Phúc Trình Về Tự Do Tôn Giáo Hoàn Cầu

Phúc Trình Về Tự Do Tôn Giáo Hoàn Cầu

Vũ văn An (07-31-2012)

Hôm 30 tháng 7 vừa qua, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã công bố phúc trình hàng năm về tự do tôn giáo. Bộ Trưởng Hillary Clinton đã đưa ra một mô tả “chừng mực” về tình trạng không khả quan của nhân quyền căn bản này: “Hơn một tỷ người hiện đang sống dưới quyền của các chính phủ đàn áp tự do tôn giáo một cách có hệ thống. Các kỹ thuật tân tiến vốn đem lại cho các chính phủ áp chế này thêm nhiều khí cụ để khống chế các phát biểu về tôn giáo. Tín hữu các cộng đoàn tôn giáo từng chịu áp lực nặng nề tường trình rằng các áp lực này đang nặng nề thêm. Ngay các nước đang có những tiến bộ về tự do chính trị cũng đã khựng lại khi đụng tới tự do tôn giáo”.

Bà nói thêm: “khi đụng tới nhân quyền này, vốn là nét chủ yếu của các xã hội ổn định, an ninh và hoà bình, thế giới hình như đang đi thụt lùi”. Nhưng phúc trình cũng cho thấy lý do để hy vọng trong tương lai liên quan tới việc phát triển tự do tôn giáo, kể cả trong một số nơi khá bất ngờ như Miến Điện và Ai Cập. “Một số quốc gia có nhiều cộng đồng tôn giáo khác nhau hiện đang trong diễn trình tiến tới dân chủ. Họ đang suy nghĩ gay go về các vấn đề có nên bảo vệ tự do tôn giáo cho các công dân của mình hay không và nếu có thì bằng cách nào. Diễn trình này đang xẩy ra khắp nơi từ Tunisia tới Miến Điện và nhiều quốc gia khác”.

Bộ Trưởng Clinton cho biết: trong cuộc viếng thăm Ai Cập gần đây, bà đã đích thân có được một “cuộc đối thoại rất xúc động” với các Kitô hữu từng lo lắng về viễn ảnh tương lai. Theo bà, “các quyết định của Ai Cập và của các quốc gia khác sẽ tác động rất lớn đối với cuộc sống của dân chúng họ và sẽ giúp ta rất nhiều trong việc xác định liệu các quốc gia này có khả năng thực hiện được nền dân chủ chân chính hay không”.

Bà Clinton cũng nói rằng: “Bản thân tôi rất tin tưởng điều đó, vì tôi đã được tận mắt thấy tự do tôn giáo đang là yếu tố chủ yếu của nhân phẩm và của xã hội ổn định và thịnh đạt ra sao. Về phương diện thống kê, nó vốn được liên kết với phát triển kinh tế và ổn định dân chủ. Nó cũng đang tạo ra một bầu khí trong đó người thuộc nhiều tôn giáo khác nhau có thể vượt qua ngờ vực và cùng nhau cộng tác để giải quyết các vấn đề chung của họ”.

Theo bản phúc trình, chính phủ lâm thời của Ai Cập đã bắt đầu đưa ra các biện pháp nhằm đạt được sự bao gồm lớn hơn về tôn giáo, thông qua đạo luật chống kỳ thị, bắt giam và xử án những người bị tố cáo xúi giục nổi loạn phe phái và cho phép hàng chục nhà thờ từng bị đóng cửa trước đây được mở cửa lại. Phúc trình viết thêm: “Tuy thế, trong năm nay, các căng thẳng và bạo động phe nhóm có gia tăng, cùng với sự gia tăng nói chung về bạo động và tội phạm”.

Phúc trình cũng cung cấp nhiều tài liệu cho thấy sự thất bại của chính phủ Ai Cập trong việc dẹp những vụ bạo động càng ngày càng gia tăng chống lại các Kitô hữu Coptic và việc họ can dự vào các cuộc tấn công bạo lực, trong đó, có cuộc tấn công của lực lượng an ninh Ai Cập vào ngày 9 tháng 10 năm 2011, chống lại người biểu tình trước đài truyền thanh và truyền hình ở Cairo, khiến 25 người chết và 350 người bị thương, mà “phần lớn là người Kitô hữu Coptic”. Bản phúc trình ghi nhận rằng cho đến nay, không một viên chức chính phủ nào bị qui trách nhiệm đối với những thô bạo ấy, và “có những dấu chỉ cho thấy sẽ có những cuộc di cư gia tăng của người Coptic vào đầu năm 2012”

Theo bản phúc trình, tại Miến Điện, chính phủ đang tiến hành nhiều bước nhằm vượt qua “di sản đàn áp tôn giáo đã có từ lâu đời”. Họ đã nới rộng nhiều hạn chế đối với việc xây dựng các thánh đường và “nói chung đã cho phép các tín hữu các tôn giáo đăng ký với chính phủ để thờ phượng theo ý muốn”.

Trung Quốc lại một lần nữa bị liệt kê vào danh sách các nước “được đặc biệt quan tâm”. Theo bản phúc trình, Trung Quốc đang trải nghiệm một đà thoái hóa đáng kể về tự do tôn giáo trong năm 2011, trong đó, nhiều đàn áp tôn giáo đã xẩy ra tại “Vùng Tự Trị Tây Tạng” và nhiều hạn chế sâu xa hơn đối với việc thực hành tôn giáo qua các cơ quan tôn giáo”yêu nước” chính thức của nhà nước. Theo bản phúc trình, “sự can thiệp của nhà nước vào việc thực hành các truyền thống tôn giáo của Phật Giáo Tây Tạng đã tạo nên nhiều bất bình sâu xa và góp phần vào hàng loạt các vụ tự thiêu của người Tây Tạng”.

Chính phủ Trung Quốc vào ngày hôm nay, qua thông tấn xã Xinhua, đã đáp ứng bản phúc trình này một cách gay gắt, gọi việc công bố nó hàng năm là “một thực hành xú danh việc trắng trợn can thiệp vào nội bộ các nước khác… nhân danh tôn giáo”. Bắc Kinh bác bỏ bản phúc trình này, coi nó “không là gì cả mà chỉ là khí cụ chính trị được chính phủ Hoa Kỳ sử dụng để gây áp lực” đối với các địch thủ của mình và cho rằng bản phúc trình này không thể tưởng tượng được, vô ích và “đầy thiên kiến, ngang ngược và ngu dốt”.

Bản phúc trình cũng cho thấy sự đàn áp liên tục người Hồi Giáo tại Trung Hoa cũng như những va chạm liên tiếp với người Công Giáo trung thành với Tòa Thánh Vatican. Nhưng nó cũng cho thấy một số phát triển tích cực trong năm 2011, trong đó có việc bổ nhiệm 3 vị giám mục được Vatican thừa nhận. Bản phúc trình cho biết: chính quyền tỉnh Sichuan đã khuyến khích Giáo Hội Công Giáo giúp đỡ bằng cách cung cấp các dịch vụ xã hội, “nhất là tại các khu vực chịu nhiều thiệt hại do cuộc động đất năm 2008”. Nguồn tin của Giáo Hội Sichuan cũng cho biết đang phát triển được nhiều liên hệ gần gũi hơn với các cộng đồng tại Hồng Kông, Đài Loan, Mỹ, Nam Hàn và đã có thể sử dụng các đóng góp từ các nước này để tài trợ các dự án phát triển tại địa phương, “trong đó có việc xây dựng thánh đường”. Bản phúc trình cũng viết rằng dù các đảng viên của Đảng Cộng Sản Trung Quốc bị buộc phải vô thần và “nói chung được khuyên không nên tham gia các hoạt động tôn giáo”, nhưng tại Tỉnh Quảng Đông, sự tham dự của họ vào các buổi lễ của Giáo Hội càng ngày càng gia tăng, “vì nhà cầm quyền tỏ ra làm ngơ đối với sự tham dự này”.

Các nước khác trong danh sách “các nước bị quan tâm đặc biệt” vì vi phạm nặng nề vào tự do tôn giáo, ngoài 3 quốc gia Á Châu khác là Miến Điện, Bắc Hàn và Uzbekistan ra, còn có Eritrea, Iran, Saudi Arabia và Sudan. Các quốc gia khác nổi tiếng về tranh chấp tôn giáo là Pakistan và Nigeria, nhưng các nước Âu Châu cũng được phúc trình lưu ý.

Theo phúc trình, các thay đổi nhanh chóng về dân số học tại Âu Châu đang kèm theo “một tâm trạng kỳ thị, bài Do Thái, bài Hồi Giáo, và bất khoan dung đối với những người bị coi là ‘khác’”. Phúc trình cung cấp nhiều tài liệu cho thấy đang có nhiều nước hơn tại Âu Châu, trong đó có Bỉ và Pháp, thông qua các đạo luật hạn chế về trang phục, bất lợi cho người Hồi Giáo và các người khác. Quốc hội Hung Gia Lợi cũng đã thông qua đạo luật liên quan tới việc đăng ký các tổ chức tôn giáo và đòi các tổ chức này nếu muốn được thừa nhận phải được quốc hội bỏ phiếu tán thành. Đạo luật này có hiệu lực bắt đầu từ 1 tây tháng Giêng năm 2012, thực tế đã thu nhỏ con số các nhóm tôn giáo được thừa nhận từ 300 xuống còn 32.

Riêng về Việt Nam, trong phần “Executive Summary”, phúc trình nhắc tới các hạn chế tự do tôn giáo dưới nhiều hình thức. Riêng Kitô hữu đặc biệt bị chính quyền lưu ý. Họ đang giam giữ nhiều tù nhân tôn giáo trong đó có các nhà truyền giảng Ksor Y Du and Kpa Y Ko (Thệ Phản). Hàng trăm “giáo hội” tiếp tục chờ được đăng ký với chính quyền địa phương vùng Tây Bắc Cao Nguyên, và chính phủ hiện ngăn cấm việc in ấn Thánh Kinh bằng tiếng H’mong hiện đại, bất chấp lời yêu cầu nài nỉ. Nhà cầm quyền cũng xách nhiễu nhiều nhóm và cá nhân tôn giáo. Tháng 3, nhà cầm quyền An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Cần Thơ ra lệnh canh chừng các tu sĩ Hòa Hảo không được thừa nhận, và cảnh sát đã phong toả đường xá, xách nhiễu hoặc đe dọa các tín đồ. Cảnh sát đánh đập một tin đồ cách tàn nhẫn. Người Khmer theo Thệ Phản cho biết có sự xách nhiễu, đe dọa, và trong một số trường hợp, thiệt hại về tài sản và đánh đập các tu sĩ tại một số khu vực của Tỉnh Trà Vinh.

Phần Tóm Lược trên không có điểm nào đặc biệt nhắc tới Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, trong chính phần phúc trình, có nhắc tới vụ đóng cửa nghĩa trang tại Giáo Xứ Cồn Dầu, vụ Cha Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế Phạm Trung Thành bị cấm xuất ngoại. Có điều là phần này có nhận định sai lầm cho rằng “Chính Phủ không cho thấy một xu hướng nào nhằm cải thiện hay băng hoại đối với việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo” và ngầm cho hiểu các vi phạm tự do tôn giáo chỉ là các lạm dụng của chính quyền địa phương. Nó cũng cho hay: chính phủ đã có nhiều tiến bộ như cho phép các buổi lễ đông đảo với hơn 100,000 tham dự và “chính phủ đã cùng Vatican tiếp diễn những cuộc thương thảo tiến tới bình thường hóa mối liên hệ”. Có lẽ vì vậy, Việt Nam không bị liệt vào danh sách các nước bị theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo? Dù theo phúc trình, chính phủ giữ quyền kiểm soát và giám sát các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức này buộc phải đăng ký chính thức và được thừa nhận. Các nhà cầm quyền thấp hơn có quyền phê chuẩn việc bổ nhiệm hàng ngũ lãnh đạo, các sinh hoạt và việc thiết lập các chủng viện. Việc bổ nhiệm các linh mục hay các viên chức tôn giáo khác cần được nhà cầm quyền chấp thuận khi có sự can dự của Vatican. Không được dạy huấn giáo tôn giáo tại các học đường. Các tôn giáo cũng không được phép mở trường ngoại trừ vườn trẻ và mẫu giáo. Thành viên tôn giáo bị ghi vào thẻ căn cước và sổ gia đình. Nhiều người sợ không khai, nên được chính phủ ghi là “vô tôn giáo”, một hình thức đàn áp tôn giáo về phương diện thống kê.

Nguồn: VietCatholic

Comments are closed.