Hoạt động của Đức Thánh Cha áp tuần tĩnh tâm

Hoạt động của Đức Thánh Cha áp tuần tĩnh tâm

VATICAN. Thứ bẩy 16 tháng 2-2013, ĐTC Biển Đức 16 đã hoạt động theo chương trình bình thường.

Lúc 11 giờ ngài đã tiếp tổng thống nước Guatemala Ông Otto Fernando Pérez Molina, rồi tiếp 13 GM thuộc 10 giáo phận vùng Lombardia, bắc Italia, do ĐHY Angelo Scola, TGM giáo phận Milano, hướng dẫn, về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết sau khi hội kiến với ĐTC, Tổng thống đã gặp ĐHY Quốc vụ khanh Bertone và Đức TGM Ngoại trưởng Mamberti.

Trong các cuộc thảo luận, các vị bày tỏ hài lòng vì quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Guatemala. Chính Phủ nước này đánh giá cao đóng góp của Giáo Hội cho sự phát triển đất nước, đặt biệt trong lãnh vực giáo dục, thăng tiến các giá trị nhân bản và tinh thần, các hoạt động từ thiện và xã hội, trong đó có việc cứu trợ các nạn nhân bị động đất mới đây. Ngoài ra, hai bên đồng ý cần tiếp tục cộng tác để giải quyết thảm trạng nghèo đói, nạn buôn bán ma túy và nạn tội phạm có tổ chức cũng như vấn đề di cư. Sau cùng, Tòa Thánh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ sự sống con người, từ lúc mới thụ thai.

Lúc 6 giờ chiều cùng ngày hôm qua, ĐTC đã tiếp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, Ông Mario Monti, đến giã từ ngài.

Ngoài ra, hôm qua ĐTC đã tái bổ nhiệm 5 vị thành viên Hội đồng Hồng Y giám sát viện Giáo Vụ, tức là Ngân Hàng Vatican, với nhiệm kỳ 5 năm, đứng đầu là ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Sau cùng, ĐTC đã tiến hành 3 bổ nhiệm: trước tiên là GM phụ tá tổng giáo phận Dar-es-Salam thủ đô Tanzania, và Đức tân GM giáo phận Churchill-Baie Hudson ở miền bắc Canada, một địa phận rộng mênh mông với 2 triệu 300 ngàn cây số vuông, gần bằng 8 lần Việt Nam, nhưng chỉ có 32 ngàn dân, trong số này có 8.570 tín hữu Công giáo với 10 LM phục vụ 16 giáo xứ. Sau cùng ngài thuyên chuyển vị Sứ thần Tòa Thánh tại Colombia về nước Malta. (SD 16-2-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Radio Vatican

Xã luận và thông tin của Cha Lombardi

Xã luận và thông tin của Cha Lombardi

VATICAN. Trong bài xã luận công bố hôm 16 tháng 2-2013, Cha Lombardi, Giám Đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh kiêm Tổng Giám đốc đài Vatican, nhận định rằng việc ĐTC Biển Đức 16 tuyên bố từ nhiệm hôm 11-2 vừa qua đã gây chấn động trên thế giới, vì đó là điều bất ngờ và bất thường trong và ngoài Giáo Hội cũng như tại Vatican…

”Tuy nhiên, thành thật mà nói, quyết định của ĐTC gây ngạc nhiên nhiều cho những người không biết ngài, hơn là cho những người biết rõ và quan tâm theo ngài. Ngài đã nói rõ ràng về việc có thể từ chức trong cuốn sách phỏng vấn tựa đề ”Ánh sáng thế gian”; ngài luôn kín đáo và thận trọng khi nói về những công tác tương lai trong triều đại Giáo Hoàng của ngài; và tuyệt đối rõ ràng là ngài đang thi hành một sứ mạng đã nhận lãnh chứ không phải là thi hành một quyền bính được sở hữu.

Theo cha Lombardi, ”không phải là một sự khiêm tốn giả tạo khi bắt đầu triều đại Giáo Hoàng, ĐTC Biển Đức 16 tự mô tả mình là ”một người thợ khiêm hạ trong vườn nho của Chúa”, luôn chú ý sử dụng một cách khôn ngoan sức lực thể lý không dồi dào của ngài, để có thể thi hành tốt đẹp nhất nghĩa vụ bao la được ủy thác cho ngài một cách bất ngờ, khi tuổi ngài đã khá cao”.

Cha Lombardi gọi việc ĐTC từ nhiệm là ”Một hành vi lớn trong việc cai quản Giáo Hội, không phải như một số người nghĩ là vì ĐGH Biển Đức không còn sức lực để điều khiển giáo triều Roma nữa, nhưng đúng hơn là vì: để đương đầu với những vấn đề lớn của Giáo Hội và thế giới ngày nay mà ngài biết rất rõ, cần phải có năng lực mạnh mẽ và một thời gian cai quản tương ứng với công trình mục vụ lâu dài, chứ không ngắn hạn”.

Và cha Lombardi kết luận rằng: ”ĐTC Biển Đức không bỏ rơi chúng ta trong thời kỳ khó khăn, với lòng tín thác ngài mời gọi Giáo Hội hãy tin tưởng nơi Chúa Thánh Linh và nơi Người Kế Vị Thánh Phêrô mới. Trong những ngày này ngài đã nói là cảm thấy mạnh mẽ và cụ thể sự nồng nhiệt của lời cầu nguyện và lòng quí mến mà các tín hữu dành cho ngài. Về phần chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy sự nồng nhiệt đặc biệt lời cầu nguyện và lòng quí mến của ngài đối với Người Kế Nhiệm và đối với chúng ta. Có lẽ quan hệ thiêng liêng này càng sâu xa và mạnh mẽ hơn trước. Đó là một sự hiệp thông nồng nhiệt trong một tự do tuyệt đối”.

Trong họp báo trưa ngày 16 tháng 2-2013, Cha Lombardi cho biết chưa có sự chắc chắn về ngày khởi đầu Mật nghị Hồng y bầu Giáo Hoàng. Một số Hồng y cho rằng theo Tông Hiến ”Mục tử toàn thể đoàn chiên Chúa” về thời kỳ Tông Tòa trống vị, hạn định 15 ngày sau khi Tông Tòa bắt đầu trống vị là để các Hồng y có thể về họp cho kịp. Trong trường hợp sắp tới, vì các Hồng y đã được báo trước 17 ngày trước khi ĐTC từ nhiệm, nên có thể tất cả các Hồng y sẽ về họp trước hạn định, nên có thể ngày khởi sự Mật Nghị Hồng y có thể bắt đầu sớm hơn. ĐHY Bertone, Hồng y nhiếp chính, và các vị phụ tá đang bắt đầu làm việc để thực hiện những gì cần thiết khi Tông tòa trống ngôi. Trong những ngày tới đây có thể có tin tức về vấn đề này.

Cha Lombardi cho biết theo Giám đốc dinh thự Castel Gandolfo, ĐTC Biển Đức sẽ ở trong dinh Giáo Hoàng tại đó và thời gian lưu ngụ dự trù là 2 tháng, trước khi di chuyển về Đan Viện ”Mẹ Giáo Hội” ở Nội thành Vatican.

Cha Sapienza, Phó Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, cho biết đã có 35 ngàn người đăng ký xin vé dự buổi tiếp kiến chung cuối cùng của ĐTC thứ tư 27-2-2013. (SD 16-2-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Radio Vatican

Cuộc từ nhiệm của Đức Thánh Cha không liên hệ tới vụ Vatileaks

Cuộc từ nhiệm của Đức Thánh Cha không liên hệ tới vụ Vatileaks

BERLIN. Ký giả Peter Seewald, người đã phỏng vấn ĐTC Biển Đức 16, cho biết việc ĐTC từ nhiệm không liên hệ gì tới vụ Vatileaks, thất thoát tài liệu mật tại Vatican.

Ký giả Seewald người Đức, đang soạn một cuốn tiểu sử ĐTC Biển Đức 16. Cuốn sách phỏng vấn trước đây được xuất bản hồi tháng 11 năm 2010, trong đó ĐTC đã nói về vấn đề ngài có thể từ chức. Ông đã có 2 cuộc nói chuyện với ĐTC, để viết tiểu sử của ngài, lần cuối dài 1 tiếng rưỡi cách đây 2 tháng rưỡi tại Castel Gandolfo.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo Focus ở Đức (số ra ngày 20 tháng 2-2013 này) và một phần được thông báo trước cho báo chí, Ông Seewald nói về vụ Vatileaks và cho biết ĐTC nói: ”Tôi không rơi vào một tình trạng như thể tuyệt vọng hoặc đau đớn khôn tả; tôi chỉ không thể hiểu được sự kiện này.. Tôi không hiểu nổi những lý do khiến cho Paolo Gabriele lấy trộm các tài liệu như vậy.. Tôi không hiểu nổi tâm lý của anh ta”.

Ông Seewald cũng nói rằng ĐTC cho biết ngài tôn trọng sự độc lập của ngành công lý của Vatican và không can thiệp vào vụ xét xử người hầu của ngài.

Trả lời câu hỏi của ký giả: người ta còn có thể mong đợi gì nơi triều đại Giáo Hoàng của ngài, ĐTC Biển Đức đáp: ”Từ tôi hả? Không bao nhiêu. Tôi là một người già và sức lực đang tàn lụi. Tôi nghĩ rằng điều tôi đã làm là đủ rồi”.
Ông Seewald tiết lộ rằng ”Chưa bao giờ ông thấy ĐGH sức khỏe suy yếu như vậy, đến độ ngài đã phải dốc toàn lực để hoàn thành cuốn thứ ba trong bộ sách ”Đức Giêsu thành Nazareth”. Có lần ngài đã nói với ký giả: ”Đây là cuốn sách cuối cùng của tôi” (AGI, AFP 16-2-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Radio Vatican

Đức Thánh Cha tiếp Hội ”Trợ giúp Tòa Thánh Phêrô”

Đức Thánh Cha tiếp Hội ”Trợ giúp Tòa Thánh Phêrô”

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 khuyến khích các tín hữu không ngừng khám phá và đào sâu đức tin, đồng thời thể hiện đức tin qua các hoạt động bác ái, nhất là trong năm Đức Tin hiện nay.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 15 tháng 2-2013, dành cho phái đoàn 45 thành viên Hội Pro Petri Sede (Trợ giúp Tòa Thánh Phêrô), từ Bỉ về Roma hành hương và trao cho ĐTC số tiền họ quyên góp được hàng năm để ngài dùng vào các việc bác ái.

Ngỏ lời trong dịp này, sau khi cám ơn lòng quảng đại và cảm thức hiệp thông Giáo Hội của các Hội viên, ĐTC nhắc đến ý nghĩa Năm Đức Tin và khẳng định rằng: ”Đức tin là một thực tại sinh động cần luôn luôn khám phá và đào sâu để đức tin có thể tăng trưởng. Chính đức tin phải hướng dẫn cái nhìn và hoạt động của Kitô hữu. Vì đức tin là một tiêu chuẩn mới để hiểu và hành động, thay đổi toàn thể cuộc sống con người”.

ĐTC cũng nhấn mạnh một mục tiêu của Năm Đức Tin là để tăng cường chứng tá Kitô về bác ái. Ngài nói: ”Đức tin mà không có đức bác ái thì không mang lại hoa quả và đức bác ái không có đức tin thì chỉ là một tình cảm luôn bị ảnh hưởng của nghi ngờ. Đức tin và đức ái cần có nhau, đến độ đức này giúc đức kia thực hiện được hành trình của mình” (Porta fidei, n.4)

Sau cùng, ĐTC nhắc nhở rằng: ”Để sống chứng tá đức ái như thế, không thể thiếu cuộc gặp gỡ với Chúa, một cuộc gặp biến đổi con tim và cái nhìn của con người. Thực vậy, chính chứng tá về tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người anh chị em chúng ta mang lại ý nghĩa đích thực cho đức bác ái Kitô. Nhân đức này không thể bị thu hẹp vào một thứ lòng nhân đạo hoặc một hoạt động thăng tiến conngười. Sự trợ giúp vật chất, dù cần thiết thế nào đi nữa, vẫn không phải là trọn vẹn đức bác ái, vốn là một sự tham phần vào tình yêu của Chúa Kitô được lãnh nhận và chia sẻ. Vì thế tất cả công trình bác ái chân chính là một sự biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người và qua đó nó trở thành lời loan báo Tin Mừng.”

ĐTC kết luận rằng ”Trong Mùa Chay này, ước gì những cử chỉ bác ái được thực hiện một cách quảng đại (Xc Mt 6,,3), giúp mỗi người tiến bước đến gần Chúa Kitô, là Đấng không ngừng đến gặp gỡ con người”

Buổi tiếp kiến dành cho Hội Trợ giúp Tòa Thánh Phêrô diễn ra sau khi ĐTC tiếp Tổng thống Traian Basescu của Rumani cùng với Phu nhân và đoàn tùy tùng, rồi cuộc tiếp kiến của ngài dành cho các GM thuộc 7 giáo phận miền Liguria, bắc Italia, dưới sự hướng dẫn của ĐHY Angelo Bagnasco, TGM Genova và cũng là Chủ tịch HĐGM Italia.
(SD 15-2-2013)

G. Trần Đức Anh OP-Radio Vatican

Đức Thánh Cha giã từ hàng giáo sĩ Roma

Đức Thánh Cha giã từ hàng giáo sĩ Roma

VATICAN. Sáng 15 tháng 2-2013, ĐTC Biển Đức 16 đã gặp gỡ lần cuối và từ giã hàng giáo sĩ của giáo phận Roma.
Hàng năm, vào ngày thứ năm sau lễ tro, ĐTC vẫn gặp gỡ và trao đổi với hàng giáo sĩ Roma, nhưng lần này có một sắc thái đặc biệt vì là lần chót. Hiện diện tại Đại thính đường Phaolô 6 lúc 11.45 có ĐHY Giám quản Agosto Vallini, 7 GM phụ tá và lối 1.500 linh mục.

Các LM đã nồng nhiệt vỗ tay chào đón ĐTC khi ngài tiến vào thính đường.

Trong lời chào ĐTC, ĐHY Vallini đã gợi lại sự tích các kỳ lão tại thành Ephêsô được thánh Phaolô gọi tới Mileto để nghe những lời từ giã của thánh nhân trước khi ngài đi Jerusalem. ”Anh em biết tôi đã cư xử thế nào.. Tôi đã phụng sự Chúa với tất cả lòng khiêm tốn, trong nước mắt và thử thách..; tôi đã không bao giờ thối lui trước những gì có thể là hữu ích, để rao giảng và giáo huấn anh em.. làm chứng về sự trở về cùng Thiên Chúa và niềm tin nơi Đức Giêsu Chúa chúng ta.. Mọi người đã bật khóc và bá cổ thánh Phaolô và hôn” (Cv 20,18-20).
ĐHY Giám quản nói: ”Kính thưa ĐTC, chúng con không giấu rằng trong tâm hồn chúng con nhiều tâm tình: buồn rầu và tôn kính, ngưỡng mộ và nuối tiếc, yêu mến và hãnh diện. Trong tất cả những điều đó chúng con tôn thờ Thánh Ý Chúa và đón nhận từ ĐTC giáo huấn về cách thức yêu mến và phụng sự Chúa Kitô và Giáo Hội. Chúng con mãi mãi gắn bó với gương sống dịu hiền và mạnh mẽ của Ngài”.

Bài nói chuyện của ĐTC

Mở đầu bài nói chuyện dài 45 phút, ĐTC cho biết ngài không còn sức để ”làm một bài diễn văn lớn”, nhưng trong thực tế ngài đã chứng tỏ tâm trí rất sáng suốt và minh mẫn, ứng khẩu kể lại kinh nghiệm của ngài về công đồng chung Vatican 2, từ khi làm thư ký của ĐHY Frings TGM giáo phận Koeln, và sau đó được bổ nhiệm làm chuyên gia chính thức của Công đồng. Ngài nói:

”Tôi bắt đầu bằng một giai thoại: năm 1959 tôi được bổ nhiệm làm giáo sư ở Đại học Bonn, nơi có các sinh viên, chủng sinh của giáo phận Koeln và các giáo phận lân cận theo học. Vì thế tôi được dịp tiếp xúc với ĐHY Frings. Hồi năm 1961, ĐHY Siri, TGM giáo phận Genova, đã tổ chức một loạt các bài thuyết trình về Công đồng, với các thuyết trình viên là một số Hồng y Âu Châu. ĐHY Siri cũng mời ĐHY TGM Koeln thuyết trình về đề tài “Công đồng và thế giới của tư tưởng tân thời”. ĐHY Frings đã mời tôi là giáo sư trẻ nhất soạn cho ngài dự thảo bài thuyết trình, và ĐHY đã trình bày cho dân chúng ở Genova bài thuyết trình mà tôi đã viết. Ít lâu sau ĐHY Gioan 23 mời ĐHY Frings đến gặp. ĐHY rất lo sợ vì e rằng mình đã nói điều gì không đúng hoặc sai trái, và bị ĐGH gọi để khiển trách, và có lẽ để tước bỏ mũ hồng y (các LM cười rộ!). Đúng vậy, khi cha thư ký của ĐHY giúp ngài mặc áo để vào chầu ĐGH, ngài nói: ”Có lẽ bây giờ tôi mặc chiếc áo HY này lần chót!”.

Nhưng khi ĐHY Frings vào gặp ĐGH Gioan 23, ĐGH tiến đến gặp và ôm lấy ĐHY và nói: ”Cám ơn ĐHY vì đã nói điều mà tôi muốn nói, nhưng tôi không tìm được lời để nói cho đúng” (các cha sở lại cười rộ và vỗ tay). Thế là ĐHY Frings biết mình đang đi đúng đường và ĐHY đã mời tôi đi công đồng với ngài, trước tiên như một chuyên gia riêng, rồi trong giai đoạn đầu tiên, có lẽ vào tháng 11-1962, tôi cũng được bổ nhiệm làm chuyên gia chính thức của Công đồng”.

ĐTC đã nói đến tiến trình soạn thảo các văn kiện, việc bầu cử các Ủy ban, sự phong phú của các văn kiện.
ĐTC cũng nhận xét về hai nhận thức về Công đồng: một công đồng trong thực tại và một công đồng do giới báo chí trình bày, nhiều khi dưới nhãn giới chính trị, một cuộc tranh đấu quyền bính, dân chủ hóa, quyền bính thuộc về giai cấp hạ tầng. Họ nói nhiều đến sự tản quyền trong Giáo Hội, quyền bính dành cho các GM, qua lời của Dân Chúa, quyền bính của nhân dân, của giáo dân.

Về phụng vụ, thứ công đồng của giới báo chí không quan tâm đến phụng vụ như một hành vi đức tin, nhưng như một thứ trong đó người ta làm những điều có thể hiểu được, một thứ hoạt động của cộng đồng, một điều trần thục.

ĐTC nhận xét rằng thứ công đồng của giới truyền thông như thế, hay công đồng tiềm thể, đi tới mọi người, và có hiệu năng hơn, nhưng nó tạo nên bao nhiêu thảm hại, bao nhiêu vấn đề và lầm than trong thực tế: các tu viện, học viện chủng viện bị đóng cửa, phụng vụ bị tầm thường hóa, và công đồng đích thực gặp gó khăn trong việc cụ thể hóa, và trong việc thực hiện. Công đồng tiềm thể của giới truyền thông mạnh mẽ hơn công đồng thực sự.
ĐTC kết luận rằng tôi thấy 50 năm sau Công đồng, thứ công đồng tiềm thể ấy bị tan vỡ, bị mất đi, và xuất hiện công đồng đích thực với tất cả sức mạnh tinh thần, và nghĩa vụ chúng ta trong năm Đức tin này là làm việc để côgn đồng đích thực, với sức mạnh của Thánh Linh, được thể hiện và Giáo Hội được canh tân đích thực”.

ĐTC cũng nói rằng ”cho dù tôi rút lui vào đời sống đầu nguyện, nhưng tôi luôn luôn gần gũi anh em và tôi chắc chắn rằng anh em cũng gần gũi tôi, cho dù đối với thế giới, tôi ở ẩn”. (SD 14-2-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Radio Vatican

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cuối cùng trong tư cách là Giáo Hoàng

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cuối cùng trong tư cách là Giáo Hoàng

ĐTC cử hánh thánh lễ cuối cùng với tư cách là Giáo Hoàng

VATICAN. Lúc 5 giờ chiều 13 tháng 2-2013, ĐTC Biển Đức 16 đã cử hành lễ tro và cũng là thánh lễ cuối cùng trước sự hiện diện của đông đảo tín hữu, trong tư cách là Giáo Hoàng.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ có lối 60 Hồng y và GM, trước sự hiện diện của các tín hữu ngồi chật thánh đường, cùng với nhiều vị trong ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

Buổi lễ bắt đầu với cuộc rước thống hối do ĐTC chủ sự, đi từ cuối đền thờ tiến lên bàn thờ chính với sự tham dự của các tu sĩ dòng Biển Đức và Đa Minh cùng với các HY, GM đồng tế.

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC nhắc đến truyền thống rất cổ kính cử hành chặng thứ I của mùa chay trong Vương cung thánh đường thánh Sabina trên đồi Avventino. Nhưng do hoàn cảnh đặc biệt, để nhiều người có thể tham dự, ”lễ này được cử hành tại Đền thờ Vatican chiều hôm nay, quanh mộ thánh Phêrô Tông Đồ, cũng với mục đích cầu xin sự chuyển cầu của thánh nhân cho hành trình của Giáo Hội trong lúc đặc biệt này, canh tân niềm tin của chúng ta nơi Vị Mục Tử Tối Cao là Chúa Kitô”. ĐTC nói:

”Đối với tôi, đây là cơ hội thuận tiện để cám ơn tất cả mọi người, nhất là các tín hữu thuộc giáo phận Roma, trong lúc tôi sắp kết thúc sứ vụ Phêrô, và tôi xin mọi người đặc biệt nhớ đến tôi trong kinh nguyện”.

Tiếp đến, ĐTC đã quảng diễn các bài đọc của thứ tư lễ tro, nhất là lời mời gọi hoán cải. ”Sự trở về cùng Chúa là điều có thể thực hiện được như 'ân thánh', vì đó là công trình của Thiên Chúa và là hoa quả của đức tin mà chúng ta đặt nơi lòng từ bi Chúa. Nhưng sự trở về cùng Chúa chỉ trở thành thực tại cụ thể trong đời sống chúng ta khi ơn thánh thấu nhập vào nội tâm sâu thẳm và đánh động tâm hồn, ban cho chúng ta sức mạnh của của sự ”xé lòng”. Ngôn sứ cũng làm vang dội những lời này của Thiên Chúa: 'Hãy xé lòng chứ đừng xé áo” (v.13). Thực vậy, cả ngày nay, nhiều người sẵn sàng xé áo trước những xìcăngđan và bất công, – dĩ nhiên là do người khác phạm – nhưng ít người dường như sẵn sàng hành động trên chính con tim, trên lương tâm, trên những ý hướng của mình, để cho Chúa biến cải, đổi mới và hoán cải”.

ĐTC nhắc nhở rằng lời kêu gọi hoán cải ấy không phải chỉ với tư cách cá nhân, nhưng cả với tư cách cộng đoàn. ”Chiều kích cộng đoàn là một yếu tố thiết yếu trong đức tin và trong đời sống Kitô. Chúa Kitô đã đến để ”tập họp những con cái Thiên Chúa bị tản mác” (Xc Ga 11,52)..”

ĐTC cũng nhấn mạnh lời ngôn sứ Gioel ”Xin Chúa thương xót dân Chúa, đừng để cho gia nghiệp Chúa phải hổ thẹn, đừng để các dân tộc thống trị nó. Tại sao thiên hạ dám nói rằng: Chúa của chúng ở đâu?” (v.17). Ngài giải thích rằng: Lời cầu nguyện này làm cho chúng ta suy nghĩ về tầm quan trọng của chứng tá đức tin và đời sống Kitô của mỗi người chúng ta và các cộng đoàn của chúng ta để biểu lộ khuôn mặt của Giáo Hội và khuôn mặt này nhiều khi bị tủi hổ. Tôi đặc biệt nghĩ đến những tội chống lại sự hiệp nhất của Giáo Hội, những chia rẽ trong thân mình Hội Thánh. Sống mùa chay trong tình hiệp thông nồng nhiệt và hiển nhiên hơn của Giáo Hội, vượt thắng những thái độ cá nhân chủ nghĩa và cạnh tranh, đó là một dấu hiệu khiêm tốn và quí giá đối với những người xa lìa đức tin hoặc dửng dưng”.

ĐTC quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Mathêu về việc làm phúc bố thí, cầu nguyện và ăn chay để đáp lại lời mời gọi hãy hết lòng trở về cùng Chúa. Ngài nói:

”Chúa Giêsu nhấn mạnh đặc tính chân thực của mỗi hành vi tôn giáo như là chất lượng và sự chân thật trong tương quan với Thiên Chúa. Vì thế, Chúa tố giác thái độ tôn giáo giả hình, thái độ muốn xuất hiện, những thái độ tìm kiếm sự hoan hô và ủng hộ. Môn đệ chân chính không phục vụ bản thân hoặc ”công chúng”, nhưng là phục vụ Chúa, trong sự đơn sơ và quảng đại. ”Và Cha con, Đấng nhìn thấy trong nơi bí nhiệm, sẽ thưởng cho con” (Mt 6,4,6.18).

Và ĐTC kết luận rằng: ”Như thế chứng tá của chúng ta càng có ảnh hưởng quyết định hơn nếu chúng ta càng ít tìm kiếm vinh danh cho chúng ta và nếu chúng ta ý thức rằng phần thưởng của người công chính là chính Thiên Chúa, là được kết hiệp với Chúa, đời này trong hành trình đức tin, và vào cuối đời, trong an bình và trong ánh sáng cuộc gặp gỡ diện đối diện với Chúa mãi mãi” (Xc Cr 13,12).

Sau bài giảng là nghi thức làm phép và xức tro. DHY Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ Thánh Phêro đã bỏ tro trên đầu ĐTC trước khi Ngài xức tro cho một số hồng y và một số linh mục tu sĩ dòng Đaminh và Biển Đức cùng với một số tín hữu.

Lời chào của ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh

Cuối thánh lễ, ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã đại diện tất cả mọi người chào mừng ĐTC và nhắc đến quyết định giã từ sứ vụ GM Roma và Kế Vị Thánh Phêrô Tông Đồ:

”Kính thưa Đức Thánh Cha,

Với tâm tình rất xúc động và rất kính trọng, không những Giáo Hội nhưng cả thế giới đã hay tin về quyết định của ĐTC rời bỏ sứ vụ GM Roma và Người Kế Vị Thánh Phêrô.

”Thưa ĐTC, chúng con sẽ không thành thực nếu chúng con không nói với ĐTC rằng chiều hôm nay có một màn buồn sầu bao phủ tâm hồn chúng con. Trong những năm qua, Giáo Huấn của ĐTC là một cánh cửa sổ mở ra cho Giáo Hội và thế giới, để cho những tia sáng sự thật và tình thương của Thiên Chúa chiếu rọi vào, để mang ánh sáng và sức nóng cho hành trình của chúng con, nhất là trong những lúc mây đen dầy đặc che phủ”.
”Tất cả chúng con đã hiểu rằng chính lòng yêu mến sâu đậm của ĐTC đối với Thiên Chúa và Giáo Hội đã thúc đẩy ĐTC đi tới hành động từ nhiệm ấy, biểu lộ một tâm hồn thanh khiết, đức tin vững mạnh, sức mạnh của sự khiêm tốn và dịu hiền cùng với lòng can đảm mạnh mẽ, nổi bật trong mỗi bước tiến trong cuộc đời và sứ vụ của ĐTC, và chúng chỉ có thể đến từ sự ở với Chúa, ở dưới ánh sáng Lời Chúa, liên tục lên núi gặp gỡ Chúa để rồi trở xuống nơi xã hội con người.

“Kính thưa Đức Thánh Cha, cách đây vài ngài, ĐTC đã nói với các chủng sinh của Giáo Hội Roma rằng là Kitô hữu, chúng ta biết tương lai là của chúng ta, tương lai là của Thiên Chúa, và cây Giáo Hội luôn tiếp tục tăng trưởng. Giáo Hội luôn đổi mới, luôn tái sinh. Phục vụ Giáo Hội với ý thức mạnh mẽ Giáo Hội không phải là của chúng ta nhưng là của Thiên chúa, và không phải chúng ta xây dựng Giáo Hội, nhưng là Thiên Chúa, để có thể lên sự thật: ”Chúng ta là những đầy tớ vô dụng. Chúng ta chỉ làm điều chúng ta phải làm” (Lc 17,10), hoàn toàn tín thác nơi Chúa, đó là đại giáo huấn mà ĐTC, qua quyết định đau thương này, không những dành cho chúng con là những Mục tử của Giáo Hội, nhưng còn cho toàn thể Dân Chúa. ”Thánh Lễ là cảm tạ Thiên Chúa. Chiều hôm nay chúng con muốn cảm tạ Chúa vì hành trình mà toàn thể Giáo Hội đã thực hiện dưới sự hướng dẫn của ĐTC và chúng con muốn nói với ĐTC tự thâm tâm chúng con, với tất cả lòng quí mến, xúc động và ngưỡng mộ rằng: Cám ơn ĐTC vì đã cho chúng con tấm gương rạng người về người thợ đơn sơ và khiêm tốn trong vườn nho của Chúa, nhưng là một người thợ đã muốn thực hiện trong mọi lúc điều quan trọng nhất để mang Chúa đến cho con người và đưa con người về cùng Thiên Chúa”.

Giuse. Trần Đức Anh OP – Radio Vatican

Mùa Chay là thời gian dấn thân để cho chân lý, đức tin và tình yêu thương trở thành điều quan trong nhất

Mùa Chay là thời gian dấn thân để cho chân lý, đức tin và tình yêu thương trở thành điều quan trong nhất

Trong Mùa Chay của Năm Đức Tin chúng ta hãy canh tân dấn thân trên con đường hoán cải để vượt thắng khuynh hướng khép kín trong chính mình, và để dành chỗ cho Thiên Chúa bằng cách nhìn thực tại hàng ngày với đội mắt của Người… Hoán cải có nghĩa là không đóng kín trong việc tìm kiếm thành công, uy tín, địa vị riêng, nhưng làm sao để chân lý, niềm tin nơi Thiên Chúa và tình yêu thương trở thành điều quan trong nhất mỗi ngày.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với 8,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu. Trong số hàng trăm nhóm hành hương hiên diện có phái đoàn 34 tín hữu Việt Nam Đan Mạch và Thụy Điển do Linh Mục Nguyễn Minh Quang hướng dẫn. Bầu khí buổi tiếp kiến đã rất là cảm động vì tất cả mọi người hiện diện đều biết rằng đây là lần cuối cùng họ gặp Đức Thánh Cha, một người cha chung rất hiền dịu và khiếm tốn.

Vì hôm qua là Thứ Tư Lễ Tro, nên trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa của Mùa Chay Thánh, Ngài nói:

Hôm nay Thứ Tư Lễ Tro chúng ta bắt đầu thời gian phụng vụ Mùa Chay bốn mươi ngày chuẩn bị cho chúng ta cử hành Lễ Phục Sinh Thánh; nó là một thời gian dấn thân đặc biệt trên con đường thiêng liêng. Số 40 được nói đến nhiều lần trong Thánh Kinh. Nó đặc biệt gợi lại bốn mươi năm dân Israel du hành trong sa mạc: là một thời gian dài đào tạo để trở thành dân Chúa, nhưng cũng là một thời gian, trong đó cám dỗ bất trung với giao ước với Chúa luôn luôn hiện diện. Bốn Mươi cũng đã là các ngày ngôn sứ Elia đi để tới Núi của Thiên Chúa, là núi Horeb, cũng như là thời gian Đức Giêsu sống trong sa mạc trước khi bắt đầu cuôc sống công khai và là nơi Người đã bị quỷ dữ thử thách.

Trước hết sa mạc là nơi Chúa Giêsu rút lui, là nơi của sự thinh lặng, nghèo nàn, nơi con người không có các nâng đỡ vật chất, và đối diện với các vần đề nền tảng của cuộc sống, được thúc đẩy chú ý tới điều nòng cốt, và chính vì thế nên con người dễ gặp gỡ Thiên Chúa hơn. Nhưng sa mạc cũng là nơi của sự chết, bởi vì nơi đâu không có nước, thì cũng không có sự sống, và là nơi của sự cô tịch, trong đó con người cảm thấy bị cám dỗ mạnh mẽ hơn. Chúa Giêsu vào trong sa mạc, và ở đó Người chịu cám dỗ bỏ con đường do Thiên Chúa Cha chỉ định để theo con con đường của trần gian dễ dãi hơn (x. Lc 4,1-13).

Như thế, Người gánh lấy các thử thách của chúng ta, mang lấy sự khốn nạn của chúng ta, để chiến thắng kẻ dữ và mở ra cho chúng ta con đường hướng về Thiên Chúa, con đường của sự hoán cải.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã suy tư về các cám dỗ mà Chúa Giêsu phải đương đầu. Nó là tiếng mời gọi mọi người trả lời cho một câu hỏi nền tảng: cái gì thực sự có giá trị trong cuộc sống chúng ta? Trong cám dỗ thứ nhất ma qủy đề nghị Chúa Giêsu biến đá thành bánh ăn để dập tắt cái đói. Chúa Giêsu trả lời rằng con người không chỉ sống nhờ bánh: không có một câu trả lời cho cái đói chân lý, đói Thiên Chúa, con người không thể được cứu rỗi (x. cc. 3-4). Trong cám dỗ thứ hai ma qủy đề nghị với Chúa Giêsu con đường của quyền bính: nó đưa Người lên cao và cống hiến cho Người sự thống trị thế giới; nhưng đây không phải là con đường của Thiên Chúa: Chúa Giêsu ý thức rõ ràng rằng không phải quyền bính trần gian cứu rỗi thế giới, nhưng là quyền bính của thập giá, của sự khiêm nhường, của tình yêu thương ((cc. 5-8). Trong cám dỗ thứ ba ma qủy đề nghị với Chúa Giêsu từ nóc Đền Thờ Giêrusalem gieo mình xuống để khiến cho mình được Thiên Chúa nâng đỡ qua các thiên thần của Người, nghĩa là hoàn thành một cái gì ngoạn mục để thử thách chính Thiên Chúa; nhưng câu trả lời là Thiên Chúa không phải là một đối tượng mà chúng ta có thể áp đặt các điều kiện của chúng ta: Người là Chúa của tất cả (x.cc. 9-12).

Đâu là nhân tố của ba thử thách mà Chúa Giêsu phải chịu? Đó là đề nghị dùng Thiên Chúa như là dụng cụ, dùng Người cho một đối tượng cho các lợi ích của chúng ta, cho vinh quang, và cho sự thành công riêng của mình.

Và như vậy, trong nòng cốt, đó là tự đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa, bằng cách tháo gỡ Người ra khỏi cuộc sống của mình, và khiến cho Người trở thành thừa thãi. Mỗi người phải tự hỏi: Thiên Chúa có chỗ nào trong cuộc sống của tôi? Người là Chúa hay tôi là Chúa? Đức Thánh Gha giải thích việc lướt thắng các cám dỗ như sau:

Thắng vượt cám dỗ đặt để Thiên Chúa bên dưới mình và các lợi lộc riệng tư hay đặt để Người trong một xó và trở về với trật tự ưu tiên đúng đắn, trả cho Thiên Chúa chỗ nhất, là một con đường mà mọi Kitô hữu phải luôn luôn đi trở lại. Hoán cải, một lời mời gọi mà chúng ta sẽ lắng nghe nhiều lần trong trong Mùa Chay, có nghĩa là theo Chúa Giêsu thế nào để Tin Mừng hướng dẩn cụ thể cuộc sống; có nghĩa là để cho Thiên Chúa biến đổi chúng ta, thôi nghĩ rằng chúng ta là những người duy nhất xậy dựng cuộc đời mình; có nghĩa là nhận biết rằng chúng ta là thụ tạo, chúng ta tùy thuộc nơi Thiên Chúa, nơi tình yêu của Người, và chỉ khi ”mất đi” cuộc sống trong Người, chúng ta mới có thể có được nó. Điều này đòi buộc chúng ta phải có các lựa chọn dựa trên ánh sáng của Lời Chúa. Ngày nay, chúng ta không thể là các Kitô hữu như là hậu qủa đơn thuần của sự kiện sống trong một xã hội có các gốc rễ Kitô: cả người sinh ra từ một gia đình Kitô và được giáo dục tôn giáo cũng phải canh tân sự lựa chọn là tín hữu Kitô mỗi ngày, dành chỗ nhất cho Thiên Chúa, trước các cám dỗ mà một nền văn hóa tục hóa liên tục đề nghị mỗi ngày, trước phán đoán phê bình của nhiều người đồng thời. Đức Thánh Cha nói về các cám dỗ mà Kitô hữu phải đương đầu như sau:

Thật vậy, xã hội ngày nay đưa ra cho Kitô hữu biết bao nhiêu thử thách, và chúng đụng chạm tới cuộc sống cá nhân và xã hội. Không dễ mà trung thành với hôn nhân Kitô, thực thi lòng thương xót trong cuộc sống thường ngày, dành khoảng trống cho lời cầu nguyện và sự thinh lặng nội tâm; không dễ mà công khai chống lại các lựa chọn mà người ta coi như điều tự nhiên như phá thai trong trường hợp không ước muốn mang thai, giết người êm dịu trong trường hợp các bệnh nặng, hay tuyển lựa các phôi thai để ngăn ngừa các bệnh gia truyền. Cám dỗ gạt đức tin ra ngoài luôn luôn hiện diện và việc hoán cải trở thành một câu trả lời cho Thiên Chúa, cần được xác nhận nhiều lần trong cuộc sống.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã kể ra một số các thí dụ chứng minh cho các cuộc hoán cải lớn: chẳng hạn như trường hợp của thánh Phaolô trên đường đến thành Damasco, hay thánh Agostino. Nhưng ngay trong thời đại suy thoái ý nghĩa của sự thánh thiêng ngày nay, ơn thánh Chúa vẫn hoạt động và làm những điều kỳ diệu trong cuộc đời của biết bao nhiêu người. Chúa không mỏi mệt gõ cửa lòng con người trong các bối cảnh xã hội và văn hóa xem ra bị sự tục hóa nuốt trửng, như đã xảy ra cho Pavel Florenskij tín hữu chính thống Nga.

Được giáo dục một cách vô ngộ hoàn toàn, đến độ thù nghịch với các giáo huấn tôn giáo, khoa học gia Florenskij kêu lên: ”Không, không thể sống không có Thiên Chúa!”, và ông đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống tới độ trở thành một đan sĩ.

Thế rồi còn có gương mặt của chị Etty Hillversum, một thiếu nữ Hòa Lan gốc Do thái chết trong trại tập trung Auschwitz. Ban đầu chị sống xa Thiên Chúa, rồi khám phá ra Người, khi nhìn sâu vào chính mình và viết: ”Một cái giếng rất sâu ở trong tôi. Và trong cái giếng ấy có Thiên Chúa. Đôi khi tôi thành công trong việc đạt tới Người, nhưng thường hơn thì đá cát che dấu Người: khi đó Thiên Chúa bị chôn vùi. Cần phải đào Người lên” (Nhật Ký, 97). Trong cuộc sống tản mác và bất an, chị tìm lại được Thiên Chúa chính giữa thảm cảnh lớn lao của cuộc diệt chủng Do thái Shoah của thế kỷ XX. Người thiếu nữ mảnh khảnh và không được thỏa mãn này, đã được biến hình bởi đức tin, và trở thành một phụ nữ tràn đầy tình yêu, an bình nội tâm, có khá năng khẳng định như sau: ”Tôi sống liên lỉ trong sự thân tình với Thiên Chúa”.

Khả năng chống lại các ve vãn ý thức hệ thời của chị để lựa chọn tìm chân lý và rộng mở cho sự khám phá ra đức tin, đã được làm chứng bởi một phụ nữ khác của thời đại chúng ta: đó là chị Dorothy Day, người Mỹ. Trong cuốn tiểu sử tự viết chị công khai tuyên xưng rằng chị đã bị rơi vào trong cám dỗ giải quyết tất cả với chính trị, bằng cách chạy theo đề nghị mác xít: ”Tôi đã muốn đi với các người biểu tình, vào tù, viết, ảnh hưởng trên người khác và để lại cho thế giới giấc mơ của tôi. Có biết bao tham vọng và tìm kiếm chính mình trong tất cả những điều đó!” Con đường tiến về đức tin đã đặc biệt khó khăn trong một môi trường tục hóa như vậy, nhưng Thánh sủng vẫn hoạt động như chị đã nêu bật: ”Chắc chắn là tôi đã cảm thấy thường xuyên hơn nhu cầu đến nhà thờ, qùy gối xuống, cúi đầu cầu nguyện. Một bản năng mù lòa, có thể nói thế, bởi vì tôi đã không ý thức cầu nguyện. Nhưng tôi đã đi, tôi đã tháp mình vào bầu khí cầu nguyện… ”. Thiên Chúa đã đưa chị tới việc ý thức gắn bó với Giáo Hội, trong một cuộc sống tận hiến cho những người khốn khổ.

Trong thời đại chúng ta không hiếm các cuộc hoán cải được hiểu như sự trở về của người, sau một nền giáo dục Kitô hời hợt, đã xa rời đức tin biết bao nhiêu năm, và rồi tái khám phá ra Chúa Kitô và Tin Mừng của Người.
Trong sách Khải Huyền chúng ta đọc thấy rằng: ”Này đây: Ta đứng ngoài cửa và Ta gõ. Nếu ai lắng nghe tiếng Ta và mở cửa cho Ta, thì Ta sẽ đến với nó, sẽ dùng bữa tối với nó và nó cùng với Ta” (Kh 3,20). Con người nội tâm của chúng ta phải chuẩn bị để được Thiên Chúa viếng thăm, và chính vì thế không được để cho mình bị xâm lăng bởi các ảo ảnh, dáng vẻ bề ngoài, và các điều vật chất.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và cám ơn mọi người về tình yêu thương và lời cầu nguyện dành cho ngài. Ngài xin tất cả tiếp tục cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và cho Giáo Hội.

Sau cùng Đức Thánh Cha cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Radio Vatican

Đức Thánh Cha giải thích về việc ngài từ nhiệm

Đức Thánh Cha giải thích về việc ngài từ nhiệm

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 cho biết ngài từ nhiệm trong tự do hoàn toàn vì lòng yêu mến Giáo Hội.

Ngỏ lời với các tín hữu vào đầu buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 13 tháng 2-2013 trước sự hiện diện của 8 ngàn người ngồi chật Đại thính đường Phaolô 6 ở Nội thành Vatican, ĐTC nói:

”Anh chị em thân mến, như anh chị em biết, tôi đã quyết định rời sứ vụ mà Chúa đã ủy thác cho tôi ngày 19 tháng 4 năm 2005. Tôi làm điều này trong sự tự do hoàn toàn vì lòng yêu mến Giáo Hội, sau khi đã cầu nguyện lâu dài và xét mình trước mặt Chúa, với ý thức rõ ràng về sự trầm trọng của hành vi ấy, nhưng tôi cũng biết mình không còn có thể thi hành sứ vụ Phêrô với sức lực mà sứ vụ này đòi hỏi. Tôi được nâng đỡ và soi sáng nhờ xác tín Giáo Hội là của Chúa Kitô, Đấng sẽ không bao giờ để cho Giáo Hội bị thiếu sự hướng dẫn và chăm sóc của Ngài. Tôi cám ơn tất cả anh chị em vì lòng yêu mến và kinh nguyện mà anh chị em đã tháp tùng tôi (vỗ tay). Tôi cảm thấy sức mạnh của lời cầu nguyện trong những ngày không dễ dàng này. Xin anh chị em hãy tiếp tục cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và cho Giáo Hội”.

Tiết lộ của Đức Ông Georg Ratzinger

Việc ĐTC Biển Đức 16 quyết định từ nhiệm từ lúc 20 giờ ngày 28 tháng 2 tới đây tiếp tục được dư luận các giới và báo chí bàn tán. Đức Ông Georg Ratzinger, 89 tuổi, bào huynh của ĐTC cũng được báo chí phỏng vấn.

Đức ông cho biết ”Từ lâu tôi đã thấy ĐGH không còn đủ sức lực và xác tín để tiếp tục. Từ ít lâu nay, tôi đã biết chắc rằng việc quyết định từ nhiệm sẽ xảy đến trong cuộc đời của ngài và ngài sẽ biết đương đầu với vấn đề này”.
”Trong triều đại Giáo Hoàng của ngài, Đức Biển Đức 16 đã phải đương đầu với những công tác khó khăn và để giải quyết, ngài đã làm tất cả những gì có thể”.

Đức Ông Georg cho biết mình không tạo ra một ảnh hưởng nào trên quyết định từ chức của ĐGH và giải thích rằng ”Sức lực và xác tín không còn hiện diện nơi ngài đầy đủ để tiếp tục sứ vụ giáo huấn trên ngai tòa thánh Phêrô. Ít là ngài không còn nghị lực và cảm thức trách nhiệm mà ngài vẫn luôn coi là phải có và cần thiết.. Bác sĩ riêng của ngài đã nói rõ với ngài rằng từ nay ngài cần tránh những chuyến bay xuyên Đại tây dường, hoặc những cuộc di chuyển dài như vậy. Ngài không còn có thể thực hiện những chuyến đi như vậy”.

Đức Ông Ratzinger nói thêm rằng ”Trách nhiệm là của ngài và ngài tự quyết định một mình”.

Theo Đức Ông, việc ĐGH từ chức có những ”hậu quả tích cực và tiêu cực”, trong khi 8 năm giáo hoàng của ngài là ”một phúc lành cho Giáo Hội”.

Đức Ông Ratzinger cũng xác nhận ĐGH từ nhiệm sẽ ở trong nội thành Vatican trong một Đan viện với những cộng tác viên thân tín. ”Nay chúng tôi sẽ có nhiều giờ hơn với nhau. Những lần trước, thời gian luôn luôn bị hạn chế: luôn có những lễ nghi phải cử hành, và chúng tôi chỉ gặp nhau vào giờ cơm và ban tối. Ngài luôn bận rộn. Trong kỳ nghỉ hè, từ nay sẽ đơn giản hơn. Dầu sao thì khi tôi ở Regensburg và ngài ở Roma, chúng tôi thường xuyên nói chuyện với nhau qua điện thoại”.

Bào huynh của ĐGH cho biết là muốn đến Roma vào mùa hè tới và loại bỏ mọi giả thuyết về việc ĐGH sẽ trở lại miền Bavaria, vì – Đức Ông nói – ”căn nhà ở Pentling không còn thuộc về chúng tôi nữa, và giả sử còn thuộc chúng tôi, thì cũng không thể sống tại đó.. Tôi bước đi khó khăn và mắt kém.. Trí nhớ suy giảm, nhưng phần còn lại thì cũng còn được. Tôi mong ước là cả hai chúng tôi sẽ bớt gặp vấn đề về sức khỏe cho đến khi Chúa gọi chúng tôi về với Người” (Vat. Ins. 12-2-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Radio Vatican

 

 

MÙA CHAY: LUẬT GIỮ CHAY VÀ KIÊNG THỊT

MÙA CHAY: LUẬT GIỮ CHAY VÀ KIÊNG THỊT

Giáo luật điều 1251 dạy: “ Thứ  Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh phải giữ chay và kiêng thịt”. Trong ngày ăn chay, chỉ được ăn một bữa no và một bữa ăn ít không được ăn no. Không được ăn vặt giữa các bữa ăn. Có thể uống sữa hay các loại nước trái cây.

Tuổi giữ chay: Theo Giáo Luật diều 1252 thì mọi người từ 18 tuổi cho đến khi bắt đầu 60 tuổi thì phải giữ chay.

Luật kiêng thịt: Buộc những người từ 14 tuổi trọn. Tuy nhiên các Chủ Chăn và các phụ huynh phải lo dạy cho các em chưa tới tuổi buộc ăn chay và kiêng thịt để chúng hiểu ý nghĩa đích thực của việc của việc thống hối ( Giáo Luật 1252). Theo luật của Giáo Hội Hoa Kỳ, tất cả các ngày thứ Sáu trong Mùa Chay phải kiêng thịt.

Ba việc làm truyền thống trong Giáo Hội Công Giáo vào Mùa Chay là ăn chay , cầu nguyện , và làm việc lành phúc đức ( giúp đỡ người nghèo , v.v.) và một trong 6 điều răn Hội Thánh buộc chúng ta “ chịu Mình Thánh Chúa Giêsu ít nhất là trong Mùa Phục Sinh.” Và để xứng đáng rước Chúa ngự vào lòng chúng ta phải sạch tội. Bởi vậy chúng ta phải liệu đi xưng tội trong Mùa Chay. Việc giữ chay, kiêng thịt không phải là hành động mang tính hình thức bên ngoài, nhưng việc giữ chay, kiêng thịt còn giúp Kitô hữu nhìn nhận giá trị thiêng liêng cao cả: “ Con người sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Chính vì thế, khi giảm bớt nhu cầu ăn uống, con người nhận ra của cải vật chất không mang lại bình an, sự sống đích thực. Những ân huệ này do chính Thiên Chúa toàn năng ban tặng “miễn phí.” Từ đó, việc chia cơm sẻ áo sẽ không trở nên “quá khô khan” đối với Kitô hữu . Khi giảm bớt chi tiêu để chia sẻ cho tha nhân, chính là lúc “ nối dài cánh tay bác ái của Thiên Chúa” ( Mẹ Têresa Calcuta).

Xin Mẹ Maria, vốn là người nội trợ trong mái ấm Nazareth thưở xưa giúp chúng ta sống đúng tinh thần Mùa Chay: “ cầu nguyện, canh tân, chia sẻ” để khi ngày vui Phục Sinh tiến đến , chúng ta tận hưởng sâu đậm niềm vui sống lại cùng với Đức Kitô trong Năm Đức Tin.

Trích từ Hiệp Thông ( Chúa Nhật 10-2-2013)

Giữ chay – ăn chay

Giữ chay – ăn chay

Bread And Water

1. Tháng 3-2007, tôi có viết một bài giải thích hai thuật từ trai tịnh và chay tịnh, nay có người lại hỏi tôi có gì khác biệt giữa thuật từ “giữ chay” và “ăn chay”. Hai thuật từ này dùng rất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày, mà chúng ta ít để ý đến ý nghĩa khác biệt của nó. Vậy chúng ta tìm hiểu xem hai thuật từ này đồng nghĩa hay khác nghĩa.

2. Tìm hiểu việc ăn chay, giữ chay trong vài tôn giáo

2.1. Phật giáo

Theo quan điểm bình dân, Phật tử ăn chay là vì muốn tránh quả báo luân hồi. Theo thuyết luân hồi, con người sau khi chết bị đày xuống địa ngục, sẽ bị đẩy làm ngã quỷ (ma đói), sau khi hối cải sẽ được làm súc sinh (loài vật), cuối cùng đầu thai trở lại làm người theo bánh xe luân hồi. Do đó, tu sĩ Phật giáo hay nhiều Phật tử có thói quen ăn chay trường, tức là không ăn thịt và những thức ăn có máu, vì có thể sẽ ăn thịt người thân của mình trong kiếp súc sinh. Những ngày 1, 14, 15 và 30 âm lịch được coi là ngày mở cửa âm phủ, các linh hồn được tự do, những ngày đó Phật tử thường ăn chay [1].

Thực ra, trong Phật giáo có hai trường phái chủ trương ăn chay khác nhau. Phật giáo Nam Tông, vì muốn giữ truyền thống khất thực của Đức Phật, thời Phật giáo Nguyên thuỷ, cho nên phái này chủ trương ăn chay theo cách ‘tam tịnh nhục’, nghĩa là những loại thịt nào mà mình không thấy người ta giết, không nghe tiếng kêu la của loài thú bị giết, hay không có sự nghi ngờ nào người khác vì mình mà giết, những loại thịt đó thì tỳ kheo được thọ dụng, không phạm giới. Thế nhưng, Phật giáo Bắc Tông (Đại Thừa ở Trung Quốc) thì không chấp nhận cách ăn chay này, họ quan niệm rằng ăn chay là không được ăn thịt cá, chỉ ăn các loại rau đậu…

Tuy nhiên, dù Nam Tông hay Bắc Tông, mục đích của việc ăn chay là nhằm tăng trưởng lòng từ bi, giảm bớt lòng sân hận, bằng cách tu tập không sát sinh, biết thương yêu người đồng loại và ngay cả các loài vật khác. Khi đã có lòng từ bi, không nỡ giết loài cầm thú, thì người ấy khó có thể giết người. Đó là lý do tại sao đức Phật đưa ra giới cấm: ‘không được sát sinh’. Giới này cũng chính là nhân tố để hình thành quan điểm ăn chay trong đạo Phật.

2.2. Hồi giáo

Người Hồi giáo ăn chay vào khoảng tháng 9 (lịch Hồi giáo, gọi là tháng Ramadan). Trong tháng này, khi còn ánh sáng mặt trời, họ không được ăn và uống, đến đêm thì mới ăn. Cũng trong tháng này, con người phải tha thứ và sám hối, vợ chồng không được gần nhau vào ban ngày nhưng ban đêm vẫn có thể ân ái với nhau. Trẻ em và phụ nữ có mang không phải thực hiện Ramadan.

Đối với Hồi giáo: Ăn chay là “nhịn ăn, nhịn uống trước rạng đông đến hoàng hôn và quyết tâm diệt trừ những ham muốn tầm thường, chế ngự được sự đói khát, đè nén được dục vọng là làm chủ được thể xác, không còn bị nó sai khiến. Khi kềm chế được dục vọng là tinh thần tự giải thoát, ý chí được tự do, tâm hồn thanh thản, đây là điều kiện cần cho việc tịnh tâm, cầu nguyện và giúp thăng tiến về mặt tâm linh… “Ăn chay” là chấp nhận quy phục Allah, mọi giai tầng trong xã hội đều phải tuân thủ như nhau: vua, quan, sĩ, nông, công, thương, binh, đều phải nhịn ăn đúng giờ, xả chay đúng giờ quy định… Hành động này thể hiện sự bình đẳng của nhân loại trước Allah”.

Như vậy, mục đích việc ăn chay trong Hồi giáo là để chế ngự những ham muốn tầm thường, làm chủ bản thân, thăng tiến tinh thần.

2.3. Công giáo

Đối với người Công giáo, chay tịnh là một trong ba hành vi được khuyên làm nhiều nhất trong đạo (cùng với việc cầu nguyện và bố thí), tín hữu giữ chay để biểu lộ lòng sám hối, ăn năn, tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Việc chay tịnh bao gồm nhịn ăn (jejunium [2]) và kiêng ăn (abstinentia [3]) mà chúng ta quen gọi là “ăn chay” và “kiêng thịt”.

Việc nhịn ăn (ăn chay): Trong ngày chay chỉ được ăn một bữa no (chọn bữa nào cũng được), còn những bữa khác chỉ được ăn chút ít để bụng còn đói. Trong ngày chay không được ăn vặt như kẹo, bánh,…

Việc kiêng ăn (kiêng thịt): Cấm ăn thịt loài máu nóng (heo, bò, gà, vịt…) bao gồm thịt và tất cả những thứ khác như tim, gan, lòng… Nhưng được dùng các nước thịt và các đồ ăn có pha chất thịt, như cháo nước thịt. Được ăn cá và loài máu lạnh (như ếch, rùa, sò, cua, tôm). Ngày kiêng thịt cũng được phép dùng trứng và các sản phẩm từ sữa như bơ và phó mát [4]…

Qua việc chay tịnh, con người nhìn nhận mình lệ thuộc Thiên Chúa, vì lúc không sử dụng lương thực Thiên Chúa ban, con người cảm nghiệm được tính cách bấp bênh của sức lực mình: chay tịnh để tự hạ trước Thiên Chúa (x. Tv 34,13; 68,11; Đnl 8,3) [5].

Ngoài việc nhịn ăn và kiêng ăn nói trên, người thực hành việc chay tịnh còn phải tránh xa tội lỗi và dục vọng, như gương của Chúa Giêsu “giữ chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (Mt 4,2) và Thánh Luca nói rõ hơn, “trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả” (Lc 4,2).

Ý nghĩa đầu tiên và cụ thể nhất của giữ chay là chế ngự: không ăn hoặc ăn ít hơn bình thường. Giữ chay không chỉ là một sự chế ngự có tính cách bên ngoài, nhưng còn phải xuất phát tự trong lòng. Nó phải được kèm theo một sự thay đổi lớn lao trong đời sống.

3. Nghĩa chữ ăn, giữ và chay

3.1. Ăn (chữ Nôm: ): đt. (1) Đưa thực phẩm vào bao tử: Ăn cháo đá bát (không nhớ ơn), ăn chay (tránh dùng thịt cá và ngũ huân); (2) Đi kiếm thức ăn hoặc lợi nhuận: Ăn mày, ăn xin, ăn bám, ăn hại, ăn lương; (3) Thắng cuộc: Ăn con xe, ăn giải nhất, ăn non (vội rút lui khỏi cuộc đỏ đen sau khi chiếm được thắng lợi, vì sợ sắp tới vận xui); (4) Thích hợp tiếp nhận: Ăn cánh, ăn khách, ăn ảnh; (5) Thoả thuận: Ăn chịu, ăn gánh (ưng thuận gia nhập hội đoàn và đóng góp cho hội đoàn), ăn giá (số tiền được thoả thuận giữa kẻ mua người bán); (6) Vui hưởng, ăn uống nhân một dịp gì: Ăn chơi, ăn diện, ăn Tết; (7) Nam nữ sống chung: Ăn nằm, ăn ngủ, ăn ở; (8) Thấm vào, dính vào, lan rộng ra: Giấy ăn mực, keo dán không ăn, ăn nên làm ra (công việc làm ăn có phần hanh thông), nước ăn chân (chân ngâm nước lâu bị hư da); (9) Lối cư xử và sinh sống: Ăn cháo đá bát (vô ơn bạc nghĩa), ăn cơm nhà vác ngà voi (làm công vụ mà không được lợi lộc gì); (10) Ngang với, giá trị tương đương: một đô la Mỹ ăn mười bảy nghìn đồng.

3.2. Giữ (chữ Nôm: , , ) : đt. (1) Cầm chắc trong tay, không để mất mát: Nắm giữ đầu dây; (2) Để cạnh mình, trong mình và quan tâm đến cho khỏi mất, khỏi chuyển sang người khác, khỏi thay đổi: Giữ chìa khoá; giữ hành lý, giữ độc quyền; (3) Làm cho dừng, ngừng lại, ở lại: Đắp bờ giữ nước; (4) Cản trở sự thay đổi: Giữ giá, giữ trật tự; (5) Hành động cách thận trọng, đề phòng thiệt thòi tai hại: Giữ kẽ (cư xử e dè trước người lạ), giữ ý (không dám nói cho hết tư tưởng thầm kín), giữ vệ sinh; (6) Đảm nhiệm một công việc hay chức vụ: Giữ chức giám đốc; (7) Tuân thủ theo yêu cầu của một công việc, trung thành với một niềm tin: Giữ đạo, giữ vững lập trường.

3.3. Chay (chữ Nôm , ): Trong bài “Trai tịnh hay chay tịnh” năm 2007 tôi đã phân tích chữ chay, chữ này là do chữ trai (, Hán Việt) chuyển sang, nên chay đồng nghĩa với trai. Chay nghĩa là: (1) Kiêng ăn vì lý do tôn giáo: Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối; (2) Kiêng thịt cá và ngũ huân (5 món: nồng hành, tỏi, hẹ, kiệu, ngò) vì lý do tôn giáo: Ăn chay trường; (3) Mời nhà sư tới cầu kinh cho người chết: Lập đàn chay; (4) Cây cho trái ngọt và mềm lại cho vỏ dùng để ăn trầu: Trái chay, vỏ chay; (5) Dầu thảo mộc dùng làm keo khi khô rất cứng: Trát dầu chay (hay đọc ra chai).

4. Nghĩa từ ăn chay, giữ chay

4.1. Ăn chay vốn là một từ bên Phật giáo và đã được Cha Alexandre de Rhodes giảng trong Từ điển Annam – Bồ Đào Nha – Latinh như sau: “Ăn chay. Đích thực có nghĩa là kiêng thịt và cá, nhưng bây giờ để chỉ sự ăn chay của những Kitô hữu. Ăn chay (jejunium) có nghĩa là giới hạn lượng lương thực được ăn vào những ngày cụ thể. Còn kiêng cữ (abstinentia) có nghĩa là từ bỏ một thức ăn khoái khẩu như thịt, cá, tôm…”.

Ăn chay, theo nghĩa hẹp, là ăn uống có kiêng cử (Ví dụ: kiêng ăn thịt cá… đối với Phật tử, kiêng ăn ngoài bữa và giảm lượng thức ăn… đối với người Công giáo, kiêng ăn uống ban ngày đối với người Hồi giáo).

Ăn chay, theo nghĩa rộng, là thực hành việc khổ chế bằng cách kiêng cử không chỉ về món ăn thức uống mà còn cả những phương tiện hưởng thụ và thoả mãn khác [6]. Theo nghĩa này thì “ăn chay” không chỉ là việc ăn uống mà còn là một thái độ (tinh thần thống hối), một lối sống (khiêm cung, từ bỏ những thú vui chính đáng) nhằm biểu lộ lòng thống hối, tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Kitô (theo Công giáo) – mà ta quen gọi là “giữ chay”.

4.2. Giữ chay là tuân thủ những yêu cầu về việc chay tịnh, giữ chay bao hàm ý nghĩa rộng hơn là ăn chay (theo nghĩa hẹp). Tương tự như khi chúng ta nói bổn phận “giữ ngày Chúa Nhật” thì rộng nghĩa hơn là bổn phận “dự (xem) lễ ngày Chúa Nhật” [7].

5. Kết luận

Thuật từ giữ chay là thuật từ riêng biệt của người Công giáo, ngoài từ điển Công giáo, các từ điển ngoài đời hầu như không có thuật từ này và nó cũng đúng với ý nghĩa của việc chay tịnh của người Công giáo.

Mặc dù ăn chay có nghĩa rộng như đã nói trên, nhưng trong một số trường hợp, chúng tôi thấy nên dùng chữ giữ chay thay cho ăn chay thì thích hợp hơn, thí dụ:

– “Hôm ấy họ ăn chay cho đến chiều. Rồi họ dâng lễ toàn thiêu và lễ kỳ an lên trước nhan Đức Chúa” (Tl 20,26).

– “Họ cử hành tang lễ, khóc lóc và ăn chay cho đến chiều để tỏ lòng thương tiếc vua Saun” (2 Sm 1,12).

– “Khi nghe những lời ấy, vua Akháp xé áo mình ra, khoác áo vải bố bám sát vào thịt, ăn chay, nằm ngủ với bao bì và bước đi thiểu não” (1 V 21,27).

– “Xin cha cứ đi tập hợp tất cả những người Dothái ở Susan lại. Xin bà con ăn chay cầu nguyện cho con. Suốt ba ngày đêm, đừng ăn uống gì cả. Con và các cung nữ cũng sẽ làm như thế” (Et 4,16).

– “Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói” (Mt 4,2).

* “Chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian, và việc đi biển từ nay thật nguy hiểm, vì ngày ăn chay đã qua rồi” (Cv 27,9).

Cũng theo nghĩa này mà chúng ta thấy trong bản tiếng Việt Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (1997) dùng chữ “giữ chay” thay vì “ăn chay” [8].

—————————————–

Ghi chú:

[1] http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%82n_chay.

[2] Jejunium: (1) Chay = jẻne; (2). Đói = faim; (3). Tính chất đất khô chồi = stérilité.

[3] Abstinere : (1) Kiêng, giữ; (2) Giữ xa, giữ khỏi.

[4] Lưu ý: Tuổi giữ chay: Từ 18 tuổi trọn đến hết 59 tuổi ; Tuổi kiêng thịt: Từ 14 tuổi trở lên ; Ngày buộc giữ chay và kiêng thịt : Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh.

[5] Xem Bài Giảng Chúa Nhật số 3-2007.

[6] "Fasting means self-mastery; it means being demanding with regard to ourselves; being ready to renounce things—and not just food—but also enjoyment and the various pleasures" (Sứ điệp Mùa Chay 1979 của ĐTC Gioan Phaolô II, số 2).

[7] "Điều răn thứ nhất: Vào các Chúa nhật và các ngày lễ buộc, các tin hữu buộc phải tham dự thánh lễ và tránh tất cả những công việc tự bản chất ngăn trở việc thánh hoá những ngày ấy” (Sách Giáo Lý HTCG số 2042).

[8] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của Ban Giáo Lý TGP. TPHCM, 1997: số 575, 1387, 1430, 1434, 2043, 2742.

—————————————

Tham khảo:

1. Bộ Giáo dục Đào tạo, Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, NXB. Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 1999.

2. Hoàng Phê (chủ biên, TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, Viện Ngôn Ngữ học, NXB. Đà Nẵng, Hà Nội-Đà Nẵng, 2005.

3. Thiều Chửu, HÁN VIỆT TỰ ĐIỂN trên mạng:

http://pagesperso-orange.fr/dang.tk/langues/hanviet.htm.

4. Lê Văn Đức, TỰ ĐIỂN VIỆT NAM, nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970.

5. Alexandre de Rhodes, TỪ ĐIỂN ANNAM-LUSITAN-LATINH (thường gọi Từ điển Việt-Bồ-La), NXB. Khoa học Xã hội, TP. HCM, 1991.

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

Đức Thánh Cha Biển Đức 16 sẽ chủ sự lễ tro tại Vatican

Đức Thánh Cha Biển Đức 16 sẽ chủ sự lễ tro tại Vatican

VATICAN. Trái với chương trình dự định trước đây, ĐTC Biển Đức 16 sẽ chủ sự thánh lễ với nghi thức xức tro từ lúc 5 giờ đến 7 giờ chiều thứ tư, 13 tháng 2, tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Theo truyền thống từ lâu và chương trình đã ấn định trước đây, lẽ ra ĐTC sẽ đến Vương cung thánh Anselmo của dòng Biển Đức vào lúc 4 giờ rưỡi chiều thứ tư lễ tro, 13 tháng 2, và từ đây ngài chủ sự cuộc rước thống hối đến Vương cung thánh đường thánh Sabina của dòng Đa Minh để cử hành thánh lễ với nghi thức xức tro.

Tuy nhiên thông cáo do Ban phụng vụ của ĐTC công bố sáng 12 tháng 2-2013, cho biết địa điểm buổi lễ được dời về Đền thờ Thánh Phêrô.

Họp báo của Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh

Trong cuộc họp báo trưa ngày 12 tháng 2-2013 tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, Cha Lombardi SJ cho biết lý do thay đổi địa điểm hành lễ là vì đây là thánh lễ cuối của ĐTC Biển Đức 16 trong tư cách là Giáo Hoàng, nên chắc chắn số người muốn tham dự sẽ đông hơn, vì thế điều thích hợp hơn, đó là dời địa điểm hành lễ về Đền thờ Thánh Phêrô rộng lớn hơn. Đền thờ thánh nữ Sabina trên đồi Avventino nhỏ bé, chỉ có thể chứa được tối đa một ngàn người.
Cha Lombardi cũng nhắc lại rằng chương trình hoạt động của ĐTC đã định trước cho tới ngày 28 tháng 2-2013 vẫn được giữ nguyên, như cuộc gặp gỡ các GM Italia về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, buổi tiếp kiến dành cho tổng thống Rumani và Guatemala.

Đặc biệt sáng thứ năm 14 tháng 2-2013, ĐTC sẽ gặp hàng giáo sĩ Roma theo thông lệ từ lúc 11 giờ tại Đại thính đường Phaolô 6. Năm ngoái (2012) ngài cũng đã gặp hàng ngàn LM và Phó Tế của giáo phận Roma tại Đại thính đường này và ngài đã trình bày một bài suy niệm ứng khẩu dưới hình thức ”lectio divina”, đọc và suy gẫm Lời Chúa. Năm nay, đề tài bài nói chuyện sẽ là kinh nghiệm về Công Đồng chung Vatican.

Trong tuần tới đây, các sinh hoạt tại Vatican diễn ra trong thầm lặng, vì ĐTC và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh tham dự tuần tĩnh tâm mùa chay, bắt đầu từ chiều chúa nhật 17 tháng 2 cho đến sáng thứ bẩy 23 tháng 2.

Sáng thứ tư, 27 tháng 2-2013, sẽ có buổi tiếp kiến chung cuối cùng của ĐTC và sẽ làm tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Trong cuộc họp báo, Cha Lombardi, đã trả lời nhiều câu hỏi do các ký giả nêu lên. Ngài xác nhận tin cách đây khoảng 3 tháng ĐTC đã chịu một cuộc giải phẫu để thay pin trong máy trợ tim của ngài. Nhưng đó là cuộc can thiệp thường lệ, và ngài đã mang máy trợ tim khi còn là hồng y. Cha Lombardi, tham chiếu bác sĩ riêng của ĐTC, và xác nhận ĐTC Biển Đức 16 hiện không có bệnh cấp tính nào, nhưng ở trong tình trạng sức khỏe suy giảm do tuổi già. Ngài sẽ tròn 86 tuổi vào ngày 16-4 tới đây.

Tại sao ĐTC lại ấn định lúc 20 giờ tối ngày 28 tháng 2 sắp tới sẽ giã từ chức vụ? Cha Lombardi, tham chiếu Đức TGM Georg Gaenswein, Bí thư riêng của ĐTC và cũng là Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, cho biết không có lý do gì đặc biệt. Thông thường ĐTC kết thúc một ngày phục vụ Giáo Hội vào lúc 8 giờ tối.

Về cách xưng hô với ĐTC Biển Đức 16 sau khi ngài từ chức, Cha Lombardi cho biết vấn đề này chưa được xác định.

Về Đan viện nơi ĐTC sẽ cư ngụ trong nội thành Vatican, từ mùa thu năm ngoái, nhóm nữ tu chiêm niệm cuối cùng đã rời khỏi nơi này, và không có nhóm nữ tu mới đến thay thế. Việc tu bổ đan viện đã bắt đầu trong thời gian qua.
Cha Lombardi cũng cho biết tuy việc chuẩn bị cho Mật Nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng hiện nay đã được nghĩ tới, sau lời loan báo của ĐTC sẽ từ chức, nhưng theo giáo luật, công việc chuẩn bị chỉ được khởi sự chính thức từ sau khi Tòa Thánh trống tòa, cụ thể là từ ngày 1 tháng 3-2013 tới đây.

Tòa Thánh lúc đó được điều hành theo Tông Hiến ”Universi Dominici Gregis”, Mục Tử toàn thể đoàn chiên Chúa, do Đức Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1996. Quyền cai trị Tòa Thánh do Hồng y đoàn, dưới sự điều động của ĐHY niên trưởng Angelo Sodano, 86 tuổi. Các vị sẽ nhóm họp một ngày trong phiên khoáng đại. Ngoài ra những công việc hành chánh thông thường thì do ĐHY Bertone, là Hồng y nhiếp chính cùng với 3 hồng y khác, được chọn theo lượt trong số các Hồng Y.

Chính Hồng y đoàn sẽ xác định ngày bắt đầu Mật Nghị bầu Giáo Hoàng mới. Theo qui luật hiện hành, trong số 209 vị thuộc Hồng y đoàn, có 117 Hồng y dưới 80 tuổi được quyền tham dự Mật Nghị tới đây.

HY đoàn cũng yêu cầu 2 giáo sĩ trình bày những bài suy tư cho các HY về những vấn đề Giáo Hội đang gặp phải và cần có sự phân định kỹ lương khi chọn Giáo Hoàng mới.

Cuộc bầu cử sẽ diễn ra tại Nhà Nguyện Sistina trong dinh Tông Tòa, và các HY sẽ cư ngụ trong Nhà Trọ thánh Marta gồm 5 tầng lầu với hơn 120 căn hộ.

Các Hồng y trên 80 tuổi, tuy không còn quyền bầu Giáo Hoàng, nhưng có thể tham gia các cuộc họp của Hồng y đoàn chuẩn bị cho cuộc bầu, và trong thời gian diễn ra cuộc bầu, các Hồng y ấy được mời gọi hướng dẫn các buổi cầu nguyện của Dân Chúa trong các Thánh đường ở Roma cũng như tại các giáo phận trên thế giới cho cuộc bầu Giáo Hoàng mới được diễn tiến tốt đẹp theo ý Chúa. (SD 12-2-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Radio Vatican

Thứ Tư Lễ Tro – Lịch sử và ý nghĩa thần học phụng vụ

Thứ Tư Lễ Tro

Lịch sử và ý nghĩa thần học phụng vụ

Ash-Wednesday

Ngày Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta nghe văng vẳng lời thánh ca từ Sách Sáng thế: Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro. Lời Kinh thánh này nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người qua biểu hiệu "bụi tro" được dùng trong Kinh thánh và trong nghi lễ ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay. Trong bài viết này tôi sẽ nói qua về lịch sử và ý nghĩa thần học phụng vụ của Ngày Thứ Tư Lễ Tro.

1. Lịch sử Thứ Tư Lễ Tro

Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: "Mùa Chay bắt đầu từ Thư Tư Lễ Tro và kết thúc ngay truớc Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay" (số 28 và 29). Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay. Ngoài ra trong cơ cấu phụng vụ của ngày này, Giáo hội cử hành lễ nghi làm phép tro và xức tro.

Trong truyền thống phụng vụ từ thế kỷ thứ 7, Ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thề vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là "Ðầu Mùa Chay" (Caput ieiunii), hay " Ðầu Mùa ăn chay 40 ngày" (Caput Quadragesimalis). Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả (590-604).

Về nghi thức làm phép tro và xức tro, qua thời gian lễ nghi này đã có sự biến đổi từ một nghi thức nghi thức thống hối trong định chế về tập tục thống hối công cộng thời xưa. Lịch sử phụng vụ về việc thành hình Nghi thức cử hành bí tích thống hối và hòa giải, cũng như định chế Giáo hội về một số sinh hoạt đặc biệt, đã có tục lệ bỏ tro cho hối nhân công cộng đã phạm một số tội nặng cách công khai, mà mọi nguời đều biết, như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình . . . Những người này bị loại ra khỏi cộng đoàn tín hữu. Ðể được nhận lại trong cộng đoàn, họ phải làm việc thống hối công cộng theo định chế Giáo hội đưa ra. Vào ngày thứ tư trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, những hối nhân công cộng này sẽ tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, và sau khi xưng thú tội của mình, họ sẽ được Ðức Giám mục trao cho chiếc áo nhậm mang trên mình, rồi lãnh nhận tro trên đầu và trên mình. Sau đó họ bị đưổi ra khỏi nhà thờ và được chỉ định đi tới một tu viện để ở đó và thi hành một số việc thống hối đã ra cho họ. Vào sáng thứ năm Tuần thánh, các hối nhân này tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, được Ðức Giám mục xem xét việc thực hành thống hối của họ trong Mùa Chay, sau đó ngài đọc lời xá giải tội lỗi của họ để giao hòa với cộng đoàn. Từ đây họ được quyền tham dự các buổi cử hành bí tích. Tại Rôma, vào thế kỷ thứ 7, các hối nhân công cộng tập họp tại một số nhà thờ tước hiệu (tituli) của thành phố, cũng như tại 4 Ðại Vương cung thánh đường thánh Phêrô, thánh Phaolô ngoại thành, thánh Gioan Lateranô và Ðức Bà Cả, để cử hành nghi lễ như vừa nói trên đây.

Về sau định chế thống hối công cộng không còn nữa, tuy nhiên lễ nghi bỏ tro vẫn còn giữ lại trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Ðầu tiên chỉ có các tín hữu lãnh nhận tro trên mình. Về sau các Ðức Giáo hoàng và tín hữu đều lãnh tro, để tỏ lòng thống hối. Sang thế kỷ thứ 10, thì có việc làm phép tro và một lời nguyện kèm theo bắt chước cơ cấu thánh lễ, nghĩa là có lời nguyện giống như Kinh nguyện thánh thể, và việc lãnh nhận tro như khi cử hành việc rước lễ.

Vào thế kỷ thứ 11, cũng tại Rôma, Ðức Giáo Hoàng tập họp các giáo sỹ, giáo dân tại nhà thờ thánh Anastasia. Ngài làm phép tro, bỏ tro cho mọi người, sau đó tất cả đi kiệu về nhà thờ thánh nữ Sabina ở đồi Aventino. Trong khi đ kiệu, Ðức Giáo Hoàng và cộng đoàn hát kinh cầu các thánh. Tất cả đều mặc áo nhậm, đi chân không, để tỏ lòng thống hối ăn năn. Khi đoàn kiệu đến nhà thờ thánh Sabina, Ðức Giáo Hoàng đọc lời xá giải và cộng đoàn cùng hát bài "Chúng ta hãy thay đổi đời sống, Xức tro và ăn chay hãm mình, khóc than vì lỗi lầm đã phạm. Hãy khẩn cầu Thiên Chúa chúng ta. Vì Người rất từ bi nhân hậu sẵng sàng tha thứ mọi tội khiên" (Immutemur, xc. Ge 2, 13). Sau đó ngài cử hành thánh lễ. Ðó là trạm đầu tiên (statio) của Mùa Chay. Ngày nay vào Thứ Tư Lễ Tro, Ðức Giáo Hoàng cũng đến làm phép tro và bỏ tro tại nhà thờ thánh nữ Sabina theo truyền thống xưa. Trước đó có cuộc rước kiệu từ nhà thờ thánh Anselmô cũng trên dồi Aventino. Tại nhà thờ thánh nữ Sabina, ngài công bố sứ điệp Mùa Chay cho toàn thể Giáo hội (Sứ điệp Mùa Chay năm 2002 mang tựa đề: Anh em đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho đi nhưng không [Mt 10,8]).

Vào năm 1091, Công đồng Benevento (Nam Italia) đã truyền cử hành nghi lễ bỏ tro cho tất cả các nơi trong Giáo hội. Trong khi bỏ tro, vị linh mục đọc lời : "Ta là thân cát bụi sẽ trỏ về cát bụi" (St 3, 19). Tro này lấy từ những cành lá đã được làm phép trong ngày Chúa nhật Lễ Lá năm trước để lại. Trước công cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng chung Vaticanô II, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro được cử hành trước thánh lễ. Vào năm 1970, khi công bố Sách Lễ Rôma được tu chính, thì lễ nghi này được cử hành sau phần phụng vụ lời Chúa. Ngoài câu trích từ Sách Sáng thế, còn có thêm một công thức dùng khi bỏ tro, lấy từ Phúc âm: "Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng" (Mc 1,15). Với công thức mới này được thêm vào, thì biểu hiệu "tro" đã mang thêm một ý nghĩa mới nữa đó là việc canh tân đời sống trong suốt Mùa Chay thánh. Sau đây là một trong hai lời nguyện làm phép tro: "Lạy Chúa, Chúa nhân từ đối với ai khiêm tốn, và tha thứ cho kẻ biết ăn năn. Xin nghe lời chúng con khẩn nguyện và rộng tay giáng phúc cho hết thảy chúng con sắp nhận lấy tro này, để chúng con kiên trì giữ bốn mươi ngày chay thánh, và nhờ đó được nên tinh tuyền, xứng đáng cử hành mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Kitô, Con Một Chúa, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời" (còn có một lời kinh khác trong Sách Lễ Rôma).

2. Ý nghĩa việc bỏ tro và ngày Thứ Tư Lễ Tro

Trong Cựu Ước, việc xức tro và mặc áo nhậm được dùng để thực hành và biểu lộ lòng thống hối cá nhân hay toàn thể cộng đoàn dân Israel. Tro chỉ thân xác chúng ta là bụi tro, sẽ phải chết (xc. St 3,18.27; Giob 34, 17; Gr 6, 26; 25, 34; Est 4,13; Is 58, 5; Dn 9,3; Giona 3,6; Giudith 4,16; 9,1).

Trong truyền thống các đan sĩ và tụ viện, tro được dùng để nói lên mối liên hệ với sự chết và sự khiêm nhường thống hối trước mặt Chúa. Vì thế, các tu sĩ, các đan sĩ có tục lệ tại một số nơi, muốn nằm trên đống tro với chiếc áo nhặm để chết. Thánh Martino thành Tours bên Pháp đã nói: "Không gì xứng hợp hơn cho một tu sĩ là việc nằm chết trên đống tro bụi". Các vị này lấy tro đã được làm phép trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, rồi vẽ hình thánh giá trên đất, trên đó còn trải thêm áo nhặm và rồi các vị nằm trên đó khi hấp hối và khi chết. Các tu sĩ cũng có thói quen trộn tro vào bánh như của ăn. Ðó là một hình thức hãm mình nhiệm nhặt mà các tu sĩ phải giữ.

Từ đây chúng ta nhận ra, trước tiên Giáo hội đã đặt nền tảng cho việc thống hối, đó là nhìn nhận lại tình trạng nguyên tuyền của ơn thánh đã bị mất do tội nguyên tồ, và hậu quả là con người xa Thiên Chúa, ttốn tránh Thiên Chúa. Con người sẽ phải chết như là một hậu quả của tội lỗi. Vì thế cần phải "quay trở lại" một cách tận căn, như ý nghĩa diễn tả qua từ "canh tân" trong ngôn ngữ Do thái, là quay ngược lại với 360 độ. Ðàng khác suy tư về bụi tro, để cho thấy sự yếu hèn của mình và tính cách tùy thuộc vào Thiên Chúa vì con người được Ngài tạo dựng. Nhưng Thiên Chúa đoái thương và ban ơn cứu rỗi. Phụng vụ đã diễn tả nền tảng này qua các biểu hiệu và các lời kinh của ngày Thư Tư Lễ Tro.

Cùng với một số biểu hiệu khác được Giáo hội dùng trong Mùa Chay, như mầu áo lễ tím, không đọc Kinh Vinh Danh, không trưng bông hoa trên bàn thờ, không dùng đàn trong thánh lễ, bụi tro cũng được dùng để cho thấy tính cách thống hối của Mùa Chay và thân phận của con người hay chết.

Nói tóm lại, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro trong ngày Thứ Tư Lễ Tro gợi ra cho tín hữu về một thời điểm quan trọng đang bắt đầu liên hệ tới ơn cứu rỗi của họ, đó là Mùa Chay. Ðồng thời, lễ nghi khởi đầu này cũng đề ra cho tín hữu một hành trình phải đi theo trong thời gian suốt Mùa Chay.

Hành trình đó là thực hành các việc làm biểu lộ sự thống hối, sống bác ái; đàng khác, tín hữu cũng phải đi sâu vào tâm tình thống hối, khi suy tư về thân phận con người, về lỗi lầm của mình và nhu cầu khẩn thiết phải trở về, phải canh tân cuộc sống. Tuy nhiên, tín hữu không làm những việc này trong ý thức khổ

(Theo Tinh Thần)

Trích từ TGPHN

Đức Thánh Cha Biển Đức 16 tuyên bố từ chức

Đức Thánh Cha Biển Đức 16 tuyên bố từ chức

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 rời bỏ chức vụ Giáo Hoàng kể từ lúc 20 giờ ngày thứ năm, 28 tháng 2 tới đây.
Trong công nghị lúc 11 giờ sáng hôm qua, 11-2, trước sự hiện diện của các Hồng y và GM, ĐTC tuyên bố:

“Anh em rất thân mến.

”Tôi triệu tập anh em đến dự Công nghị này không phải để chỉ nói về 3 cuộc phong thánh, nhưng còn để thông báo cho anh em một quyết định rất quan trọng đối với đời sống Giáo Hội. Sau khi nhiều lần xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi tới sự chắc chắn rằng sức lực của tôi, vì tuổi cao, không còn thích hợp nữa để thi hành sứ vụ Phêrô một cách thích đáng nữa. Tôi ý thức rõ sứ vụ này, do yếu tính thiêng liêng, phải được chu toàn không những bằng hoạt động và bằng lời nói, những còn bằng đau khổ và cầu nguyện. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, đang chịu những biến chuyển mau lẹ và bị giao động vì những vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với đời sống đức tin, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, cần có nghị lực cả thể xác lẫn tâm hồn, nghị lực mà trong những tháng gần đây bị suy giảm nơi tôi đến độ tôi phải nhìn nhận mình không có khả năng thi hành tốt sứ mạng đã được trao phó cho tôi. Vì thế, với ý thức rõ ràng về hành vi hệ trọng này, với tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố từ bỏ sứ vụ Giám Mục Roma, người kế vị Thánh Phêrô, được ủy thác cho tôi do tay các Hồng Y ngày 19 tháng 4 năm 2005, để từ ngày 28 tháng 2 năm 2013 sắp tới, Tòa Roma, Tòa Thánh Phêrô sẽ trống tòa từ lúc 20 giờ và những ai có thẩm quyền cần phải triệu tập Mật Nghị Hồng Y để bầu vị Giáo Hoàng mới”.

”Anh em rất thân mến, tôi chân thành cám ơn anh em vì tất cả lòng quí mến và công việc mà anh em đã cùng mang gánh nặng sứ vụ của tôi, và tôi xin lỗi vì tất cả những thiếu sót của tôi. Giờ đây, chúng ta hãy phó thác Hội Thánh cho vị Mục Tử Tối Cao, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và cầu xin Mẹ Maria của Ngài, với lòng từ mẫu xin Mẹ trợ giúp các Hồng Y trong việc bầu vị Giáo Hoàng mới. Về phần tôi, cả trong tương lai, tôi muốn hết lòng phục vụ Hội Thánh của Thiên Chúa bằng cuộc sống dành trọn cho việc cầu nguyện”.

Vatican ngày 11 tháng 2 năm 2013

Biển Đức 16, Giáo Hoàng

G. Trần Đức Anh chuyển ý

Tuyên bố của Đức Hồng Y niên trưởng của Hồng Y đoàn

Tuyên bố của Đức Hồng Y niên trưởng của Hồng Y đoàn

VATICAN. Giáo Triều Roma ngỡ ngàng vì lời tuyên bố từ chức của Đức Thánh Cha.

ĐTC công bố quyết định từ chức vào cuối công nghị Hồng y đoàn bắt đầu lúc 11 giờ sáng ngày 11 tháng 2-2013 tại dinh Tông Tòa.

Sau kinh giờ Sáu, ĐTC Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đã đọc tiểu sử của các vị sẽ được phong thánh để xin ĐTC ấn định ngày tôn phong.

Sau nghi thức này, ĐTC ngồi xuống và ngài đọc tuyên ngôn thông báo từ chức. Kế đến, ĐHY Angelo Sodano niên trưởng Hồng y đoàn, đã đại diện mọi người, nói với ĐTC rằng:

”Kính Thưa Đức Thánh Cha, Người Kế Vị quí mến và đáng kính của Thánh Phêrô,

”Sứ điệp cảm động của ĐTC đã vang lên trong Hội trường này như một tiếng sấm giữa trời thanh quang. Chúng con ngỡ ngàng khi nghe sứ điệp ấy, như thể không tin được. Trong những lời của ĐTC, chúng con nhận thấy có lòng yêu mến nồng nhiệt của ĐTC đối với Hội Thánh của Chúa, đối với Giáo Hội mà ĐTC đã yêu mến dường nào. Giờ đây, xin cho phép con nhân danh cộng đoàn tông đồ này, Hồng y đoàn, nhân danh tất cả những cộng sự viên quí mến của ĐTC, để nói rằng chúng con gần gũi với ĐTC hơn bao giờ hết, cũng như chúng con đã gần gũi với ĐTC trong 8 năm rạng ngời triều đại Giáo Hoàng của ĐTC. Ngày 19 tháng 4 năm 2005, nếu con nhớ rõ, vào cuối Mật nghị, với giọng hồi hộp cảm động con đã hỏi ĐTC: ”Ngài có nhận việc bầu cử hợp pháp làm Giáo Hoàng hay không?”, và cũng với sự hồi hộp, ngài đã không trì hoãn trả lời chấp nhận, với niềm tín thác nơi ơn Chúa và trong sự chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội. Như Mẹ Maria, ngày hôm ấy, ĐTC đã thưa ”xin vâng” và đã khởi đầu một triều đại Giáo Hoàng sáng ngời, trong sự tiếp tục, một sự tiếp tục mà Ngài đã nói với chúng con nhiều lần trong lịch sử Giáo Hội, trong sự tiếp nối với 265 vị tiền nhiệm của Ngài trên ngai tòa thánh Phêrô, qua 2 ngàn năm lịch sử, từ Thánh Phêrô người ngư phủ khiêm hạ miền Galilea, cho đến các vị đại Giáo Hoàng trong thế kỷ vừa qua, từ thánh Piô 10 cho đến chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2. Kính thưa Đức Thánh Cha, trước ngày 28 tháng 2, như Ngài đã nói, ngày mà Ngài muốn chấm dứt sứ vụ Giáo Hoàng được chu toàn với tất cả lòng yêu mến, lòng khiêm nhường, trước ngày 28-2, chúng con sẽ có dịp biểu lộ rõ hơn tâm tình của chúng con. Cũng như bao nhiêu vị mục tử và tín hữu rải rác trên thế giới, cũng như bao nhiều người thiện chí cùng với chính quyền của bao nhiêu nước. Rồi trong tháng này, chúng con còn được niềm vui nghe tiếng vị chủ chăn, ngay trong ngày thứ tư lễ tro tới đây, rồi ngày thứ năm, với hàng giáo sĩ Roma, trong những buổi đọc kinh Truyền Tin những ngày chúa nhật, trong các buổi tiếp kiến ngày thứ tư. Vì thế còn bao nhiêu dịp để nghe tiếng nói hiền phụ của ĐTC. Nhưng sứ vụ của Ngài sẽ tiếp tục. Ngài đã nói rằng sẽ luôn gần gũi chúng con với chứng tá và lời cầu nguyện của Ngài. Dĩ nhiên, những ngôi sao trên trời sẽ tiếp tục chiếu sáng và sẽ luôn chiếu sáng giữa chúng con ngôi sao triều đại giáo hoàng của Ngài. Chúng con gần gũi Đức Thánh Cha, xin chúc lành cho chúng con.

Trong cuộc họp báo trưa ngày 11 tháng 2-2013, Cha Lombardi cho biết sau khi Tòa Thánh bắt đầu trống tòa, tức là từ 20 giờ ngày 28 tháng 2-2013, ĐTC Biển Đức 16 sẽ di chuyển ra dinh thự Castel Gandolfo, trong khi chờ đợi Nữ Đan viện chiêm niệm ở Nội thành Vatican được sửa chữa xong và ngài sẽ cư ngụ tại đó.

Về việc cai quản Tòa Thánh sau khi trống tòa, đã có Tông hiến được Đức Gioan Phaolô 2 công bố về vấn đề này. Các Hồng Y sẽ được triệu tập về Roma để tiến hành việc bầu cử Giáo Hoàng mới. Lần này sẽ mau lẹ hơn vì không có chương trình 9 ngày lễ an táng Đức Cố Giáo Hoàng. Việc bầu cử có thể tiến hành trong tháng 3-2013 và trước lễ Phục Sinh có thể Giáo Hội sẽ có vị Giáo Hoàng mới.

G. Trần Đức Anh OP – Radio Vatican

 

 

Họp báo của cha Lombardi về việc Đức Thánh Cha từ chức

Họp báo của cha Lombardi về việc Đức Thánh Cha từ chức

VATICAN. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết sau khi Tòa Thánh bắt đầu trống tòa, tức là từ 20 giờ ngày 28 tháng 2, ĐTC Biển Đức 16 sẽ di chuyển ra dinh thự Castel Gandolfo, trong khi chờ đợi Nữ Đan viện chiêm niệm ở Nội thành Vatican được sửa chữa xong và ngài sẽ cư ngụ tại đó.

Nữ Đan viện này được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 thành lập để hỗ trợ công việc của ngài, nhưng hiện không còn nữ tu nữa.

Trong cuộc họp báo trưa ngày 11 tháng 2-2013, Cha Lombardi nhấn mạnh rằng việc ĐTC tuyên bố từ chức hoàn toàn phù hợp với Giáo luật khoản số 332 triệt 2, qui định ”Trong trường hợp ĐGH từ chức, thì để có hiệu lực, việc từ chức này phải được thực hiện tự do và được biểu lộ một cách phải phép, và không cần phải có ai chấp nhận việc từ chức đó”.

ĐTC Biển Đức 16 cho biết ngài hoàn toàn tự do quyết định từ chức và biểu lộ quyết định đó trước công nghị Hồng y gồm đa số các vị Hồng y hiện diện ở Roma.

Cha Lombardi nhắc lại rằng trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Peter Seewald người Đức hồi năm 2010 và được xuất bản thành cuốn sách với tựa đề ”Ánh sáng thế gian”, ký giả đã hỏi ĐTC có bao giờ nghĩ đến việc từ chức hay không. Ngài đáp: ”Khi có nguy hiểm thì không thể bỏ chạy, vì thế đây không phải là lúc từ chức (Ngài ám chỉ đến những vấn đề lạm dụng tính dục trong Giáo hội bấy giờ và các vấn đề khác), chính trong lúc như thế cần phải kháng cự và vượt thắng tình trạng khó khăn. Đó là ý tưởng của tôi. Người ta có thể từ chức trong một lúc thanh thản, hoặc khi không thể tiếp tục được nữa, chứ không thể bỏ chạy trong lúc nguy hiểm, và nói 'để cho người khác lo'. Vì thế, ĐTC đã từng nói những khó khăn không phải là lý do để từ chức. Trái lại những khó khăn đó là lý do để không từ chức.

Đáp câu hỏi thứ hai của ký giả Seewald: ”Vậy có thể tưởng tượng được một hoàn cảnh trong đó Ngài nghĩ rằng vị Giáo Hoàng từ chức là điều thích hợp?”. Câu trả lời của ĐTC là: ”Đúng vậy, khi một Giáo Hoàng đi tới ý thức rõ ràng mình không thể chu toàn về thể lý, tâm trí và tinh thần, trách vụ được ủy thác thì ngài có quyền, và trong một số hoàn cảnh ngài có nghĩa vụ từ chức”.

Cha Lombardi cũng nhắc lại rằng Tông Hiến ”Universi Dominici Gregis” (Mục Tử toàn thể đoàn chiên Chúa) mang chữ ký của ĐTC Gioan Phaolô 2 ngày 22-2-1996, lễ kính Tòa Thánh Phêrô, là văn kiện theo đó Tòa Thánh được điều hành sau khi Tòa Thánh trống tòa. Văn kiện này đã được áp dụng trong thời sau khi Đức chân phước Gioan Phaolo 2 qua đời hồi đầu tháng 4-2005. Hồng y đoàn sẽ cai quản Giáo Hội trong thời kỳ đó. Các Hồng y tổng trưởng và TGM Chủ tịch các cơ quan trung ương Tòa Thánh ngưng nhiệm vụ và chỉ có vị Tổng thư ký điều hành công việc của cơ quan liên hệ, ngoại trừ vị Hồng Y nhiếp chính, ĐHY Chánh tòa ân giải tối cao, v.v.
Các Hồng Y cử tri (dưới 80 tuổi) sẽ được triệu tập về Roma để tiến hành việc bầu cử Giáo Hoàng mới. Lần này sẽ mau lẹ hơn vì không có chương trình 9 ngày lễ an táng Đức Cố Giáo Hoàng. Việc bầu cử có thể tiến hành trong tháng 3-2013.

Có người dự đoán cuộc bầu cử Giáo Hoàng mới có thể tiến hành trong khoảng từ ngày 14 đến 19 tháng 3-2013.
Từ nay đến 28-2-2013, chương trình hoạt động của ĐTC, các buổi tiếp kiến, các buổi lễ sẽ tiếp tục như cũ. (SD 11-2-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Radio Vatican

 

 

Loan báo Chúa Kitô cho mọi người mà không bao giờ nản lòng

Loan báo Chúa Kitô cho mọi người mà không bao giờ nản lòng

Trưa Chúa Nhật hôm qua đã có hàng ngàn tín hữu và du khách hành hương tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô để tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin chung với Đức Thánh Cha. Vì hôm qua cũng là ngày mùng một Tết Nguyên Đán Đức Thánh Cha đã chúc mừng năm mới các dân tộc Viễn Đông như sau:

Anh chị em thân mến, hôm nay nhiều dân tộc Viễn Đông mừng Năm Mới âm lịch. An bình, hòa hơp và cảm tạ Trời là các giá trị đại đồng được cử hành trong dịp vui này và chúng được tất cả mọi người mong ước để xây dựng gia đình, xã hội và quốc gia. Tôi cầu chúc cho các dân tộc ấy có thể đạt được các khát vọng có một cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng. Tôi xin gửi một lời chào đặc biệt tới các tín hữu công giáo của các quốc gia ấy để trong Năm Đức Tin này họ được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan của Chúa Kitô.

Trước đó trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa bài Phúc Âm thánh Luca trong phụng vụ Chúa Nhật thứ V thường niên năm C. Văn bản thánh Luca kể lại ơn gọi của các môn đệ đầu tiên, khác với hai Phúc Âm Nhất Lãm khác. Đức Thánh Cha nói:

Thật thế, đi trước lời kêu mời là giáo huấn Chúa Giêsu ban cho dân chúng và phép lạ đánh cá được hoàn thành bởi ý muốn của Chúa (Lc 5,1-6). Qủa vậy trong khi dân chúng chen chúc nhau trên bờ hồ Ghênêdarét để lắng nghe Chúa Giêsu, thì Người đã thấy ông Simon mất tin tưởng vì cả đêm đã không bắt được con cá nào. Trước hết Người xin có thể lên thuyền của ông để giảng cho dân đứng cách xa bờ một chút, rồi sau khi giảng xong, người truyền cho ông ra khơi với các bạn ông và tha lưới đánh cá (c. 5). Ông Simon vâng lời và họ bắt được một số lượng cá không tin được. Như thế, thánh sử cho thấy các môn đệ đầu tiên tin và đi theo Chúa Giêsu, bằng cách tin tưởng nơi Người, cậy dưạ trên Lời Người, được đi kèm bằng các dấu lạ. Chúng ta ghi nhận rằng trước khi có dấu chỉ này Simon gọi Đức Giêsu là ”Thầy” (c. 5), trong khi sau đó ông gọi Người là ”Chúa” (c. 7). Đó là sư phạm lời mời gọi cảu Thiên Chúa, là Đấng không nhìn vào các đặc tính của những người được tuyển chọn, cho bằng nhìn vào đức tin của họ, như đức tin của ông Simon kẻ đã nói: ” Dựa trên lời Thầy con sẽ thả lưới” (c. 5).

Tiếp tục bài hhuấn dụ Đức Thánh Cha nói: hình ảnh đánh cá ám chỉ sứ mệnh của Giáo Hội. Thánh Agostino chú giải điểm này như sau: ”Hai lần các môn đệ bắt đầu đánh cá theo lệnh của Chúa: một lần trước cuộc khỗ nạn và một lần sau khi phục sinh, Trong cả hai lần đánh cá toàn thể Giáo Hội được ám chỉ: Giáo Hội như là bây giờ và như sẽ là sau sự sống lại của các người chết. Bậy giờ Giáo hội tiếp nhận một đám đông không thể đếm được, bao gồm ngươi tốt lành vả người gian ác; sau sự phục sinh nó sẽ chỉ bao gồm những người tốt lành mà thôi” (discorso 248,1). Kinh nghiệm của thánh Phêrô chắc chắn là đặc biệt, cũng là kinh nghiệm diễn tả ơn gọi từng tông đồ của Phúc Ậm, không bao giờ được chán nản trong việc loan báo Chúa Kitô cho tất cả mọi người, cho tới tận cùng bờ cõi thế giới. Tuy nhiên, văn bản hôm nay làm cho chúng ta suy nghĩ về ơn gọi linh mục và đời thánh hiến. Nó là công trình của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha giải thích thêm ơn gọi này như sau:

Con người không phải là tác giả ơn gọi riêng của mình, mà trả lời cho đề nghị của Thiên Chúa: và sự yếu đuối của con người không được khiến cho họ sợ hãi, nếu Thiên Chúa kêu gọi. Cần tin tưởng nơi sức mạnh của Người hành động trong chính sự nghèo nàn của chúng ta; cần phải luôn luôn tín thác hơn nơi quyền năng lòng xót thương của Người, biến đổi và canh tân chúng ta.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, Ước chi lời này của Thiên Chúa làm sống dậy nơi chúng ta và trong các cộng đoàn kitô của chúng ta sự can cảm, tin tưởng và lòng hăng say loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng. Ước chi các thất bại và các khó khăn không dẫn đưa chúng ta tới sự chán nản; chúng ta có bổn phận thả lưới, rồi Chúa làm chuyện còn lại. Chúng ta cũng hãy tin thác nơi lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các Tông Đồ. Nghe lời Chúa gọi, tuy ý thức được sự bé nhỏ của mình Mẹ đã trả lời với lòng tín thác hoàn toàn: ”Này con đây”. Với sự trợ giúp hiền mẫu của Mẹ chúng ta hãy canh tân sự sẵn sàng của chúng ta theo Chúa Giêsu, là Thầy và là Chúa.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin rồi ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngài nhắc cho mọi người biết rằng thứ hai hôm nay là lễ Đức Mẹ Lộ Đức và cũng là Ngày Quốc Tế các bệnh nhân. Lễ sẽ được cử hành tại Đền thánh Đức Bà Altoetting trong vùng Bavière nam Đức. Ngài nói: Tôi gần gũi tất cả các bệnh nhận với lời cầu nguyện và lòng thương mến, và tôi hiệp nhất trong tinh thần với tất cả những ai tu tập tại Đền thánh này là nơi rất thân yếu đối với tôi. Tại Lộ Đức Đức Mẹ đã hiện ra với chị Bernadette Sobirous, một cô gái nghèo, và chỉ cho cô một nguồn nước, nhờ đó nhiều người đã được khỏi bệnh. Mẹ Maria muốn gần gũi với những người nghèo nàn, bệnh tật và thiếu thốn của mọi thời đại, và cùng đồng hành với họ trên con đường tiến về với Chúa Kitô, là suối nguồn sự sống. Tôi xin tín thác anh chị em, các người thân yêu của anh chị em và tất cả mọi bệnh nhân cho lời bầu cử của Mẹ Maria, là sự cứu rỗi của những người bệnh tật và là mẹ mọi ủi an.

Linh Tiến Khải – Radio Vatican

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến hơn 4 ngàn Hiệp Sĩ Malta

Đức Thánh Cha tiếp kiến hơn 4 ngàn Hiệp Sĩ Malta

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 mời gọi các Hiệp sĩ Malta ”đón nhận Năm Đức Tin như một thời điểm ân phúc để đào sâu sự hiểu biết về Chúa và làm cho chân lý và vẻ đẹp đức tin được rạng ngời, bằng cuộc sống chứng tá và phục vụ.”
 

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến trưa 9 tháng 2-2013, dành cho các vị lãnh đạo và hơn 4 ngàn Hiệp sĩ Malta, nam cũng như nữ, và những người thiện nguyện, đến từ 5 châu, nhân dịp kỷ niệm 900 năm công số Sắc chỉ “Pie postulatio voluntatis” của ĐGH Pasquale II ngày 15-2-1113, đặt Hội Hiệp sĩ Malta dưới sự bảo trợ của Giáo Hội.

Qua Sắc chỉ này, Hội Hiệp Sĩ Malta, – bấy giờ được gọi là ”Huynh đoàn trợ thế” ở Jerusalem, mang danh hiệu thánh Gioan Tẩy Giả,- trở thành một thực thể có chủ quyền, giống như một dòng tu theo luật Giáo Hội, có tự do bầu cử các bề trện, mà không chịu sự xen mình nào của thế quyền hoặc tôn giáo nào.

ĐTC đề cao lòng trung thành ngay từ đầu của các Hiệp sĩ Malta với Giáo Hội và với Người Kế vị thánh Phêrô… ”Nhờ đức tin, qua dòng lịch sử các Hiệp sĩ Malta đã xả thân trợ giúp các bệnh nhân ở Jerusalem, cứu giúp những tín hữu hành hương Thánh Địa gặp nguy hiểm, viết lên những trang sử rạng ngời về đức bác ái Kitô và bảo vệ thế giới Kitô giáo..” Ngài nói:

”Anh chị em hãy tiếp tục con đường ấy, làm chứng tá cụ thể về sức mạnh biến cải của đức tin.. Hãy biết bảo tồn và vun trồng đặc tính quí giá và nhiệt thành hoạt động tông đồ, luôn phù hợp với Huấn quyền của Giáo Hội.. Hoạt động quí giá và đầy ích lợi của anh chị em, trong các lãnh vực khác nhau ở các nơi trên thế giới, đặc biệt quy trọng tâm vào việc phục vụ bệnh nhân, qua các cơ cấu nhà thương và y tế, không phải chỉ có tính chất nhân đạo, nhưng là một sự diễn tả hữu hiệu và là chứng tá sinh động về đức bác ái theo Tin Mừng”.
ĐTC cũng nhắc nhở các Hiệp sĩ Malta rằng: ”Để trao ban tình thương cho anh chị em mình, cần phải kín múc tình thương ấy nơi lò tình yêu thương của Chúa, nhờ kinh nguyện, nhờ liên lỷ lắng nghe Lời Chúa và sống quy hướng vào phép Thánh Thể. Cuộc sống thường nhật của anh chị em phải thấm đượm sự hiện diện của Chúa Giêsu, anh chị em được mời gọi đặt những đau khổ của các bệnh nhân, nỗi cô đơn của người già, những khó khăn của người khuyết tật dưới dưới cái nhìn của Chúa. Khi đi gặp những người ấy, anh chị em phụng sự Chúa Kitô: ”Tất cả những gì các con làm cho một trong những người anh em bé mọn của Thầy đây, là các con làm cho chính Thầy” (Mt 25,40).

ĐTC ghi nhận Hội Hiệp Sĩ Malta là một chủ thể theo công pháp quốc tế. Hội không có tham vọng thực thi quyền bính hoặc ảnh hưởng trần tục, nhưng muốn thi hành sứ mạng của mình một cách hoàn toàn tự do để mưu ích toàn diện cho con người, tinh thần cũng như thể xác, quan tâm đến cá nhân cũng như cộng đoàn, nhất là những người cần hy vọng và tình thương nhiều hơn”.

Trước khi ĐTC vào Đền thờ Thánh Phêrô vào lúc quá 12 giờ trưa để gặp gỡ các Hiệp sĩ Malta, họ đã tham dự thánh lễ tạ ơn trọng thể do ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cử hành cùng với 30 HY, GM và hàng trăm LM tuyên ủy của Hội.

Hiện diện tại buổi lễ, cũng có 7 HY khác, cùng với ngoại trưởng Giulio Terzi của Italia, và nhiều giới chức chính quyền cũng như đại diện của 170 đại sứ quán ở Roma.

Hiện nay trên thế giới có 13,500 Hiệp sĩ Malta, nam và nữ, dấn thân hoạt động đặc biệt trong các công tác từ thiện và y tế. Hội đảm trách nhiều nhà thương, nhất là tại Đức, Pháp, Bỉ, Anh và Italia, Trung Đông và Phi châu, tham gia nhiều công tác cứu thương, săn sóc người già yếu.

Về mặt ngoại giao, Hội Hiệp sĩ Malta có quan hệ trên cấp đại sứ với 104 quốc gia trên thế giới (SD 9-2-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Radio Vatican
 

 

Đức Thánh Cha kêu gọi tín nhiệm người trẻ

Đức Thánh Cha kêu gọi tín nhiệm người trẻ

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 mời gọi toàn thể Giáo Hội hãy tái bày tỏ lòng tín nhiệm nơi người trẻ.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 7 tháng 2-2013, dành cho các tham dự viên khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, đang nhóm tại Roma từ ngày 6 đến 9 tháng 2-2013 về ”các nền văn hóa đang lên của người trẻ”. Tham dự khóa họp có lối 20 HY, hơn 10 GM thành viên, cùng với đông đảo các cố vấn và khách mời.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC đã trình bày một phân tích về thực trạng phức tạp của người trẻ ngày nay, với những điểm sáng và điểm tối, những khó khăn và những khía cạnh tích cực, như sự hăng say quảng đại và can đảm của bao nhiêu người trẻ thiện nguyện, những kinh nghiệm về đức tin chân thành và sâu xa của bao nhiêu người trẻ làm chứng họ được thuộc về Giáo Hội, những cố gắng tại nhiều nơi trên thế giới để kiến tạo những xã hội có khả năng tôn trọng tự do và phẩm giá của mọi người, bắt đầu từ những người bé nhỏ và yếu thế nhất… Xét cho cùng, chúng ta đang đứng trước một thực tại phức tạp nhưng cũng đầy sức thu hút của người trẻ ngày nay, một thực tại cần được hiểu sâu xa và yêu mến với tinh thần cảm thông sâu đậm.. Tuy ý thức về bao nhiêu tình trạng có vấn đề liên quan tới lãnh vực đức tin và sự thuộc về Giáo Hội, chúng ta hãy canh tân lòng tín nhiện nơi người trẻ, tái khẳng định rằng Giáo Hội nhìn đến hoàn cảnh, các nền văn hóa của người trẻ như một điểm tham chiếu quan trọng và không thể tránh né để hoạt động mục vụ”.

Trong chiều hướng trên đây, ĐTC đã nhắc lại Sứ điệp của Công đồng chung Vatican 2 gửi người trẻ, trong đó Công đồng khẳng định rằng: ”Hỡi các bạn trẻ, Giáo Hội nhìn các bạn với lòng tín nhiệm và yêu thương.. Giáo Hội có những gì mang lại sức mạnh và vẻ đẹp của người trẻ, đó là khẳ năng vì vui mừng vì những gì bắt đầu, hiến thân mà không đòi đáp trả, canh tân và tái ra đi để chinh phục”. Và Đức Phaolô 6 đã gửi lời kêu gọi các bạn trẻ trên thế giới: ”Nhân danh Thiên Chúa và Con của Ngài là Đức Giêsu, chúng tôi nhắn nhủ các bạn hãy mở rộng con tim theo chiều kích của thế giới, hãy hiểu lời kêu gọi của anh chị em các bạn, và dùng nghị lực của các bạn để hăng say phục vụ họ. Hãy từ khước, không chạy theo những bản năng bạo lực, oán thù, gây ra chiến tranh và bao nhiêu điều lầm than theo sau đó. Các bạn hãy quảng đại, thanh khiến, tôn trọng, chân thành. Và hăng hái xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thế giới hiện nay”.

Và chính ĐTC Biển Đức 16 cũng mạnh mẽ tái khẳng định lòng tín nhiệm của Giáo Hội nơi người trẻ, hy vọng nơi nọ và những năng lực của họ, Giáo Hội cần người trẻ và sức sinh động của họ, để tiếp tục sống sứ mạng do Chúa Kitô ủy thác với một đà tiến mới”

Trong cuộc họp báo hôm 31 tháng 1-2013, ĐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, đã bày tỏ mong ước lắng nghe những ngôn ngữ và văn hóa của các thế hệ trẻ. Và theo ngài, Khóa họp toàn thể của Hội đồng là một cơ hội quí giá và một đòi hỏi cho những người lớn cũng như cho các cộng đồng Kitô. ĐHY nói: dĩ nhiên ngôn ngữ của người trẻ khác với chúng ta, nhưng tiềm năng của các thế hệ trẻ là điều chắc chắn. Cách tốt nhất để Giáo Hội có thể được nghe và nhìn thấy giữa đại hồng thủy của thời đại thông tin ngày nay là mở một “trận chiến truyền thông chớp nhoáng với những câu trả lời đơn sơ cho những vấn nạn thâm sâu nhất của cuộc sống.”

Chương trình 3 ngày nhóm họp của Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa khá dầy đặc, và bàn về những thách đố khác nhau do các thế hệ trẻ nêu lên. Các bài thuyết trình đề cập đến các đề tài như xã hội hóa người trẻ, các ngôn ngữ và nghi thức kỹ thuật số, niềm tin của người trẻ, và các lối diễn tả cảm xúc của họ.

Để khai mạc hội nghị đã có một buổi hòa nhạc Rock vào ngày 6-2-2013 tại Đại Học Công Giáo Lumsa, gần Vatican, do nhóm nhạc sĩ ”The Sun”, Mặt Trời, ở Italia trình diễn. Có 4 nhạc sĩ trong nhóm này đã dần dần xích lại gần đức tin Kitô giáo trong những năm 2008 và 2009. Từ đó nhạc của họ chịu ảnh hưởng của cuộc hoán cải này. Các nhóm nhạc sĩ Rock này lan rộng trên toàn Italia và dấn thân nơi các tín hữu Kitô tại Thánh Địa mà họ hỗ trợ bằng nhiều sáng kiến. (SD 7-2-2013)

G. Trần Đức Anh OP
– Radio Vatican

THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM (Mồng Ba Tết)

THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM

MỒNG BA TẾT

Thật hạnh phúc biết bao hằng năm Giáo Hội dành ngày mồng ba tết để cầu nguyện cho việc thánh hóa công ăn việc làm. Quả thực, con người làm lụng, Thiên Chúa trao ban. Câu nói của người Pháp rất chí lý (L’homme propose, Dieu dispose). Con người có đầu óc, có kế hoạch, có tài năng, bầy mưu hiến kế, nhưng nếu Chúa không ban ơn, không tiếp sức, không cho sức khỏe, con người cũng không thể hoàn thành công việc theo ý muốn. Hiểu rõ ràng, mọi việc là do Chúa. Giáo Hội là người Mẹ hiền luôn quan tâm tới con cái của mình dành trọn ngày mồng ba để cầu xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm.

Vâng, ngay trang Sách Sáng Thế 2,4-9.15, tác giả đã viết: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để con người canh tác và coi sóc đất đai”. Rõ ràng Thiên Chúa không muốn để con người ở nhưng không, năm chờ sung rụng, nhưng Ngài truyền lệnh hay nói một cách khác bắt con người phải làm việc. Bởi vì, ở nhàn rỗi, nhưng không sẽ gây ra tội lỗi. Nhàn cư vi bất thiện là thế. Sách Tông đồ Công vụ lại viết: “Bằng mọi cách tôi đã tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả và như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận”. Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho nhân loại, cho chúng ta về đời sống lao động. Chúa đã chọn một gia đình để sinh ra. Cha của Ngài làm nghề thợ mộc. Thánh Giuse âm thầm làm việc để nuôi thân, nuôi gia đình Nadarét không quản nhọc nhằn. Mẹ Maria chăm lo việc nội trợ để phục vụ trong yêu thương Chúa Giêsu và thánh Giuse. Chúa Giêsu ngoan ngoãn vâng phục và san sẻ vất vả với Cha mẹ của Ngài. Tại Nadarét, nhân loại tìm lại được giá trị siêu việt của lao động, đó là giá trị cứu rỗi. Những giọt mồ hôi của Chúa trong gia đình Nadarét không hề kém giá trị cứu rỗi hôn việc rao giảng, loan báo Nước Thiên Chúa hay trong cuộc thống khổ tử nạn của Ngài, vì trong tất cả mọi sự Ngài đều tìm làm đẹp lòng Thiên Chúa, Cha của Ngài.

Chúa Giêsu đã dạy nhân loại, dạy chúng ta bài học để đời: “…phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi”. Dụ ngôn ông chủ đi phương xa, trao cho các đầy tớ các nén bạc, minh chứng rằng: “Cần cù lao động, chịu khó với công việc, vâng nghe lời chủ, sẽ đem lại hiệu quả tốt đẹp”. Lời kinh tiền tụng lễ ngày mồng ba tết dạy chúng ta nhiều điều: “ …Cha còn sai Con Một giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Chúa Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người mà còn để làm trạng Danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại thế”. Chúa Giêsu đã làm việc để cho Nước Chúa được rạng sáng vinh quang, để cho thế giới được an bình, thịnh vượng. Nên, chúng ta hãy bắt chước Chúa, làm việc và làm việc không ngừng, nhưng phải mặc cho công việc một ý nghĩa cao quý. Đã đành, mọi người làm việc là để cho gia đình, cho bản thân của mình được tồn tại.Tuy nhiên, lao động cũng có nghĩa là góp tay với mọi người thăng tiến cuộc sống và làm cho công việc, lao động có ý nghĩa cứu rỗi…

Ngày mồng ba tết, chúng ta xin Chúa thánh hóa công ăn viêc làm của chúng ta: công việc lao động tay chân và việc làm trí óc v.v… Xin Chúa chúc lành cho công ăn việc làm của chúng ta trong năm mới này để chúng ta hiểu rõ: “làm do chúng ta và ban do Chúa”.

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa. Amen (Lời nguyện nhập lễ, lễ Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Sống thảo hiếu (Ngày mồng hai)

Sống thảo hiếu (Ngày mồng hai)

Tuổi già 1

Theo tục lệ Việt nam, ngày Tết là ngày con cháu dù ở nơi xa cũng sum họp cùng gia đình để chúc tuổi mới ông bà cha mẹ. Đồng thời nói lên lòng yêu mến, biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành.

Nhiều bài ca dao, tục ngữ, nhiều bài hát, câu chuyện, đã kể về công cha nghĩa mẹ và răn dạy con cái cần sống đáp đền công ơn ấy:

“Công cha nghĩa mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người con phải xót xa
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao
Đội ơn chín chữ cù lao
Sinh thành kể mấy non cao cho vừa”.

Khi nhận ra công cha nghĩa mẹ, thì đạo hiếu luôn nhắc nhở chúng ta:

“Ơn ai một chút chớ quên,
Phiền ai một chút để bên cạnh lòng”

Thế nên,

Ai mà phụ nghĩa quên công,
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm

Lòng hiếu thảo quả là một tấm lòng thơm tho, đáng yêu. Lòng hiếu thảo làm cho con người thêm thanh cao, giá trị. Bởi được người đời kính trọng, yêu thương những ai có hiếu với mẹ cha.

Thế nhưng, giữa dòng đời hôm nay vẫn còn đó những mảnh đời cô đơn nơi các bậc cha mẹ vì thiếu tình thương của con. Ở đâu đó, trong nhiều mái gia đình, ông bà cha mẹ lại là gánh nặng cho con cái. Ở đâu đó, vẫn còn những tiếng nghẹn ngào của những bậc sinh thành bị bỏ rơi ngay giữa đàn con cháu của mình.

Thiết tưởng, ngày đầu xuân chúng ta cùng lắng đọng tâm hồn để nghe lời bộc bạch chân thành từ lá thư của một người cha viết cho con.

Lá thư ấy viết rằng:

Con thân mến,

Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu giùm cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vun vãi… Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn cái mặc… Xin con hãy bao dung!

Con hãy nhớ những ngày giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con bao điều lúc thuở bé.

Nếu như bố mẹ cứ lập đi lập lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì đừng bao giờ cắt đứt lời bố mẹ… mà hãy lắng nghe!

Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu truyện hằng đêm cho đến khi con đi vào trong giấc ngủ… và bố mẹ đã làm vì con.

Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên, thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên cho đó là điều xấu hổ.

Con hãy nhớ… lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải viện cớ bao lần để vỗ về con trước khi tắm.

Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững như xưa nữa… hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập tềnh con trẻ những bước đi đầu đời.

Và một ngày như một ngày sẽ đến, bố mẹ sẽ nói với con rằng… bố mẹ không muốn sống, bố mẹ muốn từ biệt ra đi.

Con đừng oán giận và buồn khổ… vì con sẽ hiểu và thông cảm cho bố mẹ khi thời gian sẽ tới với con.

Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều…

Cách duy nhất còn lại mà bố mẹ muốn cảm ơn con là nụ cười và cả tình thương để lại trong con.

Thương con thật nhiều

Là người Kitô, chúng ta cũng được mời gọi sống giới răn: “hãy thảo hiếu cha mẹ”. Đây là lệnh truyền chứ không phải lời khuyên. Lời khuyên thì có thể không làm nhưng lệnh truyền thì buộc phải thi hành. “Phải thờ cha kính mẹ” còn là lễ dâng đẹp lòng Thiên Chúa. Ngược lại, Kinh Thánh còn ví kẻ khinh rẻ cha mẹ là chọc giận Thiên Chúa: “Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai khinh rẻ mẹ, là chọc giận Đấng tạo thành ra nó” (Hc 3, 16). “Phải thờ cha kính mẹ” đó là điều răn duy nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3). “Phải thờ cha kính mẹ” còn phải được thể hiện qua những lời khuyên nhủ thật chân tình trong sách Huấn Ca: “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dễ người” (Hc 3, 12-16).

Người ta nói: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”. Việc thất đức mình làm cho tiền nhân cũng có thể tái diễn ngay chính cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta không muốn con bất hiếu với mình thì chính chúng ta hôm nay cũng phài làm gương sáng về hiếu thuận với mẹ cha. Nếu chúng ta muốn con cái đối xử tốt với mình thì hôm nay chúng ta cũng phải ân cần săn sóc mẹ cha.

Nguyện xin Chúa Xuân chúc lành cho buổi họp mặt gia đình hôm nay. Xin Chúa Xuân cư ngụ đến từng gia đình, mang ơn lành đến cho muôn nhà để mọi người được hưởng nếm những giây phút bình yên nhất bên gia đình và người thân. Amen.

Lm. Tạ Duy Tuyền