Ở CÙNG CÁC CON MỌI NGÀY CHO ĐẾN TẬN THẾ! (LỄ CHÚA BA NGÔI- NĂM B)

LỜI CHÚA: Matthêu 28,16-20

Khi ấy, mười một môn đ đi v Galilêa, đến núi Đức Chúa GIÊSU chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Ngưi, nhưng ít kẻ còn hoài nghi. Đức Chúa GIÊSU tiến lại nói với các ông rằng: ”Mọi quyền năng trên tri dưi đt đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh CHA và CON và THÁNH THẦN, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

SUY NIỆM

Giáo huấn THIÊN CHÚA Ba Ngôi – Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần – đến từ chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ khi Ngài hoàn tất công trình cứu độ nơi dương thế.

Giáo huấn bắt đầu với Đức Chúa Thánh Thần – Thánh Thần Chân Lý. Đức Chúa Thánh Thần đến để củng cố dĩ vãng, nâng đỡ hiện tại và loan báo tương lai. Tất cả mọi việc Đức Chúa Thánh Thần làm đều tương ứng với sự thật. Bởi vì Ngài là THIÊN CHÚA. Trước tiên, Đức Chúa Thánh Thần đến do lời khẩn cầu của Đức Chúa GIÊSU cùng THIÊN CHÚA CHA: Thầy sẽ xin THIÊN CHÚA CHA và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ, một Người Bào Chữa. Đó là Thánh Thần Chân Lý. Ngoài ra, cũng chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ gởi Đức Chúa Thánh Thần đến như lời Ngài xác quyết: ”Thầy ra đi thì có lợi cho anh em .. Thật vậy, nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến với anh em” (Gioan 16,7).

Việc Đức Chúa Thánh Thần đến là kết quả hành động chung giữa THIÊN CHÚA CHA và THIÊN CHÚA CON. Sau khi gởi THIÊN CHÚA CON xuống thế gian cứu chuộc nhân loại, giờ đây THIÊN CHÚA CHA lại gởi Đức Chúa Thánh Thần xuống để dẫn dắt loài người tiến đến chỗ hiểu biết chân lý toàn vẹn. Thế nhưng phải ghi nhận rằng THIÊN CHÚA CHA gởi Đức Chúa Thánh Thần đến là vì lời khẩn cầu của THIÊN CHÚA CON và cùng với THIÊN CHÚA CON. Nghĩa là, việc Đức Chúa Thánh Thần đến là kết quả tác động chung giữa THIÊN CHÚA CHA và THIÊN CHÚA CON.

Suy tư trên giúp hiểu phần nào – trong phạm vi trí tuệ bé nhỏ hạn hẹp của con người – mối hiệp thông sâu xa, bền chặt và khắng khít giữa Ba Ngôi THIÊN CHÚA: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.

Tác động của THIÊN CHÚA Ba Ngôi là tác động duy nhất và toàn vẹn. Mối tình của THIÊN CHÚA Ba Ngôi là mối tình hướng đến và trao ban. Chúng ta có trước mắt mẫu gương mối tình của Đức Chúa GIÊSU đối với THIÊN CHÚA CHA. Suốt cuộc đời trần thế, đặc biệt trong 3 năm công khai rao giảng Tin Mừng, Đức Chúa GIÊSU biểu lộ mối tình con thảo tuyệt vời. Từng cử chỉ, từng lời nói, từng hành động, từng phép lạ, nhất nhất Đức Chúa GIÊSU đều thực hiện nhân danh CHA Ngài là THIÊN CHÚA CHA. Và tất cả đều được Đức Chúa GIÊSU hoàn thành với chủ ý duy nhất là tỏ lộ cho loài người thấy và hiểu biết CHA Ngài là Ai, là THIÊN CHÚA CHA. Xin trưng dẫn thí dụ điển hình. Trước khi làm phép lạ cả thể cho ông Ladarô chết ”chôn trong mồ bốn ngày” được sống lại, Đức Chúa GIÊSU ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: ”Lạy CHA, Con cảm tạ CHA, vì CHA đã nhậm lời Con. Phần Con, Con biết CHA hằng nhậm lời Con, nhưng vì dân chúng đng quanh đây, nên Con đã nói, để họ tin là CHA đã sai Con” (Gioan 11, 41-42).

Về phần THIÊN CHÚA CHA, Ngài đã 3 lần chính thức mở Cửa Trời và làm chứng lớn tiếng cho dân chúng nghe về THIÊN CHÚA CON. Lần thứ nhất nơi bờ sông Giordan sau khi Đức Chúa GIÊSU nhận Phép Rửa từ tay Thánh Gioan Tiền Hô. Và có tiếng từ trời phán: ”Này là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Matthêu 3,17). Lần thứ hai khi Đức Chúa GIÊSU biến hình trên núi Tabor. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: ”Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Máccô 9,7). Và lần thứ ba ngay trong đền thờ Giêrusalem. Đức Chúa GIÊSU cầu nguyện: ”Lạy CHA, xin cứu Con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà Con đã đến. Lạy CHA, xin tôn vinh danh CHA”. Bấy giờ có tiếng từ Trời vọng xuống: ”Ta đã tôn vinh danh Ta. Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” (Gioan 12, 27-28).

Tín hữu Công Giáo chỉ có thể hiểu được phần nào mầu nhiệm THIÊN CHÚA Ba Ngôi nếu sống trong Tình Yêu. Bởi vì THIÊN CHÚA Ba Ngôi là Tình Yêu. Chính Tình Yêu tỏ lộ các bí ẩn của cuộc đời. Chính Tình Yêu mặc khải các mầu nhiệm khôn lường của THIÊN CHÚA. Ai sống trong Tình Yêu sẽ sống trong Sự Thật. Ai sống trong Sự Thật cũng sẽ sống trong mối hiệp thông với THIÊN CHÚA Ba Ngôi.

Mỗi ngày, tín hữu Công Giáo nên sốt sắng làm dấu THÁNH GIÁ nhiều lần cũng như đọc Kinh VÌ DẤU: Lạy Chúa chúng con, +vì dấu Thánh Giá, +xin chữa chúng con, +cho khỏi kẻ thù. Nhân danh CHA và CON và THÁNH THẦN. Amen.

Tín hữu cũng không quên đọc nhiều lần kinh SÁNG SANH: Sáng danh Đc Chúa CHA và Đc Chúa CON và Đức Chúa THÁNH THẦN .. Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đi đời chẳng cùng. AMEN.

Xin kết thúc bài suy niệm với lời khẩn nguyện dâng lên THIÊN CHÚA Ba Ngôi để cầu cho Đức Thánh Cha Biển-Đc XVI. Đức Thánh Cha là Đấng Đại Diện Đức Chúa GIÊSU KITÔ nơi trần gian. Ngài kế vị Thánh Phêrô đứng đầu Nhiệm Thể của Đức Chúa KITÔ là Giáo Hội. Xin THIÊN CHÚA Ba Ngôi ban cho Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI mọi ơn lành hồn xác hầu can đảm đứng vững trong những chao-đảo của các đánh phá đến từ thế lực đen tối của âm-phủ và từ các ý đồ thâm-độc gian-ác của con người. Tín hữu Công Giáo toàn thế giới tin tưởng vững chắc nơi lời hứa của Đức Chúa GIÊSU KITÔ: ”Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế!”

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

NHÂN DANH AI ?

NHÂN DANH AI ?

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI NĂM B (03/06/2012)
[Đnl 4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28, 16-20]

“Tôi rửa anh nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
 
Một câu công thức ngắn gọn, nhưng quan trọng vô cùng. Quan trọng vì lấy danh nghĩa của Thiên Chúa Ba Ngôi mà làm công việc rửa cho người khác được sạch tội tổ tông truyền, kể cả tội cá nhân người ấy phạm.

(Xem tiếp . . .  NHÂN DANH AI )

Thiên Chúa luôn ủi an chúng ta giữa các bão tố cuộc đời

Thiên Chúa luôn ủi an chúng ta giữa các bão tố cuộc đời

Lời cầu nguyện là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, với một Người sống động cần lắng nghe và đối thoại, với Đấng canh tân tiếng ”có” trung tín không thể sụp đổ của Ngài với từng ngưi trong chúng ta, để trao ban ủi an cho chúng ta giữa các bão táp của cuộc đời.

Đức Thánh Cha Biển Đc XVI đã khẳng định như trên với gần 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm 30-5-2012. Ngoài các đoàn hành hương Bắc Mỹ và Âu châu, cũng có các đoàn hương đến từ Noumea của Nouvelle Calédonie, Mêhicô, Venezuela, Colombia, Argentina, Brasil, Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản. Hiện diện trong buổi tíếp kiến cũng có đoàn hành hương Việt Nam gồm 91 người do Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn làm trường đoàn. Đoàn đã tới Roma sau khi hành hương Thánh Địa. Đức Thánh Cha đã chào đoàn hành hương Việt Nam như sau:

Tôi xin chào các tín hữu hành hương Việt Nam của tổng giáo phận TPHCM, do Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn hướng dẫn.

Trước đó trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục khai triển đề tài lời cầu nguyện trong các thư của thánh Phaolô, đặc biệt là trong thư thứ II gửi tín hữu Côrintô, là giáo đoàn đã nhiều lần nghi ngờ sứ mệnh tông đồ của ngài và đã khiến cho thánh nhân đau khổ rất nhiều. Bức thư mở đầu với một trong những lời cầu nguyện chúc tụng cao đẹp nhất của Thánh Kinh Tân Ước như sau: ”Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Người là Cha giầu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết ủi an những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2 Cr 1,3-4). Đức Thánh Cha nói như sau:

Như thế thánh Phaolô sống trong nỗi khốn khó lớn lao. Người đã phải trải qua nhiều khó khăn và buồn sầu, nhưng đã không bao giờ nhượng bộ sự chán nản, vì được nâng đỡ bởi ơn thánh và sự gần gũi của Chúa Giêsu Kitô, mà người đã trở thành tông đồ và chứng nhân, bằng cách phó thác toàn cuộc sống trong tay Chúa. Chính vì thế thánh nhân mở đầu thư gửi tín hữu Corintô với lời chúc tụng, vì đã không có lúc nào trong cuộc đời tông đồ mà người lại không cảm nhận được sự trợ giúp của Cha thương xót, Thiên Chúa của mọi ủi an. Trong tất cả mọi hoàn cảnh khốn khó, ở nơi đâu xem ra không có lối thoát, người đã nhận được sự ủi an khích lệ của Thiên Chúa Cha. Để loan báo Chúa Kitô người đã chịu cả các bách hại cho tới chỗ bị nhốt tù, nhưng người vẫn cảm thấy hoàn toán tự do trong nội tâm, được linh hoạt bởi sự hiện diện của Chúa Kitô và ước mong loan báo lời hy vọng của Tin Mừng.

Từ trong tù, trong xiềng xích thánh nhân viết thư cho Timôthê, cộng sự viên thân tín của người như sau: ”Vì Tin Mừng cha chịu khổ, cha còn phải mang xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích!” (2 Tm 2,9-10). Trong khi bị khổ đau vì Chúa Kitô người sống kinh nghiệm được ủi an: ”Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi” (2 Cr 1,5).

Trong lời cầu chúc tụng dẫn nhập thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, bên cạnh đề tài khổ đau còn có đề tài an ủi, được hiểu như là sự khích lệ đừng để cho các khổ đau khốn khó chiến thắng. Đó là lời mời gọi sống mọi hoàn cảnh kết hiệp với Chúa Kitô, là Đấng đã gánh lấy tất cả nỗi khổ đau và tội lỗi của thế giới để đem lại ánh sáng, niềm hy vọng và ơn cứu chuộc. Và như thế Đức Giêsu khiến cho chúng ta có khả năng an ủi những người sống trong mọi nỗi khổ đau khốn khó. Việc kết hiệp sâu xa với Chúa Kitô trong lời cầu nguyện, việc tin tưởng nơi sự hiện diện của Người dẫn đưa tới chỗ sẵn sàng chia sẻ các khổ đau khốn khó của các anh chị em khác. Nó không phát xuất từ lòng tốt đơn thuần hay từ sự quảng đại nhân loại, nhưng từ sự ủi an, từ sự nâng đỡ không thể sụp đổ của quyền năng phi thường đến từ Thiên Chúa (2 Cr 4,7).

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Anh chị em thân mến, cuộc sống chúng ta thường được ghi dấu bởi nhiều khó khăn, hiểu lẫm, và khổ đau. Tất cả chúng ta đều biết điều đó. Nhưng trong tương quan trung thành với Chúa, trong lời cầu nguyện liên lỉ hàng ngày, chúng ta cũng có thể cảm thấy sự ủi an đến từ Thiên Chúa một cách cụ thể. Điều này củng cố đức tin của chúng ta, bởi vì nó làm cho chúng ta kinh nghiệm được một cách cụ thể tiếng ”có” của Thiên Chúa đối với con người, đối với chúng ta, đối với tôi, trong Đức Kitô. Nó làm cho chúng ta cảm thấy sự trung thành của tình yêu Người cho tới chỗ trao ban Con của Người trên thập giá. Thánh Phaolô khẳng định trong thư thứ II gửi tín hữu Côrintô: ”Vì Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi, là Silvano, Timôthê và tôi, rao giảng cho anh em, đã không vừa là ”có” vừa là ”không”, nhưng nơi Người chỉ toàn là ”có”. Qủa thật nơi lời hứa của Thiên Chúa đều là ”có” nơi Người. Vì thế cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên ”Amen” để tôn vinh Thiên Chúa” (2 Cr 1,19-20).

Đức tin không phải là hoạt động của con người, nhưng là ơn lớn lao Thiên Chúa ban, được đâm rễ sâu trong sự trung thành, trong tiếng ”có” của Chúa. Nó làm cho chúng ta hiểu phải sống cuộc sống của chúng ta bằng cách yêu thương Thiên Chúa và các anh chị em khác như thế nào.

Toàn lịch sử cứu rỗi là một vén mở từ từ lòng trung thành đó của Thiên Chúa, mặc dù có các bất trung và chối bỏ của chúng ta, trong xác tín rằng Thiên Chúa không thu hồi ”ơn thánh và lời kêu gọi” (Rm 11,29). Kiểu hành động của Thiên Chúa khác với kiểu hành động của chúng ta. Người không lấy lại tiếng ”có” của Người. Người không bao giờ mệt mỏi đối với chúng ta, không bao giờ mệt mỏi kiên nhẫn với chúng ta, và lòng thương xót vô biên của Người luôn đi trước chúng ta. Vì thế tiếng ”có” của Người tuyệt đối đáng tin cậy.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ mhư sau: Chúa Thánh Thần liên tục khiến cho tiếng ”có” của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô hiện diện, và tạo ra trong con tim chúng ta ước muốn theo Người để bước vào tình yêu của Người… Không có ai là không được tình yêu trung tín ấy gọi mời, tình yêu ấy của Thiên Chúa có khả năng chờ đợi cả những người tiếp tục trả lời với tiếng ”không” của sự khước từ và cứng lòng. Thiên Chúa luôn luôn chờ đợi, tìm kiếm và tiếp nhận chúng ta vào trong sự hiệp thông với Người để ban cho chúng ta tràn đầy sự sống, hy vọng và bình an.

Đức Thánh Cha giải thích lời đáp trả Amen của Giáo Hội đối với Thiên Chúa như sau:

Tháp vào tiếng ”có” của Thiên Chúa là tiếng ”Amen” của Giáo Hội, vang lên trong mỗi hoạt động phụng vụ. Amen là câu trả lời của đức tin luôn luôn kết thúc lời cầu nguyên riêng tư hay cộng đồng, và luôn diễn tả tiếng ”có” của chúng ta đối với sáng kiến của Thiên Chúa. Thường khi chúng ta trả lời Amen vì thói quen, mà không tiếp nhận ý nghĩa sâu xa của nó. Từ Amen bắt nguồn từ chữ ”'aman” tiếng Do thái và tiếng Aramây có nghĩa là ”làm cho ổn định” ”củng cố”, và từ đó là ”chắc chắn” ”nói sự thật”. Trong Thánh Kinh từ Amen kết thúc các Thánh Vịnh chúc tụng và ngợi khen, chẳng như trong thánh vịnh 41: ”Chúa nâng đỡ vì con vô tội và đặt con ở trước nhan Ngài. Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel từ muôn thủơ cho đến muôn đời. Amen. Amen” (Tv 41,13-14). Hay tiếng Amen điễn tả sự gằn bó với Thiên Chúa và lề luật của Người, sau khi Israel từ nơi lưu đầy được trở về quê cha đất tổ với niềm vui tràn đầy, như kể trong sách Nơkhêmia (8,5-6).

Như thế, ngay từ đầu tiếng Amen của phụng vụ Do thái đã trở thành tiếng Amen của các cộng đoàn kitô tiên khởi. Và sách Khải Huyền là sách phụng vụ kitô tuyệt vời bắt đầu và kết thúc với từ Amen của Giáo Hội: ”Kính dâng Đấng đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen” (Kh 1,5b-6); ”Amen, lậy Chúa Giêsu, xin hãy đến” (Kh 22,20).

Chúng ta được mời gọi nói lên tiếng ”có” với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện và trả lời với tiếng ”Amen” của sự gắn bó, của lòng trung thành với Người. Sự trung thành ấy chúng ta không bao giờ có thể chiếm hữu được với sức lực của riêng mình, nhưng nó là hoa trái dấn thân thường ngày và đến từ Thiên Chúa, dựa trên tiếng “có” của Chúa Kitô, là Đấng khẳng định rằng của ăn của Người là làm theo ý muốn của Thiên Chúa Cha. Chính trong tiếng ”có” ấy chúng ta phải bước vào trong tiếng ”có” của Chúa Kitô, gắn bó với ý muốn của Thiên Chúa, để như thánh Phaolô đạt tới chỗ khẳng định không phải chúng ta sống mà là Chúa Kitô sống trong chúng ta. Khi đó tiếng ”Amen” của lời cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn sẽ bao trùm và biến đổi toàn cuộc sống chúng ta trở thành một cuộc sống ủi an của Thiên chúa, một cuộc sống chìm ngập trong Tình Yêu vĩnh cửu và không thể sụp đổ.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc họ các ngày hành hương sốt sắng và hữu ích. Chào các đoàn hành hương Ba Lan, Đức Thánh Cha khích lệ các bạn trẻ đang chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ tại Lednica về đề tài ”Tình yêu sẽ tìm ra bạn” biết đào sâu tình yêu ấy qua sứ điệp Chúa Giêsu ban cho thánh nữ Fausta Kovalska, qua lời cầu nguyện, chầu Mình Thánh Chúa, lãnh nhận bí tích Hòa Giải và tham dự bí tích Thánh Thể, để ngọn lửa của Lòng Thương Xót Chúa biến đổi con tim của người trẻ trên toàn thế giới, và ban cho họ tràn đầy bình an, sức mạnh và niềm hy vọng.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha phê bình báo chí loan tin suy đoán

Đức Thánh Cha phê bình báo chí loan tin suy đoán

VATICAN. Sáng 30-5-2012, ĐTC Biển Đức 16 phê bình báo chí loan tin suy đoán và phóng đại, đồng thời ngài tái bày tỏ lòng tín nhiệm nơi các cộng sự viên của ngài.

Trong những ngày qua, nhiều cơ quan truyền thông trên thế giới đã loan tin suy đoán bịa đặt quanh vụ người giúp việc của ĐTC, Ông Paolo Gabriele bị bắt vì đánh cắp các tài liệu mật từ dinh Tông Tòa.
Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư (30-5-2012) tại Quảng trường thánh Phêrô, trước sự hiện diện của hàng chục ngàn tín hữu, – trong đó có ĐHY Phạm Minh Mẫn, và hơn 90 tín hữu hành hương người Việt,- ĐTC nói:

”Những biến cố xảy ra trong những ngày này về Giáo triều Roma và các cộng sự viên của tôi đã làm cho tâm hồn tôi đau buồn, nhưng không hề làm lu mờ xác tín vững chắc rằng mặc dù có những yếu đuối của con người, những khó khăn và thử thách, Giáo Hội vẫn được Chúa Thánh Linh hướng dẫn và không bao giờ Chúa để cho Giáo Hội thiếu ơn phù trợ của Người, hầu nâng đỡ Giáo Hội trong hành trình. Tuy nhiên, có nhiều cơ quan truyền thông gia tăng những tin tức suy đoán và phóng đại, hoàn toàn vô căn cứ và vượt quá những sự kiện, tạo ra một hình ảnh về Tòa Thánh không tương ứng với thực tại. Vì thế, tôi muốn tái bày tỏ lòng tín nhiệm và sự khích lệ của tôi đối với các cộng sự viên thân tín nhất của tôi và tất cả những người hằng ngày, với lòng trung thành, với tinh thần hy sinh và trong thầm lặng, đang giúp đỡ tôi trong việc chu toàn sứ vụ của tôi”.

G. Trần Đức Anh OP (Vietvatican)

Phỏng vấn Đức TGM Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh về vụ ăn cắp thư từ của Đức Giáo Hoàng

Phỏng vấn Đức TGM Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh về vụ ăn cp thư từ của Đức Giáo Hoàng

Cay đắng và đau buồn vì những gì xảy ra trong những ngày qua tại Vatican, nhưng cũng quyết tâm và tin tưởng đương đầu với tình thế thực sự là khó khăn. Đó là những tâm tình người ta cảm thấy nơi vị Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức TGM Angelo Becciu, trong cuộc nói chuyện với giáo sư Giovanni Maria Vian, Tổng giám đốc báo ”Quan sát viên Roma” về đề tài thu hút sự chú ý của rất nhiều cơ quan truyền thông trên thế giới, nghĩa là vụ bắt giam ông Paolo Gabriele người giúp việc ĐTC, ngày 23-5-2012, vì ông giữ nhiều tài liệu kín thuộc về ĐGH. Do chức vụ, Đức TGM Becciu làm việc hằng ngày, tiếp xúc chặt chẽ với ĐGH (Đức TGM là nhân vật thứ ba tại Tòa Thánh, sau ĐTC và ĐHY Quốc vụ khanh, và thường được ví như 'bộ trưởng nội vụ' của Tòa thánh). Đức Tổng nói gì đây về tâm tình của người làm việc tại Tòa Thánh? Ngài đáp:

”Với những người gặp nhau trong những giờ này, chúng tôi nhìn nhau trong mắt và chắc chắn tôi đọc được sự ngỡ ngàng và lo âu, nhưng tôi cũng thấy được quyết tâm tiếp tục phục vụ âm thầm và trung thành với ĐGH”.

Một thái độ người ta cảm thấy hằng ngày trong đời sống của các văn phòng tại Tòa Thánh và của thế giới Vatican bé nhỏ, nhưng chắc chắn là không trở thành tin tức trong trận hồng thủy truyền thông bùng lên sau những sự kiện trầm trọng và gây kinh hoàng về nhiều khía cạnh trong những ngày nay. Trong bối cảnh có, Đức TGM Becciu quan tâm cân nhắc lời nói để nhấn mạnh ”kết quả tích cực” của cuộc điều tra, cho dù đó là một kết quả cay đắng. Và rồi, những phản ứng trên thế giới, một đàng có thể biện minh được, đàng khác, chúng gây lo âu và đau buồn về cách thức thông tin, do những sự tưởng tượng, không tương ứng tí nào đối với thực tại”

H. Thưa Đc TGM, người ta có thể phản ứng mau lẹ và đy đ hơn về vụ này hay không?

Đ. Đã đang và sẽ có sự tôn trọng nghiêm túc đối với nhân vị và các thủ tục như luật lệ của Vatican trù định. Vừa khi xác nhận được sự kiện, ngày 25-5, Phòng báo chí Tòa Thánh đã phổ biến tin tức, dù có là một cú ”sốc” đối với mọi người, và sự kiện này gây ngỡ ngàng. Vả lại cuộc điều tra vẫn đang tiến hành.

H. Đức Tổng thấy ĐTC Bin Đức 16 thế nào?

Ngài đau buồn. Vì theo những gì người ta có thể kiểm chứng cho đến nay, kẻ ở gần ngài dường như là thủ phạm của những hành động không thể biện minh được dưới mọi khía cạnh. Dĩ nhiên nơi ĐGH, tâm tình cảm thương đối với người liên hệ vẫn trổi hơn. Nhưng vẫn còn sự kiện là hành vi mà ngài phải chịu thực là tàn bạo: ĐTC Biển Đức 16 đã thấy các thư bị đánh cắp từ nhà của ngài và xuất bản. Những thư ấy không phải chỉ là thư tư riêng tư, nhưng đúng hơn là những thông tin, suy tư, những bày tỏ lương tâm, và cả những bộc lộ mà ngài nhận được với tư cách duy nhất là do sứ vụ của Ngài. Vì thế, ĐGH thực sự đau buồn, cũng vì bạo lực mà tác giả của những thư hoặc bút tích ấy gửi cho ngài phải chịu.

H. Đức Tổng có thể đưa ra mt phán đoán về những gì xảy ra hay không?

Đ. Tôi coi việc xuất bản các thư đánh cắp như thế là một hành vi vô luân trầm trọng chưa từng thấy. Tôi lập lại, nhất là vì đây không phải chỉ là một sự vi phạm – vốn đã rất trầm trọng – sự kín đáo riêng tư mà bất kỳ ai cũng có quyền – nhưng còn là vì đó là một sự xúc phạm hèn nhát đối với một tương quan tín nhiệm giữa ĐTC Biển Đức 16 và những người ngỏ lời với ngài, cho dù là để bày tỏ những sự phản đối trong lương tâm. Chúng ta hãy lý luận: không phải chỉ có thư tư gửi cho ĐTC bị đánh cắp, nhưng những việc làm ấy còn là một sự chà đạp lương tâm của người ngỏ lời với ĐTC trong tư cách ngài là vị Đại diện Chúa Kitô và đó là một sự xúc phạm đối với sứ vụ của người Kế Vị Thánh Phêrô. Trong nhiều tài liệu được xuất bản, người ta thấy chúng ở trong bối cảnh vốn đòi phải có sự tín nhiệm hoàn toàn. Khi một tín hữu Công giáo nói với ĐGH, họ có nghĩa vụ phải cởi mở như là khi đứng trước Thiên Chúa, cũng vì họ cảm thấy được bảo đảm nhờ sự kín đáo tuyệt đối.

H. Người ta muốn biện minh cho việc xuất bản các tài liệu đó dựa theo tiêu chuẩn gọi là thanh tẩy, minh bạch, cải tổ Giáo Hội.

Những lối ngụy biện như thế không đi xa lắm. Cha mẹ tôi không những đã dạy tôi đừng trộm cắp, nhưng còn dạy đừng bao giờ nhận những đồ mà người khác ăn cắp. Tôi thấy đó có những nguyên tắc đơn giản, có lẽ quá đơn giản đối với một số người, nhưng chắc chắn là khi một người không nghĩ tới các nguyên tắc ấy, thì dễ bị lầm lạc và đưa người khác đến sự hư hỏng. Không thể có sự canh tân mà lại chà đạp luật luân lý, có lẽ họ theo nguyên tắc mục đích biện minh cho phương tiện, nhưng đây là nguyên tắc không hợp với tinh thần Kitô giáo.

H. Nhưng Đức Tổng trả lời thế nào cho những ngưi đòi quyền thông tin?

Đ. Tôi nghĩ rằng trong những ngày này, về phía các ký giả, cùng với nghĩa vụ phải trình bày những gì đang xảy ra, còn phải có một sự tôn trọng luân lý đạo đức nữa, nghĩa là phải can đảm minh bạch đừng chiều theo sáng kiến của một đồng nghiệp mà tôi không do dự gọi đó là một sáng kiến tội ác. Một chút sự lương thiện trí thức và tôn trọng luân lý nghề nghiệp tối thiếu, chắc chắn là không gây hại cho thế giới truyền thông.

H. Theo nhiều bình luận, thì những thư t được xuất bản biểu lộ một thế giới nhơ bẩn bên trong Giáo Hội, đặc biệt là Tòa Thánh

Đàng sau một vài bài báo, dường như tôi thấy một sự giả hình sâu xa. Một đàng họ lên án tính chất chuyên chế và quân chủ của cơ quan lãnh đạo trung ương của Giáo Hội, nhưng đàng khác, họ lại cảm thấy như một gương mù vì một vài người viết cho ĐGH để bày tỏ tư tưởng và cả những lời than phiền về chính cơ quan lãnh đạo ấy. Nhiều tài liệu được xuất bản không biểu lộ cuộc đấu tranh hoặc trả thù, nhưng là biểu lộ sự tự do tư tưởng mà người ta trách Giáo Hội không cho phép. Tóm lại, chúng tôi không phải là những xác ướp, và những quan điểm khác nhau, thậm chí những đánh giá lượng định trái nghịch nhau là điều khá bình thường. Nếu ai cảm thấy không được hiểu và cảm thông, thì có quyền nại đến ĐGH. Có gì là gương mù đâu? Vâng phục không có nghĩa là từ bỏ quyền có phán đoán riêng, nhưng biểu lộ một cách chân thành và sâu rộng ý kiến của mình, để rồi tuân hành quyết định của bề trên. Đó không phải là một sự tính toán, nhưng là một sự gắn bó với Giáo hội được được Chúa Kitô muốn. Đó là những yếu tố cơ bản của quan điểm Công Giáo.

H. Những tranh giành, thuốc độc, nghi ngờ: phải chăng Vatican là như thế?

Đ. Tôi không nhận thấy điều đó trong môi trường này và rất tiếc vì người ta có một quan niệm lệch lạc như thế về Vatican. Nhưng điều đó phải làm cho chúng ta suy nghĩ, và kích thích tất cả chúng ta dấn thân hết mình để làm nổi bật một cuộc sống thấm đượm Tin Mừng.

H. Vậy phải nói gì với các tín hữu Công Giáo và những ngưi đang quan tâm nhìn Giáo Hội?

Tôi đã nói về sự đau buồn của ĐTC Biển Đức 16, nhưng tôi phải nói rằng nơi ĐGH không bị suy giảm sự thanh thản giúp ngài cai quản Giáo Hội một cách quyết liệt và sáng suốt. Cuộc gặp gỡ các Gia đình công giáo thế giới sắp khai mạc tại Milano. Đó là những ngày đại lễ trong đó người ta thở hít niềm vui được làm Giáo Hội. Chúng ta hãy đón nhận dụ ngôn Tin Mừng mà ĐTC Biển Đức 16 nhắc nhở chúng ta cách đây vài ngày: bão tố dập vùi trên căn nhà, nhưng nhà không bị sập. Chúa nâng đỡ căn nhà sẽ không bão tố nào có thể phá đổ căn nhà ấy”. (Osservatore Romano, 30-5-2012)

G. Trần Đức Anh OP chuyển ngữ

HIỆN TÌNH SYRIA

HIỆN TÌNH SYRIA

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Siria, và Linh Mục Paolo Dall'Oglio, dòng Tên

Tối ngày 27-5-2012 trong phiên họp khẩn cấp nhóm tại New York Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã ra thông cáo đồng loạt mạnh mẽ lên án chính quyền của tổng thống Bashar Al-Assad sát hại thường dân vô tội tại Hula.

Đây là lần đầu tiên cả 15 nước thành viên đều ký tên, trong đó có cả Nga là nước từ trước tới nay vẫn bán khí giới cho Siria và cho tới nay vẫn cùng với Trung Quốc bênh vực tổng thống Al-Assad. Thông cáo lên án chính quyền Siria đã vi phạm luật ngưng bắn và các luật lệ quốc tế, bỏ bom và dùng các vũ khí nặng tấn công Hula đêm 25 rạng ngày 26-5-2012 khiến cho 116 người chết, trong đó có 32 trẻ em. Chính quyền của tổng thống Bashar Al-Assad không thừa nhận trách nhiêm, nhưng đổ tội cho các lực lượng nổi dậy. Theo tin tức của tổ chức quan sát nhân quyền cho tới nay đã có 9.183 thường dân, 3.072 binh sĩ Siria và 794 binh sĩ đào ngũ và lính của lực lượng nổi loạn bị giết.

Ông Cristiano Tinazzi, vừa mới từ Siria trở về Italia cho biết sứ mệnh của các quan sát viên quốc tế được dân chúng cho là tích cực, nhưng xem ra không đủ. Và thời điểm cũng không phải là lúc tốt nhất. Trong vùng Dara có nhiều binh sĩ chính phủ, và nhiều người trẻ mới bị động viên, được vũ trang nặng, với các khẩu đại liên, như thể là họ phải đối đầu với cuộc chiến du kích tại Homs. Trái lại tại Homs các người vũ trang cuối cùng còn lẩn trốn trong vài khu phố dưới quyền kiểm soát của lực lượng nổi loạn.

Thành phố Homs bị bao vây. Tất cả mọi con đường dẫn vào thành phố đều bị quân chính phủ kiểm soát. Họ gặp vấn đề tiếp tế. Thành phố không có người ở. Trong vài khu phố vẫn xảy ra các vụ giao tranh, cả khi có lực lượng của Liên Hiệp Quốc hiện diện, nhưng họ không làm được gì ngoài chuyện ghi nhận các vụ vi phạm ngưng bắn từ cả hai phiá.

Hiện nay tại Siria dân chúng bị chia rẽ: nhiều người đã ủng hộ và đang ủng hộ cuộc nổi dậy, nhất là các người Siri theo phái Sunnít, nhưng cũng có nhiều người không ủng hộ cuộc nổi dậy vũ trang, đặc biệt là các nhóm thiểu số như kitô, tuy họ cũng chia sẻ các đòi hỏi, tranh đấu cho xã hội dân chủ hơn và cho việc thừa nhận các quyền dân sự.

Sau đây chúng tôi xin gứi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Siria, và Linh Mục Paolo Dall'Oglio, dòng Tên, về hiện tình Siria.

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh, Đức Sứ Thần nghĩ gì về các vụ tàn sát thường dân vô tội tại Siria?

Đáp: Rất tiếc đó là các tin rất đau buồn đối với tất cả mọi người. Bất cứ ai còn có một chút tình nhân đạo đều đau buồn. Tuy nhiên trước quang cảnh kinh khủng ấy cũng không được quên các hạt giống hy vọng và lòng tốt trong biển bao lực và máu này.

Có nhiều gương và chứng tá anh hùng và rất xinh đẹp của các linh mục tu sĩ nam nữ và người dân. Cũng có những gương tiếp đón nhau: người dân sống trong các hoàn cảnh này vượt qua các ranh giới chủng tộc tôn giáo và trợ giúp nhau. Sáng nay có một người đã điện thoại cho tôi và cho biết về cuộc họp của một nhóm 25 tín hữu kitô và hồi giáo gồm các linh mục, imam, và cả giới chức chính quyền ngay trong thành phố Homs, là nơi bị tàn phá nặng nề nhất. Đây là cuộc họp thứ bốn rồi. Từ ít lâu nay các vị lãnh đạo tôn giáo bắt đầu phản ứng và gặp gỡ nhau để duyệt xét và thảo luận một số vấn đề cụ thể như vấn đề các người bị mất tích, và quyết định phải làm tất cả những gì có thể để thăng tiến hòa giải và tìm các các giải pháp tại chỗ. Dĩ nhiên là chúng tôi cần có Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, nhưng thật là đẹp, khi thấy những hạt giống hy vọng nhỏ mọc lên tại chỗ, giữa các bạo lực và chết chóc đổ nát này.

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh, xem ra bây giờ không thể chỉ nói tới các lực lượng chính phủ hay lực lưng đối lập, mà ông Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Ban Ki Moon còn đề cập tới một lực lượng khủng bố phá hoại đang hot động tại Siria nữa. Đây là một luận lý bao lực vựơt ngoài các đòi hỏi dân chủ và các quyền con ngưi, có đúng thế không?

Đáp: Rất tiếc là có nguy cơ của một sự tan rã trật tự công cộng và xã hội dân sự vì các lực lượng qủy ma này. Ở đây cũng cần phải phản ứng lại như là các tín hữu kitô, hồi giáo và tín hữu các tôn giáo khác. Tại Siria giá trị tôn giáo rất mạnh, vì nó là một trong các giá trị đầu tiên của xã hội. Vì thế mọi tín hữu kitô cũng như hồi giáo cần phải cầm lấy khí giới là lời cầu nguyện: cầu nguyện cho hòa giải, cầu nguyện cho hòa bình.

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh, Đức Sứ Thần nghĩ gì về lời Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình cho Siria?

Đáp: Đức Thánh Cha đã thường xuyên được thông báo về cuộc khủng hoảng và nỗi khổ đau của dân chúng Siria, và đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi hòa bình cho Siria như trong các buổi đọc kinh Truyền Tin và Lậy Nữ Vương Thiên Đàng các trưa Chúa Nhật, cũng như trong sứ điệp dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh. Ngài bầy tỏ sự gần gũi của ngài bên những người đang gánh chịu khổ đau, và mạnh mẽ kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng bằng đường lối đối thoại. Và như là điều kiện đầu tiên, Đức Thánh Cha kêu gọi ngưng các bạo lực. Nhưng rất tiếc chúng ta thấy các thành thị làng mạc bên Siria tiếp tục bị đẫm máu, và máu kêu gào nợ máu. Vì thế nên cần phải cương quyết bẻ gẫy vòng bạo lực với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Các cuộc tàn sát đã khiến cho mọi người phải sống trong khổ đau và buồn thương, và người ta không biết phải nghĩ gì nữa. Có một bầu khí nặng nề bao trùm thủ đô Damasco. Chúng tôi muốn hy vọng rằng cả sau biến cố buồn thương nói trên cộng đồng quốc tế nắm lấy tình hình trong tay, ủng hộ giải pháp và chương trình hòa bình do ông Kofi Annan đề ra.

Hỏi: Trong thông cáo Phòng báo chí Vaticăng nói rằng các vụ khủng bố cuối cùng này phải thúc đẩy tất cả mọi người củng cố dấn thân thực hiện chương trình của ông Kofi Annan, và Đức Sứ Thần cũng nhấn mạnh rằng chương trình hòa bình này cho Siria là cơ may, là bãi cát và mỏ neo cứu thoát cuối cùng cho Siria, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, trước hết tôi muốn kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng buông tay. Đôi khi người ta nhận thấy có sự mệt mỏi ở nơi này nơi kia. Dĩ nhiên các quốc gia có các vấn đề, nước thì lo bầu cử, nước khác thì có các vần đề kinh tế tài chánh, và có thể xảy ra là nhiều khi sự hăng say trợ giúp giảm đi. Nhưng theo tôi đây là lúc cộng đoàn quốc tế không được buông xuôi, nhưng cần phải lấy lại cố gắng, bởi vì tôi tin rằng một mình nước Siria sẽ không thể ra khỏi cuộc khủng hoảng này được. Chương trình này của ông Kofi Annan cho tới nay là một chương trình có thể trao ban một niềm hy vọng thành công nào đó, bởi vì nó đã được cả hai bên tranh chấp ký nhận và được cộng đồng thế giới và Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đóng ấn. Như vậy cần phải bám chặt vào nó – hai bên xung khắc cũng như tất cả mọi người – để nó đạt một sự thành công nào đó, ít nhất là có thể bắt đầu một vài bước dẫn tới việc ngưng bạo lực và đưa các phe liên hệ tới bàn thương thuyết.

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh, tại Siria vũ khí tiếp tục được nhập vào từ bên ngoài. Đức Sứ Thần có nghĩ là chặn đứng việc buôn bán vũ khí này có thể đem lại vài kết qủa nào không?

Đáp: Cả ở đây nữa cộng đoàn quốc tế phải dấn thân ngăn chặn việc buôn bán khí giới, bởi vì rõ ràng là nếu vũ khí đến, thì xảy ra bạo lực và đổ máu. Vì thế, cần phải tìm ra một giải pháp thương thuyết cho cuộc xung đột này. Tôi cũng muốn nói rằng cần phải tìm kiếm niềm hy vọng kitô, để đừng bị đè bẹp dưới bầu khí nặng như chì, mà chúng tôi đang phải sống trong các ngày này. Chúng ta đang ở trong thành phố Damasco, là nơi người trẻ Saulo đã được hoán cải bởi ánh sáng của Thiên Chúa. Chúng ta phải tin tưởng nơi một vũ khí rất mạnh mẽ là vũ khí của lời cầu nguyện, vũ khí ơn thánh của Thiên Chúa, có thể đánh động trái tim của biết bao nhiêu người, của biết bao nhiêu kẻ bách hại hình ảnh của Chúa Kitô, bởi vì mỗi người đều mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa. Như thế, với vũ khí của lời cầu nguyện, cộng đoàn kitô có thể chiếm được ơn thánh này của Chúa: đó là sự hoán cải của những người buôn bán vũ khí, của những người có các dự tính tàn sát, bách hại, nhưng họ có thể nghe được tiếng Chúa: ”Tại sao ngươi bách hại Ta?” Nói cho cùng, mỗi người nam nữ, mỗi trẻ em đều mang trong mình hình ảnh đó của Thiên Chúa cần được tôn trọng tối đa.

** Tiếp theo đây là một vài nhận định của linh mục Paolo Dall' Oglio, dòng Tên, người sáng lập Đan viện Deir Mar Musa bên Siria.

               

 

Hỏi: Thưa cha, cha nhận thấy tình hình Siria ra sao?

Đáp: Chắc chắn là xã hội địa phương lại bị giao động nặng. Chúng tôi đã nhận được điện thoại từ nhiều người bảo đảm rằng họ bằng an, tuy cuộc khủng bố cũng liên lụy đến họ một cách không trầm trọng lắm. Cũng có nhiều người điện thoại tới hỏi thăm tin tức. Đàng khác, khu phố nơi xảy ra các vụ khủng bố gần một khu phố có nhiều tín hữu kitô sinh sống. Toàn dân Siria đang bị giao động mạnh, và mọi người đều hỏi có cái luận lý nào ẩn nấp đàng sau các hành động đáng lên án như vậy hay không. Dĩ nhiên, chúng không dính dáng gì tới bất cứ mục đích phát triển và cải cách xã hội địa phương nào, và trong tình hình hiện nay thì thật không hiểu được ai đứng đàng sau các vụ nổ hom đó.

Hỏi: Ông Robert Mood, chỉ huy các quan sát viên của Liên Hiệp Quốc đã xin cộng đoàn quốc tế trợ giúp, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Trong một nghĩa nào đó, cộng đồng quốc tế, rồi các quốc gia trong vùng, vì các lợi lộc vùng miền và toàn diện, đã chú ý tới Siria trong một cách thế chắc chắn là không trợ giúp, nhưng lại khiến cho các lập trường hai phe trở thành cứng nhắc hơn và đưa tới xung đột bạo lực hơn nữa. Như vậy, trong một nghĩa nào đó cũng có thể nói rằng: ”Hãy để chúng tôi yên”. Nhưng dưới một khía cạnh khác, thì tôi hoàn toàn đồng ý với tướng Mood. Trong các tháng qua tôi đã luôn luôn yêu cầu cộng động quốc tế diễn tả tinh thần trách nhiệm hoàn toàn của mình đối với các biến cố này. Đất nước Siria đã trở thành điểm giao đấu rất nguy hiểm, vì thế cộng đoàn quốc tế phải diễn tả một tình liên đới có trách nhiệm và hữu hiệu. Việc lựa chọn các quan sát viên không vũ khí là điều đúng đắn, nhưng chỉ có 300 người, và 300 người thì qúa ít. Ở đây cần phải có một công việc chi tiết với khả năng điều tra rất cao, để một đàng bảo đảm cho người dân Siria quyền tự do dư luận, tự do diễn tả và tự do biểu tình đích thực; đàng khác, để làm việc và nhổ tận gốc rễ nạn bạo lực khủng bố đến từ bất cứ phe phái nào.

(RG 26-5-2012; 12-5-2012; ASIA NEWS 24-5-2012; 13-2-2012)

Linh Tiến Khải 

CÔNG BỐ VĂN KIỆN CỦA BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN VỀ VIỆC THẨM ĐỊNH CÁC VỤ HIỆN RA

Công bố Văn kiện của Bộ giáo lý đức tin về việc thẩm định các vụ hiện ra

Cardinal William Levada

VATICAN. Bộ giáo lý đức tin vừa công bố trên trang nhà của Bộ bản dịch bằng các thứ tiếng chính các qui tắc giúp các GM địa phương phân định và phán quyết về các vụ gọi là hiện ra và mạc khải.

 (Xem tiếp . . .   Công bố Văn kiện của Bộ giáo lý đức tin về việc thẩm định các vụ hiện ra)

Thẩm phán sắp chính thức điều tra về người giúp việc của Đức Thánh Cha

Thẩm phán sắp chính thức điều tra về người giúp việc của Đức Thánh Cha

Father Federico Lombardi Vatican spokesman

VATICAN. Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cha Lombardi, SJ, cho biết vào cuối tuần này hoặc đầu tuần tới, thẩm phán điều tra sẽ chính thức hỏi cung Ông Paolo Gabriele, người giúp việc của ĐTC, bị cáo về tội lấy trộm các tài liệu mật của Tòa Thánh.

Trong cuộc gặp gỡ với giới báo chí cạnh Tòa Thánh sáng ngày 29-5-2012, Cha Lombardi nói rằng thẩm phán điều tra Piero Bonnet sẽ chính thức ”làm việc” với bị cáo Gabriele trước sự hiện diện của hai luật sư của đương sự là bà Cristina Arru và ông Carlo Fusco.

                  Vatican court prosecutors (Piero Antonio Bonnet first left)

Cha Lombardi cũng cho biết luật sư Carlo Fusco xác định ý chí sẽ không nói chuyện với giới báo chí để ”bảo đảm và duy trì sự bí mật của tiến trình tố tụng”.

LM Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh bác bỏ tin đồn của báo chí Italia cho rằng trong cuộc lục xét nhà của ông Gabriele người ta tìm được 5 phong bì với tên của người nhận các tài liệu lấy trộm từ Văn phòng của ĐGH: ”Tin này không hề đúng cũng như tin nói rằng 5 vị Hồng y đã bị hỏi cung”. Cha cho biết các tài liệu tịch thu được trong cuộc khám xét không phải chỉ là giấy tờ mà thôi, và cần phải được cứu xét.

Cha Lombardi xác nhận có sự ngỡ ngàng trong các cơ quan Tòa Thánh về vụ người giúp việc của ĐTC: ”Ông ta là một người đã phục vụ ĐGH nhiều năm, do đó trước đây không hề có dấu hiệu gì đáng lo ngại. Vì thế, nay người ta đặt câu hỏi nghiêm trọng về ông ta. Chúng tôi ngỡ ngàng vì không ai có thể dễ dàng tưởng tượng một tình trạng như thế này. Nhưng điều quan trọng bây giờ là ông Gabriele tuyên bố sẵn sàng cộng tác vào cuộc điều tra”.

Trong những ngày qua, đã có những cuộc nói chuyện sâu rộng giữa bị cáo Paolo Gabriele với các luật sư của ông. Và đây là những điều rất hữu ích cho cuộc điều tra (Tổng hợp 29-5-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Thông cáo của Tòa Thánh về việc bãi nhiệm Chủ tịch Ngân hàng Vatican

Thông cáo của Tòa Thánh về việc bãi nhiệm Chủ tịch Ngân hàng Vatican

Lã Thụ Nhân

Vatican (VIS, CNA/EWTN News) – Chiều 24/05, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh Vatican đã đưa ra thông cáo báo chí liên quan đến Viện Giáo Vụ (Works of Religion – IOR – thường được gọi là Ngân hàng Vatican), dưới đây là nội dung của thông cáo:

"Ngày 24 tháng Năm, các thành viên Hội đồng Giám Sát Viện Giáo Vụ (IOR) đã họp phiên thường kỳ. Một trong những chủ đề trong chương trình nghị sự, một lần nữa, là vấn đề liên quan đến việc quản trị của Viện. Theo thời gian, vấn đề này đã tạo ra lo lắng ngày càng gia tăng giữa các thành viên của Hội đồng, và bất chấp những nỗ lực không ngừng để truyền đạt những ưu tư này đến Giáo sư Gotti Tedeschi, Chủ tịch IOR, tình hình trở nên xấu đi hơn nữa".

"Sau khi thảo luận về các vấn đề, các thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu nhất trí bản kiến nghị thể hiện sự bất tín nhiệm đối với vị chủ tịch đã không thực hiện các trách nhiệm quan trọng chính trong văn phòng của ông. Trên cơ sở này, tuyên bố sau đây được ban hành:

"'Trong phiên họp thường kỳ của Hội đồng Giám Sát Viện Giáo Vụ (IOR) lúc 2 giờ chiều ngày 24 Tháng Năm, 2012, Hội đồng này đã thông qua một kiến nghị bất tín nhiệm Chủ tịch Gotti Tedeschi và đề nghị bãi nhiệm cương vị chủ tịch và thành viên Hội đồng của ông.

"Các thành viên hội đồng đau buồn vì những sự kiện dẫn đến cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này, nhưng tin rằng hành động này là quan trọng nhằm duy trì sức sống của Viện.

"Hội đồng hiện đang tìm kiếm một vị chủ tịch ưu tú mới, người có thể giúp IOR lấy lại các mối quan hệ hiệu quả và rộng lớn hơn giữa học viện và cộng đồng tài chính, dựa trên sự tôn trọng các tiêu chuẩn ngân hàng quốc tế được chấp nhận.

"Vào ngày thứ Sáu, Ủy ban của Hồng Y Đoàn sẽ đánh giá những hệ quả của bản kiến nghị”.

Theo Hãng thông tấn Công Giáo CNA và EWTN News, tuy Chủ tịch Ngân hàng Vatican, Ettore Gotti Tedeschi bị sa thải khỏi chức vụ sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhưng những sai phạm chính xác bị cáo buộc đã không được nêu chi tiết trong thông cáo.

Trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn ANSA của Ý hôm 25/05, Chủ tịch Gotti Tedeschi cho biết: "Tôi bị giằng xé giữa sự bức rức để giải thích sự thật và không muốn làm phiền Đức Thánh Cha". Ông cho hay thêm: "Tình yêu của tôi dành cho Đức Thánh Cha cũng chiếm ưu thế trên cả việc bảo vệ danh tiếng của tôi vì thế bị đặt thành vấn đề".

Giáo sư Gotti Tedeschi, 67 tuổi, đã trở thành người đứng đầu Viện Giáo Vụ, còn được gọi là Ngân hàng Vatican, từ năm 2009. Việc bổ nhiệm ông được nhiều người xem như là nỗ lực của Tòa Thánh Vatican muốn trở nên minh bạch hơn trong các giao dịch tài chính.

Vào tháng Bảy tới, dự kiến Hội đồng Âu Châu sẽ quyết định về nỗ lực của Vatican để đưa vào "Danh Sách Trắng" của tổ chức các nước tôn trọng nghiêm ngặt luật lệ về đạo đức tài chính.

Những nỗ lực này dường như gặp trở ngại vào năm 2010 khi nhà chức trách Ý đã tạm giữ 30 triệu Mỹ kim từ Ngân hàng Vatican do cáo buộc ngân hàng đã không tuân thủ luật pháp Ý về yêu cầu tiết lộ thông tin chủ tài khoản và các bên thụ hưởng.

Để phản ứng, Tòa Thánh Vatican đưa ra Thẩm Quyền Thông Tin Tài Chính vào năm 2011 để rà soát, khống chế các giao dịch tài chính và thương mại của tất cả các cơ quan Vatican, bao gồm Ngân hàng Vatican.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Tòa Thánh Vatican đã một lần nữa bị nhùng nhằng vì những cáo buộc gian lận sau khi các tài liệu nhạy cảm nội bộ bị rò rỉ trên truyền thông Ý. Tin mới nhất cho hay, một người trong Phủ Giáo Hoàng đã bị Hiến binh Vatican bắt giữ, đang được câu lưu để điều tra theo lệnh của một Ủy Ban đặc biệt gồm các vị Hồng Y đã được Đức Thánh Cha ủy thác trách nhiệm tìm kiếm thủ phạm đã lấy cắp các tài liệu của Vatican. Ủy ban này đã được thành lập hồi tháng Tư vừa qua sau khi hàng loạt các tài liệu của Vatican bị rò rỉ trên truyền hình, báo chí và các phương tiện truyền thông khác.

Giáo sư Gotti Tedeschi đã có một sự nghiệp lâu dài về tài chính, trước đây từng là người đứng đầu các hoạt động ở Ý cho Banco Santander, ngân hàng tư nhân lớn nhất Âu Châu. Ông cũng là một cựu giáo sư về đạo đức tài chính tại Đại học Công Giáo Thánh Tâm ở Milan.

Sau sự ra đi của ông, Ban Giám Sát của Ngân hàng Vatican đang tìm kiếm người ưu tú để thay thế, cuộc tìm kiếm bắt đầu vào ngày 25/05 với một cuộc họp của Ủy ban của Hồng Y Đoàn. Trong thời gian đó, chức chủ tịch sẽ được Phó Chủ tịch Ronaldo Hermann Schmitz đảm nhận.

Lã Thụ Nhân

Tình trạng sống của các kitô hữu bên Phi châu và vùng Trung Đông một năm sau ”Mùa xuân Á rập”

Tình trạng sống của các kitô hữu bên Phi châu và vùng Trung Đông một năm sau ”Mùa xuân Á rập”

Phỏng vấn Linh Mục Puerbattista Pizzaballa, Bề trên tỉnh dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa

Ngày 10-5-2012 buổi hội học về đề tài ”Các kitô hữu trong thế giới A rập, một năm sau Mùa xuân A rập” đã diễn ra tại Bruxelles thủ đô nước Bỉ. Ngày hội học do Liên Hội Đồng Giám Mục Âu châu tổ chức nhằm mục đích duyệt xét, đối chiếu và thu thập các dữ kiện xảy ra cho các cộng đoàn kitô tại các quốc gia A Rập. Trong số các thuyết trình viên cũng có Linh Mục Pierbattista Pizzaballa, Bề trên tỉnh dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa.

Như đã biết hồi năm ngoái, hàng triệu người dân các nước Bắc Phi đã ồ ạt xuống đường biểu tình để phản đối và hạ bệ các chính quyền độc tài của Ben Ali, Hosni Mubarak và Muammar Ghedaffi, tạo ra ”Mùa Xuân A Rập”, mở ra con đường dẫn tới nền dân chủ. Làn sóng dân chủ ấy đã đạt được nhiều kết qủa tích cực, nhưng tình hình các nước Bắc Phi vẫn chưa được ổn định, và nền dân chủ mong muốn vẫn còn bước những bước đầu khó khăn. Làn sóng biểu tình của Mùa xuân A Rập cũng nhanh chóng lan sang nhiều thành phố khác trên thế giới: từ Mátscơva cho tớí Luân Đôn, từ Athènes cho tới Dakar, Kampala, Phnom Penh và Tokyo. Nó là một dấu chỉ thời đại, chứng minh cho thấy ý thức và ước muốn dân chủ của người dân khắp nơi trên thế giới ngày càng mạnh mẽ và rõ nét. Nó cũng cho thấy kết qủa hữu hiệu của các phương tiện truyền thông hiện đại, đã được người trẻ sử dụng một cách nhanh chóng, thành thạo để dấy lên cả một phong trào đòi tự do dân chủ.

Riêng tại các nước Bắc Phi, trừ Tunisia ra, Ai Cập và Libia vẫn còn trong tình trạng bất ổn, dò dẫm từng bước, và các diễn tiến dân chủ đã không được nhanh chóng như nguyện vọng của người dân. Trong bản tường trình năm 2012 công bố những ngày vừa qua, tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã mạnh mẽ tố cáo tình hình vi phạm các quyền con người đó đây trên thế giới trong đó có các nước Bắc Phi và Siria.

Tại Libia ngày 19-6-2012 dân chúng sẽ đi bầu quốc hội, nhưng tình hình vẫn còn rất căng thẳng vì nhiều lý do. Trước hết các lực lượng dân vệ địa phương vẫn còn sở hữu các vũ khí, và việc thành lập quân đội quốc gia vẫn chưa xong. Tiếp đến có các căng thẳng và xung khắc giữa các chủng tộc và bộ lạc đã bị ông Ghedaffi lèo lái sử dụng trong 40 năm cầm quyền. Giờ đây họ bị kỳ thị, và bách hại. Trong khi đó thì chính quyền Tripoli quá yếu kém và bất lực chưa kiểm soát được tình hình trong nước và không bảo đảm được an ninh cho dân chúng.

Riêng tại Siria các bạo lực đàn áp từ phía quân đội chính phủ chống lại các nhóm nổi dậy đòi hỏi dân chủ và giải thể chính quyền của tổng thống Al Assad đã khiến cho hơn 10.000 bị giết, hàng chục ngàn người khác bị thương, nhiều thành phố và làng mạc bị tàn phá và hàng trăm ngàn người phải tản cư lánh nạn, trong đó cũng có rất nhiều tín hữu kitô.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Pierbattista Pizzaballa, Bề trên tỉnh dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa, về tình trạng sống của các kitô hữu bên Phi châu và vùng Trung Đông một năm sau ”Mùa xuân A rập”.

Hỏi: Thưa cha Pizzaballa, mt năm đã trôi qua kể từ khi ”Mùa xuân A Rập” nở rộ tại các quốc gia Bắc Phi và vùng Trung Đông, tình trạng sống của các kitô hữu trong các nước này hiện nay ra sao?

Đáp: Trong 40 năm qua thế giới A Rập đã sống trong một loại tình hình bất động, nhưng hiện nay tình hình ấy đã chấm dứt, không còn nữa. Ngày nay không còn có thể yêu sách dân chúng sống bất động trong cùng một tình trạng như trước đây.

Đã có các thay đổi mau chóng dẫn đưa tới một tình hình mới. Nhưng nó đòi hỏi phải có nhiều thời gian, và cũng có các tình hình khó khăn của sự hiểu lầm và các căng thẳng. Đây là điều không thể tránh được. Có nhiều vấn đề lắm, nhưng cững có các khả thể cộng tác và cần phải biết nhìn thẳng vảo thực tại, một cách đơn sơ nhưng rất thực tế, mà không được hốt hoảng; trái lại cần phải xăn tay áo lên để làm việc.

Hỏi: Chìa khóa của tất cả những điều này là việc đối thoại, mà theo cha không chỉ liên quan tới các đ tài đc tin, nhưng còn liên quan tới cả các đề tài cuộc sống thường ngày nữa, có đúng thế không?

                

Đáp: Vâng, đúng vậy, việc đối thoại phải tập trung vào các vấn đề cuộc sống, bởi vì liên quan tới đức tin; chẳng hạn giữa chúng tôi là các tín hữu kitô và các anh chị em hồi giáo, không có nhiều diều để nói. Có lẽ trong tương lai có thể đối thoại về đức tin, nhưng hiện nay thì không. Hiện nay, cần phải nhắm tới việc đối thoại nhất là giữa các cộng đoàn tôn giáo, làm sao để gây được ảnh hưởng trên cuộc sống dân sự, trên các khía cạnh chung, không chỉ liên quan tới hòa bình một cách tổng quát, mà liên quan tới cả vấn đề quyền lợi, công ăn việc làm, sự bình đằng giữa nam nữ, quyền công dân tràn đầy cho mọi thành phần xã hội, vấn đề công lý vv… Tất cả đều là các đề tài liên quan tới cuộc sống của các cộng đoàn đang viết lại Hiến pháp của mình. Vì thế thật là điều tốt, khi cuộc đối thoại bàn tới các đề tài cụ thể đó, chứ không duyệt xét các nguyên tắc lý thuyết không liên lụy đến cuộc sống của ai hết.

Hỏi: Thưa cha Pizzaballa, cha đã nhấn mạnh là không chỉ có các cuộc bách hại chống các tín hữu kitô, mà cũng có các gương nhân đc đối thoại với các tín hữu hồi nữa, có phải thế không?

Đáp: Đây là điểm khởi hành của chúng tôi, chúng tôi không có các lựa chọn khác. Chúng tôi phải đối thoại và xây dựng cuộc đối thoại, nhất là với giới lãnh đạo Hồi giáo, làm sao để gây được ảnh hưởng trên việc đào tạo tư tưởng, từ từ, từng bước một.

Hỏi: Liên quan tới tình hình rất là lỏng lẻo mà dân chúng vùng Trung Đông đang phải sống sau Mùa xuân A rập, đâu là nguy cơ cụ thể đối với các tín hữu đang phải sống trong hoàn cảnh hiện nay?

Đáp: Nguy cơ ở đây cũng là để cho mình có thái độ cực đoan, khép kín co cụm trong chính mình, và cho rằng trước đây chúng ta phải sống trong tình trạng tệ hại hơn, hay trước đây chúng ta được bảo vệ, và vì thế lên án tất cả mọi thay đổi; hay nói rằng mọi sự đều tốt đẹp cả và không có vấn đề gì. Thật là điều quan trọng, khi cộng đoàn kitô tham dự vào cuộc sống công cộng với một tinh thần thanh thản có óc phán đoán, nghĩa là không giả bộ cho rằng không có các vấn đề, nhưng cũng không để cho các vấn đề gây hốt hoảng sợ hãi, nhưng trái lại phải bước vào trong các vấn đề đó để tìm cách giải quyết chúng.

Hỏi: Thưa cha Bề trên, tình hình kinh khủng đang xảy ra tại Siria trong thời gian này cũng như các giao đng đang xảy ra bên Ai Cập, hoặc tình hình của Libia mà chúng ta đã thấy trong các tháng qua, tất cả đã làm lu mờ tình trạng sống khó khăn mà ngưi Palestine và ngưi Israel đang phải sống, và nó đã là thực tại kéo dài tứ 20 năm nay. Thế tình hình của các tín hữu kitô bên Thánh Địa hiện ra sao thưa cha?

            

Đáp: Một cách mâu thuẫn, Thánh Địa được coi như là trung tâm của cuộc xung khắc trong vùng Trung Đông, thì hiện nay lại yên ổn hơn, không thanh bình nhưng yên ổn, bởi vì thế giới chung quanh chúng tôi đang bốc cháy. Trái lại tại Thánh Địa, tại Israel và Palestina tình hình ngưng đọng, và vì thế nó đang bị ứ đọng một chút. Các tín hữu kitô sống trong tình trạng chờ đợi triền miên môt thỏa hiệp, nhưng phải nói thật là người ta không trông thấy nó nhiều lắm ở chân trời.

Hỏi: Thế tân chính quyền Israel có thể giúp giải tỏa tình trạng bế tắc này hay không thưa cha?

Đáp: Tôi nghi ngờ. Tôi tin rằng tân chính quyền Israel có các ưu tiên khác mà không chú ý tới vấn đề này. Chúng tôi đã thấy trong các năm qua chính quyền này đã rất là ”hâm hẩm” trong tương quan với người Palestine, và tôi không tin rằng thỏa hiệp với người Palestine nằm trong lịch trình làm việc của chính quyền Israel. Tôi mong là mình nghĩ sai! Nhưng tôi tin chắc là phải chờ đợi một thời gian rất lấu nữa, thì mới có thể giải tỏa được tình trạng này.

Hỏi: Thế cha có muốn đưa ra lời kêu gọi nào không?

Đáp: Trước hết tôi kêu gọi mọi người trên thế giới đừng sợ hãi, hãy đến hành hương Thánh Địa, bởi vì thật là điều quan trọng cần đến để xem tận mắt và nhận ra rằng, nói cho cùng, tình hình cũng không đến nỗi thê thảm, nhất là đối với vấn đề an ninh của các tín hữu hành hương. Thế rồi luôn luôn chú ý nhìn vào những gì đang xảy ra trong vùng Trung Đông, bởi vì nó liên quan tới chúng ta: Âu châu và Trung Đông đã luôn luôn gắn liền với nhau trên bình diện lịch sử, kinh tế và văn hóa. Vỉ thế lời kêu gọi của tôi đó là việc chú ý tới vùng Trung Đông đừng theo các lợi nhuận và thị hiếu của giới truyền thông, nhưng luôn được tiếp tục trong thời gian.

(RG 11-5-2012)

Linh Tiến Khải

Phát ngôn viên Tòa Thánh bác bỏ các tin ”tưởng tượng” của báo chí

Phát ngôn viên Tòa Thánh bác bỏ các tin "tưng tượng" của báo chí

VATICAN. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, bác bỏ những tin tức ”tưởng tượng” của nhiều ký giả báo chí về cuộc điều tra Ông Paolo Gabriele, người giúp việc của ĐTC đang bị điều tra vì bị cáo về tội nắm giữ bất hợp pháp các tài liệu của Tòa Thánh.

Tuyên bố hôm 28-5-2012 với giới báo chí cạnh Tòa Thánh, Cha Lombardi bác bỏ tin đồn cho rằng hiện có 1 HY đang bị điều tra vì liên hệ tới vụ này. Cha nói: ”Ủy ban Hồng y do ĐTC thiết lập để điều tra về vấn đề thất thoát tài liệu đang tiếp tục làm việc trong thời gian mà vụ này đòi hỏi, và không chịu áp lực của giới truyền thông.”

Cha Lombardi cực lực bác bỏ tin báo chí cho rằng có một hồng y hoặc một phụ nữ bị ngờ vực hoặc điều tra. Ngoài ra cha cho biết ông Paolo Gabriele, hiện đang còn bị giam giữ, cam kết sẽ cộng tác rộng rãi vào cuộc điều tra để xác định sự thật. Sau cùng, cha Lombardi nói rằng ĐTC được thông báo mọi sự. Ngài đau buồn nhưng vẫn thanh thản: nơi mọi người có sự quyết tâm tìm cách tái lập sớm hết sức bầu không khí trong đang, sự thật và sự tín nhiệm”.

                   

                                                                                                                             Paolo Gabriel (phía trước bên trái), người giúp việc cho ĐTC

Cha Lombardi nói: ”Tôi bác bỏ tin nói ưằng có một nhóm 5 tường trình viên do một phụ nữ điều khiển, tường trình cho ĐTC về diễn tiến các cuộc điều tra về những người bị tình nghi hoặc những khía cạnh khác của cuộc điều tra.”
Phòng báo chí Tòa thánh cũng mô tả là ”vô căn cứ” tin nói rằng một Ủy ban điều tra đề vấn đề này đã được thành lập và trình báo trực tiếp cho ĐGH. Cha cũng nhấn mạnh rằng không có liên hệ gì giữa vụ ông Gabriele bị bắt và Chủ tịch Viện giáo vụ (IOR, Ngân hàng Vatican) bị bãi chức.

Theo cha Lombardi, có thể là việc giam giữ ông Paolo Gabriele sẽ không kéo dài, vì các luật sư của đương sự đã đệ đơn xin cho ông ta được quản thúc tại gia. Các thẩm phán sẽ cứu xét đơn xin.

Trả lời câu hỏi của các ký giả về giả thuyết có sự tranh giành quyền hành tại Vatican, cha Lombardi lấy làm tiếc về thái độ thái quá của báo chí khi cứu xét sự việc nào đó, gán cho những nhóm người những chủ ý sai trái. Sau cùng, cha phê bình báo chí Italia đưa ra những giả thuyết không căn cứ.

Luật sư Carlo Fusto của ông Gabriele cũng ra một thông cáo than phiền vì có quá nhiều tin vô bằng cớ liên quan đến thân chủ của Ông, chẳng hạn: người ta đã tịch thu được trong nhà của ông Gabriele ”những thùng tài liệu với số lượng lớn”, và cả những máy móc để sao chụp các tài liệu. Luật sư Fusto bày tỏ sự kinh ngạc rất lớn vì thậm chí có những ký giả quả quyết đã biết được các văn bản của vụ này vốn được giữ bí mật, trong khi chính chúng tôi là luật sư bào chữa cũng không biết!

Mặt khác, luật sư Fusto cũng bá bỏ một tin không đúng do báo chí loan đi: Bà Manuela vợ của Ông Gabriele không hề rời gia cư của gia đình trong Vatican và không hề trả lời cuộc phỏng vấn nào, và không có ý định trả lời trong lúc này. Bà tỏ ra tin tưởng nơi hoạt động của quan tòa. (Tổng hợp 28-5-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Vietvatican

Tòa Thánh ban ơn xá nhân kỳ Đại Hội Gia Đình tại Milano

Tòa Thánh ban ơn xá nhân kỳ Đại Hội Gia Đình tại Milano

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng

ROMA, (zenit.org) – Những người tham dự kỳ Đại Hội Gia Đình lần thứ VII tại Milano từ ngày 30 tháng Năm đến ngày 3 tháng Sáu 2012 có thể lãnh nhận ơn đại xá. Tuy nhiên, ơn này cũng dành cho cả những ai hiệp thông với biến cố này, nhất là qua radio hay truyền hình. Hồng Y Trưởng Tòa Xá Giải Monteirode Castro chỉ rõ trong sắc lệnh ban hành ngày 17 tháng Năm 2012, dịp Đại LễThăng Thiên, và được Tòa Thánh công bố ngày 25 tháng Năm 2012 : « để cho các tính hữu chuẩn bị tham dự cách tốt nhất về phần thiêng liêng vào sự kiện này », Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI quyết định ban ơn xá « để cho khi thực sự sám hối và làm việc bác ái, họ biệt hiến trong việc thánh hóa gia đình, theo gương mẫu Thánh Gia của Đức Mẹ, thánh Giuse và Chúa Giêsu ».

Ơn đại xá được ban với điều kiện « xưng tội, rước lễ, và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng », thông cáo nêu rõ và xác định :« dành cho các tín hữu có tâm hồn xa lánh tội lỗi, tham dự sốt sắng một trong những buổi cử hành trong suốt kỳ Đại Hội ».

Nhưng cũng tính đến đối với các tính hữu « không có thể đến tham dự biến cố này » : họ cũng có thể nhận được ơn đại xá với những điều kiện tương tự nêu trên, nếu họ hiệp thông cách thiêng liêng với các tín hữu có mặt tại Milano, bằng cách đọc kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính tại gia đình, hay những kinh khác khấn xin lòng thương xót Chúa » dành cho các gia đình, hoặc là lắng nghe huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô  XVI trong sự kiện này qua radio hay truyền hình ».

Ơn tiểu xá cũng được ban cho những ai cầu nguyện cho sự thiện hảo của các gia đình, Sắc Lệnh kết luận.

Chúa Thánh Thần tạo dựng hiệp nhất và hiệp thông giữa mọi dân nước

Chúa Thánh Thần tạo dựng hiệp nhất và hiệp thông giữa mọi dân nước

Lễ Ngũ Tuần là lễ của sự hiệp nhất, hiểu biết và hiệp thông nhân loại. Thần Khí của Thiên Chúa, là Đấng ban cho chúng ta một con tim mới, một tiếng nói mới và một khả năng truyền thông mới, làm cho chúng ta rộng mở cho tha nhân và cho thế giới.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong bài giảng thánh lễ kính Chúa Thánh Thần hiện xuống trong đền thờ thánh Phêrô sáng Chúa Nhật 27-5-2012.

Thánh lễ đã bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi sáng. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có 40 Hồng Y, và 50 Tổng Giám Mục và Giám Mục. Tham dự tánh lễ hàng trăm linh mục tu sĩ nam nữ, ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh và 10.000 giáo dân. Đảm trách phần thánh ca trong thánh lễ ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có 150 thánh viên ca đoàn và ban nhạc trẻ của Hàn lâm viện Thánh Cecilia, và ca đoàn hướng dẫn tín hữu gồm 60 ca viên.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã quảng diễn các bài đọc vá nói về ý nghĩa lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lễ Hiện Xuống là mầu nhiệm làm thành phép rửa của Giáo Hội, là biến cố đã trao ban hình thể ban đầu và thúc đẩy sứ mệnh của Giáo Hội. Hình thể và sự thúc đậy đó luôn luôn thời sự và được canh tân cách đăc biệt trong các hành động phụng vụ. Đức Thánh Cha định nghĩa lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống như sau:

Lễ Ngũ Tuần là lễ của sự hiệp nhất, hiểu biết và hiệp thông nhân loại. Tất cả chúng ta đều có thể nhận thấy trong thế giới sự hiểu biết và hiệp thông giữa con người với nhau thường hời hợt và khó khăn thế nào, cả khi chúng ta luôn luôn ở gần nhau với sự phát triển của các phương tiện truyền thông và các khoảng cách địa lý xem ra biến mất. Nhưng các mất quân bình vẫn còn đó và thường khi dẫn đưa tới các xung đột. Việc đối thoại giữa các thế hệ trở thành vất vả và nhiều khi thái độ chống đối thắng thế. Hàng ngày chúng ta chứng kiến các sự kiện cho thấy xem ra con người đang trở thành hiếu chiến và hay gây sự hơn. Hiểu nhau xem ra qúa đòi hỏi dấn, thân và người ta thích ở trong cái ”tôi” và các lợi lộc của mình. Trong tình trạng này chúng ta có thể tìm ra và sống sư hiệp nhất mà chúng ta cần đến biết bao hay không?

Trình thuật lễ Ngũ Tuần trong sách Công Vụ chứa đựng trong hậu cảnh câu chuyệm cổ xây tháp Babel (St 11,1-9). Tháp Babel miêu tả một vương quốc trong đó con người đã tập trung biết nhiêu quyền bính, đến độ nó nghĩ rằng không cần phải quy chiếu về một vì Thiên Chúa xa xôi nữa, và nó tin mình mạnh mẽ tới độ có thể tự mình xậy dựng một con đường lên tới trời để mở cửa trời ra, và nó tự đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa. Nhưng chính trong lúc con người cùng nhau làm việc để xây tháp, thì bất chợt họ nhận ra rằng họ đang xây dựng chống lại nhau. Trong khi tìm trở thành giống như Thiên Chúa họ gặp nguy hiểm cũng không còn là người nữa, bởi vì họ đã đánh mất đi một yếu tố nền tảng của các bản vị con người: đó là khả năng đồng ý với nhau, hiểu nhau và cùng hoạt động với nhau.

Trình thuật kinh thánh này chứa đựng một sự thật trường tồn mà chúng ta có thể trông thấy trong lịch sử và trên thế giới. Với tiến bộ của khoa học và kỹ thuật chúng ta đã đi tới quyền lực thống trị các sức mạnh của thiên nhiên, lèo lái các yếu tố, chế tạo ra sinh vật và hầu như cả con người. Trong tình trạng này khẩn cầu Thiên Chúa xem ra là điều lỗi thời, vô ích, bởi vì chính chúng ta có thể xây dựng và thực hiện tất cả những gì chúng ta muốn. Nhưng chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang sống cùng kinh nghiệm cái tháp Babel. Thật thế, chúng ta đã gia tăng các khả năng truyền thông, thu thập và truyền bá tin tức, nhưng chúng ta có thể nói rằng khả năng hiểu biết nhau có gia tăng, hay có lẽ, một cách mâu thuẫn, chúng ta lại ngày càng ít hiểu nhau hơn? Giữa con người với nhau lại không luồn lách một ý thức bất tín nhiệm, nghi ngờ và sợ hãi nhau cho tới trở thành nguy nhiểm đối với nhau hay sao? Vậy thì có thể có sự hiệp nhất và đồng tâm thực sự hay không?

Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong Thánh Kinh: sự hiệp nhất chỉ có với ơn Thần Khí của Thiên Chúa, là Đấng sẽ ban cho chúng ta một con tim mới và một tiếng nói mới, một khả năng truyền thông mới. Đó là điều đã xảy ra buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần, năm mươi ngày sau lễ Vượt Qua, khi ngọn lửa của Chúa Thánh Thần xuống trên các môn đệ, đậu trên từng người và đốt lên nơi họ ngọn lửa thiên linh, một ngọn lửa tình yêu có khả năng biến đổi. Sự sợ hãi biến mất, con tim cảm thấy một sức mạnh mới, các miệng lưỡi mở ra và bắt đầu nói với sự thẳng thằn, đến độ mọi người đều có thể hiểu việc loan báo Chúa Giêsu Kitô chết và sống lại. Vào lễ Ngũ Tuần nơi có sự chia rẽ và xa lạ lại nảy sinh ra sự hiệp nhất và hiểu biết.

Đề cập tới lời Chúa Giêsu khẳng định trong Phúc Âm: ”Khi Người tới, Thần chân lý sẽ hướng dẫn các con tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13) Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài giảng:

Ở đây khi nói về Thánh Thần, Chúa Giêsu giải thích cho chúng ta biết Giáo Hội là gì, và Giáo Hội phải sống thế nào để là chính mình, để là nơi của sự hiệp nhất và hiệp thông trong Chân Lý. Người nói với chúng ta rằng hành động như kitô hữu có nghĩa là không đóng kín trong cái ”tôi” của mình, mà hướng về cái tất cả; có nghĩa là tiếp nhận trong chính mình toàn thể Giáo Hội, hay đúng hơn để cho Giáo Hội tiếp nhận chúng ta trong nội tâm… Chúa Thánh Thần, Thần Khí của sự hiệp nhất và chân lý có thể tiếp tục vang lên trong tâm trí con người và thúc đẩy họ gặp gỡ nhau và tiếp nhận nhau… Chúng ta không lớn lên khi khép kín trong cái ”tôi” của chúng ta, nhưng lớn lên mà khi có khả năng lắng nghe và chia sẻ, chỉ trong cái ”chúng ta” của Giáo Hội, với một thái độ khiêm tốn sâu xa trong nội tâm… Nơi đâu con người muốn làm Thiên Chúa, thì họ chỉ có thể chống đối nhau. Trái lại nơi đâu họ đặt để mình trong chân lý của Chúa, thì họ rộng mở cho hành động của Thần Khí nâng đỡ và hiệp nhất họ với nhau.

Khi dặn tín hữu ”Anh em hãy bước đi theo Thần Khí và sẽ không bị dẫn tới sự thỏa mãn của xác thịt” (Gl 5,16) thánh Phaolô giải thích rằng đời sống cá nhân của chúng ta bị ghi dấu bởi một cuộc xung khăc nội tâm, bởi một sự chia rẽ giữa các thúc đẩy đến từ xác thịt và các thúc đẩy đến từ Thần Khí, và chúng ta không thể theo cả hai. Thật vậy, chúng ta không thể vừa ích kỷ vừa qủang đại, vừa theo khuynh hướng thống trị người khác vừa cảm thấy niềm vui phục vụ vô vị lợi. Chúng ta chỉ có thể lựa chọn với sự trợ giúp của Thần Khí Chúa Kitô. Vì các công việc của xác thịt là các tội ích kỷ , bạo lực, thù nghịch, bất hòa, ghen tương, chia rẽ. Đó là càc tư tưởng và hành động không giúp sống là người và là kitô hữu thực sự trong tình yêu. Đó là hướng đi dẫn chúng ta tới sụ hư mất cuộc sống. Trái lại, Thánh Thần hướng dẫn chúng ta tới các đỉnh cao của Thiên Chúa, để ngay trên trái đất này chúng ta sống mầm giống cuộc sống thiên linh của tình yêu, niềm vui và hòa bình (Gl 5,22). Như thế sự hiệp nhất của lễ Ngũ Tuần đối chọi lại sự phân tán của tháp Babel.
Chúng ta phải cầu nguyện để Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn chúng ta lựa chọn chân lý của Chúa Kitô được thông truyền trong Giáo Hội.
Trong phần dâng của lễ một gia đình Ấn Độ gồm cha mẹ và hai con nhỏ, hai nữ tu và hai nam giáo dân đã dâng lễ vật lên Đức Thánh Cha. Trong phần rước lễ 150 Linh Mục đã giúp Đức Thánh Cha phân phát Mình Thánh Chúa cho tín hữu.

Lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã ra cửa sổ phòng làm việc của ngài để đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng với gần 50.000 tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn Đức Thánh Cha nói lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống nhắc nhớ và làm sống lại việc đổ tràn đầy Thánh Thần trên các Tông Đồ và các môn đệ khác tụ tập nhau cầu nguyện với Mẹ Maria. Chúa Giêsu phục sinh và lên trời gửi Thần Khí của Người cho Giáo Hôi để mỗi kitô hữu có thể chia sẻ vào chính cuộc sống của Thiên Chúa và trở thành chứng nhân giá trị của Người trong thế giới. Đức Thánh Cha nói tiếp

Thần Khí đã nói qua các ngÔn sứ với cac ơn khôn ngoan và hiểu biết, tiếp tục linh hứng cho các người nam nữ dấn thân kiếm tìm chân lý, bằng cách đề nghị các con đường độc đáo của sự hiểu biết và đào sâu mầu nhiệm của Thiên Chúa cũng như của con người và của thế giới.

Trong bối cảnh đó Đức Thánh Cha thông báo cho tín hữu biết ngày 7-10 tới đây, nhân dịp khai mở Thượng Hội Đồng Giám Mục, ngài sẽ tuyên bố thánh Gioan thành Avila và thánh nữ Hildegard thành Bingen là Tiến Sĩ Giáo Hội hoàn vũ. Hai vị là các chứng nhân lớn sống trong các thời đại lich sử, môi trường và văn hóa khác nhau. Thánh nữ Hilgegard là nữ tu biển đức sống vào thời Trung Cổ, bên Đức, là bậc thầy thần học và là người hiểu biết sâu rộng về khoa học thiên nhiên và âm nhạc. Còn thánh Gioan thành Avila là linh mục giáo phận, sống vào thời Phục Hưng bên Tây Ban Nha, tham dự vào các khó nhọc của việc canh tân văn hóa và tôn giáo của Giáo Hội và xã hội vào lúc khởi đầu thời đại tân tiến. Nhưng cuộc sống thánh thiện và giáo thuyết sâu xa khiến cho các vị thời sự một cách trường cửu. Ơn Thánh Thần dự phóng các vị vào trong kinh nghiệm hiểu biết sâu xa mạc khải của Thiên Chúa và cuộc đối thoại thông minh với thế giới, là chân trời thường hằng cuộc sống và hoạt động của Giáo Hôi.

Dưới ánh sáng của chương trình tái truyền giảng Tin Mừng là đề tài của Thưởng Hội Đồng Giám Mục thế giới, và trước thềm năm Đức Tin Đức Thánh Cha cầu mong qua giáo huấn của hai Thánh Tiến Sĩ, Thần Khí Chúa tiếp tục làm vang lên tiếng nói và soi sáng con đường dẫn tới Chân Lý duy nhất, có thể khiến cho chúng ta được tự do và trao ban ý nghĩa tràn đầy cho cuộc sống chúng ta.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành tòa thánh cho mọi người và chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

Linh Tiến Khải

Vietvatican