CHUYỆN THỰC TẾ

CHUYỆN THỰC TẾ

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B (29/07/2012)
[2 V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15]

Trong kinh “Thương Người Có 14 Mối”, mối thứ  nhất của phần “Thương Xác 7 Mối” là “cho kẻ đói ăn”. Giáo hội rất thực tế vì  không thể nói suông, và vì Giáo hội theo đúng cách của Đức Kitô. Tuy nhiên, có lẽ người Công giáo chúng ta vẫn chỉ yêu người bằng lý thuyết, qua sách báo, qua những bài “thuyết pháp” hùng hồn, thậm chí là yêu người “online” mà thôi. Chúa Giêsu chưa một lần nói suông. Nghiêm túc xét mình, liệu chúng ta đã theo Chúa đúng Ý Ngài? Chắc hẳn chúng ta phải đấm ngực nhiều lần lắm! Vì thế, danh nhân Mahātmā Gāndhī (1869-1948, được dân Ấn Độ coi là Quốc phụ) nói thẳng: “Tôi sẵn sàng làm người Kitô hữu nếu tôi tìm được những Kitô hữu thực thi Bài Giảng Trên Núi” – tức là Bát Phúc, là Tám Mối Phúc Thật. Chắc chắn chúng ta phải “giật mình” mà xét lại cách sống của chính mình vậy!

Chúa Giêsu thực tế  bằng cách hóa bánh ra nhiều hai lần: Lần một với  5 cái bánh và 2 con cá mà đủ cho khoảng 5.000 người ăn, chưa kể phụ nữ và trẻ em, lại còn dư 12 giỏ đầy (Mt 14:17-21; Mc 6:30-44; Lc 9:10-17; Ga 6:1-14), lần hai với 7 cái bánh và một ít cá nhỏ mà đủ cho khoảng 4.000 người ăn, chưa kể phụ nữ và trẻ em (Mt 15:34-38; Mc 8:1-10). Quả thật, Chúa Giêsu vô cùng thực tế. Và Ngài muốn chúng ta làm như vậy, nghĩa là phải biến lời nói thành hành động cụ thể.

Ăn là điều cần thiết nhất để duy trì sự sống. Ăn còn là cái thú đầu tiên trong tứ khoái của con người, và ăn cũng là  điều người ta phải học đầu tiên: Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Một người trong nhóm  các ngôn sứ ra đồng hái rau, tìm thấy một thứ cây giống như nho dại, họ hái trái dưa đắng ấy, đầy một vạt áo, rồi về nhà, thái nhỏ ra, bỏ vào nồi nấu cháo, vì họ không biết đó là thứ gì. Sau đó, họ múc ra cho mọi người ăn. Vừa ăn chút cháo, họ kêu lên: “Người của Thiên Chúa ơi, thần chết ở trong nồi!” (2 V 4:40), nghĩa là nồi cháo đó có độc tố vì được nấu bằng những loại trái độc. Và họ không thể ăn được. Nhưng ông Ê-li-sa bảo: “Đem bột đến đây!”. Ông bỏ bột vào và bảo: “Múc ra cho người ta ăn”. Lạ thay, trong nồi liền hết chất độc. Không biết ông Ê-li-sa có nghiên cứu y dược hay không mà kết hợp thực phẩm tài tình quá!

Rồi có một người từ Ba-an Sa-li-sa đến, đem bánh đầu mùa biếu người của Chúa, đó là 20 chiếc bánh lúa mạch và cốm đựng trong bị. Ông Ê-li-sa không giữ riêng cho mình và những người trong nhóm, mà ông nói: “Phát cho người ta ăn” (2 V 4:42). Nhưng tiểu đồng hỏi ông: “Có bằng này, sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được?” (2 V 4:43a). Ông cương quyết: “Cứ phát cho người ta ăn! Vì Đức Chúa phán thế này: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư” (2 V 4:43b). Quả đúng như vậy, phép lạ đã xảy ra nhãn tiền. Sau khi tiểu đồng phát cho người ta ăn xong, vẫn còn dư như lời Chúa phán.

Thiên Chúa là Đấng toàn năng, biến không thành có, điều gì với loài người là “không thể” thì với Ngài là  “có thể”. Vì vậy, “muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài, nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng” (Tv 145:10-11a). Ai tin tưởng và ngước mắt trông lên Chúa, Ngài đều chạnh lòng thương và “chính Ngài đúng bữa cho ăn” (Tv 145:11b). Thật vậy, “khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê” (Tv 145:16). Không chỉ vậy, Ngài còn “công minh trong mọi đường lối, đầy yêu thương trong mọi việc Ngài làm, gần gũi tất cả những ai thành tâm cầu khẩn Ngài” (Tv 145:17-18).

Ôi, tình yêu Thiên Chúa quá bao la, lòng thương xót của Ngài quá hải hà, vì Ngài luôn “chạnh lòng thương” những con người sầu khổ, thiếu thốn về vật chất hoặc tinh thần!

Dù đang bị tù vì Chúa, Thánh Phaolô vẫn phải bày tỏ: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em” (Ep 4:1). Theo Thánh Phaolô, cách “sống xứng đáng” đó là: Ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau; thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau (Ep 4:2-3). Tại sao? Thánh Phaolô giải thích: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4:4-6). Tất cả đều là MỘT trong Thiên Chúa thì không có lý do gì mà tách rời. Có ai lại tự cắt lìa một phần thân thể của mình chứ? Mà đã là MỘT thì phải yêu thương, quan tâm, nâng niu và chia sẻ mọi thứ với nhau.

Thánh sử Gioan kể  tỉ mỉ: Hôm đó, Đức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Tibêria, có đông đảo dân chúng đi theo Ngài, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Ngài đã làm cho các bệnh nhân. Ngài lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái. Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Ngài hỏi ông Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6:5). Thực ra Ngài nói thế là để thử ông, chứ Ngài biết mình sắp làm gì.

Ông Philípphê vừa gãi đầu vừa đáp: “Thầy ơi là Thầy, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” (Ga 6:7). Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, thưa với Ngài: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (Ga 6:9). Đức Giêsu ôn tồn: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi” (Ga 6:10). Người ta ngồi xuống trên cỏ, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Có lẽ lúc đó các tông đồ lắc đầu ngán ngẩm vì đông quá, có sẵn đủ thực phẩm mà phục vụ họ cũng mệt đừ người. Mỗi ông phải phục vụ khoảng 500 thực khách cơ mà!

Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Ngài cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý chứ không “chia khẩu phần”. Khi họ đã no nê rồi, Ngài bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi” (Ga 6:12). Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Hơn cả tuyệt vời!

Dân chúng thấy dấu lạ  Đức Giêsu làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” (Ga 6:14). Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Ngài lại lánh mặt, đi lên núi một mình. Ngài “thực tế” với người khác nhưng lại không “thực tế” với chính mình. Ngài không muốn được “tôn làm vua” mà lại “lánh mặt” và “đi lên núi”, đáng lưu ý là Ngài đi lên núi một mình mà thôi!

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết sống “thực tế” như Đức Giêsu Kitô là biết “chạnh lòng thương” tha nhân, dù họ là ai, đồng thời cũng biết cầm lấy “chiếc bánh cuộc đời” của chúng con, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và chia sẻ với mọi người. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

Trầm Thiên Thu

Comments are closed.