Vinh Quang

VINH QUANG

Để chuẩn bị chương trình cứu độ loài người, Thiên Chúa đã chọn ông Abram làm tổ phụ một dân tộc. Vào thời điểm đó, ông Abram và bà Sara còn hiếm muộn, vì tuổi đã cao mà chưa có con nối dòng. Thiên Chúa đã ban lời hứa: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn, Ta sẽ ban phúc cho ngươi, cùng làm vinh danh ngươi, ngươi sẽ được diễm phúc.” (St 12,2). Tổ phụ đã bước đi trong niềm tin phó thác và một lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Theo lệnh Chúa, ông bà đã rời quê hương xứ sở đi đến miền đất Chúa hứa. Ông Abram đã trải qua biết bao thử thách thăng trầm. Ông vâng lệnh Chúa một cách vô điều kiện, ngay cả khi Thiên Chúa muốn ông hiến dâng đứa con trai độc nhất làm hy tế. Qua sự trung tín, Abram đã được Thiên Chúa đổi tên thành Abraham. Abraham trở nên tổ phụ của tất cả những người có niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất. Ông đã được Thiên Chúa đoái hoài ban cho có con đàn, cháu đống nối dòng trải qua muôn thế hệ từ đời nọ tới đời kia.

Dân tộc Dothái thuộc dòng dõi của Tổ phụ Abraham. Một dân tộc đã được Chúa yêu thương chăm sóc dẫn đường, nhưng cũng là một dân phải chịu nhiều sự đắng cay, khổ đau và thăng trầm nhất trong lịch sử nhân loại. Khoảng năm 1300 trước Công nguyên, dòng dõi con cháu của Tổ phụ Abraham đã rời nước Aicập để tiến vào Miền Đất Hứa. Năm 996 trước Công nguyên, Vua David đã chiếm hữu thành Giêrusalem và đặt làm thủ đô của vương quốc. Con của vua David là vua Salômôn đã xây dựng Đền thờ đầu tiên năm 950 B.C. để kính thờ Thiên Chúa. Năm 586 trước Công nguyên, Đền thờ Giêrusalem đã bị phá hủy bởi Vua Nebuchadezzar và dân chúng đã phải chịu cảnh lưu đầy tại Babylon. Năm 515 trước Công nguyên, con dân được trở về quê hương xứ sở để xây dựng lại Đền Thờ lần thứ hai. Khi Chúa Giêsu xuất hiện rao giảng Tin Mừng, Ngài đã tiên báo về sự sụp đổ của Đền thờ Giêrusalem. Vào năm 70, Đền thờ Giêrusalem đã bị tàn phá bình địa bởi Hoàng đế Titô và chỉ còn để lại bức tường than khóc ô nhục cho tới nay.

Trải qua 20 thế kỷ, dân tộc Dothái chịu trăm ngàn thách đố dưới sự chiếm đóng và đô hộ của nhiều quốc gia. Dân chúng phải đi tản mác khắp nơi trên thế giới. Mãi tới năm 1948, nước Dothái mới được công nhận là một nước độc lập và tự trị. Giêrusalem trở thành thủ đô của nước Dothái (State of Israel). Và nhờ sự quả cảm dũng lực của thần dân Dothái từ khắp mọi nơi trên thế giới, năm 1967, họ đã mở cuộc chiến tranh tấn công 6 ngày vào các nước lân bang của Israel, đã nới rộng và tái chiếm nhiều phần đất của tổ tiên thuở xưa. Gần 2.000 năm lưu lạc, giờ đây, dân tộc Dothái đã chính thức được sống trên phần đất mà các tổ phụ đã dựng xây. Miền đất đã ghi dấu tất cả những giai đoạn thăng trầm qua thời các tổ phụ, các quan án, các vua, các tiên tri và hình thành lịch sử Ơn Cứu Độ. Chính trên miền đất này, Chúa Giêsu đã xuất hiện rao giảng Tin Mừng cứu độ. Một ngày kia, Chúa đã đưa ba môn đệ lên núi Tabo và biến hình vinh quang trước mặt các ông. Thiên Chúa vẫn đoái thương con dân mà Người đã chọn: “Ta sẽ ban phúc cho ai chúc phúc ngươi, và chúc dữ cho ai chúc dữ ngươi. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ nhờ ngươi mà được diễm phúc.” (St 12,3).

Tất cả những lời giảng dạy uy quyền cùng với những phép lạ kèm theo đã chứng thật Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Chúa đã hạ mình nhập thể mặc lấy thân xác loài người để cư ngụ giữa chúng ta. Chúa biến hình là trở về tình trạng nguyên thủy của Đấng là trung gian vạn vật. Chúa đã muốn mạc khải bản tính Thiên Chúa cho các môn đệ. Người đã tỏ hiện vinh quang cao cả đích thực: “Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết.” (Mt 17,2). Chúa biến hình là để củng cố niềm tin và khai mở mầu nhiệm về sự sống vĩnh cửu cho các Tông đồ. Nhưng rồi Chúa Giêsu không dừng lại trong sự biến hình vinh quang sáng láng, Ngài còn phải xuống núi dấn thân hoàn tất con đường thánh giá khổ đau để cứu độ nhân loại. Đây chỉ là một khoảnh khắc hé mở một niềm hy vọng vinh phúc bất diệt.

Cùng hiện diện với Chúa Giêsu, có ông Môsê và tiên tri Êlia và ba Tông đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê đi theo Chúa. Phêrô sung sướng chìm đắm trong nguồn ân sủng cõi thiên đã muốn lưu lại trong cảnh giới thần tiên: “Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: ‘Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người.’” (Mt 17,5). Thiên Chúa Cha đã chứng nhận sứ mệnh cao cả của Chúa Giêsu Cứu Thế. Kinh nghiệm trên núi Taborê là nguồn hy vọng sáng ngời cho các tông đồ và cho chúng ta còn đang lữ hành dưới thế. Chúa Giêsu sẽ dẫn chúng ta qua con đường thập giá tới vinh quang. Chúng ta không thể đi con đường tắt để đạt được triều thiên vinh thắng. Các tông đồ đã xác tín con đường đi theo Chúa.

Trong Mùa Chay Thánh, chúng ta có cơ hội trở về nguồn để suy gẫm sứ vụ của Chúa Kitô. Ngài đã từng bước trải nghiệm những cám dỗ, những đau khổ và vinh quang. Con đường mòn Chúa đã đi loan báo tin mừng không đơn giản, dễ dàng. Cụ thể, Chúa đã phải trèo dốc, vượt đồi, lên non và với đôi chân trần rảo khắp các làng mạc và thành thị. Chúa không chỉ giảng dạy nơi hội đường, nhưng đã rong ruổi khắp chốn quy tụ từng nhóm nhỏ mời gọi sám hối đổi đời, dạy dỗ sự thật về Nước Trời và chữa lành bệnh hoạn tật nguyền cả thân xác và tâm hồn. Trong 3 năm giảng dạy, Chúa đã thi hành sứ vụ từ Galilê, miền Nazareth, qua ngả Samaria và xuống Giuđêa, trọng tâm là Giêrusalem. Khoảng cách từ Bắc xuống Nam rất xa xôi và núi non hiểm trở. Chúa đã tận dụng mọi cơ hội để cải hoá lòng người và uốn nắn trái tim của họ trong tình yêu.

Thánh Phaolô trong thư gửi Timôthêô đã mời gọi sự cộng tác loan truyền Tin Mừng cứu độ: “Con thân mến, con hãy đồng lao cộng tác với Cha vì Tin Mừng, nhờ quyền lực của Thiên Chúa.” (2 Tm 1,8). Phaolô tự nhận là đứa con đẻ non trong ân sủng cứu độ của Chúa, nhưng ông đã hết mình truyền rao chân lý mà ông đã lãnh nhận từ chính Chúa Kitô Phục Sinh. Cho dù đối diện với sự khó khăn, bị xua trừ, bắt bớ, đánh đập, tù đày và ngay cả sự chết, Phaolô vẫn một niềm tin tưởng và cậy trông vào sự sống trường sinh và vinh quang bất diệt mà Chúa Kitô sẽ thưởng ban. Tin Mừng cứu độ đã được tiếp tục truyền rao đến khắp cùng bờ cõi, những ai tin vào Chúa Kitô thì sẽ được lãnh ơn cứu độ.

Chúa Kitô đã đến trần gian và đã hoàn tất sứ vụ của Ngài. Ngài đã chiến thắng sự dữ và thần chết. Lời Tin Mừng của Chúa có uy lực giải thoát và dẫn đường chúng ta bước vào miền đất trường sinh. Chúng ta không còn phải tìm kiếm đâu xa, nhưng hãy trở về múc tận nguồn ơn cứu độ trong niềm tin vào Chúa Kitô, vào Thánh Kinh và đời sống Bí tích của Giáo Hội. Tin Mừng sẽ giải thoát và dẫn dắt chúng ta tới vinh quang sáng ngời. Thánh Phaolô viết: “Nhưng bây giờ mới tỏ bày bằng sự xuất hiện của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, Người đã dùng Tin Mừng tiêu diệt sự chết và chiếu soi sự sống, và sự không hư nát được tỏ rạng.” (2 Tm 1,10). Sự biến hình của Chúa Giêsu là dấu chứng kỳ diệu và là niềm hy vọng tuyệt đối cho mọi kẻ còn đang lữ hành giữa biển đời ô trọc này.

Lạy Chúa, vinh quang của Chúa chói lòa. Chúa là ánh sáng chiếu dọi vào thế gian u tối. Xin cho chúng con biết dõi theo ánh sáng của Chúa để tìm về nguồn an lạc và nguồn sống vinh phúc trường sinh.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Sự công chính

Sự công chính

Truyện kể: Có thánh lễ an táng trong khu phố. Mọi người trong xóm đạo đều có mặt. Cha xứ có công truyện phải vắng mặt vào ngày đó, nhưng cha rất vui lòng vì có cha phó sẽ cử hành thánh lễ an táng. Cha phó là người dễ dãi và nhạy bén, cảm tình. Khi chiều đến, cha xứ trở về hỏi han xem lễ an táng diễn tiến thế nào? Cha phó trả lời:

– Mọi sự tốt đẹp, không có vấn đề gì cả. Đông người tham dự, nhưng cũng có một vấn đề nho nhỏ. Vấn đề gì thế? Bà Robinson có mặt tại lễ an táng và như cha biết bà là người Tin Lành.

– Oh, không có vấn đề, vì tôi cũng mong có bà hiện diện ở đó vì bà là bạn thân của gia đình đó mà.

– Nhưng bà ta đã xếp vào hàng đi lên rước lễ.

Cha xứ vội ngồi xuống ghế và với vẻ mặt lo lắng bồn chồn. Cha giật nẩy mình hỏi:

– Điều gì đã xảy ra?

– Bà ta xếp hàng lên rước lễ và chỉ còn cách có hai người nữa thì con mới nhìn thấy bà ta.

Cha xứ hỏi dồn: Kể tiếp, kể tiếp và cha đã nghĩ gì và làm gì?

– Con không biết phải làm sao nữa, nhưng con phải quyết định nhanh. Con quyết định ngay rằng con nên làm điều mà con tin Chúa Giêsu sẽ làm.

– Oh, không, lạy Chúa tôi, chắc là cha đã không làm điều đó chứ!

Khi mở mắt đón chào một ngày mới, mỗi người chúng ta đều có quyền chọn lựa cho mình một thái độ sống vui hay buồn. Nếu chọn sống vui, chúng ta sẽ có một ngày vui tươi an lạc. Chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận mọi trạng huống xảy đến, dù thuận lợi hay không thuận lợi. Đối diện với cuộc sống hằng ngày, chọn lựa thái độ sống là cần thiết, như tác giả sách Đức Huấn Ca đã viết: Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ, họ thích thứ nào thì được thứ ấy (Hc 15,17). Sự lành hay sự dữ, mong ước thứ nào sẽ được thứ ấy. Vì sự tốt lành mà chúng ta nhìn thấy nơi người khác, thì cũng ẩn hiện trong chúng ta. Những lỗi lầm chúng ta nhìn thấy nơi người khác, cũng là lỗi lầm của chúng ta. Những khả thể chúng ta nhận biết nơi người khác, thì cũng khả thể nơi mình. Nhận biết sự tốt đẹp chung quanh, cũng chính là sự tốt đẹp của chúng ta.

Thế giới chung quanh là một sự phản ánh, giống như chiếc gương phản chiếu khuôn mặt của chúng ta. Để thay đổi thế giới quanh ta, chúng ta phải thay đổi chính mình trước. Khi chúng ta than phiền hay càm ràm, thì chỉ làm cho vấn đề thêm rắc rối và tồi tệ hơn. Bất cứ điều gì chúng ta quan tâm, đó là trách nhiệm của chúng ta. Điều chúng ta nhìn thấy nơi người khác thì cũng xuất hiện nơi con người chúng ta. Nhìn thấy cái tốt nơi người khác và chúng ta cũng trở nên tốt. Những gia sản mà chúng ta chia sẻ cho người khác, là chúng ta đang cho chính mình. Ước mong sự tốt lành và chúng ta sẽ được tốt lành. Yêu và chúng ta sẽ được yêu. Tìm học hỏi và chúng ta sẽ được hiểu biết. Lắng nghe và lời của chúng ta sẽ được lắng nghe. Chúng ta nhìn vào gương với khuôn mặt rạng rỡ, chúng ta sẽ vui mừng vì cùng khuôn mặt vui tươi đang nhìn lại mình.

Thiên Chúa truyền dạy chúng ta hãy tránh điều ác và thực hành điều thiện: “Người không truyền dạy cho ai làm điều gian ác và không cho phép một ai phạm tội.” (Hc 15,20). Con người yếu đuối hay hướng chiều về đàng xấu và thích tìm thoả mãn những đòi hỏi của bản năng thấp hèn. Chúng ta biết rằng thả dốc thì dễ dàng và để thuyền trôi xuôi theo dòng thì nhẹ nhàng thoải mái, không cần phải gắng sức chèo chống. Sống thỏa mãn theo các đòi hỏi của nhu cầu bản năng tự nhiên xem ra không khó. Các loài thú vật luôn sống theo bản năng: Đói tìm ăn, khát tìm uống và đến mùa, đến ngày đi tìm thỏa mãn nhu cầu tính dục tự nhiên. Con người thì cao trọng hơn con vật bội phần. Tuy rằng con người vẫn còn thú tính, nên đôi khi cũng lạc bước tìm thoả mãn các thú vui. Con người có trí khôn, tự do và ý chí. Nhờ có trí khôn, con người đã có những bước tiến nhảy vọt cả về đời sống tâm linh, về luân lý đạo đức và khoa học kỹ thuật.

Trải qua lịch sử ngàn năm, con người đã cố gắng góp nhặt và hệ thống hoá những tư tưởng, suy tư, chiêm niệm và tu thân để đi tìm chân lý. Sự khám phá tâm linh thì như đi vào một cõi vô định, tâm trí của con người chìm sâu vào các bí nhiệm và huyền nhiệm. Hành trình đi vào nội tâm sâu thẳm, tự con người vẫn chưa tìm được ngõ ra. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Corintô đã khai mở một cửa ngõ: “Nhưng chúng tôi thuyết sự khôn ngoan đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa, vẫn được giấu kín, mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn thuở, để làm nên sự hiển vinh của chúng tôi.” (1 Cr 2,7). Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, đã mạc khải mầu nhiệm cao siêu của Nước Trời qua chính Con Một là Chúa Giêsu Kitô. Ngài là trưởng tử và trung gian của vạn vật. Phaolô đã diễn tả: “Nhưng chúng tôi rao giảng như lời đã chép: Sự mắt chưa từng thấy và tai chưa từng nghe, và lòng người cũng chưa từng mơ ước tới, đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm ra cho những ai yêu mến Người.” (1 Cr 2,9). Tình yêu là tất cả.

Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã gom trọn những lỗi lầm mà con người thường hay ngã phạm, cả trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Những tội về giết người, phẫn nộ, chửi rủa anh em là ngốc, là khùng, tội ước muốn điều tà dâm, gây dịp tội của con mắt và của tay chân, tội ngoại tình, tội bỏ vạ cáo gian và thề gian dối… Chúng ta biết các cám dỗ về đàng tội, luôn rình chờ sự sơ hở của ý chí chọn lựa trong mọi nơi và mọi lúc. Khi chúng ta thiếu tỉnh thức, các dịp tội sẽ xâm nhập vào tâm trí một cách rất tinh tế và nhẹ nhàng tưởng như vô thưởng vô phạt. Chúa Giêsu cảnh tỉnh: “Vậy Thầy bảo cho anh em biết, nếu các con không ăn ở công chính hơn các kinh sư và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.” (Mt 5,20). Chúa Kitô thấu tỏ tấm lòng của các vị lãnh đạo tôn giáo, vì lời nói của họ không đi đôi với việc làm. Họ trang sức bên ngoài với lễ phục tươm tất gọn gàng nhưng trong lòng chứa đầy những ý tà và sự gian dối. Chúa mời gọi chúng ta sống công chính không chỉ trước mặt người đời, nhưng là trước mặt Thiên Chúa.

Một trong những lỗi lầm mà chúng ta thường hay phạm nhất là sự nói dối. Đôi khi chúng ta muốn nói dối để tránh tội và chối tội vì sợ bị vạ lây. Có khi nói gian hay chứng dối để được thêm lợi lộc tiền của. Khi tiền đề câu truyện là sự nói dối, chúng ta cứ phải nói dối tiếp để bịa thêm truyện. Cứ thế, càng nói dối càng xa sự thật. Chúa nhắc nhở chúng ta: “Nhưng lời nói của các con phải là: Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt truyện là bởi ma quỷ mà ra.” (Mt 5,37). Lòng con người sâu thẳm, chẳng mấy ai có thể dò thấu. Ở đời, người ta có thể dùng ảnh hưởng quyền lực và tiền bạc để che giấu sự thật, nhưng không thể lừa dối lương tâm. Chỉ có sự thật mới có thể giải thoát và làm sáng tỏ mọi vấn đề. Hằng ngày, qua truyền thông báo chí, chúng ta biết có rất nhiều câu truyện gian dối và lừa đảo đã bị phát giác và bại lộ. Mỗi người hãy tự cảnh tỉnh lương tâm của mình qua công ăn việc làm, qua lời ăn tiếng nói, qua việc khai báo bản thân và qua việc hành xử trong cuộc sống. Hãy luôn nhớ, có thì nói có, không thì nói không.

Lạy Chúa, Chúa Giêsu phán: Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Xin cho chúng con biết dõi theo lối bước của Chúa để chúng con sống như con cái sự sáng giữa ban ngày. Chúng con sẽ suy nghĩ sự thật, phát biểu sự thật và luôn sống trong sự thật.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng