Đức Thánh Cha tôn phong 7 hiển thánh

Đức Thánh Cha tôn phong 7 hiển thánh

VATICAN. Sáng chúa nhật 21 tháng 10-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã tôn phong 7 vị chân phước lên bậc hiển thánh, trước sự hiện diện của gần 90 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô.

Từ 9 giờ sáng, trong khi chờ đợi buổi lễ bắt đầu, ca đoàn hát thánh ca, rồi cộng đoàn đọc kinh Mân Côi, xen lẫn những bài hát do ca đoàn gồm 200 ca viên đảm trách.

Bên trái bàn thờ trên thềm Đền thờ Thánh Phêrô được dành cho các phái đoàn chính phủ và các nhà ngoại giao và nhiều tín hữu khác; bên phải dành cho 50 HY và đông đảo các nghị phụ và giáo sĩ, tu sĩ. Trên mặt tiền đền thờ có treo chân dung khổng lồ của 7 vị thánh mới.

Khác với những lần phong thánh trước đây, lần này theo quyết định của ĐTC, lễ nghi phong thánh được cử hành trước khi thánh lễ bắt đầu. Đúng 9 giờ 20 chuông Đền thờ được đánh lên rồi 50 vị đồng tế gồm 6 HY, 18 GM và 26 LM có liên hệ đặc biệt với 7 tiến chức hiển thánh, cùng với ĐTC đi rước từ bên trong Đền thờ ra lễ đài, trong khi ca đoàn hát kinh cầu các thánh.

Sau khi ĐTC hôn và xông hương bàn thờ, rồi an tọa trên toà của ngài, ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, cùng với 7 vị thỉnh nguyện viên tiến lên trước ĐTC thực hiện nghi thức 3 lần thỉnh cầu ngài ghi tên 7 vị chân phước vào sổ bộ các thánh.

Đáp lại lời thỉnh cầu thứ I, ĐTC mời gọi các tín hữu hiệp với ngài qua lời nguyện khẩn cầu ơn phù trợ của Chúa, của Mẹ Maria và các thánh cho việc làm hệ trọng chúng ta sắp thực hiện.

Rồi ĐHY Amato lại thỉnh cầu ĐTC lần thứ hai. Ngài đáp lại bằng lời mời gọi toàn thể cộng đoàn cầu xin ơn Chúa Thánh Thần phù trợ. Sau bài thánh ca Veni Creator, ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong thánh lại xin ĐTC lần thứ ba và đáp lại, lần ngày ngài long trọng đọc công thức:

Đ tôn vinh Chúa Ba Ngôi, đ tuyên dương đc tin Công Giáo và tăng cường đời sống Kitô, với quyền bính của Chúa Kitô, của hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và của Chúng Tôi, sau khi đã cầu nguyện lâu và suy nghĩ chín chắn, với ơn phù trợ của Chúa, sau khi lắng nghe ý kiến của nhiều anh em trong hàng GM, Chúng Tôi tuyên bố và xác đnh các chân phước: Jacques Berthieu, Phêrô Calungsod, Giovanni Battista Piamarta, Maria Carmen Sallés y Barangueras, Marianne Cope, Kateri Takakwitha và Anna Schaeffer là thánh và ghi tên các vị vào sổ bộ các thánh và truyền phải sốt sắng tôn kính các vị trong toàn thể Giáo Hội”.

 

Cộng đoàn tung hô Amen ba lần, trước khi thánh tích của các vị được rước lên đặt cạnh bàn thờ và được xông hương tôn kính, rồi ca đoàn và mọi người hát kinh Te Deum, tạ ơn Thiên Chúa:
ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong thánh tiến lên ngỏ lời cám ơn ĐTC và thánh lễ được chính thức bắt đầu với bài ca nhập lễ, và diễn tiến như trong các thánh lễ chúa nhật.

 

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Giảng sau bài Tin Mừng về sự tích hai anh em ông Gioan và Giacôbê xin Chúa Giêsu cho ngồi bên hữu và bên tả Người khi Người được vinh quang, ĐTC nhấn mạnh lời Chúa Giêsu:
”Con người đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Xc Mc 10,45). Những lời này trở thành chương trình sống của 7 vị Chân Phước mà hôm nay Giáo Hội long trọng ghi tên vào hàng ngũ vinh hiển của các thánh. Các ngài đã anh dũng dâng mạng sống mình, tận hiến cho Thiên Chúa và quảng đại phục vụ anh chị em đồng loại. Các vị là con cái của Giáo Hội, đã chọn con đường phục vụ noi gương Chúa. Sự thánh thiện trong Giáo Hội luôn có nguồn mạch từ mầu nhiệm cứu chuộc, được ngôn sứ Isaia báo trước trong bài đọc thứ I: Vị Tôi Tớ Chúa là người Công Chính ”làm cho nhiều người nên công chính, Người mang lấy tội lỗi của họ” (Is 53, 11), Đó chính là Chúa Giêsu Kitô, chịu đanh, sống lại và đang sống trong vinh quang. Lễ phong thánh hôm nay là lời khẳng định hùng hồn về thực tại cứu độ huyền nhiệm ấy. Sự kiên trì của 7 môn đệ Chúa Kitô trong việc tuyên xưng đức tin, sự trở nên đồng hình dạng của các Vị với Con Người ngày hôm nay đang chiếu tỏa rạng ngời trong toàn Giáo Hội.

Đến đây, ĐTC lần lượt tóm lượt tiểu sử và sứ điệp nổi bật của 7 vị thánh mới:

1. Trước tiên là cha Jacques Berthieu, sinh năm 1838 tại Pháp, sớm được Chúa Kitô chinh phục. Trong khi làm việc mục vụ giáo xứ, cha nồng nhiệt mong ước cứu vớt các linh hồn. Trở thành tu sĩ dòng Tên, cha muốn rong ruổi trên thế giới để làm vinh danh Chúa. Là mục tử không biết mệt mỏi tại đảo Santa Maria rồi tại Madagascar, cha tranh đấu chống lại bất công, nâng đỡ người nghèo và bệnh nhân. Người dân Madagascar coi cha như một LM đến từ trời, họ nói: Cha là ”cha mẹ của chúng con!”. Cha trở nên mọi sự cho mọi người, kín múc trong kinh nguyện và trong lòng yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu sức mạnh nhân bản và linh mục để đạt tới cuộc tử đạo vào năm 1896. Khi trút hơi thở cuối cùng, cha nói: ”Tôi thà chết còn hơn từ bỏ đức tin của tôi”. Các bạn thân mến, ước gì cuộc sống của nhà truyền giáo này khích lệ và nêu gương cho các linh mục, để các vị trở thành những người của Thiên Chúa như thánh Berthieu! Ước gì tấm gương của thánh nhân trợ giúp các tín hữu Kitô đang bị bách hại ngày nay vì đức tin! Ước chi sự chuyển cầu của thánh nhân trong Năm Đức Tin này mang lại thành quả cho Madagascar và Phi châu! Xin Chúa chúc lành cho dân tộc Madagascar!

2. Pedro Calungsod sinh khoảng năm 1654, tại vùng Visayas bên Philippines. Tình yêu của thánh nhân đối với Chúa Kitô thúc đẩy Người trở thành giáo lý viên cùng với các thừa sai dòng Tên tại nơi ấy. Năm 1668, cùng với các giáo lý viên trẻ khác, Pedro tháp tùng cha Diego Luis de San Vitores tới quần đảo Marianas để rao giảng Tin Mừng cho dân tộc Chamorro. Cuộc sống tại đó rất vất vả cam go và các thừa sai bị bách hại vì ghen tương và vu khống. Nhưng Pedro đã chứng tỏ niềm tin và đức ái sâu xa, và tiếp tục dạy giáo lý cho nhiều tân tòng, làm chứng về Chúa Kitô qua cuộc sống khiết tịnh và tận tụy đối với Tin Mừng. Thánh nhân nồng nhiệt mong ước đưa các linh hồn về cùng Chúa Kitô, và điều này càng làm cho Người kiên quyết trong việc chấp nhận tử đạo. Pedro Calungsod qua đời ngày 2-4-1672. Các chứng nhân kể lại rằng Pedro tuy có thể thoát thân nhưng đã quyết định ở lại cạnh cha Diego. Vị linh mục đã ban phép xá giải cho Pedro trước khi bị giết. Ước gì tấm gương và chứng tá can đảm của thánh Pedro Calungsod gợi hứng cho các dân tộc yêu quí tại Philippines mạnh mẽ rao giảng Nước Chúa và đưa nhiều linh hồn về cùng Chúa.

3. Giovanni Battista Piamarta, linh mục giáo phận Brescia là đại tông đồ bác ái và của giới trẻ. Cha cảm thấy đạo Công Giáo cần phải hiện diện về văn hóa và xã hội trong thế giới tân tiến, vì thế cha tận tụy nâng cao đời sống Kitô, luân lý và nghề nghiệp cho các thế hệ trẻ với tấm gương rạng ngời của cha về tình người và lòng từ nhân. Được linh hoạt nhờ niềm tín thác không lay chuyển nơi Chúa Quan Phòng và với tinh thần hy sinh sâu xa, cha đương đầu với những khó khăn và vất vả để thành lập nhiều tổ chức tông đồ, trong đó có Học viện Artigianelli, nhà xuất bản Queriniana, Dòng nam Thánh Gia Nazareth, và dòng các nữ tỳ khiêm hạ của Chúa. Bí quyết cuộc sống khẩn trương và cần cù của cha chính là những giờ cầu nguyện lâu giờ. Khi bị tràn ngập công việc, cha gia tăng thời gian gặp gỡ, tâm sự với Chúa. Cha thích dừng lại trước Mình Thánh Chúa, suy niệm về cuộc khổ nạn, sự chết và sống lại của Chúa Kitô, để kín mục sức mạnh tinh thần và tái ra đi chinh phục tâm hồn tha nhân, đặc biệt là những người trẻ, để đưa họ trở lại nguồn sống với những sáng kiến mục vụ luôn mới mẻ”.

4. ”Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu Chúa: chúng con hy vọng nơi Chúa”. Với những lời này, phụng vụ mời chúng ta hãy nhận thánh ca này dâng lên Thiên Chúa Tạo Hóa và Quan phòng như của chúng ta, chấp nhận dự phóng của Chúa dành cho đời sống chúng ta. Thánh nữ Maria del Carmelo Sallés y Barangueras, đã làm như vậy. Người là nữ tu, sinh trưởng tại Vic bên Tây Ban Nha năm 1848. Khi thấy hy vọng của mình được thành tựu sau nhiều thăng trầm khi chiêm ngắm sự phát triển của Dòng các nữ tu Đức Mẹ Vô Nhiễm chuyên về giáo dục, mà Mẹ đã thành lập năm 1892, Mẹ đã có thể hát lên cùng với Mẹ Thiên Chúa: ”Từ đời này đến đời kia, lượng từ bi của Chúa trải dài trên những người kính sợ Chúa”. Công trình giáo dục của Mẹ, được phó thác cho Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, tiếp tục mang lại những hoa trái dồi dào nơi giới trẻ nhờ sự dấn thân quảng đại của các con cái của Mẹ, những người như Mẹ đã phó thác trong tay Chúa là Đấng có thể làm mọi sự.

5. Giờ đây chúng ta hãy hướng nhìn về thánh nữ Marianne Cope, sinh năm 1838 tại Heppenheim bên Đức. Khi mới được 1 tuổi, Marianne được đưa sang Hoa Kỳ và năm 1862 gia nhập dòng Ba Phanxicô tại viện ở Syracure New York. Sau đó với tư cách là Bề trên (tổng quyền) của dòng, Mẹ Marianna tự nguyện đón nhận ơn gọi chăm sóc những người cùi trong quần đảo Hawaii, sau khi nhiều người khác khước từ. Cùng với 6 chị em, Mẹ đến đó để điều khiển một nhà thương ở đảo Oahu, rồi sau đó lập nhà thương ở Malulani trên đảo Maui, mở một nhà cho các thiếu nữ con của những người cùi. 5 năm sau, Mẹ nhận lời mời mở một nhà cho các phụ nữ và thiếu nữ tại chính đảo Molokai, can đảm đích thân đến đó và chấm dứt liên lạc với thế giới bên ngoài. Tại đó Mẹ chăm sóc cha Damien, vốn nổi tiếng vì hạt động anh dũng nơi những người cùi, chăm sóc cha cho đến chết và tiếp nối cha nơi những người cùi nam giới. Khi còn có thể làm chút ít cho những người đau khổ vì căn bệnh kinh khủng này, Mẹ Marianne Cope chúng tỏ tình yêu, lòng can đảm và hăng say cao cả nhất. Mẹ là mẫu gương sáng ngời và mạnh mẽ về truyền thống Công Giáo tốt đẹp nhất trong việc săn sóc những chị em và theo tinh thần của thánh Phanxicô yêu quí.

6. Kateri Tekakwitha sinh năm 1656 tại nơi nay thuộc bang New York, thân phụ là người bộ lạc Mohak và mẹ mà tín hữu Công Giáo thuộc bộ lạc Algonchina, người đã thông truyền cho Kateri cảm thức về Thiên Chúa hăng sống. Kateri được rửa tội năm 20 tuổi, và tránh các cuộc bách hại, tị nạn đến cứ điểm truyền giáo thánh Phanxicô Xavie gần Montréal. Tại đó, Kateri làm việc, trung thành với truyền thống của dân tộc mình, và cũng từ bỏ những xác tín tôn giáo của bộ tộc, cho đến khi qua đời lúc 24 tuổi. Với cuộc sống đơn sơ, Kateri trung thành với tình yêu Chúa Giêsu, kinh nguyện và thánh lễ h;ăng ngày. Ước mong lớn nhất của Kateri là được biết Chúa và làm những gì đẹp lòng Chúa.


Kateri mang lại cho chúng ta ấn tượng mạnh về hoạt động của ơn thánh trong cuộc sống của thánh nữ, – vốn không được những nâng đỡ từ bên ngoài,- và về lòng can đảm trong ơn gọi rất đặc biệt trong nền văn hóa của thánh nữ. Nơi Kateri, đức tin và văn hóa làm cho nhau được phong phú. Ước gì tấm gương của thánh nữ giúp chúng ta sống tại nơi chúng ta đang sở, mà không từ bỏ thực chất của chúng ta, yêu mến Chúa Giêsu! Lạy Thánh Nữ Kateri, bổn mạng của Canada và là vị thánh đầu tiên thuộc thổ dân bắc Mỹ, chúng con phó thác cho thánh nữ sự canh tân đức tin của các thổ dân trên toàn Bắc Mỹ! Xin Chúa chúc lành cho các thổ dân!
7. Anna Schaeffer người làng Mindelstetten, khi còn trẻ đã muốn gia nhập một dòng thừa sai. Vốn xuất thân từ gia đình khiêm hạ, Anna làm công trong một gia đình với ý định kiếm đủ tiền hồi môn để được đón nhận vào một tu viện. Trong công việc ấy, Anna bị tai nạn, bị phỏng nặng ở hai chân không thể lành được, khiến cô bị liệt giường suốt đời. Và thế là chiếc giường đau khổ trở thành căn phòng tu viện đối với Anna, và đau khổ trở thành hoạt động truyền giáo của thánh nữ. Thoạt đầu Anna than thân trách phận, nhưng rồi Anna tiến đến mức biết giải thích tình trạng của mình như tiếng gọi yêu thương của Đấng Chịu Đóng Đanh, mời gọi Anna bước theo Ngài. Được an ủi hằng ngày nhờ việc rước lễ, Anna trở thành một dụng cụ không biết mệt mỏi chuyển cầu bằng kinh nguyện và phản ánh tình thương của Thiên Chúa cho nhiều người đến xin Anna lời khuyên bảo. Ước gì hoạt động tông đồ bằng lời cầu nguyện và bằng đau khổ, hy sinh và đền tạ của thánh nữ là tấm gương rạng ngời cho các tín hữu tại quê hương, và ước gì lời chuyển cầu của thánh nữ củng cố phong trong Công Giáo Hospice, gồm những trung tâm săn sóc chống đau cho các bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời, trong công tác phục vụ tốt lành.

Và ĐTC kết luận rằng:
”Anh chị em thân mến, các vị thánh mới, tuy có nguồn gốc, ngôn ngữ, quốc tịch và hoàn cảnh xã hội khác nhau, nhưng đều liên kết với toàn thể Dân Chúa trong mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc. Cùng với các ngài, cả chúng ta nơi đây, hiệp với các nghị phụ Thượng HĐGM đến từ các nơi trên thế giới, liên kết với những lời của Thánh Vịnh tung hô Chúa là ”ơn phù trợ và là khiên thuẫn của chúng ta”, và chúng ta cầu xin Chúa: ”Lạy Chúa, ước gì tình thương Chúa đổ trên chúng con, như chúng con hy vọng nơi Chúa' (Tv 32,20-22). Ước gì chứng tá của các vị thánh mới, cuộc sống các ngài quảng đại dâng hiến vì tình thương Chúa Kitô, nói với toàn thể Giáo Hội ngày nay, và lời chuyển cầu của các ngài củng cố và nâng đỡ Giáo Hội, trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới.

Trong phần rước lễ, 280 linh mục và phó tế đã tản ra các nơi ở quảng trường để mang Mình Thánh Chúa cho các tín hữu. Và chính ĐTC đã cho hàng chục tín hữu rước lễ.

Cuối thánh lễ, vào lúc 11 giờ 40, ĐTC chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin. Trong lời nhắn nhủ trước khi đọc kinh, ngài mời gọi các tín hữu hướng về Mẹ Maria, Nữ Vương các thánh, và đặc biệt nghĩ đến Lộ Đức, bị lụt vì mưa lũ làm nước sông Gave dâng cao, ngập cả Hang Đá Đức Mẹ hiện ra. ĐTC nói: ”Đặc biệt hôm nay, chúng ta hãy phó thác cho sự bảo vệ từ mẫu của Mẹ Maria các thừa sai nam nữ, các LM, tu sĩ và giáo dân, đang gieo hãi hạt giống tốt lành của Tin Mừng. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho Thượng HĐGM, trong những tuần lễ này đang đương đầu với thách đố tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin.

Bằng nhiều thứ tiếng, ĐTC cũng chào thăm các phái đoàn chính quyền và các tín hữu đến tham dự lễ phong thánh. Sau kinh truyền tin, ĐTC đã ban phép lành cho các tín hữu như mọi khi.

Các phái đoàn
Sau thánh lễ, tại nhà nguyện Đức Mẹ Sầu Bi trong đền thờ thánh Phêrô, các phái đoàn chính phủ đã được ĐTC đặc biệt chào thăm:

Phái đoàn Philippines gồm 7 người do Phó Tổng thống Jejomar Binay hướng dẫn; phái đoàn Tây Ban Nha gồm 22 người do Bộ trưởng nội vụ Jorge Fernandez Díaz làm trưởng đoàn; Phái đoàn Pháp có 22 người do Bộ trưởng nội vụ Manuel Valls; phái đoàn Canada gồm 10 người do chủ tịch Hạ viện liên bang Ông Andrew Sheer; phái đoàn Italia có 10 người do bộ trưởng y tế Renato Balduzzi, phái đoàn Đức có 6 người cho Chủ tịch nghị viện bang Bavaria bà Barbara Stam hướng dẫn; phái đoàn Hoa Kỳ gồm 5 người do Đại sứ Miguel Diaz cạnh Tòa Thánh đại diện, và phái đoàn Madagascar có 6 người do bà Annick Rajaona, trưởng Văn phòng ngoại giao, cầm đầu.

Trong gần 8 năm làm Giáo Hoàng, ĐTC Biển Đức 16 đích thân tôn phong 43 vị hiển thánh, kể cả 7 vị sáng 21 tháng 10-2012, và ngoài ra có hơn 600 vị chân phước được tôn phong, do Tông Thư của ngài, và thường là một vị Hồng Y, nhất là ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong thánh, chủ sự các lễ phong chân phước. Đa số các vị chân phước được tôn phong trong thời gian qua là các vị tử đạo trong thời nội chiến tại Tây Ban Nha từ 1936 đến 1939.

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

GIÁO DÂN TRUYỀN GIÁO

GIÁO DÂN TRUYỀN GIÁO

Suy niệm nhân ngày Truyền Giáo 2012

Lệnh Chúa Giêsu truyền: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" ( Mt 28, 19 – 20 ).

Kinh Tân Phúc Âm Hóa có đoạn:

“Xin đổ Thần Trí của Cha, nhờ đó con được tăng thêm sức mạnh để ra đi và làm chứng nhân cho Tin Mừng mọi ngày trong đời sống của con, bằng lời nói và việc làm.

Trong những lúc hoang mang, xin nhắc con:

Nếu không là con, thì ai sẽ rao truyền Phúc Âm ?

Nếu không phải là lúc này, thì khi nào Phúc Âm sẽ được loan truyền ?

Nếu không phải là chân lý Phúc Âm, thì điều gì con sẽ công bố ?”

“Nếu không là con, thì ai sẽ rao truyền Phúc Âm”. Lời kinh mời gọi mỗi chúng ta khẳng định lại sứ vụ truyền giáo mà mỗi Kitô Hữu Công Giáo đã được nhận lãnh ngay trong Bí Tích Thánh Tẩy và phải thi hành sứ vụ ấy như một bổn phận.

Như thế là: không phải ai khác, nhưng chính tôi là người truyền giáo. Không phải lúc nào khác nhưng ngay bây giờ là lúc phải truyền giáo. Không điều kiện nào khác, nhưng chính trong điều kiện này là điều kiện mà tôi phải truyền giáo.

Thiết tưởng cần xóa ngay đi não trạng xưa cũ của một thời mà Giáo Dân và cả các Giáo Sĩ cũng xem việc truyền giáo là chuyện dành riêng của Giáo sĩ mà thôi, và Giáo Dân tự xem hoặc bị xem quá thấp kém, quá tầm thường, có khi là quá tội lỗi nữa, biết gì mà truyền giáo !?! Đúng là một não trạng tệ hại vô cùng !

Và còn tệ hơn nữa khi có Giáo Dân nào đó nhiệt thành quá một chút là có thể bị Giáo Sĩ kết án ngay là “phá hoại” Giáo Hội. Người phá hoại Giáo Hội là người sống không đúng ơn gọi của mình. Người sống đúng ơn gọi của mình không thể kể họ vào loại phá hoại được. Ơn gọi truyền giáo là ơn gọi của tất cả mọi người Kitô hữu Công Giáo, không phân biệt Giáo Sĩ hay Giáo Dân.

Trong điều kiện hết sức khó khăn của những Giáo Dân sống trong thời đại con người ta chỉ lo cơm áo gạo tiền, tôi đã thấy những gương chứng nhân Đức Tin thật đáng kể. Họ là những người Công Giáo tốt từ lúc ăn gạo chợ uống nước sông đến ngày có cơ ngơi vững chãi.

Có người truyền giáo bằng xe hơi vì họ đã có được chiếc xe 7 chỗ hẳn hoi, và họ gọi đó là chiếc xe “7 Hồng Ân”. Mừng cho họ là họ có ý thức tạ ơn và đã dùng xe hơi cho việc truyền giáo. Lại có anh hội viên Legio có xe đạp, truyền giáo bằng xe đạp. Mừng cho anh, tạ ơn Chúa với anh vì anh không chần chừ, không chờ đợi ước mong có xe hơi mới truyền giáo được. Có người có nhà cao cửa rộng họ sử dụng cái giàu có của họ cho việc truyền giáo, còn chị Lòng Chúa Thương Xót, chỉ có mỗi căn nhà lá, trống trước trống sau, làm chỗ học Giáo Lý cho đôi ba người dân tộc. Cảnh thiên đường đẹp quá !

Nhìn lại, những lần Đại Hội Loan Báo Tin Mừng với việc học hỏi các Văn Kiện lớn lao về Truyền Giáo, thành phần được mời tham dự toàn là những  người có chức, có quyền, có bằng cấp, có ăn có học, được coi là bậc vị vọng, hoặc ít ra cũng là những người đang có chức vụ trong Giáo Hội. Có ai lại đi mời bà bán cháo lòng, bán bánh canh, bán đậu hủ, bán vé số, người xa quê, kẻ làm thuê, người khuyết tật, kẻ hành khất, hạng nghèo hèn trong xã hội… tham dự đâu ? Có phải vì họ là cấp thấp bé trong Giáo Hội thì biết gì mà loan báo Tin Mừng chăng ? Thiết tưởng, bao lâu người Giáo Dân còn bị đánh giá là thành phần thấp bé hèn mọn dưới con mắt của Giáo Hội Địa Phương, thì bấy lâu, Giáo Hội tiếp tục phạm phải một sai lầm đáng kể.

Này nhé, tưởng là họ đi Lễ họ không chú ý nghe giảng sao ? Không phải thế đâu! Họ đã lắng nghe, nghe rất rõ, nghe rất kỹ đấy. Lại tội nghiệp cho người cố gắng lắng nghe mà nghe không được, bởi Nhà Thờ thì to đùng, xây dựng đủ thứ hạng mục công trình, sắm sửa đủ thứ xa xỉ mà âm thanh lại chẳng nghe được gì, đúng là chỉ để… xem lễ chứ có nghe được gì đâu ? Đáng tiếc mà cũng đáng trách !

Đừng lầm tưởng, hãy biết những Giáo Dân thấp bé kia, không chỉ nghe mà còn muốn nghe thật kỹ, thật rõ, và còn hơn thế nữa, nghe và đối chiếu điều người đã giảng với điều người đã sống. Cuối cùng, may quá, cách thể hiện đạo đức nhất của họ là làm theo những điều đã nghe, chứ không làm theo những điều đã thấy.

Tôi tin rằng Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động và hoạt động cách mạnh mẽ nhất, hữu hiệu nhất, ấn tượng nhất trong chính những con người thấp bé ấy. Nhờ ơn Thánh Thần, họ được sức mạnh can trường trong đau thương, họ được niềm vui sống công chính ngay trong “cái túi” của số phận, họ được vinh dự làm chứng cho một Đạo Công Giáo luôn có niềm tin mãnh liệt vào hạnh phúc đời sau, họ được diễm phúc có một hoàn cảnh thấp bé mà sứ vụ truyền giáo thì ngược lại, không nhỏ bé chút nào. Họ sống Tin Mừng cách thiết thực nhất ngay trong điều kiện kém cỏi và hoàn cảnh khó khăn của chính họ. Thật đáng quí công cuộc truyền giáo không tên tuổi, không ai quan tâm của những Giáo Dân mạt hạng, kém trình độ, nghèo khổ, thấp hèn !

Cộng tác vào công cuộc truyền giáo của Chúa Giêsu ngày ấy, nào có phải là những thầy Kinh Sư và thầy Thông Luật đâu, chỉ toàn là những người đánh cá nhiều phần là mù chữ, là mấy tên thu thuế được xếp vào phường tội lỗi, là chị kia năm đời chồng đi kín nước, là cô kia làm nghề buôn son bán phấn, là người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang cần phải lãnh án ném đá cho đến chết, là tên trộm bị trói trên giá ngay bên hữu Chúa, là một người Samari nhân hậu, là người đàn bà bị băng huyết kinh niên, là chú què được nhảy như nai, là cậu mù được sáng mắt, là anh phung cùi được sạch…

Thời nay không còn là thời điểm truyền giáo của những Giáo Dân mạt hạng ấy sao ? Hẳn không phải là thời buổi truyền giáo của những thầy Thông Luật mà lại chẳng giữ luật đấy chứ ?

Hãy đến “xem nơi Người ở, và ở lại với Người”, những con người thấp bé nhất trong xã hội, trong Giáo Hội, họ đang sống rất anh hùng giữa những đau thương của cuộc đời xoàng thường nhất trong thiên hạ, nhưng lại là những chứng nhân sống động nhất của Tin Mừng.

Để kết, xin mượn truyện rất ngắn của tác giả Ba Chuông có tựa đề “Truyền Giáo” tôi vừa mới đọc được trên baicamoi.com:

“Xóm trên, Cậu Út ở với cha mẹ già, đi làm thuê về, xe tông, gãy chân, gãy sườn. Có mấy người hàng xóm đến thăm.

Chị Tám bán bánh canh xóm dưới cũng lên thăm. Thấy chạnh lòng, chị rút tờ hai trăm ngàn dúi vào tay vợ cậu Út. Có người nhìn thấy. Người ấy không ai khác là bà Tư, chủ nợ của chị Tám. Bà Tư không phải người Công Giáo.

Chị Tám bán bánh canh, mượn đầu heo nấu cháo, vay bà Tư 3 triệu, hằng tháng trả lãi 7 phân.Cuối tháng, chị Tám đến bà Tư trả tiền lãi. Bà Tư lấy một nửa, cho lại chị một nửa. Còn khen: “Tui không ngờ chị lại có lòng thương người như vậy. Ít thấy được người Công Giáo như chị. Biết sẻ chia lúc hoạn nạn mới là người Công Giáo tốt”.

Lạy Chúa, xin cho mọi việc chúng con làm đều vì danh Cha cả sáng. Amen.”

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì đã và đang có những giáo dân thấp bé nhất nhiệt thành sống đức tin giữa hoàn cảnh bi thương nhất trong cuộc đời. Xin cho mỗi ngày một nhiều hơn những giáo dân biết tạ ơn Chúa vì ơn gọi truyền giáo và kiên trung sống đời sống Công Giáo công chính theo Tin Mừng, cho danh Chúa được cả sáng.

Amen.

PM Cao Huy Hoàng

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO Từ 10-15 đến 10-21-2012

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO Từ 10-15 đến 10-21-2012

Trích từ Xuân Bích VN

 

Ngày càng thêm chứng cứ sách giấy cói “Vợ Chúa Giêsu” là giả mạo.

-Toà án Ấn Độ : việc cầu nguyện trong các nhà ở là tự do, không cần có phép.

-Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết sẽ không còn đàm phán với SSPX

-Bổ nhiệm mới.

Người đứng đầu các HĐGM chào mừng Giải Nobel cho Liên Minh Châu Âu.

Thêm một thiếu niên Pakistan đối mặt cáo  buộc [tội] báng bổ.

Kitô hữu nên học hỏi tín đồ Hồi giáo về ước ao truyền bá đức tin.

Hai linh mục song sinh được “thuyền nhân người Việt” truyền cảm hứng.

-Rahner và Ratzinger bị phái Lefèbvre quy là “dị giáo” trong thời kỳ CĐ Vatican II.

Vị trí của học thuyết xã hội Giáo Hội.

Đức Thánh Cha tiếp các bậc kỳ cựu của Công Đồng.

Sẽ sớm phong chân phước cho Đức Thánh Cha Phaolô VI.

Video về sự tăng trưởng của Hồi giáo làm bùng lên tranh luận tại Thượng Hội Đồng.

-Chứng cứ bác bỏ những đồn đoán rằng Đức Gioan-Phaolô I bị giết.

Hội Kinh Thánh Mỹ dự tính triển lãm Kinh Thánh lớn chưa từng có ở Vatican.

Linh mục ăn chơi bỏ trốn với 1 triệu Euros và người đàn bà đã kết hôn.

Giám Mục Trung Quốc thách thức những người tham dự Thượng Hội Đồng.

Đức thánh Cha tin tưởng rằng Châu Âu sẽ tìm lại được đức tin.

Hướng tới một ngày Phục Sinh chung cho Công Giáo và Chính Thống.

– Đức Thánh Cha cử phái đoàn gồm 7 vị giáo phẩm đến Damas.

Roma yêu cầu người đứng đầu Đạo Binh Chúa Kitô từ chức.

Quá nhiều tín hữu Công giáo không biết những khái niệm căn bản đức tin.

(Xin xem chi tiết . . . TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO Từ 10-15 đến 10-21-2012 )

Đức Thánh Cha trao giải thưởng Ratzinger

Đức Thánh Cha trao giải thưởng Ratzinger

VATICAN. Sáng 20 tháng 10-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã trao giải thưởng Ratzinger cho hai học giả nổi bật về các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy.

Đó là LM Brian E. Daley, 72 tuổi, dòng tên người Mỹ, chuyên gia về giáo phụ học và làm giáo sư tại đại học Notre Dame, của dòng Thánh Giá, bang Indiana Hoa Kỳ. Tiếp đến là ông Rémi Brague, người Pháp, giáo sư triết học các tôn giáo Âu Châu tại đại học Ludwig Maximilian ở Munich bên Đức. Kèm theo mỗi giải thưởng có ngân phiếu 50 ngàn Euro.

Việc chọn người trúng giải do một Ủy ban giám khảo do ĐHY Camillo Ruini làm chủ tịch. Ngài nguyên giám quản giáo phận Roma và Chủ tịch HĐGM Italia.

Lên tiếng trước khi trao giải thưởng, trước sự hiện diện của 400 người tại phòng Clementina trong dinh Tông Tòa, ĐTC đề cao sự nghiệp nghiên cứu của hai học giả, đặc biệt là việc phục vụ quí giá của hai vị trong ngành giáo dục. Ngài nói:

”Cha Daley, khi nghiên cứu tường tận các giáo phụ, đã theo một trường tốt nhất để biết và yêu mến Giáo Hội duy nhất và không bị phân chia, mặc dù có nhiều truyền thống khác nhau; vì thế cha cũng thi hành một dịch vụ trách nhiệm trong tương quan với các Giáo Hội Chính Thống. Còn giáo sư Brague là một đại học giả về triết học các tôn giáo, đặc biệt là Do thái giáo và Hồi giáo thời Trung Cổ.”

ĐTC cũng khích lệ Ngân Quỹ Ratzinger, ngoài việc trao tặng giải thưởng, còn cung cấp học bổng cho các sinh viên đang dọn tiến sĩ thần học cũng như tổ chức các hội nghị nghiên cứu cấp đại học, như hội nghị đã tổ chức năm nay tại Ba Lan, và hội nghị trong 3 tuần lễ tới đây tại Rio de Janeiro, Brazil. Quỹ này có số vốn là 3 triệu Euro do tác quyền từ các sách của ĐHY Ratzinger.

ĐTC nhận xét rằng ”Những nhân vật như cha Daley và Giáo sư Brague thật là gương mẫu trong việc thông truyền một kiến thức biết liên kết khoa học với sự khôn ngoan, nghiên cứu khoa học nghiêm túc và lòng say mê đối với con người, để có thể khám phá ”nghệ thuật sống”. Đó chính là những người, nhờ đức tin được soi sáng và sống thực, họ làm cho Thiên Chúa trở nên gần gũi và đáng tin cậy nơi con người ngày nay, là điều mà chúng ta đang cần; họ là những người luôn ngắm nhìn Thiên Chúa và kín múc từ nguồn mạch ấy tình nhân đạo đích thực để giúp đỡ những người Chúa đặt trên con đường chúng ta, để họ hiểu rằng Chúa Kitô chính là con đường sự sống; các nhân vật ấy là những người có trí tuệ được ánh sáng của Thiên Chúa soi sáng để có thể nói với tâm trí của tha nhân”.

Trong số các tác phẩm của Cha Daley có cuốn ”Niềm hy vọng của Giáo Hội sơ khai”, hoặc cuốn ”Những bài giảng của các giáo phụ về sự an nghỉ của Đức Mẹ”, và mộ tcuốn trong bộ sách về ”Các Giáo Phụ thời Giáo Hội sơ khai”.
Giáo sư Émile Brague có gia đình với 4 người con. Ông giảng dạy tại Đại học Sorbonne ở Paris trong 20 năm trời, trước khi chuyển qua đại học ở Mumich từ năm 2002. Trong số các tác phẩm của ông, có cuốn ”Sự khôn ngoan của thế giới”, cuốn ”Luật của Chúa”, và cuốn ”Về Thiên Chúa của các tín hữu kitô”. (CNS 19-10-2012)

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Sinh hoạt Thượng HĐGM thế giới XIII: 19-10-2012

Sinh hoạt Thượng HĐGM thế giới XIII: 19-10-2012

VATICAN. Sáng 19 tháng 10-2012, Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 đã nhóm phiên khoáng đại thứ 17, trước sự hiện diện của ĐTC và 253 nghị phụ, để nghe các đại diện của 12 nhóm tường trình về kết quả các cuộc thảo luận trong hai phiên họp nhóm sáng và chiều thứ năm 18 tháng 10-2012.

Theo các bài tường trình, các nhóm nhỏ đã theo các phương pháp khác nhau trong các cuộc thảo luận, nhưng tất cả đều nhắm một mục tiêu là mang lại hy vọng cho một thế giới đang bị khủng hoảng, trong một thế giới tân tiến, nhưng đồng thời lại vắng bóng và nhớ nhung Thiên Chúa. Vậy Giáo Hội phải làm gì? Trước tiên cần xét mình xem: nếu nói về tái truyền giảng Tin Mừng, phải chăng vì các tín hữu Kitô đã đánh mất một cái gì đó, một cái gì mà Giáo Hội không biết cống hiến? Đàng khác, để rao giảng Tin Mừng, thì trước tiên phải là người được đón nhận Tin Mừng. Từ đó, các nhóm nghị phụ mạnh mẽ kêu gọi trở về với bí tích thống hối.

Một điểm được lưu ý nhiều, đó là đối thoại đại kết và liên tôn: đối thoại đại kết làm cho việc rao giảng Tin Mừng đáng tin cậy, đối thoại liên tôn, nhất là dự trên ý thức sâu xa về Kinh Thánh và các chứng tá cuộc sống sẽ giúp phổ biến Lời Chúa ngay tại các nước Hồi giáo.

Ngoài ra, chúng ta không thể không biết tới cuộc khủng sâu đậm của gia đình: gia đình là nòng cốt của việc rao giảng Tin Mừng, cần phải được nâng đỡ, khích lệ các bậc cha mẹ như những người đầu tiên giảng dạy giáo lý cho con cái. Các GM cũng tái khẳng định tầm quan trọng của bí tích hôn phối.

Trong viễn tượng này, cần dành chỗ đừng cho cả các ông bà; có các nghị phụ đề nghị thiết lập thừa tác vụ 'đọc sách' (lectorato) Kinh Thánh. Tuy nhiên, đề nghị thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên vẫn còn gây tranh luận, mặc dù nhiều nghị phụ đề cao vai trò của các giáo lý viên, -cũng như tất cả các giáo dân – trong việc tái truyền giảng tin Mừng.

Một điểm đặc biệt liên quan đến các chính trị gia Công giáo cũng được nói đến: các GM nói họ phải sống hợp với đức tin, và không thể có thái độ thỏa hiệp, trái lại cần để cho lương tâm ngay thẳng và những giá trị không thể thương lượng hướng dẫn. Trong bối cảnh đó, các nghị phụ đề nghị tái đẩy mạnh các hoạt động công lý và hòa bình, theo giáo huấn xã hội của Hội Thánh, và để sự ưu tiên dành cho người nghèo làm cho việc rao giảng Tin Mừng đáng được tin cậy, cũng như kiến tạo những ốc đảo thực sự trong đó con người gặp gỡ Thiên Chúa.

Các nhóm nghị phụ cũng đã thảo luận về các vấn đề khác như: các phương tiện truyền thông, duyệt lại việc huấn giáo và thực hành các bí tích khai tâm, suy tư về hiện tượng hoàn cầu hóa, các giáo xứ và các cộng đoàn nhỏ…
Cuối phiên họp ban sáng, Đức TGM Eterovic, Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới, thông báo một tài khoản được mở tại ngân hàng Vatican (IOR) để các nghị phụ đóng góp cho việc cứu trợ các nạn nhân và Giáo hội tại Siria.

– Ban chiều, từ lúc 4 giờ rưỡi, các nghị phụ và dự thính viên lại họp trong các nhóm nhỏ để đưa ra các đề nghị cụ thể. Các vị phải hoàn tất công việc này để trao danh sách các đề nghị cho Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM vào lúc 7 giờ tối.

Trong phiên họp khoáng đại thứ 18 vào sáng thứ bẩy 20 tháng 10-2012, Công nghị GM sẽ nghe trình bày dự thảo Sứ điệp của Thượng HĐGM gửi cộng đồng dân Chúa, và thảo luận để sửa chữa văn kiện này.

Ngoài ra, các vị cũng tiến hành việc bầu các thành viên Hội đồng của Thượng HĐGM 13 gồm 15 thành viên, trong đó có 12 vị do các nghị phụ bầu lên và 3 vị do ĐTC bổ nhiệm.

Trong khi đó, báo chí vẫn tiếp tục nhắc đến các bài phát biểu của các dự thính viên được trình bày trong những ngày qua.

– Chẳng hạn, lần đầu tiên một đôi vợ chồng được lên tiếng phát biểu tại Công nghị GM thế giới hiện nay, đó là Ông Bà Marc và Florence de Leyritz, người Pháp, là những người đã giới thiệu và cổ võ Hiệp Hội Alpha ở Pháp. Ông Bà đã học được phương pháp này từ một giáo xứ Anh giáo ở Anh quốc cách đây 10 năm.

Tiến trình Alpha là một dụng cụ đại kết dành cho các giáo xứ và các văn phòng tuyên úy, gồm có 10 bữa ăn mở rộng cho mọi người. Tiến trình này do giáo dân linh hoạt, giúp gợi lên ý nghĩa cuộc sống và tôn giáo qua những câu chuyện và tiếp xúc thường nhân. Cho đến nay đã có 140 ngàn người ở Pháp tham dự tiến trình này.

Trong bài phát biểu tại Thượng HĐGM, ông bà Marc và Florence de Leyritz đề cao tầm quan trọng của việc huấn luyện các LM và GM về những thẩm quyền mới trong lãnh vực mục vụ. Họ nói:

”Chúng con đã sáng nghĩ ra những chương trình huấn luyện giúp các LM và GM về việc điều khiển mục vụ trong viễn tượng những nhu cầu mới về thẩm quyền có liên hệ tới việc tái truyền giảng Tin Mừng. .. Chúng con xác tín rằng ta không thể quan niệm Giáo Hội khác với một cộng đoàn đang học nghề, trong đó cần họp nhau để lắng nghe Lời Chúa, để tăng trưởng trong đức tin, để được đào luyện như những môn đệ, và thi hành việc cai quản mục vụ theo tinh thần hoàn toàn hợp Tin Mừng'.

Theo ông bà Leyritz, cí có những vì mục tử biết phối hợp 3 tiến trình lớn của công cuộc truyền giảng Tin Mừng, đó là hoán cải, huấn luyện các môn đệ và ra đi truyền giáo. Cần giúp các vị phát huy khả năng điều hành việc mục vụ với phương pháp tiếp cận có tổ chức và có hệ thống, đồng thời giúp các vị nhìn nhận tiềm năng truyền giáo của giáo dân”.

– Một giáo dân khác lên tiếng tại Thượng HĐGM là ông Michel Roy, Tổng thư ký tổ chức Caritas quốc tế. Ông mong muốn Giáo Hội nhìn nhận tính chất rao giảng Tin Mừng của rất nhiều hoạt động được thực thi để phục vụ bác ái.

Ông Roy nói: ”Bác ái phải là một yếu tố cơ cấu trong chính bản chất của Giáo Hội, nếu Giáo Hội muốn thực sự là người rao giảng Tin Mừng”. Theo Ông Thượng HĐGM này đẩy mạnh được công trình tái truyền giảng Tin Mừng nếu mang lại cho các tổ chức Caritas những đường hướng tích cực về việc quan tâm săn sóc cần dành cho việc huấn luyện và linh đạo trong các hoạt động từ thiện bác ái.

Lập trường của ông Michel Roy cũng phản ánh điều mà ĐHY Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, trong bài phát biểu hôm 12-10 trước đó. ĐHY nói: ”Sứ vụ bác ái bao quát của Giáo Hội biểu lộ cho thế giới thấy sức mạnh không thể cưỡng lại và sức sinh động mạnh mẽ của sứ điệp Chúa Kitô.. Hoạt động mục vụ bác ái của chúng ta là một phương thế lớn lao để rao giảng Tin Mừng, đối với những người cung cấp cũng như những người nhận lãnh những việc phục vụ của chúng ta” (Apic 18-10-2012).

G. Trần Đức Anh OP
 



Thánh Kateri Tekakwitha – Bông huệ của dân Mohawk

Thánh Kateri Tekakwitha – Bông huệ của dân Mohawk

1656-1680

Tìm Chúa

Ngày 21.10.2012 tới đây tại Rôma, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ tuyên thánh cho một thiếu nữ 24 tuổi người da đỏ ở Bắc Mỹ, hoa trái của hoạt động truyền giáo của các thừa sai và tử đạo Dòng Tên.

Tiểu sử của chị được hai cha Dòng Tên người Pháp là Pierre CholenecClaude Chauchetière, phụ trách giáo điểm Kahnawake, soạn thảo ngay sau khi chị qua đời. Chị sinh năm 1656 tại làng Ossernenon, ngày nay là Auriesville, trong thung lũng Mohawk, tiểu bang New York, Hoa Kỳ.

Thung lũng Mohawk (đỏ) Miền bắc tiểu bang New York của Hoa Kỳ, phía đông hồ Ontario, gần biên giới Canada

Vào thời của chị, hầu hết các dân tộc bản địa ở khu vực Băc Mỹ còn bán khai. Chẳng hạn họ giết và ăn thịt người. Cha chị là Kenneronkwa, một thủ lãnh Mohawk, thuộc sắc dân Iroquois, thù nghịch với sắc dân Algonquin sống trên lãnh thổ Canada ngày nay, và rất ghét đạo. Mẹ chị là Tagaskouita thuộc sắc dân Algonquin, theo đạo Công Giáo, sinh trưởng và được học với các thừa sai Dòng Tên ở vùng Trois-Rivieres, trên đất Canada hiện nay. Trong một trận tấn công của dân Mohawk, bà bị bắt đem về làng Ossernenon cùng với một số người khác. Tại đây, bà kết hôn với viên thủ lãnh ngoại giáo. Hai người sinh được một con gái và một con trai. Lúc còn rất nhỏ, chị được mẹ kể chuyện về Chúa Giêsu và dạy đọc kinh. Năm chị 4 tuổi, một cơn dịch giết chết nhiều người trong vùng, trong đó có cha mẹ và em trai của chị. Bản thân chị bị rỗ mặt và mắt rất kém. Mồ côi, chị được cậu và hai dì nuôi dưỡng, theo thói quen mẫu hệ của dân Mohawk.

Sau trận dịch, cậu chị thay cha làm thủ lãnh, đưa dân làng đến định cư ở Caughnawaga, cách làng cũ gần 10 km, hiện nay là Fonda. Như các thiếu nữ Mohawk khác, chị được học may vá thêu thùa, kể cả làm dây thắt lưng bằng da thú. Chị học dệt chiếu, đan giỏ và hộp bằng sậy hay cói.  Chị thông thạo chế biến thức ăn từ thú săn được hay từ nông sản. Chị cũng tham gia trồng tỉa hay nhổ cỏ theo thời vụ. Tóm lại, chị được dạy để trở nên một phụ nữ đảm đang trong gia đình. Có một điều hơi khác thường: người ta thấy cô bé Tekakwitha thường hay vào rừng một mình, không biết tại sao. Chị không quên những gì mẹ đã dạy: chị thích ở một mình để nhớ lại những điều mẹ kể và đọc các kinh mẹ dạy. Năm 13 tuổi, theo thói quen trong làng, chị được thúc giục lấy chồng, nhưng chị không chịu. Đây là điều lạ thường đối với các cô gái Mohawk.

Thời ấy dân Mohawk vừa thù nghịch với dân Algonquin vừa thù nghịch với người Pháp ở Canada. Tuy nhiên, họ suy yếu sau nhiều cuộc chiến và nhiều trận dịch. Năm 1673, cha Lamberville đến dựng một nhà nguyện ở đó, vừa để giúp những người đã có đạo vừa để truyền giáo cho những người chưa theo đạo. Cậu của chị vốn ghét đạo nhưng phải chấp nhận vì sợ người Pháp. Chị đến nhà nguyện đọc kinh, dự lễ và học giáo lý. Lễ Phục Sinh năm 1674, chị được rửa tội với thánh danh Kateri, tức là thánh nữ Catarina.

Sau khi gia nhập Hội Thánh, chị bị chống đối mạnh mẽ từ gia đình đến dân làng. Hằng ngày chị bị trẻ em chế diễu và nhiều khi bị ném đá. Vì chị dành ngày Chúa nhật để đi lễ và học giáo lý, không làm việc, nên gia đình không cho ăn. Chị bị đe dọa nếu không bỏ đạo sẽ bị đánh và giết. Vừa để tránh những hoạt động thù nghịch, vừa muốn hoàn toàn dâng mình cho Chúa, theo lời khuyên của cha phụ trách giáo điểm, 6 tháng sau ngày được rửa tội, chị cùng với mấy người quen trốn nhà, đi bộ hơn 2 tháng, vượt rừng vượt suối, băng qua hơn 320km đến giáo điểm Thánh Phanxicô Xavier Sault Saint-Louis theo cách gọi của người Pháp, hay Kahnawake theo cách gọi của thổ dân, ngay cạnh thành phố Montreal. Giáo điểm này được các thừa sai Dòng Tên thành lập để truyền giáo cho dân Algonquin. Vào lúc thánh Kateri Tekakwitha đến, đời sống đạo ở giáo điểm đã khá ổn định. Chị đến ở nhà dài của bà Anastasia Tegonhatsiongo, một người bạn thân của mẹ chị, bên bờ sông SaintLaurent. Cùng ở với bà Anastasia có một vài thiếu nữ khác: họ sống với nhau như một cộng đoàn nữ tu, nhưng không có tổ chức chi hết.

Thuộc trọn về Chúa

Kahnawake (đỏ) ở phía nam sông Saint-Laurent, phía đông hồ Saint-Louis bên kia sông là Montreal, thành phố đông dân thứ nhì ở Canada hiện nay

Kahnawake, ngay lập tức đời sống của chị được mọi người khen ngợi. Chị chăm chỉ đến nhà thờ đọc kinh dự lễ, nhiều khi ở một mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể lâu giờ. Chị siêng năng lần hạt Mân Côi và lúc nào cũng đeo tràng hạt ở cổ. Chị hiền lành, ít nói, chăm làm, hay giúp đỡ người khác. Lễ Giáng Sinh năm 1677, chị được rước lễ lần đầu.

Khẩu hiệu của chị Kateri là: “Ai sẽ cho tôi biết điều gì đẹp lòng Chúa nhất để tôi thực hiện?” Ngoài các việc đạo đức, chị thường xuyên thăm viếng và giúp đỡ những người già cả và đau yếu trong làng. Chị cũng chỉ bảo các em bé về giáo lý và cầu nguyện theo như chị hiểu. Một thú vui của chị là trồng những cây Thánh Giá bằng gỗ trong rừng để nhắc nhở mình cũng như mọi người về việc cầu nguyện.

Cả ở Kahnawake, áp lực về hôn nhân vẫn còn. Ngày 25.3.1679, sau khi hỏi ý kiến cha phụ trách, chị tuyên khấn trọn đời sống khiết tịnh. Đây là điều chưa từng có trong các thổ dân địa phương. Chị muốn thuộc riêng và thuộc trọn về Chúa Giêsu. Cha Cholenec thuật lại lời chị: “ Con đã suy nghĩ kỹ rồi. Con đã quyết định từ lâu rồi. Con muốn hiến thân trọn vẹn cho Chúa Giêsu, con của Mẹ Maria. Con chọn Người làm chồng, và chỉ mình Người cưới con làm vợ thôi.”  Các cha đề nghị với các phụ nữ đạo đức một vài việc hãm mình nhỏ, không ngờ họ đi xa hơn nhiều. Do lòng đạo đức và quan niệm riêng, bà Anastasia hướng dẫn chị cũng như những người khác làm nhiều việc khổ chế để đền tội cho dân tộc mình và cầu nguyện cho dân tộc mình theo đạo.

Trong số những người bạn cùng sống ở nhà dài với chị có Maria Têrêxa Tegaiaguenta. Hai người gặp nhau lần đầu vào mùa xuân năm 1678. Vì lòng đạo đức, cả hai cùng bắt đầu bí mật đánh tội. Cha Cholenec sau này cho biết là mỗi lần họ dùng dây tua đánh tội từ 1000 đến 1200 cái. Chị Kateri đã thực hành như vậy hằng ngày cho đến chết. Một chị khác tên là Maria Skarichions cho biết về đời sống và hoạt động của các nữ tu. Họ quyết định cùng nhau xin cha phụ trách cho lập một dòng nữ. Các cha Dòng Tên cho là chưa thích hợp nên ngăn cản. Khi chị Maria Têrêxa rời nhóm, chị Kateri trở thành “thủ lãnh” của nhóm. Chị thường khuyên: (1) Hãy can đảm, bất chấp những lời nói của những người không có đạo; (2) Vững tin là chúng ta sống đẹp lòng Chúa và tôi sẽ giúp chị khi tôi lên với Chúa; (3) Đừng bao giờ bỏ việc khổ chế.

Làng Kahnawake hiện nay

Tượng thánh Kateri Tekakwitha ở đền Thánh Anna tại Baupré, Canada

Vì thường xuyên hãm mình và khổ chế, sức khỏe của chị Kateri suy giảm nhanh chóng. Đến Tuần Thánh năm 1680, chị kiệt sức. Cha Cholenec thuật lại buổi chiều thứ tư Tuần Thánh:

“3 giờ chiều, chuông nhà nguyện đổ để tập họp cộng đoàn, vì nhiều người muốn có mặt khi chị tắt thở. Chị thấy mọi người hiện diện đông đủ. Mọi người quỳ gối cầu nguyện. Sau nửa giờ ngắn ngủi, chị nói những lời cuối cùng: ‘Iesos! Wari!’ (Giêsu! Maria!) Rồi chị hơi nhép miệng bên phải. Chị ra đi như thể nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ và một lúc lâu chúng tôi chưa biết chị còn sống hay đã chết. Ít phút trước 4 giờ, khuôn mặt chị biến đổi trở nên rất xinh đẹp, tươi cười và rạng rỡ… Chị đã từ giã dân làng để lại hương thơm đức hạnh và thánh thiện. Mấy tiếng sau, trong lễ đưa chân, tôi nhắc mọi người về kho báu Chúa đã tặng cộng đoàn… Chị Kateri đã chết như chị đã sống, nghĩa là một vị thánh. Ai cũng tiên đoán một người đã sống như vậy thì sẽ chết thế nào, vì chị đầy ơn Chúa Thánh Thần…”

 Trên mộ chị Kateri, các cha phụ trách cho ghi dòng chữ: “Bông hoa xinh đẹp nhất xưa nay nở giữa dân da đỏ”. Cha Chauchetiere cho xây một nhà nguyện gần mộ chị. Từ năm 1684, khách hành hương bắt đầu đến cầu nguyện với chị.

Một cô gái da đỏ bán khai sống ở Bắc Mỹ vào thế kỷ 17 có một sứ điệp gửi cho chúng ta sống trong thế kỷ 21? Dường như giữa ngài với chúng ta không có một liên hệ nào. Tuy nhiên, trong một thế giới tục hóa, giữa bao nhiêu tiến bộ khoa học và ký thuật vẫn đầy mâu thuẫn này, hình như khuôn mặt đơn sơ và thánh thiện của ngài vẫn có thể thu hút và gợi hứng cho những người đang đi tìm một cuộc sống có ý nghĩa, xây dựng một thế giới công bình và hòa bình.

Tượng thánh Kateri Tekakwitha ở

Vương Cung Thánh Đường Chính Tòa giáo phận Santa Fe, Mêhicô

***

GM. Cosma Hoàng văn Đạt (SJ)

Nguồn: Dongten.net

 

 

NĂM ĐỨCTIN: THỰC TRẠNG TỘI LỖI CẦN LƯU Ý VÀ TRÁNH ĐỂ SỐNG ĐỨC TIN VỮNG VÀNG.

NĂM ĐỨCTIN: THỰC TRẠNG TỘI LỖI CẦN LƯU Ý VÀ TRÁNH ĐỂ SỐNG ĐỨC TIN VỮNG VÀNG.

Năm Đức Tin đã khai mạc ngày 11 tháng 10 vừa qua tại Rôma nhắm mục đích kêu gọi mọi tín hữu trong Giáo hội nhìn lại đời sống đức tin của mình để canh tân và đào sâu thêm nữa hầu  thêm yêu mến Chúa Kitô, Đấng đã đến trần gian làm Con Người,  đã mặc khải Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cho chúng ta và nhất là đã hy sinh chịu chết trên thập giá để  đền tội cho nhân loại và cho chúng ta hy vọng được cứu rỗi  để hưởng hạnh phúc vinh cửu với Chúa trên  Nước Trời  mai sau.

Nhưng muốn sống đức tin cách hữu hiệu và chân thật ,  không ai có thể  coi nhẹ một trở ngại lớn lao, đó là tội lỗi, một nguy cơ không những đe dọa cách nặng nề  đức tin có Chúa mà còn có thể   làm mất hy vọng được cứu rỗi nữa.

Thật vậy,  tội là một thực tế ( reality) không ai có thể chối cãi hay phủ nhận được trong đời sống cá nhân, gia đình , xã hội và trong cộng đồng thế giới;  nhất là trong thời buổi hiện nay,  khi các nhóm Hồi Giáo quá khích chủ trương bạo động , “thánh chiến=jihad”  để đánh phá  và giết hại những ai họ cho là thù nghịch của họ..Đây là một tội  lớn mang mầu sắc tôn giáo vì người ta đã nhân danh tôn giáo để tiêu diệt người khác. Và chắc chắn điều này không phù hợp với mục đích của bất cứ vị sáng lập tôn giáo nào, vì không tôn giáo nào có thể chấp nhận hay khuyến khích tín đồ của mình giết hại người khác để độc tôn tín ngưỡng của mình.

Mặt khác, các chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa tương đối ( relativism) và chủ nghĩa tôn thờ khoái lạc ( hedonism) và tiền bạc vật chất cũng góp phần không nhỏ gây ra tội lỗi cho con người ở khắp mọi nơi.

Nhưng trước hết, cần biết vì đâu  tội lỗi có mặt trong trần gian như một thách đố lớn lao cho những ai có niềm tin Thiên Chúa là Đấng đầy lòng yêu thương, nhưng rất công bình và thánh thiện.

Thánh Kinh đã cho ta biết nguồn gốc của tội như sau :

Vì một người duy nhất ( Adam) mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội gây nên sự chết; như thế sự chết đã lan tràn tới hết mọi người bởi vì mọi người đã phạm tội.” ( Rm 5 : 12)

Tội xâm nhập trần gian và lan tràn đến hết mọi người với nhiều hình thức và mức độ khác nhau.Tội là điều trực tiếp  xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành,công minh, chính trực  nên Người không thể dung tha cho bất cứ loại tội nào mà con người có thể phạm vì cố ý hay vì yếu đuối.Tùy theo mức lỗi phạm mà tội mang lại hậu quả nặng hay nhẹ cho người có tội.

Trước tiên,  Thiên Chúa  đã nói rõ cho Adam và Eva biết về hậu quả của tội  như sau, nếu họ ăn trái cấm: 

“ Ngày nào ngươi ăn,  chắc chắn người sẽ phải chết.” ( St 2: 17)

Cái chết mà Thiên Chúa nói trên đây là cái chết về mặt linh hồn, chứ không phải chết ngay về thể xác.Cho nên con Rắn đã nói với bà Eva như sau : “chẳng chết chóc gì đâu.” ( Sđd  3: 4).

Rắn Satan nói thể để phỉnh gạt Eva vì biết là Thiên Chúa không phạt nhãn tiền bằng cái chết về thể lý cho ai từ xưa đến nay. Bằng cớ là có biết bao kẻ gian ác, độc tài tàn bạo,  vô tâm vô đạo đã giết hại không biết bao nhiêu người  chỉ vì  muốn củng cố địa vị cá nhân hay bảo vệ  các thể chế độc tài, độc đảng , độc tôn  gây đau khổ và chết chóc cho biết bao triệu người dân lành từ Đông sang Tây chẳng may rơi vào ách thống trị độc ác  của chúng..Nhưng chúng vẫn sống phây phây, làm giầu và hưởng thụ ,cha truyền con nối với chế độ tàn bạo  không biết đến bao giờ mới xụp đổ.

Mặt khác, những kẻ có tâm địa độc dữ , với lòng tham vô đáy, và say mê những vui thú vô luân vô  đạo cũng vẫn sống nhởn nhơ trong giầu sang nhờ gian manh, bất công và lường gạt, trong khi người lành lương thiện lại nghèo khó và đau khổ, vì xã hội bất công, dung dưỡng cho kẻ có nhiều tiền bạc và lắm mưu kế gian xảo lèo lái.

Như thế  không phải vì Thiên Chúa bất lực, hay không nhìn thấy những tội ác của họ.Thiên Chúa biết nhưng vẫn làm ngơ cho chúng sống để hy vọng chúng hoán cải để được tha thứ, vì  Người gớm ghét tội lỗi nhưng lại yêu thương kẻ có tội biết sám hối, xin tha.. Ngược lại , nếu chúng cứ ngoan cố tiếp tục con đường gian ác thì Thiên Chúa sẽ đối xử với chúng như chủ ruộng kia đã  làm ngơ cho cỏ lùng mọc xen lẵn với cây lúa tốt.. Và đợi  đến mùa gặt, chủ sẽ bảo thợ gặt : “ hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho ta.” ( Mt 13:20)

Dụ ngôn trên cũng áp dụng thích đáng cho người tín hữu Chúa Kitô đang sống đức tin trên trần gian này, giữa bao kẻ  gian ác đang phạm biết bao tội  nghich cùng Thiên Chúa và gây đau khổ cho  bao  người khác.Kẻ gian ác cứ sống trong tội ác của chúng như có lùng mọc xen với cây lúa. Và chắc chắn đến mùa gặt, tức ngày Phán Xét, chúng sẽ bị quăng vào nơi “tối tăm , khóc lóc và nghiến răng”.(Lc 13: 28)

Thật vậy, do hậu quả của tội nguyên tổ, bản chất thiện hảo ban đầu của con người đã bị thương tổn nặng nề đến nỗi dù đã được tái sinh qua Phép Rửa, và trở thành tạo vật mới, con người vẫn không lấy lại được bản chất thiện hảo ban đầu ( Original Innnocence) đã mất đi sau khi nguyên Tổ loài người đã phạm tội. Vì thế, con người ngày nay  vẫn hoàn toàn  yếu đuối và dễ nghiêng chiều về sự xấu, sự tội bao lâu còn sống trên trần gian và trong thân xác có ngày phải chết này.

Mặt khác, ma quỷ ví như “ sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắc xé” ( 1Pr 5 : 8) luôn rình rập quanh  ta để cám dỗ , lôi kéo ta vào đường tội lỗi dẫn đến hư mất đời đời. Cho nên “ anh  em phải đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh  em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ  như thế” ( Sđ d 5: 9) đúng theo lời  khuyên dạy của Thánh Phêrô cách nay đã  trên 2000 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị thực hành trong hoàn cảnh sống của con người ngày nay..

Ngoài ma quỷ là kẻ thù chính ra,  thế gian hay môi trường sống của mỗi người chúng ta là kẻ thù thứ  hai  cộng tác  đắc lực với ma quỷ  để  xúi dục  ta phạm tội vì gương xấu đầy rẫy ở khắp nơi. Nào phim ảnh sách báo  dâm ô,đồi trụy,  bạo động,  nào sòng bạc lớn nhỏ và nơi ăn chơi sa đọa công khai quảng cáo trên truyền thông để lôi cuốn con người  thuộc mọi lớp tuổi tìm đến để thỏa mãn dục vọng và lòng ham mê tiền của, bắt chấp  mọi hậu quả tai hại cho linh hồn, nếu ta tin con người có hồn và xác, có sự thưởng phạt sau khi chết.

Thánh Phaolô đã nói đến các giống tội do xác thịt yếu đuối gây ra và hậu quả của tội  như sau:

Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là : dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp , chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã thường bảo : 

Những kẻ làm những điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.” ( Gl  5 :19-21).

Như thế, người ta phạm tội vì bản chất yếu đuối, vì ma quỷ tinh quái  cám dỗ và vì gương xấu của người khác.

Chúa Giêsu đã nghiêm khắc cảnh cáo về các dịp tội và gương xấu như sau :

“ Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã. Nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho  người ta vấp ngã. Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi  cho nó hơn là để  nó làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn này phải vấp ngã.” ( Lc 17: 1-2)

Như vậy, muốn tránh tội, ta phải ý thức đây đủ về  những nguy cơ  đưa đến phạm tội để từ đó quyết tâm xa tránh với ơn Chúa nâng đỡ để đứng vững , vì “ không có Thầy anh  em sẽ chẳng làm gì được.” ( Ga  15: 5).Nghĩa là nếu không có ơn Chúa giúp sức thì ta không thể  đứng vững trước mọi cám dỗ  nặng nề của ma quỷ, gương xấu đầy rẫy của thế gian và những khuynh hướng xấu còn tồn tại trong ta.

 Cứ nhìn quanh ta thì đủ biết  tội lỗi đang thống trị con người và thế giới như thế nào.

Tại sao người ta đang  làm những sự dữ như giết người, cướp của, ăn gian nói dối, cờ bạc, dâm ô phóng đãng, hiềm thù ,nghen ghét, bỏ vạ cáo gian, thay chồng đổi vợ, chiến tranh, khủng bố ?

Câu trả lời đúng nhất là vì người ta không có niềm tin nào, hay có mà không có can đảm sống niềm tin ấy cách sống động và cụ thể để đẩy lui bống tối của sự dữ, sự tội đang lan tràn ở khắp nơi.

Trước thực trạng trên đây, là người có đức tin vào Thiên Chúa là Cha cực tốt cực lành, mọi tín hữu chúng ta đều được mong đợi  sống đức tin của mình cách cụ thể là phải xa tránh mọi sự xấu, sự tội , vì chỉ có tội lỗi mới làm ngăn cách con người với Thiên Chúa là tình thương nhưng gớm ghét mọi thứ tội lỗi.Nói khác đi, sống đức tin Kitô Giáo đòi hỏi chúng ta phải ý thức sâu xa về nguy cơ của tội lỗi đến từ ma quỷ, từ thế gian  và từ  bản chất yêu đuối của chính  mình.

Trong thời đại văn minh vật chất và điện toán hiện nay, rất nhiều người đã mất hết ý thức về tội. Chủ nghĩa tương đối( relativism) đã  góp phần không nhỏ vào việc lừa dối rất nhiều  người  tin  là không có giá trị nào tuyết đối về luân lý, đạo đức cả.. Vì thế người ta đã mặc sức làm những sự dữ , thí dụ,  làm luật để bảo vệ cho súc vật như chó, mèo, chim,  rùa ngoài biển. Nhưng lại hợp thức hóa việc phá thai khiến hàng năm ở Mỹ có trên một triệu thai nhi bị giết ngay trong lòng mẹ mà luật pháp quốc gia chính thức cho phép khiến không ai gặp khó khăn nào với luật pháp khi trực tiếp hay gián tiếp ra tay giết hại một hài nhi tức một nhân mạng.! Ngoài ra, người ta cũng đang tìm cách định nghĩa lại hôn nhân, vốn là một định chế bắt nguồn từ Thiên Chúa khi Người tạo dựng con người có nam có nữ và truyền cho họ sứ mệnh “ Hãy sinh sôi nẩy nở cho thật nhiều, cho đầy mặt đất và thông trị mặt đất.”   “ ( St 1 :28)

Vậy mà bây giờ người ta đang hợp thức hóa những cặp hôn nhân đồng tính ( same sex marriage).,để công khai nhìn nhận việc sống chung của những cặp nam nữ bệnh hoạn tâm sinh lý này.Chúng ta cảm thông hoàn cảnh của họ nhưng không thể tán thành việc cho họ kết hôn để đạp đổ truyền thồng hôn nhân giữa một người nam và một người nữ như Thiên Chúa đã thiết lập từ đầu.

Mặt khác trên bình diện quốc tế, cộng đồng thế giới  vẫn làm ngơ cho các chế độ tàn ác của Assad ở  Syria, của Bắc Hàn, của Cuba… và nhiều nơi khác nữa đã  giết hại hàng triệu  người dân vô tội,  vì dám chống lại chế độ cai trị tàn ác của kẻ cầm quyền… Đây là một tội ác chống lại con người của các kẻ độc tài độc đảng mà các nước có  thể  lực lớn trên thế giới  phải chịu trách nhiệm  vì đã không dám hành động thích đáng để bảo vệ cho quyền sống của  con người .

Trước thực  trạng tội lỗi của cá nhân , xã hội và cộng đồng quốc tế, người tín hữu Chúa Kitô thuộc mọi thành phần trong Giáo Hội  hơn bao giờ hết phải sống niềm tin của mình cách cụ thể và thuyết phục để làm nhân chứng cho Chúa Kitô, Đấng đã đến trần gian để “hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.”(Mt 20: 28)

Nói rõ hơn, nếu người tín hữu mà cũng ăn gian nói dối, cũng lường gạt, bóc lột người  khác để trục lợi, cũng lui tới những sòng bạc lớn nhỏ, cũng đi du hí ở những nơi tội lỗi, cũng nhẩy nhót cuồng loạn mất nết, cũng cấu kết hay làm tay sai cho những thế lực, hay chế độ phi nhân  bóc lột đàn áp người dân vô tội,  thì chắc chắn đã chà đạp lên hay chối bỏ niềm tin của mình và cùng lớn tiếng  hô to với những kẻ vô thần , vô luân vô đạo  là KHÔNG CÓ THIÊN CHÚA, KHÔNG CÓ SỰ SÔNG ĐỜI SAU để mặc sức ngụp lặn  ở hiện tại  trong  vũng bùn nhơ của tội lỗi vì  đam mê của cải, chuộng hư danh và tôn thờ  mọi thú vui vô luân vô đạo, là bộ mặt rõ nét  nhất của “văn hóa sự chết” đang lộng hành ở khắp nơi trên thế giới ngày nay.

Quan trọng hơn nữa, nếu người tín hữu  không quyết tâm từ bỏ mọi giống tội và nương nhờ ơn Chúa phù giúp  để  đứng vững trong đức tin  thì không ai  có thể  đạt được mức hoàn hảo để được cứu rỗi. Sở dĩ  thế  là vì con người còn có tự do để chọn lựa giữa sự tốt và sự xấu, giữa ánh sáng và bóng đêm bao lâu còn sống trên trần gian này. Và Thiên Chúa luôn  tôn trọng sự tự do đó của con người.Nghĩa là nếu con người chọn con đường gian tà vì mê đắm sắc dục, để lui tới những nơi ăn chơi sa đọa, thay chồng đổi vợ, hoặc vì đam  mê  tiền của  để trộm cướp, bóc lột người khác thì Thiên Chúa sẽ không ngăn cản và con người sẽ phải hoàn toàn chiu trách nhiệm về chọn lựa của mình. Đó là lý do thưởng phạt của Thiên Chúa dành cho những kẻ chối bỏ Người bằng tư tưởng và hành động, hay yêu mến và quyết tâm thi hành ý muốn của Người để được vào Nước Trời   như Chúa Giêsu đã nói rõ với các môn đệ xưa như sau:

“ Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lậy Chúa ! lậy Chúa ! là được vào Nước Trời cả đâu, Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy,  Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.” ( Mt 7 : 21)

Thi hành ý muốn của Cha trên trời có nghĩa là phải cương quyết từ bỏ mọi tội lỗi, mọi sự dữ  và “ hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào, vì  Tôi nói cho anh  em biết : có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.”  ( Lc 13: 24)

Cửa hẹp mà Chúa Giêsu nói trên đây, chính là cửa công chính để tránh  đi vào con đường của  kẻ gian ác, giết người , cướp của,  bóc lột, dâm đãng  và bất công với người  khác. Cửa hẹp cũng là  cửa  bác ái để  mở lòng  cảm thương anh chị em nghèo khó, bệnh tật, cô thân cô thế,.Sau nữa, cửa hẹp cũng là cửa  trong sạch để không đi vào con đường dẫn  đến những nơi xú uế vì cờ bạc vui chơi  dâm ô  khốn nạn. Người tín hữu Chúa Kitô  mà đi vào những con đường nói trên thì chắc chắn sẽ không gặp được Chúa là  cội nguồn của mọi giầu sang ,phú quý và hoan lạc.;  mà ngược lại , chắc chắn sẽ rơi xuống hố diệt vong vì phải vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa là cùng đích của niềm tin và hy vọng của người có đức tin  chân chính.

Tóm lại , Năm Đức Tin mời goi và nhắc nhở mọi tín hữu  sống đức tin cách chân thật và sống động  để minh chứng mình thực sự  tin  Chúa Kitô, Đấng đã cứu chuộc nhân loại qua khổ hình thập giá để cho chúng ta  hy vọng được gặp Thiên Chúa là Cha  và được sống hạnh phúc đời đời với Người trên Thiên Quốc, sau khi chấm dứt hành trình con người trên trần thế này.

Nói khác đi, chúng ta phải thể hiện đức tin của mình cách cụ thể  trước mặt  người đời để làm nhân chứng cho Chúa Kitô  với  mục đích mời gọi thêm nhiều người nữa nhận biết và tin Chúa để cùng được  cứu độ, vì Thiên Chúa , “ Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. ( 1Tm 2:4)

Nhưng- cần nhấn mạnh thêm một lần nữa-  muốn sống đức tin cách hữu hiệu, vững vàng  đẹp lòng Chúa và có sức thuyết phục người khác thì ta phải ý thức đầy đủ nguy cơ của tội lỗi  để quyết tâm xa tránh không làm những gì phương hại hay mâu thuẫn với đức tin có Chúa là Đấng thánh thiện, nhân từ, công bình, yêu thương và tha thứ. ( tha thứ cho kẻ có tội biết ăn năn xin tha chứ không được  lợi dụng  tha thứ  để cứ tiếp tục phạm tội nữa !)

Tóm lại, sống đức tin không những để biết  thờ lậy, ngợi khen,yêu mến và cảm tạ Chúa ngày một hơn, mà quan trọng không kém là đoạn tuyệt với tội lỗi, vì “ ai phạm tội là người của ma quỷ” như Thánh Gioan Tông Đồ đã dạy. ( 1 Ga  3: 8).

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đức Thánh Cha bắt đầu loạt bài huấn giáo về Năm Đức Tin

Đức Thánh Cha bắt đầu loạt bài huấn giáo về Năm Đức Tin

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 40 ngàn tín hữu sáng ngày 17 tháng 10-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã bắt đầu loạt bài huấn giáo mới về Năm Đức Tin.

Cho đến nay, ĐTC nói về trường dạy cầu nguyện, nhưng ngài tạm ngưng loạt bài này. Ngài nói:

”Hôm nay tôi muốn giới thiệu một chu kỳ mới các bài huấn giáo sẽ được khai triển suốt trong Năm Đức Tin mới bắt đầu và trong thời kỳ này, tôi tạm ngưng loạt bài giáo lý về trường cầu nguyện. Qua Tông Thư ”Cửa Đức Tin” tôi đã ấn định Năm đặc biệt này, để Giáo Hội canh tân niềm hăng say tin nơi Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất, để khơi dậy niềm vui tiến bước trên con đường Chúa đã chỉ cho chúng ta và làm chứng một cách cụ thể về sức mạnh biến đổi của đức tin.

Kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2 là một cơ hội quan trọng để trở về cùng Thiên Chúa, để đào sâu và sống niềm tin của mình một cách can đảm hơn, để củng cố sự thuộc về Giáo Hội, ”là thầy dạy của nhân loại”, qua việc loan báo Lời Chúa, cử hành các bí tích và các hoạt động bác ái, Giáo Hội hướng dẫn chúng ta gặp gỡ và nhận biết Chúa Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật. Đây là một cuộc gặp gỡ không phải với một ý tưởng hay một dự phóng cuộc sống, nhưng với một Nhân Vật sống động, biến đổi chúng ta một cách sâu xa, tỏ cho chúng ta căn tính đích thực của chúng ta là con cái Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô đổi mới những quan hệ của chúng ta với con người, hướng dẫn những quan hệ đó ngày qua ngày, để mang tính chất liên đới và huynh đệ hơn, theo tiêu chuẩn của tình thương. Tin nơi Chúa không phải là một điều chỉ liên hệ tới trí tuệ của chúng ta, lãnh vực tri thức mà thôi, nhưng còn bao trùm trọn con người của chúng ta nữa: tình cảm, con tim, trí thông minh, ý chí, thể xác, cảm xúc, những tương quan với con người. Với đức tin, tất cả đều được biến đổi trong chúng ta và cho chúng ta, và chúng ta thấy rõ định mệnh tương lai của mình, sự thật về ơn gọi của chúng ta trong lịch sử, ý nghĩa cuộc sống, niềm vui thích được làm người lữ hành tiến về quê trời.

nh hưởng của đức tin

Nhưng chúng ta tự hỏi: đức tin có thực sự là sức mạnh biến đổi cuộc sống chúng ta hay không? Hay nó chỉ là một trong những yếu tố trong cuộc sống, chứ không phải là điều tố bao trùm cả cuộc sống? Qua những bài giáo lý Năm Đức Tin này, chúng ta muốn làm một cuộc hành trình để củng cố hoặc tìm lại niềm vui đức tin, hiểu rằng đức tin không phải là một cái gì xa lạ, tách rời khỏi đời sống cụ thể, nhưng chính là linh hồn của cuộc sống. Niềm tin nơi một Thiên Chúa là Tình Thương, và là Đấng đã trở nên gần gũi với con người, nhập thể và hiến mình trên thập giá để cứu vớt chúng ta và mở cửa trời cho chúng ta, chỉ cho thấy một cách sáng ngời rằng chỉ trong tình yêu mới có sự sung mãn của con người. Ngày nay cần phải lập lại điều đó một cách rõ ràng, giữa lúc những biến đổi văn hóa hiện nay thường cho thấy bao nhiêu hình thức man rợ, dưới chiêu bài gọi là ”những chinh phục của nền văn minh”: đức tin khẳng định rằng chỉ có nhân đạo chân chính tại các nơi, trong những cử chỉ, trong thời gian và trong những hình thức qua đó con người được được linh hoạt bằng một tình thương đến từ Thiên Chúa, được diễn tả như một hồng ân, được biểu lộ trong những quan hệ đầy tình thương, cảm thương, quan tâm và phục vụ vô vị lợi đối với tha nhân. Nơi nào có sự thống trị, chiếm hữu, bóc lột, biến tha nhân thành món hàng để mưu lợi cho cá nhân mình, nơi nào có sự kiêu hãnh của cái tôi khép kín nơi bản thân, thì con người trở nên nghèo nàn, bị hạ cấp và biến dạng. Đức tin Kitô hoạt động trong bác ái và vững mạnh trong niềm hy vọng, khiong giới hạn nhưng nhân bản hóa cuộc sống, hay đúng hơn, đức tin làm cho cuộc sống hoàn toàn là con người”.

ĐTC giải thích rằng:
”Đức tin là đón nhận sứ điệp có sức biến đổi ấy trong đời sống chúng ta, là đón nhận mạc khải của Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta biết Ngài là ai, hành động như thế nào và đâu là những dự phóng của Ngài cho chúng ta. Dĩ nhiên, mầu nhiệm Thiên Chúa vẫn luôn ở ngoài những ý niệm và lý trí, các nghi thức và kinh nguyện của chúng ta. Tuy nhiên, với mạc khải, chính Thiên Chúa tự thông truyền cho chúng ta, kể chuyện cho chúng ta và cho chúng ta có thể đến với Ngài. Và chúng ta nhận được khả năng lắng nghe Lời Chúa, đón nhận sự thật của Ngài. Và đây chính là điều tuyệt vời của đức tin: Thiên Chúa, trong tình yêu thương, đã tạo dựng nơi chúng ta – nhờ hoạt động của Chúa Thánh Linh – những điều kiện thích hợp để chúng ta có thể nhận ra Lời của Ngài. Chính Thiên Chúa, vì muốn tự biểu lộ, tiếp xúc với chúng ta, hiện diện trong lịch sử con người, nên Ngài đã cho chúng ta có khả năng lắng nghe và đón nhận Ngài. Thánh Phaolô đã vui mừng diễn tả điều đó với lòng biết ơn: ”Chúng tôi luôn cảm tạ Thiên Chúa, vì sau khi đã đón nhận từ chúng tôi lời Chúa qua việc rao giảng, anh chị em đã đón nhận lời ấy không phải như lời người phàm, nhưng thực sự như Lời Thiên Chúa Đấng hoạt động trong anh em là những người tin” (1 Ts 2,13).

Thiên Chúa tự biểu lộ qua lời nói và việc làm trong lịch sử dài về tình bạn với con người, và với tột đỉnh ở trong cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa và trong mầu nhiệm sự chết và sống lại của Ngài. Thiên Chúa không những tự biểu lộ cho chúng ta trong lịch sử của một dân tộc, không những nói qua các ngôn sứ, nhưng Ngài còn giã từ cõi trời để đi vào thế giới của con người như một người, để chúng ta có thể gặp gỡ và lắng nghe Ngài. Và từ Jerusalem việc loan báo Tin Mừng cứu độ được loan truyền cho đến tận bờ cõi trái đất. Giáo Hội, được khai sinh từ cạnh sườn của Chúa Kitô, trở thành người mang niềm hy vọng mới mẻ và vững chắc: Đức Giêsu thành Nazareth, bị đóng đanh và chịu chết, đang ngự bên hữu Chúa Cha, và là vị xét xử người sống và kẻ chết. Đó là huấn giáo, là lời loan báo nòng cốt và mạnh mẽ của đức tin. Nhưng ngay từ đầu người ta đã đặt vấn đề ”qui luật đức tin”, nghĩa là lòng trung thành của các tín hữu đối với chân lý Tin Mừng, trong đó cần phải kiên vững, trung thành với chân lý cứu độ về Thiên Chúa và về con người, cần phải bảo tồn và thông truyền. Thánh Phaolô đã viết: ”Anh em lãnh nhận ơn cứu độ, nếu anh em duy trì Tin Mừng trong hình thức mà tôi đã loan báo cho anh em. Nếu không anh em sẽ tin vô ích” (1 Cr 15,2).

Kinh Tin Kính

ĐTC đặt câu hỏi: ”Nhưng từ đâu có công thức thiết yếu của đức tin? Chúng ta tìm được ở đâu chân lý được trung thành truyền lại và tạo nên ánh sáng cho đời sống thường nhật của chúng ta? Câu trả lời thật là đơn giản: thưa ở trong kinh Tin Kính, trong bản tuyên xưng đức tin, qua đó chúng ta gắn bó với biến cố nguyên thủy Con Người và lịch sử của Đức Giêsu thành Nazareth; qua đó người ta cụ thể hóa điều mà thánh Tông Đồ dân ngoại đã nói với các tín hữu thành Corinto: ”Vì thế Tôi truyền lại cho anh em trước tiên điều mà chính tôi cũng đã lãnh nhận: nghĩa là Chúa Ktiô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo Kinh Thánh, ngài được an táng và ngày thứ ba Ngài sống lại” (1 Cr 15,3).
”Ngày nay chúng ta cũng cần làm sao để Kinh Tin Kính được biết rõ, hiểu sâu hơn và cầu nguyện với kinh này. Nhất là điều quan trọng là làm sao để Kinh Tin Kính được nhìn nhận. Thực vậy, nhận biết có thể là một hoạt động thuần túy là trí thức, trong khi nhìn nhận có nghĩa là cần phải khám phá mối liên hệ sâu xa giữa những chân lý mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính và cuộc sống hằng ngày cảu chúng ta, để các chân lý ấy thực sự là ánh dẫn đường một cách cụ thể trong cuộc sống chúng ta, trở thành nước tưới gội nơi nóng cháy trên hành trình chúng ta, trở thành sự sống vượt thắng một số sa mạc trong đời sống ngày nay. Trong Kinh Tin Kính có gắn liền cuộc sống luân lý của Kitô hữu, trong đó họ tìm được nền tảng và lý do chứng minh đời sống luân lý ấy. (..)

ĐTC cũng nhận xét rằng ngày nay chúng ta sống trong một xã hội biến đổi sâu xa so với quá khứ gần đây và liên tục biến chuyển. Tiến trình tục hóa và sự lan tràn não trạng hư vô, trong đó mọi sự chỉ là tương đối, đã ảnh hưởng sâu đậm đến tâm thức chung. Như thế, đời sống được sống một cách nhẹ dạ. không có lý tưởng rõ ràng và chẳng có niềm hy vọng vững chắc, giữa lòng những quan hệ xã hội và gia đình lỏng lẻo, tạm bợ. Nhất là các thế hệ trẻ không được giáo dục về sự tìm kiếm chân lý và ý nghĩa sâu xa của cuộc sống vượt lên trên những điều tạm thời chóng qua, họ không được giáo dục về sự bền vững của tình cảm, về lòng tín nhiệm. Trái lại, chủ thuyết duy tương đối làm cho người ta không có những điểm vững chắc, ngờ vực, và dễ ham muốn, tạo ra sự tan vỡ trong những quan hệ giữa con người với nhau, trong khi cuộc sống diễn ra giữa những kinh nghiệm chóng vánh, không lãnh nhận trách nhiệm. Trong khi cá nhân chủ nghĩa và duy tương đối dường như thống trị tâm hồn của nhiều người ngày nay, ta không thể nói rằng các tín hữu hoàn toàn được miễn nhiễm khỏi những nguy hiểm mà chúng ta gặp phải trong việc thông truyền đức tin. Cuộc điều tra thực hiện tại tất cả các đại lục để cử hành Thượng HĐGM thế giới về việc tái truyền giảng Tin Mừng, cho thấy một số nguy hiểm, đó là đức tin được sống một cách thụ động và riêng tư, sự từ khước giáo dục đức tin, sự cách biệt giữa đức tin và cuộc sống.

Các tín hữu Kitô thường không thấy rằng nòng cốt đức tin Công Giáo của mình là Kinh Tin Kính, để rồi đi theo một thứ tôn giáo pha trộn và duy tương đối về tôn giáo, không rõ ràng về các chân lý cần phải tin và đặc điểm cứu độ của Kitô giáo. Ngày nay, có nguy cơ tôn giáo tự chế. Trước thái độ đó, chúng ta phải trở về cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, chúng ta phải tái khám phá sứ điệp Tin Mừng, đưa sứ điệp ấy vào sâu trong ý thức và trong cuộc sống thường nhật của chúng ta.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Cha Nguyễn Năng tham gia phái toàn Tòa Thánh thăm Syria

Đức Cha Nguyễn Năng tham gia phái toàn Tòa Thánh thăm Syria

VATICAN. Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, GM giáo phận Phát Diệm, thuộc phái đoàn Tòa Thánh viếng thăm Siria.
Tuyên bố chiều tối 16 tháng 10-2012 tại phiên khoáng tại thứ 14 của Thượng HĐGM, ĐHY Bertone, Quốc vụ Khanh Tòa Thánh nói rằng:

”Chúng ta không thể chỉ là khán giả trước một thảm kịch như đang xảy ra tại Siria. Một số bài phát biểu của các Nghị phụ tại Hội trường này chứng tỏ thảm trạng ấy.

Xác tín rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Siri chỉ có thể là giải pháp chính trị và nghĩ đến những đau khổ bao la của dân chúng, đến số phận của những người tản cư và tương lai của đất nước Siria, một số người trong chúng ta đã đề nghị Thượng HĐGM này có thể biểu lộ tình liên đới.

ĐTC đã quyết định rằng một phái đoàn sẽ đến Damasco trong những ngày tới đây để bày tỏ nhân danh Ngài và tất cả chúng ta:

– tình liên đới huynh đệ của chúng ta với toàn dân Siria, cùng với một sự đóng góp riêng của các nghị phụ và của Tòa Thánh.
– bày tỏ sự gần gũi tinh thần với các anh chị em Kitô hữu

– nói lên sự khuyến khích của chúng ta với những người đang dấn thân tìm kiếm một sự thỏa thuận tôn trọng các quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người, đặc biệt chú ý đến những gì được qui định trong công pháp nhân đạo.

ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh thông báo thành phần gồm 7 vị trong đó có 5 nghị phụ: đứng đầu là ĐHY Laurent Monsengwo Pasinya, TGM Kinshasa bên Congo, 1 trong 3 vị Chủ tịch thừa ủy của Thượng HĐGM; ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, ĐHY Timothy Dolan, TGM New York, Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ, Đức Cha Fabio Suescun Mutis, Giám Mục Quân đội Colombia và Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, GM Phát Diệm.
Cùng thuộc phái đoàn còn có Đức TGM Dominique Mamberti, Ngoại trưởng Tòa Thánh và Đức Ông Alberto Ortega, thuộc Bộ ngoại giao Tòa Thánh.

ĐHY Bertone cho biết Phái đoàn sẽ lên đường đi Damasco vào tuần tới và trong khi đó, chúng ta hãy cầu nguyện để lý trí và lòng từ bi được trổi vượt (SD 16-10-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Hình ảnh Đại lễ khai mạc năm Đức Tin GH Việt Nam và cao điểm Năm Thánh 80 năm GP Thanh Hóa

Hình ảnh Đại lễ khai mạc Năm Đức Tin GH Việt Nam và Cao điểm Năm Thánh 80 Năm GP Thanh Hóa

Sáng 12.10.2012, tại trung tâm giáo phận Thanh Hóa đã diễn ra ba sự kiện lớn không chỉ cho giáo phận Thanh Hóa mà cho toàn thể giáo hội Việt Nam: Khánh thành Trung tâm mục vụ, Đại lễ cao điểm Năm Thánh kỷ niệm 80 năm thành lập giáo phận Thanh Hóa, và đặc biệt là Khai mạc Năm Đức Tin của giáo hội Việt Nam.
Không khí tại  trung tâm giáo phận Thanh Hóa vào sáng sớm 12.10
 
 
Nhà thờ Chính Tòa
 
 
 
Tòa giám mục
 
 
 
Hàng rào danh dự xung quanh hồ cho đoàn rước đồng tế
 
 
 
 
 
Rực rỡ sắc màu
Khánh thành Trung tâm mục vụ: Công trình mừng sinh nhật thứ 80 của giáo phận Thanh Hóa, một Trung tâm mục vụ đã được hoàn thành. Và hôm nay, vinh dự được chính Đức cha Chủ tịch HĐGM Việt Nam làm phép thánh hóa.
 
 
 
 
 
 
 
Rước vào thánh lễ:
 
 
Đoàn rước bắt đầu từ Trung tâm mục vụ, vòng quang hồ và tiến về lễ đài Chính Tòa
 
 
Đội cồng chiêng giáo xứ Phong Ý
 
 
 
Quý cha, quý thầy và các đoàn thể trên đường rước
 
 
Bảng tên 26 giáo phận cùng với cộng đoàn Công giáo Việt Nam hải ngoại
 
 
 
Quý Đức cha trong cuộc rước đang tiến ra từ Trung tâm mục vụ, các thiên thần tháp tùng
 
 
 
Đoàn rước vòng quang hồ …
 
 
…tiến về lễ đài giáo xứ Chính Tòa
 
 
 
Đoàn đồng tế tiến lên lễ đài
 
Làm phép lễ đài mới: Cùng với Trung tâm mục vụ, lễ đài mới tại giáo xứ Chính Tòa đã hoàn thành đúng dịp và trong thánh lễ hôm nay cũng được chính Đức cha Chủ tịch HĐGM Việt Nam làm phép. 
 
 
 
 
Nghi thức Khai mạc Năm Đức Tin 2012-2013 cho giáo hội Việt Nam: Năm Đức Tin đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khai mạc vào hôm qua 11.10 tại Vatican cho toàn thể giáo hội Hoàn Vũ. Và hôm nay đây, Năm Đức Tin cho giáo hội Việt Nam cũng chính thức được khai mạc.
 
 
Công bố tông huấn Năm Đức Tin của ĐTC Bênêđictô XVI 
 
 
Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh đánh hồi trống hiệu triệu
 
 
Đức Tổng giám mục Hà Nội Phêrô tuyên bố khai mạc Năm Đức Tin
 
 
Ba Đức Tổng đại diện cho ba giáo tỉnh mở cửa Năm Đức Tin
 
 
Năm Đức Tin của giáo hội Việt Nam đã chính thực được khai mạc
 
 
Bóng bay mang theo cờ logo Năm Đức Tin có tên 26 giáo phận cùng với cộng đoàn Công giáo Việt Nam hải ngoại
 
 
 
 
Đức TGM Leopoldo Girelli đốt đuốc Đức Tin
 
Thánh lễ diễn ra long trọng:
 
 
Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh chào mừng và giới thiệu các đấng bề trên thượng cấp của giáo hội Việt Nam và quý quan khách
 
 
 
 
Đức cha Chủ tịch HĐGM chủ sự thánh lễ đồng tế
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Giáo dân đông đảo khiến khuôn viên giáo xứ không thể chứa hết, họ cùng hiệp thông thánh lễ qua những màn hình trực tiếp
 
 
Cung nghinh Lời Chúa
 
 
Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên – Giám mục Hải Phòng giảng lễ
 
 
 
 
Dâng lễ vật với trang phục và của lễ đại diện, đặc trưng cho ba giáo tỉnh
 
 
 
 
 
 
 
Cha Tổng đại diện Phêrô Vũ Tiến Phúc biểu lộ lời tri ân cảm tạ mọi thành phần dân Chúa
 
 
 
Đức TGM Leopoldo Girelli ban huấn từ
 
 
 
Đức TGM chủ tịch HĐGM Việt Nam có lời chia sẻ với cộng đoàn…
 
 
 
Và ban phép lành toàn xá, khép lại thánh lễ trọng thể với những sự kiện lớn hôm nay
 
Những tiết mục vũ cộng đồng tại TGM chào mừng Năm Đức Tin, mừng đại lễ cao điểm Năm Thánh 80 năm giáo phận:
 
 
 
 
 
 
 
 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Lương thực thế giới

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Lương thực thế giới

VATICAN. Trong sứ điệp nhân ngày lương thực thế giới, cử hành hôm 16 tháng 10-2012, ĐTC Biển Đức 16 đề cao vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp trong việc góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới.

Trong sứ điệp gửi đến Ông José Graziano da Silva, Tổng giám đốc tổ chức lương nông quốc tế (FAO), ĐTC đặc biệt bày tỏ sự hài lòng vì đề tài được chọn cho Ngày lương thực thế giới năm nay là ”Các hợp tác xã nông nghiệp nuôi thế giới”. Ngài viết: ”Vấn đề ở đây không phải chỉ là nâng đỡ các hợp tác xã như một hình thức tổ chức kinh tế và xã hội, nhưng còn coi chúng như một phương thế thực sự của hoạt động quốc tế. Kinh nghiệm tại nhiều nước chứng tỏ rằng các hợp tác xã, ngoài việc đẩy mạnh hoạt động nông nghiệp, chúng còn là một phương thể giúp các nông dân và dân chúng ở nông thôn can thiệp trong những lúc quyết định và đồng thời là một dụng cụ hữu hiệu để thực hiện sự phát triển toàn diện, với con người là nền tảng và là mục đích”.

Trong sứ điệp, ĐTC cũng nhận xét rằng ”Nhờ dành ưu tiên cho chiều kích nhân bản, các hợp tác xã nông nghiệp có thể vượt lên trên khía cạnh hoàn toàn là kỹ năng canh tác, đặt chiều kích con người ở trung tâm hoạt động kinh tế, nhờ đó giúp mang lại câu trả lời thích hợp cho các nhu cầu đích thực của địa phương.. Đây là một quan điểm khác với quan điểm chịu ảnh hưởng của các biện pháp quốc nội và quốc tế chỉ nhắm mục tiêu duy nhất là kiếm lợi, bảo vệ thị trường, dùng các nông phẩm ngoài mục tiêu lương thực, duy nhập những kỹ thuật sản xuất mơi mà không có sự thận trọng cần phải có.” (SD 16-10-2012)

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Sinh Hoạt Thượng HĐGM thứ 13: 16-10-2012

Sinh Hoạt Thượng HĐGM thứ 13: 16-10-2012

VATICAN. Từ sáng 16 tháng 10-2012, các dự thính viên và đại biểu các Giáo Hội Kitô anh em bắt đầu lên tiếng phát biểu tại Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 về tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin.

Phiên họp khoáng đại thứ 13 được đặt dưới quyền chủ tọa của ĐHY Gioan Thang Hán, GM giáo phận Hong Kong, nhưng không có sự hiện diện của ĐTC. Có 46 dự thính viên và 14 đại diện các Giáo Hội Kitô khác. Ngoài ra có 3 vị khách mời đặc biệt, trong đó có thầy Alois, Tu Viện trưởng tu viện đại kết Taizé. Việc phát biểu được tiếp tục trong phiên khoáng đại thứ 14 vào ban chiều. Mỗi dự thính viên được nói trong vòng 3 phút, tức là ít hơn 2 phút so với các nghị phụ.

Đầu khóa họp ban sáng, Đức TGM Eterovic, Tổng thư ký Thượng HĐGM, đã đọc sứ điệp của Đức Cha Lucas Lý Kinh Phong (Ly Jingfeng), GM Giáo phận Phượng tường (Fengxiang) tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, 90 tuổi, được trả tự do năm 1979 sau 20 năm tù trong thời cách mạng văn hóa. Ngài sinh năm 1922, thụ phong LM năm 1947 và GM năm 1980 hợp pháp trước mặt Tòa Thánh và cũng được Nhà nướcnhìn nhận ngày 30 tháng 8-2004. Giáo phận của ngài hiện có 20 ngàntín hữu Công Giáo. Đức Cha chào thăm các nghị phụ Thượng HĐGM và bày tỏ đau buồn vì không có ai từ Hoa Lục được tham dự công nghị GM này. Đức cha kể lại cuộc sống đức tin nhiệt thành của các tín hữu Công Giáo Trung Quốc và chia sẻ niềm đau của ĐTC vì tình trạng khủng đức tin tại nhiều nơi trên trái đây. Đức cha hy vọng đức tin của các tín hữu Công Giáo Trung Quốc có thể an ủi ĐTC.

Thượng HĐGM cũng bày tỏ tình liên đới với Giáo Hội và nhân dân Haiti bị động đất dữ dội cách đây 2 năm và đang ở trong giai đoạn tái thiết.

Sau khi 24 nghị phụ phát biểu, đến lượt 7 dự thính viên lên tiếng, gồm 6 giáo dân và một LM.
Trong số các nghị phụ phát biểu trong các phiên họp trước đó, người ta đặc biệt chú ý đến lập trường của:

Đức Cha Franz-Josef Bode, GM giáo phận Osnarbrueck ở Bắc Đức, đề nghị cho giáo dân được lãnh trách nhiệm nhiều hơn trong Giáo Hội. ”Một nền mục vụ sống động đòi phải có sự cộng tác giữa những người đã chịu phép rửa, chịu phép thêm sức, những người được giao phó trách vụ, những người được sai đi và những người được chịu chức thánh. Để được vậy, điều đáng mong ước là nới rộng trách nhiệm của các giáo dân nam nữ trong lãnh vực phụng vụ, huấn giáo và phục vụ”.

Đức Cha John Wong Soo Kau, 44 tuổi, TGM Phó giáo phận Kota Kinabalu bên Malaysia, thì kêu gọi cải tiến các phương pháp truyền giáo. Ngài nói:

”Lời kêu gọi tái Truyền Giảng Tin Mừng giả thiết nhận thức rằng các phương pháp và lối diễn tả của chúng ta ngày nay không còn thu hút hoặc mời gọi thế giới đang bị lôi kéo hoặc thúc đẩy vì những thay đổi được đẩy mạnh nhờ những tiến bộ trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật, cũng như vì sự ham muốn của con người.

Nhiều suy tư và hội nghị đã được tổ chức ở nhiều cấp độ sau Công đồng chung Vatican 2, cố gắng đọc và hiểu các dấu chỉ thời đại. Nhiều tuyên ngôn và huấn dụ đã được công bố cho các Giáo Hội địa phương để can đảm đáp ứng những tình trạng thay đổi trong hy vọng. Nhưng các sứ điệp đã không thể được thông truyền mau lẹ và rộng rãi cho đủ. Chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận rằng những câu trả lời của chúng ta trong quá khứ không theo kịp những thay đổi trong thế giới. Chúng ta đã không thể mang lại những giải đáp cho cá nhân và xã hội bị kẹt giữa các cơ cấu và những dịp tội lỗi. Tiếng nói của chúng ta bị bóp nghẹt vì những luật lệ quốc gia hoặc những thế lực mạnh mẽ kiểm soát các cơ quan truyền thông. Tôi muốn kể thêm một chiều kích nữa, đó là xu hướng tiến đến trào lưu cuồng tín và cực đoan (TLLV 63-67). Vì thế cần cấp thiết duyệt lại các phương pháp của chúng ta trong việc thông truyền giáo huấn của Giáo Hội về từ ngữ, hình thức, cách diễn tả và phương thế.

Đức TGM Wong Soo Kau cũng kêu gọi tăng cường việc đào tạo giáo dân: tại một số miền như ở Á châu, họ cần được huấn luyện để có thể đáp lại những hoàn cảnh khó khăn, khi đức tin của họ bị đe dọa.. Việc đối thoại liên tôn là điều rất cần thiết trong chương trình tái truyền giảng Tin Mừng. Đồng thời chúng ta cần đảm báo cho các tín hữu Kitô thiểu số tại một số miền được bảo vệ và đức tin của họ được củng cố. (SD 16-10-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Sinh hoạt Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13: 15-10-2012

Sinh hoạt Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13: 15-10-2012

VATICAN. Hôm 15 tháng 10-2012, Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 đã bắt đầu tuần làm việc thứ hai với hai phiên khoáng đại thứ 11 vào ban sáng và thứ 12 vào ban chiều.

Với hai phiên họp này, phần phát biểu của hơn 260 nghị phụ kể như kết thúc. Trong hai phiên họp sáng và chiều ngày 16-10-2012, cũng như trong phiên họp sáng thứ tư 17 tháng 10-2012, Công nghị GM thế giới sẽ lắng nghe ý kiến của các dự thính viên và đại biểu của các Giáo Hội Kitô Anh em.

Phiên họp thứ 11 sáng 15 tháng 10-2012, có sự hiện diện của ĐTC cùng với 251 nghị phụ, và dưới quyền chủ tọa theo lượt của ĐHY Chủ tịch thừa ủy, Gioan Thang Hán, GM Hong Kong. Đã có 42 nghị phụ đăng ký xin phát biểu.

Các bài phát biểu đề cập đến những vấn đề như: huấn luyện giáo dân một cách thích hợp, nâng đỡ gia đình, thăng tiến đối thoại đại kết và liên tôn: đây chính là những ”dụng cụ” của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng. Một số nghị phụ bày tỏ lo âu về tình hình Mali bên Phi châu nơi các lực lượng Hồi giáo cực đoan đã chiếm được miền bắc nước này và đang đe dọa vùng thủ đô.

Các giáo dân cần được huấn luyện vững chắc và thích hợp, kể cả qua những công nghị địa phương, với sự tham dự trực tiếp của giáo dân, để họ có khả năng không chiều theo những cám dỗ của thế gian và làm chứng về những giá trị chân chính dựa trên sự kiện đức tin không chiều theo thế gian.

Nhiều nghị phụ đề cao tầm quan trọng của gia đình, giáo hội tại gia, và vì thế gia đình cũng là tác nhân truyền giáo; gia đình đang bị băng hoại vì lịch sử tây phương dựa trên sự giải phóng khỏi mọi ràng buộc. Ngày nay dường như gia đình là vấn đề số một của xã hội, đến độ người ta tin nơi sự trung thành ủng hộ một đội bóng đá hơn là sự chung thủy trong hôn nhân.

Một số bài phát biểu chi tiết hơn của các nghị phụ

Trong số các nghị phụ lên tiếng tại phiên khoáng đại thứ 6, chiều thứ năm 11-10 vừa qua, có Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, GM Phan Thiết, một trong hai đại biểu của HĐGM Việt Nam, đã nêu bật vai trò của giáo xứ trong việc truyền giảng Tin Mừng. Ngài nói:

”Khi đọc số 81 trong Tài liệu làm việc, tôi muốn lưu ý về vai trò của giáo xứ trong hoạt động rao giảng Tin Mừng và thông truyền đức tin.

”Trên bình diện Giáo Hội, mỗi giáo xứ là một đơn vị cơ bản của Giáo Hội địa phương, nhưng có khả năng làm cho Giáo Hội hoàn vũ trở nên hữu hình. Xét vì là một cộng đoàn giáo hội gần gũi với dân chúng tại một nơi cụ thể, đời sống của giáo xứ phải được tổ chức tương ứng như Giáo Hội hoàn vũ, để khi thấy sức sinh động của giáo xứ, người ta cảm thấy gần gũi với Giáo Hội hoàn vũ. Người ta lập tức được trở thành phần tử và được tham gia một Giáo Hội địa phương. Nếu trong đời sống kinh tế người ta nói suy nghĩ bao quát, hoạt động ngay ở địa phương (think globally, work locally), thì phải chăng người ta cũng có lý để nói rằng ”tư duy trong tâm tình yêu mến Giáo Hội hoàn vũ, và hoạt động thực sự trong Giáo Hội địa phương?”

Trên bình diện mục vụ, mỗi giáo xứ là một môi trường cụ thể để gặp gỡ giữa các vị hữu trách về đời sống giáo xứ. Một nền mục vụ được coi là sinh động hơn kém tùy theo những trao đổi hữu hiệu giữa các phần tử của giáo xứ qua những cuộc gặp gỡ. Một chương trình mục vụ được chuẩn bị kỹ lưỡng, được bàn luận sâu rộng và quyết định đúng đắn, thì chắc chắn sẽ mang lại những thành quả làm cho toàn thể cộng đoàn giáo xứ sinh động. Trong giáo phận Phan Thiết của tôi, vì những lý do chính trị, các giáo xứ vẫn còn giữ một vai trò quan trọng trong hoạt động mục vụ. Chúng tôi không có quyền thực hiện những cuộc hội họp tôn giáo ở ngoài môi trường giáo xứ, và vì thế, nhà thờ và nhà xứ là những nơi thuận tiện cho các cuộc gặp gỡ của mọi giáo hữu để huấn luyện về giáo lý và thông truyền đức tin.

Trên bình diện truyền giáo, mỗi giáo xứ vẫn còn là một môi trường huynh đệ trong đó người ta biết nhau và nhìn nhận nhau đoàn toàn. Người ta biết rõ cá nhân, gia đình nghề nghiệp, và thậm chí cả những khả năng trí thức và nhân bản nữa. Người ta biết nhau rất rõ. Các chương trình truyền giáo được đề ngh
ị trong giáo xứ dựa trên điều đó”.

 

 

  • ĐHY Odilo Pedro Scherer, TGM giáo phận São Paolo, là giáo phận lớn nhất tại Brazil với hơn 5 triệu 600 ngàn tín hữu, trong bài phát biểu, ngài nhấn mạnh đến vai trò của đời sống thánh thiện và các thánh trong việc tái truyền giảng Tin Mừng. ĐHY nói:

”Việc tái truyền giảng Tin Mừng cần những ”nhà truyền giáo mới”. Các nhà rao giảng Tin Mừng này cần có cảm nghiệm sâu xa về đức tin, được nuôi dưỡng bằng sự hiệp thông với Thiên Chúa hơn là những phương pháp mới và phương tiện kỹ thuật.

”Qua dòng lịch sử, các thánh là những Kitô hữu chân chính và là những nhà rao giảng Tin Mừng hiệu nghiệm nhất. Từ thời các tông đồ và các vị tử đạo đầu tiên, Giáo Hội đã có thể cậy dựa vào chứng tá của các thánh giữa những lúc khó khăn nhất trong đời sống và sứ mạng của mình: các thánh tử đạo và hiển tu, các thánh mục tử và tiến sĩ, các thánh thừa sai và giảng thuyết, các thánh thần bí, các trinh nữ thánh hiến, các thánh bác ái, các thánh lập dòng. Các vị luôn luôn là những môn đệ đích thực và thừa sai của Chúa Giêsu và là chứng nhân của Chúa trong thế giới! Tại mỗi nước, các thánh địa phương, hoặc các thánh của Giáo Hội hoàn vũ đã và đang nâng đỡ đức tin của các tín hữu; các vị là gương sống cho họ, và cũng là những người chuyển cầu huynh đệ. Các đền thánh là những nơi đức tin và an ủi cho các tín hữu.

Vì thế – ĐHY Scherer nói – công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng có thể tìm được trong đời sống, chứng tá và sự chuyển cầu của các thánh một nguồn năng lực vô biên. Lòng sùng mộ đối các thánh và sự hiệp thông với các thánh giúp các tín hữu cảm nghiệm sự gần gũi với ”Mầu nhiệm đức tin” mà Giáo Hội tin và công bố cho thế giới.

Mầu nhiệm đức tin này là chính Chúa Ba Ngôi, Đấng đã trở nên gần gũi với chúng ta nhờ Chúa Giêsu Kitô; mầu nhiệm ấy đã làm say mê các thánh trước chúng ta, và cũng có thể thu hút cả những con người ngày nay.

Cuộc sống, chứng tá và sự chuyển cầu của các thánh chính là một kho tàng của Giáo Hội, và có thể trợ lực rất nhiều cho công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng.
 

 

  • Đức Cha José Guadalupe Martín Rábago, TGM giáo phận Léon bên Mêhicô, nói về vai trò của lòng đạo đức bình dân trong việc tái truyền giảng Tin Mừng:

”Trong giáo huấn của Giáo Hội tại Mỹ châu la tinh thường nhắc đến giá trị mục vụ của lòng đạo đức bình dân. Chúng ta nhìn nhận rằng việc rao giảng Tin Mừng và thanh tẩy lòng đạo đức bình dân là những thách đố cần đương đầu trong tinh thần sáng tạo về mục vụ, vì nếu chỉ chiều theo những tình cảm và những gì là bình dân, thì không thể kiến tạo một nền văn hóa rao giảng Tin Mừng thực sự, có sức biến đổi các cơ cấu tội lỗi như các bất công xã hội, bạo lực, bất công và những gì trái ngược với phẩm giá con người và sự sống chung huynh đệ.

Đức TGM Martín Rabago trưng dẫn một thí dụ: giáo phận Querétaro ở Mêhicô vẫn tổ chức cuộc hành hương thường niên đến Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe. Năm nay là kỷ niệm cuộc hành hương thường niên thứ 122 của giáo phận này. Có khoảng 40 ngàn người tham gia hành hương, họ được chia thành nhóm và có các LM, chủng sinh và nhân viên mục vụ giáo dân tháp tùng. Cuộc hành hương kéo dài 17 ngày, trong đó các LM cử hành thánh lễ hằng ngày và giải tội cho các tín hữu.
Kết quả thật là lớn lao. Người ta gia tăng lòng tôn sùng Thánh Thể, qua các giờ thánh được cử hành mỗi ngày. Cuộc hành hương được giáo phận và các giáo xứ chuẩn bị, đã biến thành một truyền thống mang lại những thay đổi tích cực trong cuộc sống và các tín hữu dấn thân nhiều hơn trong chương trình mục vụ được đề xướng.

ĐHY Peter Turkson, người Ghana, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh công lý và hòa bình, nhắc đến giáo huấn của Đức Phaolô 6 và Biển Đức 16, được tài liệu làm việc của Thượng HĐGM 13 trích dẫn, khẳng định rằng: ”Công việc rao giảng Tin Mừng sẽ không đầy đủ nếu không để ý đến lời kêu gọi hỗ tương mà Tin Mừng và đời sống cụ thể, đời sống cá nhân và xã hội của con người, nêu lên… Chứng tá bác ái của Chúa Kitô qua những hoạt động công lý, hòa bình và phát triển là điều thuộc về công việc rao giảng Tin Mừng, vì Chúa Giêsu Kitô, Đấng yêu thương chúng ta, quan tâm đến trọn con người. Dựa trên những giáo huấn quan trọng ấy có khía cạnh truyền giáo của đạo lý xã hội Công Giáo như một yếu tố nòng cốt của công cuộc rao giảng Tin Mừng. Đạo lý xã hội của Hội Thánh là sự loan báo và làm chứng về đức tin; là dụng cụ và là nơi không thể tách rời khỏi sự giáo dục về đức tin. Vả lại, qua kinh nghiệm sâu xa về mục vụ của Đức Chân Phước Gioan Phalô 2, khi còn là GM giáo phận Cracovia, cũng như khi làm Giáo Hoàng, đã nảy sinh định nghĩa hiệu năng nhất về đạo lý xã hội Công Giáo như “một dụng cụ để rao giảng Tin Mừng”.
Động lực nguyên thủy của sự rao giảng Tin Mừng chính là tình yêu của Chúa Kitô để cứu độ con người và việc loan báo Chúa Giêsu Kitô chính là nhân tố đầu tiên và chính yếu của sự phát triển.

Và ĐHY Turkson nhấn mạnh rằng trong bối cảnh lịch sử ngày nay, cần cấp thiết có những hoạt động tái truyền giảng Tin Mừng cả về mặt xã hội, không những vì yếu tố xã hội là một nội dung không thể thiếu được trong công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, nhưng còn vì đây là một phương thế hữu hiệu. Thực vậy, nhiều người ngày nay ngày càng tỏ ra nhạy cảm hơn đối với những vấn đề các quyền con con người, công lý, bảo vệ môi sinh, chiến đấu chống nghèo đói, những đề tài liên hệ tới đời sống cụ thể của con người và quốc gia. Đây là một thực tại có thể nắm bắt như một cơ hội đích thực để tái truyền giảng Tin Mừng: chính vì lý do đó, cánh cửa dẫn vào việc rao giảng Tin Mừng có thể là cánh cửa xã hội.

Đi vào cụ thể, trong lãnh vực đào tạo, ĐHY Turkson đề nghị kiên trì quan tâm đến việc học hỏi giáo huấn xã hội Công Giáo trong các chủng viện và các nơi đào tạo, các giáo xứ. Đừng tỏ lõ cơ hội để đối thoại đại kết và liên tôn…
 

 

  • Đức Cha François Lapierre, GM giáo phận Saint-Hyacinthe bên Canada, nhận xét rằng Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM hiện nay rất phong phú nhưng hơi yếu kém khi bàn về quan hệ giữa công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng và đạo lý xã hội của Hội Thánh. Tài liệu không khai triển đụ mối liên hệ sâu xa giữa việc loan báo Tin Mừng và việc phục vụ Công lý và hòa bình.

Tình trạng này có nguy cơ làm cho việc tái truyền giảng Tin Mừng như một câu trả lời cho các vấn đề nội bộ của Giáo Hội và không như một đóng góp có một không hai cho việc phát triển công lý và hòa bình trên thế giới. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay làm cho chúng ta khám phá thấy sự hà tiện và tham lam đã phá vỡ những liên hệ về ý nghĩa bằng cách tách biệt kinh tế ra khỏi chiều kích xã hội trong đời sống con người. Những liên hệ ấy chỉ có thể tìm lại được bằng tình thương, tình huynh đệ và bằng hữu, là những điều không những phải được biểu lộ trong những quan hệ giữa các cá nhân với nhau, nhưng còn trong đời sống kinh tế và thương mại như ĐTC Biển Đức 16 đã diễn tả trong thông điệp Bác ái trong chân lý.

Trong bối cảnh đó, một điều rất quan trọng là Giáo Hội xuất hiện như một huynh đoàn, một thân mình, Mình của Chúa Kitô. Cộng đoàn là một sự loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Trong việc khai tâm Kitô giáo, chúng ta thường tách biệt tình yêu với công lý, hành trình đức tin và các thực tại xã hội và chính trị. Điều cấp thiết là phát triển một nền văn hóa liên đới.

Các nhà đại thừa sai, qua các thế kỷ, đã biết liên kết việc loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô một cách táo bạo và sự dấn thân nơi những người nghèo khổ nhất. Cử chỉ của các vị thường ảnh hưởng nhiều hơn là lời nói.

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican
 

 

 

Đức Thánh Cha nhắc nhở từ bỏ lòng quyến luyến của cải

Đức Thánh Cha nhắc nhở từ bỏ lòng quyến luyến của cải

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với 30 ngàn tín hữu trưa chúa nhật 14 tháng 10-2012, ĐTC Biển Đức 16 nhắc nhở các tín hữu về lời kêu gọi của Chúa Giêsu về sự từ bỏ lòng quyến luyến của cải.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC giải thích về bài Tin Mừng chúa nhật thứ 28 thường niên năm B về sự tích người giàu có hỏi Chúa Giêsu xem mình còn phải làm gì để được sự sống đời đời. Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

”Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Mc 10,17-30) có đề tài chính là sự giàu có. Chúa Giêsu dạy rằng đối với một người giàu có thật là khó vào Nước Thiên Chúa, nhưng không phải là không có thể; thực vậy, Thiên Chúa có thể chinh phục con tim của một người có nhiều của cải và thúc đẩy họ sống liên đới và chia sẻ với những người túng thiếu, với những người nghèo và như vậy họ sống theo tiêu chuẩn trao ban. Như thế, họ đi theo con đường của Chúa Giêsu Kitô, Đấng vốn giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh em, để anh em trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Ngài”, như thánh Phaolô đã viết (2 Cr 8,9).

”Như thường xảy ra trong các Sách Phúc Âm, tất cả đều khởi hành từ một cuộc gặp gỡ: cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với một người kia ”có nhiều của cải” (Mc 10,22). Ông là người ngay từ thời còn trẻ vẫn trung thành tâm giữ mọi giới răn của Luật Chúa, nhưng chưa tìm được hạnh phúc đích thực; và vì thế, ông ta hỏi Chúa Giêsu xem cần phải làm gì ”để được sự sống đời đời” (v. 17). Một đàng cũng như mọi người, ông ta bị cuộc sống sung mãn thu hút; nhưng đàng khác, ông ta quen cậy dựa vào sự giàu sang của mình, ông nghĩ rằng cả sự sống đời đời cũng có thể thủ đắc được một cách nào đó, có lẽ chỉ cần tuân giữ một giới răn đặc biệt. Chúa Giêsu đón nhận ước muốn sâu xa nơi người ấy – và thánh sử Phúc Âm nhận xét – Ngài nhìn người ấy với cái nhìn trìu mến: cái nhìn của Thiên Chúa (Xc v.21). Nhưng Chúa Giêsu cũng hiểu đâu là điểm yếu của người ấy: đó chính là sự quyến luyến với gia sản giàu có của ông; và vì thế, Ngài đề nghị ông phân phát hết tài sản cho người nghèo, nhờ đó, kho tàng của ông, và con tim của ông, không còn ở trên mặt đất nữa, nhưng ở trên trời, và ngài nói thêm: ”Anh hãy đến đây mà theo tôi!” (v. 22). Nhưng người ấy, thay vì đón nhận lời mời gọi của Chúa, thì lại buồn rầu bỏ đi (Xc v.23), vì không rời bỏ nổi những của cải giàu sang của mình, những của mà không bao giờ chúng có thể mang lại cho ông ta hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu”.

”Và bấy giờ Chúa Giêsu nêu lên một giáo huấn cho các môn đệ – và cho cả chúng ta ngày nay: ”Thật là khó khăn dường nào đối với những người có nhiều của cải, vào được Nước Thiên Chúa!” (v.23). Khi nghe những lời này, các môn đệ ngỡ ngàng; và họ càng kinh ngạc hơn khi Chúa Giêsu nói thêm: ”Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu có vào Nước Chúa”. Nhưng khi thấy họ kinh ngạc, Chúa nói: ”Điều ấy không thể đối với con người, nhưng không phải không thể đối với Thiên Chúa! Vì tất cả đều có thể đối với Thiên Chúa” (Xc vv.24-27). Thánh Clemente thành Alessandria bình luận như sau: ”Dụ ngôn dạy những người giàu có đừng lơ là đối với phần rỗi của họ như thể họ đã bị kết án, và cũng không được vất của cải xuống biển, và đừng lên án sự giàu sang như là cạm bẫy và thù nghịch đối với cuộc sống, nhưng họ phải học cách sử dụng giàu sang và tìm kiếm được sự sống” (Quale ricco si salverà?, 27, 1-2). Lịch sử Giáo Hội đầy những tấm gương của những người giàu có, đã dùng tài sản của mình theo tinh thần Phúc Âm, và họ cũng đạt tới sự thánh thiện. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến thánh Phanxicô, thánh nữ Elisabeth xứ Hungari, hoặc thánh Carlo Borromeo. Xin Đức Trinh Nữ Maria, là Tòa Đấng Khôn ngoan, giúp chúng ta vui mừng đón nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu, để được cuộc sống sung mãn.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nhắc đến lễ phong chân phước hôm thứ bẩy, 13-10-2012, tại Praha, thủ đô cộng hòa Tiệp, cho Cha Federico Bachstein và 13 anh em cùng dòng Phanxicô. ”Các vị bị giết hại vào năm 1611 vì đức tin. Đó là những chân phước đầu tiên của Năm Đức tin, và là những vị tử đạo: các ngài nhắc nhở chúng ta rằng tin nơi Chúa Kitô cũng có nghĩa là sẵn sàng chịu đau khổ với Chúa và cho Chúa..

Trong lời chào bằng tiếng Pháp, ĐTC nói: Vào đầu Năm Đức Tin này, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta từ bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu. Chúng ta đừng sợ sống và công bố niềm xin của chúng ta nơi Thiên Chúa. Ngày nay cũng vậy, sống cho Chúa Kitô đòi chúng ta phải thực hiện những chọn lựa, nhiều khi khó khăn, nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa tháp tùng và trợ giúp chúng ta làm điều thiện, vì ơn thánh của Chúa luôn đi trước chúng ta. Trong tháng Mân Côi này, chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria. Mẹ đã biết đón nhận và sống Lời Chúa. Chúng ta cũng hãy phó thác cho mẹ các gia đình chúng ta và mọi tham dự viên Thượng HĐGM đang tụ họp tại đây để suy tư và trao đổi về việc tái Truyền Giảng Tin Mừng!

Khi chào các tín hữu nói tiếng Anh, ĐTC nói: Trong Năm Đức Tin này, giống như người đàn ông trong bài Tin Mừng hôm nay, ước gì chúng ta có can đảm hỏi Chúa xem điều gì chúng ta có thể làm hơn nữa, nhất là cho những người nghèo, người đơn độc, bệnh tật và đau khổ”.

Bằng tiếng Ba Lan, ĐTC nhắc đến sự kiện chúa nhật hôm qua tại Ba Lan và các giáo xứ Ba Lan trên thế giới, có cử hành Ngày Đức Giáo Hoàng với khẩu hiệu ”Đức Gioan Phaolô 2 – Vị Giáo Hoàng của gia đình”. Tôi cám ơn anh chị em vì dấu chỉ hiệp nhất này với Tòa Thánh, vì lời cầu nguyện của anh chị em và sự nâng đỡ dành cho các bạn trẻ được học bổng của Quỹ Ngàn Năm Mới, chuẩn bị cho ngày này. Tôi cầu mong trong mỗi gia đình Ba Lan được ngọn lửa nồng nhiệt của đức tin, của sự thiện và tình thương theo tinh thần Tin Mừng”.

Bằng tiếng Sloveni, ĐTC chào thăm các tín hữu đến từ miền Dob pri Damzalah về Roma hành hương nhân dịp kỷ niệm 250 năm xây dựng nhà thờ giáo xứ, như một dấu chỉ biết ơn vì hồng ân đức tin. Tôi cầu mong rằng ngày nay thánh đường của anh chị em cũng được đông chật tín hữu và tâm hồn của anh chị em luôn được tràn đầy ơn thánh và được củng cố trong sự thiện.

G. Trần Đức Anh OP
 

 

MẦU NHIỆM CỦA SỰ SỐNG

MẦU NHIỆM CỦA SỰ SỐNG

Con người rất thông minh, có thể chi phối, có thể điều khiển được gần như mọi sự trong cuộc đời này nhưng hoàn toàn bất lực trước sự sống. Con người có thể làm cho tăng thêm tuổi thọ, kéo dài sự sống thêm một thời gian nhưng đến ngày đến giờ đã "định" không ai có thể kéo dài thêm được nữa, cho dẫu chỉ một chút thời gian.

Cách đây không lâu, các giáo sư cũng như chủng sinh thuộc địa phận Xuân Lộc phải ngậm ngùi tiễn biệt một người con rất ưu tú của Giáo Hội về nhà Cha.

Ngài ra đi ở cái tuổi không còn trẻ nhưng cũng chưa quá già. Hết sức đặc biệt là Ngài đã cất công đi học ở phương xa để hấp thụ những môn thánh học về giúp cho quê nhà nhưng thời gian dạy học đó quá ngắn. Nhiều nỗ lực để giành lại sự sống cho một linh mục học hành chăm chỉ và siêng năng đều phải nhường chỗ cho chứng bệnh Ngài đang mang và tiếc thương ngậm ngùi tiễn biệt.

Mới đây thôi, một tin buồn cho Giáo Hội nói chung và cách riêng cho Giáo phận Bắc Ninh, cũng một cha giáo khá giỏi phải ra đi. Ngài lớn tuổi hơn cha giáo Xuân Lộc một chút nhưng thời gian giảng dạy của Ngài cũng chẳng được bao lâu.

Và, cũng hết sức ngậm ngùi đến với giáo phận Buôn Ma Thuột khi phải tiễn biệt một linh mục khá trẻ, với 40 tuổi đời và 3 năm linh mục. Nhiều và rất nhiều giáo dân cũng như linh mục và tu sĩ tiễn biệt cha trẻ này về nơi an nghỉ cuối cùng.

Không hề quen biết, chưa một lần gặp gỡ nhưng đứng trước sự ra đi của các cha như thế không khỏi để lại những nghĩ suy.

Sự sống là như thế đó, thật mỏng dòn và mong manh dù người đó là ai đi chăng nữa. Phận người quá mong manh dù đó là linh mục, tu sĩ, giáo dân hay cả giáo hoàng, giám mục, chủ tịch hay tổng thống của một nước. Có những người đang ở độ tuổi của làm việc, của nghiên cứu, của phục vụ nhưng đành phải để lại mọi sự đang dang dở.

Lời nguyện chiều thứ Sáu trong giờ Kinh Phụng Vụ tuần III như thế này : "Biết bao người hôm nay lìa thế – xin nhớ lại cái chết nhục nhằn của Chúa trên thập tự".

Biết bao người hôm nay lìa thế ! Biết bao nhiêu người lìa thế cũng có biết bao người sinh ra trong cõi nhân sinh này. Ngày sinh cũng như ngày lìa thế của mỗi người không ai biết được ngoài Thiên Chúa, tin hay không đó là chuyện của mỗi người. Ta đang cầu nguyện cho "biết bao người" nhưng ngày nào đến lượt ta làm sao ta biết được. Hoàn toàn không ai biết được, sự sống là như vậy đó.

Tôi có cơ may gần gũi với cha già, ngài là niên trưởng hiện tại trong anh em. Đã cố gắng và tận tình chữa chạy, một ngày kia bác sĩ cho về để chờ ngày lo hậu sự. Theo như lời bác sĩ nói thì xuất viện chỉ được dăm ba hôm. Và, mọi người đều chuẩn bị đến cái ngày lìa thế của ngài như lời của bác sĩ. Thế nhưng, một tuần trôi qua, hai tuần trôi qua nhưng sức khỏe của ngài dần hồi phục. Dĩ nhiên là không được như ngày trước vì cha già hoàn toàn sống phụ thuộc vào máy móc cũng như những hỗ trợ của y khoa. Đứng trước cảnh tình như thế và đứng trước lương tâm cũng như luân lý, nào ai dám ra tay quyết định sự sống của người anh em, của một con người.

Và, cũng có một cha già khác nằm dài trên giường bệnh non kém chục năm. Ngài vẫn còn sống nhưng chỉ hoàn toàn như đời sống thực vật. Hiện tại ngài vẫn được chăm sóc hết sức đặc biệt và kỹ càng qua người con tinh thần cũng như nhiều người khác nữa.

Không biết cha già kéo dài được bao lâu nữa nhưng quả thật sự sống vẫn là điều gì đó hết sức mầu nhiệm với con người.

Mỗi ngày còn được hít khí trời, mỗi ngày còn mở mắt nhìn mặt người cho dù người đó ta ít mến kém thương đi chăng nữa đó vẫn là hồng ân và là quà tặng của Thiên Chúa.

Hãy sống, hãy chia sẻ quà tặng mầu nhiệm của sự sống mỗi ngày ta có được từ ân ban của Chúa.

Hãy sống, hãy làm điều gì đó cho anh chị em đồng loại dẫu là một việc hết sức nhỏ nhoi như một lời kinh, như một lời cầu nguyện hay là một ly nước lã cho người đang đói khát ở cạnh bên ta.

Sự sống mầu nhiệm lắm ! Hãy yêu quý, hãy trân trọng mỗi ngày ta có được.

Anmai, CSsR