Đức Thánh cha ra lệnh gỡ bỏ tượng chân dung ngài ngay lập tức

Đức Thánh cha ra lệnh gỡ bỏ tượng chân dung ngài ngay lập tức

Hannah Roberts cho Mail Online, Vatican

Ngài trở thành một người được mọi người biết đến và là nhân vật nổi tiếng trên các bìa tạp chí ở tuổi 76.

Nhưng dường như Đức Thánh cha Phanxicô cố tránh trở thành người nổi tiếng – ngài ra lệnh gỡ bỏ tượng chân dung ngài có kích thước bằng người thật mới được đặt tại nhà thờ chính tòa Buenos Aires.

Đức Thánh cha ra lệnh gỡ bỏ tượng chân dung ngài ngay lập tức thumbnail

Từ khi bức tượng được đặt ở đó cách đây hai tuần, các tín hữu đến viếng bức tượng trong vườn nhà thờ chính tòa bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Thánh cha, trong khi du khách đứng chụp hình bên bức tượng.

Nhưng Đức Phanxicô, cựu tổng giám mục của thủ đô Argentina, cảm thấy khó chịu khi nghe tin này.

Ngài gọi điện ngay cho vị linh mục phụ trách, dùng những lời mạnh mẽ nói với ngài: ‘Gỡ bỏ cái đó xuống ngay lập tức’, tờ báo Argentina Clarin đưa tin.

Các nguồn tin Giáo hội nói với tờ báo rằng Đức Phanxicô quyết tâm tránh tạo ra ‘sự sùng bái cá nhân’ giống như Đức Gioan Phaolô II.

Từ khi lên ngôi giáo hoàng vào tháng 3, Đức Phanxicô đã làm nhiều việc được xem là khiêm tốn, tỏ vẻ ít thích cảnh phô trương và nghi thức long trọng dành cho ngài là người đứng đầu 1,2 tỉ người Công giáo trên thế giới.

Nguồn: Mail Online (UCANEWS)

 

Tự sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô cải tổ hệ thống hình pháp tại Vatican

Tự sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô cải tổ hệ thống hình pháp tại Vatican

VATICAN. Hôm 11-7-2013, ĐTC Phanxicô đã ban hành Tông thư tự sắc nới rộng quyền tài phán của các cơ quan tư pháp Quốc gia thành Vatican về vấn đề hình luật.

Các qui luật mới đã được Ủy ban Tòa Thánh đặc trách quốc gia thành Vatican phê chuẩn ngày 10-7-2013, cải tổ bộ hình luật có từ năm 1929 khi thành lập quốc gia Vatican, và áp dụng cho các nhân viên và những người ở trên lãnh thổ quốc gia thành Vatican.

Trong lời tựa, Tự Sắc của ĐTC khẳng định rằng: ”Thời nay, công ích ngày càng bị đe dọa vị nạn phạm pháp liên quốc gia và có tổ chức, lạm dụng thị trường và kinh tế, cũng như nạn khủng bố. Vì thế, cộng đồng quốc tế cần chấp nhận những phương tiện pháp lý thích hợp giúp phòng ngừa và ngăn chặn nạn tội phạm, tạo điều kiện dễ dàng cho sự cộng tác tư pháp quốc tế trong vấn đề hình sự”. Vì thế với mục đích tái khẳng định quyết tâm của Tòa Thánh cộng tác với những mục tiêu ấy, đã có một số thay đổi được du nhập vào hình luật của Vatican, tiếp tục những hoạt động đã được khởi sự từ năm 2010 dưới triều đạicủa ĐGH Biển Đức 16”.
Tự Sắc của ĐTC có mục đích nới rộng việc áp dụng các hình luật này cho cả các chức sắc và nhân viên giáo triều Roma và các tổ chức gắn liền với giáo triều, ví dụ báo Quan sát viên Roma, Đài Vatican, Trung Tâm truyền hình Vatican, thư viện và văn khố Vatican, v.v. Cả các vị đại diện Tòa Thánh, và nhân viên chính ngạch trong ngoại giao Tòa Thánh.

Những hình luật vừa được phê chuẩn tiếp nối công cuộc thích ứng ngành tư pháp Vatican, qua những hành động bắt đầu từ năm 2010 dưới triều đại ĐGH Biển Đức 16.

Một số điểm mới

Những hình luật ấy nay có nội dung rộng lớn hơn vì thực hiện nhiều hiệp ước quốc tế mà Tòa Thánh chấp nhận. Ngoài ra có sự du nhập những loại tội bị hình luật Vatican trừng phạt như các tội ác chống lại nhân loại, tội tra tấn, tội diệt chủng và Apartheid (Phân biệt chủng tộc); tội tham nhũng như nói trong Hiệp ước năm 2003 của LHQ về tệ nạn này. Một điểm mới khác, đó là quyết định loại bỏ án tù chung thân và thay bằng hình phạt từ 30 đến 35 năm tù. Luật mới gia tăng các biện pháp bảo vệ trẻ em, xác định và gia tăng hình phạt cho những kẻ lạm dụng trẻ em, những kẻ lấy trộm tài liệu mật của các cơ quan Vatican. Luật mới cho phép giao nộp cho các chính quyền tư pháp liên hệ những kẻ phạm tội ác tị nạn vào Vatican.

Phù hợp với hướng đi gần đây trên trường quốc tế, một hệ thống trừng phạt pháp nhân cũng được du nhập vào hệ thống hình luật Vatican, đối với tất cả những trường hợp pháp nhân ấy lợi dụng những hoạt động tội ác do các cơ quan hoặc nhân viên của mình phạm. Luật xác định một trách nhiệm trực tiếp của các pháp nhân đó với những hình phạt cấm chế hoặc phạt tiền.

Trong cuộc họp báo cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong tương lai gần đây sẽ có thêm những đạo luật chống rửa tiền và tài trợ tham nhũng, theo yêu cầu của cơ quan Âu châu Moneyval đặc trách về vấn đề này. Tòa Thánh và Vatican cũng gia nhập và chấp nhận những đề nghị của tổ chức này để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế (SD 11-7-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tòa Thánh kêu gọi ngành du lịch cộng tác bảo vệ nước uống

Tòa Thánh kêu gọi ngành du lịch cộng tác bảo vệ nước uống

VATICAN. Tòa Thánh kêu gọi những người hoạt động trong ngành du lịch và các du khách cộng tác để quản lý và bảo vệ nước uống như một thiện ích quí giá của nhân loại.

Trên đây là nội dung sứ điệp của Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động, công bố hôm 11-7-2013 nhân dịp Ngày Thế giới về du lịch, sẽ được cử hành vào ngày 27-9 tới đây với chủ đề ”Ngành du lịch và nước: bảo vệ tương lai chung của chúng ta”.

Trong sứ điệp, Hội đồng Tòa Thánh nhắc đến vai trò quan trọng của ngành du lịch trong việc bảo vệ môi sinh: ngành này có thể là một đại đồng minh nhưng cũng có thể là một kẻ thù khốc liệt chống lại môi sinh, vì để tìm kiếm lợi lộc kinh tế dễ dàng và mau lẹ, người ta có thể để cho kỹ nghệ du lịch làm ô nhiễm thiên nhiên.
Đề cập đến vai trò sinh tử của nước, Hội đồng Tòa Thánh về di dân tái xác quyết nước như chìa khóa của sự phát triển: nếu không có nước thì cũng chẳng có sự sống. ”Nhưng năm này qua năm khác, sức ép trên nước ngày càng gia tăng. Cứ 3 người trên thế giới thì có một người sống tại một quốc gia với nguồn nước ít gỏi, và vào năm 2013, có thể tới một nửa dân số thế giới lâm vào tình trạng này vì nhu cầu nước vượt quá khả năng cung cấp nước tới 40%.

Trong bối cảnh trên đây, Sứ điệp của Hội đồng Tòa Thánh nêu rõ: ”Điều quan trọng là tái khẳng định rằng tất cả những người can dự đến hiện tượng du lịch đều có một trách nhiệm nặng nề trong việc quản lý nước, làm sao để lãnh vực này thực sự là nguồn mạch sự phong phú trên bình diện xã hội, môi sinh, văn hóa và kinh tế. Trong khi phải hoạt động để sửa chữa những thiệt hại đã gây ra, chúng ta cũng phải tạo điều kiện để nước được sử dụng một cách hợp lý, giảm bớt hết sức những thiệt hại ấy, bằng cách cổ võ những chính sách thích hợp, cung cấp những phương thế hữu hiệu giúp bảo vệ tương lai chung của chúng ta. Thái độ của chúng ta đối với thiên nhiên và sự quản lý kém mà chúng ta có thể gây ra cho các nguồn nước, không thể đè nặng trên người khác và càng không thể gây hại cho các thế hệ tương lai”.

Sau cùng, Hội đồng Tòa Thánh mời gọi tất cả mọi người hãy đón nhận ước mong của ĐTC là ”dấn thân nghiêm tục tôn trọng và bảo tồn thiên nhiên, quan tâm đến mỗi người, chống lại nền văn hóa phung phí và vứt bỏ, để thăng tiến một nền văn hóa liên đới và gặp gỡ” (SD 11-7-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Ơn toàn xá cho các tín hữu tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ Rio de Janeiro

Ơn toàn xá cho các tín hữu tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ Rio de Janeiro

VATICAN. ĐTC Phanxicô ban ơn toàn xá cho các tín hữu tham dự Ngày Quốc Tế Giới trẻ tại Rio de Janeiro, Brazil.
Tòa Ân Giải tối cao cũng cho biết ĐTC ban ơn xá bán phần cho các tín hữu cầu nguyện cho những chủ đích thiêng liêng và cho sự thành công tốt đẹp của biến cố này.

Nguyên văn Sắc Lệnh được Tòa Ân Giải Tối Cao công bố hôm 9 tháng 7-2013, như sau:

”ĐTC Phanxicô mong muốn các bạn trẻ, – hiệp với các mục đích thiêng liêng của Năm Đức Tin do ĐGH Biển Đức 16 ấn định, – có thể đạt được những thành quả thánh hóa như mong ước, từ Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 23 sẽ được cử hành từ ngày 22 đến 29-7 tới đây tại Rio de Janeiro với chủ đề ”Các con hãy đi và làm cho mọi dân nước trở thành môn đệ” (Xc Mt 28,19), trong buổi tiếp kiến ngày 3-6 vừa qua dành cho Hồng Y Chánh Tòa Ân giải ký tên dưới đây, bày tỏ tâm hồn từ mẫu của Giáo Hội, kín múc từ Kho tàng ân phúc của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, của Đức Trinh Nữ Maria và của tất cả các thánh, đã chấp thuận cho các bạn trẻ và tất cả các tín hữu được chuẩn bị thích đáng, có thể được hơn ơn toàn xá như sau:

1. Ơn toàn xá có thể ban mỗi ngày một lần cho những tín hữu thành tâm thống hối, sốt sắng tham dự cácbuổi lễ và các việc đạo đức được cử hành tại Rio de Janeiro; ơn này được ban theo những điều kiện thường lệ – xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý ĐTC- và cũng có thể chỉ cho các linh hồn đã qua đời.

Những tín hữu bị ngăn trở vì lý do chính đáng, cũng có thể được hưởng ơn toàn xá, miễn là – tuân theo các điều kiện thiêng liêng thường lệ, chịu bí tích và cầu nguyện, với lòng tuân phục con thảo đối với ĐTC, – họ hiệp ý tham dự các buổi lễ phụng vụ trong những ngày đã định, nghĩa là họ theo dõi các buổi lễ ấy và các việc vị đạo đức được trực tiếp truyền đi qua truyền hình và truyền thanh, hoặc qua các phương tiện truyền thông xã hội mới mẻ, luôn luôn với lòng sùng mộ phải có.

2. Ơn xá bán phần được ban cho các tín hữu, bất kỳ họ ở nơi nào trong thời kỳ Những Ngày Quốc tế giới trẻ nói trên, mỗi khi họ dâng lên Thiên Chúa những lời khẩn nguyện sốt sắng và ít là với tâm hồn thống hối, và kết thúc với kinh nguyện chính thức của Ngày Quốc Tế giới trẻ, và sốt sắng khẩncầu Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Brazil, dưới tước hiệu ”Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội Aparecida”, và kêu cầu các vị Thánh Bổn Mạng và các vị Chuyển Cầu của Ngày Quốc Tế giới trẻ, để khích lệ các bạn trẻ củng cố đức tin và sống đời thánh thiện.

Tiếp đến để các tín hữu có thể dễ dàng tham gia các hồng ân thiêng liêng ấy, các Linh Mục có năng quyền hợp pháp để giải tội, với lòng mau mắn và quảng đại, hãy sẵn sàng giải tội và đề nghị cho các tín hữu những kinh nguyện công khai, để cầu cho Ngày Quốc Tế giới trẻ được thành tựu tốt đẹp.
Sắc lệnh có giá trị cho dịp này, bất chấp những gì trái ngược.

Ban hành tại Roma tại trụ sở Tòa Ân Giải tối cao ngày 24-6 năm 2013, lễ trọng kính thánh Gioan Tẩy Giả.
Ký tên: Hồng Y Manuel Monteiro de Castro
Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao
Giám chức Krzysztof Nykiel
Phó Chánh Tòa


G. Trần Đức Anh OP chuyển ý (Vatican Radio)

Đức Thánh Cha Phanxicô tố giác sự dửng dưng đối với người tị nạn

Đức Thánh Cha Phanxicô tố giác sự dửng dưng đối với người tị nạn

LAMPEDUSA. ĐTC Phanxicô tố giác sự dửng dưng đối với số phận người tị nạn, các thuyền nhân chết trên biển cả và những kẻ lợi dụng sự nghèo đói của người khác để làm giàu.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc viếng thăm mục vụ tại đảo Lampedusa, cực nam Italia, sáng ngày 8-7-2013. ĐTC cho biết ngài đến đảo này để tưởng niệm những thuyền nhân bỏ mình trên biển cả trên đường đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn, gặp gỡ những người di dân, và cử hành thánh lễ cho các tín hữu địa phương. Qua cuộc viếng thăm này ngài cũng muốn thức tỉnh lương tâm của nhiều người trên thế giới, tất cả mọi người, đặc biệt là các giới hữu trách, về thảm trạng người di dân và tị nạn.

Đây cũng là chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên của ĐTC ở Italia, ngoài Roma. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm tại Lampedusa.

Lampedusa

Đây là một đảo chỉ rộng 20,2 cây số vuông, chiều dài 12 cây số và chiều ngang khoảng 3 cây số, là đảo lớn nhất trong quần đảo Pelagie trong Địa trung hải. Xét về địa lý, Lampedusa thuộc về Phi châu hơn là Âu Châu, vì chỉ cách bờ biển Tunisi 113 cây số, trong khi đó lại cách bờ biển Sicilia của Italia 127 cây số.

Lampedusa chỉ có 5 ngàn dân cư, và thuộc về tỉnh Agrigento trên đảo Sicilia. Nền kinh tế đảo này chủ yếu dựa vào ngành du lịch, đánh cá, và công nghệ cá xanh đóng hộp. Nông nghiệp và chăn nuôi ở đây chỉ được coi là một ngành phụ.

Do vị trí địa lý, trong thập niên gần đây, Lampedusa trở thành một trong những mục tiêu chính trên đường vượt biên của các thuyền nhân, từ Phi châu nam sa mạc Sahara, tìm đường vào Âu Châu. Họ thường được những tay buôn người vô lương tâm khai thác, nhất là từ Libia và Tunisi, buộc phải trả những số tiền lớn để được đi trên những xuồng máy hoặc những con thuyền cũ kỹ để vượt biên sang Âu Châu. Trong khoảng tháng 3 và tháng 4 năm 2011, số người di dân lén lút đổ bộ lên đảo Lampedusa là 6.500 người, tức là đông hơn cả tổng số người dân trên đảo này. Tổng số người đến Lampedusa trong năm 2011, là năm Mùa Xuân Arập bùng nổ ở Tunisi là 51.753 người, một con số kỷ lục. Nếu kể cả số người đến đảo Linosa gần đó, thì tổng số thuyền nhân đến Italia trong năm đó là gần 62 ngàn 700 người.

Sau một thời gian lắng dịu trong năm 2012, từ đầu năm nay, số thuyền nhân đến Lampedusa lại gia tăng và trong 6 tháng đầu năm nay, có gần 8 ngàn người đến Italia, trong số này có gần 3.650 người đổ bộ lên đảo Lampedusa.

Trong cuộc vượt biên như thế, nhiều thuyền nhân đã gặp nạn và bỏ mình trên biển cả. Vụ mới nhất là ngày 16-6-2013 vừa qua, khi 7 thuyền nhân bị chết đuối trong lúc cố gắng bám vào những hàng rào nuôi các ngừ do một xuồng đánh cá của Tunisi kéo đi. Người ta ước lượng trong vòng 17 năm, từ 1994 đến 2011, nguyên tại vùng gọi là ”Con kênh Sicilia” đã có 6.226 người chết và mất tích trên đường từ Libia, Tunisi và từ Ai Cập, vượt biên sang Italia. Đặc biệt năm 2011 là năm đau thương nhất, có tới 1.822 người mất tích trên biển cả, bình quân mỗi tháng có 150 người thiệt mạng.

Thêm vào đó, người ta còn phải kể đến cuộc sống khó khăn của các thuyền nhân đổ bộ lên đảo Lampedusa. Đảo này không có cơ cấu thích hợp để đón người vượt biên và số người lại quá đông. Trung tâm tiếp đón đầu tiên trên đảo có khả năng dự trù tối đa là 300 người, trong thực tế hàng ngàn người phải cư ngụ tại đây, và tình trạng này cũng gây căng thẳng trong cuộc sống chung với người dân trên đảo. Tình trạng khẩn cấp này khiến cho Giáo Hội Công Giáo Italia nhiều lần phải kêu gọi các giới chức hữu trách của quốc gia và Âu Châu quan tâm giải quyết vấn đề.

Do hoàn cảnh và ý muốn của ĐTC, cuộc viếng thăm của ngài diễn ra dưới hình thức đơn sơ tối đa, kể cả về sự hiện diện của các GM và chính quyền địa phương, nghĩa là chỉ có sự hiện diện của Đức TGM giáo phận Agrigento sở tại và thị trưởng ở đảo Lampedusa.

ởng niệm các nạn nhân và gặp người di dân

Lúc 8 giờ sáng 8-7-2013 ĐTC đã đáp máy bay của không quân Italia từ Roma và đến phi trường đảo Lampedusa sau 1 giờ bay.

Tiếp đó ngài đi trên chiếc tàu nhỏ tuần duyên của hải quân Italia, có các ngư phủ Sicilia tháp tùng, và thả vòng hoa xuống biển để tưởng niệm các nạn nhân đã bỏ mình trên đường vượt biên.

Khi tàu cập bến Punta Favarolo, ĐTC đã tươi cười bắt tay, chào thăm một nhóm người di dân, tất cả đều từ Phi châu tới đây. Đại diện cho những người này, nói bằng tiếng Arập Tigrit để chào mừng và cám ơn ĐTC, cũng như xin ngài giúp đỡ.

Rồi ĐTC tiến về sân thể thao Arena để cử hành thánh lễ. Hơn 10 ngàn tín hữu đã có mặt tại đây dưới bầu trời nắng, họ đã dành cho ngài một cuộc tiếp đón nồng nhiệt, khi ngài dùng xe díp mui trần tiến qua các lối để để chào thăm họ, giống như các buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô..

Lễ đài rất đơn sơ, cạnh đó có đặt một con thuyền của những người vượt biên, bên phải bàn thờ là tượng Đức Mẹ bổn mạng của dân đảo Lampedusa. Đồng tế với ĐTC có gần 100 LM, và Đức TGM Agrigento sở tại, cha xứ Stefano Nastasi, cùng hai vị TGM tháp tùng ĐTC. Các vị mặc áo tím vì đây cũng là thánh lễ thống hối và cầu nguyện cho các nạn nhân bỏ mình trên biển cả trên đường di cư.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng thánh lễ, dựa vào bài sách Sáng Thế trong đó Chúa gọi hỏi Cain đã giết em mình là Abel: Ngươi ở đâu? Máu em ngươi ở đâu, thể thức tỉnh lương tâm mọi người trước thảm trạng người di dân. Ngài nói:

”Những người di dân chết trên biển, từ những con thuyền lẽ ra là một con đường hy vọng đã trở thành một con đường chết chóc. Đó là tựa đề trong các báo chí! Cách đây vài tuần khi tôi nghe tin này, một tin rất tiếc là đã bao nhiêu lần xảy ra, tôi liên tục nghĩ đến điều ấy như một cái gai trong con tim gây ra bao đau khổ. Và khi ấy tôi cảm thấy mình phải đến đây để cầu nguyện, để thi hành cử chỉ gần gũi, nhưng cũng để thức tỉnh lương tâm chúng ta để điều đã xảy ra khỏi tái diễn nữa. Xin làm ơn, đừng để tái diễn nữa! Nhưng trước tiên tôi muốn nói một lới châm thành cám ơn và khích lệ anh chị em, nhân dân tại đảo Lampedusa và Linosa này, các hiệp hội, những người thiện nguyện và các lực lượng an ninh, anh chị em đã và đang tỏ ra quan tâm đến con người, trong hành trình của họ hướng về một cái gì tốt đẹp hơn. Anh chị em là một thực tại nhỏ bé, nhưng nêu gương liên đới! Tôi cũng cám Đức TGM Francesco Montenegro vì sự giúp đỡ và hoạt động, vì sự gần gũi mục tử. Tôi thân ái chào bà thị trưởng Giusy Nicolini. Xin cám ơn vì những gì bà đã và đang làm. Tôi nghĩ đến những người di dân Hồi giáo đang bắt đầu tháng chay tịnh Ramadan, với lời cầu chúc cho họ được dồi dào thành quả thiêng liêng. Giáo Hội gần gũi với anh chị em trong việc tìm kiếm một cuộc sống xứng đáng hơn cho bản thân và gia đình anh chị em.

Sáng hôm nay, dưới ánh sáng Lời Chúa mà chúng ta đã nghe, tôi muốn đề nghị vài lời nhất là thức tỉnh lương tâm của mọi người, thúc đẩy suy tư và thay đổi cụ thể một số thái độ.

”Adam, ngươi ở đâu?” là câu hỏi đầu tiên mà Thiên Chúa gửi đến con người sau khi phạm tôi: ”Ngươi ở đâu?” Đó là một con người lạc hướng đã mất chỗ đứng của mình trong công trình sáng tạo vì tưởng mình trở thành quyền năng, có thể thống trị mọi sự, trở thành Thiên Chúa. Và sự hòa hợp bị phá vỡ, con người sai lầm và điều này cũng lập lại trong quan hệ với tha nhân, họ không còn là ngừơi anh em phải yêu mến, nhưng chỉ là một người khác làm xáo trộn đời sống của tôi, an sinh của tôi. Và Thiên Chúa đặt câu hỏi thứ hai: ”Cain, em ngươi ở đâu?” Giấc mơ trở thành quyền năng, cao trọng như Thiên Chúa, trở thành Thiên Chúa, dẫn tới một chuỗi những sai lầm và cũng là một xiềng xích sự chết, đưa tới việc đổ máu người em của mình!

”Ngày nay, hai câu hỏi này của Thiên Chúa cũng vang dội với tất cả sức mạnh! Bao nhiêu người trong chúng ta, kể cả tôi nữa, chúng ta ngỡ ngàng mất hướng, chúng ta không còn chú ý đến thế giới chúng ta sống, không chăm sóc, không bảo tồn những gì Thiên Chúa đã dựng nên cho tất cả mọi người, và chúng ta cũng không có khả năng giữ gìn nhau. Và khi sự ngỡ ngàng mất hướng này mặc lấy chiều kích thế giới, thì có thêm thảm trạng như chúng ta đã chứng kiến.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nói:

Chúa hỏi: ”Em của ngươi ở đâu?”, tiếng máu của em ngươi đã kêu thấu tới Ta, Chúa nói. Đây không phải là một câu hỏi được gửi tới những người khác, nhưng là câu hỏi được gửi tới tôi, tới bạn, cho mỗi người trong chúng ta. Những người anh chị em chúng ta đang tìm cách ra khỏi những tình cảnh khó khăn để tìm được một chút thanh thản và an bình; họ tìm một chỗ tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình họ, nhưng họ đã tìm thấy cái chết. Bao nhiêu lần những người tìm kiếm điều ấy đã không tìm được sự cảm thông, tiếp đón, không tìm được liên đới! Và tiếng nói của họ vọng lên tới Thiên Chúa!

”Hỡi những người dân đảo Lampedusa, một lần nữa tôi cám ơn anh chị em vì tình liên đới! Mới đây tôi đã nghe một trong những người anh em ấy. Trước khi đến đây, họ đã ở trong tay những kẻ buôn người, những kẻ khai thác sự nghèo đói của người khác; những người mà đối với họ sự nghèo đói của tha nhân trở thành nguồn lợi cho họ. Bao nhiêu người đã chịu đau khổ! và vài người đã đến được nơi đây!

”Em ngươi ở đâu?” Ai là người chịu trách nhiệm về máu này? Trong văn chương Tây Ban nha có vở kịch của Lope de Vega kể lại những ngừơi dân thành Fuente Ovejuma đã giết viên tỉnh trưởng vì là một bạo chúa, và họ làm điều ấy mà không biết ai là người thi hành việc hành quyết ấy. Và khi quan tòa của vua hỏi: ”Ai đã giết ông tỉnh trưởng?” tất cả đều trả lời: ”Thưa ngài, đó là Fuente Ovejuma”. Tất cả nhưng không có người nào! Cả ngày nay câu hỏi này cũng nổi lên một cách mạnh mẽ: ai là người chịu trách nhiệm về những người anh chị em này? Không có ai cả! Tất cả chúng ta đều trả lời như thế: không phải tôi, tôi chẳng dính dáng gì tới điều này. Nhưng chính Thiên Chúa hỏi mỗi người trong chúng ta: ”Máu em ngươi ở đâu là người kêu thấu tới Ta?” Ngày nay không ai cảm thấy mình trách nhiệm về điều ấy; chúng ta đã mất ý thức trách nhiệm huynh đệm chúng ta rơi vào thái độ giả hình của vị tư tế và người phục vụ tại bàn thờ, mà Chúa Giêsu đã nói đến trong dụ ngôn Người Samaritano nhân lành: chúng ta nhìn người anh em giở sống giở chết bên vệ đường, có lẽ chúng ta nghĩ: tôi nghiệp hắn, và chúng ta tiếp tục đi, chúng ta nghĩ đó không phải là nhiệm vụ của mình; và chúng ta cảm thấy mình hợp luật rồi. Nền văn hóa an sinh sung túc làm cho chúng ta nghĩ đến chính mình, làm cho chúng ta không nhạy cảm đối với tiếng kêu của người khác, làm cho chúng ta sống trong những bong bóng xà bông, nó đẹp nhưng chẳng là gì cả, đó là ảo tưởng về sự phù dù, tạm bợ, dẫn tới sự dửng dưng đối với tha nhân, đúng hơn nó đưa tới sự hoàn cầu hóa thái độ dựng dưng. Chúng ta trở nên quen thuộc với đau khổ của người khác, coi đó là điều chẳng liên hệ đến chúng ta, không làm chúng ta quan tâm, đó chẳng phải là việc của chúng ta!

”Hình ảnh người không có tên” của Văn sĩ Manzoni đang tái diễn. Sự hoàn cầu hóa thái độ dửng dưng làm cho tất cả chúng ta trở nên những người không có tên, những người trách nhiệm không có tên, không có mặt mũi.

“Adam, ngươi ở đâu?”, ”Em ngươi ở đâu?”, đó là hai câu hỏi mà Thiên Chúa nêu lên vào đầu lịch sử nhân loại, và ngài cũng gửi tới tất cả những người thời nay, cả chúng ta nữa. Nhưng tôi muốn chúng ta đặt câu hỏi thứ ba: ”Ai trong chúng ta đã khóc vì sự kiện này vì những sự kiện thuộc loại này?”, vì cái chết của những người anh chị em này? Ai đã khóc vì những người đã ở trên thuyền? Và những bà mẹ trẻ mang con nhỏ của họ? vì những ngừơimuốn một cái gì đó để nâng đỡ gia đình họ? Chúng ta là một xã hội đã quên kinh nghiệm khóc, ”đồng cảm thông”: sự hoàn vũ hóa thái độ dửng dưng! Trong Tin Mừng chúng ta đã nghe tiếng kêu, tiếng khóc, lời than khóc: ”Rachele khóc con mình.. vì chúng không còn nữa”. Herôđê đã gieo chết chóc để bảo vệ an sinh của ông, bảo vệ cái bong bóng xà bông của ông. Và điều này còn tiếp tục tái diễn. Chúng ta hãy cầu xin Chúa xóa bỏ những gì của Hêrôđe, và còn tồn đọng trong tâm hồn chúng ta; chúng ta hãy xin Chúa ơn khóc vì sự dửng dưng của chúng ta, vì sự tàn ác ở trên thế giới, trong chúng ta, và cả nơi những người trong sự vô danh đang đưa ra những quyết định xã hội kinh tế mở được cho những thảm trạng như vậy. ”Ai đã khóc?”

Và ĐTC dâng lời khẩn nguyện:

Lạy Chúa, trong thánh lễ này, là phụng vụ thống hối, chúng con xin Chúa tha thứ vì sự dửng dưng đối với bao nhiêu anh chị em, chúng con xin lỗi Chúa vì những người trở nên quen với thảm cảnh, khép kín trong an sinh của mình, làm cho con tim họ không còn cảm xúc nữa, chúng con xin lỗi Chúa vì những người qua những quyết định của họ trên bình diện hoàn cầu đã gây ra những hoàn cảnh đưa tới những thảm trạng này. Lạy Chúa xin tha thứ! Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con cũng nghe được những câu hỏi của Chúa: 'Adam ngươi ở đâu?”, ”Máu em ngươi ở đâu?”.

Khẩn cầu Mẹ Thiên Chúa

Cuối thánh lễ, ĐTC đã đến trước tượng ảnh Đức Mẹ và đọc một kinh do chính ngài soạn:

”Lạy Mẹ là Sao Biển, một lần nữa chúng con chạy đến cùng Mẹ để tìm được nơi nương náu và thanh thản, để khẩn cầu sự bảo vệ và cứu giúp. Lạy Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con, xin hướng cái nhìn rất dịu dàng của Mẹ trên tất cả những người hằng ngày đang phải đương đầu với những nguy hiểm của biển khơi để mưu sinh cho gia đình họ, để bảo vệ sự tôn trọng thiên nhiên, để phục vụ hòa bình giữa các dân tộc. Lạy Mẹ là người bảo vệ những người di dân và lữ hành, với lòng từ mẫu, xin Mẹ giúp đỡ những người nam, nữ và trẻ em buộc lòng phải trốn chạy khỏi quê hương của họ để tìm kiếm tương lai và hy vọng.

”Xin cho cuộc gặp gỡ của họ với chúng con và với các dân tộc chúng con không biến thành một nguồn mạch của những nạn nô lệ mới mẻ và nặng nề, tủi nhục hơn cho họ.

Lạy Mẹ từ bi, xin khẩn cầu ơn tha thứ cho chúng con là những người trở nên mù quáng vì ích kỷ, co cụm vào quyền lợi của mình và trở thành nạn nhân của những nỗi lo âu sợ hãi của chúng con, chúng con lơ đãng đối với những nhu cầu và đau khổ của anh chị em. Lạy Mẹ là nơi nương náu cho các tội nhân, xin Mẹ hoán cải những kẻ gây chiến tranh, oán ghét và nghèo đói, những kẻ bóc lột anh chị em và sự mong manh của họ, buôn bán mạng sống con người. Lạy Mẹ là mẫu gương bác ái, xin chúc lành cho những người nam nữ thiện chí, những người tiếp đón và phục vụ những người đến gần phần đất này: ước gì tình thương được đón nhận và trao ban trở thành hạt giống sinh ra những quan hệ huynh đệ mới mẻ và là bình minh của một thế giới an bình. Amen”

Thánh lễ kết thúc lúc quá 11 giờ rưỡi trưa. Sau đó, ĐTC còn đến thăm thăm giáo xứ thánh Gerlando ở đảo Lampedusa trước khi trở lại phi trường lúc 12 giờ rưỡi để trở về Roma.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Lời cầu nguyện và cuộc sống kết hiệp với Chúa Kitô bảo đảm sự phong phú của sứ mệnh rao truyền Tin Mừng

Lời cầu nguyện và cuộc sống kết hiệp với Chúa Kitô bảo đảm sự phong phú của sứ mệnh rao truyền Tin Mừng

Các bạn hãy là những người của đời cầu nguyện. Hãy vun trồng chiều kích chiệm niệm cả trong cơn lốc của các dấn thân cấp bách nhất. Việc phổ biến Tin Mừng không được bảo đảm bởi số người, hay uy tín của cơ cấu, hoặc phẫm chất các tài nguyên có được, nhưng bởi sự thấm nhập và kết hiệp sâu thẳm với Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ cử hành lúc 9 giờ rưỡi sáng hôm qua trong đền thờ thánh Phêrô, nhân ngày cử hành hương Năm Đức Tin của 6,000 chủng sinh, tập sinh và thỉnh sinh đến từ khắp nơi trên thế giới kể cả các nước xa như Trung Quốc, Việt Nam, Papua Tân Guinea, Quần đảo Salomon, Zimbabwe và Chile.

Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có hàng chục Hồng Y, Giám Mục và gần 400 Linh Mục với sự tham dự của hàng ngàn tín hữu và du khách hành hương.

Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha đã nói lên niềm vui được cử hành đức tin đặc biệt trong thánh lễ cùng với các chủng sinh tập sinh và thỉnh sinh là sự tươi trẻ của Giáo Hội. Nếu Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Kitô, thì trong một nghĩa nào đó, họ diễn tả sự đính hôn, mùa xuân của ơn gọi, của sự khám phá, kiểm thực và đào tạo.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc phụng vụ Chúa Nhật thứ 14 thường niên năm C nói về sứ mệnh rao truyền Tin Mừng, niềm vui an ủi, thập giá và lời cầu nguyện. Bài đọc thứ nhất trích tư sách ngôn sứ Isaia nói tới niềm vui của sự an ủi. Ngôn sứ nói với một dân tộc đã trải qua một thời kỳ đen tối của kiếp lưu đầy, bị thử thách cam go, nhưng giờ đây đã tới thời ủi an cho Giêrusalem; sự buồn sầu và nỗi sợ hãi phải nhường chỗ cho niềm vui (Is 66,10). Lý do là vì Chúa sẽ đổ tràn đầy trên Thành Thánh và dân cư của nó một ”thác” của sự ủi an, tràn đầy ủi an, mốt thác của hiền dịu mẫu tử:” Các ngươi sẽ được bồng ẵm trên tay và được vuốt ve trên đầu gối. Như bà mẹ để con thơ trên đầu gối và vuốt ve nó, Thiên Chúa cũng sẽ làm như vậy với chúng ta (Is 66,12-13). Áp dụng vào cuộc sống tín hữu và các người được mời gọi sống đời thánh hiến Đức Thánh Cha nói:

Mỗi tín hữu kitô, nhất là chúng ta, chúng ta được mời gọi đem sứ điệp hy vọng trao ban sự thanh thản và niềm vui: sự ủi an của Thiên Chúa và sự hiền dịu của Người cho tất cả mọi người. Nhưng chúng ta sẽ chỉ là những người đem tin vui, nếu trước tiên sống niềm vui được Chúa an ủi và được Ngài yêu thương. Đây là điều quan trọng để cho sứ mệnh của chúng ta được phong phú: cảm nghiệm sự an ủi của Thiên Chúa và thông truyền nó. Đôi khi tôi thấy vài người sống đời thánh hiến sợ hãi sự ủi an của Thiên Chúa, và thật tội nghiệp, họ hành hạ chính mình, vì họ sợ sự hiền dịu của Thiên Chúa. Nhưng mà anh chị em đừng sơ, đừng sợ! Chúa là Chúa của sự ủi an, Chủa của tình hiền dịu. Chúa là Cha, và Người nói với chúng ta rằng Người sẽ làm với chúng ta như một bà mẹ làm với con nhỏ của mình,, với lòng hiền dịu. Anh chị em đừng sợ hãi sự ủi an của Thiên Chúa. Lời ngôn sứ Isaia mời gọi phải vang lên trong con tim chúng ta: ”Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta” (Is 40,1) và trở thành sứ mệnh. Tìm ra Chúa là Đấng ủi an và ra đi an ủi dân của Thiên Chúa. Đó là sứ mệnh của chúng ta. Con người ngày nay chắc chắn cần lời nói, nhưng nhất là cần chúng ta làm chứng cho lòng thương xót, sự hiền dịu của Chúa suởi ấm con tim, thức tỉnh niềm hy vọng và lôi kéo tới sự thiện. Niềm vui đem sự ủi an của Thiên Cháu đến cho con người!

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha khai triển ý nghĩa bài đọc thứ hai trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, trong đó thánh nhân khẳng định rằng: ”Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta!” (Gl 6,14). Và thánh nhân nói tới các dấu tích, nghĩa là các vết thương của Chúa Giêsu Bị Đóng Đanh như là dấu ấn đặc biệt trong cuộc sống của người là Tông Đồ của Tin Mừng. Trong sử vụ của mình thánh Phaolô đã sống kinh nghiệm khổ đau, yếu đuối và thất bại, nhưng cũng sống kinh nghiệm niềm vui và sự an ủi. Đây là mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu: mầu chiệm của cái chết và sự sống lại. Chính việc để cho mình trở nên đồng hình dạng với cái chết của Chúa Giêsu khiến cho thánh Phaolô đã tham dự vào sự phục sinh và chiến thắng của Chúa. Trong giờ phút của đen tối và thử thách bình minh của ánh sáng và sự cứu rỗi đã hiện diện và hoạt động. Mầu nhiệm vượt qua là con tim phập phồng của Giáo Hội! Và nếu chúng ta ở trong mầu nhiệm đó, chúng ta được che chở khỏi một quan niệm trần thế và duy khải hoàn của sứ mệnh truyền giáo, cũng như khỏi sự chán nản ngã lòng có thể nảy sinh trước các thử thách và thất bại. Đức Thánh Cha giải thích sự phong phú của việc loan báo Tin Mừng như sau:

Sự phong phú của việc loan báo Tin Mừng không tới từ sự thành công cũng không tới sự việc thất bại theo các tiêu chuẩn của con người, nhưng từ việc trở thành đồng hình dạng với cái luận lý của Thập Giá Chúa Giêsu là luận lý của việc ra khỏi chính mình để tự cho đi, cái luận lý của tình yêu thương. Chính Thập giá – luôn luôn là Thập giá với Chúa Kitô – bảo đảm cho sự phong phú của sứ mệnh loan báo Tin Mừng của chúng ta. Và chính từ Thập Giá, cử chị tuyệt đỉnh của lòng thương xót và tình yêu thương mà chúng ta đươc tái sinh như thụ tạo mới (Gl 6,15).

Yếu tố thứ ba bảo đảm cho sứ mệnh loan truyền Tin Mừng của Giáo Hội là lời cầu nguyện. Chúng ta đã nghe Chúa nói trong Phúc Âm: ”Các con hãy cầu xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2). Các người thợ đã không được chọn qua các chiến dịch quảng cáo hay kêu gọi phục vụ quảng đại, nhưng được Thiên Chúa ”chọn” và ”sai đi”. Chính Người tuyển chọn, chính Người sai đi, chính Người ban sứ mệnh. Vì thế cầu nguyện quan trọng. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã lập lại với chúng ta rằng: Giáo Hội không phải của chúng ta, mà là của Thiên Chúa. Biết bao lần chúng ta, những người được thánh hiến, chúng ra nghĩ rằng nó là của chúng ta, phải không? Chúng ta làm… cái gì đến trong trí… Nhưng mà Giáo Hội không phải của chúng ta, mà là của Thiên Chúa; cánh đồng trồng tỉa là của Người. Như thế sứ mệnh truyền giáo là ơn thánh. Và nếu việc tông đồ là hoa trái của lời cầu nguyện, thì nó sẽ tìm thấy trong đó sức mạnh cho hoạt động của nó. Thật thế, sứ mệnh của chúng ta không phong phú, còn hơn thế nữa tắt lịm, chính trong lúc chúng ta ngưng việc tiếp nối với suối nguồn, với Chúa. Một trong các người đào tạo các bạn hôm trước có nói với tôi rằng ”việc truyền giáo phải làm trên đầu gối”. Hãy nghe rõ: ”việc truyền giáo phải làm trên đầu gối.” Rồi Đức Thánh Cha mời gọi các chúng sinh, tập sinh, thỉnh sinh và mọi người như sau:

Anh chị em hãy luôn luôn là những người của lời cầu nguyện. Không có tương quan liên lỉ này với Thiên Chúa sứ mệnh trở thành một nghề. Nhưng mà bạn làm việc như là ai, là thợ may, đầu bếp, linh mục, làm việc như linh mục, như nữ tu? Không. Nó không phải là một nghề, nó là một cái gì khác. Nguy cơ của việc duy hoạt động, tin tưởng qúa nơi các cơ cấu luôn luôn rình rập chúng ta. Nếu nhìn Chúa Giêsu, chúng ta thấy trước mỗi quyết định hay biến cố quan trọng Người cầm trí cầu nguyện sâu xa và lâu giờ. Chúng ta hãy vun trồng chiều kích chiêm niệm, cả trong cơn lốc của các dấn thân cấp bách nhất. Sứ mệnh càng mời gọi các bạn đi ra vùng ngoại ô cuộc đời bao nhiêu, thì con tim các bạn lại càng phải kết hiệp với con tim tràn đầy thương xót và tình yêu của Chúa Giêsu bấy nhiêu. Đó chính là bí mật của sự phong phú mục tử, của sự phong phú của một môn đệ Chúa.

Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi ”không giỏ, không bị, không dép” (Lc 10.4). Việc phổ biến Tin Mừng không được bảo đảm bởi số người, hay uy tín của cơ cấu, hoặc phẩm chất các tài nguyên có được. Điều đáng kể là được thấm nhuần tình yêu của Chúa Kitô, để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, và tháp nhập cuộc sống mình vào cây sự sống là thập giá Chúa.

Lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã ra cửa sổ dinh tông tòa để đọc kinh Truyền Tin với 50,000 tín hữu và du khách hành hương. Trong bài huấn dụ ngắn ngài mời gọi tất cả mọi người hăng say rao truyền Tin Mừng đáp lại mệnh lệnh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã không muốn hành động một mình. Người đến trong thế giới là để đem tình yêu thương của Thiên Chúa đến cho con người và muốn phổ biến nó với kiểu cách của sự hiệp thông, của tình huynh đệ. Vì thế Người thành lập ngay một cộng đoàn môn đệ, một cộng đoàn truyền giáo với mục đích cấp bách là loan báo Tin Mừng. Không có thời giờ để bép xép, không cần chờ đợi sự đồng thuận của mọi người, phải ra đi loan báo Tin Mừng, đem hòa bình của Chúa Kitô tới cho mọi người; và nếu người ta không chấp nhận thì cứ tiến bước; đồng thời chữa lành người đau yếu vì Thiên Chúa muốn chữa lành con người khỏi mọi sự dữ. Cộng đoàn truyền giáo đó gồm Mười Hai Tông Đồ diễn tả các Giám Mục thừa kế các vị; còn 72 môn đệ diễn tả các thừa tác viên có chức thánh các linh mục và phó tế; nhưng trong một nghĩa rộng nào đó có thể nghĩ tới các thừa tác viên khác trong Giáo Hội, các giáo lý viên, các giáo dân dấn thân trong các giáo xứ, làm việc với các bệnh nhân và nhiều hình thức khó khăn và bị gạt ra bên lề khác nhau, nhưng luôn luôn là các thừa sai của Tin Mừng.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã đặc biệt chào 1,500 bạn trẻ Roma chuẩn bị đi Rio de Janeiro tham dự ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 28 và Đức Thánh Cha nói ngài cũng đang chuẩn bị cho lễ hội đức tin này.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận

Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận

VATICAN. ĐTC Phanxicô ca ngợi tiếng thăm thánh thiện của ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận và phó thác cho Mẹ Maria sự tiếp tục án phong chân phước cho ĐHY.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến lúc 12 giờ trưa ngày 6 tháng 7-2913 dành cho 400 tham dự viên các sinh hoạt trong 2 ngày ở Roma nhân dịp kết thúc giai đoạn giáo phận trong tiến trình điều tra phong chân phước cho ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận. Hiện diện tại buổi tiếp kiến, đặc biệt có ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Đức TGM Stephano Nguyễn Như Thể, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, GM Nha Trang, các chức sắc của Hội đồng Công lý và Hòa bình, cùng với các vị ân nhân, đông đảo tín hữu Việt Nam từ các nước.

Lên tiếng sau lời chào mừng của ĐTC Turkson, ĐTC Phanxicô nói:

Anh em đáng kính,

Anh chị em thân mến,

Tôi hài lòng được gặp và nồng nhiệt chào mừng anh chị em. Tôi thân ái chào ĐHY Peter Turkson và cám ơn ĐHY vì những lời chào mừng. Tôi chào tất cả anh chị em từ các nơi trên thế giới đến đây nhân dịp kết thúc giai đoạn giáo phận trong án phong của vị Tôi Tớ Chúa ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận.

Các bạn thân mến, niềm vui của các bạn cũng là của tôi! Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa!

Và tôi cũng cám ơn tất cả những người dấn thân trong việc phục vụ này để làm vinh danh Thiên Chúa và Nước Chúa: Vị thỉnh nguyện viên án phong là tiến sĩ Waldery Hilgeman và các cộng sự viên, Tòa án giáo phận và Văn Phòng đặc nhiệm của tòa Giám quản Roma, Ủy ban sử học và chính Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, nơi là ký ức về ĐHY Văn Thuận, chứng nhân hy vọng, vẫn luôn sinh động và không phải chỉ là một ký ức, nhưng còn là một sự hiện diện tinh thần tiếp tục mang lại phúc lành của Người.

Thực vậy, nhiều người có thể làm chứng là đã được khích lệ nhờ được gặp gỡ với Vị Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, qua những giai đoạn khác nhau trong cuộc sống của Người. Kinh nghiệm ấy chứng tỏ tiếng tăm thánh thiện của Người được phổ biến qua chứng tá của bao nhiêu người đã gặp ĐHY và vẫn còn giữ trong tâm hồn nụ cười hiền hòa và tâm hồn cao cả của Người.

”Nhiều người đã biết Đức Cố Hồng Y qua các tác phẩm của Người, đơn sơ và sâu xa, chứng tỏ tâm hồn tư tế của Người được kết hiệp sâu xa với Đấng đã kêu gọi Người trở thành thừa tác viên lòng từ bi và tình thương của Chúa.
Bao nhiêu người đã viết, kể lại những ơn lành và dấu lạ mà họ tin là nhờ lời chuyển cầu của Vị Tôi Tớ Chúa, ĐHY Văn Thuận. Chúng ta cảm tạ Chúa vì Người Anh đáng kính này, người con của Đông Phương, đã kết thúc hành trình trần thế của Người trong việc phục vụ Người Kế Vị Thánh Phêrô.

Chúng ta hãy phó thác cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria sự tiếp tục án phong này, cũng như tất cả các án phong đang tiến hành. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta ngày càng sống trong cuộc đời chúng ta vẻ đẹp và niềm vui được hiệp thông với Chúa Kitô.

Tôi thành tâm ban phép lành cho tất cả anh chị em và những người thân yêu của anh chị em”.

Lúc 4 giờ chiều 6 tháng 7-2013, đã có thánh lễ tạ ơn tại Nhà Thờ Đức Mẹ Cầu Thang của dòng Camêlô Nhặt Phép ở Roma, nơi có mộ của ĐHY Nguyễn Văn Thuận.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

TÓM TẮT THÔNG ĐIỆP LUMEN FIDEI

TÓM TẮT THÔNG ĐIỆP LUMEN FIDEI

Dưới đây là bài tóm tắt thông điệp đầu tiên của Đức Phanxicô có tựa đề « Lumen Fidei » (Ánh sáng đức tin), được công bố vào sáng 5 tháng 7/2013 :

Thông điệp gồm có phần dẫn nhập, bốn chương và phần kết luận. Trên thực  tế, nó là thông điệp về đức tin hầu như được Đức Bênêđíctô XVI hoàn thành và Đức Phanxicô đóng góp thêm phần của mình.

Phần dẫn nhập trình bày các mục đích và, cách riêng, sự cần thiết tái khám phá đặc tính rạng ngời của đức tin, vốn soi sáng cuộc sống, trợ giúp con người phân biệt tốt xấu, đang khi mà đức tin thường được coi như là một ảo tưởng, một bước nhảy vào cái vô tri vốn ngăn cản tự do của con người. Trong NămĐức Tin này và trong dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II, « một công đồng về đức tin », thật thích hợp khơi lại một sự nhận thức rộng lớn về đức  tin, được tuyên xưng trong sự duy nhất và toàn vẹn của nó. Đức tin là một hồng ân cần nuôi dưỡng va củng cố. Ai tin thì thấy ! Vì ánh sáng của đức tin, vốn đến từ Thiên Chúa, soi sáng toàn thể cuộc sống con người. Nó đến từ kỷ niệm về cuộc sống của Chúa Giêsu và mở ra một chân trời rộng lớn.

Chương thứ nhất (« Chúng tôi đã tin vào tình yêu »), khi gợi lên Abrahan, đã giải thích làm thế nào việc lắng nghe Lời Chúa được mời gọi ra khỏi cái tôi của mình để mở ra cho sự sống mới được hứa ban, do đó làm cho cho khả thi trong niềm hy vọng việc theo đuổi hành trình của chúng ta. Nhưng đức tin được gắn liền với tình cha, vì Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta không phải là một người xa lạ nhưng là một người Cha, nguồn mạch sự tốt lành, nguồn gốc của mọi sự và là sự nâng đỡ mỗi người. Trong lịch sử Israel, đức tin đối lập với việc tôn thờ ngẫu tượng, vốn làm biến dạng con người, làm cho con người trở nên tù nhân của các xung động của mình và tước đi khỏi con người sự mong đợi lời hứa. Về phần nó, đức tin là sự tin tưởng vào tình yêu thương xót của Thiên Chúa, Đấng đón nhận và luôn tha thứ, Đấng uốn nắn những bước sai lạc của cuộc sống của chúng ta. Đức tin là sự sẵn sàng để mình được biến đổi trước tiếng gọi của Thiên Chúa, một hồng ân nhưng không mà Ngài ban cho chúng ta và đòi hỏi sự can đảm và khiêm tốn tin tưởng  để khám phá con đường ánh sáng gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Sự nghich lý của đức tin là sự cầu xin liên lỉ với Thiên Chúa, Đấng củng cố con người và làm con người xa với các ngẫu tượng. Rồi thông điệp dừng lại trên hình ảnh về Chúa Giêsu Đấng trung gian, Đấng mở chúng ta ra cho  một chân lý cao cả hơn, cho sự biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa như là nền tảng của đức tin. Đức tin được củng cố từ việc suy niệm về cái chết của Chúa Giêsu, vốn mạc khải tình yêu không lay chuyển của Ngài đối với con người. Được phục sinh, Ngài trở thành một chứng nhân đáng tin cậy của đức tin qua đó Thiên Chúa hành động trong lịch sử và quyết định số phận chung cuộc của nó. Khía cạnh quyết định của niềm tin vào Chúa Giêsu là  tham dự vào cách nhìn của Ngài. Đức tin nhìn Chúa Giêsu nhưng còn quan điểm của Ngài. Cũng thế trong đời sống qua đó chúng ta tin tưởng vào người biết rõ hơn chúng ta, đối với đức tin, chính Chúa Giêsu giải thích Thiên Chúa cho chúng ta. Chúng ta tin vào Chúa Giêsu khi chúng ta chấp nhận lời Ngài, chúng ta tin vào Ngài khi chúng ta sáp nhập Ngài vào cuộc sống của chúng ta và chúng ta phó thác cho Ngài. Sự nhập  thể của Ngài là để đức tin không tách rời chúng  ta khỏi thực tại, để nó giúp chúng ta tất cả ý nghĩa của nó. Con người cứu mình nhờ đức tin, vì nó mở ra cho một tình yêu đi trước nó và biến đổi nó từ bên trong. Qua hành động này của Chúa Thánh Thần, người Kitô hữu mang cái nhìn về Chúa Giêsu, những tình cảm và tâm tình con thảo của Ngài. Không có sự hiện diện nàym ta không thể tuyên xưng Chúa. Đức tin trở thành đời sống Giáo Hội vì nó được tuyên xưng trong sự hiệp thông, giữa các tín hữu giữa lòng Giáo Hội. Không đánh mất căn tính của mình, các Kitô hữu hiệp nhất nên một để phục  vụ tha nhân. Đức tin không phải là một sự kiện riêng tư, một quan niệm cá nhân hay một ý kiến, nhưng là một sự lắng nghe chung vốn trở thành lời rao giảng.

Chương hai (« Nếu các ngươi không tin, thì các ngươi sẽ không hiểu”) trình bày mối liên hệ chặt che giữa đức tin và chân lý. Không có chân lý, đức tin không cứu được ! Nó vẫn là một câu chuyện hoang đường phóng chiếu ước muốn hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta đang sống một cuộc khủng hoảng chân lý vốn làm cho sự nhắc nhở về mối liên hệ này nên cần  thiết, càng hơn nữa khi nền văn hòa thịnh hành chỉ có khuynh hướng tin vào thực tại kỹ thuật, vào những gì con người đạt tới xây dựng và đo lường bằng khoa học. Chân lý  vốn giải thích toàn thể cuộc sống lại được nhìn cách nghi ngờ. Chân lý cao cả không phải là chân lý đã từng là cơ sở của các chủ nghĩa chuyên chế của thế kỷ qua… Tiếp đến, thông điệp nhấn mạnh mối liên hệ giữa đức tin và tình yêu, không phải là tình yêu vu vơ nhưng là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng biến đổi và cho phép nhìn thấy thực tại vào một ngày kia. Nếu đức tin được gắn liền với chúng, thì chân lý và tình yêu không thể tách rời. Tình yêu đích thực vượt lên thời gian và trở nên sự hiểu biết. Tình yêu trung tín của Thiên Chúa là một chân lý mà trọng tâm của nó là sự gặp gỡ với Chúa Kitô nhập thể, Đấng đã đến với chúng ta để ban ân sủng và hoán cải chúng ta. Rồi vấn đề đối thoại giữa đức tin và lý trí, đặc biệt quan trọng khi chân lý của thế gian thường bị giảm thiểu thành một thực tại chủ quan và trở nên như một áp đặt cố chấp, đang khi tình yêu của Thiên Chúa không áp đặt bằng bạo lực và tiêu diệt con nguời như chủ nghĩa chuyên chế. Đức tin không cố chấp và ngừoi tín hữu không cao ngạo nhưng là nguời khiêm tốn mang một xác tín vốn tôn trọng nguời khác…

Chương ba (« Tôi truyền cho anh em những gì tôi  đã lãnh nhận”) bàn về tầm quan trọng của việc Phúc Âm hóa. Ai đã mở ra cho tình yêu của Thiên Chúa thì không thể giữ Ngài cho mình… Điều này ngụ ý một mối liên hệ  chặt chẽ giữa đức tin và ký ức vì đức tin không phải là một chọn lựa cá nhân. Thiên Chúa kết hợp hết thảy chúng ta trong thời gian bằng cách làm cho chúng ta trở nên đương thời với Chúa Giêsu. Ta không thể tin một mình bởi vì đức tin mở ra cho mỗi người giữa cộng đoạn là Giáo Hội. Do đó, ai tin thì không bao giờ một mình. Các Bí tích vẫn là phương tiện thông truyền đức tin… Đức tin không phải là một hành vi cá nhân và cô độc nhưng là một hành động được thực hiện trong sự hiệp thông Giáo Hội. Không ai có thể tự rửa tội… Đứa bé cần sự nâng đỡ của gia đình vốn thống truyền đức tin cho nó…Và rồi bí tích Thánh Thể là lương thực không thể thiếu của đức tin, một hành vi tưởng niệm vốn hiện tại hóa mầu nhiệm dẫn đưa từ thế giới hữu hình đến thế giới vô hình. Kinh Tin Kính bao gồm nguời tín hữu trong chân lý mà họ tuyên xưng, đang khi kinh Lạy Cha cho phép người Kitô hữu bắt đầu nhìn với đôi mắt của Chúa Kitô, và Thập Giới cho phép đi vào đối thoại với Thiên Chúa…

Chương bốn (“Thiên Chúa chuẩn bị cho họ một thành đô”) giải thích mối liên hệ giữa đức tin và công ích, vốn hướng đến việc thiết lập một không gian sống tốt hơn của con nguời và các loại khác. Đức tin củng cố sự liên đới giữa các hữu thể nhân linh và giúp họ phục vụ công bằng, luật pháp và hòa bình. Nó không xa rời với thế giới vầ những nhu cầu của con người… Đức tin giúp chúng ta phục vụ công ích. Nó là một thiện ích của mọi nguời cho mọi người, vốn không chỉ dùng chuẩn bị Thế giới bên kia, nhưng là xây dựng một xã hội trần thế đang lữ hành hướng đến hy vọng. Trên bình diện đầu tiên của các cấu trúc mà đức tin soi sáng, có gia đình được xây dựng trên hôn nhân, sự kết hợp vững bền giữa một người nam và một người nữ, nảy sinh từ  giá trị của sự khác biệt giới tính và sống nhờ tình yêu đến từ Thiên Chúa… Thông điệp tiếp đến nói về Ngày quốc tế giới trẻ vốn cho phép họ diễn tả niềm vui của đức tin và sự dấn thân sống nó cách quảng đại. Có bạn trẻ muốn một cuộc sống có phẩm giá và việc họ gặp gỡ Chúa Kitô mang lại cho họ một niềm hy vọng vốn sẽ không làm họ thất vọng… Trong các mối tương quan xã hộim đức tin cho phép con cái của Thiên Chúa mang lại một ý nghĩa mới mẻ cho một tình huynh đệ đại đồng mà không phải chỉ là sự bình đẳng nhưng là kinh nghiệm về tình phụ tử của Thiên Chúa và việc nhận thức phẩm giá của mọi nguời. Đức tin giúp tìm ra những phưong thế tôn trọng thiên nhiên, nhưng mô hình phát triển tôn trọng, thoát khỏi chủ nghĩa duy lợi và lợi nhuận. Là công trình của Thiên Chúa, thiên nhiên phải đuợc coi như là một ân huệ cần đuợc sử dụng vì lợi ích của mọi người…Khi thiếu đi đức tin, thì chính các nền tảng của đời sống cộng đoàn sẽ có nguy cơ…Từ đó cần thiết tuyên xưng công khai niềm tin vào Thiên Chúa để soi sáng đời sống của gia đình nhân loại. Còn về vấn đề đau khổ và cái chết, người Kitô hữu biết rằng không thể loại bỏ chúng. Nhưng chúng có một ý nghĩa khi ta phó thác cho thánh ý của Thiên Chúa, bằng cách biến chúng thành những giai đoạn trưởng thành trong đức tin…

Phần kết luận (“Phúc cho người đã tin”) là một lời mời gọi bước theo Đức Maria, hình ảnh tuyệt hảo của đức tin. Mẹ của Chúa Giêsu đã cưu mang đức tin và niềm vui. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ để không bao giờ quên rằng người tín hữu không bao giờ một mình, và để Mẹ dạy chúng ta nhìn xem bằng đôi mắt của Chúa Giêsu.

Tý Linh (XBVN)

Theo VIS

HÀNH TRANG TÔNG ĐỒ

HÀNH TRANG TÔNG ĐỒ

Chúa Giêsu lập Nhóm Mười Hai. Ngài cho các ông sống bên cạnh mình. Ngài trực tiếp huấn luyện bằng cách cho các ông được nghe những lời Ngài giảng, được xem những việc Ngài làm. Sau đó, Ngài sai các Tông đồ ra đi thực tập truyền giáo. Chúa Giêsu còn chọn thêm nhiều môn đệ nữa. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy 72 môn đệ được sai phái thêm sau chuyến sai đi Nhóm Mười Hai (Lc 9,1-6) vì “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 10,2). Thánh Luca muốn nhấn mạnh rằng không riêng gì các Tông đồ, mà tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Hai động từ “gọi, sai đi” diễn tả rõ rệt ơn gọi của các Tông đồ. Trước khi các học trò lên đường, Chúa Giêsu căn dặn nhiều điều như là hành trang cần thiết cho sứ vụ tông đồ. M. Quesnel ví những lời đó như “một loại thủ bản, một cẩm nang cho một nhà truyền giáo hoàn hảo”1.

1. Hành trang Tông đồ

Hành trang đi đường chỉ là: cây gậy, đôi dép, không mang hai áo. Ý nghĩa ở đây là những kẻ được sai đi phải là những con người thanh thoát, không cồng kềnh nặng nề với của cải vật chất để có thể luôn sẵn sàng lên đường ra đi cho sứ vụ.

Chuyến đi nào cũng cần đến những hành trang. Hành trang cồng kềnh bước đi sẽ chậm. Hành trang gọn nhẹ bước tới sẽ nhanh. Hàng trang càng được tinh giản chỉ còn lại những gì thiết yếu nhất thì bước chân cũng sẽ thanh thoát khai lối cho mùa sứ vụ.

Hành trang của những kẻ lên đường xem ra chẳng có gì. “Gậy và dép” như gợi lại buổi Xuất hành. Nhẹ nhàng quá! Bận vướng với của cải đất đai sản nghiệp đùm đề làm sao có đủ tự do để bứt ra mà dứt khoát lên đường?

Hành trang của những kẻ lên đường xem ra chẳng có gì. “Không bánh, không bị, không tiền, không hai áo”. Nghèo khó quá! Chả bù cho con người ngày nay luôn biết tích lũy lo xa, có của ăn chưa đủ, còn có của để dành nữa. Nhưng cái nghèo về tài sản lại cho thấy cái giàu về đức hạnh. Không lo chiếm hữu hoặc gắn bó với của cải vật chất, người tông đồ trở nên thanh thản lên đường bất cứ lúc nào. Không bận vướng những thứ lỉnh kỉnh làm nặng bước đi hoặc làm chùn bước tới, người Tông đồ học sống tinh thần phó thác để chỉ biết đợi chờ tất cả nơi một mình Thiên Chúa.

Xem ra chẳng có gì. Mà thực ra lại có tất cả. Bởi hành trang đích thực của họ chính là Chúa, Đấng đã nên sản nghiệp cho những kẻ được sai đi 2.

Hành trang ấy còn có ý nghĩa đặc biệt nữa. Đó là các môn đệ được tham dự vào ba chức năng tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Giêsu. Cây gậy của vương đế, đôi dép của tiên tri, và tấm áo của tư tế.

– Cây gậy

Cây gậy trong tay biểu trưng cho sức mạnh của Thiên Chúa thông ban cho người thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ra đi với niềm tin vào năng quyền của Thiên Chúa trao ban: công bố Tin mừng cứu độ của Đức Kitô, chữa lành và thánh hoá nhằm cải thiện đời sống, xua trừ ma quỷ hầu chế ngự và đẩy lui các thế lực sự dữ.

– Đôi dép

Đôi dép là hình ảnh luôn lên đường. Truyền giáo là ra đi. Đi để mang sứ điệp Tin mừng đến với muôn dân. Sứ vụ sai đi khởi phát từ Chúa Cha “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em“.

– Tấm áo

Người ra đi mang áo là mặc lấy tâm tình Chúa Giêsu. Nhờ đó, các môn đệ làm cho cuộc đời mình trở nên của lễ hiến dâng hợp với hiến lễ Chúa Kitô.

Chúa Giêsu còn trao cho các môn đệ những quyền năng của Ngài: quyền rao giảng, quyền chữa bệnh, quyền trừ quỷ.

Với những hành trang như thế, Chúa Giêsu muốn tỏ cho thấy sự thành công trong hoạt động tông đồ không do tài lực của con người nhưng là do quyền năng Thiên Chúa.

2. Phương thức hoạt động Tông đồ

Sứ vụ loan báo Tin mừng không phải là việc của một cá nhân riêng lẻ, mà là việc của cộng đoàn, không phải là độc quyền của riêng ai, nhưng phải liên đới và liên kết với nhiều người khác. Khi sai đi “từng hai người một“, Chúa Giêsu mong các ông hợp tác và liên đới với nhau, khích lệ và bàn hỏi nhau khi gặp khó khăn “Hai người có giá trị hơn một, nếu họ ngã, người này đỡ người kia dậy” (Gv 4,9). Hai người làm việc chung, nâng đỡ nhau biểu lộ tình yêu thương nhau như một dấu chỉ đặc trưng của môn đệ của Chúa (x. Ga 13,35). Dấu chỉ này là một chứng từ sống động và lôi cuốn người khác.

Trong Công vụ Tông đồ, các nhà truyền giáo thường lên đường với nhau “từng hai người một”: Phêrô đi với Gioan (Cv 3,1; 4,13); Phaolô với Banabê (Cv 1 3,2); Giuđa và Sila (Cv 15,22)… Hoạt động tông đồ luôn là tạo thành nhóm. Nếp sống huynh đệ là một bài giảng về tình yêu. Chứng tá về tính hiệp nhất khi gắn bó với Đấng đã sai mình, chứng tá về tình huynh đệ khi nhận ra mình được sai đi “từng hai người một”. Chứng tá Kitô hữu phải nhắm đến một hình thức cộng đoàn trong Giáo Hội. Cuộc sống yêu thương trong cộng đoàn vừa là dấu hiệu của người môn đệ Chúa Giêsu, vừa là lời rao giảng sống động, hùng hồn nhất về Tin Mừng.

Chúa Giêsu gọi các môn đệ và sai đi truyền giáo. Giáo hội tiếp nối sứ vụ được sai đi, đến với muôn dân. Ra đi là dấn thân đi đến gặp gỡ mọi người với tinh thần đơn sơ, từ bỏ và tự do, để loan báo tin vui và mang đến cho họ ơn cứu độ.

Như thế, Tông đồ là người lên đường chứ không phải xuống đường. Lên đường là một tinh thần nhạy cảm của Tin Mừng được thể hiện qua lối sống gắn bó với sứ vụ. Nhạy cảm với những thao thức của thời đại để tìm đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn, nới rộng kiến thức, mong diễn đạt Tin Mừng sát với ngôn ngữ hiện tại. Nhạy cảm với nhu cầu của tha nhân bằng muôn ngàn cách thể hiện lòng nhân ái vốn là điểm sáng của giới luật yêu thương, đồng thời là dấu hiệu dễ nhận ra nhất của Tin Mừng cứu độ. Nhạy cảm với Giáo Hội để tìm hiệp nhất. Nhạy cảm với đồng nghiệp để tìm huynh đệ nâng đỡ cộng tác. Nhất là, nhạy cảm với Chúa để tìm thuộc về Ngài mỗi ngày một hơn. Và dọc dài sứ vụ, tư thế lên đường sẽ làm nên hình ảnh chứng nhân 3.

3. Sứ vụ Tông đồ là sống chứng nhân

Trao “Sứ vụ” cho các môn đệ, Chúa Giêsu không bảo các ông “phải giảng điều gì”. Ngài chỉ căn dặn các ông những chi tiết “phải sống”. Đối với Chúa Giêsu, ra đi làm chứng tá bằng cuộc sống quan trọng hơn chứng tá bằng lời nói.

Trong Tông huấn “Loan báo Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phaolô VI quả quyết ít nhất hai lần rằng, phương thức thứ nhất để rao truyền Phúc Âm chính là làm chứng bằng một cuộc sống Kitô hữu đích thực (x. số 21 và 41).

Có ba cách làm chứng: nói, làm và sống. Hiệu năng nhất là cách thứ hai và thứ ba. Ai cũng biết nói thì dễ, làm khó hơn, và sống như mình nói lại càng khó hơn nữa. Chính việc làm và đời sống làm cho lời mình nói đáng tin hơn. Nhưng cả khi người ta chưa nói hay không thể nói, chưa làm hay không thể làm một số điều nào đó, thì người ta đã có thể sống điều mình xác tin và muốn chia sẽ.

Theo Đức Phaolô VI, làm chứng bằng cuộc sống, bằng hành động cụ thể là một cách rao giảng thầm lặng, không nghe được, nhưng thấy được và rất hữu hiệu, nhất là đối với con người thời nay vì hai lý do: một là vì thời nay (thời của khoa học thực nghiệm và của óc thực tiễn), người ta nhạy cảm với việc làm và dị ứng với lời nói và các học thuyết, hai là vì trong thế giới trần tục hoá ngày nay, như ở Việt Nam chẳng hạn, tôn giáo bị đẩy ra bên lề như chuyện riêng tư, thế nên không phải bất kỳ ở đâu và lúc nào người ta cũng có thể, hay nên trực tiếp rao giảng Tin Mừng. Năm 1937, Mahatma Gandhi, vị anh hùng dân tộc Ấn Độ nói với các nhà truyền giáo: “Hãy để cho đời sống các ngài nói với chúng tôi như đoá hoa hồng không cần ngôn ngữ, mà chỉ đơn sơ để cho hương thơm của mình toả lan. Cả người mù không nhìn thấy hoa hồng vẫn nhận ra được mùi thơm của nó. Hãy để chúng tôi nghĩ tới sự cao cả của nhân dân của các ngài khi họ toả hương thơm đời sống. Đối với tôi, đó là tiêu chuẩn duy nhất. Tất cả những gì tôi muốn họ làm là sống đời Kitô hữu chứ không phải chú giải nó”.

Vậy để loan báo Tin Mừng thuyết phục, người Kitô hữu phải sống thế nào cho cuộc đời mình trở thành đáng tin. Đới sống đáng tin thì tự nhiên lời nói cũng đáng tin. Làm tông đồ, rao giảng Phúc Âm đặc biệt thích hợp cho ngày nay là làm cho đời sống Kitô hữu đáng tin. Như vậy toàn bộ cuộc sống ta đều phải “làm chứng”: lời ăn tiếng nói, cách cư xử, giao tiếp, trong gia đình, ngoài xã hội, khi làm việc, khi vui chơi giải trí… Đối với người có ý thức truyền giáo thì nhất nhất việc gì, khía cạnh nào của đời sống họ cũng có thể là lời loan báo. Lời trách nặng nề nhất của người chưa biết Chúa đối với tín hữu Công giáo có lẽ là: Người Công giáo các anh (các chị) không mấy đáng tin; các anh (các chị) nói một đường làm một nẻo. Đức tin, giáo lý nghe thì thật hay nhưng không thấy đem lại cho xã hội một cái gì thật sự tốt đẹp và mới mẻ. Lời phê bình đó có lẽ là quá đáng nhưng thiết tưởng ta chẳng cần cãi lý làm gì, hãy coi đó như một lời nhắc nhở để chúng ta nhìn lại cuộc sống “chứng tá” của mình. Xã hội này đang suy thoái trầm trọng về đạo đức: tham nhũng, thối nát, dối trá, bất công, xì ke ma túy, sa đoạ … Ta có còn là men, là muối, là ánh sáng nữa không? 4.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát,không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm: rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,chữa lành những người ốm đau. Xin cho chúng con biết nói Tin Mừng với niềm vui,như người tìm được viên ngọc…. quý,biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân. Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa. Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu,thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát. Amen.(Mana).

1. “Comment lire un évangile?”, Seuil, trang 103.

2. “Với cả tâm tình”, trang 117-120, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống.

3. “Với cả tâm tình”, trang 121.

4. “Đạo trong đời”, trang 252-255, Lm Nguyễn Hồng Giáo.

LM. Giuse Nguyễn Hữu An

TÂM BÃO

TÂM BÃO

Chủ đề: “Sứ vụ của chúng ta là đem bình an của Đức Kitô đến cho thế gian”

Trong năm 1980, một tờ báo phát hành trên toàn quốc có đăng một câu chuyện khác thường. Một người kia ra xe của ông đang đậu trước một trung tâm thương mại lớn. Ngay trên ghế ngồi, có một mẩu giấy viết:

“Thưa ông/bà;

Tôi đã định ăn cắp chiếc xe này cho đến khi tôi chợt nhìn thấy hàng chữ ‘Peace-Be-to-You’ (Bình An-Cho-Bạn) dán trên kính xe. Nó làm tôi do dự và suy nghĩ. Tôi nghĩ nếu tôi ăn cắp chiếc xe này, ông bà chắc chắn sẽ không có bình an, và ngược lại, tôi cũng không cảm thấy bình an, vì đây là ‘chuyến ăn hàng’ đầu tiên của tôi.

Do đó, ‘bình an cho bạn’ và cho tôi. Nhớ lái xe cẩn thận và lần sau đừng quên khóa cửa.”

Ký tên: “Người Muốn Ăn Cắp Xe.”

Câu chuyện khác thường đó làm sáng tỏ mệnh lệnh khác thường của Chúa Giêsu mà Người đã ban cho các môn đệ trong bài phúc âm hôm nay:

Vào bất cứ nhà nào, trước hết các con hãy nói, ‘Bình an cho nhà này.’ Nếu một người yêu chuộng bình an sống ở đó, lời chúc bình an của các con sẽ ở với họ; nếu không, hãy lấy lại lời chúc bình an.

Áp dụng điều này vào câu chuyện nói trên, chúng ta thấy câu “Bình An-Cho-Bạn” đã nới rộng sự bình an của Đức Kitô đến cho người muốn ăn cắp xe. Tên trộm này là người bình an trong tâm hồn, và bình an của Đức Kitô đã ngự trên hắn ta.

Điều đó nêu lên một câu hỏi: Chúng ta muốn nói gì về “bình an của Đức Kitô”? Bình an đó được cấu tạo bởi những gì?

Khi Kinh Thánh dùng chữ bình an, nó có bốn ý nghĩa khác nhau.

Thứ nhất, nó được dùng trong ý nghĩa quân sự–để chỉ về sự thiếu vắng chiến tranh giữa các quốc gia. Do đó, chúng ta nói, “Các quốc gia đang sống bình yên.”

Thứ hai, nó được dùng ý nghĩa cá nhân–để chỉ về một cảm giác hạnh phúc của con người. Do đó, chúng ta nói, “Chúng tôi hòa thuận với nhau.”

Thứ ba, Kinh Thánh dùng chữ bình an trong ý nghĩa tôn giáo–để chỉ về một tương giao đúng đắn giữa Thiên Chúa và con người. Do đó, chúng ta nói, “Chúng ta hài hòa với Thiên Chúa.”

Sau cùng, Kinh Thánh dùng chữ bình an để chỉ một tình trạng mà trong đó mọi người trên mặt đất hài hòa với Thiên Chúa, tha nhân, và với chính mình. Đây là điều chúng ta muốn nói qua chữ “bình an của Đức Kitô”.

Đây cũng là điều Đức Giêsu muốn nói khi Người tuyên bố, “Thầy để lại bình an cho các con; chính bình an của Thầy mà Thầy ban cho các con” (Gioan 14:27). Vị linh mục nhắc lại lời này khi cử hành Thánh Lễ. Sự bình an này thì không gì khác hơn là Nước Thiên Chúa được trị đến trên mặt đất-là vương quốc mà chúng ta thường cầu xin trong kinh Lạy Cha khi chúng ta đọc, “Xin cho Nước Cha trị đến…”

Chính sự bình an này mà Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ hãy đem vào thế gian trong thời ấy. Chính sự bình an này mà Đức Giêsu truyền cho chúng ta đem vào thế gian trong thời đại chúng ta.

Chúng ta sẽ là các khí cụ mà sự bình an của Đức Kitô sẽ được trải rộng đến mọi người trong mọi quốc gia trên thế giới.

Một loại suy sau đây có thể giúp chúng ta biết ý Chúa muốn chúng ta thi hành điều này như thế nào.

Khi gió của cơn bão nhiệt đới lên quá 75 dặm một giờ, người ta gọi nó là “typhoon” (bão lớn) khi xảy ra ở Thái Bình Dương, và gọi là “hurricane” (cuồng phong) khi xảy ra ở Đại Tây Dương.

Để có một ý niệm thế nào là trận cuồng phong, hãy tưởng tượng ra đĩa “frisbee” với một lỗ hổng ở giữa.

Bây giờ, thử tưởng tượng đĩa ấy lớn dần cho tới khi nó rộng đến 100 dặm và lỗ hổng ở giữa rộng đến 10 dặm. Và rồi hãy tưởng tượng cái đĩa khổng lồ ấy xoay tròn với tốc độ 100 dặm một giờ. Đó là cơn cuồng phong hay cơn bão.

Phần đáng chú ý của cơn bão là tâm điểm của nó-cái lỗ hổng ở giữa đĩa “frisbee”. Mặc dù gió lốc đang gào thét chung quanh tâm bão với tốc độ 100 dặm một giờ, nhưng ở tâm bão thì lại êm ả. Không có một chút gió lốc.

Nếu bạn đứng trong tâm bão và nhìn lên, bạn sẽ thấy bầu trời xanh và ánh nắng chói chang.

Tâm bão là một hình ảnh tốt để nói lên điều Đức Giêsu nhắn nhủ chúng ta trong Tiệc Thánh Thể, khi chúng ta quy tụ để chia sẻ bữa tiệc ấy vào mỗi Chúa Nhật.

Có biết bao cơn bão chung quanh chúng ta ở trong thế giới này. Con người gào thét và lấy của nhau; các nhóm dấy loạn và cướp bóc; quốc gia này đánh nhau với quốc gia khác.

Tuy nhiên, ở bàn Tiệc Thánh Thể thì lại êm ả. Chúng ta nhìn lên và thấy bầu trời xanh cùng ánh nắng chói chang. Chúng ta đang ở tâm bão. Chúng ta vui hưởng “bình an của Đức Kitô.”

Đức Giêsu ban cho chúng ta sự bình an này không phải để chúng ta ở mãi trong đó, nhưng để bồi dưỡng trong giây lát.

Cũng như tâm bão chỉ kéo dài chừng một giờ đồng hồ khi bão đi qua, bữa Tiệc Thánh Thể cũng chỉ khoảng một giờ.

Đức Giêsu không bao giờ muốn chúng ta ở mãi trong tâm bão. Người muốn chúng ta đi vào cơn bão. Đức Giêsu muốn từ bàn Tiệc Thánh Thể, chúng ta tiến bước để trở nên tâm bão giữa các trận cuồng phong của thế gian.

Người muốn chúng ta chia sẻ sự bình an của Người, mà chúng ta được cảm nghiệm trong Thánh Lễ, với toàn thế giới.

Người muốn chúng ta trở thành các khí cụ mà qua đó sự bình an của Đức Kitô được trải rộng trên toàn thế giới.

Và vì thế Kinh Thánh nói về bốn loại bình an: sự bình yên giữa các quốc gia, sự hòa thuận giữa chúng ta, sự hài hòa với Thiên Chúa, và bình an của Đức Kitô-đó là một tình trạng mà mọi người trên thế giới hài hòa với Thiên Chúa, tha nhân và chính mình.

Sự bình an sau cùng này, bình an của Đức Kitô, thì không gì khác hơn là sự trị đến của Vương Quốc Thiên Chúa.

Chính sự bình an này mà Đức Giêsu đã thể hiện khi làm người.

Chính sự bình an này mà Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ phải đem vào thế gian trong thời đại của họ.

Chính sự bình an này mà Đức Giêsu truyền chúng ta phải đem vào thế gian trong thời đại chúng ta.

Chính sự bình an này mà chúng ta cầu xin Chúa Giêsu tuôn đổ trên chúng ta vào sáng hôm nay:

Lạy Chúa, xin giúp con trở nên khí cụ bình an của Chúa,
Để nơi thù hận, con đem đến tình yêu;
nơi xúc phạm, con đem đến tinh thần tha thứ;
nơi nghi kỵ, con đem đến niềm tin;
nơi bất hoà, con đem đến sự hoà hợp;
nơi thất vọng, con đem đến hy vọng;
nơi bóng tối, con đem đến sự sáng;
nơi buồn sầu, con đem đến niềm vui.

Lạy Chúa, xin hãy dạy con
tìm an ủi người hơn được người ủi an,
tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết;
tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ;
chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân;
chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”

(Thánh Phanxicô Assisi)

LM. Mark Link, S.J.

AI LÀ THỢ GẶT?

AI LÀ THỢ GẶT?

Trong khi “đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền, Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9, 35-38). Và vì thế, Người tiếp tục sai 72 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng (CN XIV/TN-C – Lc 10, 1-12.17-20). Trước đó, Người đã sai 12 môn đệ đi giảng dạy (Lc 6, 12-15), và vì là 12 môn đệ đầu tiên chính thức được sai đi, nên các Thánh sử nêu tên đầy đủ; nhưng lần này là con số đông gấp 6 lần. Sự kiện này mang ý nghĩa gì? Điều này cho thấy ngay từ giai đoạn khởi đầu cho sứ vụ cứu độ nhân loại, Đức Giê-su Ki-tô đã trao sứ vụ cho tất cả những ai tin và đi theo Người, được Người coi là bạn hữu (“Anh em là Bạn Hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.” – Ga 15, 14). Như vậy là đã rõ, tất cả mọi Ki-tô hữu đều được coi là thợ gặt trên cánh đồng lúa chín Truyền Giáo.

Đức Giê-su Ki-tô – Đầu của Giáo Hội – đã chỉ thị rõ ràng như vậy, nhưng tiếc một điều là sau đó, Giáo Hội lại chỉ dành cho Giám mục đặc quyền giảng dạy Lời Chúa. Đến Linh mục, Tu sĩ cũng không được phép, chớ đừng nói là giáo dân. Mãi đến thế kỷ XII, XIII, có những nhóm giáo dân tự phát chia sẻ Lời Chúa (như nhóm “Các bà mẹ khoác áo choàng” chẳng hạn). Một số Linh mục trong những dòng tu (Dòng Phan-sinh, Dòng Đa Minh) nhận chân được vấn đề, nên đứng ra trình bày với Toà Thánh để xin phép và được Đức Giáo Hoàng châu phê, cho giáo dân được chính thức tham dự vào công cuộc loan báo Tin Mừng (Dòng Phan Sinh cũng như Dòng Đa Minh từ đó có thêm Dòng Ba dành cho giáo dân, ngoài 2 Dòng Nhất và Nhì dành cho Linh mục, Tu sĩ, Đan sĩ). Kể từ đó, giáo dân mới được quyền rao giảng Tin Mừng và phải chờ đến thế kỷ XX, với Công đồng Va-ti-ca-nô II (1962-1965), người giáo dân mới chính thức được công nhận có quyền và có bổn phận loan báo Tin Mừng, chia sẻ Lời Chúa.

Sở dĩ như vậy, cũng một phần do cách hiểu Tin Mừng ở giai đoạn đầu của Giáo Hội. Tuy nhiên, cho đến ngày nay vẫn còn rải rác những tư tưởng cho rằng chỉ có hàng Giáo sĩ, Giáo phẩm (Giám mục, Linh mục, Phó tế) mới có quyền làm “thợ gặt” và trong những giờ chầu Thánh Thể, khi hát bài “Lời nguyện Truyền Giáo” (“Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt…”), đa phần đều cầu nguyện xin Chúa ban thêm nhiều linh mục. Thật ra, làm “thợ gặt” không nhất thiết cứ phải là linh mục. Và cũng không phải hễ cứ là linh mục thì sẽ là “thợ gặt” đích thực. Điều cần thế là phải cầu xin Thiên Chúa ban cho có những “thợ gặt” đích thực, nghĩa là những “thợ gặt” lành nghề, chịu khó, có tinh thần và lương tâm tông đồ, chứ không phải là những thợ gặt “ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được chào hỏi ở những nơi công cộng, ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc.” (Lc 20, 46).

Còn nếu cứ thích hiểu “thợ gặt” là linh mục, thì xin đọc kỹ Tông huấn Ki-tô Hữu Giáo Dân (số 14): “Thánh Phê-rô Tông đồ đã dạy khi gọi những người đã chịu phép rửa tội “là dòng giống được lựa chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, là dân tộc thuộc về Thiên Chúa” (1 Pr 2, 9). Và cũng vì nó bắt nguồn từ sự thông hiệp trong Giáo Hội nên việc tham dự của các tín hữu giáo dân vào ba chức vụ của Đức Ki-tô đòi hỏi phải sống và thực hiện trong sự thông hiệp, và để cho sự thông hiệp ngày càng tăng trưởng. Thánh Au-gus-ti-nô viết: “Cũng như chúng ta tất cả được gọi là Kitô-hữu (Christiani) vì đã được xức dầu (Chrisma) một cách thiêng liêng, do đó tất cả được gọi là linh mục, bởi vì chúng ta là thành phần thân thể của Linh Mục duy nhât.”

Linh Mục duy nhất đó chính là Đức Ki-tô – vị Linh Mục Thượng Phẩm (Tư Tế Thượng Phẩm), Đấng là Đầu, là người chăn dắt các chiên linh mục. Tuy rằng tất cả những tín hữu đã lãnh nhận Phép Rửa đều được coi là linh mục, nhưng những người được đón nhận Ơn Gọi Tu Trì (Ơn Thiên Triệu) mới chính thức là người thừa kế công việc (thừa tác vụ) của Linh Mục Duy Nhất là Đức Giê-su, thông qua bí tích Truyền Chức (nên được gọi là Tư tế thừa tác). Số đông còn lại chỉ là những linh mục tự chăn dắt chính con chiên bản thân và đóng góp sức mình vào sứ vụ chung của cả đoàn chiên (nên được gọi là Tư tế cộng đồng). Rõ ràng các chiên linh mục được Linh Mục duy nhất Giê-su chăn dắt bao gồm cả Tư tế thừa tác và Tư tế cộng đồng.

Nhìn vào nhu cầu loan báo Tin Mừng cho thế giới, Đức Giê-su nhận thấy số người đi loan báo so với số người cần được loan báo quả thật còn quá ít. Vì thế, điều Người yêu cầu là “hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Nghĩa là Người yêu cầu các tín hữu hãy cầu xin Thiên Chúa làm cho số “thợ gặt” đông lên. Điều lý thú ở đây là Người chưa yêu cầu các môn đệ làm “thợ gặt” chính hiệu, mà hãy cầu nguyện cho có nhiều “thợ gặt” đã. Khi thành tâm cầu nguyện như thế, ắt Ông Chủ sẽ thoả mãn nhu cầu, vì “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7, 7). Và khi lời cầu xin ấy đạt hiệu quả tốt đẹp, thì những người cầu nguyện ấy đã đương nhiên là những “thợ gặt” chính hiệu rồi vậy.

72 “thợ gặt” được sai đi loan báo triều đại Thiên Chúa đã đến gần, đó là một sứ mệnh cao trọng và vô cùng khẩn thiết trong một thế giới chứa đầy hận thù gian ác. Một cách cụ thể thì đó là sứ mệnh hòa giải đem lại an bình cho nhân loại như chính Đức Giê-su đã đến và mời gọi cộng tác với Người trong sứ vụ cao trọng đó. Những tưởng sứ vụ hoà bình thì chỉ là đi vào một cánh đồng mênh mông bát ngát những bông lúa chín vàng để thoải mái gặt, ai dè lại được Người Sai Đi báo trước: “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10, 3). Chiên con mà đi vào giữa bầy sói thì không dễ dàng gì mà thực hiện nổi sứ vụ đi ngược lại với dục vọng của sói dữ.

Tuy nhiên, nếu chiên con tin tưởng mãnh liệt vào Người Thầy đã sai mình đi, thì sẽ được “Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em.” (Lc 10:19), và sẽ hoàn tất được sứ mệnh. Chỉ đến khi nào “Sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ, bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau” (Is 11, 6), “Sói với chiên con sẽ cùng nhau ăn cỏ, sư tử cũng ăn rơm như bò” (Is 65, 25); thì lúc ấy các thợ gặt sẽ hoan hỉ báo công và được Ông Chủ “sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.” (Mt 25, 33-34).

Còn biểu tượng nào diễn tả cảnh hòa bình cho bằng cảnh chiên con nằm chung với chó sói (Is 11, 6; 65, 25). Đó là hình ảnh tuyệt vời đến siêu thực. Đó cũng là sứ mệnh hòa giải khó khăn nhất mà người môn đệ phải thực hiện trên bước đường truyền giáo. Đức Giê-su đã biết trước tất cả những nguy hiểm đó vì chính Người cũng đã phải đối mặt với khổ đau và cái chết. Người môn đệ cũng phải chia sẻ cùng một thân phận, nên cần phải nhận chân được sự khổ đau và cái chết chính là thành quả gặt hái được của những “thơ gặt” chính hiệu trên cánh đồng Truyền Giáo. Hãy vững tin và kiên trì cầu nguỵên cho mình có đủ can đảm và dũng khí chấp nhận khổ đau và nhất là cái chết vì Tình Yêu như Chiên Thiên Chúa Giê-su Ki-tô, thì sẽ được trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Vâng, “Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” (Pl 3, 10-11).

Ôi! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa thương ban cho nhân loại thật nhiều “thợ gặt” là những Tông đồ đích thực, thiện nghệ, có tình yêu thật sự đối với Thiên Chúa và tha nhân, để họ dám hy sinh cho vinh quang của Chúa và hạnh phúc của mọi “người thân cận” trên khắp năm châu bốn biển. Nhờ đó, Nước Chúa sẽ được thực hiện ngay trên trần gian này. Ôi! “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt. Chúa hãy ban nhiều thợ biết nhiệt thành, để Nước Chúa rộng lan khắp nơi. Xin Chúa ban cho đoàn chúng con nên Tông đồ thiện toàn mở Nước Chúa Trời”. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.

GIÁO DÂN TRUYỀN GIÁO

GIÁO DÂN TRUYỀN GIÁO

Suy niệm Tin Mừng CN 14 TN C hôm nay, trong bài: “CHÚA SAI TÔI ĐI”, ĐTGM. Ngô Quang Kiệt nói: “Ta thường nghĩ rằng: Việc truyền giáo là dành cho các Giám mục, các Linh mục, Tu sĩ. Giáo dân không được học hỏi gì nhiều làm sao có thể truyền giáo được? Truyền giáo phải có nhiều phương tiện vật chất. Thiếu phương tiện không có thể làm gì được. Đó là những quan niệm sai lầm mà Chúa vạch cho ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay”.

          Cha JM. Lam Thy, trong bài suy niệm: “AI LÀ THỢ GẶT”, cắt nghĩa rõ hơn: “Trước đó, Người đã sai 12 môn đệ đi giảng dạy (Lc 6, 12-15), và vì là 12 môn đệ đầu tiên chính thức được sai đi, nên các Thánh sử nêu tên đầy đủ; nhưng lần này là con số đông gấp 6 lần. Sự kiện này mang ý nghĩa gì? Điều này cho thấy ngay từ giai đoạn khởi đầu cho sứ vụ cứu độ nhân loại, Đức Giê-su Ki-tô đã trao sứ vụ cho tất cả những ai tin và đi theo Người, được Người coi là bạn hữu . “Anh em là Bạn Hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.” – Ga 15, 14. Như vậy là đã rõ, tất cả mọi Ki-tô hữu đều được coi là thợ gặt trên cánh đồng lúa chín Truyền Giáo”.

Cha JM. Lam Thy còn nói đến việc Hội Thánh qua các thời kỳ đã nhìn vai trò giáo dân rất thấp bé, mãi cho đến Công đồng Va-ti-ca-nô II (1962-1965), người giáo dân mới chính thức được công nhận có quyền và có bổn phận loan báo Tin Mừng, chia sẻ Lời Chúa.

 Thế nhưng, cho đến ngày nay có vẻ như quan niệm sai lầm ấy vẫn còn tồn tại nơi não trạng của cả các giáo sĩ và giáo dân. Một số giáo sĩ hoặc muốn ôm đồm công việc truyền giáo cho mình, hoặc chưa dám tin về ý thức truyền giáo của giáo dân. Vì vậy, nếu có một số nào đó đã ý thức và dấn thân vào việc truyền giáo trong mọi lĩnh vực cuộc sống, thì lại bị kết án là “không có bằng cấp”, “không đủ tư cách”, làm việc “bao đồng”,  hoặc “không có bài sai”. Có phải vì não trạng ấy của các Giáo Sĩ đã khiến cho đa số giáo dân bỗng trở nên ươn lười, không mạnh dạn dấn thân, cầu an, tránh sự phật lòng các đấng làm thầy “chính danh”.

Ước gì tình trạng ấy đang chỉ là số ít.

Và thiết tưởng cần nhân lên nhiều hơn nữa những mô hình truyền giáo mới trong các cộng đoàn

-bắt đầu từ việc các đấng làm thầy khiêm tốn nhìn nhận sứ vụ truyền giáo của tất cả những người đã được rửa tội, của giáo dân

-họ cần được huấn giáo qua các bài giảng lễ, qua những cuộc tĩnh huấn, học hỏi.

-mở ra cụ thể cho họ những chương trình chứng nhân giữa đời thường, để chính khi họ sống đời sống công giáo công chính, là họ đã truyền giáo vậy.

-tránh xem thường những nhiệt tình của giáo dân, nhưng cần hướng dẫn, nâng đỡ, khích lệ họ để họ đi đúng đường hướng của Hội Thánh.

 Đã đến lúc cả giáo sĩ lẫn giáo dân cần hỗ trợ cho nhau cách xứng hợp để cả hai chu toàn sứ vụ truyền giáo. Xin đừng xem thường nhau nữa. Và cũng xin đừng làm gương xấu về việc xem thường nhau trong việc truyền giáo, nhất là gương xấu nơi các giáo sĩ. Một cha sở xem thường cha phó, xem thường các cha khác; vị đương nhiệm chê bai vị tiền nhiệm; một cha tỏ vẻ vâng mà không phục đức giám mục của mình… thì giáo dân là gì trong mắt cha, nếu không phải là một đám chiên dốt nát, ít học, biết gì mà truyền giáo!

Nhìn lại một chặng đường Công Giáo Việt Nam sau năm 1975, chúng ta có thể thấy được một toàn cảnh Hội Thánh mà vai trò của Giáo Dân Việt Nam thực là đáng kể. Trong lúc các giám mục, linh mục gặp nhiều khó khăn khi thi hành tác vụ, thì chính giáo dân là những người giữ lại nhà thờ, giữ sinh hoạt tôn giáo giữa làn tên mũi đạn. Cũng chính giáo dân trong những cụm “cộng đồng cơ bản” (grassroots community, communauté de base) giữ và trao cho nhau ngọn lửa đức tin, đức cậy, đức mến. Hơn thế nữa, đời sống Tin, Cậy, Mến của họ cũng làm chứng cho mọi người chưa nhận biết Chúa về một Thiên Chúa đáng tôn thờ, và tôn thờ tuyệt đối.

Thưở ấy, có những việc mà linh mục khó làm, nhưng giáo dân làm được. Có những nơi linh mục không thể đến được, nhưng giáo dân thì vào tận bên trong. Có những chuyện nhạy cảm linh mục không dám đương đầu, nhưng giáo dân thì sẵn sàng vì chân lý. Có những sẻ chia mà linh mục không thể sẻ chia được, nhưng giáo dân thì cụ thể sống với nhau bằng đức ái, chia nhau cái củ nần, chén bắp chà vôi qua bữa…

Năm 2000, một cha được chuyển về giáo xứ nọ. Trong buổi họp khẩn cấp với Hội Đồng Giáo Xứ và các ban ngành đoàn thể, cha nói ngay câu đầu tiên: “Phải hạ bức tượng ông thánh Tử Đạo Việt Nam xuống ngay”. Ông chủ tịch từ tốn: “Thưa cha, ông thánh của chúng con linh lắm. Không hạ được đâu. Một ông Nông Hội xã đề nghị đem xe ủi mà ủi tượng đi. Tức thì hai hôm sau, chính ông ấy chết ngay dưới bánh xe ủi trước nhà thờ kia”. Cả hội trường đồng thanh xin cha đừng hạ tượng. Cha nói: “Đúng là tôi đến với anh chị em như chiên con vào giữa đám sói rừng”. Cả giáo xứ buồn man mác. Nghĩ mà thương các cụ Toma L, Phao-lô T…, Sơ cụ M (MTG QN), Sơ cụ A, M, L  (St Paul ĐN) đã kiên trì gìn giữ GX từ sau 1975 có giờ kinh, giờ phụng vụ…. Nghĩ mà thương cha tiền nhiệm chịu thương chịu khó với Giáo Xứ 18 năm, từ những năm 1982 với ngôi nhà thờ tranh tre đổ nát…. Bảo vệ Đức Tin là sói sao? Không sao! Nhờ kiên quyết của giáo dân mà sau 5 năm quản xứ, cha không thể thực hiện ý hạ tượng, lại hiểu và thương giáo dân hơn.

 Ngay lúc này, tại Việt Nam, lời kêu gọi “Lúa chín đầy đồng, mà thiếu thợ gặt. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến” vẫn còn đang khẩn thiết lắm. Chỉ có một, hai giáo phận đã có đủ linh mục phục vụ Hội Thánh Người. Đủ linh mục không có nghĩa là đủ thợ gặt. Thợ gặt vẫn còn thiếu. Huống chi đa số giáo phận còn thiếu linh mục trầm trọng thì thợ gặt còn thiếu tới đâu.

Xin chủ ruộng sai thợ gặt đến ngay trong nhà mình, để cha truyền giáo cho con trai, mẹ truyền giáo cho con gái bằng chính đời sống đạo đức của mình. Xin chủ ruộng sai thợ gặt đến ngay trong khu phố của mình, để đời sống của những người có đạo trở nên lời chứng hùng hồn cho Triều Đại Thiên Chúa đã đến. Xin chủ ruộng sai chính mình vào cánh đồng truyền giáo, là xin cho chính mình sống đúng lời Chúa dạy, đi đúng đường Chúa đi, sống công chính giữa một xã hội bất công chằng chịt, sống trong sạch giữa một thế giới nhơ uế, sống đơn sơ nghèo hèn giữa những con người tham hưởng thụ danh lợi dục…. để trở nên họa ảnh tuyệt đẹp của một Thiên Chúa hiền lành, khiêm nhượng, giàu lòng khoan dung, hằng sống….

Đừng trách người ta lì lợm không tin vào Thiên Chúa, nhưng hãy ngộ ra điều này: người ta không theo đạo không phải vì Đạo không tốt, nhưng một phần, vì người có đạo sống không tốt hơn họ. Đôi khi còn tồi tệ hơn họ. Tại một giáo xứ được kể là lớn nhất nhì Giáo Phận, xảy ra chuyện người có đạo cầm hung khí bất thần đến đánh đập người có đạo ngay trong bữa cơm tối. Máu đổ, cơm đổ trộn lẫn vào nhau. Cả nhà 5 con người ta, cha mẹ và 3 con, đều phải nhập viện trong một đêm. Cha Mẹ bị nặng nhất, phải nằm viện hơn một tháng trời. Người mẹ ra viện, trong tình trạng nửa khùng nửa điên! Đạo nào dạy người có đạo làm như thế. Người chưa có đạo thấy cách hành xử của người có đạo mà ớn lạnh! Truyền giáo cho ai?

Trân trọng đón nhận Lời Chúa hôm nay, mỗi giáo dân vui mừng tạ ơn Chúa vì bài sai quý giá và những chỉ dẫn cụ thể:

-Hãy biết nâng đỡ nhau sống đạo tốt để truyền giáo: “hai người một”

-Hãy hiền lành, khiêm nhượng như “chiên con vào giữa sói rừng”.

-Đừng quá bận tâm đến tiền bạc phương tiện. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”.

-Đừng lo ra chia trí vì những chuyện bên lề, hình thức bên ngoài, nhưng hãy nhắm đến nội dung sống đạo tốt. “Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”.

-Trước tiên là phải “mang bình an đến cho người”, bình an của Chúa được thể hiện trong yêu thương phục vụ.

Lạy Chúa, xin giúp con ý thức và sống đời sống công giáo tốt trong nhà, trong giáo hội, ngoài xã hội, để mọi người nhìn thấy việc chúng con làm mà ngợi khen Cha chúng con trên trời.

A men

PM. Cao Huy Hoàng, 04-7-2013

NỖI ĐAU KHỔ CỦA ANH CHỊ EM CHÚNG TA LÀ NƠI GẶP GỠ CHÚA KITÔ

« Để gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống, cần phải ôm lấy cách thắm thiết những thương tích của Chúa Giêsu nơi những anh chị em đói khát, nghèo khổ, bệnh tật, tù tội của chúng ta ». Đó là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô khi giải thích đoạn Tin Mừng trong thánh lễ kính nhớ thánh Tôma Tông đồ. Trong thánh lễ này có các linh mục và các cộng tác viên của Hội Đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên Tôn, do ĐHY Tauran  điều hành.

Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra cho các Tông đồ, nhưng thánh Tôma không có mặt : « Chúa biết tại sao Ngài thực hiện sự việc. Đối với mỗi người trong chúng ta, ngài cho thời gian mà Ngài nghĩ là thích hợp nhất. Ngài đã ban cho thánh Tôma một tuần ». Chúa Giêsu đã tỏ mình nhờ các vết thương : « Toàn thân Ngài là trong sạch, đẹp đẽ, đầy ánh sáng, nhưng những vết thương đã và luôn luôn có đó » và khi Chúa đến vào lúc tận cùng thời gian, Ngài sẽ cho chúng ta thấy các thương tích của Ngài ». Thánh Tôma muốn đặt tay vào đó để tin.

« Ngài hơi cứng đầu. Nhưng Chúa đã muốn một người cứng đầu để cho chúng ta hiểu điều gì lớn lao hơn. Thánh Tôma đã nhìn thấy Chúa, ngài đã được mời gọi xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn và ngài đã không nói : « Quả thật, Chúa đã phục sinh ». Không ! Ngài đi xa hơn. Ngài đã nói : « Lạy Thiên Chúa ». Đây là một đệ đầu tiên đã tuyên xưng thần tính của Chúa Kitô sau phục sinh. Và ngài đã thờ lạy Người. »

« Và như thế, chúng ta hiểu đâu là ý định của Chúa cho ngài chờ đợi : dùng sự nghi ngờ của ngài và dẫn ngài không phải đến chỗ khẳng định sự phục sinh, nhưng là thần tính của Người. Con đường dẫn đến gặp gỡ Chúa Giêsu-Thiên Chúa, đó là những thương tích của Người. Không có con đường nào khác.»

« Trong lịch sử Giáo Hội, đã có một vài sai lầm trên con đường đến với Thiên Chúa. Một số đã tin rằng Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa của người Kitô hữu, chúng ta có thể tìm thấy Ngài trên con đường suy niệm, và đi xa hơn trong việc suy niệm. Đó là nguy hiểm ! Bao nhiêu người đã lạc mất trên con đường này và không đạt tới đó. Có lẽ họ đạt tới chỗ hiểu biết Thiên Chúa, nhưng không phải sự hiểu biết Chúa Giêsu-Kitô, Con Thiên Chúa, Ngôi Hai Thiên Chúa. Đó là con đường của những người theo thuyết bất khả tri… »

« Một số khác nghĩ rằng để đạt tới Thiên Chúa, chúng ta phải khổ chế, khắc khổ, và họ đã chọn con đường sám hối : chỉ sám hối và ăn chay. Và chính họ cũng không đạt tới Thiên Chúa hằng sống, Chúa Giêsu-Kitô, Thiên Chúa hằng sống. Đó là những người thuộc trường phái Pêlagiô vốn nghĩ rằng họ có thể đạt tới đó nhờ nỗ lực của họ ». Nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng cách duy nhất gặp gỡ Ngài là tìm thấy các vết thương của Ngài ».

Tý Linh (Xuân Bích Việt Nam)

Theo Radio Vatican

Kết thúc cuộc điều tra cấp giáo phận án phong chân phước ĐHY Nguyễn Văn Thuận

Kết thúc cuộc điều tra cấp giáo phận án phong chân phước ĐHY Nguyễn Văn Thuận

ROMA. Ngày 5 tháng 7-2013, ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma, đã chủ sự buổi lễ long trọng kết thúc cuộc điều tra ở cấp giáo phận án phong chân phước cho ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận.

Buổi lễ diễn ra lúc 11 giờ rưỡi tại Hội trường tòa án của tòa Giám quản Roma nơi mà ngày 2 tháng 10-2010 cũng chính ĐHY Vallini chủ tọa buổi chính thức khai mạc án phong chân phước cho ĐHY Phanxicô Xavie với việc thiết lập tòa án điều tra.

Hiện diện tại Hội trường này có 200 người, và 100 người khác tại phòng bên cạnh có phần thông dịch tiếng Việt. Trong số các vị có mặt, ngoài ĐHY Vallini còn có 5 vị Hồng y khác và một số Giám Mục, đặc biệt là Đức Cha Stephano Nguyễn Như Thể, nguyên TGM Huế, và Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám Mục Nha Trang, đông đảo quan khách người nước ngoài và các phái đoàn tín hữu Việt Nam đến từ Mỹ, Úc, Pháp và nhiều nước Âu Châu.
Sau phần giới thiệu của vị công chứng viên của tòa án về các chức sắc hiện diện trong đó có 2 vị thẩm phán, vị chưởng tín (promotore di giustizia), tiến sĩ Waldery Hilgeman, người Hòa Lan, thỉnh nguyện viên án phong của ĐHY Thuận, đã long trọng tuyên thệ trung thành chu toàn việc chuyển tất cả các hồ sơ tài liệu về tiểu sử, các nhân đức và các phép lạ nói chung của Vị Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận mà tòa án đã thu thập được, về Bộ Phong Thánh, cùng với các thư đính kém. Sau đó, hai hộp lớn đựng hồ sơ tài liệu được niêm phong và gắn si đỏ đóng triện, kèm theo các văn kiện giới thiệu và biên bản buổi lễ kết thúc. Các thùng Hồ sơ này chỉ được mở ra với phép của Bộ Phong Thánh.

Diễn văn

Lên tiếng sau các nghi thức trên đây, ĐHY Vallini đã cám ơn tất cả các chức sắc trong tòa án và các cộng sự viên đã chu toàn công tác một cách nhanh chóng và hoàn hảo sau 30 tháng trời kể từ khi bắt đầu, mặc dù cũng gặp nhiều khó khăn. Các chứng từ đã được chức sắc tòa án thu thập qua các cuộc phỏng vấn, hỏi cung, được thực hiện tại Pháp, Đức, Mỹ, Úc; tiếp đến là các chứng từ trên giấy tờ được thu thập từ Việt Nam. ĐHY Vallini xác tín rằng ĐHY Phanxicô Xavie Thuận đã thi hành các nhân đức Kitô giáo đến mức độ anh hùng và ngài gợi lại những giai đoạn nổi bật trong cuộc đời của vị Tôi Tớ Chúa, ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, những đặc tính trong đời sống thiêng liêng và mục vụ của Người, đặc biệt là những năm bị tù đày trong đó có 9 năm biệt giam; vai trò của Thánh Thể trong đời sống ĐHY Thuận; linh đạo Thánh Giá, gương tha thứ, tình thương hoán cải, chứng nhân hy vọng giữa những đau khổ như ĐTC Biển Đức 16 đã đích thị nhắc đến Đức Cố Hồng Y trong thông điệp ”Spe salvi” của Ngài.

Sau cùng, ĐHY Vallini mời gọi tất cả mọi người hãy tiếp tục cầu nguyện để án phong của Đức Cố Hồng Y đạt đích và Giáo Hội sớm được tôn kính Người trên bàn thờ, Người chính là Tin Mừng của Chúa được sống thực.

Đức Cha Giuse Võ Đức Minh đã đại diện HĐGM và giáo phận Nha Trang của ngài, cám ơn ĐTC Biển Đức 16 cũng như ĐTC Phanxicô đương kim, ĐHY Giám quản Roma và tất cả các chức sắc của tòa án, các cộng tác viên khác và các ân nhân, đã làm cho án phong của ĐHY Phanxicô Xavie được khởi sự và tiến hành.

Trước đó vào lúc 9.30 ban sáng, ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đã chủ sự thánh lễ tại Vương cung thánh đường thánh Antôn của dòng Phanxicô, gần tòa Giám quản Roma. Đồng tế với ngài có ĐHY Bernard Law, nguyên TGM Boston Hoa Kỳ và từng là Giám quản Đền thờ Đức Bà Cả, 4 giám mục khác và 40 LM, trước sự hiện diện của đông đảo Liên tu sĩ Việt Nam ở Roma và các phái đoàn giáo dân Việt Nam hành hương.

Trong bài giảng bằng tiếng Anh và Ý, ĐHY Turkson đã đề cao những đặc điểm trong cuộc đời của vị Tôi Tớ Chúa, Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận.

Ban chiều

Lúc 4 giờ chiều cùng ngày 5-7-2013, tại thính đường Đại học Giáo Hoàng Antonianum của dòng Phanxicô, đã có buổi giới thiệu cuốn sách sưu tập các thư mục vụ của ĐHY Nguyễn Văn Thuận được dịch ra tiếng Ý: ”Lettere Pastorali sulle orme del Concilio Vatican II”, với các bài phát biểu của ĐHY Turkson, ĐHY Bernard Law, Đức Cha Mario Toso, SDB, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa bình. Ngoài ra có buổi trao tặng học bổng cho cha Phaolô Nguyễn Thanh Sang, 42 tuổi, thuộc giáo phận Mỹ Tho, theo học tại Đại học Công Giáo Paris từ 2009 – 2013 ban tiến sĩ thần học luân lý chính trị xã hội với chủ đề luận án là: ”Chỗ đứng của sự đề kháng tinh thần trong chính trị theo Gaston Fessard”. Cha cũng là giáo sư thần học luân lý tại Đại chủng viện thánh Giuse Sàigòn

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 sắp được phong hiển thánh

Đức Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 sắp được phong hiển thánh

VATICAN. Đức Gioan 23 và ĐGH Gioan Phaolô 2 sắp được phong hiển thánh trong tương lai gần đây.

Trong thông cáo công bố hôm 5 tháng 7-2013, Bộ Phong Thánh cho biết với sự chấp thuận ĐTC Phanxicô, Bộ công bố sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ lợi chuyển cầu của Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2.

Ngoài ra, ĐTC cũng phê chuẩn ý kiến thuận của Hội đồng HY và GM thành viên Bộ Phong Thánh về việc
phong hiển thánh cho Đức Gioan 23 tuy rằng không có phép lạ thứ hai của ngài.

ĐTC cũng sẽ triệu tập một công nghị Hồng y về việc phong thánh trong đó có 2 vị Giáo Hoàng vừa nói. Trong công nghị đó Ngài sẽ công bố ngày cử hành lễ tôn phong.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh giải thích rằng Đức Gioan 23 sẽ được phong hiển thánh mà không cần phải có phép lạ thứ 2. Ngài đã có 1 phép lạ khi được phong chân phước. Các nhà thần học và giáo luật từ lâu vẫn tranh luận về việc có cần phép lạ thứ hai nữa không để được phong hiển thánh. Dầu sao quyền quyết định vẫn tùy thuộc ĐTC và nay Đức Phanxicô đã chấp thuận ý kiến thuận của các HY và GM thuộc Bộ Phong Thánh.

Cũng ngày 5-7-2013, Bộ Phong Thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận phép lạ của Chúa nhờ lời chuyển cầu của vị Tôi Tớ Chúa Alvaro del Portillo, GM Bề trên Giám Hạt tòng nhân Opus Dei (1914-1994) người Tây Ban Nha. Một phép lạ khác của Vị Tôi Tớ Chúa Speranze di Gesù, người Tây Ban Nha, sáng lập dòng các Nữ Tỳ Tình yêu thương xót và dòng các Nam Tử Tình Yêu Thương Xót (1893-1983).

Có 5 sắc lệnh khác nhìn nhận các cuộc tử đạo của nhiều vị Tôi Tớ Chúa trong thời nội chiến 1936-1939 ở Tây Ban Nha, sau cùng là 5 sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 5 vị Tôi tớ Chúa.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thông điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô: ”Lumen Fidei”

Thông điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô: ”Lumen Fidei”

VATICAN. Thông điệp đầu tiên của ĐTC Phanxicô đã được công bố sáng ngày 5 tháng 7-2013 với tựa đề ”Lumen Fidei” (Ánh sáng Đức Tin).

Thông điệp được công bố bằng 6 thứ tiếng: Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bồ đào nha và được giới thiệu với giới báo chí trong cuộc họp báo tại phòng báo chí Tòa Thánh, do ĐHY Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ GM, Đức TGM Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin và Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.

Văn kiện này được gửi đến các GM, LM, Phó Tế, các tu sĩ nam nữ và toàn thể giáo dân. Như chính ĐTC Phanxicô giải thích: văn kiện này hầu như đã được ĐGH Biển Đức 16 hoàn thành và ngài chỉ đóng góp thêm mà thôi. Mục đích của Thông Điệp là phục hồi đặc tính ánh sáng của chính đức tin, có thể soi sáng cho toàn thể cuộc sống con người.

Ngoài phần nhập đề (1-7) và kết luận (58-60), Thông Điệp ”Ánh Sáng Đức Tin” gồm 4 chương:

I. Chúng tôi đã tin nơi tình yêu (1 Ga4,6) (8-22)
II. Nếu các ngươi không tin, thì sẽ không hiểu (Is 7,9) (23-36)
III. Tôi truyền lại cho anh chị em điều tôi đã nhận lãnh (1 Cr 15,3) (37-49)
IV. Thiên Chúa chuẩn bị cho họ một thành thị (Dt 11,16) (50-60)

Nội dung tổng quát của Thông Điệp

– Ai tin thì thấy. Ai tin thì không bao giờ lẻ loi vì đức tin là một thiện ích cho tất cả mọi người, một công ích giúp phân biệt thiện và ác, xây dựng xã hội chúng ta, mang lại hy vọng. Nội dung nòng cốt của Thông điệp “Ánh sáng đức tin” là ý tưởng này: đức tin không tách rời con người ra khỏi thực tại, nhưng giúp con người đón nhận ý nghĩa sâu xa nhất của thực tại. ĐGH nhận xét rằng: Trong một thời tại như thời nay, trong đó người ta coi việc tin tưởng là điều trái ngược với sự tìm kiếm và nghiên cứu, đức tin bị người ta coi là một ảo tưởng, một thái độ nhảy vào khoảng không, ngăn cản tự do của con người, điều quan trọng là tin tưởng và tín thác vào tình yêu thương từ bi của Thiên Chúa với lòng khiêm tốn và can đảm, vì Thiên Chúa chữa lành mọi quanh co sai trái trong lịch sử chúng ta.

– Chứng nhân đáng tin cậy về đức tin chính là Chúa Giêsu, qua Ngài Thiên Chúa thực sự hoạt động trong lịch sử. Ai tin tưởng nơi Chúa Giêsu thì không những nhìn lên Ngài, nhưng còn nhìn với quan điểm của Ngài nữa. Và cũng như trong đời sống thường nhật, chúng ta tín nhiệm kiến trúc sư, dược sĩ, trạng sư, vì họ là những người biết rõ hơn chúng ta, cũng vậy đức tin làm cho chúng ta tín thác nơi Chúa Giêsu, là chuyên gia trong những điều thuộc về Thiên Chúa, Đấng giải thích cho chúng ta về Thiên Chúa.
ĐGH cũng nhấn mạnh rằng đức tin không phải là một sự kiện riêng tư, vì chúng ta tuyên xưng đức tin giữa lòng Giáo Hội, như một cộng đồng hiệp thông cụ thể của các tín hữu. Và theo thể thức đó, cuộc sống của tín hữu cũng trở thành cuộc sống của Giáo Hội.

-Tiếp đến, ĐGH chứng tỏ mối liên hệ chặt chẽ giữa đức tin, sự thật và tình thương, là những điều đáng tin cậy của Thiên Chúa. Đức tin mà không có sự thật thì không cứu thoát. Nó chỉ là một chuyện ngụ ngôn hay đẹp, nhất là ngày nay người ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng sự thật vì một nền văn hóa chỉ tin tưởng nơi kỹ thuật hoặc những chân lý của mỗi người, có lợi cho cá nhân chứ không có lợi cho công ích. Sự quên sót lớn lao của thế giới hiện tại là từ chối chân lý cao cả, là quên đi câu hỏi về Thiên Chúa, vì người ta lo sợ thái độ cuồng tín và ưa thích thái độ duy tương đối hơn.

-Trái lại, đức tin không phải là điều cố chấp, tín hữu không phải là người kiêu căng, vì chân lý xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa không phải là điều bị áp đặt bằng bạo lực và không đè bẹp mỗi người. Vì thế, có thể có cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí: trước tiên vì đức tin thức tỉnh cảm thức phê bình và mở rộng chân trời của lý trí; tiếp đến vì Thiên Chúa là ánh sáng rạng ngời và cả những người không tin cũng có thể tìm thấy Chúa khi họ tìm kiếm Ngài với con tim chân thành. Ai lên đường để thực thi điều thiện thì họ là người đã đến gần Thiên Chúa rồi.

-Một điểm thiết yếu khác của Thông điệp 'Ánh sáng đức tin' là việc rao giảng Tin Mừng. ĐGH viết: Ai cởi mở đối với tình thương của Thiên Chúa thì không thể giữ riêng hồng ân này cho mình. Như ngọn lửa được một ngọn lửa khác khơi lên, ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu sáng trên khuôn mặt các tín hữu Kitô và thông truyền từ đời này sang đời khác, qua những chứng nhân đức tin. Vì thế, có một liên hệ chặt chẽ giữa đức tin và ký ức, vì tình thương của Thiên Chúa liên kết mọi thời đại và làm cho chúng ta trở thành những người đồng thời với Chúa Giêsu.

-Nhưng có một phương thế đặc biệt nhờ đó đức tin có thể được thông truyền, đó là các bí tích. Trước tiên là bí tích rửa tội nhắc nhở chúng ta rằng đức tin phải được lãnh nhận, trong niềm hiệp thông với Giáo Hội, vì không ai tự rửa tội cho mình; và phép rửa tội làm nổi bật sự hợp lực giữa Giáo Hội và gia đình trong việc thông truyền đức tin. Tiếp đến, là bí tích Thánh Thể, lương thực quí giá nuôi dưỡng đức tin, dạy cho chúng ta nhìn thấy chiều sâu của thực tại. Và việc tuyên xưng đức tin qua kinh Tin Kính và Kinh Lạy Cha làm cho tín hữu can dự vào những chân lý mà họ tuyên xưng và cho họ thấy bằng đôi mắt của Chúa Kitô. Sau cùng là 10 giới răn: đây không phải là những giới luật tiêu cực, chỉ có tính chất cấm đoán, nhưng là những chỉ dẫn cụ thể để đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa. ĐGH nhấn mạnh rằng đức tin là duy nhất và sự hiệp nhất đức tin chính là sự hiệp nhất của Giáo Hội.

-Đức tin cũng soi sáng cho cả thiên nhiên, giúp chúng ta ta tôn trọng thiên nhiên, ”tìm thấy những kiểu mẫu phát triển không phải chỉ dựa trên sự hữu ích hoặc lợi lộc, nhưng coi thiên nhiên như một hồng ân”, đức tin dạy chúng ta tìm ra những hình thức cai trị đúng đắn, trong đó quyền bính đến từ thiên Chúa và để phục vụ công ích; đức tin giúp chúng ta khả năng tha thứ, giúp khắc phục những cuộc xung đột. ĐTC viết: ”Khi đức tin bị suy yếu và thiếu sót, thì người ta gặp nguy cơ là cả những nền tảng của cuộc sống sẽ bị thiếu sót. Vì thế, chúng ta đừng xấu hổ khi công khai tuyên xưng Thiên Chúa, xét vì đức tin soi sáng cho toàn thể cuộc sống xã hội.

-ĐGH cũng khẳng định rằng cả đau khổ và sự chết cũng nhận được một ý nghĩa nhờ sự tín thác nơi Thiên Chúa: với những ngừơi đau khổ, Chúa ban cho họ một lý do giải thích tất cả, nhưng ngài cũng trao tặng sự hiện diện của Ngài tháp tùng họ. Theo nghĩa đó, đức tin đi chung với niềm hy vọng. Và tại đây, ĐGH đưa ra một lời kêu gọi: ”Chúng ta đừng để mình bị cướp mất niềm hy vọng, chứng ta đừng để cho niềm hy vọng bị tan biến với những giải pháp và đề nghị tức khắc, ngăn cản hành trình của chúng ta”.
Và thông điệp kết thúc với một lời kinh dâng lên Đức Mẹ Maria là hình ảnh tuyệt vời của đức tin, xin Mẹ dạy chúng ta biết nhìn với đôi mắt của Chúa Giêsu.

-Trong chương cuối cùng của Thông điệp ”Ánh sáng đức tin” ĐGH giải thích liên hệ giữa việc tin và xây dựng công ích: đức tin nảy sinh từ tình yêu Thiên Chúa, làm cho những liên hệ giữa con người được vững chắc và đặt mình phục vụ công lý, công pháp, hòa bình. Đức tin không làm cho người ta xa lìa thế giới, trái lại: nếu loại bỏ đức tin ra khỏi xã hội chúng ta, thì chúng ta không còn tín nhiệm nhau và chúng ta chỉ liên kết với nhau vì sợ hãi hoặc vì quyền lợi mà thôi. Trái lại có bao nhiêu lãnh vực được đức tin soi sáng như gia đình dựa trên hôn nhân, được hiểu như một sự kết hợp bền vững giữa một người nam và một người nữ; tiếp đến là thế giới của những người trẻ mong ước một cuộc sống cao cả, và cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô mang lại cho họ niềm hy vọng vững chắc, không đánh lừa. 'Đức tin không phải là một nơi nương náu cho những người thiếu can đảm” và trong lãnh vực này những Ngày Quốc Tế giới trẻ giúp các bạn trẻ chứng tỏ niềm vui đức tin và dấn thân sống đức tin một cách kiên cường và quảng đại.

Đức tin cũng soi sáng cho cả thiên nhiên, giúp chúng ta ta tôn trọng thiên nhiên, ”tìm thấy những kiểu mẫu phát triển không phải chỉ dựa trên sự hữu ích hoặc lợi lộc, nhưng coi thiên nhiên như một hồng ân”, đức tin dạy chúng ta tìm ra những hình thức cai trị đúng đắn, trong đó quyền bính đến từ thiên Chúa và để phục vụ công ích; đức tin giúp chúng ta khả năng tha thứ, giúp khắc phục những cuộc xung đột. ĐTC viết: ”Khi đức tin bị suy yếu và thiếu sót, thì người ta gặp nguy cơ là cả những nền tảng của cuộc sống sẽ bị thiếu sót. Vì thế, chúng ta đừng xấu hổ khi công khai tuyên xưng Thiên Chúa, xét vì đức tin soi sáng cho toàn thể cuộc sống xã hội.

ĐGH cũng khẳng định rằng cả đau khổ và sự chết cũng nhận được một ý nghĩa nhờ sự tín thác nơi Thiên Chúa: với những ngừơi đau khổ, Chúa ban cho họ một lý do giải thích tất cả, nhưng ngài cũng trao tặng sự hiện diện của Ngài tháp tùng họ. Theo nghĩa đó, đức tin đi chung với niềm hy vọng. Và tại đây, ĐGH đưa ra một lời kêu gọi: ”Chúng ta đừng để mình bị cướp mất niềm hy vọng, chứng ta đừng để cho niềm hy vọng bị tan biến với những giải pháp và đề nghị tức khắc, ngăn cản hành trình của chúng ta”.

Và thông điệp kết thúc với một lời kinh dâng lên Đức Mẹ Maria là hình ảnh tuyệt vời của đức tin, xin Mẹ dạy chúng ta biết nhìn với đôi mắt của Chúa Giêsu.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm người tị nạn tại đảo Lampedusa

Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm người tị nạn tại đảo Lampedusa

Thứ hai mùng 8 tháng 7-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm đảo Lampedusa để tưởng niệm sự hy sinh của biết bao nhiêu người di cư đã liều mình vượt hiểm nguy của biển khơi, đương đầu với cái chết để tìm đến vùng đất tự do.

Lampedusa là quần đảo rộng hơn 20 cây số vuông, bao gồm hai đảo nhỏ khác là Linosa và Pampione, nằm cách xa bờ biển Tunisia 113 cây số và đảo Sicilia 176 cây số. Quần đảo này thuộc tỉnh Agrigento của Sicilia và có 5,000 dân sống về nghề đánh cá và trồng tỉa. Từ thời xa xưa Lampedusa đã là nơi dừng chân và là căn cứ của các tầu thuyền của người Phênêxi, Hy lạp, Roma và A rập. Người Roma đã thiết lập các xưởng sản xuất một loại nước mắm cá gọi là Garum. Vì đây là nơi hay xảy ra các vụ cướp biển nên sau này trên đảo không có người sinh sống.

Ông hoàng đầu tiên của đảo Lampedusa và Linosa là Giulio Tomassi. Đây là tước hiệu do vua Carlo II của Tây Ban Nha ban cho dòng tộc Tomassi năm 1630. Một thế kỷ sau đó gia đình Tomassi bắt đầu chương trình định cư dân chúng. Trong thập niên 1840 gia tộc Tomassi bán đảo này cho vương quốc Napoli để về sống trong đất liền của Italia, rồi di cư sang Anh quốc trong thời Đệ nhị thế chiến.

Sau khi trại lính của Mussolini đầu hàng, đảo Lampedusa bị hải quân Anh chiếm đóng vào tháng 6 năm 1943. Năm 1972 bờ biển phía tây của đảo do lính biên phòng của Hoa Kỳ kiểm soát. Năm 1994 căn cứ quân sự của khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương chuyển quyền kiểm soát cho quân đội Italia.

Bắt đầu từ năm 2000 Lampedusa ngày càng trở thành điểm chuyển tiếp đầu tiên của người di cư đến từ nhiều nước Phi châu, Trung Đông và Á châu tìm đến các nước Âu châu. Năm 2004 hai chính quyền Italia và Libia ký thỏa hiệp ngầm bắt buộc Libia nhận các người di cư bị Italia trục xuất. Giữa các năm 2004-2006 đã có hàng ngàn người tị nạn bị trả về Libia. Trong năm 2006 các người di cư đã trả tiền cho các tổ chức du nhập người di cư lậu vào Italia. Khi tới đảo Lampedusa đa số đã được chính quyền Italia đưa vào các trại tị nạn trong đất liền. Nhưng thỉnh thoảng cũng có các vụ đắm tầu khiến cho hàng trăm người di cư bị thiệt mạng.

Năm 2009 số người di cư tới đảo Lampedusa qúa đông khiến cho trại tiếp cư không đủ điều kiện đáp ứng các nhu cầu cần thiết. Trại tiếp cư chỉ có 850 chỗ nhưng phải tiếp nhận 2000 người, vì thế một số đông đã phải ngủ dưới lều. Trong cùng năm đã xảy ra một cuộc ẩu đả giữa các người di cư tiếp theo đó là trận hỏa hoạn phá hủy một phần của trại tiếp cư. Đây đã là dịp để Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc chỉ trích chính quyền Italia sơ sót trong nhiệm vụ tiếp đón người tị nạn.

Tháng 5 năm 2011 số người di cư tới Lampedusa tăng vọt lên tới 35,000 người vì các cuộc nổi loạn của dân chúng bên Tunisia và Libia. Ba tháng sau số người di cư vọt lên 48,000, đa số trong lứa tuổi 20-30. Tình hình nóng bỏng đã gây chia rẽ giữa các nước trong Liên Hiệp Âu châu. Chính quyền Pháp cho rằng đa số các người di cư bỏ nước ra đi vì lý do kinh tế, chứ không ghải vì các cuộc bách hại chính trị. Đại sứ Libia tại Italia tiết lộ là chính đại tá Gaddafi kiểm soát làn sóng người ti nạn, vì muốn biến Lampedusa thành vùng đất của người Phi châu.

Trong các tháng qua đã có gần 8,000 người tị nạn tìm đến Italia, trong đó có hơn 3,600 người cặp bến Lampedusa. Năm 2012 Lampedusa đã tiếp nhận hơn 4.000 người di cư. Tháng 2 năm 2011 số người Phi châu tìm đến Lampedusa gia tăng liên tục và trong 58 ngày liên tiếp Lampedusa đã trở thành một trại tị nạn lộ thiên. Nhưng không phải mọi người đều gặp may mắn. Vụ đắm tầu ngày 6 thàng 4 năm 2011 đã khiến cho hàng chục người chết. Lampedusa trở thành biểu tượng của thảm cảnh tị nạn, và đây là một trong các lý do chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Cha Francesco Montenegro, Tổng Giám Mục giáo phận Agrigento, tuyên bố rằng: ”Sự kiện Đức Thánh Cha Phanxicô chọn Lampedusa cho chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên của ngài tại Italia đem theo một sứ điệp rất mạnh mẽ, giúp chúng ta đọc hiểu lịch sử với con mắt của Thiên Chúa.

Đó là câu trả lời đẹp nhất cho người dân Lampedusa phải một mình tiếp đón các anh chị em ti nạn. Đó cũng là hình ảnh đẹp nhất của Mục Tử Nhân Lành. Một chuyến viếng thăm dành cho các người rốt hết của thế giới giữa những người rốt hết của Âu châu”. Đức Cha Montenegro, cũng là Chủ tịch Ủy ban di cư của Hội Đồng Giám Mục Italia, cho biết tin Đức Thánh Cha viếng thăm Lampedusa đã khiến cho tín hữu toàn tổng giáo phận vừa ngạc nhiên vừa vui sướng. Các lời kêu gọi Đức Phanxicô đưa ra từ mấy tháng qua chứng minh cho thấy Đức Giáo Hoàng không chỉ nói, mà còn thực thi những gì ngài khuyến khích tín hữu nữa: đi ra các vùng ngoại ô xa xôi để gặp gỡ các anh chị em khác.

Lampedusa, vùng đất hội tụ của người di cư đến từ nhiều nơi, diễn tả hiện tượng di cư trên thế giới ngày nay với tất cả các khổ đau và phức tạp của nó. Nó diễn tả một nhu cầu công lý liên quan tới hàng chục triệu con cái Chúa. Đức Cha Montenegro nói: Sự hiện diện của Giám Mục Roma tại Lampedusa sẽ nâng đỡ chúng tôi trong dấn thân thực thi các giáo huấn Tin Mừng liên quan tới tự do, công lý và hòa bình, tinh thần bác ái, tiếp đón và liên đới với các anh chị em di cư tị nạn. Đây cũng là dịp giúp các cộng đoàn địa phương chuẩn bị tinh thần sống biến cố này như một chặng đường đức tin của mình.

Khi nhận được tin từ Tòa Thánh, Linh Mục Stefano Nastasi, cha sở giáo xứ Lampedusa, tưởng mình nghe lầm. Cha nói chính cha và tín hữu không tin được là Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm phần đất hoang vu nằm giữa Địa Trung Hải xa xôi hẻo lánh này. Lampedusa từ nay đi vào lịch sử vì là nơi đầu tiên trong toàn nước Italia và trên thế giới được Đức Thánh Cha viếng thăm, ba tháng sau khi lên giữ chức vụ Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ. Trong một ngày hòn đảo này sẽ trở thành con tim của Địa Trung Hải và con tim của toàn thế giới, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ nói với toàn thế giới.

Cha Federico Lombardi cho biết Đức Thánh Cha đến Lampedusa để cầu nguyện cho các nạn nhân di cư và gặp gỡ cộng đoàn địa phương. Đây là một chuyến viếng thăm đơn sơ và kín đáo. Đức Thánh Cha đã rất cảm động vì tin một chiếc tầu chở người di cư bị đắm, vì thế ngài quyết định viếng thăm Lampedusa. Đoàn tùy tùng sẽ rất hạn chế và không có sự hiện diện của chính quyền.

Lúc 8 giờ sáng thứ hai mùng 8 tháng 7-2013 máy bay chở Đức Thánh Cha sẽ cất cánh tại phi trường Ciampino và đến Lampedusa lúc 9 giờ 15 phút. Tiếp đón Đức Thánh Cha có ông thị trưởng Giusi Nicolini, Đức Cha Francesco Montenegro Tổng Giám Muc Agrigento. Sau đó Đức Thánh Cha sẽ đến Cala Pisana và từ đây đi tầu đến hải cảng Lampedusa, theo sau là các tuyền đánh cá của dân chúng địa phương cũng như các tầu chở du khách đang nghỉ hè và thăm viếng đảo này.

Đức Thánh Cha sẽ ném một vòng hoa xuống biển để tưởng niệm tất cả các nạn nhận đã chết trên đường đi tìm tự do và một cuộc sống mới an lành hơn. Tiếp đến Đức Thánh Cha sẽ dừng tại mũi Favarolo, là nơi các người di cư được các tầu tuần tiễu duyên hải của Italia vớt trên biển và đưa vào bờ. Ngài sẽ gặp một nhóm người di cư. Sau đó Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ cho tín hữu và mọi người tại sân đá bóng thành phố Lampedusa. Sau thánh lễ ngài viếng thăm giáo xứ thánh Gerlando trước khi trở về Roma vào lúc 13 giờ cùng ngày.

Cha xứ Nastasi nói Đức Thánh Cha Phanxicô muốn rằng cuộc viếng thăm của ngài kín đáo với một cuộc gặp gỡ trực tiếp thân tình với dân chúng địa phương, không lễ nghi rườm rà và mầu mè. Cha cho biết hồi tháng 3 vừa qua cha đã viết thư cho Đức Thánh Cha, và thư đã được đưa lên trang mạng của Tổ chức di cư. Thư trình bầy với Đức Thánh Cha thảm cảnh của người di cư và các vụ đắm tầu đã biến Địa Trung Hải trở thành mồ chôn họ và các giấc mơ của họ. Trong thư cha nhắc đến các giọt nước mắt cảm động của Đức Thánh Cha khi biết mình được bầu làm Chủ Chăn, khiến cho chúng hòa với các giọt nước mắt khổ đau của thế giới và của biết bao nhiêu người lê lết cuộc đời trong các xó xỉnh của trái đất này; như các giọt nước mắt của chính Đức Thánh Cha là con của một người Ý di cư đến một vùng đất xa xôi giờ đây trở về chiếc nôi nguồn gốc của mình. Và cha kết thúc lá thư với câu: ”Thưa Đức Thánh Cha, con tim của Địa Trung Hải đợi chờ Đức Thánh Cha”.

Ngay từ khi bắt đầu sứ vụ Phêrô Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ toàn thể Giáo Hội đi đến các vùng ngoại ô của thế giới, các vùng ngoại ô của cuộc sống, mà người dân Lampedusa sờ mó được hằng ngày qua việc tiếp đón và trợ giúp các anh chị em di cư tị nạn. Giờ đây với chuyến viếng thăm Lampedusa này chính Đức Thánh Cha nêu gương đi tới các vùng ngoại ô xa xôi của cuộc sống.

(Avvenire 2-7-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Công bố kết toán chi thu 2012 của Tòa Thánh

Công bố kết toán chi thu 2012 của Tòa Thánh

VATICAN. Trong năm 2012, ngân sách của Tòa Thánh dư được hơn 2 triệu Euro và ngân sách Quốc Gia thành Vatican dư được 23 triệu Euros.

Con số trên đây được Hội đồng Hồng Y đặc trách nghiên cứu các vấn đề tổ chức và kinh tế của Tòa Thánh, công bố hôm 4 tháng 7-2013, sau 2 ngày nhóm họp, mùng 2 và 3 tháng 7, dưới quyền chủ tọa của ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và với sự tham dự của 15 HY thành viên đến từ nhiều nước trên thế giới và các chức sắc liên hệ của Tòa Thánh. Đặc biệt ngày 3 tháng 7, ĐTC Phanxicô đã gặp và nói chuyện với Hội đồng HY. Ngài tái khẳng định mục đích và sự hữu ích của Hội đồng và mời gọi tiếp tục các vị nhóm họp định kỳ.

Theo thông cáo, kết toán chi thu năm 2012 của Tòa Thánh dư được 2 triệu 185 ngàn Euros (2,185,622), nhờ sự quản trị tốt về tài chánh. Phần lớn chi phí trong ngân sách của Tòa Thánh là để trả lương cho nhân viên, với 2.823 người tính đến cuối năm vừa qua; tiếp đến là chi phí cho các phương tiện truyền thông xã hội, và trả thuế mới về bất động sản, tăng 5 triệu Euro so với quá khứ.

Phủ Thống đốc quốc gia thành Vatican có ngân sách độc lập với Tòa Thánh, và kết toán chi thu trong năm 2012 dư được hơn 23 triệu Euros (23,079,800), tức là tăng 1 triệu so với năm trước đó. Tính đến cuối năm ngoái số nhân viên của Phủ này là 1936 người.

”Đồng tiền thánh Phêrô”, tức là số tiền các tín hữu đóng góp cho các hoạt động bác ái của ĐTC trong năm qua (2012) được gần 66 triệu mỹ kim (65,922,637.08), tức là giảm gần 3 triệu 800 ngàn mỹ kim (3,789,085). Số tiền các giáo phận đóng góp cho Tòa Thánh chiếu theo khoản giáo luật số 1271 là 28 triệu 303 ngàn mỹ kim tức là giảm gần 12% so với năm 2011 trước đó. Cũng vậy số tiền các dòng tu giúp Tòa Thánh giảm 5.09% tức là được 1 triệu 133 ngàn mỹ kim.

Viện Giáo Vụ, tức là Ngân Hàng Vatican, đã dâng tặng ĐTC số tiền 50 triệu Euro trong tài khóa 2012. Thêm vào đó Viện này còn giúp 1 triệu Euro cho ngân quỹ Amazzonia, 1 triệu 500 ngàn Euros cho Quỹ trợ giúp các nữ đan viện chiêm niệm, 1 triệu rưỡi Euros giúp quỹ thánh Sergio, nâng đỡ các Giáo Hội tại cựu Liên Xô, 1 triệu Euro cho Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu la tinh.

Hội đồng Hồng Y chân thành cám ơn sự hỗ trợ của các tín hữu, nhiều khi dưới hình thức ẩn danh, dành cho sứ vụ hoàn vũ của ĐTC, mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, và các HY kêu gọi tiếp tục kiên trì trong việc thiện này (SD 4-7-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Vatican: Phong Thánh cho Chân Phước Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gần kề

Vatican: Phong Thánh cho Chân Phước Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gần kề

Blessed John Paul II

Rome  – Giáo hội Công giáo đang sắp sửa tuyên bố Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một vị thánh. Một nguồn tin quen thuộc từ Vatican trong quá trình phong thánh  được đưa ra vào ngày thứ Ba 2 tháng 7 năm 2013 vừa qua.

Hội đồng  xem xét các ứng cử viên cho việc phong thánh đã bỏ phiếu vào ngày Thứ Ba cho vị Giáo Hoàng qua đời gần đây nhất với một phép lạ thứ hai. Nguồn tin do một giới chức Vatican không nêu tên cho biết.

Có nhiều phép lạ của Cố Giáo Hoàng được xem xét nhưng chưa biết rõ phép lạ nào sẽ được công nhận ghi chép vào Thánh sử. Đức Thánh Cha Phanxicô phải quyết định và ký nhận để trở thành văn bản chánh thức.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhậm chức từ năm 1978 cho đến khi ông qua đời vào năm 2005, và Ngài là Giáo Hoàng nổi bật  – thu hút số đông trên toàn cầu.

Ngày tang lễ của Chân Phước Gioan Phaolô, hàng ngàn khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô đều hô vang "Santo Subito" nghĩa là “Phong Thánh ngay!”

 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô rất nhanh chóng được phong chân phước khi ông qua đời chỉ trong 6 năm kể từ khi qua đời vào năm 2005, đây là việc phong chân phước nhanh nhất trong thế kỷ.

Có ba giai đoạn cơ bản để trở thành một vị thánh Công giáo sau khi qua đời.

-Đầu tiên, danh hiệu "đáng kính" được chính thức Đức Giáo Hoàng để đánh giá một người nào đó để được thừa nhận các " nhân đức anh hùng."

-Thứ hai: Cần có một phép lạ , hoặc phải hy sinh vì đạo.(trở thành Chân Phước)

-Thứ ba : Phong thánh đòi hỏi một phép lạ thứ hai.

Vào năm 2010, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI chấp thuận cho Đức Gioan Phaolô II phép lạ đầu tiên: một nữ tu người Pháp được chữa khỏi bệnh run rẩy tay chân (Parkinson).

Sơ Marie-Simon-Pierre, một nữ tu đã cầu nguyện đến Cố Đức Giáo Hoàng sau khi ông qua đời, sau đó Sơ đã được chữa khỏi bệnh, chứng bệnh này cũng là căn bệnh của Chân Phước Gioan Phaolô khi còn sống.

Phép lạ thứ hai được báo cáo xảy ra ở Costa Rica, nơi một phụ nữ cho biết cô hồi phục từ một chấn thương não nghiêm trọng nhờ sự can thiệp của Đức Gioan Phaolô II, nguồn  tin phát xuất từ Vatican.

Patrick Kelly, giám đốc điều hành John Paul II Đền Thánh tại Washington, giải thích tiến trình điều tra các phép lạ của giáo hội.

"Một nhóm bác sĩ đầu tiên kiểm tra các phép lạ. Thứ hai, nhóm nghiên cứu của các nhà thần học nhìn vào phép lạ và sau đó họ thảo luận với nhau về tính hợp pháp và tất cả các sự kiện xung quanh những điều phép lạ", ông nói:

Kỷ lục về phong thánh nhanh nhất là thời hiện đại là Thánh Jose Maria Escriva, người Tây Ban Nha sáng lập ra dòng tu Công giáo Opus Dei của giáo dân và các thánh được hiến dâng cho việc tìm đến Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Escriva đã được phong thánh 27 năm sau khi ông qua đời.

Riêng Chân Phước Gioan Phaolô II có thể phá vỡ kỷ lục đó.

Theo nguồn tin tại Roma thì rất có thể Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô sẽ tuyên phong hiển thánh cho ĐGH Gioan Phaolô II vào ngày 8 tháng 12 là ngày đại lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Đồng thời năm nay lễ trùng vào ngày Chúa Nhật, thích hợp cho việc tổ chức lễ phong thánh.

Một nguồn tin khác cũng đang được nói tới tại Roma là theo một giới chức của Vatican, xin được dấu tên, cho biết rất có thể Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII cũng được phong thánh trong cùng ngày với ĐGH Gioan Phaolô II. Nguồn tin trên được hãng thông tấn ANSA xác nhận.

Truớc tin ĐGH Gioan Phaolô II sắp được phong thánh, dân chúng Ba Lan rất vui mừng. Linh Mục Robert Necek, phát ngôn viên của Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz tuyên bố với đài truyền thình TVN24 của Ba Lan rằng “ Hồ sơ đã đến chặng đường cuối cùng. Còn lại chỉ là quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô".

Thái Trọng (Phỏng dịch từ CNN và AP)

NGÀY ƠN GỌI : ĐỨC PHANXICÔ SẼ LÀM CHỨNG VỀ ƠN GỌI CỦA MÌNH

NGÀY ƠN GỌI : ĐỨC PHANXICÔ SẼ LÀM CHỨNG VỀ ƠN GỌI CỦA MÌNH

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ làm chứng về ơn gọi của mình nhân Ngày ơn gọi trong khuôn khổ Năm Đức Tin.

Hôm 1 tháng 7/2013, Đức cha Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Thăng Tiến Công Cuộc Tân Phúc Âm Hóa, Đức cha José Octavio Ruiz Arenas, thư ký, và Đức cha Graham Bell, phó thư ký, đã giới thiệu « Ngày của các chủng sinh, các tập sinh, và của những ai đang bước theo một hành trình ơn gọi ».

Những ngày này sẽ diễn ra từ 4 đến 7 tháng 7/2013, về đề tài « Con tin tưởng nơi Chúa ! ». Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ làm chứng về ơn gọi của mình và đồng thời sẽ chủ tế một thánh lễ với các tham dự viên.

Theo Đức cha Fisichella, khoảng 6000 bạn trẻ sẽ đến Rôma từ 66 nước, trong đó có Papouasie Tân Ghi-nê, Đảo Salomon, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Chi-lê…

Các tham dự viên sẽ hành hương viếng mộ thánh Phêrô vào ngày 4/7. Ngày 5/7, các bài giáo lý sẽ được tổ chức theo nhóm ngôn ngữ (Pháp, Ý, Anh, Balan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Đức) và buổi chiều sẽ dành cho việc thăm viếng các nơi thánh, theo dấu chân của thánh Augustin và mẹ ngài, thánh Phanxicô Assidi, thánh Philipphê Nêri, thánh Inhaxio Loyola, thánh Têrêxa Lisieux…Ban tối, các chủng sinh và tập sinh sẽ làm chứng về ơn gọi của mình.

Chiều 6/7, các tham dự viên sẽ gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô tại thính đường Phaolô VI, sau một suy tư của ĐHY Piacenza, Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ. Đức Thánh Cha sẽ nói với các bạn trẻ về ơn gọi của mình và sẽ cho họ những điểm suy tư cho hành trình của họ.

Ngày Ơn Gọi sẽ kết thúc bằng cuộc rước kiệu Đức Mẹ trong vườn Vatican cho đến quảng trường thánh Phêrô. Tại đây, ĐHY Joao Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ Đời Sống Thánh Hiến sẽ có một bài suy niệm.

Cuối cùng, ngày 7/7, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ tế thánh lễ với các tham dự viên, lúc 9g30 tại Vương cung thánh đường Vatican.

Tý Linh (Xuân Bích VN)

Theo ZENIT