Maria Mẹ Thiên Chúa

Maria Mẹ Thiên Chúa

Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, Mẹ rất thánh của chúng ta, được đọc lên hàng triệu triệu lần mỗi ngày. Danh hiệu này được đọc trong phụng vụ của Giáo Hội hoàn vũ, trong kinh nguyện riêng tư tại gia đình, trên xe hay lúc tản bộ. Dĩ nhiên, tôi cũng từng đọc cả trăm lần mỗi ngày lời Mẹ Thiên Chúa. Bởi lẽ chúng ta càng hiểu biết và yêu mến mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, thì chúng ta càng hiểu biết và yêu mến cách trọn vẹn hơn mầu nhiệm Chúa Cứu Thế, Người Con rất yêu dấu của Đức Mẹ. Và, do lòng sùng kính, hiếu thảo của một người con đối với Mẹ Thiên Chúa, tôi muốn tìm hiểu từ ngữ này trên hai phương diện: lịch sử và thần học, hầu hiểu biết được quan điểm của Giáo Hội Công Giáo đối với danh xưng này.

ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

Thánh danh Mẹ Thiên Chúa được dùng trong kinh nguyện của Giáo Hội từ lâu trước cuộc tranh luận giáo thuyết làm nên một giai đoạn thử thách đức tin Kitô hữu. Tuy nhiên, tước hiệu chính xác Mẹ Thiên Chúa đã được Đức Giám Mục Alexander thành Alexandria xưng tụng khoảng năm 281 – 300 A.D.

Theo lịch sử Công Giáo, Nestôriô chủ trương rằng việc nhập thể bao gồm một sự biến đổi trọn vẹn của Ngôi Lời. Đối với ông, Đức Maria không phải là Mẹ Thiên Chúa, nhưng là mẹ một con người thuần túy, một người có tên Giêsu, người mang Ngôi Lời. Để lên án học thuyết sai lầm về Thánh Mẫu Học và Kitô Học của bè rối Nestôriô, Công Đồng chung Êphêsô năm 431, dưới quyền điều khiển của Thánh Cyrilô thành Alexandria, đã tuyên bố rằng Đức Trinh Nữ Maria thật sự là Mẹ Thiên Chúa. Do đó, Mẹ Thiên Chúa trở thành một tín điều và mầu nhiệm của đức tin Công Giáo chúng ta. Tước hiệu này đã trở nên một phần vĩnh viễn trong những kinh tuyên xưng đức tin và trong phụng vụ của toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

1)- Trong Thánh Kinh:

Mặc dù Thánh Kinh không chính thức dùng từ ngữ Mẹ Thiên Chúa, nhưng từ ngữ đó đã được hàm chứa một cách rõ rệt và minh bạch trong Thánh Kinh. Theo tiên tri Isaia, một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh con trai và sẽ đặt tên con trẻ là Emmanuel (Is, 7:14; Mt, 1:23). Từ câu này, chúng ta có thể nói : Trinh Nữ đó sẽ là Mẹ Thiên Chúa.

Lời tiên tri trên được thực hiện trong Phúc Âm Luca khi sứ thần Gabriel báo tin cho Mẹ Maria : “Bà sẽ thụ thai, sinh con trai v sẽ đặt tên con trẻ ấy là Giêsu…; vì thế Trẻ Thánh sinh ra bởi Bà, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc, 1:31-35).

Cũng vậy, Thánh Phaolô nói : Thiên Chúa đã sai con mình đến sinh bởi người nữ và sinh dưới chế độ luật (Gal,4:14). Và từ dòng dõi họ Đức Kitô, theo huyết nhục, cũng từ họ mà ra, là Đấng vượt trên muôn loài, tức là Thiên Chúa, đáng ca tụng đời đời. (Rm, 9:5). Chúng ta cũng thấy, trong Phúc Âm Thánh Gioan, Mẹ Maria được gọi là Mẹ Chúa Giêsu (2:1; 19:26), và Mẹ Chúa trong Luca, đoạn nói về việc Đức Mẹ đến thăm bà Elizabeth (1:43). Do đó, trong Thánh Kinh, ta thấy Thiên Chúa Cha mời gọi Đức Maria và do lời FIAT tự nguyện của Mẹ, trong quyền lực ơn sủng của Thánh Thần, Mẹ trở nên Mẹ Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người; và như thế, Mẹ Maria thật sự là Mẹ Thiên Chúa.

2)- Qua Thánh Truyền:

Các Kitô hữu thời sơ khai, được các Tông Đồ hướng dẫn, có một niềm tin vững chắc vào chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Điều này được chứng tỏ bằng những việc tôn kính phổ quát như : Kinh Tin Kính của các Tông Đồ : Đức Giêsu, Chúa chúng ta, Con Một Thiên Chúa Cha, Đấng xuống thai bởi phép Chúa Thánh Thần, sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria; công thức rửa tội ở thời kỳ đầu và những kinh nguyện phụng vụ.

Thêm vào đó, tước hiệu Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã được tin yêu và truyền dậy bởi các giáo phụ như Thánh Cyrilô, Athanasiô, Ignatiô, Antiochia… Vào thời Thánh Athanasiô năm 373, chúng ta thấy có câu : Chúng tôi thú nhận rằng Con Thiên Chúa đã trở nên nhục thể qua việc nhận lấy thân xác từ một Trinh Nữ, Đấng Mẹ Thiên Chúa. Và Thánh Giêgoriô Nagianô tuyên bố : “Nếu người nào không nhận Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa thì người đó không có Thiên Chúa làm Cha.”

Vì thế, qua Thánh truyền, chúng ta có thể xác quyết rằng Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô, và như vậy Mẹ Rất Thánh của chúng ta thật là Mẹ Thiên Chúa.

3)- Qua Giáo Huấn của Giáo Hội:

Trước tiên, Maria, Mẹ Thiên Chúa được tuyên bố để bênh vực Thiên Tính Chúa Giêsu, Con Mẹ, trong Công Đồng Chung thứ III tại ÊPhêsô năm 431 do Đức Giáo Hoàng Celestinô I. Thật ra, vào năm 428, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa đã bị phản đối công khai tại Constantinople. Những Công Đồng kế tiếp như Chalcedonia năm 451 và Constantinople II năm 553 đã làm sáng tỏ hơn ý nghĩa tước hiệu Mẹ Thiên Chúa.

Công Đồng Constantinople III (680-681) đã lên án phái Monothelites và nhắc lại một số công thức cổ truyền. Công Đồng xác quyết rằng: Chúa Giêsu Kitô được sinh ra bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, và Đức Trinh Nữ Maria chính thức và thật sự là Mẹ Thiên Chúa theo nhân tính của Chúa Kitô.

Ngoài ra, chúng ta còn có những giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng gần đây về Mẹ Thiên Chúa như Đức Giáo Hoàng Piô XI, đã ra thông điệp Mediator Dei để mừng kỷ niệm 1500 năm Công Đồng Êphêsô và công bố lễ Mẹ Thiên Chúa mừng trong toàn thể Giáo Hôi vào ngày 11 tháng 10.

Đức Piô XII, trong thông điệp lịch sử của ngài, đã tuyên bố Năm Thánh Mẫu vào năm 1954 và chủ trương rằng chức Mẹ Thiên Chúa là nguồn gốc tất cả mọi ơn sủng và đặc sủng của Mẹ Maria.

Sau cùng, Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Lumen gentium, chương VIII đã nói về Mẹ Thiên Chúa. Và trong Hiến Chế về Phụng Vụ, các Nghị Phụ trong Công Đồng đã chuyển lễ Mẹ Thiên Chúa ngày 11 tháng 10 sang mồng 1 tháng 1.

4)- Trong Thánh Lễ:

Thánh Lễ của chúng ta thật phong phú với những lời cầu nguyện cùng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ chúng ta. Vì tính chất phong phú đó, tôi xin trình bầy việc nhắc đi nhắc lại tước hiệu cao cả này mà ta thấy chứa đựng trong Thánh Lễ.

Cả 4 kinh nguyện Thánh Thể đều nhắc tới Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Trong kinh nguyện Thánh Thể I, vị linh mục đọc : Hiệp cùng Hội Thánh, chúng con kính nhớ Đức Maria vinh hiển trọn đời đồng trinh Mẹ Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Kinh nguyện Thánh Thể II, III và IV đọc : Cùng với Đưc Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa.v.v….

CÁI NHÌN THẦN HỌC

Để hiểu hơn về chức Mẹ Thiên Chúa, chúng ta hãy nghiên cứu những học thuyết bàn về chức vị này, những học thuyết bao gồm cách thiết yếu việc nhiệm sinh từ đời đời của Đức Kitô bởi Thiên Chúa Cha liên quan tới việc Ngài được sinh ra trong thời gian bởi Đức Trinh Nữ Maria. Theo Thánh Cyrilô, chúng ta có thể nhận ra chức Mẹ Thiên Chúa của Mẹ Maria qua những quan điểm sau đây :

a)- Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hiện hữu với Thiên Chúa Cha từ đời đời, và là Ngôi Lời.

b)- Trong Chúa Giêsu Kitô, thiên tính và nhân tính kết hợp một cách bất khả phân ly trong một ngôi. Công Đồng Nicea định nghĩa Chúa Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, Ngài có cùng một bản thể như Thiên Chúa Cha. Những Công Đồng khác cũng xác nhận đức tin này, như Công Đồng Chalcedonia năm 451, đã dạy rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là người trong một ngôi vị. Vì Chúa Giêsu có 2 bản tính, nên chúng ta có thể hiểu sự nhiệm sinh của Ngài từ muôn đời bởi Thiên Chúa Cha và sự sinh ra trong thời gian của Ngài bởi Đức Trinh Nữ Maria.

Bởi ngôi vị bất khả phân chia của Ngài, Con Thiên Chúa tuyệt đối đồng nhất với con của Đức Trinh Nữ Maria. Vì thế, Đức Maria thật sự là Mẹ Thiên Chúa.

Hơn nữa, vào thế kỷ 13, Thánh Tôma đã đóng góp, bằng một đường lối đặc biệt, vào việc làm cho mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria thêm minh bạch và ý nghĩa. Ngài đã sáng tác và kéo dài việc bàn giải về Đức Maria như Mẹ Thiên Chúa nơi phần viết về Kitô Học trong bộ Tổng Luận Thần Học.

Qua những điều được trình bầy ở trên, chúng ta ý thức và xác nhận rằng Đức Maria thực sự là Mẹ Chúa Giêsu, Đấng là con Thiên Chúa từ đời đời và là người thật. Vì thế, Đức Maria là Mẹ thật của Thiên Chúa. Mẹ cũng là người đầu tiên chạm tới và làm sáng tỏ những mầu nhiệm cứu độ của tình thương Thiên Chúa. Thánh Kinh không những cho chúng ta biết phần nào sự kiện lịch sử trong quá khứ, điều chúng ta gọi là mạc khải.

Thêm vào đó, bởi ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, các Nghị Phụ Công Đồng Vaticanô II đã để lại cho chúng ta một giáo huấn trọn hảo về Thánh Mẫu Học trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội ở Chương VIII. Nơi chương này, chúng ta có một khoa Thánh Mẫu Học phong phú mà các Giáo Phụ của Công Đồng đã mượn tư tưởng của Thánh Ambrôsiô dạy rằng : Mẹ Thiên Chúa là một mẫu gương của Giáo Hội về Đức Tin, đức ái và sự hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô.

Các nghị phụ của Công Đồng Vaticanô II đã bày tỏ chính bản chất chân lý về Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa một cách thỏa đáng, nên không cần bàn gì thêm về chân lý căn bản này trong đức tin của chúng ta nữa.

LM Cao xuân Thành (tinmung.net)

Comments are closed.