Lễ Đức Mẹ Dâng Con Trong Đền Thánh

Lễ Đức Mẹ Dâng Con Trong Đền Thánh

presentation_of_the_lord

Kể từ cuối thế kỷ IV, Giáo hội Gierusalem đã mừng kính lễ này, hướng tới việc dâng Chúa Giêsu vào đền thánh và việc thanh tẩy Đức Trinh Nữ. Giáo hội Hy Lạp và Milanô kể lễ này vào một số lễ trọng kính Chúa, một nghi lễ chính trong năm. Giáo hội Roma lại thường kể lễ này vào số các lễ Đức Trinh Nữ.

Trong thông điệp về lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, Đức Phaolô VI viết : "Lễ mùng 2 tháng 2, được cải tên là lễ "dâng Chúa vào đền thánh", cũng cần nhắc nhở để hưởng nguồn phong phú lớn lao của ân sủng Chúa Giêsu và Maria đi song song. Đức Kitô thực hiện mầu nhiệm cứu độ. Maria mật thiết kết hợp với Chúa chịu khổ hình, để thực hiện một sứ mạng vừa thuộc về Dân Chúa của Cựu ước, vừa là hình ảnh của Dân Tân ước luôn luôn vị bắt bớ gian khổ, thử thách đức tin và lòng trông cậy" (Lc 2,21-35) (Marialis Cultur, số 7b).

Sự kiện dâng Chúa Giêsu vào đền thánh và thánh tẩy Đức Trinh Nữ đã được thánh sử Luca ghi lại (Lc 2,22-39). Sự kiện này nhằm thực hiện những lề luật đã được ghi rõ trong Cựu ước (Lv 12,8). Theo luật Môisê, phụ nữ sau khi sanh con thì bị coi là nhơ uế trong 40 ngày nếu sinh con trai và trong 80 này nếu sinh con gái. Trong những ngày ấy họ không được vào đền thờ và không được chạm đến vật dụng nào đã thánh hiến cho Thiên Chúa.

Hết những ngày kiêng cữ trên, họ đến đền thờ để được thanh tẩy. Họ phải mang theo một con chiên nếu là nhà giàu hay hai con chim gáy hoặc bồ câu non làm của lễ. Ngoài ra để ghi nhớ dịp vượt qua đất Ai cập. Lúc các con đầu lòng của loài người hay là của loài vật đều phải dâng cho Thiên Chúa (Xh 13,2). Vậy, trung tín với lề luật, Đức Maria và thánh Giuse "khi đã đầy ngày, lúc phải làm lễ tẩy uế cho các đấng theo luật Môsê, thì ông bà đem hài nhi lên Giêrusalem tiến dâng cho Chúa" và các Ngài "dâng làm lễ tế một cặp chim gáy hay hai con bồ câu" (Lc 2,22-24).

Như vậy sự kiện dâng Chúa Giêsu vào đền thánh diễn ra một cách bình thường dưới mắt người đời. Nhưng trong lịch sử cứu độ, đây là việc thực hiện lời tiên báo của tiên tri Malaki: "Thình lình sẽ đến nơi đền thờ của Người, vị Chúa tể mà các ngươi đòi hỏi, và thần sứ giao ước mà các ngươi ước nguyện, này vị ấy đến" (Ml 3,1). Chúa đã đến trong đền thờ Người. Bao nhiêu người đã ngóng chờ biến cố cứu độ này. Nhưng như chính tiên tri Malaki trước tự hỏi: "Ai chịu đựng nổi ngày Người đến ? Ai đứng vững được khi Người hiện ra ?" (Ml 3,2).

Dĩ nhiên khó ai nhận biết được Thiên Chúa, bởi vì Ngài đã mặc lấy vóc dáng con người như chúng ta. Phải có sự soi sáng của Thánh Thần mới biết được. Siméon và Anna là những người công chính và mộ đạo đã được hường đặc ân này. Được linh cảm, Siméon "đến đền thờ, khi cha mẹ bồng hài nhi Giêsu đến để làm theo điều lề luật dạy về Người" (Lc 2,27).

Ẵm lấy Hài nhi trên tay, Siméon đã chúc tụng Chúa và nói:

"Mắt tôi đã thấy ơn Người cứu độ,

Người đã dọn sẵn trước mặt muôn dân,

Anh sáng mạc khải cho dân ngoại

và vinh quang của Israel dân Người" (Lc 2,30-32)

Còn nữ tiên tri Anna, "không rời khỏi đền thánh, thờ Chúa đêm ngày trong chay kiêng và cầu nguyện. Vào giờ ấy, bà đã đến bên tán tạ Thiên Chúa và bà đã nói về Ngài cho mọi kẻ ngóng đợi phúc cứu chuộc của Gierusalem" (Lc 37-38).

Ngày lễ Dâng Chúa Giêsu vào đền thánh còn được gọi là lễ Nến. Hôm nay Giáo hội làm phép những cây nến và phân phát cho giáo dân. Cầm nến sáng trong tay và tiến vào thánh đường, mọi người lặp lại Thánh Ca mà tiên tri Siméon đã hát khi Đức Mẹ và thánh Giuse dâng Chúa Giêsu vào đền thánh. Chúa Giêsu quả là ánh sáng muôn dân, dẫn lối chúng ta vào trong cung điện Người. Những "cây nến phép" này sẽ được cất giữ trong các gia đình để dùng vào dịp lãnh các bí tích sau hết hay để thắp bên thi hài người quá cố trong gia đình.

Hãy ký thác đường đời cho Chúa (thánh lễ Mồng Một Tết)

Hãy ký thác đường đời cho Chúa (thánh lễ Mồng Một Tết)

SUY NIỆM THÁNH LỄ MỒNG MỘT TẾT NĂM GIÁP NGỌ
Mt 6, 25-34

“Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”

Chúng ta vừa bước sang Năm Mới, năm Giáp Ngọ. Quý Tỵ qua đi, Giáp Ngọ đã đến. Rắn Quý Tỵ  đã bàn giao cho Ngựa Giáp Ngọ.

Ngựa là loài động vật được con người quan tâm đến nhiều nhất vì những đóng góp to lớn trong việc mưu sinh và sự phát triển của con người. Trong thời bình ngựa giúp chúng ta cày bừa, chuyên chở hàng hóa, kéo xe, chở người, chuyển nhanh những thư tín, công văn đến nơi cần đến, vì ngựa là phương tiện di chuyển nhanh nhất thời bấy giờ và tạo những niềm vui cho công chúng như đua ngựa, đi săn, cưỡi ngựa thi bắn tên, làm xiếc thú. Ngựa còn cho ta thịt để ăn và cúng tế, xương nấu cao ngựa làm thuốc, giúp các nhà y học chế ra các loại huyết thanh trị bệnh, huyết thanh chống nọc rắn đã cứu sống vô vàn người bệnh. Ngựa là vật thường được dùng nhiều nhất trong các cuộc chiến tranh, càng được nổi tiếng nhiều hơn vì những công lao của ngựa gắn liền với những chiến công hiển hách của con người. Ngựa được sử dụng trong các đội kỵ binh, khinh binh, thám mã, truyền tin, tải lương, tải đạn, tải thương, kéo pháo. Ngựa thì có ngựa thồ, ngựa kéo xe và ngựa dùng để cưỡi, loại ngựa cưỡi có con đi mỗi ngày vài trăm km nên được gọi là thiên lý mã.  Ngựa có ngựa bạch, ngựa ô, ngựa hồng, ngựa tía, ngựa vằn, ngựa xám, ngựa đỏ (Xích Thố mã)…

Việt Nam ta trong ca dao, tục ngữ và thành ngữ, người ta nói nhiều đến Ngựa, dùng Ngựa để ví von. Chẳng hạn như khi bàn về sự thẳng thắn thì nói : “Thẳng như ruột Ngựa”; về sự bất lương: “Đầu Trâu, mặt Ngựa”; về tình đoàn kết: “Một con Ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”; về sự phú quý: “Lên Voi, xuống Ngựa”; về sự không trung thành: “Thay Ngựa, đổi chủ”; về sự tham lam: “Được đầu Voi, đòi đầu Ngựa”; khi nói về sự bền chí Ngạn ngữ Pháp có câu : “Muốn đi xa phải giữ sức Ngựa” ; về sự lãnh đạo: “Cầm cương, nảy mực”; về sự cẩn trọng: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (một lời nói ra, bốn Ngựa đuổi không kịp)…

Cho dù Năm Ngựa hay trâu thì cả tháng nay, mọi người đã sửa soạn ăn Tết, ngày Tết, ai cũng có cái cảm tưởng là có cái gì mới vì ai cũng dùng chữ năm mới. Năm mới mọi cái đều phải mới.

Từ mấy hôm nay, chúng ta đã đi chúc tết nhau, thường người dướt tết người trên : con cháu tết ông bà cha mẹ, em tết anh chị, công nhân viên tết thủ trưởng. Kèm theo món quà, tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo, lại có những lời chúc thật tốt đẹp cho Năm Mới. 

Ngày Tết, người ta chúc mừng nhau:                           

. Phúc, lộc, thọ.
. Phú, qúi, thọ, khang, ninh.
. Đa tử, đa tôn, đa phú qúi.
. Thăng quan tiến chức
. Buôn may bán đắt, nhất bán vạn lợi, một vốn bốn lời.

Đối với các cha chúng ta thường chúc:

. Thánh thiện,
. Khôn ngoan,
. Khỏe mạnh.
 

Thi sĩ Trần tế Xương lại chúc :

Bắt chước ai ta chúc mấy lời :
Chúc ai sống ra cái con người.

Người Việt Nam còn có tục xông nhà, xông đất các gia chủ mong có người hiền, nhanh nhẹn, tử tế đến xông nhà đầu tiên để gia đình có người tốt đặt chân trước nhất sẽ gặp những điều mới, điều tốt lành trong năm mới. Tựu chung lại là mong có được mọi sự may mắn tốt lành.

Những câu chúc mà chúng ta trao cho nhau trong những ngày đầu xuân. Tất cả đều muốn hướng về một tiền đồ thật sáng lạn trong tương lai, đi kèm với một đời sống vật chất thật phong phú. Xem ra, tất cả đều hướng về những của cải chóng qua đời này và những thành quả chỉ dừng lại ở trần thế. Chúa mới chính là gia nghiệp, là cùng đích mà con người cần phải kiếm tìm và đó cũng chính là sự tồn tại của con người.

“Các con chớ áy náy về ngày mai”. Chúa luôn muốn mọi người nghĩ đến cùng đích của cuộc sống mình. Tương lai mỗi người đều nằm trong tay quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa.Với tình thương và lòng nhân hậu của Ngài, chúng ta luôn tin tưởng và phó thác, bởi Ngài là người Cha luôn muốn những điều tốt nhất cho con cái. Lo lắng, bận rộn, tất bật làm việc để tích luỹ và để bảo đảm cho tương lai..tất cả đều tốt và cần thiết, nhưng cũng nên nhớ một điều “nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”.Hãy làm tốt bao nhiêu có thể, những bổn phận và trách nhiệm của mình, phần còn lại hãy phó thác trong tay quan phòng của Thiên Chúa.Ngài sẽ hoàn tất những gì còn lại

Người Kitô hữu cũng có tập tục, truyền thống rất quí là dâng ngày đầu năm cho Thiên Chúa. Dâng những giây phút đầu của một năm, người Kitô hữu mong Chúa đổi mới và chúc lành cho năm mới. Ngay ca nhập lễ thánh lễ minh niên đã viết:” Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài”( Tv 66, 2-3 ).

Từ cái giây phút linh thiêng khi trời đất giao hòa, năm cũ bàn giao cho năm mới. Chúng ta họp nhau đâu để cầu xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn vàn ơn phúc cho năm mới qua những lời chúng ta đã muốn cầu chúc cho nhau sức khỏe, điều lành, điều tốt. Và chính ngay lúc khởi đầu của những ngày mới, chúng ta quả đã muốn mọi sự cũ phải được qua đi, cái mới, cái đẹp phải loé rạng, tỏa sáng. Vậy thì trong thánh lễ tân niên nay, chúng ta hãy đặt tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa. Bởi tất cả mọi sự đều do Chúa, đều bởi Ngài như lời thánh vịnh viết: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”.

Ngựa được đưa vào 12 con giáp : Tý (Chuột), Sửu (Trâu), Dần (Cọp), Mẹo (Mèo), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó), Hợi (Heo). Nếu ghép vào can – chi thì sẽ có các năm Giáp Ngọ, Bính Ngọ, Mậu Ngọ, Canh Ngọ và Nhâm Ngọ. Ngọ thuộc cực dương vì 12 giờ trưa là giờ Ngọ, tháng 6 là tháng Ngọ cây cối phát  triển nhanh.

Người tuổi Ngọ rất tự tin, khá thông minh, tính phóng khoáng, sôi nối, nhiệt tình, tự do ứng biến tốt, thích những công việc có tính thay đổi, tự do; ít chịu gò bó… Vì thông minh nên thành công cũng nhiều nhưng vì thích tự do nên công việc thường bấp bênh và thất bại cũng lắm.

Tết con Ngựa đã đến. Hy vọng Năm Mới Giáp Ngọ sẽ có nhiều đổi mới để con người, tổ quốc và Giáo hội Việt Nam được phát triển nhanh hơn.

Cầu chúc mọi người Năm Mới nhiều sức khỏe, khang an thịnh vượng, phát đạt, thăng tiến về tinh thần cũng như vật chất nhờ hồng ân Thiên Chúa tặng ban. Amen.

Linh mục Antôn Nguyễn Văn Độ

Ngày Mồng hai Tết: Sống Chữ Hiếu

Ngày Mồng hai Tết: Sống Chữ Hiếu

Xin Chúa xuân chúc lành cho những ngày sum họp gia đình được đằm thắm yêu thương.

Chuyện xảy ra ở hành lang một bệnh viện. Cô con dâu nhăn mặt nói với chồng: “Ở nhà đủ thứ phải lo, làm sao mà vô trong đây hầu ba được? Anh nói cô Năm hay cô Bảy ở không thì chia nhau vô chăm sóc ba”. Anh con trai chưa kịp trả lời thì có lẽ cô Năm hay cô Bảy gì đó đã cong môi phản đối: “Tui cũng có đủ thứ chuyện để lo chứ bộ, quên tui đi”. Một cậu con trai khác cau cau lông mày: “Nói chung là ai cũng bận hết, với lại ba mắc bệnh lây nhiễm, vô hầu ba rồi lỡ bị lây thì làm sao?”. Cô con dâu trưởng phán một câu: “Thôi khỏi bàn tán gì hết, mướn người nuôi là xong chuyện”.

Tất nhiên sau đó, sự việc xảy ra đúng như hoạch định của họ. Một phụ nữ khỏe mạnh, có dáng vẻ nông dân đang nuôi một người bệnh nằm giường bên cạnh ông cụ đã chủ động đề nghị nuôi bệnh cho ông cụ luôn. Công việc tỉ mỉ, cần sự chu đáo, từ việc cho uống sữa, uống thuốc đến thay quần áo, lau người, nhưng chị vẫn làm với sự chăm chút, không để lộ bất cứ thái độ ghê tởm nào, lại còn có vẻ hiền hậu, dịu dàng như con đối với cha mẹ.

Trong lúc ấy, có lẽ yên tâm vì cha đã có người chăm sóc, đám con trai, con gái, dâu, rể hơn một chục người của ông cụ thỉnh thoảng mới lượn qua như một luồng gió nhẹ. Tiếc thay, sự chăm chút của chị phụ nữ không kéo dài bao lâu, chỉ hơn một tuần sau là ông cụ đã qua đời. Con cái, cháu chắt ông kéo vào mới đông chứ. Họ khóc lóc khá ồn ào nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy việc khâm liệm ông cụ, và ở hành lang lại xảy ra một cuộc cãi vã xem người nào phải chi nhiều nhất cho đám tang ?… Anh con trai trưởng cầm một xấp tiền đến trả cho chị phụ nữ đã nuôi bệnh cha mình. Hai mắt đỏ hoe, chị trả lời: “Tôi nuôi cụ ấy vì thấy xót xa cho cụ có lắm con nhiều cháu mà chẳng ai đoái hoài, chứ tôi có làm cái nghề này đâu mà lấy tiền?”.

Đám người đang khóc mếu, cãi nhau… đột nhiên im bặt. Rồi từng người một lẻn ra ngoài…

Đúng là “một mẹ nuôi được 10 con nhưng 10 con lại không nuôi được một mẹ”. Cho dù câu ca dao xưa dạy rằng:

Đói lòng ăn hột chà là

Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng

Thế nhưng, lời dạy ấy dường như chỉ dừng lại nơi môi miệng mà rất khó mang ra thực hành. Dẫu biết rằng đi khắp thế gian cũng không có tình nghĩa nào cao sâu cho bằng tình cha tình mẹ yêu con. Dẫu biết rằng không ở đâu có tình yêu chân thành cao cả như tình cha mẹ yêu con.

Con đi khắp vạn nẻo đường

Giờ con mới hiểu tình thương mẹ hiền

Người con yêu quý nhất trên đời

Chính là mẹ đó tuyệt vời tình sâu

Ngày xuân con cái sum vầy bên cha mẹ không chỉ để nhận phong bao lì xì hay chỉ để kính biếu các ngài đồng quà tấm bánh mà quan yếu là để nhận sự chúc lành của các ngài, để nói lời cám ơn các ngài và tỏ tâm tình tri ân về tình yêu thẳm sâu mà các ngài dành cho con cháu. Ngày xuân là dịp để con cháu thổ lộ chữ hiếu dành cho các bậc sinh thành. Đây là dịp để nói lên tấm lòng chân tình tri ân dâng lên bậc sinh thành:

Tạ ơn cha đã cho con nhìn thấy

Núi rất cao và biển rất tuyệt vời

Tạ ơn mẹ, đã cho con hơi thở

Và trái tim nhân ái làm người

Đây là dịp con cái biểu lộ chữ hiếu qua những hành vi không chỉ dâng hương kính bậc tổ tiên mà còn khiêm cung cúi mình kính lạy các bậc sinh thành.

Lạy thứ nhất con kính mừng tuổi mẹ

Phong sắc hồng hào tâm thể khang an

Những lo toan cơm áo chẳng dễ dàng

Nên quá ít thời gian hầu cận mẹ

Lạy thứ hai xin tạ lòng trời bể

Ơn sinh thành dưỡng dục kể sao khuây

Mỗi lần xuân con cháu tụ về đây

Mừng tuổi mẹ kính dâng thêm một tay

Như thế, mùa xuân còn là mùa của đoàn tụ, của sum họp. Mùa xuân không chỉ có không gian rạng ngời mà lòng người cũng tràn ngập niềm vui vì có nghĩa tình đằm thắm của tình cha mẹ, ông bà, anh em một nhà sum vầy bên nhau. Ước chi mùa xuân mãi ở lại đây để tình nghĩa gia đình mãi hòa hợp  yêu thương, để con cháu mãi sum vầy bên cha mẹ và anh em hòa hợp bên nhau.

Xin Chúa làm chủ thời gian ban cho nhân gian một mùa xuân hạnh phúc sum vầy bên nhau. Xin Chúa xuân chúc lành cho những ngày sum họp gia đình được đằm thắm yêu thương. Amen

LM Jos. Tạ Duy Truyền

Ngày Mồng Một Tết: Xuân Xưa và nay

Ngày Mồng Một Tết: Xuân Xưa và nay

Ngày đầu xuân, chúng ta cám ơn Thiên Chúa đã ban cho một Mùa Xuân với bao hương tình nồng ấm.

Mùa xuân, là mùa của hội hè, của đoàn tụ, của vui chơi. Mùa xuân với không gian rộng mở để đón ánh nắng xuân, để hòa nhịp với gió xuân. Mùa xuân ai cũng muốn trải lòng mình với không gian. Ai cũng muốn hòa chung nhịp với vạn vật để trẩy hội mùa xuân. Thế nên, Mùa xuân ở đâu cũng có đám có hội. Nơi nơi đều có những hội hè, ca hát như câu thơ xưa đã diễn tả:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

Mẹ bảo “Thôn Đoài hát tối nay”

Mùa xuân còn gợi cho chúng ta những phong tục tập quán đã ăn sâu vào nếp sống của người dân Việt. Xuân về những phong tục tập quán của phong bao giấy đỏ, của chợ tết, của hội hè mừng xuân dường như luôn được hiện tại hóa trong mỗi dịp xuân về.  Bầu khí ngày xuân thật ấm cúng linh thiêng như bài thơ “Tết của mẹ tôi” đã diễn tả:

“… Mẹ tôi gọi cả các em tôi

đến bên mà dặn :” sáng ngày mai

các con phải dạy cho thật sớm

đầu năm năm mới phải lanh trai

mặc quần mặc áo lên trên nhà

thắp hương thắp nến lễ ông bà

chớ có cãi nhau chớ có quấy đánh đổ,

đánh vỡ như người ta

Sáng ngày mồng một sáng tinh sương

Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường

Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi

rửa mặt hoa mùi nước đượm hương

Ngày xuân người ta cũng dũ mọi lo toan thường ngày để sống  thật hoan hỉ, thật vui tươi trong ngày xuân như Nguyễn Bính đã từng nói:

Năm mới vừa sang, năm cũ qua

Tuy nghèo, ta vẫn mến nhà ta.

Chín sào tư thổ là nơi ở,

Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà.

Trước cửa khói dày non khuất bóng,

Bên tường, mưa ít, cúc thưa hoa.

Các con nối chí cha nên biết:

Nghiên bút đừng quên lúa, đậu, cà.

Mùa xuân không chỉ hướng lòng con người đến với nhau trong hội hè, đoàn tụ gia đình hay dòng tộc. Mùa Xuân còn hướng chúng ta đến Đấng tạo thành. Chính Ngài đã làm cho con tạo xoay vần có Xuân – Hạ – Thu – Đông. Chính Ngài đã tô điểm cho mùa xuân thêm rạng ngời với ánh nắng lunh linh, với gió nhè nhẹ lượn quanh người. Ngài là chủ mùa Xuân. Ngài đã ban mùa xuân đến cho nhân trần. Ngài đã chúc phúc cho mùa xuân với biết bao niềm vui của hội hè đình đám. Chính Ngài đã tạo dựng mùa xuân đầu tiên nơi vườn địa đàng để Adam – Eva ngập tràn hạnh phúc yêu thương. Đó là một mùa xuân bất tận. Một mùa xuân trường sinh. Mùa xuân ấy đã kết thúc khi Adam – Eva quay lưng lại với Đấng tạo thành. Vườn xuân cũng khép lại. Cỏ dại và sự dữ đã đi vào trần gian.

Thế nên, hướng về mùa xuân con người được mời gọi giữ mãi mùa xuân trong lòng mình. Một mùa xuân ngập tràn niềm vui hạnh phúc khi con người sống trong ân nghĩa với Đấng tạo thành. Một mùa xuân ngập tràn yêu thương khi con người sống hòa thuận với nhau, tránh xa những đố kỵ ghen tương và cùng nhau xây dựng hòa bình. Đó chính là cách chúng ta gìn giữ mùa xuân trong cuộc đời chúng ta. Đừng như Adam đã đánh mất mùa xuân khi phạm tội quay lưng lại với Đấng tạo thành.

Hôm nay ngày đầu xuân chúng ta cũng cám ơn Ngài đã ban cho một Mùa Xuân với bao hương tình nồng ấm. Cám ơn Ngài đã dẵn dắt cuộc đời chúng ta đi qua những thăng trầm của giòng đời. Một giòng đời có xen lẫn buồn vui sướng khổ. Có nước mắt và nụ cười nhưng bàn tay quan phòng của Đấng tạo hóa luôn làm chủ mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời con người. Đồng thời cũng phó dâng lên Ngài một năm mới vừa mới bắt đầu. Xin Ngài lì xì cho một năm mới thuận buồm xuôi gió, vạn sự như ý. Một năm mới “mã đáo thành công” với bao hạnh phúc trong cuộc đời. Xin Ngài làm chủ cuộc sống của chúng ta hôm nay và mãi mãi.

Ước gì mùa xuân mãi ở lại đây trong tâm hồn chúng ta khi có Chúa đồng hành, khi trung thành với giáo huấn của Chúa. Ước gì cuộc đời chúng ta luôn tươi trẻ vì có Chúa Xuân hiện diện chúc phúc cho cuộc đời chúng ta. Amen

LM Joseph Tạ Duy Truyền

Mồng Một Tết – Hiếu thảo với Cha trên trời (Mt 6, 25-34)

Mồng Một Tết – Hiếu thảo với Cha trên trời (Mt 6, 25-34)

Qua năm mới nầy, xin Cha khai tâm mở trí để chúng con hiểu biết Cha hơn, yêu mến Cha hơn.

Bài Tin Mừng thánh Mát-thêu được trích đọc trong Thánh Lễ Mồng Một tết nầy gửi đến chúng ta hai sứ điệp rất quan trọng.

Thứ nhất: Thiên Chúa là Cha rất tốt lành của chúng ta,

Thứ hai: Ngài hằng yêu thương chăm sóc chúng ta.

Đây là hai sứ điệp liên quan đến hạnh phúc mọi người, nhưng tiếc thay, chỉ có rất ít người tin tưởng và đón nhận.

Trước hết, chúng ta tìm hiểu sứ điệp thứ nhất:

Thiên Chúa là Cha thật của chúng ta.

Nhiều người không chấp nhận Thiên Chúa là Cha sinh ra mình vì họ nghĩ rằng cha mẹ trong gia đình mới thực sự sinh ra họ.

Tuy nhiên, tự sức riêng, người cha người mẹ không thể sinh được một con ruồi, một con muỗi thì làm gì sinh được một đứa con là một kiệt tác tuyệt vời gấp trăm lần ruồi muỗi.

Ngay cả khi người mẹ bị hư một con mắt, người mẹ không thể “đẻ” ra một con mắt khác để thay cho con mắt bị hư.

Khi người mẹ bị hỏng một móng tay, người mẹ cũng không thể “sinh” ra một móng tay khác để thay thế cho móng tay hư.

Một con mắt, một ngón tay mà người mẹ không sinh được, không tạo ra được, thì làm sao mà bà có thể sinh nguyên cả một con người!

Người mẹ sinh được một đứa con chủ yếu là do Chúa.

Như người thợ làm bánh mì trộn men vào bột, nhồi bột cho dậy men, nắn nên từng chiếc bánh, đút bánh vào lò và cho bánh ra lò như thế nào thì Thiên Chúa cũng nhào nặn nên từng người chúng ta trong lòng mẹ rồi sau 9 tháng 10 ngày cho chúng ta ra đời như thế.

Chiếc bánh từ lò nướng xuất ra nhưng không phải lò nướng tạo nên chiếc bánh mà là do người thợ bánh. Cũng thế, đứa con từ lòng mẹ xuất ra nhưng không phải do người mẹ tự sức mình sinh được đứa con mà là do Chúa tác thành.

Không có Chúa tác tạo thì không có người cha người mẹ nào có thể sinh con được.

Chúa sinh chúng ta ra đời nên Chúa thực sự là Cha của chúng ta.

Sứ điệp thứ hai: Thiên Chúa yêu thương chăm lo cho chúng ta.

Không chỉ sinh ra chúng ta mà thôi, Thiên Chúa  còn nuôi chúng ta nữa.

Có người bảo: Tôi tự kiếm ăn hằng ngày chứ Chúa có cho tôi bữa nào đâu ?

Ta cần biết rằng dù không dọn cho ta từng bữa cơm, nhưng Chúa vẫn nuôi chúng ta no đủ hằng ngày.

Một người cha khôn ngoan sẽ không cứ đến bữa thì trao cá cho con ăn, bởi vì nếu ngày nào ông cũng làm như thế thì đứa con sẽ cậy dựa vào cha mẹ và sẽ không chịu học tập, lao động, sản xuất nữa. Tội gì phải học hành, phải lao động đang khi ngày nào cũng có sẵn những bữa ăn. Thế là đứa con sẽ trở thành lười biếng, hư hỏng.

Người cha khôn ngoan thì thay vì trao cá cho con ăn từng bữa, ông sẽ trao cho nó một chiếc cần câu. Nhờ sử dụng cần câu nầy, người con có thể kiếm được rất nhiều cá mà không phải ngửa tay xin.

Thiên Chúa là Người Cha khôn ngoan, nên thay vì trao cá cho ta ăn từng bữa, Chúa cho ta chiếc cần câu để kiếm được nhiều lương thực cho mình.

Cần câu ở đây có nghĩa là gì ? Đó là trí tuệ, là tay chân là sức vóc Chúa ban cho chúng ta.

Nhờ trí tuệ Chúa ban, nhờ tay chân và sức lực Chúa ban, người ta có thể tạo nên nhiều lương thực, nhiều của cải, nhiều tiện nghi để nuôi mình và nuôi người khác.

Nhìn xem dân Singapore. Đất nước họ rất nhỏ bé, tài nguyên thì khan hiếm, không có ruộng vườn, không có đất màu, nước cũng không đủ uống, phải nhập khẩu nước uống từ các nước láng giềng. Thế mà nhờ biết sử dụng cách khôn khéo đầu óc và đôi tay Chúa ban, (tức là chiếc cần câu Chúa ban) họ đã tạo ra rất nhiều của cải, trở thành nước có thu nhập đầu người cao nhất thế giới.

Hơn nữa, khi chúng ta đáng phải chết vì tội lỗi của mình, Thiên Chúa  còn cho Con một Ngài xuống thế nộp mình đền tội thay cho chúng ta.

Chúa sinh ra chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta, yêu thương bao bọc chúng ta, chết thay cho chúng ta, lẽ nào chúng ta không nhận Ngài là Cha chúng ta, lẽ nào chúng ta không yêu mến tôn thờ Ngài.

Để giúp chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Cha và sống thân mật với Cha trên trời, Chúa Giê-su dạy chúng ta gọi Thiên Chúa bằng tiếng Áp-ba. Áp-ba là tiếng của trẻ thơ Do-thái âu yếm gọi cha của mình, dịch ra tiếng Việt là Bố ơi,  Ba ơi !

Khi dạy ta gọi Thiên Chúa bằng Ba, Bố… Thiên Chúa muốn chúng ta nhìn nhận Ngài là Người Cha yêu quý trong gia đình và Ngài nhìn nhận chúng ta là đứa con bé bỏng rất đáng yêu trong nhà.

Thế mà dường như lâu nay chúng ta không nhìn nhận Chúa là Cha thật của mình. Chúng ta xem người cha, người mẹ trong gia đình mới thật là mẹ, là cha mẹ; còn Thiên Chúa Cha thì chúng ta không xác tín là Cha, là Mẹ thật của mình, nên chúng ta sống xa cách với Ngài, thậm chí còn gạt bỏ Ngài ra khỏi cuộc đời ta.

Đừng bội bạc với Cha trên trời

Đêm nọ, Thiên Chúa hiện ra (dĩ nhiên là trong giấc mơ) với một người bỏ Chúa lâu năm và Ngài trách anh ta cách nhẹ nhàng:

– Ta là Cha của con, đã sinh ra con, sao con không tưởng gì đến Ta?

Người đó cáu kỉnh đáp :

– Ông sinh ra tôi mặc ông, tôi không cần biết đến ông!

Chúa tiếp:

– Ta ban cho con từng hơi thở, nếu không có không khí Ta ban, làm sao con sống được?

Người đó vẫn bất cần:

– Mặc ông, tôi không cần biết đến ông!

Chúa vẫn kiên nhẫn dìu dắt:

– Ta ban cho con từng hớp nước, không có nước ta ban, làm sao con sống nổi?

Người đó ngoảnh mặt không nhìn vào Chúa và đáp cộc lốc:

– Mặc ông, tôi không cần đếm xỉa đến ông.

Chúa vẫn nhẫn nhục:

– Ta cho con có trí tuệ, có sức khoẻ… như chiếc cần câu để con kiếm sống hằng ngày…

Người đó vội ngắt lời Chúa:

– Mặc ông, tôi bất cần ông !

Chúa tỏ ra vẻ buồn phiền và tiếp:

– Ta cho Con Một của Ta xuống thế chịu khổ nạn, chịu chết thay cho con, đền tội cho con, cứu con khỏi chết muôn đời, chẳng lẽ con không biết điều đó sao ?

Người đó đáp:

– Mặc ông, tôi không thương mến gì ông. Tôi gạt bỏ ông ra khỏi đời tôi. Tôi không thèm đếm xỉa gì đến ông!

Cuối cùng, Chúa hỏi :

– Vậy thì đến khi con từ giã cõi đời nầy, con có cần Ta đón con vào thiên đàng không ?

Bấy giờ người đó đáp :

– Ồ, chuyện đó tính sau. Bao giờ tôi sắp chết thì tôi sẽ quay lại với ông !

Câu chuyện trên đây minh hoạ và phản ánh phần nào tính bội bạc đáng trách của con người đối với Thiên Chúa là Cha đã yêu thương và tạo dựng nên mình.

Có người cả năm trời không đến nhà thờ được một lần để gặp gỡ thân mật Cha trên trời của mình, không mấy khi nhớ đến Cha của mình qua những lời kinh nguyện.

Lạy Cha nhân từ,

Rất nhiều lần Chúa Giê-su khẳng định rằng Cha là Cha nhân lành, là Bố rất thân thương của chúng con, thế mà chúng con vẫn chưa nhìn nhận sự thật nầy nên chúng con sống rất thờ ơ lạnh nhạt với Cha!

Qua năm mới nầy, xin Cha khai tâm mở trí để chúng con hiểu biết Cha hơn, yêu mến Cha hơn, nhờ đó, không còn bội bạc với Cha nữa, nhưng luôn sống đẹp lòng Cha và giữ tròn đạo hiếu với Cha.

Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà

Tất niên 2013: Tại sao phải tạ ơn Chúa

 Tất niên 2013: Tại sao phải tạ ơn Chúa

Trong những ngày cuối năm, chúng ta thấy nhiều công ty, xí nghiệp lớn nhỏ, cũng như các tổ chức đạo – đời, thường ngồi lại với nhau để tổng kết cuối năm, nhằm phát huy cái ưu và khắc phục cái khuyết; đồng thời cũng là dịp để nói lên lời tri ân lẫn nhau.

Hôm nay, người Công Giáo chúng ta cũng quây quần bên nhau, để hồi tâm lại để dâng lên lời tri ân Thiên Chúa.

Chúng ta tạ ơn Chúa vì những ơn lành hồn xác mà chúng ta đã lãnh nhận được trong suốt cả năm qua. Tuy nhiên, chúng ta cũng tạ ơn Chúa ngay cả những điều không hợp với ý ta nữa, nhưng nhờ hồng ân đức tin, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là tình yêu. Người luôn yêu thương và chăm sóc chúng ta mỗi ngày. Cuối cùng, tạ ơn Chúa vì nhờ lời tạ ơn mà chúng ta

1. Tạ ơn Chúa vì những ơn lành Người ban

“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 107, 1). Lời mời gọi đó hướng chúng ta về Thiên Chúa là chủ tể của mọi sự mọi loài. Người là khởi nguyên và cùng đích, Người ban cho chúng ta hơi thở và sự sống. Thật vậy, mỗi ngày sống qua đi, khi đêm về và ban mai thức dạy, ta thấy biết bao nhiêu ơn lành mà Thiên Chúa đổ xuống trên chúng ta. Sách Aica diễn tả thật sâu xa ý nghĩa này khi nói: “Sáng nào Người cũng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Người cao cả biết bao!” (Ac 3, 23). Và như thế, chúng ta chỉ có thể cất cao lời ca tạ ơn Chúa mà thôi, bởi vì: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga, 1, 16). Như vậy: “Ở đâu và lúc nào […] cũng đón nhận những ân huệ ấy với tất cả lòng biết ơn” (Cv 24, 3). Thật vậy, “Xin cảm tạ Thiên Chúa vì phúc lộc khôn tả Người ban!” (2 Cr 9,15); “Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi” (Tv 65,12).

Tuy nhiên, việc tạ ơn Chúa không chỉ dừng lại ở chỗ nhận được nhưng ơn hữu hình: mắt thấy, tai nghe, tay sờ thấy, nhưng trong Thiên Ý nhiệm mầu, chúng ta cũng còn phải tạ ơn Chúa ngay cả những điều ta không thấy và trái với ý muốn của ta nữa.

Tại sao vậy?

2. Tạ ơn Chúa vì những điều ta không thấy và không được như ý

Là những người có niềm tin, chúng ta phải xác tín rằng, Thiên Chúa luôn muốn những điều tốt đẹp nhất cho chúng ta. Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” (Mt 6,26) Còn tại sao chúng ta xin mà không được là vì: có nhiều người trong chúng ta xin Chúa những điều trái khuấy như: xin cho con buôn gian bán lận, đánh cờ bạc, cá độ bóng đá… hoặc xin Chúa cho con đêm nay đi cướp hay ăn chộm được thành công… xin những điều như thế thì Thiên Chúa lẽ nào Người ban cho ta được. Thánh Giacôbê nhắc nhở như sau: "Anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (Gc 4, 3). Những người như thế, thánh Phaolô cũng nói: “Vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội” (Rm 1, 21).

Như vậy, với Thiên Chúa, Người luôn ban những ơn cần thiết để ta được cứu rỗi, Người không ban những điều nguy hại đến phần hồn của chúng ta, mặc dù chúng ta nài nỉ xin Người. Như vậy, chúng ta tin tưởng rằng, Thiên Chúa không thể làm trái với bản chất của Người. Vì: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người” (Mt 7, 7-11).

Nhưng đôi khi, Thiên Chúa không những không ban ơn, Người lại còn sửa dạy để cho chúng ta trở nên tốt hơn nữa. Sách Khôn Ngoan diễn tả thật chí lý: “Chính sự vật Chúa dùng để trừng phạt chúng, lại nên ân huệ cho dân Ngài” (Kn 11,13). Thế nên, chúng ta không thể không tạ ơn Chúa vì Người đã thương yêu chúng ta một cách đặc biệt hơn hết mọi người cha trần gian. Người biết được điều gì nên và không nên ban, vì thế, chúng ta hãy tạ ơn Người vì những ơn chúng ta nhận ra cũng như những ơn chúng ta chưa nhận ra.

Thật vậy, ngay trong nghĩa cử tạ ơn của chúng ta, Thiên Chúa cũng sẽ ban một cách đại lượng gấp ngàn lần tạ ơn của chúng ta, ơn đó là ơn cứu độ.

3. Tạ ơn Chúa sẽ đem lại ơn cứu độ

Thiên Chúa là Đấng toàn năng hằng hữu, nên Người đâu cần đến lời ca tụng của chính loài thụ tạo do chính Người dựng nên. Bởi vì điều đó là điều dư thừa đối với Người, tuy nhiên, khi chúng ta tạ ơn Người thì hệ quả ngược lại. Thật thế, Kinh Tiền Tụng số IV trong Sách Lễ Rôma đã diễn tả: “Thật ra, Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời”. Đức Giêsu cũng đã nói: "Tôi nói cho các ngươi hay: phàm ai đã có thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi" (Lc 19, 26). Vì thế, “ơn lại thêm ơn” nên việc tạ ơn Chúa là việc cần để được cứu độ.

4 Sự thật về lòng biết ơn nơi con người

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều khi chúng ta quên mất nghĩa cử tạ ơn mà thường thì chỉ tập trung vào việc xin ơn mà thôi. Có khi hứa với Chúa đủ điều, nhưng khi xong việc là sẵn sàng cố tình quên đi những lời thề nguyền với Chúa hôm nào!

Tôi vẫn nhớ một người thân quen kể lại cho tôi nghe như sau: sau biến cố năm 1975, nhiều người Việt Nam chúng ta đã rời quê hương để đi định cư tại các nước khác. Cuộc ra đi của đồng bào ta lúc đó ai cũng biết là rất khó khăn. Vì thế, có nhiều người khi từ giã gia đình đã nói thế này: “Con ra đi lần này, một là con nuôi má, hai là con nuôi cá, ba là má nuôi con”. Tuy nhiên, không ít người đã đi an toàn và cuộc sống của họ giờ đây sung túc.

Nhưng điều muốn nói ở đây là: người ta thường cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con ra đi lần này được an toàn, khi đến nơi thuận tiện hơn, con sẽ trung thành với Chúa, sẽ thờ phượng Chúa và sẽ giữ đạo thật tốt”. Trải qua những năm qua, khi đã an cư và lạc nghiệp, số người quên đi lời khấn nguyện năm nào ngày càng nhiều. Bỏ lễ Chúa Nhật, không thờ phượng Chúa hay nguội lạnh khô khan là hiện tượng phổ biến của đồng bào ta tại một số nước phát triển hiện nay.

Suy tư đến đây, tôi nhớ lại, có một lần tôi có đọc một bài viết của Đức Cha Bùi Tuần với tựa đề “Tôi rất thích chó”, trong tác phẩm: “Nói với chính mình”. Ngài chia sẻ: tôi có một con chó, mỗi khi tôi gọi nó, nó mừng tôi, mỗi khi tôi cho nó uống nước hay cục xương, nó mừng tôi và, mỗi khi tôi đi đâu về, nó cũng ngo ngoe cái đuôi để mừng tôi. Mặc dù nó không có khái niệm về hai chữ ‘biết ơn’, nhưng khi nó mừng như vậy, tôi hiểu ý là nó muốn nói lời cám ơn tôi. Và ngài kết luận: thật buồn thay vì có nhiều người không biết ơn bằng chó, mà thậm chí còn lấy oán để đền ơn nữa. Thật vậy, tục ngữ Việt Nam ta có câu:

Trách ai được cá/ quên nơm,
Được chim bẻ ná, quên ơn vội thù.
Trách ai tham đó/ bỏ đăng
Thấy lê/ quên lựu, thấy trăng/ quên đèn.


Vẫn còn đó không ít những người vô ơn như 9 người phung cùi được Đức Giêsu chữa lành, đến nỗi Chúa Giêsu cũng phải than phiền: "Không phải cả mười người được sạch cả sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" (Lc 17,17-18).

Dịp tất niên sau một năm, Giáo Hội mời gọi mỗi chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria như một mẫu gương tuyệt vời về lòng biết ơn. Khi Mẹ được Thiên Chúa đoái thương, tuyển chọn Mẹ làm Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa, Mẹ đã cất cao bài ca Magnificat để cảm tạ Chúa Cha đã thương đến Mẹ, thương đến nhân loại.

Vì thế, cùng với Mẹ, chúng ta hãy hồi tâm để ngược dòng thời gian hầu nhận ra biết bao hồng phúc mà Thiên Chúa đã ban xuống tràn ngập tâm hồn chúng ta. Thật vậy: "…Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều kỳ diệu", nên “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho?" (Tv 115, 12).

Lạy Chúa, trong suốt một năm đã qua, chúng con nhận lãnh biết bao ơn lành của Chúa, những ơn con nhận ra cũng như những ơn con không nhận ra, nhưng tình thương và lòng nhân hậu của Chúa luôn ấp ủ chúng con. Xin Chúa đón nhận nơi chúng con lòng biết ơn chân thành, và cũng xin tha thứ cho những lần chúng con bội nghĩa vong ân. Xin cho chúng con được an vui, hạnh phúc và nhiều ân lộc của Chúa trong năm mới sắp tới. Amen.

Jos. Vinct. Ngọc Biển

Đức Thánh Cha ca ngợi đông đảo các linh mục thánh thiện

Đức Thánh Cha ca ngợi đông đảo các linh mục thánh thiện

VATICAN. ĐTC Phanxicô ca ngợi đông đảo các linh mục thánh thiện, âm thầm phục vụ dân Chúa và ngài phê bình báo chí thường chỉ để ý đến thiểu số linh mục phạm lỗi.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài giảng thánh lễ sáng thứ hai 27-1-2014, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican.

ĐTC đã diễn giải bài đọc thứ I trong ngày, nói về các chi tộc Israel xức dầu tôn Davit làm Vua. Ngài nêu rõ ý nghĩa thiêng liêng của việc xức dầu và nói rằng: ”Nếu không có sự xức dầu ấy thì Davit chỉ là thủ lãnh của một xí nghiệp, một xã hội chính trị là Vương quốc Israel, chỉ là một nhà tổ chức chính trị. Trái lại, sau khi được xức dầu, Thần Khí Chúa ngự xuống trên Davit và ở lại với ông. Và Kinh Thánh nói: ”Davit ngày càng tăng trưởng trong sức mạnh và Chúa là Thiên Chúa các đạo binh ở với ông”. ĐTC nhận xét rằng ”Đây chính là sự khác biệt của việc xức dầu. Người được xức dầu là người được Chúa chọn. Đó cũng là điều xảy ra trong Giáo Hội với các Giám mục và Linh mục:

”Các Giám mục không được bầu để điều khiển một tổ chức, gọi là Giáo hội địa phương, các vị được xức dầu, và Thần Khí Chúa ở với các vị. Nhưng tất cả các Giám Mục, tất cả chúng ta đều là người tội lỗi! Chúng ta được xức dầu. Nhưng tất cả chúng ta muốn nên thánh hơn mỗi ngày, trung thành hơn với việc xức dầu ấy. Và người tạo nên Giáo Hội, người mang lại sự hiệp nhất cho Giáo Hội, chính là Đức Giám Mục, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, không phải vì ngài được đa số bỏ phiếu cho, nhưng vì ngài được xức dầu. Và trong sự xức dầu này, một Giáo Hội địa phương được sức mạnh của mình. Và cả các Linh mục cũng được tham dự vào sự xức dầu ấy”.

ĐTC cũng giải thích rằng ”sự xức dầu đưa các Giám Mục và Linh mục đến gần Chúa và mang lại cho các vị niềm vui và sức mạnh ”săn sóc dân Chúa, giúp đỡ dân, sống phục vụ dân”, làm cho các vị được vui mừng cảm thấy ”mình được Chúa chọn, được Chúa hướng dẫn, Chúa hướng dẫn tất cả chúng ta bằng tình yêu thương. Vì thế, khi chúng ta nghĩ đến các Giám mục và các linh mục, chúng ta phải nghĩ các vị được xức dầu”.

”Nếu không như thế, ta sẽ không hiểu được Giáo Hội, và ta cũng không thể giải thích được Giáo Hội tiến bước với sức mạnh của con người. Giáo phận này tiến triển vì có một dân thánh thiện, bao nhiêu sự, và cũng có một vị được xức dầu giúp Giáo phận tiến bước, tăng trưởng. Giáo xứ này tiến triển vì có bao nhiêu hội đoàn và nhiều điều khác, nhưng cũng có một Linh mục, được xức dầu làm cho Giáo xứ tiến triển. Và trong lịch sử chúng ta chỉ biết một phần rất nhỏ, thực tế có bao nhiêu Giám mục thánh thiện, bao nhiêu Linh mục thánh thiện đã hiến thân phục vụ giáo phận, giáo xứ, bao nhiêu người đã nhận được sức mạnh đức tin, sức mạnh tình yêu, hy vọng từ các cha sở vô dân mà chúng ta không biết. Có bao nhiêu Linh mục như thế.. Bao nhiêu cha sở miền quê hoặc cha sở thành thị, với việc xức cầu, đã mang lại sức mạnh cho dân, đã thông truyền đạo lý, đã ban các bí tích, nghĩa là sự thánh thiện”.

ĐTC nhận xét có những người nêu vấn nạn: ”Nhưng thưa cha, con đã đọc trên một tờ báo, một Giám mục đã làm chuyện này, một linh mục đã làm chuyện kia!”. Đúng vậy, tôi cũng đọc điều ấy, nhưng xin bạn hãy nói cho tôi, trên các báo chí có đăng tin về điều mà bao nhiêu linh mục, trong bao nhiêu giáo xứ thành thị và miền quê đã làm, bao nhiều việc bác ái, bao nhiêu công việc các vị đã làm cho dân không?”. Không, những điều ấy không phải là tin tức. Một điều vẫn thường xảy ra là: một cây đổ xuống thì gây nhiều tiếng ồn hơn là cả một rừng cây tăng trưởng. Hôm nay, khi nghĩ đến sự xức dầu cho Davit, chúng ta cũng hãy nghĩ đến các Giám Mục, các Linh mục can đảm, thánh thiện, tốt lành, trung thành của chúng ta và cầu nguyện cho các vị. Chính nhờ các vị mà chúng ta ở đây hôm nay!” (SD 27-1-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio