SỰ THA THỨ

SỰ THA THỨ

Thánh Patrick sinh khoảng năm 400 ở một chỗ nào đó dọc theo bờ biển phía tây của nước Tô Cách Lan hoặc nước Anh.

Trong cuốn Tự Thú, người cho biết gia đình của người là Công Giáo gốc. Nhưng trong thời niên thiếu, người đã từ bỏ Thiên Chúa.

Nói cách khác, người đối xử với Thiên Chúa giống như người con hoang đàng đối xử với cha mình trong bài Phúc Âm hôm nay.

Trong thời gian khoảng 16 tuổi, Patrick bị hải tặc bắt, đưa sang Ái Nhĩ Lan, và bị bán làm nô lệ.

Ở Ái Nhĩ Lan, người mất nhiều thời gian để chăm sóc các đàn chiên – giống như người con hoang đàng chăm sóc đàn heo.

Khi sống cuộc đời khổ cực, Patrick mới bắt đầu nhận thấy thật tuyệt vọng là chừng nào nếu không có Thiên Chúa.

Cũng như người con hoang đàng trong Phúc Âm, Patrick từ từ có ý thức và ăn năn sám hối tội lỗi của mình. Những gì xảy ra sau đó được người diễn tả trong cuốn Tự Thú. Người viết:

Thiên Chúa đã an ủi tôi như người cha an ủi đứa con… Và khi tình yêu của tôi dành cho Thiên Chúa ngày càng gia tăng… thì hoạt động của Chúa Thánh Thần trong tôi cũng vậy.

Được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Patrick bắt đầu dành nhiều thời giờ khi chăm sóc đàn chiên để học cách cầu nguyện. Người viết:

Ngay cả khi tôi ngủ đêm ở triền núi hay trong rừng rậm để ở với đàn súc vật, tôi thường thức dậy sớm để cầu nguyện với Thiên Chúa.

Dù mưa hay tuyết lạnh giá, tôi không bị sao nhãng vì sức mạnh tinh thần của tôi rất mạnh mẽ.

Sau sáu năm nô lệ, Patrick tìm cách trốn thoát trên một chiếc ghe và về nhà. Sau cùng người đến Âu Châu và trở thành một linh mục và sau đó làm giám mục.

Một thời gian sau, Đức GM Patrick trở về Ái Nhĩ Lan rao giảng Phúc Âm cho chính những người mà trước đây đã bắt người làm nô lệ.

Câu chuyện của Thánh Patrick và người con hoang đàng không chỉ giống ở chi tiết nhưng còn giống ở hai điểm quan trọng của hai người.

Trước hết, cả hai cho chúng ta thấy Thiên Chúa rất muốn tha thứ cho chúng ta khi chúng ta có ý thức và muốn trở về với Người sau khi phạm tội.

Không những thế, hai người còn cho chúng ta thấy, khi trở lại với Chúa, Người sẵn sàng đối xử với chúng ta như chưa bao giờ chúng ta xa cách Người.

Điểm thứ hai của câu chuyện là khi một người tội lỗi trở về với Thiên Chúa, Người không chỉ đón nhận nhưng còn mời gọi họ hãy loan truyền tin mừng cho người khác về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Thánh Patrick trở về Ái Nhĩ Lan để rao giảng tin mừng này. Người thật thích hợp để thi hành điều này, bởi vì người đã sống giữa người Ái Nhĩ Lan và biết họ rất rõ.

Điều này rất có ý nghĩa với mỗi người chúng ta trong nhà thờ này. Chúng ta có thể áp dụng thế nào câu chuyện của Thánh Patrick và người con hoang đàng vào đời sống riêng tư của mỗi người?

Hoặc nói cách khác, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta điều gì qua hai câu chuyện này?

Với cá nhân tôi, các câu chuyện này nói với tôi hai điều.

Thứ nhất, Thiên Chúa không bao giờ ngừng tha thứ cho chúng ta khi chúng ta sám hối và trở về với Người. Thiên Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta, không chỉ bẩy lần, nhưng bẩy mươi lần bẩy—như Chúa Giêsu đã dậy.

Thứ hai, hai câu chuyện này cho thấy hiển nhiên rằng vì Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta một cách độ lượng, Người cũng muốn chúng ta tha thứ cho người khác giống như vậy.

Có câu chuyện của TT Lincoln thật thích hợp ở đây.

Có người hỏi ông là ông sẽ đối xử thế nào với người phương Nam sau khi cuộc Nội Chiến chấm dứt. Ông trả lời, “Tôi sẽ đối xử với họ như thể chưa bao giờ họ rời bỏ mái nhà.”

Đó là cách mà Thiên Chúa đối xử với Patrick. Đó là cách người cha đối xử với người con hoang đàng trong dụ ngôn. Đó là cách Thiên Chúa đối xử với chúng ta.

Và đó là cách Đức Giêsu đối xử với ông Phêrô khi ông chối bỏ Người. Đức Giêsu đã phục hồi ông Phêrô về tình trạng cũ, là “đá” mà trên đó Người sẽ xây hội thánh của Người.

Đức Giêsu đã có thể nói rằng, “Phêrô, như anh biết, Thầy có những kế hoạch lớn cho anh, nhưng anh đã phản bội Thầy. Phêrô, Thầy sẽ tha thứ cho anh, nhưng anh sẽ phải đảm nhận công việc kém hơn.”

Nhưng Đức Giêsu đã không nói như vậy. Người đối xử với ông Phêrô như thể chưa bao giờ ông từ bỏ mái nhà.

Đây cũng là cách mà chúng ta phải đối xử với người tội lỗi sám hối. Chúng ta phải đối xử với họ như thể chưa bao giờ họ từ bỏ mái nhà.

Chúng ta phải tha thứ cho họ và đưa họ trở về tâm hồn chúng ta theo cách mà Đức Giêsu đã tha thứ cho chúng ta và đưa chúng ta trở về với tâm hồn của Người.

Và nếu chúng ta thi hành như vậy, chúng ta có thể tin chắc rằng vào lúc cuối đời khi đến cửa thiên đường, Thiên Chúa sẽ đón mừng chúng ta trở về nhà giống như người cha trong Phúc Âm đón mừng đứa con trở về.

Chúng ta hãy kết thúc như khi bắt đầu. Chúng ta hãy chú ý đến cuộc đời của Thánh Patrick. Trong cuốn Tự Thú, Thánh Patrick giúp chúng ta thấy được điều gì đã thay đổi cuộc đời người một cách quyết liệt, từ một người tội lỗi trở nên một vị thánh.

Đó chính là quyết định tự học cách cầu nguyện và biến sự cầu nguyện trở nên đời sống hàng ngày. Qua sự cầu nguyện hàng ngày, người đã ý thức sâu đậm về sự hiện diện của Đức Kitô trong cuộc đời.

Và kết quả của nhận thức này là một suy tư đơn sơ nhưng thâm trầm. Người đã thuộc lòng và lập đi lập lại trong ngày. Một phần của suy tư đó viết như sau:

Thật tuyệt diệu chừng nào khi tôi đắm chìm trong sự hiện diện của Thiên Chúa:
Đức Kitô ở với tôi,
Đức Kitô ở trước tôi,
Đức Kitô ở sau tôi,
Đức Kitô ở trong tôi, Đức Kitô ở dưới tôi,
Đức Kitô ở trên tôi,
Đức Kitô ở bên phải của tôi,
Đức Kitô ở bên trái của tôi…

Đức Kitô ở trong tâm hồn của bất cứ ai nghĩ đến tôi,
Đức Kitô ở trong miệng của bất cứ ai nói đến tôi,
Đức Kitô ở trong mắt của bất cứ ai nhìn đến tôi,
Đức Kitô ở trong tai của bất cứ ai nghe tôi nói.

LM Mark Link

YÊU THƯƠNG TUYỆT VỜI

YÊU THƯƠNG TUYỆT VỜI

Thiên Chúa yêu thương con người, yêu thương nhân loại, nên đã sai Con của Ngài là Đức Giêsu xuống trần gian để đem hạnh phúc cho con người và để nói lên trọn vẹn tình yêu cao vời của Chúa Giêsu qua cái chết trên thập giá.chính vì thế, khi Chúa Giêsu tiếp đón những người thấp cổ bé họng, những người thu thuế, những người tội lỗi thì các Kinh sư, Pharisêu lẩm bẩm kêu trách Người. Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp họ nhưng Ngài đã dùng ba dụ ngôn để dạy họ và dạy mọi người.Dụ ngôn: Con Chiên Lạc, Đồng Bạc Đánh Mất và Người con Hoang Đàng, ba dụ ngôn này nói lên lòng nhân từ thương xót của Chúa Giêsu đối với các tội nhân biết hối cải ăn năn.

Đối với những người Pharisêu, Kinh sư và Biệt phái người tội lỗi là người đáng khinh chê, là người phải đẩy ra bên lề xã hội, không được tiếp xúc, không được lại gần họ.Quan niệm như vậy, những Kinh sư, Pharisêu và Biệt phái luôn rình mò để bắt bẻ Chúa Giêsu.Họ coi những kẻ tội lỗi là nọc độc, là ghê tởm. Còn đối với Chúa Giêsu tuy chống đối tội lỗi, nhưng lại xót thương kẻ có tội. Bởi vì Ngài đến để tìm những gì đã mất. Chúa luôn để cơ hội cho tội nhân có dịp quay trở lại với Ngài. Con người dù thế nào đi nữa vẫn có cơ may trở lại với Chúa và Ngài luôn dành chỗ cho họ nơi trái tim vẹn sạch của Ngài. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu, ba mươi năm sống ở làng Nagiarét và ba năm đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã luôn gần gũi mọi lớp người, Ngài luôn yêu thương những người tội lỗi. Nên, khi thấy Chúa Giêsu xót thương những người tội lỗi, những người cơ cực, khó nghèo, Ngài đã bị Kinh sư và Pharisêu chống đối khi thấy Chúa dùng cơm tại nhà ông Lêvi, một người dưới mắt họ là kẻ tội lỗi. Khi dùng bữa với những người tội lỗi theo quan điểm, theo cách nghĩ của họ, Chúa Giêsu đã bị họ ghen ghét và tìm cách mưu hại họ. Ba dụ ngôn ngày hôm nay là tiếng nói yêu thương cho nhân loại, cho con người thấy sáng kiến của Thiên Chúa : Ngài luôn yêu thương tội nhân, Ngài đi tìm họ và mời họ quay trở về, và hưởng nếm niềm vui.

Vâng, tội lỗi là điều đáng khinh bỉ, đáng xa tránh. Nhưng những ai lầm lỡ phạm tội, nếu biết quay gót trở về, nếu biết ăn năn sám hối, chắc chắn Chúa sẽ yêu thương tha thứ. Chúa yêu thương kẻ lầm lỡ như người chăn chiên bỏ chín mươi chín con chiên để tìm con chiên lạc, như người đàn bà đánh mất đồng bạc, đốt đèn, quét tìm và khi tìm được đồng bạc đánh mất đã làm tiệc mời bạn bè chia vui với mình, như người trộm lành được Chúa yêu thương tha thứ. Tuyệt đỉnh của yêu thương là tha thứ. Cái chết trên thập giá là tuyệt đỉnh của yêu thương. Chết mới nói lên tất cả : “Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13). Trên thập giá dù đau đớn, dù bị khinh khi, phỉ nhổ, Chúa Giêsu vẫn một lòng yêu thương, tha thứ : “Lạy Cha, xin tha cho họ”. Lời này nói lên lòng nhân hậu, cao thượng tuyệt đối của Chúa Giêsu.

Con người luôn nhận được sự tha thứ của Chúa khi con người thật lòng sám hối ăn năn. Người trộm lành suốt cuộc đời tội lỗi nhưng trong giây phút ông đã nhận ra tội lỗi của mình và xin Chúa tha thứ. Chúa đã tha thứ cho ông và đưa ông vào Nước Thiên Chúa. Ông đại đội trưởng dù chưa là con Chúa, nhưng ông đã biết nhận uy quyền của Chúa và nhận ra mình là yếu hèn, là thua chúa, nên ông đã đươc Chúa chữa lành cho người đầy tớ của ông. Người con hoang đàng trở về thật lòng ăn năn, sám hối, nên anh đã nhận được tình thương tha thứ của người cha.

Là Thiên Chúa, Ngài đã tha thứ cho chúng ta dẫu tội lỗi chúng ta tầy trời. Chúa đã tỏ lòng nhân hậu đối với chúng ta… Chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Chúng ta chỉ dễ dàng tha thứ cho kẻ khác khi chúng ta nhận ra thân phận yếu hèn, tội lỗi của chúng ta. Người ta dễ nhìn ra cái rác trong mắt người khác mà không nhận ra cái sà trong mắt của mình. Xem ra tự tha thứ cho ta thì dễ dàng hơn tha thứ cho kẻ khác. Tuy nhiên, có nhận ra lỗi lầm của mình, con người mới dễ dàng cảm thông với tội lỗi, với khuyết điểm của kẻ khác. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, luôn yêu thương mọi người và không bao giờ bỏ rơi ai. Ngài yêu thương chúng ta bằng một tình yêu vô điều kiện, tình yêu tuyệt vời. Do đó, trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng không được nản lòng, thất vọng, hãy tín thác vào Chúa, hãy đặt tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu tha thứ của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con không bao giờ nản chán giữa cuộc đời đầy chông gai thử thách và xin cho chúng con luôn biết tín thác vào tình yêu tha thứ của Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1. Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta điều gì?
2. Tại sao Kinh sư, Biệt phái và Pharisêu lại chống đối Chúa Giêsu?
3. Thiên Chúa là Đấng nào?

LM Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

“HÃY CHIA VUI VỚI TÔI”

“HÃY CHIA VUI VỚI TÔI”

Trong ba dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đều kết thúc bằng những lời nói đến niềm vui. Người chăn chiên tìm được chiên lạc và vác chiên lên vai rồi về nhà mời bạn hữu láng giềng đến chia vui; người đàn bà tìm thấy đồng bạc mất cũng mời lối xóm đến chia vui; người cha có đưa con đi hoang trở về liền mở tiệc ăn mừng.

Ba dụ ngôn đều đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài xót xa khi một người lầm đường rơi vào tội lỗi. Do đó Ngài tha thiết tìm cứu người tội lỗi. Khi cứu được một người tội lỗi, Ngài rất vui mừng.

Chúa Giêsu bày tỏ niềm vui của Thiên Chúa khi người tội lỗi hối cải. Ở dụ ngôn thứ nhất, “trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải“; ở dụ ngôn thứ hai “các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải“; và ở dụ ngôn thứ ba “phải ăn mừng, vì em con đây đã chết, mà nay lại sống, đã thất lạc mà nay lại tìm thấy“.

Tội nhân hối cải, không những được tha thứ, nhưng còn được chờ đợi, được đón tiếp. Niềm vui của Thiên Chúa thật lớn lao khi người tội lỗi biết từ bỏ con đường xấu xa, trở về sống trong tình thương của Thiên Chúa.

Hôm nay xin suy niệm về dụ ngôn thứ ba. “Dụ ngôn đứa con hoang đàng” được gọi là “Dụ ngôn người cha nhân hậu” thì hợp lý hơn, bởi vì dung mạo trung tâm của câu chuyện chính là người cha.

Đại văn hào người Anh, Charles Dickens, xem dụ ngôn “Người cha nhân hậu” là câu chuyện hay nhất, là hạt ngọc đẹp nhất của Tin mừng.

Tình thương của cha đối với hai con, nổi bật nơi người con thứ.

1. Người con thứ

Người con thứ đòi Cha chia gia tài rồi bỏ đi vô tình, rời khỏi ngôi nhà, nơi mình sinh ra, nơi mình được nuôi dưỡng và lớn lên. Trẩy đi miền xa, người trai trẻ mang nổi khát khao mãnh liệt là ra khỏi luỹ tre làng, muốn nhìn xem thế giới mới lạ bên ngoài, thích miền xa hơn là gần gũi quê nhà. Người con thứ bỏ nhà ra đi với tiền bạc và lòng kiêu ngạo, quyết sống riêng khỏi gia đình và cộng đoàn. Anh ta ra đi không phải để học hành, tìm việc làm mà là ăn chơi đàng điếm, phung phí hết tài sản, sức khoẻ, bất kể đó là mồ hôi nước mắt của cha mẹ, bất chấp tiếng tốt của gia đình. Chơi bời nên mau chóng suy sụp. Anh ta trở nên hèn hạ khi đi chăn heo và muốn ăn thức ăn của heo. Heo là con vật người Do thái ghê tởm.

Khi trở về chẳng còn gì: tiền bạc, sức khoẻ, danh giá, lòng tự trọng… mọi thứ đã bị tiêu xài hoang phí. Anh ta chỉ còn lại một điều duy nhất là “đứa con nhỏ của cha nó”.

Động lực nào đã khiến nó trở về ? Thánh Luca viết rõ: “Hồi tâm lại, nó nói: biết bao người làm công cho Cha tôi có dư thừa bánh ăn, còn tôi thì phải chết đói ở đây ! Thôi, đứng lên, tôi sẽ về cùng Cha tôi”. Như vậy động lực nó trở về là đói, vì miếng ăn. Trước khi bị đói chắc chắn nó không bao giờ nhớ đến Cha, không bao giờ sám hối vì bỏ Cha ra đi, không thấy băn khoăn hồi tâm về mái ấm gia đình, nơi còn có Cha già chẳng biết đau yếu ra sao, không thấy tiếc nuối vì phá tan cả sự nghiệp của Cha. Khi bị cơn đói hành hạ, phải đi chăn heo, nó mới băn khoăn tìm đường về. Cái hồi tâm, cái băn khoăn của nó là làm sao để được ăn. Nó dự tính nói với Cha là nó trót phạm lỗi nghịch với trời, nó không còn đáng gọi là con, nó chỉ xin được đối xử như người làm công.

Đó phải chăng là một cuộc trở về trọn vẹn ? Đó là cuộc lên đường được thúc đẩy bởi lòng sám hối hay sao ? Sự thống hối của nó chỉ là vị kỷ nhằm khả năng có thể sống sót thôi. Nếu người con thứ thành công xây dựng cơ nghiệp, có lẽ sẽ không hiểu được tình Cha. Vì nếm mùi thất bại chua chát của cuộc đời nên nó lên đường trở về. Nó không đủ can đảm đi làm người ăn xin, nó không đủ liều mạng để đi trộm cướp, nó không dám đánh đổi cả cuộc đời để gây tiếng xấu. Nó sống bằng nghề lương thiện là đi chăn heo, sống bằng sức lao động của mình. Từ kinh nghiệm của vực thẳm này, nó mới hiểu được mặt trái cuộc đời. Đó không là chốn nương thân cho kẻ nghèo khổ, không là chỗ hạnh phúc cho kẻ khố rách áo ôm, không là chỗ cho kẻ cô thân cô thế. Vì vậy chỉ còn một con đường duy nhất là trở về xin tha thứ và làm công cho Cha để có cơm ăn áo mặc. Tất cả ý nghĩa của cuộc trở về được diễn tả cách cô đọng trong những lời “Cha ơi… con không đáng gọi là con Cha nữa”.

Đọc câu chuyện, tôi nhận thấy sự trở về của người con thứ chẳng phải là mẫu mực. Sự trở về lý tưởng phải là sự trở về của lòng sám hối với tình yêu tha thiết. Nhưng trong thực tế cuộc sống, khi ngồi giải tội có nhiều hối nhân sau 5 năm, 10 năm thậm chí đến 20 năm, 30 năm mới trở về cùng Chúa; mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Những bầm dập của của cuộc đời, những gian truân vất vả, những thất bại chua chát… đã cho họ rút kinh nghiệm là cần trở về với Chúa, nguồn mạch của bình an nội tâm, của niềm vui và hạnh phúc. Chính Chúa đã yêu thương, đã tác động và một khi nào đó như Chúa muốn họ trở về cùng Ngài. Như thế họ đã chọn lấy sự sống. Gặp gỡ nhiều người như thế, tôi cảm thông với người con thứ.

2. Người con cả

Hiếu thảo, vâng phục cha, không đi hoang, không ăn chơi. Con người lao động cần cù có tinh thần trách nhiệm, không rượu chè trác táng, chỉ lo ruộng rẫy nương vườn. Anh là con người mẫu mực. Thế nhưng, biến cố đứa em trở về đã bộc lộ con người thật của anh.Tuy ở trong nhà cha nhưng lại xa trái tim cha. Tại sao cha đãi tiệc bê béo cho thằng em bất hiếu, còn anh một con bê nhỏ để vui với bạn bè cũng không có. Anh tức giận vì thấy quyền lợi bị xúc phạm. Anh chẳng chịu vào nhà. Hoá ra cả hai người con vừa khác lại vừa giống nhau. Cả hai đều ở ngoài nhà cha. Con thứ không thấy hạnh phúc bên cha nên ra đi. Con cả không chia sẽ được hạnh phúc của cha nên không vào nhà. Anh thiếu bao dung và thiếu sự tha thứ cho em. Thái độ của người con cả là thái độ tiêu biểu của người biệt phái, luật sĩ hôm qua và hôm nay. Ích kỷ cho quyền lợi riêng mình. Tự mãn về cách giữ luật “con không hề trái lệnh cha một điều nào”, tự hào về cách sống đạo “ không như thằng con của cha” Chỉ muốn kẻ lỗi lầm không được cứu thoát mà phải chết.

Lúc sự giận dữ bùng nổ đến cực điểm, anh cả gặp lại tình cha. Cha đi ra năn nỉ, anh chẳng chịu nghe. Cha bộc bạch tâm tình với anh: “con ơi, mọi sự của cha đều là của con, chúng ta phải ăn mừng vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Lời cha làm anh bàng hoàng xúc động vì anh hiều rằng mình quá ích kỷ, quá nhỏ mọn. Cái ích kỷ làm anh tẩy chay sự trở về của đứa em. Cái nhỏ mọn làm anh làm anh xua tan lòng bao dung của cha. Tình cha lớn hơn cuộc đời anh, lớn hơn tính ích kỷ trong anh.

Hình ảnh người con cả thật gần với chúng ta. Phụng dưỡng cha mẹ với trách nhiệm, chứ chưa phải là tình thương. Không chia sẽ nổi buồn, nổi khổ tâm, nổi âu lo của cha mẹ. Chỉ biết than trách và đòi quyền lợi cho mình thật nhiều. Ghen tị, chỉ trích phê bình, đặt mình là tiêu chuẩn cho mọi việc đạo đức. Thiếu lòng bao dung, không chịu tha thứ. Hình ảnh đó thật giống tinh thần biệt phái, có đạo mà không có đức.

Cả hai người con cần phải trở về. Sám hối chính là trở về với tình cha, trở lại với tình yêu, tìm lại niềm vui và sự sống.

3. Người cha

Khi chia gia tài cho con lòng cha đau đớn. Vì tôn trọng tự do của con chứ không phải cha nhu nhược. Ngày nhìn con ra đi, bóng nó nhạt dần cuối chân trời như cánh chim bay, lòng cha thấy trống trải, muộn phiền vì thiếu vắng hình bóng con. Ngày ngày cha ngóng trông đợi con trở về. Thế rồi một ngày kia, đứa con trở về thật. Nó về trong dáng vẻ thất bại thảm hại, thất thểu rách nát. Thua cuộc đời nó về làm dấy lên những lời bình phẩm của làng xóm. Giả như nó không về, người ta sẽ lãng quên. Nay nó trở về nhắc cho bà con làng xóm thấy sự thất bại của gia đình ông. Con ông về trong thất bại chua cay là câu chuyện đám tiếu đầu làng cuối xóm. Vậy mà ông mở tiệc ăn mừng. Thật lạ lùng!

Ở đời, khi con thi đậu đại học, khi con công thành danh toại vinh quy bái tổ, khi con là Việt kiều về thăm, cha mẹ mở tiệc ăn mừng, mời bà con làng xóm đến chia vui. Người ta thường dấu kín chuyện thất bại của con cái, người ta mắc cở không dám kể về đứa con bất hiếu, ngổ nghịch, ăn chơi đàng điếm. Người ta chỉ khoe đứa con ngoan, tự hào đứa con học hành thành đạt, vui mừng khi con có việc làm có sự nghiệp. Thế mà, người cha lại mở tiệc lớn. Mừng đứa con trở về thất bại tả tơi. Khách mời ngỡ ngàng khi chủ nhà giới thiệu con ông về nhà sau những ngày chăn heo đói khổ. Thế nhưng, người hiểu tình yêu là gì, tình phụ tử là gì thì thông cảm và chia vui với người cha. Cha đã tha thứ cho con trước khi con tự thú. Cha vui vì đứa con đã chết nay sống lại, đã mất nay tìm thấy.

Dung mạo người cha đó, chính là Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương. Thái độ người cha đối với hai đứa con là thái độ của Thiên Chúa đối với con người. Trong trái tim Thiên Chúa chỉ có tình thương. Người không có trí nhớ về tội lỗi con người.

Cha yêu con dù con hư hỏng, bất trung. Cha yêu con không vì con ngoan được việc, cha yêu con chỉ vì con là con. Cha không muốn mất một đứa con nào. Thiên Chúa của Đức Giêsu mạc khải là người cha nhân hậu, hiền từ, bao dung, hay tha thứ.

Hành trình thiêng liêng của cuộc đời, cả hai người con trong dụ ngôn đều có mặt trong mỗi con người chúng ta. Nhiều lần ta nghe theo cơn cám dỗ của thế gian xác thịt mà nên hoang đàng, hoang phí, gặp thất bại đau khổ mới hối hận trở về với Chúa. Nhiều lần ta là con cả tưởng mình đạo đức mà lên án tẩy chay người khác. Cần trở về với Cha, về với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương.

Để có được niềm vui trong Chúa, điều căn bản là phải tin tưởng gắn bó cuộc đời với Chúa, phải thực lòng yêu mến Ngài. Chính niềm tin và tình yêu dành cho Thiên Chúa thúc đẩy con người hoán cải khi lầm lỗi. Cuộc sống sẽ vui tươi hạnh phúc khi chúng ta có Chúa trong cuộc đời của mình. Niềm vui đức tin là niềm vui trong Chúa và có Chúa ở giữa chúng ta.

Hãy chia vui với tôi”, Thiên Chúa vui mừng khi con người sống thân mật với Ngài trong tình cha con.

Hãy chia vui với tôi”, đó cũng là lời mời gọi mỗi kitô hữu chia sẻ niềm vui đức tin với anh em mình trong cuộc sống hàng ngày.

LM Giuse Nguyễn hữu An

Đức Thánh Cha tiếp kiến 3,500 Hiệp Sĩ Thánh Mộ Jerusalem

Đức Thánh Cha tiếp kiến 3,500 Hiệp Sĩ Thánh Mộ Jerusalem

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chiều ngày 13 tháng 9-2013, dành 3,500 Hiệp Sĩ Thánh Mộ Jerusalem, ĐTC khích lệ họ tiếp tục xây dựng bằng tình bác ái, đào sâu và tuyên xưng đức tin.

Trong số những người hiện diện có Ban Tư Vấn của Đoàn Hiệp Sĩ Thánh Mộ vừa kết thúc khóa họp 5 năm một lần, từ 10 đến 12 tháng 9 tại Roma, dưới quyền chủ tọa của ĐHY Thủ Lãnh Edwin O'Brien, để kiểm điểm tình hình Giáo Hội tại Thánh Địa và những đáp ứng nhu cầu mà Đoàn Hiệp Sĩ có thể thực hiện, đồng thời đề ra những đường hướng tương lai. Hiện diện trong khóa họp cũng có Đức Thượng Phụ Công giáo La tinh ở Jerusalem, Fouad Twal. Ngoài ra, từ hôm 13 tháng 9 có hơn 3 ngàn Hiệp Sĩ về Roma tham dự cuộc hành hương tại Mộ Thánh Phêrô Tông Đồ nhân dịp Năm Đức Tin. Họ mặc y phục Hiệp sĩ truyền thống với Thánh Giá màu đỏ được tăng cường để tượng niệm 5 dấu thánh của Chúa Giêsu.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến lúc 5 giờ chiều tại Đại Thính Đường Phaolô 6, ĐTC đánh giá cao và cám ơn các Hiệp sĩ vì những sáng kiến liên đới mà Đoàn thực hiện tại Thánh Địa. Ngài đưa ra những lời nhắn nhủ theo 3 ý tưởng chính là: Tiến bước, xây dựng và tuyên xưng. ĐTC nói: ”Tiến bước để xây dựng cộng đoàn, nhất là bằng tình thương. Đoàn Hiệp Sĩ Thánh Mộ Jerusalem đã có một lịch sử gần một ngàn năm, đây là một trong những đoàn từ thiện bác ái cổ kính nhất vẫn còn hoạt động và được sự quan tâm đặc biệt của các vị GM Roma.”

”Nhưng sự tiến bước của anh chị em để xây dựng, xuất phát từ sự tuyên xưng đức tin ngày càng sâu xa hơn, tăng trưởng từ sự liên tục quyết tâm nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, nhờ sự thường huấn để sống đời Kitô ngày càng chân chính và phù hợp với những gì mình tuyên xưng. Đây là điểm quan trọng đối với mỗi người trong anh chị em và toàn thể Đoàn Hiệp sĩ, để mỗi người được trở giúp đào sâu lòng gắn bó với Chúa Kitô: tuyên xưng đức tin và làm chứng tá bác ái, hai điều này có liên hệ mật thiết với nhau và là những điểm thiết yếu, là sức mạnh của hoạt động mà anh chị em thực hiện”.

Đoàn Hiệp sĩ Thánh Mộ Jerusalem có 30 ngàn thành viên nam nữ tại 35 quốc gia, đặc biệt tại Bắc Mỹ và Tây Âu. Hội đặc biệt hỗ trợ các hoạt động mục vụ và giáo dục của Giáo Hội Công Giáo tại Thánh Địa. Để kỷ niệm cuộc gặp gỡ của các Hiệp Sĩ với ĐTC, Bưu điện Vatican đã thực hiện một dấu ấn đặc biệt đóng trên các tăm thư và một bìa hình với hàng chữ ”Papa Francesco incontra Ordo Equestris Sancti Sepulcri Herosolymitani” (ĐGH Phanxicô gặp Đoàn Hiệp Sĩ Thánh Mộ Jerusalem). (SD 13-9-2013)

G. Trần Đức Anh OP- Vatican Radio

ĐỨC THÁNH CHA NHẬN QUÀ CỦA MỘT CHA SỞ

ĐỨC THÁNH CHA NHẬN QUÀ CỦA MỘT CHA SỞ.

Hôm Thứ bảy Đức Bergoglio đã được ghi hình khi đang bước vào một chiếc Renault 4 do một linh mục quản xứ ở thành phố Verona, Ý trao tặng.

Popemobile Renault 4

Tấm hình cũng được phổ biến giống như tấm hình nổi tiếng chụp Đức Thánh Cha đang lên máy bay để bay đến Rio de Janeiro tay mang xách hành lý của mình. Chiều thứ bảy vừa qua (7-9) Đức Phanxicô được chụp hình khi đang bước vào một chiếc Renault 4 cũ màu trắng. Một chiếc popemobile (xe của giáo hoàng) đơn sơ khác của Đức Thánh Cha chăng? Tờ tuần báo Công giáo Famiglia Cristiana tiết lộ cho biết tại sao cảnh chụp Đức Bergoglio đang bước vào chiếc Renault được bấm máy.

Hôm Thứ bảy Đức Bergoglio đã được ghi hình khi đang bước vào một chiếc Renault 4 do một linh mục quản xứ ở thành phố Verona, Ý trao tặng.

Tấm hình cũng được phổ biến giống như tấm hình nổi tiếng chụp Đức Thánh Cha đang lên máy bay để bay đến Rio de Janeiro tay mang xách hành lý của mình. Chiều thứ bảy vừa qua (7-9) Đức Phanxicô được chụp hình khi đang bước vào một chiếc Renault 4 cũ màu trắng. Một chiếc popemobile (xe của giáo hoàng) đơn sơ khác của Đức Thánh Cha chăng? Tờ tuần báo Công giáo Famiglia Cristiana tiết lộ cho biết tại sao cảnh chụp Đức Bergoglio đang bước vào chiếc Renault được bấm máy.

Chiếc xe trong câu chuyện là một chiếc Renault 4 đời 1984, với bảng số đăng ký Ý Verona 779684. Tờ tạp chí viết, “Điều tuyệt vời là chiếc xe đó có lịch sử của những cuộc hành trình từ thiện dài 300 ngàn km trên đồng hồ”. Chiếc xe đó của cha Renzo Zooca, linh mục quản xứ họ Thánh Lucia thành Pescantina ở thành phố Verona miền Bắc Ý. “Nó đang nằm trong một ga-ra trông có vẻ hơi chợt vẹt, dầu vậy vị linh mục cũng đã cho nó được kiểm tra lại và được đăng ký như là một chiếc xe đời cũ”. Cha Renzo, người sẽ được 70 tuổi vào tháng 11 nầy, đã phục vụ với tư cách cha sở của một giáo xứ vùng ngoại vi, vị sáng lập của hợp tác xã Àncora Ý, cung cấp việc làm và sự giúp đỡ cho nhiều người dân. Vùng ngoại vi của ngài là khu ngoại ô của giới lao động của Saval ở Verona, ngài làm cha sở ở đó trong suốt thập niên 80.”

Cha Renzo đã đấu tranh không vũ khí chống lại những kẻ buôn bán ma túy đang hủy hoại đời sống của các thành viên trẻ tuổi trong đoàn chiên của ngài và họ đã gởi tới ngài những lời hăm dọa giết hại. Nhưng ngài vẫn tiếp tục, ngay cả khi đã bị chúng đâm bằng dao. “Tôi đã muốn là một hiện thân của khu chung cư trong giáo xứ ngoại vi đó, nó là cuộc sống của tôi: tôi đã sống 25 năm ở đó. Anh tôi và tôi đã sống trong căn nhà 9 tầng: tôi thường nói đùa rằng nhà xứ của tôi cao nhất trên toàn nước Ý.” Người ta tặng cho ngài Chiếc Renault 4 màu trắng. “Cha Renzo dùng chiếc xe 800 phân khối, 30 ngựa ít tốn xăng đó, với cần tay ga 4 số gần tay lái và các chổ ngồi như ghế bàn giấy, để lên xuống vùng ngoại ô, cũng như thăm viếng các khu vực ngoài giáo xứ của ngài: những cuộc cắm trại mùa hè của trường, những cuộc diễn thuyết, các trung tâm đón tiếp, thung lũng Aosta, Dolomites, Roma, v.v… Cuối cùng ngài có được 300 ngàn km trên đồng hồ” và ngài không bao giờ để nó chạy trên đường nữa…

Cha Zocca đã viết thư cho Đức Phanxicô để chia sẻ kinh nghiệm và tặng ngài một món quà: chiếc Renault 4. Đức Thánh Cha đã gọi điện cho vị linh mục lúc 10 giở 19 phút sáng 10 tháng 8. Các ngài nói chuyện về nhiệm vụ ở các khu ngoại vi một lúc. “Tôi nói với ngài tôi muốn ngài nhận chiếc xe đó. ‘Cha có chắc không?’ Ngài hỏi. ‘Có thật là cha muốn tặng tôi chiếc xe đó không? Có lẽ cha nên cho người nghèo thì thì tốt hơn chăng?’ Tôi nói với ngài chiếc xe đó đã làm rất nhiều việc cho người nghèo và nay đã đến lúc nó đến với Đức Thánh Cha và trong lúc cao hứng tôi đã lên tiếng mà không có ý gì. Ngài hỏi tôi ‘Cha có chiếc xe khác chưa?’ Khi tôi nói đã có một chiếc xe mới, Đức Thánh Cha đã đồng ý. Chúng tôi đồng thuận là tôi sẽ chuyển giao chiếc Renault cho ngài vào ngày Thứ bảy 7-9, ngày canh thức cho hòa bình ở Syria.”

Chiếc Renault 4 đã được đại tu và sáng bóng rất đẹp được chở tới Vatican trên một chiếc xe cần cẩu, cha Renzo và 100 khách hành hương cùng đi, họ di chuyển bằng xe buýt. Vì lý do an ninh, chỉ có 50 bổn đạo trong xứ được cho phép vào Vatican để hiện diện lúc chiếc xe được trao cho Đức Thánh Cha. Nhưng cha Renzo đã nói với Đức Phanxicô về 50 người đang chờ đợi ở bên ngoài. Đức Thánh Cha nói “Chúng ta hãy đi thôi!”. “Bốn người trong chúng tôi bước lên xe: Tôi ngồi lái, Đức Thánh Cha ở ghế hành khách kế bên và Teephanô, thợ máy cùng Luigi trợ lý của tôi ngồi ở ghế sau. Teephanô nói ‘Đi chậm thôi, chúng ta đang ở trong thành Vatican!’ Đồng hồ tốc độ chỉ 30 km/ giờ. Tôi không thể nói với bạn 50 tín hữu trong giáo xứ đã xúc động thế nào khi nhìn thấy chiếc Renault 4 tiến đến và Đức Thánh Cha bước ra ngoài.”

XT (theo Vaticaninsider) – Xuân Bích VN

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ: “NHỮNG TU VIỆN BỎ TRỐNG LÀ CỦA THÂN XÁC ĐỨC KITÔ”

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ: “NHỮNG TU VIỆN BỎ TRỐNG LÀ CỦA THÂN XÁC ĐỨC KITÔ”

“Những tu viện bỏ trống không phải để cho Giáo Hội chuyển đổi thành những khách sạn hay kiếm tiền từ chúng. Những tu viện trống không phải của chúng ta, nó là của thân xác Chúa Kitô: những người tỵ nạn”, Đức Thánh Cha vừa nói vừa nhướng mắt khỏi tở giấy trong chuyến viếng thăm của ngài đến Centro Astalli, một trung tâm tỵ nạn giữa lòng Roma, nơi cung cấp chổ ở, lương thực và sự trợ giúp cho những người tỵ nạn không có hồ sơ. Trung tâm nầy đã trợ giúp những người tỵ nạn đến nước Ý trong khi chạy trốn chiến tranh, bạo lực và tra tấn đã 30 năm qua.

Cuộc thăm viếng nầy quan trọng đối với Đức Phanxicô, như được xếp vào những việc theo sau từ chuyến đi của ngài đến đảo Lampedusa ở phía nam nước Ý: nó là việc làm truyền thống của vị Giám mục Roma để chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt đến người nghèo và người bị bách hại. Đức Phanxicô đã đến trung tâm tỵ nạn lúc 15 giờ 25, trên một chiếc Ford Focus màu xanh, không có người hộ tống và không có thư ký. Ngài chào thăm nhiều người tỵ nạn bên ngoài Trung tâm Astalli khi họ đang đợi bữa ăn. Sau đó ngài đến gần những người đang ăn trong phòng cơm và dừng lại nói chuyện với một nhóm khoảng 20 người tỵ nạn. Ngài đã lắng nghe một vài câu chuyện đau lòng. Một trong những người ngài nói chuyện là Carol, từ Syria. Sau khi nghe chuyện của cô, Đức Thánh Cha đã ngẫm ra từ những gì cô nói và khẳng định sự hòa nhập thật sự là “một quyền”.

Sau một thởi gian ngắn cầu nguyện trong nhà nguyện của Trung tâm Astalli và sau khi chào tất cả các thành viên cán bộ, Đức Thánh Cha đi sang Nhà thờ của Dòng Tên ở gần bên, ở đó ngài gặp gỡ với 250 tình nguyện viên đang làm việc ở 4 trại tạm trú do tổ chức Phục Vụ Người Tỵ Nạn của Dòng Tên điều hành.

“Phục vụ nghĩa là gì? Phục vụ có nghĩa là đón tiếp một người tìm đến và bày tỏ sự ân cần chu đáo với họ; có nghĩa là đưa tay giúp đỡ những người cần nó, mà không do dự, không sợ hãi, nhưng với sự dịu dàng và hiểu biết, giống như Chúa Giêsu đã cúi xuống và rửa chân cho các tông đồ.”

Phục vụ là làm việc kề bên người túng thiếu, thiết lập những tương quan nhân loại và thắt chặt tình đoàn kết với họ,” Đức Thánh Cha nói. Đoàn kết “là một chữ làm cho thế giới phát triển sợ hãi”. Người ta cố gắng để không sử dụng nó. Tựa như là một tiếng chửi thề đối với họ. Nhưng đó là từ ngữ của chúng ta! Phục vụ có nghĩa là nhận biết và nắm lấy công lý và hy vọng và tìm kiếm những con đường và phương hướng cụ thể để đi đến tự do”.

“Điều quan trọng cho toàn thể Giáo Hội là đừng chỉ dành việc nầy cho “các chuyên viên” để tiếp đón người nghèo và thúc đẩy công lý. Người nghèo cần phải tính đến trong các chương trình chăm sóc mục vụ của Giáo Hội, trong các khóa đào tạo linh mục và tu sĩ tương lai, trong các hoạt động hàng ngày của tất cả các giáo xứ, các phong trào và các nhóm công giáo tiến hành.

Đức Phanxicô đã gởi đi một thông điệp mạnh mẽ đến các dòng tu đừng để các tu viện bị bỏ trống. “Trên hết,–và tôi nói điều nầy từ đáy lòng mình- tôi cũng muốn kêu mời các Hội dòng hãy nắm lầy dấu chỉ của thời đại nầy cách nghiêm túc và hành động một cách có trách nhiệm. Chúa mời gọi chúng ta hãy tỏ ra can đảm quảng đại hơn trong việc tiếp đón người khác vào trong cộng đoàn chúng ta, nhà chúng ta, những tu viện bỏ trống…”

“Các nam nữ tu sĩ thân mến, các tu viện bỏ trống không dành cho Giáo Hội để chuyển đổi thành những khách sạn hay kiếm tiền từ chúng. Những tu viện bỏ trống không dành cho chúng ta, chúng dành cho xác thân của Đức Kitô: Những người tỵ nạn. Chúa kêu gọi chúng ta hãy quảng đại và can đảm đón tiếp người ta vào những tu viện bỏ trống. Dĩ nhiên đây không phải là một nhiệm vụ đơn giản; cần sự nhận thức và trách nhiệm; nhưng cũng cần lòng can đảm. Chúng ta đang làm rất nhiều; nhưng có lẽ chúng ta được mời gọi nổ lực hơn nữa, bằng cách đón tiếp và chia sẻ những gì mà Chúa Quan phòng đã ban cho chúng ta để phục vụ tha nhân, với lòng quyết tâm.”

“Sự cám dổ của tính trần tục tinh thần phải được vượt qua để cho chúng ta đến gần hơn với người bé mọn, đặc biệt người nghèo khó. Chúng ta cần các cộng đoàn thể hiện sự đoàn kết và tình yêu một cách cụ thể! Rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, đang xếp hàng ở đây và ở các trung tâm khác để có được một bữa ăn nóng sốt. Những người nầy nhắc nhở cho chúng ta về đau khổ và khó khăn của nhân loại. Nhưng dòng người đó cũng nói với chúng ta rằng tất cả chúng ta có thể làm một cái gì đó ngay bây giờ. Tất cả cần làm là gõ cửa một người và thử nói với họ: “Tôi đây, tôi có thể giúp bạn một tay được không?”

Cuối chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha cùng đi với một gia đình của người tỵ nạn đến đặt một bó hoa tai ngôi mộ của Cha Tổng quyền Dòng Tên, Pedro Arrupe.

XT (theo Vaticaninsider) Xuân Bích VN

Hãy yêu mến Giáo Hội là mẹ đã sinh chúng ta ra trong đức tin

Hãy yêu mến Giáo Hội là mẹ đã sinh chúng ta ra trong đức tin

Chúng ta hãy yêu mến Giáo Hội, vì Giáo Hội là Bà Mẹ đã cho chúng ta chào đời trong đức tin bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đức tin đó là ơn Thiên Chúa ban cho chúng ta qua gia đình, qua cộng đoàn dậy chúng ta nói ”Tôi tin”. Và chúng ta tất cả đều được mời gọi cộng tác vào việc làm cho các tín hữu mới sinh ra trong đức tin, giáo dục đức tin và loan báo Tin Mừng.

Kính thưa qúy vị thưa các bạn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với gần 100,000 tín hữu và du khách hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thư tư hàng tuần hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô. Xe díp chở Đức Thánh Cha đã bắt đầu ra quảng trường lúc 9 giờ 45 qua các lối đi để ngài chào tín hữu.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bày đề tài giáo lý ”Giáo Hội là ”mẹ”. Ngài nói trong các hình ảnh mà Công Đồng Chung Vatican II đã chọn để giúp chung ta hiểu rõ hơn bản chất của Giáo Hội nghĩa là bản chất là ”mẹ”: Giáo hội là mẹ chúng ta trong đức tin, trong cuộc sống siêu nhiên (LG 6.14.15.41.42). Đó là một trong các hình ảnh hay được các giáo phụ dùng nhất trong các thế kỷ đầu, nhưng tôi nghĩ nó cũng hữu ích đối với chúng ta. Đối với tôi đó là hình ảnh đẹp nhất của Giáo Hội: Giáo Hội mẹ.

Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu bà mẹ là gì trong thực tại của chức làm mẹ. Một bà mẹ sinh chúng ta vào cuộc sống, mang thai con 9 tháng trong lòng, rồi cho nó chào đời bằng cách sinh ra nó. Áp dụng vào trường hợp của Giáo Hội Đức Thánh Cha nói:

Giáo Hội cũng thế: sinh chúng ra trong đức tin, bởi phép Chúa Thánh Thần khiến cho Giáo Hội được phong phú, như Đức Trinh Nữ Maria. Giáo Hội và Đức Trinh Nữ Maria cả hai đều là mẹ, điều người ta có thể nói về Giáo Hội,

thì cũng có thể nói về Đức Mẹ, và điều người ta nói về Đức Mẹ cũng có thể nói về Giáo Hội. Chắc chắn đức tin là một hành động cá nhân ”Tôi tin”, chính tôi, một cách cá nhân, đáp trả lai Thiên Chúa là Đấng làm cho tôi biết ngài và muốn bước vào tình bạn với tôi (Lumen fidei 39). Nhưng đức tin tôi nhận được từ các người khác, trong một gia đình, trong một cộng đoàn dậy tôi nói ”tôi tin”, ”chúng tôi tin”. Một kitô hữu không phải là một ốc đảo! Chúng ta không trở thành Kitô hữu trong phòng thí nghiệm. Chúng ta không trở thành tín hữu kitô một mình và với sức lực của chúng ta, mà đức tin là một món qùa, một ơn của Thiên Chúa được ban cho chúng ta trong Giáo Hội và qua Giáo Hội. Đó chính là lúc Giáo Hội làm cho chúng ta sinh ra như là con cái của Thiên Chúa, là lúc, trong đó sự sống của Thiên Chúa được ban cho chúng ta, Giáo Hội sinh chúng ta ra như là mẹ. Nếu anh chị em đến nhà nguyện rửa tội của Đền thờ thánh Gioan Laterano, là nhà thờ chính tòa của Đức Giáo Hoàng, ở bên trong có một bản khắc bằng tiếng Latinh đại ý như thế này: ”Nơi đây sinh ra một dân tộc thuộc dòng dõi Thiên Chúa, được sinh ra bởi Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho nước này được phong phú, mẹ Giáo Hội sinh ra con cái trong các làn sóng này”. Đẹp không? Và điều này giúp chúng ta hiểu một điều quan trọng: việc chúng ta là phần của Giáo Hội không phải là một sự kiện hình thức bề ngoài, không phải là điền vào một tờ giấy mà người ta đưa cho chúng ta. Không, không phải vậy! Nó là một hành động nội tại, sống động. Chúng ta không thuộc về Giáo Hội như thuộc một hiệp hội, một đảng phái, hay bất cứ một tổ chức nào khác. Mối dây nối kết sinh tử giống như với mẹ chúng ta, bởi vì ”Giáo Hội thật là mẹ các kitô hữu” (De moribus Ecclesiae, I,30,62-63; PL 32,1336). Bậy giờ chúng ta thử hỏi xem tôi nhìn Giáo Hội như thế nào? Tôi có nhớ ơn cha mẹ tôi, bởi vì các ngài đã cho tôi sự sống, tôi có nhớ ơn Giáo Hội, bởi vì đã sinh ra tội trong đức tin qua bí tích Rửa Tội không? Nhưng có được bao nhiêu kitô hữu còn nhớ ngày rửa tội của mình? Và tôi muốn hỏi một câu ở đây: Bao nhiều ngươi trong anh chị em – mỗi người tự trả lời trong tim mình nhé – bao nhiêu người trong anh chị em nhớ ngày rửa tội của bình? Có vài cánh tay giơ lên… Nhưng có biết bao nhiêu người không nhớ. Có người nói: ”Nhưng con nhớ là vào lễ Phục Sinh, vào lễ Giáng Sinh, con tin vậy”. Ngày Rửa tội là ngày chúng ta sinh ra vào Giáo Hội, ngày trong đó Mẹ Giáo Hội đã sinh ra chúng ta. Thật là đẹp… Và bây giờ có một bài tập phải làm ở nhà đây: Hôm nay khi về nhà, anh chị em hãy tìm xem ngày rửa tội của mình là ngày nào. Và ngày đó là ngày tốt để mừng lễ. để cám ơn Chúa vì ơn ấy. Anh chị em có làm điều này không? Và tín hữu cả quảng trường thưa to ”Dạ có”. Phải, đó là bài tập đấy nhé! Anh chị em hãy làm các bài tập… Chúng ta hãy yếu mến Giáo Hội như yêu mẹ chúng ta, và cũng biết thông cảm các thiếu sót của Giáo Hội. Tất cả mọi bà mẹ đều có các thiếu sót, tất cả chúng ta cũng đều có các thiếu sót. Nhưng khi người ta nói tới các thiếu sót đó của mẹ chúng ta, thì chúng ta che đậy chúng lại, chúng ta yêu chúng, thế thôi… Và Giáo Hội cũng có các thiếu sót của mình. Tôi có yêu mến Giáo Hội như thế, như tôi yêu mẹ tôi không? Chúng ta có giúp Giáo Hội trở thành xinh đẹp hơn, đích thật hơn, theo như Chúa muốn không? Tôi để lại cho anh chị em các câu hỏi này. Nhưng đừng quên các bài tập đấy nhé! Hãy tìm ngày rửa tội của chúng ta để giữ gìư nó trong tim và mừng nó.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: một bà mẹ không hạn chế trong việc trao ban sự sống, nhưng còn chăm lo săn sóc con cái lớn lên, cho chúng bú sữa, nuôi nấng và dậy cho chúng con đường cuộc sống, luôn luôn đồng hành với chúng với sự chú ý, với lòng trìu mến, với tính yêu thương, cả khi chúng đã khôn lớn. Và trong điều này mẹ cũng biết sửa dạy, tha thứ, cảm thông, và gần gũi chúng trong bệnh tật, khổ đau. Tắt một lời, một bà mẹ tốt trợ giúp con cái ra khỏi chính mình, không ở lại một cách dễ dãi đưới cánh mẹ, như một lũ gà con ở dưới cánh gà mẹ. Áp dụng cho Giáo Hội Đức Thánh Cha nói:

Như là một bà mẹ tốt Giáo Hội cũng làm y như thế: đồng hành với sự trưởng thành của chúng ta, bằng cách thông truyền Lời Chúa cho chúng ta, là ánh sáng chỉ con đường cuộc sống kitô cho chúng ta, và ban phát các bí tích. Giáo Hội nuôi dưỡng chúng ta bằng bí tích Thánh Thế, đem lại ơn tha thứ cho chúng ta qua bí tích Sám Hối, nâng đỡ chúng ta trong lúc đau yếu với bí tích Xức Dầu bệnh nhân. Giáo Hội đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc sống đức tin. Chúng ta có thể đưa ra vài câu hỏi khác nữa: Tôi có tương quan nào với Giáo Hội? Tôi có cảm thấy Giáo Hội như là mẹ trợ giúp tôi lớn lên như kitô hữu hay không? Tôi có tham dự vào cuộc sống của Giáo Hội hay không, tôi có cảm thấy mình là phần của Giáo Hội không? Tương quan của tôi là một tương quan chỉ có hình thức hay là sinh tử?

Còn một tư tưởng ngắn thứ ba nữa. Trong các thế kỷ đầu của Giáo Hội có một thực tại rõ ràng: Giáo Hội trong khi là Mẹ của các Kitô hữu, cũng làm ra các Kitô hữu nữa, và cũng được làm thành bởi các kitô hữu. Giáo Hội không là cái gì khác với chính chúng ta, mà được coi như là toàn thể các Kitô hữu, như là ”chúng tôi” của các tín hữu Kitô, tôi, bạn, tầt cả chúng ta là phần của Giáo Hội. Thánh Giêrôlamô đã viết: ”Giáo Hội của Chúa Kitô không là gì khác, nếu không là các linh hồn của những người tin nơi Chúa Kitô” (Tract. Ps 86; PL 26,1-84). Như vậy chức làm mẹ của Giáo Hội chúng ta tất cả chủ chăn và giáo dân đều cùng sống.

Đức Thánh Cha nói thêm: Đôi khi tôi nghe nói: “Tôi tin Thiên Chúa, nhưng không tin Giáo Hội”, ”Tôi đã nghe rằng Giáo Hội nói… ” Nhưng mà ai, nói khi nào? Không, các linh mục nói… Nhưng các linh mục là một chuyện… nhưng Giáo Hội không chỉ có các linh mục: Giáo Hội là tất cả chúng ta. Và bếu bạn nói rằng bạn tin Thiên Chúa nhưng không tin Giáo Hội, thì bạn đang nói rằng bạn không tin chính mình, và đó là một sự mâu thuẫn. Giáo Hội là chúng ta tất cả. Tất cả, từ em bé mới vừa được rửa tội ở kia, cho tới các Giám Mục, Giáo Hoàng, tất cả. Tất cả chúng ta là Giáo Hội và tất cả chúng ta đều bình đẳng trước mắt Thiên Chúa. Tất cả! Và tất cả chúng ta đều được mời gọi cộng tác vào việc sinh ra các kitô hữu mới cho đức tin, tất cả chúng ta đều được mời gọi là những người giáo dục trong đức tin, và loan báo Tin Mừng. Mỗi người trong chúng ta hãy tự hỏi: tôi làm gì để cho các người khác có thể chia sẻ đức tin kitô? Tôi có phong phú trong đức tin của tôi không, hay tôi là một kẻ đóng kín? Khi tôi lập lại là tôi yêu một Giáo Hội không đóng kín trong ranh giới của mình, nhưng có khả năng ra ngoài, di chuyển, cả với vài ngơuy hiểm, để đem Chúa Kitộ tới cho tất cả mọi người, tôi nghĩ tới tất cả, tới tôi, tới bạn, tới mọi Kitô hữu! Tôi nghĩ tới tất cả mọi người. Tất cả chúng ta đều chia sẻ chức làm Mẹ của Giáo hội, tất cả chúng ta là Giáo Hội, tất cả; để cho ánh sáng của Chúa Kitô tới với tận cùng bờ cõi trái đất. Và hoan hô Mẹ Thánh Giáo Hội! Xin tất cả mọi người: Hoan hô Mẹ Thánh Giáo Hội!

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn tín hữu hiện diện. Ngài nhắc cho mọi người biết ngày hôm nay là lễ Tên Rất Thánh Mẹ Maria và khích lệ mọi người khẩn cầu Mẹ; giới trẻ để cảm nhận được sự hiền dịu tình yêu của Mẹ Thiên Chúa; người đau yếu đặc biệt trong những lúc của thánh giá và khổ đau, hãy biết nhìn lên Mẹ; và các cặp vợ chồng mới cưới nhìn lên Mẹ như Sao sáng của con đường tận hiến và trung thành trong hôn nhân.

Sau khi đọc Kinh Lạy Cha Đức Thánh Cha đã ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Tuần lễ xã hội công giáo Italia lần thứ 47

Tuần lễ xã hội công giáo Italia lần thứ 47

Một số nhận định của Đức Cha Michele Pennisi, Tổng Giám Mục Monreale

Trong các ngày 12-15 tháng 9, tuần lễ xã hội công giáo Italia lần thứ 47 diễn ra tại Torino bắc Italia. Tuần lễ xã hội năm nay có đề tài là ”Gia đình hy vọng và tương lai của xã hội”.

Để chuẩn bị cho Tuần lễ này Ủy ban gia đình của Hội Đồng Giám Mục Italia đã tổ chức một cuộc hop tại đền thánh Đức Bà Loreto trung Italia cho các đại biểu của toàn vùng Marche. Trong diễn văn chào mừng Đức Cha Giuseppe Orlandoni, Giám Mục Senigalla, đặc trách Mục vụ xã hội các giáo phận toàn vùng Marche, đã nhắc lại các nét chính yếu của tài liệu chuẩn bị cho tuần lễ xã hội công giáo năm nay, chú ý đến gia đình như là yếu tố nòng cốt trong cuộc sống của Giáo Hội và của xã hội. Đức Cha ghi nhận rằng ngày nay có qúa nhiều yếu tố gây khó khăn cho các gia đình, và có nguy cơ làm biến mất bản chất đích thật của gia đình. Gia đình không phải là một giá trị của tín hữu công giáo, mà là một gia trị nhân bản và xã hội đối với tất cả mọi người, bởi vì nó là môi trường, nơi con người hiện thực chính mình, được giáo dục trên bình diện tình cảm và tinh thần không thể tìm được trong bất cứ cơ cấu nào khác.

Ông Bruno Volpi, người thành lập Phong trào cộng đoàn gia đình hồi năm 1973, cho biết hiện có khoảng 30 nhóm trên toàn nước Italia với 650 gia đình thành viên. Tuy đã 76 tuổi nhưng ông nói cho tới khi nào còn có sức, ông sẽ không ngừng đi diễn thuyết về gia đình và các gia trị của nó. Mục đích của các cộng đoàn gia đình này là tương trợ lẫn nhau theo tinh thần Tin Mừng và liên đới Kitô. Ông cho biết cũng đã có những lúc nghi ngờ về sự hữu hiệu và mục đích xem ra qúa ảo tưởng, và ông đã trình bầy với Đức Hồng Y Carlo Maria Martini, hồi đó là Tổng Giám Mục Milano. Nhưng Đức Hồng Y nói: phong trào phải tiếp tục mục đích của nó. Một năm trước khi Đức Hồng Y qua đời, ông Volpi nói Đức Hồng Y Martini có đến dùng bữa tối với chúng tôi và lập lại: ”Tôi thích Phong trào này, anh chị em hãy cứ tiến bước”.

Ông Volpi nói tiếp: đến lúc này thì không thể tháo lui được nữa. Đức Gioan Phaolo II đã có lần nói: ”Hỡi gia đình hãy tự cứu lấy mình và cứu Giáo Hội”, và ngài cũng ngạc nhiên khi thấy phong trào thành công như vậy. Trên bình diện xã hội, Phong trào cộng đoàn gia đình thực thi điều 4 của Hiến pháp Italia, theo đó mỗi công dân có bổn phận lãnh nhận một trách nhiệm theo khả năng của mình, một nhiệm vụ góp phần vào việc thăng tiến vật chất và tinh thần cho xã hội. Mỗi người phải cảm nhận được giá trị của mình trên vùng đất mình sinh sống. Tình liên đới vốn đã có từ ngàn xưa, giờ đây là lúc thực thi nó một cách cụ thể giữa các gia đình trong cùng một cộng đoàn với nhau trên bình diện kinh tế. Cac gia đình thành viên thường là các cặp vợ chồng trẻ đã lấy nhau được vài năm hay có con nhỏ cần có một môi trường lớn hơn. Sự hiện diện của các linh mục dòng Tên trong các cộng đoàn là sự hiện diện của các người đồng hành giúp các gia đình thành viên hiểu biết ý nghĩa ơn gọi của họ. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay các cộng đoàn cũng có thể rộng mở cho các gia đình không còn chịu đựng nổi cuộc sống khó khăn nữa.

Cộng đoàn đầu tiên đã được hai vợ chồng ông Bruno Volpi và bà Enrica thành lập năm 1978 tại Villapizzone ở Milano, bao gồm một nhóm gia đình và một cộng đoàn của các linh mục dòng Tên. Nó theo một hình thức tổ chức mới cuộc sống thường ngày qua việc chia sẻ không gian và các giá trị. Kiểu sống là tin tưởng lẫn nhau và liên đới trợ giúp người gặp khó khăn.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vi và các bạn một số nhận định của Đức Cha Michele Pennisi, Tổng Giám Mục Monreale. Theo Đức Cha cần phải đầu tư nhiều cho việc giáo dục giới trẻ, bắt đầu từ các chứng tá trong gia đình.

Hỏi: Thưa Đức Cha, gia đình là ”niềm hy vọng và tương lai của xã hội”. Nhưng ngày nay làm thế nào để gợi ý với hai người trẻ thành lập gia đình trước cảnh bất ổn kinh tế và công căn việc làm mà họ đang phải đương đầu?

Đáp: Trước khi bất ổn về kinh tế và công ăn việc làm sự bất ổn đã có tính cách hiện sinh, liên quan tới cuộc sống rồi, bởi vì nó tùy thuộc nơi sự kiện người ta không chắc chắn là có ai hoặc có cái gì đó để đáng sống và hy sinh cho nó hay không. Thật là quan trọng việc nhận thức được rằng các giá trị tinh thần là các thiện ích hấp dẫn của con người và là dịp tạo ra một sự phong phú của cuộc sống bõ công cho sự vất vả và hy sinh của con người. Nếu Giáo Hội giáo dục nhìn vào mầu nhiệm của cuộc sống và ý nghĩa của nó, thì đó không phải là vì chống đối ý thức hệ, nhưng là kinh nghiệm của nhân loai được canh tân mà hôn nhân kitô tạo ra, nó cũng giúp hai người trẻ lập gia đình với nhau.

Hỏi: Thưa Đức Cha, sự kiện thiếu công ăn việc làm thúc đẩy người ta di cư hay tới với các hệ thống khách hàng làm ô nhiễm chính trị cũng như xã hội. Làm thế nào để cống hiến cho họ một sự lựa chọn khác? Hay phải luôn luôn hài lòng với điều tạm bợ?

Đáp: Chúng ta đang sống một cuộc khủng hoảng lâu dài. Vì thế cần phải xắn tay áo lên để tìm ra các điều kiện phát triển mới. Nhất là các người trẻ phải được đồng hành để thu hồi khả năng liều lĩnh đối với các tài năng của họ, mà không luôn luôn chờ đợi một chỗ làm việc ổn định gần nhà mình. Cuộc khủng hoảng đã tạo ra một vài thay đổi mời gọi chúng ta có cuộc sống thanh đạm hơn. Rất nhiều đường lối chính trị công cộng bảo vệ nay không còn đủ nữa, và chúng cũng không thích hợp nữa. Chỉ còn lại một thúc đẩy lớn của sáng kiến của các cá nhân và các gia đình lãnh trách nhiệm tao ra công ăn việc làm cho chính mình và cho những người khác, trong mức độ chừng nào có thể.

Hỏi: Xã hội ngày nay đề nghị các mô thức khác cho gia đình truyền thống gồm một người nam và một người nữ. Cơ cấu ngày càng thường xuyên hơn của các sổ bộ là các cuộc kết hợp dân sự chứng minh cho thấy điều đó. Làm thế nào để đối thoại với những người nghĩ khác chúng ta thưa Đức Cha?

Đáp: Đối thoại không chỉ là việc trao đổi các ý kiến lý thuyết. Chính trong giai đoan văn hóa này cần phải đưa ra các chứng tá cuộc sống hôn nhân cho thấy vẻ đẹp và sự phù hợp nhân bản của hôn nhân kitô. Tuần lễ xã hội này muốn thông truyền biết bao nhiêu chứng tá tích cực, rất thường khi không được dư luận công cộng biết tới. Tuy nhiên, ngày nay sống kinh nghiệm thôi không đủ, nhưng cũng là điều định đoạt việc thông truyền kinh nghiệm đó nữa. Nếu không thì Giáo Hội bị giản lược vào vào một vùng đất được che chở, trong đó người ta tiếp tục cử hành và trình bầy với công chúng những người cử hành lễ vàng hay lễ ngọc đám cưới. Nhưng họ sẽ được ghi vào sổ như là trường hợp trừ xác nhận luật lệ. Đầu sao đi nữa, Giáo Hội phải sẵn sàng theo dõi trên bình diện mục vụ cả những hình thức sống chung khác nhau nảy sinh từ hôn nhân.

Hỏi: Thưa Đức Cha đâu là các giá trị mà chúng ta thông truyền cho các thế hệ trẻ? Có phải là các giá trị hư hoại, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói?

Đáp: Người ta có cảm tưởng là từ nhiều diễn đàn người ta rao giảng lợi lộc cá nhân và chủ thuyết hư vô. Các giá trị không gây ra thay đổi, nếu không có kinh nghiệm đi kèm. Ngày nay cả trong Giáo Hội nữa kinh nghiệm hoặc là thiếu, hoặc là không được phổ biến và chia sẻ một cách rộng rãi đủ, vì thế chỉ cần một chương trình rác rưởi trên truyền hình cũng để đủ gây ra các hậu qủa tiêu cực trong việc giáo dục, mà cần phải mất hàng tháng mới có thể lấp đầy được. Với các giá trị hư hỏng ấy người ta không thể tiến xa được. Một cách không thể thấy trước và bất ngờ Chúa đã cho chúng ta có Đức Thánh Cha Phanxicô. Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách theo ngài. Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách giúp nhau nhìn nhiều hơn vào trong trái tim con người, và ít coi truyền hình hơn.

Hỏi: Thưa Đức Cha, trong thách đố hy vọng này giáo dục nắm giữ vai trò nào?

Đáp: Giáo dục là điều cấp thiết đích thực hiện nay. Vấn đề không phải là người trẻ, mà là người lớn không có khả năng thông truyền chứng tá đáng tin cậy của cuộc sống cho người trẻ. Nâng đỡ nhiệm vụ giáo dục trong gia đình thật là điều quan trọng, vì gia đình là nơi người ta học phát triển các tương quan nhưng không. Các giới chức chính trị hãy biết tôn trọng quyền tự do giáo dục của các gia đình, và chú ý tới thiện ích chung của xã hội.

(Avvenire 11-8-2013)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Một số nhận định của vài nhân vật Giáo Hội Công Giáo chiến cuộc tại Syria và nguy cơ đe dọa hòa bình trên toàn thế giới

Giáo chiến cuộc tại Syria và nguy cơ đe dọa hòa bình trên toàn thế giới

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Mario Znari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Syria, Đức Tổng Giám Mục Mario Toso, Thư ký Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, và Linh Mục Samir Khalil Samir

Thứ hai 9-9-2013 Quốc hội Hoa Kỳ dự định bỏ phiếu quyết định có đồng ý cho phép tổng thống Barak Obama can thiệp quân sự vào cuộc chiến tại Syria hay không. Từ hơn hai tuần qua Hoa Kỳ Anh và Pháp quyết định can thiệp quân sự để chấm dứt cuộc nội chiến tại Siria. Nhưng sau đó Anh quốc đã rút lui vì quốc hội bỏ hiếu chống. Còn lại Pháp và Hoa Kỳ. Tổng thống Putin cua Nga nhấn mạmh là muốn can thiệp vào Syria, phải có phép của Liên Hiệp Quốc. Trong khi đó thì Nga, Hoa Kỳ và Pháp gửi các chiến hạm tới vùng biển Syria.

Trong Hội nghị thượng đỉnh khối G20 nhóm tại Saint Petersburg các nước tham dự viên đã chia thành hai phe phò chống đồng đều nhau. Nhân địp này Đức Thánh cha Phanxicô đã viết thư cho tổng thống Vladimir Putin nhận định rằng ”có qúa nhiều lợi lộc riêng tư trong cuộc xung đột tại Syria ngăn cản tìm ra một giải pháp giúp tránh cuộc tàn sát vô ích mà chúng ta đang chứng kiến”. Ngài yêu cầu các vi lãnh đạo lớn trên thé giới đừng bất động trước các thảm cạnh, mà dân tộc Siria thân yêu phải sống từ qúa lâu nay.

Thật ra, từ nhiều tuần qua Đức thánh Cha Phanxicô đã liên tục kêu gọi hoà bình cho Syria và các nơi có xung khắc trên toàn thế giới, kể cả trên Twitter của ngài. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật mùng 1 tháng 9 Đức Thánh Cha Phanxicô đã tha thiết mạnh mẽ kêu gọi mọi người tham gia ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình tại Siria và mọi vùng có xung khác trên toàn thế giới mùng 7 tháng 9.

Vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 4 tháng 9 ngài tái mời gọi các tín hữu tham gia ngày ăn chay cầu nguyện này. Ngỏ lời với gần 100,000 tín hữu và du khách hành hương năm chậu ngài nói: ”Thứ bẩy tới đây, chúng ta sẽ cùng nhau sống một ngày đặc biệt ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình tại Syria, Trung Đông và trên toàn thế giới, cũng như cho hòa bình nội tâm của chúng ta, vì hòa bình bắt đầu từ nội tâm. Tôi lập lại lời mời toàn thể Giáo Hội hãy sống cấp bách ngày này, và ngay bây giờ, tôi bày tỏ lòng biết ơn các tín hữu anh em Kitô khác, các anh chị em thuộc các tôn giáo khác, và những người thiện chí muốn hiệp ý tham gia ngày này, tai những nơi và theo thể thức của họ. Tôi đặc biệt nhắn nhủ các tín hữu Roma và các tín hữu hành hương tham gia buổi canh thức cầu nguyện tại đây, nơi Quảng trường thánh Phêrô này, vào lúc 19 giờ, để khẩn nài Thiên Chúa đại hồng ân hòa bình. Ước chi tiếng kêu hòa bình được gióng lên mạnh mẽ trên toàn trái đất”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục Samir Khalil Samir, giáo sư Hồi giáo học tại đại học Beirut, của Đức Tổng Giám Mục Mario Znari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Siria, và của Đức Tổng Giám Mục Mario Toso, Thư ký Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, về cuộc nội chiến tại Syria và nguy cơ đe dọa toàn vùng Trung Đông.

Trước hết là cha Samir Khalil Samir, người Ai Cập, dòng Tên, giáo sư văn hóa Á Rập và môn hồi giáo tại đại học Beirut, thủ đô Lebanon.

Hỏi: Thưa cha Samir, cha nghĩ gì về chiến cuộc tại Siria hiện nay, và sự can thiệp của các cường quốc có nguy cơ đe dọa toàn vùng Trung Đông hay không?

Đáp: Cuộc chiến tại Siria hiện nay không phải là cuộc chiến của dân chủ chống lại tự chủ, chống lại độc tài để có được dân chủ và tự do, như trước đây nữa. Ngày nay nó đã trở thành một cuộc chiến của phe Sunnít được đại diện bởi các nước trong Bán đảo Á-rập, với sự trợ giúp của các nước khác và sự trợ giúp của tất cả các phong trào hồi khủng bố chống lại chính quyền, nếu chúng ta có thể nói là vây; chính quyền Siria nói chung thuộc phe Shiite, vì nhóm Alawít của tổng thống Assad chỉ là một phần của phe này mà thôi. Như vậy lại nổi lên 14 thế kỷ thù hận. Vấn đề không phải là tôn giáo, không có gì là tôn giáo cả.

Hỏi: Lời kêu gọi hòa bình của Đức Thánh Cha có tầm quan trọng nào, và sẽ có thể có các kết qủa nào thưa cha?

Đáp: Thật ra, Đức Thánh Cha chỉ nói lên điều mà mọi người có lý trí đều nghĩ: đó là chiến tranh đem lại chiến tranh, bạo lực dấy lên bạo lực, và sẽ không bao giờ chấm dứt. Đối thoại thì tốt hơn, cho dù có vất vả, cả khi mỗi người có phải làm các bước tiến tới với người khác, và phải từ bỏ một phần điều mình coi là chính đáng. Điều này vẫn tốt hơn là một cuộc chiến. Đã có hơn 100,000 người chết rồi, không thể đưa ra chương trình chiến tranh nữa trong niềm hy vọng nó đem lại hòa bình. Không thể được, vì tại Siria hiên nay hai phe ở trong tình trạng thù hận nhau, đến độ sợ hãi phải nhượng bộ người khác và bị biến mất, bị giết cùng với cộng đoàn của mình và những người theo mình. Không có giải pháp nào khác ngoài lời cầu nguyện và ăn chay như Tin Mừng và Đức Thánh Cha đã nói, trong chiều kích của nhân loại còn có một chút tình thần tu đức. Và đàng khác có đối thoại: nó đã được lên chương trình cho tuần tới với một cuộc thảo luận về các nhượng bộ lẫn nhau.

Hỏi: Con đường thương thuyết có thật sự có thể hay không thưa cha? Bởi vì có vài người nói rằng việc thương thuyết không còn có lối thoát nữa…

Đáp: Thương thuyết là con đường duy nhất. Chắc chắn là nó khó rồi. Còn con đường kia sẽ là tàn sát hết mọi người chống đối. Như vậy con đường duy nhất là thương thuyết, với sự hiện diện của một ”trọng tài”: là Cộng đoàn quốc tế – được đại diện bởi Liên Hiệp quốc và vài nước không phải tất cả đều cùng một phía, đưa ra các để nghị hữu lý, các giải pháp không phải hoàn toàn là của bên này hay của bên kia. Mỗi phía lựa chọn

Hỏi: Thưa Đức Cha, Đức Cha có cảm tưởng gì về lời Đức Thánh Cha kêu gọi ăn chay cầu nguyện cho hòa bình tai Syria và trên toàn thế giới?

Đáp: Đó là một lời kêu gọi rất mạnh mẽ đưa ra trong lúc toàn thế giới sống trong nín thở, và là sáng kiến thuận tiện rất đẹp. Chắc chắn nó cũng được đánh giá cao bởi môi trường có đa số dân theo Hồi giáo, bởi vì chúng ta biết họ coi trọng ăn chay và cầu nguyện. Chú thích đẹp nhất là các diễn tả trên nét mặt của Đức Thánh Cha và các cử điệu của ngài: ai cũng có phần trong lời kêu gọi ấy. Nó là lời kệu gọi hướng tới tất cả mọi người. Và như Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm: ”Ai có tai để nghe, thì hãy nghe”.

Hỏi: Đức Thánh Cha cũng đề cập tới ”sự phán xử của Thiên Chúa” nữa, một sự phán xử của Lịch sử đối với các hành động của chúng ta, mà người ta không thể trốn chạy” được. Đây là lời nhắc nhở mạnh mẽ cho lương tâm của từng người, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, các lời này gây ấn tượng. Chắc chắn là chúng lay động lương tâm của tất cả mọi người, nhất là của những ai nắm trong tay vận mệnh của thế giới và của cuộc xung đột này.

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần, Đức Thánh Cha cũng mời gọi tất cả mọi người thiện chí: các anh em kitô hữu không công giáo, cũng như tín hữu các tôn giáo khác, tất cả, kể cả những người không tín ngưỡng đều được mời gọi tham dự ngày ăn chay cầu nguyện hòa bình cho đất nước Syria yêu dấu và cho mọi nơi có xung đột trên toàn thế giới. Đức Sứ Thần nghĩ sao?

Đáp: Hòa bình là một ơn Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại. Vì thế tất cả mọi người đều chia sẻ hay đều khổ đau vì thiếu ơn đó, và vì thế tất cả mọi người đều bị liên lụy. Đó là một cái gì, mà chúng ta tất cả đều có chung, vì thế tất cả đều được mời gọi trong lúc nguy nan và tế nhị này, phải hiệp nhất sự tham dự của chúng ta vào ơn đến từ Trời ấy, vượt ngoài mọi tín ngưỡng; ngoài ra chúng ta cũng có trách nhiệm duy trì và bảo vệ nó nữa.

Hỏi: Như thế cần phải làm cho các lời này của Đức Thánh Cha tới với các người lãnh đạo trên thế giới cũng như tới với người dân, Đức Sứ Thần sẽ là phát ngôn viên của những gì đã nghe được ngày hôm nay, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn rồi. Tôi tin đó là một khích lệ lớn lao đối với mọi người trong các ngày khó khăn này và chúng tôi rất biết ơn Đức Thánh Cha.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Zenari, bầu khí tại Syria hiện nay ra sao, người ta có còn sợ sự căng thẳng không?

Đáp: Tôi nghĩ là có: sự căng thăng có thể trông thấy. Chỉ cần nhìn cảnh người dân thu góp vật dụng và tìm cách trốn sang nước gần nhất thì đủ biết. Vì thế lời kêu gọi này của Đức Thánh Cha là một ánh sáng, một hạt giống hy vọng. Hy vọng rằng ơn hòa bình có thể được cứu thoát hay vãn hồi bởi việc lắng nghe các lời này của Đức Thánh Cha và từ việc ăn chay cầu nguyện.

Sau cùng là một số nhận định của Đức Tổng Giám Mục Mario Toso, Thư ký Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình.

Hỏi: Thưa Đức Cha, Đức Cha nghĩ gì về lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật mùng 1 tháng 9 vừa qua ?

Đáp: Đức Thánh Cha gióng lên tiếng kêu từ khắp mọi phía, từ trái tim của dân chúng và của các dân tộc. Ước chi các xã hội dân sự và các tổ chức của chúng thỉnh cầu các vị đại diện vĩnh viễn từ bỏ xung đột võ trang: Đừng bao giờ có chiến tranh nữa! Đàng khác, cần phải hoạt động với sự xác tín và mạnh mẽ cho hòa bình. Đức Thánh cha Phanxicô tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô, đồng hành với nhân loại, gieo vãi hòa bình vào lương tâm con người, và thúc đẩy nó tới chỗ thành toàn viên mãn.

Hỏi: ”Chiến tranh kêu gọi chiến tranh”. Có nhiều người trong Giáo hội sợ rằng một cuôc tấn công Syria sẽ khiến cho bạo lực lan tràn trong toàn vùng, Đức Cha nghĩ sao?

Đáp: Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày mùng 1 tháng 9 Đức Thánh Cha đã lến án chiến tranh dùng vũ khí không phân biệt để tấn công thường dân vô tội không phương thế tự vệ. Việc dùng bạo lực không bao giờ đưa tới hòa bình. Chiến tranh kêu gọi chiến tranh, cũng bởi vì nó giam giữ các dân tộc trong bẫy sập của vòng xoáy trôn ốc của chết chóc: nó mang theo nó một quan niệm sai lạc về quyền bính, được hiểu như là đàn áp thống trị, ngoài ra nó gia tăng thành kiến mọi người tìm tiêu diệt người khác. Vì các giả thiết như vậy, nên người khác luôn luôn là kẻ đối kháng, một kẻ thù cần chiến thắng, chứ sẽ không bao giờ là một người anh em. Chiến tranh không bao giờ dứt và các lý do của công lý không được chú ý.

Hỏi: Thưa Đức Cha, Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã định nghĩa chiến tranh Iraq là ”một cuộc mạo hiêm không có đường về”. Ở đây có nguy cơ của một lầm lẫn nghiêm trọng mới. Riêng Đức Cha thì Đức Cha nghĩ sao?

Đáp: Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm cho chúng ta hiểu, cần phải lo lắng đối với các phát triển thê thảm đang tới dưới ánh sáng cung cách đối phó của hàng lãnh đạo thế giới. Giải pháp cho các vấn đề của Syria không thể là sự can thiệp vũ trang. Tình trạng bạo lực sẽ không vì đó mà giảm đi. Trái lại, nó có nguy cơ gia tăng và lan sang các nước khác. Cuộc xung đột tại Syria có tất cả các yếu tố để bùng nổ thành một cuộc chiến có các chiều kích quốc tế, và trong mọi trường hợp sẽ không có ai ra khỏi một cuộc xung đột hay một kinh nghiệm bạo lực mà còn an toàn. Cần phải đổi đường. Cần phải mau chóng theo con đường của sự gặp gỡ và đối thoại, là những điều có thể, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, tình yêu thương lo lắng cho thiện ích chung. Quyền bính đích thật là tình yêu thương bao gồm sự đam mê đối với thiện ích của tha nhân, như Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói. Tình yêu thương gia tăng sức mạnh cho tha nhân và khơi dậy sáng kiến cộng tác cho công lý và hòa bình.

RG 2.4-9-2013

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Khi côn đồ được bảo kê

Khi côn đồ được bảo kê

Công an, an ninh mặc thường phục cùng đàn áp người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nộicông an, an ninh mặc thường phục cùng đàn áp người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội,

Vụ giáo dân bị tấn công tại Mỹ Yên đã bước sang một giai đoạn mới khi báo chí lề phải gần như đồng loạt viết bài tấn công giáo xứ này và Tổng giám mục Giáo phận Vinh. Báo chí cho rằng ngài đã bảo vệ những giáo dân tấn công người thi hành công vụ.

Từ câu chuyện công an bắt giam hai ông Nguyễn Văn Hải và Ngô Văn Khởi khi hai ông cùng những gia đình công giáo khác đến Trại Gáo hành hương cách nay hai tháng đã dẫn tới những vụ xô xát khác bởi giáo dân với công an trong ngày 4 tháng 9 khiến hơn 30 giáo dân bị thương phải chở về Phòng khám đa khoa Giáo phận chữa trị.

Ngày 9 tháng 9 vừa qua, công an Nghệ An cho biết sẽ chính thức khởi tố hai ông Hải và Khởi với tội danh "gây rối trật tự công cộng, giữ người trái pháp luật và chống người thi hành công vụ."

Ai ném đá công an?

Theo các bài báo mới xuất hiện trong những ngày gần đây nguyên nhân xuất phát từ giáo dân vì họ đã ném đá vào công an khi lực lượng này tới vãn hồi trật tự. Có báo như VietnamNet lên án rằng không loại trừ khả năng Đảng Việt Tân đứng phía sau giật dây và tổ chức những người giáo dân này, đặc biệt là thân nhân của 14 sinh viên công giáo, những người có mặt trong chuyến hành hương tới Trại Gáo.

Người Công giáo thuộc giáo phận Vinh hình như đang phải đối phó với một chiến dịch rộng lớn chống lại nhà thờ mà người chủ chăn là Giám mục Phao Lô Nguyễn Thái Hợp.

Trả lời chúng tôi trong một cuộc phỏng vấn vài ngày trước đây vị giám mục được tiếng là khoan hòa này đã nói lên sự thật phía sau cáo buộc giáo dân tấn công chính quyền bằng cách ném gạch đá vào công an, Giám mục Nguyễn Thái Hợp chia sẻ:

Ở đây đã có sự ngụy tạo dàn cảnh để dẫn người dân vào. Một số người đã ném đá công an, những người đó theo như giáo dân cho biết thì không phải người ở Trại Gáo. Họ nhìn ra không phải mà hình như là một nhóm nào đó được gài vào để ném đá tạo cơ hội cho công an trấn áp giáo dân, đó là điều mà chúng tôi thấy.

Sau vài ngày kể từ khi Giám mục Nguyễn Thái Hợp trả lời báo chí ngoại quốc, tên của ông xuất hiện dày dặc trên các bài báo chống Mỹ Yên, và người đọc báo cả nước hiện đang bị nguồn thông tin của báo lề đảng dẫn dắt trên con đường do các tờ báo vẽ ra với những hình ảnh tiêu cực, đầy bất lợi cho nhà thờ cũng như giáo xứ Mỹ Yên.

Sự thật việc côn đồ được công an thuê để ném đá vào công an được cư dân dân mạng quay video và tung lên internet cho thấy những người được thuê đã hành động như thế nào và người đứng sau lưng họ chỉ đạo bọn người này ra sao.

Anh Bùi Thanh Hiếu tức blogger Người Buôn Gió cho biết nhận xét của anh sau nhiều lần quan sát sự hoạt động của nhóm côn đồ được thuê này:

Thường thì họ mang loại sắc phục khác nhau, thí dụ như sinh viên thì họ đồng nhất mặc quần bò áo thun bó sát người, đấy là về thanh niên. Về nữ thì họ mặc đồng loạt áo trùm đầu chấm hoa, trùm khăn và đeo khẩu trang. Họ ăn mặc như thế và thống nhất với nhau. Sau đó trà trộn vào trong dân. Công an bên ngoài đã được lệnh những người như thế nên tránh họ ra.

Giám mục lên tiếng

Ngày 6/9, Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã viết thư chung gửi đến giáo dân thuộc giáo phận Vinh, trong đó lên án "cách ứng xử bất nhân và những hành vi bạo lực dã man của cơ quan công quyền".

Lời tuyên bố mạnh mẽ này trái với thông lệ trước đây khi người chủ chăn luôn giữ thái độ im lặng trước mọi đàn áp của nhà cầm quyền đã khiến giáo dân bừng lên một nguồn hy vọng được dẫn dắt. Linh mục Đinh Hữu Thoại thuộc Dòng Chúa Cứu Thế cho biết cảm nhận của ông và giáo dân trước động thái này:

Đó cũng là lần đầu tiên mà Giám mục Địa phận Vinh lên tiếng kêu gọi giáo dân từ những vụ việc xảy ra tại giáo phận Vinh. Từ vụ Con Cuông cho đến bây giờ là Mỹ Yên. Từ bây giờ cho tới những ngày sắp tới sẽ có nhiều nơi thắp nến cầu nguyện và tinh thần giáo dân sẽ mạnh lên hơn khi họ thấy được cha chung của Giáo phận đã lên tiếng phản đối việc làm sai trái của nhà cầm quyền Nghệ An. Họ đã thấy rõ đường lối của ngài và chắc chắn họ sẽ có những việc làm tích cực như cầu nguyện và hợp nhất cũng như ứng xử đối với những sự việc mà chính quyền gây ra. Đây là những dầu hiệu tích cực cho Giáo phận Vinh.

Trước sự tấn công ồ ạt của hệ thống truyền thông, giáo dân chỉ biết cầu nguyện. Hàng chục giáo xứ ngoài Bắc trong Nam theo lời kêu gọi của Giám mục Nguyễn Thái Hợp đồng cử hành các thánh lễ cầu nguyện cho Mỹ Yên trong tinh thần hiệp thông chia sẻ những khó khăn của giáo hội.

Chính quyền vẫn chưa thấy sự kiên nhẫn ấy khi tiếp tục ra lệnh cho báo chí loan tải những câu chuyện vô lý chung quanh giáo xứ Mỹ Yên. Giáo dân khắp nơi, đặc biệt là giáo phận Vinh tuy không trực tiếp tới Mỹ Yên nhưng với hệ thống nhà thờ trên toàn quốc không người công giáo nào lại tin vào sự khích động, bôi bẩn của truyền thông đối người chủ chăn của họ trong hoàn cảnh hết sức nhạy cảm hiện nay.

Điều mà người giáo dân chờ đợi không phải là các cuộc bạo động tiếp theo mà là sự dung hòa giữa hai phía. Khi công an biết được rằng giải pháp dùng côn đồ trấn áp người dân là tàn bạo, phi pháp thì cũng là lúc giáo dân sẽ dẹp bỏ những thành kiến của họ đối với những người thực thi luật pháp nhưng lại dẫn theo sau những kẻ chỉ biết phá hoại và vi phạm pháp luật.

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

09-10-2013

Thuyền nhân tại Úc quan ngại cho gia đình ở VN

Thuyền nhân tại Úc quan ngại cho gia đình ở VN

Thuyền nhân VN tại trại Yongah Hill đang tuyệt thựcCác thuyền nhân Việt Nam tại trại Yongah Hill đang tuyệt thực, cầu nghuyện để hiệp thông với giáo xứ Mỹ Yên hôm 5/9/2013.

Như bản tin của đài chúng tôi đã tường trình tuần qua về việc công an CP A18 thuôc cục xuất nhập cảnh Việt Nam vào trại giam giữ tị nạn Yongah Hill điều tra lý lich thuyền nhân gây ra hoang mang và lo sợ cho các trại viên tại đây. Hôm nay chúng tôi tiếp tục gửi đến quý vị những thông tin cập nhật về tình hình thuyền nhân tại đây.

Có lợi cho hồ sơ tị nạn?

Trong ba ngày 21, 22 và 23 tháng 8 vừa qua, 3 công an CP A18 thuộc cục xuất nhập cảnh Việt Nam đã vào trại giam giữ di trú Yongah Hill điều tra trên 100 người trong số hơn 300 thuyền nhân Việt Nam đang tạm trú tại đây để chờ thủ tục thanh lọc. Đã có khoảng từ 150-200 người bị trả hồ sơ.Ngoài việc hỏi cung lý lịch, công an còn hỏi lý do ra đi, đường đi, lý do xin tị nạn và bắt thuyền nhân ký vào bản khai. Nhân viên bộ di trú (hai thứ tiếng-bilingual) có mặt tại đó cũng khuyên họ nên ký vì họ nói ký vào đó là có lợi cho hồ sơ, một thuyền nhân kể lại:

“Người của bộ di trú nói là nếu anh ký thì hồ sơ của anh tiến triển tốt đẹp, mà nếu anh không ký thì hồ sơ anh đi theo chiều hướng tiêu cực. Họ khuyên mình ký, em thấy mọi người ký thì em cũng ký.”

Việc này đã gây ra lo lắng, hoang mang cho những người đang xin tị nạn. Đa số thuyền nhân trong trại Yongah Hill là thanh niên công giáo đến từ các giáo xứ bị đàn áp như giáo phận Vinh, giáo xứ Con Cuông, Mỹ Yên… Theo như lời khai của họ, phần lớn họ phải trốn đi vì bị lấy nhà, lấy trường và không chịu nổi sự quấy nhiễu của công an xã, huyện tại đây. Cho nên việc phải gặp lại công an Việt Nam tại trại tị nạn Úc đã gây nên một cơn sốc lớn cho toàn trại. Một thuyền nhân đã tuyệt vọng sau khi 3 ngày liên tục bị ép ký tên nên đã tự tử, nhưng được cứu thoát. Sau đó mọi người đã biểu tình đòi gặp bộ di trú và ban quản lý trại. Một trại viên trong nhóm biểu tình kể lại:

“Khi chúng em đã trốn ra khỏi cái chế độ mà bộ di trú bắt chúng em phải đối diện với chính quyền mà chúng em đang phải trốn chạy. Sau mấy ngày phải làm việc với công an CP A18 đó thì một số người họ biết được chữ ký của họ có thể đưa họ quay trở lại quê hương cho nên một số người không ký. Còn một người bị ép ký 3 ngày liên tục cho nên anh ta lo sợ hoang mang, anh ta không biết từ chối bằng cách nào nên anh ta phải tìm cái chết để giải thoát bản thân. Như lời anh ta nói thì về Việt Nam cũng chết, ở đây cũng chết thì chết ở đây cho nó thanh thản. Và sau đó chúng em có tổ chức một cuộc biểu tình bất bạo động để đòi gặp bộ di trú Úc để giải thích tại sao công an CP A18 lại vào trại làm việc với chúng em vì như em được biết là cái đó ngược lại với công ước tị nạn quốc tế.”

Cuộc biểu tình kéo dài từ 7 giờ tối đến 12 giờ đêm thì nhân viên trong trại yêu cầu chấm dứt biểu tình để không gây hoang mang cho các sắc dân khác và hứa hôm sau sẽ cho gặp bộ di trú và ban quản lý trại. Tuy nhiên lời hứa này không được thực hiện.

Sách nhiễu gia đình

Riêng một thuyền nhân tại trại Villawood, Sydney cho biết bộ di trú đã gọi điện thoại về công an xã để điều tra lý lịch của anh và vì thế, công an xã đã đến gia đình anh hăm doạ, quấy nhiễu bà mẹ già của anh và hiện anh rất lo sợ cho gia đình ở Việt Nam, anh cho biết:

“Mấy người di trú ở bên này gọi về quê nhà em để điều tra lý lịch. Công an nói ở bên này người ta gọi về người ta điều tra lý lịch nọ kia coi con ông nào, bà nào ở đâu thế là công an gây khó dễ ở nhà. Mẹ bảo là công an nó hỏi nọ kia nhiều lắm. Nói chung là mấy người công an ở xã em gây khó dễ cho gia đình em nhiều lần, thí dụ như người ta nói những lời đe dọa nọ kia với gia đình rồi thì đi xin giấy tờ cho cháu đi học hoặc làm giấy chứng minh mà nó gây khó dễ, nó chẳng cho.”

Ngày thứ tư vừa qua, phái đoàn của cộng đồng người Việt tại Perth gồm 6 người đã có cuộc gặp gỡ gần 2 giờ với 10 thuyền nhân trại Yongah Hill. Chị Carina Oanh Hoàng cho biết tình trạng của họ như sau:

“Thứ nhất là họ rất mừng khi có sự quan tâm của cộng đồng người Việt tự do đến thăm. Họ cảm thấy là họ không bị bỏ rơi. Và họ còn có hy vọng là kêu gọi được bên ngoài để giúp họ. Thứ hai nữa họ cho biết là về vấn đề vật chất thì không có gì phải lo hết. Nhìn thì thấy họ rất là khoẻ mạnh, nhưng mà họ rất lo lắng và hoang mang. Họ lo 2 việc: việc thứ nhất là kg biết tương lai của họ sẽ như thế nào? Không biết là có sẽ bị trả về Việt Nam hay không? Và trả về lúc nào? Thứ hai là gia đình của họ ở Việt Nam có bị ảnh hưởng gì hay không sau cuộc gặp gỡ với công an này. Họ lo rồi họ buồn, rồi bắt đầu không ăn uống”

Chị Oanh Hoàng cho biết cộng đồng đã trấn an họ và trong tình đồng hương, cộng đồng sẽ cố gắng giúp họ những gì có thể làm được. Phái đoàn đã cho họ những lời khuyên:

“Chúng tôi có mang một số đơn để trì hoãn hồ sơ hoặc xin khiếu nại hoặc yêu cầu ban kiểm tra xuống kiểm tra thủ tục làm việc của bộ di trú, nhưng khi vào thì tôi biết là không thể phổ biến bất cứ giấy tờ hay văn bản gì cho những người trong trại giam cho nên chúng tôi không đưa. Chúng tôi phải cẩn thận, mình không thể tư vấn họ về luật pháp được nhưng mà anh chủ tịch cộng đồng người Việt Tây Úc có nói với các em là về quyền Human Right thì các em có quyền từ chối không trả lời nếu không có luật sư hoặc có quyền tư vấn luật sư trước khi trả lời hoặc đi gặp ai. Nếu họ gặp mình thì mình cũng được quyền hỏi lý do buổi gặp là về cái gì?

Đó là những cái mà mình có thể giúp cho các em. Mình không hứa là mình sẽ giúp cho cái case của họ được chấp nhận ở lại, nhưng mình cho họ thêm thông tin. Anh Dũng, chủ tịch cộng đồng ở đây thì có nói là mình đã biết hoàn cảnh của họ trong đây rồi thì sẽ có sự thăm viếng và sẽ có một nhóm người ở bên ngoài bằng cách này, cách kia sẽ nỗ lực để giúp họ.”

Ngày 29 tháng 8 vừa qua, ông Võ Trí Dũng, chủ tịch cộng đồng liên bang Úc châu đã gửi thư đến bộ di trú yêu cầu xác nhận việc công an Việt Nam vào trại giam để điều tra truyền nhân. Sau đó, ông Tony Burke, bộ trưởng bộ di trú đã gửi thư xác nhận đã cho phép một nhóm nhỏ nhân viên cục xuất nhập cảnh vào các trại Yongah Hill, Darwin, Villawood. Ông nói, nhân viên cục xuất nhập cảnh không được phép xem xét hồ sơ thuyền nhân khi chưa xác định được họ có quy chế tị nạn hay là không. Nếu chính phủ Úc trả người về thì phải làm việc với chính phú của quốc gia đó. Đây không phải là một thủ tục mới lạ của chính sách Úc và việc các nhân viên cục xuất nhập cảnh vào trại là không vi phạm hiệp định về quyền tị nạn của Liên Hiệp Quốc.

Dù đang rất hoang mang về số phận của mình. Hôm 5 tháng 9 vừa qua, hơn 300 thuyền nhân trong trại cũng đã tổ chức buổi tuyệt thực và cầu nguyện để hiệp thông với giáo xứ Mỹ Yên:

“Tụi em có tổ chức một cuộc biểu tình bất bạo động để mong nói lên một iếng nói cho quê hương, khóc cùng quê hương khi quê hương đang bị đàn áp. Chúng em cầu nguyện từ lúc 1 giờ chiều, đến 3 giờ chiều thì có Cha vào dân thánh lễ và tối này cũng tiếp tục cầu nguyện cho quê hương, cho người thân đang bị cộng sản đàn áp. Những người bị đánh đập, bị đàn áp ở giáo xứ Mỹ Yên, đó là người thân, anh em, Bố Mẹ của những người ở đây. Đang lúc hoang mang vụ CP A18 chưa hết thì lại nghe tin từ quê hương bị đàn áp như thế cho nên họ rất buồn và lo lắng.”

Thuyền nhân trại Yongah Hill cho biết cho đến hôm nay không thấy công an vào điều tra nữa. Họ tự hỏi không biết vì sự phản đối của trại viên hay chính phủ Úc đang bận rộn với cuộc bầu cử thủ tướng ngày 7 tháng 9 sắp tới? Tin mới nhất cho biết đã có 1 số thuyền nhân xin được huỷ bỏ chữ ký trong biên bản mà họ đã ký với công an Việt Nam vì họ nghe nói rằng ký giấy đó là chấp nhận hồi hương.

Tường An, thông tín viên RFA
09-07-2013

CUỘC GỌI CỦA ĐỨC THÁNH CHA ĐÃ THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI TÔI

CUỘC GỌI CỦA ĐỨC THÁNH CHA ĐÃ THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI TÔI

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gọi đến một phụ nữ trẻ người Ý đang đối diện với một sự thai nghén khó khăn, ngài hoan hô sự can đảm của cô trong việc chọn lựa sự sống cho đứa con cô ấy và nói sẽ rửa tội cho đứa trẻ.

Anna Romero, một phụ nữ 35 tuổi từ miền trung nước Ý, đang trong kỳ nghỉ khi cô nhận được một cuộc gọi từ Đức Thánh Cha. Đầu mùa Hè cô đã viết cho Đức Thánh Cha một bức thư, nói lên nỗi lo lắng khi khám phá ra mình đã có thai với một người đàn ông -cho đến lúc ấy cô không biết- đã có gia đình.

“Vào tháng sáu tôi nhận ra mình có thai với ông ấy và khi tôi nói về chuyện nầy thay vì vui sướng thì ông đã nói với tôi rẳng ông đã có gia đình, đã có một đứa con và tôi cần phải phá thai”. Romero đã nói, theo nhật báo Daily Mail.

“Tôi bảo ông ấy tôi không thể phá thai và ông hãy đi ra khỏi đời tôi”.

Romero đã diễn tả tình trạng của cô trong một bức thư gửi đến Đức Thánh Cha, chia sẻ rằng cô chưa bao giờ gặp may mắn với đàn ông, và kể lại sau khi lập gia đình khi còn trẻ và ly dị, cô nghĩ rằng mình đã tìm được một người đàn ông hoàn hảo.

Tuy nhiên, sau khi được biết về cuộc hôn nhân hiện tại của người đàn ông, cô cảm thấy “bị xúc phạm và phản bội”, và nói với Đức Thánh Cha rằng cô viết cho ngài bởi vì cô “không có một ai khác để quay về”.

“Tôi ghi địa chỉ đơn giản là đến Đức Thánh Cha Phanxicô, ở Vatican và bỏ vào hòm thư. Tôi đã không gởi ngay cả theo cách ghi nhận thư đã được giao. Tôi thật sự không mong được một sự trả lời, nhưng sau đó tôi rất ngạc nhiên khi đang trong kỳ nghỉ đã nhận được một cuộc gọi của ngài”.

Romero nói rằng khi chuông điện thoại reo, cô biết số điện thoại đến từ Roma nhờ mã số cuộc gọi của thành phố, và cô nhận ra giọng nói của Đức Thánh Cha ngay khi ngài vừa bắt đầu nói.

“Trước đó tôi chỉ nhìn thấy Đức Thánh Cha có một lần, từ quảng trường Thánh Phêrô khi tôi sống ở Roma,” cô ấy nói, “Tôi không bao giờ tưởng tượng được rằng Đức Thánh Cha có thể cầm lấy điện thoại và gọi cho tôi và nói với tôi như thể tôi là một người bạn thân.”

Cô nói thêm “Chúng tôi chỉ nói một vài phút qua điện thoại nhưng lòng tôi ngập tràn niềm vui.”

Trong cuộc gọi Đức Thánh Cha Phanxicô đã an ủi cô ấy, nói rằng cô sẽ không bao giờ cô đơn, và rằng một đứa con là “một món quà của Thiên Chúa” và “một dấu chỉ của sự Quan Phòng của Thiên Chúa”, ngài cũng nói rằng cô cần phải “can đảm và mạnh mẽ” cho đứa con chưa sinh ra của mình.

Khi Romeo chia sẻ nổi lo sợ của cô về việc rửa tội cho đứa trẻ bởi vì cô đã ly dị và là một người mẹ đơn thân, Đức Thánh Cha bảo đảm với cô rằng ngài có thể là người cha tinh thần của cô, và ngay cả nói rằng chính ngài sẽ sẵn sàng rửa tội cho đứa trẻ.

Romero đã nói rằng ngay cả khi Đức Thánh Cha chưa thực hiện việc rửa tội, cuộc gọi ấy cũng đã thay đổi cuộc đời của cô.

Cô nói rằng cô hy vọng lá thư của mình “sẽ là một mẫu gương cho những người phụ nữ khác đang cảm thấy mình bị xa cách Giáo Hội đơn giản vì họ đã chọn người đàn ông không đúng, họ đã ly dị hay họ đã ăn ở với người đàn ông không xứng đáng làm cha.”

Cô nói thêm “Tôi không biết giới tính của đứa bé, nhưng nếu Đức Thánh Cha rửa tội cho nó và nó là con trai, tôi không do dự gì về tên của nó: Phanxicô.”

XT (theo CNA) – Xuân Bích VN

Theo Chúa Giêsu là chiến đấu chống lại sự dữ trong mọi hình thái của nó

Theo Chúa Giêsu là chiến đấu chống lại sự dữ trong mọi hình thái của nó

Theo Chúa Giêsu là vác thánh giá mình bao gồm việc nói không với thù hận giết người anh em, nói không với việc xử dụng các dối trá, nói không với bạo lực trong tất cả mọi hình thái của nó, nói không với việc phố biến tràn lan vũ khí và buôn bán vũ khí bất hợp pháp.

Kính thưa qúy vị, thưa các bạn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn hơn 50,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Truyền Tin chung tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa nhật hôm qua.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về các điều kiện để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu như trình bầy trong Phúc Âm Chúa Nhật. Đó là không đặt để bất cứ thứ gì trước tình yêu Đối với Chúa. Thật thế, có nhiều người đến gần Chúa Giêsu và muốn trở thành môn đệ của Người. Điều nay thường xảy ra sau vài dấu chỉ lạ lùng khiến Chúa được coi như là Đấng Cứu Thế, Vua của Iarael. Nhưng Chúa Giêsu không muốn gây thất vọng cho ai hết. Người biết rất rõ cái gì đang chờ đón Người tại Giêrusalem, và đâu là con đường mà Thiên Chúa Cha xin Người phải đi theo: đó là con đường của thập giá, của hy sinh chính mình để đền bù tội lỗi chúng ta. Và Đức Thánh Cha định nghiã con đường theo Chúa như sau:

Theo Chúa Giêsu không có nghĩa là tham dự vào một đoàn rước chiến thắng! Nó có nghĩa là chia sẻ tình yêu thương xót của Người, bước vào trong công trình thương xót vĩ đại của Người đối với từng người và tất cả mọi người. Công trình của Chúa Giêsu chính là một công trình của lòng thương xót, của sự tha thứ, của tình yêu thương! Chúa Giêsu thương xót biết bao! Chính sự tha thứ đại đồng và lòng thương xót đó đi qua thập giá. Chúa Giêsu không muốn chu toàn công trình đó một mình; Người muốn lôi kéo cả chúng ta vào trong sứ mệnh, mà Thiên Chúa Cha đã trao phó cho Người. Sau phục sinh người sẽ nói với các môn đệ : ”Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con… Các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Ga 20,21.22). Người môn đệ Chúa Giêsu từ bỏ tất cả mọi của cải, bởi vì họ đã tìm ra nơi Chúa sự Thiện vĩ đại nhất, trong đó mọi sự thiện khác nhận được giá trị tràn đầy và ý nghĩa của chúng: các mối dây gia đình, các tương quan khác, công ăn việc làm, các gia tài văn hóa và kinh tế vv… Kitô hữu tách rời khỏi tất cả và tìm lại được tất cả trong cái luận lý của Tin Mừng, cái luận lý của tình yêu thương và phục vụ.

Tiếp tục bài huán dụ Đức Thánh Cha nói: để giải thích đòi buộc này Chúa Giêsu dùng hai dụ ngộn: dụ ngôn cái tháp phải xây và dụ ngôn nhà vua đi đánh giặc. Dụ ngôn thứ hai này kể như sau: ”Có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lai không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chắng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai xứ đi cầu hòa” (Lc 14,31-32). Ở đây Chúa Giêsu không muốn nói tới đề tài chiến tranh, nó chỉ là một dụ ngôn. Tuy nhiên, trong lúc này chúng ta đang dấn thân manh mẽ cầu nguyện cho hòa bình, lời này của Chúa đánh động chúng ta, và trong nòng cốt nói với chúng ta rằng:

Có một cuộc chiến sâu xa hơn mà chúng ta tất cả phải đánh. Đó là quyết định mạnh mẽ và can đảm khước từ sự dữ, các quyến rũ của nó và lựa chọn sự thiện, sẵn sàng trả giá bằng chính mình: đó là theo Chúa Kitô, đó là vác thập giá của chính mình! Cuộc chiến sâu xa chống lại sự dữ… Chiến tranh để làm gì, biết bao nhiêu chiến tranh, nếu bạn không có khả năng làm một trận chiến sâu xa chống lại sự dữ? Nó không có ích gì cả. Không được làm như vậy… Cuộc chiến chống lại sự dữ này bao gồm việc nói không với thu hận giết người anh em, nói không với các dối trá của người sử dụng nó. Nói không với bạo lưc trong tất cả mọi hình thái của nó. Nói không với việc làm cho vũ khí lan tràn và buôn bán vũ khí bất hợp pháp. Có biết bao nhiêu, có biết bao nhiêu vũ khí! Và luôn luôn có sự nghi ngờ: chiến tranh ở đó, chiến tranh ở kia, khắp mọi nơi có chiến tranh, có thật sự là một cuộc chiến để giải quyết các vấn đề hay là một cuộc chiến thương mại để bán các khí giới này trong việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp? Đó là các kẻ thú phải đánh, hiệp nhất với nhau và với sự trung thực, chứ không chạy theo các lợi nhuận, nếu không phải là các lợi lộc của hòa bình và của thiện ích.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến ngày hôm nay chúng ta cũng nhớ lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria, là ngày lễ đặc biệt thân thiết đối với các Giáo Hội Đông Phương. Và chúng ta tất cả có thể gửi một lời chào đẹp tới các anh chị em giám mục, đan sĩ nam nữ của các Giáo Hội đông phương, chính thống, và cống giáo, một lời chào đẹp… Chúa Giêsu là mặt trời, Mẹ Maria là bình minh loan báo mặt trời mọc lên. Chiều hôm qua chúng ta đã canh thức và phó thác cho sự bầu cử của Mẹ lời cầu nguyện cho hòa bình thế giới, đặc biệt cho Siria và toàn vùng Trung Đông. Giờ đây chúng ta khẩn nài Mẹ như là Nữ Vương hòa bình. Nữ Vương hòa bình cầu cho chúng con. Nữ Vương hòa bình cầu cho chúng con!

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã cám ơn tất cả mọi người, cách này hay các khác, đã hướng ứng lời ngài kêu gọi ăn chay và canh thức cầu nguyện chiều thứ bẩy. Ngài cám ơn những ai đã dâng hy sinh cầu nguyện cho hòa bình, các giới chức dân sư cũng như các thành viên của cảc cộng đoàn kitô, các tôn giáo khác và tất cả mọi người thiện chí đã sống những lúc cầu nguyện, ăn chay và suy tư.

Nhưng dấn thấn tiếp tục, Đức Thánh Cha nói, chúng ta hãy tiếp tục với lời cầu nguyện và các công việc hòa bình. Tôi xin mời anh chị em tiếp tục cầu nguyện để chấm dứt ngay bạo lực và tàn phá tại Siria, và canh tân dấn thân cho một giải pháp công bằng cho cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các nước khác trong vùng Trung Đông, đặc biệt cho nước Libăng, để nó tìm ra sự ổn định mong ước và là mô thức cho sự chung sống, cầu nguyện cho Irak để bạo lực phe phái nhường bước cho hòa giải, và cho tiến trình hòa bình giữa ngvời Israel và người Palestin, để nó tiến triển vời sự cương quyết và can đảm. Chúng ta cũng cầu nguyện cho Ai Cập để mọi người dân Ai cập hồi giáo và kitô, cùng nhau dấn thân xây dựng xã hội cho thiện ích của toàn dân. Việc tìm kiếm hòa bình còn dài và đòi hỏi nhẫn nại và kiên trì. Chúng ta hãy tiến tới với lời cầu nguyện.

Đức Thánh Cha đã nhắc tới lễ phong chân phước tại Rovigo cho chị Maria Bolognesi, giáo dân sinh năm 1924 qua đời năm 1980, và đã xả thân sắn sóc các bệnh nhân và người nghèo túng, chiu đựng mọi khổ đau và kết hiệp chúng với cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Ngài cũng chào nhiều nhóm tín hữu hiện diện và cầu chúc chúc tất cả một ngày Chúa Nhật an bình.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Bắt đầu buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình tại Syria

Bắt đầu buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình tại Syria

VATICAN. Chiều tối ngày thứ bẩy 7-9-2013, ĐTC Phanxicô đã bắt đầu chủ sự buổi canh thức cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô cho hòa bình tại Siria, Trung Đông và các nơi trên thế giới.

Buổi cầu nguyện, được chính ĐTC loan báo trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 1-9 vừa qua, đã khởi sự lúc 7 giờ tối và kéo dài đến 12 giờ đêm. Đây là buổi cầu nguyện dài nhất từ trước đến nay do một vị Giáo Hoàng chủ sự. Rất nhiều nơi trên thế giới đã hưởng ứng lời kêu gọi của ĐTC và tổ chức các thánh lễ, các buổi cầu nguyện cầu cho hòa bình. Cả các tín hữu Kitô không Công Giáo, tín đồ tôn giáo khác cũng tổ chức cầu nguyện theo thể thức của họ.

Trong số hàng chục ngàn người hiện diện tại Quảng trường, cũng có đại diện của các cộng đoàn Arập và những người không tín ngưỡng, nhiều giới chức chính quyền Italia và thành phố Roma, như ông Mario Mauro, Bộ trưởng quốc phòng, Ông Mario Giro, thứ trưởng ngoại giao Italia, với phái đoàn Cộng hòa Trung Phi gồm 17 người. Nhiều đại biểu quốc hội, các vị đại diện 20 nước cạnh Tòa Thánh, v.v. Về phía các chức sắc có hơn 40 HY và GM, cùng với một số GM Chính Thống giáo.

Từ 4 giờ rưỡi chiều, Quảng trường Thánh Phêrô bắt đầu mở ra để đón nhận các tín hữu tham dự. Vì ngày 7-9 cũng là ngày ăn chay trong tinh thần thống hối để cầu xin ơn hòa bình, nên từ lúc 5 giờ 45, đã có 50 LM giải tội túc trực tại hai vòng cột bên phải và bên trái của Quảng trường để đón nhận các tín hữu muốn hòa giải với Thiên Chúa và Giáo Hội. ĐTC Phanxicô nhắc nhở rằng ”hòa bình đích thực nảy sinh từ con tim của người được hòa giải với Thiên Chúa và anh chị em mình”.

Lúc 6 giờ rưỡi, bài Huấn dụ của ĐTC trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật vừa qua (1-9) đã được một xướng ngôn viên đọc lại để nhắc nhở các tín hữu hiện diện về ý nghĩa buổi canh thức cầu nguyện đặc biệt này.
ĐTC đã tiến vào quảng trường lúc 7 giờ tối, và sau lời chào phụng vụ của ngài, ca đoàn và các tín hữu hát kinh ”Veni Creator” cầu xin Thánh Linh của Chúa Phục Sinh linh hoạt và hướng dẫn buổi cầu nguyện. Tiếp đến là ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma đã được 4 vệ binh Thụy sĩ rước lên lễ đài. Có hai thiếu nữ và 2 thanh niên tháp tùng mang hoa kính mừng Đức Mẹ.

Phần đầu tiên của buổi cầu nguyện là kinh Mân Côi với 5 mầu nhiệm mùa Vui. Vào đầu mỗi chục kinh có một đoạn Kinh Thánh được công bố, kèm theo một bài suy niệm và một bài thơ của Thánh Mữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Và sau mỗi chục kinh Kính Mừng có thêm lời cầu: ”Lạy Nữ Vương Hòa Bình, xin cầu cho chúng con!” Kinh Mân Côi kết thúc với bài thánh ca Lạy Nữ Vương và kinh cầu Đức Bà.

Bài suy niệm của Đức Thánh Cha

”Thiên Chúa thấy đó là điều tốt lành” (St 1,12.18.21.25). Trình thuật Kinh Thánh về khởi đầu lịch sử thế giới và nhân loại nói với chúng ta về Thiên Chúa, Đấng nhìn xem công trình sáng tạo, hầu như là chiêm ngưỡng công trình ấy và lập lại: đó là điều tốt lành. Điều này đưa chúng ta vào con tim của Thiên Chúa, và chính từ thẳm sâu của Thiên Chúa, chúng ta lãnh nhận sứ điệp của Ngài.

”Chúng ta có thể tự hỏi sứ điệp ấy có nghĩa là gì? Sứ điệp này nói gì với tôi, với bạn, với tất cả chúng ta?

1. Sứ điệp ấy nói với chúng ta đơn giản rằng thế giới này ở trong tâm trí Thiên Chúa là ”căn nhà hòa hợp và hòa bình” và là nơi trong đó tất cả có thể tìm được chỗ đứng của mình và cảm thấy thoải mái như ở nhà mình, vì đó là ”điều tốt lành”. Toàn thể công trình sáng tạo họp thành một tập hợp hài hòa, tốt lành, nhưng nhất là con người, được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa, họ là một gia đình duy nhất, trong đó những tương quan huynh đệ đích thực không những được công bố bằng lời nói mà thôi: tha nhân là anh chị em cần yêu thương, và tương quan với Thiên Chúa là tình thương, là lòng trung thành, là sự thiện hảo phản ánh trên tất cả các quan hệ giữa con người với nhau và mang lại sự hài hòa cho toàn thể công trình sáng tạo. Thế giới của Thiên Chúa là một thế giới trong đó mỗi người cảm thấy có trách nhiệm đối với tha nhân, đối với thiện ích của tha nhân. Tối hôm nay, trong sự suy tư, chay tịnh, cầu nguyện, mỗi người chúng ta, tất cả chúng ta hãy suy tư trong thâm tâm mình: phải chăng đây là thế giới mà tôi mong muốn? Phải chăng đây là thế giới mà tất cả chúng ta mang trong con tim? Thế giới mà chúng ta mong muốn chẳng phải là một thế giới hài hòa và hòa bình trong chúng ta, trong các quan hệ với tha nhân, trong gia đình, trong các thành thị, trong và giữa các quốc gia sao? Và tự do đích thực trong việc chọn lựa những con đường cần đi theo trên thế giới này có phải là con đường duy nhất hướng về thiện ích của tất cả mọi người và được tình thương hướng dẫn hay không?

2. Nhưng giờ đây chúng ta hãy tự hỏi: phải chăng đó là thế giới mà chúng ta đang sống? Công trình tạo dựng giữ nguyên vẻ đẹp của nó làm cho chúng ta đầy kinh ngạc, tiếp tục là một công trình tốt đẹp. Nhưng cũng có cả ”bạo lực, chia rẽ, đụng độ, chiến tranh”. Điều này xảy ra khi con người, – ở tột đỉnh của việc tạo dựng-, không còn nhìn chân trời của vẻ đẹp và của sự tốt lành nữa, để rồi khép kín mình trong sự ích kỷ.

Khi con người chỉ nghĩ đến mình, tới lợi lộc riêng của mình và đặt mình ở trung tâm, khi con người để cho mình bị thu hút vì những thần tượng thống trị và quyền lực, khi con người coi mình thay Thiên Chúa, thì lúc đó nó làm hư hỏng mọi tương quan, làm tan vỡ tất cả, và mở cửa cho bạo lực, cho sự dửng dưng, cho xung đột. Đó chính là điều mà đoạn sách Sáng Thế ký muốn cho chúng ta hiểu, đoạn sách trong đó có thuật lại tội lỗi của con người: con người bắt đầu xung đột với chính mình, nhận thấy mình trần truồng và ẩn nấp vì sợ hãi (St 3,10), con người sợ cái nhìn của Thiên Chúa; cáo buộc người nữ vốn là thịt bởi thịt của mình (v.12); con người phá vỡ sự hài hòa với thiên nhiên, đi tới độ giơ tay chống lại em mình để giết hại em. Chúng ta có thể nói rằng từ sự hòa hợp, người ta tiến tới sự thiếu hòa hợp (disarmonia) hay chăng? Không, không có sự thiếu hòa hợp: hoặc là có sự hòa hợp, hoặc người ta rơi vào tình trạng hỗn độn, trong đó có bạo lực, tranh giành, đụng độ và sợ hãi.

”Con người ở trong tình trạng xáo trộn ấy khi Thiên Chúa hỏi lương tâm con người: ”Abel em ngươi ở đâu?” Và Cain trả lời: ”Tôi không biết. Tôi có phải là người canh giữ em tôi đâu?” (St 4,9). Câu hỏi này cũng được gửi đến chúng ta và chúng ta cũng nên tự hỏi: ”Tôi có phải là người canh giữ anh em tôi không?” Đúng, ngươi là người canh giữ anh em ngươi! Là người có nghĩa là người canh giữ nhau! Và trái lại, khi người ta phá vỡ sự hài hòa, thì xảy ra một sự biến thái: người anh em cần phải canh giữ và yêu thương trở thành một đối thủ phải bài trừ, phải tiêu diệt. Bao nhiêu bạo lực xảy ra từ lúc ấy, bao nhiêu xung đột, bao nhiêu chiến tranh xảy ra trong lịch sử chúng ta! Chỉ cần nhìn xem nỗi đau khổ của bao nhiêu anh chị em chúng ta. Đây không phải là một cái gì tình cờ, nhưng là một sự thật: trong mỗi bạo lực và trong mỗi chiến tranh chúng ta làm tái sinh Cain. Tất cả chúng ta! Và cả ngày nay chúng ta tiếp tục để cho những thần tượng, lòng ích kỷ, những lợi lộc riêng tư hướng dẫn, và thái độ này đi xa hơn: chúng ta đã kiện toàn các võ khí, lương tâm chúng ta ngái ngủ, chúng ta làm cho những lý luận của mình trở nên tinh tế để biện minh cho mình. Chúng ta tiếp tục gieo rắc tàn phá, đau thương, chết chóc, như thể đó là một điều bình thường!

3. Về điểm này tôi tự hỏi: có thể đi theo một con đường khác hay không? Chúng ta có thể ra khỏi cái vòng lẩn quẩn đau thương và chết chóc hay không? Chúng ta có thể học lại cách bước đi trên những con đường hòa bình hay không? Khi cầu khẩn ơn phù trợ của Thiên Chúa, dưới cái nhìn từ mẫu của Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma, là Nữ Vương hòa bình, tôi muốn trả lời rằng: Có, tất cả chúng ta đều có thể đi theo một con đường khác! Tối hôm nay, tôi muốn rằng từ mọi nơi trên trái đất chúng ta kêu lên: Có, tất cả mọi người đều có thể đi con đường khác! Đúng hơn, tôi muốn mỗi người chúng ta, từ nhỏ chí lớn, cho tới cả những người được kêu gọi cai trị các dân nước, hãy trả lời: Có, chúng tôi muốn con đường khác! Đức tin Kitô của tôi thúc đẩy tôi nhìn lên Thánh Giá.

Tôi ước ao rằng trong lúc này đây tất cả mọi người nam nữ thiện chí nhìn lên Thánh Giá! Tại đó người ta có thể đọc được câu trả lời của Thiên Chúa: tại đó, người ta không đáp trả bạo lực bằng bạo lực, không dùng ngôn ngữ chết chóc để đáp lại chết chóc. Trong thinh lặng của Thánh Giá, tiếng bom đạn im bặt và người ta nói với ngôn ngữ của sự hòa giải, tha thứ, đối thoại, hòa bình. Tối hôm nay tôi muốn cầu xin Chúa cho chúng ta là các tín hữu Kitô, cho các anh chị em thuộc các tôn giáo khác, mỗi người nam nữ thiện chí mạnh mẽ kêu lên: bạo lực và chiến tranh không bao giờ là con đường hòa bình! Ước gì mỗi người nhìn vào thẳm sâu của lương tâm mình và lắng nghe tiếng nói: ngươi hãy ra khỏi lợi lộc riêng tư đang góp nghẹt con tim ngươi, hãy vượt thắng sự dửng dưng đối với tha nhân, sự dửng dưng làm cho con tim ngươi không còn nhạy cảm, hãy chiến thắng những lý lẽ chết chóc của ngươi và hãy cởi mở đối thoại, hòa giải: hãy nhìn nỗi đau khổ của anh em ngươi và đừng chất thêm những đau khổ khác, hãy ngừng tay lại, hãy tái tạo sự hòa hợp đã bị phá tan; và thực hiện điều này không phải bằng sự đụng độ, nhưng bằng sự gặp gỡ! Hãy chấm dứt những tiếng ồn của võ khí! Chiến tranh luôn đánh dấu sự thất bại của hòa bình, luôn luôn là một sự thất bại cho nhân loại. Một lần nữa những lời của Đức Phaolô VI vang vọng: ”Đừng chống lại nhau nữa, đừng bao giờ nữa!.. Đừng bao giờ chiến tranh, đừng chiến tranh nữa!” (Diễn văn tại LHQ, 4-10-1965: AAS 57 [1965], 881). ”Hòa bình chỉ được khẳng định bằng hòa bình, hòa bình không tách rời khỏi nghĩa vụ công lý, nhưng được nuôi dưỡng bằng sự hy sinh của mình, bằng lòng khoan nhân, từ bi, bác ái” (Sứ điệp Ngày Hòa bình thế giới 1976: AAS 67 [1975], 671). Tha thứ, đối thoại, hòa giải, đó là những lời hòa bình: tại quốc gia Siria yêu quí, tại Trung Đông, trên toàn thế giới! Chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hòa giải và cho hòa bình, hãy làm việc cho hòa giải và hòa bình và tất cả chúng ta đều trở thành những người hòa giải và hòa bình trong mỗi môi trường. Amen”

Chầu Mình Thánh Chúa

Sau bài suy niệm của ĐTC là phần Thờ Lạy Mình Thánh Chúa. Hai nữ tu Phi châu mang lên bàn thờ hai bó hoa lớn rồi Mặt Nhật Mình Thánh Chúa được thày phó tế đặt trên bàn thờ.

Buổi chầu Mình Thánh Chúa có phần hướng dẫn, diễn ra qua 5 hồi: mỗi hồi có một bài sách thánh về đề tài hòa bình, rồi lời nguyện của ĐTC cũng về chủ đề hòa bình, sau đó là những lời khẩn cầu dưới hình thức đáp ca để xin ơn bình an. Tiếp đến là bài thánh ca, và nghi thức dâng hương. Có 5 đôi vợ chồng đến từ Siria, Ai Cập, Thánh Địa, Hoa Kỳ và Nga tiến lên bỏ hương vào lò than đặt bên phải bàn thờ. Mỗi hồi trong buổi chầu Thánh Thể được kết thúc trong thinh lặng để mỗi người thờ lạy Thánh Thể trong tâm hồn.

Buổi cầu nguyện được nối tiếp với giờ độc vụ với hình thức dài hơn dành cho các buổi canh thức, với các thánh vịnh, bài đọc trích từ sách Ngôn Sứ Giêrêmia (37,21;38,14-28), đoạn bài giảng của thánh Lêô Cả Giáo Hoàng về các mối phúc (Disc. 95,6-8) và sau cùng là đoạn Tin Mừng được chọn cho phần canh thức này trích từ Tin Mừng theo thánh Gioan, đoạn 20, kể lại cuộc hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ ở trong nhà đóng kín vì sợ người Do thái. Chúa chúc bình an cho họ, trao ban Thánh Thần và sai họ ra đi. Chúa cũng ban quyền tháo giải cho các môn đệ. Chúa hiện ra 8 ngày sau đó và lần này có cả Tông đồ Tôma. Ngài đã hoán cải và làm cho ông tuyên xưng niềm tin nơi ngài.

Cuối giờ độc vụ, trời đã quá 10 giờ 15, ĐTC và cộng đoàn đã cầu nguyện trong thinh lặng, gần 30 phút, rồi mọi người Chầu Mình Thánh trước khi ngài ban phép lành kết thúc. (SD 7-9-2013)

G. Trần Đức Anh OP
– Vatican Radio

 

 

BỎ VÀ KHÔNG BỎ

BỎ VÀ KHÔNG BỎ

-“Dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em”

 Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta “Ai không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”. (Lc. 14, 25)

Ai mà không yêu mến cha mẹ, vợ con họ hàng thân thích của mình hơn người dưng nước lả. Ấy vậy mới có câu: “Hết trong nhà mới ra người ngoài”. Thế mà, Chúa bảo “dứt bỏ đi”. Thiết tưởng Chúa không có ý dạy con người bất trung với vợ chồng, bất hiếu với cha mẹ, vô trách nhiệm với con cái, nhưng nếu khi chúng ta chỉ tập trung ưu tiên lo cho cái núm ruột của mình thôi, mà bỏ đi, hờ hững, dững dưng với tha nhân không dòng họ, máu mủ, ruột thịt, ấy là lúc chúng ta chưa thực hiện luật từ bỏ của Chúa Giê-su hôm nay. Thánh Matthêu chú thích lời chói tai này rằng: Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10, 37).

Như vậy, lời Chúa muốn dạy chúng ta bỏ đi cái tình cảm tự nhiên theo cảm tính loài người, và mặc lấy cho mình một quả tim mới, một tình cảm mới, tình cảm siêu nhiên của Thiên Chúa. Chúa Giê-su không chỉ nói, chính Ngài đã từng nêu gương đời sống tình cảm siêu nhiên ấy cho chúng ta:

Tin Mừng theo Thánh Marcô: “Dân chúng ngồi chung quanh Ngài, họ thưa Ngài rằng; thưa Thầy, Mẹ và anh em Thầy đứng ngoài kia muốn gặp Thầy. Bấy giờ Chúa Giêsu trả lời cho dân chúng: ai là mẹ Ta ai là anh em Ta? Rồi đưa mắt nhìn những người đang ngồi chung quanh nghe giảng Ngài nói: đây là mẹ Ta và anh em Ta” (Mc 3. 32-35).

Thánh Matthêu thì ghi lại lời quí giá này: “Phải, ai làm theo ý Cha Ta trên trời người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy” (Mt 12.50).

Thánh Luca cũng viết: “Mẹ Ta và anh em Ta là những ai nghe và thực hành Lời Thiên Chúa” (Lc 8.21).

Bởi vậy, khi có người chúc tụng: “Phúc thay lòng dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!” Chúa Giêsu đáp lại: “Những ai nghe Lời Thiên Chúa mà thực hành thì còn có phúc hơn!” (Lc 11.27).

Chúa Giê-su đang mở cho chúng ta một “ơn từ bỏ” và một “ơn tiếp nhận”. Vậy khi yêu mến Chúa Giê-su, và thực hiện Lời Chúa, chúng ta không bỏ mặc tha nhân, không dững dưng vô tâm với người dưng nước lã, nhất là những người đang “nghe và giữ Lời Thiên Chúa”, chính là lúc ta đang dứt bỏ cái riêng tư của mình, cái núm ruột dấu yêu của mình, thoát ra cải vỏ của mình, cái ốc đảo của mình mà đến cùng mọi người đúng như tình cảm của Thiên Chúa.

Không bỏ, nhưng giữ cái tương quan tốt lành với người nghèo của Thiên Chúa là đã dứt bỏ được tình cảm tự nhiên có phần ích kỷ đối với họ hàng ruột thịt trần gian của mình.

Không bỏ, nhưng ghi tên những người đau khổ vào danh sách thành viên của mình trong đại gia đình Thiên Chúa, và mến yêu họ, là đã giữ luật từ bỏ trong Tin Mừng hôm nay.

 -“và bỏ cả mạng sống mình nữa” (Lc. 14, 25)

 Theo Chúa mà phải mất mạng! Mạng sống nầy còn phải được hiểu bao gồm cả lý trí, hiểu biết, tài năng, cơ đồ, sự nghiệp…tất cả những gì thuộc về mình trên trần gian này. Mất tất! Điều kiện thật quá khắt khe. Nhưng hãy tin rằng Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta điều tốt nhất. Vậy mất mạng là tốt nhất, nếu chúng ta đặt trọn niềm tin vào Chúa.

Không sớm thì muộn, ai rồi cũng phải một lần mất mạng. Và khi mất mạng, mất tất. Ai đã qua một lần nhồi máu cơ tim, đột quỵ nhờ cấp cứu kịp và nhất là may mắn không để lại một di chứng nào, hoặc di chứng nhẹ… hẳn có cái cảm nghiệm rất riêng giữa cái còn cái mất. Tỉnh giấc sau một cơn hôn mê, may mắn còn mở được con mắt nhìn mặt cuộc đời, lúc bấy giờ, mới hiểu ra rằng tất cả hiểu biết, bằng cấp, địa vị, danh vọng, sự nghiệp… và cả người thân yêu nhất cũng phải mất, nếu mình không tỉnh dậy! Nhưng thử hỏi, ai dám chắc mình sẽ còn được vài lần tỉnh dậy, nếu có thêm vài lần đột quỵ nữa?

Chúa không bảo chúng ta chấp nhận cái chết hẳn nhiên, cố định vào một giờ bất định, và dĩ nhiên là nếu không chấp nhận thì cái chết cũng đến và ta cũng đành bỏ tất, mất tất. Nhưng, Chúa muốn chúng ta hãy bỏ tất, hãy mất tất ngay lúc ta còn đang sống. Bỏ mạng cách tích cực. Bỏ mạng vì Chúa. Bỏ mạng vì chân lý. Bỏ mạng vì Hòa bình. Bỏ mạng vì xây dựng tình thương…

Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống vì Thầy thì sẽ tìm lại được”. (Mt 10:39).

Ai có thể bỏ mạng vì Chúa? Bỏ một chút tôi kiêu ngạo, ích kỷ, bỏ một chút khát vọng danh dự, tên tuổi, chức quyền, chức vị,  bỏ một chút thèm được khen ngợi, chúc tụng mà người ta không bỏ nổi, thì huống chi là bỏ mạng?

Tôi nhận được một thư điện tử (email) trước CN tuần 23 TN. Chủ đề thư nhận được là “no subjet” (“không có chủ đề”). Tôi tần ngần, có nên mở không, bởi vì thói quen xấu mà an toàn của tôi trước hiểm họa virus là “delete”, hủy thư ngay. Lần này, tôi quyết định mở là vì tôi biết tác giả bức thư ấy là một linh mục trẻ, chưa thôi nôi. Mở thư, chẳng thấy câu chào chưa: thưa anh, thưa chú mà vào ngay nội dung thư …

Tôi hơi ngạc nghiên là cách đây hơn một năm, khi hãy còn là một ông thầy, thì người hãy còn nhiều phép lịch sự trong thư từ lắm. Hóa ra, bây giờ người đã làm cha, cách ăn cũng khác huống là văn phong.

Chính lúc ta không bỏ một phép lịch sự, lại là lúc ta từ bỏ cái tôi.

Chính lúc ta không bỏ một cử chỉ phục vụ, lại là lúc ta từ bỏ chính mình

…..

 -“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”. 

Có ai bỏ mà không đau đớn, không xót xa, may ra chỉ có người môn đệ chính đáng của Chúa Giê-su. Bởi những đau đớn và xót xa ấy đã trở thành Thánh Giá mà người môn đệ ấy bằng lòng vác theo Người.

 Nguyện xin Chúa giúp cho chúng con không bỏ những điều làm vui lòng Chúa, và bỏ dứt những gì làm vui lòng ích kỷ hèn hạ của con.

A men.

 PM. Cao Huy Hoàng, 07 tháng 9-2013

Mời gọi để từ bỏ

Mời gọi để từ bỏ

Trên đời chẳng ai có thể đi một lúc hai con đường. Cuộc sống luôn đặt con người trước những lựa chọn, mà chọn lựa nào lại không phải từ bỏ! Sống là chấp nhận từ bỏ. Có những điều xấu phải từ bỏ như việc nghiện thuốc lá, ma tuý, rượu chè, trụy lạc… Cũng có điều tốt cần phải bỏ để chọn một điều tốt hơn: chọn nghề, chọn trường học, chọn chỗ làm, chọn bậc sống…

Từ bỏ vì yêu thương sẽ không bao giờ cảm thấy thiệt thòi, mất mát. Từ bỏ vì yêu thương sẽ làm ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn, dễ chịu hơn, hạnh phúc hơn: Người mẹ hy sinh giấc ngủ, thức suốt đêm để lo lắng săn sóc cho con khi con yếu bệnh. Người cha hy sinh thức khuya dậy sớm để làm thêm giờ, kiếm thêm tiền lo cho gia đình con cái…

Từ bỏ đã trở thành quy luật để sống và lớn lên. Thai nhi không thể ở mãi trong bụng mẹ, dù đó là chỗ an toàn, êm ấm. Đứa bé chẳng thể nào trưởng thành, nếu nó cứ sống mãi bằng sửa mẹ.

Từ bỏ thường là những cắt đứt đau đớn, như mổ một khối u. Có nhiều người không có can đảm từ bỏ, nên suốt đời bị giằng co, ray rứt.

Bạn thân mến! Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Đức Giêsu cũng nhắc đến hai chữ TỪ BỎ: “Ai đến với tôi mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26). Và Ngài nói thêm trong đoạn cuối bài Tin Mừng: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,33).

Điều kiện để làm môn đệ Đức Kitô là phải biết từ bỏ, từ bỏ không ngừng, từ bỏ mỗi ngày cho đến khi ta nhắm mắt xuôi tay.

Điều kiện để làm môn đệ Đức Kitô là phải biết đặt Ngài lên trên mọi giá trị khác. Ngài đòi buộc ta đặt tất cả dưới Ngài, yêu Ngài trên hết mọi sự, trên những người thân yêu, trên của cải vật chất, trên mạng sống mình, trên cả hiện tại và tương lai của mình nữa.

Người Kitô là người sống từ bỏ như Đức Giêsu, là đi vào con đường hẹp như Đức Giêsu: Người đã từ bỏ trời cao để xuống đất thấp. Người đã từ bỏ địa vị làm Thiên Chúa để xuống thế làm người. Sự từ bỏ được thấy rõ qua việc Chúa tự nguyện sống nghèo khổ, tự nguyện nhận lấy tội lỗi của loài người, và tự nguyện chết thay cho con người. Cao trọng nhất là Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng theo ý Thiên Chúa Cha.

Trung tâm điểm của đời sống người Kitô là Chúa Giêsu. Mọi giá trị trở nên tương đối trước Đấng Tuyệt Đối là Chúa Giêsu. Tiền bạc, của cải là một giá trị. Cha mẹ, vợ con, gia đình là những giá trị khác. Mạng sống là một giá trị trổi vượt hơn cả. Nhưng tất cả những giá trị đó phải được hy sinh khi cần, để ta chọn Chúa Giêsu là “Giá Trị Tuyệt Đối” của mọi giá trị. Các thánh tử đạo đã chọn lựa như thế.

Dĩ nhiên ta luôn yêu gia đình, yêu bạn bè, yêu trái đất nâng đỡ ta, yêu bầu trời che chở ta, yêu cuộc sống làm người với bao niềm vui và hạnh phúc. Nhưng ta phải yêu tất cả những điều đó trong Chúa và dưới Chúa, để khi phải chọn lựa một trong hai, ta luôn luôn chọn Chúa.

Ước gì ta biết vui mừng và hạnh phúc khi chọn “viên ngọc quý” là Đức Giêsu, dám bán tất cả, từ bỏ tất cả để thấy mình giàu có. Và ước gì ta tự cởi trói mình mỗi ngày, và nhờ ơn Chúa, ta được tự do và bình an thanh thản trong suốt cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu! Sống cho Chúa thật là điều khó. Thuộc về Chúa cũng thật là một thách đố. Chúa đòi buộc con cho Chúa tất cả để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa. Chúa muốn lấy đi những gì con cậy dựa để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa mà thôi. Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà để cuộc đời con sinh thêm nhiều hoa trái. Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khi con trọn vẹn thuộc về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi chính mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan của cuộc đời, để sống theo những đòi buộc của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt ở đời này.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng: “trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa, thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu lắm rồi”. Amen.

Veritas Radio

TÔI LÀ NGƯỜI THỨ BA

TÔI LÀ NGƯỜI THỨ BA

Chủ đề: “Trong cuộc đời, chúng ta phải đặt Thiên Chúa lên trên hết và hằng ngày phải sống điều quyết định đó”.

Gale Sayers, là một tuyển thủ của đội banh Chicago Bears hồi thập niên 1960, ông được coi là một cầu thủ nổi tiếng trong lịch sử banh bầu dục. Trên cổ ông đeo một huy chương vàng, trên đó có khắc hàng chữ: Tôi Là Người Thứ Ba.

Hàng chữ này trở thành đầu đề cho cuốn tự truyện bán chạy nhất của ông. Qua cuốn này chúng ta biết tại sao những chữ ấy lại rất có ý nghĩa đối với ông. Đó là khẩu hiệu của huấn luyện viên Bill Easton, người dạy môn chạy đua khi ông Gale còn là sinh viên của Đại Học Kansas.

Huấn luyện viên Easton khắc những chữ ấy trên một tấm thẻ và để trên bàn làm việc. Một ngày kia ông Gale hỏi người huấn luyện về ý nghĩa của những chữ ấy. Ông Easton trả lời, “Trước hết là Thiên Chúa, kế đến là bạn hữu, và tôi là người thứ ba.” Từ ngày đó trở đi, ông Gale coi những chữ này như một triết lý sống của cuộc đời.

Trong năm thứ hai là tuyển thủ của đội Bears, ông Gale muốn đeo trên cổ một điều gì đó có ý nghĩa, như ảnh tượng tôn giáo. Bởi thế ông mua một huy chương vàng và khắc trên đó hàng chữ Tôi Là Người Thứ Ba.

Trong tự truyện, ông Gale cho biết, “Tôi cố sống theo những gì viết trên huy chương ấy. Tôi không luôn luôn thành công, nhưng nhờ những chữ ấy đeo trên cổ mà tôi không lầm lạc quá xa.”

Câu chuyện của ông Gale Sayers cho thấy điều Chúa Giêsu muốn nói đến trong phần đầu của bài phúc âm hôm nay, khi Người nói:

Ai đến với tôi đều không thể là môn đệ của tôi trừ phi họ yêu mến tôi hơn yêu mến cha mẹ...”

Nói cách khác, chúng ta phải dâng hiến các ưu tiên hàng đầu của chúng ta cho Chúa Giêsu và Cha trên trời.

Và điều đó đưa chúng ta đến điểm thứ hai mà Chúa Giêsu đã nói trong phần hai của bài phúc âm hôm nay:

Nếu một trong các người dự định xây cái tháp, trước tiên hắn phải ngồi xuống và suy tính xem tốn phí thế nào và có đủ tiền để hoàn tất công việc hay không.

Nói cách khác, dâng hiến các ưu tiên hàng đầu của chúng ta cho Chúa Giêsu thì chưa đủ. Chúng ta còn phải sống các ưu tiên đó một khi đã quyết định.

Dĩ nhiên, đó là phần khó khăn.

Như ông Gale Sayers đã nói thật rõ ràng: “Đặt Chúa lên hàng đầu là một chuyện. Sống điều đó là một chuyện khác nữa.”

Đó là lý do tại sao ông Gale đeo huy chương đó trên cổ: để nhắc nhở ông phải sống điều tiên quyết ấy. Hãy lập lại lời của ông:

“Tôi cố sống theo những gì viết trên huy chương ấy. Tôi không luôn luôn thành công, nhưng nhờ đeo trên cổ những chữ ấy tôi không sai lạc quá xa.”

Một thời gian trước đây, trong tờ Los Angeles Times phóng viên Dave Smith có kể một câu chuyện cảm động. Đó là về người Kitô Hữu thời đại, giống như ông Sayers, đã đặt Thiên Chúa lên trên hết, kế đến là tha nhân, và thứ ba mới đến chính mình. Tên ông là Charlie DeLeo.

Ông từng là “một đứa trẻ ngỗ nghịch ở vùng Nữu Ước.” Sau khi từ cuộc chiến Việt Nam trở về, ông kiếm được công việc làm là lau chùi bức tượng Nữ Thần Tự Do.

Ông Charlie cho người phóng viên biết một phần của công việc là coi sóc ngọn đuốc trong tay bức tượng và vương miện trên đầu bức tượng.

Ông phải đảm bảo các đèn luôn luôn sáng và 200 cửa kính trên ngọn đuốc và vương miện luôn luôn sạch.

Chỉ tay về ngọn đuốc, ông Charlie hãnh diện nói, “Đó là nguyện đường của tôi và tôi dâng cho Chúa. Khi nghỉ giải lao tôi thường lên đó cầu nguyện.”

Nhưng ông Charlie còn thi hành nhiều điều khác nữa cho Chúa.

Ông nhận được lời khen ngợi của cơ quan Hồng Thập Tự khi ông hiến máu lần thứ 65.

Và sau khi nghe biết về công việc của Mẹ Têrêsa ở Ấn, ông đã tặng $12,000 cho Mẹ và những người tương tự.

Ông Charlie nói khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói chuyện ở công viên Battery, cách nơi bức tượng một dặm rưỡi, ông đứng ở vòng đai quanh ngọn đuốc và nghe Đức Thánh Cha nói. Từ vòng đai đó ông đã cầu nguyện cho chuyến tông du Hoa Kỳ của đức giáo hoàng được thành công.

Ông nói với phóng viên tờ Los Angeles Times:

“Tôi không giao du nhiều, không có quần áo đẹp, nhưng tôi vui. Tôi không đủ tiền để lấy vợ. Tôi không để dành đồng nào. Sau khi kiếm được công việc này, tôi bảo trợ sáu em cô nhi qua một tổ chức bác ái.”

Ông chấm dứt câu chuyện với người phóng viên rằng, ông tự coi mình là “Người Giữ Ngọn Lửa” của tượng Nữ Thần Tự Do. Sau này một người làm việc trong công viên cho phóng viên biết:

“Ai ai cũng biết ông Charlie thì đặc biệt. Khi ông tự cho mình danh hiệu ấy, họ mỉm cười. Nhưng bây giờ tất cả chúng tôi không coi thường điều ấy. Đối với chúng tôi, ông thật đúng với điều ông nói: ‘Người Giữ Ngọn Lửa.’”

Ông Charlie DeLeo khởi sự cuộc đời là một đứa trẻ ngỗ nghịch ở vùng Nữu Ước. Nhưng sau này, giống như ông Gale Sayers, ông quyết định đặt Thiên Chúa lên trên hết, kế đến là tha nhân, và thứ ba mới đến ông.

Quyết định đó đã thay đổi đời ông.

Ông Charlie là một thí dụ sống động về hai điểm mà Chúa Giêsu đã nói trong bài phúc âm hôm nay: quyết định đặt Chúa lên trên hết trong đời, và quyết định sống điều đã lựa chọn.

Ông Charlie còn là một cảm hứng sống động để chúng ta thi hành điều mà ông đã làm: dâng hiến các ưu tiên hàng đầu cho Thiên Chúa và với sự giúp đỡ của Người, chúng ta sống các ưu tiên đó một cách can đảm.

Đây là ý nghĩa của các bài đọc hôm nay. Đây là lời mời gọi của Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta ở bàn tiệc Thánh Thể này.

Hãy kết thúc với lời cầu nguyện mà ông Charlie DeLeo đã viết. Nó tóm lược điều thách đố của các bài đọc hôm nay:

Ôi lạy Chúa, con không dám kỳ vọng một đức tin như của Abraham,

Ôi lạy Chúa, con cũng không dám kỳ vọng tài lãnh đạo của Môsê,

Hoặc sức mạnh của Samson,

hoặc sự gan dạ của Đavít…

hoặc sự khôn ngoan của Sôlômôn…

Nhưng điều con mong đợi, ôi lạy Chúa,

là một ngày nào đó Ngài sẽ gọi con.

Ý Chúa là gì, con sẽ thi hành,

mệnh lệnh của Chúa là gì

đó là niềm vui của con…

Và con sẽ không làm Chúa thất vọng,

vì Ngài là tất cả những gì

con tìm kiếm để phục vụ,”

Cha Mark Link, S.J.

 

“DỨT BỎ” HAY “THƯƠNG ÍT HƠN”?

“DỨT BỎ” HAY “THƯƠNG ÍT HƠN”?

Bài Tin Mừng hôm nay (CN XXIII/TN-C – Lc 14, 25-33) nói về những điều kiện cần có để được theo làm môn  đệ Đức Giê-su Ki-tô. Muốn theo Người, phải "… dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa", đồng thời phải “vác thập giá mình mà đi theo" (Lc 14, 26-27). Người khẳng định chắc nịch: "Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14, 33). Để minh hoạ cho Lời dạy có vẻ nghịch lý khó thực hiện, Đức Giê-su đưa ra 2 ví dụ (việc "xây một cây tháp" và việc "một ông vua định giao chiến với một ông vua khác"), nhằm chỉ ra cho người nghe hiểu: Muốn làm bất cứ một việc gì thì cũng rất cần phải biết tính toán, sắp đặt, lên kế hoạch, phải tiên liệu được những trở ngại – nhất là những trắc trở chủ quan từ chính chủ thể người thực hiện, rất cần đến sự hy sinh những quyền lợi riêng tư của bản thân – nhiên hậu mới có thể tiến hành thực hiện.

Cũng không phải chỉ một lần này, mà rất nhiều lần Đức Ki-tô kêu gọi mọi người muốn đi theo Người thì phải từ bỏ tất cả, từ bỏ một cách dứt khoát. Với người thanh niên có nhiều của cải muốn đi theo thì “anh hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mt 19, 21). Với người muốn về từ biệt gia đình rồi mới đi theo, thì “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa." (Lc 9, 62). Thậm chí một người muốn đi theo nhưng vì cha chết nên xin về chôn cất, thi “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ." (Mt 8, 22).

Trở ngại lớn nhất  đối với việc đi theo Đức Giê-su chính là cái quyết tâm có dám từ bỏ tất cả mọi sự, rồi còn phải vác thập giá mình (những hy sinh, mất mát, đau khổ…) mà đi theo Người, hay không. Từ bỏ ư ? Nếu cần phải tuyên bố như hằng năm trong đêm Vọng Phục Sinh, khi được hỏi 3 lần: ”Có từ bỏ ma quỷ không? Có từ bỏ mọi việc của ma quỷ không? Có từ bỏ mọi sự sang trọng của ma quỷ không?”, thì ai chẳng tuyên bố rất hùng hồn “Thưa, con xin từ bỏ”. Nhưng đến khi đối diện với thực tế, thì lại thấy không ít cảnh tiền hậu bất nhất, lời nói không đi đôi với việc làm. Đó là chuyện ma quỷ với những chiêu thức lừa phình hãm hại con người (cám dỗ, xúi giục con người làm điều tội lỗi, rồi còn hành hạ, khống chế, trói buộc, bắt con người làm nô lệ cho chúng) mà còn khó từ bỏ như thế, huống hồ phải từ bỏ cả “cha mẹ, vợ con, anh em, chị em”, từ bỏ hết những gì mình có, từ bỏ cả chính con người (mạng sống) của mình nữa, thì quả thực là điều khó chấp nhận được, chớ đừng nói là khó thực hiện. Dứt bỏ cả cha mẹ, thậm chí đến việc báo hiếu khi cha mẹ mãn phần (chôn cất cha mẹ) cũng không được ư?

Như vậy thì có mâu thuẫn với giới răn thứ 4 trong 10 điều răn của Thiên Chúa (“Thảo kinh cha mẹ”), có đi ngược lại với Lời dạy của chính Đức Ki-tô là phải yêu thương những người thân cận, bé mọn, thấp hèn, nghèo đói, tật bệnh, tội lỗi… như yêu thương chính mình , thậm chí còn yêu thương cả kẻ thù của mình nữa (Lc 6, 27-35) không? Ấy là chưa kể có lần Đức Giê-su còn dạy: "Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng." (Mt 11, 29-30).

Từ bỏ tất cả, vác thập giá đi theo Người, vậy mà lại êm ái và nhẹ nhàng ư? Tuy nhiên, bình tâm suy niệm, nhất là đọc kỹ phần chú  thich từ “dứt bỏ” ở bài Tin Mừng nêu trên trong “Kinh Thánh trọn bộ – xb 1998” (trang 2397) thì thấy ghi: “Lu-ca 14, 26. Dứt bỏ, ds ghét. Kiểu nói Híp-ri có nghĩa là “thương ít hơn” (x. Lc 9, 57-62 ; 18, 29 ; St 29, 31-33 ; Đnl 21, 15-16 ; Mt 10, 37)”. Đồng thời, coi phần trình thuật cùng chủ đề như bài Tin Mừng hôm nay (Lc 14, 25-33) trong sách Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu, thì thấy viết nhẹ nhàng hơn: "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37). Nếu chỉ là “thương ít hơn” thì vấn đề sáng tỏ ngay, bởi theo Chúa là phải “yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực”, yêu Chúa trên hết mọi sự, ngoài ra tất cả đều là thứ yếu. Như vậy, Đức Ki-tô muốn dạy người ta phải dứt khoát từ bỏ ma quỷ và những gì liên quan tới chúng (có thể được khoác bằng nhiều hình thức lôi cuốn, hấp dẫn, rất khó phân biệt), phải dứt khoát từ bỏ những gì liên quan đến thế gian, hay nói cách khác, từ bỏ cái tôi cố hữu (từ bỏ chính mình) bởi chính nó là nguyên nhân của tất cả những gì dính dáng đến xác thịt, trần thế, tội lỗi.

Quả thật, đúng như lời Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-sê: “Điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm: khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình.” (Rm  8, 3). Chung quy, Đức Ki-tô chỉ muốn những ai đi theo Người không nên lưu luyến những gì thuộc về thế gian, về xác thịt nặng nề, bởi “thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống” (Kn 9, 15); Lời dạy của Người không có gì là mâu thuẫn, khó hiểu cả. Đến như những người xa lạ gặp trên đường đời, Người còn dạy phải coi họ như những người thân cận mà sẵn sàng giúp đỡ (Lc 10, 27), huống chi những bậc sinh thành ra mình, những người có quan hệ huyết thống ruột thịt với mình.

Rõ ràng dứt bỏ hay từ bỏ là đối với những cám dỗ, những mời mọc hấp dẫn của tính xác thịt trần gian, của ma quỷ và sự dữ chúng đem đến mà thôi. Muốn được dứt khoát từ bỏ thì phải hiểu rằng: “Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn.” (Gl 5, 17), nên phải dốc một lòng cậy trông Đấng đã hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là THẦN KHÍ sự thật” (Ga 14, 16-27). Vâng, thật sự chỉ có thể nhờ “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14, 26), mà người tín hữu thấu hiểu được chân lý Cứu Độ, để sẵn sàng từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Đấng Cứu Thế.

Ôi! Lạy Chúa! Ước gì con cảm nghiệm được rằng: trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa, thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu. Cúi xin Chúa thương ban Thần Khí cho con, để con đủ sáng suốt và dũng khí từ bỏ những gì thuộc về xác thịt thế gian, mà đến với Chúa và với những người thân cận của con trên khắp năm châu bốn biển. Vâng, Lạy Chúa, “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen”.

JM. Lam Thy ĐVD.   

Làm môn đệ của Chúa

Làm môn đệ của Chúa

Ai trong chúng ta cũng mong ước được làm môn đệ của Chúa. Ai cũng muốn theo chân Chúa. Nhưng ta có thực sự hiểu làm môn đệ Chúa là như thế nào không? Hôm nay Chúa chỉ cho ta thấy rõ điều đó.

Làm môn đệ là một việc làm nghiêm túc. Đây không phải là một cảm tính bồng bột nhất thời. Nhưng là một việc lâu dài. Chúa Giêsu ví việc làm môn đệ theo Chúa với việc “xây dựng một cây tháp” và việc “chiến đấu với kẻ thù”. Xây dựng cây tháp là một việc làm lớn lao. Chiến đấu với kẻ thù là việc làm nghiêm trọng. Vì thế cần phải ngồi xuống suy tính cho cẩn trọng, chi li. Cũng thế việc làm môn đệ của Chúa là một việc làm nghiêm túc, vừa lớn lao như sự nghiệp cả đời, vừa nghiêm trọng vì ảnh hưởng tới cả định mệnh. Vì thế phải ngồi xuống suy tính cho kỹ lưỡng để có thể theo Chúa đến cùng. Phải suy tính kỹ lưỡng vì làm môn đệ là từ bỏ đến tận cùng.

Làm môn đệ là từ bỏ đến tận cùng. Môn đệ không phải là kẻ hiếu kỳ cưỡi ngựa xem hoa. Môn đệ không phải là kẻ tài tử nay làm mai không. Môn đệ là người đi theo thày suốt đời, sống như thày trong mọi sự. Chính vì thế mà phải coi thày là thần tượng duy nhất, không yêu mến thày. Chính vì thế mà phải từ bỏ tất cả, không chỉ người thân mà từ bỏ cả chính bản thân với những ý nghĩ riêng tư. Để không những đi theo thày, sống như thày mà con ăn nói như thày, suy nghĩ như thày nữa. Kitô hữu là người mang Chúa Kitô trong mình. Muốn có Chúa Kitô trong mình, ta phải loại bỏ tất cả những gì không phải Chúa ra khỏi mình. Điều này chắc chắn không dễ dàng. Nhưng ta an tâm, vì Chúa Giêsu không chỉ đòi hỏi ta. Người đã đòi hỏi chính mình trước. Chúa Giêsu không chỉ đòi ta vác thánh giá. Chính Người đã vác thánh giá trước. Ta sẻ cảm thấy dễ dàng vì chỉ việc làm như Chúa Giêsu.

Làm môn đệ là làm như Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu đòi hỏi ta từ bỏ, chính Người đã từ bỏ trước. Người đã từ bỏ trời cao để xuống đất thấp. Người đã từ bỏ địa vị làm Thiên Chúa để xuống thế làm người. Sự từ bỏ được thấy rõ qua việc Chúa tự nguyện sống nghèo khổ, tự nguyện nhận lấy tội lỗi của loài người và tự nguyện chết thay loài người. Khốc liệt nhất là Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha. Cuộc chiến đấu khốc liệt đã thấy trong vườn Giêtsimani, khi nhìn thấy trước cái chết đau đớn tủi nhục sắp tới, Người run sợ muốn lẩn tránh bỏ cuộc, nên đã tha thiết cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén đắng này”. Nhưng cuối cùng, Chúa đã từ bỏ ý riêng, vâng theo ý Cha, sẵn sàng ra đi chịu chết: “Nhưng đừng theo ý con, xin vâng ý Cha mà thôi”.

Nhờ hoàn toàn từ bỏ ý riêng, vác thánh giá đi đến cùng, Chúa Giêsu đã hoàn thành công việc của Chúa Cha trao phó, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Người môn đệ, khi hoàn toàn từ bỏ chính mình, sẽ nên một với Chúa Kitô, cộng tác vào công cuộc cứu độ của Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Làm môn đệ là gì?
2. Chúa Giêsu đã nêu gương từ bỏ thế nào?
3. Tại sao ta phải từ bỏ tất cả?

ĐTGM Ngô Quang Kệt

TRUNG THÀNH THEO CHÚA

TRUNG THÀNH THEO CHÚA

Báo “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” số 10 tháng 8/2013 có bài viết “Lời khuyên máu” của Bác sĩ Nguyễn Lan Hải, kể chuyện cuộc đời Thánh Nữ Gianna Baretta Molla.

Ngày 24 tháng 4-1994, ĐGH Gioan Phaolô II đã tôn phong Bà Gianna lên bậc Chân Phước trong dịp mở đầu Năm Quốc Tế về Gia Đình. Ngày 16 tháng 5-2004, ĐGH Gioan Phaolô II đã long trọng nâng Ngài lên bậc Hiển Thánh.

Bà là một nữ bác sĩ 39 tuổi, đã có chồng và có ba con, và đang mong đón đứa con thứ tư. Nhưng tin vui mau chóng đã trở thành nỗi lo: bà bị khối u phát sinh trong tử cung vào cuối tháng thứ hai của thai kỳ và phải mổ. Trong nghề y, Gianna hiểu rõ giới hạn của khoa học thời đó. Để cứu người mẹ, bệnh viện bắt buộc phải nạo thai và cắt cục bướm. Mổ cắt khối u để cho bào thai phát triển là điều vô cùng nguy hiểm cho tính mạng người mẹ, nhất là giai đoạn cuối khi sinh con, nhưng bà đã quyết định giữ con mình trong niềm tin tưởng phó thác.

Trước ngày sinh, Gianna tâm sự với cha linh hướng: “Con cầu nguyện liên miên trong những ngày này. Với niềm tin và hy vọng, con phó thác mọi sự cho Chúa quan phòng. Con sẵn sàng hiến dâng đời sống để cứu con của con”. Trước khi lên bàn mổ, bác sĩ phẫu thuật hỏi lần cuối: “Tôi phải cứu ai bà hay con bà?” – Gianna trả lời : “Cứu con tôi và đừng lo gì cho tôi”. Vị giáo sư người Do Thái, mặc dầu không đồng ý với Gianna, đã làm theo ý bà, và ông đã thốt lên: “Thật đúng là người mẹ Công Giáo”.

Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1962, Gianna chuyển dạ. Bà nói với một Nữ Tu làm y tá trong nhà thương: “Chị yêu quý, hôm nay tôi biết chắc tôi sẽ chết, nhưng không sao, miễn con tôi được sống”. Đêm Thứ Bảy Tuần Thánh, bác sĩ đã mổ và cứu cô bé an toàn khỏe mạnh, mang tên Emanuela “Chúa ở cùng chúng ta”. Sau ca mổ, Gianna rất đau đớn, nhưng bà vẫn can đảm phó thác, dâng mình cho Chúa như một của lễ hy sinh, với một tâm hồn khiêm tốn tin tưởng. Gianna muốn kết hợp sự đau đớn của mình với sự Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Một tuần lễ sau Phục Sinh, Gianna đã nhắm mắt vĩnh viễn về Trời với Chúa, miệng luôn lẩm bẩm: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu Chúa”.

Trong nghi lễ phong thánh, ÐGH Gioan Phaolô II ca ngợi Thánh Nữ: “Ngài được hồng ân Chúa ban cho một gia đình đầm ấm, một đức tin và tình yêu sung mãn. Ngài là một người mẹ hạnh phúc, nhưng khi thọ thai đứa con thứ tư, ngài đã trải qua cơn thử thách lớn lao. Trong cuộc dằn co giữa hai lựa chọn, hoặc là cứu lấy mạng sống mình, hoặc là bảo toàn sự sống của thai nhi trong bụng mình, ngài đã không ngần ngại tự hy sinh mình. Ngài quả đã cho chúng ta một chứng tá hào hùng, để lại cho chúng ta bài ca tán dương sự sống để chống lại trào lưu suy tư thoái hóa ngày nay đang lan rộng khắp hành tinh này.”. Thánh nữ đã noi gương Chúa Kitô “yêu thương những người thân của mình còn trong thế gian và yêu thương họ cho đến cùng”.

Trang Tin Mừng hôm nay có hai cụm từ rất ý nghĩa, đó là ‘đi theo’ và ‘làm môn đệ’: “Khi ấy có rất đông người ‘đi theo’ Chúa Giêsu. Ngài quay lại bảo họ: Ai không dứt bỏ… thì không thể ‘làm môn đệ’ tôi. Ai không vác thập giá mình mà ‘đi theo’ tôi thì không thể ‘làm môn đệ’ tôi được”.

Quả vậy, có rất đông người “đi theo” Chúa Giêsu, nhưng không phải tất cả đều là “môn đệ” của Ngài; chỉ những ai đi theo mà biết “từ bỏ” và “vác thập giá” thì mới thực sự “là môn đệ” của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nói những lời rất thẳng thắn và chân thành với “đám đông những người” đang đi theo Ngài : “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”. Người ta đi theo Chúa vì rất nhiều lý do và nhiều động cơ, có khi là những lý do rất trần tục. Chúa Giêsu thấy cần nói thẳng với họ, theo Ngài thì phải từ bỏ, bỏ hết những gì mình tha thiết nhất, kể cả mạng sống, và lại còn phải vác thập giá nữa. Từ bỏ mình và vác thập giá mình luôn là điều không dễ thực hiện chút nào. Thế nhưng có theo Chúa trong tâm thế sẵn sàng chấp nhận như vậy, thì mới xứng đáng làm môn đệ của Ngài.

Cuộc đời Thánh Gianna Beretta là một hành trình đi theo Chúa, làm môn đệ của Chúa. Gianna sinh ở Magenta nước Ý vào ngày 4-10-1922. Cô là con thứ mười trong gia đình mười ba người con, có một người anh làm linh mục. Bố mẹ Gianna rất đạo đức, luôn dạy con cái biết cầu nguyện và phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngay từ buổi thiếu niên, Gianna đã lãnh nhận một niềm tin hiến dâng và một nền giáo dục kitô giáo sâu đậm. Nền giáo dục này đã dạy cô coi cuộc sống là sự dâng hiến tuyệt diệu cho Thiên Chúa, tin tưởng vào sự quan phòng của Ngài và xác tín vào sự cần thiết hiệu nghiệm của lời cầu nguyện. Trong những năm còn học trung và đại học, bên cạnh việc chăm chỉ học hành, Gianna đã diễn tả niềm tin của mình bằng nhiệt tâm dấn thân vào công tác tông đồ cho giới trẻ trong tổ chức ‘Action Catholique’ của Ý. Cô cũng tham gia vào tổ chức từ thiện của Hội Dòng Bác Ái Thánh Vinh Sơn Phaolô, đặc biệt chăm sóc trẻ em, người già cả và người nghèo

Gianna là một thiếu nữ tài giỏi bước ngành y khoa. Năm 1949 cô lấy bằng bác sĩ y khoa và giải phẫu tại Đại Học Pavia. Năm sau, cô mở một dưỡng đường ở Mesero, gần Magenta. Hai năm sau đó, cô có bằng về chuyên khoa nhi đồng của Đại Học Milan. Sau đó, bác sĩ Beretta chuyên chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh, cũng như người già và người nghèo.

Bác sĩ Gianna đảm trách công việc y khoa không vì lý do tài chánh, hay ngay cả lý do từ thiện. Đối với bà, hành nghề y khoa là một “sứ vụ.” Trong những năm theo học, bà đã tình nguyện phục vụ người già, người bệnh tật với tư cách là một thành viên của tổ chức Thánh Vinh Sơn Phaolô. Là một bác sĩ, bà gia tăng sự phục vụ độ lượng dưới một hình thức của “Công Giáo Tiến Hành”: giáo dân tình nguyện làm việc theo nhu cầu và tinh thần của Giáo Hội. Bà là một phụ nữ trẻ hăng say và đầy nhiệt huyết, một người thích leo núi mạo hiểm và trượt tuyết.

Cuộc hôn nhân vào năm 1955 đã đem lại cho Bác Sĩ Gianna một cơ hội để phát triển “sứ vụ” của bà. Ông bà Gianna và Pietro Molla là một đôi vợ chồng vui vẻ. Là một phụ nữ quân bình và có lương tri, bà đã thành công khi hài hòa sự nghiệp của một người mẹ, một người vợ và một bác sĩ.

Khi gặp nghịch cảnh phải phá thai để được sống, bà Gianna phó thác mọi sự cho Chúa quan phòng, sẵn sàng hiến dâng đời sống để cứu con của mình. Sự từ bỏ như thế là cách diễn tả một tình yêu. Ai cũng ngại từ bỏ, nhất là từ bỏ những gì gắn liền với mình nhất, cam go hơn cả là chính con người mình. Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả. Sự từ bỏ vì tình yêu là một niềm hạnh phúc. Cha mẹ tần tảo dãi dầu mưa nắng lo cho con cái ăn học. Học sinh, sinh viên thức khuya dậy sớm miệt mài học tập. Nhà khoa học phải bỏ ra nhiều năm nghiên cứu mới có cơ may phát minh và sáng chế… Sự từ bỏ như thế thật đáng trân trọng.

Laura con gái của thánh nữ đã nói về mẹ mình như sau: Mẹ tôi là một người đàn bà hạnh phúc. Mẹ tôi yêu cuộc sống cho đến chết và biết chấp nhận mọi sự Chúa ban, ngay cả đau khổ. Mẹ Gianna đã đón nhận thập giá bằng tình mẫu tử cao quý.

Thập giá được tạo nên do hai thanh gỗ, một nằm và một đứng. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng. Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao. Hai thanh bắc ngang nhau tượng trưng cho sự tương phản giữa sự sống và sự chết, giữa vui buồn và cười khóc, giữa khoái lạc và đau khổ, giữa ý muốn con người và ý muốn Thiên Chúa. Đặt thanh vui mừng trên thanh đau khổ là cách duy nhất để làm nên một thánh giá.Ý mụốn của con người là thanh nằm. Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng. Ngay khi đối kháng hai ý muốn này tức là đã tạo nên một thập giá. Do đó thập giá là biểu tượng của đau khổ.

Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Đấng là tình yêu đã cho thấy rằng tình yêu có thể biến đau khổ thành niềm vui, để những ai gieo trong nước mắt có thể gặt giữa tiếng cười, những ai khóc lóc có thể được an ủi, những ai đau khổ có thể đồng hiển trị với Người. Tình yêu như là điểm giao thoa giũa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống trong một xác quyết: mọi sự sống đều ngang qua sự chết. Đau khổ là hy sinh không tình yêu đang khi hy sinh là đau khổ kèm theo tình yêu. Tình yêu biến đau khổ thành hy sinh dâng hiến vời niềm vui. Không có tình yêu thì thập giá không là Thánh Giá.

Ba điều kiện: từ bỏ, vác thập giá, bước theo Chúa Giêsu thật không dễ dàng chút nào. Phải phấn đấu thường xuyên, phải chiến đấu từng ngày cho nên bao giờ cũng gây nên đau khổ thể xác và tinh thần. Bằng tình yêu vượt qua đau khổ để nên môn đệ Chúa Giêsu là niềm hạnh phúc và là một vinh dự.

Thánh Gianna là chứng nhân sống đạo thời nay, người có tâm hồn giàu cảm thương đối với những người bệnh tật đau khổ, hy sinh mạng sống vì người mình yêu, phản ánh tình thương trên Thánh Giá của Chúa Giêsu.

Ai là người có thể khẳng định mình đã hoàn toàn theo Chúa Giêsu? Ai muốn đi theo Chúa Giêsu phải đặt sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu phải chấp nhận đau khổ, tủi nhục, thậm chí đến chỗ mất mạng sống mình. Ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu phải đặt tình yêu Chúa lên trên hết mọi thứ tình yêu, hay nói cách khác tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu: tình yêu gia đình, bạn bè và bản thân mình.Thập giá của Chúa Giêsu là dấu chỉ cụ thể về tình yêu và sự trung thành vô điều kiện của Người đối với thánh ý Chúa Cha.

Mỗi ngày người Kitô hữu theo Chúa phải cố gắng từ bỏ rất nhiều và vác thập giá mỗi ngày. Có tình yêu của Chúa trong mỗi hành vi từ bỏ, người môn đệ có thêm sức mạnh ơn thánh, để mọi thập giá trong đời trở thành Thánh Giá. Từ bỏ để có thêm. Thêm lòng mến Chúa, thêm thánh thiện, thêm niềm vui phục vụ tha nhân.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng con được trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến, và xin Chúa giúp chúng con được trung thành cho đến cùng là đi trọn con đường tình yêu như Chúa đã đi. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An