Ngày đào sâu và phát triển đối thoại công giáo Do Thái lần thứ 18

Ngày đào sâu và phát triển đối thoại công giáo Do Thái lần thứ 18

Phỏng vấn Đức ông Marco Gnavi, giám đốc văn phòng đại kết và đối thoại liên tôn của giáo phận Roma.

Hôm 16-1-2014 là ”Ngày toàn quốc Italia đào sâu và phát triển đối thoại giữa Công Giáo và Do thái giáo” lần thứ 18. Nhận dịp này Văn phòng đại kết và đối thoại của giáo phận Roma đã tổ chức một cuộc gặp gỡ tại đại học giáo hoàng Laterano. Trong số các thuyết trình viên có Rabbi trưởng cộng đoàn Do thái tại Roma Riccardo Di Segni, chuyên viên kinh tế Stefano Zamagri và Đức Ông Marco Gnavi, giám đốc văn phòng nói trên của giáo phận Roma.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Ông về cuộc hội thoại này.

Hỏi: Xin Đức Ông cho biết cuộc hội thoại này có ý nghĩa gì?

Đáp: Đây là dịp giúp đào sâu các tương quan với thế giới do thái. Đối với chúng ta các liên hệ ấy không phải là các tương quan ngoại tại, mà là các tương quan nội tại nằm trong yếu tố di truyền của cuộc sống chúng ta, bởi vì Chúa Giêsu đã là người do thái, đã cầu nguyện với Thánh Kinh do thái trong truyền thống do thái. Bởi vì sự kiện Giao ước đã không bao giờ bị thu hồi với dân của Tân Ước thúc đẩy chúng ta nhìn về chân trời cánh chung, nhìn về sự chờ mong Nước Thiên Chúa, và chúng ta làm điều đó cùng với các anh em Do thái trên một trái đất tràn đầy các vấn đề, trong đó có phong trào bài do thái, mà chúng ta muốn cùng nhau đương đầu và chiến thắng. Trên bình diện tinh thần chúng ta là bà con với nhau. Khi viếng thăm hội đường Do thái ở Roma năm 1986 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dùng một kiểu diễn tả độc đáo khi gọi các tín hữu do thái là ”các người anh cả của chúng ta”. Như vậy chúng ta không thể bỏ qua tình huynh đệ và lòng yêu thương đối với nhau, tuy trong các ơn gọi khác nhau của chúng ta nó mời gọi chúng ta tất cả cùng nhau lo cho thiện ích của toàn nhân loại và cùng nhau đóng góp phần mình một cách độc đáo, nếu có thể.

Hỏi: Từ năm 2005 tới nay đề tài suy tư chú tâm vào ”Mười Điều Răn”. Năm nay cuộc hội luận đề cập tới điều răn thứ tám ”Chớ ăn trộm”. Đức Ông nghĩ sao?

Đáp: Chúng ta đang sống trong một thời buổi duy kinh tế một cách mạnh mẽ, bị ghi dấu bởi một trào lưu cá nhân chủ nghĩa nào đó. Là Tín hữu do thái và kitô chúng ta là những người đem theo một ý nghĩa cuộc sống gắn liền với khía cạnh tôn giáo, chiều dọc của tương quan với Thiên Chúa, từ đó tuôn đổ xuống ơn của các của cải và thụ tạo. ”Đừng ăn trộm” là một lệnh truyền kinh thánh khiến cho chúng ta cùng nhau bảo vệ phẩm giá con người và đề nghị cả với xã hội của chúng ta một con đường khác. Xã hội này là một xã hội biết tới các lệch lạc của sự dữ liên quan tới các tài nguyên, và việc bóc lột người khác: ăn trộm không chỉ là lấy đi, mà cũng là biến cuộc sống của người có quyền có phẫm giá trở thành bần cùng đi, cả qua thiện ích của công ăn việc làm, các của cải nâng đỡ trợ giúp họ.

Hỏi: Tại sao việc đối thoại với các ”người anh cả do thái” lại quan trọng đến như vậy thưa Đức Ông?

Đáp: Nó quan trọng đối với việc hiểu thế giới do thái, và cũng quan trọng đối với việc hiểu một cái gì đó của Đức Giêsu từ bên trong của Di chúc đầu tiên, của Thánh Kinh Cựu Ước. Nó quan trọng, vì nơi đâu tín hữu Do thái và tín hữu Kitô cùng nhau bảo vệ sự sống, thì mọi người đều được hưởng lợi. Nơi đâu sự sống của người Do thái và của các tín hữu Kitô bị đe dọa, thì sự sống của tất cả mọi người đều bị đe dọa. Phong trào bài Sêmít, bài người Do thái là các dấu chỉ của thù hận đã gieo rắc khổ đau cho tới cuộc diệt chủng Do thái trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Chúng là một cảnh cáo lớn đòi phải có một câu trả lời cao độ và thường ngày, nghĩa là phổ biến và rộng rãi, nhưng cũng sâu xa đối với các lý do của nó. Và đây cũng là ý nghĩa của các cuộc thảo luận này giữa các tín hữu Do thái và tín hữu Kitô.

Hỏi: Đây là lần đầu tiên ”Ngày toàn quốc đào sâu và phát triển đối thoại giữa các tín hữu công giáo và do thái” diễn ra dưới triều đại của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Thánh Cha cũng đã loan báo chuyến viếng thăm Thánh Địa vào tháng 5 tới đây. Đâu là phần đóng góp cá nhân của Đức Thánh Cha cho cuộc đối thoại giữa tín hữu Do thái và tín hữu Kitô?

Đáp: Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức tiếp đón Rabbi trưởng Riccardo Di Segni và các phái đoàn quốc tế. Nhất là trong tư cách là Tổng Giám Mục Buenos Aires, ngài đã có một tương quan rất chặt chẽ với Rabbi Skorka, và ngài cũng đã có biết bao nhiêu cuộc nói chuyện và tình bạn cũng như tình huynh đệ với Rabbi, trong đó ngài đã đề cập tới các đề tài của khổ đau, của cuộc sống, của cái chết, các đề tài tu đức… Vì vậy tôi sẽ nói rằng bản tính của Đức Thánh Cha Phanxicô là có một cái nhìn thiện cảm, chú ý và yêu thương đối với dân tộc Do thái, có các gốc rễ sâu trong một kinh nghiệm sống rất là sâu xa.

Sau đây là một số nhận định của ông Renzo Gattegna, Chủ tịch Liên hiệp các cộng đoàn do thái tại Italia

Hỏi: Thưa ông, ông nghĩ gì về cuộc đối thoại do thái kitô?

Đáp: Cuộc đối thoại do thái kitô đã bắt đầu từ 50 năm qua. Các tương quan giữa hai bên tích cực. Cũng đã có những lúc trồi sụt, nhưng theo tôi, tổng kết khá thỏa đáng. Tuy nhiên ở điểm này thì cuộc đối thoại nên ra khỏi việc quản trị thường tình để trở thành một sự hiểu biết lớn hơn, chấp nhận chung sống với nhau nhiều hơn, dựa trên tình huynh đệ và sự cộng tác để giải quyết các vấn đề chưa được giải quyết trên thế giới. Và trong số các vấn đề có phong trào qúa khích. Tôi đã đọc nhiều lời tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô và trong các lời tuyên bố này Đức Thánh Cha đã dùng các từ rất rõ ràng để lên án các các hiện tượng đó.

Ngài còn đi xa hơn nữa, bởi vì ngài ủng hộ phẩm gia đồng đều và tôn trọng giữa tất cả mọi tín hữu của các tôn giáo khác nhau, đến độ ngài đã nói lên xác tín là cần phải tránh bất cứ hình thức chiêu dụ tín đồ nào. Theo tôi đó là một lập trường quan trọng, mới mẻ, có thể là điểm khởi hành cho bước nhảy vọt về phẩm này, bởi vì chúng ta tất cả đều biết rằng trong nhiều thế kỷ dân Do thái đã thường bị các áp lực cưỡng bách theo đạo.

Hỏi: Nhìn vào những gì đã được làm cho tới nay, ông có nhớ vài cử chỉ đặc biệt hay lúc đặc biệt nào về tình bạn gần đây hơn không? Trong các tháng qua hay trong các năm qua, mà chúng ta có thể nhớ cùng nhau không?

Đáp: Có. Tất cả mọi Giáo Hoàng, từ Đức Gioan XXIII trở đi – đều đã có các cử chỉ ý nghĩa. Chẳng hạn, các chuyến viếng thăm Thánh Địa của các vị, tại đây trước Bức Tường phía tây của Đền Thờ Giêrusalem các Giáo Hoàng đã dừng lại cầm trí cầu nguyện. Đức Gioan Phaolô II cũng nhét một sứ điệp vào kẽ đá của bức tường, theo thói quen của người Do thái. Từ phía mình Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng đã đưa ra nhiều lập trường quan trọng. Chẳng hạn như đối với vài nhóm tín hữu công giáo có các lập trường bài do thái. Cả Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô với các câu mà tôi đã trích lại trên đây, cũng đang cho thấy một ý chí nhìn tương tai của thế giới như một tương lai hòa bình, trong đó mỗi người có thể tuyên xưng các tín ngưỡng của mình một cách an bình, và không vì thế mà bị bất cứ hình thức thù nghịch từ phía các kẻ khác.

Hỏi: Thưa ông chủ tịch Liên hiệp các cộng đoàn Do thái Italia, đề tài suy tư của ”Ngày toàn quốc đào sâu và phát triển đối thoại công giáo do thái” là Điều Răn ”Chớ trộm cắp”. Nó muốn nhấn mạnh điều gì, và các tín hữu do thái muốn dấn thân chung như thế nào?

Đáp: Đối với tôi điều răn ”Chớ trộm cắp” xem ra hiển nhiên không ám chỉ các vụ ăn trộm nhỏ nhặt. Ngày này nó muốn nhắc tới sự cần thiết các người có trách nhiệm chỉ huy và hướng dẫn chính trị của các nước phải khước từ mọi hình thức gian tham hối lộ, và mọi hình thức sống chung với các nhóm riêng tư, có thể rút tỉa bòn mót các tài nguyên công cộng để mưu lợi cho riêng mình. Khi nhìn những gì đang xảy ra tại Italia này cũng như tại biết bao nhiêu quốc gia Âu châu hay mỹ châu, nạn gian tham hối lộ hay sống chung với các nhóm tội phạm có tổ chức đối với tôi xem ra là một cuộc chiến có tầm quan trọng rất lớn giúp tránh cảnh suy đồi mà chúng ta tất cả đều phải trả một gía kinh khủng.

Hỏi: Đâu là các sáng kiến độc đáo nhất đã được tổ chức tại Italia nhân dịp này, ông có thể cho một ví dụ không?

Đáp: Giữa ngày này và ngày 27 tháng Giêng là ngày kỷ niệm cuộc Diệt chủng Do thái, trong các ngày quy tụ hai biến cố này, chúng tôi tìm củng cố mọi liên minh có thể, để kiểm thực một thay đổi tốt hơn cho tương lai, và để cho con cháu chúng tôi không phải thấy lại những gì mà cha ông chúng tôi đã thấy.

(RG 16-1-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các Hàn Lâm Viện Tòa Thánh

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các Hàn Lâm Viện Tòa Thánh

VATICAN. ĐTC Phanxicô đề cao sự liên kết giữa đức tin và lòng mến trong việc tìm kiếm chân lý đức tin.

Ngày bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi các tham dự phiên nhóm chung và công cộng lần thứ 18 của các Hàn lâm viện Tòa Thánh, chiều hôm 28-1-2014, tại Roma dưới quyền chủ tọa của ĐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa và có chủ đề là ”Oculata fides [Đức tin nhìn thấy]. Đọc thực tại với đôi mắt của Chúa Kitô”.

ĐTC nhận xét rằng đề tài này nhắc lại thành ngữ ”Oculata fies” của Thánh Tômaso Aquino, Tiến Sĩ Thiên Thần, mừng ngày 28-1. Thành ngữ này được trích dẫn trong Thông điệp 'Lumen fidei', Ánh sáng Đức tin, và cả trong Tông Huấn ”Evangelii gaudium” (Niềm Vui Phúc Âm). Cả hai văn kiện này đều mời gọi suy tư về chiều kích ”sáng ngời” của đức tin và liên hệ giữa đức tin và chân lý, cần phải tìm hiểu không những bằng đôi mắt của tâm trí, nhưng còn với đôi mắt của con tim, nghĩa trong viễn tượng tình yêu. Thánh Phaolô khẳng định: ”Ta thấy bằng con tim” (Rm 10,10).

Đây là điều có những hệ luận quan trọng đối với hành động của các tín hữu cũng như phương pháp làm việc của các nhà thần học. Ngài phê bình xu hướng coi chân lý chỉ là một nhận thức chủ quan và viết rằng:

”Chân lý ngày nay thường bị thu hẹp vào sự xác thực chủ quan của mỗi người, chỉ có giá trị đối với đời sống cá nhân. Chân lý chung làm cho người ta sợ hãi, vì người ta đồng hóa nó với sự ngoan cố áp đặt của các chế độ độc đoán. Nhưng nếu chân lý là chân lý tình thương, nếu chân lý được mở ra trong cuộc gặp gỡ bản chân với Đấng Khác và với tha nhân, thì chân lý ấy được giải thoát khỏi sự khép kín nơi mỗi ngừơi và có thể là thành phần của công ích… Thay vì làm cho chúng ta trở nên cứng nhắc, sự chắc chắn của đức tin làm cho chúng ta lên đường, làm cho chứng tá và đối thoại với mọi người trở thành điều có thể thực hiện được” (Lumen fidei, 34).

Trong Sứ điệp ĐTC cũng tuyên bố danh tánh hai học giả trẻ được giải thưởng năm nay của các Hàn lâm viện Tòa Thánh về nghiên cứu thần học, đó là LM giáo sư Alessandro Clemenzia, với tác phẩm tựa đề ”Trong Chúa Ba Ngôi như Giáo Hội. Đối thoại với Heribert Muehlen”, và nữ giáo sư Maria Silvia Vaccarezza với tác phẩm ”Những lý lẽ của tùy thể. Sự khôn ngoan thực hành giữa Aristote và Thánh Tômaso Aquino” (SD 28-1-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha ca ngợi đông đảo các linh mục thánh thiện

Đức Thánh Cha ca ngợi đông đảo các linh mục thánh thiện

VATICAN. ĐTC Phanxicô ca ngợi đông đảo các linh mục thánh thiện, âm thầm phục vụ dân Chúa và ngài phê bình báo chí thường chỉ để ý đến thiểu số linh mục phạm lỗi.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài giảng thánh lễ sáng thứ hai 27-1-2014, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican.

ĐTC đã diễn giải bài đọc thứ I trong ngày, nói về các chi tộc Israel xức dầu tôn Davit làm Vua. Ngài nêu rõ ý nghĩa thiêng liêng của việc xức dầu và nói rằng: ”Nếu không có sự xức dầu ấy thì Davit chỉ là thủ lãnh của một xí nghiệp, một xã hội chính trị là Vương quốc Israel, chỉ là một nhà tổ chức chính trị. Trái lại, sau khi được xức dầu, Thần Khí Chúa ngự xuống trên Davit và ở lại với ông. Và Kinh Thánh nói: ”Davit ngày càng tăng trưởng trong sức mạnh và Chúa là Thiên Chúa các đạo binh ở với ông”. ĐTC nhận xét rằng ”Đây chính là sự khác biệt của việc xức dầu. Người được xức dầu là người được Chúa chọn. Đó cũng là điều xảy ra trong Giáo Hội với các Giám mục và Linh mục:

”Các Giám mục không được bầu để điều khiển một tổ chức, gọi là Giáo hội địa phương, các vị được xức dầu, và Thần Khí Chúa ở với các vị. Nhưng tất cả các Giám Mục, tất cả chúng ta đều là người tội lỗi! Chúng ta được xức dầu. Nhưng tất cả chúng ta muốn nên thánh hơn mỗi ngày, trung thành hơn với việc xức dầu ấy. Và người tạo nên Giáo Hội, người mang lại sự hiệp nhất cho Giáo Hội, chính là Đức Giám Mục, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, không phải vì ngài được đa số bỏ phiếu cho, nhưng vì ngài được xức dầu. Và trong sự xức dầu này, một Giáo Hội địa phương được sức mạnh của mình. Và cả các Linh mục cũng được tham dự vào sự xức dầu ấy”.

ĐTC cũng giải thích rằng ”sự xức dầu đưa các Giám Mục và Linh mục đến gần Chúa và mang lại cho các vị niềm vui và sức mạnh ”săn sóc dân Chúa, giúp đỡ dân, sống phục vụ dân”, làm cho các vị được vui mừng cảm thấy ”mình được Chúa chọn, được Chúa hướng dẫn, Chúa hướng dẫn tất cả chúng ta bằng tình yêu thương. Vì thế, khi chúng ta nghĩ đến các Giám mục và các linh mục, chúng ta phải nghĩ các vị được xức dầu”.

”Nếu không như thế, ta sẽ không hiểu được Giáo Hội, và ta cũng không thể giải thích được Giáo Hội tiến bước với sức mạnh của con người. Giáo phận này tiến triển vì có một dân thánh thiện, bao nhiêu sự, và cũng có một vị được xức dầu giúp Giáo phận tiến bước, tăng trưởng. Giáo xứ này tiến triển vì có bao nhiêu hội đoàn và nhiều điều khác, nhưng cũng có một Linh mục, được xức dầu làm cho Giáo xứ tiến triển. Và trong lịch sử chúng ta chỉ biết một phần rất nhỏ, thực tế có bao nhiêu Giám mục thánh thiện, bao nhiêu Linh mục thánh thiện đã hiến thân phục vụ giáo phận, giáo xứ, bao nhiêu người đã nhận được sức mạnh đức tin, sức mạnh tình yêu, hy vọng từ các cha sở vô dân mà chúng ta không biết. Có bao nhiêu Linh mục như thế.. Bao nhiêu cha sở miền quê hoặc cha sở thành thị, với việc xức cầu, đã mang lại sức mạnh cho dân, đã thông truyền đạo lý, đã ban các bí tích, nghĩa là sự thánh thiện”.

ĐTC nhận xét có những người nêu vấn nạn: ”Nhưng thưa cha, con đã đọc trên một tờ báo, một Giám mục đã làm chuyện này, một linh mục đã làm chuyện kia!”. Đúng vậy, tôi cũng đọc điều ấy, nhưng xin bạn hãy nói cho tôi, trên các báo chí có đăng tin về điều mà bao nhiêu linh mục, trong bao nhiêu giáo xứ thành thị và miền quê đã làm, bao nhiều việc bác ái, bao nhiêu công việc các vị đã làm cho dân không?”. Không, những điều ấy không phải là tin tức. Một điều vẫn thường xảy ra là: một cây đổ xuống thì gây nhiều tiếng ồn hơn là cả một rừng cây tăng trưởng. Hôm nay, khi nghĩ đến sự xức dầu cho Davit, chúng ta cũng hãy nghĩ đến các Giám Mục, các Linh mục can đảm, thánh thiện, tốt lành, trung thành của chúng ta và cầu nguyện cho các vị. Chính nhờ các vị mà chúng ta ở đây hôm nay!” (SD 27-1-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền Tin và chúc Tết Nguyên Đán

Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền Tin và chúc Tết Nguyên Đán

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 26-1-2014, ĐTC Phanxicô đã chúc Tết các dân tộc Viễn Đông, ngài mời gọi các tín theo tiếng Chúa gọi, đồng thời cũng kêu gọi hòa bình cho Ucraine, cầu nguyện cho các bệnh nhân phong cùi.

50 ngàn tín hữu đã tụ tập tại Quảng Trường Thánh Phêrô dù trời khá lạnh. Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh, ĐTC quảng diễn bài Phúc Âm thuật lại việc Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng tại miền Galilea, kêu gọi những người khiêm hạ làm môn đệ theo Chúa. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng chúa nhật hôm nay kể lại khởi đầu đời sống công khai của Chúa Giêsu nơi các thành thị và làng mạc xứ Galilea. Sứ mạng của Chúa không khởi đầu từ Jerusalem, nghĩa là từ trung tâm tôn giáo, xã hội và chính trị, nhưng từ một vùng ngoại biên, bị những người Do Thái giữ đạo nghiêm ngặt, coi rẻ vì sự hiện diện của các dân tộc khác nhau trong vùng ấy, vì thế, Ngôn Sứ Isaia đã gọi đó là ”miền Galilea của dân ngoại” (Is 8,23).

”Đó là một vùng biên giới, một vùng chuyển tiếp nơi có nhiều người thuộc các chủng tộc, văn hóa và tôn giáo khác biệt gặp gỡ nhau. Vì thế, miền Galilea trở thành địa điểm biểu tượng sự cởi mở của Tin Mừng đối với mọi dân tộc. Về phương diện đó, miền Galilea giống thế giới ngày nay: nhiều nền văn hóa cùng hiện diện, cần được đối chiếu và gặp gỡ nhau. Cả chúng ta hằng ngày vẫn ở trong một ”miền Galilea của dân ngoại”, và trong bối cảnh đó, chúng ta có thể cảm thấy kinh hãi và chiều theo cám dỗ muốn xây dựng những vòng đai để được an toàn hơn, được bảo vệ hơn. Nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng Tin Mừng không được dành riêng cho một phần nhân loại, Tin Mừng được loan báo cho tất cả mọi người. Đó là một Tin Vui dành cho những ai đang chờ mong, có lẽ cho cả những người không chờ đợi gì cả và cũng chẳng có sức mà tìm kiếm hay yêu cầu.

Khi khởi hành từ Galilea, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng không ai bị loại khỏi ơn cứu độ của Thiên Chúa, đúng hơn, Thiên Chúa muốn khởi hành từ ngoại biên, từ những người rốt cùng, để đi tới tất cả mọi người. Ngài dạy chúng ta một phương pháp, và phương pháp của Ngài diễn tả nội dung, nghĩa là lòng từ bi của Chúa Cha. ”Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn cần phân định xem đâu là con đường Chúa muốn, nhưng tất cả chúng ta đều được mời gọi chấp nhận lời kêu gọi này, đó là: hãy ra khỏi tình trạng thoải mái của mình và can đảm đi tới mọi vùng ngoại biên đang cần được ánh sáng Tin Mừng” (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 20).

Chúa Giêsu chẳng những bắt đầu sứ mạng của Ngài từ một nơi ở ngoài trung tâm, nhưng còn từ những người thấp kém nữa. Để chọn các môn đệ đầu tiên và các tông đồ tương lai, Chúa tìm tới những trường dạy các ký lục và các nhà thông luật, nhưng là những người khiêm hạ và đơn sơ, quyết tâm chuẩn bị đón nhận Nước Chúa đến. Chúa Giêsu đi gọi họ tại nơi họ làm việc, bên bờ hồ: họ là những người đánh cá. Ngài kêu gọi họ và họ theo Ngài ngay lập tức. Họ bỏ lưới và đi theo Ngài: cuộc sống của họ trở thành một cuộc phiêu lưu ngoại thường và hấp dẫn.

ĐTC nói:

Các bạn thân mến, ngày nay Chúa cũng kêu gọi! Ngài tiến qua những nẻo đường của đời sống thường nhật của chúng ta. Ngày hôm nay, trong lúc này đây, Chúa đi qua quảng trường này. Chúa kêu gọi chúng ta hãy đi với Ngài, cộng tác với Ngài cho Nước Thiên Chúa, tại các miền ”Galilea” thời nay. Mỗi người trong anh chị em hãy suy nghĩ, Chúa đi qua hôm nay, Chúa đang nhìn tôi. Ngài nói gì với tôi? Và nếu có ai trong anh chị em cảm thấy Chúa đang nói ”Hãy theo Thầy”, thì hãy can đảm, đi theo Chúa. Chúa không bao giờ làm cho chúng ta thất vọng. Hãy nghe tiếng Chúa gọi trong tâm hồn đi theo Chúa. Chúng ta hãy để cho cái nhìn, tiếng nói của Chúa đi tới chúng ta, và chúng ta hãy đi theo Ngài! ”Để niềm vui Tin Mừng đi tới tận bờ cõi trái đất và không ngoại biên nào bị thiếu ánh sáng của Chúa”(Ibid. 288).

Ngày Thế giới các bệnh nhân phong cùi

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC chào thăm mọi người, ngài nói thêm rằng:

”Hôm nay là Ngày Thế giới các bệnh nhân phung cùi. Bệnh này tuy đã giảm bớt, nhưng đáng tiếc là nó vẫn còn nơi nhiều người sống trong tình trạng lầm than cùng cực. Điều quan trọng là duy trì tình liên đới sống động với các anh chị em ấy. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và tất cả những người trợ giúp họ, và bằng nhiều cách, đang dấn thân đánh bại căn bệnh này”.

”Tôi cũng gần gũi trong kinh nguyện với Ucraine, đặc biệt là những người đã bị thiệt mạng trong những ngày này và với gia đình họ. Tôi cầu mong rằng sẽ có một cuộc đối thoại xây dựng giữa các cơ chế và xã hội dân sự, và tránh những mọi hành vi bạo động. Ước gì trong tâm hồn mỗi người tinh thần hòa bình và sự tìm kiếm công ích được trổi vượt!

Lên án vụ thiêu một em bé 3 tuổi

ĐTC nhắc đến vụ 1 em bé 3 tuổi ở nam Italia bị bọn mafia thiêu hủy cùng với gia đình. Ngài nói: ”Hôm nay, có bao nhiêu trẻ em tại Quảng trường này! Rất đông đảo! Tôi cũng muốn nghĩ đến em Cocò Campolong, mới 3 tuổi, đã bị thiêu trong xe ở Cassano allo Jonio. Sự tàn ác như thế đối với một em bé như vậy dường như chưa bao giờ có trong lịch sử tội ác. Chúng ta hãy cầu nguyện với em Cocò, chắc chắn em đang ở trên trời với Chúa Giêsu, cầu cho những kẻ đã phạm tội ác này, để họ thống hối và hoán cải, trở về cùng Chúa.

Chúc Tết các dân tộc Á đông


ĐTC nói: ”Trong những ngày tới đây, hàng triệu người sống tại Viễn Đông hoặc rải rác tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có những người Hoa, Đại Hàn và Việt Nam, mừng Tết nguyên đán. Tôi cầu chúc tất cả mọi người được một cuộc sống vui tươi và hy vọng. Ước gì niềm khát khao tình huynh đệ không thể dập tắt được trong tâm hồn họ, tìm được trong gia đình ấm cúng như một nơi ưu tiên trong đó tình huynh đệ có thể được khám phá, được giáo dục và thực thi. Đây sẽ là một đóng góp quí giá cho việc xây dựng một thế giới nhân bản hơn, trong đó an bình được hiển trị.

Đ cao gương tân Chân Phước hoàng hậu Cristina di Savoia

ĐTC cũng nhắc đến lễ phong chân phước hoàng hậu Maria Cristina di Savoia, hôm thứ bẩy 25-1-2014 tại Napoli. ”Chân phước sống vào giữa thế kỷ 19, là Hoàng hậu của hai miền Sicilia. Người là một phụ nữ có đời sống thiêng liêng sâu xa và rất khiêm nhường, biết gánh vác những đau khổ của dân, trở thành người mẹ đích thực của người nghèo. Tấm gương bác ái đặc biệt của Người làm chứng rằng đời sống tốt đẹp theo Phúc Âm là điều có thể trong mọi môi trường và hoàn cảnh xã hội.

ĐTC chào các phái đoàn hành hương và sau cùng ngài đặc biệt chào các em thiếu nhi thuộc phong trào công giáo tiến hành Italia, được ĐHY Giám quản Agostino Vallini tháp tùng, kết thúc cuộc lữ hành hòa bình.

Hai em bé một nam một nữ Matteo và Sarah đã đọc một sứ điệp ngắn và thả hai con chim bồ câu hòa bình.


G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Ơn cứu độ phổ quát

Ơn cứu độ phổ quát

Đức Thánh Cha Phaolô II đã có lần mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi toàn thể Giáo Hội tại Mỹ Châu, hãy tìm giải pháp cho những vấn đề trầm trọng đang tác hại tại lục địa này. Chúng ta hãy cùng lắng nghe một đoạn trong bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ cử hành tại Guadalupe, Mexico:

Giáo Hội đã có Tin Mừng sự sống và sự can đảm của tiên tri, Giáo Hội lại có các nền văn hoá của chết chóc. Ước gì đại học của hy vọng này cũng là đại học của sự sống, đấy là tiếng báo động lớn của chúng ta, hãy kiến tạo một cuộc sống mới xứng đáng cho tất cả mọi người, cho các thai nhi đã được cưu mang trong lòng mẹ, cho những trẻ em bụi đời sống ngoài đường phố, cho những người dân bản xứ, cho những người dân Phi Châu, cho những người di dân vì tị nạn, cho những người trẻ chiếm nhiều cơ hội để thăng tiến đời mình, cho những người già cả, cho tất cả những ai đang nếm trải sự nghèo khổ hay bị loại ra bên lề xã hội.

Đã đến lúc chúng ta phải nhất quyết loại trừ ra khỏi đại học Mỹ Châu này bất cứ sự tấn công nào chống lại sự sống. Xin đừng bao giờ có bạo lực, đừng bao giờ có khủng bố và buôn bán ma túy, đừng bao giờ có nạn tra tấn, hay những hình thức lạm dụng khác, cần phải chấm dứt việc kết án tử hình, đừng bao giờ có nạn khai thác bóc lột những kẻ yếu thế, đừng bao giờ có nạn kỳ thị chủng tộc, đừng bao giờ có những khu ổ chuột cùng khổ, đừng bao giờ có những tệ nạn như vậy. Đó là những tệ nạn không thể dung chấp được, những tệ nạn này kêu thấu đến tận Trời cao và mời gọi các tín hữu Kitô hãy có một nếp sống khác, hãy dấn thân vào trong xã hội, mục kích phù hợp hơn với đức tin của mình”.

Những lời trên đây của vị chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ là một tiếng vang của chính Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã mang đến cho nhân loại cách đây hơn hai ngàn năm. Hiện nay tại các nhà thờ Anh Giáo bên Anh Quốc, người ta đang thấy trưng bày những tấm bích chương có vẽ hình Chúa Giêsu giống hệt dung mạo của nhà cách mạng nổi tiếng Thêghê Bara, ông là một bác sĩ, đã từng là bạn của chủ tịch Fidel Castro, người Cuba. Ông muốn quảng bá lý tưởng cách mạng bạo động cho toàn thể Châu Mỹ Latinh, thế nhưng ông đã ngã gục vào giữa thập niên sáu mươi.

Chúa Giêsu quả thật là một nhà cách mạng nhưng Ngài không hề có chủ trương dùng bạo động để thực hiện cách mạng. Hơn nữa, cuộc cách mạng mà Chúa Giêsu đã thực hiện càng không có tính cách chính trị, kinh tế hay xã hội. Cuộc cách mạng mà Chúa Giêsu thực hiện qua chính cuộc sống của Ngài và được Giáo Hội tiếp tục giảng dạy và thể hiện thiết yếu là cuộc cách mạng bản thân. Tính cách mạng ấy được Chúa Giêsu thốt lên khi bắt đầu khai mạc sứ vụ công khai của Ngài: “Hãy hối cải vì Nước Trời đã đến gần”.

Trong chương trình cách mạng ấy của Chúa Giêsu, chúng ta bắt gặp lẽ khôn ngoan nghìn đời của các nhà hiền triết Đông Tây: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Có tu thân nghĩa là cố sống cho ra người thì người ta mới có thể lãnh đạo gia đình, cai trị đất nước và mang lại thái bình cho thế giới.

Khi nghe lời kêu gọi hòa bình của Giáo Hội, nhà độc tài Stalin đã thách thức, thử hỏi xem Giáo Hoàng có bao nhiêu sư đoàn? Có thể Stalin đã quên lời nhận xét của người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản là Lênin như sau: “Chỉ cần mười người như thánh Phanxicô nghèo, thì cũng đủ để cải tạo xã hội Nga”.

Quả thật ở bất cứ thời đại nào, thế giới cần nhiều vị thánh hơn là những con người tài ba. Khoa học và kỹ thuật đang tiến bộ với tốc độ nhanh chóng khiến chúng ta phải chóng mặt, các tiện nghi ngày càng tối tân, con số các nhà tỷ phú trên thế giới ngày càng gia tăng, của cải do con người tạo ra ngày càng ứ đọng, vậy mà tình hình thế giới được các phương tiện truyền thông đưa lên vẫn là một bức tranh xám xịt. Chiến tranh, chết chóc và nhất là đói khổ vẫn còn bao phủ phần lớn địa cầu của chúng ta. Bên này bán cầu thừa mứa của cải vật chất, thì bên kia bán cầu còn tới không biết bao nhiêu người đang lâm cảnh chết đói. Trong một quốc gia, một thiểu số nhỏ kẻ nắm giữ trong tay phần lớn của cải, còn số đông phải quằn quại trong khốn khổ. Nguyên nhân của sự chênh lệch ấy giải pháp cho vấn đề nằm ngay trong chính lòng con người, bao lâu vẫn còn có những người chiếm giữ quyền hành trong tay và chối bỏ những quyền cơ bản nhất của người khác thì bấy lâu vẫn còn có một số người phải quằn quại đói khổ. Bao lâu con người chưa hối cải và sống cho ra người thì bấy lâu thế giới vẫn không bao giờ có được hòa bình thật sự.

Hãy hối cải, hãy sống cho ra người, nếu chúng ta quyết tâm thực hiện mệnh lệnh này của Chúa Giêsu trong môi trường sống của chúng ta hằng ngày, thì không những chúng ta đóng góp vào cuộc cải tạo xã hội mà còn chứng tỏ cho mọi người thấy được rằng, Nước Trời thực sự đang đến.

Đó là niềm xác tín, đó là niềm tin của chúng ta, giờ đây chúng ta hãy cùng nhau nài xin Chúa ban cho chúng ta niềm tin này.

Veritas Radio

ÁNH SÁNG GIỮA ÐÊM ÐEN

ÁNH SÁNG GIỮA ÐÊM ÐEN

Một số du khách đang đi viếng thăm các hang động Carlsbad nổi tiếng ở Mễ Tây Cơ. Họ đang ở trong một cái hang khổng lồ thì đèn bỗng nhiên bị tắt ngúm. Trong đám người đang quờ quạng trong tăm tối này. Có hai đứa bé: một đứa trai 8 tuổi và đứa em gái của nó 5 tuổi. Tình trạng này thật là khủng khiếp nhất đối với trẻ con. Vì thế cô bé đột nhiên khóc thét lên. Lúc đó người ta nghe thằng anh 8 tuổi của nó lên tiếng: “Ðừng lo, Amy, đằng kia sẽ có người bật đèn sáng trở lại bây giờ!”.

Câu chuyện trên là một minh hoạ tuyệt vời cho lời tiên tri của Isaia trong bài đọc thứ nhất. Thánh Matthêu đã áp dụng chính lời tiên tri này vào việc Gíang lâm của Chúa Giêsu trong bài Phúc âm hôm nay: “Dân chúng đang sống trong tăm tối sẽ nhìn thấy ánh sáng vĩ đại. Ánh sáng đó sẽ toả chiếu trên những kẻ sống trong vùng tối tăm chết chóc“.

Thực vậy, trước khi Chúa Giêsu giáng lâm, thế gian ở trong tình trạng tối tăm và đáng sợ y hệt như tình trạng các hang động Carlsbab sau khi đèn đuốc tắt ngúm. Bóng đêm dữ dội và kinh khiếp quá đến nỗi nhiều người phải than khóc. Nhưng ngay giữa tình trạng hãi hùng này đã vọng lên tiếng nói trấn an của Isaia, là vị tiên tri đã hứa với dân chúng rằng chẳng bao lâu nữa một ánh sáng vĩ đại sẽ xuất hiện để phá tan màn đêm tăm tối. Và lời hứa của Isaia đã được thực hiện viên mãn khi Chúa Giêsu giáng lâm.

Các tác giả tu đức bảo chúng ta rằng điều đã xảy ra đến với Israel trên bình diện một dân tộc thì cũng sẽ xẩy đến với mỗi người chúng ta xét trên bình diện cá nhân. Nói cách khác, trong đời sống chúng ta có những lúc ánh sáng vụt tắt khiến chúng ta rơi vào tăm tối y hệt như dân chúng phải sống trong tối tăm trước khi Chúa Giêsu giáng lâm. Hoặc nói theo hình ảnh các hang động Carlsbab, cuộc sống chúng ta có những lúc ánh sáng vụt tắt bỏ mặc chúng ta rơi vào tăm tối giống như cô bé 5 tuổi đầy sợ hãi. Những lúc như thế, chúng ta cần biết rằng vẫn có người biết bật ánh sáng lên trở lại. Một ví dụ rất tuyệt vời minh hoạ điều chúng ta đang bàn là trường hợp Darryl Stingley.

Cuối thập niên 1970, Darryl Stingley, một cầu thủ thuộc hàng đầu thế giới, là thành viên của đội bóng New England Patriot. Một buổi chiều tháng tám nọ, trong một trận đấu trước mùa bóng, Daryl đã bị cầu thủ Jack Tatum của đội Oakland Raiders chơi xấu rất nặng. Cú va chạm mạnh vào xương do Tatum gây ra khíên chàng vận động viên 27 tuổi đời này bị tê liệt từ ngực trở xuống. Hiện nay Darryl chỉ có thể sử dụng được một bàn tay và suốt ngày phải quanh quẩn với chiếc xe lăn chạy bằng điện.

Ðối với Darryl Stingley, chiều hôm tháng tám ấy, ánh sáng đã tắt lịm rồi. Thế nhưng, Darryl không bao giờ đầu hàng. Chàng biết rằng đằng kia vẫn có một người có thể bật ánh sáng lên trở lại. Chàng tin vào lời tiên tri Isaia: “Dân chúng đang sống trong tăm tối sẽ nhìn thấy ánh sáng vĩ đại. Ánh sáng đó sẽ chiếu dọi trên những kẻ đang sống trong tối tăm chết chóc”. Và khi Ánh sáng đã bùng lên trở lại cho Darryl thì Ánh sáng ấy lại rạng rỡ hơn bao giờ hết. Darryl hiện vẫn phải ngồi xe lăn và không bước bộ được nhưng chàng đã có được một tầm nhìn hoàn toàn mới mẻ về chính mình và cuộc sống.

Trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí Newsweek Darryl nhấn mạnh rằng về một số phương diện, cuộc sống hiện nay của chàng tốt đẹp hơn lúc trước. Chàng nói về những ngày còn chơi bóng với đội Patriots như sau: “Tôi đã từng có một thị kiến lờ mờ. Tôi chỉ muốn được trở thành một vận động viên giỏi hết sức có thể, nên rất nhiều sự việc vào thời gian đó đã bị lơ là bỏ qua. Giờ đây tôi đã trở về lại với dân chúng.”

Stingley còn nói rõ hơn với phóng viên tờ Chicago Tribune rằng tấn thảm kịch đã biến cuộc sống của chàng nên tốt hơn một cách mới mẻ lạ lùng: “Ðối với tôi đây là một cuộc tái sinh. Không chỉ về mặt thể lý mà còn về mặt tâm linh nữa… Hiện nay, tôi đã thực sự tìm được nhiều ý nghĩa và mục đích hơn cho cuộc sống hơn bất cứ thời điểm nào trước đây”.

Ðó là những lời thật khó tin thốt ra từ miệng một chàng thanh niên mà giấc mơ trở thành ngôi sao bóng đá đã bị lịm tắt và chôn vùi trong chiếc xe lăn.

Tuy nhiên, quý vị còn nghe được những lời tương tự nơi hàng trăm con người đã từng trải qua những thời kỳ tăm tối như thế trong cuộc đời họ. Một khi ánh sáng bừng lên trở lại, thì ánh sáng ấy lại chói lọi hơn bao giờ hết. Và điều ấy cũng đúng với trường hợp chúng ta. Cái chết của một vị hôn thê sau bao năm dài chung sống, sự ruồng rẫy của một tình nhân, giấc mơ thành đạt trong kinh doanh bị tan vỡ, sức khoẻ bị tiêu tán… Tất cả những điều này có thể quẳng chúng ta vào bóng đêm tăm tối tạm thời. Tuy nhiên, một khi thảm kịch như thế đổ xuống cho mình, chúng ta chỉ cần nhớ lại lời tiên tri Isaia: “Dân chúng đang sống trong tăm tối sẽ nhìn thấy ánh sáng vĩ đại. Ánh sáng ấy sẽ chiếu dọi trên những kẻ đang sống trong vùng tối tăm chết chóc”. Chúng ta chỉ cần nhớ lại lời cậu bé trong hang trấn an cô em gái nhát sợ của mình: “Ðừng lo! Anny, đằng kia sẽ có người bật đèn sáng trở lại bây giờ”. Hoặc chúng ta chỉ cần nhớ lại những lời tương tự mà Darryl Stingley đã từng nói với phóng viên tờ Chicago Tribune “Ðối với tôi, đây là một cuộc tái sinh… Thực sự tôi đã tìm ra được nhiều ý nghĩa và mục đích hơn cho cuộc sống hơn bất cứ lúc nào trước đây”. Và một khi ánh sáng đã trở lại với chúng ta điều này chắc chắn sẽ xảy ra – chúng ta sẽ thấy Ánh sáng ấy rạng rỡ hbao giờ hết.

Chúng ta hãy kết thúc với bài ca phổ biến do Ðức Hồng Y Newman sáng tác. Bài ca này diễn tả cuộc tìm kiếm chính lộ của Ngài để bước theo Chúa Giêsu. Hồng Y Newman viết bài ca này khi còn là một thanh niên từ Ý vượt biển trở về cố hương của Ngài là Anh Quốc. Trong lúc con tàu nán lại ở Sicile, chàng trai Newman bị ngã bệnh suýt chết. Trong thời gian bình phục, chàng đã viết lại những dòng sau:

Ôi ánh sáng yêu thương,
Xin dẫn con đi giữa cơn tăm tối mịt mùng.
Xin hãy dẫn dắt con,
Vì bóng đêm quá dầy đặc,
Mà con lại đang xa nhà.
Xin hãy dẫn dắt con,
Hãy điều khiển bước chân con.
Con không xin đựơc trông thấy
Cảnh tượng từ đằng xa,
Mà chỉ xin được dẫn đi từng bước,
Từng bước một thôi!

LM Mark Link, SJ

Lựa chọn của Chúa Giêsu

Lựa chọn của Chúa Giêsu

Địa lý nước Do Thái chia làm ba miền. Miền Nam được gọi là Giuđêa. Miền Trung là Samaria. Miền Bắc là Galilêa. Thủ đô Giêrusalem thuộc về miền Nam. Đây là trung tâm chính trị và tôn giáo. Vua Hêrôđê đóng đô ở Giêrusalem. Đền thờ Giêrusalem là trái tim của dân tộc Do Thái. Hằng năm người ở mọi miền tuốn về Giêrusalem dự lễ. Đây cũng là nơi quy tụ quyền lực tôn giáo. Có dinh thầy cả thượng phẩm. Có các luật sĩ, biệt phái, văn nhân. Người ở Giuđêa coi Giêrusalem là đền thờ duy nhất, đạo ở Giuđêa là chính thống. Họ tẩy chay người ở Samaria, coi Samaria là ngoại đạo vì người ở Samaria xây cất đền thờ riêng trên núi Garidim. Người ở Giuđêa không bao giờ đi lại tiếp xúc với người Samaria. Còn miền Galilêa ở phía Bắc, tuy không có đền thờ đối nghịch với Giuđêa, nhưng bị Giuđêa khinh miệt vì đó là nơi pha tạp đủ mọi sắc dân, là đất của dân ngoại.

Khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã không chọn rao giảng tại Giêrusalem. Bởi vì Giêrusalem là vùng toàn tòng theo đạo, nhưng lại kiêu căng hợm mình, loại trừ người khác. Khi mới sinh ra, Chúa Giêsu đã phải chạy trốn bạo vương Hêrôđê. Hôm nay Hêrôđê con ông lại ra lệnh giết thánh Gioan Baotixita chỉ để thỏa mãn ước vọng ngông cuồng của một phụ nữ. Chúa Giêsu đã không chọn Giêrusalem làm điểm xuất phát, bởi vì các thày thượng tế, các văn nhân, luật sĩ, biệt phái đã chai đá, luôn tìm cách bắt bẻ, chứ không biết mở rộng tâm hồn đón nhận giáo lý của Người.

Người đã chọn Galilêa vì Galilêa là vùng quê nghèo khiêm tốn, nhưng dân cư thuộc đủ mọi chủng tộc đã biết mở lòng đón nhận giáo lý của Người. Người đã chọn Galilêa vì ở đây không có loại trừ, mọi người biết đón nhận nhau, chung sống hòa thuận. Người đã chọn Galilêa vì Galilêa là vùng đất bị khinh miệt, dân cư bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ngay từ buổi ban đầu Chúa Giêsu đã không để giáo lý của Người bị đóng khung trong bốn bức tường đền thờ, bị giới hạn trong một khung cảnh địa lý và dành riêng cho một giai cấp. Ngay từ buổi ban đầu Chúa Giêsu đã vạch ra cho Giáo Hội một đường hướng. Đó là ra đi, ra đi không ngừng nghỉ, ra đi đến những chân trời xa lạ, ra đi đến với mọi người thuộc đủ mọi chủng tộc, ngôn ngữ, màu da. Đó là đi đến với những người bị bỏ rơi, bị khinh miệt, bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Việc lựa chọn môn đệ của Chúa Giêsu cũng rất độc đáo. Người không lựa chọn môn đệ trong đền thờ, nhưng lựa chọn môn đệ giữa chợ đời. Người không lựa chọn những kẻ nhàn hạ rảnh rang, nhưng lựa chọn những người đang tất bật làm việc. Người không chọn những người trí thức uyên thâm, thông kinh hiểu luật, nhưng lựa chọn những anh thuyền chài, đơn sơ, cục mịch. Ý định truyền giáo của Người là rất rõ ràng. Người lựa chọn những người dám ra đi, dám mạo hiểm, sẵn sàng từ bỏ, không ngần ngại, không do dự. Người lựa chọn những con người có trái tim mở rộng, biết hy sinh quên mình, không bám víu vào bất cứ một điểm tựa nào, dù là lề luật, dù là đền thờ, dù là kiến thức. Buông tất cả để chỉ nắm lấy Thiên Chúa. Bỏ tất cả để chỉ đi theo Chúa.

Những lựa chọn của Chúa Giêsu khiến tôi hiểu rằng: Người yêu thích những tâm hồn rộng mở biết sống hài hòa, biết đón nhận anh em. Người yêu thích những tâm hồn đơn sơ nhỏ bé, ưa thích sống đời khiêm nhường bình dị. Người yêu thích những tâm hồn nồng nàn yêu thương. Đó là những tâm hồn dễ dàng đón nhận và chia sẻ Tin Mừng. Đó là những thửa đất tốt cho hạt giống Tin Mừng nảy mầm, đơm bông kết trái.

Lạy Chúa Giêsu, xin mở lòng con để con đón nhận được Lời Chúa và để Lời Chúa sinh nhiều bông hạt.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Chúa Giêsu có những lựa chọn khác với thường tình. Tại sao?
2) Tại sao Chúa không bắt đầu rao giảng tại thủ đô Giêrusalem, nhưng lại bắt đầu từ Galilêa, vùng đất dân ngoại?
3) Tại sao Chúa lại chọn tông đồ giữa đám thuyền chài thất học?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

“Miền Galilê ngoại giáo”

“Miền Galilê ngoại giáo”

Địa dư Palestine có ranh giới:

– Đông giáp sa mạc Syria và Ả rập.

– Tây giáp Địa Trung Hải.

– Bắc giới hạn từ thung lũng núi Liban chạy đến núi Hermon.

– Nam giáp ranh Iđumê, miền đất hoang vu Bersabê và Biển Chết.

Cựu ước thường dùng kiểu nói “từ Đan đến Bersabê” để chỉ miền đất Do thái cư ngụ. Chiều dài từ chân núi Liban tới Bersabê là 230 km; chiều rộng từ Địa Trung Hải đến sông Giođan là 37-150km. Diện tích phía tây Giođan là 15.643 km2, phía Đông (Transjordanie) là 9482km2. Tổng cộng là 25.124km2.

Palestina thời Chúa Giêsu chia làm bốn miền:

– Galilêa có thành Capharnaum, Nazareth.

– Samaria nằm giữa xứ Palestina với những con đường nối liền Nam-Bắc.

– Giuđêa là miền núi có thủ đô Giêrusalem và Pêrêa bên kia sông Giođan.

– Phía Bắc là miền Decapolis nơi dân cư phần nhiều thuộc văn hoá Hylạp.

Palestina có địa lý đặc biệt: Thung lũng Giođan chia Palestina làm hai miền: Palestina và Transjordanie. Thung lũng này là hiện tượng địa lý duy nhất trên địa cầu: bắt đầu từ núi Taurus, ngang qua Celesyria, đến Palestina, rồi tiếp tục theo phía Đông bán đảo Sinai tới Biển Đỏ. Phía Bắc (thành Đan) cao hơn Địa trung hải 550m; càng về phía Nam càng thấp xuống. Tibêriade thấp hơn Địa trung hải 208m; tới Biển Chết mực nước thấp hơn 392m. Sông Giođan phát nguồn từ núi Hermôn, chạy qua hồ El-Hule (dài 6000m, sâu từ 3-5m), rồi qua hồ Tibêriade, đổ vào Biển chết. Hồ Tibêriađê (gọi là Giênêzarét) dài 21km, rộng 12 km, sâu 45m, nước trong xanh và nhiều cá. Biển chết dài 85km, rộng 16km, nước biển nhiều độ mặn nên không vật nào có thể sống được. Miền Duyên hải từ núi Libanô đến núi Camêlô, rộng từ 2-6km. Từ núi Camêlô đến Gaza phía Nam, bờ biển rộng đều và thẳng với các hải cảng Akko, Haifa và Jaffa (Joppé). Giữa Haifa và Jaffa, vua Hêrôđê xây thêm hải cảng Cêsarêa. Từ núi Camêlô đến Jaffa là bình nguyên Sharon phì nhiêu. Từ Jaffa xuống phía nam là bình nguyên Sêphêla thuộc xứ Pelistin (danh xưng Palestina xuất phát từ chữ này). Bình nguyên Esdrelon từ phía Bắc núi Camêlô chạy theo hướng Đông Nam, chia phần đất phía Tây sông Giođan làm hai phần: Galilê phía Bắc, Samaria và Giuđêa phía Nam. Miền Galilê: phía bắc nhiều núi, nam là bình nguyên Esdrelon, miền duyên hải là đồng bằng, giữa là đối núi thấp dần về phía sông Giođan.

Bên kia sông Giođan(Transjordanie)là miền đồi núi, chia làm 3 phần:

– Trachonitide thuộc Đông-Bắc hồ Tiberiade.

– Miền Thập tỉnh phía đông-nam hồ.

– Pêrêa thuộc phía đông sông Giođan và Biển chết, đối diện với Samaria và Giuđêa.

Người Do thái không chiếm cứ hoàn toàn miền bên kia sông Giođan. Trước thời kỳ Hy hóa, đã xuất hiện tại mạn Bắc nhiều bộ lạc Aram. Thời Hy hóa, từ sau cuộc chinh phục của Alexandre đại đế, nhiều người Hy lạp đến đây cư ngụ. Thời Đức Giêsu, họ lập thành miền Thập tỉnh, có khoảng 10 thành liên minh với nhau. Các thành nổi tiếng hơn cả là Damascô, Hippos, Gadara, Gerasa, Pella, Philadelphia.

Thủ đô Giêrusalem là trung tâm chính trị và tôn giáo. Vua Hêrôđê đóng đô ở Giêrusalem. Đền thờ Giêrusalem là trái tim của Dân tộc Do thái. Hàng năm, khắp mọi miền đất nước người ta đổ về Giêrusalem để dự lễ. Đây cũng là nơi quy tụ quyền lực tôn giáo, có dinh của Thầy Cả Thượng phẩm, có các luật sĩ, biệt phái, văn nhân. Dân chúng ở Giuđê coi Giêrusalem là đền thờ duy nhất, đạo ở Giuđêa là chính thống. Họ tẩy chay người Samari là dân ngoại vì dân Samari xây cất đền thờ trên núi Garizim. Dân Giuđê không bao giờ đi lại tiếp xúc với dân Samari. Họ cũng khinh miệt dân Galiê vì đó là nơi pha tạp mọi sắc dân là đất của dân ngoại. Giuđê là vùng có đạo toàn tòng, là trung tâm của đạo Do Thái, còn Galilê là miền giáp ranh giữa ranh vùng có đạo và vùng ngoại đạo. Quả thực đây là vùng xôi đậu. Về mặt chính trị, vùng này chịu ảnh hưởng ngoại bang thật sâu đậm. Về mặt chủng tộc, ở đây người Do Thái sống lẫn lộn giữa dân ngoại. Về mặt tôn giáo, Galilê thua xa Giuđê, bị coi là ở bên lề của cộng đồng dân Chúa. Đối với dân thủ đô, Galilê chỉ là tỉnh lẻ, nhà quê. Đối với người mộ đạo sùng tín, miền Bắc thật đáng ngờ vực. Đó là miền hầu như thuộc ngoại bang, nơi hội tụ dân ngoại. Một dân cư pha tạp, nông dân và ngư dân có giọng nói nặng chịch vốn là đề tài phong phú cho các câu chuyện diễu cợt hằng ngày…

Khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu không chọn rao giảng ở Giêrusalem mà chọn Galilê.

Galilê không rộng lắm, từ bắc chí nam dài khoảng 60 cây số, dân cư sống đông đúc. Đất hẹp người đông. Thời Josephus làm tổng trấn, ông đếm được 294 làng, mỗi làng không dưới 15.000 dân. Galilê không những là khu đông dân cư nhưng dân ở đó cũng có một cá tính đặc biệt. Galilê sẵn sàng mở cửa đón những ý niệm mới. Josephus nói về dân Galilê như sau: ”Bao giờ họ cũng thích cải cách, bản tính họ thích thay đổi và thích bạo động. Họ luôn sẵn sàng theo một thủ lãnh và phát khởi một cuộc nổi dậy. Họ nổi tiếng là người nóng tính và thích cãi vã. Tuy nhiên, họ cũng là những người hào hùng nhất”.

Đặc tính bẩm sinh của người Galilê giúp việc truyền giáo cho họ rất thuận lợi. Thái độ cởi mở đón nhận những tư tưởng mới cũng góp phần cho việc truyền giáo trở nên dễ dàng. Có lẽ vì những yếu tố này mà Chúa Giêsu chọn Galilê làm trung tâm truyền giáo. Những tín đồ chính thống ở kinh đô chiêm ngưỡng sự siêu việt của mình, chế diễu và tránh xa những người bị loại trừ ở phía Bắc. Chúa Giêsu rao giảng tại Galilê, xa thói ngạo mạn, tính tự tôn và sự mù quáng của dân thành đô. Chúa chọn Galilê vì ở đây mọi người biết chấp nhận nhau chung sống hoà bình.

Galilê là khởi điểm Kitô giáo. Chính tại đây, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc rao giảng Tin mừng, chọn gọi các Tông đồ, tuyên bố Luật mới. Các Tin mừng Nhất Lãm đã kết thúc thời kỳ đầu rao giảng tại Galilê của Chúa Giêsu bằng lời tuyên xưng của Phêrô “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16). Sự chọn lựa miền đất Galilê có một ý nghĩa quan trọng theo Tin mừng Matthêu. Để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: “Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tốt tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng. Những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi“. Matthêu khi trích dẫn Isaia, có ý nói rằng Chúa Giêsu vâng phục theo ý muốn của Chúa Cha; Người làm điều mà Thiên Chúa đã nói. Đây là sự vâng phục cao cả, to lớn và kỳ diệu được đảm nhận với tự do và tình yêu. Thánh sử cũng nhấn mạnh đến sự liên tục của Chúa Giêsu với toàn bộ lịch sử của dân Người. Cuộc phiêu lưu vĩ đại đã khởi đi từ một miền đất bị nguyền rủa. Thế giới mới đã ăn rễ sâu vào vùng đất nhơ uế nhưng cởi mở đón tiếp mọi bất ngờ của Thánh Thần. Chúa Giêsu là ánh sáng bừng lên giữa thế gian. Ngài muốn soi sáng tất cả mọi người, kể cả các anh em ly khai, những người lạc giáo, những lương dân và những người vô thần.

Bài Phúc âm Chúa nhật hôm nay kể lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và bốn môn đệ đầu tiên ở biển hồ Galilê.

Chúa Giêsu đã gọi và chọn các tông đồ là những người chài lưới tầm thường. Đáng lý Chúa phải chọn những người ưu tú trong đám trí thức và được coi là đàng hoàng ở Giuđê mới phải. Tại sao Chúa lại chọn những người làm nghề chài lưới? Phải chăng Người ngụ ý dạy các môn đệ phải luôn luôn sẵn sàng rời bỏ đất liền và thế giới riêng của mình, nghĩa là rời bỏ cái khung cảnh an toàn và đóng kín của mình để ra khơi, giữa đại dương mênh mông vô bờ bến và đầy gian nguy, tức là đến với thế giới rộng lớn và xa lạ để cứu vớt thế giới?

Chúa Giêsu kêu gọi các tông đồ không phải trong khuôn khổ một lễ hội tôn giáo hoặc một hoạt động tâm linh… nhưng ở giữa đời sống thường ngày của họ, trong lúc họ đang làm công việc nghề nghiệp. Các môn đệ ngư phủ tuy là những người ít học, không giàu có, không địa vị, nhưng đối với Chúa, họ có đủ tố chất cần thiết để trở nên những người cộng sự của Người. Chẳng hạn, sự kiên trì khi thả lưới giúp họ biết nhẫn nại chờ đợi; sự hòa đồng giúp họ chấp nhận nhau và làm việc chung; sự can đảm trước sóng gió giúp họ đối diện với nghịch cảnh; khả năng nhận ra khi nào và chỗ nào nên thả lưới sẽ giúp họ khám phá những vùng truyền giáo màu mỡ. Cuộc gặp gỡ này đã làm thay đổi số phận của những con người lênh đênh trên biển hồ ngày trước. Cuộc gặp gỡ này là khởi đầu cho công cuộc thay đổi thế giới. Cuộc gặp gỡ làm nên những huyền diệu trong lịch sử nhân loại.

Các ngài gặp gỡ và bước theo Chúa để học nơi Chúa. Họ nhận ra rằng: Chúa Giêsu, Thầy Dạy của các bậc thầy, không những chỉ dạy Lời Chúa nhưng chính Người là Lời Chúa. Người không những chỉ dạy cho cách sống mới mà chính Người là Sự Sống. Người không những chỉ cho biết ý nghĩa của “Đường sự Sống“, mà chính Người là Đường Sự Sống, là Ánh Sáng.

Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ. Các ngài đáp trả chân tình. Các ngài được sống thân mật với Chúa. Các ngài ra đi làm chứng cho tình yêu Chúa. Đó là hành trình ơn gọi của các Tông Đồ. Đó cũng là hành trình ơn gọi của mỗi Kitô hữu.

Truyền giáo ngày nay trong thế giới nói chung và trong xã hội Việt Nam nói riêng không nhắm trước tiên hay chủ yếu vào việc “chinh phục các linh hồn” cho Chúa càng nhiều càng tốt, (chúng ta không chạy theo số lượng) nhưng đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần vào con người và vào mọi thực tại nhân sinh. Vì thế, để thi hành sứ mạng cao cả đó, chúng ta không nhất thiết phải đi tới một vùng địa lý nào khác, mà lấy chính môi trường sống của mình làm “vùng đất ngoại bang”, và noi gương của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chúng ta hãy coi các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội là những vùng giáp ranh, những vùng biên giới, những “vùng Galilê, miền đất của dân ngoại” mà Chúa sai chúng ta đến. Và hơn nữa “miền Galilê ngoại giáo” của ta là chính bản thân ta vì vẫn còn những vùng tăm tối ngay trong tâm hồn và cuộc sống của ta chưa được ánh sáng Chúa Kitô soi chiếu và biến đổi. Chính Người vẫn còn nói với ta hôm nay, những kẻ đã tin theo Người: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1, 15).

LM Giuse Nguyễn Hữu An

HÃY SÁM HỐI VÌ NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN GẦN

HÃY SÁM HỐI VÌ NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN GẦN

Sau khi Chúa Giêsu chịu thanh tẩy bởi tay Gioan Baotixita ở sông Giorđăng và chịu ma quỷ cám dỗ ở trong sa mạc, Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả, để bước vào cuộc đời rao giảng công khai, loan báo Nước trời và đem ơn cứu độ đến cho con người. Chúa Giêsu tiếp tục sứ mạng rao giảng của Gioan Tẩy Giả và rồi Ngài sai các môn đệ, các tông đồ đi loan báo Nước Thiên Chúa. Đây là sứ mạng liên tục khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu đến thời các tông đồ liên tục cho đến hôm nay…

Chúa Giêsu đã chọn một vùng nhỏ sát biển hồ xứ Galilêa, nằm về phía tây bắc gọi là Capharnaum để bắt đầu khai mạc sứ vụ công khai của Ngài, biển này được gọi là biển của mọi dân tộc. Bởi vì từ đây, Chúa Giêsu đã loan báo một Giáo lý hoàn toàn mới mẻ, gây đảo lộn tất cả đặc biệt đối với các Kinh sư, Biệt phái và Pharisêu. Gioan Tẩy Giả bị bắt vào tù và rồi Chúa Giêsu đã thi hành sứ mạng, quyền bính của Ngài. Lời đầu tiên Chúa Giêsu loan báo, công bố, rao giảng là “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Hãy ăn năn, trở lại là lệnh truyền của Chúa Giêsu. Nét độc đáo trong việc rao giảng của Chúa là đến với mọi người chứ không đợi người ta đến với Chúa, Ngài đã vừa nói, vừa hành động vì lời nói phải đi đôi với việc làm, ngôn hành song hành. Rồi trong tương lai, khi biến cố chết và phục sinh của Chúa, Chúa Thánh Thần hiện xuống, các tông đồ lại tiếp tục sứ mạng rao giảng của Chúa Giêsu. Đề tài của các ngôn sứ “trở lại” có nghĩa là quay về với Thiên Chúa cách vô điều kiện. Còn đối với Chúa Giêsu và Hội Thánh tiên khởi trở về hay quay về là hoán cải nội tâm, thay đổi tận căn khiến lòng mình luôn luôn luôn mở rộng để đón nhận Thiên Chúa. Thực ra, muốn vào Nước Trời không phải là kể công với Chúa, không phải xem mình đã tạo được bao nhiêu công trạng mà cho Chúa một trái tim mới, một tinh thần mới. Sự dữ, ma quỷ, tội lỗi làm cho nhân loại, làm cho con người xa Chúa, nhưng Chúa Giêsu đến để đưa chúng ta, đưa con người trở về với Ngài.

Công cuộc loan báo Tin Mừng vẫn tiếp tục được nhiều người nối tiếp sứ mạng của các tông đồ với biết bao phương cách để đem các linh hồn về với Chúa. Muốn rao giảng, muốn loan báo Tin Mừng, các sứ giả của Chúa luôn phải có lòng nhiệt thành, cảm nghiệm sâu xa ơn nhưng không của Thiên Chúa. Chỉ có ánh sáng mới xua tan bóng tối. Tuy nhiên, để xua tan tội lỗi, chỉ có ánh sáng của Đức Kitô. Ngài là ánh sáng được Chúa Cha sai tới để đẩy xa tội lỗi, để cứu vớt con người. Chúa Giêsu đã tuyên bố : “Ta là ánh sáng thế gian”. Ngài mời gọi nhân loại đi trong ánh sáng của Ngài. Ánh sáng của cây nến phục sinh tượng trưng cho Đức Kitô được chia sẻ cho mọi người để dạy cho người Kitô hữu biết đức tin cũng phải được cháy sáng. Nhờ đức tin cháy sáng, nhiều người sẽ nhận ra tình yêu của Đức Kitô, và nhận ra chính Đức Kitô là Đấng cứu độ. Những hành động tốt lành, những cử chỉ yêu thương của con người sẽ là lời nói hùng hồn làm chứng cho bộ mặt đầy yêu thương của Thiên Chúa.

Các tông đồ, những sứ giả Tin Mừng, hay chính những cử chỉ nhỏ nhất như nở một nụ cười, nói một lời nhẹ nhàng thiện cảm cũng làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu. Ánh sáng cứu độ của Chúa luôn tỏa chiếu, soi sáng cho mọi người. Chúa chính là ánh sáng. Do đó, người Kitô hữu thuộc về Chúa, nên cũng phải tỏa ánh sáng bằng chính đời sống chứng tá yêu thương của mình. Một cuộc đời đầy ắp yêu thương, một cuộc đời thắm đượm tình bác ái luôn là ánh sáng tỏa lan, luôn là vết dầu loang lan tỏa làm cho nhiều người nhận ra Chúa. Mọi Kitô hữu sống được như thế, họ sẽ trở nên ánh sáng xua tan màn đêm, xua tan bóng tối. Thắp sáng tin yêu, thắp sáng hy vọng là bổn phận của người môn đệ Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết thắp sáng đời sống bằng những cử chỉ yêu thương. Xin làm cho chúng con trở thành men muối cho đời để chúng con biết cho đi mà không cần đáp trả. Xin cho chúng con biết noi gương các tông đồ mau mắn đáp trả lại tiếng mời gọi của Chúa.Xin biến chúng con trở thành những ngư phủ lành nghề để chúng con đem nhiều người trở về với Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1. Sám hối là gì?
2. Tại sao Chúa Giêsu lại kêu gọi con người hoán cải?
3. Nước Trời đã gần đến nghĩa là gì?
4. Tại sao Chúa nói “Ta là ánh sáng”?
5. Cây nến phục sinh tượng trưng gì?

LM Giuse Nguyễn Hưng Lợi

ĐỒNG TÂM

ĐỒNG TÂM

Mẹ Têrêxa kể câu truyện xảy ra tại Melbourne, Úc Đại Lợi: Tôi tới thăm viếng một cụ già cô đơn vì chẳng có ai để tâm ngó dòm. Tôi thấy ông cụ cư ngụ trong một căn phòng tối tăm và bẩn thỉu. Sàn nhà phủ đầy cát bụi và rác rưởi. Màng nhện giăng khắp nơi. Không có chút ánh sáng trong phòng. Cụ già sống trong đêm tối sau bức màn. Tình trạng bên ngoài không khác gì tâm trạng của tâm hồn. Cụ sống trong chán chường, thất vọng và buồn tủi đơn côi. Cụ không có bà con bạn bè trong cuộc sống. Tôi hỏi: Tôi có thể giúp gì cho ông? Tôi bắt đầu lau chùi và sắp đặt ngăn nắp các đồ đặc trong phòng. Lúc đầu, cụ nói: Thôi cứ để vậy, mọi sự tốt mà! Nhưng tôi cố tình thuyết phục, và cuối cùng cụ đã để tôi dọn dẹp.

Tôi lau chùi cẩn thận mọi chỗ và tôi phát hiện ra một cái đèn dầu. Đèn hết sạch dầu và bụi phủ dày. Tôi có thể nhìn thấy chiếc đèn còn tốt. Tôi đã rửa ráy, đánh sáng và châm dầu. Tôi hỏi: Sao cụ không đốt đèn? Cụ trả lời: Tại sao tôi phải đốt đèn chứ? Chính tôi không cần đến nó. Tôi sống quen với màn đêm rồi. Chẳng có ai đến gặp tôi cả. – Vậy cụ có hứa với tôi là sẽ đốt đèn sáng khi có một trong các Dì của tôi đến thăm cụ không? Cụ trả lời: Tôi hứa. Nếu tôi nghe có tiếng người đi vào nhà, tôi sẽ thắp đèn sáng. Một nữ tử Dòng Thừa sai Bác ái đã bắt đầu đến viếng thăm ông. Cụ đã bắt đầu có một cuộc sống mới. Cuộc sống cụ được soi rọi bởi ánh sáng không chỉ là đèn dầu mà là ánh sáng của niềm hy vọng và tình yêu được thắp lên trong trái tim của mình.

Ánh nắng mặt trời rọi sáng khắp nơi và là nguồn sưởi ấm cho mọi loài. Tiên tri Isaia đã dùng hình ảnh ánh sáng và đêm tối để diễn tả về nguồn ơn giải thoát. Ánh sáng đã dọi chiếu vào thế gian mang lại niềm hy vọng cho muôn dân. Isaia đã đồng hành cùng Dân Thánh qua mọi thăng trầm của cuộc sống. Cả những ngày lưu đầy xa xứ trong cảnh nô lệ và bị áp bức. Với niềm hy vọng vào một tươi lai tươi sáng, Isaia có tư tưởng rất tích cực để khích lệ và nuôi ý chí phấn đấu. Phấn đấu với những ảnh hưởng dị dạng của ngoại bang và đời sống dung tục của con người xã hội. Isaia đã nhắc nhớ cho Dân về chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa với các tổ phụ. Ánh sáng công chính sẽ soi dọi vào tâm tư mọi người để đốt nóng lên niềm cậy trông và hy vọng cứu độ: “Dân chúng đi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng vĩ đại, và một ánh sáng đã chiếu soi trên dân ở vùng bóng sự chết.” (Is 9,1).

Lịch sử của Dân Dothái cũng là lịch sử của ơn cứu độ. Dân Thánh được Thiên Chúa ưu ái, giữ gìn và bảo vệ. Ngay từ thời lưu lạc tại Aicập, con dân phát triển không ngừng. Vua Pharaô đã phải diệt trừ các trẻ trai mới sinh ra để giảm bớt dân số. Trong cuộc lữ hành sa mạc về Đất Hứa, hầu hết những người rời Aicập đã chết trong hoang địa. Dân Thánh vẫn tồn tại và sinh sôi nẩy nở thêm đông. Cho dù dân Dothái bị tản mát khắp nơi và bị vùi dập, nhưng họ vẫn có thể đứng dậy và thiết lập cơ đồ. Isaia đã diễn tả sự phú túc và phát triển của dân tộc: “Người đã gia tăng dân số, đã ban một nguồn vui lớn; thiên hạ hân hoan trước mặt Người, như hân hoan khi được mùa, nhảy mừng như khi phân chia chiến lợi phẩm.” (Is 9,2). Isaia đã khơi dậy sự phấn chấn và an ủi lớn lao cho toàn dân. Họ hãnh diện là Dân được chọn và một Dân có lề luật hướng dẫn. Họ tôn thờ một Thiên Chúa độc thần.

Khởi đầu sứ vụ rao giảng, Chúa Giêsu đã kêu gọi: Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!” (Mt 4,17). Chúa muốn một sự đổi mới thật sự trong tâm hồn, chứ không phải chỉ có thái độ ỡm ờ. Cần có một thái độ dứt khoát để hưởng nhờ ơn cứu độ. Một sự đụng chạm nội tâm sâu thẳm. Sự hối cải phải là một sự đổi đời thực sự. Bỏ lại quá khứ sai lầm và tội lỗi để sống một đời sống mới trong Nước Trời. Những lời mời gọi về sự sám hối, thống hối, hối cải, sửa đổi hay thay đổi là lời mời khẩn thiết cho mọi người ở mọi thời. Thường thì tâm tình yếu đuối của con người là ưa dễ dãi, thích khất lần, sống hời hợt và che lấp bằng lớp vỏ đạo đức nào đó. Tất cả những việc đạo đức biểu tỏ bên ngoài sẽ không xoá nhoà hay khoả lấp cuộc sống hai mặt phía sau. Thái độ dứt khoát với sự dữ, sự tội và sự xấu không luôn dễ, vì chúng ta quá quen chung sống với đêm tối. Hối cải là đối diện thật với lòng và với cuộc sống. Soi mình trước lương tâm, huấn lệnh, các giới răn và luật Chúa và luật Hội Thánh để canh tân đời sống.

Chúa Giêsu đã bắt đầu thành lập Giáo Hội trên trần gian để tiếp tục sứ vụ của Ngài. Chúa đã chọn những môn đệ đầu tiên để huấn luyện, dạy dỗ và sống niềm tin. Chúa đã chọn gọi các thợ chài lưới ít học nhưng có tâm hồn đơn sơ chân thành. Với lời mời gọi nhẹ nhàng và trìu mến: Người bảo hai ông Phêrô và Anrê: “Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta.” (Mt 4,19). Các ông đã đi theo Chúa và đi theo tới cùng: “Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người.” (Mt 4,20). Chúa gọi đích danh từng người và chọn gọi họ làm môn đệ của Chúa. Các ngài là những người rường cột của một Hội Thánh: “Người cũng gọi hai anh là Giacô bê và em là Gioan con ông Giêbêđê. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.” (Mt 4,22).

Bốn môn đệ đầu tiên đã dứt khoát bỏ mọi sự đi theo Chúa. Chúa đã làm cho các ngài trở thành những kẻ chài lưới người. Những con người bình thường đã thực hiện những việc khác thường và phi thường. Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở nên nhân chứng của sự sáng. Niềm tin vào Chúa Kitô là nguồn ánh sáng sẽ dẫn dắt chúng ta bước vào con đường sự sáng. Đèn sáng của chúng ta phải đặt trên giá và chiếu toả cho mọi người chung quanh. Góp phần tích cực vào sứ vụ truyền rao Tin Mừng Nước Trời, chúng ta phải đứng về phía ánh sáng và sống như con cái sự sáng.

Chúa Kitô, mặt trời công chính và là ánh sáng đã đến trong thế gian. Ánh sáng của Chúa Kitô soi rọi vào đêm tối của tội lỗi và sự dữ. Chúa đã đến cứu thoát con người ra khỏi vùng âm u sự chết và dẫn vào ánh sáng vĩnh cửu. Thánh Phaolô đã mời gọi các Kitô hữu hãy biết đồng tâm hiệp ý liên kết trong một niềm tin: “Anh em thân mến, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi xin anh em tất cả hãy đồng tâm hiệp ý với nhau, giữa anh em đừng có chia rẽ; hãy đoàn kết chặt chẽ trong cùng một thần khí và cùng một tâm tình.” (1 Cr 1,10). Sự giao thời giữa Cựu ước và Tân ước đã tách biệt dân Dothái ra nhiều nhóm khác nhau. Ngay cả trong các nhóm Kitô hữu tiên khởi đã nhen nhúm sự phân rẽ vì niềm tin.

Chỉ có một Chúa Giêsu Kitô. Chỉ có một Đấng cứu độ là Con Một Thiên Chúa. Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Ngay từ thời các Tông đồ bắt đầu sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, các tín hữu đã có sự tranh giành, gây ảnh hưởng và chia rẽ nội bộ vì quá để tâm đến quyền tư lợi. Thánh Phaolô phải lên tiếng nhắc nhở: “Tôi có ý nói điều này, là mỗi người trong anh em nói: “Tôi, tôi thuộc về Phaolô; “Tôi về phe Apollô”; “Còn tôi, tôi về phe Kêpha”; “và tôi thuộc về phe Chúa Kitô”.” (1 Cr 1,12). Chúa Kitô là trung tâm của tất cả niềm tin. Chúa Kitô duy nhất không thể phân rẽ. Sứ mệnh của Chúa Kitô là đem Tin Mừng giải thoát nhân loại. Chúa cứu độ tâm hồn con người khỏi sự ràng buộc của ma quỷ, tội lỗi và sự dữ.

Lạy Chúa, ngày qua ngày đèn tâm hồn của chúng con bị bụi mù vây phủ. Xin cho chúng con biết can đảm lau sạch, đánh bóng, châm dầu và khơi đốt ánh đèn để tâm hồn chúng con được toả sáng và sưởi ấm trong tình yêu của Chúa.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Đức Thánh Cha kêu gọi tăng cường sự hiện diện và hoạt động của phụ nữ

Đức Thánh Cha kêu gọi tăng cường sự hiện diện và hoạt động của phụ nữ

VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi tăng cường sự hiện diện và hoạt động của phụ nữ trong các lãnh vực của Giáo Hội và xã hội dân sự.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ bẩy 25-1-2014, dành cho 300 tham dự viên hội nghị toàn quốc do Trung Tâm Phụ Nữ Italia tổ chức, một trung tâm được thành lập cách đây gần 70 năm với mục đích huấn luyện và thăng tiến con người.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, sau khi nhắc đến giáo huấn của các vị tiền nhiệm về vai trò quan trọng của phụ nữ, ĐTC khẳng định rằng: ”Cả tôi cũng đã từng nhắc đến sự đóng góp không thể thiếu được của phụ nữ trong xã hội, đặc biệt là với sự nhạy cảm và trực giác của phụ nữ đối với tha nhân, người yếu thế và người vô phương thế tự vệ; tôi vui mừng khi thấy nhiều phụ nữ chia sẻ một số trách nhiệm mục vụ với các LM, qua việc tháp tùng các cá nhân, gia đình và nhóm, cũng như trong việc suy tư thần học. Và tôi cầu mong không gian dành cho sự hiện diện của phụ nữ được mới rộng một cách sâu rộng và quan trọng hơn trong Giáo Hội”.

ĐTC không quên vai trò quan trọng, không thể thay thế được, của phụ nữ trong gia đình. Ngài nói: ”Những năng khiếu tế nhị, đặc biệt nhạy cảm và dịu dàng, mà tâm hồn phụ nữ vốn rất phong phú, không những là một sức mạnh chân thực cho đời sống gia đình, làm lan tỏa bầu không khí thanh thản và hòa hợp, nhưng còn là một thực tại mà nếu không có, thì ơn gọi của con người không thể thực hiện được”.

Sau cùng, ĐTC nhắc nhở bí quyết để chị em phụ nữ hiện diện và tăng trưởng trong bao nhiêu lãnh vực công cộng, thế giới lao động và tại những nơi đề ra những quyết định quan trọng, cũng như trong gia đình, đó là sự siêng năng và kiên trì cầu nguyện. Ngài nói: ”Chính trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa, được Lời Chúa soi sáng, được ơn thánh của các bí tích tưới gội, mà phụ nữ Kitô luôn tìm cách đáp lại tiếng Chúa gọi trong hoàn cảnh cụ thể của mình.” (SD 25-1-2014).

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha chủ sự kinh chiều bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô

Đức Thánh Cha chủ sự kinh chiều bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô

ROMA. Lúc 5 giờ rưỡi chiều ngày 25-1-2014 lễ Thánh Phaolô trở lại, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Tuần này đã tiến hành từ 18 đến 25-1 vừa qua với chủ đề ”Chúa Kitô bị phân rẽ sao” (Xc 1 Cr 1,1-17).

Hiện diện tại buổi cầu nguyện, ngoài hàng chục HY, còn có các GM, giáo sĩm tu sĩ và giáo dân Roma, nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, nhất là Đức TGM Gennadios Zervos, Đại diện tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo, đặc trách các tín hữu Chính Thống tại Italia, Malta và miền nam Âu Châu, ĐGM David Moxon người New Zealand, đại diện Đức Giáo Chủ Anh giáo tại Roma.

Trước khi kinh chiều bắt đầu, ĐHY Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đại diện mọi người hiện diện chào mừng và cám ơn ĐTC đã đến chủ sự Kinh Chiều này.

Trong bài giảng, ĐTC đã quảng diễn chủ đề tuần cầu nguyện hiệp nhất năm nay, rút từ thứ thứ I của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cộng đoàn Corinto đang bị chia rẽ, người thì quả quyết mình thuộc về Phaolô, người khác nói mình thuộc về Apollo, cũng có người nói mình thuộc về Chúa Kitô. Tình trạng đó cho thấy ”kinh nghiệm riêng của mỗi người, sự tham chiếu một số nhân vật quan trọng của cộng đoàn, đã trở thành thước đo để phán đoán đức tin của người khác.. Trong tình trạng chia rẽ ấy, thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu thành Corinto, ”vì danh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tất cả hãy đồng tâm nhất chí trong lời nói, để giữa họ không có chia rẽ, trái lại được hiệp nhất trọn vẹn với nhau trong tư tưởng và cảm thức”.

ĐTC cũng nói rằng: ”Các bạn thân mến, Chúa Kitô không thể bị phân rẽ! Xác tín này phải khích lệ và nâng đỡ chúng ta khiêm tốn và tín thác tiếp tiến bước trong hành trình tiến về sự hiệp nhất hữu hình giữa mọi tín hữu của Chúa Kitô”.

ĐTC nhắc đến sự nghiệp của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm từ Đức Gioan 23 đến Phaolô 6 và Gioan Phaolô 2 trong nỗ lực đại kết, Người đã đề nghị đối thoại đạt kết như một chiều kích thông thường và không thể tách rời khỏi đời sống của mỗi giáo hội địa phương.

Ngài nói thêm rằng: ”Hoạt động của các vị Giáo Hoàng làm cho chiều kích đối thoại đại kết trở thành một khía cạnh thiết yếu trong sứ vụ của Giám Mục Roma, đến độ ngày nay người ta không thể hiểu trọn vẹn sứ vụ của Phêrô mà không bao gồm trong đó cả sự đợi mở đối thoại với tất cả những người tin nơi Chúa Kitô. Chúng ta có thể nói rằng hành trình đại kết đã giúp đào sâu sự hiểu biết về sứ vụ của người Kế vị Thánh Phêrô và chúng ta phải tín thác rằng Người sẻ tiếp tục hành động theo nghĩa đó cả trong tương lai”. (SD 25-2-2-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha biệt kiến Tổng thống Obama

Đức Thánh Cha biệt kiến Tổng thống Obama

Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại Vatican vào ngày 27-3

Jim Kuhnhenn cho Christian Science Monitor

Tổng thống Barack Obama sẽ hội kiến Đức Thánh cha Phanxicô tại Vatican vào tháng 3, và hai nhà lãnh đạo sẽ dùng ngôn ngữ kinh tế chung theo những quan điểm giống nhau về nghèo đói và mức thu nhập chênh lệch, làm nổi bật vấn đề được tổng thống Mỹ lấy làm chủ đề chính trong nhiệm kỳ hai của mình.

Trong quan hệ phức tạp giữa chính quyền Obama và Giáo hội Công giáo, Tòa Bạch Ốc xem Đức tân Giáo hoàng được nhiều người yêu mến và việc ngài chú trọng đến cảnh ngộ khốn khổ của người nghèo là hình thức công nhận giá trị đạo đức nghị trình kinh tế của tổng thống. Khi đọc bài diễn văn về kinh tế hồi tháng trước, ông Obama viện dẫn tình trạng bất bình đẳng gia tăng trong thế giới phát triển và lưu ý rằng “chính Đức Thánh Cha đã nói về vấn đề này cách hết sức hùng hồn”.

Tòa Bạch Ốc và Vatican thông báo hôm thứ Ba rằng ông Obama sẽ hội kiến Đức Thánh Cha vào ngày 27-3 trong chuyến công du châu Âu dài 4 ngày, trong đó ông Obama còn tham dự cuộc họp thượng đỉnh về an ninh hạt nhân ở Hà Lan và cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Liên minh châu Âu tại Brussels. Đây là cuộc hội kiến đầu tiên giữa Tổng thống Obama và Đức Phanxicô.

Ông Obama có cuộc biệt kiến Đức cựu Giáo hoàng Bênêđictô XVI vào tháng 7-2009. Vào lúc đó, Vatican nhấn mạnh sự bất đồng sâu sắc giữa họ về phá thai. Đức Bênêđictô trao cho tổng thống một bản sao tài liệu của Vatican về đạo đức sinh học, khẳng định Giáo hội phản đối việc dùng phôi thai để nghiên cứu tế bào gốc, nhân bản và thụ tinh trong ống nghiệm, trong khi ông Obama ủng hộ việc nghiên cứu tế bào gốc.

Đức Phanxicô nói rõ rằng lập trường của Công giáo về đồng tính, hôn nhân đồng giới, và phá thai vẫn không đổi.

“Nhưng theo ngài những vấn đề gây mâu thuẫn cần bớt chú trọng một chút”, John C. Green, nhà khoa học chính trị chuyên về tôn giáo và chính trị tại đại học Akron, nói.

Đức Thánh Cha gây tranh luận xôn xao hồi tháng 11 khi công khai chỉ trích các thuyết khuếch tán lợi ích khẳng định tăng trưởng kinh tế có thể mang lại công bằng và hội nhập nhiều hơn dù không được chứng minh. “Những người bị gạt ra bên lề vẫn đang chờ đợi”, ngài viết.

Paul Begala, cựu cố vấn của Tổng thống Bill Clinton, nói ông Obama có thể được lợi từ việc Đức Phanxicô nhấn mạnh đến những khác biệt về kinh tế.

“Sẽ rất khó để những người bảo thủ chỉ trích Tổng thống Obama gây chia rẽ, khi nhân vật vĩ đại nhất thế giới về đoàn kết cũng đang nói gần giống như thế”, Begala phát biểu.

Nguồn: Christian Science Monitor

Trích từ UCANEWS VN

Đức Thánh Cha xem xét thăm Hàn Quốc, Philippines và Sri Lanka

Đức Thánh Cha xem xét thăm Hàn Quốc, Philippines và Sri Lanka

Lacopo Scaramucci cho Vatican Insider/La Stampa

Hàn Quốc trong năm nay, Sri Lanka và Philippines vào năm 2015. Đức Thánh cha Phanxicô đang chuyển hướng chú ý đến châu Á, châu lục mà Đức Bênêđictô XVI “không có thời gian sang thăm”. Và ba nước này nằm trong danh sách các nước ngài sẽ viếng thăm. Linh mục phát ngôn cho Vatican Federico Lombardi xác nhận những tin đồn lan truyền trong những giờ gần đây, và khẳng định những chuyến viếng thăm này hiện “đang được xem xét”.

Đối với Đại Hàn , cha Lombardi cho biết chuyến viếng thăm này thật sự “đang được xem xét” và Đức Phanxicô đã nhận được “lời mời” từ các giám mục Hàn Quốc trùng với cuộc hội ngộ giới trẻ Á châu sẽ diễn ra tại Nam Hàn  vào giữa tháng 8. Về khả năng Đức Thánh Cha viếng thăm Sri Lanka và Philippines, cha Lombardi trả lời “đã có lời mời, và đang được xem xét” nhưng không phải trong năm nay. Cha Lombardi đưa ra câu trả lời ít chắc chắn hơn về khả năng viếng thăm Sarajevo: “Thật sự là Đức Thánh cha đã được mời”, nhưng “đây không phải là quyết định, và chưa có gì diễn ra”. Cha Lombardi thẳng thắn phủ nhận các chuyến viếng thăm khác, như thăm Uganda chẳng hạn.

Trên chuyến bay từ Rio trở về sau Ngày Giới trẻ thế giới, Đức Phanxicô nói ngoài chuyến viếng thăm Đất Thánh, được lên lịch đi vào tháng 5 tới: “Viếng thăm châu Mỹ Latinh, chúng ta phải đợi một chút! Tôi nghĩ có thể đi châu Á một chuyến, nhưng điều này còn viễn vông. Tôi đã nhận được lời mời sang Sri Lanka và còn Philippines nữa. Nhưng phải có một chuyến đi châu Á vì Đức Bênêđictô không có thời gian sang thăm châu Á và điều này quan trọng. Ngài đã sang Úc và sau đó sang châu Âu và Mỹ nhưng châu Á thì chưa …”.

Đức Thánh Cha nói về Đại Hàn trong bài diễn văn chúc mừng Năm Mới các nhà ngoại giao được chính thức công nhận tại Tòa Thánh gần đây: “Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Đại Hàn, tôi muốn cầu xin Chúa ban ơn hòa giải trên bán đảo này, và tôi tin rằng vì lợi ích của tất cả người dân Đại Hàn, các bên liên quan sẽ kiên trì tìm ra những điểm tương đồng và giải pháp khả thi”.

Nguồn: Vatican Insider/La Stampa

Trích từ UCANEWS VN

Đức Thánh cha tiếp kiến Tổng Thống Pháp

Đức Thánh cha tiếp kiến Tổng Thống Pháp

VATICAN. Sáng 24-1-2014, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến lần đầu tiên tổng thống Pháp Francois Hollande.

Đến Vatican lúc 10 giờ rưỡi, Tổng thống Pháp đã hội kiến với ĐTC trong 35 phút, trước khi đoàn tùy tùng của ông được vào chào ngài. Trong số này có bộ trưởng nội vụ Manuel Valls, và Cha Georges Vandenbeusch, người Pháp, thừa sai tại Camerun bị nhóm Hồi giáo Boko Haram bắt cóc rồi được giải thoát ngày 31 tháng 12 năm ngoái, bà Dominique Quinio, giám đốc báo Công Giáo ”La Croix”. ĐGH ôm hôn vị linh mục và nói: ”Mon frère! Je suis très heureux”.

Tổng thống Pháp đã tặng ĐTC cuốn sách của Maurice Boutet de Monvel năm 1929 tựa đề ”Saint Francois d'Assise”. ĐTC đã tặng Tổng thống huy hiệu lớn triều đại Giáo Hoàng của ngài trong một hộp màu trắng.

Thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết sau khi hội kiến với ĐTC, Tổng thống Pháp đã gặp Đức TGM Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cũng với Đức TGM ngoại trưởng Dominique Mamberti, người Pháp.

”Trong hai cuộc kiến, ĐTC và các vị đã đề cập đến sự đóng góp của tôn giáo cho công ích. Nhắc đến các mối quan hệ tốt đẹp giữa Pháp và Tòa Thánh, cả hai bên tái khẳng định quyết tâm duy trì một cuộc đối thoại đều đặn giữa Giáo hội Công giáo và Nhà Nước Pháp, đồng thời cộng tác với tinh thần xây dựng trong những vấn đề được cả hai quan tâm. Trong bối cảnh bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người, các vị duyệt qua một số đề tài thời sự như gia đình, đạo đức sinh học, tôn trọng các cộng đoàn tôn giáo và bảo vệ các nơi thờ phượng.”

”Cũng trong các cuộc hội kiến, phía Tòa Thánh và Pháp đã nói đến các vấn đề quốc tế như nạn nghèo đói và phát triển, di dân và môi sinh, đặc biệt là các cuộc xung đột ở Trung Đông và một số miền ở Phi châu, với mong ước rằng tại các nước liên hệ, cuộc sống chung hòa bình xã hội có thể được tái lập nhờ đối thoại và sự tham dự của mọi thành phần xã hội, trong niềm tôn trọng các quyền của mọi người, nhất là các nhóm thiểu số về chủng tộc và tôn giáo”.

Cuộc viếng thăm của Tổng thống Hollande tại Vatican thu hút đặc biệt sự chú ý của dư luận, giữa lúc ông đang gặp khó khăn nhiều trong dư luận tại Pháp, đụng độ với Công Giáo tại nước này, và cả những vấn đề đời tư của ông.

Trung tâm truyền hình Vatican đã bỏ thông lệ và trực tiếp truyền hình cuộc viếng thăm của Tổng thống Hollande.

Trong cuộc họp báo sau đó, Ông đã yêu cầu các ký giả đừng đặt những câu hỏi về đời tư của ông, nhưng sẵn sàng trả lời các câu hỏi khác.

Tổng thống Hollande nhấn mạnh sự đồng quan điểm giữa Pháp và Tòa Thánh về những vấn đề chính trị quốc tế và về vấn đề khí hậu. (SD 24-1-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp Tòa Thượng Thẩm Rota

Đức Thánh Cha tiếp Tòa Thượng Thẩm Rota

VATICAN. Sáng ngày 24-1-2014, trong buổi tiếp kiến đầu tiên dành cho Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma nhân dịp khai mạc năm tư pháp mới, ĐTC Phanxicô đã nêu rõ những đức tính thiết yếu của vị thẩm phán tòa án của Giáo Hội.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có khoảng 150 người, trong đó có hơn 20 vị thẩm phán của tòa Rota thuộc nhiều quốc tịch, các luật sư và viên chức khác, dưới sự điều động của vị niên trưởng là Đức Ông Pio Vito Pinto.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhấn mạnh rằng ”chiều kích pháp lý và chiều kích mục vụ trong thừa tác vụ của Giáo Hội không đối nghịch nhau, vì cả hai đều góp phần thực hiện mục tiêu và sự thống nhất hoạt động của Giáo Hội. Hoạt động tư pháp của Giáo Hội, trong tư cách là việc phục vụ cho sự thật trong công lý, có ý nghĩa sâu xa về mục vụ, vì nhắm đạt tới thiện ích cho các tín hữu và xây dựng cộng đoàn Kitô.. Vì thế, chức vụ của vị thẩm phán là một công tác phục vụ Dân Chúa, nhắm củng cố sự hiệp thông trọn vẹn giữa các tín hữu với nhau và giữa họ với cộng đoàn Giáo Hội”.

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC nêu rõ ba đặc tính thiết yếu của vị thẩm phán tòa án Giáo Hội:

– Trước tiên về mặt con người, vị thẩm phán phải trưởng thành về nhân bản, được biểu lộ qua phán đoán thanh thản, không để những quan điểm cá nhân của mình lèo lái. Thẩm phán phải có khả năng biết rõ tâm thức và những khát vọng hợp pháp của cộng đồng mà mình phục vụ, và không thể thực thi một thứ công lý vụ luật và trừu tượng, trái lại biết thích ứng với những đòi hỏi của thực tại cụ thể.

– Thứ hai về mặt pháp lý: ngoài những kiến thức về giáo luật và thần học, khi thi hành sứ vụ, vị thẩm phán phải có phán đoán khách quan và công chính, không thiên vị. Ngoài ra khi hành động vị thẩm phán phải để cho mình được ý hướng bảo vệ sự thật hướng dẫn, trong niềm tôn trọng luật pháp, không bỏ qua tính chất tế nhị và tình người của vị mục tử các linh hồn.

– Sau cùng về mặt mục vụ, vị thẩm phán phải có tinh thần mục vụ chân thành, trong tư cách là người biểu lộ mối quan tâm mục vụ của Đức Giáo Hoàng và các GM. Thẩm phán là người làm mục vụ công lý, được kêu gọi xử lý và phán đoán về tình trạng của các tín hữu tìm đến thẩm phán với niềm tín thác, noi gương vị Mục Tử nhân lành chăm sóc con chiên bị thương. Vì thế, thẩm phán phải được đức bác ái mục tử linh hoạt” (SD 24-1-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế Giới truyền thông xã hội lần thứ 48

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế Giới truyền thông xã hội lần thứ 48

VATICAN. Sáng ngày 23-1-2014, Đức TGM Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội, đã mở cuộc họp báo tại Vatican để công bố Sứ điệp của ĐTC Phanxicô, nhân Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 48, sẽ được cử hành vào chúa nhật 1-6-2014, về đề tài ”Truyền thông phục vụ một nền văn hóa gặp gỡ đích thực”.

Trong sứ điệp, ĐTC đề cao tiềm năng của các phương tiện truyền thông xã hội ngày nay làm cho con người ngày càng trở nên gần gũi nhau hơn. Tuy cảnh giác về những khía cạnh tiêu cực mà các mạng truyền thông và xã hội có thể gây ra, nhưng ĐTC nhiệt liệt cổ võ các tín hữu dấn thân trong lãnh vực truyền thông, để làm chứng cho Chúa Kitô và ơn cứu độ của Chúa. Trong lãnh vực truyền thông ngày nay, các tín hữu Kitô cũng được mời gọi có những tâm tình và hành động như người Samaritano trong dụ ngôn Phúc Âm.

Sau đây là toàn văn Sứ điệp của ĐTC:

Anh chị em thân mến,

Ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng ”nhỏ bé” hơn và vì thế, trong đó dường như người ta dễ gần gũi với nhau hơn. Những phát triển về giao thông và kỹ năng truyền thông đang làm cho chúng ta xích lại gần nhau, ngày càng nối kết với nhau hơn, và sự hoàn cầu hóa làm cho chúng ta lệ thuộc nhau. Nhưng giữa lòng nhân loại vẫn còn những chia rẽ, nhiều khi rất nặng nề. Trên bình diện hoàn cầu chúng ta thấy sự cách biệt ”gương mù” giữa sự sa hoa của những người giàu nhất và sự lầm than của những người nghèo nhất. Nhiều khi chỉ cần làm một vòng qua những con đường trong một thành phố là đủ để thấy những trái ngược giữa những người sống bên vệ đường và những ánh sáng chói lòa của các cửa tiệm. Thế giới đang đau khổ vì nhiều hình thức loại trừ, gạt ra ngoài lề và nghèo khổ.. cũng như những cuộc xung đột trong đó có trộn lẫn các nguyên nhân kinh tế, chính trị, ý thức hệ, và đáng tiếc là nhiều khi có các nguyên ngôn tôn giáo nữa.

Trong thế giới này, các phương tiện truyền thông có thể giúp chúng ta cảm thấy gần gũi nhau hơn; làm cho chúng ta cảm thấy rõ ràng hơn mình thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất, thúc đẩy chúng ta liên đới và nghiêm túc dấn thân cho một cuộc sống xứng đáng hơn. Việc truyền thông tốt đẹp giúp chúng ta gần nhau hơn và biết nhau rõ hơn, liên kết với nhau hơn. Những bức tường chia cách chúng ta chỉ có thể bị vượt qua nếu chúng ta sẵn sàng lắng nghe nhau và học hỏi lẫn nhau. Chúng ta cần giải quyết những dị biệt qua những hình thức đối thoại, giúp chúng ta tăng trưởng trong sự cảm thông và tôn trọng nhau. Nền văn hóa gặp gỡ đòi chúng ta phải sẵn sàng không những cho đi, nhưng còn tiếp nhận từ tha nhân. Các phương tiện truyền thông có thể giúp chúng ta trong lãnh vực này, đặc biệt là ngày nay, khi các mạng truyền thông giữa con người có những tiến bộ chưa từng thấy. Đặc biệt là Internet có thể cống hiến nhiều cơ hội gặp gỡ hơn và liên đới giữa tất cả mọi người, và đây là điều tốt lành, là một hồng ân của Thiên Chúa.

Nhưng cũng có những khía cạnh gây vấn đề: vận tốc thông tin mau lẹ vượt quá khả năng suy tư và phán đoán của chúng ta, và không giúp thực hiện một sự diễn tả chính mình một cách có suy xét và đúng đắn. Những ý kiến khác nhau được bày tỏ có thể được cảm nhận như một sự phong phú, nhưng cũng có thể làm ta khép kín mình trong một lãnh vực thông tin chỉ đáp ứng những mong đợi và ý tưởng của chúng ta, hoặc đáp ứng những lợi lộc chính trị và kinh tế nào đó của chúng ta mà thôi. Môi trường truyền thông có thể giúp chúng ta tăng trưởng, hoặc trái lại, nó làm cho chúng ta hoang mang mất định hương. Ước muốn nối kết qua kỹ thuật số (digitale) có thể rốt cuộc làm cho chúng ta bị cô lập với người thân cận, những người ở gần chúng ta nhất. Không quên nói đến những người, vì những lý do khác nhau, không vào các mạng xã hội, và họ có nguy cơ bị gạt ra ngoài.

Những giới hạn ấy là những điều có thực, nhưng chúng không biện minh cho sự phủ nhận các mạng xã hội; đúng hơn, chúng nhắc nhở chúng ta rằng truyền thông, xét cho cùng, là một sự chinh phục về mặt nhân sự hơn là kỹ năng. Vậy, đâu là điều giúp chúng ta, trong lãnh vực kỹ thuật số, được tăng trưởng về tình người và cảm thông lẫn nhau? Ví dụ, chúng ta phải phục hồi ý nghĩa sự chậm rãi và bình tĩnh. Điều này đòi thời gian và khả năng giữ im lặng để lắng nghe. Chúng ta cũng cần phải kiên nhẫn nếu chúng ta muốn hiểu người khác biệt với chúng ta: con người bộc lộ hoàn toàn không phải khi họ chỉ được dung thứ, nhưng khi họ biết mình được thực sự được đón nhận. Nếu chúng ta thực sự muốn lắng nghe người khác, thì chúng ta sẽ học cách nhìn thế giới với đôi mắt khác và quí chuộng kinh nghiệm của con người như nó được biểu lộ trong các nền văn hóa và truyền thống khác nhau. Nhưng chúng ta cũng biết quí chuộng hơn những giá trị lớn, lấy hứng từ Kitô giáo, ví dụ nhân sinh quan coi con người như nhân vị, hôn nhân và gia đình, sự phân biệt giữa lãnh vực tôn giáo và lãnh vực chính trị, các nguyên tắc liên đới và phụ đới (sussidiarietà), và nhiều điều khác.

Như vậy làm thế nào để truyền thông có thể phục vụ một nền văn hóa gặp gỡ đích thực? Và đối với chúng ta là môn đệ của Chúa, gặp gỡ một người theo tinh thần Tin Mừng có nghĩa là gì? Làm thế nào để chúng ta có thể thực sự là những người láng giềng của nhau mặc dù chúng ta có những giới hạn và tội lỗi? Những câu hỏi này có thể tóm gọn trong câu hỏi mà một hôm, một thầy thông luật, tức là một người truyền thông, hỏi Chúa Giêsu: ”Ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10,29). Câu hỏi này giúp chúng ta hiểu truyền thông theo nghĩa sự gần gũi, thân cận. Chúng ta có thể dịch câu hỏi đó như thế này: làm thế nào biểu lộ ”sự thân cận” khi dùng các phương tiện truyền thông xã hội và trong môi trường mới do các kỹ thuật số tạo nên? Tôi thấy có một câu trả lời trong dụ ngôn người Samaritano nhân lành, và đó cũng là một dụ ngôn về người truyền thông. Thực vậy, ai truyền thông thì trở nên người thân cận. Và người Samaritano nhân lành không những trở thành người thân cận, nhưng còn vác người mà ông thấy nằm giở sống giở chết bên vệ đường. Chúa Giêsu đã đảo lộn viễn tượng: vấn đề ở đây không phải là nhìn nhận người khác như một người đồng loại của tôi, nhưng là khả của tôi trở nên giống người khác. Vì thế, truyền thông có nghĩa là ý thức là con người, là con cái Thiên Chúa. Tôi thích định nghĩa khả năng truyền thông như ”sự thân cận”.

Khi truyền thông có mục đích chủ yếu là khuyến dụ người ta tiêu thụ hoặc lèo lái con người, thì chúng ta đứng trước một sự gây hấn mạnh mẽ, như sự tấn công người bị cướp đánh và bỏ mặc bên đường, như chúng ta đọc thấy trong dụ ngôn. Thầy Lêvi và vị Tư tế không coi người bị thương ấy là tha nhân của mình, nhưng như một người xa lạ, tốt hơn nên tránh xa. Thời ấy, họ chịu ảnh hưởng của những qui luật về sự thanh tịnh tế tự. Ngày nay chúng ta cũng gặp nguy cơ một số phương tiện truyền thông ảnh hưởng trên chúng ta đến độ làm cho chúng ta cố tình không biệt người thân cận thực sự của chúng ta.

Không phải chỉ cần đi dọc những con đường kỹ thuật số, nghĩa là không phải chỉ nối vào mạng là đủ: còn cần làm sao để sự nối nạng ấy có kèm theo một cuộc gặp gỡ đích thực. Chúng ta không thể sống một mình, khép kín, co cụm vào mình. Chúng ta cần yêu và được yêu. Chúng ta cần sự dịu dàng, sự tốt lành và sự thật trong truyền thông. Cả thế giới của các phương tiện truyền thông cũng không thể trở nên xa lạ với sự chăm sóc nhân loại và nó được mời gọi biểu lộ sự dịu dàng. Mạng kỹ thuật số có thể là nơi đầy tình người, không phải là một hệ thống các đường giây điện, nhưng là hệ thống con người. Sự trung lập của các phương tiện truyền thông chỉ có vẻ bề ngoài thôi: chỉ ai truyền thông với tất cả con người của mình thì mới có thể thành một điểm tham chiếu. Sự can dự bằng chính con ngừơi của mình trong việc truyền thông chính là cội rễ làm cho người truyền thông đáng tín nhiệm. Chính vì thế, chứng tá Kitô có thể đạt tới các vùng ngoại biên của cuộc sống nhờ các mạng.

Tôi thường lập lại điều này: chắc hắn là tôi thà muốn một Giáo Hội đi ra đường mà gặp tai nạn, hơn là một Giáo Hội bị thứ bệnh tự tham chiếu chính mình. Và những con đường ở đây chính là những nẻo đường của thế giới nơi người dân sống, nơi chúng ta thực sự có thể tìm tới họ, qua hành động và qua lòng quí mến. Trong số những con đường ấy, cũng có cả những con đường kỹ thuật số, những con đường đầy chật người bị thương: những người nam nữ đang tìm ơn cứu độ hoặc một niềm hy vọng. Sứ điệp Kitô cũng có thể nhờ mạng mà đi tới ”tận bờ cõi cái đất” (Cv 1,8). Mở rộng những cánh cửa nhà thờ cũng có nghĩa là mở những cửa ấy trong môi trường kỹ thuật số, hoặc để cho dân chúng đi vào, dù họ ở trong hoàn cảnh sống thế nào đi nữa, hoặc để cho Tin Mừng có thể vượt qua những ngưỡng cửa đền thờ và ra đi gặp gỡ mọi người. Chúng ta được mời gọi làm chứng về một Giáo Hội là nhà của tất cả mọi người. Chúng ta có khả năng thông truyền khuôn mặt của một Giáo Hội như thế hay không? Truyền thông góp phần mang lại một hình thái cho ơn gọi thừa sai của toàn thể Giáo Hội và những mạng xã hội ngày nay là một trong những nơi để sống ơn gọi tái khám phá vẻ đẹp của đức tin, vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Cả trong bối cảnh truyền thông, cũng cần có một Giáo Hội biết mang lại hơi ấm, và làm cho con tim được nồng cháy.
Chúng ta không làm chứng tá Kitô bằng cách phổ biến ồ ạt các sứ điệp tôn giáo, nhưng bằng ý chí hiến thân cho tha nhân, ”qua thái độ sẵn sàng kiên nhẫn dấn thân và tôn trọng vào trong những vấn nạn và nghi ngờ của con người, trong hành trình của họ tìm kiếm chân lý và ý nghĩa cuộc sống con người” (Biển Đức 16, Sứ điệp nhân Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 47, 2013). Chúng ta hãy nghĩ đến giai thoại hai môn đệ trên đường làng Emmaus. Cần biết tham gia vào cuộc đối thoại với những người nam nữ ngày nay, để hiểu những mong đợi, nghi ngờ, hy vọng của họ và trao tặng họ Tin Mừng, nghĩa là Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa đã làm người, chịu chết và sống lại để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Thách đố này đòi phải có chiều sâu, chú ý đến cuộc sống, có sự nhạy cảm tinh thần. Đối thoại có nghĩa là xác tín rằng tha nhân có một điều gì tốt lành để nói, dành khoảng trống cho quan điểm của họ, cho những đề nghị của họ. Đối thoại không có nghĩa là từ bỏ những ý tưởng và truyền thống của mình, nhưng từ bỏ thái độ cho rằng ý tưởng và truyền thống của mình là có một không hai và là tuyệt đối.

Ước gì hình ảnh người Samaritano nhân lành, băng bó các vết thương của người bị đánh, đổ dầu và rượu trên vết thương, làm hướng đạo cho chúng ta. Ước gì sự truyền thông của chúng ta là dầu thơm thoa dịu đau khổ và là rượu ngon mang lại hoan lạc. Sự rạng ngời của chúng ta khống đến từ sự trang điểm hoặc xếp dàn cảnh đặc biệt, nhưng từ sự kiện chúng ta, với lòng yêu thương và dịu dàng, trở nên người thân cận của người mà chúng ta thấy bị thương trên đường. Anh chị em đừng sợ trở thành những công dân trong môi trường kỹ thuật số. Sự quan tâm và hiện diện của Giáo Hội trong thế giới truyền thông thực là điều quan trọng, để đối thoại với con người ngày nay và dẫn họ đến gặp Chúa Kitô: một Giáo Hội đồng hành biết cùng đi với mọi người. Trong bối cảnh này, cuộc cách mạng các phương tiện truyền thông xã hội và thông tin là một thách đố lớn lao và đầy thú vị, đòi phải có những nghị lực mới mẻ và óc sáng tạo mới để thông truyền cho tha nhân vẻ đẹp của Thiên Chúa.

Vatican ngày 24 tháng 1 năm 2014, lễ thánh Phanxicô đệ Salê

Phanxicô

G. Trần Đức Anh OP chuyển ngữ
 

Tệ nạn nô lệ mới trên thế giới

Tệ nạn nô lệ mới trên thế giới

Phỏng vấn Đức Cha Marcelo Sanchez Sorondo, Chưởng ấn Hàn Lâm Viện các Khoa học xã hội của Tòa Thánh

Trong hai ngày mùng 2-3 tháng 11 năm 2013 hội nghị về tệ nạn nộ lệ mới đã diễn ra trong nội thành Vaticăng. Hội nghị do Hàn Lâm Viện Tòa Thánh các Khoa học xã hội cùng tổ chức với Liên đoàn quốc tế các Hiệp hội bác sĩ công giáo.

Theo ước tính của Tổ chức Lao Động Quốc Tế trong các năm 2002-2010 trên thế giới đã có khoảng 21 triệu nạn nhân của nạn cưỡng bách lao động, trong đó cũng bao gồm cả nạn khai thác tình dục. Mỗi năm có khoảng 2 triệu người là nạn nhân của kỹ nghệ buôn bán tình dục, trong đó 60% là các thiếu nữ, trong khi nạn buôn cơ phận người chiếm 11%.

Buôn bán người là một sinh hoạt tội phạm bao gồm việc bắt, bắt cóc và tuyển lựa cũng như chuyên chở, chuyển rời, tiếp đón một hay nhiều người với các phương tiện bất hợp pháp, nhằm mục đích khai thác các nạn nhân.

Tệ nạn buôn bán nô lệ đã có từ rất lâu trong lịch sử loài người. Hàng bao ngàn năm trước công nguyên các Kim tự tháp bên Ai Cập đã do xương máu của các nô lệ xây lên. Trong mọi đế quốc thời xa xưa khắp nơi trên thế giới đều đã có hoạt động buôn bán nô lệ, nổi tiếng như dưới thời đế quốc Hy Lạp và Roma. Tại Roma hồi thế kỷ thứ I đã có 1 triệu nô lệ sinh sống, và rất nhiều đền đài dinh thự là do xương máu và mồ hội nước mắt của các nô lệ xây dựng, điển hình như Hý trường Colosseo do hoàng đế Tito khánh thành năm 80 sau công nguyên.

Vào thế kỷ XVI sau khi ông Cristoforo Colombo khám phá ra châu Mỹ, người dân các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hòa Lan, Pháp và Anh bắt đầu di cư sang Mỹ châu lập nghiệp. Nhu cầu trồng cây trong các đồn điền bông ngày càng cần nhiều nhân công. Số nhân công thuộc các chủng tộc địa phương không đủ nữa nên bắt đầu nảy sinh ra phong trào nhập cảng nhân công từ các nước khác, đặc biệt là người nô lệ thuộc các nước mạn tây phi châu. Hàng chục triệu người Mỹ da đen ngày nay là con cháu những người nô lệ Phi châu bị bán sang Mỹ trong các thế kỷ XVI-XVIII. Người ta ước đoán có đến hàng chục triệu người bị bắt và bán làm nô lệ như thế. Không thể tả hết được các ngược đãi và khổ đau mà người nô lệ phải gánh chịu trong cuộc sống, từ khi bị bắt, bị xiềng xích mang xuống tầu, rồi bán cho các đại điền chủ da trắng khi đến Mỹ châu.

Năm 1770 sau một loạt các canh tân trên thế giới tại Pháp, Đan Mạch và Anh quốc người ta thấy nảy sinh ra các phong trào bài trừ nô lệ, đòi thay đổi các luật hình sự, bỏ luật treo cổ và thay đổi cách đối xử với các người bị bệnh tâm thần. Các nhà trí thức như Voltaire, Wesley và Rousseau đã góp phần đáng kể vào kiểu suy tư mới này. Vào thế kỷ XIX nhiều nước đã thành công trong việc giành độc lập bên Mỹ quyết định bỏ chế độ nô lệ. Chẳng hạn như Brasil năm 1822, Bolivia năm 1825, Anh quốc năm 1833, Pháp năm 1848 và sau cùng Hoa Kỳ năm 1865. Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ luật năm 1910 vẫn cấm hôn nhân giữa những người khác chủng tộc, và có các biện pháp trục xuất các phụ nữ có các hành động vô luân. Vì thế 70% các phụ nữ bị bắt khi vượt biên giới bị rơi vào bẫy của hoạt động mại dâm.

Bắt đầu từ thập niên 1920 trở đi tại Hoa Kỳ việc buôn người không được coi như lá một vấn đề xã hội, ít ra cho tới năm 1990.

Chỉ với việc công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948 nạn nô lệ cũng như việc buôn người mới bị bãi bỏ trên toàn thế giới. Nhưng đó đó chỉ là lý thuyết. Trên thực tế nạn nô lệ và buôn người vẫn tiếp tục tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, nhiều khi rất tinh vi và cũng không nhất thiết bắt buộc các nạn nhân phải vượt biên ra nước ngoài. Đó là trường hợp nộ lệ của nạn cho vay nặng lãi; nạn lao động đen hằng năm đem lại số tiền lời khổng lồ 31 tỷ mỹ kim. Bên cạnh đó có hàng triệu nạn nhân nô lệ của kỹ nghệ tình dục, nạn trẻ em lao động liên lụy tới 245 triệu trẻ em vị thành niên phải làm việc lam lũ mỗi ngày. Ngoài ra, còn có nạn buôn bán trẻ em vị thành niên. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc năm 2003 có tới 1,3 triệu trẻ em bị bán làm nô lệ tình dục. Thêm vào đó nạn buôn người còn ẩn nấp cả đàng sau phong trào quốc tế nhận con nuôi nữa. Số tiền buôn bán người năm 2004 lên tới 9 tỷ mỹ kim, và đạt kỷ lục năm 2005 với 31,6 tỷ mỹ kim.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Marcelo Sanchez Sorondo, Chưởng ấn Hàn Lâm Viện Tòa Thánh các Khoa học xã hội về hội nghị này.

Hỏi: Thưa Đức Cha, lý do nào đã khiến cho Hàn Lâm Viện Tòa Thánh các Khoa học xã hội cùng tổ chức hội nghị này với Liên đoàn quốc tế các Hiệp Hội bác sĩ công giáo?

Đáp: Nguồn gốc của hội nghị này là Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã biết đến các vấn đề này. Ngay khi vừa mới được bầu làm Giáo Hoàng Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các nhân viên của Hàn Làm Viện các Khoa học xã hội của Tòa Thánh. Trong thư gửi cám ơn ngài các cố vấn của Hàn Lâm Viện đã hỏi Đức Thánh Cha xem ngài có muốn chúng tôi làm một điều gì đặc biệt không. Đức Thánh Cha đã trả lời ngay lập tức với cùng bì thư ấy như sau: ”Marcelo, tôi muốn người ta nghiên cứu vấn đề các hình thức nô lệ mới và nạn buôn bán người, bao gồm cả việc buôn bán cơ phận người nữa”. Và như thế Hàn Lâm Viện đã bắt đầu làm việc. Nhưng chúng tôi đã thấy cần phải lôi cuốn cả các bác sĩ vào việc nghiên cứu này, và chúng tôi đã mời các bác sĩ công giáo, bởi vì bác sĩ José María Simón de Castelví, chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội bác sĩ công giáo đã muốn cộng tác, thế rồi cả Hàn Lâm viện Khoa học nữa, vì các giải pháp có thể có tính cách khoa học. Và thế là đã nảy sinh ra sáng kiến tổ chức hội nghị nói trên.

Hỏi: Thế hiện tượng buôn bán người hay nạn nô lệ tân thời đã được phân tích đưới các khía cạnh nào, thưa Đức Cha?

Đáp: Nó đã được phân tích đưới mọi khía cạnh. Điều mà chúng tôi muốn đó là tìm hiểu tầm rộng lớn của hiện tượng này, mà người ta đã từng biết tới một chút, nhưng chúng tôi muốn có các dữ kiện chính xác hơn. Chúng tôi cũng muốn đạt được môt ý tưởng chung cho Giáo Hội và cho các các Hội Đồng Giám Mục. Có các Hội Đồng Giám Mục, chẳng hạn như Hội Đồng Giám Muc Anh quốc và Hội Đồng Giám Mục Guatemala đã soạn thảo vài tài liệu liên quan tới vấn đề này, nhưng tôi tin rằng Giáo Hội, trong tổng thể của mình, vẫn chưa ý thức đủ về vấn đề này. Thế rồi chúng tôi cũng muốn tìm ra các hướng đi cụ thể. Chúng tôi đã hỏi tất cả các tham dự viên, các quan sát viên cũng như các tường trình viên gửi cho chúng tôi các đề nghị cụ thể và giờ đây chúng tôi đang lượng định các đề nghị đó. Có một đề nghị rất hay của một bác sĩ gợi ý là giữ lại yếu tố di truyền DNA của các trẻ em bị mất tích, và của cha mẹ các em đã tố cáo rằng các em mất tích rồi đối chiếu chúng với nhau. Thật ra điều đầu tiên mà những người bắt cóc các em làm là xóa các dấu tay của các em.

Hỏi: Chúng ta biết là trong nguồn gốc của tệ nạn buôn bán người có nạn nghèo túng cùng cực, chiến tranh, các cuộc xung khắc trong nước vv… Và có một phần của thế giới khai thác các tình trạng này, có đúng thế không thưa Đức Cha?

Đáp: Vâng đúng thế, và chúng tôi sẽ nói lên điều này. Bắt đầu từ các nước có luật lệ chơi hai chiều: một đàng thì tổ chức họp nói tới sự sống con người, đàng khác thì cũng chính các cơ cấu và tổ chức của họ không muốn nhìn vấn đề này, hay tệ hơn họ còn tạo thuận tiện cho nạn buôn bán người nữa. Chẳng hạn chúng ta lấy thí dụ như những gì đã xảy ra tại Bosnia liên lụy tới một vài người Mỹ, và không phải chỉ có người Mỹ, trong nạn buôn bán nữ nô lệ. Việc này đã bị một phụ nữ Mỹ tố cáo và sau đó bà này bị mất việc làm. Chính vì thế, chúng tôi thấy thật là thích hợp lôi cuốn các bác sĩ nhập cuộc nghiên cứu, bởi vì cả họ cũng bị liên lụy, các cơ cấu đáng lý ra phải bênh vực con người lại bị liên lụy nhiều nhất trong các tệ nạn này.

Như vậy một đàng chúng ta đang đứng trước một tình hình thê thảm, và người ta không muốn nói đến vấn đề này, không muốn xem xét chuyện gì xảy ra; đàng khác người ta lại chơi trò nước đôi. Thế rồi, còn có các nước thừa nhận mại dâm như là một công việc: các nước này cũng tạo ra thị trường buôn người.

Thí dụ bên Cộng hòa liên bang Đức vấn đề này thật là kinh khủng. Nhưng không phải chỉ có Đức, mà tại nhiều nước Bắc âu cũng thế. Như vậy, một đàng Nhà nước nói rằng cần phải can thiệp, trong khi đàng khác thì Nhà nước lại kiếm lợi nhuận từ tệ nạn buôn người này. Ngay từ khi còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires Đức Thánh Cha Phanxicô đã trực giác được vấn đề xã hội nghiêm trọng đụng tới linh hồn của thế giới xã hội, đụng tới các Khoa học xã hội. Chúng tôi đã ngạc nhiên vì đã không hiểu nó trước.

Hỏi: Thưa Đức Cha, Giáo Hội sẽ làm gì với các tài liệu và kết qủa của hội nghị về nạn nô lệ mới này?

Đáp: Chúng tôi muốn triệu tập hội nghị lần thứ nhất và sẽ triệu tập nhiều hội nghị khác nữa để nghiên cứu vấn đề này. Nhưng đây đã là bước đầu tiên đáp ứng các nguyện vọng của Đức Thánh Cha. Chúng tôi sẽ làm công việc này tốt chừng nào có thể. Chúng tôi không yêu sách là đã tìm ra giải pháp cho vấn đề, nhưng ít nhất nó là một bước tiến tới. Chúng tôi đã hỏi Tòa Thánh, là tại sao lại chưa ủng hộ biên bản của Liên Hiệp Quốc về việc phòng ngừa, hủy bỏ và truy nã nạn buôn người, đặc biệt là phụ nữ và các trẻ em, nhưng chúng tôi chưa nhận được câu trả lời. Điều này có nghĩa là chưa có một chính sách chung trong việc phòng chống và bài trừ tệ nạn buôn người. Chắc chắn là Đức Thánh Cha muốn cho tất cả các điều này được rõ ràng. Cần phải ca ngợi Đức Thánh Cha, vì với sự nhạy cảm của người Đức Thánh Cha đã đưa chúng tôi, là các nhân viên của Hàn Lâm Viện thường thảo luận các vấn đề trừu tượng, vào con đường cụ thể của thực tại toàn cầu có các khía cạnh kinh khủng, trong đó có sự thờ ơ như Đức Thánh Cha đã nói, khi viếng thăm các người tị nạn tại đảo Lampedusa nam Italia.

Con người bị bán đi nhưng không ai thèm ngó ngàng gì đến bản vị con người. Điều duy nhất mà người ta chú ý là tiền. Còn tệ hơn nữa, người ta dùng con người để làm tiền, như người ta đã làm đối với các người nô lệ xưa kia, bị bắt và bị bán như đồ vật. Và trong một nghĩa nào đó tệ nạn này ngày nay còn tệ hại hơn xưa kia rất nhiều! Xét vì mức độ văn minh mà xã hội loài người đã đạt được hiện nay. Nhất là nếu chúng ta duyệt xét vấn đề nô lệ tình dục, trong đó các bé trai bé gái là nạn nhân. Đây là một trong các điều thê thảm nhất của thế giới toàn cầu, cùng với nạn di cư, mà các hậu qủa chúng ta đã trông thấy tại đảo Lampedusa rồi.

(RG 1-11-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Các chia rẽ giữa các cộng đoàn kitô là gương mù gương xấu cần vượt thắng

Các chia rẽ giữa các cộng đoàn kitô là gương mù gương xấu cần vượt thắng

Các chia rẽ giữa các cộng đoàn kitô là gương mù gương xấu cần vượt thắng. Chúng làm suy yếu sự đáng tin cậy và hiệu lực dấn thân rao giảng Tin Mừng của chúng ta và có nguy cơ làm trống rỗng quyền năng của Thập Giá Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến chung các tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 22 tháng 1 năm 2014.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu Kitô đã bắt đầu từ thứ bẩy tuần vừa qua và sẽ kết thúc vào thứ bẩy tới đây, ngày lễ Thánh Phaolô hoán cải. Đức Thánh Cha nói:

Sáng kiến tinh thần qúy báu này lôi cuốn các cộng đoàn kitô từ hơn một trăm năm nay. Đây là thời gian dành để cho lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả mọi người đã được rửa tội theo ý muốn của Chúa Kitô: ”ước chi tất cả chỉ là một” (Ga 17,21). Hằng năm một nhóm đại kết của một vùng trên thế giới, dưới sự hướng dẫn của Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Kitô và của Hội Đồng Tòa Thánh thăng tiến sự hiệp nhất của các tín hữu kitô, gợi ý đề tài và chuẩn bị các tài liệu cho Tuần cầu nguyện. Năm nay các tài liệu đến từ các Giáo Hội và cộng đoàn Canada, và quy chiếu về câu hỏi thánh Phaolô đưa ra cho kitô hữu Côrintô: ”Phải chăng Chúa Kitô bị chia rẽ?” (1 Cr 1,13).

Chắc chắn Chúa Kitô đã không bị chia rẽ. Nhưng chúng ta phải chân thành đau đớn thừa nhận rằng các cộng đoàn của chúng ta tiếp tục sống các chia rẽ là gương mù gương xấu. Sự chia rẽ giữa các kitô hữu chúng ta là một gương mù gương xấu. Không có một từ khác: một gương mù gương xấu! Thánh Phaolô viết: ”Mỗi người trong anh em nói: ”Tôi thuộc về Apollo”, ”Tôi thuộc về Cefa”, ”Tôi thuộc về Chúa Kitô” (1,12). Cả những người tuyên xưng Chúa Kitô như thủ lãnh của họ không được thánh Phaolô vỗ tay tán đồng, bởi vì họ đã dùng danh Chúa Kitô để chia rẽ nhau bên trong cộng đoàn kitô. Nhưng Danh Chúa Kitô tạo sự hiệp thông và hiệp nhất, chứ không chia rẽ! Bí tích Rửa Tội và Thập Giá là các yếu tố nòng cốt của việc là môn đệ kitô mà chúng ta có chung. Trái lại các chia rẽ làm suy yếu sự đáng tin cậy và hiệu lực dấn thân rao truyền Tin Mừng của chúng ta và có nguy cơ làm trống rỗng quyền năng của Thập Giá (x. 1,17).

Thánh Phaolô quở trách các tín hữu Côrintô vì các tranh luận của họ, nhưng người cũng cám tạ Chúa ”vì ơn thánh của Thiên Chúa đã được ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu, bởi vì nơi Người anh em đã được trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người” (1 Cr 1,4-5). Các lời này không phải chỉ là một hình thức đơn sơ, mà là dấu chỉ mà thánh nhân trông thấy trước hết – và người thực sự vui mừng vì điều này – đó là các ơn Thiên Chúa ban cho cộng đoàn. Đức Thánh Cha rút tỉa ra từ thái độ này của thánh Phaolô kết luận sau đây:

Thái độ này của Tông Đồ Phaolô là một khích lệ đối với chúng ta và mọi cộng đoàn kitô vui mừng thừa nhận các ơn thánh của Thiên Chúa hiện diện trong các cộng đoàn khác. Mặc dù nỗi khổ đau của các chia rẽ rất tiếc còn tồn tại, chúng ta hãy tiếp nhận các lời của thánh Phaolô như là một lời mời gọi vui mừng một cách chân thành về những ơn thánh, mà Thiên Chúa đã rộng ban cho các anh chị em kitô khác. Chúng ta có cùng bí tích Rửa Tội, cùng Chúa Thánh Thần, Đấng đã ban các ơn thánh cho chúng ta, chúng ta hãy nhận biết và vui mừng.

Thật là xinh đẹp nhận biết ơn thánh, mà Thiên Chúa chúc phúc cho chúng ta và còn hơn thế nữa, tìm thấy nơi các kitô hữu khác một cái gì đó, mà chúng ta cần đến, một cái gì mà chúng ta có thể nhận lấy như một ơn từ các anh chị em khác của chúng ta. Nhóm Canada đã soạn các tài liệu của Tuần cầu nguyện này đã không mời gọi các cộng đoàn nghĩ tới điều mà chúng ta có thể trao ban cho các anh chị em kitô khác, nhưng đã khích lệ các cộng đoàn gặp gỡ nhau để hiểu điều tất cả có thể nhận được từ các cộng đoàn khác. Điều này đòi hỏi một cái gì hơn nữa. Nó đòi hỏi nhiều lời cầu nguyện, nó đòi hỏi sự khiêm nhường, nó đòi hỏi suy tư và hoán cải liên tục. Chúng ta hãy tiến bước trên con đường này, bằng cách cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các tín hữu kitô, để cho gương mù gương xấu giảm đi và không còn giữa chúng ta nữa. Xin cám ơn.

Kết thúc bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, giáo huấn của thánh Phaolô nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa, qua Bí tích Rửa Tội, và chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu vác thập giá và theo Người. Nhưng vượt ngoài các cộng đoàn của chúng ta có các người con khác của Thiên Chúa, các môn đệ khác, mà cũng như chúng ta, họ được mời gọi nên thánh.

Đức Thánh Cha đã chào mọi tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô đặc biệt một nhóm sinh viên Học viện đại học Bossey. Ngài cầu chúc các học hỏi nghiên cứu của họ giúp thăng tiến cuộc đối thoại đại kết. Ngài cũng chào một nhóm các linh mục tuyên úy quân đội Anh quốc và phái đoàn của Liên hiệp Do thái Chicago. Đức Thánh Cha cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Argentina, Mehicô, Brasil, cách riêng nhóm các linh mục giáo phận Catanduva, cũng như một đoàn hành hương đến từ Ai Cập và các nước A rập. Ngài xin Chúa ban sự hiệp nhất cho các kitô hữu để họ sống sự khác biệt như là nét phong phú và trông thấy nơi người khác một người anh em cần tiếp đón và yêu thương.

Chào các tham dự viên cuộc họp của các chuyên viên phối hợp công tác Tông đồ Biển và Đức Hồng Y Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách hoạt động này, Đức Thánh Cha khích lệ họ là tiếng nói của các công nhân phải sống xa các người thân và đương đầu với các tình trạng nguy hiểm và khó khăn. Ngài cũng chào các thành viên lực lượng cảnh sát vùng Macherio và Sovico do Đức Hồng Y Dionigi Tettamanzi hướng dẫn.

Chào đông đảo các bạn trẻ hiện diện tại quảng trường, Đức Thánh Cha cầu mong thánh Phaolô là mẫu gương môn đệ theo Chúa rao giảng Tin Mừng cho họ. Ngài xin các anh chị em đau yếu dâng khổ đau của họ để cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu kitô, và nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới lấy hứng từ thánh Tông Đồ dân ngoại, thừa nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài trong cuộc sống gia đình.

Cũng như mọi khi Đức Thánh Cha đã bắt tay chào thăm vuốt ve an ủi hàng trăm bệnh nhân ngồi trên xe lăn.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Dấn thân của Tòa Thánh nhằm vãn hồi hòa bình cho Syria

Dấn thân của Tòa Thánh nhằm vãn hồi hòa bình cho Syria

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức của Liên Hiệp tại Genève

Trong sứ điệp cho Ngày Hòa Bình thế giới năm 2014 Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ rằng ”thế giới này có ơn gọi làm thành một cộng đoàn huynh đệ”, nhưng thực tại này bị chối bỏ bởi việc ”toàn cầu hóa của sự thờ ơ”. Vì thế cộng đoàn thế giới xem ra rất hờ hững với nỗi khổ đau của các dân tộc đang lâm cảnh chiến tranh, điển hình như trường hợp của Syria.

Sự thờ ơ đó đã được chứng minh qua sự thất bại của khóa họp của các nước ân nhân của Siria nhóm tại Kuweit ngày 15-1-2014. Ông Ban Ki-Moon Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã tỏ vẻ thất vọng, khi thông báo số tiền các nước này đã đóng góp chỉ được 2 tỷ 400 ngàn mỹ kim, tức một phần ba ít hơn ngân khoản hy vọng có được. Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Siria, đã tha thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế lắng nghe tiếng than khóc và gào thét tuyệt vọng của nhân dân Siria đang bị đồn ngã trong cơn lốc bạo lực hiện nay.

Người ta hy vọng nơi hội nghị Genève II nhóm họp vào ngày 22-1-2014 bên Thụy Sĩ, với sự tham dự của phái đoàn 30 quốc gia gồm các phe lâm chiến và đại diện của hai khối phò chống chế độ của tổng thống Bashar al-Assad. Như đã biết, chính quyền của tổng thống Bashar al-Assad được Nga, Trung Quốc và Iran ủng hộ, trong khi Hoa Kỳ và các nước Âu châu ủng hộ các lực lượng đối lập. Một trong những lý do khiến cho cuộc nội chiến tại Siria đã kéo dài từ hơn 3 năm qua đó là Siria đã trở thành thị trường tiêu thụ và thử nghiệm vũ khí của tất cả các nước yểm trợ khí giới cho các phe lâm chiến. Từ nhiều thập niên qua Nga đã bán đủ mọi thứ vũ khí cho chính quyền Siria đến hơn 2 tỷ mỹ kim mỗi năm.

Và Syria cũng đã mua vũ khí của nhiều nước Tây Âu và nhiều nước A Rập. Với cuộc nội chiến bùng nổ sau Mùa Xuân A Rập, Siria lại càng trở thành ”chợ trời vũ khí”, giống như nhiều nước Phi châu đã là ”chợ trời vũ khí” của thế giới trong bao thập niên qua.

Có một sự thật sống sượng mà các phương tiện truyền thông quốc tế ít khi dám thẳng thắn đề cập tới, hay phân tích hoặc mạnh dạn tố cáo: đó là ”chiến tranh là một kiểu làm ăn của các quốc gia có kỹ nghệ chế tạo và buôn bán vũ khí.” Đứng đầu là Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, rồi đến các nước Âu châu, trong đó Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha chiếm vị thế ưu tiên.

Cho tới các thập niên gần đây lại có thêm các nước có nền kinh tế đang lên như Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Thế rồi cũng có cả các nước Á Rập và nhiều nước Phi châu như Ai Cập, A Rập Sauđi, Camerun vv… Sự thật này khiến cho ngày nay chiến tranh là một thứ lợi nhuận, một loại chợ trời mà ai cũng có thể tham gia mua bán vũ khí tùy theo khả năng và tham vọng của mình. Và vì nó là một lợi nhuận đem lại các số tiền lời khổng lồ hàng trăm tỷ mỹ kim mỗi năm, nên việc ”tạo ra thị trường tiêu thụ vũ khí” cũng là một dịch vụ khác nữa trong kỹ nghệ chế tạo và buôn bán vũ khí trên thế giới. Ngày nay người ta không còn có thể chỉ quy tội cho các cường quốc hay nước tây âu hoặc đông âu chế tạo buôn bán khí giới nữa, mà trách nhiệm cũng tùy thuộc nơi hàng lãnh đạo các nước nghèo đang trên đường phát triển. Sự kiện giới lãnh đạo các nước nghèo dành rất nhiều ngân khoản cho việc mua và trang bị vũ khí cho quân đội là sự thật qúa hiển nhiên không thể che dấu và biện minh được nữa.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại các tổ chức của Liên Hiệp Quốc ở Genève, về tư tưởng của Đức Thánh Cha và hội nghị Genève II cho hòa bình Siria

Hỏi: Thưa Đức Cha Tomasi, Đức Cha nghĩ gì về khẳng định của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp cho Ngày Hòa Bình thế giới 2014?

Đáp: Ngày nay chế độ đa nguyên, các kiểu sống, các hệ thống chính trị là các thực tại hữu hình. Các phương tiện truyền thông xã hội cũng đem vào trong các gia đình tại những vùng xa xôi hẻo lánh nhất sự hiển nhiên của các lối sống khác nhau; và việc gia tăng tính đa nguyên cũng đã đem đến cho các xã hội hiệp nhất trên bình diện văn hóa sự hiện diện của các người khác, không phải chỉ là các công nhân, mà cũng là các bản vị đem theo với họ các tôn giáo và truyền thống rất đặc thù và khác biệt. Tái khẳng định rằng chúng ta là một gia đình duy nhất của Thiên Chúa, và chúng ta là anh chị em với nhau, không chỉ là một bổn phận loan báo sứ điệp của Tin Mừng, mà cũng là một sự cần thiết để có thể sống chung hòa bình với nhau. Tình huynh đệ được sống trở thành điều kiện của hòa bình và phát triển, vì thế nó cũng là điều kiện bao gồm tất cả mọi người trong các lợi ích và bổn phận tạo thành các xã hội lành mạnh và có tinh thần xây dựng.

Trực giác của Đức Thánh Cha Phanxicô dành ưu tiên cho tình huynh đệ – trong sứ điệp của Ngày Hòa Bình Thế Giới – tiếp nhận dấu chỉ ấy: tình huynh đệ là thuốc chữa cho tình trạng phân hóa xã hội, cho các ích kỷ, các cuộc chiến đang tiếp diễn, chỉ tạo ra bất công và khổ đau cho con người.

Hỏi: Thưa Đức Cha, làm thế nào để nói về tình huynh đệ trong một khung cảnh như khung cảnh của Liên Hiệp Quốc?

Đáp: Với Liên Hiệp Quốc và các tổ chức liên chính quyền quốc tế tiếng nói của Tòa Thánh nhấn mạnh giá trị của tình liên đới, là giá trị phát xuất từ sự kiện mỗi một bản vị con người đều có phẩm giá ngang nhau và đáng được tôn trọng và trợ giúp. Vì thế trong việc đề ra chương trình và ký kết các thỏa hiệp mới, chẳng hạn như thỏa hiệp về thương mại bình đẳng, hay thỏa hiệp che chở các người tàn tật như các người mù lòa, là hai thỏa hiệp đã đạt được trong năm vừa qua, phái đoàn của Tòa Thánh tại Genève đã hoạt động để ủng hộ các kết luận sinh hoạt sinh lợi cho hàng triệu người.

Hỏi: Thưa Đức Cha Tomasi, trong hội nghị triệu tập tại Genève ngày 22 tháng Giêng, đâu là các viễn tượng sẽ được đưa ra trong các cuộc thảo luận này?

Đáp: Việc tìm kiếm hòa bình trong vùng Trung Đông là một dấn thân dài hạn của cộng đoàn quốc tế. Chiến tranh đang tiếp diễn và các xung khắc bùng nổ bên Irak cũng như tại nhiều nơi khác trên thế giới bắt buộc gia tăng các nỗ lực để chấm dứt bạo lực và khổ đau cho hàng triệu người. Tình hình đã trở thành phức tạp bởi các lợi lộc chiến thuật chồng chéo của các cường quốc như Nga và Hoa Kỳ, cũng như các chồng chéo cạnh tranh để nắm quyền điều khiển chính trị tôn giáo giữa hai nước Iran và A Rập Sauđi, hay giữa hệ phái Hồi giáo Sciít và hệ phái Hồi giáo Sunnít, cũng như bởi các chồng chéo của đòi buộc sống còn đối với các tín hữu kitô trong vùng vốn đã phức tạp. Bước cấp thiết thứ nhất cần phải làm đó là ngưng cảnh bạo lực và tàn phá đang tiếp diễn. Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho nghe tiếng nói rõ ràng của ngài đối với một giải pháp hoà bình công bằng cho vùng Trung Đông, nơi ngài sẽ viếng thăm trong vài tháng nữa. Theo gương ngài, Hàn Lâm Viện Khoa Học của Tòa Thánh đã triệu tập một cuộc họp giữa các chuyên viên và các nhân vật tôn giáo để suy tư và tìm ra đề nghị hoạt động cụ thể cho hội nghị do Liên Hiệp Quốc và tất cả các lực lượng chính trị liên hệ triệu tập tại Genève vào ngày 22 tháng Giêng.

Hỏi: Tòa Thánh có đề ra các sáng kiến chuyên biệt nào bên cạnh hội nghị tại Genève không thưa Đức Cha?

Đáp: Hội Đồng Đại Kết các giáo Hội Kitô có tổ chức một cuộc họp của các vị lãnh đạo tôn giáo kitô và hồi giáo trong hai ngày 16-17 tháng Giêng, để ủng hộ các nhà chính trị và làm chứng cho sự cấp thiết của hòa bình, để chầm dứt cảnh di cư của hàng triệu người gồm nhiều phụ nữ và trẻ em và cảnh tàn sát biết bao nhiêu thường dân vô tội. Sứ bộ của tòa Thánh can thiệp vào vấn đề của Siria và tiếp tục làm điều này bằng cách đề nghị việc tôn trọng quyền bình đẳng của mọi công dân, với tất cả các quyền con người trước nhà nước. Không phải việc tùy thuộc một chủng tộc hay tôn giáo có quyền đưa ra các bổn phận và các quyền lợi, mà trước hết là việc tôn trọng bản vị con người. Chính trên con đường này của quyền công dân bình đẳng đối với tất cả mọi người về lâu về dài có thể giúp tìm ra hòa bình và cộng tác cho vùng Trung Đông.

Hỏi: Thưa Đức Cha trong năm 2014 này đâu là các điều cấp thiết mà Liên Hiệp Quốc phải đương đầu?

Đáp: Cả năm 2014 này nữa cũng là một năm dấn thân đối với công việc bình thường của Ủy ban Nhân Quyền và Hội nghị giải trừ vũ khí của Liện Hiệp Quốc, cũng như đối với các đòi buộc cứu trợ nhân đạo tạo ra bởi các xung khắc đang xảy ra bên Phi châu, và vùng Trung Đông, chẳng hạn như các làn sóng tị nạn mới tại Cộng hòa Trung Phi và tại Nam Sudan. Sự hiện diện của Tòa Thánh là một chút tiếng nói của lương tâm. Nhưng ưu tiên là việc kiếm tìm hòa bình, vì không có hòa bình, thì không thể có phát triển kinh tế và một cuộc sống binh thường và xây dựng được. Ngoài ra, còn có các lo lắng khác nữa mà chúng tôi phải dấn thân: đó là sự tự do tôn giáo ngày nay, dấn thân cho giới trẻ, bảo vệ các trẻ em, chống nạn buôn người và lo lắng đối với các cuộc di cư. Tham dự vào tiến trình này như là kích thích của tình liên đới đích thực, đó là thực hiện tình huynh đệ, mà Đức Thánh Cha Phanxicô loan báo.

(RG 12-1-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio