CHÚA GIÊSU CHĂM SÓC CHỦ CHĂN LẪN ĐOÀN CHIÊN

 CHÚA GIÊSU CHĂM SÓC CHỦ CHĂN LẪN ĐOÀN CHIÊN

Câu đầu của đoạn Phúc Âm ngắn ngủi hôm nay thuật lại cho chúng ta việc các Tông Đồ từ các miền truyền giáo trở về và thuật lại cho Chúa Giêsu kết quả những gì các vị đã đạt được: "Các Tông Đồ tựu họp chung quanh Chúa Giêsu và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm và mọi điều các ông đã dạy " (Mc 6, 30). Thuật lại sự việc vừa kể, Thánh Marco có ý đặt  liên hệ đoạn Phúc Âm hôm nay với những gì chúng ta đã đọc hôm Chúa Nhật vừa qua, trong cùng chương 6. Hôm đó Thánh Marco cho chúng ta biết là Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai, ban cho các ông quyền trừ quỷ và sai đi thành nhóm từng hai nguời một  (Mc 6, 7).
 
Sau phần khởi đầu làm bối cảnh diễn tả các Tông Đồ trở về sau những ngày đi truyền giáo, Thánh Marco thuật lại biến cố xảy ra trong đoạn Phúc Âm hôm nay và được chia làm hai phần:
 
– phần đầu, câu 31-32, phần đặc biệt lưu ý đến Chúa Giêsu và các Tông Đồ: "Người bảo các ông: chính anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thời giờ mà ăn nữa" (Mc 6, 31-32).
– phần thứ hai, phần lưu ý đặt trọng tâm đến Chúa Giêsu và đoàn lủ dân chúng: "Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy họ nhiều điều" (Mc 6, 36).
 
Đọc câu dẫn nhập, chắc chắn ai trong chúng ta cũng đặc biệt chú ý đến danh từ " Tông Đồ " (Hy Lạp, apóstolos, có nghĩa là " được sai đi " ), đây là lần duy nhứt trong cả Phúc Âm Thánh Marco, danh từ " Tông Đồ, được sai đi ", được dùng để nói về các môn đệ mà Thánh Marco thường đề cập đến: "Các Tông Đồ tựu hợp chung quanh Chúa Giêsu,…". Dùng từ ngữ "các Tông Đồ" ("những người được sai đi rao giảng Phúc Âm", chắc chắn Thánh Marco có ý nhắc lại biến cố được đề cập đến Chúa Nhật vừa qua, lúc Chúa Giêsu " gọi Nhóm Mười Hai và sai đi ": "Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu "sai đi " từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ qủy" (Mc 6, 7).
 
Đặt trọng tâm vào phận vụ " được sai đi " ( Tông Đồ) vừa kể, Thánh Marco lưu ý chúng ta đọc Phúc Âm Ngài, để tâm đến phận vụ, quyền năng của các Tông Đồ hơn là đến địa vị môn đệ, những kẻ đi theo Chúa, thường được Phúc Âm đề cập đến. Và vì các Tông Đồ, những người được sai đi để rao giảng Phúc Âm, thi hành động tác của các Vị nhứt là sau khi Chúa Phục Sinh và Thăng Thiên, thi hành phận vụ truyền giáo của các Vị, nói lên đặc tính sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời, dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần…" (Mt 28, 20).
 
Nhấn mạnh đến sứ mạng "được sai đi " của các Tông Đồ còn được thể hiện rõ hơn nữa, vì Chúa Giêsu không những bắt đầu" sai đi từng hai người một " , mà con trang bị cho các Vị  " quyền giảng dạy quyền trừ qủy " (Mc 6, 7. 12). Và rồi vì danh từ " Tông Đồ " là danh từ quen thuộc, thường được dùng trong các Cộng Đồng Giáo Hội tiên khởi, để diễn tả động tác của Giáo Hội,  như vậy việc dùng danh từ vừa kể trong Phúc Âm, Thánh Marco có ý nói lên cho chúng ta động tác của các Tông Đồ, của Giáo Hội cũng chính là động tác truyền giáo của Chúa Giêsu.
 
Các Tông Đồ, Giáo Hội được Chúa Giêsu " sai đi " rao giảng Phúc Âm, chiến thắng ác qủy xấu xa, thù địch và hảm hại con người, để giải thoát con người bằng chính quyền năng của Chúa Giêsu, " ban cho các ông quyền trừ qủy". Quyền năng rao giảng Tin Mừng và trừ diệt qủy dữ đó cho thấy kết quả, dân chúng nhận ra và đi theo các Tông Đồ: "Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng còn thời giờ mà ăn nữa" (Mc 6, 31), điều mà trước đó chỉ xảy ra đối với Chúa Giêsu: "Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được" (Mc 3, 20).
 
Kể lại cùng một kết quả, "dân chúng kẻ lui người tới quá đông" đối với các môn đệ, cũng như đối với Chúa Giêsu trước đó, Thánh Marco có ý nói cho chúng ta các Tông Đồ cũng dùng chính uy quyền và quyền năng của Chúa Giêsu mà giảng dạy và trừ quỷ. Như vậy quyền năng của các Tông Đồ là chính quyền năng của Chúa Giêsu. Trong Giáo Hội của các Tông Đồ chúng ta có quyền năng giảng dạy của các Vị, quyền năng của Chúa Giêsu, bảo đảm cho đức tin chúng ta là đức tin được nguyên vẹn trao lại cho chúng ta, những gì Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta để sống thông hiệp với Chúa và được cứu rỗi: "Con tin có Giáo Hội duy nhứt, thánh thiện, công giáo và tông truyền…" (Kinh Tin Kính), là vậy.
 
Còn nữa, lời Chúa Giêsu khuyên bảo các Tông Đồ, sau cuộc hành trình truyền giáo mệt nhọc hãy " lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi dôi chút " cũng nói lên cách hành xử của các Vị phù hợp theo thói quen của Chúa Giêsu: "Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó" (Mc 1, 35). Nêu lên tư tưởng đó, Thánh Marco có chỉ cho chúng ta thấy được sự đồng nhứt các động tác truyền giáo của các Tông Đồ và của Chúa Giêsu. Các Tông Đồ tiếp tục sứ mạng truyền giáo duy nhứt của Chúa Giêsu, tác động bằng uy tín và quyền năng của Người, theo phương thức được Người dạy bảo cho.  
 
1 – Lời khuyên bảo của Chúa Giêsu: " Anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng, mà nghỉ ngơi đôi chút…" ( Mc 6, 32) có thể hiểu theo nghĩa đen, liên quan đến việc lấy sức lại sau những hoạt động mệt nhọc tại địa bàn truyền giáo. Nhưng văn mạch của câu văn được tiếp nối sau đó với hình ảnh của Chúa Giêsu là Mục Tử thương yêu đoàn chiên: "Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy đám người rất đông thì chạnh lòng, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều" (Mc 6, 34), cũng như liền sau đó,  biến cố vì thương yêu đoàn lủ theo Người đến xế chiều không có gì ăn, Người làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều để nuôi nấng ( Mc 6, 35-44), làm cho chúng ta dễ liên tưởng đến những gì nội dung Thánh Vịnh 23 muốn nói lên cùng một bối cảnh.
 
Câu 2 của Thánh Vịnh 23 được Giáo Hội dùng trong Phụng Vụ như câu hát đối đáp ( responsoriale) để nói lên tâm tình chăm sóc của Thiên Chúa là mục tử đối với dân Ngài, cho đoàn chiên của Ngài tĩnh dưỡng, nghỉ ngơi, vững chắc và no đủ: "Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu gì. Trong đồng cỏ xinh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi" (Ps 23, 1.3). Như vậy động từ "nghỉ ngơi " của câu Phúc Âm Mc 6, 34 vừa nhắc đến ở trên, cũng là động từ " nằm nghỉ " (Hy Lạp, anapauso) của Thánh Vinh 23 chúng ta vừa đọc, nói lên trạng thái thanh thoảng, bình an bên ngoài và nội tại trong tâm hồn, diễn tả cử chỉ chăm lo và tình thương của Chúa Giêsu đối với các Tông Đồ, khi Người bảo các Vị đi nghỉ ngơi, hình ảnh thảnh thơi và tự do của ơn  cứu rỗi Ngài đem đến cho các Vị và kế đến giao cho các Vị tiếp tục công việc của Ngài đem đến cho đoàn chiên.
 
Động từ "nằm nghỉ " ( anapauso) của Thánh Vịnh 23 cũng có cùng ý nghĩa với những gì Chúa Giêsu kêu gọi mọi người hãy đến với Ngài, để được yên tĩnh, thanh thoảng và cứu rỗi trong Phúc Âm Thánh Matthêu: "Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng" (Mt 11, 28). Hiểu như vậy, chúng ta thấy lời khuyên của Chúa Giêsu đối với các Tông Đồ sau chuyến đi truyền giáo, không những là nghỉ tĩnh dưỡng vật chất thể xác, yên tỉnh quân bình lại tinh thần cũng như cảm xúc của công việc mệt nhọc, mà còn nghỉ để vượt thắng mọi khó khăn, mệt mỏi và âu lo về cuộc sống mà chỉ có Chúa mới bồi dưỡng cho được.
 
2 – Trong phần hai của đoạn Phúc Âm, như đã nói, Thánh Marco chú ý đến mối tương quan giữa Chúa Giêsu và đoàn lủ dân chúng, cách Chúa hành xử như là Mục Tử Nhân Lành thương yêu chiên: "Chúa Giêsu thấy đám người rất đông, thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt " (Mc 6, 34). Có lẽ câu Phúc Âm vừa kể được Thánh Marco ghi lại liên tưởng đến câu nói của Thiên Chúa trong sách Dân Số, trruyền lệnh cho Moisen đặt Josué thay thế ông để hướng dẫn dân Chúa: "Người ấy sẽ ra vào trước chúng và dẫn chúng ra vào, để cộng đồng của Thiên Chúa đừng giống như đoàn chiên không người chăn dắt      (Nm 27, 17).
 
Cựu Ước khi nói về dân Chúa, thường đề cập đến các vị thủ lãnh, các vị vua, bị khiển trách về cách hành xử vô trách nhiệm của họ đối với dân. Đó là những gì sách tiên tri Geremia thuật lại, và chúng ta đã được nghe ở bài đọc thứ nhất: "Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác…, chính các ngươi làm cho đoàn chiên ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Nầy Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi và trừng phạt các ngươi… " (Ger 23, 1-2).
 
Qua những gì sách tiên tri Geremia ghi lại, chúng ta thấy được lòng chăm lo của Thiên Chúa đối với dân Người, sai thủ lãnh, vua quan đến để hướng dẫn, lo lắng chăm sóc cho dân, Nhưng họ hành xử tắc trách, ích kỷ và vô trách nhiệm, " chính các ngươi làm cho đoàn chiên ta phải tan tác, thất lạc". Trước thảm trạng đó của đàn chiên, dân Người, Thiên Chúa hứa sẽ can thiệp bằng cách trước tiên chính Người hành xử như là Mục Tử lo lắng quy tựu chiên lại: "Chính Ta sẽ quy tựu đoàn chiên Ta còn sót lại,  từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến, Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nẩy nở thật nhiều" (Ger 23, 3). Và sẽ thiết lập những mục tử mới: "Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa" (Ger 23, 4 ).
 
3 – Và cùng với lời hứa vừa kể của Thiên Chúa, thiết lập mục tử mới cho chiên, tiên tri Geremia thêm lời sấm của Chúa có liên quan đến Đấng Cứu Thế, xuất thân từ họ tộc David,  đem đến cho loài người công lý của Thiên Chúa hay ban cho chúng sự cứu rỗi: "Nầy, sẽ tới những ngày – sấm ngôn Thiên Chúa – Ta sẽ làm nảy sinh cho  nhà David một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành những điều chính trực công minh. Thời bấy giờ Giuda sẽ được cứu thoát, Israel được sống yên lành. Danh hiệu người ta sẽ tặng vua ấy là: Thiên  Chúa công chính của chúng ta" (Ger 23, 5-6).
 
Trên nền tảng Cựu Ước vừa kể, chúng ta hiểu được nỗi "chạnh lòng thương " của Chúa Giêsu đối với đoàn lủ dân chúng đi theo Người, không những chỉ là xúc động, cảm tình đơn sơ của con người đứng trước tình trạng đáng thương của người khác, mà là lòng thương xót đầy tràn của Thiên Chúa, chăm lo và thương yêu đoàn chiên của Người: "Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng; chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi " (Ger 23, 4).
 
Hiểu như vậy, diển tả Chúa Giêsu " chạnh lòng thương " đối với đám đông đi theo Ngài, Thánh Marco có ý xác nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu đến để đem lại cho con người công lý của Thiên Chúa, nhưng không phải bằng động tác lãnh đạo, cai trị của các vị quân vương, mà đúng hơn là một vị Thầy, đến để dạy dỗ, chỉ bảo phải trái cho dân. Tư tưởng vừa kể hợp với ý niệm của Thánh Vịnh 23, xin Chúa ban cho một vị mục tử duy nhứt và chăm lo cho đoàn chiên, hướng dẫn con người trên đường ngay nẻo chánh: "Người dẫn tôi trên đường ngay, nẻo chánh, vì danh dự của Người " (Ps 23, 3).
 
4 – Như vậy, đứng trên bình diện tường thuật diễn biến, phần hai (Mc 6, 33-34) và phần đầu ( Mc 6, 31-32) của đoạn Phúc Âm hôm nay có vẻ tương phản nhau.
Sự hiện diện của đoàn lủ quá động đảo ( Mc 6, 33-34) đã làm cho Chúa Giêsu và các Tông Đồ không thể thực hiện đưọc những gì đã dự tính: "Quả thế, kẻ tới người lui quá đông, nên các ông cũng chẳng có thời giờ ăn uống nữa" (Mc 6, 31-32). Nhưng suy nghĩ kỷ hơn, cả hai phần của đoạn Phúc Âm đều gặp được sự hoà hợp trong con người Chúa Giêsu, Đấng mà Thánh Marco có ý xác nhận với những ai đọc Phúc Âm hôm nay: Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, Đấng thương yêu dân Ngài, đến để đem lại an bình, " nghỉ ngơi ", công chính và ơn cứu rỗi.
 
Thực tại vừa kể được Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đem đến, không thể chỉ được giới hạn dành riêng cho một số ít ( Mười Hai Tông Đồ, ở riêng nghỉ ngơi với Chúa Giêsu), mà còn phải được ban phát cho nhiều người, "Chúa Giêsu thấy đám người rất đông thì chạnh lòng thương…Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều". Cũng vậy đức công chính của Thiên Chúa và ơn cứu rỗi không thể chỉ được hạn hẹp dành cho dân Israel, mà còn dành cho cả dân ngoại, cho hết mọi người. Đó là những gì Thánh Phaolồ viết cho các tín hữu Epheso, chúng ta được nghe ở bài dọc hai: "Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta. Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một. Người đã hy sinh thân mình để phá đỗ bức tường ngăn cách là sự thù ghét…Như vậy, khi thiết lập hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhứt, nơi chính bản thân Người" (Eph 2, 14-15).
 
Ngoài ra hai đoạn văn của Phúc âm hôm nay cũng cho chúng ta thấy, mối lo âu khuyên cúa Tông Đồ "ra đi đến một nơi thanh văng mà nghỉ ngơi" (Mc 6, 31), cũng do cùng một mục đích thúc đẩy " thấy đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt" (Mc 6, 34). Nghỉ ngơi để lấy lại nghị lực, rồi đây các Tông Đồ cũng sẽ đảm nhận trách nhiệm mục tử đối với " đám người rất đông…không người chăn dắt ".
 
Trong cùng một tâm tình vừa kể với Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải biết chăm lo, thương yêu và cầu nguyện cho các vị chủ chăn của chúng ta.

 
Nguyễn Học Tập

Comments are closed.