Đức TGM Fisichella họp báo về lễ khai mạc Năm Đức Tin

Đức TGM Fisichella họp báo về lễ khai mạc Năm Đức Tin

VATICAN. Sáng 9 tháng 10-2012, Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, đã mở cuộc họp báo về thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin do ĐTC chủ sự sáng thứ năm 11 tháng 10-2012.

Đức TGM cho biết có một mối liên hệ đặc biệt giữa Công đồng chung Vatican 2 và Năm Đức Tin. Dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng là cơ hội để trở về với một biến cố đã ghi dấu sâu đậm trên đời sống của Giáo Hội trong thế kỷ 20 và để kiểm điểm ảnh hưởng giáo huấn của Công đồng trong những thập niên qua và những năm tới đây, sẽ mang dấu vết nỗ lực của Giáo Hội trong việc tái truyền giảng Tin Mừng.

Đức TGM Fisichella cho biết tham dự thánh lễ ngày 11 tháng 10-2012 có tất cả các nghị phụ của Thượng HĐGM đang tiến hành, các vị Chủ tịch HĐGM trên thế giới và 14 nghị phụ Công đồng đến được Roma dù tuổi cao sức yếu. 70 nghị phụ Công đồng còn sống đều được mời đến Roma, nhưng vì tuổi tác và bệnh, nên các vị không thể đến. Dầu vậy các vị đã viết thư bày tỏ hiệp ý tham dự.

Trong số 14 vị hiện diện có ĐHY Francis Arinze, người Nigeria, nguyên Tổng trưởng Bộ phụng tự và kỷ luật bí tích, Đức Cha Yves Georges Ramousse M.E.P, nguyên GM đại diện Tông tòa Phnom Penh bên Campuchia.

Trong thánh lễ 11 tháng 10-2012, sau khi các vị đồng tế đi rước lên bàn thờ, có nghi thức đặt Lời Chúa trên ngai, cử chỉ này nhắc nhớ một lúc đầy ý nghĩa trong các phiên họp của Công đồng, khi Kinh Thánh được rước và đặt ở trung tâm của Đền thờ Thánh Phêrô. Điều này nhắc cho mọi người rằng việc phục vụ Lời Chúa vẫn ở trung tâm các hoạt động của Giáo Hội.

Giá sách đặt Kinh Thánh ngày mai cũng là giá sách đã được dùng Trong Công Đồng.

Cuối thánh lễ, có một cử chỉ khác nhắc nhớ sự kiện khi bế mạc Công đồng, Đức Phaolô 6 đã trao Sứ điệp gửi Dân Chúa. ĐTC Biển Đức 16 sẽ trao Sứ điệp của ngài trao cho một số đại diện của cộng đồng nhân loại. Vị Niên trưởng và Phó niên trưởng đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh và 5 đại sứ năm châu sẽ nhận sứ điệp, đại diện cho các chính phủ. Ngoài ra có các đại diện của giới khoa học và trí thức, các ký giả, phụ nữ, công nhân, di dân, giới trẻ, v.v. (SD 9-10-2012)

G. Trần Đức Anh OP

Phiên họp thứ I của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13

Phiên họp thứ I của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13

VATICAN. Sau thánh lễ khai mạc trọng thể chúa nhật vừa qua tại Quảng trường Thánh Phêrô, sáng 8 tháng 10-2012, lối 260 nghị phụ Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 đã nhóm phiên khoáng đại đầu tiên trước sự hiện diện của ĐTC.
Công nghị GM thế giới có chủ đề là: ”Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin”.

ĐHY Gioan Thang Hán, GM giáo phận Hong Kong, một trong 3 HY Chủ tịch thừa ủy, đã chủ tọa phiên họp.
Tại Hội Trường ở nội thành Vatican, cũng có 46 dự thính viên, các đại biểu Giáo Hội Kitô Anh em, và các chuyên gia, 45 chuyên viên, cùng với một số đại diện báo chí.

Suy niệm của ĐTC
Sau kinh giờ 3 khởi sự lúc 9 giờ, ĐTC đã trình bày một bài suy tư ứng khẩu về việc rao giảng Tin Mừng đi từ bài đọc ngắn và thánh thi của giờ kinh, qua đó ngài nhấn mạnh rằng rao giảng Tin Mừng là có một ngọn lửa của Thiên Chúa trong tâm hồn và can đảm thắp lên ngọn lửa ấy trong thế giới. Chúng ta là người truyền giảng Tin Mừng nếu chúng ta ý thức trong con tìm rằng chính Thiên Chúa hoạt động trong Giáo Hội và nếu ta có một lòng say mê nồng nhiệt muốn thông truyền Chúa Kitô cho thế giới.

ĐTC nhận xét rằng có một câu hỏi lớn trong tâm hồn rất nhiều người: ”Thiên Chúa là ai? Ngài có liên hệ gì với nhân loại? Nhiều người ngước mắt lên trời, họ không thấy gì và tiếp tục tự hỏi: đàng sau sự thinh lặng của vũ trụ, đàng sau những đám mây của lịch sử, có Thiên Chúa hay không? Và nếu có Thiên CHúa, thì Ngài có biết chúng ta hay không, Ngài có liên hệ gì với chúng ta? Vị Thiên Chúa ấy có tốt lành và thực tại sự thiện có quyền năng gì trong thế giới hay không? Câu hỏi này ngày nay rất thời sự cũng như xưa kia. Bao nhiêu người tự hỏi: Thiên Chúa là một giả thuyết hay không? Ngài có phải là thực tại không? Tại sao Chúa không lên tiếng? ”Tin Mừng có nghĩa là Thiên Chúa đã phá vỡ im lặng của Ngài: Thiên Chúa đã nói, Thiên Chúa hiện hữu (…), Thiên Chúa biết chúng ta, Ngài đã đi vào lịch sử. Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là Thiên Chúa tỏ cho chúng ta thấy Ngài yêu thương chúng ta, chịu đau khổ với chúng ta đến độ chịu chết và sống lại”.

ĐTC nói: ”Đó chính là câu trả lời của Giáo Hội cho vấn nạn lớn” và ngài đưa ra câu hỏi thứ hai, một câu hỏi sinh tử đối với các nghị phụ: ”Thiên Chúa đã nói, đã thực sự phá vỡ im lặng lớn, đã tỏ mình ra. Nhưng làm sao chúng ta có thể đưa thực tại ấy tới con người ngày nay để trở thành ơn cứu độ?”.

ĐTC nói đến 3 yếu tố chính, trước tiên là cầu nguyện. ”Các Tông Đồ không thành lập Giáo Hội bằng cách đề ra một hiến pháp, nhưng các vị tụ họp nhau cầu nguyện trong lúc chờ đợi Chúa Thánh Linh hiện xuống. Chúng ta không thể tạo ra Giáo Hội, chúng ta chỉ có thể làm cho người ta biết điều mà chính Chúa đã làm. Giáo Hội không bắt đầu bằng công việc của chúng ta, nhưng bằng việc làm và lời nói của Thiên Chúa (..) .Chỉ Thiên Chúa mới có thể sáng tạo Giáo Hội của Ngài. Nếu Thiên Chúa không hành động, thì những việc chúng ta làm chỉ là của chúng ta, và không đủ. Chỉ Thiên Chúa mới có thể làm chứng rằng chính Ngài đang nói và đã nói”.

Vì thế – ĐTC nhận xét – không phải là một hình thức nếu mỗi Thượng HĐGM bắt đầu bằng kinh nguyện, nhưng là một sự chứng tỏ điều này: chính Thiên Chúa là người đưa ra sáng kiến, điều mà chúng ta có thể khẩn cầu và Giáo Hội chỉ có thể cộng tác với Thiên Chúa.

Yếu tố thứ hai là ”confessio”, sự công khai tuyên xưng đức tin của mình. ĐTC giải thích rằng cử chỉ này không phải chỉ nói lên niềm tin nơi Chúa Kitô mà thôi:

“Từ confessio này, trong tiếng la tinh của Kitô giáo, đã thay thế từ Professio, hàm chứa một yếu tố làm chứng nhân trước các thẩm quyền thù nghịch với đức tin (..). Đây chính là điều bảo đảm sự đáng tin: confessio không phải là bất kỳ điều gì người ta có thể bỏ qua. Nó hàm chứa thái độ sẵn sàng hiến mạng sống mình, chấp nhận khổ nạn.

Nhưng thái độ confessio cũng có một bộ áo làm cho nó hữu hình. Đó là yếu tố thứ ba, tức là ”caritas”, bác ái, yêu thương, nghĩa là sức mạnh lớn nhất phải nung nấu trong tâm hồn Kitô hữu, một ngọn lửa từ đó ta kín múc sức mạnh để làm cho chung quang được Tin Mừng thiêu đốt. ĐTC nói: ”Chúng ta phải có một niềm say mê, được tăng trưởng nhờ đức tin, biến thành một ngọn lửa đức ái (..). Kitô hữu không thể sống nguội lạnh (..). Đức tin phải trở thành một ngọn lửa tình yêu trong chúng ta: ngọn lửa thực sự nung nấu con người tôi, trở thành sự say mê của tôi và qua đó tôi cũng làm cho tha nhân trở nên nồng nhiệt. Đó chính là bản chất của công cuộc rao giảng Tin Mừng”.

Lời chào của ĐHY Thang Hán

Tiếp lời ĐTC, ĐHY Thang Hán đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn Ngài. ĐHY cũng nói:

”Cách đây 50 năm Công đồng chung Vatican 2 đã khuyến khích chúng ta thả lưới (Lc 5,4). Ngày nay, cũng vậy, chúng ta phải lấy cộng đồng Kitô đầu tiên (Cv 2,42-47) làm gương mẫu cho chúng ta trong việc truyền giảng Tin Mừng. Các phần tử của cộng đoàn ấy có 3 đức tin mà chúng ta có thể mô tả bằng 3 từ Hy lạp là: didaché, koinonia và diakonia. Didaché có nghĩa là đạo lý, đây không phải chỉ là một lý thuyết, nhưng đúng hơn là một cuộc gặp gỡ bản chân với Chúa Giêsu Kitô nhập thể, chịu đóng đanh và sống lại. Koinonia có nghĩa là hiệp thông ở nhiều cấp độ: trước tiên là với Thiên Chúa, rồi với tất cả các phần tử của Giáo Hội, rồi với con người trên toàn thế giới, đặc biệt là với những người nghèo. Diakonia có nghĩa là phục vụ, vì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta đừng để được phục vụ nhưng là phục vụ, đến hộ hiến toàn thân, việc phục vụ đưa tới thập giá (Xc Mt 20,28). 3 đức tin này đã được minh họa ở Hong Kong, Macao và Hoa Lục.

Tại Hong Kong, trước khi thành này được sáp nhập vào Trung Quốc năm 1997, nhiều gia đình đã gặp khủng hoảng vì sợ sống dưới chế độ cộng sản. Từ ”khủng hoảng” trong tiếng Hoa được định nghĩa bằng hai chữ ”nguy hiểm” và ”cơ may”. Vì lý do đó, đứng trước khủng hoảng vì bất bênh, cả những tín hữu Công Giáo không hành đạo cũng trở về lòng Giáo Hội để được nâng đỡ về đàng thiêng liêng. Và nhiều tín hữu đã tham dự các lớp giáo lý, các lớp học Kinh Thánh và thần học để đào sâu đức tin và trở thành những người rao giảng Tin Mừng. Ngày nay, giáo phận chúng con có hơn 1 ngàn giáo lý viên thiện nguyện được huấn luyện kỹ lưỡng. Năm nay hơn 3 ngàn người lớn đã được rửa tội vào áp lễ Phục Sinh.

Macao, giáo phận giáp giới với chúng con, cũng có cùng những công tác như thế và đã thấy con số những người rửa tội gia tăng trong những năm gần đây.

Tại Hoa Lục, một cha sở miền quê đã chia sẻ với con kinh nghiệm truyền giáo của cha ấy. Sau khi cầu nguyện nhiều, cha đã quyết định phân các giáo dân thành hai nhóm với nhiệm vụ khác nhau. Cha đã yêu cầu những người mới chịu phép rửa mời gọi các bạn hữu và thân nhân không Công Giáo học giáo lý, và những người Công Giáo đã lâu thì cha sở xin họ dạy giáo lý cho các dự tòng. Trong khi họ dạy, thì cha sở sốt sắng cầu nguyện tại nhà thờ. Và thế là giáo xứ đã có thêm hơn 1 ngàn người được chịu phép rửa mỗi năm.

Trong số 3 đặc tính – đạo lý, hiệp thông và phục vụ – mà chúng ta thấy ví dụ trong Giáo Hội sơ khai, và phản ánh trong các chứng tá mà chúng ta vừa nói đây, con thấy đạo lý là quan trọng nhất, vì Thiên Chúa hoạt động qua chúng ta như những chứng nhân của ngài. Ngày nay, khi chúng ta đương đầu với nền văn hóa duy vật của thế giới và với vấn đề nhiều người Công Giáo xa lìa Giáo Hội, chúng ta phải là những chứng nhân nhiệt thành về đức tin của chúng ta. Ngoài ra, chúng ta phải được biệt quan tâm đến người trẻ, như ĐTC thường nhắc nhở chúng ta: ”Ước gì người trẻ trở thành những người rao giảng Tin Mừng cho người trẻ”. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa thật là gây ngạc nhiên. Con chắc chắn rằng, với lòng tin, cậy, mến, sứ mạng rao giảng Tin Mừng của chúng ta sẽ được thành công.

ờng trình của Đức TGM Eterovic
Sau lời chào mừng của ĐHY Thang Hán, Đức TGM Nikola Eterovic Tổng thư ký Thượng HĐGM, đã tường trình công cuộc chuẩn bị Thượng HĐGM kỳ thứ 13 hiện nay. Nhưng trước đó, Đức TGM cám ơn ĐTC và nói rằng:

”Con muốn cảm tạ ĐTC, nhất là vì đã triệu tập công nghị GM hiện nay, là Thượng HĐGM thứ 5 trong 8 năm triều đại Giáo Hoàng của ngài. Con số nhiều như thế thật là rất ý nghĩa vì biểu lộ lòng quí chuộng của ĐTC đối với Thượng HĐGM vốn diễn tả tốt đẹp tình hiệp thông giữa các GM thành viên của Giám mục đó, và sự hiệp nhất với ĐTC là thủ lãnh của cộng đoàn ấy. Thực vậy, dưới sự hướng dẫn không ngoan của ĐTC, đã diễn ra hai Thượng HĐGM thế giới về bí tích Thánh Thể và về Lời Chúa, hồi năm 2005 và 2008, cũng như hai Thượng HĐGM đặc biệt về Phi châu năm 2009 và về Trung Đông năm 2010.

Tiếp đến, Đức TGM Eterovic đã chào 262 nghị phụ đến từ 5 châu: 50 vị từ Phi châu, 63 từ Mỹ châu, 39 từ Á châu, 103 từ Âu Châu và 7 vị từ Úc châu. Các vị đại diện cho 13 Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản, 114 HĐGM và Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền các dòng nam.

Đức TGM nói thêm rằng: ”Con cũng chào các vị thủ lãnh các cơ quan trung ương Tòa Thánh, những người cộng tác thân tín nhất của ĐTC Biển Đức 16. Phần lớn các vị tham dự Công nghị GM này, tức là 172 vị trên tổng số 182, là do các HĐGM bầu lên, 10 vị do Hiệp Hội các Bề trên tổng quyền dòng nam, 3 vị do các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản chỉ định; 37 vị tham dự do chức vụ, 40 vị do ĐTC bổ nhiệm.

Tổng cộng trong số các nghị phụ 6 Thượng Phụ, 49 Hồng Y, 3 TGM trưởng trong đó 1 vị là Hồng Y thuộc các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, 71 TGM, 120 GM và 14 LM. Về chức vụ của các nghị phụ, có 10 vị thủ lãnh các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản, 32 vị Chủ tịch HĐGM, 26 vị thủ lãnh các cơ quan trung ương Tòa Thánh, 211 vị GM chính tòa của các giáo phận và 11 GM Phụ tá. Trong Thượng HĐGM này, chúng ta cũng sẽ được dịp chào 3 vị được ĐTC mời đặc biệt.

Đức TGM Eterovic cũng chào 45 chuyên gia và 49 vị dự thính viên, được chọn trong số bao nhiêu chuyên gia và những người dấn thân trong việc rao giảng Tin Mừng và thăng tiến con người, với ý thức rằng chứng tá bản chân của các vị các các cộng đoàn liên hệ sẽ làm cho công việc của Thượng HĐGM này thêm phong phú.

Tiếp tục bài tường trình bằng tiếng la tinh, Đức TGM Tổng thư ký Thượng HĐGM gợi lại công cuộc chuẩn bị cho công nghị GM thế giới hiện nay, từ sau khi kết thúc Thượng HĐGM thế giới hồi năm 2008 với cuộc tham khảo ý kiến các nghị phụ về đề tài cho khóa họp này.

Ngày 24-10-2010, trong thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô để bế mạc Thượng HĐGM Trung Đông, ĐTC đã thông báo chủ đề của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 là: ”Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin Kitô”

Tiếp theo đó việc chuẩn bị tài liệu đề Lineamenta kèm theo bản câu hỏi đã được hoàn tất rồi gửi đến các Giáo Hội địa phương và các cơ quan khác từ ngày 4-3-2011 để tham khảo ý kiến. Tỷ số trả lời sau đó rất cao, lên tới 90,5% chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan được hỏi ý kiến. Thực vậy trong số 13 Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản, có 11 Giáo Hội trả lời; trong số 26 cơ quan trung ương Tòa Thánh có 25 cơ quan trả lời, ngoài ra có bản trả lời của Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền các dòng nam. Trong số 114 HĐGM trên thế giới có 93 Hội đồng trả lời. Xét về đại lục, Úc châu trả lời 100%, Mỹ châu 95,8%, Á châu 88,8%, Âu Châu 81,25% và Phi châu thấp nhất với 66,6%.

Dựa vào các bản trả lời đó, Hội đồng của Thượng HĐGM đã soạn tài liệu làm việc làm căn bản cho các cuộc thảo luận của Công nghị và công bố ngày 19-6 năm 2012.

Việc phổ biến tài liệu làm việc đã giúp nhiều người biết chương trình nghị sự của Thượng HĐGM kỳ thứ 13, những khí cạnh tích cực trong các hoạt động của các Giáo Hội địa phương, cũng như những điểm cần được suy tư và đào sâu hơn.

Cũng trong bài tường trình, Đức TGM Eterovic đã nói về việc cập nhật cuốn chỉ nam dành cho các nghị phụ Tượng HĐGM.

Theo tài liệu này, như trong các công nghị GM gần đây, mỗi nghị phụ được quyền phát biểu 5 phút. Bản văn của các vị soạn thảo có thể dài hơn và nộp cho Văn phòng Tổng thư ký. Ngoài ra các vị cũng cần soạn một bản tóm để công bố cho công chúng.

Các Đại biểu các Giáo Hội anh em cũng như các dự thính viên nam nữ được phát biểu 4 phút. Xét vì con số đông, các vị cũng có thể nộp văn bản phát biểu dài cho Văn phòng Tổng thư ký để có thể được cứu xét. Văn phòng sẽ làm hết sức để các vị dự thính viên có thể lên tiếng trong các khóa họp toàn thể của Công nghị GM, hoặc riêng rẽ hoặc chung thành nhóm.

ĐHY Tng tường trình viên Donald Wuerl
Bài tường trình dài của Đức TGM Eterovic đã kết thúc lúc 10 giờ rưỡi. Mọi người được nửa giờ giải lao, trước khi tái nhóm vào lúc 11 giờ để nghe ĐHY Donald Wuerl, TGM giáo phận Washington, Hoa Kỳ, Tổng tường trình viên của Thượng HĐGM, trình bày những vấn đề và hướng đi của Công nghị GM này.
ĐHY Tổng tường trình viên nhận xét rằng Tài liệu Làm Việc đã phác họa phần lớn cuộc thảo luận của Công nghị GM này. Ở đây ngài chỉ nêu bật một số điểm:

– Chúng ta công bố Ai và điều gì – Lời Chúa
– Những tài nguyên gần đây để giúp chúng ta thi hành sứ mạng
– Những hoàn cảnh đặc biệt thời nay làm cho Thượng HĐGM này trở nên cần thiết
– Những yếu tố của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng
– một số nguyên tắc thần học của việc tái truyền giảng Tin Mừng
– các đức tính của những người tái truyền giảng tin Mừng
– và sau cùng những đoàn sủng của Giáo Hội ngày nay trợ giúp trong nghĩa vụ tái truyền giảng Tin Mừng.
ĐHY Wuerl đã rút ngắn bài tường trình của ngài và kết thúc lúc 12 giờ trưa. ĐTC và các nghị phụ đã đọc kinh Truyền Tin trước khi giải tán.

Trong phiên khoáng đại thứ 2 chiều hôm qua, 5 nghị phụ đại diện cho 5 châu đã trình bày tổng quát về hiện tình công cuộc tái truyền giảng tại 5 châu. Mỗi vị nói trong vòng 10 phút. Sau đó, từ lúc 6 đến 7 giờ, là phần thảo luận tự do, mỗi nghị phụ được quyền lên tiếng, nhưng không quá 3 phút.

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

Đức Thánh Cha tôn phong hai Tiến Sĩ Hội Thánh và khai mạc Thượng HĐGM thế giới thứ 13

Đức Thánh Cha tôn phong hai Tiến Sĩ Hội Thánh và khai mạc Thượng HĐGM thế giới thứ 13

VATICAN. Từ ngày 7 tháng 10-2012, Giáo Hội Công Giáo đã có thêm hai vị Tiến Sĩ Hội Thánh và công trình tái truyền giảng Tin Mừng được đẩy mạnh với Thượng HĐGM thế giới thứ 13.

Hai vị Tiến Sĩ thứ 34 và 35 của Hội Thánh là thánh Gioan Avila người Tây Ban Nha và thánh nữ Hildegard von Bingen người Đức.

Hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô, có lối 30 ngàn tín hữu, trong đó có hơn 20 HY đã về hưu và không đồng tế.

Có 408 vị đồng tế với ĐTC, hầu hết là các nghị phụ, dự thính viên và chuyên viên cũng như các cộng tác viên của Thượng HĐGM, trong số này có 49 Hồng y, 7 vị thủ lãnh của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, tức là các vị Thượng Phụ và TGM Trưởng, cùng với 120 GM; thêm vào đó có 75 GM thuộc HĐGM Tây Ban Nha và Đức. Các vị ngồi hai bên bàn thờ trên thềm đền thờ Thánh Phêrô.

Tại mặt tiền Đền thờ, có treo hai bức chân dung thật lớn của hai vị thánh Tiến Sĩ Hội Thánh.

Sau kinh cầu các Thánh, ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đã xin ĐTC tôn phong thánh Gioan Avila và Hildegard von Bingen làm tiến sĩ Hội Thánh. Ngài nói: Các vị đã chiêm ngắm sự hiện diện sâu thẳm của Con Thiên Chúa trong lịch sự trần thế và với tâm hồn say mê, trí thông minh sắc bén, các vị đã thám hiểm những chân trời mới của vẻ đẹp trường cửu mà Chúa mạc khải. Vì thế, ngày nay các vị vẫn có thể tuôn đổ dòng nước sự sống và làm chứng về niềm vui của sự tìm kiếm chân lý một cách không biết mệt mỏi và phong phú”.

Tiếp lời ĐHY Amato, tóm lược tiểu sử hai vị thánh đã lần lượt được xướng lên.

1. Thánh Gioan Avila sinh năm 1499 tại Tây Ban Nha, con một của gia đình rất đạo đức và khả giả về kinh tế và xã hội. Sau khi học tại Đại học Alcalà, thầy Gioan thụ phong linh mục năm 1526 khi được 27 tuổi, rồi đến Sevilla để đợi tàu đi Tân Tây Ban Nha, tức là Mêhicô ngày nay.

Trong khi chờ đợi, cha Gioan tận tụy lo việc giảng thuyết tại Sevilla và các thành phố lân cận. Cũng tại đây cha gặp một người bạn linh mục lớn tuổi hơn, tên là Fernando de Contreras, cũng là một nhà giáo lý uy tín, tốt nghiệp đại học Alcalà. Cảm kích vì cách giảng thuyết của cha Gioan, Cha Fernando thuyết phục được Đức TGM giáo phận Sevilla làm cho cha Gioan từ bỏ ý định đi Mỹ châu và lưu lại miền Andalusia, nơi đang có nhu cầu cấp thiết là củng cố đức tin của các tín hữu sau nhiều thế kỷ bị người Hồi giáo thống trị. Thế là cha Gioan Avila lưu lại Sevilla, ở chung nhà, và chia sẻ sự khó nghèo cũng như đời sống cầu nguyện với cha Fernando de Contreras. Trong khi tiếp tục chăm chỉ giảng thuyết và linh hướng, cha Gioan học thêm thần học tại Học viện thánh Tômasô ở Sevilla.
Cha Gioan Avila sống rất thanh bần và chuyên chăm cầu nguyện, giảng thuyết, cha quan tâm đến vấn đề làm sao cải tiến việc đào tạo các ứng sinh linh mục. Cha thành lập các đại học viện và tiểu học viện, các cơ sở này, sau Công đồng chung Trento, được gọi là Đại chủng viện và tiểu chủng viện. Đối với giáo sư Gioan Avila, việc cải tổ Giáo Hội – mà cha càng ngày càng thấy cần thiết- nhất thiết đòi hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân phải sống thánh thiện hơn.

Cha Gioan Avila chịu đau đớn rất nhiều vì bệnh tật. Với thánh giá cầm trong tay và được các môn đệ bạn hữu quây quần, cha phó thác linh hồn cho Chúa sáng ngày 10-5-1569 trong căn nhà khiêm hạ ở Montilla. Lúc ấy cha được 70 tuổi đời. Thánh nữ Têrêxa Avila vừa khi hay tin nãy, đã thốt lên: ”Tôi khóc vì Giáo hội của Chúa vừa mất đi một cột trụ”.

2. Thánh nữ Hildegard von Bingen sinh năm 1098 tại Bermesheim, bên Đức và gia nhập dòng nữ Biển Đức. Năm 1136, chị Hildegard bấy giờ 37 tuổi được chỉ định cai quản nữ đan viện và sau đó di chuyển cộng đoàn Đan tu đến Rupertsberg gần Bingen. Tại đây, mặc dù sức khỏe yếu, nhưng thánh nữ Hildegard hoạt động hăng say trong 30 năm trời, thực hiện nhiều cuộc du hành đến gặp các vị lãnh đạo cấp cao của Giáo Hội và các giới chính trị. Thánh nữ làm chứng về Lời Chúa và thăng tiến đức tin Kitô. Viện mẫu Hildegard rất được các vị Giáo Hoàng, các GM và vua chúa kính trọng, nhưng Mẹ cũng là một người tham chiếu đối với dân thường và là một trong những người được kính trọng nhất của Giáo Hội hồi thế kỷ 12.

Khi còn nhỏ, thánh nữ Hildegard đã được ơn thị kiến, và với thời gian các thị kiến này càng gia tăng. Vì không rành tiếng la tinh, nên với sự trợ giúp của một thư ký, thánh nữ ghi lại các kinh nghiệm thần bí ấy trong nhiều văn kiện. Các tác phẩm của Viện Mẫu Hildegard được coi như những tác phẩm đầu tiên về thần bí tại Đức. Các văn kiện của Người bàn về nhiều vấn đề khác nhau, từ sức khỏe đến các khoa học thiên nhiên, vụ trụ, các vấn đề đạo đức học, thần học, họp thành một gia sản quan trọng của nền văn hóa thời trung cổ.

Ngày 17 tháng 9-1179, Viện Mẫu Hildegard von Bingen qua đời gần Rupertsberg và được an táng tại đây.
ĐTC long trọng tuyên bố:

”Đón nhận ước muốn của nhiều anh em trong hàng Giám Mục và nhiều tín hữu trên toàn thế giới, sau khi có ý kiến của Bộ Phong Thánh, và sau khi suy nghĩ chín chắn, và đạt tới sự xác tín hoàn toàn và chắc chắn, với trọn quyền Tông Đồ, Tôi tuyên bố Thánh Gioan Avila, Linh mục giáo phận, và Thánh Nữ Hildegard von Bingen, nữ đan sĩ đã khấn thuộc dòng thánh Biển Đức, là Tiến Sĩ Hội Thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

Sau nghi thức tôn phong Tiến Sĩ Hội Thánh, thánh lễ được bắt đầu như thường lệ, với ca nhập lễ, kinh thương xót và vinh danh với các bài đọc của Chúa nhật thứ 28 thường niên.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC đã nói đến ý nghĩa việc tái truyền giảng Tin Mừng, cuộc khủng hoảng của hôn nhân ngày nay gắn liền với khủng hoảng đức tin, sau cùng là vai trò của các thánh trong việc tái rao giảng Tin Mừng. Ngài quảng diễn bài Tin Mừng của Chúa nhật 28 thường niên năm B, trong đó có lời Chúa Giêsu dạy ”Vì thế người nam sẽ bỏ cha mẹ và kết hiệp với vợ mình và cả hai trở thành một xác thể duy nhất” (St 2,24; Mc 10.7-8). Ngài đặt câu hỏi:

”Lời này nói gì với chúng ta ngày nay? Tôi thấy Lời ấy dường như mời chúng ta ý thức hơn về một thực tại đã được biết đến nhưng không được hoàn toàn đề cao giá trị, đó là hôn nhân; Lời này của Chúa đã là một Phúc Âm, một Tin Mừng cho thế giới ngày nay, đặc biệt là thế giới xa lìa Kitô giáo.”

ĐTC ghi nhận rằng hôn nhân, ngay tại những vùng kỳ cựu được truyền giảng Tin Mừng, đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu đậm. Và đó không phải là một sự tình cờ. Hôn nhân gắn liền với đức tin, không phải theo một nghĩa tổng quát. Hôn nhân như một sự kết hiệp yêu thương chung thủy và bất khả phân lý, dựa trên ơn thánh đến từ Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi, Đấng trong Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu trung tín cho đến Thập Giá. Ngày nay chúng ta có thể lĩnh hội tất cả chân lý của lời khẳng định ấy, trái ngược với thực tại đau thương của bao nhiêu hôn nhân bị tan vỡ. Có một sự tương ứng hiển nhiên giữa cuộc khủng hoảng đức tin và khủng hoảng hôn nhân. Và như Giáo Hội từ lâu vẫn khẳng định và làm chứng rằng hôn nhân được kêu gọi không phải chỉ trở thành một đối tượng mà thôi, nhưng còn là chủ thể của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, Điều này được thể hiện trong nhiều kinh nghiệm, gắn liền với các cộng đoàn và phong trào, nhưng còn ngày càng được thực hiện trong cơ cấu của các giáo phận và giáo xứ, như cuộc gặp gỡ các gia đình Công Giáo thế giới mới đây đã chứng tỏ.

ĐTC nhắc đến sự kiện Công đồng chung Vatican 2 đã mang lại một sự thúc đẩy mới cho việc truyền giáo qua việc nhấn mạnh đến ơn gọi nên thánh của mọi người. Các thánh thực là những người nắm vai chính trong việc truyền giáo theo mọi ý nghĩa. Các vị đặc biệt cũng là những người đi tiên phong và là những người khích lệ công trình tái truyền giảng Tin Mừng, qua việc chuyển cầu và qua gương sống, chú ý đến sức sáng tạo của Thánh Linh, các thánh tỏ cho những ngừơi dửng dưng và cả những người đố kỵ vẻ đẹp của Tin Mừng và sự hiệp thông trong Chúa Kitô, mời gọi các tín hữu nguội lãnh hãy tái khám phá lòng yêu thích Lời Chúa và các Bí tích, đặc biệt là Bánh Sự Sống, Thánh Thể. Trong số các nhà truyền giáo quảng đại loan báo Tin Mừng cho những người ngoài Kitô giáo, có nhiều vị thánh nam nữ, thường tại các xứ truyền giáo và ngày nay tại tất cả các nơi có những người ngoài Kitô sinh sống.
Từ sự kiện trên đây, ĐTC đã nhắc đến hai vị Tân Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài đề cao tinh thần truyền giáo của thánh Gioan Avila, tận tụy giảng thuyết và gia tăng việc lãnh nhận bí tích nơi các tín hữu. Thánh Nữ Hildegard von Bingen, Phụ nữ quan trọng của thế kỷ 12 đã đóng góp quí giá cho sự tăng trưởng của Giáo Hội trong thời đại của Người, đề cao giá trị những ơn đã lãnh nhận từ Chúa và tỏ ra là một phụ nữ có trí thông minh linh động, nhạy cảm sâu xa và được nhìn nhận là một người có uy tín lớn về tinh thần. Thiên Chúa đã ban cho thánh nữ tinh thần tiên tri và khả năng bén nhậy phân định các dấu chỉ thời đại. Thánh Hildegard có lòng yêu mến sâu xa đối với thiên nhiên, đào sâu y khoa, thi văn và âm nhạc, nhất là Người có lòng trung thành mạnh mẽ đối với Chúa Kitô và Giáo Hội.

ĐTC nói thêm rằng: ”Việc nhìn đến lý tưởng của đời sống Kitô, được biểu lộ trong ơn gọi nên thánh, thúc đẩy chúng ta khiêm tốn nhận thực sự dòn mỏng của bao nhiêu Kitô hữu, đúng hơn là tội lỗi của họ, tội cá nhân và cộng đoàn, tạo nên một chướng ngại lớn cho công cuộc rao giảng Tin Mừng, cái nhìn ấy cũng thúc đẩy chúng ta nhìn nhận sức mạnh của Thiên Chúa, trong đức tin, gặp sự yếu đuối của con người. Vì thế, ta không thể nói về công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng mà không có một tâm trạng hoán cải chân thành. Để cho mình được hòa giải với Thiên Chúa và tha nhân (Xc 2 Cr 5,20) chính là con đường tốt nhất để tái truyền giảng Tin Mừng. Chỉ khi được thanh tẩy, các tín hữu Kitô mới có thể tìm lại niềm hãnh diện hợp pháp về phẩm giá làm con cái Thiên Chúa, được dựng nên theo hình ảnh của Chúa và được cứu chuộc bằng máu của Đức Giêsu Kitô, và họ có thể cảm nghiệm được niềm vui của Chúa để chia sẻ với mọi người gần xa.

Trong phần lời nguyện giáo dân bằng nhiều thứ tiếng, cộng đoàn đã cầu nguyện cho Giáo Hội, cho ĐTC và các nghị phụ Thượng HĐGM, cho các nhu cầu của đời sống nhân loại, các nhà giảng thuyết và các thần học gia, cho những người thuộc giới văn hóa, khoa học, và y tế.

Cuối thánh lễ, như thường lệ ĐTC đã chủ sự Kinh Truyền Tin. Trong bài huấn dụ ngắn, ngài nhắc đến Lễ Đức Mẹ Mân Côi mừng vào chúa nhật hôm qua và mời gọi các tín hữu hiệp ý với những lời khẩn cầu được dâng lên Mẹ Thiên Chúa ở Đền thánh Đức Mẹ Pompei, nam Italia. ĐTC cũng kêu gọi mọi người nêu cao giá trị của kinh Mân Côi trong Năm Đức Tin sắp bắt đầu. ”Thực vậy, với Kinh Mân Côi, chúng ta để cho Mẹ Maria mẫu gương đức tin hướng dẫn, trong việc suy niệm các mầu nhiệm Chúa Kitô, ngài qua ngày chúng ta được giúp đỡ hấp thụ Tin Mừng, để trọn cuộc sống chúng ta được uốn nắn… Tôi mời gọi đọc kinh Mân Côi, riêng, hoặc trong gia đình và trong cộng đoàn, theo học tại trường của Mẹ Maria là Đấng dẫn chúng ta đến cùng Chúa Kitô, trung tâm sống động của đức tin chúng ta. ĐTC còn chào thăm họ bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, trước khi đọc kinh Truyền Tin và Phép lành cho các tín hữu.

G. Trần Đức Anh OP – VietVatacan

 

Vatileaks: Paolo Gabriele bị tuyên án 18 tháng tù

Vatileaks: Paolo Gabriele bị tuyên án 18 tháng tù

VATICAN. Người cựu hầu cận bất trung của ĐTC, Ông Paolo Gabriele, 46 tuổi, đã bị tòa án tại Vatican kết án tù 1 năm rưỡi về tội ăn trộm các tài liệu mật từ căn hộ của ĐTC.

Trong phiên tòa thứ tư và cũng là phiên cuối cùng dài 2 tiếng đồng hồ, sáng 6 tháng 10-2012, thẩm phán đoàn gồm 3 vị đã công bố phán quyết như trên.

Trước đó, Ủy viên công tố Nicola Piccardi đã yêu cầu tòa kết án bị can 3 năm tù và cấm vô thời hạn không cho đương sự không được lãnh trách nhiệm nào trong ngành hành chánh. Ông cũng bác bỏ một trong những cuộc giám định tâm lý cho rằng Gabriele đã bị xáo trộn về tâm trí khiến ông không còn trách nhiệm về những hành động của mình.

Luật sư biện hộ, bà Cristina Arru, xin tòa tha bổng bị can. Bà yêu cầu tòa đổi tội trạng ”ăn trộm” thành ”chiếm hữu bất hợp pháp”. ”Tuy bị can Gabriele đã làm những hành vi đáng lên án và bất hợp pháp, nhưng ông làm vì muốn giúp đỡ chứ không muốn gây hại cho Giáo Hội.” Vì thế, nếu tòa lên án thì xin tuyên án tối thiểu mà thôi”.
Bị can Gabriele tuyên bố mình hành động vì yêu mến Giáo Hội và cảm thấy mình không phải là kẻ trộm vì hành động đã làm. Trả lời câu hỏi của chánh án xem ông cảm thấy có lỗi hay vô tôi, đương sự đáp: ”Điều mà tôi cảm thấy mạnh mẽ trong tôi là xác tín đã hành động chỉ vì lòng yêu mến cố hữu đối với Giáo Hội của Chúa Kitô và với thủ lãnh hữu hình của Giáo Hội. Đó là điều mà tôi cảm thấy.”

Chánh án Giuseppe Dalla Torre cho biết tòa kết án bị can 3 năm tù, nhưng quyết định giảm xuống còn 1 năm rưỡi, vì ”sự phục vụ của ông cạnh ĐGH, vì xác tín của ông muốn phục vụ Giáo Hội, tuy rằng xác tín ấy sai lầm, vì cung cách của ông trong cuộc xử án và sau cùng vì ý thức của ông đã phản bội ĐGH”. Chánh án cũng truyền cho bị can Paolo Gabriele phải trả án phí.

Bị can Gabriele im lặng nghe bản án và không tỏ lộ một cảm xúc nào. Tuy nhiên, khi rời phòng xử, ông ta đã mỉm cười và chào những người hiện diện.

Tuyên bố với giới báo chí sau đó, Bà Cristina Arru nhìn nhận bản án là ”tốt” và quân bình, nhưng bà chờ đọc những lý do lên án và sẽ cùng với bị can cứu xét xem có nên kháng án hay không.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, nhận xét rằng Ủy viên công tố đã đào sâu vấn đề đồng lõa trong vụ Gabriele ăn trộm tài liệu, nhưng không có bằng chứng nào được đưa ra về vấn đề này. Cha cũng cho biết vụ xử ông Claudio Sciarpelletti, chuyên viên vi tính, bị cáo về tội đồng lõa với ông Gabriele, sẽ diễn ra trong thời gian tới đây, có lẽ vào tháng 11-2012 sau Thượng HĐGM thế giới (7-28/10/2012).

Theo cha Lombardi, ”rất có thể” bị can sẽ được hưởng một sự ân xá của ĐTC. Bây giờ ngài sẽ cứu xét hồ sơ vụ xử này và sẽ quyết định. Cha nói thêm rằng: ”Tôi đã có thể cảm nghiệm một sự hoàn toàn độc lập của các thẩm phán tòa án Vatican với các thẩm quyền khác, và tôi rất kính trọng ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh vì đã không hề tạo một sức ép nào trong vụ này.. Bên cạnh kinh nghiệm quan trọng về sự phân quyền, tôi cũng có ấn tượng tích cực về sự mau lẹ trong việc xét xử. Ảnh hưởng tới sự kiện này là, với bộ luật được thi hành ở Vatican, việc điều tra cũng thuộc vào tiến trình xử án mà không cần phải làm lại điều gì”. (Tổng hợp 6-10-2012)

G. Trần Đức Anh OP – Vietvatican

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Ngày mồng 7 tháng Mười


Sau cuộc chiến thắng quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lépante ngày 7-10-1571, nhờ ơn lạ đặc biệt của Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi, Đức Thánh Piô V dạy rước kiệu Mẹ trọng thể và thành lập lễ Mẹ Thắng Trận vào ngày mồng 7 tháng 10 để ghi ơn Đức Mẹ. Đến đời Đức Grêgôriô XIII, theo lời dòng Đaminh tâu xin, đổi lại ngày lễ. Ngài ra sắc lệnh ngày 1-4-1573 đổi là lễ Mẹ Mân Côi được mừng vào Chúa nhật I tháng 10 tại các nhà thờ tôn kính Mẹ Mân Côi.

(Xem tiếp . . .LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI ngày 7 tháng 10 )

CHUỖI MÂN CÔI NGÀY ẤY

 CHUỖI MÂN CÔI NGÀY ẤY

KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
[Cv 1,12-14; Gl  4,4-7; Lc 1,26-38]
 
Lời kinh Mân Côi luôn gắn bó với đời sống đức tin và lòng đạo đức bình dân của tín hữu Việt Nam. Vâng, từ những ngày đầu tiên Tin Mừng đến đất nước này, việc đọc kinh kính mừng thịnh hành đến nỗi mọi người đọc khắp mọi nơi. Đã vậy, các sự gẫm còn được suy gẫm theo cách văn vần để ngắm theo cung kinh vãn long trọng. Gẫm Năm Sự Vui, thứ năm thì gẫm: “Đức Bà tìm đặng Đức Chúa Giê-su trong đền thánh. Ta hãy xin giữ nghĩa cùng Chúa luôn” trong bản kinh phép ngắm Rosa, là một chứng tích:
 
                               Lễ rồi, con lạc, Mẹ tìm con,
                               Lòng Mẹ, ba ngày rất héo hon.
                               Đoạn trở vào đền, tìm lại thấy,
                               Con về, thảo kính đến khi khôn.
                               Lạy ơn Đức Mẹ nhân thay,
                               Xin vì sự  nhiệm mầu này, xuống ơn
                               Cho con lòng thật  ăn năn,
                               Soi gương phúc  đức, siêng năng, vâng lời
                               (Văn côi thánh nguyệt tán tụng thi ca, 73-80).
 
Người Việt Nam vốn giàu tình cảm với mẹ mình thế nào thì nay, Kinh kính mừng đã trở nên lời kinh trước tiên là đầy tình cảm dành cho Mẹ  Maria Mẹ Thiên Chúa, Mẹ chúng sinh, và sau đó là lời kinh của Đức Tin khi học hiểu cùng Mẹ sống trọn Tin Mừng Chúa Giê-su, Con Mẹ. Đọc kinh kính mừng để ca tụng Mẹ, để noi gương mẹ, để xin ơn Mẹ sống Tin Mừng của Chúa và xin ơn an bình trong những lúc cùng khốn.
 
-Kinh kính mừng trong cơn bách đạo của các chứng nhân xin Mẹ được ơn can đảm làm chứng cho Đức Tin Công Giáo.
 
-Kinh kính mừng trong lúc khốn khổ ở La Vang, ở nơi này nơi kia xin Mẹ ơn bình an giữ đạo Chúa cho nên.
 
-Kinh kính mừng trong thời chiến tranh loạn lac, giữa bom đạn, giữa lúc tản cư, giữa đường chạy giặc, xin cho thoát khỏi nạn quỷ dữ vô thần.
 
-Kinh kính mừng của những ngày đất nước phải sống trong một hoàn cảnh mới.
 
Vâng, làm sao quên được cảnh đời cơ cực ở Việt Nam đã suốt bao nhiêu năm trời. Và cũng làm sao mà quên được những chuỗi kinh kính mừng trong phút giờ tưởng như là tuyệt vọng. Người người đọc kinh Mân Côi. Nhà nhà lẫn chuỗi Mân Côi. Trên nương rẫy, dưới đồng sâu, nơi hợp tác xã, trong trại cải tạo, dưới ánh trăng khuya bên ngọn đèn dầu khu kinh tế mới, cụ ông cụ bà thấp cao không đều giọng đọc với trẻ con, thế mà tiếng kinh kính mừng âm thầm râm ran như lời kêu van thống thiết Mẹ Ơi Đoái Thương chúng con giữa cảnh đời u ám điêu tàn! Và nhờ kinh kính mừng, lòng người được bình an.
 
 Tôi còn nhớ, phía sau nhà thờ gỗ loang lỗ  những vết đạn, rách nát do những mảnh bom, cụ già Toma với năm bảy người bên ngọn đèn dầu, lần chuỗi Mân Côi:
 
– “Tháng này lần chuỗi xin Đức Mẹ cho có cha trông coi giáo xứ”.
 
– “Sao không vào nhà thờ mà đọc kinh?” 
 
– “Xứ mình không có cha, không dám làm gì trong nhà thờ cả. Ủy Ban Xã bên cạnh. Hôm bữa họ xách súng qua đây hỏi rồi”.
 
– “Vậy, mình đọc ở đây họ thấy có bắt không”
 
– “Không đâu! Đức Mẹ nào để cho ai bắt mình. Nhưng bắt thì  mình xin. Đọc kinh mà, tội gì. Cứ đọc đi. Ban đầu thì sau nhà thờ, rồi ít bữa nữa đọc hè nhà thờ, cho người ta thấy quen mắt rồi mình vào trong nhà thờ”.
 
Và nhờ kinh kính mừng, Đức Mẹ đã cầu thay nguyện giúp. Chúa đã nhậm lời. Từ những buổi kinh ít người ngoài, rồi trong nhà thờ rách nát, đến đông hơn, rồi phụng vụ Lời Chúa, rồi “mượn” được Cha về làm lễ, và cuối cùng là có cha xứ, xây nhà thờ mới, giáo xứ phát triển….
 
Cụ Tô-ma đã qua đời được gần 20 năm, nhưng kỷ niệm Mân Côi ấy không phai nhòa trong ký ức của giáo xứ.
 
Tôi còn nhớ, một nửa buổi nọ, mang ra ruộng cho cha vài củ khoai. Đứng trên bờ nhìn xuống, tôi đếm cha cày được 10 đường cày rồi. Thế là tôi biết cha đã lần hai chuỗi. Bên kia, Mẹ chất đầy hai giỏ mạ. Thì ra mẹ cũng hai chuỗi Mân Côi rồi, không ít hơn.
 
Vâng, những ngày gian khổ ấy, cha mẹ chúng ta Lần Chuỗi Mân Côi không bằng xâu chuỗi ngọc sáng trưng, không bằng xâu chuỗi gỗ xinh xắn, nhưng bằng mười ngón tay bùn lầy, đen đủi, rám nắng. Chuỗi Mân Côi và 5 sự gẫm được tính bằng lọn mạ, đường bừa, đường cày, tính bằng vồng khoai, thúng bắp, bó rau thật sốt sắng, thật tin tưởng, thật khẩn thiết, thành tâm.
 
Cũng nhờ kinh kính mừng, đời sống các gia đình thật êm đềm hạnh phúc.
 
Không ai dám tiếc nuối một thuở thời lầm lũi trong nghèo khổ đau thương, trong nước mắt dập vùi. Bởi vì, ai cũng có quyền ước mơ một cảnh đời an nhàn thư thái, sung túc, thịnh vượng. Nhưng khi đã hưng thịnh, giàu sang, phú quý hay ít là có của ăn của để rồi, thì tôi bỗng dưng tiếc nuối lòng đạo đức của ông bà cha mẹ chúng ta trong những ngày gian khổ ấy. Lòng đạo đức của ông bà, của tiền nhân nay còn đâu?! Đáng lý ra, tấm gương sáng của những người đi trước chúng ta, hẳn phải lưu truyền lại cho hậu thế, và hậu sinh phải là những người tiếp bước lòng đạo đức ấy.
 
Là hậu duệ của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là con là cháu trong gia đình Công Giáo hôm nay, nhân tháng Mân Côi này, hẳn phải lập lại đời sống đạo đức, đời sống Đức Tin, đời sống Tin Mừng mà cha ông ta đã nêu gương sáng lạn. Có như thế, thiết nghĩ mới gọi được là có lòng hiếu kính với ông bà, có lòng tri ân Thiên Chúa tri ân Mẹ Maria đã giúp ông bà cha mẹ chúng ta vượt qua bao gian nan thử thách của cuộc đời, để chúng ta có được ngày hôm nay.
Vâng, Lễ Mẹ Maria Mân Côi, nhắc đến sức mạnh của Kinh Mân Côi, của Chuỗi Mân Côi chiến thắng bè rối Albigeois chống phá Giáo Hội và cụ thể hơn, nhắc nhớ cho mỗi tín hữu Việt Nam rằng ông bà cha mẹ của chúng ta đã nhờ kinh Mân Côi mà vượt qua mọi gian nan, mà chiến thắng thế lực của quỷ thần
 
– để có một Giáo Hội Việt Nam thu hoạch mùa lúa dồi dào
– để còn các gia đình kính thờ Thiên Chúa
– để còn Đức Tin và hạnh phúc nhờ Đức Tin mang lại trong các gia đình công giáo trong mỗi tín hữu.
 
Chuỗi Mân Côi nay đâu? Kinh Mân Côi nay đâu? Lớp người trẻ, thế hệ  con cháu có còn yêu mến, siêng năng và sốt sắng đọc kinh kính mừng hay lần chuỗi Mân Côi?
 
Thiết tưởng, bổn phận khẩn cấp của chúng ta hôm nay, đặc biệt người trẻ, là tái lập việc đọc kinh Mân Côi chung, riêng ở khắp mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh.
 
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã giúp cha ông chúng con vượt qua gian nan và chiến thắng quỷ thần nhờ sức mạnh của kinh Mân Côi. Xin cho chúng con lòng yêu mến, sốt sắng cùng sống Đức Tin qua lời kinh Mân Côi trong suốt đời mình. Amen.
 
PM Cao Huy Hoàng
 

CÓ CHÚA TRONG ĐỜI NHAU

CÓ CHÚA TRONG ĐỜI NHAU

Chuyện tình yêu đôi lứa ngày mới xây mơ dệt mộng biết bao là sắc màu xinh đẹp. Những hẹn hò trước lễ thành hôn, những nũng nịu hồn nhiên, những chiều chuộng rất nhân từ, những cho nhau không hề giữ lại, không hề tiếc nuối…tưởng như là hạnh phúc! Đôi tim hồng rạng rỡ. Mạch sống căng tràn sức xuân. Tưởng như thế là thời gian chuẩn bị đã xong, đã đủ. Rồi cuối cùng, quyết định đến với nhau nên nghĩa vợ chồng. Hôn nhân tự nhiên đẹp theo một khuôn định tự nhiên của Đấng Tạo Hóa, mà đôi khi con người không khám phá ra nổi. Đã vậy, còn mơ hồ định nghĩa tình yêu như một chuyện tự nhiên mà không cần đến sự can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa. Vì thế, chuyện đến với nhau và để bỏ nhau cũng  bỗng dưng cho là chuyện tự nhiên bình thường.

Ki-tô hữu Công Giáo khi bước vào đời sống hôn nhân cũng không thiếu những ước mơ hạnh phúc lãng mạn của thuở ban đầu yêu nhau say đắm. Nhưng hẳn phải khác hơn người không tin Thiên Chúa ở nhiều điểm:

-thứ nhất là tin mọi biến cố trong đời đều có sự can thiệp của Thiên Chúa,

-thứ hai là phải học hiểu thấu đáo về ý nghĩa của Hôn Nhân Công Giáo, đặc biệt là ý nghĩa Đơn Hôn và Vĩnh Hôn: một vợ một chồng và suốt đời trung tín. Bởi Chúa Giê-su đã nâng hôn nhân tự nhiên lên hàng Bí Tích khi Ngài nói rõ: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phân ly”.

-Và thứ ba: phải sống niềm tin ấy trong đời hôn nhân bằng sự chung thủy sâu xa và chân thành.

Thiên Chúa đã Liên Kết:

Khi chuẩn bị bước vào hôn nhân, Kitô Hữu  hẳn phải biết kết hiệp với Chúa và xin ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn để tình yêu đôi lứa được thánh hóa nên tình yêu vợ chồng trong cuộc hôn nhân thánh thiện. Nhờ ơn Bí tích, đôi vợ chồng dần dần khám phá ra những chiều kích kỳ diệu mới mẻ trong hôn nhân.

Có người chưa hiểu thấu ý Chúa khi mới thành hôn, nhưng qua thời gian, họ đã ngộ ra:“Ngày ấy tôi tưởng tôi chọn em. Nhưng bây giờ tôi mới hiểu: Chúa đã can thiệp vào con người, vào ý muốn tôi, không phải tự sức riêng tôi. Và tôi cảm tạ Chúa vì tôi đã lấy em, không phải người khác. Nếu là một người khác, chắc gì họ đã chịu đựng được tôi cho đến hôm nay”. Và ngược lại, người vợ cũng phải hiểu được thấu đáo điều đó và đừng đứng núi này mà trông núi nọ.

Sự ràng buộc của Hôn Nhân Công Giáo, của Bí tích hệ tại ở việc Thiên Chúa muốn thi thố tình thương của Ngài qua việc kết hiệp ấy. Đã có không ít người tuyên bố: “Nếu cho phép tôi chọn lần thứ hai, tôi sẽ không chọn anh ấy nữa. Nhưng vì chỉ được chọn có một lần và muôn đời không đổi, nên tôi mới hiểu ra tôi “phải làm thế nào” “phải cộng tác với ơn Chúa thế nào” để người ấy chính là người tuyệt vời nhất của đời tôi, và để tôi nhìn nhận”.

Con người vẫn là loài kiêu ngạo trên đời, và cả trong tình yêu cũng không thiếu cốt cách kiêu ngạo ấy. Không biết thế nào là tình yêu mà vẫn cho rằng mình yêu người ta nhất, và vì yêu ngạo, không nhận ra tình yêu của người khác dành cho mình. Sự ngu đần về tình yêu không phải nơi người ngu chữ ít học, mà là nơi người ngu vì coi cái tôi của mình to lớn hơn cả trời cả đất.

Vậy thì, việc “tôi phải làm thế nào”, “phải cộng tác thế nào” ấy là tôi phải học bài tình yêu hiền lành và khiêm nhượng. Chỉ khi tôi hiền lành và khiêm nhượng, thì:

-một là tôi mới thấy người ấy đáng yêu,

-hai là mới có sức làm cho người ấy thay đổi con người từ đáng ghét đến đáng yêu,

-và ba là, mới chứng minh cho người ấy rằng tôi yêu người ấy.

Công việc của người tin, hiểu điều “Thiên Chúa đã liên kết” là cộng tác với ơn Chúa làm cho điều đã liên kết trở nên thành toàn, bền vững.

 “Không được phân ly”

Vậy, khi xác nhận được điều “Thiên Chúa đã liên kết”, hẳn phải giữ điều Chúa dạy “không được phân ly”.

Có thể nói các trường hợp ly dị đều bắt nguồn từ chỗ không những chối bỏ việc “Thiên Chúa liên kết” mà còn cho rằng việc liên kết với nhau là do chính mình. Vì thế họ nghĩ đơn giản rằng đã yêu nhau được thì cũng có quyền bỏ nhau khi không còn yêu nhau nữa. Đó là cách yêu và cách bỏ của những người không tin có Thiên Chúa. Những người Công Giáo thời nay cũng bắt chước như vậy. Họ cũng đang chối bỏ Thiên Chúa.

Người Do Thái ngày xưa có hai chủ trương: một là không sống với nhau được nữa thì cứ ly dị, hai là nếu người vợ ngoại tình thì người chồng được ly dị. Nhưng Chúa Giê-su đã khẳng định “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phân ly”.

Thời nay, nạn ly dị tràn lan. Ai dám đổ thừa cho người không tin Thiên Chúa làm gương xấu cho người tin Thiên Chúa, nhưng thiết tưởng các Ki-tô hữu phải tự đấm ngực mình về tội bất trung với người bạn đời, cũng đồng nghĩa với tội bất trung với Thiên Chúa. Ly dị thì chỉ có hai người mà hậu quả của ly dị thì ảnh hưởng tới không biết bao nhiêu người! Trước hết là con cái mồ côi cha mẹ khi cha mẹ hãy còn sống, rồi đến những chuyện tình lần thứ hai, thứ ba, thứ năm thứ bảy của người đã ly dị, kể cả chuyện tái hôn bất hợp pháp, lần này sang lần nọ. Cuộc sống không phút bình yên cho ai cả!

May mắn thay, khi đã ly dị, còn có người biết sám hối và ngộ ra mình đã thưa nhau ra tòa vì nhiều lý do vặt vãnh, nhưng còn nhiều lý do sâu xa hơn:

-Ngày chưa cưới nhau thì “Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con lấy được người con yêu”. Cưới được rồi, chẳng thấy có phút kinh nguyện mà thưa với Chúa ‘Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con yêu được người con đã lấy”.

-Nhớ xưa, khi còn là con nít, được nhận nhiều hơn cho đi. Nay lớn rồi, phải cho đi nhiều hơn nhận lại, mới chứng minh được là  mình đã trưởng thành, đã lớn. Lòng ích kỷ của mình chỉ thích nhận hơn là cho đi.

Hai người lấy nhau nên vợ thành chồng không còn là con nít với nhau nữa. Họ cùng là người lớn. Nhưng trong tình yêu, bỗng dưng cả hai sẽ có khi là con nít để nhận, là người lớn để trao. Lẽ công bằng trao và nhận. Con nít của lòng đơn sơ khiêm nhượng, và người lớn của lòng quảng đại bao dung.

-Sách Talmud Do Thái có đoạn : “Xin đừng làm phụ nữ khóc, vì Thượng Đế đang đếm từng giọt lệ của nàng. Hãy nhớ, nàng không đi ra từ đôi chân hay từ cái đầu của chàng. Nàng đã đi ra từ cạnh sườn của Chàng. Bởi thế, nàng được bình an dưới cánh tay ấp ủ của chàng và nàng hạnh phúc gối lên ngực chàng bên trái tim nồng ấm”.

À thì ra, tình yêu của chúng tôi đã thiếu sự “tôn trọng nhau suốt đời” như lời đã hứa.

Và còn bao nhiêu lý do sâu xa nữa…, nhưng một lý do cốt lõi của nạn ly dị vẫn là: Từ chối sự hiện của Chúa trong đời mình và trong đời nhau.

 Lạy Chúa, chỉ vì chúng con không mời Chúa đến và ở lại trong lòng chúng con, trong nhà chúng con, nên gia đình chúng con trở nên một địa ngục trần gian quá kinh khủng. Từ nay, xin cho chúng con biết giữ Chúa ở trong lòng mỗi chúng con, trong nhà chúng con, để sự hiện diện của Chúa kiện toàn hạnh phúc hôn nhân và hạnh phúc trong mái ấm gia đình của chúng con. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng, 05 tháng 10-2012

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO Từ 10-01 đến 10-06-2012

TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO Từ 10-01 đến 10-06-2012

Trích từ Xuân Bích VN

 

Từ chối lớp học Yoga giáo xứ vì “không tương thích” với đức tin.

Tunisia : họp thượng đỉnh thế giới các ủy ban quốc gia về đạo đức lần 9.

-Triển lãm kể về “sứ mệnh bất khả thi” của các thừa sai MEP trên nóc nhà thế giới.

Thu hồi những cảnh báng bổ đối với Kitô hữu khỏi bộ phim của Bollywood.

Tại sao các Giáo Hoàng không mặn mà trong việc tổ chức các công đồng?

Hy vọng mau đạt được hiệp định với Vatican về hiệp ước ngoại giao.

Những cơ hội mong manh còn lại cho hoà giải của SSPX?

Vatican bớt gay gắt với vị LM bị cách chức do ngẫu hứng các lời nguyện.

-Các tu viện trưởng Dòng Biển-Đức đặt câu hỏi điều gì hấp dẫn ơn gọi.

Hàng trăm LM và nữ tu chuẩn bị Năm Đức Tin ở Vijayawada.

-Xuất bản tập 2011 của “Thư mục truyền giáo”.

-Nhà tập Dòng Kín Á Châu  trở lại Đài Loan.

Tân bề trên tổng quyền Dòng Passionist (CP – Dòng Khổ Giá) .

Bổ nhiệm mới.

Lập ra “Giải Thưởng Carlo Maria Martini”.

Đức Thánh Cha nói với Hồng Y người Anh đừng nhận ghế trong Thượng Nghị Viện.

Bọn vẽ bậy (graffiti) bài Kitô giáo tấn công tu viện Giêrusalem.

Chính trị và “những nguyên lý trói buộc” của học thuyết xã hội Công giáo.

-Các giáo huấn Vatican II không phải tùy ý.

Các tu sĩ Thượng Hải bị buộc tham dự giáo dục cải tạo.

Sử gia hàng đầu Giáo hội Liên Hiệp Anh trở lại Công giáo.

 (Xem chi tiết . . .TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO Từ 10-01 đến 10-06-2012 )

Phát Tang, Cầu Nguyện Cho Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện

Phát Tang, Cầu Nguyện Cho Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện

Santa Ana (Bình Sa)- – Tại Nhà Thơ Đức Mẹ La Vang (Our Lady of La Vang Church) tọa lạc tại số 288 S. Habor Blvd, Santa Ana, CA 92704, Lễ Phát Tang và Thánh Lể cầu nguyện Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện đã được tổ chức vào lúc 12 giờ PM Thứ Sáu ngày 5 tháng 10 năm 2012. Hiện diện trong buổi lễ có vợ chồng người anh ruột là ông Nguyễn Công Giân và phu nhân đến từ Washington DC, ngoài ra còn có một số qúy vị nhân sĩ trí thức, nhà văn, nhà thơ, qúy vị đại diện các hội đoàn, đoàn thể và bạn bè thân hữu của Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện tham dự.

Lễ phát tang nhà thơ Thomas Moore Nguyễn Chí Thiện

Mở đầu Bác Sĩ Trần Văn Cảo giới thiệu Linh Mục Đức Minh lên chủ lễ phát tang và Thánh Lễ cầu nguyện, sau khi lễ phát tang cử hành, Ông bà Nguyễn Công Giân lên để được Linh Mục Đức Minh quàng khăn tang. Sau đó mọi người cùng đọc kinh cầu nguyện theo nghi thức tôn giáo.

Sau lễ phát tang là phần thăm viếng sẽ kéo dài đến 7 giờ tối, và từ 7 giờ tối đến 8 giờ tối Thánh Lễ Cầu Nguyện sẽ do Đức Giám Mục Mai Thanh Lương, Giám Mục Phó Giáo Phận Quận Cam và một số Linh Mục đồng tế chủ lễ.Theo chương trình thì  Thánh Lễ an táng sẽ được tổ chức vào lúc 8 giờ sáng Thứ Bảy ngày 6 tháng 10 năm 2012, sau đó linh cửu sẽ được di chuyển đến nhà quàn Melrose Abbey Memorial Park số 2303 South Manchester Ave, Anaheim, CA 92802 để làm hỏa táng tại đây.

Trong dịp nầy chúng tôi có tiếp xúc với ông Nguyễn Công Giân Bào Huynh của Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện được ông cho biết, theo ý nguyện người qúa cố, xin miển phúng điếu, tang gia không nhận bất cứ sự đóng góp tài vật nào cũng như xin được từ chối những lời điếu văn trong tang lễ.

Nguồn: Việt Báo

Thánh Faustina Tông đồ lòng Chúa thương xót

Thánh Faustina Tông đồ lòng Chúa thương xót

Chị Helen Kowalska sinh ngày 25 tháng 08-1905 tại Glogowiec gần Lodz, nước Ba Lan. Chị là con thứ 3 trong một gia đình Công Giáo gồm 10 người con.

Chị xuất thân từ một gia đình nghèo, lao động vất vả về nghề nông. Vì hoàn cảnh gia đình, chị phải nghỉ học khi chưa hết lớp 3 để phụ giúp cha mẹ trong việc trông coi đàn gia súc của gia đình. Khi lên 15 tuổi, chị xin đi tu thì bị cha mẹ từ chối. Năm 20 tuổi, chị mới được vào tu trong dòng “Các Chị Em Đức Mẹ Từ Bi”, và được đổi tên là nữ tu Maria Faustina Kowalska. Vì chị thiếu khả năng, cũng không có trình độ học vấn, nên chỉ được nhận vào tu với tư cách là một “Trợ Sĩ”, nhưng cũng được mặc áo dòng và khấn ba lời khấn. Trong nhà dòng, chị thường làm những công việc rất hèn hạ như làm bếp, làm vườn hoặc giữ cổng…

Một trợ sĩ vô danh, không tài năng, không học vấn như chị thì không ai nghĩ rằng chị có thể làm nên chuyện đáng nói. Nhưng Thiên Chúa lại có cái nhìn khác, Ngài yêu thích những tâm hồn khiêm hạ, bé nhỏ và tỏ cho họ những bí nhiệm của Trời cao. Chúa nói với chị : “Ta chọn con, vì con là người kém cỏi, và thiếu khả năng nhất. Nhưng qua đó, kế hoạch của Ta sẽ được hoàn tất”

Chúa Giêsu đã dùng chị Faustina làm Tông Đò truyền bá Lòng Thương Xót Chúa. Cho nên chẳng bao lâu, Chúa đã giúp cho chị hiểu được một cách sâu sắc các mầu nhiệm trong đạo, khiến cha linh hướng của chị hết sức bỡ ngỡ, kinh ngạc. Khi nói chuyện với chị, Ngài thấy khả năng thảo luận của chị về những vấn đề này đã đạt tới trình độ của một nhà thần học thông thái, uyên bác. Đọc nhật ký của chị, chúng ta thấy có lần chị cầu nguyện với Chúa : “Lạy Chúa, Lòng Nhân Từ của Chúa đã khuyến khích con thưa chuyện với Chúa. Lời Chúa đã dọi ánh sáng vào tâm hồn con, làm con mỗi ngày một hiểu Chúa cách sâu sắc hơn”

Cha linh hướng ra lệnh cho chị ghi lại trong nhật ký những mặc khải của Chúa và Đức Mẹ. Nhưng cầm bút viết lại là một trở ngại lớn cho chị. Chị tâm sự điều này với Chúa : “Lạy Chúa, Chúa biết khả năng viêt lách của con thật tệ hại. Vả lại, con cũng không có đến một cây bút để viết nữa. Con phải cố gắng đến khổ sở để dùng nét chữ nguệch ngoạc mà ráp từng từ lại với nhau…”

Một người với khả năng như thế, nhưng lại được Thiên Chúa dùng làm thư ký cho Người, thật là kỳ diệu : “Hỡi thư ký của mầu nhiệm sâu thẳm nhất của Ta, nhiệm vụ của con là viết ra mọi điều Ta mặc khải cho con về Lòng Thương Xót của Ta. Hãy viết về mầu nhiệm cao cả nhất của Ta. Nhiệm vụ trọn đời con là khuyến khích các linh hồn tin tưởng nơi Ta”.

“Hỡi thư ký nhỏ của Lòng Thương Xót, hãy viết. Sau này, những ai đọc cuốn nhật ký này sẽ hiểu về Ta và đặt tin tưởng nơi Ta. Hãy viết rằng : “Lòng Rộng Lượng của Ta dành cho người tội lỗi, nhiều hơn cho người công chính. Ta bỏ Trời xuống thế là vì người tội lỗi. Máu châu báu của Ta đổ ra cũng là cho họ”.

Vâng lời cha linh hướng, và được sự khuyến khích của Chúa và Đức Mẹ, chị đã viết cho tới khi lìa trần được khoảng 600 trang đánh máy. Điều lạ là từ đầu cho tới khi hoàn tất, người ta thấy hầu như không có chỗ nào bị sửa chữa, hay viết sai lỗi chính tả.

Ngoài công tác làm thư ký, chị còn được Chúa trao cho sứ vụ làm tông đồ của Lòng Thương Xót. Ngày 04-07-1937 chị ghi lại trong nhật ký : “Hôm nay lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong khi tham dự Thánh Lễ, tôi được Chúa cho hiểu hơn về Thánh Tâm Chúa, và về ngọn lửa tình yêu đang bùng cháy nơi Trái Tim Người dành cho chúng ta cũng như hiểu được làm sao Chúa là biển cả Thương Xót”. Rồi tôi nghe thấy tiếng Chúa phán : “Hỡi tông đồ của Lòng Thương Xót Ta, hãy loan báo cho toàn thể nhân loại về Lòng Thương Xót vô bờ của Ta. Đừng nản lòng về những khó khăn con gặp phải khi cổ võ Lòng Thương Xót của Ta. Những đau khổ gây nên bởi những khó khăn này rất cần thiết, vì nó sẽ giúp Thánh hoá con, cũng như đó là dấu chứng cho biết, đây là công việc của Ta. Hỡi con ! hãy chuyên cần viết lên từng câu Ta đã nói với con về Lòng Thương Xót của Ta, bởi vì nhờ đó mà rất nhiều linh hồn sẽ được ơn ích vì biết chạy đến với Ta.”

Chị Faustina bị bệnh lao phổi hoành hành như Chúa đã báo trước, nhưng chị đã vui vẻ chấp nhận. Chị qua đời ngày 05 tháng 10-1938.

Chị đã được Đức Gioan Phaolô II suy tôn chân phước ngày 18 tháng 04-1993 và tuyên thánh ngày 30 tháng 04-2000 nhân dịp Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa.

Trong bài giảng lễ suy tôn Hiển Thánh cho chị, Đức Gioan Phaolô II nói : “Nữ tu Faustina là quà tặng mà Thiên Chúa ban Cho thời đại Chúng ta…”. “Nhân loại sẽ không tìm thấy được sự bình an cho đến khi hết lòng quay về Lòng Thương Xót Chúa” (Nhật ký trang 132).

Và ngài kết thúc bài giảng hướng về chị Faustina như sau : “Thưa chị Faustina, một quà tặng mà Thiên Chúa ban cho thời đại chúng tôi, một quà tặng từ đất nước Ba Lan cho toàn thể Hội Thánh, xin cho chúng tôi biết được chiều sâu của Lòng Thương Xót Chúa ; Xin cho chúng tôi có một kinh nghiệm sống động và làm chứng về Lòng Thương Xót ấy cho anh chị em chúng tôi. Ước gì sứ điệp về ánh sáng và niềm hy vọng của chị lan toả khắp thế giới, bằng cách thúc đẩy người tội lỗi hoán cải, xoá bỏ mọi tranh chấp, hận thù cùng dẫn đưa mọi cá nhân, và quốc gia đến việc thực thi tình huynh đệ. Hôm nay, khi cùng chị hướng nhìn lên khuôn mặt của Đức Kito sống lại, ước gì chúng tôi lấy làm của mình lời cầu nguyện tin tưởng phó thác của chị và nói lên với niềm hy vọng vững vàng : “Lạy Chúa Giêsu Con Tín Thác Vào Chúa”

 

Sưu tầm

Nguồn: GX ĐaMinh

Đức Thánh Cha ban ơn toàn xá cho các tín hữu trong Năm Đức Tin

Đức Thánh Cha ban ơn toàn xá cho các tín hữu trong Năm Đức Tin

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 ban ơn toàn xá cho các tín hữu nhân dịp Năm Đức Tin từ ngày 11 tháng 10-2012 đến ngày 24 tháng 11-2013, theo những điều kiện được Tòa Ân Giải thông báo.

Trong Sắc lệnh ký ngày 14 tháng 9-2012 và được Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến hôm 5 tháng 10-2012, Tòa Ân Giải nhắc lại chủ đích của ĐTC khi ấn định Năm Đức Tin nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2 là để ”mời gọi Dân Chúa và các GM toàn thế giới, hiệp với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, tưởng niệm Hồng ân đức tin quí giá trong thời kỳ ân phúc Chúa ban cho chúng ta (Porta fidei, n. 8), để tất cả các tín hữu được cơ hội tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Phục Sinh.. tại các Nhà thờ chính tòa và các thánh đường trên toàn thế giới, tại tư gia và trong gia đình họ, để mỗi người mạnh mẽ cảm thấy nhu cầu am tường hơn và thông truyền cho các thế hệ tương lai đức tin ngàn đời.. Ngoài ra, Năm Đức Tin cũng có mục đích kêu gọi tất cả các tín hữu, riêng rẽ hoặc chung với cộng đoàn, làm chứng công khai về đức tin của mình trước mặt tha nhân trong những hoàn cảnh đặc thù của đời sống thường nhật”.

Sau khi nhắc lại giáo lý của Hội Thánh Công Giáo về ân xá, Sắc Lệnh khẳng định rằng Ơn toàn xá được ban cho các tín hữu để hỗ trợ họ về đàng thiêng liêng trong việc theo đuổi các mục đích nói trên: Giáo Hội dùng quyền quản lý ơn cứu chuộc do Chúa Kitô thực hiện, thông ban cho các tín hữu sự tham phần vào sự sung mãn ấy của Chúa trong cộng đồng hiệp thông của các thánh, cung cấp dồi dào cho họ các phương thế để đạt tới ơn cứu độ”.

Những trường hợp đưc ơn toàn xá

Sau lời dẫn nhập trên đây, Tòa Ân Giải tối cao cho biết trong trọn Năm Đức Tin (11 tháng 10/2012 đến 24 tháng 11/2013), các tín hữu có thể được hưởng ơn toàn xá, tha các hình phạt tạm vì tội lỗi, nhờ lòng từ bi của Chúa, và có thể nhường các ơn này cho các linh hồn nơi luyện ngục, nếu họ thành tâm thống hối, xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha:

1. Mỗi khi họ tham dự ít là 3 bài giảng trong cuộc đại phúc hoặc ít là 3 bài học về các Văn kiện Công Đồng chung Vatican hay và về những khoản trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo, tại bất kỳ nhà thờ nào hoặc tại nơi thích hợp.

2. Mỗi khi họ hành hương tại một Vương Cung Thánh Đường Giáo Hoàng, một hang toại đạo Kitô, một Nhà thờ chính tòa, một nơi thánh do Bản quyền địa phương chỉ định cho Năm Đức Tin, ví dụ các Tiểu Vương cung thánh đường, các Đền Thánh dâng kính Đức Mẹ, các Tông Đồ và các Thánh Bổn mạng) và tham dự tại có một lễ nghi thánh hoặc ít là dừng lại suy niệm một lúc và kết thúc bằng kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính dưới bất kỳ hình thức nào hợp pháp, kêu cầu Đức Trinh Nữ Maria, và các Thánh Tông Đồ hoặc Thánh Bổn mạng, tùy theo trường hợp;
3. Mỗi khi họ tham dự thánh lễ trọng thể hoặc Phụng vụ giờ kinh, kèm theo việc tuyên xưng đức tin, dưới bất kỳ hình thức nào hợp pháp, trong những ngày do Bản quyền địa phương ấn định cho Năm Đức Tin (ví dụ vào những lễ trọng kính Chúa, Đức Mẹ, lễ kính các Thánh Tông Đồ và Bổn mạng, lễ kính Tòa Thánh Phêrô) tại bất kỳ nơi thánh nào.

4. Vào một ngày tín hữu tùy ý chọn lựa, trong Năm Đức Tin, để kính viếng giếng rửa tội hoặc nơi khác, mà họ đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, và lập lại những lời hứa khi chịu phép rửa, theo bất kỳ hình thức nào hợp pháp.
Các GM giáo phận, và các vị tương đương theo luật, nhân dịp buổi cử hành chính yếu, ví dụ ngày 24 tháng 11-2013, lễ Chúa Kitô Vua, kết thúc Năm Đức Tin, có thể ban Phép Lành Tòa Thánh với ơn Toàn Xá, cho tất cả các tín hữu thành tâm lãnh nhận Phép Lành này.

Tòa Ân Giải Tối Cao nói thêm rằng ”Những tín hữu thành tâm thống hối và không thể tham dự các lễ trọng vì lý do hệ trọng, như tất cả các nữ đan sĩ sống trong Đan viện kín vĩnh viễn, những người sống ẩn dật, các vị ẩn tu, các tù nhân, người già yếu, bệnh tật, cũng như những người phục vụ tại các nhà thương, bệnh xá, cũng được hưởng ơn Toàn Xá với cùng điều kiện nói trên, nếu tại tư gia hoặc tại nơi mà họ bị ngăn trở, họ hiệp ý với các tín hữu hiện diện, đặc biệt trong những lúc lời ĐTC và các GM giáo phận được truyền hình hoặc truyền thanh, họ đọc Kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính dưới bất kỳ hình thức nào, và các kinh khách phù hợp với mục đích của Năm Đức Tin, dâng những đau khổ và khó khăn trong cuộc sống của họ”. (SD 5-10-2012)

G. Trần Đức Anh OP  – Viet Vatican

400 người tham dự Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 13

400 người tham dự Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 13

VATICAN. Tổng cộng có 400 người tham dự Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 sẽ tiến hành từ chúa nhật 7 tháng 10 đến 28 tháng 10 tới đây về chủ đề ”Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin Kitô”.

Trong cuộc họp báo sáng ngày 5 tháng 10-2012, Đức TGM Nikola Eterovic, người Croát, Tổng thư ký Thượng HĐGM, cho biết trong số 400 người vừa nói có 262 nghị phụ, con số đông đảo chưa từng có trong lịch sử các Thượng HĐGM. Trong số này có 103 vị từ Âu Châu, 63 từ Mỹ châu, 50 từ Phi châu, 39 từ Á châu và 7 vị từ Úc châu. Có 182 nghị phụ do các HĐGM và Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam bầu lên và được ĐTC phê chuẩn. HĐGM Việt Nam có hai GM đại biểu tham dự là Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, GM Phát Diệm, và Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, GM Phan thiết.

Xét về thứ bậc các nghị phụ có 6 Thượng Phụ, 49 Hồng Y, 3 TGM trưởng của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, 71 TGM, 120 GM và 14 LM.

ĐTC là Chủ tịch của Thượng HĐGM; ngài đã bổ nhiệm 3 vị Hồng y theo lượt thay ngài để chủ tọa các khóa họp, đó là ĐHY Gioan Thang Hán, GM Hongkong, ĐHY Francisco Robles Ortega, TGM Guadalajara bên Mêhicô, và ĐHY Laurent Monsengwo Pasinya, TGM Kinshasa, thuộc Cộng hòa dân chủ Congo.

Vị Tổng tường trình viên của Công nghị này là ĐHY Donald Wuerl, TGM Washington, Hoa Kỳ, và vị Tổng thư ký đặc biệt của Công nghị GM này là Đức Cha Pierre-Marie Carré, TGM giáo phận Montpellier bên Pháp.
Tham dự công nghị còn có 45 chuyên gia và 49 dự thính viên nam nữ. Các chuyên gia gồm các LM, nữ tu và giáo dân, hầu hết là các giáo sư đến từ năm châu, có nhiệm vụ trợ giúp ĐHY Tổng tường trình viên và Đức TGM Tổng thư ký đặc biệt của Công nghị Giám Mục này.

Các dự thính viên có quyền phát biểu nhưng không có quyền bỏ phiếu trong Thượng HĐGM. Trong số các vị có Ông Carl Anderson, người Mỹ, thủ lãnh Hội Hiệp sĩ Colombo, nhiều Bề trên Tổng quyền các dòng tu như dòng các Sư huynh La San, dòng nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta, dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu, dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, chị Maria Voce, Chủ tịch Phong trào Focolare, Tổ Ấm, v.v..

Có các Đại biểu Anh em, đại diện cho 15 Giáo Hội và Cộng đoàn Giáo Hội chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, trong số này đặc biệt có Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ Chính Thống Constantinople kiêm Giáo chủ danh dự chung của toàn Chính Thống giáo, và Đức TGM Rowan Williams, của Giáo phận Canterbury, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo. Hai vị sẽ dự thánh lễ ĐTC chủ sự ngày 11-10 tới đây để khai mạc Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm khai mạc công đồng. Riêng Đức giáo chủ Anh giáo cũng sẽ lên tiếng tại Công nghị.

Sau cùng có 3 vị được mời đặc biệt, đó là thầy Alois, Tu viện trưởng tu viện đại kết Taizé bênPháp, Mục sư Lamar Vest, Chủ tịch Hội Kinh Thánh Hoa Kỳ, và Ông Werner Arber, Giáo sư môn vi sinh học tại Trung tâm Sinh học thuộc đại học Bâle, Thụy Sĩ kiêm Chủ tịch Hàn lâm viện khoa học của Tòa Thánh.

Cũng có 32 LM trợ giúp các nghị phụ và 30 thông dịch viên. Tổng cộng có 400 người dự Thượng HĐGM thế giới thứ 13.

Đức TGM Eterovic cũng nói rằng trong 3 tuần họp, Thượng HĐGM sẽ có 23 phiên khoảng đại và 8 phiên họp nhóm. Ngay trong cuộc họp đầu tiên, các nghị phụ sẽ được phân thành 12 nhóm nhỏ tùy theo ngôn ngữ chính của Công nghị GM này. Các vị sẽ họp để chọn điều hợp viên và tường trình viên của nhóm liên hệ.
Về phương pháp, Đức TGM cho biết mỗi nghị phụ được phát biểu 5 phút trong phiên họp khoáng đại, và trong các phiên họp ban chiều từ 6 đến 7 giờ, mỗi vị không được nói quá 3 phút. Các dự thính viên và đại biểu anh em không được nói quá 4 phút.

G. Trần Đức Anh OP

 

 

Chia s?        

 

Đức Thánh Cha phó thác Năm Đức Tin và Thượng HĐGM 13 cho Đức Mẹ Loreto

Đức Thánh Cha phó thác Năm Đức Tin và Thượng HĐGM 13 cho Đức Mẹ Loreto

LORETO. Theo gương vị Tiền Nhiệm, Chân Phước Gioan 23, hôm 4 tháng 10-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã đến hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Loreto, và phó thác cho Mẹ Thiên Chúa 2 biến cố lớn sắp đến của Giáo Hội: Năm Đức Tin và Thượng HĐGM thế giới thứ 13 về việc tái truyền giảng Tin Mừng.

Cách đây 50 năm, ngày 4 tháng 10-1962, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23 hành hương tại Loreto, 1 tuần lễ trước khi long trọng khai mạc Công đồng chung Vatican 2.

Loreto có nhà Đức Mẹ ở trongg Vương cung thánh đường rộng lớn với những bức tường bằng đá cảm thách, được xây dưới thời ĐGH Giulio II (1503-1513).

Đến Đền Thánh, ĐTC đã kính viếng Mình Thánh Chúa và Nhà Đức Mẹ, và lúc 11 giờ, ngài chủ sự thánh lễ tại Quảng trường bên ngoài trước sự hiện diện của lối 5 ngàn tín hữu ngồi chật trọn khu vực, cùng với nhiều GM và LM tu sĩ. 5 ngàn người khác đứng tại khu vực lân cận để tham dự thánh lễ và chào đón ĐTC.
Trong số các vị đồng tế với ĐTC trong thánh lễ có ĐHY Bertone Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức TGM Salvatore Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng và Đức TGM Nikola Eterovic, Tổng thư ký Thượng HĐGM và các GM miền Marche, trung Italia.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, sau khi nhắc đến cuộc viếng thăm 50 năm về trước của Đức Gioan 23 tại Loreto, ĐTC nói: ”tôi cũng muốn đến hành hương tại đây để phó thác cho Mẹ Thiên Chúa hai sáng kiến quan trọng của Giáo Hội là: Năm Đức Tin sẽ bắt đầu trong vòng 1 tuần lễ, ngày 11-10, kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2, và Thượng HĐGM thế giới, mà tôi triệu tập trong tháng 10 này về đề tài: ”Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin Kitô”.

ĐTC đã diễn giải về ý nghĩa Nhà Đức Mẹ, trong quan hệ với mầu nhiệm nhập thể, và ngài khẳng định rằng:
”Đức Chân phước Gioan 23, cách đây 50 năm, tại Loreto này, đã mời gọi chiêm ngắm mầu nhiệm ấy, ”suy tư về sự nối kết giữa trời và đất, là mục tiêu của sự Nhập thể và Cứu chuộc”, và Đức Chân Phước nói tiếp rằng chính Công Đồng cũng có mục đích là ngày càng chiếu tỏa ánh sáng phúc lợi của sự Nhập Thể và Cứu Chuộc của Chúa Kitô trong tất cả mọi hình thức của đời sống xã hội (Xc AAS 54 [1962], 724).

”Đó là lời mời gọi vẫn còn vang dội mạnh mẽ ngày nay. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay không những về kinh tế, nhưng cả các lãnh vực khác nhau của xã hội, sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa nói với chúng ta: con người quan trọng dường nào đối với Thiên Chúa và Thiên Chúa quan trọng dường nào đối với con người. Nếu không có Thiên Chúa, con người rốt cục sẽ để cho sự ích kỷ của mình lướt thắng tình liên đới và tình yêu, những sự vật chất trổi vượt trên các giá trị, chiếm hữu trổi hơn và hiện hữu. Cần trở về với Thiên Chúa để con người tái trở thành con người. Với Thiên Chúa, cả trong những lúc khó khăn, và khủng hoảng, sẽ không thiếu mất chân trời hy vọng: sự Nhập Thể nói với chúng ta rằng chúng ta không bao giờ lẻ loi. Thiên Chúa đã đi vào nhân tính của chúng ta và đang tháp tùng chúng ta”.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nói rằng: ”Khi chiêm ngắm Mẹ Maria, chúng ta phải tự hỏi xem chúng ta có muốn cởi mở đối với Chúa hay không, chúng ta có muốn dâng hiến cuộc sống chúng ta cho Ngài để trở thành một nơi ở cho Ngài hay không; hay là chúng ta sợ sự hiện diện của Chúa có thể là một giới hạn tự do của chúng ta, phải chăng chúng ta muốn dành cho mình một phần đời sống chúng ta, để nó chỉ thuộc về chúng ta mà thôi? Nhưng chính Thiên Chúa là Đấng giải thoát tự do của chúng ta, giải thoát nói khỏi sự co cụm vào mình, khỏi sự khát khao quyền lực, chiếm hữu, thống trị, và làm cho tự do ấy có khả năng cởi mở đối với chiều kích làm cho nó được sung mãn trọn nghĩa: đó là chiều kích hiến thân, yêu thương, phục vụ và chia sẻ.

”Đức tin làm cho chúng ta cư ngụ, ở lại, nhưng cũng làm cho chúng ta tiến bước trên nẻo đường đời. Về vấn đề này, Nhà Thánh ở Loreto cũng chứa đựng một giáo huấn quan trọng. Như chúng ta biết, Nhà này được đặt trên một con đường. Một điều có vẻ là lạ thường: theo quan điểm của chúng ta, nhà và con đường dường như loại trừ nhau. Trong thực tế, chính trong khía cạnh đặc biệt này có chứa đựng một sứ điệp đặc thù của Nhà Thánh này. Đây không phải là một nhà riêng, không thuộc về một người hay một gia đình, nhưng là một nơi cư ngụ mở rộng cho tất cả mọi người, có thể nói là ở trên con đường của tất cả chúng ta. Như thế, tại Loreto này, chúng ta thấy một căn nhà làm cho chúng ta lưu lại, cư ngụ, và đồng thời làm cho chúng ta tiến bước, nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta là những người lữ hành, chúng ta phải luôn tiến bước hướng về một nơi cư ngụ khác, hướng về căn nhà vĩnh cửu, về Thành Thánh, là nơi ở của Thiên Chúa với nhân loại được cứu chuộc (Xc Kh 21,3).

Và ĐTC kết luận rằng:
”Anh chị em thân mến, trong cuộc hành hương này theo vết Đức Chân Phước Gioan 23, Chúa Quan Phòng cho diễn ra vào đúng ngày kỷ niệm thánh Phanxicô Assisi, là ”Tin Mừng sống động” đích thực, tôi muốn phó thác cho Mẹ Chí Thánh của Thiên Chúa tất cả những khó khăn mà thế giới chúng ta đang trải qua trong việc tìm kiếm sự thanh thản và an bình, những vấn đề của bao nhiêu gia đình đang lo âu hướng nhìn về tương lai, những ước muốn của người trẻ cởi mở đối với cuộc sống, những đau khổ của những người đang chờ đợi những cử chỉ và những chọn lựa liên đới và yêu thương. Tôi cũng muốn phó thác cho Mẹ Thiên Chúa thời điểm ân phúc đặc biệt này đối với Giáo Hội, đang mở ra trước chúng ta.

Lạy Mẹ đã thưa xin vâng, đã lắng nghe Chúa Giêsu, xin Mẹ nói với chúng con về Chúa, xin kể cho chúng con hành trình của Mẹ để theo Chúa trên con đường đức tin, xin giúp chúng con loan truyền Chúa để mỗi người có thể đón nhận Chúa và trở thành nơi ở của Thiên Chúa. Amen!

Thánh lễ kết thúc lúc quá 12 giờ 15 phút. ĐTC đã dùng bữa và gặp gỡ các tu sĩ, nghỉ ngơi, và ban chiều vào lúc 5 giờ, ngài đáp trực thăng trở về Roma.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha đề cao phụng vụ trong đời sống tín hữu

Đức Thánh Cha đề cao phụng vụ trong đời sống tín hữu

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung sáng ngày 3 tháng 10-2012 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC mời gọi các tín hữu tham gia phụng vụ và đặt phụng vụ ở nơi trung tâm đời sống của mình.

Hiện diện tại Quảng trường có hơn 40 ngàn tín hữu hành hương, dưới bầu trời nắng thu. Đây là buổi tiếp kiến đầu tiên sau khi ngài kết thúc 3 tháng hè lưu ngụ tại dinh thự Castel Gandolfo và trở về Vatican. Số tín hữu lần này chiếm quá nửa quảng trường và đông đảo nhất kể từ nhiều tháng nay. Đông nhất là 5 ngàn tín hữu thuộc tổng giáo phận Salerno nam Italia về Roma hành hương.

Huấn dụ

Trong bài huấn dụ, ĐTC tiếp tục bàn về một trong những nguồn mạch ưu tiên của kinh nguyện Kitô giáo là phụng vụ thánh, mà ngài đã bắt đầu đề cập đến trong bài tuần trước. Ngài nói:

”Hôm nay tôi muốn chúng ta tự hỏi: trong đời sống của tôi, tôi có dành một chỗ đầy đủ cho việc cầu nguyện hay không, và nhất là kinh nguyện, đặc biệt là Thánh Lễ, có chỗ đứng nào trong quan hệ của tôi với Thiên Chúa, cũng như sự tham gia vào kinh nguyện chung của Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội?”

Khi trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải nhớ rằng kinh nguyện là quan hệ sinh động của con cái Thiên Chúa với Cha vô cùng nhân hậu của họ, với Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô và với Chúa Thánh Linh (Xc Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo n.2565). Vì thế, đời sống cầu nguyện hệ tại luôn luôn sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa và ý thức về điều ấy, khi sống quan hệ với Thiên Chúa cũng như ta sống những quan hệ thông thường trong cuộc sống chúng ta, những quan hệ với những người thân yêu nhất trong gia đình, các bạn hữu chân thực; đúng hơn, quan hệ với Thiên Chúa là quan hệ mang lại ánh sáng cho mọi quan hệ khác của chúng ta. Cuộc sống hiệp thông như thế với Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi là điều có thể, vì nhờ phép Rửa Tội, chúng ta được tháp nhập vào Chúa Kitô, chúng ta bắt đầu trở nên một với Ngài (Xc Rm 6,5).

”Thực vậy, chỉ trong Chúa Kitô, chúng ta mới có thể đối thoại với Thiên Chúa Cha, chẳng vậy, sẽ không thể được, và trong niềm hiệp thông với Chúa Con, chúng ta cũng có thể nói như Ngài: ”Abbà, Lạy Cha”; trong niềm hiệp thông với Chúa Kitô, chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa như Cha đích thực (Mt 11,27). Vì thế, kinh nguyện Kitô giáo hệ tại nhìn lên Chúa Kitô một cách liên lỷ và luôn luôn mới mẻ, nói với Ngài, thinh lặng ở với Ngài, lắng nghe Ngài, hành động và chịu đau khổ với Ngài. Kitô hữu tái khám phá căn tính đích thực của mình trong Chúa Kitô, ”là trưởng tử trong mọi loài thụ tạo”, nơi Ngài mọi sự hiện hữu (Xc Cl 1,15ss). Khi đồng hóa với Chúa, trở nên một với Ngài, tôi tái khám phá căn tính bản thân của tôi, căn tính là của người con đích thực nhìn Thiên Chúa như Người Cha đầy tình yêu thương.

ĐTC nhắc nhở rằng: ”Chúng ta đừng quên: chúng ta khám phá Chúa Kitô, nhận biết Ngài như một Ngôi Vị sống động, ở trong Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Mình của Chúa. Tính chất xác thể này có thể được hiểu từ những lời Kinh Thánh về người nam và người nữ: cả hai trở nên một thân thể (Xc St 2,24; Ep 5,30ss; 1 Cr 6,16ss). Mối liên hệ không thể tách rời giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, qua sức mạnh liên kết của tình yêu, không hề hủy bỏ nhân vị của mỗi người, trái lại thăng hoa, làm cho chúng được hiệp nhất sâu xa hơn. Tìm ra căn tính của mình trong Chúa Ktiô có nghĩa là đạt tới một sự hiệp thông với Ngài, một sự hiệp thông không hủy diệt tôi, nhưng nâng tôi lên một phẩm giá cao cả hơn, phẩm giá làm con Thiên Chúa trong Chúa Kitô (…). Cầu nguyện có nghĩa là nâng mình lên cao cùng Thiên Chúa, nhờ một sự từ từ biến đổi một cách cần thiết chính con người của chúng ta.

”Như thế khi tham gia phụng vụ, chúng ta nhận ngôn ngữ của Mẹ Giáo Hội làm ngôn ngữ của chúng ta, học cách nói trong Giáo Hội và cho Giáo Hội. Dĩ nhiên, như đã nói, điều này diễn ra từ từ, từng chút một. Tôi phải dần dần dìm mình trong những lời của Giáo Hội, với kinh nguyện của tôi, cuộc sống, những đau khổ, vui mừng và tư tưởng của tôi. Đó là một hành trình biến đổi chúng ta.

”Tôi thiết nghĩ những suy tư này giúp chúng ta trả lời câu hỏi chúng ta đã nêu lên ở đầu bài này: tôi học cách cầu nguyện thế nao, làm sao tôi tăng trưởng trong kinh nguyện của tôi? Khi nhìn khuôn mẫu mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta là Kinh Lạy Cha, chúng ta thấy lời cầu tiên là 'Lạy Cha” và lời thứ hai là ”chúng con”. Vì thế, câu trả lời thật rõ ràng: Tôi học cách cầu nguyện, tôi nuôi dưỡng kinh nguyện của tôi, bằng cách ngỏ lời với Thiên Chúa như người Cha, và bằng cách cầu nguyện với người khác, cầu nguyện với Giáo Hội. chấp nhận ơn lời nói của Giáo Hội, những lời dần dần trở thành quen thuộc với tôi và đầy ý nghĩa. Cuộc đối thoại mà Thiên Chúa thiết lập với mỗi người chúng ta, và chúng ta với Ngài, trong kinh nguyện, luôn bao gồm một giới từ là ”với”; ta không thể cầu khẩn Thiên Chúa theo thể thức ”cá nhân chủ nghĩa”. Trong kinh nguyện phụng vụ, nhất là Thánh Lễ, và được phụng vụ huấn luyện – trong mỗi kinh nguyện, chúng ta không chỉ nói như những người riêng rẽ, nhưng chúng ta kết hiệp với toàn thể Giáo Hội đang cầu nguyện. Và chúng ta phải biến đổi cái tôi của mình bằng cách đi vào ”chúng tôi”. (..)

Tiếp tục bài huấn dụ trong buổi tiếp kiến chung sáng hôm qua (3-10) ĐTC nhắc nhở các tín hữu: ”Phụng vụ, việc phụng tự, không bao giờ chỉ là sinh hoạt của một cộng đoàn riêng rẽ, ở trong không gian và thời gian. Điều quan trọng là mỗi Kitô hữu cảm thấy và thực sự được tháp nhập vào cộng đồng Giáo Hội, điều này mang lại một nền tảng và nơi nương náu cho bản thân tôi, trong Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội.

”Về điểm này, chúng ta phải để ý và chấp nhận nguyên tắc nhập thể của Thiên Chúa: Ngài trở nên gần gũi, hiện diện với chúng ta khi đi vào lịch sử và bản tính con người, trở nên một người trong chúng ta. Sự hiện diện này tiếp tục trong Giáo Hội là Thân Mình của Chúa. Vì thế, phụng vụ không phải là một việc tưởng niệm những biến cố quá khứ, nhưng là sự hiện diện sinh động Mầu nhiệm vượt qua của Chua Kitô vượt lên trên và liên kết thời gian với không gian. Nếu trong khi cử hành không trổi vượt vị thế trung tâm của Chúa Kitô thì chúng ta sẽ không có phụng vụ Kitô giáo, hoàn toàn tùy thuộc Chúa và được nâng đỡ nhờ sự hiện diện sáng tạo của Ngài. ..

”Không phải cá nhân tín hữu – LM hoặc tín hữu – hay một nhóm cử hành phụng vụ, nhưng trước tiên phụng vụ là hoạt động của Thiên Chúa qua Giáo Hội, một Giáo Hội có lịch sử, truyền thống phong phú và có tinh thần sáng tạo… Cả trong phụng vụ của một cộng đoàn bé nhỏ nhất thì vẫn luôn có toàn thể Giáo Hội hiện diện. Vì thế, không có những người ”xa lạ, người ngoại quốc” trong cộng đoàn phụng vụ. Trong mỗi buổi cử hành phụng vụ, toàn thể Giáo Hội, trời và đất, Thiên Chúa và loài người, đều cùng nhau tham dự. Phụng vụ Kitô giáo, cả khi được cử hành trong một nơi, một không gian cụ thể, thì do đặc tính Công Giáo, đều xuất phát từ tất cả và dẫn đến toàn thể, hiệp nhất với ĐGH, các GM, các tín hữu trong mọi thời đại và mọi nơi.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Các bạn thân mến, Giáo Hội trở nên hữu hình bằng nhiều cách: qua các hoạt động từ thiện, trong các dự án truyền giáo, trong việc tông đồ bản thân mà mỗi tín hữu Kitô phải thực hiện trong môi trường của mình. Nhưng nơi mà Giáo Hội tự cảm nghiệm hoàn toàn như Giáo Hội chính là phụng vụ. Phụng vụ là hành vi trong đó chúng ta tin rằng thiên Chúa đi vào thực tại của chúng ta và chúng ta có thể gặp gỡ ngài, động chạm đến ngài. Phụng vụ là hành vi trong đó chúng ta tiếp xúc với Thiên Chúa. Ngài đến với chúng ta và chúng ta được Ngài soi sáng.. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày học cách sống phụng vụ thánh, nhất là việc cử hành Thánh Lễ, cầu nguyện kết hiệp với cộng đồng Giáo Hội, hướng cái nhìn không phải về bản thân mình, nhưng về Thiên Chúa, cảm thấy mình là thành phần của Giáo Hội sinh động ở mọi nơi và mọi thời.

Chào thăm

Sau bài giáo lý trên đây bằng tiếng Ý, các vị giám chức của Tòa Thánh đã xướng danh các phái đoàn để giới thiệu với ĐTC và mọi người, bắt đầu là các nhóm nói tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha, Ba Lan, Hungari, Croatia, Sloveni và các thứ tiếng khác.

Sau khi tóm tắt bài huấn dụ, ĐTC cũng đặc biệt chào thăm một số phái đoàn như các tín hữu đến từ giáo phận Nancy và Saint-Dié bên Pháp và Tân Calédonie. Khi nói bằng tiếng Anh, ĐTC chào thăm hơn 40 chủng sinh trường Bắc Mỹ ở Roma, sẽ được thụ phong phó tế thứ năm 4 tháng 10-2012. Họ được hơn 900 thân nhân và bạn hữu tháp tùng trong buổi tiếp kiến Ngài cũng nhắc đến ca đoàn 60 thiếu nhi Saint Hallvard từ Oslo Na Uy. Các em mặc đồng phục màu đỏ đã hát tặng ĐTC và mọi người bài ca ngắn trước đó.

ĐTC chào một phái đoàn LM và tín hữu thuộc giáo đoàn Công Giáo Ba Lan ở Đức về Roma hành hương tạ ơn Chúa vì triều đại Giáo Hoàng và lễ Phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô 2.

Ngoài ra, ĐTC cũng nhắc đến 60 LM từ nhiều quốc gia đang theo học tại Giáo Hoàng Học viện thánh Phaolô thuộc Bộ truyền giáo, trong đó có nhiều người Việt Nam. Ngài nói: ”Trong khi gửi đến các con những lời cầu chúc tốt đẹp nhất cho việc học của các con, Cha cam đoan sẽ đặc biệt nhớ đến các con trong kinh nguyện”.

G. Trần Đức Anh OP – VietVatican
 

 

Vụ xử người cựu hầu cận của ĐTC sẽ kết thúc thứ bẩy 6 tháng 10-2012

Vụ xử người cựu hầu cận của ĐTC sẽ kết thúc thứ bẩy 6 tháng 10-2012

VATICAN. Hôm 3 tháng 10-2012, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết thứ bẩy tới đây, 6 tháng 10, tòa án tại Vatican sẽ công bố phán quyết về Ông Paolo Gabriele, cựu hầu cận của ĐTC, bị cáo về tội ăn trộm các tài liệu mật của Tòa Thánh.

Theo cha Lombardi, trong phiên xử sáng thứ bẩy, Ủy viên công tố cũng gọi là chưởng tín, sẽ buộc tội bị can, sau đó luật sư biện hộ sẽ trả lời. Cả bị can cũng có thể lên tiếng lần chót. Rồi 3 thẩm phán sẽ lui vào phòng riêng để thảo luận, trước khi công bố án lệnh. Người ta chưa rõ việc công bố này sẽ diễn ra vào giờ nào.

Trong phiên tòa ngày 2 tháng 10, tòa đã nghe những lời cung khai của chính bị can Gabriele. Ông tuyên bố mình vô tội, mặc dù đã sao chụp lén và lấy trộm khoảng hơn 1 ngàn tài liệu liên quan đến ĐGH, Tòa Thánh và Giáo Hội. Ông nhìn nhận là đã phản bội lòng tín nhiệm của ĐTC.

Tòa cũng đã nghe lời chứng của Đức Ông Gaenswein, bí thư của ĐTC, và của 3 người khác.

Sáng 3 tháng 10-2012, trong phiên xử thứ 3 dài 75 phút, tòa đã nghe những lời cung khai của 4 hiến binh Vatican đã tham gia vụ khám xét nhà của bị can ngày 23 tháng 5-2012. Các Hiến binh này được phe biện hộ đề nghị tên.
Một hiến binh cho biết trong số những tài liệu tịch thu được tại nhà ông Gabriele có cả những tài liệu viết tay của ĐTC. Các tài liệu liên quan đến Tòa Thánh (thư từ giữa các HY, GM và ĐGH), được bị can xếp vào những hộp nhỏ cùng với hàng ngàn tài liệu khác về cơ quan mật vụ, bè tam điểm, Silvio Berlusconi cựu thủ tướng Italia, Kitô giáo, Yoga, nhóm P2, Phật Giáo, v.v.

Theo chứng từ của các hiến binh, trong số các tài liệu tịch thu tại nhà ông Gabriele, có khoảng hơn 1 ngàn tài liệu liên quan đến cuộc điều tra, nghĩa là các nguyên bản và bản sao chụp các văn kiện do ĐTC ký hoặc do các HY hay nhà chính trị gửi cho ngài, và cả một số văn kiện có ghi chữ ”Tối mật” (rivervatissimi) vì có hàng chữ ”tiêu hủy” (distruggere). Các tài liệu đó được xếp lẫn lộn với các tài liệu khác không liên quan gì đến cuộc điều tra.

Trong số những vật liệu tịch thu trong nhà bị can có 1 máy vi tính, 2, hoặc 3 máy vi tính xách tay, và nhiều USB dùng cho máy vi tính, hai đĩa cứng, thẻ nhớ, một Playstation và 1 iPad.

Tổng cộng số tài liệu và vật liệu tịch thu từ nhà ông Gabriele là 82 thùng carton (50-60 centimet X 50 centimet) và hai vali bằng da màu đen, hai phong bì lớn màu vàng.

Cuộc lục soát kéo dài từ ban sáng đến trước nửa đêm. Trước đó, ông Gabriele, gia đình và luật sư của ông đã được thông báo. Vì cuộc lục soát kéo dài, Ông Domenico Gianni, Chỉ huy trưởng Hiến binh Vatican, đã ra lệnh khám thật mau lẹ trong các phòng các con của bị can để bớt gây thiệt hại cho chúng và để chúng có thể đi ngủ.

G. Trần Đức Anh OP

Thánh Phanxicô Assisis (1181-1226)

Thánh Phanxicô Assisis (1181-1226)

Lễ kính ngày 04 tháng 10

Thánh Phanxicô sinh tại Assisis, miền Umbria, năm 1181. Ông Phêrô Bernadone là một thương gia giầu có, lúc sinh ra thánh nhân, ông đang ở Pháp, nên đã đặt tên cho Ngài theo tên quốc gia này. Thời thơ ấu, thánh nhân chịu ảnh hưởng nhiều bởi người mẹ nhiệt thành và khả ái. Ngài tỏ ra vui vẻ, mạo hiểm, quảng đại và bình dân. Dầu được chuẩn bị để theo nghề buôn bán như cha, Ngài vẫn thường mơ ước trở thành hiệp sĩ.

Năm 1201, Phanxicô tham gia cuộc chiến ở Perugia và bị bắt tù một năm. Kinh nghiệm đau xót này cùng với cơn bệnh ngặt nghèo là khởi đầu cuộc trở lại của Ngài. Dầu vậy, năm 1205, Ngài vẫn còn tham dự vào cuộc viễn chinh tại Apulia. Trong một giấc mơ, Phanxicô được Chúa Kitô mở lời kêu gọi phục vụ Người. Ngài trở về và hiến mình chăm sóc các bệnh nhân. Ngày 16 tháng 4 năm 1206, Phanxicô lại nghe tiếng Chúa Kitô kêu gọi Ngài tái thiết đền thờ thánh Damianô. Luôn mau mắn và tận tâm, Phanxicô đã từ bỏ đời sống cũ và chấp nhận sống như một ẩn sĩ. Khi bị cha bỏ tù, rồi dẫn đến đức giám mục như một đứa con bất phục, thánh nhân đã từ khước mọi quyền lợi lẫn của cải, cả đến áo quần đang mặc nữa.

Hai năm sau, có lẽ vào ngày 24 tháng 2 năm 1209, Ngài nghe đọc đoạn Tin Mừng Mt 10,9 và thấy mình được ơn gọi đi rao giảng sự thống hối. Đây là giây phút quyết liệt. Thánh nhân cởi bỏ tu phục ẩn sĩ, mặc áo vải thô, thắt giây lưng và bắt đầu rao giảng Chúa Kitô. Có hai người bạn đi theo, Ngài cho họ một bản luật gồm ba câu thánh kinh Mt 20,21; 10,9 và Lc 9,23. Khi con số môn sinh lên tới 11, Ngài viết cho họ một bản luật vắn (bản Primitiva, nay đã thất lạc), và dân họ tới Roma để được Đức Giáo hoàng phê chuẩn.

Đức Giáo Hoàng Innocentê III, sau phút ngập ngừng, đã nhận ra nơi người giáo dân ngay thật và nhiệt tình này một tông đồ chân chính, và ban lời chuẩn nhận (tháng 6 năm 1210). Nhóm huynh đệ trở về Assisi. Họ sống trong những chiếc chòi ở Rivetortô. Gần Porziuncola và rao giảng sư thống hối trên khắp nước Ý. Đầy đơn sơ, họ làm đủ mọi việc và sống bằng nghề ăn xin. Chính sự đơn sơ như thiên thần của Phanxicô mà họ coi là hiền huynh và hiền mẫu, là gương sống hứơng dẫn họ trên đường thiêng liêng. Chưa có một tổ chức nào cả, với phép của Phanxicô, họ đi khắp nơi, như các anh em thống hối nghèo miền Assisis.

Năm 1212, Phanxicô khích lệ Clara, một thiếu nữ danh giá trong thành phố, thiết lập nhóm chị em sống đời nghèo khó và cầu nguyện ở nhà thờ thánh Damianô. Họ đã trở thành các bà nghèo khó và ngày nay gọi là các nữ tu Clara.

Không bao giờ Phanxicô muốn lập một "Hội dòng". Ngài chỉ muốn theo Chúa Kitô trong các sách Tin Mừng một cách hoàn toàn đến từng chữ viết. Dầu vậy, nhóm huynh đệ đã theo một hình thức tu dòng nào đó. Họ đọc kinh nhật tụng, ngủ và ăn chung như các tu sĩ. Khi nhóm huynh đệ đã tăng số cách lạ lùng, mau chóng, Phanxicô phải ủy quyền cho các người lãnh đạo mà Ngài gọi là "Hiền mẫu" hay là "tôi tớ" của các nhóm. Hàng năm các anh em họp nhau một lần tại Porziuncola.

Năm 1216, Phanxicô tham dự đám táng Đ. G.H Innocentê III và được Đức Honoriô IV ban ân xá cho thánh đường Perziuncola. Năm sau, Ngài được cảm tình của đức Hồng y Ugôlinô, là đấng sẽ trung tín bảo trợ Ngài mãivề sau.

Năm 1219. Nhóm huynh đệ tăng số đông đảo và phải chia thành nhiều tỉnh dòng. Cánh đồng truyền giáo đầu tiên của nhóm vượt qua rặng núi Alpes.

Chính Phanxicô, bất chấp những cân nhắc khôn ngoan, đã bỏ nước Ý để tham gia thập tự quân và đã đến gặp Sultan. Trong khi Ngài vắng mặt, nhóm huynh đệ gồm nhiều học viên mới, có học thức và thuộc hàng giáo sĩ, họ như con thuyền không lái và rơi vào cuộc khủng hoảng. Vấn đề chỉ giải quyết xong khi kêu mời Phanxicô trở về, nhờ tài khéo léo của Đức hồng y Ugôlinô, và nhóm phải chọn một khuôn mẫu thông thường của đời sống tu trì.

Trước sức ép liên tục, bây giờ Phanxicô phải viết một bản luật chi tiết hơn (bản Regula Prima) dầu vậy, bản luật này vẫn còn quá đơn sơ và đòi hỏi các người lãnh đạo mới của cộng đoàn về đàng thiêng liêng. Sau khi sửa lại, bản luật mới này được đức giáo hoàng Honoriô III chấp nhận năm 1223 (bản Rehula Secunda hay Bullata nay vẫn còn được xử dụng) Trong khi đó, Phanxicô trở nên yếu đau và lo âu. Ngài trao quyền quản trị nhóm huynh đệ cho người đại diện. Từ năm 1221, anh Elia đầy bí nhiệm đảm nhận chức vụ.

Chính Phanxicô lại lui vào trong núi. Ngày 14 tháng 9 năm 1224, sau một thời sống ẩn dật, Ngài đã được Chúa Kitô in dấu. Từ đây, bệnh tình Ngài tăng thêm và trở nên mù lòa hầu như hoàn toàn. Ngài được bốn anh em trung tín mang đi đây đó. Có lẽ vào năm 1224, Ngài đã viết "bài ca mặt trời". Năm 1226, Ngài viết chúc thư (testament) long trọng nhấn mạnh đòi buộc sống nghèo khó tuyệt đối, vâng lời luật dòng đến từng chữ viết và từ khước mọi đặc ân.

Ngày 02 tháng 10 năm 1226, sau khi viếng thăm Clara cùng các nữ tu và chúc lành cho thành Assisi, Ngài từ trần tại Porziuncola. Hai năm sau Ngài được bạn cũ là Ugôlinô bấy giờ là ĐGH grêgoriô IX tôn phong lên hàng hiển thánh. Năm 1228, xác Ngài được dời về mai táng tại đại giáo đường do anh Elia xây cất.
 

Trích từ Hạnh tích Các Thánh

Thánh Phanxicô sinh tại Assisi, miền Umbria, năm 1181. Ông Phêrô Bernadone là một thương gia giầu có, lúc sinh ra thánh nhân, ông đang ở Pháp, nên đã đặt tên cho Ngài theo tên quốc gia này. Thời thơ ấu, thánh nhân chịu ảnh hưởng nhiều bởi người mẹ nhiệt thành và khả ái. Ngài tỏ ra vui vẻ, mạo hiểm, quảng đại và bình dân. Dầu được chuẩn bị để theo nghề buôn bán như cha, Ngài vẫn thường mơ ước trở thành hiệp sĩ. Năm 1201, Phanxicô tham gia cuộc chiến ở Perugia và bị bắt tù một năm. Kinh nghiệm đau xót này cùng với cơn bệnh ngặt nghèo là khởi đầu cuộc trở lại của Ngài. Dầu vậy, năm 1205, Ngài vẫn còn tham dự vào cuộc viễn chinh tại Apulia. Trong một giấc mơ, Phanxicô được Chúa Kitô mở lời kêu gọi phục vụ Người. Ngài trở về và hiến mình chăm sóc các bệnh nhân. Ngày 16 tháng 4 năm 1206, Phanxicô lại nghe tiếng Chúa Kitô kêu gọi Ngài tái thiết đền thờ thánh Damianô. Luôn mau mắn và tận tâm, Phanxicô đã từ bỏ đời sống cũ và chấp nhận sống như một ẩn sĩ. Khi bị cha bỏ tù, rồi dẫn đến đức giám mục như một đứa con bất phục, thánh nhân đã từ khước mọi quyền lợi lẫn của cải, cả đến áo quần đang mặc nữa. Hai năm sau, có lẽ vào ngày 24 tháng 2 năm 1209, Ngài nghe đọc đoạn Tin Mừng Mt 10,9 và thấy mình được ơn gọi đi rao giảng sự thống hối. Đây là giây phút quyết liệt. Thánh nhân cởi bỏ tu phục ẩn sĩ, mặc áo vải thô, thắt giây lưng và bắt đầu rao giảng Chúa Kitô. Có hai người bạn đi theo, Ngài cho họ một bản luật gồm ba câu thánh kinh Mt 20,21; 10,9 và Lc 9,23. Khi con số môn sinh lên tới 11, Ngài viết cho họ một bản luật vắn (bản Primitiva, nay đã thất lạc), và dân họ tới Roma để được Đức Giáo hoàng phê chuẩn. Đức giáo hoàng Innocentê III, sau phút ngập ngừng, đã nhận ra nơi người giáo dân ngay thật và nhiệt tình này một tông đồ chân chính, và ban lời chuẩn nhận (tháng 6 năm 1210). Nhóm huynh đệ trở về Assisi. Họ sống trong những chiếc chòi ở Rivetortô. Gần Porziuncola và rao giảng sư thống hối trên khắp nước Ý. Đầy đơn sơ, họ làm đủ mọi việc và sống bằng nghề ăn xin. Chính sự đơn sơ như thiên thần của Phanxicô mà họ coi là hiền huynh và hiền mẫu, là gương sống hứơng dẫn họ trên đường thiêng liêng. Chưa có một tổ chức nào cả, với phép của Phanxicô, họ đi khắp nơi, như các anh em thống hối nghèo miền Assisi. Năm 1212, Phanxicô khích lệ Clara, một thiếu nữ danh giá trong thành phố, thiết lập nhóm chị em sống đời nghèo khó và cầu nguyện ở nhà thờ thánh Damianô. Họ đã trở thành các bà nghèo khó và ngày nay gọi là các nữ tu Clara. Không bao giờ Phanxicô muốn lập một "Hội dòng". Ngài chỉ muốn theo Chúa Kitô trong các sách Tin Mừng một cách hoàn toàn đến từng chữ viết. Dầu vậy, nhóm huynh đệ đã theo một hình thức tu dòng nào đó. Họ đọc kinh nhật tụng, ngủ và ăn chung như các tu sĩ. Khi nhóm huynh đệ đã tăng số cách lạ lùng, mau chóng, Phanxicô phải ủy quyền cho các người lãnh đạo mà Ngài gọi là "Hiền mẫu" hay là "tôi tớ" của các nhóm. Hàng năm các anh em họp nhau một lần tại Porziuncola. Năm 1216, Phanxicô tham dự đám táng Đ. G.H Innocentê III và được Đức Honoriô IV ban ân xá cho thánh đường Perziuncola. Năm sau, Ngài được cảm tình của đức Hồng y Ugôlinô, là đấng sẽ trung tín bảo trợ Ngài mãivề sau. Năm 1219. Nhóm huynh đệ tăng số đông đảo và phải chia thành nhiều tỉnh dòng. Cánh đồng truyền giáo đầu tiên của nhóm vượt qua rặng núi Alpes. Chính Phanxicô, bất chấp những cân nhắc khôn ngoan, đã bỏ nước Ý để tham gia thập tự quân và đã đến gặp Sultan. Trong khi Ngài vắng mặt, nhóm huynh đệ gồm nhiều học viên mới, có học thức và thuộc hàng giáo sĩ, họ như con thuyền không lái và rơi vào cuộc khủng hoảng. Vấn đề chỉ giải quyết xong khi kêu mời Phanxicô trở về, nhờ tài khéo léo của Đức hồng y Ugôlinô, và nhóm phải chọn một khuôn mẫu thông thường của đời sống tu trì. Trước sức ép liên tục, bây giờ Phanxicô phải viết một bản luật chi tiết hơn (bản Regula Prima) dầu vậy, bản luật này vẫn còn quá đơn sơ và đòi hỏi các người lãnh đạo mới của cộng đoàn về đàng thiêng liêng. Sau khi sửa lại, bản luật mới này được đức giáo hoàng Honoriô III chấp nhận năm 1223 (bản Rehula Secunda hay Bullata nay vẫn còn được xử dụng) Trong khi đó, Phanxicô trở nên yếu đau và lo âu. Ngài trao quyền quản trị nhóm huynh đệ cho người đại diện. Từ năm 1221, anh Elia đầy bí nhiệm đảm nhận chức vụ. Chính Phanxicô lại lui vào trong núi. Ngày 14 tháng 9 năm 1224, sau một thời sống ẩn dật, Ngài đã được Chúa Kitô in dấu. Từ đây, bệnh tình Ngài tăng thêm và trở nên mù lòa hầu như hoàn toàn. Ngài được bốn anh em trung tín mang đi đây đó. Có lẽ vào năm 1224, Ngài đã viết "bài ca mặt trời". Năm 1226, Ngài viết chúc thư (testament) long trọng nhấn mạnh đòi buộc sống nghèo khó tuyệt đối, vâng lời luật dòng đến từng chữ viết và từ khước mọi đặc ân. Ngày 02 tháng 10 năm 1226, sau khi viếng thăm Clara cùng các nữ tu và chúc lành cho thành Assisi, Ngài từ trần tại Porziuncola. Hai năm sau Ngài được bạn cũ là Ugôlinô bấy giờ là ĐGH grêgoriô IX tôn phong lên hàng hiển thánh. Năm 1228, xác Ngài được dời về mai táng tại đại giáo đường do anh Elia xây cất.

 

 

Trích dẫn từ: http://giesulove.net/diendan/hanh-tich-cac-thanh/2161-thanh-phanxico-assisi-1181-1226-a.html

Thánh Phanxicô sinh tại Assisi, miền Umbria, năm 1181. Ông Phêrô Bernadone là một thương gia giầu có, lúc sinh ra thánh nhân, ông đang ở Pháp, nên đã đặt tên cho Ngài theo tên quốc gia này. Thời thơ ấu, thánh nhân chịu ảnh hưởng nhiều bởi người mẹ nhiệt thành và khả ái. Ngài tỏ ra vui vẻ, mạo hiểm, quảng đại và bình dân. Dầu được chuẩn bị để theo nghề buôn bán như cha, Ngài vẫn thường mơ ước trở thành hiệp sĩ. Năm 1201, Phanxicô tham gia cuộc chiến ở Perugia và bị bắt tù một năm. Kinh nghiệm đau xót này cùng với cơn bệnh ngặt nghèo là khởi đầu cuộc trở lại của Ngài. Dầu vậy, năm 1205, Ngài vẫn còn tham dự vào cuộc viễn chinh tại Apulia. Trong một giấc mơ, Phanxicô được Chúa Kitô mở lời kêu gọi phục vụ Người. Ngài trở về và hiến mình chăm sóc các bệnh nhân. Ngày 16 tháng 4 năm 1206, Phanxicô lại nghe tiếng Chúa Kitô kêu gọi Ngài tái thiết đền thờ thánh Damianô. Luôn mau mắn và tận tâm, Phanxicô đã từ bỏ đời sống cũ và chấp nhận sống như một ẩn sĩ. Khi bị cha bỏ tù, rồi dẫn đến đức giám mục như một đứa con bất phục, thánh nhân đã từ khước mọi quyền lợi lẫn của cải, cả đến áo quần đang mặc nữa. Hai năm sau, có lẽ vào ngày 24 tháng 2 năm 1209, Ngài nghe đọc đoạn Tin Mừng Mt 10,9 và thấy mình được ơn gọi đi rao giảng sự thống hối. Đây là giây phút quyết liệt. Thánh nhân cởi bỏ tu phục ẩn sĩ, mặc áo vải thô, thắt giây lưng và bắt đầu rao giảng Chúa Kitô. Có hai người bạn đi theo, Ngài cho họ một bản luật gồm ba câu thánh kinh Mt 20,21; 10,9 và Lc 9,23. Khi con số môn sinh lên tới 11, Ngài viết cho họ một bản luật vắn (bản Primitiva, nay đã thất lạc), và dân họ tới Roma để được Đức Giáo hoàng phê chuẩn. Đức giáo hoàng Innocentê III, sau phút ngập ngừng, đã nhận ra nơi người giáo dân ngay thật và nhiệt tình này một tông đồ chân chính, và ban lời chuẩn nhận (tháng 6 năm 1210). Nhóm huynh đệ trở về Assisi. Họ sống trong những chiếc chòi ở Rivetortô. Gần Porziuncola và rao giảng sư thống hối trên khắp nước Ý. Đầy đơn sơ, họ làm đủ mọi việc và sống bằng nghề ăn xin. Chính sự đơn sơ như thiên thần của Phanxicô mà họ coi là hiền huynh và hiền mẫu, là gương sống hứơng dẫn họ trên đường thiêng liêng. Chưa có một tổ chức nào cả, với phép của Phanxicô, họ đi khắp nơi, như các anh em thống hối nghèo miền Assisi. Năm 1212, Phanxicô khích lệ Clara, một thiếu nữ danh giá trong thành phố, thiết lập nhóm chị em sống đời nghèo khó và cầu nguyện ở nhà thờ thánh Damianô. Họ đã trở thành các bà nghèo khó và ngày nay gọi là các nữ tu Clara. Không bao giờ Phanxicô muốn lập một "Hội dòng". Ngài chỉ muốn theo Chúa Kitô trong các sách Tin Mừng một cách hoàn toàn đến từng chữ viết. Dầu vậy, nhóm huynh đệ đã theo một hình thức tu dòng nào đó. Họ đọc kinh nhật tụng, ngủ và ăn chung như các tu sĩ. Khi nhóm huynh đệ đã tăng số cách lạ lùng, mau chóng, Phanxicô phải ủy quyền cho các người lãnh đạo mà Ngài gọi là "Hiền mẫu" hay là "tôi tớ" của các nhóm. Hàng năm các anh em họp nhau một lần tại Porziuncola. Năm 1216, Phanxicô tham dự đám táng Đ. G.H Innocentê III và được Đức Honoriô IV ban ân xá cho thánh đường Perziuncola. Năm sau, Ngài được cảm tình của đức Hồng y Ugôlinô, là đấng sẽ trung tín bảo trợ Ngài mãivề sau. Năm 1219. Nhóm huynh đệ tăng số đông đảo và phải chia thành nhiều tỉnh dòng. Cánh đồng truyền giáo đầu tiên của nhóm vượt qua rặng núi Alpes. Chính Phanxicô, bất chấp những cân nhắc khôn ngoan, đã bỏ nước Ý để tham gia thập tự quân và đã đến gặp Sultan. Trong khi Ngài vắng mặt, nhóm huynh đệ gồm nhiều học viên mới, có học thức và thuộc hàng giáo sĩ, họ như con thuyền không lái và rơi vào cuộc khủng hoảng. Vấn đề chỉ giải quyết xong khi kêu mời Phanxicô trở về, nhờ tài khéo léo của Đức hồng y Ugôlinô, và nhóm phải chọn một khuôn mẫu thông thường của đời sống tu trì. Trước sức ép liên tục, bây giờ Phanxicô phải viết một bản luật chi tiết hơn (bản Regula Prima) dầu vậy, bản luật này vẫn còn quá đơn sơ và đòi hỏi các người lãnh đạo mới của cộng đoàn về đàng thiêng liêng. Sau khi sửa lại, bản luật mới này được đức giáo hoàng Honoriô III chấp nhận năm 1223 (bản Rehula Secunda hay Bullata nay vẫn còn được xử dụng) Trong khi đó, Phanxicô trở nên yếu đau và lo âu. Ngài trao quyền quản trị nhóm huynh đệ cho người đại diện. Từ năm 1221, anh Elia đầy bí nhiệm đảm nhận chức vụ. Chính Phanxicô lại lui vào trong núi. Ngày 14 tháng 9 năm 1224, sau một thời sống ẩn dật, Ngài đã được Chúa Kitô in dấu. Từ đây, bệnh tình Ngài tăng thêm và trở nên mù lòa hầu như hoàn toàn. Ngài được bốn anh em trung tín mang đi đây đó. Có lẽ vào năm 1224, Ngài đã viết "bài ca mặt trời". Năm 1226, Ngài viết chúc thư (testament) long trọng nhấn mạnh đòi buộc sống nghèo khó tuyệt đối, vâng lời luật dòng đến từng chữ viết và từ khước mọi đặc ân. Ngày 02 tháng 10 năm 1226, sau khi viếng thăm Clara cùng các nữ tu và chúc lành cho thành Assisi, Ngài từ trần tại Porziuncola. Hai năm sau Ngài được bạn cũ là Ugôlinô bấy giờ là ĐGH grêgoriô IX tôn phong lên hàng hiển thánh. Năm 1228, xác Ngài được dời về mai táng tại đại giáo đường do anh Elia xây cất.

 

 

Trích dẫn từ: http://giesulove.net/diendan/hanh-tich-cac-thanh/2161-thanh-phanxico-assisi-1181-1226-a.html

 

Tháng mười của lòng khiêm nhượng

Tháng mười của lòng khiêm nhượng

Chào tháng mười với lễ Thánh Nữ Tê-rê-xa, lễ các Thiên Thần Bản Mệnh, lễ Mẹ Mân-Côi, Lễ Thánh Phanxicô Assisi, đặc biệt sự kiện ngày 11-10-2012 Khai Mạc Năm Đức Tin và CN 21-10 Cầu cho việc Truyền Giáo nữa.

Mấy hôm nay, đâu đó trên khắp các trang mạng, độc giả đều được thưởng thức những bài suy niệm quí giá, và những sẻ chia lòng yêu mến nồng nàn của quí tác giả về Mẹ Mân Côi, về Thánh Nữ Tê-rê-xa, về các Thiên Thần Bản Mệnh.

Ước gì mỗi chúng ta, cách riêng, người Tín Hữu Việt Nam, tìm được niềm vui thánh thiện nhất, sâu lắng nhất trong tháng mười này: Niềm Vui của Lòng Khiêm Nhượng.

– Lòng khiêm nhượng của chị Thánh Tê-rê-xa là lòng đơn sơ, niềm tin tưởng phó thác cuộc đời mình vào lòng bàn tay Thiên Chúa, như em bé thơ nép an tâm nép mình vào cánh tay Mẹ hiền. “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi” Bởi tất cả những gì đang có:  một “men sana in corpore sano” “tinh thần minh mẫn trong một thể xác tráng kiện”, một “quyền cao chức trọng”, một “sắc nước hương trời” hay một “kho lẫm” tài sản tinh thần vật chất… kể cả niềm vui, hạnh phúc, và cả những đau khổ bệnh tật, chán chường đày đọa, ngục tù đều là bởi ơn Chúa. Cảm nghiệm được “tất cả là hồng ân”, cả điều thuận ý hay nghịch ý, là cảm nghiệm sâu kín nhất chỉ của người có lòng khiêm nhường tuyệt đối.

– Lòng khiêm nhường của các Thiên Thần Bản Mệnh là sự âm thầm phục vụ chúng ta trong mỗi bước đường đời, chấp nhận sự vô tâm, vô tình và cả sự vô ơn của mỗi chúng ta nữa. Chúng ta vẫn vô tâm vô tình như không có ai bên ta, không có thấy ta, không có ai giúp ta… Anh em chúng tôi vẫn nhớ lời kinh Mẹ dạy thuở nhở: “Thiên Thần đi trước. Tôi bước theo sau. Đường này là Đường Cha tôi. Cha tôi đi đường nào. Thì tôi theo đường ấy. Thiên thần cầm gươm lửa, giữ cửa Thiên Đàng, đánh phá quỷ tan, dẹp đàng quỷ dữ. Giê-su, Maria, Giu-se”. Thời nay, cả người lớn chúng ta vẫn còn quên bẳng sự hiện diện của Thiên Thần Bản Mệnh đi bên ta, ngủ bên ta, làm việc bên ta huống chi là giới trẻ. Thiết thưởng phải tái lập lại ngay những ý thức. Nhớ ngày ấy, Mẹ tôi hay nói: “Con có nghe Thiên Thần Bản Mệnh của con đang mĩm cười sung sướng lắm mỗi khi con cầu nguyện, mỗi khi con rước lễ sốt sắng và mỗi khi con làm việc lành không? Và con có nghe Thiên Thần Bản Mệnh của con thút thít khóc mỗi khi con quên đọc kinh sáng tối, mỗi khi con vô phép, mất lịch sự, hỗn láo? Và rồi con có nghe được tiếng khóc thảm thiết của Ngài khi con cả lòng phản nghịch Chúa cùng Hội Thánh của Chúa?… Đừng quên con nhé. Ngài vẫn âm thầm bên con. Ngài hiện diện cách thiêng liêng và Ngài vẫn xin Thiên Chúa giúp đỡ con biết dùng tự do của mình mà sống Đức công chính và chiếm hữu Nước Thiên Chúa”. 

– Lòng khiêm nhượng của Thánh Phanxicô Assisi là không vì tên gọi “hèn mọn” mà nên khiêm nhượng, nhưng vì khiêm nhượng mới biết mình là hèn mọn trước mặt Thiên Chúa. Ngộ được căn tính hèn mọn của mình là ngộ ra cả một công trình vĩ đại của Thiên Chúa. Sống được đời sống hèn mọn là gặp được nguồn Thiện Hảo của Thiên Chúa. Và chỉ có “tâm tình hèn mọn” ấy mới khởi hứng cho một tinh thần phó thác hoàn toàn để được thuộc về Đấng Chí Thánh, Chí Thiện, Chí Tôn. Lời “Kinh Khiêm Hạ” mà mỗi “anh em hèn mọn” đọc hằng ngày hẳn luôn nhắc nhở mỗi người tiến sâu vào lối hẹp của Đức Khó Nghèo, của Lòng Khiêm Nhượng, của căn tính “hèn mọn” để rồi sẽ gặp được một “lối ra”, hay đúng hơn, là một “lối vào mới” dẫn đến Nước Thiên Chúa. Nếu kế hoạch cứu thế của Thiên Chúa là sai Con Một của Người từ vị thế Con Thiên Chúa xuống làm một phàm nhân “hèn mọn” như ta, chịu mọi sự đối xử cách hèn mọn hơn ta thì hẳn chúng ta phải đồng hình đồng dạng hèn mọn với Ngài, như Ngài, nếu muốn được cứu rỗi.

Chuẩn bị cho tháng 10 này, trong suốt tháng 9, một ca đoàn đã tập bài “Kinh an bình” của Cha Xuân Thảo, thay cho Kinh Hòa Bình của Cha Kim Long, không vì bài nào hay hơn bài nào, nhưng theo anh ca trưởng: “Bài của Cha Kim Lon gđã  thuộc lòng. Tập thêm một bài mới, để cùng anh em Phan Sinh mừng Lễ Thánh Phanxicô Assisi, và để khi tập cũng là lúc cùng anh em suy niệm tinh thần hèn mọn của Ngài và tập sống khiêm nhượng như Ngài”. Họ hát sốt sắng từ đó đến nay trong thánh lễ, tại nhà, lúc tập hát… và kết quả là: các gia đình được bình an do sống đức khiêm nhượng, chấp nhận “cam lòng chịu chết” cho nhau được sống bình an.

– Lòng Khiêm Nhượng của Mẹ Maria được kín múc từ lòng Khiêm Nhường của Thiên Chúa, khi Mẹ thuận theo Thánh Ý Chúa mọi đàng qua tiếng “Xin Vâng”, để từ đó, chương trình “khiêm nhượng” của Thiên Chúa thực hiện công cuộc chiến thắng thần dữ Kiêu Ngạo và đem lại ơn Cứu Rỗi cho ai có lòng khiêm nhượng. Một tháng Mân Côi với chuỗi Mân Côi và Kinh Mân Côi, lời kinh nào, suy gẫm nào, năm sự nào cũng thoảng hương thơm khiêm nhượng tuyệt đối của Đức Mẹ. Cũng Mẹ tôi, thường nói: “Người khiêm nhượng mới lần chuỗi sốt sắng được, mới đọc kinh kính mừng sốt sắng được con à: Khiêm nhượng biết mình, khiêm nhượng phó thác, và cả khiêm nhượng để cho người khác lớn lên. Và chỉ khi nào đọc kinh Mân Côi, Lần Chuỗi Mân Côi với lòng khiêm nhượng, ta mới cảm nghiệm được cả một mầu nhiệm Khiêm Nhượng của Thiên Chúa, và mới xứng đáng được hồng ân của Chúa ban cho, qua tay Mẹ”.

Lúc ấy, tôi không hiểu lòng khiêm nhượng “để người khác lớn lên” là thế nào, nhưng rồi, nhớ có một lần trong tháng mười năm đó tôi mới mười hai tuổi, cha bất bình với mẹ, bỏ ra trước hiên nhà ngồi nghe đài không chịu vào đọc kinh tối. Mẹ tôi bảo: “Ông có chịu vì lòng khiêm nhượng mà vào đọc kinh với tôi không?”. Cha tôi vào đọc kinh. Cuối giờ kinh, hai người xin lỗi nhau.

– Ước gì tâm tình Khiêm Nhượng của chị thánh Tê-rê-xa, của các Thiên Thần Bản Mệnh, của Thánh Phanxicô Assisi và của Mẹ Maria trong những ngày đầu tháng mười, sẽ chuẩn bị lòng chúng ta sốt sắng đón nhận Năm Đức Tin được khai mở ngày 11-10-2012.

Vào Năm Đức Tin, chắc hẳn mỗi người cần Khiêm Nhượng “cử hành một nghi thức đạo đức” riêng cho mình là “sám hối cách sống đức tin của chính mình trong thời gian qua”. Một nghi thức rất cá nhân, nhưng nếu mỗi cá nhân đều có cử hành nghi thức sám hối dưới ánh sáng Chúa Thánh Thần, thì ắt hẳn, sẽ có gia đình, một cộng đoàn khiêm tốn nhìn nhận những lệch lạc về cách sống Đức Tin của mình.

Hãy khiêm nhượng, có thể sẽ nhìn ra: chúng ta đã có một đức tin theo kiểu “căn cước công giáo” mà không sống đời sống công chính của Công Giáo.

Hãy khiêm nhượng để thấy chúng ta đã không nuôi dưỡng Đức Tin sống mà bỏ mặc Đức Tin chết, chúng ta không có đức tin làm, chỉ có đức tin nói.

Hãy khiêm nhượng để can đảm nhận lỗi: chúng ta đã làm cho thiên hạ đang “thấy việc chúng ta làm mà chẳng ngợi khen Cha ở trên trời”, hoặc tệ hơn nữa, thiên hạ còn chê bai, còn phỉ báng danh Chúa chúng ta.

Và từ việc khiêm nhượng sám hối, dẫn đến việc khiêm nhượng quyết tâm có ý thức sống động biến lời tuyên xưng “Tôi Tin” trong Kinh Tin Kính thành cuộc sống “Tôi Tin” giữa đời thường. Đức tin của mỗi cá nhân, mỗi gia đình đạt đến mức sống động làm thành Đức Tin sống động của cả Cộng Đoàn sẽ là lời chứng hùng hồn nhất  cho công cuộc Truyền Giáo. Cánh cửa Đức Tin được mở ra cho mọi người bằng chính việc mở ra đời sống công chính của người công giáo trong gia dình, trong giáo xứ,  trong làng xóm, trong đất nước và  trong lòng thế giới.

Tháng 10 của lòng khiêm nhượng đang mở ra.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng con lòng khiêm nhượng của các Thiên Thần, của các Thánh, của Mẹ Maria, và của Thiên Chúa để chúng con tái thiết lập một Đức Tin chân chính sống động nơi mỗi chúng con và cộng đoàn, và để chúng con nên những Nhân Chứng hùng hồn cho Nước Thiên Chúa.  Amen.

PM. Cao Huy Hoàng

Source : Lam Hồng

 

 

Đức Tân Giám Mục Kevin Vann của Giáo Phận Orange viếng thăm trường Saint Catherine’s Academy tại Anaheim

Đức Tân Giám Mục Kevin Vann của Giáo Phận Orange viếng thăm trường Saint Catherine's Academy tại Anaheim

Dear St. Catherine’s Families,

Sending you GRATITUDE, GRATITUDE, GRATITUDE!!! for all of your wonderful goodness, presence, volunteering, committee work, and above all support of your son(s)! I have something to share that has, indeed, put extra smiles on all of our faces!

Monday at 1:30 Bishop Kevin Vann – the new Bishop of the Diocese of Orange, surprised St. Catherine's with a visit. He arrived and met with the majority of the Sisters here at St. Catherine's. He was very warm and delightful! He has been educated by the Springfield Dominicans and at the Angelicum in Rome, which is a  Dominican University. When our present Bishop Todd Brown asked him what he would like to see on this first short visit to the Diocese of Orange, he said "You have Dominican Sisters….I want to go there."

He is very personable, talented (he played our new piano in Chapel beautifully!), loves and is a strong supporter of Catholic Education. We shared that we have Eucharist every

Friday with the boys and staff and that priests of the diocese are very good to come and preside. He asked if he could also come!!!! He saw that our first fundraiser is on October 14th, our Fall Brunch, and said he would be in town, even though he is not moving out here from Fort Worth, Texas until December. He graciously accepted our invitation and will our guest at the Fall Brunch!

We gave him a tour of our home at St. Catherine's and he fell in love with our Chapel. He was greeted and welcomed by the boys who shared some of their knowledge of the four

Dominican Pillars and gave him there welcome cards. The whole community gave him the Dominican Blessing. He was only with us for an hour, but it was full of grace and

goodness. We are all just thrilled and ask that you pray for our new Bishop as he begins his relocation to our diocese.

Welcome to Bishop Kevin Vann who came to St. Catherine’s for a visit and tour today. Bishop Vann will follow Bishop Tod Brown as the Bishop of Orange. Our cadets put on a special exhibition before giving our new bishop the Dominican Blessing. (Bishop Vann was also educated by Dominican Sisters in his home-state of Illinois.) We are honored and grateful that Bishop Vann came to see St. Catherine’s just days after being appointed to the Diocese of Orange. We hope this is the first of many visits! – at St. Catherine's Academy.

Source :Saint Catherine's Academy

Hiến binh đoàn Vatican bác bỏ lời cáo buộc của Paolo Gabriele

Hiến binh đoàn Vatican bác bỏ lời cáo buộc của Paolo Gabriele

VATICAN. Hiến binh đoàn của Vatican bác bỏ lời cáo buộc của bị can Paolo Gabriele cho rằng mình đã bị ngược đãi trong thời gian bị giam giữ tại trại Hiến binh.

Trong phiên tòa sáng ngày 2 tháng 10-2012, sau câu hỏi của luật sư biện hộ, bị can Gabriele cho biết mình đã bị ngược đãi, không có gối đầu trong ngày đầu tiên và ở trong phòng chật hẹp, bị đèn sáng 24 trên 24 tiếng.

Ban chiều cùng ngày, Hiến binh đoàn ra thông báo cho biết việc giam giữ ông Gabriele đã theo đúng tiêu chuẩn giam giữ như đã dự trù cho cả các nước khác trong những hoàn cảnh tương tự.

Về phòng giam giữ, vì các phòng khác được tu bổ, nên chỉ còn lại căn phòng trong đó bị can Gabriele bị giam, trong khi chờ đợi tu bổ các phòng khác theo đúng Hiệp ước về tra tấn mà Tòa Thánh đã ký kết.

Trong thời gian bị giam, đương sự đã được đối xử đúng đắn: các bữa ăn được cung cấp và sử dụng cùng với hiến binh canh giữ, có giờ ra thở hít không khí ngoài trời, thư giãn, và tiếp xúc với những nhân viên của Hiến binh đoàn. Đương sự cũng được phép sử dụng phòng tập thể thao của trại Hiến binh nhưng đương sự từ chối. Đương sự được nhân viên y tế đều đặn thăm viếng và khám bệnh. Ông Gabriele tuyên bố với bác sĩ là mình được nghỉ ngơi thanh thản và thậm chí giải quyết được một số vấn đề căng thẳng tinh thần; ông cũng được trợ giúp về đàng thiêng liêng, gặp gỡ tiếp xúc với gia đình, luật sư biện hộ. Nhiều lần đương sự xin gặp vị Chỉ huy đoàn vệ binh để được an ủi…

Về việc đèn điện bật sáng 24 giờ, cần để ý rằng đèn sáng là để tránh tình trạng bị can có thể tự đả thương và vì lý do an ninh. Chính đương sự trong những ngày sau đó đã yêu cầu để đèn sáng như một người đồng hành. Ngoài ra đương sự được cấp băng che mắt ban đêm hoàn toàn để có thể ngủ. Ngoài ra, bị can cũng cung cấp các bộ đồ mới cũng như khăn, và đồ dùng sạch sẽ. Tuy có kiểm soát, nhưng không bao giờ bị can bị xách nhiễu làm phiền. Các quyền của ông về cuộc sống riêng tư luôn được tôn trọng và không bao giờ bị vi phạm.

Sau 20 ngày, khi các phòng lớn được tu bổ xong, Gabriele được chuyển sang phòng mới.
Sau lời tuyên bố của bị can, bị Chưởng tín đã mở cuộc điều tra với hồ sơ số 53/12 để kiểm chứng xem những lời cáo buộc của ông Gabriele có đúng không. Trong trường hợp những lời cáo buộc ấy là vô căn cứ, thì ông có thể bị tố cáo ngược lại”.

G. Trần Đức Anh OP – VietVatican

Ngoại trưởng Tòa Thánh kêu gọi tôn trọng Hiến Chương LHQ

Ngoại trưởng Tòa Thánh kêu gọi tôn trọng Hiến Chương LHQ

NEW YORK. Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức TGM Dominique Mamberti, kêu gọi các nước thực sự tôn trọng các giá trị được liệt kê trong Hiến Chương LHQ.

Đức TGM Mamberti đưa ra lời kêu gọi trên đây trong tuyên ngôn hôm 1 tháng 10-2012 tại Đại Hội đồng thứ 67 của LHQ. Ngài liệt kê những thành tựu của LHQ, nhất là hệ thống công pháp nhắm giúp giải quyết chiến tranh, xung đột và nhiều vấn đề khác của cộng đồng thế giới. Tuy nhiên, thế giới ngày nay vẫn còn đứng trước bao nhiêu thách đố và khó khăn, với những cuộc xung đột lan tràn và kéo dài, hố chia cách giữa giàu nghèo ngày càng sâu rộng, hòa bình thế giới cũng bị đe dọa, và cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh đang đe dọa cả những người công nghệ cao. LHQ bất lực, thiếu sức mạnh đoàn kết và không có sức thuyết phục, trong việc giải quyết nhiều cuộc xung đột mà Siria hiện nay là một trường hợp điển hình.

Đức TGM Mamberti nhấn mạnh rằng ”Chỉ có một cộng đồng quốc tế ăn rễ sâu trong các giá trị thực sự phù hợp với phẩm giá con người mới có thể mang lại những giải pháp khả thi cho những loại xung đột mới giữa các nhóm liên quốc, đang phổ biến một ý thức hệ bá quyền ngụy tôn giáo, coi rẻ các quyền con người và hòa bình nơi dân chúng”.

Theo Đức TGM Ngoại trưởng Tòa Thánh, nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng đa diện hiện nay của thế giới chính là một nhân sinh quan không coi trọng phẩm giá con người. Ngài nói:

”Thật là một ảo tưởng khi muốn kiến tạo sự hòa hợp đích thực giữa các dân tộc, muốn bảo đảm sự sống chung hòa bình và cộng tác thực sự giữa các quốc gia, nếu người ta không có một nhân sinh quan, tuy không chối bỏ trên lý thuyết tầm quan trọng của phẩm giá và các quyền căn bản của con người, nhưng trong thực tế loại bỏ xuống hàng thứ yếu chiều kích sâu xa của phẩm giá và đặc tính duy nhất của con người, và thay vào đó đề cao những ý niệm tập thể mơ hồ, thu hẹp con người vào loại tiêu thụ hoặc những tác nhân sản xuất của thị trường.

Đức TGM Mamberti cũng tố giác và kêu gọi loại bỏ những toan tính coi các mục tiêu phát triển được đề ra hồi đầu ngàn năm mới và chương trình phát triển sau năm 2015, cũng như việc giải thích các hiệp ước về các quyền con người, dựa trên một quan niệm thu hẹp và duy tương đối về con người, khôn khéo dùng những kiểu nói mơ hồ, đe dọa quyền sống và có xu hướng hủy bỏ kiểu mẫu gia đình dựa trên sự kết hiệp giữa một người nam và một người nữ, qui hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái. Những toan tính ấy rốt cục làm suy yếu một cách không thể hồi lại được uy tín và sự hợp pháp của LHQ trong tư cách là một phương thế phổ quát để đạt tới một sự cộng tác và hòa bình lâu dài” (SD 2-10-2012)

G. Trần Đức Anh OP