NHƯ CHA ĐÃ SAI THẦY, THẦY CŨNG SAI CÁC CON

NHƯ CHA ĐÃ SAI THẦY, THẦY CŨNG SAI CÁC CON

Để ghi nhớ khai sinh ra nền quân chủ, dân chủ hoặc ngày độc lập của một quốc gia trên thế gới, người ta chọn và gọi là ngày quốc khánh. Để rồi hằng năm, cứ vào ngày quốc khánh của một quốc gia, người ta treo cờ, nghỉ ngơi,  đồng thời tổ chức những lễ hội hoành tráng….trước là để nhắc nhở mọi người về sự kiện lớn của đất nước, sau nữa là để tưởng nhớ đến những người có công gầy dựng, sau cùng là tự hào, quảng bá hình ảnh về đất nước mình cho toàn thế giới…

Cùng với toàn thể Giáo Hội, hôm nay chúng ta long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đây là một biến cố lớn trong Hội Thánh, là ngày khai sinh Hội Thánh, ngày mà các thánh Tông Đồ đón nhận tràn đầy tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa ngang qua Chúa Thánh Thần, và cũng là ngày khởi đầu thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho khắp muôn dân của các thánh Tông Đồ. Vì thế, ta cũng có thể coi ngày lễ hôm nay là ngày “Quốc Khánh” của Giáo Hội Công Giáo toàn cầu.

Giáo Hội Công Giáo, hay nói khác đi theo ngôn ngữ trần thế, đây là một vương quốc, một đất nước tại thế do chính Đức Giêsu thiết lập khi Ngài phán cùng ông Phêrô: “ Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt.16,18).

Vương quốc, đất nước tại thế đó là Giáo Hội Công Giáo do Đức Giêsu thiết lập hiện diện giữa xã hội trần thế. Vương quốc ấy không giới hạn bởi thời gian và không gian, không cắt ngăn bởi thể chế chính trị, ranh giới, địa lý…; không phân biệt tuổi tác, trình độ, tiếng nói, màu da và sắc tộc… Vương quốc, đất nước ấy bao trùm khắp địa cầu và mãi mãi trường cửu; vương quốc được Chúa Thánh Thần hướng dẫn ngang qua phẩm trật của Giáo Hội. Người đứng đầu phẩm trật là ngôi vị Giáo Hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi.

Với xã hội trần thế, ngoài những lễ hội, nghỉ ngơi vui chơi trong ngày quốc khánh, ngày ấy còn nhắc nhở mọi người, mọi thành phần từ người lãnh đạo cao nhất cho đến những trẻ em ngày đầu đời cắp sách đến trường; từ người quyền quý, cao sang cho đến những người cùng khốn ý thức mình là những con dân trong đất nước, luôn có bổn phận, trách nhiệm gìn giữ, tôn tạo và cùng chung tay góp sức sao cho đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh, vận dụng những gì  có thể từ tri thức đến tình cảm  để quảng bá hình ảnh tươi đẹp của đất nước mình cho thế giới…

 

Là người Công Giáo, sau khi ta cúi đầu lãnh nhận bí tích Rửa Tội, ta chính thức trở thành thần dân của vương quốc Giáo Hội Công Giáo. Vì thế, trong ngày mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, trước tiên ta hòa cùng với toàn thể Giáo Hội cất cao lời cảm tạ Thiên Chúa đã ân ban, thiết lập Giáo Hội ngang qua Đức Chúa Giêsu và Đức Chúa Thánh Thần; tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban, mời gọi ta trở thành những thành viên trong gia đình Giáo Hội.

Trong niềm vui và hân hoan của ngày lễ  “ Quốc Khánh” Giáo Hội Công Giáo toàn cầu, ta tri ân các thánh Tông Đồ và những người kế vị các ngài, vì các ngài đã hy sinh cuộc đời và cả tính mạng để gìn giữ giới thiệu và làm cho bộ mặt của Giáo Hội ngày càng sinh động, trưởng thành. Đặc biệt, các ngài đã dẫn dắt và giúp ta trở thành những thần dân tốt trong vương quốc Giáo Hội Công Giáo.

Là thần dân, là một phần tử  trong vương quốc Giáo Hội Công Giáo, trong ngày lễ “quốc Khánh” của Giáo Hội, ta được mời gọi nhìn lại trách nhiệm và bổn phận của mình đối với Giáo Hội trong việc gìn giữ, xây dựng và giới thiệu hình ảnh của Giáo Hội cho thế giới. Giáo Hội là chi thể và là nhiệm thể của Đức Kitô. Vì thế, một khi ta giới thiệu hình ảnh, đời sống của Giáo Hội là ta giới thiệu chính hình ảnh và đời sống của Đức Giêsu, Đấng đã và đang sống giữa Giáo Hội và thế giới.

Nếu như xã hội trần thế  quảng bá hình ảnh đất nước của mình cho thế  giới bằng nhiều cách và nhiều hình thức, đôi khi sự giới thiệu được phóng đại, lời giới thiệu được cường điệu và sai với sự thật… Với ta là thần dân trong vương quốc Giáo Hội Công Giáo, trong bổn phận và trách nhiệm giới thiệu hình ảnh và đời sống của Đức Giêsu ngang qua Giáo Hội ta được giáo huấn: “ Có thì nói có và không thì nói không”(Gc.5,12). Tất cả lời giới thiệu  của ta phải là Sự Thật,ta không chỉ giới thiệu Sự Thật ấy bằng lời, mà phải bằng chính đời sống của ta.

Sống giữa xã hội hôm nay, một xã  hội tràn ngập sự dối trá. Dối trá từ trong mái ấm gia đình, đối trá nơi học đường, nơi bệnh viện; dối trá qua những hiện tượng hàng gian, hàng giả, bằng cấp, học vị….Giữa một xã hội như thế, ta có khác chi những chú cá lội ngược dòng khi ta sống, nói và giới thiệu hình ảnh và đời sống Giáo Hội bằng lời thật và sống thật.

Trước ngày lễ Ngũ Tuần 50 ngày, nơi căn phòng tiệc ly. Căn phòng mà Đức Giêsu chọn làm nơi từ biệt đồ đệ của mình qua bữa tiệc. Khi ấy, 12 môn đệ của Đức Giêsu quây quần bên Thầy, mỗi người mỗi tâm trạng và mỗi toan tính khác nhau. Sau ngày Đức Giêsu Tử Nạn và Về Trời, cũng nơi căn phòng ấy chỉ còn lại 11 người, các ông đồng mang tâm trạng thất vọng, lo âu và sợ hãi. Đến thời mà Thiên Chúa đã hoạch định và sau khi cùng với Mẹ Maria cầu nguyện. Một sự kiện lạ lùng đã đến như lời trình thuật của sách Công Vụ Tông Đồ: “ Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn phòng… Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra và đậu xuống từng người. Và ai nấy được tràn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo Thánh Thần ban cho”(Cv.21-4).

Sau khi nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần các  ông đã nhớ lại lời Đức Giê su đã truyền: “ Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con, các con hãy nhận lấy Thánh thần” (Ga. 20,21-22). Từ sau sự kiện cả thể ấy, 11 môn đệ của Đức Giêsu được biến đổi hoàn toàn. Họ đang là những con người mang tâm trạng thất vọng, chán nản và sợ hãi qua cái chết của Thầy, ấy thế mà giờ đây, các ông đã mạnh dạn tông cửa để rao giảng Tin Mừng; là những ngư phủ, chất phác, các ông đã trở thành những con người uyên bác, để rồi qua ngôn ngữ của các ông, tất cả những người chứng kiến, nghe, tất cả họ đều người kinh ngạc và thán phục.

Vâng! Chúa Thánh Thần đã hoạt động nơi các thánh Tông Đồ, Ngài cũng đang hoạt động nơi Giáo Hội, nơi mỗi con người tin nhận Đức Kitô. Chúa Thánh Thần là một vị Thiên Chúa âm thầm lặng lẽ, nhưng quyền năng của Ngài thì siêu việt, Ngài chính là sức mạnh mở tung những cách cửa luôn khép kín vì sợ sệt, lo âu và nhát đảm khi được mời gọi sống và làm chứng cho Tin Mừng; Ngài chính là ngọn lửa phá tan đi những tảng băng của hoài nghi, của thất vọng, nghi kỵ, của hận thù và chia rẽ giữa con người với con người;

Với những tâm hồn băng giá, nguội lạnh và khô khan, những tâm hồn nghèo hèn và đau khổm Chúa Thánh Thần chính là ngọn lửa an ủi và đỡ nâng; trong đời sống Đức Tin và cầu nguyện, Chúa Thánh Thần chính là Người Thầy soi lòng mở trí cho ta nhận ra Thiên Ý, giúp và dạy ta cầu nguyện, hướng dẫn ta thực thi giới răn của Thiên Chúa một cách chu toàn và Ngài là Thầy dạy ta am hiểu Kinh Thánh một cách chuẩn mực nhất. Đặc biệt, Ngài chính là Đấng kiến tạo sự Bình An và Hiệp Nhất.

Ngày xưa Đức Giêsu đã lệnh truyền cho các thánh Tông Đồ“ Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga.20,21). Hôm nay, Ngài cũng mời gọi ta trở thành những người loan báo Tin Mừng, những người giới thiệu hình ảnh và đời sống Giáo Hội cho mọi người và cho thế giới, dẫu rằng ta đang bị nhốt trong những cánh cửa của sợ sệt, nhát đảm và lo âu; ta đang bị lung lạc Đức Tin bởi những tảng băng của bệnh tật, đói nghèo, khổ đau và thử thách. Tất cả những hệ lụy, những cản trở đó sẽ được hóa giải nếu ta mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần và thường xuyên cầu khẩn Ngài đến ở trong ta và hành động giúp ta.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến canh tân đời sống chúng con và canh tân bộ mặt thế giới này. Xin giúp con trở thành thần dân tốt, thần dân có trách nhiệm trong vương quốc Giáo hội Công Giáo mà Chúa đã khai sinh qua các thánh Tông Đồ. Amen.

An tôn Lương Văn Liêm

Comments are closed.