“DỨT BỎ” HAY “THƯƠNG ÍT HƠN”?

“DỨT BỎ” HAY “THƯƠNG ÍT HƠN”?

Bài Tin Mừng hôm nay (CN XXIII/TN-C – Lc 14, 25-33) nói về những điều kiện cần có để được theo làm môn  đệ Đức Giê-su Ki-tô. Muốn theo Người, phải "… dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa", đồng thời phải “vác thập giá mình mà đi theo" (Lc 14, 26-27). Người khẳng định chắc nịch: "Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14, 33). Để minh hoạ cho Lời dạy có vẻ nghịch lý khó thực hiện, Đức Giê-su đưa ra 2 ví dụ (việc "xây một cây tháp" và việc "một ông vua định giao chiến với một ông vua khác"), nhằm chỉ ra cho người nghe hiểu: Muốn làm bất cứ một việc gì thì cũng rất cần phải biết tính toán, sắp đặt, lên kế hoạch, phải tiên liệu được những trở ngại – nhất là những trắc trở chủ quan từ chính chủ thể người thực hiện, rất cần đến sự hy sinh những quyền lợi riêng tư của bản thân – nhiên hậu mới có thể tiến hành thực hiện.

Cũng không phải chỉ một lần này, mà rất nhiều lần Đức Ki-tô kêu gọi mọi người muốn đi theo Người thì phải từ bỏ tất cả, từ bỏ một cách dứt khoát. Với người thanh niên có nhiều của cải muốn đi theo thì “anh hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mt 19, 21). Với người muốn về từ biệt gia đình rồi mới đi theo, thì “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa." (Lc 9, 62). Thậm chí một người muốn đi theo nhưng vì cha chết nên xin về chôn cất, thi “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ." (Mt 8, 22).

Trở ngại lớn nhất  đối với việc đi theo Đức Giê-su chính là cái quyết tâm có dám từ bỏ tất cả mọi sự, rồi còn phải vác thập giá mình (những hy sinh, mất mát, đau khổ…) mà đi theo Người, hay không. Từ bỏ ư ? Nếu cần phải tuyên bố như hằng năm trong đêm Vọng Phục Sinh, khi được hỏi 3 lần: ”Có từ bỏ ma quỷ không? Có từ bỏ mọi việc của ma quỷ không? Có từ bỏ mọi sự sang trọng của ma quỷ không?”, thì ai chẳng tuyên bố rất hùng hồn “Thưa, con xin từ bỏ”. Nhưng đến khi đối diện với thực tế, thì lại thấy không ít cảnh tiền hậu bất nhất, lời nói không đi đôi với việc làm. Đó là chuyện ma quỷ với những chiêu thức lừa phình hãm hại con người (cám dỗ, xúi giục con người làm điều tội lỗi, rồi còn hành hạ, khống chế, trói buộc, bắt con người làm nô lệ cho chúng) mà còn khó từ bỏ như thế, huống hồ phải từ bỏ cả “cha mẹ, vợ con, anh em, chị em”, từ bỏ hết những gì mình có, từ bỏ cả chính con người (mạng sống) của mình nữa, thì quả thực là điều khó chấp nhận được, chớ đừng nói là khó thực hiện. Dứt bỏ cả cha mẹ, thậm chí đến việc báo hiếu khi cha mẹ mãn phần (chôn cất cha mẹ) cũng không được ư?

Như vậy thì có mâu thuẫn với giới răn thứ 4 trong 10 điều răn của Thiên Chúa (“Thảo kinh cha mẹ”), có đi ngược lại với Lời dạy của chính Đức Ki-tô là phải yêu thương những người thân cận, bé mọn, thấp hèn, nghèo đói, tật bệnh, tội lỗi… như yêu thương chính mình , thậm chí còn yêu thương cả kẻ thù của mình nữa (Lc 6, 27-35) không? Ấy là chưa kể có lần Đức Giê-su còn dạy: "Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng." (Mt 11, 29-30).

Từ bỏ tất cả, vác thập giá đi theo Người, vậy mà lại êm ái và nhẹ nhàng ư? Tuy nhiên, bình tâm suy niệm, nhất là đọc kỹ phần chú  thich từ “dứt bỏ” ở bài Tin Mừng nêu trên trong “Kinh Thánh trọn bộ – xb 1998” (trang 2397) thì thấy ghi: “Lu-ca 14, 26. Dứt bỏ, ds ghét. Kiểu nói Híp-ri có nghĩa là “thương ít hơn” (x. Lc 9, 57-62 ; 18, 29 ; St 29, 31-33 ; Đnl 21, 15-16 ; Mt 10, 37)”. Đồng thời, coi phần trình thuật cùng chủ đề như bài Tin Mừng hôm nay (Lc 14, 25-33) trong sách Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu, thì thấy viết nhẹ nhàng hơn: "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37). Nếu chỉ là “thương ít hơn” thì vấn đề sáng tỏ ngay, bởi theo Chúa là phải “yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực”, yêu Chúa trên hết mọi sự, ngoài ra tất cả đều là thứ yếu. Như vậy, Đức Ki-tô muốn dạy người ta phải dứt khoát từ bỏ ma quỷ và những gì liên quan tới chúng (có thể được khoác bằng nhiều hình thức lôi cuốn, hấp dẫn, rất khó phân biệt), phải dứt khoát từ bỏ những gì liên quan đến thế gian, hay nói cách khác, từ bỏ cái tôi cố hữu (từ bỏ chính mình) bởi chính nó là nguyên nhân của tất cả những gì dính dáng đến xác thịt, trần thế, tội lỗi.

Quả thật, đúng như lời Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-sê: “Điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm: khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình.” (Rm  8, 3). Chung quy, Đức Ki-tô chỉ muốn những ai đi theo Người không nên lưu luyến những gì thuộc về thế gian, về xác thịt nặng nề, bởi “thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống” (Kn 9, 15); Lời dạy của Người không có gì là mâu thuẫn, khó hiểu cả. Đến như những người xa lạ gặp trên đường đời, Người còn dạy phải coi họ như những người thân cận mà sẵn sàng giúp đỡ (Lc 10, 27), huống chi những bậc sinh thành ra mình, những người có quan hệ huyết thống ruột thịt với mình.

Rõ ràng dứt bỏ hay từ bỏ là đối với những cám dỗ, những mời mọc hấp dẫn của tính xác thịt trần gian, của ma quỷ và sự dữ chúng đem đến mà thôi. Muốn được dứt khoát từ bỏ thì phải hiểu rằng: “Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn.” (Gl 5, 17), nên phải dốc một lòng cậy trông Đấng đã hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là THẦN KHÍ sự thật” (Ga 14, 16-27). Vâng, thật sự chỉ có thể nhờ “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14, 26), mà người tín hữu thấu hiểu được chân lý Cứu Độ, để sẵn sàng từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Đấng Cứu Thế.

Ôi! Lạy Chúa! Ước gì con cảm nghiệm được rằng: trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa, thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu. Cúi xin Chúa thương ban Thần Khí cho con, để con đủ sáng suốt và dũng khí từ bỏ những gì thuộc về xác thịt thế gian, mà đến với Chúa và với những người thân cận của con trên khắp năm châu bốn biển. Vâng, Lạy Chúa, “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen”.

JM. Lam Thy ĐVD.   

Comments are closed.