TÍN HỮU LEBANON HĂNG SAY CHUẨN BỊ ĐÓN TIẾP ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI

TÍN HỮU LEBANON HĂNG SAY CHUẨN BỊ ĐÓN TIẾP ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI

BEIRUT: Đức Cha Paul Boulos Matar, Tổng Giám Mục Maronit thủ đô Beirut cho biết toàn dân Lebanon, kitô hữu cũng như tín hữu hồi, đang hăng say chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Lebanon trong các ngày 14-16 tháng 9 tới đây.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vatican ngày 30 tháng 7-2012 Đức Cha nói toàn dân Lebanon rất vui sướng vì chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha, vì họ cần được củng cố trong niềm hy vọng hòa bình không chỉ cho Lebanon mà còn cho toàn vùng Trung Đông nữa. Mọi người dân Lebanon đều lo lắng cho tình hình tại Trung Đông và cầu mong các giới chức hữu trách có thể tìm ra các giải pháp. Và Đức Thánh Cha là người có thể trao ban hy vọng cho các dân tộc toàn vùng Trung Đông.

Riêng trong giáo phận của Đức Cha việc chuẩn bị đang được tiến hành trên bình diện vật chất, luân lý cũng như tâm lý. Chính quyền cũng như toàn dân Lebanon đang tìm cách tạo ra bầu khí hòa giải và hiệp nhất trong nước. Vào cuối tháng 8 chương trình chuẩn bị sẽ được phát động trên đài truyền hình. Mọi người đều chờ đợi sứ điệp của Đức Thánh Cha liên quan tới tình bạn giữa các Kitô hữu và tín hữu hồi, cũng như nền hòa bình trong toàn vùng Trung Đông.

Mặt khác, Linh Mục Paul Karam, giám đốc Hiệp hội giáo hoàng truyền giáo Libăng, cầu mong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ đem lại sứ điệp hòa bình cho Siria, và mời gọi tôn trọng tự do tôn giáo trong toàn vùng Trung Đông. Cũng như Đức Gioan Phaolô II đã làm cách đây hơn 10 năm, Đức Thánh Cha Biển Đlức XVI sẽ đem đến một sứ điệp ngôn sứ khước từ chiến tranh bạo lực, và đề nghị các giá trị nền tảng như tự do tôn giáo và các quyền con người. Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đi trước ngày khai mở Năm Đức Tin là một dấu chỉ mời gọi kitô hữu toàn vùng Trung Đông dấn thân trong quê hương của mình.

Cha Karam hy vọng Đức Thánh Cha sẽ đem đến cho dân tộc Syria một sứ điệp hòa binh, đối thoại, khoan nhượng và chấp nhận tha nhân. Các tín hữu Syria lo âu bởi vì họ phải đối diện với bạo lực và dễ bị thương tích. Theo cha chỉ có đối thoại thương thuyết là con đường giúp Syria ra khỏi cuộc nội chiến hiện nay. Trong các tuần qua đã có hơn 45.000 người Syria di cư sang Lebanon lánh nạn chiến tranh (ASIANEWS 27-7-2012; SD 30-7-2012)

Linh Tiến Khải

Phúc Trình Về Tự Do Tôn Giáo Hoàn Cầu

Phúc Trình Về Tự Do Tôn Giáo Hoàn Cầu

Vũ văn An (07-31-2012)

Hôm 30 tháng 7 vừa qua, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã công bố phúc trình hàng năm về tự do tôn giáo. Bộ Trưởng Hillary Clinton đã đưa ra một mô tả “chừng mực” về tình trạng không khả quan của nhân quyền căn bản này: “Hơn một tỷ người hiện đang sống dưới quyền của các chính phủ đàn áp tự do tôn giáo một cách có hệ thống. Các kỹ thuật tân tiến vốn đem lại cho các chính phủ áp chế này thêm nhiều khí cụ để khống chế các phát biểu về tôn giáo. Tín hữu các cộng đoàn tôn giáo từng chịu áp lực nặng nề tường trình rằng các áp lực này đang nặng nề thêm. Ngay các nước đang có những tiến bộ về tự do chính trị cũng đã khựng lại khi đụng tới tự do tôn giáo”.

Bà nói thêm: “khi đụng tới nhân quyền này, vốn là nét chủ yếu của các xã hội ổn định, an ninh và hoà bình, thế giới hình như đang đi thụt lùi”. Nhưng phúc trình cũng cho thấy lý do để hy vọng trong tương lai liên quan tới việc phát triển tự do tôn giáo, kể cả trong một số nơi khá bất ngờ như Miến Điện và Ai Cập. “Một số quốc gia có nhiều cộng đồng tôn giáo khác nhau hiện đang trong diễn trình tiến tới dân chủ. Họ đang suy nghĩ gay go về các vấn đề có nên bảo vệ tự do tôn giáo cho các công dân của mình hay không và nếu có thì bằng cách nào. Diễn trình này đang xẩy ra khắp nơi từ Tunisia tới Miến Điện và nhiều quốc gia khác”.

Bộ Trưởng Clinton cho biết: trong cuộc viếng thăm Ai Cập gần đây, bà đã đích thân có được một “cuộc đối thoại rất xúc động” với các Kitô hữu từng lo lắng về viễn ảnh tương lai. Theo bà, “các quyết định của Ai Cập và của các quốc gia khác sẽ tác động rất lớn đối với cuộc sống của dân chúng họ và sẽ giúp ta rất nhiều trong việc xác định liệu các quốc gia này có khả năng thực hiện được nền dân chủ chân chính hay không”.

Bà Clinton cũng nói rằng: “Bản thân tôi rất tin tưởng điều đó, vì tôi đã được tận mắt thấy tự do tôn giáo đang là yếu tố chủ yếu của nhân phẩm và của xã hội ổn định và thịnh đạt ra sao. Về phương diện thống kê, nó vốn được liên kết với phát triển kinh tế và ổn định dân chủ. Nó cũng đang tạo ra một bầu khí trong đó người thuộc nhiều tôn giáo khác nhau có thể vượt qua ngờ vực và cùng nhau cộng tác để giải quyết các vấn đề chung của họ”.

Theo bản phúc trình, chính phủ lâm thời của Ai Cập đã bắt đầu đưa ra các biện pháp nhằm đạt được sự bao gồm lớn hơn về tôn giáo, thông qua đạo luật chống kỳ thị, bắt giam và xử án những người bị tố cáo xúi giục nổi loạn phe phái và cho phép hàng chục nhà thờ từng bị đóng cửa trước đây được mở cửa lại. Phúc trình viết thêm: “Tuy thế, trong năm nay, các căng thẳng và bạo động phe nhóm có gia tăng, cùng với sự gia tăng nói chung về bạo động và tội phạm”.

Phúc trình cũng cung cấp nhiều tài liệu cho thấy sự thất bại của chính phủ Ai Cập trong việc dẹp những vụ bạo động càng ngày càng gia tăng chống lại các Kitô hữu Coptic và việc họ can dự vào các cuộc tấn công bạo lực, trong đó, có cuộc tấn công của lực lượng an ninh Ai Cập vào ngày 9 tháng 10 năm 2011, chống lại người biểu tình trước đài truyền thanh và truyền hình ở Cairo, khiến 25 người chết và 350 người bị thương, mà “phần lớn là người Kitô hữu Coptic”. Bản phúc trình ghi nhận rằng cho đến nay, không một viên chức chính phủ nào bị qui trách nhiệm đối với những thô bạo ấy, và “có những dấu chỉ cho thấy sẽ có những cuộc di cư gia tăng của người Coptic vào đầu năm 2012”

Theo bản phúc trình, tại Miến Điện, chính phủ đang tiến hành nhiều bước nhằm vượt qua “di sản đàn áp tôn giáo đã có từ lâu đời”. Họ đã nới rộng nhiều hạn chế đối với việc xây dựng các thánh đường và “nói chung đã cho phép các tín hữu các tôn giáo đăng ký với chính phủ để thờ phượng theo ý muốn”.

Trung Quốc lại một lần nữa bị liệt kê vào danh sách các nước “được đặc biệt quan tâm”. Theo bản phúc trình, Trung Quốc đang trải nghiệm một đà thoái hóa đáng kể về tự do tôn giáo trong năm 2011, trong đó, nhiều đàn áp tôn giáo đã xẩy ra tại “Vùng Tự Trị Tây Tạng” và nhiều hạn chế sâu xa hơn đối với việc thực hành tôn giáo qua các cơ quan tôn giáo”yêu nước” chính thức của nhà nước. Theo bản phúc trình, “sự can thiệp của nhà nước vào việc thực hành các truyền thống tôn giáo của Phật Giáo Tây Tạng đã tạo nên nhiều bất bình sâu xa và góp phần vào hàng loạt các vụ tự thiêu của người Tây Tạng”.

Chính phủ Trung Quốc vào ngày hôm nay, qua thông tấn xã Xinhua, đã đáp ứng bản phúc trình này một cách gay gắt, gọi việc công bố nó hàng năm là “một thực hành xú danh việc trắng trợn can thiệp vào nội bộ các nước khác… nhân danh tôn giáo”. Bắc Kinh bác bỏ bản phúc trình này, coi nó “không là gì cả mà chỉ là khí cụ chính trị được chính phủ Hoa Kỳ sử dụng để gây áp lực” đối với các địch thủ của mình và cho rằng bản phúc trình này không thể tưởng tượng được, vô ích và “đầy thiên kiến, ngang ngược và ngu dốt”.

Bản phúc trình cũng cho thấy sự đàn áp liên tục người Hồi Giáo tại Trung Hoa cũng như những va chạm liên tiếp với người Công Giáo trung thành với Tòa Thánh Vatican. Nhưng nó cũng cho thấy một số phát triển tích cực trong năm 2011, trong đó có việc bổ nhiệm 3 vị giám mục được Vatican thừa nhận. Bản phúc trình cho biết: chính quyền tỉnh Sichuan đã khuyến khích Giáo Hội Công Giáo giúp đỡ bằng cách cung cấp các dịch vụ xã hội, “nhất là tại các khu vực chịu nhiều thiệt hại do cuộc động đất năm 2008”. Nguồn tin của Giáo Hội Sichuan cũng cho biết đang phát triển được nhiều liên hệ gần gũi hơn với các cộng đồng tại Hồng Kông, Đài Loan, Mỹ, Nam Hàn và đã có thể sử dụng các đóng góp từ các nước này để tài trợ các dự án phát triển tại địa phương, “trong đó có việc xây dựng thánh đường”. Bản phúc trình cũng viết rằng dù các đảng viên của Đảng Cộng Sản Trung Quốc bị buộc phải vô thần và “nói chung được khuyên không nên tham gia các hoạt động tôn giáo”, nhưng tại Tỉnh Quảng Đông, sự tham dự của họ vào các buổi lễ của Giáo Hội càng ngày càng gia tăng, “vì nhà cầm quyền tỏ ra làm ngơ đối với sự tham dự này”.

Các nước khác trong danh sách “các nước bị quan tâm đặc biệt” vì vi phạm nặng nề vào tự do tôn giáo, ngoài 3 quốc gia Á Châu khác là Miến Điện, Bắc Hàn và Uzbekistan ra, còn có Eritrea, Iran, Saudi Arabia và Sudan. Các quốc gia khác nổi tiếng về tranh chấp tôn giáo là Pakistan và Nigeria, nhưng các nước Âu Châu cũng được phúc trình lưu ý.

Theo phúc trình, các thay đổi nhanh chóng về dân số học tại Âu Châu đang kèm theo “một tâm trạng kỳ thị, bài Do Thái, bài Hồi Giáo, và bất khoan dung đối với những người bị coi là ‘khác’”. Phúc trình cung cấp nhiều tài liệu cho thấy đang có nhiều nước hơn tại Âu Châu, trong đó có Bỉ và Pháp, thông qua các đạo luật hạn chế về trang phục, bất lợi cho người Hồi Giáo và các người khác. Quốc hội Hung Gia Lợi cũng đã thông qua đạo luật liên quan tới việc đăng ký các tổ chức tôn giáo và đòi các tổ chức này nếu muốn được thừa nhận phải được quốc hội bỏ phiếu tán thành. Đạo luật này có hiệu lực bắt đầu từ 1 tây tháng Giêng năm 2012, thực tế đã thu nhỏ con số các nhóm tôn giáo được thừa nhận từ 300 xuống còn 32.

Riêng về Việt Nam, trong phần “Executive Summary”, phúc trình nhắc tới các hạn chế tự do tôn giáo dưới nhiều hình thức. Riêng Kitô hữu đặc biệt bị chính quyền lưu ý. Họ đang giam giữ nhiều tù nhân tôn giáo trong đó có các nhà truyền giảng Ksor Y Du and Kpa Y Ko (Thệ Phản). Hàng trăm “giáo hội” tiếp tục chờ được đăng ký với chính quyền địa phương vùng Tây Bắc Cao Nguyên, và chính phủ hiện ngăn cấm việc in ấn Thánh Kinh bằng tiếng H’mong hiện đại, bất chấp lời yêu cầu nài nỉ. Nhà cầm quyền cũng xách nhiễu nhiều nhóm và cá nhân tôn giáo. Tháng 3, nhà cầm quyền An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Cần Thơ ra lệnh canh chừng các tu sĩ Hòa Hảo không được thừa nhận, và cảnh sát đã phong toả đường xá, xách nhiễu hoặc đe dọa các tín đồ. Cảnh sát đánh đập một tin đồ cách tàn nhẫn. Người Khmer theo Thệ Phản cho biết có sự xách nhiễu, đe dọa, và trong một số trường hợp, thiệt hại về tài sản và đánh đập các tu sĩ tại một số khu vực của Tỉnh Trà Vinh.

Phần Tóm Lược trên không có điểm nào đặc biệt nhắc tới Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, trong chính phần phúc trình, có nhắc tới vụ đóng cửa nghĩa trang tại Giáo Xứ Cồn Dầu, vụ Cha Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế Phạm Trung Thành bị cấm xuất ngoại. Có điều là phần này có nhận định sai lầm cho rằng “Chính Phủ không cho thấy một xu hướng nào nhằm cải thiện hay băng hoại đối với việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo” và ngầm cho hiểu các vi phạm tự do tôn giáo chỉ là các lạm dụng của chính quyền địa phương. Nó cũng cho hay: chính phủ đã có nhiều tiến bộ như cho phép các buổi lễ đông đảo với hơn 100,000 tham dự và “chính phủ đã cùng Vatican tiếp diễn những cuộc thương thảo tiến tới bình thường hóa mối liên hệ”. Có lẽ vì vậy, Việt Nam không bị liệt vào danh sách các nước bị theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo? Dù theo phúc trình, chính phủ giữ quyền kiểm soát và giám sát các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức này buộc phải đăng ký chính thức và được thừa nhận. Các nhà cầm quyền thấp hơn có quyền phê chuẩn việc bổ nhiệm hàng ngũ lãnh đạo, các sinh hoạt và việc thiết lập các chủng viện. Việc bổ nhiệm các linh mục hay các viên chức tôn giáo khác cần được nhà cầm quyền chấp thuận khi có sự can dự của Vatican. Không được dạy huấn giáo tôn giáo tại các học đường. Các tôn giáo cũng không được phép mở trường ngoại trừ vườn trẻ và mẫu giáo. Thành viên tôn giáo bị ghi vào thẻ căn cước và sổ gia đình. Nhiều người sợ không khai, nên được chính phủ ghi là “vô tôn giáo”, một hình thức đàn áp tôn giáo về phương diện thống kê.

Nguồn: VietCatholic

GIÁO HỘI SCOTLAND CẢNH BÁO NGUY CƠ HÔN NHÂN ĐỒNG PHÁI

GIÁO HỘI SCOTLAND CẢNH BÁO NGUY CƠ HÔN NHÂN ĐỒNG PHÁI

GLASGOW: Đức Cha Philip Tartaglia, tân Tổng Giám Mục giáo phận Glasgow bên Anh quốc, đã mạnh mẽ phê bình quyết định của chính quyền Scotland đề ra dự luật chấp nhận hôn nhân đồng phái.

Ngày 26 tháng 7-2012 Phó thủ tướng Sturgeon cho biết đã đề ra dự luật chấp nhận hôn nhân đồng phái bắt đầu từ năm 2015. Cả chính quyền Anh quốc cũng đã hứa hợp thức hóa hôn nhân đồng phái trong năm 2015, mặc dù có sự chống đối của vài thành viên đảng bảo thủ đang nắm quyền. Thủ tướng Cameron còn yêu cầu Giáo Hội thừa nhận các hôn nhân đồng phái, mà ông sẽ mau chóng đưa ra thành luật.

Trong bài phỏng vấn dành cho đài Vatican ngày 26 tháng 7-2012 Đức Cha Philip Tartaglia, tân Tổng Giám Mục Glasgow, cho biết đây là một thách đố lớn khiến cho Giáo Hội phải mạnh mẽ tái đề nghị quan điểm kitô về phẩm giá con người, về gia đình và dự án chung của gia đình. Và đây không phải là điều dễ, vì trong lúc này toàn xã hội chỉ chú ý tới hôn nhân đồng phái, và tương quan giữa Giáo Hội và xã hội cũng khó khăn.

Rất tiếc là đối với các vấn đề dễ gây cảm xúc cao như thế, tiếng nói của Giáo Hội không được lắng nghe, và lời kêu gọi dùng lý trí phán đoán đã không có hiệu qủa, lại còn khiến cho người ta khép kín, không đối thoại nữa. Tuy nhiên, Đức Cha Tartaglia cũng cho biết khi giới truyền thông muốn lắng nghe một ý kiến kitô, thì họ tới với Giáo Hội công giáo. Nói chung điều này cho thấy phần đóng góp của Giáo Hội có uy tín. Mặc dù giới lãnh đạo không muốn lắng nghe, nhưng nó được nhiều người chấp nhận (RG 26-7-2012)

Linh Tiến Khải

GIỚI LÃNH ĐẠO GIÁO HỘI CÔNG GIÁO YÊU CẦU CHẤM DỨT BẠO LỰC ĐỐI VỚI PHỤ NỮ

GIỚI LÃNH ĐẠO GIÁO HỘI CÔNG GIÁO YÊU CẦU CHẤM DỨT BẠO LỰC ĐỐI VỚI PHỤ NỮ

SANTO DOMINGO: Trong các ngày vừa qua Đức Hồng Y Nicolas de Jesús Lopez Rodriguez, Tổng Giám Mục thủ đô Santo Domingo, và Đức Cha Ramón de la Rosa y Carpio, Tổng Giám Mục Santiago de los Cabelleros, đã kêu gọi chấm dứt nạn bạo lực đối với phụ nữ trong nước.

Các vị đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp tân cám ơn các cơ cấu xã hội khác nhau do Tổng Thống mãn nhiệm Leonel Fernandez tổ chức. Đức Hồng Y Rodriguez và Đức Cha Carpio cũng yêu cầu chính quyền Cộng hòa Dominicana duyệt xét lai các đường lối chính trị để chặn đứng tệ nạn bạo hành phụ nữ. Chính tổng thống cũng coi đây là vấn đề chính của quốc gia, và cho rằng các tội phạm chống lại phụ nữ là một thảm kịch của nhân loại.

Trong hơn hai giờ hội kiến với tổng thống mãn nhiệm hai vị lãnh đạo Giáo Hội đã thảo luận nhiều vấn đề quốc gia và quốc tế.

Giáo Hội công giáo Cộng hòa Dominicana đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề bạo hành phụ nữ. Từ đầu năm 2012 tới nay đã có 100 phụ nữ bị sát hại tại Cộng hòa Dominicana. Vụ cuối cùng đã khiến cho dân chúng phẫn nộ biểu tình trước trụ sở Quốc Hội để yêu cầu chính quyền đưa ra các biện pháp trừng phạt thích đáng các thủ phạm bạo hành nữ giới.

Đức Hồng Y Rodriguez khẳng định rằng tệ nạn bạo hành nữ giới là một gương mù gương xấu quốc tế, vì thế chính quyền phải duyệt xét lại các cơ cấu xã hội và đưa ra các biện pháp trừng phạt các thủ phạm một cách thích đáng để làm gương. Trong các lý do gây ra thảm cảnh này có việc thiếu giáo dục, sự dốt nát và tâm thức duy nam giới đề cao nam giới và khinh thường nữ giới (FIDES 24-7-2012)

Linh Tiến Khải

ĐỨC SỨ THẦN TÒA THÁNH KÊU GỌI GIỚI LÃNH ĐẠO MỌI TÔN GIÁO HIỆP NHẤT CAN THIỆP ĐỂ CHẤM DỨT CHIẾN TRANH TẠI SYRIA

ĐỨC SỨ THẦN TÒA THÁNH KÊU GỌI GIỚI LÃNH ĐẠO MỌI TÔN GIÁO HIỆP NHẤT CAN THIỆP ĐỂ CHẤM DỨT CHIẾN TRANH TẠI SYRIA

DAMASCO: Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Damasco tha thiết kêu gọi các giới lãnh đạo Hồi giáo, Kitô và các tôn giáo khác hiệp nhất với nhau nhân danh Thiên Chúa lên tiếng cảnh cáo mọi phe liên hệ ngưng bạo lực, đàn áp và tàn phá đất nước Syria.

Đức Tổng Giám Mục đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vatican ngày 30 tháng 7-2012. Đức Sứ Thần cho biết nhân dân Syria đã đánh giá rất cao và rất biết ơn các lời Đức Thánh Cha Biển Đức XVI kêu gọi chấm dứt chiến tranh và tìm giải pháp chính trị công bằng cho Syria. Báo chí của chính quyền cũng phản ứng tích cực trước lời kêu gọi của Đức Thánh Cha. Đức Sứ Thần cho biết bệnh ung thư nội chiến đã lan ra khắp nơi trong nước, bầu khí rất nặng nề và dân chúng hoang mang lo sợ cho tương lai của họ. Ngài nghĩ tới bầu khí huynh đệ đại đồng của Thế Vận Hội đang diễn ra tại Luân Đôn và buồn rầu so sánh nó với bầu khí chết chóc và tàn phá tang thương đang xảy ra tại Syria. Chính vì thế Đức Sứ Thần mới gióng lên lời kêu gọi các vị lãnh đạo mọi tôn giáo hiệp nhất lên tiếng kêu gọi các phe lâm chiến ngưng mọi bạo lực, đàn áp và tàn phá đất nước Syria xinh đẹp, và can đảm lập tức chân thành đối thoại với nhau với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, để đi tới một giải pháp chính trị thỏa đáng chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay.

Các tin mới nhất cho biết quân đội Syria đang dùng máy bay chiến đấu và trực thăng bỏ bom và oanh kích các khu phố có binh sĩ đối lập chiếm đóng tại Aleppo. Tình hình bất ổn đã khiến cho 200.000 người bỏ nhà cửa di tản lánh nạn chiến tranh. Chính quyền Damasco khẳng quyết rằng phe đối lập sẽ bị đánh bại cả khi chính quyền không dùng vũ khí hóa học (RG 30-7-2012).

Linh Tiến Khải

CHÚA NHẬT CỦA HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH TRONG TỔNG GIÁO PHẬN SYDNEY

CHÚA NHẬT CỦA HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH TRONG TỔNG GIÁO PHẬN SYDNEY

SYDNEY: Chúa Nhật 29 tháng 7-2012 Đức Hồng Y George Pell đã chủ sự thánh lễ cho 54 cặp vợ chồng mừng tổng cộng là 1.636 năm cưới nhau, tại nhà thờ chính tòa Thánh Maria ở Sydney.

Đức Hồng Y đã tuyên bố từ nay trở đi Chúa Nhật cuối tháng 7 sẽ là ”Chúa Nhật của hôn nhân và gia đình” được cử hành hằng năm tại Sydney. Tất cả mọi cặp hôn nhân thuộc mọi lứa tuổi đều cử hành ngày này và lập lại lời thề hứa trong tất cả mọi nhà thờ của thành phố.

Bảy cặp mừng 50 năm hôn phối hay hơn nữa trong năm 2012 đã nhận được bằng kỷ niệm.

Ông Chris Meney, giám đốc Trung tâm sự sống, hôn nhân và gia đình của tổng giáo phận Sydney, cho biết thánh lễ này là địp để các cặp vợ chồng dừng lai cảm tạ Thiên Chúa vì ơn hôn nhân và gia đình. Khi một người nam và một người nữ công khai dấn thân với nhau trong hy vọng được chúc phúc bởi con cái, họ cống hiến một dấu chỉ hy vọng tuyệt vời cho tương lai (ZENIT 27-7-2012).

Linh Tiến Khải

ĐỨC HỒNG Y FILONI KHÍCH LỆ CÁC TU SĨ NAM NỮ TRUNG PHI HÃY CANH TÂN ĐỜI THÁNH HIẾN

ĐỨC HỒNG Y FILONI KHÍCH LỆ CÁC TU SĨ NAM NỮ TRUNG PHI HÃY CANH TÂN ĐỜI THÁNH HIẾN

BANGUI. Sau khi viếng thăm mục vụ Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo đã đến viếng thăm Cộng Hòa Trung Phi trong vòng một tuần lễ từ 19 đến 26 tháng 7-2012. Ngày cuối cùng trong chuyến viếng thăm, hôm 25 tháng 7-2012, Đức Hồng Y đã gặp gỡ các Bề Trên Thượng Cấp, các tu sĩ nam nữ Trung Phi tại giáo xứ Chúa Cứu Thế ở thủ đô Bangui.

Ngỏ lời với mọi người hiện diện, trước tiên Đức Hồng Y bày tỏ lòng tri ân vì phần đóng góp của các tu sĩ nam nữ vào công cuộc rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội trong các hoạt động mục vụ giáo xứ, trong lãnh vực y tế và học đường. Đức Hồng Y Filoni nói: ”Xuyên qua sự hiện diện năng động, anh chị em đã mang lại sự trợ giúp quý giá và cần thiết cho hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, đồng thời biểu dương bản tính sâu xa của ơn gọi Kitô. Cùng với anh chị em tôi muốn dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì công cuộc khai sinh đời thánh hiến trên vùng đất Trung Phi này. Được khởi sự vào năm 1894, công trình rao giảng Tin Mừng 55 năm sau đã trông thấy xuất hiện những ơn gọi nữ giới bản xứ đầu tiên. Kể từ đó, những bông hoa ơn gọi không ngừng tiếp tục nở rộ và tăng mãi cho đến ngày hôm nay”.

Đức Hồng Y Fernando Filoni nhấn mạnh rằng: ”Trong một thế giới không ngừng biến đổi và có những dấu hiệu đôi khi trái ngược nhau, người ta có khuynh hướng loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi những chọn lựa nền tảng nhất, các tu sĩ nam nữ cũng có nguy cơ đánh mất căn tính riêng của mình. Vì thế, thật là khẩn cấp, khi các người thánh hiến trở về với nguồn cội là Đức Kitô để tái khởi hành từ Đức Kitô và giăng buồm ra khơi thả lưới. Các sự dữ hiện nay của xã hội chúng ta không thể bị đánh bại, nếu chúng ta không tái khám phá ra các giá trị phúc âm là đức khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Anh chị em được kêu gọi trở nên những mẫu gương. Vì thế tôi mời gọi anh chị em hãy canh tân hồng ân thánh hiến của Thiên Chúa trong anh chị em. Anh chị em nên nhớ rằng chứng tá tốt đẹp nhất mà anh chị em có thể làm cho đời thánh hiến là tình huynh đệ và cuộc sống chung của anh chị em. Cộng đoàn dòng tu của anh chị em phải trở thành những cộng đoàn Kitô đích thật, nơi chiếu tỏa tình yêu, niềm vui, sự chia sẻ, tha thứ và hòa giải. Cuộc sống hiệp thông của anh chị có thể và phải minh chứng rằng ngày nay tại Trung Phi và tại Phi Châu, những ai bước theo Đức Chúa Giêsu Kitô đều tìm được nơi Người cái bí thuật của niềm vui sống chung: đó là tình yêu hỗ tương và tình hiệp thông huynh đệ” (FIDES 26-7-2012).

Linh Tiến Khải

TIỀN BẠC PHỤC VỤ CON NGƯỜI, CHỨ CON NGƯỜI KHÔNG PHẢI LÀ NÔ LỆ CỦA TIỀN BẠC

TIỀN BẠC PHỤC VỤ CON NGƯỜI, CHỨ CON NGƯỜI KHÔNG PHẢI LÀ NÔ LỆ CỦA TIỀN BẠC

BERNE: Nhân ngày lễ quốc khánh mùng 1 tháng 8-2012 Hội Đồng Giám Mục Thụy Sĩ đã công bố thư mục vụ suy tư về cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay và giúp kitô hữu hiểu biết thái độ phải có đối với tiền bạc và lợi nhuận.

Thư mục vụ do Đức Cha Markus Buechel, Giám Mục Fribopurg Saint Gallen, ký thay mặt Hội Đồng Giám Mục, tựa đề ”Tiền bạc phục vụ con người, chứ con người không phải là nô lệ của tiền bạc”. Trong thư các Giám Mục Thụy Sĩ nhận định rằng tiền bạc không phải là mục đích cho chính nó, mà chỉ là phương tiện. Nếu thế giới tài chánh sống cho chính mình, thì nó đánh mất đi lý do hiện hữu.

Ai đầu tư kiếm lời mà không chú ý tới sự bất hạnh của tha nhân, là hành động một cách vô trách nhiệm. Trước các cuộc khủng hoảng tài chánh, tiền tệ và kinh tế thế giới, các chuyên viên quốc tế không còn có thể loại trừ khả thể hệ thống tài chánh suy sụp toàn diện. Các thị trường tài chánh quốc tế có một cuộc sống riêng rẽ, cắt đứt khỏi sự cần thiết của nền kinh thế thực thụ, và không ai, cũng như không nhà băng và chính quyền nào có thể kiểm soát nổi. Trái lại, chính các thị trường quốc tế kiểm soát chúng ta một cách chặt chẽ. Vì thế cần phải cấp thiết tìm ra các phương tiện và lộ trình giúp tái lập tình trạng mất quân bình nguy hiểm này, vì để tình hình như thế không tìm thay đổi nó là vô trách nhiệm.

Các Giám Mục Thụy Sĩ đặc biệt nhắc đến cuộc khủng hoảng bất động sản xảy ra bên Hoa Kỳ và nhấn mạnh rằng dấn thân đầu tư tiền bạc vào các vụ buôn bán qúa nguy hiểm là thái độ vô trách nhiệm. Ngoài ra, vì sự thịnh vượng có các giới hạn của nó và không thể là sản phẩm bất tận, nên không được rơi vào cám dỗ thường xuyên sống qúa các khả thể của mình. Ai sống như thế là rơi vào vòng xoáy nợ nần tệ hại. Do đó các ngân hàng cũng như các cá nhân đều có trách nhiệm trong việc sử dụng tiền bạc. Cần phải bằng lòng với những gì cần thiết, và đây là một nghệ thuật sống mà con người của các nước kỹ nghệ cao của cúng ta cần phải tái khám phá ra, bởi vì ai có nghệ thuật, sẽ khám phá ra các sự giàu có phong phú khác.

Nghĩ đến các người nghèo túng, các Giám Mục Thụy Sĩ nêu bật rằng có một thái độ Kitô đối với tiền bạc có nghĩa là dấn thân thăng tiến sự phân chia tài nguyên kinh tế đồng đều. Và việc này bao gồm dấn thân chính trị, các hoạt động bác ái và việc cộng tác phát triển, mà không giảm thiểu sự trợ giúp các anh chị em túng thiếu, các người không có viễn tượng tương lai, các người thất nghiệp, các người bị gạt bỏ bên lề xã hội. Và các Giám Mục Thụy sĩ kết luận thư mục vụ với khẳng định rằng: Ngày nay hơn bao giờ hết, tiền bạc phải phục vụ con người, chứ con người không phải nô lệ tiền bạc. Chúng ta phải hướng cái nhìn về tương lai với tâm tình tin tưởng sâu xa nơi Thiên Chúa (SD 27-7-22012)

Linh Tiến Khải
 

 

Chuyến viếng thăm Cộng hòa Trung Phi

Chuyến viếng thăm Cộng hòa Trung Phi

Phỏng vấn Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng Trường Bộ Truyền Giáo

Trong các ngày từ 19 đến 26 tháng 7-2012 Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo, đã viếng thăm Cộng Hòa Trung Phi.

Chúa Nhật 22 tháng 7-2012, Đức Hồng Y Filoni đã chủ sự Thánh Lễ phong chức cho 4 tân Giám Mục: Đức Cha Dieudonné Nzapalainga, Tổng Giám Mục Bangui, Đức Cha Nestor-Désiré Nongo Aziabgia, Giám Mục Bossaangoa, Đức Cha Dennis Abgenyadzi, Giám Mục Berbérati và Đức Cha Cyr-Nestor Yapaupa, Giám Mục Phụ tá Alindao.

Hôm sau ngày 23 tháng 7-2012 trong buổi gặp gỡ các Giám Mục tại toà Sứ Thần Tòa Thánh trong thủ đô Bangui, Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo đã xin các Giám Mục Trung Phi trở thành những người cổ võ hiệp nhất, tình huynh đệ và hiệp thông giữa mọi thành phần dân Chúa. Ngài cũng lưu ý các Giám Mục Trung Phi về sự cần thiết phải canh tân chương trình mục vụ ơn gọi, việc huấn luyện các giáo dân, là những người rất cần thủ đắc một nền đào tạo Kitô vững chắc và thấm nhuần các giá trị Phúc Âm.

Ngày cuối cùng trong chuyến viếng thăm, hôm 25 tháng 7-2012, Đức Hồng Y đã gặp gỡ các Bề Trên Thượng Cấp, các tu sĩ nam nữ Trung Phi tại giáo xứ Chúa Cứu Thế ở thủ đô Bangui. Ngài tỏ lòng tri ân vì phần đóng góp của các tu sĩ nam nữ vào công cuộc rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội trong các hoạt động mục vụ giáo xứ cũng như trong lãnh vực y tế và học đường.

Đức Hồng Y Filoni nói: ”Xuyên qua sự hiện diện năng động, anh chị em đã mang lại sự trợ giúp quý giá và cần thiết cho hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, đồng thời biểu dương bản tính sâu xa của ơn gọi Kitô. Cùng với anh chị em tôi muốn dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì công cuộc khai sinh đời thánh hiến trên vùng đất Trung Phi này. Được khởi sự vào năm 1894, công trình rao giảng Tin Mừng 55 năm sau đã trông thấy xuất hiện những ơn gọi nữ giới bản xứ đầu tiên. Kể từ đó, những bông hoa ơn gọi không ngừng tiếp tục nở rộ và tăng mãi cho đến ngày hôm nay”.

Tiếp tục bài nói chuyện với các tu sĩ nam nữ Trung Phi, Đức Hồng Y Filoni nhấn mạnh rằng: ”Trong một thế giới không ngừng biến đổi và có những dấu hiệu đôi khi trái ngược nhau, người ta có khuynh hướng loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi những chọn lựa nền tảng nhất, các tu sĩ nam nữ cũng có nguy cơ đánh mất căn tính riêng của mình. Vì thế, thật là khẩn cấp khi các người thánh hiến trở về với nguồn cội là Đức Kitô để tái khởi hành từ Đức Kitô và giăng buồm ra khơi thả lưới”.

Trung Phi rộng gần 623 ngàn cây số vuông có khoảng 4 triệu dân, 60% theo Kitô giáo, 30% thờ vật linh và 9% theo Hồi giáo. Người dân Trung Phi gồm nhiều bộ lạc khác nhau nhưng đều thuộc hai nhóm chủng tộc chính là Bantu và Sudanese.

Vùng đất này đã có người ở từ các thời rất xa xưa. Các vết tích khảo cổ chứng minh cho thấy đã có các nền văn hóa cổ xưa trước cả Đế quốc Ai Cập. Nhiều vương quốc và đế quốc đã nối tiếp nhau cai trị vùng đất này như đế quốc Kanem-Bornu, đế quốc Ouaddai, đế quốc Banguirmi. Các nhóm thuộc chủng tộc Fur sống rải rác cung quanh hồ Cioad và dọc sng Nil Thượng. Sau này các Sultan A Rập thống trị và coi toàn vùng của chủng tộc Ubangi như là vùng đất cung cấp nộ lệ, mà họ chuyên chở và bán lại trong vùng Bắc Phi châu, qua sa mạc Sahara, nhất là tại chợ nô lệ Cairo. Trong các thế kỷ XVIII-XIX các làn sóng di cư đưa nhiều chủng tộc khác đến sống tại Trung Phi như Zande, Banda, và Baya-Mandjia.

Năm 1875 Sultan của Sudan là Rabih az-Zubayr cai trị vùng Oubangui Thượng bao gồm cả cộng hòa Trung Phi hiện nay. Tiếp đến vào năm 1885 người Pháp và người Bỉ đến vùng này và biến nó trở thành thuộc địa của họ từ năm 1903 đến 1960, là năm Trung Phi được độc lập.

Trong các năm 1962 tới 1993 Cộng hòa Trung Phi do các chính quyền quân đội độc tài cai trị. Sau khi thắng đối thủ là Abel Goumba, ông David Dacko lên nắm quyền và theo chế độ độc đảng. Nhưng năm 1965 đại tá Jean Bedel Bokassa đảo chánh lật đổ ông Dacko. Nền kinh tế suy sụp dưới thời tổng thống Dacko ngày càng tồi tệ hơn. Năm 1972 tổng thống Bokassa tuyên bố mình sẽ là tổng thống mãn đời, và năm 1976 ông tự phong làm hoàng đế Bokassa I của Trung Phi. Chính quyền Pháp ủng hộ ông vì muốn duy trì các lợi lộc của mình là có được vùng đất săn bắn dã thú gần với Sudan và mua quặng mỏ Uranium của Trung Phi. Năm 1979 lợi dụng chuyến viếng thăm Libia của hoàng đế Bokassa I, chính quyền Pháp đảo chánh đưa ông Dacko lên nắm quyền. Nhưng năm 1981 tướng André Kolingba đảo chánh lật đổ ông Dacko và thành lập Hội đồng quân nhân cai trị Trung Phi. Năm 1986 ông Kolingba thay đổi hiến pháp, thành lập đảng ”Tập hợp dân chủ Trung Phi”, tổ chức bầu cử quốc hội nhưng loại trừ sự tham dự của hai đảng đối lập đo các ông Abel Goumba và Ange Félix Patassé lãnh đạo.

Trong cuôc bầu cử năm 1993 ông Ange Felix Patassé thắng cử tổng thống, và năm 1999 ông thắng cử nhiệm kỳ hai. Năm 2001 sau vụ đảo chánh hụt, tướng Tổng tư lệnh Abel Abrou và tướng N'Djadder Bedaya bị ám sát, và các toán quân trung thành với ông Patassé đã có các hành động bạo lực chống lại dân chúng, đốt nhà cướp của và ám sát nhiều chính khách đồi lập. Năm 2003 lợi dụng dịp tổng thống Patassé đi ra ngoại quốc, tướng Francois Bozizé đã đảo chánh và lên nắm quyền.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Fernando Filoni về chuyến viếng thăm này.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, xin Đức Hồng Y cho biết vài cảm tưởng của Đức Hồng Y về chuyến viếng thăm Trung Phi trong tuần vừa qua.

Đáp: Giáo Hội công giáo Trung Phi là một Giáo Hội đang phải sống trong tình trạng khổ đau, vì đã thiếu tới 4 Giám Mục. Và Bộ Truyền Giáo đã lo liệu cho Giáo Hội có thêm bốn chủ chăn mà Đức Thánh Cha đã chỉ định mới đây. Vì thế sự hiện diện của tôi chính là để tấn phong các tân Giám Mục. Sự tham dự của tất cả mọi tầng lớp dân Chúa, của tất cả các Giám Mục Trung Phi cũng như của tất cả các linh mục và rất nhiều giáo dân, bao gồm cả tổng thống, thủ tướng và các viên chức cao cấp khác, đã là những giờ phút được chờ đợi từ lâu, và đã đem lại niền vui và niềm hy vọng cho toàn cộng đoàn Giáo Hội của đất nước này, của Cộng hòa Trung Phi.

Chung quanh biến cố chính này là các cuộc găp gỡ khác trong chuyên viếng thăm mục vụ của tôi tại Cộng Hòa Trung Phi, bắt đầu với cuộc gặp gỡ các vị giáo sư, các vị đào tạo và các đại chủng sinh tại đại chủng viện, mà chúng tôi đang tổ chức lại cơ cấu đào tạo. Tôi cũng đã gặp gỡ các anh chị em giáo dân; xem ra họ rất sẵn sàng và ước mong trông thấy một chương mới mở ra cho Giáo Hội địa phương. Tôi cũng đã gặp các Giám Mục và nói chuyện chung với các vị, cũng như trao đổi với từng vị. Và sau đó dĩ nhiên là tôi cũng gặp các linh mục, tu sĩ nam nữ. Tôi nghĩ đây đã là cuộc gặp gỡ mà hàng giáo sĩ tu sĩ đã chờ đợi, một cuộc viếng thăm tràn đầy hy vọng và tương lai. Nó đã khiến cho họ rất phấn khởi và đã cho phép đề cập tới nhiều vấn đề và phân tích các vấn đề đặc biệt gắn liền với sự phát triển của Giáo Hội truyền giáo địa phương. Và tôi tin là Giáo Hội Trung Phi được mời gọi tham dự vào tất cả các khía cạnh của sự phát triển truyền giáo.

Hỏi: Chính quyền Cộng hòa Trung Phi đã tiếp đón Đức Hồng Y ra sao?

Đáp: Trước hết tôi đã hội kiến với tổng thống Cộng Hòa Trung Phi, rồi với thủ tướng chính phủ. Tổng thống đã không ngần ngại bầy tỏ lòng biết ơn đối

với công tác truyền giáo của các thừa sai, các linh mục và tu sĩ nam nữ. Đặc biệt ông rất nhậy cảm đối với vấn đề giáo dục: 50% các trường học toàn nước, đặc biệt là các trường tiểu học và trung học là do các giáo xứ đảm trách và điều khiển. Ông cũng nhậy cảm đối với vấn đề sức khỏe. Các trạm phát thuốc và vài nhà thương của Giáo Hội hoạt động rất tốt và hữu hiệu, khiến cho rất nhiều người dân được nhờ và tổng thống đã bầy tỏ sự hài lòng, biết ơn và khích lệ. Và dĩ nhiên là Giáo Hội sẽ tiếp tục làm những gì có thể, và làm tốt hơn nữa để phục vụ dân nước Trung Phi.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, Đức Hồng Y đã có kinh nghiệm nào đối với thực tại bác ái của Giáo Hội Trung Phi?

Đáp: Tại Công hòa Trung Phi, các sinh hoạt bác ái hiện nay vô cùng quan trọng và cần thiết. Có nhiều nghèo túng lắm. Nhưng bên cạnh sự nghèo túng, còn có nhiều bần cùng, chắng hạn như nhiều bệnh nhân Sida, cũng như nhiều căn bệnh địa phương gắn liển với môi trường nhiệt đới. Thế rồi dĩ nhiên, còn có tất cả công việc trợ giúp các trẻ em: có nhiều trẻ em nghèo, bị bỏ rơi; có nhiều cặp vợ chồng vì nghèo qúa nên không thể nuôi dậy và chu cấp cho con cái mình. Tôi đã thăm vài trung tâm mồ côi. Các trung tâm này thật là các ốc đảo nhỏ, trong đó các trẻ em được cơ may có một gia đình. Có những người chăm nom, săn sóc các em, và họ trông nhờ vào tình bác ái liên đới và sự trợ giúp của mọi người. Tôi tìm thấy nơi các em sự nâng đỡ cho chuyến viếng thăm của tôi. Tôi thấy rằng việc bác ái mà chúng ta làm không phải là đối với các em, cho bằng lòng trìu mến mà các em dành cho sự tiếp đón chúng tôi, nó là một món qùa cho tất cả chúng ta, đối với biết bao nhiêu ân nhân thường là vô danh, không ai biết tới, nhưng họ vẫn tiếp tục trợ giúp các công trình tuyệt đối không thể không có này. Nếu không có các ân nhân và các công tác trợ giúp này, thì các em sẽ không thể sống được.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, trong tháng 7 này Đức Hồng Y đã sống chìm ngập trong thực tại của Giáo Hội tại Phi châu với chuyến viêng thăm hi đầu tháng 7 tại Cộng hòa dân chủ Congo và giờ đây là Cộng hòa Trung Phi. Có các điểm chung giữa hai chuyến viếng thăm hay không?

Đáp: Vâng, có các điểm gặp gỡ giữa hai chuyến viếng thăm. Trước hết là sự kiện cả hai Giáo Hội đều đang phát triển và lớn lên. Tôi đã giải thích cho họ hiểu rằng cách đây 50 năm, khi khai mở Công Đồng Chung Vatican II, Giáo Hội tại Phi châu đã được đại diện bởi đa số các thừa sai từ Tây phương sang truyền giáo bên Phi châu. Ngày nay, chúng ta thấy rằng một cách cụ thể, có tới 90% các Giám Mục và linh mục là người địa phương. Như thế Giáo Hội Phi châu đã thay đổi bộ mặt trong 50 năm qua. Và Giáo Hội tiếp tục đầu tư tất cả tài nguyên của mình, nhất là trong việc đào tạo tôn giáo, luân lý, tinh thần, nhưng song song cũng có việc giáo dục, kể cả cho lãnh vực sức khỏe, với biết bao nhiêu công tác bác ái. Trong cả hai nước tôi đã trông thấy có sự dấn thân rất quảng đại. Dĩ nhiên đứng trước các nhu cầu mênh mông chúng ta được mời gọi làm nhiều hơn nữa; nhưng đây là một dấn thân không chỉ liên quan tới Giáo Hội, mà còn liên quan tới toàn xã hội, cần lưu tâm tới thiện ích của đại lục này. Như Đức Thánh Cha đã nói trong tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ II, đây là một đại lục có biết bao hy vọng, mà chúng ta phải tìm cách biến thành cụ thể và hữu hình trong rất nhiều nhu cầu khác nhau của nó.

(FIDEĐ 24.26-7-2012; RG 28-7-2012)

Linh Tiến Khải (Vietvatican)

 

HAI LINH MỤC PHỤC VỤ NHU CẦU TINH THẦN CỦA DU KHÁCH TRONG VIỆN BẢO TÀNG VATICAN

HAI LINH MỤC PHỤC VỤ NHU CẦU TINH THẦN CỦA DU KHÁCH TRONG VIỆN BẢO TÀNG VATICAN

VATICAN: Tòa Thánh đã chỉ định hai linh mục túc trực hiện diện tại viện bảo tàng Vaticăng để phục vụ nhu cầu tinh thần của tín hữu và du khách hành hương viếng thăm.

Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Sciacca, Tổng thư ký Phủ thống đốc quốc gia thành Vaticăng đã cho biết như trên hôm 26 tháng 7-2012. Hai Linh mục bắt đầu làm viêc từ ngày 1 tháng 8-2012 tại hai địa điểm khác nhau trên lộ trình viếng thăm, với một cái bàn và hai cái ghế tiếp khách. Đức Cha cho biết sáng kiến này không có tích cách cơ cấu và không có yêu sách gì đặc biệt.

Viện bảo tàng Vaticăng là một cơ cấu văn hóa duy nhất trong các cơ cấu văn hóa trên thế giới, vì chứa đựng các bộ sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật trứ danh thuộc nhiều thế kỷ, mà các Giáo Hoàng đã để lại như gia tài văn hóa nghệ thuật cho Giáo Hội. Một cách đặc biệt viện bảo tàng giới thiệu con đường, mà Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô Con Người Thiên Chúa, có thể được loan báo cho con người và thế giới ngày nay (ZENIT 26-7-2012)

Linh Tiến Khải (Vietvatican)

Tâm sự với Cha I-nhã

Tâm sự với Cha I-nhã

(Lễ kính 31 tháng 7)

Lm. Antôn-Phaolô, SJ

Du khách đến Rôma không thể nào bỏ qua Thánh đường “Il Gesù” (Chiesa del Gesù, Thánh Danh Chúa Giêsu), nhà thờ “mẹ” của dòng Tên ở Rôma. Nhưng bên cạnh ngôi thánh đường nguy nga xây dựng theo kiểu Baroque là một khu nhà nhỏ, nơi Thánh Inhã và các cộng sự viên tiên khởi của người đã sinh sống và làm việc từ năm 1544, sau khi Dòng Tên được chính thức hoạt động từ năm 1540.

  (Xem tiếp . . .  Tâm sự với Cha I Nhã )

HỘI NGHỊ QUỐC GIA ĐẦU TIÊN VỀ VIỆC TÁI TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG BÊN BA LAN

HỘI NGHỊ QUỐC GIA ĐẦU TIÊN VỀ VIỆC TÁI TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG BÊN BA LAN

KOSTRZYN: Ngày 28 tháng 7-2012 hội nghị quốc gia đầu tiên về việc tái truyền giảng Tin Mừng đã khai diễn tại Kostrzyn bên Ba Lan, với hơn 1.500 người tham dự gồm cả Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình tiếng Ba Lan đài Vatican Đức Cha Fisichella cho biết mục đích chuyên biệt của việc tái truyền giảng Tin Mừng là làm sống dậy ý thức truyền giáo nơi các tín hữu kitô đã được rửa tội. Chỉ như thế mới có thể đến với những người xưng mình là tín hữu kitô nhưng đã trở nên thờ ơ hay không tham dự cuộc sống của cộng đoàn Kitô nữa, hoặc những người chưa hề biết Chúa Giêsu Kitô. Có lẽ trong cuộc khủng hhoảng sâu xa này trong nền văn hóa và trong xã hội, các kitô hữu có thể tìm thấy sự an ninh một cách dễ dàng hơn bên trong các Giáo Hội và cộng đoàn của mình. Nhưng điều này đòi buộc chúng ta kiểm thực biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống. Nó bắt buộc các tín hữu Kitô hiện diện trong thế giới để đem Tin Mừng đến cho con người tại nơi nó đang sống. Không có sự hiện diện của tín hữu công giáo, xã hội sẽ nghèo nàn hơn và buồn tẻ hơn, vì thiếu sự phong phú của Tin Mừng và niềm hy vọng.

Nhưng để có thể loan báo Tin Mừng, Giáo Hội cần phải có một thứ ngôn ngữ mới, một phương pháp mới, và một lòng hăng say mới, như Đức Gioan Phaolô II đã nói. Phải có khả năng nói thứ ngôn ngữ của con người thời đại, nhưng không được quên rằng nội dung lời loan báo vẫn luôn là một, không thay đổi. Để được như vậy, phải có khả năng bước vào trong nền văn hóa tục hóa, làm cho người ta hiểu các hạn hẹp của một nền văn hóa tục hóa. Sống như thể là Thiên Chúa không hiện hữu chẳng những đã không khiến cho nền văn hóa được phong phú, mà còn làm cho con người nghèo nàn đi và ngày nay đang gặp khủng hoảng nặng. Một trong những hoa trái đầu tiên của công tác tái truyền giảng Tin Mừng, mà Đức Tổng Giám Mục Fisichella chờ mong, là hiểu biết đòi hỏi của sự hiệp nhất và trong sự tôn trọng việc bổ túc cho nhau. Phải có khả năng thừa nhận rằng các kinh nghiệm khác nhau đều quan trong, giống như các phụ lưu cùng chảy vào một con sông (RG 29-7-2012)

Linh Tien Khải  (Vietvatican)

MỘT BỆNH NHÂN PARKINSON ĐƯỢC ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II CHỮA LÀNH

MỘT BỆNH NHÂN PARKINSON ĐƯỢC ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II CHỮA LÀNH

BOGOTÀ: Ông Marco Fidel Rojas, người Colombia, đã được lành bệnh Parkinson một cách lạ lùng, nhờ lời bầu cử của Đức Gioan Phaolô II. Tất cả các hồ sơ bệnh lý và chứng từ của ông đã được chuyển về Bộ Phong Thánh tại Roma để được cứu xét.

Kể lại với phóng viên Thời Báo Colombia ông Rojas cho biết ông bắt đầu có các dấu hiệu bị bệnh Parkinson hồi tháng 12 năm 2005. Sau các cuộc khám nghiệm các bác sĩ cho biết ông đã bị đứt mạch máu não dẫn tới bệnh Parkinson. Bệnh tình ngày càng nặng, ông tưởng mình có thể chết bất cứ lúc nào, và nhiều lần ông đã bị ngã khỏi xe lăn.

Tình trạng bệnh tật của ông ngày càng nặng. Bất thình lình ông nhớ lại là buổi chiều ngày 27 tháng 12 năm 2010, trong một chuyến hành hương Roma, sau thánh lễ ông có thưa chuyện với Đức Gioan Phaolo II một lúc. Thế là tối hôm đó trong đau đớn ông nghĩ: ”Tôi có một người bạn trên trời và Người đã bị bệnh Parkinson. Thế tại sao tôi lại đã không cầu nguyên với người trước? Lạy Đấng đáng kính Gioan Phaolô II, xin đến chữa lành con, xin hãy đặt tay ngài trên đầu con”. Sau khi cầu nguyện như thế ông Rojas nói ông đã ngủ rất ngon đêm đó, và sáng hôm sau ông thức dậy và không còn có các triệu chứng bệnh Parkinson nữa.

”Vâng, Đức Gioan Phaolô II đã chữa tôi lành bệnh, và tôi hứa với Đấng đã chữa tôi lành là tôi sẽ truyền bá lòng sùng kính Người tại bất cứ nơi đâu tôi có thể làm”.
Tờ Thời Báo Colombia cho biết bác sĩ Antonio Schlesinger Piedrahita, một bác sĩ thần kinh nổi tiếng bên Colombia, đã chứng thực sự lành bệnh của ông Fidel và cho biết ông ta rất khỏe mạnh.

Phép lạ lành bệnh Parkinson của nữ tu Marie Simon Pierre đã dẫn tới lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II tại Roma hồi tháng 5 năm ngoái 2011. Phép lạ cho ông Marco Fidel Rojas có thể sẽ là phép lạ để tôn phong Hiển thánh cho Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (CNA 17-7-2012).

Linh Tiến Khải

Thiên Chúa có khả năng nhân lên nhiều mỗi một cử chỉ yêu thương nhỏ nhặt của chúng ta

Thiên Chúa có khả năng nhân lên nhiều mỗi một cử chỉ yêu thương nhỏ nhặt của chúng ta

Qua phép lạ hóa bành ra nhiều Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng nếu mỗi người cống hiến cái ít ỏi mình có, thì phép lạ mới luôn có thể xảy ra: Thiên Chúa có khả năng nhân lên nhiều mỗi một cử chỉ yêu thương nhỏ nhặt của chúng ta, và khiến cho chúng ta trở thành những người chia sẻ ơn của Người.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên với 2.000 tín hữu và du khách hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trong sân nhà nghỉ Castel Gandolfo trưa Chúa Nhật hôm qua.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã suy tư về phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng đi theo nghe Người giảng dậy, như thánh sử Gioan kể trong chương 6 của Phúc Âm. Ngài nói:

Các hành động do Chúa Giêsu làm song song với các hành động trong Bữa Tiệc Ly: ”Người cấm lấy bánh, và sau khi dâng lời tạ ơn, Người phân phát cho những người ngồi đó” (Ga 6,11). Việc nhấn mạnh trên đề tài ”bánh”, được chia sẻ, và việc tạ ơn trong tiếng hy lạp là ”eucharistesas” (c. 11), gợi lại bí tích Thánh Thể, Hy tế của Chúa Kitô cho ơn cứu độ của thế giới.

Thánh sử nhận xét rằng lễ Vượt Qua tới gần (c.4). Cái nhìn hướng tới Thập Giá, sự hiến dâng hoàn toàn vì tình yêu và hướng tới Thánh Thể, kéo dài luôn mãi sự hiến dâng: Chúa Kitô trở thành bánh sự sống cho con người. Thánh Agostino chú giải như sau: ”Ai là bánh của trời, nếu không phải là Chúa Kitô? Nhưng để con người có thể ăn bánh của các thiên thần, Chúa của các thiên thần đã làm người. Nếu đã không làm như thế, thì chúng ta sẽ không có thân xác Người; mà không có thân xác Người, chúng ta sẽ không được ăn bánh của bàn thờ” (Sermone 130,2). Thánh Thể là cuộc gặp gỡ lớn lao thường xuyên của con người với Thiên Chúa, trong đó Chúa trở thành của ăn cho chúng ta, trao ban chính Người cho chúng ta để biến đổi chúng ta trong Người.

Trong cảnh hóa bánh ra nhiều sự hiện diện của một chú bé được ghi nhận. Trước nỗi khó khăn phải nuôi biết bao nhiêu người, chú bé ấy góp chút lương thực mình có, là năm cái bánh và hai con cá (Ga 6,8). Rồi Đức Thánh cha giải thích phép lạ như sau:

Phép lạ không xảy ra từ nhưng không, mà từ một sự chia sẻ khiêm tốn đầu tiên của điều mà một chú bé đơn sơ đã có bên mình. Chúa Giêsu không xin chúng ta điều chúng ta không có, nhưng Ngài cho chúng ta thấy rằng nếu mỗi người cống hiến cái ít ỏi mình có, thì phép lạ mới luôn có thể xảy ra: Thiên Chúa có khả năng nhân lên nhiều mỗi một cử chỉ yêu thương nhỏ nhặt của chúng ta, và khiến cho chúng ta trở thành những người chia sẻ ơn của Người. Đám đông bị đánh động bởi phép lạ: họ trông thấy nơi Đức Giêsu ông Môshê mới, xứng đáng quyền năng, và họ trông thấy trong bánh manna mới tương lai được bảo đảm, nhưng họ chỉ dừng lại nơi yếu tố vật chất, và Chúa ”biết rằng họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6,15). Chúa Giêsu không phải là một vị vua trần gian thực thi sự thống trị, mà là một vì vua phục vụ, cúi xuống trên con người để không chỉ thỏa mãn cái đói vật chất, mà nhất là phục vụ cái đói sâu xa hơn: cái đói Thiên chúa.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy xin Chúa làm cho chúng ta khám phá ra tầm quan trọng nuôi dưỡng chính mình bằng mình Chúa Kitô, bằng cách trung thành tham dự Thánh Thể với ý thức lớn lao, để luôn ngày càng kết hiếp mật thiết hơn với Người. Thât thế ”không phải thực phẩm thánh thể biến đổi trong chúng ta, mà chính chúng ta là những người đến với thực phẩm thánh thể được đổi thay một cách nhiệm mầu. Chúa Kitô dưỡng nuôi chúng ta bằng cách kết hiệp chúng ta với Người; Người lôi kéo chúng ta vào trong Người” (Tông huấn Sacramentum caritatis, 70). Đồng thời, chúng ta muốn cầu nguyện để đừng có ai thiếu bánh ăn cần thiết cho một cuộc sống xứng đáng, và để cho các bất bình đẳng được dẹp bỏ không phải bằng vũ khí của bạo lực, nhưng bằng sự chia sẻ và tình yêu.

Chúng ta hãy tín thác nơi Đức Trinh Nữ Maria, trong khi khẩn nài sự che chở hiền mẫu của Mẹ trên chúng ta và các người thân của chúng ta.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức thánh Cha Biển Đức XVI đã tha thiết kêu gọi các phe liên hệ ngưng chiến tại Siria. Ngài xin cộng đồng quốc tế giúp tìm ra giải pháp chính trị và tái lập hòa bình và hòa giải cho quốc gia này. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, tôi tiếp tục âu lo theo dõi các giai đoạn bạo lực thê thảm gia tăng tại Siria, với hàng loạt người chết và bị thương, cả giữa các thường dân, và một số rất đông người di tản trong nội địa và người di cư sang các nước láng giềng. Tôi xin cho họ được bảo đảm sự trợ giúp nhân đạo và xã hội. Tôi xin canh tân sự gần gũi của tôi đối với dân chúbg khổ đau và nhớ tới họ trong lời cầu nguyện. Tôi xin lập lại lời kêu gọi tha thiết chấm dứt mọi bạo lực và đổ máu. Tôi cầu xin Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan đặc biệt cho những người có trọng trách, để đưa ra mọi nỗ lực trong việc tìm kiếm hòa bình, kể cả từ phía cộng đoàn quốc tế, qua sự đối thoại và hòa giải, nhắm tới một giải pháp chính trị thích hợp cho cuộc xung khắc. Tôi cũng nghĩ tới quốc gia Irak thân yêu trong những ngày này đã bị nhiều vụ mưu sát trầm trọng, khiến cho nhiều người chết và bị thương. Ước chi quốc gia lớn lao này tìm lại được con đường ổn định, hòa giải và hòa bình.

Đức Thánh Cha cũng nhắc tới Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 28 tại Rio de Janeiro bên Brasil vào năm tới. Đây là một dịp qúy báu giúp biết bao nhiêu người trẻ sống kinh nghiệm niềm vui và vẻ đẹp thuộc về Giáo Hội và sống đức tin. Đức Thánh Cha nhìn về biến cố này với niềm hy vọng. Ngài khích lệ và cám ơn ban tổ chức, đặc biết là tổng giáo phận Rio de Janeiro, mau mắn dấn thân chuẩn bị tiếp đón các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới tham dự biến cố quan trọng này của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha cũng bầy tỏ sự gần gũi của ngài với các công nhân xưởng chế thép Ilva tại tỉnh Taranto nam Italia và gia đình họ, đang phải sống thời gian khó khăn, vì nguy cơ mất công ăn việc làm. Ngài khích lệ tất cả mọi người có ý thức trách nhiệm, và cỗ võ các cơ cáu quốc gia vá địa phương cố gắng làm mọi sự có thể để đạt tới một giải pháp công bằng, bảo vệ quyền sức khỏe cũng như công ăn việc làm cho công nhân, đặc biệt trong thời gian khủng hoảng kinh tế này. Khi nghe tin xưởng chế thép phải đóng cửa, các công nhân đã kéo nhau xuống đường biểu tình và chiếm tòa thị sảnh thành phố.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc mọi người mùa hè vui vẻ khỏe mạnh.

Linh Tiến Khải

HÃY CHO NHAU SỰ SỐNG

HÃY CHO NHAU SỰ SỐNG
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B (29/07/2012)
[2 V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15]
Đói khắp nơi!

Nơi nào cũng có người đang chết vì đói. Về Việt Nam, vì đi du lịch ở những khu du lịch sang trọng, nghỉ ở khách sạn 3 sao, 5 sao, 5, 7 tầng cao ngất, ăn ở nhà hàng đắt tiền đủ món ngon vật lạ, tiêu khiển ở những khu giải trí lắm trò lãng phí nên bạn phải thấy cảnh ăn chơi thừa mứa của các quan lại, đại gia, của những tay dốt đặc cán mai học làm sang nhờ những đồng tiền  kiếm được mà không đổi lấy chút mồ hôi nước mắt. Họ ăn quá no, uống quá say, nhưng thực ra, họ đang đói: đói một niềm tin, đói một lý tưởng, đói một ý nghĩa cuộc đời.

Nếu về Việt Nam, bạn chịu khó bước xuống khỏi mấy tầng khách sạn kia, chịu khó len vào con hẻm nhỏ, chịu khó ra phía sau những mặt tiền vĩ đại, chịu khó cúi mình chui qua những góc phố chật chội tanh hôi, chui vào những “ổ chuột sài gòn”… hoặc xa hơn một tí, bạn hãy ra khỏi Sàigòn, ra khỏi các thành phố, để về những hóc núi tối tăm xa xôi, bạn sẽ thấy còn biết bao người đang đói từng bữa cơm trắng, đói từng con cá tươi, đói cả gói mì tôm chưa đầy năm ngàn đồng, đói cái quần tấm áo, đói một viên thuốc, đói vệ sinh, đói những nhu cầu căn bản nhất của con người.

Còn có cả những cái đói trí thức, đói công lý, đói tinh thần, đói tình thương đang hiện diện khắp nơi. Càng lúc càng có nhiều người trẻ đói tình thương của cha của mẹ. Giới trẻ đang đói một quan tâm đúng mức về tình trạng nguội đức tin và buông thả đời sống luân lý. Các gia đình đang đói một chuẩn mực đơn hôn, vĩnh hôn, hạnh phúc, đói một chuẩn mực của giáo hội thu nhỏ. Giáo dân đang đói những gương lành hy sinh cho chính đạo, đói gương sáng đạo đức, đói thông tin quan trọng về hiện tình giáo hội trong nước.

Những người đau khổ vì tội lỗi công khai đang đói một ánh mắt chạnh lòng thương cảm. Những người bị áp bức đang đói tiếng trống kêu oan, người tù tội đang đói mối thương người “thăm viếng kẻ tù rạc”. Con Cuông đang đói một lời cầu nguyện, chia sẻ, động viên, và bênh vực cho những người bảo vệ đức tin, công lý, tự do trước thế lực gian tà xem thường Thiên Chúa và chống lại Thiên Chúa.

… Đói khắp nơi!
 
Chúa không để chúng ta đói

Là ông chủ tốt bụng, là người Cha nhân lành, Thiên Chúa không muốn con người chúng ta chết vì đói, cũng không để chúng ta chết đói. Ngài ban cho chúng ta trí khôn để biết kiếm cái ăn, và ban cho trái tim để biết chia sẻ cái ăn cho người khác. Chỉ tiếc là, chúng ta biết tận dụng khả năng của trí khôn để kiếm ra cái ăn cho mình nhưng không có trái tim chạnh lòng thương người chia sẻ cái ăn cho người nên mới xảy ra là, “kẻ ăn không hết, người làm không ra”. Người nghèo đói cái ăn, người giàu đói lòng nhân ái. Cả hai đều đói.

Tin Mừng hôm nay giới thiệu một Đức Giêsu có lòng nhân ái trước cái đói phần xác của con người và giới thiệu một người có lòng nhân ái giống Chúa Giêsu, không ai khác, đó là một em bé, có năm chiếc bánh be bé và hai con cá nho nhỏ.

Vâng Tin Mừng thuật lại rằng: Chúa Giêsu để ý đến đoàn người theo Ngài đang đói, và Ngài muốn kiếm cho họ cái ăn. : "Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?" . Chúa Giêsu không hỏi phải tốn bao nhiêu tiền lo cho người ta ăn nhưng Ngài hỏi “mua ở đâu”. Vậy mà, Philipphê muốn tránh né chuyện lo ăn cho người ta bằng cách trả lời:"Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút". Còn ông Anre, đã không đi mua, lại còn tính toán chi li đến chuyện đòi chia phần nhỏ của em bé cho ngàn người ăn trong khi chưa biết em bé có bằng lòng không.

Chuyện kỳ diệu đã xảy ra là em bé bằng lòng trao 5 chiếc bánh và hai con cá cho các ông. Năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ, là khẩu phần vừa đủ cho một em bé. Em đã sẵn sàng cho đi phần nuôi sống mình. Nếu 5 chiếc bánh và hai con cá ấy của một người lớn, người có đầy kinh nghiệm về cuộc sinh tồn, chắc gì, người ấy đã sẻ chia? Em bé nầy giống Chúa Giêsu vì có lòng nhân ái, sẵn sàng cho đi chính sự sống của mình. Và phép lạ của lòng nhân ái đã xảy ra. Mọi người ăn no.
 
Chúa muốn chúng ta nuôi nhau

Chúa muốn chúng ta nuôi sống nhau bằng lòng nhân ái, bằng trái tim biết chạnh lòng thương. Nhưng lòng nhân ái, và trái tim chạnh thương chỉ có nơi những tâm hồn bé nhỏ, biết tín thác hoàn toàn vào Chúa. Giá trị của việc cho đi ở chỗ cho đi chính nhu cầu của mình. Những đồng tiền bác ái không phải là những đồng tiền dư thừa, nhưng chính là đồng tiền nuôi sống gia đình. Chia sẻ chính đồng tiền nuôi sống mình, chứ không phải chia sẻ đồng tiền dư thừa, cất để.

Năm chiếc bánh be bé của em bé, hai con cá nho nhỏ của em nhỏ làm tôi liên tưởng đến miếng cơm manh áo của chúng ta trong những ngày cùng cực sau 1975. Người có tiền xếp hàng mua từng mét vải, từng cân gạo, từng ký cá. Có người không tiền đứng ngoài hàng ngó người trong hàng mà đứt từng đoạn ruột khi nghĩ đến đám nhỏ nhà mình sẽ không có gì để ăn để sống trong những ngày sắp tới. Chờ người trong hàng bước ra với đôi cân gạo mới dám tỏ bày: “Chị cho em mượn một lon gạo. Một lon thôi, thằng út thèm cháo mấy hôm rồi”. Chị kia lấy tay vóc mấy vóc gạo thiu hẫm: “Chị cầm đỡ đi, nhà tôi chín người, cũng đang đói”.

Thương ơi những ngày gian khổ ấy, và cũng chính từ những gian khổ ấy, mới rõ ra rằng “việc nhỏ” của “tấm lòng lớn” là việc của Hy Tế.

Có vài “nhóm bác ái Công giáo” ở Sài Gòn không thường đi du lịch, nhưng lại rất thường có những chuyến đi thăm các họ đạo xa xôi ở miền Tây sông nước, ở miền Trung cao nguyên hay mạn ngược miền sơn cước phía bắc. Tôi nể phục họ vì họ đến để “xem nơi người ở và ở lại với người”, ăn uống với người, sinh hoạt với người, hiểu người, yêu mến người và cuối cùng là tìm đủ mọi cách để chia sẻ cho người những điều kiện sống tương đối hơn.

Có lần họ đến thăm một vài Giáo Xứ gần nơi tôi sống, rồi về kể cho nhau nghe: Về thăm xóm rẫy của anh H, và dự thánh lễ tại nhà thờ một giáo họ, mình để ý có mấy người đi lễ mang những chiếc áo dài không sang trọng lắm, nhưng đủ đàng hoàng xinh đẹp mà chính tay mình đã xin về, giặt ủi, xếp vào bao và giao cho anh H. Ôi, mình thật hạnh phúc, thật sung sướng vì đã góp một chút công vào phép lạ của tình thương Thiên Chúa.
 
Quả thực, nếu có những sẻ chia phát xuất từ trái tim nhân ái, chắc hẳn sẽ không còn quá nhiều cảnh khổ đau, chết chóc vì đói.

Lời Chúa hôm nay đang mời gọi chúng ta biết tín thác vào Chúa, và biết sẻ chia sự sống cho nhau. Sự sống ấy, không chỉ là cái ăn, cái mặc mà còn là tình thương, lòng thông cảm, mà còn là gióng lên tiếng trống kêu oan, rập ràng tiếng kinh nguyện cầu cho công lý, ý hợp tâm đầu bảo vệ Đức Tin công giáo, tiếp sức cho người chiến đấu cho công lý, cho tự do…

Hình ảnh em bé với “ năm tấm bánh bé hai con cá nhỏ” có thể làm động lòng chúng ta. Thiết tưởng, bao lâu chúng ta còn muốn làm người lớn với bao toan tính, tránh né, an vị yên thân, thì bấy lâu vẫn còn khó lòng mà biết sẻ chia cho đời tấm bánh hay con cá vốn đã dư thừa, cất để.

Nguyện xin Chúa cho chúng con lòng đơn sơ khiêm nhượng tín thác như bé thơ để dám tin rằng ai đành mất sự sống mình thì được sống muôn đời. A men. 
 
Nha Trang 26-07-2012
PM. Cao Huy Hoàng

 

CHUYỆN THỰC TẾ

CHUYỆN THỰC TẾ

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B (29/07/2012)
[2 V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15]

Trong kinh “Thương Người Có 14 Mối”, mối thứ  nhất của phần “Thương Xác 7 Mối” là “cho kẻ đói ăn”. Giáo hội rất thực tế vì  không thể nói suông, và vì Giáo hội theo đúng cách của Đức Kitô. Tuy nhiên, có lẽ người Công giáo chúng ta vẫn chỉ yêu người bằng lý thuyết, qua sách báo, qua những bài “thuyết pháp” hùng hồn, thậm chí là yêu người “online” mà thôi. Chúa Giêsu chưa một lần nói suông. Nghiêm túc xét mình, liệu chúng ta đã theo Chúa đúng Ý Ngài? Chắc hẳn chúng ta phải đấm ngực nhiều lần lắm! Vì thế, danh nhân Mahātmā Gāndhī (1869-1948, được dân Ấn Độ coi là Quốc phụ) nói thẳng: “Tôi sẵn sàng làm người Kitô hữu nếu tôi tìm được những Kitô hữu thực thi Bài Giảng Trên Núi” – tức là Bát Phúc, là Tám Mối Phúc Thật. Chắc chắn chúng ta phải “giật mình” mà xét lại cách sống của chính mình vậy!

Chúa Giêsu thực tế  bằng cách hóa bánh ra nhiều hai lần: Lần một với  5 cái bánh và 2 con cá mà đủ cho khoảng 5.000 người ăn, chưa kể phụ nữ và trẻ em, lại còn dư 12 giỏ đầy (Mt 14:17-21; Mc 6:30-44; Lc 9:10-17; Ga 6:1-14), lần hai với 7 cái bánh và một ít cá nhỏ mà đủ cho khoảng 4.000 người ăn, chưa kể phụ nữ và trẻ em (Mt 15:34-38; Mc 8:1-10). Quả thật, Chúa Giêsu vô cùng thực tế. Và Ngài muốn chúng ta làm như vậy, nghĩa là phải biến lời nói thành hành động cụ thể.

Ăn là điều cần thiết nhất để duy trì sự sống. Ăn còn là cái thú đầu tiên trong tứ khoái của con người, và ăn cũng là  điều người ta phải học đầu tiên: Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Một người trong nhóm  các ngôn sứ ra đồng hái rau, tìm thấy một thứ cây giống như nho dại, họ hái trái dưa đắng ấy, đầy một vạt áo, rồi về nhà, thái nhỏ ra, bỏ vào nồi nấu cháo, vì họ không biết đó là thứ gì. Sau đó, họ múc ra cho mọi người ăn. Vừa ăn chút cháo, họ kêu lên: “Người của Thiên Chúa ơi, thần chết ở trong nồi!” (2 V 4:40), nghĩa là nồi cháo đó có độc tố vì được nấu bằng những loại trái độc. Và họ không thể ăn được. Nhưng ông Ê-li-sa bảo: “Đem bột đến đây!”. Ông bỏ bột vào và bảo: “Múc ra cho người ta ăn”. Lạ thay, trong nồi liền hết chất độc. Không biết ông Ê-li-sa có nghiên cứu y dược hay không mà kết hợp thực phẩm tài tình quá!

Rồi có một người từ Ba-an Sa-li-sa đến, đem bánh đầu mùa biếu người của Chúa, đó là 20 chiếc bánh lúa mạch và cốm đựng trong bị. Ông Ê-li-sa không giữ riêng cho mình và những người trong nhóm, mà ông nói: “Phát cho người ta ăn” (2 V 4:42). Nhưng tiểu đồng hỏi ông: “Có bằng này, sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được?” (2 V 4:43a). Ông cương quyết: “Cứ phát cho người ta ăn! Vì Đức Chúa phán thế này: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư” (2 V 4:43b). Quả đúng như vậy, phép lạ đã xảy ra nhãn tiền. Sau khi tiểu đồng phát cho người ta ăn xong, vẫn còn dư như lời Chúa phán.

Thiên Chúa là Đấng toàn năng, biến không thành có, điều gì với loài người là “không thể” thì với Ngài là  “có thể”. Vì vậy, “muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài, nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng” (Tv 145:10-11a). Ai tin tưởng và ngước mắt trông lên Chúa, Ngài đều chạnh lòng thương và “chính Ngài đúng bữa cho ăn” (Tv 145:11b). Thật vậy, “khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê” (Tv 145:16). Không chỉ vậy, Ngài còn “công minh trong mọi đường lối, đầy yêu thương trong mọi việc Ngài làm, gần gũi tất cả những ai thành tâm cầu khẩn Ngài” (Tv 145:17-18).

Ôi, tình yêu Thiên Chúa quá bao la, lòng thương xót của Ngài quá hải hà, vì Ngài luôn “chạnh lòng thương” những con người sầu khổ, thiếu thốn về vật chất hoặc tinh thần!

Dù đang bị tù vì Chúa, Thánh Phaolô vẫn phải bày tỏ: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em” (Ep 4:1). Theo Thánh Phaolô, cách “sống xứng đáng” đó là: Ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau; thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau (Ep 4:2-3). Tại sao? Thánh Phaolô giải thích: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4:4-6). Tất cả đều là MỘT trong Thiên Chúa thì không có lý do gì mà tách rời. Có ai lại tự cắt lìa một phần thân thể của mình chứ? Mà đã là MỘT thì phải yêu thương, quan tâm, nâng niu và chia sẻ mọi thứ với nhau.

Thánh sử Gioan kể  tỉ mỉ: Hôm đó, Đức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Tibêria, có đông đảo dân chúng đi theo Ngài, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Ngài đã làm cho các bệnh nhân. Ngài lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái. Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Ngài hỏi ông Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6:5). Thực ra Ngài nói thế là để thử ông, chứ Ngài biết mình sắp làm gì.

Ông Philípphê vừa gãi đầu vừa đáp: “Thầy ơi là Thầy, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” (Ga 6:7). Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, thưa với Ngài: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (Ga 6:9). Đức Giêsu ôn tồn: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi” (Ga 6:10). Người ta ngồi xuống trên cỏ, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Có lẽ lúc đó các tông đồ lắc đầu ngán ngẩm vì đông quá, có sẵn đủ thực phẩm mà phục vụ họ cũng mệt đừ người. Mỗi ông phải phục vụ khoảng 500 thực khách cơ mà!

Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Ngài cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý chứ không “chia khẩu phần”. Khi họ đã no nê rồi, Ngài bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi” (Ga 6:12). Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Hơn cả tuyệt vời!

Dân chúng thấy dấu lạ  Đức Giêsu làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” (Ga 6:14). Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Ngài lại lánh mặt, đi lên núi một mình. Ngài “thực tế” với người khác nhưng lại không “thực tế” với chính mình. Ngài không muốn được “tôn làm vua” mà lại “lánh mặt” và “đi lên núi”, đáng lưu ý là Ngài đi lên núi một mình mà thôi!

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết sống “thực tế” như Đức Giêsu Kitô là biết “chạnh lòng thương” tha nhân, dù họ là ai, đồng thời cũng biết cầm lấy “chiếc bánh cuộc đời” của chúng con, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và chia sẻ với mọi người. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

Trầm Thiên Thu

CÁC GIÁM MỤC IRELAND, SCOTLAND, ANH QUỐC VÀ VÙNG WALES KÊU GỌI TÍN HỮU CÓ KIỂU SỐNG QUÂN BÌNH

CÁC GIÁM MỤC IRELAND, SCOTLAND, ANH QUỐC VÀ VÙNG WALES KÊU GỌI TÍN HỮU CÓ KIỂU SỐNG QUÂN BÌNH

LUÂN ĐÔN: Nhân dịp khai mở Thế Vận Hội chiều 27 tháng 7-2012, Đức Cha Vincent Nichols Tổng Giám Mục Westminster, đã ra thông cáo chào mừng các lực sĩ điền kinh cũng như du khách toàn thế giới. Ngài cầu mong Thế Vận Hội là thời gian nối kết và canh tân tình thân hữu, cần thiết cho hòa bình và sự hiểu biết nhau sâu xa trong cộng đoàn nhân loại.

Đức Cha khẳng định rằng phân tích cho cùng mọi người đều là một lữ khách kiếm tìm sự thật, lòng tốt và việc thực hiện tiềm năng của mình. Và khi sống cuộc lữ hảnh đó với lòng chân thật, nó rộng mở cho đối thoại và không loại trừ dấn thân xây dựng tình huynh đệ và hòa bình.

Cũng nhân dịp Thế Vận Hội các Giám Mục Ireland, Scotland, Anh quốc và vùng Wales đã phân phát 400.000 pamphlets, kêu gọi tín hữu có kiểu sống quân bình nhậy cảm đối với phẩm giá cao trọng tuyệt vời của thân xác, và dùng thân xác để chúc tụng Thiên Chúa.

Các Giám Mục đã đưa ra lời kêu gọi trân đây nhân ”Ngày cho sự sống” được cử hành vào ngày Chúa Nhật 29-7-2012 và nhấn mạnh tầm quan trong của sức khỏe vật lý, việc tập thể thao thể dục và săn sóc thân xác. Số tiền quyên được trong ngày này sẽ được dùng để tài trợ cho trung tâm luân lý sinh học Anscombe và các sinh hoạt khác do Giáo Hội bảo trợ.

Đức Cha Peter Smith, Tổng Giám Mục Southwark, chủ tịch phát động Ngày cho sự sống tại Anh quốc và vùng Wales, đã bình luận về ý nghĩa của Thế Vận Hội và tầm quan trọng của kiểu sống lành mạnh. Đức Cha nói: Trong mấy tuần tới này chúng ta sẽ thấy các lực sĩ điền kinh biểu diễn những điều hay đẹp. Thật không thể tin được, khi thấy các giải quán quân bị vượt qua, các mề đai vàng được thắng, và sau bao nhiêu năm tập luyện, hy sinh cá nhân, và kỷ luật hằng ngày, thân xác con người có thể làm được những gì mà loài người nghĩ là không thể làm được. Năm nay Ngày cho sự sống mời gọi chúng ta chú ý tới tầm quan trọng của việc săn sóc sức khỏe của thân xác trong mọi giai đoạn và hoàn cảnh, sử dụng thân xác để làm vinh danh Thiên Chúa… Các cuộc tranh tài Thế Vận Hội làm chứng cho thấy để đạt các kết qủa cần phải có sự hài hòa giữa thân xác, tinh thần và trí tuệ qua sự rèn luyện và qua kỷ luật.

Vẫn liên quan tới Thế Vận Hội. Tín hữu công giáo Anh quốc đã làm một Cây Thánh Giá Thế Vận Hội, giúp biểu tượng cho các bộ môn thi đấu và sẽ được chuyền cho các Thế Vận Hội tiếp theo. Ông James Parker, người phối hợp Thế Vận Hội 2012 nói: Như là tín hữu kitô, cuộc sống của chúng ta không có ý nghĩa gì, nếu không có Thánh Giá; và đây xem ra là đối tượng xứng hợp nhất đối với sự dấn thân của chúng tôi, và như là món qùa tương lai cho các người khác.

Thánh Giá được đặt tại trung tâm Joshua gần làng Thế Vấn Hội, là nơi Giáo Hội tổ chức các thánh lễ, các buổi cầu nguyện, sinh hoạt và hội họp cho các lực sĩ điền kinh. Nó tựa như Thánh Giá của Ngày quốc tế giới trẻ. Người vẽ kiệu và làm cây Thánh Giá Thế Vận Hội là ông Jon Cornwall, thuộc trung tâm cấm phòng Walshingham tại Essex. Ông cho biết đã dùng 12 loại gỗ khác nhau trên thế giới để tượng trưng cho 12 Tông Đồ. Đế cắm Thánh Giá bằng gỗ gồm ba tầng, biểu tượng cho ba nhân đức đối thần tin, cậy, mến.

Ông tin rằng các lực sĩ điền kinh cũng như những du khách từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự các cuộc tranh tài Thế Vận Hội sẽ đến thờ lạy Thánh Giá, và khi làm như thế họ sẽ yêu mến Chúa Kitô hơn. Còn ông Parker thì nói Trung tâm Joshua có thể là mô thức cho thấy có thể phối hợp thể thao thể dục với tinh thần tu đức trong các biến cố thể thao tương lai. Sáng kiến này đáp lại lời Đức Thánh Cha Biển Đức XVI kêu mời tìm ra các cách thức lôi kéo tâm trí con người đến với Chúa Kitô (ZENIT 23-7-2012; CNS 26-7-2012)

Linh Tiến Khải

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO Từ 07-23 đến 07-29-2012

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Từ 07-23 đến 07-29-2012      

Trích từ Xuân Bích VN

 

Đừng đụng tới Thánh Giá.

Bộ trưởng ngoại giao Ý : chấm dứt ngay bạo lực bài Kitô giáo phải là ưu tiên quốc tế.

Nhà thần học nhìn thấy cách giảng dạy không hợp lý trong một số giáo viên giáo dục tôn giáo Công Giáo.

Đại học Pêru không còn là [ĐH] Công giáo và thuộc Giáo hoàng nữa.

Biểu trưng (Logo) chính thức chuyến tông du Liban của Đức Biển-Đức XVI.

Hơn 10.000 thanh niên tụ họp để tỏ rõ sự dấn thân truyền giáo.

Nhóm họp quốc tế lần thứ 11 “Các Nhóm Đức Bà”  tại Brasilia.

-Bổ nhiệm mới.

Lãnh đạo LCWR bị chỉ trích nặng nề về lẫn tránh trả lời trong cuộc phỏng vấn.

SSPX phải chấp nhận Công Đồng Vatican II.

Quỹ “Populorum Progressio” : 103 dự án được xem xét.

Vatican đang cân nhắc việc rút khỏi [khu vực] đồng Euro.

-Báo cáo ủng hộ đòi hỏi Uỷ quyền đối với các giáo sư thần học Công giáo.

Bảo tàng Vatican.

Chính quyền phạt các linh mục Hắc Long Giang.

Tân Tổng trưởng nói những đấu đá trong Giáo Hội phải chấm dứt ngay.

Không có “trung điểm” có thể với LCWR về các vấn đề chủ chốt.

Ba tôn giáo [bắt nguồn từ] Abraham bênh vực việc tạo dựng.

Đức Bà tiên báo nhiều điều trong các tai ương của Giáo Hội vào thập niên 1600s.

  (Xem thêm chi tiết . . .    TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO 07-23 đến 07-29- 2012 )

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC CHARLES CHAPUT MỜI GỌI TÍN HỮU MỸ DẤN THÂN BIỂU LỘ ĐỨC TIN TRONG CUỘC SỐNG CÔNG CỘNG

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC CHARLES CHAPUT MỜI GỌI TÍN HỮU MỸ DẤN THÂN BIỂU LỘ ĐỨC TIN TRONG CUỘC SỐNG CÔNG CỘNG

NAPA: Đức Cha Charles Chaput, Tổng Giám Mục Philadelphia, kêu gọi tín hữu công giáo Mỹ dấn thân biểu lộ niềm tin trong cuộc sống công cộng, vì Hoa Kỳ hiện nay là vùng đất truyền giáo.

Đức Tổng Giám Mục Chaput đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong đại hội của giới lãnh đạo công giáo, tổ chức tại Học viện Napa California ngày 26 tháng 7-2012. Đại hội tại Napa kéo dài cho tới Chúa Nhật 29 tháng 7-2012 nhằm mục đích giúp hàng lãnh đạo công giáo hiểu biết đức tin để sống và bảo vệ nó trong thế giới tục hóa Mỹ hiện nay.

Đức Cha Chaput đã khích lệ mọi người tái khám phá ra căn tính công giáo và lịch sử của mình, để tái lập sự hiểu biết về tự do tại Hoa Kỳ. Các thế hệ cha ông lập nước đã lấy đức tin Kitô làm điểm tham chiếu, và đón nhận sự cộng tác giữa chính quyền và các nhóm tôn giáo trong việc thăng tiến công ích xã hội. Và các vị đã hiểu tự do tôn giáo bao gồm quyền của các tín hữu, giới lãnh đạo và cộng đoàn dấn thân trong xã hội và làm việc trong các lãnh vực công cộng. Họ đã hiểu rằng tôn giáo không phải chỉ là niềm tin riêng tư hay việc phụng tự, mà là sống đời môn đệ tích cực, bao gồm việc rao giảng, dậy dỗ công khai làm chứng và phục vụ tha nhân.

Thế nhưng ngày nay khuynh hướng tục hóa và đánh mất nền tảng luân lý cho thấy Hoa Kỳ đang trở thành một quốc gia khác với quốc gia do các thế hệ cha ông đã thành lập. Ngày nay sự khinh bỉ niềm tin tôn giáo gia tăng và chính quyền gây áp lực trên các tổ chức tôn giáo, không phải chỉ trong việc quảng bá ngừa thai mà cả việc tấn kích quyền tự do lương tâm, bằng cách đánh thuế các dịch vụ và hoạt động bác ái, các nhân viên y tế và tư nhân.

Tuy nhiên, vẫn còn có cơ may thay đổi nền văn hóa. Thay đổi không phải chỉ bằng hành động, mà bằng điều chúng ta thực sự tin, bởi vì điều chúng ta tin nhào nắn kiểu người của chúng ta. Nền văn hóa lớn lên từ tinh thần của người dân, sống làm sao, yêu thích những gì và muốn chết cho cái gì. Việc thay đổi nền văn hóa sẽ đòi hỏi phải thay đổi suy tư và hiểu rằng không có sự hài hòa tự động giữa niềm tin kitô và nền dân chủ Mỹ. Dân chủ không phải là mục đích trong chính nó. Ý kiến của đa số không xác định cái gì là tốt và thật. Đúng hơn, cần có các nhà chính trị đâm rễ sâu trong nền đạo đức. Tín hữu công giáo phải đứng lên tranh đấu cho những gì mình tin, bằng cách hiểu rằng sự dấn thân chính trị là cấp thiết và sẽ nắm giữ một vai trò ý nghĩa trong việc hình thành tương lai đất nước. Các nền dân chủ sống còn, tùy thuộc nơi người dân xác tín chiến đấu cho điều họ tin trong quảng trường công cộng. Sự cộng tác cần có cho nền dân chủ không thể là cớ cho việc giàn xếp với sự dữ, hay để cho sự tự do rao giảng và phục vụ Thiên Chúa bị cắt chặt đi. Ngoài ra, cũng cần phải canh tân nội tâm nữa, để cho Thiên Chúa và sự thinh lặng đi vào trong cuộc sống chúng ta.

Sau cùng Đức Cha Chaput mời gọi tín hữu công giáo Mỹ thăng tiến nền văn hóa tự do tôn giáo bằng cách không ngần ngại công khai sống đức tin. (CNA 27-7-2012)

Linh Tiến Khải
 

 

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC ẤN ĐỘ KÊU GỌI TÁI LẬP HÒA BÌNH TRONG VÙNG ASSAM

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC ẤN ĐỘ KÊU GỌI TÁI LẬP HÒA BÌNH TRONG VÙNG ASSAM

NEW DEHLI: Trong thông cáo công bố ngày 26 tháng 7-2012 Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ kêu gọi tái lập hòa bình trong vùng Assam Hạ, và bày tỏ đau buồn sâu xa vì các xung đột giữa các tín hữu kitô và hồi giáo đã khiến cho 40 người thiệt mạng và 170.000 người phải chạy trốn bạo lực.

Trong thông cáo mang chữ ký của Đức Tổng Giám Mục Albert D'Souza, Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Ấn, các Giám Mục chia buồn với gia đình các nạn nhân và bầy tỏ tình liên đới với các người phải di tản để lánh nạn bạo lực. Các vị kêu gọi các cộng đoàn trong các quận Kokrajhar, Chirang, Dhubi và Bongaigaon mau chóng tìm ra các con đường giúp sống trong yêu thương và tình huynh đệ. Giáo Hội công giáo và giáo phận Bongaigaon đang nỗ lực cùng với chính quyền và các tổ chức phi chính phủ khác trợ giúp tái lập hòa bình và bình thường hóa tình hình căng thẳng tại đây.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vatican ngày 26 tháng 7-2012, Đức Cha Thomas Pulloppillil, Giám Mục giáo phận Bongaigaon trong bang Assam, cho biết các đụng độ xảy ra giữa bộ lạc Bodo và cộng đoàn các người di cư hồi giáo. Ban đầu đã chỉ có cảnh lời qua tiếng lại, nhưng sau đó đã biến thành việc đánh đấm nhau khiến cho một số người chết. Ban đầu đã có 4 thanh niên Kitô Bodo bi ám sát, tiếp đến vài người hồi bị giết. Thế là bạo lực lan tràn ra trong toàn vùng khiến cho 40 người chết và 170.000 người phải chạy trốn vào trong các trại tị nạn. Lý do của các xung đột là việc tranh giành đất đai. Người Bodo cai quản các quận lỵ trong vùng xảy ra các vụ bạo động. Trong các năm vừa qua các người di cư hồi giáo tới sinh sống giữa người Bodo. Trong vùng này các nhà của người hồi đã là mục tiêu của các cuộc bạo động, trong khi tại các quận lỵ có ít người Bodo sinh sống, thì họ trở thành các nạn nhân. Họ bị giết và mất hết tài sản đất đai.

Giáo Hội công giáo đã mạnh mẽ kêu gọi hai cộng đoàn tái lập hòa bình và nhận đứng ra làm trung gian để giúp hai bên đối thoại và giảng hòa với nhau (SD RG 26-7-2012)

Linh Tiến Khải