CHÂN DUNG THÁNH BONIFACE: GỐC RỄ THIÊN CHÚA GIÁO CHO ÂU CHÂU – LỄ KÍNH NGÀY 5 THÁNG 6

CHÂN DUNG THÁNH BONIFACE: GỐC RỄ THIÊN CHÚA GIÁO CHO ÂU CHÂU

 

ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTUS XVI

Anh Chị Em thân mến,

Hôm nay chúng ta đặc tâm chú ý đến một nhà truyền giáo cao cả của thế kỷ VIII, đã loan truyền Ki Tô giáo cho miền Trung Âu Châu, chính trên quê hương của tôi: đó là Thánh Boniface được lịch sử xem là " vị tông đồ của Nước Đức". Chúng ta có được không ít các tin tức về cuộc đời của ngài nhờ vào lòng chuyên cần các nhà viết tiểu sử về ngài.

Được sinh ra trong một gia đình người Anh ở Wessex khoản năm 675 và được rửa tội với tên là Winfrid.
Lúc còn rất trẻ đã gia nhập tu viện, vì cậu được thu hút bởi lý tưởng của đời sống tu viện.
Nhờ vào có được khả năng trí thức đáng kể, dường như cuộc đời của cậu Winfrid được khởi đầu để tiến đến nghề nghiệp một học giả yên tĩnh và sáng lạn: chàng đã trở thành giáo sư dạy văn phạm La Tinh, viết một vài bản văn và nhiều thi phú bằng La Tinh.

Được truyền chức Linh Mục vào khoảng ba mươi tuổi, Cha Winfrid cảm nhận mình được kêu gọi làm tông đồ giữa các dân ngoại ở lục địa. Lúc đó, nước Anh, quê cha đất tổ của Cha chỉ mới được truyền giáo một trăm năm trước đó, bởi các tu sĩ dòng Biển Đức ( Benedictini) do Thánh Agostino thành lập. Nước Anh cảm thấy mình có được đức tin thật vững chắc và lòng bác ái nồng cháy để gởi các nhà truyền giáo của mình vào Trung Âu để rao giảng Phúc Âm.
Năm 716 Winfrid cùng với một vài bạn đồng hành đến được Frisia ( Hoà Lan hiện nay), nhưng chạm trán phải sự đối kháng của người lãnh đạo địa phương và như vậy ý định rao giảng Phúc Âm ở đó bị thất bại.

Trở về quê hương, nhưng vẫn không nãn chí, hai năm sau Cha Winfrid đến Roma để hầu chuyện với Đức Giáo Hoàng Gregory II và nhận chỉ thị của ngài liên quan đến vấn đề. Đức Giáo Hoàng, theo những gì một tác giả tiểu sử gia thuật lại, đón nhận Cha " bằng khuôn mặt tươi cười và cái nhìn đầy âu yếm", và trong những ngày kế tiếp đã có " những cuộc thảo luận quan trọng với Cha" ( Willibaldo, Vita s. Bonifatii, ed. Levisonl pp. 13-14).
Và sau cùng, sau khi đặt tên cho Cha là Boniface, Đức Giáo Hoàng ủy thác cho Cha với các chứng minh thư chính thức sứ mạng rao giảng Phúc Âm giữa các dân tộc trên nước Đức.

1 – Đươc Đức Thánh Cha trợ lực và nâng đỡ, Boniface dấn thân vào việc rao giảng Phúc Âm trong các vùng vừa kể ( trên lãnh thổ Đức), chống lại các cách phượng tự ngoại giáo và củng cố nền tảng luân lý nhân bản và Ki Tô giáo. Với tinh thần trách nhiệm cao cả, Cha viết ở một trong những lá thư như sau:
" Chúng ta hãy vững mạnh trong việc chiến đấu trong ngày của Chúa, bởi vì các ngày phiền muộn và khốn cùng đã đến…Chúng ta không phải là những con chó câm, cũng không phải là những kẻ bàng quang thinh lặng, hay hạng thương gia trục lợi trốn chạy trước đoàn chó sói ! Trái lại, chúng ta là những Chủ Chăn tỉnh thức canh chừng trên đoàn chiên Chúa Ki Tô, rao giảng cho những nhân vật quan trọng cũng như cho người dân đơn sơ tầm thường, cho người giàu và người nghèo thánh ý Thiên Chúa…trong các thời điểm thuận tiện cũng như bất lợi…" ( Epistulae, 3, 352: MGH).

Với động tác không mệt nhọc ngừng nghỉ của Cha, với tài năng thiên phú để tổ chức, với tính mềm dẻo và dễ thương nhưng vững chắc, Boniface đạt được nhiều kết quả trọng đại.
Bởi đó Đức Thánh Cha " tuyên bố muốn đặt lên Cha địa vị của một Giám Mục, bởi vì như vậy Cha khả năng hơn để quyết định sửa chữa và dẫn dắt các người lầm lạc trở lại trên con đường chân lý, Cha có thể cảm nhận được uy quyền cao cả hơn của phẩm trật tông đồ nâng đở và cũng sẽ được tất cả mọi người chấp nhận trong trách vụ rao giảng, khi thấy được chính vì đó mà ngài được truyền chức vị lãnh đạo tông đồ cho" ( Otloho, Vita s. Bonifatii, ed. Levison, lib. I, p. 127).

Cũng chính Đức Thánh Cha Gregory II truyền chức " Giám Mục Vùng" ( = Tổng Giám Mục), nghĩa là Giám Mục cho cả nước Đức, cho Boniface. Đức Giám Mục Boniface trở về và tiếp tục lại các động tác cực nhọc tông đồ trong các lãnh địa được giao phó cho và kế đến mở rộng hoạt động của mình đến cả Giáo Hội nước Gallia ( nước Pháp): cùng với sự thận trọng và khôn ngoan, Đức Giám Mục Boniface
– tu chính lại quy luật Giáo Hội,
– tổ chức nhiều phiên nhóm Thượng Hội Đồng Giám Mục để bảo đảm cho quyền lực giáo luật,
– tăng cường thêm mối thông hiệp cần thiết với Đức Giáo Hoàng ở Roma: đó là điểm mà Đức Giám Mục Boniface luôn luôn canh cánh trong lòng.
Cả những vị kế nghiệp Đức Giáo Hoàng Gregory II cũng rất qúy trọng Đức Giám Mục Boniface: Đức Gregory III
– bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục cho cả nước Đức,
– gởi áo choàng Giám Mục cho ngài
– và trao cho ngài quyền tổ chức phẩm trật Giáo Hội trong các vùng đó ( cf Epist, 28; S. Bonifatii Epistulae, ed. Tangl, Berolini 1916).
Đức Thánh Cha Zaccaria xác nhận chức vụ đó của ngài và khen ngợi tin thần chuyên cần dấn thân của ngài ( cfr. Epist. 51, 57, 58, 60, 68, 77, 80, 86, 87, 89:op. cit.).
Đức Thánh Cha Stefano III , khi vừa được tuyển chọn, đã nhận được một bức thư của Đức Tổng Giám Mục Boniface, trong đó ngài bày tỏ mối hân hoan con cái của mình đối với Đức Thánh Cha ( cfr Epist. 108, op. cit.).

2 – Đức Tổng Giám Mục Boniface cao cả,
– ngoài việc rao giảng Phúc Âm
– và tổ chức Giáo Hội qua việc thành lập các giáo phận
– và nhóm họp các Thượng Hội Đồng Giám Mục,
– ngài cũng không quên thiết lập các tu viện, nam và nữ, để cho đó là những ngọn đèn pha chiếu toả ánh sáng đức tin, văn hoá con người và văn hoá Ki Tô giáo ra khắp lãnh thổ.
Từ các cộng đồng tu viện Biển Đức ( Benedittini ) trên xứ sở của mình, Đức Tổng Giám Mục Boniface kêu gọi các nam nữ tu sĩ đến trợ lực với ngài bằng động tác vững chắc và qúy báu để
– giúp ngài trong việc rao giảng Phúc Âm
– và phổ biến khoa học nhân loại và nghệ thuật cho dân chúng.
Bởi vì ngài có lý nghĩ rằng việc làm để rao giảng Phúc Âm cũng phải là động tác để truyền bá văn hoá con người.
Nhứt là tu viện ở Fulda , được thiết lập năm 743, là trái tim và là trung tâm từ đó chiếu toả ra cách sống đạo đức thiêng liêng và văn hoá tôn giáo: ở đó, các tu sĩ,
– trong kinh nguyện,
– trong việc làm và trong hoán cải đền tội, tìm cách cố gắng tiến đến sự thánh thiện,
– các vị còn được giáo dục trong các lãnh vực tôn giáo và trần thế, các vị đang chuẩn bị mình để ra đi rao giảng Phúc Âm, để trở thành những nhà truyền giáo.
Nhờ công lao của Đức Tổng Boniface, của các vị tu sĩ nam – nữ của ngài – ngay cả các nữ tu sĩ cũng góp phần quan trọng vào việc rao giảng Phúc Âm – mà việc đâm hoa kết quả cả nền văn hoá nhân loại, là những gì không thể tách rời đức tin và cho thấy vẻ đẹp của đức tin.
Bonifacio cũng viết ra tác phẩm chú giải Ars grammatica ( Nghệ thuật văn phạm), trong đó ngài giải thích
– các biến hoá danh từ ( declinazioni),
– cách chia động từ ( coniugazione),
– lối phân chia mệnh đề ( sintassi)
của tiếng La tinh,
và đó đối với ngài cũng là một dụng cụ để phổ biến đức tin và văn hoá.
Người ta cũng gán cho ngài là tác giả của Ars metrica ( Nghệ thuật phân chia nhịp điệu), nghĩa là phần dẫn nhập làm sao để có thể viết một bài thi phú , và các các sắp xếp các phần cân đối của bài thơ và sau cùng là một loạt thu tóm các bài giảng, gồm 15 bài.

Và mặc dầu đã đến tuổi già – gần 80 tuổi – Đức Tổng Boniface cũng chuẩn bị một sứ mạng truyền bá Phúc Âm mới: với khoản năm mươi tu sĩ, ngài trở lại miền Frisia ( Hoa Lan), nơi ngài đã khởi đầu công trình rao giảng.
Như có linh tính báo trước về cái chết gần kề, khi đề cập đến chuyến hành trình của cuộc sống, ngài đã viết cho người đệ tử và là vị kế nhiệm ngài ở tông toà Magonza ( Wuerburg), Đức Giám Mục Lullo như sau:
" Ta mong ước được hướng dẫn đến lúc kết thúc mục đích của chuyến đi nầy; ta không thể nào khước từ lòng ước muốn khởi hành chuyến đi. Ngày cuối cuộc đời của ta đã gần kề và cái chết của ta đã đến gần; khi xác chết của ta được chôn xuống, ta sẽ lên để lãnh lấy phần thưởng đời đời. Nhưng con, con rất qúy mến của ta, con hãy không ngừng nghỉ kêu gọi dân chúng xa lìa đều sai lạc cứng cỏi của họ, con hãy thực hiện việc xây cất công trình đã khởi sự kiến trúc đại thánh đường Fulda và đặt xác già nua với năm tháng dai dẳng với cuộc sống của ta ở đó" ( Willibaldo,Vita S. Bonifatii, ed. cit., p. 46).

Trong khi ngài sắp cử hành Thánh Lễ ở Dokkum ( ở miền Bắc Hoà Lan hiện nay), ngày 5 tháng 6 năm 754, Thánh Boniface bị một nhóm người ngoại đạo ám sát. Ngài tiến đến trước mặt họ với khuôn mặt tươi tỉnh,
" ngăn cấm các bổn đạo của mình chiến đấu chống lại bằng cách nói: " các con hãy dừng lại, dừng lai, đừng chiến đấu, hãy dẹp bỏ chiến tranh, bởi vì nhân chứng Thánh Kinh cảnh cáo chúng ta đùng lấy sự ác để trả sự ác, nhưng hãy lấy việc thiện trả cho ác. Đây là ngày mà từ lâu ta đang mong đợi, đây là thời điểm cuối cùng của ta đã đến; hãy can đảm trong Thiên Chúa" ( Ibid., pp. 49-50).
Đó là những lời cuối cùng của ngài trước khi ngã gụt xuống dưới trận đánh đập của những kẻ tấn công.
Xác của vị Giám Mục tử đạo được mang vào thánh đường Fulda, nơi mà ngài được chôn cất tương xứng.
Một trong những tác giả viết tiểu sử ngài đã nói về ngài bằng nhận xét như sau:
" Chúng ta có thể nói là Vị Thánh Giám Mục Boniface là cha của mọi người dân Đức, bởi vì ngài là người đầu tiên đã sinh ra họ trong Chúa Ki Tô bằng lời của ngài qua việc giảng dạy, đã làm cho họ trở nên vững chắc bằng gương sống của ngài, và sau cùng, đã hy sinh mạng sống của ngài cho họ, đó là đức bác ái, mà không ai có thể ban cho một đức bác ái nào cao cả hơn được" ( Otloho, Vita S. Bonifatii, ed. cit., lib. I., p.158).

3 – Sau hai thế kỷ, sứ điệp nào chúng ta có thể đón nhận được từ lời giảng dạy và động tác tuyệt diệu của nhà truyền giáo cao cả và tử đạo nầy?

a ) Điều hiển nhiên thứ nhứt mà ai muốn đến gần Thánh Boniface cũng thấy được: lời Chúa là trung tâm điểm, được đem ra thực hiện trong cuộc sống và giải thích trong đức tin của Giáo Hội, đó là Lời mà vị Thánh đã sống, đã giảng dạy và nhân chứng đến việc hy sinh tột độ, hy sinh chính mình trong tử đạo.
Ngài đã say sưa Lời Chúa đến độ cảm thấy khẩn cấp và có bổn phận phải đem đến cho người khác, ngay cả phải chấp nhận nguy hiểm cho chính mình.
Ngài đặt đức tin của mình trên Lời Chúa như là nền tảng, Lời mà ngài đã long trọng tuyên bố dấn thân trong lúc mình được phong chức Giám Mục:
" Con tuyên xưng hoàn toàn tính cách trong sáng của đức tin thánh thiện công giáo và được Chúa giúp đở con muốn được trung thành ở lại hiệp nhứt trong đức tin nầy, trong đó không có gì nghi ngờ, là tất cả sự cứu rỗi của người tín hữu Chúa Ki Tô" ( Epist. 12, in S. Bonifatii Epistolae, ed. cit., p.29).

b) Điều hiển nhiên thứ hai, rất quan trọng, mà chúng ta thấy được trong đời sống của Thánh Boniface là lòng thông hiệp trung thành với Tông Toà.
Đó là một định điểm bất di dịch và là trung tâm điểm động tác truyền giáo của ngài. Ngài luôn luôn giữ vững mối thông hiệp đó như là khuôn thước của động tác truyền giáo mình và đã để lại như là lời di chúc của mình.
Trong một thư gởi cho Đức Thánh Cha Zaccaria, ngài xác quyết:
" Con đừng bao giờ ngừng nghỉ kêu gọi và đặt ho dưới sự vâng lời đối với Tông Toà, những ai muốn trung thành với đức tin công giáo và hợp nhứt với Giáo Hội Roma và cả những ai mà Thiên Chúa đã ban cho con trong cộng cuộc truyền giáo nầy như là những người nghe con giảng dạy và là môn đệ " ( Epist. 50: ibid., p. 81).

Kết quả của cuộc dấn thân chuyên cần nầy là tinh thần vững chắc khắn khít với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô mà Đức Giám Mục Boniface chuyển đến các cộng đồng Giáo Hội trong lãnh thổ truyền giáo của ngài, nối kết Anh Quốc, Đức Quốc, Pháp Quốc với Roma.
Và như vậy ngài góp phần một cách quyết định gây dựng gốc rễ Ki Tô giáo cho Âu Châu, làm cho Âu Châu có khả năng đâm hoa kết quả trong những thế kỷ kế tiếp.

) c ) Về đặc tính thứ ba mà Thánh Boniface muốn nhắc nhở chúng ta nên lưu ý: đó là việc ngài tạo cơ hội cho việc gặp gỡ giữa nền văn hoá Roma – Ki Tô giáo và văn hoá Đức Quốc.
Thật vậy, Thánh Boniface biết rằng trong việc thăng tiến nhân phẩm con người và loan báo Phúc Âm, phổ biến văn hoá là phần chính yếu của sứ mạng của một vị Giám Mục. Trong khi chuyển đạt đến dân chúng kho tàng cổ của các giá trị Ki Tô giáo, Thánh Boniface tháp ghép vào dân chúng Đức một cách sống tôn trọng phẩm giá con người hơn, nhờ đó mà các quyền bất khả nhượng của con người được dễ kính trọng hơn.

Với tư cách là người con chính danh của Thánh Benedett, Thánh Boniface biết liên kết cầu nguyện và làm việc ( việc làm tay chân và làm việc bằng trí óc), bằng ngòi viết và bằng lưỡi cày.

Nhân chứng can đảm của Thánh Boniface là một lời mời gọi đối với tất cả chúng ta biết đón nhận lời Chúa trong cuộc sống của mình, như là định điểm chính yếu cho các động tác,
– mời gọi chúng ta biết tha thiết yêu thương Giáo Hội,
– biết cảm thấy mình cũng có bổn phận đối với tương lai của Giáo Hội,
– tìm cách kết hợp liên kết nhau chung quanh Đấng Kế Vị Thánh Phêrô.
Đồng thời Thánh Boniface cũng nhắc nhớ chúng ta rằng Ki Tô giáo, bằng cách phát huy việc phổ biến văn hoá, khuyến khích sự tiến bộ con người.
Bây giờ đến lược chúng ta, hãy hành xử tương xứng với một kho tàng cao cả như vậy và làm cho kho tàng đó đâm hoa kết quả ích lợi cho những thế hệ sắp đến.

Tôi luôn luôn cảm thấy thán phục nhiệt tâm nóng bỏng của ngài đối với Phúc Âm:
– lúc bốn mươi tuổi ngài ra đi từ một cuộc sống tót đẹp và đầy kết quả của một dòng tu, từ giả ra đi để lại sau lưng một cuộc sống của vị tu sĩ và của một giáo sư để rao giảng Phúc Âm cho những kẻ tầm thường, cho dân còn có cuộc sống man rợ ( barbari)
– lúc tám mươi tuổi, lại một lần nữa, ngài khởi đầu một cuộc hành trình vào một vùng mà đoán trước rằng mình sẽ phải chịu tử đạo.
Sánh đức tin đầy nhiệt huyết, lòng hăng say của ngài đối với Phúc Âm, so với đức tin nhiều lúc hâm hẩm vậy vậy và đức tin theo thủ tuc bàn giấy của chúng ta, chúng ta hãy tự hỏi
– phải làm gì và phải làm thế nào để cải đổi hoá đức tin,
– để chính chúng ta cũng có thể cống hiến cho thệ hệ chúng ta viên ngọc qúy Phúc Âm.

Phỏng dịch tư nguyên bản Ý Ngữ: Nguyễn Học Tập.
 

 

Comments are closed.