Thánh Giuse là mẫu gương của mọi nhà giáo dục và mọi người cha gia đình

Thánh Giuse là mẫu gương của mọi nhà giáo dục và mọi người cha gia đình

Thánh Giuse không chỉ là người giữ gìn Chúa Kitô, mà còn là vị đồng hành và giáo dục Chúa lớn lên trên bình diện tâm thể lý, sự khôn ngoan và ơn thánh nữa. Vì thế thánh nhân là mẫu gương của mọi nhà giáo dục, đặc biệt của mọi người cha gia đình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 80,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần 19-3-2014 tại quảng trường Thánh Phêrô. 19-3 cũng là ngày kỷ niệm đúng một năm Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu sứ vụ Phêrô của ngài.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: hôm nay ngày 19 tháng 3 lễ kính thánh Giuse, Phu Quân Đức Maria, và Bổn Mạng của Giáo Hội hoàn vũ. Vì thế chúng ta dành bài giáo lý hôm nay cho Người, là Đấng đáng cho chúng ta biết ơn và sùng kính, vì đã biết giữ gìn Đức Thánh Trinh Nữ và Con là Đức Giêsu. Gìn gĩư đã là đặc điểm cuộc đời của thánh Giuse trong sứ mệnh cao cả của Người, mà tôi đã nhắc tới cách đây một năm. Hôm nay tôi muốn lấy lại đề tài ấy nhưng trong viễn tượng giáo dục. Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy nhìn vào thánh Giuse như mẫu gương của nhà giáo dục, người giữ gìn và đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường của Người là lớn lên “trong khôn ngoan, tuổi tác và ơn thánh”, như ghi trong Phúc Âm thánh Luca (Lc 2,52). Ngài không phải là cha của Đức Giêsu: Cha của Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng ngài đã làm cha, giữ nhiệm vụ làm cha để giúp Đức Giêsu lớn lên.

Hãy bắt đầu với tuổi tác là chiều kích tự nhiên nhất, là sự lớn lên trong thể lý và tâm lý. Cùng với Mẹ Maria thánh Giuse lo lắng cho Chúa Giêsu trước hết từ quan điểm này, nghĩa là ngài đã ”nuôi dưỡng” Chúa, lo lắng để Người không thiếu những gì cần thiết cho sự phát triển lành mạnh. Chúng ta đừng quên rằng việc lo lắng giữ gìn sư sống của Con Trẻ đã bao gồm cả việc chay trốn sang Ai Cập, kinh nghiệm cam go của cuộc sống tị nạn. Thánh Giuse là người tị nạn cùng với Mẹ Maria và Chúa Giêsu, để trốn chạy sự đe dọa của vua Hêrôđê. Thế rồi một khi đã trở về quê hương và định cư tại Nagiarét, có tất cả giai đoạn cuộc sống của Chúa Giêsu trong gia đình Người. Và trong các năm đó thánh Giuse cũng đã dậy Đức Giêsu công việc của mình, và Chúa Giêsu đã tập nghề thợ mộc như Giuse cha Người.

Nói tiếp trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đề cập tới chiều kích thứ hai của việc giáo dục Chúa Giêsu: đó là chiều kích của sự ”khôn ngoan”.

Thánh Giuse đã là gương mẫu và là thầy của sự khôn ngoan được dưỡng nuôi bằng Lời của Thiên Chúa. Chúng ta có thể nghĩ tới việc thánh nhân đã giáo dục Bé Giêsu lắng nghe Thánh Kinh, nhất là ngày thứ bẩy dẫn Người tới hội đường Nagiarét. Và thánh Giuse đã đồng hành để Chúa Giêsu lắng nghe Lời Chúa trong hội đường.

Và sau cùng là chiều kích của ”ơn thánh”. Liên quan tới Chúa Giêsu Thánh Luca nói: ”Ơn thánh Chúa ở với Người” (Lc 2,40). Ở đây chắc chắn phần dành cho thánh Giuse bị hạn chế hơn, so với các lãnh vực của tuổi tác và sự khôn ngoan. Nhưng sẽ là một sai lầm lớn, nếu nghĩ rằng một người cha và một người mẹ không thể làm gì để giáo dục con cái lớn lên trong ơn thánh Chúa. Lớn lên trong tuổi tác, lớn lên trong sự khôn ngoan, lớn lên trong ơn thánh: đó là công việc mà thánh Giuse đã làm với Chúa Giêsu, làm cho Người lớn lên trong ba chiều kích này, giúp Người lớn lên.

Anh chị em thên mến, sứ mệnh của thánh Giuse chắc chắn là duy nhất và không thể lập lại được, bởi vì Chúa Giêsu là tuyệt đối duy nhất. Tuy nhiên trong việc giữ gìn Đức Giêsu bằng cách giáo dục Người lớn lên trong tuổi tác, sự khôn ngoan và ơn thánh, thánh nhân là mẫu gương của mọi nhà giáo dục, đặc biệt của mọi người cha. Thánh Giuse là mẫu gương của người giáo dục, của ba, của cha. Vì thế tôi phó thác cho sự che chở của Người mọi cha mẹ, các linh mục là những người cha, và những người có nhiệm vụ giáo dục trong Giáo Hội và trong xã hôi. Một cách đặc biệt hôm nay là lễ Hiền phụ, tôi muốn chào tất cả các bậc cha mẹ, tất cả các người cha. Tôi xin chào với tất cả con tim. Chúng ta hãy xem nào: tại quảng trường này có vài người cha nào không? Xin các người cha hãy giơ tay lên! Thật nhiều qúa! Xin chúc mừng, xin chúc mừng ngày lễ của quý vị! Tôi xin cho anh em ơn luôn luôn gần gũi với con cái của anh em, để cho chúng lớn lên, gần gũi, gần gũi với chúng! Chúng cần anh em, cần sự hiện diện của anh em, cần sự gần gũi và cần tình yêu của anh em. Hãy giống như thánh Giuse đối với chúng: là những người giữ gìn sự trưởng thành của chúng trong tuổi tác, sự khôn ngoan và ơn thánh. Những người giữ gìn con đường của chúng; là những nhà giáo dục và đồng hành với chúng. Với sự gần gũi này anh em sẽ là những nhà giáo dục đích thật. Xin cám ơn vì tất cả những gì anh em làm cho con cái anh em. Xin cám ơn. Xin chúc mừng anh em tất cả. Mừng lễ hiền phụ, mừng lễ tất cả các người cha hiện diện nơi đây! Xin thánh Giuse chúc lành cho anh em và đồng hành với anh em. Và vài người trong chúng ta đã mất cha, cha đã qua đời rồi. Chúa đã gọi cha về với Ngài rồi. Có biết bao nhiêu người tại quảng trường này cũng không còn cha nữa. Chúng ta có thể cầu nguyện cho mọi người cha trên thế giới, cho những người cha còn sống cũng như cho những người cha đã qua đời, và cho cha của riêng từng người chúng ta, và chúng ta cùng nhau cầu nguyện. Mỗi người hãy nhớ tới cha của mình nếu còn sống và nếu đã chết. Và chúng ta cầu xin Người Cha vĩ đại của tất cả chúng ta. Một Kinh Lậy Cha cho tất cả mọi người cha của chúng ta. Đức Thánh Cha đã cùng tín hữu đọc Kinh Lậy Cha. Rồi ngài nói: xin chúc mừng các người cha nhé!

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương hiện diện, trong đó có các đoàn hành hương đến từ Á châu như Indonesia và Nhật Bản. Cũng có các đoàn hành hương đến từ châu Mỹ Latinh như Mêhicô, Ecuador, Argentina và Brasil.

Trong số các nhóm hành hương tiếng Ý có phái đoàn ”đuốc hòa bình Biển Đức” do Đức Cha Renato Boccardo Tổng Giám Mục Spoletto Morcia hướng dẫn, Linh Mục Augusto Ricci Giám quản Montecassino, và đức viện phụ Mauro Meacci, viện phụ đan viện Subiaco. Đức Thánh Cha cầu mong sáng kiến này tạo thuận tiện cho hòa bình trong con tim, mà chỉ có Chúa Kitô biết ban cho con người. Ngài cũng chào một nhóm hàng trăm sĩ quan quân đội Italia.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ thánh Giuse Bổn Mạng Giáo Hội hoàn vũ. Ngài khuyên các bạn trẻ nhìn lên thánh nhân như mẫu gương của cuộc sống khiêm nhường và kín đáo. Đức Thánh Cha khích lệ các bệnh nhân, đặc biệt các bệnh nhân thuộc ”Trung tâm tiếp đón Aldo Moro”, do Đức Cha Ceccobelli Giám Mục Gubbio tháp tùng, các bệnh nhân Macerata, Tolentino và các bạn trẻ thuộc tổ chức ”Giấc mơ của Giuse”, biết học vác thánh giá của bệnh tật với thái độ thinh lặng và cầu nguyện của thánh Giuse cha nuôi Chúa Giêsu. Sau cùng ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới biết xây dựng gia đình trên tình yêu thương gắn bó với Mẹ Maria và với thánh Giuse.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân cho phép chúng ta sờ mó được lòng xót thương của Thiên Chúa đối với con người

Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân cho phép chúng ta sờ mó được lòng xót thương của Thiên Chúa đối với con người

Ngay từ thời các Tông Đồ Giáo Hội đã có thói quen ban bí tích Xức Dầu và cầu nguyện cho các bệnh nhân. Vị linh mục và các người có mặt đại diện cho toàn cộng đoàn kitô tụ tập chung quanh người bệnh và các thân nhân của họ để cầu nguyện cho họ, dưỡng nuôi đức tin và đức cậy của họ trong tình huynh đệ liên đới. Và chính Chúa Giêsu cầm tay chúng ta và nhắc nhở chúng ta rằng cả sự dữ và cái chết cũng không bao giờ có thể tách rời chúng ta ra khỏi Ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến chung hơn 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư 26-2-2014 tại quảng trường thánh Phêrô. Chào mọi người ngài ca ngợi tín hữu can đảm, vì tuy tiên báo thời tiết cho biết trời mưa, nhưng họ vẫn đến tham dự buổi tiếp kiến đông đảo. Thật ra, sáng thứ tư trời tạnh ráo và có chút nắng ấm. Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh nói:

Anh chi em thân mến, hôm nay tôi muốn nói với anh chị em về bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, là bí tích cho phép chúng ta sờ mó được với đôi bàn tay lòng xót thương của Thiên Chúa đối với con người. Trong qúa khứ nó được gọi là ”Phép xức dầu tột cùng”, vì nó được hiểu như sự củng cố tinh thần trong giờ chết cận kề. Nhưng nói tới bí tích ”Xức dầu các bệnh nhân” giúp chúng ta trải rộng cái nhìn trên kinh nghiệm của tật bệnh và khổ đau, trong chân trời lòng xót thương của Thiên Chúa.

Có một hình ảnh kinh thánh diễn tả tất cả mầu nhiệm tỏa thoát ra từ bí tích Xức Dầu cho các bệnh nhân sự sâu thẳm của nó: đó là dụ ngôn người Samaritano nhân hậu, trong Phúc âm thánh Luca (Lc 10,30-35).

Mỗi lần chúng ta cử hành Bí tích này chính Chúa Giêsu, trong con người của vị linh mục, tới gần người khổ đau, người bệnh nặng hay người già cả. Dụ ngôn nói rằng người Samaritano nhân hậu săn sóc người khỗ đau bằng cách đổ dầu và rượu trên các vết thương của ông. Dầu khiến chúng ta nghĩ tới dầu được Giám Mục làm phép hằng năm trong Lễ Dầu ngày Thứ Năm Tuần Thánh, để xức cho các bệnh nhân. Trái lại, rượu là dấu chỉ của tình yêu thương và ơn thánh của Chúa Kitô, nảy sinh từ ơn sự sống Người ban cho chúng ta, và diễn tả tất cả sự phong phú của chúng trong cuộc sống bí tích của Giáo Hội.

Sau cùng, người khổ đau được tín thác cho chủ quán trọ, để ông có thể tiếp tục săn sóc cho mgười đó, mà không chú ý gì tới các chi phí. Vậy ai là chủ quản trọ? Đó là Giáo Hội, là cộng đoàn kitô, là chúng ta, trong thân xác và trong tinh thần, để chúng ta có thể tiếp tục đổ trên họ tất cả lòng xót thương và ơn cứu độ của Chúa một cách vô chừng mực.

Tiếp tục bài huấn dụ về bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, Đức Thánh Cha nói: lệnh truyền ấy được nêu bật một cách rõ rằng và chính xác trong thư của thánh Giacôbê, trong đó người dặn dò các tín hữu: ”Ai đau yếu thì hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Và lời cầu nguyện được làm với lòng tin sẽ cứu người bệnh: Chúa sẽ nâng người ấy dậy; và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha” (Gc 5,14-15). Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Như vậy, đây là một thực hành đã có từ thời các Tông Đồ. Thật thế, Chúa Giêsu đã dậy các môn đệ đặc biệt có lòng yêu thương các bệnh nhân và những người đau khổ như Ngài, và đã thông truyền cho họ khả năng và nhiệm vụ tiếp tục ban phát nhân danh Ngài và theo con tim của Ngài, sự xoa dịu và bình an, qua ơn thánh đặc biệt của Bí tích này. Tuy nhiên, điều này không được khiến cho chúng ta rơi vào chỗ tìm kiếm phép lạ một cách ám ảnh, hay rơi vào yêu sách có thể luôn luôn được chữa lành. Nhưng nó là sự gần gũi chắc chắn của Chúa Giêsu đối với người bệnh, cả đối với người già, bởi vì mỗi người già, mỗi người qúa 65 tuổi đều có thể nhận bí tích này: đó chính là Chúa Giêsu đến gần chúng ta. Nhưng khi một người bệnh nghĩ: ”Mình hãy mời linh mục đến”, thì người ta bàn lui bàn tới: – ” Không, không, đừng, vì ổng đem đến cái không may, thôi đừng gọi nữa”, hay: ”Như thế người bệnh sẽ hoảng sợ”. Tại sao vây? Tại vì người ta nghĩ rằng, khi có người đau và linh mục đến thì sau linh mục là nhà hòm đến: đâu có thật như vậy!

Vị linh mục đến để trợ giúp bệnh nhân hay người già: vì thế thật là quan trọng việc linh mục thăm viếng các bệnh nhân. Gọi linh mục đến để ngài xức dầu và chúc lành cho người bệnh chứ. Bởi vì Chúa Giêsu đến gần để nâng bệnh nhân dậy, ban cho họ sức mạnh, niềm hy vọng và trợ giúp họ. Và cũng để tha tội cho họ nữa. Đây là điều rất đẹp! Và xin anh chị em đừng nghĩ đó là điều cấm kị.

Bởi vì vấn đề đó là càng ngày người ta càng ít xin có thể cử hành Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân hơn. Lý do chính là ở chỗ trong biết bao gia đình Kitô, do ảnh hưởng của nền văn hóa và sự nhậy cảm ngày nay, người ta đi tới chỗ coi sự khổ đau và chính cái chết như là một điều cấm kị, như cái gì cần phải che dấu và nói đến càng ít càng tốt. Có đúng thật là sự khổ đau, bệnh tật và chính cái chết vẫn là một mầu nhiệm trong nhiều khía cạnh của chúng; nó vượt cao hơn chúng ta và trước nó các lời nói giảm đi. Đó cũng là điều cảm nhận được trong lễ nghi Xức Dầu, trong đó với một kiểu rất đơn giản và kính trọng người ta nói rằng: ”Vị linh mục đặt tay trên thân thể người bệnh, mà không nói gì”.

Anh chị em thân mến, thật là đẹp khi biết rằng trong lúc khổ đau và bệnh tật, chúng ta không cô đơn: thật ra, vị linh mục và những người hiện diện trong lễ nghi Xức Dầu Bệnh Nhân đại diện cho toàn cộng đoàn kitô, như là một thân mình duy nhất, quây quần chung quanh người đau khổ và các thân nhân của họ, dưỡng nuôi trong họ đức tin và đức cây, bằng cách nâng đỡ họ với lời cầu nguyện và hơi ấm huynh đệ. Nhưng sự ủi an lớn lao nhất đến từ sự kiện chính Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích cầm tay chúng ta, vuốt ve chúng ta như Người đã làm với các bệnh nhân xưa kia. Người nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta thuộc về Người và không gì, kể cả sự dữ và cái chết – sẽ có thể tách rời chúng ta ra khỏi Người.

Chúng ta hãy có thói quen mời linh mục đến xức dầu cho các bệnh nhân – tôi không nói tới người bị cảm cúm ba bốn ngày là hết – nhưng khi có bệnh nặng – và cho cả các người già nữa, xin linh mục đến ban bí tích này cho họ, ban cho họ sự củng cố và sức mạnh của Chúa Giêsu để họ tiến bước.

Chào tín hữu các đoàn hành hương đến từ nhiều nước tây âu, bắc Mỹ và châu Mỹ Latinh, Đức Thánh Cha khuyến khích họ đừng bao giờ sợ hãi mời các linh mục đến ban bí tích Xức Dầu cho các thân nhân bị bệnh, vì đó là phương thế Thiên Chúa dùng để ban ơn thánh cho các bệnh nhân.

Cũng như thường lệ Đức Thánh Cha đã dành thời giờ chào và vuốt ve an ủi hàng chục bệnh nhân lớn nhỏ ngồi trên xe lăn, trước khi bắt tay và nói chuyện với những người được đừng hai bên khán đài và các cặp vợ chồng mới cưới. Ngài thường nói chuyện và trao đổi lâu với họ. Cặp nào cũng muốn ôm hôn Đức Thánh Cha, và dĩ nhiên là họ có nhiều hìmh rất đẹp với ngài.

Buổi tiếp kiến đã kết thức với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio