SỨ ĐIỆP GỬI NGÀY QUỐC TẾ DU LỊCH CỦA HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH MỤC VỤ CHO NGƯỜI DI CƯ VÀ LƯU ĐỘNG

SỨ ĐIỆP GỬI NGÀY QUỐC TẾ DU LỊCH CỦA HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH MỤC VỤ CHO NGƯỜI DI CƯ VÀ LƯU ĐỘNG

VATICAN: Trong sứ điệp công bố ngày 24 tháng 7-2012 cho Ngày Quốc Tế Du Lịch 27 tháng 9-2012 Hội Đồng Tòa Thánh cho người di cư và lưu động đã khích lệ mọi người thay đổi tấm thức và kiểu sống, cũng như tôn trọng các nền văn hóa địa phương và bảo vệ môi sinh.

Sứ điệp mang chữ ký của ĐHY Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách mục vụ cho người di cư và lưu động. Ngày Quốc Tế Du Lịch năm nay có đề tài là ”Du lịch, và năng lượng có thể chịu đựng được: các máy đẩy của sự phát triển có thể chịu đựng nổi”. Nó trùng hợp với ”Năm quốc tế năng lượng có thể chịu đựng nổi 2012”, do Liên Hiệp Quốc phát động nhằm cải thiện việc cung cấp năng lượng đáng tin cậy, với giá cả hợp lý, có giá trị trên bình diện kinh tế, chấp nhân được trên bình diện xã hội và hữu lý trên bình diện môi sinh.

Sứ điệp nhắc tới hiện tượng du lịch ngày càng gia tăng trên thế giới với 1 tỷ người trong năm 2012 và 2 tỷ người trong năm 2030. Cùng với việc tiêu thụ qúa độ các tài nguyên và năng lượng cũng như số lượng rác rưởi khổng lồ, du lịch gây ra các hậu qủa rất trầm trọng trên môi sinh. Vì thế cần phải làm tất cả những gì có thể để thích ứng với các điều kiện thay đổi khí hậu và giảm lượng thán khí thải vào trong không trung. Tuy đã có các tiến bộ, nhưng vẫn còn có rất nhiều việc phải làm. Chính vì thế Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động muốn góp phần mình vào nỗ lực này vì xác tín rằng Giáo Hội có một trách nhiệm đối với thụ tạo và phải bầy tỏ trách nhiệm ấy cả nơi công cộng nữa.

Dĩ nhiên, Giáo Hội không có bổn phận đưa ra các giải pháp kỹ thuật cụ thể, nhưng cho thấy rằng sự phát triển không thể bị giản lược vào các chiều kích kỹ thuật, chính trị, hay kinh tế. Giáo Hội muốn đồng hành với sự phát triển này với vài định hướng luân lý đạo đức nhấn mạnh rằng mọi phát triển phải luôn luôn phục vụ con người và phục vụ công ích. Thật thế, trong sứ điệp gửi hội nghị quốc tế về du lịch hồi tháng 4 năm nay 2012 tại Cancun bên Mêhicô, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhấn mạnh tầm quan trọng ”soi sáng hiện tượng này với giáo thuyết xã hội của Hội Thánh, bằng cách thăng tiến một nền văn hóa du lịch có luân lý đạo đức và trách nhiệm, giúp đạt tới việc tôn trọng phẩm giá của con người và của các dân tộc, có thể đến với mọi người, công bằng, có thể chịu đựng nổi và tôn trọng môi sinh”.

Để được như thế trước hết cần nỗ lực giáo dục thăng tiến việc thay đổi tâm thức, để có các kiểu sống mới và đạt tới nghệ thuật chung sống, biết tôn trọng giao ước giữa con người và thiên nhiên, đặc biệt trong mùa hè. Ngoài ra cũng cần phải vun trồng luân lý đạo đức trách nhiệm và cẩn trọng, ý thức được hậu qủa các hành động của mình. Đức Thánh Cha cũng nhắc cho biết rằng: ”Kiểu con người đối xử với thiên nhiên phản ánh kiểu nó đối xử với chính mình và ngược lại. Điều này nhắc nhở xã hội ngày nay phải duyệt xét kiểu sống của mình một cách nghiêm chỉnh. Trong nhiều phần của thế giới kiểu sống này nghiêng về chủ thuyết hưởng lạc, tiêu thụ, và thờ ơ trước các tai ương bắt nguồn tứ đó”. Cần phải biết sống thanh đạm hơn, giảm bớt và cải tiến việc sử dụng năng lượng… Bảo vệ môi sinh là một thách đố đối với toàn nhân loại. Tôn trọng thiện ích chung là một bổn phận chung phổ quát. Do đó cần có sự cộng tác của tất cả mọi cơ cấu và nhân viên liên hệ trong ngành du lịch cũng như các chính quyền và cộng đoàn địa phương.

Sau cùng du lịch cũng là dịp tốt để rao truyền Tin Mừng và giới thiệu Chúa Kitô với con người ngày nay (SD 24-7-2012)

Linh Tiến Khải

ĐỨC THÁNH CHA KHÍCH LỆ CÁC TU HỘI ĐỜI LÀ CẦU NỐI GIỮA GIÁO HỘI VÀ THẾ GIỚI

ĐỨC THÁNH CHA KHÍCH LỆ CÁC TU HỘI ĐỜI LÀ CẦU NỐI GIỮA GIÁO HỘI VÀ THẾ GIỚI

VATICAN: Trong sứ điệp gửi các tham dự viên đại hội các các tu hội đời đang diễn ra tại Assisi cho tới ngày 26 tháng 7-2012, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khích lệ các tu hội đời can đảm chu toàn nhiệm vụ là cầu nối giữa Giáo Hội và thế giới.

Sứ điệp do Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký có đoạn viết: Các tu hội đời bao gồm các người nam nữ được thánh hiến có cái nhìn sâu rộng và là chứng tá tốt lành trong lịch sử. Trong một thời đại đặt ra các vấn nạn sâu rộng cho cuộc sống và đức tin, khi nhìn lên Chúa Thánh Thần, các người thánh hiến có thể theo đuổi ơn gọi riêng của mình là sống giữa thế giới và lãnh nhận tất cả gánh nặng và các ước mong với một cái nhìn nhân loại ngày càng trùng hợp với cái nhìn của Thiên Chúa. Chính như thế mà họ vén mở cho thấy sứ mệnh quan trọng của họ trong Giáo Hội là trợ giúp Giáo Hội thực hiện sự hiện diện của mình trong lòng thế giới, để qua nền thần học lịch sử, là phần của việc rao truyền Tin Mừng, con người ngày nay có thể tìm ra cái nhìn thực sự tự do và hòa bình trên thế giới mà họ đang cần tới.

Đức Thánh Cha mời gọi thành viên các tu hội đời hãy là cây cầu nối liền Giáo Hội với thế giới, và sống trong dấu chỉ của sự hỗ tương, để Giáo Hội góp phần khiến cho con người và lịch sử của nó trong thế giới được nhân bản hơn, và để thế giới giúp Giáo Hội hiểu biết chính mình hơn và sống sứ mệnh của mình cách tốt đẹp hơn. Đức Thánh Cha đã đề ra ba đường hướng đặc biệt mà các tu hội đời phải chú ý: thứ nhất là sự tận hiến hoàn toàn cho cuộc gặp gỡ cá nhân với tình yêu Thiên Chúa, thứ hai là cuộc sống thiêng liêng nhằm dẫn đưa mọi sự về với Chúa Kitô, được dưỡng nuôi trong lời cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa để xây dựng niềm hy vọng và sự tin tưởng, và thứ ba là việc đào tạo giáo dục sống khôn ngoan giúp luôn ý thức được tính chất trung tâm của con người và sự cao cả của Thiên Chúa. Chính kiểu văn hóa này khiến cho giáo dân và giáo sĩ có khả năng để cho mình được cật vấn bởi thế giới ngày nay và dấn thân phân định lịch sử dưới ánh sáng Lời Hằng Sống.

Đại hội của các tu hội đời tại Assisi có đề tài là ”Lắng nghe tiếng Chúa trong các luống cầy lịch sử: tính cách đời nói với sự thánh hiến”. Đại hội nằm trong đường hướng của Năm Đức Tin và việc tái truyền giảng Tin Mừng cho thế giới tây âu (RG 24-7-2012)

Linh Tiến Khải

Sự kiện Giáo hội Việt Nam tuần qua

Sự kiện Giáo hội Việt Nam tuần qua

July 20, 2012 

UCAN Việt Nam,

Sự kiện thu hút dư luận trong nước và thế giới nhiều nhất là hàng trăm ngàn giáo dân từ 20 giáo hạt trong giáo phận Vinh tụ họp cầu nguyện cho các giáo dân bị người của chính quyền đánh đập không cho tham dự Thánh lễ tại nhà nguyện giáo điểm Con Cuông. Mỗi nơi có từ 4.000 tới 20.000 người tham dự Thánh lễ đặc biệt này.

Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đồng tế cùng với Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, và các linh mục tại nhà thờ Chính tòa. Ngài cũng nhắn nhủ cộng đoàn:

“Trong mọi hoàn cảnh, người môn đệ Chúa Giêsu phải can trường đối diện với những khó khăn, phải can trường bảo vệ niềm tin. Tuy nhiên, đừng bao giờ đánh mất tính hiền hòa, yêu thương và những gì căn bản của đạo Công giáo mà Chúa đã dạy”.

Giáo dân cầu nguyện cho chính quyền biết tôn trọng nhân phẩm và quyền tự do tôn giáo, và mưu cầu công ích.

Hôm 17-7, Đức cha Hợp đến thăm hỏi, động viên chị Maria Ngô Thị Thanh đang nằm điều trị tại phòng khám đa khoa Xã Đoài.

Chị Thanh, 34 tuổi, mẹ của bốn đứa con thuộc xứ Chính Yên, bị đám côn đồ đánh trọng thương ở đầu khi cố ngăn chặn đám côn đồ hành hung và ngăn cản linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục dâng lễ tại nhà nguyện.

Trong cuộc gặp gỡ hơn 300 chức việc tại nhà thờ Đức An ở thành phố Pleiku, Đức cha Michael Hoàng Đức Oanh của giáo phận Kontum kêu gọi chức việc phải sẵn sàng giũ bỏ chức vụ xã hội để phục vụ cộng đoàn.

“Tôi không ngăn cấm chức việc vào đảng, vào chức vụ xã hội, đã từng có trong hàng ngũ tu sĩ vào ủy ban đoàn kết Công giáo kết cuộc không phục vụ gì cho giáo hội mà còn cản trở, để rồi chính bản thân mình cuối cùng không có một định hướng, cuộc sống cứ ngơ ngơ ngác ngác. Tôi yêu cầu ai trong chức việc vào đảng, vào chức vụ xã hội hãy trả lại nhiệm vụ chức việc để người khác đảm trách.

Chức việc là người đứng đầu trong giáo xứ thì phải lên tiếng nói thẳng, nói thật những gì không có lợi cho giáo xứ, giáo phận, giáo hội dù có đụng chạm đến linh mục đến tu sĩ cũng phải nói. Phải để cho chức vụ của anh chị em đang đảm nhiệm phục vụ Giáo Hội một cách công bằng, không e ngại và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đức tin và làm chứng cho Đức Kitô”.

Liên quan việc đào tạo linh mục, khoảng 80 nhà đào tạo linh mục và phụ trách ơn gọi từ các đại chủng viện, giáo phận và dòng đã kết thúc khóa thường huấn "Hướng đến sứ vụ, đào tạo chính mình và đào tạo người khác có khả năng phân định" dài hai tuần hôm 15/7 tại Tòa Giám mục Đà Lạt.

 

Đức cha Ma vẫn còn bị quản thúc dù chính quyền đã ngưng điều tra

Đức cha Ma vẫn còn bị quản thúc dù chính quyền đã ngưng điều tra

July 23, 2012 

Phóng viên ucanews.com từ Thượng Hải China 

Đức cha Ma vẫn còn bị quản thúc dù chính quyền đã ngưng điều tra thumbnail

Chủng viện Sheshan ở Thượng Hải

Chính quyền địa phương đã kết thúc điều tra lễ tấn phong giám mục Đức cha phụ tá Thaddeus Ma Daqin của Thượng Hải, người đã tuyên bố từ bỏ các chức vụ trong Hội Công giáo yêu nước Trung Quốc (CCPA), theo các nguồn tin hôm 20 tháng 7.

Nhưng Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về Đức cha Ma và người ta nghi ngờ ngài bị cấm thi hành thừa tác vụ giám mục ngay sau lễ phong chức hôm 7 tháng 7.

Tin cho biết đức cha 45 tuổi bị quản thúc tại chủng viện Sheshan, ngoại ô Thượng Hải mặc dù blog của ngài được cập nhật hai lần trong tuần trước.

Chính quyền đã hỏi cung hơn 100 linh mục và nữ tu trong giáo phận không tham dự lễ tấn phong về lý do tại sao họ không tham dự, ý kiến của họ về lễ tấn phong và lời phát biểu của Đức cha Ma trong Thánh lễ, các nguồn tin kể. Một số linh mục đồng tế Thánh lễ cũng bị phỏng vấn nhiều lần và đã kết thúc vào cuối tuần trước.

Tòa Thánh bổ nhiệm Đức cha Ma làm giám mục phụ tá nhưng chính quyền Trung Quốc công nhận ngài là "giám mục phó".

Một linh mục thuộc giáo phận Thượng Hải yêu cầu giấu tên nhận xét Đức cha Ma phải ở lại trong chủng viện vô thời hạn. Vị linh mục dẫn lời các quan chức nói việc ngài trở về "phụ thuộc vào động thái của ngài và phản ứng của người Công giáo".

CCPA và Hội đồng Giám mục Giáo hội Trung Quốc (BCCCC) nói lễ phong chức này "bị nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng các quy định của BCCCC". Đức cha Ma là giám mục ‘công khai’ đầu tiên trong những năm gần đây công khai thông báo trong lễ tấn phong giám mục ý định từ bỏ các chức vụ trong CCPA.

Kinh cầu Thánh Giuse bằng chữ Hán phồn thể do linh mục người Bồ Đào Nha Emmanuel Diaz (1574-1659), thừa sai dòng Tên đến Trung Quốc vào thế kỷ 17 dịch, được đăng trên blog của Đức cha Ma hôm 19 tháng 7.

Phần chú thích bên dưới viết Đức cha Ma vui mừng khi tìm thấy bản kinh cổ gắn liền với các câu Kinh thánh. Bài viết so sánh kinh này với bản kinh được dùng hiện nay và nói: "Các tín hữu có thể chọn một trong hai bản kinh để cầu nguyện riêng".

Những thông tin cập nhật trên blog này an ủi những ai quan tâm Đức cha Ma, ngài rất giỏi văn chương Trung Quốc, nguồn tin nói. Nhưng một vài bình luận bên dưới bài đăng hôm thứ Năm tuần trước nghi ngờ không biết bài này là của đức cha hay ai khác.

Lần đăng tải đầu tiên từ khi ngài mất tích là hôm thứ Hai, hôm đó năm bài thơ của linh mục Simon Xaverius Wu Yushan (1632-1718) được tải lên. Cha Wu là một trong các linh mục bản xứ đầu tiên của Trung Quốc. Bức tranh được ký tên "Thaddy Ma" bằng tiếng Anh.

Sau lễ tấn phong Đức cha Ma, tên blog của ngài đã đổi từ "Notes of a Shanghai priest " thành " Notes of Shanghai’s least servant ", cách người ta gọi các giám mục, ám chỉ Đức cha Ma.

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA GỬI ĐẠI HỘI LẦN THỨ 11 CỦA PHONG TRÀO QUỐC TẾ TU ĐỨC GIA ĐÌNH ”EQUIPES NOTRE DAME” BÊN BRASIL

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA GỬI ĐẠI HỘI LẦN THỨ 11 CỦA PHONG TRÀO QUỐC TẾ TU ĐỨC GIA ĐÌNH ”EQUIPES NOTRE DAME” BÊN BRASIL

VATICAN: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khuyến khích các cặp vợ chồng kitô hãy là gương mặt tươi cười và hiền dịu của Giáo Hội và là các sứ giả tốt lành và có sức thuyết phục nhất cảu vẻ đẹp tình yêu được nâng đỡ và dưỡng nuôi bởi đức tin.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong sứ điệp gửi đại hội lần thứ 11 của phong trào tu đức hôn nhân ”Equipes Notre Dame” đang diễn ra bên Brasil cho tới ngày 26 tháng 7-2012. Trong sứ điệp do Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký, Đức Thánh Cha không dấu diếm các vấn đề và các khó khăn mà hôn nhân và gia đình gặp phải trong môi trường xã hội tục hóa ngày nay. Nhưng chính trong môi trường ấy các đôi vợ chồng kitô phải loan báo các sự thật nền tảng của tình yêu nhân loại và ý nghĩa sâu xa của nó. Vì như Đức Phaolô VI đã nói: tình yêu của một người nam và một người nữ, nụ cuời của một trẻ em, sự bình an trong gia đình, tất cả đều phản ánh một tình yêu khác: tình yêu của Thiên Chúa.

Dĩ nhiên lý tưởng này xem ra qúa cao nhưng chính ở đây phong trào tu đức hôn nhân ”Equipes Notre Dame” đã góp phần khích lệ các cặp vợ chồng lãnh nhận các bí tích, và đưa ra các đề nghị đơn sơ cụ thể giúp họ sống tinh thần tu đức hôn nhân trong cuộc sống thường ngày. Đức Thánh Cha đã đưa ra một đề nghị cụ thể khác đó là dấn thân ngồi lại với nhau và đối thoại giữa các đôi vợ chồng với tất cả sự chân thành liên quan tới các vấn đề quan trọng nhất của cuộc sống lứa đôi. Sự đối thoại này càng cần thiết hơn nữa trong một thế giới bị thống trị bởi chủ nghĩa cá nhân, duy hoạt động, vội vã và lo ra như thế giới ngày nay. Nó giúp tránh các hiểu lầm thường gây ra các đổ vỡ không thể chữa lành được. Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng các giáo huấn của Công Đồng Chung Vatican II đã cống hiến cho Giáo Hội một gương mặt canh tân giá tri tình yêu và cuộc sống hôn nhân và gia đình.

Phong trào tu đức hôn nhân đã do Linh Muc Henri Caffarel, người Pháp thành lập năm 1939. Đại hội lần thứ XI đang điễn ra bên Brasil với sự tham dự của hơn 7.000 thành viên và 400 linh mục cộng thêm hơn 700 thiện nguyện viên đến từ khắp nơi trên thế giới (RG 22-7-2012)

Linh Tiến Khải

PHỦ QUỐC VỤ KHANH TOÀ THÁNH PHẢN BÁC CÁC TỐ CÁO SAI LẠC CỦA BÁO CHÍ LIÊN QUAN TỚI VỤ RÒ RỈ TÀI LIỆU CỦA TÒA THÁNH

PHỦ QUỐC VỤ KHANH TOÀ THÁNH PHẢN BÁC CÁC TỐ CÁO SAI LẠC CỦA BÁO CHÍ LIÊN QUAN TỚI VỤ RÒ RỈ TÀI LIỆU CỦA TÒA THÁNH

VATICAN: Hôm 23 tháng 7-2012 Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã mạnh mẽ phản bác các lời tố cáo ba nhân vật Tòa Thánh là tòng phạm trong vụ ăn cắp các tài liệu mật của Đức Thánh Cha, do nhật báo Die Welt tung ra và được nhật báo La Republica lấy lại hầu như y nguyên.

Phủ Quốc Vụ Khanh khẳng định rằng các giải thích hoàn toàn sai lạc và vô căn cứ của hai nhật báo nói trên xúc phạm tới danh dự của những người đã trung thành phục vụ Đức Thánh Cha từ bao năm nay. Sự kiện các kết quả cuộc điều tra vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền công bố không hợp thức hóa việc phổ biến các giải thích và giả thuyết vô căn cứ và sai lạc. Và công chúng có quyền không bị lèo lái bởi loại thông tin như thế.

Linh Mục Lombardi phát ngôn viên Tòa Thánh cũng phản ứng rất mạnh mẽ chống lại nhật báo Ý La Republica. Bài báo cho rằng ba nhân viên Tòa Thánh là Đức Hồng Y Paolo Sardi, Đức Tổng Giám Mục Josef Clemens và bà Ingrid Stampa đồng trách nhiệm trong vụ lấy các tài liệu mật. Cha Lombardi nói rằng sự kiện ba vị này đã được hỏi cung trong cuộc điều tra không có nghĩa là họ bị nghi ngờ. Vì thế thật là một sự kiện hết sức trầm trọng ném các nghi ngờ đó trên những người đáng tôn trọng, đã tận tụy dấn thân phục vu Đức Thánh Cha trong nhiều năm trời.

Cha Lombardi cũng định nghĩa là ”giả hình” khẳng định ”đã làm vì nhiệm vụ” đọc thấy trong bài viết. Cha Lombardi xác định rằng việc thay đổi nhiệm vụ trong trường hợp của Đức Hồng Y Sardi là vì ngài đã 75 tuổi và kết thúc nhiệm vụ tại Phủ Quốc Vụ Khanh, bà Stampa thì vẫn tiếp tục làm việc trong Phủ Quốc Vụ Khanh. Và việc Đức Tổng Giám Mục Clemens, Thư ký Hội Đồng Tòa Thánh về Giáo dân từ nhiều năm qua, nhận được một lá thư của Đức Thánh Tha như miêu tả trong nhật báo Die Welt và được nhật báo La Republica gián tiếp nói đến, là sai lạc.

Cha Lombardi minh xác rằng tất cả các tin đồn thất thiệt do nhật báo La Republica đăng tải trong thời gian qua liên quan tới vụ ông quản gia Paolo Gabriele lấy tài liệu của Đức Thánh Cha, đều sai lạc, bịa đặt và không dựa trên bất cứ sự kiện có thật nào. Các độc giả của một trong những nhật báo phổ biến nhất Italia có quyền được thông tin khách quan, đúng đắn và được tôn trọng (RG 23-7-2012)

Linh Tiến Khải

Kẻ dữ gieo vãi chiến tranh; Thiên Chúa tạo dựng hòa bình

Kẻ dữ gieo vãi chiến tranh; Thiên Chúa tạo dựng hòa bình

Kẻ dữ gieo vãi chiến tranh; Thiên Chúa tạo dựng hòa bình. Kẻ dữ luôn tìm phá hỏng công trình của Thiên Chúa, bằng cách gieo vãi chia rẽ trong trái tim con người, giữa thân xác và linh hồn, giữa con người và Thiên Chúa, trong các tương quan liên bản vị, xã hội, quốc tế và cả giữa con người và thụ tạo. Nhưng Thiên Chúa muốn trao ban cho con người sự sống tràn đầy và hạnh phúc.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin tại sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo với 2.000 tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 22-7-2012. Trong số các nhóm hành hương cũng có một vài tín hữu đến từ Thụy Sỹ và Việt Nam.

Trong hài buấn dụ Đức Thánh Cha đã quảng diễn đề tài Thiên Chúa là Mục Tử của nhân loại. Ngài giải thích ý nghĩa hình ảnh này như sau:

Điều này có nghĩa là Thiên Chúa muốn cho chúng ta sự sống, Người muốn hướng dẫn chúng ta tới các đồng cỏ tốt tươi, nơi chúng ta có thể được dưỡng nuôi vàn nghỉ ngơi. Thiên Chúa không muốn chúng ta bị hư mất và chết đi, nhưng muốn chúng ta đạt mục đích của con đường đời là sự sống tràn đầy. Đó là điều mà mọi cha mẹ đều muốn cho con cái mình: thiện ích, hạnh phúc và thành đạt. Trong Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu tự giới thiệu như Mục Tử của đoàn chiên lạc nhà Israel. Cái nhìn của Người trên đám đông là một cái nhìn có thể nói là ”mục tử”. Chẳng hạn Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay nói rằng: ”khi xuống thuyền Chúa Giêsu trông thấy một đám đông dân chúng, Người cảm thương họ, bởi vì họ như chiên không có chủ chăn, và Người bắt đầu dậy đỗ họ rất nhiều điều” (Mc 6,34). Chúa Giêsu nhập thể Thiên Chúa Mục Tử với kiểu giảng dậy của Người và với các việc Người làm, bằng cách chữa lành các ngươi đau yếu và tội lỗi, săn sóc những người đã bị hư mất” (x. Lc 19,10, để đem họ tới chỗ an ninh trong tình xót thương của Thiên Chúa Cha.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Trong số các chiên lạc mà Chúa Giêsu đã cứu vớt cũng có một phụ nữ tên là Maria, gốc làng Madgala, trên bờ hồ Galilea, và gọi là Maria Madalena. Hôm nay là lễ nhớ bà trong lịch phụng vụ của Giáo Hội. Thánh sử Luca nói rằng Chúa Giêsu đã đuổi bẩy qủy dữ ra khỏi bà (x. Lc 8,2), nghĩa là Người cứu bà khỏi sự nô lệ hoàn toàn của kẻ dữ. Đức Thánh Cha giải thích sự chữa lành hoàn toàn ấy qua công trình của Chúa Giêsu như sau:

Sự chữa lành ấy hệ tại nơi một sự bình an đích thực, hoàn toàn, hoa trái của sự hòa giải con người trong chính mình, và trong tất cả mọi tương quan của nó: với Thiên Chúa, với tha nhân và với thế giới. Thật vậy, kẻ dữ luôn tìm phá hỏng công trình của Thiên Chúa, bằng cách gieo vãi chia rẽ trong trái tim con người, giữa thân xác và linh hồn, giữa con người và Thiên Chúa, trong các tương quan liên bản vị, xã hội, quốc tế và cả giữa con người và thụ tạo. Kẻ dữ gieo rắc chiến tranh; Thiên chúa tạo dựng hòa bình. Còn hơn thế nữa, như thánh Phaolô khẳng định, Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta, Đấng đã liên kết hai dân tộc thành một, bằng cách phá đổ bức tường ngăn cách chia rẽ họ, nghĩa là sự thù ghét, nhờ thân xác của Người” (Ep 2,14). Để chu toàn công trình hòa giải triệt để ấy, Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, đã phải trở thành Chiên Con, ”Chiên Con Thiên Chúa… Đấng gánh tội trần gian” (Ga 1,29). Chỉ như thế Người đã có thể thực hiện lời hứa tuyệt diệu của Thánh Vịnh: ”Vâng, lòng lành và sự trung thành cụa Chúa sẽ đồng hành với con, mọi ngày trong suốt cuộc đời, con sẽ ở trong nhà Chúa, những ngày tháng những năm dài triền miện” (Tv 23, 6).

Các bạn thân mến, các lời này khiến cho con tim của chúng ta rung động, bởi vì chúng diễn tả ước mong sâu thẳm nhất của chúng ta, chúng nói lên những gì được làm nên cho chúng ta: đó là sự sống, sự sống vĩnh cửu! Chúng là các lời của người, như bà Maria Madalena, đã sống kinh nghiệm về Thiên Chúa trong cuộc đời mình và hiểu biết niềm an bình của Chúa. Đó là các lời đích thật hơn bao giờ hết trên miệng lưỡi của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã luôn luôn sống trong các đồng cỏ Trời Cao, nơi Chiên Con Muc Tử đã chăn dắt Người. Xin Mẹ Maria, Mẹ Chúa Kitô, hòa bình của chúng ta, cầu cho chúng ta!

Tiếp đến Đức Thánh đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã nhắc tới Thế Vận Hội Quốc Tế lần thứ 30 sắp khai diễn vào ngày 27 tháng 7 này tại thủ độ Luân Đôn bên Anh quốc và nói: Thế Vận Hội Quốc Tế là biến cố thể thao lớn nhất thế giới, trong đó có các lực sĩ điền kinh của rất nhiều quốc gia tham dự, và như thế nó cũng mang một giá trị biểu tượng mạnh mẽ. Vì thế Giáo Hội công giáo nhìn nó với cảm tình và sự chú ý. Chúng ta hãy cầu nguyện để cho các cuộc tranh giải tại Luân Đôn là một kinh nghiệm thực sự của tình huynh đệ giữa các dân tộc trên trái đất theo ý muốn của Thiên Chúa.

Chào tín hữu bằng tiếng Anh Đức Thánh Cha nói: Tôi rất xúc động vì bạo lực vô nghĩa xảy ra tại Aurora bên Denver, Hoa Kỳ; và đau buồn vì sự mất mát nhân mạng trong tai ương đắm phà mới xảy ra gần Zanzibar bên Tanzania. Tôi xin chia sẻ nỗi buồn thương của các gia đình và bạn bè của các nạn nhân và những người bị thương, đặc biệt là các trẻ em. Tôi bảo đảm gần gũi với anh chị em trong lời cầu nguyện, và ban phép lành cho anh chị em như bảo chứng sự ủi an và sức mạnh trong Chúa phục sinh.

Chào các tín hữu nói tiếng Pháp Đức Thánh Cha nói: Trong cuộc sống thường giao động và qúa nhanh chóng này, chúng ta hãy theo Chúa Giêsu là Đấng mời gọi chúng ta theo Người đi vào trong sự tĩnh lặng. Trong mùa hè chúng ta hãy chấp nhận theo Người vì Người canh giữ chúng ta như canh giữ các chiên không người chăn. Với sự trợ giúp của Đức Trinh Nữ Maria, anh chị em hãy đến gặp gỡ Con Mẹ, Người là Đấng duy nhất có thể tái trao ban cho chúng ta các sức mạnh cần thiết cho cuộc sống thường ngày.

Linh Tiến Khải

CHÚA GIÊSU CHĂM SÓC CHỦ CHĂN LẪN ĐOÀN CHIÊN

 CHÚA GIÊSU CHĂM SÓC CHỦ CHĂN LẪN ĐOÀN CHIÊN

Câu đầu của đoạn Phúc Âm ngắn ngủi hôm nay thuật lại cho chúng ta việc các Tông Đồ từ các miền truyền giáo trở về và thuật lại cho Chúa Giêsu kết quả những gì các vị đã đạt được: "Các Tông Đồ tựu họp chung quanh Chúa Giêsu và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm và mọi điều các ông đã dạy " (Mc 6, 30). Thuật lại sự việc vừa kể, Thánh Marco có ý đặt  liên hệ đoạn Phúc Âm hôm nay với những gì chúng ta đã đọc hôm Chúa Nhật vừa qua, trong cùng chương 6. Hôm đó Thánh Marco cho chúng ta biết là Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai, ban cho các ông quyền trừ quỷ và sai đi thành nhóm từng hai nguời một  (Mc 6, 7).
 
Sau phần khởi đầu làm bối cảnh diễn tả các Tông Đồ trở về sau những ngày đi truyền giáo, Thánh Marco thuật lại biến cố xảy ra trong đoạn Phúc Âm hôm nay và được chia làm hai phần:
 
– phần đầu, câu 31-32, phần đặc biệt lưu ý đến Chúa Giêsu và các Tông Đồ: "Người bảo các ông: chính anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thời giờ mà ăn nữa" (Mc 6, 31-32).
– phần thứ hai, phần lưu ý đặt trọng tâm đến Chúa Giêsu và đoàn lủ dân chúng: "Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy họ nhiều điều" (Mc 6, 36).
 
Đọc câu dẫn nhập, chắc chắn ai trong chúng ta cũng đặc biệt chú ý đến danh từ " Tông Đồ " (Hy Lạp, apóstolos, có nghĩa là " được sai đi " ), đây là lần duy nhứt trong cả Phúc Âm Thánh Marco, danh từ " Tông Đồ, được sai đi ", được dùng để nói về các môn đệ mà Thánh Marco thường đề cập đến: "Các Tông Đồ tựu hợp chung quanh Chúa Giêsu,…". Dùng từ ngữ "các Tông Đồ" ("những người được sai đi rao giảng Phúc Âm", chắc chắn Thánh Marco có ý nhắc lại biến cố được đề cập đến Chúa Nhật vừa qua, lúc Chúa Giêsu " gọi Nhóm Mười Hai và sai đi ": "Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu "sai đi " từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ qủy" (Mc 6, 7).
 
Đặt trọng tâm vào phận vụ " được sai đi " ( Tông Đồ) vừa kể, Thánh Marco lưu ý chúng ta đọc Phúc Âm Ngài, để tâm đến phận vụ, quyền năng của các Tông Đồ hơn là đến địa vị môn đệ, những kẻ đi theo Chúa, thường được Phúc Âm đề cập đến. Và vì các Tông Đồ, những người được sai đi để rao giảng Phúc Âm, thi hành động tác của các Vị nhứt là sau khi Chúa Phục Sinh và Thăng Thiên, thi hành phận vụ truyền giáo của các Vị, nói lên đặc tính sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời, dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần…" (Mt 28, 20).
 
Nhấn mạnh đến sứ mạng "được sai đi " của các Tông Đồ còn được thể hiện rõ hơn nữa, vì Chúa Giêsu không những bắt đầu" sai đi từng hai người một " , mà con trang bị cho các Vị  " quyền giảng dạy quyền trừ qủy " (Mc 6, 7. 12). Và rồi vì danh từ " Tông Đồ " là danh từ quen thuộc, thường được dùng trong các Cộng Đồng Giáo Hội tiên khởi, để diễn tả động tác của Giáo Hội,  như vậy việc dùng danh từ vừa kể trong Phúc Âm, Thánh Marco có ý nói lên cho chúng ta động tác của các Tông Đồ, của Giáo Hội cũng chính là động tác truyền giáo của Chúa Giêsu.
 
Các Tông Đồ, Giáo Hội được Chúa Giêsu " sai đi " rao giảng Phúc Âm, chiến thắng ác qủy xấu xa, thù địch và hảm hại con người, để giải thoát con người bằng chính quyền năng của Chúa Giêsu, " ban cho các ông quyền trừ qủy". Quyền năng rao giảng Tin Mừng và trừ diệt qủy dữ đó cho thấy kết quả, dân chúng nhận ra và đi theo các Tông Đồ: "Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng còn thời giờ mà ăn nữa" (Mc 6, 31), điều mà trước đó chỉ xảy ra đối với Chúa Giêsu: "Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được" (Mc 3, 20).
 
Kể lại cùng một kết quả, "dân chúng kẻ lui người tới quá đông" đối với các môn đệ, cũng như đối với Chúa Giêsu trước đó, Thánh Marco có ý nói cho chúng ta các Tông Đồ cũng dùng chính uy quyền và quyền năng của Chúa Giêsu mà giảng dạy và trừ quỷ. Như vậy quyền năng của các Tông Đồ là chính quyền năng của Chúa Giêsu. Trong Giáo Hội của các Tông Đồ chúng ta có quyền năng giảng dạy của các Vị, quyền năng của Chúa Giêsu, bảo đảm cho đức tin chúng ta là đức tin được nguyên vẹn trao lại cho chúng ta, những gì Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta để sống thông hiệp với Chúa và được cứu rỗi: "Con tin có Giáo Hội duy nhứt, thánh thiện, công giáo và tông truyền…" (Kinh Tin Kính), là vậy.
 
Còn nữa, lời Chúa Giêsu khuyên bảo các Tông Đồ, sau cuộc hành trình truyền giáo mệt nhọc hãy " lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi dôi chút " cũng nói lên cách hành xử của các Vị phù hợp theo thói quen của Chúa Giêsu: "Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó" (Mc 1, 35). Nêu lên tư tưởng đó, Thánh Marco có chỉ cho chúng ta thấy được sự đồng nhứt các động tác truyền giáo của các Tông Đồ và của Chúa Giêsu. Các Tông Đồ tiếp tục sứ mạng truyền giáo duy nhứt của Chúa Giêsu, tác động bằng uy tín và quyền năng của Người, theo phương thức được Người dạy bảo cho.  
 
1 – Lời khuyên bảo của Chúa Giêsu: " Anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng, mà nghỉ ngơi đôi chút…" ( Mc 6, 32) có thể hiểu theo nghĩa đen, liên quan đến việc lấy sức lại sau những hoạt động mệt nhọc tại địa bàn truyền giáo. Nhưng văn mạch của câu văn được tiếp nối sau đó với hình ảnh của Chúa Giêsu là Mục Tử thương yêu đoàn chiên: "Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy đám người rất đông thì chạnh lòng, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều" (Mc 6, 34), cũng như liền sau đó,  biến cố vì thương yêu đoàn lủ theo Người đến xế chiều không có gì ăn, Người làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều để nuôi nấng ( Mc 6, 35-44), làm cho chúng ta dễ liên tưởng đến những gì nội dung Thánh Vịnh 23 muốn nói lên cùng một bối cảnh.
 
Câu 2 của Thánh Vịnh 23 được Giáo Hội dùng trong Phụng Vụ như câu hát đối đáp ( responsoriale) để nói lên tâm tình chăm sóc của Thiên Chúa là mục tử đối với dân Ngài, cho đoàn chiên của Ngài tĩnh dưỡng, nghỉ ngơi, vững chắc và no đủ: "Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu gì. Trong đồng cỏ xinh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi" (Ps 23, 1.3). Như vậy động từ "nghỉ ngơi " của câu Phúc Âm Mc 6, 34 vừa nhắc đến ở trên, cũng là động từ " nằm nghỉ " (Hy Lạp, anapauso) của Thánh Vinh 23 chúng ta vừa đọc, nói lên trạng thái thanh thoảng, bình an bên ngoài và nội tại trong tâm hồn, diễn tả cử chỉ chăm lo và tình thương của Chúa Giêsu đối với các Tông Đồ, khi Người bảo các Vị đi nghỉ ngơi, hình ảnh thảnh thơi và tự do của ơn  cứu rỗi Ngài đem đến cho các Vị và kế đến giao cho các Vị tiếp tục công việc của Ngài đem đến cho đoàn chiên.
 
Động từ "nằm nghỉ " ( anapauso) của Thánh Vịnh 23 cũng có cùng ý nghĩa với những gì Chúa Giêsu kêu gọi mọi người hãy đến với Ngài, để được yên tĩnh, thanh thoảng và cứu rỗi trong Phúc Âm Thánh Matthêu: "Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng" (Mt 11, 28). Hiểu như vậy, chúng ta thấy lời khuyên của Chúa Giêsu đối với các Tông Đồ sau chuyến đi truyền giáo, không những là nghỉ tĩnh dưỡng vật chất thể xác, yên tỉnh quân bình lại tinh thần cũng như cảm xúc của công việc mệt nhọc, mà còn nghỉ để vượt thắng mọi khó khăn, mệt mỏi và âu lo về cuộc sống mà chỉ có Chúa mới bồi dưỡng cho được.
 
2 – Trong phần hai của đoạn Phúc Âm, như đã nói, Thánh Marco chú ý đến mối tương quan giữa Chúa Giêsu và đoàn lủ dân chúng, cách Chúa hành xử như là Mục Tử Nhân Lành thương yêu chiên: "Chúa Giêsu thấy đám người rất đông, thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt " (Mc 6, 34). Có lẽ câu Phúc Âm vừa kể được Thánh Marco ghi lại liên tưởng đến câu nói của Thiên Chúa trong sách Dân Số, trruyền lệnh cho Moisen đặt Josué thay thế ông để hướng dẫn dân Chúa: "Người ấy sẽ ra vào trước chúng và dẫn chúng ra vào, để cộng đồng của Thiên Chúa đừng giống như đoàn chiên không người chăn dắt      (Nm 27, 17).
 
Cựu Ước khi nói về dân Chúa, thường đề cập đến các vị thủ lãnh, các vị vua, bị khiển trách về cách hành xử vô trách nhiệm của họ đối với dân. Đó là những gì sách tiên tri Geremia thuật lại, và chúng ta đã được nghe ở bài đọc thứ nhất: "Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác…, chính các ngươi làm cho đoàn chiên ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Nầy Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi và trừng phạt các ngươi… " (Ger 23, 1-2).
 
Qua những gì sách tiên tri Geremia ghi lại, chúng ta thấy được lòng chăm lo của Thiên Chúa đối với dân Người, sai thủ lãnh, vua quan đến để hướng dẫn, lo lắng chăm sóc cho dân, Nhưng họ hành xử tắc trách, ích kỷ và vô trách nhiệm, " chính các ngươi làm cho đoàn chiên ta phải tan tác, thất lạc". Trước thảm trạng đó của đàn chiên, dân Người, Thiên Chúa hứa sẽ can thiệp bằng cách trước tiên chính Người hành xử như là Mục Tử lo lắng quy tựu chiên lại: "Chính Ta sẽ quy tựu đoàn chiên Ta còn sót lại,  từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến, Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nẩy nở thật nhiều" (Ger 23, 3). Và sẽ thiết lập những mục tử mới: "Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa" (Ger 23, 4 ).
 
3 – Và cùng với lời hứa vừa kể của Thiên Chúa, thiết lập mục tử mới cho chiên, tiên tri Geremia thêm lời sấm của Chúa có liên quan đến Đấng Cứu Thế, xuất thân từ họ tộc David,  đem đến cho loài người công lý của Thiên Chúa hay ban cho chúng sự cứu rỗi: "Nầy, sẽ tới những ngày – sấm ngôn Thiên Chúa – Ta sẽ làm nảy sinh cho  nhà David một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành những điều chính trực công minh. Thời bấy giờ Giuda sẽ được cứu thoát, Israel được sống yên lành. Danh hiệu người ta sẽ tặng vua ấy là: Thiên  Chúa công chính của chúng ta" (Ger 23, 5-6).
 
Trên nền tảng Cựu Ước vừa kể, chúng ta hiểu được nỗi "chạnh lòng thương " của Chúa Giêsu đối với đoàn lủ dân chúng đi theo Người, không những chỉ là xúc động, cảm tình đơn sơ của con người đứng trước tình trạng đáng thương của người khác, mà là lòng thương xót đầy tràn của Thiên Chúa, chăm lo và thương yêu đoàn chiên của Người: "Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng; chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi " (Ger 23, 4).
 
Hiểu như vậy, diển tả Chúa Giêsu " chạnh lòng thương " đối với đám đông đi theo Ngài, Thánh Marco có ý xác nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu đến để đem lại cho con người công lý của Thiên Chúa, nhưng không phải bằng động tác lãnh đạo, cai trị của các vị quân vương, mà đúng hơn là một vị Thầy, đến để dạy dỗ, chỉ bảo phải trái cho dân. Tư tưởng vừa kể hợp với ý niệm của Thánh Vịnh 23, xin Chúa ban cho một vị mục tử duy nhứt và chăm lo cho đoàn chiên, hướng dẫn con người trên đường ngay nẻo chánh: "Người dẫn tôi trên đường ngay, nẻo chánh, vì danh dự của Người " (Ps 23, 3).
 
4 – Như vậy, đứng trên bình diện tường thuật diễn biến, phần hai (Mc 6, 33-34) và phần đầu ( Mc 6, 31-32) của đoạn Phúc Âm hôm nay có vẻ tương phản nhau.
Sự hiện diện của đoàn lủ quá động đảo ( Mc 6, 33-34) đã làm cho Chúa Giêsu và các Tông Đồ không thể thực hiện đưọc những gì đã dự tính: "Quả thế, kẻ tới người lui quá đông, nên các ông cũng chẳng có thời giờ ăn uống nữa" (Mc 6, 31-32). Nhưng suy nghĩ kỷ hơn, cả hai phần của đoạn Phúc Âm đều gặp được sự hoà hợp trong con người Chúa Giêsu, Đấng mà Thánh Marco có ý xác nhận với những ai đọc Phúc Âm hôm nay: Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, Đấng thương yêu dân Ngài, đến để đem lại an bình, " nghỉ ngơi ", công chính và ơn cứu rỗi.
 
Thực tại vừa kể được Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đem đến, không thể chỉ được giới hạn dành riêng cho một số ít ( Mười Hai Tông Đồ, ở riêng nghỉ ngơi với Chúa Giêsu), mà còn phải được ban phát cho nhiều người, "Chúa Giêsu thấy đám người rất đông thì chạnh lòng thương…Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều". Cũng vậy đức công chính của Thiên Chúa và ơn cứu rỗi không thể chỉ được hạn hẹp dành cho dân Israel, mà còn dành cho cả dân ngoại, cho hết mọi người. Đó là những gì Thánh Phaolồ viết cho các tín hữu Epheso, chúng ta được nghe ở bài dọc hai: "Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta. Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một. Người đã hy sinh thân mình để phá đỗ bức tường ngăn cách là sự thù ghét…Như vậy, khi thiết lập hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhứt, nơi chính bản thân Người" (Eph 2, 14-15).
 
Ngoài ra hai đoạn văn của Phúc âm hôm nay cũng cho chúng ta thấy, mối lo âu khuyên cúa Tông Đồ "ra đi đến một nơi thanh văng mà nghỉ ngơi" (Mc 6, 31), cũng do cùng một mục đích thúc đẩy " thấy đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt" (Mc 6, 34). Nghỉ ngơi để lấy lại nghị lực, rồi đây các Tông Đồ cũng sẽ đảm nhận trách nhiệm mục tử đối với " đám người rất đông…không người chăn dắt ".
 
Trong cùng một tâm tình vừa kể với Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải biết chăm lo, thương yêu và cầu nguyện cho các vị chủ chăn của chúng ta.

 
Nguyễn Học Tập

VIỆC CẦN LÀM NGAY

VIỆC CẦN LÀM NGAY
 
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM B (22/07/2012)
[Gr 23,1-6; Ep 2,13-18; Mc 6,30-34]

“Nghỉ ngơi một chút”
 
Sau khi được sai đi, và ra đi, các tông đồ trở về thuật lại cho Chúa nghe về những thành quả và niềm vui đạt được. Các ông tưởng là Chúa Giêsu sẽ một câu khích lệ cho khoái chí, thì Ngài lại bảo: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút".
 
“Nghỉ ngơi một chút”. Thiết tưởng đây là cách khích lệ đầy ưu ái của Chúa Giêsu dành cho các tông đồ. Ngài mời gọi các tông đồ hãy tìm một trạng thái “tĩnh” sau một thời gian “động”. Tình trạng “tĩnh” ấy là:
 
– Thoát ra khỏi cái ồn ào của thành công
– Không bị cuốn vào sức hút của thành công
– Không nối dài kế hoạch nào nữa, mà là buông bỏ tất cả để nghỉ ngơi.
 
Trạng thái tĩnh này có thể gọi được là một sự nghỉ ngơi an bình trong Chúa, nơi ấy, không còn chút bận tâm, ưu phiền và không còn cả niềm hãnh diện thường tình của những người thành đạt. Đôi khi chúng ta lầm tưởng rằng nỗi buồn của thất bại làm chúng ta mất bình an và niềm vui của sự thành công mang lại cho chúng ta hạnh phúc. Nhưng thật ra, cả hai, niềm vui và nỗi buồn theo tính loài người ấy đều phản ảnh một trạng thái tự ti hay tự mãn do cái tôi của lòng kiêu ngạo.
 
Việc cần làm ngay
 
Tôi không dám nghĩ là may mắn nhưng “tạ ơn Chúa cho còn sống” sau lần nhồi máu cơ tim tháng 9 năm 2010. Những ngày nằm ở bệnh viện, có một bác sĩ  khuyên tôi: “Có một việc cần làm ngay là không làm gì cả”. Tôi mới hiểu ra: “không làm gì cả” cũng là một việc cần thiết và cấp bách trong đời hiểu theo nghĩa: “nghỉ ngơi một chút”.
 
Nếu về mặt thể lý, trạng thái tĩnh giúp phục hồi sức khỏe, thì về mặt thiêng liêng, việc nghỉ ngơi một chút, để lòng không xao động bởi buồn hay vui, thất bại hay thành công, vừa nói lên niềm tín thác cậy trông, vừa là niềm bình an trong Chúa và đem lại cho chúng ta nguồn sinh lực dồi dào hơn.
 
Quả vậy, là người yêu mến Chúa và thi hành việc của Chúa, cần có những phút tĩnh hay “phút lắng cách tự nguyện trong cuộc đời, dẫu đau thương đã đầy hay niềm vui bỗng vơi. Vẫn cứ lắng vì rất rất cần phải lắng. Lắng chỉ để nghe mà không nói một lời.
 
Cần có những phút vắng tự nguyện trong cuộc đời, dẫu niềm thương nỗi nhớ cứ khôn nguôi. Vẫn cứ vắng vì rất cần phải vắng. Vắng để ngộ ra bên ta có một người. Cũng cần có những phút trắng tự nguyện trong cuộc đời, dẫu vạn sắc màu vàng xanh đỏ tím đương lên ngôi. Vẫn cứ trắng vì rất cần phải trắng. Trắng để thương thân một kiếp đời.
 
Hẳn là trong cuộc đời, sẽ có hồi không tự nguyện lắng cũng phải lắng, không tự nguyện trống vắng cũng phải đành rất vắng, không tự nguyện trắng tay cũng đành còn tay trắng. Vậy nếu ngay hôm nay, tôi không tự nguyện tập trầm mình tĩnh tại trầm lắng trong khiêm hạ, không tự nguyện cô đơn một mình đối diện với Chúa trong phút tương giao huyền nhiệm, không buông bỏ tất cả trong thoáng tan biến cả ý thức lẫn tấm thân mình thì sẽ khó lòng mà chấp nhận chuyện gì sẽ xảy đến trong đời.
 
Một linh mục về hưu, một bà phước xế bóng, một giáo dân liệt lào hẳn đã cảm nghiệm được phút lắng, vắng, trắng không ước ao vẫn xảy đến. Nhưng nếu đã được chuẩn bị bằng cách “nghỉ ngơi một chút” trong Chúa từng ngày, từng phút trong đời, thì phút về hưu hay xế bóng, phút bệnh hoạn hay lâm chung vẫn là phút tuyệt vời trong cuộc tình huyền nhiệm giữa Thiên Chúa và con người. Gần nhất, cuộc sống của những người bị giam cầm, cụ thể Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn văn Thuận, cho thấy việc nghỉ ngơi một chút bằng cách tự nguyện lắng, vắng, trắng trong Chúa hằng ngày là cần thiết đến mức nào để chấp nhận được Chúa huấn luyện khi Chúa muốn.
 
“Nghỉ ngơi một chút” hẳn đã là kim chỉ nam cho nhiều vị thánh sống kết hiệp với Chúa, múc lấy nguồn sinh lực của Chúa, mặc lấy ý thức và ước muốn của Chúa, và thực hiện cuộc sống của mình theo thánh ý Chúa.
 
“Nghỉ ngơi một chút” là cần thiết, nhưng một chút là bao nhiêu thời gian? Bởi trong chúng ta cũng không thiếu cảnh một chút nghỉ ngơi mà kéo dài năm này qua năm kia.
 
Tin mừng cho thấy một chút nghỉ ngơi của các tông đồ được tính bằng thời gian quá ngắn trên thuyền với Chúa Giêsu thôi. “Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều”.
 
Công việc của Chúa Giêsu cũng liên tục, nhưng Ngài vẫn dành những phút lắng để kết hiệp với Chúa Cha, để lắng nghe Cha, và múc lấy nguồn sinh lực nơi Cha. Nguồn sinh lực mới nơi Chúa Cha giúp Chúa Giêsu thấy “việc cần làm ngay” sau phút nghỉ ngơi ngắn ngủi: “thương đoàn chiên không người chăn” và Chúa đã bắt tay vào việc cần làm ngay mới là “dạy dỗ họ nhiều điều”.
 
Nguyện xin ban cho chúng con những mục tử yêu mến Chúa, sống bằng sinh lực của Chúa Giêsu và sẵn sàng thí mạng mình vì đoàn chiên Ngài. Xin cho các tín hữu Chúa biết nghỉ ngơi một chút trong Chúa hằng ngày để được mặc lấy ý muốn, tấm lòng của Chúa mà tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng cho tha nhân. A men

 
PM. Cao Huy Hoàng

Tội lỗi trong xã hội ngày nay

Tội lỗi trong xã hội ngày nay

Phỏng vấn Đức Hồng Y Georges Cottier

Từ nhiều thập niên qua tục hóa lan tràn trong xã hội đã khiến cho rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, đánh mất đi ý thức về tội lỗi trong cuộc sống con người. Có rất nhiều tội nặng như phá thai, trợ tử, lèo lái lãnh vực truyền sinh, dùng các phôi thai người để lấy tế bào gốc rồi hủy hoại các phôi thai, bất công xã hội, vi phạm các quyền con người, tạo ra các chiến tranh xung khắc để buôn bán khí giới vv… đã trở thành chuyện bình thường được tán thành, bênh vực hay gián tiếp chấp nhận. Đây là một trong các thách đố rất lớn đối với công tác tái rao giảng Tin Mừng trong thế giới ngày nay, cách riêng trong các quốc gia Tây Âu có nền văn hóa kitô, nhưng đang đánh mất đi đức tin và các giá trị kitô của mình.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bản bài phỏng vấn Đức Hồng Y Georges Cottier, 90 tuổi, dòng Đa Minh, nguyên thần học gia Phủ Giáo Hoàng về đề tài này.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đc Gioan Phaolô II đã nhiều lần nhân danh Giáo Hội xin lỗi về các tội tín hữu kitô đã phạm trong quá khứ đối với nhiều thành phần khác nhau trong xã hội. Nhân loại ngày nay đang làm gì để phải xin lỗi ngày mai, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trước hết là tất cả vấn đề tầm thường hóa phá thai và không tôn trọng can thiệp vào vài lãnh vực liên quan tới phôi thai người. Đây là các tội trọng, mà chúng ta có nguy cơ phải trả giá mắc mỏ. Như qúy vị biết, ngày nay chúng ta có thể trông thấy phái tính của bào thai còn trong lòng mẹ, và tại một vài quốc gia, nơi người dân có tâm thức thích con trai hơn con gái, người ta tìm loại bỏ các bào thai gái. Và giờ đây các nước ấy rơi vào tình trạng mất quân bình thiếu gái thừa trai nghiêm trọng. Thái độ sống tháo thứ buông thả trong lãnh vực tính dục dẫn đưa con người tới tội xúc phạm đến tha nhân, trong trường hợp ở đây là các phụ nữ và trẻ em, trở thành nạn nhân của kỹ nghệ tình dục.

Hỏi: Thế còn có thứ tội nào khác nữa không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Có, còn có nạn chế tạo và buôn bán vũ khí nữa. Người ta đã cố gắng nhiều, nhưng tiến trình chế tạo và buôn bán khí giới vẫn không chấm dứt. Khi xảy ra chiến tranh bên Phi châu, thì có rất nhiều nạn nhân vô tội, nhưng mọi vũ khí đều được chế tạo tại các hãng xưởng các nước Tây Âu của chúng ta cũng như bên Nga và Trung Quốc. Thế rồi còn có tình trạng của nền kinh tế ngày nay, khoan nhượng với một số cảnh bần cùng và nhiều điều khác nữa. Tương lai sẽ rất nghiêm khắc đối với chúng ta.

Hỏi: Thế Giáo Hội công giáo đã trả lời các vấn đ này như thế nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Giáo Hội công giáo đã luôn luôn chống lại các tội này, nhưng Giáo Hội chiến đấu với các phương tiện phúc âm, bằng việc giảng dậy và với một số các sáng kiến. Và tôi xin nói rằng ”sự thiện hữu hiệu hơn sự dữ”, mặc dù bề ngoài xem ra cho thấy ngược lại. Lý do là vì sự thiện không được trông thấy. Nó được thi hành trong thinh lặng, nó giống như hình ảnh mà Chúa Giêsu đã dùng liên quan tới hạt lúa rơi vào lòng đất và lớn lên từ từ một cách tự nhiên. Nhưng sự dữ thì ồn ào và để lại chết chóc tàn phá, kể cả cái chết trong linh hồn. Chúng ta đã tiến bộ nhiều kể từ đệ nhị thế chiến tới nay. Kinh nghiệm thế chiến kinh khủng đến nỗi giờ đây chúng ta có thái độ hòa bình, rộng mở cho đối thoại, đó là kết qủa của Công Đồng Chung Vaticăng II.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Công Đng cũng đã thay đi thái độ của chúng ta đối với chiến tranh, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Trước hai thế chiến, các thần học gia đã có một nền thần học về chiến tranh chính đáng, đưa tới hậu qủa nặng nề, bao gồm các điều quái gở và cả quyền lực của các phương tiện nữa, như việc chế tạo bom nguyên tử vv… Giờ đây chúng ta thấy rằng chiến tranh không còn là giải pháp nữa. Tôi đang nói tới chiến tranh tân tiến hiện nay. Nhưng đã xảy ra điều gì? Công Đồng đã được khai mở, và lập tức có Thông điệp Hòa Bình dưới thế của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Thế rồi có diễn văn Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đọc trước Liên Hiệp Quốc, và trong thời Công Đồng nhóm họp Giáo Hội đã phát triển giáo lý về hòa bình chứ không chiến tranh nữa, và kết qủa là sứ điệp cho Ngày Hòa bình thế giới cử hành vào ngày mùng 1 tháng giêng hàng năm. Đó là toàn bộ suy tư về hòa bình rất là hay đẹp và là một phần đóng góp mới mẻ của Giáo Hội.

Hỏi: Đức Hồng Y có nghĩ rằng có vài lãnh vực của Giáo Hội trong đó li có thái độ thiếu sót không, và sau này ai sẽ phải xin lỗi?

Đáp: Có, chúng ta sẽ xem thấy và nó có thể xảy ra. Tôi sẽ không nói là Giáo Hội như Chúa Kitô muốn Giáo Hội là, nhưng các thành phần hay các lãnh vực của thế giới kitô. Dĩ nhiên là có các thành kiến, chẳng hạn như sự thờ ơ đối với người nghèo từ phía các môi trường giàu có. Đây là điều không đúng đắn. Thế rồi còn có việc phân chia tài nguyên bất công, sự khoan nhượng đối với một số luật lệ bất công, và việc sử dụng bạo lực như chúng ta đã thấy, nhưng đó không phải là Giáo Hội. Và thí dụ như trong các tài liệu mới đây, có việc nhấn mạnh đến nền dân chủ. Nhưng dân chủ có nghĩa là gì? Nó không chỉ là bỏ phiếu, nhưng là việc tham gia của con người như là các bản vị.

Hỏi: Chúng ta thấy có sự bất tuân phục Giáo Hội trong vài lãnh vực, chẳng hạn như ở Bắc âu. Tại sao lại sinh ra tất cả các chuyện này? Có phải đó là kiểu nghĩ rằng như vậy thì dân chúng sẽ tới nhà thờ không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Không. Tôi nghĩ rằng các phong trào phản kháng trong Giáo Hội đã luôn luôn hiện hữu, và sau năm 1968 thì chúng trở thành thường xuyên hơn tại Âu châu và Bắc Mỹ. Có các nhóm đưa ra các đòi hỏi thật qúa điên khùng. Và cũng có vài phong trào muốn các linh mục phụ nữ. Và như thế Giáo Hội phải lượng định các ơn cho nam giới và nữ giới, nhưng mỗi phái tính trong ơn gọi của mình. Thật là đáng suy tư, khi thấy các đòi hỏi này thường đi kèm với việc khước từ bản tính nhân loại. Tất cả mọi ”chuyện thuộc tính này”, trong đó sau cùng thì khác biệt phái tính là một sự kiện văn hóa chứ không phải là một sự kiện tự nhiên. Tự nhiên là con đường cho ơn gọi của mọi người, dù là nam hay là nữ.

Hỏi: Giáo Hội đã luôn luôn đề cập tới điều này, có phải thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Theo truyền thống đến từ Chúa Kitô, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã rất là rõ ràng. Ngài nói: Không thể có việc truyền chức linh mục cho nữ giới, bởi vì Giáo Hội không cảm thấy có khả năng đụng tới một điều nào đó mà chính Chúa Kitô đã nêu gương. Và người ta trả lời rằng Chúa Kitô đã thích ứng với thời của Người, nhưng tôi nghĩ là câu trả lời không giá trị lắm, bởi vì Đức Trinh Nữ, là người đã luôn luôn có vị thế ở trung tâm Giáo Hội, đã không có các nhiệm vụ của linh mục. Đó là một ơn gọi khác. Thật là hay khi thấy nhiều người thuộc phong trào nữ quyền muốn phụ nữ làm linh mục, đang thực sự suy nghĩ trong thứ ngôn ngữ của quyền bính. Và đó là điều sai lầm, khiến cho Đức Giáo Hoàng đã lập đi lập lai nhiều lần mới đây rằng chức linh mục là một việc phục vụ chứ không phải một quyền, và điều này thay đổi mọi chuyện rất nhiều.

Hỏi: Thế thì có các hệ lụy nào khác không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Có, việc linh mục lập gia đình, là một hệ lụy bắt nguồn từ các đòi hỏi đầu tiên của Phong trào tinh lành cải cách, cho phép các linh mục có vợ. Nhưng Phúc Âm không dễ dàng. Nó chính xác, bởi vì nó dẫn đưa tới một kết thúc lớn lao. Niềm vui phúc âm không phải là xã hội tiêu thụ, nó là niềm vui của Thiên Chúa. Có một sự thích hợp tinh thần sâu xa với ý muốn độc thân trong Giáo Hội theo lễ nghi Latinh. Và nó đem lại nhiều hoa trái tinh thần mà chúng ta không được đánh mất đi.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, nhưng mà một linh mục có gia đình không chỉ là một người chồng, mà cũng là một ngươi cha nữa chứ?

Đáp: Ơn gọi là cha gia đình không phải là một ơn gọi nhỏ bé. Ngày nay nó có nhiều tính cách tinh thần, và tôi không biết nó có luôn luôn thích hợp hay không. Nhưng ít nhất Giáo Hội tin rằng khi một Giám Mục được tấn phong, thì ngài được coi như là phu quân của giáo phận mình. Và cũng có cái gì tương tự như thế đối với hàng giáo sĩ giáo phận. Như vậy có một kho tàng tinh thần trong đó mà Giáo Hội không thể từ bỏ được. Có một vài Giám Mục đặt vấn đề độc thân linh mục, và làm như thế không phải là một tội. Vấn đề này cần phải được nghiên cứu tìm hiểu. Có các hệ lụy cần phải nói đến trong việc tái truyền giảng Tin Mừng.

Hỏi: Đức Hồng Y có muốn nhắn gửi sứ điệp nào cho các thế hệ trẻ bắt đầu sống ơn gọi của họ trong Giáo Hội như là linh mục tu sĩ nam nữ hay như nhng người dâng hiến đời mình cho Giáo Hội như Đức Hồng Y đã làm hay không?

Đáp: Tôi sẽ nói điều mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đang nói hiện nay và đó là một từ mà ngài lập đi lập lại trong các diễn văn của ngài: đó là ”niềm vui”. Tôi muốn nói cùng điều này với các linh mục tu sĩ và những người dâng hiến cuộc đời cho Chúa và cho Giáo Hội. Hãy sống nó với niềm vui, với lòng hăng say, và trung thành với Phúc Âm, bởi vì nhiệm vụ phụng sự của họ cũng là một chứng tá. Và chứng tá là cuộc sống phúc âm. Không cần phải sáng chế ra điều gì cả, vì Tin Mừng đã cho chúng ta mọi sự rồi.

(ZENIT 16-7-2012)

Linh Tiến Khải

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO (16 đến 22 tháng 7-2012)

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO (16 đến 22 tháng 7-2012)

“Chúng ta hãy cứu các Kitô hữu” – Biểu tình ở Roma 18 tháng 7/2012.

-Suy tư về người khuyết tật nhân dịp Thế Vận Hội.

-Cộng đoàn Ấn Độ lớn mạnh nhờ “MỘT NẮM GẠO”.

-Thượng phụ Đại Kết tái khẳng định cam kết với sự Hiệp Nhất Kitô giáo.

Đâu là tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Latinh do một Kitô hữu viết?

Quốc Hội Séc (Tiệp Khắc) thông qua luật hoàn trả các tài sản Giáo Hội.

Tân Bề Trên Tổng Quyền Dòng Thánh Linh(*), Cha John Fogarty.

Chủ đề Ngày Thế Giới Hoà Bình 2013 : PHÚC THAY AI XÂY DỰNG HOÀ BÌNH.

Chân Phước Mẹ Têrêxa Calcutta làm Quan Thầy Hạt Phủ Doãn Tông Toà Robe.

Các lãnh đạo Chính Thống Nga, Công Giáo Ba Lan thúc đẩy hoà giải giữa 2 quốc gia.

Những cải cách Dòng Carmel của Thánh Têrêxa có thể áp dụng được ngày nay.

-Linh mục ở Philadelphia dính vào buôn bán hàng đa cấp bị bãi chức.

Tín hữu Công giáo tập họp ủng hộ ĐGM Ma.

GM Fellay chỉ trích Tân Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin.

Lãnh đạo LCWR trả lời phê phán của Vatican.

Đài tưởng niệm độc nhất ở Roma tôn vinh các Đấng tử vì đạo mới.

Hoa Kỳ: Đêm “các Thánh”biến mất.

Nghị sĩ Israel xé nát bản in Tân Ước.

Bác bỏ lời kêu gọi của ĐHY về trưng cầu ý dân đối với hôn nhân đồng tính.

Giới chức về Tín Lý HĐGM Hoa Kỳ bình luận về Higgs Boson.

Mười tân LM được truyền chức ở Indonesia.

Nhà tâm lý học Brasil bị cấm tự xưng là Kitô hữu.

Quê hương Đức Wojtyla phản đối buổi nhạc Madonna.

-Vatican thay đổi hình dạng hàng giáo phẩm đất nước Châu Phi với những cuộc tấn phong Giám Mục.

Ở tuổi 92, vị LM cao tuổi nhất đang làm việc của New York vẫn tráng kiện.

“Giải thưởng Ratzinger” lần thứ 2 được trao trong kỳ Thượng Hội Đồng Giám Mục.

200 triệu nạn nhân “giết người vì giới tính” .

Tranh luận về phụng vụ “uỷ mị” ở Thánh Lễ bế mạc Đại Hội Thánh Thể.

Hôn nhân đồng tính và sự bóc lột phụ nữ.

Không thoả hiệp về ý nghĩa của hôn nhân.

Báo Osservatore Romano được in ở Hoa Kỳ.

Bạo lực gia tăng chóng mặt ở Ba-Tây – 24 trẻ em bị giết mỗi ngày.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    

(Xin xem tiếp chi tiết . . .   TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO 16 đến 22 tháng 7 2012)

    

CUỘC BỎ PHIẾU BẰNG CHÂN LỊCH SỬ – DI CƯ 1954

CUỘC BỎ PHIẾU BẰNG CHÂN LỊCH SỬ DI CƯ 1954

Khi nói tới (QUỐC HẬN), người Việt tự do và nhất là các bạn trẻ thường hay nghĩ ngay tới ngày 30 tháng 4. Nhưng ngoài ra, ngày 20 tháng 7 cũng chính là ngày QUỐC HẬN, ngày mà đất nước VIỆT NAM bị chia cắt bởi thực dân Pháp và cộng sản Hà nội đã ký kết với nhau qua hiệp định Genève. Ngay sau khi Hiệp định Genève vừa được ký kết, ngày 22 tháng 7 -1954 Thủ Tướng Ngô Đình Diệm và   đồng bào tuyên cáo cực lực phản đối, đã treo cờ rũ toàn quốc để tang việc chia đôi đất nước.

Hậu quả việc chia cắt đất nước gây nên cảnh hàng trăm ngàn gia đình ly tán: Con mất cha, vợ phải xa chồng, anh chị em mỗi người một ngã… Trong số hơn 1 triệu người di cư vào niềm Nam có khoảng gần 700.000 giáo dân khi ra đi chỉ mang theo ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ và Thánh giá là tài sản quý giá nhất luôn mang bên mình, cùng đức tin là hành trang duy nhất trong cuộc sống mới để thờ phượng Thiên Chúa nơi miền Nam tự do.

  (Xin xem tiếp . . .  CUỘC BỎ PHIẾU BẰNG CHÂN LỊCH SỬ – DI CƯ 1954 )

ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP CHO CÁC THAM DỰ VIÊN ĐẠI HỘI MỤC VỤ MỸ GỐC PHI CHÂU VÀ QUẦN ĐẢO CARAIBI LẦN THỨ XI

ĐỨC THÁNH CHA GỬI SỨ ĐIỆP CHO CÁC THAM DỰ VIÊN ĐẠI HỘI MỤC VỤ MỸ GỐC PHI CHÂU VÀ QUẦN ĐẢO CARAIBI LẦN THỨ XI

GUAYAQUIL: Đức Thánh Cha khích lệ các kitô hữu Mỹ gốc Phi châu đào sâu suy tư về các giá trị văn hóa, lịch sử và các truyền thống của mình để có thể luôn luôn giới thiệu Chúa Kitô như là câu trả lời đích thật cho các vấn nạn sâu thẳm nhất của con người.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong sứ điệp gửi các tham dự viên đại hội Mỹ gốc Phi châu và quần đảo Caraibi lấn thứ XII, nhóm tại Guayaquil bên Ecuador trong các ngày 13 đến 20 tháng 7 năm 2012 với đề tài ”Mục vụ Mỹ gốc phi châu và quần đảo Caraibi và tài liệu Aparecida. Các thách đố và hy vọng trong Giáo Hội và xã hội”.

Trong sứ điệp do Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh ký, Đức Thánh Cha gửi lời chào thân ái đến mọi tham dự viên đại hội và cầu chúc họ được nhiều ơn của Chúa Thánh Thần, là Đấng làm cho mọi nền văn hóa nên phong phú bằng cách thanh tẩy chúng và khiến cho nhiều mầm giống mà Ngôi Lời nhập thể đã đặt để trong đó hướng tới Tin Mừng. Đức Thánh Cha gửi tới các Giám Mục và các cộng sự viên cũng như các dân tộc, đôi khi bị gạt bỏ bên lề và ít được chú ý, một phép lành toà thánh đặc biệt của ngài.

(SD 18-7-2012)

Linh Tiến Khải

Một số kỷ niệm liên quan tới Công Đồng Chung Vatican II

Một số kỷ niệm liên quan tới Công Đồng Chung Vatican II

Phỏng vấn Đức Hồng Y Jorge Maria Mejia Cách đây 50 năm, Công Đồng Chung Vaticăng II đã khai mở với sự tham dự của 2.540 người, gồm các nghị phụ, các chuyên viên và đại diện của các Giáo Hội anh em. Trong số các chuyên viên tham dự Công Đồng cũng có một linh muc trẻ tuổi người Argentina: đó là linh mục Jorge Maria Mejia, hiện nay là Hồng Y. Đức Hồng Y Mejia đã là người đi tiên phong trong việc đối thoại với các anh em Do thái, và là người hiểu biết nền văn hóa Do thái sâu rộng. Là bạn thân của cha Henri de Lubac và bạn học cùng thời với Đức Gioan Phaolo II tại Đại học giáo hoàng Angelicum.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y về một số các kỷ niệm thời công đồng.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, vào thời khai mạc Công Đồng Hồng Y đã được chỉ định làm chuyên viên của Công Đng như thế nào?

Đáp : Hồi tháng 11 năm 1963 Công Đồng bắt đầu khóa họp thứ hai. Một hôm Đức Cha Juan Giaquinta đem cho tôi một phong bì của tòa Tổng Giám Mục Buenos Aires và cho tôi biết là Phủ Quốc Vụ Khanh TòaThánh chỉ định tôi làm chuyên viên của Công Đồng. Tôi rất ngạc nhiên, vì cho tới lức đó tôi đặc trách các chuyện khác như nguyệt san công giáo Argentina Criterio. Thú thật công việc của ông Đồng đòi hỏi nhiều năng lực lắm. Tôi đã là một trong các chuyên viên ít ỏi của châu Mỹ Latinh. Trong chỗ dành riêng cho các chuyên viên, tôi đã gặp nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có cha Henri de Lubac, mà tôi đã tiếp xúc để viết luận án thần học tại đại học giáo hoàng Angelicum, cha Jorge Arturo Medina Estevez, sau này trở thành Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phụng Tự, và cha Egidio Viganò, sau này là Tổng quyền dòng Don Bosco Salesien. Dĩ nhiên là cũng có thần học gia trẻ tuổi người Đức là Joseph Ratzinger nữa.

Trong số các tài liệu công đồng đã ảnh hưởng sâu đậm trên cuộc đời linh mục của tôi có tài liệu về Đại kết Unitatis Redintegratio, và tài liệu về các tôn giáo không kitô Nostra Aetate. Tôi được giao cho nhiệm vụ tiếp xúc với các nghị phụ Argentina và Uruguay, mà tôi đã quen biết trước Công Đồng Vatican II. Chúng tôi hội họp thường xuyên với nhau, và từ các cuộc họp đó đã nảy sinh ra các đề nghị và yêu cầu được trình bầy trước các nghị phụ.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, đâu đã là phần đóng góp của các nghị phụ châu Mỹ Latinh cho Công Đồng?

Đáp : Như quý vị có thể tưởng tượng ra, đóng góp đã có thứ tự và trong một nghĩa nào đó nó đa diện. Điều tôi có thể nhần mạnh là phần đóng góp của Đức Hồng Y tương lai Eduardo Francisco Pironio đối với tài liệu về tông đồ giáo dân Apostolicam actuositatem. Ngài đã nắm vai trò định đoạt trong việc soạn thảo tài liệu này. Ảnh hưởng của vị Giám Mục người Argentina này đã rất lớn nhờ kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu xa của ngài đối với phong trào Công Giào Tiến Hành tại Argentina. Nổi bật là việc bảo vệ sự nghèo khó trong Giáo Hội từ phía tất cả các Giám Mục Argentina. Người đã mạnh mẽ trình bầy đề tài này là vị Giám Mục trẻ tuổi của giáo phận Nueve de Julio, sau này trở thành Hồng Y, đó là Đức Cha Antonio Quarracino, người Italo Argentina.

Một trong những tranh luận sôi nổi giữa các nghị phụ là việc tái phục hồi chức Phó tế vĩnh viễn như trong thời Giáo Hội khai sinh. Ở đây uy tín mục vụ của Đức Tổng Giám Mục Lima Giáo chủ Peru, Đức Cha Juan Landaszuri Ricketts, dòng Phanxico, đã khiến cho phần lớn các nghị phụ chấp nhận tài liệu. Các Giám Mục châu Mỹ Latinh cũng đóng góp nhiều cho đề tài Giàm Mục đoàn.

Hỏi: Đức Hồng Y có nhớ xảy ra vụ đng độ nào giữa các nghị phụ hay không?

Đáp : Mặc dù Đức Giào Hoàng Phaolo VI đã cố gắng để đi đến chỗ đồng nhất bỏ phiếu cho các tài liệu, nhưng đã luôn luôn xảy ra các vụ đụng độ liên quan tới các từ hay các định nghĩa nhỏ. Bầu khí trở thành sôi bỏng, chẳng hạn như lần Đức Hồng Y Joseph Frings của tổng giáo phận Koeln tố cáo Thánh Văn Phòng, tức Bộ Giáo Lý Đức Tin, là quá bàn giấy rườm rà và độc quyền liên quan tới các công việc của Công Đồng. Đó đã là bài phát biểu rất mạnh mẽ chống lại Đức Hồng Y Ottaviani. Đức Hồng Y Ottaviani đã rất xúc động và đã trả lời, nhưng không được hữu hiệu và hùng hồn bằng vị Hồng Y Đức.

Hỏi : Thế các đung độ và các tranh luận ấy có ảnh hường gì trên việc soạn thảo các tài liệu quan trọng của Công Đòng không thưa Đức Hồng Y?

Đáp : Việc xảy ra các đụng độ và các tranh luận giữa các nghị phụ không phải là một bí mật gì. Đặc biệt khi liên quan tới các đề tài tế nhị và định đoạt như đối thoại đại kết hay đối thoại với các tôn giáo không kitô với tài liệu Nostra Aetate. Người ta nhận ra ngay hai khuynh hướng bảo thủ và cởi mở, bào thủ như Đức Cha Ernesto Ruffini và cởi mở như Đức Cha Agostino Bea. Nhưng Công Đồng đã thực sự bị chia rẽ hay rách nát trong việc soạn thảo tài liệu Dignitatis Humanae. Có những vị mạnh mẽ bênh vực tự do tôn giáo, điển hình như Đức Tổng Giám Mục Chicago Albert Gregory Meyer, qua đời khi Công Đồng kết thúc. Rồi tôi không thể quên sự kiên nhẫn vô bờ của Đức Tổng Giám Mục Bruges Emiel Joseph De Smedt để có thể đi đến một lược đồ được giàn xếp khiến cho các nghị phụ hay tranh luận nhất là các nghị phụ Tây Ban Nha và Italia cũng phải chấp nhận. Vụ này cũng khiến cho tôi tận mắt chứng kiến và khâm phục tài ngoại giao khéo léo của vị thư ký Công Đồng là Đức Cha Pericle Felici, người Ý.

Hỏi: Có người cho rằng văn bản bị các nghị phụ đưa ra nhiều nhận định và lắm lúc bị chỉ trich nhiều nhất là Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp : Trong khi soạn thảo tài liệu, vài Giám Mục Argentina và cả chính tôi nữa, chúng tôi lo lắng vì sự kiện văn bản không chú ý đủ tới sự dữ, tội lỗi và sự hiện diện của ma quỷ trong thế giới. Vài nhận xét của chúng tôi đã được tiếp nhận và đưa vào trong văn bản. Người ta đã nhận ra, nhất là trong giai đoạn sau công đồng, sự lạc quan quá đáng mà tài liệu đề nghị với các tín hữu, khi không nhấn mạnh trên các quấy phá của sự dữ và nhiều điều không trong sáng. Điều khiến cho tôi chú ý đó là các phê bình của ghế giới tin lành, mà tôi thường xuyên tiếp xúc. Tôi vẫn còn nhớ câu nói của một người bạn Methodist: “Văn bản này có quá nhiều rộng mở và quá nhiều lạc quan”. Trong văn bản này thiếu thần học gia Karl Barth”. Cho đến nay đề tài vẫn còn là đối tượng chú ý của nhiều thần học gia.

Hỏi: Trong thời công đng Đức Hồng Y cũng gặp lại bạn hoc cũ tại đại học giáo hoàng Angelicum là Đc Cha Karol Wojtyla. Đức Hồng Y có kỷ niệm nào về ngài?

Đáp: Tôi nhớ ngài đã là vị Giám Mục phụ tá Cracovia, và là gương mặt nổi bật trong Công Đồng. Và tôi nhớ là các phát biểu của ngài trong ủy ban thu hẹp họp tại Ariccia để soạn thảo văn bản của tài liệu Gaudium et Spes tương lai đã được tiếp nhận. Tôi đã ghi chép những gì ngài nói. Tôi nhớ ngài là vị Giám Mục đầu tiên nói rằng Công Đồng phải chú ý tới giới trẻ của các thế hệ sẽ đến sau. Từ trực giác này tôi nghĩ rằng ngài đã chuẩn bị cho các Ngày quốc tế giới trẻ sau này, khi ngài lên làm Giáo Hoàng. Tôi có gặp lại ngài trong một phiên họp khoáng đại của Văn phòng thư ký hiệp nhất các tín hữu kitô, ít lâu sau khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng. Và ngài chào tôi như sau: “Đây là ông bạn thời đại học của tôi, là người biết thần học của thánh Toma nhiều hơn tôi”. Tôi đỏ mặt vì mắc cỡ. Và tôi nhớ là Đức Gioan Phaolo II tiếp tục gọi tên rửa tội của tôi là Jorge, cả khi ngài đặt tôi làm Hồng Y. Và tôi nhớ là tình bạn của chúng tôi đã không hề thay đổi, cả khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng.

Hỏi: Ngày nay có người chủ trương gạt bỏ Công Đồng Chung Vatican II ra một bên. Riêng Đức Hòng Y thì Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp : Tôi lấy lại bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói hồi tháng 12 năm 2005 và kiểu đọc Công Đồng của ngài: Công Đồng Chung Vatican II là một viên đá đánh dấu huấn quyền chính thức của Giáo Hội và cũng có gia trị như của Công Đồng Chung Vatican I, Công Đồng Chung Ephexo hay các Công Đồng Chung khác do các Giao Hoàng triệu tập. Nó đã là một biến cố thuộc truyền thống của Giáo Hội và mỗi một văn bản, tuyên ngôn hay hiến chế của nó đều mời gọi chúng ta khám phá ra gương mặt thật của Giáo Hội. Một biến cố vẫn còn có tất cả tầm quan trọng ngôn sứ của nó đối với các tín hữu và thế giới ngày nay.(Avvenire 9-5-2012)

Linh Tiến Khải
 

TỔ CHỨC MONEYVAL BỎ PHIẾU TÍCH CỰC CHO TÒA THÁNH VATICAN

TỔ CHỨC MONEYVAL BỎ PHIẾU TÍCH CỰC CHO TÒA THÁNH VATICAN

Đức Ông Ettore Balestrero

VATICAN: Trong cuộc họp báo sáng hôm 18 tháng 7-2012 Đức Ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh, cho biết cơ quan Moneyval đã bỏ phiếu tích cực cho Tòa Thánh Vaticăng trong cuộc chiến chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Bình luận về bản tường trình của cơ quan Moneyval, Đức Ông Balestrero nói: Các nỗ lực của Tòa Thánh được coi là phù hợp một cách rộng rãi trong 9 trên 16 điểm chính chống lại nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố. Có tất cả 45 khuyến cáo: 22 khuyến cáo được bật đèn xanh, còn 23 khuyến cáo chưa được phù hợp. Đặc biệt có 7 lãnh vực tiêu chuẩn mà Tòa Thánh cố ý dấn thân để đạt mức độ quốc tế. Như thế, nói chung Tòa Thánh hài lòng về những gì đã đạt được, và ý thức rằng còn nhiều điều phải làm. Bản tường trình của cơ quan Moneyval không là điểm chấm dứt, nhưng là một hòn đá ghi dấu lộ trình đã bắt đầu để hòa hợp dấn thân luân lý với sự tuyệt diệu kỹ thuật. Lộ trình này đã khởi đầu hồi cuối năm 2010 với luật 127 liên quan tới chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, và đã bắt đầu có hiệu lực hồi tháng 4 năm 2011; và tháng hai cùng năm đã có lời yêu cầu cơ quan Moneyval lượng định nỗ lực của Tòa Thánh.

Đức ông Balestrero nói: ”Đó đã là các tháng làm việc và tập việc bận rộn. Một lộ trình dài trong một thời gian khá ngắn giúp thăng tiến Tòa Thánh trong các khía cạnh đáng chú ý như: rửa tiền, các biện pháp tịch thu, các luật về sự kín đáo, thu góp tài liệu, trợ giúp tư pháp song phương, hình luật về tài trợ khủng bố, cộng tác quốc tế, chấp thuận Thỏa Hiệp của Liên Hiệp Quốc liên quan tới vấn đề này. Cơ quan Moneyval đặc biệt yêu cầu củng cố nền tảng pháp lý đối với việc canh chừng, và than phiền về sự thiếu rõ ràng liên quan tới vai trò, các trách nhiệm, thẩm quyền, các quyền và sự độc lập của thẩm quyền thông tin tài chánh hoạt động từ tháng 6 năm 2011 trong nhiệm vụ kiểm soát của mình”

(RG 18-7-2012)

Linh Tiến Khải

ĐỨC THƯỢNG PHỤ GREGORIO III LAHAM KÊU GỌI ĐỐI THOẠI VÀ HÒA GIẢI

ĐỨC THƯỢNG PHỤ GREGORIO III LAHAM KÊU GỌI ĐỐI THOẠI VÀ HÒA GIẢI

DAMASCO: Đức Gregorio III Laham Thượng Phụ Giáo Hội Hy lạp Melkít Siria đã tái mạnh mẽ kêu gọi chấm dứt nội chiến, đối thoại và hòa giải.

Lời kêu gọi của Đức Thượng Phụ đã được gửi tới hãng thông tấn Fides của Bộ Truyền Giáo nhận định về hiện tình Siria như sau: Các nguy cơ lớn nhất hiện nay tại Siria là tình trạng hỗn loạn, thiếu an ninh, và du nhập khí giới tràn lan từ mọi phía. Bạo lực làm nảy sinh bạo lực gây chết chóc cho người dân Siria không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, và khuynh hướng chính trị. Các kitô hữu phải sống trong cùng hoàn cảnh như mọi người khác và là các thành phần yếu đuối, dễ bị tổn thương nhất vì nạn khai thác bóc lột, tống tiền, bắt cóc và lạm dụng. Mặc dù vậy không xảy ra xung khắc giữa tín hữu kitô và tín hữu hồi, cũng không có các bách hại chống lại các kitô hữu.

Trong số các yếu tố tiêu cực Đức Thượng Phụ cho biết có sự can thiệp của các thành phần nước ngoài gồm A rập hay tây phương đem khí giới, tiền bạc vào Siria, cũng như loan các tin tức một chiều. Sự can thiệp này gây thiệt hại cho phe đối lập cũng như cho sự hiệp nhất quốc gia, và làm suy yếu tiếng nói của sự hòa hoãn.

Liên quan tới thái độ và lập trường của các Giáo Hội Kitô, Đức Thượng Phụ Laham cho biết các Giáo Hội Công Giáo cũng như các tôn giáo khác đã lên tiếng yêu cầu chính quyền đưa ra các cải tổ, tôn trọng tự do, dân chủ, chống lại nạn gian tham hối lộ, thăng tiến phát triển và tự do ngôn luận. Ngày nay chúng tôi yêu cầu chính quyền chấm dứt vòng giết chóc và tàn phá luẩn quẩn, đặc biệt đối với các thường dân vô tội thuộc mọi tôn giáo đang trở thành nạn nhân của bạo lực và gặp rất nhiều khó khăn. Giáo Hội công giáo đã luôn luôn có thái độ rộng mở, nhưng không ủng hộ bất cứ phe phái nào, mà chỉ kêu gọi thăng tiến thiện ích chung cho mọi người dân.

Đức Thượng Phụ Laham cũng phản bác lời vu khống giới lãnh đạo Giáo Hội là phò chính quyền của tổng thống Al Assad và khẳng định rằng các chủ chăn đã có thái độ trong sáng, khách quan, trung thành với nhiệm vụ của mình và sống sát với các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân. Các vị khước từ bạo lực, thăng tiến đối thoại, hòa giải và lo lắng cho dân chúng.

Đức Thượng phụ tỏ ra tin tưởng nơi các sáng kiến của xã hội dân sự trong nỗ lực củng cố các mối dây nối kết mọi người dân Siria. Các kitô hữu cũng cầu nguyện cho phong trào Mussalaha, bao gồm đại diện của mọi Giáo Hội, thành công trong việc tái tạo sự hiệp nhất giữa mọi người dân Siria mà cuộc chiến đã phá hủy cho tới nay. Phong trào này có thể đặt nền móng cho các giải pháp hữu hiệu giúp thoát khỏi cuộc xung khắc thê thảm hiện nay. Đức Thượng Phụ Laham cũng hy vọng chuyến thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại Libăng góp phần trợ giúp đất nước Siria chấm dứt xung khắc và tái nở hoa hòa bình.

Đây cũng là lập trường của Đức Cha Giuseppe Nazzaro, Giám quản tông tòa Aleppo. Đức Cha cho rằng phong trào Massalaha đáng được ủng hộ, vì bắt nguồn từ dưới thấp và là con đường thứ ba giúp giải quyết cuộc xung đột hiện nay. Phong trào bao gồm giới lãnh đạo tôn giáo và dân sự yêu nước và có khả năng.

Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Damasco cho biết dân chúng tại Damasco rất lo âu, không dám ra đường. Ngài đã thỉnh cầu cộng đoàn quốc tế nỗ lực trợ giúp Siria ra khỏi tình trạng hỏa ngục này.

(ZENIT 17-7-2012; FIDES 17-7-2012)

Linh Tiến Khải
 

Quan hệ giữa Tòa Thánh và Israel theo hai vị Đại sứ liên hệ

Quan hệ giữa Tòa Thánh và Israel theo hai vị Đại sứ liên hệ

VATICAN. Đại sứ mãn nhiệm của Israel cạnh Tòa Thánh lạc quan về viễn tượng ký kết hiệp định với Tòa Thánh trong khi Đức Sứ Thần Tòa Thánh ở Israel tỏ ra dè dặt hơn.

Trong những ngày vừa qua, Đức TGM Antonio Franco, 75 tuổi, đã mãn nhiệm vụ 7 năm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel kiêm Khâm Sứ Tòa Thánh tại các lãnh thổ của người Palestine. Cũng vậy, Đại Sứ Israel cạnh Tòa Thánh, ông Mordechay Lewy, 64 tuổi (1948) cũng mãn nhiệm vụ sau 4 năm rưỡi ở Roma. Ông gia nhập ngành ngoại giao của Israel từ năm 1975, đã từng phục vụ tại các sứ quán ở Bonn và Berlin bên Đức, Stocholm Thụy Điển, rồi làm Đại sứ tại Thái Lan trong 4 năm, trước khi làm cố vấn cho tòa thị chính Jerusalem về các cộng đồng tôn giáo, rồi được bổ làm Đại sứ Israel cạnh Tòa Thánh hồi năm 2008.

Nhân dịp mãn nhiệm, hai vị đã dành cho giới báo chí các cuộc phỏng vấn về hiện tình quan hệ giữa Tòa Thánh và Israel, những bước thăng trầm trong thời gian qua, và viễn tượng tương lai, đặc biệt là vấn đề ký kết một hiệp định giữa Israel và Tòa Thánh về vấn đề thuế khóa và tài chánh của Giáo Hội Công Giáo tại Israel, một cuộc thương thuyết dài dẵng từ 13 năm qua, chiếu theo hiệp định cơ bản đã được ký kết trước đó giữa hai bên.
Hôm 12-6-2012, Ủy ban làm việc thường trực song phương giữa Tòa Thánh và Israel đã nhóm khóa họp toàn thể tại dinh Tông Tòa ở Vatican. Phái đoàn Tòa Thánh do Đức Ông Đức ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh làm trưởng đoàn, và Phái đoàn Israel do Ông Danny Ayalong, thứ trưởng ngoại giao làm trưởng đoàn. Mỗi phái đoàn có khoảng 9, 10 người.

Thông cáo chung kết cho biết ”trong bầu không khí suy tư và xây dựng, Ủy ban đã ghi nhận những tiến bộ đáng kể tiến tới việc ký kết hiệp định về vấn đề thuế khóa và tài chánh của Giáo hội Công Giáo ở Thánh Địa. Cả hai bên đồng ý về những bước cần thực hiện trong tương lai và ấn định khóa họp toàn thể lần tới sẽ vào ngày 6-12 năm nay tại trụ sở Bộ ngoại giao Israel.

Viễn tượng ký hiệp định
Trong cuộc phỏng vấn hôm 11-7-2012 dành cho giới báo chí cạnh Tòa Thánh, Đại sứ Lewy cho biết hiệp định vừa nói có thể được ký kết trong khóa họp toàn thể ngày 6 tháng 12-2012 của Ủy ban song phương Israel và Tòa Thánh. Ông nói: ”Tôi rất tin tưởng về việc có thể kết thúc sớm hiệp định này và tôi không phải là người duy nhất nói điều đó, mà cả các nguồn của Vatican nữa. Những tiến bộ đã xảy ra gần đây. Các điểm chưa được giải quyết liên hệ chủ yếu tới các khía cạnh pháp lý chứ không phải là vật chất và cũng không phải là thiết yếu”.
Tuy nhiên, Đức TGM Sứ thần Tòa Thánh, Antonio Franco, tỏ ra dè dặt hơn ông đại sứ. Trong cuộc phỏng vấn bằng giây nói từ Jerusalem, ngài cho biết vẫn còn có nhiều điểm còn tồn đọng và hai bên, Israel và Tòa Thánh, chưa đạt tới một quan điểm chung. Đức TGM nói:

”Vì thế, tôi không nghĩ rằng Hiệp định có thể ký trước tháng 12 năm nay. Hơn kém chúng tôi đồng ý về nội dung cơ bản của Hiệp định, nhưng một số vấn đề còn chia rẽ giữa hai bên, không kể thời gian cần thiết để dịch từ tiếng Anh sang tiếng Do thái, việc dịch này chắc chắn cũng phải mất một thời gian. Rồi cũng phải đợi các nhà ngoại giao mới được bổ nhiệm và nhận chức. Về phần tôi, tôi sẽ ở lại Thánh Địa một thời gian nữa để theo dõi hồ sơ này. Các nơi thánh vẫn là một trong những điểm tế nhị nhất, nhất là Nhà Tiệc Ly. Điều chắc chắn là, trái với những gì người ta có thể đọc thấy trên báo chí, Tòa Thánh tuyệt đối không từ bỏ việc yêu cầu Israel trả lại Nhà Tiệc Ly, nơi đây là tu viện đầu tiên của dòng Phanxicô ở Jerusalem”.

Một số nhận định của Đại sứ Mordechay Lewy
Trong cuộc phỏng vấn, Đại sứ Mordechay Lewy cho biết Nhà Nước Israel đã quyết định cấp thị thực cho những người có hộ chiếu ngoại giao của Tòa Thánh mà không cần có sự kiểm soát hoặc thẩm vấn thêm. Theo Ông, biện pháp như thế đối với Tòa Thánh là ”một trường hợp duy nhất” nghĩa là không một ai, nếu không sinh ra trong một nước mà họ mang hộ chiếu, có thể được hưởng sự dễ dàng hành chánh như vậy, dù người mang hộ chiếu ngoại giao Tòa Thánh đến từ một nước thù địch của Israel như Syrie chẳng hạn.

Đại sứ Lewy cũng trả lời giới báo chí về vấn đề những người thuộc huynh đoàn thánh Piô 10 có thể tái hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo, ông tỏ ra tin tưởng về lập trường của Tòa Thánh về quan hệ với thế giới Do thái và đồng thời cũng chào mừng việc ĐTC mới đây đã Đức TGM Augustine Di Noia, dòng Đa Minh người Mỹ, làm Phó Chủ Tịch Ủy ban Tòa Thánh Ecclesia Dei, Giáo Hội của Thiên Chúa, về các tín hữu Công Giáo thủ cựu. Ông Đại Sứ nhận xét rằng khi bổ nhiệm, Tòa Thánh nhắc đến những quan hệ chặt chẽ với các tổ chức Do thái, và đây là là điều thật đúng.

Theo thông lệ, ĐTC vẫn tiếp các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh trước khi họ rời nhiệm sở. Đại sứ Mordechay Lewy đã được ĐTC tiếp kiến như vậy khi ông đến từ giã. nhân dịp này Ngài đã hỏi ông về tình hình cuộc thương thuyết trong Ủy ban làm việc song phương giữa Tòa Thánh và Israel.

Ông nói với giới báo chí: ”Quan hệ ngoại giao cũng được thực hiện nhất là qua những cử chỉ đầy ý nghĩa. Và cử chỉ ý nghĩa nhất của ĐGH Biển Đức 16 là giải tỏa lời cáo buộc người Do thái đã gây ra cái chết cho Đức Kitô trong lịch sử Đức Giêsu thành Nazareth, bộ sách mà ĐGH đã viết. Ngay sau đó, thủ tướng Bibi Natanyahu đã muốn mừng ĐGH với một cây ôliu, một biểu hiểu quan trọng của tình bạn.

Đại Sứ Lewy cũng nhắc lại nhiều biến cố thăng trầm trong quan hệ giữa Do thái và Công Giáo. Ông nhận xét rằng sự hòa giải lịch sử giữa hai tôn giáo, Công Giáo và Do thái, là một tiến trình dài, đang tiến hành và có những lúc đầy ý nghĩa như cuộc viếng thăm của ĐGH Biển Đức 16 tại Israel năm 2009, cuộc viếng thăm của ngài tại Hội đường Do thái ở Roma năm 2010, ít lâu sau khi Tòa Thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của ĐGH Piô 12, những tiến bộ trong lãnh vực thuế khóa trong cuộc thương thuyết về hiệp định, sự đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực ngoại giao cho các nhà ngoại giao của Vatican, nhưng nhất là ĐGH đã tháo bỏ trách nhiệm của người Do thái về việc đóng đinh Đức Kitô. ĐGH Ratzinger đã chứng tỏ tình bạn đối với người Do thái”.

Đại Sứ Lewy cũng nhắc đến những vấn đề đã gây ra tranh luận hoặc những lúc căng thẳng thực sự giữa hai tôn giáo dưới thời Đức Biển Đức 16, nhưng ông nhắc lại các biến cố đó với giọng hòa dịu. Ví dụ về việc tái du nhập trong sách lễ la tinh kinh nguyện ngày thứ sáu tuần thánh cầu cho người Do thái tuy có sửa đổi. Đại sứ nói: ”Chúng tôi không được can thiệp vào kinh nguyện của Công Giáo và Công Giáo cũng không được can thiệp vào kinh nguyện của chúng tôi vì trong cả hai đều có những điểm tranh luận. Ngoài ra, tôi không dùng từ bài Do thái nhiều quá vì đã bị lạm phát.”

Nhận định của Đức TGM Franco
Về phần Đức TGM Antonio Franco, nhìn lại thời gian 7 năm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel, ngài nói: ”Thời kỳ ấy đã có những lúc đau thương, như cuộc hành quân ”Chì cứng” của Israel tại miền Gaza hồi mùa đông năm 2009, nhưng cũng có những lúc rất khẩn trương với những biến cố như cuộc viếng thăm của ĐTC Biển Đức 16 tại Thánh Địa, đó là một cuộc viếng viếng thăm được chuẩn bị với nhiều khó khăn.

Đức Sứ Thần Tòa Thánh nhắc đến những lúc dễ dàng và những lúc khó khăn trong công việc của ngài về phương diện thực hành và về mặt hành chánh, trong việc Nhà Nước Israel cấp thị thực nhập cảnh và cư trú cho các nhân viên của Giáo Hội Công Giáo, có những lúc rất dễ nhưng cũng có lúc khó khăn. Đàng khác, từ 10 năm nay, tức là từ năm 2002, các nhân viên của Giáo Hội Công Giáo không còn được bảo hiểm xã hội ở Israel nữa.

Đức TGM nói: ”Chúng tôi cũng gặp khó khăn về các trường Công Giáo tại Israel, các trường này được Nhà Nước Israel trợ giúp, nhưng cũng phải trả rất nhiều thuế và phí tổn, vì thế học phí trở nên quá đắt đỏ đối với các tín hữu Kitô địa phương. Do đó, chúng tôi phải hoạt động để các học sinh có thể kiếm được học bổng.

Một vấn đề khác cũng được đề cập tới trong cuộc phỏng vấn, đó là: trong thời gian qua, Viện bảo tàng Yad Vashem ở Jerusalem về cuộc diệt chủng Do thái đã thay đổi ghi chú về vai trò của ĐGH Piô 12 (1939-1958) trong thời thế chiến thứ 2: ghi chú trước đây kịch liệt phê bình ngài vì đã không lên tiếng công khai bênh vực người Do thái. Nhưng ghi chú vừa được sửa đổi, và có phán đoán tương đối nhẹ nhàng hơn. Dầu vậy, việc thay đổi ghi chú này cũng gây ra tranh luận, chẳng hạn Rabbi trưởng của Cộng đoàn Do thái ở Roma cho rằng Viện Yad Vashem đã chịu sức ép của Vatican để thay đổi như vậy, một sự thay đổi ghi chú không nên làm. Về vấn đề này, Đức Sứ Thần Tòa Thánh nói:

”Chúng tôi có một cái nhìn về hoạt động của Tòa Thánh trong thời thế chiến thứ 2 không phải là cái nhìn được trình bày trên bảng ghi chú trước đây ở viện Tad Vashem, và quan điểm của Tòa Thánh cũng không tương ứng với ghi chú hiện nay tại Viện này, tuy rằng sự thay đổi như thế là một bước tiến đầu tiên dẫn đến một sự đối thoại thanh thản hơn về vấn đề này, và để có một sự hiểu biết bao quát hơn.

Ngay từ khi khánh thành viện Yad Vashem với bảng ghi chú về vai trò của Đức Piô 12, Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đã bày tỏ sự bất đồng ý kiến, nhất là về phương diện lịch sử thời kỳ ấy. Từ sau đó, sự cộng tác được gia tăng. Ít lâu trước cuộc viếng thăm của ĐGH Biển Đức 16 tại Thánh Địa hồi tháng 3 năm 2009, đã diễn ra tại Viện Yad Vashem một khóa hội thảo làm việc với sự tham dự của các sử gia, trong đó có nhiều người bênh vực quan điểm của Tòa Thánh. Đó là một lúc quan trọng. Dần dần, ý thức về sự thay đổi chín mùi, mà không liên hệ tới bất kỳ sức ép nào về phía Tòa Thánh.”

G. Trần Đức Anh OP (Vietvatican)

Công bố chủ đề Ngày Hòa Bình Thế giới lần thứ 46: 1-1-2013

Công bố chủ đề Ngày Hòa Bình Thế giới lần thứ 46: 1-1-2013

VATICAN. Hôm 16 tháng 7-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã cho công bố chủ đề Ngày Hòa bình thế giới lần thứ 46 sẽ được cử hành vào ngày 1 tháng 1-2013 là: ”Phúc cho những người xây dựng hòa bình”.

Trong thông cáo giải thích về đề tài này, Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình cho biết ”Sứ điệp thường niên của ĐTC, trong bối cảnh phức tạp hiện nay, nhắm khích lệ tất cả mọi người cảm thấy có trách nhiệm đối với việc xây dựng hòa bình”.

Vì thế, Sứ điệp sẽ bao gồm ý niệm đầy đủ và đa diện về hòa bình, đi từ con người: hòa bình nội tâm và hòa bình bên ngoài, để rồi nêu bật sự cấp thiết về mặt nhân loại học, bản chất và ảnh hưởng của chủ thuyết hư vô, và các quyền căn bản của con người, trước tiên là tự do lương tâm, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.

Ngoài ra, Sứ điệp sẽ trình bày một suy tư dưới khía cạnh luân lý đạo đức về một số biện pháp đang được áp dụng trên thế giới để chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh, sự cấp thiết về giáo dục, cuộc khủng hoảng các cơ chế và chính trị, trong nhiều trường hợp, đây cũng là cuộc khủng hoảng đáng lo âu về nền dân chủ.

Sứ điệp cũng nhắc đến kỷ niệm 50 năm Công đồng chung Vatican 2 và Thông điệp ”Pacem in terris” (Hòa bình dưới thế) của Đức Gioan 23, theo đó điều tối thượng vẫn là phẩm giá và tự do của con người, để xây dựng một xã hội phục vụ mỗi người, không kỳ thị một ai, và nhắm tới công ích vốn là nền tảng của công lý và hòa bình đích thực.

”Phúc cho những người xây dựng hòa bình” sẽ là Sứ điệp thứ 8 của ĐTC Biển Đức 16 nhân Ngày Hòa bình thế giới. Các Sứ điệp trước đây của ngài lần lượt mang tựa đề: ”Hòa bình trong sự thật” (2006), ”Nhân vị, con tim của hòa bình” (2007), ”Gia đình nhân loại, cộng đồng hòa bình” (2008), ”Bài trừ nghèo đói, xây dựng hòa bình” (2010), ”Nếu bạn muốn vun trồng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên” (2010), ”Tự do tôn giáo, con đường hòa bình” (2011); ”Giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình” (2012).

G. Trần Đức Anh OP
 

 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 450 năm cải tổ dòng Cát Minh

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 450 năm cải tổ dòng Cát Minh

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 ca ngợi tính chất thời sự của việc cải tổ dòng Cát Minh và mời gọi các tín hữu noi gương thánh nữ Teresa Avila canh tân đời sống nội tâm.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp gửi đến Đức Cha Jesús García Burillo, GM giáo phận Avila, Tây Ban Nha, công bố hôm 16 tháng 7-2012, nhân dịp kỷ niệm 450 năm thành lập Đan viện thánh Giuse tại giáo phận này và bắt đầu công trình của thánh nữ Têrêsa Avila cải tổ dòng Cát Minh. Biến cố này sẽ được kỷ niệm vào ngày 24 tháng 8 tới đây.

ĐTC chia vui với toàn thể gia đình dòng Cát Minh Nhặt Phép (OCD), giáo phận Avila, cộng đồng Dân Chúa tại Tây Ban Nha, cũng như tất cả những người tìm thấy nơi linh đạo Têrêsa một ánh sáng chắc chắn để khám phá rằng Chúa Giêsu mang lại cho con người một sự đổi mới đích thực cho cuộc sống, nhân dịp kỷ niệm vui mừng này. ĐTC ngài nhắc lại những điểm nổi bật trong linh đạo và giáo huấn của thánh nữ Têrêsa Avila. Qua việc cổ võ trở lại với tu luật nhiệm nhặt nguyên thủy, từ bỏ tu luật lỏng lẻo, thánh nữ muốn tạo điều kiện cho một cuộc sống giúp gặp gỡ bản thân với Chúa. Thánh Têrêsa ”rao giảng Tin Mừng không chút nguội lạnh, nhưng với một lòng nhiệt thành không bị tàn lụi, với những phương pháp tích cực.. Thánh nữ thi hành điều đó trong một thời đại mà các giá trị tinh thần bị xuống thấp”.

ĐTC nhắc đến xác tín của thánh Têrêsa, theo đó, để thi hành được những điều trên đây, ”cần phải ở trong cô tịch và chiêm ngắm Chúa trong nội tâm của mình, và đừng trở nên xa lạ đối với vị khách tốt lành dường ấy” (Camino de perfección 28,2). Đan viện thánh Giuse được thành lập với mục đích giúp các con cái của thánh nữ có được những điều kiện tốt đẹp nhất để tìm được Thiên Chúa và thiết lập một quan hệ thân tình sâu xa với Chúa”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Ngày nay cũng như hồi thế kỷ 16, và giữa những biến đổi mau lẹ, điều cần thiết là kinh nguyện tín thác phải là linh hồn của công tác tông đồ, để sứ điệp cứu độ của Chúa Giêsu Kitô được vang dội thật rõ ràng và đầy sức sinh động. Điều cấp thiết là Lời sự sống phải âm vang trong các tâm hồn một cách hài hòa và có sức thu hút”.

Trong chiều hướng trên đây, ĐTC khuyến khích các tín hữu canh tâm tâm hồn qua việc nguyện gẫm, qui hướng về sự chiêm niệm nhân tính cực thánh của Chúa Kitô như con đường duy nhất để tìm thấy vinh quang Thiên Chúa (Xc Libro de la Vida 22,1; Las Moradas 6,7).

ĐTC khẳng định rằng chúng ta cũng phải mong ước sao cho kinh nguyện liên lỷ thăng tiến một nền văn hóa ưu tiên về việc mục vụ ơn gọi, đề cao vẻ đẹp của đời thánh hiến, như một kho tàng của Giáo Hội, như một dòng ơn thánh, trong chiều kích hoạt động cũng như chiêm niệm. (SD 16-7-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Giáo Hội rao giảng chân lý Lời Chúa chứ không rao giảng những gì các kẻ quyền thế muốn nghe

Giáo Hội rao giảng chân lý Lời Chúa chứ không rao giảng những gì các kẻ quyền thế muốn nghe

Cũng giống như các ngôn sứ xưa kia Giáo Hội rao giảng chân lý Lời Chúa, chứ không rao giảng những gì các kẻ quyền thế muốn nghe.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong bài giảng thánh lễ cử hành tại quảng trường trước nhà thờ chính tòa giáo phận Frascati sáng Chúa Nhật 15-7-2012.

Đức Thánh Cha đã có hai sinh hoạt: ban sáng lúc 9 giờ rưỡi Đức Thanh Cha đã viếng thăm giáo phận Frascati, một thành phố mhỏ gần Castel Gandolfo, nơi Đức Thánh Cha đang nghỉ hè, và chủ sự thánh lễ cho tín hữu thành phố này. Frascati cũng là giáo phận hiệu tòa của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Tiếp đến ngài đã về Castel Gandolfo để đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu.

Giảng trong thánh lễ tại Frascati Đức Thánh Cha đã quang diễn các bài đọc phụng vụ Chúa Nhật thứ XV năm B thường niên và nói: Phúc Âm cho thấy sáng kiến của Chúa Giêsu sai Mười Hai Tông Đò đi rao giảng Tin Mừng. Từ ”apostoli” Tông Đồ có nghĩa là ”được sai đi”. Thật là điều rất quan trọng ngay từ đầu Chúa Giêsu đã lôi cuốn Mười Hai Tộng Đồ vào hoạt động truyền giáo: nó như một loại thực tập cho các trách nhiệm lớn lao chờ đợi các vị sau này. Đức Thánh Cha giải thích sự kiện này như sau:

Sự kiện Chúa Giêsu mời gọi vài môn đệ trực tiếp cộng tác vào sứ mệnh của Người, biểu lộ một khía cạnh tình yêu của Chúa: Chúa không chê sự trợ giúp của các người khác đối với công trình của Người. Người biết rõ các hạn hẹp, các yếu đuối của họ nhưng không khinh rẻ họ, trái lại còn ban cho họ phẩm giá là những người được Chúa sai đi. Người sai họ ra đi cứ hai người một, và đưa ra các chỉ thị. Thứ nhất là tinh thần không dính bén tới tiền bạc và các tiện nghi vật chất. Rồi Người cũng báo cho họ biết họ sẽ không luôn luôn được tiếp đón, một đôi khi bị khước từ và cũng có thể bị bách hại. Nhưng các vị phải luôn luôn nói nhân danh Chúa Giêsu và rao giảng Nước Thiên Chúa mà không lo chuyện thành công.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói bài độc thứ nhất trích từ sách ngôn sứ Amos cũng cho thấy các người được Thiên Chúa sai đi thường không được tiếp đón một cách tốt đẹp. Ngôn sứ Amos đã mạnh mẽ rao giảng chống lại các bất

công, nhất là tố cáo các áp bức của các vua và các kỳ mục, là những đàn áp xúc phạm đến Thiên Chúa và khiến cho các hành vi phụng tự của họ trở thành vô ích. Vì thế ngôn sứ Amos bị tư tế Amasia đuổi khỏi vương quốc Israel. Nhưng dù được tiếp đón hay khước từ, ngôn sứ cứ tiếp tục thi hành nhiệm vụ ngôn sứ và rao giảng điều Thiên Chúa phán chứ không rao giảng những gì con người muốn nghe. Và điều này tiếp tục là sứ mệnh của Giáo Hội: không rao giảng điều các kẻ quyền thế muốn nghe. Tiêu chuẩn của các tộng đồ là sự thật và công lý, cả khi nó có chống lại các tán đồng của con người và quyền bính trần gian.

Cử chỉ rũ bụi chân diễn tả sự không dính bén luân lý và vật chất: như thể để nói rằng chúng tôi đã loan báo nhưng các bạn đã từ chối, và chúng tôi không muốn gì cho các bạn cả. Và sau cùng với việc rao giảng là lệnh truyền cho các tông đồ chữa lành bệnh tật, theo gương Chúa Giêsu để biểu lộ lòng lành của Người với các cử chỉ bác ái, phục vụ và sự tận hiến.

Bài đọc thứ hai cho thấy sự phong phú của sứ mệnh các Tông Đồ. Kinh nghiệm của Mười Hai Tông Đồ tại Galilea diễn tả trước một sứ mệnh rộng rãi hơn xảy ra sau khi Chúa Kitô phục sinh, và một việc rao giảng phong phú hơn giúp ý thức được chương trình cứu rỗi lớn lao của Thiên Chúa, là Đấng luôn luôn chuẩn bị dài trong thời gian.

Nhắc đến dấn thân mục vụ của giáo phận Frascati là đào tạo các người đào tạo Đức Thánh Cha nói: đó là điều Chúa Giêsu đã làm với các môn đệ Người: Chúa dậy dỗ họ, chuẩn bị họ, cả với việc thực tập truyền giáo để họ có thể lãnh các trách nhiệm trong Giáo Hội. Sau hai ngàn năm, dấn thân đào tạo ấy vẫn được Giáo Hội tiếp tục. Đức Thánh Cha giải thích nhiệm vụ này trong khung cảnh cuộc sống của kitô hữu như sau:

Trong cộng đoàn kitô đây luôn luôn là việc phục vụ đầu tiên mà các người có trách nhiệm cống hiến: bắt đầu từ cha me, chu toàn sứ mệnh giáo dục con cái trong gia đình; các cha sở, đặc trách việc đào tạo trong cộng đoàn, tất cả các linh mục hoạt động trong các lãnh vực khác nhau, tất cả các anh chị em giáo dân dấn thân trong công tác giáo dục, các thành viên các hiệp hội và phong trào dấn thân trong các lãnh vực xã hội dân sự. Họ là cánh tay nối dài của linh mục là người không thể tới với tất cả mọi môi trường và đỡ nâng mọi nhọc mệt. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm và đồng trách nhiệm. Chúa mời gọi tất cả mọi người bằng cách ban phát các ơn khác nhau cho các nhiêm vụ khác nhau trong Giáo Hội. Người mời gọi làm linh mục, sống đời thánh hiến, sống hôn nhân và dấn như giáo dân trong Giáo Hội và trong xã hội. Điều quan trọng là các ơn ấy được tiếp đón đặc biệt từ phía các người trẻ. Cần phải biết lắng nghe, tiếp nhận và đáp trả lời Chúa mời gọi. Ước gì chúng ta cảm thấy niềm vui đáp trả lại tiếng gọi của Thiên Chúa với tất cả chính mình và dấn thân sống sự đồng trinh cũng như hôn nhân.

Ngay tại Frascati này chúng ta cũng cần được tái rao giảng Tin Mừng. Vì thế tôi đề nghị anh chị em sống sâu đậm Năm Đức Tin sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới đây, nhân kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Chung Vatican II.

Sau Thánh Lễ Đức Thánh Cha đã về Castel Gandolfo để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với 2.000 tín hữu và du khánh hành hương trong đó có mấy chục tín hữu Việt Nam. Đức Thánh Cha xin lỗi mọi người vì đã trễ giờ một chút, lý do là ngài đã cầu nguyện dài hơn với các tín hữu tại Frascati. Ngài nói trong bài huấn dụ:

Hôm này chúng ta đang ở trong ngày 15 tháng 7 và lịch phụng vụ kính nhớ thánh Bonaventura thành Bagnoregio, dòng Phanxicô, Tiến sĩ Giáo Hội, người kế vị thánh Phanxicô thành Assisi hường dẫn dòng Anh Em Hèn Mọn. Bonaventura đã viết tiểu sử chính thức đầu tiên về thánh Phanxicô và vào cuối đời cũng là Giám Mục giáo phận Albano này. Thánh nhân viết trong một bức thư rằng: ”Tôi xưng thú trước mặt Thiện Chúa rằng lý do khiến cho tôi đã yếu mến cuộc sống của thành Phanxicô nhất, đó là cuộc sống của người giống thời ban đầu và sự lớn mạnh của Giáo Hội” (Epistula de tribus quaestionibus, in Opere di San Bonaventura. Introduzione generale, Roma 1990,tr. 29). Các lời này trực tiếp hướng chúng ta tới Phúc Âm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu sai Mười Hai Tông Đồ đi truyền giáo lần đầu tiên và Người dặn các ông ngoài một cây gậy đừng mang theo: bánh, bị, tiền giắt lưng, nhưng mang dép và đừng mang hai áo” (Mc 6,7-9). Sau khi hoán cải thánh Phanxicô thành Assisi đã thi hành từng chữ của Phúc Âm và trở thành chứng nhân rất trung thành của Chúa Giêsu, kết hiệp một cách đặc biệt với Chúa trong mầu nhiệm Thập Giá và được biến đổi thành môt ”Kitô khác”.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Toàn cuộc sống của thánh Bonaventura cũng như thần học của người có trọng tâm linh hứng là Chúa Giêsu Kitô. Đó là điều chúng ta tìm thầy trong bài đọc thứ hai của thánh lễ hôm nay: bài thánh thi nổi tiếng trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu Ephêxô. ”Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc, cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1,2). Thánh Phaolô cho thấy chương trình phúc lành đã được thực hiện trong bốn đoạn bắt đầu với từ ”Trong Người” ám chỉ Chúa Giêsu Kitô. ”Trong Người” Thiên Chúa Cha đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ tru; ”Trong Người” chúng ta đã được ơn cứu chuộc nhờ máu của Người; ”Trong Người” chúng ta đã trở thành thừa tự được tiền định ngợi khen vinh quang Người; ”Trong Người” những ai tin vào Tin Mừng nhận được dấu ấn của Chúa Thánh Thần. Bài thánh ca này chứa đựng thị kiến lịch sử mà thánh Bonaventua đã góp phần phổ biến trong Giáo Hội: toàn lịch sử có trung tâm điểm là Chúa Kitô, Đấng bảo đảm cho mọi thời đai sự mới mẻ và canh tân. Trong Chúa Kitô Thiên Chúa đã nói và đã cho mọi sự. Mà bởi vì Người là kho tàng vô tận, Chúa Thánh Thần không bao giờ thôi vén mở và thời sự hóa mầu nhiệm của Người. Do đó, công trình của Chúa Kitô và của Giáo Hội không thụt lùi nhưng tiến triển.

Chúng ta hãy khẩn nài Rất Thánh Maria mà ngày mai chúng ta cử hành như là Trinh Nữ Camelô, để mẹ trợ giúp chúng ta như thánh Phanxicô và thánh Bonaventura, quảng đại đáp trả lại lời mời gọi của Chúa để loan báo Tin Mừng cứu độ của Người bằng lời nói và trước hết bằng cuộc sống.

Trước khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải